Ngày 26-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng 27/11 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:15 26/11/2022
BÀI ĐỌC 1 Is 2, 1-5

Bài Trích sách Tiên tri Isaia.

Đây là điều mà ông I sai a, con ông A mốc, đã được thấy về Giu đa và Giê ru sa lem.

Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.

Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi.

Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.

Vì từ Xi on, thánh luật ban xuống, từ Giê ru sa lem, lời Đức Chúa phán truyền.

Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc.

Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.

Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.

Hãy đến đây, nhà Gia cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường!

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Rm 13, 11-14a

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Thưa anh em, anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê su Ki tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Tv 84, 8

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa và ban ơn cứu độ cho chúng con.

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

TIN MỪNG Mt 24:37 44

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê su nói với các môn đệ rằng:

“Thời ông Nô ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.

“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

Đó là Lời Chúa.
 
Chiến thắng của trái tim
Lm Minh Anh
04:39 26/11/2022

CHIẾN THẮNG CỦA TRÁI TIM
“Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”.

Một thành viên của hội “Những Người Nghiện” đã từng gửi cho chuyên mục Ann Landers: “Chúng tôi uống vì hạnh phúc và trở nên bất hạnh; chúng tôi uống để cảm thấy như thiên đường và cảm thấy như địa ngục; chúng tôi uống để quên và mãi mãi bị ám ảnh; chúng tôi uống vì tự do và trở thành nô lệ; chúng tôi uống để xoá bỏ các vấn đề và thấy chúng nhân lên; chúng tôi uống để chống chọi với sự sống nhưng lại đã mời gọi sự chết. Cuối cùng, chúng tôi nghiệm ra rằng, vấn đề không phải chiến thắng của lý trí mà là ‘chiến thắng của trái tim!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, những trải nghiệm trên đây được Chúa Giêsu gợi lại trong Tin Mừng hôm nay. Ngài cho thấy, cuộc sống chúng ta là một thời gian chuẩn bị, không chỉ cho một tình bạn vĩnh cửu với Thiên Chúa, mà còn cho sự “tấn công” của những “gian khổ” phải đến trước. Và điều quan trọng là ‘chiến thắng của trái tim!’. Để được như thế, chúng ta phải được chiếm ngự bởi Ngài. Ý nghĩa biết bao với Thánh Vịnh đáp ca, một lời cầu nguyện kết thúc toàn bộ Tân Ước, “Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”.

Cuộc chiến thiêng liêng là có thật, dù nó được nhận thức hay không được nhận thức, dù chúng ta muốn hay không muốn. Trước hết, chúng ta chiến đấu mỗi ngày và theo nhiều cách, nhưng cuộc chiến cuối cùng vẫn là ‘chiến thắng của trái tim’ tận nơi sâu thẳm của tâm hồn. Sự thường, tất cả những gian khó trường kỳ khiến trái tim chúng ta mệt nhoài và ‘buồn ngủ’; và tự nhiên, chúng mang lại một cảm giác an toàn giả tạo. Tôi có thể không “chè chén say sưa” theo nghĩa đen, nhưng có thể đang lang thang “say sưa” tìm kiếm những thoả mãn mà thế giới chào mời! Vậy mà, bất cứ khi nào chúng ta tìm kiếm sự thoát ly nhất thời khỏi cuộc sống mà không hướng về Chúa, chúng ta cho phép mình trở nên uể oải thiêng liêng.

Thứ hai, Chúa Giêsu xác định, đó còn là những “lo lắng sự đời”, nguồn gốc của việc trái tim buồn ngủ. Đối mặt với những tân toan, chúng ta có thể cảm thấy quá tải và quá nặng nề bởi điều này hay điều khác; và mỗi khi cảm thấy gánh nặng cuộc sống, chúng ta có xu hướng tìm cho mình một lối thoát. Nhưng rất thường xuyên, những “lối thoát” này lại là những gì khiến chúng ta phải uể oải nhiều hơn và ‘chiến thắng của trái tim’ là một điều khá xa vời.

Biết rõ điều đó, Chúa Giêsu căn dặn, “Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!”. Ngài thách thức chúng ta luôn tỉnh thức và cảnh giác trong đời sống đức tin của mình. Điều này xảy ra khi chúng ta giữ vững lẽ thật trong tâm trí và trái tim; đồng thời, đôi mắt tâm hồn phải luôn dõi theo ý muốn của Chúa. Vì lẽ, khi chúng ta hướng mắt về những gánh nặng của cuộc sống và không nhìn thấy Chúa giữa mọi sự và công việc, chúng ta bắt đầu chìm vào mê muội.

“Maranatha! Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”. Đó là một lời cầu nguyện tuyệt vời, giữ cho lòng chúng ta luôn hướng về Chúa. Có Chúa Giêsu, chúng ta không còn mê mải. Sách Khải Huyền hôm nay nói, “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời”. Đúng thế, có Chúa Giêsu, ‘chiến thắng của trái tim’ nơi chúng ta là một điều gì đó thật khả thi.

Anh Chị em,

“Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”. Chúa sẽ ngự đến trong con tim yếu nhược của chúng ta; Ngài biết những khó khăn, yếu kém và thiếu sót của mỗi người. Và Ngài bảo đảm rằng, chúng ta không cần phải đơn thân gánh lấy gánh nặng của mình cũng như không phải vật lộn mà không có sự giúp đỡ của Ngài. Ngài hiện diện và sẵn sàng ban cho chúng ta bất cứ sức mạnh, hướng dẫn và trợ lực nào để chúng ta chiến đấu và đi đúng con đường Ngài đã đặt ra cho mỗi người. Nhưng có một điều Ngài không chịu được, đó là sự thờ ơ; một thái độ không quan tâm và không làm gì cả! Cầu nguyện và tỉnh thức phải luôn đồng hành. Nếu không làm cho lời cầu nguyện trở thành không khí chúng ta hít thở, chúng ta sẽ chết ngạt trong một thế giới ô nhiễm. Và nếu cầu nguyện là một điều gì đó thường xuyên liên lỉ nơi chúng ta, thì cầu nguyện cũng chính là ‘chiến thắng của trái tim’ vậy.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con nghiệm ra rằng, chỉ có Chúa mới có thể giúp con vượt qua những cơn buồn ngủ thiêng liêng và giúp con có được ‘chiến thắng của trái tim’ mình!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Có ai ngờ và có ai tỉnh thức ?
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
04:57 26/11/2022

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44
CÓ AI NGỜ VÀ CÓ AI TỈNH THỨC?

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bắt đầu năm A của chu kỳ ba năm phụng vụ, với Chúa Nhật I Mùa Vọng. Mùa Vọng hướng chúng ta tới hai mục đích: Một đàng, chuẩn bị mừng Con Chúa giáng trần lần thứ nhất trong khiêm hạ nhỏ bé; đàng khác, giúp chúng ta biết trông chờ Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang, nhờ đó chúng ta biết sống tỉnh thức để đón Chúa đến trong mỗi ngày sống của mình.

1. Cuộc đời ai học hết chữ ngờ

Cuộc sống con người luôn có những điều bất ngờ xảy ra mà chúng ta không lường trước được. Những cơn sóng thần xảy ra ở Nhật Bản làm cho nhiều người không kịp trở tay. Những tai nạn giao thông xảy ra trên đường. Những cái chết bất đắc kỳ tử của người thân… Ở đời không ai học hết chữ ngờ!

Vào thời ông Nôê, trong khi không ai để ý chuyện gì sắp xảy ra, cuộc sống vẫn cứ tiếp tục với những dấu hiệu bình an: “Thiên hạ vẫn ăn uống, dựng vợ gả chồng,” chạy theo những điều phù phiếm, nhưng lãng quên Thiên Chúa. Chỉ có ông Nôê là người tỉnh thức và sẵn sàng. Vâng lệnh Chúa, ông Nôê đóng một chiếc tàu rất lớn. Đang khi đóng tàu, dân chúng chế giễu ông là người lẩm cẩm. Sau khi hoàn tất, ông và gia đình cùng với súc vật vào tàu, lúc đó, trời bắt đầu sấm chớp, đổ mưa như trút ngày đêm. Lụt hồng thủy dâng lên bất chợt. Tất cả đều bị cuốn trôi trong nước lũ. Chỉ còn lại gia đình ông Nôê được cứu sống. Lúc đó, không ai học được chữ ngờ!

Thời đại chúng ta hôm nay cũng thế, xã hội Việt Nam phát xuất từ một đất nước nghèo, chuyển sang nền kinh tế thị trường, đã đẻ ra một lối sống mới là chỉ biết cúi mặt cúi mày kiếm tiền và khi đã có tiền, thì hì hục hưởng thụ. Theo đó, nhiều người chủ trương phải kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp đạo lý, tình người, lừa đảo, gian dối và kể cả bán rẻ nhân phẩm của mình, miễn sao có tiền. Nhưng sau khi có tiền, họ chủ trương hưởng thụ vì họ lý luận: “Em ơi có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời…,” “chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già xồng xộc nó thì theo sau…” Cuộc đời chỉ dừng lại trong chân trời trần tục, đối với họ, Thiên Chúa không hiện hữu, không có ngày mai, không có đời sau…

Đức Giêsu cảnh báo rằng ngày Con Người đến trong bất ngờ, vào ngày nào, giờ nào không một ai biết. “Lúc Con Người đến” chính là ngày tận thế, ngày Chúa quang lâm, và cũng chính là giờ chết của mỗi người. Ngày ấy chắc chắn phải đến, nhưng nó lại đến một cách bất ngờ. Bất ngờ như trận lụt hồng thủy thời ông Nôê. Bất ngờ như hai người đàn ông đang làm ruộng, hai người đàn bà đang xay bột, thì một người được đem đi, một người bị để lại. Không ai biết được mình sẽ ra đi lúc nào. Không ai biết được tương lai của mình ra sao. Không ai biết được ngày tận thế. Bí mật đó chỉ Thiên Chúa Cha nắm giữ. Tất cả đều xảy ra bất ngờ!

2. Tỉnh thức và sẵn sàng

Bởi thế, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại:
“Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44).

Vậy tỉnh thức là gì? Tỉnh thức trước hết là thái độ sống nhạy bén trước những cám dỗ của ma quỷ, trước những nguy cơ tội lỗi và trước những lối sống bất chính. Như thánh Phaolô trong bài đọc II nhắc nhở:
“Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối… hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,12-14).

Tích cực hơn, tỉnh thức là khả năng biết nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa qua những dấu chỉ và những biến cố cuộc sống hằng ngày. Tỉnh thức cũng là một cách thế sống, cách nhìn và đối diện với các dấu chỉ đó bằng cặp mắt đức tin và hành xử cũng như chọn lựa theo nhãn quan đức tin. Đó là một đời sống mới trong Đức Kitô.

Người tỉnh thức là người luôn sẵn sàng, không có gì là đột ngột hay bất ngờ, kể cả cái chết. Như thánh Maria Alacoque trước khi chết đã trả lời cho câu hỏi của các Sơ khác: “Chị có cần chuẩn bị gì nữa không?” Maria trả lời: “Tôi đã sẵn sàng rồi.”

Chúa muốn chúng ta luôn tỉnh thức và sẵn sàng chờ Chúa đến, như năm cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn cháy trong tay chờ chàng rể đến. Nếu chúng ta luôn sẵn sàng và tỉnh thức đón Chúa đến với lòng khao khát, yêu mến, thì giờ đó không còn là nỗi lo kinh hoàng như lụt hồng thủy, như một tai nạn, nhưng lại là giờ phút tương phùng, giờ giao duyên của hai trái tim gặp gỡ.

Thiên Chúa đến với chúng ta nhiều lần và qua nhiều cách thế khác nhau. Nhưng đến thời gian viên mãn, Người đến với chúng ta qua Người Con, là Ngôi Lời nhập thể làm người, trong thân phận khó nghèo và khiêm tốn. Người sẽ đến lần nữa trong vinh quang và quyền năng vào ngày quang lâm. Nhưng Người đến với chúng ta mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể, mà mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ, hiệp lễ, chúng ta được kết hợp nên một với Người. Sự gặp gỡ đó là khởi đầu và chuẩn bị cho sự gặp gỡ sau này trong ngày cánh chung.

3. Cám dỗ về sự trì hoãn

Người ta kể dụ ngôn về ba con quỷ học việc. Chúng nói với tướng quỷ Satan về những kế hoạch cám dỗ loài người. Con quỷ thứ nhất nói: “Tôi sẽ bảo với loài người là không có Thiên Chúa.” Satan đáp: “Điều đó không lừa dối được nhiều người vì họ đã biết là Thiên Chúa hiện hữu.” Con quỷ thứ hai nói: “Tôi sẽ bảo họ là không có thiên đàng, hỏa ngục.” Satan trả lời: “Mi sẽ không lừa được ai bằng cách đó đâu, bởi vì, bây giờ người ta biết rất rõ rằng có thiên đàng và hỏa ngục, thiên đàng dành cho người lành, hỏa ngục dành cho người dữ.” Con quỷ thứ ba nói: “Tôi sẽ bảo với loài người đừng vội vã làm gì, cứ từ từ hoán cải vì còn nhiều thời gian.” Satan đáp: “Đi đi, mày sẽ thành công bằng cách đó.”

Qua câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy rằng: Ảo tưởng nguy hiểm nhất trong đời người là cho rằng mình còn nhiều thời giờ, còn ngày mai, từ đó cứ trì hoãn và ở lỳ trong tội mà không hoán cải. Mùa Vọng là thời gian thuận tiện giúp chúng ta biết nắm bắt cơ hội để thay đổi đời sống mình phù hợp với Tin Mừng ngay tại đây và lúc này. Đó là sống tốt giây phút hiện tại với tất cả những gì Chúa ban.

Cầu xin Chúa cho chúng ta biết sống sống tỉnh thức và sẵn sàng để bất kỳ lúc nào Chúa đến, chúng ta cũng xứng đáng để đi đón Người. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
CN I Mùa Vọng : Vọng Tử
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
22:19 26/11/2022
CN I Mùa Vọng : Vọng Tử

Năm nay Mùa Vọng đến sớm nhất (*). Điều đó tiên báo Noel tới trễ. Tức là đúng 4 tuần chẵn. Chúng ta đang đặt chân vào đầu Mùa Vọng nhưng lại còn dính nhiều ngày tới đuôi của tháng 11, tháng cầu cho các những người đã chết. Bởi đó, dựa vào giao thoa của thời gian, ta sẽ suy nghĩ về đề tài “chờ (vọng) chết (tháng 11)”: “Vọng tử”

Vương Nguyên Mỹ dọn tiệc mời khách, có một người khách rất tinh thông thuật số, gieo quẻ đoán vận, nên khách khứa hăng say nói về tử vi bói toán số mạng. Bấy giờ ông chủ Vương Nguyên Mỹ nói : “Tôi tự mình cũng biết coi bói vậy”. Có người hỏi ông ta xem thử thế nào, họ Vương trả lời: “Tôi và các ngài ai cũng phải chết”. (trích Hài Tùng)

Đúng, đó là chân lý. Là sự thật, dẫu là phũ phàng: tất cả mọi người đều phải chết.

Vì thể có thể nói cách bi quan rằng: sống là chờ chết (như người bệnh nặng hết thuốc chữa chỉ còn nằm giường chờ chết). Triết hiện sinh còn quan niệm bi quan hơn thế: con người là hữu thể để chết. Sein zum Tod. Càng sống thêm một ngày càng đi gần tới nấm mồ. Càng thở thêm một phút càng thấy quan tài rõ hơn một chút. Đó là cái nhìn bi quan.

Còn cái nhìn hy vọng của Kitô hữu: sống là chờ Chúa đến.

Con người ta ai cũng phải chết. Con người ai cũng phải đối diện với ngày Chúa đến. Đó là chân lý bất di bất dịch. Nhưng ngày giờ nào thì không ai rõ. Không ai biết được!

Bởi thế Chúa mới nói phải tỉnh thức. Tức là phải sống trong tư cách của người tỉnh thức.

Có nhiều cái thức mà không tỉnh. Có nhiều người thức mà mê chứ chẳng tỉnh tí nào. Họ là ai?

-Họ là những kẻ thức thâu đêm tới sáng để ăn thua đủ bên canh bạc trên chiếu. Họ thức mà không tỉnh, nhưng mê ông bác thằng bần.

-Những kẻ thức mà mê chứ không tỉnh. Họ là người mê làm giàu: làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, Chúa nhật làm thêm cũng được. Họ không nhớ lời Chúa : trước hết tìm kiếm Nước Trời, còn mọi sự đời sẽđược cho sau.

-Những kẻ thức mà mê chứ không tỉnh là những kẻ thức trong mê man say đắm xác thịt. Thân xác thì thức để chờ đợi thỏa mãn cơn khát vọng của nhục dục, nhưng tâm hồn thì đã ngủ mê trong tội lỗi.

-Những kẻ thức mà mê chứ không tỉnh, đó là những người có kiến thức, có tri thức rồi trở nên kẻ kiêu ngạo, họ thức trong kiến thức hạn hẹp của mình để lên án chỉ trích người này người kia. Họ quên lời Vua Kitô: Ai xét đoán anh em, sẽ bị xét đoán.

-Cũng có những kẻ xem ra thực thi đúng lời Chúa hôm nay: tỉnh thức và cầu nguyện, nhưng lại trong một cung cách sai.

Cha Anthony de Mello, nhà tu đức nổi tiếng người Ấn Độ kể:

Một hôm con trai của Giáo chủ đạo Bà La Môn bên Ấn Độ được mời vào một gia đình khá giả. Bà chủ nhà vốn có lòng hiếu khách, trổ tài nấu ăn cho vui lòng khách quý.

Tiếc thay khi dọn bữa lên, bà khiêm tốn xin lỗi khách vì cái mùi khen khét của các món ăn. Bà phân trần vì muốn bữa cơm thật ngon nên trong khi nấu nướng, bà lo cầu nguyện nên quên chú tâm vào việc nấu ăn.

Vị khách mỉm cười đáp: “Việc cầu nguyện là điều rất cần và rất tốt. Nhưng lần sau khi làm bếp, bà hãy cầu nguyện với quyển sách dạy nấu ăn hơn là cuốn Kinh Thánh Koran.”

Thế giới sẽ ra sao, nếu gần 2 tỉ người Kitô Giáo thức dậy là vào ngay nhà thờ cầu nguyện, và mê man với việc ở lại trong Nhà Thờ, chỉ trừ có giờ ăn, giờ ngủ.

CĐ Vatican gọi một trong những tội của thời đại này, là con người đã xao nhãng việc trần thế. Dĩ nhiên có cách thức vừa làm việc vừa cầu nguyện được, nhưng chắc hẳn không phải là ở mãi trong Nhà Thờ, lấy ai đi chợ lấy ai nấu ăn.

Người ta nói rằng tôn giáo là một thứ thuốc phiện ru ngủ tín đồ. Tuy nói thế là không đúng, nhưng sở dĩ có người nói thế một phần cũng là do chúng ta : nhiều người trong chúng ta chỉ coi tôn giáo là một nơi an ủi (chỉ đến với Chúa khi gặp chuyện buồn phiền) và một chỗ bảo hiểm an toàn (đọc kinh cầu nguyện để được Chúa che chở, cứu nguy). Họ đến nhà thờ để tìm kiếm những chuyện siêu nhiên (phép lạ, ơn đặc biệt) trong khi quá lơ là với những trách nhiệm trần thế. Đạo như thế đúng là thuốc phiện và người giữ đạo như thế đúng là người thức mà như đang mê ngủ.

Trên đây ta đã tạm liệt kê những người thức chờ Chúa đến mà không tỉnh. Họ thức trong mê: mê đỏ đen, mê làm giàu, mê lạc thú, kể cả mê cầu nguyện mà quên việc bổn phận hằng ngày…, cũng vẫn là thức mà không tỉnh.

Cái tỉnh đúng đắn là nhận chân rằng : số phận vĩnh cửu của ta tùy thuộc cách sống hiện tại của ta. Cuộc sống hiện tại trong thời gian là mầm cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Mầm tốt sẽ trở thành cây tốt, mầm xấu sẽ trở thành cây xấu. Khi chết rồi là không thể sữa chữa được nữa.

Cái tỉnh đúng đắn nhất là biết sẵn sàng đón tiếp Chúa đến bất cứ lúc nào. Nói cách khác, sống mà như sẵn sàng chết. Một câu nói lừng danh : BẠN CHƯA SẴN SÀNG SỐNG CHO TỚI KHI NÀO BẠN SẴN SÀNG CHẾT.“ You are not ready to live until you’re ready to die”. Tức là: Bạn chưa biết sống nếu bạn chưa biết chết. Bạn sẽ không biết sống thế nào, nếu bạn chưa biết ta chết làm sao. Chết là lúc gặp Chúa.

Hãy thử xem bạn muốn gặp Chúa ra sao, thì bạn sẽ sống theo như vây.

Một bà đạo đức được Chúa hứa đến thăm vào ngày bà xin.

Sáng sớm hôm đó, bà lo dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng thật lộng lẫy, rồi ngồi chờ Chúa. Nghe tiếng gõ cửa, bà tin là Chúa đến, vội chạy ra mở cửa... Nhưng đó là người ăn xin. Bà buồn bã đóng cửa lại.

Một lúc sau lại có tiếng gõ cửa. Bà vội mở cửa nhanh hơn vì chắc là Chúa đến... Nhưng đó là một người mù. Và cửa đóng lại.

Mấy phút trôi qua, lại có tiếng gõ cửa. Bà nghĩ nhất quáa tam, chắc chắn Chúa đến nên chạy nhanh mở cửa. Thì ra là một người ăn mặc rách rưới. Bà vừa buồn vừa giận, nói: Tôi bận đón Chúa, tôi không giúp anh được!

Rồi màn đêm xuống cũng chưa thấy Chúa đến. Bà buồn rầu than:

- Chẳng biết Chúa bận việc gì mà quên lời hứa. Mòn mỏi quá bà ngủ quên và thấy Chúa đến nói:

Cha đã đến với con 3 lần, mà cả 3 lần đều bị con đuổi đi !...

Trên bia mộ trong một nghĩa trang, có mấy dòng chữ đáng ta suy nghĩ.

Những gì tôi có, nay đã thuộc về người khác.

Những gì tôi đã mua sắm, nay người khác hưởng dùng.

Những gì tôi làm phúc, cho đi, nay thuộc về tôi.

Đó chính là cách thức tỉnh thức thích hợp khi ta chờ Chúa đến.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

_____________

(*) Năm nay ngày lễ Giáng Sinh 25-12 đúng vào ngày Chúa nhật, nên Mùa Vọng đến sớm nhất và kéo dài lâu nhất, đủ 4 tuần 28 ngày. Sang năm, lễ Giáng Sinh 25-12-2017 rơi vào thứ hai, Mùa Vọng sẽ ngắn nhất vì mãi tới 3-12 mới là CN I Mùa Vọng, và chỉ kéo dài 3 tuần trọn, có 21 ngày thôi. Sáng Chúa nhật 24-12-2017 là Chúa nhật IV Mùa Vọng, thì ngay chiều tối đó, đã “Đêm đông mừng Chúa giáng sinh ra đời rồi…”.

VP 2016, Face, DB63, VCT (chưa Nhtrang) Nha trang lấy bài chờ, mong
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thế giới Công Giáo tưởng niệm hàng trăm ngàn Kitô hữu tử đạo tại Việt Nam
Đặng Tự Do
06:07 26/11/2022


Hôm 24 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới đã tưởng niệm hàng trăm ngàn Kitô hữu tử đạo tại Việt Nam. Nhân dịp này, Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Remembering the hundreds of thousands of Christians martyred in Vietnam”, nghĩa là “Tưởng niệm hàng trăm ngàn Kitô hữu tử đạo tại Việt Nam”.

Kitô giáo đến Việt Nam năm 1533, và nhiều Kitô hữu Việt Nam đã trở thành thánh và các vị tử đạo trong các đợt bách hại khác nhau. Những người đã được biết đến và đông đảo những người chưa được biết đến đã chết cho Chúa Giêsu Kitô cùng được vinh danh vào ngày 24 tháng 11, hàng năm lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Từ năm 1630 đến năm 1886, khoảng 130,000 đến 300,000 Kitô hữu chịu tử vì đạo ở Việt Nam, thường là sau khi bị giam giữ và tra tấn dã man. Những người khác buộc phải trốn vào rừng núi hoặc bị lưu đày sang các nước khác.

Các cuộc đàn áp thường xảy ra trong bối cảnh có những thay đổi chính trị và căng thẳng xã hội, đặc biệt là dưới thời các hoàng đế áp dụng các chính sách bài Kitô giáo vì sợ ảnh hưởng của nước ngoài.

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tôn vinh những vị tử đạo vô danh này, tiêu biểu là 117 vị tử đạo đã chết vì đức tin Công Giáo tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.

Trong số các ngài có 96 người Việt Nam, 11 người Tây Ban Nha và 10 người Pháp. Tám người trong nhóm là các giám mục, 50 linh mục và 59 giáo dân Công Giáo. Các thánh giáo dân bao gồm một em bé 9 tuổi và thánh Anê Lê Thị Thành, một bà mẹ sáu con.

Một số linh mục là tu sĩ Đa Minh, những người khác là linh mục giáo phận thuộc Hội Thừa sai Paris.

Các vị tử đạo cũng được nhóm thành “Thánh Anrê Dũng-Lạc và các bạn đồng hành tử đạo.” Thánh Anrê Dũng Lạc sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha mẹ không theo đạo Thiên Chúa, cha mẹ ngài đã giao phó ngài cho một người giám hộ là một giáo lý viên Công Giáo. Ngài được rửa tội và sau đó được thụ phong linh mục vào năm 1823. Ngài phục vụ với tư cách là cha sở và nhà truyền giáo trên khắp Việt Nam. Ngài đã hơn một lần bị bỏ tù và được các tín hữu Công Giáo chuộc mạng.

Ngài bị xử trảm tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 12 năm 1839.

Các nhóm tử đạo Việt Nam đã được phong chân phước bởi nhiều vị giáo hoàng. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho 117 vị tử đạo vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, và hết lời ca ngợi chứng tá của các ngài.

“Làm sao để nhớ hết? Ngay cả khi chúng ta giới hạn bản thân mình với những người được phong thánh hôm nay, thì chúng ta cũng không thể tập trung vào từng người trong số họ,” Đức Thánh Cha suy tư trong bài giảng Thánh lễ phong thánh. Ngài so sánh những cuộc bách hại ở Việt Nam với những cuộc bách hại mà các thánh tông đồ và các Kitô hữu sơ khai phải đối mặt.

“Một lần nữa chúng ta có thể nói rằng máu của các vị tử đạo là dành cho anh chị em, những người Kitô hữu của Việt Nam, là nguồn ân sủng để tiến triển trong đức tin. Ở nơi anh chị em, niềm tin của cha ông tiếp tục được truyền cho các thế hệ mới. Đức tin này vẫn là nền tảng cho sự bền đỗ của tất cả những ai cảm thấy mình là người Việt Nam đích thực, trung thành với mảnh đất của mình, đồng thời muốn tiếp tục là môn đệ đích thực của Chúa Kitô.”

Ngài nói thêm: “Từ hàng dài các vị tử đạo, những đau khổ, nước mắt của họ là 'thu hoạch của Chúa'. Chính họ, những người thầy của chúng ta, đã cho tôi cơ hội tuyệt vời để trình bày với toàn thể Giáo hội về sức sống và sự vĩ đại của Giáo hội Việt Nam, sức mạnh, sự kiên nhẫn, khả năng đối mặt với mọi khó khăn và loan báo Chúa Kitô. Chúng ta tạ ơn Chúa vì những gì Thánh Thần sinh sôi dồi dào giữa chúng ta!”

“Tất cả các Kitô hữu đều biết rằng Tin Mừng yêu cầu chúng ta phục tùng các thể chế của con người vì tình yêu dành cho Chúa, để làm điều tốt, cư xử như những người tự do, tôn trọng mọi người, yêu thương anh em của chúng ta, kính sợ Thiên Chúa, tôn trọng chính quyền và các thể chế công cộng,” Đức Thánh Cha nói.

Đức Gioan Phaolô II cho biết các vị tử đạo Việt Nam đã bắt đầu “một cuộc đối thoại sâu sắc và tự do” với người dân và nền văn hóa Việt Nam. Họ tuyên bố “sự thật và tính phổ quát của niềm tin vào Chúa” và đề xuất “một hệ thống các giá trị và nghĩa vụ đặc biệt phù hợp với văn hóa tôn giáo của toàn thế giới phương Đông”.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị nói tiếp rằng “Dưới sự hướng dẫn của cuốn giáo lý đầu tiên của người Việt Nam, họ đã làm chứng rằng chỉ phải tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, là Thiên Chúa duy nhất đã tạo dựng trời đất. Đối mặt với các biện pháp cưỡng chế của chính quyền liên quan đến việc thực hành đức tin, họ khẳng định quyền tự do tín ngưỡng của mình, lập luận với lòng can đảm khiêm tốn rằng Kitô giáo là điều duy nhất họ không thể từ bỏ, vì họ không thể bất tuân với Chúa tể tối cao là Chúa Trời Đất”.

“Hơn nữa, họ mạnh mẽ tuyên bố ý chí trung thành với chính quyền của đất nước, không làm trái những gì chính đáng và trung thực; họ đã dạy phải kính trọng và tôn kính tổ tiên của họ, theo phong tục của vùng đất của họ, dưới ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh”

“Giáo hội Việt Nam, với các vị tử đạo và qua chứng tá của mình, đã có thể tuyên bố cam kết và ý chí không bác bỏ truyền thống văn hóa và thể chế luật pháp của đất nước; ngược lại, Giáo Hội đã tuyên bố và chứng tỏ rằng Giáo Hội muốn được nhập thể ở đất nước này, trung thành đóng góp vào sự phát triển thực sự của quê hương”

Đức Thánh Cha đã viện dẫn câu nói của Kitô hữu cổ xưa rằng “máu của các vị tử đạo là hạt giống của Giáo hội.” Ngài cũng lưu ý rằng những người Công Giáo Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự bách hại trong thời đại ngày nay.

“Ngoài hàng ngàn tín hữu, trong các thế kỷ trước, đã bước theo dấu chân của Chúa Kitô, ngày nay vẫn còn có những người làm việc, đôi khi trong đau khổ và từ bỏ chính mình, với khát vọng duy nhất là có thể kiên trì trong vườn nho của Chúa với tư cách là người trung thành, như những người hiểu biết về những điều tốt đẹp của vương quốc Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha nói, bổn phận làm việc và cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến là một “hoạt động nội tâm liên tục và nghiêm ngặt”, “đòi hỏi sự kiên nhẫn và niềm trông đợi tin tưởng của những người biết rằng sự quan phòng của Thiên Chúa đang làm việc với họ để thực hiện sứ mệnh của mình. Những nỗ lực và cả sự đau khổ của họ đều có hiệu quả.”
Source:Catholic News Agency
 
Nỗi đau của anh chị em là nỗi đau của tôi: Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết thư đánh dấu 9 tháng chiến tranh ở Ukraine
Đặng Tự Do
06:09 26/11/2022


Trong một lá thư xúc động gửi cho người dân Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng ngài nhìn thấy thập giá của Chúa Kitô trong những tra tấn và đau khổ mà người dân Ukraine phải chịu đựng trong chín tháng chiến tranh.

“Tôi muốn kết hợp những giọt nước mắt của tôi với nước mắt của anh chị em và nói với anh chị em rằng không có ngày nào mà tôi không gần gũi với anh chị em và không mang anh chị em trong trái tim và trong những lời cầu nguyện của tôi,” Đức Thánh Cha viết trong thư.

“Nỗi đau của anh chị em là nỗi đau của tôi. Trên thập giá của Chúa Giêsu hôm nay tôi nhìn thấy anh chị em -những người đang phải chịu đựng nỗi kinh hoàng do sự xâm lược này gây ra.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng “thánh giá đã hành hạ Chúa sống lại trong những cực hình được tìm thấy trên các xác chết” và “trong những ngôi mộ tập thể được phát hiện ở nhiều thành phố khác nhau.”

Vatican đã công bố bức thư bằng tiếng Ukraine và tiếng Ý vào ngày 25 tháng 11, một ngày sau khi lá tứ được Đức Thánh Cha Phanxicô ký tại Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô.

Trong thư, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại việc thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ vào ngày 25 tháng Ba.

Ngài nói: “Xin Đức Mẹ, Mẹ của Chúa Kitô và của chúng ta, đoái nhìn anh chị em. Trước Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, cùng với các giám mục trên thế giới, tôi đã thánh hiến Giáo Hội và nhân loại, đặc biệt là đất nước của anh chị em và nước Nga.”

“Trước Trái tim Từ mẫu của Đức Mẹ, tôi đã trình bày những đau khổ và nước mắt của bạn.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thường xuyên cầu nguyện cho “Ukraine tử vì đạo” trong các buổi tiếp kiến công khai kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào tháng Hai.

Bức thư của ngài gửi cho người dân Ukraine được ký đúng một tuần sau khi ngài gặp riêng Đức Tổng Giám Mục Mieczysław Mokrzycki của Lviv và Đức Giám Mục Jan Sobiło, một Giám Mục Phụ Tá của Kharkiv-Zaporizhia ở Ukraine và Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã dâng Thánh lễ cho hòa bình ở Ukraine..

Bức thư của Đức Thánh Cha cũng đề cập đến “nạn diệt chủng Holodomor,” là nạn đói do con người gây ra ở Ukraine thuộc Liên Xô đã giết chết hàng triệu người trong khoảng thời gian từ 1932 đến 1933, và sự kiên cường không ngừng của người dân Ukraine ngày nay.

“Ngay cả trong bi kịch to lớn mà họ đang phải gánh chịu, người dân Ukraine chưa bao giờ nản lòng hay cam chịu. Thế giới đã công nhận một dân tộc táo bạo và mạnh mẽ, một dân tộc chịu đau khổ và cầu nguyện, khóc lóc và đấu tranh, kháng cự và hy vọng: một dân tộc cao thượng và tử vì đạo,” Đức Phanxicô nói.

“Tôi tiếp tục sát cánh bên anh chị em với trái tim, lời cầu nguyện và với sự quan tâm nhân đạo để anh chị em có thể cảm thấy được đồng hành, để anh chị em không quen với chiến tranh, để anh chị em không bị bỏ lại một mình hôm nay và đặc biệt là ngày mai khi cơn cám dỗ quên đi những đau khổ của anh chị em sẽ đến, có lẽ sẽ đến.”
Source:Catholic News Agency
 
Tòa án Hương Cảng kết án Đức Hồng Y Quân và năm người ủng hộ dân chủ khác
Đặng Tự Do
06:10 26/11/2022


Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và năm người khác đã bị kết tội vào hôm thứ Sáu vì đã không ghi danh một quỹ giúp thanh toán các chi phí pháp lý và điều trị y tế cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng.

Vị Hồng Y 90 tuổi và cựu giám mục Hương Cảng đã bị phạt khoảng 4.000 đô la Hương Cảng, hay 500 Mỹ Kim. Mỗi người trong số những người được ủy thác khác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612, hiện đã không còn tồn tại, cũng bị phạt số tiền tương tự.

Đức Hồng Y Quân nói với các phóng viên sau phán quyết vào ngày 25 tháng 11: “Mặc dù tôi là một nhân vật tôn giáo, nhưng tôi hy vọng vụ án này sẽ không liên quan đến quyền tự do tôn giáo của chúng tôi.”

Đức Hồng Y xuất hiện tại Tòa sơ thẩm Tây Cửu Long với một cây thánh giá trước ngực, y phục giáo sĩ và đeo khẩu trang. Ngài đã sử dụng một cây gậy để đi bộ.

“Tôi chỉ là một công dân Hương Cảng ủng hộ mạnh mẽ việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo,” ngài nói, theo Reuters.

Phiên tòa của Đức Hồng Y Quân từ tháng 9 đến tháng 11 tập trung vào việc liệu các ủy viên của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 có cần ghi danh với chính quyền địa phương từ năm 2019 đến 2021 hay không.

Luật sư Bàng Diệu Hồng (Robert Pang, 彭耀鴻) của Đức Hồng Y Quân đã lập luận trước tòa vào tháng trước rằng việc áp đặt “các biện pháp trừng phạt hình sự đối với việc không ghi danh là một vi phạm nghiêm trọng quyền tự do lập hội”.

Chánh án Ada Doãn Thuận Nghi (Yim Shun-yee, 尹顺仪) đã ra phán quyết vào hôm thứ Sáu rằng quỹ này là một “tổ chức địa phương” và phải tuân theo các quy tắc của địa phương, nhưng cô ta không áp dụng hình phạt tối đa cho hành vi vi phạm là khoản tiền phạt khoảng 1,200 đô la.

Doãn Thuận Nghi cho biết trong phán quyết của mình rằng quỹ “có mục tiêu chính trị và do đó nó không được thành lập chỉ vì mục đích bác ái.”

Cùng bị kết án với Đức Hồng Y Quân còn có bốn người khác, bao gồm ngôi sao nhạc pop Canada-Hong Kong Hà Vận Thi (Denise Ho, 何韻詩), học giả Hứa Bảo Cường (Hui Po Keung, 许宝强), và các nhà lập pháp đối lập cũ Ngô Ái Nghi (Margaret Ng, 吳靄儀) và Hà Tú Lan (Cyd Ho, 何秀蘭))

Ngô Ái Nghi, một luật sư và người được ủy thác quỹ đã bị kết án với Đức Hồng Y Quân, nói với các phóng viên bên ngoài tòa án rằng phán quyết này rất quan trọng vì đây là lần đầu tiên bất kỳ ai ở Hương Cảng cũng đều có thể bị kết án theo Pháp lệnh Xã hội vì không ghi danh một hiệp hội.

Anh Di Chính Vĩ (Sze Ching-wee, 施正伟) cựu thư ký của Quỹ cứu trợ nhân đạo 612, cũng bị buộc tội hôm thứ Sáu với mức phạt nhẹ hơn. Anh ta đã bị bắt trước đó vào tháng 11 theo luật an ninh quốc gia của Hương Cảng, và đã được tại ngoại nhưng từ tháng Hai đã bị buộc phải trình diện định kỳ với cảnh sát.

Đức Hồng Y và những người được ủy thác khác của quỹ đã bị bắt vào tháng 5 cùng với các nhà hoạt động dân chủ khác theo luật an ninh quốc gia nghiêm ngặt của Hương Cảng và được tại ngoại ngay sau đó.

Tờ South China Morning Post đưa tin rằng phán quyết trong phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Quân có thể được coi là “khúc dạo đầu cho nhiều rắc rối pháp lý hơn… khi cảnh sát an ninh quốc gia tiếp tục điều tra về cáo buộc nhóm này thông đồng với các lực lượng nước ngoài.”
Source:Catholic News Agency
 
Vị phó tế bị hôn mê đến 50 ngày vì COVID vừa được thụ phong linh mục
Đặng Tự Do
17:12 26/11/2022


Thầy phó tế Nathanael Alberione ở Cordoba, Á Căn Đình, đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại COVID-19 vào năm 2021, và được thụ phong linh mục vào ngày 21 tháng 11 vừa qua. Vào ngày được thụ phong, vị tân chức đã nhận được một bất ngờ đặc biệt: Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho ngài những lời động viên và thúc giục ngài trở thành một “ linh mục của các vùng ngoại vi.”

Vị linh mục 33 tuổi mới được thụ phong đã được bổ nhiệm đến một giáo phận ở Patagonia, nơi ngài đã từng phục vụ như một phó tế.

Đức Cha Joaquín Gimeno Lahoz, Giám Mục của Comodoro Rivadavia, đã phong chức linh mục cho Thầy phó tế Cordovan. Đồng tế trong thánh lễ còn có các giám mục từ Patagonia-Comahue với rất nhiều tín hữu tham dự.

Tin tức về việc thụ phong linh mục của ngài đã được Giáo hội địa phương và cộng đồng Công Giáo khắp nơi đón nhận một cách vui mừng, những người đã cầu nguyện cho sức khoẻ của Thầy Cordovan vào tháng 4 năm 2021, khi ngài bị nhiễm COVID-19 nặng đến mức bị hôn mê trong 50 ngày.

“Từ 'cảm ơn' không còn đủ trong một tình huống cuộc sống như thế này, nhưng thật không may, chúng ta không có từ nào khác để bày tỏ lời cảm ơn,” Thầy Cordovan thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh trong chương trình Đối thoại của Radio Divina Providencia.

Lời chào từ Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong buổi lễ truyền chức, phải tổ chức tại sân vận động thành phố số 1 ở Puerto Madryn vì số người tham dự dự kiến vượt quá sức chứa của tất cả các nhà thờ, vị tân linh mục đã nhận được một bất ngờ đặc biệt.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự gần gũi của mình với ngài trong một lá thư kêu gọi ngài làm “linh mục vùng ngoại vi” và nói rằng “điều đó luôn tốt hơn là ở trung tâm, bởi vì thực tế được nhìn thấy tốt hơn từ đó.”

“Đừng quên cội nguồn của bạn cũng như cái nhìn của Chúa Giêsu, Đấng đã gọi bạn,” Đức Thánh Cha khuyên. “Tôi cầu xin Đức Trinh Nữ bảo vệ bạn, chăm sóc bạn với nhiều sự quan tâm và tình cảm, và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi,” Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận.
Source:Catholic News Agency
 
Mọi người đều dễ bị buộc tội: Các giám mục phản ứng với nỗi sợ hãi của các linh mục trước những trò cáo gian
Đặng Tự Do
17:13 26/11/2022


Một cuộc khảo sát gần đây đối với các linh mục cho thấy sự mất lòng tin ngày càng tăng của các ngài đối với các giám mục và những lo ngại lớn rằng các linh mục sẽ không nhận được sự hỗ trợ nếu phải đối mặt với những cáo buộc sai trái về lạm dụng.

82% các linh mục trả lời một cuộc khảo sát do The Catholic Project, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, DC, thực hiện, cho biết họ luôn sống trong nỗi sợ hãi bị cáo buộc sai trái về lạm dụng tình dục.

Và chỉ có 51% linh mục giáo phận tin rằng giám mục của họ sẽ hỗ trợ họ trong quá trình điều tra lạm dụng, theo cuộc khảo sát được công bố vào tháng Mười. Trong khi đó, chỉ 36% tin rằng giáo phận của họ sẽ cung cấp các nguồn lực cần thiết để tự bảo vệ mình trong một cuộc điều tra pháp lý.

CNA đã thảo luận những kết quả khảo sát đó với các giám mục tham dự đại hội mùa thu của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ tại Baltimore vào đầu tháng này. Trong cuộc họp thường niên, các giám mục Hoa Kỳ đã đánh dấu kỷ niệm 20 năm các giao thức Hiến chương Dallas mà hội nghị đã thông qua vào năm 2002 để đáp lại các cáo buộc lạm dụng chống lại giáo sĩ.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco gọi những phát hiện của cuộc khảo sát là “rất đáng lo ngại”, đồng thời nói thêm rằng các giám mục phải “hỗ trợ các linh mục đang gặp khó khăn và rắc rối” và “có lòng trắc ẩn và kiên nhẫn với họ.”

Đức Cha Cordileone cho biết khả năng bị buộc tội kết thúc sự nghiệp ở một số vùng của đất nước thậm chí còn lớn hơn ở những vùng khác.

“Các linh mục đang chịu rất nhiều áp lực, và chúng ta cần đánh giá cao điều đó, đặc biệt là trong hoàn cảnh ở một số tiểu bang, như tiểu bang của chúng tôi, California, một lần nữa đã dỡ bỏ thời hiệu tố cáo. Bây giờ mọi người đều dễ bị buộc tội,” Đức Cha Cordileone nói.

Giám Mục Phụ Tá Robert Reed của Tổng giáo phận Boston bày tỏ sự đồng cảm với những lo lắng của các linh mục, nói rằng các linh mục sống với sự hiểu biết rằng họ “chỉ cần một lời buộc tội vu vơ là nghỉ hưu” và trong nhiều trường hợp, “nếu bạn bị buộc tội về điều gì đó, đó gần như sẽ kết thúc với một bản án oan sai”.

Sự thiếu tin tưởng của các linh mục vào giám mục bản quyền góp phần trực tiếp vào sự kiệt sức. Theo khảo sát của Dự án Công Giáo, các linh mục trẻ dường như đặc biệt dễ bị tổn thương, với 60% linh mục triều dưới 45 tuổi lên tiếng về tình trạng kiệt sức ở một mức độ nào đó.

Đức Cha Kevin Rhoades của Giáo phận Fort Wayne-South Bend, Indiana, nói với CNA rằng việc kết nối và giúp đỡ từng linh mục cảm thấy được hỗ trợ là một “thách thức đối với các giám mục”.

“Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng,” Đức Cha Rhoades nói, và nhấn mạnh thêm rằng ngài phải yêu cầu nhân viên của mình hỗ trợ thêm “để tôi có thời gian với các linh mục.”

Tuy nhiên, khi nói đến các cuộc điều tra lạm dụng tình dục, những thách thức đó càng được phóng đại hơn. “Bạn càng cố tỏ ra nhạy cảm với nạn nhân, hay những người được cho là nạn nhân, thì bạn càng phải ở đó với họ. Sau đó mới đến các linh mục,” Đức Cha Rhoades nói. “Vì vậy, đó là một điều thực sự rất khó giải quyết, nhưng chúng ta phải làm.”

Đối với Đức Cha Reed, giải pháp cho sự ngờ vực của các linh mục đối với các giám mục là “ít quản lý hơn, tiếp xúc cá nhân nhiều hơn”. Theo ý kiến của Đức Cha Reed, công việc của giám mục “phải có khía cạnh truyền giáo”. “Bạn biết đấy, một tách cà phê với một linh mục, cử hành thánh lễ buổi sáng, đi ăn tối, có thể ở lại nhà xứ, đại loại như thế.”

Đức Cha Reed thừa nhận rằng mặc dù một giám mục có thể làm việc chăm chỉ để cải thiện lòng tin với các linh mục của mình, nhưng “bạn thực sự không thể làm gì” trước thực tế một lần là chấm dứt cuộc đời linh mục trong các cáo buộc lạm dụng.

Đối với Đức Cha Cordileone, điều đó phụ thuộc vào vị linh mục được đề cập và thành tích của ngài. Đức Cha Cordileone nói rằng nếu “rõ ràng là anh ấy vô tội, và anh ấy là một mục tử được kính trọng suốt đời… thì giám mục của vị linh mục ấy phải chiến đấu để bảo vệ danh tiếng của vị linh mục… ngay cả khi vị Giám Mục sẽ phải gánh chịu những lời cay độc. Tôi nghĩ rằng đó là một điều có thể giúp xây dựng lại niềm tin với các linh mục.”
Source:Catholic News Agency
 
Nhà thần học Đa Minh nói với Giám mục người Đức Bätzing: Hỗ trợ cho chương trình nghị sự của người đồng tính là dị giáo hiện đại
Đặng Tự Do
17:14 26/11/2022


Linh mục Nelson Medina, một linh mục dòng Đa Minh có bằng tiến sĩ thần học tín lý, đã chỉ trích gay gắt chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Đức Cha Georg Bätzing, người kiên trì ủng hộ chương trình nghị sự của người đồng tính.

Medina, người gốc Colombia, là người có ảnh hưởng trong thế giới nói tiếng Tây Ban Nha với sự hiện diện trên Twitter, YouTube và TikTok. Ngài có 63,000 người theo dõi trên Twitter và 442,000 người theo dõi trên YouTube.

Trong một cuộc họp báo ở Rome sau chuyến thăm ad limina của các giám mục Đức, Bätzing nói với các nhà báo rằng ngài không có ý định rời bỏ Giáo Hội Công Giáo qua Tiến Trình Công Nghị. Thay vào đó, ngài nói, những người ủng hộ Tiến Trình Công Nghị này muốn tiếp tục là người Công Giáo, “nhưng chúng tôi muốn là người Công Giáo theo một cách khác.”

Vị giám mục người Đức cũng nói rằng ngài ủng hộ việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái, là điều đã xảy ra hàng loạt vào tháng 5 năm nay bất chấp lệnh cấm rõ ràng của Bộ Giáo lý Đức tin, được ban hành trong một Phản hồi năm 2021.

Cha Javier Olivera Ravasi, một linh mục người Á Căn Đình, người chỉ đạo dự án “Que no te la cuentan” nghĩa là “đừng tin tất cả những gì bạn nghe thấy”, viết trên Twitter rằng “'Người Công Giáo theo một cách khác' mà Giám Mục Bätzing đề cập đến được gọi là 'Tin lành'.

Đối với Cha Medina, lập trường kiên trì ủng hộ người đồng tính của Bätzing “lại là một tiếng kêu khác của dị giáo theo chủ nghĩa hiện đại, giống như tất cả các dị giáo lớn, không bao giờ thực sự biến mất hoàn toàn.”

Vị linh mục Đa Minh sau đó giải thích rằng “phước lành mà tội nhân thực sự cần là lời kêu gọi hoán cải bác ái nhưng rõ ràng và kiên định. Không có nó, 'phước lành' kiểu này chỉ là sự thúc giục tội lỗi và là một hình thức khinh thường và tàn ác đối với những người sống trong tội lỗi.

Theo fraynelson.com, vị linh mục Đa Minh “giảng dạy tại Học viện Đa Minh và là thành viên của Khoa Thần học tại Đại học Santo Tomás. Ông đã từng giữ ghế Khoa trưởng thần học cơ bản, tín lý và đạo đức cũng như logic.”

Cha Juan Manuel Góngora, một linh mục người Tây Ban Nha có hơn 56,000 người theo dõi trên Twitter, giải thích rằng “tội lỗi không thể được ban phước. Giám mục Bätzing nên quay lại chủng viện để học hoặc chuyển sang Tin lành và ngừng làm phiền mọi người.”

Trong các phản ứng sau chuyến viếng thăm ad limina, gặp gỡ Đức Thánh Cha và các vị trong các cơ quan trung ương Tòa Thánh, Giám mục Bätzing, trấn an mọi người rằng Giáo Hội tại Đức sẽ không tách khỏi Giáo Hội Công Giáo, tuy nhiên ông thề sẽ tiến hành các nghị quyết đã được Tiến Trình Công Nghị thông qua, bao gồm cả việc tấn phong linh mục cho phụ nữ. Trên thế giới này, có Giám Mục nào dám tuyên bố như Giám mục Bätzing mà không bị một hình thức kỷ luật nào không? Các phương tiện truyền thông Đức gọi Giám mục Bätzing Neuer Papst, nghĩa là “Tân Giáo Hoàng”. Trên thực tế, Giám mục Bätzing đang hành xử như thế.

“Tiến Trình Công Nghị” của Đức là một quá trình tập hợp giáo dân và giám mục bắt đầu từ tháng 12 năm 2019 để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực được thực thi như thế nào trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ, là những vấn đề mà họ đã bày tỏ, công khai và trong nhiều dịp khác nhau, những quan điểm trái ngược với giáo lý Công Giáo.

Giáo hội dạy gì về đồng tính luyến ái

Giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái được tóm tắt trong các số 2357, 2358 và 2359 của “Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo”, nói rằng những người đồng tính luyến ái được kêu gọi nên thánh và khiết tịnh.

Giáo lý giải thích rằng xu hướng đồng tính luyến ái là “rối loạn khách quan” và đối với những người đồng tính luyến ái, điều này “đối với hầu hết trong số họ là một thử thách”.

Văn bản cũng tuyên bố rằng “các hành vi đồng tính luyến ái là thác loạn về bản chất” và do đó “chúng không thể được chấp nhận trong mọi trường hợp”.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phong Trào Cursillo Giáo phận Đà Nẵng tổ chức Đại hội Ultreya
Trương văn Ân
18:04 26/11/2022
Lễ Giỗ Linh Mục Linh Hướng Cursillo Giáo Phận Đà Nẵng & Đại Hội Ultreya Lần Thứ 51

Sáng 26 / 11 / 2022, tại nhà thờ giáo xứ An Hải – Giáo phận Đà Nẵng, Phong Trào Cursillo Giáo phận đã tổ chức Đại hội Ultreya lần thứ 51 và hiệp dâng Thánh lễ Giỗ 10 năm Cha Martino Trần Văn Đoàn (27/11/2012-2022) – Linh hướng tiên khởi Phong Trào Cursillo tại Giáo phận.

Đến dự có các Cha Linh hướng của Phong trào Cursillo tại Giáo phận Đà Nẵng : Cha Giuse Nguyễn Văn Khang, Cha Emmanuel Nguyễn Tấn Lục – Quản xứ An Hải và Cha Phê-rô Maria Nguyễn Ngọc Phi.

Trong các đề tài chia sẻ nhân chứng, các Cursillistas ( Thành viên Cursillo) nhấn mạnh đến châm ngôn sống của các thành viên Cursillo “một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh chị em “. Phải đem hết khả năng và nhiệt huyết của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ.

Trong dịp này, Ban điều hành đã tóm tắt một số hoạt động trong thời gian qua, và dự kiến một số chương trình công tác cho thời gian đến, dự kiến đầu tháng 8 / 2023 sẽ mở khóa mới. đồng thời mời gọi Cursillistas lập PALANCA, tức là dâng những hy sinh, bác ái, làm việc Đạo đức …. Và tham dự Thánh lễ, để cầu nguyện cho các “ Khóa 3 Ngày” mới tại nhiều Giáo phận trong năm 2023.

Lúc 10 giờ, các Cha Linh hướng hiện diện, đã dâng Thánh lễ đồng tế, cầu nguyện cho Cha Martino Trần Văn Đoàn, dịp Giỗ 10 năm ( 27 / 11 / 2012-2022) Linh hướng tiên khởi của Phong trào tại Giáo phận Đà Nẵng. Cộng đoàn còn nhớ ơn và cầu nguyện cho Cha Linh hướng Phê-rô Hoàng Xuân Nghiêm Cha Simon Đinh Hưng Lợi và quý anh chi Cursillistas đã qua đời. xin Lòng Thương Xót Chúa, tha xóa những lỡ lầm, khi còn sống mắc phải, và sớm đưa vào vui hưởng Tôn Nhan Chúa.

Tôma Trương Văn Ân
 
Tân Tòng Sydney Gia Nhập Giáo Hội.
Diệp Hải Dung
18:07 26/11/2022
Tân Tòng Sydney Gia Nhập Giáo Hội.

Chiều thứ Bảy 26/11/2022 Sau những tháng ngày học hiểu về Giáo Lý, Kinh Thánh, 19 Anh Chị Em Tân Tòng thuộc các Giáo đoàn Cabramatta, Giáo đoàn Lakemba, Giáo đoàn Marrickville, Giáo đoàn Mt. Pritchard, Giáo đoàn Revesby và Giáo đoàn Georges Hall đã đến nhà thờ St. Luke Sydney tham Thánh Lễ và lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Bí tích Thánh Thể để chính thức gia nhập vào đoàn chiên của Chúa.

Xem Hình

Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi có trắc nghiệm anh chị em Tân Tòng về Giáo Lý và Kinh Thánh và hỏi các anh chị em Tân Tòng có tin vào Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng không? Cũng như các điều phải tin và Phụng Vụ. Các anh chị em đều thưa tin và sau bài giảng, chị Thanh Hương đọc danh dách các anh chị em Tân Tòng lên trước bàn thờ tuyên xưng Đức Tin và lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, đồng thời nhận Khăn Trắng và Ánh Nến Phục Sinh của Chúa Kitô sau đó các anh chị em đón nhận ơn Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức.

Cha Paul Văn Chi Đặc trách Ban Truyền Giáo chúc mừng 19 anh chị em Tân Tòng và mọi người cùng vỗ tay chúc mừng. Trước khi kết thúc Thánh lễ kết thúc anh chị Tân Tòng cùng chụp chung tấm hình kỷ niệm ngày đươc gia nhận vào Giáo hội của Chúa trên tổng số người thế giới đạt mức 8 tỷ người với người Công Giáo trên thế giới đạt 1 tỷ 359 triệu 612 ngàn người trong hơn 3 tỷ người tin và Chúa Giêsu Kitô thuộc các Giáo hội khác nhau.

CĐCGVN TGP Sydney hân hoàn chúc mừng 19 Anh Chị Em Tân Tòng.

Diệp Hải Dung
 
Văn Hóa
Chuyện BÁC Chuyện EM: Nhà Mất Trộm
Nguyễn Trung Tây
03:48 26/11/2022
□ Nguyễn Trung Tây
Chuyện BÁC Chuyện EM: Nhà Mất Trộm


Sáng nay làng họp chợ phiên, em hí hửng xách giỏ tới chợ tính kiếm miếng thịt heo về nấu nồi thịt đông.

Làng hai tháng một lần mới họp chợ, bởi thế người làng nườm nượp đi tới đi lui, đông như kiến thợ; nhưng thật bất ngờ, vừa tới cửa chợ em đã gặp bác. Bác rõ ràng tay xách giỏ đi chợ, nhưng không hiểu sao cứ vòng vòng đi tới đi lui, mặt mũi bác ngơ ngơ như gà trống mới thiến. Thấy bác điệu bộ lạ lùng, em bỏ miếng thịt lợn xuống hàng thịt, nhanh chân bước thẳng tới trước mặt bác, cúi đầu chào,

— Em chào bác! Gớm, lâu quá làng mới họp bữa chợ phiên. Bác cũng xách giỏ đi chợ.

Nhưng thật quái lạ, mặc cho em cất nhời chào hỏi, bác chẳng nói chi, chân vẫn cứ bước tới, mặt vẫn cứ ngơ ngơ như người cám lợn dở hơi. Em giơ tay chặn bác lại,

— Ơ bác! Bác sao thế? Mặt sao xanh lét như người mới ốm dậy vậy?

Bác dừng lại những bước chân. Nhìn quan em, bác mở miệng, giọng thiểu não như nhà có đại tang,

— Chết rồi ông ơi! Khổ! Mất! Mất hết cả rồi.

Thấy bác hốt hoảng, em cố gắng trấn an,

— Bác bình tĩnh lại. Mất, mà mất cái gì?

Mặt chảy dài trái bí rợ, bác thều thào như người chết đói,

— Mất trộm ông ạ! Tối hôm qua. Có mấy chục bạc dành dụm cho cái đám cưới của cháu Hoa dấu kín trong tủ, khóa tới hai lần cửa hẳn hoi, thế mà nó cũng mò ra, lấy đi tất tật.

Em trợn mắt như người bị ma đuổi,

— Chết chửa!

Bác thều thào như người hấp hối sinh thì,

— Chính miệng mình đã dặn dò vợ con, cửa nẻo là phải trông nom cho cẩn thận, nhất là vào dịp cuối năm, trộm nó cứ như rươi. Tối nào tôi cũng phải đi một vòng nom nom cửa trước ngõ sau.

Bác phân trần,

— Đến là khổ! Chiều hôm qua, bu nó dẫn mấy cháu về bên ngoại. Mà nhà Hai Thoan họ lại mời ăn đám giỗ.

Bác nói nho nhỏ vào tai quan em,

— Mà khổ một cái, ông biết rồi đó, rượu nếp than với thịt chó cuốn lá mơ tam thể của cái nhà đó thật là nhất vùng. Cho nên mò về được tới nhà, là tôi chui thẳng vào trong buồng.

Bác chép miệng,

— Sáng dậy, tôi mở banh mắt ra… Nhà trước cửa sau là sạch sành sanh. Trộm nó vét tất tật. Có đôi lợn nuôi trong chuồng vỗ béo cho cái đám cưới, nó cũng vác đi hết. Chuồng lợn giờ trống trơn. Chết thiệt.

Nhìn bác thở dài sườn sượt, đi tới đi lui như kiến bò trong bát, em nhắc nhở,

— Thế bác đã trình với quan chửa?

Bác cáu gắt mắm tôm,

— Trình với chả trình… Chả khéo lại mất thêm một mớ bạc nữa đấy.

— Ơ hay! Bác này đến là hay! “Đau ốm mang tới thầy lang. Gặp nhà mất trộm cửa quan thì trình” chứ lị.

— Biết, khổ lắm! Ông quên rồi à? Tháng trước nhà chị Thìn cũng mất trộm. Lên trình quan, quan phái thầy Lý xuống viết biên bản. Nhưng chả lẽ người ở cửa quan tới nhà mà chỉ có được cốc nước vối với vài hơi thuốc lào. Vậy là mất đứt tám hào cho mâm cơm gà trống thiến luộc với một cút rượu để đãi thầy lý với lính huyện. Thế đã xong đâu, lại còn phải dúi vào tay thầy Lý một hào, hào kia là biếu hai ông lính. Nhưng rõ là vãi tội, cả tháng rồi có thấy của nó bò về lại nhà đâu. Của thì mất, vốn liếng trong nhà lại thâm mất đúng ba đồng bạc. Này nhé, tám hào mâm cơm, hai hào dúi tay, hai đồng cho biên bản và con triện son của quan. Cộng lại không phải ba đồng thì là mấy. Một đống của. Cái nhà chị Thìn, rõ là khổ!

Em chép miệng,

— Nói bác đừng giận. Đã biết là cuối năm, trộm cướp như rươi mà bác còn uống.

— Thì biết. Sáng dậy tỉnh men rượu là tôi biết có chuyện rồi.

— Khổ! Chỉ vì mấy chén rượu của nhà Hai Thoan.

Bình thường bị quan em ăn nói mát mẻ, quan bác sẽ không bỏ qua; nhưng lần này, biết tội mình, bác chỉ chép miệng,

— Mấy đêm trước, nửa đêm về sáng thấy con Đốm con Vàng sủa vang là đã nghi rồi. Cho nên bận chi thì bận, tối nào cũng đánh một vòng xem xét cửa nẻo trước sau. Ai ngờ, chỉ sểnh ra một phút! Rõ khổ. Giờ bu nó đang ngồi khóc thút thít trong buồng như nhà có tang. Tuần tới nhà trai mang trầu cau sang dạm hỏi rồi, mà bây giờ trong nhà không còn một hào. Tôi là đến chết mất.

Em nhìn bác, suy nghĩ, cuối cùng móc ruột tượng,

— Thôi, bác cho phép để em nói mấy nhời. Bán anh em xa không bằng láng giếng gần. Đây, bác nể mặt em cầm tạm mấy chục đồng này về mà lo cái đám cưới cho cháu. Cái này cũng là quà cưới em tặng cho cháu. Thôi bác cho phép để em mừng trước vậy. Cũng vẫn là tiền mừng.

Em dừng lại, nói rõ ràng,

— Bác không cầm là em giận cho mà coi.

Bác nhìn em, nước mắt tự nhiên lưng tròng.

Trời tháng Mười Hai giá rét cá chết nổi lình bình ngoài sông Cái mà sao trong hồn ấm áp như đang ngồi trong bếp lửa than hồng.

Lời Chúa
“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Ðiều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!” (Mark 13:33-37).

Suy Niệm
Chúa phán, “Vào thời ông Noah thế nào, ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy… Anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã canh thức, không để nó khoét vách nhà mình” (Matt 24:37, 42-43).

Noah đóng tàu báo hiệu lụt đại hồng thủy, nhưng thiên hạ thản nhiên ăn uống đám cưới. Mưa trời đổ xuống, nước lụt dâng lên cuốn trôi tất cả.

Tỉnh thức! Chúa đang tới.

Ngực đau nhoi nhói báo hiệu bệnh tim, nhưng trần gian có người vẫn thản nhiên uống rượu, hút thuốc, làm việc quần quật, cày ngày hai jobs. Đau tim! Mổ nối ba bốn động mạch. Sinh mạng bấp bênh như ngọn nến trước cơn bão.

Tỉnh thức! Chúa đang tới.

Rượu báo hiệu cửa ngỏ tâm hồn lỏng lẻo khóa. Trộm ghé vào. Mất tất cả. Rượu báo hiệu mất khả năng tự chủ. Lái xe, đụng cột đèn. Bể đầu xe và bể đầu mình. Rượu báo hiệu đèn xe cảnh sát chớp chớp phía sau. Cảnh sát thổi rượu. DUI! Mất bằng lái.

Tỉnh thức! Chúa đang tới.

Nhức đầu, cáu gắt, tâm thần bất ổn báo hiệu hồn và xác mệt nhoài bởi đời sống vật chất cuồng quay. Mùa Vọng tới, mùa tham dự tĩnh tâm, mùa nhận lãnh bí tích Hòa Giải.

Tỉnh thức! Chúa đang tới.

Mùa Vọng của bốn cây nến đốt lên báo hiệu giờ phút linh thiêng Ngôi Hai Thiên Chúa ghé xuống viếng thăm địa cầu. Trần gian ơi, máng cỏ nào đã được đan kết để chào đón giây phút diệu huyền Ngôi Hai nhập thể hóa nên người trần!

Tỉnh thức! Chúa đang tới.□
(Trích Quán Nước Đầu Làng: Niềm Tin Việt Nam 2 sắp xuất bản)
 
Những tầm nhìn thông sáng về sự chết, tiếp
Vu Van An
19:38 26/11/2022

Trong một bài trước, chúng tôi đã chuyển ngữ một số đăng tải về "Những cái chết thánh thiện" của trang mạng http://www.hourofourdeath.org (Giờ chết của chúng ta). Hôm nay, chúng tôi xin chuyển ngữ loạt đăng tải của họ về "Những tầm nhìn thông sáng về sự chết" của 18 nhân vật Công Giáo nổi tiếng xưa nay:

2.Năm tầm nhìn thông sáng của Thomas Merton về sự chết

Trong số báo ngày 15 tháng Hai, 2019, Trang mạng trích đăng Năm Tầm nhìn Thông sáng về Sự chết của Cha Thomas Merton. Theo trang mạng này, Thomas Merton là Một trong bốn “người Mỹ vĩ đại” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc đến khi nói chuyện trước Lưỡng Viện Quốc hội. Thomas Merton gia nhập Giáo hội năm hai mươi ba tuổi và vào đan viện năm hai mươi sáu tuổi. (Ba người khác được Đức Giáo Hoàng đề cập là Abraham Lincoln, Dorothy Day và Martin Luther King, Jr.) Ông ở tại Đan viện Gethsemani, một cộng đồng Trappist, cho đến khi qua đời vào năm 1968. Ở đó, ông được gọi là Cha Louis. Viết theo sự thúc giục của đan viện trưởng, cuốn tự truyện kinh điển và câu chuyện trở lại đạo Núi Bảy Tầng của cha xuất hiện vào năm 1948, và được cho là đã bán được hơn một triệu bản trong sáu mươi năm kể từ đó.

Là tác giả của hàng chục cuốn sách về nhiều chủ đề, Merton đã ảnh hưởng đến Giáo hội ở Mỹ và cũng được những người không theo Công Giáo đọc rộng rãi. Ngoài những bài viết về phong trào đơn tu và đời sống thiêng liêng, ngài còn viết nhiều đề tài về chứng tá xã hội Công Giáo và sau này về các tôn giáo phương đông. Đức Phanxicô gọi ngài “trên hết là một con người cầu nguyện, một nhà tư tưởng thách thức các xác tín của thời đại mình và mở ra những chân trời mới cho các linh hồn và cho Giáo hội. Ngài cũng là một người đối thoại, một người thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc và các tôn giáo.”




Các tầm nhìn thông sáng sau được lấy từ các mục nhật ký trong “The Sign of Jonas” của Merton.

Chết trẻ hay chết già

Tôi quen nghĩ chết trẻ và chết nhanh là một điều tốt, nhưng bây giờ tôi bắt đầu nghĩ rằng một cuộc sống lâu dài với nhiều lao nhọc và đau khổ vì Thiên Chúa sẽ là một ân sủng lớn hơn. Tuy nhiên, ân sủng lớn hơn cho mỗi cá nhân là ân sủng mà Thiên Chúa muốn dành cho người đó. Nếu Thiên Chúa muốn bạn chết đột ngột, thì đó là một ân sủng lớn hơn cho bạn so với bất cứ cái chết nào khác, bởi vì đó là cái chết mà Người đã chọn, bởi tình yêu của Người, với mọi hoàn cảnh của cuộc đời bạn và vinh quang của Người.

Chuẩn bị cách tồi tệ cho cái chết

Tuy nhiên, có một cách chuẩn bị cái chết đầy tội lỗi: sống giữa cuộc đời, ở cội nguồn của sự sống, và cảm nhận trong lòng cái hương vị lạnh lùng đối với cái chết hầu như sẵn sàng từ chối sự sống - cái chết thối rữa đầy acedia [tẻ lạnh] nhằm vứt bỏ chính bản thể bạn một cách chán nản và sợ hãi!

Chăm sóc người hấp hối

Khi Dom Gabriel Sortais (ngài là Viện phụ mới của chúng tôi) trở lại vào tháng trước và thực hiện một cuộc Thăm viếng khác, ngài bảo chúng tôi mở các phòng trên nhà nguyện của bệnh xá để vách ngăn có thể được cuộn lại và các đan sĩ bị bệnh nặng, các đan sĩ hấp hối, có thể nghe thánh lễ từ giường của họ. Tôi không ngừng tự hỏi liệu mình sẽ chết trên chiếc giường như vậy hay trên bất cứ chiếc giường nào. Nghĩa là một năm nữa phải nghe máy trộn xi măng và máy nén khí ở mảnh sân ngoài cửa sổ này, nơi tôi không còn thời gian để viết sách và nơi những đứa con tinh thần của tôi xuất hiện để nói về Thiên Chúa. Nhưng nếu máy trộn xi măng có nghĩa là ai đó sắp chết có thể nghe Thánh lễ trên giường thì điều đó vẫn ổn đối với tôi.

Sự Tử Đạo Của Chúng Ta

Chúng ta có xu hướng nghĩ về “những người tử vì đạo” như những người thuộc thể loại khác với chúng ta, những người ở một thời đại khác, được nuôi dưỡng trong một bầu không khí khác, những con người cách nào đó mạnh mẽ và vĩ đại hơn chúng ta. Nhưng hóa ra chúng ta cũng được mong chờ phải đối diện với những đau khổ y như vậy và tuyên xưng Chúa Kitô và chết cho Người. Chúng ta, những người không phải là anh hùng, là những người được Thiên Chúa chọn để chia sẻ số phận của các chiến binh vĩ đại của Người. Và một cái nhìn vào linh hồn của chính chúng ta cho chúng ta biết rằng không có gì ở đó mời gọi chiến đấu như các vị thánh cao cả. Không có gì tuyệt vời về chúng ta. Chúng ta là những thứ khốn cùng và nếu chúng ta bị kêu gọi phải chết, chắc chúng ta sẽ chết một cách thảm hại. Không có gì vĩ đại về chúng ta. Chúng ta vô giá trị.

Và có lẽ chúng ta đã được đánh dấu để bị hy sinh — một sự hy sinh mà, trong mắt thế giới, có lẽ chỉ là buồn tẻ, đáng tiếc và hèn hạ. Ấy thế nhưng sau cùng, nó sẽ kết thúc bằng vinh quang lớn nhất của chúng ta. Có lẽ không có vinh quang nào lớn hơn là được giản lược thành vô nghĩa bởi một quyền lực tạm thời bất công và ngu xuẩn, để Thiên Chúa có thể chiến thắng sự ác qua sự vô nghĩa của chúng ta.

Tưởng nhớ sự chết

Cái quan tài, cái hộp mở nắp màu đen có tay cầm dài để chúng ta khiêng người chết ra phía sau Nhà thờ và chôn cất họ, được đặt trong phòng sấy khô và tôi cố tình nhìn vào nó mỗi khi đi ngang qua để nhắc nhở mình về ngày hạnh phúc khi, tạ ơn Chúa, tôi sẽ trở về nhà.

3.Năm tầm nhìn thông sáng của Dorothy L. Sayers về sự chết

Ngày 1 tháng 8 năm 2019, Trang mạng cho đăng tải Năm Tầm nhìn Thông sáng của Dorothy L. Syers về sự sự chết:

Bắt đầu cuộc đời làm công việc viết bản sao quảng cáo, bao gồm trương mục của Guinness, Dorothy L. Sayers nổi tiếng vào những năm 1920 và 1930 trong tư cách tác giả của những câu chuyện bí mật về Ngài Peter Wimsey. Sau đó, cô trở thành một trong những nhà văn tôn giáo lớn vào thời của mình. Cô đã viết các tác phẩm thần học quan trọng như The Mind of the Maker, một số vở kịch, nổi tiếng nhất là The Man Who Was King, nhiều tiểu luận, và cuối cùng là phần lớn bản dịch Thần khúc của Dante. Là bạn của G. K. Chesterton và của C. S. Lewis, cũng như Lewis, cô là một tín đồ Anh giáo dường như chưa bao giờ cảm thấy bị Giáo Hội Công Giáo thu hút. Cô mất năm 1957.

Sayers viết rất ít về cái chết như một trải nghiệm bản thân. Cô quan tâm nhiều hơn đến ý nghĩa văn hóa của nó và ý nghĩa biến đổi thế giới của sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Cô nói với một mục sư, người đã yêu cầu cô nói chuyện về việc chuẩn bị chờ sự chết rằng cô không biết liệu cô có tự mình chọn chủ đề này hay không. “Tôi cực lực phản đối sự chết - có thể bạn cảm thấy đây là một lý do tuyệt vời để tôi nói về điều đó, nhưng thành thật mà nói, tôi không thể giả vờ rằng mình thuộc loại chất liệu mà từ đó, các vị tử vì đạo đã được tạo ra”.


Cái chết ít được chú ý hơn khi nó xảy ra riêng tư và từng phần. Trong thời bình, chúng ta có thể, gần như thành công, cho rằng đó chỉ là một tai nạn đáng tiếc nên tránh. Nếu một quý ông chín mươi hai tuổi giàu có đột nhiên chết vì suy tim, các tờ báo sẽ chạy hàng tít về sự kiện này: “Cái chết Bi thảm của Các Nhà Triệu phú”; và chúng ta cảm thấy khá ngạc nhiên và phẫn nộ khi thấy một người giàu có như vậy lại bị cắt đứt ở thời kỳ cực thịnh của mình. Với tất cả số tiền đó dành cho nghiên cứu, lẽ ra khoa học đã có thể giải quyết vấn đề cái chết cho ông ta...

Chúng ta nói lần trước [Thế chiến thứ nhất] chúng ta ghét chiến tranh vì nó giết chết những người trẻ và khỏe trước thời của họ. Nhưng lần này chúng ta cũng tức giận không kém khi chứng kiến những người già và những người ốm yếu chết cùng với những người còn lại. Không ai có thể chết nhiều hơn một lần; nhưng những thảm họa lớn, dịch bệnh lớn, và trên hết là những cuộc chiến tranh vĩ đại nhồi nhét vào tai chúng ta nhận thức đáng ghét rằng cuộc sống có ý định giết chết chúng ta.

- Trích từ “Bức tranh có vấn đề”

Không có giải pháp cho sự chết... Mới đây, chúng ta từng nhận thấy sự phẫn uất và bực tức ngày càng gia tăng khi đối diện với sự chết. Chúng ta không quá sợ hãi trước nỗi đau của cái chết, cho bằng cảm thấy bị thách thức trước ý niệm hơn bất cứ điều gì trên thế giới nó là điều không thể tránh khỏi. Các nỗ lực của chúng ta không hướng đến, giống như nỗ lực của các vị thánh hay nhà thơ, việc tạo ra một điều gì đó một cách sáng tạo từ ý niệm sự chết, mà đúng hơn là để xem liệu chúng ta có thể, cách nào đó, trốn được, bãi bỏ được, và trên thực tế, giải quyết được vấn đề sự chết hay không...

Vấn đề sự chết không dễ giải quyết bằng giải pháp truyện trinh thám. Hai điều duy nhất chúng ta có thể làm với sự chết, thứ nhất là trì hoãn nó, đó chỉ là giải pháp phiến diện, và thứ hai là chuyển toàn bộ các giá trị liên quan đến sự chết sang một lĩnh vực hành động khác - nghĩa là từ thời gian đến vĩnh cửu.

Nếu chúng ta sợ hãi một điều gì đó, có hai loại bảo đảm có thể mang lại cho chúng ta. Một, điều sợ hãi sẽ không xảy ra; hai, nếu nó xảy ra, nó không đáng sợ. Kitô giáo không đưa ra lời hứa nào về điều đầu tiên, mà chỉ hứa hẹn về điều thứ hai. Chẳng hạn, không có ý kiến nào cho rằng một Kitô hữu sẽ không chết; nhưng chỉ có điều sự chết đó không thể làm hại anh ta.

- Trích từ “Bức tranh có vấn đề” và bức thư ngày 26 tháng 9 năm 1939

“Và ngày thứ ba, Người sống lại”. Chúng ta có thể làm gì với điều này? Có một điều chắc chắn: nếu Người là Thiên Chúa chứ không phải ai khác, thì sự bất tử của Người chẳng có ý nghĩa gì đối với chúng ta; nếu Người là con người và không là gì khác, cái chết của Người không quan trọng hơn cái chết của bạn hay của tôi. Nhưng nếu thực sự Người vừa là Thiên Chúa vừa là con người, thì khi con người Giêsu chết, Thiên Chúa cũng chết theo; và khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, con người cũng sống lại, bởi vì họ là một và cùng là một người...

Những người từng nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh, luôn tin chắc rằng cuộc sống đáng sống và sự chết là điều tầm thường — một thái độ khác hẳn thái độ của những kẻ chủ bại hiện đại, những người tin chắc rằng cuộc sống là một thảm họa và sự chết (khá mâu thuẫn) là một thảm họa lớn.

- Trích từ “Bi kịch vĩ đại nhất từng được dàn dựng”

Đó là phác thảo của câu chuyện chính thức - câu chuyện về thời gian khi Thiên Chúa là kẻ yếu thế và bị đánh đập, khi Người tuân theo những điều kiện mà Người đã đặt ra và trở thành một con người giống như những con người mà Người đã tạo ra, và những con người mà Người đã tạo ra đã trấn áp và giết chết Người... Việc Thiên Chúa nên đóng vai bạo chúa đối với con người là một câu chuyện ảm đạm về sự áp bức khôn nguôi; việc con người nên đóng vai bạo chúa đối với con người là bản ghi chép buồn tẻ thường thấy về sự phù phiếm của con người; nhưng việc con người nên đóng vai bạo chúa đối với Thiên Chúa và thấy Người là một con người tốt hơn mình quả thực là một bi kịch đáng kinh ngạc...

Có lẽ lúc này bi kịch đã kết thúc, và Chúa Giêsu đã chết và được chôn cất an toàn. Có lẽ. Thật là oái oăm và thú vị khi xem xét điều này: ít nhất một lần trong lịch sử thế giới, những lời đó có thể đã được nói một cách hoàn toàn xác tín, và đó là vào đêm trước biến cố Phục sinh.

- Trích “Bi kịch vĩ đại nhất từng được dàn dựng”

Lạy Chúa, nếu ngày này cuộc hành trình của con kết thúc,
Con cảm tạ Chúa trước nhất đã cho con nhiều bằng hữu,
Những chân cầu chắc chắn và không thể nghi ngờ
Dọc dài bên dưới cây cầu nhiều năm của con...

Con cũng cảm tạ Chúa,
đã cho con mắt thấy, tai nghe,
Lưỡi nói, sức mạnh chịu đựng,
Tay cầm, chân đi,
Trọn cả đời con.

Vì tất cả những điều hân hoan, kỳ cục và xa lạ,
Vì âm thanh và im lặng, sức mạnh và thay đổi,
Cuối cùng, vì sự chết, mà chỉ có nó mới đem
Giá trị cho mọi sự sống;

Vì tất cả những điều này, Lạy Thiên Chúa tốt lành, Đấng vẫn tạo ra con,
Con ca ngợi danh Chúa; vì, quả thực,
Con không thiếu niềm vui của mình,
Dù hôm nay là ngày cuối cùng của con trên trái đất.

- Trích “Bài thánh ca trong sự suy ngẫm về cái chết đột ngột”

4. Năm tầm nhìn thông sáng của Blaise Pascal về sự chết

Ngày 2 tháng Năm, 2019, Trang mạng cho đăng tải 5 tầm nhìn thông sáng của Balise Pascal về sự chết trích từ cuốn Pensées của ông:

Một trong những nhà toán học vĩ đại của lịch sử, Blaise Pascal cũng đã viết rất nhiều về Kitô giáo, trong nhiều năm để bảo vệ một hình thức Công Giáo khắt khe gọi là Chủ nghĩa Jansen và chống lại các tu sĩ Dòng Tên. Ông đã trải qua điều được ông gọi là “sự hóan cải dứt khoát” vào năm 1654, ở tuổi 31, khi ông khám phá ra “Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ysaác, Thiên Chúa Giacóp, chứ không phải của các triết gia và nhà khoa học”. Cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, Pensées, được soạn thảo sau khi ông qua đời từ những ghi chú mà ông đã viết để bảo vệ Kitô giáo. Có lẽ mục nổi tiếng nhất là “Trái tim có những lý lẽ mà bản thân lý lẽ không hề hay biết”. Pascal sống từ năm 1623 đến 1662. Những hiểu biết thông sáng sau đây được trích từ cuốn Pensées.



Giải khuây, cách chúng ta tránh nghĩ đến sự chết

Khốn cùng: Điều duy nhất an ủi chúng ta trong những lúc rắc rối là sự giải khuây, tuy nhiên đó lại là rắc rối lớn hơn tất cả. Vì chính điều đó ngăn cản chúng ta nghĩ về bản thân và khiến chúng ta lãng phí [thời gian] một cách khó nhận thấy. Không có nó, chúng ta sẽ bị khốn khổ bởi sự buồn chán, và sự buồn chán này sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm một phương tiện trốn thoát hữu hiệu hơn. Nhưng sự giải khuây đánh lừa chúng ta, và cuối cùng đưa chúng ta đến cái chết một cách vô cảm.

Giải khuây: Vì con người đã không thể chữa trị được sự chết, sự đau khổ, sự thiếu hiểu biết, họ đã nghĩ ra là nên bỏ qua chúng, để được hạnh phúc.

Tấm Gương Các Thánh Tử Đạo

Những tấm gương về cái chết cao cả của những người Sparta và những người khác hiếm khi khiến chúng ta cảm động. Vì có gì tốt cho chúng ta ở đó? Nhưng gương chết của các thánh tử đạo đánh động chúng ta; vì họ là “thành viên của chúng ta”. Chúng ta có một mối ràng buộc chung với họ. Cách giải quyết của họ có thể hình thành nên cách giải quyết của chúng ta, không chỉ bằng gương sáng, mà bởi vì nó có lẽ xứng đáng với cách giải quyết của chúng ta. Không có gì thuộc điều này trong các điển hình của người ngoại giáo. Chúng ta không có ràng buộc với họ; giống như chúng ta không trở nên giàu có bằng cách nhìn một người xa lạ giàu có, mà thực sự bằng cách nhìn một người cha hoặc một người chồng giàu có như vậy.

Sức lôi cuốn của sự chết

Vinh quang ngọt ngào đến nỗi chúng ta yêu bất cứ đối tượng nào mà nó gắn bó với, ngay cả sự chết.

Sự bất tử, Thiên đường và Địa ngục

Sự bất tử của linh hồn là một điều liên quan đến chúng ta một cách mạnh mẽ và tác động sâu xa đến chúng ta đến nỗi người ta hẳn đã chết đối với mọi cảm giác mới có thể dửng dưng với kiến thức tôn giáo. Căn cứ vào việc có hy vọng về các phước lành vĩnh cửu hay không, tất cả những suy nghĩ và hành động của chúng ta nên đi theo những đường lối khác là không thể thực hiện bất cứ bước nào một cách có nghĩa hay phán đoán ngoại trừ việc xem xét điểm này, vốn là đối tượng tối hậu của chúng ta.

Giữa chúng ta, và Thiên đường hay Hỏa ngục, chỉ có sự sống, vốn là điều mong manh nhất trong tất cả mọi điều ở trên đời.

Chờ đợi sự chết, và Chúa Giêsu

Vì vậy, tôi dang rộng vòng tay với Đấng Giải thoát tôi, Đấng, từng được tiên đoán trong suốt bốn nghìn năm, sẽ đến thế gian để chịu đau khổ và chết vì tôi vào thời gian và cách thức đã được báo trước. Nhờ ân sủng của Người, tôi chờ đợi sự chết trong bình an, với hy vọng được kết hợp vĩnh viễn với Người. Trong khi chờ đợi, tôi sống trong niềm vui, cho dù giữa những phước lành mà Người có thể vui lòng ban cho tôi, hay những khó khăn mà Người gửi đến vì lợi ích của tôi, và những điều mà Người đã dạy tôi phải chịu đựng bằng tấm gương của Người.

5.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Têrêxa thành Calcutta về sự chết

Ngày 5 tháng Hai, 2019, Trang mạng cho đăng tải bài Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Têrêxa thành Calcutta về sự chết:

Thánh Têrêsa Calcutta lớn lên ở Albania nhưng đã dành trọn cuộc đời mình để chăm sóc những người rất nghèo ở Calcutta. Năm 1950, bà thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái. Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1979. Mẹ Teresa qua đời vào ngày 5 tháng 9 năm 1997, được phong chân phước vào năm 2003 và được phong thánh vào năm 2016. Những hiểu biết sâu sắc này được lấy từ bộ sưu tập những lời dạy của bà có tên là The Mother Teresa Reader, do LaVonne Neff biên soạn.



Chết trẻ

Có điều gì đó đã xảy ra với một trong các chị dòng của chúng tôi được cử đi học. Chị chết ngay vào ngày chị nhận bằng tốt nghiệp. Khi sắp chết, chị hỏi: “Tại sao Chúa Giêsu gọi con trong một thời gian ngắn như vậy?” Và bề trên của chị trả lời: “Chúa Giêsu muốn con, chứ không phải công việc của con”. Chị ấy hoàn toàn hạnh phúc sau đó.

Sự phán xét của chúng ta

Vào lúc chết, chúng ta sẽ không bị phán xét bởi khối lượng công việc chúng ta đã làm mà bởi sức nặng của tình yêu mà chúng ta đã đặt vào công việc của mình. Tình yêu này phải xuất phát từ sự hy sinh bản thân và nó phải được cảm nhận đến mức gây tổn thương. Suy cho cùng, sự chết chỉ là phương tiện dễ dàng và nhanh chóng nhất để trở về với Chúa.

Khoảnh khắc sự chết

Giá như chúng ta có thể làm cho mọi người hiểu rằng chúng ta đến từ Thiên Chúa và chúng ta phải trở về với Người! Sự chết là thời khắc quyết định nhất trong đời người. Nó giống như lễ đăng quang của chúng ta: chết trong bình an với Chúa.

Điều kiện của Chúa Kitô

Để làm cho chúng ta xứng đáng với Thiên đàng, Chúa Kitô đã đặt ra một điều kiện: Vào lúc chết, bạn và tôi, bất kể chúng ta là ai và sống ở đâu, Kitô hữu cũng như người ngoài Kitô giáo, mọi con người đều được tạo dựng bởi bàn tay yêu thương của Thiên Chúa theo hình ảnh của Người, sẽ đứng trước nhan thánh Người và bị phán xét tùy theo những gì chúng ta đã làm cho người nghèo, những gì chúng ta đã làm cho họ. Đó là một tiêu chuẩn đẹp đẽ cho chính sự phán xét.

Cái chết đẹp đẽ

Cái chết có thể là một điều đẹp đẽ. Nó giống như trở về nhà. Ai chết trong Thiên Chúa thì đi về nhà dù ta tự nhiên nhớ người đã ra đi. Nhưng đây là một điều đẹp đẽ. Người đó đã về nhà với Thiên Chúa.

6.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Đức Bênêđíctô XVI về sự chết và sắp chết

Ngày 19 tháng 10 năm 2017, Trang mạng trích đăng các lời Đức Bênêđíctô XVI nói về sự chết và lúc sắp chết:

Suy nghĩ của Đức Bênêđictô XVI về sự chết và sắp chết, trích từ Di chúc cuối cùng của ngài, một cuộc phỏng vấn dài thành sách với nhà báo Peter Seewald, được thực hiện vào năm 2016.



Nói về cái chết của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:

Cái chết này đã làm tôi vô cùng xúc động. … Tất nhiên bạn vô cùng đau buồn khi ai đó thân thiết ra đi. Đồng thời, tôi nhận thức được rằng ngài đang ở đó. Ngài ban phước cho chúng ta từ cửa sổ của ngài trên Thiên đàng, như tôi đã nói lúc đó tại quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô. Đó không chỉ là lời nói. Điều đó thực sự xuất phát từ ý thức bên trong rằng ngay cả ngày nay ngài vẫn ban phước lành xuống, ngài ở đó và tình bạn tồn tại một cách khác.

Khi được hỏi liệu ngài có sợ chết không và ngài mong chờ điều gì khi chết:

Ở một khía cạnh nào đó, có. Điều thứ nhất là ta sợ rằng ta đang áp đặt lên người ta một thời gian dài bị khuyết tật. Tôi thấy điều đó làm tôi rất lo lắng. Cha tôi cũng luôn luôn sợ chết; nó đã kéo dài với tôi, nhưng giảm bớt đôi chút. Điều khác là, bất chấp tất cả sự tin tưởng của tôi rằng Thiên Chúa yêu thương không thể từ bỏ tôi, nhưng bạn càng đến gần nhan Người, bạn càng cảm thấy mình đã làm sai xiết bao. Về mặt này, gánh nặng tội lỗi luôn đè nặng lên ta, nhưng niềm tín thác căn bản dĩ nhiên luôn có đó...

Ở đây, Thánh Augustinô nói một điều vốn là một tư tưởng lớn và một niềm an ủi lớn. Ngài giải thích đoạn trong Thánh vịnh “luôn luôn tìm kiếm Nhan Người” như sau: điều này áp dụng “mãi mãi” cho cả cõi đời đời. Thiên Chúa vĩ đại đến nỗi chúng ta không bao giờ kết thúc cuộc tìm kiếm của mình. Người luôn luôn mới. Với Thiên Chúa, có cuộc gặp gỡ vĩnh viễn, bất tận, với những khám phá mới và niềm vui mới. Những điều như vậy là vấn đề thần học. Đồng thời, ở góc độ hoàn toàn là con người, tôi mong được đoàn tụ với cha mẹ, anh chị em, bạn bè của mình và tôi tưởng tượng rằng nó sẽ đáng yêu như ở mái ấm gia đình của chúng ta.

Về những hiểu biết của tuổi già:

Giờ đây, tôi thấy nhiều lời phát biểu từ các sách Tin Mừng có tính thách thức trong sự vĩ đại và nghiêm trọng của chúng hơn tôi đã thấy trước đây. Thật vậy, điều này gợi lại một tình tiết trong thời gian tôi còn là một tuyên úy. Một ngày nọ, Romano Guardini là khách của giáo xứ Thệ phản lân cận, ngài nói với mục sư Thệ phản, “Ở tuổi già, điều đó không dễ dàng hơn mà còn khó khăn hơn”. Điều đó ảnh hưởng sâu sắc và làm vị linh mục lúc bấy giờ của tôi cảm động.

Nhưng có một chút sự thật trong đó. Một mặt, có thể nói như vậy khi về già, bạn thực hành sâu sắc hơn. Cuộc sống đã thành hình. Các quyết định căn bản đã được đưa ra. Mặt khác, người ta cảm thấy sâu sắc hơn sự khó khăn của những vấn đề trong cuộc sống, người ta cảm thấy sức nặng của cảnh không có Thiên Chúa của ngày nay, sức nặng của việc thiếu vắng đức tin đã vào tận sâu trong Giáo hội, nhưng rồi người ta cũng cảm nhận được sự cao cả của những lời Chúa Giêsu Kitô phán, vượt quá giải thích thường xuyên hơn trước đây.

Chúng ta có thể chuẩn bị cho sự chết không và nếu có thể thì phải làm thế nào?

Tôi nghĩ thậm chí người ta phải chuẩn bị. Không phải theo nghĩa thực hiện những hành động đặc thù, mà là sống nội tâm, để có một cuộc tự xét mình lần cuối cùng trước mặt Thiên Chúa. Để người ta ra khỏi thế giới này và sẽ ở đó trước mặt Thiên Chúa, trước mặt các thánh, trước mặt bạn bè và những người không phải là bạn bè. Có thể nói, để người ta chấp nhận sự hữu hạn của đời này và tiếp cận nó từ bên trong, để đến trước nhan Thiên Chúa.

[Họ làm điều đó qua] suy gẫm của tôi. Tôi liên tục nghĩ về sự kiện nó sẽ kết thúc. Tôi cố gắng cởi mở với nó, và trên hết, để giữ cho mình hiện diện. Điều quan trọng thực sự không phải là tôi tưởng tượng ra nó, mà là tôi sống trong ý thức về nó, tất cả cuộc sống đều hướng đến một cuộc gặp gỡ... Có thể nói Thiên Chúa không phải là một thế lực cai trị, một thế lực xa xôi; đúng hơn, Người là tình yêu, và Người yêu tôi - và như vậy, cuộc sống nên được hướng dẫn bởi Người, bởi sức mạnh đưọc gọi là tình yêu này.

Họ sẽ nói về điều gì khi đứng trước Đấng toàn năng:

Tôi sẽ nài xin Người tỏ lòng khoan hồng đối với sự tồi tệ của tôi.

7.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Têrêxa thành Lisieux về sự chết

Ngày 7 tháng 5 năm 2018, Trang mạng trích đăng các lời của Thánh Têrêxa thành Lisieux nói về sự chết:

Thánh Têrêsa thành Lisieux không làm gì nổi tiếng cả. “Bông hoa nhỏ” vào tu viện năm mười lăm tuổi và chết ở đó vì bệnh lao năm hai mươi bốn tuổi. Cuốn sách duy nhất của bà, Truyện một Linh hồn, chỉ được xuất bản sau khi bà qua đời. Tuy nhiên, bà đã được phong thánh chỉ hai mươi tám năm sau khi qua đời, cuốn sách của bà đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của Giáo hội, và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong bà là Tiến sĩ Giáo hội vào năm 1997. Têrêsa có thể là vị thánh được yêu mến nhất trong số các vị thánh hiện đại.



Thái độ của chúng ta đối với thế giới này

Thế giới là con tàu của bạn chứ không phải là nhà của bạn.

Nếu tôi không chỉ đơn giản sống từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, thì tôi sẽ không thể kiên nhẫn, nhưng tôi chỉ nhìn vào hiện tại, tôi quên đi quá khứ và tôi cẩn thận để không đoán trước tương lai.

Thái độ của chúng ta đối với cuộc sống của chúng ta

Đối với tôi, bây giờ dường như không có gì cản trở tôi cất cánh, vì tôi không còn ham muốn lớn lao nào nữa, ngoại trừ tình yêu, thậm chí cho đến chết vì tình yêu. Tôi tự do, tôi không sợ hãi, kể cả những gì tôi sợ hãi nhất; Ý tôi là nỗi sợ bị bệnh lâu ngày và hậu quả là trở thành gánh nặng cho Cộng đoàn. Nếu điều đó làm hài lòng Thiên Chúa tốt lành, tôi sẵn sàng bằng lòng nhìn thấy cuộc sống đau khổ của mình, cả tâm hồn lẫn thể xác, kéo dài trong nhiều năm. Ồ! không, tôi không sợ một cuộc sống lâu dài. Tôi không trốn tránh chiến đấu. “Chúa là tảng đá mà trên đó tôi được thành lập. Ai dạy cánh tay tôi chiến đấu, ngón tay tôi đánh trận; Người là đấng bảo vệ tôi, đấng mà tôi đã đặt hy vọng”. Tôi chưa bao giờ xin Chúa cho tôi chết trẻ; đúng là tôi đã từng tin rằng nó sẽ như vậy, nhưng không tìm cách đạt được nó.

Các bạn đồng hành của chúng ta trong thế giới này, kể cả các vị thánh

Đó là Chúa, đó là Chúa Giêsu, Đấng là thẩm phán của tôi. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng luôn nghĩ một cách khoan dung về người khác, để Người có thể xét xử tôi một cách khoan dung, hay đúng hơn là không hề xét xử, vì Người nói: “Đừng xét đoán, thì các ngươi sẽ khỏi bị xét đoán.”

Ồ! Các mầu nhiệm sẽ được mạc khải cho chúng ta sau này... Tôi thường nghĩ rằng có lẽ tất cả những ân sủng đã tuôn đổ xuống trên tôi là nhờ lời cầu nguyện tha thiết của một linh hồn bé nhỏ mà tôi chỉ biết được trên Thiên Đàng. Thánh ý Chúa muốn ở thế gian này, nhờ lời cầu nguyện, các linh hồn sẽ truyền đạt các kho báu Thiên đàng cho nhau, để khi về đến Quê Cha, họ có thể yêu thương nhau bằng một tình yêu phát sinh từ lòng biết ơn, một cách âu yếm vượt xa, vượt xa tình âu yếm lý tưởng nhất của gia đình trên trái đất.

Mong chờ thiên đàng

Một ngày... một giờ... và chúng ta sẽ đến bến cảng! Lạy Chúa, lúc đó, chúng con sẽ thấy gì? Cuộc sống không bao giờ kết thúc là gì?... Chúa Giêsu sẽ là Linh hồn của linh hồn chúng ta. Mầu nhiệm khôn lường! “Mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, và lòng người chưa từng nghĩ đến những điều vĩ đại xiết bao mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Người.” Và tất cả những điều này sẽ sớm đến - vâng, rất sớm thôi, nếu chúng ta hết lòng yêu mến Chúa Giêsu.

Tôi khao khát Thiên Đàng xiết bao - nơi ở diễm phúc trong đó tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giêsu sẽ không có giới hạn! Nhưng để đạt được điều đó chúng ta phải đau khổ… chúng ta phải khóc... Vâng, tôi muốn chịu đựng tất cả những gì sẽ làm hài lòng Người yêu dấu của tôi, tôi muốn để Người làm theo ý muốn của Người với “quả bóng nhỏ” của Người.

Một nữ tu nói với Thánh Têrêxa rằng các Thiên thần xinh đẹp mặc áo choàng trắng, với vẻ mặt hân hoan và rực rỡ, sẽ mang linh hồn ngài lên Thiên đường. Ngài trả lời: “Những tưởng tượng này không giúp ích gì cho tôi: tôi không lấy được nguồn nuôi dưỡng nào ngoại trừ từ Sự thật. Thiên Chúa và các Thiên thần là những Thuần Thần, không ai có thể nhìn thấy các ngài như các ngài là thật, bằng con mắt phàm tục. Đó là lý do tại sao tôi chưa bao giờ mong muốn những ân huệ phi thường. Tôi thích chờ đợi được Dự Kiến Vĩnh Viễn hơn.

Sau khi chết

Khi tôi chết, tôi sẽ gửi xuống một trận mưa hoa hồng từ thiên đàng, tôi sẽ sống ở Thiên đàng bằng cách làm điều tốt cho trái đất.

Còn tiếp
 
VietCatholic TV
Mùa đông, Ukraine lợi thế hơn: 430 quân Nga tử trận trong 24g. NATO: Patriot sẽ thay đổi mạnh thế cờ
VietCatholic Media
03:09 26/11/2022


1. Hơn 400 quân Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với xe tăng và thiết giáp

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 26 tháng 11, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong 24 giờ qua, Lực lượng Không quân Ukraine đã tiến hành 12 cuộc tấn công vào các vị trí của quân xâm lược Nga.

“Trong ngày, Lực lượng Không quân của Lực lượng Phòng vệ đã thực hiện chín cuộc tấn công vào các khu vực tập trung quân, vũ khí và thiết bị quân sự, cũng như ba cuộc tấn công vào các vị trí hệ thống hỏa tiễn phòng không của quân Nga. Trong ngày, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh đã tấn công một sở chỉ huy và 5 khu vực tập trung binh lính, vũ khí và thiết bị quân sự của đối phương”.

Giao tranh được kể là ác liệt nhất chung quanh thành phố Solehar nơi bộ chỉ huy của Trung Đoàn 6 của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk bị trúng pháo kích của quân Ukraine. Hôm 8 tháng 9, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov tuyên bố quân Nga đã chiếm được thị trấn Solehar. Tuy nhiên, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov đã phản bác điều này. Các cuộc giao tranh chung quanh Solehar trong mấy tháng qua cũng cho thấy quân Nga vẫn ở vòng ngoài.

Hôm 25 tháng 11, Trung Đoàn 6 Cossack của Cộng hòa Nhân Dân Luhansk, gọi tắt là LPR, đã bị Lữ Đoàn Dù 81 của quân Ukraine đánh bại tại Krasna Hora cách Solehar 10 km về phía Tây. Hơn 400 quân của Trung Đoàn 6 Cossack của LPR bị loại khỏi vòng chiến cùng với một xe tăng, 5 xe bọc thép.

Soledar là một thành phố ở quận Bakhmut, trong vùng Donetsk của Ukraine. Tên của thành phố này Soledar có nghĩa là “món quà muối” Dân số ước tính 10,490 người.

Vào giữa tháng 4 năm 2014, các đặc nhiệm tình báo quân đội Nga, gọi tắt là GRU, do Igor Ghirkin chỉ huy, đã chiếm được một số thị trấn ở vùng Donetsk bao gồm cả Soledar. Vào ngày 21 tháng 7 năm 2014, các lực lượng Ukraine đã bảo vệ tái chiếm được thành phố. Vào ngày 2 tháng 8 năm 2014, nhóm nhận dạng và các quan sát viên OSCE giải quyết vụ tai nạn MH17 đã thiết lập căn cứ ở Soledar, vì từ đó có thể dễ dàng đến địa điểm xảy ra vụ tai nạn hơn.

Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, vào ngày 28 tháng 5 năm 2022, có thông tin cho rằng một hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng nhà máy muối Artemsil trong thị trấn. Vào ngày 9 tháng 8 năm 2022, lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov tuyên bố rằng “các lực lượng đồng minh cũng đã kiểm soát cơ sở của nhà máy Knauf.”

Tháng 8 vừa qua, Trung Đoàn 6 Cossack của LPR đã từ chối tham gia cuộc chiến tại Soledar vì đó là lãnh thổ của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk. Tuy nhiên, cuối cùng họ phải tham gia.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ qua, quân Nga vẫn tiếp tục pháo kích vào các cơ sở hạ tầng dân sự nhưng ít hơn hai ngày trước đó. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Nga đang nhắm mục tiêu vào các bệnh viện trên toàn lãnh thổ Ukraine. Trong bối cảnh đó, các bệnh nhân tại bệnh viện Kherson đã phải di tản về Mykolaiv.

Trong 24 giờ qua, quân đội Nga đã tiến hành 6 cuộc tấn công hỏa tiễn, 14 cuộc không kích và 14 cuộc tấn công hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của Lực lượng Phòng vệ và các cơ sở dân sự.

Đáp lại, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tấn công 4 sở chỉ huy của quân Nga, 2 cụm tập trung quân, trang thiết bị quân sự, một kho đạn và một trạm chuyển tiếp.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 25 tháng 11, Lực lượng vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 86,150 quân nhân Nga, bao gồm 430 kẻ xâm lược trong ngày qua.

Ngoài ra, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 2,899 xe tăng địch, 5,844 xe thiết giáp, 1,895 hệ thống pháo, 395 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 209 hệ thống phòng không, 278 máy bay, 261 trực thăng, 1,553 máy bay không người lái tác chiến, 531 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,04 xe chuyển quân và nhiên liệu, 163 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Anh tuyên bố viện trợ thêm cho Ukraine

Ngoại trưởng Vương quốc Anh James Cleverly đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Kyiv để bảo đảm hỗ trợ cho đất nước này khi mùa đông bắt đầu.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Cleverly đã công bố thêm 3 triệu bảng Anh (khoảng 3.6 triệu Mỹ Kim ) hỗ trợ cho Quỹ Đối tác vì một Ukraine kiên cường, đồng thời ông và Bộ trưởng Môi trường Thérèse Coffey cũng công bố 5 triệu bảng Anh cho một sáng kiến do Ukraine dẫn đầu nhằm vận chuyển ngũ cốc đến các quốc gia đang đối mặt với nạn đói.

“Khi mùa đông bắt đầu, Nga đang tiếp tục cố gắng phá vỡ quyết tâm của Ukraine thông qua các cuộc tấn công tàn bạo vào dân thường, bệnh viện và cơ sở hạ tầng năng lượng. Nga sẽ thất bại,” Ngoại trưởng Cleverly nói, theo một tuyên bố từ Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung & Phát triển.

“Vương quốc Anh kề vai sát cánh với Ukraine. Hôm nay tôi đã công bố một gói hỗ trợ trực tiếp cho những người bạn Ukraine của chúng tôi trong cuộc chiến của họ, từ xe cứu thương đến hỗ trợ quan trọng cho những người sống sót sau bạo lực tình dục do quân đội Nga thực hiện,” Cleverly nói.

Nguồn tài trợ mới sẽ dành đặc biệt cho các khu vực gần đây được tái chiếm ở miền nam Ukraine, bao gồm cả khu vực Kherson.

3. Yêu cầu của Ba Lan gửi hệ thống Patriot trực tiếp tới Ukraine sẽ được quyết định trong tuần tới

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết sẽ có hai cuộc họp tại trụ sở của NATO giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong tuần tới để quyết định về yêu cầu của Ba Lan gởi các hệ thống Patriot trực tiếp tới Ukraine.

Trước đó, bà Christine Lambrecht nhấn mạnh rằng việc sử dụng các hệ thống phòng thủ của NATO bên ngoài lãnh thổ của NATO cần phải được sự đồng ý của tất cả các quốc gia thành viên.

Tuyên bố của bà Lambrecht được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan cho biết hôm thứ Tư rằng Berlin nên gửi các hệ thống phòng không hỏa tiễn Patriot trực tiếp đến Ukraine thay vì đến biên giới giữa Ba Lan và Ukraine.

“Điều quan trọng đối với chúng tôi là Ba Lan có thể dựa vào các đồng minh để sát cánh bên nhau - ngay cả trong những thời điểm khó khăn - và đặc biệt là hiện nay Ba Lan đang ở vị trí dễ bị tổn thương”, Lambrecht nói với các phóng viên ở Berlin hôm thứ Năm.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi đã đề nghị hỗ trợ tuần tra trên không và đưa các hỏa tiễn Patriot đến biên giới Ba Lan và Ukraine. Các hệ thống Patriot là một phần trong hệ thống phòng không tích hợp của NATO, đó là lý do tại sao có thể đưa ra đề xuất này với Ba Lan,” Bộ trưởng nói thêm.

Lambrecht kết luận: “Những đề xuất khác với điều đó phải được thảo luận ngay bây giờ với NATO và với các đồng minh của chúng tôi.

Hôm thứ Hai, Đức đã đề nghị cung cấp cho Ba Lan các hệ thống chống hỏa tiễn, bao gồm cả hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot, để giúp Warsaw tăng cường năng lực phòng không sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn chết người vào lãnh thổ Ba Lan gần biên giới Ukraine vào ngày 15 tháng 11.

4. Người đứng đầu liên minh NATO 'sẽ không giảm' hỗ trợ cho Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng NATO sẽ không giảm hỗ trợ cho Ukraine.

“Hầu hết các cuộc chiến đều kết thúc bằng đàm phán,” ông Stoltenberg nói trước cuộc họp của các ngoại trưởng NATO, sẽ diễn ra ở Bucharest, Romania, vào cuối tháng 11.

“Nhưng những gì xảy ra trên bàn đàm phán phụ thuộc vào những gì xảy ra trên chiến trường. Do đó, cách tốt nhất để tăng cơ hội đạt được một giải pháp hòa bình là ủng hộ Ukraine”.

“Vì vậy, NATO sẽ tiếp tục sát cánh với Ukraine cho đến chừng nào còn có thể. Chúng tôi sẽ không lùi bước,” Stoltenberg nói.

Stoltenberg cho biết các ngoại trưởng đang cung cấp “hỗ trợ quân sự chưa từng có” và ông hy vọng họ sẽ đồng ý tăng cường “hỗ trợ phi sát thương” tại cuộc họp ở Bucharest.

Theo ông Stoltenberg, NATO đã cung cấp nhiên liệu, vật tư y tế, thiết bị mùa đông và thiết bị gây nhiễu máy bay không người lái.

Ông Stoltenberg cảm ơn các đồng minh vì những đóng góp của họ và cho biết ông sẽ kêu gọi đóng góp nhiều hơn nữa tại cuộc họp ở Bucharest để giúp Ukraine chuyển đổi từ thiết bị thời Liên Xô sang trang bị tiêu chuẩn hiện đại của NATO, cũng như hỗ trợ huấn luyện quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho rằng việc sử dụng các hệ thống phòng thủ của NATO bên ngoài lãnh thổ của NATO cần phải được sự đồng ý của tất cả các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, theo Tổng Thư Ký NATO, quyết định gửi các hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất tới Ukraine là “các quyết định có tính cách quốc gia” đối với các quốc gia cụ thể. Nói cách khác, ông không thấy có trở ngại nào đối với NATO khi Đức gởi các hệ thống Patriot cho Ukraine.

Đề nghị của Đức với Ba Lan được đưa ra sau vụ tấn công bằng hỏa tiễn chết người vào lãnh thổ Ba Lan gần biên giới Ukraine vào ngày 15 tháng 11.

Tổng Thư Ký Stoltenberg cho biết trước đây, với hệ thống phòng không tiên tiến NASAMS, các nhân viên NATO đã tiến hành huấn luyện ở các nước đồng minh NATO. Tuy nhiên, không có nhân viên NATO nào tiến hành công việc bên trong Ukraine, vì điều này có nghĩa là NATO là một bên trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

“Có nhiều cách để chúng tôi bảo đảm rằng Ukraine có thể vận hành các hệ thống tiên tiến hiện đại mà không cần triển khai nhân viên NATO bên trong Ukraine. Nhưng… các quyết định cụ thể về các hệ thống cụ thể là quyết định của quốc gia,” ông nói.

Ông nói thêm rằng đôi khi các thỏa thuận của quốc gia sử dụng và các thỏa thuận khác, có nghĩa là cần phải tham khảo ý kiến của các đồng minh khác, nhưng cuối cùng quyết định phải do chính phủ các quốc gia cung cấp viện trợ đưa ra.

5. Na Uy viện trợ 15 triệu Mỹ Kim cho cho Phái bộ Hỗ trợ Quân sự của Liên minh Âu Châu

Chính phủ Na Uy phân bổ khoảng 15.1 triệu Mỹ Kim cho Phái bộ Hỗ trợ Quân sự của Liên minh Âu Châu để hỗ trợ Ukraine.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bjørn Arild Gram cho biết: “Ukraine phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các quốc gia khác, đặc biệt là để có đủ vũ khí và các phương tiện chống lại chiến tranh của Nga. Na Uy đã cung cấp hỗ trợ đáng kể và sẽ tiếp tục đóng góp bằng việc quyên góp tài chính quân sự. Điều quan trọng đối với an ninh của Na Uy và Âu Châu là Nga không giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Ukraine. Các lực lượng Ukraine đang chiến đấu trong một trận chiến quan trọng vì dân chủ và công lý”.

Ngoài ra, Na Uy đang tài trợ một phần khoản tài trợ của Estonia để xây dựng một bệnh viện dã chiến cho Ukraine, cũng như tặng 5 xe buýt cứu thương quân sự.

Ngày 14 tháng 10, Hội đồng Liên minh Âu Châu đã chính thức thông báo về việc khởi động Phái bộ hỗ trợ quân sự của Liên minh Âu Châu hỗ trợ Ukraine, gọi tắt là EUMAM Ukraine, nhằm tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc chiến tranh xâm lược đang diễn ra của Nga.

EUMAM Ukraine có nhiệm vụ cung cấp đào tạo cá nhân, tập thể và chuyên môn cho tối đa 15,000 binh sĩ Lực lượng Vũ trang Ukraine trên nhiều địa điểm của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu.

6. Chuyên gia quân sự Nga đề xuất tấn công vào tàu của thành viên NATO trong cuộc tranh luận trên truyền hình

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Military Expert Suggests Targeting NATO Member's Ship in TV Debate”, nghĩa là “Chuyên gia quân sự Nga đề xuất tấn công vào tàu của thành viên NATO trong cuộc tranh luận trên truyền hình.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Ánh Tuyết

Một chuyên gia quân sự xuất hiện trên truyền hình Nhà nước Nga đã gợi ý nước này có thể tấn công tàu của một thành viên NATO, trong một cuộc hội thảo nhằm thảo luận về cuộc xung đột đang diễn ra.

Một đoạn clip về khoảnh khắc này đã bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội sau khi được Julia Davis của Daily Beast đăng trên Twitter.

Chuyên gia quân sự Alexander Sharkovsky kêu gọi Nga có biện pháp chống lại việc Anh ủng hộ Ukraine.

Ông đã đi xa đến mức đề xuất rằng Nga nên tấn công một con tàu gần biên giới phía Bắc của nước này. Sharkovsky đưa ra những bình luận này để đáp lại bình luận của nhà phân tích chính trị Victor Olevich.

Olevich cho biết Nga đã không đạt được tiến bộ đáng kể trong vài tháng qua. Ông cảnh báo rằng Ukraine tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây và cuộc xung đột có khả năng trở thành một cuộc chiến kéo dài hơn.

Sharkovsky trả lời: “Chúng ta thấy rõ lập trường của Anh, chúng ta thấy những hành động bẩn thỉu của nước này. Đó là điều hiển nhiên. Chúng ta phải có những biện pháp nhất định chống lại nước Anh.”

Khi được hỏi về biện pháp nào, hắn ta trả lời: “Tàu Prince of Wales ở gần biên giới phía Bắc của chúng ta ở Biển Barents. Chúng ta nên làm gì đó với nó.”

Một số khách mời người Nga đã cười khẩy trước gợi ý này và Olevich nhanh chóng xen vào rằng điều này sẽ có hại cho Nga, gây ra xung đột với một quốc gia NATO.

“Xin lỗi, có phải bạn đang đề nghị chúng ta bắt đầu một cuộc xung đột trực tiếp với một quốc gia NATO không?” Olevich hỏi và nhấn mạnh rằng.

“Một cuộc tấn công nhằm vào một đối tượng quân sự của một quốc gia NATO, sử dụng lực lượng quân sự của Nga, sẽ tự động dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.

Sharkovsky trả lời: “Đó không phải là những gì tôi đề xuất, nó sẽ không giúp ích gì cho Nga.”

Người dẫn chương trình truyền hình, Andrey Norkin, đã lưu ý rằng bất chấp những sự rút lui gần đây, Nga đã đạt được tiến bộ trong cuộc xung đột với Ukraine sau khi thay đổi chiến lược.

Norkin cho biết: “Một tháng trước, chúng ta đã triển khai một đường lối mới trong hoạt động quân sự đặc biệt của mình. Bây giờ chúng ta có một kết quả nhất định, họ đã nói về việc di tản dân cư.”

“Chỉ trong một tháng, chúng ta đã làm những điều khác với trước đây và chúng ta đã có kết quả, đã có một điều gì đó xảy ra”.

“Bây giờ chúng ta không còn có thể nói rằng trong 9 tháng, chúng ta đã mất tất cả, phải trả lại những vùng lãnh thổ đã được giải phóng ban đầu.”

Bất chấp sự lạc quan của các nhà bình luận này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải đối mặt với áp lực chính trị ngày càng tăng để chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra.

Các quan chức lãnh thổ của Cộng hòa Karelia, một khu vực phía tây bắc của Nga giáp với Phần Lan, đang kêu gọi chấm dứt việc huy động do những tác động tiêu cực của nó đối với xã hội Nga.

Họ gửi thư hối thúc Tổng thống Nga ban hành sắc lệnh cấm quân đội tiếp tục ở Ukraine.

Bức thư đã được công bố trong một bài đăng Telegram vào ngày 22 tháng 11 bởi Emilia Salbunova, người từng là thành viên của Hội đồng Lập pháp Karelia.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận.
 
Quá hay: Thế giới ca ngợi đức tin VN. Nga nổi nóng với lá thư ĐTC nhân Holodomor. TQ kết án ĐHY Quân
VietCatholic Media
06:06 26/11/2022


1. Tòa án Hương Cảng kết án Đức Hồng Y Quân và năm người ủng hộ dân chủ khác

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và năm người khác đã bị kết tội vào hôm thứ Sáu vì đã không ghi danh một quỹ giúp thanh toán các chi phí pháp lý và điều trị y tế cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng.

Vị Hồng Y 90 tuổi và cựu giám mục Hương Cảng đã bị phạt khoảng 4.000 đô la Hương Cảng, hay 500 Mỹ Kim. Mỗi người trong số những người được ủy thác khác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612, hiện đã không còn tồn tại, cũng bị phạt số tiền tương tự.

Đức Hồng Y Quân nói với các phóng viên sau phán quyết vào ngày 25 tháng 11: “Mặc dù tôi là một nhân vật tôn giáo, nhưng tôi hy vọng vụ án này sẽ không liên quan đến quyền tự do tôn giáo của chúng tôi.”

Đức Hồng Y xuất hiện tại Tòa sơ thẩm Tây Cửu Long với một cây thánh giá trước ngực, y phục giáo sĩ và đeo khẩu trang. Ngài đã sử dụng một cây gậy để đi bộ.

“Tôi chỉ là một công dân Hương Cảng ủng hộ mạnh mẽ việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo,” ngài nói, theo Reuters.

Phiên tòa của Đức Hồng Y Quân từ tháng 9 đến tháng 11 tập trung vào việc liệu các ủy viên của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 có cần ghi danh với chính quyền địa phương từ năm 2019 đến 2021 hay không.

Luật sư Bàng Diệu Hồng (Robert Pang, 彭耀鴻) của Đức Hồng Y Quân đã lập luận trước tòa vào tháng trước rằng việc áp đặt “các biện pháp trừng phạt hình sự đối với việc không ghi danh là một vi phạm nghiêm trọng quyền tự do lập hội”.

Chánh án Ada Doãn Thuận Nghi (Yim Shun-yee, 尹顺仪) đã ra phán quyết vào hôm thứ Sáu rằng quỹ này là một “tổ chức địa phương” và phải tuân theo các quy tắc của địa phương, nhưng cô ta không áp dụng hình phạt tối đa cho hành vi vi phạm là khoản tiền phạt khoảng 1,200 đô la.

Doãn Thuận Nghi cho biết trong phán quyết của mình rằng quỹ “có mục tiêu chính trị và do đó nó không được thành lập chỉ vì mục đích bác ái.”

Cùng bị kết án với Đức Hồng Y Quân còn có bốn người khác, bao gồm ngôi sao nhạc pop Canada-Hong Kong Hà Vận Thi (Denise Ho, 何韻詩), học giả Hứa Bảo Cường (Hui Po Keung, 许宝强), và các nhà lập pháp đối lập cũ Ngô Ái Nghi (Margaret Ng, 吳靄儀) và Hà Tú Lan (Cyd Ho, 何秀蘭))

Ngô Ái Nghi, một luật sư và người được ủy thác quỹ đã bị kết án với Đức Hồng Y Quân, nói với các phóng viên bên ngoài tòa án rằng phán quyết này rất quan trọng vì đây là lần đầu tiên bất kỳ ai ở Hương Cảng cũng đều có thể bị kết án theo Pháp lệnh Xã hội vì không ghi danh một hiệp hội.

Anh Di Chính Vĩ (Sze Ching-wee, 施正伟) cựu thư ký của Quỹ cứu trợ nhân đạo 612, cũng bị buộc tội hôm thứ Sáu với mức phạt nhẹ hơn. Anh ta đã bị bắt trước đó vào tháng 11 theo luật an ninh quốc gia của Hương Cảng, và đã được tại ngoại nhưng từ tháng Hai đã bị buộc phải trình diện định kỳ với cảnh sát.

Đức Hồng Y và những người được ủy thác khác của quỹ đã bị bắt vào tháng 5 cùng với các nhà hoạt động dân chủ khác theo luật an ninh quốc gia nghiêm ngặt của Hương Cảng và được tại ngoại ngay sau đó.

Tờ South China Morning Post đưa tin rằng phán quyết trong phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Quân có thể được coi là “khúc dạo đầu cho nhiều rắc rối pháp lý hơn… khi cảnh sát an ninh quốc gia tiếp tục điều tra về cáo buộc nhóm này thông đồng với các lực lượng nước ngoài.”
Source:Catholic News Agency

2. Thế giới Công Giáo tưởng niệm hàng trăm ngàn Kitô hữu tử đạo tại Việt Nam

Hôm 24 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới đã tưởng niệm hàng trăm ngàn Kitô hữu tử đạo tại Việt Nam. Nhân dịp này, Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Remembering the hundreds of thousands of Christians martyred in Vietnam”, nghĩa là “Tưởng niệm hàng trăm ngàn Kitô hữu tử đạo tại Việt Nam”.

Kitô giáo đến Việt Nam năm 1533, và nhiều Kitô hữu Việt Nam đã trở thành thánh và các vị tử đạo trong các đợt bách hại khác nhau. Những người đã được biết đến và đông đảo những người chưa được biết đến đã chết cho Chúa Giêsu Kitô cùng được vinh danh vào ngày 24 tháng 11, hàng năm lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Từ năm 1630 đến năm 1886, khoảng 130,000 đến 300,000 Kitô hữu chịu tử vì đạo ở Việt Nam, thường là sau khi bị giam giữ và tra tấn dã man. Những người khác buộc phải trốn vào rừng núi hoặc bị lưu đày sang các nước khác.

Các cuộc đàn áp thường xảy ra trong bối cảnh có những thay đổi chính trị và căng thẳng xã hội, đặc biệt là dưới thời các hoàng đế áp dụng các chính sách bài Kitô giáo vì sợ ảnh hưởng của nước ngoài.

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tôn vinh những vị tử đạo vô danh này, tiêu biểu là 117 vị tử đạo đã chết vì đức tin Công Giáo tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.

Trong số các ngài có 96 người Việt Nam, 11 người Tây Ban Nha và 10 người Pháp. Tám người trong nhóm là các giám mục, 50 linh mục và 59 giáo dân Công Giáo. Các thánh giáo dân bao gồm một em bé 9 tuổi và thánh Anê Lê Thị Thành, một bà mẹ sáu con.

Một số linh mục là tu sĩ Đa Minh, những người khác là linh mục giáo phận thuộc Hội Thừa sai Paris.

Các vị tử đạo cũng được nhóm thành “Thánh Anrê Dũng-Lạc và các bạn đồng hành tử đạo.” Thánh Anrê Dũng Lạc sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha mẹ không theo đạo Thiên Chúa, cha mẹ ngài đã giao phó ngài cho một người giám hộ là một giáo lý viên Công Giáo. Ngài được rửa tội và sau đó được thụ phong linh mục vào năm 1823. Ngài phục vụ với tư cách là cha sở và nhà truyền giáo trên khắp Việt Nam. Ngài đã hơn một lần bị bỏ tù và được các tín hữu Công Giáo chuộc mạng.

Ngài bị xử trảm tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 12 năm 1839.

Các nhóm tử đạo Việt Nam đã được phong chân phước bởi nhiều vị giáo hoàng. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho 117 vị tử đạo vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, và hết lời ca ngợi chứng tá của các ngài.

“Làm sao để nhớ hết? Ngay cả khi chúng ta giới hạn bản thân mình với những người được phong thánh hôm nay, thì chúng ta cũng không thể tập trung vào từng người trong số họ,” Đức Thánh Cha suy tư trong bài giảng Thánh lễ phong thánh. Ngài so sánh những cuộc bách hại ở Việt Nam với những cuộc bách hại mà các thánh tông đồ và các Kitô hữu sơ khai phải đối mặt.

“Một lần nữa chúng ta có thể nói rằng máu của các vị tử đạo là dành cho anh chị em, những người Kitô hữu của Việt Nam, là nguồn ân sủng để tiến triển trong đức tin. Ở nơi anh chị em, niềm tin của cha ông tiếp tục được truyền cho các thế hệ mới. Đức tin này vẫn là nền tảng cho sự bền đỗ của tất cả những ai cảm thấy mình là người Việt Nam đích thực, trung thành với mảnh đất của mình, đồng thời muốn tiếp tục là môn đệ đích thực của Chúa Kitô.”

Ngài nói thêm: “Từ hàng dài các vị tử đạo, những đau khổ, nước mắt của họ là 'thu hoạch của Chúa'. Chính họ, những người thầy của chúng ta, đã cho tôi cơ hội tuyệt vời để trình bày với toàn thể Giáo hội về sức sống và sự vĩ đại của Giáo hội Việt Nam, sức mạnh, sự kiên nhẫn, khả năng đối mặt với mọi khó khăn và loan báo Chúa Kitô. Chúng ta tạ ơn Chúa vì những gì Thánh Thần sinh sôi dồi dào giữa chúng ta!”

“Tất cả các Kitô hữu đều biết rằng Tin Mừng yêu cầu chúng ta phục tùng các thể chế của con người vì tình yêu dành cho Chúa, để làm điều tốt, cư xử như những người tự do, tôn trọng mọi người, yêu thương anh em của chúng ta, kính sợ Thiên Chúa, tôn trọng chính quyền và các thể chế công cộng,” Đức Thánh Cha nói.

Đức Gioan Phaolô II cho biết các vị tử đạo Việt Nam đã bắt đầu “một cuộc đối thoại sâu sắc và tự do” với người dân và nền văn hóa Việt Nam. Họ tuyên bố “sự thật và tính phổ quát của niềm tin vào Chúa” và đề xuất “một hệ thống các giá trị và nghĩa vụ đặc biệt phù hợp với văn hóa tôn giáo của toàn thế giới phương Đông”.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị nói tiếp rằng “Dưới sự hướng dẫn của cuốn giáo lý đầu tiên của người Việt Nam, họ đã làm chứng rằng chỉ phải tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, là Thiên Chúa duy nhất đã tạo dựng trời đất. Đối mặt với các biện pháp cưỡng chế của chính quyền liên quan đến việc thực hành đức tin, họ khẳng định quyền tự do tín ngưỡng của mình, lập luận với lòng can đảm khiêm tốn rằng Kitô giáo là điều duy nhất họ không thể từ bỏ, vì họ không thể bất tuân với Chúa tể tối cao là Chúa Trời Đất”.

“Hơn nữa, họ mạnh mẽ tuyên bố ý chí trung thành với chính quyền của đất nước, không làm trái những gì chính đáng và trung thực; họ đã dạy phải kính trọng và tôn kính tổ tiên của họ, theo phong tục của vùng đất của họ, dưới ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh”

“Giáo hội Việt Nam, với các vị tử đạo và qua chứng tá của mình, đã có thể tuyên bố cam kết và ý chí không bác bỏ truyền thống văn hóa và thể chế luật pháp của đất nước; ngược lại, Giáo Hội đã tuyên bố và chứng tỏ rằng Giáo Hội muốn được nhập thể ở đất nước này, trung thành đóng góp vào sự phát triển thực sự của quê hương”

Đức Thánh Cha đã viện dẫn câu nói của Kitô hữu cổ xưa rằng “máu của các vị tử đạo là hạt giống của Giáo hội.” Ngài cũng lưu ý rằng những người Công Giáo Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự bách hại trong thời đại ngày nay.

“Ngoài hàng ngàn tín hữu, trong các thế kỷ trước, đã bước theo dấu chân của Chúa Kitô, ngày nay vẫn còn có những người làm việc, đôi khi trong đau khổ và từ bỏ chính mình, với khát vọng duy nhất là có thể kiên trì trong vườn nho của Chúa với tư cách là người trung thành, như những người hiểu biết về những điều tốt đẹp của vương quốc Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha nói, bổn phận làm việc và cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến là một “hoạt động nội tâm liên tục và nghiêm ngặt”, “đòi hỏi sự kiên nhẫn và niềm trông đợi tin tưởng của những người biết rằng sự quan phòng của Thiên Chúa đang làm việc với họ để thực hiện sứ mệnh của mình. Những nỗ lực và cả sự đau khổ của họ đều có hiệu quả.”
Source:Catholic News Agency

3. 'Nỗi đau của anh chị em là nỗi đau của tôi': Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết thư đánh dấu 9 tháng chiến tranh ở Ukraine

Trong một lá thư xúc động gửi cho người dân Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng ngài nhìn thấy thập giá của Chúa Kitô trong những tra tấn và đau khổ mà người dân Ukraine phải chịu đựng trong chín tháng chiến tranh.

“Tôi muốn kết hợp những giọt nước mắt của tôi với nước mắt của anh chị em và nói với anh chị em rằng không có ngày nào mà tôi không gần gũi với anh chị em và không mang anh chị em trong trái tim và trong những lời cầu nguyện của tôi,” Đức Thánh Cha viết trong thư.

“Nỗi đau của anh chị em là nỗi đau của tôi. Trên thập giá của Chúa Giêsu hôm nay tôi nhìn thấy anh chị em -những người đang phải chịu đựng nỗi kinh hoàng do sự xâm lược này gây ra.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng “thánh giá đã hành hạ Chúa sống lại trong những cực hình được tìm thấy trên các xác chết” và “trong những ngôi mộ tập thể được phát hiện ở nhiều thành phố khác nhau.”

Vatican đã công bố bức thư bằng tiếng Ukraine và tiếng Ý vào ngày 25 tháng 11, một ngày sau khi lá tứ được Đức Thánh Cha Phanxicô ký tại Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô.

Trong thư, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại việc thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ vào ngày 25 tháng Ba.

Ngài nói: “Xin Đức Mẹ, Mẹ của Chúa Kitô và của chúng ta, đoái nhìn anh chị em. Trước Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, cùng với các giám mục trên thế giới, tôi đã thánh hiến Giáo Hội và nhân loại, đặc biệt là đất nước của anh chị em và nước Nga.”

“Trước Trái tim Từ mẫu của Đức Mẹ, tôi đã trình bày những đau khổ và nước mắt của bạn.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thường xuyên cầu nguyện cho “Ukraine tử vì đạo” trong các buổi tiếp kiến công khai kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào tháng Hai.

Bức thư của ngài gửi cho người dân Ukraine được ký đúng một tuần sau khi ngài gặp riêng Đức Tổng Giám Mục Mieczysław Mokrzycki của Lviv và Đức Giám Mục Jan Sobiło, một Giám Mục Phụ Tá của Kharkiv-Zaporizhia ở Ukraine và Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã dâng Thánh lễ cho hòa bình ở Ukraine..

Bức thư của Đức Thánh Cha cũng đề cập đến “nạn diệt chủng Holodomor,” là nạn đói do con người gây ra ở Ukraine thuộc Liên Xô đã giết chết hàng triệu người trong khoảng thời gian từ 1932 đến 1933, và sự kiên cường không ngừng của người dân Ukraine ngày nay.

“Ngay cả trong bi kịch to lớn mà họ đang phải gánh chịu, người dân Ukraine chưa bao giờ nản lòng hay cam chịu. Thế giới đã công nhận một dân tộc táo bạo và mạnh mẽ, một dân tộc chịu đau khổ và cầu nguyện, khóc lóc và đấu tranh, kháng cự và hy vọng: một dân tộc cao thượng và tử vì đạo,” Đức Phanxicô nói.

“Tôi tiếp tục sát cánh bên anh chị em với trái tim, lời cầu nguyện và với sự quan tâm nhân đạo để anh chị em có thể cảm thấy được đồng hành, để anh chị em không quen với chiến tranh, để anh chị em không bị bỏ lại một mình hôm nay và đặc biệt là ngày mai khi cơn cám dỗ quên đi những đau khổ của anh chị em sẽ đến, có lẽ sẽ đến.”
Source:Catholic News Agency
 
Dân Nga té ngửa: Bộ Quốc Phòng đòi phải có 5 triệu quân để chiến thắng. Belarus từ chối tham chiến
VietCatholic Media
15:50 26/11/2022


1. Ukraine nói: Nga thừa nhận cần 5 triệu quân để chiến thắng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Has Admitted It Needs 5 Million Troops to Win War, Ukraine Says”, nghĩa là “Ukraine nói: Nga thừa nhận cần 5 triệu quân để chiến thắng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Ukraine đã nói rằng Nga có thể đang tìm cách điều động hàng triệu binh sĩ để chiến đấu trong cuộc xâm lược của họ sau khi hàng trăm ngàn người được triệu tập trong đợt huy động một phần gần đây.

Điện Cẩm Linh cho biết lệnh động viên mà nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin công bố hồi tháng 9, nhằm kêu gọi nhập ngũ 300,000 quân dự bị, đã chính thức kết thúc vào ngày 31 tháng 10.

Nhưng thực tế là sắc lệnh chính thức cho lệnh động viên đã không bị thu hồi, và điều đó đã làm dấy lên tin đồn ở Nga rằng Putin vẫn đang để ngỏ các lựa chọn cho một làn sóng huy động khác.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đã nói trong một cuộc họp ngắn rằng giới lãnh đạo chính trị của Nga đã lưu hành một tài liệu có tiêu đề “Kết thúc cuộc chiến với NATO ở Ukraine.”

Chuẩn tướng Hromov cho biết tài liệu vạch ra những vấn đề mà quân đội Nga đang phải đối mặt như những thiếu sót trong chuỗi chỉ huy, thiếu kỷ luật và vũ khí lạc hậu.

“Tài liệu cũng nói rằng chưa từng có một cuộc chiến tranh nào như vậy trong hơn 80 năm qua và để Nga giành được chiến thắng, quân số của quân đội nước này phải vào khoảng 5 triệu quân nhân”

Điều này có thể có nghĩa là làn sóng huy động tiếp theo và thiết quân luật ở nước này có thể diễn ra “trong tương lai gần”. Theo Statista, tổng số quân nhân trong lực lượng vũ trang Nga vào khoảng 2 triệu người.

Khi được hỏi phản ứng của Ukraine sẽ hành động như thế nào khi đối mặt với quân đội Nga lớn hơn, Chuẩn tướng Hromov cho biết công việc như vậy đang diễn ra và “các tính toán được thực hiện gần như hàng ngày”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

Hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã bác bỏ thông tin cho rằng sẽ có một cuộc “huy động toàn quốc” sau khi ấn phẩm trực tuyến Pravda.ru nói rằng ông Putin sẽ đưa ra lời kêu gọi vào cuối năm 2022 cho một lệnh động viên toàn quốc.

Ấn phẩm nói thêm rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ đề cập đến “việc huy động cả binh lính và sĩ quan cũng như nền kinh tế”. Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti cho biết ông Peskov nói rằng báo cáo đó không đúng sự thật,.

Putin đã bảo vệ lệnh động viên bán phần, nhưng nó đã bị bao vây bởi những lời phàn nàn rằng nó đã bị phá hỏng và những người bị gọi nhập ngũ đã được gửi đến trận chiến với trang bị và đào tạo chưa đầy đủ.

Vào ngày 23 tháng 11, đoạn video cho thấy những tân binh từ Serpukhov, trong vùng Mạc Tư Khoa, 62 dặm về phía nam thủ đô, phàn nàn về quản lý yếu kém và lãnh đạo kém. Một người lính nói với phóng viên “chúng tôi không biết nhiệm vụ chính của mình là gì,” nhưng hiện tại “nhiệm vụ chính của chúng tôi là sống sót”.

Hội đồng các bà mẹ và vợ của các quân nhân bị động viên, là một phong trào quần chúng, đang yêu cầu ông Putin gặp gỡ các thành viên của hội này sau khi Điện Cẩm Linh cho biết nhà lãnh đạo Nga sẽ nói chuyện với các bà mẹ của quân nhân vào Ngày của Mẹ 27 tháng 11.

Nhóm nói rằng không có thành viên nào của họ được mời tham dự một sự kiện dự kiến vào Chúa Nhật và cáo buộc Putin là đang “trốn tránh”.

2. Cư dân bắt đầu di tản Kherson khi các quan chức cảnh báo về mùa đông khắc nghiệt và pháo kích của Nga

Chính phủ Ukraine cho biết các cuộc di tản tự nguyện cho cư dân khỏi thành phố cảng Kherson mới được giải phóng đang được tiến hành, với chuyến tàu đầu tiên chở 100 người.

Theo Bộ Tái hòa nhập Ukraine, chuyến tàu này sẽ hướng đến thành phố miền tây Khmelnytskyi. Trong số những cư dân “tận dụng việc di tản miễn phí” có 26 trẻ em, 7 bệnh nhân nằm liệt giường và 6 người bị hạn chế khả năng vận động, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết như trên.

Các nhà chức trách ở Kherson đang kêu gọi cư dân rời khỏi thành phố, nơi chủ yếu vẫn chưa có điện, trước khi nhiệt độ giảm xuống hơn nữa. Kherson cũng hứng chịu đợt pháo kích mới kể từ khi quân đội Nga buộc phải rời khỏi bờ tây sông Dnipro.

Theo các quan chức thành phố, những người di tản sẽ nhận được hỗ trợ tài chính, chỗ ở và viện trợ nhân đạo khi họ đến Khmelnytskyi.

Các nhà chức trách cho biết cũng có những chuyến xe buýt chạy từ vùng Kherson đến các thành phố Odesa, Mykolaiv và Kryvyi Rih, nơi mọi người sẽ được “ở trong những nơi trú ẩn được trang bị đặc biệt và sau đó di tản đến những vùng an toàn hơn của Ukraine bằng xe hơi”.

3. Cuộc gặp gỡ được dàn dựng giữa Putin và những người mẹ và vợ của các tân binh vừa bị gọi nhập ngũ

Putin nói rằng tất cả các binh sĩ Nga đều “bình đẳng” bất chấp những lo ngại rằng các nhóm thiểu số là mục tiêu cho lệnh động viên bán phần của ông ta.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm thứ Sáu rằng tất cả những người lính chiến đấu cho Nga ở Ukraine đều “bình đẳng”, khi các nhà hoạt động và quan chức Ukraine nêu lên mối lo ngại rằng các nhóm thiểu số bị gọi nhập ngũ một cách không cân xứng và tình trạng hối lộ tràn lan đã và đang diễn ra.

Hôm thứ Sáu, trong cuộc gặp gỡ được dàn dựng công phu với các bà mẹ và vợ các của quân nhân bị điều tới Ukraine, Putin nói:

“Tôi biết rằng những người ở đó không phân chia thành bất kỳ giai cấp riêng biệt nào. Mọi người đều bình đẳng, mọi người đều giúp đỡ lẫn nhau và hiểu rằng cuộc sống của họ phụ thuộc vào sự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau này”.

Putin nói thêm rằng “những người lính Nga thực hiện nghĩa vụ của mình một cách đàng hoàng là điều bẩm sinh, và thậm chí còn hơn thế nữa đối với những người lính từ Kavkaz, từ Dagestan, nơi mọi người có tính khí đặc biệt.”

Vào tháng 9, lệnh động viên của Putin đã gây ra các cuộc biểu tình ở một số vùng dân tộc thiểu số của Nga. Một số video được đăng lên phương tiện truyền thông xã hội, được CNN định vị địa lý ở khu vực Dagestan chủ yếu là người Hồi giáo, cho thấy những người phụ nữ ở thủ đô Makhachkala đang cầu xin cảnh sát bên ngoài một nhà hát.

“Tại sao các ông lại bắt con của chúng tôi? Ai tấn công ai? Chính Nga đã tấn công Ukraine,” người ta có thể nghe thấy họ nói trong video. Các nhóm phụ nữ sau đó bắt đầu hô vang: “Không có chiến tranh.”

4. Người đứng đầu NATO bày tỏ tin tưởng việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ được phê chuẩn

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với CNN rằng ông “tin tưởng” rằng cả Hung Gia Lợi và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phê chuẩn việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh, sau thông báo của Hung Gia Lợi rằng họ sẽ hỗ trợ tư cách thành viên cho cả hai nước vào năm tới.

“Tôi không thể cho bạn biết chính xác khi nào,” ông nói, nhưng nói thêm trên “CNN This Morning” rằng đó là “một trong những quá trình gia nhập nhanh nhất từng có trong lịch sử.”

“Tổng thống Putin đang cố vũ khí hóa mùa đông, và bằng các cuộc tấn công có chủ ý vào cơ sở hạ tầng dân sự, ông ta cố gắng tước đoạt khí đốt, điện lực, nước của người Ukraine, và điều này một lần nữa chứng tỏ sự tàn khốc của cuộc chiến này và tầm quan trọng là Tổng thống Putin, và nước Nga, phải kết thúc cuộc chiến này,” ông Stoltenberg nói, đồng thời cho biết thêm “cách tốt nhất chúng ta có thể giải quyết những cảnh tượng khủng khiếp mà chúng ta chứng kiến từ Ukraine là ủng hộ Ukraine.”

Ông đặc biệt khen ngợi Hoa Kỳ “vì đã cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine.”

Ông Stoltenberg nói với CNN rằng việc hỗ trợ Ukraine là rất quan trọng, “bởi vì lợi ích an ninh của chính chúng tôi là bảo đảm rằng Tổng thống Putin không giành chiến thắng ở Ukraine.”

Khi được hỏi về nhận xét của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley rằng có thể có cơ hội đàm phán để chấm dứt chiến tranh, ông Stoltenberg trả lời: “Những gì xảy ra xung quanh bàn đàm phán phụ thuộc vào điều gì xảy ra trên chiến trường”.

5. Hàng trăm điểm điện được thiết lập cho cư dân Kyiv không có điện ở nhà

Các trường học ở thủ đô Kyiv của Ukraine đã mở cửa cho những cư dân không có điện ở nhà.

Thị trưởng Vitalii Klitschko cho biết thành phố đã thiết lập hàng trăm điểm cung cấp điện trong các cơ sở giáo dục và các cơ sở khác, nơi mọi người có thể sưởi ấm, uống trà, sạc điện thoại và đèn pin.

“Kyiv đã khai trương hơn 400 điểm sưởi ấm. Những điểm này sẽ hoạt động hàng ngày,” Klitschko cho biết trong một bài đăng trên Telegram. Phần lớn trong số đó nằm trong trường học và các cơ sở xã hội khác. Trong trường hợp nhà bạn không có điện trong hơn một ngày, bạn có thể đến điểm sưởi ấm để sạc lại các thiết bị hoặc đèn pin, uống trà và tìm hiểu thông tin về máy bơm nước, cửa hàng và hiệu thuốc gần nhất.”

Một nửa số hộ gia đình của thành phố vẫn không có điện vào sáng thứ Sáu sau những cuộc tấn công bằng hỏa tiễn quy mô lớn của Nga hai ngày trước đó đã tấn công các cơ sở sản xuất điện trên khắp đất nước.

6. Lukashenko giải thích chi tiết lý do tại sao quân đội Belarus sẽ không tham gia cuộc chiến của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Lukashenko Details Reason Belarusian Troops Will Not Join Putin's War”, nghĩa là “Lukashenko giải thích chi tiết lý do tại sao quân đội Belarus sẽ không tham gia cuộc chiến của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã bác bỏ suy đoán rằng lực lượng của đất nước ông có thể tham gia cùng quân đội Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi quốc tế vào năm 2020 và sau đó là một cuộc đàn áp tàn bạo đối với những người biểu tình và phe đối lập, Lukashenko ngày càng tin tưởng hơn vào Tổng thống Nga Vladimir Putin để duy trì quyền lực.

Mặc dù Belarus đã được sử dụng làm tiền đồn cho các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và Mạc Tư Khoa đã triển khai quân đội và vũ khí ở đó, nhưng nước này đã không đóng vai trò trực tiếp hơn trong cuộc chiến, mặc dù tháng trước Lukashenko đã nói về một lực lượng chung giữa Belarus và Nga.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, gọi tắt là CSTO, do Nga cầm đầu, Lukashenko xem ra đã dập tắt những tin đồn về việc can dự chặt chẽ hơn vào cuộc xâm lược của đồng minh.

Mô tả viễn cảnh quân đội Belarus tiến vào Ukraine là “hoàn toàn vô nghĩa”, Lukashenko nói, “nếu chúng tôi sử dụng binh sĩ của Lực lượng vũ trang để tham gia vào cuộc xung đột này, chúng tôi sẽ không thêm gì vào đó” khi ông đề cập đến lực lượng 40,000 quân của mình.

Hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus đưa tin ông nói với các phóng viên ở thủ đô Yerevan của Armenia rằng “Ngược lại, chúng tôi sẽ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Belarus không có vai trò trong cuộc xung đột này”.

Ông nói rằng Belarus đang đóng góp vào nỗ lực chiến tranh của Nga theo những cách khác nhưng nói rằng “chúng tôi không tham gia, chúng tôi không giết bất kỳ ai, chúng tôi không gửi binh sĩ đến đó vì không cần thiết.” Ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán là cần thiết để kết thúc chiến tranh.

Tình báo Ukraine cho biết Nga đang lên kế hoạch tấn công giả vào cơ sở hạ tầng ở Belarus để cố gắng kéo Belarus vào cuộc chiến. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã nghi ngờ rằng điều này sẽ xảy ra do rủi ro mà nó có thể gây ra cho sự tồn tại của chế độ Lukashenko, vì khác với Nga, dân chúng Belarus phản đối chiến tranh một cách áp đảo.

Đầu tháng này, Franak Viačorka, trưởng cố vấn chính trị của thủ lĩnh phe đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya, nói với Newsweek rằng ông không tin rằng Putin quan tâm đến việc gửi quân đội Belarus tới Ukraine.

Tuy nhiên, ông nhắc lại một đánh giá của các quan chức quốc phòng Anh là có thể xảy ra “một diễn biến rất nguy hiểm” trong đó Nga điều động các máy bay phản lực MiG-31K và AS-24 Killjoy phóng hỏa tiễn đạn đạo đến sân bay Machulishchy ở khu vực Minsk.

Ông cho biết có bằng chứng cho thấy hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal đang ở trên lãnh thổ Belarus và ông lo sợ rằng “rất sớm thôi chúng ta sẽ chứng kiến các cuộc tấn công từ không phận Belarus vào cơ sở hạ tầng của Ukraine”.

“Ngoài ra, chúng tôi thấy nỗ lực triển khai thêm hỏa tiễn Iskander của Nga có nghĩa là sẽ có nhiều cuộc pháo kích hơn từ lãnh thổ Belarus,” Viacorka nói, đồng thời cảnh báo rằng việc Iran cung cấp máy bay không người lái và hỏa tiễn cho Nga “sẽ nguy hiểm cho Ukraine vì nước này không có đủ hệ thống phòng không thích hợp.”

Ông nói rằng ít nhất 4,500 binh sĩ Nga đã đến Belarus và đang sử dụng doanh trại của nước này, mặc dù họ được giữ riêng biệt với binh lính Belarus vì thiếu sự tin tưởng giữa các lực lượng của haibên.

“Theo thông tin của chúng tôi, quân đội Belarus có thái độ khá tiêu cực đối với Nga,” ông nói với Newsweek. “Họ sử dụng cơ sở hạ tầng và cơ sở quân sự nhưng không sẵn sàng chấp nhận người Nga trên lãnh thổ Belarus.”

7. Chuyên gia truyền hình Nga kêu gọi binh lính bắn hạ tù binh Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian TV Pundit Urges Soldiers To Shoot Ukrainian POWs”, nghĩa là “Chuyên gia truyền hình Nga kêu gọi binh lính bắn hạ tù binh Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Ánh Tuyết

Một khách mời trên truyền hình nhà nước Nga đã nêu ra khả năng các đơn vị quân đội Nga nên bắn chết tù binh chiến tranh Ukraine.

Thành viên Duma Quốc gia Alexander Kazakov đã đưa ra nhận xét trên truyền hình nhà nước để đáp lại một sự việc gần đây dẫn đến việc Kyiv và Mạc Tư Khoa cáo buộc lẫn nhau về tội ác chiến tranh.

Ukraine đang điều tra đoạn phim mà Nga cáo buộc cho thấy các lực lượng của Kyiv hành quyết hơn 10 binh sĩ Nga có thể đã cố gắng đầu hàng.

Theo Reuters, đoạn phim được ghi lại vào đầu tháng này tại thị trấn Makiivka, thuộc vùng Luhansk, miền đông Ukraine.

Ukraine cũng đã cáo buộc các binh sĩ Nga này trá hàng khi họ tuyên bố đầu hàng nhưng sau đó lại nổ súng vào quân đội Ukraine. Các tình huống xung quanh vụ việc vẫn chưa rõ ràng.

“Về tội ác cụ thể này, chúng ta nên giải quyết nó mà không quan tâm đến ý kiến của phương Tây hay bất kỳ ý kiến nào khác,” Kazakov nói trong một đoạn clip được chia sẻ trên Twitter bởi Julia Davis, một nhà bình luận của The Daily Beast. “Chúng ta phải hành động cực kỳ khắc nghiệt.”

“Chúng ta có các đơn vị chiến đấu tích cực không bắt tù binh. Tôi biết ít nhất một đơn vị như vậy, một đơn vị lớn. Tôi biết tại sao họ lại làm như vậy, tôi đã thấy điều đó trong các video,” ông ta nói.

“Họ không cung cấp chúng cho chúng ta bất kỳ tù binh nào, vì họ không bắt tù nhân và điều đó được bảo đảm tốt. Ban lãnh đạo biết điều này, nhưng mọi người đều im lặng.”

Victor Olevich, một nhà phân tích chính trị, đã phản bác lại đề nghị của Kazakov bằng cách nói rằng giết tù binh Ukraine sẽ là một tội ác chiến tranh.

“Có những cuộc trao đổi tù binh thường xuyên giữa Nga và Ukraine. Điều đó có nghĩa là gì? Rằng Ukraine không giết tất cả mọi người”.

“Đây là một tội ác chiến tranh. Những gì chúng ta thấy ở đây là một tội ác chiến tranh. Nếu Nga bắt đầu không bắt bất kỳ tù binh nào mà chỉ bắn tất cả mọi người, thì phía Ukraine cũng sẽ bắn chúng ta. Đây có phải là những gì Nga cần hay không? Không, tất nhiên đây không phải là điều Nga cần,” Olevich nói.

Chính quyền Nga và Ukraine cho biết hôm thứ Tư rằng cả hai nước đã tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh khác.

Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết 35 binh sĩ và một thường dân đã trở về Ukraine sau khi bị giam cầm.

“Trong số những người được trả tự do có những người đã bảo vệ Mariupol và ở Azovstal, cũng như các Vệ binh Quốc gia bị bắt tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong những ngày đầu của cuộc xâm lược,” Yermak nói, đồng thời cho biết thêm rằng thường dân được trả tự do đã bị cắt cụt một chân.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết “do kết quả của quá trình đàm phán, 35 quân nhân Nga đã được trả về từ lãnh thổ do chế độ Kyiv kiểm soát”.

Bộ cho biết các binh sĩ Nga sẽ được gửi đến Mạc Tư Khoa để điều trị và phục hồi chức năng.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận.
 
Hi hữu: Phó tế hôn mê 2 tháng, bác sĩ chê, tỉnh dậy, vừa thụ phong. LM Dòng Đa Minh sửa sai GM Đức
VietCatholic Media
17:11 26/11/2022


1. Vị phó tế bị hôn mê đến 50 ngày vì COVID vừa được thụ phong linh mục

Thầy phó tế Nathanael Alberione ở Cordoba, Á Căn Đình, đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại COVID-19 vào năm 2021, và được thụ phong linh mục vào ngày 21 tháng 11 vừa qua. Vào ngày được thụ phong, vị tân chức đã nhận được một bất ngờ đặc biệt: Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho ngài những lời động viên và thúc giục ngài trở thành một “ linh mục của các vùng ngoại vi.”

Vị linh mục 33 tuổi mới được thụ phong đã được bổ nhiệm đến một giáo phận ở Patagonia, nơi ngài đã từng phục vụ như một phó tế.

Đức Cha Joaquín Gimeno Lahoz, Giám Mục của Comodoro Rivadavia, đã phong chức linh mục cho Thầy phó tế Cordovan. Đồng tế trong thánh lễ còn có các giám mục từ Patagonia-Comahue với rất nhiều tín hữu tham dự.

Tin tức về việc thụ phong linh mục của ngài đã được Giáo hội địa phương và cộng đồng Công Giáo khắp nơi đón nhận một cách vui mừng, những người đã cầu nguyện cho sức khoẻ của Thầy Cordovan vào tháng 4 năm 2021, khi ngài bị nhiễm COVID-19 nặng đến mức bị hôn mê trong 50 ngày.

“Từ 'cảm ơn' không còn đủ trong một tình huống cuộc sống như thế này, nhưng thật không may, chúng ta không có từ nào khác để bày tỏ lời cảm ơn,” Thầy Cordovan thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh trong chương trình Đối thoại của Radio Divina Providencia.

Lời chào từ Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong buổi lễ truyền chức, phải tổ chức tại sân vận động thành phố số 1 ở Puerto Madryn vì số người tham dự dự kiến vượt quá sức chứa của tất cả các nhà thờ, vị tân linh mục đã nhận được một bất ngờ đặc biệt.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự gần gũi của mình với ngài trong một lá thư kêu gọi ngài làm “linh mục vùng ngoại vi” và nói rằng “điều đó luôn tốt hơn là ở trung tâm, bởi vì thực tế được nhìn thấy tốt hơn từ đó.”

“Đừng quên cội nguồn của bạn cũng như cái nhìn của Chúa Giêsu, Đấng đã gọi bạn,” Đức Thánh Cha khuyên. “Tôi cầu xin Đức Trinh Nữ bảo vệ bạn, chăm sóc bạn với nhiều sự quan tâm và tình cảm, và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi,” Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận.
Source:Catholic News Agency

2. 'Mọi người đều dễ bị buộc tội': Các giám mục phản ứng với nỗi sợ hãi của các linh mục trước những trò cáo gian

Một cuộc khảo sát gần đây đối với các linh mục cho thấy sự mất lòng tin ngày càng tăng của các ngài đối với các giám mục và những lo ngại lớn rằng các linh mục sẽ không nhận được sự hỗ trợ nếu phải đối mặt với những cáo buộc sai trái về lạm dụng.

82% các linh mục trả lời một cuộc khảo sát do The Catholic Project, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, DC, thực hiện, cho biết họ luôn sống trong nỗi sợ hãi bị cáo buộc sai trái về lạm dụng tình dục.

Và chỉ có 51% linh mục giáo phận tin rằng giám mục của họ sẽ hỗ trợ họ trong quá trình điều tra lạm dụng, theo cuộc khảo sát được công bố vào tháng Mười. Trong khi đó, chỉ 36% tin rằng giáo phận của họ sẽ cung cấp các nguồn lực cần thiết để tự bảo vệ mình trong một cuộc điều tra pháp lý.

CNA đã thảo luận những kết quả khảo sát đó với các giám mục tham dự đại hội mùa thu của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ tại Baltimore vào đầu tháng này. Trong cuộc họp thường niên, các giám mục Hoa Kỳ đã đánh dấu kỷ niệm 20 năm các giao thức Hiến chương Dallas mà hội nghị đã thông qua vào năm 2002 để đáp lại các cáo buộc lạm dụng chống lại giáo sĩ.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco gọi những phát hiện của cuộc khảo sát là “rất đáng lo ngại”, đồng thời nói thêm rằng các giám mục phải “hỗ trợ các linh mục đang gặp khó khăn và rắc rối” và “có lòng trắc ẩn và kiên nhẫn với họ.”

Đức Cha Cordileone cho biết khả năng bị buộc tội kết thúc sự nghiệp ở một số vùng của đất nước thậm chí còn lớn hơn ở những vùng khác.

“Các linh mục đang chịu rất nhiều áp lực, và chúng ta cần đánh giá cao điều đó, đặc biệt là trong hoàn cảnh ở một số tiểu bang, như tiểu bang của chúng tôi, California, một lần nữa đã dỡ bỏ thời hiệu tố cáo. Bây giờ mọi người đều dễ bị buộc tội,” Đức Cha Cordileone nói.

Giám Mục Phụ Tá Robert Reed của Tổng giáo phận Boston bày tỏ sự đồng cảm với những lo lắng của các linh mục, nói rằng các linh mục sống với sự hiểu biết rằng họ “chỉ cần một lời buộc tội vu vơ là nghỉ hưu” và trong nhiều trường hợp, “nếu bạn bị buộc tội về điều gì đó, đó gần như sẽ kết thúc với một bản án oan sai”.

Sự thiếu tin tưởng của các linh mục vào giám mục bản quyền góp phần trực tiếp vào sự kiệt sức. Theo khảo sát của Dự án Công Giáo, các linh mục trẻ dường như đặc biệt dễ bị tổn thương, với 60% linh mục triều dưới 45 tuổi lên tiếng về tình trạng kiệt sức ở một mức độ nào đó.

Đức Cha Kevin Rhoades của Giáo phận Fort Wayne-South Bend, Indiana, nói với CNA rằng việc kết nối và giúp đỡ từng linh mục cảm thấy được hỗ trợ là một “thách thức đối với các giám mục”.

“Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng,” Đức Cha Rhoades nói, và nhấn mạnh thêm rằng ngài phải yêu cầu nhân viên của mình hỗ trợ thêm “để tôi có thời gian với các linh mục.”

Tuy nhiên, khi nói đến các cuộc điều tra lạm dụng tình dục, những thách thức đó càng được phóng đại hơn. “Bạn càng cố tỏ ra nhạy cảm với nạn nhân, hay những người được cho là nạn nhân, thì bạn càng phải ở đó với họ. Sau đó mới đến các linh mục,” Đức Cha Rhoades nói. “Vì vậy, đó là một điều thực sự rất khó giải quyết, nhưng chúng ta phải làm.”

Đối với Đức Cha Reed, giải pháp cho sự ngờ vực của các linh mục đối với các giám mục là “ít quản lý hơn, tiếp xúc cá nhân nhiều hơn”. Theo ý kiến của Đức Cha Reed, công việc của giám mục “phải có khía cạnh truyền giáo”. “Bạn biết đấy, một tách cà phê với một linh mục, cử hành thánh lễ buổi sáng, đi ăn tối, có thể ở lại nhà xứ, đại loại như thế.”

Đức Cha Reed thừa nhận rằng mặc dù một giám mục có thể làm việc chăm chỉ để cải thiện lòng tin với các linh mục của mình, nhưng “bạn thực sự không thể làm gì” trước thực tế một lần là chấm dứt cuộc đời linh mục trong các cáo buộc lạm dụng.

Đối với Đức Cha Cordileone, điều đó phụ thuộc vào vị linh mục được đề cập và thành tích của ngài. Đức Cha Cordileone nói rằng nếu “rõ ràng là anh ấy vô tội, và anh ấy là một mục tử được kính trọng suốt đời… thì giám mục của vị linh mục ấy phải chiến đấu để bảo vệ danh tiếng của vị linh mục… ngay cả khi vị Giám Mục sẽ phải gánh chịu những lời cay độc. Tôi nghĩ rằng đó là một điều có thể giúp xây dựng lại niềm tin với các linh mục.”
Source:Catholic News Agency

3. Nhà thần học Đa Minh nói với Giám mục người Đức Bätzing: Hỗ trợ cho chương trình nghị sự của người đồng tính là 'dị giáo hiện đại'

Linh mục Nelson Medina, một linh mục dòng Đa Minh có bằng tiến sĩ thần học tín lý, đã chỉ trích gay gắt chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Đức Cha Georg Bätzing, người kiên trì ủng hộ chương trình nghị sự của người đồng tính.

Medina, người gốc Colombia, là người có ảnh hưởng trong thế giới nói tiếng Tây Ban Nha với sự hiện diện trên Twitter, YouTube và TikTok. Ngài có 63,000 người theo dõi trên Twitter và 442,000 người theo dõi trên YouTube.

Trong một cuộc họp báo ở Rome sau chuyến thăm ad limina của các giám mục Đức, Bätzing nói với các nhà báo rằng ngài không có ý định rời bỏ Giáo Hội Công Giáo qua Tiến Trình Công Nghị. Thay vào đó, ngài nói, những người ủng hộ Tiến Trình Công Nghị này muốn tiếp tục là người Công Giáo, “nhưng chúng tôi muốn là người Công Giáo theo một cách khác.”

Vị giám mục người Đức cũng nói rằng ngài ủng hộ việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái, là điều đã xảy ra hàng loạt vào tháng 5 năm nay bất chấp lệnh cấm rõ ràng của Bộ Giáo lý Đức tin, được ban hành trong một Phản hồi năm 2021.

Cha Javier Olivera Ravasi, một linh mục người Á Căn Đình, người chỉ đạo dự án “Que no te la cuentan” nghĩa là “đừng tin tất cả những gì bạn nghe thấy”, viết trên Twitter rằng “'Người Công Giáo theo một cách khác' mà Giám Mục Bätzing đề cập đến được gọi là 'Tin lành'.

Đối với Cha Medina, lập trường kiên trì ủng hộ người đồng tính của Bätzing “lại là một tiếng kêu khác của dị giáo theo chủ nghĩa hiện đại, giống như tất cả các dị giáo lớn, không bao giờ thực sự biến mất hoàn toàn.”

Vị linh mục Đa Minh sau đó giải thích rằng “phước lành mà tội nhân thực sự cần là lời kêu gọi hoán cải bác ái nhưng rõ ràng và kiên định. Không có nó, 'phước lành' kiểu này chỉ là sự thúc giục tội lỗi và là một hình thức khinh thường và tàn ác đối với những người sống trong tội lỗi.

Theo fraynelson.com, vị linh mục Đa Minh “giảng dạy tại Học viện Đa Minh và là thành viên của Khoa Thần học tại Đại học Santo Tomás. Ông đã từng giữ ghế Khoa trưởng thần học cơ bản, tín lý và đạo đức cũng như logic.”

Cha Juan Manuel Góngora, một linh mục người Tây Ban Nha có hơn 56,000 người theo dõi trên Twitter, giải thích rằng “tội lỗi không thể được ban phước. Giám mục Bätzing nên quay lại chủng viện để học hoặc chuyển sang Tin lành và ngừng làm phiền mọi người.”

Trong các phản ứng sau chuyến viếng thăm ad limina, gặp gỡ Đức Thánh Cha và các vị trong các cơ quan trung ương Tòa Thánh, Giám mục Bätzing, trấn an mọi người rằng Giáo Hội tại Đức sẽ không tách khỏi Giáo Hội Công Giáo, tuy nhiên ông thề sẽ tiến hành các nghị quyết đã được Tiến Trình Công Nghị thông qua, bao gồm cả việc tấn phong linh mục cho phụ nữ. Trên thế giới này, có Giám Mục nào dám tuyên bố như Giám mục Bätzing mà không bị một hình thức kỷ luật nào không? Các phương tiện truyền thông Đức gọi Giám mục Bätzing Neuer Papst, nghĩa là “Tân Giáo Hoàng”. Trên thực tế, Giám mục Bätzing đang hành xử như thế.

“Tiến Trình Công Nghị” của Đức là một quá trình tập hợp giáo dân và giám mục bắt đầu từ tháng 12 năm 2019 để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực được thực thi như thế nào trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ, là những vấn đề mà họ đã bày tỏ, công khai và trong nhiều dịp khác nhau, những quan điểm trái ngược với giáo lý Công Giáo.

Giáo hội dạy gì về đồng tính luyến ái

Giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái được tóm tắt trong các số 2357, 2358 và 2359 của “Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo”, nói rằng những người đồng tính luyến ái được kêu gọi nên thánh và khiết tịnh.

Giáo lý giải thích rằng xu hướng đồng tính luyến ái là “rối loạn khách quan” và đối với những người đồng tính luyến ái, điều này “đối với hầu hết trong số họ là một thử thách”.

Văn bản cũng tuyên bố rằng “các hành vi đồng tính luyến ái là thác loạn về bản chất” và do đó “chúng không thể được chấp nhận trong mọi trường hợp”.
Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
Thánh Ca Mùa Vọng: Chúa Ơi -Sáng tác: Viễn Xứ - Trình bày: Ca Sĩ Kim Thúy
Kim Thúy
16:17 26/11/2022