Ngày 09-11-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:22 09/11/2016
63. HẠC CŨNG LÀM HƯ ĐẠO.

Lưu Uyên Tài có nuôi hai con chim hạc, mỗi lần có khách đến, bèn chỉ hai con hạc nói cách khoe khoang:
- “Đây là hai con chim tiên, tất cả loài cầm thú đều đẻ trứng, còn nó thì lại mang thai.”
Nói chưa dứt lời, thì người làm vườn đến báo cáo:
- “Con hạc hồi hôm đẻ một trứng to như trái lê.”
Lưu Uyên Tài mặt đỏ như uống rượu quát mắng tên làm vườn, nói:
- “Mày cả gan dám phỉ báng hạc tiên à !”
Sau đó cùng với khách đi ra coi xem sao.
Con hạc đang xòe hai cánh nằm sấp trên đất, Lưu Uyên Tài rất là kinh ngạc cầm cây dọa nó để nó đứng dậy, nhưng ngay lúc đó đột nhiên con hạc đẻ thêm một cái trứng nữa.
Lưu Uyên Tài thở dài nói:
- “Ai dà, chim hạc ngày nay cũng làm bại hoại đạo tiên mất rồi !”
(Lãnh Trai Dạ Lạc)

Suy tư 63:
Chim hạc được ví như là trường thọ, người ta hay nói “tuổi hạc” để nói đến những người sống thọ, nó cũng thường được cặp với tiên, “tiên hạc” để chỉ sự sống lâu và cốt cách thanh cao của nó.
Kẻ lãng du trần tục khi nhìn thấy cốt cách thanh cao toát ra sự thánh thiện của các nữ tu, cũng làm cho tâm hồn họ xúc động và cảm phục khi nhìn thấy tinh thần phục vụ trong yêu thương của các chị.
Người ta sẽ chọn một nữ tu để chăm sóc bệnh nhân hơn là một cô y tá; người ta sẽ đem con cái của họ gởi vào nhà trẻ do các nữ tu dạy dỗ hơn là gởi cho các cô giáo dạy trẻ; người ta cũng sẽ rất dễ dàng nhận ra Đức Chúa Giê-su nơi các nữ tu hơn bất kỳ người nào khác vì sự dịu dàng tận tâm phục vụ, quảng đại và bác ái của các chị.
Thời nay cũng có một số nữ tu rất đài các, cung cách phục vụ rất tiểu thư và kênh kiệu như các bà hoàng, họ đã làm cho người ta hiểu sai về đời sống tận hiến của các nữ tu.
Thời nay cũng có một số nữ tu tự cho mình là “người của Chúa” nên luôn tách ra và “đứng” trên mọi người khi đến phục vụ trong giáo xứ, bởi vì thay vì phục vụ thì họ lại bắt người khác phải phục vụ mình, họ đã làm cho người ta hiểu sai về tinh thần phục vụ vô vị lợi của các nữ tu...
Không ai nhìn một linh mục mà nói giống Đức Mẹ Ma-ri-a, nhưng khi người ta nhìn một nữ tu, thì lập tức người ta liền nghĩ đến Đức Mẹ Ma-ri-a, bởi vì các nữ tu là những người đã và đang noi gương phục vụ cách khiêm tốn của Mẹ, bởi vì các nữ tu là –có thể nói- Đức Mẹ Ma-ri-a thứ hai, đang sống và đang phục vụ các chi thể đau khổ của Đức Chúa Giê-su là các bệnh nhân và những người bất hạnh trong thế giới hôm nay.
Các nữ tu cũng là những con người như các thiếu nữ khác, nhưng các nữ tu có cốt cách “tiên nữ” vì đã quảng đại dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa để phục vụ tha nhân, đó chính là điểm nổi bật làm cho các nữ tu hơn các thiếu nữ khác ở đời này vậy, bằng không thì các nữ tu cũng sẽ làm ”hư đạo” vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:24 09/11/2016

11. Lạy Chúa của chúng con, chúng con ăn Thịt của Chúa và uống Máu của Chúa thì sẽ không nuốt không (uổng công), nhưng nhờ Ngài mà chúng con được sự sống đời đời.

(Thánh Ephraem)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 33 Mùa Quanh Năm C. 13.11.2016
Lm Francis Lý văn Ca
16:58 09/11/2016
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Tất cả những tư tưởng của các bài đọc hôm nay tiếp tục quy hướng cộng đoàn tín hữu về việc Chúa sẽ đến lần thứ II, để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Khi suy nghĩ về ngày thế mạt, phán xét thì chúng ta phải tự xét chính mình để chuẩn bị phần linh hồn cho ngày đó. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan trong cách sống, quảng đại trong cách đối xử với anh chị em đồng loại đó sẽ là cách chuẩn bị hoàn hảo nhất cho ngày quang lâm của Chúa.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I
Tư tưởng của tiên tri Malakia làm cho chúng ta vững tin vào sự che chở của Chúa, nếu chúng ta biết sống công chính ngay từ bây giờ.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô trong cuộc sống luôn tự lực cánh sinh. Ngài làm việc, tự tay nuôi sống chính mình, và ngài mời gọi chúng ta sống điều ngài đã sống.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Tất cả sự vật đời nầy đều sẽ qua đi. Hình ảnh của Đền Thờ Giêrusalem mà người đời trầm trồ khen ngợi, Chúa Giêsu dùng chính hình ảnh nầy để nói về ngày thế mạt.


Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta trông cậy vào sự khoan dung tha thứ của Chúa trong ngày sau hết. Với tâm tình phó thác, chúng ta dâng lên Chúa những lời nguyện cầu sau đây:

1. Xin cho chúng ta đừng trì hoãn việc ăn năn trở lại. Vì chúng ta không biết được giờ nào Chúa sẽ đến. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho những anh chị em ốm đau liệt lào, hấp hối trên gường bệnh, luôn vững long trông cậy. Với sự an ủi và nguyện cầu của thân bằng quyến thuộc, họ sẽ trung thành và sẵn sàng ra đón Chúa Kitô. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho những người có trách nhiệm coi sóc bệnh nhân: bác sĩ, y tá, y sĩ, điều dưỡng viên, được trung thành trong sứ mệnh săn sóc những người yếu đau. Xin Chúa trả công cho họ thay chúng con. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Sự hiếu thảo trong sự chăm sóc cha mẹ trong tuổi già sức yếu là một đức tính tốt của Dân Tộc Việt Nam. Xin cho chúng ta biết phát huy sự ưu việt nầy qua những nghĩa cử tôn kính ông bà cha mẹ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Cùng đồng hành và chia sẻ với những nạn nhân của trận lũ lụt trên quê hương cũng như những vùng ven biển của miền Bắc Việt Nam trong lời cầu nguyện và cảm thông với những mất mác lớn lao của những nạn nhân. Xin cho chúng ta trong hoàn cảnh và khả năng cùng tiếp tay với Giáo Hội góp phần cứu trợ những nạn nhận nầy. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

6. Xin cho thân bằng quyến thuộc chúng con đã qua đời, những linh hồn vì lòng hiếu thảo chúng ta phải nhớ đến trong Tháng Các Linh hồn năm nay. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Chúa dạy chúng con luôn tỉnh thúc đợi chờ. Xin cho việc tưởng niệm Con Chúa chịu chết và sống lại sẽ là niềm cậy trông và phó thác của chúng con vào Chúa là Đấng Vĩnh Cửu. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Suy niệm lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lm Anthony Trung Thành
21:40 09/11/2016
Suy Niệm LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Giáo Hội Việt Nam chúng ta được đón nhận Tin mừng từ năm 1533. Trong suốt gần 300 năm đầu, có hàng trăm ngàn tín hữu đã đổ máu mình ra để làm chứng cho đức tin. Trong số đó, có 117 vị đã được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Hiển Thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988. Các ngài thuộc mọi thành phần, lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau: có các Giám mục, linh mục, chủng sinh, thầy giảng, giáo dân; có các cụ già, có những người cha người mẹ, có các thanh niên; có các quan chức, binh lính, thầy thuốc…Các Ngài đã chịu đủ thứ hình khổ mà người ta nghĩ ra: 1 vị chịu hình khổ bá đao; 4 vị chịu lăng trì; 6 vị bị thiêu sinh; 75 vị bị xử trảm; 22 vị bị xử giảo; 9 vị chết rủ tù.

1. Nhờ đâu, các Ngài đã vượt qua được những hình khổ khủng khiếp như vậy?

Thứ nhất, nhờ gương mẫu của Đức Giêsu: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”(x. Pl 2, 6-8). Thật vậy, Đức Giêsu đến thế gian là để cứu rỗi thế gian. Và để chu toàn sứ mệnh đó nên Ngài đã chấp nhận Nhập Thể làm một con người như chúng ta ngoài trừ tội lỗi. Con đường cứu rỗi thế gian của Ngài là con đường thập giá, con đường đau khổ. Sinh ra trong hang đá nghèo hèn giữa đêm đông lạnh lẽo. Sống 30 năm ẩn dật thiếu thốn ở làng quê Nazaret. Ba năm đi giảng đạo trong cảnh thiếu thốn đến nỗi “không có chỗ tựa đầu”(x. Mt 8,20). Ngài bị chống đối, ghét bỏ và cuối cùng bị bắt, vác thập giá và chịu đóng đinh chết trên thập giá. Sự hy sinh và cái chết đau thương của Đức Giêsu là động lực cho các thánh Tử đạo noi gương bắt chước.

Thứ hai, nhờ những lời tiên báo của Đức Giêsu: Ngài báo trước cho các môn đệ và những ai theo Ngài rằng: “Ai muốn theo Thầy thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”(x. Mc 8,34). “Thầy sai các con đi như đàn chiên đi giữa bầy sói”(x. Mt 10,16). Thông thường những biến cố rủi ro sắp xảy đến như: động đất, lụt bão, dịch tả…được thông báo trước, thì hậu quả sẽ ít thiệt hại hơn. Cũng vậy, nhờ Đức Giêsu báo trước về các đau khổ nên các môn đệ có tinh thần chuẩn bị trước, vì vậy khi thử thách, đau khổ đến các Ngài dễ dàng chấp nhận hơn. Đức Giêsu không chỉ tiên báo cho các môn đệ biết về những đau khổ phải gặp mà Ngài còn nhiều lần, nhiều nơi nhắc nhở và bảo các ông phải đề phòng với những hạng người sau đây: Thứ nhất, Ngài bảo các môn đệ phải đề phòng với người đời: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ” (x. Mt 10,17). Người đời ở đây có thể là quan quyền, có thể là những người ghét đạo, nhưng cũng có thể là những người đồng đạo. Thứ hai, Ngài bảo phải đề phòng với những người thân trong gia đình, bởi vì có thể chính những người đó sẽ nộp anh em: “Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết” (x. Mt 10,21). Ngoài ra, Đức Giêsu cho biết “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét” (x. Mt 10,22). Tóm lại, nhờ Đức Giêsu báo trước nên các môn đệ có tinh thần đề phòng và chuẩn bị để khi thử thách và đau khổ đến, các ngài dễ dàng chấp nhận và vượt qua.

Thứ ba, nhờ tin vào lời hứa của Đức Giêsu: Ngài hứa rằng: “Khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con” (Mt 10,19-20). Đó là một lời hứa đầy an ủi. Không gì an ủi bằng khi gặp đau khổ mà lại có người đồng hành, có người nâng đỡ, có người nói thay cho. Đức Giêsu đã thực hiện lời hứa đó. Cụ thể, suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, các Kitô hữu là những con người mang trong mình bản tính yếu đuối nhưng đã chấp nhận và vượt qua được những hình khổ man rợ của con người gây nên. Biết bao nhiêu người quê mùa dốt nát nhưng đã ăn nói khôn ngoan trước quan quyền, trước những người được cho là thông thái, chữ nghĩa. Họ không những ăn nói khôn ngoan mà còn can đảm làm chứng về nhiều phương diện: về sự hiện diện của Thiên Chúa; có sự sống sau cái chết, có thưởng phạt đời sau; về công lý và sự thật; về tình thương, bác ái; về sự tha thứ; về sự chung thủy vợ chồng và về tình yêu trong gia đình…

Thứ tư, nhờ lòng yêu mến Chúa: Vì lòng yêu mến Chúa, nên các Thánh Tử Đạo đã chấp nhận thà chết chứ không chịu bước qua thập giá. Thánh Phêrô Quí nói: “Dù trăng trói, gông cùm, tù rạc; chén ngục hình xiềng toả chi nề; miễn vui lòng cam chịu một bề; cho trọn đạo trung thần hiếu tử.” Vì lòng yêu mến, nên các ngài tuân giữ luật Chúa một cách trọn vẹn, thà chết chứ không bao giờ chối đạo. Thánh Anrê Thông quả quyết rằng: “Thà tôi bị lưu đày và chịu chết vì Chúa; Chứ tôi không chối đạo.” Thật vậy, không có gì tách họ ra khỏi tình yêu dành cho Đức Kitô, đúng như lời Thánh Phaolô quả quyết mà chúng ta vừa nghe trong Bài đọc thứ II: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?...Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (x. Rm 8,35-39).

Thứ năm, nhờ sự hy vọng và quý trọng sự sống đời sau: Các ngài hy vọng một ngày nào đó sẽ được chiêm ngắm thánh nhan Thiên Chúa. Như Thánh Phaolô nói rằng: “nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ sống với Người” (x. 2Tm 2, 11). Đó là niềm hy vọng của các ngài khi dám đứng lên làm chứng cho sự thật và chết cho sự thật. Đức Giêsu đã nói: “Lời lãi cả thế gian, thiệt mất linh hồn nào được ích gì” (x. Mt 16,26). Các Thánh Tử Đạo hiểu được lời Chúa dạy nên các ngài rất quý trọng sự sống linh hồn. Vì vậy, các Ngài quyết tâm không đánh đổi linh hồn bằng bất cứ thứ gì. Vào thế kỷ 19, khi cơn cấm đạo nổi mạnh trên tỉnh Thanh hoá, một hôm, người ta dẫn đến trước mặt quan án một thiếu niên 17 tuổi. Quan bảo người thanh niên bước qua thập giá, rồi sẽ thưởng cho một nén bạc. Người thanh niên không chịu. Quan nâng lên phần thưởng là một nén vàng. Người thanh niên trả lời với quan rằng: “Một nén bạc hay là một nén vàng chưa là gì cả. Nếu quan lớn muốn tôi đạp Thánh giá, thì xin quan lớn hãy cho tôi cái gì có thể mua được một linh hồn đã…” Rồi, người thanh niên bình tĩnh, hiên ngang bước vào pháp trường với tinh thần anh dũng, vẻ mặt tươi cười.

2. Thái độ của người Kitô hữu hôm nay thì sao?

Thời nào cũng vậy, người Kitô hữu luôn bị bách hại cách này hay cách khác, đúng như lời Đức Giêsu tiên báo: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét” (x. Mt 10,22). Nhưng cách bách hại có thể khác nhau theo từng nơi và tùy từng thời kỳ. Hiện nay, một số nơi trên thế giới, người Kitô hữu vẫn bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, giết chết. Theo báo cáo của tổ chức “Open Doors”, một tổ chức phi giáo phái hỗ trợ các nạn nhân Kitô hữu bị bắt bớ trên toàn thế giới cho biết: “Trong năm 2013, có 2 123 vụ giết chết “tử vì đạo”. Bắc Triều Tiên đứng đầu danh sách 50 nước nguy hiểm nhất cho các Kitô hữu, giữ nguyên vị trí đứng đầu từ khi cuộc khảo sát tiến hành cách đây 12 năm. Rồi đến Somalia, Syria, Iraq và Afghanistan là 4 nước kế tiếp theo sau” (Nguồn: Reuters).

Riêng tại Việt Nam chúng ta, trong thời gian này không có những luật lệ công khai cấm cách, bắt bớ đạo như thời trước, nhưng người Kitô hữu vẫn bị hạn chế rất nhiều quyền lợi: không được tham gia vào một số các tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước. Nếu muốn tham gia thì phải kết nạp Đảng Viên, đồng nghĩa với việc bỏ đạo. Cho nên, người Công Giáo ở Việt Nam như là công dân hạng hai. Mặt khác, người Kitô hữu còn phải đối diện với những trào lưu tục hóa, một xã hội “hưởng thụ,” đi ngược lại với Tin mừng như: bạo lực, bất công, dối trá, tham nhũng, phim ảnh sách báo xấu... Trước những trào lưu trên, chúng ta thấy có ba thái độ sai đây:

Thái độ thứ nhất, là những người Kitô hữu luôn trung thành với Chúa và Giáo Hội. Dù có bị ghen ghét, nhưng họ vẫn quyết tâm thà chịu thiệt thòi chứ không bao giờ bỏ Chúa, bỏ đạo hay đánh mất bản chất Kitô hữu của mình. Mặt khác, họ còn đóng góp công sức của mình để xây dựng xã hội theo khả năng của mình để có thể tiếp tục làm chứng cho công lý và sự thật; mạnh dạn chống lại các tiêu cực của xã hội, bảo vệ giáo huấn của Đức Giêsu.

Thái độ thứ hai, là những người Kitô hữu giữ đạo hời hợt, không có chiều sâu, ít cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Họ chú trọng đến đời sống vật chất, lo làm giàu, nên họ sẵn sàng không tuân giữ luật Chúa, luật Giáo Hội, bỏ lễ Chúa Nhật vì một công việc hay lý do không đâu. Họ không làm dấu thánh giá trước và sau khi ăn cơm vì xấu hổ trước những người ngoài Công Giáo.

Thái độ thứ ba, là những người mang danh kitô hữu nhưng bị tiền, tài, tình chi phối. Vì vậy, họ sẵn sàng thỏa hiệp với cái ác, thỏa hiệp với bất công. Khi cơ hội đến, họ sẵn sáng bỏ Giáo Hội, bỏ Chúa, bán anh em đồng đạo.

Còn chúng ta thì sao? Đây là dịp thuận tiện để chúng ta xét mình lại: là con cháu của các Thánh Tử Đạo, chúng ta giống các ngài ở những điểm nào? Lòng tin, lòng mến, sự hy vọng và quý trọng phần rỗi linh hồn của chúng ta ra sao? Chúng ta có quyết tâm khước từ những nhu cầu, tiện nghi khiến phần rỗi đời đời của chúng ta bị đe dọa hay không?

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, xin cho tất cả mọi người chúng con dù trong hoàn cảnh nào cũng biết can đảm sống Tin mừng để làm chứng cho Chúa ở khắp mọi nơi. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
02:22 09/11/2016
Ông Donald Trump tuyên bố thắng cử
Ông Donald Trump đã đánh bại ứng cử viên tổng thống Hilary Clinton của đảng Dân Chủ vào lúc 2:33 giờ miền Đông Hoa Kỳ và sẽ trở thành vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Trong những giờ đầu đếm phiếu, bà Hilary Clinton có vẻ đã dẫn trước nhưng tình hình càng lúc càng nghiêng về phía ông Donald Trump. Với thắng lợi tại bang Florida vào lúc 01:36 giờ miền Đông Hoa Kỳ, khả năng chiến thắng của ông Donald Trump đã trở nên rõ rệt. John Podesta, giám đốc chiến dịch tranh cử bắt đầu khuyên các ủng hộ viên của bà Clinton, nên về nhà ngủ là vừa.

Tưởng cũng nên nhắc lại các điện thư, được công bố bởi Wikileaks, cho thấy để “đầu tư” vào cuộc tranh cử tổng thống, đảng Dân chủ Mỹ đã thành lập ít nhất là hai tổ chức là Catholics in Alliance và Catholics United nhằm tạo những mầm mống nổi loạn trong Giáo Hội Công Giáo tại Mỹ, nhằm vận động cho sự thay đổi giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và bảo vệ các chính trị gia phò phá thai và hôn nhân đồng tính, đồng thời thách thức và gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.

Ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ vào ngày thứ Sáu 20 tháng Giêng, 2017.
 
Crux cả quyết ông Donald Trump thắng được là nhờ lá phiếu của Kitô hữu Mỹ
Đặng Tự Do
17:04 09/11/2016
Hầu hết các cuộc thăm dò trong năm 2016, trong từng thời kỳ, đã sai. Và các cuộc thăm dò dự đoán rằng Hillary Clinton sẽ ẵm trọn số phiếu người Công Giáo chỉ là một giấc mơ viễn vong hơn là thực tại. Thực tế là dù bị vây đánh hội đồng bởi hầu hết các phương tiện truyền thông tại Mỹ, ông Donald Trump đã chiến thắng oanh liệt.

Trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử, chỉ có các cuộc thăm dò do IBD-TIPP tiến hành luôn luôn chỉ ra rằng Trump sẽ chiếm được ưu thế trong số những cử tri người Công Giáo, như tờ Crux ghi nhận tuần trước. Hầu như tất cả những người khác đều cho rằng Clinton sẽ chiến thắng một cách áp đảo.

Cả hai ứng cử viên đều có những vấn đề. Nhưng vụ tai tiếng email của bà Clinton làm tê liệt chiến dịch tranh cử của bà ta trong nhiều tháng, và sau đó một lần nữa vào cuối tháng Mười, với cuộc điều tra của FBI, không nghi ngờ gì đã đóng góp đáng kể vào chiến thắng của Trump. Các lo lắng về một nền kinh tế trì trệ, xung khắc chủng tộc, sự gia tăng chi phí và các vấn đề với Obamacare hiển nhiên cũng góp phần trong sự thất bại của bà Hilary Clinton.

Nhưng vượt khỏi tầm nhìn của hầu hết các báo cáo trên các phương tiện truyền thông, mối quan tâm tôn giáo cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng của Trump. Cho dù cử tri tôn giáo thực sự ủng hộ Trump hay đơn giản là chỉ muốn ngăn chặn Clinton, chiến thắng của Trump là một thông điệp chính trị rõ ràng cho thấy người ta không thể xem thường những người có đức tin.

Cuộc chiến giằng dai trong nhiều năm qua giữa Obama và các cơ sở tôn giáo, các giám mục Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác qua các chính sách như bắt buộc các cơ sở tôn giáo mua bảo hiểm tránh thai, trong đó bao gồm cả các phương pháp triệt sản và phá thai, tiên báo một cách tiêu biểu cho thái độ thù địch của bà Clinton với các khía cạnh đức tin của người Công Giáo và Tin Lành.

Những chính sách công cộng của bà Clinton được nêu tỏ tường trong chiến dịch tranh cử cũng tỏ ra mâu thuẫn gay gắt với giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề như phá thai, án tử hình và hôn nhân.

Tai hại nhất là vụ rò rỉ các emails từ giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Clinton là John Podesta, trong đó cho thấy những âm mưu thâm độc trong việc hình thành ra ít là hai tổ chức Công Giáo trá hình (Catholic United và Catholics in Alliance for the Common Good) nhằm tạo ra các mầm mống nổi loạn trong lòng Giáo Hội Công Giáo.

Trước vụ rò rỉ các emails này, Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố phản đối. Nhưng người ta ghi nhận một sự phản ứng còn dữ dội hơn trong lá thư của các mục sư người Mỹ gốc Phi gởi cho Hilary có tựa đề “Một Thư ngỏ đến Hillary Clinton Về Tự Do Tôn Giáo cho người Mỹ da đen” vào tháng 10 vừa qua. Các mục sư này bày tỏ lo ngại rằng Hilary dám giở những thủ đoạn như thế với Giáo Hội Công Giáo thì liệu bà ta có tha cho Tin Lành không?

Những lo ngại này của những cử tri có niềm tin tôn giáo cũng được khoét sâu hơn vì lời bình luận của bà Clinton năm ngoái cho rằng “quan điểm tôn giáo” về các vấn đề như phá thai phải thay đổi.

Trong thực tế, quan điểm cấp tiến về nạo phá thai của bà Clinton không chỉ mâu thuẫn với người Mỹ có đạo nhưng với ít nhất là 8 phần 10 tổng thể người Mỹ, là những người ủng hộ việc hạn chế phá thai sau gần một thập kỷ thăm dò của cơ quan Marist thuộc phong trào Knights of Columbus.

Tương tự như vậy, hai phần ba người Mỹ, đặc biệt là những người có tín ngưỡng, tỏ ra không chia sẻ nỗi thái độ hỗ trợ của bà Clinton cho việc bãi bỏ Tu chính án Hyde.

Kết quả bầu cử này không nghi ngờ gì phản ánh cảm giác lo lắng về kinh tế, và những lo ngại càng ngày càng lớn dần về tư cách của bà Clinton theo sau các vụ rò rỉ emails bởi Wikileaks, FBI và Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, sự thù địch của bà Clinton với niềm tin tôn giáo, và những gì nhiều người Mỹ thấy như thái độ càng ngày càng cực đoan của bà ta về các vấn đề như phá thai với viễn ảnh là bổ nhiệm các chánh án Tối Cao Pháp Viện cực đoan, là những yếu tố đã góp phần vào việc dành chiến thắng của ông Trump.
 
Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chúc mừng tân tổng thống Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
17:29 09/11/2016
Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chúc mừng tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và cầu chúc tân chính phủ do ông lãnh đạo “thực sự hiệu quả”, và thúc giục ông nỗ lực hoạt động cho hòa bình thế giới.

Nói chuyện với các nhà báo tại lễ khai mạc năm học mới của một trường đại học ở Rôma, Đức Hồng Y cho biết về nội dung điện văn của ngài gởi cho ông Trump: “Chúng tôi đảm bảo với ông những lời cầu nguyện xin Chúa soi sáng và ủng hộ ông trong việc phục vụ đất nước của mình, và tất nhiên, cả trong việc phục vụ hạnh phúc và hòa bình của thế giới.”

“Tôi tin rằng ngày nay có một nhu cầu là tất cả chúng ta phải cùng nhau hành động để thay đổi tình hình thế giới, vì đang có những xâu xé, và xung đột lớn.”

Trước các câu hỏi của các ký giả, Đức Hồng Y nhắc nhở mọi người cần tôn trọng “ý chí của người dân Mỹ trong việc thực thi dân chủ”, và nói thêm rằng ngài được biết đã có đông đảo các cử tri đi bầu.

Khi được hỏi về nhận xét trước đây Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến kế hoạch của ông Trump xây dựng một bức tường ở biên giới giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ, mà Đức Thánh Cha đã mô tả là “không Kitô giáo”, câu trả lời của Đức Hồng Y Parolin rất cẩn thận.

“Chúng ta hãy xem vị tân tổng thống hành động thế nào”. Ngài nói thêm rằng trách nhiệm của tổng thống rất khác so với một ứng cử viên trong các chiến dịch tranh cử.

“Về các vấn đề cụ thể chúng ta nên xem xét các lựa chọn của ông ấy và trên cơ sở của những lựa chọn này chúng ta mới có thể đưa ra những nhận định. Tôi nghĩ rằng còn quá sớm để đưa ra những nhận xét”.

Đức Hồng Y Parolin không phải là nhà lãnh đạo tôn giáo duy nhất phản ứng nhanh chóng trước tin tức về cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ.

Justin Welby, Tổng Giám Mục Anh Giáo thành Canterbury, hứa “cầu nguyện liên tục để Hoa Kỳ có thể tìm thấy sự hòa giải sau khi chiến dịch tranh cử cay đắng”

Trong những lời cầu nguyện của ngài, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby đã chia sẻ trên một bài đăng Twitter, rằng ngài cầu nguyện cho tân tổng thống “ơn khôn ngoan, hiểu biết và các ân sủng khác” khi ông phải đối diện với các nhiệm vụ trước mắt.

“Chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho tất cả người dân Hoa Kỳ,” ngài kết luận.
 
Phản Ứng của Công Giáo trước chiến thắng của Donald Trump
Vũ Văn An
17:34 09/11/2016
Mọi người đều phải thừa nhận: chiến thắng của Donald Trump là một chiến thắng không ngờ. Có người ví nó với chiến thắng của những người vận động để Anh rút chân ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu (Brexit). Các nhà bình luận của CNN thì cho rằng: Trump đã nắm được điều mà cả giới truyền thông, giới học thuật, chính trường, giới khoa bảng, giai cấp ưu tú của xã hội không nắm được trong suốt hai năm qua.

Phải chăng, như một truyền đơn đã nói, ông nắm được “đa số thầm lặng” của Mỹ? Những người xưa nay âm thầm, đớn đau nhìn mọi giá trị cổ truyền bị bọn tự coi là thức giả, thậm chí như các tiên tri cứu đời, trâng trâng tráo tráo tạo ra đủ thứ thăm dò dư luận với những phần trăm kỳ quá để đẩy nhanh các nghị trình ý thức hệ, không ăn uống gì tới thực tại? Đúng như nhận định của chủ tịch quốc hội Hoa Kỳ, dân biểu Ryan: chiến thắng của Trump có nghĩa là cáo chung của các chính sách tự do cấp tiến! Có điều chính Ryan đã không góp phần gì vào việc cáo chung này khi tuyên bố không ủng hộ Trump.

Trump thắng bất chấp các thiếu sót của chính ông, một thiếu sót hết sức rõ rệt, có lúc sỗ sàng, bất chấp báo chí, dư luận, bất chấp truyền thanh truyền hình, bất chấp quốc tế, bất chấp mọi dự đoán bất lợi, bất chấp sự chống đối của giai cấp lãnh đạo của đảng ông. Nếu thế thì đây không hẳn là chiến thắng của ông, cũng không phải là chiến thắng của Đảng Cộng Hòa, mà là chiến thắng của đa số thầm lặng, chiến thắng của lương tri…

Có điều, hình như chiến thắng này làm nhiều người quan ngại. Đức Phanxicô, người được tạp chí Dòng Tên Mỹ America tính lợi dụng vào phút chót để hù họa người Công Giáo Mỹ đừng bỏ phiếu cho Trump đã chạy một hàng tít: “Mấy ngày trước cuộc bầu cử (Mỹ), Đức Phanxicô cảnh cáo chống lại nền chính trị sợ sệt”, tỏ ra e dè, chưa lên tiếng chúc mừng Trump như thủ tướng Ý Renzi. Điều này cũng dễ hiểu vì Trump là người chủ trương xây tường ngăn cách Mỹ Mễ, ngược với đường lối của ngài. Thay vào đó, ngài để Quốc Vụ Khanh Parolin lên tiếng, dù sao Đức Hồng Y Parolin cũng được coi như thủ tướng một quốc gia, không thua gì tư cách của Renzi.

Quốc vụ khanh Tòa Thánh chức mừng Donald Trump được bầu làm tổng thống thứ 45 của Hiệp Chúng Quốc, hy vọng Thiên Chúa soi sáng ông và nâng đỡ ông trong chức vụ tổng thống.

Có điều, quốc vụ khanh Tòa Thánh lên tiếng như thế với các nhà báo nhân dịp tham dự một hội nghị tại Đại Học Lateran ở Rôma. Ngài cho biết: ngài tôn trọng ý nguyện của nhân dân Hoa Kỳ. Sau đây là nguyên văn các trao đổi giữa ngài và các nhà báo, do Đài Phát Thanh Vatican ghi lại:

Phát biểu của Hồng Y Quốc Vụ Khanh Parolin

Đức Hồng Y Parolin: Trước nhất, chúng tôi ghi nhận việc thực thi dân chủ, với lòng tôn trọng ý nguyện do nhân dân Hoa Kỳ bầy tỏ. Họ cho tôi biết việc bầy tỏ này được biểu lộ với số người tham gia đông đảo. Thành thử, chúng tôi xin nguyện chúc tân tổng thống những điều tốt đẹp nhất, mong chính phủ ông có thành quả thực sự và chúng tôi cũng đoan hứa sẽ cầu nguyện để Chúa, lẽ dĩ nhiên, soi sáng và nâng đỡ ông trong việc phục vụ xứ sở ông, nhưng cũng để ông làm việc cho phúc lợi và nền hòa bình của thế giới. Tôi tin rằng hôm nay chúng ta cần làm việc để thay đổi tình hình thế giới, vốn là một tình hình đầy vết thương trầm trọng, tranh chấp nặng nề.

Phóng viên: Người ta gi nhận rằng Đức Giáo Hoàng từng nhận định [hồi tháng Hai, trên chuyến maý bay từ Mễ Tây Cơ trở về]: “Ai xây tường đều không phải là Kitô hữu…” Rồi sau đó, có lời minh giải. [Đức Giáo Hoàng cũng đã đưa ra một nhận định tương tự cuối tuần rồi]. Tuy nhiên, ta hãy cho rằng đây là nói về vấn đề di dân…

Đức Hồng Y Parolin: Ta sẽ xem xem Tổng Thống sẽ tiến ra sao. Thông thường người ta vẫn nói: làm ứng cử viên là một chuyện, làm tổng thống lại là một chuyện khác, vì có trách nhiệm mà. Đối với tôi, xem ra theo chiều hướng này, cũng do điều tôi nghe được, dù tôi không đi nhiều vào chi tiết, tổng thống tương lai đã tự phát biểu bằng ngôn từ của một nhà lãnh đạo… Rồi về các vấn đề chuyên biệt, ta sẽ xem xem các quyết định nào sẽ được đưa ra và theo đó, ta mới có thể phán đoán. Hình như đưa ra phán đoán bây giờ là điều quá sớm.

Phóng viên: Trong bài diễn văn hôm nay của Đức Hồng Y để khai mạc năm học quan trọng này…

Đức Hồng Y Parolin: Vâng, tôi sẽ đề cập tới nền ngoại giao giáo hoàng trong bối cảnh hoàn cầu mới, nhất là liên quan tới điều tôi đã nói trước đây, nhu cầu tìm ra các công thức mới. Có lẽ, nền ngoại giao ngày nay, nền ngoại giao giáo hoàng được mời gọi tìm ra các công thức mới để đáp ứng các vấn đề mới đang đặt ra cho cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Phải chăng trong đó, có các công thức mới để nói chuyện với Trump? Và cả với Trung Hoa? Rất có thể. Trở về với Trump. Một ngày sau cuộc tổng tuyển cử, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz của Louisville, Kentucky, đã ra tuyên bố sau đây liên quan đến việc bầu Ông Donald Trump làm tổng thống.

Nhân dân Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định của họ liên quan đến vị tổng thống kế tiếp của Hiệp Chúng Quốc, các thành viên Quốc Hội cũng như các viên chức tiểu bang và địa phương. Tôi xin chúc mừng Ông Trump và mọi người được bầu hôm qua. Nay là lúc hướng vế phía trách nhiệm cai trị vì ích chung của mọi công dân. Chúng ta đừng nhìn nhau dưới ánh sáng chia rẽ Dân Chủ hay Cộng Hòa hay bất cứ chính đảng nào khác, mà đúng hơn, chúng ta hãy nhìn thấy gương mặt của Chúa Kitô nơi người lân cận của chúng ta, nhất là những người đau khổ hay những người chúng ta rất có thể bất đồng.

Là công dân hay đại diện dân cử, chúng ta nên nhớ lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài đọc diễn văn tại Quốc Hội Hiệp Chúng Quốc vào năm ngoái: “mọi sinh hoạt chính trị phải phục vụ và phát huy thiện ích của con người nhân bản và phải đặt căn bản trên việc tôn trọng phẩm giá của họ”. Hôm qua, hàng triệu người Hoa Kỳ đang lao đao tìm kiếm cơ hội kinh tế cho gia đình đã bỏ phiếu để tiếng nói của họ được nghe thấy. Lời đáp lại của chúng ta chỉ nên đơn giản như thế này: chúng tôi đã nghe qúy vị nói. Trách nhiệm phải giúp củng cố các gia đình là trách nhiệm của mỗi người chúng ta.

Hội Đồng Giám Mục mong mỏi được làm việc với tổng thống đắc cử Trump để bảo vệ sự sống con người từ lúc khởi đầu dễ bị thương tổn của nó tới lúc nó kết thúc tự nhiên. Chúng ta sẽ bênh vực các chính sách tạo cơ hội cho mọi người, mọi tín ngưỡng, mọi lối sống. Chúng ta vững vàng trong quyết tâm này: các anh chị em di dân và tỵ nạn của chúng ta sẽ được tiếp đón nhân đạo mà không hy sinh sự an ninh của ta. Chúng ta sẽ kêu gọi mọi người lưu tâm tới việc bách hại đầy bạo lực đang đe dọa các đồng Kitô hữu của chúng ta và người của các tín ngưỡng khác khắp thế giới, nhất là ở Trung Đông. Và chúng ta sẽ trông đợi cam kết của tân chính phủ đối với tự do tôn giáo ở trong nước, bảo đảm để mọi người có tín ngưỡng được tự do tuyên xưng và lên khuôn đời sống chúng ta theo sự thật về con người nam nữ, và dây hôn phối độc nhất họ có thể hình thành.

Mọi cuộc tuyển cử đều đem đến một khởi đầu mới. Một số người thắc mắc liệu đất nước có thể hoà giải, làm việc với nhau và chu toàn lời hứa sẽ đoàn kết hoàn hào hơn không. Nhờ niềm hy vọng do Chúa Kitô đem đến, tôi tin Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để hàn gắn và đoàn kết.

Chúng ta hãy cầu xin cho các nhà lãnh đạo sinh hoạt công để họ có thể ứng phó các trách nhiệm được ủy thác cho họ một cách uyển chuyển và đầy can đảm. Và xin cho mọi người Công Giáo chúng ta giúp đỡ nhau thành các nhân chứng trung thành và hân hoan của tình yêu chữa lành của Chúa Giêsu.
 
Chống Hilary Clinton, cha Frank Pavone bấn quá làm liều
Đặng Tự Do
18:00 09/11/2016
Cha Frank Pavone, nhà lãnh đạo của phong trào “Các linh mục vì sự sống” tại Mỹ, đã làm dấy lên một sự phẫn nộ khi ngài đăng một đoạn video trên Facebook, trong đó ngài đặt cơ thể của một thai nhi đã chết trên bàn thờ trong khi thu hình một lời hiệu triệu vào phút chót với các cử tri Công Giáo Mỹ nhằm khuyên họ nên dồn phiếu cho ông Donald Trump.

Ken Mechmann, giám đốc chính sách công cộng cho tổng giáo phận New York, viết trên web site của tổng giáo phận: “Một con người đã chết và bàn thờ của Thiên Chúa đã bị xúc phạm, tất cả cho chính trị”. Trong khi khẳng định người Công Giáo phải hết lòng ủng hộ chính nghĩa phò sinh, ông Ken mô tả video này là “kinh khủng quá”.

Trong một đoạn video tiếp theo nhằm giải thích video trước, cha Pavone đã xin lỗi những người cảm thấy “bị xúc phạm”, nhưng lập luận rằng hình ảnh gây sốc này là cần thiết vì tính cấp bách của việc phải đánh bại cho được Hillary Clinton, phải ngăn chặn bằng mọi cách bà ta đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.

Cha Pavone giải thích thêm rằng tổ chức của ngài đôi khi nhận được cơ thể của các thai nhi bị phá thai, để mang đi chôn cất tử tế; và trong trường hợp này, ngài đã dâng một Thánh Lễ an táng cho đứa bé sau khi quay video.

Cha Pavone bác bỏ lời chỉ trích rằng việc khai thác của một cơ thể thai nhi là không phù hợp. “Tôi không muốn ai dạy đời tôi, dù người ấy là người trong Giáo Hội, hoặc bên ngoài Giáo Hội, về việc làm thế nào để tôn trọng các thai nhi. Tôi tự biết mình phải làm gì.” Ngài không bình luận về các cáo buộc cho rằng ngài đã xúc phạm bàn thờ.
 
Các Giám Mục và đoàn thể Công Giáo Hoa Kỳ kêu gọi đoàn kết sau cuộc bầu cử
Trần Mạnh Trác
21:20 09/11/2016

Các Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi người Công Giáo hãy cầu nguyện cho các quan chức được bầu và khuyến khích mọi người dồn mọi nỗ lực cho sự thống nhất và lợi ích chung.

"Bây giờ là thời gian để bắt đầu gánh vác trách nhiệm quản lý lợi ích chung của tất cả mọi người dân", Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville, chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, tuyên bố ngay sau tin chiến thắng cuả ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.

"Chúng ta không nhìn nhau qua con mắt chia rẽ là Dân chủ hay Cộng hòa hay bất kỳ đảng phái chính trị khác, nhưng đúng hơn, chúng ta hãy nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô trong các người láng giềng, đặc biệt là những người đau khổ và những người mà chúng ta không đồng ý."

Ông Trump đã giành chiến thắng bất ngờ trong đêm thứ ba, mặc dù trước đó đã bị coi là sẽ thua đối thủ Dân chủ Hillary Clinton.

Ông Trump lấy được phiếu cuả các tiểu bang có truyền thống Dân chủ như Wisconsin, Pennsylvania và lấn lướt tại các bang trung dung Ohio và Florida. Vào sáng thứ Tư, ông cũng đã dẫn đầu ở New Hampshire, Michigan, và Arizona, và xít soát với Clinton ở Minnesota.

Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện và Hạ viện nhờ những chiến thắng mới ở những cuộc đua Thượng viện tại Wisconsin, Missouri, và Pennsylvania.

Theo cuộc thăm dò cuả New York Times, người Công Giáo nói chung dồn 52 % phiếu cho Trump và 45 % cho Clinton. NBC News phân tích kết quả theo chủng tộc là: Người Công Giáo da Trắng bỏ phiếu cho Trump là ( 60-37) trong khi đó thì bà Clinton thắng phiếu người Công Giáo gốc Tây Ban Nha (67-26).

Trong bài phát biểu chiến thắng ở Manhattan, Ông Trump đã kêu gọi đoàn kết, "Hãy làm việc cùng nhau, chúng ta sẽ bắt đầu nhiệm vụ cấp bách là xây dựng lại đất nước và đổi mới Giấc mơ Mỹ".

Bà Clinton, trong bài phát biểu nhân nhượng vào buổi sáng thứ Tư, nói ông Trump mang một món nợ là "một tâm trí cởi mở và một cơ hội để lãnh đạo," thêm rằng "Chúng ta đã thấy rằng đất nước chúng đang chia rẽ sâu sắc hơn là chúng ta nghĩ."

Nhiều giám mục ở những nơi khác cũng lên tiếng kêu gọi cầu nguyện cho các quan chức mới.

Đức Giám Mục Michael Burbidge của Arlington tuyên bố "Chúng tôi khen ngợi vị tổng thống và tất cả các viên chức mới được bầu, và dâng họ lên Thiên Chúa, xin Chuá hướng dẫn họ trong việc chuẩn bị nhận lãnh trách nhiệm mới để phục vụ cho lợi ích chung của những người được giao phó cho họ chăm sóc"
.
Đức Hồng Y Sean O'Malley của Boston tweet "Xin chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho ông sức khỏe tốt, sự khôn ngoan và can đảm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. "

"Chúa Giêsu Kitô là Vua; ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai ", Đức Cha James Conley của Lincoln tweet vào ngày thứ Tư.

Đức Tổng Giám mục Kurtz trích lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đọc trước Quốc hội, kêu gọi các thành viên hãy thúc đẩy lợi ích chung và phẩm giá con người.

"Hôm qua, hàng triệu người Mỹ đang phải vật lộn để tìm cơ hội kinh tế cho gia đình đã đi bỏ phiếu, để có cơ hội được lắng nghe. Phản ứng của chúng ta thì đơn giản: chúng tôi đã nghe các bạn, "Đức TGM nói. "Trách nhiệm củng cố gia đình thuộc về mỗi người trong chúng ta."

Ngài tái khẳng định sự cam kết của các giám mục là giữ gìn sự thiêng liêng của tất cả cuộc sống con người, chào đón "người di cư và tị nạn," và bảo vệ tự do tôn giáo trong và ngoài nước.

Những nhóm phò sự sống thì hoan nghênh chiến thắng của nhiều ứng cử viên Thượng viện và bày tỏ sự mong muốn để làm việc với chính quyền của ông Trump để thông qua các dự luật phò sự sống.

Bà Marjorie Dannenfelser, chủ tịch nhóm phò sự sống Susan B. Anthony List, gọi đó là "một thời khắc lịch sử của phong trào phò sự sống" và nói rằng "bốn mục tiêu phò sự sống quan trọng bây giờ nằm ​​trong tầm tay của chúng tôi: kết thúc phá thai muộn, hệ thống hóa luật bổ sung Hyde, cắt tiền Planned Parenthood, và bổ nhiệm thẩm phán phò sự sống vào tối cao pháp viện. "

Bà Jeanne Mancini, chủ tịch March for Life, tuyên bố "trước những chia rẽ trong nước, chúng tôi cam kết làm việc cho một ngày khi mà tất cả người Mỹ biết rằng phá thai là không thể tưởng tượng được, và xây dựng một nền văn hóa lâu dài của sự sống. Chúng tôi hoan nghênh các ứng cử viên đã can đảm đứng lên tranh đấu cho một vấn đề nhân quyền quan trọng nhất, là chống phá thai".

Nhóm 'In Defense of Christians', là nhóm vận động cho người thiểu số Kitô giáo bị đàn áp tại Trung Đông và Bắc Phi, chúc mừng cuộc chiến thắng của ông Trump và kêu gọi ông "đặt hoàn cảnh của những người thiểu số tôn giáo ở Trung Đông là một ưu tiên đối ngoại của Hoa Kỳ."
"Các giá trị Kitô giáo về sự khoan dung và chung sống, và những sáng tạo ​​mà các cộng đồng đã đóng góp vào xã hội của họ trong nhiều thế kỷ là rất cần thiết cho một Trung Đông ổn định và an toàn, và cho lợi ích an ninh của Hoa Kỳ và thế giới" giám đốc điều hành của nhóm là ông Philippe Nassif nói.
 
Trung Quốc sẵn sàng cho lễ tấn phong Đức Giám Mục Phêrô Đinh Lệnh Bân
Chân Phương
21:37 09/11/2016
Trung Quốc sẵn sàng cho lễ tấn phong Đức Giám Mục Phêrô Đinh Lệnh Bân

Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng cho lễ tấn phong Đức Cha Phêrô Đinh Lệnh Bân (Ding Lingbin) làm tân giám mục của Giáo phận Trường Trị (tỉnh Sơn Tây) - ngài vốn là một bác sĩ đã khám phá ra ơn gọi của mình. Việc bổ nhiệm này đã được thực hiện từ năm 2013 trong khi ngài đang nhận nhiệm vụ làm Giám quản Tông Tòa của giáo phận. Vài tuần trước đây, chính phủ Bắc Kinh cũng đã 'bật đèn xanh' cho việc cử hành thánh lễ này.

Qua chức vụ mới, Đức Cha Đinh Lệnh Bân sẽ hòa giải đầy đủ tình trạng của giáo phận Trường Trị, vốn là nơi có Giám mục Anrê Kim Đạo Viên (Jin Daoyuan) được tấn phong bất hợp thức vào ngày 6 tháng 1 năm 2000. Về sau, Giám mục Kim Đạo Viên đã xin được trở lại hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, tuy nhiên cũng đã nghỉ hưu trong vài năm qua ở tuổi 87.

Tất cả các giám mục tham dự lễ tấn phong sắp tới đều là những vị đang hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, bao gồm: Đức Tổng Giám Mục Lí Sơn (Li Shan) - Tổng Giám Mục Bắc Kinh, ngài sẽ chủ phong; Đức Cha Mạnh Ninh Hữu (Meng Ningyou) - Giám Mục Giáo phận Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây); Đức Cha Vũ Tuấn Duy (Wu Junwei) - Giám Mục Giáo phận Vận Thành (Giang Châu, tỉnh Sơn Tây), Đức Cha Lí Thự Quang (Li Shuguang) - Giám Mục Giáo phận Nam Xương (tỉnh Giang Tây); Đức Cha Trương Ngân Lâm (Zhang Yinlin) - Giám Mục Giáo phận An Dương (tỉnh Hà Nam). Ngoài ra, Đức Cha nghỉ hưu Kim Đạo Viên cũng sẽ tham dự.

Chính quyền địa phương đang thực hiện các công việc để đảm bảo giao thông và an ninh. Họ yêu cầu tất cả những ai muốn tham dự thánh lễ phải có thẻ cho phép và họ muốn hạn chế số lượng chỉ vài trăm tín hữu được vào nhà thờ chính tòa Thánh Tâm Chúa Giêsu mà thôi. Nhưng có ít nhất 5.000 người Công Giáo ở Trường Trị và sẽ khó khăn để ngăn chặn họ.

Đức Cha Đinh Lệnh Bân năm nay 54 tuổi, sinh ngày 20 tháng 7 năm 1962. Năm 1982, ngài tốt nghiệp ngành y khoa và làm bác sĩ tại một bệnh viện cho đến năm 1988. Năm 1992, ngài hoàn thành khóa nghiên cứu tại chủng viện Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) và trong cùng năm đó được thụ phong linh mục. Từ năm 1995 đến 2011, ngài là Giám đốc Bệnh viện Thánh Antôn, thuộc sở hữu của giáo phận, phục vụ y tế cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Năm 2011, ngài làm thư ký và sau đó là Giám quản Tông Tòa của giáo phận.

Giáo phận Trường Trị được thành lập vào năm 1946, địa bàn có dân số 3,5 triệu người. Tuy nhiên, Giáo Hội đã hiện diện tại đây từ năm 1830 và là một thành phần của Hạt Đại diện Tông Tòa Sơn Tây thuộc quyền các nhà thừa sai Dòng Phanxicô. Hiện nay, giáo phận này có 51 linh mục, 22 chủng sinh phục vụ cho hơn 50.000 tín hữu. (AsiaNews)

Chân Phương
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Mãn Khóa Lớp Ca Trưởng Cấp 1 Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, San Jose
Lawrence Đặng Văn Linh
09:29 09/11/2016
Lễ Mãn Khóa Lớp Ca Trưởng Cấp 1 Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, San Jose

Vì tương lai nền Thánh Nhạc trong Giáo Xứ, mặc dầu rất bận rộn với chương trình xây dựng Thành Đường Đức Mẹ La Vang của Giáo Xử với kinh phí lên tới 39,100,000 Mỹ kim; tháng 11 năm 2015 vừa qua, Cha Chánh Xứ Phero Huỳnh Lợi đã quyết định mở lớp huấn luyện Cả Trưởng Cấp 1 để đào tạo các Ca Trưởng tương lai, phục vụ trong 19 ca đoàn của Giáo Xứ.

xem hình

Trong suốt một năm trời hoc hỏi dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Nhạc Sư Phạm Đức Huyến, cùng với sự hợp tác của một số phụ giáo thuộc lớp đàn anh, hôm nay, Chúa Nhật ngày 06 tháng 11 năm 2016, các anh chị trong lớp Ca Trường Cấp 1 đã long trọng hân hoan mừng Lễ Ta Ơn duoi sự Chủ Tế của Cha Chánh Xứ tại Hội Trường Trường Trung Học Silver Screek, San Jose.

Cùng với Cha Chủ Tế và đông đảo công đoàn dân Chúa, các anh chị đã hát những bài Thánh Ca thật sốt sắng, cảm động làm mọi người nâng tâm hồn lên cảm tạ hổng an Chúa.

Sau Thánh Lễ, mọi người đến tham dự tiệc mừng tại Nhà Hàng Phù Lâm, San Jose.

Trong tiệc mừng, có sự hiện diện của Cha Phụ Tá Andrew Nguyên Thông, Linh Hướng Liên Ca Đoàn, Ông Andree Lê Đình Khôi, Chủ Tịnh HDMV Giáo Xứ, Thấy Cô Nhạc Sư Phạm Đức Huyến, các anh chị Phụ Giáo và các quan khách cùng bạn bè thân hữu. Đặc biệt có 6 anh chị đại diện cho Lớp Ca Trưởng Cấp 1 đến từ Sacramento, đáp lời mời, đã không quản ngại đường xá xa xôi cũng đã đến chung vui.

Sau lời chào mừng và cảm ơn của Trưởng Lớp, Thầy Huyến chia sẽ như sau:

“ Tôi chúc mừng tất cả quý anh chị đã tốt nghiệp khóa Lớp Ca Trưởng Cấp 1. Tuy nhiên đây cũng chỉ là bước đầu.Hát đúng, hát đều vẫn chưa đủ, phải hát hay. Muốn hát hay thi chúng ta phải hát với lòng yêu mến Chúa, phát xuất từ trong tim của mình. Tuy đơn giản nhưng rất cao trọng. Vì thế quý anh chị cần phải có gắng học hỏi trau dồi thêm để có kiến thức chuyên môn và sâu rộng về Mục Vụ Thánh Nhạc, để truyền đạt cho các ca viên hầu mang lại lợi ích cho bản thân, ca đoàn và cộng đoàn dân Chúa.”

Tiếp theo là phần phát chứng chỉ cho 44 học viên tốt nghiệp khóa Lớp Ca Trưởng Cấp 1, Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, San Jose do Cha Linh Hướng LCD, Ông Chủ Tịch HDMVGXDMLV, Thấy Cô Phạm Đức Huyến và các anh chị phụ giáo.

Để tỏ lòng biết ơn, sau phần phát chứng chỉ là phần tặng quà cho Cha Linh Hướng LCD, Ông Chủ Tịch HDMVGXDMLV, Thấy Cô Phạm Đức Huyến và các anh chị phụ giáo.

Sau khi Cha Linh Hướng LCD làm phép của ăn, mọi người đã được thưởng thức những món ăn thật ngon do nhà hàng Phu Lâm đảm trách.

Trong khi ăn, mọi người được thung thức buổi văn nghệ thật hoành tráng với những giọng hát đơn ca, song cạ, hợp ca cũng những bài vũ dân tộc do chính các anh chị trong lớp trình diễn cùng với ban nhạc do anh Thế phu trach.

Sau phần dancing với những điệu Twist vui nhộn, buổi tiệc mừng “Lễ Mãn Khóa lớp Ca Trưởng Cấp 1, Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, San Jose” đã kết thúc một cách tốt đẹp. Mọi người ra về với niềm hân hoan vui sướng. Tạ ơn Chúa, cảm ơn Cha Chánh Xứ, Cha Linh Hướng LCD, Ông Chủ Tịch HDMV, Thấy Cô, các anh chị phụ giáo cúng tất cả các bạn bè thân hữu đã giúp các anh chị Lớp Ca Trường Cấp 1, San Jose đi được một chặng đường. Mặc dù mới chỉ là bắt đầu.

San Jose ngay 06-11-2016

Lawrence Đăng Văn Linh
 
Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế việt Nam mừng kỷ niệm 284 năm thành lập
Người Giồng Trôm
21:46 09/11/2016
TỈNH DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM MỪNG KỶ NIỆM 284 NĂM THÀNH LẬP

18 g 00, tại ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn thân quen, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế đã dâng Thánh Lễ mừng kỷ niệm 284 năm ngày thành lập.

Xem Hình

Hiện diện trong Thánh Lễ tạ ơn hôm nay có nhiều Cha đến từ các cộng đoàn gần Sài Gòn. Và hẳn nhiên, quý Cha nhà Sài Gòn, nhà Mai Thôn là những Cha hiện diện đông nhất. Cùng tham dự Thánh Lễ này có đông đảo cộng đoàn dân Chúa thân quen với ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn.

Mở đầu Thánh Lễ mừng kỷ niệm 284 năm thành lập hôm nay, Cha Giuse Nguyễn Thể Hiện – Cố Vấn Tỉnh Dòng – chủ tế Thánh Lễ đã ngỏ lời với cộng đoàn:

“Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ ! Hôm nay Hội Thánh mừng Lễ kỷ niệm cung hiến Thánh Đường Latêranô là nhà thờ chính tòa của Đức Giáo Hoàng, chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho Hội Thánh.

Hôm nay cũng là kỷ niệm 284 năm ngày Thánh Anphongsô thành lập Dòng Chúa Cứu Thế (1732 – 2016).

Nhân dịp sinh nhật của Nhà Dòng, chúng ta tạ ơn Chúa vì muôn ơn lành Chúa đã ban cho Nhà Dòng suốt chiều dài 300 năm. Xin Chúa tiếp tục ban ơn để mọi tu sĩ trong dòng sống đặc sủng và linh đạo mà Chúa trao phó cho Nhà Dòng kể từ ngày thành lập cho đến nay và đến tương lai.

Cách đây hơn 2 tiếng đồng hồ, tại Tổng Công Hội Dòng Chúa Cứu Thế đang nhóm họp bên Thái Lan, Cha bề trên Tổng Quyền đương nhiệm đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 với 93 phiếu thuận trên 104 phiếu. Chúng ta tạ ơn Chúa vì Nhà Dòng được tiếp tục dẫn dắt của Cha Michel Brell và chúng ta cầu xin cho Ngài lòng thánh thiện, thiệt thành thừa sai, sự khôn ngoan để dẫn dắt toàn thể Nhà Dòng.

Để lời tạ ơn, cầu nguyện của chúng ta được Chúa chấp nhận, chúng ta xin Chúa tha thứ cho chúng ta vì những tội lỗi của chúng ta”

Trong bài chia sẻ, Cha Phaolô Nguyễn Hữu Thuận chia sẻ: “... Khi nhắc đến ngày sinh nhật, ai cũng vui mừng hân hoan vì đó là ngày chung ta chào đời, chúng ta hiện hữu. Ai trong chúng ta cũng hỏi bố mẹ ngày chúng ta chào đời. Hôm nay, toàn thể Dòng Chúa Cứu Thế mừng 284 năm Dòng Chúa Cứu Thế hiện diện trên thế giới. Đây là hồng ân Thiên Chúa tuôn đổ trên Hội Dòng để Hội Dòng có được như ngày hôm nay. Một lời tạ ơn, lời ngợi khen, lời chúc tụng hôm nay gợi đến biến cố ý nghĩa Chúa cho nhân loại một hội dòng qua biến cố Thánh Anphongsô thất bại trên pháp đình. ..”

Kế đến, Cha Phaolô chia sẻ với cộng đoàn về cuộc đời, sứ mạng của Thánh Anphongsô cũng như gợi đến chuyện Giáo Hội chiêm ngắm ngôi Thánh Đường Latêranô. Và, quan trọng hơn cả đó là ngôi đền thờ chính Chúa Giêsu nói đến thân mình của Ngài. Nơi thân mình Chúa Kitô chúng ta nhận ra chân lý và sự thật của Thiên Chúa.

Cha mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lại ngôi đền thờ chính là thân mình của mỗi người qua tâm tình của thánh Phaolô.

Trong ngày Lễ hôm nay, ý nghĩa việc Thánh Anphongsô chọn ngày cung hiến Thánh Đường Lateranô khi chúng ta chiêm ngắm ngôi đền thờ của chúng ta. Thánh Anphongsô muốn đó là đền thờ, nơi đền thờ đó Thiên Chúa dựng nên do nhiệt huyết hăng say loan báo Tin Mừng. Ngôi đền đó được xây trên các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế. Thánh Anphongsô muốn các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế đồng hóa mình như Đức Kitô, trở nên ngôi đền thờ người nghèo được gặp gỡ Thiên Chúa, người nghèo được chạm đến Tin Mừng, gặp Đức Kitô sống lại. ..

Mừng sinh nhật Dòng Chúa Cứu Thế, mời gọi các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế đặt lại nhiệt huyết của các sĩ tử qua Hiến pháp 20. Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phải mạnh mẽ trong đức tin, phấn khởi trong đức cậy, sốt sắng bởi đức mến và chăm lo việc cầu nguyện trong chí hướng làm môn đệ đích thực của Thánh Anphongsô. ..

Khép lại bài chia sẻ, Cha Phaolô mời gọi cộng đoàn, cách riêng mỗi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế nhìn lại lòng nhiệt huyết có còn bừng cháy, hăng say như Cha Thánh Anphongsô hay không ? Trong ngày Lễ Sinh Nhật này, mời gọi mỗi người tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế nhìn lại lòng nhiệt huyết, hăng say còn hay không ? Đó là điều mà mỗi người chúng ta suy nghĩ trong ngày hôm nay.

Lời nguyện Hiệp Lễ kết thúc, Cha Giuse Nguyễn Thể Hiện ngỏ lời cảm ơn cộng đoàn và xin cộng đoàn tiếp tục cộng tác với Nhà Dòng để Nhà Dòng loan báo Tin Mừng cho người nghèo và người bị bỏ rơi hơn cả.

Sau lời của Cha Giuse, đại diện cộng đoàn đã ngỏ lời chúc mừng Nhà Dòng. Kèm theo lời chúc mừng là lời cầu chúc cho Nhà Dòng được ngày càng phát triển.

Lời chúc mừng kết thúc là lẵng hoa được trao tặng Cha Giuse – đại diện Nhà Dòng. Cha Giuse lại đáp lại bằng lời cảm ơn và xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho Nhà Dòng.

Thánh Lễ tạ ơn mừng kỷ niệm 284 ngày Dòng Chúa Cứu Thế khai sinh trên toàn thế giới và 91 năm khai sinh tại Việt Nam khép lại. Vẫn mong và rất mong nhiều và rất nhiều người tiếp tục cộng tác với Nhà Dòng để Nhà Dòng hoàn thành sứ mạng mà Chúa trao phó là loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khổ tất bạt.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nước Mỹ đi về đâu dưới triều đại Donald Trump- Việt Nam Sẽ mất TPP Với Chính quyền Trump ?
Phạm Trần
21:58 09/11/2016
NƯỚC MỸ ĐI VỀ ĐÂU DƯỚI TRIỀU ĐẠI DONALD TRUMP ?

Việt Nam Sẽ mất TPP Với Chính quyền Trump ?

Ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump đã đảo ngược mọi dự đóan và vượt qua nhược điểm để đánh bại đối thủ danh tiếng Hillary Clinton trở thành Tổng thống thứ 45 của Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ.

Đây là một biến cố lịch sử của nước Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 08/11/2016 vì ông Trump không phải là chính trị gia chuyên nghiệp; chưa bao giờ ứng cử hay làm việc trong chính quyền; không có kinh nghiệm ngọai giao, quốc phòng và bang giao quốc tế. Ông chỉ là một nhà kinh doanh thành công. Ăn nói không giữ mồm giữ miệng; bị cáo buộc sàm sỡ với nhiều phụ nữ; thích chửi thằng vào mặt đối phương khi tranh luận như đã chứng minh trong thời gian tranh cử với 16 ứng cử viên khác của đảng Cộng hoà

Vậy tại sao tỷ phú Donald Trump đã đắc cử và có gì đặc biệt trong thành phần cử tri ủng hộ ông ta ?

Trước hết, ông bị các hãng thăm dò ý dân đặt vào vị trí thua cuộc từ 4 đến 6 điểm sau ứng cử viên Dân chủ bà Hilarry Clinton, cựu Ngọai trưởng Mỹ, chỉ 24 giờ trước khi phòng phiếu mở cửa ngày 8/11/2016.

Thứ hai, các nhà tài phiệt và thị trường chứng khóan ở New York đều tin tưởng bà Clinton sẽ đại thắng để tiếp tục bảo vệ, xây dựng và phát triển nền kinh tế thịnh vượng tòan cầu. Họ lo ngại chính sách kinh tế chỉ biết bảo vệ quyền lợi nước Mỹ của ông Trump sẽ cô lập Hoa Kỳ với Thế giới.

Thứ ba, bà Clinton được coi là ứng cử viên phụ nữ sáng giá nhất vì có nhiều kinh nghiệm ở nghị trường (bà từng là Thượng nghị sỹ, 2001-2009) và kinh nghiệm quốc tế trong vai trò cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ (chồng bà là Tổng thống Buill Clinton) và Ngọai trưởng Hoa Kỳ (January 21, 2009 – February 1, 2013 January 21, 2009 – February 1, 2013)

Thứ tư, trước ngày bỏ phiếu, thăm dò dư luận cho thấy bà Clinton được 60% phụ nữ ủng hộ, so với Donal Trump là 30%. Bà được 85% cử tri da mầu, 75% cử tri di dân gốc Nanm Mỹ (Hispanic) và đa số thành phần cử tri có bằng đại học hậu thuẫn.

Thứ năm, bà Clinton còn được các nhật báo lớn và uy tín của Mỹ như New York Times, Washington Post, Los Angeles Times, the Arizona Republic (khuynh hướng Cộng hòa) và nhiều nhà bình luận tiếng tăm, trong đó có ông George Will (đảng Cộng hòa ) ủng hộ.

Ngược lại, ông Trump bị coi là người không đủ điều kiện và tư cách làm Tổng thống bởi phần đồng báo chí Mỹ và chính khách, trong đó có Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và hai cựu ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, John McCain (2008) và Mit Romney (2012).

Thảm hại hơn, ông Donald Trump còn bị nhiều Nghị sỹ và Dân biểu Cộng hoà xa lánh vì sợ dính vào ông ta sẽ khó tái đắc cử. Lý do vì ông Trump ăn nói sỗ sàng, tuyên bố nhiều câu bị lên án là kỳ thị người da mầu, các sắc dân gốc Hồi giáo và làm mất lòng khối cử tri gốc Nam Mỹ vì ông ta đe dọa trục xuất những người cư ngụ bất hợp pháp ở Mỹ. Ông còn hứa sẽ xây bức tường dọc theo biến giới Mexico để ngăn chặn người Nam Mỹ vượt biên giới vào Hoa Kỳ. Ông cho rằng, rất nhiều dân Nam Mỹ xâm nhập nước Mỹ là thành phần trộm cắp, buôn bán ma túy, băng đảng.

Thứ sáu, đối với di dân gốc Hồi giáo, ông Trump chủ trương “đóng cửa nhập cư”, đặc biệt cư dân từ Syria, để ngăn chặn quân khủng bố nhập vào Mỹ. Ông đã bị người Mỹ gốc Hồi giáo tố cáo kỳ thị và vô nhân đạo.

Thứ bảy, Đặc biệt hơn, cả gia đình 2 cựu Tổng thống George H. Bush (cha) và Gorge W. Bush (con) và cựu Thống đốc Florida, Jeff Bush đã tẩy chay ông Trump trong suốt cuộc tranh cử. Vì vậy, ông Trump phải vận động tranh cử một mình. Ngược lại, bà Clinton đã có cả một lực lượng vận động hùng hậu gồm vợ chồng Tổng Thống Obama, Phó Tổng thống Biden và chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton.

VŨ KHÍ BÍ MẬT

Do đó, với đường lối tranh cử “chọc giận” và ít được ủng hộ như thế chỉ có một thiểu số nhà bình luận Cộng hòa hay “tay chân” của ông Trump đã phỏng đóan ông Trump sẽ thắng cử. Hầu hết các chuyên gia bầu cử và báo chí, khi coi thường khả năng thắng của của ông Trump, đã làm ngơ một yếu tố quan trọng đã giúp ông Trump đắc cử. Đó là khối cử tri da trắng không có bằng đại học, đặc biệt thành phần dân lao động ở ngọai ô và dân quê.

Những cử tri da trắng này tự thấy họ đã bị giới lãnh đạo truyền thống và kỳ cựu của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ bỏ quên trong nhiều năm. Vì vậy, có rất nhiều cử tri đòi hỏi phải thay đổi, phải có một người mới để làm sạch sẽ chính quyền. Do đó, khi thấy ông Trump cũng có quan điểm và quyết tâm giống mình thì họ đã nhìn vào ông Trump như một chiếc phao giữa đại dương. Nhiều người Mỹ da trắng chưa bầu cử bào giờ cũng đã bảo nhau ghi danh dồn phiếu cho ông Trump.

Khi tranh cử ông Donald Trump còn đòi phải thay đổi tận gốc rễ lề lối làm việc và chính sách đối nội và đối ngọai của nước Mỹ.

Về đối nội, ông ủng hộ quyền người dân được có vũ khí để tự vệ nhưng hứa sẽ bảo vệ an ninh cho dân và chống mọi hình thức khủng bố hay phá họai.

Ông chủ trương phải ưu tiên bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ khi nói đến mậu dịch với các nước, nhất là đối với Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn và Mexico. Ông hứa sẽ buộc Trung Quốc phải hạ giá đồng Nhân Tệ để chấm dứt bất lợi cho hàng xuất cảng của nước Mỹ cũng như nhập hàng Trung Hoa vào Hoa Kỳ.



Nhà tỷ phú Donald Trump chỉ trích chính sách mậu dịch của chính quyền dân chủ thời Tổng thống Bill Clinton, tiêu biểu là thỏa hiệp NAFTA (North American Free Trade Agreement), ký năm 1994 giữa Hoa kỳ, Canada và Mexico đã gây thiệt hại cho nước Mỹ. Ông hứa sẽ xem xét lại NAFTA. Ông cũng gay gắt lên án chính sách kinh tế của chính quyền Obama đã làm cho nhiều đại công ty của Mỹ “di tản” ra nước ngoài, trong đó có Mexico, Trung Quốc và Việt Nam khiến nhiều dân Mỹ không có công ăn việc làm. Ngược lại các nước này lại giầu lên, phần lớn tái xuất cảng hàng vào nước Mỹ.

Ông cũng hứa sẽ đem việc làm trở về nước Mỹ, chấm dứt thời kỳ xuất khẩu công ăn việc làm của dân Mỹ sang làm giầu cho nước khác.

Vì vậy, ứng cử viên Donald Trump được nhiều người Mỹ ủng hộ để chống bà Clinton, người mà họ coi như nối nghiệp chính sách thất bại của ông Obama.

Theo cuộc phỏng vấn của đài truyền hình CBS, ông Trump được 53% đàn ông da trắng ủng hộ so với 41% dành cho bà Clinton. Ông Trump cũng được tới 53% phụ nữ da trắng ủng hộ, so với bà Clinton là 43%.

Đài CBS kết luận:”Ông Trump cũng được một đa số 72% đàn ông da trắng không có bằng đại học ủng hộ, trong khi bà Clinton chỉ được lối 23%.”

Trong số phụ nữ da trắng không có bằng đại học thì ông Trump có tới 62% ủng hộ so với bà Clinton là 34%. Số phần trăm đàn ông da trắng có bằng đại học ủng hộ Donald Trump là 54%, so với bà Cliton 39%.

Trong khi đó thì số cử tri da mầu tại các tiểu bang quan trọng như North Carolina, Michigan, Florida, Lousiana, Georgia lại đi bầu ít hơn 5% so với hai cuộc bầu cử năm 2008 và 2012, khi ông Obama thắng cử dễ dàng.

Ngoài ra, thành phần cử tri trẻ ở độ tuổi sinh viên hay mới tốt nghiệp là lực lượng nồng cốt của “liên hiệp Obama” (Obama coalition) trong 2 cuộc bầu cử 2008 và 2012 và của ứng cử viên Tổng thống, Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, từng là đồi thủ của bà Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ, lại đi bỏ phiếu ít hơn sự trông đợi của bà Clinton.

Thêm vào đó, sự bất mãn của một số không nhỏ cử tri đối với sự tăng giá của bảo hiểm sức khỏe Obama Care cũng đã đóng góp vào thất bại của bà Clinton. Ông Trump thì chủ trương bỏ Obama Care để đưa ra một chính sách bào hiểm bớt tốn kém hơn cho người dân.

IRAN-ISIS-NATO-TPP

Trên bình diện Quốc tế, ông Trump chủ trương “thương thuyết lại ” thoả hiệp kiềm chế Iran chế tạo vũ khí nguyên tử (The Iran Nuclear Deal, 2015), là thành công của chính quyền Obama, nhưng ông cho rằng không có lợi cho nước Mỹ mà chỉ làm lợi cho Iran.

Thỏa hiệp này được ký kết giữa Iran và nhóm các nước gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga, cộng thêm nước Đức (P5+1).

Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng chủ trương các nước nhận sự bảo vệ của Hoa Kỳ như nước Đức, Nhật Bản và Nam Hàn v.v… phải đóng góp phí tổn cho nước Mỹ chứ không thể tiếp tục để cho nước Mỹ tiếp tục tiêu hao công qũy như hiện nay.

Ông cũng muốn rà soàt lại khối NATO (Liên phòng bắc Đại tây Dương) để buộc các nước phải đóng góp phần mình vào chi phí, thay vỉ để cho nước Mỹ chịu hết.

Tuy nhiên, đối với lực lượng Nhà nước Hồi giáo ISIS (the Islamic State of Iraq and and the Levant (ISIL) còn có tên là Islamic State of Iraq and Syria (ISIS) thì ông Trump chỉ hứa sẽ đưa ra một chính sách lọai trừ nhóm này có hiệu qủa hơn chính sách nửa với” của chính quyên Obama. Tuy nhiên, khi chỉ trích chính quyền Obama và ứng cử viên Hilarry Clinton đã thất bại tiêu diệt ISIS và chỉ giúp cho ISSIS lớn mạnh hơn thì ông Trump lại không có kế họach rõ rệt phải làm như thế nào.

Hồi tháng 3/2016, trong cuộc tranh luận với các ứng viên khác của đảng Cộng Hòa, ông Trump từng lên tiếng ủng hộ ý kiến của tướng Lloyd Austin III, đứng đầu Bộ chỉ huy Trung ương (the head of U.S. Central Command), đề nghị gửi từ 20,000 đến 30,000 quân Mỹ vào chiến trường Syria và Iraq để tiêu diệt lực lượng ISIS.

Chính quyền Obama, kể cả ứng cử viên bà Clinton đều chống gửi quân Mỹ vào chiến trường.

Riêng đối với Hiệp dịnh Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) mà Việt Nam đã ký và chờ đợi Quốc hội phê chuẩn, Ông Trump là người đã chống đối quyết liệt.

Ông cho rằng Hiệp định này không có lợi cho Mỹ, vì vậy ông sẽ “đình chỉ TPP” (cancel it).

Quốc hội Hoa Kỳ cũng chưa thông qua TPP.

Riêng vấn đề Biển Đông và trai trò của Hoa Kỳ đối với chính sách bành trướng quân sự của Trung Quốc ở vùng biển này thì ông Trump chưa hề nói một lời.

Như vậy, với những gì ông Donald Trump tuyên bố khi còn là ứng cử viên, liệu ông có hành động như đã hứa hay sẽ phải xét lại cho phù hợp với thực tế của tình hình, sau khi ông nhận chức ngày 20/01/2017 ?

Thêm vào đó, hành động của chính quyền Donal Trump còn phải được Quốc hội chấp thuận. Mặc dù đảng Cộng hòa vẫn nắm quyền kiểm soát cả Hạ và Thượng viện, nhưng không vì thế mà chính sách của ông Trump sẽ dễ dàng được thông qua.

Trở ngại của chính quyền Trump không chỉ đến từ các Dân biểu và Nghị sỹ đối lập của đảng Dân Chủ, mà ngay trong đảng Cộng Hòa. Tiêu biểu như hai thượng Nghị sỹ Ted Cruz (Texas) và Marco Robio (Florida), là những người từng là đối thủ tranh cử Tổng thống với ông Trump hay như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người từng đối nghịch với ông Donald Trump trước khi ông đắc cử.-/-

Phạm Trần

(11/016)

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Vị trí của Sách Tin Mừng trên bàn thờ. Giáo hạt tòng nhân Anh giáo theo Nghi lễ nào?
Nguyễn Trọng Đa
09:33 09/11/2016
Giải đáp phụng vụ: Vị trí của Sách Tin Mừng trên bàn thờ. Giáo hạt tòng nhân Anh giáo theo Nghi lễ nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Đâu là vị trí chính xác của Sách Tin Mừng trên bàn thờ? Con đã thấy tại một số nơi, Sách được đặt trên Khăn thánh (Corporal), tại một số nơi khác, Sách được đặt ở một bên của bàn thờ, và thậm chí một số phó tế đặt Sách dựng đứng, để cộng đoàn có thể nhìn thấy rõ. Thưa cha, có qui định nào liên quan chủ đề này không? - D. E., Turin, Ý.


Đáp: Việc sử dụng một Sách Tin Mừng đầy đủ đã trở nên phổ biến hơn, trong phụng vụ Công Giáo, sau cải cách của Công Đồng chung Vatican II. Sách Tin Mừng luôn được xem như một biểu tượng của Chúa Kitô, cùng với bàn thờ và Thánh giá. Do đó, Sách đã có được sự tôn kính đặc biệt và danh dự phụng vụ. Từ thế kỷ V, Sách đã được đặt trên bàn thờ, được hôn, và được đọc từ một giảng đài đặc biệt, kèm theo với nến và hương. Sách đã được đặt trên một ngai vàng để chủ tọa nhiều Công đồng của Giáo Hội, và được sử dụng trong việc tấn phong Giám mục, và trong việc tuyên khấn của tất cả các hình thức của việc tuyên hứa trọng thể.

Sách chứa đựng các Tin Mừng đã được ghi chép lại cẩn thận, thường được viết với chữ vàng và bạc, và có bìa quý giá. Thánh Ambrôxiô (340-397) nhắc lại bìa vàng của một bản sao ở Milan. Thật vậy, nhà thờ chính tòa Milan vẫn sở hữu một trang bìa ngà voi, được chạm khắc tinh xảo của một Sách Tin Mừng thuộc thế kỷ V. Có rất nhiều thí dụ sau đó của các Sách này cho đến thế kỷ XII.

Sau giai đoạn này, việc sử dụng rộng rãi của Sách lễ trọn bộ, vốn chứa trong một tập sách tất cả những gì cần thiết để cử hành Thánh Lễ, bao gồm các bài đọc, làm cho việc sử dụng một Sách Tin Mừng riêng biệt trong Thánh Lễ ngày càng trở thành lỗi thời.

Hầu hết các Giáo Hội phương Đông không bao giờ bỏ qua việc sử dụng một Sách Tin Mừng. Thí dụ, trong truyền thống Byzantine, Sách Tin Mừng thường được giữ tại một vị trí trung tâm trên bàn thờ. Trong số các nghi thức ban đầu của Phụng Vụ Thánh, có sự “rước nhỏ”, mà trong đó linh mục cầm Sách Tin Mừng từ bàn thờ và trao Sách cho thầy phó tế. Phó tế hoặc linh mục, nếu không có phó tế ở đó, đi ngược chiều kim đồng hồ chung quanh bàn thờ, và đi qua gian giữa của nhà thờ, trước khi trở lại lối vào của ngăn cung thánh (iconostasis). Trong số các yếu tố khác, yếu tố này tượng trưng cho Chúa Kitô, Đấng đi giữa dân của Ngài.

Do đó, sự phục hồi việc sử dụng Sách Tin Mừng trong Giáo Hội Latinh có thể cung cấp một sự giàu có của các ý nghĩa và cơ hội huấn giáo.

Đối với vấn đề chính xác, trước hết tôi sẽ gợi ý rằng Sách không nên được đặt trên Khăn thánh, bởi vì Khăn thánh chưa được mở ra ở thời điểm này của Thánh Lễ. Sách có thể được đặt ở trung tâm bàn thờ, ở cùng vị trí mà sau đó Khăn thánh sẽ được mở ra trong phần Phụng Vụ Thánh thể.

Các qui định hiện này là không quá chính xác. Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói:

“122. Khi tới bàn thờ, vị tư tế và các thừa tác viên cúi mình sâu.

“Nếu có mang thánh giá có hình Chúa chịu nạn trong khi đi rước, thì đặt thánh giá gần bàn thờ để thành thánh giá bàn thờ. Chỉ để một thánh giá thôi, nên nếu có rồi thì đem thánh giá đi rước cất đi. Ðèn thì đặt trên bàn thờ hay bên cạnh; sách Tin Mừng, thì đặt trên bàn thờ.

“172. Hai tay nâng sách Tin Mừng, thầy phó tế đi trước vị tư tế mà tiến đến bàn thờ; nếu không có cầm sách thì thầy đi bên cạnh.

“173. Khi đến bàn thờ, nếu mang sách Tin Mừng, thầy không bái kính, bước lên bàn thờ đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ, rồi cùng với vị tư tế hôn kính bàn thờ.

“Nếu không mang sách Tin Mừng, thầy cúi mình sâu chào bàn thờ cùng với vị tư tế, và cùng với ngài hôn kính bàn thờ.

“Sau đó, nếu có xông hương, thầy sẽ giúp vị tư tế bỏ hương và xông hương thánh giá và bàn thờ.

“D. Những phần việc của thầy đọc sách

“194. Khi tiến ra bàn thờ, nếu không có thầy Phó tế, thầy đọc sách, mặc áo được chấp thuận, có thể mang sách Tin Mừng, nâng cao lên một chút; trong trường hợp này, thầy đi trước vị tư tế; còn nếu không, thầy đi với các người giúp khác.

“195. Khi tới bàn thờ, cùng với những người khác, thầy kính cẩn bái chào bàn thờ. Nếu có mang sách Tin Mừng, thầy bước tới bàn thờ, đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ. Sau đó, thầy cùng với các người giúp khác về chỗ của mình trong cung thánh” (Bản dịch Việt ngữ của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Các tài liệu khác nói nhiều hơn hoặc ít hơn, so với các qui định trên đây. Vì vậy, những gì bây giờ tôi nói là trong lĩnh vực tư tưởng, và không cần phải được thực hiện như là bắt buộc.

Trước hết, sự mơ hồ có lẽ là cố ý, trong chừng mực nó cho phép một số giải pháp thực tiễn, dựa vào diện tích thiết kế của cung thánh, sự hiện diện hay thiếu vắng một phó tế, hoặc ngay cả các yêu cầu đặc biệt của một buổi lễ riêng.

Sau khi nói như vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta đang đứng trên nền móng chắc chắn để nói rằng, nhìn chung, việc thực hành tồn tại trong suốt 50 năm qua là đặt Sách Tin Mừng, nằm phẳng, ở trung tâm của bàn thờ, hoặc xê xích một chút của nơi mà Khăn thánh sẽ được mở ra. Đây là giải pháp phù hợp nhất với sự thực hành trước kia, xa lâu như chúng ta có thể biết, và là tập tục ở tất cả các Thánh lễ giáo hoàng, kể từ khi có cải cách hậu Công đồng Vatican II.

Sự thực hành này cũng được yêu cầu, bất cứ khi nào Thánh giá bàn thờ được đặt trên bàn thờ, ở trung tâm đối diện với chủ tế.

Nếu Thánh giá bàn thờ được đặt nơi khác, Sách Tin Mừng có thể được đặt phẳng ở trung tâm của mặt trước bàn thờ, nếu phần hậu cần làm cho giải pháp này là cần thiết.

Tôi không nghĩ rằng việc đặt đứng Sách Tin Mừng trên bàn thờ, điều mà chính bản thân tôi chưa hề nhìn thấy, là một thực hành phụng vụ tốt. Không có truyền thống nào hỗ trợ sự thực hành này, và nó sẽ tạo ra một cực thứ ba gây mất tập trung cho sự chú ý, trong các nghi thức đầu lễ và Phụng Vụ Lời Chúa, khi người ta giả thiết rằng sự chú ý là trước tiên hướng tới ghế chủ tọa của chủ tế, và sau đó hướng về giảng đài trong phần đọc các bài đọc. Cảm thức tốt phụng vụ nên dành sự chú ý tới Sách Tin Mừng, vào khoảnh khắc khi Sách được công bố.

Sau bài trả lời của tôi ngày 25-10, về tại sao quá có nhiều nghi lễ trong Giáo Hội, một độc giả viết: "Trong bài trả lời gần đây, cha đề cập các phân chia nhỏ của nghi lễ Latinh. Cụ thể, cha nói rõ các nghi lễ thông thường và nghi lễ ngoại thường, sau đó cha nhắc đến các nghi lễ Ambrôxiô, Mozarabic, Đaminh. Con tin rằng cha quên nhắc đến nghi lễ của các Giáo hạt tòng nhân Anh giáo".

Đáp: Tôi thật sự có lỗi về thiếu sót này. Bạn ạ, phụng vụ của các Giáo hạt tòng nhân Anh giáo thuộc danh mục chung của nghi lễ Rôma, với các đặc thù nhất định. (Zenit.org 8-11-2016)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tin Đáng Chú Ý
Florida: Phụ nữ gốc Việt đầu tiên thắng chức Dân Biểu Liên Bang Mỹ
Người Việt
11:13 09/11/2016
Florida: Phụ nữ gốc Việt đầu tiên thắng chức Dân Biểu Liên Bang Mỹ

WINTER PARK, Florida (NV) – Bà Stephanie Murphy, một phụ nữ gốc Việt, vừa thắng chức dân biểu liên bang Hoa Kỳ, Ðịa Hạt 7, tại Florida, theo nhật báo The New York Times, mặc dù đây chưa phải là kết quả chính thức, vì còn phải chờ cơ quan bầu cử thông báo.

Bà được Tổng Thống Barrack Obama chính thức ủng hộ tranh cử dân biểu Hạ Viện Mỹ trong cuộc bầu cử vào Thứ Ba, 8 Tháng Mười Một.

Theo NYT, bà Murphy được 180,372 phiếu (51.5%) trong khi đối thủ của bà, Dân Biểu John Mica được 169,947 phiếu (48.5%), trong tổng số 350,319 phiếu.

Như vậy, bà Murphy sẽ là phụ nữ Việt Nam đầu tiên làm dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ.

Trong lần trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt trước ngày bầu cử, bà Stephanie Murphy cho hay: “Tôi tranh cử lần này vì tôi thấy chung quanh mình có quá nhiều điều cần phải thay đổi. Tôi tin rằng giấc mơ Hoa Kỳ vẫn còn đó, nhưng ngày càng vượt xa tầm tay chúng ta. Làm việc cần cù không còn đủ và Washington không giúp đỡ chúng ta nữa – thực sự, họ làm tình hình tệ hơn nữa. Nếu muốn thay đổi Washington, chúng ta phải thay đổi những người chúng ta gởi lên Wasington.”

Bà cho biết tên Việt Nam của bà là Ðặng Thị Ngọc Dung, cùng gia đình vượt biên năm 1979 khi mới được 6 tháng tuổi.

Bà Stephanie hoàn tất đại học “bằng học bổng, sự chăm chỉ và lòng quyết tâm.”

Bà cũng là một trong những người được mời đọc diễn văn tại Ðại Hội Toàn Quốc Ðảng Dân Chủ tại Philadelphia, Pennsylvania, hồi Tháng Bảy.

Bà Stephanie Murphy, 38 tuổi, thuộc đảng Dân Chủ, được giới truyền thông mô tả là một “đối thủ đáng gờm” cho ông John Mica, 73 tuổi, dân biểu liên bang thuộc đảng Cộng Hòa, đang tại chức.

Báo Orlando Sentinel viết về cuộc tranh cử này như sau: “Chưa bao giờ Dân Biểu Mica gặp một đối thủ như bà Stephanie Murphy, vì bà là một khuôn mặt mới với một câu chuyện đời lý thú.”

Tạp chí Politico viết rằng đây là cuộc tranh cử giữa kinh nghiệm và sự đổi mới và vị trí của ông Mica đang bị bà Stephanie đe dọa.

Sau hơn 20 năm, ông John Mica phải đương đầu với một cuộc tái tranh cử gay go nhất.

Sau biến cố 911, bà làm việc cho Bộ Quốc Phòng trong vai trò chuyên viên an ninh đặc biệt trong suốt bốn năm. Trong cương vị ấy, bà nhận thấy rằng khi an ninh quốc gia bị ảnh hưởng, quan niệm chính trị và phe phái không quan trọng bằng kết quả hữu hiệu.

Bà chia sẻ với nhật báo Người Việt: “Ðiều đầu tiên tôi sẽ làm ngay sau khi đắc cử là cải thiện kinh tế cho Ðịa Hạt 7 của tôi, tạo thêm công ăn việc làm cho cử tri. Dĩ nhiên tôi có nhiều dự định khác sẽ thực hiện sau khi thành dân biểu liên bang, nhưng đây là những điều tôi phải làm trước tiên.”

Hiện nay, bà làm việc tại công ty Sungate Capital, một công ty chuyên về đầu tư, giữ vai trò điều hành và có trách nhiệm hướng dẫn đầu tư và thực hiện những sáng kiến chủ động có liên quan đến chính phủ.

Bà cũng là giáo sư kinh doanh tại đại học Rollins College, Winter Park, Florida.

Hiện thời, bà sống tại Winter Park cùng chồng và hai con, Liêm và Maya.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cúc Vàng
Thérésa Nguyễn
19:50 09/11/2016
CÚC VÀNG
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Hoa cúc vàng đẹp lạ
Ưỡn mình như ngóng ai
Ong bướm bay muôn ngã
Ngắm hoa vàng trang đài
Gió heo may lành lạnh
Thương mùa thu vừa qua
Riu riu thổi nhè nhẹ
Ánh nắng mai hiền hoà
(Trích thơ của Nguyên Đỗ)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 03/11 – 09/11/2016: Tưởng nhớ các Hồng Y, Giám Mục và các tín hữu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:57 09/11/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha chủ sự lễ cầu nguyện cho các Hồng Y, Giám Mục quá cố

Trưa thứ Sáu 4 tháng 11, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục qua đời trong 12 tháng qua.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có gần 60 Hồng Y và Giám Mục hiện diện ở Roma, trước sự tham dự của gần 1 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc đến các hoạt động của các vị chủ chăn đoàn chiên của Chúa Kitô đã tận tụy phục vụ và hy sinh vì phần rỗi của những người đã được ủy thác cho các vị chăm sóc, đã thánh hóa họ nhờ các bí tích và dìu dắt họ trên con đường cứu độ.

Ngài nói:

“Đầy quyền năng của Chúa Thánh Linh, các vị chủ chăn ấy đã loan báo Tin Mừng, và với tình phụ tử, đã cố gắng thương yêu tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo, người vô phương thế tự về và những người cần được trợ giúp”.

Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Qua sứ vụ, các vị chủ chăn ấy đã in vào tâm hồn các tín hữu chân lý đầy sức an ủi, theo đó “ơn thánh và lòng thương xót của Chúa dành cho những người được Ngài tuyển chọn” (Kn 3,9), Nhân danh Thiên Chúa từ bi và tha thứ, đôi tay các vị đã chúc phúc và xá giải, những lời của các vị đã an ủi và lau khô nước mắt, sự hiện diện của các vị đã làm chứng một cách hùng hồn rằng lòng từ nhân của Thiên Chúa thật là vô tận và lòng thương xót của Chúa thật là vô biên. Một số vị chủ chăn ấy đã được kêu gọi làm chứng tá cho Tin Mừng đến mức độ anh hùng, chịu đựng những u sầu nặng nề”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng “Dưới ánh sáng mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, cái chết của các vị là bước vào cuộc sống sung mãn. Và dưới ánh sáng ấy chúng ta cảm thấy càng được gần gũi với những người anh em quá cố của chúng ta: cái chết có vẻ phân ly chúng ta với các vị, nhưng quyền năng của Chúa Kitô và Thần Khí của Ngài liên kết chúng ta với các vị ấy càng sâu xa hơn nữa. Chúng ta tiếp tục cảm thấy các vị ở cạnh trong sự hiệp thông của các thánh”.

2. Ðức Thánh Cha dâng lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.

Hôm mùng 2 tháng 11, toàn thể Giáo Hội tưởng nhớ và cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ vào 4h chiều tại Nghĩa trang Prima Porta của Roma, cách Thành Vatican 15km về phía bắc. Trước Thánh lễ, Ðức Thánh Cha đăng trên tweet lời mời gọi cầu nguyện ngay cả cho “những người đã qua đời mà không còn ai nhớ tới”.

Chia sẻ trong Thánh lễ, Ðức Thánh Cha nói: nhớ về những người quá cố với niềm hy vọng vào sự phục sinh.

Ông Gióp đã đi trong bóng tối khi ông cận kề cái chết. Trong giây phút đau khổ tột cùng, ông tuyên xưng niềm hy vọng: “Tôi biết rằng Ðấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất!... Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Ðấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ” (Gióp 19:25.27).

Khi tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố, có hai ý nghĩa. Một là cảm giác buồn bã: nghĩa trang gợi nhớ sự buồn bã, buồn vì những người thân yêu của chúng ta đã ra đi, cũng buồn bã khi nghĩa trang gợi nhắc tương lai về cái chết của mỗi người. Thế nhưng, trong nỗi buồn này, chúng ta mang theo những bó hoa gợi nhắc dấu chỉ niềm hy vọng. Như thế, nỗi buồn và niềm hy vọng đan xen nhau. Và đây là tất cả những gì chúng ta cảm thấy trong ngày hôm nay: một ký ức về những người thân yêu, và hướng tới niềm hy vọng.

Chúng ta cảm thấy rằng, niềm hy vọng này nâng đỡ chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều phải làm cuộc hành trình này. Tất cả chúng ta sẽ trải qua hành trình này. Kẻ trước người sau, đau buồn ít hay nhiều, nhưng là tất cả mọi người. Thế nhưng chúng ta có bông hoa của niềm hy vọng, niềm hy vọng đặt nơi cái neo của sự phục sinh.

Người đầu tiên đã làm điều này, người đầu tiên đã phục sinh là Chúa Giêsu. Chúng ta bước đi trên con đường mà Người đã đi. Người mở cửa cho chúng ta, và cánh cửa là chính Người. Với Thập giá, Chúa Giêsu mở ra cánh cửa hy vọng cho chúng ta để chúng ta sẽ ở nơi chiêm ngưỡng Thiên Chúa. “Tôi biết rằng Ðấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất!... Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Ðấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.”

Hôm nay chúng ta trở về nhà với hai điều khắc ghi: một kí ức về quá khứ về những người thân yêu của chúng ta đã qua đời, và một niềm hy vọng về tương lai về con đường mà chắc chắn chúng ta sẽ đi. Cùng với sự đảm bảo chắc chắn từ lời hứa của Chúa Giêsu: “Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6:40).

3. Đức Thánh Cha đau buồn vì tất cả các nhà thờ trong vùng Norcia bị động đất tàn phá hoàn toàn

Tất cả các nhà thờ ở Norcia (tiếng Ý gọi là Nursia), nơi sinh của Thánh Biển Đức, đã bị phá hủy bởi các trận động đất ngày 30 tháng 10. Cả ngôi nhà thờ kính thánh Biển Đức từ thời Trung Cổ cũng bị san bằng.

Các tu sĩ Biển Đức ở Norcia cho biết

“Tất cả các nhà thờ ở Norcia bị san thành bình địa. Tất cả, không sót một ngôi nhà thờ nào. Mái nhà sụp xuống nền nhà thờ. Nhưng thật là một phép lạ vì không trường hợp tử vong nào.”

Sau khi về lại Vatican sau chuyến tông du Thụy Điển, vào tối thứ tư, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi điện cho Đức Tổng Giám Mục tổng giáo phận Spoleto-Norcia, là Đức Cha Renato Boccardo, để bày tỏ sự gần gũi của ngài với dân chúng trong thung lũng Valnerina, được hình thành bởi sông Nera, chảy từ vùng Marche của Ý vào vùng Umbria. Thung lũng này là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các trận động đất từ 26 đến 30 tháng Mười.

Đức Tổng Giám Mục đang ở Norcia trong chuyến viếng thăm của tổng thống Italia Sergio Mattarella. Tổng thống đã đi thị sát các vùng bị thiệt hại nặng nhất bởi các trận động đất.

Đức Tổng Giám mục Boccardo cho biết ngài giải thích cho Đức Thánh Cha về “những khó khăn và nỗi sợ hãi của người dân giờ đây đang lâm vào tình cảnh vô gia cư và không cảm thấy an toàn. Trong hai tháng đầy những trận động đất, chúng tôi chịu nhiều mất mát to lớn các di sản đức tin và nghệ thuật trong thung lũng của chúng tôi.”

Ông nói thêm đó Đức Thánh Cha Phanxicô bảo đảm với ông những lời cầu nguyện và ban phép lành cho người dân chịu ảnh hưởng.

“Đức Giáo Hoàng cho biết ngài rất buồn bởi sự sụp đổ rất nhiều tòa nhà thiêng liêng, biểu tượng đức tin và bản sắc của người dân”, Đức Tổng Giám mục Boccardo nói.

4. Đức Thánh Cha nói về vấn đề phong chức linh mục cho nữ giới

Về vấn đề có hay không việc phong chức linh mục cho nữ giới trong Giáo Hội Công Giáo trong những thập kỷ tới, và nếu không, tại sao không, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho biết như sau: “lời chung cuộc về vấn đề này đã rõ ràng” và đã được đưa ra bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và “điều này được giữ nguyên”.

Đồng thời, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo Hội học Công Giáo có hai chiều kích: chiều kích Phêrô là chiều kích của các Tông Đồ - Phêrô và Đoàn Tông Đồ là mục vụ của các Giám Mục – và chiều kích thánh mẫu Maria là chiều kích nữ giới của Giáo Hội. Và điều này tôi đã nói hơn một lần rồi. Tôi tự hỏi, ai quan trọng hơn trong nền thần học và trong nền thần bí của Giáo Hội: các tông đồ hay Đức Maria, trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống? Đó là Đức Maria! Còn hơn thế nữa: Giáo Hội là phụ nữ. Đó là “La” Chiesa giống cái, chứ không phải “Il” Chiesa giống đực. Đó là Giáo Hội phụ nữ. Đó là Giáo Hội hiền thê của Chúa Giêsu Kitô. Đó là một mầu nhiệm phu thê. Và dưới ánh sáng của mầu nhiệm này người ta hiểu cái tại sao của hai chiều kích này: chiều kích phêrô, nghĩa là giám mục và chiều kích thánh mẫu Maria, với tất cả những gì là chức làm mẹ của Giáo Hội, nhưng trong nghĩa sâu thẳm nhất. Không có Giáo Hội mà không có chiều kích nữ giới này, bởi vì Giáo Hội là nữ giới.

5. Chuyện đau buồn: Đánh nhau ngay tại Bức Tường Than Khóc

Bạo loạn đã xảy ra giữa những người Do Thái thuộc phái chính thống và những người Do Thái thuộc phái bình đẳng nam nữ vào ngày thứ Tư 2 tháng 11 ngay tại Bức tường Than Khóc trong khu vực Cổ Thành Giêrusalem. Những tranh cãi đã nhanh chóng bùng phát thành một vụ đánh đấm dữ dội lôi cuốn 12 giáo sĩ Do Thái và khoảng 200 người khác. Không ai chết nhưng rất nhiều người bị thương phải đưa vào nhà thương cấp cứu.

Neshot HaKotel, tiếng Anh gọi là Women of the Wall, nghĩa là nhóm Phụ nữ giành quyền bình đẳng tại Bức tường Than Khóc, là nhóm nữ quyền Do Thái muốn giành được quyền cầu nguyện tại Bức tường Than Khóc, hay còn gọi là Kotel, theo cách của họ bao gồm ca hát, nhảy múa, rước và đọc lớn những đoạn văn từ Torah và mặc các phẩm phục tôn giáo vẫn thường dành riêng cho nam giới.

Các giáo sĩ Do Thái tại Bức tường Than Khóc quy định rằng nam nữ không được cầu nguyện chung mà phải đứng tại các khu vực dành riêng tách biệt với nhau. Các giáo sĩ Do Thái cũng cấm không cho phụ nữ được mặc các phẩm phục tôn giáo và không được chạm đến sách Torah.

Phong trào Neshot HaKotel thường tổ chức các buổi cầu nguyện mỗi tháng một lần với các ý chỉ đặc biệt cho phụ nữ. Để lôi cuốn nhiều người tham gia, ban đầu họ chấp nhận quy định nam nữ không được đứng chung cầu nguyện với nhau. Nhưng việc họ ca hát, nhảy múa, đọc lớn những đoạn văn từ Torah và mặc các phẩm phục tôn giáo vẫn khiến cho nhiều người Do Thái bảo thủ và cực đoan bất bình. Nhiều cuộc biểu tình cuả cả hai bên nổ ra và nhiều người bị bắt.

Tháng Năm năm 2013, một thẩm phán phê bình Tòa Án Tối Cao Israel cấm phụ nữ không được rước sách Torah và không được mặc phẩm phục shawls là không có cơ sở. Đầu tháng Giêng năm nay, Hội Đồng Nội Các Israel chuẩn y một kế hoạch thành lập một khu vực tại Bức tường Than Khóc nơi nam nữ có thể đứng chung. Khu vực này cũng không thuộc thẩm quyền tài phán của Hội Đồng Giáo Sĩ Do Thái.

Tuy nhiên kế hoạch này gặp những chống đối dữ dội. Một số đảng trong liên minh cầm quyền của thủ tướng Benjamin Netanyahu đe doạ rút lui nếu kế hoạch này được thực hiện.

Do đó, các cãi vã lại tiếp tục diễn ra mỗi tháng một lần khi các phụ nữ nhóm Neshot HaKotel đến đây cầu nguyện. Tuy nhiên, đây có lẽ là lần đầu tiên các tranh cãi đã bùng nổ thành một vụ thượng cẳng tay, hạ cẳng chân.

6. Đức Giám Mục San Diego khuyên các linh mục nên tránh ủng hộ hay kết án các ứng viên tổng thống

Đức Giám Mục Robert McElroy của San Diego, California, đã khuyên tất cả các linh mục trong giáo phận của ngài hãy kiềm chế và tránh đừng ủng hộ hay lên án các ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử năm nay được diễn ra vào ngày thứ Ba 8 tháng 11.

Đức Cha McElroy đã đưa ra thông báo sau khi đảng Dân Chủ Mỹ phản ứng trước các báo cáo theo đó một bản tin giáo xứ trong giáo phận San Diego nói rằng người Công Giáo sẽ phạm một tội nghiêm trọng nếu họ bỏ phiếu cho Hillary Clinton.

Ngài viết:

“Hãy để tôi nhấn mạnh một lần nữa, là trong khi chúng ta có một vai trò đạo đức trong việc giải thích cách thức giáo huấn Công Giáo liên quan thế nào đến các chính sách công cộng nhất định, chúng ta không nên ủng hộ các ứng cử viên cụ thể. Không nên dùng các phương tiện truyền thông giáo xứ hoặc các bản tin để ủng hộ các ứng cử viên hoặc các đảng phái bằng những ngôn ngữ được che đậy về việc chọn lựa các ứng viên, hay tham gia vào các hoạt động chính trị đảng phái”.

Đức Giám Mục McElroy nhắc nhở các linh mục rằng hoạt động chính trị đảng phái có thể gây nguy hiểm cho tình trạng được miễn thuế của Giáo Hội. Ngài nhắc các linh mục rằng mọi tài liệu liên quan đến chính trị của các giáo xứ nên được chấp thuận bởi giáo phận, các giám mục Công Giáo tại California, và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

7. Hầu hết các khu vực Kitô Giáo trong thành Mosul đã được giải phóng

Lực lượng đặc biệt của Iraq cho biết họ đã chiếm lại được thêm sáu quận phía đông thành phố Mosul vào hôm thứ Sáu 4 tháng 11. Bất chấp lời hô hào của trùm khủng bố Baghdadi ra lệnh cho các chiến binh thánh chiến không được rút lui, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tiếp tục rút chạy khỏi phần phía Đông sông Tigris.

Sáu quận được giải phóng hôm thứ Sáu là Malayeen, Samah, Khadra, Karkukli, Quds và Karama.

Các vùng được giải phóng cho đến nay chỉ là một phần nhỏ của thành phố Mosul, là một thành phố bao la được chia thành hàng chục khu dân cư và công nghiệp, và là quê hương của 2 triệu người trước khi bị quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm vào tháng 6 năm 2014.

Các vùng được giải phóng thuộc về phần phía Đông của thành phố Mosul, trong khu vực có đa số dân là người Công Giáo nghi lễ Canđê. Theo thông tấn xã Assyrian International, hầu hết các khu vực Kitô Giáo trong thành Mosul đã được giải phóng. Hơn 300 ngôi nhà thờ trong các khu vực này bị quân khủng bố Hồi Giáo IS đốt phá và cướp bóc. Hầu hết đều bị đặt bom khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS rút chạy.

Cuộc chiến tại Mosul là hoạt động quân sự lớn nhất tại Iraq kể từ cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 2003, và có khả năng quyết định số phận của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” được hình thành tại Mosul vào tháng 8 năm 2014.

Chiến cuộc được xem là dễ dàng với quân Iraq trong các khu vực Kitô Giáo nơi vẫn được xem là “khu nhà giàu” trong thành phố Mosul. Nơi đây nhà cửa ít và đường phố rộng rãi. Khu vực phía tây của sông Tigris, nơi đa số dân là Hồi giáo Sunni, được kể là cam go hơn nhiều. Nhà cửa trong khu vực phía Tây đông đúc, nhỏ hẹp, chằng chịt các đường hẻm. Đây cũng là nơi có lẽ quân khủng bố Hồi Giáo IS được sự ủng hộ nhiều hơn. Liên Hiệp Quốc cho biết quân khủng bố Hồi Giáo IS đã tuyển mộ một số đông trẻ con trong khu vực này tham gia chiến đấu chống lại các lực lượng liên quân.

Trong một bài phát biểu được đưa ra hôm thứ Năm 3 tháng 11, trùm khủng bố Baghdadi hô hào các chiến binh thánh chiến không được rút lui trong cuộc “chiến tranh tổng lực” chống lại các lực lượng đang dàn trận chống phá Nhà nước Hồi giáo. Y nói các chiến binh thánh chiến phải trung thành với các chỉ huy của họ.

Baghdadi đang trốn ở đâu là một đề tài được nói đến nhiều trong những ngày qua. Tờ The Independent trích thuật nguồn tin của tình báo Kurd nói Baghdadi đang trốn trong thành Mosul. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh là ông Boris Johnson nói tình báo của Vương quốc Anh tin rằng hắn đã bỏ trốn khỏi Mosul, và đang trốn trong khu vực Baaj, 130 km về phía tây Mosul.

8. Giới hạn trong việc chia sẻ Thánh Thể giữa Công Giáo và Tin lành Luther

Trong chuyến viếng thăm Thụy điển của Ðức Giáo hoàng Phanxicô từ ngày 31 tháng 10 đến 01 tháng 11 năm 2016, Ðức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cổ võ Hiệp nhất Kitô hữu đã nói về những giới hạn trong việc chia sẻ Bí tích Thánh Thể giữa các tín hữu Công Giáo và Tin lành Luther.

Ðức Hồng Y giải thích về việc Giáo Hội Công Giáo phân biệt giữa “eucharistic hospitality” nghĩa là hiệp thông hiếu khách cho một số cá nhân và “eucharistic communion” nghĩa là hiệp thông Thánh Thể.

Từ ngữ hospitality được dùng để chỉ việc chào đón các vị khách lãnh nhận Thánh Thể trong một số trường hợp đặc biệt hay với một số điều kiện nhất định nào đó khi họ nhìn nhận bí tích như là sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô. Ví dụ về Eucharistic hospitality là trường hợp thầy Roger Schutz, sáng lập cộng đoàn Taizé, là tín hữu Tin lành cải cách, thầy vẫn lãnh nhận Thánh Thể trong Thánh lễ Công Giáo. Còn hiệp thông Thánh Thể lại nói đến một tình trạng lãnh nhận Thánh Thể bình thường của những người được xem như thuộc về cùng gia đình.

Ðức Hồng Y Koch đã nói trong một cuộc họp báo: “Ðối với các tín hữu Công Giáo, hiệp thông Thánh Thể là một mục đích của đối thoại đại kết và sẽ là “một dấu chỉ hữu hình của hiệp thông trong Giáo Hội” hay hiệp nhất trọn vẹn. Ðó là lập trường của Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội tiếp tục khẳng định điều này.

Ðức Hồng Y cũng nói đến vấn đề hospitality trong trường hợp hôn nhân hỗn hợp. Ngài xác định đó là một câu hỏi mục vụ, cần thảo luận, đặc biệt là ở cấp độ giáo phận. Theo ngài, việc đưa ra một tuyên ngôn chúng cho toàn Giáo Hội rất khó khăn, vì hoàn cảnh mục vụ ở mỗi đất nước khác nhau.

Trong tuyên ngôn chung được Ðức Phanxicô và Giám mục Munib Younan của Tin lành Luther, chủ tịch Hiệp hội Luther thế giới cùng ký vào ngày 31 tháng 10 năm 2016, hai vị nhìn nhận việc nhiều thành viên của các cộng đoàn khao khát đón nhận Thánh thể từ cùng một bàn tiệc như là cách diễn tả sự hiệp nhất trọn vẹn. Tuyên ngôn cũng nhìn nhận trách nhiệm mục vụ chung giải cơn đói khát thiêng liêng được trở nên một trong Chúa Kitô của các tín hữu. Ðức Giáo hoàng Phanxicô và Ðức Giám mục Munib Younan không cho phép thêm những trường hợp chia sẻ Thánh Thể nhưng diễn tả mong đợi cho vết thương trong thân mình Chúa Kitô được chữa lành với sự giúp đỡ của việc gia tăng các cuộc đối thoại thần học.

9. Đức Thánh Cha nói về vấn đề người tị nạn

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về Rôma sau chuyến thăm của ngài tới Thụy Điển, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về một loạt các chủ đề bao gồm việc chào đón những người tị nạn, việc phong chức linh mục cho nữ giới, quan hệ với các phong trào canh tân trong Thánh Linh, cuộc hội đàm với Tổng thống Venezuela, hiện trạng tục hóa trong xã hội, các chuyến tông du sắp tới của ngài bên ngoài Ý Đại Lợi và nạn buôn bán người.

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra với Đức Thánh Cha là phản ứng của ngài trước thực trạng là ngày càng có nhiều người đến từ Syria hay Iraq xin tỵ nạn tại các nước Âu châu, và lục địa này đã phản ứng với sự sợ hãi, hay tệ hơn có người nghĩ rằng những người tỵ nạn này có thể đe dọa nền văn hóa của Kitô giáo Thụy Điển, là quốc gia có truyền thống dài tiếp đón người tỵ nạn, nhưng bây giờ đã bắt đầu đóng cửa biên giới của mình.

Đức Thánh Cha cho biết với tư cách là người Á Căn Đình và Nam Mỹ ngài cám ơn nước Thụy Điển rất nhiều vì sự tiếp đón này, bởi vì có rất nhiều người Á Căn Đình, Chilê, Uruguay đã được tiếp nhận vào Thuỵ Điển trong thời các chế độ quân phiệt độc tài. Thụy Điển đã có một truyền thống lâu dài tiếp nhận người tỵ nạn. Nhưng không phải chỉ tiếp nhận thôi, mà còn hội nhập họ, tìm nhà cửa, trường học và công việc làm ngay cho họ, hội nhập họ vào cuộc sống của một dân tộc.

Điều thứ hai, cần phải phân biệt người di cư và người tỵ nạn. Người di cư phải được đối xử với vài luật lệ nào đó, bởi vì di cư là một quyền, nhưng là một quyền được luật lệ xác định. Trái lại người tỵ nạn đến từ một tình trạng chiến tranh, lo âu, đói khổ, một tình trạng kinh khủng, và quy chế tỵ nạn cần săn sóc họ nhiều hơn và cho họ công việc làm nhiều hơn.

Liên quan tới khiá cạnh hội nhập các nền văn hóa chúng ta không có gì phải hoảng hốt, bởi vì Âu châu đã được tạo thành với một sự hội nhập liên tục của các nền văn hóa, biết bao nền văn hóa.

Với những nước đóng cửa biên giới, Đức Thánh Cha tin rằng trên lý thuyết không thể khép kín tâm hồn đối với một người tỵ nạn, nhưng cũng cần sự thận trọng của giới lãnh đạo: họ phải rất rộng mở tiếp đón người tỵ nạn, nhưng cũng phải tính toán xem có thể ổn định người tỵ nạn như thế nào. Bởi vì không phải chỉ tiếp đón một người tỵ nạn mà thôi, nhưng cũng cần phải hội nhập họ nữa. Và nếu một nước có khả năng hội nhập 20 người thôi, chẳng hạn, thì hãy làm tới đó thôi. Một nước khác có khả năng nhiều hơn, thì làm nhiều hơn. Nhưng luôn luôn phải có con tim rộng mở: đóng cửa không phải là nhân đạo, đóng con tim không phải là nhân bản, và về lâu về dài phải tính sổ với điều đó.

10. Indonesia: Hồi giáo biểu tình rầm rộ chống lại viên thống đốc Tin Lành

Cảnh sát ở Jakarta đã phải sử dụng hơi cay để giải tán một cuộc biểu tình đông tới hơn 100,000 người Hồi giáo nhằm phản đối viên thống đốc của thủ đô Indonesia.

Ông Basuki Tjahaja Purnama, sinh năm 1966, đã trở thành Thống đốc Jakarta thứ 17 vào năm 2014. Ông là người Kitô hữu đầu tiên giữ chức vụ này, và bây giờ đang tranh cử cho một nhiệm kỳ mới.

Một số người Hồi giáo đã phản đối vai trò của ông, với lý luận rằng người Hồi giáo không nên thuộc thẩm quyền của một kẻ “vô đạo” Cuộc biểu tình quy mô lớn vào ngày 04 tháng 11 dường như để minh họa sức mạnh ngày càng gia tăng của các lực lượng Hồi giáo vũ trang ở Indonesia, là đất nước có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, nhưng cũng là một đất nước có một lịch sử lâu dài về sự hợp tác giữa các tôn giáo.

Các cuộc biểu tình chống Purnama cũng được thúc đẩy bởi lý do ông là người gốc Trung Hoa. Người Indonesia thường căm ghét người Trung Hoa.

11. Đặc phái viên Vatican tại Liên Hiệp Quốc ca ngợi Li Băng, Jordani chấp nhận người tị nạn

Phát biểu hôm 04 tháng 11 trong một phiên họp của Liên Hợp Quốc về công tác nhân đạo với những người tị nạn Palestine, đại diện của Vatican đã ca ngợi Li Băng và Jordani về “sự hợp tác lâu dài của họ” trong công tác nhân đạo này, và nói rằng cả hai nước đều cần sự giúp đỡ của quốc tế trong việc đối phó với dòng người tị nạn.

Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza nhận xét rằng Li Băng và Jordani, bất chấp tài nguyên hạn chế của mình, đã mở rộng vòng tay với nhiều người tị nạn Palestine trong quá khứ và hiện nay đang “anh dũng, cùng với một số nước khác trong khu vực, đón tiếp dòng người tị nạn từ Iraq và Syria.”

Đức Tổng Giám Mục báo cáo rằng có hơn 5 triệu người Palestine là những người hiện đang cần hỗ trợ nhân đạo. Tổng hợp vấn đề, ngài cho biết, những người tị nạn là những nạn nhân của các “tội ác đáng ghê tởm”, cố ý nhắm mục tiêu vào các trại tị nạn ở Syria. Đáng tiếc là “không có nhiều hy vọng là tất cả những hành vi man rợ chống lại dân thường và những người tị nạn Palestine sẽ sớm được kết thúc.”

12. Tòa án Nigeria tha bổng các can phạm đã ăn quịt lại còn đánh chết một phụ nữ Công Giáo

Giáo phận Kano đã bày tỏ sự buồn phiền của mình trước một phán quyết của Toà Thượng Thẩm Kano, Nigeria tha bổng cho 5 bị can đã đánh chết một phụ nữ Công Giáo.

Bridget Patience Agbahime, là một phụ nữ Công Giáo bán hàng rong trên đường phố Kano, đã bị đánh đến chết vào tháng Sáu sau khi một người thanh niên trẻ ăn quịt của cô rồi hô hoán lên là cô đã xúc phạm tiên tri Muhammad.

Mặc dù những người chung quanh phủ nhận cáo buộc này, 4 người đàn ông khác cùng với người ăn quịt đã xông vào đánh cô đến chết.

Giáo phận Kano nằm ở phía Bắc Nigeria có 198,000 người Công Giáo chiếm tỉ lệ 1.8% trong tổng số 11,184,000 dân đa số theo Hồi Giáo.

13. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 11

Trong tháng Mười Một, Đức Thánh Cha đặc biệt cầu nguyện cho người di cư được các quốc gia đón nhận.

Ý chung: Cầu cho số đông người di cư và tị nạn, được các quốc gia đón tiếp và trợ giúp, trong nỗ lực thể hiện tình liên đới với họ.

Ý truyền giáo: Cầu cho tại các giáo xứ, các linh mục và giáo dân cộng tác nhiệt thành với nhau để phục vụ cộng đoàn.

Kính mời quý vị cùng hiệp thông cầu nguyện với Đức Thánh Cha qua đoạn video sau:

Từng quốc gia đơn lẻ có thể giải quyết vấn đề những người buộc phải di cư không? Chúng ta phải vượt qua sự thờ ơ và nỗi sợ chấp nhận người khác. Bởi vì người khác đó có thể là chính bạn. Hoặc là bản thân tôi...

Hãy hiệp ý với Cha trong ý chỉ cầu nguyện này. Để số đông người di cư và tị nạn, được các quốc gia đón tiếp và trợ giúp trong nỗ lực diễn tả tình liên đới.

14. Đức Thánh Cha tiếp kiến 200 đại diện các tôn giáo

Trong buổi tiếp kiến 200 vị đại diện các tôn giáo sáng thứ năm 3-11, Đức Thánh Cha cổ võ sự gặp gỡ an bình giữa tín đồ các tôn giáo và một nền tự do tôn giáo đích thực.

Các vị đại diện tôn giáo gặp gỡ và suy tư về đề tài lòng từ bi thương xót. Đức Thánh Cha nhắc đến chủ đề Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp kết thúc trong Giáo Hội Công Giáo và nhắc đến sự kiện trong các truyền thống tôn giáo và văn hóa khác cũng đề cao sự cảm thương, từ bi, bất bạo động, như những giá trị thiết yếu và chỉ dẫn con đường sự sống.

Ngài khẳng định rằng “mầu nhiệm thương xót không được cử hành bằng lời nói mà thôi, nhưng nhất là bằng hành động, với một lối sống thực sự từ bi thương xót, với lòng yêu thương vô vị lợi, phục vụ anh em, và chia sẻ chân thành. Đó cũng là lối sống mà Giáo Hội rất mong ước đảm nhận, cả trong nghĩa vụ “cổ võ sự hiệp nhất và tình bác ái giữa con người với nhau” (Nostra Aetate, 1). Lối sống mà các tôn giáo cũng được kêu gọi đón nhận, nhất là thời nay, đó là trở thành sứ giả hòa bình và kiến tạo tình hiệp thông; và khác với những người xách động xung đột, chia rẽ và khép kín, thời nay chính là thời kỳ của tình huynh đệ. Vì thế, điều quan trọng là tìm cách gặp gỡ giữa chúng ta, một cuộc gặp gỡ không có tinh thần tôn giáo hỗn hợp, “làm cho chúng ta cởi mở đối thoại để biết nhau rõ hơn và cảm thông nhau; loại bỏ mọi hình thức khép kín và khinh rẻ, và mọi hình thức bạo lực và kỳ thị” (Misericordiae Vultus, 23).

Đức Thánh Cha cũng nói đến sự dấn thân chung giữa tín đồ các tôn giáo trong lãnh vực bảo vệ thiên nhiên. Ngài nói:

“Lòng thương xót cũng mở rộng cho thế giới chung quanh chúng ta, cho căn nhà chung mà chúng ta được kêu gọi gìn giữ và bảo tồn, chống lại sự tiêu thụ vô độ và ham hố. Chúng ta cần dấn thân giáo dục về sự điều độ và tôn trọng, về một lối sống đơn giản và có trật tự hơn, trong đó chúng ta sử dụng các tài nguyên thiên nhiên một cách khôn ngoan và điều độ, nghĩ đến toàn thể nhân loại và các thế hệ mai sau, chứ không phải chỉ nghĩ đến những lợi lộc của phe nhóm riêng và những lợi lộc của thời nay mà thôi. Đặc biệt ngày nay “cuộc khủng hoảng trầm trọng về môi trường đòi tất cả chúng ta phải nghĩ đến công ích và tiến bước trên con đường đối thoại, vốn đòi phải kiên nhẫn, khổ hạnh và quảng đại” (Laudato sì, 201).

“Con đường này thật là tuyệt vời đối với chúng ta; cần loại bỏ những con đường không có mục tiêu, dẫn đến sự đối nghịch nhau và khép kín. Cần làm sao để đừng xảy ra tệ nạn: các tôn giáo, vì thái độ của một số tín đồ, thông truyền một sứ điệp hỗn độn và trái ngược với sự điệp thương xót. Rất tiếc là không có ngày nào chúng ta không nghe nói về bạo lực, xung đột, bắt cóc, tấn công khủng bố, gây ra các nạn nhân và tàn phá. Và thật là điều kinh khủng khi người ta tìm cách biện minh cho những hành động man rợ như thế nhân danh tôn giáo hoặc nhân danh chính Thiên Chúa...”

15. Đức Hồng Y Trần Nhật Quân thỉnh cầu Tòa Thánh đừng “đầu hàng” Bắc Kinh

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Giám Mục Hương Cảng, đã cảnh báo mạnh mẽ chống lại một thỏa thuận đang được đề xuất, mà ngài lo ngại rằng, sẽ khiến cho chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát và thao túng Giáo Hội Công Giáo.

Giữa lúc có nhiều báo cáo cho thấy một hiệp ước giữa Roma và Bắc Kinh đang sắp xảy ra, trong đó Tòa Thánh sẽ chấp nhận các vị giám mục đã được “tấn phong” bởi bọn cầm quyền Trung Quốc mà không cần sự chuẩn y của Vatican, Đức Giám Mục về hưu của Hương Cảng cảnh báo rằng một thỏa thuận như thế có thể khiến cho Giáo Hội trở nên “hoàn toàn tùng phục một nhà nước vô thần.”

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân bày tỏ lo ngại rằng Vatican đã sẵn sàng nhượng bộ những nguyên tắc quan trọng “với hy vọng đạt được một thỏa thuận.”

Đức Hồng Y cũng thẳng thừng bày tỏ mối nghi ngại về mong muốn rõ rệt của Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đạt được một hiệp ước. “Tôi xin lỗi phải nói rằng dù rất thiện chí, nhưng đôi khi ngài đã làm nhiều điều vô lý”.

Ngài giải thích như sau: “Đức Thánh Cha Phanxicô không có kiến thức thực sự về cộng sản,” Theo Đức Hồng Y, lớn lên tại Á Căn Đình, Đức Giáo Hoàng đã thấy cộng sản như là một đối tượng bị bách hại, chứ không phải là những kẻ khủng bố. Trong khi đó, ở Trung Quốc, Giáo Hội đã phải chịu đựng sự khủng bố của cộng sản.

Theo thỏa thuận được đề xuất, Vatican được tin là sẽ công nhận hầu hết các giám mục được tấn phong bởi chế độ Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh sẽ công nhận quyền của Tòa Thánh bổ nhiệm các giám mục mới. Tuy nhiên, những giám mục sẽ được chọn từ một danh sách do Hội Công Giáo Yêu nước đưa ra. Theo Đức Hồng Y, nếu điều này xảy ra, bọn cầm quyền Trung Quốc có thể kiểm soát các bổ nhiệm Giám Mục và chỉ giới thiệu các ứng viên nào sẵn sàng công nhận uy quyền của chính phủ. Ngoài ra, những thỏa thuận này không đề cập đến tình trạng của các giám mục “thầm lặng” và các linh mục hiện đang chịu sự sách nhiễu của chính phủ, nhiều người đang bị bắt giữ.

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân nhìn nhận rằng hầu hết các giám mục của Giáo Hội Công Giáo “chính thức” được công nhận bởi Bắc Kinh “rất trung thành với Giáo Hội.” Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng họ là những “con rối” của chế độ Bắc Kinh. Đức Hồng Y nói: “Tôi thà rằng không có những giám mục như thế thì hơn”.

Trong một diễn biến liên quan, một linh mục Trung Quốc viết blog dưới một cái tên giả, cũng đưa ra một lý luận tương tự. Ngài viết:

“Nhiều người nói rằng các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Vatican đã đạt được với giá phải trả của Giáo Hội thầm lặng. Trong thực tế, nếu Đức Giáo Hoàng ban cho Bắc Kinh quyền bổ nhiệm giám mục, thì toàn bộ Giáo Hội tại Trung Quốc bị hy sinh. ‘Vì lợi ích của Giáo Hội tại Trung Quốc’ mà chính Giáo Hội tại Trung Quốc bị hy sinh, trao quyền bính thiêng liêng của mình cho một chính phủ vô thần. Tôi không nghĩ rằng Vatican có thể chọn một bước tiến thiếu nghiêm túc như vậy!”

Trong quá trình đàm phán với cộng sản Trung quốc, hiển nhiên là Tòa Thánh không thể công bố hết những chi tiết các thỏa thuận với Bắc Kinh. Điều đó là có thể hiểu được. Tuy nhiên, rõ ràng là những lo ngại của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân và Giáo Hội thầm lặng tại Trung Quốc xuất phát từ một thực tế không thể phủ nhận được là các vị này không hề được hỏi ý kiến bất chấp những kinh nghiệm phong phú của các vị về cộng sản, và về đất nước của chính họ.

16. Liên Hiệp Quốc âu lo về tình trạng dân chúng Mosul trong vùng lửa đạn

Hiện vẫn đang có gần 1.5 triệu người sống trong thành Mosul, là những người có nguy cơ bị kẹt trong một cuộc chiến đô thị tàn bạo. Liên Hiệp Quốc cho biết như trên và cảnh báo về tiềm năng của một cuộc khủng hoảng nhân đạo những người tị nạn chiến cuộc. Trong khi đó, các quan chức Iraq cáo buộc quân khủng bố Hồi Giáo IS đang bắt nhiều thường dân làm bia đỡ đạn.

Phát ngôn viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc là ông Ravina Shamdasani nói hôm thứ Sáu 5 tháng 11 là một ngày trước đó bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã giết chết hàng trăm người, trong đó có 50 chiến binh thánh chiến đào ngũ và 180 người là cựu nhân viên chính phủ Iraq.

Ông Ravina Shamdasani cho biết thêm là “Quân khủng bố Hồi Giáo IS đã vận chuyển 1,600 người từ thị trấn Hammam al-Alil, trong khu vực Tal Afar ở phía tây Mosul, vào trong thành Mosul làm bia đỡ đạn chống lại các cuộc không kích, và nói với người dân trong vùng phải giao cho quân khủng bố Hồi Giáo IS các bé trai trên 9 tuổi để xung vào hàng ngũ các chiến binh thánh chiến”.

Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc nói số người phải di dời từ khi bắt đầu chiến dịch giải phóng Mosul đã tăng lên 30,000. Chỉ riêng trong ngày thứ Sáu 4 tháng 11, 8,000 người đã chạy trốn khỏi các khu vực giao tranh. Hầu hết những người mới đến đến là từ quận Kokjali, nơi quân đội Iraq đã chiếm lại được vào hôm thứ Ba 1 tháng 11.

Các con số người tị nạn này không bao gồm hàng ngàn người dân các thôn làng bị quân khủng bố Hồi Giáo IS buộc phải vào thành Mosul làm bia đỡ đạn cho chúng.

Cư dân Mosul, nói với Reuters qua điện thoại, là quân chiến binh thánh chiến Hồi Giáo IS đã triển khai các bệ phóng tên lửa và súng cối ngay trong các khu dân cư, cả trên mái nhà của họ. Không quân Mỹ trong một trường hợp thương tâm đã tấn công vào một dàn phóng tên lửa của IS khiến cho một gia đình 6 người sống lân cận bị chết thảm.

17. Ngày Năm Thánh dành cho các tù nhân

Hôm Chúa Nhật 6 tháng 11, Đức Thánh Cha đã cử hành ngày năm thánh đặc biệt dành cho các tù nhân với sự tham dự của đông đảo tù nhân và gia đình họ từ khắp nước Ý cũng như các quốc gia lân cận.

Hôm 3/11, trong buổi họp báo trình bày về ngày Năm thánh dành cho tù nhân cũng như ngày Năm Thánh dành cho người vô gia cư vào ngày 13/11, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng, đã nói: “Đây là lần đầu tiên mà một số đông các tù nhân từ các miền nước Ý và các nước khác hiện diện ở đền thờ Thánh Phêrô để cử hành Năm Thánh với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”

Đức Tổng Fisichella cũng nói đến sự quan tâm đặc biệt của Đức Phanxicô dành cho các tù nhân; trong mỗi chuyến đi nước ngoài, Đức Phanxicô lập đi lập lại ý muốn viếng thăm các tù nhân và trao cho họ sứ điệp của sự gần gũi và hy vọng.”

Ngày Năm Thành các tù nhân nhắm đặc biệt đến các tù nhân và gia đình của họ, các nhân viên và các tuyên úy nhà tù, cũng như các hiệp hội trợ giúp hệ thống nhà tù. Đây là một phần trong Năm Thánh Lòng Thương xót được Đức Phanxicô đề ra.

Trong số những người ghi dah tham dự có 4000 tù nhân, trong đó có 1000 tù nhân từ 12 quốc gia, bao gồm Anh, Ý, Latvia, Madagascar, Malaysia, Mêxicô, Hà lan, Tây ban nha, Hoa kỳ, Nam Phi, Thụy điển và Bồ đào nha. Cũng có một đoàn Tin lành Luther từ Thụy Điển. Bên caạnh đó còn có khoảng 50 tù nhân và cựu tù nhân đến từ Hoa kỳ.

Các tù nhân thuộc mọi án tù khác nhau, bao gồm tù nhân vị thành viên, việc tham dự sự kiện này sẽ trao cho họ một tương lai và hy vọng hơn là kết án và thời hạn tù. Sẽ không có sự tham dự của các tử tù.

Các cử hành của ngày Năm thánh tù nhân bắt đầu vào thứ 7, 05/11, với việc chầu Thánh Thể và xưng tội tại một số nhà thờ ở Roma. Cuối cùng là hành trình tiến qua cửa Thánh.

Đền thờ Thánh Phêrô đã được mở cửa lúc 7.30 sáng; lúc 9 giờ đã có các chứng từ của một số người tham dự. Phần chứng từ bao gồm chia sẻ của một tù nhân về kinh nghiệm hoán cải, trong đó nạn nhân cũng sẽ cùng trình bày với tù nhân mà họ đã hòa giải với nhau; một người anh của nạn nhân bị giết sẽ nói về lòng thương xót và tha thứ; một tù nhân trẻ đang thụ án và một cảnh sát nhà tù, người hàng ngày tiếp xúc với các tù nhân.

Sau Thánh lễ có buổi tiếp tân cử hành Lòng Thương xót tại đại thính đường Phaolô VI.

Phần trưng bày các sản phẩm được các tù nhân làm trong nhà tù được đặt tại lâu đài Thiên thần.

Trong Thánh lễ, chính các tù nhân đã hướng dẫn phụng vụ. Mình Thánh được lãnh nhận trong Thánh lễ cũng do chính các tù nhân ở nhà tù Milan thực hiện như một phần của chương trình “Ý nghĩa của Bánh” được tổ chức cho Năm Thánh Lòng Thương xót.

Đức Tổng Fisichella cho biết các tù nhân tham dự được các hội đồng Giám mục và tuyên úy nhà tù chọn. Việc tham dự được Vatican đề nghị và việc họ tham dự là sự đáp lời mời của Đức Giáo Hoàng. Ngài cũng cho biết là mỗi nước có luật riêng để lo liệu việc di chuyển các tù nhân.

Còn ngày dành cho các người vô gia cư vào ngày 13/11 được tổ chức cho những người vì những lý do khác nhau, từ vấn đề kinh tế bấp bênh cho đến các bệnh tật khác nhau, từ sự cô đơn cho đến thiếu những liên hệ gia đình, họ có những khó khăn hòa nhập vào xã hội và thường chọn ở bên lề xã hội, không có nhà hay một nơi để sống. Đã có 6000 người từ các quốc gia trên thế giới ghi danh, bao gồm Pháp, Đức, Bồ đào nha, Anh, Tây ban nha, Ba lan, Hà lan, ý, Hunggari, Slovac, Crôát và Thụy sĩ.

Đức Tổng Fisichella nhận định là hai ngày Năm Thánh dành cho tù nhân và dành cho người vô gia cư sẽ được sống với cùng sự sốt sắng và kinh nghiệm cầu nguyện mà chúng ta đã thấy trong suốt Năm Thánh