Ngày 30-11-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng Năm C 1/12 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:14 30/11/2024

BÀI ĐỌC 1 Gr 33, 14 - 16
Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Này sẽ đến những ngày sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về Giu-đa. Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực. Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp. Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành: “Đức-Chúa-là-sự-công-chính-của-chúng-ta!” Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Tx 3, 12 – 4, 2
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Thưa anh em, xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người. Vả lại, thưa anh em, anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế; vậy nhân danh Chúa Giê-su, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa. Hẳn anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giê-su mà ra những chỉ thị nào cho anh em. Đó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Thánh Vịnh 24:4-5, 8-9, 10-14.
Lạy Chúa, con nâng hồn lên tới Chúa, con hướng hồn lên nhan Ngài.

TUNG HÔ TIN MỪNG Tv 84:8
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa và ban ơn cứu độ cho chúng con. Ha-lê-lui-a.

TIN MỪNG Lc 21, 25 – 28. 34 - 36
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca. Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc. “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” Đó là Lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:12 30/11/2024

34. Sức mạnh của cầu nguyện không hệ tại lời nói, nhưng hệ tại sự thành khẩn của tâm hồn, suốt đời tránh ác hành thiện.

(Thánh Basil tiến sĩ)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:15 30/11/2024
7. VỢ BIẾN THÀNH THIẾP

Có một phụ nữ tính hay ghen ghét nhưng lại thông minh, mỗi khi nghe chồng nói đến chuyện kiếm tiểu thiếp (vợ bé) thì bà ta nói:

- “Gia cảnh của ông nghèo khó, tiền đâu mà đi mua vợ bé chứ? Nếu ông có tiền thì tôi bằng lòng”.

Không lâu sau, ông chồng bèn đi mượn tiền của người quen ở đó, về nhà nói với vợ:

- “Tiền đây nè, xin cho tôi cưới vợ bé”.

Bà vợ lấy tiền bỏ vào trong tay áo của mình, quỳ xuống lạy và nói:

- “Hôm nay tôi tình nguyện làm vợ bé, tiền này coi như là mua tôi vậy !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 7:

Người có tính ghen ghét nhưng lại thông minh thì thường là xảo trá gian ngoa, bởi vì người thông minh mà không có đạo đức thì là người nguy hiểm cho xã hội.

Có những giáo dân rất thông minh nhưng lại hay chỉ trích người khác, thế là sự thông minh của họ thiếu một điều quan trọng là tại sao không cầu nguyện mà lại đi chỉ trích, bởi vì thông minh mà thiếu vắng ân sủng của Thiên Chúa thì trở thành kiêu ngạo và là mầm mống của những phản loạn.

Có một vài cha phó năng nổ làm việc nhưng lại có thành kiến với một vài giáo dân trong giáo xứ, nếu được cha sở phân công tham gia các hoạt động nhưng nếu có những giáo dân mà ngài không thích ấy cũng tham gia, thì ngài sẽ từ chối sự phân công của cha sở, các cha phó này đều là những nguyên nhân gây mầm chia rẽ trong giáo xứ, bởi vì năng nổ kiểu này không do đạo đức nhiệt thành mà có, nhưng là vì kiêu ngạo và vì bản thân muốn được nổi tiếng mà ra...

Từ vợ qua thiếp chỉ cách nhau có một tờ giấy bạc vì lòng tham, nhưng từ thiếp qua vợ chính thì chỉ cách nhau cả một tấm lòng yêu thương.

Ai có tai thì nghe, có trí thì suy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Cầu nguyện và thức tỉnh
Lm. Minh Anh
18:02 30/11/2024
NHỮNG LẦN ĐẾN XEN KẼ

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!”.

“Ở châu Phi, mỗi buổi sáng, một con linh dương thức dậy; nó biết, nó phải chạy nhanh hơn một con sư tử nhanh nhất - bằng không, nó sẽ bị giết. Cũng thế, một con sư tử biết, nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất - bằng không, nó sẽ chết đói. Không quan trọng bạn là sư tử hay linh dương; khi mặt trời mọc, các bạn cần ‘thức nhau dậy’ để chạy!” - Herb Caen.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Vọng mời gọi chúng ta tỉnh thức và ‘thức nhau dậy’ khi khởi đầu một năm phụng vụ mới! “Vọng”, “Adventus”, có nghĩa là ‘đến’. Chúa Giêsu đến lần thứ nhất vào lễ Giáng Sinh mà chúng ta đang hướng về! Ngài đến lần thứ hai vào Ngày Quang Lâm. Nhưng đó không phải là toàn bộ! Ngài còn đến vào ‘những lần đến thứ ba’, ‘những lần đến xen kẽ!’.

Giêrêmia nói về một Đấng sẽ đến; Ngài là Vua, Đấng Cứu Độ, “Đã đến ngày Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít” - bài đọc một - ám chỉ sự ra đời của Hài Nhi Giêsu ở Bêlem. Tin Mừng nói đến ngày cánh chung của thế giới, của mỗi người “như một chiếc lưới bất thần chụp xuống”; “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”.

Giữa hai lần đến đó, tuy nhiên, Chúa Giêsu còn đến vào ‘những lần đến xen kẽ’, tạo thành một liên kết - không thể thiếu - giữa hai lần đến kia. Chúng mời gọi mỗi chúng ta chào đón Ngài vào cuộc sống của mình ‘ở đây và lúc này’; những cuộc gặp gỡ, chào đón Ngài đang diễn ra mỗi ngày khi chúng ta đón nhận nhau trong tình bác ái, “Xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người!” - bài đọc hai. Bằng việc thân ái đón nhận nhau, chúng ta thừa nhận sự ra đời của Chúa Giêsu tại Bêlem và chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài.

Bạn và tôi sẽ làm gì suốt Mùa Vọng này? Chạy thật nhanh như những con linh dương hay sư tử châu Phi? Chạy đi đâu? Hay quan trọng hơn, tỉnh thức và ‘thức nhau dậy?’. Phải, chúng ta không để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa. “Say sưa” ở đây không chỉ nhắm đến đồ ăn thức uống, nhưng còn là những gì làm cho lòng người chếnh choáng, những đam mê tội lỗi và tính hư nết xấu khiến chúng ta ‘xa Chúa, xa người!’.

Anh Chị em,

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!”. Không chỉ tỉnh thức, chúng ta còn giúp nhau cầu nguyện, hiệp thông với Chúa Giêsu và với nhau trong yêu mến; siêng năng lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Hoà Giải và Thánh Thể; cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, phân định những soi rọi của Thánh Thần. Không chỉ lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta còn lắng nghe nhau, cùng nhau tìm điều đẹp lòng Chúa để sống và làm theo ý Ngài. “Trong bốn tuần lễ, chúng ta được mời gọi ra khỏi lối sống cam chịu, ra khỏi những nuông chiều theo những tập quán thường ngày bằng cách nuôi dưỡng hy vọng, nuôi dưỡng mơ ước một tương lai mới mẻ. Đừng để lối sống ích kỷ hoặc nhịp sống căng thẳng ồ ạt đè nén! Những lời quyết liệt của Chúa Giêsu đang vang dội: “Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa”; “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!”” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để mùa hồng ân này trôi qua vô ích; dạy con cách thức đón Chúa trong ‘những lần đến xen kẽ’, và như thế, con sẽ có một lễ Giáng Sinh ý nghĩa nhất!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Suy niệm 2/12/2024
Giáo hội năm châu
20:34 30/11/2024
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Quá khứ, hiện tại và tương lai của Mùa Vọng
Vũ Văn An
13:57 30/11/2024
Liệu chúng ta đã sẵn sàng cho lễ kỷ niệm Chúa Kitô đến lần đầu tiên trong vài tuần nữa chưa?

Ảnh: Anne Nygård/Unsplash.com


Trên Catholic World Report ngày 29 tháng 11 năm 2024 David Paul Deavel (*) nhận định rằng đối với một số Ki-tô hữu, Mùa Vọng chỉ đơn giản là một sự hỗ trợ cho trí nhớ. Chắc chắn là như vậy. Nó còn hơn thế nữa. Vì Mùa Vọng không chỉ là mùa để tưởng nhớ những gì đã xảy ra từ lâu để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm phụng vụ về Chúa Giáng sinh, chuẩn bị để đón nhận Người vào lòng mình trong các bí tích và trong lời cầu nguyện, và chuẩn bị để đón nhận Người khi Người tái lâm để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Mùa Vọng là về quá khứ, hiện tại và tương lai.

Chúng ta có xu hướng tập trung vào điều đầu tiên. Vì không chỉ cần thiết mà còn đáng lưu ý khi nhớ lại cách Chúa đã thực hiện lời hứa của Người. Thật tuyệt vời khi nghĩ lại những lời tiên tri của Isaiah và các tiên tri khác về một ánh sáng trong bóng tối, một cố vấn tuyệt vời, một hoàng tử của hòa bình! Thật tuyệt vời khi kể lại khoảng thời gian chờ đợi Đấng giải cứu Israel đã được hứa từ lâu! Thật tuyệt vời khi kể lại sự thụ thai và ra đời kỳ diệu của người tiền hô và cũng là anh em họ của Chúa Giêsu, Gioan Tẩy Giả! Càng tuyệt vời hơn khi kể lại chính Chúa! Trong nghi lễ Rôma thông thường, tường thuật về Truyền tin được đọc trong Tin mừng vào Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Mẹ Guadalupe và Thứ Sáu trong Tuần thứ Ba Mùa Vọng. Tường thuật về Thăm viếng được đọc vào ngày 21 tháng 12. Theo khuôn mẫu thông thường của phụng vụ Công Giáo, trong đó chúng ta dự ứng sớm những gì chúng ta sẽ cử hành vào ngày lễ chính, chúng ta sẽ nghe tường thuật ngắn hơn về Giáng sinh được ghi trong Mát-thêu vào ngày 18 tháng 12.

Ghi nhớ tất cả những điều này và suy gẫm chúng trong lòng tự bản thân nó là một món quà tuyệt vời. Thật tốt khi ghi nhớ những gì Chúa đã làm trong quá khứ của chính chúng ta và trong quá khứ của toàn thể chủng tộc chúng ta. Khi còn nhỏ, tất cả các Ki-tô hữu ở quê tôi đã tụ họp lại để tổ chức một sự kiện được gọi là Holy Walk, trong đó các nhóm người sẽ đi bộ trên một con đường mòn tại một trang trại địa phương (hiện nằm trong một công viên trong khu vực) cho đến khi họ đến Bê-lem. Họ gặp những người lính La Mã thân thiện và tàn bạo, những người chăn cừu bẩn thỉu nhưng khiêm nhường và những người hành hương khác. Những người hành hương kết thúc hành trình của họ tại máng cỏ và sau đó là trên một cánh đồng để lắng nghe dàn hợp xướng của các thiên thần.

Mặc dù phần lớn do những người Thệ phản điều hành, nhưng Bremen Holy Walk là (và chắc chắn vẫn là) một trải nghiệm đáng chú ý đối với tất cả những ai muốn sử dụng trí tưởng tượng của mình theo cách mà Thánh I-nha-xi-ô khuyến khích. Chúng tôi đặt mình vào bối cảnh trong Kinh thánh, tưởng tượng xem chúng tôi sẽ nghĩ gì, cảm thấy gì và làm gì nếu chúng tôi là Đức Maria hoặc Thánh Giu-se hoặc một người chăn cừu. Chúng tôi đã trải nghiệm sự thô lỗ của những người lính La Mã và tưởng tượng xem sẽ như thế nào khi trở thành một dân tộc bị chinh phục và được hứa ban cho một vương quốc.

Đó là một cách lý tưởng để chuẩn bị lắng nghe những lời trong toàn bộ câu chuyện Giáng sinh vào chính ngày đó và nhận ra sự kiện đó có ý nghĩa gì. Một cách để kỷ niệm ngày sinh của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi Người đã trở thành một trong chúng ta.

Tuy nhiên, Cuộc đi bộ Thánh đó, giống như tất cả các truyền thống Mùa Vọng đã phát triển trong cộng đồng Kitô hữu, luôn là một trải nghiệm cảm động vì sự suy gẫm về những gì chúng ta sẽ làm, nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh của những người ở đó vào thời điểm đó, đã khiến hầu hết chúng ta bắt đầu suy nghĩ về khía cạnh thứ hai của sự chuẩn bị cho Mùa Vọng: những gì chúng ta nên làm ngay bây giờ để chào đón Chúa Kitô vào lòng mình. Những người bạn Thệ phản của tôi tin rằng việc nuôi dưỡng ký ức về sự ra đời của Chúa Kitô trên thế giới này khi còn là một đứa trẻ có mục tiêu là chuẩn bị tâm trí và trái tim để đón nhận món quà ân sủng của Người. Họ muốn những người đi bộ sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa Giêsu kêu gọi họ chấp nhận Quyền làm Chúa của Người trong cuộc sống của họ.

Họ đã không sai.

Tuy nhiên, đối với những người Công Giáo, chắc chắn còn nhiều điều hơn thế nữa. Chúng ta, những người đã được rửa tội trong Chúa Kitô, giờ đây có khả năng đón nhận sự hiện diện của Người theo cách trọn vẹn nhất có thể trong Bí tích Thánh Thể. Mặc dù Mùa Vọng là thời gian đầy hy vọng và vui tươi trong lịch của Giáo hội, nhưng đây cũng là thời gian chuẩn bị và sám hối. Đây là thời gian để thú nhận tội lỗi của chúng ta, từ bỏ những điều tốt đẹp vốn là quà tặng để chúng ta có thể chào đón Món quà đích thực đến với chúng ta không chỉ vào dịp Giáng sinh mà còn vào mọi khoảnh khắc và theo cách đáng chú ý nhất là trong Thánh lễ. Đây là thời gian để thực hành đức tin, đức tin được bảo đảm về những thực tế vượt ra ngoài tầm nhìn. “Chúng ta có thể mong muốn được ở Bê-lem để đón nhận Người”, Chân phước Columba Marmion viết. “Nhưng Người đang ở đây và ban chính Người cho chúng ta trong Bí tích Thánh thể với nhiều thực tế mặc dù các giác quan của chúng ta ít có khả năng tìm thấy Người hơn”.

Tìm thấy Chúa Kitô ở đây và bây giờ, đặc biệt là tìm thấy Người ở nơi Người đã hứa sẽ ở - thân thể, máu, linh hồn và thần tính được ban cho chúng ta để nuôi dưỡng và sống - là nhiệm vụ của tất cả cuộc sống chúng ta. Đó là điều chúng ta nên nghĩ đến khi mọi người nói về tinh thần Giáng sinh trong suốt cả năm. Và chúng ta tìm kiếm Chúa đã đến với chúng ta vì Người không chỉ đến với chúng ta để ở cùng chúng ta trong tội lỗi và đau khổ của chúng ta; Người đến với chúng ta để dẫn chúng ta về nhà với Chúa Cha. Điều này dẫn chúng ta đến khía cạnh tương lai của Mùa Vọng.

Chúng ta chuẩn bị để mừng Chúa Con như một trong chúng ta; chúng ta chuẩn bị để mừng và đón nhận Chúa Con khi Người đến với chúng ta qua Chúa Thánh Thần, đặc biệt là trong bí tích Thánh Thể; và chúng ta chuẩn bị để mừng và đón nhận Người khi Người trở lại vào lúc tận thế để trao lại mọi sự cho Cha Người.

Cũng như các Tin mừng Mùa Vọng giúp chúng ta nhớ lại sự chuẩn bị cho lần đến đầu tiên trong sự nghèo khó và khiêm nhường, thì các bài đọc tiên tri cũng chuẩn bị cho chúng ta cho lần đến thứ hai trong vinh quang. Vào ngày 1 tháng 12, bài đọc từ Isaia 2 cho chúng ta biết rằng khi Người đến: “Người sẽ xét xử giữa các dân tộc, và áp đặt các điều khoản cho nhiều dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành lưỡi cày và đúc giáo mác thành lưỡi liềm; Một dân tộc sẽ không còn vung gươm đánh nhau, và họ sẽ không còn luyện tập chiến tranh nữa”.

Liệu chúng ta có sẵn sàng cho lễ mừng Chúa Kitô đến lần đầu tiên trong vài tuần nữa không? Chỉ khi chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho việc Người liên tục ngự xuống trên bàn thờ và trên bàn thờ cuộc sống của chúng ta.

(Ghi chú của biên tập viên: Đã in lại với sự cho phép của The Catholic Servant.)

________________________________________

(*) David Paul Deavel là Phó Giáo sư Thần học tại Đại học St. Thomas ở Houston, TX và là Cộng tác viên cao cấp tại The Imaginative Conservative. Phiên bản bìa mềm Solzhenitsyn and American Culture: The Russian Soul in the West [Solzhenitsyn và Văn hóa Mỹ: Linh hồn Nga ở phương Tây], biên tập với Jessica Hooten Wilson, hiện đã có phiên bản bìa mềm.
 
Linh mục Công Giáo lớn tuổi nhất ở Nigeria qua đời ở tuổi 104
Đặng Tự Do
15:52 30/11/2024


Cha Thomas Oleghe, vị linh mục lớn tuổi nhất ở Nigeria đã qua đời ở tuổi 104.

Cha Oleghe qua đời vào sáng sớm ngày 24 tháng 11, ngày lễ trọng Chúa Kitô Vua, giám mục Giáo phận Auchi thông báo trong một tuyên bố.

“Với lòng biết ơn Chúa vì một cuộc sống tốt đẹp trên trần gian, tôi xin thông báo với anh chị em về sự ra đi của Đức Cha MSGR Thomas Oleghe, vị linh mục Công Giáo lớn tuổi nhất ở Nigeria tính đến hôm nay, về cõi vĩnh hằng vào khoảng 2 giờ 30 sáng nay ngày 24 tháng 11 năm 2024,” Đức Cha Gabriel Ghiakhomo Dunia viết trong tuyên bố.

Đức Cha thông báo rằng lễ tang cho Cha Oleghe sẽ diễn ra vào ngày 27 tháng 11.

“Cầu mong linh hồn đáng yêu và dịu dàng của ngài tiếp tục được an nghỉ trong sự bình yên trọn vẹn. Amen,”

Sinh vào tháng 2 năm 1920, Cha Oleghe được thụ phong linh mục vào tháng 12 năm 1957. Ngài phục vụ tại nhiều giáo xứ khác nhau trong giáo phận Auchi, bao gồm Giáo xứ Thánh Gioan Tông đồ Igarra, nơi ngài khởi xướng các cuộc cải cách đặt nền móng cho vị thế vinh quang của nhà thờ ngày nay.

Trong một tuyên bố, cựu Thống đốc bang Edo, Godwin Obaseki đã ca ngợi Cha Oleghe là “nhà truyền giáo vĩ đại của đức tin Công Giáo”.

“Tôi vô cùng đau buồn trước tin tức về sự ra đi của vị linh mục Công Giáo lớn tuổi nhất ở Nigeria, Cha Thomas Oleghe,” Obaseki cho biết.

“Ngài là một linh mục tận tụy và giàu lòng trắc ẩn, người đã làm việc vì sự phát triển của đức tin Kitô giáo và sự phát triển của cộng đồng. Ngài vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều người và là hình mẫu mà nhiều người trẻ ngưỡng mộ”, ông nói.

“ Tôi ca ngợi sự phục vụ có ảnh hưởng của ngài đối với Chúa và nhân loại, làm việc và khen ngợi công việc của ngài tại vườn nho của Chúa ở bang Edo, nơi ngài đã phục vụ nhiều năm để thúc đẩy hòa bình và phát triển”.

Chia buồn cùng Đức Giám Mục Dunia và toàn thể cộng đồng Công Giáo Nigeria, Obaseki cầu nguyện rằng “Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi sức mạnh để chịu đựng mất mát không thể bù đắp được”.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ đại diện cho Edo North, Adams Oshiomhole, bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của vị linh mục.

Trong một tuyên bố, Oshiomhole mô tả Cha Oleghe là “hình mẫu của sự khiêm nhường của một linh mục và là người kiên định bảo vệ các giá trị Kitô giáo”.

Ông cho biết cuộc đời của vị linh mục Công Giáo quá cố là “minh chứng sáng ngời cho các đức tính như đức tin, sự khiêm nhường và lòng sùng kính”.

“Sự qua đi của ngài là một mất mát sâu sắc, không chỉ đối với giáo phận của chúng ta mà còn đối với cả quốc gia nói chung. Ngay cả khi chúng ta thương tiếc ngài, chúng ta vẫn được an ủi bởi sự bảo đảm rằng cuộc đời đầy ảnh hưởng của ngài đã được Chúa ban phước cho ngài với tuổi thọ cao trước khi gọi ngài đến nơi an nghỉ vĩnh hằng,” Oshiomhole nói.


Source:Catholic News Agency
 
Phép lạ Thánh Thể tại Ludbreg, Crotia
Đặng Tự Do
15:54 30/11/2024

Khi Giáo hội Hoàn vũ hướng đến Năm Thánh 2025 (kỷ niệm 2.025 năm Chúa chúng ta Nhập thể), chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ Đức Thánh Cha trong “sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt tâm linh, giáo hội và xã hội trong đời sống của Giáo hội”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố trong lá thư công bố Năm Thánh 2025 vào tháng 2 năm 2022: “Chúng ta phải thổi bùng ngọn lửa hy vọng đã được ban cho chúng ta và giúp mọi người có được sức mạnh và sự chắc chắn mới bằng cách hướng đến tương lai với tinh thần cởi mở, trái tim tin tưởng và tầm nhìn xa trông rộng. Năm Thánh sắp tới có thể đóng góp rất lớn vào việc khôi phục bầu không khí hy vọng và tin tưởng như một bước dạo đầu cho sự đổi mới và tái sinh mà chúng ta vô cùng mong muốn.”

Hy vọng của chúng ta không dựa vào các sáng kiến của con người nhưng dựa vào Chúa, Đấng đã hứa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong bí tích Thánh Thể. Loạt bài về các Phép lạ Thánh Thể này xin giới thiệu với quý vị và anh chị em những phép lạ đã được giáo quyền công nhận minh chứng cho sự hiện diện thực sự của Chúa trong bí tích Thánh Thể.

Trong chương trình này, chúng tôi hân hạnh giới thiệu Phép lạ Thánh Thể tại Ludbreg, Crotia.

Trong Thánh lễ tại Ludbreg năm 1411, một linh mục đã nghi ngờ liệu Mình và Máu Chúa Kitô có thực sự hiện diện trong các hình Thánh Thể hay không. Ngay sau khi được thánh hiến, rượu đã biến thành Máu. Ngày nay, thánh tích quý giá của Máu kỳ diệu vẫn thu hút hàng ngàn tín hữu, và hàng năm vào đầu tháng 9, người Crotia mừng “Sveta Nedilja - Chúa Nhật Thánh” được cử hành trong suốt một tuần để tôn vinh phép lạ Thánh Thể xảy ra vào năm 1411.

Năm 1411 tại Ludbreg, trong nhà nguyện của lâu đài Bá tước Batthyany, một linh mục đang cử hành Thánh lễ. Trong khi thánh hiến rượu, linh mục nghi ngờ sự thật của sự biến thể và vì vậy rượu trong chén thánh đã biến thành Máu. Không biết phải làm gì, linh mục đã giấu thánh tích này vào bức tường phía sau bàn thờ chính. Người thợ xây bức tường để giấu thánh tích ấy đã được yêu cầu tuyên thệ giữ im lặng. 'Linh mục cũng giữ bí mật và chỉ tiết lộ vào giờ lâm tử. Tin tức nhanh chóng lan truyền và mọi người bắt đầu hành hương đến Ludbreg. Sau đó, Tòa thánh đã đưa thánh tích của phép lạ đến Rôma, nơi nó ở lại trong nhiều năm. Tuy nhiên, người dân Ludbreg và khu vực xung quanh vẫn tiếp tục hành hương đến nhà nguyện của lâu đài. Vào đầu những năm 1500, trong thời kỳ Giáo hoàng Giuliô Đệ Nhị, một ủy ban đã được triệu tập tại Ludbreg để điều tra những sự kiện liên quan đến phép lạ Thánh Thể. Nhiều người đã làm chứng rằng họ đã nhận được sự chữa lành kỳ diệu khi cầu nguyện trước sự hiện diện của thánh tích. Vào ngày 14 tháng 4 năm 1513, Giáo hoàng Lêô 10 đã ban hành một Sắc lệnh cho phép tôn kính thánh tích mà chính ngài đã rước nhiều lần qua các đường phố của Rôma. Thánh tích sau đó đã được trả lại cho Croatia.

Vào thế kỷ 18, miền bắc Croatia đã bị tàn phá bởi dịch bệnh. Người dân Elhe đã hướng về Chúa để cầu xin sự giúp đỡ của Người, và Quốc hội Croatia cũng làm như vậy. Trong phiên họp được tổ chức vào ngày 15 tháng 12 năm 1739 tại thành phố Varazdin, họ đã thề sẽ xây dựng một nhà nguyện tại Ludbreg để tôn vinh phép lạ, nếu bệnh dịch chấm dứt. Bệnh dịch đã được chấm dứt ngay sau đó, nhưng lời thề đã hứa chỉ được thực hiện vào năm 1994, khi nền dân chủ được khôi phục ở Croatia. Vào năm 2005, tại nhà nguyện cầu nguyện, nghệ sĩ Marijan Jakubin đã vẽ một bức bích họa lớn về Bữa Tiệc Ly, trong đó các vị thánh và chân phước người Croatia được vẽ thay cho các Tông đồ. Thánh Gioan đã được thay thế bằng Chân phước Ivan Metz, người được đưa vào danh sách 18 vị thánh Thánh Thể quan trọng nhất trong lịch sử Giáo hội trong Thượng hội đồng Giám mục được tổ chức tại Rôma vào năm 2005. Trong bức tranh, Chúa Kitô đang cầm trên tay một chiếc bình đựng thánh tích của phép lạ Thánh Thể.


Source:The Real Presence
 
Đây là phép lạ mở đường cho việc tuyên thánh cho Chân Phước Pier Giorgio Frassati
Đặng Tự Do
15:56 30/11/2024


Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Chân phước Pier Giorgio Frassati vào hôm Thứ Hai, 25 Tháng Mười Một, mở đường cho việc tuyên thánh cho ngài trong Năm Thánh Giới trẻ của Giáo Hội Công Giáo vào mùa hè năm sau.

Chân Phước Frassati, qua đời ở tuổi 24 vào năm 1925, được nhiều người trẻ Công Giáo ngày nay yêu mến vì chứng tá nhiệt thành về sự thánh thiện “lên đến đỉnh cao”.

Chàng trai trẻ đến từ thành phố Turin, miền bắc nước Ý, là một nhà leo núi nhiệt thành và là tu sĩ dòng Ba Đa Minh, nổi tiếng với hoạt động bác ái.

Lễ tuyên thánh cho Frassati sẽ diễn ra trong Năm Thánh Giới trẻ tại Rôma vào ngày 3 tháng 8 năm 2025.

Trong sắc lệnh ngày 25 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công nhận phép lạ chữa lành bệnh cho một chủng sinh thuộc Tổng giáo phận Los Angeles - người vừa được thụ phong linh mục vào tháng 6 năm 2023.

Đức ông Robert Sarno, cựu viên chức của Bộ Tuyên thánh của Vatican, từng là đại diện của Đức Tổng Giám Mục trong quá trình giáo phận tại Los Angeles kiểm tra ca chữa lành, nói với CNA rằng chủng sinh này đã bị thương gân Achilles trong một tai nạn bóng rổ khi đang chơi với các chủng sinh khác.

Sau khi chụp MRI cho thấy gân Achilles của anh bị tổn thương đáng kể, bác sĩ đã khuyên anh nên đi khám bác sĩ chỉnh hình.

“Vì quá đau buồn về mọi chuyện nên anh đã bắt đầu cầu nguyện với Chân Phước Pier Giorgio Frassati vào ngày 1 tháng 11”, Đức Ông Sarno giải thích.

Vào giữa thời gian cầu nguyện chín ngày, “anh ta đang khóc trong nhà nguyện và cảm thấy một luồng hơi ấm mạnh mẽ ở mắt cá chân”.

“Và sau đó, một tuần sau khi anh ta đến gặp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, sau khi xem phim chụp MRI và tiến hành kiểm tra sức khỏe, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đã nói với anh ta rằng: 'Chắc hẳn có một người nào đó trên thiên đường thích anh'“

Người chủng sinh có thể ngay lập tức tiếp tục chơi các môn thể thao mà anh yêu thích mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Việc chữa lành đã được xác minh bằng một cuộc điều tra của giáo phận và sự kiểm tra của hội đồng y khoa của Bộ Tuyên thánh, các nhà thần học, các Hồng Y và giám mục.

Sarno lưu ý rằng thật phù hợp khi một chàng trai trẻ chơi bóng rổ lại nhận được sự chữa lành này vì Frassati nổi tiếng với tình yêu thể thao và các hoạt động ngoài trời.

“Đến đỉnh cao” của sự thánh thiện

Sinh vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, 6 tháng 4 năm 1901, Frassati là con trai của người sáng lập và giám đốc tờ báo Ý La Stampa.

Năm 17 tuổi, anh gia nhập Hội St. Vincent de Paul và dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để chăm sóc người nghèo, người vô gia cư, người bệnh cũng như những quân nhân xuất ngũ trở về sau Thế chiến thứ nhất.

Frassati cũng tham gia vào nhóm Tông đồ Cầu nguyện và Công Giáo Tiến hành. Anh đã được rước lễ hàng ngày.

Trên một bức ảnh chụp lần leo núi cuối cùng của mình, Frassati đã viết cụm từ “Verso L'Alto,” có nghĩa là “lên đến đỉnh cao”. Cụm từ này đã trở thành phương châm cho những người Công Giáo lấy cảm hứng từ Frassati để phấn đấu đạt đến đỉnh cao của cuộc sống vĩnh hằng với Chúa Kitô.

Frassati qua đời vì bệnh bại liệt vào ngày 4 tháng 7 năm 1925. Các bác sĩ sau đó suy đoán rằng chàng trai trẻ này đã mắc bệnh bại liệt khi phục vụ người bệnh.

Đức Gioan Phaolô II, người đã phong chân phước cho Frassati vào năm 1990, đã gọi anh là “người của tám mối phúc”, mô tả anh là người “hoàn toàn đắm chìm trong mầu nhiệm của Thiên Chúa và hoàn toàn tận tụy phục vụ tha nhân”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ca ngợi Frassati vì đã chia sẻ tình yêu của Chúa Giêsu với người nghèo trong bài phát biểu vào ngày 24 tháng 6.

Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi nhớ đến Chân phước Pier Giorgio Frassati — người sắp được tuyên thánh — người thường đến nhà người nghèo ở Turin để mang sự giúp đỡ đến”.

“Pier Giorgio xuất thân từ một gia đình trung lưu khá giả, nhưng ngài không lớn lên trong sự 'bao bọc trong bông gòn', ngài không đánh mất chính mình trong 'cuộc sống tốt đẹp', bởi vì bên trong ngài có dòng máu của Chúa Thánh Thần, có tình yêu dành cho Chúa Giêsu và anh em của ngài,” ngài nói thêm.

Những vị thánh tương lai khác được công bố

Ngoài Frassati, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng công nhận một phép lạ được cho là của Chân phước Maria Troncatti, hay 1883-1969, một nữ tu người Ý thuộc Hội Con Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, người đã phục vụ với tư cách là nhà truyền giáo giữa các dân tộc bản địa ở Ecuador.

Đức Giáo Hoàng cũng chuẩn y án tử đạo của Tôi tớ Chúa người Việt Nam, Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, sinh năm 1897 và qua đời năm 1946, và Tôi tớ Chúa người Congo Floribert Bwana Chui Bin Kositi, sinh năm 1981 và qua đời năm 2007, dọn đường cho việc phong chân phước cho hai vị.

Cha Phanxicô Xaviê là một linh mục người Việt Nam đã bảo vệ quyền lợi của người dân địa phương chống lại sự cướp bóc của các băng đảng vũ trang vào cuối Thế chiến thứ hai. Vào ngày 12 tháng 3 năm 1946, ngài bị một nhóm dân quân bắt làm tù binh cùng với những người khác và bị nhốt trong một kho gạo, nơi ngài bị thẩm vấn.

Vài ngày sau, người ta tìm thấy thi thể biến dạng của ngài trong một con mương. Sau khi ngài qua đời, các Kitô hữu bắt đầu đến thăm mộ ngài, cầu xin sự chuyển cầu và ban ơn, theo Vatican.

Floribert Bwana Chui Bin Kositi là một giáo dân Congo, luật sư và là thành viên của Cộng đồng Saint Egidio. Ngài làm việc với tư cách là ủy viên cho một cơ quan hải quan kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm nhập vào đất nước, một vai trò mà ngài phản đối một số hành vi tham nhũng. Vì điều này, ngài đã bị bắt cóc, tra tấn và giết chết vào tháng 7 năm 2007. Vatican đã công nhận sự tử đạo của ngài vì lòng căm thù đức tin vì vụ giết hại ngài được thúc đẩy bởi thực tế rằng “ngài là một người có đức tin, được thúc đẩy bởi ý thức công lý mạnh mẽ và tình yêu thương cụ thể đối với người hàng xóm của mình”.

Trong sắc lệnh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn việc tuyên chân phước cho Đấng đáng kính Juana de la Cruz, hay 1481-1534, viện mẫu của Tu viện “Santa Maria della Croce” ở Cubas de Madrid, mà không cần phép lạ thường được yêu cầu do sự công nhận về “lòng sùng kính” lâu đời đã lan rộng và kéo dài trong nhiều thế kỷ.

Đức Giáo Hoàng cũng công nhận nhân đức anh hùng của Giám mục người Croatia Josip Lang, sinh năm 1857 và qua đời năm 1924, người được biết đến với việc phục vụ người nghèo và đào tạo chủng sinh.


Source:Catholic News Agency
 
Chính trị gia chống Công Giáo bám víu vào sự sống thân yêu nơi bàn thờ khi Đức Giám Mục rao giảng
Vũ Văn An
18:14 30/11/2024
Phù vân nối tiếp phù vân, của đời hết thẩy chỉ là phù vân

Jean-Paul Laurens - Thánh John Chrysostom và Hoàng hậu Eudoxia; Sơn dầu trên vải, 1893, 131 x 164 cm, Musée des Augustins, Toulouse


Xin thương xót chúng con, lạy Chúa, Thiên Chúa của muôn loài, và nhìn đến chúng con,

và khiến nỗi sợ hãi Chúa giáng xuống trên mọi quốc gia…

và cho họ biết Chúa, như chúng con đã biết

rằng không có Thiên Chúa nào ngoài Chúa, lạy Chúa.

Hãy cho thấy những dấu hiệu mới và làm thêm nhiều điều kỳ diệu nữa;

hãy làm cho bàn tay và cánh tay phải của Chúa vinh quang.


-X. Huấn ca 36:3-6

Stuart Weiss, trên trang mạng Letters for My Children, ngày 04 tháng 11 năm 2024, kể lại rằng: Một trong những sự kiện chính trị kịch tính nhất trong lịch sử diễn ra trong một Nhà thờ Công Giáo.

Một chính trị gia cấp cao ở Đế quốc phía Đông La Mã tên là Eutropius sống vào những năm 300 cùng thời với Thánh Gioan Kim Khẩu (John Chrysostom), Tổng giám mục Constantinople. Giáo hội vào thời điểm này được hưởng một quyền mà bạn có thể đã thấy trong phim: quyền được bảo vệ, hay tị nạn. Điều này cho phép Giáo hội có quyền trong Đế quốc để cung cấp nơi trú ẩn cho những người chạy trốn đến đó để tìm nơi ẩn náu.

Eutropius không phải là bạn của Giáo hội, và ông cũng rất tham vọng. Trong hành trình tìm kiếm quyền lực, ông đã hạn chế điều mà ngày nay chúng ta gọi là "quyền tự do tôn giáo" của Giáo hội để cung cấp nơi trú ẩn nhằm cắt đứt mọi con đường trốn thoát cho những đối thủ chính trị của mình.

Tuy nhiên, chậm nhưng chắc chắn [Eutropius] đã leo lên đỉnh cao quyền lực bằng quá trình đơn giản là loại bỏ mọi đối thủ nguy hiểm bằng nhiều lý do khác nhau. Ông đã tước đi hy vọng trốn thoát cuối cùng của các nạn nhân bằng cách xóa bỏ quyền của Giáo hội trong việc cung cấp nơi trú ẩn cho những kẻ chạy trốn.

Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền bằng cách đàn áp Giáo hội, Eutropius cuối cùng đã mất đi sự ủng hộ khi ông coi thường việc thăng chức cho một sĩ quan quân đội xứng đáng. Viên sĩ quan bị xúc phạm đã trả đũa bằng cách dẫn quân nổi loạn, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của Eutropius.

Eutropius bị tước bỏ phẩm giá chính thức, tài sản của ông bị tuyên bố tịch thu, và ông được lệnh phải rời khỏi cung điện ngay lập tức nếu không sẽ bị tử hình. Kẻ khốn khổ đáng thương đó có thể bay đi đâu khi chỉ trong chốc lát bị ném từ đỉnh cao quyền lực xuống vực sâu nhất của sự suy thoái và nghèo đói. Chỉ có một nơi mà ông có thể tự nhiên hướng đến trong cơn đau khổ của mình—nơi tôn nghiêm của Giáo hội; nhưng trớ trêu thay, một luật lệ do chính ông đặt ra đã ngăn cản ông vào đây.

Tuy nhiên, mặc dù chính cuộc đàn áp của ông đối với Giáo hội đã xóa bỏ luật về nơi tôn nghiêm, ông vẫn tin vào lòng thương xót của Thánh Kim Khẩu, tìm đường vào Nhà thờ, lẻn qua bức màn che nơi tôn nghiêm và bám vào một cây cột của bàn thờ. Những người lính vào nhà thờ để tìm Eutropius, nhưng Thánh Kim Khẩu đã đi ra và thực sự bảo vệ kẻ thù Eutropius của mình bằng chính mạng sống của mình.

Ngài đã giấu Eutropius trong phòng áo lễ, đối đầu với những kẻ truy đuổi và từ chối giao nộp ông. "Không ai được xâm phạm nơi tôn nghiêm ngoại trừ thân xác tôi: Giáo hội là cô dâu của Chúa Kitô, người đã trao phó danh dự của mình cho tôi và tôi sẽ không bao giờ phản bội nó."

Mọi thứ chỉ trở nên kịch tính hơn từ đây. Hãy nhớ rằng, Eutropius là những gì chúng ta ngày nay coi là một chính trị gia "có văn hóa Công Giáo" đã đàn áp Giáo hội, chỉ đứng thứ hai về quyền lực sau Hoàng đế. Tương đương hiện đại của điều này ở Hoa Kỳ sẽ là một người như Nancy Pelosi hoặc Joe Biden. Bạn có thể tưởng tượng được sẽ có ý nghĩa và kịch tính như thế nào khi chứng kiến một chính trị gia chống Công Giáo đột nhiên bị lật đổ khỏi quyền lực, chỉ để được bảo vệ bởi chính vị Giám mục mà họ đã đàn áp? Nhưng đó chưa phải là kết thúc…

Ngày hôm sau là Chúa Nhật. Nhà thờ đã chật kín người, và Thánh Kim Khẩu đã vào vị trí của mình để thuyết giảng. Khi ngài vào vị trí của mình, tấm màn che bàn thờ đã được kéo sang một bên, và Eutropius bám vào đó—chắc chắn là do thiếu ngủ và sợ hãi. Thánh Kim Khẩu bắt đầu bài giảng này như sau:

Phù vân nối tiếp phù vân, của đời hết thẩy chỉ là phù vân

- điều này luôn luôn thích hợp để nói nhưng đặc biệt hơn là vào thời điểm hiện tại. Bây giờ, môi trường rực rỡ của lãnh sự quán của bạn ở đâu? Những ngọn đuốc lấp lánh ở đâu? Điệu nhảy, tiếng bước chân của những người nhảy múa, những bữa tiệc và lễ hội ở đâu? Những vòng hoa và rèm của nhà hát ở đâu? Tiếng vỗ tay chào đón bạn ở thành phố, tiếng hoan hô ở trường đua ngựa và những lời nịnh hót của khán giả ở đâu? Họ đã đi rồi — tất cả đều đi rồi: một cơn gió thổi qua cây, làm gãy hết lá, và cho chúng ta thấy nó trơ trụi, và rung chuyển từ tận gốc; vì sức mạnh của cơn gió quá lớn, đến nỗi nó đã gây sốc cho tất cả các sợi của cây và đe dọa nhổ bật nó khỏi rễ.

Bây giờ những người bạn giả tạo của anh đâu rồi? Những bữa tiệc nhậu nhẹt và những bữa tối của anh đâu rồi? Bầy ký sinh trùng, rượu vang mà ngày nào cũng rót ra, và vô số món ngon do đầu bếp của anh sáng chế đâu rồi? Những kẻ đã ve vãn quyền lực của anh và làm và nói mọi thứ để giành được sự ưu ái của anh đâu rồi? Tất cả chỉ là những ảo ảnh của đêm tối, và những giấc mơ đã tan biến cùng với bình minh của ngày: chúng là những bông hoa mùa xuân, và khi mùa xuân qua đi, tất cả đều héo úa: chúng là một cái bóng đã trôi qua — chúng là một làn khói đã tan biến, những bong bóng đã vỡ, những mạng nhện đã bị xé thành từng mảnh. Do đó, chúng ta liên tục hát bài hát tâm linh này — Phù vân nối tiếp phù vân, của đời hết thẩy chỉ là phù vân.

Vì câu nói này phải được liên tục viết trên tường và quần áo của chúng ta, trên chợ, trong nhà, trên đường phố, trên cửa ra vào và lối vào, và trên hết là trên lương tâm của mỗi người, và là chủ đề liên tục để suy gẫm. Và vì những điều dối trá, che đậy và giả vờ dường như đối với nhiều người là những thực tại nên mỗi người đều phải nói với hàng xóm của mình mỗi ngày, cả trong bữa tối và bữa sáng, và trong các cuộc họp xã hội, và nghe hàng xóm của mình nói lại Phù vân nối tiếp phù vân, của đời hết thẩy chỉ là phù vân.

Tôi đã không liên tục nói với bạn rằng sự giàu có là một kẻ bỏ trốn sao? Nhưng bạn không nghe tôi. Tôi đã không nói với bạn rằng đó là một đầy tớ vô ơn đó sao? Nhưng bạn không chịu tin. Này, kinh nghiệm thực tế đã chứng minh rằng đó không chỉ là một người đầy tớ bỏ trốn và vô ơn, mà còn là một kẻ giết người, vì chính điều này đã khiến bạn sợ hãi và run rẩy. Tôi đã không nói với bạn khi bạn liên tục khiển trách tôi vì đã nói sự thật, rằng tôi yêu bạn hơn những kẻ nịnh hót bạn sao? Tôi, người khiển trách bạn, quan tâm đến bạn hơn những kẻ hầu hạ bạn sao? Tôi đã không thêm vào những lời này bằng cách nói rằng vết thương của bạn bè đáng trông cậy hơn những nụ hôn tự nguyện của kẻ thù sao. Nếu bạn khuất phục trước vết thương của tôi, thì nụ hôn của họ sẽ không gây ra sự hủy diệt này cho bạn: vì vết thương của tôi mang lại sức khỏe, nhưng nụ hôn của họ gây ra một căn bệnh nan y.

Bây giờ những người dâng rượu của bạn đâu rồi, những người đã dọn đường cho bạn ở chợ, và không ngừng ca ngợi bạn trong tai mọi người ở đâu rồi? Họ đã bỏ trốn, họ đã từ chối tình bạn của bạn, họ đang tự bảo vệ mình bằng sự đau khổ của bạn. Nhưng tôi không hành động như vậy, không, trong sự bất hạnh của bạn, tôi không bỏ rơi bạn, và giờ đây khi bạn sa cơ, tôi sẽ bảo vệ và chăm sóc bạn. Và Giáo hội mà bạn từng đối xử như kẻ thù đã mở rộng lòng mình và đón nhận bạn vào trong; trong khi những nhà hát mà bạn ve vãn và về chúng, bạn thường xuyên phẫn nộ với tôi đã phản bội và hủy hoại bạn. Nhưng tôi không bao giờ ngừng nói với bạn tại sao bạn lại làm những điều này? Bạn đang làm Giáo hội bực tức giận và bạn đang lao đầu xuống, nhưng bạn đã vội vã tránh xa mọi lời cảnh báo của tôi. Và giờ đây, các trường đua ngựa, đã cạn kiệt của cải của bạn, đã mài gươm chống lại bạn, nhưng Giáo hội đã trải qua cơn thịnh nộ không đúng lúc của bạn đang vội vã đi khắp mọi hướng, trong mong muốn kéo bạn ra khỏi lưới bủa.

Bài giảng còn tiếp nữa, và các bạn có thể tìm thấy toàn bộ nội dung tại New Advent. Đây là một minh chứng đáng kinh ngạc về sự phù phiếm của thế gian, quyền năng của Thiên Chúa và tác động mà một người chăn chiên táo bạo có thể tạo ra.

Chúng ta hãy nhớ rằng những vinh dự và sự giàu có của đời này phù vân và phù du biết bao, và những vinh dự và sự giàu có của Thiên đàng mà chúng ta phấn đấu đạt được thì vinh quang và lâu dài biết bao. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện, qua lời chuyển cầu của Thánh Gioan Kim khẩu, để các Giám mục và Linh mục của chúng ta có lòng dũng cảm và nhiệt thành, và để các chính trị gia của chúng ta được hoán cải.

Thánh Gioan Kim khẩu, xin cầu cho chúng con!
 
VietCatholic TV
Dọa Oreshnik không ai sợ, Nga quay lại Satan 2. Tình báo Đức: Nga đang thăm dò phản ứng của NATO
VietCatholic Media
02:39 30/11/2024


1. Các quan chức Nga kháo rằng Nga đang đưa hỏa tiễn Satan 2 vào vị thế sẵn sàng khai hỏa

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, Nga vẫn đang đẩy mạnh việc bố trí hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat, còn gọi là Satan 2, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức và trở ngại, bao gồm cả các cuộc thử nghiệm thất bại.

Sergey Karakaev, chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn Chiến lược, gọi tắt là SMF, đã xác nhận hôm Thứ Năm, 28 Tháng Mười Một, rằng việc đưa các hệ thống hỏa tiễn Sarmat lên dàn phóng đang được tiến hành, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga.

“Ngày nay, SMF đã tích hợp các tổ hợp hỏa tiễn thế hệ thứ năm Yars và Avangard vào đội hình chiến đấu của mình, trong khi công việc bố trí hệ thống hỏa tiễn Sarmat mới nhất trên dàn phóng với hỏa tiễn nhiên liệu lỏng hạng nặng vẫn đang được tiến hành”, Karakaev nói.

Hỏa tiễn này, đã thu hút sự chú ý của toàn cầu vì khả năng tàn phá của nó, là nền tảng của chiến lược hạt nhân của Nga. Bất chấp các cuộc thử nghiệm thất bại, nó vẫn là một phần quan trọng trong khả năng răn đe quân sự của quốc gia này.

Trong một bài viết có tựa đề “Tình hình và triển vọng của hệ thống giáo dục quân sự trong lực lượng hỏa tiễn chiến lược”, Karakaev cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc giáo dục liên tục để bảo đảm sự sẵn sàng của lực lượng hỏa tiễn Nga.

“Một hệ thống giáo dục liên tục đã được thiết lập trong SMF, trải dài từ Trường quân sự Suvorov đến học viện, và hệ thống này đang hoạt động”, Karakaev giải thích.

Ông cũng thảo luận về cách SMF điều chỉnh các chương trình đào tạo của mình dựa trên kinh nghiệm tác chiến, đặc biệt là từ Chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra. “Sự phát triển của SMF, việc tạo ra các hình thức và phương pháp chiến đấu mới, cũng như kinh nghiệm của SMO và việc sử dụng vũ khí và thiết bị quân sự mới được chuyển giao, đặt ra nhiệm vụ cho hệ thống giáo dục quân sự để nhanh chóng điều chỉnh nội dung đào tạo”, ông viết.

Karakaev cho biết: “Trong bối cảnh Chiến dịch quân sự đặc biệt và hoạt động gia tăng của NATO, SMF công nghệ cao có thể ngăn chặn các cuộc xâm lược quy mô lớn chống lại Nga và các đồng minh mà không cần dùng đến vũ khí hạt nhân”.

Karakaev khẳng định rằng bất chấp những thách thức từ các cuộc thử nghiệm thất bại và những trở ngại, hỏa tiễn RS-28 Sarmat vẫn đóng vai trò trung tâm trong quá trình hiện đại hóa quốc phòng của Nga.

Quan điểm của Karakaev, được đăng trên Tạp chí Giáo dục Quân sự và được TASS đưa tin, có lẽ chỉ nhằm mục đích hù dọa. Không ai ở Nga có đầu óc tỉnh táo dám có khả năng phóng Satan 2. Chưa kể nguy cơ bị đánh chặn, phong hiểm lớn nhất mà Nga phải đối phó là hỏa tiễn nổ ngay tại chỗ như đã thường xuyên xảy ra rất nhiều lần trong thời gian thử nghiệm.

[Newsweek: Russia's Deployment of Satan 2 Missiles to Active Duty 'Ongoing': Official]

2. Giám đốc tình báo Đức: Nga có thể thử lòng trung thành của NATO đối với điều khoản ‘phòng thủ chung’

Theo nhà lãnh đạo cơ quan tình báo nước ngoài của Đức, gọi tắt là BND, các quan chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng Nga nghi ngờ liệu các nước NATO có tuân thủ điều khoản “phòng thủ chung” được ghi trong Hiệp ước NATO hay không nếu một đồng minh bị tấn công.

Bruno Kahl, giám đốc cơ quan tình báo BND, cho biết mặc dù không mong đợi một cuộc tấn công quy mô lớn vào một quốc gia NATO, nhưng Mạc Tư Khoa có thể, ví dụ, dàn dựng một cuộc can thiệp hạn chế với lý do bảo vệ các nhóm thiểu số của Nga. Ý tưởng này nhằm thử thách quyết tâm của NATO trong việc viện dẫn Điều 5 của hiệp ước, điều này buộc các thành viên liên minh phải hỗ trợ trong trường hợp một quốc gia NATO khác bị tấn công.

Kahl cho biết tại một sự kiện do tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại DGAP của Đức tổ chức rằng: “Hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy Nga có ý định gây chiến” với NATO.

“Nhưng nếu quan điểm như vậy chiếm ưu thế tại trụ sở chính phủ ở Mạc Tư Khoa, nguy cơ xảy ra xung đột quân sự sẽ gia tăng trong những năm tới”, ông nói.

Kahl nói thêm: “Theo quan điểm của Nga, thành công sẽ đạt được nếu Điều 5 không có hiệu lực trong trường hợp xảy ra tấn công”.

Điều 5 của NATO là biện pháp bảo vệ quan trọng, đặc biệt là đối với các quốc gia dễ bị tổn thương hơn như vùng Baltic, vì về lý thuyết, điều này có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ can thiệp bằng toàn bộ sức mạnh quân sự của mình nếu Nga tấn công — đóng vai trò là biện pháp răn đe mạnh mẽ.

Nhưng cũng có những lo ngại ngày càng tăng ở Âu Châu về độ tin cậy của cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh Âu Châu trong nhiều thập niên. Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã nói rằng ông sẽ “khuyến khích” Nga tấn công bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với liên minh quốc phòng.

Kahl cho biết quân đội của Nga, về mặt trang thiết bị và nhân sự, sẽ có khả năng phát động một cuộc tấn công vào NATO vào cuối thập niên này, đồng thời nói thêm rằng trọng tâm của Nga “chắc chắn sẽ không phải là chiếm đất trên quy mô lớn” mà là tạo ra sự chia rẽ bên trong NATO.

Kahl cũng cảnh báo về sự can thiệp của Nga trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử sớm ở Đức dự kiến diễn ra vào ngày 23 tháng 2.

Mục đích của Điện Cẩm Linh là khuấy động các xung đột xã hội bằng cách phân tích chi tiết các vấn đề như chính trị khí hậu, sau đó được “ngây thơ lặp lại” bởi các nhóm cánh tả và cánh hữu trong quang phổ chính trị ở Đức, Kahl nói. “Tất nhiên, điều này có tác động đến các cuộc bầu cử, đến kết quả bầu cử”, ông nói.

Trong một rạn nứt ngoại giao riêng biệt, hôm thứ Tư, Mạc Tư Khoa đã trục xuất hai nhà báo khỏi đài truyền hình công cộng ARD của Đức để đáp trả các động thái của Đức chống lại các phóng viên từ Nga. Điều đó khiến Bộ Ngoại giao tại Berlin triệu tập đại sứ Nga vào hôm Thứ Năm, 28 Tháng Mười Một.

[Politico: German spy chief: Russia could test NATO loyalty to ‘mutual defense’ clause]

3. Đại diện của Ukraine tại Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng: Phản ứng trước hành động tống tiền hạt nhân của Điện Cẩm Linh phải là sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine

Đại diện thường trực của Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, Serhii Kyslytsia, đã nói với các thành viên Hội đồng Bảo an về việc Nga sử dụng hỏa tiễn đạn đạo mới được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân để tấn công thành phố Dnipro. Ông lưu ý rằng phản ứng đối với hành động tống tiền và đe dọa hạt nhân đang diễn ra của Điện Cẩm Linh nên là tăng cường các biện pháp trừng phạt và tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.

Đại Sứ Kyslytsia nói: “Những lời tường thuật của Mạc Tư Khoa sau cuộc không kích, bao gồm cả những bình luận của tên tội phạm chiến tranh Putin, một lần nữa nhấn mạnh ý định của Nga nhằm thuyết phục thế giới về sự bất lực hoàn toàn của mình - lần này bằng cách chứng minh sự sẵn sàng giết người Ukraine không chỉ bằng các biện pháp thông thường mà còn bằng cả vũ khí hạt nhân.”

Ông cho biết Ukraine kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, lên án “hành động đe dọa vũ khí hạt nhân vô trách nhiệm” của Nga.

Kyslytsia cho biết hành động tiếp theo của Putin sẽ phụ thuộc trực tiếp vào phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Ông nhấn mạnh rằng: “Nếu việc tống tiền của hắn ta thành công và đối thủ của hắn ta tỏ ra yếu đuối hoặc muốn xoa dịu, thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng leo thang bạo lực và vi phạm mới nghiêm trọng hơn.”

Kyslytsia cho biết nếu có biện pháp thích hợp để ngăn chặn Nga và giảm khả năng gây hấn của nước này, Putin sẽ dừng lại.

“Do đó, phản ứng trước hành động tống tiền và đe dọa hạt nhân hiện nay của Điện Cẩm Linh nên là tăng cường lệnh trừng phạt và tăng viện trợ quân sự cho một bên đang tự bảo vệ mình, bảo vệ người dân và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.”

Ông lưu ý rằng Ukraine không cho rằng việc tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga của Ukraine là hành động “leo thang”.

Kyslytsia cho biết: “Định nghĩa như vậy chứng tỏ sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về bản chất của cuộc xung đột và các sự kiện hiện tại trên thực địa hoặc đóng vai trò là sự thao túng vì lợi ích của kẻ xâm lược”.

Ông cho biết kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, hơn 11.500 hỏa tiễn và 33.000 quả bom dẫn đường đã được bắn vào Ukraine.

Nhà ngoại giao nhắc nhở rằng trong số các mục tiêu mà quân đội Nga đang cố gắng tấn công có các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, điều này gây ra “mối đe dọa thực sự và tức thời” đối với an toàn hạt nhân của toàn bộ lục địa.

Thay vào đó, Ukraine đang tấn công vào các sở chỉ huy quân sự, phi trường, kho vũ khí pháo binh và địa điểm điều động hỏa tiễn của Nga, ông nói thêm.

Ông nói: “Nga phải hiểu rằng mọi nỗ lực mở rộng chiến tranh đều sẽ có hậu quả. Điều này sẽ làm tỉnh táo nhà nước xâm lược, phá hủy kế hoạch của họ và buộc họ phải đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc, chứ không phải là một sự xoa dịu lừa dối gợi nhớ đến Munich năm 1938.”

Ông nhấn mạnh có hai cách để đạt được điều này: bằng cách giúp đỡ Ukraine và tăng cường áp lực lên Nga.

[Ukrainska Pravda: Response to Kremlin's nuclear blackmail should be strong support for Ukraine – Ukraine's Representative to UN]

4. Tình báo Hoa Kỳ cho biết Nga ‘không có khả năng’ tấn công hạt nhân bất chấp lời đe dọa của Putin

Hôm Thứ Sáu, 29 Tháng Mười Một, Reuters đưa tin, trích dẫn năm nguồn tin giấu tên nắm rõ dữ liệu tình báo, quyết định của Washington cho phép Kyiv sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga không làm tăng nguy cơ xảy ra tấn công hạt nhân.

Tin tức này xuất hiện khi Putin cập nhật học thuyết hạt nhân vào ngày 19 tháng 11, và các quan chức chính phủ Nga tiếp tục chỉ trích quyết định gần đây của Tòa Bạch Ốc, gọi đó là động thái “leo thang”.

Reuters dẫn nguồn tin giấu tên đưa tin, bất chấp những tuyên bố gần đây của Điện Cẩm Linh, nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân là không có khả năng xảy ra.

Đánh giá tình báo trong bảy tháng qua đã chỉ ra rằng leo thang hạt nhân khó có thể xảy ra do quyết định nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí của Hoa Kỳ. “Các đánh giá đều nhất quán: ATACMS sẽ không thay đổi phép tính hạt nhân của Nga”, một trợ lý quốc hội được thông báo về tình báo cho biết.

Trong khi đó, Mạc Tư Khoa dự kiến sẽ mở rộng chiến dịch phá hoại các cơ sở ở Âu Châu để tăng áp lực buộc phương Tây ủng hộ Kyiv, hai quan chức cao cấp, một nhà lập pháp và hai phụ tá quốc hội nói với hãng thông tấn này.

Một trong năm quan chức Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng việc công bố hỏa tiễn mới, ám chỉ đến hỏa tiễn Oreshnik do Nga sản xuất, là một bước tiến tới leo thang.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết thông tin tình báo đã giúp định hướng cuộc tranh luận gây tranh cãi trong chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc liệu Washington có nên nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí của Hoa Kỳ hay không vì nguy cơ khiêu khích Putin.

[Kyiv Independent: Russia 'unlikely' to launch nuclear attack despite Putin's threats, US intelligence says]

5. Đồng rúp Nga giảm mạnh khi nền kinh tế chiến tranh của Nga ngày càng căng thẳng

Đồng rúp đã giảm mạnh vào thứ Tư xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua, do giá dầu thấp, lệnh trừng phạt mới đối với các doanh nghiệp Nga và chi tiêu ngày càng tăng của chính phủ cho nỗ lực chiến tranh đã gây thêm áp lực lên nền kinh tế Nga.

Ngân hàng trung ương đã phản ứng bằng cách đình chỉ việc mua tiền tệ trong phần còn lại của năm nay. Điều đó sẽ hạn chế nguồn cung rúp và sẽ hỗ trợ tỷ giá hối đoái tương ứng. Ngân hàng đã thực hiện một bước tương tự vào năm ngoái, sau khi cuộc nổi loạn của thủ lĩnh lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin khác.

Như vậy, biện pháp này sẽ giúp kiềm chế vấn đề lạm phát đang gia tăng, vốn đã buộc ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất lên 21 phần trăm. Dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát đang ở mức 8,5 phần trăm, nhưng các cuộc khảo sát tư nhân như của công ty nghiên cứu thị trường ROMIR cho thấy tỷ lệ thực tế cao hơn nhiều.

Đồng rúp đã chịu áp lực liên tục trong suốt mùa hè, khi giá dầu — mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Nga, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây — đã giảm do nhu cầu yếu của Trung Quốc và Âu Châu và nguồn cung tăng nhanh từ Hoa Kỳ, Brazil và Guyana. Giá dầu thô Brent đã giảm gần 4 phần trăm chỉ trong tuần này do sự nhẹ nhõm tại lệnh ngừng bắn mà Israel và Hezbollah đã đồng thanh.

Áp lực đó gia tăng sau khi Hoa Kỳ áp đặt một vòng trừng phạt mới đối với Gazprombank, cho đến lúc đó vẫn được phép giải quyết các khoản thanh toán cho những gì còn lại của hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang Âu Châu. Gói mới này cũng nhắm vào 50 ngân hàng Nga có liên kết quốc tế, hơn 40 công ty ghi danh chứng khoán Nga và 15 quan chức tài chính Nga.

Grzegorz Drozdz, nhà phân tích thị trường tại Conotoxia, cho biết: “Các gói trừng phạt được áp dụng đang gây ra những tác động tiêu cực, chủ yếu ảnh hưởng đến người Nga dưới hình thức lạm phát cao”.

Theo dữ liệu từ Investing.com, đồng rúp đã giảm tới 114,75 so với đô la Mỹ, mức chưa từng thấy kể từ tháng 3 năm 2022, ngay sau khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Đến cuối phiên giao dịch tại Mạc Tư Khoa, đồng rúp đã phục hồi lên mức 113,15, giảm hơn 7 phần trăm trong ngày.

Những nhà tài phiệt tức giận

Chính sách tiền tệ chặt chẽ của ngân hàng trung ương đã thu hút sự chỉ trích ngày càng tăng từ các nhà công nghiệp hàng đầu của đất nước, chẳng hạn như trùm kim loại Oleg Deripaska và Sergey Chemezov, nhà lãnh đạo có ảnh hưởng của tập đoàn quốc phòng Rostech. Tổ chức của Chemezov chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn thiết bị cần thiết để chiến đấu trong cuộc chiến ở Ukraine.

“Cứ như thể thuốc còn có hại hơn cả căn bệnh vậy,” chủ tịch Severstal Alexey Mordashov được RBC trích dẫn khi phát biểu tại một hội nghị ở St. Petersburg vào thứ Tư.

“Chúng ta cần những cuộc thảo luận nghiêm chỉnh về chủ đề này,” Mordashov nói. “Đây có lẽ là tình huống chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại, khi lãi suất ngân hàng trung ương cao hơn lạm phát 2,5 lần và vẫn không chậm lại.”

CBR đã tăng lãi suất lên 21 phần trăm trong cuộc họp gần đây nhất, và Thống đốc Elvira Nabiullina đã đe dọa sẽ tăng thêm một lần nữa trong cuộc họp tiếp theo. Cho đến nay trong năm nay, ngân hàng đã tăng lãi suất chính sách thêm 500 điểm cơ bản, nhưng vẫn không thể ngăn chặn đồng rúp mất gần một phần tư giá trị so với đồng đô la.

[Politico: Ruble tumbles as Russia’s war economy comes under increasing strain]

6. Ba Lan đề xuất tuần tra quân sự Biển Baltic để chống lại Nga

Hôm Thứ Tư, 27 Tháng Mười Một, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết ông muốn khởi động chương trình “tuần tra hải quân” để bảo vệ Biển Baltic trước các mối đe dọa từ Nga.

Phát biểu với các phóng viên tại Warsaw trước hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Bắc Âu và Baltic tại Thụy Điển, Thủ tướng Tusk cho biết sáng kiến này sẽ là “một liên doanh của các quốc gia nằm ở Biển Baltic, những quốc gia có cùng cảm nhận về mối đe dọa từ Nga”.

“Nếu Âu Châu thống nhất, thì Nga là một kẻ lùn về công nghệ, tài chính và kinh tế so với Âu Châu”, ông nói thêm. “Nhưng nếu Âu Châu bị chia rẽ, Nga sẽ đe dọa từng quốc gia Âu Châu riêng lẻ”.

Đề xuất này được đưa ra sau khi một tuyến cáp viễn thông ngầm dài 1.000 km nối Phần Lan và Đức, và một tuyến khác nối Thụy Điển với Lithuania bị cắt đứt vào tuần trước. Một tàu treo cờ Trung Quốc rời Nga và đi qua Biển Baltic bị nghi ngờ có liên quan.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius gọi đây là hành động “phá hoại”. Mạc Tư Khoa, quốc gia đã đẩy mạnh chiến dịch chiến tranh hỗn hợp ở Âu Châu kể từ cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào đầu năm 2022, gọi những cáo buộc cho rằng Nga có liên quan đến các tuyến cáp bị đứt là “vô lý”. Bắc Kinh cũng phủ nhận mọi sự liên quan.

Chín quốc gia — Thụy Điển, Đan Mạch, Nga, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, Đức và Ba Lan — giáp Biển Baltic. Các hạm đội hải quân Nga neo đậu tại St. Petersburg và vùng đất tách biệt Kaliningrad.

Cựu bộ trưởng quốc phòng Thụy Điển Micael Bydén đã cảnh báo vào tháng 5 rằng Điện Cẩm Linh muốn kiểm soát vùng biển có tầm quan trọng chiến lược này, đồng thời cảnh báo rằng vùng biển này “không được trở thành sân chơi của Putin, nơi ông ta có thể khiến các thành viên NATO khiếp sợ”.

[Politico: Poland proposes Baltic Sea military patrols to counter Russia]

7. Hoa Kỳ trao đổi tù nhân Trung Quốc lấy 3 tù nhân Mỹ

Theo một quan chức chính quyền cao cấp nắm rõ thỏa thuận này, chính quyền Tổng thống Biden đã làm trung gian để thả ba người Mỹ bằng cách trao đổi họ với những công dân Trung Quốc không rõ danh tính đang bị Hoa Kỳ giam giữ.

Một quan chức chính quyền cao cấp giấu tên để thảo luận về các cuộc đàm phán ngoại giao nhạy cảm trước khi công bố cho biết việc trả tự do cho Mark Swidan, Kai Li và John Leung là kết quả của nhiều năm đàm phán chuyên sâu giữa các quan chức Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao với những người đồng cấp Trung Quốc.

Sự việc diễn ra sau khi công dân Hoa Kỳ David Lin được thả tự do vào tháng 9 trong một thỏa thuận trao đổi tương tự cho một công dân Trung Quốc không rõ danh tính đang bị giam giữ tại Hoa Kỳ.

Sự tự do cho Swidan, Li và Leung đánh dấu chiến thắng ngoại giao vào giai đoạn cuối của chính quyền đối với Tổng thống Joe Biden và các nhà đàm phán tại văn phòng Đặc phái viên của Tổng thống về các vấn đề con tin.

Nó cũng loại bỏ một chất gây kích ứng dai dẳng trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc vốn là nam châm chỉ trích trên Đồi Capitol trong nhiều năm. Tháng trước, Dân biểu Chris Smith của Đảng Cộng Hòa đơn vị New Jersey và Thượng nghị sĩ Jeff Merkley của đảng Dân Chủ đơn vị Oregon đã thúc giục chính quyền bảo đảm rằng việc thả Li và Swidan vẫn là “ưu tiên ngoại giao” của chính quyền trong một lá thư gửi Tổng thống Biden.

Trong bốn năm qua, chính quyền - theo Văn phòng Đặc phái viên Tổng thống về các vấn đề con tin của Bộ Ngoại giao, đã đưa về nước hơn 70 người Mỹ từ các quốc gia bao gồm Nga, Venezuela và Iran.

Ba người đàn ông này dự kiến sẽ trở về Hoa Kỳ “trong vài giờ nữa”, viên chức hành chính cao cấp cho biết. Khi đến nơi, họ có thể sẽ được chuyển đến Trung tâm Y tế Quân đội Brooke bên ngoài San Antonio, Texas, nơi có các cơ sở để đánh giá tâm lý các cựu con tin và chuẩn bị cho họ tái hòa nhập vào xã hội Hoa Kỳ.

Bản công bố này là kết quả của “nhiều năm làm việc”, viên chức này cho biết. “Tổng thống Biden đã nêu vấn đề này khi ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Peru hai tuần trước và Jake Sullivan đã nêu vấn đề này khi ông ở Bắc Kinh vào tháng 9 và Ngoại trưởng Blinken cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ vấn đề này vào tháng 9 tại UNGA với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị”, viên chức này nói thêm.

Các quan chức hành chính cao cấp đã mô tả khuôn khổ trao đổi tù nhân giải thoát Lin như một mô hình cho các nhà đàm phán Hoa Kỳ và Trung Quốc đưa Swidan, Li và Leung trở về nhà,

Bắc Kinh có thể hy vọng rằng việc thả họ sẽ mở đường cho Bộ Ngoại giao hạ cấp cảnh báo du lịch hiện tại đối với Trung Quốc, khuyến cáo người Mỹ “cân nhắc lại việc đi du lịch” đến quốc gia này. Trung Quốc coi khuyến cáo này là trở ngại đối với việc khôi phục hoạt động kinh doanh và du lịch của Hoa Kỳ về mức trước đại dịch. Bộ Ngoại giao áp dụng khuyến cáo đó do “việc thực thi tùy tiện các luật địa phương, bao gồm cả lệnh cấm xuất cảnh và nguy cơ bị giam giữ sai trái “.

Và nó sẽ làm dấy lên hy vọng rằng Bắc Kinh có thể sẵn sàng đàm phán về quyền tự do của những công dân Hoa Kỳ khác đang bị giam giữ tại Trung Quốc hoặc bị cấm rời khỏi đất nước. Smith và Merkley đã thúc giục Bộ Ngoại giao vào tháng 9 phân loại là “giam giữ sai trái” bất kỳ công dân Hoa Kỳ nào bị giam giữ tại Trung Quốc “không được xét xử công bằng và minh bạch, với sự biện hộ thực sự, trước một thẩm phán độc lập”. Đó có thể là một danh sách dài. Tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ việc trả tự do cho tù nhân Dui Hua Foundation ước tính rằng có ít nhất 200 người Mỹ bị giam giữ bất công tại Trung Quốc và ít nhất 30 người phải chịu lệnh cấm xuất cảnh bất hợp pháp.

Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ Swidan, một người quê ở Texas, vào tháng 11 năm 2012 vì cáo buộc sản xuất và buôn bán ma túy mặc dù tổ chức phi lợi nhuận Dui Hua nghĩa là Đối Thoại tại San Francisco đã mô tả là không có bằng chứng thực chất. Một tòa án ở tỉnh Quảng Đông —sau phiên tòa kéo dài 5 năm rưỡi—đã tuyên án tử hình Swidan với thời gian hoãn thi hành án là hai năm vào Tháng Giêng năm 2020. Tòa án đã giữ nguyên bản án đó vào năm ngoái. Liên Hiệp Quốc tuyên bố Swidan là nạn nhân của “giam giữ tùy tiện” vào năm 2020.

Các viên chức hành chính đã thông báo cho mẹ của Swidan, bà Katherine Swidan, về việc con trai bà được thả vào sáng sớm thứ Tư. “Tôi rất vui mừng và phấn khích — tôi thậm chí không thể tin được”, mẹ của Swidan nói với tờ POLITICO.

Cảnh sát Thượng Hải đã bắt giữ Kai Li của tiểu bang New York vào tháng 9 năm 2016 và một tòa án đã tuyên án anh ta 10 năm tù vào tháng 7 năm 2018 vì bị cáo buộc làm gián điệp cho FBI. Liên Hiệp Quốc tuyên bố Li là nạn nhân của việc giam giữ tùy tiện vào năm 2021 và mô tả việc giam giữ anh ta là “chính trị chứ không phải hình sự... và ít nhất một phần là do tình trạng của anh ta là công dân nước ngoài có nguồn gốc Trung Quốc.” Những nỗ lực liên lạc với con trai của Li, Harrison Li, đã không thành công

Một tòa án Trung Quốc đã tuyên án chung thân đối với Leung về tội gián điệp vào năm 2023, cáo buộc ông đã làm việc cho các cơ quan tình báo Hoa Kỳ từ năm 1989, theo báo cáo của CNN. Việc ông được thả ra là một điều bất ngờ vì cả Bộ Ngoại giao và Liên Hiệp Quốc đều không coi ông là “bị chính quyền Trung Quốc giam giữ sai trái”.

Chính quyền Tổng thống Biden đã sử dụng các cuộc trao đổi tù nhân trong hai năm qua để bảo đảm việc thả nhiều công dân Hoa Kỳ bị giam giữ tùy tiện ở Nga, bao gồm phóng viên tờ Wall Street Journal Evan Gershkovich và ngôi sao bóng rổ Brittney Griner. Nhưng chiến lược đó đã vấp phải sự chỉ trích từ một số nhà lập pháp hoan nghênh sự trở lại của những người bị giam giữ nhưng cho rằng việc thực hiện các cuộc trao đổi thúc đẩy các chính phủ độc tài bắt nhiều công dân Hoa Kỳ làm con tin hơn trong tương lai.

Vào thời điểm diễn ra cuộc trao đổi tù nhân đa quốc gia gây chú ý với Nga vào tháng 8, Dân biểu Michael McCaul (Đảng Cộng hòa-Texas), chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết ông “lo ngại rằng việc tiếp tục trao đổi những người Mỹ vô tội để lấy những tên tội phạm Nga thực sự bị giam giữ tại Hoa Kỳ và những nơi khác sẽ gửi một thông điệp nguy hiểm tới Putin, thông điệp này chỉ khuyến khích chế độ của ông ta tiếp tục bắt giữ con tin”.

Cuộc trao đổi tù nhân mới nhất cho thấy Bắc Kinh và Washington hiện có một mô hình cho khả năng thả công dân Hoa Kỳ sau song sắt ở Trung Quốc trong tương lai. “Có rất nhiều điều Trung Quốc có thể làm để cải thiện quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, nhưng hầu hết trong số đó họ không muốn làm”, John Kamm, người sáng lập Quỹ Dui Hua cho biết. “Nhưng Trung Quốc có nhiều tù nhân [người Mỹ] bị giam giữ bất công... [và] việc thả một số người trong số họ là một điều tương đối dễ dàng”.

[Politico: US exchanges Chinese detainees for 3 imprisoned Americans]

8. Ukraine duy trì ‘cuộc đối thoại tốt’ với đặc phái viên hòa bình tiềm năng của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Kyiv nói

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi cho biết, Kyiv vẫn duy trì “cuộc đối thoại tốt đẹp” với tướng Mỹ đã nghỉ hưu Keith Kellogg, người được đề cử vào vị trí đặc phái viên hòa bình của Ukraine.

“Keith Kellogg không phải là người mới đối với Ukraine. Đại sứ quán Ukraine tại Hoa Kỳ đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với ông ấy, đặc biệt là trong khuôn khổ ngoại giao chuyên gia trong những năm gần đây, và đã phát triển và duy trì một cuộc đối thoại tốt với ông ấy trong thời gian này,” Tykhyi nói với các nhà báo tại Kyiv.

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump đã chọn Kellogg làm đặc phái viên hòa bình cho Ukraine vào ngày 27 tháng 11, đề cử ông là người có khả năng lãnh đạo các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh toàn diện của Nga.

“Chúng tôi hoan nghênh việc đề cử ông cho nhiệm vụ quan trọng này,” Tykhyi nói.

Vào tháng 6, Reuters đưa tin rằng Kellogg và một cố vấn hàng đầu khác của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Frederick H. Fleitz, đã đề xuất một kế hoạch sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine trừ khi nước này đồng ý đàm phán hòa bình với Nga.

Cả hai cũng được cho là đã đề xuất đóng băng các tuyến đầu ở vị trí hiện tại và loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO khỏi bàn đàm phán.

Kellogg, 80 tuổi, trước đây từng giữ chức thư ký điều hành và chánh văn phòng của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ trong chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump đầu tiên. Ông cũng là cố vấn hàng đầu cho Phó Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Mike Pence.

Theo phát ngôn nhân, các phái đoàn Ukraine đã gặp Kellogg nhiều lần. Kellogg cũng có mặt tại Quỹ và Viện Tổng thống Ronald Reagan ở Washington trong bài phát biểu của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy vào đầu tháng 7.

“Chúng tôi mong muốn được làm việc với ông ấy, để tương tác tích cực hơn nữa với ông ấy trong vai trò mới của ông ấy. Chúng tôi sẽ hợp tác, chúng tôi sẽ thiết lập liên lạc với ông ấy,” Tykhyi nói thêm.

[Kyiv Independent: Ukraine maintains 'good dialogue' with potential Trump's peace envoy, Kyiv says]
 
Binh lính Ukraine ăn mừng chiến công Crimea. Hòa Lan bàn giao 3 bệ phóng Patriot cho Ukraine
VietCatholic Media
15:47 30/11/2024


1. Binh lính Ukraine ăn mừng việc phá hủy hệ thống radar trị giá 5 triệu đô la của Nga

Lực lượng Ukraine tuyên bố đã phá hủy thiết bị radar của Nga trị giá 5 triệu đô la trong một cuộc tấn công ở Crimea, làm tê liệt một phần hệ thống phòng thủ của quân đội Nga.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, gọi tắt là GUR đã phá hủy thành công hệ thống radar “Podlyot” được bố trí ở phía tây Crimea hôm Thứ Năm, 28 Tháng Mười Một.

Theo trang web Army Recognition, Podlyot-K1 là hệ thống radar di động có thể phát hiện tới 200 mục tiêu trên không cùng lúc và có phạm vi phát hiện lên tới 180 dặm.

Hệ thống này được cho là có giá 5 triệu đô la và được thiết kế riêng để phát hiện các mục tiêu ở độ cao thấp, chẳng hạn như máy bay điều khiển từ xa mà Ukraine đã sử dụng trong suốt cuộc chiến. Được phát triển lần đầu tiên vào năm 2009, công nghệ này đã được Lực lượng Phòng không Nga sử dụng rộng rãi kể từ năm 2015.

Trong bài đăng trên trang mạng xã hội Telegram, GUR cho biết: “Vào ngày 28 tháng 11 năm 2024, nhờ chiến dịch thành công của GUR thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, gần thị trấn Kotovskoe ở phía tây Crimea tạm thời bị tạm chiếm, tổ hợp radar “podlyot” của Nga đã bị phá hủy.

“Radar di động 'bay' 48Я6-K1 được đối phương sử dụng để phát hiện mục tiêu trên không ở độ cao thấp và cực thấp trong môi trường có chướng ngại vật khó khăn.

“Chi phí ước tính cho tổ hợp radar Podlyot của đối phương bị phá hủy, được dùng để chỉ định mục tiêu cho hệ thống phòng không S-300 và S-400, là 5 triệu đô la.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xác nhận việc phá hủy thiết bị radar.

Crimea vẫn là tuyến đường tiếp tế quan trọng của quân đội Nga kể từ khi chiến tranh leo thang, trong đó các cây cầu dẫn tới bán đảo đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lực lượng ở miền Đông Ukraine.

Do đó, cơ sở hạ tầng của Crimea đã trở thành trọng tâm đáng kể trong các cuộc tấn công của Ukraine, với các cuộc tấn công vào cầu Kerch sẽ tiếp tục trong suốt năm 2022 và 2023. Kể từ đó, Nga đã cố gắng gia cố cây cầu bằng các rào chắn dưới nước.

Những đợt leo thang gần đây trong cuộc chiến đã chứng kiến các cuộc tấn công từ cả hai bên đánh sâu hơn vào lãnh thổ đối lập so với trước đây. Sau khi Tổng thống Joe Biden chấp thuận các cuộc tấn công tầm xa bên trong biên giới Nga, Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn do Anh cung cấp để tấn công Maryino Estate, một trung tâm chỉ huy của quân đội Nga được cho là nơi đồn trú của quân đội Bắc Hàn.

Ngoài ra, hơn 10.000 quân Bắc Hàn đã được điều động tới tiền tuyến ở Kursk, sau khi Bình Nhưỡng đồng ý ủng hộ cuộc xâm lược của Nga.

[Newsweek: Ukraine Soldiers Celebrate Destruction of Russia's $5 Million Radar System]

2. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn đề xuất chấm dứt chiến tranh ở Ukraine – CNN

Mike Waltz, cố vấn an ninh quốc gia tương lai của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, đã xem xét một số đề xuất liên quan đến việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong những ngày gần đây.

CNN trích dẫn từ hai nguồn tin thân cận với vấn đề này, theo báo European Pravda đưa tin

Các nguồn tin cho biết, mặc dù các chi tiết của chiến lược vẫn đang được hoàn thiện, các quan chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay lập tức để tạm thời đóng băng xung đột trong khi cả hai bên tham gia đàm phán.

Người ta hy vọng rằng các đại diện chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng sẽ vận động các đồng minh Âu Châu và NATO gánh vác nhiều hơn gánh nặng tài chính trong việc hỗ trợ Ukraine.

Waltz đang cân nhắc một số ý tưởng, bao gồm ý tưởng của Tướng Keith Kellogg, người gần đây được Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm làm đặc phái viên về Nga và Ukraine.

Đề xuất của Kellogg cho rằng việc tiếp tục hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine sẽ phụ thuộc vào sự tham gia của Kyiv vào các cuộc đàm phán hòa bình với Nga và “một chính sách chính thức của Hoa Kỳ nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn và giải quyết xung đột Ukraine thông qua đàm phán”. Trong khi đó, nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine sẽ bị “hoãn lại” trong một thời gian dài.

Waltz cũng xem xét một đề xuất riêng được Richard Grenell, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Đức, ủng hộ. Ông này đã lên tiếng ủng hộ việc thành lập “các khu vực tự trị” trong Ukraine, mặc dù ông không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào.

Một ý tưởng khác đang được cân nhắc là cho phép Nga giữ lại các vùng lãnh thổ mà nước này hiện đang kiểm soát để đổi lấy tư cách thành viên NATO của Ukraine. Tuy nhiên, các nguồn tin đã làm rõ rằng rất ít người trong vòng tròn của Tổng thống đắc cử Donald Trump ủng hộ tư cách thành viên NATO của Ukraine trong tương lai gần.

Ukraine là một trong những vấn đề mà Waltz đã thảo luận vào tuần trước với Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Joe Biden.

Trong khi đó, các nguồn tin cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để xác định chiến lược cuối cùng của nhóm Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ như thế nào.

Bản thân Tổng thống đắc cử Donald Trump liên tục thay đổi lập trường và chiến thuật truyền tải thông điệp, đặc biệt là về các vấn đề chính sách đối ngoại, nghĩa là quá trình lập kế hoạch cho Ukraine có khả năng vẫn không ổn định.

Những người được Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia đã công khai tuyên bố rằng tổng thống mới đắc cử đang cân nhắc một số lựa chọn, bao gồm cả những lựa chọn trái ngược với quan điểm trước đây của ông.

Sebastian Gorka, người gần đây được Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm làm một trong những phó tướng hàng đầu của Waltz, gần đây đã gọi Vladimir Putin là “kẻ côn đồ” và tuyên bố rằng chính quyền mới có thể tăng viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine vượt quá mức hỗ trợ hiện tại để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh.

Trong khi đó, các quan chức cao cấp trong nhóm của Tổng thống đắc cử Donald Trump dự đoán tổng thống mới sẽ áp dụng lập trường cứng rắn tương tự đối với Ukraine và có thể đe dọa cắt viện trợ.

[Ukrainska Pravda: Trump's national security adviser chooses proposals to end war in Ukraine – CNN]



3. Hòa Lan bàn giao 3 bệ phóng hỏa tiễn phòng không Patriot cho Ukraine

Hôm Thứ Năm, 28 Tháng Mười Một, Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Lan Ruben Brekelmans tuyên bố rằng Hòa Lan đã chuyển giao ba hệ thống phòng không Patriot mới cho Ukraine.

“Điều này cứu sống và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng. Việc ngăn chặn sự xâm lược của Nga là và vẫn nằm trong lợi ích chung của chúng ta”, Brekelmans cho biết trên phương tiện truyền thông xã hội.

Kyiv đã kêu gọi các đối tác cung cấp thêm các thiết bị phòng không khi Nga tăng cường các cuộc không kích vào các thành phố trước mùa đông.

Nga đã phóng gần 100 máy bay điều khiển từ xa và 90 hỏa tiễn vào Ukraine vào đêm ngày 28 tháng 11, nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Các đợt mất điện khẩn cấp khác đã được áp dụng trên khắp cả nước sau cuộc tấn công.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết: “Tôi biết ơn Bộ trưởng Brekelmans và chính phủ Hòa Lan vì đã tăng cường năng lực phòng không của Ukraine”.

[Kyiv Independent: Netherlands hands over 3 Patriot air defense launchers to Ukraine]

4. Hải quân Ukraine sẽ nhận tàu quét mìn Makkum từ đồng minh NATO

Hải quân Ukraine sẽ nhận được một tàu quét mìn, một tàu chiến nhỏ, do Hòa Lan tặng, nhưng vẫn chưa biết khi nào con tàu sẽ đến quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.

Theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Hòa Lan, tàu quét mìn Makkum đã được Hải quân Hoàng gia Hòa Lan cho ngừng hoạt động vào tháng này để chuẩn bị điều động tới Ukraine sau 40 năm phục vụ tại Hòa Lan.

Tàu chiến này là một trong số nhiều khoản viện trợ quân sự mà Hòa Lan đã dành cho Ukraine, bên cạnh hàng cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ tái thiết, thuốc men và các hàng hóa khác, kể từ khi cuộc xung đột với Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Hải quân Hoàng gia Hòa Lan đã tổ chức lễ chia tay tàu quét mìn, trong đó một lá cờ chiến tranh đã được trao cho vị chỉ huy cuối cùng của Makkum, trung úy hải quân Dave de Kruijff, trước sự chứng kiến của người dân địa phương.

Tàu quét mìn đã tham gia các cuộc tập trận và rà phá chất nổ, 120 ở Biển Bắc, và con tàu, cùng với tất cả các tàu săn mìn lớp Alkmaar khác, sẽ được thay thế bằng sáu tàu chống mìn mới có hộp công cụ siêu hiện đại với các hệ thống điều khiển từ xa để phát hiện và rà phá chất nổ. Con tàu mới đầu tiên có tên Vlissingen hiện đang được đóng và sẽ được chuyển giao cho hải quân vào năm tới.

Theo United24Media, tàu săn mìn lớp Alkmaar là loại tàu ban đầu được Bỉ, Pháp và Hòa Lan chế tạo vào những năm 1980 và 1990, được trang bị công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ hải quân rà phá bom mìn và vận chuyển đạn dược và hàng hóa.

Theo Militarnyi, trước đó, Ukraine đã nhận được tàu dò mìn Vlaardingen, đã ngừng hoạt động vào ngày 27 tháng 3.

Cựu Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte trước đây từng nói rằng Hòa Lan đã cam kết hỗ trợ quân sự 4 tỷ euro, hay 4,2 tỷ đô la, cho Ukraine cho đến năm 2025, theo Reuters.

Vào tháng 9, Hòa Lan đã cung cấp cho Ukraine 80 triệu euro vật liệu hỗ trợ cho máy bay F-16 và hỏa tiễn không đối không, nằm trong gói viện trợ trị giá 221 triệu euro dành cho Ukraine mà Thủ tướng Dick Schoof mô tả là “chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ và sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng và bao gồm thêm kinh phí cho viện trợ nhân đạo”.

Ukraine cũng đã nhận được 2 triệu euro cho việc xét nghiệm DNA nhằm xác định những người mất tích ở Ukraine, 55 triệu euro để sửa chữa cơ sở hạ tầng (năng lượng), nơi trú ẩn, trường học và bệnh viện (thông qua Ngân hàng Thế giới) và nhiều khoản khác trong gói viện trợ 400 triệu euro năm 2024 của Hòa Lan.

Hòa Lan cũng đã gửi 24 máy bay phản lực F-16 cùng với Đan Mạch, Na Uy và Bỉ để tăng cường khả năng phòng không của Ukraine.

Những diễn biến gần đây khác của hải quân Ukraine bao gồm việc họ tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào Crimea vào cuối tháng 10, trong đó có việc sử dụng máy bay điều khiển từ xa trên mặt nước.

Hải quân Ukraine gần đây cũng đã đăng tải một đoạn video ghi lại cảnh quay trên không và bên trong một tàu chiến tương lai, tàu hộ tống chống ngầm lớp Ada do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo, hiện đang được sửa chữa.

[Newsweek: Ukraine Navy to Receive Makkum Minesweeper From NATO Ally]

5. Umerov cho biết Bắc Hàn ủng hộ các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine

Hôm Thứ Năm, 28 Tháng Mười Một, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov cho biết lực lượng Bắc Hàn đang “tích cực hỗ trợ” các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Umerov nhấn mạnh rằng trong suốt cuộc chiến toàn diện, Bắc Hàn đã trở thành nhà cung cấp hỏa tiễn đạn đạo và đạn pháo hàng đầu của Mạc Tư Khoa.

Nga đã tiến hành một chiến dịch tấn công trên không lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vào mùa xuân, tương tự như chiến dịch được tiến hành vào mùa thu và mùa đông năm 2022-23. Các quan chức đã cảnh báo rằng Nga có thể tiếp tục nhắm vào lưới điện khi mùa đông đến gần.

Bộ trưởng Ukraine đã đến Nam Hàn vào đầu ngày 27 tháng 11 và thảo luận về “các bước chung để tăng cường an ninh và ổn định” với Tổng thống nước này Doãn Tích Duyệt. Umerov cũng đã gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Thân Nguyên Thục và Bộ trưởng Quốc phòng Kim Dung Huyền.

Người ta tin rằng Bình Nhưỡng đã điều động hơn 10.000 quân để hỗ trợ cuộc chiến của Nga, với những cuộc đụng độ đầu tiên với lực lượng Ukraine được báo cáo ở Tỉnh Kursk.

Umerov cho biết: “Đối với Nam Hàn, những hành động này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng vì quân đội Bắc Hàn đang tích lũy kinh nghiệm chiến đấu, điều này có thể gây ra những thách thức an ninh bổ sung trong khu vực trong tương lai”.

Các chuyên gia nói với tờ Kyiv Independent rằng việc cung cấp vũ khí nhanh chóng cho Ukraine là điều không thể vì những hạn chế về mặt pháp lý của Nam Hàn trong việc cung cấp vũ khí cho vùng chiến sự.

Một quan chức Nam Hàn gần đây cho biết việc cung cấp trực tiếp đạn 155 ly không được đưa ra thảo luận, với bình luận của Tổng thống Doãn rằng Hán Thành hiện đang xem xét khả năng cung cấp “vũ khí phòng thủ” mà không cung cấp thông tin chi tiết.

[Kyiv Independent: North Korea supports Russian attacks on Ukraine's energy infrastructure, Umerov says]

6. Ukraine tăng thuế quân sự trong bối cảnh lo ngại về tài trợ của Tổng thống đắc cử Donald Trump

Ukraine đã tăng gấp nhiều lần thuế quân sự đối với công dân của mình, trong bối cảnh lo ngại Ông Donald Trump có thể cắt giảm nguồn tài trợ của Hoa Kỳ cho quốc phòng chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Reuters cho biết mức thuế quân sự năm 2025 sẽ được tăng từ 1,5% lên 5%, theo luật được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ký có hiệu lực vào thứ năm.

Bộ trưởng Tài chính Serhiy Marchenkko cho biết dự luật sẽ bảo đảm có nguồn tài trợ cho ngành quốc phòng Ukraine vào năm tới. Người dân sẽ trả 5 phần trăm thu nhập cá nhân của họ từ ngày 1 tháng 12 trở đi, để giúp huy động khoảng 3,4 tỷ đô la. Dự luật cũng sẽ tăng một số khoản thanh toán tiền thuê nhà và đánh thuế lợi nhuận của các ngân hàng ở mức 50 phần trăm.

Việc tăng thuế diễn ra trước khi Ông Donald Trump chuyển đến Tòa Bạch Ốc vào tháng Giêng. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhiều lần hứa sẽ chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine và thường xuyên nói rằng ông tin rằng Hoa Kỳ đang chi quá nhiều cho viện trợ quân sự cho Ukraine.

Hôm Thứ Tư, 27 Tháng Mười Một, Tổng thống đắc cử đã đề cử Keith Kellogg làm đặc phái viên cho Ukraine và Nga. Ông là trung tướng quân đội đã nghỉ hưu, đồng thời là cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Mike Pence trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine và nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump qua email để xin bình luận.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã viết trên Truth Social of Kellogg: “Ông ấy đã ở bên tôi ngay từ đầu! Cùng nhau, chúng ta sẽ bảo vệ HÒA BÌNH THÔNG QUA SỨC MẠNH, và Làm cho nước Mỹ và Thế giới AN TOÀN TRỞ LẠI! Keith đã lãnh đạo một sự nghiệp Quân sự và Kinh doanh xuất sắc, bao gồm cả việc phục vụ trong các vai trò An ninh Quốc gia cực kỳ nhạy cảm trong Chính quyền đầu tiên của tôi.”

Vào tháng 5, Kellogg đã công bố một kế hoạch được đồng sáng tác với cựu trợ lý của Tổng thống đắc cử Donald Trump là Fred Fleitz, kêu gọi chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine trừ khi nước này đồng ý đàm phán hòa bình với Nga. Kế hoạch này cho biết xung đột nên được đóng băng dọc theo các tuyến đầu hiện tại, theo tình hình hiện tại, sẽ khiến Nga kiểm soát khoảng một phần năm lãnh thổ Ukraine.

Tài liệu này nêu rõ cần phải có “chính sách chính thức của Hoa Kỳ nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn và giải quyết thông qua đàm phán đối với xung đột ở Ukraine”.

Tuyên bố cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho Ukraine để bảo đảm rằng Mạc Tư Khoa “không tiến thêm nữa và sẽ không tấn công nữa sau lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình”. Viện trợ quân sự tiếp theo của Hoa Kỳ cho Kyiv sẽ “yêu cầu Ukraine phải tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Nga”.

Tài liệu nêu rõ, để đưa Vladimir Putin vào bàn đàm phán, Hoa Kỳ và các đối tác NATO nên trì hoãn tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh để đổi lấy các bảo đảm an ninh.

Kyiv cũng nên nhận ra rằng sẽ mất nhiều thời gian để giành lại toàn bộ lãnh thổ bị tạm chiếm, và việc dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt đối với Nga có thể thúc đẩy Điện Cẩm Linh tiến tới hòa bình.

Người ta không rõ liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có sử dụng kế hoạch do Kellogg đồng soạn thảo để chấm dứt chiến tranh hay không.

[Newsweek: Ukraine Hikes Military Taxes Amid Trump Funding Fears]

7. Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử Tướng nghỉ hưu Keith Kellogg làm đặc phái viên hòa bình cho Ukraine

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử cựu cố vấn an ninh quốc gia của phó tổng thống, tướng về hưu Keith Kellogg, làm đặc phái viên hòa bình của Ukraine để lãnh đạo các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh toàn diện của Nga, Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo vào ngày 27 tháng 11.

“Cùng nhau, chúng ta sẽ bảo đảm hòa bình thông qua sức mạnh và khiến nước Mỹ và thế giới an toàn trở lại”, Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu trên mạng xã hội Truth Social của mình.

Việc đề cử tướng về hưu Keith Kellogg của Tổng thống đắc cử Donald Trump gây ra một làn sóng thất vọng ở Ukraine.

Vào tháng 6, Reuters đưa tin rằng Kellogg và một cố vấn hàng đầu khác của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Frederick H. Fleitz, đã đề xuất với ông một kế hoạch sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine trừ khi nước này đồng ý đàm phán hòa bình với Nga.

Cả hai cũng được cho là đã đề xuất đóng băng các tuyến đầu ở vị trí hiện tại và loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO khỏi bàn đàm phán.

Keith Kellogg, 80 tuổi, trước đây từng giữ chức Tổng thư ký và Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ trong chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump đầu tiên. Ông cũng là cố vấn cao cấp của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence khi đó.

Tuần trước, Reuters đưa tin rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump đang cân nhắc cựu giám đốc tình báo của mình, nhà ngoại giao Richard Grenell, làm đặc phái viên hòa bình đặc biệt của Ukraine

[Kyiv Independent: Trump nominates retired General Keith Kellogg for Ukraine peace envoy]

8. Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine không? 3 chuyên gia cân nhắc

Căng thẳng leo thang sau khi Tổng thống Joe Biden cho phép Kyiv sử dụng vũ khí tầm xa do Hoa Kỳ sản xuất để tấn công Nga và việc Mạc Tư Khoa sử dụng hỏa tiễn đạn đạo siêu thanh trên lãnh thổ Ukraine đã làm gia tăng lo ngại về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột.

Putin đã ký một học thuyết hạt nhân được cập nhật thành luật vào tuần trước, hạ thấp ngưỡng sử dụng kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới. Nó cho phép phản ứng hạt nhân tiềm tàng ngay cả khi có một cuộc tấn công thông thường vào Nga của bất kỳ quốc gia nào được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ.

Putin cũng đã có bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 21 tháng 11 thảo luận về việc Nga sử dụng hỏa tiễn đạn đạo siêu thanh mới, Oreshnik, trong một cuộc tấn công vào Dnipro. Sau khi thảo luận về cuộc tấn công của Ukraine vào Nga bằng Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội, gọi tắt là ATACMS do Hoa Kỳ sản xuất, Putin nói: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có quyền sử dụng vũ khí của mình chống lại các cơ sở quân sự của các quốc gia cho phép sử dụng vũ khí của họ chống lại các cơ sở của chúng tôi. Và trong trường hợp leo thang các hành động gây hấn, chúng tôi sẽ phản ứng kiên quyết theo cách tương tự.”

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cũng đe dọa sẽ có phản ứng “mạnh mẽ hơn” đối với các cuộc tấn công tiếp theo vào lãnh thổ Nga.

Tổng thống Biden từ lâu đã phản đối việc Ukraine sử dụng ATACMS để tấn công lãnh thổ Nga vì lo ngại khả năng leo thang trước khi cho phép điều này khi Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã nói rõ rằng ông muốn chấm dứt chiến tranh nhanh chóng, chuẩn bị vào Tòa Bạch Ốc. Chính quyền Tổng thống Biden cũng tuyên bố sẽ gửi mìn chống bộ binh đến Ukraine. Hai động thái này cũng đã gây ra mối lo ngại ở Hoa Kỳ về nguy cơ leo thang xung đột, với Thượng nghị sĩ Ted Cruz gần đây đã nói rằng tổng thống đang “đổ xăng khắp Tòa Bạch Ốc”.

Hôm Thứ Ba, 26 Tháng Mười Một, Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cũng đã đưa ra cảnh báo tới Hoa Kỳ về nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân như trên.

Medvedev nói: “Các chính trị gia và nhà báo Mỹ đang thảo luận nghiêm chỉnh về hậu quả của việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Kyiv. Có vẻ như câu chuyện cười buồn của tôi về Tổng thống Biden điên rồ, lú lẫn, người đã quyết định rời khỏi cuộc sống này một cách thanh thản, mang theo một phần đáng kể của nhân loại, đang trở thành một thực tế đáng sợ.”

“Bản thân mối đe dọa chuyển giao vũ khí hạt nhân cho chế độ Kyiv có thể được coi là sự chuẩn bị cho cuộc xung đột hạt nhân với Nga”, ông nói thêm.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia phản bác quyết liệt rằng: “Chúng tôi không có kế hoạch trang bị vũ khí hạt nhân cho Ukraine”.

Newsweek đã trao đổi với ba chuyên gia về việc liệu họ có tin Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine hay không.

John Erath, giám đốc chính sách cao cấp tại Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến vũ khí phi lợi nhuận, cho biết ông tin rằng Putin đã sử dụng vũ khí hạt nhân như “công cụ ngoại giao thông qua các mối đe dọa và tống tiền để hạn chế viện trợ quân sự từ các nước NATO cho Ukraine. Đây là một chính sách khá thành công vì nó đã khiến một số chính phủ, bao gồm đặc biệt là Hoa Kỳ, tự hạn chế những gì họ có thể cung cấp cho Ukraine trong hai năm trở lại đây”.

Liên quan đến khả năng Nga phóng vũ khí hạt nhân vào Ukraine, ông cho biết: “Tôi không nghĩ rằng khả năng họ sử dụng vũ khí hạt nhân theo cách đó lớn hơn nhiều so với trước đây và nó luôn nhỏ vì một số lý do. Đầu tiên và rõ ràng nhất là rất khó để thấy họ hy vọng đạt được điều gì thông qua việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Họ có thể tấn công các mục tiêu trên khắp Ukraine và gây ra sự tàn phá rộng rãi và rất nhiều thương vong cho dân thường.”

“Sẽ không hợp lý khi sử dụng một loại vũ khí để lại nhiều bức xạ còn sót lại trên lãnh thổ mà bạn muốn xâm lược và gần với quân đội của bạn. Vì vậy, về mặt quân sự, có rất ít lý do để sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu có nguy cơ vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng, thì đó sẽ là một minh chứng cho thấy Nga sẵn sàng tiếp tục leo thang. Người Nga muốn mọi người biết rằng họ đã chuẩn bị sử dụng các mức độ bạo lực mà mọi người khác coi là không thể chấp nhận được để áp đặt ý chí của họ lên Ukraine.”

Về các bước tiếp theo của Nga, nếu họ không kiềm chế việc phóng vũ khí hạt nhân, Erath cho biết, “Rất rõ ràng. Họ đã thực hiện cùng một chiến thuật trong hơn hai năm. Họ sẽ tiếp tục leo thang các mối đe dọa, họ sẽ tiếp tục xem điều gì tạo ra ấn tượng và nếu đó là việc sử dụng cái gọi là vũ khí siêu thanh, thì họ sẽ tiếp tục làm điều đó.”

Ông nói tiếp, “Không có gì thực sự mới về vũ khí mà người Nga có thể đã sử dụng. Họ có hỏa tiễn đạn đạo tầm xa có khả năng cao và đã có chúng trong nhiều năm. Hỏa tiễn Oreshnisk được sử dụng ở Dnipro theo một số cách có thể tốt hơn một chút hoặc có thể không. Chúng tôi không biết. Nó là thử nghiệm. Nhưng chúng có ý định gửi một thông điệp rằng chúng đã sẵn sàng sử dụng vũ khí mới và rằng cuộc chiến này là không thể giành chiến thắng đối với Ukraine. Đó là ấn tượng mà họ muốn tạo ra.”

Erath nói thêm rằng nếu Nga định bắn vũ khí hạt nhân vào Ukraine, ông tin rằng họ đã làm vậy từ trước rồi.

'Đe dọa Ukraine và các đồng minh của nước này'

John Lough, cộng tác viên của chương trình Nga và Âu Á tại tổ chức nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House, nói với Newsweek: “Tôi không tin Putin có ý định nghiêm chỉnh nào về việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

“Ông ta một lần nữa đang cố gắng đe dọa Ukraine và các đồng minh của nước này vì ông ta biết rằng các nhà lãnh đạo phương Tây rất nhạy cảm với các mối đe dọa hạt nhân. Như ông ta biết từ quân đội của mình, các tài sản chính nằm trong tầm bắn của các hỏa tiễn phương Tây hiện có sẵn để Ukraine sử dụng chống lại các mục tiêu ở Nga đã được di chuyển ra khỏi tầm bắn từ nhiều tháng trước. Quân đội Nga đã dự đoán được quyết định này.”

Newsweek cũng đã trao đổi với Joseph Rodgers, phó giám đốc và nghiên cứu viên của Dự án về các vấn đề hạt nhân thuộc Chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, gọi tắt là CSIS.

Ông cho biết việc Putin ký học thuyết hạt nhân cập nhật “rõ ràng đã hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga và đặt nền tảng cho việc tăng cường kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga nếu hiệp ước New START, hay thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân, chứng kiến sự cắt giảm kho dự trữ hạt nhân của Hoa Kỳ và Nga] hết hạn vào năm 2026”.

'Sự thay đổi lớn trong chính sách'

“Nga hiện sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công thông thường nào vào Nga của bất kỳ quốc gia nào được một quốc gia có vũ khí hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung”, Rodgers nói thêm. “Ngoài ra, học thuyết mới mở rộng khả năng răn đe hạt nhân cho Nhà nước Liên bang Nga và Belarus, nghĩa là nếu sự tồn vong của Belarus bị đe dọa, thì Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Belarus. Học thuyết này cũng nêu rõ rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả việc sử dụng WMD [vũ khí hủy diệt hàng loạt] chống lại các lực lượng của Nga”.

Rodgers tiếp tục: “Tuy nhiên, học thuyết vẫn nêu rõ rằng Nga coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cực đoan chỉ được sử dụng để chống lại các mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước liên bang. Mặc dù sự thay đổi học thuyết này làm giảm ngưỡng sử dụng hạt nhân, nhưng khả năng thực tế sử dụng vũ khí hạt nhân là thấp.”

Rodgers nhấn mạnh rằng luận điệu hạt nhân không phải là mới và đã được sử dụng kể từ khi chiến tranh bắt đầu, nhưng ông nhấn mạnh rằng đây là “sự thay đổi lớn về chính sách”.

“Học thuyết hạt nhân mới của Nga khó có thể thúc đẩy một sự thay đổi có ý nghĩa trong cách Hoa Kỳ tiếp cận cuộc xung đột”, ông nói. “Cộng đồng toàn cầu nên lên án các mối đe dọa hạt nhân của Nga. Thế giới cần thấy rằng Nga đang tiến hành phô trương vũ khí hạt nhân và không nhận được gì từ họ. Đây không phải là cách mà các quốc gia có vũ khí hạt nhân có trách nhiệm nên hành xử trong hệ thống quốc tế”.

[Newsweek: Could Putin Use a Nuclear Weapon in Ukraine? 3 Experts Weigh In]
 
Phép lạ mở đường tuyên thánh cho Chân Phước Pier Giorgio Frassati. linh mục qua đời ở tuổi 104
VietCatholic Media
15:51 30/11/2024


1. Linh mục Công Giáo lớn tuổi nhất ở Nigeria qua đời ở tuổi 104

Cha Thomas Oleghe, vị linh mục lớn tuổi nhất ở Nigeria đã qua đời ở tuổi 104.

Cha Oleghe qua đời vào sáng sớm ngày 24 tháng 11, ngày lễ trọng Chúa Kitô Vua, giám mục Giáo phận Auchi thông báo trong một tuyên bố.

“Với lòng biết ơn Chúa vì một cuộc sống tốt đẹp trên trần gian, tôi xin thông báo với anh chị em về sự ra đi của Đức Cha MSGR Thomas Oleghe, vị linh mục Công Giáo lớn tuổi nhất ở Nigeria tính đến hôm nay, về cõi vĩnh hằng vào khoảng 2 giờ 30 sáng nay ngày 24 tháng 11 năm 2024,” Đức Cha Gabriel Ghiakhomo Dunia viết trong tuyên bố.

Đức Cha thông báo rằng lễ tang cho Cha Oleghe sẽ diễn ra vào ngày 27 tháng 11.

“Cầu mong linh hồn đáng yêu và dịu dàng của ngài tiếp tục được an nghỉ trong sự bình yên trọn vẹn. Amen,”

Sinh vào tháng 2 năm 1920, Cha Oleghe được thụ phong linh mục vào tháng 12 năm 1957. Ngài phục vụ tại nhiều giáo xứ khác nhau trong giáo phận Auchi, bao gồm Giáo xứ Thánh Gioan Tông đồ Igarra, nơi ngài khởi xướng các cuộc cải cách đặt nền móng cho vị thế vinh quang của nhà thờ ngày nay.

Trong một tuyên bố, cựu Thống đốc bang Edo, Godwin Obaseki đã ca ngợi Cha Oleghe là “nhà truyền giáo vĩ đại của đức tin Công Giáo”.

“Tôi vô cùng đau buồn trước tin tức về sự ra đi của vị linh mục Công Giáo lớn tuổi nhất ở Nigeria, Cha Thomas Oleghe,” Obaseki cho biết.

“Ngài là một linh mục tận tụy và giàu lòng trắc ẩn, người đã làm việc vì sự phát triển của đức tin Kitô giáo và sự phát triển của cộng đồng. Ngài vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều người và là hình mẫu mà nhiều người trẻ ngưỡng mộ”, ông nói.

“ Tôi ca ngợi sự phục vụ có ảnh hưởng của ngài đối với Chúa và nhân loại, làm việc và khen ngợi công việc của ngài tại vườn nho của Chúa ở bang Edo, nơi ngài đã phục vụ nhiều năm để thúc đẩy hòa bình và phát triển”.

Chia buồn cùng Đức Giám Mục Dunia và toàn thể cộng đồng Công Giáo Nigeria, Obaseki cầu nguyện rằng “Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi sức mạnh để chịu đựng mất mát không thể bù đắp được”.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ đại diện cho Edo North, Adams Oshiomhole, bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của vị linh mục.

Trong một tuyên bố, Oshiomhole mô tả Cha Oleghe là “hình mẫu của sự khiêm nhường của một linh mục và là người kiên định bảo vệ các giá trị Kitô giáo”.

Ông cho biết cuộc đời của vị linh mục Công Giáo quá cố là “minh chứng sáng ngời cho các đức tính như đức tin, sự khiêm nhường và lòng sùng kính”.

“Sự qua đi của ngài là một mất mát sâu sắc, không chỉ đối với giáo phận của chúng ta mà còn đối với cả quốc gia nói chung. Ngay cả khi chúng ta thương tiếc ngài, chúng ta vẫn được an ủi bởi sự bảo đảm rằng cuộc đời đầy ảnh hưởng của ngài đã được Chúa ban phước cho ngài với tuổi thọ cao trước khi gọi ngài đến nơi an nghỉ vĩnh hằng,” Oshiomhole nói.


Source:Catholic News Agency

2. Phép lạ Thánh Thể tại Ludbreg, Crotia

Khi Giáo hội Hoàn vũ hướng đến Năm Thánh 2025 (kỷ niệm 2.025 năm Chúa chúng ta Nhập thể), chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ Đức Thánh Cha trong “sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt tâm linh, giáo hội và xã hội trong đời sống của Giáo hội”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố trong lá thư công bố Năm Thánh 2025 vào tháng 2 năm 2022: “Chúng ta phải thổi bùng ngọn lửa hy vọng đã được ban cho chúng ta và giúp mọi người có được sức mạnh và sự chắc chắn mới bằng cách hướng đến tương lai với tinh thần cởi mở, trái tim tin tưởng và tầm nhìn xa trông rộng. Năm Thánh sắp tới có thể đóng góp rất lớn vào việc khôi phục bầu không khí hy vọng và tin tưởng như một bước dạo đầu cho sự đổi mới và tái sinh mà chúng ta vô cùng mong muốn.”

Hy vọng của chúng ta không dựa vào các sáng kiến của con người nhưng dựa vào Chúa, Đấng đã hứa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong bí tích Thánh Thể. Loạt bài về các Phép lạ Thánh Thể này xin giới thiệu với quý vị và anh chị em những phép lạ đã được giáo quyền công nhận minh chứng cho sự hiện diện thực sự của Chúa trong bí tích Thánh Thể.

Trong chương trình này, chúng tôi hân hạnh giới thiệu Phép lạ Thánh Thể tại Ludbreg, Crotia.

Trong Thánh lễ tại Ludbreg năm 1411, một linh mục đã nghi ngờ liệu Mình và Máu Chúa Kitô có thực sự hiện diện trong các hình Thánh Thể hay không. Ngay sau khi được thánh hiến, rượu đã biến thành Máu. Ngày nay, thánh tích quý giá của Máu kỳ diệu vẫn thu hút hàng ngàn tín hữu, và hàng năm vào đầu tháng 9, người Crotia mừng “Sveta Nedilja - Chúa Nhật Thánh” được cử hành trong suốt một tuần để tôn vinh phép lạ Thánh Thể xảy ra vào năm 1411.

Năm 1411 tại Ludbreg, trong nhà nguyện của lâu đài Bá tước Batthyany, một linh mục đang cử hành Thánh lễ. Trong khi thánh hiến rượu, linh mục nghi ngờ sự thật của sự biến thể và vì vậy rượu trong chén thánh đã biến thành Máu. Không biết phải làm gì, linh mục đã giấu thánh tích này vào bức tường phía sau bàn thờ chính. Người thợ xây bức tường để giấu thánh tích ấy đã được yêu cầu tuyên thệ giữ im lặng. 'Linh mục cũng giữ bí mật và chỉ tiết lộ vào giờ lâm tử. Tin tức nhanh chóng lan truyền và mọi người bắt đầu hành hương đến Ludbreg. Sau đó, Tòa thánh đã đưa thánh tích của phép lạ đến Rôma, nơi nó ở lại trong nhiều năm. Tuy nhiên, người dân Ludbreg và khu vực xung quanh vẫn tiếp tục hành hương đến nhà nguyện của lâu đài. Vào đầu những năm 1500, trong thời kỳ Giáo hoàng Giuliô Đệ Nhị, một ủy ban đã được triệu tập tại Ludbreg để điều tra những sự kiện liên quan đến phép lạ Thánh Thể. Nhiều người đã làm chứng rằng họ đã nhận được sự chữa lành kỳ diệu khi cầu nguyện trước sự hiện diện của thánh tích. Vào ngày 14 tháng 4 năm 1513, Giáo hoàng Lêô 10 đã ban hành một Sắc lệnh cho phép tôn kính thánh tích mà chính ngài đã rước nhiều lần qua các đường phố của Rôma. Thánh tích sau đó đã được trả lại cho Croatia.

Vào thế kỷ 18, miền bắc Croatia đã bị tàn phá bởi dịch bệnh. Người dân Elhe đã hướng về Chúa để cầu xin sự giúp đỡ của Người, và Quốc hội Croatia cũng làm như vậy. Trong phiên họp được tổ chức vào ngày 15 tháng 12 năm 1739 tại thành phố Varazdin, họ đã thề sẽ xây dựng một nhà nguyện tại Ludbreg để tôn vinh phép lạ, nếu bệnh dịch chấm dứt. Bệnh dịch đã được chấm dứt ngay sau đó, nhưng lời thề đã hứa chỉ được thực hiện vào năm 1994, khi nền dân chủ được khôi phục ở Croatia. Vào năm 2005, tại nhà nguyện cầu nguyện, nghệ sĩ Marijan Jakubin đã vẽ một bức bích họa lớn về Bữa Tiệc Ly, trong đó các vị thánh và chân phước người Croatia được vẽ thay cho các Tông đồ. Thánh Gioan đã được thay thế bằng Chân phước Ivan Metz, người được đưa vào danh sách 18 vị thánh Thánh Thể quan trọng nhất trong lịch sử Giáo hội trong Thượng hội đồng Giám mục được tổ chức tại Rôma vào năm 2005. Trong bức tranh, Chúa Kitô đang cầm trên tay một chiếc bình đựng thánh tích của phép lạ Thánh Thể.


Source:The Real Presence

3. Đây là phép lạ mở đường cho việc tuyên thánh cho Chân Phước Pier Giorgio Frassati

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Chân phước Pier Giorgio Frassati vào hôm Thứ Hai, 25 Tháng Mười Một, mở đường cho việc tuyên thánh cho ngài trong Năm Thánh Giới trẻ của Giáo Hội Công Giáo vào mùa hè năm sau.

Chân Phước Frassati, qua đời ở tuổi 24 vào năm 1925, được nhiều người trẻ Công Giáo ngày nay yêu mến vì chứng tá nhiệt thành về sự thánh thiện “lên đến đỉnh cao”.

Chàng trai trẻ đến từ thành phố Turin, miền bắc nước Ý, là một nhà leo núi nhiệt thành và là tu sĩ dòng Ba Đa Minh, nổi tiếng với hoạt động bác ái.

Lễ tuyên thánh cho Frassati sẽ diễn ra trong Năm Thánh Giới trẻ tại Rôma vào ngày 3 tháng 8 năm 2025.

Trong sắc lệnh ngày 25 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công nhận phép lạ chữa lành bệnh cho một chủng sinh thuộc Tổng giáo phận Los Angeles - người vừa được thụ phong linh mục vào tháng 6 năm 2023.

Đức ông Robert Sarno, cựu viên chức của Bộ Tuyên thánh của Vatican, từng là đại diện của Đức Tổng Giám Mục trong quá trình giáo phận tại Los Angeles kiểm tra ca chữa lành, nói với CNA rằng chủng sinh này đã bị thương gân Achilles trong một tai nạn bóng rổ khi đang chơi với các chủng sinh khác.

Sau khi chụp MRI cho thấy gân Achilles của anh bị tổn thương đáng kể, bác sĩ đã khuyên anh nên đi khám bác sĩ chỉnh hình.

“Vì quá đau buồn về mọi chuyện nên anh đã bắt đầu cầu nguyện với Chân Phước Pier Giorgio Frassati vào ngày 1 tháng 11”, Đức Ông Sarno giải thích.

Vào giữa thời gian cầu nguyện chín ngày, “anh ta đang khóc trong nhà nguyện và cảm thấy một luồng hơi ấm mạnh mẽ ở mắt cá chân”.

“Và sau đó, một tuần sau khi anh ta đến gặp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, sau khi xem phim chụp MRI và tiến hành kiểm tra sức khỏe, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đã nói với anh ta rằng: 'Chắc hẳn có một người nào đó trên thiên đường thích anh'“

Người chủng sinh có thể ngay lập tức tiếp tục chơi các môn thể thao mà anh yêu thích mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Việc chữa lành đã được xác minh bằng một cuộc điều tra của giáo phận và sự kiểm tra của hội đồng y khoa của Bộ Tuyên thánh, các nhà thần học, các Hồng Y và giám mục.

Sarno lưu ý rằng thật phù hợp khi một chàng trai trẻ chơi bóng rổ lại nhận được sự chữa lành này vì Frassati nổi tiếng với tình yêu thể thao và các hoạt động ngoài trời.

“Đến đỉnh cao” của sự thánh thiện

Sinh vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, 6 tháng 4 năm 1901, Frassati là con trai của người sáng lập và giám đốc tờ báo Ý La Stampa.

Năm 17 tuổi, anh gia nhập Hội St. Vincent de Paul và dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để chăm sóc người nghèo, người vô gia cư, người bệnh cũng như những quân nhân xuất ngũ trở về sau Thế chiến thứ nhất.

Frassati cũng tham gia vào nhóm Tông đồ Cầu nguyện và Công Giáo Tiến hành. Anh đã được rước lễ hàng ngày.

Trên một bức ảnh chụp lần leo núi cuối cùng của mình, Frassati đã viết cụm từ “Verso L'Alto,” có nghĩa là “lên đến đỉnh cao”. Cụm từ này đã trở thành phương châm cho những người Công Giáo lấy cảm hứng từ Frassati để phấn đấu đạt đến đỉnh cao của cuộc sống vĩnh hằng với Chúa Kitô.

Frassati qua đời vì bệnh bại liệt vào ngày 4 tháng 7 năm 1925. Các bác sĩ sau đó suy đoán rằng chàng trai trẻ này đã mắc bệnh bại liệt khi phục vụ người bệnh.

Đức Gioan Phaolô II, người đã phong chân phước cho Frassati vào năm 1990, đã gọi anh là “người của tám mối phúc”, mô tả anh là người “hoàn toàn đắm chìm trong mầu nhiệm của Thiên Chúa và hoàn toàn tận tụy phục vụ tha nhân”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ca ngợi Frassati vì đã chia sẻ tình yêu của Chúa Giêsu với người nghèo trong bài phát biểu vào ngày 24 tháng 6.

Đức Giáo Hoàng nói: “Tôi nhớ đến Chân phước Pier Giorgio Frassati — người sắp được tuyên thánh — người thường đến nhà người nghèo ở Turin để mang sự giúp đỡ đến”.

“Pier Giorgio xuất thân từ một gia đình trung lưu khá giả, nhưng ngài không lớn lên trong sự 'bao bọc trong bông gòn', ngài không đánh mất chính mình trong 'cuộc sống tốt đẹp', bởi vì bên trong ngài có dòng máu của Chúa Thánh Thần, có tình yêu dành cho Chúa Giêsu và anh em của ngài,” ngài nói thêm.

Những vị thánh tương lai khác được công bố

Ngoài Frassati, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng công nhận một phép lạ được cho là của Chân phước Maria Troncatti, hay 1883-1969, một nữ tu người Ý thuộc Hội Con Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, người đã phục vụ với tư cách là nhà truyền giáo giữa các dân tộc bản địa ở Ecuador.

Đức Giáo Hoàng cũng chuẩn y án tử đạo của Tôi tớ Chúa người Việt Nam, Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, sinh năm 1897 và qua đời năm 1946, và Tôi tớ Chúa người Congo Floribert Bwana Chui Bin Kositi, sinh năm 1981 và qua đời năm 2007, dọn đường cho việc phong chân phước cho hai vị.

Cha Phanxicô Xaviê là một linh mục người Việt Nam đã bảo vệ quyền lợi của người dân địa phương chống lại sự cướp bóc của các băng đảng vũ trang vào cuối Thế chiến thứ hai. Vào ngày 12 tháng 3 năm 1946, ngài bị một nhóm dân quân bắt làm tù binh cùng với những người khác và bị nhốt trong một kho gạo, nơi ngài bị thẩm vấn.

Vài ngày sau, người ta tìm thấy thi thể biến dạng của ngài trong một con mương. Sau khi ngài qua đời, các Kitô hữu bắt đầu đến thăm mộ ngài, cầu xin sự chuyển cầu và ban ơn, theo Vatican.

Floribert Bwana Chui Bin Kositi là một giáo dân Congo, luật sư và là thành viên của Cộng đồng Saint Egidio. Ngài làm việc với tư cách là ủy viên cho một cơ quan hải quan kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm nhập vào đất nước, một vai trò mà ngài phản đối một số hành vi tham nhũng. Vì điều này, ngài đã bị bắt cóc, tra tấn và giết chết vào tháng 7 năm 2007. Vatican đã công nhận sự tử đạo của ngài vì lòng căm thù đức tin vì vụ giết hại ngài được thúc đẩy bởi thực tế rằng “ngài là một người có đức tin, được thúc đẩy bởi ý thức công lý mạnh mẽ và tình yêu thương cụ thể đối với người hàng xóm của mình”.

Trong sắc lệnh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn việc tuyên chân phước cho Đấng đáng kính Juana de la Cruz, hay 1481-1534, viện mẫu của Tu viện “Santa Maria della Croce” ở Cubas de Madrid, mà không cần phép lạ thường được yêu cầu do sự công nhận về “lòng sùng kính” lâu đời đã lan rộng và kéo dài trong nhiều thế kỷ.

Đức Giáo Hoàng cũng công nhận nhân đức anh hùng của Giám mục người Croatia Josip Lang, sinh năm 1857 và qua đời năm 1924, người được biết đến với việc phục vụ người nghèo và đào tạo chủng sinh.


Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
Thắp Lên Nén Hương - Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Văn Duy Tùng
18:08 30/11/2024