Ngày 04-12-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sửa
Lm. Vinh Sơn. scj
11:48 04/12/2017
Chúa Nhật II Mùa Vọng B
Is 40, 1-5.9-11; 2Pr 3, 8-14; Mc 1, 1-8

Để phát triển xã hội, chúng ta đang bước vào thời kỳ đô thị hóa để xây dựng đất nước văn minh, quy hoạch biến các vùng đất hoang vu, có khi cả đất đang canh tác trồng trọt thành đô thị mới, khu công nghiệp để phát triển… việc đầu tiên đô thị hóa là phải làm đường, nhưng con đường đi lại trong đô thị, nhưng con đường nối liền giữa các đô thị, giữa nông thôn và thành phố để giao thương, đi lại. Cho nên hệ thống đường sá hiện đại là một yêu cầu tiên quyết để phát triển. Để biết được sự phát triển của một quốc gia, người ta chỉ cần coi hệ thống đường xá giao thông…

Ở chính các đô thị với thời gian ngày càng phát triển, dân cư gia tăng, hệ thống đường sá không kịp nâng cấp, không mở rộng thì sẽ xảy ra cảnh ùn tắc giao thông làm chậm trễ mọi sinh hoạt như chúng ta thấy ở Sài gòn cảnh kẹt xe suốt ngày đặc biệt vào các giờ đi làm hay tan sở trở nên « chuyện thường ngày ở thành Sài». Đường xá không sửa chữa, lồi lõm ổ gà ổ vịt, ổ trâu, có khi là ổ voi, làm tai nạn giao thông gia tăng, gây hại cho biết bao nhân mạng và tài sản…. Chúng ta thấy rõ tận mắt trên các tuyến đường mà chúng ta đi qua, hay thông tin trên các phương tiện thông tin về giao thông…. Tai nạn giao thông gia tăng vì đường xá hư hại chưa được sửa chữa kịp thời.

Những con đường lồi lõm, hư hại luôn cần phải được sửa chữa đó là nhu cầu cấp bách của cuộc sống hằng ngày. Hình ảnh sửa đường để việc đi lại dễ dàng, phố xá sạch đẹp, gợi nên cho chúng ta một nhu cầu cấp bách tâm linh trong mùa Vọng : “sửa ”. Sửa đường tâm linh để chuẩn bị mừng đón mừng Chúa đến trong mầu nhiệm Chúa nhập thể mà chúng ta mừng lễ Giáng Sinh hằng năm và sẵn sàng chờ đón Ngài đến với chúng ta trong ngày quang lâm để phán xét mà ngày giờ chưa được biết... Cho nên phải sẵn sàng, sẵn sàng những con đường tâm linh được sửa chữa ngay thẳng, tươi đẹp.

Tin mừng Marco mở đầu bằng lời kêu gọi sửa đường để đón chờ Chúa, và Gioan đã rao giảng tâm tinh sám hối, chính nếp sống giản dị của Gioan mang tâm tình sám hối, sửa đường.

Hãy sửa đường, hãy mở đường như Ngôn sứ Isaia viết: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40,3-4).

Những gồ ghề quanh co của tâm hồn, những sai lầm cần phải sửa chữa tiên quyết vì như Lê-ô-nôp nói :” Những sai lầm không được sửa chữa ngay dần dần trở thành một phần của tâm hồn”.

Đường vào tâm linh của chúng ta luôn hiện hữu nhưng núi đồi cũa kiêu căng tự phụ luôn muốn nâng mình lên trên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ. Cần phải bắt những núi đồi đó xuống để Chúa đi vào tâm hồn ngay thẳng với tâm tình đơn sơ.

Tâm hồn chúng ta có những hố sâu của tham lam chiếm đoạt, muốn thu vén vào túi riêng trong cuộc sống tương quan với người khác và ngày cả đời sống cộng đồng khi mang trách nhiệm xã hội. Hố sâu của chia rẽ, bất hoà. Hố sâu của ganh ghét, đố kỵ, hố sâu đam mê, hố sâu dục vọng…. Cần phải lấp cho đầy.

Đường vào tâm hồn có những khúc quanh co: con đường quanh co của lén lút sống trong vòng tội lỗi. Khúc quanh của dối trá, gian dối với Chúa, gian với người khác và với chính mình, Sách Cách Ngôn có dạy “Thiên Chúa ghê tởm tâm địa quanh co” (Cn 11,20). Cứu cánh của kẻ quanh co là gian ác, cho nên cần phải uốn nắn lòng mình thẳng ngay như sách Cách Ngôn nói : “Đường lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động của người trong sạch thì ngay thẳng” (Cn 21,28). Uốn những quanh co là sống Chính trực công minh ngay thẳng ví như tác giả thư Do Thái nhấn mạnh: “Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác” (Dt 1,9);

Tâm hồn ta có những những gồ ghề của ngang ngạnh… Mọi gồ ghề luôn ngăn trở chúng ta trong các quan hệ tốt đẹp với tha nhân, phải bạt xuống và san phẳng đi, để tình người và lòng bác ái cứu độ của Đức Kitô đến. Chúa đang cần đi trên những con đường lòng chính trực, hành vi ngay thẳng, tâm tình đơn sơ, hiền hòa và khiêm tốn luôn sẵn sàng sửa...

Chúa đến với ta, ta phải khai phá đường, con đường ấy chính là tâm trạng sẵn sàng đón Chúa đến, sẵn sàng đến với Ngài, gặp gỡ Ngài.

Gioan Tẩy Giả đón Chúa đến bằng một nếp sống đơn sơ và khổ chế: sống trong hoang địa, ăn châu chấu và uống mật ong rừng, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da. Ông kêu gọi mọi người dọn tâm hồn để đón Đấng Cứu Thế, thì chính ông đã sống như con đường thẳng. Ông mời gọi người ta sám hối, thì chính đời ông đã mang nét sửa chữa bằng tâm tình sám hối tâm thành.

Sách Đông tây cổ kim tinh hoa có đề cập đến Lưu Cơ một danh sĩ nước Tầu về đời nhà Minh viết một bài văn kể lại câu chuyện Người bán cam:

Ở Hàng Châu (bây giờ là tỉnh Chiết giang) có người bán các thứ hoa quả, anh ta để dành cam rất khéo, để lâu không ủng, vỏ vẫn đỏ tươi, trông đẹp như vàng ngọc. Anh đem ra chợ bán rất đắt người người tranh nhau mua.

Ta thấy vậy, cũng lại mua một quả đem về. Nhưng bóc ra thì hơi xông lên mũi như múi cam thì bông nát. Vì thế, ta phải ra chợ tìm người bán cam, trách rằng :

- Anh bán cam cho người ta cúng lễ, để đãi khách khứa, hay là chỉ làm cho đẹp bề ngoài để đánh lừa người ta. Tệ thật, sao anh làm người mà giả dối như vậy ?

Người bán cam cười đáp :

- Tôi làm nghề này đã lâu năm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán, thiên hạ mua chẳng ai nói gì chi nhiều. Ông ơi, người đời giả dối nhiều, há phải một mình thằng này đâu. Sao ông trách tôi mà không nghĩ. Kìa nhiều người đeo hổ phù ngồi da cọp, hùng dũng trơng thật đáng quan võ, nhưng xét sự thật được bằng Tôn Tẫn, Ngô Khởi hay không ? Người đội mũ cao, thắt đai dài, đường hồng ra vẻ quan văn lắm, nhưng xét sự thật hỏi được như Y Doãn, Cao Dao hay không ? Than ơi, giặc giã không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ mục nát không biết sửa, ngồi rồi ăn lương không biết xấu. Thế mà lúc ở công đường ăn của qúi, uống rượu ngon, đi xe ngựa, trông thật oai vệ, thật vô cùng hách dịch. Dĩ bề ngoài chẳng như vàng như ngọc mà trong như bông nát là gì ? Sao ông không xét những người ấy lại chỉ chú ý vào quả cam của tôi.

Ta nghe nói, nín lặng không trả lời sao được, và nghĩ người ấy có giọng khôi hài nên có cảm tưởng :

- Dễ chừng anh ta ghét kẻ gian tà, giận phường thế tục, mới nhân chuyện bán cam để dạy mình đây chăng ? (Thái Bạch, Đông tây cổ kim tinh hoa, tr 194-195).

Thật thế, đời còn nhiều gian tà, giả dối, cần được sửa chữa, sửa chữa bắt đầu từ chính con người mình, sửa chữa tâm hồn. Như “tiếng kêu trong hoang địa:

“ Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường…”

Để Chúa đến viếng thăm…

Vâng,

Đường Đức Chúa đến viếng thăm

Sửa thẳng, uốn ngay, tâm luôn sẵn sàng

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một làng dân tộc Bangladesh theo đạo nhờ gương sống của một linh mục
Linh Mục
10:28 04/12/2017
Ngày 01/12 vừa qua (năm 2017), trong chuyến viếng thăm Bangladesh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại công viên Suhrawardy Udyan cho khoảng 100 ngàn tín hữu và ngài đã truyền chức Linh mục cho 16 phó tế. Cha Josim Murmu, 30 tuổi, là một trong số 16 tân linh mục. Cha là người đầu tiên trong làng của cha trở thành linh mục. Chính chứng tá Kitô hữu của cha đã đưa gia đình cha trở lại Công Giáo và sau đó, trong vòng 4 năm, toàn thể 800 người trong làng của cha đã đón nhận phép rửa tội. Cha Josim đã chia sẻ với hãng tin Á châu rằng những người quan trọng nhất với cha là gia đình và trên hết là người bố đau bệnh của cha. Cha cho biết, dù đi lại đối với bố của cha thật khó khăn, nhưng ông không thể vắng mặt trong ngày trọng đại nhất đời của cha.

Cha Josim sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Pollibut, giáo phận Dinajpur, miền bắc Bangladesh. Bố của cha là một nông dân, còn mẹ cha là người nội trợ ở nhà, chăm sóc 7 người con, 4 trai 3 gái. Người dân sinh sống tại làng của cha Murmu đều là những người thuộc các bộ tộc, theo đạo thờ vật linh; họ chịu ảnh hưởng của Ấn độ giáo. Từ khi còn là một trẻ nhỏ, cha Josim đã được “gặp” Chúa Kitô qua cuộc gặp gỡ với cha Giêrônimô, một linh mục dòng Phanxicô. Cha Josim kể lại: “Một ngày kia, cha Giêrônimô đến gặp và nói với tôi: ‘Josim, chúng ta đi dạy cho những người đó.” Và tôi đã đi cùng với cha Giêrônimô. Sau một thời gian theo cha Giêrônimô, trong lòng tôi nảy sinh ước muốn trở nên giống như cha ấy.” Cậu bé Josim đã hỏi cha Giêrônimô làm thế nào để trở thành một Kitô hữu và câu trả lời của cha làm cho cậu bé ngạc nhiên: “Đầu tiên con phải học hành đã.” Sau một thời gian chuẩn bị và cầu nguyện, Josim nói cho gia đình biết là cậu muốn được rửa tội. Thế là đến lượt gia đình của Josim lại ngạc nhiên. Cha Josim kể: “Mọi người đồng ý với tôi, họ chấp nhận quyết định của tôi. Họ đã nói với tôi rằng họ cũng muốn trở thành các Kitô hữu. Thế là cả gia đình tôi đã theo đạo Công Giáo.”

Còn một sự kiên quan trọng khác trong hành trình ơn gọi của cha Josim, đó là cuộc nói chuyện với một linh mục khác. Cha Josim chia sẻ: “Cha ấy đã nói riêng với tôi: ‘Josim, con có một ngọn lửa đang cháy bỏng trong lòng con. Đừng dập tắt nó’. Ngọn lửa đang cháy đó chính là Chúa Kitô.” Trong thời gian đó, chàng trai trẻ Josim đã hoàn thành giai đoạn một của chương trình đại học và quyết định gia nhập chủng viện Dinajpur. Cha Josim chia sẻ về ước muốn của mình khi ấy: “Mong ước của tôi là trở thành linh mục, dạy dỗ cho ngừoi khác, làm việc vì họ, rao giảng Tin Mừng là Thiên Chúa.”

Cha Josim đã là một chứng tá trong cuộc sống và chính thái độ và cách sống của cha đã thu hút những người dân làng của cha. Chỉ trong vòng 4 năm, toàn bộ dân làng của Cha đã trở lại và được rửa tội. Cha Josim nhớ lại: “Ban đầu họ không chấp nhận Tin mừng, họ chống lại chúng tôi và không muốn giúp đỡ chúng tôi. Họ thuộc các nhóm khác nhau, họ có nhiều truyền thống từ Ấn giáo, như là thờ các thần và dâng cúng cho các thần. Dù là nghèo khổ, họ dâng những thứ họ có. Tôi đã không biết phải làm gì và tôi đã trao đổi với vị linh hướng của tôi. Ngài nói với tôi: ‘Con đừng lo lắng. Hãy sống cuộc sống của con, đi theo quyết định của con cho đến cùng. Họ sẽ hiểu và từ từ cuộc sống của họ cũng sẽ thay đổi.’”

Cha Josim xác tín mạnh mẻ rằng: “Chúa Giêsu Kitô đã đến cho tôi. Ngài là bạn, là Chúa của tôi, là Đấng dựng nên tôi. Khi Ngài đến thế gian này, Ngài đã dạy dỗ và giảng dạy cho dân chúng. Ngài đã trao ban sự sống của Ngài vì tôi. Ngài đã đến trên trái đất này và đã cứu tôi khỏi tội lỗi, Ngài đã chết để cứu tôi khỏi tội lỗi.” Sau khi được chịu chức linh mục, cha Josim sẽ bước theo gương mẫu của mình. Cha chia sẻ rằng cha sẽ đi làm chứng cho Chúa Kitô, rao giảng Tin mừng, không phải bằng cách hét thật to. Cha nói: Khi tôn trọng niềm tin của mỗi người, Phật giáo hay Hồi giáo, tôi sẽ mang Tin Mừng cho họ và theo gương hoạt động vì con người của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi sẽ phục vụ dân tộc của tôi trong giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Suihari, nơi tôi sẽ là phụ tá của cha xứ Gian Battista Zanchi. Tôi yêu quý dân của tôi, người nghèo và người khuyết tật, Kitô hữu và Hồi giáo. (Asia News 29/11/2017)
 
Muốn có kỷ vật của ĐGH xin mời mua vé số.
Nguyễn Long Thao
11:51 04/12/2017
Vatican. Tòa Thánh Vatican đã công bố cuộc bán vé số lần thứ 5 để lấy tiền giúp những nơi cần giúp đỡ.

Giải thưởng cho các vé số trúng là các kỷ vật qúy giá mà các vị nguyên thủ quốc gia đã trao tặng Đức Giáo Hoàng khi họ đến yến kiến Ngài tại Vatican.

Theo thông báo thì vé số được bắt đầu bán từ ngày 30 tháng 11 năm 2017. Vé được bán tại các nơi có công chúng đến nhiều như bảo tàng viện Vatican, tiệm sách, sở bưu diện, nhà thuốc. Vé cũng được bán tại sảnh đường Phaolô VI vào ngày 16 tháng 12 nhân dịp tại đây có buổi hòa nhạc Giáng Sinh gây quỹ giúp người nghèo.Người mua cũng có thể mua vé trên mạng điện tử ở điạ chỉ www.vaticanstate.va. Gía mỗi vé số là 10 Euros hay 11 dollars. Ngày xổ số là 2 tháng 2 năm 2018. Vé số trúng giải sẽ được công bố trên mạng lưới điện tử nói trên của Tòa Thánh Vatican.

Theo thông lệ, chính ĐGH sẽ quyết định tặng số tiền thu được qua cuộc xổ số cho cơ quan từ thiện nào Ngài muốn. Năm ngoái ĐTC đã trao tặng số tiền thu được cho các người vô gia cư và các nạn nhân động đất tại Italia.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gx. Vĩnh Hòa: Mừng lễ Thánh Phanxicô Xaviê
Văn Minh
19:26 04/12/2017
“Chúng ta hãy cầu nguyện cho các anh chị huynh trưởng GLV được nhiều sức khỏe, và góp phần xây dựng cộng đoàn ngày một lớn mạnh trong đức tin, đức cậy, và đức mến”.

Trên đây là lời chia sẻ của cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, trong Thánh lễ mừng kính Thánh Phanxicô Xaviê – bổn mạng Đoàn TNTT xứ đoàn Vĩnh Hòa, cùng Nghi thức Tuyên hứa Ban Trợ tá đã diễn ra lúc 7g00 sáng Chúa Nhật ngày 03.11.2017.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể do cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán - chủ tế. Đồng tế cùng ngài có cha cố Giuse Maria Trần Văn Lộc. Đến tham dự Thánh lễ, ngoài các anh chị huynh trưởng GLV trong giáo xứ còn có, quý thầy ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, quý vị phụ huynh, quý vị ân nhân, các anh chị cựu huynh trưởng qua các thời kỳ, cùng các em thiếu nhi và đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ hiệp dâng.

Trước Thánh lễ, đại diện Ban Trợ tá, các em Lễ sinh, rước quý cha từ trước sân vào trong ngôi thánh đường trong sự hân hoan chào đón của gần 400 em thiếu nhi trong các lớp giáo lý.

Giảng trong Thánh lễ, cha Gioakim chia sẻ: Hôm nay, chúng ta bước vào Mùa vọng, Giáo hội mời gọi các tín hữu chuẩn bị mừng kính việc Con Thiên Chúa đến với loài người lần thứ nhất, đồng thời hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì vậy, Mùa vọng phải được coi là mùa chuẩn bị tâm hồn sốt sắng và tràn trề niềm hy vọng và hân hoan.

Cha Gioakim diễn giảng tiếp, cũng trong ngày hôm nay, chúng ta cũng mừng kính Thánh Phanxicô Xaviê, quan thầy của Đoàn TNTT Vĩnh Hòa, các anh chị huynh trưởng GLV đa phần đều ở độ tuổi còn rất trẻ, đã hy sinh thời gian công sức bản thân để đem những kiến thức giáo lý học được của mình truyền dạy cho các em trong giáo xứ năm tháng qua. “Chúng ta hãy cầu nguyện cho các anh chị huynh trưởng GLV được nhiều sức khỏe, và góp phần xây dựng cộng đoàn ngày một lớn mạnh trong đức tin, đức cậy, và đức mến”.

Sau bài giảng, cha xứ đã chủ sự nghi thức tuyên hứa cho Ban Trợ tá ngay trên cung thánh, những cánh tay giơ cao với lòng nhiệt thành sẵn sàng dấn thân hy sinh phục vụ, và không ngừng trau dồi bản thân để ngày một nên thánh thiện hơn.

Thánh lễ nối tiếp với lời nguyện tín hữu cùng với của lễ được các em thiếu nhi cùng cha chủ tế dâng lên Thiên Chúa.

Sau lời nguyện hiệp lễ, anh Batôlômêo Đỗ Xuân Phương, đoàn trưởng, thay mặt lên cảm ơn cha xứ Gioakim, quý cha cố Giuse, quý cha giáo, quý vị HĐMVGX cùng đại diện các ban ngành đoàn thể, quý vị ân nhân, quý vị phụ huynh, cách riêng, đối với Ban Trợ tá, đã giúp cho Đoàn TNTT trong thời gian qua, cũng như trong Thánh lễ hôm nay được tốt đẹp. Để tỏ lòng tri ân, em thiếu nhi đại diện dâng lên quý cha bó hoa tươi thắm trong tiếng pháo tay giòn giã của các em và cộng đoàn. Nhân dịp này, Đoàn cũng trao cho một số em giấy chứng nhận đã tham gia trại huấn luyện đội trưởng. “Gieo mần tin yêu 1”.

Đáp từ, cha xứ cảm ơn quý vị phụ huynh cũng như những ai đã và đang giúp cho các anh chị huynh trưởng GLV có thời gian, hy sinh công sức bản thân để đem những kiến thức giáo lý của mình truyền dạy cho các em. Đồng thời, chúc cho anh chị huynh trưởng nhiều sức khỏe và không ngừng học hỏi Thánh Phanxicô Xaviê để trở nên những nhà truyền giáo mới của ngày hôm nay.

Thánh lễ kết thúc 8g15, các em lãnh nhận ơn bình an từ quý cha ra về với lòng nô nức cùng một phần quà cầm trên tay được các anh chị huynh trưởng trao cho mỗi em nhân ngày lễ mừng bổn mạng.

Được biết hiện nay, Đoàn TNTT xứ đoàn Vĩnh Hòa có gần 50 GLV cùng với hai thầy ở ĐCV, truyền dạy giáo lý cho gần 400 em trong các lớp vào lúc 9g00 sáng đến 10g00 ngày Chúa Nhật hằng tuần.

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cảm thức đức tin và cuộc tranh luận về đồng tính luyến ái
Vũ Văn An
17:01 04/12/2017
Cuộc tranh luận về đồng tính luyến ái trở nên gay gắt khi càng ngày càng có nhiều quốc gia hợp pháp hóa “hôn nhân” đồng tính. Thoạt đầu, những người ủng hộ việc này phần lớn thuộc các hệ phái khác của Kitô Giáo. Sau đó, lây lan qua các chính trị gia Công Giáo tự coi mình là cấp tiến. Và từ ngày có tuyên bố “tôi là ai mà dám phê phán” người đồng tính, nhiều giáo sĩ và cả giáo phẩm Công Giáo không “e ngại” lên tiếng ủng hộ công khai hay mập mờ hình thức “hôn nhân” mà thực ra không hề là hôn nhân chút nào này.

Người nổi tiếng nhất của nhóm trên hiện nay là Linh Mục James Martin, Dòng Tên, biên tập viên tổng quát (editor-at-large) của tạp chí America, Hoa Kỳ, tác giả cuốn Building a Bridge: How the Catholic Church and the LGBT Community Can Enter into a Relationship of Respect, Compassion, and Sensitivity (Harper One, 2017).

Giáo Sư Robert P. George của phân khoa luật ở hai Đại Học Princeton và Harvard cho rằng Cha Martin thực sự bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội về tính dục và hôn nhân, nhưng tại sao cha lại không chịu nhận như thế?

Thực chất bác bỏ giáo huấn Thánh Kinh

Ông đi tìm hiểu nguyên do. Ai cũng biết giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề trên không thể rõ ràng hơn, một giáo huấn hoàn toàn theo Thánh Kinh: hôn nhân là cuộc kết hợp nên một thân xác của chồng và vợ, còn các hành vi tính dục phi phu thê, bất luận dị tính hay đồng tính, là vô luân từ trong nội tại.

Giáo Sư George cho rằng tuy Cha Martin chưa bao giờ công khai bác bỏ giáo huấn trên, nhưng những việc Cha làm và các câu Cha nói chứng minh rằng Cha bác bỏ giáo huấn này. “Cha gán cho các người chống lại việc tái định nghĩa hôn nhân là cuồng tín, so sánh những ai không tham dự các đám cưới đồng tính với các người kỳ thị chủng tộc, thậm chí tuyên bố rằng phần lớn những người chỉ trích phương thức của Cha là bị thúc đẩy bởi lòng giận dữ do ẩn ức sinh lý bị kìm hãm nuôi dưỡng… Cha còn kết án những người ủng hộ hôn nhân phu thê là các chi thể ‘đồi bại’ và ‘điên loạn’ của thứ Công Giáo cực hữu”.

Chính Giáo Sư George yêu cầu Cha xác nhận Giáo Hội dạy gì về hôn nhân và tính dục, nhưng Cha làm ngơ. Không những thế, những người ủng hộ Cha còn kết tội Giáo Sư là “tấn công” ngài là “xử án” ngài theo lối Tòa Án Dị Giáo!

Cha chỉ nhấn mạnh duy nhất một điều “tôi không bác bỏ giáo huấn ấy”. Thiển nghĩ đây cũng là tác phong của tất cả những khuôn mặt “đáng kính” trong Giáo Hội hiện nay đang minh nhiên hoặc mặc nhiên (đánh lộn con đen) lên tiếng ủng hộ đồng tính nói chung và hôn nhân đồng tính nói riêng.

Tại sao thế? Theo Giáo Sư George, một số người cho rằng Cha Martin nói dối, khi nói rằng ngài không bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội, chỉ “tôn trọng” những cuộc kết hợp đồng tính, hy vọng một ngày kia người đồng tính nam được tự do hôn “người chồng sắp cưới của mình” trong Thánh Lễ, và cho rằng Giáo Hội nên bỏ cái chủ trương coi thèm muốn đồng tính là “vô trật tự một cách khách quan” bằng chủ trương coi nó “hợp trật tự một cách khác mà thôi”.

Chủ trương như thế rõ ràng là bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội, không thể nói gì thêm. Tuy nhiên, Giáo Sư George cho rằng Cha Martin không nói dối, mà theo Greg Brown, một sinh viên tiến sĩ môn triết tại Đại Học Chicago và cựu phụ tá chủ bút của tờ Public Discourse, thì Cha Martin thành thực tin rằng Giáo Hội thực sự không giảng dạy tính vô luân của tác phong đồng tính. Nói rõ hơn: Giáo Hội không giảng dậy điều này một cách có thẩm quyền.

Không được tiếp nhận

Thực vậy, trong cuộc phỏng vấn ngày 29 tháng Tám năm nay ở Đại Học Villanova của Brandon Ambrosino, Cha Martin nói rằng: “Một trong những điều tôi vẫn suy nghĩ khá nhiều là ý niệm, và như ông thấy đó, chúng ta đang ở một phân khoa thần học, đó là ý niệm ‘tiếp nhận’ giáo huấn. Đây là một truyền thống mà tôi nghĩ phần lớn người ta không biết đến, vì quả nó không được đề cập tới trong khoảng 30, 40 năm nay và cũng không ý thức rõ, thực như thế, nhưng ông biết đó, để một, nói cho vắn tắt, vả tôi không phải là một nhà thần học, nhưng ông biết đó, để một giáo huấn thực sự có tính thẩm quyền, người ta mong nó được tiếp nhận bởi dân Chúa, bởi các tín hữu.

“Thành thử, ông hãy xem một việc như việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời chẳng hạn. Việc này được công bố và người ta chấp nhận. Người ta đi tham dự Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, họ tin Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, việc này được tiếp nhận. Từ đó, tôi có thể nói, trong cộng đồng đồng tính và đổi tính (LGBT), giáo huấn dạy rằng người đồng tính và đổi tính phải sống độc thân suốt đời, chứ không phải, ông thấy đấy, chứ không phải chỉ trước khi kết hôn, như đối với phần lớn người ta, nhưng là suốt đời, giáo huấn này chưa được tiếp nhận.

“Tôi chỉ nói thế, vậy mà người ta nổi điên. Và điều này tôi chỉ nói đến dựa vào người đồng tính và đổi tính. Bây giờ có một số người tin, tôi muốn nói chỉ là một số người rất nhỏ, nhưng đây là một sự kiện rất đơn giản. Ông có thể nói họ không đồng ý như thế; tôi muốn nói giáo huấn chưa được tiếp nhận bởi cộng đồng mà giáo huấn này chủ yếu muốn nói với.

“Và vì thế câu hỏi, ông thấy đó, là ta sẽ làm gì với nó? Bây giờ… suy tư đó, ông thấy đó, ta phải làm gì với một giáo huấn xem ra chưa được tiếp nhận bởi cộng đồng nó muốn ngỏ với, là một vấn đề thần học mà các giám mục và người đồng tính và đổi tính cần phải suy nghĩ tới”.

Câu sau cùng vừa trích dường như muốn nói: tác giả của nó chỉ nêu vấn đề thôi, chứ không có giải đáp hay chủ trương chi. Nhưng theo Giáo Sư George: quả tình Cha Martin không nói dối khi ngài nói rằng ngài không chống lại giáo huấn của Giáo Hội mà chỉ cho rằng giáo huấn của Giáo Hội về người người đồng tính là giáo huấn chưa thực sự có tính thẩm quyền, nói cách khác, chưa là giáo huấn chân chính của Giáo Hội, vì những người mà giáo huấn muốn nói với chưa tiếp nhận nó.

Greg Browm viết thêm rằng: trong cuộc phỏng vấn của tờ The Jesuit Post ngày 27 tháng Sáu, 2017, học lý “tiếp nhận” được Cha Martin lồng vào học lý nền tảng hơn đó là học lý cảm thức đức tin. Lễ dĩ nhiên, Cha Martin dựa vào tài liệu “Sensus Fidei” của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, trực thuộc Bộ Giáo Lý Đức Tin thời Đức Phanxicô, mà chúng tôi đã chuyển sang tiếng Việt và đăng trên Vietcatholic trong các ngày 8 tới ngày 22 tháng 7 năm 2014.

Cha nói: “Truyền thống cho rằng các tín hữu sở hữu một cảm thức nội tâm về thẩm quyền của một giáo huấn. Đó chính là sensus fidei hay sensus fidelium (cảm thức đức tin hay cảm thức của các tín hữu). Thầy có thể tìm hiểu nhiều hơn về điều này trong tài liệu Sensus Fidei của Tòa Thánh”.

Cha giải thích “Cảm thức đức tin tín hữu, sensus fidei fidelis, là một loại bản năng thiêng liêng giúp tín hữu phán đoán một cách bộc phát liệu một giáo huấn hay một thực hành đặc thù nào đó có phù hợp với Tin Mừng và đức tin tông truyền hay không”.

Áp dụng vào học lý “tiếp nhận”, theo Greg Brown, Cha Martin cho rằng một giáo huấn “phải” được tiếp nhận, nghĩa là “được đánh giá, được chấp nhận và hiểu rõ”, nếu không nó chưa “hoàn tất”.

Không phải chỉ là giáo huấn của Giáo Hội, bất cứ lời giảng dậy nào cũng cần phải được tiếp nhận thì mới hoàn tất; chưa được tiếp nhận, thì việc tiếp nhận vẫn còn cần phải làm, chứ không nhất thiết phải bỏ lời giảng dậy.

Chính vì thế, Tài liệu Sensus Fidei của Tòa Thánh dự liệu trường hợp một giáo huấn của huấn quyền chưa được tín hữu tiếp nhận. Lúc ấy cần cả hai phía: “các tín hữu phải suy nghĩ về giáo huấn đã được đưa ra, cố gắng hết sức để hiểu nó và chấp nhận nó. Theo nguyên tắc, chống lại giáo huấn của huấn quyền là điều bất tương hợp với cảm thức đức tin chân chính”. Về phần mình, huấn quyền phải tìm cách minh giải hay lên công thức lại cho giáo huấn để làm dễ dàng việc tiếp nhận nó. Chứ có đâu vì chưa tiếp nhận, mà mọi người phải ngưng không nói tới giáo huấn ấy nữa.

Công đồng Vatican II và ý niệm cảm thức đức tin

Tác giả Jimmy Akin truy tìm học lý tiếp nhận hay cảm thức đức tin nơi Công Đồng Vatican II: Công Đồng này dạy rằng Chúa Thánh Thần gìn giữ đoàn chiên của Chúa Kitô trong sự hợp nhất đức tin. Và do đó, khi Huấn Quyến ấn định một cách vô ngộ một giáo huấn nào đó, thì Chúa Thánh Thần soi sáng tín hữu để họ chấp nhận, hay tiếp nhận, giáo huấn này.

Diễn trình tiếp nhận trên phản ảnh điều các nhà thần học vốn gọi là “cảm thức của các tín hữu” (sensus fidelium) hay “cảm thức đức tin” (sensus fidei).

Ta biết ngay sau tuyên bố trên của Vatican II, diễn ra cuộc khủng hoảng lớn quanh thông điệp Sự Sống Con Người của Đức Phaolô VI. Những người bất đồng lúc ấy cho rằng vì có quá nhiều người Công Giáo bác bỏ giáo huấn của nó, nên diễn trình tiếp nhận chưa diễn ra, và bởi thế, giáo huấn này không chính xác hay có thẩm quyền. Và lẽ dĩ nhiên, họ trích dẫn lời của Vatican II để bênh vực lập trường của mình.

Chính vì thế, các người bênh vực giáo huấn của Giáo Hội đã cố gắng minh giải vai trò thực sự của cảm thức tín hữu hay cảm thức đức tin. Một trong các luận điểm của họ là: tiếp nhận là một diễn trình, không thể nhìn vào phản ứng tức khắc như một hướng dẫn dứt khoát. Phải để Chúa Thánh Thần đủ thì giờ để hướng dẫn các tín hữu.

Quả tình, với thời gian, nhiều văn kiện đã xuất hiện bàn đến chủ đề tiếp nhận và cảm thức đức tin. Một trong các văn kiện thấu đáo nhất chính là văn kiện Cảm Thức Đức Tin trong Đời Sống Giáo Hội năm 2014 của Ủy Ban Thần Học Quốc tế, như đã nhắc đến trên đây.

Và cũng như trên đã nói, đứng trước việc chưa tiếp nhận, cả giáo hội giảng dậy lẫn giáo hội được giảng dậy đều phải cố gắng hết sức để có được sự tiếp nhận (số 80).

Văn kiện nói đến sự kiện: không phải bất cứ người Công Giáo nào cũng biểu lộ chân chính một cảm thức đức tin chân thực. Cho nên nguyên sự kiện người Công Giáo bất đồng một số điểm không bảo đảm là họ hoàn toàn đúng và điều hiển nhiên là một số người Công Giáo nhiều tin tưởng hơn các người khác.

Qua việc làm của Người trong đời ta, Thiên Chúa hướng dẫn mọi người đã chịu phép rửa để họ biện phân được chân giả, nhưng ta vẫn còn ý chí tự do và do đó, ta phải hợp tác vào việc hướng dẫn của Người mới mong có kết quả.

Chính vì thế, Ủy Ban đưa ra một số tiêu chuẩn mà các cá nhân cần có để tham dự một cách chân chính vào cảm thức đức tin:

a) Tham dự vào đời sống Giáo Hội

b) Lắng nghe Lời Chúa

c) Cởi mở với lý trí

d) Gắn bó với huấn quyền

e) Thánh thiện — khiêm nhường, tự do, và hân hoan

f) Tìm cách xây dựng Giáo Hội.



Như thế, thì một người Công Giáo, tuy đã chịu phép rửa, nhưng sau đó, không bao giờ lui tới nhà thờ, sống quá xa rời đức tin, thì khó mà biểu lộ được một cảm thức đức tin siêu nhiên. Đức tin vốn chứa đựng trong Lời Chúa, thành thử việc sẵn sàng lắng nghe nó là điều cần thiết. Một người vô lý, cứ khăng khăng giữ ý kiến của mình bất chấp mọi luận điểm khác, chắc chắn khó mà biện phân được chân giả. Đức Kitô ban cho ta Huấn Quyền, ai từ nền tảng từ khước việc lắng nghe Huấn Quyền này thì làm sao là tín hữu chân chính được. Sự thánh thiện vốn là mục tiêu chủ yếu việc làm của Chúa trong đời ta, người không tìm cách sống thánh thiện khó mà hợp tác trong việc làm này. Sau cùng, Thiên Chúa hướng dẫn ta xây dựng các đồng tín hữu Kitô khác, nên nếu ta hướng chiều về việc gây chia rẽ thì đâu có hợp tác với Người!

Thăm dò công luận và cảm thức tín hữu

Ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, nhiều người Công Giáo thậm chí không tham dự Thánh Lễ thường xuyên. Thành thử, họ đâu có mức độ tham dự đức tin cần hiết để thoả mãn ngay cả tiêu chuẩn thứ nhất trên đây.

Khi xem xét tới số người hội đủ các tiêu chuẩn trên đây, ta thấy rõ các cuộc thăm dò công luận khó lòng có thể dựa vào để phán định về cảm thức tín hữu. Chính vì thế, Văn kiện của Tòa Thánh cho rằng ta không thể đồng hóa cảm thức đức tin với công luận.

i) Trước nhất, cảm thức đức tin hiển nhiên có liên hệ với đức tin, mà đức tin là một hồng ân không nhất thiết ai cũng có được, nên cảm thức đức tin chắc chắn không thể bị so sánh với công luận trong xã hội nói chung.

Rồi còn sự kiện này nữa: dù đức tin Kitô Giáo là nhân tố hàng đầu hợp nhất các chi thể của Giáo Hội, nhưng nhiều ảnh hưởng khác nhau cộng lại đã lên khuôn các quan điểm của Kitô hữu sống trong thế giới hiện đại.

Như cuộc thảo luận về thiên hướng (dispositions) đã chứng tỏ, cảm thức đức tin cũng không thể đơn giản bị đồng hóa với công luận hay ý kiến đa số trong Giáo Hội. Đức tin, chứ không phải ý kiến, là tập chú cần thiết phải lưu ý.

Ý kiến đôi khi chỉ là một phát biểu, thường có thể thay đổi và có tính tạm bợ, về một tâm trạng hay ước nguyện của một nhóm hay một nền văn hóa nào đó, còn đức tin là tiếng vang vọng của chính Tin Mừng, có giá trị mọi nơi mọi lúc.

ii) Trong lịch sử dân Chúa, thường không phải khối đa số mà là khối thiểu số đã thực sự sống và làm chứng cho đức tin. Cựu Ước từng biết đến ‘số còn lại thánh thiện’ trong các tín hữu, đôi khi rất ít, nhiều hơn vẫn là các vua chúa, tư tế và phần đông dân Israel…

Ngày nay, trong nhiều quốc gia, các Kitô hữu bị áp lực mạnh từ các tôn giáo và ý thức hệ thế tục phải lãng quên chân lý đức tin và làm mờ nhạt đi các biên giới của cộng đồng giáo hội. Bởi thế, điều cực kỳ quan trọng là biện phân và lắng nghe tiếng nói của “những kẻ bé nhỏ biết tin” (Mc 9:42) (số 118).

Khổ một điều, nhiều vị giáo sĩ và nhiều vị giáo phẩm ngả nghiêng khi thấy nhiều người lên tầu sa đọa quá, sợ mình thuộc phe thiểu số thảm hại, nên cũng muốn mập mờ nhẩy theo toa tầu đa số. Và không ngại dùng ý niệm tiếp nhận và cảm thức tín hữu lầm lẫn để biện minh cho lập trường của mình.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Mai
Thérésa Nguyễn
09:22 04/12/2017
NẮNG MAI
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Đâu cần hoa đỏ hoa vàng
Lá xanh nắng mới dịu dàng sớm mai.
(tn)
 
VietCatholic TV
TV Thời sự Giáo hội và Thế giới ngày nay, Chúa Nhật 3/12/2017
VietCatholic Network
09:27 04/12/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay tường trình đặc biệt về phần 2 chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Bangladesh.

1- Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ Miến Điện đến Bangladesh.

2- Đức Thánh Cha kêu gọi, hãy giải quyết cuộc khủng hoảng người Rohingya.

3- Tổng Thống Bangladesh tuyên bố rằng: “Chúng tôi tố cáo chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực dưới mọi hình thức”.

4- Đức Phanxicô gọi đích danh người Rohingya và xin lỗi họ.

5- Đức Thánh Cha gặp gỡ các vị lãnh đạo các tôn giáo của Bangladesh.

6- Đức Thánh Cha gặp các linh mục, tu sĩ Bangladesh.

7- Đức Thánh Cha viếng thăm Học Viện Đức Bà ở Dhaka.

8- Đức Thánh Cha giã từ Bangladesh.

9- Giới thiệu thánh ca: Chuyện tình Emmanuel.

Sau đây là phần tin chi tiết.