Ngày 06-12-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đường đời đẹp đẽ
Lm Nguyễn Xuân Trường
05:29 06/12/2024
ĐƯỜNG ĐỜI ĐẸP ĐẼ

Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng vang lên lời mời gọi sửa lối dọn đường để Thiên Chúa và con người đến với nhau. Đường để kết nối, là lối đến với nhau, thế nhưng, có khi bị sạt lở, bị tắc đường, không lưu thông được nữa, nên cần phải sửa lối dọn đường.

1. Đường đến với Chúa. Mùa Vọng tôi có chăm chỉ đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, Chầu Thánh Thể, tham dự Thánh lễ không? Điều gì đang cản trở tôi không đến nhà thờ: phải chăng là núi cao kiêu ngạo không cần Chúa và thung lũng lười biếng? Chúa là tình yêu nên tôi có mở lòng dạ, mở trái tim cho Chúa đến ngự trị không? Đừng để Chúa phải yêu đơn phương.

2. Đường đến với tha nhân. Mùa Vọng tôi có hay tới thăm bố mẹ anh em, thăm những người đau bệnh, già yếu, khô khan không? Điều gì đang cản trở tôi không đi thăm họ: phải chăng là núi cao bận rộn công việc và thung lũng ích kỷ chỉ biết lo cho mình, tệ hơn là hố sâu của giận ghét? Năm sứ vụ cũng đừng quên việc đến thăm anh chị em chưa tin Chúa để loan báo Tin Mừng.

3. Đường vào mạng Internet. Đây là con đường người ta đi nhiều nhất ngày nay, đi cả ngày cả tối. Vậy cần tự hỏi lòng mình: mỗi lần vào trang mạng này, xem video này, lướt tin này, đăng bài này… có đang dẫn tôi đến gần Chúa và tha nhân hơn không?

Chọn đi đường nào? Cất bước lên đường không? Sự chọn lựa và quyết định lên đường không chỉ phụ thuộc vào những cản trở khó khăn khách quan bên ngoài, mà chủ yếu phụ thuộc vào cản trở chủ quan bên trong lòng người. Lòng Chúa yêu thương nên đã vượt đường xa từ trời xuống thế cứu độ con người. Một khi đã có lòng yêu mãnh liệt thì người ta có thể vượt qua mọi trở ngại để đến với nhau như lời ca dao: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. Hãy lấy lòng mến Chúa yêu người để làm nên đường đời đẹp đẽ của chúng ta. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:34 06/12/2024

35. Nếu ai lưu luyến cầu nguyện mà không bao giờ lười biếng, không lúc nào ngơi nghỉ, nhất tâm hướng đến Ngôi Lời, thì sẽ an nhàn tự tại như đi vào cửa nhà đẹp đẽ, ngửi được mùi thơm thần tính của Ngôi Lời.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:40 06/12/2024
8. NHỮ BÀNG NÓI GIỠN

Thái học La Nhữ Bàng người ở Ngã Huyện rất thích nói đùa và châm biếm người khác.

Lần đầu tiên ông ta đi lên kinh thành để du ngoạn, đúng lúc gặp các đại thần vào triều buổi sáng, lúc ấy các quan liêu (1) tất tật đứng giữa đường bên ngoài đại viện lộ thiên của cung đình, còn các thứ lang thì đứng chung quanh hành lang của cung điện, có người bất mãn nói:

- “Họ đã đứng trong lộ thiên, tại sao chúng ta còn đứng núp trong này?”

La Nhữ Bàng đứng bên cạnh, nói:

- “Trong sách Tử Bình không phải đã ghi rõ: [Làm quan phải lộ, lộ thì cao quý; tiền bạc phải ẩn, ẩn thì giàu có.] hay sao?”.

Mọi người đều che miệng mà cười.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 8:

“Làm quan phải lộ, lộ thì cao quý; tiền bạc phải ẩn, ẩn thì giàu có”, nhưng thời nay người làm quan cũng như người có tiền đều lộ ra bên ngoài: người làm quan thì đi xe hơi đời mới láng cóng, ăn nói trịnh trọng, kẻ hầu người hạ; người có tiền thì chơi nổi chơi ngông, đốt tiền cà ngàn tiền đô Mỹ trong một đêm với mấy gái điếm hạng sang, uống một ly rượu cả trăm đô la.v.v...những cái lộ này đều nguy hại cho xã hội và cho chính bản thân của mình.

Thánh Gia-cô-bê tông đồ nói: “Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2, 18b), có nghĩa là ngài muốn người Ki-tô hữu chúng ta phải lộ đức tin ra cho mọi người biết, đừng nói suông nhưng hãy hành động, đừng biện minh là đức tin ở trong tâm chứ không cần vẻ bên ngoài, cũng đừng nói tin thì có Thiên Chúa biết là được rồi !! Nhưng phải làm những gì mình đã nói, đó chính là lộ ra niềm tin của mình vào Đấng Phục Sinh là Đức Chúa Giê-su.

Đức tin biểu lộ ra bên ngoài bằng việc làm thì như ánh đèn chiếu sáng ai cũng nhìn thấy, đó là ngọn lửa yêu mến Chúa được Chúa Thánh Thần khơi dậy trong tâm hồn của chúng ta vậy !

(1) Chức quan dùng tiền bạc để mua.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Cho không
Lm Minh Anh
15:40 06/12/2024
CHO KHÔNG
“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy!”.

“Đã từ lâu, Thiên Chúa đấu tranh với một nhân loại cứng đầu; Ngài ban muôn phúc lộc, nhưng những món quà này xem ra vẫn không chiếm được trái tim nó. Cuối cùng, Ngài phải tự tạo một món quà khác, chính Ngài! Đó là món quà vô giá Ngài tặng ban nhân loại - Ngài ‘cho không’ - và nó không phải trả đồng nào!” - Henry Scougal.

Kính thưa Anh Chị em,

Hướng về ngày lễ Giáng Sinh, thật ý nghĩa khi chúng ta dừng lại với ý tưởng của Scougal, “Giêsu là món quà vô giá Thiên Chúa ‘cho không’ và nhân loại ‘không phải trả đồng nào!’. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận, “Anh em đã được cho không!” và Ngài còn thêm, “thì cũng phải cho không như vậy!”.

‘Cho không’ nghĩa là không mất phí. Nhưng bạn và tôi được cho những gì? Mọi điều tốt đẹp! Đó là những món quà hoàn toàn do tình yêu Thiên Chúa chứ không do một công lênh nào từ phía con người để Ngài phải ‘đáp lễ’. Đó là những ân tứ thiên hình vạn trạng của Ngài: sự sống, sức khoẻ, không khí, ánh sáng, thời gian, của ăn, của uống, “Chúa sẽ làm mưa trên hạt giống ngươi gieo trồng, cho lương thực, sản phẩm của đất đai, thật dồi dào béo bổ!” - bài đọc một. Đó còn là những gì ‘thuộc linh’ như trí khôn, tình yêu, lương tâm, gia đình, tình bạn và các mối tương giao. Bên cạnh đó, sự chữa lành, thứ tha và muôn ân lộc thiêng liêng khác như Thánh Kinh, Thánh Truyền, các Bí tích, Giáo huấn Hội Thánh… Rõ ràng, Ngài ‘cho không’ và chúng ta hưởng nhận mà không phải trả đồng nào!

Trong muôn vàn quà tặng, món quà “Giêsu” là quà tặng tuyệt vời nhất trong muôn một. Mùa Vọng, mùa biết ơn và vui mừng hướng về ngày Thiên Chúa tặng ban nhân loại món quà lớn nhất đó. Gioan nói, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì được sự sống đời đời!”. Vì thế, Giáng Sinh không chỉ là lễ tạ ơn nhưng còn là thời gian nhớ đến ơn gọi của mình về việc phải mang Giêsu đến cho người khác. Trong Tin Mừng hôm nay, “Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt!”. Mùa Vọng, mùa Giáng Sinh còn là mùa ‘chạnh lòng thương’ như Chúa Giêsu.

Anh Chị em,

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy!”. Quà tặng Giêsu được ban cách đây hơn 2.000 năm; nhưng thật mới mẻ, nó vẫn được ban mỗi ngày qua các Bí tích; đặc biệt Thánh Thể. “Chúng ta được mời gọi đến gần bàn tiệc Thánh Thể với thái độ này của Chúa Giêsu: “Chạnh lòng thương” đối với những người khác! Đó không phải là một cảm giác hoàn toàn vật chất; nhưng thực sự là “patire con” - cùng đau khổ - tự mình gánh lấy nỗi buồn của người khác. Tôi có chạnh lòng thương khi đọc các tin tức về chiến tranh, nạn đói, nạn dịch? Quá nhiều thứ! Tôi có chạnh lòng thương đối với những người đó không? Tôi có chạnh lòng thương đối với những người ở gần tôi không? Tôi có khả năng đau khổ cùng họ hay tôi ngoảnh mặt làm ngơ hoặc nói “họ có thể tự lo cho mình?”. Chúng ta đừng quên “chạnh lòng thương” không chỉ là thương cảm phó dâng họ cho tình yêu quan phòng của Chúa Cha nhưng còn là can đảm chia sẻ và ‘cho không!’” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘cứng đầu’ vì Chúa sẽ lúng túng khi không biết lấy thêm gì mà cho con! Cũng đừng để con ‘nhức đầu’ khi phải làm một điều gì đó mà con chạnh lòng!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chúa Nhật II Mùa Vọng (C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:16 06/12/2024
CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG

Tin mừng: Lc 3, 1-6

“Hết mọi người phàm sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.


Bạn thân mến,

Ơn cứu độ của Đức Chúa Giê-su không chỉ dành cho bạn và tôi hay một người nào, một dân tộc nào, hay một quốc gia nào cả, nhưng nếu ai thành tâm đón nhận Ngài thì sẽ được ơn cứu độ...

Thời của thánh Gioan Tẩy Giả mọi người Do Thái đều trông đợi vị cứu tinh đến như lời tiên tri I-sai-a loan báo: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi...” (Lc 3, 5b), cho nên ơn cứu độ đã đến với nhân loại, mà trước hết là với người Do Thái nhưng họ đã từ chối đón nhận Đấng cứu độ, và kế đến là tất cả chúng ta, những người đã tin vào Đức Chúa Giê-su nhưng vẫn cứ từ chối Ngài trong cuộc sống của mình...

Dọn tâm hồn cho ngay thẳng đối với người Ki-tô hữu là đi xưng tội, làm việc đến tội, hy sinh hãm mình.v.v... đương nhiên đó là những việc phải làm mà tất cả những ai là con cái Thiên Chúa đều phải có, nhưng trưởng thành hơn, rốt ráo hơn đó chính là đổi mới cách sống của mình sao cho phù hợp với Tin Mừng của Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Đổi mới cách sống cũng có nghĩa là từ trong nấm mồ tối tăm bừng dậy phục sinh với Đức Chúa Ki-tô, tức là hoàn hảo hơn, đẹp hơn và vinh dự hơn.

Hoàn hảo hơn trong cách sống làm người Ki-tô hữu với tấm hồn khiêm cung và phục vụ; đẹp hơn trong cách nhìn tha nhân với tâm hồn của tình huynh đệ chân thành trong Chúa Ki-tô; vinh dự hơn khi hiểu được mình mang tên Ki-tô hữu để xây dựng một xã hội bác ái hơn. Đó chính là cách thế để dọn tâm hồn cho ngay thẳng đợi Chúa đến trong thời đại ngày nay của chúng ta.

Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ, nhưng không phải tất cả mọi người phàm được cứu độ, bởi vì ơn cứu độ chỉ cứu những ai tin và và đón nhận Tin Mừng của Đức Chúa Ki-tô mới đáng được lãnh nhận mà thôi. Là những người Ki-tô hữu, bạn và tôi hãnh diện vì đã tin và sống đức tin ngay tại trần gian này, trong sự hướng dẫn của Đức Chúa Thánh Thần, và nhờ đời sống tin yêu và hi vọng của chúng ta vào Thiên Chúa mà mọi người biết đến ơn cứu độ của Ngài.

Bạn thân mến,

Thiên Chúa đã làm người nên Ngài cũng rất thích đi trên những con đường bằng phẳng và thẳng tắp để đến với bạn và tôi, nhưng đồng thời Ngài cũng không ngần ngại cúi xuống nhặt những hòn sỏi làm vấp chân người khác, để thánh hoá và chúc lành cho nó trở nên dụng cụ hữu ích cho tha nhân.

Dọn đường cho ngay thẳng là việc mà bạn và tôi cần phải làm, để đường đi từ trái tim của chúng ta đến tâm hồn của tha nhân gần hơn, dễ hơn và thân tình hơn; lấp đầy những hố sâu là việc mà chúng ta phải làm từng giây phút trong cuộc sống, để tha nhân đến với chúng ta cách dễ dàng hơn, mà không bị ngăn cách bởi tính kiêu ngạo và khoe khoang của chúng ta, đó chính là chuẩn bị cho mọi người nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chuyện gì đang xảy ra tại Đại học Công Giáo Úc?
Vũ Văn An
13:35 06/12/2024

Cơ sở Signadou của Đại học Công Giáo Úc tại Canberra. Bidgee qua Wikimedia (CC BY-SA 3.0).


Luke Coppen của The Pillar, ngày 5 tháng 12 năm 2024 đưa tin về Đại học Công Giáo của Úc như sau:

Nghe có vẻ không phải là vấn đề lớn, nhưng nó lại xảy ra vào thời điểm khó khăn đối với Đại học Công Giáo Úc (ACU). Trường đại học này đã trở thành tâm điểm của một cơn bão về bản sắc Công Giáo kể từ tháng 10, khi sinh viên tổ chức một cuộc bãi khóa hàng loạt trước một bài phát biểu chỉ trích phá thai, thụ tinh trong ống nghiệm và hôn nhân đồng tính.

Những người chỉ trích sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu thượng viện của trường có quyết định phê duyệt nhiệm kỳ bốn năm thứ hai cho phó viện trưởng Zlatko Skrbis hay không. Những người chỉ trích cáo buộc ông không bảo vệ được tinh thần Công Giáo của trường đại học — một cáo buộc mà những người ủng hộ ông phủ nhận.

Chính xác thì chuyện gì đang xảy ra tại Đại học Công Giáo Úc? Tác động của cuộc bãi khóa hàng loạt là gì? Và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với trường đại học?

Chuyện gì đang xảy ra?

Đại học Công Giáo Úc, tự mô tả mình là một trong 10 trường đại học Công Giáo hàng đầu thế giới, được thành lập vào năm 1991, sau khi bốn cơ sở giáo dục đại học được sáp nhập.

Cơ sở giáo dục do người nộp thuế tài trợ này có hơn 32,000 sinh viên tại bảy cơ sở ở Úc và một cơ sở ở Rome. Hiến pháp của trường nhấn mạnh rằng đây là một trường đại học Công Giáo, hoạt động theo các chuẩn mực của tông hiến năm 1990 Ex corde Ecclesiae.

Trường đại học được thành lập với tên gọi là Australian Catholic University Limited (Corporation), một công ty đại chúng được bảo lãnh có trách nhiệm hữu hạn. Thượng viện, do Viện trưởng Martin Daubney đứng đầu, là cơ quan quản lý doanh nghiệp.

Bên dưới thượng viện trong cơ cấu quản trị của Đại học Công Giáo Úc là Skrbis, người vừa là phó viện trưởng vừa là chủ tịch. Ông là giám đốc điều hành của trường đại học, đại diện cho Đại học Công Giáo Úc ở bình diện quốc gia và quốc tế.

Nhà xã hội học sinh ra ở Slovenia đã đảm nhận vai trò này vào tháng 1 năm 2021. Dưới sự lãnh đạo của ông, Đại học Công Giáo Úc đang thực hiện kế hoạch chiến lược 10 năm được gọi là Tầm nhìn 2033, trong đó nhấn mạnh rằng “đức tin Công Giáo, bản sắc và văn hóa của chúng ta là trọng tâm đối với chúng ta với tư cách là một trường đại học”.

Năm nay đã chứng minh là một năm đầy thách thức đối với Skrbis. Rắc rối bắt đầu vào tháng 1, khi Đại học Công Giáo Úc bổ nhiệm Kate Galloway làm khoa trưởng khoa luật. Những tuyên bố công khai của bà về phá thai đã gây ra phản ứng dữ dội, bao gồm cả một bản kiến nghị kêu gọi xem xét lại việc bổ nhiệm.

Giữa lúc có nhiều phản đối, Galloway được cho là đã được điều chuyển làm “giáo sư chiến lược” với khoản thanh toán là 1 triệu đô la Úc, tương đương với mức lương trong bốn năm. Skrbis được cho là đã than thở về “những sai sót về sự thật và những cáo buộc gây hiểu lầm” trong phạm vi đưa tin của phương tiện truyền thông về việc bổ nhiệm.

Vào tháng 7, tờ báo The Australian đã đăng một bài báo chỉ trích gay gắt rằng “Đại học Công Giáo Úc đã ghi nhận khoản thâm hụt 35 triệu đô la vào năm 2023… tiếp tục sa thải hàng chục nhân viên, mất giám đốc điều hành, tụt hạng đáng kể trong bảng xếp hạng đại học thế giới và lượng sinh viên đăng ký giảm”.

Skrbis, tờ báo này tuyên bố, “nằm trong danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng”.

Bất ngờ tháng 10

Trong khi việc bổ nhiệm Galloway thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc gia, thì phải đến tháng 10, trường đại học này mới trở thành tiêu đề trên các báo quốc tế.

Tại lễ tốt nghiệp ngày 21 tháng 10, cựu lãnh đạo công đoàn Joe de Bruyn đã được trao bằng tiến sĩ danh dự vì “sự ủng hộ to lớn của ông đối với Giáo Hội Công Giáo tại Úc”.

Trong một bài phát biểu, de Bruyn mô tả phá thai là “kẻ giết người lớn nhất trên thế giới”. Ông cũng nhấn mạnh sự phản đối của mình đối với việc thụ thai trong ống nghiệm (IVF) và nhấn mạnh rằng “hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà được Thiên Chúa thiết lập từ thuở khai sinh loài người trong Vườn Địa đàng như sách Sáng thế trong Kinh thánh đã kể lại”.

Khi ông phát biểu, các sinh viên mặc áo choàng đen và mũ cử nhân ùa ra khỏi khán phòng.

De Bruyn kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời kêu gọi một số ít sinh viên tốt nghiệp còn lại.

“Như đã xảy ra với tôi, các bạn sẽ phải đối diện với những vấn đề trong cuộc sống nghề nghiệp và cá nhân khi quan điểm chung của phần lớn dân số trái ngược với giáo lý của Giáo hội”, ông nói.

“Kinh nghiệm của tôi là nhiều người Công Giáo khuất phục trước áp lực của bạn bè. Họ nghĩ rằng cuộc sống nghề nghiệp của họ sẽ bị tổn hại nếu họ thúc đẩy giáo lý của Giáo hội. Kinh nghiệm của tôi là điều này không đúng”.

Ông cho biết chìa khóa là “sử dụng luận lý theo cách thuyết phục”. Mặc dù những người khác vẫn có thể không đồng ý, nhưng “họ sẽ tôn trọng bạn vì quan điểm của bạn”, ông nói trước khán phòng đã vắng người.

Trong cơn thịnh nộ sau bài phát biểu, Đại học Công Giáo Úc được cho là đã hứa “hoàn lại toàn bộ học phí tốt nghiệp cho tất cả sinh viên bị ảnh hưởng”. Người ta cũng nói rằng trường này đã cung cấp dịch vụ tư vấn cho sinh viên.

De Bruyn đã bảo vệ bài phát biểu của mình trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh vào ngày 22 tháng 10.

Ông nói: “Tôi đã ở trong lập trường trong đó tôi được trường đại học mời đến để đọc bài phát biểu tốt nghiệp với tư cách là một giáo dân Công Giáo đến Đại học Công Giáo Úc để nhận giải thưởng, một vinh dự, vì những đóng góp của tôi cho Giáo Hội Công Giáo. Vì vậy, việc giải quyết các vấn đề Công Giáo nảy sinh trong đời sống nghề nghiệp của tôi trong quá khứ là điều phù hợp nhất đối với tôi”.

De Bruyn đã thu hút những người bảo vệ nổi tiếng, bao gồm Tổng giám mục Peter Comensoli của Melbourne, một thành viên của Thượng viện Đại học Công Giáo Úc, và Hồng Y đắc cử Mykola Bychok.

Bychok, một giám mục Công Giáo Hy Lạp gốc Ukraine tại Melbourne, người sẽ nhận chiếc mũ đỏ vào ngày 7 tháng 12, đã nhấn mạnh rằng người Công Giáo “phải được tự do nói lên điều mà chúng tôi tin là sự thật mà Chúa đã truyền cho chúng tôi”.

Để đáp lại cuộc bãi khóa, Tổng giám mục Anthony Fisher của Sydney được cho là đã viết một lá thư dài sáu trang với lời lẽ mạnh mẽ gửi cho phó viện trưởng của Đại học Công Giáo Úc, Virginia Bourke.

Ngài được cho là đã viết rằng ngài “xấu hổ” về “màn trình diễn gần đây” của Đại học Công Giáo Úc và kêu gọi “một số cuộc tự vấn nghiêm túc” về bản sắc và sứ mệnh của định chế.

Ngài cũng được cho là đã từ chức chủ tịch ủy ban bản sắc của Đại học Công Giáo Úc, mặc dù ngài sẽ tiếp tục làm giám đốc của ủy ban và công ty của trường đại học.

Một bức thư ngỏ ngày 3 tháng 12 từ những người có liên quan đến Hội Thánh Thomas More, một nhóm luật sư Công Giáo, đã làm tăng thêm áp lực lên ban lãnh đạo của Đại học Công Giáo Úc.

Đề cập đến Fisher, các luật sư cho biết: “Việc rút lại sự tin tưởng của giám mục này khiến chúng tôi tin rằng nếu Đại học Công Giáo Úc chưa mất đi bản sắc Công Giáo của mình, thì trường cũng sắp mất đi”.

Các luật sư cho biết, vì Đại học Công Giáo Úc là một tổ chức Công Giáo được quản lý theo luật giáo luật, nên có hai cách để giải quyết cuộc khủng hoảng bản sắc của trường đại học. Cách đầu tiên là tiến hành “một cuộc điều tra độc lập” về hành động của các nhà lãnh đạo Đại học Công Giáo Úc trong năm qua. Cách thứ hai là bắt đầu quá trình xóa từ “Công Giáo” khỏi tên của Đại học Công Giáo Úc.

“Việc Đại học Công Giáo Úc mất đi tư cách Công Giáo sẽ là mất mát lớn đối với toàn thể cộng đồng Công Giáo tại Úc”, các luật sư cho biết trong bức thư, kèm theo một bản phân tích chính thức dài năm trang về tình hình của trường đại học.

“Tất cả chúng tôi đều hy vọng rằng hành động cực đoan này có thể tránh được và chúng tôi tin tưởng rằng tất cả các thành viên của tập đoàn và thượng viện cũng sẽ muốn tránh nó”.

Trong khi đó, ban lãnh đạo của Đại học Công Giáo Úc dường như không giải quyết tranh cãi này một cách công khai. Nhưng có khả năng họ sẽ bác bỏ những tuyên bố rằng họ đang xa lánh Giáo hội, vì sự nhấn mạnh mạnh mẽ vào bản sắc Công Giáo của trường đại học trong các tài liệu quảng cáo.

Tiếp theo sẽ là gì?

Các nhà bình luận trình bày cuộc họp của thượng viện vào ngày 5 tháng 12 là một thời điểm có khả năng quan trọng trong cuộc tranh luận về bản sắc Công Giáo của Đại học Công Giáo Úc.

Tờ The Australian cho rằng nếu thượng viện chấp thuận một nhiệm kỳ mới cho phó viện trưởng Skrbis thì đó sẽ là “sự thách thức lớn nhất đối với Giáo Hội Công Giáo”. Tờ báo dự đoán rằng cơ quan 18 thành viên “tuân thủ” sẽ chấp thuận việc tái bổ nhiệm.

Nhưng mặc dù giới truyền thông tập trung vào Skrbis, các vấn đề xoay quanh Đại học Công Giáo Úc có vẻ lớn hơn bất cứ cá nhân nào.

Những cơn gió ngược kinh tế mạnh mẽ đang giáng xuống nhiều trường đại học, bao gồm cả các định chế Công Giáo. Các trường đại học Công Giáo ở các nước phương Tây thế tục hóa cao phải đối diện với áp lực bổ sung để làm loãng bản sắc của họ. Hãy xem cách Đại học Công Giáo Louvain chỉ trích gay gắt những phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về phụ nữ trong chuyến thăm Bỉ vào tháng 9 của ngài.

Trong bài phát biểu vào tháng 1 trước các đại diện của trường đại học Công Giáo, Đức Giáo Hoàng than thở rằng giáo dục được coi là một doanh nghiệp, với "các hệ thống kinh tế phi nhân cách lớn... đầu tư vào trường học và trường đại học như họ làm trên thị trường chứng khoán".

Ngài nói rằng các trường đại học Công Giáo "phải cho thấy rằng chúng có bản chất khác và hành động theo một tư duy khác".

Ngài thúc giục họ nắm lấy "một cuộc tìm kiếm chân lý chung, một chân trời ý nghĩa lớn hơn, được thực hiện trong một cộng đồng tri thức, nơi sự rộng lượng của tình yêu thương là rõ ràng".

Các sự kiện tại Đại học Công Giáo Úc cho thấy khó khăn trong việc đưa tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng vào thực hành. Nhưng đây không phải là định chế Công Giáo duy nhất phải đối diện với cuộc đấu tranh này.
 
Pháp chuẩn bị cho sự kiện thế kỷ mà không có khách mời sáng giá nhất
Vũ Văn An
14:01 06/12/2024

Bàn thờ do nghệ sĩ và nhà thiết kế người Pháp Guillaume Bardet thiết kế được nhìn thấy ở trung tâm Nhà thờ Đức Bà Paris trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm nội thất được phục hồi của tượng đài, thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2024, tại Paris.(Nguồn: Stephane de Sakutin/Pool qua AP.)


Elise Ann Allen, của tạp chí Crux, ngày 6 tháng 12 năm 2024, tường trình về ngày mở lại Nhà thờ Notre Dame ở Paris:

Sau khi đăng cai Thế vận hội mùa hè vào đầu năm nay, Pháp vào cuối tuần này sẽ đánh dấu một trong những sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ với việc mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng, năm năm sau khi phần lớn các phần bị phá hủy trong một vụ hỏa hoạn.

Tuy nhiên, trong khi Thánh lễ khai mạc có sự tham gia của khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và chính phủ, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Donald Trump từ Hoa Kỳ, một sự kiện đáng chú ý là sự vắng mặt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã từ chối lời mời nhưng sẽ đến thăm một hòn đảo nhỏ của Pháp ở Địa Trung Hải vài ngày sau đó.

Nhà thờ Đức Bà Paris, một địa danh mang tính biểu tượng của Pháp có tuổi đời 860 năm không chỉ dành cho người Công Giáo mà còn cho người dân địa phương và khách du lịch trên khắp thế giới, đã bị nhấn chìm trong biển lửa vào ngày 15 tháng 4 năm 2019, ngọn lửa đã phá hủy phần lớn một trong những nhà thờ được yêu thích nhất châu Âu.

Nguyên nhân của vụ cháy vẫn còn là một bí ẩn nhưng có thể là do thuốc lá hoặc sự cố điện.

Sau vụ việc, Macron đã vạch ra một kế hoạch khôi phục đầy tham vọng, cam kết khôi phục và mở cửa lại nhà thờ trong vòng năm năm, một kế hoạch đã thu hút được sự ủng hộ của một số doanh nhân giàu có nhất nước Pháp.

Theo CNN, trong năm năm qua, 2,000 người, 2,000 cây sồi và 2,000 ngày làm việc đã giúp xây dựng lại và khôi phục 2,000 đặc điểm của nhà thờ.

Lễ khánh thành chính thức sẽ bắt đầu bằng một buổi lễ vào tối thứ Bảy và một Thánh lễ khánh thành vào sáng Chúa Nhật, sau đó là tám ngày Thánh lễ đặc biệt và cầu nguyện để đánh dấu dịp này.

Khoảng 170 giám mục từ khắp nước Pháp và trên toàn thế giới cũng sẽ tham dự buổi lễ, cùng với một linh mục từ mỗi giáo xứ trong tổng giáo phận Paris.

Trong khi những vị khách cấp cao tham dự Thánh lễ khánh thành đầu tiên sẽ bao gồm Macron và Trump, cũng như các nguyên thủ quốc gia và chính phủ từ 50 quốc gia, thì đáng chú ý là Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ vắng mặt.

Thay vào đó, Đức Phanxicô, người đã từ chối lời mời tham dự Thánh lễ ngày 8 tháng 12, trùng với lễ trọng của Công Giáo là Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, sẽ đến Pháp vài ngày sau đó để thăm đảo Corsica ở Địa Trung Hải, nơi hiện đang vướng vào tranh chấp với chính phủ Pháp về quyền tự chủ.

Trong khi ở thủ phủ Ajaccio của hòn đảo, Đức Giáo Hoàng sẽ bế mạc một hội nghị về lòng sùng kính phổ thông ở Địa Trung Hải và có lẽ sẽ truyền tải thông điệp tới người dân trong khu vực, một thông điệp đã trở thành ưu tiên chính kể từ khi ngài bắt đầu nhiệm kỳ giáo hoàng vào năm 2013.

Việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như từ chối Macron xẩy ra khi tổng thống Pháp phải đối diện với các vấn đề chính trị ngày càng gia tăng khi chính phủ của ông tan rã.

Sau khi phải đối diện với những tổn thất đáng kể trong cuộc bầu cử quốc hội EU vào mùa hè, tuần này Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã từ chức sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội. Các nghị sĩ Pháp đã bỏ phiếu áp đảo để bãi nhiệm Barnier vào thứ Tư, chỉ ba tháng sau khi ông được Macron bổ nhiệm.

Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư đánh dấu lần đầu tiên một chính phủ Pháp bị quốc hội bỏ phiếu bác bỏ trong hơn 60 năm.

Sau sự hỗn loạn, Macron cho biết bản thân ông sẽ không từ chức và đã cam kết sẽ chỉ định một Thủ tướng mới "trong những ngày tới", mặc dù việc tìm ra một người không bị bỏ phiếu bãi nhiệm ngay lập tức có thể là một thách thức.

Macron cũng đã phải đối diện với phản ứng dữ dội từ các giám mục Pháp và châu Âu cũng như cộng đồng Công Giáo nói chung sau khi đưa phá thai vào hiến pháp của đất nước vào đầu năm nay, và vì một tác phẩm nhại lại bức tranh nổi tiếng "Bữa tối cuối cùng" của Da Vinci trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè Paris.

Tác phẩm nhại lại đó đã gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế và từ nhiều nhóm tôn giáo khác nhau, bao gồm cả sự lên án của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các nhà lãnh đạo Do Thái và Hồi giáo nổi tiếng, cùng nhiều người khác.

Một tổng giám mục người Pháp cố gắng giải thích sự vắng mặt của Đức Giáo Hoàng trong Thánh lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà cho biết chính nhà thờ là "ngôi sao" của buổi lễ, và Đức Phanxicô không muốn làm mất sự chú ý khỏi điều đó, ngài thích, như ngài vẫn luôn làm, chú ý đến các vùng ngoại vi, thay vì các trung tâm quyền lực truyền thống.

Tuy nhiên, bất chấp sự trấn an của phẩm trật giáo hội địa phương, thật khó để giải thích sự vắng mặt của Đức Giáo Hoàng trong Thánh lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà và sự hiện diện của ngài chỉ vài ngày sau đó trên một hòn đảo đang đấu tranh giành quyền tự chủ lãnh thổ là hoàn toàn không có ẩn ý.

Các sự kiện của cuối tuần này sẽ bắt đầu bằng bài phát biểu của Macron tại Nhà thờ Đức Bà, 6 giờ tối giờ địa phương vào thứ Bảy, sau đó Tổng giám mục Paris Laurent Ulrich sẽ đập vào cánh cửa nhà thờ đóng kín ba lần bằng cây gậy của mình, cây gậy giám mục.

Nhà thờ sẽ "đáp lại" tiếng đập với bài hát Thánh vịnh 121 ba lần, và sau đó, các cánh cửa sẽ được mở ra.

Khi các cánh cửa mở ra, sẽ có "cuộc đánh thức" dàn đàn organ lớn, lớn nhất ở Pháp với 8,000 ống và 115 điểm dừng. Sau đó, một "buổi kinh phụng vụ" sẽ diễn ra, trong đó nhiều thánh vịnh và lời cầu nguyện được hát, trước khi Ulrich ban phước lành cuối cùng và hát bài thánh ca La tinh truyền thống, Te Deum.

Thánh lễ khai mạc vào Chúa Nhật sẽ được tổ chức lúc 10:30 sáng giờ địa phương, trong đó Ulrich sẽ ban phước cho nước thánh và rảy nước thánh lên cộng đoàn và bàn thờ. Các bài đọc trong Thánh lễ sẽ là các bài đọc của Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng.

Vào cuối ngày hôm đó, một Thánh lễ buổi tối sẽ được tổ chức và mở cửa cho công chúng. Trong một tuần bát nhật sau lễ khánh thành, nghĩa là trong khoảng thời gian tám ngày, Thánh lễ sẽ được tổ chức hai lần mỗi ngày và một số nghi lễ đặc biệt vào buổi tối sẽ được tổ chức, nhiều nghi lễ trong số đó mở cửa cho công chúng.

Vào ngày 17 và 18 tháng 12, Nhà thờ Đức Bà sẽ tổ chức các buổi hòa nhạc “Magnificat” của Johann Sebastian Bach.

Ước tính có khoảng 15 triệu du khách sẽ đến Nhà thờ Đức Bà hàng năm, hiện tại miễn phí vé vào cửa. Những ai muốn đến thăm nhà thờ có thể đặt vé trực tuyến.
 
Nền văn minh đã mất của chúng ta
Vũ Văn An
14:41 06/12/2024

Michael Pakaluk, trên Catholic Thing, Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024, nhận định rằng: Những người đọc Ý tưởng về một Trường Đại học của Newman có lẽ đã bị phân tâm bởi hai lập luận mở đầu tuyệt vời của ngài đến nỗi họ không nhận ra những lập luận khác cũng quan trọng như vậy, chẳng hạn như tuyên bố của ngài rằng một trường đại học phải có các trường cao đẳng hoặc nền giáo dục đại học phải mang tính cổ điển.

Lập luận tuyệt vời đầu tiên của ngài là vì trường đại học là nơi học tập phổ quát, nên một trường đại học "thế tục", loại trừ ngành thần học, sẽ không phải là một trường đại học thực sự và sẽ phải chịu nhiều tác động xấu. Lập luận thứ hai của ngài là, vì trường đại học khác với viện nghiên cứu, mục đích chính của trường không phải là "sản xuất kiến thức" mà là hình thành các đức tính trí tuệ ở sinh viên - điều mà ngài mô tả là vẻ đẹp đặc biệt của tâm trí.

Newman có thể thấy rằng một quan niệm mới về trường đại học đang hình thành, như một nhà máy kiến thức do các môn học STEM (Science, technology, engineering, and mathematics như chúng ta gọi), phục vụ cho ngành công nghiệp và quân đội, bỏ qua lợi ích trí thức thực sự của sinh viên và không hướng đến bất cứ loại "khôn ngoan" nào. Bất cứ ai chấp nhận hai lập luận sáng suốt chính của ngài, sẽ bác bỏ quan niệm mới lạ này.

Tuy nhiên, lập luận của ngài rằng nền giáo dục đại học phải mang tính cổ điển rõ ràng cũng đi ngược lại quan niệm này. (Xem chương trong Ý tưởng, “Kitô giáo và Văn học”.

Lập luận này có điểm tương đồng với bài diễn văn nổi tiếng của Đức Giáo Hoàng Benedict tại Regensburg, nơi Đức Thánh Cha dạy rằng việc Kitô giáo tiếp thu tư tưởng Hy Lạp là do sự quan phòng, không phải ngẫu nhiên. Và do đó, thần học tất lạc đường nếu nó trở nên “phi Hy Lạp hóa”. Tương tự như vậy, Newman dạy rằng giáo dục đại học tất lạc đường nếu nó quay lưng lại với các tác phẩm Cổ điển.

Ngài cho bắt đầu bằng lập luận cho rằng có một điều gọi là “Nền văn minh”. Quan điểm của ngài rất tinh tế. Ngài thừa nhận các nền văn minh Trung Hoa, Ấn Độ giáo, Aztec và Saracen, nhưng ngài nói rằng mỗi nền văn minh đều tách biệt với các nền văn minh khác và đứng ngoài một tổng thể riêng biệt khác, điều mà ngài suy ngẫm:

Vì vậy, tôi gọi cộng đồng này là Xã hội loài người, và trí tuệ của nó là Tâm trí con người, và các quyết định của nó là cảm thức của nhân loại, và tư thế có kỷ luật và được bồi dưỡng của nó là Nền văn minh trừu tượng, và lãnh thổ trên đó nó cư ngụ là orbis terrarum(vòm trái đất), hay Thế giới.

Người đọc sẽ thấy ngay rằng tất cả các cuộc tranh cãi “thức tỉnh” đều xoay quanh về câu hỏi này liệu đã có và hiện có Nền văn minh này hay không, như Newman khẳng định.

Bước tiếp theo của ngài là nói rằng Kitô giáo một khi xuất hiện thường trùng khớp với Nền văn minh này: "nhìn chung, cả hai đều chiếm cùng một orbis terrarum. Thực ra, chúng thường di chuyển pari passu [xét như nhau, không thiên vị], và mọi lúc đều tìm thấy mối liên hệ mật thiết nhất giữa chúng".

John Newman của Henry Joseph Whitlock (albumen carte-de-visite), những năm 1860 [Phòng trưng bày chân dung quốc gia, London]


Những độc giả quen thuộc với Apologia pro Vita Sua [biện hộ đời mình] của Newman đều biết rằng quan niệm "thế giới nói chung phán xét như thế nào" cũng là trọng tâm trong việc ngài chấp nhận Đạo Công Giáo.

Từ mối liên hệ mật thiết này, Newman lập luận về sự tương đồng về cấu trúc và linh hứng: "Các tác phẩm cổ điển, các chủ đề tư tưởng và các nghiên cứu mà chúng tạo ra... nhìn chung, luôn là công cụ giáo dục mà orbis terrarum văn minh đã áp dụng; cũng như các tác phẩm được linh hứng, và cuộc đời của các vị thánh, và các điều khoản của đức tin, và giáo lý, luôn là công cụ giáo dục trong trường hợp của Ki-tô giáo.”

Ngài diễn giải bản năng của Đế quốc La Mã trong việc sao chép người Hy Lạp, như một khuôn mẫu được đặt ra để mọi người sau này noi theo. Alfred North Whitehead đã từng nói đùa rằng khi mọi người nói chúng ta nên bắt chước người Hy Lạp, họ muốn nói chúng ta không nên bắt chước người Hy Lạp, vì người Hy Lạp không bắt chước bất cứ ai khác. Nhưng quan điểm của Newman là vượt trội hơn: chúng ta nên bắt chước người La Mã, những người đã bắt chước người Hy Lạp:

Thế giới sẽ có một số giáo viên trí thức nào đó, và không có những người khác; Homer và Aristotle, cùng với các nhà thơ và triết gia vây quanh họ, sẽ là những người thầy của mọi thế hệ, và do đó, người La tinh, rơi vào lề luật trên đó nền giáo dục của thế giới sẽ được thực thi, được thêm vào thư viện cổ điển để không đảo ngược hoặc can thiệp vào những gì đã được ấn định.

Lịch sử của nền Văn minh chỉ xác nhận quy luật này, Newman nhận xét, vì nền Văn minh đã được hồi sinh hết lần này đến lần khác chính là thông qua sự tận tụy với các tác phẩm cổ điển.

Và sau đó, ngài đưa tất cả những điều này ra để chống lại hình thức đang xuất hiện của các trường đại học STEM hoặc theo "Bacon":

Và chúng ta có thể áp dụng kinh nghiệm này trong quá khứ vào hoàn cảnh trong đó chúng ta đang ở hiện tại; vì, giống như đã có một phong trào chống lại các tác phẩm cổ điển vào thời trung cổ, thì hiện tại cũng vậy. Sự thật của phương pháp Bacon cho các mục đích mà vì đó nó được tạo ra, cùng với các dịch vụ vô giá và ứng dụng vô tận của nó vì lợi ích của phúc lợi vật chất của chúng ta, đã làm lóa mắt trí tưởng tượng của con người.

Cho đến nay mọi sự đều ổn cả. Nhưng có một giới hạn: vì phương pháp đó tạo nên những điều kỳ diệu như vậy trong phạm vi của nó, nên không hiếm khi người ta cho rằng nó cũng có thể làm được như vậy ở bất cứ phạm vi nào khác. Bây giờ, bản thân Bacon không bao giờ lập luận như vậy; ông không cần phải được nhắc nhở rằng thúc đẩy các nghệ thuật hữu ích là một chuyện, và bồi dưỡng trí tuệ là một chuyện khác. Câu hỏi đơn giản cần xem xét là, làm thế nào để củng cố, tinh chỉnh và làm giàu sức mạnh trí tuệ tốt nhất; việc đọc các nhà thơ, nhà sử học và triết gia Hy Lạp và La Mã sẽ hoàn thành mục đích này, như kinh nghiệm lâu đời đã chỉ ra; nhưng việc nghiên cứu các khoa học thực nghiệm sẽ làm được điều tương tự, vẫn chưa có kinh nghiệm nào chứng minh với chúng ta.

Chúng ta thậm chí có thể thúc giục mạnh mẽ rằng kinh nghiệm kể từ thời của Newman đã chứng minh điều ngược lại. Bây giờ, gần một thế kỷ kể từ khi trường đại học STEM hiện đại ra đời, chúng ta thấy gì xung quanh mình? Dòng truyền thống trong nghệ thuật thị giác và âm nhạc đã bị mất. "Khoa học nhân văn" của chúng ta đã suy thoái đến mức ngu ngốc. "Các chuyên gia" được đào tạo hạn hẹp trong một số khoa học cụ thể thì thiếu sự khôn ngoan. Các chính trị gia của chúng ta, không hiểu lịch sử, thiếu khôn ngoan. Trong khi diễn ngôn công khai thiếu thông tin, thiếu văn minh và hạ thấp phẩm giá.

Tóm lại, chúng ta đã mất đi Nền văn minh.
 
Đức Giáo Hoàng chia sẽ: Những xầm xì làm suy yếu việc rao giảng Phúc âm
Thanh Quảng sdb
15:37 06/12/2024
Đức Giáo Hoàng chia sẽ: Những xầm xì làm suy yếu việc rao giảng Phúc âm

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp gỡ các Nữ tu Dòng Cát Minh, Sứ giả của Chúa Thánh Thần và mời gọi các nữ tu sống cuộc sống cầu nguyện và truyền giáo theo truyền thống của họ.

(Tin Vaticcan - Devin Watkins)

“Lời của Thánh Phaolô phải vang vọng trong trái tim của mỗi người đã chịu phép rửa tội: ‘Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc âm!’”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra lời nhắc nhở đó vào thứ Sáu (6/12/2024) khi ngài tiếp kiến các Nữ tu Dòng Cát Minh Sứ giả của Chúa Thánh Thần, nhiều người trong số họ đã hành hương từ Brazil và một số nơi ở Châu Âu về.

Ngài nhớ họ rằng năm nay họ đã chứng kiến viện kỷ niệm 40 năm thành lập và bầu ra một nhóm lãnh đạo mới trong Tổng hội lần thứ 4 của họ.

Đức Giáo Hoàng cho biết năm nay mang đến cho họ một “lời nhắc nhở tuyệt vời về cam kết hàng ngày đối với công tác truyền giáo và truyền bá Lời Chúa, điều này phải đến được với tất cả mọi người”.

Ngài nói thêm rằng tất cả các Kitô hữu có nhiệm vụ rao giảng Phúc âm cho toàn thế giới, đồng thời kêu gọi các nữ tu hãy tránh xa cám dỗ xầm xì dèm pha nhau.

"Tin đồn trái ngược với việc rao giảng Phúc âm, vì tin đồn khiến chúng ta lên án người khác", ngài nói. "Tuy nhiên, Phúc âm luôn chào đón".

Đức Giáo Hoàng cho hay với tư cách là những người tu sĩ dòng Kín (Carmelites), các chị có sứ mệnh đặc biệt là sống cuộc sống truyền giáo và cầu nguyện.

"Trong Tu Viện của các chị", ĐTC kết luận, "động lực truyền giáo này làm cho việc truyền giáo trong nhiều lĩnh vực có liên quan chặt chẽ với việc chiêm niệm và cuộc sống cầu nguyện theo truyền thống Dòng Kín (Carmel) cổ xưa thật tuyệt diệu".
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thánh Ca Vinh Danh
Đinh Văn Tiến Hùng
16:51 06/12/2024
*Thánh Ca Vinh Danh*
THIÊN CHÚA Tình Yêu & Mẹ Maria Từ Ái

“Hãy dùng những bài Thánh Vịnh, Thánh Thi và Thánh Ca do Thần Khí linh hứng mà đối đáp với nhau và ca tụng Chúa hết lòng anh em. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự hãy nhân danh Đức Kitô, Chúa chúng ta mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.”’
( Ep.5: 19- 20 )

Trong rừng Thánh Ca, biết bao bài ca tụng Thiên Chúa và Mẹ Maria bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nào là Thánh Vịnh, Thánh Thi gồm những bài trích trong Sách Thánh Vịnh Cựu Ước hay những bài được các tu sĩ Đan Viện đọc trong các buổi kinh sáng, trưa, chiều, tối- gọi là Kinh Thần Vụ-

Những bài Thánh Ca huyền nhiệm giới thiệu sau đây lấy nguồn hứng từ Thánh Kinh- cũng gọi là Thánh Ca Tin Mừng hay Thánh Ca Phúc Âm- Trong Tân Ước.

Người viết không phải là nhạc sĩ nên không am tường cấu trúc và giai điệu âm nhạc, nên chỉ trình bày về nguồn gốc và ý nghĩa, một số bài Thánh Ca tiêu biểu nổi tiếng. Với mục đích để cùng nhau cảm nghiệm hiệp thông với Giáo Hội, tăng thêm niềm tin yêu cảm tạ Thiên Chúa nhân lành và mẹ Maria từ ái.

*Cloria : Kinh Vinh Danh !

- Bài ca Thiên Thần chúc tụng Chúa Hài Đồng trong đêm Giáng Sinh diễn tả trong Phúc Âm Thánh Luca (Lc.4: 14)
“Gloria in excelsis Deo,
Et in terra pax hominibus bonae voluntatis”
( Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm )

Bài hát xuất xứ từ thế kỷ 4, là lời cầu nguyện ban sáng của các tu sĩ Dòng Benedict theo truyền thống Byzantine, ngày nay gọi là Chính Thống Giáo.
Kinh Gloria tôn vinh Thiên Chúa, luôn được dùng trong phần Tiền Tụng mở đầu nghi thức Thánh Lễ trong dịp Lễ Giáng Sinh- Phục sinh và các ngày Lễ trọng của Giáo Hội Công Giáo.
Bắt nguồn từ các tu viện Benedict theo Gregorian Chant, các nhạc sư Bach- Mozart- Vivaldi sáng tác 3 tấu khúc Gloria nổi tiếng.

Bản Thánh ca Gloria được dịch từ tiếng La-tinh sang Việt ngữ như sau :
‘ Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Chúng con ca ngợi Chúa ! Chúng con chúc tụng Chúa !
Chúng con thờ lạy Chúa ! Chúng con tôn vinh Chúa !
Chúng con cảm tạ Chúa và vinh quang cao cả Chúa !
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là vua trên trời, là Chúa Cha toàn năng.
Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giê-su Ki-tô.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa, là Con Một Đức Chúa Cha, Chúa xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn.
Chúa ngự bên hữu Đức Chúa Cha, xin thương xót chúng con !
Vì lạy Chúa Giê-su Ki-tô, chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao, cùng Đức Chúa Thánh Thần
trong vinh quang Đức Chúa Cha- Amen.’

-Tâm thành nhân thế xót thương,
Trên cao Thiên Chúa luôn thường giúp ta,
Bình an trần thế hoan ca,
Đón nhận hồng phúc bao la muôn đời,
Ăn năn xám hối người ơi !
Chúa Trời từ ái ban lời thứ tha.

*Magnificat : Hồn Tôi Tôn Vinh Chúa !

- Bài Thánh Ca cảm hứng theo câu truyện Đức Mẹ đi thăm bà Elisabeth.
Sau khi nghe lời Bà chị họ chúc mừng, Mẹ Maria đã cất tiếng ngợi ca Thiên Chúa :

“ Hồn tôi tôn vinh Chúa,
Và thần trí tôi vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi,
Vì Người đã đoái nhìn phận hèn tớ nữ của Người.
Này từ đây, mọi đời sẽ khen tôi có phúc.
Vì Đấng quyền năng đã làm cho tôi những điều cao cả.
Danh Người là Thánh !
Và lòng nhân nghĩa của Người, suốt đời nọ đến đời kia trên những kẻ kính sợ Người.
Người đã biểu dương sức mạnh cánh tay Người, làm cho tan tác lũ kiêu căng lòng trí.
Hạ kẻ quyền năng khỏi ngôi báu và suy tôn những ai khiêm nhường.
Đói khó Người cho no phỉ sự lành,
Giàu sang Người xua đuổi về không.
Người đã đáp cứu Israel tôi tớ Người, bởi nhớ lại tình nhân từ Người.
Như người đã phán với tổ tiên chúng ta, hứa cho Abraham và dòng dõi cho đến muôn đời. “
( Lc.1: 46- 55 )

-Magnificat là bài ca tuyệt vời biểu hiệu biến cố lịch sử cứu độ giữa Truyền tin và Giáng trần của Chúa Giêsu. Bài ca trở thành lời cầu nguyện của Giáo Hội nơi mọi dân tộc qua mọi thời đại, là nhịp cầu nối kết giữa Cựu Ước và Tân Ước, giữa Israel và Hội Thánh. Và vạch trần cùng vô hiệu hóa những âm mưu thâm độc của kẻ quyền thế, giàu có, ác độc…
Bài ca cũng làm sáng tỏ chân lý về Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài
Bài Thánh Ca cho chúng ta bài học ‘khiêm nhường, đơn sơ’của Mẹ Maria khi xưng mình là “Phận nữ tì hèn mọn” và niềm hân hoan tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi”.

Hãy nhìn vào dòng đời mỗi người chúng ta, Chúa đã làm biết bao điều cao cả, nhưng tâm hồn chúng ta khép kín không nhận ra. Xin Mẹ hãy giúp chúng con biết mở rộng tâm hồn để đón nhận biết bao hồng ân Chúa ban xuống và cất tiếng ca tụng cảm tạ Ngài như xưa Mẹ đã ca lên lời cảm tạ tuyệt vời dâng lên Thiên Chúa trong Thánh Thi Magnificat.

‘ Lạy Mẹ yêu mến đời con,
Nương nhờ bên Mẹ con còn sợ chi.
Phúc âm đời Mẹ còn ghi,
Vâng theo ý Chúa quên đi thân mình,
Cuộc đời khiêm hạ hy sinh,
Ngợi ca Tình Chúa, tôn vinh danh Ngài. ‘

*Benedictus : Chúc Tụng Chúa !

- Khi Gioan sinh ra, thân phụ của em là Zacarya được đầy Thánh Thần dâng lời chúc tụng Thiên Chúa và nói tiên tri :

“ Chúc tụng Chúa ! Thiên Chúa của Israel,
Vì Người đã thăm viếng và cứu chuộc dân Người.
Người đã dấy lên cho ta uy cứu độ, trong nhà Đa-vít tôi tới Người.
Như Người đã phán nhờ miệng Chư Thánh, các tiên tri
từ muôn đời, nguồn cứu độ khỏi quân thù ta, khỏi tay mọi kẻ ghét ta.
Trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên chúng ta và nhớ lại giao ước thánh của Người.
Lời nguyền đã thề với Abraham cha chúng ta,
để cho ta hết khiếp sợ, thoát tay địch thù, được thờ phượng Người trong thánh thiện và công minh, trước mặt Người và mọi ngày đời ta.
Hài Nhi con ơi ! Con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng Tối Cao, vì con sẽ đi trước mặt Chúa, dọn lối cho dân Người, để ban cho dân Người biết ơn cứu độ, bởi ơn tha thứ các tội khiên.
Nhờ lòng Thiên Chúa chúng ta, chạnh tình nhân hậu, làm cho thái dương từ cao xanh viếng
thăm ta, sáng soi những kẻ ngồi trong bóng tối sự chết và hướng chân ta thẳng đường bình an.
Còn Hài Nhi thì lớn dần, nên dũng mãnh về thần khí và trong nơi hoang tịch, cho đến ngày thụ mệnh đến với Israel “
( Lc.1 : 67- 80 )

-Bài Thánh ca Zacaria là lời tiên tri vang vọng lại Sứ điệp của các ngôn sứ trong quá khứ loan báo Đấng Cứu Thế sẽ đến. Ông cất lời ngợi khen Thiên Chúa với tâm tình hạnh phúc, vì Ngài đã ban cho nhân loại vị Tiền Hô- chính là con trẻ Gioan- công bố Sứ điệp mới : Hãy chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa ban xuống cho lịch sử mới của loài người.
Lạy Chúa từ nhân ! Luôn yêu thương và trung thành với tình yêu hải hà, đã ban chính Con Một của Ngài xuống trần thế, để cứu vớt chúng con khỏi giáng phạt trong đêm tối kể từ khi nguyên tổ bất tuân lệnh truyền của Chúa.

Lạy Chúa là Vua Hòa bình ! Xin cho nhân lọai biết thành tâm thiện chí, thương yêu nhau, đừng
gây chiến tranh tàn khốc sát hại nhau, đừng vô cảm trước đau thương của tha nhân.
Lạy Chúa xin dạy con : Biết lấy ơn trả oán, lấy yêu thương trả hận thù, lấy ca tụng trả lăng nhục và lấy chúc phúc trả nguyền rủa.
Xin cho con biết ăn năn thống hối dọn tâm hồn trong sạch đón Chúa đến. Xin ban bình an trong tâm hồn chúng con, dù phải gặp bao khó khăn của đời sống thế trần.

-Ôi tình yêu Chúa cao vời,
Trước khi Ngài đến Tiền Hô mở đường,
Lại ban Từ Mẫu yêu thương,
Để con vững mạnh cậy nương tháng ngày,
Con xin dâng Chúa từ đây,
Tâm hồn xám hối tràn đầy tin yêu.

* Nunc Dimittis Lạy Chúa Giờ Đây !

- Bài Thánh Ca lấy nguồn cảm hứng từ truyện ông Simêon, một người công chính đạo đức nhờ Thánh Thần linh báo ông sẽ được trông thấy Chúa Kitô trước khi chết. Ông lên đền thờ gặp cha mẹ bồng Hài Nhi Giêsu đến đền thờ, làm theo luật dạy. Simêon ẵm lấy Chúa chúc tụng và kêu lên lời cảm tạ Thiên Chúa :
“ Giờ đây lạy Chúa, xin để tôi tớ Người về, chiếu theo lời Người trong bình an.
Bởi chưng mắt tôi đã thấy ơn Người cứu độ.
Người đã dọn sẵn trước mắt muôn dân, ánh sáng mạc khải cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Ngài. Và Simêon chúc lành cho ông bà, rồi nói cùng Maria Mẹ Ngài : Này, Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israel và làm dấu gợi lên chống đối- còn hồn Bà mũi gươm sẽ đâm thâu- ngõ hầu ý nghĩa của nhiều tâm hồn phải bày ra. “
( Lc.2 : 29- 35 )

-Bằng đời sống cầu nguyện, khiêm nhường, trung tín, tôn thờ và trông đợi Chúa đến.
Simeon đã được toại nguyện nhìn thấy Chúa trước khi chết. Bồng Hài Nhi trên tay, ông nhận ra Đấng Cứu Thế và mừng rỡ để sẵn sàng ra đi bình an.
Lời chúc tụng ao ước của ông trở thành bài ca tuyệt diệu của Hội Thánh.
Simêon cũng nêu lên thái độ và hành động của con người đối với Thiên Chúa : không có trung lập, một là tuân phục hay chống đối Ngài, khi nói cùng Mẹ Maria : “…Này, Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israel và làm dấu gợi lên chống đối..”
Còn về Đức Mẹ đã hiểu lời ông và chấp nhận khổ đau cùng với Con yêu dấu ngay từ lúc đáp lời
‘Xin Vâng’ khi Thiên Sứ Truyền Tin.
Nếu Thánh Ca Benedictus diễn tả ‘ Vầng đông từ chốn trời cao viếng thăm dân Người ’ thì Thánh Ca Nunc Dimittis biểu tỏ ‘ Ánh sáng soi đường cho nhân loại ‘
Xin mượn lời bài ‘ Giờ đây xin để ‘ của Linh mục nhạc sĩ Kim Long tóm kết ý nghĩa bài ca Nunc
Dimittis :
“ Thân lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
Xin để tôi tớ này được an bình ra đi,
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân.
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
Là vinh quang của Israel dân Ngài.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
Từ muôn đời và chính hiện nay luôn mãi đến thiên thu vạn đại- Amen. “

*Stabat Mater : Mẹ Dưới Chân Thánh Giá.

- “ Đứng bên khổ giá Đức Giê-su, có Mẹ Ngài và người chị em của Mẹ, Maria vợ của Klopa và Maria người Magdala. Vậy Đức Giê-su thấy Mẹ Ngài và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ : Hỡi Bà, này là con Bà! Đoạn lại nói với môn đồ: Này là Mẹ con! Và từ đó môn đồ đã lãnh lấy Bà về nhà mình. “
( Yn.19 : 25- 27 )

- Bài ‘Mẹ Dưới Chân Thánh Giá’ cũng gọi là ‘Mẹ Sầu Bi’, diễn tả đau thương của Mẹ trong suốt 33 năm cuộc đời Chúa Giê-su từ lúc Chúa sinh ra cho tới khi Chúa chết, nổi bật qua tiến trình 7 sự thương khó của Mẹ :
1)-Lời tiên tri của Simêon.
2)-Đem Chúa trốn sang Ai-Cập.
3)-Lạc mất Chúa ba ngày.
4)-Theo chân Chúa trên đường lên đồi Can-ve.
5)-Chúa bị đóng đinh và chết trên thập giá.
6)-Tháo xác Chúa xuống.
7)-Táng xác Chúa trong mồ.

Xúc cảm cùng đau thương với Mẹ Maria, tu sĩ dòng Phanxicô là Giacopone da Todi đã sáng tác nhạc phẩm Stabat Mater được chính thức hát trong Lễ Mẹ Sầu Bi ngày 15/9 hàng năm sau Lễ Suy tôn Thánh Giá 14/9. Và danh họa Michelangelo đã điêu khắc pho tượng Pieta nổi tiếng hiện đặt tại Đại Giáo đường Thánh Phêrô La-Mã.
Một đoạn trong Thánh thi Stabat Mater diễn tả rất xúc động khi Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá:

“ Mẹ Sầu bi tầm tã giọt châu,
Đang đứng bên cây thập giá,
Nơi Con Người đã bị treo lên.
Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua,
Tâm hồn Bà đang rên xiết,
Đang sầu khổ và đớn đau…
Ai là người không tuôn châu lệ,
Khi nhìn thấy Mẹ Chúa Ki-tô,
trong cảnh cực hình như thế?
Ai có thể không buồn bã nhìn xem,
Mẹ Chúa Ki-tô đang đau khổ cùng với con Người?

Lạy Mẹ mến yêu, con muốn chia đau đớn của Chúa, để cùng khóc thương với Mẹ.
Bao lâu còn sống trên trần thế, con ao ước đứng dưới chân Thánh Giá, để nhờ Mẹ khóc thay cho tội lỗi con, khiến cho Chúa phải chịu cực hình.
Vì con hiểu rằng : đau khổ là giá cần thiết để mua sắm vinh quang đời đời.
Con sung sướng và cảm tạ tình Chúa thương con vô bờ, trước khi giã từ trần thế đã ban cho con một Người Mẹ quyền uy và từ ái để bênh vực an ủi con trong cuộc sống khổ ải thế trần.

“Ôi lạy Mẹ là niềm mến yêu,
Xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương,
để cho con được khóc than cùng Mẹ.
Xin cho con cháy lửa mến yêu,
Để cho con có thể làm đẹp ý Người. “
( Trích Thánh thi Stabat Mater )

 * “Salve Regina – Lạy Nữ Vương”.
Một trong những ca vãn về Đức Mẹ đã có từ lâu đời nhất trong Giáo hội đưa vào kinh Thần vụ nhiều thế kỷ nay. Không rõ tác giả, nhưng có thể là của Hermando Contracto, cũng có giả thuyết cho là thánh Bernado được.
Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành
làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.
Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và
nhgở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;
Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.
Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con.
Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,
Con lòng Bà gồm phúc lạ.
Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.

*Kế tiếp là kinh ‘Ave Maria Stella’-
( Mẹ là Sao biển )
Trong một cuộc nỗi loạn ở Roma, một đám đông kéo đến nơi nhà của Thánh Nữ Bridget; người trưởng toán đòi thiêu sống Thánh Bridget. Bà cầu nguyện cùng Chúa xem bà có nên lẩn trốn hay không. Chúa khuyên bà nên ở lại: “Họ âm mưu giết con nhưng con sẽ không sao cả. Quyền năng của Ta sẽ phá vỡ ác tâm của kẻ thù con: Nếu họ đóng đinh Ta thì cũng vì Ta cho phép họ”.  Ðức Mẹ thêm: “Hãy hợp ca bài AVE MARIS STELLA thì Mẹ sẽ gìn giữ con khỏi mọi nguy hiểm.” 

Hỡi Ngôi Sao của đại dương
Cổng chính của Thiên Ðàng
Ðấng mãi mãi Ðồng Trinh
Của Thiên Chúa tối cao
Ôi lời chào mừng của Thiên sứ Gabriel
đã thốt ra từ xưa

Tên của Eva đọc ngược,
Cũng cố hòa bình dưới thế
bẻ gãy gông cùm cho kẻ bị giam cầm
ánh sáng cho người mù lòa tội nghiêp,
xua đuổi mọi bệnh hoạn
mọi niềm sung sướng hạnh phúc chúng con khẩn nguyện
Ngài là Mẹ của chúng con
dâng lên Chúa những tiếng thở dài
thay cho chúng con

Ngài sẽ không chê bỏ
Nữ Trinh của mọi Nữ Trinh
là nơi trú ẩn cho chúng con
dịu dàng nhất trong những người hiền dịu
hãy làm cho chúng con đức hạnh và dịu hiền
Chúng con vẫn đang lữ hành dưới thế

Xin hãy giúp đở cho sự yếu đuối của con,
để cùng với Mẹ và Chúa Giêsu
chúng con hân hoan mãi mãi
trên thượng tầng Thiên Ðàng
với Ba Ngôi toàn năng
Cha, Con và Thánh Thần
cùng hưởng phúc vinh hiển,

*Te Deum ( Tạ Ơn Chúa )
Te Deum (hai từ đầu tiên của Te Deum laudamus, tiếng Latinh có nghĩa là "Chúng tôi ngợi khen Ngài, hỡi Đức Chúa Trời") là một bài thánh ca dựa trên Kinh thánh, được sử dụng trong phụng vụ của các nhà thờ Thiên chúa giáo, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo La Mã. Bài thánh ca có nguồn gốc từ khoảng năm 400 sau Công nguyên, được viết bằng văn xuôi nhịp nhàng và hiện được cho là của Nicetas of Remesiana. Tương truyền là câu chuyện mà Giám mục Ambrose của Milan được cho là đã hát bản văn này trong một bài thánh ca với Augustine nhân dịp lễ rửa tội của ông. Te Deum do đó còn được gọi là thánh ca Ambrosian.

 -“Lạy Thiên Chúa, / Chúng con xin ca ngợi hát mừng, / Tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa. / Chúa là Cha, Ðấng trường tồn vạn đại, / Hoàn vũ này kính cẩn suy tôn. / Trước nhan Chúa, các tổng thần phủ phục, / Mọi thiên thần và đạo binh thiên quốc, / Ðều cảm tạ và cung chúc tôn thờ, / Chẳng khi ngừng vang dậy tiếng tung hô: / Thánh! Thánh! Chí Thánh! / Chúa tể càn khôn là Ðấng Thánh! / Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa uy linh. / Bậc Tông Ðồ đồng thanh ca ngợi Chúa, / Bao vị ngôn sứ tán tụng Ngài. / Ðoàn tử đạo quang huy hùng dũng, / Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài, / Và trải rộng khắp nơi trần thế, / Hội Thánh Ngài hoan hỷ tuyên xưng: / Chúa là Cha lẫm liệt uy hùng, / Và Con Một Ngài chí tôn chí ái, / Cùng Thánh Thần, Ðấng an ủi yêu thương.
“Lạy Ðức Kitô, Con Chúa Trời hằng sống, / Ngài là Chúa hiển vinh / Ðã chẳng nề mặc lấy xác phàm / Nơi cung lòng Trinh Nữ / Hầu giải phóng nhân loại lầm than. / Ngài đã ra tay chiến thắng tử thần, / Mở cửa trời cho những ai tin tưởng. / Ngài hiển trị bên hữu Chúa Cha, / Ngày cuối cùng sẽ giáng lâm thẩm phán. / Cúi lạy Chúa, xin phù hộ bề tôi / Ngài cứu chuộc bằng bửu huyết tuôn tràn. / Xin được hợp đoàn cùng muôn thần thánh, / Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang.” (Nhóm CGKPV)

*Kinh Agnus Dei – Chiên Thiên Chúa.

Kinh Chiên Thiên Chúa (Tên khác: Lạy Chiên Thiên Chúa (tiếng Latinh: Agnus Dei) được hát hoặc đọc trong thánh lễ khi chủ tế bẻ bánh và bỏ vào chén rượu. Trong khi làm nghi thức này, có thể lặp lại kinh này bao nhiêu lần cũng được, miễn là luôn luôn phải kết thúc bằng câu: "Xin ban bình an cho chúng con".

Cử chỉ của Chúa Kitô bẻ bánh trong bữa Tiệc Ly cuối cùng, điều này đặt tên cho toàn thể Hành Động Thánh Thể trong thời các tông đồ, có nghĩa là nhiều người tìn hữu làm nên một thân thể (2Cr 10:17) bằng cách Rước Lễ từ một bánh sự Sống là Chúa Kitô, Người đã chết và sống lại vì phần rỗi thế giới. Việc bẻ bánh bắt đầu sau dấu bình an và được thực hiện với vẻ cung kính cách riêng, dầu không nên kéo dài một cách không cần thiết, cũng không nên cho nó một tầm quan trọng không đáng...

Kinh Chiên Thiên Chúa là một luật buộc, do ca đoàn hay ca viên xướng được cộng đoàn hát theo; hay ít nhất phải được đọc to tiếng. Sự cầu xin này đồng hành với việc bẻ bánh nên vì lẽ này mà có thể hát đi hát lại khi cần thiết cho tới lúc kết thúc, lời hát kết với cụm từ 'dona nobis pacem'(xin ban bình an cho chúng con)".

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con.
Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con.
Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian: xin ban bình an cho chúng con.

*Angelus-Kinh Truyền Tin

Xướng: Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.
Đáp: Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.
Kính mừng….. Thánh Maria……

Xướng: Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.
Đáp: Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.
Kính mừng….. Thánh Maria……

Xướng: Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.
Đáp: Và ở cùng chúng con.
Kính mừng….. Thánh Maria……
Xướng: Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
Đáp: Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.

LỜI NGYỆN
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là con Chúa đã xuống thế làm Người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.

* Kyrie Eleison – Lạy Chúa xin thương xót.

Lạy Chúa, xin thương xót Chúa ơi, xin thương xót Nghe tiếng khóc của chúng tôi và chữa lành đất của chúng tôi
Hãy để lòng tốt dẫn chúng ta đến sự ăn năn
Đưa chúng tôi trở lại lần nữa

Vì tên của bạn là tuyệt vời và trái tim của bạn là ân sủng
Kyrie Eleison
Hơn tất cả Bạn trị vì Bạn một mình có thể tiết kiệm
Kyrie Eleison
Chúa thương xót,
Chúa Kitô thương xót chúng ta bây giờ

Thiên Chúa này là ai tha thứ cho tất cả tội lỗi của chúng ta
Vì vậy, sẵn sàng để tha thứ Bạn vui mừng để thể hiện lòng thương xót của bạn

Thiên Chúa này là ai tha thứ cho tất cả tội lỗi của chúng ta
Vì vậy, sẵn sàng để tha thứ Bạn vui mừng để thể hiện lòng thương xót của bạn
Thiên Chúa này là ai tha thứ cho tất cả tội lỗi của chúng ta
Vì vậy, sẵn sàng để tha thứ Bạn vui mừng để thể hiện lòng thương xót của bạn
Thiên Chúa này là ai tha thứ cho tất cả tội lỗi của chúng ta
Vì vậy, sẵn sàng để tha thứ Bạn vui mừng để thể hiện lòng thương xót của bạn

Vì tên của bạn là tuyệt vời và trái tim của bạn là ân sủng
Kyrie Eleison
Hơn tất cả Bạn trị vì Bạn một mình có thể tiết kiệm
Kyrie Eleison
Chúa thương xót,
Chúa Kitô thương xót chúng ta bây giờ

Vì tên của bạn là tuyệt vời và trái tim của bạn là ân sủng
Kyrie Eleison
Hơn tất cả Bạn trị vì Bạn một mình có thể tiết kiệm
Kyrie Eleison
Chúa thương xót, Chúa Kitô thương xót
Chúa thương xót Chúa Kitô thương xót chúng ta bây giờ

*Ave Maria- Kính Mừng Maria.

Trước khi có hình thức cố định như hiện nay, Lời Kinh Kính Mừng đã mặc lấy những hình thức hơi khác nhau mặc dù ý nghĩa căn bản vẫn còn nguyên vẹn.
Chẳng hạn như vào giữa thế kỷ thứ XIV, các tu sĩ dòng Các Tôi Tớ của Ðức Maria, tại Firenze bên nước Italia, đã phổ biến lời kinh Kính Mừng như sau:
“Kính mừng Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, rất dịu hiền và rất trinh trong vô nhiễm nguyên tội. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, Mẹ ân sủng và Mẹ nhân từ, xin cầu cho chúng con, bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen.”

Cũng trong thế kỷ XIV, thánh Bernadino thành Siêna, đã thêm vào sau những lời Cầu cho chúng con, một đặc tính nữa là “những kẻ có tội”.

Vào năm 1568, Ðức Giáo Hoàng Pio V, đã tổng hợp tất cả các truyền thống lại, và mặc cho phần thứ hai của kinh Kính Mừng hình thức cố định như hiện nay: “Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa trời. Cầu cho chúng con, là kẻ có tội, khi nầy và trong giờ lâm tử. Amen.”

Ðọc lại toàn bộ lời kinh Kính Mừng, chúng ta có thể chú ý đến hai đặc điểm được đề cao nơi Mẹ Maria, đó là Mẹ đầy ơn sủng và Mẹ nhân từ. Mẹ được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa và Mẹ luôn là người Mẹ nhân từ đối với loài người chúng ta, những kẻ tội lỗi cần nhờ đến lòng nhân từ hay tha thứ của Thiên Chúa. Chính vì thế mà chúng ta không ngần ngại chạy đến Mẹ, xin Mẹ cầu nguyện cho trong giây phút hiện tại và trong giờ lâm tử được ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.

-Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và con lòng Bà gồm phúc lạ !
Thánh Maria!Đức Mẹ Chúa trời cầu cho chúng con là kẻ có tội,khi nay và trong giờ lâm tử- Amen.


*Credo- Kinh tin Kính

– Kinh Credo hay Kinh Tin Kính: “Credo” nguyên ngữ tiếng Latinh có nghĩa “Tôi tin”. Đây là từ đầu tiên của Kinh Tin Kính, một kinh nguyện tổng hợp các biểu thức đức tin, một hình thức cô đọng niềm tin Kitô giáo. Trong sách Lễ Rôma có hai Kinh Credo được đề nghị : “Tín biểu ballein = bỏ vào). Cả hai mảng được bỏ vào nhau khẳng định sự hiệp nhất của những người chủ. Vì vậy, nguồn gốc “biểu tượng = symbolon” là một nửa của vật gì đó mà người chủ nhìn nhận người bên kia còn giữ một nửa còn lại. Biểu tượng là việc nối lại và kết hợp lại.
Nhưng làm sao Kinh Credo lại có thể được coi như một biểu tượng? Chúng ta có thể thấy ý nghĩa đó qua ba điều:
Kinh Credo nối lại và kết hiệp điều “tôi tin” của mỗi cá nhân và điều “tôi tin” của tất cả mọi người.
Kinh Credo nối lại và kết hiệp điều “tôi tin” của cộng đoàn địa phương với điều “tôi tin” của Giáo hội hoàn vũ.
Kinh Credo nối lại và kết hiệp điều “tôi tin” của Giáo hội cho Thiên Chúa Ba Ngôi.

Giống như biểu tượng cho một nửa còn lại, kinh Credo nối lại và kết hiệp cộng đoàn, Giáo hội và Thiên Chúa. Đó là dấu chỉ nhìn nhận giữa những Kitô hữu với nhau. Một dấu chỉ nhìn nhận không thể nào thay đổi thường xuyên được, nhưng vẫn có đó và hiện diện cho mọi thế hệ. Cho nên cộng đoàn được mời gọi đọc lại vào mỗi Chúa nhật, một trong hai biểu tượng của Giáo hội sơ khai:
“Kinh Tin Kính các Tông đồ” và kinh Tin Kính Công đồng Nicée-Constantinople (Tín biểu các tông đồ hay kinh Credo Nicée-Constantinopli.)

*Tôi tin kính Đức Chúa Trời là cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là con một đức Chúa cha cùng là Chúa chúng tôi.
Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh, chịu nạn đời quan Phongziô Philatô chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác. Xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội thánh hằng có ở khắp thế này các Thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy- Amen.

*Regina Caeli- Nữ Vương Thiên Đàng.
Kinh Regina caeli  đã được phổ biến từ thời Trung cổ như ca vãn khi rước kiệu sau giờ Kinh Tối, và được Đức Thánh Cha Pio V chính thức đưa vào sách nguyện Rôma sau công đồng Trento, (năm 1568), và Đức Thánh Cha Bênêđictô XIV truyền đọc trong mùa Phục sinh thay cho kinh Truyền tin.
Có thể ví kinh này như lời “truyền tin” của cộng đoàn Hội thánh dâng lên Đức Mẹ, song song với lời “truyền tin” của sứ thần ở Nazareth.
– Trước đây, Mẹ được báo tin là Con Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Mẹ; giờ đây, các môn đệ loan báo cho Mẹ biết là Đức Kitô đã sống lại.
– Trước đây, Mẹ thông chia việc hạ mình của Đức Kitô, như người nữ tì; giờ đây Mẹ được chia sẽ vinh quang với Đấng Phục sinh như là Nữ Hoàng.
-Mừng vui lên, lạy Nữ Hoàng Thiên Quốc ! Halêluia
Vì Thánh Tử Bà được phúc cưu mang ! Halêluia !
Ðã phục sinh như lời Người phán trước ! Halêluia !
Cầu Chúa cho đoàn con, lạy Nữ Hoàng ! Halêluia !
(*)Ghi chú : Đây là bản kinh ‘Nữ Vương Thiên Dàng thông dụng :

-Xướng: Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng – Alleluia !
Đáp: Vì đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng – Alleluia !
Xướng: Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa – Alleluia !
Đáp: Xin cầu cùng Chúa cho chúng con – Alleluia !
Xướng: Lạy Nữ Đồng Trinh Maria hãy hỉ hoan khoái lạc – Alleluia !
Đáp: Vì Chúa đã sống lại thật – Alleluia !

LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa, là đấng đã làm cho thiên hạ vui mừng qúa bội bởi Đức Chúa Giêsu Kitô la` Con Chúa cùng là Chúa chúng con đã sống lại; xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người nguyện cầu cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời dời. Vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

*Requiem* ( Xin cho các Linh Hồn được nghỉ yên )  
 
*Cảm xúc qua nhạc phẩm nổi tiếng Requiem của nhạc sư Mozart.
“Requiem aeternam  dona  eis, Domine ! Et  lux  perpetua  luceat  eis.”
(Lạy Chúa! Xin cho các Linh Hồn được nghỉ yên muôn đời! Và được hưởng Ánh sáng ngàn thu.)
  
* Lạy Chúa! Hãy lắng nghe con dâng lời,
Cho các Linh Hồn được nghỉ yên muôn đời.
Xin đưa các Linh Hồn về bên Chúa,
Được hưởng Ánh sáng huy hoàng ngàn thu
 
Ôi! Ngày ấy kinh hoàng,
Tiếng loa thét vang vang,
Muôn kẻ chết chỗi dậy,
Từ khắp chốn trần gian.
 
Tất cả phải tập trung,
Chúa uy nghi vô cùng,
Từ trời cao ngự xuống,
Sẽ thưởng phạt chí công.
 
Giờ biết nói gì đây,
Công tội đã phơi bày,
Không thể nào che giấu,
Đã quá muộn còn đâu.
 
Ôi! Lạy Chúa Ki-Tô,
Xin cứu vớt Linh Hồn,
Khỏi cực hình hỏa ngục,
Thoát bể lửa trầm luân.
 
Chúa cứu Mai-đệ-Liên, (1)
Thứ tha người trộm hiền,
Biết ăn năn thống hối,
Được gia nhập đoàn chiên.
 
Quyền năng Chúa khôn bì,
Với tấm lòng từ bi,
Hãy giơ tay cứu vớt,
Đừng hủy diệt con đi.
 
Con sấp mình nài van,
Lòng đau xót vô vàn,
Quyết ăn năn xám hối,
Hồng phúc được Chúa ban.
 
Chiếu Ánh sáng muôn nơi,
Cùng Các Thánh trên trời,
Cho Linh Hồn an nghỉ,
Nơi Thiên Quốc muôn đời.
 
Bản Ai Ca tiến dâng, (2)
Kêu cầu Chúa từ nhân,
Đoái thương kẻ đã chết,
Và con nữa mai sau.
 
Thánh! Thánh! Thánh! Chí Thánh!
Thiên Chúa các đạo binh,
Tầng trời hoan hô Chúa.
Trời đất đầy quang vinh.
 
Ôi! Lạy Chiên Thiên Chúa!
Đấng xóa tội trần gian.
Ôi! Lạy Chiên Thiên Chúa!
Cho Linh Hồn nghỉ an.
 
Lạy Chúa! Hãy lắng nghe con dâng lời,
Cho các Linh Hồn nghỉ yên muôn đời.
Xin đưa các Linh Hồn về bên Chúa!
Được hưởng Ánh sáng huy hoàng ngàn thu.
 
(  ĐVTH )

- Ghi chú :
(*) Requiem là bản Thánh ca Cầu Hồn nổi tiếng của nhạc sư Wolfgang Amadeus Mozart. Ông đã sáng tác nhạc phẩm này 2 tuần lễ trước khi từ trần do sự ủy nhiệm của một nhân vật giấu tên, viết cho người nhưng cũng là viết cho chính mình trong những ngày cuối đời trên giường bệnh. Đây là nhạc phẩm cuối cùng đời ông.
(1) Tên Bà Thánh Madalena thường được phiên âm sang Hán- Việt là Mai-đệ-Liên.
(2) Bản giao hưởng Requiem được coi như một tấu khúc bi thương cầu cho người qua đời.
Quí Vị trên 60 tuổi đều quen thuộc với bài Requiem được hát lên trong nghi lễ an táng tại Thánh đường Việt Nam  ngày xưa.
 
*Kết : Đây là 15 Thánh Ca vinh danh Thiên Chúa và Đức Mẹ. Trong đó 7 bài tôn vinh Mẹ Maria, 8 bài vinh danh Thiên Chúa tràn đầy quyền năng và tình yêu - và Mẹ từ ái ta luôn tin yêu và cậy trông đủ quyền thế để chuyển cầu hồng ân Chúa xuống cho những ai kêu cầu cùng Mẹ Maria trong những lúc gian nan.

Người viết trưng dẫn một số Thánh Ca tiêu biểu không ngoài mục đích tìm hiểu rõ những lời tôn vinh qua các Thánh Ca ta nghe trong các Thánh Lễ Đại Trào theo truyền thống nghi lễ La tinh cũ. Như đã bày tỏ trong phần mở đầu,không phải là nhạc sĩ hay nhà thần học, nên không đi sâu vào chi tiết.

Kính mong thông cảm và thứ lỗi những thiếu sót- Chân thành cám ơn !

Đinh văn Tiến Hùng – Tổng hợp
 
Thánh Ca
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm
Lm Thái Nguyên
06:05 06/12/2024