Ngày 15-11-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 16/11: Giakêu, người lùn leo cao. Thầy Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
03:23 15/11/2021

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

Đó là lời Chúa
 
Biến Dạng!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:11 15/11/2021
Biến Dạng!

(Thứ Tư sau Chúa Nhật XXXIII TN – Lc 19,11-28)

Tin mừng thánh Matthêu và Luca đều tường thuật dụ ngôn “những nén bạc” (x.Mt 25,14-30; Lc 19,11-27). Có nhiều chi tiết khác nhau giữa bản tường thuật của hai thánh sử. Cả hai thánh sử đều tường thuật rằng có ba người được chủ trước khi đi xa trao lại cho những nén bạc. Theo thánh Matthêu thì người thứ nhất nhận được năm nén, người thứ hai nhận hai nén và người thứ ba nhận một nén. Đến khi chủ trở về hỏi thì người nhận năm nén đã trình báo làm lợi được thêm năm nén khác, người thứ hai làm lợi thêm hai nén. Theo thánh Luca thì cả mười người đều nhận được mỗi người một nén như nhau. Khi vua trở về thì người thứ nhất trình báo là sinh lợi được mười nén, người thứ hai sinh lợi được năm nén. Cả hai Thánh sử đều tường thuật rằng người thứ ba vì khiếp sợ, nghĩ rằng ông chủ là người hà khắc, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo nên đã chôn giấu hoặc bọc trong khăn giữ kỹ nén bạc của chủ mà không làm sinh lợi. Dù không làm thiệt hao vốn chủ giao, nhưng người thứ ba vẫn vị phạt nặng. Và chủ đã phán: “Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời từ miệng anh mà xử anh…”.

Tội của người thứ ba khởi đi từ cái nhìn của anh về chủ của mình. Chân dung của người chủ đã bị biến dạng theo cái nhìn của anh và vì thế anh không có lòng yêu mến chủ. Tâm trí của anh ắp đầy nỗi sợ hãi khiến anh quên mất một cách thế dễ dàng để làm sinh lợi vốn chủ giao là gửi ngân hàng.

Tâm lý sợ hãi khi diện kiến thần minh là tâm lý bình thường của con người, nhất là trước những diễn biến bất thường của giới tự nhiên. dân Chúa trong thời Cựu Ước cũng ít nhiều mang tâm trạng này. Họ vừa kính sợ Thiên Chúa nhưng cũng vừa kinh hãi Đấng Toàn Năng khả úy. Chân dung Thiên Chúa chưa được mạc khải cách hoàn hảo. Đến thế gian này, sứ mạng chủ yếu của Đức Kitô là tỏ bày Đấng Toàn Năng chính là Cha nhân ái. Người vừa nêu gương vừa mời gọi chúng ta đến với Cha Toàn Năng trên trời trong tình con thơ, con thảo. Lời kinh Lạy Cha là một đan cử (x.Mt 6,7-15). Và như thế chúng ta sẽ vượt qua sự sợ hãi và cả sự kính sợ để đến với Người trong tâm tình kính mến. Đây chính là điều mà người thứ nhất và người thứ hai trong chuyện dụ ngôn có được, nhưng người thứ ba thì không. “Phàm ai đã có thì sẽ được cho thêm, còn ai không có có thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi” (Lc 19,26; Mt 25,29).

Nguyên nhân gì khiến cho chân dung Đấng Tạo Thành bị biến dạng? Với người xưa thì có thể là sự hạn chế của trí khôn, sự bất lực của con người trước thiên nhiên. Với người văn mình thì sao? Khoa học dần phát triển, con người ngày càng khám phá và nhận biết khá nhiều quy luật của giới tự nhiên. Dù vậy vẫn tồn tại sự sợ hãi nơi nhiều người có niềm tin tôn giáo. Ngay cả trong Kitô giáo, chân dung của Thiên Chúa Toàn Năng vẫn còn “méo mó” một cách nào đó trong tâm thức của nhiều tín hữu. Trong nhiều lý do thì chúng ta phải thừa nhận một vài lý do sau:

Khuôn mặt của Thiên Chúa được trình bày và giảng dạy như một “vị thần” quá nghiêm khắc qua hệ thống luân lý quá chi li, vụ luật, nghiêng về sự cấm đoán. Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Người, thế mà thực tế có đó chuyện loài người lại phác họa chân dung Thiên Chúa theo hình ảnh của mình. Bên cạnh đó chân dung Đấng Toàn Năng đầy lòng xót thương nơi nhiều đấng bậc được gọi là “thay mặt Chúa” xem ra còn khá mờ nhạt.

Khi đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu đã từng nghiêm khắc phê phán nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Người đã từng thẳng thừng nói các vị tiến sĩ luật rằng chính họ đã không vào Nước Trời mà những người muốn vào họ lại ngăn cản (x.Lc 11,52). Chuyện mù dẫn mù cả hai lăn cù xuống hố là chuyện của kiếp nhân sinh xưa lẫn nay (x.Lc 6,39).

Đó đây có nhận xét rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ở tầm các giáo phận thì “Rôma hơn cả Rôma”. Còn ở tầm các giáo xứ thì chuyện “phép vua thua lệ làng” là không hiếm. Các Giám mục thì đặt nặng sự vâng phục đối với các linh mục hơn là sự cộng tác. Từ đó các linh mục lại đòi hỏi tín hữu giáo dân tuân lệnh hơn là đồng hành hay hiệp hành. Một cách nào đó hình thành nên lối sống đạo nghiêng về sự kính sợ hơn là kính mến. Biên giới giữa sự kính sợ và kinh hãi nhiều khi chỉ là sợi chỉ mong manh. Cụ thể là đa số tín hữu giữ đạo chỉ mong “khỏi sa hỏa ngục” là đã thành công.

Năm Phụng vụ đã dần kết thúc. Các bài đọc Thánh Kinh Giáo hội cho chúng ta nghe trích đọc hướng cái nhìn về thời cánh chung. Chắc chắn rồi mọi người sẽ diện kiến Đấng Toàn Năng. Chúng ta mong gặp Người Cha từ nhân hay là Vị quan tòa hà khắc? Điều này còn tùy thuộc việc chúng ta đã và đang phụng sự ai, tôn thờ ai.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:34 15/11/2021

64. Đau khổ của thế gian là thật, dịu ngọt của nó là giả, âu sầu của nó là chuẩn xác, khoái lạc của nó thì không nhất định, bận bịu của nó là khó nhọc, nghỉ ngơi của nó là không an toàn, hạnh phúc của nó là nhiều bất hạnh, hy vọng của nó là hảo huyền.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:37 15/11/2021
11. HÔI MÙI THỊT NGƯỜI

Đêm đông, một lão phú ông sau khi uống rượu say thì ngủ, đem cái lò sưởi chân bỏ vào trong chăn, không ngờ nửa đêm lò sưởi phát hỏa, đốt cháy chân của ông ta.

Sáng sớm hôm sau, lão phú ông đau quá tỉnh dậy, bèn chửi đứa cháu:

- “Già lão như ta uống nhiều rượu, không biết lửa đốt cháy chân, tụi mày là lũ hậu sinh, lẽ nào không ngửi thấy mùi hôi của thịt người, lỗ mũi tụi bây nghẹt cả rồi à?”

(Tiếu Đảo)

Suy tư 11:

Có những lúc trong gia đình người lớn ỷ vào quyền làm cha mẹ, quyền làm anh chị, quyền vai vế chú bác để la mắng các em nhỏ cách bất công; có những lúc trong Giáo Hội hoặc ngoài xã hội người lớn ỷ làm linh mục, làm bà sơ, ỷ mình làm ông quan này bà trùm nọ để trách mắng cách vô lý người dưới, đó là chuyện bất công và làm cho họ không phục người lớn.

Thiên Chúa đặt để một trật tự tự nhiên là: cha mẹ con cái, người trên kẻ dưới. Để ai làm bề trên, làm người lớn, thì có phận dạy dỗ con em mình và người cấp dưới, nhưng dạy dỗ theo tinh thần Phúc Âm của Chúa Giê-su, tức là lấy chữ yêu thương làm trọng tâm để sửa đổi, dạy bảo, chúc lành và quan tâm, chứ không dạy bảo sửa đổi theo tính ích kỷ của mình...

Thanh thiếu niên rất phục các vị anh hùng, và thần tượng hóa các bậc vĩ nhân, nhưng chúng nó vừa cảm phục vừa yêu mến những người lớn biết khiêm tốn nhận mình sai và biết sửa sai.

“Thượng bất chính, (thì) hạ tắc loạn” là tại vì người lớn dùng uy quyền của mình không đúng chỗ vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ước muốn của trái tim
Lm. Minh Anh
23:09 15/11/2021
ƯỚC MUỐN CỦA TRÁI TIM

“Vì Ngài sắp đi ngang qua đó!”.

Benjamin Franklin nói, “Của cải khiến một người nghèo trở nên giàu có; nhưng sự không hài lòng và thiếu thốn của con tim khiến một người giàu có trở nên nghèo nàn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Sự thiếu thốn của con tim khiến một người giàu có trở nên nghèo nàn!”. Đó cũng là những gì chúng ta gặp thấy nơi Giakêu, một nhân vật độc đáo của Tin Mừng hôm nay; Luca tường thuật cuộc gặp gỡ lạ thường của ông với Chúa Giêsu. Đó là một Giakêu giàu có; vậy mà, tận thâm tâm, ông rất thiếu thốn và nghèo nàn. Chính cái nghèo thiêng liêng đang dằn vặt Giakêu; đúng hơn, chính ‘ước muốn của trái tim’ ông khiến ông khắc khoải bồn chồn; từ đó, ông quyết định đi tìm Chúa Giêsu. Ông leo lên một cây sung, “Vì Ngài sắp đi ngang qua đó!”.

Việc “leo lên cây” của Giakêu đồng nghĩa với việc ông nhận ra những gì mình có đều vô giá trị so với việc được một lần nhìn thấy khuôn mặt Chúa Giêsu và được biết Ngài là ai. Đây là ‘ước muốn của trái tim’ Giakêu mà Chúa Giêsu đã nhận ra; vì thế, Ngài bảo, “Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay, Tôi phải lưu lại nhà ông!”. Những trái tim nghèo khó, thiếu thốn và rộng mở rất hấp dẫn đối với Ngài! Ngài không bao giờ bỏ lỡ cơ hội đến với một tâm hồn khiêm tốn đến như thế. Thực hay mơ? Giakêu không bao giờ tưởng tượng, có một ngày, Chúa Giêsu lại ngỏ ý muốn đến nhà ông. Ông giàu có về vật chất, nhưng xem ra ông không hài lòng với một cuộc sống đơn điệu, dù rất thoải mái của mình; một điều gì đó còn thiếu, và ông không thể không biết rằng, Chúa Giêsu đã nắm giữ câu trả lời. Ngài dừng lại, nhìn lên, gọi ông xuống và nói với ông những lời nghẹt thở đó.

Ngay lập tức, Giakêu đáp lại Chúa Giêsu, ông thay đổi hoàn toàn. Thay vì vun quén thật nhiều tiền, ông lại chia tiền! Ông hứa sửa chữa những sai trái trong quá khứ; ông cho đi một nửa tài sản và đền bù gấp bốn lần bất cứ ai ông đã gây thiệt hại. Thật thú vị, chính điều này tiết lộ tính xác thực ‘ước muốn của trái tim’ trong Giakêu. Phải chăng ông đã nhìn thấy niềm hạnh phúc thật sự trong con người Chúa Giêsu, điều này khiến cho đam mê tiền của chẳng còn hấp lực đối với ông.

Hôm nay, đi ngang qua linh hồn chúng ta, Chúa Giêsu cảm nhận được điều gì? Ngài có bị thu hút bởi ‘ước muốn của trái tim’ chúng ta không; Ngài có bị hấp dẫn bởi sự thiếu thốn và nghèo khó thiêng liêng bên trong chúng ta không? Thật dễ dàng để chúng ta cảm nhận một cuộc sống như thể chúng ta có tất cả. Chúng ta có thể trang trí một ‘mặt tiền’ đường bệ, thể hiện một thái độ mạnh mẽ và thành công; nhưng Chúa Giêsu biết, đàng sau và bên dưới vẻ bề ngoài đó là cái gì. Ngài thường hiếm khi đến với một linh hồn giàu có, ít bày tỏ nhu cầu. Vì vậy, muốn lôi kéo Chúa Giêsu đến với mình, chúng ta phải thừa nhận sự nghèo khó bên trong của bản thân, cả khi chúng ta tự tạm coi như sung túc về vật chất và thành công trên đường đời. Phải hạ mình như Giakêu, may ra chúng ta có một cuộc viếng thăm tương tự của Ngài, hầu có thể tạo nên một sự khác biệt cho linh hồn! Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật ý nghĩa, “Chúa nâng đỡ linh hồn tôi!”, như Ngài đã nâng đỡ linh hồn Êlêazarô, để ông có một trái tim tinh ròng như bài đọc Macabê hôm nay kể lại.

Anh Chị em,

Chỉ “Vì Ngài sắp đi ngang qua đó!” mà Giakêu đã leo lên cao hầu thấy được Chúa Giêsu. Đúng thế, mỗi ngày, Ngài đi qua linh hồn chúng ta khi chúng ta rước Ngài vào lòng; khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa; Ngài đã đi ngang qua ai đó hôm nay và gọi họ xuống để đi theo Ngài trong cơn dịch bệnh này. Và Ngài cũng đang đi ngang qua cuộc đời mỗi người chúng ta ngay hôm nay hoặc một ngày nào đó. Ngài hằng mong mỏi làm sao, cho con tim chúng ta luôn hướng về Ngài, tìm thấy nơi Ngài niềm vui đích thực để dám ‘leo lên cao’ tìm Ngài mỗi ngày. Lúc đó, chẳng những đôi chân chúng ta không còn chạm đất như Giakêu, mà cả con người chúng ta cũng tan biến trong Ngài; đó là lúc mà linh hồn chúng ta được hoà một với Giêsu. Điều đó không chỉ là ‘ước muốn của trái tim’ Giakêu hay của trái tim một ai đó, nhưng là ước muốn của chính Con Thiên Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ ‘ước muốn của trái tim’ con. Xin giúp con hiểu được sự thiếu thốn và nghèo nàn thiêng liêng của mình. Xin hãy đến với con, và tạo nên một sự khác biệt”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giám Mục Ôn Châu bị mời đi uống trà, đã uống xong
Đặng Tự Do
05:20 15/11/2021


Sáng 26 tháng 10, công an Trung Quốc đã bắt giữ Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, (Shao Zhu-min - 邵祝敏) Giám Mục Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, và nói với giáo dân họ mời ngài đi “làm việc” và “uống trà”, từ “10 đến 15 ngày”.

“Làm việc” có nghĩa là thẩm vấn và ép buộc học tập ý thức hệ cộng sản. Lần nào công an Trung Quốc cũng nói đi làm việc trong thời gian ngắn nhưng tháng 5 năm 2017, ngài đã bị bắt và chỉ được thả ra sau 7 tháng bị đưa đi biệt tích.

Các tín hữu của giáo phận đã mời gọi tất cả các cộng đồng và Giáo Hội trên thế giới cầu nguyện cho vị Giám Mục của họ.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đức Cha Phêrô Thiệu đã được trả tự do. Các nguồn tin địa phương đã nói với AsiaNews về sự trở lại của ngài, mặc dù vẫn chưa rõ thời điểm chính quyền Trung Quốc trả tự do cho ngài. Các tín hữu Công Giáo “tạ ơn Chúa” vì mục tử của họ đã trở về nhà của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát bắt vị giám mục. Bị ngược đãi như Đức Cha Giacôbê Lâm Tích Lê (Lin Xili, 林锡黎), giám mục tiên khởi của Ôn Châu, Đức Cha Phêrô Thiệu thường bị bắt đi tẩy não để thúc đẩy ngài gia nhập Giáo Hội “quốc doanh”, do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.

Việc ký kết Thỏa thuận Trung Quốc-Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục vào năm 2018 và được gia hạn vào tháng 10 năm 2020, đã không ngăn chặn được cuộc đàn áp người Công Giáo Trung Quốc, đặc biệt là anh chị em giáo dân thầm lặng.

Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国) là một ví dụ khác. Ngài thường xuyên bị quản thúc tại gia. Cũng có những giám mục khác phải chịu nhiều sự quấy rối khác nhau, chẳng hạn như Đức Cha Quách Hy Cẩm (Guo Xijin, 郭锡进); và các giám mục buộc phải tham gia các phiên họp chính trị như Đức Cha Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱).

Nghiêm trọng nhất là trường hợp Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦). Cuối tháng 10 vừa qua, ngài vừa bị một nhóm người lạ mặt không rõ tung tích tấn công tại Mân Đông, Phúc Kiến. Ngài được tường thuật là chỉ bị thương nhẹ.

Ngay trước khi đại dịch coronavirus bùng phát, ngài đã bị đuổi ra khỏi Tòa Giám Mục và ngủ lang thang đầu đường xó chợ. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho biết cụm từ “ngủ lang thang đầu đường xó chợ” cần phải được hiểu theo nghĩa đen của từ đó. Thật vậy, tháng Giêng, 2020, bọn cầm quyền gắn một tấm bảng phía trước Tòa Giám Mục giải thích rằng tòa nhà không tôn trọng các quy định về phòng chống cháy nổ và do đó phải bị đóng cửa, mặc dù tòa nhà đã được xây dựng với tất cả các giấy phép cần thiết hơn 10 năm trước. Trên thực tế, hoạt động của công an cộng sản là một dấu chỉ bách hại ra mặt và là một nỗ lực nhằm gây áp lực với Đức Giám Mục và các linh mục của ngài vì các vị đã từ chối không chịu gia nhập vào một Giáo Hội độc lập với Vatican.

Từ đó, Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm, nguyên giám mục bản quyền của giáo phận Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建), lâm vào tình cảnh vô gia cư và phải ngủ trên ngưỡng cửa của Tòa Giám Mục và trước cửa các nhà xứ ở thành phố Lạc Giang (Luojiang - 罗江区). Dù lang thang như thế, ngài vẫn không bị covid cắn, nên công an Trung Quốc phải giả dạng côn đồ cắn phụ.

Sự đàn áp của Bắc Kinh còn kéo dài đến cả những người theo đạo Tin lành. Trong những ngày gần đây, ChinaAid đã hướng sự chú ý của công luận đến trường hợp của Mục sư Vương Nghị (Wang Yi, 王毅), bị kết án vào ngày 30 tháng 12 năm 2019 với bản án 9 năm tù vì tội “hoạt động chống lại quyền lực nhà nước” và các tội danh khác. Từng là nhà hoạt động dân chủ vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn, Vương Nghị cải đạo sang Kitô giáo và trở thành mục sư của Nhà thờ Sơ Vũ (Early Rain, 初雨), nghĩa là “Mưa Sớm”, có ít nhất 500 thành viên ở Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

Trong một tweet được đăng vào ngày 8 tháng 11, Lord David Alton đã lên án việc Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đàn áp Nhà thờ Sơ Vũ. Ông nhớ lại rằng Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về các vụ bắt giữ tùy tiện đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho mục sư Vương.
Source:Asia News
 
Tiến sĩ George Weigel: Một lần nữa nói về các Giám mục, những công chức, và việc Rước lễ
J.B. Đặng Minh An
05:22 15/11/2021


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trước thềm cuộc họp khoáng đại của các Giám Mục Hoa Kỳ, hôm 11 tháng 11, ông đã có một bài nhận định nhan đề “Bishops, Public Officials, and Holy Communion: Once Again”, nghĩa là “Một lần nữa nói về các Giám mục, những công chức, và việc Rước lễ.”

Tại Hoa Kỳ có hai tờ báo có tên khá giống nhau là National Catholic Register, với chủ trương phò sinh và đề cao các giáo huấn của Giáo Hội; và một tờ khác là National Catholic Reporter, với chủ trương phò lựa chọn, hay pro-choice, hay nói cụ thể là phò phá thai. Trong những ngày này, National Catholic Reporter tung ra luận điểm cho rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đang vũ khí hóa bí tích Thánh Thể để chống lại cá nhân ông Joe Biden và bà Nancy Pelosi.

Trong bài này, Tiến sĩ George Weigel, giải thích lập trường của các Giám Mục Hoa Kỳ. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Khi Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ chuẩn bị nhóm họp tại Baltimore, các quan niệm sai lầm về một dự thảo tuyên bố của hội nghị liên quan đến sức sống thánh thể và tính toàn vẹn của Giáo hội ở Hoa Kỳ đã bùng lên. Sự nhầm lẫn bắt nguồn từ các nguồn tin Công Giáo trực tuyến và các phương tiện truyền thông xã hội, đã trở nên trầm trọng hơn bởi một cơ quan báo chí luôn xuyên tạc những gì các giám mục đang làm. Tôi hy vọng những điều làm rõ sau đây là hữu ích.

Dự thảo tuyên bố không nhắm chủ yếu vào các chính trị gia. Giáo Hội Công Giáo là một Giáo Hội thánh thể; như Thánh Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp cuối cùng của ngài, “Giáo hội kín múc sự sống của mình từ Bí tích Thánh Thể”. Khi niềm tin Công Giáo vào mầu nhiệm Thánh Thể - tức là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô giữa chúng ta – phai nhạt, thì Giáo hội sẽ tàn lụi. Khi việc thực hành thánh thể sa sút, Giáo hội mắc phải căn bệnh hao mòn. Đức tin thánh thể nhạt nhòa và thực hành thánh thể lỏng lẻo đã là những nét đặc trưng của đời sống Công Giáo Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ. Các giám mục đã quyết tâm giải quyết “tình trạng thâm hụt thánh thể” này trước khi COVID-19 đẩy nhanh sự sụt giảm số lượng người tham dự Thánh lễ, trước cả khi ông Biden được tuyên bố là ứng cử viên tổng thống, và trước khi bà Pelosi định nghĩa lại việc giết thai nhi là “chăm sóc sức khỏe sinh sản”.

Bất cứ điều gì các giám mục nói về hoàn cảnh giáo hội và cá nhân của các quan chức Công Giáo có những hành động phủ nhận những chân lý thiết yếu, đã được dạy dỗ dứt khoát của đức tin Công Giáo, đều đã được đề cập đến trong bối cảnh rộng lớn hơn, đó là là sự háo hức của các giám mục trong việc phục hồi sức sống và lòng tôn kính Thánh Thể trong toàn Giáo hội. Tuy nhiên, việc hồi sinh một Giáo hội thánh thể đòi hỏi những người trong Giáo hội phải có một sự rõ ràng mới về bản chất của cộng đồng thánh thể — và những hành động nào khiến người Công Giáo xa lánh thánh thể.

Các giám mục không bao giờ có ý định đưa ra một tuyên bố “từ chối” Rước lễ cho Tổng thống Biden. Câu thần chú trên phương tiện truyền thông rằng “một số giám mục bảo thủ” muốn “từ chối” việc rước lễ cho Tổng thống Biden đã được lặp đi lặp lại thường xuyên đến mức làm cho người ta tin là thật. Không phải như thế, và chưa bao giờ như thế. Sự thật thẳng thắn của vấn đề là Điều 1405 của Bộ Giáo luật trong đó trao cho Đức Giáo Hoàng quyền áp đặt các hình phạt của giáo hội đối với các nguyên thủ quốc gia. Nhưng điều đó không hề kết thúc vấn đề: không hề.

Vấn đề xứng đáng để Rước Lễ không chỉ giới hạn trong câu hỏi liệu ai đó có đang ở trong tình trạng mắc tội trọng hay không. Chẳng có tin tức nào nói rằng quan niệm về tội trọng đã bị suy giảm nghiêm trọng trong Giáo Hội Công Giáo ở thế kỷ 21. Và điều chắc chắn đúng là, nếu ý thức mình đang ở trong tình trạng tội trọng, người ta nên tìm kiếm sự hòa giải với Thiên Chúa và Hội Thánh qua bí tích hòa giải trước khi rước lễ; đây là nền tảng của đạo Công Giáo, bắt nguồn từ thư thứ nhất của Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Cô-rinh-tô (1 Cr 11: 27–29): “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống bất xứng với Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”. Nhưng sự thiếu hiểu biết hoặc không có khả năng phán đoán về trí tuệ và đạo đức có thể khiến những người thiếu năng lực như vậy không mắc phạm tội trọng. Vì vậy, vấn đề xứng đáng để rước lễ không nên chỉ đóng khung trong phạm vi tội trọng.

Hơn nữa, đó không phải chỉ là vấn đề với các quan chức Công Giáo, những người có hành động cố ý thúc đẩy văn hóa cái chết. Không ai biết liệu những người đàn ông và đàn bà này có đang ở trong tình trạng trọng tội hay không. Những gì chúng ta biết, và những gì chúng ta không thể nào mà lại không biết, là những người đàn ông và đàn bà này đã tuyên bố, bằng những hành động công khai của họ, rằng họ không hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo. Đó là lý do tại sao, vì sự liêm chính của mình, họ không nên ra mặt để rước lễ. Nếu họ ngoan cố cứ làm như vậy, ngay cả khi đã được hướng dẫn và khuyên bảo thích hợp, thì các mục tử của Hội Thánh nên hướng dẫn họ không được hành động trong Thánh Lễ như thể họ đang hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh.

Các sự kiện gần đây ở Rôma không có gì thay đổi. Bất kể Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói gì hay không nói gì vào ngày 29 tháng 10 với Tổng thống Biden - người đã được biết đến với các thành tích xuyên tạc trước đây - vấn đề cơ bản trước các giám mục vẫn là sức sống thánh thể của Giáo hội tại Hoa Kỳ. Để tái lập một đạo Công Giáo sôi nổi về thánh thể sẽ mất nhiều năm dạy giáo lý và rao giảng hiệu quả, và những nỗ lực đó không thể bắt đầu ngay. Tuy nhiên, việc phục hưng Thánh Thể sẽ bị cản trở nghiêm trọng, nếu các giám mục không thẳng thắn giải quyết việc rước lễ bởi những người không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội — và kêu gọi những người Công Giáo lạc đàn này ăn năn và hoán cải sâu sắc hơn với Chúa, điều này sẽ cho phép họ rước lễ một cách toàn vẹn với tư cách là những chi thể được hòa giải trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Source:First Things
 
Khuôn mặt của những người hành hương với Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
05:23 15/11/2021


Michel, Louis, Véronique, Dalhia, Aloïs là năm người đang hành hương ở Assisi với Đức Thánh Cha Phanxicô. Cuộc sống hàng ngày của họ bị đè nặng với nhiều thử thách khác nhau, nhưng hôm nay, là một phần của Ngày Thế Giới Người Nghèo, họ đang cầu nguyện theo bước chân của Thánh Phanxicô, với vị Giáo hoàng tên là Phanxicô.

Năm người này nằm trong số 500 người có mặt tại Assisi vào ngày 12 tháng 11, đến từ khắp Âu Châu, được hỗ trợ bởi các chương trình xã hội khác nhau của Giáo hội.

Họ là thành viên của một nhóm người Pháp và Thụy Sĩ đã nói chuyện với I.Media về niềm vui và kỳ vọng của họ.

Michel cho biết: Tôi rất kính trọng Thánh Phanxicô.

Ở tuổi 45, Michel cho biết anh ấy có một cuộc sống phức tạp. Anh mắc chứng tâm thần phân liệt và được chăm sóc tại bệnh viện. Anh ta là một người nghiện ma túy trong 35 năm. “Bây giờ tôi rất tỉnh táo,” anh giải thích. Cách đây vài tháng, người đàn ông đã có một trải nghiệm rất đơn giản khiến anh ta tiếp xúc với Hiệp hội Magdalena, một hiệp hội giúp đỡ gái mại dâm và những người sống trên đường phố.

“Tôi đang ở trong một siêu thị và đề nghị giúp một phụ nữ trẻ xách túi. Cô ấy là một tình nguyện viên trong hiệp hội này và đề nghị tôi nên đến”. Khi làm như vậy, Michel đã khám phá ra tình anh em và tìm lại niềm tin. “Tôi đã được rửa tội nhưng không thực hành. Ở tuổi 44, tôi mới bắt đầu đến nhà thờ”.

Anh ấy chia sẻ rằng anh ấy rất vui khi được cùng nhóm Marseille đến thành phố Assisi để gặp Đức Giáo Hoàng. “Tôi rất kính trọng Thánh Phanxicô, người có thể sống xa hoa trong giai cấp tư sản nhưng đã từ bỏ mọi thứ.”

Nếu anh ấy có một lời muốn nói với Đức Giáo Hoàng thì đó sẽ là: “Hãy cầu nguyện để xoa dịu linh hồn của những người đang đau khổ.”

Louis: Một cuộc hành hương của sự đổi mới

Từng là một người vô gia cư ở Paris, Louis bắt đầu đến với Hiệp hội Fratello. Phải nói rằng cuộc gặp gỡ của ông vào năm 2016 với Đức Thánh Cha Phanxicô thông qua hiệp hội đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của ông. “Tôi đến để đánh thức lại sự kiện mà tôi đã trải qua với Đức Giáo Hoàng,” người đàn ông 54 tuổi giải thích. “Thực tế, sau cuộc gặp gỡ đó, tôi đã tìm được việc làm trở lại. Tôi là tài xế”.

Nếu anh ấy có một lời muốn nói với Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi xin ngài ban phước lành cho tất cả nhân loại.”

Véronique: Chúng tôi là những đứa trẻ của ngài

Ngồi bên cạnh Jean, Dalhia và Michelle, Véronique cười kể lại chuyến xe buýt kéo dài 24 giờ mà nhóm của cô, Hiệp hội Tình bạn, đã phải chịu đựng để đến gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Chúng tôi đã đến gặp ngài cùng với Fratello. Đó là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời”, cô giải thích. Đối với cô, đó là một cơ hội để tìm thấy Chúa. “Ngài nói với chúng tôi rằng khi có hai hoặc ba người trong chúng tôi cầu nguyện, Chúa đang ở giữa chúng tôi… Với Fratello, đó là sự hiệp thông, chúng tôi ứa nước mắt”, Dalhia nói. “Đó là sự đơn giản của Chúa. Chúng tôi là những người nhỏ bé của Chúa và chúng tôi muốn ánh sáng đến và phản chiếu tâm hồn chúng tôi”.

Nếu Veronique có lời muốn nói với Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi có một lá thư từ Nữ tu Bác ái Truyền giáo của Mẹ Teresa gửi cho ngài. Còn tôi thì sao? Một nụ cười… lời cầu nguyện của tôi và lời chúc phúc của Đức Thánh Cha”.

Aloïs: Đến đây thật nhẹ nhàng sau một năm khó khăn

Aloïs là người Thụy Sĩ và đến với một nhóm từ bang Vaud và Neuchâtel. Trong số đó, những người có hoàn cảnh bấp bênh, tâm lý mong manh, cô đơn, hoặc mới ra tù. Người đàn ông 65 tuổi đến từ Leysin cho biết: “Tôi đã mắc một căn bệnh nghiêm trọng khi còn trẻ do ăn dâu rừng, bệnh echinococcosis, giống như bệnh vàng da. Họ đã cắt bỏ một nửa lá gan của tôi,” anh ấy tâm sự rằng anh ấy đã bị tái phát gần đây. Góa vợ vào năm 2008, anh vừa trải qua một thử thách mới vào tháng 2 năm ngoái với cái chết của cha mình. “Đến đây là nhẹ nhàng sau một năm khó khăn. Với niềm tin, với Fratello, một con đường sẽ mở ra. Tôi đã chờ đợi giây phút này rất lâu rồi.

Nếu có lời muốn nói với Đức Thánh Cha Phanxicô, Aloïs nói: “Xin ngài cầu nguyện cho những người nghèo, những người không thể đứng dậy, những người đang nằm viện và đau đớn”.
Source:Aleteia
 
Phiên họp Mùa Thu năm 2021 của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã chính thức bắt đầu tại Baltimore
Vũ Văn An
19:11 15/11/2021

Theo tin Aleteia, phiên khoáng đại mùa Thu năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã chính thức khai mạc tại Baltimore, nhưng ngày đầu tiên diễn ra trong cảnh cửa đóng then cài. Điều này được xác nhận vì trang mạng của Hội Đồng, tuy cho biết hội nghị sẽ kéo dài từ 15 đến 18 tháng 11, nhưng không có chi tiết nào về họp hành cho ngày 15/11 cả, trừ Thánh Lễ tại Đền Thánh Đức Mẹ Toàn Quốc ở Washington D.C.



Theo Aleteia, thì ngày 15/11 là phiên họp “executive” [dành cho ban lãnh đạo?] không có sự chứng kiến của công chúng hay giới truyền thông.

Rất có thể, Aleteia suy đoán, tập chú chính của các nghị bàn ngày đầu tiên là dự thảo văn kiện liên quan đến Bí tích Thánh Thể. Điều chắc chắn đây là tập chú hàng đầu của giới truyền thông, là giới vẫn thường suy diễn khả thể các Giám Mục sẽ bỏ phiếu không cho Joe Biden rước lễ vì đã nhiệt liệt bênh vực quyền phá thai, một thứ “quyền” quái gở được khử trừ các sinh mạng hoàn toàn vô tội.

Tờ báo cho rằng điều ấy phần chắc sẽ không xẩy ra vì các Giám Mục đã nhất quán bác bỏ bất cứ bản chất chính trị nào của dự thảo văn kiện. Đúng hơn, đây là một văn kiện giáo huấn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đức tin ngày một lớn rộng nơi các tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ.

Điều trên được tờ The Pillar tường trình đầu tháng 11 này trong bài “USCCB Eucharist draft document focuses on real presence, not Communion denial” [Dự thảo văn kiện của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tập chú vào sự hiện diện đích thực, không phải bác bỏ rước lễ].

Thực thế, văn kiện với tựa đề “The Mystery of the Eucharist in the Life of the Church” [Mầu nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Giáo Hội] là một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm cổ vũ việc phục hồi lòng sùng kính Thánh Thể, được cụ thể hóa qua một đề nghị tổ chức một đại hội Thánh Thể toàn quốc vào năm 2024.

Theo dự thảo trên, thần học Thánh Thể sẽ được đào sâu cùng với việc tái xác nhận giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, một giáo huấn minh nhiên dạy rằng bất cứ ai đang trong tình trạng mắc tội trọng không nên rước lễ.

Văn kiện trích dẫn điều vốn gọi là Văn kiện Aparecida của Hội Nghị Toàn Thể Lần Thứ 5 các Giám Mục Châu Mỹ Latinh và vùng Caribbes, mà có nguồn tin cho Đức Hồng Y Bergoglio, tức Đức Đương kim Giáo Hoàng, là người soạn thảo. Văn kiện này cho rằng “Tín hữu giáo dân nào thi hành một hình thức thẩm quyền công cộng nào đó đều có trách nhiệm đặc biệt phải hiện thân giáo huấn của Giáo Hội trong việc họ phục vụ ích chung”.

Nó cũng trích dẫn lại điều Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tuyên bố vào năm 2006:

“Nếu một người Công Giáo, trong đời sống bản thân và nghề nghiệp, bác bỏ các tín lý đã được định tín của Giáo Hội một cách hữu ý và ương ngạnh hoặc bác bỏ giáo huấn dứt khoát của Giáo Hội về các vấn đề luân lý một cách hữu ý và ương ngạnh, bất kể cách nào, họ cũng đã giảm thiểu một cách nhiêm trọng sự hiệp thông của họ với Giáo Hội. Trong trường hợp như thế, việc Rước Lễ sẽ không phù hợp với bản chất việc cử hành Thánh Thể, đến độ họ nên tự chế [không lãnh nhận]”.

Dự thảo văn kiện quả quyết, “Người nào Rước Lễ trong lúc còn ở trong tình trạng tội trọng không những không nhận được ơn thánh của bí tích, mà còn phạm tội phạm thánh vì không tỏ lòng tôn kính phải có đối với Mình và Máu Thánh Chúa Kitô”.

Không phải lỗi “bị ám ảnh” của các Giám Mục Hoa Kỳ

Tuy nhiên, cung cách “họp kín” khi thảo luận dự thảo văn kiện trên là điều đáng lưu ý. Rất có thể, như nhận định của CNA, “các Giám Mục sẽ tu chính văn kiện trước khi đem ra bỏ phiếu”. Ít nhất, cũng theo CNA, các ngài có dịp thảo luận vấn đề một cách tự do và cởi mở [xin xem https://www.catholicnewsagency.com/news/249583/bishops-fall-assembly-baltimore].

Nếu các vị Giám Mục Hoa Kỳ có thảo luận việc ngăn cấm các chính trị gia tích cực và triệt để bảo vệ phá thai ở trong nước và ngoại quốc như Joe Biden và Nancy Pelosi, đi ngược hẳn giáo huấn của Giáo Hội một cách hữu ý và ương ngạnh, thì điều này không hẳn là vì các ngài muốn vậy cho bằng các ngài bị dồn vào thế phải làm như thế.

Đó là nhận định của Ban Biên Tập tờ National Catholic Register (https://www.ncregister.com/commentaries/the-us-bishops-and-the-communion-controversy-blame-biden-pelosi-and-the-media).

Theo bài nhận định trên, không phải các giám mục đang áp đặt cuộc tranh luận về vấn đề này tại hội nghị. Vấn đề được đặt ra bởi những chính trị gia cố chấp không chịu cải tạo lương tâm và hối cải việc họ ủng hộ tệ nạn phá thai - một tai họa đã gây ra cái chết của hơn 60 triệu thai nhi vô tội trong nửa thế kỷ nay, kể từ khi phá thai được hợp pháp hóa ở Hoa Kỳ.

Hơn nữa, như đã được cung cấp tài liệu nhiều lần trong các trang này trong suốt năm nay, không thể tránh né vấn đề này vì hành động của hai chính trị gia Công Giáo nổi bật nhất trong nước, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Kể từ khi Biden trở thành tổng thống vào tháng Giêng, được hỗ trợ và tiếp tay bởi các hành động của Pelosi tại Quốc hội, ông đã tìm cách thúc đẩy nghị trình ủng hộ phá thai hiện tại của Đảng Dân chủ, đó là việc mở rộng cực đoan nhất của cái gọi là quyền phá thai trong lịch sử quốc gia Hoa Kỳ.

Cả Biden lẫn Pelosi đều không có chút ân hận nào về việc tiếp tục quảng cáo mình là những người Công Giáo sùng đạo, tham dự Thánh lễ, bất chấp sự vi phạm chính trị sâu sắc vào giáo huấn của Giáo hội về điều mà các giám mục Hoa Kỳ gọi là “vấn đề đạo đức nổi bật của thời đại chúng ta”. Vào tháng 10, cả hai chính trị gia đã nhấn mạnh sẽ đến Rome để gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm phô trương các khả tín Công Giáo của họ, nêu bật các lĩnh vực mà quan điểm chính trị của họ phù hợp với quan điểm của Giáo hội, đồng thời né tránh các nỗ lực của các phương tiện truyền thông Công Giáo trung thành nhằm chất vấn họ về việc tại sao họ lại phớt lờ lập trường của Đức Thánh Cha coi việc phá thai như một hình thức giết người.

Rõ ràng, bằng chính những hành động của mình, Biden và Pelosi - cùng với các chính trị gia Công Giáo khác của Hoa Kỳ, những người tương tự thúc đẩy việc tiến hành phá thai hợp pháp và vẫn tự nguyện rước lễ - đang buộc các giám mục của Hoa Kỳ giải quyết tình trạng thiếu nhất quán về Thánh Thể của họ. Đó là lý do tại sao hội đồng giám mục đã bắt đầu lại cuộc thảo luận.

Các phương tiện truyền thông tin tức thế tục tiếp tục lan truyền tin đồn rằng chính các giám mục đang “ám ảnh” về vấn đề này, trong khi bất cứ ai có mắt để thấy, có tai để nghe đều cho rằng đó là lỗi của những người Công Giáo này trong cuộc sống công cộng, những người đã đặt mình quá đỗi ra ngoài sự hiệp thông với những gì Giáo hội của họ công bố về tính thánh thiêng của sự sống, bao gồm cả những người chưa sinh.

Tờ National Catholic Register nhấn mạnh rằng, tuy Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ không minh nhiên ngăn cấm, nhưng chính các chính trị gia phò phá thai phải tự ra kỷ luật cho mình, tránh xa đường tiến lên Rước lễ, vì họ không thể có lý do chính đáng nào nữa để khăng khăng cho rằng quan điểm ủng hộ phá thai của họ là quan điểm được chấp nhận là Công Giáo.

Có lẽ hy vọng quá chăng rằng các chính trị gia Công Giáo như vậy sẽ bị lung lay bởi liều thuốc tự hạn chế liên quan đến việc ủng hộ phá thai hợp pháp của họ. Nhưng đừng chỉ trích các giám mục nếu vấn đề rước lễ làm lu mờ những điều khác trong chương trình nghị sự tại cuộc họp ở Baltimore. Lỗi nằm ở việc các phương tiện truyền thông liên tục xuyên tạc vấn đề - và thậm chí nhiều hơn nữa, ở Joe Biden, Nancy Pelosi và các chính trị gia Công Giáo nổi bật khác, những người tiếp tục gây tai tiếng cho các tín hữu bởi sự ủng hộ không nhất quán của họ đối với việc phá thai hợp pháp.
 
Văn Hóa
Hành trình tới đạo Thiên Chúa của nhà thơ nổi tiếng Nguyên Sa, từ một chứng từ trong bài viết: Kính Mừng Maria
Nguyễn Văn Lục
09:46 15/11/2021
Hành trình tới đạo Thiên Chúa giáo của nhà thơ nổi tiếng Nguyên Sa, từ một chứng từ trong bài viết: Kính Mừng Maria

Bản thân người viết bài này có thể không mấy khó khăn khi viết về văn học, báo chí, và triết lý của nhà thơ, nhà giáo Nguyên Sa. Nhưng viết về niềm tin tôn giáo - dù là thân thuộc - cũng thấy quả là không dễ.

Vì nó thuộc niềm tin của một con người.

Thú thật, trong nhiều năm trời, kẻ viết bài này không mấy lưu tâm tới vấn đề này; và tự thâm tâm, thấy không là điều thiết yếu trong việc tìm hiểu. Nhưng xem xét cuộc đời Nguyên Sa thì phải chăng, đó lại là điều căn thiết nhất?

Trong bài nhan đề: Kính Mừng Maria, tác giả Nguyên Sa viết nửa như dỡn đùa, nghịch ngợm của thời nhỏ đi học, thập niên 1940, ở Hà Nội. Nó cho ta có cảm tưởng như từ vô thức trở thành ý thức. Từ bên ngoài mà từ lúc nào đó thẩm nhập vào bên trong. Và từ những kinh nghiệm bản thân qua những chuỗi khó khăn của cuộc đời, nó trở thành niềm xác tín không hay. Tôi không lý giải và cũng không biết được điều gì của chính tác giả đi từ điểm A đến điểm B.

Chỉ xin ghi lại một mảnh trong kiếp phù sinh của tác giả. Và cả bà Trịnh Thuý Nga, phu nhân của tác giả, nay cũng trở thành tín đồ nhiệt thành. (Trước 1975, bà Thuý Nga là hiệu trưởng trường Trung học Văn Học ở Sài Gòn).

Phải chăng đó là những kinh nghiệm siêu hình bất chợt trong cuộc hành trình dương thế?

Câu hỏi như thế đã ngầm ý câu trả lời.

Hồi đó, ông học lớp Nhì A, trường Việt với Sư huynh «Đờ Ni» (Denis), ông này có một miếng vải trắng đeo trước ngực, học sinh gọi đùa là cái yếm. Sư huynh dùng thước kẻ để phạt. Ông bắt úp tay xuống đàng hoàng rồi mới khỏ. Không thuộc bài, ba quả. Không thuộc giáo lý, năm quả. Đánh nhau, 10 quả. Ông còn kể lại: Bố ông xin cho ông vào trường Puginier vì «vì mày cứ đánh nhau suốt ngày, phải cho vào trường «phe» (frère) để các ông «phe» các ông ấy trị.»

Ông còn kể, hồi học trường Việt: Khi Đồng Minh bỏ bom, sư huynh dẫn các học sinh ra hầm trú ẩn. Bên đối diện là phe trường Tây. Thường mỗi buổi trưa thứ Sáu, «phe» giữ Nguyên Sa lại, rồi kể «chuyện Thánh» cho Nguyên Sa nghe. Mà nếu có mặt Duyên Anh sẽ kêu lên là «hay tuyệt cú mèo». Như chuyện ông Môi-Xe dẫn đoàn lưu vong về đất hứa. Môi-Xe làm ra mưa, ngăn đôi dòng biển chảy xiết. Chuyện bà thánh Ma đơ len bị ném đá. Chuyện Ba vua. «Phe» nhắm mắt kinh khủng khi nói về Lu-ci-phe. Nhưng ông cười rạng rỡ khi kể các chiến thắng của các thiên thần..

Ông tâm sự: Câu chuyện về Kinh Kính Mừng do “phe” kể đã ghi những vết sâu đậm trong tâm hồn tôi. Đó là chuyện một anh chàng bê tha, hư hỏng, cờ bạc trai gái tội lỗi đầy đầu, mà toàn tội trọng, nhưng anh chàng tội lỗi này tối nào đi ngủ cũng đọc ba kinh Kính Mừng. Bạn của chàng này cũng hư hỏng không kém. Kinh Kính mừng không đọc bao giờ. Còn anh thứ nhất, sau những cuộc truy hoan trở về nhà, dù mệt mỏi đến đâu, anh cũng mắt nhắm, mắt mở đọc xong ba kinh Kính Mừng rồi mới đi ngủ. Cả hai bị nạn và ngắc ngoải. Anh tội lỗi không đọc kinh chết ngay ít phút sau đó, không kịp cha đến làm lễ giải tội cuối cùng. Anh đọc kinh Kính Mừng được ơn lành cửa Đức Mẹ đồng trinh nên khi cha đến giải tội lúc anh còn sống. Anh lên thiên đường đương nhiên. Còn anh phải xuống kia hỏa ngục đời đời. Sư huynh Denis ngồi với tôi trưa thứ Sáu, khi các bạn đã về hết, ông cầm lấy tay tôi, ông đọc trước, tôi lập lại: «Kính mừng Maria đầy ơn… phước»; ông đọc: “Đức Chúa Lời ở cùng bà…”, tôi lặp lại: «Đức Chúa Lời ở cùng Bà…»

Sau này, sư huynh Denis “xuất” năm 1945, rồi đi vào Nam trong đoàn quân Nam tiến để tổ chức “chống” Pháp. Khi về hưu, “phe” (frère) lúc đó đã già lắm, tóc rụng gần hết, gần như liệt, về sống ở Hạnh Thông Tây và qua đời tại đây. Trước đó, một anh bạn học cũ lớp Nhì A, trường Puginier Hà Nội vào năm 1960, thường quyên góp tiền bạn bè cũ để giúp đỡ “phe”. Tôi cũng đóng góp vui vẻ.

Ông nhớ lại, chính “phe” Denis dạy Trần Bích Lan (Nguyên Sa) kinh Kính Mừng. Và khi biết tin “phe” qua đời, Nguyên Sa đã tìm một góc tối đọc ba kinh Kính Mừng cầu xin Ơn Trên cho “phe”.

Ông cũng nhớ câu chuyện xẩy ra khi chuyến bay C141 bắt đầu lăn khỏi phi đạo Tân Sơn Nhứt cách đây hơn 8 năm. (Tôi còn nhớ gặp Nguyên Sa một hai tuần trước biến cố 1975. Sau đó, tôi đến trường Văn Học, thấy trường vắng hoe. Người gác trường cho biết, ông Lan và gia đình đã rời VN rồi. NVL)

Tiếng động cơ vang động, những rứt bỏ đứt ruột, tôi cất tiếng “Kính Mừng Maria”. Khi chiếc phi cơ di tản đã ở trên trời cao, vợ tôi cầm tay tôi hỏi: “Hồi nãy, anh đọc cái gì thế?”. Tôi trả lời: “Anh đọc kinh”. “ Kinh gì thế?” “Kinh Kính Mừng.” Vợ tôi trợn tròn mắt kinh ngạc hỏi: “Kinh đó anh học từ bao giờ.” Tôi không trả lời. Tôi chậm rãi đọc: “Kính mừng Maria đầy ơn phước. Đức Chúa Lời ở cùng Bà...”. “ Đức Chúa Lời ở cùng Bà...” Vợ tôi lặp lại, với ngạc nhiên, mỗi lúc lắng xuống. “Kính mừng Maria đầy ơn phước. Đức Chúa Lời ở cùng Bà…”. “ Đức Chúa Lời ở Cùng Bà...”

Khi tôi ngó xuống, đảo Guam đã hiện ra phía dưới. (Gia đình Nguyên Sa ghé qua đảo Guam, sau đó chọn lựa đến Pháp. Ông ở lại Pháp 3 năm, sau đó quyết định dọn về ở California cho đến cuối đời. NVL)

Câu chuyện Nguyên Sa chỉ là những cảm nghiệm riêng mà người Thiên Chúa giáo có thể dễ dàng chia xẻ. Sau đây, xin ghi lại ít dòng về cảm nghiệm tôn giáo của Nguyên Sa, trích trong cuốn sách của tác giả Nguyễn Đức Tuyên: Hành Trình Đức tin. Những trường hợp vô đạo Chúa. 2014.

Trong một bài thơ có tên Mật Khẩu mà nội dung có vẻ như nhân cách hóa Thượng Đế thường đến với ông bất chợt.

“ Ngày nào Thượng Đế cũng tới

Giờ khắc bất định

Nhưng ngày nào ông cũng tới ít nhất một lần

Ngày nào ông cũng mở banh lồng ngực tôi ra

Thản nhiên bước vào trong

Tôi không biết ông đi vào tim

Hay ông đi vào phổi…

Nhận xét: Cảm thức về Thượng Đế như thế một con người quyền uy chợt đến, chợt đi… Đó là cảm nghiệm của riêng từng người. Mỗi người chia xẻ một cảm nghiệm con đường dẫn đưa tới Chúa. Tuy nhiên, từ lúc làm bài thơ này đến lúc Nguyên Sa quyết định chịu phép Thánh Tẩy, thời gian kéo dài trong bao lâu?

Chỉ biết rằng, theo lời kể lại của Linh mục Phạm Ngọc Hùng, cha xứ tại thánh đường Polycarp, Orange, California: vào một buổi tối khuya, có anh thanh niên đến gõ cửa xin linh mục đi làm phép Thánh Tẩy cho một bệnh nhân muốn tin nhận đạo Chúa. Sau đó, vị linh mục được biết thanh niên ấy là con trai của Nguyên Sa, anh ta là một bác sĩ.

Khi đến nơi, nhìn thấy họ hàng, bạn bè quây quần chung quanh. Linh mục đã nói với Nguyên Sa:

“Thưa bác, bác còn đang yếu, xin bác cứ ngồi trên ghế để con cử hành nghi thức Thánh Tẩy cho bác.”

Nhà thơ trả lời: “Để tỏ sự kính trọng đối với một bí tích, xin cha cứ để con quỳ xuống, không sao.”

Trong lễ nghi an táng nhà thơ Nguyên Sa, có Linh mục Thomas Đỗ Thanh Hà và Linh mục Vincent Phạm Ngọc Hùng cùng các quý cha, quý nam nữ tu sĩ, các Ban chấp hành cộng đoàn, các đoàn thể, các ca đoàn, các quý quan khách, quý vị văn nghệ sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Phải nói, cuộc đời thi sĩ Nguyên Sa là một đời sống trọn vẹn. Trọn vẹn với gia đình, với vợ con, với bạn bè trong suốt cuộc đời làm đẹp cho đời và tranh đấu dấn thân cho xã hội, cho đất nước. Chẳng những Nguyên Sa nổi tiếng lãng mạn trong Thơ, ông còn lãng mạn trong tình yêu đối vối phu nhân ông là bà Trịnh Thuý Nga. Ông bà đã sống trọn tình trọn nghĩa với nhau trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Khi nhà thơ qua đời, bà Thuý Nga vẫn hằng ngày ra thăm viếng mộ phần ông và bên mộ phần ông, bà dâng lời nguyện cầu thiết tha xin Thiên Chúa đón nhận ông vào vòng tay yêu thương của Ngài.

Bài này như một tưởng nhớ của một thế hệ đàn em đối với ông, một thế hệ đàn anh mà sau này trở thành mẫu mực cho cả một đời và cho cả một thời.

(Nguyễn Văn Lục. Nguyên Sa của một đời và của một thời)

 
VietCatholic TV
Tình trạng sức khoẻ Đức Bênêđíctô XVI - Huấn dụ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14/11/2021
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:31 15/11/2021

1. Đức Bênêđíctô XVI gặp gỡ những người nhận giải Ratzinger

Benedict XVI đã gặp gỡ bốn người nhận giải thưởng Ratzinger tại Tu viện Mẹ Giáo Hội ở Vatican vào thứ Bảy.

Theo một tuyên bố từ Quỹ Vatican Joseph Ratzinger-Benedict XVI, cuộc họp kéo dài một giờ và cho phép mỗi viện sĩ thảo luận về công việc của họ với vị giáo hoàng danh dự. Trước khi chia tay, họ cùng đọc kinh Kính Mừng với Đức Giáo Hoàng danh dự.

Hanna-Barbara Gerl-Falkovitz, một chuyên gia về triết gia người Đức Edith Stein, và Ludger Schwienhorst-Schönberger, một nhà thần học Cựu Ước người Đức, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô trao tặng Giải thưởng Ratzinger năm 2021 trong một lễ trao giải tại Vatican vào ngày 13 tháng 11.

Những người đoạt giải Ratzinger 2020, là giáo sư người Úc Tracey Rowland và triết gia người Pháp Jean-Luc Marion, cũng có mặt để nhận giải do lễ trao giải năm 2020 bị hủy bỏ vì đại dịch coronavirus.

Tại buổi lễ trao giải ở Đại Sảnh đường Clêmentê của Điện Tông Tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng việc trao giải thưởng là cơ hội để bày tỏ “những suy nghĩ trìu mến, biết ơn và ngưỡng mộ” đối với người tiền nhiệm của ngài, người mà giải thưởng được mang tên.

Giải thưởng Ratzinger được đưa ra vào năm 2011 để ghi nhận những học giả có công trình đóng góp có ý nghĩa cho thần học theo tinh thần của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người sau này trở thành Đức Bênêđíctô XVI.

“Hôm nay chúng ta đặc biệt cảm ơn ngài vì ngài cũng là một tấm gương đam mê cống hiến trong học tập, nghiên cứu, viết và giao tiếp; và bởi vì ngài luôn kết hợp hoàn toàn và hài hòa việc nghiên cứu văn hóa của mình với đức tin và sự phục vụ của ngài đối với Giáo hội”, Đức Thánh Cha nói.

Các ứng cử viên cho giải thưởng được lựa chọn bởi ủy ban khoa học Ratzinger Foundation và trình lên Đức Giáo Hoàng, là người phê duyệt cuối cùng ai được nhận giải.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài bị cuốn hút bởi những bài thuyết trình ngắn gọn của những người đoạt giải. Ngài nhấn mạnh rằng các tác phẩm của họ “bao gồm từ suy tư triết học về tôn giáo đến lắng nghe và giải thích Lời Chúa, từ Diễm Tình Ca cho đến hiện tượng học về hiện sinh và tình yêu như một ân sủng.”

Schwienhorst-Schönberger, 64 tuổi, nghiên cứu thần học và Thánh Kinh ở Münster, Đức, và Jerusalem, Israel, và được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu về các sách Khôn Ngoan trong Kinh thánh, đặc biệt là Diễm Tình Ca.

Ông dạy chú giải Kinh Cựu ước và tiếng Do Thái tại Đại học Passau ở Đức từ năm 1993 đến năm 2007, và hiện là giáo sư về Cựu ước tại Đại học Vienna.

Gerl-Falkovitz, 76 tuổi, là một chuyên gia về nhà triết học người Đức Edith Stein - còn được biết đến với tên là Thánh Teresa Benedicta của Thánh giá - và là Tôi tớ trí thức lỗi lạc của Chúa Romano Guardini. Bà cũng đã biên tập sách gồm các tác phẩm hoàn chỉnh của cả hai nhân vật Công Giáo thế kỷ 20.

Bà nhận bằng tiến sĩ triết học năm 1971 và là giáo sư triết học tôn giáo và khoa học tôn giáo tại Đại học Dresden từ năm 1993 đến năm 2011.

Gerl-Falkovitz hiện lãnh đạo Viện Triết học và Tôn giáo Âu Châu tại Đại học Thần học-Triết học Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI ở Áo. Trong những năm gần đây, bà đã công khai chỉ trích “ý thức hệ giới tính”, mà bà nói là biến cơ thể thành một công cụ.

Trong bài phát biểu tại lễ trao giải, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Sự năng động của trí óc và tinh thần con người trong việc hiểu biết và sáng tạo thực sự là vô biên”.

“Đây là hiệu ứng 'tia lửa' được Thiên Chúa kích hoạt trong con người được tạo ra theo hình ảnh của Ngài, có khả năng tìm kiếm và tìm ra những ý nghĩa mới trong sáng tạo và lịch sử, và tiếp tục thể hiện sức sống của tinh thần trong việc định hình và biến đổi vật chất”.

“Nhưng thành quả của nghiên cứu và nghệ thuật không chín muồi một cách ngẫu nhiên và không cần nỗ lực. Do đó, sự công nhận đi kèm với nỗ lực lâu dài và kiên nhẫn mà họ cần để đạt đến sự trưởng thành”, ông nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại rằng Đức Bênêđíctô XVI đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền chức linh mục vào đầu năm nay.

Theo thư ký riêng của Đức Bênêđíctô, là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, vị giáo hoàng 94 tuổi này là người “tràn đầy niềm đam mê cho cuộc sống”.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói với tờ Bild của Đức vào ngày 20 tháng 10: “ngài vẫn hoàn toàn tràn đầy niềm đam mê cho cuộc sống. Thể chất ngài tuy yếu nhưng ổn định, tâm trí hoàn toàn trong sáng và được chúc lành với khiếu hài hước đặc trưng của vùng Bavaria.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài có thể cảm nhận được rằng Đức Bênêđíctô XVI “đồng hành với chúng ta trong lời cầu nguyện, giữ cho ánh mắt của ngài luôn hướng về chân trời của Thiên Chúa.”

“Bạn chỉ cần nhìn vào ngài để nhận ra điều này”

“Chúng ta đừng quên rằng Đức Bênêđíctô XVI vẫn tiếp tục nghiên cứu và viết lách cho đến khi kết thúc triều đại giáo hoàng của mình. Khoảng mười năm trước, trong khi hoàn thành trách nhiệm cai quản Giáo Hội của mình, ngài vẫn bận rộn hoàn thành bộ ba cuốn của mình về Chúa Giêsu và do đó để lại cho chúng ta một chứng từ cá nhân độc đáo về việc ngài không ngừng tìm kiếm thiên nhan Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Đó là cuộc tìm kiếm quan trọng nhất, mà sau đó ngài tiếp tục theo đuổi trong việc cầu nguyện. Chúng ta cảm thấy được truyền cảm hứng và khích lệ bởi điều đó, và chúng ta bảo đảm với ngài luôn cầu nguyện cho ngài cùng Chúa trong những lời cầu nguyện của chúng ta”.
Source:Catholic News Agency

2. Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14/11/2021

Chúa Nhật 14 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 33 Mùa Quanh Năm cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa này và là Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ 5. Bài Tin Mừng theo Thánh Máccô có chủ đề “Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.

“Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng của Phụng Vụ hôm nay mở đầu bằng một câu nói của Chúa Giêsu khiến chúng ta phải kinh ngạc: “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống” (Mc 13, 24-25). Như thế thì sao, chẳng lẽ ngay cả Chúa cũng là một tiên tri của ngày thế mạt. Không, đây chắc chắn không phải là ý định của Ngài. Ngài muốn chúng ta hiểu rằng mọi thứ trên đời này sớm muộn gì cũng qua đi. Ngay cả mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao tạo nên “firmamento” - “bầu trời” - một từ biểu thị “fermezza” - “sự vững chắc”, “sự ổn định” - cũng sẽ qua đi.

Tuy nhiên, cuối cùng, Chúa Giêsu đề cập đến điều không sụp đổ: “Trời và đất sẽ qua đi”, Ngài nói, “nhưng lời Thầy nói sẽ không qua đi” (câu 31). Lời của Chúa sẽ không qua đi. Ngài phân biệt giữa những thứ áp chót, sẽ trôi qua; và những thứ cuối cùng, sẽ còn lại. Đó là một thông điệp cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta đến những quyết định quan trọng trong cuộc sống, hướng dẫn chúng ta những gì đáng để đầu tư cuộc sống của chúng ta. Đầu tư vào một cái gì đó nhất thời, hay vào những lời của Chúa là những điều còn mãi mãi? Rõ ràng là chúng ta sẽ chọn những điều còn mãi. Nhưng điều đó không dễ chút nào. Thật vậy, những điều đến trước mắt chúng ta và cho chúng ta sự hài lòng ngay lập tức thường thu hút chúng ta, trong khi những lời của Chúa, mặc dù đẹp đẽ, vượt ra ngoài cái nhìn trước mắt và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Chúng ta bị cám dỗ để bám vào những gì chúng ta nhìn thấy và chạm vào được, và vào những gì có vẻ an toàn hơn đối với chúng ta. Đó là lẽ thường tình của con người, đó là cám dỗ. Nhưng đây là một sự lừa dối, bởi vì “trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ không qua đi”. Vì vậy, đây là lời mời gọi: đừng xây dựng cuộc sống của anh chị em trên cát. Khi ai đó xây nhà, họ đào sâu và đặt nền móng vững chắc. Chỉ có kẻ ngốc mới nói rằng tiền sẽ bị lãng phí vào một thứ không thể nhìn thấy được. Theo Chúa Giêsu, người môn đệ trung thành là người sống vững chắc trên đá tảng, là Lời của Người (x. Mt 7, 24-27), trên những gì không qua đi, trên sự vững chắc của Lời Chúa Giêsu: đây là nền tảng của sự sống mà Chúa Giêsu muốn ở chúng ta, và sự sống sẽ không qua đi.

Khi chúng ta đọc Lời Chúa, các câu hỏi luôn luôn nảy sinh, cho nên bây giờ chúng ta tự hỏi đâu là trung tâm, đâu là nhịp đập của Lời Chúa? Nói cách khác, điều gì mang lại sự vững chắc cho cuộc sống, và sẽ không bao giờ kết thúc? Thánh Phaolô nói điều đó với chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Đức mến không bao giờ mất được” Tình yêu không bao giờ kết thúc (1Cr 13: 8). Những người làm điều tốt, đang đầu tư vào cõi vĩnh hằng. Khi chúng ta thấy một người quảng đại và hữu ích, hiền lành, nhẫn nại, không đố kỵ, không buôn chuyện, không khoe khoang, không kiêu căng, không bất kính (x. 1 Cr 13: 4-7. ), thì chúng ta nhận ra đây là một người xây dựng Thiên đường trên trái đất. Họ có thể không được chú ý hoặc sự nghiệp không gây được tiếng vang, tuy nhiên, những gì họ làm sẽ không mất đi vì cái tốt không bao giờ mất đi, cái tốt tồn tại mãi mãi.

Và chúng ta, anh chị em thân mến, hãy tự hỏi: chúng ta đang đầu tư cuộc sống của mình vào điều gì? Về những thứ đã qua, chẳng hạn như tiền bạc, thành công, ngoại hình, thể chất? Chúng ta sẽ không mang được theo với mình những thứ này. Chúng ta có gắn bó với những thứ trần gian, như thể chúng ta sẽ sống ở đây mãi mãi không? Khi chúng ta còn trẻ và khỏe mạnh, mọi thứ đều tốt đẹp, nhưng đến thời điểm phải ra đi, chúng ta sẽ phải bỏ lại tất cả.

Lời Chúa cảnh báo chúng ta hôm nay: thế giới này sẽ qua đi. Và sẽ chỉ còn lại tình yêu. Do đó, đặt cuộc sống của một người dựa trên Lời Chúa không phải là trốn tránh lịch sử, nhưng là đắm mình vào những thực tại trần thế để làm cho chúng trở nên vững chắc, biến đổi chúng bằng tình yêu thương, khắc ghi vào chúng dấu chỉ vĩnh cửu, dấu chỉ của Thiên Chúa. Sau đây là một số lời khuyên để đưa ra những lựa chọn quan trọng. Khi tôi không biết phải làm gì, không biết phải làm thế nào để đưa ra một lựa chọn dứt khoát, một quyết định quan trọng, một quyết định liên quan đến tình yêu của Chúa Giêsu, tôi phải làm gì? Trước khi quyết định, chúng ta hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang đứng trước mặt Chúa Giêsu, như vào cuối cuộc đời, trước mặt Đấng là tình yêu. Và tưởng tượng mình ở đó, với sự hiện diện của Ngài, trước ngưỡng cửa của cõi đời đời, và chúng ta đưa ra quyết định cho ngày hôm nay. Chúng ta phải quyết định theo cách này: luôn nhìn về cõi vĩnh hằng, nhìn vào Chúa Giêsu. Đó có thể không phải là điều dễ dàng nhất, cũng có thể không phải là điều ngay lập tức có thể làm được, nhưng nó sẽ là điều đúng đắn (xem Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, 187), chắc chắn là như thế.

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta có những lựa chọn quan trọng trong cuộc đời như Mẹ đã làm: đó là theo tình yêu, theo Chúa.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ 5, bắt đầu như một hoa trái của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Chủ đề của năm nay là lời của Chúa Giêsu: “Người nghèo sẽ luôn ở bên anh em” (Mc 14: 7). Và quả đúng như vậy: nhân loại tiến bộ, phát triển, nhưng người nghèo luôn ở với chúng ta, luôn có người nghèo, và trong họ, Chúa Kitô hiện diện, Chúa Kitô hiện diện trong người nghèo. Ngày hôm kia, tại Assisi, chúng ta đã trải qua một khoảnh khắc làm chứng và cầu nguyện mạnh mẽ, mà tôi mời anh chị em lặp lại vì điều đó sẽ có ích cho anh chị em. Và tôi biết ơn vì nhiều sáng kiến liên đới đã được tổ chức trong các giáo phận và giáo xứ trên khắp thế giới.

Tiếng kêu của người nghèo, hòa với tiếng kêu của Trái đất, đã vang lên trong những ngày gần đây tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 ở Glasgow. Tôi khuyến khích tất cả những người có trách nhiệm chính trị và kinh tế hành động ngay bây giờ với lòng dũng cảm và một tầm nhìn xa; đồng thời kêu gọi mọi người có thiện chí thực hiện quyền công dân tích cực vì sự nghiệp chăm lo cho ngôi nhà chung. Vì vậy, hôm nay, nhân Ngày Thế giới vì Người nghèo, nền tảng Laudato si, nền tảng thúc đẩy hệ sinh thái toàn diện, sẽ bắt đầu nhận ghi danh.

Hôm nay cũng là Ngày Bệnh tiểu đường Thế giới, một căn bệnh mãn tính đang làm khổ nhiều người, kể cả thanh niên và trẻ em. Tôi cầu nguyện cho tất cả họ và cho những người chia sẻ sự mệt mỏi của họ hàng ngày, cũng như cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe và tình nguyện viên hỗ trợ họ.

Và bây giờ tôi xin chào tất cả anh chị em, những tín hữu của Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Tôi thấy rất nhiều lá cờ ở đó... Đặc biệt là những người đến từ Tây Ban Nha và Ba Lan. Tôi chào nhóm hướng đạo từ Palestrina và các tín hữu từ giáo xứ San Timoteo ở Rome và từ giáo xứ Bozzolo.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Khí phách anh hùng của nhiều Giám Mục Trung Quốc. Trước thềm phiên khoáng đại của HĐGM Hoa Kỳ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:16 15/11/2021


1. Đức Giám Mục Ôn Châu bị mời đi uống trà, đã uống xong

Sáng 26 tháng 10, công an Trung Quốc đã bắt giữ Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, (Shao Zhu-min - 邵祝敏) Giám Mục Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, và nói với giáo dân họ mời ngài đi “làm việc” và “uống trà”, từ “10 đến 15 ngày”.

“Làm việc” có nghĩa là thẩm vấn và ép buộc học tập ý thức hệ cộng sản. Lần nào công an Trung Quốc cũng nói đi làm việc trong thời gian ngắn nhưng tháng 5 năm 2017, ngài đã bị bắt và chỉ được thả ra sau 7 tháng bị đưa đi biệt tích.

Các tín hữu của giáo phận đã mời gọi tất cả các cộng đồng và Giáo Hội trên thế giới cầu nguyện cho vị Giám Mục của họ.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đức Cha Phêrô Thiệu đã được trả tự do. Các nguồn tin địa phương đã nói với AsiaNews về sự trở lại của ngài, mặc dù vẫn chưa rõ thời điểm chính quyền Trung Quốc trả tự do cho ngài. Các tín hữu Công Giáo “tạ ơn Chúa” vì mục tử của họ đã trở về nhà của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát bắt vị giám mục. Bị ngược đãi như Đức Cha Giacôbê Lâm Tích Lê (Lin Xili, 林锡黎), giám mục tiên khởi của Ôn Châu, Đức Cha Phêrô Thiệu thường bị bắt đi tẩy não để thúc đẩy ngài gia nhập Giáo Hội “quốc doanh”, do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.

Việc ký kết Thỏa thuận Trung Quốc-Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục vào năm 2018 và được gia hạn vào tháng 10 năm 2020, đã không ngăn chặn được cuộc đàn áp người Công Giáo Trung Quốc, đặc biệt là anh chị em giáo dân thầm lặng.

Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国) là một ví dụ khác. Ngài thường xuyên bị quản thúc tại gia. Cũng có những giám mục khác phải chịu nhiều sự quấy rối khác nhau, chẳng hạn như Đức Cha Quách Hy Cẩm (Guo Xijin, 郭锡进); và các giám mục buộc phải tham gia các phiên họp chính trị như Đức Cha Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱).

Nghiêm trọng nhất là trường hợp Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦). Cuối tháng 10 vừa qua, ngài vừa bị một nhóm người lạ mặt không rõ tung tích tấn công tại Mân Đông, Phúc Kiến. Ngài được tường thuật là chỉ bị thương nhẹ.

Ngay trước khi đại dịch coronavirus bùng phát, ngài đã bị đuổi ra khỏi Tòa Giám Mục và ngủ lang thang đầu đường xó chợ. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho biết cụm từ “ngủ lang thang đầu đường xó chợ” cần phải được hiểu theo nghĩa đen của từ đó. Thật vậy, tháng Giêng, 2020, bọn cầm quyền gắn một tấm bảng phía trước Tòa Giám Mục giải thích rằng tòa nhà không tôn trọng các quy định về phòng chống cháy nổ và do đó phải bị đóng cửa, mặc dù tòa nhà đã được xây dựng với tất cả các giấy phép cần thiết hơn 10 năm trước. Trên thực tế, hoạt động của công an cộng sản là một dấu chỉ bách hại ra mặt và là một nỗ lực nhằm gây áp lực với Đức Giám Mục và các linh mục của ngài vì các vị đã từ chối không chịu gia nhập vào một Giáo Hội độc lập với Vatican.

Từ đó, Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm, nguyên giám mục bản quyền của giáo phận Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建), lâm vào tình cảnh vô gia cư và phải ngủ trên ngưỡng cửa của Tòa Giám Mục và trước cửa các nhà xứ ở thành phố Lạc Giang (Luojiang - 罗江区). Dù lang thang như thế, ngài vẫn không bị covid cắn, nên công an Trung Quốc phải giả dạng côn đồ cắn phụ.

Sự đàn áp của Bắc Kinh còn kéo dài đến cả những người theo đạo Tin lành. Trong những ngày gần đây, ChinaAid đã hướng sự chú ý của công luận đến trường hợp của Mục sư Vương Nghị (Wang Yi, 王毅), bị kết án vào ngày 30 tháng 12 năm 2019 với bản án 9 năm tù vì tội “hoạt động chống lại quyền lực nhà nước” và các tội danh khác. Từng là nhà hoạt động dân chủ vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn, Vương Nghị cải đạo sang Kitô giáo và trở thành mục sư của Nhà thờ Sơ Vũ (Early Rain, 初雨), nghĩa là “Mưa Sớm”, có ít nhất 500 thành viên ở Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

Trong một tweet được đăng vào ngày 8 tháng 11, Lord David Alton đã lên án việc Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đàn áp Nhà thờ Sơ Vũ. Ông nhớ lại rằng Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về các vụ bắt giữ tùy tiện đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho mục sư Vương.
Source:Asia News

2. Một lần nữa nói về các Giám mục, những công chức, và việc Rước lễ

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trước thềm cuộc họp khoáng đại của các Giám Mục Hoa Kỳ, hôm 11 tháng 11, ông đã có một bài nhận định nhan đề “Bishops, Public Officials, and Holy Communion: Once Again”, nghĩa là “Một lần nữa nói về các Giám mục, những công chức, và việc Rước lễ.”

Tại Hoa Kỳ có hai tờ báo có tên khá giống nhau là National Catholic Register, với chủ trương phò sinh và đề cao các giáo huấn của Giáo Hội; và một tờ khác là National Catholic Reporter, với chủ trương phò lựa chọn, hay pro-choice, hay nói cụ thể là phò phá thai. Trong những ngày này, National Catholic Reporter tung ra luận điểm cho rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đang vũ khí hóa bí tích Thánh Thể để chống lại cá nhân ông Joe Biden và bà Nancy Pelosi.

Trong bài này, Tiến sĩ George Weigel, giải thích lập trường của các Giám Mục Hoa Kỳ. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Khi Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ chuẩn bị nhóm họp tại Baltimore, các quan niệm sai lầm về một dự thảo tuyên bố của hội nghị liên quan đến sức sống thánh thể và tính toàn vẹn của Giáo hội ở Hoa Kỳ đã bùng lên. Sự nhầm lẫn bắt nguồn từ các nguồn tin Công Giáo trực tuyến và các phương tiện truyền thông xã hội, đã trở nên trầm trọng hơn bởi một cơ quan báo chí luôn xuyên tạc những gì các giám mục đang làm. Tôi hy vọng những điều làm rõ sau đây là hữu ích.

Dự thảo tuyên bố không nhắm chủ yếu vào các chính trị gia. Giáo Hội Công Giáo là một Giáo Hội thánh thể; như Thánh Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp cuối cùng của ngài, “Giáo hội kín múc sự sống của mình từ Bí tích Thánh Thể”. Khi niềm tin Công Giáo vào mầu nhiệm Thánh Thể - tức là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô giữa chúng ta – phai nhạt, thì Giáo hội sẽ tàn lụi. Khi việc thực hành thánh thể sa sút, Giáo hội mắc phải căn bệnh hao mòn. Đức tin thánh thể nhạt nhòa và thực hành thánh thể lỏng lẻo đã là những nét đặc trưng của đời sống Công Giáo Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ. Các giám mục đã quyết tâm giải quyết “tình trạng thâm hụt thánh thể” này trước khi COVID-19 đẩy nhanh sự sụt giảm số lượng người tham dự Thánh lễ, trước cả khi ông Biden được tuyên bố là ứng cử viên tổng thống, và trước khi bà Pelosi định nghĩa lại việc giết thai nhi là “chăm sóc sức khỏe sinh sản”.

Bất cứ điều gì các giám mục nói về hoàn cảnh giáo hội và cá nhân của các quan chức Công Giáo có những hành động phủ nhận những chân lý thiết yếu, đã được dạy dỗ dứt khoát của đức tin Công Giáo, đều đã được đề cập đến trong bối cảnh rộng lớn hơn, đó là là sự háo hức của các giám mục trong việc phục hồi sức sống và lòng tôn kính Thánh Thể trong toàn Giáo hội. Tuy nhiên, việc hồi sinh một Giáo hội thánh thể đòi hỏi những người trong Giáo hội phải có một sự rõ ràng mới về bản chất của cộng đồng thánh thể — và những hành động nào khiến người Công Giáo xa lánh thánh thể.

Các giám mục không bao giờ có ý định đưa ra một tuyên bố “từ chối” Rước lễ cho Tổng thống Biden. Câu thần chú trên phương tiện truyền thông rằng “một số giám mục bảo thủ” muốn “từ chối” việc rước lễ cho Tổng thống Biden đã được lặp đi lặp lại thường xuyên đến mức làm cho người ta tin là thật. Không phải như thế, và chưa bao giờ như thế. Sự thật thẳng thắn của vấn đề là Điều 1405 của Bộ Giáo luật trong đó trao cho Đức Giáo Hoàng quyền áp đặt các hình phạt của giáo hội đối với các nguyên thủ quốc gia. Nhưng điều đó không hề kết thúc vấn đề: không hề.

Vấn đề xứng đáng để Rước Lễ không chỉ giới hạn trong câu hỏi liệu ai đó có đang ở trong tình trạng mắc tội trọng hay không. Chẳng có tin tức nào nói rằng quan niệm về tội trọng đã bị suy giảm nghiêm trọng trong Giáo Hội Công Giáo ở thế kỷ 21. Và điều chắc chắn đúng là, nếu ý thức mình đang ở trong tình trạng tội trọng, người ta nên tìm kiếm sự hòa giải với Thiên Chúa và Hội Thánh qua bí tích hòa giải trước khi rước lễ; đây là nền tảng của đạo Công Giáo, bắt nguồn từ thư thứ nhất của Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Cô-rinh-tô (1 Cr 11: 27–29): “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống bất xứng với Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”. Nhưng sự thiếu hiểu biết hoặc không có khả năng phán đoán về trí tuệ và đạo đức có thể khiến những người thiếu năng lực như vậy không mắc phạm tội trọng. Vì vậy, vấn đề xứng đáng để rước lễ không nên chỉ đóng khung trong phạm vi tội trọng.

Hơn nữa, đó không phải chỉ là vấn đề với các quan chức Công Giáo, những người có hành động cố ý thúc đẩy văn hóa cái chết. Không ai biết liệu những người đàn ông và đàn bà này có đang ở trong tình trạng trọng tội hay không. Những gì chúng ta biết, và những gì chúng ta không thể nào mà lại không biết, là những người đàn ông và đàn bà này đã tuyên bố, bằng những hành động công khai của họ, rằng họ không hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo. Đó là lý do tại sao, vì sự liêm chính của mình, họ không nên ra mặt để rước lễ. Nếu họ ngoan cố cứ làm như vậy, ngay cả khi đã được hướng dẫn và khuyên bảo thích hợp, thì các mục tử của Hội Thánh nên hướng dẫn họ không được hành động trong Thánh Lễ như thể họ đang hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh.

Các sự kiện gần đây ở Rôma không có gì thay đổi. Bất kể Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói gì hay không nói gì vào ngày 29 tháng 10 với Tổng thống Biden - người đã được biết đến với các thành tích xuyên tạc trước đây - vấn đề cơ bản trước các giám mục vẫn là sức sống thánh thể của Giáo hội tại Hoa Kỳ. Để tái lập một đạo Công Giáo sôi nổi về thánh thể sẽ mất nhiều năm dạy giáo lý và rao giảng hiệu quả, và những nỗ lực đó không thể bắt đầu ngay. Tuy nhiên, việc phục hưng Thánh Thể sẽ bị cản trở nghiêm trọng, nếu các giám mục không thẳng thắn giải quyết việc rước lễ bởi những người không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội — và kêu gọi những người Công Giáo lạc đàn này ăn năn và hoán cải sâu sắc hơn với Chúa, điều này sẽ cho phép họ rước lễ một cách toàn vẹn với tư cách là những chi thể được hòa giải trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Source:First Things

3. Khuôn mặt của những người hành hương với Đức Giáo Hoàng

Michel, Louis, Véronique, Dalhia, Aloïs là năm người đang hành hương ở Assisi với Đức Thánh Cha Phanxicô. Cuộc sống hàng ngày của họ bị đè nặng với nhiều thử thách khác nhau, nhưng hôm nay, là một phần của Ngày Thế Giới Người Nghèo, họ đang cầu nguyện theo bước chân của Thánh Phanxicô, với vị Giáo hoàng tên là Phanxicô.

Năm người này nằm trong số 500 người có mặt tại Assisi vào ngày 12 tháng 11, đến từ khắp Âu Châu, được hỗ trợ bởi các chương trình xã hội khác nhau của Giáo hội.

Họ là thành viên của một nhóm người Pháp và Thụy Sĩ đã nói chuyện với I.Media về niềm vui và kỳ vọng của họ.

Michel cho biết: Tôi rất kính trọng Thánh Phanxicô.

Ở tuổi 45, Michel cho biết anh ấy có một cuộc sống phức tạp. Anh mắc chứng tâm thần phân liệt và được chăm sóc tại bệnh viện. Anh ta là một người nghiện ma túy trong 35 năm. “Bây giờ tôi rất tỉnh táo,” anh giải thích. Cách đây vài tháng, người đàn ông đã có một trải nghiệm rất đơn giản khiến anh ta tiếp xúc với Hiệp hội Magdalena, một hiệp hội giúp đỡ gái mại dâm và những người sống trên đường phố.

“Tôi đang ở trong một siêu thị và đề nghị giúp một phụ nữ trẻ xách túi. Cô ấy là một tình nguyện viên trong hiệp hội này và đề nghị tôi nên đến”. Khi làm như vậy, Michel đã khám phá ra tình anh em và tìm lại niềm tin. “Tôi đã được rửa tội nhưng không thực hành. Ở tuổi 44, tôi mới bắt đầu đến nhà thờ”.

Anh ấy chia sẻ rằng anh ấy rất vui khi được cùng nhóm Marseille đến thành phố Assisi để gặp Đức Giáo Hoàng. “Tôi rất kính trọng Thánh Phanxicô, người có thể sống xa hoa trong giai cấp tư sản nhưng đã từ bỏ mọi thứ.”

Nếu anh ấy có một lời muốn nói với Đức Giáo Hoàng thì đó sẽ là: “Hãy cầu nguyện để xoa dịu linh hồn của những người đang đau khổ.”

Louis: Một cuộc hành hương của sự đổi mới

Từng là một người vô gia cư ở Paris, Louis bắt đầu đến với Hiệp hội Fratello. Phải nói rằng cuộc gặp gỡ của ông vào năm 2016 với Đức Thánh Cha Phanxicô thông qua hiệp hội đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của ông. “Tôi đến để đánh thức lại sự kiện mà tôi đã trải qua với Đức Giáo Hoàng,” người đàn ông 54 tuổi giải thích. “Thực tế, sau cuộc gặp gỡ đó, tôi đã tìm được việc làm trở lại. Tôi là tài xế”.

Nếu anh ấy có một lời muốn nói với Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi xin ngài ban phước lành cho tất cả nhân loại.”

Véronique: Chúng tôi là những đứa trẻ của ngài

Ngồi bên cạnh Jean, Dalhia và Michelle, Véronique cười kể lại chuyến xe buýt kéo dài 24 giờ mà nhóm của cô, Hiệp hội Tình bạn, đã phải chịu đựng để đến gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Chúng tôi đã đến gặp ngài cùng với Fratello. Đó là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời”, cô giải thích. Đối với cô, đó là một cơ hội để tìm thấy Chúa. “Ngài nói với chúng tôi rằng khi có hai hoặc ba người trong chúng tôi cầu nguyện, Chúa đang ở giữa chúng tôi… Với Fratello, đó là sự hiệp thông, chúng tôi ứa nước mắt”, Dalhia nói. “Đó là sự đơn giản của Chúa. Chúng tôi là những người nhỏ bé của Chúa và chúng tôi muốn ánh sáng đến và phản chiếu tâm hồn chúng tôi”.

Nếu Veronique có lời muốn nói với Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi có một lá thư từ Nữ tu Bác ái Truyền giáo của Mẹ Teresa gửi cho ngài. Còn tôi thì sao? Một nụ cười… lời cầu nguyện của tôi và lời chúc phúc của Đức Thánh Cha”.

Aloïs: Đến đây thật nhẹ nhàng sau một năm khó khăn

Aloïs là người Thụy Sĩ và đến với một nhóm từ bang Vaud và Neuchâtel. Trong số đó, những người có hoàn cảnh bấp bênh, tâm lý mong manh, cô đơn, hoặc mới ra tù. Người đàn ông 65 tuổi đến từ Leysin cho biết: “Tôi đã mắc một căn bệnh nghiêm trọng khi còn trẻ do ăn dâu rừng, bệnh echinococcosis, giống như bệnh vàng da. Họ đã cắt bỏ một nửa lá gan của tôi,” anh ấy tâm sự rằng anh ấy đã bị tái phát gần đây. Góa vợ vào năm 2008, anh vừa trải qua một thử thách mới vào tháng 2 năm ngoái với cái chết của cha mình. “Đến đây là nhẹ nhàng sau một năm khó khăn. Với niềm tin, với Fratello, một con đường sẽ mở ra. Tôi đã chờ đợi giây phút này rất lâu rồi.

Nếu có lời muốn nói với Đức Thánh Cha Phanxicô, Aloïs nói: “Xin ngài cầu nguyện cho những người nghèo, những người không thể đứng dậy, những người đang nằm viện và đau đớn”.
Source:Aleteia
 
Tiết lộ đáng kinh ngạc của Đức Tổng Giám Mục Sydney: Ngài từng bị liệt từ cổ đến chân trong 5 tháng, đã chữa lành
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:48 15/11/2021


1. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với UNESCO: 'Tin Mừng là thông điệp nhân bản nhất mà lịch sử từng biết đến'

Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng “Tin Mừng là thông điệp nhân bản nhất mà lịch sử biết đến”.

Ngài đã đưa ra nhận xét trên trong một thông điệp video đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập UNESCO, tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc.

Đức Thánh Cha nói:

Từ thâm tâm, tôi bày tỏ lời chúc mừng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Cơ quan Liên hợp quốc này. Giáo hội có một mối quan hệ đặc biệt với nó. Thật vậy, Giáo hội phục vụ Tin Mừng, và Tin Mừng là sứ điệp nhân bản nhất mà lịch sử từng biết đến. Một thông điệp về cuộc sống, tự do và hy vọng, đã truyền cảm hứng cho vô số sáng kiến giáo dục ở mọi thời đại và ở mọi nơi, và đã truyền cảm hứng cho sự phát triển khoa học và văn hóa của gia đình nhân loại.

Đây là lý do tại sao Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc là đối tác đặc quyền của Tòa thánh trong việc phục vụ chung cho hòa bình và đoàn kết giữa các dân tộc, cho sự phát triển toàn diện của con người và bảo vệ di sản văn hóa của nhân loại.

Thông điệp video được phát trong lễ kỷ niệm 75 năm được phát trực tiếp với sự tham dự của Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo và các nghệ sĩ, bao gồm cả diễn viên kiêm đạo diễn Forest Whitaker và ca sĩ kiêm nhạc sĩ Angélique Kidjo.

UNESCO, có trụ sở tại Paris, Pháp, được thành lập vào ngày 16 tháng 11 năm 1945, ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngày nay, nó có 193 quốc gia thành viên và 11 hiệp hội thành viên, nghĩa là các thành viên không có tư cách quốc gia nhưng chỉ là một tổ chức dân sự.

Tòa thánh có tư cách quan sát viên thường trực. Quan sát viên thường trực đầu tiên của Tòa thánh đối với UNESCO là Đức Tổng Giám Mục Angelo Roncalli, Sứ thần Tòa thánh lúc bấy giờ tại Pháp, là người sau này được bầu làm Đức Giáo Hoàng Gioan 23 vào năm 1958 và được phong thánh năm 2013.

Đức Ông Francesco Follo, người Ý là quan sát viên thường trực kể từ năm 2002.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngồi cùng với Audrey Azoulay, tổng giám đốc của UNESCO, tại một sự kiện tại Đại học Giáo hoàng Lateranô ở Rôma vào tháng trước.

Đức Giáo Hoàng đã khai giảng một khóa học cấp bằng về sinh thái và môi trường, với sự hợp tác của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Constantinople, trong khi Azoulay khánh thành chương trình UNESCO “Tương lai của giáo dục vì sự bền vững.”


Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Sydney kêu gọi công chúng phản đối dự luật trợ tử của New South Wales

Đức Tổng Giám Mục Sydney đã kêu gọi các tín hữu lên tiếng chống lại một dự luật trợ tử khi tiểu bang New South Wales xem xét việc hợp pháp hóa thực hành này.

Quốc hội New South Wales dự kiến sẽ bắt đầu tranh luận về Voluntary Assisted Dying Bill 2021, nghĩa là “Tình Nguyện Được Giúp Kết Thúc Mạng Sống” vào ngày 12 tháng 11, chưa đầy một tháng sau khi nó được thành viên Alex Greenwich giới thiệu.

“Tôi cực lực phản đối hành động chết và hỗ trợ tự tử bởi vì luật pháp của chúng ta không nên nói với những người bệnh rằng chúng ta nghĩ rằng họ thà chết đi là hơn hoặc chúng ta sẽ tốt hơn nếu họ chết,” Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, cho biết như trên trong lá thư cho tổng giáo phận của mình.

Ngài cho biết điều “rất quan trọng” là mọi người lên tiếng phản đối Dự luật Tình Nguyện Được Giúp Kết Thúc Mạng Sống năm 2021 trong giai đoạn tranh luận công khai, kết thúc vào ngày 22 tháng 11. Tranh luận về dự luật đã bắt đầu từ ngày 12 tháng 11.

Vị tổng giám mục cho biết: Sự phổ biến việc lạm dụng người cao tuổi, cùng với “tỷ lệ tự tử đáng báo động ở những người dễ bị tổn thương,” có nghĩa là New South Wales nên “đặc biệt thận trọng” khi hợp pháp hóa chế độ trợ tử.

Đức Cha Fisher nói: “Một xã hội công bằng và nhân ái chắc chắn có thể tìm ra những cách thức tôn trọng và yêu thương đối với những đau khổ vào cuối cuộc đời hơn là giết chết những người đang đau khổ”.

Trong một lá thư khác gửi cho tổng giáo phận, ngày 11 tháng 11, Đức Cha Fisher lặp lại lời kêu gọi mọi người lên tiếng chống lại dự luật và giải thích rằng ngài hoàn toàn hiểu lý do tại sao mọi người kêu gọi hợp pháp trợ tử từ kinh nghiệm của chính ngài vào năm 2016.

Đức Cha Fisher nói: “Là một người đã từng trải qua nỗi đau và sự tủi nhục của căn bệnh hiểm nghèo, tôi cần các bạn lên tiếng vì cuộc sống”.

“Một vài năm trước, tôi đã cận kề cái chết. Tôi gặp phải một trường hợp nghiêm trọng của hội chứng Guillain-Barré và bị liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống. Tôi đã rất đau đớn. Tôi bất lực để tự ăn uống và tắm rửa. Tôi là gánh nặng cho người khác và không muốn như vậy. Tôi đã trải qua 5 tháng nằm trong bệnh viện cùng với những người khác”.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục cho biết, “có quá nhiều bạo lực và lạm dụng trong cộng đồng của chúng ta, một số gây chết người,” và không cần phải bình thường hóa việc “giết hoặc bỏ mặc, cho dù là người trẻ hay người già, người có khả năng hay người tàn tật, người trầm cảm hoặc cô đơn, người lành mạnh hoặc người đang hấp hối”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói: “Chắc chắn rằng việc tìm ra cách tốt hơn để đối phó với đau khổ không nằm ngoài sự thông minh của con người. Giáo Hội Công Giáo ủng hộ chăm sóc giảm nhẹ, có nghĩa là tìm cách đồng hành cùng bệnh nhân đến cuối cuộc đời của họ bằng các phương pháp như kiểm soát cơn đau và chống lại các thực hành hỗ trợ tự tử”.

Tháng 9, 2020, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố một lá thư có nhan đề “Samaritanus Bonus”, nghĩa là “Người Samiratanô Nhân Lành”, trong đó tái khẳng định giáo huấn lâu đời của Giáo hội đối với hành vi hỗ trợ tự sát. Hội thánh nhắc lại nghĩa vụ của người Công Giáo là đồng hành với người bệnh và người hấp hối qua lời cầu nguyện, sự hiện diện thể lý và các bí tích.

Các giám mục Công Giáo ở Úc đã nhiều lần viết thư ủng hộ việc chăm sóc giảm nhẹ như một biện pháp thay thế cho hỗ trợ tự tử và tử vong. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, bao gồm Úc, đang thiếu các bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ. Tháng 2 năm 2021, một trường đại học của Úc phát hiện ra rằng Úc có ít hơn một nửa số bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ cần thiết để chăm sóc cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y.
Source:Catholic News Agency

3. Thăm dò mới nhất: 14% người Công Giáo Hoa Kỳ bỏ tham dự Thánh Lễ từ khi có Covid-19

Tờ The Pillar ngày 12 tháng 11 đã cho đăng tải một báo cáo nói về tác động của Covid-19 đối với việc tham dự Thánh Lễ của người Công Giáo Hoa Kỳ.

Theo đó, số người Công Giáo nói họ đi lễ hàng tuần đã giảm 14% kể từ khi Covid-19 hoành hành. Và dĩ nhiên, sự suy giảm này khiến tiền quyên góp hàng tuần của các nhà thờ Công Giáo giảm theo. Ngay từ hồi tháng 3 năm 2021, tờ The Pillar đã thấy năm 2020, có một mức suy giảm trung bình lên đến 12% tiền quyên góp hàng tuần của các giáo xứ so với năm 2019.

Cuộc thăm dò của The Pillar đã hỏi những người trả lời về việc họ năng đi lễ tại nhà thờ hoặc nơi thờ phượng khác ra sao trước đại dịch và hiện nay, họ năng tham dự các buổi lễ tôn giáo như thế nào, bao gồm cả các buổi lễ tôn giáo phát trực tuyến từ xa trên mạng. Kết quả, cả đối với người Công Giáo và Kitô hữu khác, khá ngạc nhiên.

41% những người tự mô tả là Công Giáo cho biết họ đi lễ ít nhất mỗi tuần một lần trước đại dịch.

41% người Công Giáo khác cho biết họ đi ít thường xuyên hơn - trong khoảng từ vài lần một tháng đến ít hơn một lần mỗi năm. 18% người Công Giáo cho biết họ chưa bao giờ đi lễ trước đại dịch.

Kể từ sau đại dịch, những con số đó đã thay đổi. Chỉ có 36% người Công Giáo nói rằng họ hiện tham dự Thánh lễ ít nhất mỗi tuần một lần, gồm cả các Thánh lễ trực tuyến. Số người đi lễ ít thường xuyên hơn cũng giảm xuống, và số người nói rằng họ không bao giờ đi lễ đã tăng lên 29%.

Các con số trên cũng tương tự đối với những người không theo Công Giáo, những người tự mô tả mình là Tin lành hoặc Kitô hữu.

Sự khác biệt giữa 41% và 36% người Công Giáo tham dự Thánh lễ hàng tuần thoạt đầu có vẻ nhỏ. Nhưng có một cách khác để xem xét sự thay đổi:

Số người tham dự Thánh lễ hàng tuần, trực tiếp hoặc qua trực tuyến, đã giảm 14% kể từ COVID-19.

Số người Công Giáo không bao giờ đi lễ đã tăng 62%.

Đây là một cách khác để hình dung sự vật:

Giả sử trước COVID-19, có 100 người tham dự Thánh lễ đều đặn hàng tuần trong Thánh lễ Chúa nhật bình thường ở giáo xứ của bạn.

Hôm nay:

11 người sẽ tham dự từ một đến ba lần một tháng.

2 người chỉ đi một vài lần một năm.

1 người giảm xuống còn một lần một năm.

8 người hiện nay nói rằng họ “không bao giờ” đi dự Thánh lễ.

Tất nhiên, có một số gương mặt mới trong hàng ghế nhà thờ:

10 người trước đây ít đi thường xuyên nay tham dự Thánh lễ ít nhất một lần mỗi tuần.

Nhưng tổng số người tham dự Thánh lễ ít hơn. Chỉ có 86 xuất hiện hàng tuần, trước đó là 100.

Ai là những người Công Giáo đã đi tham dự Thánh lễ hàng tuần trước Covid, và bây giờ nói rằng họ không bao giờ đi, ngay cả xem một thánh lễ trực tuyến?

Trung bình, họ lớn tuổi hơn một chút. Tuổi trung bình của những người Công Giáo trưởng thành tham dự Thánh lễ hàng tuần là 46, trong khi tuổi trung bình của những người đã đi hàng tuần trước Covid, và bây giờ nói rằng họ không bao giờ đi, là 50. Nhưng chỉ có 19% những người đã ngừng đi lễ là 65 tuổi hoặc cao tuổi hơn.

Hóa ra một bí tích khác có liên quan một cách đáng lưu ý với việc tham dự Thánh lễ: Xưng tội. Hoặc, ít nhất, tần suất việc đi xưng tội của họ.

Trong số những người Công Giáo đi lễ ít nhất mỗi tuần một lần, 50% nói rằng họ đi xưng tội ít nhất mỗi tháng một lần.

Nhưng trong số những người nói họ đi xưng tội hàng tháng, 85% những người đi lễ hàng tuần trước Covid đã trở lại thánh lễ hàng tuần.

Trong số những người không bao giờ đi xưng tội, chỉ có 56% những người đã đi lễ hàng tuần trước Covid đã trở lại thánh lễ hàng tuần.

Cuộc thăm dò của The Pillar hỏi những người tham dự các buổi lễ nhà thờ ít nhất mỗi tháng một lần về cách nhà thờ của họ đã xử lý mọi việc trong thời kỳ đại dịch ra sao.

Trong số những người Công Giáo tham dự Thánh lễ ít nhất mỗi tháng một lần trước đại dịch, 53% đồng ý rằng nhà thờ của họ giữ an toàn cho các thành viên. 27% nói rằng nhà thờ của họ đã thực hiện các thích nghi như tổ chức các buổi lễ ở ngoài trời hoặc phát video trực tuyến để giữ cho Thánh lễ và các bí tích có sẵn đó.

Ít người Công Giáo chỉ trích một cách chuyên biệt việc xử lý đại dịch của giáo xứ họ.

14% nói rằng “Nhà thờ của tôi đơn giản đóng cửa trong trận đại dịch” và 9% đồng ý rằng nhà thờ của họ quá nhanh nhẩu ngưng các bí tích. 8% cảm thấy nhà thờ của họ đã chấp nhận các rủi ro không cần thiết. Và 7% cảm thấy họ trở nên xa lạ hơn với giáo xứ của họ trong thời gian xảy ra đại dịch.

Nhìn chung, 17% người Công Giáo đi lễ ít nhất hàng tháng trước đại dịch nói rằng giáo xứ của họ đến với nhau trong thời gian đại dịch, trong khi 12% nói rằng giáo xứ của họ trở nên chia rẽ hơn.

Những thay đổi trong việc tham dự Thánh lễ có phải là vĩnh viễn không? “Hiệu quả Covid” trong 5 năm tới sẽ như thế nào? Còn quá sớm để nói. Nhưng như hầu hết chúng ta đã học được trong đại dịch, rất ít điều về tương lai có thể dễ dàng dự đoán được.


Source:Pillar Catholic