Ngày 22-11-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 34 Mùa Quanh Năm A. 26.11.2017
Lm Francis Lý văn Ca
17:42 22/11/2017
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Trong suốt năm phụng vụ, Giáo Hội lần lượt trình bày cho chúng ta những mầu nhiệm của Thiên Chúa trong chương trình cứu rỗi. Hôm nay, Giáo Hội muốn tóm tắt sứ điệp của năm phụng vụ bằng lễ kính Chúa Kitô Vua. Qua ý nghĩa của thánh lễ hôm nay, chúng ta tôn thờ Chúa Giêsu là Vua trên hết các vua là Chúa trên hết các chúa. Chúng ta thử kiểm điểm đời sống của mình đã phục vụ Vị Chúa mà chúng ta tôn vinh hôm nay một cách thiết thực không?
Qua các bài đọc chúng ta sắp nghe, Vua Giêsu được trình bày như là một Vị Vua nhân hậu dẫn dắt đoàn chiên trên đồng cỏ xanh tươi. Ngài được sánh ví như mục tử chăn dắt đoàn chiên.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây.

TRƯỚC BÀI I:
Tiên tri Êzêkiel dùng hình ảnh người chăn chiên để diễn tả sự quan phòng của Thiên Chúa Giavê đối với nhân loại. Chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu dùnh hình ảnh nầy trong bài Tin Mừng, để ám chỉ Ngài là Đấng Chăn Chiên Nhân Lành mà Êzêkiel đã nói nghĩa bóng trong bài đọc thứ I hôm nay.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô tóm lượt tất cả lịch sử ơn cứu độ từ Adong tới thời thế mạt. Lịch sử nầy được Thiên Chúa quan phòng sắp xếp và giao trọn quyền điều hành trong tay Đức Kitô là Vua.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Phúc âm thuật lại việc Chúa Giêsu sẽ đến lần thứ II trong vinh quang, để phán xét thế gian. Tất cả đều được phán xét về sự dữ hay lành đã làm khi còn sống. Đặc biệt về khía cạnh bác ái.

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúa Giêsu đã phán: "Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc..." Chúng ta cầu xin ơn Chúa giúp để mọi người đều được xứng đáng là những đứa con trung hiếu của Cha trên trời. 1. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, Các Đức Giám Mục, Linh mục, là những đấng chăn chiên, mà Chúa đã đặt lên coi sóc đàn chiên Chúa. Xin cho các ngài luôn minh chứng cho thế gian tinh thần phục vụ nhiệt thành trong nhiệm vụ là những Chủ Chăn. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho những vị lãnh đạo các quốc gia, xin cho các ngài biết nhiệt tình phục vụ dân trong xứ sở, quốc gia của họ bằng một tâm hồn quảng đại, để thần dân được sống trong an bình và thịnh vượng. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho chúng ta luôn ý thức giá trị cao cả của tình bác ái huynh đệ, để khi đối diện với Vua Kitô trong ngày phán xét, chúng ta không phải trả lẽ nặng nề vì chúng ta đã không quên giúp đỡ anh chị em chúng ta khi còn tại thế. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho Các Linh Hồn đã nghe tiếng của Đấng Chăn Chiên Nhân Lành, ra đi trước chúng ta. Ước gì qua tình thương hải hà của Chúa họ sẽ được Chúa gọi là: "Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng phần gia nghiệp đã sắp sẵn cho các ngươi..." Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Trong ít giây thinh lặng… chúng ta nhớ đến những linh hồn mà chúng ta cần nhớ đến trong Mùa Báo Hiếu năm nay… Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Cha, qua chương trình quan phòng kỳ diệu của Cha, đối với ơn cứu độ, Cha ước mong mọi người sống trong yêu thương. Xin cho cuộc sống trần thế nầy giúp chúng con có cơ hội phục vụ và nâng đỡ anh chị em đồng loại mà họ cùng đồng hành với chúng con trên con đường về Nhà Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Amen.
 
Suy Niệm Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ - Năm A
Lm. Anthony Trung Thành
21:06 22/11/2017
Suy Niệm Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ - Năm A

Chúa Nhật 34 là Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, đồng thời cũng là Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ. Giáo hội hướng chúng ta về ngày chung cuộc của con người và toàn thể vũ trụ. Đó chính là ngày Tận thế. Trong ngày đó, mỗi người sẽ phải đối diện với cuộc phán xét chung do chính Vua Giêsu làm Thẩm Phán. Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Thánh Mathêu cho chúng ta thấy quang cảnh của ngày phán xét chung đó. Đức Giêsu sẽ ngự đến trong vinh quang và chung quanh Người có các Thiên thần hậu cận. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái: chiên là những người lành thì được thưởng trên Thiên đàng, còn dê là kẻ dữ sẽ bị phạt xuống Hỏa ngục (x. Mt 25,31).

Để đón chờ ngày Tận thế, ngày vị Thẩm Phán Giêsu ngự đến, chúng ta cần phải xác tín và thực hành những điều sau đây:

Thứ nhất, chúng ta luôn phải xác tín rằng có ngày Tận thế: Vấn đề này chúng ta đã tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Đức Giêsu cũng nói về ngày Tận thế rằng: “Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong ngày của Con Người cũng sẽ xảy ra như vậy.” (Lc 17,26). Người cũng nói với các Tông đồ: Thầy đi để dọn chỗ cho anh em và Thầy lại đến để đem anh em về với Thầy (x. Ga 14, 2-3). Tin mừng Thánh Mathêu hôm nay cũng cho biết: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.”(Mt 25,31). Như vậy, có ngày Tận Thế, nhưng ngày đó đến lúc nào thì chúng ta không biết được. Chúng ta cần phải xác tín như vậy.

Thứ hai, vào ngày Tận thế, Đức Giêsu là vị Thẩm Phán sẽ xét xử toàn thể nhân loại: Thánh Phaolô khẳng định: “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5:10). Về vấn đề này, Đức Giêsu cũng đã nói rõ ràng qua dụ ngôn những nén bạc (x. Mt 25,14-30). Qua dụ ngôn này, ông chủ chính là Đức Giêsu. Cuộc hành trình ông chủ đi xa chỉ việc Người về với Chúa Cha. Các đầy tớ là những người tin vào Đức Giêsu. Những nén bạc được trao cho các đầy tớ là những khả năng Chúa ban. Những nén bạc được các đầy tớ sinh lãi là những việc tốt chúng ta đã làm khi tận dụng các khả năng của mình. Sự trở về của ông chủ là việc Đức Giê-su trở lại trong ngày Tận thế. Khi đó, ông chủ tức là Đức Giêsu sẽ phán xét con người tùy theo công nghiệp của họ. Đầy tớ thứ nhất và thứ hai là hiện thân của những người được thưởng. Còn đầy tớ thứ ba là hiện thân của những người bị phạt. Như vậy, mỗi người chúng ta luôn phải nhớ rằng, vào ngày Tận thế, Đức Giêsu là vị Thẩm Phán sẽ xét xử chúng ta theo nguyên tắc: “Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng” : Có công thì được thưởng, có tội thì bị phạt. Nhờ đó, chúng ta luôn cố gắng làm lành lánh dữ.

Thứ ba, tiêu chuẩn để được thưởng và lý do bị phạt là luật bác ái: Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đồng hòa Người với những kẻ bé mọn. Nên những ai giúp đỡ những kẻ bé mọn là giúp đỡ chính Người. Vì thế, Người nói với những kẻ lành rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta.” (Mt 25,34-36.40). Ngược lại, Người nói với những kẻ dữ rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!… Mỗi lần các ngươi đã không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,41-43.45). Tóm lại, tiêu chuẩn để Đức Giêsu phán xét là luật bác ái yêu thương.

Thứ tư, chúng ta phải làm gì để đón chờ ngày Tận thế? Có ngày Tận Thế và ngày đó đến một cách bất ngờ như kẻ trộm (x. 2 Pr 3,10). Vì thế, chúng ta phải siêng năng làm việc để sinh lãi những vốn liếng Chúa trao như người đầy tớ thứ nhất và thứ hai trong dụ ngôn những nén bạc (x. Mt 25,14-30). Chúng ta phải có thái độ như người đầy tớ tỉnh thức đợi chủ đi ăn cưới về hay như chủ nhà tỉnh thức để canh chừng kẻ trộm (x. Lc 12, 35-40). Chúng ta phải chuẩn bị dầu đèn đầy đủ như năm cô trinh nữ khôn ngoan (x. Mt 25,1-13). Đặc biệt, mỗi người chúng ta hãy cố gắng thực thi bác ái yêu thương, vì đó là tiêu chuẩn để chúng ta được vào Thiên đàng. Trong bài giảng “ngày quốc tế người nghèo lần thứ nhất” tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khẳng định rằng: “Người nghèo là thông hành vào cửa Thiên đàng của chúng ta.” Và Ngài nhắn nhủ mọi người: “Thiên Chúa ban cho chúng ta các nén bạc, các khả năng, cần phải tận dụng và phát triển để mưu ích cho tha nhân, nhất là cho người nghèo… Yêu thương người nghèo như thế có nghĩa là chiến đấu chống lại mọi thứ nghèo đói tinh thần cũng như vật chất.”

Lạy Chúa Giêsu là Vua Tình Thương, xin cho mỗi người chúng con luôn biết sống đức ái trong cuộc sống hằng ngày để mai sau chúng con có được giấy thông hành vào nước Thiên đàng với Chúa. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Giêsu Vua Tình Yêu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
21:21 22/11/2017
Suy niệm lễ Chúa Giêsu Vua

(Mt 25, 31-46)

Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội long trọng cử hành lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ với niềm vui khôn tả và quả quyết rằng Người là Vua Tình Yêu và là Chúa chúng ta. Vua của Vương Quốc Yêu Thương và An Bình. Hôm nay, Vị Vua ấy nói với chúng ta về cuộc phán xét tình yêu. Khi sử dụng ẩn dụ chiên - dê, Người cho chúng ta thấy rằng đây sẽ là cuộc phán xét về tình yêu.

Chỉ có tình yêu là điều đáng kể, nên thánh Ignatiô Loyola chiêm niệm để đạt được tình yêu, và ngài khuyên chúng ta cần phải đặt tình yêu vào trong lời nói và việc làm của mỗi người. Tin Mừng chỉ rõ, mỗi việc bác ái chúng ta làm, là làm cho chính Chúa: " Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với" (Mt 25,34-36). Hơn nữa, "Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,40).

Cuộc phán xét tình yêu, đưa chúng ta trở về với thực tại chân đặt trên đất, đầu ngẩng lên nghe Chúa Kitô phán xét. Vương triều của Chúa Kitô rất khác với chuyên quyền trần thế, bởi tình yêu là tiếng nói cuối cùng còn tồn tại.

Chúa Giêsu cho chúng ta thấy ý nghĩa của vương quốc hay quyền lực là để phục vụ người khác. Người khẳng định rằng Người là Chúa, là Thầy (Ga 13,13), và là Vua (Ga18,37), nhưng Người đã thi hành chức năng Thầy của mình bằng cách rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,4 ), và trao ban mạng sống mình. Chúa là Vua cai trị bằng sự khiêm nhường nằm trong (máng cỏ!) và bước lên ngai vàng là Cây Thập Giá.

Trên Thánh Giá có một bảng chữ viết rằng : "Giêsu Nagiarét, Vua dân Do Thái" (Ga 19,19), cái bên ngoài khẳng định mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu cai trị trên cây Thánh Giá và phán xét chúng ta bằng tình yêu, như thánh Gioan Thánh Giá đã nói: "Anh chị em sẽ bị xét xử về tình Yêu".

Câu hỏi được đặt ra : Vua Tình Yêu phán xét thế nào ? Khi Chúa Giêsu giáng lâm, tất cả mọi người tốt hay xấu, lành hay dữ, thiện hảo hay ác độc, đều có mặt để Người xét xử. Tiêu chuẩn là tất cả những gì chúng ta thực hiện cho anh em. Chính người tuyên án: "Mỗi lần các ngươi đã làm (hay các ngươi đã không làm) cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm (hay các ngươi đã không làm) cho chính Ta" (Mt 25, 40.45). Vì thế, cái gì sẽ xảy ra cho những kẻ không những không cho kẻ đói ăn, mà còn cướp lương thực khỏi họ; không những không tiếp rước khách lạ, mà còn là nguyên nhân làm cho người khác trở nên khách lạ.

Chúng ta không thể chiếm lấy gia nghiệp nước trời đã chuẩn bị từ tạo tiên lập địa cho những ai phục vụ trong yêu thương. Chỉ người sống yêu thương mới có chỗ trong triều đại sự sống và chân lý, ân sủng và thánh thiện, công chính, yêu thương và an bình.

Ai trong chúng ta cũng muốn vào Vương Quốc ấy. Lời cầu nguyện Ca hiệp lễ kết thúc bằng lời cầu xin: "cho hết mọi loài thọ sinh (…) biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng".

Để được vào, chúng ta phải phấn đấu. Nếu Đức Kitô Vua đã chiến đấu cho đến chết, thì các thần dân cũng phải chiến đấu. Vì thể chế xã hội loài người không muốn Đức Kitô cai trị trên họ nên họ chiến đấu chống lại Đức Kitô.

Nếu chúng ta là thần dân của Đức Kitô, chúng ta phải cầm vũ khí tốt để chiến đấu, vũ khí ấy là: tình yêu, chuyên cần cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các bí tích, sự chúc lành của Thiên Chúa chỉ cho chúng ta trước cuộc chiến đấu, biết chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa và của Đức Kitô trên mọi sức mạnh của sự dữ.

Chúng ta chỉ còn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Vua Kitô, sống trung thành với Người như những tôi tớ, can trường trong đức tinh, nhiệt thành trong đức mến, để một ngày kia, chúng ta có thể nghe Vua Kitô nói với chúng ta rằng : "Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ" (Mt 25, 34).

Chắc một điều là Chúa đến phán xét mọi người. Nhưng "đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến" (2Tim 4,8), thì Người sẽ là Ðấng Cứu độ và là vinh quang. Còn khi chúng ta từ chối lẫn nhau và quay lưng trước những bất hạnh tinh thần và thể xác của anh em đồng loại thì cũng là lúc chúng ta rời xa Chúa Giêsu, rời xa Thiên Chúa trong ngày sau hết.

Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, là Vua trên hết các vua, Chúa các chúa, Vua của vũ hoàn. Chúng con cùng với muôn loại thụ tạo cung chúc tôn thờ và cảm tạ. Xin cho đời chúng con thành lời ca ngợi, luôn làm theo ý Vua vũ hoàn với cả tình yêu, nhiệt thành phục vụ Chúa và tha nhân. Lạy Đức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, xin dâng Chúa quyền lực, vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa Cha đến muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lý do nào đảng Cộng Sản Trung Hoa cấm đi du lịch tới Vatican?
Xavier Nguyễn Đông
12:52 22/11/2017
Một chỉ thị cuả đảng Cộng Sản Trung Hoa ngày 16 tháng 11 vừa ra lệnh cho các cơ quan du lịch hoạt động tại Trung Quốc không đươc quảng cáo và tổ chức các chương trình du lịch đi đến Vatican, bởi vì, theo lời văn cuả chỉ thị, “không có quan hệ ngoại giao nào” giữa Vatican và Trung Quốc.

Mỗi vi phạm sẽ bị phạt tiền lên đến 300 ngàn nhân dân tệ. (VND 1 tỷ , US$ 45.385)

Một nhân viên cuả hãng du lịch quốc tế Phoenix Holidays International Travel Agency cho biết thêm: "các ‘tờ rơi’ khuyến mại cũng như các ấn phẩm du lịch đều bị liệt kê trong danh sách vi phạm.”

Một nguồn tin cuả Radio Free Asia (RFA) còn cho biết thêm rằng ‘chỉ thị’ là một lệnh "đến trực tiếp từ một cấp rất cao cuả đảng", chứ không phải là "từ chính quyền trung ương".

Tuy nhiên tất cả mọi người đều nghi ngờ rằng một chỉ thị như thế liệu có thể thực hiện được hay không?

Liệu đây có phải là một cố gắng ‘hão huyền’ khác cuả những quan chức ‘rối loạn tâm thần’ đã từng bị thất bại trong những nỗ lực ‘trừng phạt khinh tế’ đối với các lân bang ‘cứng đầu’? (thí dụ sự thất bại mới đây cuả Trung Quốc sau khi tẩy chay hàng hoá và cấm đi du lịch qua Hàn Quốc vì nước này thiết lập hệ thống tên lửa Thaad).

Hay là, cuộc tẩy chay Vatican lần này là để gây áp lực bắt Vatican phải chấp nhận các điều kiện áp đặt trong cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Vatican và Trung Quốc?

Những năm gần đây, số du lịch của Trung Quốc đến Vatican đã phát triển theo cấp số nhân. Theo các hãng du lịch thì, "tất cả mọi người Trung Quốc khi đến nước Ý đều muốn đi thăm Vatican, bảo tàng viện và đền thánh Phêrô." Những người trẻ thì có thể là vì tò mò, nhưng những lớn có đạo, Công Giáo hay Tin Lành, thì đây cũng là một cơ hội để hành hương đến các ngôi mộ của các thánh tông đồ.

Sự nối lại các cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Toà Thánh cũng làm tăng thêm số lượng khách du lịch từ Trung Hoa, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại hay sẵn sàng dừng lại giữa các nhóm người đang vẫy chào Ngài với lá cờ đỏ và sẵn sàng để cho họ chụp hình ‘selfie’ với mình.

Nhiều nhóm Thiên Chúa giáo, Công Giáo cũng như Tin Lành, cũng đã quyết định quảng cáo Đức Tin Thiên Chuá Giáo với người Trung Hoa bằng cách phân phối các tờ rơi tại quảng trường Thánh Phêrô, giải thích lịch sử của đền thánh, nói về Đức tin Kitô giáo, cho họ địa chỉ và thời gian cuả các cử hành phụng vụ và các sự kiện lễ hội tôn giáo khác.

Cho nên có lẽ cái chỉ thị mới này cũng là để “tự kiềm chế”, tức là tránh cho Trung Quốc khỏi bị "xâm nhập" bởi các cố gắng truyền giáo qua du khách Trung Hoa, khi mà ở nước ngoài, họ tìm thấy tự do hơn?

Nhưng ngay cả trong trường hợp “tự kiềm chế” này, thì nhiều nhà quan sát cũng phê bình rằng, thục sự đây là một ‘điều nực cười’ cuả một chính quyền ‘rối loạn tâm thần’ mong muốn kiểm soát dân số của nó ngay cả khi họ đang ở nước ngoài.

Một nhà điều hành tour du lịch ở Trung Quốc, xin dấu tên, đưa ra nhận xét như sau: "đó là một điều nực cười. Làm thế nào bạn có thể nghĩ rằng bạn có thể điều khiển hàng triệu người ở nước ngoài? Và hơn nữa, đó là những người trẻ, những người muốn có tự do hơn là những thế hệ cha mẹ cuả họ? "
 
Lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Miến Điện
Vũ Văn An
16:39 22/11/2017
Năm 2015, Đức Phanxicô ban cho Giáo Hội Miến Điện vị Hồng Y đầu tiên của họ, Đức Cha Charles Bo, Tổng Giám Mục Yangon. Trong vài ngày tới, Đức Thánh Cha sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên tới thăm đất nước của họ. Dịp này, hãng tin Eglises d’Asie có giới thiệu một bài viết công phu về lịch sử Giáo Hội Miến Điện.

Đó là bài viết của Cha Joseph Ruellen, thuộc Hội Thừa Sai Paris, 91 tuổi, một vị cựu truyền giáo ở Miến Điện. Bị đuổi ra khỏi Miến năm 1966, sau đó, ngài phục vụ tại Madagascar. Trở về Pháp, ngài dành thì giờ nghiên cứu về lịch sử Giáo Hội tại Miến Điện.


Những người Công Giáo đầu tiên của Miến Điện là người Bồ Đào Nha: từ năm 1510, những người này đến tiếp xúc với Miến Điện, thường trà trộn làm người làm thuê phục vụ cho các vương quốc và công quốc khác nhau rồi từ từ có cửa hàng riêng để lập nghiệp, đặc biệt tại vùng Syriam. Năm 1613, vì tham vọng tàn ác của người đứng đầu khu định cư gồm 5,000 nhân đinh này, tên là Felipe de Britto, họ đã bị tống xuất lên lãnh thổ của nhà vua Ava, tên của vương quốc Miến Điện phía bắc. Vị vua này đã sử dụng họ làm vệ binh hoàng gia, lính mang súng trường và súng thần công, nhưng được một điều là ông để họ tự do thực hành tôn giáo của họ.

Bắt đầu từ năm 1722, các cha dòng Barnabite người Ý được quyền chăm nom các cộng đồng Kitô hữu này, nhưng các cuộc chiến tranh liên tục trong đó các Kitô hữu phải tham gia đã giảm dần con số của họ một cách đáng kể. Một chủng viện được mở cửa năm 1772, một trường cao đẳng được thành lập ở Yangon và đào tạo được 3 linh mục đầu tiên. Hai trong số 3 vị này, Joseph Maung Gyi và Andrew Koo, được phong chức từ năm 1793 tại Amarapura. Tại nơi mà 100 năm trước, các Cha Jean Jorret và Jean Genoud, thuộc Hội Thừa Sai Paris, đã bị kết án bó trong bị liệng xuống sông vì làm tông đồ.

Vua Mindon, người che chở các vị truyền giáo

Các cuộc chiến tranh trong thời kỳ này chống lại Xiêm La, Trung Hoa, Arakan và Assam không ngăn cản đoàn chiên Kitô hữu nhỏ bé này tồn tại, cách này hay cách khác. Nhưng bắt đầu từ năm 1816, binh lính Miến Điện phải đối phó với người Anh thuộc Công Ty Ấn Độ ở Assam và Arakan; cứ mỗi lần người Anh tấn công, các làng Kitô Giáo ở phía bắc lại chịu nhiều sỉ nhục bởi các láng giềng Phật Giáo. Tuy nhiên, các vị vua đã giữ họ phục vụ mình và che chở họ. Sau này, sau năm 1830, nhiều linh mục người Ý khác, nhất là thuộc Dòng Oblat, đến trông coi các nhóm Kitô hữu khác nhau. Nhưng rồi trong đợt tấn công thứ hai của người Anh vào năm 1852, mọi linh mục đều bị bắt và bị tra tấn, và chính nhờ Mindon, tân vương của Ava, đã giải cứu họ. Các cuộc chiến tranh giữa người Anh và người Miến này đã làm con số các khu truyền giáo giảm đi khá nhiều.

Năm 1856, các nhà truyền giáo người Ý kêu gọi Hội Thừa Sai Paris. Đức Cha Paul Bigandet, truyền giáo tại tỉnh Tenasserim từ năm 1838, được sự sủng ái của Vua Mindon nhờ tài xử sự và kiến thức Phật Giáo của ngài. Điều này giúp các nhà truyền giáo đi truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc thiểu số nơi Phật Giáo chưa bén rễ: nhờ thế mà các cộng đồng Kitô hữu đầu tiên đã được thiết lập nơi người Karens ở phía nam Pathein và Mergui, nơi người Kachins ở đông bắc và nơi người Chins ở phía Tây. Từ năm 1866, các cha Dòng Truyền Giáo Milan trông coi Taungu và các tỉnh phía tây, mở nhiều khu Kitô giáo nơi người Karens. Nhiều người trẻ được gửi đi đào tạo tại chủng viện Penang và một hàng giáo sĩ địa phương được phát triển. Trong vòng 1 thế kỷ, 334 sinh viên đã được gửi qua Penang và 153 người đã trở thành linh mục. Khi Đức Cha Bigandet qua đời vào năm 1893, Giáo Hội đã được trồng vững chãi tại Miến Điện, và mọi giọng nói đều nhất tề ca ngợi ngài. Người Anh, người Miến, người Ấn Độ và nhiều người khác đặc biệt nhớ tới công trình giáo dục của ngài.

Năm 1934, các nhà truyền giáo của Thánh Colomban phụ trách các lãnh thổ của người Kachin sát biên giới Trung Hoa trong khi các nhà truyền giáo Hoa Kỳ La Salette phụ trách vùng phía đông Akyab, rồi vùng Prome ở miền trung. Trước cuộc tấn công của Nhật năm 1942, Giáo Hội Miến Điện phát triển mạnh về mọi mặt, với nhiều công trình xã hội, nhất là trong lãnh vực chống bệnh cùi. Lãnh tụ giành độc lập Aung San, từ năm 1941, vốn đã lập ra một quân đội Miến Điện để chống lại người Anh, nhưng một số nhóm vô kỷ luật đã tấn công các làng Kitô giáo, chủ yếu trong vùng châu thổ; nhiều vụ tàn sát đã diễn ra.

Người Công Giáo, tấm gương hợp nhất trong một đất nước bị xâu xé

Trong chiến tranh, Aung San vốn cảm nghiệm các chia rẽ của đất nước ông, nhất là về phía người Karens và người Shans. Sau khi Nhật đầu hàng vào tháng 8 năm 1945, ông nghĩ tới việc tổ chức cuộc gặp gỡ liên sắc tộc tại Panglong để tạo nên một Liên Bang Miến Điện đích thực. Sáu tháng trước ngày độc lập 4 tháng Giêng năm 1948, ông bị ám sát ở Yangon bởi phe chính trị đối lập. Các rắc rối diễn ra sau đó là dịp để đủ loại băng đảng có vũ trang tính sổ các người láng giềng. Nếu khởi đầu chỉ người Karens theo phái Baptist bị nhắm, thì chẳng bao lâu sau, tất cả những ai không phải là Phật Giáo đều bị coi là đồng hóa với kẻ thù: nhiều trận đánh bọc hậu đã diễn ra, nhất là ở vùng châu thổ, nhiều căn làng bị tấn công và nhiều linh mục Âu Châu và địa phương bị giết. Các giám mục cố gắng hết sức để không đổ lỗi cho chính phủ nên họ đánh giá cao lòng trung thành của người Công Giáo hơn là người Baptist, là nhóm có mặt khá nhiều nơi người Karens và Kachins; những người này, trái lại, đã phản ứng một cách bạo động và ủng hộ các phong trào nổi loạn. Nhưng dần dần, yên ổ đã trở lại dưới một chính phủ dân sự và các cộng đồng Kitô giáo lại được phát triển. Các chia rẽ chính trị tiếp tục sâu xa và hoạt động của chính phủ trở nên yếu kém.

Năm 1954, một phái đoàn linh mục của Miến Điện qua Rôma, và hàng giáo phẩm được thiết lập: hai trong số các linh mục này được tấn phong giám mục, Đức Cha Joseph U Win, người Miến, ở Mandalay, và Đức Cha George U Kyaw, người Karen, ở Pathein. Đây là dịp để Thủ Tướng U Nu bầy tỏ với các vị cầm quyền Công Giáo lòng ngưỡng phục của ông đối với các hoạt động của Giáo Hội tại đây. Nhưng song song, ông đã khuyến khích hoạt động truyền bá Phật Giáo bằng cách gửi các nhà sư tới các nhóm thiểu số, thậm chí tới cả nhóm sơn cước Chin, sát biên giới Ấn Độ ở phía tây bắc, nơi phần đông dân cư theo Kitô Giáo nên đâu có cần các nhà “truyền giáo Phật Giáo” này: các linh mục Công Giáo người Miến rất được hoan nghinh tại đây, còn các viên chức Miến thì không được hoan nghinh bao nhiêu.

Năm 1956, tại Yangon, người ta cử hành lễ kỷ niệm 1 trăm năm việc Đức Cha Bigandet tới đây và việc thành lập một đại chủng viện bằng một Đại Hội Thánh Thể, trong đó, Giáo Hội Công Giáo qui tụ 50,000 tín hữu, đến từ khắp nơi trong nước. Dịp này, khâm sứ Tòa Thánh và Đức Hồng Y Gracias, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng, đã được Thủ Tướng U Nu tiếp đón. Ông ca ngợi sự hợp nhất mà người Công Giáo đã nêu gương cho cả nước. Phần đông là người Karens, nhưng y phục nhận ra cả người Kachins, người Shans, người Labus, và nhiều sắc tộc khác nơi các Cha người Ý từng rao giảng Tin Mừng. 40 đại biểu đến từ sắc tộc sơn cước Chin đã đến góp vui trong dịp lễ này; quả thực Giáo Hội Công Giáo qui tụ mọi sắc tộc.

Sự tan vỡ năm 1966: “Chúng tôi trở nên trắng tay trong một đêm”

Sau cuộc biểu dương lực lượng năm 1962, quân đội đã nắm quyền vào năm 1966 và buộc mọi nhà truyền giáo đến đây từ ngày độc lập phải ra đi. Mọi cơ sở giáo dục và bác ái của Giáo Hội bị quốc hữu hóa. Chứng cớ được cung cấp bởi các cựu học sinh của “Trung Học Giáo Dục Căn Bản Số 6” tức trường trung học công lập, trước đây có tên là “Trung Học Thánh Phaolô”, nằm cạnh Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà ở Yangon.

Đức Tổng Giám Mục Yangon là Đức Cha Charles Bo, năm 2011, cho hay: “Chúng tôi trở thành trắng tay trong vòng một đêm. Thế nhưng, việc rao giảng Tin Mừng và công việc bác ái vẫn đã tiếp tục. Từ 8 giáo phận, chúng tôi đã vượt lên 16; từ 300,000, con số tín hữu đã tăng lên 750,000. Các linh mục lúc đó la 150 vị, nay các vị tăng lên 750; các tu sĩ lúc đó là 400, nay là 1,600. Về các giáo lý viên, phải kể hàng trăm. Mọi giáo phận đều lập một Caritas và tổ chức các hoạt động vừa có tính mục vụ vừa có tính bác ái".

Các người Công Giáo tiếp tục sống và tự phát triển, về con số cũng như việc tự lập, không pha mình vào chính trị. Đây không luôn luôn là thái độ của người Karens và Kachins theo phái Baptist. Cho đến nay, các nhóm nổi loạn này vẫn chưa hoàn toàn được bình định.

Các giám mục Miến Điện luôn rao giảng hòa bình, không tỏ ra đối nghịch với hội đồng quân sự, và Giáo Hội nêu gương hợp nhất giữa các nhóm sắc tộc khác nhau. Nhờ thế, các linh mục Miến Điện, những vị từ đầu vốn tham gia vào việc phát triển truyền giáo nơi người Chin và người Kachins, dần dần thay thế các vị người Ấu Châu bị tống xuất và dần dần các vị giám mục được đề cử trong mọi giáo phận bất kể nguồn gốc. Nhờ thế, mà ngày nay, chúng ta có Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Yangon, Đức Cha Charles Bo, người gốc Monhla, một trong các làng Kitô Giáo cổ xưa nhất ở phía bắc Mandalay, sau khi là giám mục Lashio, sát biên giới Trung Quốc. Đức Tổng Giám Mục Mandalay, Đức Cha Nicholas Mang Thang, là một người Chin ở Mindat; trước đây, ngài vốn điều khiển giáo phận Haka-Kalemyo. Việc thuyên chuyển các trách nhiệm này trong Giáo Hội từ vùng này tới vùng nọ là dấu chỉ cho thấy trong Giáo Hội Công Giáo, việc hợp nhất quốc gia là một thực tại.

Sự hỗ trợ kín đáo của các giám mục Miến đối với Bà Aung San Su Kyi

Năm 1988, dân chúng nổi dậy chống nền độc tài quá nặng nề. Nhiều nhóm dân chúng đoàn kết trong cuộc đấu tranh và quả là nhẹ nhõm khi tất cả đều ủng hộ Aung Sang Suu Kyi, người từ năm 1988 đã trở thành hiện thân của quốc gia Miến Điện. Khi giam bà trong tù hay tại nhà, hội đồng quân sự chỉ gia tăng lòng ngưỡng mộ bình dân đối với bà và cuối cùng đã phải nhường chỗ cho một chính phủ trong đó, bà, chứ không phải uy quyền, có ưu thế tinh thần của một cố vấn quốc gia. Trong các biến cố này, Giáo Hội Công Giáo để các tín hữu tự do xử lý các chọn lựa chính trị của họ, chứng tỏ một sự thận trọng khôn ngoan.

Năm 2011, Đức Tổng Giám Mục Yangon, Đức Cha Charles Bo, tổ chức năm thánh kỷ niệm 100 năm nhà thờ chính tòa: 400 linh mục, 21 giám mục và 3 tổng giám mục, được vây quanh bởi một đám đông rất lớn ngồi chật ngôi thánh đường vừa được tân trang. Đây cũng là dịp để mời các đại diện của đoàn tăng sĩ Phật Giáo và nhất là Aung San Su Kyi, nhà nữ quán quân của tự do và dân chủ. Người ta hoan hô bà và điều này, một lần nữa, biểu lộ rõ sự hợp nhất của người Công Giáo thuộc đủ sắc tộc của quốc gia.

Năm 2016, bất chấp sự ngập ngừng của quân đội, Aung San Suu Kyi đã tái tục các cuộc thương thuyết tại Panglong, việc mà cha bà đã dự liệu trước đây nhằm thiết lập ra Liên Bang quốc gia dựa trên sự đồng thuận của các nhóm sắc tộc, chứ không dựa trên sự đàn áp. Kết quả chưa có chi hiển hiện, nhưng mọi người đều biết rằng chính sự hiện diện của bà đã thống nhất xứ sở. Ngày nay, một số người tự hỏi liệu bà có đủ quyền lực để buộc quân đội phải tuân theo hay không; hiện quân đội đang tự tô vẽ là lực lượng bảo vệ quốc gia và Phật Giáo. Bất chấp các biến cố gần đây ở Arakan, xem ra các giám mục Miến tiếp tục ủng hộ bà, thấy nơi bà quả cân cân bằng duy nhất trước sự ngạo nghễ của quân đội.

P. Joseph Ruellen (Tháng 10 năm 2017)
(Nguồn: Eglises d'Asie, 27 tháng 10, 2017)
 
Tình hình Zimbabwe: Các giám mục Công Giáo kêu gọi nhẫn nại và ôn hoà sau khi Mugabe từ chức
Moses Trương Võ
16:51 22/11/2017
Harare, Zimbabwe, 22/11/2017 (CNA/EWTN). – Trong khi tình hình vẫn còn đang thay đổi sau khi tổng thống Robert Mugabe từ chức, các giám mục Công Giáo đã lên tiếng kêu gọi Quốc Gia hãy đặt ưu tiên lên những nỗ lực hòa bình và sự tôn trọng hiến pháp.

"Giáo hội đã lo lắng và cầu nguyện phó thác theo sau các sự kiện căng thẳng gần đây," theo một bức thư đề ngày 19 tháng 11.

"Chúng tôi là các mục tử, kêu gọi các giới hữu trách cuả quá trình đang rất tinh tế hiện nay (đặc biệt là các lực lượng quốc phòng và các nhà lãnh đạo chính trị) hãy đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết và tiếp tục làm việc không mệt mỏi cho một kết thúc hòa bình và nhanh chóng đưa tình hình quốc gia trở lại bình thường trong tinh thần thượng tôn hiến pháp, " bức thư viết.

Bức thư mang chữ ký cuả nhiều giám mục, như cuả giám mục Michael D. Bhasera, giáo phận Masvingo, kiêm giám quản tông toà giáo phận Gweru; cuả tổng giám mục Robert C. Ndlovu của Harare, kiên giám quản tông toà Chinhoyi; tổng giám mục Alex Thomas của Bulawayo; giám mục Albert Serrano của Hwange; giám mục Paul Horan của Mutare; và giám mục Rudolf Nyandoro của Gokwe.

Nhắc lại hai tuần trước, sau khi tổng thống Mugabe sa thải phó tổng thống Mnangagwa thì hàng ngàn người đã biểu tình trên đường phố, kêu gọi ông Mugabe từ chức.

Sau khi bị quản thúc tại gia trong một cuộc đảo chính do quân đội, một buổi điều trần đã được quốc hội thực hiên để luận tội ông. Ông Mugabe đã tuyên bố từ chức ngày 21 tháng 11, sau 37 năm cầm quyển.

Các thành viên cuả đảng đang cầm quyền cuả ông là đảng Zanu-PF lại là những người đã ghép tội ông ta, rằng ông đã cho phép bà vợ là Grace Mugabe chiếm đoạt quyền lực và vi phạm hiến pháp trong các cuộc bầu cử.

Ông cũng bị buộc làm cho kinh tế phá sản. Hiện nay, người dân Zimbabwe nghèo hơn 15 phần trăm so với trước đây, theo BBC.

Cũng theo BBC, thì một số nghị sĩ đã nhảy múa trên sàn Quốc hội khi họ nghe tin từ chức của ông, và tiếng vui mừng hò reo có thể nghe được qua các đường phố.

Thủ tướng Anh Quốc là bà Theresa May đã gọi sự từ chức là một cơ hội cho Zimbabwe "để mở ra một con đường mới không còn những áp là đặc trưng cuả sự cai trị dưới thời cuả ông."

Tổng thống Mugabe là nhà lãnh đạo lâu đời nhất thế giới, đang ở tuổi 93, đã nắm quyền từ năm 1980. Theo tin cuả hãng thông tấn cuả nhà nước là Zimbabwe Broadcasting Corporation, cựu Phó Tổng thống Mnangagwa sẽ lên thay thế ông Mugabe.

Trong quá trình chuyển đổi sắp tới, các giám mục Công Giáo khuyến khích có "bầu cử tự do và công bằng, với sự tham vấn rộng rãi ý dân" đồng thời đặt ưu tiên lên sự tôn trọng sự sống.

"Tất cả mọi cuộc sống là quý giá. Bảo tồn sự sống phải được coi là tối thượng, đó là nền tảng cần thiết cho hòa bình, luật pháp và trật tự, đặc biệt là trong giai đoạn tinh tế nhất này,"các giám mục nói.

Ngoài ra, các giám mục cũng nhắc nhở phải có kiên nhẫn trong các quá trình chuyển đổi chính trị.

"Chúng tôi yêu cầu tất cả mọi người phải hết sức kiềm chế và kiên nhẫn trong thời điểm căng thẳng này và không làm bất cứ điều gì vô luật pháp hoặc bất kỳ hành động quần chúng nào có thể làm tình trạng này trở thành trầm trọng thêm ."

"Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các phương tiện truyền thông và toàn thể dân chúng phải kiềm chế hành vi và lời nói có thể làm tăng căng thẳng, tạo ra sự hận thù hoặc làm mất lòng nhau," bức thư viết tiếp.

Nhìn về phía trước, các giám mục Zimbabwe cũng nêu ra sự cần thiết phải xét xử những người đã gây ra thiệt hại cho đất nước trước một toà án dân sự, trong khi cũng không quên kêu gọi hãy cầu nguyện cho một tương lai yên bình hơn cho đất nước.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo TGP/LA Phần 2, ngày 19/11/2017
Lê Sự
02:31 22/11/2017
Video: Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo TGP/LA Phần 2, ngày 19/11/2017

 
Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo TGP/LA Phần Cuối, ngày 19/11/2017
Lê Sự
11:53 22/11/2017
Video: Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo TGP/LA Phần Cuối, ngày 19/11/2017
 
Đại Gia đình VietCatholic mừng Lễ Tạ Ơn Thanksgiving tại Nam Cali
Bình Minh
13:45 22/11/2017
NAM CALI - Đại Gia đình VietCatholic đã họp nhau mừng lễ Tạ Ơn Chúa và tạ ơn nhau vào chiều ngày 21/11/2017 tại Trụ sở VietCatholic ở Nam Cali.

Hình ảnh Đại Gia Đình VietCatholic mừng Lễ Tạ Ơn

Trong tâm tình tạ ơn của những người đã từng gắn bó với nhau trong hành trình Đức tin qua phương tiện Truyền thông TV VietCatholic, Gần 70 linh mục và anh chị em VietCatholic thật vui mừng có dịp họp nhau tay bắt mặt mừng… Cha Trần Công Nghị và Cha Văn Chi hân hoan đón chào qúi Cha và các cộng tác viên, đặc biệt là sự hiện diện của qúi Cha Vũ Hân, Đức ông Nguyễn quốc Tuấn, Cha Nguyễn Bá Tòng từ San Bernadinô, Cha Nguyễn Hòang Diệu từ Canada, Đức cha Mai Thanh Lương vì sức khỏe nên hôm nay không tham dự được.

Các tông đồ giáo dân Truyền thông VietCatholic riêng Miền Nam Cali rất hùng hậu, gồm đủ thành phần gồm các xướng ngôn viên TV, nhạc sĩ, ca sĩ, ban kỹ thuật, ban biên tập, nhóm video editing, và một số các chuyên gia mới về web programmers và computer science, trong đó có cả các bác sĩ, kỹ sư, và các vị lãnh đạo cộng đồng… Trong các cộng tác viên người đến từ xa nhất là anh Nguyễn Long Thao và anh chị Phạm Thái – Cẩm Hồng từ San José xuống.

Cha Giám đốc mời cha Văn Chi chủ sự Thánh lễ Tạ Ơn và chia sẻ Lời Chúa. Cha Văn Chi nói lên tâm tình Tạ Ơn sâu xa vì những ơn Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta, và với lòng chân tình nhìn nhận mọi hồng ân là do Chúa ban cho chúng ta, và đúng như lời Sách Thánh hôm nay nói: “Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dậy cho các con thì các con hãy nói rằng: chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”. Do vậy công tác tông đồ của từng người trong anh chị em chúng ta là trách nhiệm mà Chúa đã trao phó cho chúng ta… Trong Thánh Lễ Tạ Ơn này, Ban Giám Đốc cùng quý Cha nhớ đến các Cộng Tác Viên đã qua đời và cầu nguyện đặc biệt cho các Cộng Tác Viên VietCatholic khắp nơi trên thế giới…

Nhân dịp này, Cha Văn Chi cũng tuyên bố cho anh chị em biết một tin vui là VietCatholic từ tháng 3 năm 2017 trở thành một tổ chức pháp lý “non profit organization” tự lập và biệt lập được chính quyền và sở thuế Hoa Kỳ công nhận. Do vậy Ban Giám đốc của tổ chức này từ nay phải chịu trách nhiệm hòan tòan về đường lối và họat động của tổ chức trước pháp luật theo quy định của By Laws đã được khai báo với chính quyền.

Đây là thành quả do quyết định của cuộc họp Ban Giám Đốc và qúi linh mục cố vấn trong kỳ họp cũng vào dịp Thanksgiving tháng 11 năm 2016 khi VietCatholic tổ chức mừng 20 năm VietCatholic. Qúi linh mục và anh chị em mong ước và quyết định tiến trình thủ tục xin lập Hội non-profit biệt lập cho VietCatholic. Từ 20 năm qua VietCatholic vẫn cũng là tổ chức non-profit nhưng được khai báo như là một account hội đòan của giáo xứ và tùy thuộc vào non-profit của giáo xứ nơi Cha Giám đốc phục vụ.

Sau thánh lễ Cha Trần Công Nghị giới thiệu từng thành phần cộng tác viên cũ và mới để anh chị em có dịp quen biết nhau hơn, nhất là sự biết ơn sâu xa của VietCatholic với sự tận tụy và dấn thân của từng anh chị em. Ngài cũng chia sẻ rằng trên toàn thế giới có tới trên 100 linh mục tu sĩ gồm cả giám mục cộng tác viên và chừng trên 200 cộng tác viên tông đồ giáo dân mỗi người cộng tác tùy hòan cảnh và thì giờ cho phép khác nhau, nhưng tất cả chúng ta thuộc về một đại gia đình những người ý thức sâu xa ơn gọi Kitô của mình. Tất cả làm việc với nhau vì chính đức tin của mình thúc bách và lòng biết ơn muốn đền đáp ơn Chúa qua sự dấn thân của mình. Tất cả làm việc đều là tự nguyện và không ai đòi hỏi điều gì và cũng không ai bị ép buộc phải làm gì. Việc tông đồ Truyền thông là sứ mạng cao cả và hân hoan phục vụ Giáo hội và Quê hương.

Sau thánh lễ là tiệc mừng với những món ăn thật đặc biệt quê hương mà anh chị em đầu bếp Kim Lan, Kim Dung, Cúc Vũ, Mai Chi, Minh Thơm... và một số anh chị em nấu nướng trong đó có hai món do chính Cha Nghị và Văn Chi thực hiện… Lần này không bật mí những món ăn kẻo nhiều người sẽ tiếc nhé… Muốn biết thì hỏi những tham dự viên. Anh em chị ai cũng no say và hân hoan, không chỉ vì thức ăn ngon, rượu qúi, mà đặc biệt hơn cả là những chai rượu vang do con thiêng liêng của Cha gửi từ vùng thung lũng rượu Shenandoah danh tiếng về đãi khách và những chiếc bánh ngọt từ tận vùng Apple Valley rất được người Hoa Kỳ sành điệu ưa chuộng…

Và sau cùng có văn nghệ bỏ túi. Những giọng ca đặc biệt của Ca Sĩ Thanh Lan, Huy Tuấn, Mỹ Khanh, Kim Ngân, em Minh Anh và Nhạc Sĩ Thông… đã cùng nhau vang hát những bài ca trong dịp Tạ Ơn… Sau cùng Cha Văn Chi cùng nhau vang hát bài Gần Nhau Trao Cho Nhau Yêu thương mà Cha Văn Chi sáng tác ngày 27.1.1973, ngày ký Hiệp Định Paris đau thương ngày xa xưa… để cùng nhau tạ ơn và cùng nhau thắp sáng tình yêu thương lẫn nhau trong phục vụ.

Kết thúc ngày hội ngộ Tạ Ơn dịp Thanksgiving mọi người cùng quý Cha vang hát ca khúc tạ ơn “Xin Dâng Lời Cảm Tạ” cùng nhau nắm chặt tay nhau trong tình yêu Thiên Chúa nối kết và Ơn Hiền Mẫu Maria, Tạ Ơn Quê Hương Việt Nam, Tạ Ơn đất nước Hoa Kỳ đã đón nhận người Việt Nam Tỵ Nạn.

Ra về với phép lành của Chúa qua bàn tay của Quý Cha… Ra về với niềm hân hoan lên đường tiếp tục hành trình phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân trong sứ mạng truyền thông VietCatholic.

 
Giáo Xứ Việt Nam Seattle mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Bổn mạng giáo xứ.
Nguyễn An Qúy
20:49 22/11/2017
Tukwila. Chúa Nhật 33 mùa Thường Niên, cùng với giáo hội Việt Nam, giáo xứ CTTĐVN Seattle long trọng mừng kính 118 vị Thánh Tử vì Đạo tại Việt Nam, bổn mạng của Giáo xứ. Tưởng cũng nên biết, tước hiệu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là tước hiệu mà ngôi thánh đường cũ được thánh hiến vào ngày 10 tháng 7 năm 1988 khi còn là Cộng Đồng Công Giáo VN thuộc TGP Seattle và đến năm 2010 được nâng lên hàng Giáo Xứ Thể Nhân nay vừa tròn 7 năm.

Xem Hình

Trong khung cảnh nhộn nhịp của ngày lễ Bổn mạng giáo xứ năm nay lại mang sắc thái khá đặc biệt, đó là hình ảnh của ngày Hội (Ministry/ Talent Fair) qua việc quảng bá về sinh hoạt của các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, các Ban Ngành, các Nhóm thiện nguyện. Để thăng tiến trong việc xây dựng cộng đồng đức tin ngày lớn mạnh, giáo xứ mời gọi sự tham gia đông đảo của giáo dân vào việc góp phần và cộng tác chia sẻ chung công việc của giáo xứ. Bước vào khu vực HộiTrường, hình ảnh đập vào mắt giáo dân là những tấm Poster của các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, Ca Đoàn, các Ban Ngành, mỗi nhóm một vẻ đều nói lên sự sống động của tổ chức mình qua các hình ảnh, nội dung khá phong phú.

Tinh thần ngày lễ Bổn mạng năm nay được tổ chức cho tất cả các thánh lễ khá sinh động qua việc cắt bánh sau mỗi thánh lễ , ngoài ra còn có những thức ăn nhẹ được bày ở các bàn tiếp tân trong Hội trường nên dù giáo dân tham dự thánh lễ vào giờ nào, khi đi thăm các điểm chưng bày của các Giáo Đoàn , Hội Đoàn cũng đều vui miệng khi tham quan.

Cao điểm của ngày đại lễ mừng Bổn Mạng giáo xứ là thánh lễ lúc 11:30 Chúa Nhật ngày 19 tháng 11 năm 2017. Trước thánh lễ là phần diễn nguyện kính 118 vị Thánh Tử vì Đạo tại Việt Nam năm nay được đưa ra hình ảnh ThánhTôma Đinh Viết Dụ được diễn tả qua hoạt cảnh thánh: Tôma Đinh Viết Dụ bị xử trảm dưới thời Minh Mạng khá cảm động .

Thánh Toma ĐinhViết Dụ sinh vào khoảng năm 1783, tại làng Phú Nhai, tỉnh Nam Định. Được Chúa kêu gọi, từ bé, cậu đã quyết tâm sống đời tu trì. Sau khi thụ phong linh mục, cha Dụ xin nhập dòng Đaminh và khấn ngày 21.12.1814, khi bị bắt và dẫn đến quan đang ở đình làng. Cha bình tĩnh nói : "Tôi là Đạo trưởng, có nhiệm vụ coi sóc giáo hữu ở đây" và ngài bị tống giam, hành trang vào tù là tràng hạt Mân Côi mà ngài mang theo cho đến khi bị xử trảm.

Sau hoạt cảnh cộng đoàn cùng đọc chung: Kinh cầu cùng Các Thánh Tử vì đạo nước Việt nam, lời kinh cầu vừa dứt, MC mời tiến cử ba hồi chiêng trống. Tiếng chiêng trống ngân vang làm tăng thêm sự thiêng liêng mang truyền thống hồn Việt của nghi lễ cổ truyền Việt Nam.Tiếng chiêng trống vừa dứt, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với quý cha cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn thánh. Thánh lễ do linh mục chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế, quý cha Nguyễn Sơn Miên, Trần Hữu Lân đồng tế và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ.

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế nói: "Hôm nay cùng với Giáo Hội Việt Nam, giáo xứ chúng ta mừng đại lễ kính Các Thánh Tử vì Đạo tại Việt Nam để cầu xin các ngài cầu bầu cùng Chúa cho giáo xứ chúng ta. Ngài tiếp: giáo xứ hân hoan chào đón quý sơ, quý thầy, quý Giáo Đoàn, quý Hội Đoàn, Đoàn thể cùng quý ông bà anh chị em trong và ngoài giáo xứ, cùng dâng lễ hôm nay có cha Nguyễn Sơn Miên, cha Trần Hữu Lân và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu. xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau "( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu )

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa. Bài Đọc I trích sách khôn ngoan: Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài.

Đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Bài tin Mừng theo Thánh Matthêu ghi lại lời Chúa phán cùng các tông đồ: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con... Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ". Lời tin mừng xứng hợp với hình ảnh các Thánh Tử vì Đạo tại Việt nam mà các ngài đã sống trọn vẹn co đường theo Chúa: "ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ ".

Trong bài giảng lễ, cha chủ tế nhấn mạnh về đời sống đạo đức và lòng thương người của vị thánh tử vì đạo tại Việt Nam mà năm nay giáo xứ cùng suy niệm và học hỏi về gương sống đức tin, lòng đạo đức đầy nhân ái đối với mọi người của vị thánh Tôma Đinh Viêt Dụ, ngài nói: Thánh Tôma ĐinhViết Dụ là vị linh mục hăng say trong việc truyền giáo và luôn sống đời sống chiêm niệm bằng việc liên lĩ cầu nguyện hằng ngày. Hành trang ngài mang theo vào tù là tràng hạt Mân Côi. Trước những ngày xử trảm, ngài được các quan khuyên dụ bước qua Thập Giá sẽ được phúc tha ngay, nhưng ngài đã khẳng khái nói: "Tôi chẳng phải là trẻ con mà các quan cứ hỏi đi hỏi lại làm chi. Tôi chẳng bỏ đạo đâu, các quan cứ làm án xử tôi đi " và ngài một lòng bền vững theo Chúa dù cho những cơn hành hạ cực hình càng ngày càng khốc liệt cho đến khi chịu xử trảm cùng với cha Đaminh Xuyên"

Trước khi kết thúc thánh lễ, một lần nữa cha chánh xứ chúc mừng toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong ngày mừng lễ Bổn Mạng Giáo Xứ cũng là sinh nhật lần thứ bảy khi Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam được nâng lên hàng Giáo xứ Thể Nhân ngày 19 tháng 11 năm 2010.

Trong niềm hân hoan mừng ngày Bổn mạng, trước khi ban phép lành kết thúc thánh lễ, cha chánh xứ đã báo tin vui qua chương trình giáo xứ bắt đầu thực hiện xây Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin tại khu vực nhà Bank Wells Fargo, dự kiến vào năm 2018. Hình thức xây được thực hiện theo kế hoạch nới rộng với ước tính chi phí sẽ nhẹ hơn theo kế hoạch trước đây dự trù lên lầu, chi phí khoảng chưa đến 3 triệu. Tiền quỹ của giáo xứ hiện có 6 triệu dùng để xây nhà thờ, nên xin mọi người cống hiến để xây Trung Tâm này. Cha chánh xứ đã trình bày tổng thể việc xây dựng qua Slide Show khá sống động.

Kết thúc việc trình bày trên Slide Show, ngài nói trong niềm vui nhân ngày mừng lễ Bổn mạng Giáo xứ, chúng ta cùng tạ ơn Chúa và cùng nhau cầu nguyện cho việc xây dựng Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin được hoàn thành như dự kiến và sau đó chúng ta sẽ tiến đến việc xây nhà thờ với tiếng vỗ tay hoan hô .

Thánh lễ kết thúc, mọi người cùng tiến ra Hội trường tham dự cắt bánh mừng ngày Bổn mạng và chung vui với của giáo xứ qua chương trình phụ diễn văn nghệ kéo dài đến gần 4 giờ chiều.

Nguyễn An Quý
 
Hãy ra chỗ nước sâu'' - Bài giảng Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XV
+GM. Giuse Nguyễn Năng
21:14 22/11/2017
Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội tại Thanh Hóa (22-11-2017)

Các bạn trẻ của giáo tỉnh Hà Nội họp nhau nơi đây với niềm vui dâng trào. Với thánh lễ này, Đại hội Giới trẻ đạt tới đỉnh cao và sẽ dần khép lại. Các con sẽ ra về, lòng ấp ủ lệnh truyền của Chúa Giêsu : “Hãy ra chỗ nước sâu” để chia sẻ “niềm vui của Tin Mừng” cho mọi người.

Chủ đề của Đại hội lần này trùng hợp với chủ đề Năm Thánh của giáo phận Thanh Hóa mừng kỷ niệm 85 năm thành lập. Một năm qua, các bạn trẻ Thanh Hóa đã lên đường cung nghinh Thánh giá Chúa Giêsu đến các giáo xứ, đến với cả các thôn làng xa xăm nhất. Các bạn đã ra chỗ nước sâu và đã thu về nhiều mẻ lưới. Xin chia vui và chúc mừng các bạn trẻ Thanh Hóa.

1. “Hãy ra chỗ nước sâu”. “Ra chỗ nước sâu để thả lưới”. Trước hết đó là lệnh truyền loan báo Tin Mừng. Lời đó từ nay sẽ là lệnh lên đường Chúa khắc ghi vào tâm tư để các con đến với bạn bè trong giáo xứ, nơi trường học, trong thôn xóm, ngoài xã hội.

Các bạn trẻ, các con đừng ngại ngùng, đừng tự ti mặc cảm, đừng sợ hãi. Sau một đêm vất vả mà không bắt được gì, các tông đồ chắc chỉ nghĩ đến chuyện thu lưới và đem thuyền vào bờ. Nhưng Chúa lại bảo : “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”. Các tông đồ hoàn toàn tin tưởng vào lời Chúa nên đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.

Vậy thì các con hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới, hãy dám làm một cuộc mạo hiểm vào biển đời, có vẻ đầy khó khăn, nhưng dựa vào Chúa Giêsu, các con sẽ thành công. Hãy lên đường, dù khả năng giới hạn, dù mang thân phận tội lỗi. Các con hãy “đi ra”, ra khỏi mình, đừng co cụm trong cuộc sống ích kỷ. Biết bao nhiêu người chưa được biết Chúa, chưa được gặp Chúa là tình yêu, là ý nghĩa và hạnh phúc đích thực của cuộc đời, chưa được qui tụ trong gia đình Hội Thánh. Biết bao nhiêu anh chị em đang đau khổ, đói nghèo, bị áp bức và bị bỏ rơi. Họ đang mong chờ ơn cứu độ, đang khao khát lắng nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Nếu được chữa khỏi một cơn bệnh hiểm nghèo, các con có thể giữ kín niềm vui cho riêng mình không ? Nếu tìm ra một kho báu chôn trong ruộng, các con có che giấu niềm vui được không ? Chắc chắn các con sẽ kể cho người khác, gặp ai cũng kể, kể đi kể lại mà không chán, người ta không muốn nghe mà vẫn cứ kể. Nếu quả thực lòng các con cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc vì đã gặp Chúa và có Chúa trong đời, niềm vui ấy đầy ắp nên đương nhiên sẽ tràn ra ngoài, và các con sẽ nhiệt tình thông truyền niềm vui ấy cho mọi người.

2. “Hãy ra chỗ nước sâu” : đó cũng là lời mời gọi loan báo Tin Mừng bằng cách dấn thân vào môi trường xã hội. Thế giới hôm nay đầy những bất công và bóc lột, ích kỷ và hận thù ; Chúa mời gọi các con ra chỗ nước sâu để biến đổi thế giới này thành một đại gia đình sống trong tình yêu và công lý, liên đới và chia sẻ.

Trong lời dẫn nhập cho quyển giáo lý Docat trình bày giáo huấn của Hội Thánh về các vấn đề xã hội, ĐTC Phanxicô nói : nền kinh tế hiện nay đang giết hại con người, vì nó mang tính loại trừ và bất bình đẳng. Rất nhiều người trẻ không kiếm được việc làm ; nhiều người lớn tuổi bị gạt ra ngoài lề ; nhiều người nghèo bỏ chạy đến các khu ổ chuột trong những thành phố lớn với hy vọng tìm thấy vài thứ còn sót lại ở đó để sống cho qua ngày. Hiện nay 10% dân số toàn cầu sở hữu đến 85% tài sản thế giới, chỉ có 1% tài sản thế giới được chia cho nửa dân số thế giới. Khoảng 1,4 tỷ người sống nghèo khổ cùng cực dưới 25.000 VNĐ mỗi ngày.

ĐTC mời gọi “Các con hãy làm”. “Cha ước mơ có được một triệu người trẻ Kitô hữu, thậm chí còn nhiều hơn nữa, ước mơ có cả một thế hệ vừa đi vừa bàn chuyện học thuyết xã hội cho những người đồng thời với mình. Không có cái gì khác sẽ làm thay đổi thế giới, mà chỉ có những con người cùng với Chúa Giêsu dấn thân cho thế giới, cùng với Ngài đến những ‘vùng ven’ và đi vào giữa những lấm lem của cuộc đời mới thay đổi được. Các con hãy đi vào chính trị nữa, hãy đấu tranh cho công lý và phẩm giá con người, đặc biệt cho những người nghèo nhất trong những người nghèo. Tất cả các con là Giáo hội. Vậy thì, hãy đoan chắc rằng Giáo hội được biến đổi, rằng Giáo hội vẫn đang sống, bởi vì Giáo hội cảm thấy chính mình bị thách thức bởi tiếng kêu than của những người bị tước đoạt, bởi tiếng kêu xin của những người khốn cùng, và bởi những người chẳng có ai đoái hoài quan tâm.” (Lời dẫn nhập Docat, nxb Tôn giáo 2017, trang 12-13)

Dấn thân vào xã hội như thế chính là “ra chỗ nước sâu”, là đi vào những vùng tăm tối của cuộc đời, vào những lãnh vực khó khăn vất vả, có khi nguy hiểm đến sự an toàn bản thân nữa. Thực tế của cuộc sống xã hội là một lời thách đố nghiêm trọng để các con can đảm và nhiệt tình làm cho men Tin Mừng thấm vào mọi sinh hoạt và cơ cấu của xã hội. Khi các con có Chúa và hành động nhờ ánh sáng và sức mạnh của Chúa, các con sẽ thay đổi được thế giới.

3. Công cuộc loan báo Tin Mừng và dấn thân vào xã hội phải khởi đi từ đời sống gia đình. Chủ đề “hãy ra chỗ nước sâu” của Đại hội Giới trẻ mời gọi các con loan báo Tin Mừng bằng cách thể hiện “niềm vui tình yêu” trong đời sống hôn nhân.

Hầu hết các con sẽ sống ơn gọi hôn nhân và ước mơ có một gia đình hạnh phúc thánh thiện. Làm sao để ước mơ ấy trở thành hiện thực ? Để có được hạnh phúc trong gia đình, các con không thể thụ động ngồi chờ sung rụng. Không ai cho không hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc ấy phải được kiến tạo từng ngày, từng giờ, qua từng lời nói việc làm, qua từng ứng xử và chọn lựa cụ thể. Để có hạnh phúc trong đời sống hôn nhân, cũng phải ra chỗ nước sâu.

Trong tiếng latinh, “altus” có nghĩa là sâu và cũng có nghĩa là cao. Đi biển thì ra chỗ nước sâu, còn leo núi thì vươn lên tầm cao.

“Ra chỗ nước sâu” là một lời mời gọi dám trực diện với thực tế để can đảm và khôn ngoan vượt qua những thử thách. Nhiều cuộc hôn nhân bị đổ vỡ vì quá lãng mạn ảo tưởng, không biết vượt qua những thu hút ban đầu để đối diện với những bổn phận, những khó khăn và giới hạn của mỗi người.

Vươn tới tầm cao là vun đắp một tình yêu hôn nhân đích thực.

Một tình yêu chỉ biết sống cho mình là một tình yêu ích kỷ. Dám quên bản thân, dám cho đi chính mình và hy sinh cho người mình yêu, đó mới là tình yêu ở tầm cao.

Yêu nhau mà chỉ nhắm tới tiền bạc, địa vị, sắc đẹp, hưởng thụ khoái lạc, đó là yêu mình ; thật ra đó không phải là tình yêu, mà chỉ là những tính toán vị kỷ, những cảm xúc hời hợt, có nguy cơ sớm phai nhạt và đổ vỡ, thậm chí còn làm hạ thấp phẩm giá con người.

Tình yêu ở tầm cao nhắm đến chính con người mà mình yêu, yêu thương người ấy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc bệnh tật, khi còn còn trẻ trung hấp dẫn cũng như khi đã rạm nắng nhăn nheo vì vất vả lao động.

Một tình yêu ở tầm cao có nghĩa là yêu nhau đến độ dám tha thứ cho nhau, quên đi những lỗi lầm của nhau, chấp nhận những khuyết điểm và giới hạn của nhau.

Các con có khả năng nở một nụ cười khi gặp buồn phiền không, nói một lời yêu thương khi đang bực tức, làm một nghĩa cử phục vụ khi đang mệt mỏi không ? Các con có khả năng vươn lên tới tầm cao của tình yêu như thế không ?

Hơn nữa, các con có dám vươn lên tầm cao của đời sống thánh thiện trong hôn nhân không ? Có dám ước mơ là những vị thánh trong ơn gọi hôn nhân không ? Tại sao không ? Trong lịch sử đã có rất nhiều vị thánh là những ông chồng, là những bà vợ, là cả chồng và vợ. Chúng ta có những tấm gương sáng chói như thánh Giuse và Đức Mẹ, thánh Gioakim và Anna, hai ông bà thánh Isidore là những người nông dân hiền lành và bác ái, hai ông bà thánh Martin là cha mẹ của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Hãy kiến tạo đời sống hôn nhân hạnh phúc và thánh thiện. Một đời sống hôn nhân ở tầm cao như thế tỏa chiếu hương thơm của Tin Mừng và có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Một thành phố xây trên núi không thể che giấu được ; cũng vậy, một đời sống gia đình hạnh phúc và thánh thiện tuy đơn sơ lặng lẽ cũng không thể che giấu được. Mọi người sẽ nhìn vào đời sống gia đình của các con và ngợi khen Cha trên trời.

4. Cuối cùng, để có thể loan báo Tin Mừng, xây dựng một thế giới mới và kiến tạo gia đình hạnh phúc thánh thiện, các bạn trẻ hãy đưa chính cuộc đời mình ra chỗ nước sâu và vươn lên tới tầm cao.

“Hãy ra chỗ nước sâu”, đó là lời kêu gọi các con tiến tới những mục tiêu xa hơn, khó hơn, đòi hy sinh nhiều hơn. Lệnh truyền của Chúa làm liên tưởng đến châm ngôn của Thế vận hội Olympic : “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” (Citius, altius, fortius). Ngày 19-12-2014, khi tiếp kiến ban lãnh đạo và các vận động viên thuộc Ủy ban quốc gia Italia về Olympic, ĐTC Phanxicô đã nhắc lại châm ngôn này, và ngài nói : “Châm ngôn này là một thách đố đảm nhận sự vất vả, hy sinh, để đạt tới những mục tiêu quan trọng trong cuộc sống, chấp nhận những giới hạn của mình, và không để cho chúng ngăn chặn, trái lại tìm cách khắc phục chúng”.

Chuyện ngụ ngôn kể rằng trong khu rừng nọ, có ông lão một ngày kia vào rừng đốn củi nhặt được một quả trứng chim. Buổi chiều về nhà, ông lão đặt quả trứng ấy vào ổ trứng gà đang ấp.

Một ngày nọ, gà mẹ vui mừng khi ổ trứng nở ra một bầy gà con và có cả chú chim non bé nhỏ nữa. Hằng ngày, chú chim đi ăn cùng đàn gà. Một hôm, đàn gà con đang tung tăng kiếm ăn thì nhìn thấy một con chim lớn vỗ cánh tung bay trên trời xanh. Chú chim non ngước mắt lên nhìn theo và nói : “Kia là loài gì mà lại bay được trên trời xanh”. Đàn gà con vui vẻ nói với chú : “Đó là loài chim đại bàng, chúa tể của các loài chim. Nó có đôi cánh lớn đầy sức mạnh để bay lượn trên trời xanh. Còn chúng ta là loài gà, chúng ta chỉ kiếm ăn và vui chơi dưới mặt đất này”.

Thỉnh thoảng chú chim lại nhìn thấy chim đại bàng vỗ cánh tung bay trên trời. Chú ước một ngày nào đó mình cũng được bay lượn tự do trên trời như loài chim đại bàng kia.

Thời gian trôi đi, đàn gà con lớn lên và vẫn trêu đùa chú chim đang mơ ước viễn vông. Chú chim thì ngày nào cũng ngước lên trời nhìn chim đại bàng vỗ cánh tung bay trên bầu trời xanh tự do, và nó ước ao một ngày nào đó sẽ được bay lượn tự do như thế.

Một ngày nọ, đang khi cả đàn gà đi ăn và vui đùa, chú chim ngước mắt lên trời nhìn chim đại bàng bay lượn. Bỗng dưng, chú chim bắt chước giang đôi cánh và vỗ vỗ như chim đại bàng đang bay lượn. Tự nhiên, chú thấy cơ thể mình nhẹ nhõm và như được nâng lên. Chú vỗ cánh mạnh hơn nữa và bất thần cơ thể chú được nâng lên rời khỏi mặt đất. Chú vỗ cánh bay lên bầu trời xanh cao và ngỡ ngàng nhìn xuống đất. Đàn gà con ngơ ngác nhìn chú đang bay lượn trên bầu trời xanh. Còn chú chim thì cứ vỗ cánh bay cao và lượn nhào trên bầu trời xanh. Bấy giờ, nó nhận ra rằng mình chính là loài chim đại bàng, chúa tể của các loài chim.

Các bạn trẻ thân mến, các con được Thiên Chúa tạo dựng cho một lý tưởng cao cả. Chúa Giêsu đến để mời gọi các con bay cao. Đừng bằng lòng với cuộc sống tầm thường, đừng an phận với lối sống tối thiểu, đừng chấp nhận sống thấp lè tè trong thế giới vật chất, đừng vùi đầu vào games, đừng biến cuộc đời nên thấp hèn bằng phim ảnh đen, đừng đánh mất cuộc đời trong rượu chè hay ma túy.

Hãy nhìn lên cao, nhìn lên Chúa Giêsu và bước theo Ngài. Chúa Giêsu không lấy mất của các con điều gì. Ngài chỉ muốn đi vào cuộc đời các con để đưa các con lên cao. Chúa Giêsu, Lời hằng sống của Ngài, Mình và Máu thánh của Ngài, Hội Thánh của Ngài, ơn gọi Kitô hữu, phẩm giá làm người, tất cả những điều ấy không hề tầm thường nhưng hết sức cao cả và linh thánh. Các con hãy trân trọng và yêu quí, hãy bảo tồn và làm cho lớn lên trong cuộc đời. Đôi chân các con đạp đất, nhưng đôi mắt luôn hướng nhìn lên cao. “Hãy ra chỗ nước sâu” cũng chính là lời mời gọi hãy vươn cao, hãy mạnh mẽ hăng say đi vào cuộc phiêu lưu giữa biển đời với tình yêu và ân sủng của Chúa. Các con sẽ thu lượm được những thuyền đầy cá.

Cầu chúc các con đầy tràn niềm vui và phúc lành của Chúa Giêsu.
 
Giáo xứ Tân Thông chia sẻ bác ái với anh chị em đồng bào dân tộc Stieng tại Sóc Bom Bo
Tôma Đỗ Lộc Sơn
21:36 22/11/2017
Hưởng ứng Ngày Thế Giới Người Nghèo của Đức Thánh Cha Phanxico, cộng đoàn Giáo xứ Tân Thông đã lên chia sẻ bác ái cho anh chị em đồng bào dân tộc Stieng tại Sóc Bom Bo, Hạt Phước Long, Giáo phận Ban Mê Thuột.

Khởi hành tại giáo xứ Tân Thông lúc 5 giờ sáng ngày 22/11/2017 và đến Sóc Bom Bo lúc 9 giờ. Đoàn chúng tôi (Cha xứ Giuse và các ban đoàn thể 50 người) được cha Phanxico Trương Hồng Chương tiếp đón, cha giới thiệu: Nơi đây (Giáo xứ Bình Minh) mới được nâng lên hàng Giáo xứ do cha Vũ quản xứ và còn có 2 nhà thờ nữa trong Sóc Bom Bo này. Đa số là người dân tộc Stieng.

Xem Hình

Có 250 phần quà, mỗi phần quà gồm: 15 Kg gạo, 1 kg đường, 200gr bột ngọt, 5kg muối I-ốt, 1 lít dầu ăn, 1 chai nước tương, 1 chai nước mắm, 1 thùng mỳ gấu đỏ. Có khoảng 150 bịc quần áo cũ và mới, mỗi bịc từ 5-7 kg (quần áo cũ còn tốt, được giặt ủi và xếp gọn trong mỗi bịc).

Có 2 điểm phát quà, Từ Giáo xứ Bình Minh đến Giáo xứ Đak Nhau 15 km. Trên đường đi, chúng tôi nghé thăm khu bảo tồn Văn Hóa Sản Vật của người Stieng và nghe người Stieng nói về đời sống của mình trước đây và bây giờ.

Cà răng căng tai là phong tục cổ truyền, ngày nay cũng còn một số người lớn tuổi giữ đựơc tập tục này và hình ảnh này làm chúng tôi nhớ đến các câu chuyện được các thầy cô giáo kể từ năm học tiểu học.

Đến Đak Nhau trời đã trưa, nắng gắt nhưng mọi người vui vẻ. Các em nhỏ đi với cha mẹ, chúng có vẻ hào hứng khi chúng có được tấm áo mới, có được bát mỳ ngon và nhất là được yêu thương của hết mọi người.

Ngồi dùng cơm trưa với cha xứ Phanxico, chúng tôi được cha chiêu đãi món ăn cũa người dân tộc Stieng. Cũng cơm cũng canh, cũng thịt kho như người kinh, nhưng sao lòng chúng tôi ấm lên, có lẽ tình thương yêu mà Thiên Chúa đã dạy bảo đã làm lu mờ những ngăn cách trước đây chúng tôi đã hiểu sai.

Xin Thiên Chúa là Cha yêu thương của hết mọi người thương xót chúng con.

Trên đường về chúng tôi ghé kính viếng Đức Mẹ Vô Nhiễm Thác Mơ , xin Mẹ thương cầu thay nguyện giúp cho chúng con trên đường đời còn lắm trông gai.

Toma Đỗ Lộc Sơn
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ý Niệm Chết trong Thánh Kinh và Thần Học (hết)
Vũ Văn An
00:09 22/11/2017
IV. Chuẩn bị sự chết

Theo quan điểm tự nhiên, sự chết là một biến cố đáng sợ và làm ta khiếp đảm, vì nó phân hủy nhân cách con người. Tuy nhiên, muốn nắm được trọn ý nghĩa của nó, ta phải dựa vào đức tin và coi sự chết như là hậu quả của tội lỗi (Rm 5:12; H. Denzinger, Enchiridion symbolorum [Freiburg 1963] 1511–12). Nó do con người chứ không do Thiên Chúa. Như trên đã nói, Sách Khôn Ngoan cho ta biết một sự thật rất sâu sắc và đầy an ủi như sau: “Thiên Chúa không tạo ra sự chết, Người cũng không hân hoan trước việc sinh vật bị hủy diệt” (Kn 1:13; xem 2:23-24). Đàng khác, quyền lực Satan (Ga 8:44; Dt 2:14) và quyền lực sự chết đã bị bẻ gẫy bởi việc nó bị sự chết quật ngã một cách nghịch lý. Ngôi Lời nhập thể đã nhận lấy sự chết, một điều hết sức khủng khiếp đối với con người và “sự chết bị nuốt trửng trong chiến thắng” (1Cr 15:54).

‘‘Khi chết, Người đã tiêu diệt sự chết của chúng con và khi sống lại, người đã phục hồi sự sống chúng con” (Kinh Tiền Tụng Lễ Phục Sinh).

Sự chết của người ta nay đã mang một ý nghĩa mới: nó phải ở trong sự kết hợp với Chúa Kitô. Việc chết khi nào và chết ra sao là do Thiên Chúa ấn định, nhưng cá nhân phải quyết định sẽ chấp nhận nó cách nào. Họ có thể tự ý chấp nhận thánh ý Thiên Chúa, vì quả thực, việc chuẩn bị chết quan trọng nhất chính là việc sẵn lòng chấp nhận nó. Việc này bắt đầu với một đức tin khiêm nhường, trông cậy và yêu mến, với việc cầu nguyện và sống thực lời cầu xin “ý Cha thể hiện”. Điều này đòi phải có một tinh thần ăn năn thống hối và từ bỏ mình. Sự chết là một hành vi hiến tế, hiến tế lần chót; bởi thế, tinh thần hy sinh là điều chủ yếu để chuẩn bị đón chào nó.

Không có cách nào tốt hơn để chuẩn bị cho hiến lễ chết bằng việc liên kết với cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, một việc liên kết “được áp dụng cho con người thông qua các bí tích” (Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae 3a, 61.1, ad 3). Mỗi một bí tích, theo cách chuyên biệt của nó, đều giúp ta chuẩn bị đối diện với sự chết mà không phải sợ hãi. Việc này được đánh giá và áp dụng tốt nhất nhờ việc tham dự phụng vụ, vốn là thầy dậy ta về “tinh thần Kitô Giáo đích thực” (Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chề về Phụng Vụ, số 14). “Phụng vụ...thúc giục các tín hữu đã được no thỏa ‘nhiệm tích vượt qua’, trở nên ‘một trong sự thánh thiện’.... Lễ Tạ Ơn... lôi cuốn các tín hữu vào tình yêu thúc bách của Chúa Kitô và làm họ bốc cháy” (ibid. 11).

‘‘Nhờ Phép Rửa, con người được dìm vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô (ibid. 6). Một cách bí tích, chúng ta đã chết, được an táng, và đã sống lại với Chúa Kitô (xem Rm 6.3–4; Cl 3.3; 2 Tm 2.11). Cái chết thể lý không chứa bất cứ sợ hãi nào; nó chỉ thể hiện việc tham dự trọn vẹn hơn vào vinh quang của Chúa Kitô. Đối diện với đàng thánh giá hàng ngày của đời sống, ta có được sự tham dự trọn vẹn hơn vào chức linh mục của Chúa Kitô và Thần Khí Yêu Đương. Phép Thêm Sức ban cho ta “sự viên mãn của Chúa Thánh Thần... để ta lớn mạnh về thiêng liêng, một việc vốn thuộc về thời hoàn hảo” (Summa theologiae 3a, 72.2). Đây chính là nguồn sức mạnh thường hằng giúp ta đối diện với sự chết. Trong Phép Thánh Thể, các Kitô hữu “công bố sự chết của Chúa, cho tới khi Người đến” (1Cr 11:26). Nó không phải chỉ là việc tưởng nhớ, nó là “việc làm hiện diện trở lại” (representing) sự chết của Người: “Việc chiến thắng và thắng lợi sự chết của Người được làm cho hiện diện trở lại” (Hiến Chế về Phụng Vụ, số 6). Tham dự vào chức linh mục của Người, các Kitô hữu dâng Chúa Kitô và họ cũng là lễ vật hy sinh từng chịu đau khổ và chịu chết với Người. Thánh Thể là chết cho bản thân mình. Mỗi một việc Hiệp Lễ nên chuẩn bị ta kết hợp đời đời với Chúa Kitô khi chết. Tội lỗi làm con người sợ phán xét của Chúa. Tuy nhiên, một cách đầy nhân từ, lòng Chúa thương xót có sẵn đó trong bí tích Thống Hối. Lòng thương xót lúc Khổ Nạn được áp dụng cho con người. Mỗi cuộc xưng tội đều là việc tham dự trọn vẹn hơn vào mầu nhiệm vượt qua. Hôn phối phải luôn phản ảnh tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người (Ep 5). Bí tích này khi thực hiện sự chết cho lòng vị kỷ là một việc chuẩn bị liên tục cho cái chết thực sự. Bí tích Truyền Chức Thánh biến con người thành một Chúa Kitô khác. Hy sinh và chia sẻ các hồng ân thiên giới là ơn gọi của ngài: đây chính là chết cho cái tôi. Khi bệnh hoạn hành hạ, lúc cái chết tới gần, con người ở thế yếu đuối nhất. Cái chết của họ được đặc biệt liên kết với cái chết của Chúa Kitô; sức mạnh của Chúa Kitô cũng được chia sẻ như thế. Ngay lúc họ rơi xuống thung lũng sự chết, Phép Xức Dầu Bệnh Nhân thực hiện một nghịch lý: “Chúa sẽ nâng họ lên” (Gcb 5:15). Lòng thương xót nhập thể sẽ còn đồng hành với họ đi vào cõi vĩnh hằng qua Của Ăn Đàng. Họ đã được chuẩn bị để được vinh quang. Kinh đêm (compline) là kinh chuẩn bị cho giấc ngủ, một biểu tượng rất mạnh của sự chết. Quả vậy, mọi lời kinh con người đọc đều kết hợp ý chí của họ với ý chí của Thiên Chúa, nhờ thế, chuẩn bị để họ làm thế vào lúc chết. Phép mân côi của Đức Mẹ dạy ta điều này một cách thực tiễn. Những lời cầu nguyện như thế, vừa phụng vụ vừa tư riêng, như là những khúc dạo đầu dẫn tới lời cầu thiên giới, đều là những chuẩn bị hữu hiệu của ta đón chờ sự chết hạnh phúc.

Chuẩn bị thực tiễn

Đức Phanxicô, trong bài giảng lễ Chúa Nhật 32 mùa thường niên năm nay cũng như tác giả Rick Becker tiếp nối ý hướng dự ứng khi nhân cơ hội nói tới dụ ngôn 5 cô khờ dại và năm cô khôn ngoan, đã khuyên ta nên chuẩn bị thích đáng lúc còn cơ hội. Dầu đèn lúc nào cũng đầy đủ sẵn sàng. Đèn tượng trưng cho đức tin, dầu tượng trưng cho đức mến. Becker, nhân dịp này, nhắc lại lời tác giả Sách Gương Phúc, Thomas à Kempis: “nếu bạn không sẵn sàng đối diện với cái chết hôm nay, chắc chắn bạn khó có thể sẵn sàng vào ngày mai”.

Quan trọng nhất trong các việc chuẩn bị lâu dài theo tinh thần trên là việc năng chịu các bí tích, hàng ngày cầu nguyện, thực hành các việc thương người phần hồn và phần xác tùy theo hoàn cảnh riêng mỗi người, và trung thành sống ơn gọi của mình.

Becker cho rằng khi ta tiến tới ngưỡng cửa sự chết, lời cầu nguyện của ta sẽ sốt sắng hơn, nó sẽ niêm phong lòng trung thành của ta với Chúa và giúp bảo vệ ta chống lại thất vọng và lo lắng. Ta sẽ dựa nhiều hơn vào các bạn bè trên thiên quốc, nhất là Thánh Giuse “quan thầy sự chết tốt lành” (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo) và Thánh Bênêđíctô thành Norsia, quan thầy người hấp hối. Cả thánh Phanxicô Assisi nữa, vị thánh đã gọi sự chết là “Em Gái”.

Ngoài ra, ta sẽ sốt sắng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, khi “toàn thể Giáo Hội trao phó các người bệnh cho Chúa đau khổ và hiển vinh, để Người nâng họ lên và cứu vớt họ” (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1499). Các việc xưng tội lần cuối cùng của ta sẽ dọn sạch mọi ngõ ngách trong lương tâm ta và các lần rước lễ sau cùng của ta như lương thực đi đường. Các bí tích này được Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo coi là “hoàn tất cuộc hành trình dương thế” và “chuẩn bị cho ta về quê hương trên trời” (số 1525).

Quê hương ấy được văn hào Công Giáo C.S. Lewis mô tả như sau trong The Last Battle: “Trọn đời sống họ ở thế gian này và trọn các mạo hiểm của họ ở Narnia chỉ là tờ bìa và trang tựa đề: cuối cùng, nay họ đang bắt đầu Chương Một của Câu Truyện Vĩ Đại, một câu truyện mà người dương gian chưa từng được đọc: một câu truyện kéo dài vĩnh viễn; trong đó, mọi chương đều hay hơn chương trước đó”.

Phần Đức Phanxicô, trong Tự Sắc Misericordiae Vultus mở Năm Thánh Thương Xót, đã nhắc lại biến cố trước khi vào Vườn Diệtsimani để long trọng chấp nhận sự chết, Chúa Kitô đã cùng các môn đệ đọc Thánh Vịnh 136, Thánh Vịnh mà người Do Thái gọi là “Thánh Vịnh Hallel Vĩ Đại”. Trong Thánh Vịnh này, tiếp theo mỗi câu thuật lại lịch sử mạc khải của Thiên Chúa, cộng đoàn thờ phượng đều đáp “vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời”.

Bình luận về việc lặp đi lặp lại điệp khúc “vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời”, Đức Phanxicô cho rằng: lòng thương xót biến lịch sử của Thiên Chúa với Israel thành một lịch sử cứu rỗi. Khi liên tục nhắc đi nhắc lại câu “vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời”, như Thánh Vịnh đang làm, là vượt qua các chiều kích không gian và thời gian, lồng mọi sự vào mầu nhiệm muôn đời của tình yêu. Nó như thể muốn nói: không phải chỉ trong lịch sử, mà cho đến muôn đời, con người luôn luôn ở dưới cái nhìn xót thương của Chúa Cha”.

Nói về mối liên hệ giữa Thánh Vịnh trên và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Đức Giáo Hoàng viết tiếp: “Trong chính bối cảnh lòng thương xót trên, Chúa Giêsu đã bước vào cuộc khổ nạn và cái chết của Người, ý thức rất rõ mầu nhiệm yêu thương vĩ đại mà Người sẽ chấp nhận hoàn toàn trên Thập Giá”.

Thiết nghĩ không an ủi nào cho người hấp hối bằng tâm niệm điều Chúa Kitô đã tâm niệm:

“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời.

Hãy tạ ơn Thần các thần,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời.

Hãy tạ ơn Chúa các chúa,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời.

Chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

tầng trời cao, Chúa tạo dựng tài tình,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

trải mặt đất này trên làn nước bao la,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

Người làm ra những đèn trời to lớn
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

cho thái dương điều khiển ban ngày,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời.

Người sát hại các con đầu lòng Ai-cập,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

dang cánh tay uy quyền mạnh mẽ,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

dẫn Ít-ra-en ra khỏi xứ này,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời.

Nước Biển Đỏ, Chúa phân làm hai khối,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

đưa Ít-ra-en lối giữa băng qua,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

xô xuống biển Pha-ra-ô cùng binh tướng,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời.

Chúa dẫn đưa dân Người qua sa mạc,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

sát hại bao lãnh chúa hùng cường,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

tiêu diệt những quân vương hiển hách,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

vua Xi-khôn của dân tộc E-mô-ri,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

và vua Ốc miền Ba-san nữa,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

Người chiếm đất họ, ban làm gia sản,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

gia sản cho tôi tớ Người là Ít-ra-en,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời.

Chúa đã nhớ đến ta giữa cảnh nhục nhằn,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

gỡ ta thoát khỏi tay thù địch,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời,

Người ban lương thực cho tất cả chúng sinh,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời.

Hãy tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng,
vì lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời”.
 
Giải đáp phụng vụ: Được phép đọc công thức Xức dầu một lần, và sau đó Xức dầu cho nhiều bệnh nhân không?
Nguyễn Trọng Đa
21:05 22/11/2017
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, khi Xức dầu bệnh nhân trong Thánh lễ, liệu linh mục có thể đọc một lần công thức Xức dầu "Nhờ việc Xức dầu thánh này...", và sau đó thinh lặng Xức dầu cho nhiều bệnh nhân không? Các bí tích như vậy có hợp lệ không? - K. L., Halifax, Massachusetts, Hoa Kỳ.


Đáp: Theo thần học phụng vụ và thần học bí tích, một thực hành như thế không thể là việc ban bí tich Xức dầu hợp lệ. Phần dẫn nhập cho cuốn Nghi thức Xức Dầu Bệnh nhân, khi đề cập đến việc Xức dầu cho nhiều người (trong hay ngoài Thánh Lễ), nói rõ như sau:

"108. Các nghi thức Xức dầu ngoài Thánh Lễ và Xức dầu trong Thánh Lễ có thể được sử dụng, để xức dầu cho nhiều người trong cùng một buổi cử hành. Các nghi thức này là phù hợp với các cuộc tụ họp lớn trong giáo phận, giáo xứ, hoặc hội đoàn, cho người bệnh, hoặc cho các cuộc hành hương. Các cử hành này nên diễn ra trong nhà thờ, nhà nguyện, hoặc địa điểm thích hợp khác mà ở đó người bệnh và các người khác có thể dễ dàng qui tụ. Thỉnh thoảng, buổi cử hành có thể diễn ra ở bệnh viện và các cơ sở khác.

“Nếu Đấng bản quyền quyết định rằng nhiều người sẽ được xức dầu trong cùng một buổi cử hành, hoặc ngài hoặc vị đại diện của ngài phải đảm bảo rằng các quy tắc kỷ luật liên quan đến việc xức dầu phải được tuân giữ, cũng như các qui tắc cho việc chuẩn bị mục vụ và cử hành phụng vụ. Đặc biệt, tránh việc cử hành xức dầu cách không phân biệt cho nhiều người vào các dịp này, một cách đơn giản bởi vì họ bị bệnh hoặc đã cao niên. Chỉ có các người bị suy giảm sức khoẻ nghiêm trọng do bệnh tật hoặc già yếu là đối tượng cho bí tích này. Đấng bản quyền cũng chỉ định các linh mục sẽ tham dự vào việc cử hành bí tích.

"Sự tham dự đầy đủ của các người hiện diện phải được thúc đẩy bằng mọi cách, đặc biệt là thông qua việc sử dụng các bài hát thích hợp, để buổi cử hành thể hiện niềm vui Phục Sinh, vốn là phù hợp với bí tích này.

"109. Nghi thức cộng đoàn bắt đầu bằng lời chào và sự tiếp đón người bệnh, vốn là một sự biểu hiện đồng cảm đối với mối quan tâm của Chúa Kitô đối với các người bị bệnh, và đối với vai trò của người bệnh trong dân Chúa. Trước khi kết thúc nghi thức, có việc ban phép lành. Buổi cử hành có thể kết thúc với một bài hát thích hợp.

"110. Nếu có nhiều người bệnh được xức dầu, các linh mục khác có thể giúp vị chủ lễ. Mỗi linh mục đặt tay trên một số người bệnh và xức dầu cho họ, trong khi sử dụng công thức bí tích. Các việc khác được thực hiện một lần thay cho tất cả, và các lời nguyện được đọc ở số nhiều bởi vị chủ lễ. Sau khi công thức bí tích đã được nghe ít nhất một lần bởi các người có mặt, có thể hát vài bài phù hợp trong khi các người còn lại được xức dầu".

Sau đó, trong nghi lễ, mô tả nghi thức được dùng để Xức dầu trong Thánh Lễ, các nguyên tắc tương tự được áp dụng, phần dẫn nhập nói:

"137. Phụng vụ lời Chúa được cử hành theo cách thông thường theo các hướng dẫn trong số 134. Các lời nguyện chung được bỏ qua, vì chúng đã được đưa vào trong kinh cầu. Trong bài giảng, vị chủ lễ nên cho thấy cách thức các bản văn Kinh thánh nói về ý nghĩa của bệnh tật trong lịch sử cứu độ, và về ân sủng do bí tích Xức dầu mang lại.

"Sau bài giảng, nên có khoảnh khắc thinh lặng.

"138. Linh mục có thể sửa đổi hoặc rút ngắn kinh cầu tùy theo điều kiện của người bệnh.

"139. Trong thinh lặng, linh mục đặt tay trên đầu của mỗi người bệnh. Nếu có một số linh mục hiện diện, mỗi vị đặt tay trên vài người bệnh.

"140. Linh mục đọc lời tạ ơn trên dầu thánh hoặc chính ngài làm phép dầu (xem PCS 21), sử dụng một trong các cách sau:

"141. Linh mục xức dầu cho người bệnh bằng dầu đã làm phép. Nếu có nhiều người bệnh cần được xức dầu, các linh mục khác có thể giúp vị chủ lễ. Mỗi linh mục xức dầu một số người bệnh, sử dụng công thức bí tích như được mô tả trong số 124".

Công thức bí tích được tìm thấy trong số 124 nói trên là:

"Trước tiên, linh mục xức trán, và đọc:

"Nhờ việc xức Dầu Thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu Chúa, xin Chúa dùng ơn Thánh Thần mà giúp đỡ con. Đáp: Amen.

"Sau đó, ngài xức hai tay, và đọc:

"Xin Chúa giải thoát con khỏi mọi tội lỗi, và thương làm cho con thuyên giảm. Đáp: Amen.

"Công thức bí tích chỉ được đọc một lần cho việc xức trán và hai bàn tay, và không lặp lại. Tùy theo văn hoá và truyền thống của địa điểm, cũng như tình trạng của người bệnh, linh mục cũng có thể xức dầu ở các bộ phận khác của cơ thể, thí dụ như khu vực đau đớn hoặc thương tích. Ngài không lặp lại công thức bí tích".

Tôi nghĩ rằng rõ ràng công thức bí tích phải được lặp lại mỗi lần một người được xức dầu.

Trong trường hợp này, nó là giống như các bí tích khác, nơi mà một hành động diễn ra trong khi công thức bí tích được đọc lên, chẳng hạn như bí tích Rửa tội và bí tích Thêm sức. Trong tất cả các bí tích này, hành động và lời nói phải được công bố bởi cùng một người trong cùng một lúc.

Có thể có một số nghi ngờ lịch sử về việc liệu có đúng chăng đây là phép Rửa tội, khi có nhiều trường hợp rất đông người được rửa tội trong cùng một dịp, mà lần đầu tiên là có thêm 3.000 Kitô hữu mới trong ngày Lễ Hiện Xuống.

Nghi thức truyền chức, ít nhất là trong nghi lễ Rôma, tách rời việc đặt tay và công thức bí tích, để cho nhiều người nam có thể được truyền chức cho cùng một mức độ nhất định của thừa tác vụ trong cùng một lúc.

Nghi thức hôn phối thường là đồng thời, nhưng có thể có trường hợp hôn phối bằng cách ủy quyền tại các địa điểm riêng.

Trong một số trường hợp đặc biệt, việc tha tội trong Bí tích Giải tội phải được trì hoãn sao cho có một khoảng cách tạm thời giữa chất thể và mô thức của bí tích.

Hy tế Thánh thể và sự hiện diện thực sự diễn ra khi chủ tế đọc lời truyền phép, nhưng sự biến thể liên quan đến tất cả các bánh thánh mà chủ tế cố ý truyền phép, chứ không chỉ bánh thánh mà ngài cầm trong tay mà thôi. (Zenit.org 21-11-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thông Báo
Kính Biệt Cha Jean Maïs 1935 - 2017
Lê Đình Thông
20:56 22/11/2017
Kính Biệt Cha Jean Maïs 1935 - 2017

Cha Maïs Thừa sai xứ Pháp

Vừa qua đời ấm áp bình yên

Cha sinh ở tận Moselle

Quê hương nước Việt kề bên dạt dào.

Năm 54 cha vào chủng viện

7 năm sau thánh hiến không màng

Đến năm 66: Nha Trang

Từ miền Cát Trắng hiến dâng cuộc đời.

Năm 68 trau dồi tiếng Việt

Cha tinh thông chữ viết quê hương

Cha Jean Maïs thân thương

Từng gieo hạt bắp ruộng đồng Phúc âm.

Đem tâm huyết quyết tâm chăm sóc

Trên cao nguyên Đại học Thụ Nhân

Cha lo giảng dạy ân cần

Sinh viên còn nhớ những lần gặp cha

Năm mất nước chân sa tù ngục

Rừng Lá kia lắm lúc khó khăn

Năm sau con tạo xoay vần

Người ta trục xuất tấm thân gầy mòn.

Từ dạo đó cha luôn lo lắng

Viết lách nhiều cha ráng đưa tin

Á châu Giáo hội trung kiên

Vượt nhiều gian khó thế thiên giúp đời.

Mắt mù lòa một thời mỏi mệt

Trên màn hình cha viết thật to

Trên bàn bề bộn giấy tờ

VietCatholic cha lo dịch hoài.

Khi cha mất tuổi ngoài tám chục

Thắp nén hương công đức ghi ơn.

Cha về Thiên quốc vàng son

Mang theo nước Việt tấc lòng thủy chung.

Tang lễ Cha Jean Maïs sẽ được cử hành tại

Nguyện đường Hội Thừa sai Paris (128 rue de Bac Paris 7) ngày thứ tư 22/11/2017, lúc 15 giờ và an táng tại Nghĩa trang Montparnasse
 
Văn Hóa
Tản Mạn Đời Tha Hương: Sống Tinh Thần Tử Đạo
Lm Giuse Nguyễn Văn Thư
20:37 22/11/2017

Ngày Vinh Quang :



Ai mà quên được ngày hân hoan khôn xiết 19 tháng 6 năm 1988, tại giáo đô La Mã : Ngàn vạn người kéo về cùng nhau tay bắt mặt mừng và bảo nhau : Hôm nay chúng ta vui mừng vì các thánh tử đạo VN, cha ông chúng ta được tôn vinh qua việc phong thánh.

Các ngài là những kẻ mà Thánh Phaolô nói là “đã chạy đến cùng đường mà vẫn giữ được đức tin”. Trước mặt giáo triều Vatican cũng như hàng trăm quan khách quốc tế, 117 tiền nhân anh hùng (trong số hơn 130 ngàn người đã hiến mạng sống cho Chúa) đã được nêu danh hiển thánh, và cùng được chung mừng trọng thể vào ngày 24 tháng 11 hàng năm. Không lâu sau, thày giảng An-Rê Phú Yên cũng được phong chân phước.

Gương các thánh Tử đạo ngày xưa :



1. Thời đau thương :

Các ngài đã phải sống qua những thời kỳ bắt đạo ác liệt của các triều vua Trịnh Nguyễn, Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, nghĩa là kéo dài hơn hai thế kỷ, từ năm 1745 (Trịnh Nguyễn) đến năm 1883 (Tự Đức).

2. Khổ hình : Những khổ hình các ngài phải chịu :

Bá đao / Voi giày / Thiêu sinh / Xử trảm / Rũ tù / Chém đầu / Xử giảo.....

3. Thành phần :

Các vị gồm 8 Giám Mục ; 50 Linh Mục ; 14 thầy giảng ; 1 chủng sinh và 44 giáo dân (chỉ có một phụ nữ ).

Các vị tử đạo gồm người Việt (96 người), Tây ban Nha (11 vị) và Pháp (10 vị).

4. “Khoá quá” :

Chung chung, các ngài bị bó buộc phải “khoá quá” : Bước qua thập giá Chúa Giê-su. Đây là bằng chứng chối đạo công khai.

5. Ơn Chúa ban :

Tử đạo là một ơn Chúa ban. Trước khi ca ngợi lòng dũng cảm của các vị tử đạo, Giáo Hội ca ngợi công việc kỳ diệu của Thiên Chúa là “Đấng làm cho sức yếu đuối trở nên mạnh mẽ để làm chứng cho Chúa” (kinh tiền tụng các Thánh tử đạo). Sức mạnh của các Thánh tử đạo nói lên uy quyền của Thiên Chúa. Việc tử đạo là một hồng ân Chúa ban chứ không phải là là thành tích của lòng gan dạ của con người.

6. Công trạng của con người :

Tuy nhiên, Giáo Hội cũng nhìn nhận công trạng của các tín hữu đã đón nhận ân huệ ấy. Họ đáng được tuyên dương vì đã đề cao những tấm gương nhân đức :

. đức tin sống động : gắn bó trót đời sống với Thiên Chúa.

. đức mến nồng nàn : đặt lòng yêu mến Chúa lên trên các giá trị trần thế.

. đức cậy vững bền : phó thác vận mạng nơi Chúa, tin rằng Người không bỏ rơi các tôi trung.

. đức mạnh bạo : chấp nhận những khổ hình.

Chính Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII đã hết lời ca ngợi "Các vị tử đạo tại Việt Nam đã không kém công nghiếp các đấng đấng tử đạo tiên khởi tại cộng đồng Rô Ma trong mấy thế kỷ đầu".

Tinh thần Tử đạo hôm nay :



Từ ngữ “tử đạo” theo nguyên nghĩa (martyr) có nghĩa là “chứng nhân" cho nước Trời :

1. Chứng nhân :

Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy. Tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết. Hình thức đầu tiên của việc truyền giáo chính là chứng tá đời sống kitô hữu ; hình thức này là điều không thể thay thế. Đức Kitô, Đấng mà chúng ta tiếp tục sứ mạng của Người, là “vị chứng nhân” tuyệt hảo và là khuôn mẫu cho chứng tá kitô giáo.

2. Một đời sống đổi mới.

Chính vì vậy, hình thức đầu tiên của chứng tá là chính đời sống của nhà truyền giáo, của gia đình kitô hữu và của cộng đồng Giáo Hội. Hình thức này làm cho người ta nhìn thấy một lối sống mới. Cho dù vẫn có giới hạn và bất toàn của con người, nhưng khi nhà truyền giáo chân thành sống theo gương Đức Kitô, thì họ là một dấu chỉ về Thiên Chúa và về những thực tại siêu việt…Trong nhiều trường hợp, đây là cách thức duy nhất để là nhà truyền giáo .

3. Bác ái vô vị lợi.

Chứng tá Tin Mừng mà thế giới dễ cảm nhận nhất là chứng tá về thái độ biết lưu tâm đến con người, và về lòng bác ái đối với những kẻ nghèo, những thành phần nhỏ bé và đau khổ. Tính cách vô vị lợi trong thái độ và trong hành động này tương phản sâu xa với thái độ ích kỷ hiện nay của nhân loại, gợi lên những thắc mắc rõ ràng về Thiên Chúa và về Tin Mừng. Cũng vậy, việc dấn thân phục vụ hoà bình, công lý, nhân quyền, thăng tiến con người, cũng là một chứng tá Tin Mừng .

4. Khiêm tốn tự kiểm. Giáo Hội và các nhà truyền giáo cũng phải nêu lên chứng tá về lòng khiêm tốn, trước hết đối với chính mình, khi dám tự kiểm ở mức độ cá nhân cũng như cộng đoàn, ngõ hầu sửa chữa lại trong cung cách sống của mình những gì đi ngược với Tin Mừng và làm biến dạng dung nhan của Đức Kitô .

5. Biểu lộ đức tin. Các nhà truyền giáo không được từ khước việc làm chứng, ngay cả khi họ được mời gọi để biểu lộ đức tin trong môi trường thù nghịch hoặc dửng dưng. Họ biết rằng Thánh Thần của Chúa Cha nói trong họ (Mt 10, 17-20). Họ biết mình không loan báo chân lý của người phàm, nhưng là “lời của Thiên Chúa”, lời có sức mạnh nội tại và nhiệm mầu (Rm 1, 16) .

Đôi lời kết :



Đức Giáo Hoàng Gio-An Phao-lô II nói trong ngày phong thánh : “Trong lịch sử kitô giáo, các vị tử đạo, tức là các chứng nhân, luôn luôn đông đảo, và họ là những người không thể thiếu cho việc tăng trưởng Tin Mừng”.

Lễ các Thánh tử đạo tại VN mời gọi chúng ta suy nghĩ, và góp phần mình cho việc phát triển đạo Chúa dưới trần gian này. Chúa cần đến chúng ta như những “khí cụ” hữu hiệu trong việc rao giảng Tin Mừng, ngay trong môi trường chúng ta đang sống.

Càng hãnh diện vì cha ông anh hùng, chúng ta càng phải học bài học hy sinh xả kỷ. Điều cần thiết nhất là được Chúa ban ơn can đảm đi vào vết bước của các ngài ngày xưa.

Ta thường được kêu mời cùng đồng hành với thế gian, nhưng trong nhiều trường hợp, ta phải can đảm 'lội ngược giòng' với người đời. Phải xa tránh a dua xu nịnh. Phải chạy trốn cám dỗ xúi dục ta làm bạn với kẻ thiếu lương tâm.

Hãy cầu xin để Thánh thần Chúa ban sức mạnh mãi vững đi trong chân lý nước Trời.

Cũng khẩn cầu với các Thánh Tử đạo tại Việt Nam giúp chúng ta và con cháu biết sống đức tin đã được các ngài gieo vãi, bằng cách làm chứng cho tình yêu bằng một đời sống dấn thân thực sự.
 
Hùng Sử Ca Tử Đạo Việt Nam
Đinh Văn Tiến Hùng
21:17 22/11/2017
Hùng Sử Ca TỬ ĐẠO VIỆT NAM

+ Cảm xúc khi đọc ‘Thiên Hùng Sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo VN’
- ( Lễ kính hàng năm ngày 24/11 )
*”Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thày mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ mọi điều xấu. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em
Trên Trời lớn lao.” ( Mt.5: 10- 12 & Lc.6: 22 )


Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Đã mở đầu vang dội Bản Hùng Ca,
Ba trăm năm mươi năm không xóa nhòa,
Ấn tích Anh Hùng Tử Đạo còn đó,
Gông cùm, tra tấn, đầu rơi, máu đổ,
Cho hoa muôn màu trổ đẹp hôm nay,
Giáo Hội Việt Nam hy vọng tràn đầy,
Vươn cao mãi trên bầu trời oanh liệt.

Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Lời ngợi ca vang vọng khắp năm châu,
Tiếng Thánh Ca tràn ngập cả tinh cầu,
Của hơn Một Trăm Ngàn Vị Tử Đạo,
Nhận cái chết lòng không hề than oán,
Để chứng minh một Đạo Giáo Tình Yêu,
Dâng cuộc đời làm của Lễ Toàn Thiêu,
Theo gương Chúa Hiến Mình trên Thập Giá.

Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Hùng Sử Thi bất diệt rọi ngàn sau,
Xuyên suốt qua bốn thế kỷ ngẩng đầu,
Không khiếp nhược trước xích xiềng gươm giáo,
Máu tuôn chảy giữa pháp trường tàn bạo,
Tưới nẩy mầm bao hạt giống Đức Tin,
Chuông báo tử chính là chuông Phục Sinh,
Nơi hàng triệu con tim đang thổn thức.

Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Nét oai hùng rạng rỡ vẫn còn đây,
Cả địa cầu lòng ngưỡng mộ dâng đầy,
Vinh Hiển Thánh Một Trăm Mười Tám Vị,
Những Anh Hùng mang tâm hồn tuyệt mỹ,
Xin cúi đầu kính bái và cậy trông,
Phù trợ con yêu cuộc sống Vĩnh Hằng,
Như Các Ngài hân hoan vào Đất Hứa.

Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam ngời sáng,
Đã mở đầu vang dội Bản Hùng Ca,
Ba trăm năm mươi năm không xóa nhòa,
Đây Sở Kiện bảo tàng còn ghi dấu,
Anh Hùng Tử Đạo muôn đời khoe sắc,
Giáo Hội Việt bao biến cố xoay vần,
Vẫn nở hoa thành Tám Triệu Giáo Dân,
Cùng đón nhận Hồng Ân mừng Chư Thánh.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG




 
Bước Mẹ nghìn năm in dấu
Sơn Ca Linh
21:23 22/11/2017
BƯỚC MẸ NGHÌN NĂM IN DẤU
(Tặng những ai lặp lại lời cam kết thánh hiến hôm nay : Lễ Mẹ Dâng Mình – 21.11)

Ôi, Mẹ thật là may mắn,
Tuổi đời vừa chớm lên ba,
Đã được đi về Đền Thánh,
Dâng mình thánh hiến cho Cha.

Mẹ có song thân thánh đức,
Tổ phụ Gioa-kim Anna,
Thuộc dòng tuyển dân Giao ước,
Nghìn năm thắm đượm Lời Cha.

Lớn lên giữa Đền thánh Chúa,
Mẹ thường xuyên gặp Chúa Trời.
Lao động, nguyện cầu, ca múa…
Mẹ tìm Thánh ý mọi nơi.

Cuổi nẻo chân trời cứu độ,
Hừng Đông Mẹ đã lên rồi.
Trắng đêm ngọn đèn vẫn tỏ,
Sẵn sàng Mẹ đón Tin Vui.

Bước Mẹ nghìn năm in dấu,
Cho ai chọn “nẻo dâng mình”.
“Bến Chúa” thuyền ai ghé đậu,
Trọn lời khấn nhỏ hy sinh.

Bên cạnh đời con Mẹ nhé,
Mỗi ngày từng bước đi lên.
Cầm tay dắt dìu nhỏ nhẹ,
Đời con dệt “khúc lên đền”.

Sơn ca Linh
21/11/2017
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tạ Ơn Mẹ Fatima
Mỹ Lê
09:29 22/11/2017
TẠ ƠN MẸ FATIMA
Ảnh của Mỹ Lê
Một đoá hồng, con dâng lời cảm tạ
Mối ân tình, xin trọn khúc huyền-ca
Bỏ sau lưng, cả thanh-ái nhạt nhoà
Cùng với Mẹ, tri ân khối tình Cha
(Trích thơ của Kẻ Tri Ân)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 23/11/2017
VietCatholic Network
17:29 22/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư 22 tháng 11: Thánh Lễ là tột đỉnh hành động cứu chuộc của Thiên Chúa.

2- Đức Thánh Cha bất ngờ thăm viếng người nghèo bên ngoài Quảng trường Thánh Phêrô.

3- Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Tòa Thánh về văn hóa.

4- Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và vị Linh Mục bị bắt tại Nigeria, Tây Phi.

5- Đức Thánh Cha kêu gọi thành viên Công ước Liên Hợp Quốc COP-23 tiếp tục hợp tác để đối phó với sự biến đổi khí hậu.

6- Myanmar, Bangladesh mong gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

7- Đức Thượng Phụ Bechara Boutros Rai viếng thăm Ả Rập Saudi tạo điều kiện cho đối thoại liên tôn.

8- Hội Đồng Giám Mục Italia bác bỏ khả năng cử hành thánh lễ an táng cho trùm Mafia Totò Riina.

9- Trung Quốc chấp nhận thêm một Giám Mục do Vatican bổ nhiệm, không có Giám Mục quốc doanh tham dự lễ nhậm chức.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Con Vững Tin Nơi Ngài.

Xin quý vị theo dõi phần tin chi tiết