Ngày 17-11-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tính sổ đời lời lỗ
Lm. Nguyễn Xuân Trường
01:55 17/11/2023

TÍNH SỔ ĐỜI LỜI LỖ

Chúa Nhật tuần này đã là tuần thứ 33 thường niên, tuần áp chót của năm phụng vụ. Trong thời gian cuối của năm phụng vụ, Giáo hội muốn hướng chúng ta chuẩn bị cho ngày cuối cuộc đời – ngày giã từ trần thế ra đi gặp Chúa để tính sổ đời lời lỗ ra sao qua việc đã sử dụng những ơn Chúa ban như thế nào.

1. Chúa ban ơn. Phúc Âm kể dụ ngôn Thiên Chúa như ông chủ giao cho đầy tớ các nén bạc như những ơn ban quý giá cho nhân loại. Có ai đã được Chúa thả từ trời xuống cho mấy thỏi vàng bạc chưa? Chúa cho chúng ta những thứ còn quý hơn vàng bạc nhiều, vàng bạc không mua được, đó là sức khỏe, trí khôn, tự do, tình yêu, đức tin, tài năng, khả năng, năng lực, năng khiếu… Chúa còn ban tặng cho con người nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú. Chúa muốn chúng ta phải sinh lời.

2. Con sinh lời. Có những đầy tớ chịu khó làm ăn sinh lời những nén bạc chủ trao, nhưng cũng có những đầy tớ lười biếng không làm nên không sinh lời. Thực tế cuộc sống cho thấy trong làm ăn thì lời lãi khiến người ta quên hết những mệt mỏi, lời lãi làm cho người ta vất vả mà vui vẻ. Và vui hơn nữa khi dụ ngôn kể những người sinh lời được vào hưởng niềm vui với chủ. Ngược lại làm ăn mà bị lỗ thì khiến người ta buồn bã, mệt mỏi, phờ phạc. Dụ ngôn kể người đầy tớ lười bị chủ đánh giá là vô dụng, xấu xa. Vì thế lười biếng là tội nặng đến nỗi khiến tên đầy tớ bị quăng ra ngoài.

Dụ ngôn cho thấy khi con người giã từ trần thế sẽ phải chịu phán xét về sự tham gia của mình: Ai nhiệt tình tham gia vào việc sinh lời những ơn Chúa ban thì sẽ được Chúa khen ngợi và ban thưởng niềm vui hưởng phúc cùng Chúa. Ai lười biếng không tham gia sinh lời những ơn Chúa ban thì sẽ bị Chúa kết án phải rời xa Chúa trong tối tăm đau khổ. Lười bị lỗ cả đời người. Amen.
 
Ngày 18/11: Ba Thái Độ trong Cầu Nguyện – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
02:22 17/11/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.”

Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:24 17/11/2023

14. Trên trời có hết thảy giàu sang vĩnh viễn nhưng không có nghèo khó; trên đất ở đâu cũng có sự nghèo khó, nhưng con người ta không biết giá trị của nó.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:28 17/11/2023
3. LẤY ROI ĐÁNH THÁNH NHÂN

Các quận ở ven biển Quảng Đông đều không lập miếu Khổng Tử.

Có một quan thích sứ mới đến không biết đây là phong tục tập tính của địa phương này, nên chuẩn bị mâm cơm rượu để tế điện Khổng Tử, bèn chuẩn bị chọn hai thư sử đóng vai Khổng Tử và Mạnh Tử để họ đứng ngoài cổng cúi lạy, hai ông thư sử này lại lạy không đúng theo nghi thức, thích sứ nổi giận và lập tức phán:

- “Đem Văn Tuyên vương (Khổng tử) A Thánh (Mạnh tử) ra đánh mỗi đứa mười mấy phách”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 3:

Sẽ là phạm thượng khi xúc phạm đến các vị thánh huống chi là lấy roi đánh các ngài !

Diễn kịch đóng vai các thánh thì phải nghiên cứu và đọc qua hạnh các thánh mới có thể diễn xuất như các ngài, bằng không thì sẽ bị khán giả tẩy chay và cho đó là xúc phạm đến các thánh.

Mỗi người Ki-tô hữu đều có một vị thánh để bắt chước, đó là thánh bổn mạng của mình; mỗi người Ki-tô hữu đều có thể trở nên những vị thánh thời danh nếu họ bắt chước diễn tả lại cuộc sống thánh thiện của thánh bổn mạng trong cuộc sống của mình. Giả làm thánh nhân nhưng giả không đúng thì không những tự mình xúc phạm đến các ngài, mà còn làm cho người khác nhạo báng các ngài qua cuộc sống của chúng ta.

“Phong tục tập tính” của người Ki-tô hữu là mừng kinh ngày lễ thánh bổn mạng của mình, đó là tập tính tốt đẹp nên làm.

Có người Ki-tô hữu âm thầm mừng lễ bổn mạng của mình thật sốt sắng, có người thì mừng lễ thật trọng thể và đem tiền giúp đỡ tha nhân thay vì mời bạn bè ăn uống, có người trong ngày lễ bổn mạng của mình thì ăn chay và làm nhiều việc hy sinh... tất cả đều là gương lành gương sáng.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những tiêu cực phát sinh trong ngày lễ bổn mạng: nhậu nhẹt quên trời quên đất làm cho ngày lễ bổn mạng của mình mất hết ý nghĩa, và đó không phải là “tập tính” tốt của chúng ta –người Ki-tô hữu., bởi vì khi làm như thế thì chẳng khác gì chúng ta đang đánh thánh nhân vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sinh Lợi
Lm. Thái Nguyên
06:43 17/11/2023



SINH LỢI
Chúa Nhật 33 Thường Niên A : Mt 25,14-30.

Suy niệm

Hình ảnh Thiên Chúa với tính cách là ông chủ trong dụ ngôn hôm nay, cho chúng ta cái nhìn đầy lòng tin tưởng và yêu mến, để dám đánh đổi cả cuộc đời mình. Ông không ngần ngại giao phó của cải cho các đầy tớ để họ đầu tư sinh lợi. Ông giao cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Điều quan trọng ở đây không phải là số lượng được giao, mà là công sức được sử dụng, và khả năng được tận dụng. Người ta không bằng nhau ở số lượng, nhưng bằng nhau ở nỗ lực. Giá trị ở đây cũng không tùy thuộc vào mức độ lời lãi cao hay thấp, nhưng tùy theo khả năng đã được trao ban. Đó là giá trị của một phẩm cách hơn là một phẩm vật.

Điều ông chủ quan tâm nhất không phải là khả năng chuyên môn, nhưng là nhân đức của người đầy tớ. Chính nhân đức mới quyết định thành bại cuộc đời, nghĩa là trở nên một đầy tớ trung tín và chăm chỉ làm việc, để xứng đáng với lòng tin của ông chủ. Với tâm tình đó, hai người đầu tiên đã trung thành và tích cực làm việc khi ông chủ vắng nhà. Đến ngày ông chủ trở về, yêu cầu thanh toán sổ sách, thì hai người này đều đã sinh lợi gấp đôi số yến bạc mà chủ đã giao. Niềm vui tràn trề vì phần thưởng lớn lao, vượt quá niềm mơ ước.

Còn người đầy tớ thứ ba xem ra tính khí thất thường, anh ta không đầu tư mà đã đem chôn giấu yến bạc của chủ, một hành động tắc trách. Nói theo ngôn ngữ kinh tế thời nay, đó là cách đóng băng tài sản của chủ, gây tác động xấu đến toàn bộ kế hoạch đầu tư, và do đó có nguy cơ làm đình trệ cả một dây chuyền kinh doanh của ông chủ. Anh ta còn ngang nhiên tố cáo ông chủ “là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát”, vì thế anh không dại gì mà đem sức lực của mình cung phụng cho một ông chủ như thế. Quả thật đây là một cái nhìn độc đoán, bắt nguồn từ lòng dạ hẹp hòi và đôi mắt thiển cận của anh, không để tâm nhận ra một ông chủ đầy lòng nhân hậu. Hay đó chỉ là lý do biện minh cho cho mình về sự “tồi tệ và biếng nhác”, chứng tỏ một tâm hồn yếu nhược, không có chí khí để nỗ lực vươn lên.
Chắc ông chủ cũng đã thấy điều đó nên chỉ trao cho anh ta một nén bạc, phù hợp với khả năng để có thể phát khởi một tính cách mới, một cuộc đời mới. Nhưng tiếc thay, anh đã không hiểu được điều đó và đã ngang nhiên phụ bạc tấm lòng của chủ, do bản tính nông nổi của mình. Quả đúng như câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Thế rồi anh ta giao trả lại yến bạc với lời lẽ thô thiển: “Của ông đây, ông cầm lấy”. Nói thế khác nào bày tỏ một lập trường thù địch: không đơn thuần phủ nhận yến bạc của ông chủ đã giao, mà còn từ chối mọi quan hệ làm ăn và cắt đứt tình nghĩa với ông chủ. Thái độ mê muội cuối cùng này khiến anh ta mất hết, mất tất cả những gì đã có, mất cả cuộc đời.

Giá trị cuộc đời không đo bằng số lượng của cải hay tài năng, nhưng bằng sự nhiệt tình và lòng trung thành. Giả sử người đầy tớ nhận một yến bạc biết hài lòng với mình, có lòng với ông chủ, chắc chắn anh dư khả năng để hoàn thành nhiệm vụ, và cũng tràn ngập niềm vui như hai người kia khi ông chủ trở về. Nhưng tiếc thay, một hoàn cảnh hai số phận, do anh ta đã hành xử cuộc đời của mình cách cẩu thả, thiếu tự trọng và nhất là thiếu niềm tin. Để rồi với cái nhìn lệch lạc và tính khí tiêu cực, anh ta đã tạo nên một định mệnh nghiệt ngã cho mình.
Ắt hẳn dụ ngôn này trước tiên nhắm đến tên đầy tớ vô dụng, không ai khác hơn là những Kinh sư và Phrisêu, về thái độ của họ đối với lề luật và chân lý của Chúa. Họ chỉ giữ đúng những điều luật dạy. Bất cứ sự sửa đổi hay thêm điều gì mới vào luật là họ tìm cách trừ khử ngay. Cũng như người đầy tớ có một yến bạc, họ muốn giữ mọi điều như nguyên trạng của nó, đó chính là điều họ bị lên án. Tôn giáo mà không còn nỗ lực khám phá, không còn mở ra, chết cứng với những lề luật và nguyên tắc cổ hủ, thì quả thật đó là một thứ tôn giáo bị chôn vùi.

Một đầy tớ không sinh lợi từ số vốn được trao là một đầy tớ vô dụng. Mỗi Kitô hữu là một người đầy tớ, một người quản lý của Chúa, được Ngài tín nhiệm và giao phó của cải, để đầu tư và sinh lợi tối đa có thể. Nhưng nếu chúng ta không có lòng tin tưởng và và thiết tha yêu mến Chúa, ta sẽ sao nhãng và dễ dàng bỏ cuộc. Không biết mỗi người đã nhận được mấy yến bạc, nhưng ngày phán xét, ta sẽ bị xét xử dựa trên nỗ lực sinh lợi của mình. Điều quan trọng là ta không được chôn vùi, nhưng hăng say làm nên từ những gì mình có. Để rồi khi chủ trở về, ta được vinh hạnh dâng lại cho Chúa thành quả của chính cuộc đời mình.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Dấu hiệu trưởng thành của người trẻ,
là khi mạnh mẽ bước vào nghề,
biết đứng lên đưa mình vào cuộc sống,
không còn ngồi mà mơ mộng viễn vông.
Thánh Phao-lô đã nói chúng con:
“Ai không làm thì cũng đừng ăn”,
lười biếng không chỉ nhục bản thân,
mà còn hủy hoại khả năng tinh thần,
khác nào như người đi chôn nén bạc,
khiến cho cuộc đời mình ra tan tác.
Làm việc để con thực hiện những ước mơ,
tự lực cánh sinh không chờ ai giúp đỡ,
cho đời con những cơ hội triển nở,
biết xoay sở và sáng tạo đời mình.
Làm việc giúp cho con nên giống Chúa,
Đấng không ngừng quan phòng và sáng tạo,
để con người và vũ trụ nên hoàn hảo,
cho tình yêu và cuộc sống được nâng cao.
Nhưng lạy Chúa xin cho con biết rằng,
mình đang sống trong đời đầy biến động,
trong thế giới rất dễ bị vong thân,
vì tất cả bị lôi vào sản xuất,
kinh tế coi như cứu cánh mọi thành phần,
khiến con người đánh mất cả lòng nhân.
Xin cho con luôn làm việc tận tình,
như đầy tớ tốt lành và trung tín,
biết hy sinh và sẵn sàng cống hiến,
đền đáp lại những gì Chúa đã ban,
bằng một tình yêu mến dâng ngập tràn,
để mọi người vui hưởng sự bình an. Amen.
 
Được tuyển chọn
Lm. Minh Anh
14:13 17/11/2023
ĐƯỢC TUYỂN CHỌN

“Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao!”.

Một phụ nữ hỏi Campbell Morgan, “Ngài có nghĩ chúng ta nên cầu nguyện cả về những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống?”. Tiến sĩ Morgan, theo cách nói nhẹ nhàng của người Anh, trả lời, “Thưa cô, trong cuộc sống của cô, cô có thể nghĩ ra điều gì lớn lao đối với Chúa?”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Có điều gì lớn lao đối với Chúa!”. Chỉ sợ chúng ta không đủ kiên nhẫn để cầu nguyện cả về những gì chúng ta cho là ‘lớn lao!’. Qua dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta, những người con ‘được tuyển chọn’, cứ kiên trì cầu nguyện với Chúa Cha.

Một thẩm phán không sợ người, chẳng sợ trời, còn phải nhượng bộ một bà goá vì bà này cứ quấy rầy ông. Huống hồ Cha chúng ta trên trời! Vậy mà trong cuộc sống, không ít lần chúng ta có thể trở nên mệt mỏi khi cầu nguyện. Điều này xảy ra khi chúng ta có một quan niệm sai lạc về cầu nguyện, hoặc đã có những quan điểm trần thế xói mòn sự đánh giá cao các ưu việt của cầu nguyện, hay đơn giản, chúng ta thích ‘gặm nhấm’ những trải nghiệm được cho là thất bại khi cầu nguyện. Đang khi cầu nguyện là một quà tặng của Thánh Thần, một hành động của tình yêu, một hành vi của đức tin. Cầu nguyện không phải là bấm máy hay đọc một câu thần chú; nhưng là phó mình cho Chúa, để Ngài tự do hành động. Và nguyên việc liên lỉ kiếm tìm Ngài, đã là hoa trái tốt nhất của cầu nguyện!

Nếu cầu nguyện là phó mình và lệ thuộc nhiều hơn vào Chúa, thì vấn đề là tôi hiểu Thiên Chúa thế nào. Tôi chỉ phụ thuộc vào những người tôi tin tưởng, và tôi chỉ tin tưởng những người đã chứng minh được tình yêu và khả năng hỗ trợ tôi. Tôi có thực sự tin rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành, đầy yêu thương và toàn năng không? Tôi có tin Ngài quan tâm đến tôi? Với chúng ta, Thiên Chúa là một thẩm phán; nhưng còn hơn thế, Ngài trước hết là một người Cha nhân ái, Đấng Cứu Độ, một người tận tâm, tận tình và tận tuỵ vô điều kiện. Ngài muốn chúng ta tin cậy Ngài tuyệt đối và tựa nương vào chỉ một mình Ngài.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng còn là người. Qua miệng Isaia, Chúa Cha đã nói về Ngài, “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn, Ta hài lòng về người”. Những lời này được xác quyết một lần nữa sau khi Ngài được Gioan ban phép rửa, “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con!”. Vì thế, trọn cuộc sống dương gian, Chúa Giêsu đã phó dâng cho Cha tất cả và Ngài chỉ tìm làm điều đẹp lòng Cha.

Anh Chị em,

“Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn?”. Xác tín mình ‘được tuyển chọn’ như Chúa Giêsu, bạn và tôi cũng hãy phó thác toàn thân, toàn trí, toàn tri cho Ngài. Vấn đề là chúng ta hiểu biết Thiên Chúa thế nào? Ngài là Đấng có Lời toàn năng “tựa chiến sĩ can trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt” như sách Khôn Ngoan hôm nay diễn tả! Ngài muốn sự tin cậy mỗi người dành cho Ngài hơn là dành cho bất kỳ một ai khác, một ngẫu tượng nào khác. Vì thế, cầu nguyện còn là ‘hồi hương, về lại với ký ức’, “Hãy nhớ lại những việc kỳ diệu Chúa làm!”, Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng mà không có gì là lớn lao đối với Ngài, dạy con kiên tâm cầu nguyện, không chỉ với những gì con nghĩ là ‘lớn lao’, nhưng với cả những điều nhỏ nhặt!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 33 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:38 17/11/2023
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 25, 14-30.

“Được giao ít mà anh đã trung thành, hãy vào mà hưởng niềm vui của mình”.


Bạn thân mến,

Ân sủng của Thiên Chúa được Đức Chúa Giê-su ví như những nén bạc trao cho con người: người nhận năm nén, người nhận hai nén và người nhận một nén, tùy theo khả năng mà Thiên Chúa trao cho, chứ Ngài không tùy tiện trao năm nén cho người chỉ có khả năng làm lợi hai nén. Nhưng dù mỗi người trong chúng ta dù có nhận bao nhiêu nén đi chăng nữa, thì cũng là đã nhận nén bạc mà Thiên Chúa đã trao cho để với mục đích làm lợi cho chính bản thân mình và mưu ích cho tha nhân.

Đức Chúa Giê-su tùy khả năng của mỗi người mà trao cho họ nén bạc, để họ tùy theo khả năng và nén bạc được trao mà làm sinh lợi cho Ngài thêm những nén bạc khác:

- Có những người được ơn tình nguyện đi phục vụ các bệnh nhân bị nhiễm HIV hoặc phục vụ các bệnh nhân phong cùi ở trại phong, họ đã làm lợi thêm những nén bạc khác bằng hành động phục vụ của mình.

- Có những người tình nguyện vào vùng sâu vùng xa, để đem ánh sáng văn hóa đến cho những trẻ em và những người không có điều kiện đến trường, họ đang làm lợi thêm những nén bạc khác bằng hành động tự nguyện hy sinh của mình.

- Có những người dù đang thiếu thốn, nhưng vẫn cứ vui vẻ chia sẻ những gì mình có cho người không có, họ đang làm lợi thêm những nén bạc khác cho Thiên Chúa...

Có những người lại đem nén bạc mà Thiên Chúa trao cho chôn giấu trong đất, họ là những người không thấy được sự tín nhiệm của Thiên Chúa dành cho mình, họ đem ân sủng chôn vùi trong trong những tham lam hưởng thụ và dục vọng của họ, khi mà chung quanh họ có rất nhiều người đang cần đến “đồng tiền ân sủng” của họ để có chút an vui và hy vọng.

Bạn thân mến,

Nhận năm nén, hai nén hoặc chỉ có nhận một nén đều không quan trọng, cái quan trọng là trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần phải nỗ lực, chớp thời cơ để làm lợi thêm nén bạc nữa, đó chính là điểm chính yếu mà Đức Chúa Giê-su muốn dạy dỗ chúng ta qua dụ ngôn nén bạc này.

Câu hỏi gợi ý:

1. Có lúc nào bạn nghĩ rằng Thiên Chúa đã trao cho mình năm nén bạc không?

2. Trong những lúc gặp hoàn cảnh khó khăn, bạn có nghĩ rằng mình là người may mắn nhất vì đang giữ nén bạc của Thiên Chúa trong mình?

3. Theo bạn hiểu, thế nào là phung phí ân sủng của Thiên Chúa?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ý nghĩa sự tuẫn giáo của các Thánh Tử đạo Việt Nam
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
19:49 17/11/2023

Ý NGHĨA SỰ TUẪN GIÁO CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1- Gian khổ, con đường làm chứng cho Chúa Ki-tô tử nạn

Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su Ki-tô đã loan báo cho các Tông đồ và các môn đệ mọi thời rằng ai bước theo Người cách đích thật chắc chắn sẽ phải chịu bách hại: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,30). Chúa còn cảnh báo: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,17-18). Với thói quen trình bày sự thật một cách thẳng thừng và toàn vẹn, Chúa đã chuẩn bị cho môn đệ mình đón nhận điều tồi tệ nhất: “Em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” (Mt 10,21-22).

Đó là vì các môn đệ sẽ phải làm chứng về Thiên Chúa, Đấng tạo dựng đất trời, Đấng luôn đòi hỏi nhân loại nên thánh thiện như Người, nghĩa là yêu thương đến tột độ; và làm chứng về Đức Kitô chịu đóng đinh, “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Nghĩa là công bố cho mọi người tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa, thể hiện qua việc cứu rỗi thế gian nhờ Thập giá Đức Ki-tô, một mầu nhiệm lớn lao và cùng lúc không thể hiểu được đối với loài người.

Để làm được điều ấy, một điều hầu như luôn luôn kéo theo sự bắt bớ, Ki-tô hữu cần có sự khôn ngoan và sức mạnh từ trời cao. Đó là Chúa Thánh Thần: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói gì; không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,19-20).

Điều đó đã xảy ra thời các Tông Đồ. Điều ấy cũng đã lặp lại trong các thời đại khác nhau của lịch sử, ở nhiều lúc và nhiều chỗ khác nhau, trong các cuộc bắt bớ khốc liệt, đặc biệt suốt ba thế kỷ đầu của Giáo hội bên Tây phương.

2- Các Thánh Tử đạo VN, những tay gieo của Thiên Chúa:

Giáo Hội Việt Nam suốt ba thế kỷ đầu của mình cũng đã chịu nhiều cuộc bách hại liên tiếp như thế, với một vài lúc ngưng nghỉ, kể từ năm 1533, nghĩa từ khởi thủy việc rao giảng Tin Mừng ở Đông Nam Á. Đã có hàng trăm ngàn Ki-tô hữu bị đưa tới pháp trường, và nhiều hơn thế là những kẻ đã chết trên núi, trong rừng, nơi những vùng đất độc hại mà họ đã bị đày đến, nơi những thôn làng Công Giáo bị quan quân bủa vây, nơi những ngôi nhà thờ bị Văn Thân lùa tín hữu vào đó rồi phóng hỏa. Dù được phong thánh ngày 19-06-1988 chỉ vỏn vẹn 117 vị, trong đó có 8 Giám mục, 50 Linh mục và 59 giáo dân.

Việc sống đạo và chết vì đạo của các ngài đã xảy ra trong những tình thế rất phức tạp.

- Trước tín ngưỡng nhân gian và tam giáo Đông Phương (Khổng, Phật, Lão) thần thánh hóa đủ thứ, từ con người đến động vật và ngay cả núi sông cây cỏ, các vị tử đạo đã rao giảng một Thiên Chúa sáng tạo vạn vật, chủ tể muôn loài, và chẳng có thần linh tối cao nào ngoài Người cả.

- Trước “đạo ông bà” thờ cúng tổ tiên và các anh hùng dân tộc như thần thánh, các vị tử đạo vẫn cổ vũ lòng tôn kính tiên tổ và tiền nhân đúng đạo hiếu dân Việt, nhưng lòng tôn kính này phải đặt sau việc tôn thờ bái lạy Thiên Chúa.

- Trước quan niệm bình dân cho rằng tôn giáo nào cũng dạy ăn ngay ở lành và Công Giáo là đạo của phương Tây, các vị Tử đạo cho thấy Công Giáo là đạo dành cho hết mọi người và có tính cách siêu việt, mạc khải những điều cao cả từ nơi Thiên Chúa.

- Trước đầu óc phong kiến, coi nhà vua như Thiên tử (con Trời) và hết thảy con dân trong nước đều là thần dân (tôi tớ), các vị tử đạo rao giảng giáo lý: tất cả ai nấy đều là con Trời, và vì vậy đều có phẩm giá như nhau.

- Trước thói tục đa thê hoành hành trong mọi tầng lớp xã hội, từ vua quan đến thứ dân, các vị tử đạo rao giảng nền luân lý đơn hôn (một vợ một chồng) và vĩnh hôn (sống với nhau cho đến chết). Một nền luân lý cao đẹp, có sức nâng cao nhân phẩm và biến đổi xã hội mãnh liệt.

- Trước hoàn cảnh chính trị đất nước phức tạp (các triều đại tranh quyền với nhau, Thực dân Pháp xâm chiếm đất nước, giặc giã nổi lên nhiều chỗ…), các vị tử đạo nhiều lần bị nghi ngờ theo Tây, theo giặc, nhưng các ngài đã luôn chứng tỏ lòng trung thành với đất nước và trung thực với chính quyền. Ngay các vị thừa sai tử đạo cũng đã không bao giờ phục vụ cho quyền lợi của đất nước họ.

Chính đó là những thách thức đối với vua chúa lẫn xã hội đương thời, và trở nên lý do khiến các ngài bị bách hại.

Các thánh Tử Đạo Việt Nam như thế là những người gieo của Thiên Chúa mà Thánh vịnh đã 126 [125] đã ám chỉ: “Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo” (c. 5). Nước mắt và máu của các ngài đã tưới vào hạt giống Tin Mừng, hạt giống ân sủng, để ơn huệ Đức tin có thể trổ sinh dồi dào: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

3- Các Thánh Tử đạo VN, những thợ gặt của Nước Trời:

Và từ những đau khổ lẫn tuẫn giáo của các ngài, “mùa gặt của Chúa” đã tới. Thánh vịnh trên tiếp đến gọi các vị Tử đạo là những thợ gặt: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126[125], 5-6).

Mùa gặt đó, lúa vàng đó, hoa trái đó chính là sinh lực của Giáo hội VN, là khả năng và lòng kiên nhẫn của Giáo Hội VN để đương đầu với các khó khăn đủ loại và để công bố Tin Mừng suốt bao thế kỷ qua.

Máu các thánh Tử đạo đã là nguồn ân sủng để Ki-tô hữu đất Việt tiến lên trong Đức tin của tiền nhân. Đức tin ấy đã là nền tảng cho sự kiên trì của tất cả những ai đích thực cảm thấy mình là người Việt, trung thành với nước Việt, đồng thời vẫn muốn làm môn đệ chân chính của Đức Kitô.

Đức tin ấy đã kêu gọi Ki-tô hữu kính sợ Thiên Chúa, yêu thương mọi người, tuân phục chính quyền và các định chế của xã hội trong những gì chính đáng vì lòng mến Chúa.

Đức tin ấy đã kêu gọi Ki-tô hữu làm điều thiện, ứng xử như những con người tự do (x. 1Pr 2,13-17), tìm kiếm thiện ích chung của quê hương như một nghĩa vụ chân thành của công dân Ki-tô hữu, trong niềm tự do công bố sự thật của Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với các mục tử và các đồng đạo, trong ước vọng sống an bình với mọi người khác để thành tâm xây dựng thiện ích cho tất cả.

Và đó là điều mà chúng ta đã thấy từ thời các chứng nhân Tử đạo cho đến hôm nay trên đất Việt, qua vô vàn chứng nhân Ki-tô hữu Việt Nam khác nữa.

Kết

Các Thánh Tử đạo đã trở nên những của lễ toàn thiêu, kết hợp với hy tế Thập giá của Đức Kitô khổ nạn. Các ngài đã là chứng nhân cho chiến thắng của Đức Kitô trên tử thần, cho ơn gọi của con người là được bất tử! Nhờ thế các ngài đã thông phần vào việc cứu độ trần gian do Người thực hiện, và nay đang được hạnh phúc muôn đời. Đúng như sách Khôn ngoan 3,5-9 đã nói về họ.

Là con cháu, là hoa trái của các ngài, chúng ta cũng được hứa hẹn những điều như thế nếu chúng ta tham gia vào thống khổ và thập giá của Đức Ki-tô, để thông phần vào việc cứu độ trần gian do Người thực hiện. Và như vậy, mùa gặt của các Thánh Tử đạo Việt Nam sẽ kéo dài mãi trong hân hoan qua tất cả chúng ta!

(Tổng Giáo phận Huế)

Cảm hứng bài giảng của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô trong Thánh lễ phong hiển thánh cho các chân phước tử đạo Việt Nam ngày 19-06-1988
 
Đời tôi, lời lỗ ra sao?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
23:18 17/11/2023
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hai chị em là thánh: Thánh nữ Claire và Agnes thành Assisi
Thanh Quảng sdb
02:30 17/11/2023
Hai chị em là thánh: Thánh nữ Claire và Agnes thành Assisi
St Claire

(Aleteia - Philip Kosloski)

Thánh Agnes Assisi là em gái của Thánh Clare, đã rập khuôn theo bước chân của chị về nhiều phương diện.

Thánh Phanxicô Assisi nổi tiếng đã truyền cảm hứng cho Thánh Clare chọn sống một cuộc sống nghèo khó và cầu nguyện, và thành lập một dòng tu riêng biệt được gọi là Dòng nữ Clares Nghèo khó.

Thánh Clare không đơn độc trong khát vọng sống một cuộc sống thánh thiện vì em gái của thánh nhân cũng bước theo thánh nữ vào tu viện.

Điều này khiến cha của thánh nữ nổi giận, ông không muốn con gái mình sống cuộc sống ẩn dật trong tu viện. Ông cử người con trai là Monaldo dẫn một số người có vũ trang đến dùng vũ lực để bắt Agnes ra khỏi tu viện...
St Agnes

Tuy nhiên, một điều kỳ diệu đã xảy ra, đó là khi Monaldo nổi cơn thịnh nộ, rút kiếm định bắt cô em thì cánh tay của anh ta hóa liệt, khô cong và vô dụng; những người khác đến kéo tóc Agnes lôi ra khỏi tu viện, đánh cô và thậm chí còn đấm đá cô... Lúc này, Thánh Clare đã đến giải cứu; đột nhiên thân xác của Agnes trở nên nặng chịch đến nỗi những người lính cố gắng lôi cô đi mà không được! đành bỏ cô nửa sống nửa chết, trên cánh đồng gần tu viện. Bị khuất phục bởi sức mạnh linh thánh, gia đình của Agnes buộc phải bỏ cuộc và cho phép cô ở lại tu viện với Thánh Clare.

Thánh Agnes đã được Thánh Phanxicô chọn làm bề trên của một cộng đoàn nữ tu ở Florence Ý.

Thánh nữ qua đời vào ngày 16 tháng 11 năm 1253 và được chôn cất bên cạnh chị gái là Thánh Clare.
 
Phải chăng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 thực sự nói rằng ma quỷ muốn tiêu diệt Tây Ban Nha?
Đặng Tự Do
05:01 17/11/2023


Một bình luận được cho là của cố Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 liên quan đến Tây Ban Nha và ma quỷ đã lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày gần đây. Nhận xét được cho là của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đến từ Jorge Fernández Díaz, cựu bộ trưởng nội vụ Tây Ban Nha.

Theo một bài đăng ngày 11 tháng 11 trên X của “Sinh viên Đại học Công giáo”, được lan truyền rộng rãi, Đức Bênêđíctô XVI được cho là đã nói “ma quỷ mới biết Tây Ban Nha đã làm gì trong suốt lịch sử của mình: truyền giáo cho Mỹ Châu, vai trò của Tây Ban Nha trong thời kỳ Chống- Cuộc cải cách… ma quỷ tấn công những người giỏi nhất nhiều hơn và do đó, tấn công Tây Ban Nha.”

Mặc dù không có ghi chép nào về nhận xét này trong các bài phát biểu và bài viết của Đức Bênêđíctô XVI, cựu bộ trưởng đã tuyên bố rằng Đức cố Giáo Hoàng đã nói điều đó trong cuộc trò chuyện riêng giữa họ tại Tu viện Mẹ Giáo Hội vào ngày 17 tháng 6 năm 2015.

ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, đưa tin vào ngày 14 tháng 6 năm 2020, rằng trong một hội nghị trực tuyến được tổ chức vài ngày trước đó, cựu bộ trưởng Fernández đã giải thích bối cảnh những lời của Đức Giáo Hoàng. Theo chính trị gia này, Đức Thánh Cha đã đưa ra câu trả lời đó cho ông khi yêu cầu ông cầu nguyện cho Tây Ban Nha vì những vấn đề mà đất nước này đang gặp phải, chủ yếu là do những căng thẳng chính trị liên quan đến áp lực đòi độc lập cho xứ Catalan.

Fernández cho biết khi nói chuyện với Đức Bênêđíctô XVI, ông đã hỏi ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, xin hãy cầu nguyện cho Tây Ban Nha, chúng con rất cần điều đó”.

Cuộc đấu tranh hiện tại

Vào tháng 10 năm 2017, chính quyền Catalan đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, điều này bị chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố là bất hợp pháp. Trong những năm qua, đã có những cuộc biểu tình và phản đối cả ủng hộ và phản đối nền độc lập của Catalonia.

Tây Ban Nha hiện đang chìm trong một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau thỏa thuận giữa Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha cầm quyền và đảng chính trị Junts per Catalunya nghĩa là Cùng nhau vì Catalonia để giữ quyền Thủ tướng cho Pedro Sánchez, trong đó bao gồm ân xá cho những người ly khai ở Catalan bị kết tội nổi loạn bởi Tòa án tối cao của quốc gia. Một số giám mục đã gọi thỏa thuận chính trị này, vốn đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ ở nhiều nơi trên đất nước, là “vô đạo đức”.


Source:Catholic News Agency
 
Công Giáo Thái Lan phản đối kế hoạch để cảnh sát Trung Quốc tuần tra Thái Lan là hành vi nhượng bộ chủ quyền đất nước
Đặng Tự Do
05:03 17/11/2023


Thai Catholic cho biết người Công Giáo Thái Lan phản đối một diễn biến thật kỳ lạ, không thể nào tin được: chính phủ Thái Lan cho phép công an Trung Quốc tuần tra trên đất nước này.

Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em diễn biến này qua bài báo của Tờ Newsweek nhan đề “Plan to Let China's Police Patrol Thailand Leads to Uproar”, nghĩa là “Kế hoạch để cảnh sát Trung Quốc tuần tra Thái Lan dẫn đến chống đối dữ dội của công chúng.”

Chính phủ Thái Lan trong tuần này đã nhanh chóng rút lại đề xuất cho phép cảnh sát Trung Quốc tuần tra một số điểm nóng du lịch nổi tiếng nhất trong bối cảnh có những lo ngại mới về khả năng tiếp cận của lực lượng thực thi pháp luật của Bắc Kinh ở nước ngoài.

Kế hoạch ban đầu được cơ quan du lịch nước này công bố vào cuối tuần. Những người phản đối kế hoạch đó bao gồm Tư Lệnh cảnh sát Thái Lan, Tướng Torsak Sukwimol, người đã cảnh báo đó là hành vi xâm phạm chủ quyền của Thái Lan. Bộ ngoại giao Thái Lan và Trung Quốc không thể đưa ra bình luận trước khi chúng tôi xuất bản.

Trước đây, cảnh sát Trung Quốc đã tham gia tuần tra chung ở Âu Châu với danh nghĩa bảo vệ số lượng lớn khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, sự hiện diện của cảnh sát, trong đó có đầu mối liên lạc ở thành phố New York, đã bị phương Tây giám sát chặt chẽ vào năm ngoái.

Tin tức về khả năng hợp tác với lực lượng an ninh công cộng Trung Quốc đến từ Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan Thapanee Kiatphaibool. Bà cho biết bà đã đưa ra kế hoạch này trong cuộc gặp với Thủ tướng Srettha Thavisin của Thái Lan, theo The Nation, một tờ báo tiếng Anh.

“Việc có cảnh sát Trung Quốc ở Thái Lan là cần thiết vì điều đó sẽ giúp chúng tôi cho khách du lịch Trung Quốc thấy rằng Thái Lan đang tăng cường các biện pháp an ninh. Ngoài ra, niềm tin của du khách sẽ được tăng cường nếu các viên chức cảnh sát của họ có thể xác nhận rằng Thái Lan an toàn”, Thapanee nói, ám chỉ trực tiếp đến việc triển khai các viên chức cảnh sát Trung Quốc trên thực địa.

Theo số liệu mới nhất của chính phủ, mục tiêu của Bangkok là đón tới 4,4 triệu khách du lịch Trung Quốc vào cuối năm nay, tăng từ mức 2,8 triệu hiện tại.

Tuy nhiên, Torsak, quan chức cảnh sát hàng đầu của Thái Lan, đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến này và phủ nhận rằng các sĩ quan của ông đã từng tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người đồng cấp Trung Quốc.

“Tôi không đồng ý với ý kiến này vì nó sẽ xâm phạm chủ quyền của Thái Lan”, quan chức này cho biết hôm thứ Hai, theo Thai PBS, đài truyền hình công cộng của nước này. “Cảnh sát Thái Lan hoàn toàn có khả năng chăm sóc người dân Thái Lan cũng như khách du lịch.”

Đến hôm thứ Ba, sự phản đối kịch liệt của công chúng đã khiến chính phủ phải nhanh chóng đảo ngược suy nghĩ. Srettha, người đang tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương, gọi tắt là APEC ở San Francisco, gọi cuộc tranh cãi là kết quả của việc hiểu sai thông tin.

Thái Lan có kế hoạch hợp tác với Trung Quốc trong việc trao đổi thông tin liên quan đến mạng lưới tội phạm, Srettha cho biết.

Chai Watcharong, phát ngôn nhân của chính phủ Thái Lan, là thành viên trong đoàn tùy tùng của thủ tướng tại Hoa Kỳ, nói thêm rằng thật ra, các viên chức cảnh sát Trung Quốc sẽ đóng vai trò liên lạc.

“Tội phạm Trung Quốc không sợ cảnh sát Thái Lan mà sợ chính cảnh sát quốc gia của họ. Khách du lịch Trung Quốc cảm thấy yên tâm hơn nếu cảnh sát Trung Quốc có thể giúp chăm sóc họ nếu họ bị bọn tội phạm Trung Quốc quấy rối”, Đài Á Châu Tự do dẫn lời Chai nói.

“Cảnh sát Trung Quốc sẽ không đi tuần tra mà cung cấp thông tin. Nó không liên quan gì đến chủ quyền mà là điều có lợi nhất cho đất nước”, ông Chai nói.

Ngành du lịch Thái Lan - động lực chính cho tăng trưởng kinh tế - đã phải hứng chịu sự sụt giảm lượng du khách Trung Quốc kể từ đại dịch COVID-19. Vào tháng 9, Bangkok đã công bố miễn thị thực một phần cho du khách Trung Quốc nhằm tăng số lượng.

Trước khi chính phủ Srettha phủ nhận đề xuất này, tờ Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo nhà nước của Trung Quốc, đã ca ngợi sáng kiến này hôm thứ Hai, và nói rằng việc cảnh sát Trung Quốc tuần tra trên đất Thái “chắc chắn sẽ là một biện pháp ngăn chặn tội phạm”.

Tờ báo cho biết lượng khách Trung Quốc đến quốc gia Đông Nam Á này đã chậm lại kể từ khi vụ xả súng chết người ở trung tâm thương mại ở Bangkok hồi đầu tháng 10 cướp đi sinh mạng của một công dân Trung Quốc.

Vào tháng 8, một báo cáo của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết hàng trăm ngàn người đã bị các băng nhóm tội phạm ở Đông Nam Á bắt cóc, tra tấn và cưỡng bức lao động.

Sự hiện diện của cảnh sát Trung Quốc ở nước ngoài tồn tại ở vùng xám tương đối về mặt pháp lý và xuất hiện dưới dạng các đồn cảnh sát bí mật kết nối ngược lại với các cơ quan an ninh công cộng ở các thành phố và quận của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc phủ nhận các điểm liên lạc phục vụ bất kỳ mục đích xấu xa nào, nhưng các nhóm nhân quyền cho biết các địa điểm này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc Bắc Kinh săn lùng những người bất đồng chính kiến và những tội phạm chính trị khác ở các quốc gia khác.

Rôma cho biết Safeguard Defenders, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Tây Ban Nha có nghiên cứu vào năm 2022 nêu bật hoạt động này, đã xác định các đồn cảnh sát ở hàng chục quốc gia, trong đó có 11 đồn cảnh sát ở Ý, nơi cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành tuần tra chung với các cảnh sát viên Ý từ năm 2016 đến năm 2019.

Tháng 12 năm ngoái, chính phủ Ý cho biết các cuộc tuần tra chung đã bị đình chỉ trong thời gian xảy ra đại dịch và sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn trong bối cảnh quan ngại quốc tế.


Source:Newsweek
 
Tiến Sĩ George Weigel: Loại người Công Giáo nào lại có thể làm ra những chuyện như thế?
J.B. Đặng Minh An dịch
05:06 17/11/2023


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “IN SUPPORT OF JIMMY LAI”, nghĩa là “Trong sự hỗ trợ dành cho Jimmy Lai”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Với tư cách là giám đốc điều hành của Đặc khu hành chính Hương Cảng, Lý Gia Siêu là người thực thi chính trong việc chế độ cộng sản Trung Quốc ngày càng thắt chặt quyền tự do của thành phố này. Đầu tháng này, ông ta đã tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh đầu tư của các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu”, trong một nỗ lực khá rõ ràng nhằm tránh sự thật rằng Hoa Kỳ đã cấm ông tham gia Hội nghị thượng đỉnh CEO hợp tác kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương hiện đang họp tại San Francisco. Đối với những gì đáng lẽ không nên xảy ra nhưng đã xảy ra vì có lẽ không phải là điều đáng xấu hổ cho họ, hội nghị thượng đỉnh giả tạo của Lý Gia Siêu, nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo tài chính Mỹ rằng Hương Cảng mở cửa kinh doanh, đã có sự tham dự của các CEO của Morgan Stanley, Goldman Sachs, Blackstone, Citigroup, Franklin Resources và những người khác.

Hương Cảng có thể mở cửa cho kinh doanh nhưng không mở cửa cho tự do. Trước khi các CEO Mỹ đến, Lee đã cam kết “đặc biệt chú ý đến các hoạt động chống Trung Quốc và gây bất ổn được ngụy trang dưới danh nghĩa nhân quyền, tự do, dân chủ và sinh kế”.

Giống như những người khác ở tầng lớp cao cấp trong cơ quan dân sự Hương Cảng, Lý Gia Siêu theo học tại một trường trung học Công giáo và tự coi mình là người Công giáo, giống như người tiền nhiệm của ông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Nhưng loại người Công giáo nào lại hợp tác với một chế độ có mục đích “Hán hóa” mọi tôn giáo ở Trung Quốc, ưu tiên “Tư tưởng Tập Cận Bình” hơn Phúc âm của Chúa Giêsu Kitô? Loại người Công giáo nào bỏ tù những người biểu tình ôn hòa yêu cầu Bắc Kinh và chính quyền Hương Cảng mà họ kiểm soát tôn trọng cam kết mà họ đã đưa ra để bảo vệ quyền tự do dân sự khi Hương Cảng trở lại dưới sự kiểm soát của Trung Quốc vào năm 1997? Loại người Công giáo nào đang quản lý một hệ thống tư pháp tham nhũng đưa ra những phán quyết được soạn sẵn chống lại các nhà hoạt động nhân quyền?

Và để cá nhân hóa tất cả những điều này: Loại người Công giáo nào lại biệt giam một người đồng đạo Công giáo, Jimmy Lai, trong hơn một nghìn ngày, sau khi phá hủy công việc kinh doanh của anh ta, đóng cửa tờ báo của anh ta và bắt giữ anh ta với những cáo buộc không có thật là vi phạm “an ninh quốc gia”? Loại người Công giáo nào lại ngăn cản một người đàn ông có tội duy nhất là sống theo học thuyết xã hội của Giáo hội không được gặp con mình trong ba năm? Lý Gia Siêu và Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã học được gì ở những trường Công giáo đó?

Vào Ngày Lễ Các Thánh, mười giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã thỉnh nguyện Lý Gia Siêu trả tự do vô điều kiện cho Jimmy Lai khỏi sự giam cầm bất công. Tuyên bố của các ngài rất ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề:

Chúng tôi, những giám mục của Giáo hội Công giáo, ký tên dưới đây, kêu gọi Chính quyền Đặc khu Hành chính Hương Cảng trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Jimmy Lai. Cuộc đàn áp ông Lai nhằm tận diệt các hoạt động ủng hộ dân chủ thông qua tờ báo của ông và trên các diễn đàn khác đã diễn ra đủ lâu.

Không có chỗ cho sự tàn ác và áp bức như vậy ở một lãnh thổ luôn tuyên bố duy trì pháp quyền và tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Khi đứng lên bảo vệ niềm tin của mình và cam kết bằng đức tin của mình để thách thức chế độ chuyên quyền và đàn áp, Jimmy Lai đã làm ăn thua lỗ, bị cắt đứt khỏi gia đình và vừa vượt qua 1.000 ngày tù, đồng thời phải đối mặt với viễn cảnh phải chịu thêm nhiều năm tù giam nữa qua các bản án giam cầm sắp đến. Ông ấy 75 tuổi. Ông ấy phải được tự do ngay bây giờ.

Các vị giám mục đã đứng lên bảo vệ Jimmy Lai và gia đình ông là Đức Hồng Y Timothy M. Dolan, Tổng Giám mục New York; Đức Hồng Y Baselios Cleemis Thottunkal, Tổng Giám mục Địa phận Trivandrum, Ấn Độ; Đức Tổng Giám mục Timothy P. Broglio của Quân đội Hoa Kỳ; Đức Tổng Giám mục Anthony Fisher, dòng Đa Minh, của tổng giáo phận Sydney, Úc; Đức Tổng Giám mục Gintaras Grušas của Vilnius, Lithuania; Đức Tổng Giám mục J. Michael Miller, CSB, Địa phận Vancouver; Đức Tổng Giám mục John Wilson của Southwark, Anh; Giám mục Robert E. Barron của Winona-Rochester, Minnesota; Giám mục Alan A. McGuckian, SJ, giáo phận Raphoe, Ireland; và Đức Giám mục Lucius Ugorji của Umuahia, Nigeria.

Tù nhân chính trị nổi tiếng nhất đương thời của Công giáo đã không nhận được sự hỗ trợ lẽ ra phải có từ Vatican và từ vị giám mục hiện tại của Hương Cảng. Tuy nhiên, mối quan tâm truyền giáo của các giám mục nêu trên đối với một người con đau khổ của Giáo hội là niềm an ủi cho gia đình Lai. Sự quan tâm của các Giám Mục thế giới cũng nên khuyến khích những người Công giáo quan tâm đến các quyền cơ bản của con người như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do báo chí, và cầu nguyện cho Lý Gia Siêu, để ông có thể tìm thấy can đảm để đón nhận và sống nhân đức căn bản là công lý, bất kể giá nào phải trả.

Viện Acton đã sản xuất một bộ phim tài liệu tuyệt vời về cuộc đời và những thử thách của Jimmy Lai, Người Hương Cảng. Tôi hy vọng những gã khổng lồ tài chính Mỹ đã khuất phục trước Lý Gia Siêu sẽ xem nó và học được điều gì đó về lòng dũng cảm trong quá trình này. Và hãy nghĩ mà xem, tờ The Hong Konger cũng sẽ là tài liệu suy ngẫm Mùa Vọng thích hợp tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.


Source:First Things
 
Quanh việc Bộ Giáo Lý Đức Tin trả lời về việc rửa tội cho người chuyển giới 2
Vũ Văn An
13:55 17/11/2023

II. Phản ứng trước câu trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin về người chuyển giới

Câu trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin phần lớn được truyền thông thế tục hoan nghinh. Truyền thông Công Giáo phần đông chỉ thông tin, ít nhận định, nếu có thì phản ứng khá lẫn lộn có ủng hộ nhưng cũng có lo âu.



Truyền thông thế tục

Hãng tin Reuters, ngày 10 tháng 11, đưa tin về vấn đề này. Họ nhận định rằng câu trả lời cho câu hỏi liệu một cặp đồng tính có thể có một phép rửa của Giáo Hội cho một đứa con nuôi hay một đứa con do mang thai hộ hay không khá mơ hồ.

Reuters cũng cho rằng câu trả lời nằm trong cố gắng của Đức Phanxicô muốn Giáo Hội chào đón cộng đồng LGBT nhiều hơn tuy không thay đổi các giáo huấn của Giáo Hội, vốn cho rằng xu hướng đồng tính không có tội nhưng hành vi đồng tính thì có tội.

Reuters cũng trích dẫn phát biểu của Cha Martin, Dòng Tên, cho rằng: “Đây là một bước quan trọng trong việc Giáo Hội coi người chuyển giới không những như những con người (trong một Giáo Hội trong đó một số người nói họ không hiện hữu) mà còn như những người Công Giáo.

Và câu nói của Đức Phanxicô nói với người chuyển giới hồi tháng Bẩy: “Ngay cả khi chúng ta là người có tội, Người (Thiên Chúa) vẫn tới gần để giúp đỡ chúng ta. Chúng ta có thế nào Chúa yêu thương chúng ta như vậy, đây quả là tình yêu điên dại của Thiên Chúa”.

Hãng tin BBC cũng nhận định cùng những điều như Reuters: mơ hồ về câu trả lời cặp đồng tính có được cho con nuôi hoặc con mang thai hộ được chịu phép rửa hay không cũng như trích dẫn lời của Cha Martin và chiều hướng chào đón nhiều hơn đối với cộng đồng LGBT. BBC cho rằng hướng dẫn mới phù hợp với gợi ý của Đức Phanxicô vào tháng trước, cho rằng các cặp đồng tính có thể được một linh mục chúc lành khi nói rằng một lời yêu cầu như thế nên được xem xét với “lòng bác ái mục vụ”. Tuy nhiên, BBC lưu ý: Đức Phanxicô vẫn coi mối liên hệ đồng tính là “tội lỗi một cách khách quan’ và không thừa nhận hôn nhân đồng tính.

Tờ Washington Post cũng cho là hướng dẫn mới phù hợp với cố gắng của Đức Phanxicô trong việc chào đón cộng đồng LGBT nhiều hơn. Tuy nhiên, nó nói rằng hướng dẫn mới không mới gì vì phần lớn phát sinh từ một “thông tư mật” nói về “việc chuyển giới” được ban hành hồi tháng 12 năm 2018. “Người ta không rõ liệu các phần của hướng dẫn có được chia sẻ công khai trước đây hay không. Nó mâu thuẫn với một qui định năm 2015 của Vatican, một qui định lúc ấy cấm một nam nhân chuyển giới ở Tây Ban Nha làm cha đỡ đầu”.

Tờ này viết rằng “Đức Phanxicô đã bãi chức các viên chức bảo thủ từng lãnh đạo Thánh bộ nhiều quyền lực về tín lý của Vatican và đặt Fernández, một Hồng Y Á Căn Đình được coi là thân tín với ngài, vào thế lãnh đạo nó. Tháng rồi, Fernández và Đức Phanxicô đã công bố hướng dẫn mở cửa cho việc chúc lành cho các cặp đồng tính, miễn là phải phân biệt với bí tích hôn phối.

“Tuy nhiên, về mặt chính thức, Giáo Hội vẫn dạy rằng đồng tính luyến ái là ‘vô luân từ nội tại và ngược với luật tự nhiên’. Việc tiếp tục nối vòng tay lớn của Đức Giáo Hoàng với cộng đồng LGBTQ+ diễn ra sau phần thứ nhất của một hội nghị thượng đỉnh lớn ở Vatican, hay Thượng Hội Đồng, kết thúc hồi tháng Mười với các đại biểu chia rẽ sâu xa về việc nối vòng tay lớn với người đồng tính. Tài liệu kết thúc phiên họp đã không nhắc đến kiểu nói ‘LGBTQ+’ như đã được dùng trong các tư liệu sơ khởi và đã gom vấn đề “xu hướng tính dục” dưới các vấn đề đạo đức “mới” và “gây tranh cãi”, kể cả "trí khôn nhân tạo”.

Washington Post cho rằng “việc công bố hướng dẫn vào tuần này được các nhóm LGBTca ngợi như một bước hướng tới việc hòa nhập.

Sarah Kate Ellis, người đứng đầu tổ chức vận động truyền thông LGBTQ+ GLAAD, cho biết trong một tuyên bố rằng lời khẳng định này “gửi một thông điệp rõ ràng tới các nhà lãnh đạo chính trị và văn hóa trên khắp thế giới nhằm chấm dứt cuộc đàn áp và loại trừ người chuyển giới,” đồng thời bà khen ngợi Đức Phanxicô vì đã “tiếp tục phá vỡ các rào cản.”

Tờ báo trích dẫn Francis DeBernardo, biên tập viên của Thừa Tác Vụ Cách Mới tập chú vào LGBTQ, người cho biết việc chào đón người chuyển giới một cách trọn vẹn hơn vào các bí tích Công Giáo là “một bước đi tốt” nhưng nhấn mạnh, “sự chào đón đó cần phải được mở rộng hơn nữa”.

Các cặp đồng tính không thể kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo, và giáo huấn Công Giáo lên án điều mà nó gọi “hành vi đồng tính luyến ái” là “vô đạo đức nội tại”. Trong bối cảnh này, Đức Phanxicô đã làm công chúng ngạc nhiên với những tuyên bố đưa ra từ những ngày đầu triều giáo hoàng của ngài, khi ngài nói vào năm 2013 “tôi là ai mà phán xét họ?” để trả lời câu hỏi về các linh mục đồng tính. Vào tháng 1, Đức Phanxicô nói rằng mặc dù ngài coi đồng tính luyến ái là một tội lỗi nhưng nó không phải là một tội ác. Vào tháng 10, ngài đề nghị mở cửa cho các linh mục chúc phúc cho các cặp đồng tính.

Benjamin Oh, đồng chủ tịch Mạng lưới Công Giáo Cầu vồng Châu Á Thái Bình Dương, đã viết trong email rằng tài liệu mới được công bố có thể được coi là “dấu hiệu hy vọng cho những người Công Giáo LGBTIQA+, sự thật, công lý và tình yêu có thể chiến thắng”, nhấn mạnh rằng “những người LGBTIQA+ đã là một phần của mọi cộng đồng trong mọi nền văn minh nhân loại, và điều đó bao gồm cả cộng đồng Giáo Hội Công Giáo.”

Mặc dù tuyên bố của Vatican là mới đối với hầu hết mọi người trong cộng đồng, nhưng Oh cho biết đã có nhiều người Công Giáo chuyển giới đã được rửa tội, một số người trong số họ cũng là cha mẹ đỡ đầu và con đỡ đầu. Oh nói: “Sự phân đôi giữa hai cộng đồng LGBTIQA+ đối lập với Giáo Hội Công Giáo không phải là một phân đôi hoàn toàn trung thực và hữu ích”.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, những người LGBTQ+ phải đối diện với những trở ngại đáng kể trong việc được Giáo Hội chấp nhận hoàn toàn và trải nghiệm của những người đi nhà thờ có thể rất khác nhau giữa các giáo phận và giáo xứ. Tài liệu được Vatican công bố tuần này dường như cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu nó có thích đáng với người đồng tính hay không.

Các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn trong năm nay nhằm ngăn chặn các bệnh viện Công Giáo cung cấp dịch vụ chăm sóc cho những người khẳng định giới tính. Một số giáo phận Công Giáo, các khu vực nhỏ hơn của Giáo Hội, đã ban hành chính sách cấm sinh viên và nhân viên tại các cơ sở Công Giáo sử dụng các đại từ trùng khớp với danh tính của sinh viên chuyển giới. Truyền thông địa phương đưa tin, một chính sách như vậy ở Massachusetts yêu cầu học sinh “hành xử ở trường phù hợp với giới tính sinh học của mình”. Giáo viên chuyển giới đã bị sa thải khỏi các trường Công Giáo sau khi ra công khai.

Tờ báo cũng trích dẫn Kori Pacyniak, người nghiên cứu trải nghiệm tôn giáo của những người Công Giáo chuyển giới tại Đại học California ở Riverside, cho biết trong một email rằng mối quan hệ của Giáo Hội với cộng đồng LGBTQ+ đã có nhiều căng thẳng về mặt lịch sử. Người ta trích dẫn các cụm từ của Giáo Hội “coi ‘các hành vi đồng tính luyến ái’ là ‘vô trật tự về bản chất’ và coi cái gọi là ‘hệ tư tưởng giới tính’ là có hại và xấu xa”. Nhưng Pacyniak nói, “ngay cả khi việc giảng dạy chính thức gây tổn hại cho người LGBTQ, điều đó không có nghĩa là người LGBTQ kém Công Giáo hơn hoặc ít tín ngưỡng hơn”.

Pacyniak khen ngợi Đức Phanxicô vì đã “cố gắng hướng dẫn giáo hội đến chỗ thân thiện hơn”, mặc dù những nỗ lực như vậy “thường tiến hành rất chậm”. Tuy nhiên, Pacyniak nói thêm, chỉ vì còn nhiều việc phải làm “không có nghĩa là chúng ta không nên ăn mừng những bước nhỏ trên đường đi”.

Với tiêu đề: Vatican tiến gần hơn tới việc cho phép người chuyển giới được chịu phép rửa làm người Công Giáo, hãng tin A.P., ngày 10 tháng 11, cho rằng “tại Hoa Kỳ, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo bác bỏ ý niệm chuyển giới, khiến nhiều người chuyển giới Công Giáo cảm thấy bị loại bỏ. Hôm thứ Tư, Vatican đã công bố một tuyên bố ngược hẳn lại khi nói rằng dưới một số điều kiện, người ta được phép để người chuyển giới được rửa tội làm người Công Giáo và phục vụ như cha mẹ đỡ đầu”.

Theo hãng tin này, Francis DeBernardo, giám đốc điều hành của Thừa Tác Vụ Lối Mới, trụ sở ở Maryland, nhận định rằng “Đây là một bước tiến lớn cho việc bao gồm người chuyển giới... một tin lớn và vui mừng”.

Hãng tin này cũng tường trình rằng một số nhỏ nhưng càng ngày càng gia tăng các giáo xứ Hoa Kỳ vốn đã thành lập các nhóm hỗ trợ người LGBTQ và chào đón người chuyển giới, dù tín lý Công Giáo vẫn bác bỏ hôn nhân đồng tính và sinh hoạt đồng tính.

DeBernardo nói rằng tài liệu này “chứng tỏ rằng Giáo Hội Công Giáo có thể, và thực sự, thay đổi tâm trí của mình về một số thực hành và chính sách” nhưng gợi ý rằng một số giáo phận chống các chính sách chuyển giới nay cần được bãi bỏ. Nhưng ông tỏ ra thất vọng khi tài liệu vẫn cấm các cặp đồng tính làm cha mẹ đỡ đầu.

Các nhận định Công Giáo

Trên National Catholic Register ngày 14 tháng 11, trong bài ‘Transgender’ Baptisms? Sorting Out the Vatican’s Recent Statement [Rửa tội Chuyển phái? Sắp xếp lại Tuyên bố gần đây của Vatican] John Bursch, cho rằng lối đưa tin của Washington Post trên đây nói riêng, và của truyền thông thế tục nói chung đều vì không hiểu tín lý Công Giáo.

Ông cho rằng: Điều cực kỳ quan trọng là phải đọc kỹ, trong bối cảnh, các câu trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin cho các câu hỏi của Đức Giám Mục Negri– và bỏ qua những tiêu đề ngớ ngẩn từ các nguồn truyền thông không hiểu giáo huấn Công Giáo, đại loại như tờ The Washington Post.

Chẳng hạn, khi trả lời câu hỏi đầu tiên của Đức Cha Negri, Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng một người được xác định là người chuyển giới và đã trải qua phẫu thuật có thể lãnh nhận bí tích rửa tội “trong cùng điều kiện như những tín hữu khác, nếu không có tình huống nào có nguy cơ gây ra tai tiếng công khai, hoặc sự mất phương hướng giữa các tín hữu.” Những “điều kiện” đó rõ ràng là rất quan trọng. Vậy chúng là gì?

Đức Hồng Y Gerhard Müller, cựu tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, dựa vào Thánh Tôma Aquinô và Traditio Apostolica – sắc lệnh lâu đời nhất của Giáo hội được viết ở Rome và có niên hiệu khoảng năm 200 sau Công Nguyên –giải thích rằng các cá nhân có thể được rửa tội nếu họ đã phạm tội trong quá khứ nhưng họ chỉ làm như vậy với ý định từ bỏ hành vi tội lỗi trong tương lai. Những người có ý định tiếp tục sống trong tội là chống lại kế hoạch của Thiên Chúa và không thể nhận được ân sủng của bí tích. Việc rửa tội cho những người có ý định tiếp tục phạm tội sẽ gây ra tai tiếng công khai vì nó làm suy yếu tuyên bố của Giáo hội rằng các bí tích là dấu chỉ ân sủng mà chúng truyền đạt.

Bối cảnh đó giúp giải thích câu trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Vả lại, Giáo hội từ lâu đã thừa nhận rằng chúng ta không chỉ đơn thuần là những linh hồn không có xác trú ngụ trong một bình chứa vô nghĩa là cơ thể con người. Nghĩa là chúng ta không phải là những linh hồn bị mắc kẹt trong cái vỏ của một thân xác. Đúng hơn, chúng ta là những linh hồn có thân xác (embodied sould), và việc chúng ta là ai được gắn liền chặt chẽ với cơ thể chúng ta. Như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã diễn đạt rất hay trong thần học về thân xác của ngài, “thân xác diễn tả con người”.

Tất cả chúng ta đều hiểu sự thống nhất giữa cơ thể và linh hồn này một cách trực giác. Nếu ai đó tát vào mặt bạn, bạn không hét lên: “Bạn làm tổn thương cơ thể mà tôi đang trú ngụ!” Thay vào đó, bạn kêu lên: “Anh làm tôi đau quá!” Thân xác là một phần tạo nên bản vị chúng ta đến nỗi xác và hồn được định sẵn để sống với nhau mãi mãi, như chúng ta khẳng định hàng tuần trong Thánh lễ qua Kinh Tin Kính Nixêa.

Tổng hợp tất cả những điều này lại với nhau, Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng một người nào đó được xác định là người chuyển giới chỉ có thể được rửa tội nếu làm như vậy sẽ không có nguy cơ tạo ra tai tiếng công khai hoặc làm mất phương hướng giữa các tín hữu. Theo đó, tình huống duy nhất mà lễ rửa tội không gây ra những rủi ro như vậy là nếu cá nhân đó đã (1) thừa nhận mình đã phạm sai lầm, (2) bắt đầu nhận diện lại giới tính của mình và (3) thực hiện các bước để hủy bỏ tác dụng của bất cứ cuộc phẫu thuật nào, trong phạm vi có thể. Giống như bất cứ ai đang tìm kiếm bí tích rửa tội, sự ăn năn và mong muốn chân thành không phạm tội nữa sẽ mở ra cánh cửa cho bí tích và những ân sủng tuôn chảy từ đó.

John Bursch áp dụng 3 tiêu chuẩn trên cho cả trường hợp trẻ em hoặc thanh thiếu niên có “các vấn đề về bản chất chuyển giới” muốn nhận phép rửa cũng như trường hợp người chuyển phái tính muốn làm nhân chứng đám cưới.

Vì tất cả những điều ấy phù hợp với cách Đức Phanxicô nhìn vấn đề ý thức hệ phái tính.

Bursch trích dẫn bài phát biểu với các Giám mục Ba Lan năm 2016, trong đó, Đức Phanxicô cảnh cáo: “Ngày nay các trẻ em – các trẻ em! - được dạy ở trường rằng mọi người đều có thể lựa chọn giới tính của mình. Tại sao họ lại dạy điều này?” Trong tông huấn Amoris Laetitia, Đức Phanxicô đã chỉ trích việc cổ vũ một “bản sắc bản thân... hoàn toàn tách biệt khỏi sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ” giản lược căn tính con người thành “sự lựa chọn của cá nhân” và làm xói mòn “nền tảng nhân học của gia đình”.

Một lần nữa, trong Laudato Si’, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “đánh giá cơ thể của mình về nữ tính hay nam tính là điều cần thiết nếu tôi có thể nhận ra chính mình khi gặp gỡ một người khác giới”. Và nhân kỷ niệm 10 năm làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã cảnh cáo rằng “ý thức hệ phái tính” là “một trong những sự thuộc địa hóa ý thức hệ nguy hiểm nhất”. Tại sao? Bởi vì nó “làm loãng đi sự khác biệt” giữa nam và nữ, “đi ngược lại ơn gọi của con người” và khẳng định cái tôi trên Thiên Chúa.

Bursch nhận định rằng các cảnh cáo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về ý thức hệ phái tính được khoa học ủng hộ. Có lý do tin rằng khoa thực hành tâm lý và y tế tiêu chuẩn luôn khuyến khích một đứa trẻ có niềm tin sai lầm, dai dẳng, không phù hợp với thực tại - chẳng hạn như chứng biếng ăn - điều chỉnh niềm tin của chúng theo thực tại chứ không phải ngược lại. Chúng ta không thể thay đổi thực tại. Không có gì đáng ngạc nhiên, 80 đến 95% trẻ em mắc chứng phiền muộn phái tính sẽ giảng hòa được “bản sắc phái tính” với giới tính của mình nếu không có sự can thiệp nào để hỗ trợ hoặc củng cố chứng phiền muộn phái tính.

Ngược lại, không có nghiên cứu dài hạn, có kiểm soát nào chứng minh tính an toàn hoặc hiệu quả của các chính sách khẳng định phái tính và các cách điều trị phái tính về lâu dài đối với chứng phiền muộn phái tính. Không một nghiên cứu nào. Và nghiên cứu dài hạn tốt nhất cho thấy rằng một khi niềm hạnh phúc ban đầu mất đi, những người mắc chứng phiền muộn giới tính trải qua quá trình chuyển đổi bằng phẫu thuật có tỷ lệ tử vong do tự tử và nhập viện tâm thần cao hơn những người không trải qua phẫu thuật. Khuyến khích việc khẳng định phiền muộn phái tính là không yêu thương vì nó không có lợi cho nạn nhân mà lại gây ra tác hại nặng nề, lâu dài. Thật đáng xấu hổ khi các phương tiện truyền thông thế tục cho rằng Giáo hội sẽ làm như vậy.

Giải thích c3a Bursch là giải thích có thiện cảm đối với Bộ Giáo Lý Đức Tin của Đức Hồng Y Fernández. Tiến sĩ Eduardo J. Echeverria, trên tờ Catholic Thing, trong bài ‘Transsexual Baptism’: Two Perspectives (Phép rửa chuyển giới: Hai viễn ảnh) không có thứ thiện cảm này. Ông thẳng thừng cho rằng câu trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin là bất nhất không những với tài liệu năm 2019 của Bộ Giáo dục Công Giáo, tức là “Nam và Nữ Người đã tạo ra họ: Hướng tới con đường đối thoại về vấn đề lý thuyết phái tính trong Giáo dục,” mà còn với giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (theo Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI) trong Amoris Laetitia, như John Bursch đã nhắc đến. Và đáng lo ngại hơn nữa, nó có thể dẫn đến việc đòi công nhận hôn nhân chuyển giới, cả linh mục chuyển giới nữa.

Tiến sĩ Echeverria nhận định rằng: Với sự khẳng định của Giáo hội về ý nghĩa chuẩn mực của việc dị biệt hóa giới tính của con người, đặt cơ sở trên các cơ cấu của Sáng thế (tức là sự khác biệt về giới tính giữa nam và nữ là một điều được tạo dựng sẵn), toàn thể nhân loại đều bị ràng buộc vào cơ cấu đó. Do đó, ý tưởng về một “người chuyển giới” hay một “cá nhân chuyển phái” không có nền tảng nhân học trong Công Giáo (Amoris Laetitia, số 56)

Hơn nữa, như Thánh Bộ Giáo Dục lập luận, điều gọi là chủ nghĩa chuyển phái [transgenderism] giả định một “nhân học nhị nguyên, tách cơ thể (giản lược thành trạng thái vật chất trơ trơ) khỏi ý chí con người, trở thành một thứ tuyệt đối có thể thao túng cơ thể theo ý muốn” (số 20). Theo quan điểm này, có “một quá trình biến chất dần dần, nghĩa là rời xa bản chất tự nhiên và hướng tới việc hoàn toàn lựa chọn quyết định của cảm xúc nơi chủ thể con người” (số 19)

Nhưng nền nhân học chuẩn mực của Giáo hội cho rằng một thân thể dị biệt hóa về mặt giới tính trong tính tổng thể toàn vẹn của nó là nội tại đối với việc tự nhận bản sắc, và do đó phái tính được trải nghiệm một cách chủ quan không thể được đối xử một cách thích đáng như là độc lập với bản chất sinh học của một người.

Sách Sáng thế 1:27 khẳng định rằng Thiên Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh Người, Người tạo ra họ có nam có nữ. Khẳng định này là một thực tế khách quan loại trừ tình trạng trong đó Thiên Chúa tạo ra tính dục trên một “phổ” (spectrum) giữa nam và nữ.

Thánh bộ Giáo dục làm rõ ý nghĩa siêu hình của sách Sáng thế: "Cần phải tái khẳng định những nguồn gốc siêu hình của sự dị biệt giới tính, như một sự bác bỏ về mặt nhân học các mưu toan phủ nhận tính nhị nguyên nam-nữ, từ đó [hôn nhân vợ chồng và] gia đình được hình thành. Việc phủ nhận tính nhị nguyên này không những xóa bỏ viễn kiến về con người như hoa trái của một hành động sáng tạo mà còn tạo ra ý tưởng về con người như một điều trừu tượng [như Đức Bênêđíctô XVI nói] tự mình lựa chọn điều bản chất của mình là gì. Người đàn ông và người đàn bà trong trạng thái được tạo ra như những phiên bản bổ sung cho nhau của ý nghĩa con người đang bị tranh cãi. Nhưng nếu trong tạo vật không có tính nhị nguyên nam nữ được định trước, thì [cả hôn nhân vợ chồng lẫn] gia đình cũng sẽ không còn là một thực tại do sáng thế thiết lập nữa (số 34)".

Tiến sĩ mỉa mai hỏi rằng, “Nếu bản sắc giới tính của một cá nhân là vĩnh viễn do việc đã được tạo dựng và Giáo hội hiện nay dường như chấp nhận một cá nhân chuyển giới, điều đó có nghĩa là Giáo hội hiện nay chủ trương rằng một người đàn ông có thể mang thai? Có kinh nguyệt?

Cuối cùng, điều gì ngăn chặn được những người chuyển giới đã được rửa tội khỏi đòi hỏi hợp luận lý được kết hôn chuyển giới hoặc thụ phong chuyển giới? Không điều gì cả, nếu Giáo hội chấp nhận thuyết chuyển giới. Việc sa đọa này không phải là điều xa vời. Tài liệu của Con đường Đồng nghị Đức đã thực hiện được điều đó. Tuy nhiên, tất cả những điều này là một điểm có thể bàn nếu không có thực tại khách quan như một cá nhân “chuyển đổi giới tính”.

Tuy nhiên, có những người Công Giáo ủng hộ câu trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Ngoài linh mục Martin dòng Tên, Sarah Kate Ellis, người đứng đầu tổ chức vận động truyền thông LGBTQ+ GLAAD, Francis DeBernardo, biên tập viên của Thừa Tác Vụ Lối Mới tập chú vào LGBTQ, và Benjamin Oh, đồng chủ tịch Mạng lưới Công Giáo Cầu vồng Châu Á Thái Bình Dương, như đã nhắc trên đây, Ailbhe Conneely thuộc Hệ thống Truyền hình và Truyền thanh Quốc gia Ái Nhĩ Lan, tắt là RTÉ, ngày 9 tháng 11, cho chạy hàng tít: “Priests welcome 'very positive' Papal guidance on trans people” [Các linh mục rất tích cực hoan nghinh hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng về người chuyển giới”.

Ký giả này có ý nói đến Hiệp hội Các Linh mục Công Giáo. Cha Roy Donovan của hiệp hội này mô tả tuyên bố này là "một sự chào đón hết mức" của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho người chuyển phái tính. Ngài nói “Tôi cho rằng chúng ta hy vọng tất cả chúng ta đều noi gương ngài và mang đến cho mọi người sự chào đón hoàn toàn và sự hòa nhập trọn vẹn vào đời sống mục vụ, bí tích của Giáo hội”.

Cha Donovan nói: “Tôi không hài lòng với từ ngữ tai tiếng, tôi nghĩ nó hơi tiêu cực, như thể họ quan tâm đến điều đó hơn việc hòa nhập hoàn toàn những người chuyển giới vào Giáo Hội”.

“Nhưng đó là một bước đi rất tốt. Còn rất nhiều việc có thể làm và tôi nghĩ tuyên bố này cho thấy rằng giáo hội có thể thay đổi quan điểm cũng như thay đổi các thực hành và chính sách của mình, và điều đó tốt. Nó rất, rất tích cực.”

Ngài cho biết động thái của Đức Phanxicô là một cách tiếp cận “tập chú vào mục vụ”.

“Bây giờ, rất nhiều giáo huấn mà Giáo hội có vào lúc này, đặc biệt là về người đồng tính, về tình dục, cần được cập nhật. Nếu họ có thể thay đổi tâm trí về nhiều lĩnh vực khác, tôi nghĩ vẫn còn chỗ cho nhiều thay đổi hơn nữa, ở bình diện tín lý, giáo huấn, cần được cập nhật.

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nhấn mạnh cách tiếp cận mục vụ vào lúc này và điều đó rất, rất tích cực.”

 
Nhóm đền thờ Satan thông báo ra mắt Câu lạc bộ Satan sau giờ học tại trường tiểu học Connecticut
Đặng Tự Do
18:01 17/11/2023


Đền thờ Satan cho biết trong tháng này rằng họ sẽ thành lập “Câu lạc bộ Satan sau giờ học”, gọi tắt là ASSC, tại một trường tiểu học ở Connecticut, vài tháng sau khi thẩm phán liên bang ra phán quyết rằng một trường trung học cơ sở ở Pennsylvania phải thành lập một câu lạc bộ tương tự.

Đền thờ Satan là một nhóm hoạt động chính trị phản đối biểu tượng tôn giáo ở không gian công cộng. Bất chấp tên gọi của nó, theo trang web của nó, nó phủ nhận sự tồn tại của cả Chúa và Satan.

Nhóm đã phát động chương trình “After School Satan” vào năm 2016; tổ chức này khuyến khích sáng kiến này như một giải pháp thay thế cho các chương trình tôn giáo sau giờ học.

Tổ chức này cho biết trên tài khoản Instagram của mình vào tuần trước rằng chương trình “sẽ đến với Connecticut!”

Nhóm cho biết: “ASSC đầu tiên của tiểu bang sẽ ra mắt vào ngày 1 tháng 12 tại Trường Tiểu học Li Băng chỉ sau vài tuần nữa”. “Các tình nguyện viên của ASSC sẵn sàng tạo ra một nơi vui vẻ và hấp dẫn để học sinh học tập và kết bạn mới.”

Tổ chức này cho biết trên bài đăng trên Instagram rằng Đền thờ Satan “là một tôn giáo phi thần học, coi Satan như một nhân vật văn học đại diện cho một cấu trúc ẩn dụ về việc bác bỏ chế độ chuyên chế và ủng hộ tâm trí và tinh thần con người”.

Câu lạc bộ “không cố gắng chuyển đổi trẻ em sang bất kỳ ý thức hệ giới tính tôn giáo nào,” tuyên bố cho biết.

Nhóm đã liệt kê các “dự án khoa học”, “dự án phục vụ cộng đồng”, “câu đố và trò chơi” và “đồ ăn nhẹ” như một phần sản phẩm của câu lạc bộ.

Trường Tiểu học Li Băng đã không trả lời yêu cầu bình luận về câu lạc bộ vào sáng thứ Ba.

Việc ra mắt câu lạc bộ mới diễn ra vài tháng sau khi một thẩm phán liên bang ở Pennsylvania ra phán quyết rằng Đền thờ Satan phải được phép tổ chức một trong những câu lạc bộ sau giờ học tại một trường trung học cơ sở công lập ở Học khu Thung lũng Saucon của Pennsylvania.

Vụ kiện đã được đưa ra thay mặt cho Đền Satan bởi Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ, ACLU của Pennsylvania và Dechert LLP sau khi khu học chánh hủy bỏ việc phê duyệt cuộc họp của nhóm, cho rằng nhóm đã vi phạm chính sách của khu học chánh.

Trong một “cuốn sổ tay” được liên kết trên trang web của mình, đền thờ Satan cho biết các câu lạc bộ của họ “gặp nhau tại các trường công lập chọn lọc đã tổ chức các câu lạc bộ tôn giáo khác”.

Tài liệu cho biết: “Các nhà giáo dục được đào tạo cung cấp các hoạt động và cơ hội học tập mà học sinh có thể tự do tham gia hoặc họ có thể chọn khám phá những sở thích khác có thể được hỗ trợ bởi các nguồn lực sẵn có”.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám mục Broglio, chủ tịch USCCB, kêu gọi Israel đàm phán với Hamas
Đặng Tự Do
18:03 17/11/2023


Đức Tổng Giám mục Timothy Broglio, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã kêu gọi Israel theo đuổi các cuộc đàm phán với những kẻ khủng bố Hamas.

Khi được hỏi về các hành động quân sự của Israel tại Dải Gaza và thương vong dân sự kể từ khi chiến tranh bùng nổ, Đức Cha Broglio cho biết đây là vấn đề mà ngài cảm thấy “rất quan tâm” và nói rằng Israel nên “tìm cách đàm phán”.

“Tôi nhận thấy những hành động tàn bạo chống lại người Israel theo một nghĩa nào đó đã gây ra phản ứng. Nhưng tôi nghĩ rằng phản ứng đó phải luôn là giữa các bên tham chiến và bằng cách này hay cách khác, chúng ta nên cố gắng cứu dân thường và cố gắng giữ họ tránh khỏi cuộc xung đột”, Đức Cha Broglio nói trong cuộc họp báo tại cuộc họp mùa thu thường niên của các giám mục ở Baltimore.

Theo chính quyền Israel, hơn 1.200 người Israel đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương sau cuộc tấn công bất ngờ quy mô lớn của Hamas vào Israel vào ngày 7/10. Đáp lại, thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, đã tuyên chiến với Hamas, khởi xướng một chiến dịch khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng.

“Tôi nghĩ mọi người sẽ nhận ra rằng Israel có lực lượng quân sự vượt trội. Có lẽ họ nên thử và tìm cách nào đó để thương lượng. Tôi biết rằng họ đã giữ quan điểm là sẽ không thương lượng cho đến khi tất cả con tin được thả. Nhưng tôi không biết điều đó biện minh thế nào cho việc tấn công, đặc biệt là ở những nơi thường dân có thể bị thương và đã bị thương,” ông nói.

Đức Cha Broglio, người đại diện cho các quân nhân và nữ quân nhân Hoa Kỳ với tư cách là tổng giám mục của Quân đội Hoa Kỳ, cho biết: “Tôi chắc chắn sẽ luôn là người ủng hộ việc đàm phán trước khi tham gia vào xung đột”.

Đức Cha Broglio cũng được yêu cầu bình luận về một cuộc phỏng vấn gần đây của tạp chí Dòng Tên America với Đức Hồng Y Christophe Pierre, Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ. Trong cuộc phỏng vấn đó, Đức Hồng Y đã suy nghĩ về tình trạng của Giáo hội Công giáo ở Hoa Kỳ, mà ngài nói có đặc điểm là các nhà thờ và chủng viện trống rỗng.

Cuộc phỏng vấn đó đã gây ra các phản ứng bất lợi. Những người đang sống ở Mỹ khó lòng tin rằng các nhà thờ đang trống rỗng.

Đáp lại, Đức Tổng Giám Mục Broglio, người được bầu làm chủ tịch USCCB vào năm 2022, nói rằng ngài không đồng ý với Đức Hồng Y Pierre, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô phong làm Hồng Y.

“Tôi không nghĩ điều đó thực sự phản ánh thực tế của Giáo hội tại Hoa Kỳ. Chắc chắn các nhà thờ của chúng ta vẫn chưa trống rỗng. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để bảo đảm rằng điều đó sẽ tiếp tục như vậy. Chúng tôi có một số chủng viện thực sự đã hoạt động hết công suất”, Đức Cha Broglio nói.

“Tôi nghĩ đã có một nỗ lực phối hợp, cả cho Cuộc Phục hưng Thánh Thể lẫn cho toàn bộ ý tưởng rao giảng tin mừng. Vì vậy, tôi nghĩ có thể có một chút khác biệt giữa những gì được trình bày trong bài viết đó và thực tế là gì. Đó là nhận thức của tôi,” ngài nói.

Đức Cha Broglio nói thêm rằng ngài và Đức Hồng Y Pierre đã “nói chuyện một chút về bài báo”.


Source:Catholic News Agency
 
Văn Hóa
Ôi Hạnh Phúc
Trà Lũ
02:08 17/11/2023
Lá thư Canada

ÔI HẠNH PHÚC

Canada đã vào cuối thu. Lá vàng đã bay đầy đường. Tủ áo ấm đang được mở ra. Ngoài đường không còn thấy ai mặc phong phanh nữa. Chúng tôi vẫn họp làng như thường lệ và vẫn nói các chuyện thời sự nhưng không còn sốt sắng bao nhiêu, vẫn còn chuyện ông Nga Putin đánh Ukraine, vẫn còn chuyện Do Thái và Hamas đánh nhau. Vẫn còn tin các trận động đất, sóng thần. Năm xưa khi có cuộc chiến nào mà tổn thất tới 100 người chết thì cả thế giới đã rùng mình, bây giờ con số tử vong lên tới hàng ngàn hàng vạn mà chả thấy ai kêu thất thanh gì cả, đúng là quen sự dữ mất rồi. Đúng vậy. Làng tôi bây giờ còn có ai nói tới dịch Cô Vít từ Tàu Cộng nữa đâu.Tôi thấy có đài bảo rằng tận thế đang tới. Ông Từ Hòe nghe tôi bảo thế thì cười hà hà rồi nói: ngoài các tin trên, tôi còn chú ý tới 2 cái tin này:

Tin thế giới đang có chiều hướng muốn cải tiến ngày đi làm, xưa nay ta vẫn đi làm 5 ngày một tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu, bây giờ nhiều nơi đang bàn tới chuyện đi làm 4 ngày, sẽ nghỉ thêm ngày thứ Năm. Chuyện đi làm 4 ngày sẽ thay đởi bộ mặt thế giới, các cụ thấy sao cơ?

Tin thứ hai tôi cũng đang chú ý, đó là tang lễ của ông Cha Nguyễn Văn Tường ở Vĩnh Long. Ngài là một linh mục bị vạ tuyệt thông vì giảng đạo và hành đạo mà Tòa giám mục cho là lung tung. Rồi được giải vạ, rồi bị đột tử, qua đời đầu tháng 11 này. Lễ tang thật là lớn và trọng thể, bao nhiêu người thương tiếc. Ngài đã được chôn cất theo luật. Tin cha Tường ở VN thì ai cũng biết, phải không cơ. Nói rồi ông nhìn mọi người và mỉm cười. Không biết ngài có viết chúc thư về việc chôn cất hay không.

Nghe đến đây thì cụ Chánh tiên chỉ nhìn ông Từ Hòe rồi hỏi: Nếu Bác là Cha Tường thì bác sẽ xin an táng ra sao? Ông Từ Hòe trả lời ngay: xưa nay an táng có 3 cách: địa táng tức là chôn cất theo lối thông thường, chôn xác xuống đất, hai là hỏa táng tức là hỏa thiêu, ba là thủy táng tức là bỏ xác xuống biển. Còn tôi thì tôi xin thiên táng, nghĩa là tôi xin thân nhân hỏa thiêu xác tôi xong thì tìm hãng chuyên về làm pháo bông thăng thiên, xin họ bỏ nắm tro thán cốt của tôi vào pháo, mang pháo này tới thác Niagara, Thác Niagara phía Canada có thói quen đốt pháo bông thăng thiên vào các dịp lễ, xin họ đốt pháo có thán cốt tôi, để xác tôi được bắn tung lên trời, tức là được bay về trời…

Cả làng nghe xong ai nấy đều vỗ tay về cái ý rất hay này, Không biết Giáo Hội CG có cho phép việc thiên táng này không.

Nghe tới đây thì cụ Chánh tiên chỉ xin trở về ý chính của tháng 11 này là nhớ tới các người thân yêu đã mất, tháng các linh hồn. và cụ đã nhắc tới Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống John F. Kennedy, hai vị chết cách nhau có 3 tuần. Không biết 2 vị này, một VN một Mỹ, gặp nhau ở thiên giới có nói chuyện gì với nhau không.

Rồi nhân nói tới TT Diệm cụ bàn sang chuyện Vua Duy Tân. À, chuyện này dài nha. Theo sử thì vua cha là Thành Thái và vua con là Duy Tân, cả hai cha con đều bị Pháp lưu đầy ở Réunion bên Phi Châu,. Vua Duy Tân năm 1916. Vua Duy Tân cam chịu và trưởng thành ở đây. Và đã đầu quân cho Pháp, năm 1945 đã lên tới chức thiếu tá. Năm 1945 Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập và Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Người Pháp thất vọng về Bảo Đại, họ liền nghĩ tới giải pháp Duy Tân. VÌ Duy Tân chưa hề tuyên bố thoái vị, chỉ bị truất phế, nay Pháp nghĩ tới giải pháp Duy Tân, sẽ đem Duy Tân trở về VN thay Bảo Đại. Tướng De Gaulle đã gặp Duy Tân bàn việc này. Duy Tân đồng ý và đã chuẩn bị về VN làm vua. Ông được đưa từ Réunion sang Paris cốt để từ Paris ông sẽ vinh quang hồi hương. Nhưng chuyến bay này gặp nạn. Duy Tân mất ngày 26-12-1945. Lý do được đưa ra là vì máy bay bị trục trặc máy và hết xăng. Nhiều người đã nghi nghờ và không ai tin vào lý do này. Nhiều sử gia đã cho việc này là do nước Anh chủ mưu. Lý do: nước Anh thời đó đang cai trị rất nhiều thuộc địa ở Á Châu, nếu VN được nới lỏng quy chế thuộc địa vì có vua Duy Tân thì các nước thuộc địa của Anh sẽ nổi lên, nước Anh sẽ gặp rắc rối to, cho nên cách tốt nhất là không để Duy Tân về nước. Sau này người bạn thân của Duy Tân là E.P.Thébault tiết lộ sự thực vì chính Duy Tân đã cho biết khi còn sống: nước ANH đã cho người đến gặp và hứa sẽ tặng 30 triệu đồng nếu ông bỏ ý định về VN. Tin quan trọng lịch sử này được đăng trong bài trường thiên của Tác giả Thébault nhan đề ‘Destain tragique d’un Empereur d’Annam Vinh San Duy Tân’ trên tờ Revue France-Asie số 1, 1970.

Hóa ra nước Anh đã dính vào lịch sử nước VN nha, các cụ thấy chưa.

Nghe đến đây thì Cụ già B.95 lên tiếng xin thôi các chuyện chính trị. Cụ nhìn anh John cầu cứu. Anh John liền chỉ anh H.O, ngồi bên cạnh, và nói rằng bạn H.O. vừa kể cho cháu một chuyện hay lắm. chuyện ‘ Hơi Vợ’. Phe các bà nghe tới hai tiếng hơi vợ thì tỏ ra thích lắm. Anh H.O. bèn kể: Đây là chuyện của một đồng chí người Thượng thời kháng chiến đánh Tây. Đồng chí này ở mặt trận nhớ vợ quá nên đã làm đơn xin về thăm vợ hai ngày, qua bài thơ như sau:

Tôi nhớ vợ tôi lắm

Cho tôi về hai ngày

Nhà tôi ở Mường Lay

Bên con sống Nậm Rơm



Ngày kia tôi sẽ trở lại

Lại cầm súng được ngay

Tôi càng bắn trúng Tây

Vì tay có hơi vợ…

Cả làng vỗ tay cười ầm và khen hay, nhất là phe các bà.

Anh John bèn lên tiếng: bên VN tay có hơi vợ thì tốt lắm, nhưng ở Canada thì tay có hơi vợ không tốt cho nên mới có câu ‘Monday Car’ để chỉ những xe hơi được làm vào ngày thứ Hai đầu tuần thì đều xấu vì anh thợ nào nghỉ cuối tuần cũng đều nộp thuế hết cho vợ nên kiệt sức, thứ Hai đi làm thì tay yếu xìu…

Chị Ba Biên Hòa thấy làng đang chuyển sang chuyện tục bèn chuyển đề, chị lên tiếng: nhân nói tới kiệt sức, dân làng rồi sẽ kiệt sức trong cuối tuần này, vậy hôm nay ai muốn ăn món gì xin cho biết ngay để nhà bếp kịp đi chợ. Làng góp ý ngay. Cụ Chánh tiên chỉ xin món Nộm rau muống kiểu Bắc Kỳ. Ông Từ Hòe bảo đây là món khá cầu kỳ nha: Rau muống phải non, luộc ối ái, trộn với nước mắm tôm chanh, thêm khế chua, vừng rang, rồi bì heo, rồi rau kinh giới. Các thứ này quyện vào nhau, ngon quên chết. Tôi nhớ ngày trước nhà văn Văn Quang bảo món này cuốn vào nhau như thể vợ chồng mới cưới đang tuần trăng mật…

Nghe tới rau muống thì Chị Ba Biên Hòa hỏi: Rau muống có gốc Bắc kỳ, Năm 1954 các ngài Bắc Kỳ di cư mới mang nó vào miền Nam, xin hỏi bác Từ Hòe người Tây người Tàu có ăn rau muống không? Ông Từ Hòe trả lời ngay: Tiếng Hán Việt gọi rau muống là ung-thái, người Quảng Đông đọc là ‘ông xôi’, buồn cười quá. Ông Pháp gọi rau muống là Liseron d’eau, tức là rau bìm bịp dưới nước, Tiếng tây này nghe lạnh lùng không hay như tiếng Anh. Dân Canada gọi rau muống của dân Bắc Kỳ di cư là ‘Water Morning Glory’. Đọc danh xưng này lên thấy thơ mộng quá và màu sắc quá. Anh John gật gù: tên đẹp thiệt, rau là sự vinh quang ban mai, lại nổi trên sông nước bồng bềnh, thơ quá.

Và bữa ăn có món Bắc Kỳ ngon tuyệt vời này đã được thực hiện, các nhà quân tử đòi uống bia, Ông Từ Hòe gạt đi. Ông bảo món ngon này phải đi với rượu mạnh, món rau muống gốc bên Đông phải nhậu với rượu mạnh Cognac gốc bên Tây thì mới cân xứng. Cognac có gốc từ rươu vang. Chuyện gốc gác về tên gọi này dài, bao giờ làng ta ăn món bí tết, uống cognac rồi tôi sẽ trình thêm cái gốc cao quý của nó. Các cụ đã thấy sự thông thái của bồ chữ này chưa?

Nghe đến đây thì ông ODP bồ chữ thứ hai trong làng lên tiếng. bác Từ Hòe vừa mới nói tới gốc cái tên, việc này làm tôi nhớ tới cách viết tên VN ở Bắc Mỹ này. Ông bỏ chủ đề rượu mà chuyển sang đề tài viết tên. Ở đây tên gọi thì đi đầu, rồi tên họ gia tộc thì đi sau như John Kennedy. John Biden, Donald Trump… Sang Bắc Mỹ này chúng ta phải viết tên theo lối Bắc Mỹ, như tên Cô Tô Mộng Lan thì hóa ra Cô Lan Mong To có kẻ máu xấu đọc là Cô Lan Mông To, Bà Vũ Bá hóa ra bà Ba Vu, rồi hóa ra bà Ba Vú, ông Lâm Tô Cự hóa ra ông Cu To Lam rồi biến ra ông Cu To Lắm…Thật là vô phép quá sức !

Chị Ba Biên Hòa để làng cười cho thỏa rồi chị nghiêm trang xin được nói trở lại về tháng 11, tháng nhớ tới các người chết. Chị bảo tự nhiên chị nhớ tới các người đẹp hoàn vũ mà vắn số, chị thương họ quá. Rồi chị kể ra một danh sách dài, toàn các mỹ nhân tài tử vì không tìm được tình yêu hạnh phúc đích thực như Ca sĩ Dalida, Marilyn Monroe, như Ava Gardner, Dolly Porton …

Rồi chị cảm động, chị không nói tiếp được nữa..

Bồ chữ Từ Hòe nhảy vào liền. Ông nói ngay: Sống ở đời ai cũng đi tìm hạnh phúc, mấy mỹ nhân chị Ba vừa kể đã không tìm được hạnh phúc đích thực, nó không ở tiền tài, danh vọng. Viêc này làm tôi nhớ ngay tới chuyện Ông Baddhiya trong thiền viện ngày xưa. Sách chép rằng một đêm kia ông này đang ngồi thiền dưới gốc cây bỗng tự nhiên ông thốt lên ‘ Ôi hạnh phúc !’ Sáng hôm sau một tu sinh trình Đức Phật việc này. Chiều hôm đó sau giờ pháp thoại, Bụt gọi thày Baddhiya và hỏi: Có phải tối qua trong giờ thiền thày đã thốt lên 3 tiếng ‘Ôi hạnh phúc’ không? Thày thưa ngay: Dạ đúng, con đã thốt lên như vậy. Phật hỏi tại sao, xin nói cho đại chúng nghe. Thiền sinh Baddhiya liền kể:

Bạch Thế Tôn, hồi trước con làm tổng trấn, con sống trong quyền thế và giàu sang. Đi đâu con cũng có 1 đoàn quân hộ tống và một đoàn tùy viên hầu cận. Dinh con ở to lớn luôn có quân lính canh gác rất nghiêm ngặt, Dù nghiêm ngặt như vậy mà con vẫn ngày đêm lo sợ thiếu an ninh, sợ chết. Bây giờ con là khất sĩ một mình trong rừng, ngồi một mình dưới cội cây trong đêm vắng, ngủ một mình bên gốc tùng, không chăn không gối, không người hầu hạ, vậy mà con không hề lo ngại sợ hãi, con cảm thấy thảnh thơi an lạc mà chưa hề bao giờ con có được thời làm tổng trấn. Chiều qua, thấy rõ mình hạnh phúc quá nên con đã không kiềm chế được lòng mình nên đã thốt lên hai lần câu ‘Ôi hạnh phúc ! Con đã làm kinh động các đồng tu, con xin thành tâm xám hối !

Rồi ông Từ Hòe kết truyện: các bạn thấy nha, thường thường chúng ta không ý thức được những hạnh phúc đương có mà thường chạy đi tìm hạnh phúc ở chỗ khác hoặc trong tương lai. Được thở là một hạnh phúc mà chỉ khi nào ta nghẹt mũi thì ta mới thấy được thở là một hạnh phúc. Được nhìn thấy hình dáng muôn màu xinh đẹp của vạn vật là một hạnh phúc, chỉ khi nào ta mất thị giác thì ta mới rõ việc này… Do đó, ta hãy tập quán niệm hơi thở để biết mình hạnh phúc, hạnh phúc thật, ngay bây giờ, như thiền sinh Baddhyla trên đây. Tôi vẫn hay tự nói với mình:

- Thở vào, tôi biết tôi có 2 mắt sáng,

- Thở ra, tôi biết tôi có 2 bàn tay nguyên vẹn mạnh khỏe

- Thở vào tôi biết mình đang có nhiều người thân yêu bên cạnh

- Thở ra tôi biết tôi đang sống bằng an…

Có bằng an thì mới có hạnh phúc, lời tu sinh Baddhyla trên đây là một bằng chứng hùng hồn. Trong các thánh lễ ở nhà thờ Công Giáo, giáo dân luôn được chúc phúc: Bình an của Chúa luôn ở cùng Anh chị em. Pax vobiscum. Peace be with you.

Kính chúc các cụ luôn tràn đầy hạnh phúc và biết mình hạnh phúc.
 
VietCatholic TV
Tướng Không Quân Nga đột tử. Zelenskiy: Hải Quân Putin đã bỏ chạy ở Hắc Hải. Nga thề sẽ trả thù Tiệp
VietCatholic Media
02:41 17/11/2023


1. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố giành được thế chủ động ở Hắc Hải và buộc hải quân Nga phải rút lui

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Năm cho biết Ukraine đã giành được thế chủ động từ Nga ở Hắc Hải và buộc hạm đội hải quân Nga phải rút lui ở phần phía đông của biển này.

“Lần đầu tiên trên thế giới, tại Hắc Hải, một đội thuyền không người lái của hải quân bắt đầu hoạt động – một hạm đội của Ukraine”, Tổng thống Zelenskiy cho biết.

“Tôi cũng muốn lưu ý rằng hiện nay – một trong những kết quả chính từ hành động của chúng tôi – Nga không thể sử dụng Hắc Hải làm bàn đạp để gây bất ổn cho các khu vực khác trên thế giới”.

2. Chỗ đứng trên bờ đông sông Dnipro là vận hội mới mở đường tới Crimea

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine says ‘foothold’ on Dnipro River’s east bank will open up route to Crimea”, nghĩa là “Ukraine cho biết 'chỗ đứng' trên bờ đông sông Dnipro sẽ mở đường tới Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Quan chức Nga thừa nhận sự hiện diện của quân đội Ukraine, được cho là đang tham gia giao tranh ác liệt

Các quan chức Nga và Ukraine thừa nhận quân đội Ukraine đã thiết lập được một chỗ đứng vững chắc ở bờ đông sông Dnipro, trong một chiến dịch mà Kyiv cho rằng sẽ mở ra những con đường tấn công mới hướng tới Crimea.

Ước tính số lượng quân Ukraine tham gia dao động từ hàng chục đến vài trăm và họ được cho là đang giao tranh ác liệt với lực lượng Nga ở phía bên kia sông.

Trong xác nhận chính thức đầu tiên của Ukraine về cuộc vượt sông, Andriy Yermak, chánh văn phòng tổng thống Ukraine, cho biết cuộc vượt sông thành công cho thấy Kyiv vẫn đang đạt được những tiến bộ trong một cuộc phản công kéo dài nhiều tháng mà cho đến nay vẫn chưa đạt được những lợi ích lãnh thổ lớn.

“Bất chấp mọi khó khăn, lực lượng phòng vệ Ukraine đã giành được chỗ đứng ở tả ngạn hay bờ phía đông của Dnipro,” Yermak nói trong bài phát biểu của mình,

Ông nói: “Từng bước một, chúng tôi đang phi quân sự hóa Crimea”. “Chúng tôi đã đi được 70% quãng đường. Và cuộc phản công của chúng tôi đang phát triển.”

Quân đội Nga đã rời bỏ bờ tây sông Dnipro một năm trước và chiếm các vị trí ở phía đông, nơi họ thường xuyên pháo kích vào các thị trấn và làng mạc đối diện.

Các quan chức nói với Guardian hồi đầu tháng này rằng có khoảng từ vài chục đến vài trăm binh sĩ đang giữ vững vị trí ở phía đối diện sông như một phần của chiến dịch bắt đầu vào giữa tháng 10. Họ đã phải đối mặt với sự bắn phá dữ dội từ pháo binh và máy bay không người lái của Nga.

Một báo cáo trên tờ Wall Street Journal hôm thứ Tư cho biết Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đang củng cố các vị trí ở ba thị trấn ở bờ đông sông, bao gồm cả xe Humvee bọc thép và ít nhất một xe chiến đấu bộ binh, đồng thời đã cắt đứt một con đường mà người Nga sử dụng để tiếp tế cho quân đội trong khu vực.

Tuy nhiên, họ cho biết quân đội tự mô tả mình là những người “nằm ẩn trong các tầng hầm và chiến hào và quân Nga đông hơn rất nhiều”.

Thông báo của Ukraine được đưa ra trong bối cảnh Kyiv đang tìm cách duy trì sự hỗ trợ của phương Tây cho một cuộc chiến mà một số chỉ huy hàng đầu của nước này mô tả là đang tiến đến bế tắc.

Trong số đó có tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Valerii Zaluzhnyi, người đã nói với tờ Economist trong một cuộc phỏng vấn gây tranh cãi rằng “rất có thể sẽ không có bước đột phá sâu sắc và đẹp đẽ nào”.

Bài phát biểu của Yermak dường như bác bỏ ý kiến cho rằng chiến tranh đã bị đình trệ, đồng thời nói rằng Tổng thống Zelenskiy có “kế hoạch rõ ràng” để giành chiến thắng.

Ông nói: “Trong số các ưu tiên, Tổng thống xác định sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi và việc triển khai hoạt động sản xuất vũ khí của chính chúng tôi”. “Nhưng chuyện đó sẽ tính sau. Trong khi đó, chúng tôi cần vũ khí ngay bây giờ.”

Cuộc phản công của Ukraine dường như vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra về mặt lãnh thổ, với rất ít tiến bộ ở phía nam và giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn gần Avdiivka và Bakhmut ở phía đông.

Sam Cranny-Evans, một cộng tác viên tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, cho biết việc vượt qua sông Dnipro có thể “mua được chút không gian để thở”.

“Người Nga dường như đang có được động lực trong các lĩnh vực khác như Avdiivka, nơi cũng đang thu hút quân đội Ukraine và gây ra nhiều vấn đề. Ở giai đoạn này, tôi nghĩ đó là một nỗ lực mang tính cơ hội được thiết kế nhằm định hình chiến trường cho các hoạt động trong tương lai và khôi phục một số uy tín trong cuộc phản công”, ông nói.

“Để biến nó thành một thành công có thể thay đổi chiến tranh, họ sẽ cần tìm cách đưa thêm nhiều thiết bị và nhân lực qua sông. Càng mất nhiều thời gian để làm điều đó, họ càng có khả năng phải chịu đựng nhiều sự tiêu hao”.

Hôm thứ Tư, một quan chức khu vực được Nga hậu thuẫn xác nhận rằng quân đội Ukraine đã vượt sông, kêu gọi bình tĩnh và tuyên bố rằng các lực lượng bổ sung của Nga đang được triển khai để đẩy lùi cuộc tấn công.

Vladimir Saldo, nhà lãnh đạo khu vực Kherson bị tạm chiếm do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm, tuyên bố chỉ có vài chục binh sĩ Ukraine ở tả ngạn sông.

Hiện chưa rõ số lượng chính xác binh sĩ Ukraine vượt sông và số thương vong của cả hai bên. Tuần trước, Nga tuyên bố đã giết hàng trăm binh sĩ Ukraine đang cố gắng thiết lập một đầu cầu, nhưng không đưa ra được bằng chứng nào.

Hôm thứ Hai, các cơ quan thông tấn nhà nước Nga đã công bố các báo cáo rằng Mạc Tư Khoa đang di chuyển quân đội về phía đông sông Dnipro tới “các vị trí thuận lợi hơn”, sử dụng ngôn ngữ mà họ đã sử dụng trong quá khứ để mô tả các cuộc rút lui lớn ở Kherson và khu vực Kharkiv ở miền bắc Ukraine. Một lúc sau, các báo cáo đã được rút lại và Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đây là mục tiêu của một cuộc tấn công thông tin.

3. Trung tướng Vladimir Sviridov đã qua đời một cách bí ẩn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Former Top Air Defense Commander Dies Mysteriously”, nghĩa là “Cựu Tư Lệnh tối cao của không quân Nga qua đời một cách bí ẩn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một cựu tướng Nga trước đây từng chỉ trích cách huấn luyện lực lượng không quân của Vladimir Putin đã được phát hiện đã chết tại nhà riêng ở Stavropol Krai, miền nam nước Nga.

Thi thể của Trung tướng Vladimir Sviridov, 68 tuổi, cựu chỉ huy Lực lượng Phòng không và Không quân số 6, đã được tìm thấy hôm thứ Tư, một nguồn tin trong cơ quan thực thi pháp luật Nga nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti.

Năm 2007, ông phàn nàn trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Take Off của Nga rằng các phi công không được đào tạo đầy đủ.

Ông nói: “Một phi công phải có khoảng 100 giờ bay mỗi năm để sẵn sàng chiến đấu hoàn toàn”. “Tuy nhiên, điều này vẫn chưa xảy ra. Thời gian bay trung bình trong quân đội hiện nay là 25-30 giờ.”

Nguồn tin thực thi pháp luật cho biết Sviridov được tìm thấy bên cạnh thi thể của một phụ nữ, hiện vẫn chưa xác định được danh tính.

Kênh Telegram Baza của Nga, được liên kết với các cơ quan an ninh của Mạc Tư Khoa, và tờ báo Kommersant của Nga đưa tin người phụ nữ này là vợ của Trung tướng Vladimir Sviridov.

Kommersant cho biết vị tướng và vợ ông được phát hiện nằm cạnh nhau trên giường tại nhà của họ ở làng Andzhievsky trong vùng Stavropol Krai.

RIA Novosti báo cáo rằng không tìm thấy dấu hiệu nào của cái chết bạo lực và hoàn cảnh của những cái chết đang được xem xét.

Điện Cẩm Linh chưa bình luận về tin tức về cái chết của vị tướng này. Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Sviridov tốt nghiệp Trường Phi công và Hoa tiêu Phòng không Quân sự Cao cấp Stavropol, đồng thời phục vụ trong Quân khu Viễn Đông và chỉ huy một phi đội không quân trong một nhóm lực lượng Liên Xô ở Đức.

Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu năm 2002 và sau đó được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân và Phòng không. Năm 2005, ông được bổ nhiệm làm tư lệnh Tập đoàn quân phòng không và không quân số 6 trực thuộc Lực lượng hàng không vũ trụ Nga và giữ chức vụ này cho đến năm 2009.

Theo hãng tin độc lập Meduza của Nga, Tập đoàn quân phòng không và không quân số 6 được thành lập vào năm 1998 trên cơ sở sáp nhập Tập đoàn quân không quân số 76 và Tập đoàn quân phòng không Cờ đỏ biệt lập số 6, và các quân nhân của đơn vị này tham gia vào cuộc xâm lược toàn diện của Putin ở Ukraine.

Kommersant đưa tin rằng một cuộc điều tra về cái chết của Sviridov và người phụ nữ không rõ danh tính đang được Ban Giám đốc FSB khu vực thực hiện.

4. Các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại lệnh động viên của Putin

Putin sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 của ông ta trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng Ba năm tới. Nhiều người Nga có ý định tổ chức các cuộc biểu tình phản chiến vì nghĩ rằng Putin không dám đàn áp thẳng tay.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Mass Protests Against Putin's Mobilization Planned in Russia”, nghĩa là “Các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại lệnh động viên của Putin được lên kế hoạch ở Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Gia đình của những người lính Nga bị gọi nhập ngũ theo lệnh động viên một phần của Putin vào năm ngoái đã lên kế hoạch biểu tình rầm rộ yêu cầu họ trở về nhà, trong bối cảnh có thông tin cho rằng binh lính bị cấm rời khỏi quân đội.

Người thân của các binh sĩ đã đăng một bản tuyên ngôn trên kênh Telegram “Đường về nhà” vào ngày 12 tháng 11 yêu cầu người nhà của họ được phép về nhà và mời người dân Nga trên toàn quốc tham gia các cuộc biểu tình vào ngày 19 tháng 11. Kể từ năm 2014, những người biểu tình ở Nga đã phải đối mặt với hình phạt vì tổ chức biểu tình mà không có phép của cơ quan chức năng.

Khi Putin tuyên bố “huy động một phần” dân số vào mùa thu năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Nga sẽ nhắm tới 300.000 quân nhân dự bị và cựu quân nhân có “các chuyên môn quân sự nhất định và kinh nghiệm liên quan”.

RAND Corporation, một viện nghiên cứu và cố vấn của Mỹ, cho biết trong một báo cáo hồi tháng 6 rằng quân nhân Nga đang chiến đấu ở Ukraine không được phép rời khỏi quân đội kể từ sắc lệnh của Putin. Không ai được phép rời đi cho đến khi “giai đoạn huy động một phần” kết thúc bằng một nghị định khác, cơ quan này nói thêm.

“Hiện tại, lối thoát duy nhất - ngoài cái chết trong chiến đấu - là đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc, xuất viện hoặc ngồi tù. Một số binh sĩ đã tự giải quyết vấn đề bằng cách đào ngũ, kể cả bắn chết chỉ huy”, tổ chức tư vấn cho biết. “Việc triển khai vô thời hạn, nghỉ ngơi và luân chuyển không đầy đủ do thiếu binh sĩ, đồng nghĩa với việc binh lính Nga phải chịu đựng căng thẳng chiến đấu kéo dài, điều này làm tăng thêm cảm giác phẫn uất và bất lực.”

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Andrey Kartapolov cũng cho biết vào tháng 9 rằng những người Nga tham gia chiến tranh sẽ không được luân chuyển ra khỏi Ukraine cho đến khi cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” hoàn tất.

“Chúng tôi, những người thân và bạn bè của những người bị gọi nhập ngũ, các quân nhân cũng như những người không thờ ơ với số phận của nước Nga và đồng bào của chúng tôi, mong muốn một cuộc sống trọn vẹn cho TẤT CẢ công dân của đất nước chúng ta!” Kênh Đường về nhà nói trong tuyên ngôn của mình.

“Có rất nhiều người trong chúng ta và sẽ còn nhiều hơn nữa. Chúng tôi không quan tâm tới việc làm chao đảo con thuyền và gây bất ổn tình hình chính trị. Chúng tôi là Đường Về Nhà. Chúng tôi quyết tâm lấy lại người của mình bằng bất cứ giá nào,” tuyên bố viết.

Phong trào này cho biết người nhà của họ phải được “xuất ngũ hoàn toàn” và “dân thường không nên tham gia vào các hoạt động thù địch”. Phong trào cho biết họ cũng ủng hộ sự ổn định chính trị và cuộc sống tươm tất cho mọi công dân Nga, đồng thời thiết lập thời hạn phục vụ tối đa là một năm nếu phải nhập ngũ để chiến đấu ở Ukraine.

Kênh này cho biết họ phản đối việc “coi quân nhân như vật phẩm tiêu hao tùy ý”.

“Trước hết, họ là con người,” bản tuyên ngôn cho biết, đồng thời gọi việc đối xử với những người lính bị gọi nhập ngũ hiện nay giống như tình trạng “nô lệ được hợp pháp hóa”.

“Cả binh sĩ bị gọi nhập ngũ và lính hợp đồng đều phải có quyền được giải ngũ khi hết hạn hợp đồng hoặc một năm kể từ ngày nhập ngũ,” thông cáo viết.

5. Ngoại trưởng David Cameron lần đầu thăm Ukraine

Ngoại trưởng David Cameron đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong chuyến công du tới Kyiv, cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự và tái tập trung vào Ukraine khi xung đột tiếp diễn ở Trung Đông.

Trong video được tổng thống Ukraine đăng trên X, Cameron nói:

Điều tôi muốn nói khi có mặt ở đây là chúng tôi sẽ tiếp tục mang đến cho các bạn sự hỗ trợ về mặt tinh thần, hỗ trợ về ngoại giao, hỗ trợ về kinh tế, nhưng trên hết là sự hỗ trợ về mặt quân sự mà các bạn cần, không chỉ trong năm nay và năm tới, mà còn trong thời gian dài. nhận. “

Đề cập đến những bất đồng trước đây với “người bạn” của mình, cựu thủ tướng Boris Johnson Cameron cho biết sự ủng hộ của Johnson dành cho Ukraine là “điều tốt nhất”, đồng thời nói thêm rằng cuộc họp hôm thứ Năm rất quan trọng để “bảo đảm sự chú ý ở đây”.

Zelenskiy nói: “Bây giờ các bạn biết rằng thế giới không tập trung vào tình hình trên chiến trường của chúng tôi ở Ukraine và việc chia rẽ sự tập trung đó thực sự không giúp ích gì, và chúng tôi rất biết ơn vì các bạn đã luôn ủng hộ Ukraine”.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba, cho biết cuộc đàm phán của họ “chứng tỏ” hai nước quyết tâm hợp tác cùng nhau “hướng tới chiến thắng”.

Vương quốc Anh vẫn kiên định cung cấp vũ khí cho Ukraine, tăng cường hợp tác sản xuất và loại bỏ các mối đe dọa từ Hắc Hải khỏi Nga”, Kuleba viết trên X.

6. Điện Cẩm Linh thề sẽ trả thù Tiệp

Điện Cẩm Linh hôm thứ Năm cho biết quyết định của Cộng hòa Tiệp đóng băng tài sản nhà nước của Nga là bất hợp pháp và Mạc Tư Khoa có thể trả đũa những gì họ gọi là bước đi thù địch.

Chính phủ Tiệp hôm thứ Tư cho biết họ đã đóng băng tài sản thuộc sở hữu nhà nước của Nga trên lãnh thổ của mình, mở rộng các lệnh trừng phạt áp đặt đối với cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết động thái của Tiệp là bất hợp pháp xét theo quan điểm luật pháp quốc tế và Mạc Tư Khoa sẽ phân tích điều đó.

7. Nga tấn công trả thù cho vụ tấn công vào nhà máy sản xuất hỏa tiễn ở Mạc Tư Khoa

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 17 Tháng Mười Một, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết quân xâm lược Nga đã bắn hàng loạt hỏa tiễn vào các khu dân cư nhằm trả thù cho vụ tấn công vào nhà máy sản xuất hỏa tiễn ở Mạc Tư Khoa.

Nga đã bắn bốn hỏa tiễn S-300 vào thị trấn Selydove, miền đông Ukraine hôm thứ Tư, làm hư hại sáu tòa nhà chung cư và 20 ngôi nhà.

Hình ảnh cho thấy khoảng một nửa khu chung cư bị phá hủy bởi một hỏa tiễn làm thủng một lỗ hổng trên tòa nhà.

Lực lượng cấp cứu hôm thứ Năm đã dọn dẹp đống đổ nát sau cuộc tấn công của Nga, và một thi thể nữa đã được tìm thấy, nâng số người chết lên ba người, cô nói.

Cô nói thêm rằng lực lượng cấp cứu cho biết một người được cho là đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Nga phủ nhận việc tấn công vào dân thường nhưng Ukraine thường xuyên đưa tin rằng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga đã giết chết và làm bị thương dân thường cũng như làm hư hại cơ sở hạ tầng dân sự trong cuộc chiến toàn diện do Nga phát động vào tháng 2 năm 2022.

8. Những người di cư Trung Á đang rời khỏi Nga, sống ở đó quá nguy hiểm

Những người di cư Trung Á đang rời khỏi Nga vì cuộc chiến Ukraine, Agence France-Presse đưa tin.

Sau khi sống và làm việc ở Nga suốt thập kỷ qua, công nhân xây dựng người Tajik Zoir Kurbanov là một trong những người quyết định đã đến lúc phải về nước. Tiền lương đang giảm và nam giới phải đối mặt với nguy cơ bị Mạc Tư Khoa đưa ra mặt trận.

Kurbanov nhận được lời mời làm việc tại các công trường xây dựng ở Mariupol và Donetsk - những thành phố ở Ukraine bị tạm chiếm. “Tôi đã từ chối,” người đàn ông 39 tuổi nói.

Nhiều người đồng hương nói với anh rằng đó là một cái bẫy. Vì từ chối sang Ukraine, anh bị giảm lương rất nhiều; và quyết định quay trở lại Tajikistan, đảm nhận công việc xây dựng.

Nga đang ngày càng cố gắng thu hút những người di cư Trung Á đến làm việc tại các khu vực của Ukraine mà nước này xâm lược hoặc gài bẫy họ để chiến đấu cho quân đội của nước này. Với lý do phát hiện ra một số loại hành vi phạm tội – có thực hoặc bịa đặt - chính quyền Nga đôi khi đưa ra cho người di cư một lựa chọn khó khăn: bị bỏ tù hoặc phải ra mặt trận.

Argen Bolgonbekov, một thanh niên 29 tuổi từng phục vụ trong lực lượng biên phòng Kygryz, cho biết: “Cảnh sát Nga kiểm tra tôi khắp nơi, hỏi xem tôi đã thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa.:

Cuối cùng, anh ta bị trục xuất trở lại Kyrgyzstan vì những sai phạm trong giấy tờ của mình. “Đó là một điều tốt, bởi vì ở đó bạn không thể đi lại trong hòa bình được nữa,” anh nói khi phát biểu tại một xưởng dệt ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan.

Nhà lập pháp Nga Mikhail Matveyev thậm chí còn kêu gọi nhập ngũ thay cho người gốc Nga. “Tại sao họ không được huy động? Tiểu đoàn Tajik ở đâu? Có một cuộc chiến đang diễn ra, Nga cần binh lính. Chào mừng bạn đến với quyền công dân của chúng tôi.”

Nga vẫn là điểm đến ưu tiên của người lao động nghèo ở Trung Á – họ có thể đến mà không cần thị thực, nói tiếng Nga và kiếm tiền. Kurbanov, công nhân xây dựng người Tajik, nói: “Nếu chiến tranh kết thúc vào ngày mai, tôi sẽ trở lại Nga vào ngày hôm sau”.

9. Chỉ vài ngày sau khi được bổ nhiệm, Ngoại trưởng David Cameron đã đến Kyiv trong chuyến thăm đầu tiên tới Ukraine

Ký giả Bethany Dawson của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “David Cameron hails old foe Boris Johnson during first visit to Ukraine”, nghĩa là “David Cameron ca ngợi đối phương cũ Boris Johnson trong chuyến thăm đầu tiên tới Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ngoại trưởng Vương quốc Anh David Cameron đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Ukraine vào hôm thứ Năm – và dành nhiều lời khen ngợi về sự hỗ trợ của ông Boris Johnson đối với đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Cameron, người từng giữ chức thủ tướng Anh từ năm 2010 đến năm 2016, nói với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy rằng Vương quốc Anh sẽ tiếp tục cung cấp “hỗ trợ về mặt tinh thần, hỗ trợ ngoại giao, hỗ trợ kinh tế, nhưng trên hết là hỗ trợ quân sự” cho Ukraine.

Và ông đã tỏ lòng kính trọng hiếm hoi đối với đối phương cũ của mình là Boris Johnson, người mà Zelenskiy đã có tình bạn thân thiết trong những tháng đầu của cuộc chiến.

Cameron và Johnson là bạn học nhưng đã bất hòa đáng kể trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, đó là cuộc trưng cầu dân ý đã chấm dứt sáu năm nắm quyền thủ tướng của Cameron.

Cameron nói với Zelenskiy: “Tôi có một số bất đồng với Boris Johnson, anh ta là bạn của tôi trong bốn mươi năm, nhưng sự ủng hộ của anh ta dành cho bạn là điều tuyệt vời nhất mà anh ta đã đưa ra”.

Chuyến đi của Cameron tới Kyiv là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Anh bốn ngày trước.

Tổng thống Zelenskiy đã công bố một đoạn video về cuộc gặp, trong đó ông cảm ơn Cameron vì chuyến thăm của ông.

“Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ không ngừng nghỉ cho Ukraine từ Vương quốc Anh. Chúng tôi rất biết ơn sự chào đón nồng nhiệt dành cho công dân Ukraine tại Vương quốc Anh. Chúng tôi rất vui vì bạn đã đến Ukraine”, ông Zelenskiy nói.

“Điều rất quan trọng hiện nay là thế giới không rời mắt khỏi tình hình của chúng tôi hoặc vào chiến trường của chúng tôi.”
 
Hết khôn dồn tới dại: Bangkok cho cảnh sát TQ tuần tra trên đất Thái. Ma quỷ muốn diệt Tây Ban Nha
VietCatholic Media
04:59 17/11/2023


1. Phải chăng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 thực sự nói rằng ma quỷ muốn tiêu diệt Tây Ban Nha?

Một bình luận được cho là của cố Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 liên quan đến Tây Ban Nha và ma quỷ đã lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày gần đây. Nhận xét được cho là của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đến từ Jorge Fernández Díaz, cựu bộ trưởng nội vụ Tây Ban Nha.

Theo một bài đăng ngày 11 tháng 11 trên X của “Sinh viên Đại học Công Giáo”, được lan truyền rộng rãi, Đức Bênêđíctô XVI được cho là đã nói “ma quỷ mới biết Tây Ban Nha đã làm gì trong suốt lịch sử của mình: truyền giáo cho Mỹ Châu, vai trò của Tây Ban Nha trong thời kỳ Chống- Cuộc cải cách… ma quỷ tấn công những người giỏi nhất nhiều hơn và do đó, tấn công Tây Ban Nha.”

Mặc dù không có ghi chép nào về nhận xét này trong các bài phát biểu và bài viết của Đức Bênêđíctô XVI, cựu bộ trưởng đã tuyên bố rằng Đức cố Giáo Hoàng đã nói điều đó trong cuộc trò chuyện riêng giữa họ tại Tu viện Mẹ Giáo Hội vào ngày 17 tháng 6 năm 2015.

ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, đưa tin vào ngày 14 tháng 6 năm 2020, rằng trong một hội nghị trực tuyến được tổ chức vài ngày trước đó, cựu bộ trưởng Fernández đã giải thích bối cảnh những lời của Đức Giáo Hoàng. Theo chính trị gia này, Đức Thánh Cha đã đưa ra câu trả lời đó cho ông khi yêu cầu ông cầu nguyện cho Tây Ban Nha vì những vấn đề mà đất nước này đang gặp phải, chủ yếu là do những căng thẳng chính trị liên quan đến áp lực đòi độc lập cho xứ Catalan.

Fernández cho biết khi nói chuyện với Đức Bênêđíctô XVI, ông đã hỏi ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, xin hãy cầu nguyện cho Tây Ban Nha, chúng con rất cần điều đó”.

Cuộc đấu tranh hiện tại

Vào tháng 10 năm 2017, chính quyền Catalan đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, điều này bị chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố là bất hợp pháp. Trong những năm qua, đã có những cuộc biểu tình và phản đối cả ủng hộ và phản đối nền độc lập của Catalonia.

Tây Ban Nha hiện đang chìm trong một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau thỏa thuận giữa Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha cầm quyền và đảng chính trị Junts per Catalunya nghĩa là Cùng nhau vì Catalonia để giữ quyền Thủ tướng cho Pedro Sánchez, trong đó bao gồm ân xá cho những người ly khai ở Catalan bị kết tội nổi loạn bởi Tòa án tối cao của quốc gia. Một số giám mục đã gọi thỏa thuận chính trị này, vốn đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ ở nhiều nơi trên đất nước, là “vô đạo đức”.


Source:Catholic News Agency

2. Công Giáo Thái Lan phản đối kế hoạch để cảnh sát Trung Quốc tuần tra Thái Lan là hành vi nhượng bộ chủ quyền đất nước

Thai Catholic cho biết người Công Giáo Thái Lan phản đối một diễn biến thật kỳ lạ, không thể nào tin được: chính phủ Thái Lan cho phép công an Trung Quốc tuần tra trên đất nước này.

Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em diễn biến này qua bài báo của Tờ Newsweek nhan đề “Plan to Let China's Police Patrol Thailand Leads to Uproar”, nghĩa là “Kế hoạch để cảnh sát Trung Quốc tuần tra Thái Lan dẫn đến chống đối dữ dội của công chúng.”

Chính phủ Thái Lan trong tuần này đã nhanh chóng rút lại đề xuất cho phép cảnh sát Trung Quốc tuần tra một số điểm nóng du lịch nổi tiếng nhất trong bối cảnh có những lo ngại mới về khả năng tiếp cận của lực lượng thực thi pháp luật của Bắc Kinh ở nước ngoài.

Kế hoạch ban đầu được cơ quan du lịch nước này công bố vào cuối tuần. Những người phản đối kế hoạch đó bao gồm Tư Lệnh cảnh sát Thái Lan, Tướng Torsak Sukwimol, người đã cảnh báo đó là hành vi xâm phạm chủ quyền của Thái Lan. Bộ ngoại giao Thái Lan và Trung Quốc không thể đưa ra bình luận trước khi chúng tôi xuất bản.

Trước đây, cảnh sát Trung Quốc đã tham gia tuần tra chung ở Âu Châu với danh nghĩa bảo vệ số lượng lớn khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, sự hiện diện của cảnh sát, trong đó có đầu mối liên lạc ở thành phố New York, đã bị phương Tây giám sát chặt chẽ vào năm ngoái.

Tin tức về khả năng hợp tác với lực lượng an ninh công cộng Trung Quốc đến từ Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan Thapanee Kiatphaibool. Bà cho biết bà đã đưa ra kế hoạch này trong cuộc gặp với Thủ tướng Srettha Thavisin của Thái Lan, theo The Nation, một tờ báo tiếng Anh.

“Việc có cảnh sát Trung Quốc ở Thái Lan là cần thiết vì điều đó sẽ giúp chúng tôi cho khách du lịch Trung Quốc thấy rằng Thái Lan đang tăng cường các biện pháp an ninh. Ngoài ra, niềm tin của du khách sẽ được tăng cường nếu các viên chức cảnh sát của họ có thể xác nhận rằng Thái Lan an toàn”, Thapanee nói, ám chỉ trực tiếp đến việc triển khai các viên chức cảnh sát Trung Quốc trên thực địa.

Theo số liệu mới nhất của chính phủ, mục tiêu của Bangkok là đón tới 4,4 triệu khách du lịch Trung Quốc vào cuối năm nay, tăng từ mức 2,8 triệu hiện tại.

Tuy nhiên, Torsak, quan chức cảnh sát hàng đầu của Thái Lan, đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến này và phủ nhận rằng các sĩ quan của ông đã từng tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người đồng cấp Trung Quốc.

“Tôi không đồng ý với ý kiến này vì nó sẽ xâm phạm chủ quyền của Thái Lan”, quan chức này cho biết hôm thứ Hai, theo Thai PBS, đài truyền hình công cộng của nước này. “Cảnh sát Thái Lan hoàn toàn có khả năng chăm sóc người dân Thái Lan cũng như khách du lịch.”

Đến hôm thứ Ba, sự phản đối kịch liệt của công chúng đã khiến chính phủ phải nhanh chóng đảo ngược suy nghĩ. Srettha, người đang tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương, gọi tắt là APEC ở San Francisco, gọi cuộc tranh cãi là kết quả của việc hiểu sai thông tin.

Thái Lan có kế hoạch hợp tác với Trung Quốc trong việc trao đổi thông tin liên quan đến mạng lưới tội phạm, Srettha cho biết.

Chai Watcharong, phát ngôn nhân của chính phủ Thái Lan, là thành viên trong đoàn tùy tùng của thủ tướng tại Hoa Kỳ, nói thêm rằng thật ra, các viên chức cảnh sát Trung Quốc sẽ đóng vai trò liên lạc.

“Tội phạm Trung Quốc không sợ cảnh sát Thái Lan mà sợ chính cảnh sát quốc gia của họ. Khách du lịch Trung Quốc cảm thấy yên tâm hơn nếu cảnh sát Trung Quốc có thể giúp chăm sóc họ nếu họ bị bọn tội phạm Trung Quốc quấy rối”, Đài Á Châu Tự do dẫn lời Chai nói.

“Cảnh sát Trung Quốc sẽ không đi tuần tra mà cung cấp thông tin. Nó không liên quan gì đến chủ quyền mà là điều có lợi nhất cho đất nước”, ông Chai nói.

Ngành du lịch Thái Lan - động lực chính cho tăng trưởng kinh tế - đã phải hứng chịu sự sụt giảm lượng du khách Trung Quốc kể từ đại dịch COVID-19. Vào tháng 9, Bangkok đã công bố miễn thị thực một phần cho du khách Trung Quốc nhằm tăng số lượng.

Trước khi chính phủ Srettha phủ nhận đề xuất này, tờ Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo nhà nước của Trung Quốc, đã ca ngợi sáng kiến này hôm thứ Hai, và nói rằng việc cảnh sát Trung Quốc tuần tra trên đất Thái “chắc chắn sẽ là một biện pháp ngăn chặn tội phạm”.

Tờ báo cho biết lượng khách Trung Quốc đến quốc gia Đông Nam Á này đã chậm lại kể từ khi vụ xả súng chết người ở trung tâm thương mại ở Bangkok hồi đầu tháng 10 cướp đi sinh mạng của một công dân Trung Quốc.

Vào tháng 8, một báo cáo của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết hàng trăm ngàn người đã bị các băng nhóm tội phạm ở Đông Nam Á bắt cóc, tra tấn và cưỡng bức lao động.

Sự hiện diện của cảnh sát Trung Quốc ở nước ngoài tồn tại ở vùng xám tương đối về mặt pháp lý và xuất hiện dưới dạng các đồn cảnh sát bí mật kết nối ngược lại với các cơ quan an ninh công cộng ở các thành phố và quận của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc phủ nhận các điểm liên lạc phục vụ bất kỳ mục đích xấu xa nào, nhưng các nhóm nhân quyền cho biết các địa điểm này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc Bắc Kinh săn lùng những người bất đồng chính kiến và những tội phạm chính trị khác ở các quốc gia khác.

Rôma cho biết Safeguard Defenders, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Tây Ban Nha có nghiên cứu vào năm 2022 nêu bật hoạt động này, đã xác định các đồn cảnh sát ở hàng chục quốc gia, trong đó có 11 đồn cảnh sát ở Ý, nơi cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành tuần tra chung với các cảnh sát viên Ý từ năm 2016 đến năm 2019.

Tháng 12 năm ngoái, chính phủ Ý cho biết các cuộc tuần tra chung đã bị đình chỉ trong thời gian xảy ra đại dịch và sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn trong bối cảnh quan ngại quốc tế.


Source:Newsweek

3. Tiến Sĩ George Weigel: Loại người Công Giáo nào lại có thể làm ra những chuyện như thế?

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “IN SUPPORT OF JIMMY LAI”, nghĩa là “Trong sự hỗ trợ dành cho Jimmy Lai”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Với tư cách là giám đốc điều hành của Đặc khu hành chính Hương Cảng, Lý Gia Siêu là người thực thi chính trong việc chế độ cộng sản Trung Quốc ngày càng thắt chặt quyền tự do của thành phố này. Đầu tháng này, ông ta đã tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh đầu tư của các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu”, trong một nỗ lực khá rõ ràng nhằm tránh sự thật rằng Hoa Kỳ đã cấm ông tham gia Hội nghị thượng đỉnh CEO hợp tác kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương hiện đang họp tại San Francisco. Đối với những gì đáng lẽ không nên xảy ra nhưng đã xảy ra vì có lẽ không phải là điều đáng xấu hổ cho họ, hội nghị thượng đỉnh giả tạo của Lý Gia Siêu, nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo tài chính Mỹ rằng Hương Cảng mở cửa kinh doanh, đã có sự tham dự của các CEO của Morgan Stanley, Goldman Sachs, Blackstone, Citigroup, Franklin Resources và những người khác.

Hương Cảng có thể mở cửa cho kinh doanh nhưng không mở cửa cho tự do. Trước khi các CEO Mỹ đến, Lee đã cam kết “đặc biệt chú ý đến các hoạt động chống Trung Quốc và gây bất ổn được ngụy trang dưới danh nghĩa nhân quyền, tự do, dân chủ và sinh kế”.

Giống như những người khác ở tầng lớp cao cấp trong cơ quan dân sự Hương Cảng, Lý Gia Siêu theo học tại một trường trung học Công Giáo và tự coi mình là người Công Giáo, giống như người tiền nhiệm của ông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Nhưng loại người Công Giáo nào lại hợp tác với một chế độ có mục đích “Hán hóa” mọi tôn giáo ở Trung Quốc, ưu tiên “Tư tưởng Tập Cận Bình” hơn Phúc âm của Chúa Giêsu Kitô? Loại người Công Giáo nào bỏ tù những người biểu tình ôn hòa yêu cầu Bắc Kinh và chính quyền Hương Cảng mà họ kiểm soát tôn trọng cam kết mà họ đã đưa ra để bảo vệ quyền tự do dân sự khi Hương Cảng trở lại dưới sự kiểm soát của Trung Quốc vào năm 1997? Loại người Công Giáo nào đang quản lý một hệ thống tư pháp tham nhũng đưa ra những phán quyết được soạn sẵn chống lại các nhà hoạt động nhân quyền?

Và để cá nhân hóa tất cả những điều này: Loại người Công Giáo nào lại biệt giam một người đồng đạo Công Giáo, Jimmy Lai, trong hơn một nghìn ngày, sau khi phá hủy công việc kinh doanh của anh ta, đóng cửa tờ báo của anh ta và bắt giữ anh ta với những cáo buộc không có thật là vi phạm “an ninh quốc gia”? Loại người Công Giáo nào lại ngăn cản một người đàn ông có tội duy nhất là sống theo học thuyết xã hội của Giáo hội không được gặp con mình trong ba năm? Lý Gia Siêu và Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã học được gì ở những trường Công Giáo đó?

Vào Ngày Lễ Các Thánh, mười giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã thỉnh nguyện Lý Gia Siêu trả tự do vô điều kiện cho Jimmy Lai khỏi sự giam cầm bất công. Tuyên bố của các ngài rất ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề:

Chúng tôi, những giám mục của Giáo Hội Công Giáo, ký tên dưới đây, kêu gọi Chính quyền Đặc khu Hành chính Hương Cảng trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Jimmy Lai. Cuộc đàn áp ông Lai nhằm tận diệt các hoạt động ủng hộ dân chủ thông qua tờ báo của ông và trên các diễn đàn khác đã diễn ra đủ lâu.

Không có chỗ cho sự tàn ác và áp bức như vậy ở một lãnh thổ luôn tuyên bố duy trì pháp quyền và tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Khi đứng lên bảo vệ niềm tin của mình và cam kết bằng đức tin của mình để thách thức chế độ chuyên quyền và đàn áp, Jimmy Lai đã làm ăn thua lỗ, bị cắt đứt khỏi gia đình và vừa vượt qua 1.000 ngày tù, đồng thời phải đối mặt với viễn cảnh phải chịu thêm nhiều năm tù giam nữa qua các bản án giam cầm sắp đến. Ông ấy 75 tuổi. Ông ấy phải được tự do ngay bây giờ.

Các vị giám mục đã đứng lên bảo vệ Jimmy Lai và gia đình ông là Đức Hồng Y Timothy M. Dolan, Tổng Giám mục New York; Đức Hồng Y Baselios Cleemis Thottunkal, Tổng Giám mục Địa phận Trivandrum, Ấn Độ; Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio của Quân đội Hoa Kỳ; Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, dòng Đa Minh, của tổng giáo phận Sydney, Úc; Đức Tổng Giám Mục Gintaras Grušas của Vilnius, Lithuania; Đức Tổng Giám Mục J. Michael Miller, CSB, Địa phận Vancouver; Đức Tổng Giám Mục John Wilson của Southwark, Anh; Giám mục Robert E. Barron của Winona-Rochester, Minnesota; Giám mục Alan A. McGuckian, SJ, giáo phận Raphoe, Ireland; và Đức Giám Mục Lucius Ugorji của Umuahia, Nigeria.

Tù nhân chính trị nổi tiếng nhất đương thời của Công Giáo đã không nhận được sự hỗ trợ lẽ ra phải có từ Vatican và từ vị giám mục hiện tại của Hương Cảng. Tuy nhiên, mối quan tâm truyền giáo của các giám mục nêu trên đối với một người con đau khổ của Giáo hội là niềm an ủi cho gia đình Lai. Sự quan tâm của các Giám Mục thế giới cũng nên khuyến khích những người Công Giáo quan tâm đến các quyền cơ bản của con người như tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do báo chí, và cầu nguyện cho Lý Gia Siêu, để ông có thể tìm thấy can đảm để đón nhận và sống nhân đức căn bản là công lý, bất kể giá nào phải trả.

Viện Acton đã sản xuất một bộ phim tài liệu tuyệt vời về cuộc đời và những thử thách của Jimmy Lai, Người Hương Cảng. Tôi hy vọng những gã khổng lồ tài chính Mỹ đã khuất phục trước Lý Gia Siêu sẽ xem nó và học được điều gì đó về lòng dũng cảm trong quá trình này. Và hãy nghĩ mà xem, tờ The Hong Konger cũng sẽ là tài liệu suy ngẫm Mùa Vọng thích hợp tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.


Source:First Things
 
Putin tê tái: Căn cứ vũ khí Nam Nga nổ suốt cả ngày. Tin buồn cho Hung và Thổ. Zelenskiy cảnh báo
VietCatholic Media
16:45 17/11/2023


1. Căn cứ quân sự ở miền Nam nước Nga chìm trong ngọn lửa

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Sparks, Blasts as Fire Engulfs Military Base in Southern Russia”, nghĩa là “Video cho thấy các tia lửa, những tiếng nổ khi lửa nhấn chìm căn cứ quân sự ở miền Nam nước Nga.”

Một đám cháy đã bùng phát tại một cơ sở quân sự của Nga, theo video đăng trên mạng xã hội.

Trong các clip được đăng trực tuyến, có thể thấy đám cháy đang hoành hành tại một cơ sở của Bộ Quốc phòng Nga gần thành phố Kotluban ở tỉnh Volgograd ở miền nam nước Nga, cách thủ đô Mạc Tư Khoa khoảng 585 dặm. Trong một video do nhà báo Ukraine Maria Dutska đăng lên X, có thể nghe thấy tiếng nổ từ xa trong khi một cột khói bốc lên không trung từ một đám cháy lớn.

Thống đốc khu vực Andrey Bocharov cho biết: “Ngọn lửa nhanh chóng được khống chế và sau đó được lực lượng cứu hỏa địa phương phối hợp với Bộ Tình trạng khẩn cấp và Bộ Quốc phòng dập tắt”. Ông cũng xác nhận không có thương vong hoặc thiệt hại về cơ sở vật chất và nói rõ rằng “tình huống xảy ra vụ cháy đang được điều tra”.

Các phương tiện truyền thông địa phương cũng đưa tin đám cháy bùng phát ở kho vũ khí ngay sau nửa đêm theo giờ địa phương và kéo dài khoảng 4 giờ. Hãng truyền thông đối lập Mediazona của Nga đưa tin đám cháy bùng phát vào khoảng 1 giờ sáng và kéo dài đến rảng sáng ngày thứ Sáu, 17 Tháng Mười Một.

Theo một bài đăng của kênh Telegram của hãng tin Baza, người dân cho biết “trước khi đám cháy bắt đầu trên lãnh thổ của đơn vị quân đội, họ đã nghe thấy âm thanh đặc trưng của máy bay không người lái. Sau đó có một vụ nổ.”

Cho đến nay vẫn chưa có xác nhận chính thức rằng nguyên nhân vụ cháy có liên quan đến hoạt động của máy bay không người lái trong khu vực hay không. Tuy nhiên, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết hai máy bay không người lái của Ukraine “đã bị phá hủy trên lãnh thổ vùng Briansk và ba chiếc máy bay không người lái khác đã bị chặn trên Hắc Hải ngay ngoài khơi bờ biển Crimea”. Hiện tại vẫn chưa rõ liệu những chiếc máy bay không người lái này có liên quan đến vụ cháy hay không.

Một nguồn tin từ dịch vụ khẩn cấp cho biết: “Không có thương vong trong dân thường, không có sự phá hủy cơ sở hạ tầng của thị trấn và không cần phải di tản”.

Tuy nhiên, một báo cáo của trang web V1.Ru của Nga cho biết 36 người đã được di tản khỏi khu vực này đến một trường mẫu giáo địa phương, nơi kê giường, trà và chăn ấm. Họ sau đó đã được chuyển đến khách sạn.

Nhân chứng và cư dân Volgograd Denis Erofeev nói với V1.Ru: “Chúng tôi có một sân tập quân sự gần đó, và khi các cuộc tập trận diễn ra ở đó, cả làng ầm ĩ. Thông thường chúng tôi luôn nghe thấy nếu có thứ gì đó nổ tung ở đó. Lần này vào ban đêm, khoảng 2 giờ sáng, tôi ra ngoài ban công thì nghe thấy một tiếng động lớn như có vật gì nổ ngay sau nhà”.

Nga đã báo cáo một số vụ tấn công bằng máy bay không người lái trong những tháng gần đây và cáo buộc Ukraine đứng đằng sau. Tính đến tháng 9 năm 2023, BBC Verify đã báo cáo hơn 190 cuộc tấn công bị nghi ngờ bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ Nga. Cơ sở hạ tầng quân sự và các địa điểm liên quan thường là mục tiêu của các cuộc tấn công như vậy.

Ukraine thường không nhận trách nhiệm về bất kỳ cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nào ở Nga hoặc các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của nước này, mặc dù nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước đây đã nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy sẽ là một “quá trình không thể tránh khỏi, tự nhiên và hoàn toàn công bằng”.

2. Các quan chức phương Tây cho biết Nga đã chịu thương vong từ 300.000 đến 400.000

Cho đến nay, Nga đã phải chịu thương vong từ 300.000 đến 400.000 bao gồm những người thiệt mạng và bị thương trong cuộc chiến ở Ukraine, và trong trận giao tranh ác liệt nhất ở Avdiivka, con số thiệt mạng tối thiểu là 500 người mỗi ngày. Tờ The Guardian của Vương Quốc Anh cho biết như trên trích dẫn một cuộc họp của NATO.

Tuy nhiên, NATO thừa nhận rằng cuộc phản công của Ukraine trên mặt trận Zaporizhzhia về cơ bản đã lên đến đỉnh điểm. “Ba lữ đoàn” được cho là đã vượt qua sông Dnipro gần Kherson, và đó là hy vọng mới để đạt được bước đột phá trong cuộc phản công của Ukraine bắt đầu từ hôm 4 Tháng Sáu.

Một quan chức cho biết: “Không bên nào có khả năng tiến hành một chiến dịch mang tính quyết định trên bộ”, và có vẻ như “một cuộc xung đột kéo dài” có thể sẽ xảy ra, trong đó viện trợ quân sự dài hạn của Mỹ và Âu Châu sẽ rất quan trọng.

Một lực lượng đáng kể, được mô tả là ba lữ đoàn, đã thiết lập một vị trí trên khắp Dnipro mà người Nga đã chứng tỏ là không thể đánh bật được, mặc dù họ nói rằng không rõ quân đội Ukraine có thể mang bao nhiêu thiết giáp vượt sông.

Các quan chức NATO tỏ ra đồng cảm với đánh giá của Tổng Tư Lệnh quân đội Ukraine, Đại Tướng Valerii Zaluzhnyi, rằng muốn có đột phá, cần phải có công nghệ mới.

3. Liên Hiệp Âu Châu chuẩn bị áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga đối với kim cương, thắt chặt giá dầu hỏa

Ký giả Claudia CHIAPPA của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “EU set to slap Russia with new sanctions on diamonds, tighten oil price cap”, nghĩa là “Liên Hiệp Âu Châu chuẩn bị áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga đối với kim cương, thắt chặt giá trần đối với dầu hỏa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo các tài liệu mà POLITICO đã xem, Ủy ban Âu Châu đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, đưa ra lệnh cấm nhập khẩu kim cương từ Nga và thắt chặt các biện pháp khác, chẳng hạn như giới hạn giá dầu.

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Brussels đã áp dụng 11 gói trừng phạt chống lại Mạc Tư Khoa - bao gồm mọi thứ từ năng lượng đến ngân hàng - nhằm làm trống chiếc rương chiến tranh của Tổng thống Vladimir Putin. Các gói trừng phạt mới nhất tập trung hơn vào các biện pháp giải quyết việc lách lệnh trừng phạt, vì các biện pháp khác hoặc nhạy cảm về mặt chính trị hoặc có thể gây tổn hại cho Liên Hiệp Âu Châu nhiều hơn là gây tổn hại cho Nga.

Trọng tâm của đề xuất này, vẫn cần phải được các nước Liên Hiệp Âu Châu ký kết, là lệnh cấm kim cương của Nga. Washington đã cấm kim cương của Nga, nhưng Liên Hiệp Âu Châu thì chưa - phần lớn là do Bỉ nỗ lực bảo vệ hoạt động buôn bán kim cương ở Antwerp. Bỉ hiện đã làm việc với Ủy ban Âu Châu và G7 để tiến tới ban hành lệnh cấm nhằm giải quyết việc lách luật trừng phạt. Lệnh cấm sẽ được áp dụng từ Tháng Giêng năm 2024, nhưng sẽ dần dần áp dụng lệnh cấm nhập khẩu gián tiếp đối với kim cương do Nga chế biến ở các quốc gia ngoài Liên Hiệp Âu Châu, vì còn nhiều công việc kỹ thuật cần thực hiện để thiết lập cơ chế truy nguyên nguồn gốc tại G7.

Các đề xuất dự thảo cũng sẽ đưa ra các yêu cầu báo cáo chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn việc mua dầu Nga vi phạm các lệnh trừng phạt hiện hành được bán với hóa đơn giả. Mức giá trần do G7+ áp đặt ở mức 60 Mỹ Kim/thùng đã có hiệu lực vào tháng 12 năm ngoái, nhưng dầu thô của Mạc Tư Khoa hiện đang ngày càng được giao dịch cao hơn mức đó - luôn ở mức gần 80 Mỹ Kim, mang lại hàng tỷ Mỹ Kim lợi nhuận cho Điện Cẩm Linh.

“Cơ chế giới hạn giá dựa trên quy trình chứng thực cho phép các nhà khai thác trong chuỗi cung ứng dầu đường biển của Nga chứng minh rằng nó đã được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá trần,” văn bản viết và lập luận rằng, “thật thích hợp để đưa ra một yêu cầu chứng thực cũng bao gồm các chi phí phụ trợ được chia thành từng khoản, chẳng hạn như bảo hiểm và vận chuyển hàng hóa.”

Theo quy định hiện hành, các công ty vận tải biển và công ty bảo hiểm của họ phải tuyên bố rằng họ chưa trả quá 60 Mỹ Kim/thùng cho hàng hóa của mình, nhưng từ lâu đã có lo ngại rằng các thương nhân đã đưa ra những khoản tiền bổ sung lớn để bảo đảm an toàn cho hàng hóa của họ và cho rằng họ đang ở trong tình trạng khó khăn, thực tế là thanh toán các chi phí linh tinh như vận chuyển. Những thay đổi được đề xuất sẽ khiến việc đó trở nên khó khăn hơn, nhưng vẫn chưa rõ liệu có đủ sự giám sát để ngăn chặn các giao dịch gian lận được thực hiện hay không.

Hai nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu cho biết, bên cạnh việc Liên Hiệp Âu Châu nhập khẩu dây và lá gang, đồng, nhôm của Nga, đề xuất này cũng bao gồm các hạn chế mới đối với khí propan hóa lỏng, gọi tắt là LPG, của Nga, theo yêu cầu của Ba Lan và các nước vùng Baltic. Các nhà ngoại giao được phép giấu tên để thảo luận về các chủ đề nhạy cảm. Warsaw là khách hàng mua LPG lớn nhất của Liên Hiệp Âu Châu, loại khí này được sử dụng làm nhiên liệu cho xe hơi và sưởi ấm, và đầu năm nay chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Mạc Tư Khoa.

Brussels đã không đưa 4 công ty Trung Quốc vào gói mới nhất này, mặc dù trước đó họ có ý định làm như vậy. Trong gói thứ 11, Ủy ban dự kiến sẽ áp dụng các hạn chế thương mại đối với 7 công ty Trung Quốc và sau đó loại 4 công ty khỏi danh sách này – đó là Sinno Electronics, 3HC Semiconductors, Sigma Technology và King-Pai Technology. Bốn công ty này không nằm trong gói mới nhất, với các hạn chế tập trung vào Asia Pacific Links, Tordan Industry và Alpha Trading Investments có trụ sở tại Hương Cảng.

Hai nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu cho biết các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu sẽ thảo luận về gói này lần đầu tiên vào hôm thứ Sáu. Không rõ khi nào họ sẽ bật đèn xanh, nhưng hy vọng là điều đó sẽ được thực hiện trước Hội đồng Âu Châu vào giữa tháng 12 hoặc muộn nhất là vào cuối năm nay.

4. Tin rất buồn cho Hung Gia Lợi và Thổ Nhĩ Kỳ

Tập đoàn điện hạt nhân nhà nước Nga vừa báo cáo rằng các cánh tuabin bị gãy tại một nhà máy nơi công ty đã lắp đặt hai lò phản ứng, là cùng một loại mà họ cũng đang xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ, và có kế hoạch xây dựng ở Hung Gia Lợi.

Rosenergoatom, công ty điều hành các nhà máy điện hạt nhân của Nga, cho biết vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến cánh quạt bị gãy. Diễn biến này đã buộc một tổ máy tại nhà máy điện hạt nhân Leningrad ở phía tây St Petersburg phải đóng cửa vào Chúa Nhật.

“Điều quan trọng bây giờ là tìm hiểu lý do khiến các cánh quạt bị phá hủy. Đây là một hiện tượng mới”, Alexander Shutikov, nhà lãnh đạo Rosenergoatom cho biết. Ông cho biết việc sửa chữa sẽ được hoàn thành trước ngày 22 tháng 12.

Đơn vị xảy ra sự việc được xây dựng vào năm 2018 với VVER 1200 thế hệ tiếp theo, và lò phản ứng nước điều áp. Các tổ máy loại này đang được Nga chế tạo tại nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ và dự kiến sẽ được lắp đặt tại nhà máy Paks-2 ở Hung Gia Lợi. Nga đã cung cấp chúng cho Belarus.

Shutikov cho biết các cánh quạt bị hỏng là một phần của tuabin hơi nước tốc độ cao 1.200MW. Tua bin được sản xuất bởi công ty Power Machines của doanh nhân Alexei Mordashov.

Power Machines cho biết các tuabin cùng loại đã hoạt động không gặp vấn đề gì kể từ năm 2016 tại bốn tổ máy điện. Họ cho biết họ đang thực hiện tất cả các bước để khởi động lại thiết bị bị ảnh hưởng càng sớm càng tốt và làm việc với các chuyên gia của nhà máy để điều tra nguyên nhân và xác định các khiếm khuyết.

“Dựa trên kết quả, chúng tôi sẽ đưa ra kết luận và xác định các biện pháp khắc phục”, cơ quan này cho biết khi trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters.

Rosatom, công ty mẹ của Rosenergoatom, cho biết các mô hình tuabin tương tự đang hoạt động tại một đơn vị khác của nhà máy Leningrad và ở khu vực phía nam Voronezh. Công ty cho biết gần đây các trục trặc đã diễn ra khá thường xuyên.

Tuy nhiên, họ trấn an rằng: “Vì các tua-bin không phải là một phần của 'đảo hạt nhân' của nhà máy nên sự việc của chúng không ảnh hưởng đến an toàn hạt nhân vì tất cả các thiết bị của lò phản ứng đều hoạt động như dự định”, nó cho biết.

5. Liên Hiệp Âu Châu lên kế hoạch trừng phạt mới với Nga, trong đó có con trai của Dmitry Medvedev

Ủy ban Âu Châu đang đề xuất vòng trừng phạt thứ 12 chống lại Mạc Tư Khoa, bao gồm các hạn chế đối với nhiều cá nhân, trong đó có con trai của cựu tổng thống Dmitry Medvedev và một người họ hàng của Vladimir Putin.

Trong số 47 cá nhân mà ủy ban muốn bổ sung vào danh sách trừng phạt hiện có có chị họ của Putin là Anna Tsivileva, nhà lãnh đạo tổ chức “Những người bảo vệ tổ quốc” với chủ trương hỗ trợ binh lính Nga chiến đấu ở Ukraine.

Ngoài ra, trong danh sách mở rộng còn có Ilya Medvedev, con trai duy nhất của cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Anh ta bị trừng phạt vì bị cáo buộc dàn dựng một chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lệch ở Ukraine.

Việc đưa người thân của các quan chức cao cấp, trong đó có gia đình Putin vào, sẽ gây ra sự tức giận ở Điện Cẩm Linh.

6. Vương quốc Anh nhận định về khó khăn của Nga ở thị trấn Avdiivka

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Could Suffer 'Significant Losses' in Bid to Take Avdiivka Plant: UK”, nghĩa là “Vương quốc Anh nhận định rằng: Nga có thể phải chịu 'tổn thất đáng kể' trong nỗ lực chiếm một nhà máy ở Avdiivka.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga có thể phải chịu “tổn thất đáng kể” nếu nước này cố gắng chiếm nhà máy hóa chất Avdiivka của Ukraine.

Trong bản cập nhật tình báo hàng ngày trên X, Bộ này cho biết Nga đang thực hiện một “chiến lược gọng kìm” để tấn công Avdiivka, một thị trấn ở rìa khu vực phía đông Donbas. Bộ này cho biết: “Trong tuần qua, các lực lượng Nga đã tiếp tục tấn công vào các làng mạc xa xôi của thị trấn tranh chấp Avdiivka”.

Avdiivka là mục tiêu có ý nghĩa chiến lược đối với Nga ở miền đông Ukraine và được coi là cửa ngõ giữa Ukraine và các vùng lãnh thổ do Nga nắm giữ ở rìa Donbas. Đó là khoảng 12 dặm từ thành phố Dontesk.

“Avdiivka đã bị tranh giành trong gần một thập kỷ và có tầm quan trọng chính trị đối với Nga do nằm gần thành phố Donetsk”, thông tin cập nhật của Bộ Quốc Phòng Anh cho biết. Các lực lượng Nga có thể sẽ áp sát nhà máy than cốc và hóa chất Avdiivka, một “vị trí chiến thuật quan trọng ở phía bắc thị trấn”.

Bộ Quốc Phòng Anh nói tiếp: “Nhà máy chiếm ưu thế trên con đường chính dẫn vào Avdiivka và nếu lực lượng Nga chiếm được nó, việc tiếp tế cho thị trấn sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với Ukraine. Tuy nhiên, cơ sở công nghiệp này mang lại cho Ukraine lợi thế phòng thủ cục bộ và các lực lượng Nga có thể sẽ chịu tổn thất đáng kể về nhân lực nếu họ cố gắng tấn công cơ sở này”.

Theo đài truyền hình Ireland RTÉ, Tướng Oleksandr Tarnavskiy, người chỉ huy cuộc phản công của Ukraine ở miền nam, cho biết binh lính Ukraine “đang phòng thủ vững chắc theo hướng Avdiivka”.

Nga đã chịu tổn thất ở Avdiivka. Đoạn video do Lữ đoàn cơ giới độc lập số 47 của Ukraine, đóng tại khu vực này quay, được Tarnavskiy đăng trên Facebook. Đoạn clip cho thấy những chiếc xe Nga bị phá hủy, bốc khói trên cánh đồng gần Avdiivka, cùng với những gì có vẻ là xác của những người lính Nga.

Cuộc giao tranh ở Avdiivka đã diễn ra từ giữa tháng 10, khi Nga phát động nỗ lực tấn công lớn trong khu vực. Trong bản cập nhật trước đó vào cuối tháng 10, Bộ Quốc phòng Anh ước tính có 8 lữ đoàn đã được Mạc Tư Khoa cử đến để chiếm khu vực này. Họ cũng cho biết các lữ đoàn này “có khả năng phải chịu một số tỷ lệ thương vong cao nhất ở Nga trong năm 2023 cho đến nay”.

Lữ đoàn 47 cho biết khoảng 7.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương và lực lượng Nga trong khu vực đã “bị thanh lý” 100 xe tăng và 250 xe thiết giáp khác trong ba tuần qua.

“Quân xâm lược của Nga không thể bao vây Avdiivka nhờ hành động của quân phòng thủ của chúng tôi,” lữ đoàn cho biết trong một bản cập nhật trên Telegram.

Ngày 26/10, phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, tinh thần của các đơn vị chiến đấu xung quanh Avdiivka đang xuống thấp, dẫn đến tổn thất lớn.

Ông nói với các phóng viên: “Chúng tôi có thông tin rằng quân đội Nga đã thực sự hành quyết những binh sĩ không chịu tuân theo mệnh lệnh”. “Chúng tôi cũng có thông tin rằng các chỉ huy Nga đang đe dọa xử tử toàn bộ đơn vị nếu họ tìm cách rút lui trước hỏa lực pháo binh Ukraine”.

Trong bản cập nhật gần đây về tình hình ở Avdiivka, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết: “Nga đã mất binh lính và thiết bị gần Avdiivka nhanh hơn và trên quy mô lớn hơn, chẳng hạn như gần Bakhmut. Rất khó để cưỡng lại sự suy thoái dữ dội này.

“Và mỗi chiến binh của chúng tôi đảm nhiệm các vị trí, mỗi chiến binh của chúng tôi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở đó đều xứng đáng nhận được sự biết ơn sâu sắc nhất của chúng tôi. Họ là những anh hùng thực sự”, Zelenskiy nói.

7. Đến lượt Estonia cáo buộc Nga đưa dòng người di cư đến biên giới

Chính phủ Phần Lan hôm thứ Ba cho biết Nga đã chở những người tị nạn không có giấy tờ thông hành cần thiết đến biên giới của nước này, và gọi đây là một “tội phạm quốc tế”.

Tình trạng tương tự cũng vừa xảy ra đối với Estonia. Ký giả Pierre Emmanuel Ngendakumana của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Now Estonia accuses Russia of stoking migrant influx”, nghĩa là “Estonia cáo buộc Nga đưa người vào làn sóng di dân”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ngoại trưởng Margus Tsahkna cho biết Estonia đã đẩy lùi những người đã vượt biên sang từ Nga mà không có giấy tờ cần thiết.

Hôm thứ Năm, ông cho biết Nga đã mở rộng một biện pháp khiêu khích, ban đầu nhằm vào Phần Lan, sau đó là tới Estonia bằng cách “cố tình” cho phép những người xin tị nạn không có thị thực hoặc giấy phép cư trú đến một điểm qua biên giới chung.

Ông nói: “Nga để họ đi qua mà không có lý do gì, điều đó có nghĩa là những người này sẽ liên lạc với chúng tôi và chúng tôi phải giải quyết những lo ngại của họ”. “Vì họ không có cơ sở để vào Liên minh Âu Châu nên rõ ràng đây là một hoạt động có tổ chức và có chủ ý nhằm tạo gánh nặng cho các hoạt động ở biên giới.”

Ông cũng cho biết cho đến nay, Estonia đã trả lại cho Nga mọi người cố gắng vượt biên mà không có giấy tờ hoặc sự cho phép, đồng thời củng cố sự chuẩn bị và giữ liên lạc chặt chẽ với Phần Lan cũng như các nước láng giềng khác.

Tuyên bố của Bộ trưởng diễn ra sau quyết định của Phần Lan vào hôm thứ Năm về việc đóng cửa hoàn toàn bốn cửa khẩu biên giới với Nga từ tối thứ Sáu cho đến tháng 2 năm 2024 sau khi cáo buộc Mạc Tư Khoa đẩy những người di cư không có giấy tờ về phía biên giới.

Mối quan hệ giữa Nga và Estonia trở nên tồi tệ sau khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, khiến Estonia trục xuất 21 nhân viên đại sứ quán Nga vào năm 2023. Mạc Tư Khoa trả đũa bằng cách trục xuất Đại sứ Estonia Margus Laidre khỏi Nga.

8. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo Nga đang muốn gây khủng hoảng ở các quốc gia

Chính phủ Phần Lan và Estonia đã cảnh báo về việc Nga đã dùng xe bus chở những người tị nạn không có giấy tờ đến biên giới của các nước này, và gọi đây là một “tội phạm quốc tế”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tin rằng Nga đang muốn gây ra khủng hoảng ở Baltic, và cả một cuộc chiến ở Balkan để làm thế giới phân tâm.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky Warns About Target for Putin's Next 'Distraction'“, nghĩa là “Zelenskiy cảnh báo về mục tiêu tiếp theo của Putin để làm phân tâm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo rằng Nga có thể tạo ra các cuộc khủng hoảng mới ở Baltic và một cuộc chiến ở Balkan để đánh lạc hướng khỏi cuộc chiến kéo dài 20 tháng. Zelenskiy đã đưa ra lập trường trên với các phóng viên hôm thứ Năm.

Tháng trước, Newsweek đưa tin rằng một cuộc chiến tranh tiềm tàng khác ở Âu Châu đang diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai đối phương lâu năm ở Balkan là Kosovo và Serbia, sau một trong những đợt bạo lực tồi tệ nhất giữa hai quốc gia kể từ khi kết thúc cuộc chiến Kosovo năm 1999.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã đánh giá vào tháng 4 năm 2022 rằng các mối liên hệ mạnh mẽ về kinh tế, quân sự và quyền lực mềm của Nga cũng như việc Putin xâm lược toàn diện Ukraine đã làm dấy lên lo ngại rằng Mạc Tư Khoa có thể cố gắng gây bất ổn hơn nữa cho khu vực Balkan để làm chệch hướng sự chú ý khỏi “chiến dịch sa lầy” ở Ukraine.

“Hôm nay mọi người đang thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Nhưng như tôi đã nói trước đây, thành thật mà nói, đó không phải là vấn đề mới xảy ra ngày hôm qua. Mọi người đều biết về cuộc xung đột triền miên và chiến tranh liên miên này, nhưng không ai muốn chấm dứt nó vì điều đó thuận tiện”, ông Zelenskiy nói.

Ông nói: “Đằng sau 'vụ nổ' ở Trung Đông là Nga, chúng tôi chắc chắn, cùng với đồng minh Iran của họ, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy vai trò bị cáo buộc của Mạc Tư Khoa trong cuộc xung đột hiện nay giữa lực lượng Israel và nhóm chiến binh Hamas ở Gaza.

Vào ngày 7 tháng 10, Hamas đã dẫn đầu cuộc tấn công đẫm máu nhất của phiến quân Palestine vào Israel trong lịch sử, sau đó Israel tiến hành các cuộc không kích nặng nề nhất từ trước đến nay vào Gaza. Hãng tin AP đưa tin hơn 1.400 người ở Israel đã thiệt mạng. AP hôm thứ Năm dẫn nguồn Bộ Y tế Gaza cho biết hơn 11.200 người Palestine ở Gaza đã thiệt mạng.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng Nga có thể được hưởng lợi từ sự chuyển dịch chú ý của quốc tế khỏi cuộc chiến ở Ukraine và hướng tới tình hình ở Trung Đông.

Zelenskiy kêu gọi thế giới chú ý đến Balkan.

“Hãy tin tôi, chúng tôi đang lấy được thông tin. Nga có một kế hoạch dài hạn: Trung Đông là một, điểm phân tâm thứ hai sẽ là vùng Balkan”, ông nói. “Ít nhất nếu các quốc gia trên thế giới không làm gì bây giờ thì sẽ có một 'vụ nổ' khác như vậy, và một lần nữa, đây không phải là một câu chuyện mới. Nga sẽ đầu tư để bảo đảm rằng một quốc gia Balkan sẽ chiến đấu với một quốc gia khác.”

Zelenskiy cho rằng Nga đang tìm cách thúc đẩy phương Tây phân bổ viện trợ tài chính, trong đó phần lớn tập trung vào việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến đang diễn ra.

Ông nói: “Khi bạn muốn giúp đỡ một quốc gia hoặc bạn bắt đầu phân phối sự giúp đỡ và sự quan tâm đó đến nhiều quốc gia, thì sẽ có rất nhiều thách thức, nhiều thách thức nhân đạo”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

9. Nga kết án nghệ sĩ kiêm nhạc sĩ Alexandra Skochienko bảy năm tù giam vì chống lại cuộc xâm lược Ukraine của Putin

Một tòa án Nga hôm thứ Năm đã kết án nghệ sĩ kiêm nhạc sĩ Alexandra Skochienko phạm tội cố ý phát tán tin tức giả về hành vi của quân đội Nga ở Ukraine và kết án cô bảy năm tù giam.

Skochienko, 33 tuổi, đã thay bảng giá trong một siêu thị ở St Petersburg, quê hương cô vào ngày 31 tháng 3 năm 2022 bằng những mảnh giấy nhỏ kêu gọi chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine và chỉ trích chính quyền.

Cô phủ nhận cáo buộc chính thức về việc cố tình truyền bá thông tin sai lệch về quân đội.

Các nhà phê bình cho rằng vụ án của Alexandra Skochienko, 33 tuổi, là một phần trong chiến dịch trấn áp bất kỳ ai lên tiếng phản đối “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga, dẫn đến gần 20.000 người bị bắt giữ và hơn 800 vụ án hình sự.

Sau khi xua quân vào Ukraine, Nga đã thắt chặt luật pháp đối với những người bất đồng chính kiến để cố gắng bịt miệng những người chỉ trích. Skochienko, một nghệ sĩ và nhạc sĩ được bạn bè gọi là Sasha, đã thừa nhận đã thay bảng giá trong một siêu thị ở quê hương St Petersburg của cô vào ngày 31 tháng 3 năm 2022 bằng những mảnh giấy nhỏ kêu gọi chấm dứt chiến tranh và chỉ trích chính quyền.

Skochienko, người đã ngồi tù hơn một năm rưỡi, đã phủ nhận cáo buộc chính thức về việc cố tình truyền bá thông tin sai lệch về quân đội Nga.

Một công tố viên tiểu bang đã yêu cầu chủ tọa phiên tòa tuyên phạt cô 8 năm tù và cấm cô sử dụng Internet trong 3 năm vì điều mà ông gọi là tội ác nghiêm trọng được thực hiện vì lòng căm thù nước Nga. Các luật sư của cô đã nói với tòa án rằng thân chủ của họ chỉ hành động theo lương tâm, không phạm tội và sẽ không thể sống sót trong tù vì các vấn đề sức khỏe đã có từ trước.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã tuyên bố Skochienko là “tù nhân lương tâm” - người bị cầm tù chỉ vì họ là ai hoặc họ tin vào điều gì.

Một trong những luật sư của cô, Yana Nepovinnova, đã nói với tòa án hôm thứ Hai rằng thân chủ của cô nên được trắng án. “Bạn không bao giờ nên trừng phạt những người có suy nghĩ và cảm nhận khác biệt. Bạn không bao giờ nên trừng phạt những người chỉ trích khách quan chính quyền và các quyết định của họ.”

10. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến việc Nga sử dụng loại máy bay Kiểm soát và Cảnh báo sớm trên không. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Lần đầu tiên, Nga có thể đã bắt đầu sử dụng máy bay Kiểm soát và Cảnh báo sớm trên không A-50 MAINSTAY D để xác định các mục tiêu trên bầu trời Ukraine cho hệ thống tên lửa phòng không tầm xa mặt đất SA-21.

Điều này bổ sung vào sứ mệnh cốt lõi của MAINSTAY là điều phối máy bay chiến đấu.

So với radar mặt đất thông thường của SA-21, MAINSTAY có thể sử dụng radar của mình để phát hiện máy bay đối phương ở tầm xa hơn vì độ cao của nó cho phép nó nhìn xa hơn xung quanh độ cong của trái đất.

Nga có thể đã đẩy nhanh việc tích hợp MAINSTAY và SA-21 một phần vì lo ngại về khả năng Ukraine triển khai máy bay chiến đấu do phương Tây cung cấp.

Có khả năng thực tế là Nga sẽ chấp nhận nhiều rủi ro hơn bằng cách bay MAINSTAY đến gần tiền tuyến hơn để thực hiện hiệu quả vai trò mới của mình.
 
Chiêu mới của Satan: Giữ trẻ sau giờ học. HĐGM Hoa Kỳ kêu gọi Israel đàm phán với Hamas
VietCatholic Media
17:59 17/11/2023


1. Nhóm đền thờ Satan thông báo ra mắt 'Câu lạc bộ Satan sau giờ học' tại trường tiểu học Connecticut

Đền thờ Satan cho biết trong tháng này rằng họ sẽ thành lập “Câu lạc bộ Satan sau giờ học”, gọi tắt là ASSC, tại một trường tiểu học ở Connecticut, vài tháng sau khi thẩm phán liên bang ra phán quyết rằng một trường trung học cơ sở ở Pennsylvania phải thành lập một câu lạc bộ tương tự.

Đền thờ Satan là một nhóm hoạt động chính trị phản đối biểu tượng tôn giáo ở không gian công cộng. Bất chấp tên gọi của nó, theo trang web của nó, nó phủ nhận sự tồn tại của cả Chúa và Satan.

Nhóm đã phát động chương trình “After School Satan” vào năm 2016; tổ chức này khuyến khích sáng kiến này như một giải pháp thay thế cho các chương trình tôn giáo sau giờ học.

Tổ chức này cho biết trên tài khoản Instagram của mình vào tuần trước rằng chương trình “sẽ đến với Connecticut!”

Nhóm cho biết: “ASSC đầu tiên của tiểu bang sẽ ra mắt vào ngày 1 tháng 12 tại Trường Tiểu học Li Băng chỉ sau vài tuần nữa”. “Các tình nguyện viên của ASSC sẵn sàng tạo ra một nơi vui vẻ và hấp dẫn để học sinh học tập và kết bạn mới.”

Tổ chức này cho biết trên bài đăng trên Instagram rằng Đền thờ Satan “là một tôn giáo phi thần học, coi Satan như một nhân vật văn học đại diện cho một cấu trúc ẩn dụ về việc bác bỏ chế độ chuyên chế và ủng hộ tâm trí và tinh thần con người”.

Câu lạc bộ “không cố gắng chuyển đổi trẻ em sang bất kỳ ý thức hệ giới tính tôn giáo nào,” tuyên bố cho biết.

Nhóm đã liệt kê các “dự án khoa học”, “dự án phục vụ cộng đồng”, “câu đố và trò chơi” và “đồ ăn nhẹ” như một phần sản phẩm của câu lạc bộ.

Trường Tiểu học Li Băng đã không trả lời yêu cầu bình luận về câu lạc bộ vào sáng thứ Ba.

Việc ra mắt câu lạc bộ mới diễn ra vài tháng sau khi một thẩm phán liên bang ở Pennsylvania ra phán quyết rằng Đền thờ Satan phải được phép tổ chức một trong những câu lạc bộ sau giờ học tại một trường trung học cơ sở công lập ở Học khu Thung lũng Saucon của Pennsylvania.

Vụ kiện đã được đưa ra thay mặt cho Đền Satan bởi Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ, ACLU của Pennsylvania và Dechert LLP sau khi khu học chánh hủy bỏ việc phê duyệt cuộc họp của nhóm, cho rằng nhóm đã vi phạm chính sách của khu học chánh.

Trong một “cuốn sổ tay” được liên kết trên trang web của mình, đền thờ Satan cho biết các câu lạc bộ của họ “gặp nhau tại các trường công lập chọn lọc đã tổ chức các câu lạc bộ tôn giáo khác”.

Tài liệu cho biết: “Các nhà giáo dục được đào tạo cung cấp các hoạt động và cơ hội học tập mà học sinh có thể tự do tham gia hoặc họ có thể chọn khám phá những sở thích khác có thể được hỗ trợ bởi các nguồn lực sẵn có”.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Broglio, chủ tịch USCCB, kêu gọi Israel đàm phán với Hamas

Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã kêu gọi Israel theo đuổi các cuộc đàm phán với những kẻ khủng bố Hamas.

Khi được hỏi về các hành động quân sự của Israel tại Dải Gaza và thương vong dân sự kể từ khi chiến tranh bùng nổ, Đức Cha Broglio cho biết đây là vấn đề mà ngài cảm thấy “rất quan tâm” và nói rằng Israel nên “tìm cách đàm phán”.

“Tôi nhận thấy những hành động tàn bạo chống lại người Israel theo một nghĩa nào đó đã gây ra phản ứng. Nhưng tôi nghĩ rằng phản ứng đó phải luôn là giữa các bên tham chiến và bằng cách này hay cách khác, chúng ta nên cố gắng cứu dân thường và cố gắng giữ họ tránh khỏi cuộc xung đột”, Đức Cha Broglio nói trong cuộc họp báo tại cuộc họp mùa thu thường niên của các giám mục ở Baltimore.

Theo chính quyền Israel, hơn 1.200 người Israel đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương sau cuộc tấn công bất ngờ quy mô lớn của Hamas vào Israel vào ngày 7/10. Đáp lại, thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, đã tuyên chiến với Hamas, khởi xướng một chiến dịch khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng.

“Tôi nghĩ mọi người sẽ nhận ra rằng Israel có lực lượng quân sự vượt trội. Có lẽ họ nên thử và tìm cách nào đó để thương lượng. Tôi biết rằng họ đã giữ quan điểm là sẽ không thương lượng cho đến khi tất cả con tin được thả. Nhưng tôi không biết điều đó biện minh thế nào cho việc tấn công, đặc biệt là ở những nơi thường dân có thể bị thương và đã bị thương,” ông nói.

Đức Cha Broglio, người đại diện cho các quân nhân và nữ quân nhân Hoa Kỳ với tư cách là tổng giám mục của Quân đội Hoa Kỳ, cho biết: “Tôi chắc chắn sẽ luôn là người ủng hộ việc đàm phán trước khi tham gia vào xung đột”.

Đức Cha Broglio cũng được yêu cầu bình luận về một cuộc phỏng vấn gần đây của tạp chí Dòng Tên America với Đức Hồng Y Christophe Pierre, Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ. Trong cuộc phỏng vấn đó, Đức Hồng Y đã suy nghĩ về tình trạng của Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ, mà ngài nói có đặc điểm là các nhà thờ và chủng viện trống rỗng.

Cuộc phỏng vấn đó đã gây ra các phản ứng bất lợi. Những người đang sống ở Mỹ khó lòng tin rằng các nhà thờ đang trống rỗng.

Đáp lại, Đức Tổng Giám Mục Broglio, người được bầu làm chủ tịch USCCB vào năm 2022, nói rằng ngài không đồng ý với Đức Hồng Y Pierre, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô phong làm Hồng Y.

“Tôi không nghĩ điều đó thực sự phản ánh thực tế của Giáo hội tại Hoa Kỳ. Chắc chắn các nhà thờ của chúng ta vẫn chưa trống rỗng. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để bảo đảm rằng điều đó sẽ tiếp tục như vậy. Chúng tôi có một số chủng viện thực sự đã hoạt động hết công suất”, Đức Cha Broglio nói.

“Tôi nghĩ đã có một nỗ lực phối hợp, cả cho Cuộc Phục hưng Thánh Thể lẫn cho toàn bộ ý tưởng rao giảng tin mừng. Vì vậy, tôi nghĩ có thể có một chút khác biệt giữa những gì được trình bày trong bài viết đó và thực tế là gì. Đó là nhận thức của tôi,” ngài nói.

Đức Cha Broglio nói thêm rằng ngài và Đức Hồng Y Pierre đã “nói chuyện một chút về bài báo”.


Source:Catholic News Agency

3. Tái lập Cộng đoàn chiêm niệm tại Vatican

Hôm 13 tháng Mười Một vừa qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết một cộng đoàn sáu nữ đan sĩ Bênêđíctô từ Á Căn Đình sẽ đến cư ngụ tại Đan viện Mẹ Thiên Chúa ở nội thành Vatican, từ đầu tháng Giêng năm tới, theo lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô để hỗ trợ ngài trong việc phục vụ toàn thể Giáo hội.

Thông cáo nhắc lại rằng cách đây 29 năm (1994), với đoản sắc “Đời sống chiêm niệm”, thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập một nữ Đan viện ở nội thành Vatican, với tên là “Mẹ Giáo hội” (Mater Ecclesiae).

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã muốn trải qua những năm cuối đời tại Đan viện này, đồng hành với Giáo hội trong kinh nguyện. Sau khi người qua đời vào ngày cuối cùng của năm ngoái, 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô, qua thủ bút ngày 01 tháng Mười vừa qua, đã quyết định rằng Đan viện Mẹ Thiên Chúa trở lại mục đích nguyên thủy, đó là các dòng chiêm niệm cư ngụ tại đây để hỗ trợ Đức Thánh Cha trong mối quan tâm thường nhật đối với toàn thể Giáo hội, qua sứ vụ cầu nguyện, thờ lạy, chúc tụng và đền tạ, trở thành một sự hiện diện cầu nguyện trong thinh lặng và cô tịch”.

Với mục đích đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu tập các nữ đan sĩ dòng Bênêđíctô thánh Scolastica ở Victoria, thuộc tỉnh Buenos Aires, Giáo phận thánh Isidro ở Á Căn Đình, và các chị đã quảng đại nhận lời mời của Đức Thánh Cha.

Sáu nữ đan sĩ, theo quy chế, sẽ họp thành cộng đoàn Đan tu trong Đan viện này, từ đầu tháng Giêng năm 2024.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng quyết định rằng “Phủ Thống đốc Vatican sẽ chịu trách nhiệm về tất cả những vấn đề liên quan đến Đan viện Mẹ Thiên Chúa”.

Đan viện này trước kia là các văn phòng của Hiến binh Vatican, được tu bổ lại trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến 1994, thiết lập các hàng rào cây cao, và chỉ cách nhà trọ Santa Marta 350 mét, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đang cư ngụ. Hiện nay, Đan viện có nhà nguyện và 12 phòng, phân phối trong 4 lầu. Ngoài ra, có một khu vườn nơi các nữ tu có thể trồng rau và cây ăn trái.

Dưới thời Đức Gioan Phaolô II, các nữ tu chiêm niệm lưu ngụ 5 năm tại Đan viện này và được thay đổi với các dòng khác: bắt đầu là các nữ tu thánh Clara, rồi Cát Minh Nhặt Phép, tới các chị dòng Bênêđíctô, sau cùng từ năm 2009 đến 2012 là các nữ đan sĩ dòng Thăm Viếng.

Hồi tháng Tám năm nay, Đan viện Mẹ Thiên Chúa đã được tu bổ lại, để chuẩn bị đón các nữ tu chiêm niệm.