Ngày 07-12-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Vọng 08/12/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:23 07/12/2019
Bài Ðọc I: Is 11, 1-10

"Chúa lấy sự công minh mà xét xử người nghèo khó".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi và cũng từ gốc ấy sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa.

Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở. Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng, và lấy sự trung tín làm đai lưng.

Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương.

Ngày ấy gốc Giêsê đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân. Các dân sẽ khẩn cầu Ngài, và mộ Ngài sẽ được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8. 12-13. 17

Ðáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người (c. 7).

Xướng: Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực.

Xướng: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người cho tới khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất.

Xướng: Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống người cùng khổ.

Xướng: Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca khen người.

Bài Ðọc II: Rm 15, 4-9

"Chúa Kitô cứu rỗi hết mọi người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, những gì đã viết ra là có ý để giáo huấn chúng ta, hầu nhờ Thánh Kinh thêm sức và an ủi, chúng ta được cậy trông. Xin Thiên Chúa, nguồn kiên tâm và an ủi, ban cho anh em biết thông cảm với nhau theo gương Chúa Giêsu Kitô, để anh em đồng thanh tôn vinh Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Vì thế, anh em hãy tiếp rước nhau như chính Chúa Giêsu đã tiếp nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Vì chúng tôi quả quyết với anh em: để chứng tỏ sự chân thật của Thiên Chúa, Ðức Giêsu Kitô đã phục vụ những người chịu phép cắt bì, hầu xác nhận lời hứa cùng các tổ phụ. Còn dân ngoại, họ tôn thờ Thiên Chúa vì lòng nhân từ Người, như lời chép rằng: "Vì vậy, lạy Chúa, con sẽ cao rao Chúa và sẽ ca tụng danh Chúa giữa các dân ngoại".

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 3, 4. 6

Alleluia, alleluia! - Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 3, 1-12

"Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: "Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng".

Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan.

Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: "Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Ðây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Ðấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Ðấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt".

Ðó là lời Chúa.
 
Lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội 8/12 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:30 07/12/2019
Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20

"Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ".

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: "Ngươi đang ở đâu?" Ông đã thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp".

Chúa phán bảo ông rằng: "Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?" Ađam thưa lại: "Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn".

Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: "Tại sao ngươi đã làm điều đó?" Người phụ nữ thưa: "Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn".

Thiên Chúa phán bảo con rắn: "Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người".

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu.

Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

Xướng: Khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ mừng vui, và đàn ca.

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-6. 11-12

"Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Ðức Kitô. Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Ðức Giêsu Kitô, theo như ý Người sở định, cho được ca ngợi vinh quang ân sủng của Người, ân sủng mà Người ban tặng chúng ta trong Con yêu quý của Người.

Cũng trong Ðức Kitô, chúng ta đã được chọn trước làm phần gia nghiệp, chiếu theo chương trình tiền định của Ðấng tác thành mọi sự theo như ý Mình sở định, hầu cho chúng ta ca tụng vinh quang Người, chúng ta là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Kính chào Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ, Trinh Nữ có phúc hơn các người nữ. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

"Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!" Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được". Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.
 
Maria Mẹ Đầy Ơn Sủng
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:33 07/12/2019
Suy Niệm Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

(St 3, 9-15. 20 ; Ep 1, 3-6. 11-12 ; Lc 1, 26-38)

Hôm nay toàn thể Hội Thánh tôn vinh Mẹ Maria, Ðấng Tuyệt Ðẹp “Tota Pulchra”, Ðấng đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Con Một Ngài, Đấng được gìn giữ khỏi mắc tội nguyên tổ, là Ðấng đầu tiên đã được Con Mẹ cứu chuộc. Nét đẹp cao cả của Mẹ phản chiếu nét đẹp của Chúa Kitô, là bằng chứng cho tất cả mọi tín hữu về chiến thắng của Ân sủng Thiên Chúa trên tội lỗi và sự chết.

Tín điều Mẹ Maria Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Chân phước Piô IX Giáo Hoàng long trọng tuyên bố bằng sắc lệnh “Ineffabilis Deus” vào ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm, 8/12/1854, rằng: “Để vinh danh Ba Ngôi thánh thiện duy nhất, để tôn kính và hiển danh Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, để phấn khởi đức tin Công Giáo và phát triển Kitô Giáo; bằng quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi tuyên xưng, công bố và xác nhận rằng: tín lý cho rằng rất Thánh Nữ Trinh Maria, ngay từ giây phút đầu thai của mình, nhờ ơn sủng cùng với đặc ân chuyên nhất của Thiên Chúa toàn năng, và dựa vào công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội, là điều được Thiên Chúa mạc khải, vì thế, tất cả mọi tín hữu đều phải mạnh mẽ và liên lỉ tin tưởng”. (DS 2803)

Xem Video và nghe bài giảng

Như thế, Mầu nhiệm Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội nhắc nhớ chúng ta hai chân lý căn bản của đức tin, đó là tội nguyên tổ và nhất là sự chiến thắng của ơn thánh Chúa trên tội này, chiến thắng ấy được phản chiếu tuyệt vời nơi Đức Maria chí thánh.

Chúng ta cảm thấy sự hiện diện của tội nguyên tổ quanh chúng ta và nhất là trong chúng ta. Kinh nghiệm về sự ác thật tỏ tường đến độ khơi lên trong ta câu hỏi: sự ác ấy từ đâu mà tới? Các trang đầu tiên của sách Sáng Thế (x. St 1-3) cho ta câu trả lời. Thiên Chúa không tạo nên sự chết, nhưng sự chết đã đi vào thế giới vì sự ghen tương của ma quỉ (x. Kn 1,13-14; 2,23-24). Khi nổi loạn chống lại Thiên Chúa, ma quỉ đã lường gạt và lôi kéo cả con người theo chúng. Thiên Chúa hỏi Ađam: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư? ” Thiên Chúa hỏi Evà: “Tại sao ngươi đã làm điều đó? ” Và Thiên Chúa phán bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi”. (St 3, 9-15. 20). Đó là thảm kịch tự do mà Thiên Chúa chấp nhận đến cùng vì yêu thương, nhưng Ngài hứa sẽ có người con của một phụ nữ đập dập đầu con rắn xưa (St 3,5); “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,5).

Nhìn vào Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp cứu độ trần thế: vẻ đẹp của Thiên Chúa chiếu tỏ rạng ngời nơi tôn nhan Chúa Kitô. Nơi Mẹ Maria vẻ đẹp này hoàn toàn tinh tuyền, khiêm tốn, được giải thoát khỏi mọi kiêu căng và tự phụ.

“Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ! ” (Lc 1, 28). Lời của sứ thần Gabriel, chúng ta không ngớt dâng lên Đức Mẹ nhiều lần trong ngày. Hôm nay chúng ta lặp lại với niềm vui không tả, trong ngày lễ Đức Maria Vô nhiễm Nguyên Tội, một mầu nhiệm cao cả, chúng ta trình bày trong Phụng vụ hôm nay! Một mầu nhiệm không ngừng thu hút sự chiêm niệm của các tín hữu và truyền cảm hứng cho sự suy tư của các nhà thần học. “Ðấng đầy ơn phúc”, đây là tên mà Thiên Chúa, qua sứ thần, muốn gọi Đức Trinh Nữ. Đó là cách Thiên Chúa đã nghĩ và nhìn đến từ trước muôn thủa.

Trong bài thánh thi của Thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô ca ngợi Thiên Chúa Cha vì Ngài “đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Đức Kitô” (1, 3). Thiên Chúa đã gửi cho Đức Maria phúc lành thiêng liêng ấy! Mẹ là thực sự được chúc phúc hơn các người phụ nữ (x. Lc 1 : 42)! Chúa Cha đã chọn Mẹ trong Đức Giêsu Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, ngõ hầu Mẹ trở nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Đức Giêsu Kitô (x. Ep 1 4-5).

Tiền định của Đức Maria, như tất cả chúng ta, trong tương quan với tiền đình của Chúa Con. Chúa Kitô là chổi non mọc lên để đạp dập đầu con rắn xưa, theo sách Sáng Thế (x. St 3 , 15) là Con Chiên không tì vết (x. Xh 12, 5 , 1 P 1 , 19) tự hiến tế để cứu chuộc con người khỏi tội lỗi.

Với tiên đoán về cái chết cứu cứu chuộc của Ngài, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ và mọi tội lỗi khác. Trong chiến thắng của Adam mới, đó cũng là của Eva mới, mẹ của những người đã được cứu chuộc. Do đó Đức Maria Vô Nhiễm là một dấu chỉ niềm hy vọng cho tất cả chúng sinh, những người đã chiến thắng Sa-tan nhờ máu của Con Chiên (x. Kh 12 , 11).

Hôm nay chúng ta chiêm ngưỡng người thôn nữ khiêm hạ Nazareth thánh thiện và vô nhiễm trước nhan Thiên Chúa trong tình yêu (x. Ep 1 : 4), tình yêu mà trong đó suối nguồn là chính Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ đó Đức Maria được Vô Nhiễm Nguyên Tội và làm Mẹ Đấng Cứu Chuộc!

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là người đầu tiên được cứu chuộc bởi Con Mẹ, được tham gia vào sự viên mãn rất thánh thiện của Con Mẹ, là niềm ước mơ và hy vọng của Hội Thánh, là hình ảnh cánh chung của Giáo Hội. Mẹ là Trạng Sư của chúng con, Mẹ của Vua Hòa Bình, Ðấng đạp đầu con rắn, xin phù giúp chúng con biết chống lại những cám dỗ của sự dữ; Xin Mẹ làm sống lại trong chúng con, đức tin, đức cậy và đức mến, ngõ hầu, trung thành với ơn gọi của mình, chúng con biết sống làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, bất chấp mọi hy sinh. Và như ngôi sao sáng, xin Mẹ hướng dẫn bước đường chúng con đến gặp Chúa đang ngự đến. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:19 07/12/2019

4. Kiên nhẫn là đức hạnh cam tâm chịu đựng tất cả đau khổ ở thế gian này.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:24 07/12/2019
82. BỐN HẾT CỦA NGƯ HOẰNG



Ngư Hoằng người Lương thời nam triều, tính rất là khoác lác, vợ lẽ phục vụ hơn một trăm người, đi chơi có xe cộ phục dịch lúc nào cũng đều đi trước.

Ông ta đã đảm nhận qua chức vụ thái thú ở các quận Nam Tiều, Cánh Lăng, Vĩnh Ninh và Tân Hưng, có lần mặt dày không biết xấu hổ nói với mọi người rằng:

- “Ta làm thái thú có một cái đặc sắc đều là vì 4 hết: hết cá và ba ba trong nươc, hết nai trong núi, hết gạo và ngũ cốc trong ruộng, hết dân trong thôn”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 82:

Làm quan là để làm việc ích nước lợi dân, làm quan là để giúp dân càng ngày càng giàu có hạnh phúc, chứ nếu làm quan mà cái gì của dân cũng vơ vét cho mình thì đúng là “quan hại”.

Cá và ba ba trong hồ hết là vì quan độc quyền đánh bắt, nai trong núi không còn vì quan cấm dân săn bắn chỉ mình quan khai thác, gạo và ngũ cốc trong ruộng hết là vì quan bán đất của dân để xây dựng chổ ăn chơi trác táng để kiếm tiền, dân trong thôn hết vì quan không chăm lo cho dân, bắt ép dân thủ tục này thủ tục nọ nên dân bỏ đi hết…

Người Ki-tô hữu là dân được tuyển chọn để làm cho danh Cha cả sáng ở trần gian này, cho nên đi đến đâu họ cũng đều từ cái hết làm cho có: người hết tình thương thì họ làm cho có tình thương bằng cách yêu thương người như chính mình, người hết cơm ăn áo mặc thì họ tương trợ giúp đỡ, người hết tình cảm bạn bè thì họ trở thành người bạn tốt…

Tại tiệc cưới Ca-na Đức Chúa Giê-su đã làm cho có rượu khi tiệc hết rượu khiến cho mọi người hân hoan, hôm nay Đức Chúa Giê-su vẫn tiếp tục từ nơi chúng ta –người Ki-tô hữu- làm cho có những cái đã hết nơi người anh em chị em bất hạnh, đó chính là cách để cho mọi người nhận ra Đức Chúa Giê-su đang hoạt động nơi chúng ta vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của cha Raniero Cantalamessa - Tĩnh tâm Mùa Vọng của giáo triều Rôma: Noi gương Đức Maria
J.B. Đặng Minh An dịch
01:01 07/12/2019
Sáng thứ Sáu 6 tháng 12, tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc trong điện Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã tham dự buổi tĩnh tâm Mùa Vọng. Vị giảng thuyết là cha Raniero Cantalamessa, thần học gia, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng.

Bản dịch sang tiếng Anh có thể xem tại đây.

Dưới đây là bản dịch toàn văn phần 2 sang Việt Ngữ.


Bài tĩnh tâm thứ nhất Mùa Vọng của cha Raniero Cantalamessa, OFMCap
Em thật có phúc, vì đã tin!


Noi gương Đức Maria

Dấu vết còn lại trên mặt nước của một con tàu đáng yêu dần dần lan rộng cho đến khi nó biến mất hoàn toàn và hòa nhập với đường chân trời, nhưng nó bắt đầu từ chính con tàu. Điều tương tự cũng đúng với dấu vết của các tín hữu tạo nên Giáo Hội. Nó bắt đầu tại một thời điểm nhất định, và điểm này là đức tin của Đức Maria, là lời fiat của Mẹ. Đức tin, cùng với người em của mình, là đức cậy, là điều duy nhất không bắt đầu với Chúa Kitô nhưng bắt đầu với Giáo Hội, và do đó với Đức Maria, là thành viên đầu tiên theo thứ tự thời gian và tầm quan trọng. Chúa Giêsu không thể là chủ thể của đức tin Kitô giáo vì Ngài là đối tượng của đức tin ấy. Thư gửi tín hữu Do Thái cho chúng ta một danh sách những người có đức tin: “Nhờ đức tin, ông Aben. ... Nhờ đức tin Ápraham. . . . Nhờ đức tin, ông Môise” (Dt 11:. 4 ff). Chúa Giêsu không được bao gồm trong danh sách này! Chúa Giêsu được gọi là “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12: 2), là Đấng đức tin chúng ta dựa vào từ khởi thủy đến cùng tận, nhưng không phải một trong những tín hữu, cho dù là người đầu tiên đi chăng nữa.

Do đó, từ thực tại của niềm tin chúng ta thấy mình đang noi gương Đức Maria, và bây giờ chúng ta muốn nhìn sâu hơn vào ý nghĩa của việc noi gương Đức Mẹ. Từ việc đọc những gì liên quan đến Đức Maria trong Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy rằng Giáo Hội, ngay từ thời các Giáo Phụ, đã theo một tiêu chuẩn có thể được thể hiện như sau: Maria, vel Ecclesia, vel anima: nghĩa là “Đức Maria, hay đúng hơn là Giáo Hội, hay đúng hơn là Linh hồn”. Ý nghĩa của câu này là những gì được nói cách riêng về Mẹ Maria trong Kinh Thánh cũng muốn nói một cách phổ quát cho Giáo Hội, và những gì được nói một cách phổ quát cho Giáo Hội thì cũng muốn nói một cách cá vị cho mỗi tín hữu.

Theo nguyên tắc này, bây giờ chúng ta hãy xem đức tin của Đức Maria nói gì trước hết đối với Giáo Hội nói chung và sau đó với mỗi người chúng ta, nói riêng. Như chúng ta đã từng làm với ân sủng, trước tiên chúng ta hãy nhấn mạnh ý nghĩa giáo hội học hoặc thần học của đức tin của Đức Maria, và sau đó là những hệ quả có tính cách cá nhân hay khổ hạnh của đức tin ấy. Như thế, cuộc sống của Đức Mẹ không chỉ hữu ích trong việc phát triển lòng đạo đức riêng của chúng ta mà còn giúp chúng ta hiểu sâu hơn về Lời Chúa và các vấn đề của Giáo Hội.

Trước hết, Đức Maria nói với chúng ta về tầm quan trọng của đức tin. Không thể có âm thanh hay âm nhạc nếu không có tai để nghe, cho dù có bao nhiêu giai điệu hay hợp âm cao siêu tràn ngập không khí đi chăng nữa. Chẳng có ân sủng, hoặc có đi nữa thì ân sủng cũng không thể hoạt động được, nếu không có đức tin để chấp nhận nó. Giống như mưa không thể nảy mầm bất cứ thứ gì trừ khi nó rơi xuống mảnh đất có thể hấp thụ nó, cũng thế, ân sủng đòi phải có đức tin. Chính nhờ đức tin mà chúng ta nhạy cảm với ân sủng. Niềm tin là nền tảng cho mọi thứ; nó là cái trước hết và tốt nhất trong số các việc lành phúc đức. Chúa Giêsu nói việc Thiên Chúa muốn chúng ta làm, là hãy tin (xem Ga 6:29). Đức tin rất quan trọng bởi vì một mình nó duy trì sự nhưng không của ân sủng. Nó không cố gắng đảo ngược trật tự, biến Thiên Chúa thành con nợ và con người trở thành chủ nợ. Đó là lý do tại sao đức tin rất thân thiết với Chúa, Đấng làm cho hầu hết mọi sự phụ thuộc vào niềm tin trong mối quan hệ của Ngài với con người.

Ân sủng và đức tin: đây là cách thế hai trụ cột của ơn cứu rỗi được đặt để. Đó là hai chân con người được ban cho để bước đi hoặc hai cánh để bay. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề về hai điều song song với nhau, như thể ân sủng đến từ Thiên Chúa và đức tin từ chúng ta, và ơn cứu rỗi qua đó phụ thuộc một cách đồng đều vào Thiên Chúa và chúng ta, vào ân sủng và sự tự do. Xin Chúa giúp những ai nghĩ rằng ân sủng tùy thuộc vào Chúa nhưng đức tin phụ thuộc vào tôi; và cùng với nhau, Chúa và tôi mang đến ơn cứu rỗi! Nghĩ như thế là một lần nữa chúng ta lại biến Thiên Chúa thành con nợ, bằng cách nào đó tùy thuộc vào chúng ta và Ngài phải chia sẻ công đức và vinh quang với chúng ta. Thánh Phaolô xua tan tất cả mọi hồ nghi khi ngài nói, “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây [có nghĩa là, đức tin, hoặc tổng quát hơn, là việc được cứu độ do ân sủng nhờ đức tin, cũng tương tự thôi] không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Eph 2: 8 ff). Cũng cần nói thêm, hành động đức tin của Đức Maria đã được thúc đẩy bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Điều khiến chúng ta quan tâm bây giờ là đưa ra ánh sáng một số khía cạnh trong đức tin của Đức Maria có thể đưa Giáo Hội ngày nay đến với niềm tin lớn hơn. Hành động đức tin của Đức Maria rất cá nhân, độc đáo và không bao giờ có thể lặp lại. Đó là niềm tin vào Chúa và sự phó thác hoàn toàn bản thân cho Chúa. Đó là một mối quan hệ cá vị giữa hai người với nhau. Đây được gọi là đức tin chủ quan. Sự nhấn mạnh là tin vào nhau hơn là tin những gì. Nhưng đức tin của Đức Maria cũng rất khách quan. Mẹ không tin vào một vị thần chủ quan và cá vị, tách rời khỏi mọi thứ, và chỉ tiết lộ mình cho riêng Mẹ trong bí mật. Thay vào đó, Mẹ tin vào Chúa Cha, là Chúa của dân tộc mình. Mẹ nhìn thấy nơi Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra với Mẹ, Thiên Chúa của những lời hứa, Thiên Chúa của Ápraham và con cháu ông. Mẹ khiêm tốn cảm thấy mình là một phần của đoàn lũ đông đảo các tín hữu và trở thành tín hữu đầu tiên của giao ước mới, giống như Ápraham là tín hữu đầu tiên của giao ước cũ. Kinh Magnificat chứa đầy đức tin này dựa trên Kinh Thánh, và đầy các tham chiếu đến lịch sử của dân tộc Mẹ. Thiên Chúa của Đức Maria là một Thiên Chúa với các tính cách Kinh Thánh sắc sảo: Ngài là Chúa, là Đấng Toàn năng, Thánh Thiện, và là Đấng Cứu độ. Đức Maria sẽ không tin thiên thần nếu thiên thần tiết lộ với Mẹ về một Thiên Chúa khác, mà Mẹ không thể nhận ra là Thiên Chúa của dân tộc mình. Cũng trong cuộc sống bên ngoài, Đức Maria tuân theo đức tin này. Mẹ đã tùng phục tất cả những gì mà Luật quy định: Mẹ đã cắt bì cho con, Mẹ đã dâng hài nhi vào Đền thờ, Mẹ đã trải qua các nghi thức thanh tẩy, và Mẹ đã lên Giêrusalem để mừng lễ vượt qua.

Có một bài học tuyệt vời cho chúng ta nơi tất cả những điều này. Đức tin, giống như ân sủng, trong suốt nhiều thế kỷ đã trải qua hiện tượng phân tích và phân chia, khiến chúng ta có vô số các dạng thức chính và phụ của đức tin. Chẳng hạn, anh em Tin Lành của chúng ta, coi trọng khía cạnh đầu tiên hơn, tức là khía cạnh chủ quan và cá vị, của đức tin. Luther đã viết, “Đức tin là một sự tin tưởng sống động và táo bạo vào ân sủng của Thiên Chúa”; nó là một “niềm tin vững chắc.” Trong một số xu hướng Tin Lành, chẳng hạn nơi những người theo phái Mộ Đạo (Pietism), xu hướng này được thực hiện đến cực độ, trong khi tín lý và những điều được gọi là chân lý đức tin có rất ít tầm quan trọng. Một thái độ nội tâm cá vị đối với Thiên Chúa chiếm ưu thế gần như tuyệt đối.

Trái lại, theo truyền thống Công Giáo và Chính thống, vấn đề đức tin đúng đắn và chính thống luôn có tầm quan trọng rất lớn ngay từ thời xa xưa. Vấn đề những gì phải tin nhanh chóng chiếm ưu thế trên các khía cạnh chủ quan và cá nhân của niềm tin, nghĩa là chiếm ưu thế trên hành động đức tin. Các luận thuyết của các Giáo phụ được gọi là “Về Đức Tin” (De fide) thậm chí không đề cập đến đức tin như một hành động chủ quan hoặc như sự phó thác và phó dâng, nhưng chúng liên quan đến việc xác định các chân lý phải tin trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội nhằm chống lại các dị giáo.

Sau cuộc Cải cách và như một phản ứng đối với sự nhấn mạnh đơn phương vào đức tin-đức cậy, xu hướng này trở nên được nhấn mạnh hơn trong Giáo Hội Công Giáo. “Tin” về cơ bản có nghĩa là gắn bó với niềm tin của Giáo Hội. Thánh Phaolô nói rằng con người tin bằng con tim và tuyên xưng bằng đôi môi của mình (xem Rm 10:10), nhưng lời tuyên xưng một đức tin đúng đắn thường chiếm ưu thế hơn là tin bằng con tim.

Trong trường hợp này cũng vậy, Đức Maria thúc đẩy chúng ta tìm lại “tổng thể,” phong phú hơn và đẹp hơn nhiều so với từng bộ phận riêng lẻ. Một đức tin chủ quan đơn sơ, một đức tin phó mình cho Thiên Chúa theo lương tâm bên trong của một người, là không đủ. Thật dễ dàng để hạ giảm Chúa theo ý riêng của mình theo cách này. Điều này xảy ra khi chúng ta hình thành ý tưởng của riêng mình về Thiên Chúa, dựa trên sự giải thích cá nhân của chúng ta về Kinh Thánh hoặc dựa trên sự diễn dịch trong vòng một ít người của chính chúng ta, và sau đó tuân thủ điều này với tất cả sức mạnh của chúng ta, thậm chí đến mức cuồng tín, mà không nhận ra rằng chúng ta đang tin vào chính bản thân chúng ta hơn là tin vào Thiên Chúa; và không nhận ra rằng niềm tin không thể lay chuyển của chúng ta vào Thiên Chúa thực ra không gì khác hơn là một niềm tin không thể lay chuyển vào chính con người chúng ta.

Tuy nhiên, một đức tin khách quan và dựa theo tín lý thôi cũng không đủ, nếu nó không dẫn đến một liên hệ cá vị thân mật như Con và Cha với Thiên Chúa. Nó có thể dễ dàng trở thành niềm tin chết, một niềm tin thông qua một người hoặc một tổ chức thứ ba, thất bại ngay khi có khủng hoảng giữa đức tin của một người và mối quan hệ cá nhân của người ấy với tổ chức của Giáo Hội, bất kể vì lý do gì. Như thế, một Kitô hữu có thể dễ dàng đi đến tận cùng của cuộc đời mình mà không bao giờ làm được một hành động đức tin nào một cách tự do và cá vị, là điều duy nhất biện minh cho danh xưng “tín hữu”.

Do đó, cần phải tin một cách cá vị, nhưng trong tình hiệp thông với Giáo Hội; chúng ta phải tin trong tình hiệp thông với Giáo Hội, nhưng một cách cá vị. Đức tin tín lý của Giáo Hội không lấy đi đức tin cá nhân hoặc sự tự phát trong niềm tin, thay vào đó, nó bảo tồn và cho phép chúng ta nhận biết và đón nhận một Thiên Chúa vĩ đại hơn Thiên Chúa từ kinh nghiệm hạn chế của chúng ta. Trên thực tế, không có ai có thể đón nhận qua hành động đức tin của chính mình tất cả những gì có thể được biết về Thiên Chúa. Đức tin của Giáo Hội giống như một ống kính với góc nhìn thật rộng, mà trong một bức tranh toàn cảnh cụ thể, cho phép chúng ta nhìn và chụp ảnh được một góc nhìn rộng hơn nhiều so với các ống kính đơn sơ. Khi kết hợp bản thân với đức tin của Giáo Hội, tôi làm cho đức tin của tất cả những người đi trước tôi trở thành đức tin của tôi: đó là đức tin của các tông đồ, các vị tử đạo và các Tiến sĩ Hội Thánh. Các thánh, không thể mang đức tin của các ngài lên thiên đàng, nơi họ không còn cần đến nữa, đã để lại thế gian này, di truyền cho Giáo Hội.

Những lời “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng” chứa sức mạnh đáng kinh ngạc. Cái “tôi” nhỏ bé của tôi được kết hiệp và nhập đoàn vào cái “Ta” vĩ đại của toàn nhiệm thể Chúa Kitô, và lúc này đây, tạo ra một âm thanh mạnh mẽ hơn so với tiếng gầm của biển cả và làm cho chính các nền tảng thống trị của bóng tối phải run rẩy.

Cả chúng ta cũng hãy tin!

Giờ đây chúng ta hãy xem xét các hệ quả cá nhân và khổ hạnh xuất phát từ đức tin của Đức Maria. Sau khi khẳng định ở trên rằng “Đức Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Chúa với niềm tin mà Mẹ đã cưu mang trong lòng”, Thánh Augustinô giải thích những gì ngài muốn nói: “Đức Maria đã tin và những gì Mẹ tin đã được ứng nghiệm nơi Mẹ. Chúng ta cũng vậy, hãy tin rằng những gì đã hoàn thành nơi Mẹ cũng có thể là lợi thế của chúng ta.”

Cả chúng ta cũng hãy tin! Chiêm ngắm đức tin của Đức Maria thúc giục chúng ta đổi mới, trên hết, là hành động đức tin cá vị và phó thác của chúng ta cho Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao rất quan trọng để nói với Thiên Chúa, một lần trong đời, xin cứ làm cho tôi, fiat, như Đức Maria đã làm. Đây là một hành động được bao bọc trong mầu nhiệm bởi vì nó liên quan đến ân sủng và tự do cùng một lúc; đó là một hình thái của nhận thức. Linh hồn không thể làm điều đó một mình; do đó, Thiên Chúa giúp đỡ, mà không lấy đi tự do.

Chúng ta nên làm gì tiếp theo? Câu trả lời rất đơn giản: sau khi cầu nguyện, sao cho lời cầu nguyện của chúng ta không còn hời hợt, chúng ta hãy nói với Chúa, bằng chính những lời mà Đức Maria đã dùng: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Chúa phán! Tôi đang nói amen, vâng, lạy Chúa, trước toàn bộ kế hoạch của Chúa. Con phó thác chính con trong tay Chúa!

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng Đức Maria phát âm từ fiat của mình một cách tự nguyện và hân hoan. Bao lần chúng ta lặp lại từ này với một thái độ cam chịu được che đậy một cách sơ sài, và môi mím lại, thì thầm, “Nếu nó không thể tránh được, thì thôi, đành chiều theo ý Chúa vậy!” Đức Maria dạy chúng ta nói từ ấy một cách khác. Biết rằng thánh ý Chúa là vô cùng đẹp hơn, phong phú hơn, và đầy hứa hẹn hơn bất kỳ kế hoạch nào của chúng ta, và biết rằng Thiên Chúa là tình yêu vô hạn và nuôi dưỡng “các kế hoạch cho phúc lợi chứ không phải cho những sự dữ đối với chúng ta” (xem Gr 29:11), chúng ta hãy nói, đầy khát khao và gần như thiếu kiên nhẫn, như Đức Maria đã làm: Lạy Chúa, xin thánh ý yêu thương và hòa bình của Chúa được thực hiện trong con!

Như thế, ý nghĩa của cuộc sống con người và phẩm giá cao trọng nhất của nó được viên mãn. Nói xin vâng, amen, với Thiên Chúa không làm giảm phẩm giá của con người, như con người hiện đại thường nghĩ; nhưng thay vào đó, điều này làm nổi bật nó. Và có gì thay thế được cho từ amen này khi thưa với Thiên Chúa? Chính triết học hiện đại, đặc biệt là trào lưu hiện sinh, đã thể hiện rõ ràng nhu cầu nói tiếng amen của con người, và nếu từ ấy không được nói với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, thì từ ấy phải được nói với một điều khác chắc chắn là lạnh lùng và tê liệt: đó là nói với định mệnh hay số phận.

“Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống”

Tất cả chúng ta đều được kêu gọi hãy bắt chước đức tin của Đức Maria, nhưng đặc biệt là các mục tử và những người cách này cách khác được mời gọi để truyền bá đức tin và Lời Chúa cho người khác. Thiên Chúa nói người công chính nhờ đức tin sẽ được sống (xem Dt 2: 4; Rm 1:17), và điều này đúng một cách đặc biệt với các mục tử. Chúa nói tư tế của Ta, nhờ đức tin sẽ được sống. Linh mục là người của đức tin. “Trọng lượng cụ thể” của một linh mục phụ thuộc vào đức tin của ngài. Ảnh hưởng của ngài đối với người khác sẽ được xác định bởi đức tin của ngài. Sứ vụ của một linh mục, hoặc một mục tử, trong dân của ngài không chỉ đơn thuần là phân phát các bí tích và phục vụ, nhưng còn là thắp sáng niềm tin và làm chứng cho niềm tin đó. Ngài sẽ thực sự là người hướng dẫn và dẫn dắt các linh hồn đến với Chúa đến mức mà ngài tin tưởng và trao phó tự do của mình cho Chúa, như Đức Maria đã làm.

Điều cốt yếu mà các tín hữu ngay lập tức nhận ra nơi một linh mục hay một mục tử là liệu ngài có tin hay không, liệu ngài có tin vào những gì ngài đang nói và vào những gì ngài đang cử hành hay không. Bất cứ ai đang tìm kiếm Thiên Chúa thông qua một linh mục sẽ nhận ra điều này ngay lập tức. Những ai không tìm kiếm Thiên Chúa qua ngài đều có thể dễ dàng bị lừa dối và đến lượt mình có thể lừa dối chính người linh mục ấy, khiến ngài cảm thấy mình quan trọng, thông minh nhưng trong thực tế, đôi khi, ngài cũng có thể trống rỗng, giống như người đàn ông không có ân sủng mà chúng ta đã đề cập trong đoạn cuối. Ngay cả một người chưa tin khi tiếp cận một linh mục với một tinh thần tìm kiếm cũng ngay lập tức hiểu được sự khác biệt. Nói chung, những gì có thể khiêu khích ngài và khiến ngài truy vấn tích cực lối sống của mình thường không phải là những cuộc thảo luận đòi hỏi những năng khiếu nhất định về đức tin, nhưng chính là đức tin đơn sơ. Niềm tin là truyền nhiễm. Sự lây nhiễm không xảy ra khi chỉ đơn giản là đề cập đến hay nghiên cứu về một loại vi khuẩn, nhưng phải qua tiếp xúc với nó, đức tin cũng thế.

Sức mạnh của người tôi tớ Chúa tương xứng với sức mạnh đức tin của người ấy. Đôi khi chúng ta đau khổ hoặc có thể phàn nàn với Chúa khi cầu nguyện vì mọi người từ bỏ Giáo Hội, họ cứ tiếp tục phạm tội và chúng ta cứ nói mãi mà không có kết quả. Một ngày nọ, các tông đồ đã cố gắng đuổi một con quỷ khỏi một cậu bé mà không thành công. Sau khi Chúa Giêsu đã đuổi quỉ ấy đi, các môn đệ đến với Chúa Giêsu và hỏi riêng Ngài “Tại sao chúng con không thể trừ nổi quỉ ấy?” Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bởi vì anh em kém tin” (Mt 17: 19-20).

Như chúng ta đã nói, thế giới, giống như biển, bị xáo trộn bởi làn nước gây ra bởi một con tàu đẹp, đó là sự trỗi dậy của đức tin, bắt đầu với Đức Maria. Chúng ta hãy là một phần của sự thức tỉnh này. Chúng ta cũng hãy tin, để những gì đã ứng nghiệm nơi Mẹ sẽ được hoàn thành nơi chúng ta. Chúng ta hãy cầu khẩn Đức Mẹ với danh hiệu ngọt ngào Virgo fidelis: Đức Nữ trung tín thật thà, cầu cho chúng con!


Source:Vatican News
 
Giáo phận Roma cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô dịp 50 năm linh mục.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP dịch
10:29 07/12/2019
Giáo phận Rôma đang tập trung bên Mục tử của mình và ngày mai 8 tháng 12, Giáo phận Roma sẽ thêm một lời cầu nguyện đặc biệt trong tất cả cácThánh lễ, để tưởng nhớ 50 năm thụ phong linh mục của Jorge Mario Bergoglio, Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngày 13 tháng 12 sẽ chính là ngày kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục của ngài.

Đức Hồng Y De Angelo De Donatis, Đại Diện Đức Thánh Cha phụ trách Giáo phận Roma đã gửi một văn bản đến các giáo xứ ngày 7 tháng 12: “Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành 50 năm linh mục. Thiên Chúa đã gọi ngài là quản trị viên các Bí tích thánh và giám mục Rôma. Chúa hướng dẫn và gìn giữ ngài với ân sủng của Chúa Thánh Thần và cho ngài sự an ủi đến từ lời cầu nguyện của toàn Giáo hội. Chúng ta hãy cầu nguyện." Cha Bergoglio được thụ phong linh mục do Đức Tổng Giám Mục Ramon José Castellano của Cordoba. ĐHY Angelo De Donatis nói thêm: "Tất cả chúng ta đều có trong tâm trí và trái tim hình ảnh của ngày 13 tháng 3 năm 2013 khi giới thiệu ngài với thế giới, Đức Giáo Hoàng lần đầu tiên xin cầu nguyện cho ngài. Chúng ta nhớ rằng sự im lặng đột ngột, trong khi, hướng về thành phố của chúng ta, ngài cúi xuống để nhận được chúc lành từ Trời cao qua sự can thiệp của dân Chúa: một sự im lặng, một cử chỉ, một lời cầu nguyện hiệp nhất, mạnh mẽ của “gia đình”.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Avvenire
 
Bề trên tổng quyền Dòng Tên: Satan là có thật, và nó muốn chúng ta khước từ Thiên Chúa
Lệ Hằng, F.M.A.
14:50 07/12/2019
Bề trên tổng quyền Dòng Tên đã nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng ma quỷ là có thật, sau khi ngài đã gây ngỡ ngàng cho nhiều người khi phát biểu hồi tháng 8 năm nay rằng “Satan tồn tại như một thực tại mang tính biểu tượng, không phải như một thực tại ngôi vị”

Lần này, Cha Bề trên tổng quyền nói Satan “là kẻ đứng giữa kế hoạch của Thiên Chúa và kỳ công cứu rỗi của Người đã được hoàn thành nơi Chúa Kitô, bởi vì nó đã đưa ra quyết định không thể đảo ngược và tự do này; và nó muốn lôi kéo những người khác vào việc khước từ Thiên Chúa nhân từ, Đấng muốn trao ban sự sống hơn là ra án phạt.”

Tờ Vida Nueva, nghĩa là Cuộc Sống Mới, cho biết cha Arturo Sosa đã nói như trên trong cuộc họp báo ngày 2 tháng 12 với các nhà báo

Cha Sosa nói thêm rằng “sức mạnh của ma quỷ ...hiển nhiên vẫn tồn tại như một thế lực cố gắng hủy hoại các nỗ lực của chúng ta.”

Những bình luận của cha Sosa được đưa ra trong bối cảnh những lời nhận xét về vụ sáu tu sĩ Dòng Tên và hai nhân viên bị quân đội Salvador giết vào tháng 11 năm 1989 tại Đại Học Trung Mỹ ở ngay thủ đô San Salvador.

Tranh luận đã bùng nổ vào tháng 8 vừa qua trong cuộc gặp gỡ Rimini thường niên do phong trào Hiệp thông và Giải phóng của Italia tổ chức, trong đó Cha Sosa đã được mời để nói chuyện về chủ đề “Học cách nhìn thế giới với con mắt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”

Ma quỷ “tồn tại như một sự nhân cách hóa cái ác trong các cấu trúc khác nhau, nhưng không phải là các ngôi vị [persons], bởi vì không phải là ngôi vị chính là một cách để nó làm điều ác. Ma quỷ không phải là một ngôi vị như nhân vị. Đó là một cách xấu xa để chúng hiện diện trong cuộc sống của con người,” Cha Arturo Sosa, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên nói hôm 21 tháng Tám.

“Thiện và ác giao chiến với nhau trong một cuộc chiến vĩnh viễn nơi lương tâm con người và chúng ta có cách để chỉ ra chúng. Chúng ta nhìn nhận Chúa là thiện, toàn thiện. Các biểu tượng là một phần của hiện thực, và ma quỷ tồn tại như một thực tại mang tính biểu tượng, không phải như một thực tại ngôi vị [personal reality]”, ngài nói thêm.

Phát biểu của cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên gây nên một làn sóng chỉ trích rất mạnh trong giới Công Giáo. Chỉ một ngày sau đó, Hiệp hội Trừ quỷ Quốc tế nói trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm 22 tháng Tám rằng:

“Sự tồn tại thực sự của ma quỷ, với tư cách là một chủ thể cá vị biết suy nghĩ và hành động và đã chọn nổi loạn chống lại Thiên Chúa, là một chân lý đức tin và luôn là một phần của tín lý Kitô giáo.”

Trích dẫn một lịch sử lâu dài các giáo huấn của Giáo hội về bản chất của Satan, bao gồm cả một số trích dẫn từ Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị tiền nhiệm gần đây của ngài, tổ chức trừ quỷ nói rằng người Công Giáo buộc phải xác tín rằng Satan là một thực thể cá vị, một thiên thần sa ngã.

“Giáo hội, được xây dựng trên Kinh Thánh và Tông Truyền chính thức dạy rằng ma quỷ là một loài thụ tạo và là một thực tại cá vị, và Giáo hội cảnh báo những người, như Cha Sosa, chỉ coi ma quỷ là một biểu tượng.”

Đây không phải là lần đầu tiên Cha Sosa gây xôn xao với những bình luận về ma quỷ. Sau khi được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên vào năm 2016, năm 2017, ngài nói với tờ El Mundo rằng, “chúng ta đã chế tác ra những hình ảnh biểu tượng như Quỷ dữ để thể hiện sự xấu xa.”

Sau nhận xét gây tranh cãi của cha Sosa vào năm 2017, một phát ngôn viên của Cha Sosa đã nói với tờ Catholic Herald rằng, “giống như tất cả những người Công Giáo khác, Cha Sosa tuyên xưng và dạy bảo những gì Giáo hội tuyên xưng và dạy bảo. Ngài không giữ một tập hợp những niềm tin tách biệt với những gì có trong tín lý của Giáo Hội Công Giáo.” Tuy nhiên, các phát biểu được lặp đi lặp lại của ngài khiến cho nhiều người tỏ ra rất nghi ngại.

Trong các bài giảng thánh lễ ban sáng tại nhà nguyện Santa Marta, và trong nhiều phát biểu khác của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô thường lên tiếng cảnh báo Satan là một thực thể và thúc bách các tín hữu chống lại những cám dỗ của nó.

Từ năm 2005, Đại học Giáo Hoàng Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ ở Rôma đã mở một khóa đào tạo về trừ tà không chỉ cho các linh mục Công Giáo mà cả những vị thuộc các hệ phái Kitô khác.

Cha Erich Junger, một nhà trừ quỷ Anh giáo, cũng đã tham gia vào hàng dài những người lên tiếng quan ngại trước những lời bình luận gần đây của Cha Arturo Sosa, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên, theo đó Satan không phải là một thực thể, mà chỉ là một biểu tượng.

Phát biểu với Crux, Cha Junger, một thành viên của Giáo hội Anh giáo Bắc Mỹ, gọi tắt là ACNA, nói rằng ngài không phát biểu với tư cách là một phát ngôn viên của Giáo Hội Anh Giáo, nhưng như một linh mục và một nhà trừ quỷ. Ngài cho biết đã “bị kinh hoàng và thật ngỡ ngàng” khi thấy một nhân vật quan trọng như vậy trong Dòng Tên lại xem ma quỷ chỉ là “một thực tại có tính biểu tượng, chứ không phải là một thực tại cá vị”.

Theo Cha Junger, quan điểm Kitô giáo nói chung về ma quỷ là rất rõ ràng: “Satan là một thực thể cá vị, là một thiên thần sa ngã, nổi loạn chống lại Thiên Chúa và như thế đã biến thái vì sự kiêu ngạo và lòng căm thù của mình.”

Trích dẫn đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu (Mt 4,1-11) kể về sự kiện Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa, Cha Junger nhận xét rằng “Nếu Satan chỉ là một biểu tượng, thì trong trình thuật này Chúa nói chuyện với ai? Ai đã đưa ra những hứa hẹn, thử thách, và cám dỗ? Biểu tượng và ẩn dụ không thể làm những thứ như thế.”

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Chúa Giêsu nói về Satan theo nghĩa đen và trực tiếp, chứ không phải là một phép ẩn dụ hay câu chuyện ngụ ngôn.”

Cha Junger giải thích thêm rằng trong khi có một số giáo phái muốn làm giảm nhẹ hình ảnh về ma quỷ, chạy theo một thứ thần học “vui vẻ cả làng”, đại đa số các hệ phái Kitô có thế giá như Công Giáo, Chính Thống, Anh giáo, Lutheran và Baptist, và những hệ phái khác – đều “rất rõ ràng trong tin tưởng cho rằng Satan là có thật và là một mối đe dọa rất nguy hiểm.”

Dựa trên kinh nghiệm của mình như một chuyên gia trừ quỷ, Cha Junger cảnh báo về sự nguy hiểm khi đánh giá thấp sức mạnh của ma quỷ. Đưa ra một khái niệm sai lầm về Satan thì có “khác gì là đánh giá thấp bất kỳ kẻ thù nào, phàm nhân hay siêu nhiên. Nó sẽ dẫn mọi người đến chỗ đánh giá thấp đáng kể sức mạnh của kẻ thù, và đánh giá quá cao sức mạnh của mình, đặc biệt là nếu họ tự ru ngủ mình rằng kẻ thù chưa thực sự bắt đầu tấn công.”

Ngài kết luận rằng: “Bỏ qua hoặc giảm thiểu mối đe dọa của kẻ thù này rõ ràng sẽ là một ý tưởng tệ hại với những hậu quả thảm khốc.”


Source:Catholic News Agency

 
Khiêu khích FBI, kẻ gian đốt tiếp thêm ngôi nhà thờ thứ tư tại El Paso, Texas
Đặng Tự Do
15:06 07/12/2019
Những kẻ phá hoại, đến nay vẫn chưa biết là ai, đã tấn công Nhà thờ Công Giáo St. Thomas Aquinas vào hôm thứ Năm, phá hủy gần nửa tá cửa sổ và cửa ra vào và phóng hỏa đốt một trong các văn phòng giáo xứ.

ABC-7 báo cáo rằng các quan chức FBI không chắc chắn liệu vụ phá hoại mới nhất này có liên quan đến ba vụ tấn công khác diễn ra trong năm nay ở El Paso, Texas, nơi giáp ranh với cả Mễ Tây Cơ và tiểu bang New Mexico hay không.

Không ai ở trong nhà thờ vào thời điểm phá hoại, nhưng một máy báo cháy của giáo xứ đã cảnh báo các cơ quan chức năng về sự xâm nhập này. Các cửa sổ và cửa ra vào bị hư hỏng đã được thay thế trong cùng ngày.

Fernando Ceniseros, phát ngôn viên của Giáo Phận El Paso, khuyến khích bất cứ ai có thông tin về tội phạm hãy tiếp cận với cảnh sát, FBI, hoặc ủy ban ngăn chặn tội phạm địa phương.

Tưởng cũng nên nhắc lại là FBI đã trao giải lên đến 15,000 Mỹ Kim cho những ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ các thủ phạm đã đốt 3 nhà thờ trước đó.

Sáng sớm ngày 7 tháng 5, khi trời còn nhá nhem tối, một người nào đó đã ném một thiết bị gây cháy nổ vào Nhà thờ Công Giáo Thánh Matthêu ở El Paso nhưng bật vào tường dội ngược trở ra làm cháy nám một đoạn đường.

Ngày 13 tháng 5, âm mưu tương tự cũng đã xảy ra tại nhà thờ chính tòa St. Patrick và cũng bị thất bại.

Và vào ngày 15 tháng 6, một thiết bị gây cháy đã được ném vào Nhà thờ Công Giáo San Judas Tadeo, đốt cháy một số hàng ghế và trần nhà thờ.

Ba trường hợp đốt nhà thờ ở phía tây thành phố vẫn chưa được giải quyết, nhưng chính quyền tin rằng chúng có liên quan. Đầu tháng 10, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ gọi tắt là FBI ra thông báo trao giải thưởng lên tới 15,000 Mỹ Kim cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc xác định hoặc bắt giữ thủ phạm.

Giáo phận Công Giáo El Paso cho biết không có ai ở bên trong các tòa nhà trong thời gian bị tấn công và, ngoài trường hợp nhà thờ San Judas Tadeo, các nhà thờ khác đã không bị thiệt hại gì.

Tuy nhiên, tội ác đã buộc thành phố phải đương đầu một cách cấp bách, đặc biệt là sau khi đã xảy ra một vụ xả súng giết người hàng loạt tại siêu thị Walmart ở El Paso khiến 22 người chết.

Ông Ceniceros, phát ngôn viên của giáo phận nói anh chị em giáo dân đã giúp sửa chữa các nhà thờ và quyên góp các vật liệu cần thiết. “Chúng tôi không có cảm giác sợ hãi; nhưng lại có cảm giác đến với nhau nhiều hơn.”

Ông Ceniceros cho biết trong cả ba vụ nổ, diễn ra vào sáng sớm, có vẻ như ai đó đã cố ném một chai bom xăng vào nhà thờ qua một trong những cửa sổ.

“Tại San Judas, một người nào đó đã phá vỡ một cửa sổ và sau đó ném một thiết bị vào bên trong, đốt những chiếc ghế ở phía sau nhà thờ và trần nhà,” ông Ceniceros nói.

“Có vẻ như cùng một hung thủ thực hiện việc này,” ông Ceniceros nói.

Ông cho biết giáo phận cũng trao phần thưởng trị giá 5,000 Mỹ Kim bên cạnh phần thưởng của FBI.


Source:Catholic News Agency
 
Một linh mục thuộc giáo phận Tulsa và Đông Oklahoma vừa được minh oan
Đặng Tự Do
15:21 07/12/2019
Những lời buộc tội cho rằng một linh mục đã lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên gần 30 năm trước là vô căn cứ và vị linh mục bị buộc tội có thể trở lại thừa tác vụ của mình, Giáo phận Tulsa và Đông Oklahoma đã cho biết như trên sau khi một cuộc điều tra độc lập được hoàn tất.

Đức Cha David Konderla, Giám mục Tulsa, đã cám ơn vị linh mục bị buộc tội, là Cha Joe Townsend, vì đã hợp tác trong cuộc điều tra và kiên nhẫn trong suốt thời gian thử thách khó khăn này.

Kẻ cáo gian cho rằng cha Townsend đã lạm dụng mình khi còn là cha phó tại Nhà thờ Công Giáo St. Pius thứ 10 ở Tulsa từ tháng 6 năm 1988 đến tháng 6 năm 1991.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 3 tháng 12, cha Harrison Garlick, là Chưởng Ấn và là cố vấn của Đức Giám Mục về nội bộ của Giáo phận Tulsa cho biết:

“Sau một cuộc điều tra kỹ lưỡng, vừa tập trung vào người tố cáo, vừa tôn trọng các quyền của bị cáo, một ủy ban các nhà điều tra độc lập đã đi đến kết luận là cáo buộc chống lại cha Townsend là hoàn toàn vô căn cứ. Đức Cha Konderla đã đồng ý với ý kiến này của các nhà điều tra sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội đồng xét duyệt Giáo phận, một hội đồng chủ yếu là giáo dân.”

Cha Townsend đã bị buộc phải ngưng các thừa tác vụ vào giữa năm 2019 sau khi giáo phận công bố các cáo buộc chống lại ngài và yêu cầu bất cứ ai có kiến thức về điều này hãy tiến ra.

Kết quả điều tra này có nghĩa là những hạn chế áp đặt trước đây không còn nữa và ngài có thể thực thi các thừa tác vụ công khai trong giáo phận Tulsa.

Tuy nhiên, cha Garlick nói thêm là cha Townsend có thể được nghỉ phép để “chữa lành và nghỉ ngơi” và không cần phải đảm nhận công việc mục vụ nào cho đến mùa hè năm 2020.

Giáo phận đã thông báo cho cơ quan thực thi pháp luật về những phát hiện của cuộc điều tra này và vẫn cam kết hợp tác với các cơ quan dân sự.

Đức Giám Mục Konderla cũng gửi lời cảm ơn tới tất cả những người tham gia vào cuộc điều tra, tất cả những người đã tới để chia sẻ thông tin; và những người quảng đại nhớ đến cha Townsend trong những lời cầu nguyện của mình.


Source:Catholic News Agency
 
Một cựu Vệ Binh Thụy Sĩ mở cao học huấn luyện quản trị cho các linh mục
Vũ Văn An
18:53 07/12/2019
Linh mục Nicholas Gregoris, trên tạp chí Crisis (https://www.crisismagazine.com/2019/meet-the-former-swiss-guard-whos-teaching-priests-to-run-a-tight-ship), tường thuật việc làm đầy ý nghĩa và hợp thời của một cựu Vệ Binh Thụy Sĩ.



Ai cũng biết vệ binh Thụy Sĩ là ai. Theo Cha Gregoris, họ là “những người lính cực kỳ trung thành với Vị Đại diện của Chúa Kitô trên mặt đất, những người, nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, thề hứa hy sinh mạng sống mình để bảo vệ Đức Thánh Cha. Nhưng họ cũng là những người rất nhã nhặn, loại người mà bạn có thể thưởng thức một bữa ăn với tại một quán ăn đông khách ở Rôma như Catina Tirolese gần Borgo Pio, một nơi, lúc chưa làm Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger ưa lui tới”.

Chuyện họ thề hứa như trên không phải chỉ là chuyện nghi lễ. Đoàn quân nhỏ nhất thế giới này từng tạo nên những giây phút rực rỡ trong lịch sử của họ: ngày 6 tháng 5 năm 1527, trong vụ đánh phá Rôma đẫm máu của Charles V, 147 trong số 189 Vệ Binh Thụy Sĩ đã bỏ mình, trong một cố gắng dũng cảm và thành công nhất để bảo vệ mạng sống của Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII lúc ấy đang bị bao vây và phải trú ẩn tại Lâu Đài Sant’Angelo.

Tinh thần ấy còn mãi trong con người các Vệ Binh Thụy Sĩ, dù họ đang phục vụ tại Vatican hay đã rời bỏ nơi ấy. Mario Enzler là một điển hình. Ông là tác giả cuốn hồi lý sắp xuất bản: “Đời Tôi với một Vị Thánh” do nhà Newman Press ấn hành, viết ra để tôn vinh 100 năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Ông vốn phục vụ trong Đoàn Vệ Binh Thụy Sĩ thời Thánh Gioan Phaolô II làm giáo hoàng. Sau khi rời bỏ Đoàn, ông trở thành một nhà ngân hàng quốc tế thành công và nay là giáo sư tại Trường Kinh Doanh Busch của Đại học Công Giáo America, nơi, năm 2017, ông lập ra Bằng Cao Học Khoa Học về Quản Lý và Quản Trị Giáo Hội.

Chương trình cấp bằng này đòi 30 tín chỉ và có thể hoàn tất trong một năm. Phương thức của nó là phương thức liên ngành, với các giảng khóa về quản lý kinh doanh và đạo đức học, thần học và giáo luật. Có thể học nó tại khuôn viên Đại học. Nhưng chủ yếu, nó được trình bầy trực tuyến.

Theo Cha Gregoris, dù vai trò hàng đầu của một linh mục là phụng vụ và bí tích, nhưng ngài cũng được yêu cầu phải xử lý những chuyện phàm trần, một khía cạnh của thừa tác mục vụ mà không một chủng viện nào có thể chuẩn bị thoả đáng cho ngài. Do đó, chương trình này nhằm huấn luyện liên tục cho các linh mục trở thành các mục tử tốt và các quản lý viên tốt, để các ngài được trang bị tốt hơn trong việc phục vụ như các mục tử trung thành và các nhà quản trị có hiệu năng trong các giáo phận, giáo xứ và dòng tu, cũng như các định chế khác của Giáo Hội đương thời.

Chương trình này đang lôi cuốn nhiều linh mục nghiêm túc, chính thống (đôi khi cả các vị Giám Mục nữa). Các ngài được dạy cách tích nhập những trách vụ thường ít hấp dẫn, khó khăn trong lãnh vực lên ngân sách , làm kế toán, tường trình tài chánh, quản trị bản thân và việc làm, giao tế công cộng, nhân lực, duy trì tài sản và các chiến lược truyền thông vào một nền linh đạo lành mạnh của thừa tác vụ giáo xứ. Điều này giúp các tham dự viên học hỏi cách kết hợp các kỹ năng kinh doanh thực tiễn vào sự nhậy bén thần học được các ngài tích lũy xưa nay, nhờ thế phát triển việc đào tạo tâm linh như các linh mục của Chúa Giêsu Kitô biết dấn thân vào việc tân phúc âm hóa.
 
Người Công Giáo tại thủ đô Iraq sẽ đón Giáng Sinh một cách lặng lẽ
Đặng Tự Do
20:59 07/12/2019

“Sẽ không có cây Giáng sinh được trang trí trong các nhà thờ hoặc trên đường phố, không có tiệc mừng hay tiếp tân tại Tòa Thượng Phụ.” Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc như trên.

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Chanđê của Iraq tuyên bố rằng cộng đồng sẽ không tổ chức lễ Giáng Sinh một cách tưng bừng như năm ngoái, sau khi quân khủng bố Hồi Giáo ISIS bị đánh bại tại thành phố Mosul. Quyết định này đã được đưa ra để thể hiện sự tôn trọng đối với những người thiệt mạng và bị thương trong các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây. Hàng trăm người đã bị giết trên khắp đất nước, và những cuộc đàn áp vẫn tiếp tục xảy ra ngay cả sau khi Thủ tướng Adel Abdel Mahdi đã từ chức.

Đặc biệt, các buổi tiếp tân truyền thống khi các chính trị gia và đại diện các tôn giáo bạn đến chúc mừng Giáng Sinh Đức Hồng Y tại trụ sở của Tòa Thượng Phụ đã bị hủy bỏ. Thay vào đó sẽ có các buổi lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an và cầu cho linh hồn các nạn nhân.

Đức Thượng Phụ cũng mời gọi chuyển các nguồn tài chính thu được cho việc tổ chức lễ Giáng Sinh thành các khoản đóng góp cho các trại trẻ mồ côi và bệnh viện.

Trong những ngày gần đây, trong một văn bản cũng được phát hành bởi Tòa Thượng Phụ nghi lễ Chanđê, Đức Thượng Phụ Sako cũng đã cố gắng đưa ra một “diễn giải thần học” về các cuộc biểu tình làm rung chuyển một số quốc gia Trung Đông, trong ánh sáng của các tài liệu lịch sử về thần học giải phóng ở Mỹ Châu Latinh.

Văn bản có chữ ký của Đức Hồng Y Raphael Louis Sako có đoạn viết: “Thần học giải phóng phát sinh từ nỗi đau và nỗi thống khổ của các nước Mỹ Latinh, do tham nhũng chính trị, và sự băng hoại về mặt hành chính và tài chính ở hầu hết các quốc gia đó”.

“Cũng thế, lý do của những cuộc biểu tình đã và đang diễn ra trong gần hai tháng qua ở Iraq và Li Băng, trong đó, đậm nét nhất là hình ảnh của những người trẻ cả nam lẫn nữ, và lòng yêu mến quê hương, chính là mong muốn được nhìn thấy quyền con người hợp pháp được bảo đảm và chấm dứt sự thao túng của chủ nghĩa bè phái, của thái độ loại trừ trong xã hội và tình trạng tham nhũng đã thống trị đất nước này kể từ năm 2003.” Năm 2003 là năm mà chế độ Saddam Hussein bị lật đổ bởi một liên minh quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo.


Source:La Croix
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Nữ Đa Minh Bà Rịa mừng lễ Tạ Ơn và khánh thành trụ sở Trung ương
Nữ tu Anna Hoàng Trinh
10:58 07/12/2019
BÀ RỊA - Sáng ngày 7/12, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám Quản Giáo phận Phan Thiết, Nguyên Giám Mục Giáo Phận Bà Rịa đã đến chủ sự Thánh lễ Tạ ơn và khánh thành Tu viện Trung Ương của Hội Dòng, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và 60 linh mục cùng đồng tế và rất đông quý thân nhân, ân nhân và quý khách xa gần cũng đã đến tham dự.

Tu viện Trung Ương của Dòng được xây dựng trên trên nền đất hơn 3000 m2 của Tu Viện Martino – Vũng Tàu. Đây là một trong những Tu viện lớn của Dòng, đã hiện diện trong giáo phận Bà Rịa hơn 50 năm (1967). Sau 5 năm khởi công xây dựng, từ 2014, đến nay, tòa nhà Tu viện Trung Ương đã được hoàn thành cách tốt đẹp, với tổng diện tích hơn 1500m2 gồm một trệt và hai lầu. Nguyện đường của tu viện xuyên suốt dãy lầu 2 với chiều dài khá ấn tượng hơn 80m2 có sức chứa hơn 1000 người. Bề trên Tổng quyền Maria Têrêsa Vũ Thị Ngọc Bảo, chia sẻ “Chính trên mảnh đất này cách đây hơn 50 năm, các chị em đã ở với ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ, nhưng sau 50 năm, chị em lại có được một tòa nhà rộng lớn, khang trang. Với tất cả những gì Dòng đang nhận lãnh từ bàn tay nhân lành của Thiên Chúa, qua sự phù trợ của Đức Maria và Cha Thánh Đa Minh, chị em trong Hội Dòng chỉ biết dâng lời cảm tạ bởi tất cả đều là hồng ân”.

Xem Hình

Dòng Đa Minh Bà Rịa chính thức thuộc về Giáo phận Bà rịa từ năm 2011, hiện Dòng có 19 cộng đoàn, phục vụ trong các giáo phận Bà Rịa, Sài Gòn, Xuân Lộc, Đà Lạt. Tu viện Trung Ương Dòng được các chị em gọi với một tên một thân thương “Nhà Mẹ”. Tại đây có sự hiện diện của các em Tập Viện, các em Tiền Vĩnh Khấn, các chị em đang mục vụ tại các giáo xứ Trung Đồng, Nam Đồng, Đông Xuyên, và Ban Tổng Cố Vấn của Dòng.

Nữ tu Hoàng Trinh
 
Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney Tĩnh Tâm và Tổng Hội Thường Niên Mùa Giáng Sinh.
Diệp Hải Dung.
19:19 07/12/2019
Sáng thứ Bảy 07/12/2019 các Hội viên Legio Mariae hoạt động cũng như tán trợ thuộc các Giáo Đoàn đã đến Hội Trường nhà thờ St. Luke Revesby tham dự ngày Tổng Hội Thường Niên và Tĩnh Tâm nhân dịp cuối năm với chủ đề “Đây Là Mẹ Con”

8.30 giờ tất cả các hội viên tập trung trong khuônn viên sân trường cùng cầu nguyện trước kiệu Thánh tượng Đức Mẹ qua sự điều hợp của Cha Linh Giám Paul Văn Chi và sau mọi người cùng dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi Mùa Vui đồng thời khởi hành cuộc cung nghinh kiệu Thánh tượng Đức Mẹ rước vào hội trường và an vị, và mọi người cùng sốt sắng dâng lên Mẹ lời Kinh Catena. Sau đó Chị Phạm Thị Nhiên điều hợp chương trình giới thiệu và chào mừng Cha Linh Hướng Paul Văn Chi đến tham dự buổi Tĩnh Tâm của Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney.

Xem Hình

Khai mạc buổi Tĩnh Tâm, Cha Lính hướng Paul Văn Chi thuyết giảng đề tài: “Sống Tâm Tình Là Con Mẹ Hiền” Kế tiếp Cha mời gọi mọi người cùng thảo luận và chia sẻ những cảm nghĩ về đề tài nói trên.

Sau giờ nghỉ giải lao. Cha Trần Văn Trợ thuyết giảng đề tài “ Đồng Hành Với Mẹ Hàng Ngày” Cha cũng nêu ra những câu hỏi để mọi người cùng chia sẻ với nhau và Cha cũng trả lời giải đáp những ý kiến thắc mắc của các hội viên nêu ra.

Chấm dứt giờ thuyết giảng mọi người cùng tham dự Thánh lễ tạ ơn do Cha Paul Văn Chi Chủ tế và trong bài giảng Cha đã nêu ra bài Tin Mừng của Thánh sử Luca hôm nay quan trọng nhất là 2 tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ và từ đó Đức Mẹ cũng đã đồng hành với tất cả những nỗi thống khổ của con cái Mẹ..Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tất cả chúng con là quân binh Legio Mariae con cái của Mẹ về đây mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong ngày tĩnh tâm và tổng hội thường niên, xin Mẹ chúc lành cho từng gia đình chúng con, đặc biệt xin Mẹ chúc lành cho các bệnh nhân và xin Mẹ cùng đồng hành với chúng con…

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, ông Hà Pi Liến Hội Trưởng Curia Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, Sơ và tất cả mọi người đã đến tham dự buổi Tĩnh Tâm của Curia Sydney, ông đặc biệt ngỏ lời cám ơn đến quý ân nhân đã giúp phần ẩm thực và những ân nhân đã đóng góp trợ giúp cho Curia Sydney tổ chức ngày Tĩnh Tâm và Tổng Hội thường niên được tốt đẹp gặt hái nhiều kết quả. Đặc biệt cám ơn Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Revesby đã giúp cho Legio Mariae có phương tiện để tổ chức buỗi tĩnh tâm. Cha Paul Văn Chi cũng cám ơn tất cả mọi người và ca đoàn La Vang Cabramatta.

Diệp Hải Dung.
 
Huynh đoàn giáo dân Đa Minh và Ca đoàn Vô Nhiễm Melbourne mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
22:16 07/12/2019
Melbourne, vào lúc 10 giờ 30 sáng Thứ Bảy, 7/12/2019. Trong một ngày đẹp trời. Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Thánh Martin đã cùng với Liên Huynh Đa Minh Victoria, quy tụ về ngôi Nhà thờ thân thương Our Lady quen thuộc, để cùng nhau dâng Thánh lễ tạ ơn, mừng Thánh Martin de Porres là Bổn mạng của Huynh đoàn Thánh Martin khu vực Miền Tây Melbourne.
Huynh đoàn giáo dân Đa Minh đọc kinh thần vụ


Xem hình

Sau khi đại diện của huynh đoàn lên đọc tiểu sử của Thánh Martin. Mọi người đã cùng nhau đọc kinh Thần vụ trước giờ lễ 30 phút thật sốt sắng.

Thánh lễ do Linh mục Phê Rô Nguyễn Văn Toàn OP. Là Chánh xứ Nhà thờ Thánh Đa Minh Victoria, cũng là Linh mục đặc trách Liên huynh Đa Minh Việt Nam Victoria dâng lễ. Ngoài đông đảo các đoàn viên từ các Huynh đoàn Đa Minh bạn, Ca Đoàn Đa Minh, các hội viên Legio, Giáo khu Phanxico Xavier, ca viên Ca đoàn Nữ Vương của giáo xứ. Còn có sự tham dự của Ông Nguyễn Hoa Kỳ trưởng Ban Phục vụ Liên Huynh Việt Nam Úc Châu. Bà Nguyễn Thị Thanh Liễu Trưởng Ban Phục vụ Liên Huynh Victoria. Và các ban phục vụ của sáu huynh đoàn hiệp dâng thánh lễ cùng huynh đoàn mừng bổn mạng.

Ca đoàn Đa Minh luôn phụ trách phần thánh ca các thánh lễ bổn mạng các huynh đoàn, luôn xuất sắc dùng lời ca, tiếng đàn để ca khen, tôn vinh Chúa qua Thánh Tổ phụ Đa Minh làm cho buổi lễ thêm long trọng và sốt sắng hơn.

Trong bài giảng, trích Lời Chúa nói về muối đất và ánh sáng. Xin tóm tắt: Linh mục chủ tế đã giới thiệu đến mọi người hai vị thánh của giáo hội, đó là Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Martin. Một vị sinh ra nơi phố thị nơi đền thánh, nhưng để đi loan truyền tin mừng và chờ đón Chúa Cứu Thế đến, Thánh nhân đã bỏ phố thị để đi vào hoang địa, ăn châu chấu, uống mật ong để sống. Nói về Thánh Martin, một con người bị cha mình từ bỏ, nhưng không vì thế mà Ngài thiếu niềm tin. Ngài đã tin mình có người Cha trên trời và Ngài đã sống hết mình, sống và làm việc bác ái gương sáng của Ngài còn lưu lại mãi với đời.

Sau phần giảng, Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Thánh Martin đã hân hoan đón nhận chị Maria Cao Thị Bích gia nhập huynh đoàn qua nghi thức khấn tạm ba năm theo như luật dòng.

Một bữa ăn trưa được tổ chức mừng bổn mạng của huynh đoàn đã được toàn thể mọi người tham dự vui vẻ tại hội trường giáo xứ. (Vì không book được nhà thờ và hội trường, huynh đoàn năm nay mừng bổn mạng trễ.)

***Cũng tại Melbourne chiều cùng ngày:
Ca đoàn Vô Nhiễm Trung tâm Thánh Vinh Sơn Liêm mừng bổn mạng

Melbourne, vào lúc 6 giờ chiều Thứ Bảy Ngày 7/12/2019. Tại Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Ca đoàn Vô Nhiễm đã cùng cộng đoàn dâng thánh lễ tạ ơn mừng bổn mạng Đức Mẹ Vô Nhiễm lần thứ 30 thật trọng thể.

Xem hình

Trong một ngày trời đẹp, các ca viên đã mặc đồng phục thật đặc biệt của ca đoàn. Ca viên nam mặc áo dài thụng đen, ca viên nữ mặc áo dài xanh hoa. Ca đoàn đã chọn những bài thánh ca đặc sắc và nhiều ý nghĩa để dâng lên Chúa qua sự cầu bầu của Đức Maria Vô Nhiễm là bổn mạng cộng đoàn.

Thánh lễ do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh chủ tế, Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân quản nhiệm cộng đoàn và hai Linh mục Đinh Văn Bổn, Trần Minh Hiếu đồng tế. Trước khi dâng lễ. Đức cha chủ tế đã mời cộng đoàn hợp ý cầu nguyện cho Ca đoàn Vô Nhiễm, cầu nguyện cho từng ca viên và gia đình của họ. Xin Chúa ban sự bình an đến từng người để họ có sức khỏe, thời giờ dấn thân phục vụ. Mang lời ca, tiếng đàn cùng những tài năng Chúa ban cho họ để họ cùng cộng đoàn ca ngợi tình yêu Thiên Chúa. Và cũng không quên đến những ca viên đã qua đời.

Trong phần chia sẻ lời Chúa của Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Vọng, Đức Cha chủ tế cũng mọi người hãy biết sửa soạn tâm hồn mỗi người, để hỏi hỏi tin mừng, sống đời sống bác ái, yêu thương, để có những con đường thênh thang trong lòng đón Chúa đến trong mỗi con người. Chúc mọi thành viên của Ca đoàn Vô Nhiễm biết noi gương Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm, sống khiêm nhường, sống trong yêu thương phục vụ.

Được biết, Ca đoàn Vô Nhiễm được thành lập cách nay 30 năm. Một ca đoàn trẻ từng cặp, từng cặp bạn hữu rủ nhau sinh hoạt. Mỗi tuần ca đoàn hát lễ chiều Thứ Bảy cùng cộng đoàn. Chiều Thứ Sáu, các ca viên dẫn theo con cái đến trung tâm để tập hát.

Cũng để thắt chặt tình thân ái, hằng năm, ca đoàn có tổ chức các buổi nghỉ Hè, hoặc nghỉ Đông để cả đại gia đình ca đoàn có những thời gian thư giãn vui vẻ bên nhau.
Trưởng ca đoàn anh: Ngô Hồng Vũ đã đại diện ca đoàn cám ơn đến Đức Cha, Cha quản nhiệm và quý cha đã ưu ái dâng lễ mừng bổn mạng cho ca đoàn, anh cũng không quên cám ơn đến những người đi trước đã gầy dựng nên ca đoàn và bồi đắp để ca đoàn mỗi ngày một phát triển vững mạnh đến ngày hôm nay. Cám ơn quý phụ huynh, quý vị ân nhân đã luôn đồng hành và giúp đỡ cho ca đoàn.
Sau thánh lễ, để đánh dấu mốc điểm 30 năm, ca đoàn đã có bữa tiệc mừng. Để khoản đãi các thành viên ca đoàn và gia đình, quý ân nhân và khách mời riêng được tổ chức tại hội trường Trung tâm Vinh Sơn Liêm để các ca viên có dịp cám ơn quý cha và mọi người, và vui chơi ca hát mừng bổn mạng 2019.



 
Văn Hóa
Đường anh, Đường em
Sơn Ca Linh
11:42 07/12/2019
“Có Tiếng Người Hô Trong Hoang Địa: Hãy Dọn Sẵn Con Đường Cho Đức Chúa, Sửa Lối Cho Thẳng Để Người Đi” (Mt 3,3; Is 40,3)

Em, trời đã lập đông rồi đó,
Có nghe vọng về tiếng tiên tri ?
Có thấy lòng mình đang “hoang mạc”,
để mà khao khát nhịp xuân thì ?

Anh, lại một lần “mùa ngóng đợi”,
Có nghe trời đang đổ sương xuân ?
Có thấy tim mình khô nứt nẻ,
Mà mong giọt thắm mát trong hồn ?

Anh và em, lối mòn lê bước,
Có thấy đường đồi nỗng hố sâu ?
Có thấy đời ngăn chia cách trở,
Mà sao chưa bắt lại nhịp cầu ?

Đường của em, của anh...tất cả,
Điểm bắt đầu nơi mỗi trái tim.
Hạt mầm yêu thương, dầu sỏi đá,
Đường người đi hoa nở rộ bên thềm !

Sơn Ca Linh (CN 2 MV 2019)
 
VietCatholic TV
Nhận định của Tiến sĩ George Weigel về vụ án ĐHY George Pell tại Tối Cao Pháp Viện Úc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:09 07/12/2019
Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và hiện là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo, vừa có một bài viết trên Catholic World Report phân tích các chiều hướng dư luận gần đây tại Úc. Ông cũng kêu gọi những người bạn của công lý, những người yêu mến Đức Hồng Y George Pell hãy hy vọng và cầu nguyện khi Tòa án tối cao xét xử vụ án của Đức Hồng Y vào năm tới.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: A last chance for Australian justice. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


A last chance for Australian justice

George Weigel

Cơ hội cuối cùng cho công lý Úc


Cha mẹ quá cố của tôi rất yêu mến Đức Hồng Y George Pell, là người mà họ quen biết trong nhiều thập kỷ. Vì vậy, tôi thấy một sự trùng hợp khá thú vị là vào ngày 12 tháng 11 (là kỷ niệm 70 năm ngày cưới của bố mẹ tôi), một hội đồng hai thẩm phán của Tòa án tối cao Úc đã đồng ý chấp nhận đơn kháng cáo của ngài đối với bản án không thể nào hiểu nổi về các cáo buộc “lạm dụng tình dục trong quá khứ”, và sự bác bỏ thậm chí còn khó hiểu hơn nữa đối với kháng cáo của ngài tại Melbourne trước một bản án rõ ràng không an toàn.

Như thế, vào năm 2020, cơ quan tư pháp cao nhất ở Úc sẽ xem xét vụ án Đức Hồng Y Pell, tạo cơ hội cho Tòa án tối cao đảo ngược sự bất công quá hiển nhiên và minh oan cho Đức Hồng Y khỏi một tội ác ghê tởm: là một “tội ác” mà Đức Hồng Y Pell quyết liệt khẳng định không bao giờ xảy ra; một tội phạm, chẳng có một tí bằng chứng chứng thực nào được đưa ra; một “tội ác” mà đơn giản là không thể nào xảy ra trong hoàn cảnh và trong các điều kiện được cho là đã xảy ra.

Kể từ khi kháng cáo ban đầu của Đức Hồng Y Pell bị bác bỏ vào tháng 8 năm ngoái bởi hai trong số ba thẩm phán của toà phúc thẩm ở tiểu bang Victoria, quyết định của nhóm đa số giữ nguyên phán quyết của tòa dưới đã bị chỉ trích dữ dội vì chỉ dựa chủ yếu vào tính khả tín của người cho rằng mình là nạn nhân. Như vị thẩm phán đã bỏ phiếu ủng hộ kháng cáo của Đức Hồng Y đã chỉ ra (trong một thái độ bất đồng được một luật sư nổi tiếng của Úc mô tả là tài liệu pháp lý quan trọng nhất trong lịch sử của đất nước này), tính khả tín của người tố cáo – mà phán quyết này dựa vào - là hoàn toàn chủ quan – và là một tiêu chuẩn rất yếu ớt để từ đó có thể đưa ra kết luận ai đó phạm tội, điều đó “vượt quá xa sự nghi ngờ hợp lý”. Thẩm phán Mark Weinberg, là luật sư hình sự được kính trọng nhất ở Úc, trong khi hai đồng nghiệp của ông trong hội thẩm đoàn đã có rất ít hoặc chẳng có kinh nghiệm pháp lý hình sự nào. Bài phê bình dài và tàn bạo của Weinberg về lý luận nông cạn của hai người đồng nghiệp của ông là một tín hiệu cho Tòa án tối cao thấy rằng có cái gì đó rất sai trái đang diễn ra, và uy tín của công lý Úc – cũng như số phận của một người vô tội – đang trong tình trạng hiểm nghèo.

Những chiều hướng khác gần đây tại Úc cũng mang lại hy vọng cho những người ủng hộ Đức Hồng Y rằng cuối cùng công lý cũng sẽ được phục hồi trong trường hợp của ngài.

Andrew Bolt, một ký giả truyền hình với số khán giả trên phạm vi cả nước, đã điểm qua một loạt các sự kiện được cho là đã xảy ra tại nhà thờ chính tòa St. Patrick ở Melbourne, trong khung thời gian được cho là đã diễn ra, và kết luận rằng cáo buộc của công tố viện, và phán quyết của cả bồi thẩm đoàn trong phiên sơ thẩm lẫn quyết định y án của hội đồng kháng cáo, chỉ đơn giản là vô nghĩa. Điều được cho là đã xảy ra, thực ra, không thể nào xảy ra theo cách thế và thời gian đã được mô tả.

Những người Úc muốn phớt lờ những diễn từ độc ác chống Đức Hồng Y Pell, đầy rẫy những lý luận lừa dối công chúng tại đất nước họ trong nhiều năm qua, cũng đã được nghe kể từ hai người nguyên là những người đã làm việc tại nhà thờ chính tòa, là những người đã thẳng thừng bác bỏ rằng những gì được cho là đã xảy ra. Thực tế, những chuyện như thế không thể nào xảy ra theo cách thế và thời gian đã được mô tả, bởi vì họ chỉ cách Đức Hồng Y một vài thước vào chính thời điểm được nêu.

Sau đó, Anthony Charles Smith, một luật sư hình sự kỳ cựu (và không phải là người Công Giáo), đã viết trên tờ Annals Australasia rằng bản án của Đức Hồng Y Pell và sự bác bỏ đơn kháng cáo của ngài “khiến tôi rợn người”. Vị luật sư đặt câu hỏi: làm thế nào mà một bản án có tội lại có thể được đưa ra dựa trên “các bằng chứng …quá yếu và ngấp nghé trên bờ vực của sự vô lý đến mức khôi hài” như thế. Chỉ có một câu trả lời khả thi là nhiều người đã giả định Đức Hồng Y Pell có “tội” sau “một loạt dồn dập các phỉ báng công khai” được dàn dựng bởi “một đám thèm khát lấy máu của Pell” đang tác động lên “một hệ thống truyền thông luôn luôn ngờ vực”.

Đáng chú ý hơn nữa, là tờ báo tả khuynh Saturday Paper, không có cảm tình với Đức Hồng Y Pell hay Giáo Hội Công Giáo, đã cho đăng một bài báo trong đó Russell Marks - người từng có thời là phụ tá nghiên cứu cho một cuốn sách chống Đức Hồng Y Pell - lập luận rằng hai thẩm phán trong Hội đồng phúc thẩm, những người đã bỏ phiếu y án Đức Hồng Y, trên thực tế đã “thẳng thừng không cho phép bất cứ một lập luận bào chữa nào cho Pell có cơ hội xảy ra: luật sư của ông ta không thể nói hay làm điều gì, bởi vì các thẩm phán này dường như cho rằng tin tưởng vào người khiếu nại này là đủ rồi trên cơ sở các câu trả lời của anh ta trong quá trình kiểm tra.”

Hệ thống tư pháp Úc đã vấp ngã hay thất bại ở mọi giai đoạn của vụ án này. Tòa án tối cao Úc có thể phá vỡ chuỗi thất bại đó, giải phóng một người vô tội, và phục hồi uy tín cho nền công lý Úc trên trường thế giới. Bất kể các phản ứng của đám đông diên dại thù ghét Đức Hồng Y Pell, những người bạn của công lý phải hy vọng rằng đó là những gì sẽ xảy ra khi Tòa án tối cao xét xử vụ án của Đức Hồng Y - một vụ án Dreyfus của Úc - vào năm tới.


Source:The Catholic World Report