Ngày 23-11-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Điềm lạ
LM. Anphong Trần Đức Phương
09:20 23/11/2009
ĐIỀM LẠ

(CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM C)

Chúng ta bắt đầu Năm Mới theo Lịch Phụng Vụ Giáo Hội từ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng. Mùa Vọng, ngày xưa thường gọi là “Mùa Áp” (theo tiếng Latinh là Adventus, ra tiếng Anh là Advent; từ động từ Advenire, có nghĩa là “đến gần”). Trong lịch Phụng Vụ của Giáo Hội Việt Nam bây giờ gọi là “Mùa Vọng”, với ý nghĩa là Mùa “trông đợi”, “mong chờ”.

Vậy Mùa Vọng là thời gian 4 tuần lễ để chúng ta chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng trong niềm mong chờ mừng Lễ Chúa Giáng Sinh sắp tới. Tuy nhiên, phụng vụ Mùa Vọng cũng nói với chúng ta, qua các Bài Đọc Sách Thánh trong các Thánh Lễ, hãy chuẩn bị tâm hồn trong sự chờ đợi Chúa đến viếng thăm mỗi người chúng ta vào lúc chúng ta “qua khỏi đời nầy” (qua đời) và đó là lúc “chúng ta không ngờ!” Đồng thời Mùa Vọng cũng hướng tâm trí chúng ta về ngày “cuối cùng của thế giới này,” “ngày tận thế,” “ngày phán xét chung.” Ngày đó cũng là “ngày không ngờ,” chẳng ai biết được trước, ngày mà “các tầng trời rung chuyển, mặt trời ra tối tăm,” ngày mà Thiên Chúa sẽ ngự đến trong vinh quang để thưởng người lành, phạt kẻ dữ. Như vậy, đối với các tín hữu, ngày đó không đáng kinh khiếp, nhưng là ngày giải thoát để bước vào miền hạnh phúc viên mãn của cuộc sống ‘trường sinh, vinh hiển’ trong một “Trời Mới và Đất Mới” nơi Công Lý ngự trị (Xin xem Isaia 65:17, 66:22; Khải Huyền 21:1-4; 2 Phêrô 3: 10-13).

Hôm nay, trong bài Phúc Âm (Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm C: Luca 21:25-28,34-36), Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta về những “Điềm Lạ” vào ngày cuối cùng của thế giới và việc Thiên Chúa sẽ đến “ trên đám mây, đầy quyền năng và uy linh cao cả” để phán xét chung, thưởng người lành, phạt kẻ dữ. Nhưng đối với những ai có lòng tin nơi “Đấng Cứu Thế” “Đấng Công Chính” mà muôn dân trông đợi (Xin xem Bài Đọc I: Giêrêmia 33: 14-16) thì không cần sợ hãi. Trái lại “hãy đứng dậy và ngửng đầu lên, vì giờ cứu rỗi đã gần kề.” Miễn là chúng ta phải luôn luôn cảnh tỉnh, đừng “chè chén say sưa, đừng qúa lo lắng việc đời,” nhưng hãy luôn ‘tỉnh thức’ và cầu nguyện.

Trong Bài Đọc II (1 Tessalonica 3:12-4:2), Thánh Phaolô cũng kêu gọi chúng ta hay luôn sống hòa hợp yêu thương với mọi người và bền vững trên đường thánh thiện để không có gì “đáng trách trước mặt Chúa là Cha chúng ta trong ngày Ngài ngự đến cùng với tất cả các Thánh.”

Vậy trong tinh thần “dọn đường Chúa đến,” chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau để mỗi người cùng biết nhìn nhận chính mình là con người yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội, sống khiêm tốn, hòa hợp yêu thương để Nước Bình An của Chúa có thể đến trong tâm hồn mỗi người, mỗi gia đình và lan tỏa ra trên toàn thể thế giới chúng ta. Để đến ngày mừng Chúa Gíáng Sinh, chúng ta có thể cùng với các Thiên Thấn ca hát:

‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”
 
Tôi không sợ bệnh ung thư
Pt GB Nguyễn văn Định
09:52 23/11/2009
Chuyện kể: Một trong những câu nói khủng khiếp nhất mà bệnh nhân không bao giờ muốn nghe: “Anh ta bị ung thư”.

Những từ ngữ đó làm cho tinh thần suy sập ngay lập tức, khủng hoảng, phiền muộn và lo lắng. Dù y học rất tiến bộ; nhưng ung thư vẫn là một điều khủng khiếp. Một Tín hữu Kitô tên Dan Richardson rất nhiệt thành đã mắc phải chứng bệnh nan y này. Dù cơ thể bị ung thư hành hạ; nhưng tinh thần anh vẫn luôn vững vàng. Tuy anh không thể sống được bao lâu; nhưng những ngày cuối đời của anh là một bằng chứng rằng: Ung thư chỉ có thể lấy đi sinh mạng, ngoài ra nó không thể làm gì khác, nếu con người có một đời sống Tâm Linh vững vàng. Bài thơ này đọc trong tang lễ của anh:

Ung thư tàn phá cơ thể; nhưng:

Nó không thể làm vơi đi tình yêu Thiên Chúa,

Không thể làm vỡ tan niềm hy vọng và lòng mến,

Không thể bào mòn được đức tin, đức cậy,

Cũng không thể cướp mất sự an bình của tâm hồn..,

Hoặc cướp đi sự sống đời đời
.

Suy tư: Nhưng tôi sợ nhất là ung thư tâm hồn như: Tỏ vẻ hơn người khác - Phục vụ để trình diễn – Phô trương của cải, địa vị - Tham tiền bạc, chức quyền - Tự cao tự đại – Mê quyền hành, địa vị - Lòng tham ăn uống, nhục dục - Che mắt người khác - Hưởng đặc quyền, đặc lợi…Nhất là bất hoà, ganh tị, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, bè phái, chia rẽ, chè chén, dâm bôn. (Gal 5, 19-21)

Nếu bạn đang phải đối diện với ung thư thể xác, đừng để nó qúa ảnh hưởng đến tinh thần, có thể thân xác bạn bị đau đớn; nhưng Lời Chúa sẽ gìn giữ bạn vượt qua một cách mạnh mẽ. Nhưng nếu bạn bị ung thư tâm thần thì cũng khó thấy và cũng khó sửa, nếu không biết hạ mình, khiêm tốn, lắng nghe… và quyết tâm sửa đổi.!

Lời Chúa: “Những ai sống theo tính xác thịt thì huớng về những gì thuộc tính xác thịt, còn những ai sống theo Thần Khí thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an.” (Rom 8,5-6).
 
Vai trò của người Thầy Cô Công giáo trong xã hội Việt Nam hôm nay
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:24 23/11/2009
Giáo dục là quốc sách. Một lời khẳng định xem như có tính luật khi không chỉ ở trên môi miệng những người nắm vận mệnh quốc gia mà đã hiển hiện bằng giấy trắng mực đen. Và hằng năm cứ đến ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam thì câu chuyện giáo dục tại Việt Nam lại được dịp kéo dài thêm cái chuỗi mạn bàn, nhận định, phân tích, góp ý…Không thiếu những góp ý, phân tích, nhận định hay mạn bàn mang tính khoa học và thực tiễn xuất phát từ những khối óc đầy tình quê hương dân tộc. Thế nhưng, một thực tế mà ai cũng hiểu đó là phải tùy thuộc cái cơ chế của nước nhà mà đúng hơn là tùy thuộc cái tầm nhìn rộng, xa và cái tâm sáng những vị đang nắm trọng trách điều hành đất nước.

Có thể nói không sợ sai lầm rằng vận mệnh của một quốc gia, tương lai của một dân tộc tùy thuộc rất lớn ở nền giáo dục của dân tộc, quốc gia ấy. Một cánh én bay lên, rồi một cánh én nữa bay lên và cứ thế, cứ thế những cánh én khác bay lên, thì chắc chắn mùa xuân sẽ xuất hiện một ngày không xa. Trong cái viễn tượng ấy, quý thầy cô Công giáo chúng ta họp nhau hôm nay chắc hẳn không gì hơn là muốn góp một phần nhỏ của mình để xây dựng mùa xuân cho dân tộc, cho Giáo Hội, dĩ nhiên là với những nén bạc mà Chúa trao cho mỗi người chúng ta, đặc biệt qua trọng trách giáo dục mà chúng ta đang thực thi ngoài xã hội.

Để có thể góp phần cách tích cực và hữu hiệu thì trước hết chúng ta không thể không điểm lại vài nét về bức tranh xã hội nước nhà chúng ta về chính trị, kinh tế, văn hóa và cách riêng là giáo dục. Để tránh gây ngộ nhận về thành ý, xin được khái quát bức tranh ấy dựa trên các báo cáo, nhận định của những người đang nắm quyền và những bậc học giả được gọi là có tâm huyết với vận mệnh quê hương, đã được đăng tải trên các kênh, nguồn thông tin chính thức, đồng thời bên cạnh đó không thể thiếu những lời nhận định và huấn thị của mẹ Giáo Hội.

Về chính trị: Hằng năm, quý thầy cô vốn thường được tập huấn về chính trị trong dịp chuẩn bị khai giảng năm học mới và một vài dịp nào đó khi có các biến cố hay còn gọi là chuyện thời sự đặc biệt trong nước cũng như trên thế giới xảy ra.

Hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay có những đặc điểm cơ bản là lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất có quyền lãnh đạo, được ghi trong Điều 4 của Bản Hiến Pháp. Hệ thống chính trị được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, được điều hành bởi lực lượng chuyên chính vô sản.

*Chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết, một hệ thống lý luận và phương pháp luận gồm có triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học.

- Triết học Mác-Lênin bao gồm cả chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đây là một trong những thế giới quan và nhân sinh quan lấy sự vận động và phát triển làm nguyên lý nền tảng dựa trên sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập trong cùng một thực thể.

- Kinh tế chính trị Mác-Lênin: Nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chủ yếu là phân tích giá trị thặng dư ( m ) là phần chênh lệch giữa giá cả và giá trị của sản phẩm.

- Chủ nghĩa xã hội khoa học: Nghiên cứu những quy luật chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và phương hướng xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa.

*Tư tưởng Hồ CHí Minh là gì ? Trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội IX của Đảng đã nêu rõ:

“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…”

Trên đây là cái nhìn của đảng cộng sản Việt Nam. Người ta đã phân biệt triết gia và nhà tư tưởng như sau: triết gia là người đã đưa ra một cái nhìn về vũ trụ, về thế giới và con nguời có tính hệ thống, có tính lôgich một cách nào đó như Descarte, E. Kant… trái lại nhà tư tưởng như Blaise Pascal là người có cái nhìn sâu về nhiều vấn đề nhưng không mang tính hệ thống.

Về kinh tế: Khi nói về kinh tế nước nhà thì chúng ta thường nghe nói đến mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội ( GDP – Gross Domestic Product ). Trong cuộc họp Quốc Hội kỳ vừa qua Chính Phủ đưa ra các chỉ tiêu chính của kế hoạch năm 2010 như sau:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5% so với năm 2009; GDP theo giá thực tế khoảng 1.931 nghìn tỷ đồng, tương đương 106 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.200 USD. ( tức khoảng 21.600.000 đồng Việt Nam ). Nếu tính ngược lại thì sẽ thấy Chính phủ ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2009 này tính tròn là 20.300.0000đồng. Nếu mỗi nhà gồm hai vợ chồng và ba đứa con thì thu nhập cả gia đình là 101.500.000 đồng / năm. Không biết con số trên dưới 75% là nông dân ở nước ta mà đa số gắn với hạt lúa thì có đạt mức này chăng ? Lại nhìn đến tình cảnh các công nhân trong các khu công nghiệp, dù đã tăng ca, tăng kíp thì mức lương cũng trên dưới hai triệu đồng thì con số bình quân thu nhập đầu người ở trên nếu chính xác thì cũng phản ánh sự chênh lệch giàu nghèo của nước ta đang vào thời kỳ báo động.

Con số GDP tức là Tổng sản phẩm quốc nội được tính như sau GDP là tổng số giá trị các khoản chi tiêu của cá nhân, hộ gia đinh cộng với tổng giá trị đầu tư của các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh, cộng với hiệu số giữa giá trị xuất khẩu và nhập khẩu cộng với tổng các khoản chi của Chính Phủ. Để có được con số GDP thì Chính phủ căn cứ trên các báo cáo thống kê của các ngành hữu quan. Độ chính xác của con số này ra sao hay nói theo ngôn ngữ thông kê là độ tin cậy, xác xuất thông kê ở mức độ nào thì cũng cần xem xét, nhất là với quý thầy cô, những người mà xã hội xem như là có khả năng phản tỉnh và phản biện trước các thông tin. Đã từng có vị Đại Biểu Quốc Hội làm bản tính cộng đơn giản: Chính phủ báo cáo ước tính tăng trưởng GDP năm nay ( 2003 ) cả nước đạt 7% vì sáu tháng đầu năm mới đạt 6,9%. Thế nhưng nhìn vào thống kê của các tỉnh, thì chẳng có tỉnh nào tăng GDP dưới 7 %. Có tỉnh tăng 8% có tỉnh những 14 %. Nếu tính trung bình ra thì chúng ta phải tăng trưởng tới 10 % !!! ( Phó tổng cục tủởng cục thống kê Nguyễn Văn Tiến – Báo Tuổi trẻ cười số 253 ngày 15 /12/2003 tr.5 ) Và vị ấy băn khoăn là con số 7% tăng trưởng GDP của cả nước được tính trên cơ sở nào.

Trong kỳ họp Quốc Hội bắt đầu từ ngày 20 tháng 10 năm 2009 vừa rồi, “cầm trên tay báo cáo kinh tế xã hội 2008 và 2009 của Chính phủ, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội nói thẳng: "Đọc báo cáo năm 2008 và năm 2009, chúng tôi thấy có nhiều đoạn hoàn toàn trùng khớp với nhau, đều ghi ngày 19/10. Có nhiều số liệu rất đáng buồn"... ( Vietnamnet Thứ Sáu 23/10/2009 )

Chúng ta bỏ qua các lãnh vực khác như y tế, quốc phòng… để tập trung vào lãnh vực giáo dục.

Về giáo dục:

Quý thầy cô thân mến, chúng ta tụ họp nhau nơi đây không phải là để nghe chính trị hay nghe báo cáo về các chỉ tiêu kinh tế văn hóa. Hẳn nhiên ai trong chúng ta cũng rõ mục đích nhắm của chúng ta chính là giáo dục. Vậy cần phải có một cái nhìn tổng quan về nền giáo dục nước nhà trong hoàn cảnh hiện nay.

Theo các con số được báo cáo bởi các cơ quan chức năng thì con số học sinh các cấp cơ sơ và phổ thông trên toàn quốc có giảm sút. Có người cho rằng nguyên nhân chính là do đời sống kinh tế của các gia đình suy giảm do hậu quả của cơn suy thoái hay tạm gọi là khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua gây nên. Tuy nhiên, nếu xét về con số tuyệt đối vẫn còn thiếu sót, nếu không xét đến sự kiện các gia đình ngày càng hạn chế số con sinh ra, thậm chí ngay cả với các gia đình Công giáo. Hỏi các cha xứ thì biết: số lượng các em thiếu nhi trong các lớp giáo lý ngày càng ít đi khá rõ rệt. Ngoài ra chúng ta cần khẳng định với nhau rằng sự ham học vẫn còn là một trong nhưng ưu phẩm của dân Việt chúng ta. Con số sinh viên các trường Đại Học, Cao Đẳng, Trung Cấp vẫn ngày càng tăng. Như thế nếu chỉ nhìn sự kiện với con số thì chưa thể phản ánh cách trung thực và đầy đủ, dĩ nhiên là một cách tương đối nào đó.

Để lượng giá nền giáo dục nước nhà, chúng ta cần phải căn cứ vào hiệu quả của nó. Trên bình diện chuyên môn, nếu chỉ nhìn vào số lượng thì chúng ta cần nhìn nhận rằng chưa đạt yêu cầu, vì số người được đào tạo ra làm việc đúng chuyên môn, ngành nghề mình học chưa đến 50%. Trong số người làm việc đúng ngành nghề chuyên mình học thì chất lượng như thế nào cũng cần đặt câu hỏi. Mới đây hai tác giả Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson thuộc Đại học Harvard khi thực hiện chuyên đề: Giáo dục đại học – Cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó, đã đưa ra các con số thống kê khiến chúng ta không chỉ giật mình mà cần chân thành hổ thẹn.

Bài viết được xuất bản trên các tạp chí khoa học năm 2007



Nhìn xuống các em học sinh khối phổ thông và cơ sở thì nhiều con số thông kê cũng khiến chúng ta băn khoăn và lo âu.



Theo bản tin Vietnamnet ngày 07/11/2008 thì từ đầu năm 2008, báo chí đã đưa tin về hàng chục vụ án mà thủ phạm là các đối tượng còn ngồi trên ghế nhà trường. Khảo sát vài năm gần đây ở 4 trường giáo dưỡng (dành cho trẻ vị thành niên phạm pháp – thuộc Bộ Công an): Trong 3.448 em, có 145 em buôn bán, hút chích ma túy; 12 em cướp giật; 54 em cưỡng đoạt tài sản; 124 em hiếp dâm; 124 em cố ý gây thương tích; 765 em gây rối trật tự công cộng; 48 em lừa đảo; 69 em giết người; 2.112 em trộm cắp; 40 em thuộc về các hành vi phạm tội khác.(Theo website Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội www.hanoi.edu.vn)

Ngày 29 tháng 10 vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, vị đứng đầu về giáo dục của đất nước đã thừa nhận về thực trạng giáo dục bậc đại hoc như sau: "Thực tế, gần 30 năm chúng ta chưa thực sự quản lý được chất lượng giáo dục đại học vì chưa có chuẩn đầu ra của các trường; chưa giữ được chuẩn của giáo viên, chương trình, cơ sở vật chất...; chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng; hằng năm chưa có đánh giá thực tế và có báo cáo về chất lượng đào tạo của các trường và cả hệ thống giáo dục đại học.

Người đứng đầu về giáo dục của cả nước đã bộc bạch rằng Bộ GD&ĐT chưa thể trả lời được 3 câu hỏi: Chất lượng đào tạo của các trường thế nào? Các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo thế nào ? Hiệu quả đầu tư từ ngân sách cho các trường ĐH,CĐ công lập thế nào?". Năm 2009, cả nước tuyển sinh hơn nửa triệu sinh viên, gấp 4 lần năm 1997 và gấp 14 lần năm 1987. Về quy mô, tổng số sinh viên cả nước là 1,7 triệu em trong khi năm 1997 là hơn 700.000 và năm 1987 là 130.000. Năm 1987, một giảng viên đào tạo bình quân 6,6 sinh viên, năm 2009 một giảng viên đào tạo tới 28 sinh viên. Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. 20 năm qua, số giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ đạt hơn 10%. Dù đã triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học nhưng Bộ GD&ĐT vẫn phải thừa nhận, quản lý chất lượng giáo dục là khâu yếu nhất hiện nay.

Về mặt chuyên môn, chính giáo sư tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng đã từng phát biểu trước diễn đàn Quốc Hội rằng: Đừng so gì với các nước Âu Mỹ xa xôi, chỉ sánh với các nước Á châu gần chúng ta như Thái Lan, Singapor, Hàn Quốc…con cháu chúng ta học nhiều gấp đôi, thậm chí gấp ba con cháu họ nhưng ra trường lại kém gấp đôi, gấp ba con cháu họ.

Còn về mặt nhân cách, đạo đức, chúng ta hẳn đã giật mình trước kết quả công trình nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn và các cộng sự với đề tài: “Sự lựa chọn các giá trị đạo đức - nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên ở một số trường đại học tại TP HCM trong giai đoạn hiện nay”, một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ có tính khả tín rõ nét, cho dù con số sinh viên được tham khảo chưa đến 1000. Kết quả khảo sát cho thấy: 36% sinh viên cho biết làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt; 32% chấp nhận hành vi vô ơn; 41% bảo rằng không nhất thiết phải sống cao thượng; 28% có tư tưởng trả thù, báo oán; 18% nói sẵn sàng đưa lợi ích cá nhân lên trên hết; 60% đổ mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái lên cha mẹ…( Báo Pháp luật TPHCM ngày 22-6-2009; Tuần báo Cgvdt số 1713 ).

Một vài bức tranh hiện thực xã hội ở trên cho chúng ta môt cái nhìn tương đối tổng quát. Đã là người còn chút lương tri và tâm huyết với tương lai của dân tộc, với vận mệnh của đất nước thì không thể không thao thức. Trang báo điện tử Tuần Việt Nam gần đây đã đăng một loạt nhưng bài nhận định, góp ý, kiến nghị liên quan đến việc giáo dục. Ngày 03/10/2009 trang Web ấy đã có đăng để giới thiệu một số quan điểm về giáo dục của ngài Jean Piaget ( 1896-1980), một nhà giáo dục, một nhà nhận thức luận và một nhà tâm lý học nổi tiếng. Cái tựa đề của bài báo là “Giáo dục “cứu rỗi xã hội” và trọng tâm của bài báo đó là“chỉ có giáo dục mới có thể giúp cho xã hội tránh khỏi nguy cơ bị sụp đổ, dù là sụp đổ một cách nhanh chóng hay từ từ.

Đâu riêng gì mình ngài Jean Piaget nhận ra vị trí, vai trò tối quan trọng của giáo dục. Có thể nói hầu hết các quốc gia hiện nay trên thé giới và dĩ nhiên là có cả Việt nam chúng ta đều khẳng định “ Giáo dục là quốc sách” tức là kế sách quan trọng hàng đầu. Tương lai của một dân tộc, của một đất nước tùy thuộc chủ yếu vào nền giáo dục của nước ấy hiện nay. Thế nhưng đã và đang tồn tại những oái ăm, nếu không muốn nói là mâu thuẫn trong luận lý của cái thể chế mà Việt Nam chúng ta đang theo. Làm thế nào để dung hòa một bên xem giáo dục là quốc sách và một bên vẫn chủ trương rằng mọi hiện hữu trên thế gian này đều là sự vận động của vật chất và cho rằng hạ tầng kiến trúc chi phối và quyết định thượng tầng kiến trúc ? Chúng ta đừng quên giáo dục là một trong những lãnh vực thuộc thượng tầng kiến trúc.

Chính vì thế chúng ta không lạ gì đã từng một thời gian khá dài ngành giáo dục chỉ được xem như là một trong những ngành nghề lao động để mưu sinh không hơn không kém, mà lại là một ngành nghề bị đánh giá rất thấp, đặc biệt về khoản thu nhập. Đâu chỉ có phía các sĩ tử vốn đã là các cô tú cậu tú thú nhận rằng “ chuột chay cùng sào mới vào sư phạm”, ngay trong cơ chế tuyển thi Đại Học trước đây thì tiêu chí chọn người vào ngành giáo dục thì rất “bèo”. Không đủ điểm vào Y hay Dược, dù có trượt các ngành Bách Khoa hay Tổng hợp thì đủ hay dư điểm để vào sư phạm. Lọt sàng thì xuống nia. Không vào Đại Học sư phạm đuợc thì có Cao Đẳng, không đủ điểm vào Cao Đẳng thì các Trường Trung Học Sư phạm vẫn dang tay đón mời. Chúng ta đừng quên chân lý uốn tre thì uốn khi còn là măng. Ý thức tầm quan trọng của việc giáo dục con người ngay thời thơ ấu, thiếu nhi, nên nhiều quốc gia tiên tiến và Việt nam chúng ta trước đây đã đã rất nặng việc giáo dục ở bậc mầm non và Tiểu học. Chính vì thế các tiêu chí tuyển chọn các nhà giáo dục ở hai bậc này rất cao và chặt chẽ. Thế mà hiện trạng ở Việt Nam chúng ta thì như ngược lại. Nhà báo Trường Giang, nguyên Tổng biên tập Báo Giáo Dục và Thời đại đã đề nghị “ Thay đổi tư duy đầu não để thoát khủng hoảng giáo dục” ( Vietnamnet ngày 17/9/2009 ).

LỜI NGÕ CÙNG CÁC “KỸ SƯ TÂM HỒN”

Hằng năm cứ đến dịp kỷ niệm ngày hiến chương Nhà giáo thì đề tài giáo dục lại được rộ lên bằng nhiều hình thức. “ Không thầy đố mầy làm nên”. Câu ngạn ngữ trên nói lên tầm quan trọng của các vị trong vai trò giáo dục. Tôn sư là trọng đạo hay trọng đạo là phải tôn sư, điều nào cũng là chính đáng và hợp lý. Nhân ngày Nhà giáo lại về, xin được có một vài tâm tình như lời ngõ cùng các vị được ví là “các kỹ sư tâm hồn”, cách riêng với các vị trong Hội Thánh Công giáo.

Cũng có thể là tự nguỵện mà cũng có thể là do hoàn cảnh đưa đẩy quý vị đã đứng vào hàng ngũ những người làm công tác đào tạo, giáo dục, một trách vụ cao cả và quan trọng trong việc xây dựng những con người, đặc biệt cho tương lai quê hương dân tộc, tương lai xã hội và cả Hội Thánh. Sẽ thật khó vuông trong trách vụ đảm đương nếu chúng ta không ý thức tầm quan trọng của vai trò, vị trí trách vụ mình đang đảm nhận.. Khi nói đến một chương trình phát triển nào đó hay một kế hoạch chiến lựơc nào đó về kinh tế, văn hoá hay xã hội thì người ta đều nhìn nhận yếu tố con người luôn là yếu tố nền tảng và then chốt. Con người không chỉ đóng vai trò nền tảng của mọi kế hoạch, chương trình mà còn là điểm tới, tức là mục tiêu của các chương trình, kế hoạch. Chẳng hạn khi lên kế hoạch nhằm phát triển kinh tế thì cũng là để phục vụ con người. Chính vì thế đất nước ta, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã nhìn nhận giáo dục là một trong những quốc sách hàng đầu.

Vị trí, - vai trò của người thầy – cô giáo Công giáo:

Một sự thật cần thú nhận với nhau đó là tại Việt Nam, khi Chính Quyền Cộng sản lên nắm quyền ( ở các nước cộng sản khác thì tôi không rõ ) đã và đang tồn tại một mặc cảm tự ti nào đó nơi người Công giáo khi xuất hiện hay hiện diện nơi môi trường xã hội bên ngoài. Và môi trường giáo dục, cụ thể là tại các trường học, các cơ quan giáo dục, các bạn sinh viên, các em học sinh Công giáo chúng ta hiện nay vẫn còn mang mặc cảm tự ti ấy. Còn với quý thầy cô giáo thì sao đây ? Cũng phải thú nhận rằng dù với lý do hay mục đích gì nữa thì trước đây cũng đã từng có không ít người trong chúng ta ngại ngần tuyên xưng căn tính Công giáo của mình cách công khai, bằng môi miệng hay cả bằng giấy tờ, lý lịch. Còn hiện nay, tình trạng ấy chắc chắn nếu còn thì chỉ là cá biệt. Chuyện tình trạng cá biệt thì hoàn cảnh nào, địa vị nào cũng có. Xin đừng quá băn khoăn, vì ngay cả tập thể Nhóm Mười Hai do Chúa Giêsu trực tiếp chọn gọi, huấn luyện cũng có.

Tìm hiểu nguyên nhân của thái độ tự ti mặc cảm nơi học sinh, sinh viên và nơi cả hàng giáo chức thì không thể phủ nhận một vài ý do sau đây: Trước hết đó là vì tỷ lệ người Công giáo đang còn quá nhỏ bé trong các tập thể xã hội. Với điều kiện chính trị -xã hội nước nhà thì người công giáo xem ra đang bị thua thiệt về quyền lợi công dân trong nhiều lãnh vực. Dù rằng trên lý thuyết thì hiện nay từ Hiến Pháp đến các chủ trương chính sách đều khẳng định sự bình đẳng trong đối xử, nhưng trong thực tế thì chưa có bình đẳng, nhất là trong những lãnh vực mang tính nhạy cảm được gán nhãn mác “có tính chính trị” như là an ninh quốc phòng, viễn thông, giáo dục…, đặc biệt vị trí lãnh đạo.

Đã nhiều lần, nhiều Đấng bậc trong Giáo Hội lên tiếng về một sự thật không hợp lý đang tồn tại trong xã hội đất nước chúng ta đó là trong khi các tổ chức nước ngoài đã được tham gia vào công trình giáo dục, còn các tổ chức tôn giáo trong nước thì vẫn còn chịu cảnh đứng bên lề, đúng hơn là chỉ mới được tham gia trong bậc mầm non, nhà trẻ. Tâm lý tự ti mặc cảm nơi chúng ta còn có nguyên nhân chủ quan là nơi chính chúng ta. Một đức tin chưa sâu, cộng với một vốn liếng giáo lý thiếu căn bản, thì cũng có thể là nguyên nhân khiến chúng ta không dám công khai danh phận Công giáo của mình khi mà rất nhiều giáo trình dựa trên chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử…không ngớt công kích tôn giáo, phê phán tôn giáo, cách riêng Kitô giáo là phản động, là một loại thuốc phiện ru ngủ đám đông dân nghèo khổ, là một niềm tin phản khoa hoc, đây chất mê tín…với nhiều kiểu lý luận thoặt xem ra rất lôgich và có bằng chứng khoa học cũng như lịch sử. Một nguyên nhân khách quan cũng cần đề cập đó là những vị có vai vế, có trọng trách ở trên chúng ta, đang quản lý chúng ta trong công tác giáo duc hình như rất ngại đụng chạm đến tôn giáo, nhất là Kitô giáo, có lẽ một phần vì hiểu không đúng hoặc đã có định kiến không tốt, không đẹp về tôn giáo, hoặc không muốn dây dưa, liên lụy đến phạm trù nhạy cảm dễ bị mang vạ vào thân, đó là tôn giáo.

Hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ… ( Mt 28,19 )

Trước bối cảnh tình hình đất nước về chính trị, kinh tế… và đặc biệt giáo dục, là những người được xã hội tôn vinh là những “kỷ sư tâm hồn’ và được Giáo Hội khẳng định là những người con ưu tú, chắc hẳn, quý thầy cô ý thức đựoc vai trò và nhiệm vụ quan trọng và cao cả của mình giữa lòng Giáo hội cũng như xã hội. Xin được lấy lại lời truyền của Chúa Giêsu trước khi Người về trời để một lần nữa nhắc nhớ cho nhau cái nghĩa vụ mang tính tất yếu gắn liền với căn tính Kitô hữu, đó là làm chúng cho tin mừng, là làm cho muôn dân trở thành môn đệ.

Qua bí tích Thánh Tẩy, mọi Kitô hữu đều lãnh nhận sứ vụ cao cả lẫn trọng đại này. Và mỗi người được mời gọi, đúng hơn là được sai đi tùy theo hoàn cảnh, bậc sống và môi trường sống của mình. Qua Công đồng Vatican II, Giáo hội nhìn nhận vai trò của các Kitô hữu giáo dân như sau: “Giáo Hội không thể chu toàn trọn vẹn sứ mạng thánh hóa thế gian nếu không có những giáo dân thánh hóa thế giới như men từ bên trong, qua các công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và xã hội ( GH 31 ). Sứ mạng của họ không do hàng giáo phẩm chia phần cho, nhưng bắt nguồn từ tính chất đặc thù của ơn gọi giáo dân, đó là tính chất trần thế”( ĐGM Giuse Nguyễn Năng - NS CGvà DT số 177 trang 19-20 ).

Để thực thi sứ mạng tông đồ trong môi trường giáo dục, xin mạo muội đề xuất cùng quý thầy cô một vài thiển ý được phân loại theo các mặt tiêu cực và tích cực.

Tiêu cực: Hẳn quý thầy cô đã rõ những biểu hiện tiêu cực mà quý vị nhà giáo nói chung và quý thầy cô Công giáo nói riêng cần nỗ lực khử trừ, loại bỏ. Đây là một vấn đề tế nhị, một vấn đề rất có thể là “biết rồi, nói mãi, dễ xa nhau”. Thời gian vừa qua, trên các trang thông tin bào chí, mạng viễn thông đã rộ lên một vài scandal liên quan đến ngành giáo dục chẳng hạn mới đây như ông hiệu trưởng Xầm Đức Xương trường THPT Việt Vinh Huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang, đã nhận bản án tù 10 năm 6 tháng về tội mua dâm trẻ vị thành niên là chính các học sinh của ông ta. Dù rằng một con sâu có thể làm rầu nồi canh, nhưng một vài cá thể biệt loại, đặc thù, thì không phải là tất cả, hơn nữa môi trường nào, ngành nghề nào, bậc sống nào cũng có sự cá biệt. Điều tiêu cực mà tôi muốn chia sẻ cùng quý thầy cô hôm nay đó là ý thức, đúng hơn là nhận thức của chúng ta còn hạn chế về chính vị trí và vai trò của nhà giáo trước xã hội. Phải chăng đang còn tồn tại nơi chúng ta một cách nào đó nhận thức việc chúng ta đang đảm nhận chỉ là một cái nghề, nghề truyền thụ kiến thức chứ chưa thực sự là công tác giáo dục ?

Có lẽ cái cơ chế hiện nay như đặt trên vai trên cổ nhà giáo nhiều cái tròng không hợp lý. Không nói gì đến hàng huyện hay hàng tỉnh, ngay viên quan chức hàng xã cũng có thể tự đặt mình lên trên các nhà giáo dục. Cầm tiền thì có quyền là một kiểu hành xử theo quy luật hạ tầng kiến trúc quyết định thượng tầng kiến trúc chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng phản giáo dục. Không ai làm thay, chính quý vị nhà giáo phải tìm cách khẳng định vị trí vai trò của mình để ngạn ngữ “ tôn sư trọng đạo” được dần hiện thực.

Tích cực: Dù chỉ là thiểu số trong ngành giáo dục và ít được đảm nhận các trọng trách như hiệu trưởng, Trưởng Phòng giáo dục…, vì nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân chính là “không có thẻ đảng”, nhưng không vì thế mà chúng ta xem nhẹ vai trò của mình đối với xã hội, cụ thể là với học sinh, sinh viên, tương lai của mọi xã hội. Công đồng Vatican II khẳng định: “Trong tất cả các phương tiện giáo dục, thì học đường giữ một vai trò quan trọng đặc biệt…” ( GD số 5). Chúng ta nhìn thấy sự thật này nơi các bé mầm non và tiểu học. Những gì thầy cô biểu là như đinh đóng cột, thậm chí có nhiều khi các bé bộc trực với mẹ cha khi thấy cha mẹ không làm đúng như cô thầy chỉ bảo.

Ý thức được tầm quan trọng của vai trò và vị trí của nhà giáo đối với xã hội cũng như đối với giáo hội và cũng ý thức đúng về vị thế của quý thầy cô Công giáo trong xã hội Việt Nam ta, xin được đề xuất một vài ý kiến cụ thể sau:

1. Hãy là chính mình, những nhà giáo dục đích thực: Xin được lướt qua phạm vi đạo đức nghề nghiệp, vì quý thầy cô hẳn đã rõ những yêu cầu về tư cách đạo đức của nhà giáo. Là nhà mô phạm thì không chỉ có cái tâm bên trong mà còn cần có tác phong, cung cách ứng xử phù hợp với vị thế của mình như thuật ngữ “nobless oblige”. Ở đây xin được nhấn mạnh đến chữ tinh của ngành nghề. Đã là thầy cô, là nhà giáo thì phải tinh trong nghề nghiệp mình đảm nhận. Nói cách nôm na là phải biết dạy và dạy giỏi. Thực tế cho ta thấy rằng một thầy cô dạy giỏi thì tiếng nói của vị ấy có trọng lượng trên các em học sinh, sinh viên, với đồng nghiệp và vố cả những người lãnh đạo. Trái lại, dù cái tâm của chúng ta có đậm sâu đến đâu mà chuyên môn của chúng ta bị hạn chế hoặc quá bất cập, thì khó mà có ảnh hưởng lớn trên các em cũng như đồng nghiệp.

Nâng cao chuyên môn mà mình giảng dạy là một yêu cầu có tính tất yếu. Nâng cao khả năng truyền thụ, tức là khả năng sư phạm cũng là một đòi hỏi không thể xem thường. Chúng ta đừng quên học sinh của chúng ta thời hôm nay khác thời hôm qua, khi mà nguồn thông tin đến với các em thật đa dạng và đa chiều. Làm thế nào để nâng cao tay nghề đây ? Một câu hỏi mà chắc chắn nếu khiêm tốn thì quý thầy cô sẽ tìm ra câu trả lời. Đó là phải biết yêu nghề và yêu đối tượng mình giáo dục: Chắc hẳn quý thầy cô hiểu rõ tính tất yếu của đòi hỏi này. Không thể là nhà sư phạm đúng nghĩa nếu chúng ta không thực sự yếu quý ngành nghề chúng ta đang đảm nhận. Đồng thời cũng sẽ trở thành nhà sư phạm hữu hiệu nếu chúng ta không có lòng với học sinh. Khả năng chuyên môn cao, biết cách truyền đạt có phương pháp hưu hiệu thì đúng và xứng là một nguời giảng dạy. Thế nhưng một người có khả năng truyền thụ kiến thức tốt vẫn chưa chắc là một nhà giáo dục tốt. Xin bỏ ngõ vẫn đề này ở đây để quý thầy cô sẽ trao đổi với nhau trong phần thảo luận với một trong ba câu gợi ý đó là hãy phân biệt tức là nêu lên những điểm giống nhau và khác nhau giữa một nhà truyền thụ kiến thức với một nhà giáo dục đích thực.

2. Cần hoàn thiện một cung cách phán đoán quân bình với một vốn liếng kiến thức tương đối đa dạng mang tính tổng hợp cao. Không dám tổng quát hóa, nhưng vẫn còn đó nhiều thầy cô rất chuyên sâu với chuyên môn của mình nhưng lại rất sơ sài trong các lãnh vực khác. Là nhà giáo dục, đào tạo, thiết nghĩ, chúng ta cần có một sự hài hòa nào đó trong vốn liếng kiến thức để rồi có cái nhìn và sự nhận định tương đối quân bình trong các mối tương quan đa chiều của các sự vật hiện tượng, nhất là những gì mang tính thời sự đang ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh, sinh viên.

Xin nhắc lại một lời của Chúa Giêsu: “mù dẫn mù, cả hai lăn cù xuống hố”. Phải khẳng định với nhau rằng hiện nay trường hợp mù xem ra là rất hy hữu, nhưng tình trạng “ quáng gà” thì có thể là phổ biến, nghĩa là thấy không rõ vấn đề, quan sát, nhìn không chính xác các hiện tượng…Đòi hỏi sự chính xác trong cái nhìn và nhận định về sự vật hiện tượng thì như không thể, tuy nhiên chúng ta có thể có cách nhìn ít lệch lạc, ít phiếm diện hơn, nếu chúng ta chịu khó quan sát, lắng nghe, so sánh, phân tích và tổng hợp.

Chúng ta hẳn đã rõ, dưới lăng kính tổng hợp, người ta đã đưa ra một khái niệm về con người như sau: con người là một sự tổng hòa các mối tương quan. Cái nhìn này dù không mang tính chuyên sâu, phản ảnh những nét đặc thù, nhưng lại rất quân bình. Đã một thời và có lẽ cũng đang tồn tại trong sự nghiệp giáo dục nước nhà đó là đào tạo ra những thành viên đoạt giải cao trong các kỳ thi nội địa hay quốc tế nhưng lại không có khả năng hội nhập với môi trường sống, thiếu khả năng phán đoán, nhận định quân bình, chuẩn mực và như thế sẽ hạn chế trong kỹ năng sống, hòa nhập với cộng đoàn trong tinh thần trách nhiệm và liên đới. Trong thời gian tới, nhờ nhận được sự tích cực cộng tác của nhiều cha trong giáo phận, UBGD Kitô giáo giáo phận nhà sẽ giúp quý thầy cô tiếp cận với cái nhìn của Giáo Hội Công giáo qua học thuyết xã hội.

3.Hãy là những thầy cô Công giáo: Phải chăng khi đi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật và các Lễ trọng là dấu chỉ chúng ta là thầy cô Công giáo ? Phải chăng khi tham dự các buổi tiệc ở nhà trường chúng ta có làm dấu thánh giá thì chứng tỏ chúng ta là nhà giáo Công giáo ? Chúng ta thừa biết là không hẳn thế. Chúa Kitô đã minh định rõ: “ Người ta cứ dấu nhận mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, đó là chúng con yêu thương nhau” ( x. Ga 13,35 ). Xin đừng quên đây là tình yêu vượt lên trên tình cảm nhân loại thường tình. Chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta ( x.Ga 15,12 ). Làm sao chúng ta có thể biết mình đã yêu thương nhau, yêu thương học sinh, yêu thương đồng nghiệp…như Chúa yêu thương ?

Câu trả lời thật đơn giản đó là khi ta có Chúa ở cùng, khi ta nên một với Chúa. Khi ở cùng Chúa và nên một với Chúa thì chúng ta sẽ có thái độ ứng xử như Chúa, theo tinh thần của Chúa. Để được vậy, không gì hơn xin quý thầy cô hãy gắn bó với Chúa bằng sự cầu nguyện. Sao ta lại thấy một chút hãnh diện hay tự hào nào đó khi xem thấy một cầu thủ trước khi ra sân bóng hay sau khi ghi được một bàn thằng thì làm dấu thánh giá, còn chúng ta thì không kết hiệp với Chúa ngay trong việc giảng dạy của chúng ta. Dĩ nhiên không ai đòi hỏi quý thày cô làm dấu thánh giá nhưng một tâm tình cầu nguyện, một lời kinh âm thầm là rất có thể. Chắc chắn hầu hết trong chúng ta thuộc lòng lời kinh “cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con biết việc phải làm cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mối kinh mỗi việc chúng con làm từ khởi sự cho đến hoàn thành đều bởi ơn Chúa – Amen”.

Bên cạnh tâm tình cầu nguyện, xin quý Thầy cô chịu khó gắn bó với Lời Chúa trong Thánh Kinh, ít là qua các trang Tin Mừng. Hội Thánh dạy chúng ta rằng: “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” Chính cái biết về Chúa Kitô nó sẽ làm quân bình những cái biết của chúng ta về mặt chuyên môn ở đời, ngoài xã hội. Thử hỏi trong quý thầy cô đây nếu khi chúng ta nghe những luận điệu công kích rằng tôn giáo là thuốc phiện, Thánh Kinh là phản khoa học vì dạy rằng con người được dựng nên do Chúa lấy đất bùn mà nặn thành trong khi đó học thuyết tiến hóa minh chứng rằng con người là kết quả của quá trình tiến hóa từ thấp lên cao, mà gần nhất là từ loài linh trưởng tiến hóa thành loài người, thì thái độ của chúng ta ra sao ? Cố chấp không muốn nghe hay tự ti mặc cảm hay bình thản đón nhận và tìm cách giải thích bằng cả luận lý và bằng cả niềm tin cho chính mình lẫn đồng nghiệp ?

4.Đừng sợ: Điều cuối cùng xin được lấy lại lời của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và của Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI để chia sẻ cùng quý thầy cô đó là đừng sợ ! Đừng sợ làm cánh én nhỏ giữa trời giá lạnh để báo mùa xuân đang về. Đừng sợ làm chứng nhân của tình yêu trong sự thật.

Gần đây nhiều người có thao thức với vận mệnh quê huơng, với tiền đồ dân tộc đã mạnh mẽ góp ý cho công cuộc giáo dục đã thẳng thắn nêu lên một nguyên nhân chính đó là cái cơ chế. Nói đến cơ chế là nói đến chủ trương, chính sách, luật lệ. Nói đến luật lệ, chính sách, chủ trương là nói đến những người có vai vế cao, đang lãnh đạo đất nước. Ai cũng mong cơ chế thay đổi để sự nghiệp giáo dục được đổi thay, thoát khỏi cảnh trì trệ, lạc hậu. Về mặt tự nhiên thì nhờ mùa xuân về mà những cánh én được bay cao, nhưng về mặt xã hội thì cái biện chứng “ thay đổi về lượng sẽ làm thay đổi về chất” lại nhiều khi rất ứng hợp. Chính nhờ từng cá nhân, nhiều cá nhân hữu trách đã mạnh dạn giao đất cho nông dân, thành quả nhãn tiền là năng suất tăng gấp bội, và thế là cơ chế hợp tác xã phải đổi thay nhường lại cho cơ chế khoán 10, tức là giao đất thẳng cho người nông dân quản lý. Chắc chắn con én nhỏ Đỗ Việt Khoa đã góp phần không nhỏ để làm hé lộ mùa xuân của Ngành giáo dục với tiêu chí “ba không”. Dù rằng một con én không làm nên mùa xuân, nhưng sẽ không bao giờ có mùa xuân nếu không có một con én bay lên, một con én khác bay lên và nhiều con én cùng bay lên.

Xã hội luôn đặt niềm tin ở quý thầy cô, giáo hội kỳ vọng ở quý thầy cô và Thiên Chúa cũng đặt hy vọng nơi quý thầy cô, những người đào tạo nên thế hệ tương lai.
 
Sự thậ là gì?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:32 23/11/2009
Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

Khi tổ chức, hay tiến hành một chương trình, một lễ hội, một cuộc thi đấu…thì ai cũng hiểu rằng “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng cũng đã thấy cái bầu khí của “buổi ban đầu” thường khá long trọng và hoành tráng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng điểm kết thúc mới có tính quyết định. Vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ, khi Giáo Hội suy tôn Chúa Kitô là Vua vũ trụ, thì cũng một cách nào đó muốn nhắn nhủ với con người cách chung và với đoàn con Kitô hữu cách riêng về ý nghĩa đời người. Tính quyết định của hạnh phúc con người có mối liên hệ tất yếu với nội hàm chân lý Chúa Kitô là Vua vũ trụ.

Khi nghe Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”, Philatô đã hỏi lại: “Sự thật là gì ?” ( x.Ga 18,37-38 ). Tin mừng không tường thuật câu trả lời của Chúa Giêsu mà ngưng ở đó để rồi kẻ tiếp chuyện Philatô lại ra gặp người Do Thái.

Sự thật là gì ? Mặc dù có nhiều cái nhìn, nhiều quan niệm khác nhau về sự thật nhưng vẫn có nét tương đồng căn bản. Sự thật là sự tương hợp hay sự đồng nhất giữa nội dung với hình thức, giữa cái bên trong và cái bên ngoài, chẳng hạn như chất lượng sản phẩm hàng hóa đúng với những gì ghi ngoài nhãn hiệu, bao bì…Trên bình diện hữu thể thì có người cho rằng sự thật là sự đồng nhất giữa thực tại với cái biểu hiện. Cũng có người quan niệm sự thật là sự duy nhất, bất biến và thường tồn của thực tại.

1. Sự thật về Đức Kitô:

Theo viễn kiến này thì duy chỉ có Thiên Chúa là sự thật đúng nghĩa. Người không chỉ là “Đấng có sao, có vậy” ( x. Xh 3,14 ) mà người còn là Đấng là An-Pha và Omêga nghĩa là có từ nguyên thủy và tồn tại đến vạn đại thiên thu ( x. Kh 1,8). Chính Chúa Kitô đã từng khẳng định Người là sự thật ( x.Ga 14,6 ). Người là Đấng có sao, có vậy, là nguyên thủy và là cùng đích ( x. Ga 8,24; 27; 57; ). Như thế khi nói với Philatô rằng mình đến thế gian là để làm chứng cho sự thật thì Chúa Kitô muốn minh chứng rằng chính Người là căn nguyên và cùng đích của mọi hiện hữu.

Cũng như vạn vật, con người tôi bởi đâu mà ra và rồi sẽ đi về đâu, một câu hỏi đã trở thành vấn nạn khó giải cho nhiều học giả, nhiều triết gia…mọi thời, nay đã có câu trả lời. Các hiện hữu ở đời này, sự hiện hữu của tôi trong cõi đời này có nguồn gốc và đích đến là chính Chúa Kitô. Trong thân phận một công dân, thì “quê hương mỗi người chỉ một, nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người” ( Đỗ Trung Quân ), thì cũng thế và hơn thế nữa, trong thân phận con người, tôi chỉ thực sự là tôi khi ở trong tương quan với Chúa Kitô. Đúng hơn, sự hiện hữu của tôi, sự sống còn của tôi, ý nghĩa cuộc đời của tôi lệ thuộc vào Đức Kitô. Đây chính là một nội hàm của chân lý Chúa Kitô là Vua vũ trụ mà Giáo Hội long trọng tuyên xưng vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ. Tuyên xưng Chúa Kitô là vua có nghĩa là tuyên xưng sự lệ thuộc, sự suy phục của mình vào Chúa Kitô. Vì tất cả mọi loài mọi vật “đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người.” ( Col 1,16 )

2. Sự thật về con người:

Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa ( x. St 1,27 ), con người cũng là sự thật khi nên một với Chúa Kitô. Đấng là hình ảnh Thiên Chúa vô hình đã tự xưng là Con Người. Thánh Tông đồ dân ngoại đã mạnh mẽ khằng định chân lý này: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng duới đất hữu hình với vô hình ( Col 1,15 ). Vì là sự thật nên con người phải được yêu quý và tôn trọng cũng như bảo vệ. Dù là một bệnh nhân, dù là một người nghèo khổ, một người thấp cổ, bé phận, dù là một bào thai dị tật… tất thảy đều đáng phải được kính trọng, yêu mến và bảo vệ hơn tất cả những thể chế, luật lệ, nghi thức hay truyền thống… Chúa Kitô đã khẳng định chân lý này khi nhấn mạnh: Ngày Sabat có ra là vì con người, chứ không phải con người có ra là vì ngày Sabat” ( Mc 2,27 ).

Là loài thọ tạo có vẻ mỏng manh và đầy yếu đuối nhưng con người lại được Thiên Chúa đặt lên làm chủ tể mọi loài trên trời dưới đất ( x. St 1,26 ). Con người là chi mà Chúa nhớ đến, loài người là gì mà Ngài phải bận tâm ? ( Tv 8,5 ). Tất cả chỉ vì Thiên Chúa đã đoái nhận loài người làm dưỡng tử trong Con Một dấu yêu của Người là Đức Giêsu Kitô ( x. Eph 1,5 ). Mặc dù có điểm khởi đầu, có kinh qua cánh cửa sự chết, nhưng hiện hữu của con người là bất tận, vì “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là của kẻ sống” ( Mt 22,32 ).

3. Sự thật về hạnh phúc:

Con người đã được dựng nên là tồn tại mãi mãi. Thế nhưng số phận đời đời của mỗi người là được hạnh phúc viên mãn hay phải trầm luân vĩnh viễn còn tùy thái độ sống của mỗi người khi còn tại thế. Con người chỉ có hạnh phúc đích thật khi là chính mình như thuở ban đầu cuộc sáng tạo đó là trở nên hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta là chính mình khi nên một với Đức Kitô, làm môn đệ của Người. Và Chúa Kitô đã khẳng định khi chúng ta yêu mến nhau như Người đã yêu mến chúng ta thì chúng ta sẽ ở trong tình yêu của Người và đích thực là môn đệ của Người ( x. Ga 13,35; 14,9-11 ).

Chính con tim, tấm lòng của chúng ta dành cho tha nhân, nhất là cho nhũng người bé mọn sẽ quyết định về số phận đời đời của chúng ta ( x. Mt 25,31-46 ). Thánh Gioan Tông Đồ đã nói: “Ai yêu thưong thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu.” ( 1 Ga 4,7-8 ).

Năm Phụng Vụ sắp kết thúc nhắc nhủ cho chúng ta sự thật này: cái chung cục mới thật quan trọng. Đảm nhận chức vụ này hay ở địa vị kia, sống bậc sống này hay bậc sống nọ, tất thảy đều hướng đến mục đích cuối cùng là được cứu độ, được hạnh phúc viên mãn. Để có hạnh phúc thật, chắc chắn phải đón nhận Sự Thật là Đức Kitô, vì không một ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người ( x. Ga 14,6 ). Và dưới gầm trời này chỉ có một Danh mang ơn cứu độ là Giêsu Kitô. Khi đã đón nhận sự thật là Chúa Kitô thì chúng ta cũng sẽ biết được sự thật về con người cũng như con đường để đạt được hạnh phúc muôn đời.
 
Buổi thuyết trình về ''Nguyên tắc giáo dục con trong gia đình'' tại TTMV Saigòn
Xuân Thái & Thanh Phong
10:45 23/11/2009
SAIGÒN - Hồi 14 giờ, Ngày 21/11/2009, tại Hội Trường PX Nguyễn văn Thuận thuộc Trung Tâm Mục Vụ Sàigòn, một buổi nói chuyện về đề tài: “Nguyên tắc giáo dục con trong gia đình” với sự tham dự của hơn 200 cử tọa, do Nữ Tiến Sĩ Nguyễn thị Bích Hồng thuyết trình đã diễn ra.

Hơn 200 cử tọa gồm nhiều thành phần nam nữ giáo dân, đã có sự hiện diện của rất nhiều mái tóc bạc của các vị lớn tuổi, nhưng đông hơn cả, vẫn là các bạn trẻ nhiều giới, gồm sinh viên học sinh và không ít những tu sĩ nam nữ. Đặc biệt, có cả Linh mục là Cha Phạm sĩ Sản dòng Don Bosco và hai Mục sư Hoàng thanh Hải (Giáo Hội Agapé) và Mục sư Nguyễn văn Kiêm (Giáo hội Luther) và một số tín đồ Phật giáo và đạo ông bà.

Tiến sĩ Nguyễn thị Bích Hồng là một diễn giả nổi tiếng thuộc Đại Học Sư phạm, buổi nói chuyện thật sinh động, lôi cuốn và bổ ích đã kết thúc vào hồi 17 giờ cùng ngày.

Nguyên tắc giáo dục con cái trong gia đình.

Nạn kẹt xe kinh niên hơn cả Bankok, cộng thêm vô số những lô cốt mọc lên khắp nơi của đường phố Sàigòn đã làm Tiến sĩ Bích Hồng phải đến trễ 10 phút, nhưng 10 phút ấy đã trở thành một khoảng thời gian rất vui với các trò chơi thú vị từ những linh hoạt viên của Ban tổ chức.

Giáo dục là một nghệ thuật nên không thể đóng khung trong một công thức dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, cũng giống như khiêu vũ vậy, để có thể bước theo những vũ điệu bay bướm, trước hết ai cũng phải đi được một cách vững chãi, mà muốn đi được vững chãi, cần phải biết rõ và tuân theo những cách để tập bước đi mà không bị té ngã. Cũng thế, để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, rất cần phải biết rõ và hành xử những nguyên tắc phù hợp.

Chung sức. Sau phần cầu nguyện qua một bài hát cộng đồng với phần nhạc đệm là một cây đàn Ghita thùng, đơn sơ, nhẹ nhàng nhưng gần gũi và sâu lắng.

Khởi đầu, là một trò chơi rất vui và nổi tiếng trên Truyền hình do Nghệ sĩ Tạ minh Tâm phụ trách đã được vận dụng trong buổi nói chuyện hôm nay. Chung sức “Những nguyên tắc giáo dục con …”đã được trình chiếu trên Slide rất sinh động.

Ai mà không phải dạy dỗ con cái, nhưng dạy dỗ giáo dục cách nào để có hiệu quả chính là một nghệ thuật lớn, cần phải nắm rõ những nguyên tắc đã được đúc kết từ nhiều công trình nghiên cứu giá trị và nhất là, đã được rút ra từ thực tế cuộc sống của thời đại hôm nay. Có 8 nguyên tắc cơ bản:

1/ Ý THỨC TẦM MỨC QUAN TRỌNG CỦA VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIA ĐINH:

Ai cũng dễ dàng công nhận sự quan trọng trong việc dạy dỗ con cái, nhưng không phải ai cũng có những ý thức đúng đắn về điều ấy, nhất là trong thời buổi nhà nhà và người người đều phải chạy theo đồng tiền một cách hối hả như hiện nay. Vì vậy, nhiều nghịch lý và đáng tiếc cười ra nước mắt đã xảy ra. Không có thời gian dành cho con cái. Thậm chí, nhiều gia đình đã phải thuê người…chơi với con, để mình có thời gian đi… chơi với người khác vì là đối tác làm ăn, công việc. Hoặc ỷ lại rồi phó thác chuyện dạy dỗ con cái cho ông bà, cô chú và ngay cả người làm Ôsin…

Khi có ý thức đúng, người ta sẽ thấy việc giáo dục con cái là quan trọng nhất, đứng hàng đầu trên cả sự nghiệp, tiền của thì người ta sẽ có đủ thời gian dành cho con cái, dù ai cũng chỉ có 24 giờ trong một ngày.

2/ XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC CON:

Không mục tiêu rõ ràng, hoặc mục tiêu theo thị hiếu thời đại mà bất chấp hoàn cảnh điều kiện gia đình, khả năng, khuynh hướng và ý thích của con sẽ là một tai họa thay vì hạnh phúc cho con. Đặc biệt, khi áp đặt ý của cha mẹ cho con cái, sẽ gây rất nhiều bất lợi, có thể dẫn đến suy sụp, mặc cảm rồi oán hận cha mẹ nơi con cái.

3/ THỐNG NHẤT:

Ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác phải thống nhất về quan điểm, rồi phân công vai trò và phương pháp để hướng dẫn con cái. Thiếu thống nhất sẽ dẫn đến những tác hại không hề nhỏ, trẻ sẽ hoang mang không biết nghe ai tin ai, dẫn đến trẻ thăm dò xoay sở rồi ngả theo người quyền lực nhất trong nhà. Từ đó, trẻ sẽ dần biến thành một kẻ giỏi cơ hội nhưng thiếu trung thực.

Tất cả, đều đặt lợi ích cho con cái lên hàng đầu, thay áp đặt ý chí và mong muốn của cha mẹ lên con cái.

4/ CHA MẸ LÀM GƯƠNG:

Làm gương khác với Mẫu gương, không ai hoàn hảo, nên cha mẹ phải là người chân thành, cầu tiến. Khi sai lỗi, cha mẹ phải dũng cảm nhận lỗi, để tạo uy tín dễ giáo dục con và giúp con tránh các sai lỗi ấy. Cha mẹ không cần phải hoàn hảo của một mẫu gương, nhưng làm gương cho con cái thì cha mẹ nào cũng làm được, nếu thực sự muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc mà qua đó, con cái được giáo dục tốt.

5/ TỔ CHỨC CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH:

Quốc gia có quốc pháp, thì nhà cũng phải có gia phong. Khác với luật nghiêm minh nhưng lạnh lùng của nhà nước, luật của gia đình là luật được xây dựng trên tinh thần YÊU THƯƠNG, nhưng không thể thiếu những hành động bao dung thông cảm thay vì những kiểu nói xuông. Tất cả sẽ dần hình thành một nề nếp văn hóa và nhân bản trong gia đình.

6/ TÔN TRỌNG SỰ PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH CỦA CON:

Tôn trọng đích thực là bảo vệ và tạo điều kiện cho sự phát triển của con, nghĩa là biết lắng nghe mà không áp đặt, không xúc phạm, vùi dập và làm tổn hại con ( ép học). Hiểu rõ quy luật phát triển, hồn nhiên của tuổi thơ, nghịch ngợm của tuổi trẻ, nhiệt tình của thanh niên.

7/ YÊU THƯƠNG – NGHIÊM KHẮC:

Nhờ Yêu thương, trẻ sẽ cảm nhận ngay được điều này, từ đó, trẻ sẽ thấy mình có giá trị, tự tin và tự trọng. Qua Nghiêm khắc, trẻ sẽ biết giới hạn và chỉnh sửa để tiến bộ.

Quá Yêu thương nhưng ít nghiêm khắc, trẻ sẽ ỷ lại và yếu đuối thiếu tự lập.

Quá Nghiêm khắc, ít yêu thương, trẻ sẽ trở nên nhu nhược, chai lỳ.

Phải gia giảm, điều chỉnh cho phù hợp với mỗi tình cảm và khuynh hướng của từng trẻ. Để biết rõ khuynh hướng và tình cảm ấy cần phải có thời gian để gần gũi, chia sẻ và chơi đùa với chúng.

8/ HIỂU CON ĐỂ CÓ PHƯƠNG PHÁP PHÙ HỢP:

Khác với những kiểu áp đặt, coi con cái như “vật sở hữu” để áp đặt nhào nặn con cái theo ý muốn và khuynh hướng riêng mình, cha mẹ phải tự trang bị những kiến thức và kỹ năng giáo dục con, hiểu tâm lý theo từng lứa tuổi và nhất là, những đặc điểm của từng đứa con trong gia đình. Một công việc không hề là nhẹ nhàng dễ dãi, nhưng cũng thật thú vị và hấp dẫn cho những ai muốn xây dựng một gia đình đúng nghĩa.

12 Tổ với 3 câu hỏi:

Buổi nói chuyện của TS Bích Hồng đã trở nên sinh động ngay từ đầu, phần lớn nhờ vào sự “cùng tham gia và cộng hưởng” của mọi người, qua các câu hỏi và những câu trả lời trực tiếp từ mỗi người. Nhiều tràng pháo tay tán thưởng đã vang lên, cũng đã có nhiều tiếng cười ồ thú vị khi có những trả lời dí dỏm hoặc ngay cả là lạc đề.

Sau đó, khoảng mỗi 4 hàng ghế là 1 tổ, cả lớp được chia thành 12 Tổ với 3 câu hỏi để cùng nhau thảo luận và đúc kết.

Ba câu hỏi như sau:

1/ Vì sao cha mẹ phải làm gương ? Để làm gương, cha mẹ có bắt buộc phải là người toàn hảo? Nếu cha mẹ đã từng sai sót, thì họ có thể làm gương cho con cái bằng cách nào ?

2/ Những biểu hiện thiếu tôn trọng sự phát triển nhân cách của con ? Tác hại ?

3/ Những sai sót của cha mẹ trong việc biểu lộ tình thương yêu và sự nghiêm khắc đối với con cái ? Tác hại của những sai sót đó ?

12 tờ giấy khổ lớn, 12 cây bút lông đã được phát ra cho 12 người của 12 Nhóm.

Ba câu hỏi trên, nếu chỉ nhằm trả lời để chấm điểm thì có vẻ dễ dàng sau khi được nghe diễn giả triển khai. Nhưng vì là thảo luận, nên đã có những đúc kết rất phong phú đầy bất ngờ. Sau đây là đại ý các nội dung:

Với câu hỏi 1: Cha mẹ phải làm gương cho con cái, vì “Lời nói chỉ lung lay, gương bày mới lôi kéo”. Vì trẻ em là người hay bắt chước, đang khi đó, cha mẹ là người thày đầu tiên, là người trẻ tin cậy nhất nên ảnh hưởng rất lớn trên con cái. Nhưng không ai hoàn hảo, nên khi sai lỗi, cha mẹ rất cần sự dũng cảm, chân thành nhận lỗi để sai sót không bị lập lại và giúp con tránh. Từ sự dũng cảm dám nhận sai sót của mình, cha mẹ sẽ được hoàn thiện chính mình, vì biết chấp nhận sự bất toàn nơi mình và kẻ khác, để dễ tha thứ và sửa sai.

Với câu hỏi 2: thiếu tôn trọng sự phát triển nhân cách của con, có thể thấy rõ qua những biểu hiện và tác hại của nó:

La mắng con trước mặt người khác. Luôn xem con là “trẻ con”. Không tin tưởng dẫn đến không giao việc, hoặc giao việc nhưng nhiều nhắc nhở quá mức cần thiết. Tác hại, sẽ dẫn đến con bị mặc cảm, thu mình, ngại giao tiếp hoặc tìm sự tin tưởng nơi người khác hoặc thú vui thiếu lành mạnh khác ngoài gia đình khi có dịp.

Không lắng nghe con. Thường la mắng khi con phạm lỗi dù chưa biết rõ nguyên nhân. Thích dùng bạo lực ( tinh thần và thân thể). Từ đó, sẽ tạo khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Gây bất mãn với cha mẹ, gia đình trở nên tù ngục và trở nên lỳ lợm. Sống miễn cưỡng, không phát huy những năng khiếu của con. Đánh mất sự tôn trọng và yêu thương đối với cha mẹ.

Đánh giá thấp khả năng của con. Áp đặt suy nghĩ của mình lên con. Không thừa nhận là thành viên trong gia đình. Dán nhãn cho con. So sánh con với người khác. Tác hại, con cái tự ti, thấy mình vô dụng. Lạc lõng, cô đơn ngay trong nhà mình. Ảnh hưởng đến Tâm và Sinh lý của con. Mặc cảm và dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội. Nói dối để đối phó và qua mặt cha mẹ. Căng thẳng, Stress. Tìm cách chống đối lại cha mẹ, khởi đầu là những xung đột trong ý nghĩ, tư tưởng, rồi chống đối ngầm và ra mặt ( tùy theo điều kiện và hoàn cảnh)

Với câu hỏi 3: Nuông chiều con quá mức, cho nhiều tiền vượt quá nhu cầu cần thiết. Vô tình hoặc cố ý dung túng các hành vi sai trái. Phục vụ quá đáng. Hãnh diện quá đáng đến như tôn sùng con cái.

Hoặc nghiêm khắc quá đáng như, mệnh lệnh áp đặt, bạo lực khô khan không biểu lộ tình thương.

Tất cả những thái quá trên đều sẽ dễ dẫn đến những tác hại, con cái sẽ ỷ lại, vô kỷ luật dẫn đến dễ dàng phạm pháp. Hoặc không hiểu rõ và tôn trọng đúng mức giá trị đồng tiền. Thấy mình như “ông Hoàng, Bà Chúa” ngay từ khi còn bé.

Ngay cả khi khen thưởng con không đúng, hoặc thưởng tiền mỗi khi làm xong việc bổn phận hoặc thiên vị giữa các đứa con cũng sẽ dẫn đến những tác hại không nhỏ: trẻ sẽ làm việc vì tiền, yếu đuối, thiếu nghị lực. Hoặc sẽ khó phân biệt đúng sai và bất hòa giữa các con cái trong nhà.

***

Sau khi đúc kết và phân tích những thảo luận của các Nhóm, diễn giả đã bày tỏ sự phấn khởi trước nhiệt tình tham gia của mọi người, đặc biệt, diễn giả đã rất bất ngờ trước những ý kiến phong phú và sâu sắc của nhiều Nhóm qua phần trình bày thật sinh động của họ.

Buổi nói chuyện chuyên đề đã chấm dứt hồi 17 giờ cùng ngày.

Vội theo chân ra ngoài hành lang, để kịp gặp Cha dòng Don Boscô Phạm sĩ Sản, Ngài nói: “Tôi từ Gia Kiệm về đây để dự lớp học này. Vì rất có ích cho tôi, các giáo dân của tôi rất cần những điều này. Tôi không ngờ giáo dân hôm nay trình độ quá, giỏi giang quá. Quãng đường Sàigòn – Gia Kiệm là 80 cây số đó.”

Không có thời gian để trò chuyện, nhưng chỉ có được những cái bắt tay với 2 vị Mục sư Tin Lành để vừa kịp nghe một câu nói rất ngắn, thật ấm lòng: “ Ai cũng cần phải học và học mãi đến suốt đời, nhưng chúng tôi không có được hoàn cảnh và điều kiện, nên chúng tôi phải đến đây, vì vậy…”

Lại nhớ đến 2 Phật tử được gặp trong giờ giải lao, ông Trần thanh Tài nói: “Đạo Chúa thật vui và đã cho chúng tôi những kiến thức rất bổ ích và thiết thực. Nhất định tôi sẽ kêu gọi các thân hữu và con cháu tôi tham gia những lớp học rất cần thiết này… ”

Chiều nay, gió thật lộng trên đầu với không gian thật mát, rời Phòng hội Nguyễn văn Thuận của Trung Tâm Mục vụ Sàigòn, lòng đầy cảm xúc.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:04 23/11/2009
NGÓN CHÂN CỦA ALA

N2T


Một người Hồi giáo thuộc phái phiếm thần đi đến Maica để hành hương, vì đi đường xa mệt nhọc nên khi đến thành phố thì anh ta bị té xỉu bên đường. Đang khi anh ta ngủ thì có một âm thanh to lớn giận dữ làm anh ta thức dậy: “Giờ phút này, tất cả các tín đồ đều đang đi đến Maica cúi đầu cầu nguyện, nhưng ngươi lại đem hai chân hôi thối của ngươi đưa hướng về nơi đất thánh ! Mày là tín đồ Hồi giáo nào vậy ?”

Tín đồ của phiếm thần luận không hề nhúc nhích, chỉ mở trừng hai con mắt, nói: “Này huynh, huynh có thể giúp tôi được không, đem chân của tôi nhích qua một chỗ không hướng về chân chúa Ala, được chứ ?”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Thánh địa Maica là nơi hành hương của người Hồi giáo, là nơi mà chân chúa Ala ngự giữa con cái của ngài, ngài nghiêm khắc với tất cả những ai có hành vi phỉ báng vô phép với ngài.

Nhà thờ là nơi Thiên Chúa ngự giữa con cái của Ngài, là nơi có Chúa Giê-su ngự thật trong nhà tạm, Ngài vẫn đợi chờ chúng ta đến với Ngài để chúc tụng, trò chuyện, cầu xin và cám ơn. Chúa Giê-su không nghiêm khắc với người tội lỗi nhưng rất mực yêu thương, Ngài đi tìm những đứa con hoang đàng để an ủi và chữa lành, Ngài chiếu soi tâm hồn của họ bằng Lời của Ngài qua lời giáo huấn của Giáo Hội, và ban cho họ lương thực hằng sống là Mình và Máu thánh của Ngài...

Thiên Chúa không nghiêm khắc với con cái Ngài, nhưng Ngài rất công bằng; Thiên Chúa không giận dữ với con cái của Ngài, nhưng Ngài rất nhân từ; Thiên Chúa không kết án con cái của Ngài, nhưng những ai phạm tội xúc phạm đến Ngài và tha nhân thì chính họ sẽ tự mình hổ thẹn và tự xa cách Thiên Chúa của mình...

Ai hiểu thì hiểu.

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 23/11/2009
N2T


20. Chỉ có nhẫn nại mới có thể thử thách đức ái của con người, có nhẫn nại lớn thì nhất định sẽ có đức ái lớn. Không có nhẫn nại tất không có đức ái.

(Thánh Augustine)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:07 23/11/2009
N2T


298. Vẽ đẹp thì giống như trái cây trong mùa hè, dễ dàng hư hoại, không thể để được lâu.

 
Đời Sống Tâm Linh #16: Tôi Không Sợ Bệnh Ung Thư
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
19:57 23/11/2009
Đời Sống Tâm Linh # 16

TÔI KHÔNG SỢ BỆNH UNG THƯ

* Chuyện kể: Một trong những câu nói khủng khiếp nhất mà bệnh nhân không bao giờ muốn nghe: “Anh ta bị ung thư”.

Những từ ngữ đó làm cho tinh thần suy sập ngay lập tức, khủng hoảng, phiền muộn và lo lắng. Dù y học rất tiến bộ; nhưng ung thư vẫn là một điều khủng khiếp. Một Tín hữu Kitô tên Dan Richardson rất nhiệt thành đã mắc phải chứng bệnh nan y này. Dù cơ thể bị ung thư hành hạ; nhưng tinh thần anh vẫn luôn vững vàng. Tuy anh không thể sống được bao lâu; nhưng những ngày cuối đời của anh là một bằng chứng rằng: Ung thư chỉ có thể lấy đi sinh mạng, ngoài ra nó không thể làm gì khác, nếu con người có một đời sống Tâm Linh vững vàng. Bài thơ này đọc trong tang lễ của anh:

Ung thư tàn phá cơ thể; nhưng:

Nó không thể làm vơi đi tình yêu Thiên Chúa,

Không thể làm vỡ tan niềm hy vọng và lòng mến,

Không thể bào mòn được đức tin, đức cậy,

Cũng không thể cướp mất sự an bình của tâm hồn..,

Hoặc cướp đi sự sống đời đời.

* Suy tư: Nhưng tôi sợ nhất là ung thư tâm hồn như: Tỏ vẻ hơn người khác - Phục vụ để trình diễn – Phô trương của cải, địa vị - Tham tiền bạc, chức quyền - Tự cao tự đại – Mê quyền hành, địa vị - Lòng tham ăn uống, nhục dục - Che mắt người khác - Hưởng đặc quyền, đặc lợi…Nhất là bất hoà, ganh tị, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, bè phái, chia rẽ, chè chén, dâm bôn. (Gal 5, 19-21)

Nếu bạn đang phải đối diện với ung thư thể xác, đừng để nó qúa ảnh hưởng đến tinh thần, có thể thân xác bạn bị đau đớn; nhưng Lời Chúa sẽ gìn giữ bạn vượt qua một cách mạnh mẽ. Nhưng nếu bạn bị ung thư tâm thần thì cũng khó thấy và cũng khó sửa, nếu không biết hạ mình, khiêm tốn, lắng nghe… và quyết tâm sửa đổi.!

Lời Chúa: “Những ai sống theo tính xác thịt thì huớng về những gì thuộc tính xác thịt, còn những ai sống theo Thần Khí thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an.” (Rom 8,5-6)

Phó tế: GB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lễ Chúa Kitô Vua, ĐTC nói: ''Vương quyền Ân sủng như thế không hề áp đặt ai hết, nhưng tôn trọng tự do của chúng ta''
Bình Hòa
19:22 23/11/2009
Kinh Truyền tin Lễ Chúa Giêsu Vua

Nếu xét theo lịch sử thì lễ kính Chúa Giêsu Vua mới được thiết lập chưa đầy 85 năm, do quyết định của đức thánh cha Piô XI vào ngày 11 tháng 12 năm 1925, nhân dịp kết thúc năm thánh. Lúc đầu, lễ Chúa Giêsu Vua được cử hành vào chúa nhựt cuối tháng 10, nhưng sau cuộc cải tổ phụng vụ của công đồng Vaticanô II thì được chuyển sang chúa nhật chót của năm phụng vụ. Tuy là một lễ mới thiết lập, nhưng tước hiệu Chúa Giêsu Vua đã được gặp thấy trong các sách Tân ước. Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin, đức thánh cha đã nêu bật tính cách độc đáo của vương quyền của Chúa Kitô: không phải là quyền bính bá chủ theo nghĩa chính trị trần gian, nhưng là vương quyền của tình thương, một thứ tình thương được biểu lộ qua việc hy sinh mạng sống trên thập giá. Sau khi ban phép lành Toà Thánh, đức Bênêđictô XVI còn nhắc đến hai cuộc cử hành khác. Thứ nhất là lễ phong chân phước cho nữ tu Marie-Alphonsine Danil Ghattas diễn ra vào lúc 11 giờ sáng tại nhà thờ Truyền tin ở Nazareth. Chị sinh ngày 4/10/1843 và qua đời ngày 25/3/1927 tại Giêrusalem. Theo ý muốn của Đức Mẹ, chị đã lập ra hội dòng Mân Côi để phục vụ các thiếu nữ ở Trung đông, qua việc giáo dục nhân bản và tôn giáo cho họ. Thứ hai là ngày cầu nguyện cho các nữ đan sĩ nhân lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ hôm thứ bảy vừa rồi. Đây là một cơ hội để bày tỏ tình liên đới đối với những người dâng trót đời để cầu nguyện cho Hội thánh và cho nhân loại. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ:

Anh chị em thân mến

Vào chúa nhựt chót của năm phụng vụ, chúng ta mừng lễ Chúa Kitô là Vua trời đất, một lễ tương đối mới mẻ nhưng đã đâm rễ sâu trong Kinh thánh và thần học. Tước hiệu “vua” gán cho Đức Giêsu rất là quan trọng trong các sách Tin mừng và cung cấp cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về chân dung và sứ mạng cứu độ của Người. Về điểm này chúng ta có thể ghi nhận một sự tiến triển: từ chỗ là “vua của Israel” người ta tiến đến “vua vũ trụ”, chủ tể của trời đất và của lịch sử, nghĩa là vượt qua những hoài bão của chính dân Do thái. Ở trọng tâm của mạc khải vương quyền của đức Giêsu Kitô là mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người. Khi đức Giêsu bị treo trên thập giá, các tư tế, kinh sư và kỳ mục đã chế nhạo Người và nói: “Kìa, vua dân Israel đấy; hãy xuống khỏi thập giá thì chúng tôi sẽ tin” (Mt 27,42). Thực ra, trong tư cách là Con Thiên Chúa mà đức Giêsu đã tự ý trao nộp mình để chịu khổ nạn, và thập giá là dấu chỉ nghịch lý của vương quyền của Người, vương quyền nằm ở tình thương của Chúa Cha dành cho sự bất tuân vì tội lỗi. Chính vì hiến dâng mình làm hy lễ xá tội mà đức Giêsu trở thành Vua vũ trụ, như chính Người đã tuyên bố khi hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh: “Mọi quyền bính trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy” (Mt 28,18).

Quyền bính của đức Giêsu Kitô Vua nằm ở chỗ nào? Đây không phải là thứ quyền bính của các vua chúa lãnh tụ trần gian; nhưng là quyền bính thiên linh trao ban sự sống vĩnh cửu, giải thoát khỏi sự dữ, đập tan sự thống trị của tử thần. Đó là quyền bính của tình yêu, có sức rút tiả điều thiện từ cái ác, uốn mềm một trái tim chai đá, mang lại hoà bình vào nơi tranh chấp gay go, thắp lên hy vọng giữa đêm tối mịt mùng. Thứ vương quyền Ân sủng như thế không hề áp đặt ai hết, nhưng tôn trọng tự do của chúng ta. Chúa Kitô đã đến để “làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37) – như Người đã tuyên bố trước mặt quan Philatô -: ai đón nhận chứng tá của Người thì đặt mình ở dưới trướng của Người, theo lối nói của thánh Inhaxiô Loyola. Vì thế, một sự chọn lựa được đặt ra cho mỗi lương tâm: tôi muốn đi theo ai? Thiên Chúa hay tà thần? Chân lý hay gian dối? Chọn lựa đi theo Chúa Kitô không bảo đảm thành đạt theo tiêu chuẩn của thế gian, nhưng chắc chắn sẽ gặp thấy sự bình an và hoan lạc mà duy chỉ có Người mới có thể ban. Điều này đã được chứng thực ở nơi biết bao nhiêu người, vì danh Chúa Kitô, vì danh của sự thật và công lý, đã chống lại các lời dụ dỗ của quyền lực thế gian mang nhiều lốt mặt nạ khác nhau, đến nỗi đã dám đóng ấn cho lòng trung thành của mình bằng việc tử vì đạo.

Anh chị em thân mến. Khi sứ thần Gabriel đến truyền tin của đức Maria, thì Người tiên báo rằng người con của bà sẽ thừa hưởng ngai báu vua Đavit và sẽ hiển trị ngàn đời (xc. Lc 1,32-33). Và đức Trinh nữ đã tin trước khi sinh hạ đức Giêsu cho trần gian. Rồi dĩ nhiên Mẹ đã phải tự hỏi về vương quyền của đức Giêsu sẽ ra như thế nào, và chỉ hiểu được bằng cách lắng nghe lời của Chúa và nhất là thông dự mật thiết vào mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Chúa. Chúng ta hãy xin Mẹ Maria giúp cho chúng ta biết đi theo đức Giêsu là Vua của chúng ta, như Mẹ đã làm, và làm chứng cho Chúa bằng trót cuộc đời.
 
Đức giám mục Tobin bày tỏ thất vọng với việc dân biểu Kennedy công khai việc cấm rước lễ
Trần Mạnh Trác
19:25 23/11/2009
Providence, RI, Ngày 22 tháng 11 năm 2009 / 04:47 (CNA). - Trong một phản ứng mạnh mẽ về việc Dân biểu Patrick Kennedy công khai việc ông đã bị cấm rước lễ vì hành động phò phá thai của ông, Đức Giám mục Rhode Island, Thomas Tobin, bày tỏ "sự thất vọng " và “bất ngờ” của mình về quyết định của Kennedy đã công khai hoá một vấn đề riêng tư và chỉ nhằm mục đích lợi ích cho linh hồn của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày Chủ nhật do Tạp chí Providence, Dân biểu Patrick Kennedy (D-Rhode Island), con trai của cố TNS Edward Kennedy, nói rằng " giám mục đã chỉ dẫn là tôi không được rước lễ và nói rằng ông đã chỉ đạo các linh mục trong giáo phận không giao Mình Thánh cho tôi. "

Kennedy cũng cho biết, Đức Giám mục Tobin đã giải thích các hình phạt cho ông ta "rằng tôi không phải là một người Công giáo có thực hành tốt (not a good practicing Catholic) vì các việc tôi đã làm trong cương vị là một nhân vật công cộng (public official)."

Vị dân biểu đã từ chối nói ông sẽ tuân theo yêu cầu của vị Giám mục.

Vào cuối ngày, Đức cha Tobin đã ban hành một tuyên bố để làm sáng tỏ các điều khoản của quyết định.

"Tôi thất vọng và thực sự ngạc nhiên rằng Dân biểu Patrick Kennedy đã chọn để mở lại các cuộc thảo luận công khai về việc thực hành đức tin của mình và về việc rước lễ. Điều này xẩy ra gần hai tuần sau khi Dân biểu cho truyền thông địa phương biết rằng ông sẽ không còn bình luận công khai về đức tin của mình hay mối quan hệ của ông với Giáo hội Công giáo, "

Giám mục Tobin cho biết, ngày 21 tháng 2 Năm 2007, ông đã viết cho Dân biểu Kennedy rằng "trong ánh sáng rõ ràng của việc giảng dạy của Giáo Hội, và vì những hành động không hề suy chuyễn của ông, do đó, tôi tin rằng là không thích hợp để ông có thể nhận Mình Thánh Chuá và bây giờ tôi xin trân trọng là ông sẽ kiềm chế không làm như vậy.”

"Yêu cầu cuả tôi được thực hiện trong ánh sáng của quyết nghị mới của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ,’ Nếu một người Công giáo mà trong đời sống cá nhân hay chuyên nghiệp của mình đã biết và bướng bỉnh không chấp nhận lời dạy của giáo hội về các vấn đề đạo đức, người đó sẽ nghiêm trọng làm giảm sự hiệp thông với Giáo Hội. Sự tiếp nhận Mình Thánh trong tình hình như vậy sẽ không phù hợp với bản chất của bí tích Thánh Thể, vậy họ nên tự chế. ' "

Trong bức thư đó, Đức cha Tobin đã viết cho Dân biểu Kennedy: "Tôi viết cho ông một cách cá nhân và kín trong tinh thần một mục tử gởi đến một thành viên của đàn chiên.. Vào thời điểm hiện tại tôi không có nhu cầu hoặc có ý định làm cho vấn đề này trở thành công cộng.. "

Ngày 28 Tháng 2 năm 2007, Dân biểu đáp lời Giám mục: "Tôi tôn trọng tối đa công việc mà ĐGM đã làm với tư cách đại diện cho cộng đồng Công Giáo ở Rhode Island. .. Tôi hiểu lời khuyên mục vụ của ĐGM có tính cách bí mật và có ý định tốt nhất cho việc phúc lợi tinh thần của cá nhân tôi. "

Trong tuyên bố của chủ nhật, đức giám mục viết "Tôi thất vọng rằng Dân biểu đã công khai các hướng dẫn mục vụ và kín đáo của tôi gần ba năm trước đó, là những hướng dẫn chỉ duy nhất tìm lợi ích cho linh hồn của ông ta,".

Giám mục Tobin giải thích rằng ngài đã "không mong muốn" thảo luận về đời sống tâm linh cuả Dân biểu Kennedy nơi công cộng.

"Nhưng đồng thời, tôi sẽ đáp ứng hoàn toàn công khai và mạnh mẽ các cuộc tấn công Giáo Hội Công Giáo bất cứ khi nào, như những bóp méo về những lời dạy của Giáo Hội, hoặc các vấn đề phát biểu không chính xác về việc mục vụ của tôi. Hoàn toàn rõ ràng là vị Dân biểu đã một lần nữa chọn để làm cho cuộc thảo luận này thành một vấn đề công cộng. Trong khi chờ đợi, tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện – cách chân thành và nồng nhiệt - để vị dân biểu chuyển đổi và ăn năn hối cải. Tôi mong ông ta được mọi sự lành. "
 
Giáo Hội ý thức chiều sâu của ngôn ngữ người điếc
Bùi Hữu Thư
22:24 23/11/2009
Rôma, Thứ hai 23 tháng 11, 2009 (Le Monde vu de Rome) – Phát ngôn viên của Tòa Thánh ghi nhận: Hội nghị về người điếc và lãng tai trong Giáo Hội vừa chấm dứt tại Vatican, giúp cho Giáo Hội khám phá hay tái khám phá chiều sâu của ngôn ngữ dấu hiệu.

Trong ấn bản vừa qua của Tờ Thông Tin Hàng Tuần “Octava Dies” của Trung Tâm Truyền Vatican, Linh Mục Federico Lombardi Dòng Tên, là giám đốc, đã dành nguyên bài bình luận về hội nghị quốc tế mới đây “Ephata! Người điếc trong đời sống Giáo Hội,” do Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục Vụ Y Tế tổ chức và Đức Thánh Cha Benedict XVI đã bế mạc ngày thứ sáu 20 tháng 11 vừa qua.

Cha Lombardi, cũng là giám đốc của văn phòng truyền thông Tòa Thánh chia sẻ: “Tôi đã thấy một cặp vợ chồng trẻ tuổi liên tục đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ dấu hiệu: người chồng bị điếc, và người vợ là cái tai và tiếng nói của anh ta để truyền thông với người khác. Điều này đòi hỏi nhiều thì giờ và kiên nhẫn khi đối thoại, nhưng đây không phải là lối truyền thông hối hả và hời hợt chúng ta từng quen biết.”

Khi bình luận về các công trình của hội nghị này, cha giải thích: “Đây là một lối truyền thông đi từ nội tâm và qua một sự liên kết khác thường của tình yêu.” Có khoảng 90 người bị điếc và các linh mục tham dự “để cho các dấu chỉ về bí tích có thể vượt qua bức tường của sự thinh lặng đang giam giữ những kẻ lãng tai.”

Mặc dầu cuộc gặp gỡ này “có thể không được nhiều người nhắc tới,” vì giới truyền thông chú ý nhiều hơn đến các vấn đề khác về đời sống của Giáo Hội, những ai có trách nhiệm về truyền thông đã thấy là vấn đề này quan trọng.

Cha kết luận: “Chúng ta sẽ không quên những kinh nguyện và bài hát được diễn tả bằng các cử động của đôi bàn tay,và các bài diễn văn của Đức Thánh Cha được phiên dịch bằng ngôn ngữ dấu hiệu. Các tín hữu biết rằng vào ngày chung thẩm, Chúa Kitô khi còn ở dưới thế đã mở tai cho người điếc và mở lưỡi cho người câm, sẽ tra hỏi họ: ‘Ta điếc, các ngươi có giúp Ta nghe được không? Ta câm, các ngươi có giúp Ta nói được không?’ Đây là những vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ.”
 
Top Stories
Dark cloud hovering the grand opening ceremony of Holy Jubilee in Vietnam
J.B. An Dang
08:07 23/11/2009
More than a hundred thousand of Catholics participated in the grand opening ceremony of the Holy Jubilee as Masses being simultaneously celebrated throughout the country. Though the joy on the opening day of the Holy Jubilee in Vietnam was overshadowed by the news that Archbishop of Hanoi had submitted his resignation to the Pope under the pressure of the communist government. French and American Cardinals brought Hanoi Catholics a glare of hope.

The grand opening ceremony at So Kien
Four hundred trumpets and drummers in the opening ceremony
Cardinal Etchegaray and Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet
Archbishop Joseph Ngo with his new crosier
Cardinal Bernard Law delivering his homily
Cardinal Vingt-Trois in Bac Ninh
On Monday evening, Nov. 23, 2009 Cardinal Roger Marie Élie Etchegaray, Vice-Dean of the College of Cardinals; Cardinal André Armand Vingt-Trois, Archbishop of Paris, President of the French Episcopal Conference; Cardinal Bernard Francis Law Archpriest of the Basilica di Santa Maria Maggiore; Cardinal Jean Baptise Pham Minh Man, Archbishop of Saigon, 30 Vietnamese bishops of all 26 dioceses, 1200 priests including dozens of foreign priests from European countries and U.S.A; and an estimate of 120,000 faithful of northern dioceses took part in the grand opening ceremony of the Holy Jubilee in Vietnam.

As it was getting so dark so early in winter, the ceremony began at 5:30pm with the one hour long procession of Martyrs’ relics presided by Bishop Peter Nguyen Van Nhon, President of The Episcopal Conference of Vietnam.

During the procession, the congregation was reminded that in the period of 261 years, from 1625 to 1886, 53 "Edicts of Persecution of Christians" were signed by the Trinh, the Nguyen Lords and the Kings of Nguyen dynasty, one worse than the previous one. During that time, there were approximately 130,000 Christians were being victimized by these persecutions which were widespread throughout the country.

The Vietnamese Martyrs fall into several categories, with those of the Portuguese missionary era (16th century), those of the Dominican and Jesuit missionary era of the (17th century), those killed in the politically inspired persecutions of the 19th century, and those martyred during the Communist era of the 20th and 21th century.

The congregation expressed their gratitude that among an estimate of 130,000 Christians, who had died for their faith, a typical sample of 117 martyrs — including 96 Vietnamese, 11 Spanish Dominicans, and 10 French members of the Paris Foreign Missions Society (Missions Etrangères de Paris) (MEP) — were beatified on four separate occasions: 64 by Pope Leo XIII on May 27, 1900, eight by Pope Pius X on May 20, 1906, 20 by Pope Pius X on May 2, 1909, 25 by Pope Pius XII on April 29, 1951.

All these 117 Vietnamese Martyrs were eventually canonized on June 19, 1988 by Pope John Paul II under a strong protest of Vietnam communist government.

Also, on March 5, 2000, a young Vietnamese Martyr, Andrew Phú Yên, was beatified by Pope John Paul II.

Youth from various dioceses performed plays depicting how 117 Vietnamese Martyrs shed their blood for their faith in many different ways.

- 76 were beheaded with sword.
- 21 were slowly strangled to death by rope.
- 9 were brutally tortured and died in jail.
- 6 were burned alive.
- 5 were slowly sliced off piece by piece until death; their bodies were chopped up.

After the procession of Martyrs’ relics, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi introduced cardinals and bishops who were going to concelebrate in the opening Mass, and special guests.

"Vietnamese Catholics - said Msgr. Kiet - should be grateful to the missionaries who sacrificed their lives to bring us the gifts of the Faith. I feel pride and gratitude for our ancestors who sacrificed their lives to keep the gift. As the Gospel says: 'If a grain of wheat falls to the ground and does not die, it remains alone, but if it dies, it bears much fruit'. The Gospel planted in Vietnam - he added - has known many difficult experiences. These are the forces of evil that want kill the seed of the Gospel. But strangely, the more the seed of the Gospel encounters difficulties, the more it is time to work for a rich harvest. "

The grand opening ceremony was followed by the solemn declaration of the Jubilee by Cardinal Jean Baptiste Pham Minh Man, President of the Holy Jubilee Committee.

After the opening Mass, the Festival Opening Night started with a sea of candle lights welcoming the spectacular performance from the Diocese of Bui Chu band of 400 trumpet players following the procession of 118 sisters of St. Paul Congregation in Hanoi.

The Festival Opening celebration continued throughout the night with a wealth of art works illustrating a rich history of 350 years since the creation of the two dioceses of North and South Vietnam (1659-2009), and 50 years since the establishment of the Catholic hierarchy in Vietnam.

The grand opening ceremony at So Kien, 70 km South of Hanoi, was the second recent largest Catholic gatherings in North Vietnam up to date. The largest one was the Mass at Xa Doai on Aug. 15, when more than half a million of Catholics protested against the brutal assaults against their priests in Tam Toa.

While the event in Vinh diocese had been intentionally ignored by state media, the grand opening ceremony at So Kien on Monday was widely reported and interpreted by state media as “an equivocal evidence” for the Religious Freedom Policy of Vietnam government.

The joy on the opening day of the Holy Jubilee in Vietnam, however, was marred by the news that Archbishop of Hanoi had submitted his resignation to the Pope.

At the annual retreat of priests in Hanoi Archdiocese concluded on Nov. 14, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet told his priests that he had submit his resignation to Pope Benedict XVI citing his deteriorating health. In fact, Monsignor Joseph Ngo, 57, is among the youngest bishops in Vietnam.

Judging by his appearance, the prelate seems to look healthy and has been able to keep up with a tight schedule for such a large archdiocese. For most Vietnamese Catholics, the underlying cause of his resignation is obviously the persistent pressure from Vietnam government after a series of Church land disputes in recent years.

Nguyen The Thao, chairman of Hanoi’s People Committee has repeatedly called for the prelate’s resignation. On Oct. 15 2008, Thao met with foreign diplomats and charged that "a number of priests, led by Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet, took advantage of parishioners’ beliefs and their own low awareness of the law to instigate unrest, intentionally breaking the law and acting contrary to the interests of both the nation and the Church" trying to gauge diplomats’ attitude toward possible government action Church officials.

The next day, the Saigon Liberated News reported Thao's insistence that "the Hanoi archbishop must be transferred out of Hanoi as he has neither reputation nor creditability with the city’s citizens, including Catholic faithful."

Since then, Thao has repeatedly called for the prelate’s transfer and in many occasions the prelate has lamented on “enormous obstacles” in his pastor activities. The preparation for the grand opening ceremony serves as a typical example.

Rumors on the prelate’s “must go” plan has circulated among Catholics after the "Ad Limina" visit of Vietnamese bishops in June 2009. However, the official announcement of his resignation by the prelate himself still caused shock waves among not only Catholics who love him dearly but also fellow-countrymen who came to know and admire him as a patriot who cares deeply for the freedom of speech and expression of citizens in a country where corruption is rampant.

Upon hearing the news from their local priests, on Sunday morning of Nov. 22, the Feast of Christ the King, tens of thousands of Catholics in Hanoi packed the St. Joseph Cathedral of Hanoi listening attentively to Cardinal Roger Etchegaray who concelebrated the Mass with their archbishop.

The sermon and speech that he delivered at the end of the Mass were translated into Vietnamese by Fr. Jean-Baptiste Etcharren, Superior General of Missions Etrangères de Paris, who speaks Vietnamese at the level of a native tongue. He even impressed the large audience with rare Vietnamese idioms that only Vietnamese novelists and intellectuals are familiar with.

During his speech, Cardinal Roger Etchegaray solemnly gave his crosier to Archbishop Joseph Ngo as a gift, declaring that he would not be bringing it back to Rome with him.

Hours after Mass, crowds of Catholics still gathered in front of the cathedral expressing how the cardinal’s gesture had made such a deep impact on them.

Some interpreted it as a symbolic gesture that Rome wanted Archbishop Joseph Ngo to stay in Hanoi granting him more supports through diplomatic means.

Also, access to Vietnamese Catholic Websites soared unexpectedly during Sunday with Net-surfers looking for the full-text and audio, video clips of Cardinal Etchegaray’s speech. Minutes after the Mass, VietCatholic News published an audio clip of the cardinal’s speech fuelling excited discussions on his gesture on Vietnamese blogs of both Catholics and non-Catholics.

Some, quoting John L. Allen Jr. of National Catholic Reporter, stated that the cardinal earned the title of the pope’s “mission impossible” man, and that he was papal trouble-shooter, having represented John Paul in such hotspots as Vietnam, Burundi, China, East Timor, and the Middle East.

In fact, in 1989, Cardinal Etchegaray was the first Special Envoy of the Holy Father Pope John Paul II to visit 10 of Vietnam’s 25 dioceses. The next year, he led the first visit to Vietnam of Holy See Delegation for talks with the communist government.

A glare of hope seemed to flash out from the cardinal’s gesture.

On Sunday evening, St. Joseph Cathedral of Hanoi was packed again with tens of thousands of Catholics who attended the Sunday Mass concelebrated by Cardinal Bernard Francis Law and Archbishop Joseph Ngo.

The presence of the American cardinal among them, along with his inspirational sermon had undoubtedly warmed many hearts. His sermon was responded with thunderous applauses, especially when the cardinal made a reference to the Vietnamese Martyrs and the sufferings of the Church in Vietnam.

In Bac Ninh, 30km North of Hanoi, the hometown of handicrafts and Quan Ho folk songs, Cardinal André Armand Vingt-Trois of Paris was warmly welcome by Catholic faithful when he concelebrated the Mass of Christ the King with Bishop Cosma Hoang Van Dat of Bac Ninh, and Bishop Michael Hoang Duc Oanh of Kontum.

The president of the French Episcopal Conference had an opportunity to enjoy a unique Catholic Quan Ho Folk Arts Troupe which performs famous Quan Ho songs and the play of “The Parable of the Ten Virgins”. In recent years, Catholic Quan Ho troupes have composed some plays as demonstration from Biblical text, using them as a means for evangelization.

Cardinal Vingt-Trois gave Vietnamese bishops copies of his new book titled “Evêques, prêtres et diacres” published in time for the celebration of the Year for Priests. He will reportedly celebrate the opening ceremony of Holy Jubilee in Bac Ninh diocese on Nov. 25.
 
Per la prima volta il governo vietnamita permette di pubblicare una raccolta di inni
Asia-News
08:36 23/11/2009
Presentato il primo volume dell'opera, che raccoglie 500 testi sacri. La mancanza di un innario ufficiale ha provocato, a volte, modificazioni amche profonde dei testi originali. Nuovi canti, inoltre, in taluni casi usano espressioni moderne e perfino il dialetto.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) – Per la prima volta i vescovi vietnamiti hanno avuto il permesso del governo di pubblicare una raccolta di inni sacri (nella foto). L’iniziativa è stata presentata nel corso della settimana dedicata alla Conferenza di musica sacra da mons. Paul Nguyen Van Hoa, che guida lo specifico Comitato della Conferenza episcopale, la settimana scorsa a Ho Chi Minh City.

Il primo volume della raccolta contiene 500 inni – scelti tra i 4mila più amati – è stato accolto dal fragoroso applauso rivolto al gruppo di una dozzina di sacerdoti, musicisti e direttori di cori che hanno raccolto i canti, composti dall’inizio della musica di chiesa fino all’unificazione del Vietnam, nel 1975. Il secondo volume dovrebbe essere presentato entro la fine del giubileo della Chiesa vietnamita, che terminerà nel gennaio 2011.

Finora i cattolici non avevano potuto pubblicare una raccolta dei loro inni, a causa della abituale vigilanza della censura sulla musica, la dura politica religiosa e ostacoli burocratici. La mancanza di un innario ufficiale ha spinto diverse comunità a comporre propri canti, alcuni dei quali non hanno corrispondenza teologica. “Preoccupa anche il linguaggio usato in alcuni casi”, ha detto Peter Minh Tran, uno dei partecipanti alla Conferenza. “Alcuni autori – ha spiegato – sono così attenti alla ‘modernizzazione’ da usare terminologia contemporanea e persino il dialetto”. Secondo me, invece, il linguaggio degli inni deve essere quello della preghiera, trasparente e comprensibile”.

Mons. Paul Nguyen rivela che già in passato il Comitato di musica sacra aveva invitato gli autori di inni a sottoporre le composizioni al suo esame, ma la mancanza del permesso governativo a pubblicare un innario aveva fatto ignorare la richiesta.

La mancanza dell’autorizzazione e anche quella di fondi avevano spinto i cori parrocchiali a usare abitualmente testi scritti a mano, a volte con radicali cambiamenti rispetto ai versi originali, rendendoli lontani dalle intenzioni dei loro autori..

Lo stesso padre Nguyen sottolinea che la nuova raccolta comprende solo canti antichi, ben noti e amati. Alcuni sono antichi di oltre un secolo e il Comitato ha speso più di quattro anni per raccoglierli nella loro forma originale.

Una studentessa universitaria, Marie Pham, sottolinea invece come in alcuni casi le parole di alcuni antichi inni possano essere modificate per renderle più comprensibili, a causa dell’evoluzione del linguaggio e per adeguarli al contesto. La Pham porta ad esempio quanto accaduto durante le proteste della parrocchia di Thai Ha, quando “abbiamo cambiato le parole di un inno ben conosciuto. Ogni volta che lo cantavamo, eravamo così commossi…”. Il passo al quale la studentessa si riferisce, nella sua forma originale dice: “Madre nostra, abbi pietà della nostra nazione. Nubi di guerra distruttiva si delineano su tutto il nostro Paese”. E’ stato cambiato in “Made nostra, abbi pietà della nostra nazione. L’ingiustizia infuria su tutto il Paese”.
 
INDE: L’Eglise catholique réitère son souci d’évangéliser tout en préservant l’héritage culturel des aborigènes
Eglises d'Asie
19:12 23/11/2009
« Nous devons réfléchir précisément sur les problèmes que nous rencontrons dans notre travail, dans un contexte de grande transformation socioculturelle, et réfléchir à la manière de présenter le message du Christ à nos frères et sœurs aborigènes », a expliqué Mgr Thomas Menamparampil, archevêque de Guwahati, dans l’Etat de l’Assam, lors d’une session à Calcutta (Kolkata) réunissant des membres éminents du clergé et des congrégations religieuses catholiques, du 17 au 19 novembre dernier (1). Les participants, au nombre d’une quarantaine environ, comprenaient quatre évêques, des prêtres, des missionnaires religieux, mais aussi des leaders de groupes autochtones. Venus de tous les Etats de l’Union indienne où vivent d’importants groupes indigènes (2), les membres du séminaire ont échangé pendant trois jours au sujet de leurs expériences de vie et des problèmes qu’ils pouvaient rencontrer dans leur mission.

S’appuyant sur sa longue expérience en milieu aborigène dans le Nord-Est de l’Inde, le prélat salésien, également chargé du Bureau pour l’évangélisation de la Fédération des Conférences épiscopales asiatiques (FABC) (3), a rappelé aux missionnaires qu’ils devaient s’attacher à « comprendre » et « considérer avec respect » les adivasi (aborigènes ou ‘tribals’), à l’inverse des fonctionnaires du gouvernement, qui les traitaient comme des sous-hommes ou des criminels. L’archevêque de Guwahati a insisté tout particulièrement sur la nécessité d’aider les peuples aborigènes à se rapprocher du Christ sans perdre pour autant leur identité culturelle et leurs traditions, comme l’industrialisation et l’irruption de la modernité commencent à le faire au sein de certaines communautés adivasi.

Il faut aller chercher les gens où ils se trouvent et, s’il le faut en dehors des structures classiques de l’Eglise. Aucun travail d’évangélisation ne peut se faire sans l’établissement de véritables relations avec les personnes, sans s’intéresser aux gens, aux familles et aux liens tribaux, a poursuivi Mgr Menamparampil.

Il s’agissait de la sixième rencontre de ce type depuis 1989, où, vingt ans plus tôt, l’archevêque de Guwahati lançait la première session de réflexion avec le futur cardinal Telesphore Toppo, archevêque de Ranchi et premier aborigène à avoir été élevé au cardinalat (4). Au sein de l’Eglise catholique de l’Inde, les deux prélats sont considérés comme des figures de l’évangélisation et de la réconciliation interethnique.

Selon le dernier recensement indien (2001), les adivasi, toutes ethnies confondues, représentent 17 % de la population de l’Inde. Ils comptent une forte proportion de chrétiens, en particulier dans les Etats du Nord-Est du pays.

(1) SarNews, 19 novembre 2009, Ucanews, 23 novembre 2009.
(2) Il s’agit essentiellement des Etats de l’Assam, de l’Arunachal Pradesh, du Chhattisgarh, du Jharkhand, du Manipur, du Meghalaya, du Madhya Pradesh, du Rajasthan, du Tripura et du Bengale-Occidental.
(3) Mgr Menamparampil, entre autres fonctions, est également à la tête de la Commission pour l’Education et la Culture de la Conférence des évêques catholiques de l’Inde (CBCI); il préside la Conférence des évêques du Nord-Est de l’Inde et auteur de nombreux ouvrages sur l’évangélisation. Dans le cadre de la Commission pour la paix dans le Nord-Est de l’Inde, un groupe qu’il a créé, il œuvre depuis près de 40 ans pour la paix interethnique dans cette région de conflits endémiques.
(4) Le cardinal Telesphore Placidus Toppo, archevêque de Ranchi (Etat du Jharkhand) et président de la Conférence des évêques catholiques de l’Inde (CBCI), est le premier aborigène en Asie à avoir été élevé au cardinalat.

(Source: Eglises d'Asie, 23 novembre 2009)
 
Vietnam: Cent mille fidèles attendus à So Kiên pour l’ouverture de l’Année Sainte
Zenit.org
21:51 23/11/2009
Première cathédrale du diocèse

ROME, Lundi 23 novembre 2009 (ZENIT.org) - Cent mille fidèles attendus pour les fêtes de l'ouverture de l'Année Sainte à So Kiên, ancien cœur de la communauté catholique du Tonkin occidental, indique « Eglises d'Asie » (EDA), l'agence des Missions étrangères de Paris (MEP).

Il ne reste plus que quelques jours avant les fêtes d'inauguration de l'Année Sainte, qui vont avoir lieu, le 23 et 24 novembre, à quelque 70 km de Hanoi, à So Kiên, le lieu où fut bâtie la première cathédrale du diocèse dans la deuxième partie du XIXème siècle (1877-1882). Mercredi 18 novembre, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt, archevêque de Hanoi, chargé de coordonner l'organisation de la fête, s'est rendu sur place pour se rendre compte de l'état des travaux de préparation et donner les dernières directives. Il en est revenu, semble-t-il, satisfait. Les préparatifs, pris en charge par les dix diocèses du Nord, en sont à leur dernière phase. Matériaux et équipements ont déjà été transportés de Hanoi et attendent d'être mis en place. Les 26 mâts auxquels seront accrochés les drapeaux des 26 diocèses du Vietnam sont déjà dressés. Les fidèles de la paroisse de Ham Long s'appliquent, depuis quatre jours, à élever l'estrade et tout le décorum qui l'accompagne. Elle sera située au milieu d'une place capable d'accueillir des centaines de milliers de participants. Le sol a déjà été aplani. Les équipes spécialisées mettent les bouchées doubles car, dès le 22 novembre, les milliers d'acteurs, d'artistes et de chanteurs qui vont animer la séance artistique, dans la nuit du 23 au 24, seront sur place pour la répétition générale.

Selon les prévisions du comité d'organisation, le nombre des fidèles qui viendront participer à cette fête devrait approcher de 100 000. Les prêtres seront à peu près 4 000. Les cérémonies vont commencer le 23 novembre à 17h30 par une immense procession aux flambeaux en l'honneur des saints martyrs du Vietnam. Elle sera suivie par un certain nombre de gestes collectifs symboliques: l'embrasement du flambeau de la foi, le geste de vénération des ancêtres, la cérémonie de réconciliation. Puis, le cardinal-archevêque de Saigon proclamera l'ouverture de l'Année Sainte et les autorités civiles présenteront leurs vœux à l'assemblée. A 19 h30, commencera une grande veillée sur le thème « si le grain ne meurt... ». Des courtes pièces de théâtre, des sketches, des chants évoqueront les événements les plus marquants de l'histoire de l'Eglise dans le pays et surtout le témoignage, la vie et la mort des martyrs. Le lendemain, sur le même lieu, avec une foule sans doute encore plus nombreuse, sera célébrée la messe des 117 martyrs du Vietnam.

Le lieu de l'inauguration, So Kiên, aussi appelé Ke So, est aujourd'hui une paroisse importante, de près de 8 000 fidèles. En dehors des facilités offertes à l'organisation d'une manifestation de cette importance, ce lieu a été retenu pour le rôle important qu'il a joué dans l'histoire du vicariat apostolique du Tonkin, dont l'Année Sainte commémore les 350 ans. Il est longtemps resté le centre du Tonkin occidental jusqu'à ce que la cathédrale soit transférée au centre de la ville de Hanoi. Après la destruction, en 1858, de Ke Vinh (Vinh Tri) et la signature du traité de 1862 autorisant la liberté religieuse, le vicaire apostolique, Mgr Hubert Jeantet (1861-1867), vient s'y installer. Au fil du temps, sont édifiés des bâtiments abritant un grand séminaire, une école de latin, une école de catéchistes, l'économat, l'imprimerie, une église, sans compter le couvent des Amantes la Croix, une école et un hôpital. En 1867, à l'initiative de Mgr Puginier et avec la contribution de toute la communauté, seront entrepris les travaux de construction de la première cathédrale du vicariat. Ils seront achevés en 1882 et donneront naissance à un édifice aux dimensions particulièrement imposantes, l'actuelle église de So Kiên.

De très nombreux souvenirs sont attachés à cette paroisse de Ke So. C'est là que furent consacrés un grand nombre de vicaires apostoliques. Beaucoup d'entre eux y reposent aujourd'hui à l'intérieur de l'église. En 1912, Mgr Gendreau y convoqua le deuxième synode des ordinaires du Tonkin, avec la participation de cinq vicaires apostoliques et de deux des administrateurs apostoliques. Ce deuxième synode continua l'œuvre du premier, convoqué en 1670 par Mgr Lambert de La Motte. Une imprimerie de la mission fonctionna à So Kiên jusqu'en 1929, date à laquelle fut transférée à Hanoi.

(1) Les matériaux empruntés pour cette présentation ont été fournis par divers articles mis en ligne sur le site Internet de la Conférence épiscopale du Vietnam.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mùa Vọng này Tòa Thánh đã thổi cho bừng lên
Gioan Lê Quang Vinh
06:26 23/11/2009
Nhiều năm trước, khi Đức Hồng y Etchegaray lúc ấy còn là Chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hoà Bình của Toà Thánh sang Việt nam lần đầu, chúng tôi được tháp tùng Cha Vũ Khởi Phụng vào yết kiến ngài tại toà Tổng Giám Mục Sàigòn. Ấn tượng đẹp và lớn nhất mà chúng tôi còn giữ đến hôm nay chính là nụ cười và phong thái lắng nghe của ngài, sự lắng nghe của người mục tử chân chính, đem đến niềm hy vọng cho Dân Chúa. Năm nay tôi không được vinh dự gặp lại ngài khi ngài đến dâng lễ cùng với Đức Tổng Giám Mục Giuse Hà nội, nhưng lòng tôi lại bừng lên và cảm được trọn vẹn ý nghĩa Mùa Vọng đang đến khi nghe những lời Đức Hồng Y nói lúc cuối lễ.

Khi nhận bó hoa đẹp từ cộng đoàn Dân Chúa Hà nội, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng “bó hoa đẹp nhất là bó hoa của niềm hy vọng”. Câu nói đơn giản thôi nhưng sao gây ấn tượng lạ lùng. Lịch sử dân Chúa trong Cựu Ước không nhắc nhiều đến hoa. Tân Ước cũng không ghi lại nhiều về hoa. Nhưng mỗi lần Đức Giêsu nhắc đến bông hoa là mỗi lần Ngài nhấn mạnh tình thương lạ lùng của Thiên Chúa: “Hãy nhìn xem hoa huệ ngoài đồng, chúng không gieo không gặt…”. Khi các môn đệ hái bông lúa ăn vào ngày Sabat và bị các biệt phái lên án, Đức Giêsu lại thổi vào đấy tình yêu và niềm hy vọng. Mới đây, thông điệp Spe Salvi của Đức Thánh Cha Benedicto XVI cũng nhắc đi nhắc lại cho dân Chúa rằng đức tin của chúng ta, đức tin của Hội Thánh được nâng đỡ bằng niềm hy vọng lớn lao mà Thiên Chúa đã trao ban. Mùa Vọng chính là thời điểm chúng ta cùng với Hội Thánh sống lại niềm hy vọng của dân Chúa khi đi về Đất Hứa, niềm hy vọng của dân Chúa khi đợi chờ Đấng Cứu Thế xuất hiện và niềm hy vọng của các Tông Đồ những ngày Chúa chịu khổ nạn.

Đức Hồng Y Etchegaray còn thổi vào Giáo Hội Việt Nam niềm hy vọng lớn lao hơn khi ngài trao gậy Tổng Giám Mục lại cho Đức Tổng Giuse Hà nội. Ngài nói chiếc gậy này của Đức Tổng Giuse thì phải được trao lại cho ngài. Đức Hồng Y không muốn mang đi “như người kẻ trộm trên thập giá”. Cộng đoàn tín hữu trong nhà thờ chính toà Hà nội vỗ tay reo mừng, và hàng triệu người tín hữu Công giáo Việt nam cũng đang vỗ tay hò reo vang dậy khi Mùa Vọng đang đến, vì rõ ràng vị đặc sứ Toà Thánh đã nói công khai niềm tin của ngài vào vị Tổng Giám Mục anh hùng của Giáo Hội Việt nam. Đức Tổng chính là hình ảnh của các vị chủ chăn của Giáo Hội Việt nam đang ngày càng vững vàng trong chức vụ của mình. Đức Hồng Y quả thật sâu sắc khi ngài nói so sánh việc nhận lại gậy Đức Tổng Giuse với hành vi của người cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu Cứu Thế. Nhưng Tin Mừng còn nói rõ “kẻ trộm đã thống hối”, chẳng còn dám trộm cắp nữa.

Dường như trước những thông tin tứ bề gây hoang mang cho dân Chúa, Toà Thánh vẫn nhẩn nha từ tốn đi những bước rất dè dặt và khôn ngoan. Sự khôn ngoan của Toà Thánh là sự khôn ngoan đến từ Thần Khí của Thiên Chúa, luôn đến để thúc đẩy con người và xã hội trần thế đi lên cho đến lúc chạm vào siêu việt. Ai chờ đợi ở Toà Thánh cái khôn ngoan thế gian thì hẳn không hiểu được Mùa Vọng là gì.

Hội Thánh không chủ trương đề cao cá nhân, và ơn cứu độ cũng là ơn được ban cho con người trong cộng đoàn dân thánh. Nhưng những nỗ lực cá nhân và sự can trường bênh vực đức tin của từng cá nhân trong Hội Thánh được Đức Giêsu ghi nhận như những viên đá cùng với đá tảng góc tường làm cho vòm nhà Hội Thánh kiên vững. Với nhận định sâu sắc và nhân hậu của Đức Hồng Y Etchegaray, Giáo Hội Việt nam có quyền tin tưởng và hy vọng rằng Toà Thánh yêu quí Giáo Hội Việt nam, yêu quí từng con người trong Giáo Hội non trẻ này, và hồng ân năm thánh đã thực sự khởi đầu.

Lạy Mẹ Maria là Đấng đã đón nhận lời hứa cứu độ bằng việc thực thi Lời Chúa phán, xin cho chúng con khi chuẩn bị trong niềm hy vọng đón nhận hồng ân Chúa, thì cũng nỗ lực góp phần xây dựng Hội Thánh địa phương với lòng quảng đại và can đảm.
 
Nghi Lễ Khai Mạc Năm Thánh 2010
Ban Tổ Chức
06:44 23/11/2009
NGHI LỄ KHAI MẠC NĂM THÁNH 2010
Sở Kiện ngày 23-11-2009

17:00: Ổn định hàng ngũ
Các Cha mặc áo alba và đeo dây stola đỏ, các Đức Cha mặc rochet và mozzetta, mọi người cầm nến cháy sáng

17:30: Rước kiệu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Đức cha Chủ tịch Nguyễn Văn Nhơn chủ sự

18:30: Nghi thức khai mạc
- Giới thiệu các vị khách quí (Đức cha Phó chủ tịch)
- Nghi thức đốt đuốc đức tin (GP Hải phòng)
- Nghi thức kính nhớ tổ tiên (GP Bắc ninh )
- Nghi thức hòa giải (GP Thanh hóa)
- ĐHY Phạm Minh Mẫn, Trưởng Ban tuyên bố khai mạc Năm Thánh
- Đại diện Chính quyền chúc mừng.

19:30: Canh thức diễn nguyện với chủ đề
“HẠT GIỐNG MỤC NÁT VÀ NẨY MẦM”

1. Biểu diễn: 400 kèn và trống Bùi Chu, Thái Bình và 118 Sơ Phao Lô Hà Nội nến và cành thiên tuế

2. “Tin mừng bắt đầu đến miền Bắc với cha Đắc lộ ” Kịch ngắn "Cha Đắc lộ đến Cửa Bạng và rao giảng"
Biểu diễn: Giáo Phận Thanh Hóa

3. “Nhiều người tin nhận nhưng có nhiều tranh luận” Kịch ngắn "Hãy Vững tin"
Biểu diễn: Giáo phận Hải Phòng

4. “Cấm đạo: nhiều chứng nhân bị bắt bớ ” Ca kịch: Mẹ La Vang
Biểu diễn: Giáo phận Bùi Chu

5. Hoạt cảnh "Các Chứng nhân bị giam cầm"
Thánh Lê Bảo Tịnh, Thánh Nguyễn Khắc Cần, Thánh Nguyễn Huy Mỹ, Thánh Anna Đê, Thánh Anne Dũng Lạc.

Biểu diễn: Giáo Phận Phát Diệm

6. “Các chứng nhân bị hành hình” Hoạt cảnh "Giờ Trảm Quyết" - Dân Ca Nghệ tĩnh
Biểu diễn: Giáo Phận Vinh

7. “Tin mừng đi theo các dòng sông thành điệu Quan họ” Ca cảnh "10 cô trinh nữ" - Quan họ Bắc Ninh
Biểu diễn: Giáo phận Bắc Ninh

8. “Tin mừng thấm vào vùng đất phù sa đồng bằng sông Hồng với điệu hát chèo” Chèo " Đức Mẹ thăm Viếng"
Biểu diễn: Giáo phận Thái Bình

9. “Tin mừng ngược lên miền núi Tây bắc với đồng bào H’mông” Hát múa "Đẹp thay"
Biểu diễn: Giáo phận Hưng Hóa

10. “Tin mừng đi đến tận cùng biên giới với điệu hát “Then” Vũ khúc hân hoan
Biểu diễn: Giáo Phận Cao Bằng Lạng Sơn (50 giáo dân trong trang phục Tày - Nùng, múa và hát)

11. Giáo Hội Việt Nam nở hoa trưởng thành
Biểu diễn: Dòng Phaolô Hà Nội Đốt nến, cầm lá thiên tuế

12. Thả chim bồ câu hoặc Bóng bay, ghi lời tạ ơn bằng lân tinh

13. Đội trống kèn Thái Bình - Bùi Chu cùng 2000 diễn viên cùng có mặt trên sân khấu
- Pháo hoa
-Thả 130.000 lời Chúa và lời thánh tử đạo xuống giáo dân
 
Chương Trình Lễ Khai Mạc Năm Thánh
Ban Tổ Chức
06:47 23/11/2009
CHƯƠNG TRÌNH LỄ KHAI MẠC NĂM THÁNH 2010

Ngày 23-11-2009

17:30: Kiệu các thánh Tử Đạo

18:30: Nghi thức Khai mạc Năm Thánh:
-Đốt đuốc đức tin
-Kính nhớ Tổ Tiên
-Sám hối
-Lời khai mạc
-Lời chúc mừng

19:15: Canh thức diễn nguyện.

Ngày 24-11-2009

08:00: Mặc áo lễ
08:30: Rước đoàn đồng tế ra lễ đài
09:00: Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh
11:00: Cắt băng khánh thành nhà Trưng bày Di tích Tử đạo
11:30: Cơm trưa.


 
Nhật ký Sở Kiện: Tái hiện một nét trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam ?
DXT
09:25 23/11/2009
Tái Hiện Một Nét Trong Cuộc Truyền Giáo Tại Việt Nam?

Sở Kiện 23.11.2009 - Bốn giờ chiều ngày 23/11, tôi theo xe của giáo phận về tới Trung Tâm Hành Hương Sở Kiện để tham dự lễ khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, do tổng giáo phận Hà Nội phối hợp với các giáo phận trong giáo tỉnh Hà Nội tổ chức. Chưa kịp thu tất cả quang cảnh chung quanh vào mắt, tôi đã được các hướng dẫn viên đưa tới bàn tiếp tân để nhận phù hiệu sau khi đã khai báo tên tuổi – ngành nghề - giáo phận. Kê khai vừa dứt, tôi đã được một hướng dẫn viên giao cho một ông giáo dân đứng tuổi. Ông mời tôi lên xe honda để đưa về nhà, tắm rửa, ăn tối, trước khi tham gia đoàn rước kiệu tôn vinh các thánh tử đạo Việt Nam.

Tại đây tôi đã gặp 4 linh mục khác, người vừa rửa mặt rửa tay chân xong, người đang ngồi trò chuyện với các linh mục khác và chủ nhà. Bây giờ tôi mới hiểu cách tiếp đón khá bất ngờ tại Sở Kiện: khoảng 150 gia đình trong giáo xứ có điều kiện ăn ở đã tình nguyện đón tiếp chừng 800 linh mục nghỉ đêm và cơm nước trong thời gian tham dự lễ khai mạc Năm Thánh.

Đây không phải chỉ là biện pháp tiện lợi để giảm nhẹ gánh nặng cho ban tổ chức trong việc giải quyết vấn đề phục vụ lượng khách quá đông ở một nơi hành hương chật hẹp, không có những nhà ăn ở tập thể rộng lớn hay nhiều nhà nghỉ tiện nghi. Mà nhất là nó làm tôi nhớ đến một trong những phương cách đã trở thành quen thuộc để truyền giáo ở những vùng đất xa lạ của Việt Nam, không chỉ vào những thế kỷ từ 17 đến 19 mà còn ngay trong thế kỷ này.

Con đường lửa đức tin đi qua thường là đi qua các gia đình. Thậm chí còn bắt đầu từ bếp lửa của gia đình. Một bữa cơm gia đình hay đôi khi, chỉ một bát nước chè, là đủ để khởi đầu cho đức tin được nhen lên, được nuôi giữ, được thổi bùng lên và truyền sang người khác. Nhà truyền giáo có thể ghé một căn nhà tranh nào đó trong làng xin bát nước để giải khát và nghỉ mệt; nhân đó, hỏi thăm gia cảnh và giới thiệu đôi chút về mình. Ghé một vài lần và trở thành quen biết. Có lần, ngài được giữ lại để dùng bữa cơm đạm bạc với gia đình. Riết rồi trở thành thân quen, cả những nỗi lòng và tâm sự từ thuở nào cũng được đem ra bày tỏ. Nhà truyền giáo sẽ bắt đầu từ một sự khắc khoải hay ước mơ nào đó để giới thiệu tin mừng và hy vọng do Đức Giê-su mang lại. Dần dần, một gia đình, hai gia đình và cả xóm xúm xít đến nghe “ông khách lạ” hay “ông cha” học đạo, mỗi khi ông ghé thăm. Và từ đó một tổ chức được hình thành, có phân công hẳn hoi: người có nhiệm vụ báo tin, người có công tác lo cơm nước, người được chia việc sắp xếp nơi làm việc và nghỉ ngơi, thậm chí còn có cả người canh gác trong thời kỳ những “kẻ lạ” bị theo dõi… Hầu như sự thành hình và phát triển của đại đa số giáo xứ Việt Nam đều đi qua các gia đình, ít hay nhiều như thế. Chính cách truyền giáo này đã để lại trong Giáo Hội Công Giáo một nét rất rõ: đó là một cộng đồng mang tính gia đình, với những quan hệ mang sắc thái gia đình, các lễ hội và tập tục cũng mang nét gia đình… và dĩ nhiên Tin Mừng cũng phải là tin mừng đáp ứng những băn khoăn và ước nguyện của gia đình – từ từ tiến tới một gia đình rộng lớn hơn, gia đình Giáo Hội, giáo hội của Thiên Chúa và con người. Phương pháp này có được cái lợi là tạo ra sự gắn kết chặt chẽ, nhưng cũng có rủi ro là khép kín trong một gia đình hay một khu xóm hoặc một làng xã nhất định, nếu không giao lưu với những gia đình, khu xóm và làng xã khác.

Các nhà truyền giáo nước ngoài không phải học kinh nghiệm này từ các gia đình Việt Nam cho bằng là nhờ đó mà có nhiều dịp hơn để thể nghiệm phương pháp truyền giáo ấy kỹ lưỡng và cụ thể hơn. Bởi vì ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, Phao-lô và các tông đồ khác thường xuyên truyền giáo theo con đường này: kết hợp với các gia đình để đón nhận đức tin, nuôi giữ đức tin và truyền bá đức tin. Thậm chí, có lúc Phao-lô phải ở lại các gia đình ấy một thời gian khá lâu, và vì thế, phải nghĩ ra một nghề để nuôi thân hoặc để hỗ trợ các gia đình mình đang tá túc, như gia đình hai ông bà Aquila và Priskila.

Phải chăng giáo phận Hà Nội đang góp phần làm sống lại một nét rất đặc thù và cổ điển trong nghệ thuật truyền giáo của Giáo Hội Ki-tô ? Và nhân đây, mời gọi Giáo Hội Việt Nam chúng ta trở về và làm mới lại một nét cố hữu rất đẹp trong đời sống đức tin của chúng ta: đức tin phát xuất từ gia đình và lớn lên trong và nhờ gia đình. Giản dị vì chính Thiên Chúa – nguồn cội và đối tượng trên hết của đức tin – cũng vốn là một Thiên Chúa của gia đình, một Thiên Chúa với Ba Ngôi. Nhất là sau khi đã thử nghiệm và thực hành nhiều phương pháp truyền giáo khác. Chưa kể một sự thật phũ phàng: các xã hội tiến bộ và các xã hội đang tiến bộ như Việt Nam đang phải chứng kiến sự già nua mỏi mệt và sự đổ vỡ suy sụp của mình, một phần là do chúng đã bị già cỗi và sụp đổ từ trong hạ tầng cơ sở là các gia đình và các quan hệ trong gia đình. Thế mà, gia đình không phải là một mối quan tâm tùy nghi hay phụ thêm, mà phải là mối quan tâm hàng đầu và căn bản; gia đình cũng không phải là đối tượng bên cạnh hay khi cần, mà phải là đối tượng trước hết và ưu tiên.
 
Đoàn Người Đông Đảo Nô Nức Kéo Về Sở Kiện
Ban truyền thông TGPHN
09:35 23/11/2009
Đoàn Người Đông Đảo Nô Nức Kéo Về Sở Kiện

Sở Kiện, 23/11/2009, chỉ còn 7 tiếng nữa cả Giáo Hội Việt Nam bước vào Năm Hồng Phúc. Ngay từ sáng sớm chúng tôi đã thấy từng đòan giáo dân tiến về khu vực Sở Kiện.

Đòan anh chị em đến từ Quảng Bình đã đi từ hôm trước, trước khi đến Sở Kiện, đòan đã tranh thủ ghé thăm khuôn viên nhà thờ Phát Diệm.

Gặp anh chị em đến từ Bắc Cạn, từ Thái Nguyên, các bà vồn vã thổ lộ: chúng tôi vui lắm. Mỗi họ giáo chúng tôi thuê một xe để đi. Cha Xứ thông báo cho chúng tôi, ai cũng vui và muốn đi.

Mỗi đòan chúng tôi gặp là một câu chuyện khác nhau sau một hành trình tiến về Sở Kiện. Tất cả đều đến với lòng hân hoan. Nhìn hành trang anh chị em mang theo chăn chiếu, chúng tôi chẳng phải hỏi cũng biết anh chị em sẽ qua đêm trong bất cứ hòan cảnh nào tại Sở Kiện.

Niềm vui đang như sắp vỡ òa trong trái tim giáo hữu Việt Nam. Chúng tôi bắt gặp hình ảnh của các mấy vị chủ chăn đang tươi vui, an bình giữa đàn chiên của mình.

Nhìn vào dòng người tiến về Sở Kiện, người ta dễ liên tưởng tới đòan người đang hành hương trở về với nơi gặp gỡ Tiền Nhân, gặp gỡ Đấng Tạo Thành. Họ lên đường chấp nhận mọi khó khăn phải trải qua của tiết trời mùa đông. Khó khăn đấy, mệt nhọc đấy nhưng môi miệng họ luôn thắm nụ cười như mời gọi: Hãy đến mà khám phá khuôn mặt Đấng tôi tôn thờ.
 
Hình ảnh Sở Kiện 23/11/09
Ban truyền thông TGPHN
09:43 23/11/2009
Hình ảnh sở kiện chiều 23/11/09

 
Nhật ký Sở Kiện: Những Cảm Nhận Trước Giờ Lễ Khai Mạc Năm Thánh 2010
Ban truyền thông TGPHN
09:50 23/11/2009
Nhậ ký Sở Kiện: Những Cảm Nhận Trước Giờ Lễ Khai Mạc Năm Thánh 2010

23.11.2009 21:00

Lúc này là 16 giờ 30 phút (giờ Việt Nam). Khoảng một giờ đồng hồ nữa là diễn ra chương trình khai mạc mừng kỉ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam và 350 thiết lập hai đại diện Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài tại giáo xứ Sở Kiện, chúng tôi có dịp gặp gỡ một số giáo dân để nghe họ bày tỏ cảm xúc. Kính mời quý độc giả cùng đón nghe.

- Cụ bà Maria Vũ thị Tấm đến từ giáo xứ Lỗ Xá, gần 80 tuổi nói: Tôi gặp cụ trong lúc đang ngồi nghỉ trên bãi cỏ để chờ đón một sự kiện trọng đại. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được tham dự một lễ lớn như thế này tại quê hương Việt Nam. Tôi cảm thấy rất vui…

- Cụ ông An-tôn Đỗ Công Tiên đến từ giáo xứ Đạo Truyền, 80 tuổi. Cụ đến đây bằng phương tiện xe đạp. Cụ cho biết: tôi rất hãnh diện và vui vì đến được đây để tham dự một lễ trọng đại thế này, có lẽ đời tôi chỉ được tham dự một lần này. Tôi đã phải chờ đợi mãi và chuẩn bị cho ngày này qua việc dọn mình xưng tội để đón nhận ơn toàn xá.

- Bé Anna Vũ Thùy Trang đến từ giáo xứ An Phú, gần 5 tuổi. Em cho biết em đến đây cùng bố mẹ. Em nói: Con rất thích vì lần đầu tiên được tham dự một thánh lễ đông người thế này. Bố mẹ em cho biết thêm, Trang là người rất chịu đi dự lễ nhưng đối với lễ này thì em mong chờ và háo hức để được đến đây.

- Cụ Maria Phan thị Tẹo đến từ giáo xứ Lỗ Xá, 78 tuổi nói: Tôi rất hãnh diện vì ngày lễ này mang nhiều ý nghĩa, ngoài việc kỉ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam và 350 thiết lập hai đại diện Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài, còn có tính kính nhớ các thánh tử đạo Việt Nam. Tôi cảm thấy rất hãnh diện về quê hương và đức tin của cha ông mình.

- Chị Anna Nguyễn Thị Chiêm đến từ giáo xứ Kim Bảng, 25 tuổi. Tôi gặp chị trong lúc chị đang đứng làm hàng rào danh dự cho ngày lễ với trang phục đẹp đẽ và duyên dáng, chị trò chuyện: con nghĩ cả đời con sẽ chỉ được tham dự một sự kiện trọng đại này nên con đã dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị và tham gia bao nhiêu có thể. Con cảm thấy rất vui và hãnh diện vì cảm nghiệm được phần nào gương các thánh tử đạo Việt Nam, cha ông chúng ta. Con lấy làm hãnh diện về điều đó.

Chúng tôi xin cảm ơn những anh chị em đã chia sẻ niềm vui và sự nhiệt tình của mỗi người đã và đang góp phần thành công cho đại lễ lần này.
 
Diễn Biến Tại Khu Vực Xung Quanh Sở Kiện Chiều Ngày 23/11/2009
Ban truyền thông TGPHN
10:18 23/11/2009
Diễn Biến Tại Khu Vực Xung Quanh Sở Kiện Chiều Ngày 23/11/2009

Hà Nam-Ngày 23/11 từ trưa, người và xe như nước đổ về Sở Kiện. Dọc đường từ Phủ Lý xuống tới Sở Kiện có cảnh sát chốt chặn từng đoạn, vừa để giữ ANTT vừa để hướng dẫn lưu thông.

Con đường cũ từ quốc lộ 1 dẫn vào thị trấn Kiện Khê, tức là vào cổng chính nhà thờ Sở Kiện, được dành cho xe máy. Con đường mới gần như song song với đường cũ, là đường vành đai của thành phố, được dành cho xe ôtô. Cho đến khoảng 16 h 30 đã có khoảng 500 xe hơi tại các bãi để xe. Các cá nhân thầu các bãi xe đã thu phí cao hơn gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với giá được thoả thuận giữa Ban Tổ chức và chính quyền địa phương.

Các xe ưu tiên được chạy tới khu vực cổng chào vào Quảng Trường, các xe còn lại phải dừng từ đầu đường vành đai cạnh quốc lộ 1. Già trẻ lớn bé lũ lượt đi bộ khoảng 2 km từ quốc lộ 1 vào quảng trường. Nhiều người đón xe từ các tỉnh phía Bắc đến Phủ Lý và bắt đầu tay xách nách mang cuốc bộ từ bến xe xuống Sở Kiện qua đoạn đường khoảng 7 km.

Khoảng 17 h, dòng người phải dừng lại trước cổng chào để nhường lối cho đoàn rước kiệu các thánh tử đạo. Có lẽ ít nhất phải sau khi rước kiệu các Thánh Tử Đạo thì cổng chào mới mở để tiếp tục đón đoàn người vào quảng trường.

Từ trưa Ban Tiếp tân đã tích cực đón tiếp quý đức giám mục, linh mục, đại biểu. Các giám mục lưu trú tại khách sạn Hoà Bình, quý cha Tổng Đại diện và một số khách mời đặc biệt lưu trú tại khách sạn Hương Việt.

Ban Tiếp tân đã chuẩn bị chỗ ăn ở cho khoảng 700 linh mục và 700 nữ tu. Tất cả lưu trú qua đêm tại các gia đình trong giáo xứ Sở Kiện, ăn chiều và ăn sáng tại các gia đình. Trưa 24 lễ khai mạc xong mới ăn chung tại nhà xứ Sở Kiện.

Lúc 16 h HĐGMVN đã mở tiệc chiêu đãi các khách mời và đại diện các cấp chính quyền trung ương và địa phương. Đại diện cao nhất cấp Trung ương là ông Hà Văn Núi, Phó Chủ tịch chủ tịch MTTQ Trung ương và đại diện cao nhất ở địa phương là ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.

Khoảng 17 h 45, quý đức cha và quý đại biểu đã có mặt ở nhà xứ Sở Kiện để tiến hành nghi thức rước kiệu các thánh tử đạo. đi đầu là thánh giá nến cao, tiếp theo là các đoàn lễ sinh, các đoàn đại biểu của 26 giáo phận, kiệu hoa, khối nữ tu-nam tu, linh mục đoàn, giám mục đoàn, bộ chấp kiệu rồi kiệu hài cốt các Thánh Tử Đạo. Theo sau là Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, chủ sự ghi thức rước kiệu và các hội đoàn.

Đường rước hình chữ U bắt đầu từ nhà xứ Sở Kiện, kéo dài lên đê sông Đáy giẽ trái hai lần để vào quảng trường và lễ đài. Đoạn đường kéo dài khoảng gần 500 m. Hai bên có các hội đoàn mặc lễ phục đỏ cầm dải vải làm hàng danh dự. Khi trời tối, hàng nghìn ngọn nến được giáo dân thắp lên trên quảng trường và các lối đi trông rất ấn tượng.

Cho đến giờ rước kiệu, các công tác trật tự, lễ nghi, giờ giấc, diễn ra tốt đẹp. Ban Ẩm thực đã lo bữa ăn chiều cho khoảng 2500 ca viên, diễn viên và các khối phục vụ. Ban Y Tế có ba phòng nhưng rất hiếm người gặp vấn đề sức khoẻ. Thời tiết bớt lạnh hơn mấy hôm trước. Hy vọng nghi thức khai mạc và diễn nguyện đêm nay diễn ra tốt đẹp.
 
Ước mơ cho Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam 2010
Lm Giuse Tạ Xuân Hoà
11:51 23/11/2009
Hôm nay, 24/11/2009, Giáo hội Công Giáo Việt Nam chính thức khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội, mừng kỷ niệm 350 năm thiết lập hai Giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Đây là một biến cố quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội tại Việt Nam. Một bạn trẻ chia sẻ với tôi rằng mới chỉ nghĩ đến việc được đi tham dự Thánh Lễ khai mạc là con đã cảm thấy rạo rực trong tâm hồn. Chắc hẳn cũng nhiều người có cùng tâm trạng như bạn trẻ này và đang hướng về Giáo Hội Mẹ trên quê hương Việt Nam yêu dấu. Thật tiếc là tôi đã không thể về tham dự Đại lễ này nhưng tôi hướng lòng về Sở Kiện để cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện.

Năm Thánh dĩ nhiên là phải sống thánh rồi. Nhưng sống thánh là gì? Sống thánh là sống thật. Chỉ trong sự thật mới có tình yêu đích thực. Vì thế mà Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã viết thông điệp “Bác ái trong chân lý” (Caritas in veritate). Không có sự thật, tất cả đều vô nghĩa. Những nụ cười, những ánh mắt, những cái bắt tay, thậm chí cả những nụ hôn, nếu như giả tạo thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Con người dường như đã quá quen sống theo vỏ bọc nên dần họ coi những chuyện đó như chuyện xã giao cần phải có.

Năm Thánh được gọi là năm hòa giải canh tân đời sống, trở về với Thiên Chúa, trở về với tha nhân và trở về với chính mình. Tôi nghĩ rằng mọi nghi thức cử hành trong phụng vụ, mọi cuộc xưng thú tội lỗi, mọi hình thức bề ngoài, nếu như không có những việc làm cụ thể, không có những dấn thân thực sự thì tất cả những cử hành kia không có ý nghĩa gì nhiều. Thông thường, nói đến cử hành Năm Thánh, người ta hay nghĩ đến việc ra tài liệu nọ kia cho dân Chúa học hỏi. Các mục tử hay lo biến đổi đoàn chiên nên đôi khi quên đi nghĩa vụ bản thân mình phải biến đổi. Vì thế, tôi có một vài ước mơ cho Năm Thánh, nhưng chủ yếu là nơi những người lãnh đạo Giáo Hội.

Tôi ước mong Giáo Hội Việt Nam sẽ thực sự có một chỗ đứng trong lòng dân tộc Việt Nam. Giáo Hội đã chủ trương đồng hành với dân tộc thì đây quả là cơ hội thuận tiện để hiện thực hóa chủ trương ấy. Bao nhiêu năm chung sống với chế độ cộng sản, chúng ta vẫn chưa có một tiếng nói nhất định. Chúng ta mới chỉ có tiếng nói trên phạm vị nội bộ tôn giáo của mình. Chúng ta chưa có được tầm ảnh hưởng trên toàn thể xã hội. Đã đến lúc Giáo Hội tạm quên đi quyền lợi của riêng mình và chăm lo cho quyền lợi của mọi người dân Việt Nam. Giáo Hội hãy đặt lợi ích của Quốc Gia và dân tộc lên trên lợi ích của nhóm mình. Để làm được việc đó, Giáo Hội hãy sống quảng đại và cho đi. Giáo Hội hãy tạm ngưng việc đòi lại cho mình đất đai và các cơ sở tôn giáo bị Nhà Nước tịch thâu. Nhưng, Giáo Hội hãy lên tiếng chính thức đòi Nhà Nước phải sử dụng tất cả những cơ sở đó vào mục đích công ích phục vụ hạnh phúc của nhân dân. Hãy công khai cho mọi người biết tất cả các cơ sở hiện đang bị chiếm dụng và được dùng cho tư nhân. Chúng ta có quyền yêu cầu Nhà Nước biến tất cả những cơ sở đó phục vụ hạnh phúc của người dân nghèo. Giáo Hội hãy đứng về phía người dân lên tiếng bênh vực cho sự thật. Biết bao những người dân nghèo khổ đang bị tước đoạt, bị chèn ép, họ đang cần tiếng nói nâng đỡ của Giáo Hội. Giáo Hội hãy lên tiếng bênh vực họ.

Tôi ước mong các Giám Mục Việt Nam can đảm hơn trong việc làm chứng cho sự thật. Giáo Hội tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô là làm chứng cho sự thật. Chúa Giêsu đã trả lời quan Philatô rằng nước Tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã sinh ra và đã đến trong thế gian cốt để làm chứng cho sự thật. Những ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi (x.Ga, 18,35-37). Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã can đảm làm chứng cho sự thật. Ngài đã nói công khai với chính quyền để khẳng định cái quyền làm người. Ngài đã bị truyền thông nhà nước đánh cho tơi bời, nhưng trong sâu thẳm của lòng mình, Đức Tổng có thể mỉm cười vì Ngài đã làm những gì phải làm. Ngài không phải hổ thẹn với lương tâm của mình. Vì thế, tôi ước mong các mục tử khác cũng hãy làm như vậy. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng: Các con đừng sợ !(Mc 5,36). Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn(Mt 10,28). Đừng sợ bị mất đi những đặc quyền đặc lợi. Đừng sợ đoàn chiên của Chúa tan tác khi mình công khai bày tỏ lập trường của mình. Trái lại, đoàn chiên sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi thấy các vị lãnh đạo Giáo Hội can đảm. Giáo Hội không làm chính trị vì Nước Chúa có ở thế gian này đâu, nhưng Giáo Hội có nghĩa vụ bênh vực cho sự thật và công lý.

Tôi ước mong các linh mục hãy thương yêu đoàn chiên hơn trong Năm Thánh này. Các linh mục đừng làm khổ giáo dân. Người giáo dân đã quá đau khổ rồi. Chúng ta đừng chất lên vai người giáo dân những gánh nặng mà chính chúng ta cũng không mang nổi. Linh mục được coi là một Chúa Kitô khác. Hãy bắt chước Chúa để can đảm giải thoát cho giáo dân những gánh nặng lương tâm, những dằn vặt trong tâm hồn. Hãy dám chịu trách nhiệm thay cho dân trước mặt Chúa. Nói một cách mạnh mẽ hơn là linh mục hãy dám chết thay cho đoàn chiên. Có một linh mục đã nói với tôi rằng mình sẵn sàng xuống hỏa ngục thay cho giáo dân. Tôi ước mong tất cả các linh mục cũng hãy làm như thế. Hãy quan tâm đến đời sống không chỉ của người đồng đạo mà là của hết mọi người dân trong vùng mình coi sóc. Hãy đến với dân để lắng nghe tiếng nói của họ. Hãy bắt đầu bài giảng đi từ cuộc sống và nỗi đau của con người. Đừng chỉ giảng lý thuyết suông cứng nhắc. Hãy nói bằng tiếng nói của con tim, của cõi lòng thinh lặng. Hãy đưa người dân đến gặp Thiên Chúa đang hiện diện trong trái tim họ. Hãy cùng đồng hành và chia sẻ với dân trong niềm vui và cả nỗi buồn của cuộc sống. Và sau khi đã làm tất cả những việc đó, hãy tự nói với chính mình rằng: Tôi chỉ là một đầy tớ vô dụng. Tôi chỉ làm những gì phải làm mà thôi.

Tôi ước mong có nhiều những sáng kiến của cá nhân và tập thể, đặc biệt trong việc bác ái và xây dựng con người toàn diện. Những người nghèo lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta. Cứ 6 giây qua đi thì có một trẻ em chết vì thiếu ăn. Cuộc sống của người dân Việt Nam vẫn còn quá nghèo. Tôi ước mong có nhiều các hoạt động từ thiện bác ái cụ thể trong Năm Thánh này như: Thành lập các quỹ khuyến học, quỹ bác ái trên bình diện các giáo xứ, nhất là những nơi có linh mục ở trực tiếp. Hãy cổ võ mọi người đến với những người nghèo, những bệnh nhân, những người đau khổ cách này hay cách khác, nhất là dịp lễ Giáng sinh và lễ Tết cổ truyền của dân tộc sắp tới. Đừng chờ đợi bởi chúng ta không biết phải chờ đến bao giờ.

Ước mơ bao giờ cũng đẹp. Nhưng thực tế cuộc sống thường không như thế. Và vì không như thế nên ta mới ước mơ. Tôi nghĩ rằng mọi thay đổi phải bắt đầu từ chính bản thân mình. Sứ điệp lớn lao nhất Đức Giêsu Kitô gửi cho nhân loại là Tình yêu. Sứ điệp ấy không chỉ được nói bằng lời mà bằng chính cuộc sống hiện thân tình yêu của Ngài. Con người luôn mang những tham vọng và hoài bão lớn lao. Con người ôm ấp trong mình mộng bá chủ thế giới. Con người luôn muốn điều khiển người khác, muốn chỉ huy họ và không muốn ai chỉ huy mình. Bi kịch của cuộc đời cũng hệ tại ở chỗ đó. Con người luôn mong ước người khác biến đổi còn chính mình thì không. Vì thế chỉ khi bản thân tôi biến đổi, tôi mới có quyền hy vọng thế giới thay đổi, bởi khi tôi thay đổi thì ít ra tôi đã góp cho thế giới một công dân tốt. Và nếu như trong Năm Thánh này, ai cũng bắt đầu thay đổi từ chính bản thân mình, tôi tin chắc Giáo Hội sẽ có một mùa gặt bội thu. Và ước mơ của tôi sẽ không trở nên hão huyền. Mong thay!
 
Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam Đã Chính Thức Khai Mạc
Ban truyền thông TGPHN
13:05 23/11/2009
Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam Đã Chính Thức Khai Mạc

SỞ KIỆN – Hôm nay toàn thể giáo hội Việt Nam hướng về Sở Kiện – nơi chuẩn bị diễn ra những nghi thức và thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận tông tòa Đàng Trong – Đàng Ngoài và 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt nam.

Từ khoảng 10 giờ sáng, quý linh mục, tu sỹ nam nữ và bà con giáo dân từ khắp các giáo phận trong cả nước đã tuốn về Sở Kiện, tạo nên cho nơi đây một bầu khí thực sự sôi động, hào hứng của ngày đại lễ.

Trên lễ đài và quảng trường, các công tác chuẩn bị cuối cùng của các ban chuyên môn đang được tiến hành một cách cẩn thận nhưng hết sức khẩn trương. Cờ của 26 giáo phận đã tung bay trên lễ trường.

Đến đầu giờ chiều, lượng người đổ về Sở Kiện mỗi lúc một đông đảo, các con đường dẫn về đây đều trở nên tắc nghẽn.

Sự kiện được chờ đợi nhất – nghi thức khai mạc Năm Thánh - được cử hành trọng thể vào lúc 17h30, khởi đầu bằng nghi thức rước kiệu tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Tham dự cuộc rước kiệu và nghi thức khai mạc có Đức Hồng y Etcheygaray, Đức Hồng y Vingt Trois – Tổng Giám mục Paris, Chủ tịch HĐGM Pháp, Đức Hồng y Gb.Phạm Minh Mẫn, Đức Cha T.Brown – Giám mục Orange, Hoa Kỳ, Cha Etcharen – bề trên tổng quyền hội thừa sai Balê, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Chủ tịch HĐGM, quý Đức Tổng Giám mục, Giám mục Việt Nam, đông đảo quý cha, quý chủng sinh, nam nữ tu sỹ và đại diện giáo dân của 26 giáo phận trong toàn quốc.

Đoàn rước với nến cháy sáng trong tay, tạo nên một bầu khí thật linh thiêng, sốt sắng. Cái lạnh mùa đông Bắc Việt như được xua tan bởi sự ấm cúng trong lòng người và bầu khi đạo đức.

Kiệu ảnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam và đặc biệt có kiệu thủ cấp Thánh Vent được cung kính cung nghinh tới lễ đài giữa những tiếng nhạc trầm hùng và lời kinh Tử Đạo tha thiết xúc động. Đức Cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam đại diện mọi thành phần tham dự dâng lời nguyện xin các Thánh Tử Đạo tổ tiên Việt Nam cầu bầu cùng Chúa ban cho Giáo hội và quê hương muôn ơn lành bình an.

Sau cuộc cung nghinh tôn kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Đức Tổng Giám mục giáo tỉnh Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt đã trịnh trọng giới thiệu các vị khách quý trong nước và quốc tế: Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục và đại diện chính quyền… tham dự nghi thức khai mạc Năm Thánh.

Tiếp đó là nghi thức đốt đuốc Đức Tin – một trong ba nghi thức trọng yếu của lễ khai mạc. Giáo phận Hải Phòng với sự chủ tọa của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên đã long trọng thắp lên ngọn đuốc Đức Tin trong một cử hành rất trang trọng, mang nhiều ý nghĩa. Ngọn đuốc Đức Tin được giáo phận Hải Phòng thiết kế, cao 10m, sẽ được cháy sáng trong suốt những ngày đại lễ của Năm Thánh. Ngọn đuốc tượng trưng cho niềm tin cháy sáng, được truyền rao và giữ gìn qua bao thế hệ từ khi ánh sáng Tin Mừng được loan truyền trên quê hương đất nước này. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với hơn ba thế kỷ chịu sự cấm cách bắt bớ ngặt nghèo nhưng ngọn đuốc với ánh sáng Đức Tin ấy luôn bừng sáng trong lòng mỗi tín hữu, từ đời này qua đời khác, để ánh sáng Tin Mừng luôn chiếu tỏa mọi nơi.

Chương trình lễ khai mạc được tiếp tục với việc Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt – Giám mục giáo phận Bắc Ninh trong lễ phục dân tộc truyền thống chủ sự nghi thức Kính nhớ Tổ Tiên. Đây có thể nói là một phần của lễ khai mạc đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự. Với ý thức hướng về cội nguồn, kính nhớ anh linh các bậc tổ tiên, nghi thức này mang đậm hồn thiêng đất Việt. Có thể nói, để có được những thành quả như ngày hôm nay, giáo hội Việt Nam đã trải qua bao thăn trầm, mà mỗi bước đường đều ghi đậm dấu ấn sự hy sinh can trường của các bậc tổ tiên. Vì thế, trong lúc tưởng niệm các sự kiện trong lịch sử GH Việt Nam, mọi người cùng lắng lòng xuống để kính nhớ các bậc tổ tiên – những vị đã tiếp lửa, giữ lửa và truyền lửa Tin Mừng vô giá cho hậu sinh, bằng chính những gian lao vất vả, những sáng kiến bất ngờ và những hy sinh tận cùng của mình.

Nghi thức Hòa Giải được giáo phận Thanh Hóa chủ trì, được diễn giải một cách ý nghĩa như sau: “Trong lúc quay lại quá khứ để nhìn nhận, cảm phục và tạ ơn các bậc tiền bối đã tiếp lửa, giữ lửa và truyền lửa Tin Mừng một cách xuất sắc, chúng ta không thể không thú nhận, hối tiếc và xin lỗi về những yếu đuối, sai sót và cả những tội lỗi của nhiều ki-tô hữu – trong đó có cả chúng ta – đã vô tình hay hữu ý làm cho ngọn lửa Tin Mừng chẳng những không sáng hơn lên, mà nhiều khi trở nên yếu ớt và lụi tàn ở đây đó, qua cách sống hay qua lời giảng của mình”. Trước khi bước vào một kỷ nguyên mới, bắt đầu với Năm Thánh này, cộng đoàn dân Chúa Việt Nam cùng nhau chân thành tạ lỗi trước mặt Thiên Chúa và mọi người, đồng thời cùng nhau khiêm tốn xin Thiên Chúa và mọi người thứ tha.

Sau ba nghi thức trọng thể của lễ khai mạc, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn – Tổng Giám mục Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban Năm Thánh toàn quốc – đã long trọng tuyên bố KHAI MẠC NĂM THÁNH 2010 của giáo hội Việt Nam. Ngài nhắn gửi tới cộng đoàn mong ước, thao thức của mình: trong năm Thánh, người Công giáo Việt Nam hãy viết lại định nghĩa Đạo Công Giáo vào trong cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đoàn nơi chúng ta sống. Ước mong sử sách sẽ ghi nhận lại định nghĩa này vào trong văn hóa và tiềm thức của mỗi người: Đạo Công giáo – Đạo Yêu Thương, người Công giáo là người luôn ý thức rằng Chúa yêu thương mình và do đó ý thức được bổn phận phải yêu thương tất cả mọi người.

Đại diện các cấp chính quyền, ông Hà Văn Núi – phó chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam đã đọc bài diễn văn chúc mừng nhân dịp khai mạc Năm Thánh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Sau đó, đại diện chính quyền đã tặng hoa chúc mừng đại diện HĐGM Việt Nam trong dịp đại lễ hôm nay.

Sau nghi thức khai mạc Năm Thánh, cộng đồng mọi thành phần dân Chúa cùng tham dự phần canh thức diễn nguyện với chủ đề: “Hạt giống mục nát và nẩy mầm” với 10 phân mục chính do 10 giáo phận thuộc giáo tỉnh Hà Nội đảm trách. Hành trình những trang sử của giáo hội Công giáo tại Việt Nam được tái hiện với những nét điểm xuyết cơ bản nhưng giúp mọi người có cái nhìn tổng thể về Giáo hội Việt Nam. Tiết mục khởi đầu do giáo phận Thanh Hóa diễn lại việc Cha Đắc Lộ đến Cửa Bạng để rao giảng Tin Mừng, các tiết mục tiếp theo tái diễn hành trình truyền giáo và những sóng gió bách hại mà Đạo Chúa phải trải qua.

Đêm diễn nguyện khép lại với màn đồng diễn của đoàn kèn – trống và toàn ban diễn nguyện với số lượng lên với trên 2000 người.

Ước tính đã có khoảng 50.000 giáo dân từ khắp các nơi tham dự cuộc rước kiệu và nghi thức khai mạc Năm Thánh. Hai màn hình lớn được truyền trực tiếp để mọi người tham dự được trọn vẹn các nghi thức và chương trình diễn nguyện.

Bây giờ là 23h00, bà con giáo dân từ các giáo phận xa vẫn đang trên đường về Sở Kiện. Theo ban tổ chức, tham dự Thánh lễ trọng thể ngày mai, sẽ có khoảng trên 100 ngàn giáo dân./.

Ban Truyền Thông TGPHN
 
Đốt đuốc Đức Tin trong ngày khai mạc Năm Thánh 2010
Ban truyền thông TGPHN
13:10 23/11/2009
Đuốc Thiêng

Trong khuôn khổ diễn ra lễ khai mạc năm thánh 2010 mừng kỉ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam và 350 năm thiết lập hai Đại diện Tông Tòa Đàng trong và Đàng ngoài, giáo phận Hải phòng đã phụ trách nghi thức đốt đuốc đức tin. Đây là một trong những nghi thức quan trọng và linh thiêng trong lễ trình khai mạc.

Khởi đầu nghi thức, cha Phêrô Đặng Xuân Thành với tư cách là MC, ngài giới thiêu: Ngay từ thuở ban sơ, Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng, phản ảnh của Ngôi Lời Thiên Chúa là Nguồn Sáng. Rồi khi thời gian chín muồi, Ngôi Lời-Ánh Sáng ấy đã đi vào và ở lại trong trần gian, để xóa tan những dấu vết của hư vô và vô thường, của tội lỗi và bất toàn, đồng thời đưa toàn thể thụ tạo lên hàng con cái Thiên Chúa. Đến giữa thế kỷ 16 (khoảng năm 1533), ánh sáng của Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô ấy đã chính thức chiếu tới mảnh đất Việt Nam thân yêu này. Ánh sáng ấy đã đến và ở lại đây, để giúp nhìn ra và loại bỏ những bóng tối còn vướng vất đâu đó. Hành trình ấy cũng thật dài và cam go, đến nỗi đã có nhiều lần tưởng chừng như ánh sáng này đã bị dập tắt, nhưng cuối cùng lại được thắp sáng và vươn cao…

Kế đến là màn trình diễn văn nghệ hoành tráng của những nghệ sĩ đến từ giáo phận Hải Phòng.

Phần quan trọng và linh thiêng của nghi thức được diễn ra khi Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám Mục Giáo Phận Hải Phòng cầm lửa tiến về cây đuốc để châm ngọn đuốc, cây đuốc bỗng chốc sáng rực hòa với những tràng pháo tay và pháo bông liên tiếp đua nhau khoe sắc. Ánh sáng, pháo hoa và âm thanh là những nét chủ đạo chính trong nghi thức thiêng liêng này.

Như vậy, Ánh sáng của năm xưa đã được tái hiện vào tối hôm nay một cách tượng trưng qua đường đi của ngọn đuốc, được thắp lên tại nơi đã một thời vang bóng trong lịch sử giáo phận Đàng Ngoài và giáo phận Hà Nội, nay mang tên Trung Tâm Hành Hương Sở Kiện. Để từ ngọn lửa năm xưa của các nhà truyền giáo truyền vào Việt Nam mà nay đã kỉ niệm 350 thành lập hai giáo phận đầu tiên và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm. Hơn nữa, ánh sáng sẽ còn tiếp tục cháy mãi sau bây giờ và mãi mãi.

Ánh sáng huyền ảo, âm nhạc du dương, pháo hoa rực rỡ, cùng các màn trình diễn nghệ thuật quyện vào nhau trên một nền sân khấu khoảng 1000 mét vuông đã góp phần làm chương trình lễ khai mạc tráng lệ và thành công.
 
Giáo Hội Việt Nam – Sám Hối Và Hòa Giải Trong Ngày Khai Mạc Năm Thánh 2010
Ban truyền thông TGPHN
13:13 23/11/2009
Giáo Hội Việt Nam – Sám Hối Và Hòa Giải Trong Ngày Khai Mạc Năm Thánh 2010

24.11.2009 01:25

Sám Hối và Hòa Giải là một trong ba nghi thức trọng yếu của lễ nghi khai mạc Năm Thánh 2010. Nghi thức do giáo phận Thanh Hóa thể hiện đã để lại ấn tượng sâu đậm và niềm xúc cảm mạnh mẽ trong lòng mọi người tham dự.

Không gian lễ trường như lắng lại, chỉ còn những xao xuyến xúc động của lòng người hòa với từng ánh nến lung linh làm nền cho nghi thức Sám Hối – Hòa Giải.

Nhắc tới Sám Hối, nhiều người thường nghĩ tới một điều gì đó có pha chút dư vị tiêu cực: tôi có lỗi, tôi nhận. Nhưng nhận lỗi khi mình lỗi phạm đâu phải chuyện đơn giản, nói thì dễ nhưng thực hiện sao mà khó quá! Giáo hội Công giáo đã trải qua lịch sử hơn hai ngàn năm, dù là giáo hội của Chúa, nhưng lại được tuyển chọn giữa người phàm xác thịt nên không thể tránh mắc những sai làm hay thiếu sót. Chúa Kitô là ánh sáng đã đến thế gian nhưng nhiều khi con cái giáo hội đã ưa chuộng bóng tối hơn ánh sáng. Năm thánh 2000, Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II trong một nghi thức sám hối trọng thể, đã lên tiếng xin lỗi thế giới về tất cả những lỗi lầm của Giáo hội trong quá khứ và hiện tại, cử chỉ này đã gây một tiếng vang lớn và có ảnh hưởng sâu sắc.

Trong dịp kỷ niệm 350 năm thiết lập hai giáo phận Tông Tòa đầu tiên tại Việt Nam: Đàng Trong và Đàng Ngoài; 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, giáo hội Việt Nam đã cử hành long trọng nghi thức Sám Hối và Hòa Giải, như một trong ba cử hành chính của nghi thức khai mạc Năm Thánh. Đây là một hành động có ý nghĩa và đánh động suy tư của nhiều người.

Trong lúc quay lại quá khứ để nhìn nhận, cảm phục và tạ ơn các bậc tiền bối đã tiếp lửa, giữ lửa và truyền lửa Tin Mừng một cách xuất sắc, cộng đồng Công giáo Việt Nam chúng ta hôm nay không thể không thú nhận, hối tiếc và xin lỗi về những yếu đuối, sai sót và cả những tội lỗi của nhiều ki-tô hữu – trong đó có cả chúng ta – đã vô tình hay hữu ý làm cho ngọn lửa Tin Mừng chẳng những không sáng hơn lên, mà nhiều khi trở nên yếu ớt và lụi tàn ở đây đó, qua cách sống hay qua lời giảng của mình. Hành vi này đã tạo ra những ngộ nhận đáng tiếc của nhiều đồng bào về ánh sáng Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, đã sinh ra những thành kiến không dễ gì phai nhạt giữa các tổ chức và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đã làm nên những vết thương khó lành do một số thành phần trong Giáo Hội chúng ta gây ra cho những người khác, đã khiến cho những cơ hội quý báu để phát huy tình huynh đệ của dân tộc và sự thịnh vượng của đất nước bị uổng phí…

Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử Công giáo tại Việt Nam, người Công giáo đã và đang phải có những nhìn nhận về đóng góp cũng như thiếu sót của mình đối với dân tộc và quê hương đất nước, cách riêng đối với Chúa và anh chị em của mình.

Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xác định đường hướng mục vụ mới “Sống Đức tin trong lòng dân tộc”, đó cũng là cách xác định nhiệm vụ của mọi thành phần dân Chúa tại Việt nam phải sống đúng tinh thần Phúc Âm và làm chứng nhân cho Chúa. Để làm được điều đó, không thể không lên tiếng sám hối, xin lỗi anh chị em về những thiếu sót, những lầm lỗi chủ quan hay khách quan mình đã gây ra cho anh chị em và hòa giải để cùng nhau sống niềm Tin kiên trung vào Chúa và cộng tác với mọi người kiến tạo một cuộc sống chân thành, đầy yêu thương.

Do đó, trước khi bước vào một kỷ nguyên mới, bắt đầu với Năm Thánh này, Giáo hội Công giáo Việt Nam cùng nhau chân thành tạ lỗi trước mặt Thiên Chúa và mọi người, đồng thời cùng nhau khiêm tốn xin Thiên Chúa và mọi người thứ tha để mọi thành phần dân Chúa trở nên những khí cụ bình an của Chúa, sống Tin mừng Tình Yêu Chúa và thông chia ơn cứu độ của Chúa cho mọi người.

Giáo hội chúng con xin chân thành thú tội!

Giáo hội chúng con xin cúi đầu tạ tội!

Xin lỗi Chúa:

Giáo hội Chúa thiết lập là giáo hội Duy nhất, nhưng chúng con đã làm rách tấm áo hiệp nhất của Chúa, giáo hội Chúa là giáo hội Thánh thiện nhưng chúng con đã làm hoen ố dung nhan hiền thê của Đức Kitô. Giáo hội Chúa là giáo hội Công giáo, nhưng chúng con đã biếng trễ, thoái thác công việc rao giảng Tin Mừng. Giáo hội Chúa là giáo hội Tông truyền, nhưng chúng con chưa nhận ra Chúa nơi các đấng bậc Chúa tuyển chọn. Chúng con xin lỗi Chúa và xin Chúa tha thứ cho chúng con.

Xin lỗi nhau:

“Thầy ban cho chúng con một điều răn mới là: chúng con hãy yêu thương nhau”. Đó là di chúc sau cùng Chúa Giêsu để lại cho chúng ta - những kẻ tin vào Người. Nếu chúng ta cố gắng thực hiện lời trăn trối đó, chúng ta cũng đã bao lần vô tình hay cố ý xúc phạm đến nhau, chúng ta đã khai trừ nhau, chúng ta đã kỳ thị nhau, đã không lắng nghe nhau, chưa đối xử với nhau như lời Chúa dạy. chủ chăn xin lỗi con chiên, giáo dân xin lỗi linh mục, bề trên xin lỗi bề dưới, bề dưới xin lỗi bề trên, vợ chồng con cái và thành viên cộng đoàn xin lỗi nhau về những gì đã làm cho nhau buồn lòng.

Xin lỗi anh chị em đồng bào:

Thưa bà con anh em lương dân không cùng Tôn giáo, Đức Giêsu - Đấng sáng lập đạo Công giáo đã dạy chúng tôi yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù, lẽ ra chúng tôi phải thực hiện tinh thần đó ở mọi nơi mọi lúc và với mọi người, nhưng chúng tôi nhận thấy: do vô tình hay cố ý, chúng tôi đã làm cho quý vị phiền lòng, chúng tôi đã thiếu sót nhiều trong nghĩa vụ yêu thương. Chiều hôm nay, toàn thể giáo hội Công giáo Việt Nam muốn nói lời xin lỗi về tất cả những điều ấy, với tất cả mọi người không phân biệt chính kiến, vị trí và tín ngưỡng tâm linh. Chúng tôi xin lỗi mọi thành phần xã hội, tôn giáo, vì chúng tôi chưa đủ hòa mình và đồng hành. Chúng tôi xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật đau khổ, vì chúng tôi chưa đủ quan tâm.

Khép lại những hiểu lầm hay nghi kỵ của quá khứ, người Công giáo Việt Nam cùng chung tay xây dựng nước Chúa và phát triển xã hội trần thế, theo tinh thần Phúc Âm.

Ban Truyền Thông TGPHN
 
Nghi Lễ Kính Nhớ Tổ Tiên Trong Ngày Khai Mạc Năm Thánh 2010
Ban truyền thông TGPHN
13:15 23/11/2009
Nghi Lễ Kính Nhớ Tổ Tiên Trong Ngày Khai Mạc Năm Thánh 2010

24.11.2009 01:30

Khuôn viên giáo xứ Sở Kiện hôm nay thu hút người người. Các giáo dân trẻ già lớn bé nô nức kéo về nơi đây. Từ vùng núi cho đến miền biển, từ thành thị cho đến nông thôn, ai ai đều tiến về quảng trường, nơi diễn ra lễ khai mạc năm thánh 2010. Trong đêm đầy ý nghĩa này, giáo phận Bắc Ninh đã cống hiến một nghi thức đặc biệt. Nghi thức kính nhớ tổ tiên.

Nhìn lại những mốc lịch sử: 1533- Ánh Sáng Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô đến Việt Nam lần đầu tiên, 1659- hai giáo phận đầu tiên của GH Việt Nam được thành lập, và 1960- hàng giáo phẩm của GH Việt Nam được chính thức thiết lập. Khi nhìn lại những mốc lịch sử cảm nhận, cảm phục và tri ân các bậc tiền bối, từ các vị thừa sai can đảm và sáng kiến mang ánh sáng Tin Mừng đến Việt Nam, cho đến các bậc cha ông chúng ta kiên tâm và linh hoạt đón nhận, gìn giữ và lưu truyền ánh sáng ấy.

Tưởng nhớ đến những người đã đổ máu xuống vì chúng ta, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh đọc trong văn tế: Thiển nghĩ, ăn hạt gạo thơm đời đời tưởng nhớ công ơn người gieo mầm lam lũ. Uống ngụm nước ngọt đâu dễ lãng quên, kẻ khơi nguồn mạch lắm gian truân. Để ngày nay, người người sinh hưởng, khí nước đất trời chung quy nguồn đạo lí, phải kiếp kiếp báo ân chư tiên tổ tiền nhân, cội tâm linh khởi thủy.

Hơn 400 năm ánh sáng Tin Mừng được mang đến và tiếp nhận tại Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo đã có 26 giáo phận với gần 6.200.000 tín hữu, 15.000 tu sĩ, 1.500 chủng sinh, 4.000 linh mục, 34 giám mục và hồng y hiện đang sống. Con số này được đánh đổi bằng 117 thánh tử đạo, trong số 130.000 chứng nhân đức tin đã chết vì đạo, và còn nhiều hơn nữa. Noi gương các ngài, những ki-tô hữu đã sống đạo tốt đẹp, tuy âm thầm nhưng không kém phần anh dũng.

Máu các Thánh Tử đạo là hạt giống gieo vãi đức tin. Máu cha ông chúng ta đã thấm vào từng thớ đất hình chữ S này, nhờ vậy, hạt giống đức tin đã được gieo vào quê hương Việt Nam. Chúng ta hãy góp phần vào việc làm cho hạt giống đức tin ấy nẩy mầm, mọc thành cây và sinh hoa kết trái cho mùa gặt Nước Trời.

Nhờ ơn Chúa mà con số các ki-tô hữu và những thành quả mà Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã, đang và sẽ đóng góp cho dân tộc và đất nước này thật đáng kể. Ngoài ra, những thành quả đáng khích lệ đó cũng phụ thuộc phần nào vào gương nhân đức của các bậc tổ tiên. Vì vậy, trong lúc tưởng niệm các sự kiện trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, chúng ta không thể không lắng lòng xuống để kính nhớ các bậc cha anh mình, những vị đã tiếp lửa, giữ lửa và truyền lửa Tin Mừng vô giá cho thế hệ hậu sinh. Qua những gian lao vất vả, những sáng kiến bất ngờ và những hy sinh tận cùng của mình, các ngài đã có được những trái chin như ngày hôm nay.

Noi gương các ngài, chúng ta hãy nỗ lực sống khiêm nhường, yêu thương, hòa đồng và phục vụ đồng bào theo tinh thần Phúc Âm, mà thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 đã đề cập đến.

Nguyện các Thánh Tử đạo Việt Nam luôn giúp cho việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta được kết quả nơi đồng bào quê Việt.

Ban Truyền Thông TGPHN
 
Đêm diễn nguyện mừng Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện – Đêm kể lại câu chuyện 350 năm Hội Thánh tại Việt Nam
PV WHD
13:31 23/11/2009
WHĐ (23.11.2009) – Chiều tối 23-11-2009, ngay trước lễ Khai mạc Năm Thánh 2010, đại gia đình gồm 10 giáo phận thuộc giáo tỉnh Hà Nội đã tổ chức Đêm Diễn nguyện mừng Khai mạc Năm Thánh.
Buổi diễn nguyện được tổ chức tại quảng trường trước phế tích Nhà nguyện Đại chủng viện Kẻ Sở, cũng là nơi sẽ diễn ra lễ Khai mạc Năm Thánh được cử hành vào sáng hôm sau.

Hình ảnh Nghi thức đốt lửa Đức Tin

Đồng chủ tọa buổi diễn nguyện là Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Năm Thánh, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, trưởng giáo tỉnh Hà Nội. Đặc biệt tham dự canh thức còn có các vị khách quý đến từ các Giáo Hội bạn: ĐHY André Vingt-Trois, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, ĐHY Etchégaray, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, đương kim Phó chủ tịch Hội đồng Hồng y, ĐHY Bernard Law, nguyên Tổng giám mục Boston (Hoa Kỳ), đương kim Tổng quản Đền thờ Đức Bà Cả Rôma, Đức cha Tod Brown, giám mục giáo phận Orange County (Hoa Kỳ), linh mục Jean-Baptiste Etcharen, Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris (Pháp).

Hội đồng Giám mục Việt Nam tham dự Đêm diễn nguyện có 1 Hồng y, 2 Tổng giám mục và 26 giám mục của 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế và TP.HCM. Khoảng 250 linh mục đến từ 26 giáo phận trên cả nước, 600 tu sĩ nam nữ của các hội dòng, hơn 30.000 giáo dân khắp nơi về tham dự đêm canh thức diễn nguyện.

Đúng 18g00, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM chủ sự Nghi thức Rước Các Thánh tử đạo, mở đầu đêm canh thức diễn nguyện.

Với nến sáng trong tay, bước đi trong tiếng nhạc hùng tráng, đoàn rước gồm đại diện của 26 giáo phận như kéo dài vô tận, gợi lên dòng chảy bất tận của các thế hệ tín hữu, được sinh ra từ dòng máu các thánh tử vì đạo – hạt mầm sinh sôi các Kitô hữu.

Cuộc rước Tôn vinh Các Thánh Tử đạo đã đưa Đêm diễn nguyện vào bầu khí của suy niệm và cầu nguyện.

Mở đầu phần Diễn nguyện canh thức, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã đảm nhận vai trò giới thiệu quan khách của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam (vào giờ chót bị viêm họng nhẹ). Đức Tổng Giuse đã trân trong giới thiệu các vị khách quý của Đêm diễn nguyện và Lễ Khai mạc Năm Thánh.

Trời đã tối hẳn. Khung cảnh đêm diễn nguyện trở nên sâu lắng với những nghi tiết trong Nghi thức khai mạc: Đốt đuốc đức tin (do Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên và đoàn rước đuốc của GP Hải Phòng), kính nhớ tổ tiên (do đích thân Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt đọc bài Văn tế Các thánh Tử đạo Việt Nam anh linh và đoàn tế của GP Bắc Ninh). Nghi thức hòa giải, do GP Thanh Hóa phụ trách, đã đưa mọi người vào tâm tình hòa giải với Chúa, với nhau và với đồng bào, đồng hương.

Phát biểu khai mạc đêm diễn nguyện, ĐHY GB Phạm Minh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Năm Thánh, đã chào mừng quý khách và các thành phần Dân Chúa trong cả nước đã có mặt trong đêm diễn nguyện, một cuộc quy tụ chuẩn bị tâm hồn cho Đại lễ khai mạc diễn ra vào ngày mai, chính thức bắt đầu Năm Thánh, sẽ được Đức cha Chủ tịch long trong công bố bằng bài Diễn văn khai mạc (WHĐ sẽ đăng toàn văn bằng ba ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp ngay sau Lễ Khai mạc). ĐHY mời gọi mọi người tiếp tục làm sáng lên ý nghĩa của chữ Đạo bằng chính cuộc sống của mình, khi kỷ niệm 50 năm hàng giáo phẩm Việt Nam, một cơ hội thuân tiện để nhìn lại “cái tốt” và “cái dở” của minh.

Cộng đoàn Đêm diễn nguyện đã trân trọng đón nhận những lời chúc mừng của ông Hà Văn Núi, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Phó Chủ tịch đã nói lời chúc mừng và tin tưởng Giáo Hội Việt Nam sẽ mừng Năm Thánh cách tốt đẹp nhất, cầu chúc Đại lễ Khai mạc được thành công tốt đẹp và bày tỏ sự trân trọng những đóng góp của các tín hữu Công giáo Việt Nam vào sự phát triển đất nước, đồng thời nói lên sự tin tưởng đồng bào công giáo sẽ tiếp tục có những cống hiến lâu dài và to lớn vào sự nghiệp chung của đât nước.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, đã nhân danh HĐGM và toàn thể Dân Chúa nhận hoa và những lời chúc mừng của các cấp chính quyền và đoàn thể. Đức cha khẳng định cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam luôn sát cánh cùng xã hội trong việc kiến tạo cuộc sống hạnh phúc cho mọi người.

Nội dung Đêm diễn nguyện hướng vào chủ đề “HẠT GIỐNG MỤC NÁT VÀ NẨY MẦM”, như một cách đọc lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận tiên khởi Đàng Ngoài, Đàng Trong và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam.

Âm thanh của 400 chiếc kèn và trống đến từ hai giáo phận Bùi Chu, Thái Bình vang lừng khắp không gian lộng gió của Sở Kiện. Đồng thời 118 nữ tu dòng Thánh Phao Lô Hà Nội cầm nến và cành thiên tuế đã gợi cho mọi người cảnh tượng ngày khải hoàn vinh thắng của các bậc tiền nhân anh linh, đã can trường giữ vững đức Tin.

Bản trường ca lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam với mọi cung bậc bi tráng, đau thương và khải hoàn, thử thách và chiến thắng, nước mắt đau thương và niềm vui an bình, đã được diễn lại bởi các giáo phận Thanh Hóa, Hải Phòng, Bùi Chu, Phát Diệm, Vinh, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Hóa, Lạng Sơn và Dòng Thánh Phaolô Hà Nội.

Các giáo phận đã dùng hình thức nghệ thuật dân gian đặc trưng của địa phương để diễn tả Đức Tin Kitô giáo đã đi vào văn hóa: dân ca Nghệ Tĩnh, quan họ Bắc Ninh, chèo Thái Bình, các điệu ca, điệu múa dân tộc H’mông, Tày – Nùng… Tất cả như diễn tả niềm xác tín: Tin Mừng, qua các tín hữu Việt Nam, hoàn toàn có thể thấm vào văn hóa dân tộc.

Đêm diễn nguyện đã gửi đến mọi người tham dự một hàm ẩn bức thông điệp về Sứ Vụ truyền giáo của mọi người tín hữu qua 130.000 lời Chúa và lời các Thánh Tử đạo được tung lên trời, bay trong không gian đêm lạnh đầu đông của Sở Kiện và đến tay mọi người như một lời nhắn nhủ của các bậc tiền nhân từ trời cao.

Đêm diễn nguyện và canh thức khép lại lúc 22g45.

Đêm đã khuya. Vùng giáp ranh Hà Nam – Ninh Bình phả hơi lạnh buốt của dãy núi ngàn đời lặng lẽ và kiên vững.

Kiên vững như những vị tiền bối năm xưa ở Sở Kiện và ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam.

Kiên vững hôm qua, hôm nay và mãi mãi ngày sau.

N.N.H.M.
 
Giới thiệu khái quát 14 bức hoạ thời tử đạo
Kim Ân
16:42 23/11/2009
GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT 14 BỨC HOẠ THỜI TỬ ĐẠO

Nhân dịp năm thánh kỉ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, giáo phận Hà Nội đã bước đầu thu thập và giới thiệu các hình ảnh, tư liệu về thời tử đạo nơi một nhà trưng bày tại Sở Kiện. Trong số các hiện vật tại phòng trưng bày, bản sao 14 bức hoạ hiện lưu giữ tại Hội Thừa Sai Paris là những tư liệu quí giá về nhiều phương diện. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không có tham vọng giới thiệu toàn diện, mà chỉ dựa vào những tư liệu bằng tiếng Pháp đã viết về các bức hoạ này, cùng với chút hiểu biết nông cạn đưa ra một vài góc nhìn về những hiện vật đặc biệt này.

Nguồn gốc, niên đại và mục đích

Chúng tôi không có những thông tin cụ thể và chính xác về danh tính cũng như nhân thân các tác giả của những bức hoạ. Cuốn La salle des Martyrs du séminaire des Missions-étrangères của Hội Thừa Sai Paris in tại Paris năm 1865 cho biết: “Những bức hoạ tại Phòng các vị tử đạo hầu như tất cả hoặc là công trình của người bản xứ hoặc là những phiên bản của các bức vẽ của người bản xứ.” Cuốn sách cùng tên của cha Launay Adrien, in tại Paris năm 1900, xác định rõ hơn đôi chút: “Trừ hai hoặc ba bức, những bức hoạ còn lại đều được vẽ tại Nam Kì và Bắc Kì do những hoạ sĩ địa phương …” Sau đó, cũng cuốn sách của cha Launay cho biết thêm: “Người hoạ sĩ chính trong nhóm này tên là Thu, ông đã làm việc lâu năm tại Vĩnh Trị theo lệnh Đức Cha Retord Liêu, Đại diện tông toà giáo phận Tây Đàng Ngoài.”

Việc quan sát chi tiết các bức hoạ khẳng định thêm những thông tin trên đây. Người am hiểu đôi chút về hội hoạ sẽ dễ dàng nhận thấy rằng bức vẽ tả cuộc tử đạo của các thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh và Phêrô Nguyễn Văn Hiếu tại Ninh Bình năm 1840 phải do một hoạ sĩ khác với người vẽ bức tả cuộc tử đạo của các thánh Phaolô Nguyễn Văn Mĩ, Phêrô Trương Văn Đường và Phêrô Vũ Văn Truật tại Sơn Tây năm 1838. Bức tả cuộc tử đạo của thánh Jean-Charles Cornay tại Sơn Tây năm 1837 phải do một người khác với hoạ sĩ vẽ bức tả cuộc tử đạo của thánh Marchand Du tại Huế năm 1835. Hơn nữa, việc so sánh tự dạng chữ Hán trên các bức hoạ cũng cho thấy các bức hoạ không thể do một người, mà phải do nhiều người thực hiện. Dù sao, không bức hoạ nào trong số 14 bức có chữ kí của hoạ sĩ, nên có thể tạm coi tác giả của chúng là những “nghệ sĩ vô danh”.

Các tài liệu chúng tôi hiện có cũng không cho biết các bức hoạ này được thực hiện chính xác vào thời điểm nào. Tuy nhiên, xét theo thời gian diễn ra các vụ hành quyết được vẽ lại, từ năm 1833 đến 1852, cùng với thông tin trên đây cho biết đa số các hoạ sĩ làm việc theo lệnh Đức Cha Retord Liêu, Đại diện tông toà giáo phận Tây Đàng Ngoài từ 1840 đến 1858, chúng tôi cho rằng các bức hoạ được vẽ trong khoảng thời gian rất gần, liền sau các cuộc hành quyết, do những người đã được chứng kiến tận mắt các vụ xử, hoặc vẽ theo lời kể chi tiết của các nhân chứng.

Tính cách “tự sự” cho thấy dường như Đức Cha Retord Liêu cho vẽ những bức hoạ này rồi gửi về trụ sở của Hội Thừa Sai Paris nhằm mục đích hiệp thông chia sẻ, đồng thời giúp Bề Trên, các thành viên và các chủng sinh tại Paris có thể hiểu rõ hơn bối cảnh, trình tự và các tình tiết liên quan tới từng vụ án tử đạo, từ khi bị vây bắt, tra khảo tới khi các nhân chứng của Chúa Kitô bị hành quyết tại pháp trường.

Các tài liệu chúng tôi tham khảo cũng không cho biết chính xác các bức hoạ đã được chuyển tới Paris vào thời điểm nào, chỉ biết rằng việc này diễn ra sau khi thánh tích của Đức Cha Borie Cao được hân hoan đón tiếp tại Hội Thừa Sai Paris vào năm 1842. Những bức hoạ này được vẽ rồi cuộn lại chuyển về nhà quản lí của Hội Thừa Sai ở Macao, sau đó được đưa về Paris. Việc cả 14 bức hoạ đều được giải thích khá chi tiết trong cuốn La salle des Martyrs du séminaire des Missions-étrangères của Hội Thừa Sai Paris in tại Paris năm 1865 cho thấy các bức hoạ này đã được chuyển tới Paris từ rất sớm.

Như vậy, theo những tư liệu hiện có, có thể tạm kết luận rằng 14 bức hoạ này do các “hoạ sĩ vô danh” vẽ theo lệnh Đức Cha Retord Liêu gần, nếu không muốn nói là đồng thời với thời gian ngài làm Đại diện tông toà giáo phận Tây Đàng Ngoài từ 1840 đến 1858.

Phong cách mĩ thuật dân gian Việt Nam

Trong cuốn sách kể trên, cha Launay cũng đưa ra nhận xét: “Trừ hai hoặc ba bức, những bức hoạ còn lại đều được vẽ tại Nam Kì và Bắc Kì do những hoạ sĩ địa phương: ta dễ dàng nhận ra điều đó nhờ sự thiếu vắng luật phối cảnh cũng như qua màu sắc bẹt, không có bóng sáng tối, qua cách vẽ hầu như theo lối phác thảo, qua những tư thế không tự nhiên, đôi khi kì dị, hẳn vì nơi đó chỉ có một hoạ sĩ vụng về, hay ít là do sự khéo léo khác biệt với thị hiếu thẩm mĩ của chúng ta.” Một nhận xét như thế của một người Pháp vào cuối thế kỉ 19 theo chúng tôi là khá chừng mực. Việc quan sát các bức hoạ dựa vào những đặc tính mĩ thuật dân gian sẽ soi sáng phần nào và giúp chúng ta hiểu được điều người nghệ sĩ muốn diễn tả.

Về chất liệu, các bức hoạ được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng, một loại chất liệu có lẽ xa lạ với hội hoạ Tây phương nhưng lại khá gần gũi với các loại tranh dân gian truyền thống. Bức hoạ nhỏ nhất có kích cỡ 0,890 m x 1,295 m, bức lớn nhất có kích cỡ 1,804 m x 1,965 m.

Các thủ pháp nghệ thuật trong mĩ thuật dân gian cũng được sử dụng tương đối triệt để qua hai yếu tố hình ảnh và màu sắc.

Về bố cục hình ảnh, nghệ thuật dân gian Việt Nam không tuân theo luật cận viễn đồng qui về đường chân trời, bởi tranh dân gian Việt Nam vốn vẽ theo cảm nhận, tưởng tượng chứ không theo kiểu trực tiếp nhìn mẫu và vẽ chính xác theo tỉ lệ, nên dựa vào những luật riêng.

Nhìn vào hầu hết các bức hoạ trong số 14 bức, người xem dễ dàng nhận ra không gian quan sát rất rộng của người nghệ sĩ. Người xem có cảm giác như hoạ sĩ ở một vị trí rất cao để quan sát toàn cảnh. Để tạo được những ấn tượng đó, người nghệ sĩ đã vẽ theo luật phi điểu, tức là tự đặt mình vào vị trí của loài chim bay thật cao để quan sát tất cả những gì đang diễn ra.

Tiếp tục quan sát các bức hoạ, người xem sẽ có một nhận định khác rằng người nghệ sĩ không quan sát những gì đang diễn ta từ một góc nhìn duy nhất, mà từ nhiều góc nhìn khác nhau. Cụ thể, trong cảnh chính của bức hoạ tả cuộc tử đạo của các thánh Phaolô Nguyễn Văn Mĩ, Phêrô Trương Văn Đường và Phêrô Vũ Văn Truật, đám lính ở phía trước và các quan cưỡi voi được quan sát theo góc nghiêng, ba vị tử đạo chính được quan sát theo góc nhìn phi điểu, đám lí hình lại được quan sát theo những góc nghiêng khác nhau. Khi vẽ như thế, người nghệ sĩ đã dựa vào một luật khác trong nghệ thuật truyền thống có tên là luật tẩu mã, tức là quan sát sự việc như kiểu người ngồi trên lưng ngựa phi nhanh, nên có thể theo những góc nhìn khác nhau. Luật tẩu mã được thể hiện khá rõ khi hoạ sĩ vẽ thành Nam Định trong bức hoạ tả cuộc tử đạo của các thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm, Micae Nguyễn Huy Mĩ và Antôn Nguyễn Đích tại Nam Định năm 1838.

Thiết tưởng cũng cần nêu ra ở đây nhận định của tác giả cuốn La salle des Martyrs du séminaire des Missions-étrangères ở phần giải thích khái quát các bức hoạ: “Những cảnh diễn ra vào những thời điểm khác nhau thường được giới thiệu như xảy ra cùng một lúc.” Bức tả cuộc tử đạo của các thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm, Micae Nguyễn Huy Mĩ và Antôn Nguyễn Đích tại Nam Định năm 1838 cho thấy rất rõ điều đó. Ở mỗi cảnh, tác giả bức hoạ còn ghi thêm chữ Hán nhằm giúp người xem hiểu rõ hơn diễn tiến sự việc, đây là hiện tượng khá phổ biến trong tranh dân gian. Góc trái phía dưới bức hoạ cho thấy một vòng lính vây quanh một ngôi làng nhỏ, trước sân một ngôi nhà có người đang bị đánh đòn, trong nhà có người như đang luận tội; mỗi bên trái phải của khoảng sân có bức tường với những chữ Hán “Vĩnh Trị” và “cư dân”. Ở phía cao hơn một chút, chếch về phía phải, người xem thấy một người nằm cáng, phía sau là ba người đeo gông, dưới chân đoàn người là dòng chữ Hán “kí giao huyện sở”; đoàn người tiến vào khu nhà có hai chữ Hán “huyện nha”. Ở góc phải, phía dưới là một đoàn người áp giải ba người mang gông, trong cáng không có người vì viên quan đã ra khỏi cáng, trước mặt viên quan mặc áo xanh là bến đò và dòng chữ Hán “huyện quan giao tù tại tuần phủ quan”, bên kia bến đò là dòng chữ Hán “phù sa đồn”. Chếch lên phía trên một chút, một viên quan và đoàn lính áp giải ba người mang gông, trên đầu đoàn người có hai chữ Hán “giải tỉnh”. Phía trên đoàn người là một toà thành, ba cổng có các chữ Hán “chính nam môn”, “chính tây môn” và “chính bắc môn”, giữa toà thành là hàng chữ Hán “Nam Định tỉnh thành”, căn nhà ba người đang ngồi có chữ “ngục thất”. Bên ngoài toà thành, phía trên cùng là đoàn người áp giải ba phạm nhân đeo gông, trước mặt mỗi phạm nhân có tên lính vác phiến gỗ ghi bản luận tội. Tại pháp trường, phía trên hai thớt voi có các chữ Hán “luận hình xứ”. Trở lại phía dưới bức hoạ, một đoàn người cầm đuốc, có ba chiếc cáng phủ chiếu, gần phía đầu đoàn người có dòng chữ Hán “tương hồi mai táng”.

Như vậy, thực chất bức hoạ trên đây thuật lại từ đầu tới cuối cuộc tử đạo theo trình tự của một vòng tròn. Tác giả đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật dân gian có tên là luật đồng hiện, nghĩa là những sự việc và biến cố xảy ra ở những thời điểm và không gian khác nhau cùng được thể hiện trên một bức hoạ.

Luật đồng hiện còn biểu hiện qua cách vẽ trình tự diễn tiến một cuộc hành hình. Trong bức hoạ tả cuộc tử đạo của các thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh tại Ninh Bình năm 1840, ba chứng nhân cùng bị xử trảm, nhưng bức hoạ đã không tả đồng loạt ba cuộc hành hình, mà thông qua ba cuộc hành hình, cho người xem thấy diễn tiến của từng cuộc hành hình. Thánh Phêrô Nguyễn Văn Hiếu vừa chịu những nhát chém đầu tiên, đầu thánh Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh hầu như đã lìa cổ, thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan đã bị chém đầu, viên trưởng nhóm đao phủ giơ đầu thánh nhân lên cho viên quan giám trảm và mọi người nhìn thấy.

Một thủ pháp khác trong nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam cũng cần được kể ra ở đây là luật cường điệu. Tác giả vẽ tranh thường cố ý không vẽ đúng theo tỉ lệ, những chi tiết cần nhấn mạnh thường được vẽ lớn hơn, những chi tiết phụ, ít quan trọng thường được vẽ nhỏ hơn. Người xem sẽ lập tức nhận ra đâu là điểm cốt yếu của bức hoạ. Ví dụ trong bức hoạ tả cuộc tử đạo của thánh Pierre Borie Cao, thánh nhân được vẽ lớn nhất ở chính giữa, các đao phủ và viên quan giám trảm nhỏ hơn, vòng lính vây ngoài lại nhỏ hơn nữa, và dân chúng đứng xem thì rất nhỏ so với những nhân vật khác của bức hoạ.

Sau khi đã bàn về những đặc tính liên quan tới hình ảnh trong tranh dân gian, giờ đây chúng tôi xin bàn qua về những đặc tính liên quan tới màu sắc.

Ở phần trích dẫn ở trên, tác giả Launay đã nói tới “màu sắc bẹt” và “không có bóng sáng tối”. Đó cũng chính là những đặc tính liên quan tới màu sắc trong tranh dân gian. Quan sát các bức hoạ, chúng ta thấy các tác giả rất ít sử dụng bóng sáng tối, hầu như không sử dụng màu đậm nhạt khi cùng một màu sắc xuất hiện ở các không gian xa gần khác nhau. Các màu được tô theo kiểu gần như các mảng bẹt.

Một đặc tính khác nữa trong cách tô màu, đó là các nghệ sĩ chỉ dùng những màu căn bản, không pha trộn. Các màu này thường được lấy từ thảo mộc, hoa lá cỏ cây tại địa phương. Ví dụ màu vàng thường được chắt từ nước hoa hoè, màu đen lấy từ than cây cỏ, màu trắng từ tro của vỏ sò v.v…

Ảnh hưởng của hội hoạ Tây phương

Việc phân tích những đặc tính dân gian trên đây cho thấy 14 bức hoạ chúng tôi đang bàn tới ở đây được vẽ theo phong cách dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy ít nhiều ảnh hưởng của hội hoạ Tây phương trong một số bức hoạ này. Theo nhận định của chúng tôi, hai bức hoạ chịu ảnh hưởng rõ nét nhất của hội hoạ Tây phương là bức tả cuộc tử đạo của thánh Augustin Schoeffler Đông tại Sơn Tây năm 1851 và bức tả cuộc tử đạo của thánh Jean-Louis Bonnard Hương tại Nam Định năm 1852. Ngoài ra, cũng có thể kể thêm bức hoạ tả cuộc tử đạo của thánh Joseph Marchand Du tại Huế năm 1835 vào nhóm này.

Các bức hoạ vừa kể đều có điểm chung là người nghệ sĩ quan sát biến cố đang diễn ra từ một góc nhìn cố định. Ở hai bức hoạ vẽ năm 1851 và 1852 mà chúng tôi kể ra trên đây, chúng tôi thấy các nghệ sĩ đã vẽ theo luật viễn cận qui chiếu về đường chân trời. Trong bức hoạ năm 1852, tác giả đã thể hiện khá tốt bóng sáng tối, các mức đậm nhạt của màu sắc. Nhận xét về bức hoạ năm này, cuốn La salle des Martyrs của Hội Thừa Sai Paris in năm 1988 cho rằng: “Trong số những bức hoạ được trưng bày trong căn phòng này, bức hoạ này là bức đặc sắc nhất. Rõ ràng vị Giám mục, Đức Cha Retord Liêu (người có mặt trong bức hoạ), đã khuyên bảo hoạ sĩ và đã thử dạy ông ta vẽ theo luật phối cảnh, theo kiểu châu Âu.” Đó thiết tưởng là cách giải thích tương đối có thể chấp nhận được về ảnh hưởng hội hoạ Tây phương trên các bức hoạ được kể ra ở đây. Khi nói tới Đức Cha Retord Liêu, dĩ nhiên khó có thể kể tới bức hoạ về cuộc tử đạo của thánh Joseph Marchand Du tại Huế năm 1835. Đàng khác, ảnh hưởng của hội hoạ Tây phương trong bức hoạ này không rõ nét lắm, trừ yếu tố là sự kiện diễn ra được quan sát từ một góc nhìn cố định.

Bằng hiểu biết giới hạn của mình, trên đây chúng tôi đã mạo muội phân tích đôi nét tổng quát về 14 bức hoạ mà chúng tôi cho là có giá trị về rất nhiều mặt, là những hiện vật hiếm hoi minh chứng cuộc tiếp xúc giữa nền hội hoạ Tây phương và nền mĩ thuật dân gian Việt Nam vào nửa đầu thế kỉ 19.

Mĩ thuật dân gian Việt Nam nhằm sao cho hình ảnh sống hơn giống, tính ước lệ rất cao, cũng có nghĩa các nghệ sĩ không chủ ý vẽ con người và cảnh vật theo tỉ lệ chính xác. Dù sao, 14 bức hoạ này vẫn là tư liệu quí giá cho những ai muốn nghiên cứu về diễn tiến các vụ đại hình, một số phong cảnh, y phục và một vài chi tiết trong sinh hoạt của các tầng lớp người Việt nửa đầu thế kỉ 19.

Tranh dân gian như đa số chúng ta biết tới thường chỉ vẽ những tiểu cảnh. 14 bức hoạ được bàn tới ở đây giúp ta biết được cách thức các nghệ sĩ dân gian đã làm khi phải miêu tả những đại cảnh vượt xa khỏi không gian nhỏ bé của “đàn gà”, “cá chép”, “đánh ghen”, “đấu vật”, “đám cưới chuột” v.v…, khi phải sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật trong cùng một bức hoạ. Do không bị ràng buộc bởi luật cận viễn theo đường chân trời, các nghệ sĩ dân gian tỏ ra khá tự do trong cách diễn tả. Có thể nói trong chừng mực nào đó, mĩ thuật dân gian cũng có những ưu điểm so với hội hoạ Tây phương.

Về mặt lịch sử mĩ thuật Việt Nam, theo chúng tôi, 14 bức hoạ này giúp chúng ta phần nào trám được mảng trống của bước chuyển tiếp từ mĩ thuật dân gian truyền thống qua nghệ thuật tạo hình Tây phương hiện đại, mà do các yếu tố chất liệu, ý thức bảo quản, chiến tranh và khí hậu, chúng ta chỉ lưu giữ được rất ít hiện vật. Như vậy, theo một nghĩa nào đó, chúng tôi mạnh dạn cho rằng 14 bức hoạ này giúp cho lịch sử nền mĩ thuật Việt Nam, đặc biệt là ngành hội hoạ, có được một mạch nối liên tục hơn.

Paris, ngày 3 tháng 4 năm 2009
 
Giáo dân Công Giáo GP Orange mừng lễ các Thánh Tử Ðạo Việt Nam
Nguyên Huy / Người Việt
18:41 23/11/2009
LONG BEACH (NV) - Trên 5 ngàn giáo dân Công Giáo tụ về hí viện Pyramid trong Ðại Học Cal State Long Beach sáng 22 Tháng Mười Một, để làm lễ Mừng Kính Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.

Chương trình lễ được diễn ra suốt ngày với nhiều tiết mục. Riêng buổi sáng là sinh hoạt chung của giới trẻ Công Giáo trong ngày Mừng Kính 117 Thánh Tử Ðạo VN. Theo ban tổ chức cho biết thì giới trẻ Công Giáo trong nhiều hội đoàn đều có mặt như giới trẻ La San, giới trẻ cộng đồng, các đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, các đoàn hướng đạo Công Giáo. Tuy là buổi sinh hoạt dành cho giới trẻ nhưng hầu hết các cộng đoàn Công Giáo ở Orange County cũng có mặt ngay từ 9 giờ sáng. Người ta thấy có Liên Ðoàn Nguồn Sống, hội Canh Tân Ðặc Sủng, Liên Hội các bà mẹ Công Giáo, Liên Hội Ðền Tạ, Liên Minh Thánh Tâm, Cao Niên Công Giáo v.v... Cũng có đủ các cộng đoàn Westminster, St Polycap, Tam Biên, Ðức Mẹ La Vang, Tustin, Costa Mesa, Huntington Beach, Anaheim, Orange khiến buổi lễ thật tưng bừng trong nắng thu chan hòa trong khuôn viên đại học mà các con đường dẫn vào treo rợp cờ xí xanh vàng đỏ trắng của Tòa Thánh.

Hàng trăm bạn trẻ Công Giáo đã cùng nhau ca hát vang dội suốt buổi sáng những bài thánh ca cầu nguyện, nghe Frere Trần An Phong thuyết giảng những lời suy tôn Chúa, những lời dẫn giải ăn ở cùng nhau trong niềm kính Chúa và những lời tạ ơn Các Thánh Tử Ðạo VN.

Vào lúc 12 giờ trưa, hàng ngàn giáo dân đã đổ ra ngoài hí viện để cùng tham dự Lễ Rước Các Thánh Tử Ðạo VN, Ðức Mẹ La Vang và Chúa KiTô từ ngoài vào trong hí viện. Một đoàn Hiệp Sĩ Knight of Columbus trong y phục đen của Hiệp Sĩ thời cổ hộ tống sau kiệu có hình ảnh của 117 vị Thánh Tử Ðạo VN, kế đó là các bà mẹ Công Giáo đi theo Kiệu Mẹ La Vang và sau cùng các cộng đoàn rước Mình Chúa KiTô đem lên lễ đài.

Lễ đài đặt trên sân khấu với hình ảnh Chúa rất lớn trước một hậu cảnh là hình ảnh 117 vị Thánh Tử Ðạo VN. Một tấm băng rôn lớn chạy dài bên cánh phải sân khấu ghi hàng chữ “Xưa Tổ hy sinh vì đạo Chúa, nay con quyết chiến với gian tà” như nhắc đến sự hy sinh của các Thánh Việt Nam đã tử vì Ðạo trong thời gian cấm đạo của các vua nhà Nguyễn, cũng như để hiệp thông với giáo dân Thái Hà, Tam Tòa trong nước hiện nay.

Lịch sử Việt Nam thời nhà Nguyễn, các triều vua Minh Mạng, Tự Ðức đã ra lệnh cấm đạo vì cho rằng người theo Ðạo đã bỏ lễ nghĩa tổ tiên. Cuộc cấm đạo đã diễn ra qua những cuộc trấn áp đẫm máu những tín đồ không chịu khuất phục. Và 117 giáo dân với niềm tin mãnh liệt đã phải chịu chết để bảo vệ niềm tin tôn giáo của mình. Lễ Phong Thánh cho 117 vị tử đạo VN này đã được Tòa Thánh La Mã cử hành long trọng tại Việt Nam cách đây khoảng 10 năm trước sự tiếp nhận miễn cưỡng của nhà cầm quyền CSVN. Nay thì giáo dân trong và ngoài nước hàng năm đều cử hành đại lễ Mừng Kính Các Thánh Tử Ðạo.

Riêng tại Nam California, từ nhiều năm nay, cộng đồng Công Giáo VN giáo phận Orange hàng năm đã tổ chức thật trọng thể lễ mừng kính này. Có năm tổ chức tại sân vận động Santa Ana. Có năm tại Bren Events Center của Ðại Học UCI và năm nay tại Ðại Học Cal State Beach. Năm nào cũng có cả gần chục ngàn người tham dự và năm nào ban tổ chức cũng dành cho giới trẻ Công Giáo nhiều thời gian sinh hoạt trong ngày lễ này.

(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=104532&z=1)
 
ĐHY Phạm Minh Mẫn tham dự lễ bế mạc Năm Thánh kỉ̉ niệm 150 năm Giáo hội Đài Loan đón nhận Tin Mừng
Phạm Vinh Sơn
21:33 23/11/2009
ĐÀI BẮC - Nhận lời mời của Đức Hồng Y Shan Guo Xi (Thiện Quốc Tỉ) và Đức Tổng Giám mục John Hong Shan Chuan (Hồng Sơn Xuyên), Tổng Giám Mục Giáo phận Đài Bắc, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Giáo phận Saigon và Đức Giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Saigon đã có chuyến viếng thăm Đài Loan và dự Lễ Bế Mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 150 năm Tin Mừng được rao giảng tại Đài Loan.

Trên đường từ Vatican trở về Việt Nam sau khi tham dự Hội Nghị của Ủy Ban Giáo hoàng về Di dân, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức Giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Khảm và các cha cùng đi đã đến thủ đô Taipei vào chiều thứ Sáu vừa qua (20.11.2009). Tối cùng ngày, Đức Hồng Y và Đức cha Phê-rô đã đến dự bữa tiệc do Đức Khâm Sứ tại Taipei khoản đãi tại Tòa Khâm Sứ. Trưa hôm sau, ngày thứ bảy, 21.11.2009, Đức Hồng Y và Đức cha Phê-rô đã cùng với Đức Hồng Y Tomko, Đặc sứ của Đức Thánh Cha và 3 vị Hồng y của Taiwan, Hong Kong và Manila cùng các Giám mục, Linh mục và 15.000 giáo dân tham dự Ngày Hội Bế Mạc Năm Thánh kỷ niệm Tin Mừng được rao giảng tại đảo quốc này. Trong phần diễn nguyện trước Thánh lễ, cả Giáo hội Đài Loan ôn lại chặng đường 150 năm hồng ân với các hình ảnh tư liệu hết sức quí báu cùng các tiết mục biểu diễn đặc sắc của các bạn trẻ. Dịp này, Tổng Thống Mã Anh Cửu cũng đến chúc mừng và có một bài diễn văn ôn lại những kỷ niệm cá nhân của ông với các nhà truyền giáo mà ông từng được tiếp xúc. Đức Hồng Y Tomko chủ sự và giảng trong Thánh Lễ long trọng này. Trong phần kết thúc bài giảng lễ Chúa Ki-tô Vua Vũ trụ, Đức Hồng Y nhấn mạnh: “Tôi đại diện Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ngỏ lời với tất cả anh chị em thuộc Giáo hội Đài Loan: hãy đứng lên, và bước đi! Trong lịch sử của cuộc đời của mỗi anh chị em, một thời kỳ mới đang sắp bắt đầu! Đó chính là thời kỳ mới của công cuộc Truyền bá Tin Mừng, hãy đi theo Đức Ki-tô, Đấng là Chúa của chúng ta và là vị Quân vương của chúng ta!”. Như thế, lời kết thúc bài giảng này đã khắc họa nên những nỗ lực loan báo Tin Mừng mà các nhà truyền giáo xưa kia đã bắt đầu nay vẫn rất cần được tiếp tục nơi Giáo hội non trẻ này.

Dịp Đại hội này đánh dấu kết thúc hơn một năm cả Giáo hội Đài Loan hân hoan mừng biến cố long trọng Tin Mừng theo bước chân của các cha Đa Minh thuộc Tỉnh Dòng Rất Thánh Mân Côi đến thành phố Cao Hùng vào năm 1859. Trong suốt năm vừa qua, Giáo hội Đài Loan đã có những hoạt động sôi nổi để tạ ơn Chúa về hồng ân được lãnh nhận đức tin, cũng như để đánh thức các thao thức truyền giáo. Một hoạt động nổi bật mang tính truyền giáo được cả Giáo hội Đài Loan thực hiện là phong trào “Một lãnh một” (âm tiếng Phổ thông của cụm từ này đồng âm với con số 101, là số tầng của tòa nhà cao nhất thế giới tại thủ đô Đài Bắc, thể hiện ước muốn truyền giáo của mọi người cũng sẽ đạt được tầm cao và vẻ hùng tráng như tòa nhà nổi tiếng ấy), tức là một người lãnh một người. Phong trào truyền giáo này thúc đẩy mọi người giáo dân trong giáo xứ tìm cách mời gọi ít nhất một người trong gia đình mình hay bạn bè của mình (có thể đó là người ngoại giáo, cũng có thể đó là người đã từng lãnh phép rửa nhưng không còn sốt sắng giữ đạo) đến nhà thờ, tham dự các sinh hoạt của Giáo hội. Phong trào này đã làm “sống lại” công cuộc truyền giáo tại hầu khắp các giáo phận. Và như lời Đức Hồng Y Shan Guo Xi (Thiện Quốc Tỉ) phát biểu khi kết thúc Thánh lễ bế mạc Năm Thánh, các hoạt động mừng Năm Thánh này cùng với các phong trào truyền giáo mới chỉ là bước khởi đầu chứ không phải vì việc kết thúc Năm Thánh mà các nỗ lực truyền giáo lại đi vào lãng quên.

Sáng hôm sau, Chúa nhật 22.11.2009, Đức Hồng Y và Đức cha Phê-rô có một chuyến viếng thăm ngắn ngủi đến một giáo xứ địa phương do một linh mục Việt Nam phụ trách, Giáo xứ Ban Qiao (Bản Kiều). Cha xứ Nguyễn Ngọc Điệp đã giới thiệu đôi nét về cộng đoàn cha đang phụ trách với Đức Hồng Y và Đức cha phụ tá trong Thánh lễ. Trong bài phát biểu cuối thánh lễ, Đức Hồng Y ngỏ lời chào mừng và cám ơn cộng đoàn giáo xứ Bản Kiều đã ân cần đón tiếp, đồng thời nhấn mạnh tính hiệp thông trong Giáo hội phổ quát, tất cả mọi người, dù khác nhau về chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ, nhưng đều là con của một Cha trên trời. Chính đức tin nối kết tất cả mọi thành phần Dân Chúa. Sau Thánh lễ, Đức Hồng Y và Đức cha Phê-rô dành ít phút gặp gỡ cộng đoàn nhỏ bé của anh chị em giáo dân Việt Nam (vốn vẫn tham dự các sinh hoạt phụng tự tại Giáo xứ Bản Kiều) tại hội trường Giáo xứ. Nói chuyện với anh chị em, Đức Hồng Y chia sẻ những kết quả từ hội nghị về di dân mà ngài vừa có cuộc họp tại Roma; đồng thời khích lệ anh chị em kiên vững trong đức tin, vững mạnh trong những khó khăn khi sống và làm việc ở nước ngoài, và nhất là góp phần xây dựng giáo hội địa phương bằng chính đời sống Ki-tô hữu đạo đức của mình.

Tin Mừng lần đầu tiên đến Taiwan theo bước chân của các thừa sai Dòng Đa Minh thuộc Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi vào ngày năm 1859. Gần 100 năm đầu tiên của lịch sử non trẻ này, Giáo hội Đài Loan in dấu của các thừa sai Đa Minh. Từ năm 1949, cùng với chính phủ Trung Hoa Dân Quốc di dời ra đảo quốc này, một số lớn giáo dân từ Trung Hoa lục địa và các giáo sĩ, tu sĩ thuộc nhiều dòng tu đã đặt chân lên mảnh đất này và góp phần xây dựng nên Giáo hội Đài Loan như hiện nay.
 
Tin Đáng Chú Ý
Chuyện Phiếm: Máu thịt Kiều Bào Việt Nam theo cách nhìn của chủ tịch Nguyễn Minh Triết
Hà Long
09:57 23/11/2009
Phiếm: Máu thịt Kiều Bào Việt Nam theo cách nhìn của chủ tịch Nguyễn Minh Triết

- Xúc động khôn tả bà ơi!

- Chi mà xúc động dữ vậy ông?

- Tui mới nghe được ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kêu gào lên trong dịp Đại hội người Việt Nam ở nước ngoài lần I, diễn ra tại Hà Nội vào 21 – 23/11/2009 rằng: "Kiều bào là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Chúng ta là con một nhà, con Lạc cháu Hồng, cùng một bọc trứng sinh ra".

- Chà, câu này sẽ làm làm cho "khúc ruột ngàn dặm" một thời hoành tráng rơi vào quên lãng mau chóng.

- Chủ tịch nước mà lị! Câu nói của ông ta đáng mang lộng kính. Ông Triết kỳ này ứng khẩu tài tình quá và biết lấy lòng dân Vịt Kìu ghê gớm. Rồi mới đây, tại Cuba ngày 03/10/2009 ông ta còn vươn ra xa đến tầm vóc quốc tế y như thời còn mắc võng từ Trường Sơn Đông qua Trường Sơn Tây: "… Việt Nam và Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ. Việt Nam gác thì Cuba nghỉ …"

- Cao ngạo quá trời cho 2 tên đói và nghèo nhất của thiên hạ!

- Chưa hết đâu bà ơi, đồng chí Triết trong cuộc gặp gỡ ở Dana Point vào cuối tháng 6 năm 2007 đã kịch cỡm quảng bá cho bàng dân thiên hạ là "đàn bà, con gái Việt Nam đẹp lắm!"

- Thế mới đáng nể về cái "nổ" Big Bang của chủ tịch nước ta trong thời đại mới.

- Hổng biết ai mớm cho ông ta những mỹ từ cao vời như thế?

- Chúng ta có tầng lớp đỉnh cao trí tuệ của loài người luôn làm thày dùi cho vị chủ tịch nước nhà mà.

- Hình như ông ta sắp sửa về vườn trong chức vị chủ tịch nước vào dịp Đại hội lần thứ XI của Đảng (1/2011) cho nên chuẩn bị và muốn vớt vát một chút ân huệ được ẩn náu nơi cửa "Nhà Vịt Kìu" chăng?

- Dầu sao trong diễn văn khai mạc trước nhóm Vịt Kìu tui nhìn thấy ông chủ tịch còn một chút nhân cách chân thật: “Kinh tế (VN) tăng trưởng chưa vững chắc và chất lượng chưa cao. Sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam còn yếu. Cơ sở hạ tầng còn thấp kém. Nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế”.

- Bà ơi! Đó là sự thật rõ như ban ngày của 63 năm đảng cộng sản cầm quyền và sau 34 năm thống nhất chúng ta chỉ tiến nhanh tiến mạnh đến đỉnh cao đó mà thôi.

- Tồi tệ hơn nữa với lời thú tội thống thiết của ông Triết trước những "khúc ruột ngàn dặm": "Ở Việt Nam, không muốn tham nhưng vẫn phải động lòng tham vì quản lý kém quá. Cho nên, trong tiêu cực, tham nhũng có phần do quản lý yếu kém chứ không phải do người Việt Nam tham nhũng nhất thế giới. Quý vị ở nước ngoài khi nghe thông tin này, cũng đừng hốt hoảng cho rằng sao tham nhũng ở Việt Nam nhiều thế".

- Còn nữa ông ơi, một sự thật phũ phàng trước sự từ chối hợp tác của tầng lớp 300.000 trí thức hải ngoại khi ban tổ chức Đại hội người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: "Chất lượng đóng góp về mặt chuyên môn của trí thức kiều bào cần được các bộ, ngành xem xét, đánh giá thêm nhưng số lượng 200 lượt trí thức về nước làm việc mỗi năm trong tổng số hơn 300.000 trí thức kiều bào thực sự là rất nhỏ bé."

- Trời đất ơi! Niềm xúc động tiêu tan! Buồn và xấu hổ với các bạn láng giềng quá ông ơi!
 
Văn Hóa
Viết cho chị ngày chị vĩnh khấn
Lộc Xuân
21:32 23/11/2009
Viết cho chị ngày chị vĩnh khấn

(Viết gửi Chị - một trong 12 Chị vĩnh khấn tại Dòng MTG Vinh hôm 21/11/09)

Từ xa hướng lòng về Chị trong ngày Chị vĩnh khấn, trong em có những buồn vui lẫn lộn. Buồn và thấy có lỗi vì không thể bên Chị và mọi người trong ngày vui của Chị. Nhưng vui vì biết được Chị vui, vui vì biết được rằng Cha Mẹ và mọi người vui vì ‘niềm vui’ của Chị hôm nay.

Mặc dù không thể bên Chị, gia đình và Nhà dòng, nhưng ít hay nhiều em cũng cảm nhận được niềm vui của Chị, của gia đình trong ngày vui này. Không thể về bên Chị, em chỉ biết hiệp ý với Chị, với gia đình để dâng lời cảm tạ về những hồng ân, những ân huệ mà Chị đã và đang được lãnh nhận.

Em biết Chị mãn nguyện vì cuối cùng Chị cũng đạt được gì Chị mong ước, ôm ấp. Em biết Chị vui vì bao hồng ân mà Chị đã và đang được đón nhận. Hơn ai hết Chị biết tất cả những gì Chị đang có, đang được trao ban là hồng ân.

Chắc khi mới chập chững bước vào đời tu, ít khi Chị mơ và nghĩ rằng một ngày nào đó mình được long trọng đọc lời vĩnh khấn như ngày hôm nay.

Em vẫn nhớ hoài những khó khăn, những mặc cảm của Chị trong những ngày tháng đầu vào dòng. Vì ít học Chị cứ băn khoăn không biết mình có theo đuổi đến cùng ơn gọi tu trì của mình hay không.

Càng nghĩ về những năm tháng ấy, về những khó khăn ấy của Chị, em càng thấy có lỗi và thương Chị. Vì muốn phụ giúp Cha Mẹ trong công việc đồng áng, vì muốn cho chúng em có điều kiện học tập Chị đành bỏ học sớm.

Nhớ có lần chị viết cho em về những vui buồn của Chị khi được Nhà dòng cho đi học lại. Chị vui vì sau bao năm tháng xa trường, xa lớp Chị được trở lại với sách vở. Nhưng Chị vui nhiều mà lo cũng không ít vì không biết mình có đủ trình độ, khả năng để theo học. Đọc những nét chữ hơi xiêu vẹo của Chị em thấy chạnh lòng, thấy thương Chị. Vốn chỉ quen với công việc ruộng đồng, chắc Chị đã khó nhọc và vất vả lắm mới cầm bút viết cho em được một lá thư như vậy. Em vẫn trân trọng và giữ mãi lá thư đó, lá thư đầu tiên Chị viết cho em.

Nhưng rồi với năm tháng, trước sự nâng đỡ của Nhà dòng, với lòng quyết tâm, với sự tin tưởng phó thác, và nhờ bao hồng ân của Thiên Chúa, Chị đã vượt qua được những khó khăn, những tự ti mặc cảm. Và ngày hôm nay, trong một thánh lễ long trọng, sốt sắng do Đức giám mục Địa phận chủ tế, trước sự hiện diện của Bề trên Nhà dòng, của gia đình, của bao người thân quen khác, cùng với các chị đồng trang lứa khác, Chị đã được lãnh nhận hồng ân vĩnh khấn.

Khi thấy Chị vui trong đời dâng hiến, thấy mọi chuyện xuôi chảy với Chị trên con đường tu trì và thấy Chị cố gắng theo đuổi đến cùng ơn gọi tu trì của mình, mặc dù Chị không có điều kiện ăn học như chúng em, có lúc các anh chị nói đùa: ‘Học cao làm gì vì ít học như Chị mà lại tu được’.

Các anh chị đùa vui nhưng câu nói đùa ấy là có thật. Trong ba chị em có ý tưởng tu trì ban đầu, chỉ có Chị là người có ngày vui vĩnh khấn, chỉ có Chị là người theo đuổi đến cùng ơn gọi tu trì mặc dù Chị không có điều kiện học hết phổ thông, rồi vào đại học như chúng em.

Nghĩ về Chị, nghĩ về những gì Chị đã trải qua và khi chứng kiến những gì Chị đang được lãnh nhận ngày hôm nay, em càng nhận ra rằng ‘Ơn gọi là một huyền nhiệm’. Nó vượt qua những tính toán, dự định, suy luận và tiêu chuẩn của con người.

Viết cho Chị hôm nay em cũng muốn cám ơn Chị về niềm vui mà Chị đã và đang mang đến cho gia đình, cho Cha Mẹ. Em biết Cha Mẹ và gia đình rất vui, rất hãnh diện về Chị. Cám ơn Chị đã làm được điều mà chúng em không thể làm được. Cám ơn Chị đã và đang xoa dịu phần nào những thất vọng, phiền muộn mà chúng em đã gây nên cho Cha Mẹ, cho gia đình và bao người thân khác.

Cũng qua Chị và cùng với Chị, em muốn được nói lên tâm tình biết ơn đối với Nhà dòng, đối với bao người đã và đang đồng hành, nâng đỡ Chị trên bước đường dâng hiến của Chị.

Em cầu chúc Chị và những chị cùng tuyên khấn với Chị hôm nay luôn nhận được thật nhiều niềm vui, bình an và đặc biệt hồng ân Chúa trên con đường tận hiến.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Con Nhện Giăng Tơ
Thérésa Nguyễn
23:07 23/11/2009

CON NHỆN GIĂNG TƠ



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Buồn trông con nhện giăng tơ

Con mắt tuy tỉnh, vẫn ngờ chiêm bao!

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền