Ngày 21-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 22/11: Chỉ có Thiên Chúa là Vĩnh Cửu – Mừng kính Thánh Cecilia – Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
03:19 21/11/2022


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, nhân có mấy người nói về Đền Thờ lộng lẫy nguy nga với những phiến đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”

Đức Giê-su đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây’, và: ‘Thời kỳ đã đến gần’; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:34 21/11/2022

4. Phàm là nơi tâm hồn có sự đồng tình và đức ái, thì sẽ không lưu lại nhiều của cải, cũng không quá vô tình vô nghĩa.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:35 21/11/2022
57. NÉT CHỮ NGUỆCH NGOẠC

Có một ông lão đến bưu điện, nhờ một thanh niên giúp ông ta viết một lá thư, và ký giùm cho ông ta.

Người thanh niên viết xong thì hỏi:

- “Còn việc gì cần giúp nữa không?”

Ông lão suy nghĩ một chút rồi nói:

- “Cuối thư xin viết thêm câu này: nét chữ nguệch ngoạc, xin đừng trách !”

(Tiếu thoại đại tập hợp)

Suy tư 58:

Người ta nói: văn là người.

Nhìn chữ viết cũng biết tính cách của con người, nhưng chắc chắc sẽ rất phiến diện khi nói nhìn nét chữ thì biết toàn diện của con người. Anh thanh niên tuy nét chữ nguệch ngoạc nhưng lại có một tâm hồn biết giúp đỡ tha nhân, còn người già nhờ viết chữ thì lại không tế nhị cám ơn người đã giúp mình viết thư, lại còn nói nét chữ xấu.

Trong cuộc sống hằng ngàycũng vậy, có những lúc chúng ta nhìn mặt mà bắt hình dong, rồi kết thân với người này vì họ đẹp trai đẹp gái, vì họ ăn nói có duyên.v.v…nhưng điều quan trọng và tiêu chuẩn để chúng ta biết người đó có tốt hay không là: họ có lòng bác ái yêu người động lòng trắc ẩn trước đau khổ của người khác không?

Nét chữ nguệch ngoạc chưa chắc là người xấu, người thấy đáng thương chưa chắc là người tốt, nhưng hễ ai kính Chúa yêu người là người đáng cho chúng ta kết bạn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Vẫn còn mãi
Lm. Minh Anh
22:09 21/11/2022
VẪN CÒN MÃI

“Những gì các con nhìn ngắm đây, sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”.

“Nine One One”, “911” là cách gọi tắt của người Mỹ mỗi khi họ tưởng nhớ những ‘khoảnh khắc tận thế’ của ngày 11/9/2001, ngày toà tháp đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York bị những kẻ khủng bố tấn công. “911” cướp đi 2.996 sinh mạng; trong chớp mắt, những biểu tượng phồn vinh của Hoa Kỳ chìm trong khói và lửa. Những khoảnh khắc ấy đã là một phần ký ức, một nỗi đau không thể nào quên trong tâm trí người bản xứ và những ai yêu chuộng hoà bình.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy mọi thứ có thể đổi thay, mọi thứ có thể trải qua ‘những khoảnh khắc tận thế’ của nó; nhưng Thiên Chúa thì không, Ngài ‘vẫn còn mãi!’. Đứng trước vẻ đẹp của một Giêrusalem tráng lệ, Chúa Giêsu nói, “Những gì các con nhìn ngắm đây, sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”.

Như những người thưởng lãm vẻ đẹp vật chất của đền thờ, chúng ta vẫn có thể bị mê hoặc bởi những lấp lánh của ‘đền thờ các loại’ trên thế giới. Vậy mà, thời gian, kinh nghiệm và đức tin dạy rằng, mọi thứ luôn đổi thay, kể cả các mối tương quan! Phải, các mối tương quan không bao giờ ‘tĩnh’, chúng luôn ‘dịch’; hoặc chúng đang kết dệt chặt chẽ hơn, hoặc chúng đang bị sờn hoặc rời ra ở các đường nối. Điều này cũng đúng cho mối tương quan của chúng ta với Chúa Kitô. Tất cả những việc chúng ta làm sẽ đưa chúng ta đi sâu hơn vào trái tim Ngài hoặc khiến chúng ta rời xa Ngài.

Vậy mà Chúa Kitô vẫn là một, “hôm qua cũng như hôm nay”. Ngài là Đấng thiêng liêng ngự trong các đền thờ; Ngài là Đền Thờ, dẫu chính bản thân Ngài cũng phải đổi thay. Thân xác Ngài chịu đựng những thương tích do con người gây ra; tâm can Ngài xao xuyến bồi hồi. Không chỉ đau đớn trên thân xác, Ngài còn chịu đựng một sự cô đơn thuộc loại tồi tệ nhất khi trải qua những tác động của tội lỗi một cách sâu sắc từ vực thẳm tâm hồn - xa cách Chúa Cha, xa cách những người bạn nghĩa thiết. Tuy nhiên, tự bản chất, Đức Kitô luôn là một, vì Ngài là tình yêu, và tình yêu thì bất diệt. Ngài chịu đựng những đổi thay về thể chất và bấn loạn về nội tâm trong nhân tính của mình để chúng ta có thể dự phần vào thần tính thiêng liêng của Ngài, dự phần vào bản tính Thiên Chúa, một Thiên Chúa hôm qua, cũng như hôm nay và ‘vẫn còn mãi!’.

Bài đọc Khải Huyền hôm nay nói đến cuộc phán xét cuối cùng khi năm phụng vụ sắp kết thúc. Đó là thời gian để chúng ta suy gẫm về các mối tương quan của mình với Chúa và với nhau. Những lời nhắc nhở về “mùa gặt cuối cùng” bằng những chiếc liềm sắc bén không nhằm làm sợ hãi, nhưng giúp chúng ta chuẩn bị và trên hết, luôn sẵn sàng. ‘Khoảnh khắc tận thế’ của mỗi người có thể đến như kẻ trộm trong đêm; nhưng nếu chúng ta sẵn sàng thì không có gì phải lo sợ, kể cả ngày “Chúa ngự đến xét xử trần gian” như lời Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhở.

Anh Chị em,

“Sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”. Chúa Giêsu không xao xuyến khi biết rằng, ngay cả một thiết chế linh thiêng như Giêrusalem rồi cũng qua đi, vì Ngài biết, Vương Quốc của Thiên Chúa ‘vẫn còn mãi’. Phần chúng ta, đang ở vào thời kỳ có nhiều thay đổi trong Hội Thánh và biến động trong thế giới, tương lai sẽ rất khác so với quá khứ, bạn và tôi phải từ bỏ nhiều thứ quý giá và thân yêu như người Do Thái phải từ bỏ đền thờ. Tuy nhiên, giữa tất cả những đổi thay, chúng ta có thể yên tâm rằng, Chúa Phục Sinh ‘vẫn còn mãi’, cho dù Ngài phải chịu đựng bao tội lỗi, bao chống đối; Ngài luôn giữ mối tương quan, hiện diện đầy quyền năng với chúng ta và giữa chúng ta trong các Bí Tích, đặc biệt Bí Tích Thánh Thể và trong các biến cố. Ngài tiếp tục hoàn thành công việc; tiếp tục kêu gọi chúng ta sống bền chặt mối tương quan với Ngài và với nhau; và cùng Ngài, chia sẻ công việc vĩ đại của Ngài với tinh thần hy vọng và vui mừng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mọi sự qua đi, nhưng Chúa ‘vẫn còn mãi’. Xin lôi kéo con đến gần Chúa ngày một hơn; nhờ đó, tương quan giữa con và anh chị em con ngày càng thăng hoa trong Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhà thờ tồn tại sau hai cuộc chiến tranh thế giới bị phá hủy bởi pháo kích ở miền nam Ukraine
Đặng Tự Do
05:08 21/11/2022


Một nhà thờ ở vùng Mykolaiv miền nam Ukraine, nơi tồn tại sau Thế chiến I và Thế chiến II, đã bị “phá hủy hoàn toàn” bởi một cuộc pháo kích của Nga vào hôm Chúa Nhật.

Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, cách thành phố Mykolaiv khoảng 43 km về phía đông, “đã bị pháo kích, chỉ còn một số bức tường sót lại,” và “không có mái nhà”

“Có một căn phòng nhỏ nơi các đồ dùng phụng vụ của chúng tôi không bị hư hại gì. Đặc biệt, một chiếc chén chứa 'máu của Chúa', vẫn còn nguyên” Cha Oleksandr, là cha sở của nhà thờ nói với UkrInform.

Trước khi nhà thờ bốc cháy, một trong những giáo dân đã mang ra được các ảnh tượng và các đồ thờ phượng ở phần trung tâm.

“Chúng tôi đã giữ lại được hầu hết các ảnh tượng, nhưng bàn thờ chính đã bị phá hủy.”

Các biểu tượng lâu đời nhất của Mẹ Thiên Chúa không thể được cứu. Vị linh mục nói rằng chúng có giá trị rất lớn đối với giáo dân.

“Các ảnh tượng này đã được anh chị em giáo dân giấu kỹ để khỏi bị nhà cầm quyền cộng sản phá hủy. Đó là lý do tại sao các ảnh tượng này có một giá trị lịch sử như vậy đối với chúng tôi. Những người này đã giấu các biểu tượng trong nhà của họ và sau đó, khi nhà thờ được trùng tu, họ đã mang chúng đến đây. Thật không may, một số đã bị cháy ra tro.”

Cha Oleksandr cho biết ngôi đền bị hư hại nghiêm trọng đến mức không thể khôi phục lại.
Source:CNN
 
Vatican kêu gọi Giáo Hội Công Giáo Đức ngừng cải cách
Đặng Tự Do
05:09 21/11/2022


Các Hồng Y hàng đầu của Vatican đã cố gắng ngăn chặn tiến trình cải cách gây tranh cãi của Giáo Hội Công Giáo Đức vào hôm thứ Sáu, vì lo ngại các đề xuất liên quan đến người đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ và thay đổi giáo huấn về tình dục sẽ chia rẽ giáo hội và nhấn mạnh rằng chúng sẽ được tranh luận tốt hơn sau này.

Vatican và Hội Đồng Giám Mục Đức đã đưa ra một tuyên bố chung sau một tuần họp mà cao điểm là cuộc gặp thượng đỉnh bất thường giữa 62 Giám mục Đức và các quan chức hàng đầu của Vatican, bao gồm cả Đức Hồng Y Quốc vụ khanh, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giám Mục và Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Đức Giáo Hoàng, người đã gặp riêng các giám mục Đức vào hôm thứ Năm, ban đầu được cho là sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh vào hôm thứ Sáu nhưng đã không tham dự, để lại việc đó cho các Hồng Y của ngài

Các cuộc họp của Tiến Trình Công Nghị Đức đã thông qua lời kêu gọi chúc lành cho các cặp đồng tính, bãi bỏ luật độc thân linh mục và phong chức phó tế cho phụ nữ. Các tham dự viên cũng đã kêu gọi sửa đổi luật lao động của Giáo Hội để nhân viên đồng tính không phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải.

“Tiến Trình Công Nghị” của Đức đã gây ra sự phản kháng dữ dội bên trong nước Đức và xa hơn thế nữa, với cảnh báo cho rằng các cải cách của Đức, nếu cuối cùng được thông qua trong giai đoạn cuối, có thể dẫn đến ly giáo.

Những lời cảnh báo như vậy đã được nhắc lại bởi Đức Hồng Y Marc Ouellet, và Đức Hồng Y Luis Ladaria, trong cuộc họp hôm thứ Sáu.

Theo tuyên bố chung, hai bên cho biết họ “đã nói chuyện một cách thẳng thắn và rõ ràng về những mối quan tâm liên quan đến phương pháp, nội dung và đề xuất của Tiến Trình Công Nghị Đức và đề xuất rằng vì lợi ích của sự hiệp nhất trong Giáo Hội,” các vấn đề này sẽ được giải quyết sau, khi Giáo Hội Công Giáo toàn cầu sẽ giải quyết những vấn đề như vậy một cách phổ quát vào năm tới.

Tuyên bố cho biết một “lệnh cấm” đã được đề xuất, nhưng đã bị từ chối.
Source:AP
 
Giám mục Đức nói rằng nữ linh mục, đồng tính luyến ái là những cuộc tranh luận không khép kín trong Giáo hội
Đặng Tự Do
05:10 21/11/2022


Một giám mục Công Giáo hàng đầu của Đức hôm thứ Bảy đã phản đối quan điểm của Vatican rằng các cuộc tranh luận về nữ linh mục và đồng tính luyến ái đã bị đóng lại

Giám mục Georg Bätzing đã phát biểu trong một cuộc họp báo vào cuối tuần sau các cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô và các quan chức Vatican.

Các cuộc gặp gỡ đã tập trung vào một trào lưu cấp tiến gây tranh cãi ở Đức, được gọi là “Tiến Trình Công Nghị”, là một quá trình tập hợp giáo dân và giám mục để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực được thực thi như thế nào trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Phong trào này đã gây ra các phản ứng lo lắng từ những người Công Giáo bảo thủ và ôn hòa trên khắp thế giới, những người lo sợ rằng nó có thể dẫn đến sự chia rẽ lớn tương tự như những gì đã xảy ra trong các Giáo hội Anh giáo và Tin lành sau khi họ đưa ra những thay đổi tương tự trong những thập kỷ gần đây.

“Liên quan đến việc truyền chức cho phụ nữ, quan điểm của Vatican rất rõ ràng, rằng vấn đề này đã được khép lại. Nhưng đối với tôi, vấn đề này vẫn tồn tại và nó phải được giải thích và thảo luận,” Bätzing, giám mục của Limburg và là người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, nói.

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng phụ nữ không thể làm linh mục vì Chúa Giêsu chỉ chọn những người nam làm Tông đồ của ngài và mặc dù sự hấp dẫn đồng giới không phải là tội lỗi, hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn.

Giám Mục Bätzing và một số người cấp tiến trong Giáo hội Đức muốn sách giáo lý Công Giáo phải được thay đổi, không lên án các hành vi đồng tính luyến ái và mở ra một tiến trình dẫn đến việc thụ phong linh mục cho phụ nữ.

Giám Mục Bätzing nói: “Tất cả những câu hỏi này đều nằm trên bàn trong Tiến Trình Công Nghị của chúng tôi và mọi nỗ lực hủy bỏ chúng sẽ không thành công”.

“Các Giáo hoàng đã cố gắng nói rằng vấn đề nữ linh mục đã được khép lại nhưng thực tế là vấn đề vẫn tồn tại. Nhiều phụ nữ trẻ nói rằng 'một Giáo Hội từ chối tất cả những điều này không thể là Giáo Hội của tôi về lâu dài',” Giám Mục Bätzing nói.

Vào năm 2021, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra phán quyết rằng các linh mục không được chúc lành cho các cặp đồng giới. Thách thức phán quyết này, Đức Cha Bätzing đã tổ chức ngày chúc lành cho cặp đồng tính vào ngày thứ Hai 10 tháng 5, 2021.

Các buổi lễ, được gọi là “Segnungsgottesdienste für Liebende”, hoặc “cử hành chúc phúc cho các cặp tình nhân”, được quảng bá bằng hashtag “#liebegewinnt” ( “tình yêu chiến thắng” ). Các nhà tổ chức nói rằng các cử hành này là dành cho tất cả các cặp yêu nhau, bao gồm - và đặc biệt - là những cặp cùng giới tính.

Các buổi lễ đã diễn ra tại khoảng 80 thành phố ở Đức cũng như ở Zürich, thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ. Tại thành phố Würzburg trong miền Bavaria - cũng như ở các địa điểm khác như Aachen, Berlin, Frankfurt, Mainz và Köln /kơn/ - một số buổi lễ như thế đã được tổ chức cùng lúc.

Gần 130 người tham gia tập trung tại Nhà thờ Thánh Augustinô, không xa Nhà thờ Würzburg, trong khi gần 40 người tham dự một buổi lễ tương tự trong một nhà thờ dành cho giới trẻ.

Một buổi lễ do Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, cử hành đã diễn ra tại nhà thờ Đức Bà của Giáo phận Limburg.

Khi được hỏi liệu ông có cấm các linh mục trong giáo phận của mình chúc lành cho các cặp đồng giới hay không, Bätzing nói: “Tôi sẽ không từ chối sự ban phước của Chúa cho những người đang tìm kiếm điều đó trong các mối quan hệ đã cam kết”.

Vào tháng 7, Vatican đã cố gắng kìm hãm phong trào Đức, nói rằng nó có nguy cơ gây ra sự ly giáo trong Giáo hội hoàn vũ.

Bätzing cho biết ông không thấy rủi ro như vậy.

“Ly giáo không phải là một lựa chọn cho bất kỳ giám mục hay giáo dân nào ở Đức. Chúng tôi là người Công Giáo và chúng tôi sẽ vẫn là người Công Giáo nhưng chúng tôi muốn trở thành người Công Giáo theo một cách khác,” ông nói.
Source:Reuters
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Hòa bình ở Ukraine là có thể
Đặng Tự Do
19:07 21/11/2022


Đức Thánh Cha nói về sự cần thiết phải phi quân sự hóa các trái tim và nói rằng Tòa Thánh đang theo sát tình hình ở Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Stampa của Ý, được xuất bản vào ngày 18 tháng 11 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ông tin rằng hòa bình giữa Ukraine và Nga là có thể.

Trong cuộc phỏng vấn dài hai trang này, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo đã nói về cuộc xung đột Nga-Ukraine, một lần nữa tố cáo “sự ham muốn quyền lực và buôn bán vũ khí”.

Ngài nói: “Khi các đế chế suy yếu, họ gây chiến để cảm thấy mạnh mẽ”. Ngài bảo đảm rằng Tòa thánh liên tục theo dõi sự phát triển của tình hình và đánh giá cao “bất kỳ cơ hội nào có thể dẫn đến một lệnh ngừng bắn thực sự”.

Ngoài việc hỗ trợ nhân đạo cho người dân Ukraine và viện trợ cho các tù nhân chiến tranh, “chúng tôi đang tìm cách phát triển một mạng lưới các mối quan hệ có lợi cho việc xích lại gần nhau giữa các bên, để tìm ra giải pháp,” Đức Thánh Cha nói tiếp. “Tôi có hy vọng. Chúng ta đừng bỏ cuộc, hòa bình là có thể”.

“Tuy nhiên, mọi người cần nỗ lực phi quân sự hóa trái tim, bắt đầu từ trái tim của chính họ,”

Một ngày trước khi cuộc phỏng vấn được công bố, vào ngày 17 tháng 11, Đức Hồng Y Pietro Parolin, đã cử hành Thánh lễ cầu cho hòa bình ở Ukraine tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma, như một phần của lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Ukraine và Ukraine. Tòa Thánh.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi đừng thờ ơ với “hàng triệu” người đang bị đói. “Đây phải là ưu tiên, những người đủ may mắn để có thức ăn trong cuộc sống hàng ngày của họ không nên lãng phí.”

Đức Thánh Cha dự kiến sẽ sớm gặp tân Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, cũng chúc chính quyền của Ý “những điều tốt đẹp nhất”. Ngài bày tỏ hy vọng rằng phe đối lập sẽ “hợp tác”, kêu gọi đạt được mục tiêu là “lợi ích chung và là chân trời duy nhất cho một tương lai tốt đẹp hơn cho nước Ý.”
Source:Aleteia
 
Tổng giáo phận Mễ Tây Cơ chia sẻ bức ảnh đầu tiên được chụp về Đức Mẹ Guadalupe
Đặng Tự Do
19:10 21/11/2022


Tổng giáo phận Nguyên thủy của Mễ Tây Cơ đã chia sẻ bức ảnh đầu tiên từng được chụp về hình ảnh gốc của Đức Mẹ Guadalupe, hiện ra một cách kỳ diệu trên áo choàng hay poncho hay ayate của Thánh Juan Diego vào năm 1531.

Trong một bài đăng trên Facebook, tổng giáo phận cho biết “vào chiều ngày 18 tháng 5 năm 1923, nhiếp ảnh gia Manuel Ramos vinh dự là người đầu tiên chụp ảnh Đức Trinh Nữ Guadalupe trực tiếp từ ayate của Juan Diego mà không có kính bảo vệ.”

Tổng giáo phận giải thích: “Cơ hội nảy sinh nhờ vào việc thay đổi khung bên cạnh những sửa chữa khác mà bức ảnh cần để bảo tồn sau cuộc tấn công mà nó phải chịu vào ngày 14 tháng 11 năm 1921, khi một quả bom nổ bên dưới bức ảnh”.

Vào sáng ngày 14 tháng 11 năm 1921, Luciano Perez Carpio, một nhân viên của Ban thư ký riêng của Phủ Tổng thống, đã đặt một quả bom bên trong một giàn hoa trên bàn thờ, cách bức tường có treo ảnh Đức Mẹ Guadalupe vài bước chân trong Vương cung thánh đường cũ, ngày nay được gọi là Nhà thờ chuộc tội của Chúa Kitô Vua.

Vào khoảng 10 giờ 30 phút, quả bom phát nổ làm hư hại bậc thềm bàn thờ và chân đèn bằng đồng. Một cây thánh giá làm bằng sắt và đồng nặng hơn 50 cân Anh rơi xuống sàn, bị cong về phía sau bởi lực của vụ nổ.

Không có thiệt hại nào đối với hình ảnh kỳ diệu của Đức Mẹ và tấm kính bảo vệ hình ảnh của Đức Mẹ thậm chí không bị vỡ, mặc dù phần còn lại của nhà thờ đã bị hư hại nặng nề.

Cây thánh giá được trưng bày công khai ở phía sau vương cung thánh đường mới và được gọi là Thánh Giá Chúa Kitô bị tấn công.

Năm Thánh tưởng niệm vụ tấn công bắt đầu vào ngày 14 tháng 11 năm 2021 tại Vương cung thánh đường Guadalupe, và giai đoạn ân sủng này sẽ kết thúc vào ngày 20 tháng 11 năm nay.

Tổng giáo phận Mễ Tây Cơ ghi nhận tác động to lớn của việc chụp ảnh Đức Mẹ Guadalupe đối với Manuel Ramos.

“Lòng sùng kính của anh ấy tăng lên và anh ấy bắt đầu tham gia nhiều hơn vào việc chụp ảnh các sự kiện của Giáo hội, chẳng hạn như Lễ kỷ niệm một trăm năm Đức Trinh Nữ hiện ra.”

Tổng giáo phận cho biết: “Cần lưu ý rằng những bức ảnh chụp từ tấm vải đã trở thành hình ảnh chính thức của Đức Trinh Nữ Guadalupe, những hình ảnh được lan truyền rộng rãi giữa các tín hữu trong những năm 1920 và 1930”.

Các cuộc hiện ra của Đức Mẹ Guadalupe

Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra nhiều lần vào năm 1531 với Thánh Juan Diego, một người Aztec cải đạo sang Công Giáo, tại quê hương Mễ Tây Cơ của ông. Mestiza Mary, hay Đức Mẹ Guadalupe, đã nói chuyện với Juan Diego một cách nhẹ nhàng như một người mẹ và bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của anh ấy.

Vào ngày 12 tháng 12, trong lần xuất hiện cuối cùng với Juan Diego, Mẹ đã ra lệnh cho anh hái những bông hồng mọc trái mùa vào tháng 12 trên đồi Tepeyec và mang chúng đến cho Đức Giám Mục để làm bằng chứng cho việc Mẹ yêu cầu xây dựng một nhà thờ ở đó. Khi Juan Diego để những bông hồng rơi ra khỏi áo choàng của mình, hình ảnh kỳ diệu của Đức Mẹ Guadalupe xuất hiện trên đó, thuyết phục được Đức Cha Fray Juan de Zumárraga.

Gần 500 năm sau, hình ảnh gốc của Đức Mẹ Guadalupe vẫn được lưu giữ trong đền thờ của Mẹ ở Mexico City.

Kể từ đó, chiếc áo choàng được hàng triệu người tôn kính mỗi năm, và hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe đã trở nên phổ biến trong văn hóa Mễ Tây Cơ.
Source:Catholic News Agency
 
Giáo sĩ người Pháp được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm giám mục vào tháng 10 quyết định không nhận nhiệm vụ vì kiệt sức
Đặng Tự Do
19:19 21/11/2022


Một giáo sĩ người Pháp được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm giám mục vào tháng 10 cho biết ngài sẽ không đảm nhận chức vụ này, vì các vấn đề sức khỏe mà ngài cho là “kiệt sức”.

Đức ông Ivan Brient, 50 tuổi, thông báo rằng Đức Thánh Cha đã chấp nhận quyết định rút lui khỏi chức vụ Giám Mục Phụ Tá giáo phận Rennes, tây bắc nước Pháp.

Đức ông Brient, tổng đại diện của Giáo phận Vannes lân cận, đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm giám mục vào ngày 7 tháng 10. Lễ tấn phong giám mục của ngài đã được lên kế hoạch vào ngày 4 tháng 12 tại Nhà thờ chính tòa Rennes.

Trong một bức thư được đăng trên trang web của tổng giáo phận Rennes, Đức Ông Brient lưu ý rằng ngài đã nhận vai trò này vào ngày 2 tháng 10, “với tinh thần phục vụ, rất vui khi có thể đóng góp vào sứ mệnh mới này để Giáo hội của chúng ta ngày càng phát triển hơn trong niềm trung thành với Tin Mừng của Chúa Kitô.”

Nhưng ngài nói rằng ngài bắt đầu gặp vấn đề về sức khỏe.

“Sau khi tham khảo ý kiến, các dấu hiệu đáng báo động về sự bắt đầu kiệt sức đã được chẩn đoán rõ ràng. Những dấu hiệu này cho phép tôi hiểu rằng một mặt tôi mệt mỏi và mặt khác tôi lo sợ về những căng thẳng mà nhiệm vụ này sẽ tạo ra trong tôi và tôi sẽ gặp khó khăn khi đối mặt với chúng,” Đức Ông cho biết như trên trong thư gửi người Công Giáo của tổng giáo phận.

“Hai bác sĩ khuyên tôi nên dừng lại ngay, nếu không tôi sẽ kiệt sức. Tôi đã nói điều đó với Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh và với Đức Tổng Giám Mục Pierre d'Ornellas của Rennes, là những người mà tôi cảm ơn vì sự lắng nghe và giúp đỡ huynh đệ của các ngài.”

Ngài nói thêm: “Sau khi nhận thức rõ ràng, đối với tôi, dường như khôn ngoan hơn là không đi xa hơn nữa trong sứ mệnh được giao phó này. Gánh nặng dường như quá nặng nề đối với tôi và tôi không muốn mạo hiểm bỏ cuộc trên đường đi, cũng như không thể hoàn thành tốt sứ mệnh Giám Mục Phụ Tá này.”

“Vì vậy, rất tiếc, nhưng trong bình an, tôi đã đưa ra quyết định từ bỏ sứ mệnh này, như tôi đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 28 tháng 10 để thông báo cho ngài.”

Quyết định này có nghĩa là Đức Tổng Giám Mục d'Ornellas, 69 tuổi, sẽ tiếp tục cai quản Tổng Giáo phận Rennes, Dol và Saint-Malo, nơi phục vụ khoảng 900,000 người Công Giáo, mà không có sự hỗ trợ của một Giám Mục Phụ Tá nào.

Giáo Hội Công Giáo ngày càng gặp khó khăn trong việc bổ nhiệm và cả trong việc giữ chân các giám mục.

Đức Hồng Y Marc Ouellet, bộ trưởng Bộ Giám mục, cho biết vào năm 2019 rằng khoảng 30% linh mục đã từ chối yêu cầu lãnh đạo các giáo phận và tỷ lệ này đã tăng gấp ba lần trong một thập kỷ.

Vào tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Giám mục người Thụy Sĩ Valerio Lazzeri, 59 tuổi. Vị Giám Mục nói rằng ngài đã bị choáng ngợp bởi “sự mệt mỏi bên trong” và phải vật lộn với các khía cạnh quản trị, điều hành và quản lý tài chính trong Giáo phận Lugano của mình.

Thông báo của Đức Ông Brient đến vào thời điểm đầy thách thức đối với các giám mục Pháp. Các ngài đang đấu tranh để giải quyết một cuộc khủng hoảng lạm dụng đã nhấn chìm một số thành viên đã nghỉ hưu của hàng giám mục Pháp.

Đầu tuần này, một tổng giám mục đã nghỉ hưu thừa nhận có hành vi không phù hợp với một thiếu nữ trẻ vào những năm 1980. Đức Tổng Giám Mục Jean-Pierre Grallet đã thông báo vào ngày 15 tháng 11 rằng ngài đang phải đối mặt với các cuộc điều tra cả về giáo luật và dân sự về hành động của mình.

Đức Cha Grallet là nhà lãnh đạo Giáo hội Pháp thứ ba phải đối mặt với các cuộc điều tra kể từ giữa tháng 10, khi có thông tin cho rằng Đức Cha Michel Santier đã được phép từ chức vào năm 2021 với lý do sức khỏe khi ngài phải đối mặt với cáo buộc lạm dụng từ những năm 1990.

Đức Hồng Y Jean-Pierre Ricard đã thừa nhận vào ngày 7 tháng 11 rằng ngài đã cư xử “một cách đáng trách” đối với cô gái khi ngài còn là một cha sở tại Tổng Giáo phận Marseille vào cuối những năm 1980.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort, cho biết vào ngày 7 tháng 11 rằng tổng cộng 11 giám mục Pháp đã phải đối mặt với các cuộc điều tra của hệ thống tư pháp thế tục hoặc giáo hội vì nghi ngờ phạm tội hoặc che đậy lạm dụng.

Đức Tổng Giám Mục Moulins-Beaufort đã đưa ra thông báo tại phiên họp khoáng đại của các giám mục từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 11 ở Lộ Đức, nơi một loạt nghị quyết đã được thông qua liên quan đến tình trạng lạm dụng của giáo sĩ.

Các giám mục đã tiến thêm một bước trong việc thiết lập một tòa án hình sự theo giáo luật liên giáo phận. Các ngài cũng chấp thuận việc thành lập một ban giám sát để tư vấn cho các giám mục về việc áp dụng tự sắc Vos estis lux mundi năm 2019, đặt ra các quy tắc mới để chống lạm dụng và yêu cầu các nhà lãnh đạo Giáo hội giải trình về việc các ngài giải quyết các vụ việc.

Một phái đoàn gồm các giám mục Pháp dự kiến sẽ đến Rôma để gặp gỡ các bộ trưởng của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin và Thánh Bộ Giám mục của Vatican.
Source:Pillar Catholic
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận Xuân Lộc
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
09:48 21/11/2022
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận Xuân Lộc

Đáp lại lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ 2022-2023, “Ngày 20/11 tới, Lễ trọng Chúa Kitô Vua, chúng ta sẽ cử thành Ngày quốc tế giới trẻ tại các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới”, gần 3500 bạn trẻ đến từ các giáo xứ trong Giáo phận đã quy tụ về Giáo xứ Bình Hòa, Giáo hạt Gia Ray để tham dự Đại Hội Giới trẻ của Giáo phận vào chính ngày Lễ Trọng Chúa Kitô Vua, Chúa Nhật 20/11/2022.

Xem Hình

Thánh lễ được cử hành đồng tế do cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế, và linh mục Nguyễn Vũ đồng tế.

Mở đầu thánh lễ cha chủ tế ngỏ lời chào mừng cộng đoàn dâng lễ, ngài nói: Hôm nay Giáo Hội kết thúc năm phụng vụ với Chúa Nhật mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, đặc biệt Đoàn Liên Minh Thánh Tâm, mừng lễ Quan Thầy Chúa Kitô Vua Bổn Mạng của Đoàn, xin chào mừng quý ông, quý anh trong Đoàn Liên Minh Thánh Tâm, dâng lễ hôm nay có cha Nguyễn Vũ đến từ Tổng Giáo Phận Huế, xin chào đón quý xơ và quý ông bà anh chị em hiện diện trong thánh lễ, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau ( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu)

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Tin Mừng hôm nay Thánh Luca giới thiệu khung cảnh của giây phút mà Chúa Giêsu được mặc nhiên công nhận là Vua với câu chuyện như sau: "Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: "Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "Người Này Là Vua Dân Do Thái".

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

Cha Nguyễn Vũ phu trách phần chia sẻ Lời Chúa. Trong bài giảng ngài nhấn mạnh về tình yêu vô bờ bến của Chúa Giêsu đối với con người, đối với chúng ta, ngài nói: "Đứng trước sự nhạo báng của những con người qua những lời lẻ phỉ báng Chúa, chế nhạo Chúa, nhưng Chúa vẫn im lặng, điều này cho chúng ta một suy nghĩ rõ ràng là chỉ có Vua Tình Yêu trong Vương Quốc Tình Yêu mới có thể nhẫn nại, yêu thương trước những ngỗ nghịch như thế. Tình yêu được tràn lan đến hết mọi người, không phân biệt người tốt, kẻ xấu. Chính vì thế một người trộm tội lỗi đã được mạc khải bởi một huyền nhiệm cao siêu về Nước Trời vơí câu nói chân thật đầy lòng tin: Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi và quả thật Chúa đã đoái thương đáp trả ngay: "Ta bảo thật ngươi ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng với ta ". Cùng với tâm tình của anh trộm lành, chúng ta hãy cùng nhau thưa lên với Chúa: Chúng con kính tôn Chúa là Vua của chúng con, xin đón nhận chúng con vào vương quốc vĩnh cửu của Chúa" Ngài cũnh nhắc đến vì tình yêu Chúa mà các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã chết vì tình yêu này. Ngài cũng đế cập đến giáo xứ đang khởi công xây nhà thờ mới, ngài lại liên tuởng đến giáo xú của ngài cũng đang tiến hành việc xây nhà thờ mới và Ngài bày tỏ niềm vui khi biết cha chánh xứ cũng như giáo xứ đã lo cho tưong lai của các em thiếu nhi, nhất là khi thấy giáo xứ có cơ ngơi để cho các em sinh hoạt. Bài chia sẻ với kết luận Chúa kitô là Vua Vũ Trụ là tình yêu bất diệt.

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Trước khi kết thúc thánh lễ, cha chủ tế hướng về anh em Đoàn Liên Minh Thánh Tâm và ngỏ lời: Hôm nay giáo xứ cùng chung vui với Đoàn Liên Minh Thánh Tâm trong ngày mừng Bổn mạng. Đoàn Liên Minh Thánh Tâm đã đảm nhận nhiều công tác giúp cho giáo xứ nhiều công việc khá tích cực. Đoàn hoạt động nhằm cổ vũ lòng Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa, mẫu gương sống đạo trong từng gia đình với nhiệm vụ gia trưởng, xin các bạn trẻ gia nhập Đoàn Liên Minh Thánh Tâm để cùng trao dồi và học hỏi diệu thuyết Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa, xin Chúa chúc lành cho ông Đoàn trưởng, quý thành viên trong Đoàn.

Quý Cha đã cùng chúc lành cho toàn thể Đoàn Viên Liên Minh Thánh Tâm trong tiếng hát với tiếng vỗ tay nhịp nhàng: “Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa. Đến muôn đời con ngợi khen danh Chúa. Đến muôn đời, muôn muôn đời con ca vang tình thương Chúa. Và mãi mãi con nhớ công ơn Người.

Sau Thánh Lễ là buổi họp mặt thân hữu của Gia đình Liên Minh Thánh Tâm. Đoàn có truyền thống trong tổ chức ngày họp mặt gia đình Đoàn Liên Minh Thánh Tâm trong tình huynh đệ của Thánh Tâm Chúa để nối kết tình thân hữu giữa các Đoàn viên và Gia Đình trong tình yêu của Chúa Kitô Vua. Đúng 11 giờ, cha chánh xứ cùng với cha Nguyễn Vũ khai mạc buổi tiệc mừng họp mặt thân hữu Gia Đình Liên Minh Thánh Tâm trong phút cầu nguyện và chúc lành cho bữa tiệc. Đặc biệt cha Nguyễn Vũ đến từ Tổng Giáo Phận Huế cũng đã có lời chúc mừng Đoàn Liên Minh Thánh Tâm luôn thăng tiến để phục vụ giáo xứ. Đông đảo gia đình Liên Minh Thánh Tâm đã thm dự buổi họp mặt với tiệc mừng và chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn khá phong phú. Buổi tiệc vui và thân tình kéo dài đến hơn 3 giờ mới kết túc và mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Video Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo VN tại San Jose
Thái Phạm
22:23 21/11/2022
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Còn Chăng Một Lương Tâm Công Giáo?
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
09:33 21/11/2022
Còn Chăng Một Lương Tâm Công Giáo?

Hán Việt Từ Ðiển của ông Nguyễn văn Khôn, định nghĩa LƯƠNG TÂM là “lòng thiện mà người ta sẵn có"(trg. 567). Nhưng nhân loại ngày nay lại có một cá tính chung là người ta không muốn bất cứ ai có quyền trên mình. Người ta chỉ muốn hoàn toàn được tự do quyết định mọi việc; người ta ghét bỏ thẩm quyền (authority) và mệnh lệnh, đặc biệt nhất là người ta đã có một ý niệm lạ lùng về lương tâm cá nhân và tạo cho nó vai trò của một vị thần, thần tự do.

Trong thâm tâm của con người, vấn đề tự do của lương tâm mang một huyền thoại là nó luôn luôn tốt đẹp; còn thẩm quyền luôn luôn phải mang một ấn tượng là đàn áp và đè nén. Trong giáo hội, nhất là ở phương Tây, nhiều người không còn muốn vâng lời Linh Mục, Giám Mục, hay cả Ðức Giáo Hoàng. Người ta cãi lại: “Nhưng chúng tôi vâng lời Chúa.” Nhưng Chúa không trực tiếp nói chuyện với chúng ta. Người ta có thể tưởng tượng Chúa nói chuyện với mình qua ý niệm sai sai lầm về “lương tâm.” Nhưng “lương tâm” trong trường hợp này thường mang ý nghĩa là cảm giác chủ quan của con người, tách biệt khỏi bất cứ sự tìm kiếm chân lý nào.

Trong khi đó, Chúa mời gọi chúng ta nghe theo những giáo huấn của Ngài và những giảng dạy của giáo hội, nhất là người ta phải HÌNH THÀNH LƯƠNG TÂM CỦA MÌNH THEO NHỮNG GIÁO HUẤN ĐÓ.

Trong sách Nhị Luật (Deuteronomy 18:15-20), Chúa đã sai một tiên tri có giáo huấn nhiều thẩm quyền như Mô-sê (Moses) đến với dân chúng. Lời của Chúa được thể hiện qua miệng lưỡi của tiên tri ấy bởi vì dân chúng Do Thái lúc bấy giờ đã sợ sự “hiện hình” (Theophany) ở núi Sinai. Họ “không thích” nghe những tiếng sấm vang, sét dậy, và thấy lửa rực lên như thế nữa. Họ đã sợ “tiếng của Chúa” qua những hiện tượng thiên nhiên như vậy, họ nài xin ông Mô-sê cầu cùng Chúa ngưng những hiện tượng “đáng sợ” ấy lại và họ chỉ muốn Chúa nói chuyện với họ qua ông Mô-sê mà thôi. Từ đó, lời của Chúa đã được dân chúng đón nhận qua miệng lưỡi của những “đấng làm thày” (Rabbis).

Chính Chúa Giêsu, trong Phúc Âm thánh Mát-thêu (23:1-3), cũng dạy dân chúng về những Kinh Sĩ (Scribes - có người còn dịch là luật sĩ, thày thông luật, tiến sĩ luật, ký lục, hay thậm chí là kinh sư), đây là những người chuyên sao chép lại bộ Cựu Ước (thuở ấy nhân loại chưa có máy in) và họ còn được được phép giảng dạy về những lề luật của Chúa. Thứ hai là các Biệt Phái (Pharisees, có người còn phiên âm qua tiếng Việt là Pha-ri-siêu), những “chuyên gia” về kinh Torah (tiếng Hi Lạp là Pentateuch, dịch qua tiếng Việt là Ngũ Kinh. Gồm 5 quyển sách đầu tiên của bộ Cựu Ước), đồng thời họ cũng được phép diễn giải lề luật của Chúa. Những người này rất được dân chúng trọng vọng, họ “ngồi trên ngai của Mô-sê”, nhưng đa số có cuộc sống giả hình (hypocrites), nên Chúa đã dạy: “Hãy nghe những gì họ giảng dạy, nhưng đừng theo những việc họ đã làm.” (Mát-thêu 23:3)

Trong thời của Chúa Giêsu, dân chúng vẫn tiếp tục chấp nhận thẩm quyền. Thẩm quyền đem đến cho họ sự bình an trong tâm hồn vì qua đó họ biết chắc được Thánh Ý của Chúa. Ngày nay, người ta đã cho thẩm quyền một ý nghĩa sai lầm cũng như người ta đã cho sự tự do của lương tâm một ý nghĩa sai lầm. Lương tâm không phải là một cảm giác hay tình cảm; nó không phải là ước muốn chủ quan của con người để làm chuyện này hay không làm chuyện khác; lương tâm không phải là “điều mà mọi người đều làm”; lương tâm cũng không phải là tiếng nói nho nhỏ trong thâm tâm bảo chúng ta về điều này hay điều khác.

LƯƠNG TÂM LÀ MỘT PHÁN ÐOÁN THỰC DỤNG VỀ ÐIỀU LÀNH HAY ÐIỀU DỮ

Ðể có được một phán đoán chính đáng, người ta phải tìm cho được sự thật khách quan của vấn đề, độc lập hẳn với cảm giác và sự xúc động của mình. LƯƠNG TÂM, trước tiên, là TÌM KIẾM SỰ THẬT LUÂN LÝ. Mọi người đều được sinh ra với ước muốn làm điều lành tránh điều dữ (ai cũng biết câu “Nhân chi sơ tính bổn thiện”). Ðiều đáng khao khát nhất về đời sống luân lý của con người là tìm và biết được sự lành, chẳng hạn như biết được sự thật.

Trước khi quyết định về một vấn đề, người ta phải trải qua một tiến trình tự thấu hiểu về chân lý đạo đức. Chân lý hay sự thật đạo đức không phải được cấu tạo bởi những gì người ta nói, hay ảnh hưởng bởi xã hội, hoặc áp lực của số đông, nhưng bởi LUẬT TỰ NHIÊN VÀ LỀ LUẬT CỦA THIÊN CHÚA. Giáo hội đã được ủy thác diễn giải cách chân chính về cả hai lề luật đó. Sứ mạng về thẩm quyền giáo huấn của giáo hội là minh chứng chân lý của Chúa để mọi người theo và có những quyết định luân lý chính đáng.

Con người trong xã hội ngày nay đang có một quan niệm lạ lùng đến phạm thánh là nếu người ta nghe theo “tiếng lương tâm” thì người ta chắc chắn sẽ lên thiên đàng. Nói cách khác, người ta không cần phải tìm kiếm điều đúng và thật mà vẫn có thể lên thiên đàng.

Ðó là một lỗi lầm vô cùng quan trọng, đưa đến quan niệm sai lầm về sự tội. Cùng một ý niệm đó, người ta có thể giải thích rằng Hitler và bọn tội phạm của Ðệ Tam Quốc Xã Ðức trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến đều đã lên thiên đàng, vì họ đã đi theo “tiếng lương tâm” của họ. Phạm sự thánh! Hitler và đồng bọn có thể có niềm tin vào những việc họ đã làm, nhưng họ đã có thể và nên biết sự thật luân lý của những việc đó, thí dụ như việc tàn sát dân Do Thái vô tội là sai. Vì vậy họ đã có tội.

Trước khi có một quyết định, người ta bắt buộc phải tìm kiếm sự thật luân lý khách quan. Chỉ sau đó người ta mới có tự do và bình an nghe theo tiếng lương tâm của mình. Một người chỉ có thể lên thiên đàng nếu người ấy chân thành và cố gắng nghe theo một lương tâm đã chỉ bảo cho anh/chị ta cách rõ ràng về điều đúng và thật. Như vậy, “thẩm quyền” ở đây có thể được xem như một điều hữu ích và cụ thể. Thẩm quyền giáo huấn của giáo hội giúp chúng ta đạt được những quyết định luân lý chính xác. Ðó là một điều cao quí và là sự giải thoát.

Trong thập niên 1960's, người ta đã nói nhiều đến tự do chủ nghĩa (libertinism), và người ta bảo nhau rằng mỗi người là một giáo hoàng cho chính mình, không ai có quyền bảo họ điều nào là đúng, điều nào là sai. Nhưng trong thâm tâm của mỗi người, ai cũng khao khát một “hướng dẫn viên” có thẩm quyền giúp mình quyết định trong những trường hợp khó khăn.

Ðức Kitô vẫn luôn giảng dạy với thẩm quyền. Chúng ta cần lắng nghe tiếng của Ngài trong giáo hội. Cũng không nên quên rằng Chúa không những rao giảng điều chính đáng, Ngài còn ban ơn sức mạnh cho chúng ta thực hiện được điều chính đáng ấy. Chúa kêu mời chúng ta theo Ngài qua đời sống luân lý, Ngài muốn chúng ta đi ngược lại những điều sai quấy mà xã hội đã cho là chấp nhận được, thí dụ như việc phá thai. Ðiều này có nghĩa mặc dù xã hội “cho phép” nhưng nếu điều đó không phù hợp với lề luật của Thiên Chúa thì các Kitô hữu chân chính vẫn phải khước từ. Dù sao, Chúa vẫn luôn luôn tăng sức mạnh và trợ giúp chúng ta nếu chúng ta chạy đến với Ngài.

Thánh Tôma Aquinô (Thomas Aquinas) đã viết rằng bên cạnh lề luật do sự suy tư của con người, đã có nền tảng của “lề luật muôn đời” trong tư tưởng của Chúa. Tất cả những gì đã được Chúa tạo dựng trên thế gian này đã là sự mô phỏng của những gì của chính Chúa. Bởi vì Chúa là Ðấng bất biến, nên mọi sự do Chúa dựng nên cũng bất biến. Lề luật muôn đời trong tư tưởng của Chúa đặt căn bản trên sự tự nhiên của vạn vật khi chúng phản ảnh sự hoàn hảo của Ngài. Lề luật muôn đời dành cho những hành động của nhân loại, đặt căn bản trên sự tự nhiên của hành động của con người, được phản ánh bởi sự hoàn hảo của Thiên Chúa, nhận ra trong con người. Sự phán đoán của suy tư nhân loại về sự luân lý của hành động con người chỉ là sự phản ánh hay sự tham dự của tâm trí con người trong tâm trí bất biến và muôn đời của Thiên Chúa. (Cf. Phần IIa, Chương III: Hạnh Phúc và Luân Lý, trong bộ Summa Theologica).

Sự khác biệt giữa lương tâm “thế tục” và lương tâm luân lý hay lương tâm Công Giáo được ghi nhận rõ ràng qua Phúc Âm theo thánh Gioan (12:1-11). Một môn đệ của Chúa, ông Giu-đa, đã cho việc cô Maria dùng thuốc thơm quí giá mà lau chân cho Chúa Giêsu là phí phạm. Bất cứ hành động hay lời nói nào biểu dương tình yêu Thiên Chúa sẽ luôn luôn bị chống đối bởi những người mà lương tâm của họ đã đặt trên việc phải làm giàu về vật chất thế gian hay tạo dựng vinh quang cá nhân đến tự kiêu của họ. Họ sẽ cho những lời nói hay hành động đó là thách đố hoặc khinh chê họ. Giu-đa đã tỏ ra, một cách giả hình, là ông ta biết lo lắng cho những người cần được giúp đỡ bằng cách trách cứ Maria không biết nghĩ đến người nghèo.

Trong xã hội ngày nay, người ta vẫn có thể tìm thấy những người hoàn toàn “đồng ý” với Giu-đa. Tư tưởng bỏ đi tất cả mọi sự, ngay cả những gì quí giá nhất của một người, để theo Ðức Kitô đã trở thành điều cuồng tín đối với họ. Ngược lại, Maria đã hy sinh món qùa quí giá nhất của cô cho Chúa. Qua sự mặc khải (khai sáng) của Thánh Linh, cô đã nhận ra và theo Chúa. Ðối với Maria, Ngài không chỉ là một thày dạy tốt, một nhà thuyết pháp hùng hồn, hay một nhà đạo đức gương mẫu, Ngài còn cao trọng hơn vì đã là Đấng cứu nhân loại. Cô đã nhận ra điều đó bởi Chúa và trong Chúa. Ðối với cô, Chúa Giêsu xứng đáng với tất cả tình yêu và sự sùng kính của cô. Cô đã thực hiện điều mà sau này thánh Phaolô đã nói: “Tôi coi tất cả mọi sự như đã thua lỗ bất lợi, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi chấp nhận thua lỗ mọi sự và coi là phân bón tất cả, để được Ðức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự công chính riêng của tôi, sự công chính dựa vào lề luật, nhưng là sự công chính nhờ lòng tin vào Ðức Kitô, sự công chính tự Thiên Chúa ban xuống cho lòng tin.” (Phi-lip-pê 3:8-9)

Cũng như Maria, người ta có thể dâng cả cuộc đời cho Chúa Kitô để rồi lại nhận ra sự sống thật mà Chúa trao tặng lại quí giá dường bao. Ngược lại, Giu-đa, kẻ đã sống kề cận bên Chúa suốt ba năm trời, chứng kiến bao nhiêu phép lạ Chúa đã làm, nhất là biết được tình thương bao la của Chúa. Thế mà ông ta vẫn phản bội Chúa! Giu-đa đã sống bằng lương tâm thế tục, hay đúng hơn ông ta đã để cho dục vọng chế ngự thay vì mở lòng đón nhận sự dạy dỗ và linh ứng của Chúa Giêsu. Người ta đã sống bằng dục vọng khi người ta sống ngoài ân sủng và ơn khôn ngoan trong Chúa. Một người sống ngoài ơn Chúa, không sớm thì muộn con tim của người ấy sẽ trở nên khô cằn, lương tâm trong sáng trở nên lu mờ rồi đưa đến lầm lẫn, ngay cả cái “tính bổn thiện” từ thuở sinh ra cũng bị tàn lụi dần, con người của anh/chị ta sẽ trở nên mảnh đất màu mỡ cho Satan xâm nhập.

Qua gương của Giu-đa, người ta có thể học được bài học rằng ngay cả những người qua vẻ bề ngoài tưởng như rất “đạo đức”, “thánh thiện”, nhưng những người ấy vẫn có thể sống ngoài ơn Chúa nếu họ không mở lòng lắng nghe tiếng Chúa và đón nhận ơn sủng của Ngài. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ các giáo hữu thành Roma: “Vì vậy một người sẽ trở nên thù nghịch với Thiên Chúa khi người ấy sống theo dục vọng của mình mà không tuân theo lề luật của Chúa, và thật ra người ấy cũng không thể tuân theo được. Những ai sống theo dục vọng của mình thì không thể làm hài lòng Thiên Chúa.” (Rom. 8:7-8)

Ðể tránh trở thành một Giu-đa khác, người ta phải làm sự chọn lựa, ÐỨNG VỀ PHÍA CHÚA, ÐẶT TRỌNG TÂM CỦA ÐỜI SỐNG HẰNG NGÀY VÀO CHÚA từ buổi tinh sương khi thức dậy và luôn luôn trong ngày. Qua việc minh chứng chân lý của Kinh Thánh, “chúng ta cùng chết với Ngài để rồi cùng Ngài sống lại” (Rôma 6:8), chúng ta có thể ngăn cản được sự tấn công của Satan, kẻ làm cho con tim của chúng ta trở nên chai đá, lơ là với Chúa và cuối cùng phản bội lại Ngài.

Giu-đa đã phản bội Đức Kitô vì ông ta đã không để cho chân lý của Chúa thay đổi mình. Một người sống trong chân lý của Chúa sẽ luôn luôn được một lương tâm chân chính và sự bình an trong tâm hồn, qua những hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Ngược lại, nếu chiều theo dục vọng, người ta sẽ trở nên bất an, không hạnh phúc, rồi cuối cùng trở nên vong thân và mất Chúa mãi mãi.

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp)

PS. Cứ mỗi lần có cuộc tuyển cử lớn ở Mỹ (như bầu lại tổng thống) là Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ lại nhắc nhở người tín hữu Công Giáo qua tài liệu: “Forming Conciences For Faithful Citizenship” (Hình thành lương tâm cho người công dân trung tín).
 
Văn Hóa
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, chương chín
Vu Van An
19:33 21/11/2022

Chương chín: Cơ cấu của Giáo Hội



Các dữ kiện của Tin Mừng và Phác thảo Tiên tri chứa trong đó



1. Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, trước khi bắt đầu cuộc đời công khai của Người, đã muốn nhận phép rửa của Gioan, như một dấu hiệu cho thấy Người đã đến để tự mình gánh lấy tội lỗi của mọi người{1 }.

Rồi Người bắt đầu rao giảng, dạy dỗ, và loan báo tin mừng Cứu rỗi. Và Người đã chọn Nhóm Mười Hai làm tông đồ của Người, trong đó có Giuđa, kẻ đã phản bội Người.

Và Chúa Giêsu đã chỉ định Simong Phêrô làm lãnh tụ của các tông đồ, "con là Phêrô và trên tảng đá này, thầy sẽ xây dựng Giáo hội của thầy, và thầy sẽ giao cho con chìa khóa vương quốc thiên đàng". Ngài được giao trách nhiệm như vậy để cai quản toàn thể Giáo Hội của Chúa Kitô, "hãy chăn chiên con của thầy, hãy chăn chiên mẹ của thầy", và để là người giám hộ tối cao của đức tin trong Giáo Hội đó, "đến lượt anh, anh phải củng cố anh em của mình".

Về Simong Phêrô, tôi đã nói trong chương trước. Liên quan đến quyền tối thượng của ngài, tôi sẽ trở lại sau này (trong Phần 5).

Phêrô đại lượng một cách kỳ diệu này là một tông đồ trong số các tông đồ, mặc dù có trách nhiệm cao hơn, nhưng ngài vẫn chỉ là một con người như họ. Vào thời điểm cuộc Khổ nạn, ngài sẽ bác bỏ thầy của mình. Nhưng sự ăn năn của ngài đã khiến ngài trở thành nhân chứng và anh hùng vĩ đại nhất của đức tin.

Ở đây, tôi xin nhận xét rằng để thay thế Giuđa, Nhóm Mười Một đã chọn Matthias{2}, người đã ở cùng họ vào ngày Lễ Ngũ Tuần; nhưng vào nhóm tông đồ đã được tái tạo như vậy, Thiên Chúa còn muốn thêm hai người phi thường nữa, - Barnabê (Bar Nabûâh, Người an ủi ), người uy nghi mà tại Lystra, một ngày kia, những người ngoại giáo đã coi là thần Giupite, và Phaolô, người tân tòng bách hại đạo (từng tán thành việc giết Stêphanô, đã đặt áo của vị này dưới chân mình), Phaolô, tông đồ của Dân ngoại, người được bầu chọn vĩ đại của Chúa Thánh Thần, bậc thầy có một không hai trong tín lý sự thật.

Nhưng từ thời các tông đồ, Phêrô và Phaolô xuất hiện như hai người được sai đi xuất sắc nhất của Chúa Giêsu để thiết lập nơi ở của Người với chúng ta; và trong suốt quá trình lịch sử, họ sẽ không thể tách rời nhau, mặc dù hai sứ mệnh của họ rất khác nhau.

Khi lưu ý sự khác biệt này, một sự khác biệt mang tính bổ sung, không hề đối lập, như một số tác giả Thệ phản mong muốn, người ta không thể quên rằng Phaolô, nhờ Thiên Chúa và Chúa Kitô của Người, được kết nhập một cách đúng đắn vào đoàn tông đồ, qua phúc tử đạo, đã góp phần vào việc thành lập Giáo hội Rôma, đến nỗi, như nhiều người muốn tuyên bố, Đức Giáo Hoàng, giám mục của Giáo hội Rôma, kế vị cả Thánh Phaolô lẫn Thánh Phêrô. Tuy sự ngang hàng nền tảng như vậy trong thừa tác vụ tông đồ và giám mục đã được công nhận rõ ràng, nhưng sự khác biệt giữa các sứ mệnh lịch sử vẫn gây ấn tượng trong mắt tôi. Phêrô là người có thẩm quyền tối cao trong Giáo hội của trái đất, tảng đá trên đó ngôi đền bao la của sự sống này được xây dựng, Nhà Lãnh đạo chịu trách nhiệm cai quản cho đến ngày tận thế; trong Giáo hội mặt đất, Phaolô là sự tự do thánh thiện của trí hiểu đang lục lọi sự thật dưới sự thúc đẩy của Thần trí Chúa Kitô và làm cho sự thật của đức tin tỏa sáng, dạy dỗ sự thật này cho những ai tìm kiếm nó, và thúc giục họ cho đến ngày cuối cùng họ thâm hậu được nó.

Cả Phêrô lẫn Phaolô đều làm cho đoàn chiên của Chúa Giêsu thăng tiến, mỗi người theo cách riêng của mình, Phêrô, cùng với các anh em của ngài trong hàng giám mục{3}, cấu thành Huấn quyền và là cơ quan chỉ đạo sự sống của nhiệm thể ở đây trên trái đất; Phaolô cùng với những người đi theo ngài (mà không vì thế được ban cho bất cứ thẩm quyền huấn quyền nào, mặc dù họ có thể là bậc thầy về thần học) trong việc mở rộng không ngừng công trình khôn ngoan, trở thành chất men của nghiên cứu trí thức và của sự tiến bộ của Nhiệm thể qua các thời đại.

Và vẫn còn một người thứ ba để được Chúa Giêsu sai đi một cách xuất sắc, và phục vụ và thúc đẩy Giáo hội trên mặt đất, theo cách riêng của ngài, hoàn toàn được giấu kín trong Thiên Chúa. Ngài duy trì mãi mãi, không như Phêrô, nhờ sự kế thừa của những người nắm giữ quyền lực của ngài; nhưng, như Phaolô, nhờ dòng dõi con cái của tinh thần ngài. Ngài là Gioan, con nuôi của Đức Maria và là ẩn sĩ của Đảo Patmos, vị tông đồ của tình yêu và sự chiêm niệm, cùng với những người bạn của ngài, những người, như ngài, nằm ở ngay trung tâm của Nhiệm thể, nâng đỡ mọi sự, bù đắp mọi sự, đổi mới mọi sự, trong tình thân mật của sự kết hợp yêu thương với Người yêu dấu duy nhất, và trong sự tham dự đồng công cứu chuộc vào các đau khổ của Hấp hối và Thập giá vẫn tiếp tục trong họ.

2. Tin Mừng dạy chúng ta thêm rằng Chúa Giêsu Kitô không chỉ truyền lệnh cho các tông đồ rao giảng từ nóc nhà, và không chỉ làm cho Phêrô trở thành người thứ nhất trong số họ, để thiết lập ý nghĩa của Lời mạc khải và bảo đảm việc truyền tải Lời này, để cai quản Giáo hội và để chủ trì trong Giáo hội toàn bộ trật tự pháp lý. Ngài cũng thiết lập trật tự bí tích mà Giáo hội của Người vốn sống nhờ, bằng cách thiết lập, trong Bữa Tiệc Ly, Bí tích hàng đầu, được liên kết bất khả phân ly với hy tế Thập giá, làm nó hiện diện giữa chúng ta, hàng ngày và trên khắp bề mặt trái đất, qua Hy tế Thánh lễ. Bí tích Thánh Thể là tâm điểm của toàn bộ trật tự bí tích, lý lẽ hiện hữu của các Bí tích khác, và đặc biệt là bí tích Truyền Chức Thánh.

Và chính Chúa Kitô, trước khi lên trời, đã nói với các tông đồ của Người: "Vậy, hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và và Thánh Thần"{4}. Đây không còn là một phép rửa sám hối, như của Gioan Tẩy Giả nữa; đây là phép rửa ban sự sống và sự sống lại.

3. Vì vậy, Giáo Hội được thành lập bởi Vị Lãnh Đạo Thần linh của mình trong khi Người sống giữa chúng ta, trước khi Giáo Hội này bắt đầu sự hiện hữu riêng của nó, khi rời khỏi trái đất, Người gửi đến các tông đồ những lưỡi lửa trong Lễ Ngũ Tuần, và từ đó, dưới sự hướng dẫn trên trời của Người, và "nhận được sự nhất quán và gắn kết hài hòa từ Đấng là đầu, tức Chúa Kitô," Giáo Hội bắt đầu xây dựng bản thân, theo cách của mọi sinh vật sống động, "lớn lên và xây dựng bản thân trong tình yêu"{5}, trong một diễn trình quan trọng sẽ tiếp tục cho đến ngày Chúa tái lâm.

Và khi Ngôi Lời Nhập Thể hiện diện ở đây trên trái đất, và cùng rảo bước khắp đường đất Giuđêa cùng đoàn chiên nhỏ các tông đồ của Người và sai bảy mươi hai môn đồ đi trước Người {6}, và loan báo cho dân về việc xuất hiện của nước Thiên Chúa, thời kỳ mới của sự tràn đầy ân sủng tối cao và ơn tha thứ tội lỗi, chính bản phác thảo tiên tri về Giáo hội đã xuất hiện trên trái đất, và các câu chuyện đẹp nhất của con người đã cung cấp cho chúng ta bức tranh của Giáo Hội này.

Ân sủng Kitô trong Thời đại Chúa Kitô đã đến

1. Trước Nhập thể, tất cả những ân sủng mà loài người nhận được từ Thiên Chúa kể từ Biến cố Sa ngã, bắt đầu với việc Ađam và Êvà ăn năn, đã được ban cho họ nhờ công trạng của Đấng Cứu Chuộc sắp đến; chúng là những ân sủng có tính Kitô, đại dương tình yêu mà trong nhiều thiên niên kỷ đã trải rộng tới mọi dân tộc trên trái đất; sau đó, do một tước hiệu đặc biệt, tới dân được chọn.

Nhưng kể từ ngày Nhập thể {7} những ân sủng có tính Kitô này là những ân sủng của Chúa Kitô đã đến. Chúng ta hãy nói rằng ân sủng của Chúa Kitô đã đến là ân sủng trong trạng thái trưởng thành vượt bậc: theo nghĩa nào? Theo nghĩa này, là nó không những là ơn thánh hóa đưa con người đến sự sống vĩnh cửu, mà còn là ân sủng "có tính xây dựng" [architectonique], ý tôi là làm cho con người đã được thánh hóa bởi nó trở thành một phần của Thân thể số đông [Corps multitudinaire] sẽ tồn tại vĩnh viễn và là Nhiệm thể của Chúa Kitô, Giáo hội của Chúa Kitô, sự viên mãn của Người và là Nàng dâu của Người.

Là thành viên sống động của Thân thể số đông đó, của Una, Sancta, Catholica [duy nhất, thánh thiện, Công Giáo], bất cứ ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội {8} một cách hợp lệ và trung thành đủ với ân sủng phép rửa để nó sinh ra trong mình hoa trái của đức tin, tình yêu và kết hợp với Thiên Chúa. Do đó, họ thấy mình được sinh động hóa từ trên cao hoặc "được lên mô thức" [informé], theo mức cá nhân của mình, và như một phần của toàn bộ Nhiệm thể, bởi linh hồn của sinh vật bao la và phức tạp này, vốn được tạo thành từ mọi ân sủng thánh hóa nhận được riêng lẻ. Áp dụng vào Giáo hội, định nghĩa của Aristốt về linh hồn quả vẫn luôn có giá trị: mô thức đầu tiên hay tình trạng hoàn chỉnh của hữu thể (entéléchie] nơi một cơ thể có tổ chức trong tiềm năng có sự sống. Linh hồn lên mô thức cho chất thể để cấu tạo nên một cơ thể sống thế nào, thì ân sủng của Chúa Kitô trong tính viên mãn của nó, linh hồn của Giáo hội, cũng lên mô thức, để cùng chúng xây dựng nên một cơ thể có tổ chức đơn nhất với đầy đủ mọi khớp xương và việc nối kết các khớp xương này, cho số đông nhân loại tụ họp với nhau trong hiệp nhất, không những của một Phép Rửa, nhưng trước hết và trên hết là việc tuyên xưng đức tin chân chính.

Điều rõ ràng là không nên đẩy loại suy này đi quá xa, vì Giáo hội, cũng như mỗi người chúng ta, không phải là một bản thể cá nhân, mà là một tập thể nhân loại được ban tặng cho một tư cách nhân vị siêu nhiên. Trong khi linh hồn của một sinh vật sống động hiện hữu toàn diện trong toàn bộ và trong từng bộ phận, thì linh hồn đúng nghĩa của Giáo Hội chỉ hiện diện ở trong toàn bộ, và chỉ hiện diện trong mỗi chi thể riêng lẻ theo mức ân sủng mà họ đã đích thân nhận lãnh.

2. Mặt khác, ân sủng thần linh không những nuôi sống các chi thể hữu hình của Giáo Hội; nó cũng nuôi sống, khắp thế giới, một số lượng không thể đếm xuể những con người vốn là thành viên của các gia đình tâm linh khác, có tôn giáo hoặc vô tôn giáo, và là những người chân thành tìm kiếm Thiên Chúa, dù chính bản thân họ không hề hay biết: họ thuộc về Giáo hội hữu hình một cách vô hình.

Nhưng ân sủng mà mỗi người trong số họ nhận được là một trong những phần cấu thành linh hồn của Giáo Hội. Do chính sự kiện này, họ thấy mình dù không nghi ngờ gì điều này, được sắp xếp cho thân thể bao la và phức tạp của Giáo hội. Tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong Chương X.

Chức Tư Tế Vương Giả của dân Chúa

1. Đoạn văn trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô đoạn văn mà trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Công đồng Vatican II đã đặc biệt kêu gọi sự chú ý của các Kitô hữu, có liên quan tới thời đại của Chúa Kitô đã đến, và tới ân sủng có tính Kitô trong trạng thái trưởng thành vượt bậc, tới Giáo hội của Chúa Kitô, đã thành hình trên trái đất kể từ ngày Lễ Ngũ tuần, lúc Người đã ban Chúa Thánh Thần của Người xuống trên các tông đồ của Người: " Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa"{9}. Ở đây, như Công đồng đã giải thích, Thánh Phêrô đã nghĩ tới tất cả các tín hữu mà trong họ lễ hy sinh Thập giá đã sinh hoa kết quả.

Do đó, chức vụ tư tế hoàng gia được Thánh Phêrô nói đến là chung cho hàng giáo phẩm và cho giáo dân, cho tất cả các thành viên "sống động" của Giáo Hội. Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hoặc phẩm trật "khác nhau về bản chất chứ không chỉ về mức độ"{10}. Tuy nhiên, chúng "có liên quan với nhau. Mỗi chức trong số này, theo cách đặc biệt riêng, đều tham gia vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô. Vị linh mục thừa tác bằng quyền năng thánh thiêng mà ngài được hưởng, đào tạo và hướng dẫn dân tư tế. Hành động nhân danh ngôi vị Chúa Kitô, ngài thực hiện Hy Tế Thánh Thể, và nhân danh mọi người dâng nó lên Thiên Chúa. Về phần họ, các tín hữu tham gia vào việc dâng Thánh Thể do chức linh mục vương giả của họ. Họ cũng thực thi chức linh mục đó bằng cách lãnh nhận các bí tích, bằng lời cầu nguyện và tạ ơn, bằng chứng tá một đời sống thánh thiện, bằng từ bỏ bản thân và đức ái tích cực"{11}.

Như Cha Labourdette từng viết, "tham gia vào ân sủng đầu của Chúa Kitô, nhận được cho người được cứu chuộc nhờ hành vi linh mục của Thập giá, vốn là chiến thắng vĩ đại của Vua thiên sai, ân sủng Kitô, nơi toàn thể Giáo hội và trong từng thần dân của Giáo hội, là một ân sủng đồng thời có tính linh mục và hoàng gia: gens sancta, populus acquisitionis, regale sacerdotium [dân thánh, dân được chọn, hàng tư tế vương giả].... Mỗi Kitô hữu, theo nghĩa này, là một ‘linh mục’, linh mục và vương đế, giống như vị lãnh đạo của họ: đàn ông hay đàn bà, đến trước Chúa Kitô kể từ Ađam hoặc đến sau Người về phương diện lịch sử, mỗi người đã được cứu chuộc, do ân sủng của mình, đều có chức linh mục này." Họ sở hữu nó "bằng cùng một tước vị và cùng một mức độ như ân sủng," chức tư tế này được ghi khắc trong ân sủng Kitô. Trên Thiên đàng, nơi mà 'chức tư tế vương giả’ sẽ nở rộ trọn vẹn trong dân Chúa và trong mọi thành viên của nó, sự thờ phượng ngợi khen và cảm tạ sẽ không còn là một phương tiện của ân sủng, hay là một biểu tượng của một sự hoàn tất vẫn chưa đến, nhưng là một biểu thức của vinh quang bên trong; mà hy tế bí tích cũng không cần được cử hành nữa, và chức tư tế bí tích cũng sẽ không cần phải thực hiện nữa, cũng như các tín hữu sẽ không phải tham dự vào việc đó nữa. Việc Kitô hữu là linh mục và vương đế sẽ tự xác minh như nhau cho những người được chọn nhưng chưa bao giờ có ấn tín phép rửa hoặc ấn tín linh mục, cũng như cho những người khác. 'Chức tư tế vương giả’ này sẽ tồn tại vĩnh viễn như là hoa trái của lễ hy sinh trên Thập giá"{12}.

2. Ý tưởng tuyệt vời về chức tư tế vương giả của dân Chúa chỉ là một với ý tưởng về ơn gọi nên thánh của mọi Kitô hữu. Điều càng cấp thiết hơn là phải nhắc nhớ lại nó vì nó đã bị lãng quên phần lớn trong một thời gian khá dài. Hơn nữa, điều cần thiết là đừng hiểu sai về nó, hoặc tưởng tượng rằng mình đang tuân theo tinh thần của Công đồng khi cố gắng, nhân danh chức tư tế vương giả của dân Chúa, tạo ra một chất tẩy khử hết tính thánh thiêng của các đặc tính thích đáng của chức linh mục thừa tác hoặc phẩm trật, vốn là chức tư tế theo nghĩa đầu tiên của hạn từ này.

Công Đồng nói rằng, trong yếu tính của nó, chức tư tế thừa tác do linh mục thực hiện và chức tư tế vương giả chung cho tất cả các tín hữu có khác nhau.

Mỗi người phải thi hành chức tư tế vương giả bằng đời sống của mình, việc cầu nguyện của mình (Chúa Giêsu nói, orate semper [hãy cầu nguyện luôn luôn],) tình yêu của họ đối với Thiên Chúa và người lân cận, việc tham gia của họ trong các Bí tích, và sự kiên trì của họ trong việc phục vụ, bất chấp những yếu đuối của mình, sự hoàn thiện của đức ái; nếu họ ở trong bậc sống giáo dân và thế tục, họ cần phải vượt qua những xáo trộn và cám dỗ của thế giới như một người què được các thiên thần nâng đỡ, và với một sự tin tưởng và hy vọng càng phải vững chắc hơn.

Chức tư tế thừa tác là chức nhờ đó, một số người, được thánh hiến, bởi Bí tích Truyền Chức Thánh, để phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội, có sứ mệnh thích đáng là cử hành hy tế Thánh Thể, phân phát các Bí tích và giáo huấn Dân Kitô giáo, để trợ giúp người bệnh và người hấp hối, hỗ trợ và an ủi người đau khổ, cầu thay cho tất cả mọi người, và cống hiến hết mình, trên hết mọi sự, để làm chứng cho Chân lý là Chúa Kitô, và cho các thực tại đời sau.

Điều thích hợp và hợp qui, và đặc biệt được thời đại hiện nay yêu cầu, là trong khi vẫn còn là chính mình, linh mục tự do tham gia vào đời sống chung của con người, phá vỡ mạng lưới các phong tục truyền thống từng cô lập mình, tham gia vào các hoạt động xã hội và văn hóa của thời mình. Trong chừng mực trong đó một số người nào đó cảm thấy được ơn gọi (và có thời gian cần thiết để tùy ý sử dụng), không có gì phản đối việc họ kiếm sống bằng công việc chính tay họ làm, tuy đó không phải là công việc chính và cần hơn cả của họ. Vì công việc của họ là phục vụ các linh hồn, một công việc cũng hữu ích đối với con người như các công việc khác, có khi còn hữu ích hơn là đàng khác; và khi sai các môn đệ đi trước Người, Chúa Giêsu nói rằng họ xứng đáng được đền đáp như những người khác: dignus est operarius mercede sua [làm thợ thì đáng được trả công] (Lc 10: 7). Thánh Phaolô là một thợ làm lều; người ta hẳn tin rằng việc nghề này đã dành cho ngài nhiều thời gian để du hành.

Nhưng nhờ việc truyền chức của mình, linh mục thuộc lãnh vực thánh thiêng, thuộc vương quốc của Thiên Chúa, ngài là người của Thiên Chúa; Kinh thành ngài phục vụ trên hết là Giáo hội; và nhờ danh hiệu này, ngài không 'giống như mọi người khác'; nếu ngài muốn giống như mọi người (mà không nhận ra rằng thực tế ngài là một kẻ giả mạo), ngài sẽ mất tất cả sức mạnh của mình, và cả tính "hiệu năng" được thời nay tìm kiếm rất nhiều nhưng rất vô vọng. Điều người ta cần nơi ngài chính là đừng "giống như mọi người..."

Thừa tác vụ phẩm trật

Giáo Hội là một hữu thể vĩ đại mà Đấng Lãnh Đạo vô hình là Chúa Kitô, "ngự bên hữu Chúa Cha", và, tổ chức hữu hình ở trên mặt đất của nó, trong Bí tích, do đó, trong tác giả ân sủng, có nguyên tắc phẩm trật.

1. Vài lời về hàng ngũ giáo dân. - Trong kinh thành trần thế, và theo như nó tham gia vào các công việc của thế giới, vô số những con người vốn lập thành Giáo hội, tức giáo dân, chỉ là dân tự do nếu các nhà cầm quyền trần thế, trong các quốc gia đa dạng trên thế giới có trách nhiệm chỉ đạo nó, chịu hiến mình cho mục tiêu bảo đảm quyền tự do của công dân (điều đó theo luật là chuyện bình thường, nhưng trên thực tế lại khá hiếm hoi). Cũng chính số người này, trong Giáo hội, và theo như họ tham gia vào những điều thuộc sự sống vĩnh cửu, là những người tự do, vì cùng đích được Thiên Chúa chỉ định cho thẩm quyền thiêng liêng có trách nhiệm chỉ đạo nó tự trong nó không liên quan gì đến việc thống trị (ngoại trừ qua các tác nhân của nó, khi sai lạc). Đó là việc phục vụ các linh hồn để giúp họ tự giải thoát khỏi ách nô lệ cũ của tội lỗi, và sống với sự tự do của con cái Thiên Chúa. Thẩm quyền thiêng liêng đang đề cập không gì khác hơn là sự tham gia vào thẩm quyền của Đấng đã đến để giải thoát chúng ta bằng Máu của Người. Và những con người mà nó cư trú bên trong chắc chắn có thể lạm dụng nó (họ đã làm như vậy trong quá trình lịch sử, và Giáo hội đã phải trả giá đắt cho điều đó, mặc dù bản thân Giáo Hội vô tội về lỗi của họ), nhưng Thầy của họ sẽ nghiêm khắc với họ nhiều hơn so với những người khác khi Người sẽ giải quyết sổ sách của họ; và họ biết rõ điều đó.

Có thể nói giáo dân là thịt và máu của thân thể Giáo hội. Tại Phép rửa, họ đã được tẩy sạch tội lỗi của Ađam và trở thành những người tham dự vào sự sống thần linh; ba nhân đức đối thần đã được khắc ghi vào linh hồn của họ, cùng với ân sủng; lúc Thêm Sức, họ nhận được ấn tín của Chúa Thánh Thần; họ là bầy chiên của Chúa Giêsu, và qua Bí tích Hôn phối, họ được ủy thác để duy trì nó mãi mãi. Bánh nuôi dưỡng họ khi họ lữ hành trên trái đất này là Mình Chúa. Và cũng giống như Bí tích Thánh Thể, Bí tích Sám Hối và Xức Dầu Bệnh Nhân là những bảo đảm ơn trợ giúp của Thiên Chúa đối với họ cũng như đối với các linh mục của họ. Cùng với các linh mục, họ được kêu gọi tạo nên giống nòi được chọn, quốc gia thánh thiện, chức linh mục vương giả, dân Thiên Chúa, sống theo sự thật của Người, làm công việc của Người trong lịch sử. Công việc nhờ đó Giáo hội sinh hoa kết trái và tiến triển trên thế gian là công việc chung của giáo dân và của linh mục.

2. Chức linh mục. - Tôi vừa nói đến sáu Bí tích; chính nhờ Bí tích thứ bảy, Bí tích Truyền Chức Thánh, mà trong thân thể Giáo Hội, có thể nói, hệ thống thần kinh đã được cấu tạo nên; chính nhờ Bí tích Truyền chức thánh mà tổ chức phẩm trật của Giáo hội đã tiến hành.

Tổ chức này ra đời từ thời các tông đồ. Chính từ Nhóm Mười Hai, định chế phó tế đã phát xuất, khi bảy người được chọn để phục vụ bàn ăn{13}. Các tông đồ đã đặt tay các ngài lên người đầu tiên trong số những người kế vị họ.

Đối với Giáo hội, một thế kỷ cũng như một năm đối với con người. Thời thơ ấu của Giáo Hội kéo dài ba hoặc bốn thế kỷ. Trong diễn trình tăng trưởng đầu tiên này, dần dần hai chức năng lớn lao mà việc phong chức của giám mục sẽ trao phó trách nhiệm cho đã thành hình và trở nên nhất quán- tức các chức năng liên quan đến các Bí tích và các chức năng liên quan đến huấn quyền và quyền tài phán.

Bí tích Truyền chức thánh, trong căn bản, bao gồm ba bậc khác nhau: chức phó tế, chức linh mục đơn giản, và chức giám mục. Giám mục là sự toàn vẹn của chức linh mục. Với tước vị này, giám mục có toàn quyền trong giáo phận hoặc giáo hội địa phương của mình; nhưng bởi vì Giáo hội hoàn vũ là Nhiệm thể của Chúa Kitô, Thân thể hoàn hảo duy nhất, nên chính sự hiệp nhất của Giáo hội và ích chung của Giáo hội đòi hỏi rằng những vấn đề mà tự chúng có liên quan đến Toàn thể phụ thuộc tùy vào thẩm quyền của vị đứng đầu ở đây trên trái đất này của Giáo hội trong tính phổ quát của nó. Chính Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã thiết lập quyền tối thượng này của Phêrô, và từ chính Chúa Giêsu Kitô, nó đến với Đức Giáo Hoàng{14}.

Đối với chức Giáo hoàng tối cao, không có sự tấn phong bí tích đặc biệt nào, Giáo hoàng là Giáo hoàng bởi sự kiện duy nhất là ngài được bầu làm giám mục của Rôma và được đặt vào tòa của Phêrô. Ngài là Phêrô, như Đức Phaolô VI đã nói trong bài diễn văn trước Hội đồng đại kết tại Geneva, ngày 10 tháng 6 năm 1969. Đức Giáo Hoàng cũng có nhiều tước hiệu khác: giám mục tối cao của Giáo hội hoàn vũ, thượng phụ phương Tây, giáo chủ nước Ý, tổng giám mục của giáo tỉnh Rôma, quốc trưởng của Kinh thành Vatican. Những người phàn nàn về chúng chỉ chứng minh rằng chúng không có ý nghĩa lịch sử.

Về sự không thể sai lầm của Đức Giáo Hoàng, tôi đã nói ở trên (Chương VII).

Giáo hội của trái đất ở trong thời gian và hoàn thành sự phát triển của mình trong thời gian. Khi có vấn đề về Giáo Hội, điều rất quan trọng là phải có một số hiểu biết về lịch sử. Nhiều điều làm chúng ta kinh ngạc và đôi khi gây sốc cho chúng ta ngày nay đều có sự nhất thiết của chúng, về trật tự hoàn toàn nhân bản, hơn nữa, vào thời kỳ lịch sử đa dạng mà Giáo Hội phải trải qua. Đó là trường hợp chẳng hạn với quyền lực trần thế của các Giáo hoàng, vốn có những nhược điểm rất lớn (quân đội của các giáo hoàng, các trận chiến mà họ tham gia...), nhưng là điều trong thực tế là cần thiết cho sự độc lập của Giáo hội, trong một thế giới Kitô giáo mà các vị vua và hoàng đế của chúng tuy đã được xức dầu nhưng thường chỉ lo lắng bắt mọi sự phục tùng quyền lực của họ, ngay cả Nàng dâu của Chúa Kitô. Và việc vẫn còn tồn tại, dù nhỏ bé và không có vũ khí đến đâu, một thị quốc Vatican, - thì điều này rõ ràng vẫn cần thiết. Đức Giáo Hoàng, trong thực tế, không thể là công dân của bất cứ quốc gia nào, với những nghĩa vụ đặc thù được bao hàm phải có đối với quốc gia này; và tính siêu quốc gia mà ngài hưởng được với tư cách là quốc trưởng khiêm tốn của một lãnh thổ nhỏ bé là dấu chỉ và đảm bảo cho sự độc lập tuyệt đối của người lãnh đạo ở đây trên trái đất của Giáo hội hoàn cầu đối với những con quái vật đeo mặt nạ trong cuộc xung đột vĩnh viễn với các Quốc gia có chủ quyền.

Tương tự như vậy, người ta có thể nhận xét rằng sự can thiệp của những người vĩ đại trên thế giới này (bắt đầu với Constantine), của các tham vọng và phe nhóm của họ, vào các công việc của chức linh mục đã xảy ra hết sức thường xuyên trong thế giới Kitô giáo cách đây đã lâu mà cảnh tượng của thế giới hiện tại làm chúng ta nghiêng về việc lý tưởng hóa chúng quá đáng. Tuy nhiên, tự chúng có thể đáng trách và đáng ghê tởm đến đâu, chúng vẫn là giá chuộc, được Chủ nhân lịch sử cho phép, một sự thiện trước tiên được yêu cầu bởi các nhu cầu cấp thiết của thời đại, và hệ ở sự thống nhất tinh thần của nền văn minh; và xét chung, sự trợ giúp của Chúa Giêsu Kitô đã giúp Giáo hội của Người vượt qua tất cả bùn lầy của con người này, chắc chắn không khỏi bị những tổn thất nặng nề, nhưng luôn luôn tiến triển trong sự phát triển chính mình và trong việc hoàn thành sứ mệnh của mình.

3. Việc chỉ định người. - Điều quan trọng hơn hết đối với thẩm quyền trong Giáo hội là các ân sủng và các quyền hành thiêng liêng được thông ban bởi Bí tích Truyền Chức Thánh, và bởi các đặc sủng liên kết với sứ mệnh của Vị Đại Diện Chúa Kitô. Phương thức chỉ định hoặc lựa chọn các người được ủy thẩm quyền, vốn có nguồn gốc từ Thiên đàng, tự nó chỉ là thứ yếu, và nó thay đổi theo thời gian. Trong Giáo hội nguyên thủy, dường như chính các giám mục đầu tiên đã chỉ định những người kế vị các ngài. Sau đó, do sự tung hô của dân, như trường hợp Thánh Ambrôsiô, hoặc do sự lựa chọn của giám mục đoàn, mà các giám mục mới đã được chỉ định. Hiện nay, trong số những người Công Giáo theo nghi thức phương Đông, chính Thượng hội đồng, xung quanh Đức Thượng phụ, đã thực hiện việc chỉ định này, trước khi được Tòa thánh phê chuẩn. Quy tắc ủy thác cho Đức Giáo Hoàng lo việc đề cử các ngài đã được thiết lập nhanh chóng trong Giáo hội Latinh, và chắc chắn có những lợi thế lớn khi để vị chịu trách nhiệm đối với Giáo hội hoàn vũ chỉ định các mục tử của các giáo hội địa phương.

Điều có vẻ đáng nghi vấn là việc chỉ định này, ít nhất ở các quốc gia trong đó Tòa thánh có đại diện ngoại giao, thường được thực hiện theo gợi ý của các Sứ thần Tòa thánh: vì những vị này đôi khi có xu hướng đề cao hơn hết sự khôn ngoan ngoại giao và sợ những người có tính khí quá mạnh mẽ và trí tuệ quá đòi hỏi, - tất cả đều tạo cơ hội cho sự tầm thường, và không chuẩn bị cho một hàng giám mục đặc biệt vững vàng và mạnh mẽ trong những thời điểm khủng hoảng thực sự. Điều có vẻ chắc chắn đáng mong muốn là sứ thần Tòa Thánh được hỏi ý kiến, nhưng cả và trên hết là các giám mục mà người được chỉ định mới sẽ là đồng nghiệp, và những nhân vật đa dạng quen thuộc với thế giới giáo hội nhưng không nhất thiết phải là một phần của hệ thống phẩm trật, trong việc nhận định ai, vì lý do này hay lý do khác, Đức Giáo Hoàng hy vọng sẽ tìm được một số chỉ dẫn hữu ích. Theo ý kiến khiêm tốn của tôi, một cuộc tham khảo như vậy nên giữ hoàn toàn riêng tư và được mở rộng hơn cũng như tự do hơn và ít cố định hơn về mặt pháp lý.

Về Đức Giáo Hoàng, trong nhiều thế kỷ, chính Hồng Y đoàn (được Đức Phaolô VI tăng số lượng rất nhiều) bầu ngài, và tôi nghĩ rằng những đề xuất được đưa ra đây đó để bãi bỏ chế độ bầu cử này, đã không tính đến trọng điểm cần được xem xét. Hồng Y đoàn bao gồm những vị mà các vị tiền nhiệm của tân Giáo hoàng được bầu chọn đã chọn từ tất cả các quốc gia trên trái đất để trở thành anh em của các ngài và cộng tác trong sứ mệnh phổ quát của các ngài, và những vị đã được nâng lên hàng Hồng Y trong Giáo hội Rôma như đại diện cho tính phổ quát của Giáo hội. Như thế, hợp đoàn này mang trong mình một kinh nghiệm không gì sánh được về những điều thuộc Giáo hội; và dường như có khả năng tốt hơn bất cứ ai khác để đánh giá những người trong số các ngài có thể chọn làm vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội.

Tôi đã lưu ý rằng nếu hợp đoàn này bầu Giáo hoàng bằng việc bầu giám mục Rôma, thì không phải từ nó cũng như từ Giáo hội phổ quát mà Đức Giáo Hoàng nắm giữ quyền hành của mình; ngài nắm giữ chúng từ chính Chúa Kitô. Tôi cũng đã lưu ý thêm rằng đôi khi người ta tưởng tượng quy luật là các Hồng Y phải bầu cho triều Giáo hoàng một Hồng Y giống như các ngài. Đây là lầm lẫn nặng nề. Bất cứ Kitô hữu nào cũng là papabilis [có thể làm Giáo Hoàng], bất cứ người đàn ông nào tuyên xưng đức tin Công Giáo đều có thể được bầu làm giám mục của Rôma, cho dù họ là linh mục hay giáo dân; trong trường hợp cuối cùng này (vốn là trường hợp của Alexander VI, tên Borgia khét tiếng đó, quả làm mất danh tiếng của hàng ngũ giáo dân), họ được tấn phong giám mục ngay sau khi được bầu chọn.

Tính hợp đoàn

1. Về các quyền hành đa dạng trong việc cai quản Giáo hội, các quyền hành của hợp đoàn giám mục, hoặc của cơ quan giám mục được xem xét trong tính tập thể của nó, đã được Công đồng Vatican II làm sáng tỏ. Tôi không thể làm tốt hơn việc tóm tắt ở đây tuyên bố rõ ràng mang tính quyết định mà Đức Hồng Y Journet đã trình bầy cho chúng ta về chủ đề này{15}.

Bao lâu các ngài, ngoại trừ Phaolô và Barnabê, những người bạn đồng hành của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống trần thế của Người, và, tất cả, những “sứ thần” của Người (apostoloi = tông đồ) để đặt nền móng đầu tiên cho Giáo hội Người và khiến Giáo hội phát sinh ở đây trên trái đất này, nói cách khác, liên quan đến sự ra đời của Giáo hội trong thời gian, các tông đồ được phú ban một thẩm quyền không thể chuyển nhượng, trong đó tất cả các ngài đều bình đẳng, mỗi người đều nhận được toàn bộ ân sủng của việc làm tông đồ, và Phêrô chỉ là primus inter pares [người thứ nhất trong số những người bình đẳng]. Nhưng bao lâu các ngài thực thi chức năng có thể truyền cho người khác được là chăn nuôi bầy chiên của Chúa Kitô, và bao lâu Chúa Giêsu chỉ định một người trong số các ngài, không giống những người khác, làm mục tử phổ quát, các ngài không bình đẳng về quyền hạn liên quan đến chức năng này, và họ truyền lại cho các người kế vị họ để điều hành Giáo hội, hay nói cách khác là liên quan đến việc bảo tồn Giáo hội và tính vĩnh viễn của Giáo hội trong thời gian: về mặt này, chính Phêrô là người nắm giữ quyền lực cao nhất, cho đến tận thế.

Hiến chế Lumen Gentium (III, 22) nói rằng, "Một người trong số họ được quy định làm mục tử của tất cả các chiên mẹ và các chiên con của chúng (Ga 21: 15-17). Một người đơn nhất trong số họ nhận được chìa khóa Nước Trời và được thiết lập như tảng đá, có nghĩa là như một cơ sở hữu hình tối thượng mà trên đó Giáo hội sẽ không ngừng tựa vào (Mt 16:18)". Một người duy nhất trong số họ, khi Người 'trở lại', có sứ mệnh đặc biệt là củng cố anh em mình (Lc 12:32)".

Do đó, thẩm quyền tối cao hiện hữu hoặc chỉ trong một mình (seorsim) Giám mục Rôma, hoặc trong Giám mục Rôma với sự tham gia (simul cum) của các giám mục như một tập thể, nói cách khác là hợp đoàn giám mục [collège episcopal]. "Giáo hoàng là chủ thể của quyền lực tối cao và đầy đủ đối với Giáo hội hoàn vũ. Hợp đoàn giám mục, hợp nhất với Giám Mục Rôma, người lãnh đạo của nó, và không bao giờ không có nhà lãnh đạo này, cũng là chủ thể của quyền lực tối cao và đầy đủ đối với Giáo hội hoàn vũ".

"Khi một người hỏi lý do tại sao Chúa Cứu thế lại muốn chủ thể kép này, thao tác kép này, cá nhân và hợp đoàn này, của một quyền lực tối cao đơn nhất, thì câu trả lời dường như sẽ là một sự bố trí như vậy là điều cần thiết bởi lý do căng thẳng hiện hữu trong Giáo hội giữa một mặt là tính hiệp nhất của nó và mặt khác là tính Công Giáo của nó. Việc thực thi cá nhân dường như có nhiệm vụ bảo vệ tính hiệp nhất của Giáo hội hoàn vũ, một cách không hẳn độc quyền, cho bằng, ít nhất một cách chính yếu; trong khi việc thực thi hợp đoàn dường như có nhiệm vụ bảo vệ, không hẳn là độc quyền, nhưng một cách chính yếu, tính Công Giáo, nghĩa là việc lồng vào từng thị tộc trên thế giới, - và theo các phương thức một cách nào đó trở thành đồng tự nhiên đối với họ, - của Giáo hội đơn nhất và không thể phân chia được vốn là Nàng dâu".

2. Tính hợp đoàn được đề cập ở đây là tính hợp đoàn của giám mục đoàn toàn thế giới. Nó là toàn bộ hợp đoàn hay cơ chế Giám Mục, hợp nhất với Đức Giáo Hoàng, người lãnh đạo của nó, có thẩm quyền tối cao và trọn vẹn đối với Giáo hội hoàn vũ. Do đó, khi đưa ra ánh sáng mối liên hệ như thế giữa Đức Giáo Hoàng và tính hợp đoàn, và quyền lực tối cao được sở hữu hoặc bởi một mình Đức Giáo Hoàng hoặc bởi hợp đoàn giám mục hợp nhất với Đức Giáo Hoàng, thì đó là mối liên hệ giữa Đức Giáo Hoàng và Công đồng, vốn là đối tượng của rất nhiều cuộc tranh cãi thần học trong quá khứ, mà Công đồng Vatican II đã làm sáng tỏ một cách dứt khoát.

Tuy nhiên, rõ ràng là nguyên tắc được Công đồng Vatican II phát hiện, tức nguyên tắc về sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Đức Giáo Hoàng và các giám mục, được áp dụng xa hơn so với những dịp "bất thường" là các Công đồng; mặc dù, cũng đúng là nó phải được áp dụng một cách thức hoàn toàn khác, trong diễn trình cai quản Giáo hội bình thường. Ở đây, người ta nghĩ, một mặt, tới các Hội đồng giám mục, trong đó các Giám mục của một quốc gia nhất định đi đến thỏa thuận về những đề nghị mà họ muốn đệ trình lên Tòa Phêrô, mặt khác tới các Thượng hội đồng giám mục trong đó, đại diện của cơ quan giám mục quốc tế, một số được chọn bởi các giám mục của quốc gia của họ, số khác được chọn bởi Đức Giáo Hoàng, cũng làm tương tự như vậy, nhưng không kém rõ ràng là, ngoài trường hợp của Thượng Hội Đồng, trong đó Đức Giáo Hoàng và giám mục của Toàn thể thế giới cùng nhau thực thi quyền lực tối cao, Đức Giáo Hoàng, miễn là ngài không triệu tập một Công đồng, một mình thực thi quyền lực này, mà không có sự hợp tác của hàng giám mục với ngài, bất kể nó có thể gần như với Thượng hội đồng đến đâu trong việc nêu lên những vấn đề liên quan đến Giáo hội phổ quát, có thể vẫn gặp rủi ro xâm hại hoặc ngăn cản bất cứ cách nào quyền tự do hành động của ngài. Điều này có nghĩa là vai trò của các cơ quan đại diện mà tôi vừa ám chỉ là cần thiết vẫn phải là vai trò tham vấn{16}, dĩ nhiên, ngoại trừ khi là vấn đề phải đạt tới các quyết định chỉ liên quan đến toàn bộ các Giáo hội địa phương, và các diễn trình cai quản mà các giám mục, do quyền hành thông thường của họ, và trong sự phục tùng thông thường đối với việc Chăn dắt của Đức Giáo Hoàng, thiết lập trên bình diện các Giáo hội đặc thù của họ.

Còn 1 kỳ
 
VietCatholic TV
Lữ Đoàn Biệt Kích 141 Nga trá hàng quân Ukraine. Hậu quả? Nửa đêm lẻn vào đoàn xe Nga vẫn nổ tung
VietCatholic Media
03:22 21/11/2022


1. Đoàn xe tiếp tế cho quân Nga tại Luhansk bị phá hủy hoàn toàn

Trong bản báo cáo sáng thứ Hai 21 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết, trong 24 giờ qua, giao tranh ác liệt đã diễn ra tại Bakhmut của vùng Donetsk, và Bilohorivka của vùng Luhansk.

Một đoàn xe hàng trăm chiếc chở các thiết bị quân sự của Putin từ vùng Belgorod bên Nga đã bị phá hủy hoàn toàn gần Syrotyne trong vùng Luhansk.

Trong ngày qua, quân đội Nga đã tiến hành hai cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Kupiansk thuộc vùng Kherson, đồng thời khai hỏa bằng các hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt dọc theo đường giới tuyến khoảng 10 lần.

Belarus tiếp tục hỗ trợ cuộc xâm lược vũ trang của Nga chống lại Ukraine, cung cấp cho quốc gia xâm lược cơ sở hạ tầng, lãnh thổ và không phận của mình. Máy bay Nga thực hiện các chuyến bay trong không phận Belarus gần như mỗi ngày.

“Máy bay MiG-31K, cất cánh từ sân bay Machulishchy, là phương tiện mang hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal, có khả năng tấn công các mục tiêu trên khắp Ukraine. Vì lý do này, chúng tôi buộc phải thông báo cảnh báo không kích thường xuyên trên tất cả các khu vực của Ukraine”.

Tại quận Kakhovka, quân xâm lược Nga tiếp tục cướp bóc của thường dân. Người dân địa phương bị cướp xe hơi, xe máy và thậm chí cả xe đạp.

Hơn 100 quân Nga bị trúng phải hỏa tiễn của pháo binh Ukraine đã được đưa đến bệnh viện thành phố Skadovsk của vùng Kherson.

Trong ngày qua, lực lượng không quân Ukraine đã tiến hành sáu cuộc tấn công vào các mục tiêu của kẻ thù: ba cuộc tấn công vào quân nhân, kho đạn dược và thiết bị quân sự của Nga, và ba cuộc tấn công vào các vị trí của hệ thống hỏa tiễn phòng không.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Ukraine đã đánh trúng 2 sở chỉ huy của Nga, 1 kho đạn, 1 tổ nhân sự, kho đạn và khí tài cùng 2 mục tiêu quan trọng khác trong vùng Melitopol tạm thời bị chiếm đóng.

Thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov cho biết:

“Ở quận Melitopol, người ta nghe thấy ba vụ nổ mạnh ở phía bắc Melitopol - trong khu vực làng Vesele bị chiếm đóng tạm thời, gần ga xe lửa”

2. Ukraine lên tiếng về cáo buộc của Nga về một vụ trá hàng của Lữ Đoàn Biệt Kích 141

Nga đã tung ra video cho thấy những người lính Nga thiệt mạng sau khi đã đầu hàng lực lượng Ukraine. Nga cáo buộc Ukraine phạm tội ác chiến tranh trong một video được tung lên mạng xã hội mà Mạc Tư Khoa nói cho thấy các binh sĩ Nga thiệt mạng sau khi đã đầu hàng lực lượng Ukraine. Video này được tung ra trong bối cảnh có các báo cáo về tình trạng quân Nga trong vùng Donbas ra đầu hàng tập thể quân Ukraine.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết video được quay ở ngoại ô làng Makiivka, thuộc vùng Luhansk phía đông, cách thành phố Lyman khoảng 40 km về phía đông bắc.

Video được cho là được quay vào ngày 12 tháng 11. Ngôi làng được tuyên bố giải phóng khỏi sự kiểm soát của Nga trong một thông báo của chính quyền quân sự khu vực Luhansk vào ngày 13 tháng 11.

Theo CNN, video clip này đã được chỉnh sửa nhằm mục đích chiếu cảnh những người lính Nga đang đầu hàng, một số người đàn ông nằm trên mặt đất với hai tay che đầu. Nhiều binh sĩ khác được nhìn thấy từng người một bước ra từ một tòa nhà và nằm xuống cạnh họ trong sân.

Có thể nghe thấy một giọng nói dường như chỉ đạo việc đầu hàng hét lên: “Ra ngoài, từng người một. Ai trong số các bạn là sĩ quan? Mọi người đã ra chưa? Đi ra ngoài!”

Một đoạn clip thứ hai được quay sau đó từ một máy bay không người lái phía trên cùng một địa điểm cho thấy thi thể của những người có vẻ giống những người lính Nga trong sân, hầu hết chỉ cách nơi họ nằm trong đoạn clip đầu tiên vài mét. Có thể nhìn thấy rõ những vũng máu ở một số nơi.

Ủy viên Quốc hội Ukraine về Nhân quyền, Dmytro Lubinets, đã bình luận hôm Chúa Nhật rằng các quân nhân Nga “là những người đang chiến đấu và phạm tội phản bội” và rằng “bắn trả không phải là tội ác chiến tranh.”

“Từ một số đoạn video về vụ việc với quân đội Nga ở khu vực Luhansk, có thể kết luận rằng việc sử dụng dàn dựng đầu hàng đã xảy ra. Sau khi, một số quân Nga tiến ra và nằm xuống, một số người khác ra sau đã nổ súng vào các quân nhân Ukraine tiếp nhận đầu hàng. Người Nga đã phạm tội ác chiến tranh - họ đã nổ súng vào quân đội của Lực lượng Vũ trang Ukraine,” Lubinets nói trong một tuyên bố.

“Trong trường hợp này, những người quân nhân Nga không thể bị coi là tù nhân chiến tranh, mà là những người đang chiến đấu và phạm tội phản bội,” ông nói. “Bắn trả không phải là tội ác chiến tranh. Ngược lại, những kẻ muốn lợi dụng sự bảo vệ của luật pháp quốc tế để giết người phải bị trừng phạt.”

Marta Hurtado, phát ngôn viên của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cho biết “Chúng tôi biết về các video và chúng tôi đang xem xét chúng. Các cáo buộc về các vụ hành quyết tập thể những người tham chiến cần được điều tra nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả, và bất kỳ thủ phạm nào cũng phải chịu trách nhiệm.”

Trung tướng Konashenkov đã tố cáo điều mà ông gọi là “vụ giết hại có chủ ý và có phương pháp đối với hơn 10 quân nhân Nga đang nằm bất động bằng những phát đạn trực tiếp vào đầu”, và cáo buộc đây là tội ác chiến tranh mới nhất do Lữ Đoàn Dù số 80 của Ukraine gây ra trong cuộc chiến.

Hành quyết tù binh chiến tranh là một tội ác chiến tranh theo Công ước Geneva, cũng như hành động giả vờ đầu hàng.

Đầu tuần, trong một cuộc họp báo với các nhà báo trước khi các video về câu chuyện ở Makiivka được phổ biến rộng rãi, người đứng đầu Phái bộ Giám sát Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine, Matilda Bogner, nói rằng Liên Hiệp Quốc đã nhận được các báo cáo đáng tin cậy về việc tra tấn và ngược đãi tù nhân chiến tranh của cả Nga và Ukraine.

Khi được yêu cầu so sánh mức độ lạm dụng đã xảy ra, Bogner cho biết việc người Nga ngược đãi tù nhân Ukraine là “khá có hệ thống”, trong khi bà nói rằng việc Ukraine ngược đãi binh lính Nga là “không có hệ thống”.

Một nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho biết vào tháng 9 rằng cuộc điều tra của họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy tội ác chiến tranh đã được thực hiện trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine, bao gồm các trường hợp hãm hiếp và tra tấn trẻ em.

3. Tù binh Nga yêu cầu chính phủ đổi anh ta lấy gấu trúc Kherson

Một tù nhân chiến tranh người Nga đã lên tiếng đề nghị đổi anh ta lấy một con gấu trúc bị người Nga đánh cắp từ vườn thú Kherson.

Phó Chủ tịch thứ nhất của Hội đồng khu vực Kherson Yurii Sobolevskyi đã cho biết như trên kèm theo một video. Đoạn video cho thấy quân nhân Nga nói: “Tôi, Oleg Mokashov, binh nhì, sinh năm 1975, đến từ Novosibirsk, đang yêu cầu chính phủ Nga đổi tôi lấy gấu trúc Kherson”.

Theo Sobolevskyi, về tiềm năng chiến đấu, người đàn ông đó đưa ra một sự trao đổi hoàn toàn bình đẳng, và phía Ukraine thậm chí sẽ có lợi.

Ngoài rất nhiều vật phẩm có giá trị khác, khi rút lui khỏi Kherson, những kẻ xâm lược Nga đã đánh cắp một con gấu trúc từ một sở thú địa phương.

4. Hỗn loạn đang diễn ra tại thành phố Melitopol

Các blogger quân sự Nga đồn đoán rằng quân Ukraine đang tập trung các nỗ lực giải phóng thành phố Melitopol. Mùa đông đã ập xuống và quân Nga xem ra bất lợi đối với thời tiết lạnh lẽo vì họ không đủ quần áo ấm như quân Ukraine. Nhiều blogger quân sự Nga đoán rằng chỉ vài tuần nữa Nga sẽ buộc phải rút lui khỏi thành phố Melitopol.

Melitopol, có nghĩa là thành phố mật ong, là một thành phố và đô thị ở đông nam Zaporizha của Ukraine. Nó nằm trên sông Molochna, chảy qua rìa phía đông của thành phố vào cửa sông Molochnyi Lyman. Melitopol là thành phố lớn thứ hai trong vùng sau Zaporizhzhia và đóng vai trò là trung tâm hành chính của quận Melitopol

Tính đến năm 2021, dân số của Melitopol là khoảng 150,800 người. Kể từ đó, dân số của nó đã giảm đáng kể do thành phố bị chiếm trong những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga. Cho đến nay, Melitopol vẫn nằm dưới sự chiếm đóng của quân đội Nga.

Một tuyến đường sắt điện khí hóa có tầm quan trọng quốc tế đi qua Melitopol. Thành phố từng được mệnh danh là “cửa ngõ vào Crimea”; trước khi Nga chiếm đóng Crimea năm 2014, 80% các chuyến tàu chở khách đến bán đảo đi qua thành phố này và trong mùa hè, lưu lượng giao thông đường bộ sẽ đạt 45,000 phương tiện mỗi ngày.

Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, Melitopol bị lực lượng Nga tấn công vào ngày 25 tháng 2 và bị chiếm sau trận giao tranh ác liệt vào ngày 1 tháng 3. Thị trưởng Ivan Fedorov cam kết bất hợp tác và người dân địa phương xuống đường phản đối sự chiếm đóng của Nga. Vào ngày 11 tháng 3, Fedorov bị quân đội Nga bắt cóc và được thả 5 ngày sau đó như một phần của cuộc trao đổi tù nhân. Trong khi đó, các lực lượng Nga đã cố gắng đưa cựu ủy viên hội đồng Halyna Danylchenko của đảng đối lập làm quyền thị trưởng. Hội đồng thành phố Melitopol tuyên bố rằng đây là một nỗ lực nhằm “tạo ra một chính quyền chiếm đóng bất hợp pháp” và kêu gọi Tổng công tố Ukraine mở một cuộc điều tra trước khi xét xử Danylchenko và nhóm của cô ta.

Vào ngày 6 tháng 6 năm 2022, quân đội Nga đã rời bỏ 'gần như tất cả' các trạm kiểm soát quân sự xung quanh Melitopol trong bối cảnh mất an ninh vì quân du kích Ukraine hoạt động rất mạnh trong khu vực này

5. Tổng thống Zelenskiy nói Nga đã sử dụng hơn 4,700 hỏa tiễn để tấn công Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm Chúa Nhật cho biết Nga đã sử dụng hơn 4,700 hỏa tiễn ở Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

“Hôm nay là ngày thứ 270 của cuộc chiến toàn diện. Nga đã sử dụng hơn 4,700 hỏa tiễn,” ông nói trong một bài phát biểu trước các thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ.

“Hàng trăm thành phố của chúng tôi đã bị đốt cháy. Hàng ngàn người đã chết. Hàng trăm ngàn người bị cưỡng bức trục xuất sang Nga. Hàng triệu người rời Ukraine đến các nước khác, chạy trốn chiến tranh.”

Tổng thống Zelenskiy cũng nói về cái mà ông gọi là “công thức hòa bình Ukraine”.

Ông nói: “ Công thức hòa bình của Ukraine rất rõ ràng và từng điểm của nó đã được vạch ra kỹ lưỡng. “An toàn bức xạ và hạt nhân. An toàn thực phẩm. An ninh năng lượng. Trả tự do cho tất cả các tù nhân và những người bị trục xuất. Thực hiện Hiến chương Liên Hiệp Quốc và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và trật tự thế giới. Rút quân Nga và chấm dứt chiến sự. Khôi phục công lý. Chống lại chất diệt sinh vật. Phòng ngừa leo thang. Khắc phục sự kết thúc của chiến tranh.”

Zelenskiy đã mời các nhà lãnh đạo thế giới “chọn yếu tố của công thức hòa bình mà họ có thể giúp Ukraine thực hiện.”

6. Ba Lan và Phần Lan cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine

Warsaw và Helsinki sẽ tiếp tục cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho Ukraine để chống lại sự xâm lược của Nga.

Thủ tướng Ba Lan và Phần Lan, Mateusz Morawiecki và Sanna Marin, đã tuyên bố điều này trong cuộc họp báo chung ở Helsinki vào hôm Chúa Nhật

Marin nhấn mạnh rằng Ba Lan đã làm rất nhiều để giúp đỡ Ukraine và những người tị nạn chạy trốn chiến tranh. Bà nhấn mạnh rằng “Phần Lan cũng thực hiện phần việc của mình”, cụ thể là bằng việc gần đây quyết định cung cấp khoản viện trợ quân sự trị giá 55 triệu EUR.

Người đứng đầu chính phủ Phần Lan nói thêm rằng “sẽ còn nhiều hơn nữa”.

Marin cũng nhấn mạnh rằng Nga cần phải bị đưa ra trước công lý để nước này không thể vi phạm luật pháp quốc tế mà không bị trừng phạt.

“Nga nghĩ rằng họ có thể vi phạm luật pháp quốc tế mà không bị trừng phạt hoàn toàn mà không cần lo ngại về sự đau khổ của con người,” Marin nói.

“Chúng ta phải tìm mọi cách buộc Nga phải bồi thường thiệt hại mà nước này đã gây ra. Sự tàn bạo và tội ác do Nga gây ra sẽ không bị trừng phạt”, Marin nhấn mạnh.

Đổi lại, Morawiecki lưu ý rằng mối đe dọa từ Nga phải bị đánh bại một lần và mãi mãi, điều mà ông tin rằng “chỉ có thể thực hiện được khi đoàn kết và tập trung vào các nguy cơ và rủi ro địa chính trị quan trọng”.

Ông cũng nói rằng vào ngày 15 tháng 11, Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine bằng một số lượng lớn tên lửa. Kết quả là hai công dân Ba Lan thiệt mạng. “Nga chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này”.

Ông nói thêm rằng trong bối cảnh này, Ba Lan sẽ không nhượng bộ trước các hành động khiêu khích và sẽ “kề vai sát cánh cùng Ukraine”.
 
Putin vô đạo: Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, sống sót qua hai thế chiến, bị pháo kích tàn tành
VietCatholic Media
05:07 21/11/2022


1. Nhà thờ tồn tại sau hai cuộc chiến tranh thế giới bị phá hủy bởi pháo kích ở miền nam Ukraine

Một nhà thờ ở vùng Mykolaiv miền nam Ukraine, nơi tồn tại sau Thế chiến I và Thế chiến II, đã bị “phá hủy hoàn toàn” bởi một cuộc pháo kích của Nga vào hôm Chúa Nhật.

Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, cách thành phố Mykolaiv khoảng 43 km về phía đông, “đã bị pháo kích, chỉ còn một số bức tường sót lại,” và “không có mái nhà”

“Có một căn phòng nhỏ nơi các đồ dùng phụng vụ của chúng tôi không bị hư hại gì. Đặc biệt, một chiếc chén chứa 'máu của Chúa', vẫn còn nguyên” Cha Oleksandr, là cha sở của nhà thờ nói với UkrInform.

Trước khi nhà thờ bốc cháy, một trong những giáo dân đã mang ra được các ảnh tượng và các đồ thờ phượng ở phần trung tâm.

“Chúng tôi đã giữ lại được hầu hết các ảnh tượng, nhưng bàn thờ chính đã bị phá hủy.”

Các biểu tượng lâu đời nhất của Mẹ Thiên Chúa không thể được cứu. Vị linh mục nói rằng chúng có giá trị rất lớn đối với giáo dân.

“Các ảnh tượng này đã được anh chị em giáo dân giấu kỹ để khỏi bị nhà cầm quyền cộng sản phá hủy. Đó là lý do tại sao các ảnh tượng này có một giá trị lịch sử như vậy đối với chúng tôi. Những người này đã giấu các biểu tượng trong nhà của họ và sau đó, khi nhà thờ được trùng tu, họ đã mang chúng đến đây. Thật không may, một số đã bị cháy ra tro.”

Cha Oleksandr cho biết ngôi đền bị hư hại nghiêm trọng đến mức không thể khôi phục lại.
Source:CNN

2. Vatican kêu gọi Giáo Hội Công Giáo Đức ngừng cải cách

Các Hồng Y hàng đầu của Vatican đã cố gắng ngăn chặn tiến trình cải cách gây tranh cãi của Giáo Hội Công Giáo Đức vào hôm thứ Sáu, vì lo ngại các đề xuất liên quan đến người đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ và thay đổi giáo huấn về tình dục sẽ chia rẽ giáo hội và nhấn mạnh rằng chúng sẽ được tranh luận tốt hơn sau này.

Vatican và Hội Đồng Giám Mục Đức đã đưa ra một tuyên bố chung sau một tuần họp mà cao điểm là cuộc gặp thượng đỉnh bất thường giữa 62 Giám mục Đức và các quan chức hàng đầu của Vatican, bao gồm cả Đức Hồng Y Quốc vụ khanh, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giám Mục và Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Đức Giáo Hoàng, người đã gặp riêng các giám mục Đức vào hôm thứ Năm, ban đầu được cho là sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh vào hôm thứ Sáu nhưng đã không tham dự, để lại việc đó cho các Hồng Y của ngài

Các cuộc họp của Tiến Trình Công Nghị Đức đã thông qua lời kêu gọi chúc lành cho các cặp đồng tính, bãi bỏ luật độc thân linh mục và phong chức phó tế cho phụ nữ. Các tham dự viên cũng đã kêu gọi sửa đổi luật lao động của Giáo Hội để nhân viên đồng tính không phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải.

“Tiến Trình Công Nghị” của Đức đã gây ra sự phản kháng dữ dội bên trong nước Đức và xa hơn thế nữa, với cảnh báo cho rằng các cải cách của Đức, nếu cuối cùng được thông qua trong giai đoạn cuối, có thể dẫn đến ly giáo.

Những lời cảnh báo như vậy đã được nhắc lại bởi Đức Hồng Y Marc Ouellet, và Đức Hồng Y Luis Ladaria, trong cuộc họp hôm thứ Sáu.

Theo tuyên bố chung, hai bên cho biết họ “đã nói chuyện một cách thẳng thắn và rõ ràng về những mối quan tâm liên quan đến phương pháp, nội dung và đề xuất của Tiến Trình Công Nghị Đức và đề xuất rằng vì lợi ích của sự hiệp nhất trong Giáo Hội,” các vấn đề này sẽ được giải quyết sau, khi Giáo Hội Công Giáo toàn cầu sẽ giải quyết những vấn đề như vậy một cách phổ quát vào năm tới.

Tuyên bố cho biết một “lệnh cấm” đã được đề xuất, nhưng đã bị từ chối.
Source:AP

3. Giám mục Đức nói rằng nữ linh mục, đồng tính luyến ái là những cuộc tranh luận không khép kín trong Giáo hội

Một giám mục Công Giáo hàng đầu của Đức hôm thứ Bảy đã phản đối quan điểm của Vatican rằng các cuộc tranh luận về nữ linh mục và đồng tính luyến ái đã bị đóng lại

Giám mục Georg Bätzing đã phát biểu trong một cuộc họp báo vào cuối tuần sau các cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô và các quan chức Vatican.

Các cuộc gặp gỡ đã tập trung vào một trào lưu cấp tiến gây tranh cãi ở Đức, được gọi là “Tiến Trình Công Nghị”, là một quá trình tập hợp giáo dân và giám mục để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực được thực thi như thế nào trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Phong trào này đã gây ra các phản ứng lo lắng từ những người Công Giáo bảo thủ và ôn hòa trên khắp thế giới, những người lo sợ rằng nó có thể dẫn đến sự chia rẽ lớn tương tự như những gì đã xảy ra trong các Giáo hội Anh giáo và Tin lành sau khi họ đưa ra những thay đổi tương tự trong những thập kỷ gần đây.

“Liên quan đến việc truyền chức cho phụ nữ, quan điểm của Vatican rất rõ ràng, rằng vấn đề này đã được khép lại. Nhưng đối với tôi, vấn đề này vẫn tồn tại và nó phải được giải thích và thảo luận,” Bätzing, giám mục của Limburg và là người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, nói.

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng phụ nữ không thể làm linh mục vì Chúa Giêsu chỉ chọn những người nam làm Tông đồ của ngài và mặc dù sự hấp dẫn đồng giới không phải là tội lỗi, hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn.

Giám Mục Bätzing và một số người cấp tiến trong Giáo hội Đức muốn sách giáo lý Công Giáo phải được thay đổi, không lên án các hành vi đồng tính luyến ái và mở ra một tiến trình dẫn đến việc thụ phong linh mục cho phụ nữ.

Giám Mục Bätzing nói: “Tất cả những câu hỏi này đều nằm trên bàn trong Tiến Trình Công Nghị của chúng tôi và mọi nỗ lực hủy bỏ chúng sẽ không thành công”.

“Các Giáo hoàng đã cố gắng nói rằng vấn đề nữ linh mục đã được khép lại nhưng thực tế là vấn đề vẫn tồn tại. Nhiều phụ nữ trẻ nói rằng 'một Giáo Hội từ chối tất cả những điều này không thể là Giáo Hội của tôi về lâu dài',” Giám Mục Bätzing nói.

Vào năm 2021, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra phán quyết rằng các linh mục không được chúc lành cho các cặp đồng giới. Thách thức phán quyết này, Đức Cha Bätzing đã tổ chức ngày chúc lành cho cặp đồng tính vào ngày thứ Hai 10 tháng 5, 2021.

Các buổi lễ, được gọi là “Segnungsgottesdienste für Liebende”, hoặc “cử hành chúc phúc cho các cặp tình nhân”, được quảng bá bằng hashtag “#liebegewinnt” ( “tình yêu chiến thắng” ). Các nhà tổ chức nói rằng các cử hành này là dành cho tất cả các cặp yêu nhau, bao gồm - và đặc biệt - là những cặp cùng giới tính.

Các buổi lễ đã diễn ra tại khoảng 80 thành phố ở Đức cũng như ở Zürich, thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ. Tại thành phố Würzburg trong miền Bavaria - cũng như ở các địa điểm khác như Aachen, Berlin, Frankfurt, Mainz và Köln /kơn/ - một số buổi lễ như thế đã được tổ chức cùng lúc.

Gần 130 người tham gia tập trung tại Nhà thờ Thánh Augustinô, không xa Nhà thờ Würzburg, trong khi gần 40 người tham dự một buổi lễ tương tự trong một nhà thờ dành cho giới trẻ.

Một buổi lễ do Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, cử hành đã diễn ra tại nhà thờ Đức Bà của Giáo phận Limburg.

Khi được hỏi liệu ông có cấm các linh mục trong giáo phận của mình chúc lành cho các cặp đồng giới hay không, Bätzing nói: “Tôi sẽ không từ chối sự ban phước của Chúa cho những người đang tìm kiếm điều đó trong các mối quan hệ đã cam kết”.

Vào tháng 7, Vatican đã cố gắng kìm hãm phong trào Đức, nói rằng nó có nguy cơ gây ra sự ly giáo trong Giáo hội hoàn vũ.

Bätzing cho biết ông không thấy rủi ro như vậy.

“Ly giáo không phải là một lựa chọn cho bất kỳ giám mục hay giáo dân nào ở Đức. Chúng tôi là người Công Giáo và chúng tôi sẽ vẫn là người Công Giáo nhưng chúng tôi muốn trở thành người Công Giáo theo một cách khác,” ông nói.
Source:Reuters

4. Thông cáo chung giữa Tòa Thánh và Hội đồng Giám mục Đức

Sáng thứ Sáu, ngày 18 tháng Mười Một vừa qua, 62 giám mục Đức và một số Hồng Y thuộc các Bộ chủ yếu của Tòa Thánh đã trao đổi với nhau về Tiến Trình Công Nghị của Giáo Hội Công Giáo tại Đức. Các chức sắc Tòa Thánh tỏ ra rất dè dặt về những đề nghị của Con đường này và hai bên đồng ý sẽ tiếp tục trao đổi với nhau trong những tháng tới đây.

Vị điều hợp phiên họp dài nhiều giờ, tại Hội trường của Học viện Augustinianum, cạnh Vatican là Đức Hồng Y Pietro Parolin. Hiện diện và lên tiếng trong dịp này, có Đức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, và Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục. Ngoài ra, cũng có Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Hiệp nhất các tín hữu Kitô và một số các vị khách thuộc Tòa Thánh. Đức Thánh Cha không tham dự, mặc dù trước đó, phía giám mục Đức hy vọng ngài sẽ đích thân hiện diện.

Thông cáo chung cho biết: “Cuộc gặp gỡ này đã được lên chương trình từ lâu, như một cơ hội để cùng nhau suy tư về Tiến Trình Công Nghị đang tiến hành tại Đức. Con đường này được đề ra như phản ứng trước những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên”.

Trong lời mở đầu, Đức Hồng Y Parolin nhắc đến mối dây hiệp thông và yêu thương, liên kết các giám mục với nhau và với Người kế vị thánh Phêrô. “Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ này như một cơ hội để chia sẻ, một thời điểm ân thánh, hiệp nhất trong những khác biệt. Đức Hồng Y đặc biệt nói đến những lo âu mà Tiến Trình Công Nghị khơi lên, và cảnh giác nguy cơ “cải tổ Giáo hội thay vì không phải là cải tổ trong Giáo hội”.

Về Đức Cha Georg Bätzing, Giám mục Giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, trong lời dẫn nhập, đã trình bày về Tiến Trình Công Nghị của Đức và nêu bật tinh thần của Con đường này, dựa trên sự lắng nghe dân Chúa và đau khổ vì những lạm dụng từ phía các giáo sĩ. Ngoài ra, Đức Cha Bätzing liệt kê những đề tài được thảo luận trong các khóa họp của Tiến Trình Công Nghị, đó là: quyền bính và sự phân quyền trong Giáo hội - Tham gia chung và dự phóng truyền giáo; đời sống linh mục ngày nay; các phụ nữ trong các thừa tác vụ và chức vụ của Giáo hội; sống trong những quan hệ hữu hiệu - Sống yêu thương trong tính dục và trong tương quan giữa các cặp đôi”. Sau cùng, Đức Cha đánh giáo cao hoạt động của Công nghị do Đức Thánh Cha triệu tập cho toàn thể Giáo hội và quyết định kéo dài thời gian của công nghị này”.

Tiếp theo đó là các nhận xét thần học của Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, và Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giám mục. Với sự thẳng thắn và minh bạch, các vị bày tỏ lo âu và dè dặt vì phương pháp, nội dung và những đề nghị của Tiến Trình Công Nghị ở Đức, và hai vị nói rằng để mưu ích lợi cho tình hiệp nhất của Giáo hội và sứ mạng truyền giáo, những yêu cầu do Tiến Trình Công Nghị Đức đưa ra nên được đưa vào trong Thượng Hội đồng Giám mục của Giáo hội hoàn vũ.

Trao đổi ý kiến

Phiên họp tiếp tục với những phát biểu của nhiều giám mục Đức và các đại diện của Tòa Thánh. Qua đó, người ta thấy tầm quan trọng và sự cấp thiết phải xác định và đào sâu một số vấn đề được nêu lên. Ví dụ về cơ cấu của Giáo hội, thừa tác vụ thánh và việc lãnh nhận các thừa tác vụ này, nhân loại học Kitô giáo, v.v. Đồng thời tất cả đều hoàn toàn ý thức rằng mình đang tiến bước với toàn thể Dân thánh và kiên nhẫn của Thiên Chúa. Nhiều phát biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng chủ yếu của việc loan báo Tin mừng và sứ vụ truyền giáo, như mục tiêu tối hậu của các tiến trình hiện nay, cũng như ý thức về sự không thể chấp nhận được một số đề tài”.

Trước tình trạng đó, một số vị đề nghị tạm ngưng tiến hành Tiến Trình Công Nghị ở Đức. Cần tạo điều kiện để suy tư thêm và lắng nghe nhau dưới ánh sáng những vấn nạn được nêu lên.

Trong lời kết luận, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đánh giá cao sự trao đổi, không chính thức, nhưng cần thiết và xây dựng, những điều không thể không để ý đến trong những hành trình hiện nay.

Các vị đồng ý cần tiếp tục trong những tháng tới đây sự lắng nghe và đối thoại với nhau để, có thể góp phần phong phú hóa Tiến Trình Công Nghị Đức và Công nghị của Giáo hội hoàn vũ” (Sala Stampa 18-11-2022)

Ngoài thông cáo chung chính thức trên đây, báo chí cũng có biết thêm số chi tiết của cuộc thảo luận.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh bày tỏ sự dè dặt lớn về đề nghị thay đổi hoàn toàn việc tuyển chọn giám mục mà Tiến Trình Công Nghị Đức đưa ra. Cụ thể là bầu giám mục với sự tham gia của các giáo dân và giáo sĩ. Đức Hồng Y nói điều này sẽ đặt lại vấn đề các hiệp định hiện hữu giữa Tòa Thánh và các bang ở Đức. Ngoài ra có vấn đề: Tiến Trình Công Nghị ở Đức đề nghị thiết lập một cơ quan cai quản Giáo Hội Công Giáo tại nước, gồm các giám mục và những người không phải là giám mục. Điều này không thể dung hợp với giáo luật và giáo huấn của Công đồng chung Vatican II về Giáo hội. Cũng có những vấn nạn mạnh mẽ chống lại việc thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tính dục con người, mà phần lớn các thành viên Tiến Trình Công Nghị của Công Giáo Đức đã đưa ra.

Những người ủng hộ Tiến Trình Công Nghị ở Đức thì tin rằng nếu Tòa Thánh không chấp nhận các đề nghị cải tổ đó, thì càng có thêm những người Công Giáo rời bỏ Giáo hội. Năm ngoái đã có khoảng 360,000 người làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội Công Giáo tại Đức, một con số kỷ lục trong lịch sử.
 
Chấn động nước Nga: Cảng Novorossiysk bị tấn công. Thuyền tí hon của Ukraine thắng chiến hạm Putin
VietCatholic Media
15:56 21/11/2022


1. Thuyền không người lái của Ukraine đang chiến thắng trong cuộc chiến hải quân Hắc Hải

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukraine’s Drone Boats Are Winning The Black Sea Naval War”, nghĩa là “Thuyền không người lái của Ukraine đang chiến thắng trong cuộc chiến hải quân Hắc Hải”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Một cuộc tấn công rõ ràng bằng tàu không người lái của Ukraine vào Novorossiysk, cách Crimea do Nga chiếm đóng hàng trăm dặm ở miền nam nước Nga, sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Sevastopol, trụ sở tại Crimea của Hạm đội Hắc Hải đang hết sức hoang mang của hải quân Nga.

Một vụ nổ vào ban đêm ở cảng Novorossiysk dường như chỉ ra rằng thành phố này là mục tiêu mới nhất của hạm đội tàu không người lái đang phát triển của hải quân Ukraine.

Những chiếc thuyền dài 18 foot hay 5.5 mét, được điều khiển bằng vô tuyến dường như đã lảng vảng trên Hắc Hải trong nhiều tháng. Hồi tháng 10, một bầy tàu rô-bốt có tốc độ 50 dặm/giờ đã tấn công khu neo đậu chính của Hạm đội Hắc Hải, làm nổ tung ít nhất một tàu phụ trợ và có thể làm hư hại soái hạm của hạm đội, khinh hạm Makarov dài 409 foot.

Các tàu nổi trên mặt nước không người lái báo hiệu một sự thay đổi lớn trong chiến lược hải quân Ukraine. Khi Nga mở rộng chiến tranh ở Ukraine bắt đầu từ cuối tháng 2, hải quân Ukraine vẫn hy vọng có thể chống lại Hạm đội Hắc Hải gồm 30 tàu bằng một số tàu lớn của riêng mình—đặc biệt là tàu khu trục trang bị súng Hetman Sahaydachniy.

Nhưng đó là một ảo mộng. Một là hạm đội Nga đã nhanh chóng lao tới đánh chìm hầu hết các tàu nhỏ hơn của hạm đội Ukraine và chiếm được nơi neo đậu tại thành phố lịch sử Mariupol.

Khi các lực lượng Nga đang tiến đến, thủy thủ đoàn của Hetman Sahaydachniy đã đưa ra một quyết định đau lòng là đánh đắm tàu của họ ở cảng Odesa, phía tây Mariupol. Việc Hetman Sahaydachniy bị đánh chìm đã khiến cho hải quân Ukraine chỉ còn một con tàu lớn, hầu như không có vũ khí—là tàu đổ bộ Yuri Olefirenko—cùng với máy bay không người lái TB-2 được trang bị hỏa tiễn và một khẩu đội mặt đất bắn hỏa tiễn chống hạm Neptune tầm 170 dặm do chính Ukraine sản xuất.

TB-2 và Neptunes đã báo trước một loại hạm đội mới. Một hạm đội không có tàu lớn, nhưng có rất nhiều máy bay không người lái và hỏa tiễn. TB-2 và khẩu đội Neptune vào tháng 4 đã phối hợp với nhau để đánh chìm soái hạm của Hạm Đội Hắc Hải, tàu tuần dương Moskva.

Sau đó, TB-2 và các đội hỏa tiễn hướng sự chú ý của họ đến Đảo Rắn do Nga chiếm đóng ở phía tây Hắc Hải, cho nổ tung các thiết bị của Nga trên đảo và đánh chìm các thuyền và tàu phụ trợ đang cố gắng tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên đảo.

Trong khi người Ukraine dần dần giải phóng Đảo Rắn, hạm đội của họ đã thay đổi. Hải quân Ukraine nhận hỏa tiễn chống hạm Harpoon từ Đan Mạch và Mỹ. Và một loại tàu cao tốc rô-bốt, phát nổ, được sản xuất tại Ukraine và được thủy thủ đoàn điều khiển qua radio một cách an toàn bên trong Ukraine tự do, đã lấp đầy khoảng trống do tàu khu trục nhỏ Hetman Sahaydachniy bị đánh đắm để lại.

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy Ukraine đang sở hữu những chiếc thuyền không người lái xuất hiện vào tháng 9, khi một trong những chiếc thuyền robot dạt vào bờ biển gần Sevastopol.

Một tháng sau, những chiếc thuyền không người lái giống hệt nhau đã tấn công cảng Sevastopol của Hạm đội Hắc Hải, ở Crimea bị chiếm đóng. Các video rời rạc vẽ nên một bức tranh khó hiểu. Có cái đánh gần trúng. Có cái đánh trúng nổ tung chiến hạm Nga.

Có thể những chiếc thuyền không người lái đã tấn công soái hạm Makarov mới của Hạm đội Hắc Hải. Cũng có thể người Nga đã ngăn chặn được một cuộc tấn công thảm khốc. Trong cả hai trường hợp, rõ ràng là Hạm đội Hắc Hải không còn an toàn ở phía tây Hắc Hải, ngay cả khi đang ở trong cảng.

Hải quân Ukraine sau cuộc tấn công Sevastopol đã bớt ngại ngùng hơn rất nhiều về những chiếc thuyền không người lái mới của họ. Ukraine đã xuất bản một video yêu thương mô tả chi tiết quá trình sản xuất. Và nó hoan nghênh nỗ lực của công dân Lithuania để huy động vốn từ cộng đồng để mua thêm một chiếc tàu không người lái.

Sự công khai báo hiệu niềm tin mới. Và vào hôm thứ Sáu, một cái gì đó đã phát nổ ở Novorossiysk. Nạn nhân rõ ràng mới nhất của lực lượng hải quân mới của Ukraine. Một lực lượng hải quân không có tầu lớn nhưng có vô số những chiếc tầu mini không người lái.

Hải quân với các tầu không người lái, cùng với các khẩu đội hỏa tiễn đặt trên bờ, đang là đối thủ đáng gờm của hải quân Nga với các tàu chiến kiểu cũ to lớn, đắt tiền và tốn nhiều nhân lực.

2. Cố vấn chủ chốt của Ukraine: Đàm phán với Nga sẽ là 'đầu hàng'

Một cố vấn chủ chốt của tổng thống Ukraine đã nói với hãng tin AFP rằng những nỗ lực của phương Tây nhằm thuyết phục Ukraine đàm phán với Mạc Tư Khoa, sau một loạt chiến thắng quân sự lớn của Kyiv, là “kỳ lạ” và giống như yêu cầu đầu hàng.

Mykhaylo Podolyak nói: “Khi bạn có thế chủ động trên chiến trường, sẽ hơi kỳ lạ khi nhận được những đề xuất như: 'Dù sao thì bạn cũng sẽ không thể làm mọi thứ bằng biện pháp quân sự, bạn cần phải đàm phán.”

Các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ gần đây đưa tin rằng một số quan chức cấp cao đang bắt đầu khuyến khích Ukraine xem xét các cuộc đàm phán, điều mà Zelenskiy cho đến nay đã từ chối nếu không có sự rút quân trước, của các lực lượng Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Theo ông Podolyak, Mạc Tư Khoa đã không đưa ra “bất kỳ đề xuất trực tiếp nào” với Kyiv về các cuộc đàm phán hòa bình.

Kyiv coi những cuộc nói chuyện như vậy chỉ là hành động ranh mãnh của Điện Cẩm Linh để giành chút thời gian nghỉ ngơi trên thực địa và chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới.

3. Tướng Mỹ âu lo về các kêu gọi đàm phán với Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Should Not Be Allowed Negotiations, Time: Retired General”, nghĩa là “Tướng về hưu cho rằng Putin không nên được cho phép đàm phán để câu giờ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Ben Hodges, cựu Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Âu Châu, cho rằng phương Tây và toàn thế giới nên làm quen với ý tưởng Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nga bằng cách chiến đấu trên chiến trường chứ không phải thông qua đàm phán.

Hodges đã lên tiếng rất nhiều trên Twitter kêu gọi ông chủ cũ của mình, Tướng Mark Milley về các cuộc đàm phán. Hodges đã tweet vào Chúa Nhật, “Tại sao Chủ tịch Liên Quân Milley hoặc những người khác có quyền truy cập vào nhiều thông tin tình báo hơn tôi lại ép Ukraine đàm phán ngay bây giờ để 'củng cố lợi ích của họ.' Hãy thôi đi.”

Hodges cho rằng Ukraine sẽ chiến thắng “theo cách cũ” là trên chiến trường, và nói thêm rằng áp lực đàm phán đến từ những người không hiểu Mạc Tư Khoa.

Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin và Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã tổ chức một cuộc họp báo để cập nhật thông tin về cuộc chiến ở Ukraine. Milley nhắc lại quan điểm của mình về việc Ukraine đàm phán với Nga rằng: “Có thể có rất nhiều hoạt động trong mùa đông, nhưng nói chung, do thời tiết, các hoạt động chiến thuật sẽ chậm lại một chút. Bản thân Tổng thống Biden và Tổng thống Zelenskiy đã nói rằng sẽ có một… giải pháp chính trị.”

Milley nói thêm: “Tổng thống Hoa Kỳ đã nói rất rõ ràng với chúng tôi rằng: Ukraine phải quyết định cách thức, thời điểm hoặc liệu họ có đàm phán với người Nga hay không, và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ chừng nào còn có thể.”

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, nói với Newsweek hôm thứ Bảy, “Tôi nghĩ rằng các cuộc đàm phán chỉ khả thi khi có những người sẽ tuân theo các điều kiện đã thỏa thuận và các bảo đảm rõ ràng. Nước Nga của Putin không thể cung cấp được. Họ là những tội phạm chiến tranh và những kẻ dối trá bệnh hoạn.”

Tuần này, Ukraine phải đối mặt với một cuộc tấn công hỏa tiễn lớn từ Nga trong khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Các nhà lãnh đạo NATO đã đáp lại cuộc tấn công bằng cách nói: “Chúng tôi lên án các cuộc tấn công hỏa tiễn man rợ mà Nga đã thực hiện vào các thành phố và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine hôm thứ Ba.”

Cũng trong ngày thứ Ba, một quả hỏa tiễn đã rơi xuống Przewodówon, Ba Lan, khiến hai người thiệt mạng. Cuộc tấn công hỏa tiễn là sự việc đầu tiên trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine, bắt đầu vào cuối tháng 2, ảnh hưởng trực tiếp đến một thành viên NATO. Các báo cáo ban đầu từ Associated Press chỉ ra rằng đó là một hỏa tiễn của Nga, khiến các đồng minh NATO phải triệu tập. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda kể từ đó đã thừa nhận rằng có khả năng một hỏa tiễn Ukraine đã bắn vào một hỏa tiễn Nga đang lao tới.

Biden đã lên Twitter sau khi có báo cáo về vụ việc rằng: “Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Andrzej Duda của Ba Lan để bày tỏ lời chia buồn sâu sắc về những thiệt hại về người ở Đông Ba Lan. Chúng tôi sẽ giữ liên lạc chặt chẽ để xác định các bước tiếp theo thích hợp và nó sẽ tiếp tục.”

Hôm thứ Sáu, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, đã báo cáo rằng các kênh Telegram của Nga đang tích cực thảo luận về làn sóng huy động thứ hai từ Tổng thống Nga Vladimir Putin. ISW đã đề cập đến cuộc trò chuyện trên mạng xã hội, trong đó ghi nhận một lệnh triệu tập nhập ngũ được nhận bởi một cư dân St. Petersburg, người được cho là đã yêu cầu xuất hiện để nhập ngũ vào tháng Giêng.

Rajan Menon, giám đốc chương trình Chiến lược lớn tại Defense Priorities, nói với Newsweek hôm thứ Bảy, “Những lo ngại về cuộc chiến này kéo dài, vượt khỏi tầm kiểm soát, thậm chí có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga, là điều dễ hiểu. Điều đó là rõ ràng vì Putin đã nói thẳng thừng rằng Nga sẽ không rút khỏi bất kỳ lãnh thổ Ukraine nào mà nước này đã chiếm đóng. “

Menon tiếp tục: “Do đó, có thể hiểu được các nhà lãnh đạo Ukraine phản đối việc đàm phán vì sẽ dẫn đến việc chia cắt đất nước của họ—đặc biệt là bởi vì, như họ thấy, động lực chiến trường hiện đang có lợi cho họ.”

4. Pháp đã gửi thêm hai hệ thống phòng không tới Ukraine

Pháp đã gửi thêm hai hệ thống phòng không tới Ukraine, cùng với hai bệ phóng hỏa tiễn, theo một cuộc phỏng vấn được đưa ra bởi một bộ trưởng quốc phòng Pháp.

Sébastien Lecornu nói với tờ báo Chúa Nhật Le Journal du Dimanche rằng Paris đang xem xét yêu cầu cung cấp radar.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược quy mô lớn của Nga, Pháp đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự trị giá 550 triệu euro và là một trong năm quốc gia tài trợ lớn nhất cho nỗ lực chiến tranh. Quân đội Pháp cũng đã huấn luyện binh lính Ukraine.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là đào tạo 2,000 người trong số 15,000 người do Liên minh Âu Châu đề xuất. Khoảng 400 nhân viên quân sự Ukraine đã được đào tạo về cách vận hành các thiết bị và hệ thống vũ khí mà chúng tôi đang cung cấp cho Ukraine”, Lecornu cho biết

5. Người Nga rất hiếu chiến

Như chúng tôi đã đưa tin, theo Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh, Putin vừa đi đến một biện pháp rất tốn kém để có tiền trang trải cho chi phí quốc phòng trong năm 2023. Biện pháp này gọi là “Debt issuance” hay “Phát hành nợ”.

Phát hành nợ là một phương pháp được cả chính phủ và các công ty đại chúng sử dụng để huy động vốn bằng cách bán trái phiếu cho các nhà đầu tư bên ngoài. Đổi lại, các nhà đầu tư kiếm được tiền lãi định kỳ trên số tiền đầu tư.

Ví dụ, chính phủ có thể bán trái phiếu kho bạc ra công chúng như một cách huy động tiền để tài trợ cho các dự án phát triển như xây dựng đường xá và bệnh viện, cũng như trả lương cho nhân viên chính phủ. Trong trường hợp này, Putin muốn tài trợ cho cuộc chiến tại Ukraine để bảo vệ mạng sống của chính ông ta, sau các thất bại nghiêm trọng.

Các nhà đầu tư kiếm được các khoản thanh toán lãi định kỳ trong thời hạn của trái phiếu, cộng với mệnh giá của trái phiếu khi đáo hạn. Đây là một biện pháp rất tốn kém. Nó cho thấy ít nhất hai điều: Putin không còn nhiều lựa chọn; và ông ta quyết tâm theo đuổi cuộc chiến.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh ghi nhận rằng chỉ trong một ngày duy nhất là ngày 16 tháng 11 năm 2022, Nga đã huy động được 820 tỷ tiền rúp Nga hay 13.6 tỷ Mỹ Kim.

Về nguyên tắc, nếu không có gì trục trặc, các nhà đầu tư sẽ kiếm được một số tiền lãi to. Tuy nhiên, nếu chính phủ của Putin sụp đổ, họ có khả năng mất hết. Trong các hình thức đầu tư, mua trái phiếu của chính phủ được kể là có phong hiểm cao nhất. Đồng tiền ăn liền khúc ruột. Nhiều người ngạc nhiên không tin rằng trong một ngày Putin có thể huy động được 13.6 tỷ Mỹ Kim. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu về Nga Keir Giles của Chattam House cho rằng con số đó là “hoàn toàn có thể, vì người Nga rất hiếu chiến.”

6. Có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường ở Kherson khi các siêu thị đang mở cửa trở lại.

ATB, một cửa hàng 24/7 trong thành phố, đã có hàng người xếp hàng dài bên ngoài vào hôm Chúa Nhật khi họ chào đón khách hàng trở lại. Thành phố gần đây đã được các lực lượng Ukraine tái chiếm sau khi quân Nga rút lui.

Anton Gerashchenko, cố vấn chính phủ và cựu bộ trưởng, cho biết mọi người đã khóc khi quay lại cửa hàng lần đầu tiên. Siêu thị đã mở dịch vụ sạc điện thoại miễn phí vì nguồn cung cấp điện của thành phố liên tục gặp vấn đề.

7. Tổng giám đốc cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là 'đùa với lửa'

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, đã lên án vụ tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong vùng đất do Nga kiểm soát.

Ông Tổng giám đốc nói rằng những người chịu trách nhiệm về “những vụ nổ mạnh” trong khu vực vào đêm thứ Bảy và sáng Chúa Nhật đang “đùa với lửa”.

Các nhà quản lý nói với các chuyên gia IAEA tại nhà máy rằng một số tòa nhà, hệ thống và thiết bị đã bị hư hại, nhưng “cho đến nay không có cái nào” nguy hiểm đối với an toàn và an ninh.

Rafael Mariano Grossi, Tổng giám đốc IAEA cho biết: “Tin tức từ nhóm của chúng tôi ngày hôm qua và sáng nay là vô cùng đáng lo ngại. Vụ nổ xảy ra tại địa điểm của nhà máy điện hạt nhân lớn này là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

“Ai đứng đằng sau vụ này thì phải chấm dứt ngay. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, bạn đang đùa với lửa!”

Nga thường xuyên pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và sau đó cáo buộc người Ukraine làm như thế bất kể sự vô lý đến mức không thể tin được trong các lập luận của họ.

8. Tờ Washington Post đưa tin Nga đã đạt được thỏa thuận với Iran để bắt đầu sản xuất hàng trăm máy bay không người lái được trang bị vũ khí trên đất Nga.

Trích dẫn thông tin tình báo mà Mỹ và các cơ quan an ninh phương Tây khác có được, tờ báo cho biết các quan chức từ Mạc Tư Khoa và Tehran đã hoàn tất thỏa thuận trong một cuộc họp ở Iran hồi đầu tháng.

Ba quan chức quen thuộc với vấn đề này cho biết Nga và Iran đang nhanh chóng chuyển giao các thiết kế và linh kiện chính có thể cho phép bắt đầu sản xuất trong vòng vài tháng.

Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận từ Post.
 
LM Pháp vừa được bổ nhiệm làm GM vài tuần đã xin thôi. ĐGH nói hòa bình ở Ukraine là có thể
VietCatholic Media
19:06 21/11/2022


1. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Hòa bình ở Ukraine là có thể

Đức Thánh Cha nói về sự cần thiết phải phi quân sự hóa các trái tim và nói rằng Tòa Thánh đang theo sát tình hình ở Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Stampa của Ý, được xuất bản vào ngày 18 tháng 11 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ông tin rằng hòa bình giữa Ukraine và Nga là có thể.

Trong cuộc phỏng vấn dài hai trang này, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo đã nói về cuộc xung đột Nga-Ukraine, một lần nữa tố cáo “sự ham muốn quyền lực và buôn bán vũ khí”.

Ngài nói: “Khi các đế chế suy yếu, họ gây chiến để cảm thấy mạnh mẽ”. Ngài bảo đảm rằng Tòa thánh liên tục theo dõi sự phát triển của tình hình và đánh giá cao “bất kỳ cơ hội nào có thể dẫn đến một lệnh ngừng bắn thực sự”.

Ngoài việc hỗ trợ nhân đạo cho người dân Ukraine và viện trợ cho các tù nhân chiến tranh, “chúng tôi đang tìm cách phát triển một mạng lưới các mối quan hệ có lợi cho việc xích lại gần nhau giữa các bên, để tìm ra giải pháp,” Đức Thánh Cha nói tiếp. “Tôi có hy vọng. Chúng ta đừng bỏ cuộc, hòa bình là có thể”.

“Tuy nhiên, mọi người cần nỗ lực phi quân sự hóa trái tim, bắt đầu từ trái tim của chính họ,”

Một ngày trước khi cuộc phỏng vấn được công bố, vào ngày 17 tháng 11, Đức Hồng Y Pietro Parolin, đã cử hành Thánh lễ cầu cho hòa bình ở Ukraine tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma, như một phần của lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Ukraine và Ukraine. Tòa Thánh.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi đừng thờ ơ với “hàng triệu” người đang bị đói. “Đây phải là ưu tiên, những người đủ may mắn để có thức ăn trong cuộc sống hàng ngày của họ không nên lãng phí.”

Đức Thánh Cha dự kiến sẽ sớm gặp tân Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, cũng chúc chính quyền của Ý “những điều tốt đẹp nhất”. Ngài bày tỏ hy vọng rằng phe đối lập sẽ “hợp tác”, kêu gọi đạt được mục tiêu là “lợi ích chung và là chân trời duy nhất cho một tương lai tốt đẹp hơn cho nước Ý.”
Source:Aleteia

2. Tổng giáo phận Mễ Tây Cơ chia sẻ bức ảnh đầu tiên được chụp về Đức Mẹ Guadalupe

Tổng giáo phận Nguyên thủy của Mễ Tây Cơ đã chia sẻ bức ảnh đầu tiên từng được chụp về hình ảnh gốc của Đức Mẹ Guadalupe, hiện ra một cách kỳ diệu trên áo choàng hay poncho hay ayate của Thánh Juan Diego vào năm 1531.

Trong một bài đăng trên Facebook, tổng giáo phận cho biết “vào chiều ngày 18 tháng 5 năm 1923, nhiếp ảnh gia Manuel Ramos vinh dự là người đầu tiên chụp ảnh Đức Trinh Nữ Guadalupe trực tiếp từ ayate của Juan Diego mà không có kính bảo vệ.”

Tổng giáo phận giải thích: “Cơ hội nảy sinh nhờ vào việc thay đổi khung bên cạnh những sửa chữa khác mà bức ảnh cần để bảo tồn sau cuộc tấn công mà nó phải chịu vào ngày 14 tháng 11 năm 1921, khi một quả bom nổ bên dưới bức ảnh”.

Vào sáng ngày 14 tháng 11 năm 1921, Luciano Perez Carpio, một nhân viên của Ban thư ký riêng của Phủ Tổng thống, đã đặt một quả bom bên trong một giàn hoa trên bàn thờ, cách bức tường có treo ảnh Đức Mẹ Guadalupe vài bước chân trong Vương cung thánh đường cũ, ngày nay được gọi là Nhà thờ chuộc tội của Chúa Kitô Vua.

Vào khoảng 10 giờ 30 phút, quả bom phát nổ làm hư hại bậc thềm bàn thờ và chân đèn bằng đồng. Một cây thánh giá làm bằng sắt và đồng nặng hơn 50 cân Anh rơi xuống sàn, bị cong về phía sau bởi lực của vụ nổ.

Không có thiệt hại nào đối với hình ảnh kỳ diệu của Đức Mẹ và tấm kính bảo vệ hình ảnh của Đức Mẹ thậm chí không bị vỡ, mặc dù phần còn lại của nhà thờ đã bị hư hại nặng nề.

Cây thánh giá được trưng bày công khai ở phía sau vương cung thánh đường mới và được gọi là Thánh Giá Chúa Kitô bị tấn công.

Năm Thánh tưởng niệm vụ tấn công bắt đầu vào ngày 14 tháng 11 năm 2021 tại Vương cung thánh đường Guadalupe, và giai đoạn ân sủng này sẽ kết thúc vào ngày 20 tháng 11 năm nay.

Tổng giáo phận Mễ Tây Cơ ghi nhận tác động to lớn của việc chụp ảnh Đức Mẹ Guadalupe đối với Manuel Ramos.

“Lòng sùng kính của anh ấy tăng lên và anh ấy bắt đầu tham gia nhiều hơn vào việc chụp ảnh các sự kiện của Giáo hội, chẳng hạn như Lễ kỷ niệm một trăm năm Đức Trinh Nữ hiện ra.”

Tổng giáo phận cho biết: “Cần lưu ý rằng những bức ảnh chụp từ tấm vải đã trở thành hình ảnh chính thức của Đức Trinh Nữ Guadalupe, những hình ảnh được lan truyền rộng rãi giữa các tín hữu trong những năm 1920 và 1930”.

Các cuộc hiện ra của Đức Mẹ Guadalupe

Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra nhiều lần vào năm 1531 với Thánh Juan Diego, một người Aztec cải đạo sang Công Giáo, tại quê hương Mễ Tây Cơ của ông. Mestiza Mary, hay Đức Mẹ Guadalupe, đã nói chuyện với Juan Diego một cách nhẹ nhàng như một người mẹ và bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của anh ấy.

Vào ngày 12 tháng 12, trong lần xuất hiện cuối cùng với Juan Diego, Mẹ đã ra lệnh cho anh hái những bông hồng mọc trái mùa vào tháng 12 trên đồi Tepeyec và mang chúng đến cho Đức Giám Mục để làm bằng chứng cho việc Mẹ yêu cầu xây dựng một nhà thờ ở đó. Khi Juan Diego để những bông hồng rơi ra khỏi áo choàng của mình, hình ảnh kỳ diệu của Đức Mẹ Guadalupe xuất hiện trên đó, thuyết phục được Đức Cha Fray Juan de Zumárraga.

Gần 500 năm sau, hình ảnh gốc của Đức Mẹ Guadalupe vẫn được lưu giữ trong đền thờ của Mẹ ở Mexico City.

Kể từ đó, chiếc áo choàng được hàng triệu người tôn kính mỗi năm, và hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe đã trở nên phổ biến trong văn hóa Mễ Tây Cơ.
Source:Catholic News Agency

3. Giáo sĩ người Pháp được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm giám mục vào tháng 10 quyết định không nhận nhiệm vụ vì kiệt sức

Một giáo sĩ người Pháp được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm giám mục vào tháng 10 cho biết ngài sẽ không đảm nhận chức vụ này, vì các vấn đề sức khỏe mà ngài cho là “kiệt sức”.

Đức ông Ivan Brient, 50 tuổi, thông báo rằng Đức Thánh Cha đã chấp nhận quyết định rút lui khỏi chức vụ Giám Mục Phụ Tá giáo phận Rennes, tây bắc nước Pháp.

Đức ông Brient, tổng đại diện của Giáo phận Vannes lân cận, đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm giám mục vào ngày 7 tháng 10. Lễ tấn phong giám mục của ngài đã được lên kế hoạch vào ngày 4 tháng 12 tại Nhà thờ chính tòa Rennes.

Trong một bức thư được đăng trên trang web của tổng giáo phận Rennes, Đức Ông Brient lưu ý rằng ngài đã nhận vai trò này vào ngày 2 tháng 10, “với tinh thần phục vụ, rất vui khi có thể đóng góp vào sứ mệnh mới này để Giáo hội của chúng ta ngày càng phát triển hơn trong niềm trung thành với Tin Mừng của Chúa Kitô.”

Nhưng ngài nói rằng ngài bắt đầu gặp vấn đề về sức khỏe.

“Sau khi tham khảo ý kiến, các dấu hiệu đáng báo động về sự bắt đầu kiệt sức đã được chẩn đoán rõ ràng. Những dấu hiệu này cho phép tôi hiểu rằng một mặt tôi mệt mỏi và mặt khác tôi lo sợ về những căng thẳng mà nhiệm vụ này sẽ tạo ra trong tôi và tôi sẽ gặp khó khăn khi đối mặt với chúng,” Đức Ông cho biết như trên trong thư gửi người Công Giáo của tổng giáo phận.

“Hai bác sĩ khuyên tôi nên dừng lại ngay, nếu không tôi sẽ kiệt sức. Tôi đã nói điều đó với Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh và với Đức Tổng Giám Mục Pierre d'Ornellas của Rennes, là những người mà tôi cảm ơn vì sự lắng nghe và giúp đỡ huynh đệ của các ngài.”

Ngài nói thêm: “Sau khi nhận thức rõ ràng, đối với tôi, dường như khôn ngoan hơn là không đi xa hơn nữa trong sứ mệnh được giao phó này. Gánh nặng dường như quá nặng nề đối với tôi và tôi không muốn mạo hiểm bỏ cuộc trên đường đi, cũng như không thể hoàn thành tốt sứ mệnh Giám Mục Phụ Tá này.”

“Vì vậy, rất tiếc, nhưng trong bình an, tôi đã đưa ra quyết định từ bỏ sứ mệnh này, như tôi đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 28 tháng 10 để thông báo cho ngài.”

Quyết định này có nghĩa là Đức Tổng Giám Mục d'Ornellas, 69 tuổi, sẽ tiếp tục cai quản Tổng Giáo phận Rennes, Dol và Saint-Malo, nơi phục vụ khoảng 900,000 người Công Giáo, mà không có sự hỗ trợ của một Giám Mục Phụ Tá nào.

Giáo Hội Công Giáo ngày càng gặp khó khăn trong việc bổ nhiệm và cả trong việc giữ chân các giám mục.

Đức Hồng Y Marc Ouellet, bộ trưởng Bộ Giám mục, cho biết vào năm 2019 rằng khoảng 30% linh mục đã từ chối yêu cầu lãnh đạo các giáo phận và tỷ lệ này đã tăng gấp ba lần trong một thập kỷ.

Vào tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Giám mục người Thụy Sĩ Valerio Lazzeri, 59 tuổi. Vị Giám Mục nói rằng ngài đã bị choáng ngợp bởi “sự mệt mỏi bên trong” và phải vật lộn với các khía cạnh quản trị, điều hành và quản lý tài chính trong Giáo phận Lugano của mình.

Thông báo của Đức Ông Brient đến vào thời điểm đầy thách thức đối với các giám mục Pháp. Các ngài đang đấu tranh để giải quyết một cuộc khủng hoảng lạm dụng đã nhấn chìm một số thành viên đã nghỉ hưu của hàng giám mục Pháp.

Đầu tuần này, một tổng giám mục đã nghỉ hưu thừa nhận có hành vi không phù hợp với một thiếu nữ trẻ vào những năm 1980. Đức Tổng Giám Mục Jean-Pierre Grallet đã thông báo vào ngày 15 tháng 11 rằng ngài đang phải đối mặt với các cuộc điều tra cả về giáo luật và dân sự về hành động của mình.

Đức Cha Grallet là nhà lãnh đạo Giáo hội Pháp thứ ba phải đối mặt với các cuộc điều tra kể từ giữa tháng 10, khi có thông tin cho rằng Đức Cha Michel Santier đã được phép từ chức vào năm 2021 với lý do sức khỏe khi ngài phải đối mặt với cáo buộc lạm dụng từ những năm 1990.

Đức Hồng Y Jean-Pierre Ricard đã thừa nhận vào ngày 7 tháng 11 rằng ngài đã cư xử “một cách đáng trách” đối với cô gái khi ngài còn là một cha sở tại Tổng Giáo phận Marseille vào cuối những năm 1980.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort, cho biết vào ngày 7 tháng 11 rằng tổng cộng 11 giám mục Pháp đã phải đối mặt với các cuộc điều tra của hệ thống tư pháp thế tục hoặc giáo hội vì nghi ngờ phạm tội hoặc che đậy lạm dụng.

Đức Tổng Giám Mục Moulins-Beaufort đã đưa ra thông báo tại phiên họp khoáng đại của các giám mục từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 11 ở Lộ Đức, nơi một loạt nghị quyết đã được thông qua liên quan đến tình trạng lạm dụng của giáo sĩ.

Các giám mục đã tiến thêm một bước trong việc thiết lập một tòa án hình sự theo giáo luật liên giáo phận. Các ngài cũng chấp thuận việc thành lập một ban giám sát để tư vấn cho các giám mục về việc áp dụng tự sắc Vos estis lux mundi năm 2019, đặt ra các quy tắc mới để chống lạm dụng và yêu cầu các nhà lãnh đạo Giáo hội giải trình về việc các ngài giải quyết các vụ việc.

Một phái đoàn gồm các giám mục Pháp dự kiến sẽ đến Rôma để gặp gỡ các bộ trưởng của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin và Thánh Bộ Giám mục của Vatican.
Source:Pillar Catholic