Ngày 04-12-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dọn đường cho Chúa đến
Đinh lập Liễm
04:28 04/12/2009
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG C

DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA ĐẾN

+++

A. DẪN NHẬP

Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng Giáo Hội dạy chúng ta hãy trông đợi chúa đến. Chúa sẽ đến với chúng ta trong ngày kết thúc vũ trụ hay ngày kết thúc của đời mình. Trong ngày đó, chúng ta đừng sợ, hãy đứng dậy và ngẩng cao đầu lên vì ơn cứu rỗi của chúng ta đã gần đến.

Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng hôm nay, thêm một bước nữa, Giáo hội dạy chúng ta hãy dọn đường để đón tiếp Chúa. Trông đợi và dọn đường là hai sự việc móc nối với nhau, để việc Chúa đến sẽ gây một chú ý đặc biệt nơi chúng ta.

Ra vào phải có cửa, qua lại phải có đường là lẽ cố nhiên. Nhưng đối với Chúa đường lối Ngài đến với chúng ta có điều hơi khác. Chúa đến với chúng ta bằng con đường thiêng liêng, hay nói cách khác, con đường Chúa đến phải là con đường lòng của chng ta. Tiên tri Barúc cũng như Gioan Tiền hô đều nhắc lại lời Kinh thánh dạy chúng ta cách dọn đường cho Chúa: “Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nỗng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Israel tiến bước an toàn dưới ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa”. Và “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho bằng”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Br 5,1-9

Đối với cộng đoàn Do thái tha phương, Giêrusalem tượng trưng cho thành đô lý tưởng, nơi qui tụ những người lưu lạc khắp nơi dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa.

Tuy còn sống trong cảnh lưu đầy xa quê hương, tiên tri Barúc, thư ký của tiên tri Giêrêmia, đã loan báo tin mừng cho dân và phác họa ra một quang cảnh chứa chan hy vọng và phấn khởi: đã đến lúc Thiên Chúa chấm dứt cảnh lưu đầy đau thương, để đưa dân trở về quê hương trong danh dự và vinh quang:”Con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về, chúng hớn hở vui mừng, chúng được kiệu vinh quang rực rỡ khác chi một ngai vàng”.

Thiên Chúa sẽ thay đổi sống phận Israel. Do đó, Israel sẽ là dân mới có thành Giêrusalem mới. Thật ra quang cảnh này chỉ thành hiện thực trong nước Chúa Kitô thôi.

+ Bài đọc 2: Pl 1,4-6.8-11.

Trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phaolô viết thư gửi cho tín hữu Phlilipphê nhiều điều tương tự như ngài đã viết cho tín hữu Thessalonica tuần trước. Ngài khen ngợi lòng quảng đại của tín hữu Philipphê, đồng thời cũng nhắc nhở cho họ hãy tỏ ra xứng đáng đón tiếp Đức Kitô

vào ngày Người trở lại. Ngài khuyên họ hãy gia tăng tình bác ái, sống tinh tuyền và đừng để có gì đáng trách:”Tôi cũng xin cho anh chị em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm” (Pl 1,10).

Vì thế, cả đời người Kitô hữu là ngóng đợi ngày Chúa quang lâm. Cả đời người Kitô hữu là chuẩn bị, là dọn dường cho Chúa đến. Đấy chính là những điều mà Giáo hội mượn lời thánh Tông đồ để khuyên chúng ta.

+ Bài Tin mừng: Lc 3,1- 6

Khi nhắc lại cho chúng ta hoàn cảnh lịch sử trong đó Đức Giêsu giáng sinh, thánh Luca cho thấy Đức Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử, một Đấng Cứu thế phổ quát mà Thiên Chúa hứa ban từ xưa và dân Israel đã chờ đợi qua muôn thế hệ, đã đến. Thánh Gioan Tẩy giả chính là kẻ tiền hô dọn đường cho Ngài.

Thánh Gioan phải mượn lời tiên tri Isaia mà lớn tiếng rao giảng và kêu gọi mọi người tỏ lòng sám hối bằng cách chấp nhận được rửa trong dòng sông Giođan để đợi chờ Chúa Cứu thế, vì Ngài sắp xuất hiện.

Sứ mạng mà Gioan phải thực hiện là “Hãy dọn con đường cho Đức Chúa; sửa lối cho thẳng để Người đi; mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; mọi núi đồi phải bạt cho thấp; quanh co phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho bằng”. Chúng ta phải sống theo lời thánh Gioan khuyên bảo, để có thể đón Đấng Cứu thế đến với chúng ta hôm nay.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Hãy dọn đượng cho Chúa đến

I. NHU CẦU DỌN ĐƯỜNG

Trên thế giới ngày nay có rất nhiều con đường để di chuyển vừa dài vừa rộng lại đẹp đẽ

tối tân, để giúp cho việc di chuyển được nhanh chóng, tiết kiệm được thời giờ và tiền của. Nhưng từ những con đường rộng rãi thênh thang ấy cũng cần có những con đường nhỏ để dẫn tới từng ngôi nhà. Nhà nào mà không có đường vào ? Vì thế, trước khi xây nhà, người ta phải tính chuyện mở con đường vào nhà trước, nếu không có đường vào, không ai xây nhà cả.

Sách có chữ rằng:”Thùy năng xuất tất do hộ, nhi bất hành tất do đạo”: ai ra vào phải qua cửa, cũng như đi lại tất phải có đường. Có đường đi là một điều cần, không có đường đi thì việc di chuyển bị bế tắc. Đường đi thì có muôn ngàn lối và cần phải sửa sang cho việc di chuyển được dễ dàng. Chúng ta cũng đã có con đường đến với Chúa và Chúa đến với chúng ta, nhưng con đường đó nhiều khi bị bỏ hoang, gây khó khăn cho việc di chuyển nên cần phải sửa sang lại cho việc di chuyển được dễ dàng.

Chúa nhật tuần trước chúng ta đã nghe Giáo hội dạy phải ngửa mặt lên để mong chờ Chúa. Chúa nhật hôm nay Giáo hội lại dạy chúng ta phải dọn đường để đón tiếp Ngài. Mong chờ và dọn đường là hai sự việc móc nối với nhau, để việc Chúa đến gây một sự chú ý đặc biệt nơi chúng ta. Bài Tin mừng hôm nay hô hào chúng ta dọn đường cho Chúa, tất nhiên dạy chúng ta phải dọn lòng để đón rước Chúa:”Có tiếng kêu trong hoang địa. Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi: Con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề, hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

1. Dọn đường cho vua chúa đến

Gioan là sứ giả được Thiên Chúa sai đến hô hào cho dân chúng dọn đường cho Chúa đến.

Sau một thời gian tôi luyện bằng đời sống khắc khổ trong sa mạc, ông đã xuất hiện với một sứ điệp quả quyết từ Thiên Chúa lôi cuốn quần chúng đông đảo đến thung lũng Giođan, để nghe giảng đạo và tiếp nhận lễ rửa như một dấu hiệu và dấu chứng cho lòng ăn năn. Bản chất của chức vụ ông là làm ứng nghiệm lời báo trước của tiên tri Isaia “Tiếng kêu trong hoang địa”, người được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Cứu thế đến.

Sự chuẩn bị này có tính cách Đông phương, khi một vị vua định đi tuần tra một vùng nào trong vương quốc mình thì sai một vị quan đi trước để hô hào dân chúng sửa sang đường sá. Chỗ trũng phải lấp đầy, chỗ cao phải bạt xuống, đường quanh co phải nắn lại cho thẳng, đường gồ ghề phải sửa cho êm. Như vậy, muốn cho người ta sẵn sàng tiếp nhận Chúa Kitô, những trở ngại đạo đức cần phải dẹp sạch, phải sám hối ăn năn và từ bỏ tội lỗi. Luca đã kết thúc câu trích Isaia rằng:”Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” để phù hợp với tính cách phổ thông của Tin mừng.

2. Lời kêu gọi vẫn còn tính thời sự

Đức Giêsu đã đến trần gian thực hiện công cuộc cứu độ loài người từ 2000 năm nay rồi. Vậy phải chăng lời loan báo của Gioan Tẩy giả đã trở thành quá cũ kỹ với tín hữu chúng ta ngày hôm nay chăng ? Vâng, quả thực Đức Kitô đã đến và làm mọi sự để cứu độ con người và lẽ ra với sự hy sinh tuyệt vời của Ngài, nhân loại đã được giải thoát mọi tội lỗi để sống trong yêu thương và hạnh phúc. Thế nhưng, chính sự tôn trọng phẩm giá, tự do và ý thức của con người nên Thiên Chúa đã không dùng bất cứ một hình thức cưỡng chế nào để bắt con người phải chấp nhận chân lý của Ngài. Nên thực tế là sự lầm lạc, tội lỗi và đau khổ vẫn còn tồn tại.

Gioan Tẩy giả đến rao giảng sự thống hối bằng việc chịu phép rửa để xin ơn tha tội. Chịu phép rửa là nói lên quyết tâm sám hối, thay đổi cuộc sống. Sám hối hay hoán cải mà chúng ta nói ở đây (Metanoia: sự trở lại) là một sự quay trở lại với Thiên Chúa. Nếu hoán cải chỉ là một sự thay đổi luân lý hay xã hội, thì cuộc sống Kitô hữu có lẽ chỉ là một thứ nhân bản như những học thuyết khác, có khi lại còn không hoàn hảo bằng những học thuyết đó. Nhưng đúng ra là ta “quay trở lại với Chúa” cùng với những hậu quả luân lý và xã hội: chống lại tính ích kỷ, bất công, khuynh hướng duy vật thực dụng, sự nô lệ lạc thú và tiền bạc, nếp sống thiếu trong sạch, tính lười biếng. Thái độ chế ngự kẻ khác (Quesson).

II. NHỮNG CON ĐƯỜNG TRẦN THẾ

1. Những con đường tinh thần

Thánh Gioan không nhọc công hô hào sửa đường cho vua chúa - việc đó thuộc về xã hội – mà muốn chúng ta chú trọng vào con đường thiêng liêng: những con đường ấy ở ngay trong lòng chúng ta, những con đường ấy bị bom đạm của tội lỗi làm hư hỏng, đã trở nên con đường kinh hoàng mà thánh Matcô đã mô tả:”Từ lòng con người, phát xuất những ý định xấu, trộm cướp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”(Mc 7,21-22).

Người Pharisêu và Saducêu cho rằng chỉ cần giữ Lề luật là đủ, là hết bổn phận với Thiên Chúa. Gioan khẳng định rằng điều cần thiết là cần phải có sự đổi mới tâm hồn:”Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp hố sâu (tội lỗi), hãy bạt núi đồi, con đường gồ ghề hãy san cho bằng”.

Dọn đường có nghĩa là sám hối canh tân. Muốn sám hối cần phải biết mình, biết những sở trường sở đoản của mình. Một mình mình biết, một mình mình hay là một điều tốt, nhưng chưa đủ, còn cần những lời của người khác thức tỉnh, con người mới thoát ra khỏi cảnh u mê lầm lạc. Lời thánh Gioan là những nhắc nhở mà Giáo hội muốn chúng ta thực hiện trong Mùa Vọng này.

Truyện: Tô Tần và vua nước Sở.

Đời Chiến quốc, nhà du thuyết Tô Tần sang nước Sở, phải đợi suốt ba ngày mới được vào ra mắt vua Sở.

Nói xong câu chuyện, Tô Tần xin cáo biệt đi ngay.

Vua Sở bảo:

- Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quí như nghe tiếng một bậc danh nhân xưa. May tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao ?

Tô Tần thưa:

Tôi xem ra thấy nước Sở này có đồ ăn đắt hơn ngọc, củi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như trời. Nay nhà vua muốn bắt tôi ở lại để ăn ngọc thổi quế, nhờ ma thấy trời hay sao ?

Vua Sở khẩn khoản nài:

- Xin mời tiên sinh cứ ở lại, quả nhân đã hiểu rõ quá rồi.

Một nước mà vật giá đắt đỏ:”Củi quế gạo châu”, vua quan xa cách dân chúng, thì nhân dân trong nước khổ sở biết bao. Cái đáng khen của vua Sở là sau khi nghe Tô Tần bình phẩm về tình hình kinh tế chính trị của đất nước mình, thì ông liền nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa.

(Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, năm C, tr 13).

Đọc xong câu truyện nhà du thuyết Tô Tần với vua nước Sở, chúng ta cũng phải suy nghĩ về hoàn cảnh của chng ta: có cái gì nhắc nhở chúng ta trong dịp mừng lễ Giáng sinh không ? Mỗi lần Mùa Vọng đến, lại có một Tô Tần xuất hiện để vạch ra những lỗi lầm của chúng ta và nhắc nhở chúng ta sám hối canh tân. Đó chính là Gioan Tẩy giả”(Lc 3,4).

2. Những con đường phải sửa.

Nghe theo lời kêu gọi của thánh Gioan, chúng ta hãy dùng Mùa Vọng này như là bầu khí thuận tiện để sám hối và quay về với Chúa bằng cách:

a) Hy lấp đầy những hố sâu.

Hố sâu hay lũng sâu bao giờ cũng tượng trưng cho hố thẳm của mọi nguy hiểm, mọi bất trắc. Hố sâu tượng trưng cho túi tham vô đáy của con người. Vì gian tham, con người có thể thực hiện được mọi tội ác để vơ vét. Tưởng rằng càng vơ vét nhiều, mình càng giầu, càng đầy. Nhưng oái oăm thay, mình lại cng thấy cuộc đời trống rỗng. Hành động “lấp đầy” theo nghĩa siêu nhiên ở đây là lấp đầy những hố thẳm mênh mông (những khát vọng vô biên) của con người bằng đạo đức, bằng công chính, bằng chính Thiên Chúa, là Đấng Cội nguồn sự sống, là chính Chân, Thiện, Mỹ.

Truyện: Lòng tham vô đáy.

Người Trung hoa có câu truyện ngụ ngôn nói lên được cái dục vọng thầm kín của con người muôn thuở:

Một người bị giam ở địa ngục, sắp được đi đầu thai. Anh ta tâu với Diêm Vương:

- Như quả thật Đại Vương muốn cho tôi trở về dương thế, thì xin cho tôi được mấy đặc ân.

Diêm Vương hỏi:

- Ngươi xin điều chi ?

Anh ta đáp:

- Tôi xin đầu thai làm con một vị tể tướng, làm cha một vị trạng nguyên. Tôi xin được một ngôi nhà ở giữa một khu đất vạn mẫu, có ao thả cá, có cây trái đủ thứ. Tôi xin có một người vợ tuyệt sắc, nhiều tì thiếp diễm lệ, tất cả đều chung tình ngoan ngoãn chiều chuộng tơi. Tôi xin được châu báu chất đầy phòng, lúa thóc đầy lẫm, tiền bạc đầy rương. Tôi xin được làm một vị quan công khanh, suốt đời vinh hoa phú quí, sống lâu trăm tuổi. Chỉ bấy nhiêu thôi.

Diêm Vương đáp:

- Trần thế mà có được người như vậy, thì ta đây đã đầu thai thế cho ngươi rồi.

(Nguyễn văn Y, Có chí thì nn, tr 100-102)

b) Hãy bạt núi đồi xuống.

Đồi núi đây là tính kiêu ngạo. Chúng ta thường nghe câu: “Tam sơn tứ hải nhất phần điền”, nhưng đọc Thánh kinh không nghe nói Chúa đã dựng nên đồi núi lúc nào cả. Có người đoán: có lẽ đồi núi đã mọc lên sau ngày nguyên tổ Adong Evà phạm tội kiêu ngạo, do đó kiêu ngạo lại là của gia truyền.

Con người mãi mãi chỉ là tạo vật, không phải là “Chúa”. Phải biết mình là con người bất toàn như người ta nói:”Nhân vô thập toàn” nên phải ý thức sự bất toàn và giới hạn của mình, hay đúng hơn, “biết mình để đừng tự cao tự đại, để cải quá tự tân”.

Truyện: Giỏi gì đâu.

Trần-nghiêu-Tử làm quan tiết độ sứ đời Tống, là người tài bắn, thiên hạ khen phục, Nghiêu Tử cũng lấy làm kiêu căng tự đắc.

Nghiêu Tử thường bắn ở trong vườn nhà mình. Một hôm có ông lão bán dầu đi qua, thấy Nghiêu Tử bắn, đặt gánh xuống, ngấp nghé đứng xem. Ông lo thấy Nghiêu Tử bắn 10 phát trúng 7, 8 thì hơi gật gù và mỉm miệng cười.

Nghiêu Tử thấy thế, gọi vào bảo:

- Nhà ngươi cũng biết bắn chứ ? Người cười ta bắn không được phải không ?

ông lão đáp:

- Giỏi gì đâu, chẳng qua là quen tay đấy thôi.

Nghiêu Tử giận, nói:

- A, nhà ngươi dám khinh ta không bắn giỏi có phải không ?

Ông lão bán dầu đáp:

- Khinh hay không ngài cứ xem, tôi rót dầu đây thì biết !

Nói xong, ông lão lấy ngay cái bầu đặt xuống đất, trên miệng bầu để một đồng tiền rồi từ từ rót dầu qua lỗ mà không nhiễu một tí dầu nào ra lỗ đồng tiền cả.

Rót đoạn, ông lão ngẩng mặt lên Trần nghiêu Tử:

- Như tôi đây cũng chẳng giỏi gì đâu, chỉ quen tay đó thôi.

Nghiêu Tử cười, khen phải và từ đó không lên mặt là tay bắn giỏi nữa.

(Thái Bạch, Đông tây kim cổ tinh hoa, 1971, tr 84-85)

c) Đường con queo phải uốn cho thẳng.

Cong queo đây là thiếu ngay thẳng. Nhiều người suốt đời đã sống bằng mưu mô, bằng thủ đoạn, chỉ cốt mưu lợi cho mình, bất chấp tội phúc và sự thiệt hại cho người khác.

Đường quanh co đây còn có thể là gian dối, tính tự phụ, kiêu căng, thích khoe khoang, coi mình hơn kẻ khác, coi khinh người ta. Vì thế, phải tập sống lương thiện, sống hồn nhiên tự tại theo “nhân chi sơ tính bản thiện” như trẻ thơ (x. Mt 18,3) mới có thể vào Nước trời.

Truyện: Bán cam thối.

Lưu Cơ một danh sĩ nước Tầu về đời nhà Minh có viết một bài văn kể lại câu chuyện sau đây. Chuyện kể rằng:

Ở Hàng Châu (bây giờ là tỉnh Chiết giang) có người bán các thứ hoa quả, anh ta để dành cam rất khéo, để lâu không ủng, vỏ vẫn đỏ tươi, trông đẹp như vàng ngọc. Anh đem ra chợ bán rất đắt người người tranh nhau mua.

Ta thấy vậy, cũng lại mua một quả đem về. Nhưng bóc ra thì hơi xông lên mũi như xác bông nát. Vì thế, ta phải ra chợ tìm người bán cam, trách rằng:

- Anh bán cam cho người ta để làm cúng lễ, để đi khách khứa, hay là chỉ làm cho choáng bề ngồi để đánh lừa người ta. Tệ thật, sao anh làm người mà giả dối như vậy ?

Người bán cam cười đáp:

- Tôi làm nghề này đã lâu năm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán, thiên hạ mua chẳng ai nói gì chi nhiều. Ông ơi, người đời giả dối nhiều, há phải một mình thằng tôi đâu. Sao ông trách tôi mà không nghĩ. Kìa người đeo hổ phù ngồi da cọp, hùng dũng trông thật đáng quan võ, nhưng xét sự thật được bằng Tôn Tẫn, Ngô Khởi hay không ? Người đội mũ cao, thắt đai dài, đường hoàng ra vẻ quan văn lắm, nhưng xét sự thật hỏi được như Y Doãn, Cao Dao hay không ? Than ôi, giặc giã không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ mục nát không biết sửa, ngồi rồi ăn lương không biết xấu. Thế mà lúc ở công đường ăn của quí, uống rượu ngon, đi xe ngựa, trông thật oai vệ, thật vô cùng hách dịch. Đó bề ngoài chẳng như vàng như ngọc mà trong như bông nát là gì ? Sao ông không xét những người ấy lại chỉ chú ý vào quả cam của tôi.

Ta nghe nói, nín lặng không trả lời sao được, và nghĩ người ấy có giọng khôi hài nên có cảm tưởng:

- Dễ chừng anh ta ghét kẻ gian tà, giận phường thế tục, mới nhận chuyện bán cam để dạy mình đây chăng ? (Thái Bạch, Đông tây cổ kim tinh hoa, tr 194-195).

d) Đường lồi lõm san cho bằng

Đường lồi lõm đây là những tính xấu như cáu kỉnh, nóng nảy, nhẹ dạ, gây gỗ, nghi kỵ, ghen tương, cố chấp, vị kỷ, giận hờn, bất hòa. Phải nỗ lực chỉnh đốn và sửa sang lại những chỗ “lồi lõm”. Chính là những tính mê nết xấu lớn nhỏ, những sỏi đá làm cho lời Chúa không thể đâm chồi nảy lộc và đâm rễ sâu vào trong tâm hồn.

III. MÙA VỌNG VÀ VIỆC DỌN ĐƯỜNG

Đây là giờ phút phải lựa chọn và quyết định, phải đắm mình vào tầm sâu của nội tâm sám hối, để tính toán việc loại bỏ đi những chướng ngại cản đường Chúa tới giải phóng.

Cái đáng ăn thua là được trở thành một thọ tạo mới, trở nên những con người đã được tôi luyện và can trường…

Vậy để cho Thiên Chúa có thể đi đến được, ta hãy khai mở những con đường thênh thang của tâm hồn rộng mở và chan hoà yêu thương, hãy đạp đổ những bức tường cách ngăn kỳ thị và phân biệt chủng tộc, hãy cất đi những rào chắn của tư lợi nhỏ nhen, hãy đập tan những xiềng xích bất công và bất bình đẳng mà người ta đang la ó đả đảo, hãy để cho lưỡi gươm Lời Chúa được thảnh thơi tung hoành, hãy thức dậy và đứng thẳng người lên (Fiches dominicales, C, tr 11).

1. Dọn đường mừng lễ Giáng sinh

Hôm nay bước vào tuần lễ thứ hai của Mùa Vọng, phần đông thế giới đang chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, các cửa tiệm tràn ngập những thiệp Giáng sinh, cây thông Giáng sinh, bao nhiêu quà Giáng sinh, món ăn, quần áo, đồ chơi Giáng sinh. Ở Việt nam chúng ta tuy còn nghèo khó nhưng bầu khí Giáng sinh đã tới, mọi người đang nô nức mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, nhạc Giáng sinh đã vang rộn khắp nơi, lòng người đã thấy rạo rực.

Nhưng phải dọn mừng lễ Giáng sinh thế nào cho xứng đáng, đúng theo Tin mừng của Chúa hôm nay mà thánh Gioan đã hô hào:”Hãy dọn đường cho Chúa đến”. Con đường lòng của chúng ta đã tốt chưa ? Và lòng chúng ta đã trở nên thửa đất mầu mỡ để đón ơn Chúa chưa ? Hay lòng chúng ta lại trở nên một sa mạc cằn cỗi ?

Nếu biết biến sa mạc thành đất tốt, có sự sống, con người phải mất sức, mất của, và chấp nhận nhiều khó khăn. Cũng vậy, dọn đường tâm hồn là chấp nhận biến đổi sa mạc của cõi lòng thành miền đất trù phú, miền đất thắm đẫm ơn Chúa. Bởi vậy, người ta phải chấp nhận sự hao mòn sức lực, chấp nhận tự gọt giũa chính mình, chấp nhận nhiều khó khăn khác nhau. Vì biến đổi như thế là sám hối. Và sám hối thật lòng đòi phải có dấn thân thực sự để tự mình từ nay dám cắt bỏ một thói quen, một đam mê, một tật xấu… để lòng mình biết yêu hơn, khiêm nhường hơn, sống phục vụ hơn, vị tha hơn…

Chỉ khi nào dám chối từ những rườm rà chung quanh mình, con người ta mới dám mong ước thuộc về Thiên Chúa. Thái độ sám hối tận căn ấy, mới là sám hối đúng nghĩa. Điều đó không dễ chút nào, vì nó làm ta đau đớn, xót xa, mất mát. Chỉ có sám hối trọn vẹn mới sống đúng nghĩa hai chữ “dọn đường”. Chúa cần một thái độ dọn đường một cách tự nguyện, dứt khoát như thế, để Ngài đi vào tâm hồn, và tâm hồn có chỗ chứa đựng ơn thánh của Ngài. Khi tâm hồn có Chúa, tâm hồn không còn àl sa mạc và cũng chẳng hề sợ sa mạc hĩa, nếu biết giữ mọi ơn Chúa trong tâm hồn mình bằng một đời sống tốt lành, vươn lên trong sự thánh thiện (JKN).

2. Dọn đường chờ đợi Chúa đến

Mùa Vọng là thời gian chờ đợi Chúa đến, Chúa sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang của Ngài, nhưng Ngài cũng âm thầm đến gọi chúng ta ra về với Ngài. Cũng có thể nói Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị tâm hồn chúng ta đến giờ chết. Đó là thời gian để chúng ta hồi tâm và chuẩn bị. Đây là thời gian để tự vấn chính mình: chúng ta có sẵn sàng đón tiếp Chúa Giêsu vào giờ chết không ? Lúc này chúng ta đã sẵn sàng chưa ?

Truyện: Sẵn sàng về với Chúa.

Vài năm trước đây, tạp chí This Week có thuật lại câu chuyện cảm động về một cậu bé 17 tuổi người Ha lan đã từng trốn khỏi trại tập trung Đức quốc xã, nhưng đã bị bắt lại và bị kết án tử hình. Ngay trước khi bị hành hình, cậu đã gửi cho bố cậu lá thư sau đây. Xin trích lại:”Bố thân yêu, thật khó khăn lắm con mới viết được cho bố lá thư này, nhưng con vẫn phải cho bố hay rằng con đã bị toà án quân sự kết tội tử hình. Xin bố đọc lá thư này một mình và khéo léo bảo cho mẹ biết dùm con… Chẳng bao lâu nữa, lúc đúng 5 giờ, điều đó sẽ xẩy đến cho con… chỉ một chốc thôi thế là con sẽ về với Chúa, Nói cho cùng đấy có phải là cuộc chuyển tiếp đáng kinh hãi không ?...Con cảm thấy rõ ràng rằng mình đang ở gần bên Chúa, con đã chuẩn bị sẵn sàng đón chờ cái chết… Con nghĩ rằng con còn đỡ đau khổ hơn bố nhiều, vì con biết rằng mình đã xưng hết tội lỗi, và hiện tâm hồn con hoàn toàn thanh thản… Ký êtn: “Kless”.

3. Dọn đường còn là làm chứng cho Chúa

Mừng lễ Giáng sinh là chúng ta kỷ niệm việc Chúa đã xuống trần và sẽ còn đến nữa. Chúng ta có trách nhiệm làm cho người biết Chúa để cùng mừng lễ Giáng sinh. Nếu thánh Gioan Tiền hô đã làm chứng cho Chúa bằng lời nói, bằng việc làm và bằng chính đời sống của Ngài. Ngày hôm nay cũng vậy, chúng ta phải làm chứng cho Chúa trong môi trường của chúng ta. Nhưng muốn cho lời chứng hay bằng chứng của chúng ta có hiệu quả, trước hết chúng ta phải có đời sống xứng đáng, đoạn tuyệt với tội lỗi và những tính mê nết xấu và thể hiện một đời sống bác ái yêu thương. Đó là những việc chúng ta cần làm để chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Gio xứ Kim phát Đà lạt
 
Tái định hướng
Lm Vũđình Tường
04:57 04/12/2009
Thánh Gioan Tiền Hô loan báo hai tin quan trọng liên quan đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Trước Gioan đã có nhiều tiên tri, sứ giả loan báo Đấng Cứu Thế sẽ đến và ở giữa dân Ngài. Không vị nào may mắn hơn Gioan. Ông là vị tiên tri duy nhất được vinh hạnh diện kiến, tai nghe Đấng Cứu thế. Danh xưng Gioan tiền hô nói rõ sứ mạng tiên tri: đi trước Đấng Cứu Thế. Làm công việc chuẩn bị bước cuối cùng, không riêng chuẩn bị ngoài xã hội mà là chú trọng vào lòng người, phần linh thiêng, phần tâm linh trong tâm hồn. Gioan rao giảng, kêu gọi thống hối, bằng câu có tiếng gọi trong hoang địa. Chân thành sám hối, hoang địa lòng người biến thành đất phì nhiêu, kết trái ơn thiêng. Từ chối sám hối, tội biến lòng người ra khô cằn, sỏi đá, sa mạc hay hoang địa.

Viếng thăm

Bà Maria viếng thăm chị họ là bà Elizabeth, Gioan đã nhảy mừng trong lòng mẹ và bà Elizabeth hoan ca gọi Đức Trinh nữ là Mẹ Thiên Chúa.

Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm vì tai tôi vừa nghe lời chào thì hài nhi trong lòng tôi nhảy mừng.

Gioan xuất hiện lần thứ hai kêu gọi mọi người thống hối, chuẩn bị cõi lòng sẵn sàng chào đón Đấng Cứu Thế. Ông đi khắp vùng ven sông Jordan rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa, sám hối, nhận ơn tha tội.

Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho bằng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Cảnh vật

Gioan dùng hình ảnh quen thuộc, cảnh vật chung quanh, gần gũi với đại chúng. Cảnh núi đồi thiên nhiên, đường quanh co, thung lũng và vực thẳm dẫn thính giả đến hình ảnh, chiều sâu nội tâm trong tâm hồn. Núi đồi thiên nhiên ngoài bọ cạp và rắn độc còn có sư tử cấu xé, chó sói rình rập. Thung lũng, vực thẳm, hố sâu, rơi xuống, tan xác. Đường quanh co lạc vào rừng rậm mất dấu chân người. Gioan dùng tất cả những hình ảnh quen thuộc đó diễn tả tâm hồn người đời.

Đánh cá cuộc đời

Theo Gioan đời sống tâm linh không mấy khác chi đời sống hằng ngày, cũng lắm chông gai, nhiều chướng ngại và muôn vàn thử thách. Chướng ngại cuộc đời trở thành gánh nặng, sầu thương vì thiếu vắng ơn Chúa. Sức người, lực riêng không đủ để phấn đấu. Hơn nữa không thoả mãn ý riêng, sở thích bất đạt, tinh thần sa sút, tụt xuống vực thẳm thất vọng, chán nản, buồn sầu, tương lai mù tối và ngay cả mất ý chí sống. Từ chối ơn Chúa ban: lối sống, cách ăn nói, suy nghĩ, tư tuởng khi quanh co, lúc uốn khúc, khi lươn lẹo, tiền hậu bất nhất, tâm trạng bất an. Thay tâm, đổi tính như bão cát sa mạc, lúc vồn vã, khi lạnh nhạt, hững hờ, bất cần đời, đánh cá mạng sống bằng những cuộc chơi không thí mạng, cũng bại sản.

Ơn chung cho toàn dân

Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Ơn cứu độ ban chung cho toàn thể nhân loại, không riêng gì cho ai, cho một dân tộc. Những ai lắng nghe, ăn năn, thống hối, thay đổi lối sống, từ bỏ tà tâm, sống theo lẽ công chính sẽ nhận ơn cứu độ Chúa ban.

Đồi núi tâm linh

Núi đồi, chướng ngại trong tâm hồn do ma quỷ dựng nên, làm rào cản, ngăn ta tiến đến gần Chúa. Thung lũng là chướng ngại, vật cản ngăn cản tầm nhìn. Nhìn sai lạc lại gây nản lòng trước khó khăn, gian khổ. Cản bước tiến trên đường thánh thiện, đường lành. Nhận biết sống quanh co, lươn lẹo phản lại tình yêu Chúa, làm hại anh em đồng loại nhưng không đủ can đảm tránh né thay đổi vì sợ khó, sợ khổ.

Ma quỉ lắm mưu mô, nhiều gian tà, muôn mặt, lấp bóng, trá hình thiên biến, vạn hoá. Cạm bẫy, chông gai đều do ma quỉ làm chủ, cài đặt mong cho con người sập bẫy.

Mới cũ

Điều Gioan rao giảng xem ra không có gì mới. Toàn bổn cũ soạn lại. Thực ra bản chất của tội xưa như trái đất. Mưu mô, cám dỗ, quỉ kế cũng cũ mèm. Từ xưa đến nay mọi cám dỗ đều qui vào ích kỉ và kiêu ngạo. Không núp bóng lòng tham, ham tiền tài, cũng bị che đậy bởi chuộng lợi danh và ý riêng. Tội cũ ngàn năm nhưng cách phạm tội thì mới, tinh vi hơn, bén nhậy hơn và phương tiện phạm tội cũng tân kì hơn. Tất cả những điều đó thể hiện được vì xưa kia chưa có các phương tiện đó.

Đổi mới

Muốn đổi mới cần ơn Chúa. Chỉ có ơn Chúa ban mới đổi mới lòng người. Ơn chúa không bao giờ cũ vì Chúa là Đấng sáng tạo. Các ơn Ngài ban là ơn sáng tạo, luôn mới. Những ai nhận ơn Chúa sẽ đổi mới cuộc đời một cách rõ rệt. Đổi mới từ trong ra ngoài. Tiên tri Baruc dùng hình ảnh bên ngoài mặc áo mới, đầu đội triều thiên vinh quang, miệng hớn hở reo ca. Tâm hồn đầy bình an, sung mãn.
 
Tiếng nói trong tim người mù
Lm. Phêrô Hồng Phúc
06:29 04/12/2009
TIẾNG NÓI TRONG TIM NGƯỜI MÙ

Có nhiều người mù đến với Chúa Giêsu. Những người mù này họ biết mình cần gì. Họ kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Ngài, Con Vua David. Xin thương xót chúng tôi”. Câu cửa miệng của họ là xin thương xót chúng tôi vì họ ý thức họ là người mù, họ là người đang cần ánh sáng và họ hiểu rằng, chỉ có lòng thương xót mới có thể đem được cho họ ánh sáng đến từ Đức Giêsu – Con Vua David.

Đức Giêsu đã không để cho một ai thất vọng. Những người mù đến với Chúa kể cả những người mù bẩm sinh cũng đều được Chúa ban ánh sáng. Nhưng với điều kiện: Đức tin phải được công khai rõ ràng. Một công thức mà Đức Giêsu luôn luôn đặt ra: “Anh muốn xin gì?”, “Các ngươi có thể tin Ta làm được điều đó không?” và người mù luôn luôn là người xác tín nhanh nhẹn: “Thưa có”. “Lạy Thày, xin cho con được thấy”. Những công thức ấy chắc gì chúng ta đã dễ dàng thốt lên. Nhất là trong Mùa Vọng này, nhiều người có quá nhiều những nhu cầu: những nhu cầu về vật chất, những nhu cầu về hưởng thụ... cho nên những nhu cầu về tâm linh lại trở nên một điều gì đó còn đang xếp thứ yếu. Bởi vậy chính những người mù này lại trở thành khôn ngoan tỉnh thức hơn là những người sáng con mắt thể xác mà tối tăm con mắt tâm linh.

Chúng ta không nói rằng: người mù là người dẫn đường chúng ta; nhưng chúng ta nói rằng: người mù làm gương cho chúng ta.
Làm gương về sự khiêm tốn. Họ ý thức mình là người mù nên cần xin ánh sáng.
Người mù làm gương cho chúng ta vì trong tâm hồn của họ lại rất sáng để nhận ra Con Vua David “xin thương xót chúng tôi”. Họ đến với Chúa Giêsu để được hưởng lòng thương xót. Trong khi bao nhiêu người sáng lại đến với thế giới vật chất và hưởng thụ, đâu có đến với Chúa Giêsu.

Như vậy, Mùa Vọng chính là một con đường. Con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, bởi chính Chúa Giêsu là đường. Đến với Ngài, chúng ta nhận được ánh sáng vì chúng ta luôn tuyên xưng như vậy: “Người là ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Được sinh ra mà không phải được tạo thành. Đồng bản tính với Đức Chúa Cha. Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành” (Kinh Tin Kính).

Tuyên xưng rõ ràng như thế nhưng sống thì không rõ ràng được như vậy. Mùa Vọng không đòi hỏi chúng ta làm những gì lớn lao nhưng đưa vào thực tế những gì mà chúng ta tuyên xưng; đi vào cụ thể những gì mà chúng ta nhận thức và đưa vào trong cuộc sống những gì là tiếng nói của con tim.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã đến trong trần gian
để mắt chúng con có thể thấy,
tai chúng con có thể nghe.
Chúa còn tiếp tục đến trong trần gian,
để đầu gối chúng con phải quỳ xuống,
miệng lưỡi chúng con phải tuyên xưng.
Nhưng giờ này,
Mùa Vọng này,
là giờ Chúa đến trong con tim,
để chúng con có thể yêu mến.
Xin đừng để ai trong chúng con lãnh đạm
hoặc lạm dụng tình yêu của Chúa.
Nhưng xin cho chúng con biết tận dụng tình yêu của Chúa,
để đạt tới ơn cứu độ mà Chúa đã đem đến
và là quà tặng lớn nhất cho nhân loại chúng con,
quà tặng cho mỗi người chúng con. Amen.

 
Thông điệp người chết gửi người sống
Maria Hạnh
08:29 04/12/2009
Thông điệp người chết gửi người sống

Con chào Cha! Con là cô bé sinh viên Trường Luật trong nhóm SVCG ngày xưa. Giờ con ra trường được hai năm rồi. Con vẫn ở nhà. Con đã không được may mắn như mọi người cha ạ. Vì bệnh tật, con đã mất đi một cánh tay trái, nhưng con lúc nào cũng vẫn vui vẻ để sống cuộc sống dù có thế nào đi nữa. Con biết Chúa vẫn thương con nhiều và sức mạnh cho con, niềm tin để vượt qua tất cả. Con cũng mong cha cầu nguyện cho con nhiều. Con chúc cha tràn đầy hồng ân Thiên Chúa và hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Đây là lá thư của bạn Maria Hạnh, thuộc nhóm sinh viên Công giáo Hà Nam gửi cho tôi vào dịp đầu năm 2009. Tôi đã trả lời bức thư này cho Hạnh trong mục «Thư gửi một bạn trẻ». Gần một năm đã trôi qua, tôi không có tin tức gì của em. Chiều nay, có một bạn trong nhóm SVCG Hà Nam báo tin cho em tôi biết đã vĩnh viễn ra đi cách đây hai ngày. Cái chết của em không làm tôi bất ngờ bởi em bị bệnh cũng đã đến hai năm rồi. Chính tôi đã xúc dầu cho em khi em vừa nhập viện. Hôm nay, tôi không bởi em viết cho em làm sao có thể đọc được những dòng này. Nhưng tôi muốn thay em, viết một thông điệp gửi các bạn trẻ.

Chào tất cả các bạn,

Thế là sau nhiều ngày chống chọi với căn bệnh ung thư, mình đã vĩnh viễn rời xa thế giới loài người. Mình được chôn cất vào chiều qua. Thân xác mình đang tan biến trong lòng Đất Mẹ. Lời đầu tiên mình muốn nói với các bạn đó là một ngày nào đó, các bạn cũng sẽ như mình, tức là các bạn sẽ phải chết. Cái chết là lẽ tự nhiên của con người nhưng con người hay quên lại. Con người tưởng có thể sống mãi. Vì thế mà họ bám Viu nhiều quá vào cuộc sống trần gian. Khi ý thức mình sẽ phải chết, các bạn sẽ nhẹ nhàng hơn và thanh thoát. Các bạn sẽ phải chuẩn bị những gì tốt nhất cho mình để khi Chúa gọi, các bạn có thể thanh thản ra đi.

Các bạn hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng vì không biết ngày giờ nào mình sẽ phải chết. Mình cũng không bao giờ ngờ rằng mình ra đi vào cái tuổi 25. Và nhiều người trong các bạn cũng nghĩ mình như. Chúng ta thường cho rằng mình còn trẻ thì sao mà chết được. Nhưng thần chết đến, nhiều người trong chúng ta đã không chuẩn bị kịp. Nhìn cái thân xác của mình đang rửa ra, mình muốn nói với các bạn rằng, các bạn đừng chiều chuông thân xác thái quá. Các bạn đừng sống trong truy lạc. Đừng nuong chiều thân xác cách vô độ. Hãy biết sống chừng mực và tiết độ. Hạnh phúc đích thực là khi ta làm chủ được thân xác. Khi đó thân xác và linh hồn sẽ là bạn đồng hành tốt của nhau. Khi đó sẽ không có xung đột xảy ra trong tâm hồn.

Các bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu về chính bản thân mình. Mình thấy có nhiều người giỏi giang và biết nhiều nhưng lại không biết gì về chính mình cả. Điều tối thiểu các bạn cần ghi nhớ là con người không phải chỉ có vật chất mà còn có một hồn thiêng bất tử. Cái chết không phải là chấm DUT mà là bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống viên mãn và tròn đầy. Vì có hồn thiêng bất tử con người nên luôn hướng vọng về vô biên và tuyệt đối. Các bạn hãy dành thời gian để thinh lặng vì thinh lặng cần thiết cho linh hồn biết bao. Một ngày sống dù bận rộn thế nào, các bạn cũng hãy dành riêng những giây phút thinh lặng để nguyện cầu và gặp gỡ Chúa. Thiếu những giây phút ấy, cuộc sống của các bạn sẽ trở nên mất cân bằng.

Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, mình cũng có nhiều nỗi lo lắng. Mình lo học hành sao để có một tấm bằng tốt nghiệp. Mình lo làm sao khi ra trường kiếm được việc làm. Mình lo được làm sao tìm một người bạn đời phù hợp. Những nỗi lo âu ấy đã làm cho mình hầu như đánh mất cuộc sống hiện tại. Giờ đây mình mới nhận ra sống đích thực là sống hiện tại. Đánh mất hiện tại là mất tất cả. Người chết chẳng còn lo âu nữa. Mọi căng thẳng cũng tiêu tan. Nếu các bạn còn đang lo âu, ban khoản và tran tro, mình khuyên các bạn hãy chấm DUT. Các bạn hãy chú tâm vào giây phút hiện tại. Đó là tất cả những gì các bạn có thể làm.

Khi còn là sinh viên, mình cũng hay cáu gắt và bực mình với bạn bè. Mình luôn mong muốn họ thay đổi cho phù hợp với điều mình mong muốn. Giờ đây mình nhận ra rằng làm như thế là mình đã quá ích kỷ. Mình bắt người khác làm theo ý mình. Bắt người khác thay đổi có lẽ là thái độ của nhiều người trong các bạn. Mình mong các bạn hãy quay về với chính bản thân mình. Chúng ta không có quyền đổi hỏi ai thay đổi cả. Chúng ta chỉ có thể thay đổi bản thân mình mà thôi. Và khi mình thay đổi, mọi cái xung quanh sẽ thay đổi theo.

Tất cả mọi cái sẽ qua đi, chỉ có tình yêu đích thực là tồn tại. Các bạn sẽ phải bỏ lại tất cả ở trên trần gian. Hành trang duy nhất các bạn mang theo xuống nấm mồ là tình yêu, tình yêu dành cho mình và tha nhân. Mình cầu chúc cho các bạn hãy luôn sống trong tình yêu. Hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Nếu tất cả cuộc đời của các bạn là tình yêu, các bạn sẽ không sợ chết. Tình yêu xua tan mọi sợ hãi. Các bạn sẽ thanh thản ra đi trở về với Đăng là Tình Yêu tuyệt đối và vĩnh cửu. Cầu chúc các bạn một mùa vọng sốt sáng và một đại lễ Giáng Sinh với nhiều niềm vui và an bình. Hẹn ngày tái ngộ trên Thiên Quốc.

Maria Hạnh


Lm Giuse Tạ Xuân Hoà
 
Đường vào cõi lòng - Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
14:13 04/12/2009
Tôi vừa tham dự Đại Hội Giới Trẻ Á Châu lần thứ 5 tổ chức tại Philippin từ ngày 18-28 tháng 11 năm 2009. Đại biểu các bạn trẻ Công giáo từ 24 nước Á Châu đã được ban tổ chức và các bạn trẻ chủ nhà đón tiếp rất nồng hậu và chân tình.

Các linh mục và tu sĩ Việt nam đang du học bên Philippin khá đông. Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài cho biết là hơn 200 sinh viên đang theo học các đại học Atênêo, UST và Lasan. Mỗi năm, các sinh viên đều tề tựu về Đài Chân Lý Á Châu gặp gỡ chia sẽ và ăn cơm chung với Đức Ông vào 3 dịp, Tết Nguyên Đán, Lễ Thánh Phêrô - Phaolô và Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Sau những ngày sinh hoạt, giao lưu và nghe các sinh viên du học kể chuyện, tôi nhận thấy người dân Phi có đời sống văn minh lịch sự. Họ sống hiền hòa rất ít khi cải vả nhau. Họ hiếu khách và dễ thân thiện. Luân lý đạo đức Kitô giáo làm nên con người lịch thiệp và xã hội văn minh của đất nước Philippin.Thành phố Manila có rất nhiều loại phương tiện công cộng nên ít khi kẹt xe, chỉ lác đác vài chiếc honđa xe đạp dạo phố. Đường phố sạch sẽ, người đi đường ít khi bóp còi, không lạng lách chen lấn, không vội vã mà cứ thong thả nhàn nhã. “Văn hóa giao thông” góp phần làm nên văn minh xã hội.

Về đến Sài Gòn, ai cũng phải ngán ngẫm với cảnh kẹt xe, nạn giành đường vượt ẩu lạng lách. Kẹt xe do lòng đường thu hẹp bởi quá nhiều lôcốt dựng lên giữa đường phố. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính vẫn ở nơi “Văn hóa giao thông” của người đi đường. Khi ra đường, ai cũng giành đi trước, chen lấn, không nhường nhau, va quẹt một chút là to tiếng cải vả gây ùn tắc giao thông.

Lòng đường thông thoáng và lòng người rộng mở làm nên “Văn hóa giao thông” một địa phương.

Bước vào Mùa Vọng, chúng ta gặp lại Gioan Tiền Hô, vị ngôn sứ đi trước dọn đường và dọn lòng người để đón Đấng Cứu Thế. Thực thi sứ vụ dọn đường, Ngôn Sứ Gioan luôn gắn bó với Thiên Chúa và sống gần gũi với con người. Lời Chúa Gioan chiêm niệm trong hoang địa qua nhiều năm tháng đã giúp ông tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều hạng người qua những vùng ven sông Giođan. Lời Chúa Gioan nghe đã trở thành lời Chúa ông công bố. Tiếng Chúa gọi Gioan đã trở thành tiếng ông mời gọi mọi người.Gioan trở nên trung gian làm người dọn con đường tâm hồn cho anh chị em mình đến với Chúa Cứu Thế.

Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước. Sau 5 thế kỷ vắng bóng ngôn sứ, nay Gioan xuất hiện với sứ mạng Tiền hô. Ông đáp lại tiếng Chúa gọi, ra đi rao giảng về Nước Trời, dọn đường cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loại đến trần gian. Ông đã chu toàn ơn gọi cách nhiệt thành và đã chết anh hùng cho sứ vụ. (x. Mt 14,3012; Mc 6,17-19). Cuộc đời Gioan là một thiên anh hùng ca, bất khuất trước cường quyền, bao dung với tội nhân.

Gioan có một cuộc sinh ra kỳ lạ, một lối sống khác thường. Gioan chọn con đường tu khổ chế: ăn châu chấu và mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú. Sống trong hoang địa trơ trụi, vắng người, thiếu sự sống. Nhưng chính ở đó mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thâm trầm với thiên Chúa.

Gioan nhắc lại lời tiên tri Isaia: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Gioan mời dân chúng sám hối. Không thể tiếp tục sống như xưa nữa. Đã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ. Như thế, Gioan kêu gọi hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi. Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, những tính toán lệch lạc. Phải san cho phẳng những đồi núi kiêu căng tự mãn. Phải bạt cho thấp những gồ ghề của bất công bất chính.

Đạo là con đường dẫn đến Thiên Chúa. Đạo là ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu không có đường thì không đi đến đâu cả. Một đất nước có văn minh hay không là do hệ thống đường sá.

Đạo từ nguyên thuỷ luôn mang ý nghĩa trong sáng, ngay thẳng, công minh. Đạo dẫn đưa con người đến chân thiện mỹ.

Đạo là đường nên có thể nói sống đạo là sống ngoài đường, sống với người khác, sống với cuộc đời. Abraham khởi đầu cuộc sống thật bằng việc lên đường từ giã thành Ur để sang đất hứa. Và lịch sử Do thái là những chuyến xuất hành di cư, lang thang trong sa mạc, lưu đầy và mất quê hương trong một thời gian dài. Gioan rao giảng và làm phép rửa khắp mọi nẻo đường. Chúa Giêsu sống ở thế gian bằng những cuộc lên đường sang Ai cập, về Nazareth, lên sa mạc, vào đền thánh và trở lại Galilêa. Cuộc sống công khai của Chúa ít là có ba cuộc hành trình lên Giêrusalem. Và sau cùng Ngài lên đường về nhà cha.

Vì là đường nên nên đạo luôn mở ra nối kết và đón nhận cuộc sống, đón nhận mọi người, không phân biệt ai với tinh thần yêu thương của Thiên Chúa. Tin mừng chính là đạo, là con đường mà Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta đi theo ngài.

Đường quan trọng nhất là đường vào cõi lòng. Gioan đã chỉ cho thấy rằng, mỗi con người đều có ít nhiều đồi núi kiêu ngạo, thung lũng ích kỷ, ghồ ghề khúc khuỷu trong các mối quan hệ. Có bao lối nghĩ quanh co, có bao tính toán lệch lạc, có những lũng sâu tăm tối thiếu vằng ánh sáng tình yêu. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo san cho thẳng. Những gì cao cần bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp. Đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.

Con đường mà Gioan nói tới đây chinh là đường vào cõi lòng. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thân dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua. Như căn nhà cho Chúa ngự tới. Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nổi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu. Cho nên trong cõi lòng đó phải có im lặng như cõi lòng Mẹ Maria ghi nhớ, suy niệm và không nói gì. Chỉ nói những lời để giúp đỡ người khác. Và tâm hồn ấy bình an nên nghe rõ tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi. Như thế dọn đường chính là tạo im lặng cho tâm hồn để nghe được tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi.

Dọn đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén vàng cho chủ. Như tên lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh. Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, vị kỷ kiêu căng tham lam đố kỵ ghen ghét lười biếng hèn nhát… Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển.

Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Những con đường thường được làm bằng đất đá nhựa bê tông. Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển trên bầu trời là những con đường vật lý. Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn. Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông.

Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú. Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân. Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân. Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân, thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi.

Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức. Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Gioan. Sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:38 04/12/2009
GIÚP ĐỠ NGƯỢC

N2T


Có một linh mục chú ý đến một phụ nữ đang ngồi trong nhà thờ vắng vẻ, hai tay ôm lấy đầu.

Một tiếng đồng hồ đã qua, hai tiếng đồng hồ đã qua mà bà ta vẫn ngồi nơi đó.

Linh mục nghĩ rằng, người này nhất định có điều gì đau khổ trong lòng đây, ngài rất muốn giúp bà ta một tay, bèn đi lên hỏi: “Có chỗ nào không ổn cần tôi giúp một tay không ?”

- “Không ạ, cám ơn cha.” Bà ấy nói tiếp: “Con đang tiếp nhận sự trợ giúp mà con cần đến.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Con người ta thường hay nhìn bên ngoài để đoán bên trong tâm hồn của người khác, cho nên thường xảy ra những ngộ nhận đáng tiếc, nhất là trong những cộng đoàn và những nơi tập thể.

Có những người khi muốn suy tư hay suy nghĩ về một vấn để quan trọng, thì có thói quen ngồi một mình bất động và chăm chú nhìn vào khoảng không; có những người Ki-tô hữu khi cầu nguyện cần sự trợ giúp của ân sủng Chúa, thì họ cũng ngồi lâu giờ trong nhà thờ hay nhà nguyện để cảm nhận được Thiên Chúa đang đến với họ trong lòng...

Không nên nhìn bên ngoài của một người đang cầu nguyện để đoán bên trong lòng của họ, vì họ đang tiếp nhận sự trợ giúp từ trời; không nên nhìn thấy người đi xưng tội lâu giờ để rồi đoán là họ mắc nhiều tội trọng, nhưng hãy cảm tạ ơn Chúa vì họ đang lắng nghe lời khuyên bảo dạy dỗ của linh mục giải tội...

Ngộ nhận là bởi vì mình hay suy bụng ta ra bụng người, nhất là mình không có lòng yêu thương tha nhân.

Đó chính là giúp đỡ ngược vậy !

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 2 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:40 04/12/2009
CHỦ NHẬT 2 MÙA VỌNG

Tin mừng: Lc 3, 1-6

“Hết mọi người phàm sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.


Bạn thân mến,

Ơn cứu độ của Chúa Giê-su không chỉ dành cho bạn và tôi hay một người nào, một dân tộc nào, hay một quốc gia nào cả, nhưng nếu ai thành tâm đón nhận Ngài thì sẽ được ơn cứu độ...

Thời của thánh Gioan Tẩy Giả mọi người Do Thái đều trông đợi vị cứu tinh đến như lời tiên tri I-sai-a loan báo: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi...” , cho nên ơn cứu độ đã đến với nhân loại, mà trước hết là với người Do Thái nhưng họ đã từ chối đón nhận Đấng cứu độ, và kế đến là tất cả chúng ta, những người đã tin vào Chúa Giê-su nhưng vẫn cứ từ chối Ngài trong cuộc sống của mình...

Dọn tâm hồn cho ngay thẳng đối với người Ki-tô hữu là đi xưng tội, làm việc đến tội, hi sinh hãm mình.v.v... đương nhiên đó là những việc phải làm mà tất cả những ai là con cái Thiên Chúa đều phải có, nhưng trưởng thành hơn, rốt ráo hơn đó chính là đổi mới cách sống của mình sao cho phù hợp với Tin Mừng của Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Đổi mới cách sống cũng có nghĩa là từ trong nấm mồ tối tăm bừng dậy phục sinh với Chúa Ki-tô: hoàn hảo hơn, đẹp hơn và vinh dự hơn.

Hoàn hảo hơn trong cách sống làm người Ki-tô hữu với tấm hồn khiêm cung và phục vụ; đẹp hơn trong cách nhìn tha nhân với tâm hồn của tình huynh đệ chân thành trong Chúa Ki-tô; vinh dự hơn khi hiểu được mình mang tên Ki-tô hữu để xây dựng một xã hội bác ái hơn. Đó chính là cách thế để dọn tâm hồn cho ngay thẳng đợi Chúa đến trong thời đại ngày nay của chúng ta.

Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ, nhưng không phải tất cả mọi người phàm được cứu độ, bởi vì ơn cứu độ chỉ cứu những ai tin và và đón nhận Tin Mừng của Chúa Ki-tô mới đáng được lãnh nhận mà thôi. Là những người Ki-tô hữu, bạn và tôi hãnh diện vì đã tin và sống đức tin ngay tại trần gian này, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và nhờ đời sống tin yêu và hi vọng của chúng ta vào Thiên Chúa mà mọi người biết đến ơn cứu độ của Ngài.

Bạn thân mến,

Thiên Chúa đã làm người nên Ngài cũng rất thích đi trên những con đường bằng phẳng và thẳng tắp để đến với bạn và tôi, nhưng đồng thời Ngài cũng không ngần ngại cúi xuống nhặt những hòn sỏi làm vấp chân người khác, để thánh hoá và chúc lành cho nó trở nên dụng cụ hữu ích cho tha nhân.

Dọn đường cho ngay thẳng là việc mà bạn và tôi cần phải làm, để đường đi từ trái tim của chúng ta đến tâm hồn của tha nhân gần hơn, dễ hơn và thân tình hơn; lấp đầy những hố sâu là việc mà chúng ta phải làm từng giây phút trong cuộc sống, để tha nhân đến với chúng ta cách dễ dàng hơn, mà không bị ngăn cách bởi tính kiêu ngạo và khoe khoang của chúng ta, đó chính là chuẩn bị cho mọi người nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:41 04/12/2009
N2T


31. Lấy khăn tay che mặt, mặt áo quần thô thiển, cúi mặt mà đi thì không phải chuyện khó, chứng cứ thật của đức khiêm tốn là nhẫn nại.

(Thánh Bernard)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:42 04/12/2009
N2T


308. Không nên mong đợi sự đồng tình của người khác, nên dựa vào sức lực của mình để giải quyết vấn đề.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hội Hàn Quốc đưa ra kế hoạch truyền giáo trong các giáo phận
Nguyễn Hoàng Thương
06:31 04/12/2009
Seoul (AsiaNews / Cbck) – Bằng việc bắt đầu năm phụng vụ mới (ngày 29 tháng 11), các giám mục trong tất cả các giáo phận của Hàn Quốc đã công bố thư mục vụ cho năm 2010: họ mời gọi tất cả các tín hữu đưa ra sáng kiến loan báo Tin Mừng cho cộng đồng xã hội và thế giới quanh mình, nhưng không quên biến đổi chính bản thân họ.

Đức Hồng y Jinsuk Nicholas Cheong, Tổng Giám Mục của Seoul, đã công bố một bức thư mang tựa đề "Giáo hội biến đổi thế giới". trong thư ngài nhấn mạnh rằng Kitô hữu phải là "mẫu gương thực hành Tin Mừng trong gia đình và tại nơi làm việc", làm biến đổi "chủ nghĩa tôn thờ tiền bạc, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa tiêu thụ và văn hóa trong đời sống" vốn thống trị xã hội. Truyền giáo là cấp bách, bởi vì xã hội bị chi phối bởi "những vấn đề xã hội và những xung đột giai cấp" vốn nảy sinh ngờ vực, tương phản và gây khó khăn lẫn nhau.

Đức Tổng Giám Mục Andreas Choi Chang-mou của Kwangju viết thêm rằng "Tân Phúc Âm hóa dựa trên sự thống hối, sự canh tân của cá nhân và các cộng đoàn Kitô hữu" là cần thiết. Về điều này, ngài đề nghị loan báo Tin Mừng trên các bình diện khác nhau: nơi cá nhân và gia đình, giữa những người láng giềng, trong toàn xã hội. Đức Giám Mục cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vệc dự phần vào các bí tích.

Đức Giám Mục Thaddeus Cho Hwan-gil, giám quản Giáo phận Daegu, trong bức thư ngài kêu gọi các tín hữu tham gia vào những thời khắc giáo phận kỷ niệm 100 năm vào năm 2010. Theo nghị trình sẽ xây dựng một bia tưởng niệm, ấn hành một cuốn sách về lịch sử của Tổng Giáo Phận Daegu, và tổ chức công nghị đặc biệt. Đức Giám Mục Cho kêu gọi người Công Giáo canh tân bản thân qua việc cầu nguyện để tạo ra một phong trào tinh thần nhằm thực hiện sứ vụ của giáo phận trong tương lai.
 
Đức Thánh Cha nói: sự hiện diện của Giáo Hội giữa các bệnh nhân có thể giúp bảo vệ đời sống
Bùi Hữu Thư
10:56 04/12/2009
VATICAN (CNS) – Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Giáo hội cần gia tăng sự hiện diện giữa các bệnh nhân và xã hội để có thể giúp bảo vệ đời sống con người từ lúc thụ thai đến lúc qua đời cách tự nhiên. Trong điện văn dành cho ngày Quốc Tế cho Bệnh Nhân 11 tháng 2, 2010, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của vài trò Giáo Hội trong việc đem tình yêu và sự chữa lành của Chúa Kitô đến với tất cả mọi người đang đau khổ: dù là vì nghèo đói, bị áp bức, ray rứt vì ân hận hay đau ốm.

Đức Thánh Cha viết: Trong khung cảnh văn hóa và lịch sử hiện đại, có một nhu cầu ngày càng gia tăng “về sự hiện diện chú tâm và lan rộng của giáo hội giữa các bệnh nhân.” Cũng có một nhu cầu về sự hiện diện này trong xã hội “để có thể rao truyền các giá trị Phúc Âm về việc bảo vệ đời sống con người trong mọi giai đoạn, từ lúc thụ thai đến lúc qua đời tự nhiên."

Tòa Thánh đã phổ biến điện văn của Đức Thánh Cha Benedict XVI ngày 3 tháng 12. Ngày Quốc Tế cho Bệnh Nhân được tổ chức hàng năm vào ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

Ngày Quốc Tế cho Bệnh Nhân năm 2010 cũng đánh dấu Đệ Nhị Thập Ngũ Niên ngày thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục Vụ Săn Sóc Sức Khoẻ.
 
Lên tiếng về những biểu tình bên ngoài nhà thờ chính toà St Louis cuả nhóm đồng tính
Trần Mạnh Trác
11:16 04/12/2009
St Louis, Mo, 30 Tháng 11 2009 / 6:17 (CNA). - Trong một tuyên bố hôm thứ hai, Đức Tổng giám mục Robert J. Carlson của St Louis trả lời một cuộc biểu tình được tổ chức bên ngoài nhà thờ chính toà bởi một nhóm đồng tính kháng nghị việc sử dụng quỹ cuả tổng giáo phận để ủng hộ chiến dịch hôn nhân truyền thống ở Maine. Trên trang web của Tổng Giáo phận St Louis ngài nêu lên nghĩa vụ phải "thực hiện lời dạy của Chúa Kitô, dù trong sự riêng tư của gia đình hoặc tại quảng trường công cộng".

Vào ngày chủ nhật, nhóm ‘tranh đấu cho quyền cuả người đồng tính’ có tên là ‘Show Me No Hate’ (‘Đừng Căm Thù Tôi’) phản đối việc Tổng Giáo Phận St Louis tặng $ 10.000 cho chiến dịch “Yes on 1“ ("Hãy bỏ phiếu Thuận cho Nghị Quyết số 1") tại Portland, Maine đầu năm nay. Nghị Quyết hỗ trợ hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ, đã được biểu quyết và được thông qua trong cuộc bầu cử giữa kỳ (mid-term).

Theo tin từ The Vital Voice, ‘Show Me No Hate’ đã cáo buộc Tổng Giáo Phận St Louis lạm dụng tiền bạc,Giáo Hội đã bỏ rơi người nghèo, bệnh tật và vô gia cư trong thành phố bằng cách quyên góp tiền cho một chiến dịch chống hôn nhân "đồng tính". Nhóm có kế hoạch tổ chức biểu tình bên ngoài nhà thờ mỗi chủ nhật trong suốt mùa Vọng.

"Sống theo lời giảng dạy của Chúa Kitô về hôn nhân không có nghĩa là chúng tôi bỏ rơi người nghèo", Đức Tổng Giám mục Carlson đáp lại lời cáo buộc. "Trong thực tế, không có cơ sở tư nhân nào khác trên thế giới làm việc nhiều hơn cho các bệnh nhân và cho người nghèo như Giáo hội Công giáo."

Đức Tổng giám mục Carlson giải thích rằng những khoản tiền được sử dụng cho chiến dịch " Yes on 1" là ngân khoản tự do (discretionary, có thể dùng tuỳ tiện), do tư nhân cung cấp làm quà tặng để đáp ứng lời yêu cầu của Tổng Giáo Phận Maine. Đức Tổng giám mục cũng nói rằng " Yes on 1" đã thành công mặc dù trên thực tế phe đồng tính đã tung ra nhiều hơn chiến dịch tới gần hai triệu đô.

Giáo Hội "luôn luôn cố gắng thực hành lời dạy của Chúa Giêsu trong việc chào đón tất cả mọi người," và "không tin vào sự phân biệt đối xử" đức tổng giám mục cho biết. Sau đó ngài đã tham chiếu đến một thực tế là Tổng Giáo Phận St Louis hiện là tư nhân đóng góp lớn nhất cho tổ chức Doorways, một tổ chức cung cấp dịch vụ cho những người bị HIV / AIDS.

Đức tổng giám mục giải thích, tuy nhiên, điều này "không có nghĩa là chúng tôi có thể thay đổi lời giảng dạy của Chúa Kitô về bản chất của hôn nhân" và thêm rằng người Công giáo có nghĩa vụ "thực hiện lời dạy của Chúa Kitô, dù trong sự riêng tư của gia đình hoặc tại quảng trường công cộng. "

" Nguyên tắc phân ly giữa nhà thờ và nhà nước có nghĩa rằng chính phủ không thể thiên vị một tôn giáo nào," DTGM tiếp tục. "Nó không có nghĩa là những người có đức tin bị mất quyền của mình để phát biểu công khai và tham gia vào tiến trình chính trị."

Khi nói đến việc phục vụ người nghèo và hỗ trợ kết hôn truyền thống, Đức Tổng Giám mục Carlson thêm rằng "Đây không phải một sự lựa chọn khi nói đến lời dạy của Chúa Kitô. Là người Công giáo, chúng tôi được gọi để sống và tuyên xưng tất cả những lời dạy."
 
Cựu giám mục Episcopal được thụ phong thành linh mục Công giáo
Trần Mạnh Trác
19:39 04/12/2009
Cha John Lipscomb, cựu giám mục Episcopal của miền Tây Nam Florida, đã được thụ phong làm linh mục Công Giáo ngày 02 tháng 12 tại trung tâm tĩnh tâm Bethany, Lutz, Florida.

Vị cựu GM Episcopal 59-tuổi đã được chúc mừng bởi người vợ là bà Marcie và khoảng 100 linh mục cuả giáo phận. Đức Tổng giám mục John Favalora cuả Miami ban phép truyền chức, và Đức Giám mục Robert Lynch của St Petersburg FL giảng lễ. ĐGM Lynch đang hồi phục từ một cuộc giải phẫu ruột già, ngài là linh hướng cho Cha Lipscomb kể từ khi tiếp nhận cha vào Giáo Hội Công Giáo năm 2007. Nói về buổi lễ, Cha Lipscomb nói: "Nước mắt đã tuôn rơi."

Cha Lipscomb nói, "Tôi đang ở một thời điểm trong cuộc sống mà tôi chỉ muốn làm những điều Thiên Chúa đã gọi tôi để làm, chứ không phải quyết định cho những điều không thể có được."

Từ giáo hội Episcopal, ông Jim Dela giám đốc truyền thông tuyên bố "Chúng tôi vui mừng rằng John đã tìm thấy chỗ đứng của mình, nếu điều này là tốt cho ông ta thì xin Thiên Chúa ban phước lành cho ông."

Mười hai năm trước đây, Cha Lipscomb được thụ phong Giám Mục để dẫn dắt gần 40.000 tín đồ Episcopal vùng Tây Nam Florida trong một buổi lễ tại nhà thờ chính tòa St. Peter ở St Petersburg.

Sau đó ngài mắc bệnh Parkinson và lây bệnh sốt rét trong một chuyến đi truyền giáo tại Kenya. Năm 2003, ngài tham gia cùng 19 giám mục khác trong một tuyên bố "phiền muộn" ("statement of sorrow") khi V. Gene Robinson, một người đồng tính công khai, được làm giám mục đồng tính đầu tiên cuả giáo hội Episcopal.

Cha Lipscomb trở thành một linh mục Công giáo nhờ dịp ĐGH Benedict XVI mời hàng trăm ngàn người Anh giáo chuyển đổi sang Công Giáo. Tông hiến "coetibus Anglicanorum" tháng 10 năm 2009 cho phép truyền chức cho những giáo sĩ Anh giáo đã kết hôn.

Cha Lipscomb đã trở lại đức tin Công giáo vào năm 2007, một vài tháng sau khi nghỉ hưu chức Giám Mục Episcopal. Việc truyền chức của ngài đã được thực hiện theo một quy trình khởi xướng bởi cố GH John Paul II. Đức GM Lynch là linh hướng cuả ngài. Cha Lipscomb bây giờ là giám đốc cuả Trung tâm tĩnh tâm Bethany. Cha cuả ngài là một mục sư Baptist và vợ của ngài là một tín đồ Episcopal, cả hai bây giờ cũng đã trở thành Công giáo.
 
Top Stories
CHINE: Report de la huitième Assemblée nationale des représentants catholiques
Eglises d'Asie
08:46 04/12/2009
A l’issue d’une récente réunion des organes « officiels » de l’Eglise catholique en Chine, a été annoncé le report de la tenue de l’Assemblée nationale des représentants catholiques, laquelle devait siéger avant la fin 2009 pour notamment, élire les titulaires des deux postes, aujourd’hui vacants, de président de la Conférence des évêques catholiques de Chine et de président de l’Association patriotique des catholiques chinois. Aucune information n’a été donnée quant à la date de convocation de cette Assemblée, qui est censée se réunir tous les cinq ans et dont la septième réunion a eu lieu en 2004.

C’est lors d’une réunion à Pékin, les 25 et 26 novembre derniers, que les quelque 80 membres des organes permanents centraux de l’Association patriotique et de la Conférence des évêques « officiels » ont pris la décision de reporter la tenue de l’Assemblée nationale des représentants catholiques. Des évêques présents à cette réunion dans la capitale ont rapporté qu’il leur avait été dit que les dirigeants de l’Eglise n’avaient pas disposé d’assez de temps pour préparer cette huitième Assemblée. Le tremblement de terre du Sichuan en mai 2008 et la mobilisation qui s’en est suivie pour venir en aide aux populations sinistrées, les Jeux olympiques du mois d’août 2008 ou encore la célébration du 60ème anniversaire de la fondation de République populaire en octobre 2009, ont été autant d’événements qui ont mobilisé les énergies et qui expliquent le report de la tenue de l’Assemblée.

La convocation, attendue depuis plusieurs mois, de la huitième Assemblée nationale des représentants catholiques est un événement important. Si, d’évidence, cette structure est au nombre des organes tenus pour « incompatibles avec la doctrine catholique » dans la Lettre du pape Benoît XVI aux catholiques chinois, publiée en juin 2007, elle n’en est pas moins au centre de la politique de contrôle de l’Eglise catholique par le régime chinois.

Lors de sa précédente réunion, la septième du genre, en 2004, l’Assemblée nationale des représentants catholiques avait réuni environ 300 délégués, où, parmi des prêtres, des religieuses et des laïcs, les évêques étaient en minorité. L’Assemblée avait amendé ses statuts et réélu à leurs postes Mgr Michael Fu Tieshan, évêque « officiel » de Pékin, et Mgr Joseph Liu Yuanren, évêque « officiel » de Nankin, qui, tous deux, n’étaient pas reconnus par Rome en tant qu’évêques. Mgr Fu Tieshan présidait l’Association patriotique et Mgr Liu Yuanren la Conférence épiscopale « officielle ». Le premier est décédé en 2007, le second en 2005 et, depuis lors, les deux postes sont vacants.

Lors de la réunion des 25 et 26 novembre derniers, les évêques, prêtres, religieuses et laïcs convoqués à Pékin ont entendu des « rapports de travail » présentés par l’Association patriotique et la Conférence épiscopale. Ils ont également écouté les discours de Zhu Zeiqun, directeur adjoint du Front uni du Parti communiste chinois, l’organe qui chapeaute les institutions de la société civile non directement placées sous la tutelle du Parti, et de Wang Zuo’an, le directeur récemment nommé de l’Administration d’Etat pour les Affaires religieuses. L’une et l’autre personnalité ont rappelé les grands principes qui gouvernent la politique religieuse du pouvoir chinois.

En l’absence d’informations plus détaillées, les observateurs ne peuvent que supputer les vraies raisons du report de la huitième Assemblée. Pour Anthony Lam Sui-ki, chercheur au Centre d’études du Saint Esprit à Hongkong, le report annoncé est une « sage décision ». Cela montre que le gouvernement chinois commence à prendre en compte les commentaires émis à l’étranger sur sa politique religieuse. Tout en soulignant l’anormalité de la configuration qui place l’Assemblée nationale des représentants catholiques au-dessus de la Conférence épiscopale, le chercheur indique que le délai que se donnent les autorités chinoises est peut-être le signe qu’elles cherchent une solution pour remédier à cette anormalité.

Pour sa part, le cardinal Zen Ze-kiun, évêque émérite du diocèse de Hongkong, n’a eu de cesse, ces derniers temps, d’appeler les évêques « officiels » à se démarquer des instances que le pouvoir chinois qualifie de « démocratiques » mais qui sont contraires à la doctrine catholique en matière d’organisation de l’Eglise. On se souvient que le cardinal a appelé ces évêques, notamment ceux qui ont demandé et obtenu de Rome leur légitimation en tant qu’évêques, à mettre fin aux « compromissions » avec le régime chinois. Dans ce contexte, il est possible de penser que Pékin rencontre des difficultés à trouver des évêques reconnus par Rome qui acceptent de prendre la tête des organes « officiels » de l’Eglise catholique en Chine.

(Source: Eglises d'Asie, 4 décembre 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Báo Arkansas Catholic vinh danh một cộng đồng Công Giáo Việt Nam
Nguyễn Long Thao
08:45 04/12/2009
Báo Arkansas Catholic vinh danh một cộng đồng Công Giáo Việt Nam

Nguyệt san Arkansas Catholic của giáo phận Arkansas trong số đề ngày 5 tháng 12 năm 2009, đã đăng bài viết mang tựa đề “ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Nhỏ Bé Nhưng Thiết Yếu Cho Họ Đạo Nashville” (Small Vietnamese community is vital to Nashville mission) Ký giả Fran Presley viết rằng:

Khi Sàigòn rơi vào tay cộng sản năm 1975, nhiều người Công Giáo Việt Nam đã tìm tự do tại Hoa Kỳ. Họ mang theo đức tin kiên vững mà giờ đây đang làm cho nhiều giáo xứ thêm phong phú. Chẳng hạn như tại nhà thờ St. Martin ở thành phố Nashville, bà Denise Cobe, một nhân viên làm việc cho nhà thờ đã phát biểu về các thành viên trong công đồng Việt Nam ở nhà thờ này như sau: “Chúng tôi không thể làm đươc việc nếu không có họ”

Một trong những thành viên cộng đồng Việt Nam mà bà Cobb nói đến là ông Nguyễn Nghiã quê ở Sàigòn. Ông Nghiã nói rằng, nhà thờ vẫn là điều quan trọng nhất đối với đời sống ông. Sau khi đến Fort Chaffee, ông Nghiã muốn nuôi con trong một thành phố nhỏ và khi người bảo trợ cho gia đình ông hỏi ông có muốn định cư ở Nashville không? Ông chỉ hỏi lại có một câu:

- “ Ở đó có nhà thờ Công Giáo không?”

Rồi ông giải thích thêm:

-“Đối với tôi điều quan trọng nhất là kiếm ra thành phố nào có nhà thờ Công Giáo”

Khi ông biết đươc nhà thờ St. Martin là nhà thờ Công Giáo, ông đã không do dự đưa vợ và 5 con về Nashville sinh sống. Giờ đây các con ông đã trưởng thành, họ đã được nuôi dưỡng đức tin tại nhà thờ St. Martin.

Gia đình ông Nguyễn ở Việt Nam là gia đình đạo hạnh. Cô của ông là Mẹ bề trên của một tu viện. Nhiều người trong họ hàng ông cũng là các linh mục tu sĩ.

Một thành viên khác của cộng đồng người Công Giáo Việt Nam ở Nashville là ông bà Trần Nam. Câu chuyện ông bà Nam có khác đôi chút. Vợ ông là người Công Giáo, nhưng ông Nam không phải là người Công Giáo. Họ sống gần nhà thờ và đôi khi ông Nam đến nhà thờ. Sau khi đến định cư ở Fort Chaffee, ông Nam đã lãnh nhận bí tích rửa tội. Gia đình có 3 người và giờ đây cả ba đều hăng hái hoạt động cho giáo xứ.

Linh Mục Kevin Atunzu, chính xứ giáo xứ St. Martin, nói về các gia đình Việt Nam ở đây như sau:

- “Họ là những tín hữu kiên vững”

Vì nhà thờ St. Martin chỉ là một họ đạo (Mission) chưa phải là một giáo xứ (Parish) nên các thành viên phải đảm trách các công việc của họ đạo. Hai gia đình Việt Nam này đã tự nguyện làm những công việc của nhà thờ.

Bà Cobb người đảm trách các công việc điều hành, kế toán, ca trưởng cho họ đạo đã kể về hai gia đình Việt Nam này:

-“Tôi thật sự tri ân và ca ngợi việc họ nhiệt tình với giáo xứ, họ nỗ lực yểm trợ giáo xứ và tỏ ra quan tâm đến tất cả mọi người”.

Rồi bà nói thêm:

-“Tôi thật sự cảm phục điều họ thực hành đức tin. Mỗi ngày đi qua nhà thờ về nhà thì hầu như ngày nào tôi cũng thấy một trong hai người ấy đang lần hạt cầu nguyện trong nhà thờ”.

Cha Đỗ Duy Nho ở nhà thờ St. Patrick, thành phố North Little Rock thỉnh thoảng đến Nasville để dâng lể cho các gia đình Việt Nam. Cha cử hành thánh lễ tại tư gia.

Bà Cobb còn kể:

- “Ông Nam đến sớm để mở cửa nhà thờ. Vào ngày Chúa Nhật, ông mở cửa nhà Chầu để mọi người chầu Mình Thánh Chúa một giờ trước khi dự thánh lễ. Trong thánh lễ ông đọc bài đọc hai bằng tiếng Việt. Ông luôn luôn để ý xem nhà thờ có thiếu vật dụng gì không. Nếu thiếu ông báo cho nhân viên điều hành xứ đạo mua sắm. Ông Nghiã cũng làm như vậy. Cả hai ông thấy nhà thờ thờ cần làm gì thì hai ông tự làm, từ việc sử chữa nho nhỏ cho tới việc giúp lễ khi cần. Cả hai ông đều là thừa tác viên thánh thể và giữ vai trò hướng dẫn giáo dân trong các thánh lễ.

Còn bà Nam săn sóc vườn hoa của nhà thờ. Các bà Việt Nam thuộc giáo xứ St.Martin cắt hoa ở vườn nhà mình đem đến trang hoàng nhà thờ”


Ông Louie Graves một giáo dân của nhà thờ này nói hiện tại có khoảng 10 người Công Giáo Việt Nam ở đây. Ho thường xuyên đi nhà thờ và khách của họ cũng tham dự thánh lễ tại nhà thờ này. Ông phát biểu:

-“Họ thật là những người tuyệt vời. Có lúc ở đây đã có hàng chục gia đình Việt Nam đến định cư nhưng dần dần họ di chuyển đến các nơi khác có cộng đồng Việt Nam lớn hơn”

Tưởng cũng nên nói thêm, khi các vị Giám Mục Việt Nam thăm Hoa Kỳ, các vị Giám Mục Mỹ đều đưa ra một nhận xét với các vị Giám Mục Việt Nam rằng “ Giáo dân Việt Nam là một hồng ân của Chúa ban cho Giáo Hội Hoa Kỳ”.

Vài bằng chứng cụ thể là tại San Jose, bắc California, có hai nhà thờ. Một là nhà thờ giáo xứ St. Patrick trước kia là nhà thờ chính tòa của giáo phận San Jose. Hai là nhà thờ thánh Maria Goretti. Cả hai nhà thờ này đều lâm tình trạng thiếu hụt tài chánh một cách nghiêm trọng, có thể phải đóng cửa vì không đủ tài chánh trang trải. Nhà thờ St. Patrick đã được ĐGM trao cho các cha Việt Nam thành lập giáo xứ thể nhân cho người Việt Nam tại San Jose nên nhà thờ này đã hồi sinh và đang phát triển mạnh. Nhà thờ St. Maria Goretti có thành phần giáo dân đa chủng tộc: Mỹ, Mexicô, Phi Luật Tân. Số giáo dân Việt Nam và giáo dân Mễ ngang nhau nhưng đóng góp tài chánh cho giáo xứ, phần lớn là do giáo dân Việt Nam.
 
Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Lm. G. Trần Đức Anh
22:07 04/12/2009
Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa

VATICAN. Hôm 4-12-2009, Phòng Báo chí Tòa Thánh loan báo: ĐTC đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, GM Nha Trang, và Đức Cha Phó Giuse Võ Đức Minh đương nhiên lên kế nhiệm.

Đức Cha Phaolô Hòa năm nay 78 tuổi, sinh ngày 20-7 năm 1931 thuộc tổng giáo phận Hà Nội, được bổ nhiệm làm GM tiên khởi của giáo phận Phan Thiết ngày 30-1 năm 1975, nhưng chỉ 3 tháng sau đó ngài được thuyên chuyển về làm GM chính tòa Nha Trang, kế nhiệm Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Đức Cha Giuse Võ Đức Minh năm nay 65 tuổi, sinh ngày 10-9 năm 1944 tại Mỹ Đức thuộc Tổng giáo phận Huế, và từng làm Tổng đại diện của giáo phận Đà Lạt trước khi được bổ nhiệm làm GM Phó với quyền kế vị tại giáo phận Nha Trang ngày 8-11 năm 2005.

Cũng ngày 4-12-2009, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã mừng Kim Khánh Linh Mục trong dịp kết thúc tuần tĩnh tâm thường niên của các LM giáo phận Nha Trang (từ 30-11 đến 3-12-2009), tuy rằng ngài thụ phong linh mục vào ngày 20 tháng 12 năm 1959. (SD 4-12-2009)

G. Trần Đức Anh OP
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Sinh viên Công giáo xã Hưng Lộc họp đọc kinh bị Công an tập kích! - Vậy hòa giải kiểu gì?
Trầm Bình
08:45 04/12/2009
VINH - Trong khi cả giáo hội công giáo Việt nam vừa kết thúc những sự kiện vĩ đại trong tinh thần hướng tới “hòa giải” thì cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục ngấm ngầm khủng bố người công giáo.

Vào đêm 03 tháng 12 năm 2009. Một nhóm sinh viên nghèo thuộc tổ cao đẳng thành phố Vinh – tới đọc kinh tại gia đình bà Lê Thị Lâm, xóm Ngũ Lộc, xã Hưng lộc thành phố Vinh. Thì công an đã tập kích, khủng bố tinh thần bằng nhiều hình thức như họ đã quen làm với người công giáo. Kết thúc là họ dùng lại chiêu bài “ quần chúng tự phát” đánh vào sinh viên.

Anh chị em sinh viên bị vây kín trong ngôi nhà nhỏ của Bà lợi, trong khi họ đọc kinh, tay cầm tràng hạt thì liên tục các máy ảnh của những người được công an cử tới xông vào chụp ảnh lia lịa và khủng bố tinh thần bằng nhiều thủ đoạn khác. Bí quá một người trong nhóm đã gọi điện cho Cha Kế Quản xứ Yên đại và Cha Hướng quản hạt Cầu Rầm. Hai Cha đã gọi điện tới công an Thành phố Vinh, chỉ sau 5 phút, Công an và đám quần chúng tự phát rút lui ra vòng ngoài, một số họ về trụ sở UBND xã Hưng lộc nhưng đám “quần chúng tự phát” vẫn thi hành mệnh lệnh, phục kích trên đoạn đường tối ở bên ngoài, khi các sinh viên ra về thì họ đánh.

Mấy ngày trước đó Gia đình Bà Lâm bị Công an khu vực sách hoạch đủ điều và liên tục gửi giấy mời thẩm vấn nhưng bà Lâm không ký vào bất cứ biên bản nào do chính quyền đề nghị. Bà luôn khẳng định:

Việc sinh viên công giáo tới gia đình của bà để đọc kinh tối và chia sẽ lời chúa mỗi tuần là việc làm tốt”.

Thử hỏi chúng tôi những sinh viên nghèo họp nhau để cầu nguyện và học hỏi về năm thánh, vậy mà chính quyền cho công an tới bao vây, thuê đám người côn đồ, đập cữa quậy phá, thử hỏi chính quyền Việt nam đang muốn “ hòa giải ” kiểu gi? Chế độ này phải thể hiện một chút thiện chí nào đó để thế hệ trẻ hôm nay còn có ít thiện cảm để vớt vát một chút niềm tin vào kẻ cầm quyền chứ, nếu cứ mãi cái chiêu bài “quần chúng tự phát” như vậy thì các ông tự thủ tiêu quyền lực của đảng rồi. Chúng tôi, những sinh viên nghèo luôn bước đi trong sự thật, sao các ông lại lợi dụng bóng tối để khủng bố chúng tôi? Phải có một sân chơi tri thức, và một lối hành xử nhân bản, may chi còn có không gian để nói về và tiến tới sự “ hòa giải”. Nếu cứ tiếp tục những lối hành xử vũ phu như vậy thì chúng tôi, những tri thức trẻ công giáo sẽ bỏ qua công đoạn “quá độ của hòa giải” và nhắm thẳng vào niềm hi vọng trong sự thật để xây dựng dân tộc.

Chúng tôi đang ôm ấp một lý tưởng chân chính để xây dựng dân tộc việt Nam. Chính các ông đang phá lý tưởng thiêng liêng đó nơi chúng tôi. Nếu những thực tế ở Đền Hùng vừa qua làm chúng tôi hi vọng như thế nào thì lối hành xử của công an Nghệ an vừa qua làm chúng tôi thất vọng như vậy. Phải chăng “ bạo lực” là cách chính quyền hôm nay dùng để đối thoại với tôn giáo ?

Có người bảo sao các em không chụp ảnh và làm đơn trình lên Công an Tỉnh Nghệ an? Chúng tôi trả lời: chúng tôi sống đạo không cần thành tích vậy mang theo máy ảnh làm gi? Chúng tôi tới đọc kinh với gia đình, sao phải “xin” mới “cho” nhĩ? Ở Thành phố vinh giới trẻ nghiện ngập tràn lan, Kim tiêm vứt đầy ở Quảng trường Hồ chí minh. Sao các ông không tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc tốt, chẳng lẽ các ông muốn xua chúng tôi vào các sàn lắc, góc điếm? Hãy tạo cho chúng tôi một sân chơi tri thức trẻ lành mạnh. Nếu các ông không cho, chúng tôi vẫn tham gia tích cực vào những việc tốt khác có ích cho cộng đồng, cho Thành phố Vinh, cho xứ nghệ và cho dân tộc này. Đó là bản chất của người trẻ xứ nghệ, là lý tưởng của sinh viên công giáo. Chúa và giáo hội Công giáo dạy chúng tôi như thế.
 
“Báo chí (hay dư luận) đi trước, cơ quan nhà nước theo sau”
Lm Nguyễn Hồng Giáo, ofm
12:25 04/12/2009
“Báo chí (hay dư luận) đi trước, cơ quan nhà nước theo sau”

Có một điều tôi thường nghĩ tới mỗi khi đọc báo hay theo dõi tin tức trên các phương tiện truyền thông khác, đó là cái mà tôi gọi là hiện tượng báo chí đi trước cơ quan nhà nước theo sau, rất quen thuộc nơi bộ máy cầm quyền ở nước ta. Xin thử mô tả và phân tích.

1. Sự kiện

- Để bắt đầu, xin đơn cử một chuyện thời sự nóng hổi trong thời gian cuối tháng 11-2009 này tại Tp HCM: chuyện “hành phi”, mà báo Thanh Niên gọi là một “bí mật” được phanh phui. Một số cơ sở sản xuất “hành phi” rất lớn tại đây, hàng ngày tung ra thị trường tiêu thụ hàng chục tấn hành phi dùng làm gia vị trong nhiều loại thức ăn từ trong các quán xá bình dân cho đến những nhà hàng, khách sạn sang trọng. Nhà báo đã xâm nhập vào tận nơi để thấy tận mắt chủ cơ sở sử dụng một “công nghệ cực kỳ mất vệ sinh”, với dầu bẩn là loại dầu đen, dầu phế thải, có khi thu gom từ hố ga được dùng để “phi” (chiên) hành. Thứ dầu đen này cũng được sử dụng trong một số cơ sở sa tế, làm tương ớt, chiên đậu hũ … Phát hiện trên khiến độc giả lại một lần nữa phải “rùng mình”. Và cũng như thường lệ, một lần nữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan lại vào cuộc lập ban chuyên án, v.v. (x. Thanh Niên, các số ra ngày 23 đến 26-11-2009).

Những chuyện “Báo chí (hay dư luận) đi trước, cơ quan nhà nước theo sau” như trên thì nhiều vô kể, chỉ xin nêu thêm vài trường hợp mà chắc độc giả chưa quên.

- Một Vedan tại Tp HCM. Công ty thuộc da Hào Dương lén lút xả nước thải chưa xử lý trực tiếp vào sông Đồng Điền. Tình trạng này kéo dài từ cuối năm 2007 và liên tục mãi, đến khi báo chí lên tiếng đặt nghi vấn thì cảnh sát môi trường mới bắt được quả tang (x. Tuổi Trẻ 13-10-2008).

- Sân golf tràn lan và trá hình. Theo báo chí, cả thế giới chỉ có 2500 sân, và trung bình mỗi nước chỉ có 14 sân, còn riêng Việt Nam đã có 166 dự án trong 41/63 tỉnh, thành phố; trong số các dự án đó, 145 dự án đã được cấp đất. Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư xác nhận: Phần lớn đất sân golf lấy từ đất nông nghiệp và chỉ có 30% là diện tích sân golf thực sự, còn lại là kinh doanh bất động sản (x. Tuổi Trẻ 13-6-2009). Chuyện rành rành như thế trước mắt bao nhiêu “ông” chính quyền từ nhiều năm nay, nhưng chỉ khi được đưa ra dư luận, các ông mới lo rà soát lại và điều chỉnh. Tại sao?

- Trường Đại học “ba không”. Báo Tuổi Trẻ trong các số ra ngày 14 và 17-10-2009 đưa tin về Đại học Phan Thiết được thành lập trong điều kiện còn rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, bộ máy quản lý và đội ngũ giảng dạy. Thế nhưng trường vẫn bắt đầu tuyển 750 học sinh. Thì ra Bộ Giáo dục-Đào tạo đã cho phép mở trường lớp trên cơ sở báo cáo thiếu trung thực của địa phương, chẳng hạn giả mạo chữ ký giảng viên để đủ số xin thành lập. Hành vi gian dối đó không do Bộ phát hiện ra nhưng do báo chí phanh phui. Bấy giờ Bộ mới vội vàng cử đoàn thanh tra vào cuộc. Nhân vụ Đại học Phan Thiết, dư luận mới biết rõ là từ nhiều năm nay rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng “ba không” tương tự đã được ồ ạt thành lập ở các địa phương (“ba không” là không đủ giảng viên, không đủ cơ sở, không có hệ thống chương trình, giáo trình phục vụ đào tạo theo luật định). Chính Bộ nhìn nhận rằng nhiều trường Đại học và Cao đẳng ra đời trong vòng 10 năm trở lại đây vẫn chưa hoàn thiện được các điều kiện đòi hỏi mà các chính quyền hữu quan đã hứa hẹn khi xin phép.

2. Nguyên nhân

Tôi còn có sẵn trong đầu nhiều chuyện khác nữa mà báo chí đã “đụng” tới và sau đó công quyền mới “quan tâm”, như: vụ nhà máy Vedan hủy hoại trầm trọng môi trường tại Đồng Nai (cả nước đều biết); rất nhiều vụ tiêu cực về đất đai, dự án, đền bù; ở TP cũng như nhiều nơi khác, không mấy cơ sở sản xuất nước tinh khiết đạt tiêu chuẩn; sự kiện các địa phương đua nhau đặt những trạm thu phí quá gần nhau trái qui định, khiến cho “phí chồng lên phí” đối với người lưu thông; tình trạng “khủng khiếp” của nhà vệ sinh trong trường học; trẻ em và người già bị khống chế khai thác kiếm tiền cho bọn bất lương giữa thanh thiên bạch nhật trong Tp HCM … Tôi muốn nói rằng tôi không cường điệu hay khái quát vội vàng. Vậy tưởng có thể ngưng lại đây và thử phân tích nguyên nhân.

Chẳng lẽ những chuyện quan trọng như thế mà những cán bộ, những ban ngành quản lý có liên quan không biết sao? Làm gì có chuyện đó! Chắc chắn họ biết, nhưng ngại nêu vấn đề lên vì đủ thứ lý do, - không kể lý do tiêu cực cố ý. Có vẻ như “ông” nào cũng tự nhủ: Không ai nói tới thì cứ để đó, khuấy lên chi cho mệt hoặc cho người ta “kiếm chuyện” với mình … Cũng chắc chắn có lúc có người mạnh dạn đưa vấn đề hay sự việc ra giữa nội bộ, nhưng chính vì để ở trong vòng nội bộ mà vấn đề không mấy khi được giải quyết hay giải quyết đến nơi đến chốn. Giải quyết tận gốc, e rằng có thể “đụng” tới “nhiều người”. Tâm lý chung là “xin hai chữ bình yên” …

Ở nước ta hiện nay, dường như người nắm quyền chỉ sợ dư luận mà thôi; luật pháp dễ dàng lách, còn dư luận thì khó tránh né hay dập tắt; họ chỉ chịu “vào cuộc” khi công chuyện đã bị tung ra ngoài, -không phải do tinh thần trách nhiệm cho bằng vì sợ bị phê bình, bị mất điểm, mất tiếng (tốt), mất điểm thi đua, mất chức, v.v. Quả thực, bình thường lãnh đạo cấp trên có thể nhắm mắt làm ngơ trước những yếu kém hay sai trái của lãnh đạo cấp dưới mình, nhưng khi tình trạng đó đã đến tai đến mắt công luận rồi thì ít ai còn dám công khai đứng ra bảo vệ họ. Tuy nhiên cũng không thiếu trường hợp người ta chỉ xử lý qua loa cho xong chuyện đợi khi dư luận “hạ nhiệt” hay báo chí chuyển qua những vấn đề thời sự khác, bấy giờ mọi chuyện lại đâu vào đấy cả, hay như thiên hạ nói, phân trâu để lâu hoá bùn!

Vậy nói cho cùng, nguyên nhân chính của hiện tượng “báo chí đi trước, cơ quan nhà nước theo sau” có lẽ phải tìm trong chính sách cán bộ hiện hành sản sinh ra một lớp cán bộ công chức phần đông chưa đủ tài năng và đức độ.

1-12-2009
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Rừng Thu Muộn
Lm. Tâm Duy
23:06 04/12/2009

BÊN RỪNG THU MUỘN



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Tôi về lạc lối thu ngây

Rừng thu tiếng sóc nghe gầy tim hao

Ôi thông xanh ôi hồng đào

Phong rêu mấy thuở hồn nào không đau.

(Trích thơ của Cung Trầm Tưởng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền