Ngày 01-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 02/12: Tin thế nào – Thì sẽ được như vậy – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến.
Giáo Hội Năm Châu
02:49 01/12/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su đang trên đường đi, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!” Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: “Coi chừng, đừng cho ai biết !” Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.

Đó là lời Chúa
 
Sự Công Chính Và Nền Hòa Bình Viên Mãn Sẽ Triển Nở…
Lm. Nguyễn Văn Nghiã
11:53 01/12/2022
Sự Công Chính Và Nền Hòa Bình Viên Mãn Sẽ Triển Nở…

(Chúa Nhật II Mùa Vọng A)

Hằng năm cứ mỗi dịp mùa Vọng về, đoàn tín hữu chúng ta lại được nghe điệp khúc: “Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại Người” (Tv 71,7). Đã là người, từ cổ chí kim, ai cũng hằng mong được sống trong an bình. Hòa bình mãi là niềm ước mong của mọi dân tộc, mọi quốc gia, dĩ nhiên là ngoại trừ những kẻ lắm tham vọng muốn bá quyền, muốn độc tôn, thống trị kẻ khác… Và dường như sự an bình, yên ổn vẫn đang còn là ước mơ, cho dẫu một đôi lúc, ở một vài nơi đã được nếm hưởng nhưng chưa chắc đã là được bình an thực sự.

Sẽ chẳng có hòa bình nếu không có công bình. Các Đức Giáo Hoàng gần đây đã từng nhấn mạnh điều này vào mỗi dịp đầu năm Dương lịch hay những khi kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Quả thật, làm sao có được sự công bình nếu không có sự công chính. Nói đên sự công chính là nói đến sự công minh, chính trực trong tư tưởng, lời nói và hành động của con người. Như thế cái nguồn gốc của sự hòa bình là nơi chính bản thân con người. Tuy nhiên, vì con người là sinh vật có tính xã hội, do đó một nền hòa bình chính hiệu cần phải có những thể chế luật lệ công minh, những đường lối chính sách ngay thẳng, công bình.

Những hình ảnh “sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt chúng…” chính là niềm ước mơ của mọi người, mọi thời. Với những lời của Tiên Tri Isaia qua bài đọc thứ nhất (Is 11,1-10) và lời giảng của thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng (Mt 3,1-12), xin được góp một vài ý thô thiển để cùng dệt xây một nền hòa bình đích thực và chính hiệu.

1. “Ngài sẽ lấy sự công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở” (Is 11,4). Ngày nay, cảnh người nghèo khó bị áp bức bóc lột, bị xét xử bất công vẫn tồn tại dưới nhiều hình thái. Nhiều nơi trên thế giới và ngay chính trên quê hương chúng ta hiện tượng này vẫn dẫy đầy đó đây. Câu ngạn ngữ “ở hiền, gặp lành” xem ra không phải lúc nào cũng đúng trong thực tiễn mà có vẻ như đang là ngược lại. Càng ở hiền thì càng gặp nhiều điều chẳng may, càng bị thua thiệt nhiều mặt. Chính vì thế người con cái Chúa cần phải nỗ lực, gắng công liên lỉ.

Dĩ nhiên, không phải ôm bom tự sát, không phải cầm gươm giáo, súng ống làm vũ khí, nhưng ta phải biết “dùng lời như gậy đánh người áp chế và dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác” (Is 11,4). Đức Bênêđictô XVI, thời chưa làm Giáo Hoàng đã từng cảnh báo các mục tử trong Hội Thánh không được câm nín trước bất công và tội ác. Là Kitô hữu, người con cái Chúa có bổn phận xây dựng một nền hòa bình chính hiệu để cho Nước Chúa trị đến. Phải chăng chúng ta đã vô tình hay hữu ý ngậm miệng làm thinh trước các bất công xã hội? Chúng ta đã mạnh mẽ làm chứng cho sự thật, bảo vệ công lý như thế nào? Phải chăng chúng ta chưa dám hay không dám lên tiếng bảo vệ người nghèo khó, bênh đỡ người hiền lành?

Không thiếu những lý do bào chữa, nhưng chúng ta cũng đành thú nhận rằng lắm khi vì đã “ăn xôi chùa, nên đành ngọng miệng”, hoặc có thể e sợ “há miệng sẽ mắc quai” hoặc rất có thể vì đã “có tật thì giật mình” nên chọn giải pháp làm thinh. Cũng có thể vin vào lý do tưởng như là khôn ngoan và hợp lý như là thời cơ chưa thuận lợi, chưa phải lúc…thế nhưng, chúng ta đừng quên đòi hỏi của Tin Mừng là dù khi thuận lợi hay không thuận lợi, thì lời chân lý phải được công bố.

2. Phê bình, góp ý để làm cho các đường lối, chủ trương, chính sách trong Hội Thánh và ngoài xã hội được ngay chính.

“Đường Chúa, ta uốn cho ngay…”. Ca từ của một bài hát trong mùa Vọng ta vốn thân quen vì được trích lời, ý, từ Thánh Kinh. Câu hát này có thể làm cho nhiều người hiểu lầm. Mọi đường lối của Chúa đều là từ bi và ngay chính. Cớ sao ta cần phải uốn cho ngay đường lối của Chúa. Không lẽ đường lối của Chúa chưa ngay thẳng hoặc đang cong queo? Chẳng một ai dám to gan khẳng định điều này khi họ là tín hữu Kitô đích thực. Thế thì ta cần phải hiểu chính xác về lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả vốn được trích từ lời của tiên tri Isaia: “Có tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho bằng…(Is 40,3.5; Lc 3,4-5; Mt 3,3; Mc 1,2-3). Hóa ra đây là những đường lối của ta, cung cách sống của bản thân ta và cũng không loại trừ những thể chế, luật lệ, chủ trương, đường lối, chính sách của chúng ta.

Hiến Pháp, luật lệ các quốc gia và cả bộ Giáo Luật trong Hội Thánh chúng ta đã từng được chỉnh sửa, thay đổi, tất thảy chỉ vì chúng không còn phù hợp, thiếu chính đáng và rất có thể là chưa được “thẳng” ở điều này hay điểm kia. Thử đặt vấn đề rằng các đường lối, các luật lệ hiện nay vẫn còn nhiều điều cần sửa cho “ngay thẳng” hay không? Hẳn ta sẽ dễ dàng trả lời không chút nghi ngại là vẫn đang còn.

Tiến trình “tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ” nhắc nhớ cho ta về động thái căn bản là chỉnh sửa cho ngay thẳng cõi lòng, cung cách sống của ta. Tuy nhiên, yếu tố xã hội vẫn có đó mức độ ảnh hưởng đáng kể trên suy nghĩ và hành động của ta. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong bức thư chung năm 2006 đã nhìn nhận sự thật này: “con người vừa là tác nhân vừa là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội” (số 5). Và chắc chắn các cơ chế, luật lệ, các đường lối, chính sách quốc gia, xã hội có ảnh hưởng trên nhân cách và lối sống của con người thật đáng kể. Đất nước chúng ta đã nhìn nhận sai lầm của cơ chế bao cấp, của việc quá đề cao hình thái tổ chức vốn đã từng làm thui chột tinh thần trách nhiệm cá nhân và đã gây hậu quả xấu thật khó khắc phục một sớm một chiều. Và còn nhiều hậu quả xấu khác do bởi cơ chế, đường lối chính sách “không ngay thẳng” mà chúng ta đang phải hứng chịu đây? Việc chạy theo thành tích, chỉ nhắm đến lợi ích kinh tế trong giáo dục hay việc gạt các tập thể tôn giáo ra khỏi quốc sách giáo dục cũng là những “đường lối cong queo” mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng trong thư chung năm 2007 (x.số 11-12;18-19).

Mùa Vọng lại về, Kitô hữu chúng ta không chỉ mong chờ Chúa Kitô lại đến, nhưng chúng ta cần phải loan báo cho thế giới nhận biết rằng Chúa Kitô, Vua Hòa Bình đã đến trong thế gian. Một trong những cách thế loan bào tin vui ấy hữu hiệu nhất là cần nỗ lực làm cho nền hòa bình viên mãn hiện diện cách cụ thể một cách nào đó ngay môi truờng ta đang sống.

Một tín hữu đã thành thật thú nhận rằng để sống lời Chúa dạy như trên chắc là phải tử đạo thôi. Quả không sai vì Đức Kitô đã phán: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27). “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,9-10). Lịch sử minh chứng rằng hai mối phúc này thường đi sánh đôi qua mọi thời và mọi nơi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Chúa nhân từ, nhưng con người phải sám hối
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
11:54 01/12/2022
Chúa nhân từ, nhưng con người phải sám hối

SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – A

(Mt 3, 1-12)

Bước vào Mùa Vọng, Mùa của niềm vui thiêng thánh, đợi chờ và hy vọng mong ngày Chúa đến. Với trình thuật của Isaia và Matthêô, Phụng vụ Lời Chúa tuần II năm A, giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn về Ðấng sắp đến. Isaia loan báo : "Từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống… Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở... " (x. Is 11, 1-10). Vậy, rõ ràng Đấng ấy xuất thuộc tộc Giêssê, cha của Ðavít. Đấng ấy sẽ được Thiên Chúa tuôn đổ xuống bẩy ơn của Chúa Thánh Thần đúng như tiên báo Isaia loan báo : “Thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa” (Isaia 11,2-3). Đấng ấy sẽ xét xử mọi người cách công minh, nhưng thật rộng rãi cách đặc biệt với kẻ nghèo khó. Cảnh thái bình sẽ sớm được thịnh trị.

Mùa Vọng, dù hướng tâm hồn chúng ta về ngày Đấng ấy sẽ đến vào chung cuộc của thế giới. Nhưng đồng thời cũng hướng tâm hồn chúng ta hướng đặc biệt về Đại Lễ Chúa Giáng sinh, như tương lai gần, dấu chỉ để chuẩn bị. Nên chúng ta cũng phải nhìn thấy việc Chúa sinh ra như để phán xét mọi người.

Isaia loan báo dung mạo của một Thiên Chúa quyền năng nhân từ, đến trong cảnh hòa bình giữa trời và đất, giữa con người với vạn vật cỏ cây và muôn loài chim thú. Đấng ấy “không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở. Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng, và lấy sự trung tín làm đai lưng” (Is 11, 1-4).

Và cảnh hòa bình “sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy”. Nào là “Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc” (Is 11, 6-10).

Đấng Thiên Sai đến sẽ phân xử công minh cho người hèn yếu và bênh vực kẻ khó nghèo hèn. Vì Người không phân xử theo mắt thấy hay đoán phỏng chừng tai nghe. Người thắt đai lưng bằng công chính và nịt hông bằng tín thành, chính trực và thông suốt. Ðứng trước một Ðấng Thiên Chúa thánh thiện như vậy, giữa một dân tộc còn nhiều tội lỗi, việc phải làm ngay là năn năn thống hối theo lời Gioan khuyên bảo là cần thiết.

"Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến... chớ tự phụ nghĩ rằng : tổ tiên chúng tôi là Abraham. Vì ta bảo cho các người hay : Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa." Kết quả là : "Dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan." (x. Mt 3,1-12). Lời của Gioan vẫn vang dội qua các thời đại và như một sứ điệp cấp bách gửi đến với chúng ta ngày hôm nay.

Gioan Tiền Hô lớn tiếng kêu gọi : "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Hỡi các cụ ông bà anh chị em, chúng ta đang ngồi đây. Mùa Vọng năm nay, chúng ta đang sống như thế nào, nếu không phải là chuẩn bị tâm hồn, giục lòng tin, cử hành Phụng vụ cho sốt sáng để lãnh nhận Ân Sũng mà Chúa Kitô đã mang đến trong thế gian cho mọi người hưởng nhờ. Mùa Vọng là như "tiền đường" để bước tiếp vào những ngày thánh. Chúng ta hãy chuẩn bị tinh thần bằng lời cầu nguyện, ngõ hầu Mùa Giáng Sinh sắp đến gặp thấy chúng ta sẳn sàng tiếp đón Ðấng Cứu Thế ngự đến!

"Hãy ăn năn thống hối". Ðể gặp được Ðấng cứu thế, con người cần phải hoán cải chính mình, nghĩa là tiến đến cùng Chúa Kitô với đức tin tươi vui, bỏ đi những cách thức suy tưởng và nếp sống ngăn cản chúng ta sống theo Chúa cách trọn hảo.

Chúng ta hãy đặt vào tay Mẹ Maria Nữ Vương của niềm hy vọng mọi ước muốn tốt lành của chúng ta, để Mẹ giúp chúng ta sống Mùa Vọng này cho xứng. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Nguồn sáng đáng đợi trông
Lm Minh Anh
18:07 01/12/2022

NGUỒN SÁNG ĐÁNG ĐỢI TRÔNG
“Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!”.

Một đan sĩ qua đời, người ta đọc được những lời này trong nhật ký, “Trong Chúa Kitô, chúng ta có: “Một tình yêu không bao giờ hiểu thấu; một cuộc sống không bao giờ chết; một lẽ thật không bao giờ nghi nan; một bình an không bao giờ mất; một chốn an nghỉ không bao giờ bị quấy rầy; một niềm vui không bao giờ vơi; một hy vọng không bao giờ tắt; một vinh quang không bao giờ lu mờ; một sự thanh khiết không bao giờ vấy bẩn; một vẻ đẹp không bao giờ tàn phai; một sự khôn ngoan không bao giờ bối rối; một tài nguyên không bao giờ cạn kiệt; một hải đăng không bao giờ bị che khuất. Chúa Kitô là nguồn sáng, một ‘nguồn sáng đáng đợi trông!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Kitô là nguồn sáng, một ‘nguồn sáng đáng đợi trông!’”. Ý tưởng của vị đan sĩ được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay, khi chúng ta bước vào những ngày tối nhất của đông, khi đêm dài hơn và ngày ngắn lại, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; khi cuộc chiến Ukraine đang phủ khắp năm châu một tấm màn ảm đạm, thì Lời Chúa nêu bật chủ đề ánh sáng, Chúa Kitô, ‘nguồn sáng đáng đợi trông!’. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!”.

Bài đọc thứ nhất hứa hẹn một tương lai tràn đầy hy vọng. Isaia trình bày kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dưới dạng những sự kiện khó có thể xảy ra trong những những ngày tăm tối, “Núi Ly Băng sẽ lại thành vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ sum sê như một cánh rừng”. Nhưng đáng chú ý hơn cả là người điếc sẽ được nghe, người mù sẽ được thấy. Người thấp cổ bé miệng, không có quyền lực hay ảnh hưởng, sẽ tìm thấy niềm vui tươi mới trong Thiên Chúa; và người thiếu thốn nhất sẽ mừng vui trong Ngài, ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ của họ.

Những gì Isaia tuyên sấm, nay ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu chữa cho hai người mù; Ngài đưa họ từ u minh ra ánh sáng, từ tăm tối ra ánh quang. Tuy nhiên, để có thể chữa họ, Ngài yêu cầu họ trả lời một điều, “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?”. Họ đáp, “Thưa Ngài, chúng tôi tin!”. Trước khi chữa cho họ chứng mù loà thể lý, Ngài mời họ hãy có cho mình một cái nhìn đức tin. Đây là một cái nhìn hết sức căn bản: nhận ra Chúa Giêsu là Đấng mà qua Ngài, Thiên Chúa đang hành động một cách mạnh mẽ trong thế giới! Chính thị lực đức tin của hai người mù, tức khả năng nhìn thấy Giêsu, Con Thiên Chúa, là ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ của họ, mà nhờ đó, Ngài đã có thể trả lại cho họ tầm nhìn thể chất.

Anh Chị em,

“Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!”. Chớ gì suốt cả cuộc đời, mỗi chúng ta vẫn có thể cậy trông Thiên Chúa cách bền bỉ. Thật an ủi, khi chúng ta già đi, tầm nhìn thể chất có thể sa sút, thì tầm nhìn đức tin lại có thể trở nên sâu sắc hơn. Quá trình lão hoá có thể có một tác động ngược so với tầm nhìn đức tin. Chúng ta có thể khó khăn khi nhìn xem mọi sự thế gian vì thị lực xấu đi nhưng lại dễ dàng quan chiêm Thiên Chúa, ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ sau một đời theo Ngài. Chỉ cần nghĩ đến những nhân vật vĩ đại trong các chương đầu của Phúc Âm Luca! Đó là cụ già Simêon và Anna. Phaolô cũng đã nói đến điều này trong thư Côrintô, “Dù con người bên ngoài có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng ta vẫn ngày càng đổi mới”. Vậy mà, suốt cuộc đời mỗi người, Chúa Giêsu không ngừng đặt cho bạn và tôi câu hỏi Ngài đã đặt cho hai người mù, “Con có tin không?”. Và mỗi lần được hỏi, chúng ta lại có cơ hội để trả lời ‘Có’ một cách vang dội hơn, thừa nhận Ngài là ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ của mình!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chạy theo những ảo ảnh phù hoa; một chỉ dõi mắt theo Ngài, ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ của con, một nguồn sáng ban ơn cứu độ đời đời!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:20 01/12/2022

12. Tất cả các đức hạnh đều có tương quan với đức ái.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:23 01/12/2022
4- YẾN TỬ ĐI SỨ NƯỚC SỞ

Thời chiến quốc, Yến Tử đi sứ nước Sở.

Sở vương nghe nói ông ta là một người lùn, bèn ra lệnh cho người đục một lổ làm một cửa nhỏ bên cổng lớn để chào đón Yến Tử.

Yến Tử dừng bước không vào, nói:

- “Người đi sứ cẩu quốc thì từ cửa chó mà vào”.

Viên quan nước Sở đành để cho ông ta đi qua cổng lớn mà vào bên trong.

Sau khi bái kiến Sở vương, Sở vương hỏi:

- “ Nước Tề không có người sao?”

Yến Tử trả lời:

- “Quốc đô nước Tề có trên ngàn hộ gia đình, một mệnh lệnh ban ra người người nhấc tay áo lên thì trời im mát che lấp cả mặt trời, vẫy mồ hôi thì giống như mưa rơi. Vai sát liền vai, chân dựạ vào chân, người đông như nêm, người ở khắp nơi, sao lại nói nước Tề không có người chứ?”

Sở Vương nói:

- “ Đã là như thế, tại sao phái một người như ông đi sứ?”

Yến Tử đáp:

- “ Nước Tề bổ nhiệm sứ thần, đều có cân nhắc. Người có tài năng đức độ của nước Tề, thì được phái đi sứ các nước có ông vua đạo đức cao thượng; người không dùng được như Yến Anh tôi đây, rất là vô dụng, cho nên mới được phái tới nước Sở”.

Sở vương hai lần bị chơi khăm, rất là không vui, liền vẫy tay một cái, hai tên tiểu quan đã được bố trí dặn dò trước, dẫn một người bị trói đến trước mặt Sở vương.

Sở vương hỏi:

- “Người bị trói đã làm chuyện gì thế?”

Tên tiểu quan nói:

- “Nó là người nước Tề, phạm tội trộm cắp.”

Sở vương đắc ý nhìn Yến Tử nói:

- “Trời sinh ra người nước Tề trộm cắp giỏi lắm sao?”

Yến Tử đứng thẳng người lên nói:

- “Tôi nghe nói, cây quýt trồng tại phía nam sông Hoài, thì có thể sinh ra trái quýt ngọt; trồng ở phía bắc sông Hoài, thì lớn lên thành quýt hôi, cành lá như nhau, nhưng quả của nó có mùi vị thật không giống nhau. Nguyên nhân tại đâu? Đó là vì lượng nước, đất đai không giống nhau. Bây giờ người này lúc ở bên nước Tề thì không trộm cắp, nhưng đến nước Sở thì trở nên trộm cướp, phải chăng nước và đất đai nước Sở khiến cho người ta trở thành trộm cắp chăng?”

Sở vương lại bị trêu chọc, thập phần lúng túng.

(Yến Tử xuân thu)

Suy tư 4:

Cây quýt trồng ở phía nam sông Hoài thì ngọt, trồng ở phía bắc sông hoài thì trái hôi. Cuộc sống con người cũng như thế, nó bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xung quanh. Trẻ em mà ở ngay trong khu phố toàn là trò chơi điện tử, thì trước sau gì nó cũng thích chơi điện tử hơn là đi học.

Trong gia đình, cha mẹ con cái hòa thuận yêu thương nhau, thì ảnh hưởng rất lớn trên trẻ em. Việt Nam có câu tục ngữ: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chính là lột tả được sự lây lan cuả hoàn cảnh. Có những thanh niên nam nữ sinh viên, sau một hai năm ở ký túc xá sinh viên, đã trở thành những người “trí thức” hơn cả cha mẹ, kỳ nghỉ về nhà thì chê cha mẹ là quê mùa, anh chị em là người lạc hậu…

Nhưng cũng có những trường hợp không nên đổ lỗi tại hoàn cảnh, mà chính là từ tâm hồn, từ cách nhìn lệch lạc và kiêu căng, đã làm cho họ trở thành người lập dị và biến tướng. Tôi đã thấy có người hôm qua còn là ông thầy đại chủng sinh, hôm nay làm ông cha, ngày mai đã coi ai không ra gì, thậm chí cung cách ăn nói, tướng dáng rất trịch thượng khi đối xử với mọi người, thậm chí với bạn bè thì ra vẻ ta đây, mới chỉ một ngày mà thái độ cung cách xoay 180 độ, đây không phải là hoàn cảnh sinh thái bên ngoài, mà chính là sự chuyển biến bên trong của một tâm hồn quá khát vọng quyền lực, danh vọng và kiêu căng.

Đức Chúa Giê-su hôm qua chịu đau khổ và bị giết, hôm nay ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, và mãi mãi là Đấng thống trị muôn loài, nhưng Ngài vẫn là Đức Chúa Giê-su không thay đổi.

Không thay đổi tâm hồn, nhưng làm cho tâm hồn thích ứng với cuộc sống hiện tại, đo chính là khuôn mặt thật của người truyền giáo vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sám Hối mở lối Hiệp Thông
Lm Nguyễn Xuân Trường
21:53 01/12/2022

SÁM HỐI MỞ LỐI HIỆP THÔNG

Hội Thánh đang mời gọi chúng ta sống hiệp thông với Chúa và với nhau. Lời Chúa tuần này chỉ ra phương thế sống hiệp thông bằng cách sám hối nhận tội, mở lối sửa đường và sinh hoa trái yêu thương.

1. Nhận tội lỗi. Khi Gioan kêu gọi sám hối thì người ta đã kéo đến thú tội. Phận người yếu đuối, ai cũng có tội. Tội lỗi cắt đứt sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Thế nên nhận tội là bước đầu mở lối nối lại hiệp thông. Điều nguy hiểm của thế giới ngày nay là người ta phạm tội mà lại cho rằng mình không có tội, thậm chí có khi phạm tội lại tưởng mình đang làm điều đúng.

2. Sửa đường lối. Sám hối không chỉ dừng lại ở chuyện nhận tội, hối hận về tội mình đã phạm, mà còn phải sửa lối sống. Các con đường là để kết nối nhưng nhiều khi bị tắc đường, kẹt xe, nghẽn mạng, cần phải dọn dẹp khai thông. Sự kết nối giữa con người với Thiên Chúa và với nhau nhiều khi cũng bị kẹt, bị tắc, bị nghẽn, cần phải sửa lối sống dọn đường đời để khai thông và hiệp thông sống tin yêu.

3. Sinh hoa quả. Sám hối là nhận tội và sửa lỗi vẫn chưa đủ, cần phải thực thi bước cuối là sinh hoa quả. Cái cây dù không có gai gây hại, nhưng không sinh quả tốt cũng bị chặt đi, cây lúa không sinh bông hạt mà chỉ có thóc lép cũng bị bỏ vào lửa đốt đi. Thế nên, sống mà không làm hại ai vẫn chưa tốt, làm người cần phải làm phúc, làm lành, làm những điều tốt đẹp đem niềm vui hạnh phúc cho nhau.

Mùa Vọng mong Chúa đến. Thực sự Chúa đã đến đem bình an và cứu độ con người. Thế nhưng, nhân loại hôm nay đang khép lòng mình lại, muốn gạt Chúa ra ngoài, không còn tin Chúa nữa. Như thế thì làm sao lòng người có an hòa thực sự. Lòng người không an hòa, xã hội không yên bình. Thế nên, hãy sám hối mở lối hiệp thông đón Chúa và đón nhận nhau trong Mùa Vọng này. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các trang web của Vatican bị đánh sập đồng loạt: bóng ma của cuộc tấn công do hacker Nga gây ra nhưng văn phòng báo chí phủ nhận
Đặng Tự Do
17:39 01/12/2022


Tờ ilgazzettino của Ý cho biết hôm thứ Tư 30 tháng 11, tất cả các trang web của Vatican đều bị đánh sập, có lẽ do hacker Nga gây ra nhưng văn phòng báo chí phủ nhận. Tờ báo viết như sau:

Không có gì chắc chắn nhưng mọi thứ sẽ khiến người ta nghĩ đến một cuộc tấn công “ddos” /đi đốt/ vào mạng Vatican sau khi cùng một lúc tất cả các trang web của Vatican không thể truy cập được. DDOS là chữ viết tắt của Distributed Denial-Of-Service nghĩa là từ chối dịch vụ truy cập. Một cuộc tấn công “ddos”là một nỗ lực ác ý nhằm làm gián đoạn lưu lượng truy cập bình thường của máy chủ, dịch vụ hoặc mạng được tấn công bằng cách khống chế mục tiêu hoặc cơ sở hạ tầng xung quanh bằng một lượng lớn đột ngột lưu lượng truy cập Internet. Các cuộc tấn công DDoS thường diễn ra khi điện tặc huy động một số lượng máy tính truy cập vào máy bị tấn công. Các cuộc tấn công này đạt được hiệu quả còn cao hơn bằng cách sử dụng nhiều hệ thống máy tính không phải của điện tặc nhưng bị điện tặc xâm nhập để làm nguồn lưu lượng tấn công.

Để dễ hiểu chúng ta chúng ta có thể hiểu một cuộc tấn công DDoS giống như một vụ tắc đường bất ngờ làm tắc nghẽn đường cao tốc, ngăn không cho các phương tiện thông thường đến đích.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh giải thích việc tất cả các trang web của Vatican đều không thể truy cập được trong vài giờ là do bảo trì thường xuyên. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ ilgazzettino, trong vài giờ, tất cả các trang web của các cơ quan giáo triều khác nhau đã bị ngoại tuyến, khiến cho bất kỳ ai vào thời điểm đó đều không thể truy cập được, cho thấy đó không phải là một cuộc bảo trì diễn ra trong trật tự. Nói chung, khi tiến hành bảo trì quan trọng hoặc đột xuất, các trang web thông báo luôn được sử dụng để báo hiệu việc tạm dừng một cách tạm thời cho người dùng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các trang web của Vatican không có thông báo gì cả, và không thể truy cập được một cách bất thường.

Tờ ilgazzettino cho rằng, các cuộc tấn công “Ddos” thường là đặc điểm của các tin tặc Nga. Tin tặc Nga nổi tiếng với kiểu tấn công này.

Cuộc tấn công của điện tặc Nga vào các trang web của Vatican đã diễn ra ngay sau khi Đại Sứ Nga cạnh Tòa Thánh đưa công hàm phản đối một nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Nga đã chính thức gửi công hàm phản đối tới Vatican về những lời lên án mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các hành động tàn bạo ở Ukraine, trong đó Đức Giáo Hoàng đổ lỗi phần lớn sự tàn ác cho người Chechnya và các nhóm thiểu số khác trong một nỗ lực rõ ràng là để giải thoát cho quân đội Nga khỏi bị chỉ trích.

Trong các bình luận của mình, Đức Phanxicô nói rằng, trong khi chính nhà nước Nga xâm lược Ukraine, “Nói chung, những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người thuộc Nga nhưng không thuộc truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryats, vân vân.”

Sự phân biệt rõ ràng của Đức Giáo Hoàng giữa một bên là người Chechnya phần lớn theo đạo Hồi và người Buryat theo đạo Phật, và bên kia là những chiến binh sắc tộc Nga, đã khiến Mạc Tư Khoa khó chịu, là một điều khá bất ngờ đối với các quan sát viên.

Đại sứ của Điện Cẩm Linh tại Tòa thánh, Alexander Avdeev, nói với cơ quan RIA Novosti rằng ông đã gặp một quan chức Vatican hôm thứ Hai để bày tỏ “sự phẫn nộ” của mình về những bình luận của Đức Phanxicô, được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Dòng Tên America được xuất bản hôm thứ Hai.

“Tôi bày tỏ sự phẫn nộ trước những lời bóng gió như vậy và lưu ý rằng không gì có thể lay chuyển được sự gắn kết và thống nhất của người dân Nga đa quốc gia,” Avdeev nói theo báo cáo của RIA Novosti.
Source:ilgazzettino.it
 
Cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô gây ra phẫn nộ ở Nga
Đặng Tự Do
17:40 01/12/2022


Trong bài “‘Racist’ interview with Pope Francis causes fury in Russia” nghĩa là “Cuộc phỏng vấn phân biệt chủng tộc với Đức Thánh Cha Phanxicô gây ra phẫn nộ ở Nga”, tờ The Guardian cho biết như sau:

Đức Phanxicô nói người thiểu số Chechnya và Buryat trong quân đội Nga ở Ukraine tàn ác hơn những người lính khác

Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm dấy lên cơn thịnh nộ ở Nga sau một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài cho rằng các thành viên Chechnya và Buryat thuộc sắc tộc thiểu số trong lực lượng vũ trang của Nga đã thể hiện sự tàn ác ở Ukraine hơn là những người lính Nga chính cống.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Công Giáo America xuất bản hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha nói rằng những người lính từ Buryatia, nơi Phật giáo là một tôn giáo chính, và nước cộng hòa Chechnya đa số theo đạo Hồi, là “những kẻ tàn ác nhất” khi chiến đấu ở Ukraine.

Ngài nói: “Nói chung, những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người thuộc Nga nhưng không thuộc truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryats, vân vân.”

Nga đã động viên một cách không cân xứng trong các dân tộc thiểu số để cung cấp lực lượng chiến đấu chính của họ ở Ukraine.

Các nhóm nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập đã ghi lại bằng chứng rõ ràng về tội ác chiến tranh của lực lượng Nga, nhưng không có dữ liệu nào cho thấy binh lính từ các dân tộc thiểu số chiến đấu ở Ukraine đã cư xử ở Ukraine tồi tệ hơn các thành viên dân tộc Nga.

Các bình luận của Đức Giáo Hoàng đã bị các quan chức Nga nhanh chóng lên án vào tối thứ Hai.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói với hãng thông tấn Nga TASS: “Đây không chỉ là còn là tâm tình bài Nga nữa, nó là sự bóp méo sự thật ở mức độ mà tôi thậm chí không thể gọi tên”.

Sau đó, Zakharova đã gửi một Tweet cáo buộc Đức Giáo Hoàng đang cố gắng chia rẽ các lực lượng Nga: “Chúng tôi là một gia đình với người Buryats, người Chechnya và các đại diện khác của đất nước đa sắc tộc và đa tôn giáo của chúng tôi,” cô ta viết.

Alexandra Garmazhapova, người sáng lập tổ chức phản chiến Giải phóng Buryatia khỏi ách xâm lược của Nga, gọi những bình luận này là “không thể tha thứ và phân biệt chủng tộc”.

Garmazhapova nói: “Tôi vô cùng thất vọng khi đọc những tuyên bố phân biệt chủng tộc, không thể bào chữa này.”

“Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh đế quốc do Vladimir Putin bắt đầu và lãnh đạo, ông ta về mọi mặt không phải là thành viên của một dân tộc thiểu số nào cả. Đức Giáo Hoàng lẽ ra phải lên án cá nhân ông ấy, nhưng ngài đã quyết định không nhắc đến tổng thống Nga.”

Đề cập đến sự ủng hộ công khai cho cuộc chiến của Thượng Phụ Kirill là người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga, Garmazhapova nói thêm: “Chúng ta đừng quên rằng Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những bên ủng hộ lớn nhất cho cuộc chiến.”

Garmazhapova cũng chỉ ra một cuộc điều tra của Ukraine đã xác định một nhóm binh lính sắc tộc Nga chính cống là nghi phạm chính đằng sau vụ giết thường dân ở vùng ngoại ô Bucha của Kyiv vào mùa xuân năm ngoái.

Cô ấy nói: “Những bình luận này là sai ở rất nhiều cấp độ.”

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng phải đối mặt với những tranh cãi về quan điểm của ngài đối với Ukraine. Kyiv đã nhiều lần phản kháng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào tháng Hai vì Đức Thánh Cha đã không lên án thỏa đáng Điện Cẩm Linh về vai trò của họ trong cuộc xung đột.

Đức Phanxicô trước đây cũng đã nói rằng cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa “có lẽ bằng cách nào đó đã bị phương Tây khiêu khích”, đề cập đến một cuộc trò chuyện trước đó với một nguyên thủ quốc gia giấu tên, người bày tỏ lo ngại rằng Nato đang “sủa trước cổng của Nga” theo cách có thể dẫn đến để chiến tranh.

Trong một lời phân bua rõ ràng đối với những cáo buộc cho rằng ngài không trực tiếp chỉ trích Putin, Đức Giáo Hoàng nói với tạp chí America: “Đôi khi tôi cố gắng không nêu rõ để không xúc phạm và đúng hơn là lên án chung, mặc dù ai cũng biết tôi đang lên án ai. Tôi không nhất thiết phải nêu đích danh họ.”

Ngài nói tiếp: “Tại sao tôi không nêu đích danh Putin? Bởi vì nó không cần thiết; nó đã được biết đến. Tuy nhiên, đôi khi mọi người bám vào một chi tiết. Mọi người đều biết lập trường của tôi, dù có Putin hay không có Putin, mà không cần nêu đích danh ông ấy”.
Source:The Guardian
 
Kadyrov và người đứng đầu Phật tử Nga chỉ trích những tuyên bố của Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
17:43 01/12/2022


Tờ Interfax của Nga cho biết như sau: Ramzan Kadyrov, người đứng đầu nước cộng hòa Chechnya thuộc Nga, đã đáp lại những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau khi ngài đã nói cách đây vài ngày rằng những đội quân tàn ác nhất trong chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine là những kẻ “không theo truyền thống Nga,” chẳng hạn như người Chechnya và người Buryat.

Hôm thứ Tư, Kadyrov đã lưu ý trên kênh Telegram của mình rằng “chúng tôi không bắt đầu bất kỳ trận chiến nào mà không đề xuất hòa bình trước”. “Và kể từ khi bắt đầu hoạt động quân sự đặc biệt, chúng tôi đã thực hiện nó hàng chục lần. Chính những người lính Ukraine từng bị chúng tôi giam cầm sẽ cho bạn biết về cách đối xử của người Chechnya đối với những người bị bắt giữ - liệu điều đó có tàn ác hay không”, Kadyrov viết.

Không có một người nghiện rượu hay ma túy nào trong quân đội Chechnya, nhưng “mọi người lính đều rất sùng đạo và mọi người lính đều biết rằng ngay cả trong chiến tranh, người ta không được quên danh dự, nhân phẩm và sự tôn trọng ngay cả đối với kẻ thù,” Kadyrov nói.

“Và, nói chung, làm thế nào có thể xác định trên chiến trường xem kẻ thù là người vui vẻ, ủ rũ, đa cảm hay độc ác? Hơn nữa, làm thế nào có thể xác định bằng mắt thường sắc tộc của một quân nhân Nga trong một lực lượng hỗn hợp, bởi vì đất nước chúng ta là nơi sinh sống của hơn 190 dân tộc? Người đứng đầu Vatican tất nhiên không thể trả lời câu hỏi này. Ngài đơn giản đã trở thành nạn nhân của sự tuyên truyền đến từ các phương tiện truyền thông nước ngoài,” Kadyrov nói.

Về phần mình, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật tử Nga, Pandito Hambo Lama Damba Ayusheyev, cũng đã mô tả những lời buộc tội của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là bất công.

“Tôi nghĩ rằng những người Công Giáo Rôma ở Âu Châu không hiểu rằng cuộc sống ở Siberia lạnh giá và ở Viễn Đông khiến con người trở nên kiên cường, nhẫn nại và chịu đựng nhiều gian khổ hơn. Đó là lý do tại sao người dân của chúng tôi không tàn ác, mà họ chỉ đơn giản là phải một lần nữa bảo vệ quê hương của mình khỏi chủ nghĩa phát xít với lòng tự trọng, như ông nội và ông cố của chúng tôi đã làm,” Ayusheyev nói trên Telegram.

Trung tâm tâm linh của cộng đồng Phật giáo Nga nằm ở Buryatia.
Source:Russian Interfax
 
Đức Thánh Cha sẽ tông du đến Cộng Hòa Dân Chủ Congo và Nam Sudan vào đầu năm 2023
Thanh Quảng sdb
23:07 01/12/2022
Đức Thánh Cha sẽ tông du đến Cộng Hòa Dân Chủ Congo (DRC) và Nam Sudan vào đầu năm 2023


Văn phòng Báo chí Tòa thánh vừa thông báo cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ Tông du đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan để thực hiện chuyến hành hương đại kết vì hòa bình từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 5 tháng 2 năm 2023, thế cho các chuyến đã hoạch định trước đây nhưng bị trì hoãn vì lý do sức khỏe.

(Tin Vatican)

Logo và khẩu hiệu chuyến Tông du của Đức Thánh Cha đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan đã được Tòa Thánh công bố từ lâu…

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến nước Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 5 tháng 2 năm 2023. Chuyến tông du này đã được lên kế hoạch vào mùa hè năm 2022, nhưng đã phải hoãn lại vì lý do sức khỏe.

Trong một tuyên cáo của Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho hay: "Nhận lời mời của Nguyên thủ các quốc gia và Hội đồng Giám mục, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện Chuyến Tông du tới nước Cộng hòa Dân chủ Congo từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 3 tháng 2 năm 2023, Ngài sẽ thăm viếng thành phố Kinshasa, và cùng với Đức Tổng Giám Mục Canterbury, chủ tịch Hội đồng Giám mục Scotland, thực hiện cuộc Hành hương Đại kết vì Hòa bình đến Juba, Nam Sudan, từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 2 sắp tới. "

Các điểm nổi bật trong Chuyến tông du này của Đức Thánh Cha bao gồm các cuộc gặp gỡ với đại diện của các tổ chức từ thiện tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo; và Nam Sudan, cũng như gặp gỡ những người di cư trong châu lục và cử hành một buổi lễ Cầu nguyện Đại kết.

Với thông báo chính thức về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố lịch trình của chuyến Tông du đến nước Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan (Hành hương Hòa bình Đại kết) như sau:

Tông du nước Cộng hòa Dân chủ Congo

Thứ ba, 31 Tháng một 2023

07:55 sáng Khởi hành bằng máy bay từ sân bay quốc tế Rome/Fiumicino đến Kinshasa

15:00 Đến sân bay quốc tế Kinshasa “Ndjili”

15:00 ĐTC được chào đón bởi các cấp chính quyền dân sự

16:30 Buổi tiếp tân tại Cung điện quốc gia “Palais de la Nation”

16:45 Tiếp kiến Tổng thống nước Cộng Hòa Congo tại Dinh Tổng thống tại Cung điện Quốc gia

17:30 Gặp gợ Chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn tại Cung điện Quốc gia.

Thứ tư, ngày 1 tháng hai năm 2023

Thăm viếng Thành phố Kinshasa

09:30 Thánh lễ đại triều tại sân bay “Ndolo”

16:30 Gặp gỡ đồng bào di cư tại Toà Khâm Sứ

18:30 Gặp gỡ các Tổ chức Từ thiện tại Tòa Khâm Sứ

Thứ năm, ngày 2 tháng 2 năm 2023

Tại Thành phố Kinshasa

09:30 Gặp gỡ Giới trẻ tại Sân đài Liệt Sĩ

16:30 Gặp gỡ các Linh mục mục Tu sĩ và các thiện nguyện viên tại Nhà Thờ Chánh Tòa “Đức bà nước Cộng hòa Congo”

18:30 Gặp gỡ Tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Khâm Sứ

Thứ sáu, ngày 3 tháng 2 năm 2023

Tại Kinshasa và Juba

08:30 Gặp gỡ các Giám mục tại Cenco

10:10 Thánh lễ từ biệt tại sân bay quốc tế Kinshasa “Ndjili”

10:40 Khởi hành bằng máy bay từ sân bay quốc tế Kinshasa “Ndjili” đến Juba

Thăm Viếng Nam Sudan

Đức Thánh Cha sẽ thực hiện chuyến Tông du đến Nam Sudan cùng với Đức Tổng Giám Mục Canterbury và là Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Scotland

15:00 Đến sân bay quốc tế Juba

15:00 Nghị thức chào đón

15:45 Tiếp kiến Thủ tướng nước Cộng hòa Sudan tại Phủ Thủ tướng

16:15 Tiếp kiến Phó Thủ Tướng và các Bộ trưởng

17:00 Tiếp kiến Chính quyền Dân sự và Ngoại gia đoàn tại hoa viên Phủ Thủ Tướng

Thứ Bảy, ngày 4 tháng 2 năm 2023

Tại Juba

09:00 Gặp gỡ các giám mục Linh mục tu sĩ và chủng sinh tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh nữ Têrêsa

11:00 Gặp gỡ riêng các Tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Khâm Sứ

16:30 Gặp gỡ các người di cư tỵ nạn tại “Hội trường Tự do”

18:00 Cầu nguyện Đại kết tại Quảng trường “John Garang”

Chủ nhật, ngày 5 tháng 2 năm 2023

Juba - Rome

08:45 Thánh lễ tại Quảng trường “John Garang”

11:00 Nghi lễ tạm biệt tại sân bay quốc tế Juba

11:30 Khởi hành bằng máy bay từ sân bay quốc tế Juba đến Rome

17:30 Về đến sân bay quốc tế Rome Fiumicino
 
Thông Báo
VietCatholic chia buồn với Ca Sĩ và xướng ngôn viên Kim Thúy
VietCatholic Network
18:43 01/12/2022
CÁO PHÓ

Trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh,

VietCatholic xin chia buồn với Ca Sĩ và xướng ngôn viên Kim Thúy trước sự qua đi của người chú

Phêrô Nguyễn Văn Nhuệ

Sinh ngày 20/8/1936 tại Trung Lai, Bắc Ninh

Qua đời ngày 30/11/2022 tại Laguna Hills, California

Hưởng thọ 86 tuổi

Xin Chúa thương đón nhận Ông Phêrô vào hưởng kiến thánh nhan Ngài,

và lau khô những giọt lệ của thân quyến đang thương khóc trước cảnh sinh ly tử biệt

 
Văn Hóa
Truyện ngắn: Nhà Thờ Chula Vista
Nguyễn Trung Tây
02:13 01/12/2022
Nguyễn Trung Tây
Truyện ngắn: Nhà Thờ Chula Vista


...Tối hôm nay, Hai Mươi Bốn tháng Mười Hai, lễ Giáng Sinh. Như thông lệ đã có gần hai trăm năm từ hồi lập giáo xứ, năm nay nhà thờ Chula Vista lại tổ chức thánh lễ nửa đêm vào lúc mười hai giờ. Sáu giờ chiều, cha Quang mở cửa bước vào nhà thờ. Ông vui vẻ nhận ra mọi sự đã sẵn sàng cho thánh lễ nửa đêm. Ông huýt sáo nho nhỏ, khoác vào người áo len dầy cộm. Nhìn tuyết trắng trơn trợt mặt đường, ông quyết định không đạp xe, nhưng đi bộ ra tiệm tạp hóa Đại Hàn mua thùng mì cay Nongshim. Tiện đường, ông ghé vào quán café Starbucks móc tiền ra trả cho mấy gói café Mocha loại thượng hảo hạng. Vừa bước ra khỏi cửa tiệm quán café Starbucks, ông bị một bóng đen nhỏ thó bất ngờ xuất hiện cản lối. Cha Quang nhận ra khuôn mặt một cô gái, người Nam Mỹ, chắc khoảng mười tám, hai mươi. Trời chiều mùa đông nhờ nhợ tô thêm đậm màu da bánh mật căng căng và đôi mắt đầm đậm của cô gái. Thoang thoảng đâu đây mùi nước hoa rẻ tiền bốc mùi hăng hắc. Cô gái ngọng nghịu cất tiếng chào. Người đàn ông nhìn sâu vào đôi mắt xanh đậm nước biển, ông gật đầu chào lại. Cô gái cúi xuống, chỉ phiá dưới, giọng chắc nịch,

— Bốn chục...

Người đàn ông hụp một nhịp thở, tim đập thật nhanh. Bình bịch! Rồi ông bỏ đi. Cô gái chạy theo, tay chỉ vào bộ ngực căng tròn,

— Hai chục đô.

Người đàn ông vẫn bỏ đi, cô gái đuổi theo,

— Mười, chỉ mười đô thôi… Rẻ lắm rồi!

Ngay tới dưới gốc cây dừa cành lá rậm rạp che kín mặt người, bước chân người đàn ông chậm lại. Ông thở hơi mạnh, dồn dập, cởi cởi bao tay, móc móc hai tay vào trong túi quần. Cô gái yên lặng bất động, kiên nhẫn chờ đợi. Người đàn ông móc ra tờ giấy đôla mười đồng. Cầm được tiền, cô gái cúi đầu chậm chạp cởi ra những nút áo len… Ngẩng đầu lên, cô chưng hửng nhận ra người đàn ông đã bỏ đi. Bóng ông ta khuất sâu vào màn đêm đông dầy đặc của đêm Giáng Sinh có tuyết trắng đổ.

Về tới nhà thờ, cha Quang nhận ra bóng một người đang đứng ngay trước cửa nhà xứ. Tưởng ai, hóa ra là anh thanh niên người Mễ đã từng hỏi ông về số tiền lương làm Bõ cho nhà thờ Chula Vista.

— Mời anh vào uống ly café Mocha…

Người thanh niên lắc đầu,

— Cố cho con mượn cái xẻng xúc tuyết…

Cha xứ phá ra cười,

— Tôi đã nói rồi, nhà xứ chỉ có đủ tiền trả lương căn bản mà thôi…

Người thanh niên lắc đầu quầy quậy,

— Không, con không nộp đơn xin việc. Từ nay cố cứ để việc xúc tuyết mặc cho con…

Người thanh niên ngần ngừ, hai tay xoa xoa vào nhau, rồi lại đưa lên đầu vuốt vuốt tóc,

— Con vừa mới gặp Sơ Bề Trên, Sơ nói cha xúc tuyết ngày đủ bốn lần sáng trưa chiều tối cho nên bị sưng phổi, ho sù sụ như người ho lao. Sơ còn nói…

Anh dừng lại, nuốt nước miếng, ánh mắt nhìn về trạm biên phòng ánh đèn sáng chưng một góc trời. Cha Quang nghiêm mặt lại, không nói chi, bỏ đi thẳng vào nhà. Còn lại người thanh niên bên ngoài khung cửa, anh cầm xẻng bắt đầu xúc tuyết, miệng nói nho nhỏ,

— Thì mình cũng phải xúc tuyết để cho giáo dân đi lễ nửa đêm không trợt chân té đau chứ cố.

Lại thêm tiếng gõ cửa. Cha xứ ôm ngực ho sù sụ đi ra mở cửa. Tưởng ai, hóa ra Sơ Bề Trên, trên tay ôm mấy bọc café Mocha thơm lừng của Starbucks,

— Merry Christmas. Qua thăm cha, tiện dịp tặng cha món quà Giáng Sinh.

Cha xứ cau mày nhìn Sơ Bề Trên,

— Sao lại là café Starbucks?

Sơ Bề Trên nói ngay,

— Sao lại không? Cha cứ bày vẽ mua café loại mắc tiền mời khách khứa cho thiên hạ khỏi đàm tiếu nói thế kỷ hai mươi mốt rồi, mà cha vẫn sống khó nghèo kiểu cổ. Nhưng mà thôi, cái đó là tùy cha. Tuy tôi không đồng ý với cách sống khó nghèo như vậy, nhưng tôi vẫn ủng hộ cha.

Sơ Bề Trên đứng lên, tính đi về, nhưng lại ngồi xuống,

— Xin lỗi nếu tôi có đụng chạm. Nhưng đâu có phải là cha bán xe hơi phun khói ngập trời, lấy tiền cho người nghèo, rồi cứ cọc cạch đạp xe đạp thì thế giới thôi không bị global warming đe dọa... Cả hằng vạn người vẫn cứ tỉnh bơ lái xe hơi vậy thôi!

Nói xong, Sơ Bề Trên đứng lên bỏ đi. Cha xứ đóng cửa phòng lại. Bên khung cửa, ông vẫn thấy bóng dáng lum khum của người thanh niên Mễ đang xúc tuyết trước cửa nhà thờ. Ông ngồi xuống, tính coi lại bài giảng cho thánh lễ nửa đêm hôm nay. Nhưng chợt ông nghe tiếng động sột soạt dẫm đạp trên sân vườn phiá sau nhà?! Ông dừng lại, nghiêng tai nghe ngóng, mắt nhìn thật nhanh về trạm biên giới, chân lẹ làng bước xuống nhà bếp. Mở cửa, nhưng không bật đèn sân vườn, ông cẩn thận nhìn ra bên ngoài. Bóng một người phụ nữ đứng lù lù ngay bên khung cửa không làm ông giật mình. Ông đứng tránh sang một bên, nhường chỗ cho cô gái bước vào. Dưới ánh đèn vàng tối tù mù của căn nhà bếp, ông nhận ra cô gái đang ôm trong lòng một đứa bé ngủ say, mặt thằng bé xám ngoét lại vì lạnh. Cha Quang vội vàng đóng lại cánh cửa, bật máy sưởi, đưa tay mời cô gái lạ mặt ngồi xuống ghế nệm cạnh bên lò sưởi. Cha Quang cất tiếng,

— Cô ăn mì nhé…

Cô gái mệt mỏi gật đầu. Cha Quang đã bước đi nhưng ông dừng lại, cặp mắt của cả cô gái và cha Quang đều trợn tròn nhìn nhau… Cô gái ngại ngùng cúi mặt nhìn xuống. Cha Quang quay lưng, đi thẳng tới bếp nổi lửa nấu mì Nongshim. Không quay lại, ông hỏi,

— Cô ăn cay được không?

Cô gái vẫn cúi mặt, miệng nói nho nhỏ,

— Ngày nào mà tôi chẳng ăn cay…

— Còn thằng bé?

— Nó mới bú sữa mua ngoài tiệm. Mười đôla, ba bình sữa.

Cô gái yên lặng ngồi ăn hết thật nhanh tô mì cay, tô lớn. Cô đứng dậy. Cô ngần ngừ,

— Nhờ cha giúp cho một chuyện…

Cô gái trao thằng bé cho ông. Cha Quang trợn tròn mắt,

— Giờ này tối khuya rồi, cô còn đi đâu?

Khuôn mặt cô gái xa xầm lại, giọng nhỏ rưng rức,

— Còn đi đâu nữa… Không làm, lấy tiền đâu mua sữa cho con?

Cô gái cau mày khó chịu, buông lời thẳng thừng,

— Có được hay không?
(Trích Ông Giáo Bán Mắm, Văn Học Press, 2021, 425-426)
 
Lá thư Canada 1/12/2022: Chúc Đầy Tiếng Cười - Trà Lũ
Trà Lũ
11:50 01/12/2022
Lá thư Canada 1/12/2022: Chúc Đầy Tiếng Cười

Ngày xưa còn bé, tôi thấy bố mẹ tôi hay than rằng sao mà thời gian đi nhanh thế, chưa kịp làm gì đã tối mất rồi, chưa xong việc định làm thì đã hết năm mất rồi. Lúc đó tôi không hiểu gì, bây giờ thì tôi thấy các cụ có lý. Mới lễ Tạ Ơn đây thôi, mới lễ CácThánh đây thôi, thế mà bây giờ ngoài ngã tư gần nhà tôi người ta đã chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, đã bày đèn sao với hang đá máng cỏ, và mấy nhà hàng VN dưới phố bắt đầu bán bánh chưng tết. Ôi thời gian tên bay !

Tháng trước cả làng An Lạc chúng tôi cùng đi dự lễ Các Thánh tại nhà thờ Cha Paolo vì là ngày kỷ niệm trọng đại, ngày gia đình Cụ Chánh tới Canada. Gốc chuyện như thế này : Cách đây mấy chục năm, gia đình Cụ Chánh và ông Từ Hòe ở trại tỵ nạn Thái Lan được giáo xứ Cha Paolo ở Toronto này bảo trợ. Anh John và Chị Ba Biên Hòa là giáo dân của xứ đạo Cha Paolo. Tôi cứ nhớ mãi ngày gia đình Cụ Chánh tới. Cha và ban bảo trợ của giáo xứ ra tận phi trường đón. Chị Ba Biên Hòa làm thông dịch. Bắt tay và chào hỏi Cụ Chánh xong thì Cha nói ngay : Canada là đất thiên đàng, cụ không phải lo sợ điều gì, chúng tôi sẽ lo chỗ ăn chỗ ở cho mọi người. Tôi biết Cụ và gia đình cụ theo đạo Ông Bà, xin cụ cứ tiếp tục sống theo đạo Ông Bà, không phải lo nghĩ gì về tôn giáo của nhà thờ bảo trợ chúng tôi. Cụ Chánh nghe xong thì nước mắt trào ra vì cụ cảm động quá. Cụ bảo cả gia đình nhà cụ hằng nhớ mãi lời này. Rồi chỉ ít lâu sau, cả gia đình cụ Chánh an cư lạc nghiệp, rồi tự ý nhập đạo Công Giáo. Cụ coi Cha Paolo như người ân nhân lớn nhất của gia đình. Các dịp lễ tết VN thì Cha Paolo đều đến thăm Cụ và thăm luôn dân làng An Lạc chúng tôi.

Ngày lễ Tạ Ơn vừa qua làng An Lạc đã mời Cha Paolo đến ăn cơm. Cha gốc người Ý nên Cha vẫn giữ tên Paolo gốc Ý chứ không đổi sang tiếng Anh là Paul. Và người làm bếp bữa nay là Cụ Chánh và Chị Ba Biên Hòa, cả hai đã xắn tay nấu món Ý đãi ngài. Kinh thế. Cụ Chánh bảo xưa nay chúng ta vẫn đãi ngài món VN, bữa nay ta phải đãi món Ý cho ngài nể.

Bữa tiệc Ý được bắt đầu bằng món khai vị Cantaloupe : dưa hồng ăn với bacon, món thứ hai là món spaghetti với sauce, phó mát, cà chua, món thứ ba là pizza nấu với hương vị VN. Cha Paolo vừa ăn xong miếng pizza thứ nhất thì vội kêu lên : Chúa ơi ! món pizza này mua ở đâu mà ngon thế này ! Cả làng thích quá về lời khen. Người Ý ăn món Ý do người VN nấu mà khen ngon thì phải biết là nó ngon lắm. Cụ Chánh chỉ ngay Chị Ba và nói đây là tác giả. Chị Ba được tuyên dương thì e thẹn cúi đầu, má hồng lên, tôi biết là người đẹp thích lắm. Và chị thưa ngay : Năm ngoái con có đi học một khóa nấu ăn món Ý. Nhờ học khóa này rồi thực tập, con biết pha bột làm bánh pizza. Rồi con thử, con pha thêm gia vị VN vào như bột khoai lang và bột gạo nếp VN, rồi một tí thịt gà, một tí thịt cua ướp nước mắm. Rồi bỏ đồng bánh vào lò, chỉ mấy phút là đồng bánh phồng lên, hương thơm ngào ngạt, là ăn được ngay. Miếng pizza Cha vừa ăn là do con đã làm như vậy. Và Cha Paolo đã ăn một bữa món Ý tuyệt vời do đầu bếp VN nấu. Ngài ăn rất nhiều. Lúc chào ra về Cha bắt tay cám ơn mọi người, và Cha đã bắt tay Chị Ba Biên Hòa lâu nhất.

Cha Paolo ra về rồi làng tôi mới quay vào Chị Ba Biên Hòa hỏi thêm về cách nấu món Ý. Xưa nay Cụ B.95 rất thích món spaghetti, nên cụ hỏi chị Ba phải luộc spaghetti trong bao lâu, Chị Ba cười hì hì rồi trả lời ngay: cách tốt nhất là phải thử khi luộc. Đây là cách thử rất bình dân và dễ nhất cháu làm từ bé do mẹ cháu dạy, là gắp một hai sợi rồi vất nó vào tường, nếu sợi spaghetti rơi xuống đất thì là nó chưa chín, còn nếu nó dính vào tường tức là nó đã chín. Còn bây giờ không vất vào tường như vậy nữa, muốn biết phải luộc trong bao lâu thì ta phải đọc lời chỉ dẫn trên bao gói.

Nghe Chị Ba trả lời xong thì Ông Từ Hòe nói nhỏ với anh John đang ngồi bên : Anh thật có phước, anh có bà vợ vừa đẹp người đẹp nết lại vừa đẹp cả lời nói và tiếng nói nữa. Tiếng Chị Ba giống hệt như tiếng Cô Dạ Lan ngày xưa mà bao nhiêu người say đắm. Nghe tới tiếng Dạ Lan thì anh John ngơ ngác chả hiểu gì, ông Từ Hòe nói ngay : Anh ngạc nhiên về tên Dạ Lan phải không. Dạ Lan là tên một thần tượng của Đài Phát Thanh Quân Đội VNCH đầu thập niên 1960 tại Saigon, lúc đó anh chưa có mặt ở VN. Chương trình này do Đại Tá Trần Ngọc Huyến sáng lập nhằm nâng đỡ tinh thần và khích lệ các binh sĩ ngoài tiền tuyến, phát thanh hàng ngày, mỗi tối từ 7 giờ đến 9 giờ. Ai cũng thích chương trình này. Người đứng tên chương trình tên là Dạ Lan. Mở đầu chương trình ngày nào cô cũng nói : ‘ Đây là chương trình Dạ Lan, tiếng nói của người em gái hậu phương gửi cho các anh trai ngoài tiền tuyến’. Chương trình gồm tin tức, thời sự, điểm báo, văn nghệ và thư tín. Phần hấp dẫn nhất là thư tín và âm nhạc. Dạ lan giới thiệu từng bản nhạc và trả lời từng bức thư. Dạ Lan chưa bao giờ xuất hiện trên báo chí hay TV, ta chỉ được nghe cô nói mà thôi, tiếng nói vừa ngọt ngào êm ái, vừa có thần nên dễ thương hết sức. Cô hư hư thực thực trên làn sóng phát thanh như huyền thoại. Ai nghe cô nói xong thì cũng mê và chỉ ao ước được nhìn thấy cô, mà chuyện này không hề được xẩy ra. Trên thực tế, đây là tiếng nói của hai cô Xuân Lan và Phương Lan, Cô Xuân Lan làm được một thời gian rồi nghỉ để lấy chồng, cô Phương Lan tiếp nối, thật may mắn là tiếng hai cô giống y như nhau, không ai biết được chuyện tiếp nối này…

Ông Từ Hòe kể đến đây rồi nhìn Chị Ba : ai cũng hỏi tôi về Chị và đòi xin gặp mặt nhưng tôi chỉ cười và trả lời rằng Chị Ba Biên Hòa là em của Cô Dạ Lan ngày xưa, không ai được hạnh phúc kiến diện.

Chuyện Cha Paolo, chuyện Cô Dạ Lan và chuyện Chị Ba Biên Hòa đưa quý vị đi xa quá rồi làm tôi quên nói các chuyện thời sư. Mà thời sự cũng chả có gì mới ngoài những chuyện đã cũ như Cô Vít, vua Putin và cuộc xâm lăng Ukraine. Hiện nay ai cũng chỉ còn thắc mắc liệu chiến tranh thứ ba có xảy ra không, liệu môi trường và khí hậu thế giới có nguy hiểm lắm không.

Ông ODP nãy giờ im lặng bèn lên tiếng : Tôi thấy trong mớ tin thời sự hàng ngày có một mẩu tin làm tôi chú ý : Đó là anh con rơi ngày xưa của vua Charles đệ Tam đang quẫy, hình như anh đang đòi được đứng đầu danh sách kế nghiệp vua cha. Các cụ có biết và nhớ chuyện này không?

Thấy cả làng lắc đầu, ông bèn kể : Ngày xưa khi hoàng tử Charles mới lớn thì hoàng tử yêu nàng Camilla, và hai người đã có một đứa con sinh năm 1965. Chuyện này tuyệt mật được cả hoàng cung giấu kín. Khi được 8 tháng thì em bé được đem cho một gia nhân trong hoàng cung tên là David Day, và chuyển gia đình anh này sang sống ở Úc Đại Lợi cho khỏi lộ chuyện. Bé được đặt tên theo bố nuôi là Dorante Day. Khi lớn lên, bé được ông bà nội hờ cho biết bé chính là con ruột của Charles và Camilla. Dorante Day đã mang việc này ra tòa, và đòi thử DNA với Charles và Camilla, vì anh mới là con đầu lòng của vua Charles, anh mới là người có quyền kế vị chứ không phải hoàng tử William như hiện nay. Chuyện này còn dài và có thể sẽ gay cấn đây, các cụ ạ.

Đó là chuyện ở hoàng cung, còn chuyện chính quyền thì thủ tướng Anh hiện nay là Rishi Sunak, có gốc lai Ấn Độ. Các cụ nghĩ sao về việc lai giống này cơ? Xưa nay chúng ta không coi trọng lắm người Ấn Độ, mà đâu có biết rằng dân này giỏi ghê lắm, theo các báo chí uy tín thì họ hiện là giám đốc điều hành 17 cơ quan kỹ thuật vĩ đại nhất thế giới hiện nay, như các cơ quan Google, Microsoft. Adobe, Net App, Master Card. IBM, Micron…

Chưa hết, Phó Tổng Thống Hoa Ky Bà Harris hiện nay, thủ tướng, và bộ trưởng Nội Vụ bên Anh hiện nay đều là người có gốc Ấn Độ.

Cả làng tôi nghe xong đều giật mình vì ai cũng nghĩ những vai trò này là của dân gốc Do Thái.

Tôi thấy Cụ B.95 ngáp thì biết rằng cụ chán các chuyện cao siêu nên tôi xin làng chuyển đề tài. Đối với dân làng thì chuyện này dễ, bèn có ngay. Anh John lên tiếng thì Cụ B.95 cười thích lắm. Rằng anh thấy trong tiếng Việt, lời vợ chồng gọi nhau là MÌNH ƠI là hay nhất thế giới và đúng hết sức, vì lấy nhau rồi thì cả hai nên một, một thân xác một tâm hồn. Vợ chồng quen gọi nhau là ANH Ơi EM ƠI là sai, phải gọi nhau là MÌNH mới đúng Ta có chứng cớ trong Kinh Thánh : Khi Chúa dựng nên Adam xong thì lấy một mảnh xương sườn của anh mà tạo ra Eva, rồi Chúa đem Eva đến cho Adam. Adam trông thấy Eva liền nói ngay : Đây là xương thịt của tôi, this is my body. Tiếng MÌNH trong tiếng VN dịch từ My Body có cái gốc Kinh Thánh là đúng nhất và hay nhất. Cũng bởi việc Chúa tạo dựng ra đàn ông và đàn bà này mà các thiệp cưới của người Công Giáo thường in câu Kinh thánh : ‘Người nam bỏ cha mẹ mình mà đi kết hơp với người nữ, và cả hai trở nên một xương một thịt’. Vì việc Eva bởi xương Adam cho nên Eva và mọi người nữ xưa nay được gọi là PHỤ nữ, vì mọi sự đều là phụ cho nam giới.

Viết đến đây thì tôi chợt nhớ tới bài thơ ‘Mình Ơi’ rất hay của Mục Sư Phan Thanh Bình ở Cali bên Mỹ gửi cho tôi trước lễ Giáng Sinh. Xin được trích mấy câu mà tôi thích trong bài thơ :

- Mình ơi, mình à, Mình với ta tuy hai mà một, Ta với mình tuy một mà hai…

- Ta mình hai đứa một đôi, Lâu lâu giận dỗi mỗi nơi một mình, Làm lành hai đứa lại cười, Xáp vào lại hóa hai người một đôi…

- Ngọt ngào cất tiếng Minh Ơi, Trên đời đẹp nhất là tôi với mình

- Chúng mình như đũa có đôi, Có đôi để gọi Mình à Mình ơi, Gọi nhau cho trọn cuộc đời…

Nghe đến đây thì ôngTừ Hòe cười hà hà rồi nói : Tôi có ba câu đố này xin đố cả làng :

1. Ai là người sinh ra mà không có rốn?

2. Anh chồng nào không có mẹ vợ?

3. Chị vợ nào không có mẹ chồng?

Cả làng đã im lặng suy nghĩ. Phe các bà thì lẩm bẩm : câu đố 1 là vô lý vì ai sinh ra cũng phải có rốn chứ! Còn câu 2 và câu 3, chả lẽ cặp này tự là độc thân rồi lấy nhau sao?

Đang khi mấy bà mấy cô thì thào như vậy thì anh John lên tiếng đáp : Tôi nghĩ lời đáp cho cả 3 câu đố : đó chính là ông bà Adam và Eva ! Vì Chúa tạo ra cả hai ông bà chứ Chúa có đẻ ra hai ông bà theo lối loài người đâu mà có rốn, Chúa tạo ra chứ có ai là bố me chồng bố me vợ.

Nghe xong, mấy bà rì rào : Chồng chị Ba có khác !

Rồi ông bồ chữ Từ Hòe xin bàn tiếp cái ý một xương một thịt trên đây bằng cách trích dẫn lời kể của nhà văn Nguyễn Tầm Thường, bút hiệu của LM Nguyễn Trọng Tước Dòng Tên bên Mỹ. Ông cha này đã sang Ấn Độ 6 tháng để tìm hiểu tại chỗ về văn hóa và tôn giáo xứ Ấn Độ. Ngài viết :

… Không ai có thể biết Ấn Giáo tường tận, ngay các bách khoa tự điển cũng chỉ cho biết các nét đại cương. Nhiều người nghĩ rằng Ấn Giáo thờ bò. Không phải thế. Ba thần chính ở đây là Brahma, Shiva, Vishnu, và ngoài 3 vị đó, Ấn giáo còn thờ không biết bao nhiêu thần linh khác. Trong nhiều đền thờ Ấn Giáo, nơi cực thánh không có tượng thần mà chỉ có Lingam, tạc bằng đá, là hai biểu tượng sinh dục của người nam và người nữ chồng lên nhau. Nơi cực thánh chỉ các tư tế mới được tới gần để dâng lửa và xông hương. Nơi cực thánh chỉ có một biểu tượng duy nhất là Lingam. Qua biểu tương này ta biết tôn giáo này nói về mầu nhiệm sự sống. Con người kết hợp với nhau có thể tạo ra một sự sống, tạo ra một hữu thể biết đau đớn buồn vui, một hữu thể có linh hồn sẽ đời đời tồn tại trong thời gian. Đây không phải là một mầu nhiệm huyền bí sao? Con người được Thượng Đế cho một ân sủng vượt tầm hiểu biết của trí khôn. Đó là họ có thể tạo ra sự sống. Qua sự kết hợp của nam nữ, họ tạo ra một con người. Đó là chiều sâu của tôn giáo này.

Đối với tây phương thì đây là điều kỳ quặc, con người tới bái lậy trước biểu tượng sinh dục. Nhưng tín đồ Ấn Giáo không có ý tưởng dơ bẩn trong tâm trí. Cứ nhìn bàn tay chắp cung kính, đầu cúi nghiêm chỉnh, họ phải có một niềm tin linh thánh… Niềm tin tôn giáo đó là gì nếu không phải là yêu mến sự sống. Sự sống đến từ Trời. Cuộc đời là cho nhau sự sống, gìn giữ sự sống, để rồi trở về với sự sống vĩnh cửu là Thượng Đế. Lingam là bóng hình phiên dịch của sự sống vĩnh cửu…

Hay quá ! Cả làng đã vỗ tay khi nghe đọc xong bài viết của Cha Tước. Các cụ nhớ nha, không phải cứ nói tới Lingam là nói tới tình dục, nói tới sự tà dâm tầm bậy tội lỗi nha.

Đó là chuyện lâu đời bên Ấn Độ, đã có từ xưa.

Bây giờ, để thay đổi không khí, tôi xin kể chuyện thời tiết thời sự Canada, chuyện có thật. Rằng bữa đó, tại một cửa tiệm kia, cô thư ký đang làm việc thì điện thoại kêu reng vì có người gọi tới. Cô thư ký nhắc máy nghe, rồi cô vừa cười vừa đáp :

-Dạ thưa, hết rồi ạ. Dạ chỉ có mấy tiếng đồng hồ rồi hết ngay ạ. Dạ, tôi không biết bao lâu nữa mới có ạ.

Sau khi đã lễ phép chào tạm biệt khách gọi, cô thư ký vừa bỏ phôn xuống thì ông chủ chạy lại ngay. Ông nói với giọng giận dữ : Cô trả lời khách hàng như thế là hỏng hết rồi, là làm mất hết uy tín cái tiệm này của tôi. Sao cô lại bảo khách là hết hàng và không biết bao giờ mới có lại. Bao giờ cô cũng phải nói là hiệu mình luôn luôn có sẵn và có rất nhiều chứ !

Cô thư ký lễ pháp trả lời ông chủ : Cháu có nói hết hàng bao giờ đâu ! Đây là bà khách từ xa gọi tới để hỏi thăm về trận tuyết sáng nay vì bà từ xa đang dịnh tới Toronto mua quà Giáng Sinh cho gia đình, bà nghe qua radio thì biết ở đây đang có tuyết, bà ta hỏi còn tuyết không là thế, và cháu trả lời hết rồi là thế.

Đó là tin trận tuyết đầu năm giữa tháng 11 năm 2022 này. Dân Canada có thói quan đón tuyết đầu mùa đông vào đêm Giáng Sinh cơ. Năm nào mà lễ nửa đêm ở nhà thờ xong mà có tuyết bay bay trên đường về nhà thì được coi năm đang tới sẽ may mắn lắm.

Cụ Chánh tiên chỉ làng góp thêm ý : Năm mới 2023 này, tuy tuyết đến sớm nhưng lão thấy dân làng chúng ta vẫn là dân luôn luôn may mắn và hạnh phúc. Chứng cớ ư? Báo chí vừa cho biết Canada được coi là 1 trong 10 nước có nếp sống hạnh phúc nhất thế giới, và họ còn nói chi tiết hơn : Toronto, Montreal, Calgary, Vancouver và Ottawa của Canada là 5 trong các thành phố tốt nhất thế giới về nhiều mặt. Nào chúng ta còn muốn gì hơn nữa! Xưa nay lão hằng ái mộ ông vua hài hước Charlie Chaplin. Trước khi qua đời, ông đã nói một câu rất chí lý để đời : Ngày mất lớn nhất trong cuộc đời là ngày không có tiếng cười.

Lão xin chúc cả làng mùa Giáng Sinh này và năm mới đang tới đầy tiếng cười, tiếng cười của bằng an và hạnh phúc.

TRÀ LŨ
 
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, Chương mười
Vu Van An
23:23 01/12/2022

Chương Mười: Sự hiện diện vô hình trong Giáo Hội hữu hình và sự hiện diện vô hình của Giáo Hội hữu hình



I. Các nhận xét sơ khởi

Không có sự cứu rỗi bên ngoài Giáo hội, một công thức có ý nghĩa kép

1. "Không có sự cứu rỗi nào bên ngoài Giáo hội," - đây là một công thức hết sức mơ hồ. Vì người ta có thể hiểu nó theo hai nghĩa: hoặc là một khẳng định sai lầm giam hãm tâm trí trong ngục tối, nơi nó tin rằng nó buộc phải làm tuyệt vọng tất cả những người không phải là của chúng ta, hoặc là việc tuyên bố một chân lý thánh thiện trong đó chúng ta nuôi hy vọng đối với tất cả những người không phải là của chúng ta.

2. Trong nghĩa đầu tiên, công thức được đề cập có nghĩa là: "Không có sự cứu rỗi nào cho những ai không thuộc về Giáo Hội hữu hình một cách hữu hình." Thật không may, ý nghĩa đầu tiên này đã thịnh hành trong một thời gian dài. Người ta nói rằng Thánh Phanxicô de Sales đã khóc khi nghĩ rằng tất cả những người Thệ phản sẽ bị trầm luân. Nó lẫn lộn con người, thành viên chủ thể nhân bản trong một gia đình thiêng liêng không Công Giáo, và tội lạc giáo được xem xét một cách trừu tượng trong chính nó.

Theo nghĩa thứ hai, công thức được đề cập có nghĩa là: "Không có ơn cứu độ nào cho những ai không thuộc về Giáo hội hữu hình một cách hữu hình hay một cách vô hình." Và những người sau chắc chắn là vô số, gồm những người không phải là Kitô hữu cũng như những Kitô hữu không phải là Công Giáo: vì Giáo hội của Chúa Kitô mở rộng một cách vô hình ra ngoài giới hạn hữu hình của mình, và ôm ấp trong lòng tất cả những ai được cứu vớt bởi ân sủng của Chúa Kitô, ngay cả khi họ không biết Người, hoặc biết Người một cách kém cỏi, hoặc, vì bất cứ lý do gì mà lịch sử nhân loại tuy nghèo nàn nhưng không hiếm lời nói vê, tổ tiên của họ đã tách mình ra khỏi Giáo hội mà Phêrô, qua vị kế nhiệm của ngài, vẫn tiếp tục là vị lãnh đạo ở đây trên trái đất này, nói cách khác khỏi ngôi vị của Giáo hội dưới tình trạng trần thế của mình {1}.

Đôi Lời Về Ba Gia Đình Tâm Linh Lớn Không Phải Kitô Giáo

Đôi lời này là nhận xét sơ bộ thứ hai, - một loại lời nói đầu, dài hơn tôi muốn; để biết chút đỉnh về việc chúng ta đang nói về ai, tôi sẽ cố gắng phác họa những đặc điểm quan trọng, theo quan điểm của riêng tôi{2}, về một số gia đình tâm linh vĩ đại mà về họ các nghiên cứu tôn giáo so sánh ngày nay đã mở rộng nhiều nhận thức cho thế giới phương Tây một cách quý giá.

Chắc chắn tôi muốn chú ý trước tiên đến các tôn giáo nguyên thủy, và những tôn giáo nguyên thủy nhất trong số đó. Nhưng tôi thú nhận là không có đủ thông tin liên quan đến họ. Bên cạnh đó, chúng ta có ít dữ liệu về những người thượng cổ. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng họ "là những nghệ sĩ vĩ đại, những nhà quan sát đáng kể, những nghệ nhân thông minh" và, như Norbert Casteret khẳng định, là "những con người quan tâm đến linh đạo"{3}.

Dù sao, ở đây, khi nghĩ tới các gia đình tôn giáo không phải là Kitô giáo, điều khiến tôi quan tâm không phải là các tôn giáo nguyên thủy; mà trước hết là ba đại gia đình được tạo thành bởi Bà La Môn giáo, Phật giáo và Hồi giáo.

Đạo Bà la môn

1. Điều chủ yếu đối với một tôn giáo liên kết con người với nhau, và với Thiên Chúa, bằng một "đức tin" chung vào các chân lý thánh thiêng (chữ "đức tin" bao hàm nhiều sự đa dạng loại suy). Bà la môn giáo {4} là một tôn giáo theo nghĩa chặt chẽ của hạn từ này, và là tôn giáo cao qúy nhất mà con người đã đạt tới mà không cần sự trợ giúp của Mạc khải thừa hưởng từ Ápraham và từ Môsê{5}, do đó chỉ do lòng khát khao thể Tuyệt đối, Nguyên nhân của hữu thể, điều mà con người mang trong mình một cách tự nhiên{6}, và nỗ lực đã khơi dậy như thế trong tâm trí họ để hòa nhập vào thể Tuyệt đối này một cách nào đó.



Điều này có nghĩa là tại nguồn gốc của tôn giáo Bà La Môn có một đà đẩy [élan] của "huyền nhiệm học tự nhiên" với những khát vọng cao nhất của nó.

Một dấu ngoặc ở đây, để giải quyết vấn đề từ vựng. Đầu tiên, chữ "huyền nhiệm" mà tôi gọi là kinh nghiệm "thần bí", nói chung, bất cứ trải nghiệm sinh hoa trái nào về thể tuyệt đối. Sau đó, thành ngữ "huyền nhiệm học tự nhiên", chắc chắn không thích đáng lắm. Chúng ta hãy nhớ lại rằng có một "huyền nhiệm học siêu nhiên" - là huyền nhiệm học, trong đó, nhờ các hồng phúc của ân sủng và của Chúa Thánh Thần, linh hồn đi vào những cõi sâu thẳm của Thiên Chúa: người ta cũng có thể gọi đó là huyền nhiệm học về sự kết hợp của tình yêu. Trái ngược với huyền nhiệm học siêu nhiên này, "huyền nhiệm học tự nhiên" mà tôi đang nói ở đây là do các lực lượng duy nhất của bản chất con người vượt qua chính nó, vượt ra ngoài bất cứ khái niệm nào và vượt ra ngoài bất cứ việc làm nào của lý trí; có lẽ tốt hơn nên gọi nó là huyền nhiệm giải thoát, hay huyền nhiệm học tránh thời gian.

Tôi đã bàn tới nó trong một tiểu luận, trong đó, ít nhất dưới mắt tôi, có một số quan điểm quan trọng, và trong đó tôi hoàn toàn chú ý tới Ấn Độ giáo. Trải nghiệm huyền nhiệm của họ không có gì liên quan đến việc đi vào những cõi sâu thẳm của Thiên Chúa{7}.Tôi đã mô tả nó như một trải nghiệm hoàn toàn trí thức về sự hiện hữu thuần túy có tính bản thể của bản ngã, trong đó, bằng một thao tác kiên trì, trở lại diễn trình bình thường của hoạt động trí tuệ, linh hồn tự trút bỏ hết mọi hoạt động cụ thể và mọi tính đa dạng, và nhờ việc xóa bỏ mọi hành động ý tưởng này, đạt được và biết trong đêm tối, vượt quá mọi khái niệm, điều kỳ diệu siêu hình đó, thể tuyệt đối đó, sự hoàn hảo đó của mọi hành động và của mọi sự hoàn hảo, vốn là sự hiện hữu, sự hiện hữu có tính bản thể của riêng nó{8}. Chúng ta nên lưu ý điều này: việc xóa bỏ mọi hành động suy nghĩ mà ta đang bàn ở đây tự nó là một hành vi của linh hồn, độc đáo trong loại của nó và cực kỳ quan trọng{9}.

2. Một thứ huyền nhiệm học về sự giải thoát như thế, có khuynh hướng hướng tới thể Tuyệt đối thần linh và, một cách trung gian nhưng không có bất cứ suy luận thuần lý nào, đạt tới Nguyên nhân của hữu thể nhờ và trong kinh nghiệm siêu ý niệm [supra-conceptuelle] của thể tuyệt đối hữu hạn này: sự hiện hữu thuần túy của bản ngã con người{10}, mà theo ý kiến của tôi, đối với nhà triết học (tôi không nói với nhà sử học), đây là yếu tố đầu tiên được xem xét trong Ấn Độ giáo, giải trình cho lực đẩy sâu sắc nhất của nó.

Yếu tố thứ hai cần được xem xét là suy đoán siêu hình mà lực đẩy trên từng trải qua và xây dựng các hệ thống vĩ đại của nó với mục đích hoàn thành bản thân trong trải nghiệm mà nó vốn hướng tới (mặc dù việc vừa nói sau đó đã mang nhiều khía cạnh mới mẻ, như đã xẩy ra với giả định các khía cạnh mới, như nó xảy ra với bhakti [qui ngưỡng]){11}. Mặc dù Véda [phệ đàn] và Védânta [phái Phệ đàn đa] được cho là được mạc khải, nhưng "sự mặc khải" này (scruti), trong đó cũng có những tác phẩm của các nhà hiền triết đến sau (nó được kéo dài qua Upanishad [ưu bà ni sa đà]) và không hề được trình bầy như lời của Thiên Chúa được truyền tới chúng ta, mà là một chân lý phi thời gian được những người được linh hứng cảm nhận, tự để cho mình có những cách giải thích khác nhau từ nền tảng đến mức "thần học" của Ấn Độ giáo chỉ mang lấy những chiều kích của nó trong siêu hình học, hay đúng hơn nhiều nền siêu hình học của tôn giáo này{12}: một siêu hình học cao hơn siêu hình học của Aristốt và siêu hình học của triết học [falsafa] Hồi giáo, nhưng, vì trong yếu tính vốn có tính tôn giáo, và sử dụng các khái niệm với mục đích cuối cùng vượt quá chúng, thực tế đã có thể leo lên dãy Hi mã lạp sơn của họ chỉ bằng cách đi qua bóng tối và nhận được sự hỗ trợ ít nhiều bí mật của Trí Tưởng tượng và Thần thoại.

Như thế, họ tiến xa mà không cần đến sự nghiêm khắc mà một công việc thuần túy lý trí thường đòi hỏi. Hơn nữa, tuy không có ý niệm nào về sự tự do tuyệt đối của hành vi sáng tạo (đối với họ vũ trụ là biểu hiện cần thiết của lòng rộng lượng của Thiên Chúa), họ chắc chắn có xu hướng thừa nhận tính siêu việt của Thiên Chúa nhưng không thực sự đạt tới nó (linh hồn con người là một thể thức của Hữu thể thần linh; bao lâu về mặt tâm linh, nó cũng có cùng bản tính với Người; Người có một cơ thể vũ trụ...). Bản ngã (âtman), trong căn bản, y như nhau nơi Thiên Chúa và nơi con người, mặc dù nơi Thiên Chúa không hề có sự bất toàn và tương đối.

3. Cuối cùng, chúng ta biết rằng suy đoán siêu hình tự bản thân nó là một điều khó khăn. Mặt khác, để đạt tới trải nghiệm huyền nhiệm của trật tự tự nhiên, chẳng hạn như kinh nghiệm giải thoát, điều cần là phải sử dụng các kỹ thuật và kỷ luật rất nghiêm ngặt, và đòi hỏi, từ các năng lực trong bản chất của chúng ta, một nỗ lực tập trung suy niệm kéo dài bất tận, một điều không nằm trong tầm với của đại chúng.

Các nhà tư tưởng vĩ đại của Ấn Độ giáo đã đưa nỗ lực này lên quá cao đến mức đa số con người không thể sống ở bình diện này. Chúng ta đừng ngạc nhiên rằng trong quần chúng bình dân, nó đã nhanh chóng trở thành một thứ sùng bái ngẫu thần, trong đó có rất nhiều nam thần và nữ thần và coi con người rất thấp.

Đạo Phật

1. Phật giáo là một tôn giáo chỉ theo nghĩa mở rộng - rất mở rộng - của hạn từ này{13}. Trên hết, nó là một kỷ luật về tác phong và trị liệu tâm thức, một chế độ xa lánh mọi thứ cần được thực hành một cách liên tục (ít nhất bởi các khất sĩ [bikkhus], nếu không phải bởi quần chúng những người được rất nhiều công đức khi cúng dường cho họ). Trong đạo Phật, ngày càng đòi hỏi phải xác tín sâu sắc hơn rằng mọi sự đều là huyễn hoặc, phải thiền định rất lâu dài, phải tuân hành các quy tắc tỉ mỉ, và, trong Phật giáo "Đại thừa", phải có một lòng từ bi phổ quát do kinh nghiệm hoàn toàn về sự hư ảo của mọi sự: tất cả những điều này nhằm mục đích lôi kéo những người cuối cùng được giải thoát không những ra khỏi những đau khổ của cuộc sống trong thời gian, mà phân tích đến cùng, ra khỏi thân phận con người, và thậm chí ra khỏi thân phận hiện hữu. Xin cứu chúng con, chúng con cầu xin ngài, khỏi đại dương hiện hữu, như người ta đã hát trong một bài thánh ca Tây Tạng{14}.



Hoàn toàn trái ngược với trải nghiệm của người Bà La Môn về mukti, hay giải thoát (mà tôi đã mô tả ở trên như là một trải nghiệm trong đêm về sự hiện hữu thuần túy của bản ngã, qua nó và trong nó - do đó, một cách trung gian nhưng không có bất cứ khái niệm hay suy luận thuần lý nào - có sự nhận thức trong đêm về sự hiện hữu của Nguyên nhân hữu thể, hoặc của Bản ngã thần linh), kinh nghiệm Phật giáo về giải thoát, việc nhập vào nibbana (đây là từ tiếng Phạn) hoặc nirvâna [niết bàn] (đây là từ tiếng Sanscrit), theo quan điểm trong bài tiểu luận của chúng tôi về huyền nhiệm học tự nhiên, phải được được mô tả như một kinh nghiệm trong đêm về sự không hiện hữu của bản ngã, do chính lý do của chủ nghĩa hiện tượng triệt để được Phật giáo tuyên xưng.

Và đó là điều thay đổi nhiều điều. Tôi đã lưu ý ở trên rằng trong kinh nghiệm của người Ấn độ, việc xóa bỏ mọi hành vi suy nghĩ tự nó là một hành vi, một hành động cực kỳ quan yếu qua các phương tiện nhờ đó, linh hồn đạt được trong đêm sự hiện hữu (esse) thuần túy của bản ngã. Bây giờ một hành vi như vậy, một hành vi trong đó thực tại của bản ngã đạt tới cao điểm, rõ ràng nằm ngoài vấn đề, vì không có bản ngã. Và đối với sự thay đổi liên tục các hành vi chỉ là hiện tượng thuần túy của sự trở thành ảo ảnh, thì đó chính là điều cần phải vượt qua. Làm thế nào như vậy được? Một triết gia có quyền đặt câu hỏi này. Quả thực, có vẻ như điều thực sự được đòi hỏi chỉ có thể là sự biến mất hoàn toàn của Tinh thần. Và người ta không cảm nghiệm được sự biến mất của tinh thần này.

2. Việc chăm chỉ luyện tập thiền về bất cứ điều gì, có thể là về một hạn từ đơn nhất được lặp đi lặp lại vô thời hạn, - và trên hết là về tính vô thường của sự vật, - có thể dẫn đến một lượng khôn ngoan đáng kể, một lượng dũng cảm, đôi khi lượng dũng cảm anh hùng. Như thế, người ta nhận thấy trong số các nhà sư Phật giáo những nhân vật vĩ đại, những người làm rạng danh nhân loại.

Nhưng phải nói gì về thuật ngữ cuối cùng mà tất cả nỗ lực thiền định hướng tới? Việc đi vào cõi niết bàn, giả sử người ta đạt tới nó bằng cách sử dụng lâu dài các kỹ thuật thích đáng, có thể là một trải nghiệm huyền nhiệm về giải thoát chỉ bằng cái giá sống một mâu thuẫn: vì chính bằng một hành vi trong đó, trên thực tế thực sự, thực tại bản ngã lên đến cao điểm, mà linh hồn được ngây ngất trong sự không hiện hữu của bản ngã.

Tôi chắc chắn sẽ không dám mạo hiểm thử khám phá xem Zen [thiền] bao gồm những gì, - điều mà mọi bức màn của Phương Đông đều bảo vệ khỏi những ánh nhìn thiếu cân nhắc. Hơn nữa, làm thế nào người ta có thể tự hỏi mình việc bác bỏ tính nhất quán cho bất cứ điều gì hệ ở điều gì? Michel Perrin đã mạo hiểm việc này; trong một cuộc trò chuyện với một nữ tu sĩ Phật giáo cấp cao, tại tu viện Suji-Ji, ông hỏi, "Thiền là gì?" Trả lời: "Thiền là mọi sự, tuy nhiên nó không là gì cả; nhưng nó cũng là một điều gì đó". Rồi, sau một lúc im lặng đầy suy nghĩ, và một nụ cười tinh tế: "Nói về nó là nói những điều sai lầm; suy nghĩ là một trở ngại đối với trực giác; người ta chỉ có thể thực hành nó..."{15}.

Tuy nhiên, điều mà người ta thành công, bất kể họ có thể "trì độn" đến đâu, trong việc tri nhận nó, là một loại nhu đạo [judo] trong đó, bằng cách không làm đệ tử bối rối, sư phụ dẫn dắt họ, chắc chắn không tới bất cứ xác tín lý thuyết nào (xác tín cho rằng người ta coi trọng một điều gì đó: sự thật được nắm bắt một cách hợp lý){16}, nhưng tới một trạng thái tinh thần (hay đúng hơn là quan yếu, tâm sinh lý) chứng minh ngay cả trong một phản xạ nhỏ nhất rằng không có gì đáng để lo lắng bất cứ điều gì. Rồi - có lẽ - đột nhiên giác ngộ sẽ đến, tia sáng kỳ diệu hic et nunc [ở đây và lúc này] được tuyệt đối giải phóng khỏi mọi suy nghĩ.

Quả thực sẽ vô ích nếu tìm kiếm ở đó những chiều sâu siêu hình không thể hiểu thấu. Sẽ cũng vô ích nếu cho vào quên lãng gia vị đậm đà của sự huyền nhiệm hóa không thể tránh khỏi, vốn lên hương vị đầy cay ngọt cho những bí mật vĩ đại này của linh đạo.

Đạo Hồi

1. Hồi giáo là một tôn giáo theo nghĩa chặt chẽ của từ này, giống như Ấn Độ giáo, và chắc chắn là một loại hình cao nhã hơn và thuần khiết hơn Ấn Độ giáo, vì nó có một cảm thức cực kỳ mạnh mẽ về tính Thống nhất và Duy nhất [unicité] của Thiên Chúa, cũng như của sự siêu việt vô hạn của Thiên Chúa, - một ý thức cực kỳ mạnh mẽ nhưng vẫn quá phụ thuộc vào thước đo của con người: Hồi giáo không biết đến tam tính [trinity] của các Ngôi vị, một điều làm cho tính thống nhất của Yếu tính thần linh thần linh hơn nữa; và nó không biết đến sự rộng lượng mà với nó Thiên Chúa đã làm cho chính Người được biết đến, và sự rộng lượng này làm cho tính siêu việt vô hạn của Người thần linh hơn nữa.



Sự thực là một mặt, Hồi giáo dựa trên Mạc khải thừa hưởng từ Ápraham và từ Môsê, qua đó tư tưởng con người được củng cố và nâng cao trong đà đẩy [élan] của nó hướng về Thiên Chúa; và mặt khác, nó hoàn toàn phụ thuộc vào một "sự mạc khải" khác, một mạc khải chỉ xuất phát từ một ngọn lửa đơn thuần của con người (và không phải không có khói) mà với nó, trái tim của Môhamét đã được đốt cháy khi ông như thể bị một tiếng sét đức tin vào Thượng đế duy nhất đánh trúng, một đức tin siêu nhiên, người ta có thể nghĩ{17}, vốn day dứt ngay từ đầu bởi ngọn lửa đơn thuần của con người. Chính sự mạc khải khác này, sự mạc khải, nơi con cái của Ismael, đã thay thế cho thành tựu tối cao do chính Ngôi Lời Nhập Thể mang lại cho toàn bộ giáo huấn mà dân Israel đã nhận được từ Chúa Thánh Thần.

Đối với đạo Hồi, có năm vị tông đồ vĩ đại: "vị thứ nhất là Nôê, người đã vào Tầu 'nhân danh Thiên Chúa', và với ông, sau trận lụt, Thiên Chúa đã tái lập hiệp ước" {18}. Vị thứ hai là Ápraham, đã sẵn sàng hiến tế đứa con trai mà Thiên Chúa đã ban theo lời cầu nguyện của ông. Vị thứ ba là Môsê, người mà Thiên Chúa đã nói chuyện với trong Bụi Cây bốc lửa trên núi. Vị thứ tư là Chúa Giêsu, người được Thiên Chúa "đúc khuôn vào lòng Đức Maria", và là người, theo kinh Koran, chỉ có vẻ bị đóng đinh và tử hình.

Và Môhamét, tuy theo thứ tự thời gian, là vị thứ năm nhưng "về mặt phẩm chất thì ông là người đứng đầu tất cả, vì thông điệp của ông được xưng tụng là hoàn tất mọi thông điệp." Sự mạc khải mà Mohammed tiếp nhận được ghi lại trong một cuốn sách, kinh Koran, được Hồi giáo cho là chính Lời Thiên Chúa đọc cho Nhà tiên tri một cách siêu nhiên, và mạc khải này hoàn toàn lấy nó làm trung tâm.

2. Thiên Chúa của đạo Hồi là Thiên Chúa không thể tiếp cận được trong mầu nhiệm sự sống riêng của Người và Không thể tham dự vào, một Thiên Chúa không thể biết đến, hoặc, như Louis Gardet thích nói {19}, không thể hiểu thấu trong chính Người. Về Người, đức tin Hồi giáo biết đến "những cái tên đẹp nhất" để chỉ về Người, - và, trong mối liên hệ của các tạo vật với Người, Tính Toàn năng của Người, và Lòng Thương xót của Người đối với loài người; nhưng chỉ có vậy. Đến nỗi bởi một nghịch lý vĩ đại, chính trong falsafa [triết học Hồi giáo], trong các nhà siêu hình học vĩ đại (Avicenna đứng đầu bảng) thấm nhuần tư tưởng văn hóa Hy Lạp, - mà Algazel và các tiến sĩ của Kalam cho là đáng ngờ và bất chính thống, - mà ta cần phải tìm kiếm sự phong phú của tư tưởng Môhamét trong những điều không những chỉ liên quan đến vũ trụ tạo dựng, mà cả Hữu thể tự hữu.

Cuối cùng, chúng ta hãy lưu ý điều này: đối với nền chính thống Hồi giáo theo nghĩa hẹp, những ai, một cách phạm thượng, gán cho Thiên Chúa, một đam mê nhân bản, nhìn nhận rằng giữa Thiên Chúa và tạo vật của Người có một sự kết hợp tình yêu qua đó Người tự hiến cho tạo vật và biến đổi tạo vật này trong Người, vì sự thành tựu tối cao của nó cho nó và niềm vui vĩnh cửu, đồng bản thể cho Người là đã. (Chính đức tin vào Sự Nhập Thể và vào Chúa Thánh Thần đã soi sáng phần nào cho Kitô hữu về vấn đề này). Và chính vì ông tin vào tình yêu này ("Yếu tính của Thiên Chúa là Tình yêu", "Lạy Đấng Chí Thánh của con! con đã ôm, bằng trọn con người con, tình yêu của Ngài! Ngài đã tỏ mình Ngài cho con một cách đến nỗi đối với con chính Ngài đang ở trong con!”) mà Hallâj đã bị nhà cầm quyền kết án, đánh phạt, tùng sẻo và treo cổ chết trên giá phơi thây vào năm 309/922{20}.

Còn tiếp
 
VietCatholic TV
Quân Nga phục kích lính Dù Ukraine. Kết quả? Khủng bố gởi bom thư đến Tòa Đại Sứ Ukraine ở Madrid
VietCatholic Media
03:03 01/12/2022


1. Khôi hài: Quân Nga phục kích quân Ukraine lại bị tập kích sau lưng

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 1 tháng 12, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong 24 giờ qua không quân và pháo binh Ukraine đã tiến hành 17 cuộc tấn công vào các cụm thiết bị và binh lính Nga.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết:

“Trong ngày qua, Không quân Ukraine đã tiến hành 15 cuộc tấn công vào các cụm binh lính, vũ khí và thiết bị quân sự của quân xâm lược, trong đó có 2 cuộc tấn công vào các vị trí của hệ thống hỏa tiễn phòng không của quân Putin. Lực lượng hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã mở hai cuộc tấn công bắn trúng hai cụm vũ khí và thiết bị quân sự và một sở chỉ huy cấp trung đoàn. Thương vong tại sở chỉ huy của quân Nga vẫn đang được làm rõ.”

Giao tranh diễn ra ác liệt nhất xung quanh Bakhmut khi Lữ Đoàn Dù 71 của quân Ukraine tiếp tục các hoạt động tảo thanh để bảo đảm cho thị trấn không bị quân Nga pháo kích bằng súng cối ở các vị trí gần đó. Trong một diễn biến khá khôi hài, quân Nga đã phục kích một đơn vị của Lữ Đoàn Dù 71. Chiến thuật này khá cổ điển và hoàn toàn dễ bị phát hiện. Các máy bay không người lái trinh sát của lực lượng phòng vệ quốc gia đã phát hiện và báo cho lính dù Ukraine. Cuối cùng, chính những binh sĩ Nga đang chờ phục kích quân Ukraine lại bị tập kích từ sau lưng.

Các quan sát viên cho rằng Bakhmut không phải là một vị trí chiến lược. Quân đội Nga đang bị giết với các con số hàng trăm người mỗi ngày, có ngày lên đến hàng ngàn, khi ném mình vào làn đạn của Ukraine ở những nơi không quan trọng lắm đối với nỗ lực chiến tranh tổng thể.

Có lẽ họ chỉ muốn giành một chiến thắng cho Putin. Trong mắt họ, Bakhmut có lẽ là địa điểm dễ ăn nhất. Tuy nhiên, việc Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đưa Lữ Đoàn Dù 71 lên tăng viện cho chiến trường Bakhmut có thể sẽ khiến người Nga nghĩ lại. Quân Ukraine đang chuyển từ tư thế phòng thủ ở Bakhmut sang tư thế tấn công ra các khu vực xung quanh.

Trung Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết tính chung trong ngày 30 tháng 11, ít nhất 500 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 3 xe tăng và 6 xe thiết giáp. Quân Nga đã bỏ lại 1 hệ thống pháo và 1 hệ thống phòng không khi rút lui khỏi các khu định cư gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ông lưu ý rằng con số thương vong của quân Nga chưa kể đến con số thiệt mạng vì thời tiết giá lạnh. Từ các máy bay không người lái trinh sát, nhiều binh sĩ Nga được ghi nhận là gục chết bên trong các chiến hào.

Từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 30 tháng 11, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 88,880 binh sĩ Nga. Ngoài ra, quân đội Ukraine đã phá hủy của Nga 2,914 xe tăng, 5,872 xe bọc thép, 1,902 hệ thống pháo, 395 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 210 hệ thống phòng không, 280 máy bay, 261 máy bay trực thăng, 1,562 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 531 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu thuyền, 4,429 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 163 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Bộ Ngoại Giao Ukraine lên tiếng về vụ bom thư tại đại sứ quán Ukraine ở Tây Ban Nha: Đây là cuộc tấn công vào cơ quan ngoại giao

Hôm 30 tháng 11, các phương tiện thông tin đại chúng Tây Ban Nha đã đưa tin về vụ nổ tại Đại sứ quán Ukraine ở Madrid. Tham tán đại sứ quán bị thương nhẹ và phải nhập viện - chiếc phong bì phát nổ trên tay anh ta. Các nhân viên còn lại không bị thương.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba gọi vụ bom thư tại Đại sứ quán Ukraine ở Tây Ban Nha là một cuộc tấn công vào phái bộ ngoại giao và là một cuộc tấn công khủng bố.

“Đây là một vụ việc rất nghiêm trọng. Đây là vụ tấn công nhằm vào cơ quan đại diện ngoại giao, được luật pháp quốc tế bảo vệ nên hiện cảnh sát Tây Ban Nha đã tiến hành điều tra. Chúng tôi giải quyết vấn đề cẩn thận nhất có thể”

Kuleba cũng thông báo rằng tham tán đã trở lại đại sứ quán và được hỗ trợ y tế, không có mối đe dọa nào đến tính mạng của anh ta.

“Khi một thủ phạm của vụ tấn công khủng bố này được xác định, chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp để kẻ khủng bố này hoặc những kẻ khủng bố này bị trừng phạt nghiêm khắc,” Bộ trưởng lưu ý.

3. Quốc Hội Đức công nhận Holodomor là tội ác diệt chủng người Ukraine

Bundestag hay Quốc Hội của Đức đã công nhận Holodomor năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng người Ukraine.

Nghị quyết đã được thông qua theo đa số phiếu, không đếm, bằng cách giơ tay.

Bốn phe đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết. Cánh tả và đảng Giải pháp thay thế cho nước Đức bỏ phiếu trắng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảm ơn các thành viên Bundestag vì quyết định lịch sử công nhận Holodomor năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng đối với người dân Ukraine.

“Đức công nhận Holodomor năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng. Tôi cảm ơn các thành viên của Bundestag vì quyết định lịch sử này. Sự thật luôn chiến thắng,” Zelenskiy nói.

Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống, cũng cảm ơn Bundestag về quyết định này.

“Holodomor năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng. Tôi cảm ơn Bundestag – đây là công lý lịch sử được thế giới công nhận. Chúng ta phải làm sáng tỏ cho thế giới thấy rõ quốc gia chịu trách nhiệm về tội ác này”

4. Zelenskiy kêu gọi Đức cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi các chính trị gia Đức đưa ra quyết định về việc cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot.

Người đứng đầu nhà nước đã nói điều này trong một bài phát biểu qua video vào cuối ngày thứ 280 của cuộc chiến.

Zelenskiy nhắc lại rằng vào ngày 30 tháng 11, quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết công nhận Holodomor năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng đối với người dân Ukraine. Ông nói rằng quyết định này là cần thiết cho công lý và sự thật. Ngoài ra, nguyên thủ quốc gia lưu ý rằng đây là một tín hiệu rất quan trọng đối với nhiều quốc gia khác rằng chủ nghĩa phục thù của Nga sẽ không thành công trong việc viết lại lịch sử.

“Chúng tôi ca ngợi một quyết định nữa của Đức, chắc chắn sẽ trở thành lịch sử - chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine. Tất cả các thế hệ người Ukraine sẽ cảm ơn Thủ tướng Scholz, cũng như toàn bộ thế hệ các chính trị gia Đức hiện đại,” ông nói.

Hệ thống Patriot rất cần thiết để phản pháo trong các trường hợp bị quân Nga pháo kích. Quan ngại thường thấy của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu khi cung cấp các vũ khí hiện đại cho Ukraine là lo sợ Ukraine sẽ dùng các khí tài ấy để tấn công vào Nga. Đó không phải là trường hợp của hệ thống Patriot. Vì thế, Tổng thống Zelenskiy hy vọng Ukraine sẽ sớm nhận được các hệ thống Patriot mà nhiều người tin rằng sẽ bảo vệ vùng trời giúp quân Ukraine vượt sông dễ dàng bằng các phà phao.

5. Điện Cẩm Linh tuyên bố cần có “ý chí chính trị” để nối lại đàm phán với Kyiv

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Ba rằng cần phải có “ý chí chính trị” để nối lại đàm phán với Kyiv, nhưng trong tình hình hiện tại, các cuộc đàm phán với Ukraine là “bất khả thi vì phía Ukraine từ chối”.

Khi được hỏi cần phải làm gì để nối lại chúng, ông nói một cách mơ hồ rằng, “cần phải có ý chí chính trị và sự sẵn sàng thảo luận về những yêu sách của Nga mà ai ở Kyiv cũng biết.”

Peskov đã đưa ra những bình luận trong một cuộc họp báo với các nhà báo.

Những yêu sách của Nga là gì?

Hôm thứ Ba 15 tháng 11, trong cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo đang tham dự G20 tại Bali, Indonesia, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phác thảo 10 điều kiện tiên quyết để đàm phán với Nga, trong đó điều kiện tiên quyết là Nga phải rút quân khỏi các lãnh thổ chiếm đóng trái phép của Ukraine.

Đáp lại, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ngạo nghễ tuyên bố rằng 10 điều kiện là nhiều quá, phía Nga chỉ đưa ra một điều kiện với người Ukraine là hãy đầu hàng ngay lập tức. Phải chăng đó là “yêu sách của Nga mà ai ở Kyiv cũng biết” như Peskov nói.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói tại hội nghị đảng SPD rằng Putin phải rút quân khỏi Ukraine và chấm dứt chiến tranh vì hòa bình không thể ra lệnh như kiểu nói chuyện của Dmitry Medvedev.

Thủ tướng Đức Scholz nói với người Nga rằng: “Hãy chấm dứt cuộc chiến này, rút quân của các bạn và dọn đường cho các cuộc đàm phán về hòa bình mà Nga không thể ra lệnh cho hòa bình đối với Ukraine… Không ai được phép chiếm đoạt lãnh thổ của người khác”.

Một số bối cảnh: Mạc Tư Khoa đã liên tục cáo buộc Kyiv rút khỏi các cuộc đàm phán. Khi được hỏi hôm thứ Hai về khả năng Vatican có thể làm trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán Nga-Ukraine - mà Vatican đã nhiều lần đề nghị hay không - Peskov cho biết họ hoan nghênh những sáng kiến như vậy, nhưng nói thêm rằng các nền tảng cho các cuộc đàm phán “hiện không được yêu cầu” từ phía Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ký một sắc lệnh vào đầu tháng 10 chính thức loại trừ khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đáp trả việc Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, là điều bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Nhưng nói chuyện với CNN vào giữa tháng 11, Zelenskiy cho biết ông không loại trừ các cuộc đàm phán hòa bình với tổng thống Nga ở Mạc Tư Khoa, miễn tổng thống ấy không phải là Putin. Trong thời kỳ đầu của cuộc chiến, Zelenskiy đã nhiều lần đề nghị ngồi lại nói chuyện với Putin và các quan chức Nga, nhưng đều bị phía Nga bác bỏ.

6. Zelenska gặp người tị nạn Ukraine ở London

Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đã gặp gỡ những người tị nạn Ukraine ở London.

“Trong mỗi chuyến đi, điều rất quan trọng đối với tôi là được gặp gỡ những người Ukraine bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ. Để hỏi xem chúng ta có thể làm gì khác để việc ở lại nước ngoài của họ dễ dàng hơn. Tôi muốn lắng nghe người dân của chúng ta, bởi vì điều đó luôn rất cảm động,” Zelenska nói.

Chuyến đi London cũng không ngoại lệ. Cùng với Vua Charles III, Đệ nhất Phu nhân đã gặp gỡ cộng đồng Ukraine tại Nhà thờ Công Giáo Ukraine. Tháng 8 năm ngoái, cùng với Hiệp hội những người Ukraine ở Vương quốc Anh, cộng đoàn Công Giáo này đã thành lập một trung tâm độc đáo: Trung tâm Chào mừng Ukraine.

“Kể từ khi Nga chuyển sang chiến thuật khủng bố năng lượng, chúng tôi hiểu rằng mùa đông năm nay sẽ khó khăn nhất trong tất cả những năm độc lập. Vì vậy, tôi rất biết ơn vì ít nhất một bộ phận người Ukraine, đặc biệt là người già, trẻ em, có thể chờ qua mùa lạnh mà không có nguy cơ bị mất điện”, Zelenska nói.

Cô nói thêm rằng Ukraine nhận được sự hỗ trợ liên tục từ Vương quốc Anh trong hầu hết các lĩnh vực nhân đạo, bao gồm thiết bị y tế, xe cứu hỏa và xe cứu thương, tái thiết cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sắt và năng lượng, hỗ trợ cho các nhà giáo dục.

“Và hôm nay, gặp gỡ những người Ukraine, tôi một lần nữa tin chắc rằng người dân của chúng tôi được che chở bởi những người bạn mà họ chào đón từ tận đáy lòng,” Zelenska nói.

7. Chuyên gia truyền hình Nga thừa nhận giới tinh hoa đang lo lắng về hậu quả sau chiến tranh nhưng tuyên bố rằng Nga là quốc gia hiếu hòa, hiền nhất thế giới, nên không có gì phải sợ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian TV Pundit Admits Elites Are Worried About Repercussions After War”, nghĩa là “Chuyên Gia Truyền Hình Nga Thừa Nhận Giới Tinh Hoa Đang Lo Lắng Về Hậu Quả Sau Chiến Tranh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh đã nói rằng giới tinh hoa của Nga không nên sợ phải đối mặt với một phiên tòa ở La Haye về các hành động của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Margarita Simonyan, tổng biên tập của mạng truyền hình RT, chuyên ủng hộ đường lối của Điện Cẩm Linh, biện minh cho việc Nga tiếp tục ném bom Ukraine là “điều duy nhất chúng ta có thể làm trong tình huống này”.

Cô ấy nói với người dẫn chương trình Russia-1 Vladimir Solovyov, “Chúa biết chúng ta không muốn điều này,” khi cô ấy đề cập đến các chuyên gia khác và những người nắm quyền.

Cô ta cũng gợi ý rằng Nga cần phải có hành động trong bối cảnh Ukraine “sẵn sàng chiếm lấy Crimea của chúng ta” — Crimea là bán đảo mà Mạc Tư Khoa đã sáp nhập của Ukraine vào năm 2014.

“Chúng ta là những người tử tế, lịch sự và đôi khi quá hiền lành,” cô ta nói, khi đề cập đến những người “ở tầng lớp rất cao, những người sợ gọi mọi thứ như chúng vốn có vì những gì người ta ở đó có thể nghĩ.”

“Chúng ta không nên quan tâm đến những gì người ta ở đó có thể nghĩ,” cô nói, trước khi tiếp tục giải thích ý của cô ta trong cụm từ “người ta ở đó”.

“Những người sợ tòa án La Haye” nên sợ “thua cuộc, bị sỉ nhục và phản bội người dân của mình”.

Trong trường hợp Nga thất bại ở Ukraine, cô ấy tin rằng mọi người sẽ đáng trách trong mắt La Haye, kể cả “người quét đường quét những viên đá cuội phía sau Điện Cẩm Linh.”

“Nếu bạn sợ La Haye, hãy tránh xa khu rừng,” ý muốn nói là rời khỏi nước Nga, cô ta nói, khiến Solovyov suy nghĩ về hậu quả của một thất bại quân sự của Nga.

“Nếu điều này xảy ra, sẽ chẳng còn gì cả,” Solovyov nói, đồng thời cho biết thêm rằng điều này là khiến cả thế giới “ra tro bụi”. Solovyov và các vị khách của ông đã nhiều lần mô tả cách Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các nước phương Tây đã ủng hộ Kyiv.

Cuộc trao đổi đã được nhà báo và nhà quan sát Nga Julia Davis đăng trên Twitter. Julai viết: “Ở Nga, các nhà tuyên truyền hàng đầu và bạn bè của họ ở những vị trí cao đang lo lắng về khả năng thất bại trong cuộc chiến với Ukraine và bị xét xử tại La Haye.”

Tuần trước, Đại sứ Lưu động của Hoa Kỳ về Tư pháp Hình sự Toàn cầu Beth Van Schaack đã cáo buộc Nga về các tội ác chiến tranh “có hệ thống” được tiến hành mà các cấp cao nhất của Điện Cẩm Linh đều biết và ủng hộ.

Van Schaack nói trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng có rất nhiều bằng chứng được thu thập bởi các tổ chức phi chính phủ, giới truyền thông và các nhà điều tra tội ác chiến tranh.

Bà cho biết bằng chứng chỉ ra các tội ác chiến tranh “được thực hiện ở mọi khu vực mà lực lượng Nga đã triển khai”, bao gồm các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự và ngược đãi dân thường và tù nhân.

Điện Cẩm Linh, mà Newsweek đã liên hệ để yêu cầu bình luận, đã phủ nhận việc họ tấn công vào dân thường và bác bỏ các cáo buộc về tội ác chiến tranh.

David Crane, công tố viên trưởng sáng lập của Tòa án đặc biệt dành cho Sierra Leone, một tòa án quốc tế về tội phạm chiến tranh, nói với Newsweek vào tháng 9 rằng ông dự kiến sẽ có một hành động pháp lý chống lại Nga liên quan đến tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người “trong vòng 12 tháng”.

Crane, học giả tại Đại học Luật Syracuse, New York, nói rằng cùng với tội ác chiến tranh, Mạc Tư Khoa cũng nên bị truy tố vì tội xâm lược.

“Toàn bộ mục đích của Liên Hiệp Quốc là giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và chỉ sử dụng vũ lực như là phương sách cuối cùng và hành động gây hấn của Nga hoàn toàn là một sự sỉ nhục đối với mô hình của Liên Hiệp Quốc.”
 
Trước tin Putin hạ độc, Sứ thần Tòa Thánh lên tiếng về Ngoại Trưởng Makei, đột tử sau khi gặp ngài
VietCatholic Media
05:29 01/12/2022


1. Điều tra dân số tiết lộ thực tế đáng buồn, Kitô hữu chỉ còn là thiểu số ở Anh; vô thần phát triển mạnh

Theo cuộc điều tra dân số gần đây nhất, chưa đến một nửa số người ở Anh và xứ Wales tự coi mình là Kitô Hữu - đây là lần đầu tiên một tôn giáo chính thức của đất nước bị biến thành thiểu số.

Nước Anh đã trở nên ít tôn giáo hơn — và ít người da trắng hơn — trong thập kỷ qua kể từ cuộc điều tra dân số gần đây nhất, theo số liệu từ cuộc điều tra dân số năm 2021 do Văn phòng Thống kê Quốc gia công bố hôm thứ Ba.

Khoảng 46.2% dân số Anh và xứ Wales tự nhận mình là Kitô Hữu vào ngày điều tra dân số năm 2021, giảm so với tỷ lệ 59.3% một thập kỷ trước đó. Dân số Hồi giáo tăng từ 4.9% lên 6.5% trong tổng số, trong khi 1.7% được xác định là người theo Ấn Giáo, tăng từ 1.5%.

Hơn 1 trong 3 người — 37% — cho biết họ không theo tôn giáo nào, tăng từ 25% vào năm 2011.

Các khu vực khác của Vương quốc Anh, Tô Cách Lan và Bắc Ireland, báo cáo kết quả điều tra dân số của họ một cách riêng biệt.

Các nhà vận động chủ nghĩa thế tục cho biết sự thay đổi này sẽ kích hoạt một suy nghĩ lại về cách các tôn giáo cố thủ trong xã hội Anh. Vương quốc Anh có các trường học của Giáo hội Anh do nhà nước tài trợ, các giám mục Anh giáo ngồi trong thượng viện của Quốc hội, và quốc vương là “người bảo vệ đức tin” và nhà lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Anh.

Andrew Copson, giám đốc điều hành của tổ chức bác ái Humanists UK, cho biết “sự gia tăng mạnh mẽ của những người không theo tôn giáo” đã khiến Vương quốc Anh “gần như chắc chắn là một trong những quốc gia ít tôn giáo nhất trên trái đất”.

Ông nói: “Một trong những điều nổi bật nhất về những kết quả này là không có quốc gia nào ở Âu Châu có cơ chế tôn giáo như chúng tôi về mặt luật pháp và chính sách công, đồng thời lại có dân số không theo tôn giáo cao như vậy.”

Đức Tổng Giám Mục York Stephen Cottrell, một trong những giáo sĩ cao cấp nhất của Giáo hội Anh, cho biết dữ liệu này “không phải là một bất ngờ lớn”, nhưng là một thách thức đối với các Kitô hữu phải làm việc chăm chỉ hơn để thúc đẩy đức tin của họ.

Ngài nói: “Chúng ta đã bỏ lại phía sau thời đại mà nhiều người gần như tự động được xác định là Kitô hữu, nhưng các cuộc khảo sát khác đều cho thấy những người đó vẫn tìm kiếm sự thật và sự khôn ngoan tâm linh cũng như một loạt các giá trị để sống theo.

Gần 82% người dân ở Anh và xứ Wales được xác định là người da trắng trong cuộc điều tra dân số, giảm từ 86% vào năm 2011. Khoảng 9% cho biết họ là người Á Châu, 4% người da đen và 3% có nguồn gốc dân tộc “hỗn hợp hoặc đa sắc tộc”, trong khi 2% xác định với một nhóm dân tộc khác.
Source:AP

2. Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Giáo chủ Công Giáo Canđê, cho biết mỗi tháng có 20 gia đình Kitô rời khỏi Iraq.

Hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng, truyền đi ngày 25 tháng Mười Một vừa qua, đưa tin: Đức Hồng Y Sako cho biết các tín hữu Kitô, phần lớn tập trung tại các thành thị ở vùng Bình nguyên Ninive và các vùng khác ở miền bắc nước này, họ tiếp tục rời khỏi Iraq với nhịp độ 20 gia đình mỗi tháng.

Những nhận định báo động trên đây được truyền đi qua các kênh thông tin của Tòa Thượng phụ, theo đó hơn một nửa số Kitô hữu Iraq đã xuất cư trong những thập niên gần đây, và nhiều người khác đang “ở trong danh sách chờ đợi”. Đức Hồng Y nói đến nhiều yếu tố xã hội, chính trị, môi trường đã góp phần tạo nên tình trạng trên đây một cách từ từ và âm thầm: ví dụ tình trạng bấp bênh về chính trị và xã hội, bất an, thiếu cơ may bình đẳng, nạn kỳ thị và những biện pháp thiệt thòi trong công ăn việc làm, thiếu các quy luật pháp lý bảo vệ sự bình quyền hoàn toàn giữa mọi công dân, kể cả các tín hữu Kitô, trước mặt pháp luật. Đặc biệt, Đức Hồng Y Sako nói đến tình trạng thiếu một luật lệ về vị thế pháp lý của các tín hữu Kitô khiến họ tiếp tục bị kỳ thị dễ dàng. Ví dụ, luật về hôn nhân, thừa kế hoặc việc giữ nuôi các con cái vị thành niên. Luật pháp Iraq vẫn theo truyền thống pháp chế Hồi giáo, chiếu theo luật Sharia.

Đức Hồng Y Sako cũng nói rằng: “Nếu có ai không muốn chúng tôi ở lại đất nước này như những công dân có cùng phẩm giá như những người khác, thì xin hãy nói thẳng, để chúng tôi có thể đương đầu với vấn đề này trước khi quá trễ”.

3. Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh Ante Jozic nói Vladimir Makei là một người thích đối thoại

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus Vladimir Makei là một người thích đối thoại, Sứ thần Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Ante Jozic, người đã tham dự buổi lễ tiễn biệt Vladimir Makei ở Minsk vào ngày 29 tháng 11, nói với BelTA.

“Cái chết của Vladimir Makei là một mất mát to lớn, không chỉ đối với quốc gia các bạn mà còn đối với tất cả chúng tôi, những người biết ông ấy và những người đã làm việc với ông ấy ở đây, ở phương Tây và phương Đông. Ông là một người đối thoại, và tôi cảm nhận được điều đó mỗi khi chúng tôi gặp nhau,” Sứ Thần Tòa Thánh nói.

Đại diện của Vatican bày tỏ hy vọng rằng quá trình đối thoại mà Vladimir Makei theo đuổi sẽ không thay đổi và đóng góp cho hòa bình và hòa hợp.

“Anh ấy là tấm gương để nhiều người trong chúng tôi noi theo,” Đức Cha Ante Jozic nói thêm.

Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh Ante Jozic là nhân vật quan trọng cuối cùng mà Ngoại trưởng Vladimir Makei gặp gỡ trước khi đột tử.

Cơ quan thông tin chính thức của Belarus cho biết Ngoại trưởng Vladimir Makei đã gặp Sứ thần Tòa Thánh, vào ngày 25 tháng 11, tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Belarus nói rằng:

“Cuộc trò chuyện xoay quanh lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Belarus và Tòa thánh, sự tương tác giữa Vatican và Minsk, cũng như tình trạng hiện tại của Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Cộng hòa Belarus,”

Các bên tái khẳng định cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác liên tôn giáo trong các lĩnh vực khác nhau.

Các nguồn tin Công Giáo từ Belarus cho biết đây có lẽ là lần đầu tiên Makei viếng thăm Tòa Sứ thần Tòa Thánh. Theo quy tắc ngoại giao, ông ta sẽ triệu tập Sứ thần Tòa Thánh đến Bộ Ngoại Giao. Chi tiết này cho thấy ông ta có thể muốn nhờ Tòa Thánh giúp cho một điều gì đó.

Chỉ vài giờ sau cuộc gặp gỡ giữa Makei và Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy rằng cô ta “vô cùng sốc” trước tin tức về cái chết của Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei.

Makei qua đời ở tuổi 64, Bộ Ngoại giao Belarus cho biết hôm thứ Bảy. Bộ Ngoại Giao Nga cho biết ông “đột ngột qua đời hôm nay” mà không cung cấp thêm chi tiết về hoàn cảnh xung quanh cái chết của ông.

Các nhà lãnh đạo đối lập với Lukashenko cho rằng chính Nga đã giết chết Makei để dằn mặt Lukashenko, và nếu Lukashenko duy trì quan điểm hiện nay, kịch bản nhiều người thấy nhất là sau cái chết của Makei sẽ là cái chết của Lukashenko vì cả hai ông này đều bác bỏ yêu cầu của Putin tấn công vào Ukraine.
Source:Belta
 
Tin vui: Nga hết máy bay không người lái Iran. Góa phụ Đại Tá Nga tuyệt mạng, để lại thư tố cáo Putin
VietCatholic Media
15:45 01/12/2022


1. Phát ngôn nhân Không quân Ukraine nhận định Nga có khả năng hết lô máy bay không người lái đầu tiên do Iran sản xuất

Trong gần hai tuần, Nga đã không sử dụng máy bay không người lái tấn công Shahed-136 do Iran sản xuất trong các cuộc không kích chống lại Ukraine. Nhiều khả năng lô máy bay không người lái Iran đầu tiên chuyển giao cho Nga đã được sử dụng hết.

Yurii Ihnat, phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine, cho biết điều này trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 1 tháng 12.

“Chúng tôi đã không quan sát thấy những chiếc máy bay không người lái này của Iran trong khoảng hai tuần nay và có thể lâu hơn thế nữa. Có khả năng đợt đầu tiên Iran gởi đến Nga đã kết thúc. Đó là hơn 400 chiếc Shahed-136 được sử dụng ở Ukraine. Khoảng 340 máy bay không người lái trong số này đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ. Có thông tin cho rằng Nga đã đặt hàng khoảng 1,740 chiếc. Có lẽ, không có cách nào để có được chúng bây giờ. Có lẽ, các tiến trình chính trị đang diễn ra, bởi vì Trung Đông cũng đang ở trong tình thế khó khăn, và Iran cũng đang ở trong hoàn cảnh rất nghiêm trọng và khó khăn. Và các quốc gia khác có thể ảnh hưởng đến điều này,” Ihnat nói thêm.

2. Quân xâm lược Nga đã nã pháo vào thành phố Kherson

Sáng thứ Tư 30 tháng 11, quân xâm lược Nga đã nã pháo vào thành phố Kherson. Một thường dân đã được báo cáo thiệt mạng và một người khác bị thương.

Thống đốc Kherson, Yaroslav Yanushevych, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 1 tháng 12.

“Sáng hôm qua quân xâm lược đã tấn công trung tâm thành phố Kherson. Nhiều nhà dân và cơ sở y tế bị hư hại. Một đường ống dẫn khí đốt đã bị tấn công.”

Theo Yanushevych, một phụ nữ 70 tuổi đã bị giết trong chính căn hộ của mình. Ngoài ra, một người đàn ông 64 tuổi bị thương trên đường phố do đạn của Nga rơi xuống đường.

Ông nhắc lại rằng, vào ngày 29 tháng 11 năm 2022, bốn thường dân đã bị thương trong vụ pháo kích của Nga vào vùng Kherson.

3. Bản tin tình báo của Bộ Quốc Phòng Anh

Kể từ tháng 10, Nga đã nhiều lần tấn công mạng lưới phân phối điện của Ukraine, chủ yếu bằng hỏa tiễn hành trình. Đây có thể là ví dụ đầu tiên về việc Nga cố gắng thực hiện khái niệm Chiến dịch Chiến lược Tiêu diệt các Mục tiêu Cực kỳ Quan trọng, gọi tắt là SODCIT, một thành phần chính của học thuyết quân sự mà nước này đã áp dụng trong những năm gần đây.

Nga đã hình dung SODCIT là sử dụng hỏa tiễn tầm xa để tấn công cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của đối phương, chứ không phải lực lượng quân sự của họ, nhằm làm mất tinh thần dân chúng và cuối cùng buộc các nhà lãnh đạo của quốc gia đó phải đầu hàng.

Các cuộc tấn công của Nga tiếp tục gây ra tình trạng thiếu điện dẫn đến đau khổ nhân đạo lan rộng khắp cùng Ukraine. Tuy nhiên, tính hiệu quả của nó với tư cách là một chiến lược có thể đã bị giảm sút do Nga đã sử dụng một tỷ lệ lớn trong kho hỏa tiễn dùng để chống lại các mục tiêu chiến thuật. Ngoài ra, với việc Ukraine đã huy động thành công trong 9 tháng, tác động vật chất và tâm lý của SODCIT có thể ít hơn nhiều so với khi nó được triển khai trong giai đoạn đầu của một cuộc chiến.

4. Hạ viện Tiệp cho phép quân đội Ukraine tham gia huấn luyện tại quốc gia này.

Hạ viện của Quốc hội Cộng hòa Tiệp đã cho phép quân đội Ukraine được huấn luyện trong lãnh thổ nước này.

Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi hãng thông tấn České noviny của Tiệp.

Cụ thể, các thành viên của Quốc hội đã chấp thuận việc binh lính Ukraine ở lại trong khu vực huấn luyện quân sự Libavá.

Năm khóa học hàng tháng sẽ được tổ chức từ cuối năm 2022 và mỗi khóa học có thể có tới 800 quân nhân tham gia.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Tiệp Jana Černochová, kinh nghiệm như vậy cũng sẽ hữu ích cho Quân đội Cộng hòa Tiệp. Đặc biệt, các binh sĩ của nước này sẽ tìm hiểu về cách người Nga tiến hành chiến tranh, điểm yếu và điểm mạnh của họ.

Ngoài ra, Hạ viện cho phép các giảng viên người Tiệp huấn luyện quân đội Ukraine ở một nước Liên Hiệp Âu Châu khác, nhưng giới hạn số lượng của họ ở mức 55.

Thượng viện của Quốc hội Cộng hòa Tiệp dự kiến sẽ xem xét đề xuất này vào ngày 1 tháng 12 và chắc chắn sẽ thông qua.

Trong các quốc gia Âu Châu, Tiệp và Slovakia đang trở thành các quốc gia dẫn đầu trong việc hỗ trợ quân sự táo bạo cho Ukraine. Trong khi đã có một sự dè dặt của NATO trong việc gởi cho Ukraine các khí tài chiến tranh hạng nặng như máy bay, xe tăng và các loại hỏa tiễn phòng không, vì lo ngại có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga; Tiệp và Slovakia đã không ngần ngại cung cấp cho Ukraine xe tăng T-72 và các hệ thống phòng không S-300.

Tiệp và Slovakia trước đây chung một nước, là Tiệp Khắc. Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Tiệp và Slovakia đang muốn nhân dịp này trả thù cho biến cố Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc vào năm 1968. Các chính trị gia ở hai quốc gia này hiểu rất rõ ràng rằng nếu Nga chiến thắng tại Ukraine, họ sẽ phải đối diện với sự phẫn nộ rất lớn của quần chúng Tiệp và Slovakia.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Mùa xuân Praha là một thời kỳ tự do hóa chính trị và phản đối quần chúng ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc. Nó bắt đầu vào ngày 5 tháng Giêng năm 1968, khi nhà cải cách Alexander Dubček được bầu làm Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Thời kỳ này kéo dài cho đến ngày 21 tháng 8 năm 1968, khi Liên Xô và các thành viên Hiệp ước Warsaw khác xâm lược đất nước để đàn áp các cải cách.

Cải cách Mùa xuân Praha là một nỗ lực mạnh mẽ của Dubček nhằm trao thêm quyền cho công dân Tiệp Khắc trong một hành động phân cấp một phần nền kinh tế và dân chủ hóa. Các quyền tự do được cấp bao gồm việc nới lỏng các hạn chế đối với phương tiện truyền thông, cho tự do ngôn luận và đi lại. Sau khi đi xa đến mức chia đất nước thành một liên bang của ba nước cộng hòa, Bohemia, Moravia-Silesia và Slovakia, Dubček quyết định tách thành Tiệp Khắc thành hai nước: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Slovakia.

Các cải cách dân chủ, đặc biệt là phân cấp quyền hành chính, không được Liên Xô đón nhận, và đã gửi nửa triệu quân và xe tăng của Khối Hiệp ước Warsaw đến chiếm đóng đất nước. New York Times trích dẫn các báo cáo có đến 650,000 quân trang bị vũ khí hiện đại và tinh vi nhất của Liên Xô lúc bấy giờ đã nhào vào Tiệp Khắc. Một làn sóng di cư khổng lồ đã diễn ra. Các cuộc kháng chiến đã bùng lên khắp cả nước, đập tan các trụ sở của đảng cộng sản, săn lùng và giết chết các đảng viên cộng sản, bất chấp lệnh giới nghiêm. Quân đội Liên Xô dự đoán rằng chỉ cần mất bốn ngày để khuất phục đất nước này, nhưng cuộc kháng chiến đã diễn ra trong tám tháng. Nó đã trở thành một ví dụ điển hình về quốc phòng dựa vào toàn dân. Có cả một số cuộc biểu tình phản đối bằng cách tự thiêu, nổi tiếng nhất là của Jan Palach.

Sau cuộc xâm lược, Tiệp Khắc bước vào thời kỳ được gọi là bình thường hóa, trong đó các nhà lãnh đạo mới cố gắng khôi phục các giá trị chính trị và kinh tế đã chiếm ưu thế trước khi Dubček lên nắm quyền. Gustáv Husák, người thay thế Dubček làm Bí thư thứ nhất và cũng trở thành Tổng thống, đã đảo ngược gần như tất cả các cải cách.

Dù thất bại, Mùa xuân Praha đã truyền cảm hứng cho âm nhạc và văn học bao gồm tác phẩm của Václav Havel, Karel Husa, Karel Kryl và cuốn tiểu thuyết lừng danh “Ánh sáng không thể chịu đựng được” của Milan Kundera.

Tiệp Khắc vẫn do Liên Xô kiểm soát cho đến năm 1989, khi Cách mạng Nhung kết thúc một cách hòa bình chế độ cộng sản; những người lính Liên Xô cuối cùng đã rời khỏi đất nước vào năm 1991.

5. Góa phụ của đại tá Nga được tìm thấy đã tuyệt mạng để lại một lá thư giận dữ cho Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Widow of Russian Colonel Found Dead Writes Angry Letter to Putin”, nghĩa là “Góa phụ của đại tá Nga được tìm thấy đã tuyệt mạng để lại một lá thư giận dữ cho Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Người vợ góa của một sĩ quan hàng đầu của Nga, là người được tìm thấy bị bắn chết trong văn phòng của ông vào ngày 16 tháng 11, đã viết một bức thư đầy giận dữ cho Tổng thống Vladimir Putin, nói rằng chồng mình đã bị biến thành “vật tế thần” cho các vấn đề liên quan đến nỗ lực huy động của nhà lãnh đạo Nga.

Yulia Boyko, góa phụ của Đại tá Vadim Boyko, đã viết một bức thư ngỏ cho Putin, nói rằng chồng bà đã “tự xử” sau khi bị áp lực về những thất bại trong nỗ lực vận động của Nga.

Vadim Boyko, phó giám đốc Trường Hải quân Thái Bình Dương Vladivostok, đã tham gia rất nhiều vào các nỗ lực huy động của Putin.

Các báo cáo mâu thuẫn xuất hiện sau cái chết của anh ta. Các phương tiện truyền thông địa phương bao gồm tờ báo Dalnevostochnye Vedomosti đưa tin rằng cái chết của ông được coi là tự sát, trong khi kênh Baza Telegram đưa tin rằng 5 tiếng súng đã được nghe thấy từ văn phòng của viên đại tá.

Boyko hối thúc Putin giám sát cuộc điều tra về cái chết của chồng cô. Trong bức thư gửi nhà lãnh đạo Nga, được các phương tiện truyền thông địa phương chia sẻ, cô nói rằng sau khi không đáp ứng được chỉ tiêu tuyển dụng, ông rơi vào “trạng thái suy sụp về tinh thần và tâm lý” và “mất ngủ trong khoảng một tháng, sụt 15 kg. “

Theo góa phụ, ông trở thành vật tế thần cho nhiều vấn đề nảy sinh sau khi Putin tuyên bố huy động một phần quân dự bị của Nga vào ngày 21/9.

“Các nhân viên của cơ sở giáo dục không có kinh nghiệm trong công việc này, không có đủ nhân sự, có nhiều vấn đề ở các trung tâm tuyển mộ nhập ngũ. Đối với những người bị gọi nhập ngũ, những người đã phục vụ trong nhiều năm, thật khó để làm quen với thực tế mới, việc tuân thủ kỷ luật, và do đó, đánh nhau và lạm dụng rượu không phải là hiếm,” Boyko viết.

Cô ấy viết rằng “sự đàn áp” thực sự đối với chồng cô ấy bắt đầu vào ngày 14 tháng 11, khi một cuộc kiểm toán được tiến hành dựa trên những lời phàn nàn của những người bị gọi nhập ngũ tại một khu huấn luyện quân sự.

“Các thanh tra đã thông báo công khai với Đại tá Boyko rằng đối với những tổn thất và thiệt hại đối với tài sản nhà nước, khoản nợ hơn 100 triệu rúp sẽ được chuyển cho ông ấy và ông ấy sẽ bị trừng phạt tịch thu tài sản. Đây là cọng rơm cuối cùng cho chồng mình, cô ấy giải thích.

Cô ấy nói rằng nguyên nhân cái chết của chồng cô ấy không thể “chỉ đơn giản là những vấn đề nảy sinh trong công việc.”

“ Hãy xem tại sao một người đang ở nơi huấn luyện, nơi không thiếu vũ khí và cơ hội để đặt một viên đạn vào trán và tự kết liễu đời mình, lại đột nhiên đến Vladivostok, đến nơi làm việc, vào văn phòng...ngồi trên ghế và bắn năm viên đạn từ vũ khí phục vụ của mình,” Boyko viết.

Boyko gợi ý rằng anh ấy muốn đưa ra “một dấu hiệu cho thấy rắc rối đang xảy ra... rằng Tổ quốc Nga đang gặp nguy hiểm.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận.

6. Stoltenberg: Chiến thắng trong cuộc chiến với Nga là điều kiện tiên quyết để Ukraine trở thành thành viên NATO

Các đồng minh NATO hiện đang tập trung vào việc cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ ngay lập tức và khẩn cấp để tự bảo vệ mình trước cuộc xâm lược của Nga, vì bất kỳ cuộc đàm phán nào về tư cách thành viên NATO chính thức của Ukraine sẽ chỉ có thể thực hiện được khi Ukraine chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia dân chủ độc lập, có chủ quyền.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố điều này tại Bucharest, Rumani trong cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO kéo dài hai ngày.

“Nhiệm vụ trước mắt và cấp bách nhất là bảo đảm rằng Ukraine chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia dân chủ độc lập, có chủ quyền ở Âu Châu. Và để làm được như vậy, chúng ta cần huy động nhiều nhất có thể về hỗ trợ quân sự, kinh tế, tài chính và nhân đạo cho Ukraine. Và đây chính xác là những gì chúng ta đang làm. Nếu Ukraine không chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền, thì tất nhiên, vấn đề tư cách thành viên hoàn toàn không thể bàn cãi. Bởi vì khi đó chúng ta không còn ứng viên nào nữa ở Ukraine. Vì vậy, bất kể bạn nghĩ như thế nào về thời điểm Ukraine có thể trở thành thành viên, điều kiện tiên quyết để đưa vấn đề đó ra bàn là Ukraine phải chiếm ưu thế và chúng tôi đang giúp Ukraine làm điều đó khi chúng tôi thảo luận với nhau,” ông Stoltenberg nói.

Ông lưu ý rằng Đồng minh đã nói rõ trong cuộc họp ở Bucharest rằng họ sẵn sàng hỗ trợ Ukraine với các thiết bị quân sự tiên tiến, đạn dược, nhiên liệu và tất cả những thứ khác mà Ukraine cần để tự vệ. Ông nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ cấp bách, trước mắt và quan trọng nhất đối với Đồng minh lúc này.

Tổng thư ký NATO lưu ý rằng “có rất nhiều khoảng cách giữa không có gì và tư cách thành viên đầy đủ.”

“Điều này có nghĩa là chúng ta cần phát triển quan hệ đối tác ngày càng chặt chẽ hơn, cả quan hệ đối tác chính trị nhưng đặc biệt là quan hệ đối tác thực tế với Ukraine. Điều này sẽ củng cố các thể chế của họ. Nó sẽ giúp họ chuyển từ các tiêu chuẩn thiết bị thời Liên Xô sang các học thuyết thiết bị tiêu chuẩn hiện đại của NATO. Điều này tốt cho Ukraine, điều này tốt cho chúng ta, nó sẽ tăng khả năng tương tác, nhưng nó cũng sẽ giúp Ukraine tiến gần hơn đến tư cách thành viên. Vì vậy, tôi nghĩ điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải thực hiện từng bước một. Bước quan trọng và cấp bách nhất là bảo đảm rằng Ukraine sẽ thắng thế và đó chính xác là những gì chúng ta đang làm”, ông Stoltenberg kết luận.

Như đã đưa tin, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO diễn ra tại Bucharest, Rumani, trong hai ngày 29 và 30 tháng 11, tập trung vào việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, củng cố năng lực phòng thủ của Liên minh để bảo vệ hiệu quả tất cả các nước Đồng minh.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã tham gia cuộc họp của các quan chức chính phủ các nước NATO và thông báo cho các đồng minh và đối tác của Liên minh về các nhu cầu ưu tiên của Ukraine trong việc chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.

7. Các chiến hào của Nga ở miền Nam Ukraine quá ngắn để ngăn chặn một cuộc tấn công của Ukraine

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Russian Trenches In Southern Ukraine Are Too Short To Stop A Ukrainian Attack”, nghĩa là “Các chiến hào của Nga ở miền Nam Ukraine quá ngắn để ngăn chặn một cuộc tấn công của Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Đã ba tuần kể từ khi các lữ đoàn Ukraine buộc quân đội Nga phải vượt qua sông Dnipro rộng lớn ở miền nam Ukraine, giải phóng thành phố Kherson và bẻ cong vòng cung cuộc chiến kéo dài 9 tháng của Nga với Ukraine.

Cuộc chiến ở miền nam đã chậm lại kể từ đó. Nhưng sự tĩnh lặng này che giấu sự leo thang sắp tới. Người Nga đang đào sâu. Còn người Ukraine đang thăm dò những điểm yếu trong các tuyến phòng thủ mới của Nga.

Những điểm yếu đã rõ ràng. “Các công sự dã chiến của Nga ở phía đông Kherson… được tối ưu hóa để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công dọc theo các con đường và sẽ rất dễ bị bao vây trên khắp vùng nông thôn rộng mở,” Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington, DC lưu ý trong một nghiên cứu chi tiết về hệ thống phòng thủ của Nga ở miền nam Ukraine.

Các hào và bẫy xe tăng đang mọc lên khắp phía đông khu vực Kherson trên tả ngạn của sông Dnipro. Nhưng các công sự không tạo thành những hàng dài liền mạch. Thay vào đó, họ chỉ đơn giản là đi trên những con đường chính chạy về phía nam từ Dnipro tới Bán đảo Crimea do Nga chiếm đóng. Đó là một dấu hiệu báo trước cho thấy các đội quân tiền tuyến của Nga đang cạn kiệt ở phía nam.

Các lực lượng cơ giới của Ukraine đã thành thạo trong việc vượt qua các địa hình gồ ghề. Đó là cách họ tiến qua phía bắc Kherson bắt đầu từ tháng Chín. Vâng, Ukraine hiện đang lạnh và lầy lội—không phải là điều kiện lý tưởng cho một cuộc hành quân xuyên quốc gia. Nhưng mặt đất sẽ cứng hơn khi nhiệt độ tiếp tục giảm trong những tuần tới. Không có lý do gì để mong đợi rằng, một khi quân Ukraine vượt qua Dnipro, họ sẽ không tiến đến những cánh đồng rộng mở.

Về mặt chiến thuật, người Ukraine có thể vượt qua các vị trí khó khăn nhất của Nga bằng cách không đi trên các con đường. Về mặt tác chiến, cũng có những cơ hội để người Ukraine tránh được các công sự dày đặc nhất của Nga.

Rà soát hình ảnh vệ tinh, các nhà phân tích của ISW đã xác định được rất nhiều công trình đào đắp mới của Nga ở rìa phía đông của Bán đảo Kinburn, một dải đất đầy cát uốn lượn qua cửa sông Dnipro từ phiá tả ngạn sông.

Những công việc đào đất đó có ý nghĩa. Lực lượng biệt kích Ukraine có thể đã ở Bán đảo Kinburn ít nhất vài tuần nay. Các công sự mới của Nga có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của Ukraine nhằm di chuyển về phía đông từ Kinburn trong cố gắng tạo ra đầu cầu đóng quân ở tả ngạn của Dnipro.

Nhưng các công sự của Nga mỏng hơn nhiều ở phía đối diện của khu vực Kherson tại biên giới với khu vực Zaporizhzhia. Các nhà phân tích từ lâu đã dự đoán một cuộc tấn công của Ukraine vào Zaporizhzhia—một cuộc tấn công có thể rẽ phải và vượt qua tuyến đầu tiên của quân đội Nga ở bờ trái của Dnipro.

Việc thiếu các tuyến phòng thủ lớn ở phía Zaporizhzhia của Kherson có thể cho thấy các nhà hoạch định Nga đang hạ thấp nguy cơ bị Ukraine tấn công dọc theo trục này. Tất nhiên, cũng có thể người Nga đang lên kế hoạch phòng thủ di động. Lùi lại từ pháo đài này sang pháo đài khác, đi trước quân Ukraine và làm họ chảy máu trên mỗi dặm họ tiến lên. Nếu hệ thống phòng thủ di động này nghe có vẻ quen thuộc, thì chính là vì đó là cách mà các lực lượng vũ trang Ukraine đã đánh bại nhiều cuộc tấn công của Nga.

“Quân đội Nga đang thiết lập các điều kiện cho một cuộc phòng thủ kéo dài ở phía đông khu vực Kherson. Nhưng sự phòng thủ kéo dài này có thể không ngăn được việc thành lập ít nhất một “căn cứ kiên cố của Ukraine” ở tả ngạn sông Dnipro.

Vì vậy, ngay cả khi người Ukraine không chiếm được nhiều đất trong cuộc tấn công đầu tiên, họ có thể quay trở lại chỗ của mình, củng cố lại và thử lại. Việc bố trí các lực lượng Nga ở phía nam Dnipro nói lên kỳ vọng của Điện Cẩm Linh. Khi toàn bộ mùa đông đầu tiên của cuộc chiến tranh rộng lớn hơn bắt đầu, các chỉ huy Nga dự kiến sẽ tiếp tục ở thế phòng thủ. Và họ cũng có thể hy vọng đánh đổi không gian lấy thời gian.

Câu hỏi mở là Điện Cẩm Linh hy vọng sẽ mua được gì với thời gian đó. Có thể quân đội Nga đang lên kế hoạch cho một đợt huy động cưỡng bức khác với tiềm năng là hàng trăm nghìn người. ISW giải thích: “Nếu các lực lượng Nga cho rằng lực lượng Ukraine sẽ mất nhiều tháng để chọc thủng tuyến phòng thủ của họ ở khu vực phía nam này, thì họ có thể kỳ vọng một cách hợp lý rằng các lực lượng được huy động bổ sung hoặc lính nghĩa vụ được huấn luyện một phần sẽ đến kịp thời để ngăn chặn và có thể đảo ngược cuộc phản công của Ukraine”.

Nhưng kỳ vọng đó xoay quanh một giả định lớn—rằng những người nhập ngũ trong tương lai sẽ tốt hơn những người nhập ngũ hiện tại.

300,000 quân nhân được Điện Cẩm Linh tuyển mộ vào tháng 9, và nhanh chóng ra mặt trận mà không cần huấn luyện nhiều, đã không ngăn cản các lực lượng Ukraine giải phóng những vùng đất rộng lớn của đất nước họ bắt đầu từ cùng tháng đó. Tại sao vài trăm nghìn lính nghĩa vụ chưa sẵn sàng khác lại tạo ra sự khác biệt nếu người Ukraine tiến hành một cuộc tấn công trên khắp Dnipro vào tháng 12 hoặc tháng Giêng?
 
Cuộc phỏng vấn với ĐTC gây ra phẫn nộ ở Nga. Điện tặc Nga đánh sập các trang Web của Vatican
VietCatholic Media
17:37 01/12/2022


1. Các trang web của Vatican bị đánh sập đồng loạt: bóng ma của cuộc tấn công do hacker Nga gây ra nhưng văn phòng báo chí phủ nhận

Tờ ilgazzettino của Ý cho biết hôm thứ Tư 30 tháng 11, tất cả các trang web của Vatican đều bị đánh sập, có lẽ do hacker Nga gây ra nhưng văn phòng báo chí phủ nhận. Tờ báo viết như sau:

Không có gì chắc chắn nhưng mọi thứ sẽ khiến người ta nghĩ đến một cuộc tấn công “ddos” /đi đốt/ vào mạng Vatican sau khi cùng một lúc tất cả các trang web của Vatican không thể truy cập được. DDOS là chữ viết tắt của Distributed Denial-Of-Service nghĩa là từ chối dịch vụ truy cập. Một cuộc tấn công “ddos”là một nỗ lực ác ý nhằm làm gián đoạn lưu lượng truy cập bình thường của máy chủ, dịch vụ hoặc mạng được tấn công bằng cách khống chế mục tiêu hoặc cơ sở hạ tầng xung quanh bằng một lượng lớn đột ngột lưu lượng truy cập Internet. Các cuộc tấn công DDoS thường diễn ra khi điện tặc huy động một số lượng máy tính truy cập vào máy bị tấn công. Các cuộc tấn công này đạt được hiệu quả còn cao hơn bằng cách sử dụng nhiều hệ thống máy tính không phải của điện tặc nhưng bị điện tặc xâm nhập để làm nguồn lưu lượng tấn công.

Để dễ hiểu chúng ta chúng ta có thể hiểu một cuộc tấn công DDoS giống như một vụ tắc đường bất ngờ làm tắc nghẽn đường cao tốc, ngăn không cho các phương tiện thông thường đến đích.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh giải thích việc tất cả các trang web của Vatican đều không thể truy cập được trong vài giờ là do bảo trì thường xuyên. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ ilgazzettino, trong vài giờ, tất cả các trang web của các cơ quan giáo triều khác nhau đã bị ngoại tuyến, khiến cho bất kỳ ai vào thời điểm đó đều không thể truy cập được, cho thấy đó không phải là một cuộc bảo trì diễn ra trong trật tự. Nói chung, khi tiến hành bảo trì quan trọng hoặc đột xuất, các trang web thông báo luôn được sử dụng để báo hiệu việc tạm dừng một cách tạm thời cho người dùng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các trang web của Vatican không có thông báo gì cả, và không thể truy cập được một cách bất thường.

Tờ ilgazzettino cho rằng, các cuộc tấn công “Ddos” thường là đặc điểm của các tin tặc Nga. Tin tặc Nga nổi tiếng với kiểu tấn công này.

Cuộc tấn công của điện tặc Nga vào các trang web của Vatican đã diễn ra ngay sau khi Đại Sứ Nga cạnh Tòa Thánh đưa công hàm phản đối một nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Nga đã chính thức gửi công hàm phản đối tới Vatican về những lời lên án mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các hành động tàn bạo ở Ukraine, trong đó Đức Giáo Hoàng đổ lỗi phần lớn sự tàn ác cho người Chechnya và các nhóm thiểu số khác trong một nỗ lực rõ ràng là để giải thoát cho quân đội Nga khỏi bị chỉ trích.

Trong các bình luận của mình, Đức Phanxicô nói rằng, trong khi chính nhà nước Nga xâm lược Ukraine, “Nói chung, những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người thuộc Nga nhưng không thuộc truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryats, vân vân.”

Sự phân biệt rõ ràng của Đức Giáo Hoàng giữa một bên là người Chechnya phần lớn theo đạo Hồi và người Buryat theo đạo Phật, và bên kia là những chiến binh sắc tộc Nga, đã khiến Mạc Tư Khoa khó chịu, là một điều khá bất ngờ đối với các quan sát viên.

Đại sứ của Điện Cẩm Linh tại Tòa thánh, Alexander Avdeev, nói với cơ quan RIA Novosti rằng ông đã gặp một quan chức Vatican hôm thứ Hai để bày tỏ “sự phẫn nộ” của mình về những bình luận của Đức Phanxicô, được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Dòng Tên America được xuất bản hôm thứ Hai.

“Tôi bày tỏ sự phẫn nộ trước những lời bóng gió như vậy và lưu ý rằng không gì có thể lay chuyển được sự gắn kết và thống nhất của người dân Nga đa quốc gia,” Avdeev nói theo báo cáo của RIA Novosti.
Source:ilgazzettino.it

2. Cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô gây ra phẫn nộ ở Nga

Trong bài “‘Racist’ interview with Pope Francis causes fury in Russia” nghĩa là “Cuộc phỏng vấn phân biệt chủng tộc với Đức Thánh Cha Phanxicô gây ra phẫn nộ ở Nga”, tờ The Guardian cho biết như sau:

Đức Phanxicô nói người thiểu số Chechnya và Buryat trong quân đội Nga ở Ukraine tàn ác hơn những người lính khác

Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm dấy lên cơn thịnh nộ ở Nga sau một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài cho rằng các thành viên Chechnya và Buryat thuộc sắc tộc thiểu số trong lực lượng vũ trang của Nga đã thể hiện sự tàn ác ở Ukraine hơn là những người lính Nga chính cống.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Công Giáo America xuất bản hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha nói rằng những người lính từ Buryatia, nơi Phật giáo là một tôn giáo chính, và nước cộng hòa Chechnya đa số theo đạo Hồi, là “những kẻ tàn ác nhất” khi chiến đấu ở Ukraine.

Ngài nói: “Nói chung, những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người thuộc Nga nhưng không thuộc truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryats, vân vân.”

Nga đã động viên một cách không cân xứng trong các dân tộc thiểu số để cung cấp lực lượng chiến đấu chính của họ ở Ukraine.

Các nhóm nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập đã ghi lại bằng chứng rõ ràng về tội ác chiến tranh của lực lượng Nga, nhưng không có dữ liệu nào cho thấy binh lính từ các dân tộc thiểu số chiến đấu ở Ukraine đã cư xử ở Ukraine tồi tệ hơn các thành viên dân tộc Nga.

Các bình luận của Đức Giáo Hoàng đã bị các quan chức Nga nhanh chóng lên án vào tối thứ Hai.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói với hãng thông tấn Nga TASS: “Đây không chỉ là còn là tâm tình bài Nga nữa, nó là sự bóp méo sự thật ở mức độ mà tôi thậm chí không thể gọi tên”.

Sau đó, Zakharova đã gửi một Tweet cáo buộc Đức Giáo Hoàng đang cố gắng chia rẽ các lực lượng Nga: “Chúng tôi là một gia đình với người Buryats, người Chechnya và các đại diện khác của đất nước đa sắc tộc và đa tôn giáo của chúng tôi,” cô ta viết.

Alexandra Garmazhapova, người sáng lập tổ chức phản chiến Giải phóng Buryatia khỏi ách xâm lược của Nga, gọi những bình luận này là “không thể tha thứ và phân biệt chủng tộc”.

Garmazhapova nói: “Tôi vô cùng thất vọng khi đọc những tuyên bố phân biệt chủng tộc, không thể bào chữa này.”

“Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh đế quốc do Vladimir Putin bắt đầu và lãnh đạo, ông ta về mọi mặt không phải là thành viên của một dân tộc thiểu số nào cả. Đức Giáo Hoàng lẽ ra phải lên án cá nhân ông ấy, nhưng ngài đã quyết định không nhắc đến tổng thống Nga.”

Đề cập đến sự ủng hộ công khai cho cuộc chiến của Thượng Phụ Kirill là người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga, Garmazhapova nói thêm: “Chúng ta đừng quên rằng Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những bên ủng hộ lớn nhất cho cuộc chiến.”

Garmazhapova cũng chỉ ra một cuộc điều tra của Ukraine đã xác định một nhóm binh lính sắc tộc Nga chính cống là nghi phạm chính đằng sau vụ giết thường dân ở vùng ngoại ô Bucha của Kyiv vào mùa xuân năm ngoái.

Cô ấy nói: “Những bình luận này là sai ở rất nhiều cấp độ.”

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng phải đối mặt với những tranh cãi về quan điểm của ngài đối với Ukraine. Kyiv đã nhiều lần phản kháng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào tháng Hai vì Đức Thánh Cha đã không lên án thỏa đáng Điện Cẩm Linh về vai trò của họ trong cuộc xung đột.

Đức Phanxicô trước đây cũng đã nói rằng cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa “có lẽ bằng cách nào đó đã bị phương Tây khiêu khích”, đề cập đến một cuộc trò chuyện trước đó với một nguyên thủ quốc gia giấu tên, người bày tỏ lo ngại rằng Nato đang “sủa trước cổng của Nga” theo cách có thể dẫn đến để chiến tranh.

Trong một lời phân bua rõ ràng đối với những cáo buộc cho rằng ngài không trực tiếp chỉ trích Putin, Đức Giáo Hoàng nói với tạp chí America: “Đôi khi tôi cố gắng không nêu rõ để không xúc phạm và đúng hơn là lên án chung, mặc dù ai cũng biết tôi đang lên án ai. Tôi không nhất thiết phải nêu đích danh họ.”

Ngài nói tiếp: “Tại sao tôi không nêu đích danh Putin? Bởi vì nó không cần thiết; nó đã được biết đến. Tuy nhiên, đôi khi mọi người bám vào một chi tiết. Mọi người đều biết lập trường của tôi, dù có Putin hay không có Putin, mà không cần nêu đích danh ông ấy”.
Source:The Guardian

3. Kadyrov và người đứng đầu Phật tử Nga chỉ trích những tuyên bố của Đức Giáo Hoàng về cuộc xung đột ở Ukraine

Tờ Interfax của Nga cho biết như sau: Ramzan Kadyrov, người đứng đầu nước cộng hòa Chechnya thuộc Nga, đã đáp lại những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau khi ngài đã nói cách đây vài ngày rằng những đội quân tàn ác nhất trong chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine là những kẻ “không theo truyền thống Nga,” chẳng hạn như người Chechnya và người Buryat.

Hôm thứ Tư, Kadyrov đã lưu ý trên kênh Telegram của mình rằng “chúng tôi không bắt đầu bất kỳ trận chiến nào mà không đề xuất hòa bình trước”. “Và kể từ khi bắt đầu hoạt động quân sự đặc biệt, chúng tôi đã thực hiện nó hàng chục lần. Chính những người lính Ukraine từng bị chúng tôi giam cầm sẽ cho bạn biết về cách đối xử của người Chechnya đối với những người bị bắt giữ - liệu điều đó có tàn ác hay không”, Kadyrov viết.

Không có một người nghiện rượu hay ma túy nào trong quân đội Chechnya, nhưng “mọi người lính đều rất sùng đạo và mọi người lính đều biết rằng ngay cả trong chiến tranh, người ta không được quên danh dự, nhân phẩm và sự tôn trọng ngay cả đối với kẻ thù,” Kadyrov nói.

“Và, nói chung, làm thế nào có thể xác định trên chiến trường xem kẻ thù là người vui vẻ, ủ rũ, đa cảm hay độc ác? Hơn nữa, làm thế nào có thể xác định bằng mắt thường sắc tộc của một quân nhân Nga trong một lực lượng hỗn hợp, bởi vì đất nước chúng ta là nơi sinh sống của hơn 190 dân tộc? Người đứng đầu Vatican tất nhiên không thể trả lời câu hỏi này. Ngài đơn giản đã trở thành nạn nhân của sự tuyên truyền đến từ các phương tiện truyền thông nước ngoài,” Kadyrov nói.

Về phần mình, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật tử Nga, Pandito Hambo Lama Damba Ayusheyev, cũng đã mô tả những lời buộc tội của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là bất công.

“Tôi nghĩ rằng những người Công Giáo Rôma ở Âu Châu không hiểu rằng cuộc sống ở Siberia lạnh giá và ở Viễn Đông khiến con người trở nên kiên cường, nhẫn nại và chịu đựng nhiều gian khổ hơn. Đó là lý do tại sao người dân của chúng tôi không tàn ác, mà họ chỉ đơn giản là phải một lần nữa bảo vệ quê hương của mình khỏi chủ nghĩa phát xít với lòng tự trọng, như ông nội và ông cố của chúng tôi đã làm,” Ayusheyev nói trên Telegram.

Trung tâm tâm linh của cộng đồng Phật giáo Nga nằm ở Buryatia.
Source:Russian Interfax

4. Bài Giáo Lý cùa Đức Giáo Hoàng Phanxicô về biện phân

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Tiếp tục suy tư về sự biện phân, và đặc biệt về kinh nghiệm thiêng liêng được gọi là “sự an ủi”, mà chúng ta đã nói vào Thứ Tư tuần trước, chúng ta tự hỏi: làm thế nào nhận ra sự an ủi đích thực? Đây là một câu hỏi rất quan trọng để có sự biện phân tốt, để không bị nhầm lẫn trong việc tìm kiếm điều thiện đích thực của chúng ta.

Chúng ta có thể tìm thấy một số tiêu chuẩn trong một đoạn của Linh Thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola. Thánh Inhaxiô nói, "Nếu trong các suy nghĩ, mọi sự đều tốt từ phần đầu, phần giữa và phần cuối, và nếu mọi sự đều hướng về điều thiện, thì đó là dấu hiệu của thiên thần tốt lành. Mặt khác, có thể trong dòng suy nghĩ, một điều gì đó xấu xa hoặc làm ta chia trí hoặc ít tốt hơn những gì linh hồn đã định làm trước đó, hoặc điều gì đó làm suy yếu linh hồn, khiến nó bồn chồn, đặt nó vào thế bồn chồn và lấy đi sự bình yên, lấy đi của nó sự thanh tĩnh và yên tĩnh nó vốn có trước đó: thì đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các suy nghĩ này phát xuất từ một tinh thần xấu xa" (n. 333). Vì đó đúng là sự thật: có những niềm an ủi chân thật, nhưng cũng có những niềm an ủi không chân thật. Và vì thế, chúng ta phải hiểu rõ con đường an ủi: nó đi như thế nào và nó dẫn tôi đến đâu? Nếu nó đưa tôi đến một điều gì đó không ổn, không tốt, thì niềm an ủi này không có thật, là "giả mạo" chúng ta hãy nói vậy.

Và đây là những chỉ dẫn có giá trị, đáng được nhận định ngắn gọn. Điều đó có nghĩa gì khi nguyên tắc hướng tới điều tốt, như Thánh Inhaxiô nói về một niềm an ủi tốt? Chẳng hạn, tôi nghĩ đến việc cầu nguyện, và tôi thấy rằng nó đi kèm với tình cảm đối với Chúa và người lân cận, nó mời gọi chúng ta thực hiện những cử chỉ quảng đại, bác ái: đó là một nguyên tắc tốt. Thay vào đó, có thể nảy sinh ý nghĩ trốn tránh một công việc hoặc một nhiệm vụ đã được giao phó cho tôi: mỗi khi tôi phải rửa bát đĩa hoặc dọn dẹp nhà cửa, tôi rất muốn bắt đầu cầu nguyện! Điều này xảy ra trong tu viện. Nhưng cầu nguyện không phải là trốn tránh bổn phận của mình, trái lại, cầu nguyện giúp chúng ta nhận ra điều tốt lành mà chúng ta được mời gọi thực hiện, ở đây và bây giờ. Đó là về nguyên tắc.

Sau đó là các phương tiện: Thánh Inhaxiô nói rằng phần đầu, phần giữa và phần cuối phải tốt. Nguyên tắc như sau: tôi muốn cầu nguyện để khỏi phải rửa bát: hãy đi rửa bát đi đã rồi hãy cầu nguyện. Sau đó là phần giữa, tức là điều đến sau, điều theo sau ý nghĩ này. Tiếp tục với thí dụ trước, nếu tôi bắt đầu cầu nguyện và, như người Biệt phái cầu nguyện trong dụ ngôn (x. Lc 18:9-14), tôi có xu hướng tự mãn và coi thường người khác, có thể với một trái tim hiềm thù và chua chát, thì đây chính là những dấu hiệu cho thấy tinh thần ma quái đã sử dụng suy nghĩ này như một chìa khóa để thâm nhập vào trái tim tôi và truyền cảm xúc của nó cho tôi. Nếu tôi đi cầu nguyện và những lời của người Biệt phái khét tiếng hiện ra trong tâm trí tôi - "Lạy Chúa, tôi tạ ơn Chúa vì tôi cầu nguyện, tôi không giống như những người khác không tìm kiếm Chúa, không cầu nguyện" - ở đây, lời cầu nguyện này quả kết thúc một cách tồi tệ. Sự an ủi của lời cầu nguyện này là cảm thấy mình giống như một con công dương dương tự đắc trước mặt Thiên Chúa, và đó là một phương tiện không đi đến đâu.

Và sau đó là phần cuối: phần đầu, phần giữa và phần cuối. Kết thúc là một khía cạnh mà chúng ta đã gặp, đó là: một ý nghĩ dẫn tôi đến đâu? Thí dụ, ý tưởng cầu nguyện đưa tôi đến đâu. Thí dụ, ở đây có thể xảy ra việc tôi làm việc chăm chỉ vì một công việc cao đẹp và xứng đáng, nhưng nó thúc đẩy tôi không cầu nguyện nữa, vì tôi bận nhiều việc quá, tôi thấy mình ngày càng gây hấn và nhiều thói hư hơn, tôi tin rằng mọi sự đều phụ thuộc vào tôi, đến mức mất niềm tin vào Thiên Chúa, đây rõ ràng là hành động của tinh thần xấu xa. Tôi bắt đầu cầu nguyện, sau đó trong lời cầu nguyện, tôi cảm thấy toàn năng, mọi sự phải nằm trong tay tôi vì tôi là người duy nhất biết cách tiến hành công việc: rõ ràng là không có tinh thần tốt lành ở đó. Chúng ta phải xem xét cẩn thận con đường cảm xúc của chúng ta, con đường cảm xúc tốt, con đường an ủi, khi chúng ta muốn làm điều gì đó. Thế nào là phần đầu, thế nào là phần giữa và thế nào là phần cuối.

Phong cách của kẻ thù – khi chúng ta nói đến kẻ thù, chúng ta nói đến ma quỷ, bởi vì ma quỷ tồn tại, hắn tồn tại! – phong cách của hắn, như chúng ta biết, là trình bầy bản thân một cách tinh vi, trá hình: hắn bắt đầu từ những gì thân thiết nhất đối với chúng ta rồi lôi kéo chúng ta đến với hắn, từng chút một: cái ác thâm nhập một cách giấu diếm mà chúng ta không hề hay biết. Và với thời gian, sự mềm mại trở thành sự cứng rắn: suy nghĩ này tự bộc lộ như nó là trên thực tế.

Do đó, điều quan trọng là phải xem xét một cách kiên nhẫn nhưng không thể thiếu nguồn gốc và sự thật của các suy nghĩ của mình; đây là lời mời gọi học hỏi từ các kinh nghiệm, từ những gì xảy ra với chúng ta, để không lặp lại những sai lầm tương tự. Càng tự biết mình, chúng ta càng hiểu rõ nơi ma quỷ xâm nhập, “mật khẩu” của nó, cửa vào trái tim chúng ta, đó là những điểm mà ở đó chúng ta nhạy cảm nhất, để chú ý đến chúng cho tương lai. Mỗi người chúng ta đều có những điểm nhạy cảm nhất, những điểm yếu nhất trong nhân cách của chính mình: và từ đó tinh thần xấu xa len lỏi vào dẫn dắt chúng ta đi vào con đường lầm lạc, hoặc đưa chúng ta xa rời con đường chân thiện. Tôi đi cầu nguyện nhưng điều đó làm tôi xa rời việc cầu nguyện.

Các thí dụ có thể được nhân thừa theo ý muốn, phản ảnh thời đại của chúng ta. Đây là lý do tại sao việc kiểm điểm lương tâm hàng ngày là điều rất quan trọng: trước khi kết thúc một ngày, anh chị em hãy dừng lại đôi chút. Chuyện gì đã xảy ra? Không phải trên báo, không phải trong cuộc sống: điều gì đã xảy ra trong trái tim tôi? Trái tim tôi có lưu ý không? Nó có lớn ra không? Có phải đó là con đường đã đi qua mọi sự mà tôi không hề hay biết? Điều gì đã xảy ra trong trái tim tôi? Và sự kiểm điểm này rất quan trọng, nó là nỗ lực quý giá để đọc lại trải nghiệm từ một quan điểm đặc thù. Nhận ra những gì đang xảy ra là điều quan trọng, đó là dấu hiệu cho thấy ơn Chúa đang hoạt động trong chúng ta, giúp chúng ta lớn lên trong tự do và ý thức. Chúng ta không đơn độc: chính Chúa Thánh Thần ở cùng chúng ta. Chúng ta hãy xem sự việc diễn ra như thế nào.

Niềm an ủi đích thực là một kiểu xác nhận rằng chúng ta đang làm điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta, rằng chúng ta đang đi trên con đường của Người, nghĩa là trên con đường của sự sống, của niềm vui, của bình an. Trên thực tế, sự biện phân không chỉ tập trung vào điều tốt hay điều tốt nhất có thể, mà còn vào điều tốt cho tôi ở đây và bây giờ: Tôi được kêu gọi lớn lên ở đấy, bằng cách đặt giới hạn cho những đề xuất quyến rũ nhưng không thực tế, để không bị lừa dối trong việc tìm kiếm những điều tốt đẹp thực sự.

Anh chị em thân mến, chúng ta phải hiểu, tiến lên trong việc thấu hiểu những gì đang xảy ra trong trái tim chúng ta. Và để làm được điều đó, chúng ta cần kiểm điểm lương tâm, để xem điều gì đã xảy ra hôm nay. “Hôm nay tôi tức giận, tôi không làm việc này việc nọ…”: nhưng tại sao? Vượt trên lý do tại sao là tìm kiếm gốc rễ của những sai lầm này. “Nhưng, hôm nay tôi hài lòng nhưng tôi thấy nhàm chán vì phải giúp đỡ những người này, nhưng cuối cùng tôi cảm thấy hài lòng, hài lòng với việc giúp đỡ này”: và có Chúa Thánh Thần. Anh chị em hãy học cách đọc trong cuốn sách trái tim chúng ta những gì đã xảy ra trong ngày. Anh chị em làm điều đó đi, chỉ hai phút thôi, nhưng nó sẽ rất tốt cho anh chị em, tôi bảo đảm với anh chị em.