Ngày 07-11-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cho đi sự sống
Lm. Minh Anh
00:50 07/11/2021
CHO ĐI SỰ SỐNG

“Bà đã dâng tất cả những gì mình có để nuôi sống”.

Một triết gia nói, “Cuộc sống là một quá trình liên tục làm quen với những điều chúng ta không ngờ tới! Và cuộc sống có ý nghĩa nhất cũng là một quá trình liên tục của những con người luôn ‘cho đi sự sống’. Bạn có thuộc vào số những con người đó không?”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cuộc sống có ý nghĩa nhất là một quá trình liên tục của những con người luôn ‘cho đi sự sống!’”. Những gì triết gia ấy nói có đáng tin không? Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay không xa với điều ấy, khi giới thiệu cho chúng ta những mẫu người mà triết gia kia đang đề cập. Đó là những bà goá quảng đại đã cho đi những gì mình có để nuôi sống! Cái để nuôi sống có thể là bánh, cũng có thể là máu; nói khác đi, họ là những con người đã ‘cho đi sự sống!’.

Bài đọc sách các Vua kể chuyện một bà goá thời Cựu Ước, Tin Mừng Marcô kể chuyện một bà goá thời Tân Ước. Một bà goá thời ngôn sứ Êlia, một bà goá thời Chúa Giêsu; một bà goá heo hút trong rừng vắng, một bà goá công khai giữa đền thờ; một bà goá tặng trao chiếc bánh cuối cùng, một bà goá cho đi hai đồng xu sau hết; một bà goá biếu không cái mình có để ăn rồi chết, một bà goá dâng trọn những gì mình có để nuôi sống. Vậy mà Thiên Chúa không để cho bất cứ ai trong họ phải chết cả, vì Ngài đã cho họ “Hũ bột không vơi, bình dầu không cạn”; và như thế, nhờ sự quảng đại ‘cho đi sự sống’ của hai bà, sự sống tự nó được kéo dài.

Hình ảnh hai bà goá của Thánh Kinh dẫn chúng ta đến với một bà goá thứ ba, có thể nói như vậy, đó là chính Thiên Chúa. Phải, nếu xét về mặt ‘cho đi sự sống’, thì chính Thiên Chúa phải là bà goá đầu tiên; vì lẽ, Ngài đã cho đi chính sự sống thần linh của Ngài. Thánh Gioan nói, “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Người Con ấy thì được sự sống đời đời”. Người Con ấy, chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến tặng sự sống cho trần gian, “Vì họ, Con xin thánh hiến mình Con”, “Này là mình Thầy, này là Máu Thầy”. Và như hạt lúa gieo vào lòng đất đã chết đi, thối đi hầu sinh nhiều bông hạt, Chúa Giêsu đã chết đi, thối đi để làm trổ sinh sự sống; đó là một Dân Thánh, một Hội Thánh. Thư Do Thái hôm nay nói về Chúa Kitô, là vị Thượng Tế vốn chỉ vào cung thánh một lần để hiến tế chính mình, đền tội và cứu sống cả nhân loại, “Đức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người”.

Một linh mục tuyên uý đang nói chuyện với một thương binh trong bệnh viện, “Bạn mất một cánh tay vì một lý do cao cả!”, “Không thưa cha!”, người lính trả lời với một nụ cười, “Tôi không đánh mất nó, tôi tặng trao nó!”. Cũng theo cách đó, Chúa Giêsu không đánh mất sự sống của Ngài; Ngài ‘cho đi sự sống’ một cách có chủ đích, “Tôi đến cho trần gian được sống, và sống dồi dào!”.

Anh Chị em,

Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta chỉ có một đời để sống. Vậy như Ngài, hãy sống làm sao cho có ý nghĩa nhất! Trước hết, hãy nhìn vào chính Thiên Chúa, ‘Bà Góa Đầu Tiên’ của nhân loại, Đấng đã cho đi. Gần gũi và thân thương hơn, hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu, ‘đứa con côi cút’ của trần gian. Ngài đã cho đi không những cơm bánh nuôi dưỡng sự sống thể xác, mà còn cho đi chính Thịt Máu Ngài và cả tước vị Con Thiên Chúa. Nói cách khác, Ngài đã cho đi sự sống thần linh, “Ngài đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân… Ngài được thấy kẻ nối dõi, được trường tồn, và nhờ Ngài, ý muốn của Thiên Chúa được thành sự”. Chúa Giêsu đã cho đi tất cả, nên qua hơn 2,000 năm, Hội Thánh không bao giờ thiếu những con người tiếp nối bước Ngài. Cũng thế, nên giống Chúa Giêsu, càng cho đi, chúng ta càng trở nên giàu có. Nhưng cho đi của cải vẫn không đủ, Chúa muốn chúng ta cho đi cả ý riêng, cả cái tôi, cho đi những sở thích tầm thường. Gần gủi hơn, cho đi một nụ cười, một lời yêu thương. Chính lúc cho đi như thế, con tim của chúng ta sẽ bình an; niềm vui và hạnh phúc sẽ ùa về!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Chúa là ‘Bà Góa Tuyệt Vời’ đã ‘cho đi sự sống’ là chính Con Một Ngài. Xin cho con học biết nơi Giêsu, Con Một Ngài, để dám cho đi chính mình vì hạnh phúc vĩnh cửu của con và của anh chị em con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 8/11: Sống là liên đới. Suy Niệm: Linh Mục Giuse Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
05:16 07/11/2021

PHÚC ÂM: Lc 17, 1-6

“Dù một ngày bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: Tôi hối hận, thì con hãy tha cho nó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này. “Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: “Tôi hối hận”, thì con hãy tha thứ cho nó”. Các Tông đồ thưa với Chúa rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: “Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển”, nó liền vâng lời các con”.

Ðó là lời Chúa.
 
Lời Tạ Ơn Chân Thành
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:30 07/11/2021
Lời Tạ Ơn Chân Thành

(Thứ Tư sau Chúa Nhật XXXII TN – Kn 6,2-12; Lc 17,11-19)

Cứ mỗi lần nghe trích đọc bài Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu chữa lành mười người phung cùi mà có đến chín người Do Thái giáo không trở lại cám ơn, duy chỉ có một người là dân ngoại biết trở lại tạ ơn Chúa, bản thân thấy nhồn nhột, vừa thẹn lại vừa xấu hổ. Không lẽ người có niềm tin tôn giáo lại kém “nhân bản” so với bà con lương dân ư? Chắc chắn không phải vậy. Đã là người thì có niềm tin tôn giáo hay không thì phải biết những điều căn bản để sống cho xứng với phận người. Đó là các nhân đức nền tảng mà hầu như ai cũng chân nhận cho dù khác nhau về ngôn ngữ hay văn hóa. Các giáo trình dạy ngôn ngữ thì đều bắt đầu bằng những bài học nhân bản giống nhau đó là “chào hỏi”, “giới thiệu”, “cám ơn”, “xin lỗi”…

Lòng biết ơn là một trong những đức tính nền tảng để làm người. Thiếu nhân đức này thì có thể xem như loài loài vật bậc thấp mà có khi còn thua nhiều loài vốn gần gũi với con người như chó, mèo, trâu, ngựa, bò, lừa…Người ta không chỉ xem thường mà còn khinh bỉ những ai sống kiểu “ăn cháo đái bát”. Tuy nhiên trong cuộc sống nhiều khi chúng ta không thực tâm nhưng lại vô tình rơi vào tình cảnh “vong ân bạc nghĩa” vì một vài lý do nào đó.

Người ta có thể sống kiểu vô ơn khi mà ơn lành lãnh nhận xem ra quá hiển nhiên và đều đều ngày nào cũng có và ai ai cũng có, chẳng hạn như thời gian, khí trời… Trong cảnh dịch bệnh về đường hô hấp đang xảy ra thì đã từng có câu chuyện kể như là bài học làm người trên các trang mạng xã hội: “Có một đại gia chân chính, nhờ kinh doanh khôn khéo nên giàu nứt đố đổ vách, nhưng lại nhiễm phải virus corona. Bệnh trở nặng nên phải thở nhờ máy. May quá, sau một tuần ông ta qua khỏi và khi nhận tờ giấy tính phí tổn, ông đọc đến dòng phí thở khí oxy là 10.000 USD, ông bật khóc. Người ta kinh ngạc hỏi sao lại khóc vì cái tốn phí dù lớn nhưng không đáng gì so với gia tài kếch sù hàng tỉ đô la của ông. Ông bèn nhỏ nhẹ: “không phải tôi tiếc tiền, nhưng tôi thấy hối hận vì mới chỉ thở khí của các ông một tuần đã phải trả 10.000 đô la, trong khi đó đã gần 70 năm qua tôi thở khí của ông trời không tốn một xu, thế mà tôi chưa thực tâm nói lời tri ân Đấng Tạo Hóa”.

Người ta cũng có thể rơi vào tình trạng vong ân khi lầm tưởng rằng những gì mình đạt được là do bởi công sức mình bỏ ra. Với lối suy nghĩ “bàn tay ta làm nên tất cả” thì không chỉ nảy sinh tính cao ngạo mà còn rất dễ sống vong ân, quên nguồn. Rất có thể chín người Do Thái giáo lầm tưởng rằng chính nhờ việc họ đi trình diện các tư tế, là chu toàn lề luật như sách Lêvi ghi (x.Lv 14,1-9), khiến họ được lành bệnh. Dù có đó nhiều lý do để lượng thứ cho sự thiếu sót lòng biết ơn, nhưng thực tiển cho thấy nếu thiếu lòng biết ơn thì người thụ ơn sẽ dễ lãng phí ơn lành đã lãnh nhận và không biết sử dụng ơn lành cách hiệu quả và hữu ích. Chín người Do thái giáo kia nếu lầm tưởng là do công lao mình giữ luật đi trình diện các tư tế mà mình được lành sạch phung cùi thì họ sẽ bị cám dỗ khinh thường không giữ gìn vệ sinh kỷ lưỡng, và rồi một ngày nào đó họ sẽ mắc lại bệnh cũ.

Trở lại với câu chuyện nhà đại gia ở trên. Xin bổ túc thêm đoạn cuối: “Sau khi khỏi bệnh, với tâm tình tri ân Tạo Hóa, ông đã tập hít thở cách sâu hơn, chậm hơn để tăng khối lượng oxy vào cơ thể. Thế là sức khỏe của ông tiến triển rõ rệt. Ông không chỉ áp dụng cho mình mà còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người sử dụng ơn lành của trời cao là khí trời tự nhiên cho hiệu quả”. Sử dụng ân ban cách hữu hiệu cho bản thân và tha nhân là một cách thế bày tỏ lòng tri ân đúng đẹp ý người ban.

Cử hành Bí tích Thánh Thể là hiện tại hóa Hy Tế Thập Giá của Chúa Kitô. Bí Tích Thánh Thể còn được gọi là Hy Tế tạ ơn, vì chính trên thập giá là lúc Chúa Kitô sử dụng ơn Chúa Cha ban là thân xác, là sự sống của Người cách đẹp lòng Chúa Cha nhất. Người dùng chính tấm thân Chúa Cha trao ban để sống đức vâng phục, để mạc khải cho nhân loại thấy chân dung Thiên Chúa Tình Yêu bằng cuộc khổ nạn-phục sinh, cứu sống nhân loại, đưa nhân loại về với phận làm con, được giao hòa với Cha trên trời.

Chúng ta đã và đang lãnh nhận nhiều ân ban. Trong ánh sáng đức tin thì từ sự sống đến các khả năng và điều kiện tự nhiên cũng như xã hội thảy đều là ân ban. Theo bài đọc thứ nhất trích sách Khôn ngoan thì cả đến chức vị, phận vụ này kia ngoài xã hội hay trong Giáo hội cũng là ân lộc của Thiên Chúa ban tặng. “Xin lắng nghe: Quyền bính của các ngươi là do Chúa ban, và uy lực của các ngươi cũng do Đấng Tối Cao. Người sẽ chất vấn mọi hành động và kiểm soát những tư tưởng các ngươi. Vì nếu các ngươi là những người quản lý nước Chúa mà không xét xử công minh, không giữ luật công bình, không sống theo thánh ý Thiên Chúa, thì Người sẽ xuất hiện trên các ngươi cách kinh hoàng mau lẹ…”(Kn 2,3-7).

Thực ra Thiên Chúa không cần những lời tạ ơn của chúng ta cất lên từ môi miệng, vì những lời ca tụng ấy không thêm gì cho Người. Lời tạ ơn chân thành đúng và đẹp lòng Thiên Chúa đó là sử dụng ơn Người ban, cách hữu hiệu, hữu ích cho bản thân và cho tha nhân cả đời này lẫn đời sau.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 07/11/2021

56. Tôi cứ không muốn sống bằng thuần bản tính; nhưng anh được phép chọn lựa, nếu anh là người được chọn.

(Thánh Ignatius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:25 07/11/2021
3. NGŨ ĐẠI THIÊN ĐỊA

Có một ông quan địa phương nọ rất thích rượu, không màng đến chuyện công vụ nhưng thường tham ô tài vật, bá tánh không thể không oán hận.

Khi ông ta từ chức để đi qua địa phương khác thì dân chúng theo lệ cũ tặng một bức hoành “đức chính”, trên bức hoành viết bốn chữ “Ngũ đại thiên địa”. Ông quan nọ không giải thích được ý của nó.

Thân sĩ và dân chúng cùng lớn tiếng nói:

- “Lúc ngài vừa mới đến nhậm chức thì vàng thiên bạc địa; lúc ở tại nhà quan thì hoa thiên tửu địa ( ăn chơi đàng điếm); lúc thăng đường đoán án thì hôn thiên ám địa; dân chúng hàm oan thì hận thiên oán địa; hôm nay mất chức, tạ ơn trời đất !”

(Hi đàm tục lục)

Suy tư 3:

“Đức chính” có nghĩa là “một nền chính trị ích nước lợi dân”, nhưng “đức chính” của ông quan thì là hại dân hại nước, nên ai cũng vui mừng khi ông bị mất chức.

“Đức chính” của người Ki-tô hữu hữu là đạo đức chính trực, tức là sống trong hoàn cảnh nào cũng luôn thể hiện đạo đức của Tin Mừng và sự chính trực của người kính sợ Thiên Chúa, do đó mà người ta theo thói quen nhận xét, đã thấy được Chúa Giê-su nơi người Ki-tô hữu qua năm điểm sau đây:

1. Khi đến nơi nào, thì việc trước tiên của họ là thăm hỏi, quan tâm người khác.

2. Khi làm việc chung với nhau, thì họ là người luôn để ý đến những nhu cầu tâm linh và cuộc sống của người bên cạnh để kịp thời giúp đỡ.

3. Họ luôn là những nhân tố tích cực để người khác cảm thấy an tâm.

4. Trên môi miệng họ luôn nở nụ cười và động viên người khác.

5. Luôn gắt gao với mình, nhưng rộng lượng và thông cảm với tha nhân.


Đó là “ngũ đại phúc” của người Ki-tô hữu đem lại cho những người chung quanh mình.

Ai mà không thích chứ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Hai sức mạnh đối nghịch
Lm. Minh Anh
23:36 07/11/2021
HAI SỨC MẠNH ĐỐI NGHỊCH

“Vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu!”; “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải!”.

John Newton nhận xét, “Hiếm khi Satan tấn công người Kitô hữu bằng một cám dỗ thô bạo. Một khúc gỗ tươi có thể an toàn đứng cạnh một ngọn nến; nhưng với một vài mảnh vụn, vài que củi nhỏ, bạn có thể biến khúc gỗ tươi thành tro và lửa của nó có thể thiêu rụi một cánh rừng. Cũng thế, gương xấu bạn tạo ra là những que củi có thể dẫn đến việc làm hỏng cả một thế hệ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

John Newton thật chí lý! Chỉ vài mảnh vụn, vài que củi, một cánh rừng có thể bị thiêu rụi; cũng thế, gương xấu của người lớn, tuy nhỏ, vẫn có thể đốt cháy một cuộc đời trẻ thơ, và có thể, một thế hệ. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến gương xấu; nhưng bên cạnh đó, nói đến đức tin, như ‘hai sức mạnh đối nghịch’ đang hoạt động trong một con người. Sức mạnh của cám dỗ dẫn con người đến tội lỗi; sức mạnh của đức tin giúp nó vượt qua những trở ngại và gương xấu.

Bài đọc sách Khôn Ngoan nói đến ‘hai sức mạnh đối nghịch’ này khi con người để cho “những tà ý làm xa cách Chúa”, đang khi sự khôn ngoan của Ngài “sẽ không ngự vào tâm hồn gian ác”. Vì thế, hãy để cho Thần Trí Khôn Ngoan của Thiên Chúa chiếm ngự, “Hãy tưởng nghĩ về Chúa cách ngay lành”; vì “Thần Trí Khôn Ngoan thì nhân hậu… Ngài nắm giữ mọi sự, và thông biết mọi lời”.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến gương xấu như một sức mạnh dẫn con người đến điều dữ. “Gương xấu” với ý nghĩa ban đầu là một cái bẫy, một vật chướng ngại khiến người ta vấp phải và sa ngã. Tác động của nó dẫn đến tội lỗi; có thể là xúc phạm Thiên Chúa, phương hại cho lương tâm, linh hồn; làm chai cứng con tim, hình thành thói quen xấu, đánh mất ân sủng; làm tê liệt ý chí, tạo khó khăn trong cầu nguyện… Thế nhưng, không gương xấu nào tác hại hơn việc dẫn người khác đến chỗ phạm tội. Là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi để nên thánh và giúp những người khác nên thánh; đàng này, gương xấu làm sai lệch thiên chức và sứ mệnh của mỗi người. Ai trong chúng ta cũng có “những trẻ nhỏ” được giao phó; trẻ em, người thân, những người dễ bị tổn thương, những người láng giềng với đức tin non yếu… Nếu chúng ta phạm tội; đến lượt họ, họ có thể dạy người khác, cho đến khi đoàn tàu tội lỗi bắt đầu chuyển động mà không có kết thúc. Không lạ, Chúa Giêsu nói, “Thà buộc cối đá vào cổ, xô xuống biển còn hơn!”.

May thay, Ngài cũng đưa ra một sức mạnh đối nghịch để nhờ đó, chúng ta có thể vượt qua những chướng ngại. Đó là đức tin, dù nhỏ bé, vẫn có thể di chuyển cây cối; với Matthêu và Marcô, cả núi non. Thuật ngữ “dời cây”, “chuyển núi” hàm ý một người có thể giải quyết các khó khăn lớn. Đức tin là quà tặng của Thiên Chúa giúp con người nhận biết và hiểu rõ ý muốn của Ngài; đức tin giúp nó tự do sống trong tình yêu và lòng thương xót Chúa; nên giống Ngài, thánh thiện, yêu thương và khôn ngoan. Bên cạnh đó, Thiên Chúa ban ân sủng và sức mạnh Thánh Thần; nhờ đó, chúng ta lớn lên trong đức tin, kiên trì trong hy vọng và bền chí trong tình yêu. Đức tin là chìa khoá mở ra quyền năng của Thiên Chúa, là phương dược loại bỏ những trở ngại. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một lời van xin thật thâm trầm, “Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời!”.

Anh Chị em,

Gương xấu để lại một hậu quả khôn lường; đức tin cũng đưa đến một hồi kết vĩ đại. Thánh Phaolô xác tín, ‘Chúng ta được cứu độ, không phải do công việc mình làm, nhưng nhờ lòng tin vào Đức Kitô’. Đúng thế, cố gắng của con người dù lớn lao đến đâu cũng không thể làm cho nó nên thánh; vì khôn ngoan của nó lại là điều ngu xuẩn trước mặt Thiên Chúa. Thế nhưng, Thiên Chúa cần nỗ lực hết sức của con người; Ngài muốn nó hành động trong khiêm tốn, nguyện cầu trong tin yêu, phó thác trong Thánh Thần. Và như thế, sẽ không bao giờ chúng ta sợ phải lầm lạc. Mẹ Têrêxa nói, “Nếu một ngày có nhiều hơn 24 giờ, tôi vẫn cần Thiên Chúa, tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện những giờ phụ trội đó!”. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta vừa khiêm tốn, vừa vui mừng trước ‘hai sức mạnh đối nghịch’ trong con người mình. Ơn Chúa dư tràn, miễn là chúng ta nhận ra; từ đó, chỗi dậy, xin ơn tha thứ và ra sức cộng tác với sức mạnh thanh luyện của lửa Thánh Thần.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để luôn chọn điều tốt và từ chối điều sai. Xin tình yêu Chúa cai trị trái tim con, hầu con có thể nêu gương tốt cho người khác, và dẫn họ về cùng Chúa”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giả danh Công Giáo để thoát hiểm, rồi gia nhập Công Giáo thực sự, và cuối cùng trở thành một linh mục
Đặng Tự Do
05:25 07/11/2021


Cha Gregor Pawlowski, tên khai sinh là Jacob Zvi Griner, lớn lên trong một gia đình Do Thái ở Zamosc, Ba Lan. Năm 1942, khi lên 11 tuổi, quân đội Đức đến thị trấn của ngài và ra lệnh bắt tất cả người Do Thái.

Griner, mẹ và hai chị gái của ngài trốn trong tầng hầm. Khi quân Đức phát hiện ra họ, Griner đã tìm cách trốn thoát, nhưng mẹ và các chị em gái của ngài bị đưa đến nghĩa trang Do Thái ở Izbica, nơi họ bị tàn sát trong một ngôi mộ tập thể. Cha của Griner có lẽ cũng đã bị giết, và anh trai của ngài là Chaim đã trốn sang Nga.

Sử dụng giấy chứng nhận rửa tội Công Giáo giả mạo do một thiếu niên Do Thái trao cho mình, cậu Griner cuối cùng được đưa vào trại trẻ mồ côi Công Giáo do Hội Hồng Thập Tự Ba Lan điều hành.

Chính tại đây, Griner đã tiếp nhận đức tin Công Giáo.

“Tôi xuất thân từ một gia đình sùng đạo sâu sắc và tôi rất muốn có lại tôn giáo trong cuộc đời mình,” cậu nói.

Ngài được thụ phong linh mục Công Giáo năm 1958, lấy tên “Pawlowski” từ chứng chỉ rửa tội giả mạo của mình.

Năm 1966, lần đầu tiên ngài quyết định kể câu chuyện về nguồn gốc Do Thái của mình.

“Tôi bắt đầu nhận thức được rằng tôi đã không dám tự nhận mình là ai và dân tộc của mình là dân tộc nào”.

Trong một bài báo cho một tuần báo Công Giáo Ba Lan, ngài viết, “Một số người Do Thái có thể nhìn tôi như một kẻ phản bội, nhưng tôi vẫn cảm thấy họ là những người Do Thái đáng mến.”

Khi kết hợp đức tin Công Giáo với bản sắc Do Thái của mình, ngài nói: “Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và Ngài cũng là người Do Thái và các tông đồ của Ngài cũng vậy”

Năm 1970, Cha Pawlowski nhập cư đến Israel, nơi ngài được chào đón bởi các thành viên trong hàng giáo sĩ Công Giáo, và anh trai Chaim, người đã đọc về câu chuyện của em trai mình trong một bài báo bốn năm trước đó trên tờ Jerusalem Post.

Cha Pawlowski là một thành viên Công Giáo nói tiếng Do Thái, và trong 38 năm đã phục vụ cho một cộng đồng Công Giáo Ba Lan ở Jaffa. Tấm bảng trên cửa căn hộ của ngài có hai tên: Gregorcz Pawlowski, và bên dưới nó bằng tiếng Do Thái, Zvi Griner, tên khai sinh của ngài.

Năm 1974, Cha Pawlowski trở về nghĩa trang Do Thái ở Izbica, nơi mẹ và em gái của ngài bị sát hại, và cùng với anh trai, dựng một tấm bia tưởng niệm mẹ và các chị của mình với các dòng chữ sau:

“Tôi đã bỏ rơi gia đình của mình

Để cứu mạng tôi tại thời điểm của cuộc diệt chủng.

Họ đến để đưa chúng tôi đi tiêu diệt.

Cuộc sống của tôi tôi đã cứu và đã dâng hiến nó

Để phụng sự Thiên Chúa và nhân loại.”

Lúc này, vị linh mục cũng lập khu mộ cho mình bên cạnh mộ người thân trong gia đình.

“Tôi sinh ra là một người Do Thái, tôi sống như một Kitô Hữu, và tôi sẽ chết như một người Do Thái”

Nhiều năm sau, tờ Jerusalem Post đưa tin, Giáo sĩ Shalom Malul, khoa trưởng Đại Học Amit Ashdod Yeshiva ở Israel có chuyến du lịch tới Ba Lan với các sinh viên của mình. Ông nhận thấy đài tưởng niệm mẹ và em gái của Cha Pawlowski. Malul đã liên lạc với vị linh mục khi ông trở về Israel và hai người bắt đầu tình bạn.

Theo báo cáo trên tờ Jerusalem Post, “Malul nói rằng Pawlowski nói với ông rằng ngài đã cống hiến cuộc đời mình cho Giáo Hội Công Giáo vì mạng sống của ngài đã được người Công Giáo cứu và ngài cảm thấy vô cùng cảm kích vì điều này, vì vậy đã cống hiến cuộc đời mình cho Giáo Hội Công Giáo và cộng đồng người Ba Lan”.

Ngày 25 tháng 10, thánh lễ an táng Cha Pawloski đã được cử hành tại Nhà thờ Thánh Phêrô ở Jaffa. Và theo nguyện vọng của Cha Pawlowski, ngài được chôn cất tại Ba Lan, bên cạnh gia đình, theo nghi lễ của người Do Thái.

Bia mộ của ngài có khắc hình bánh mì và cá, tượng trưng cho những phép lạ do Chúa Giêsu thực hiện.
Source:Aleteia
 
Chỉ có 7 phụ nữ trên thế giới được mặc đồ trắng để chính thức gặp Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
05:25 07/11/2021


Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Donald Trump tới Vatican đã thu hút sự chú ý của thế giới vì nhiều lý do khác nhau trong đó có chuyện Melania và Ivanka đều mặc những trang phục mầu đen và đeo mạng che mặt để gặp Đức Thánh Cha.

Tòa thánh không áp đặt quy định bắt buộc về trang phục, nhưng đề xuất một quy định cho các cuộc viếng thăm và tiếp kiến cấp nhà nước với Đức Giáo Hoàng, cho cả nam và nữ.

Đối với người nữ, giao thức yêu cầu một trang phục màu đen với đường viền cổ cao, tay áo dài và mạng che mặt màu đen. Tuy nhiên, vì lý do lịch sử, một số hoàng hậu hoặc người phối ngẫu của các vị vua Công Giáo theo truyền thống được miễn sử dụng màu đen. Điều này được gọi là “privilège du blanc” hay đặc quyền mầu trắng, một đặc quyền đặc biệt được cấp theo tiêu chí của Tòa Thánh.

Hiện tại, chỉ có bảy nữ hoàng, công chúa hoặc phối ngẫu của các vị vua được ban cho “đặc quyền mầu trắng”: Đó là Nữ hoàng Leticia của Tây Ban Nha, Nữ hoàng danh dự Sofia của Tây Ban Nha, Nữ hoàng Matilde của Bỉ, Nữ hoàng Paola của Bỉ, Nữ công tước Maria Teresa của Luxembourg, Công chúa Charlene của Monaco và Công chúa Marina của Naples, là thành viên của Hạ viện Savoy.

Đó là một truyền thống nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của Đức Giáo Hoàng, nhưng bản thân các Đức Giáo Hoàng không yêu cầu nhất thiết phải tôn trọng các giao thức này.

Trong những năm gần đây, một số người đứng đầu chính phủ hoặc nhà nước đã được Đức Giáo Hoàng tiếp đón mà không mặc đồ đen. Ví dụ như trường hợp của các cựu Tổng thống Ái Nhĩ Lan Mary Robinson và Mary McAleese, cũng như Raissa Gorbachev của Liên Xô cũ. Trong tất cả những trường hợp này, họ vẫn được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp.

Trong một số trường hợp, ngay cả các hoàng hậu và công chúa có “đặc quyền mầu trắng” cũng không muốn sử dụng đặc quyền này, chọn mặc đồ đen để bày tỏ lòng tôn kính với Đức Thánh Cha.
Source:Aleteia
 
Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sang Mỹ xin Biden can thiệp chẳng được ơn ích gì lại tốn rất nhiều tiền
Đặng Tự Do
05:26 07/11/2021


Sau kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Mount Sinai ở Manhattan, cũng như hội chẩn với các bác sĩ, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sẽ nhập viện vào chiều 4 tháng 11 để đánh giá nhu cầu đặt stent. Stent là một ống kim loại hoặc một ống nhựa được dùng để mở rộng những lòng mạch bị tắc hẹp. Ví dụ, khi lượng choresterol tích tụ làm tắc nghiẽn động mạch, stent có thể được sử dụng để giúp máu lưu thông trở lại và giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Các stent còn giúp ngăn ngừa chứng phình động mạch trong não và mở thông các đường dẫn khác trong cơ thể, chẳng hạn như ống mật, đường dẫn khí trong phổi, đường tiết niệu và động mạch chân.

Thông báo ban đầu từ Tổng giáo phận Chính Thống Giáo Hoa Kỳ cho biết kết quả kiểm tra y tế tại Bệnh viện Mount Sinai ở Manhattan là “rất khả quan”, và trên thực tế, Đức Thượng phụ Đại kết và đoàn tùy tùng của ngài đã chuẩn bị rời New York để quay về Constantinople bằng máy bay riêng.

Tổng Giáo phận đã đăng một bức ảnh của Đức Thượng Phụ Đại Kết đến tòa nhà Tổng Giáo Phận để dùng bữa sáng với các Giám Mục nói lời chia tay.

Tuy nhiên, một thông báo mới cho biết Bệnh viện Mount Sinai lại yêu cầu ngài quay ngược trở lại để họ đánh giá nhu cầu đặt stent.


Source:Orthodox Times
 
Truyền thống trong tháng các linh hồn ở khắp nơi trên thế giới
Đặng Tự Do
16:13 07/11/2021


Chúng ta đang sống trong tháng 11, tháng đặc biệt cầu nguyện cho linh hồn của những người thân yêu. Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, trong số ra ngày 2 tháng 11 cho biết trong quá khứ, có nhiều truyền thống đáng quý mà ngày nay không còn được tuân giữ, vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, trong các ngôi nhà ở Ái Nhĩ Lan, cửa không được khóa để những người ra đi có thể cảm thấy được chào đón trở lại vào Ngày Các Đẳng Linh Hồn và sẽ tìm một chỗ cho họ tại bàn ăn tối. Phong tục đã biến mất một cách đáng buồn, vì nếu để cửa mở như thế thì có khác gì là mời trộm cắp vào nhà.

Tuy thế, có một số truyền thống đẹp vẫn còn diễn ra trên khắp thế giới.

Tại Đức

Trong thời gian này, theo truyền thống dân gian, các gia đình người Đức cất tất cả các con dao vào một nơi an toàn, để khi linh hồn về thăm nhà không bị dao đâm.

Tại Ba lan

Người Công Giáo Ba Lan sẽ đến thăm những ngôi mộ của người thân mang theo những bó hoa cúc và một ngọn nến. Đối với người Ba Lan, hoa cúc là biểu tượng của sự bất tử - và ngọn nến tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa bên cạnh người thân yêu của họ. Cảnh nghĩa trang của Ba Lan vào dịp này là một cảnh rất đẹp đáng để chiêm ngưỡng.

Tại Phi Luật Tân

Thời điểm này trong năm sẽ chứng kiến các nghĩa trang Phi Luật Tân đầy ắp người. Nhiều gia đình sẽ dành nhiều thời gian bên phần mộ của người thân: ăn uống, trò chuyện, cầu nguyện, cũng như dọn dẹp và trang trí phần mộ. Đây là dịp để gia đình dành thời gian bên nhau, và có một cảm giác vui mừng khi mọi người tưởng nhớ những người đã ra đi.

Tại Ái Nhĩ Lan

Mặc dù nhiều truyền thống trong quá khứ không còn được tuân giữ, nhưng người Ái Nhĩ Lan vẫn dành thời gian của họ để cầu nguyện và đi lễ để tôn vinh những người bạn và thành viên gia đình đã khuất của họ. Một số gia đình vẫn sẽ thắp một ngọn nến trong nhà của họ, đặc biệt là trong phòng có người thân qua đời.

Tại Mễ Tây Cơ

Người Mễ Tây Cơ kỷ niệm Ngày Các Đẳng Linh Hồn kết hợp với Dia de los Muertos, hay “Ngày của người chết”. Giống như ở nhiều quốc gia Công Giáo, các gia đình sẽ dành thời gian bên mộ những người thân yêu, nhưng họ cũng sẽ lập một bàn thờ tại nhà với thức ăn, hoa và hộp hình sọ người đựng đường để tôn vinh những người đã qua đời.

Tại Áo

Trong các vùng của Áo, các gia đình dọn dẹp ngôi nhà của họ sạch đẹp và ấm áp, và sẽ để một chiếc bánh trên bàn để mời những người thân yêu đã khuất của họ.

Tại Malta

Người Công Giáo Malta theo truyền thống có món heo quay vào bữa tối Ngày Các Đẳng Linh Hồn. Điều này bắt nguồn từ một phong tục, dân làng đeo chuông cho một con heo và cho nó đi lang thang trên đường phố. Người dân địa phương sẽ cho nó ăn, sau đó nó sẽ bị giết thịt vào ngày hôm đó để nuôi người nghèo.

Tại Ý

Ý có nhiều truyền thống, nhưng nổi bật trong nhiều vùng là việc cung cấp các món ngọt riêng cho người đã khuất – tiếng Ý gọi là dolci dei morti, “kẹo cho người chết”. Họ cũng làm những chiếc bánh quy màu trắng có hình xương, chúng là một cách buồn vui lẫn lộn để tưởng nhớ những người thân yêu.
Source:Aleteia

 
Một Giám mục quá sức lận đận
Đặng Tự Do
16:14 07/11/2021


Lễ tấn phong Giám mục cho Cha Christian Carlassare, người được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Rumbek của Cộng Hoà Nam Sudan vào tháng 3 năm nay đã bị hoãn lại sang năm sau, vào một ngày chưa biết là ngày nào.

Lễ tấn phong Giám mục cho Cha Carlassare ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tức là ngày 23 tháng 5 năm nay, nhưng đã bị hoãn lại sau khi ngài bị bắn vào cả hai chân vào ngày 26 tháng Tư.

Đức Tổng Giám Mục Bert van Megen, Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Sudan nói:

“Tôi có nhiệm vụ thông báo cho anh chị em, thay mặt cho Tòa thánh, các nghi thức tấn phong giám mục cho Cha Christian Carlassare, Giám Mục tân cử của Rumbek đã bị hoãn lại đến năm 2022, vào một ngày vẫn còn chưa được xác định.”

Trong lá thư gửi cho các Đấng Bản Quyền địa phương và các Giám Quản Tông Tòa ở Sudan và Nam Sudan, đại diện của Đức Thánh Cha khen ngợi “Đức Giám Mục tân cử và Giáo phận Rumbek đã nhiệt thành cầu nguyện”.

Khuya ngày 26 tháng 4, hai người đàn ông có vũ trang bắn nhiều phát đạn vào cửa phòng của ngài, sau đó, chúng xông vào phòng của ngài trong một khu nhà có các Linh mục đang phục vụ tại Nhà thờ Thánh Giá của Cộng Hoà Nam Sudan. Bọn chúng nổ nhiều loạt đạn vào ngài trước khi rút lui.

Ngài được điều trị ban đầu tại cơ sở y tế ở Rumbek và sau đó được chuyển bằng máy bay đến thủ đô Nairobi của Kenya, nơi ngài được nhập viện tại Bệnh viện Nairobi.

Trong một đoạn video ACI Africa ghi lại từ giường bệnh của mình vào ngày 27 tháng 4, vị Giám mục tân cử đã mô tả vụ nổ súng là một sự đe dọa tính mạng nhưng kêu gọi hòa giải và “công lý với cùng một trái tim của Chúa” giữa người dân Rumbek

“Sẽ mất một thời gian để đôi chân của tôi có thể đi lại được nhưng tôi bảo đảm với anh chị em rằng tôi sẽ trở lại và tôi sẽ ở bên anh chị em,” vị giáo sĩ người Ý nói trong thông điệp của mình với dân Chúa ở Rumbek một ngày sau khi bị bắn. Ngài đã phục vụ tại giáo phận Malakal từ năm 2005 khi đến Nam Sudan truyền giáo.

Ngài cũng “kêu gọi chính phủ, cộng đồng và tất cả người dân Rumbek tha thứ cho những người đã thực hiện hành vi này. Tôi cảm thấy rằng cộng đồng Rumbek cần nhiều sự tha thứ để có thể đối thoại và đến với nhau”

“Tôi cúi mình trước mặt Chúa để cầu xin cho Giáo Hội Rumbek. Tôi cầu nguyện cho sự hoán cải của những người tội lỗi. Tôi xin dâng lên nỗi đau mà tôi đang trải qua để Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, có thể thanh tẩy Giáo Hội tại Rumbek khỏi mọi lỗi lầm và những điều như thế này có thể không xảy ra nữa; không có chỗ cho bạo lực, chia rẽ, và những ham muốn ích kỷ đến từ ma quỷ”.

Vào ngày 5 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Matthew Remijio của Giáo phận Wau miền Nam Sudan làm Giám quản Tông tòa của giáo phận Rumbek với nhiệm vụ tạm thời cai quản Giáo phận cho đến khi vị Giám mục tân cử “được chữa lành, được tấn phong và tiếp quản quyền điều hành Giáo phận đó, sớm nhất có thể.”


Source:ACIA Africa
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha tại Bệnh viện Agostino Gemelli - 60 năm Khoa Y và Phẫu thuật Đại học Thánh Tâm
J.B. Đặng Minh An dịch
16:16 07/11/2021


Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích người Công Giáo hãy để tình yêu của Chúa Giêsu được thể hiện qua sự chăm sóc yêu thương của chúng ta đối với những người bệnh tật và đau khổ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ bên ngoài Bệnh viện Đại học Gemelli, nằm trên ngọn đồi cao nhất của Rome, Monte Mario, và được Newsweek xếp hạng là bệnh viện tốt nhất trong số các bệnh viện ở Ý vào năm 2021.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua 11 ngày tại Bệnh viện Gemelli vào tháng Bảy sau khi phẫu thuật đại tràng. Trong khi hồi phục sau cuộc phẫu thuật, ngài vẫn ở trong cùng một phòng nơi Đức Gioan Phaolô II đã được điều trị trong thời gian tại vị của ngài.

Thánh lễ ngày 5 tháng 11 đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Y và Phẫu thuật của trường đại học, có trụ sở tại Rôma nhưng là một phần của Đại học Thánh Tâm Công Giáo do tổng giáo phận Milan thành lập.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Khi chúng ta tưởng nhớ với lòng biết ơn về ân sủng là địa điểm này của trường Đại học Công Giáo, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một số suy nghĩ liên quan đến danh xưng của ngôi trường. Nhà trường này được dành riêng cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng như ngày hôm nay, ngày thứ Sáu đầu tháng được dành cho Thánh Tâm Chúa. Khi chiêm ngắm Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta có thể để cho mình được hướng dẫn bởi ba từ: ký ức, niềm đam mê và sự an ủi.

Tưởng nhớ. Từ tưởng nhớ, tiếng Ý, ricordare, có nghĩa là “trở về với trái tim, trở về với trọn tâm hồn”. Ricordare. Thánh Tâm Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở về với điều gì? Thưa: Về với những gì Ngài đã làm cho chúng ta: Trái tim của Chúa Kitô cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng hiến dâng chính Ngài, đó là bản tóm tắt lòng thương xót của Ngài. Nhìn vào Thánh Tâm Chúa Giêsu - giống như Gioan đã làm trong Tin Mừng (19: 31-37), chúng ta tự nhiên nhớ đến sự tốt lành của Người, được ban cho chúng ta một cách nhưng không, không thể mua cũng như không thể bán; và vô điều kiện, nó không phụ thuộc vào hành động của chúng ta. Và Thánh Tâm Chúa Giêsu làm ta xúc động. Trong sự vội vã của ngày hôm nay, giữa hàng nghìn công việc lặt vặt và những lo lắng triền miên, chúng ta đang mất dần khả năng để xúc động và cảm thương, bởi vì chúng ta đang đánh mất sự trở lại trái tim, tức là ký ức này, sự quay trở lại trái tim này. Nếu không có ký ức, người ta sẽ mất gốc, và không có rễ, người ta sẽ không phát triển. Thật tốt cho chúng ta khi nuôi dưỡng ký ức về người đã yêu thương chúng ta, chăm sóc chúng ta và nâng chúng ta lên. Hôm nay tôi muốn mở rộng lời “cảm ơn” vì sự quan tâm và tình cảm mà tôi đã nhận được ở đây. Tôi tin rằng trong thời đại đại dịch này, thật tốt cho chúng ta khi nhớ lại ngay cả những thời điểm chúng ta đã phải chịu đựng nhiều nhất: không phải để làm chúng ta buồn, nhưng để chúng ta không quên, và hướng dẫn chúng ta trong các lựa chọn của mình dưới ánh sáng của một quá khứ rất gần đây.

Tôi tự hỏi: trí nhớ của chúng ta hoạt động như thế nào? Nói cho đơn giản, chúng ta có thể nói rằng chúng ta nhớ ai đó hoặc điều gì đó khi nó chạm vào trái tim chúng ta, khi nó ràng buộc chúng ta với một tình cảm cụ thể hoặc một sự vô tình. Và vì vậy Trái Tim của Chúa Giêsu chữa lành trí nhớ của chúng ta bởi vì Thánh Tâm Ngài đưa ký ức chúng ta trở lại tình cảm cơ bản, làm nó bắt rễ trên nền tảng vững chắc nhất. Thánh Tâm nhắc nhở chúng ta rằng, bất cứ điều gì xảy ra với chúng ta trong cuộc sống, chúng ta đều được yêu thương. Đúng vậy, chúng ta là những sinh vật được yêu thương, những người con mà Chúa Cha luôn yêu thương và trong mọi trường hợp, là những anh chị em mà vì đó Trái Tim Chúa Kitô thổn thức. Mỗi khi nhìn vào Trái Tim ấy, chúng ta khám phá ra chính mình “bắt nguồn từ tình yêu thương”, như Tông đồ Phaolô đã nói trong bài đọc thứ nhất hôm nay (Ep 3:17).

Chúng ta hãy trau dồi ký ức này, được củng cố khi chúng ta đối diện với Chúa, đặc biệt là khi chúng ta để mình được Ngài nhìn và yêu thương trong sự thờ phượng. Nhưng chúng ta cũng có thể trau dồi cho mình nghệ thuật ghi nhớ, trân trọng những khuôn mặt chúng ta gặp. Tôi nghĩ về những ngày mệt mỏi trong bệnh viện, tại trường đại học, tại nơi làm việc. Chúng ta có nguy cơ thấy rằng mọi thứ sẽ trôi qua không dấu vết, hoặc chỉ còn lại sự mệt mỏi và chán ngán. Thật tốt cho chúng ta, buổi tối được nhìn lại những gương mặt đã gặp, những nụ cười đã nhận, những lời nói tốt đẹp. Chúng là những kỷ niệm của tình yêu và chúng giúp trí nhớ của chúng ta tìm lại chính nó: mong trí nhớ của chúng ta tự tìm lại được. Những kỷ niệm này quan trọng biết bao trong bệnh viện! Chúng có thể mang lại ý nghĩa cho những ngày của các bệnh nhân. Một lời nói huynh đệ, một nụ cười, một cái vuốt ve trên khuôn mặt: đây là những ký ức chữa lành bên trong, chúng làm tốt trái tim. Chúng ta đừng quên liệu pháp ghi nhớ: nó rất tốt!

Niềm đam mê là từ thứ hai. Niềm đam mê. Đầu tiên là ký ức, sự ghi nhớ; thứ hai là niềm đam mê. Trái tim của Chúa Kitô không chỉ là đối tượng của một lòng đạo bình dân, để cảm thấy một chút ấm áp bên trong; Trái tim Ngài không phải là một hình ảnh dịu dàng khơi dậy tình cảm, không, Thánh Tâm không phải thế. Đó là một trái tim nhiệt thành - chỉ cần đọc Tin Mừng chúng ta cũng thấy rõ đó là một trái tim bị thương vì tình yêu, đang mở ra cho chúng ta trên thập tự giá. Chúng ta đã nghe Tin Mừng nói về điều đó như thế nào: “Một trong những người lính lấy giáo đâm vào sườn Người, ngay lập tức máu và nước chảy ra” (Ga 19:34). Khi bị đâm thâu qua, trong cái chết của Ngài, Chúa ban sự sống cho chúng ta. Thánh Tâm là biểu tượng của cuộc Khổ nạn, cho chúng ta thấy sự dịu dàng nội tại của Thiên Chúa, tình yêu thương nồng nàn của Người đối với chúng ta, đồng thời, khi được giơ cao lên bởi thập giá với những gai nhọn bao quanh, Thánh Tâm cho chúng ta thấy để cứu rỗi chúng ta, Chúa đã phải trả giá bằng bao nhiêu đau khổ. Nói tóm lại, trong sự dịu dàng và đau đớn, Trái Tim đó mạc khải cho chúng ta niềm đam mê của Chúa. Đâu là phong cách của con người, chúng ta. Và đâu là phong cách của Chúa? Gần gũi, từ bi và dịu dàng. Đây là phong cách của Chúa: gần gũi, từ bi và dịu dàng.

Điều này gợi ý điều gì? Điều đó cho thấy nếu chúng ta thực sự muốn yêu mến Thiên Chúa, chúng ta phải say mê đối với nhân loại, toàn thể nhân loại, đặc biệt là những người đang sống trong tình trạng mà Trái Tim Chúa Giêsu đã biểu lộ, đó là đau đớn, bị bỏ rơi và bị khước từ; đặc biệt là trong nền văn hóa vứt bỏ mà chúng ta đang sống ngày nay. Khi chúng ta phục vụ những người đau khổ, chúng ta an ủi và vui mừng trong Trái Tim của Chúa Kitô. Một đoạn trong Phúc âm rất đáng chú ý. Thánh sử Gioan, ngay lúc kể lại cạnh sườn Chúa bị đâm thủng, máu và nước chảy ra, đã làm chứng để chúng ta tin (xem câu 35). Thánh Gioan viết rằng ngay lúc đó chứng tá về tình yêu của Chúa xảy ra. Bởi vì Trái Tim của Thiên Chúa bị đâm xuyên qua là một chứng tá hùng hồn. Không cần nhiều lời, bởi vì đó là lòng thương xót trong trạng thái tinh khiết của nó, tình yêu bị thương và ban sự sống. Đó là Thiên Chúa, với sự gần gũi, từ bi và dịu dàng. Biết bao lần chúng ta nói về Thiên Chúa nhưng không thể hiện tình yêu thương! Nhưng tình yêu nói cho chính nó, nó không nói về chính nó. Chúng ta hãy cầu xin ơn để trở nên say mê con người đau khổ, trở nên say mê phục vụ, để Hội Thánh, trước khi có lời muốn nói, có thể giữ một trái tim luôn đập với tình yêu. Trước khi nói, Giáo Hội có thể học cách bảo vệ trái tim mình trong tình yêu.

Từ thứ ba là sự an ủi. Đầu tiên là sự hồi tưởng, niềm đam mê thứ hai, thứ ba là sự an ủi. Nó chỉ ra sức mạnh không đến từ chúng ta, mà đến từ những người ở bên chúng ta: đó là sức mạnh đến từ Chúa Giêsu, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh này, Trái tim của Người cho chúng ta can đảm trong nghịch cảnh. Có quá nhiều điều không chắc chắn khiến chúng ta sợ hãi: trong thời đại đại dịch này, chúng ta thấy mình nhỏ bé hơn, mong manh hơn. Bất kể có rất nhiều tiến bộ kỳ diệu, điều này cũng được thấy rõ trong lĩnh vực y tế: rất nhiều bệnh hiếm gặp và chưa được biết đến! Khi tôi gặp gỡ những người trong buổi tiếp kiến chung - đặc biệt là trẻ em - và tôi hỏi: “Con có bị đau yếu gì không?” – Các em trả lời “Dạ có, con bị một căn bệnh hiếm gặp”. Có rất nhiều người như thế ngày hôm nay! Thật khó biết bao để theo kịp với các phương pháp điều trị, các phương tiện điều trị, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe là những điều thực sự nên làm, đối với tất cả mọi người. Chúng ta có thể trở nên chán nản. Đó là lý do tại sao chúng ta cần sự an ủi – là từ thứ ba. Trái tim Chúa Giêsu luôn lặp lại những lời đó: “Can đảm lên, can đảm, đừng sợ, Thầy ở đây!”. Can đảm lên, chị em, can đảm lên, anh em, đừng nản lòng, Chúa là Thiên Chúa của anh chị em vĩ đại hơn những bệnh tật, Ngài nắm lấy tay anh chị em và vuốt ve anh chị em, Ngài gần gũi anh chị em, Ngài nhân từ, Ngài dịu dàng. Ngài là niềm an ủi của anh chị em.

Nếu chúng ta nhìn thực tại từ sự cao cả của Trái Tim Người, thì viễn tượng thay đổi, kiến thức của chúng ta về cuộc sống cũng thay đổi vì như Thánh Phaolô đã nhắc nhở, cho chúng ta biết “tình yêu của Đức Kitô vượt trên sự hiểu biết” (Ep 3,19). Chúng ta hãy tự khích lệ mình với sự chắc chắn này, với sự an ủi của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy cầu xin Thánh Tâm Chúa ban ơn để có thể đến lượt mình an ủi người khác. Đó là một ân sủng cần phải được cầu xin, khi chúng ta can đảm cam kết cởi mở, giúp đỡ nhau, mang vác gánh nặng cho nhau. Nó cũng áp dụng cho tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe “Công Giáo”: chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau tiến về phía trước.

Xin Chúa Giêsu mở rộng trái tim của những người chăm sóc người bệnh để cộng tác và gắn kết với nhau. Lạy Trái Tim Chúa, chúng con giao phó ơn gọi chăm sóc của chúng con trong tay Chúa: xin Chúa làm cho mọi người đến với chúng con cảm thấy họ là những người thân thương đối với chúng con. Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 7/11/2021
J.B. Đặng Minh An dịch
17:13 07/11/2021


Chúa Nhật 7 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 32 Mùa Quanh Năm.Bài Tin Mừng theo Thánh Marcô có chủ đề “Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”. Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Khung cảnh được Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay mô tả diễn ra bên trong Đền thờ Giêrusalem. Chúa Giêsu quan sát, nhìn những gì xảy ra ở nơi này, nơi thánh thiêng nhất, và thấy cách thức các thầy thông luật thích bước đi để được chú ý, chào đón, tôn kính và chiếm những ghế nhất. Và Chúa Giêsu nói thêm rằng “họ ăn tươi nuốt sống nhà cửa của các bà goá và cầu nguyện lâu giờ để được nhìn thấy” (Mc12:40). Cùng lúc đó, mắt Ngài thoáng hiện ra một cảnh khác: một góa phụ nghèo, là một trong những người bị thế lực bóc lột, đang bỏ vào kho của Đền thờ “mọi thứ bà ấy có để sống” (câu 44). Tin Mừng nói như vậy, bà ấy bỏ mọi thứ bà có để sống vào kho bạc. Tin Mừng cho chúng ta thấy sự tương phản nổi bật này: người giàu, người cho đi những gì dư thừa để được nhìn thấy, và một người phụ nữ nghèo, lặng lẽ, trao ra tất cả những gì mình có. Đó là hai biểu tượng về thái độ sống của con người.

Chúa Giêsu nhìn vào hai cảnh. Và chính động từ này - “nhìn” - đã tóm tắt lại lời dạy của Ngài đối với những người sống đức tin hai lòng, như những kinh sư, “chúng ta phải tự bảo vệ mình” để không trở nên giống họ; còn đối với người góa phụ thì chúng ta phải “nhìn vào” bà ấy như một gương mẫu. Chúng ta hãy chú ý đến hai điều này: hãy coi chừng những kẻ giả hình và hãy nhìn vào bà góa nghèo.

Trước hết, hãy cẩn thận với những kẻ đạo đức giả, nghĩa là, hãy cẩn thận không đặt cuộc sống dựa trên sự sùng bái ngoại hình, vẻ bề ngoài, và sự chăm sóc quá mức cho hình ảnh của ta. Và, trên hết, hãy cẩn thận đừng bẻ cong niềm tin cho tư lợi của mình. Những thầy thông luật đó đã dùng danh Chúa che đậy cho hư danh của họ, và tệ hơn nữa, họ sử dụng tôn giáo để kinh doanh, lạm dụng quyền hành và bóc lột người nghèo. Ở đây chúng ta thấy thái độ đó thật tồi tệ vì ngay cả ngày nay chúng ta cũng thấy ở nhiều nơi, ở rất nhiều nơi, chủ nghĩa giáo sĩ, đè nặng lên những người bé mọn, bóc lột họ, “đánh đập” họ, trong khi lại cảm thấy mình hoàn hảo. Đây là tội lỗi của chủ nghĩa giáo sĩ. Đó là lời cảnh báo cho mọi thời đại và cho tất cả mọi người, Giáo hội và xã hội: đừng bao giờ lợi dụng vai trò của mình để đè bẹp người khác, đừng bao giờ kiếm lợi trên lưng những kẻ yếu đuối nhất! Và hãy cảnh giác, để không sa vào sự phù phiếm, để không xảy ra tình trạng chau chuốt vẻ bề ngoài, tha hoá và sống hời hợt. Chúng ta hãy tự hỏi mình, vì điều đó sẽ giúp chúng ta: trong những gì chúng ta nói và làm, chúng ta muốn được đánh giá cao và hài lòng hay chúng ta muốn phục vụ Thiên Chúa và người lân cận, đặc biệt là những người yếu đuối nhất? Chúng ta hãy đề phòng sự giả dối của con tim, nó còn nguy hơn sự giả hình, vốn là một căn bệnh nguy hiểm của tâm hồn! Đó là lối suy nghĩ kép, đánh giá kép, như bản thân từ này đã nói: “che dấu suy nghĩ”, bề ngoài thì khác mà bên trong lại suy nghĩ khác. Đó là những kẻ hai lòng.

Và để chữa khỏi căn bệnh này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào người đàn bà góa nghèo. Chúa tố cáo những kẻ bóc lột người phụ nữ này, là người mà để thực hiện việc đóng góp này, sẽ phải trở về nhà trong tình trạng không còn gì cả dù chỉ là một chút để mà sống. Thật là quan trọng biết bao khi chúng ta biết giải phóng tâm hồn mình khỏi mọi ràng buộc đối với tiền bạc! Chúa Giêsu đã nói điều đó trong một dịp khác: một người không thể làm tôi hai chủ. Hoặc là anh chị em phục vụ Chúa - và chúng ta nghĩ câu tiếp theo Chúa sẽ nói là “hoặc là phục vụ ma quỷ”, không - Chúa đề cập đến tiền của. Ngài là một bậc thầy, và Chúa Giêsu nói rằng chúng ta không nên là đầy tớ của tiền của. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng ca ngợi việc bà góa này trao ra tất cả những gì mình có vào kho bạc. Bà ấy không còn gì cả, nhưng bà ấy tìm thấy mọi thứ của mình trong Chúa. Người phụ nữ ấy không sợ mất đi cái ít ỏi mình có, vì bà ấy tin cậy nơi sự phong phú của Thiên Chúa, và sự phong phú của Thiên Chúa nhân lên niềm vui của những người cho đi. Điều này cũng khiến chúng ta liên tưởng đến một bà góa khác, là bà goá đã gặp gỡ tiên tri Êlisê. Bà góa ấy sắp làm một chiếc bánh bằng đấu bột cuối cùng và chút dầu cuối cùng. Tiên tri Êlisê nói với bà: “Hãy cho tôi ăn” và bà cho; và bột sẽ không bao giờ cạn, đó là một phép lạ (xem 1 Các Vua 17,9-16). Chúa luôn luôn đi xa hơn. Trước sự quảng đại của con người, Ngài càng rộng lượng hơn. Nhưng không phải là vì hám lợi của chúng ta. Đây là lúc Chúa Giêsu đề nghị bà như một vị thầy về đức tin, bà này không đến Đền thờ để thanh tẩy lương tâm, bà không cầu nguyện để được nhìn thấy, bà không phô trương đức tin của mình, nhưng dâng hiến bằng cả tấm lòng, hào phóng và tình nghĩa. Đồng tiền của bà có âm hưởng đẹp hơn của dâng cúng rất lớn của những người giàu có, bởi vì chúng thể hiện một đời sống chân thành dâng hiến cho Thiên Chúa, một đức tin không sống dựa vào vẻ bề ngoài mà dựa trên sự tin tưởng vô điều kiện. Chúng ta học được ở bà ấy: một đức tin không nhắm đến vẻ bề ngoài, nhưng tín thác vô điều kiện từ bên trong; một đức tin được hình thành từ tình yêu thương khiêm nhường đối với Thiên Chúa và anh em.

Và bây giờ chúng ta hướng về Đức Trinh Nữ Maria, Đấng với tấm lòng khiêm nhường và trong sáng đã biến cả cuộc đời mình thành một món quà cho Thiên Chúa và cho dân tộc của Người.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi lo lắng theo dõi tin tức đến từ khu vực Sừng châu Phi, đặc biệt là từ Ethiopia, nơi bị rung chuyển bởi một cuộc xung đột đã diễn ra hơn một năm và đã gây ra nhiều nạn nhân và một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Tôi mời mọi người cầu nguyện cho những dân tộc đang bị thử thách nghiêm trọng, và tôi lặp lại lời kêu gọi của mình xin cho sự hòa hợp huynh đệ và cách thức đối thoại hòa bình sẽ chiếm ưu thế.

Và tôi cũng xin cam đoan những lời cầu nguyện của tôi dành cho các nạn nhân của đám cháy sau một vụ nổ nhiên liệu ở ngoại ô Freetown, thủ đô của Sierra Leone.

Hôm qua tại Manresa, Tây Ban Nha, ba vị tử đạo vì đức tin đã được tuyên xưng là chân phước, thuộc Dòng Tu sĩ Capuchin Hèn mọn: đó là các Chân Phước Benet de Santa Coloma de Gramenet, Josep Oriol de Barcelona và Domènech de Sant Pere de Riudebitlles. Họ đã bị giết trong thời kỳ bách hại tôn giáo của thế kỷ trước ở Tây Ban Nha, họ đã đưa ra những chứng tá can đảm làm chứng cho Chúa Kitô. Ước gì gương sáng của các ngài giúp các Kitô hữu ngày nay luôn trung thành với ơn gọi của mình, ngay cả trong những lúc thử thách. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho những Chân Phước mới này!

Tôi chào tất cả các bạn, những tín hữu thân yêu của Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là những người đến từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Bồ Đào Nha. Tôi chào các nhóm tín hữu từ Prato và Foligno; và các chàng trai trong Nhóm Tuyên Xưng Đức Tin Bresso.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Đức Tổng Giám Mục Melbourne phê phán mưu toan kỳ thị tôn giáo của Tiểu Bang Victoria
Vũ Văn An
18:36 07/11/2021

Tuần qua, báo chí Công Giáo Úc và quốc tế đều loan tin về dự luật sửa đổi đạo luật về kỳ thị của Tiểu Bang Victoria, vì tính chất kỳ thị tôn giáo của nó.



Thực vậy theo các tờ The Pillar Catholic World News của Mỹ cũng như các tờ Catholic Weekly Melbourne Catholic của Úc, tuyên bố tuần qua của Đức Tổng Giám Mục Peter Commensoli của Tổng giáo phận Melbourne cho rằng việc đề nghị thay đổi luật chống kỳ thị ở Tiểu Bang Victoria bất công nhắm vào các tổ chức tôn giáo đã được sự ủng hộ của các chuyên gia luật pháp. Những người này nói rằng tiểu bang đang công khai gây chiến với những Kitô hữu dấn thân và nhiều tín đồ khác.

Đức Tổng Giám Mục cho biết việc sửa đổi Đạo luật Cơ hội Bình đẳng (Ngoại lệ Tôn giáo) của chính phủ tiểu bang sẽ làm giảm nghiêm trọng quyền của các tổ chức tôn giáo được hoạt động phù hợp với đức tin và lương tâm của họ.

Ngài đặc biệt lo lắng về ảnh hưởng đối với các trường học, là các định chế ngày càng khó tuyển dụng nhân viên chịu chia sẻ và đề cao đức tin và thực hành Công Giáo.

Những thay đổi này sẽ có nghĩa là các định chế Công Giáo và và nhiều định chế dựa trên đức tin khác phải chứng minh nếu bị thách thức rằng niềm tin và thực hành đức tin của một người là 'đòi hỏi cố hữu' [inherent requirement] của việc làm của họ, trong khi Giáo hội ở Victoria chỉ được duy trì quyền tự do ưu tiên chọn những người mình ưa thích vào các chủng viện và tu viện, thụ phong làm linh mục, hoặc phục vụ trong phụng vụ.

Các tổ chức dựa trên đức tin sẽ không được phép kỳ thị dựa trên khuynh hướng tình dục, bản sắc phái tính, tình trạng hôn nhân hoặc hoạt động tình dục hợp pháp. Không thể mong đợi nhân viên chia sẻ và giúp cổ vũ niềm tin của định chế, ngoài những người mà vai trò thỏa mãn tiêu chuẩn ‘đòi hỏi cố hữu’ của Chính phủ.

Đức Tổng Giám Mục Comensoli cho biết trong một tuyên bố vào tuần trước rằng: các thay đổi trên sẽ là “một cuộc tấn công không cần thiết nữa của Chính phủ vào những người có đức tin ở Victoria”. Tổng giáo phận Công Giáo Melbourne đã yêu cầu Chính phủ suy nghĩ lại các đề nghị của mình và từ bỏ cam kết đối với tiêu chuẩn "đòi hỏi cố hữu".

Rủi ro đối với các trường học dựa trên đức tin dưới chiêu bài cơ hội bình đẳng

John Steenhof, luật sư chính của Liên minh Luật Nhân quyền, cho biết đây là "một Dự luật khủng khiếp" và một cuộc tấn công trực tiếp vào các Kitô hữu ở Victoria.

Ông nói: “Đó là một sự vi phạm nhân quyền hoàn toàn, các nhân quyền vốn được bảo vệ bởi Hiến chương về Các Quyền và Tự do ở Victoria. Thật không may, đó lại là một ví dụ khác về việc Tiểu bang Victoria nhắm vào các Kitô hữu và nhất là các bậc cha mẹ muốn giáo dục con cái theo các giá trị đạo đức và luân lý của họ”.

Giáo sư Luật tại Đại học Notre Dame Australia, Iain Benson, nói với tờ The Catholic Weekly rằng chính phủ Victoria đang mắc phải “sai lầm theo chủ nghĩa thế tục kiểu cũ” khi xem xét một tổ chức tôn giáo mà không hiểu cách thức hoạt động của nhiều tổ chức này về phương diện tôn giáo.

Ông nói, “Cách tiếp cận của chính phủ Victoria đã không hiểu rằng các dự án tôn giáo thường, chứ không luôn luôn, nhưng thường là các dự án hữu cơ. Chúng hoạt động như một tổng thể hữu cơ bất kể nhiệm vụ đặc thù mà ai đó có thể có”.

“Điều chính phủ đang làm ở đây là vô nghĩa đối với một dự án Công Giáo vốn hiểu mọi sự đều có tính bí tích. Trong bối cảnh giáo dục Công Giáo, không có gì là không thánh thiện khi chơi bóng bầu dục hoặc âm nhạc hoặc nghệ thuật, mọi thứ đều được kết nối theo bí tích".

“Điều được kiểu khinh miệt thô bạo đối với các dự án tôn giáo này cho thấy là một chủ nghĩa duy tục cứng rắn mà theo tôi, cuối cùng không nhất quán với điều khoản tự do hành động của Hiến pháp, nhưng đáng buồn ngày nay đang gia tăng ở Úc. Nếu việc hành động tự do có một ý nghĩa nào, thì hẳn ý nghĩa ấy phải là khả năng giảng dạy, biểu lộ và thực hành niềm tin tôn giáo của bạn ở nơi riêng tư hoặc nơi công cộng. Và tôi nghĩ nếu các Giáo Hội không mạnh mẽ đẩy lùi việc này, thì họ sẽ bị chà đạp ngay lập tức".

Giáo sư luật Patrick Parkinson ở Sydney nói với tờ The Catholic Weekly rằng luật mới là một cuộc tấn công nghiêm trọng khác vào nhân quyền của những người có đức tin bởi Chính phủ Victoria.

Ông nói: “Thật khó hiểu tại sao Thủ hiến Daniel Andrews tiếp tục gây chiến không những với các Kitô hữu, mà còn với những người Do Thái, Hồi giáo chính thống và các nhóm văn hóa thiểu số khác vốn có quan điểm truyền thống về các vấn đề đạo đức tình dục”.

Giáo sư Parkinson nói thêm, “Dù lời biện minh được Thủ hiến đưa ra là để ủng hộ quyền của những người bị lôi cuốn đồng tính hoặc có bản sắc phái tính không phù hợp với phái tính bẩm sinh của họ, nhưng trong thực tế, những thay đổi này vươn tới nhiều điều hơn thế nữa”.

“Chúng tước bỏ quyền tuyển chọn hoặc ưu tiên tuyển chọn nhân viên của các trường Công Giáo tuân theo các niềm tin và giá trị của đức tin trừ khi một tòa án đồng ý rằng việc tuyển dụng một Kitô hữu dấn thân là một đòi hỏi cố hữu của một chức vụ giảng dạy đặc thù.

"Chúng cũng bãi bỏ các miễn trừ khác đã được ban hành để bảo đảm rằng các tổ chức tôn giáo có thể duy trì các nguyên tắc thực hành và giá trị của họ liên quan đến các vấn đề đạo đức tình dục và cuộc sống gia đình - bao gồm cả hoạt động và các mối liên hệ dị tính”.

Giáo sư Parkinson nói rằng luật này không nhất quán với một số chuẩn mực nhân quyền quốc tế, đặc biệt là những chuẩn mực bảo vệ quyền tự do của cha mẹ muốn bảo đảm việc giáo dục tôn giáo và đạo đức cho con cái họ phù hợp với niềm tin của chính họ.

Trong bản tuyên bố của ngài, Đức Tổng Giám Mục Comensoli nói rằng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, người Công Giáo điều hành các tổ chức với “một cam kết cởi mở và hòa nhập đối với tất cả những người được họ chăm sóc, bất kể hoàn cảnh cá nhân của họ ”.

Ngài viết thêm, “Đột nhiên, Chính phủ quyết định nói với họ bản sắc tôn giáo có nên là một yếu tố trong việc quản lý các vấn đề việc làm hay không”.

“Tôi đặc biệt lo lắng về các trường Công Giáo, những trường đã trở thành ngọn hải đăng đáng tin cậy và được hoan nghênh đối với rất nhiều người, chính vì chúng được điều hành trên cơ sở đức tin và giá trị Công Giáo".

“Không nên để tùy tòa án hoặc quan chức chính phủ xác định điều gì cấu thành tác phong trung thành trong bối cảnh tôn giáo”.

Trong khi đó, một cuộc thăm dò ý kiến của hơn 700 người Victoria vào tháng 10 đã chỉ ra sự ủng hộ đối với thực hành nhân dụng hiện nay của các trường Kitô giáo.

Theo Các Trường Kitô giáo Australia, 78% người dân Victoria từ khắp phổ hệ chính trị ủng hộ quyền của các trường tôn giáo được tuyển dụng giáo viên và các nhân viên khác chịu ủng hộ các giá trị và niềm tin của trường, nếu những giá trị và niềm tin này được nêu rõ ràng.

Duy cấp tiến, phản tự do tôn giáo

Theo tờ The Pillar, tiểu bang Victoria vốn có lịch sử va chạm với Giáo Hội về các vấn đề tự do tôn giáo. Vào tháng Hai năm nay chẳng hạn, tiểu bang này đã thông qua một đạo luật kết tội những ai “dấn thân vào thực hành” nhằm thay đổi hay dẹp bỏ xu hướng tính dục hay bản sắc phái tính của người ta, một kết tội mà các nhà phê bình cho là coi việc huấn đạo thông thường, mục vụ, tâm linh, và sức khỏe tâm thần dựa vào tôn giáo là “trị liệu cải đạo” (conversion therapy).

Nói với tờ The Pillar hồi đó, Đức Tổng Giám Mục Commensoli cho hay tiểu bang Victoria là tiểu bang thích ra các luật lệ duy cấp tiến ở Úc, cổ vũ những luật lệ thường trái với tự do tôn giáo.

Ngài nói: “Tôi dám nói rằng có một sự ngu dốt đúng nghĩa đang tung hoành ở đây đối với các Kitô hữu, tự do tôn giáo, và các tự do nói chung. Có rất nhiều ngu dốt về đức tin nơi các dân biểu nói chung ngày nay, tôi nghĩ thế”.

Ngài cho biết thêm: “Chắc chắn có vấn đề ở Tiểu Bang Victoria và ở Úc nói chung người ta hiểu đúng được bao nhiêu và bảo vệ đến đâu quyền tự do tôn giáo. Giống mọi quyền tự do của con người khác, quyền tự do tôn giáo cần được bảo vệ, chứ không phải chỉ được hưởng các ngoại lệ”.
 
Các Giám mục Pháp quỳ gối đền tội vì hàng chục năm lạm dụng tình dục trẻ em bởi hàng giáo sĩ
Đặng Tự Do
19:25 07/11/2021


Các thành viên cấp cao trong hàng giáo phẩm Công Giáo của Pháp đã quỳ gối để tỏ lòng sám hối tại đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức vào thứ Bảy, một ngày sau khi các giám mục nhận trách nhiệm của Giáo Hội sau nhiều thập kỷ lạm dụng trẻ em.

Nhưng một số nạn nhân bị lạm dụng - và các giáo dân ủng hộ họ - cho biết họ vẫn đang chờ đợi các chi tiết về bồi thường và một cuộc cải tổ toàn diện của Giáo Hội.

Tại Lộ Đức, nơi hành hương của các tín hữu trên toàn thế giới, khoảng 120 tổng giám mục, giám mục và giáo dân đã tụ tập để công bố một bức ảnh tượng trưng cho đầu của một đứa trẻ đang khóc.

Theo yêu cầu của các nạn nhân, các giáo sĩ đã không mặc các phẩm phục tôn giáo của các ngài trong buổi lễ.

Bức tường có bức ảnh sẽ là “nơi tưởng nhớ” cho các nạn nhân. Bản thân bức ảnh được chụp bởi một trong những nạn nhân bị lạm dụng và những đau khổ mà anh ta phải chịu đựng được trình bày chi tiết trong một đoạn văn do một người khác đọc.

Tại buổi lễ hôm thứ Bảy, Hugues de Woillemont, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp, cho biết: “Chúng tôi muốn đánh dấu địa điểm Lộ Đức này như là chứng từ tượng hình đầu tiên tưởng nhớ rất nhiều bạo lực, kịch tính và các cuộc tấn công.”

Chỉ một ngày trước đó, sau một cuộc bỏ phiếu tại hội nghị thường niên của các ngài, các giám mục của Pháp cuối cùng đã chính thức chấp nhận rằng Giáo Hội Công Giáo phải chịu một “trách nhiệm thể chế” trong hàng ngàn vụ lạm dụng trẻ em.

Các trường hợp lạm dụng, kéo dài từ những năm 1950 và ảnh hưởng đến ít nhất 216,000 trẻ vị thành niên, đã được nêu chi tiết trong một báo cáo độc lập được công bố cách đây một tháng. Con số 216,000 là cao một cách bất thường. Tính trung bình một kẻ lạm dụng đã gây hại cho hàng trăm trẻ em. Điều này, khiến nhiều người nghi ngờ tính chính xác của bản báo cáo.

Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, gọi tắt là CEF, cho biết, hội nghị cũng thừa nhận rằng Giáo Hội Pháp đã lúng túng khiến cho những hành vi lạm dụng trở thành “có hệ thống”.

Một nạn nhân bị lạm dụng, Veronique Garnier, cho biết cô đã rất xúc động trước buổi lễ.

Garnier, người đã hợp tác chặt chẽ với CEF, cho biết điều quan trọng là công lý phải được thực hiện cho các nạn nhân.

Theo AFP, Cha Jean-Marie Delbos, người khi còn nhỏ là nạn nhân của sự lạm dụng, đã giận dữ bác bỏ buổi lễ.

“Sự ăn năn, đó là một sự giả tạo,” vị linh mục 75 tuổi nói về buổi lễ. Nói chuyện với các nhà báo, ông kêu gọi vị linh mục đã lạm dụng ông phải bị trừng phạt và huyền chức.

Khoảng 20 thành viên giáo dân của đức tin, với những dải ruy băng màu tím buộc quanh tay hoặc cổ, tụ tập bên dưới một biểu ngữ kêu gọi “4 R-nghĩa là công nhận, có trách nhiệm, sửa chữa và cải cách.

“Chúng tôi có vai trò của mình trong tiến trình đó,” Anne Reboux, 64 tuổi, đến từ thành phố Toulouse phía tây nam nói.

Bà lập luận rằng càng có nhiều thành viên giáo dân đóng vai trò tích cực trong Giáo Hội, thì hàng giáo phẩm càng ít bị cám dỗ lạm dụng quyền lực.

Tại Paris, vài chục người, trong đó có một số người tự nhận mình là nạn nhân của lạm dụng, đã tập trung bên ngoài trụ sở CEF.

“Chúng tôi hy vọng, sự hiện diện của chúng tôi sẽ được tính đến trong việc xây dựng kế hoạch hành động và lịch trình sẽ phải đưa ra mức bồi thường,” một trong những người tổ chức, Yolande Fayet de la Tour, nói với AFP-TV.

Dự kiến sẽ có quyết định về việc bồi thường cho các nạn nhân của vụ lạm dụng vào ngày cuối cùng của hội nghị CEF, vào thứ Hai.
Source:Swiss Info
 
VietCatholic TV
Giả danh Công Giáo cuối cùng lại trở thành linh mục thực sự. 7 phụ nữ được mặc đồ trắng yết kiến Đức Giáo Hoàng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:22 07/11/2021


1. Giả danh Công Giáo để thoát hiểm, rồi gia nhập Công Giáo thực sự, và cuối cùng trở thành một linh mục

Cha Gregor Pawlowski, tên khai sinh là Jacob Zvi Griner, lớn lên trong một gia đình Do Thái ở Zamosc, Ba Lan. Năm 1942, khi lên 11 tuổi, quân đội Đức đến thị trấn của ngài và ra lệnh bắt tất cả người Do Thái.

Griner, mẹ và hai chị gái của ngài trốn trong tầng hầm. Khi quân Đức phát hiện ra họ, Griner đã tìm cách trốn thoát, nhưng mẹ và các chị em gái của ngài bị đưa đến nghĩa trang Do Thái ở Izbica, nơi họ bị tàn sát trong một ngôi mộ tập thể. Cha của Griner có lẽ cũng đã bị giết, và anh trai của ngài là Chaim đã trốn sang Nga.

Sử dụng giấy chứng nhận rửa tội Công Giáo giả mạo do một thiếu niên Do Thái trao cho mình, cậu Griner cuối cùng được đưa vào trại trẻ mồ côi Công Giáo do Hội Hồng Thập Tự Ba Lan điều hành.

Chính tại đây, Griner đã tiếp nhận đức tin Công Giáo.

“Tôi xuất thân từ một gia đình sùng đạo sâu sắc và tôi rất muốn có lại tôn giáo trong cuộc đời mình,” cậu nói.

Ngài được thụ phong linh mục Công Giáo năm 1958, lấy tên “Pawlowski” từ chứng chỉ rửa tội giả mạo của mình.

Năm 1966, lần đầu tiên ngài quyết định kể câu chuyện về nguồn gốc Do Thái của mình.

“Tôi bắt đầu nhận thức được rằng tôi đã không dám tự nhận mình là ai và dân tộc của mình là dân tộc nào”.

Trong một bài báo cho một tuần báo Công Giáo Ba Lan, ngài viết, “Một số người Do Thái có thể nhìn tôi như một kẻ phản bội, nhưng tôi vẫn cảm thấy họ là những người Do Thái đáng mến.”

Khi kết hợp đức tin Công Giáo với bản sắc Do Thái của mình, ngài nói: “Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và Ngài cũng là người Do Thái và các tông đồ của Ngài cũng vậy”

Năm 1970, Cha Pawlowski nhập cư đến Israel, nơi ngài được chào đón bởi các thành viên trong hàng giáo sĩ Công Giáo, và anh trai Chaim, người đã đọc về câu chuyện của em trai mình trong một bài báo bốn năm trước đó trên tờ Jerusalem Post.

Cha Pawlowski là một thành viên Công Giáo nói tiếng Do Thái, và trong 38 năm đã phục vụ cho một cộng đồng Công Giáo Ba Lan ở Jaffa. Tấm bảng trên cửa căn hộ của ngài có hai tên: Gregorcz Pawlowski, và bên dưới nó bằng tiếng Do Thái, Zvi Griner, tên khai sinh của ngài.

Năm 1974, Cha Pawlowski trở về nghĩa trang Do Thái ở Izbica, nơi mẹ và em gái của ngài bị sát hại, và cùng với anh trai, dựng một tấm bia tưởng niệm mẹ và các chị của mình với các dòng chữ sau:

“Tôi đã bỏ rơi gia đình của mình

Để cứu mạng tôi tại thời điểm của cuộc diệt chủng.

Họ đến để đưa chúng tôi đi tiêu diệt.

Cuộc sống của tôi tôi đã cứu và đã dâng hiến nó

Để phụng sự Thiên Chúa và nhân loại.”

Lúc này, vị linh mục cũng lập khu mộ cho mình bên cạnh mộ người thân trong gia đình.

“Tôi sinh ra là một người Do Thái, tôi sống như một Kitô Hữu, và tôi sẽ chết như một người Do Thái”

Nhiều năm sau, tờ Jerusalem Post đưa tin, Giáo sĩ Shalom Malul, khoa trưởng Đại Học Amit Ashdod Yeshiva ở Israel có chuyến du lịch tới Ba Lan với các sinh viên của mình. Ông nhận thấy đài tưởng niệm mẹ và em gái của Cha Pawlowski. Malul đã liên lạc với vị linh mục khi ông trở về Israel và hai người bắt đầu tình bạn.

Theo báo cáo trên tờ Jerusalem Post, “Malul nói rằng Pawlowski nói với ông rằng ngài đã cống hiến cuộc đời mình cho Giáo Hội Công Giáo vì mạng sống của ngài đã được người Công Giáo cứu và ngài cảm thấy vô cùng cảm kích vì điều này, vì vậy đã cống hiến cuộc đời mình cho Giáo Hội Công Giáo và cộng đồng người Ba Lan”.

Ngày 25 tháng 10, thánh lễ an táng Cha Pawloski đã được cử hành tại Nhà thờ Thánh Phêrô ở Jaffa. Và theo nguyện vọng của Cha Pawlowski, ngài được chôn cất tại Ba Lan, bên cạnh gia đình, theo nghi lễ của người Do Thái.

Bia mộ của ngài có khắc hình bánh mì và cá, tượng trưng cho những phép lạ do Chúa Giêsu thực hiện.
Source:Aleteia

2. Chỉ có 7 phụ nữ trên thế giới được mặc đồ trắng để chính thức gặp Đức Giáo Hoàng

Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Donald Trump tới Vatican đã thu hút sự chú ý của thế giới vì nhiều lý do khác nhau trong đó có chuyện Melania và Ivanka đều mặc những trang phục mầu đen và đeo mạng che mặt để gặp Đức Thánh Cha.

Tòa thánh không áp đặt quy định bắt buộc về trang phục, nhưng đề xuất một quy định cho các cuộc viếng thăm và tiếp kiến cấp nhà nước với Đức Giáo Hoàng, cho cả nam và nữ.

Đối với người nữ, giao thức yêu cầu một trang phục màu đen với đường viền cổ cao, tay áo dài và mạng che mặt màu đen. Tuy nhiên, vì lý do lịch sử, một số hoàng hậu hoặc người phối ngẫu của các vị vua Công Giáo theo truyền thống được miễn sử dụng màu đen. Điều này được gọi là “privilège du blanc” hay đặc quyền mầu trắng, một đặc quyền đặc biệt được cấp theo tiêu chí của Tòa Thánh.

Hiện tại, chỉ có bảy nữ hoàng, công chúa hoặc phối ngẫu của các vị vua được ban cho “đặc quyền mầu trắng”: Đó là Nữ hoàng Leticia của Tây Ban Nha, Nữ hoàng danh dự Sofia của Tây Ban Nha, Nữ hoàng Matilde của Bỉ, Nữ hoàng Paola của Bỉ, Nữ công tước Maria Teresa của Luxembourg, Công chúa Charlene của Monaco và Công chúa Marina của Naples, là thành viên của Hạ viện Savoy.

Đó là một truyền thống nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của Đức Giáo Hoàng, nhưng bản thân các Đức Giáo Hoàng không yêu cầu nhất thiết phải tôn trọng các giao thức này.

Trong những năm gần đây, một số người đứng đầu chính phủ hoặc nhà nước đã được Đức Giáo Hoàng tiếp đón mà không mặc đồ đen. Ví dụ như trường hợp của các cựu Tổng thống Ái Nhĩ Lan Mary Robinson và Mary McAleese, cũng như Raissa Gorbachev của Liên Xô cũ. Trong tất cả những trường hợp này, họ vẫn được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp.

Trong một số trường hợp, ngay cả các hoàng hậu và công chúa có “đặc quyền mầu trắng” cũng không muốn sử dụng đặc quyền này, chọn mặc đồ đen để bày tỏ lòng tôn kính với Đức Thánh Cha.
Source:Aleteia

3. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sang Mỹ xin Biden can thiệp chẳng được ơn ích gì lại tốn rất nhiều tiền

Sau kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Mount Sinai ở Manhattan, cũng như hội chẩn với các bác sĩ, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sẽ nhập viện vào chiều 4 tháng 11 để đánh giá nhu cầu đặt stent. Stent là một ống kim loại hoặc một ống nhựa được dùng để mở rộng những lòng mạch bị tắc hẹp. Ví dụ, khi lượng choresterol tích tụ làm tắc nghiẽn động mạch, stent có thể được sử dụng để giúp máu lưu thông trở lại và giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Các stent còn giúp ngăn ngừa chứng phình động mạch trong não và mở thông các đường dẫn khác trong cơ thể, chẳng hạn như ống mật, đường dẫn khí trong phổi, đường tiết niệu và động mạch chân.

Thông báo ban đầu từ Tổng giáo phận Chính Thống Giáo Hoa Kỳ cho biết kết quả kiểm tra y tế tại Bệnh viện Mount Sinai ở Manhattan là “rất khả quan”, và trên thực tế, Đức Thượng phụ Đại kết và đoàn tùy tùng của ngài đã chuẩn bị rời New York để quay về Constantinople bằng máy bay riêng.

Tổng Giáo phận đã đăng một bức ảnh của Đức Thượng Phụ Đại Kết đến tòa nhà Tổng Giáo Phận để dùng bữa sáng với các Giám Mục nói lời chia tay.

Tuy nhiên, một thông báo mới cho biết Bệnh viện Mount Sinai lại yêu cầu ngài quay ngược trở lại để họ đánh giá nhu cầu đặt stent.


Source:Orthodox Times
 
4 tháng sau khi phẫu thuật đại tràng, ĐTC trở lại Bệnh viện Agostino Gemelli. Một GM quá sức lận đận
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:10 07/11/2021

1. Truyền thống trong tháng các linh hồn ở khắp nơi trên thế giới

Chúng ta đang sống trong tháng 11, tháng đặc biệt cầu nguyện cho linh hồn của những người thân yêu. Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, trong số ra ngày 2 tháng 11 cho biết trong quá khứ, có nhiều truyền thống đáng quý mà ngày nay không còn được tuân giữ, vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, trong các ngôi nhà ở Ái Nhĩ Lan, cửa không được khóa để những người ra đi có thể cảm thấy được chào đón trở lại vào Ngày Các Đẳng Linh Hồn và sẽ tìm một chỗ cho họ tại bàn ăn tối. Phong tục đã biến mất một cách đáng buồn, vì nếu để cửa mở như thế thì có khác gì là mời trộm cắp vào nhà.

Tuy thế, có một số truyền thống đẹp vẫn còn diễn ra trên khắp thế giới.

Tại Đức

Trong thời gian này, theo truyền thống dân gian, các gia đình người Đức cất tất cả các con dao vào một nơi an toàn, để khi linh hồn về thăm nhà không bị dao đâm.

Tại Ba lan

Người Công Giáo Ba Lan sẽ đến thăm những ngôi mộ của người thân mang theo những bó hoa cúc và một ngọn nến. Đối với người Ba Lan, hoa cúc là biểu tượng của sự bất tử - và ngọn nến tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa bên cạnh người thân yêu của họ. Cảnh nghĩa trang của Ba Lan vào dịp này là một cảnh rất đẹp đáng để chiêm ngưỡng.

Tại Phi Luật Tân

Thời điểm này trong năm sẽ chứng kiến các nghĩa trang Phi Luật Tân đầy ắp người. Nhiều gia đình sẽ dành nhiều thời gian bên phần mộ của người thân: ăn uống, trò chuyện, cầu nguyện, cũng như dọn dẹp và trang trí phần mộ. Đây là dịp để gia đình dành thời gian bên nhau, và có một cảm giác vui mừng khi mọi người tưởng nhớ những người đã ra đi.

Tại Ái Nhĩ Lan

Mặc dù nhiều truyền thống trong quá khứ không còn được tuân giữ, nhưng người Ái Nhĩ Lan vẫn dành thời gian của họ để cầu nguyện và đi lễ để tôn vinh những người bạn và thành viên gia đình đã khuất của họ. Một số gia đình vẫn sẽ thắp một ngọn nến trong nhà của họ, đặc biệt là trong phòng có người thân qua đời.

Tại Mễ Tây Cơ

Người Mễ Tây Cơ kỷ niệm Ngày Các Đẳng Linh Hồn kết hợp với Dia de los Muertos, hay “Ngày của người chết”. Giống như ở nhiều quốc gia Công Giáo, các gia đình sẽ dành thời gian bên mộ những người thân yêu, nhưng họ cũng sẽ lập một bàn thờ tại nhà với thức ăn, hoa và hộp hình sọ người đựng đường để tôn vinh những người đã qua đời.

Tại Áo

Trong các vùng của Áo, các gia đình dọn dẹp ngôi nhà của họ sạch đẹp và ấm áp, và sẽ để một chiếc bánh trên bàn để mời những người thân yêu đã khuất của họ.

Tại Malta

Người Công Giáo Malta theo truyền thống có món heo quay vào bữa tối Ngày Các Đẳng Linh Hồn. Điều này bắt nguồn từ một phong tục, dân làng đeo chuông cho một con heo và cho nó đi lang thang trên đường phố. Người dân địa phương sẽ cho nó ăn, sau đó nó sẽ bị giết thịt vào ngày hôm đó để nuôi người nghèo.

Tại Ý

Ý có nhiều truyền thống, nhưng nổi bật trong nhiều vùng là việc cung cấp các món ngọt riêng cho người đã khuất – tiếng Ý gọi là dolci dei morti, “kẹo cho người chết”. Họ cũng làm những chiếc bánh quy màu trắng có hình xương, chúng là một cách buồn vui lẫn lộn để tưởng nhớ những người thân yêu.
Source:Aleteia

2. Một Giám mục quá sức lận đận

Lễ tấn phong Giám mục cho Cha Christian Carlassare, người được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Rumbek của Cộng Hoà Nam Sudan vào tháng 3 năm nay đã bị hoãn lại sang năm sau, vào một ngày chưa biết là ngày nào.

Lễ tấn phong Giám mục cho Cha Carlassare ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tức là ngày 23 tháng 5 năm nay, nhưng đã bị hoãn lại sau khi ngài bị bắn vào cả hai chân vào ngày 26 tháng Tư.

Đức Tổng Giám Mục Bert van Megen, Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Sudan nói:

“Tôi có nhiệm vụ thông báo cho anh chị em, thay mặt cho Tòa thánh, các nghi thức tấn phong giám mục cho Cha Christian Carlassare, Giám Mục tân cử của Rumbek đã bị hoãn lại đến năm 2022, vào một ngày vẫn còn chưa được xác định.”

Trong lá thư gửi cho các Đấng Bản Quyền địa phương và các Giám Quản Tông Tòa ở Sudan và Nam Sudan, đại diện của Đức Thánh Cha khen ngợi “Đức Giám Mục tân cử và Giáo phận Rumbek đã nhiệt thành cầu nguyện”.

Khuya ngày 26 tháng 4, hai người đàn ông có vũ trang bắn nhiều phát đạn vào cửa phòng của ngài, sau đó, chúng xông vào phòng của ngài trong một khu nhà có các Linh mục đang phục vụ tại Nhà thờ Thánh Giá của Cộng Hoà Nam Sudan. Bọn chúng nổ nhiều loạt đạn vào ngài trước khi rút lui.

Ngài được điều trị ban đầu tại cơ sở y tế ở Rumbek và sau đó được chuyển bằng máy bay đến thủ đô Nairobi của Kenya, nơi ngài được nhập viện tại Bệnh viện Nairobi.

Trong một đoạn video ACI Africa ghi lại từ giường bệnh của mình vào ngày 27 tháng 4, vị Giám mục tân cử đã mô tả vụ nổ súng là một sự đe dọa tính mạng nhưng kêu gọi hòa giải và “công lý với cùng một trái tim của Chúa” giữa người dân Rumbek

“Sẽ mất một thời gian để đôi chân của tôi có thể đi lại được nhưng tôi bảo đảm với anh chị em rằng tôi sẽ trở lại và tôi sẽ ở bên anh chị em,” vị giáo sĩ người Ý nói trong thông điệp của mình với dân Chúa ở Rumbek một ngày sau khi bị bắn. Ngài đã phục vụ tại giáo phận Malakal từ năm 2005 khi đến Nam Sudan truyền giáo.

Ngài cũng “kêu gọi chính phủ, cộng đồng và tất cả người dân Rumbek tha thứ cho những người đã thực hiện hành vi này. Tôi cảm thấy rằng cộng đồng Rumbek cần nhiều sự tha thứ để có thể đối thoại và đến với nhau”

“Tôi cúi mình trước mặt Chúa để cầu xin cho Giáo Hội Rumbek. Tôi cầu nguyện cho sự hoán cải của những người tội lỗi. Tôi xin dâng lên nỗi đau mà tôi đang trải qua để Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, có thể thanh tẩy Giáo Hội tại Rumbek khỏi mọi lỗi lầm và những điều như thế này có thể không xảy ra nữa; không có chỗ cho bạo lực, chia rẽ, và những ham muốn ích kỷ đến từ ma quỷ”.

Vào ngày 5 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Matthew Remijio của Giáo phận Wau miền Nam Sudan làm Giám quản Tông tòa của giáo phận Rumbek với nhiệm vụ tạm thời cai quản Giáo phận cho đến khi vị Giám mục tân cử “được chữa lành, được tấn phong và tiếp quản quyền điều hành Giáo phận đó, sớm nhất có thể.”


Source:ACIA Africa

4 tháng sau khi phẫu thuật đại tràng, Đức Thánh Cha trở lại Bệnh viện Agostino Gemelli

Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích người Công Giáo hãy để tình yêu của Chúa Giêsu được thể hiện qua sự chăm sóc yêu thương của chúng ta đối với những người bệnh tật và đau khổ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ bên ngoài Bệnh viện Đại học Gemelli, nằm trên ngọn đồi cao nhất của Rome, Monte Mario, và được Newsweek xếp hạng là bệnh viện tốt nhất trong số các bệnh viện ở Ý vào năm 2021.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua 11 ngày tại Bệnh viện Gemelli vào tháng Bảy sau khi phẫu thuật đại tràng. Trong khi hồi phục sau cuộc phẫu thuật, ngài vẫn ở trong cùng một phòng nơi Đức Gioan Phaolô II đã được điều trị trong thời gian tại vị của ngài.

Thánh lễ ngày 5 tháng 11 đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Y và Phẫu thuật của trường đại học, có trụ sở tại Rôma nhưng là một phần của Đại học Thánh Tâm Công Giáo do tổng giáo phận Milan thành lập.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Khi chúng ta tưởng nhớ với lòng biết ơn về ân sủng là địa điểm này của trường Đại học Công Giáo, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một số suy nghĩ liên quan đến danh xưng của ngôi trường. Nhà trường này được dành riêng cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng như ngày hôm nay, ngày thứ Sáu đầu tháng được dành cho Thánh Tâm Chúa. Khi chiêm ngắm Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta có thể để cho mình được hướng dẫn bởi ba từ: ký ức, niềm đam mê và sự an ủi.

Tưởng nhớ. Từ tưởng nhớ, tiếng Ý, ricordare, có nghĩa là “trở về với trái tim, trở về với trọn tâm hồn”. Ricordare. Thánh Tâm Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở về với điều gì? Thưa: Về với những gì Ngài đã làm cho chúng ta: Trái tim của Chúa Kitô cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng hiến dâng chính Ngài, đó là bản tóm tắt lòng thương xót của Ngài. Nhìn vào Thánh Tâm Chúa Giêsu - giống như Gioan đã làm trong Tin Mừng (19: 31-37), chúng ta tự nhiên nhớ đến sự tốt lành của Người, được ban cho chúng ta một cách nhưng không, không thể mua cũng như không thể bán; và vô điều kiện, nó không phụ thuộc vào hành động của chúng ta. Và Thánh Tâm Chúa Giêsu làm ta xúc động. Trong sự vội vã của ngày hôm nay, giữa hàng nghìn công việc lặt vặt và những lo lắng triền miên, chúng ta đang mất dần khả năng để xúc động và cảm thương, bởi vì chúng ta đang đánh mất sự trở lại trái tim, tức là ký ức này, sự quay trở lại trái tim này. Nếu không có ký ức, người ta sẽ mất gốc, và không có rễ, người ta sẽ không phát triển. Thật tốt cho chúng ta khi nuôi dưỡng ký ức về người đã yêu thương chúng ta, chăm sóc chúng ta và nâng chúng ta lên. Hôm nay tôi muốn mở rộng lời “cảm ơn” vì sự quan tâm và tình cảm mà tôi đã nhận được ở đây. Tôi tin rằng trong thời đại đại dịch này, thật tốt cho chúng ta khi nhớ lại ngay cả những thời điểm chúng ta đã phải chịu đựng nhiều nhất: không phải để làm chúng ta buồn, nhưng để chúng ta không quên, và hướng dẫn chúng ta trong các lựa chọn của mình dưới ánh sáng của một quá khứ rất gần đây.

Tôi tự hỏi: trí nhớ của chúng ta hoạt động như thế nào? Nói cho đơn giản, chúng ta có thể nói rằng chúng ta nhớ ai đó hoặc điều gì đó khi nó chạm vào trái tim chúng ta, khi nó ràng buộc chúng ta với một tình cảm cụ thể hoặc một sự vô tình. Và vì vậy Trái Tim của Chúa Giêsu chữa lành trí nhớ của chúng ta bởi vì Thánh Tâm Ngài đưa ký ức chúng ta trở lại tình cảm cơ bản, làm nó bắt rễ trên nền tảng vững chắc nhất. Thánh Tâm nhắc nhở chúng ta rằng, bất cứ điều gì xảy ra với chúng ta trong cuộc sống, chúng ta đều được yêu thương. Đúng vậy, chúng ta là những sinh vật được yêu thương, những người con mà Chúa Cha luôn yêu thương và trong mọi trường hợp, là những anh chị em mà vì đó Trái Tim Chúa Kitô thổn thức. Mỗi khi nhìn vào Trái Tim ấy, chúng ta khám phá ra chính mình “bắt nguồn từ tình yêu thương”, như Tông đồ Phaolô đã nói trong bài đọc thứ nhất hôm nay (Ep 3:17).

Chúng ta hãy trau dồi ký ức này, được củng cố khi chúng ta đối diện với Chúa, đặc biệt là khi chúng ta để mình được Ngài nhìn và yêu thương trong sự thờ phượng. Nhưng chúng ta cũng có thể trau dồi cho mình nghệ thuật ghi nhớ, trân trọng những khuôn mặt chúng ta gặp. Tôi nghĩ về những ngày mệt mỏi trong bệnh viện, tại trường đại học, tại nơi làm việc. Chúng ta có nguy cơ thấy rằng mọi thứ sẽ trôi qua không dấu vết, hoặc chỉ còn lại sự mệt mỏi và chán ngán. Thật tốt cho chúng ta, buổi tối được nhìn lại những gương mặt đã gặp, những nụ cười đã nhận, những lời nói tốt đẹp. Chúng là những kỷ niệm của tình yêu và chúng giúp trí nhớ của chúng ta tìm lại chính nó: mong trí nhớ của chúng ta tự tìm lại được. Những kỷ niệm này quan trọng biết bao trong bệnh viện! Chúng có thể mang lại ý nghĩa cho những ngày của các bệnh nhân. Một lời nói huynh đệ, một nụ cười, một cái vuốt ve trên khuôn mặt: đây là những ký ức chữa lành bên trong, chúng làm tốt trái tim. Chúng ta đừng quên liệu pháp ghi nhớ: nó rất tốt!

Niềm đam mê là từ thứ hai. Niềm đam mê. Đầu tiên là ký ức, sự ghi nhớ; thứ hai là niềm đam mê. Trái tim của Chúa Kitô không chỉ là đối tượng của một lòng đạo bình dân, để cảm thấy một chút ấm áp bên trong; Trái tim Ngài không phải là một hình ảnh dịu dàng khơi dậy tình cảm, không, Thánh Tâm không phải thế. Đó là một trái tim nhiệt thành - chỉ cần đọc Tin Mừng chúng ta cũng thấy rõ đó là một trái tim bị thương vì tình yêu, đang mở ra cho chúng ta trên thập tự giá. Chúng ta đã nghe Tin Mừng nói về điều đó như thế nào: “Một trong những người lính lấy giáo đâm vào sườn Người, ngay lập tức máu và nước chảy ra” (Ga 19:34). Khi bị đâm thâu qua, trong cái chết của Ngài, Chúa ban sự sống cho chúng ta. Thánh Tâm là biểu tượng của cuộc Khổ nạn, cho chúng ta thấy sự dịu dàng nội tại của Thiên Chúa, tình yêu thương nồng nàn của Người đối với chúng ta, đồng thời, khi được giơ cao lên bởi thập giá với những gai nhọn bao quanh, Thánh Tâm cho chúng ta thấy để cứu rỗi chúng ta, Chúa đã phải trả giá bằng bao nhiêu đau khổ. Nói tóm lại, trong sự dịu dàng và đau đớn, Trái Tim đó mạc khải cho chúng ta niềm đam mê của Chúa. Đâu là phong cách của con người, chúng ta. Và đâu là phong cách của Chúa? Gần gũi, từ bi và dịu dàng. Đây là phong cách của Chúa: gần gũi, từ bi và dịu dàng.

Điều này gợi ý điều gì? Điều đó cho thấy nếu chúng ta thực sự muốn yêu mến Thiên Chúa, chúng ta phải say mê đối với nhân loại, toàn thể nhân loại, đặc biệt là những người đang sống trong tình trạng mà Trái Tim Chúa Giêsu đã biểu lộ, đó là đau đớn, bị bỏ rơi và bị khước từ; đặc biệt là trong nền văn hóa vứt bỏ mà chúng ta đang sống ngày nay. Khi chúng ta phục vụ những người đau khổ, chúng ta an ủi và vui mừng trong Trái Tim của Chúa Kitô. Một đoạn trong Phúc âm rất đáng chú ý. Thánh sử Gioan, ngay lúc kể lại cạnh sườn Chúa bị đâm thủng, máu và nước chảy ra, đã làm chứng để chúng ta tin (xem câu 35). Thánh Gioan viết rằng ngay lúc đó chứng tá về tình yêu của Chúa xảy ra. Bởi vì Trái Tim của Thiên Chúa bị đâm xuyên qua là một chứng tá hùng hồn. Không cần nhiều lời, bởi vì đó là lòng thương xót trong trạng thái tinh khiết của nó, tình yêu bị thương và ban sự sống. Đó là Thiên Chúa, với sự gần gũi, từ bi và dịu dàng. Biết bao lần chúng ta nói về Thiên Chúa nhưng không thể hiện tình yêu thương! Nhưng tình yêu nói cho chính nó, nó không nói về chính nó. Chúng ta hãy cầu xin ơn để trở nên say mê con người đau khổ, trở nên say mê phục vụ, để Hội Thánh, trước khi có lời muốn nói, có thể giữ một trái tim luôn đập với tình yêu. Trước khi nói, Giáo Hội có thể học cách bảo vệ trái tim mình trong tình yêu.

Từ thứ ba là sự an ủi. Đầu tiên là sự hồi tưởng, niềm đam mê thứ hai, thứ ba là sự an ủi. Nó chỉ ra sức mạnh không đến từ chúng ta, mà đến từ những người ở bên chúng ta: đó là sức mạnh đến từ Chúa Giêsu, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh này, Trái tim của Người cho chúng ta can đảm trong nghịch cảnh. Có quá nhiều điều không chắc chắn khiến chúng ta sợ hãi: trong thời đại đại dịch này, chúng ta thấy mình nhỏ bé hơn, mong manh hơn. Bất kể có rất nhiều tiến bộ kỳ diệu, điều này cũng được thấy rõ trong lĩnh vực y tế: rất nhiều bệnh hiếm gặp và chưa được biết đến! Khi tôi gặp gỡ những người trong buổi tiếp kiến chung - đặc biệt là trẻ em - và tôi hỏi: “Con có bị đau yếu gì không?” – Các em trả lời “Dạ có, con bị một căn bệnh hiếm gặp”. Có rất nhiều người như thế ngày hôm nay! Thật khó biết bao để theo kịp với các phương pháp điều trị, các phương tiện điều trị, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe là những điều thực sự nên làm, đối với tất cả mọi người. Chúng ta có thể trở nên chán nản. Đó là lý do tại sao chúng ta cần sự an ủi – là từ thứ ba. Trái tim Chúa Giêsu luôn lặp lại những lời đó: “Can đảm lên, can đảm, đừng sợ, Thầy ở đây!”. Can đảm lên, chị em, can đảm lên, anh em, đừng nản lòng, Chúa là Thiên Chúa của anh chị em vĩ đại hơn những bệnh tật, Ngài nắm lấy tay anh chị em và vuốt ve anh chị em, Ngài gần gũi anh chị em, Ngài nhân từ, Ngài dịu dàng. Ngài là niềm an ủi của anh chị em.

Nếu chúng ta nhìn thực tại từ sự cao cả của Trái Tim Người, thì viễn tượng thay đổi, kiến thức của chúng ta về cuộc sống cũng thay đổi vì như Thánh Phaolô đã nhắc nhở, cho chúng ta biết “tình yêu của Đức Kitô vượt trên sự hiểu biết” (Ep 3,19). Chúng ta hãy tự khích lệ mình với sự chắc chắn này, với sự an ủi của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy cầu xin Thánh Tâm Chúa ban ơn để có thể đến lượt mình an ủi người khác. Đó là một ân sủng cần phải được cầu xin, khi chúng ta can đảm cam kết cởi mở, giúp đỡ nhau, mang vác gánh nặng cho nhau. Nó cũng áp dụng cho tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe “Công Giáo”: chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau tiến về phía trước.

Xin Chúa Giêsu mở rộng trái tim của những người chăm sóc người bệnh để cộng tác và gắn kết với nhau. Lạy Trái Tim Chúa, chúng con giao phó ơn gọi chăm sóc của chúng con trong tay Chúa: xin Chúa làm cho mọi người đến với chúng con cảm thấy họ là những người thân thương đối với chúng con. Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Diễn biến rơi lệ: Các Giám Mục Pháp quỳ gối tại đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức xin tha thứ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:24 07/11/2021


1. Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 7/11/2021

Chúa Nhật 7 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 32 Mùa Quanh Năm.Bài Tin Mừng theo Thánh Marcô có chủ đề “Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”. Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Khung cảnh được Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay mô tả diễn ra bên trong Đền thờ Giêrusalem. Chúa Giêsu quan sát, nhìn những gì xảy ra ở nơi này, nơi thánh thiêng nhất, và thấy cách thức các thầy thông luật thích bước đi để được chú ý, chào đón, tôn kính và chiếm những ghế nhất. Và Chúa Giêsu nói thêm rằng “họ ăn tươi nuốt sống nhà cửa của các bà goá và cầu nguyện lâu giờ để được nhìn thấy” (Mc12:40). Cùng lúc đó, mắt Ngài thoáng hiện ra một cảnh khác: một góa phụ nghèo, là một trong những người bị thế lực bóc lột, đang bỏ vào kho của Đền thờ “mọi thứ bà ấy có để sống” (câu 44). Tin Mừng nói như vậy, bà ấy bỏ mọi thứ bà có để sống vào kho bạc. Tin Mừng cho chúng ta thấy sự tương phản nổi bật này: người giàu, người cho đi những gì dư thừa để được nhìn thấy, và một người phụ nữ nghèo, lặng lẽ, trao ra tất cả những gì mình có. Đó là hai biểu tượng về thái độ sống của con người.

Chúa Giêsu nhìn vào hai cảnh. Và chính động từ này - “nhìn” - đã tóm tắt lại lời dạy của Ngài đối với những người sống đức tin hai lòng, như những kinh sư, “chúng ta phải tự bảo vệ mình” để không trở nên giống họ; còn đối với người góa phụ thì chúng ta phải “nhìn vào” bà ấy như một gương mẫu. Chúng ta hãy chú ý đến hai điều này: hãy coi chừng những kẻ giả hình và hãy nhìn vào bà góa nghèo.

Trước hết, hãy cẩn thận với những kẻ đạo đức giả, nghĩa là, hãy cẩn thận không đặt cuộc sống dựa trên sự sùng bái ngoại hình, vẻ bề ngoài, và sự chăm sóc quá mức cho hình ảnh của ta. Và, trên hết, hãy cẩn thận đừng bẻ cong niềm tin cho tư lợi của mình. Những thầy thông luật đó đã dùng danh Chúa che đậy cho hư danh của họ, và tệ hơn nữa, họ sử dụng tôn giáo để kinh doanh, lạm dụng quyền hành và bóc lột người nghèo. Ở đây chúng ta thấy thái độ đó thật tồi tệ vì ngay cả ngày nay chúng ta cũng thấy ở nhiều nơi, ở rất nhiều nơi, chủ nghĩa giáo sĩ, đè nặng lên những người bé mọn, bóc lột họ, “đánh đập” họ, trong khi lại cảm thấy mình hoàn hảo. Đây là tội lỗi của chủ nghĩa giáo sĩ. Đó là lời cảnh báo cho mọi thời đại và cho tất cả mọi người, Giáo hội và xã hội: đừng bao giờ lợi dụng vai trò của mình để đè bẹp người khác, đừng bao giờ kiếm lợi trên lưng những kẻ yếu đuối nhất! Và hãy cảnh giác, để không sa vào sự phù phiếm, để không xảy ra tình trạng chau chuốt vẻ bề ngoài, tha hoá và sống hời hợt. Chúng ta hãy tự hỏi mình, vì điều đó sẽ giúp chúng ta: trong những gì chúng ta nói và làm, chúng ta muốn được đánh giá cao và hài lòng hay chúng ta muốn phục vụ Thiên Chúa và người lân cận, đặc biệt là những người yếu đuối nhất? Chúng ta hãy đề phòng sự giả dối của con tim, nó còn nguy hơn sự giả hình, vốn là một căn bệnh nguy hiểm của tâm hồn! Đó là lối suy nghĩ kép, đánh giá kép, như bản thân từ này đã nói: “che dấu suy nghĩ”, bề ngoài thì khác mà bên trong lại suy nghĩ khác. Đó là những kẻ hai lòng.

Và để chữa khỏi căn bệnh này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào người đàn bà góa nghèo. Chúa tố cáo những kẻ bóc lột người phụ nữ này, là người mà để thực hiện việc đóng góp này, sẽ phải trở về nhà trong tình trạng không còn gì cả dù chỉ là một chút để mà sống. Thật là quan trọng biết bao khi chúng ta biết giải phóng tâm hồn mình khỏi mọi ràng buộc đối với tiền bạc! Chúa Giêsu đã nói điều đó trong một dịp khác: một người không thể làm tôi hai chủ. Hoặc là anh chị em phục vụ Chúa - và chúng ta nghĩ câu tiếp theo Chúa sẽ nói là “hoặc là phục vụ ma quỷ”, không - Chúa đề cập đến tiền của. Ngài là một bậc thầy, và Chúa Giêsu nói rằng chúng ta không nên là đầy tớ của tiền của. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng ca ngợi việc bà góa này trao ra tất cả những gì mình có vào kho bạc. Bà ấy không còn gì cả, nhưng bà ấy tìm thấy mọi thứ của mình trong Chúa. Người phụ nữ ấy không sợ mất đi cái ít ỏi mình có, vì bà ấy tin cậy nơi sự phong phú của Thiên Chúa, và sự phong phú của Thiên Chúa nhân lên niềm vui của những người cho đi. Điều này cũng khiến chúng ta liên tưởng đến một bà góa khác, là bà goá đã gặp gỡ tiên tri Êlisê. Bà góa ấy sắp làm một chiếc bánh bằng đấu bột cuối cùng và chút dầu cuối cùng. Tiên tri Êlisê nói với bà: “Hãy cho tôi ăn” và bà cho; và bột sẽ không bao giờ cạn, đó là một phép lạ (xem 1 Các Vua 17,9-16). Chúa luôn luôn đi xa hơn. Trước sự quảng đại của con người, Ngài càng rộng lượng hơn. Nhưng không phải là vì hám lợi của chúng ta. Đây là lúc Chúa Giêsu đề nghị bà như một vị thầy về đức tin, bà này không đến Đền thờ để thanh tẩy lương tâm, bà không cầu nguyện để được nhìn thấy, bà không phô trương đức tin của mình, nhưng dâng hiến bằng cả tấm lòng, hào phóng và tình nghĩa. Đồng tiền của bà có âm hưởng đẹp hơn của dâng cúng rất lớn của những người giàu có, bởi vì chúng thể hiện một đời sống chân thành dâng hiến cho Thiên Chúa, một đức tin không sống dựa vào vẻ bề ngoài mà dựa trên sự tin tưởng vô điều kiện. Chúng ta học được ở bà ấy: một đức tin không nhắm đến vẻ bề ngoài, nhưng tín thác vô điều kiện từ bên trong; một đức tin được hình thành từ tình yêu thương khiêm nhường đối với Thiên Chúa và anh em.

Và bây giờ chúng ta hướng về Đức Trinh Nữ Maria, Đấng với tấm lòng khiêm nhường và trong sáng đã biến cả cuộc đời mình thành một món quà cho Thiên Chúa và cho dân tộc của Người.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi lo lắng theo dõi tin tức đến từ khu vực Sừng châu Phi, đặc biệt là từ Ethiopia, nơi bị rung chuyển bởi một cuộc xung đột đã diễn ra hơn một năm và đã gây ra nhiều nạn nhân và một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Tôi mời mọi người cầu nguyện cho những dân tộc đang bị thử thách nghiêm trọng, và tôi lặp lại lời kêu gọi của mình xin cho sự hòa hợp huynh đệ và cách thức đối thoại hòa bình sẽ chiếm ưu thế.

Và tôi cũng xin cam đoan những lời cầu nguyện của tôi dành cho các nạn nhân của đám cháy sau một vụ nổ nhiên liệu ở ngoại ô Freetown, thủ đô của Sierra Leone.

Hôm qua tại Manresa, Tây Ban Nha, ba vị tử đạo vì đức tin đã được tuyên xưng là chân phước, thuộc Dòng Tu sĩ Capuchin Hèn mọn: đó là các Chân Phước Benet de Santa Coloma de Gramenet, Josep Oriol de Barcelona và Domènech de Sant Pere de Riudebitlles. Họ đã bị giết trong thời kỳ bách hại tôn giáo của thế kỷ trước ở Tây Ban Nha, họ đã đưa ra những chứng tá can đảm làm chứng cho Chúa Kitô. Ước gì gương sáng của các ngài giúp các Kitô hữu ngày nay luôn trung thành với ơn gọi của mình, ngay cả trong những lúc thử thách. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho những Chân Phước mới này!

Tôi chào tất cả các bạn, những tín hữu thân yêu của Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là những người đến từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Bồ Đào Nha. Tôi chào các nhóm tín hữu từ Prato và Foligno; và các chàng trai trong Nhóm Tuyên Xưng Đức Tin Bresso.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana

2. Các Giám mục Pháp quỳ gối đền tội vì hàng chục năm lạm dụng tình dục trẻ em bởi hàng giáo sĩ

Các thành viên cấp cao trong hàng giáo phẩm Công Giáo của Pháp đã quỳ gối để tỏ lòng sám hối tại đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức vào thứ Bảy, một ngày sau khi các giám mục nhận trách nhiệm của Giáo Hội sau nhiều thập kỷ lạm dụng trẻ em.

Nhưng một số nạn nhân bị lạm dụng - và các giáo dân ủng hộ họ - cho biết họ vẫn đang chờ đợi các chi tiết về bồi thường và một cuộc cải tổ toàn diện của Giáo Hội.

Tại Lộ Đức, nơi hành hương của các tín hữu trên toàn thế giới, khoảng 120 tổng giám mục, giám mục và giáo dân đã tụ tập để công bố một bức ảnh tượng trưng cho đầu của một đứa trẻ đang khóc.

Theo yêu cầu của các nạn nhân, các giáo sĩ đã không mặc các phẩm phục tôn giáo của các ngài trong buổi lễ.

Bức tường có bức ảnh sẽ là “nơi tưởng nhớ” cho các nạn nhân. Bản thân bức ảnh được chụp bởi một trong những nạn nhân bị lạm dụng và những đau khổ mà anh ta phải chịu đựng được trình bày chi tiết trong một đoạn văn do một người khác đọc.

Tại buổi lễ hôm thứ Bảy, Hugues de Woillemont, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp, cho biết: “Chúng tôi muốn đánh dấu địa điểm Lộ Đức này như là chứng từ tượng hình đầu tiên tưởng nhớ rất nhiều bạo lực, kịch tính và các cuộc tấn công.”

Chỉ một ngày trước đó, sau một cuộc bỏ phiếu tại hội nghị thường niên của các ngài, các giám mục của Pháp cuối cùng đã chính thức chấp nhận rằng Giáo Hội Công Giáo phải chịu một “trách nhiệm thể chế” trong hàng ngàn vụ lạm dụng trẻ em.

Các trường hợp lạm dụng, kéo dài từ những năm 1950 và ảnh hưởng đến ít nhất 216,000 trẻ vị thành niên, đã được nêu chi tiết trong một báo cáo độc lập được công bố cách đây một tháng. Con số 216,000 là cao một cách bất thường. Tính trung bình một kẻ lạm dụng đã gây hại cho hàng trăm trẻ em. Điều này, khiến nhiều người nghi ngờ tính chính xác của bản báo cáo.

Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, gọi tắt là CEF, cho biết, hội nghị cũng thừa nhận rằng Giáo Hội Pháp đã lúng túng khiến cho những hành vi lạm dụng trở thành “có hệ thống”.

Một nạn nhân bị lạm dụng, Veronique Garnier, cho biết cô đã rất xúc động trước buổi lễ.

Garnier, người đã hợp tác chặt chẽ với CEF, cho biết điều quan trọng là công lý phải được thực hiện cho các nạn nhân.

Theo AFP, Cha Jean-Marie Delbos, người khi còn nhỏ là nạn nhân của sự lạm dụng, đã giận dữ bác bỏ buổi lễ.

“Sự ăn năn, đó là một sự giả tạo,” vị linh mục 75 tuổi nói về buổi lễ. Nói chuyện với các nhà báo, ông kêu gọi vị linh mục đã lạm dụng ông phải bị trừng phạt và huyền chức.

Khoảng 20 thành viên giáo dân của đức tin, với những dải ruy băng màu tím buộc quanh tay hoặc cổ, tụ tập bên dưới một biểu ngữ kêu gọi “4 R-nghĩa là công nhận, có trách nhiệm, sửa chữa và cải cách.

“Chúng tôi có vai trò của mình trong tiến trình đó,” Anne Reboux, 64 tuổi, đến từ thành phố Toulouse phía tây nam nói.

Bà lập luận rằng càng có nhiều thành viên giáo dân đóng vai trò tích cực trong Giáo Hội, thì hàng giáo phẩm càng ít bị cám dỗ lạm dụng quyền lực.

Tại Paris, vài chục người, trong đó có một số người tự nhận mình là nạn nhân của lạm dụng, đã tập trung bên ngoài trụ sở CEF.

“Chúng tôi hy vọng, sự hiện diện của chúng tôi sẽ được tính đến trong việc xây dựng kế hoạch hành động và lịch trình sẽ phải đưa ra mức bồi thường,” một trong những người tổ chức, Yolande Fayet de la Tour, nói với AFP-TV.

Dự kiến sẽ có quyết định về việc bồi thường cho các nạn nhân của vụ lạm dụng vào ngày cuối cùng của hội nghị CEF, vào thứ Hai.
Source:Swiss Info