Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngủ quên tâm linh
Lm. Minh Anh
00:45 29/11/2020
NGỦ QUÊN TÂM LINH
“Điều Thầy bảo các con,
thì Thầy bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật lạ lùng, đang sống giữa ban ngày, đi giữa ban ngày, làm bao nhiêu việc giữa ban ngày, vậy mà bước vào năm phụng vụ mới với Chúa Nhật I Mùa Vọng, Chúa Giêsu bảo chúng ta và bảo mọi người rằng, “Hãy tỉnh thức!”. Vậy phải chăng chúng ta đang mơ màng, ngái ngủ hay đang ngủ quên, một sự ‘ngủ quên tâm linh’ vốn rất bất lợi cho linh hồn.
Vậy thì tỉnh thức để làm gì? Tỉnh thức để thấy Chúa Giêsu, Đấng đã đến lần thứ nhất trong ngày giáng sinh, sẽ đến lần thứ hai trong ngày quang lâm và Ngài đang đến với mỗi chúng ta mỗi ngày ngay hôm nay. Chúng ta có chú ý đến Ngài không? Đây là một câu hỏi vô cùng quan trọng mà nhiều người đã không hiểu hết ý nghĩa của nó. Chúa Giêsu đã đến nhưng Ngài vẫn đang tiếp tục đến cũng như nhất định Ngài sẽ đến ít nữa trong giờ chết của mỗi người. Vì thế, không nhận thức được sự hiện diện của Ngài, có lẽ chúng ta đã ngủ quên, cách nào đó, một sự ‘ngủ quên tâm linh’.
Chúng ta ‘ngủ quên tâm linh’ mỗi khi chúng ta dán mắt nội tâm của mình vào những điều không quan trọng, những gì đã qua và thậm chí những điều lố lăng nhảm nhí của thế giới này. Chăm chú vào các điều ấy, chúng ta không có khả năng chăm chú đến Chúa Kitô. Buồn thay, điều này đang xảy ra hàng ngày khi thế giới đảo điên với bao sự ác vốn đang hành hạ và quấy nhiễu chúng ta mỗi ngày. Các phương tiện truyền thông đua nhau cung cấp thông tin; chúng giành dật nhau và tìm cách lấp đầy thời gian chú ý ngắn ngủi của chúng ta bằng những âm thanh, hình ảnh vốn chỉ thoả mãn trong chốc lát. Kết quả là, con mắt linh hồn và tầm nhìn bên trong của chúng ta về đức tin bị bỏ qua, bị lãng quên hoặc bị gạt bỏ. Vì thế, nhiều người dường như không còn khả năng vượt qua sự ồn ào hỗn loạn đang ngày càng gia tăng để có thể cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ thế giới; vậy mà Ngài đang đứng trước cửa lòng mỗi người, đang gõ rất khẽ vào cánh cửa trái tim và linh hồn; Ngài đang nói rất nhẹ nhàng, những tiếng nói thầm thì với những lời ân phúc, lời cứu độ rất sâu sắc với linh hồn mỗi người.
Thế nhưng, để có thể tỉnh thức mà trông đợi, để có thể khỏi ‘ngủ quên tâm linh’, chúng ta phải biết Đấng chúng ta trông đợi là ai. Ngài là Giêsu, Cứu Chúa của linh hồn, Ngài là Đấng thứ tha tội lỗi, Đấng giao hoà chúng ta với Thiên Chúa, Ngài đưa chúng ta vào đời sống ân sủng của con cái Thiên Chúa, Ngài chuẩn bị cho chúng ta dự tiệc Nước Trời và chỉ duy mình Ngài là Đấng ban ơn cứu độ, vì Ngài ban cho chúng ta sự sống đời đời. Biết Ngài, nhận ra Ngài là Đấng chúng ta phải khao khát, chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng kiến thiên đàng ngay hôm nay và trong chốn đời đời. Thánh Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc thứ hai, “Anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra”. Phải, Thiên Chúa ban cho chúng ta đủ mọi ơn cần thiết để chúng ta đủ sức chu toàn phận vụ Người trao đang khi chúng ta mong chờ ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang.
Một đệ tử tập tu đã lâu nhưng vẫn chỉ thấy lờ mờ trong đàng tâm linh, một hôm hỏi sư phụ, “Thưa Thầy, con thấy trong cuộc sống, có những người đầy hứng khởi năng động nhưng cũng có nhiều người mỏi mệt, thiếu sinh khí. Vậy đâu là khác biệt?”. Vị thầy đang trù trừ tìm cách giải thích cho đệ tử thì bỗng, trước mặt họ, một con thỏ rừng phóng qua; con chó của thầy trông thấy liền sủa mấy tiếng rồi lao mình đuổi theo. Nghe tiếng sủa và thấy con chó nhà chùa truy đuổi một vật gì đó, các con chó trong làng cũng ùa ra, sủa vang và đâm đầu chạy theo. Thấy thế, vị thầy bảo các đồ đệ theo dõi. Chỉ sau mấy phút, các con chó hàng xóm lủi thủi trở về, con nào con nấy bơ phờ, lưỡi thè dài, mắt mờ đi vì quá mệt; trừ con chó nhà chùa thì chưa thấy về, nó nhất quyết đuổi theo con thỏ. Nhà sư liền hỏi, “Điều gì đã làm nên sự khác biệt?”; người đệ tử hiểu ra và gật đầu, “Thưa Thầy, con đã hiểu; chỉ con chó nhà chùa trông thấy thỏ, những con chó khác thì không”.
Anh Chị em,
Câu truyện nói lên phần nào hiện trạng của nhiều người trong chúng ta, chúng ta đang mắt sáng lòng trong hay đang bơ phờ mệt mỏi; chúng ta có đang ‘ngủ quên tâm linh’ hay đang tỉnh thức đón chờ Chúa đến? Một lần nữa, bắt đầu Mùa Vọng, Chúa Giêsu đang nói với chúng ta từ nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn; Ngài nhẹ nhàng nói, “Thức dậy đi”, “Đừng mê nữa!”. Ngài không la hét, nhưng thì thầm cho những ai dành trọn sự quan tâm cho Ngài. Ước gì chúng ta nghe được tiếng Ngài. Vậy mỗi người cũng hãy thưa lên với Ngài như tâm tình của Isaia trong bài đọc hôm nay, “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống”; hoặc như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con ước ao Mùa Vọng này là thời gian đổi mới sâu sắc cho cuộc đời con; để được vậy, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chúa và nghe cho được tiếng nói nhẹ nhàng của Chúa mỗi ngày; xin giúp con tránh xa ồn ào của thế giới, để con khỏi ‘ngủ quên tâm linh’ hầu sống với Chúa một cách sâu sắc hơn trong những ngày hồng phúc này”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Điều Thầy bảo các con,
thì Thầy bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật lạ lùng, đang sống giữa ban ngày, đi giữa ban ngày, làm bao nhiêu việc giữa ban ngày, vậy mà bước vào năm phụng vụ mới với Chúa Nhật I Mùa Vọng, Chúa Giêsu bảo chúng ta và bảo mọi người rằng, “Hãy tỉnh thức!”. Vậy phải chăng chúng ta đang mơ màng, ngái ngủ hay đang ngủ quên, một sự ‘ngủ quên tâm linh’ vốn rất bất lợi cho linh hồn.
Vậy thì tỉnh thức để làm gì? Tỉnh thức để thấy Chúa Giêsu, Đấng đã đến lần thứ nhất trong ngày giáng sinh, sẽ đến lần thứ hai trong ngày quang lâm và Ngài đang đến với mỗi chúng ta mỗi ngày ngay hôm nay. Chúng ta có chú ý đến Ngài không? Đây là một câu hỏi vô cùng quan trọng mà nhiều người đã không hiểu hết ý nghĩa của nó. Chúa Giêsu đã đến nhưng Ngài vẫn đang tiếp tục đến cũng như nhất định Ngài sẽ đến ít nữa trong giờ chết của mỗi người. Vì thế, không nhận thức được sự hiện diện của Ngài, có lẽ chúng ta đã ngủ quên, cách nào đó, một sự ‘ngủ quên tâm linh’.
Thế nhưng, để có thể tỉnh thức mà trông đợi, để có thể khỏi ‘ngủ quên tâm linh’, chúng ta phải biết Đấng chúng ta trông đợi là ai. Ngài là Giêsu, Cứu Chúa của linh hồn, Ngài là Đấng thứ tha tội lỗi, Đấng giao hoà chúng ta với Thiên Chúa, Ngài đưa chúng ta vào đời sống ân sủng của con cái Thiên Chúa, Ngài chuẩn bị cho chúng ta dự tiệc Nước Trời và chỉ duy mình Ngài là Đấng ban ơn cứu độ, vì Ngài ban cho chúng ta sự sống đời đời. Biết Ngài, nhận ra Ngài là Đấng chúng ta phải khao khát, chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng kiến thiên đàng ngay hôm nay và trong chốn đời đời. Thánh Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc thứ hai, “Anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra”. Phải, Thiên Chúa ban cho chúng ta đủ mọi ơn cần thiết để chúng ta đủ sức chu toàn phận vụ Người trao đang khi chúng ta mong chờ ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang.
Một đệ tử tập tu đã lâu nhưng vẫn chỉ thấy lờ mờ trong đàng tâm linh, một hôm hỏi sư phụ, “Thưa Thầy, con thấy trong cuộc sống, có những người đầy hứng khởi năng động nhưng cũng có nhiều người mỏi mệt, thiếu sinh khí. Vậy đâu là khác biệt?”. Vị thầy đang trù trừ tìm cách giải thích cho đệ tử thì bỗng, trước mặt họ, một con thỏ rừng phóng qua; con chó của thầy trông thấy liền sủa mấy tiếng rồi lao mình đuổi theo. Nghe tiếng sủa và thấy con chó nhà chùa truy đuổi một vật gì đó, các con chó trong làng cũng ùa ra, sủa vang và đâm đầu chạy theo. Thấy thế, vị thầy bảo các đồ đệ theo dõi. Chỉ sau mấy phút, các con chó hàng xóm lủi thủi trở về, con nào con nấy bơ phờ, lưỡi thè dài, mắt mờ đi vì quá mệt; trừ con chó nhà chùa thì chưa thấy về, nó nhất quyết đuổi theo con thỏ. Nhà sư liền hỏi, “Điều gì đã làm nên sự khác biệt?”; người đệ tử hiểu ra và gật đầu, “Thưa Thầy, con đã hiểu; chỉ con chó nhà chùa trông thấy thỏ, những con chó khác thì không”.
Anh Chị em,
Câu truyện nói lên phần nào hiện trạng của nhiều người trong chúng ta, chúng ta đang mắt sáng lòng trong hay đang bơ phờ mệt mỏi; chúng ta có đang ‘ngủ quên tâm linh’ hay đang tỉnh thức đón chờ Chúa đến? Một lần nữa, bắt đầu Mùa Vọng, Chúa Giêsu đang nói với chúng ta từ nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn; Ngài nhẹ nhàng nói, “Thức dậy đi”, “Đừng mê nữa!”. Ngài không la hét, nhưng thì thầm cho những ai dành trọn sự quan tâm cho Ngài. Ước gì chúng ta nghe được tiếng Ngài. Vậy mỗi người cũng hãy thưa lên với Ngài như tâm tình của Isaia trong bài đọc hôm nay, “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống”; hoặc như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con ước ao Mùa Vọng này là thời gian đổi mới sâu sắc cho cuộc đời con; để được vậy, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chúa và nghe cho được tiếng nói nhẹ nhàng của Chúa mỗi ngày; xin giúp con tránh xa ồn ào của thế giới, để con khỏi ‘ngủ quên tâm linh’ hầu sống với Chúa một cách sâu sắc hơn trong những ngày hồng phúc này”, Amen.
(Tgp. Huế)
Giờ Chầu Lòng Chúa Thương Xót Chúa Nhật 29/11/2020
Giáo Hội Năm Châu
02:39 29/11/2020
Thứ Hai 30/11: Lễ kính thánh Anrê Tông đồ. Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
05:06 29/11/2020
Phúc Âm: Mt 4, 18-22
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
18 Khi ấy, Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.
21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
Suy Niệm:
Các tông đồ là những người được Chúa Giêsu kêu mời để tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa. Chúa tuyển chọn các ngài từ trong mọi thành phần xã hội, trong số các tông đồ có thánh Anrê.
Theo tiếng Hy Lạp, Anrê có nghĩa là trượng phu và thanh nhã. Thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Anrê và một tông đồ khác với Chúa Giêsu. Thánh nhân đã đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành ngư phủ lưới người ta". Anrê và Phêrô đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu.
Thánh Anrê đã được nhắc tới nhiều lần trong các sách Tin Mừng:
- Khi Chúa Giêsu tiên báo về thành thánh Giêrusalem, Anrê đã thắc mắc hỏi Chúa khi nào thì những chuyện đó sẽ xẩy ra?
- Sau khi Chúa sống lại, các tông đồ nghe lời Chúa ở lại Giêrusalem để lãnh nhận Chúa Thánh Thần và sau đó ra đi loan báo Tin Mừng. Sử liệu ghi lại một ít công cuộc truyền giáo của các ngài, nhưng có đoạn viết tường thuật về cuộc tử đạo của thánh Anrê tông đồ. Thánh nhân đã dứt khoát không chịu để cho người ta thương xót ngài, xin quan tha chết cho ngài. Ngài đã cương quyết chịu khổ hình để được giống Chúa Giêsu. Thánh Anrê đã được phúc tử đạo. Giáo chủ thành Alexandrie năm 357 đã đem hài cốt Ngài về Constantinople.
Như Chúa đã mời gọi Phêrô và Anrê theo Chúa và hai ngài đã lập tức theo Chúa! Ngày nay Chúa cũng không ngừng mời gọi chúng ta:
- Hãy quảng đại dấn thân,
- Hãy rộng lượng thứ tha
- Hãy khiêm hạ phục vụ v.v. và v.v…
Chúng ta có đáp trả lại lời mời gọi ấy hay không? Hay chúng ta vẫn viển vông mơ mộng một tiếng kêu gọi mà tôi ưa thích? Đòi Chúa phải xuất hiện hữu hình mà nói với tôi, thì tôi mới đáp trả! Hãy nại tới hết lý do này lý do kia, để trì hoãn chưa sẵn sàng! Hay xin về từ giã cha mẹ họ hàng thân thiết đã! Hoặc tệ hơn, từ khước vì mới sắm xe, mua nhà, tậu đất cần phải đi xem… Hoặc vẫn ru ngủ bình chân như vại, trong cái hạnh phúc giả tạo chóng qua của trần thế, mà bịt tai trước lời mời gọi của Chúa và những tiêng kêu nài của anh chị em đồng loại!
Là một Salediêng, chúng tôi cũng rất vui mừng nhớ lại cha Anrê Majcen, Ngài là một trong những vị truyền giáo Salediêng đầu tiên, đến Việt Nam năm 1952 sống yêu thương và chăm xóc cho các em mồ côi tại Thái Hà ấp. Và theo vận nước ngài đưa các em cô nhi, theo làn sóng di cư vào Ban mê thuật và cuối cùng định cư tại Gò vấp… Dòng Salê-diêng cũng từ đây phát triển với trường kỹ thuật Don Bosco Gò vấp, với nhà đệ tử Thủ Đức và sau này với nhà tập ở Trạm hành và Học viện tại Đà- lạt…
Hội Dòng đang trên đà lớn mạnh, cha Anrê Majcen đã là một cha tập sư thánh thiện, không biết mệt mỏi, kiên tâm đồng hành và đào tạo nên cả một thế hệ những người Sale-diêng Việt nam… Với một con số đủ để phát triển, thì mệnh nước bất tử, Cộng quân miền Bắc chiếm trọn miền Nam… Các cha truyền giáo bị trục xuất… Cha Anrê Majcen là người Nam-Tư, một quốc gia Cộng sản, nên ngài còn được ở lại Việt Nam cho tới gần hết năm 1976, ngài là một trong những vị truyền giáo cuối cùng bị trục xuất… Sau khi bị trục xuất, cha trở về sống tại quê hương của cha, nhưng không ngừng yêu thương quê hương đất nước Việt Nam, qua hồi ký của Ngài cũng như qua đời sống cầu nguyện, cha mong ước cho công cuộc của con cái cha được phát triển trên quê hương Việt Nam thân yêu… Cha qua đời vào năm 1999 hưởng thọ 95 tuổi, 44 năm truyền giáo tại Macao, Hồng Kông và Việt Nam...
Sau 10 năm thu góp và quảng bá về cuộc đời truyền giáo và tông đồ với những đức tính hào hùng, thánh thiện của cha, kể từ năm 2010 Giáo phận ở nam Tư đã mở hồ sơ phong thánh cho cha và ngày 23/10/2020 Tòa thánh đã chính thức chuẩn y tất cả các tài liệu của “Vị Đầy Tớ Chúa Anrê Majcen”. Hy vọng một ngày nào đó cha sẽ được nâng lên hàng Đáng Kính và Hiển thánh…
Hôm nay mừng lễ thánh Anrê, người ngư phủ đã xác tín vào Ðức Giêsu là Ðấng Mêsia và mau mắn đáp trả tiếng gọi mời của Chúa, lại còn nhiệt thành giới thiệu Chúa cho em mình. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà củng cố đức tin yêu của chúng con, để chúng con cũng biết chia sẻ niềm tin của mình cho anh chị em chúng con gặp gỡ hàng ngày trong cuộc sống.
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:14 29/11/2020
8. Vinh quang giả dối thì giống như ôn dịch, là huyền hoặc trong hư không, làm cho con người lìa xa vinh quang thật mà mất đi thánh sủng bởi trời.
(sách Gương Chúa Giê-su)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:18 29/11/2020
95. NHẤT ĐỊNH LÀ HÒA
Trần Hiếu Khiêm thích chơi cờ vây.
Nghệ thuật chơi cờ vây của Vu công thì không hay, nhưng cũng miễn cưỡng đi vài ván cờ, do đó mới có thể thường đối dịch với Hiếu Khiêm.
Mỗi lần đánh cờ, Trần Hiếu Khiêm lúc nào cũng chấp Vu công bốn con, có một lần hai người đối địch, Vu công vừa mới thua bốn con bèn buồn phiền nói:
- “Nếu vừa rồi ông không tha cho tôi bốn con, thì nhất định là hòa rồi !”
(Vu Tiên biệt ký)
Suy tư 96:
Đánh cờ để giải trí thì không có gì là phải buồn phiền nếu bị thua, bởi vì khi giải trí thì đừng bận tâm điều gì cả, nếu nói đánh cờ để giải trí để thư giản căng thẳng mà lại buồn phiền vì thua cờ, thì không phải là giải trí nữa, mà là ăn thua đủ với nhau, càng mệt thêm...
Có những người thích đánh cờ tướng, có người thích chơi cờ vây, có người thì chơi cờ cá ngựa, có người ghiện cờ domino.v.v...những cái thích cái nghiện cái mê đánh cờ này thì không phải là tội, bởi vì chỉ để giải trí mà thôi, nhưng sẽ trở nên trầm trọng hơn khi ham mê chơi cờ đến nổi quên mất vai trò và bổn phận của mình thì đúng là đáng tội, làm cho tinh thần trách nhiệm của mình bị lơi lỏng trong những lần giải trí, thế là ma quỷ được có cơ hội lôi kéo thêm đồng minh để chống lại Thiên Chúa.
Người đánh cờ cao thì thường chấp đối phương đi trước một nước cờ, hoặc chấp vài con cờ là chuyện thường.
Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu giống như một cuộc chời cờ giữa linh hồn họ và thế lực của ma quỷ, trong bàn cờ này nhất định là không có chuyện chấp hay nhường nhịn nhau hoặc là hòa, nhưng phải mạnh để chiến thắng ma quỷ và những cám dỗ rất tài tình của nó, cho nên không có chuyện “nghỉ ngơi vài ngày” rồi tiếp tục chiến đấu, nhưng phải liên tục không ngừng, sự liên tục không ngừng này phải trở thành cái đam mê của mình: đam mê cầu nguyện, đam mê đi dâng thánh lễ, đam mê làm việc lành phúc đức.
Có như thế thì chiến thắng mới nghiêng hẳn về chúng ta –những người Ki-tô hữu...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Trần Hiếu Khiêm thích chơi cờ vây.
Nghệ thuật chơi cờ vây của Vu công thì không hay, nhưng cũng miễn cưỡng đi vài ván cờ, do đó mới có thể thường đối dịch với Hiếu Khiêm.
Mỗi lần đánh cờ, Trần Hiếu Khiêm lúc nào cũng chấp Vu công bốn con, có một lần hai người đối địch, Vu công vừa mới thua bốn con bèn buồn phiền nói:
- “Nếu vừa rồi ông không tha cho tôi bốn con, thì nhất định là hòa rồi !”
(Vu Tiên biệt ký)
Suy tư 96:
Đánh cờ để giải trí thì không có gì là phải buồn phiền nếu bị thua, bởi vì khi giải trí thì đừng bận tâm điều gì cả, nếu nói đánh cờ để giải trí để thư giản căng thẳng mà lại buồn phiền vì thua cờ, thì không phải là giải trí nữa, mà là ăn thua đủ với nhau, càng mệt thêm...
Có những người thích đánh cờ tướng, có người thích chơi cờ vây, có người thì chơi cờ cá ngựa, có người ghiện cờ domino.v.v...những cái thích cái nghiện cái mê đánh cờ này thì không phải là tội, bởi vì chỉ để giải trí mà thôi, nhưng sẽ trở nên trầm trọng hơn khi ham mê chơi cờ đến nổi quên mất vai trò và bổn phận của mình thì đúng là đáng tội, làm cho tinh thần trách nhiệm của mình bị lơi lỏng trong những lần giải trí, thế là ma quỷ được có cơ hội lôi kéo thêm đồng minh để chống lại Thiên Chúa.
Người đánh cờ cao thì thường chấp đối phương đi trước một nước cờ, hoặc chấp vài con cờ là chuyện thường.
Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu giống như một cuộc chời cờ giữa linh hồn họ và thế lực của ma quỷ, trong bàn cờ này nhất định là không có chuyện chấp hay nhường nhịn nhau hoặc là hòa, nhưng phải mạnh để chiến thắng ma quỷ và những cám dỗ rất tài tình của nó, cho nên không có chuyện “nghỉ ngơi vài ngày” rồi tiếp tục chiến đấu, nhưng phải liên tục không ngừng, sự liên tục không ngừng này phải trở thành cái đam mê của mình: đam mê cầu nguyện, đam mê đi dâng thánh lễ, đam mê làm việc lành phúc đức.
Có như thế thì chiến thắng mới nghiêng hẳn về chúng ta –những người Ki-tô hữu...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tạ ơn với các Tân Hồng Y ngày 29/11/2020
J.B. Đặng Minh An dịch
06:09 29/11/2020
Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 29 tháng 11, là Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng, Đức Thánh Cha và 11 Tân Hồng Y đã đồng tế thánh lễ tạ ơn tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Các bài đọc hôm nay gợi lên hai cụm từ then chốt cho Mùa Vọng: đó là sự gần gũi và sự tỉnh thức. Sự gần gũi với Thiên Chúa và sự tỉnh thức của chúng ta: trong khi tiên tri Isaia nói rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta, thì Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng khuyên chúng ta phải tỉnh thức trong khi chờ đợi Người.
Sự gần gũi. Tiên tri Isaia bắt đầu bằng cách kêu lên cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con” (Is 63:16). Và vị Tiên tri tiếp rằng: “từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa” (Is 64:3). Những lời trong sách Đệ Nhị Luật cũng nhắc chúng ta nhớ rằng “có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?” (Đnl 4:7). Mùa vọng là thời gian để nhớ đến sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng đã ngự xuống với chúng ta. Nhưng Tiên tri Isaia còn đi xa hơn nữa và kêu cầu Thiên Chúa ngự đến một lần nữa: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống!” (Is 63:19). Chúng ta cũng đã kêu cầu điều đó trong Thánh Vịnh: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ” (x. Tv 79:15.3). “Lạy Chúa, xin hãy đến và cứu con” thường là phần mở đầu của lời cầu nguyện của chúng ta: bước đầu tiên của đức tin là nói với Chúa rằng chúng ta cần Ngài, cần sự gần gũi của Ngài.
Đây cũng là thông điệp đầu tiên của Mùa Vọng và của năm phụng vụ, đó là chúng ta hãy nhận ra Thiên Chúa là Đấng đang gần gũi; và thân thưa với Người rằng: “Lạy Chúa, xin hãy đến!” Người muốn đến gần ta, nhưng Người chỉ đề xuất, mà không áp đặt; hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta đừng mệt mỏi thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy đến!” Đó là lời cầu nguyện của Mùa Vọng: “Lạy Chúa, xin hãy đến!” Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta và sẽ trở lại vào thời viên mãn. Nhưng, chúng ta tự hỏi mình, hai lần ngự đến này để làm gì nếu nó không đi vào cuộc sống của chúng ta ngày nay? Vì thế, chúng ta hãy mời Người. Chúng ta hãy tự biến mình thành lời kêu gọi truyền thống của Mùa Vọng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22:20). Với lời kêu gọi này, Sách Khải huyền kết thúc: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến.” Chúng ta có thể lặp lại lời cầu nguyện đó vào đầu mỗi ngày và lặp lại thường xuyên, trước khi nhóm họp, học tập và làm việc, trước khi đưa ra các quyết định, trong mọi thời điểm quan trọng hoặc khó khăn hơn trong cuộc đời: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! Đó là một lời cầu nguyện nhỏ, nhưng là một lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim. Chúng ta hãy lặp lại điều đó trong Mùa Vọng này. Chúng ta hãy lặp lại điều đó: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”
Nếu chúng ta cầu khẩn Chúa Giêsu đến gần mình, chúng ta sẽ rèn luyện cho mình biết tỉnh thức. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô trình bày cho chúng ta phần cuối trong diễn từ cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ, diễn từ ấy có thể tóm gọn trong ba từ: “Hãy tỉnh thức!” Chúa lặp lại những lời này bốn lần trong năm câu (xem Mc 13: 33-35.37). Điều quan trọng là phải luôn tỉnh thức, bởi vì một sai lầm tai hại vô cùng trong cuộc đời là đắm chìm vào hàng nghìn thứ và không để ý đến Chúa. Thánh Augustinô nói: “Timeo Iesum transeuntem” (Bài giảng 88: 14-13), “Tôi sợ rằng Chúa Giêsu sẽ đi ngang qua tôi mà tôi không chú ý”. Bị trói buộc trong những mối quan tâm hàng ngày của chính chúng ta (chúng ta biết quá rõ điều này!), Và bị phân tâm bởi quá nhiều thứ viển vông, chúng ta có nguy cơ mất đi những gì là thiết yếu. Đó là lý do tại sao hôm nay Chúa lặp lại: “Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” (Mc 13:37). Hãy tỉnh thức, hãy chú ý.
Tuy nhiên, thái độ phải tỉnh thức cho thấy rằng bây giờ đã là đêm. Chúng ta không sống trong ánh sáng ban ngày, nhưng đang chờ đợi bình minh, giữa chập chùng bóng tối và mệt mỏi. Ánh sáng của ngày sẽ đến khi chúng ta ở với Chúa. Chúng ta đừng ngã lòng: ánh sáng ban ngày sẽ đến, bóng đêm sẽ bị xua tan, và Chúa, Đấng đã chết vì chúng ta trên thập tự giá, sẽ xuất hiện để làm quan xét xử chúng ta. Tỉnh thức trông chờ Chúa đến có nghĩa là không để chúng ta bị sự nản lòng khuất phục. Đó là sống trong hy vọng. Cũng như trước khi chúng ta chào đời, những người thân yêu của chúng ta đã chờ đợi chúng ta đến với thế giới, cũng thế Tình yêu nhập thể đang chờ đợi chúng ta. Nếu chúng ta được chờ đợi trên Thiên đàng, thì tại sao chúng ta lại phải vướng bận với những mối bận tâm của trần thế? Tại sao chúng ta phải lo lắng về tiền bạc, danh vọng, thành công, tất cả những thứ ấy đều sẽ qua đi? Tại sao chúng ta phải lãng phí thời gian để phàn nàn về đêm đen, khi ánh sáng ban ngày đang chờ đợi chúng ta? Tại sao chúng ta phải tìm kiếm “những người đỡ đầu” để giúp chúng ta thăng tiến trong sự nghiệp? Tất cả những điều này sẽ qua đi. Hãy tỉnh thức, Chúa nói với chúng ta như thế.
Giữ cho mình tỉnh thức không phải là điều dễ dàng; nó thực sự là khá khó khăn. Ban đêm ngủ vùi là chuyện đương nhiên. Ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu cũng không thức nổi khi Người bảo họ hãy tỉnh thức “dù là chiều tối, lúc nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng” (x. câu 35). Đó là những lúc họ không tỉnh táo: buổi tối, trong bữa Tiệc Ly, họ phản bội Chúa Giêsu; vào nửa đêm, họ ngủ gật; lúc gà gáy, họ chối bỏ Người; vào buổi sáng, họ để Người bị kết án tử hình. Họ đã không tỉnh thức. Họ ngủ thiếp đi. Nhưng chính cơn buồn ngủ đó cũng có thể chế ngự chúng ta. Có một kiểu ngủ vùi nguy hiểm: đó là ngủ say trong những điều tầm thường. Nó xảy ra khi chúng ta quên đi mối tình đầu của mình và trở nên hài lòng với sự thờ ơ, chỉ quan tâm đến một hiện sinh không rắc rối. Nếu không cố gắng yêu mến Thiên Chúa hàng ngày và chờ đợi sự mới mẻ mà Ngài không ngừng mang lại, theo thời gian, chúng ta trở nên tầm thường, và hờ hững. Và điều này từ từ ăn mòn đức tin của chúng ta, vì đức tin trái ngược hẳn với những điều tầm thường: đức tin là lòng khao khát nhiệt thành đối với Chúa, đi kèm với nỗ lực hoán cải táo bạo, can đảm yêu thương, tiến bộ không ngừng. Niềm tin không phải là nước dập tắt ngọn lửa, nó là ngọn lửa bùng cháy; Nó không phải là liều thuốc an thần cho những người đang bị căng thẳng, nó là một câu chuyện tình yêu dành cho những người đang yêu! Đó là lý do tại sao trên hết mọi sự, Chúa Giêsu rất ghét sự thờ ơ (xem Kh 3:16). Thiên Chúa rõ ràng chán ghét sự hững hờ.
Làm thế nào chúng ta có thể vực dậy bản thân để khỏi say ngủ trong những điều tầm thường? Thưa: với sự tỉnh thức của lời cầu nguyện. Khi cầu nguyện, chúng ta thắp một ngọn nến trong bóng tối. Lời cầu nguyện đánh thức chúng ta khỏi sự tẻ nhạt của một hiện sinh thuần túy theo chiều ngang và giúp chúng ta nâng tầm nhìn lên những điều cao cả hơn; và làm cho chúng ta hòa hợp với Chúa. Cầu nguyện cho phép Chúa gần gũi chúng ta; cầu nguyện giải phóng chúng ta khỏi sự cô độc và mang đến cho chúng ta hy vọng. Cầu nguyện là điều thiết yếu cho cuộc sống: cũng như chúng ta không thể sống mà không thở, cũng thế chúng ta không thể là Kitô hữu mà không cầu nguyện. Chúng ta cần biết bao những Kitô hữu, những người luôn canh giữ cho những kẻ ngủ mê, những người thờ phượng cầu thay nguyện giúp ngày đêm, mang đến trước mặt Chúa Giêsu, ánh sáng của thế giới, và bóng tối của lịch sử. Chúng ta cần những người thờ phượng biết bao. Chúng ta đã đánh mất một điều gì đó liên quan đến cảm thức thờ phượng của chúng ta, đến việc đứng yên trong thinh lặng tôn thờ trước mặt Chúa. Chúng ta đã quen với những điều tầm thường, với sự hờ hững.
Cũng có một loại say ngủ nội tâm khác: đó là ngủ vùi trong sự thờ ơ. Những người thờ ơ xem mọi thứ đều giống nhau, như thể trong đêm đen; họ không quan tâm đến những người xung quanh họ. Khi mọi thứ xoay quanh chúng ta và quanh các nhu cầu của chúng ta, chúng ta thờ ơ với nhu cầu của người khác, màn đêm dần buông xuống trong tâm hồn chúng ta. Trái tim của chúng ta trở nên tối tăm. Chúng ta ngay lập tức bắt đầu phàn nàn về mọi thứ và mọi người; chúng ta bắt đầu cảm thấy mình là nạn nhân của mọi người và trở nên cay đắng với mọi thứ. Đó là một vòng luẩn quẩn. Ngày nay, màn đêm đó dường như đã chụp xuống trên quá nhiều người, những người chỉ đòi hỏi những thứ cho bản thân và đui mù trước nhu cầu của người khác.
Làm thế nào để chúng ta vực dậy bản thân khỏi giấc ngủ của sự thờ ơ? Thưa: với sự tỉnh thức của lòng bác ái. Để đánh thức chúng ta khỏi ngủ say trong những điều tầm thường và sự lạnh nhạt đó, cần có sự tỉnh thức của lời cầu nguyện. Để đánh thức chúng ta khỏi ngủ say trong sự thờ ơ, cần có sự tỉnh thức của lòng bác ái. Bác ái là nhịp tim đập của Kitô hữu: cũng như người ta không thể sống mà không có nhịp tim đập, thì người ta cũng không thể là Kitô hữu mà không có lòng bác ái. Một số người dường như nghĩ rằng lòng nhân ái, giúp đỡ và phục vụ người khác là dành cho những người thất bại trên đường đời. Tuy nhiên, đây là những điều duy nhất mang lại chiến thắng cho chúng ta, vì chúng ta đã biết hướng tới tương lai, hướng đến ngày của Chúa, tất cả những điều khác sẽ qua đi và chỉ có tình yêu mới tồn tại muôn đời. Chính nhờ những việc làm của lòng thương xót mà chúng ta đến gần Chúa. Đây là những gì chúng ta kêu cầu trong lời nguyện mở đầu thánh lễ hôm nay: “xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện, để đón chào Con Chúa đang ngự đến”. Đó là quyết tâm chạy ra để gặp Chúa Kitô bằng những việc lành phúc đức. Chúa Giêsu đang đến, và con đường để gặp Người được đánh dấu rõ ràng: đó là thông qua các công việc bác ái.
Anh chị em thân mến, cầu nguyện và yêu thương: đó là ý nghĩa của sự tỉnh thức. Khi Giáo Hội thờ phượng Chúa và phục vụ người lân cận của chúng ta, thì Giáo Hội không sống trong đêm đen. Bất kể yếu đuối và mệt mỏi, Giáo Hội đang hành trình về phía Chúa. Giờ đây chúng ta hãy cầu khẩn Người. Lạy Chúa, xin hãy đến! chúng con cần Chúa! Xin Chúa đến bên chúng con. Chúa là ánh sáng. Xin đánh thức chúng con khỏi ngủ vùi trong những điều tầm thường; xin đánh thức chúng con khỏi bóng tối của sự thờ ơ. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, xin hãy biến tâm hồn xao lãng của chúng con thành những trái tim tỉnh thức. Xin khơi dậy trong chúng con khát vọng cầu nguyện và nhu cầu yêu thương.
Source:Libreria Editrice Vaticana
Đức Phanxicô: Ba điều các gia đình cần nhớ khi bắt đầu năm Phụng Vụ mới giữa đau thương của đại dịch
J.B. Đặng Minh An dịch
16:02 29/11/2020
Chúa Nhật 29 tháng 11 là Chúa Nhật đầu tiên của năm Phụng vụ. Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng với bài Tin Mừng sau theo Thánh Máccô:
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khác hành hương tụ tập trên quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:
Hôm nay là Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng, một năm phụng vụ mới bắt đầu. Trong đó, Giáo hội đánh dấu thời gian trôi qua với việc kỷ niệm các sự kiện chính trong cuộc đời của Chúa Giêsu và câu chuyện về ơn cứu độ. Khi làm như vậy, với tư cách là Mẹ, Giáo Hội soi sáng đường đời của chúng ta, hỗ trợ chúng ta trong công việc hàng ngày, và hướng dẫn chúng ta đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa Kitô. Phụng Vụ hôm nay mời gọi chúng ta sống “mùa quan trọng” đầu tiên trong một năm Phụng Vụ, là Mùa Vọng. Mùa Vọng chuẩn bị chúng ta cho Mùa Giáng sinh, và do đó Mùa Vọng là một thời điểm mong đợi và là thời gian của niềm hy vọng. Một thời để kỳ vọng và hy vọng.
Thánh Phaolô (x. 1 Cr 1: 3-9) cho biết đối tượng mà chúng ta mong đợi. Đó là gì? Thưa: là “Sự tỏ hiện của Chúa” (câu 7). Thánh nhân mời gọi các Kitô hữu ở Côrinhtô và cả chúng ta ngày nay, hãy tập trung chú ý vào cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Đối với một Kitô hữu, điều quan trọng nhất là liên tục gặp gỡ Chúa, gần gũi với Chúa. Khi quen với việc gần gũi với Chúa của sự sống, chúng ta chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ, để được ở bên Chúa cho đến muôn đời. Và cuộc gặp gỡ chung cuộc này sẽ đến vào ngày tận thế. Nhưng Chúa đến mỗi ngày, để với ân sủng của Ngài, chúng ta có thể hoàn thành những việc lành phúc đức trong cuộc sống của chúng ta và trong cuộc sống của tha nhân. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa-đang- đến, đừng quên điều này: Thiên Chúa là Thiên Chúa đang đến, là Đấng liên tục đến. Sự chờ đợi của chúng ta sẽ không làm Ngài thất vọng! Chúa không bao giờ thất vọng. Có lẽ Ngài còn khiến chúng ta phải chờ đợi, Ngài còn khiến chúng ta phải đợi một lúc trong bóng tối để sự mong đợi của chúng ta chín muồi, nhưng Ngài không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Chúa luôn đến, Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta. Đôi khi Ngài không tỏ hiện chính mình, nhưng Ngài luôn đến. Ngài đã đến vào một thời điểm chính xác trong lịch sử và trở thành một phàm nhân để gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Lễ Chúa Giáng Sinh tưởng nhớ sự quang lâm lần đầu tiên của Chúa Giêsu trong lịch sử nhân loại; và Ngài sẽ đến vào thời cánh chung như một vị thẩm phán phổ quát; nhưng Ngài đến mỗi ngày để thăm dân Ngài, thăm mọi người nam nữ đón nhận Ngài trong Lời Chúa, trong các Bí tích, trong anh chị em của họ. Kinh Thánh cho chúng ta biết Chúa Giêsu đang ở trước cửa và gõ vào cửa nhà chúng ta hằng ngày. Người đang ở cánh cửa trái tim của chúng ta. Ngài đang gõ cửa. Anh chị em có biết lắng nghe Chúa là Đấng đang gõ cửa, Đấng đang đến thăm anh chị em hôm nay, Đấng đang gõ cửa trái tim anh chị em một cách khắc khoải, với một ý tưởng, với một sự linh hứng không? Ngài đã đến Bết-lê-hem, Ngài sẽ đến vào ngày tận thế, nhưng hằng ngày Ngài vẫn hằng luôn đến với chúng ta. Hãy cẩn thận, hãy nhìn vào những gì anh chị em cảm thấy trong lòng khi Chúa đang gõ cửa.
Chúng ta nhận thức rõ rằng cuộc sống được tạo nên bởi những thăng trầm, bởi ánh sáng và bóng tối. Mỗi người trong chúng ta đều trải qua những giây phút thất vọng, thất bại và lạc lõng. Hơn nữa, hoàn cảnh chúng ta đang sống, được đánh dấu bởi đại dịch, gây ra những lo lắng, sợ hãi và chán nản ở nhiều người; chúng ta có nguy cơ rơi vào bi quan, có nguy cơ rơi vào trong khép kín và thờ ơ. Chúng ta nên phản ứng như thế nào khi đối mặt với tất cả những điều này? Thánh Vịnh hôm nay gợi ý: “Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh Người.” (Tv 33: 20-21). Nói cách khác, một tâm hồn đang chờ đợi, đang trông đợi Chúa một cách tự tin, sẽ khiến chúng ta tìm thấy được sự an ủi và can đảm trong những giờ phút tăm tối của cuộc đời. Điều gì làm nảy sinh lòng can cảm và sự tự tin này? Những điều ấy đến từ đâu? Thưa: Chúng được sinh ra từ hy vọng. Và đó là hy vọng không ta làm thất vọng, đức cậy dẫn chúng ta tiến về trước, trong khi trông đợi cuộc gặp gỡ với Chúa.
Mùa Vọng là một tiếng gọi hãy hy vọng liên tục: Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử để dẫn dắt nhân loại đến mục tiêu cuối cùng và dẫn chúng ta đến sự viên mãn của lịch sử, là chính Chúa, Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử nhân loại, Ngài là “Chúa ở cùng chúng ta”, Thiên Chúa không ở đâu xa, Ngài luôn ở với chúng ta, đến mức Ngài thường gõ cửa trái tim chúng ta. Chúa đi bên cạnh nâng đỡ chúng ta. Chúa không bỏ rơi chúng ta; Ngài đồng hành với chúng ta qua những biến cố của cuộc đời để giúp chúng ta khám phá ý nghĩa của cuộc hành trình, ý nghĩa của cuộc sống hàng ngày, để cho chúng ta can đảm khi chúng ta bị nản lòng hoặc khi chúng ta phải chịu đau khổ. Giữa những giông tố của cuộc đời, Thiên Chúa vẫn luôn dang cánh tay ra với chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi những mối đe dọa. Điều này thật là đẹp! Trong sách Đệ Nhị Luật, có một đoạn văn rất hay, trong đó vị tiên tri nói với dân chúng rằng: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người hay không?” (Đnl 4:7) Không có một quốc gia nào được như thế cả, chỉ chúng ta mới có ân huệ này là được Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta trông đợi Thiên Chúa, chúng ta hy vọng rằng Ngài mạc khải Ngài cho chúng ta, nhưng Ngài cũng hy vọng rằng chúng ta mở lòng chính mình ra với Ngài!
Xin Mẹ Maria Rất Thánh, người phụ nữ hằng mong đợi Chúa đến, đồng hành với chúng ta trong những bước đầu tiên trong năm phụng vụ mới này và giúp chúng ta chu toàn nhiệm vụ môn đệ của Chúa Giêsu đã được Thánh Tông đồ Phêrô chỉ ra. Và nhiệm vụ ấy là gì? Thưa: là giải thích niềm hy vọng trong chúng ta với thế giới (x. 1 Pt 3:15).
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:
Anh chị em thân mến,
Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người dân Trung Mỹ, nơi bị ảnh hưởng bởi những cơn bão mạnh. Đặc biệt, tôi nhớ đến Đảo San Andrés, Providencia, và Santa Catalina, cũng như bờ biển Thái Bình Dương ở phía bắc Colombia. Tôi cầu nguyện cho tất cả các quốc gia đang phải gánh chịu hậu quả của những thảm họa này.
Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt tới anh chị em, những tín hữu của Rôma, và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi gửi lời chào đến những người, rất tiếc là với số lượng rất hạn chế, đã đến nhân dịp lễ tấn phong cho các Tân Hồng Y diễn ra vào chiều qua. Chúng ta hãy cầu nguyện cho 13 thành viên mới của Hồng Y Đoàn.
Xin chúc tất cả các bạn một ngày Chúa Nhật và một hành trình Mùa Vọng đầy may mắn. Chúng ta hãy cố gắng mang lại những điều tốt đẹp ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn mà đại dịch đang áp đặt lên chúng ta: chúng ta cần tỉnh táo hơn, thận trọng và tôn trọng những người có thể gặp khó khăn, và cần những lời cầu nguyện trong gia đình, với sự đơn sơ. Ba điều này sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều: tỉnh táo hơn, kín đáo và tôn trọng những người có thể gặp khó khăn, và rất quan trọng, một số khoảnh khắc cầu nguyện trong gia đình, với sự đơn sơ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Hãy tận hưởng bữa trưa của bạn và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office
Các tôn giáo gần như bị xóa sổ hoàn toàn ở Bắc Triều Tiên
Đặng Tự Do
16:13 29/11/2020
Cuộc đàn áp tôn giáo ở Bắc Triều Tiên là một trong những cuộc đàn áp khắc nghiệt nhất trên thế giới. Khi chế độ cộng sản bắt đầu thống trị miền đất này, các tín ngưỡng tôn giáo bị coi là các lực lượng phản động, chống phá nhà nước và các tín hữu bị trừng phạt như những người đã phạm các tội ác chính trị.
Một tầm nhìn rõ ràng về tình hình là không thể có được từ những thông tin ít oi, ỏi rò rỉ từ phía sau bức màn sắt.
Dù chỉ có các dữ liệu hạn chế, Trung tâm Cơ sở dữ liệu về Nhân quyền Triều Tiên, gọi tắt là NKDB, đã xuất bản sách trắng về tự do tôn giáo ở Triều Tiên hàng năm kể từ năm 2007, tổng hợp những thông tin vụn vặt có sẵn, đặc biệt là từ những người đào thoát sang miền Nam.
Năm nay, Trung tâm đã có thể thu thập thông tin từ 1,234 trốn thoát. Họ xác nhận lệnh cấm tất cả các hoạt động tôn giáo và sự đàn áp khắc nghiệt đối với các tín hữu.
Khoảng 46% số người được hỏi xác nhận rằng những người tham gia vào các hoạt động tôn giáo bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức. Khoảng 38.6% nói rằng họ không biết về các hình phạt vì họ không biết gì về tôn giáo.
Theo Trung tâm, cuộc đàn áp tôn giáo đã gia tăng sau khi Kim Chính Ân, hay còn gọi là Kim Jong-un, ban hành một sắc lệnh vào tháng 4 năm 2014 nhằm “bắt giữ những người có liên hệ với Kitô Giáo”.
Kể từ đó, các lực lượng an ninh đã tích cực tìm kiếm các tín đồ tôn giáo trong khi đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm các Kitô hữu trong số những người Triều Tiên đào tẩu sang Trung Quốc.
Báo cáo nói tiếp rằng, bất chấp cuộc đàn áp, số người “đọc Kinh thánh” đã tăng 4% mỗi năm kể từ năm 2000.
Trước năm 2000, chỉ có 16 người tuyên bố đã có trải nghiệm như vậy. Sau năm 2000, có tới 559 người Bắc Triều Tiên đào tẩu nói rằng họ đã “thấy một cuốn Kinh thánh”.
Trong các năm qua, các nhóm hoạt động nhân quyền tại Nam Hàn đã liên tục thả các bong bóng trong đó có các nhu yếu phẩm, Kinh Thánh và các sách báo khác sang miền bắc.
Source:Asia News
Liệu ‘cuộc đối thoại’ của tân Hồng Y Gregory với Ông Biden có xâm hại Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hay không?
Vũ Văn An
19:21 29/11/2020
David Crary và Elena Schor của Asociated Press, ngày 29 tháng 11 hôm qua, tường trình rằng Ông Biden có kế hoạch hành động nhanh chóng nhằm bảo vệ và thăng tiến quyền lợi của nhóm LGBTQ. Năm 2012, lúc còn là phó tổng thống, Ông Biden vốn làm cho mình được nhiều người Mỹ thuộc nhóm này yêu quí, qua việc ủng hộ hôn nhân đồng tính, trước cả ông xếp của mình là Tổng thống Obama.
Cụ thể, ông sẽ thi hành mọi đề nghị trong danh sách ước muốn của nhóm này: bãi bỏ lệnh của Tổng thống Trump gần như cấm người đổi giống tham gia quân vụ, cấm các nhà thầu liên bang kỳ thị không cho nhóm này việc làm, và tạo ra các chức vụ cao cấp tranh đấu quyền của nhóm này tại Bộ Ngoại Giao, Hội đồng An Ninh Quốc gia và các cơ quan liên bang khác.
Phần lớn nhằm đảo ngược các chính sách của Tổng thống Trump. Ngoài những hành động hành pháp này, ông sẽ thúc đẩy Đạo Luật Bình đẳng (Equality Act) đã được Hạ Viện thông qua nhưng hiện bị ngâm tại Thượng Viện.
Quyền đồng tính, dù bị Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dè dặt, mới đây ít bị chống đối hơn qua tuyên bố của Đức Phanxicô về việc luật pháp đời phải bảo vệ các cuộc kết hợp dân sự. Nhưng quyền phá thai thì quan điểm chống đối của Công Giáo vẫn không thay đổi. Và mới đây, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã chính thức lên tiếng tỏ ý quan ngại đối với chính phủ tương lai của Biden và một ủy ban đặc biệt đã được hội đồng này thành lập để đối thoại với chính phủ Biden, do một người Công Giáo lãnh đạo nhưng rất tích cực ủng hộ phá thai, đi ngược lại giáo lý truyền thống của Đạo.
Trong bối cảnh ấy, một trong các vị giáo phẩm có cái nhìn “độc lập” đối với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chính là tân Hồng Y Gregory, Tổng Giám Mục của Thủ đô Washington D.C.
Theo Ed Condon của CNA, trong một cuộc phỏng vấn ngày 24 tháng 11, Tổng Giám Mục Wilton Gregory nói rằng ngài sẽ không từ chối cho Biden rước lễ và cam kết sẽ làm việc với chính phủ Biden. Cam kết này có thể đặt ngài vào thế gây căng thẳng với việc làm của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ khi hội đồng tìm cách nói chuyện với Tòa Bạch Ốc bằng một tiếng nói hợp nhất.
Condon nhắc lại việc tuần rồi Tổng Giám Mục Jose Gomez, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, công bố thiết lập một ủy ban đặc biệt, có nhiệm vụ phối hợp đáp ứng của hội đồng, và làm việc với, chính phủ sắp tới của ông Biden.
Thừa nhận có những “thách đố” độc đáo gây ra do một tổng thống Công Giáo dấn thân vào một số chính sách đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội, Hội Đồng do Tổng Giám Mục Gomez lãnh đạo, muốn có một phương thức hợp đoàn và nhất trí đối với các vấn đề quốc gia đụng tới Giáo Hội.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn nói trên, Tổng Giám Mục Gregory cho biết ngài dự định đối thoại trực tiếp với Ông Biden về mọi vấn đề, không cần tham chiếu Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, khiến người ta thắc mắc: tại Tòa Bạch Ốc, ai sẽ nói nhân danh các Giám Mục Hoa Kỳ và tổng thống Biden sẽ chọn ai để thương lượng?
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng Giám Mục Gregory nói rằng ngài hy vọng “khám phá được các lãnh vực [ngài và Ông Biden] có thể hợp tác, phản ảnh được giáo huấn xã hội của Giáo Hội, dù biết hoàn toàn rõ ràng rằng có những lãnh vực chúng tôi sẽ không nhất trí” nhưng đây chính là việc làm của uỷ ban đặc biệt. Trong khi Tổng Giám Mục Gregory không phải là thành viên của ủy ban này.
Tổng Giám Mục Gregory cho hay trong đối thoại với Tòa Bạch Ốc, “tôi hy vọng tôi sẽ không nhấn mạnh điều này hơn điều nọ”. Điều này, ai cũng hiểu là những điều Biden đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội (giết trẻ em chưa sinh); điều nọ, có thể là những điều Biden phù hợp với giáo huấn Giáo Hội (di dân chẳng hạn). Nhưng nói thế xem ra khác lạ đối với chủ trương chính thức của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ khi họ cho rằng kết liễu việc phá thai hợp pháp là quan tâm xã hội “ưu việt” của người Công Giáo.
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho Trung Mỹ trước thiên tai
Thanh Quảng sdb
20:10 29/11/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho Trung Mỹ trước thiên tai
(Tin Vatican)
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ sự cảm thông gần gũi của ngài với những người dân Trung Mỹ bị ảnh hưởng bởi những mưa cơn bão cực mạnh thổi qua vùng trung Mỹ, đặc biệt các đảo San Andrés, Providencia và Santa Catalina, cũng như dọc bờ biển Thái Bình Dương ở phía bắc Colombia.
ĐTC nói: “Tôi cầu nguyện cho tất cả các quốc gia đang chịu hậu quả của những thảm họa này. Bão Iota đổ bộ vào Nicaragua vào giữa tháng 11 và là cơn bão mạnh nhất trong năm.
Cơn bão cấp 5 xuất hiện sau khi cơn bão Eta đã khiến ít nhất 200 người thiệt mạng vào hai tuần trước đây, khi cơn bão càn quyét vùng Trung Mỹ.
Lời cầu nguyện cho các tân Hồng Y và cơn đại dịch
Trong lời chào mừng, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho 13 tân chức của Hồng Y đoàn.
Đức Thánh Cha cầu mong mọi người “được an lành giữa những khó khăn mà đại dịch gây ra: Hãy âm thầm quan tâm săn sóc cho nhau, hãy tôn trọng những người chung quanh, và hãy có những giây phút cầu nguyện chung với gia đình..." ĐTC cho hay những điều đó sẽ nâng đỡ chúng ta rất nhiều…
(Tin Vatican)
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ sự cảm thông gần gũi của ngài với những người dân Trung Mỹ bị ảnh hưởng bởi những mưa cơn bão cực mạnh thổi qua vùng trung Mỹ, đặc biệt các đảo San Andrés, Providencia và Santa Catalina, cũng như dọc bờ biển Thái Bình Dương ở phía bắc Colombia.
ĐTC nói: “Tôi cầu nguyện cho tất cả các quốc gia đang chịu hậu quả của những thảm họa này. Bão Iota đổ bộ vào Nicaragua vào giữa tháng 11 và là cơn bão mạnh nhất trong năm.
Cơn bão cấp 5 xuất hiện sau khi cơn bão Eta đã khiến ít nhất 200 người thiệt mạng vào hai tuần trước đây, khi cơn bão càn quyét vùng Trung Mỹ.
Lời cầu nguyện cho các tân Hồng Y và cơn đại dịch
Trong lời chào mừng, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho 13 tân chức của Hồng Y đoàn.
Đức Thánh Cha cầu mong mọi người “được an lành giữa những khó khăn mà đại dịch gây ra: Hãy âm thầm quan tâm săn sóc cho nhau, hãy tôn trọng những người chung quanh, và hãy có những giây phút cầu nguyện chung với gia đình..." ĐTC cho hay những điều đó sẽ nâng đỡ chúng ta rất nhiều…
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội nghị Thường Niên lần thứ XI của Ủy Ban Mục vụ Gia đình
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
10:06 29/11/2020
Hội nghị Thường Niên lần thứ XI của Ủy Ban Mục vụ Gia đình- năm 2020 đã diễn ra từ chiều ngày 25 đến ngày 27 tháng 11 năm 2020 tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc. “Gia đình, con đường của Giáo Hội” là chủ đề được chọn cho Hội Nghị lần này.
Ngoài quý Đức Cha, quý Cha Đặc Trách Mục vụ Gia đình tại các Giáo tỉnh, Giáo phận, quý vị trong Ban Thư Ký và nghiên huấn, khách mời là quý cha, quý nữ tu, Hội Nghị lần này có sự đặc biệt hơn có những người giáo dân được mời tham dự trong vai trò đại biểu tham dự hoặc khách mời.
Xem Hình
Hội Nghị không chỉ được Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc cho phép mượn cơ sở để tổ chức hội nghị, nhưng còn được Đức Cha Giuse còn chào đón mọi tham dự viên tại nhà cơm Tòa Giám Mục trong thân tình, và nhắn với cá tham dự viên “Xin mọi người hãy coi nơi đây như là nhà của mình, trong cùng một gia đình Giáo Hội. Vì trong Giáo Hội có nhiều thành phần, và mỗi thành phần đảm nhận công việc mình, trong cùng một căn nhà Giáo Hội.”
Trong các Thánh Lễ được cử hành trong thời gian Hội Nghị, Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh luôn chủ tế Thánh Lễ và giảng trong Thánh Lễ. Các nội dung bài giảng của Đức Cha, được suy niệm và liên hệ từ bài Tin Mừng đến thực trạng đời sống gia đình Công Giáo tại Việt Nam và con đường Mục vụ Gia đình cần hướng đến, một mục vụ của lòng thương xót.
Bên cạnh đó, giờ Chầu Thánh Thể, cũng như giờ tĩnh nguyện trong hai buổi tối cũng đã đều hướng đến và cầu nguyện cho các gia đình, khi họ đang gặp phải biết bao những thách đố và khó khăn.
Ngày thứ nhất:
Chương trình buổi sáng dành cho việc tiếp đón quý tham dự viên, tiến hành thủ tục nhập Hội Nghị, thư giãn, và kính chào Đức Cha Chánh, cùng quý Đức Cha Giáo phận.
Chương trình khai mạc được bắt đầu lúc 14g30 ngày 25/11/2020. Sau phần giới thiệu các thành phần tham dự, Đức Cha Chủ Tịch đã tuyên bố lý do và định hướng hội nghị.
Bài thuyết trình đầu tiên trong Hội Nghị “Định hướng mục vụ gia đình theo Tông huấn Familiar Consortio, Amoris Laetitia và các Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam” do Cha Agustino Nguyễn Văn Dụ trình bày.
Buổi làm việc tối của Hội Nghị gồm thảo luận về chương trình dự kiến năm 2021 và “Báo Hiệp Thông’ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và trình bày về lược đồ “Bản Hướng Dẫn Mục vụ Gia đình cho Giáo Hội tại Việt Nam.”
Kết thúc ngày làm việc bằng Giờ Chầu Thánh Thể.
Ngày thứ hai:
Khởi đầu ngày sống và làm việc trong chương trình của Hội Nghị là Thánh Lễ, do Đức Cha Chủ Tịch chủ tế và giảng lễ. Đây là thời khắc để tất cả mọi tham dự viên được cùng hiệp thông và hiệp nhất với nhau trong cùng một Thánh Thể, nguồn sức mạnh của tình yêu và lòng hăng say phục vụ cho Giáo Hội, nhất là cho công việc mục vụ gia đình mỗi người đang đảm nhận.
7g30, chương trình buổi sáng của các tham dự viên khi bước vào ngày thứ hai làm việc với phần: “Học hỏi thư chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam 2020” do Đức Cha Đa Chủ tịch Ủy Ban Mục vụ Gia đình hướng dẫn.
Cũng trong buổi sáng này, đề tài “Thực trạng gia đình Việt Nam hiện nay và những thách đố của mục vụ gia đình”của Cha Phanxicô Salesio Lê Văn La Vinh, O.P cũng đã được các tham dự viên lắng nghe thật chăm chú.
Bắt đầu buổi làm việc chiều lúc 14g00 với Cha Giuse Hà Đăng Định, Tổng Thư ký UBMVGĐ trình bày “Những áp dụng thực hành mục vụ gia đình tại Việt Nam”. Tiếp sau đó, quý Đức Cha và các tham dự viên được giới thiệu trang web của UBMVGĐ vừa được thiết kế và lập trình lại sau nhiều năm, nhằm đáp ứng với những ứng dụng mới trong công nghệ số truyền thông và phục vụ độc giả rộng rãi hơn. Sau đó, các đại biểu họp nhóm theo Giáo tỉnh để đề cử người cộng tác cho trang web, cũng như ban soạn thảo Hướng dẫn Mục vụ, viết bài cho số Báo Hiệp Thông sắp tới của HĐGMVN mà UBMVGĐ chịu trách nhiệm nội dung.
Sau giờ cơm tối và giải lao, quý Đức Cha, quý Cha và mọi người đã cùng gặp gỡ nhau trong giờ tĩnh nguyện, dâng lên Chúa các gia đình và cầu nguyện cho họ.
Ngày kết thúc:
Ngày cuối cùng của Hội Nghị với Thánh Lễ đầu ngày do Đức Cha Chủ Tịch cùng quý Cha cử hành với sự tham dự của mọi tham dự viên.
Chương trình làm việc buổi sáng cuối cùng của Hội Nghị với bài “Giáo lý về hôn nhân: Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa”, do Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy Ban Di Dân trình bày. Sau khi trình bày, Đức Cha Luy đã dành thời gian để trả lời, giải đáp các thắc mắc của các tham dự viên đặt ra.
Sau giờ giải lao, các tham dự viên trở lại Hội trường, để cùng lắng nghe phần tổng kết của Hội Nghị Thường Niên lần thứ XI của UBMVGĐ.
Trước khi đọc bản đúc kết, Cha Tổng Thư Ký đã thay Đức Cha Chủ Tịch cám ơn tất cả quý Cha, quý nữ tu, quý tham dự viên đã sắp xếp công việc để tham dự Hội Nghị, góp phần làm nên thành công của Hội Nghị và tiến trình soạn thảo Bản hướng dẫn Mục vụ Gia đình của Ủy Ban cũng như với những công việc khác. Tiếp sau đó, Cha tường trình lại tất cả những gì đã đạt được trong ba ngày làm việc của Hội Nghị.
Sau cùng, Đức Cha Chủ Tịch đã tóm kết lại tất cả, cũng như cám ơn quý cha, quý tham dự viên, cha Tổng Thư Ký trong vai trò điều hành các công việc cho Hội Nghị được diễn ra tốt đẹp. Bên cạnh đó, Đức Cha đã gửi lời cám ơn đặc biệt đối với các ban phục vụ, những người phục vụ âm thầm nhưng góp phần lớn làm cho Hội Nghị được thành công.
11g30, Hội Nghị Thường niên lần thứ XI của UBMVGĐ chính thức kết thúc với phép lành của Đức Cha Chủ Tịch Ủy Ban. Sau giờ cơm trưa, các tham dự viên được xe đưa đón đi tham quan Trung Tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi, cũng như trở về Sài Gòn, nơi đã đón quý tham dự viên ngày khởi đầu.
Tóm tắt Hội Nghị.
Thành phần và số lượng tham dự viên, và ban phục vụ Hội Nghị:
Các thành phần tham dự: bốn (4) bao gồm thành phần ủy ban, khách mời, các giáo tỉnh, và những người phục vụ.
Tổng số người tham dự: 71, trong đó: Ủy ban: 10 (1 giám mục, 4 linh mục, 5 giáo dân); Khách mời: 10 ( 1 giám mục, 3 linh mục, 4 nữ tu, 2 giáo dân); Các giáo tỉnh: Hà Nội: 17 (13 linh mục, 4 giáo dân) - Huế: 7 ( 6 linh mục, 1 giáo dân) - Sài gòn: 27 ( 12 linh mục, 1 nữ tu, 14 giáo dân);
Số lượng người của các ban phục vụ: 36 (ban y tế, truyền thông, âm thanh, hậu cần…). Ngoài ra, còn có khoảng gần 40 phục vụ viên khác gồm các quý cha, quý thầy, quý nữ tu, những anh chị em tại Tòa Giám Mục, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc phục vụ cho Hội Nghị.
Chủ tọa Hội Nghị: Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch của Ủy ban Mục Vụ Gia đình, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Ban Thư Ký Hội Nghị: Cha Giuse Hà Đăng Định, Tổng Thư Ký Ủy ban, Cha Đa Minh Lưu Vũ Duy Khang, O.P, Sr. Martina Lại Thị Diễm Trinh, O.P
Năm (5) đề tài được thuyết trình và lắng nghe:
Cha Phanxicô Salesio Lê Văn La Vinh, O.P: “Thực trạng gia đình Việt Nam hiện nay và những thách đố của mục vụ gia đình”;
Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy Ban Di Dân: “Giáo lý về hôn nhân: Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa”;
Cha Agustino Nguyễn Văn Dụ: “Định hướng mục vụ gia đình theo Tông huấn Familiar Consortio, Amoris Laetitia và các Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam”;
Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Ủy Ban Mục vụ Gia đình: “Học hỏi thư chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam 2020”;
Cha Giuse Hà Đăng Định, Tổng Thư Ký của Ủy Ban Mục vụ Gia đình: “Những áp dụng thực hành mục vụ gia đình tại Việt Nam”.
Những công việc bàn thảo, đúc kết trong Hội Nghị:
Thống nhất lược đồ hướng dẫn Mục vụ Gia đình tại Việt Nam, và kế hoạch biên soạn;
Đề cử nhân sự theo từng Giáo tỉnh để cộng tác soạn thảo Bản Hướng dẫn Mục vụ Gia đình. Ngoài ra có thể mời thêm những cộng tác viên khác ngoài Ủy Ban;
Thảo luận, thống nhất chủ đề, các mục cho số Báo Hiệp Thông - 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, mà Ủy Ban Mục vụ Gia đình đã được giao;
Giới thiệu trang web của Ủy Ban Mục vụ Gia đình vừa được thiết kế và lập trình lại; giới thiệu cộng tác viên cho trang web;
Kế hoạch sinh hoạt của Ủy ban Mục vụ Gia đình năm 2021;
Đề cập đến Đại Hội Gia đình Toàn Quốc có thể diễn ra vào năm 2021, nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19;
Tin, ảnh: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
Ngoài quý Đức Cha, quý Cha Đặc Trách Mục vụ Gia đình tại các Giáo tỉnh, Giáo phận, quý vị trong Ban Thư Ký và nghiên huấn, khách mời là quý cha, quý nữ tu, Hội Nghị lần này có sự đặc biệt hơn có những người giáo dân được mời tham dự trong vai trò đại biểu tham dự hoặc khách mời.
Xem Hình
Hội Nghị không chỉ được Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc cho phép mượn cơ sở để tổ chức hội nghị, nhưng còn được Đức Cha Giuse còn chào đón mọi tham dự viên tại nhà cơm Tòa Giám Mục trong thân tình, và nhắn với cá tham dự viên “Xin mọi người hãy coi nơi đây như là nhà của mình, trong cùng một gia đình Giáo Hội. Vì trong Giáo Hội có nhiều thành phần, và mỗi thành phần đảm nhận công việc mình, trong cùng một căn nhà Giáo Hội.”
Trong các Thánh Lễ được cử hành trong thời gian Hội Nghị, Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh luôn chủ tế Thánh Lễ và giảng trong Thánh Lễ. Các nội dung bài giảng của Đức Cha, được suy niệm và liên hệ từ bài Tin Mừng đến thực trạng đời sống gia đình Công Giáo tại Việt Nam và con đường Mục vụ Gia đình cần hướng đến, một mục vụ của lòng thương xót.
Ngày thứ nhất:
Chương trình buổi sáng dành cho việc tiếp đón quý tham dự viên, tiến hành thủ tục nhập Hội Nghị, thư giãn, và kính chào Đức Cha Chánh, cùng quý Đức Cha Giáo phận.
Chương trình khai mạc được bắt đầu lúc 14g30 ngày 25/11/2020. Sau phần giới thiệu các thành phần tham dự, Đức Cha Chủ Tịch đã tuyên bố lý do và định hướng hội nghị.
Bài thuyết trình đầu tiên trong Hội Nghị “Định hướng mục vụ gia đình theo Tông huấn Familiar Consortio, Amoris Laetitia và các Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam” do Cha Agustino Nguyễn Văn Dụ trình bày.
Buổi làm việc tối của Hội Nghị gồm thảo luận về chương trình dự kiến năm 2021 và “Báo Hiệp Thông’ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và trình bày về lược đồ “Bản Hướng Dẫn Mục vụ Gia đình cho Giáo Hội tại Việt Nam.”
Kết thúc ngày làm việc bằng Giờ Chầu Thánh Thể.
Ngày thứ hai:
Khởi đầu ngày sống và làm việc trong chương trình của Hội Nghị là Thánh Lễ, do Đức Cha Chủ Tịch chủ tế và giảng lễ. Đây là thời khắc để tất cả mọi tham dự viên được cùng hiệp thông và hiệp nhất với nhau trong cùng một Thánh Thể, nguồn sức mạnh của tình yêu và lòng hăng say phục vụ cho Giáo Hội, nhất là cho công việc mục vụ gia đình mỗi người đang đảm nhận.
7g30, chương trình buổi sáng của các tham dự viên khi bước vào ngày thứ hai làm việc với phần: “Học hỏi thư chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam 2020” do Đức Cha Đa Chủ tịch Ủy Ban Mục vụ Gia đình hướng dẫn.
Cũng trong buổi sáng này, đề tài “Thực trạng gia đình Việt Nam hiện nay và những thách đố của mục vụ gia đình”của Cha Phanxicô Salesio Lê Văn La Vinh, O.P cũng đã được các tham dự viên lắng nghe thật chăm chú.
Bắt đầu buổi làm việc chiều lúc 14g00 với Cha Giuse Hà Đăng Định, Tổng Thư ký UBMVGĐ trình bày “Những áp dụng thực hành mục vụ gia đình tại Việt Nam”. Tiếp sau đó, quý Đức Cha và các tham dự viên được giới thiệu trang web của UBMVGĐ vừa được thiết kế và lập trình lại sau nhiều năm, nhằm đáp ứng với những ứng dụng mới trong công nghệ số truyền thông và phục vụ độc giả rộng rãi hơn. Sau đó, các đại biểu họp nhóm theo Giáo tỉnh để đề cử người cộng tác cho trang web, cũng như ban soạn thảo Hướng dẫn Mục vụ, viết bài cho số Báo Hiệp Thông sắp tới của HĐGMVN mà UBMVGĐ chịu trách nhiệm nội dung.
Sau giờ cơm tối và giải lao, quý Đức Cha, quý Cha và mọi người đã cùng gặp gỡ nhau trong giờ tĩnh nguyện, dâng lên Chúa các gia đình và cầu nguyện cho họ.
Ngày kết thúc:
Ngày cuối cùng của Hội Nghị với Thánh Lễ đầu ngày do Đức Cha Chủ Tịch cùng quý Cha cử hành với sự tham dự của mọi tham dự viên.
Chương trình làm việc buổi sáng cuối cùng của Hội Nghị với bài “Giáo lý về hôn nhân: Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa”, do Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy Ban Di Dân trình bày. Sau khi trình bày, Đức Cha Luy đã dành thời gian để trả lời, giải đáp các thắc mắc của các tham dự viên đặt ra.
Sau giờ giải lao, các tham dự viên trở lại Hội trường, để cùng lắng nghe phần tổng kết của Hội Nghị Thường Niên lần thứ XI của UBMVGĐ.
Trước khi đọc bản đúc kết, Cha Tổng Thư Ký đã thay Đức Cha Chủ Tịch cám ơn tất cả quý Cha, quý nữ tu, quý tham dự viên đã sắp xếp công việc để tham dự Hội Nghị, góp phần làm nên thành công của Hội Nghị và tiến trình soạn thảo Bản hướng dẫn Mục vụ Gia đình của Ủy Ban cũng như với những công việc khác. Tiếp sau đó, Cha tường trình lại tất cả những gì đã đạt được trong ba ngày làm việc của Hội Nghị.
Sau cùng, Đức Cha Chủ Tịch đã tóm kết lại tất cả, cũng như cám ơn quý cha, quý tham dự viên, cha Tổng Thư Ký trong vai trò điều hành các công việc cho Hội Nghị được diễn ra tốt đẹp. Bên cạnh đó, Đức Cha đã gửi lời cám ơn đặc biệt đối với các ban phục vụ, những người phục vụ âm thầm nhưng góp phần lớn làm cho Hội Nghị được thành công.
11g30, Hội Nghị Thường niên lần thứ XI của UBMVGĐ chính thức kết thúc với phép lành của Đức Cha Chủ Tịch Ủy Ban. Sau giờ cơm trưa, các tham dự viên được xe đưa đón đi tham quan Trung Tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi, cũng như trở về Sài Gòn, nơi đã đón quý tham dự viên ngày khởi đầu.
Tóm tắt Hội Nghị.
Thành phần và số lượng tham dự viên, và ban phục vụ Hội Nghị:
Các thành phần tham dự: bốn (4) bao gồm thành phần ủy ban, khách mời, các giáo tỉnh, và những người phục vụ.
Tổng số người tham dự: 71, trong đó: Ủy ban: 10 (1 giám mục, 4 linh mục, 5 giáo dân); Khách mời: 10 ( 1 giám mục, 3 linh mục, 4 nữ tu, 2 giáo dân); Các giáo tỉnh: Hà Nội: 17 (13 linh mục, 4 giáo dân) - Huế: 7 ( 6 linh mục, 1 giáo dân) - Sài gòn: 27 ( 12 linh mục, 1 nữ tu, 14 giáo dân);
Số lượng người của các ban phục vụ: 36 (ban y tế, truyền thông, âm thanh, hậu cần…). Ngoài ra, còn có khoảng gần 40 phục vụ viên khác gồm các quý cha, quý thầy, quý nữ tu, những anh chị em tại Tòa Giám Mục, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc phục vụ cho Hội Nghị.
Chủ tọa Hội Nghị: Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch của Ủy ban Mục Vụ Gia đình, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Ban Thư Ký Hội Nghị: Cha Giuse Hà Đăng Định, Tổng Thư Ký Ủy ban, Cha Đa Minh Lưu Vũ Duy Khang, O.P, Sr. Martina Lại Thị Diễm Trinh, O.P
Năm (5) đề tài được thuyết trình và lắng nghe:
Cha Phanxicô Salesio Lê Văn La Vinh, O.P: “Thực trạng gia đình Việt Nam hiện nay và những thách đố của mục vụ gia đình”;
Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy Ban Di Dân: “Giáo lý về hôn nhân: Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa”;
Cha Agustino Nguyễn Văn Dụ: “Định hướng mục vụ gia đình theo Tông huấn Familiar Consortio, Amoris Laetitia và các Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam”;
Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Ủy Ban Mục vụ Gia đình: “Học hỏi thư chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam 2020”;
Cha Giuse Hà Đăng Định, Tổng Thư Ký của Ủy Ban Mục vụ Gia đình: “Những áp dụng thực hành mục vụ gia đình tại Việt Nam”.
Những công việc bàn thảo, đúc kết trong Hội Nghị:
Thống nhất lược đồ hướng dẫn Mục vụ Gia đình tại Việt Nam, và kế hoạch biên soạn;
Đề cử nhân sự theo từng Giáo tỉnh để cộng tác soạn thảo Bản Hướng dẫn Mục vụ Gia đình. Ngoài ra có thể mời thêm những cộng tác viên khác ngoài Ủy Ban;
Thảo luận, thống nhất chủ đề, các mục cho số Báo Hiệp Thông - 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, mà Ủy Ban Mục vụ Gia đình đã được giao;
Giới thiệu trang web của Ủy Ban Mục vụ Gia đình vừa được thiết kế và lập trình lại; giới thiệu cộng tác viên cho trang web;
Kế hoạch sinh hoạt của Ủy ban Mục vụ Gia đình năm 2021;
Đề cập đến Đại Hội Gia đình Toàn Quốc có thể diễn ra vào năm 2021, nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19;
Tin, ảnh: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
Tài Liệu - Sưu Khảo
Niên lịch phụng vụ chu kỳ năm B.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:01 29/11/2020
Lịch phụng vụ trong Giáo Hội Công Giáo khởi đầu hằng năm vào chúa nhật thứ nhất mùa Vọng cho tới hết chúa nhật 34. mùa thường niên, và chia làm ba chu kỳ: A,B,C.
Từ chúa nhật 01. mùa Vọng ngày 29.11.2020 cho đến chúa nhật 34. mùa thường niên ngày 21.11.2021 là chu kỳ phụng vụ năm B. Trong chu kỳ phụng vụ năm B phúc âm Chúa Giêsu Kitô theo Thánh sử Marco được chọn đọc vào các ngày lễ chúa nhật mùa thường niên.
Thánh sử Marco là ai?
Tác gỉa viết phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Marco ngay từ thời Giáo hội sơ khai có tên là Gioan Marco. Theo truyền thống từ thời Giáo hội lúc ban đầu, Marco và Thánh Tông đồ Phero có liên hệ mật thiết với nhau. Giám mục Papias thành Hieropolis vào năm 120. sau Chúa giáng sinh, cho rằng Marco là học trò, người thông ngôn những bài giảng của Thánh Phero từ tiếng Do Thái sang tiếng Hylạp, tiếng Latinh cho những người lương dân thời đó, mà họ không thuộc về vùng nền văn hóa Do Thái giáo. Marco viết lại những gì Thánh Phero đã nghe Chúa Giêsu rao giảng khi xưa, lúc sống theo Chúa Giêsu ba năm.
Người ta phỏng đoán Marco đã viết Phúc âm ở Roma hay trong vùng của đế quốc Roma.
Thời điểm Marco viết phúc âm được cho là vào năm 65. sau Chúa giáng sinh, trước khi thành Gierusalem bị quân đội Roma xâm chiếm tàn phá năm 70. sau Chúa giáng sinh. Nhưng Giáo sư Kinh Thánh Gioakim Gnilka cho rằng sau khi thành Gierusalem năm 70. bị tàn phá, phúc âm theo Marco mới được viết ra.
Thánh sử Marco viết phúc âm Chúa Giêsu, như cuốn sách giáo lý. Và cuốn sách giáo lý đó không chỉ là sách lịch sử, nhưng còn chứa đựng ý nghĩa thần học đạo đức nữa.
Lúc khởi đầu
Thánh sử Marco viết phúc âm Chúa Giêsu bắt đầu với dòng chữ: „Khởi đầu tin mừng Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa“ ( Mc 1,1)
Dòng chữ xác định này nhắc nhớ đến sách Sáng thế :“ Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.“ ( St 1,1).
Và như thế, Thánh sử Marco muốn đặt Chúa Giêsu là nền tảng một khởi đầu mới. Chúa Giêsu tạo dựng con người mới và thực hiện ơn cứu độ mới. Đó là tin mừng Chúa Giêsu Kiô theo thánh sử Marco muốn loan báo mang niềm vui cho con người.
Thánh sử Marco là người thứ nhất viết sách phúc âm tường thuật về Chúa Giêsu. Sách phúc âm có nghĩa là sách tin mừng.
Trong thời cựu ước phần lớn các Thiên Thần là những sứ gỉa loan báo tin mừng cho con người. Họ là những sứ gỉa mang tin vui, loan báo sự chiến thắng của Thiên Chúa trên các thù đich.
Trong thời đế quốc Roma những chiếu chỉ mệnh lệnh của hoàng đế được gọi là tin mừng. Và các vị hoàng đế được xưng tụng là người mang tin mừng đến cho dân chúng. Vì các vị hoàng đế mang phát đi lời hứa mang lại bình an hạnh phúc cho dân chúng.
Thánh sử Marco viết loan báo tin mừng Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô mang đến một triều đại vương quốc mới. Trong đó Thiên Chúa ngự trị và con người cảm nhận sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng là bình an hạnh phúc cho đời sống con người.
Danh hiệu Con Thiên Chúa
Thánh sử Marco viết xưng tụng Chúa Giêsu Kitô trong tin mừng là „ Con Thiên Chúa“ ngay đầu sách tin mừng ( Mc 1,1). Và vào cuối tin mừng, khi Chúa Giêsu chết trên thập gía qua môi miệng của Viên đại đội trưởng nói lên danh xưng“ Qủa thật, người này là Con Thiên Chúa“ ( Mc 16,39).
Trong đạo Do Thái Vua được gọi là „ Con Thiên Chúa“, nhưng không phải như Thiên Chúa, mà thuộc về Thiên Chúa.
Chúa Giêsu Kitô thuộc về Thiên Chúa trong một cách thế đặc biệt khác thường, sát gần Thiên Chúa cách đặc biệt, vì có tràn đầy thần linh của Thiên Chúa.
Theo thần thoại văn hóa Hylạp danh xưng „ Con Thiên Chúa“ được hiểu nghiêng nhiều hơn về sự sinh ra bởi qua Thiên Chúa. Thần Zeus đã sinh sản nhiều con trai và con gái. Họ cũng được xưng tụng là „ những người con của Thiên Chúa“. Họ là tín hiệu truyền tin thần thánh của Thiên Chúa. Vì họ có nguồn gốc từ Thiên Chúa.
Theo triết học cổ xưa bên Hylạp hiểu „ Con Thiên Chúa „ là người qua nền tảng lý trí có nguồn gốc từ Thiên Chúa, và có mầm mống căn cơ giống nòi Thiên Chúa ngay trong dòng máu bản thân con người họ.
Danh xưng Chúa Giêsu Kitô „ Con Thiên Chúa“ có lẽ Thánh sử Marco nghiêng nhiều hơn theo ý nghĩa hiểu theo truyền thống Do Thái giáo.
Thánh sử Marco viết phúc âm cho những người Kitô hữu bên lương, họ là những người Hylạp có nền học thức văn hóa cao. Nên danh xưng này với họ có ý nghĩa nhiều hơn trong văn hóa thần thọai và triết học Hylạp.
Hình ảnh chim bồ câu
Thánh sử Marco ngay từ chương thứ nhất sách Tin mừng nói về phép Rửa của Thánh Gioan Tẩy gỉa trong hoang địa., để dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Và chính Chuá Giesu cũng đã xin nhận phép rửa của Thánh Gioan. Qua đó Marco muốn trình bày bản thể con người thật của Chúa Giesu được Thiên Chúa chứng thực xác nhận.
Phép Rửa Chúa Giêsu nhận lãnh khi đó đã trở thành biến cố ơn kêu gọi cá nhân của ngài: „ Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.“( Mc 1,10- 11).
Thông thường xưa nay, khi ai được Thiên Chúa kêu gọi, họ cảm nhận được tiếng kêu gọi âm thầm trong tâm hồn. Nhưng nơi Chúa Giêsu thì lại khác, ơn kêu gọi của ngài tai nghe mắt nhìn thấy tiếng của Thiên Chúa nói: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.“( Mc 1,10).
Tầng Trời mở ra để Thần Linh Thiên Chúa ngự đáp xuống. Biến cố này là sự trông mong chờ đợi nguyên thủy từ ngàn xưa của dân Israel. Họ hằng trông mong Thiên Chúa sau cùng dùng quyền năng mở tung màn trời ra, sai gửi Thần Linh của Chúa đáp ngự xuống, và con người được cứu thoát.
Hình ảnh chim bồ câu đáp ngự xuống lúc Chúa Giêsu chịu phép Rửa ở bờ sông Jordan, không là hình dạng như các nhà nghệ thuật sau này khắc vẽ trình bày. Nhưng Thánh sử Marco muốn căn cứ có thể nhiều hơn đến Thần Linh Thiên Chúa bay là là trên mặt nước khi vũ trụ được tạo dựng. ( Sạch sáng Thế, 1,1-2)
Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ mới nơi Chúa Giêsu. Đây là bước khởi đầu mới. Con người có hình dạng giống hình ảnh Thiên Chúa, mà ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên, và yêu thương qúi trọng. Hình ảnh này được trình bày rõ nét nổi bật trong phép rửa của Chúa Giêsu đã lãnh nhận. Chúa Giêsu là người như Thiên Chúa từ nguyên thủy đã tạo dựng nên và yêu thương.
Chúa Giêsu đã có cung cách nếp sống làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, và không như Adong khi xưa đã phạm tội quay lưng lại với Thiên Chúa.
Chim bồ câu trong tường thuật về đại hồng thủy thời Ông Noe là hình ảnh con chim bồ câu mang tin hòa bình, loan báo sự hòa giải giữa Thiên Chúa và con người ( Sách Sáng Thế 8, 6-11).
Trong nền văn hóa thần thoại Hylạp tin cho rằng chim bồ câu là con vật thánh hiện thân của nữ thần Aphrodite ( nữ Thần tình yêu và vẻ đẹp), một hình ảnh tượng trưng về tình yêu Thiên Chúa xuống trên con người.
Con đường sứ vụ Chúa Giêsu
Hình ảnh con đường sự vụ Chúa Giêsu là hình ảnh đậm nét nổi bật trong Tin mừng theo Thánh Marco. Con đường sứ vụ Chúa Giêsu khởi đầu với Thánh Gioan Tầy gỉa đi rao giảng làm phép Rửa dọn con đường cho Chúa Giêsu đến, và con đường sứ vụ của Chúa Giêsu chấm dứt khi Chúa sống lại đi đến Galileo trước chờ đợi các Tông đồ.
Con đường sứ vụ của Chúa Giêsu bao gồm những việc ngài đi rao giảng thực hành nước tình yêu Thiên Chúa, và sau cùng là con đường đi đến cuộc tử nạn trên thập gía. Con đường sứ vụ Chúa Giêsu là mẫu gương cho con đường các Tông đồ, cho những người tin theo Chúa.
Mặc khải từ trời cao
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, từ trời cao sinh xuống trần gian làm người. Biến cố giáng sinh này Thánh sử Marco không nói thuật đến trong Tin mừng. Nhưng ngay từ khởi đầu khi Chúa Giêsu đi ra rao giảng công khai, Thánh sử Marco đã lần lượt tường thuật lại mặc khải của Thiên Chúa Cha từ trời cao về bản chất nhân phẩm của Chúa Giêsu: khi Chúa Giêsu nhận phép Rửa của Thánh Gioan nơi bờ sông Jordan ( 1,11), biến cố biến hình trên núi Tabor ( 9,7), và khi Chúa Giêsu chết trên thập gía (15,34- 39. 16, 6. ).
Từ đầu sách tin mừng, rồi vào giữa sách Tin mừng và vào cuối sách Tin Mừng, Chúa Giêsu Kitô được trình bày qua sự mặc khải của Thiên Chúa Cha từ trời cao là Con Thiên Chúa, là người chiếu sáng sự vinh quang của Thiên Chúa, đem ánh sáng vào đêm tối trần gian vì tội lỗi.
Tin mừng Chúa Giêsu theo Thánh sử Marco loan báo cho mọi dân tộc nhân phẩm thiên tính của Chúa Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa.
Hình ảnh con sư tử trong Tin mừng Thánh Marco.
Thánh giáo phụ Hieronymus đã căn cứ theo nội dung của phúc âm sắp xếp Con Sư tử là hình ảnh biểu tượng cho phúc âm theo Thánh Marco. Vì phúc âm này khởi đầu với Thánh Gioan tiền hô rao giảng là tiếng hô trong sa mạc, Ông sống giữa thiên nhiên trong rừng hoang dã thú vật.
Thánh sử Marco được đặt cho hình ảnh biểu tượng con sư tử, vì khởi đầu thuật lại Chúa Giêsu ra đi rao gỉang nước Thiên Chúa loan báo thời thái bình, bò con và sư tử bên nằm cạnh nhau, cùng được chăn nuôi ăn trên đồng cỏ, và sư tử cũng ăn cỏ như chiên bò.
Ở thành phố Venezia bên nước Ý có vương cung thánh đường kính Thánh Marco thánh sử. Ngoài công trường nơi mặt tiền thánh đường có cây cột trụ cao, trên đó có tượng con sư tử mầu vàng có đôi cánh là hình ảnh biểu tượng cho Thánh Marco thánh sử phúc âm Chúa Giêsu.
Ở bên trong đền thờ Thánh Phero bên Vatican, nơi vị trí bàn thờ đức tin gian cung thánh, ở bốn góc có vẽ bốn hình biểu tượng 4 Thánh sử viết phúc âm Chúa Giêsu. Thánh sử Marco được vẽ với hình con sư tử có đôi cánh và cuốn sách Phúc âm do ngài viết.
Và Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marco có 16 chương, là cuốn sách Tin mừng ngắn nhất trong bốn cuốn sách Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô: Thánh sử Mattheo viết Tin mừng với 28 chương, Thánh sử Luca viết Tin mừng với 24 chương, và Thánh sử Gioan viết Tin mừng với 21 chương.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Từ chúa nhật 01. mùa Vọng ngày 29.11.2020 cho đến chúa nhật 34. mùa thường niên ngày 21.11.2021 là chu kỳ phụng vụ năm B. Trong chu kỳ phụng vụ năm B phúc âm Chúa Giêsu Kitô theo Thánh sử Marco được chọn đọc vào các ngày lễ chúa nhật mùa thường niên.
Thánh sử Marco là ai?
Tác gỉa viết phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Marco ngay từ thời Giáo hội sơ khai có tên là Gioan Marco. Theo truyền thống từ thời Giáo hội lúc ban đầu, Marco và Thánh Tông đồ Phero có liên hệ mật thiết với nhau. Giám mục Papias thành Hieropolis vào năm 120. sau Chúa giáng sinh, cho rằng Marco là học trò, người thông ngôn những bài giảng của Thánh Phero từ tiếng Do Thái sang tiếng Hylạp, tiếng Latinh cho những người lương dân thời đó, mà họ không thuộc về vùng nền văn hóa Do Thái giáo. Marco viết lại những gì Thánh Phero đã nghe Chúa Giêsu rao giảng khi xưa, lúc sống theo Chúa Giêsu ba năm.
Người ta phỏng đoán Marco đã viết Phúc âm ở Roma hay trong vùng của đế quốc Roma.
Thời điểm Marco viết phúc âm được cho là vào năm 65. sau Chúa giáng sinh, trước khi thành Gierusalem bị quân đội Roma xâm chiếm tàn phá năm 70. sau Chúa giáng sinh. Nhưng Giáo sư Kinh Thánh Gioakim Gnilka cho rằng sau khi thành Gierusalem năm 70. bị tàn phá, phúc âm theo Marco mới được viết ra.
Thánh sử Marco viết phúc âm Chúa Giêsu, như cuốn sách giáo lý. Và cuốn sách giáo lý đó không chỉ là sách lịch sử, nhưng còn chứa đựng ý nghĩa thần học đạo đức nữa.
Lúc khởi đầu
Thánh sử Marco viết phúc âm Chúa Giêsu bắt đầu với dòng chữ: „Khởi đầu tin mừng Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa“ ( Mc 1,1)
Dòng chữ xác định này nhắc nhớ đến sách Sáng thế :“ Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.“ ( St 1,1).
Và như thế, Thánh sử Marco muốn đặt Chúa Giêsu là nền tảng một khởi đầu mới. Chúa Giêsu tạo dựng con người mới và thực hiện ơn cứu độ mới. Đó là tin mừng Chúa Giêsu Kiô theo thánh sử Marco muốn loan báo mang niềm vui cho con người.
Thánh sử Marco là người thứ nhất viết sách phúc âm tường thuật về Chúa Giêsu. Sách phúc âm có nghĩa là sách tin mừng.
Trong thời cựu ước phần lớn các Thiên Thần là những sứ gỉa loan báo tin mừng cho con người. Họ là những sứ gỉa mang tin vui, loan báo sự chiến thắng của Thiên Chúa trên các thù đich.
Trong thời đế quốc Roma những chiếu chỉ mệnh lệnh của hoàng đế được gọi là tin mừng. Và các vị hoàng đế được xưng tụng là người mang tin mừng đến cho dân chúng. Vì các vị hoàng đế mang phát đi lời hứa mang lại bình an hạnh phúc cho dân chúng.
Thánh sử Marco viết loan báo tin mừng Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô mang đến một triều đại vương quốc mới. Trong đó Thiên Chúa ngự trị và con người cảm nhận sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng là bình an hạnh phúc cho đời sống con người.
Danh hiệu Con Thiên Chúa
Thánh sử Marco viết xưng tụng Chúa Giêsu Kitô trong tin mừng là „ Con Thiên Chúa“ ngay đầu sách tin mừng ( Mc 1,1). Và vào cuối tin mừng, khi Chúa Giêsu chết trên thập gía qua môi miệng của Viên đại đội trưởng nói lên danh xưng“ Qủa thật, người này là Con Thiên Chúa“ ( Mc 16,39).
Trong đạo Do Thái Vua được gọi là „ Con Thiên Chúa“, nhưng không phải như Thiên Chúa, mà thuộc về Thiên Chúa.
Chúa Giêsu Kitô thuộc về Thiên Chúa trong một cách thế đặc biệt khác thường, sát gần Thiên Chúa cách đặc biệt, vì có tràn đầy thần linh của Thiên Chúa.
Theo thần thoại văn hóa Hylạp danh xưng „ Con Thiên Chúa“ được hiểu nghiêng nhiều hơn về sự sinh ra bởi qua Thiên Chúa. Thần Zeus đã sinh sản nhiều con trai và con gái. Họ cũng được xưng tụng là „ những người con của Thiên Chúa“. Họ là tín hiệu truyền tin thần thánh của Thiên Chúa. Vì họ có nguồn gốc từ Thiên Chúa.
Theo triết học cổ xưa bên Hylạp hiểu „ Con Thiên Chúa „ là người qua nền tảng lý trí có nguồn gốc từ Thiên Chúa, và có mầm mống căn cơ giống nòi Thiên Chúa ngay trong dòng máu bản thân con người họ.
Danh xưng Chúa Giêsu Kitô „ Con Thiên Chúa“ có lẽ Thánh sử Marco nghiêng nhiều hơn theo ý nghĩa hiểu theo truyền thống Do Thái giáo.
Thánh sử Marco viết phúc âm cho những người Kitô hữu bên lương, họ là những người Hylạp có nền học thức văn hóa cao. Nên danh xưng này với họ có ý nghĩa nhiều hơn trong văn hóa thần thọai và triết học Hylạp.
Hình ảnh chim bồ câu
Thánh sử Marco ngay từ chương thứ nhất sách Tin mừng nói về phép Rửa của Thánh Gioan Tẩy gỉa trong hoang địa., để dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Và chính Chuá Giesu cũng đã xin nhận phép rửa của Thánh Gioan. Qua đó Marco muốn trình bày bản thể con người thật của Chúa Giesu được Thiên Chúa chứng thực xác nhận.
Phép Rửa Chúa Giêsu nhận lãnh khi đó đã trở thành biến cố ơn kêu gọi cá nhân của ngài: „ Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.“( Mc 1,10- 11).
Thông thường xưa nay, khi ai được Thiên Chúa kêu gọi, họ cảm nhận được tiếng kêu gọi âm thầm trong tâm hồn. Nhưng nơi Chúa Giêsu thì lại khác, ơn kêu gọi của ngài tai nghe mắt nhìn thấy tiếng của Thiên Chúa nói: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.“( Mc 1,10).
Tầng Trời mở ra để Thần Linh Thiên Chúa ngự đáp xuống. Biến cố này là sự trông mong chờ đợi nguyên thủy từ ngàn xưa của dân Israel. Họ hằng trông mong Thiên Chúa sau cùng dùng quyền năng mở tung màn trời ra, sai gửi Thần Linh của Chúa đáp ngự xuống, và con người được cứu thoát.
Hình ảnh chim bồ câu đáp ngự xuống lúc Chúa Giêsu chịu phép Rửa ở bờ sông Jordan, không là hình dạng như các nhà nghệ thuật sau này khắc vẽ trình bày. Nhưng Thánh sử Marco muốn căn cứ có thể nhiều hơn đến Thần Linh Thiên Chúa bay là là trên mặt nước khi vũ trụ được tạo dựng. ( Sạch sáng Thế, 1,1-2)
Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ mới nơi Chúa Giêsu. Đây là bước khởi đầu mới. Con người có hình dạng giống hình ảnh Thiên Chúa, mà ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên, và yêu thương qúi trọng. Hình ảnh này được trình bày rõ nét nổi bật trong phép rửa của Chúa Giêsu đã lãnh nhận. Chúa Giêsu là người như Thiên Chúa từ nguyên thủy đã tạo dựng nên và yêu thương.
Chúa Giêsu đã có cung cách nếp sống làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, và không như Adong khi xưa đã phạm tội quay lưng lại với Thiên Chúa.
Chim bồ câu trong tường thuật về đại hồng thủy thời Ông Noe là hình ảnh con chim bồ câu mang tin hòa bình, loan báo sự hòa giải giữa Thiên Chúa và con người ( Sách Sáng Thế 8, 6-11).
Trong nền văn hóa thần thoại Hylạp tin cho rằng chim bồ câu là con vật thánh hiện thân của nữ thần Aphrodite ( nữ Thần tình yêu và vẻ đẹp), một hình ảnh tượng trưng về tình yêu Thiên Chúa xuống trên con người.
Con đường sứ vụ Chúa Giêsu
Hình ảnh con đường sự vụ Chúa Giêsu là hình ảnh đậm nét nổi bật trong Tin mừng theo Thánh Marco. Con đường sứ vụ Chúa Giêsu khởi đầu với Thánh Gioan Tầy gỉa đi rao giảng làm phép Rửa dọn con đường cho Chúa Giêsu đến, và con đường sứ vụ của Chúa Giêsu chấm dứt khi Chúa sống lại đi đến Galileo trước chờ đợi các Tông đồ.
Con đường sứ vụ của Chúa Giêsu bao gồm những việc ngài đi rao giảng thực hành nước tình yêu Thiên Chúa, và sau cùng là con đường đi đến cuộc tử nạn trên thập gía. Con đường sứ vụ Chúa Giêsu là mẫu gương cho con đường các Tông đồ, cho những người tin theo Chúa.
Mặc khải từ trời cao
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, từ trời cao sinh xuống trần gian làm người. Biến cố giáng sinh này Thánh sử Marco không nói thuật đến trong Tin mừng. Nhưng ngay từ khởi đầu khi Chúa Giêsu đi ra rao giảng công khai, Thánh sử Marco đã lần lượt tường thuật lại mặc khải của Thiên Chúa Cha từ trời cao về bản chất nhân phẩm của Chúa Giêsu: khi Chúa Giêsu nhận phép Rửa của Thánh Gioan nơi bờ sông Jordan ( 1,11), biến cố biến hình trên núi Tabor ( 9,7), và khi Chúa Giêsu chết trên thập gía (15,34- 39. 16, 6. ).
Từ đầu sách tin mừng, rồi vào giữa sách Tin mừng và vào cuối sách Tin Mừng, Chúa Giêsu Kitô được trình bày qua sự mặc khải của Thiên Chúa Cha từ trời cao là Con Thiên Chúa, là người chiếu sáng sự vinh quang của Thiên Chúa, đem ánh sáng vào đêm tối trần gian vì tội lỗi.
Tin mừng Chúa Giêsu theo Thánh sử Marco loan báo cho mọi dân tộc nhân phẩm thiên tính của Chúa Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa.
Hình ảnh con sư tử trong Tin mừng Thánh Marco.
Thánh giáo phụ Hieronymus đã căn cứ theo nội dung của phúc âm sắp xếp Con Sư tử là hình ảnh biểu tượng cho phúc âm theo Thánh Marco. Vì phúc âm này khởi đầu với Thánh Gioan tiền hô rao giảng là tiếng hô trong sa mạc, Ông sống giữa thiên nhiên trong rừng hoang dã thú vật.
Thánh sử Marco được đặt cho hình ảnh biểu tượng con sư tử, vì khởi đầu thuật lại Chúa Giêsu ra đi rao gỉang nước Thiên Chúa loan báo thời thái bình, bò con và sư tử bên nằm cạnh nhau, cùng được chăn nuôi ăn trên đồng cỏ, và sư tử cũng ăn cỏ như chiên bò.
Ở thành phố Venezia bên nước Ý có vương cung thánh đường kính Thánh Marco thánh sử. Ngoài công trường nơi mặt tiền thánh đường có cây cột trụ cao, trên đó có tượng con sư tử mầu vàng có đôi cánh là hình ảnh biểu tượng cho Thánh Marco thánh sử phúc âm Chúa Giêsu.
Ở bên trong đền thờ Thánh Phero bên Vatican, nơi vị trí bàn thờ đức tin gian cung thánh, ở bốn góc có vẽ bốn hình biểu tượng 4 Thánh sử viết phúc âm Chúa Giêsu. Thánh sử Marco được vẽ với hình con sư tử có đôi cánh và cuốn sách Phúc âm do ngài viết.
Và Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marco có 16 chương, là cuốn sách Tin mừng ngắn nhất trong bốn cuốn sách Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô: Thánh sử Mattheo viết Tin mừng với 28 chương, Thánh sử Luca viết Tin mừng với 24 chương, và Thánh sử Gioan viết Tin mừng với 21 chương.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Thông Báo
Lần hạt trực tuyến Năm Sự Thương để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn 7pm giờ VN ngày 30/11/2020
Giáo Hội Năm Châu
23:13 29/11/2020
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cầu Vồng Đôi/ Double Rainbow
Robert Helfman
16:04 29/11/2020
CẦU VỒNG ĐÔI/DOUBLE RAINBOW
Ảnh của Robert Helfman
Đến như cầu vồng cũng còn có đôi
Ai ơi đừng có đơn côi
(bt)
Ảnh của Robert Helfman
Đến như cầu vồng cũng còn có đôi
Ai ơi đừng có đơn côi
(bt)
VietCatholic TV
Cử chỉ rất đẹp: Đức Thánh Cha Phanxicô và 11 vị Tân Hồng Y đến chào thăm Đức Giáo Hoàng danh dự
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:05 29/11/2020
Sau nghi thức tấn phong Hồng Y, Đức Thánh Cha và các tân Hồng Y đã đến Tu viện Mẹ Giáo Hội để chào Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã nhắc nhở các tân Hồng Y về giá trị của lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng. Sau đó, Đức Bênêđíctô XVI, cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, đã cùng ban phép lành cho các tân Hồng Y.
Theo phong tục, sau nghi thức tấn phong Hồng Y, các vị Hồng Y Tân Cử sẽ tiếp các khách và bạn bè thân thuộc đến chúc mừng sau buổi lễ. Tuy nhiên, vì những hạn chế liên quan đến coronavirus, phong tục này đã không diễn ra trong năm nay.
Bí quyết sống Mùa Vọng – Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tạ ơn với các Tân Hồng Y 29/11
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:39 29/11/2020
Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 29 tháng 11, là Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng, Đức Thánh Cha và 11 Tân Hồng Y đã đồng tế thánh lễ tạ ơn tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Các bài đọc hôm nay gợi lên hai cụm từ then chốt cho Mùa Vọng: đó là sự gần gũi và sự tỉnh thức. Sự gần gũi với Thiên Chúa và sự tỉnh thức của chúng ta: trong khi tiên tri Isaia nói rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta, thì Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng khuyên chúng ta phải tỉnh thức trong khi chờ đợi Người.
Sự gần gũi. Tiên tri Isaia bắt đầu bằng cách kêu lên cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con” (Is 63:16). Và vị Tiên tri tiếp rằng: “từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa” (Is 64:3). Những lời trong sách Đệ Nhị Luật cũng nhắc chúng ta nhớ rằng “có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?” (Đnl 4:7). Mùa vọng là thời gian để nhớ đến sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng đã ngự xuống với chúng ta. Nhưng Tiên tri Isaia còn đi xa hơn nữa và kêu cầu Thiên Chúa ngự đến một lần nữa: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống!” (Is 63:19). Chúng ta cũng đã kêu cầu điều đó trong Thánh Vịnh: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ” (x. Tv 79:15.3). “Lạy Chúa, xin hãy đến và cứu con” thường là phần mở đầu của lời cầu nguyện của chúng ta: bước đầu tiên của đức tin là nói với Chúa rằng chúng ta cần Ngài, cần sự gần gũi của Ngài.
Đây cũng là thông điệp đầu tiên của Mùa Vọng và của năm phụng vụ, đó là chúng ta hãy nhận ra Thiên Chúa là Đấng đang gần gũi; và thân thưa với Người rằng: “Lạy Chúa, xin hãy đến!” Người muốn đến gần ta, nhưng Người chỉ đề xuất, mà không áp đặt; hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta đừng mệt mỏi thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy đến!” Đó là lời cầu nguyện của Mùa Vọng: “Lạy Chúa, xin hãy đến!” Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta và sẽ trở lại vào thời viên mãn. Nhưng, chúng ta tự hỏi mình, hai lần ngự đến này để làm gì nếu nó không đi vào cuộc sống của chúng ta ngày nay? Vì thế, chúng ta hãy mời Người. Chúng ta hãy tự biến mình thành lời kêu gọi truyền thống của Mùa Vọng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22:20). Với lời kêu gọi này, Sách Khải huyền kết thúc: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến.” Chúng ta có thể lặp lại lời cầu nguyện đó vào đầu mỗi ngày và lặp lại thường xuyên, trước khi nhóm họp, học tập và làm việc, trước khi đưa ra các quyết định, trong mọi thời điểm quan trọng hoặc khó khăn hơn trong cuộc đời: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! Đó là một lời cầu nguyện nhỏ, nhưng là một lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim. Chúng ta hãy lặp lại điều đó trong Mùa Vọng này. Chúng ta hãy lặp lại điều đó: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”
Nếu chúng ta cầu khẩn Chúa Giêsu đến gần mình, chúng ta sẽ rèn luyện cho mình biết tỉnh thức. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô trình bày cho chúng ta phần cuối trong diễn từ cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ, diễn từ ấy có thể tóm gọn trong ba từ: “Hãy tỉnh thức!” Chúa lặp lại những lời này bốn lần trong năm câu (xem Mc 13: 33-35.37). Điều quan trọng là phải luôn tỉnh thức, bởi vì một sai lầm tai hại vô cùng trong cuộc đời là đắm chìm vào hàng nghìn thứ và không để ý đến Chúa. Thánh Augustinô nói: “Timeo Iesum transeuntem” (Bài giảng 88: 14-13), “Tôi sợ rằng Chúa Giêsu sẽ đi ngang qua tôi mà tôi không chú ý”. Bị trói buộc trong những mối quan tâm hàng ngày của chính chúng ta (chúng ta biết quá rõ điều này!), Và bị phân tâm bởi quá nhiều thứ viển vông, chúng ta có nguy cơ mất đi những gì là thiết yếu. Đó là lý do tại sao hôm nay Chúa lặp lại: “Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” (Mc 13:37). Hãy tỉnh thức, hãy chú ý.
Tuy nhiên, thái độ phải tỉnh thức cho thấy rằng bây giờ đã là đêm. Chúng ta không sống trong ánh sáng ban ngày, nhưng đang chờ đợi bình minh, giữa chập chùng bóng tối và mệt mỏi. Ánh sáng của ngày sẽ đến khi chúng ta ở với Chúa. Chúng ta đừng ngã lòng: ánh sáng ban ngày sẽ đến, bóng đêm sẽ bị xua tan, và Chúa, Đấng đã chết vì chúng ta trên thập tự giá, sẽ xuất hiện để làm quan xét xử chúng ta. Tỉnh thức trông chờ Chúa đến có nghĩa là không để chúng ta bị sự nản lòng khuất phục. Đó là sống trong hy vọng. Cũng như trước khi chúng ta chào đời, những người thân yêu của chúng ta đã chờ đợi chúng ta đến với thế giới, cũng thế Tình yêu nhập thể đang chờ đợi chúng ta. Nếu chúng ta được chờ đợi trên Thiên đàng, thì tại sao chúng ta lại phải vướng bận với những mối bận tâm của trần thế? Tại sao chúng ta phải lo lắng về tiền bạc, danh vọng, thành công, tất cả những thứ ấy đều sẽ qua đi? Tại sao chúng ta phải lãng phí thời gian để phàn nàn về đêm đen, khi ánh sáng ban ngày đang chờ đợi chúng ta? Tại sao chúng ta phải tìm kiếm “những người đỡ đầu” để giúp chúng ta thăng tiến trong sự nghiệp? Tất cả những điều này sẽ qua đi. Hãy tỉnh thức, Chúa nói với chúng ta như thế.
Giữ cho mình tỉnh thức không phải là điều dễ dàng; nó thực sự là khá khó khăn. Ban đêm ngủ vùi là chuyện đương nhiên. Ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu cũng không thức nổi khi Người bảo họ hãy tỉnh thức “dù là chiều tối, lúc nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng” (x. câu 35). Đó là những lúc họ không tỉnh táo: buổi tối, trong bữa Tiệc Ly, họ phản bội Chúa Giêsu; vào nửa đêm, họ ngủ gật; lúc gà gáy, họ chối bỏ Người; vào buổi sáng, họ để Người bị kết án tử hình. Họ đã không tỉnh thức. Họ ngủ thiếp đi. Nhưng chính cơn buồn ngủ đó cũng có thể chế ngự chúng ta. Có một kiểu ngủ vùi nguy hiểm: đó là ngủ say trong những điều tầm thường. Nó xảy ra khi chúng ta quên đi mối tình đầu của mình và trở nên hài lòng với sự thờ ơ, chỉ quan tâm đến một hiện sinh không rắc rối. Nếu không cố gắng yêu mến Thiên Chúa hàng ngày và chờ đợi sự mới mẻ mà Ngài không ngừng mang lại, theo thời gian, chúng ta trở nên tầm thường, và hờ hững. Và điều này từ từ ăn mòn đức tin của chúng ta, vì đức tin trái ngược hẳn với những điều tầm thường: đức tin là lòng khao khát nhiệt thành đối với Chúa, đi kèm với nỗ lực hoán cải táo bạo, can đảm yêu thương, tiến bộ không ngừng. Niềm tin không phải là nước dập tắt ngọn lửa, nó là ngọn lửa bùng cháy; Nó không phải là liều thuốc an thần cho những người đang bị căng thẳng, nó là một câu chuyện tình yêu dành cho những người đang yêu! Đó là lý do tại sao trên hết mọi sự, Chúa Giêsu rất ghét sự thờ ơ (xem Kh 3:16). Thiên Chúa rõ ràng chán ghét sự hững hờ.
Làm thế nào chúng ta có thể vực dậy bản thân để khỏi say ngủ trong những điều tầm thường? Thưa: với sự tỉnh thức của lời cầu nguyện. Khi cầu nguyện, chúng ta thắp một ngọn nến trong bóng tối. Lời cầu nguyện đánh thức chúng ta khỏi sự tẻ nhạt của một hiện sinh thuần túy theo chiều ngang và giúp chúng ta nâng tầm nhìn lên những điều cao cả hơn; và làm cho chúng ta hòa hợp với Chúa. Cầu nguyện cho phép Chúa gần gũi chúng ta; cầu nguyện giải phóng chúng ta khỏi sự cô độc và mang đến cho chúng ta hy vọng. Cầu nguyện là điều thiết yếu cho cuộc sống: cũng như chúng ta không thể sống mà không thở, cũng thế chúng ta không thể là Kitô hữu mà không cầu nguyện. Chúng ta cần biết bao những Kitô hữu, những người luôn canh giữ cho những kẻ ngủ mê, những người thờ phượng cầu thay nguyện giúp ngày đêm, mang đến trước mặt Chúa Giêsu, ánh sáng của thế giới, và bóng tối của lịch sử. Chúng ta cần những người thờ phượng biết bao. Chúng ta đã đánh mất một điều gì đó liên quan đến cảm thức thờ phượng của chúng ta, đến việc đứng yên trong thinh lặng tôn thờ trước mặt Chúa. Chúng ta đã quen với những điều tầm thường, với sự hờ hững.
Cũng có một loại say ngủ nội tâm khác: đó là ngủ vùi trong sự thờ ơ. Những người thờ ơ xem mọi thứ đều giống nhau, như thể trong đêm đen; họ không quan tâm đến những người xung quanh họ. Khi mọi thứ xoay quanh chúng ta và quanh các nhu cầu của chúng ta, chúng ta thờ ơ với nhu cầu của người khác, màn đêm dần buông xuống trong tâm hồn chúng ta. Trái tim của chúng ta trở nên tối tăm. Chúng ta ngay lập tức bắt đầu phàn nàn về mọi thứ và mọi người; chúng ta bắt đầu cảm thấy mình là nạn nhân của mọi người và trở nên cay đắng với mọi thứ. Đó là một vòng luẩn quẩn. Ngày nay, màn đêm đó dường như đã chụp xuống trên quá nhiều người, những người chỉ đòi hỏi những thứ cho bản thân và đui mù trước nhu cầu của người khác.
Làm thế nào để chúng ta vực dậy bản thân khỏi giấc ngủ của sự thờ ơ? Thưa: với sự tỉnh thức của lòng bác ái. Để đánh thức chúng ta khỏi ngủ say trong những điều tầm thường và sự lạnh nhạt đó, cần có sự tỉnh thức của lời cầu nguyện. Để đánh thức chúng ta khỏi ngủ say trong sự thờ ơ, cần có sự tỉnh thức của lòng bác ái. Bác ái là nhịp tim đập của Kitô hữu: cũng như người ta không thể sống mà không có nhịp tim đập, thì người ta cũng không thể là Kitô hữu mà không có lòng bác ái. Một số người dường như nghĩ rằng lòng nhân ái, giúp đỡ và phục vụ người khác là dành cho những người thất bại trên đường đời. Tuy nhiên, đây là những điều duy nhất mang lại chiến thắng cho chúng ta, vì chúng ta đã biết hướng tới tương lai, hướng đến ngày của Chúa, tất cả những điều khác sẽ qua đi và chỉ có tình yêu mới tồn tại muôn đời. Chính nhờ những việc làm của lòng thương xót mà chúng ta đến gần Chúa. Đây là những gì chúng ta kêu cầu trong lời nguyện mở đầu thánh lễ hôm nay: “xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện, để đón chào Con Chúa đang ngự đến”. Đó là quyết tâm chạy ra để gặp Chúa Kitô bằng những việc lành phúc đức. Chúa Giêsu đang đến, và con đường để gặp Người được đánh dấu rõ ràng: đó là thông qua các công việc bác ái.
Anh chị em thân mến, cầu nguyện và yêu thương: đó là ý nghĩa của sự tỉnh thức. Khi Giáo Hội thờ phượng Chúa và phục vụ người lân cận của chúng ta, thì Giáo Hội không sống trong đêm đen. Bất kể yếu đuối và mệt mỏi, Giáo Hội đang hành trình về phía Chúa. Giờ đây chúng ta hãy cầu khẩn Người. Lạy Chúa, xin hãy đến! chúng con cần Chúa! Xin Chúa đến bên chúng con. Chúa là ánh sáng. Xin đánh thức chúng con khỏi ngủ vùi trong những điều tầm thường; xin đánh thức chúng con khỏi bóng tối của sự thờ ơ. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, xin hãy biến tâm hồn xao lãng của chúng con thành những trái tim tỉnh thức. Xin khơi dậy trong chúng con khát vọng cầu nguyện và nhu cầu yêu thương.
Source:Libreria Editrice Vaticana
Tổng thống Trump yêu cầu Tối Cao Pháp Viện can thiệp cho các tổ chức bác ái bị California quấy rối
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:12 29/11/2020
1. Tổng thống Trump can thiệp cho các tổ chức bác ái đang bị tiểu bang California quấy rối
Tổng thống Trump đã đích thân can thiệp và yêu cầu Tòa án Tối cao xem xét một yêu cầu của California theo đó các tổ chức bác ái buộc phải tiết lộ cho Bộ Tư Pháp tiểu bang danh sách các nhà tài trợ.
Trung tâm Luật Thomas More, là tổ chức đang thay mặt các tổ chức bác ái chống lại yêu cầu này của tiểu bang California nói rằng yêu cầu như thế sẽ khiến các nhà tài trợ rút lui không dám tài trợ nữa vì sợ bị trả thù, quấy rối và thậm chí phải hứng chịu các hình thái bạo lực như cửa hàng và văn phòng của họ có thể bị đốt phá và cướp bóc.
Động thái từ Văn phòng Tổng luật sư Hoa Kỳ của chính quyền Tổng thống Trump đã nhận được những lời khen ngợi từ John Bursch, cố vấn cao cấp luật sư đoàn trong Liên minh Bảo vệ Tự do.
“Các tổ chức bác ái không thể bị yêu cầu tiết lộ các thông tin liên quan đến các nhà tài trợ của họ cho các quan chức nhà nước, là những người không cần đến những thông tin ấy, và họ là những người không thể bảo đảm đầy đủ rằng danh tính của các nhà tài trợ sẽ không bị tiết lộ ra cho công chúng,” ông Bursch nói.
Ông nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi hài lòng rằng chính quyền của Tổng thống Trump đồng ý rằng trường hợp này gây ra những vấn đề cực kỳ quan trọng cho các tổ chức bác ái, và Tòa án Tối cao nên quyết định ngay lập tức. Việc buộc phải tiết lộ thông tin về nhà tài trợ là mối đe dọa đối với tất cả mọi người và không khuyến khích các hoạt động bác ái.”
Liên minh Bảo vệ Tự do ủng hộ khiếu nại của Trung tâm Luật Thomas More có trụ sở tại Michigan trong vụ việc này. Trong một tuyên bố vào tháng 8 năm 2019, Liên minh Bảo vệ Tự do ca ngợi Trung tâm Luật Thomas More vì “những hoạt động thúc đẩy các vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo, các giá trị đạo đức và gia đình cũng như sự tôn nghiêm của cuộc sống con người”.
Tổ chức Người Mỹ vì Thịnh vượng cũng lên tiếng chống lại yêu sách quá quắt của tiểu bang California.
Quyền Tổng luật sư Jeffrey B. Wall đã đệ đơn yêu cầu Tối Cao Pháp Viện mở một phiên điều trần về vụ án. Các tổ chức bác ái đã thắng kiện tại tòa án quận liên bang nhưng đã thất bại trước Tòa phúc thẩm thứ 9. Vì thế, vấn đề phải đưa lên đến Tối Cao Pháp Viện.
Source:Catholic News Agency
2. Các giám mục Anh 'vui mừng' về việc tiếp tục thờ phượng công khai vào ngày 2 tháng 12
Các giám mục Công Giáo của Anh nói rằng các ngài “vui mừng” thấy rằng việc thờ phượng công khai sẽ được tái tục khi lệnh cách ly vì COVID-19 trên toàn quốc hết hạn vào ngày 2 tháng 12.
Vào ngày đó, Anh sẽ có một hệ thống ba cấp hạn chế coronavirus, tùy theo từng vùng, nhưng chính phủ Anh đã xác nhận rằng việc thờ phượng nơi công cộng sẽ được cho phép ngay cả trong các vùng áp dụng cấp độ 3, là cấp độ nghiêm ngặt nhất.
Cha Christopher Thomas, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Anh và xứ Wales nói: “Quyết định này phản ánh tầm quan trọng của nhân quyền căn bản theo đó tất cả mọi người phải được quyền thể hiện đức tin của mình trong việc thờ phượng, nhưng quan trọng hơn, nó là sự thừa nhận về sự hợp tác tích cực mà Giáo Hội chúng ta đã có với các quan chức nhà nước trong việc phát triển các giao thức phòng chống COVID trong các nhà thờ của chúng ta”.
“Khi chúng ta tiến về phía trước, đương nhiên là tất cả những ai đến thờ phượng Thiên Chúa trong các nhà thờ của chúng ta sẽ phải đóng một vai trò của họ trong việc giữ cho mình và những người khác an toàn bằng cách làm theo tất cả các hướng dẫn đã được chuẩn bị. Qua cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể và các bí tích khác được cử hành trong Giáo hội, các công việc bác ái đã được thể hiện qua các tổ chức từ thiện và cộng đồng Công Giáo trong chín tháng qua tìm thấy nguồn gốc và mục tiêu của nó”.
Các giám mục đã đặt vấn đề đối với quyết định của chính phủ cấm các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự khi cuộc cô lập lần thứ hai bắt đầu vào ngày 5 tháng 11. Các ngài tranh luận rằng Giáo Hội Công Giáo đã ban hành các giao thức phòng chống dịch bệnh để làm cho các nhà thờ an toàn cho người dân tham dự.
Tô Cách Lan cũng đã ban hành một hệ thống nhiều cấp để hạn chế coronavirus, nhưng không ngăn chặn việc thờ phượng công cộng. Bắc Ireland, theo gương Anh, cũng cấm các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự trong hai tuần để làm chậm sự lây lan của virus.
Source:Crux
3. Giáo Hội tại Pháp phản đối chính quyền giới hạn tối đa 30 người tham dự Thánh lễ.
Trong khi tại Anh các Giám Mục tỏ ra vui mừng thì tại Pháp các Giám Mục đã bày tỏ những thất vọng của các ngài. Pháp đã nới lỏng tình trạng cách ly chống Covid-19 vào hôm 28 tháng 11. Nhưng các giám mục Pháp không hài lòng với quyết định của chính phủ về việc giới hạn số người tham dự Thánh lễ ở mức 30 người. Các ngài cho rằng đây là quyết định không thực tế.
Tối thứ Ba 24 tháng 11 năm 2020, Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp nói rằng giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng coronavirus thứ hai đã qua. Nhưng ông cảnh báo rằng “Chúng ta phải làm mọi thứ để tránh bị phong tỏa lần thứ ba.” Ông cho biết các nhà hàng, quán cà phê và quán bar sẽ đóng cửa cho đến ngày 20 tháng 1 năm 2021 để tránh tạo nên làn sóng coronavirus thứ ba.
Việc nới lỏng phong tỏa sẽ bắt đầu từ thứ Bảy 28 tháng 11 năm 2020, các cửa hàng sẽ mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa kéo dài một tháng, được áp dụng từ ngày 30 tháng 10 năm 2020. Vào giữa tháng 12 năm 2020, lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ nếu số ca nhiễm mới giảm xuống chỉ còn khoảng 5,000 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận mỗi ngày và mọi người sẽ được tự do đi lại khắp đất nước để gặp gia đình và bạn bè trong dịp Giáng sinh. Các rạp chiếu phim và rạp chiếu phim cũng sẽ được phép mở cửa trở lại.
Tuy nhiên không phải mọi người đều hài lòng với quyết định của chính quyền. Trong một thông cáo, Hội đồng giám mục Pháp cho biết việc cho phép cử hành lại Thánh lễ với tối đa 30 người tham dự vừa gây thất vọng, vừa gây ngạc nhiên.
Thông cáo nói rằng vấn đề đã được thảo luận trong một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp và Chủ tịch Hội đồng Giám mục, là Ðức Tổng Giám mục Eric de Moulins-Beaufort. Ðức Tổng Giám mục đã đăng một tweet vào tối thứ Ba, nói rằng tiếng nói Công Giáo đã không được lắng nghe và Hội đồng giám mục đang yêu cầu sửa đổi các biện pháp.
Hôm thứ Tư 25 tháng 11 năm 2020, các giám mục Pháp cho biết sáng thứ Năm 26 tháng 11 năm 2020 chính phủ Pháp sẽ xác định một biện pháp thực tế, nhưng chặt chẽ, để thực hiện trong hai giai đoạn: thứ Bảy 28 tháng 11 năm 2020 và sau đó sẽ đánh giá lại vào ngày 15 tháng 12 năm 2020.
Sáng thứ Năm 26 tháng 11 năm 2020 Thủ tướng Jean Castex đã xác nhận quyết định của chính phủ về việc hạn chế số người tham dự Thánh lễ.
Các giám mục Pháp đặt câu hỏi về các tiêu chí thực sự được chính phủ sử dụng để đặt ra các điều kiện cho việc hạn chế này. Các Giám mục chỉ rõ: “Dĩ nhiên là các tôn giáo không phải là công việc kinh doanh, nhưng đối xử với các tôn giáo theo cách này là coi đức tin của hàng triệu tín đồ như một điều thứ yếu. Ðây là một sai lầm nghiêm trọng đối với toàn bộ xã hội của chúng ta.”
Thủ tướng cam kết sẽ mở cuộc thảo luận sớm để cho phép sự tham dự tương ứng với kích thước của các nhà thờ. Do đó, Hội đồng Giám mục Pháp kêu gọi “tham vấn thật sự, hiệu quả hơn để đạt được một thỏa thuận.” Hội đồng giám mục Pháp cho biết các Giám Mục không loại trừ khả năng viện tới pháp lý.
Source:Catholic News Agency
4. Các tôn giáo gần như bị xóa sổ hoàn toàn ở Bắc Triều Tiên
Cuộc đàn áp tôn giáo ở Bắc Triều Tiên là một trong những cuộc đàn áp khắc nghiệt nhất trên thế giới. Khi chế độ cộng sản bắt đầu thống trị miền đất này, các tín ngưỡng tôn giáo bị coi là các lực lượng phản động, chống phá nhà nước và các tín hữu bị trừng phạt như những người đã phạm các tội ác chính trị.
Một tầm nhìn rõ ràng về tình hình là không thể có được từ những thông tin ít oi, ỏi rò rỉ từ phía sau bức màn sắt.
Dù chỉ có các dữ liệu hạn chế, Trung tâm Cơ sở dữ liệu về Nhân quyền Triều Tiên, gọi tắt là NKDB, đã xuất bản sách trắng về tự do tôn giáo ở Triều Tiên hàng năm kể từ năm 2007, tổng hợp những thông tin vụn vặt có sẵn, đặc biệt là từ những người đào thoát sang miền Nam.
Năm nay, Trung tâm đã có thể thu thập thông tin từ 1,234 trốn thoát. Họ xác nhận lệnh cấm tất cả các hoạt động tôn giáo và sự đàn áp khắc nghiệt đối với các tín hữu.
Khoảng 46% số người được hỏi xác nhận rằng những người tham gia vào các hoạt động tôn giáo bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức. Khoảng 38.6% nói rằng họ không biết về các hình phạt vì họ không biết gì về tôn giáo.
Theo Trung tâm, cuộc đàn áp tôn giáo đã gia tăng sau khi Kim Chính Ân, hay còn gọi là Kim Jong-un, ban hành một sắc lệnh vào tháng 4 năm 2014 nhằm “bắt giữ những người có liên hệ với Kitô Giáo”.
Kể từ đó, các lực lượng an ninh đã tích cực tìm kiếm các tín đồ tôn giáo trong khi đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm các Kitô hữu trong số những người Triều Tiên đào tẩu sang Trung Quốc.
Báo cáo nói tiếp rằng, bất chấp cuộc đàn áp, số người “đọc Kinh thánh” đã tăng 4% mỗi năm kể từ năm 2000.
Trước năm 2000, chỉ có 16 người tuyên bố đã có trải nghiệm như vậy. Sau năm 2000, có tới 559 người Bắc Triều Tiên đào tẩu nói rằng họ đã “thấy một cuốn Kinh thánh”.
Trong các năm qua, các nhóm hoạt động nhân quyền tại Nam Hàn đã liên tục thả các bong bóng trong đó có các nhu yếu phẩm, Kinh Thánh và các sách báo khác sang miền bắc.
Source:Asia News