Ngày 11-12-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Bẩy 12/12: Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
01:39 11/12/2020
TIN MỪNG Mt 17:10-13

Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giêsu rằng: "Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-lia phải đến trước?" Người đáp: "Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế". Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.

Đó là lời Chúa.

 
Múa nhảy và than khóc
Lm. Minh Anh
02:02 11/12/2020
MÚA NHẢY VÀ THAN KHÓC
“Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy;
chúng tôi ai oán, sao các bạn không than khóc!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cái chết của nhà độc tài Joseph Stalin đến nay vẫn là một ẩn số; một trong những giả thuyết được cho là do một cơn động kinh xảy ra tại một cuộc họp cấp cao của các lãnh đạo. Hôm ấy, Stalin giận tái người, nhảy ra khỏi chỗ, ngã xuống sàn và bất tỉnh. Trong khi các thành viên khác nhìn chằm chằm vào một đống thịt sóng soài sấp mặt, thì Laverenti Beria, một quan chức đầy mưu mô đã bật dậy, ‘nhảy múa’ vòng quanh Stalin và hét lên, “Cuối cùng, chúng ta cũng được tự do! Cuối cùng là tự do!”. Nhưng, khi Svetlana, con gái của Stalin xuất hiện; cô đến bên cha và quỳ xuống thì nhà độc tài đã cựa quậy và mở một mắt. Ngay lập tức Laverenti Beria ghé xuống bên cạnh, nắm lấy tay Stalin và che nó bằng những nụ hôn với những lời ‘than khóc’ sụt sùi.

Trùng hợp đến ngạc nhiên, Lời Chúa hôm nay cũng nói đến ‘múa nhảy và than khóc’, “Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi ngoài chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng, ‘Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi ai oán, sao các bạn không than khóc!’”.

Các giáo phụ xác định “tiếng sáo” và “tiếng than” này là tất cả lời dạy và ý muốn của Chúa được các ngôn sứ báo trước để dọn đường cho Đấng Thiên Sai, vậy mà dân đã không nghe; lời Isaia hôm nay biểu hiện sự tiếc nuối đó, “Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn của Ta, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông và sự công chính của ngươi sẽ như sóng biển”. Sang thời Gioan Tẩy Giả, ông kêu gọi ăn năn, cũng không mấy ai nghe. Chúa Giêsu đã chỉ ra sự thật bẽ bàng này.

Trong thời đại ngày nay, chúng ta may mắn hơn dân Chúa thời Cựu Ước và hiểu biết hơn Israel thời Tân Ước nhiều. Hơn cả sự có mặt của các ngôn sứ, chúng ta có bao chứng tá đáng kinh ngạc của các thánh cổ xưa cũng như hiện đại; Thánh Kinh, Thánh Truyền và những giáo huấn không thể sai lầm của Hội Thánh; bao quà tặng ân sủng của Chúa ‘lênh láng’ từ các bí tích, túi khôn của nhân loại ‘bỡn nhả’ trên đôi tay khi thế giới chỉ còn là một cái làng; và nhất là, sự dạy dỗ của Con Thiên Chúa trong các Tin Mừng… Dẫu thế, buồn thay, nhiều người vẫn từ chối lắng nghe; nhiều người không “nhảy múa và than khóc” để đáp lại sứ điệp Tin Mừng! Thay vào đó, chúng ta ‘nhảy múa và than khóc’, trước những sứ điệp của đất, những thần tượng như Diego Maradona, Paolo Rossi, Chí Tài… vốn xem ra không để lại gì sâu sắc trong tâm hồn con người.

Chúng ta phải “nhảy múa” trước ‘Quà Tặng’ vĩ đại nhất của Thiên Chúa, Con Một Người; không như Laverenti Beria, Chúa Giêsu đến bên từng người mọi lúc, mọi nơi, đỡ nâng chúng ta khi quỵ ngã; khơi lên hy vọng khi chúng ta thất vọng; sẻ chia thành công thất bại của mỗi người. Cảm nhận được điều đó, mỗi hơi thở, mỗi nhịp tim của chúng ta sẽ hoà vào trong Thánh Thần để nhảy lên vũ điệu thần linh của Thiên Chúa và bước đi trong ánh sáng Người ngay hôm nay, như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống”.

Cùng lúc, chúng ta phải biết “than khóc” vì không nhận ra sự hiện diện gần gũi yêu thương của Chúa; không phải Ngài xa lạ, nhưng vì Ngài quá xa lạ với chúng ta. Chúng ta “than khóc” vì tội lỗi của mình và tội lỗi của nhân loại. Tội lỗi là có thật; tội lỗi đang ‘xát mặt’ Thiên Chúa hơn bao giờ hết; và ‘một nỗi buồn thánh’ lẽ ra phải có nơi chúng ta là cách đáp ứng thích hợp duy nhất. Sự cứu rỗi là có thật, hoả ngục là có thật và cả hai sự thật này đều đòi hỏi một sự phản hồi toàn diện từ chúng ta; chúng ta phải biết “nhảy múa và than khóc” trước những gì mà một Thiên Chúa giàu lòng thương xót đang ban, nhưng cũng là một Thiên Chúa đang bị xúc phạm nghiêm trọng.

Anh Chị em,

Trong những ngày qua, thế giới nơm nớp với những biến thiên phức hợp của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ; nó không đơn thuần là một cuộc bầu chọn nhưng còn là cuộc chiến giữa bóng tối và ánh sáng, giữa sự thiện và sự ác. Người ta đang ‘múa nhảy và than khóc’ trước những điên khùng của phe này, phe kia khi muốn truất phế người này, người kia… thì Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ thế giới lẽ ra phải đáng cho linh hồn chúng ta ‘múa nhảy và than khóc’ nhất; nhưng xem ra, Ngài đang bị truất phế; chưa nói bởi ai, trước hết, có lẽ bởi linh hồn của mỗi người chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, những ngày Mùa Vọng này, Chúa có vui không khi nhìn vào linh hồn con? Xin cho con biết làm cho Chúa ‘cười thật tươi’ khi linh hồn con luôn biết ‘múa nhảy’ trước bao ân huệ Chúa ban; đồng thời, biết ‘than khóc’ tội con và tội anh em con khắp cùng cõi đất”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tiếng Hô Chuyên Chở Niềm Vui Đích Thực
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
11:15 11/12/2020
TIẾNG HÔ CHUYÊN CHỞ “NIỀM VUI ĐÍCH THỰC”

(CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG NĂM B 2020)

Vào thế kỷ trước, trong những năm đầu của thập niên 70 (Khoảng năm 1971-1972), khi cuộc chiến tranh “Quốc-Cọng” đã leo thang tàn khốc, thì cũng là thời điểm gia tăng con số những người góa phụ, những người vợ không còn được gặp lại chồng, những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường đẫm máu; hoặc nếu có trở về, thì “trở về trong chiếc áo quan hoang lạnh”, như cảm nhận đau điếng một thời trong bài thơ “Kỷ vật cho em” của thi sĩ Linh Phương được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:

… Anh trở về chiều hoang trốn nắng

Poncho buồn liệm kín hồn anh

Anh trở về bờ tóc em xanh

Chít khăn sô lên đầu vội vã.. Em ơi!

Và cũng bối cảnh xót xa cùng cực đó, những người góa phụ đi “đón gặp chồng”, chỉ còn một tâm trạng tan nát cõi lòng, buồn lên lai láng, như tâm sự của thi sĩ Lê Thị Ý gởi gắm nơi bài thơ “NGÀY MAI ĐI NHẬN XÁC CHỐNG”:

“Ngày mai đi nhận xác chồng

Say đi để thấy mình không là mình

Say đi cho rõ người tình

Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ

Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ

Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son…”

Chờ ai để gặp mà chỉ gặp một “người đã ra đi không bao giờ trở lại”; đón đợi “người về” mà chỉ là một “người về trong chiếc áo quan” thì còn gì để mà vui, để mà hy vọng, để mà tin yêu vui sống ! Vâng tất cả đã “nhạt mờ dấu son” và chỉ còn lại chiếc “khăn sô trên đầu vội vã” !

Có lẽ đó cũng là tâm trạng chung của dân tộc Israel khi rơi vào hoàn cảnh mất nước, lưu đày; tâm trạng của những “người tình của giao ước” bỗng dung bị “Phu quân Thiên Chúa” quay lưng chối từ, Thiên Chúa mãi đi xa để không bao giờ trở lại ! và nếu đi xa hơn nữa, trở lại “những trang đầu của sách Sáng Thế ký”, khi cửa địa đàng đóng lại, Adam-Eva buồn tủi dắt díu nhau, một mình lang thang trên con đường “gai chông sỏi đá” để không bao giờ còn gặp Thiên Chúa “chiều chiều hạ cố đến đồng hành, tâm sự, sẻ chia…”.

Vâng, một “Israel buồn là một Israel bị Thiên Chúa quay lưng chối từ” và “một nhân loại buồn” là một “nhân lọai vắng bóng Thiên Chúa”.

Sứ điệp (Lời Chúa) của Chúa Nhật 3 Mùa Vọng trong Phụng vụ Công Giáo mang đến một ý nghĩa hoàn toàn đối lập với tâm trạng trên, thái độ trên: NIỀM VUI; VUI VÌ “CHÚA ĐANG TRỞ VỀ”; VUI VÌ CHÚA ĐÃ XÓT THƯƠNG VÀ THA THỨ.

Trước hết, đó là niềm vui mà ngôn sứ Isaia muốn dành riêng cho dân tộc Israel, để hết thảy cùng “ngẩng đầu lên”, chuẩn bị một cuộc “xuất hành mới”, bước qua những “hoang tàn đổ nát, những thất vọng buồn tênh…, để bắt đầu lại trong một cuộc hành trình mới của những người được yêu, được xót thương, được tha thứ và chữa lành bởi “Đấng được xức dầu đang đến”: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày…”. Nhà ngôn sứ đặc biệt nầy không muốn dân tộc ông đắm chìm trong “nỗi buồn muôn thuở”, trong tư thế của những “thiếu phụ chít khan tang chờ chồng là những thây ma”, mà phải là những “cô dâu hạnh phúc” đón gặp Đấng “tình quân” đang trở về trong uy nghi rạng rỡ: “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc…”.

Và tất cả những gì ngôn sứ Isaia loan báo, gọi mời về một “niềm vui đang đến cùng với Đấng được xức dầu”, thì gần như đã được đáp ứng hoàn toàn trong thái độ, trong tâm hồn của người thôn nữ Maria mà bài ca trước cửa nhà cô Êlizabeth đã nói lên tất cả: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ Người; thực từ đây, thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phước…” (Đáp vịnh ca).

Quả thật, Mẹ Maria đã sống trọn vẹn “những nỗi khát khao mong đợi” da diết của dân tộc mình; và đã cảm nhận trọn vẹn nỗi vui ngút ngàn cái ngày “được Chúa viếng thăm”, được “Người nhìn đến” ngay trong chính bản thân mình, cuộc đời mình khi thiên sứ Gabriel truyền tin “Ngôi Lời nhập thể”: “Mừng vui lên Đấng đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà”. Vâng, đây chính “điểm tựa”, là “trọng tâm” của niềm vui nơi Mẹ, cũng là của niềm vui toàn thể nhân loại: Thiên Chúa trở về, Thiên Chúa hiện diện, Thiên Chúa có mặt trong Đấng Kitô mà ngôn sứ Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại xác nhận: “Tôi không phải là Đấng Kitô…. giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết. Đấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.

Sai lầm của nhiều người trong nhân loại, trong đó có chúng ta, những người Kitô hữu, là đã chọn sai “niềm vui đích thực”. Sau “niềm vui vỡ òa của một trận cầu chiến thắng tại Việt Nam” là những con đường đầy rác rưởi tanh hôi; sau “niềm vui đến chảy nước mắt được chiêm ngưỡng một thần tượng âm nhạc Hàn quốc” là một sự rỗng tuếch của kiến thức và trưởng thành nhân cách”; sau niềm vui tưng bừng ồn ào của những cuộc “say men” vì “chiến tích địa ốc ở Đồng Tâm”, “thương vụ thành công ở Formosa Hà Tĩnh”, “hạnh thông chức quyền ở các cơ quan”… là những tiếng than ai oán của những gia đình bị bóc lột, những nạn nhân của bất công, những phận đời bị dập vùi tăm tối….

Chính vì thế, sứ điệp “NIỀM VUI” của Mùa Vọng hôm nay, hay của cả một đời Kitô hữu, đó chính là “Niềm vui được trả giá” bằng một sự “dọn đường” nơi tiếng “hô trong hoang địa” của nhà ngôn sứ Gioan Tẩy Giả từ hai ngàn năm trước: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”. Đó chính là sự hoán cải nội tâm, là một “bắt đầu mới” đắp xây con đường của thiện lương, công chính, yêu thương. Đó là niềm vui của cô Maria khi tuôn đổ những giọt nước mắt trên chân Chúa để trở về làm lại cuộc đời. Đó là niềm vui của các Thánh Tông Đồ từ tòa án công nghị của quan chức Do Thái bước ra: “Các ông vui mừng vì được chịu đau khổ để làm chứng cho Đức Kitô”. Đó là cái vui của Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta, khi được cận kề săn sóc những kẻ yếu đau liệt lào. Đó là niềm vui của Thánh Maximilien Kolbe khi được chết thay cho một người tù sắp bị xử tử, là niềm vui của Á Thánh Anrê Phú Yên trên đường đi đến pháp trường để “lấy tình yêu đáp trả tình yêu”…Suốt 2000 năm nay, trên mọi miền thế giới, đã có bao nhiêu con người đã hưởng ứng, đã sống niềm vui mà hôm nay chúng ta được gọi mời tiếp nối.

Ngày xưa, Gioan Tẩy Giả đã khước từ hết mọi danh hiệu: không là Kitô, không là Êlia, không là ngôn sứ; và chỉ nhận mỗi một danh xưng “tiếng người hô trong hoang địa”. Phải chăng, sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 3 Mùa Vọng muốn nói với hết mọi Kitô hữu chúng ta rằng: cần gì phải là giáo hoàng, phải là giám mục, linh mục, phải là ông kia bà nọ, phải có địa vị chức quyền mới có thể loan báo tin mừng, mới có thể làm người “dọn đường cho Chúa” để nhân loại có được niềm vui.

Nó cách khác, trong “hoang địa cuộc đời hôm nay” đang rất cần “những tiếng hô của niềm tin và đức ái, của hy vọng và công chính, của tha thứ và khoan dung, của công bằng và hòa bình, của sẻ chia và phục vụ…” để niềm vui chan hòa, để chân lý ngự trị, để thế giới thắm tình huynh đệ khi nhận ra nhau là anh em của một Cha trên trời. Để có được “niềm vui thường xuyên” như thế”, Thánh Phaolô đã từng đề nghị với giáo đoàn Thêxalônica: “Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Đừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức”.

Và như thế, mỗi người chúng ta hôm nay, ngay trước thềm của đại lễ Giáng Sinh, hãy là một “tiếng hô” như thế, tiếng hô chuyên chở một niềm vui đích thực “Chúa đã đến gần”. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:30 11/12/2020
Chương 31:

XÉT MÌNH



“Vì thế, cả tôi nữa, tôi cố gắng để trước mặt Thiên Chúa và người ta, lương tâm tôi không có gì đáng chế trách”. (Cv 24, 16)


1. Chúng ta nên nghiêm khắc xét mình về lời nói và hành vi của mình, giống như gia chủ xét hỏi đầy tớ số tiền đã giao cho nó vậy.

(Thánh John Chrysostom- Gioan Kim Khẩu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:35 11/12/2020
5. NGỐC CHỬI MỈNH

Có một người không biết quả trám là quả gì, bèn hỏi người khác:

- “Đây là trái gì?”

Người nọ cười nói:

- “A ngốc”. (1)

Người ấy bèn mua quả trám để ăn, về nhà nói với vợ:

- “Hôm nay tôi ăn “a ngốc”, mùi vị rất ngon”.

Vợ kêu anh ta lấy ra coi, anh ta bèn há miệng ra trước mặt vợ và thở ra, nói:

- “Bà ngửi ngửi mà coi, còn có mùi ngốc đấy nhé !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 5:

Người ngốc mà không biết mình ngốc thì thật là tội nghiệp, nhưng người biết mình kiêu ngạo mà không sống khiêm tốn thì càng tội nghiệp hơn !

Ai cũng dễ dàng thông cảm và giúp đỡ những người ngốc, vì ai cũng có một tâm hồn biết xúc cảm trước những nghịch cảnh của cuộc đời, chỉ có những người kiêu ngạo tự thỏa mãn mình qua những phồn vinh giả tạo, thì mới là người không biết xúc động trước những đau khổ của người khác, cho nên ngay cả người kiêu ngạo cũng không muốn chơi thân với người kiêu ngạo, huống gì là người khác...

Đem cái hiểu biết của mình ra để chế nhạo người ngốc thì có thể nói là một tội ác, là tội phung phá ân sủng của Thiên Chúa đã ban cho chúng ta để chúng ta giúp đỡ và an ủi người khác, chứ không phải để chúng ta nhạo báng anh em mình khi họ có trí óc kém thông minh hơn chúng ta.

Người ngốc cũng như người kiêu ngạo cả hai đều không biết mình là ai, chúng ta cầu nguyện cho người kiêu ngạo và cầu cho những người ngốc có người biết thông cảm và phục vụ họ...

(1) Câu này dùng để chửi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 3 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:36 11/12/2020
CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG

Tin mừng: Ga 1, 6-8; 19-28.

“Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.”


Bạn thân mến,

Trước câu hỏi của các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả, Đức Chúa Giê-su không trực tiếp trả lời, nhưng Ngài nói họ thấy gì nơi Ngài hoặc nghe người ta nói gì về Ngài, thì hãy về nói lại với ông Gioan như thế, chắc chắn ông ấy sẽ biết Ngài là ai !

Có một vài người Ki-tô hữu cũng đã hỏi Đức Chúa Giê-su như vậy khi cuộc sống của họ bị mất phương hướng vì đời họ gặp nhiều thử thách: Ngài có phải là Thiên Chúa không, sao đời con khổ thế này? Ngài có thật là đang ở cùng con trong cuộc sống không, sao không thấy Ngài biện hộ cho con khi kẻ thù vu không bắt bớ dọa nạt con? Ngài có thật là Đấng mà con tôn thờ không, tại sao Ngài không tỏ uy quyền tiêu diệt những kẻ làm hại Giáo Hội của Ngài và bắt bớ tù đày môn đệ của Ngài...?

Đức Chúa Giê-su là Đấng mà muôn dân trông đợi, Ngài được Chúa Cha sai đến trần gian để giải thoát nhân loại khỏi tối tăm tội lỗi, Ngài đến để đem ánh sáng vĩnh cửu đến chiếu soi chúng ta đang đi trong tối tăm của những cám dỗ thế gian. Ngài là Đấng mà thánh Gioan Tẩy Giả đã hân hoan, long trọng tuyên bố: Ngài đến sau tôi, nhưng có trước tôi...Hãy dọn đường cho ngay thẳng để Ngài đi, hãy hối cải và thay đổi cuộc sống của chính mình.v.v...

Bạn thân mến,

Ngày hôm nay bạn và tôi sẽ không còn hỏi Đức Chúa Giê-su là ai nữa, bởi vì bạn và tôi đang đi theo Ngài trong cuộc sống, đang ngắm nhìn Ngài trong bí tích Thánh Thể, và đang từng giây phút học hỏi cách sống của Ngài là yêu thương và phục vụ. Bởi vì ngoài Đức Ki-tô ra, không thể có một ơn cứu độ nào khác trên thế gian này.

Thánh Gioan Tẩy Giả là sứ giả đi trước dọn đường cho Chúa cứu thế đến. Bạn và tôi cũng sẽ là những sứ giả loan báo tin vui Đấng cứu thế đến cho mọi nguời, để họ cũng đến mà xem Ngài, không phải xem Ngài nằm trong hang đá đẹp lộng lẫy do con người làm ra để khoe khoang mình có năng khiếu làm hang đá, hoặc để phô trương mình chứ không phải làm vinh dang Chúa, không phải xem Ngài nơi cách sống phóng đãng của chúng ta, và cũng không phải xem Ngài đang hiện diện trong một cộng đoàn mà mỗi thành viên chỉ biết đến mình với tất cả cái tôi kiêu ngạo và khoe khoang, nhưng xem Ngài đang đau khổ nơi tha nhân, xem Ngài đang chia sẻ phục vụ với người cùng khốn giữa xã hội hôm nay.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Không nhận ra
Lm. Minh Anh
20:42 11/12/2020
KHÔNG NHẬN RA
“Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông,
nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu hai ngôn sứ vĩ đại, một của thời Cựu Ước, một của thời Tân Ước; và đây là bằng chứng cho thấy sự cứng lòng của nhân loại mọi thời khi nó ‘không nhận ra’ sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa qua những kẻ Người sai đến. Chúa Giêsu nói lên sự thật đáng buồn này, “Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn”.

Bài đọc Huấn Ca tôn vinh Êlia như một ngôn sứ lẫy lừng với những chiến công hiển hách, ông “Khác nào ngọn lửa, lời ông tựa đuốc cháy bừng bừng”; ấy thế, dân Chúa ‘không nhận ra’ ông là người được Chúa sai đến, nữ hoàng Ideven truy đuổi ông. Cũng thế, Gioan Tẩy Giả, một người được Chúa Giêsu coi là cao trọng nhất trong tất cả con cái người nữ, mang sứ điệp thống hối cho người đương thời, chuẩn bị họ đón Đấng Thiên Sai; cũng vậy, họ cũng ‘không nhận ra’ sứ vụ của Gioan và Hêrôđê, vị vua ngông cuồng đã giết chết Gioan.

Số phận ngôn sứ ở mọi thời đều giống nhau, xưa cũng như nay. Êlia, Gioan và cả Chúa Giêsu; tất cả có chung một vận mệnh. Thế nhưng, như Êlia, Gioan đã chu toàn sứ vụ một cách trọn vẹn; và hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn chu tất sứ vụ của Ngài một cách tuyệt vời hơn. Sứ vụ của Chúa Giêsu không chỉ là dọn đường nhưng còn là cứu độ cả thế giới bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài. Và qua mọi thời, Thiên Chúa vẫn tiếp tục gửi đến những chứng tá của Người.

Đức Mẹ Guadaloupê Hội Thánh mừng kính hôm nay cũng là một chứng tá hùng hồn của lòng thương xót Chúa. Với đa số giáo dân Việt Nam, Đức Mẹ Guadaloupê xem ra vẫn còn khá xa lạ; thế nhưng, với người châu Mỹ thì không. Năm 1910, Đức Piô XI công bố Ðức Mẹ Guadalupê là Quan Thầy châu Mỹ Latinh và Philippines, 1935; năm 1999, Đức Gioan Phaolô II tuyên bố Mẹ Guadalupê là Bổn Mạng của toàn châu Mỹ, Nữ Vương châu Mỹ Latinh. Đền thờ Ðức Mẹ Mexicô là điểm hành hương đông nhất thế giới với ‘tấm áo kỳ diệu’ của Mẹ vẫn đang được lưu giữ ở đó.

Cách đây gần 500 năm, tại Mexicô, Đức Mẹ đã hiện ra năm lần liên tiếp cho Juan Diego, một thổ dân da đỏ tân tòng. Sáng sớm ngày 9/12/1531, Juan đi đến Tlatelolco, nơi anh sẽ tham dự thánh lễ và lớp giáo lý. Bỗng khi đi qua đồi Tepeyac, anh nhìn thấy một vầng sáng rực rỡ và tiếng nhạc du dương trên đồi; Đức Mẹ đã hiện ra cho anh, Mẹ nói, “Ta là Mẹ nhân từ của con!”. Đức Mẹ ngỏ ý muốn có một nhà thờ tại đó và Juan phải đi nói điều này với Giám mục giáo phận, lúc bấy giờ là Đức cha Fray Juan de Zumarraga. Juan làm theo lời Mẹ dạy, nhưng vị Giám mục không tin; ngài đòi một dấu chỉ. Juan cho Đức Mẹ biết điều ấy cùng với việc người chú của mình đang bệnh nặng; Đức Mẹ cho biết, người chú sẽ không chết và Giám mục sẽ có dấu chỉ. Đức Mẹ bảo Juan lên đồi, hái những bông hoa trái mùa đem về cho Giám mục; Juan làm theo lời Mẹ dạy. Trước chứng kiến của nhiều người, khi Juan mở chiếc áo để trút xuống những bông hoa, thì lạ thay, áo của anh đã in đậm chính hình ảnh của người đã hiện ra với anh. Ảnh này không được vẽ nhưng từng đường chỉ của chiếc áo sợi xương rồng thô sơ này đã thay màu để tạo nên một ảnh tuyệt đẹp. Cùng ngày, Đức Mẹ đã hiện ra và chữa lành người bệnh một cách kỳ diệu. Sau gần 500 năm, ‘tấm áo kỳ diệu’ vẫn không hư hoại, một thách đố cho các nhà khoa học, kể cả NASA của Hoa Kỳ, như trường hợp bức khăn liệm Turinô, mà đến nay, vấn nạn vẫn chưa được giải đáp.

Anh Chị em,

Phép lạ kỳ diệu này đã trở thành một phần của nền văn hoá Mexicô, nhưng thông điệp của Mẹ còn nhiều ý nghĩa hơn mà bao người ‘không nhận ra’, “Ta là Mẹ nhân từ của con!”. Ước mong sâu sắc nhất của Đức Mẹ là ôm tất cả chúng ta vào lòng từ ái của ngài; Đức Mẹ muốn chia sẻ với chúng ta những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống; Đức Mẹ muốn dạy dỗ chúng ta, dẫn dắt chúng ta và bày tỏ cho chúng ta lòng thương xót của Đấng Mẹ cưu mang. Qua Mẹ, ánh tôn nhan của Chúa Con được toả rạng hầu mỗi người ‘biết nhận ra’ mình cần được phục hồi, cần được cứu độ như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay nguyện xin, “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con; xin toả ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Guadaloupê, Mẹ nhân từ của con, xin đừng để con ‘không nhận ra’ lòng thương xót của Chúa; cho con ‘biết nhận ra’ điều Chúa muốn, là bất cứ giá nào, con phải nên thánh và được cứu độ”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Để Người Được Lớn Lên
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
22:04 11/12/2020
CN III Mùa Vọng Năm B
Để Người Được Lớn Lên
Ga 1:6-8, 19-28

Nếu thường dùng internet, chúng ta thấy những năm gần đây xuất hiện nhiều đoạn phim ngắn, nội dung rất thực, gần với cuộc sống đời thường, vì thế người xem rất dễ cảm động và thích lấy làm thích thú. Tuy nhiên, khi người xem đang chú tâm với những tình tiết đầy cảm xúc của câu chuyện, thì đoạn phim bất ngờ kết thúc với thông tin quảng cáo, thường là cho một thương hiệu hoặc một sản phẩm gì đó.

Cũng vậy, vài năm gần đây, trong lĩnh vực giải trí của người Việt, chúng ta cũng thấy thể loại phim ngắn này cũng đã xuất hiện nhiều trên facebook, youtube và các giao diện khác. Các đoạn phim ngắn thường khai thác các tình huống rất gần gũi với cuộc sống xung quanh ta. Ví dụ khi một ai đối xử tệ với người quét rác, với người bán hàng rong, với phụ nữ, với trẻ em hay với người già..., thì đột nhiên có một “anh hùng” nào đó xuất hiện, người này lên tiếng bênh vực cho người được coi là “thấp cổ bé miệng” và tìm cách lấy lại danh dự cho họ.

Thường các tình tiết trở nên căng thẳng qua cuộc đối thoại giữa người gây ra bất công và người được coi là “anh hùng”. Người trong cuộc hỏi: “anh, hoặc cô là ai mà dám xen vào chuyện của người khá?” Kẻ anh hùng sẽ trả lời “tôi là T.K” hay “tôi là M.L.” Các bạn trẻ gọi phong cách của các đoạn phim ngắn này là những “cái kết bất ngờ”. Mục đích của phim là nhằm quảng bá tên tuổi của một ai đó và để muốn người khác theo dõi kênh cá nhân của mình chứ không chỉ đơn giản là để quảng bá về giá trị đạo đức mà họ thực hiện khi giúp đỡ người khác.

Đây là trào lưu chung mà con người thời nay đang sử dụng để giới thiệu về danh tính hay sản phẩm của chính mình. Còn chúng ta thì sao, mục đích đời sống chúng ta là gì? Những công việc của chúng ta làm hằng ngày có phải là để tìm cơ hội tôn vinh chính mình không, hay ta sống vì một mục đích cao cả nào khác? Chúng ta cùng nhau suy gẫm câu chuyện về ông Gioan Tẩy Giả, để thấy được cách xử sự của ông thật rất đặc biệt, khác hoàn toàn với những gì chúng ta đang chứng kiến trong xã hội.

Tin Mừng của Thánh Gioan Tông Đồ kể rằng, khi dân chúng thấy ông Gioan Tẩy Giả rao giảng về phép rửa sám hối thì họ rất kính phục. Sứ điệp ông rao giảng có sức hấp dẫn và lôi cuốn một cách mãnh liệt. Vì thế, các thượng tế và thầy Lêvi sai người đến hỏi xem ông là ai. Ông Gioan trả lời: “Tôi không phải là Đấng Kitô.” (Ga 1:20) Người ta hỏi ông hay ông là Êlia chăng, thì ông trả lời: “Tôi không phải là Êlia.” (Ga 1:21) Vậy ông có phải là một vị ngôn sứ không, thì ông khẳng định: “Tôi không phải.” (Ga 1:21) Rồi ông tiết lộ: “Tôi là tiếng hô trong hoang địa: Hãy sửa đường ngay thẳng cho Đấng cứu thế đến như ngôn sứ Êlia đã loan báo.” (Ga 1:23).

Đoạn hội thoại giữa ông Gioan Tẩy Giả và những người Lêvi cho chúng ta thấy ông Gioan Tẩy Giả là người rất khiêm tốn, không quy công cho chính mình và luôn tìm cách giới thiệu hình ảnh Đức Kitô cho dân chúng.

Sự khiêm nhường: Khi dân chúng thấy những lời rao giảng của ông đầy hấp dẫn, họ theo ông vào hoang địa để nghe ông giảng. Thấy vậy, ông không muốn được ca tụng vì những thành tựu của mình mà khiêm tốn nhận mình chỉ là tiếng hô trong hoang địa. Ông chỉ muốn nhận vai trò của ông là dọn đường cho thẳng để chuẩn bị đón Đấng Kitô sắp đến.

Không phô trương: Từ cổ tới kim, chúng ta đều thấy con người thích phô trương, luôn tìm cách đánh bóng tên tuổi của mình. Nhất là trong thời kỳ của ông Gioan tại thế, người ta chán ngấy tình trạng xã hội suy đồi ở vùng Palestine. Không chỉ có dân chúng mà các nhà lãnh đạo đất nước cũng như tôn giáo, đời sống của họ hết sức suy đồi. Vì thế, dân chúng đang chờ đợi một Đấng Messia đến để giải thoát họ khỏi ách nô lệ, giúp cho đất nước giàu mạnh và dân tộc được vững bền. Trong tình huống đó sứ điệp sám hối của ông Gioan đã làm dấy lên niềm hy vọng trong dân. Tuy nhiên, ông Gioan đã rất khiêm tốn, chấp nhận vị thế của mình trong vai trò làm chứng cho Đức Kitô, chứ không lạm dụng hay quy công cho chính mình, tránh xa những danh vọng mà mọi người đang muốn tôn vinh ông.

Làm chứng cho Đức Kitô: Mục đích việc ông Gioan chân nhận đúng giá trị của mình, không muốn để cho người khác chú ý đến mình là để giới thiệu về con người Đức Kitô, Ngài là Đấng cứu thế, Đấng tối cao, đấng mà muôn dân hằng mong đợi. Ông Gioan chủ trương rằng Đấng Kitô phải được lớn lên, còn ông phải bị lu mờ đi, (xem Ga 3:30) nghĩa là Đấng Kitô phải được tôn vinh, còn ông phải lùi vào bóng tối.

Thật vậy, chúng ta đang sống trong một xã hội có xu hướng tham vọng tôn thờ giá trị cá nhân. Chúng ta thấy rất rõ, ngày nay các tổ chức, các đoàn thể và đến các cá nhân, ai cũng muốn tìm cách xây dựng một lâu đài cá nhân càng kiên cố chừng nào càng tốt. Cái tôi hay giá trị cá nhân là cái mà chúng ta gọi là cái quyền mà không ai được xâm phạm. Sống trong bối cảnh môi trường xã hội đó, ít nhiều chúng ta cũng bị ảnh hưởng trong cách suy nghĩ và hành vi của mình. Vậy, câu chuyện của thánh Gioan ngày hôm nay, có giúp chúng ta phản tỉnh và học được bài học gì quý báu không?

Đối với các giáo xứ và cộng đoàn, chúng ta đang hân hoan chuẩn bị đón lễ Chúa giáng trần bằng các công trình làm hang đá đồ sộ để thu hút người về tham dự thánh lễ, thậm chí để hấp dẫn những người lương dân về tham quan và chụp hình. Tuy nhiên, đây là hình thức mang tính bề ngoài, nó sẽ qua đi một cách mau chóng. Vì thế, ngoài việc làm hang đá, giăng điện khắp đường làng khu phố, trang trí nhà thờ, chúng ta cũng nên dành nhiều sự quan tâm đến người nghèo, thăm viếng người già, những ai bệnh tật.... Hoặc khi các bạn lương dân tới viếng hoang đá, tham dự lễ, chúng ta cũng tìm cách đón tiếp và giới thiệu Chúa cho họ, để họ cũng mầu nhiệm Chúa Giêsu Giáng Sinh.

Với các vị mục tử, khi chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, chúng ta thường bận rộn với nhiều chương trình sinh hoạt trong giáo xứ mà quên dành thời gian để cầu nguyện, giúp giáo dân chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Chúa vào trong đời sống của họ. Ước chi các mục tử chúng ta đừng quá bận rộn với những công việc chỉ mang lại tiếng thơm cho chính cá nhân chúng ta, mà cũng cần biết “lánh xa một bên, tìm nơi thanh vắng”, mà cầu nguyện, chuẩn bị bài giảng chu đáo, những nội dung có giá trị để giúp nhiều người hiểu được ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh.

Và đối với các giáo dân, mặc dầu đang trong Mùa Vọng, nhưng chúng ta đã bắt đầu lo toan việc tặng quà và dự tính tổ chức tiệc tùng cho ngày lễ Giáng Sinh. Ước mong mọi người chúng ta ý thức được rằng những việc làm này tuy cần thiết nhưng cũng không giá trị cho bằng việc dành nhiều thời gian tham dự thánh lễ, tham dự các buổi tĩnh tâm, xưng tội và cầu nguyện, để có một tâm hồn thật đơn sơ và trong sạch, để Ngôi Hai Thiên Chúa được ngự vào trong tâm hồn chúng ta.
 
Anh em hãy vui lên
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
22:14 11/12/2020
Suy niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng - A

(Mt 11, 2-11)

Bước vào Chúa nhật thứ I Mùa Vọng, Lời Chúa mời gọi chúng ta : “Hãy tỉnh thức” (Mt 24, 44). Sang Chúa nhật thứ II, tiếng hô lớn của Gioan Tẩy Giả vọng vang : “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chúa nhật thứ III hôm nay, Phụng vụ Giáo hội đang màu tím chuyển sang hồng như Chúa nhật IV Mùa Chay, đánh dấu một giai đoạn sám hối, nay nghỉ một chút để nhìn lại chặng được đã qua với niềm vui vì những gì đã đạt được, và lấy thêm đà mới chuẩn bị mừng (Chúa Giáng Sinh), nên Giáo hội mời gọi con cái mình “Gaudete” Hãy vui lên.

Vui lên, vì theo tiên tri Ôsê loan báo: “Với Ít-ra-en Đức Giêsu sẽ như làn sương mai làm nó vươn lên như bông huệ ” (Os 14, 6). Chúng ta tỉnh thức, làm việc lành chứng tỏ lòng thống hối nhưng không buồn rầu, trái lại vui tươi “anh em hãy vui luôn trong Chúa…vì Chúa đã gần đến” (Ph 4,4-5). Với những lời trên của thánh Phaolô Tông Đồ làm tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên. Niềm vui này nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với con người sinh động là Chúa Giêsu.

“Gaudete” là chủ đề của Chúa nhật này; “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên!” (Ph 4,4-5). Lời nguyện nhập lễ hôm nay đưa chúng ta vào chính niềm vui thiêng thánh ấy: “Lạy Chúa, xin đoái xem, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề”.



Chúng ta bước vào mầu nhiệm của niềm vui ơn cứu độ: “Các tầng trời, hãy trổ hoa công chính, và ngàn mây hãy mưa ơn cứu độ! Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao! Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng! Hãy cất tiếng cao đừng sợ, hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Đây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực” (Is 40, 9).

Làm sao không thể không vui khi nghe những lời loan báo đầy niềm vui của Isaia: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em.” (Is 35, 4) Và làm sao không thể không mừng khi “nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nẩy chồi non và hoan hỉ vui mừng” (Is 35, 1). Lại nữa : “Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa” (Is 35, 6).

Đọc trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp một nhân vật có vai trò đặc biệt trong việc chuẩn bị đón Chúa Giêsu giáng sinh đến với nhân loại là Gioan Tẩy Giả. Ngài xuất hiện trong tư cách là vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, là hy vọng cuối cùng của một dân tuyệt vọng. Ngài được các tiên tri báo trước : “Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, người sẽ dọn đường cho con đi ” (Mt 11, 10). Chúng ta đang vui sẵn, sự xuất hiện của ngài làm cho chúng ta vui thêm, vì lời hứa đã trở thành hiện thực. Việc ngài sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu có phải là Đấng phải đến không cho chúng ta câu trả lời đầy niềm vui vì Chúa đã đến thật rồi.

“Gaudete” Hãy vui lên, chúng ta lặp lại lời thánh Phaolô lần nữa: “Anh em hãy vui lên!” (Ph 4,4). Niềm vui chân thực không phải là kết quả sự vui chơi giải trí, nhưng gắn liền với một cái gì sâu xa hơn, đó là quan hệ với Thiên Chúa. Ai đã gặp được Chúa Kitô trong cuộc đời, người ấy sẽ cảm nghiệm sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn mà không một ai hoặc hoàn cảnh nào có thể tước mất. Thánh Augustinô đã hiểu điều đó rất rõ. Trong cuộc tìm kiếm của ngài đối với chân lý, an bình và mừng vui, sau khi đã kiếm tìm trong nhiều sự mà không có kết quả, thánh nhân đã kết luận với câu thời danh rằng : “Tâm hồn bất an của con người chỉ tìm được thanh thản và an bình cho đến khi được an nghỉ trong Chúa” ( Le Confessioni, I,1,1). Niềm vui đích thực không phải chỉ là một tâm trạng chóng qua, cũng chẳng phải là điều ta đạt tới bằng sức riêng của mình, nhưng là một hồng ân, nảy sinh từ sự kiện ta dành chỗ cho Chúa trong chúng ta, Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy củng cố xác tín Chúa đã đến giữa chúng ta và tiếp tục đổi mới sự hiện diện an ủi, yêu thương và vui mừng của Ngài. Chúng ta hãy tín thác nơi Chúa; như thánh Augustinô cũng đã quả quyết, do kinh nghiệm của ngài: “Chúa gần chúng ta hơn chúng ta gần chính mình” (Le Confessioni, III, 6,11).

Chúng ta hãy phó thác hành trình của chúng ta cho Ðức Maria, thần trí của Mẹ đã vui mừng trong Chúa là Ðấng Cứu Thế. Xin Mẹ hướng dẫn tâm hồn chúng ta trong sự vui mừng chờ đợi Chúa Giêsu đến, một sự chờ đợi đầy kinh nguyện và việc lành. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Để được Thiên Chúa đong đầy
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
22:24 11/12/2020


(Suy niệm Tin mừng Gioan (1,19-28) trích đọc vào Chúa nhật 3 mùa Vọng)

Một chiếc ly đã đầy tràn thì không thể rót gì thêm vào ly đó được và chẳng ai dại dột rót rượu ngon vào đó.

Một cái thùng đầy cát thì không thể đổ thêm gạo, bắp hay bất cứ thứ gì. Cũng thế, một tâm hồn đầy kiêu căng, tự mãn, tham lam… thì không còn chỗ trống cho Thiên Chúa rót thêm ân sủng vào.

Tin mừng hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm một nhân vật quan trọng của mùa Vọng là Gioan Tẩy giả, một con người sẵn sàng trút bỏ mọi tham vọng và hư danh, trở thành như một chiếc ly rỗng không; nhờ đó, ngài đã được Thiên Chúa rót đầy ân sủng.

Người đời bị cuốn hút bởi lợi danh và cố làm gia tăng giá trị mình bằng những lớp vỏ, lớp sơn bên ngoài.

Người đời nay tìm cách làm gia tăng giá trị của mình bằng những đồ trang sức đắt giá, bằng xe hơi sang trọng, bằng dinh thự nguy nga...

Trong khi đó, Gioan chê bỏ những "lớp vỏ" hào nhoáng của người đời. Ngài chỉ cần cào cào châu chấu trong hoang mạc làm thức ăn; chỉ cần tấm da thú thô sơ làm áo mặc.

Người đời khát khao danh vọng, muốn khoác cho mình nhiều danh hiệu cao sang; còn Gioan thì trái lại, ngài rủ bỏ hết mọi danh hiệu cao quý mà người đời gán cho ngài.

Thời bấy giờ Gioan là người tiếng tăm lỗi lạc. Có luồng dư luận cho rằng ông là Đức Ki-tô, một tước hiệu cao cả đầy vinh dự. Gioan trả lời với các tư tế và các thầy Lê-vi từ Giê-ru-sa-lem rằng ông chẳng phải là Đấng Kitô. Ngài đã không nhận vơ cho mình một danh hiệu rất cao quý.

Thế rồi có dư luận cho rằng Gioan là ngôn sứ Ê-li-a vĩ đại giáng lâm, vì theo kinh thánh thì vị ngôn sứ nầy phải đến trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế; Gioan cũng từ chối tước hiệu nầy. Thế là ngài lại trút bỏ thêm một vinh dự thứ hai.

Có một số khác nghĩ rằng nếu Gioan không là Đấng Kitô, không là ngôn sứ Ê-li-a, ít nữa thì ông cũng là một vị ngôn sứ cao cả nào đó. Gioan cũng từ khước luôn cả danh hiệu nầy.

Và đang khi nhiều người coi trọng phép rửa của Gioan, đã tuôn đến với ngài đông đảo, xin ngài làm phép rửa cho mình, thì Gioan khiêm tốn nói rằng phép rửa của ngài chỉ là phần chuẩn bị cho một phép rửa khác quan trọng hơn, do một Đấng rất cao cả cử hành mà ngài chẳng đáng cởi quai dép cho Đấng ấy.

Và đang khi danh tiếng của Gioan vang dội, còn Chúa Giê-su chưa được nhiều người biết đến, thì Gioan đã tự xoá mình đi, để cho Chúa Giê-su được tỏa sáng. Gioan nói: “Đức Giê-su phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi.”

Thế là Gioan đã trút bỏ hết mọi vinh dự người ta gán cho mình, chỉ nhận mình là tiếng kêu trong sa mạc hoang vu.

Gioan đã hạ mình xuống, nên đã được Thiên Chúa nâng lên. Gioan đã trút bỏ mọi thứ vinh quang và của cải, trở thành trần trụi rỗng không, như một chiếc bình trống rỗng, nên Thiên Chúa đã đổ đầy ân sủng cho ngài. Nhờ đó, Gioan trở nên vị ngôn sứ rất cao cả. Chính Chúa Giê-su đã xác nhận sự cao cả của Gioan. "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy giả (Mt 11, 11)

Gioan đã tự xoá mình đi nhưng ngài đã sáng bừng lên như một ngôi sao trên bầu trời Hội thánh. Gioan luôn hạ mình xuống nhưng Giáo hội vẫn hằng ngưỡng mộ ngài suốt dòng thời gian. Cuộc đời khiêm hạ của thánh nhân mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho bao thế hệ nối tiếp.

Lạy Chúa Giê-su,

Khi tâm hồn chất chứa đầy tự mãn, kiêu căng, tham lam, ích kỷ… thì không thể đón nhận nhiều hồng ân của Chúa.

Xin thương giúp chúng con có đủ nghị lực và quyết tâm trút bỏ những thứ cặn bã đáng ghét này đi cho tâm hồn được trong sáng và rỗng không.

Nhờ đó, chúng con mới trở thành ống sáo rỗng để Chúa tấu lên những khúc hoan ca.

Nhờ đó, chúng con mới trở nên một chiếc ly, chiếc bình trống không để cho Chúa rót đầy tình yêu và ân sủng.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Tin Mừng Gioan 1, 19-28

19Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai?" 20Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Ki-tô." 21Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?" Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?" Ông đáp: "Không." 22Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?" 23Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. 24Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. 25Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?" 26Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. 27Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người." 28Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

Tiêu biểu cho hạng người nầy là những biệt phái thời Chúa Giê-su. "Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong các hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi". (Mt 23, 5-6)
 
Thánh Lễ Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng 13/12/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic
22:49 11/12/2020

Bài Ðọc I: Is 61, 1-2a. 10-11

“Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Lc 1, 46-48. 49-50. 53-54

Ðáp: Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa.

Xướng: Ðức Maria nói: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ Người; thực từ đây, thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phước.

Xướng: Vì Ðấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là thánh. Ðức từ bi Người từ đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người.

Xướng: Kẻ đói khát, Người cho no đầy thiện hảo; bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. Chúa đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người.

Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 16-24

“Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến”.

Trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Ðừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức.

Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Ðấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Ðấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 4, 18)

Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 6-8. 19-28

“Giữa các ngươi có một Ðấng mà các ngươi không biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.

Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.

Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người Công Giáo Bỉ kiện chính phủ ra toà vì lệnh cấm Thánh lễ
Đặng Tự Do
17:15 11/12/2020


Người Công Giáo ở Bỉ đang tìm cách thực hiện các hành động pháp lý nhằm chống lại một quyết định của chính phủ nước này cấm các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự cho đến hết ngày 15 tháng Giêng năm 2021.

Theo một sắc lệnh của Bộ Y Tế Bỉ được công bố hôm 29 tháng 11, khoảng 6.5 triệu người Công Giáo của đất nước này bị buộc phải tổ chức lễ Giáng sinh tại nhà.

Giáo dân đang lên kế hoạch tổ chức các vụ kiện dân sự để thách thức sắc lệnh này.

Phương pháp đang được vận động là yêu cầu các mục tử, các giáo xứ có tư cách pháp nhân và anh chị em giáo dân kiện chính phủ Bỉ về việc cấm tổ chức Thánh lễ. Anh chị em giáo dân Bỉ phàn nàn rằng những lý do được đưa ra trong sắc lệnh cấm đoán này tiêu biểu cho các thành kiến chủ quan, bài tôn giáo và vi phạm hiến pháp bảo vệ quyền tự do thờ phượng.

Các nhà hoạt động Công Giáo đang yêu cầu các giáo xứ riêng lẻ, cùng với cha xứ và một hoặc nhiều giáo dân, nộp đơn kiện, thay vì Hội Đồng Giám Mục nộp một đơn kiện duy nhất. Họ lý luận rằng nhiều đơn kiện thì nhiều khả năng thắng kiện hơn, và khi có các giáo xứ giành được quyền cử hành thánh lễ công cộng, thì các giáo xứ khác cũng sẽ dễ dàng giành chiến thắng hơn theo cùng một lý luận.

Theo các luật sư, các kháng cáo nộp vào trước ngày 7 tháng 12 có thể được quyết định trước Giáng sinh. Mỗi lần kháng cáo như thế sẽ tốn khoảng 1,000 euro, tức là 1,211 Mỹ Kim. Nhiều người Công Giáo cho biết họ chấp nhận đóng góp để giúp trả tiền cho quy trình pháp lý.

Một bức thư ngỏ gửi cho thủ tướng Bỉ, được viết sau sắc lệnh ngày 29 tháng 11 và được đăng trên trang web “Puor La Messe”, nghĩa là “Dành cho Thánh lễ”, đã được 10,000 người ký vào ngày 7 tháng 12.

Bức thư do hai linh mục và một giáo dân viết, lưu ý rằng một số cơ sở kinh doanh “không thiết yếu”, như viện bảo tàng và bể bơi đã được phép mở cửa trở lại với sắc lệnh mới, trong khi sự thay đổi về việc đình chỉ các thánh lễ không hề được đề cập đến.

“Từ thứ Ba này, chúng ta có thể đi mua sắm Giáng sinh hoặc đi bơi vào sáng Chúa Nhật, nhưng chúng ta vẫn không thể tham dự Thánh lễ! Thậm chí lễ Giáng sinh cũng không được!” bức thư viết.

“Giống như tất cả mọi người Bỉ và với tất cả giáo dân của chúng tôi, chúng tôi đã tham gia kể từ ngày 18 tháng 3 trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Sự cam kết của người Công Giáo đã được thực hiện đầy đủ và trọn vẹn trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này, cũng như mong muốn của chúng tôi là phục vụ lợi ích chung đã được thể hiện,” bức thư viết tiếp. “Các quy trình nghiêm ngặt đã được thực hiện trong từng nhà nguyện, nhà thờ hoặc nhà thờ chính tòa, điều chỉnh theo kích thước của cơ sở, để tôn trọng các hướng dẫn được ban hành như đeo khẩu trang y tế, giãn cách xã hội, bôi thuốc sát trùng. Chúng tôi đã cẩn thận, cảnh giác thực thi từng ly từng tí.”

Bỉ, quốc gia có 11.5 triệu dân giáp giới với Pháp, Đức, Luxembourg và Hà Lan, được báo cáo là có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Hơn 591,700 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus và 17,320 người đã chết ở Bỉ tính đến ngày 7 tháng 12, theo Trung tâm Tài nguyên Johns Hopkins về Coronavirus.

Ban đầu, Giáo hội đã đình chỉ các thánh lễ công cộng vào tháng 3 khi đất nước bước vào đợt khóa cửa toàn quốc lần đầu tiên. Các nhà thờ vẫn mở cửa cho những người đến cầu nguyện cá nhân, cũng như cho các lễ rửa tội, đám cưới và tang lễ với số lượng giới hạn nghiêm ngặt.

Việc thờ phượng công khai được tiếp tục vào tháng 6, nhưng bị đình chỉ một lần nữa vào ngày 2 tháng 11 trong bối cảnh khóa cửa toàn quốc lần thứ hai sau khi số ca nhiễm coronavirus tăng đột biến.


Source:Catholic News Agency

 
Hai giả thuyết trái ngược nhau về vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran
Đặng Tự Do
17:16 11/12/2020


Việc giết hại nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran hồi tháng trước đã được thực hiện từ xa với trí tuệ nhân tạo và một khẩu súng máy được trang bị với một “hệ thống vệ tinh thông minh được điều khiển từ xa”, hãng thông tấn Tasnim cho biết như trên, trích dẫn một chỉ huy cao cấp của Iran.

Iran đã quy trách nhiệm cho Israel về vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh, người được các cơ quan tình báo phương Tây coi là chủ mưu của một chương trình bí mật của Iran nhằm phát triển năng lực vũ khí hạt nhân. Tehran từ lâu đã phủ nhận mọi tham vọng như vậy.

Israel không xác nhận cũng không phủ nhận trách nhiệm về vụ giết người này, và một trong các quan chức của họ cho rằng báo cáo của Tasnim về các chiến thuật được sử dụng là một trò nhằm gỡ lại mặt mũi cho Iran.

Trong quá khứ, Israel đã thừa nhận việc theo đuổi các hoạt động thu thập thông tin tình báo, bí mật chống lại chương trình hạt nhân của kẻ thù truyền kiếp của mình.

Cộng hòa Hồi giáo đã đưa ra những chi tiết mâu thuẫn về cái chết của Fakhrizadeh trong một cuộc phục kích vào ban ngày hôm 27 tháng 11 trên xe của anh ta trên đường cao tốc gần Tehran.

Ngay sau khi Fakhrizadeh bị giết, các nhân chứng tại chỗ nói với kênh truyền hình nhà nước rằng một chiếc xe tải đã phát nổ trước khi một nhóm các tay súng bắn xối xả vào xe của Fakhrizadeh và sau đó rút lui êm thắm.

Các chuyên gia và quan chức nói với Reuters vào tuần trước rằng nếu giải thích này là đúng thì việc Fakhrizadeh bị giết đã làm lộ ra những lỗ hổng an ninh cho thấy Cộng hòa Hồi giáo này quá dễ bị tấn công.

Cách giải thích trên về cái chết của Fakhrizadeh hoàn toàn trái ngược với cách giải thích chính thức của chính phủ Iran.

“Không có kẻ khủng bố nào hiện diện trên mặt đất... Liệt sĩ Fakhrizadeh đang lái xe khi một vũ khí, sử dụng một máy ảnh tiên tiến, phóng vào anh ta”, Tasnim, một cơ quan truyền thông bán chính thức của chính phủ Iran, dẫn lời Ali Fadavi, Phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, nói trong một buổi lễ vào hôm Chúa Nhật 6 tháng 12.

“Khẩu súng máy được đặt trên một chiếc xe bán tải và được điều khiển bởi một vệ tinh”.

Fadavi phát biểu như trên sau khi chính quyền Iran cho biết họ đã tìm thấy “manh mối về những kẻ ám sát”, mặc dù họ vẫn chưa công bố bất kỳ một vụ bắt giữ nào.

Tuần trước Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, cho biết vụ giết người được thực hiện bằng “ thiết bị điện tử “ mà không có người trên mặt đất.

“Khoảng 13 phát súng đã được bắn vào liệt sĩ Fakhrizadeh bằng một khẩu súng máy được điều khiển bởi vệ tinh... Trong quá trình hoạt động, trí tuệ nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt đã được sử dụng,” Fadavi nói. “ Vợ anh ấy, ngồi cách anh ấy 25 cm trên cùng xe, không bị thương.”

Yoav Galant, một bộ trưởng an ninh Israel, cho biết ông “không biết” về việc liệu các công nghệ nhắm mục tiêu được điều hành từ xa theo mô tả của Iran có thực sự tồn tại hay không.

Fakhrizadeh, được Israel xác định là nhân vật chính trong công cuộc phát triển vũ khí hạt nhân của Iran. Ông là nhà khoa học hạt nhân Iran thứ năm bị giết trong các cuộc tấn công có chủ đích kể từ năm 2010 ở Iran, và là vụ giết chết một quan chức cấp cao của Iran thứ hai trong năm 2020.

Chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng, Qassem Soleimani, đã bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Iraq vào tháng Giêng. Tehran trả đũa bằng cách bắn tên lửa vào các mục tiêu quân sự của Mỹ ở Iraq.


Source:Reuters
 
Bài Giảng Mùa Vọng thứ hai của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa trước Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma.
J.B. Đặng Minh An dịch
22:05 11/12/2020


“CHÚNG TÔI LOAN BÁO CHO ANH EM SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI” [1 Ga 1: 2]

Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 11 tháng 12 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Dòng Anh Em Hèn Mọn, Giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng, đã trình bày bài thuyết giảng thứ hai trong loạt bài tĩnh tâm Mùa Vọng của Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo triều Rôma với chủ đề: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90:12).

Bài thuyết giảng thứ hai của ngài có tựa đề: “Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời.” Đó là một câu trích từ thư thứ nhất của Thánh Gioan.

Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


“Hãy yên ủi, hãy an ủi dân Ta, Thiên Chúa anh em phán” (Is 40: 1). Bài đọc thứ nhất trong Chúa nhật thứ hai mùa Vọng bắt đầu với những lời này của tiên tri Isaia. Những lời ấy giống như một lời mời, thực ra là một mệnh lệnh, luôn có tính thời sự, được gửi đến các mục tử và những nhà thuyết giáo của Giáo hội. Hôm nay chúng ta muốn ghi khắc lời mời gọi này trong lòng và suy gẫm về lời công bố an ủi nhất mà đức tin nơi Chúa Kitô mang lại cho chúng ta.

“Sự thật vĩnh cửu” thứ hai mà hoàn cảnh đại dịch đã làm nổi lên là sự bất ổn và tạm bợ của vạn vật. Mọi thứ đều là tạm bợ: sự giàu có, sức khỏe, sắc đẹp, thể chất… Đó là điều mà chúng ta luôn phải đối mặt. Để nhận ra điều này chỉ cần so sánh bất kỳ hình ảnh nào ngày hôm nay - của chúng ta hoặc của bất kỳ nhân vật nổi tiếng nào - với những tấm ảnh hồi hai mươi, hay ba mươi năm về trước. Bị lắc lư bởi nhịp sống, chúng ta không chú ý đến điều này, chúng ta không cần luận bàn sâu xa hơn về điều đó cũng đủ để rút ra các kết luận cần thiết.

Và kìa, đột nhiên, tất cả những gì chúng ta cho là hiển nhiên đã để lộ ra mặt mong manh của nó, giống như một tảng băng bạn đang vui vẻ trượt trên đó đột nhiên vỡ ra dưới chân bạn và bạn bị chìm trong dòng nước băng giá. Như Đức Thánh Cha đã nói trong buổi ban phép lành “urbi et orbi” đáng nhớ hôm 27 tháng 3: “Cơn bão này làm lộ rõ tính dễ bị tổn thương của chúng ta và phơi bày ra những quả quyết sai lầm và vô dụng mà trên đó chúng ta đã xây dựng lịch trình hàng ngày, các dự án, các thói quen, và những ưu tiên của chúng ta”.

Cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới mà chúng ta đang trải qua có thể là một cơ hội để chúng ta khám phá với một sự nhẹ nhõm trong lòng rằng, dù thế nào đi chăng nữa, vẫn còn một điểm vững chắc, một nền tảng kiên cố nào đó, hay đúng hơn là một tảng đá để chúng ta có thể xây dựng cuộc sống của mình trên trái đất này. Từ Phục sinh - tiếng Do Thái gọi là Pesach - có nghĩa là vượt qua / quá cảnh, và tiếng Latinh gọi là transitus. Từ này, như thế, gợi lên một cái gì đó “đang trôi qua” và “thoáng qua”, do đó, nó là một cái gì đó khá tiêu cực. Thánh Augustinô đã cảm nhận được khó khăn này và giải quyết vấn đề theo một cách thức khai sáng. Ngài giải thích rằng sống theo kinh nghiệm Phục sinh thực sự có nghĩa là vượt qua / thay đổi, nhưng là “vươn đến những gì không trôi qua”; nó có nghĩa là “vượt ra khỏi thế giới, để không trôi qua cùng với thế giới.” Vượt qua bằng trái tim, trước khi vượt qua bằng cơ thể của bạn!

Theo định nghĩa, vĩnh cửu là điều “không bao giờ trôi qua”. Chúng ta phải tìm lại niềm tin vào thế giới bên kia. Đây là một trong những đóng góp mà các tôn giáo có thể cùng nhau thực hiện trong nỗ lực tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và huynh đệ hơn. Nó làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau trên con đường hướng đến một quê hương chung, nơi không có sự phân biệt về chủng tộc hay quốc tịch. Chúng ta không chỉ chia sẻ lộ trình, mà còn chia sẻ đích điểm. Giữa những quan niệm và bối cảnh rất khác nhau, sự thật này là chung cho tất cả các tôn giáo lớn, ít nhất là những tôn giáo độc thần. “Ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người.” (Dt 11: 6). Đây là cách Thư gửi các tín hữu Do Thái tổng hợp cơ sở chung - và là mẫu số chung tối thiểu - của mọi tín ngưỡng và mọi tôn giáo.

Đối với các Kitô hữu, đức tin vào sự sống đời đời không dựa trên những lập luận triết học về sự bất tử của linh hồn. Nó dựa trên một sự kiện chính xác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, và lời hứa của Ngài: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14: 2-3). Đối với chúng ta, các Kitô hữu, sự sống đời đời không phải là một phạm trù trừu tượng, mà là một con người. Nó có nghĩa là sống với Chúa Giêsu, “làm nên một thân thể” với Người, chia sẻ sự sống của Đấng Phục sinh trong sự sung mãn và niềm vui sự sống của Chúa Ba Ngôi: “Cupio dissolvi et esse cum Christo”, như thánh Phaolô đã nói với dân thành Philípphê thân yêu: “Tôi khao khát được rời bỏ cuộc sống này và ở với Đức Kitô” (Pl 1:23).

Một sự lu mờ niềm tin

Chúng ta có thể tự hỏi điều gì đã xảy ra với chân lý Kitô về sự sống đời đời. Trong những thời đại như thời của chúng ta, bị chi phối bởi vật lý và vũ trụ học, những người theo thuyết vô thần đưa ra trên hết là thái độ phủ nhận sự tồn tại của một đấng sáng tạo ra thế giới; vào thế kỷ 19, họ thích bác bỏ đời sau. Hegel đã tuyên bố rằng “những người theo đạo Thiên Chúa làm lãng phí năng lượng dành cho trái đất”. A dua theo lời chỉ trích này, Feuerbach và đặc biệt là Marx đã chống lại niềm tin vào một cuộc sống sau khi chết, cho rằng điều đó dẫn đến thái độ xa lánh những dấn thân trên trần thế. Ý tưởng về sự tồn tại của cá nhân trong Chúa đã được thay thế bằng sự tồn tại trong chủng loại và trong xã hội tương lai. Dần dà, từ “vĩnh cửu” không chỉ bị nghi ngờ, mà còn bị lãng quên và chìm vào im lặng.

Trào lưu thế tục hóa (secularization) sau đó đã đưa quá trình này đến chỗ hoàn thành và làm điều đó mạnh đến mức thậm chí ngày nay rất là bất tiện để tiếp tục nói về sự vĩnh cửu giữa những người có học thức, là những người cố theo cho kịp thời đại. Thế tục hóa là một hiện tượng phức tạp trong sự bất nhất của nó. Nó có thể được dùng để đề cập đến quyền tự quyết của các vấn đề trần thế và sự tách biệt giữa Nước Trời và vương quốc của Caesar, và theo nghĩa này, nó không những không chống lại Tin Mừng, mà còn tìm thấy trong Tin Mừng một trong những cội nguồn sâu xa nhất của nó. Mặt khác, từ thế tục hóa cũng có thể được dùng để chỉ một tập hợp các thái độ xã hội thù địch với tôn giáo và đức tin. Theo nghĩa này, thuật ngữ chủ nghĩa thế tục (secularism) là thích hợp hơn. Chủ nghĩa thế tục có cùng mối tương quan với thế tục hóa như mối tương quan giữa chủ nghĩa khoa học và tính chính xác khoa học, hay như mối tương quan giữa chủ nghĩa duy lý đối với tính hợp luận lý.

Ngay cả trong những giới hạn như vậy, các khía cạnh nhiều mặt của thế tục hóa xuất hiện trong nhiều lĩnh vực như thần học, khoa học, đạo đức học, khoa diễn giải Kinh thánh, và các biểu hiện của văn hóa và đời sống thường nhật. Tuy nhiên, ý nghĩa nguyên thủy của nó chỉ có một và rất rõ ràng. “Thế tục hóa”, cũng giống như “chủ nghĩa thế tục”, bắt nguồn từ thuật ngữ saeculum mà trong ngôn ngữ hàng ngày tối hậu là dùng để chỉ thời điểm hiện tại – theo Kinh Thánh đó là “thời gian dài hiện tại – l’eone attuale”, đối lập với vĩnh cửu – là thời gian bất tận tương lai, hay “saeculum saeculorum”, nghĩa là “thời của mọi thời, sự sống đời đời”, như Kinh thánh gọi. Theo nghĩa này, chủ nghĩa thế tục là một từ đồng nghĩa với chủ nghĩa đời tạm (temporalismo, temporalism), trong đó giản lược thực tại trong chiều kích trần thế của nó mà thôi. Điều đó nhắm đến sự sụp đổ triệt để của chiều kích vĩnh hằng.

Tất cả những điều này đã có một tác động rõ ràng đến đức tin của các tín hữu. Chính đức tin này, từ lúc đó, đã trở nên nhút nhát và rụt rè. Lần cuối cùng chúng ta nghe ai đó giảng về cuộc sống vĩnh cửu là khi nào? Nhà triết học Kierkegaard đã rất chí lý: “Cuộc sống đời sau đã biến thành một trò đùa, một nhu cầu không chắc chắn đến mức không những không còn được tôn trọng mà thậm chí không còn được xem xét. Người ta thậm chí còn cười cợt khi nghĩ rằng đã có lúc ý tưởng này định hình toàn bộ cuộc sống.” Chúng ta tiếp tục nói trong Kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”, nhưng không thực sự đánh giá cao tầm quan trọng của những lời đó. Sự sụp đổ của chiều kích vĩnh cửu có ảnh hưởng tương tự đối với đức tin Kitô như tác động của cát trên một ngọn lửa: nó làm ngọn lửa tắt ngúm.

Đâu là hậu quả thực tế của tình trạng lu mờ ý tưởng về sự vĩnh cửu? Đề cập đến ý định của những người không tin vào sự sống lại từ trong kẻ chết, Thánh Phaolô nói: “Chúng ta hãy ăn uống, vì ngày mai chúng ta chết” (1Cor 15:32). Khi bị xuyên tạc, mong muốn tự nhiên được sống muôn đời trở thành một sự thèm khát, hay đúng hơn là một sự điên cuồng, muốn được sống cho đã, nghĩa là sống cho thoải mái, ngay cả khi, nếu cần, thì người khác phải trả giá cho điều đó. Toàn bộ trái đất trở thành những gì Dante Alighieri đã từng mô tả về nước Ý vào thời của ông như “một cái sàn đập lúa nhỏ kích động mạnh sự dã man của chúng ta.” Một khi chiều kích vĩnh hằng đã sụp đổ, nỗi đau khổ của con người dường như tăng lên gấp đôi một cách phi lý và không có biện pháp khắc phục. Thế giới trông giống như “một đống kiến đang vỡ vụn”, hay như “hình vẽ của một con sóng trên bờ biển bị xóa bởi con sóng tiếp theo.”

Niềm tin vào vĩnh cửu và phúc âm hóa

Đức tin vào sự sống đời đời là một trong những điều kiện giúp cho việc truyền giáo có thể thực hiện được. Như thánh Phaolô Tông đồ viết: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. […] Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1Cor 15: 14 và 19). Sự công bố về sự sống vĩnh cửu là sức mạnh và sự can đảm trong việc rao giảng Kitô Giáo. Chúng ta hãy xem những gì đã xảy ra trong việc rao giảng Kitô Giáo lúc đầu. Ý tưởng lâu đời nhất và phổ biến nhất trong các tà giáo Hy Lạp và La Mã là cuộc sống thực tại sẽ kết thúc bằng cái chết; sau đó chỉ có một cuộc sống như ấu trùng, trong một thế giới bóng tối, không có hình dạng và màu sắc. Khi đang cận kề cái chết, hoàng đế La Mã Hadrian đã tự nói với mình những lời nổi tiếng trong văn bia trên lăng mộ của ông như sau:

Linh hồn nhỏ bé, nhẹ nhàng và trôi dạt, khách và bạn đồng hành của thân xác tôi, bây giờ bạn sẽ ở dưới đây trong những nơi xanh xao vàng vọt, trơ trọi và trần trụi; ở đó bạn sẽ từ bỏ vai trò cũ của bạn. Nhưng hãy còn một lúc nữa, chúng ta hãy cùng nhau ngắm nhìn những bờ biển quen thuộc này, nhìn những vật thể mà chắc chắn chúng ta sẽ không còn nhìn thấy nữa.

Trong đời mình, Hadrian đã có những ngôi nhà sang trọng xây cho riêng mình – chúng ta chỉ cần ghé thăm Villa Adriana ở Tivoli là thấy rõ. Một người được như vậy mà đã chua chát như thế thì viễn cảnh này thậm chí còn gây thất vọng biết bao cho những người bình thường. Để làm phần mộ của chính mình, ông đã xây dựng Lăng mộ Hadrian, mà ngày nay gọi là Castel Sant”Angelo, nhưng ông hoàn toàn nhận thức được rằng điều này sẽ không thay đổi số phận của ông khi trôi dạt tới “những nơi xanh xao vàng vọt, trơ trọi và trần trụi”

Trong bối cảnh này, bạn có thể hiểu tác động tất yếu của lời công bố Kitô về một cuộc sống sau khi chết, một cuộc sống phong phú hơn vô hạn so với cuộc sống trần thế, trong đó không còn nước mắt, không còn cái chết, và chẳng còn phải lo lắng nữa (xem Kh 21: 4). Bạn cũng hiểu tại sao chủ đề và các biểu tượng của cuộc sống vĩnh cửu – như cây cọ, con công, các cụm từ “requies aeterna” hay “yên nghỉ muôn đời” - lại thường xuyên xuất hiện trong các nghi thức chôn cất các tín hữu Kitô trong các hang toại đạo.

Khi công bố sự sống vĩnh cửu, chúng ta không chỉ có thể sử dụng đức tin của mình, mà còn sử dụng được mối tương giao thắm thiết giữa điều đó với niềm khao khát sâu xa nhất trong trái tim con người. Chúng ta thực sự là “một hữu hạn có khả năng vươn đến vô hạn” (ens finitum, capax infiniti), những sinh vật phàm trần với khao khát thầm kín cho sự bất tử. Trong một lá thư trả lời cho một người bạn Á Căn Đình, là người đã trách móc anh ta vì cho rằng anh ta tự hào ra mặt và đắm mình trong chủ đề vĩnh cửu, Miguel de Unamuno, người chắc chắn không phải là một nhà vô địch về Kitô Giáo, đã viết:

Tôi không nói rằng chúng ta xứng đáng có cuộc sống đời sau, cũng không nói rằng luận lý học chứng minh điều đó cho chúng ta; Tôi đang nói rằng chúng ta cần điều đó - cho dù chúng ta có xứng đáng với điều đó hay không, và chỉ có như thế. Tôi đang nói rằng những gì chỉ là nhất thời không làm tôi thỏa mãn, trong tôi khao khát vĩnh cửu, và nếu không có nó, tôi thờ ơ với mọi thứ khác và mọi thứ khác không có gì khác biệt đối với tôi. Tôi cần cuộc sống vĩnh cửu, tôi thực sự rất cần! Không có nó thì không còn niềm vui trong cuộc sống và những thú vui cuộc sống không còn gì để nói với tôi nữa. Thật quá dễ dàng để nói: “Bạn chỉ cần sống và hài lòng với cuộc sống”. Thế nhưng, đối với những người không bằng lòng thì sao?

Và chính ông cũng nói thêm rằng không phải chỉ có những người khao khát sự vĩnh cửu mới cho thấy họ coi thường thế giới và cuộc sống trần thế, mà thực tế là cả những người không khao khát điều đó cũng vậy: “Tôi yêu cuộc sống đến nỗi mất nó dường như là điều khốn nạn nhất đối với tôi trong tất cả những cái khốn nạn. Những người tận hưởng cuộc sống ngày qua ngày và không quan tâm đến việc liệu họ có mất đi tất cả hay không thì họ không thực sự yêu thích cuộc sống mình”. Thánh Augustinô đã nói điều khá tương tự: “Sống tốt có ích lợi gì nếu người ta không thể sống mãi mãi?” Một trong những nhà thơ của chúng ta đã tuyên bố: “Mọi thứ, trên thế giới đều là hư không ngoại trừ sự vĩnh cửu”. Đối với những người đương thời của chúng ta, những người nuôi dưỡng nhu cầu vĩnh cửu này trong sâu thẳm trái tim của họ, mà có lẽ không dám thú nhận nó ngay cả với chính mình, chúng ta có thể lặp lại những gì Thánh Phaolô đã nói với dân chúng thành Nhã Điển: “Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.” (x. Cv 17:23).

Đức tin vào sự vĩnh cửu như một con đường dẫn đến sự thánh thiện

Chúng ta không canh tân niềm tin nơi sự vĩnh cửu chỉ để truyền giáo, tức là loan báo Tin Mừng cho người khác; nhưng trước hết, chúng ta cần làm điều đó để tạo cho mình động lực mới trên con đường nên thánh. Kết quả đầu tiên của hành động này là niềm tin ấy khiến chúng ta không dính mắc vào những thứ nhất thời, chẳng hạn như sự gia tăng của cải và uy tín.

Chúng ta hãy hình dung tình huống này. Một người nhận được thư trục xuất và được yêu cầu phải mau chóng rời khỏi ngôi nhà họ đang sống. May mắn thay, một lựa chọn tốt cho một ngôi nhà mới xuất hiện ngay lập tức. Và người đó sẽ làm gì? Chẳng lẽ họ lại dành tất cả tiền bạc của mình để trùng tu và trang trí lại ngôi nhà mà họ sẽ phải bỏ đi, thay vì họ trang bị nội thất cho ngôi nhà mà họ sắp chuyển đến! Điều đó quá ngớ ngẩn đi chứ? Chúng ta cũng được yêu cầu “rời bỏ” thế giới này và chúng ta sẽ trông giống như một kẻ ngớ ngẩn nếu chỉ nghĩ đến việc trang hoàng ngôi nhà trần gian của mình mà không quan tâm gì đến việc làm những việc lành phúc đức, là những gì sẽ theo cùng chúng ta sau khi chết.

Khi khái niệm về sự vĩnh cửu mất dần, điều này tác động đến các tín hữu, vì nó làm giảm khả năng can đảm đối mặt với những đau khổ và thử thách trong cuộc sống của họ. Chúng ta cần khám phá lại đức tin của thánh Bernard và thánh Ignatius thành Loyola. Trong bất kỳ tình huống nào hoặc khi gặp bất kỳ trở ngại nào, các ngài sẽ tự nói với mình: “Quid hoc ad aeternitatem?”, nghĩa là “Cái này có là gì so với vĩnh cửu?”

Chúng ta hãy tưởng tượng một người đàn ông đang cầm một cái cân: một trong những loại cân được gọi là cân đòn mà bạn chỉ cầm bằng một tay và có một cái đĩa để bạn đặt vật muốn cân lên, nó còn có một thanh ngang được phân độ với một quả cân để chúng ta cân bằng trọng lượng muốn cân đo. Nếu quả cân đặt không đúng chỗ, những gì bạn đặt trên đĩa cân sẽ ghì nó xuống, nâng thanh ngang lên làm đảo lộn sự cân bằng. Mọi thứ đều đè nặng xuống, ngay cả một nắm lông.

Chúng ta cũng giống như vậy, bất cứ khi nào chúng ta đo lường không đúng thực chất của vĩnh cửu: linh hồn của chúng ta có thể dễ dàng bị đè nặng bởi những thứ trần thế và đau khổ. Mọi thứ dường như quá nặng nề, quá sức chịu đựng của chúng ta. Chúa Giêsu nói: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục.” (x. Mt 18:8-9). Tuy nhiên, khi đã đánh mất tầm nhìn về cõi vĩnh hằng, chúng ta cảm thấy thật quá đáng khi được yêu cầu nhắm mắt lại đừng xem một màn trình diễn vô luân, hoặc khi được yêu cầu vác một cây thánh giá nhỏ trong im lặng.

Thánh Phaolô tìm thấy can đảm để viết điều này: “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.” (2Cor 4: 17-18). Sức nặng của đau khổ là “nhẹ nhàng” chính vì nó chỉ mang tính tạm thời, sức nặng của vinh quang “vượt quá mọi sự so sánh” chính vì nó là vĩnh cửu.

Nhiều người hỏi: “Sự sống vĩnh cửu sẽ bao gồm điều gì và chúng ta sẽ làm gì mọi lúc ở trên trời?” Câu trả lời nằm trong những lời lẽ của Thánh Tông đồ về những gì chưa từng được đề cập đến: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.” (1Cor 2: 9). Nếu được phép ví von một chút, chúng ta sẽ nói rằng chúng ta sẽ sống đắm mình trong đại dương không bờ bến và không đáy của tình yêu Ba Ngôi. “Nhưng chúng ta sẽ không cảm thấy nhàm chán chứ?” Chúng ta hãy hỏi những người yêu nhau thực sự xem họ có cảm thấy buồn chán khi đang ở đỉnh cao của tình yêu hay không, hay họ muốn khoảnh khắc đó kéo dài mãi mãi.

Vĩnh cửu: hy vọng và hiện tại

Trước khi kết thúc, tôi muốn giải tỏa một nghi ngờ đè nặng lên niềm tin vào cuộc sống vĩnh hằng. Đối với một tín hữu, vĩnh hằng không chỉ là một lời hứa hay một hy vọng, như Carl Marx nghĩ, và ông ta coi đó như một cách để trút hết lên trời tất cả những thất vọng của chúng ta trên đời này. Vĩnh hằng cũng là hiện tại và là trải nghiệm. Thánh Gioan nói: Trong Chúa Kitô “sự sống đời đời là ở cùng Chúa Cha và được tỏ bày cho chúng ta - là những điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến.” (1 Ga 1: 1~3)

Với Chúa Kitô, Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, “vĩnh cửu đã đến”. Chúng ta cảm nghiệm điều đó mỗi khi chúng ta thực sự đặt niềm tin vào Đức Kitô, vì những ai tin vào Người thì đã được sự sống đời đời (x. 1 Ga 5:13); chúng ta cảm nghiệm điều đó mỗi khi chúng ta rước lễ, bởi vì ở đó “chúng ta có một bảo chứng về sự vinh hiển trong tương lai”; chúng ta cảm nghiệm điều đó mỗi khi chúng ta lắng nghe những lời trong Tin Mừng, vì đó là “những lời ban sự sống đời đời” (x. Ga 6:68). Thánh Thomas Aquinas nói rằng “ân sủng là khởi đầu của vinh quang trên trời”.

Sự hiện diện vĩnh cửu trong thời gian được gọi là Chúa Thánh Thần, Đấng được định nghĩa là “bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta” (Ep 1:14; 2Cor 5: 5), và đã được ban cho chúng ta để sau khi nhận được hoa trái đầu mùa, chúng ta khao khát được viên mãn. “Chúa Kitô - như thánh Augustinô đã viết - đã ban cho chúng ta bảo chứng đầu tiên là Chúa Thánh Thần, qua đó Người, Đấng không thể lừa dối chúng ta, muốn cho chúng ta xác tín về sự thành toàn lời hứa của Người. Ngài đã hứa những gì? Thưa: Ngài hứa ban sự sống đời đời mà Thánh Linh được ban cho chúng ta là bảo chứng đầu tiên.”

Giữa cuộc sống đức tin hiện nay và sự sống vĩnh cửu có một mối quan hệ giống như mối quan hệ giữa sự sống của phôi thai trong lòng mẹ và sự sống của đứa trẻ sơ sinh. Như nhà thần học Byzantine vĩ đại thời Trung Cổ Nicola Cabasilas đã viết:

Thế giới này mang trong mình con người tâm linh mới, được tạo dựng theo thánh ý Chúa, cho đến khi anh ta được sinh ra trong thế giới hoàn hảo không hư nát, một khi anh ta đã được hình thành, tạo dáng và hoàn thiện ở đây. Như một phôi thai, khi tồn tại trong một hiện sinh tối tăm và trôi giạt, người đó được thiên nhiên chuẩn bị để sống trong ánh sáng. Điều tương tự cũng xảy ra với các vị thánh […]. Tuy nhiên, đối với một phôi thai, cuộc sống tương lai hoàn toàn là tương lai: không có tia sáng nào chạm được đến phôi thai, không có bất cứ điều gì liên quan đến cuộc sống này chạm được đến nó. Đối với chúng ta thì không phải như vậy, vì thế giới tương lai đã và đang được đổ vào, và trộn lẫn với thế giới hiện tại […]. Vì vậy, các thánh không chỉ mới bắt đầu chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu, mà còn sống và làm việc ngay trong đó.

Có một câu chuyện ngắn minh họa sự so sánh này giữa quá trình mang thai và khi sinh nở mà tôi xin mạn phép kể lại bằng tất cả sự đơn giản của nó.

Có hai cặp song sinh trai / gái rất thông minh và sớm trưởng thành, đến nỗi khi còn trong bụng mẹ chúng đã nói chuyện được với nhau. Cô gái hỏi em trai của mình: “Theo em thấy, liệu có sự sống sau khi sinh không?” Đứa bé trai trả lời: “Đừng ngố như thế! Điều gì khiến chị nghĩ rằng có bất cứ thứ gì bên ngoài không gian tối tăm chật hẹp mà chúng ta đang ở?” Cô gái, cố tỏ ra dũng cảm, nói: “Ai biết được, có lẽ có một người mẹ, hay một người nào đó đã đặt chúng ta ở đây và là người sẽ chăm sóc chúng ta.” Nhưng bé trai phản bác lại: “Chị có bao giờ thấy một người mẹ ở chỗ nào không? Tất cả những gì chị thấy là tất cả rồi đó”. Cô chị lại nói: “Nhưng chẳng lẽ em không cảm thấy rằng đôi khi có một thứ áp lực đè lên ngực mình đang lớn lên từng ngày và thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước sao?” Bé trai trả lời: “Thực ra nếu em để ý hơn thì đúng là như vậy. Em có thể cảm nhận được điều đó mọi lúc”. “Em thấy không - cô gái ta đắc thắng kết luận - nỗi đau này không thể vô ích. Chị nghĩ nó đang chuẩn bị cho chúng ta một thứ gì đó vĩ đại hơn không gian nhỏ bé này”.

Giáo hội nên là đứa trẻ giúp con người ý thức được niềm khao khát mà họ có, là điều mà vẫn chưa được nhìn nhận và đôi khi còn bị chế giễu. Cũng cần phải phủ nhận lời buộc tội làm nảy sinh mối nghi ngờ hiện đại chống lại quan niệm về cuộc sống vĩnh cửu theo đó kỳ vọng về cuộc sống vĩnh cửu làm xao lãng cam kết của chúng ta với hành tinh và với việc chăm sóc tạo vật. Trước khi các xã hội hiện đại chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc nâng cao sức khỏe và văn hóa cũng như cải thiện các phương pháp nông nghiệp và mức sống của người dân, ai đã thực hiện những nhiệm vụ đó hàng ngày tốt hơn các tu sĩ, là những người sống bằng niềm tin vào cuộc sống vĩnh cửu?

Không nhiều người biết rằng Bài Ca Mặt Trời hay Bài Ca Các Tạo Vật của Thánh Phanxicô thành Assisi xuất phát từ niềm tin bất ngờ vào cuộc sống vĩnh cửu. Các nguồn tài liệu của dòng Phanxicô mô tả nguồn gốc của bài ca ấy như sau. Một đêm nọ, khi Thánh Phanxicô đặc biệt đau đớn vì nhiều bệnh tật trầm kha của mình, ngài nói trong lòng: “Lạy Chúa, xin hãy cứu giúp con trong nhiều bệnh tật của con, để con kiên nhẫn chịu đựng chúng!”. Và ngay lập tức ngài nghe thấy những lời này trong tinh thần: “Phanxicô, hãy nói với Ta: nếu ai đó đã cho con một kho tàng quý giá lớn lao để đền đáp cho những bệnh tật và đau khổ của con, con sẽ không coi đất, đá và nước chẳng là gì so với kho báu đó chứ? Con không tràn ngập niềm vui sao?”. Phanxicô trả lời: “Lạy Chúa, đó sẽ là một kho tàng tuyệt vời mà không có gì so sánh được, quý giá và đáng yêu và đáng mơ ước”. Giọng nói kết thúc: “Vậy thì, hãy vui vẻ và vui mừng trước những bệnh tật và khó khăn của con; từ bây giờ hãy sống hạnh phúc, như thể con đã ở trong Vương quốc của Ta. “

Khi thức dậy vào sáng hôm sau, Phanxicô nói với những người bạn đồng hành của mình: “Bây giờ tôi rất vui mừng trong lúc ốm đau và đau đớn, và luôn cảm tạ Thiên Chúa vì ân sủng và phước lành tuyệt vời Ngài đã ban cho tôi. Thật vậy, Ngài đã rủ lòng thương xót mà ban cho tôi, người tôi tớ nhỏ bé bất xứng của Ngài vẫn còn sống dưới trần gian này, sự chắc chắn sẽ chiếm hữu được Vương quốc vĩnh cửu của Ngài. Vì vậy, để ngợi khen Ngài và an ủi tôi, cũng như xây đắp cho người lân cận của chúng ta, tôi muốn sáng tác một “Lauda” mới, một bài thơ ca ngợi Chúa thay cho các tạo vật của Ngài. Mỗi ngày chúng ta vui thích trước các tạo vật của Thiên Chúa và chúng ta không thể sống thiếu chúng. Và mỗi ngày, chúng ta tỏ ra vô ơn vì lợi ích to lớn đó, và chúng ta không ca ngợi Đấng Tạo Hóa về điều đó như chúng ta nên làm”. Và thánh nhân ngồi xuống, chìm sâu vào suy nghĩ, rồi nói: “Altissimo, onnipotente, bon Segnore...” nghĩa là “Lạy Chúa là Đấng tối cao, toàn năng, và nhân lành”. Ý nghĩ về cuộc sống vĩnh cửu đã không khơi dậy trong thánh Phanxicô sự khinh miệt đối với thế giới này và các tạo vật, nhưng khơi lên nhiệt tình và lòng biết ơn đối với chúng thậm chí đến mức khiến nỗi đau hiện tại dễ chịu đựng hơn.

Việc suy ngẫm về sự vĩnh hằng hôm nay chắc chắn không miễn trừ cho chúng ta cảm nghiệm chung cùng với tất cả các cư dân khác trên hành tinh này về mức độ chông gai chúng ta phải chịu đựng trước đại dịch chúng ta đang trải qua; nhưng ít nhất giúp chúng ta với tư cách là các tín hữu không bị đè bẹp bởi nó và có thể truyền lòng can đảm và hy vọng của chúng ta cho những người không có sự an ủi của niềm tin. Chúng ta hãy kết thúc bằng một lời cầu nguyện tuyệt đẹp từ phụng vụ:

Lạy Chúa, Đấng khiến cho tâm trí của các tín hữu hợp nhất trong một mục đích duy nhất, xin ban cho dân Chúa biết yêu mến những gì Chúa đã truyền và khao khát những gì Chúa đã hứa, để, giữa những bất ổn của thế giới này, trái tim của chúng con có thể đặt cố định ở nơi mà niềm vui thực sự được tìm thấy. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. AMEN


Source:Raniero Cantalamessa

1.S. Agostino, Trattati su Giovanni 55, 1 (CCL 36, pp. 463 s.).

2.Cf. G.W.F. Hegel, Frühe Schriften, 1, in Gesammelte Werke, 1, Amburgo 1989, p. 372.

3.S. Kierkegaard, Postilla conclusiva, Sez. II, cap. 4 (in Opere, a cura di C. Fabro, Firenze 1972, p. 458).

4.Paradiso, XXII, 151.

5.Miguel de Unamuno, “Cartas inéditas de Miguel de Unamuno y Pedro Jiménez Ilundain”, a cura di H. Benítez, Revista de la Universidad de Buenos Aires 3 (9/1949) 135.150.

6.S. Agostino, Trattati sul Vangelo di Giovanni, 45, 2 (PL 35, 1720).

7.A. Fogazzaro, “A Sera”, in Le poesie, Mondadori, Milano 1935, 194-197.

8.S. Tommaso d’Aquino, Somma teologica, II-II, q. 24, a. 3, ad 2.

9.S. Agostino, Sermo 378, 1 (PL 39, 1673).

10.N. Cabasilas, Vita in Cristo, I, 1-2, a cura di U. Neri, UTET, Torino 1971, 65-67.

11.Legenda Perugina 43 (Fonti Francescane, 1591-1592)

12.Orazione XXI Domenica del Tempo Ordinario.
 
Top Stories
Priests, nuns demand prosecution reforms in South Korea
UCAN News
10:08 11/12/2020
Father Kim Young-sik, the representative of the National Priests Association, reads a declaration demanding reforms in front of the Supreme Prosecutors' Office in Seoul on Dec. 7. (Photo: Catholic Times.org)

Some 4,000 people, including around 1,000 priests and more than 2,800 nuns, ended their rally outside the Supreme Prosecutor's Office in the capital on Dec. 7 and held a media conference.

The National Priests' Association, which coordinated the protest, also presented a declaration before the media demanding reform of the prosecution process, a growing national demand that began in 2019.

Priests' association president Father Kim Young-sik read out the declaration that called for "immediate steps" to be taken to bring about change.

"The reason why these priests and religious stand stay quietly on the road is that our democracy, which was gained through sacrifices and dedication, is again at a crossroads," Father Kim said.Mission In Asia

The declaration he readout said the Korean prosecution system practiced evil behavior by manipulating cases to make innocent people criminals. It also secretly covered up crimes and cleared criminals, it said.

"The prosecution's independence will begin when its tyranny is ended," Father Kim said.

The demand for reform became a nationwide movement in 2019 following a tussle between the Korean government and the top public prosecutor's office over change.

Trouble began when the prosecutor's office and the minority conservative party attempted to block reform approved by the National Assembly and the administration of President Moon Jae-in, the nation's third Catholic president.

Moon's Democratic Party of Korea came to power in 2017 with a reform agenda following the downfall of former president, Park Geun-hye, over corruption scandals.Related News-Korean bishops concerned about anti-discrimination lawKorean bishops concerned about anti-discrimination lawFormer Korean dictator sentenced for slandering Catholic priestFormer Korean dictator sentenced for slandering Catholic priestCelebrations begin for Korea's patron saintCelebrations begin for Korea's patron saintFreedoms and rights nosedive in Asian nationsFreedoms and rights nosedive in Asian nations

South Korea's prosecution enjoys immense powers, including ordering and carrying out investigations and enforce indictment.

It has been accused of being close to corporates and colluding with Park and reluctant to investigate her scandal-tainted associates.

The crisis intensified in August 2019 when Moon nominated Cho Kuk, a law professor from Seoul National University, to head the Justice Ministry to advance reform of the prosecution process.

The 2020 Public Prosecutors' Office Act provisions that the chief prosecutor's office falls under the Justice Ministry.

However, Prosecutor-General Yoon Seok-yeol maintains he is not subordinate to the justice minister.

The reform agenda proposes establishing an office to investigate high-level corruption and allocate some of the prosecution's authority to the police.

Proposals also included systems to prevent unilateral actions and bias favoring powerful groups such as business conglomerates.

Sensing a diminishing of power, the prosecutor's office has resisted changes and launched an investigation into justice minister nominee Cho Kuk, accusing his wife and daughter of fraud.

Although Cho Kuk was appointed, he stepped down on Oct. 12, triggering further protests and demands for change.

Local media reports say the Cho Kuk incident polarized politics and society in South Korea.

(Source: http://www.ucanews.com/news/priests-nuns-demand-prosecution-reforms-in-south-korea/90627?utm_source=newsletter&utm_medium=email&utm_campaign=UCAN+Global+Newsletter+11+Dec+(Copy+2))
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đoàn Hành Hương Thiện Nguyện Kiệm Tân Xuân Lộc Chia Sẻ Yêu Thương Tại Miền Trung
Trương Trí
11:19 11/12/2020
Trong những ngày vừa qua, Đoàn Hành hương Thiện nguyện Kiệm Tân-Xuân Lộc tiếp tục chia sẻ yêu thương cho những hoàn cảnh khó khăn, nhất là những gia đình bị thiệt hại vì thiên tai lũ lụt tại Quảng Trị. Những thành viên trong Đoàn không chỉ là người Công Giáo mà còn có những Lương dân từ Sài Gòn nghe tin Đoàn đi Miền Trung chia sẻ với bà con lũ lụt thì họ liên hệ đăng ký đi. Có những cụ già đã trên 70-80 tuổi nhưng tấm lòng của họ vẫn luôn nhớ đến những gia đình đang khó khăn vì thiên tai lũ lụt trong thời gian vừa qua.

Xem Hình

Khởi hành từ vùng Gia Kiệm-Gia Tân thuộc Giáo phận Xuân Lộc vào chiều 07 tháng 12, sáng sớm ngày 08, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Đoàn có mặt trại Trại Phong Quy Hòa, Quy Nhơn thăm hỏi những mãnh đời đang cách ly xã hội vì căn bệnh Phong Cùi quái ác đang hành hạ, có những người chỉ trơ cổ chân hoặc cổ tay, bàn tay hoặc bàn chân đã bị cùi ăn lỡ loét hết.

Tiếp tục đến vùng Tam Lãnh và Tiên Phước thuộc tỉnh Quảng Nam, nơi đây người dân vừa trãi qua những trận lũ quét kinh hoàng.

Đoàn về đến Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang vào lúc 12 giờ đêm, ăn tối và nghỉ ngơi. Sáng sớm mọi người quây quần bên Linh đài Mẹ, tạ ơn và dâng lên Mẹ những vất vả trong suốt chặng đường hơn 1 ngàn cây số, hòa chung với miền Trung chịu cảnh mưa dầm giá rét để chia sẻ yêu thương với bà con đang đối mặt với khó khăn sau những trận bão lụt vừa qua.

Đến Nhà thờ Khe Sanh, nơi đây bà con dân tộc thiểu số Tà Ôi chiếm hết 2/3 giáo dân. Đoàn dự kiến sẽ vào tận Bản Làng để thăm và tặng quà, nhưng do đường sá bị sụt lỡ nên Cha Quản xứ phải mời bà con tập trung tại Nhà thờ. Có những người phải vượt qua 30-40 km đường đất men theo các con suối mới ra đến nhà thờ Khe Sanh. Có một số bà con đang cùng nhau trang trí chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Chủ trương của Đoàn là trao tặng mỗi bì thư 500 ngàn đồng, để họ có thể chủ động mua sắm lại những vật dụng đã mất mát vì lũ lụt.

Đến hơn 12 giờ trưa, Đoàn về đến giáo xứ An Đôn bên bờ sông Thạch Hãn, con sông mà mùa Hè Đỏ lửa 1972 đã nhuộm đỏ máu vì cuộc chiến. Tranh thủ phát quà xong, Đoàn về La Vang dùng cơm trưa. Sau đó lại tiếp tục lên xe về giáo xứ Đại Lộc. Trong chuyến đi trước, Đoàn cũng đã đến chia sẻ cho bà con nơi đây, nhận thấy hoàn cảnh bà con lương giáo vùng Đại Lộc này hết sức khó khăn. Là một vùng trũng nên hầu như nhà nào cũng bị ngập gần đến nóc. Thông thường những ngôi nhà thờ thuộc vùng sâu trũng có nền nhà cao, làm nơi trú ngụ cho bà con những ngày nước lũ, nhưng nhà thờ Đại Lộc vừa bé vừa thấp nên cũng bị ngập lụt nặng nề.

Kết thúc hành trình, Đoàn về lại La Vang nghỉ ngơi và tạ ơn Mẹ đã đồng hành bình yên với Đoàn.

Trương Trí
 
Giáo xứ Trung Bắc,TGP Sàigòn: Thánh lễ tạ ơn - Cung hiến Thánh đường
J.B. Nguyễn Tài
21:53 11/12/2020
Sàigòn 11-12-2020".- Hãy xây nhà của mình trên lời của Chúa, hãy lắng nghe và thực hành lời của Ngài.” Đức Tổng Giám Mục (Đức TGM) Giuse Nguyễn Năng đã nhấn mạnh như trên khi ngài chủ tế Thánh lễ Tạ ơn, Cung hiến Thánh đường và Bàn thờ được cử hành lúc 9g thứ Sáu ngày 11.12.2020 tại nhà thờ Trung Bắc.

Đồng tế với ngài có Linh mục (Lm) Đại diện Giám mục - Giuse Nguyễn Đức Quang, Lm Quản hạt Giáo hạt Xóm mới - GB Vũ Mạnh Hùng, Lm Chánh xứ Trung Bắc - Phêrô Nguyễn Văn Trọng và khoảng 50 linh mục là các linh mục hạt trưởng, bề trên và giáo sư trong giáo phận.

Xem Hình

Tham dự Thánh lễ ngoài những khách mời, còn có tu sĩ Dòng Tôi Tớ Đấng Bầu Cử, các nữ tu thuộc các Hội dòng và đông đảo giáo dân, ân nhân trong và ngoài giáo xứ.

Trước thềm cửa nhà thờ sau khi Đức TGM, dâng lời cầu nguyện, ông Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Dũng đại diện cho cộng đoàn giáo xứ kính trình lên Đức TGM mô hình nhà thờ mới, tiếp theo Đức TGM, Lm Đại diện GM, Lm Hạt trưởng cắt băng khánh thành và Lm chánh xứ mở cửa nhà thờ, đoàn đồng tế tiến vào nhà thờ với bài ca nhập lễ Hân Hoan Tiến Vào...

Mở đầu Thánh lễ, Đức TGM chủ sự nghi thức làm phép nước, rẩy nước thánh thanh tẩy bàn thờ, tường nhà thờ mới và trên cộng đoàn, mọi người hoà tiếng hát Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ...

Trong bài giảng, Đức TGM Giuse đã nói: Hôm nay chúng ta vui mừng tạ ơn chúa vì đã có ngôi nhà thờ mới. Qua ba bài đọc anh chị em vừa nghe tôi chia sẻ ba điều:

Điều 1

"Nhà Ta là nhà cầu nguyện" khi anh chị em đến nhà thờ để hiệp dâng Thánh lễ, cùng lắng nghe lời Chúa, cùng cầu nguyện để nhận ra Chúa dạy chúng ta điều gì, để khi ra về biết thực hành trong đời sống thường ngày, đừng biến nhà Chúa thành nơi ca hát múa nhảy.

Điều 2:

"Anh chị em là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên" cộng đoàn dân Chúa được xây trên nền móng là chính Chúa Giêsu. Hãy xây nhà của mình trên lời của Chúa, hãy lắng nghe và thực hành lời của Ngài. Đừng nghe theo những lời lạc giáo như lời Chúa Cha, lời sứ điệp từ trời... Chính những lời ấy sẽ làm lung lay ngôi nhà đức tin.

Điều 3:

"Hôm nay nhà này được ơn cứu độ". Mỗi gia đình của anh chị em phải là đền thờ, hãy mở cửa để đón Chúa ngự trong gia đình. Vì gia đình có Chúa ngự trị anh chị em sẽ được bình anh hạnh phúc thật. Sống không hận thù ganh ghét, dừng làm điều phi pháp, đừng làm hại ai...

Kết thúc bài giảng, Đức TGM đã mời gọi mọi người hãy xây dựng đời sống đức tin trên Lời Chúa và Mình Chúa. Tâm hồn mỗi người hãy trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần.

Sau bài giảng là nghi thức Cung hiến Nguyện đường và Bàn thờ:

Mở đầu nghi thức, ca đoàn đã hát kinh cầu các Thánh. Tiếp đến, Đức TGM đã đặt Thánh cốt vào Bàn thờ, đọc lời Cung hiến rồi xức dầu Bàn thờ, tường nhà thờ, xông hương và thắp sáng và Nhà thờ.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Trong nghi thức trao chứng thư cung hiến: Đức TGM, Lm chánh xứ Trung Bắc, ông Chủ tịch HĐMVGX cùng ký vào chứng thư. Lm Hạt trưởng đã công bố chứng thư...như vậy hằng năm Gx Trung Bắc sẽ mừng lễ Cung hiến Thánh đường với bậc lễ trọng.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, ông Chủ tịch HĐMVGX đã dâng tâm tình tri ân, cảm tạ đến Đức TGM, các linh mục, ân nhân và khách mời.

Thánh lễ kết thúc lúc 11g. Đức TGM, các linh mục đồng tế đã chụp hình lưu niệm, mọi người rất vui đã dùng bữa cơm trưa thân mật tại hội trường giáo xứ.

(G.B Nguyễn Tài)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Làm chứng về ánh sáng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
11:29 11/12/2020
Tuần lễ thứ ba mùa Vọng, cây nến thứ ba trên vòng mùa Vọng được đốt thắp lên.

Ngọn nến này loan báo sứ điệp: „Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng về ánh sáng.“ (Phúc âm Thánh Gioan 1,6-8).

Ánh sáng không là một vật thể có hình hài cụ thể, có chăng là các mầu sắc khác nhau thôi. Vậy ngọn nến 3. mùa Vọng loan báo Ông Gioan làm chứng về ánh sáng gì vậy?

Theo Kinh Thánh nơi sách Sáng Thế thuật lại trước khi vũ trụ được Đấng Tạo Hóa tạo dựng hãy còn là bóng tối bao phủ. Và để làm căn bản cho sự sống, cho phát triển trong vũ trụ, Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, đã tạo dựng đầu tiên ánh sáng. ( Sách Sáng Thế 1, 1-5).

Ánh sáng là yếu tố xây dựng khởi đầu cùng quan trọng trong công trình sáng tạo ngôi nhà vũ trụ thiên nhiên. Vì thế, xưa nay ánh sáng có vai trò yếu tố cân bản thiết yếu cùng tốt lành mang đến niềm vui hạnh phúc, mang đến sức sống phấn khởi vươn lên hướng về tương lai cho con người cùng mọi sinh vật trong thiên nhiên.

Con người, mọi thú động vật cùng thảo mộc luôn cần có ánh sáng mới phát triển lớn mạnh lên được.

Nơi các niềm tin tôn giáo, ánh sáng cũng giữ vị trí then chốt trong cung cách nếp thực hành sống đức tin.

Trong thần thoại xa xưa của Hylạp và Roma, Apollon được tôn kính là Thần ánh sáng mang đến sự chữa lành, Thần ánh sáng mùa Xuân, biểu hiệu sự trong trắng thanh sạch và điều độ.

Trên đường từ Aicập trở về quê hương Do Thái, đất Thiên Chúa hứa, Thánh tiên tri Mose đã nhận sứ mạng của Thiên Chúa làm cây đèn bảy ngọn Merona, đốt thắp sáng để kính thờ Giave Thiên Chúa „ Ngươi sẽ làm bảy cái đèn, đặt lên đó thế nào cho chúng toả ánh sáng ra phía trước trụ đèn.“ ( Sách Xuất hành 25, 37).

Ngọn đèn Menora bảy ngọn là Logo biểu hiệu thiết yếu của Do Thái giáo.

Hằng năm vào ngày 25. Tháng Kislew, theo niên lịch của Do Thái, tám ngày liền, người theo Do Thái giáo mừng lễ Chanukka- lễ ánh sáng. Theo Dương lịch vào một tuần lễ trong tháng 12 hằng năm tùy theo năm.

Lễ ánh sáng cây đèn chín ngọn Channuka, để tưởng nhớ đến biến cố vào năm 140. trước Chúa giáng sinh, do anh em nhà Judas Maccabeus dẫn đầu đã thành công chiếm lại đền thờ Jerusalem, mà trước đó đã bị quân của vua Hylạp xâm chiếm phá hủy làm ô uế đền thờ Giave Thiên Chúa.

Cây đèn bảy ngọn Merona và cây đèn chín ngọn Chanukka là vật thánh chiếu tỏa ánh sáng quan trọng của người Do Thái. Vì thế hằng năm họ mừng hai lễ ánh sáng này rất trọng thể kéo dài nhiều ngày.

700 năm trước Chúa Kitô, Tiên tri Isaia đã nói về tình trạng tinh thần dân chúng sống trong bóng tối đã có ánh sáng ơn cứu độ bừng lên chiếu soi con đường đời sống. (Isaia 9,1-5).

Lời tiên báo này muốn nói chỉ về ánh sáng của Thiên Chúa gửi đến cho đời sống tâm hồn con người đang trong lo sợ vì bóng tối tội lỗi bao phủ. Ánh sáng của Thiên Chúa xóa tan bóng tối tội lỗi sự dữ mang lại cho tâm hồn niềm vui mừng hân hoan ơn cứu độ. Ánh sáng thần linh này là lời loan báo biểu hiện về Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đến trong trần gian

Thánh Gioan thánh sử đã diễn tả Chúa Giêsu, ngôi Lời của Thiên Chúa là ánh sáng đến trong trần gian.(Phúc âm Thánh Gioan 1,1-9).

Sinh xuống trần gian làm người, Chúa Giesu Kitô đã nói chính Ngài là ánh sáng mang lại sự sống ơn cứu chuộc cho linh hồn con người thoát khỏi bóng tối sự chết do tội lỗi gây ra. ( Phúc âm Thánh Gioan 8,12).

Thánh Gioan tiền hô loan báo ánh sáng thần thánh của Thiên Chúa đến trong đêm tối tội lỗi trần gian. Đêm càng mù mịt đen tối, ánh sáng chiếu soi vào càng tỏ hiện rõ.

Chúa Giêsu Kitô, Đâng là ánh sáng của Thiên Chúa sinh xuống trần gian vào đêm tối tâm hồn tội lỗi con người, và ngoài thiên nhiên trời mùa Đông cũng tối đen mịt mù. Ánh sáng thần thánh Chúa Giêsu Kitô soi chiếu vào đêm tối mang lại sự sống ơn cứu chuộc cùng niềm vui cho tâm hồn đời sống trong công trình tạo dựng thiên nhiên của Thiên Chúa.

Theo tập tục nếp sống lễ nghi phụng vụ Công Giáo, trong đêm phục sinh, cây nến Chúa Phục sinh được đốt thắp lên là biểu hiệu Chúa Giêsu Kitô, Đấng là ánh sáng đã chiến thắng tử thần sống lại vinh hiển.

Trong đời sống xã hội trải qua mọi thời đại ánh sáng luôn đóng vai trò chủ yếu quan trọng.

Nơi nào có ánh sáng mặt trời chiếu soi tới, nơi đó sự sống bừng lên phát triển.

Nơi nào bóng tối che phủ ban đêm hay dưới hang động hầm hố, luôn cần có ánh sáng của đèn dầu, đèn điện soi đường.

Nơi nào có ánh sáng soi chiếu vào, bóng tối bị đẩy lùi xua tan và mang lại sự bình an không khí vui vẻ.

Thánh Gioan tiền hô rao giảng loan báo làm chứng về ánh sáng ơn cứu độ của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô sinh xuống làm người trên trần gian.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa, Chương sáu
Vũ Văn An
18:09 11/12/2020


Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





CHƯƠNG SÁU: Con Người

Này là người!

Từ các Tin Mừng, điều hiển nhiên là Chúa Giêsu thích tự gọi Người là “Con Người”, một danh xưng xuất hiện khoảng 70 lần trong các Tin Mừng Nhất Lãm và 11 hoặc 12 lần trong Tin Mừng Gioan (1). Trong Kinh Thánh Do Thái, hạn từ này đôi khi để chỉ nhân loại với nghĩa “con người tử sinh” (2). Nhưng đến thế kỷ thứ nhất trước C.N., cách dùng nó trong Do Thái Giáo đã mang một ý nghĩa khải huyền, và nghĩa này cũng là nghĩa trong nhiều câu nói của Chúa Giêsu: “Như chớp loé ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy... mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến” (Mt 24: 27,30). Trong cách dùng của Kitô giáo sau Tân Ước, danh hiệu này gần như lấy lại nghĩa nguyên thủy, nhất là vì nó được sử dụng để chỉ bản tính nhân loại của Chúa Giêsu, song song với danh hiệu “Con Thiên Chúa” vốn để chỉ bản tính Thiên Chúa của Người (3).

Như thế, mặc dù ngay từ đầu Chúa Giêsu đã được các tín hữu của Người coi Đấng mặc khải mầu nhiệm bản tính Thiên Chúa, nhưng chỉ khi các suy niệm của họ về Người sâu sắc thêm, họ mới tiến tới chỗ hiểu đầy đủ rằng Người cũng đồng thời là Đấng mặc khải mầu nhiệm bản tính nhân loại, và, trong công thức của Công Đồng Vatican II, “chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mà mầu nhiệm con người tiếp nhận được ánh sáng” (4). Theo luận lý học, dường như phải ngược lại mới đúng: chẩn đoán trước rồi mới ra đơn thuốc. Nếu luận lý học trong sách giáo lý và các bài giảng cũng như sách vở Kitô giáo về nền thần học tín lý của bất cứ thời kỳ lịch sử nào có tính hướng dẫn, thì học lý tạo dựng con người và sự sa ngã của họ phải đến trước, sau đó mới là hoc lý về con người và việc làm của Chúa Kitô như câu trả lời của Thiên Chúa cho nỗi khốn cùng của con người. Nhưng theo lịch sử, đó không phải là cách khai triển, vì vị trí của Chúa Giêsu như là Con Thiên Chúa, Logos, và như Chúa Kitô Vũ Trụ phải được minh xác trước, trước khi có bất cứ sự hiểu chín chắn nào về nỗi khốn cùng của con người. Thay vì làm cho hình phạt xứng với tội phạm, tư tưởng Kitô giáo phải đo lường độ lớn lao của tội phạm nhân bản bằng cách dùng thước đo của Đấng mà hình phạt thập giá của Thiên Chúa sẽ được áp đặt lên và như thế (chuyển qua phúng dụ nguyên thuỷ coi cứu rỗi như sức khoẻ) làm cho việc định bệnh xứng hợp với đơn thuốc. Harnack từng viết “Rất lâu trước khi [Kitô giáo] đạt được chiến thắng cuối cùng nhờ mãi có một nền triết học gây ấn tượng về tôn giáo, sự thành công của nó đã được bảo đảm nhờ sự kiện nó hứa hẹn và cung ứng sự cứu rỗi” (5). Nhưng nó trở thành “một nền triết học gây ấn tượng về tôn giáo” khi nó rút tỉa các hệ luận nhất thiết cho một học lý về con người từ tin mừng cứu rỗi nhờ Chúa Giêsu Kitô của nó.

Bức tranh dữ tợn vẽ Ánh Sáng của hoạ sĩ tài hoa Mỹ thế kỷ 20 Siegfried Reinhardt chứng minh cho luận đề trên rằng các chiều kích trong cảnh khốn cùng của con người chỉ trở nên hoàn toàn rõ rệt dưới ánh sáng ơn cứu chuộc nó. Chúa Kitô bị đóng đinh, Ecce Homo (Này Là Người) xuất hiện trên đầu bức tranh, nhưng ánh sáng mà công trình này dùng đặt tên cho mình được biểu lộ trong hình Chúa Kitô phục sinh, nổi bật ở chiều kích thứ ba nhờ khuôn mặt đen đen trên thập giá. Người lắc mão gai, như thể nó là chiếc trống lục lạc (tambourine), và đòi phải chú ý. Nhưng không thành công. Phá mọi qui luật thống nhất trong bức tranh, hai nhân vật khác quay đi, một chìm vào sự ngất trí, người kia thì thổi chiếc kèn saxophone hướng về phía khác. Không chỉ là chuyện do sự dễ dãi với chính mình, họ quyết định làm ngơ Chúa Giêsu ánh sáng thế gian. Mà đúng hơn, chính sự xuất hiện của Người, mà lần đầu tiên, mặc khải cho họ thân phận đích thực của họ. Cả nỗi khốn cùng lẫn sự cao cả nay đều trở nên hiển thị qua việc xuất hiện của ánh sáng này. Vì, theo lời Tin Mừng Gioan, “Và đây là bản án : ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3:19-20).

Việc định nghĩa làm thế nào sự xuất hiện của ánh sáng nên được chứng minh là việc biểu lộ bóng tối (6), việc nhận diện tội ác, và sự soi sáng của việc chẩn bệnh, tất cả những việc này đều là thành tựu có tính lịch sử của Thánh Augustinô thành Hippo, vị đã qua đời một thế kỷ sau câu tuyên bố nền tảng của học lý chính thống Chúa Kitô là Ngôi Thứ Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng” tại Công đồng Nixêa Thứ hai. Công đồng Nixêa thứ nhất có nhiệm vụ xác định việc Chúa Giêsu Ánh Sáng là chi trước khi Thánh Augustinô có thể xác định tại sao Người phải là điều Người là. Các lý do của diễn trình thứ tự này khá phức tạp, mà lý do không hề nhỏ nhoi trong số này là việc khai triển tri thức và tôn giáo của chính Thánh Augustinô. Nhưng bên trong và đàng sau các lý do lịch sử này là một lý do cần được tìm thấy trong chính nỗi khốn cùng của con người, một lý do được phát biểu một cách hết sức chính xác và nhiệt tình bởi đệ tử trung thành của Thánh Augustinô, một đệ tử sinh ra đời gần 12 thế kỷ sau khi Thánh Augustinô qua đời, khoa học gia người Pháp và là triết gia Kitô giáo Blaise Pascal: “Kiến thức về Thiên Chúa mà không có kiến thức về nỗi khốn cùng của con người gây ra kiêu ngạo. Kiến thức về nỗi khốn cùng của con người mà không có kiến thức về Thiên Chúa sẽ gây ra ngã lòng. Kiến thức về Chúa Giêsu Kitô tạo thành đường đi ở giữa, vì trong Người, ta tìm thấy cả Thiên Chúa lẫn nỗi khốn cùng của ta... [cả nỗi khốn cùng lẫn] sư cao cả” (7). Pascal muốn nói rằng quả dễ để bất cứ quan điểm nào về bản tính con người nhận ra hoặc nỗi khốn cùng hoặc sự cao cả, nhưng việc phối hợp chúng trong một quan điểm và rút ra từ sự phối hợp này các hậu quả triết học và tâm lý học được chứng tỏ là khó khăn hơn. Đối với Pascal, cũng như đối với Thánh Augustinô, việc phối hợp ấy chỉ có thể thực hiện nhờ “kiến thức về Chúa Giêsu Kitô”. Khi tìm cách hiểu trang này trong lịch sử hình ảnh về Chúa Giêsu, sẽ hữu ích nếu ta dựa vào sự phân biệt do nhà tư tưởng thế kỷ 19 Friedrich Schleiermacher phát biểu; ông này tuyên bố rằng “nếu con người muốn được cứu chuộc [trong Chúa Giêsu Kitô], họ phải vừa cần sự cứu chuộc vừa có khả năng tiếp nhận ơn cứu chuộc”; quả quyết hoặc nhu cầu hoặc khả năng mà không quả quyết điều kia là “lạc giáo” (8).
Chính thiên tài của việc Thánh Augustinô hình dung Chúa Giêsu Kitô như chìa khóa mở cho ta thấy cả sự cao cả lẫn nỗi khốn cùng của nhân loại khiến ngài nối kết với nhau những điều khiến Chúa Kitô và ơn cứu chuộc trở thành khả hữu và những điều khiến Người và ơn cứu chuộc trở thành cần thiết. Do đó, “sự kiêu ngạo của con người có thể được chữa lành bằng sự khiêm nhường của Thiên Chúa” (9).

Dù phần lớn những điều Thánh Augustinô nói về nỗi khốn khó và khốn cùng của con người đều là những tầm nhìn thông sáng đặc biệt của riêng ngài, thì, trong việc sử dụng khuôn mặt Chúa Giêsu để định nghĩa sự cao cả của nhân loại, ngài đã gắn bó với những gì đã có trước ngài trong tư duy của các thế kỷ thứ 2, thứ 3 và thứ 4, vì điều này đã được Thánh Grêgoriô thành Nyssa tóm tắt: “Vậy, theo tín lý của Giáo Hội, sự cao cả của nhân loại hệ ở điều gì? Không phải trong việc giống hình ảnh thế giới tạo dựng nhưng trong việc nó là hình ảnh của bản tính Đấng Hóa Công” (10). Trong nghĩa trọn vẹn nhất của nó, đối với Thánh Grêgoriô thành Nyssa và các vị kế vị ngài hình ảnh đích thực của Thiên Chúa chính là con người tên Giêsu. Ấy thế nhưng khi Ngôi Lời thành xác phàm trong người mang tên Giêsu, thì đây là xác thịt con người chứ không phải loại xác thịt nào khác, vì nhân loại đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và việc nhập thể của Chúa Kitô đã đổi mới chính hình ảnh này (11). Trong các tranh cãi của ngài về tội nguyên tổ, mặc dù Thánh Augustinô đôi lúc như thể nói tới việc hình ảnh Thiên Chúa đã bị phá hủy hoàn toàn vì sự sa ngã của Ađam, nhưng khi suy nghĩ thêm về lúc cuối đời, ngài minh xác rằng tín điều về sự sa ngã không nên được giải thích “như thể con người đã đánh mất mọi sự họ có như là hình ảnh của Thiên Chúa” (12).

Vì nếu hình ảnh Thiên Chúa bị tội lỗi và sự sa ngã phá hủy hoàn toàn, thì làm gì còn bất cứ điểm tiếp xúc nào giữa bản tính nhân loại đúng nghĩa và việc nhập thể của Ngôi Lời trong bản tính nhân loại của Chúa Giêsu (13). Như thế, Chúa Giêsu không những là hình ảnh thiên tính mà còn là hình ảnh nhân tính như nó đã được dự tính từ nguyên thủy và qua Người nó đã trở thành hiện thực lúc này; theo nghĩa này, Người quả là “người lý tưởng”. Khi sai Người xuống thế gian, Thiên Chúa đã chứng tỏ Người yêu thương nhân loại sâu xa biết chừng nào; vì “Thiên Chúa cũng chẳng tiếc Con riêng của Người, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta... lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8:32). “Nhưng”, như Thánh Augustinô giải thích các lời lẽ này của Thánh Phaolô, “Thiên Chúa yêu thương chúng ta như chúng ta nên là, chứ không phải như chúng ta hiện là” (14). Các đường nét của thân phận tương lai này nay đã trở nên hiển thị, không phải trong nhân tính thực nghiệm mà trong nhân tính của Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể; và khi nó nhìn viễn ảnh ấy, bản tính nhân loại thực nghiệm tràn đầy hoài bão và khát mong dấn bước hướng về lý tưởng đó. Do đó, “Chúa Giêsu Kitô là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người, không phải vì Người là Thiên Chúa cho bằng vì Người là con người” cũng như không phải chỉ là nguồn mà còn là “mục tiêu của mọi sự hoàn hảo” (15). Người vừa là Anpha vừa là Omêga.

Chúa Giêsu nhân bản không luôn giữ vị trí quan trọng này trong tư tưởng của Thánh Augustinô, ngay cả trong tư tưởng của ngài với tư cách Kitô hữu. Bởi thế, trong khảo luận lúc ban đầu của ngài là cuốn Bậc Thầy (The Teacher), ngài viết rằng để có được sự khôn ngoan, “chúng ta không lắng nghe bất cứ ai nói năng hay gây ồn ào bên ngoài chính chúng ta. Chúng ta lắng nghe Sư Thật vốn đang ngự trong trí khôn bên trong chúng ta, dù, tất nhiên, chúng ta được khuyến khích lắng nghe người nào đó sử dụng các ngôn từ”. Vị thầy bên trong có tên là “Chúa Kitô”, Đấng, do đó, không cần phải là con người nhân bản thực sự trong các sách Tin Mừng để thủ diễn chức năng này, nhưng hình như hành động phần nào theo lối Platông như một tuyển tập sự thật dấu sâu bên trong linh hồn (16). Cùng một nhấn mạnh như thế cũng được tìm thấy rõ ràng ở nơi khác, như câu quen thuộc này “vậy ngươi muốn biết gì? Tôi muốn biết Thiên Chúa và linh hồn. Không gì khác sao? Không điều gì khác thế” (17). Cuối cùng, ngài phê phán nhiều hơn học thuyết truy hoài (recollection) của Platông, và ngài nhìn nhận rằng ngài gặp khó khăn trong việc chuyển dịch từ “tính bất biến của Logos mà tôi biết rất rõ và không hề có bất cứ hoài nghi nào” (và là điều không cần phải là Kitô hữu để chấp nhận) sang ý nghĩa trọn vẹn của lời lẽ trong Tin Mừng Gioan “Logos đã mặc xác phàm”, điều, mà Thánh Augustinô thú nhận, “chỉ mãi sau này” ngài mới hiểu (18). Nhưng một khi ngài đã hiểu những lời này, Ngôi Lời đã thành xác phàm, mà lòng khiêm nhường được thuật lại trong các trình thuật của các sách Tin Mừng, thực sự đã thống trị ngôn từ của ngài về Chúa Kitô, trong khảo luận của ngài về các Thánh Vịnh, mà đối với ngài, là chính tiếng nói của Chúa Kitô (19), và trong khảo luận của ngài về Tin Mừng Gioan, mà giáo huấn về Ngôi Lời như Đấng tiền hữu và nhập thể, ấy thế nhưng lại “thấp hèn” khiến Tin mừng này trở thành Tin Mừng “siêu phàm” nhất trong 4 Tin Mừng (20).

Cũng thế, chính từ bức chân dung Ngôi Lời tiền hữu và nhập thể trong Tin mừng Gioan mà Thánh Augustinô, cũng cùng năm ngài viết khảo luận về Tin mừng này, đả khai triển một trong những tầm nhìn tâm lý học thông sáng cao siêu nhất về nội dung của hình ảnh Thiên Chúa: đó là định nghĩa hình ảnh này như hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài đã tìm hiểu “nhiều vết chân đa dạng của Chúa Ba Ngôi”, những cách trong tâm trí con người, do chính cơ cấu của nó, vừa đơn nhất nhưng lại vừa có mối tương quan ngay trong chính mình, vừa là một lại vừa là ba, có thể được giải thích như là phản chiếu mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (21). Điều này đã gợi hứng cho một trong các nhà văn và phê bình văn học thế kỷ 20, Dorothy L. Sayers, thăm dò “trí tưởng tượng đầy sáng tạo” như đã được phản ảnh trong văn học và trong nghệ thuật, và tìm thấy các loại suy của nó với “hình ảnh sáng tạo” của Ba Ngôi, tức cơ cấu Ba Ngôi như đã được phản ảnh trong các kinh tin kính lịch sử của Kitô giáo và trong tư tưởng Thánh Augustinô (22).

Theo Thánh Augustinô, một trong “các vết chân của Chúa Ba Ngôi” là tam thể hiện hữu, nhận thức và ý chí, các khả năng khác biệt nhau bên trong trí khôn (mind) nhưng vẫn chỉ là một trí khôn: “tôi hiện hữu, tôi nhận biết và tôi muốn” (23). Lại nữa “khi tôi... yêu bất cứ điều gì, có 3 thực tại có liên hệ: chính tôi, và người được yêu, và chính tình yêu” (24). Có lẽ loại suy sâu xa nhất là loại suy “trí nhớ, trí hiểu, và ý chí” vốn “không phải là 3 sự sống mà chỉ là một sự sống, không phải 3 trí khôn mà chỉ là một trí khôn” ấy thế nhưng lại không y hệt như nhau (25). Thánh Augustinô thoải mài thừa nhận sự thiếu thỏa đáng và hiển nhiên cảm thấy sự giả tạo của tất cả các dàn dựng này, kể cả chính ngôn từ trong tín lý Chúa Ba Ngôi của Giáo Hội (một điều cần thiết nếu đức tin không mãi im lặng, nhưng không thể cho rằng mình có thể cung ứng một mô tả chính xác về mầu nhiệm sự sống bên trong của Thiên Chúa) (26). Nhưng điều này chắc chắn hơn: đối với tư tưởng của một Augustinô Công Giáo, Chúa Giêsu là chìa khóa mở mầu nhiệm Ba Ngôi, và qua việc hiểu này, là chià khóa mở mầu nhiệm trí khôn con người.

Cho dù việc thăm dò các loại suy tâm lý học về Chúa Ba Ngôi trong trí khôn con người có sâu xa và kích thích bao nhiêu đi nữa, việc đóng góp quan trọng nhất của Thánh Augustinô vào lịch sử tâm lý học con người phát xuất trong lý thuyết của ngài về tội lỗi, tức việc ngài tìm hiểu, theo ngôn từ chúng ta đã dùng trên đây, điều làm Chúa Kitô thành cần thiết hơn là điều làm Người thành khả hữu, tìm hiểu nỗi khốn khổ hơn là sự cao cả của nhân loại. Walter Lipmann đề cập trước nhất tới lý thuyết của Thánh Augustinô về tội lỗi khi, trong cột báo ngày 30 tháng 10 năm 1941 của ông, tức 4 tháng sau khi Đức Quốc Xã xâm lăng Liên Bang Xô Viết và 5 tuần trước Pearl Harbor, ông xúc động suy nghĩ về sự hiện diện bên trong bản tính con người của điều ông gọi là “sự ác lạnh lùng như đá băng” (“ice-cold evil”):

“Thế giới hoài nghi hiện đại đã từng được dạy dỗ cả 200 năm nay một quan niệm về bản tính con người trong đó thực tại sự ác, được các thời đại đức tin biết đến nhiều, đã được hạ tầng cơ sở. Hầu như tất cả chúng ta đã lớn lên trong một môi trường lạc quan dễ dãi đến nỗi hiếm khi biết nó có nghĩa lý gì, mặc dù các tổ tiên chúng ta biết nó rất rõ, qua cái ý chí ma quái. Chúng ta sẽ phải tái khám phá sự thật bị quên lãng nhưng chủ yếu này – cùng với rất nhiều người khác là chúng ta lạc lối khi, nghĩ mình thông sáng và tiến bộ, thực ra chúng ta quá nông cạn và mù quáng” (27).

Trong lời ca ngợi đầy suy tư ấy đối với truyền thống Augustinô của “những thời đại đức tin”, Lipmann, ngay trong thời ông, đã được sự hưởng ứng của Reinhold Niebuhr. Trong các Giảng Khóa tựa là “Bản chất và Định mệnh Con người” (thực hiện năm 1939 và ấn hành trong các năm 1941-1943), học giả này đã cố gắng lặp lại một cách có phê phán nền nhân học của Thánh Augustinô.

Khuôn mạo Chúa Giêsu đã đóng vai trò nào trong nền nhân học của Thánh Augustinô? Thành tố căn bản nhất trong bất cứ trả lời nào cho câu hỏi này phải được tìm thấy trong việc đánh giá cuốn Tự Thú của ngài và hình thức cũng như cung giọng của nó (28). Vì trong cấu trúc văn chương của nó, từ câu đầu đến câu cuối, nó là lời kinh cầu thật dài, lẽ dĩ nhiên vì thế được gọi là một tự thú, được định nghĩa như lời tố cáo chính bản thân mình và ca ngợi Thiên Chúa (29). Hứng văn chương chính của lời kinh phát xuất từ Sách Thánh Vịnh bằng tiếng Latinh, sách mà dường như Thánh Augustinô đã học nằm lòng và từ đó, thánh nhân đã có thể dệt nên những đoạn độc tấu hân hoan, như một loại đối âm bậc thầy (30). Nhưng vì ngài hiểu các Thánh Vịnh như tiếng nói của Chúa Kitô, hên hứng tôn giáo chính cho cuốn Tự Thú của ngài chính là ý thức của ngài về ơn thánh Thiên Chúa, điều mà ngài biết được nơi Chúa Kitô qua Giáo Hội Công Giáo.

Do đó, chính “trong bầu không khí thoải mái cảm nhận thánh nhan Thiên Chúa” và ơn thánh, ngài đã viết lời kinh Tự Thú (31). Cho dù chắc chắn có một số tự lừa dối mình trong loại tự truyện này, Thánh Augustinô đã có thể nói một cách hết sức thật thà như ngài đã nói trong Tự Thú vì tội lỗi được ngài xưng thú là thứ tội lỗi đã được Thiên Chúa trong Chúa Kitô tha thứ (32). Ngài phát biểu “lễ hy sinh xưng thú của con” trước mặt Thiên Chúa, Đấng có đôi mắt nhìn thấu những chỗ khép kín nhất của tâm hồn và thực sự đã thấu suốt tâm hồn ngài, và đối với Đấng này, ngài không tài nào nói dối được. Nhưng ngài cũng phát biểu “sự xưng thú của một tâm hồn tan nát và ăn năn” trước nhan một Thiên Chúa mà ơn thánh “nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng con” đã ban cho ngài ơn giải thoát khỏi xích xiềng tội lỗi, và vì vậy, với Đấng này, ngài không cần phải nói dối. Chính Chúa Kitô, như là “chính sự sống của chúng con”, Đấng “đã mang lấy cái chết của chúng con”, chính với Đấng này, Thánh Augustinô thưa “linh hồn con xưng thú, và Người chữa lành nó vì nó đã phạm tội chống lại Người” (33). Và trong một loạt câu thân thưa với Chúa Kitô rải rác khắp cuốn Tự Thú, Thánh Augustinô đã phát biểu một cách sùng kính điều ngài quả quyết và bênh vực ở chỗ khác như là tín điều: Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, nguồn mọi ơn thánh, cơ sở của lòng trông cậy, và là đối tượng xứng đáng để cầu nguyện, thờ lạy và tuyên xưng (34).

Như thế, đứng trước nhan Thiên Chúa nơi Chúa Kitô và thăm dò cả linh hồn lẫn trí nhớ của riêng ngài, Thánh Augustinô, trong Tự Thú, tập chú vào các tội lỗi thời trai trẻ, ít nhất hai trong số này đáng lưu ý nhiều về tâm lý học. Một trong các tội này, được mô tả ở đầu cuốn 3, là “mê việc yêu thương” nhưng không biết bản chất đích thực của tình yêu” (35). Như T.S. Elliot đã diễn giải lời lẽ của Thánh Augustinô (36):

“Rồi con tới Carthage
Bừng bừng, bừng bừng, bừng bừng, bừng bừng
Ôi lạy Chúa, xin Chúa giật con ra
Ôi lạy Chúa, xin Chúa giật con ra
Bừng bừng”

Nếu nhục dục được định nghĩa, theo cả Kinh thánh Do Thái lẫn Tân Ước, không phải như ham mê tình dục tự nhiên mà như xu hướng coi người khác chủ yếu như đối tượng làm tình, thì việc Thánh Augustinô thăm dò ngọn lửa tính dục ẩn khuất xem ra ít kỳ quặc hơn là thoạt nhìn (37). Song song với những cực đoan không thể chối cãi trong ngôn từ của ngài về ham muốn sắc dục, ngay cả khi nói đến ham muốn sắc dục bên trong hôn nhân, nhưng cùng một lúc ngài đã bác bỏ quan niệm lạc giáo cho rằng “hôn nhân và dâm dật là hai điều xấu, mà điều xấu thứ hai thì xấu hơn” và thay thế nó bằng một nguyên tắc Công Giáo chính thống này: “hôn nhân và tiết dục là hai điều thiện, nhưng điều thiện thứ hai tốt hơn”, một nguyên tắc, bất chấp một độc giả hiện đại có thể nghĩ gì về nó, đều có bảo đảm cả trong giáo huấn của Chúa Kitô lẫn trong giáo huấn của Thánh Phaolô cũng như trong giáo huấn của những người hiền sĩ ngoại giáo cuối thời cổ đại (38). Luận điểm có tính giải quyết ủng hộ tính thánh thiện của hôn nhân, đối với Thánh Augustinô, phát xuất từ một số phát biểu của Thánh Phaolô “Hỡi các người chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội... Vì đây là bí tích vĩ đại [magnum sacramentum], và tôi cố ý nói Chúa Kitô và Giáo Hội” (39). Hôn nhân là một bí tích của Chúa Kitô và của Giáo Hội.
Tội khác được nhắc đến trong Tự Thú từng khiến tâm lý học chú ý nhiều là câu truyện thời danh về cây lê ở phần kết cuốn thứ hai (40). Chánh án Holmes nhận định về câu truyện này như sau: “Chuyện kỳ cục là thấy có người biến việc ăn cắp cây lê ở tuổi thiếu niên thành cả một trái núi” (41). Nhưng khi đọc kỹ toàn bộ đoạn này mới hay: ký ức của Thánh Augustinô về biến cố này cung cấp cho thánh nhân một cơ hội để thăm dò những chiều sâu đầy bí nhiệm của động lực làm điều ác. Các trái lê chẳng có chi đặc biệt hấp dẫn đối với ngài, ngài cũng không thấy chúng ngon để ăn; ngài quả chẳng cần chi đến chúng. Điều ngài thực sự cần là cướp lấy chúng, và sau khi thỏa mãn nhu cầu này, ngài đã ném chúng đi cho heo ăn. Cho dù ngài có thể không làm điều đó nếu không có sự xúi giục của bạn bè, nhưng ngài không yêu thích tình bạn bè này mà chỉ yêu thích chính hành vi ăn cắp. Khi, lúc tóm lược biến cố này, ngài nói đến việc “trở nên cho chính mình một mảnh đất không hoa trái”, thì quả ngài đã nhắc lại câu truyện ở Vườn Địa Đàng, theo lối viết văn hóa phúng vụ rất đặc trưng của ngài, và điều mà một thi sĩ kiêm thần học gia người Anh vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của Thánh Augustinô gọi là

“ Trái
Của cây cấm, mà nếm vị tử sinh của nó
Đã đem chết chóc vào trần gian, và mọi khốn cùng của ta,
Với việc mất Địa Đàng, cho tới lúc một Người vĩ đại hơn
Phục hồi chúng ta, và lấy lại chỗ ngồi hạnh phước” (42).

Chính “Người vĩ đại” tức Chúa Giêsu Kitô này, trong ‘hoa trái” của Người, linh hồn, được giải thoát khỏi ách độc tài tội lỗi phi lý, nay có thể hân hoan (43). Cho nên, Người là Ađam Thứ hai, qua Người, ơn thánh của Thiên Chúa đã thắng vượt tội lỗi và cái chết từng đến với nhân loại qua Ađam Thứ nhất (44).

Như thế, dù học lý của Thánh Augustinô về nỗi khốn cùng của nhân loại, theo một nghĩa nào đó, quả có tính bản thân cao độ và rõ ràng là một tự truyện, ngài đã giận dữ bác bác bỏ bất cứ gợi ý nào cho rằng ngài chỉ ngoại suy từ các quan điểm và kinh nghiệm bản thân và tổng quát hóa các điều này thành thân phận phổ quát (45). Đúng hơn, ngài chỉ tìm cách giải thích điều người ta vốn có thể thừa nhận là thân phận phổ quát, về phương diện thực nghiệm. Vì, như một số người từng nghĩ, nếu mọi hữu thể nhân bản đều hoàn toàn cân bằng giữa điều thiện và điều ác và do đó đối diện với cùng một chọn lựa như Ađam và Evà (46), thì làm thế nào người ta giải thích được việc theo thống kê mọi con người nhân bản thường hay làm cùng một chọn lựa như Ađam và Evà đã làm, nghĩa là nghiêng về điều ác và chống lại điều thiện? (47). Ở đây, ta không chối cãi có thể “trên trái đất vẫn có những người chính trực, những con người vĩ đại, can đảm, khôn ngoan, trong sạch, kiên nhẫn, đạo hạnh, nhân từ”; thế nhưng, họ không thể “không có tội” (48). Ai thánh thiện hơn các thánh và các tông đồ? “Ấy thế mà Chúa [Giêsu] vẫn dạy họ phải thưa trong kinh nguyện của họ ‘xin tha nợ chúng con’” (49).

Chỉ có một ngoại lệ tuyệt đối là Chúa Giêsu Kitô như Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa công chính và nhân loại tội lỗi; và, nói theo một sáo ngữ nhưng trong trường hợp của Người không sáo ngữ chút nào, Người là ngoại lệ chứng minh quy lệ (50). Vì chính tư thế của Người như Cứu Chúa vô tội đã chứng minh sự cần thiết của ơn cứu rỗi, và bất cứ ai bác bỏ tính phổ quát của tội lỗi, để nhất quán, buộc phải bác bỏ tính phổ quát của ơn cứu rỗi và sự trung gian đã hoàn tất nơi Người. Đối với Thánh Augustinô, điều này là luận điểm dứt khoát trong cuộc phân tích của ngài về thân phận con người. Đối với mọi con người “bình thường”, sự chết không những phổ quát mà còn ngoài ý muốn: có thể có sự chọn lựa nào đó về việc chết lúc này hay chết lúc khác, nhưng không hề có sự chọn lựa chết hay không chết. Ngoại lệ là Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự bản chất không tử sinh nhưng đã “chết vì những kẻ tử sinh” và do đó, là người duy nhất có thể nói về chính mình “tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (51). Cái nhìn thông sáng gây ảnh hưởng nhất của Thánh Augustinô về bản chất con người và tâm lý học, ý niệm tội nguyên tổ, do đó, không những là một cách nói về nỗi khốn cùng của nhân loại, mà còn là phương thế để nhìn nhận và ca ngợi tính độc đáo của Chúa Giêsu.

Bất kể sự nhậy cảm và sự thành thực trong nội quan rõ ràng của Thánh Augustinô trong Tự Thú, hình như ta có thể an tâm mà nói rằng có lẽ ngài sẽ không thể có được tầm nhìn thông sáng đó nếu không có sự soi sáng của Chúa Kitô, nhờ lý luận ngược lại từ việc chữa trị đến việc chẩn đoán. Sự chứng thực hơn nữa cho giả thuyết đó phát xuất từ việc ngài sử dụng tín điều Hạ sinh Đồng trinh (52). Việc quả quyết rằng Chúa Giêsu được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria không cần người cha phàm nhân xuất hiện trong hai Tin Mừng Mátthêu và Luca, dù không có lời giải thích chuyên biệt nào về ý nghĩa của nó; nhưng nó không xuất hiện trong hai Tin mừng kia, cả trong các thư của Thánh Phaolô, người mà câu tuyên bố Chúa Kitô “được một người đàn bà sinh ra” mang ý nghĩa: Chúa Giêsu là người một cách trọn vẹn và chân thực (53), nhưng không ngụ ý bất cứ điều gì và bất cứ cách nào về chức phận làm cha nhân bản. Vẫn chỉ có Thánh Augustinô và vị thầy của ngài là Thánh Ambrôsiô là rút từ việc Hạ sinh Đồng trinh câu kết luận cho rằng vì “chỉ có Chúa Giêsu được hạ sinh cách này nên không cần phải tái sinh”, còn tất cả những ai được sinh ra cách thông thường, như thành quả của việc giao hợp tính dục của cha mẹ họ, thẩy đều cần được tái sinh trong Chúa Kitô qua Phép Rửa (54). Câu tuyên bố của Thánh vịnh gia “này tôi được sinh ra trong tội lệ và mẹ tôi thụ thai tôi trong tội lỗi” đã được phát biểu trong lúc ý thức được ơn tha thứ nhờ “cùng một đức tin” vào Chúa Kitô mà nay được Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng (55). Đó là lý do tại sao Thánh Augustinô đặt tựa đề cho khảo luận của ngài là Về Ơn Thánh của Chúa Kitô và Tội Nguyên Tổ; vì ngài thấy việc nhận thức ơn thánh của Chúa Kitô sẽ không thể hiểu được nếu không có nhận thức về tội nguyên tổ, nhưng ngài cũng thấy rằng nhận thức về tội nguyên tổ sẽ không thể chịu đựng được nếu không có nhận thức về ơn thánh của Chúa Kitô.

Chúa Giêsu là ngoại lệ tuyệt đối được Thánh Augustinô gán cho luật phổ quát của tội nguyên tổ. Tuy nhiên, có một ngoại lệ khác được ngài xem xét: Đức Maria, Mẹ Đồng Trinh của Chúa Giêsu. Sau khi bác bỏ luận điểm cho rằng một số vị thánh khác, cả nam lẫn nữ, cũng hoàn toàn vô tội, Thánh Augustinô viết tiếp: “Chúng ta phải trừ Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, về ngài, tôi không muốn nêu nghi vấn nào cả khi đụng tới chủ đề tội lỗi, vì lòng tôn kính đối với Chúa; vì nhờ Người, chúng ta biết không biết dư tràn ơn thánh bao nhiêu để chiến thắng tội lỗi đã được thông ban cho ngài, người đã có công thụ thai và sinh hạ Đấng chắc chắn không có tội” (56). Thành quả của ngoại lệ mới thêm vào này đã gây hiệu quả sâu xa không những đối với lòng sùng kính và thần học, mà còn đối với cả nghệ thuật và văn chương mãi 15 thế kỷ kế tiếp. Phải gần một ngàn năm sau trước khi một Công Đồng của Giáo Hội (Công Đồng Basel năm 1439) mới định nghĩa tín điều cho rằng giữa các kẻ tử sinh, một mình Đức Maria được thụ thai vô nhiễm nguyên tội, dù cho Công Đồng này được thấy là không có quyền định nghĩa việc này. Bởi thế, mãi tới năm 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX mới biến tín điều này thành bắt buộc, rằng “vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi của toàn thể nhân loại” trong đó có ngài, Đức Maria đã được phép trở thành ngoại lệ đối với tính phổ quát của tội nguyên tổ” (57). Nhưng trước khi trở thành một tín điều, việc thụ thai vô nhiễm của Đức Maria đã thực sự là chủ đề của hàng ngàn bức tranh và bài thơ trong đó, với nhiều sắc thái vô tận, câu của Thánh Augustinô “vì lòng tôn kính đối với Chúa” đã tìm được biểu thức trong việc sử dụng khuôn mạo Đức Maria như một phương thế để tôn vinh khuôn mạo Chúa Giêsu: chủ đề quen thuộc của các hoạ sĩ cuối thời Trung Cổ, việc đội triều thiên cho Đức Maria, chẳng hạn, cho thấy ngài tiếp nhận vương miện từ tay Con Thần thiêng của mình. Ngược lại, bất cứ khi nào lòng sùng kính hoặc suy đoán nào tôn vinh Chúa Kitô là Chúa và là Vua một cách khiến Người xa rời Người quê ở Nadarét, thì Đức Maria đều trở thành người thay thế cho Người: nhân bản, đầy cảm thương và dễ với tới. Và lúc ấy, lòng sùng kính cũng như suy đoán về ngài không còn được thực hiện “vì lòng tôn kính đối với Chúa” nữa.

“Hãy biết mình ngươi” là một câu phương châm viết trên đền thờ sấm ngôn ở Delphi. Như việc nối kết sấm ngôn Delphi với tiên tri Isaia gợi ý (58), nhiều người khác trước Thánh Augustinô đã áp dụng khẩu hiệu ấy, thường gán nó cho Socrates, vào nhu cầu phải tự hiểu mình dưới sự soi sáng của Chúa Kitô, và Etienne Gilson chắc chắn đúng khi nói về điều ông gọi là “chủ nghĩa Socrát Kitô Giáo”; nhưng điều có ý nghĩa là trong ngữ cảnh ấy ông nhắc trước nhất tới “suy đoán tâm lý học sâu sắc của Thánh Augustinô” (59).Các suy đoán này phát sinh từ các nhu cầu hiện sinh của thánh nhân, nhưng chúng đã dẫn ngài tới Chúa Giêsu, “Lời khiêm hạ”,và tới “vinh quang khổ nạn của Người” (60). Ở đây mà thôi, ngài đã có thể đối đầu, hiểu thấu và phát biểu rõ các nhu cầu này, vì Chúa Giêsu của Thánh Augustinô là chìa khóa cho thấy nhân loại là gì và nhờ Chúa Giêsu, họ có thể trở nên gì. Như ngài đã viết ở những lời mở đầu của cuốn Tự Thú:

“Lạy Chúa, Chúa cao cả và rất xứng đáng được ca ngợi... và con người mong mốn được ca ngợi Chúa, vì họ là thành phần sáng thế của Chúa – con người, kẻ mang theo mình tính tử sinh, chứng tá của tội lỗi họ... Chúa đã dựng nên chúng con cho chính Chúa, và trái tim chúng con sẽ mải tổn thức cho tới khi được an nghỉ trong Chúa... Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa, bằng đức tin của con, đức tin Chúa đã ban cho con, đức tin Chúa đã linh hứng trong con qua nhân tính của Con Chúa”.
_________________________________________________________________________________________

Ghi chú

(1) Trong số nhiều tác phẩm khác, xin xem Carl H. Kraeling, Anthropos and the Son of Man (New York: Columbia University Press, 1927)
(2). Như trong Tv 8:4 (xem Dt 2:6-9) và nhất là trong Ezekiel trong đó Nó xuất hiện khoảng 90 lần để chỉ chính nhà tiên tri.
(3) Muốn biết điển hình song đối sớm sủa nhất, xin xem Thánh Inhaxiô, Thư Gửi Tín Hữu Êphêsô, 20.2.
(4) Hiến Chế Mục Vụ Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium Et Spes 22.
(5) Adolf von Harnack, The Mission and Expansion of Christianity in the First Three Centuries, bản tiếng Anh của James Moffatt, 2 cuốn (London: Williams and Norgate, 1908) 1:108.
(6) Xem thảo luận về vấn đề này của Thánh Augustine, Tractates on the Gospel of John 12.13.
(7) Blaise Pascal, Pensées 526, 431
(8) F.D.E. Schleiermacher, The Christian Faith, bản tiếng Anh của H.R. Mackintosh và J.S. Stewart (Edinburg: T. and T. Clark, 1928) tr. 98
(9) Thánh Augustine, Enchiridion 108.
(10) Thánh Gregory thành Nyssa Về Việc Dựng Nên Con Người 16.2
(11) Xin xem Gerhart B. Ladner, The Idea of Reform: Its Impact on Christian Thought and Action of the Fathers (Cambridge, Mass: Harvard University Press, 1959) tr.185-203
(12) Thánh Augustine, Retractations 1.25.68; 2.24.2
(13) Thánh Augustine, Reply to Faustus The Manichean 24.2
(14) Thánh Augustine, On the Trinity 1.10.21
(15) Thánh Augustine, Ten Homilies on the First Epistle of John 4:5-6; 10:6; Tractates on the Gospel of John 82.4; Confessions 10.43.68
(16) Thánh Augustine, The Teacher 38.
(17) Thánh Augustine, Soliloquies 2.7
(18) Thánh Augustine, On the Trinity 12.25.24; Confessions 7.18.24-25
(19) William C Barcock, “The Christ of the Exchange: A Study in Christology of Augustine’ Enarrationes in Psalmos” Ph.D. diss., Yale University, 1971.
(20) Thánh Augustine, Tractates on the Gospel of John 36.1-2
(21) Thánh Augustine, On the Trinity 12.4.4
(22) Dorothy Leigh Sayers, The Mind of the Maker, New York: Harcourt, Brace, 1941) tr.33-41
(23) Thánh Augustine, Confessions 13.11.12
(24) Thánh Augustine, On the Trinity, 9.2.2.
(25) Thánh Augustine, On the Trinity 10.11.17 – 12.19
(26) Thánh Augustine, On the Trinity7.4.7;15.12.43-44
(27) Ronald Steel, Walter Lipmann and the American Century (Boston: Little, Brown, 1980).
(28) Về cuốn Confessions, xin xem Peter Brown, Augustine of Hippo tr.158-81 và các trước tác trích dẫn ở đấy.
(29) Thánh Augustine, Confessions 6.6.9
(30) Xem George Nicolaus Knauer, Die Psalmenzite in Augustins Kinfessionen (Gottingen: Vandenhoeck und Rupretch, 1955)
(31) Albert C. Outler, “Introduction” to Augustine, Confessions (Philadelphia: Westminster Press, 1955) tr.17
(32) Thánh Augustine, Confessions 2.7.15
(33) Thánh Augustine, Confessions 5.1.1; 7.21.17; 4.12.19
(34) Một trong các câu thân thưa nổi tiếng nhất này tìm thấy ở cuối cuốn 10, Confessions 1043.68-70
(35) Thánh Augustine, Confessions 3.1.1
(36) T.S. Eliot, “The Waste Land” 307-11, trong Collected Poems 1909-1935 (New York: Harcourt, Brace 1936)
(37) Xem C. Klegeman, “A Psychoanalytic Study of the Confessions of St Augustine”, Journal of the American Psychoanalytic Association 5 (1957):469-84.
(38) Thánh Augustine, On the Good of Marriage 8; Mt 19:12; 1Cr 7:1-5; E.R. Dodds, Pagan and Christian in an Age of Anxiety (Cambridge: Cambridge Universit Press, 1965) tr. 29-30
(39) Thánh Augustine, On Marriage and Concupiscence 1.21.23-1.22.24; On Continence 22-23. (Bản Thánh Kinh Latinh dịch câu Eph 5:25-32 là “bí tích” (sacrament) chứ không “mầu nhiệm” (mystery).
(40) Thánh Augustine, Confessions 2.4.9-2.10.18
(41) Oliver Wendell Holmes jr gửi Harold J. Laski ngày 5 tháng 1 năm 1921, Holmes-Laski Letters: The Correspondence of Mr. Justice Holmes and Harold J. Laski, 1916-35; hiệu đính Mark DeWolfe Howe, 2 cuốn, (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1953) 1:300
(42) Milton, Paradise Lost 1.1-5
(43) Thánh Augustine Confessions 13.26.39-40
(44) Thánh Augustine, On the Spirit and the Letter 6.9
(45) Thánh Augustine, On Marriage and Concupiscence 2.12.25
(46) Thánh Augustine, On Nature and Grace 7.8
(47) Thánh Augustine, On the Spirit and the Letter 1.1
(48) Thánh Augustine, On the Forgiveness of Sins 2.13.18
(49) Thánh Augustine, Against Two Letters of the Pelagians 3.5.14-15
(50) Thánh Augustine, On Perfection in Rightousness 21.44; 12.29
(51) Ga 10:17-18; Thánh Augustine, Tractates on the Gospel of John 47.11-13; On the Psalms 89.37
(52) Xem Pelikan, Christian Tradition 1:286-90
(53) Gl 4:4; Thánh Irenaeus, Against Heresies 3.22.1
(54) Thánh Augustine, Enchiridion 14.48
(55) Thánh Augustine, On the Grace of Christ and Original Sin 2.25.29; Tv 51:5
(56) Thánh Augustine, On Nature and Grace 36-42
(57) Pelikan, Christian Tradition 4:38-50
(58) xem tr.38 ở trên
(59) Thánh Basil thành Caesarea, Hexaemeron 9.6; Etienne Gilson, L’esprit de la philosophie médiévale, xuất bản lần 2 (Paris: Libraire Philosophique J.Vrin, 1944) tr.218-19
(60) Xem tr. 242, ghi chú số 53 trên đây.
 
Con Đường Tơ Lụa Của Tin Mừng
Sơn Ca Linh
22:17 11/12/2020
“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3)

Trong lịch sử loài người,
Đã xuất hiện một “Con đường tơ lụa”,
Đường nối liền hai thế giới Đông, Tây.
Sa mạc, rừng sâu, núi thẳm… dặm dài,
Đem xa lại gần, nối liền cách biệt…

Nhưng con đường ấy,
Cũng mang theo lắm chuyện bi hùng kinh khiếp:
Hương liệu, lụa là…,
luôn đi kèm những hợp đồng hắc ám tanh hôi.
Thuốc súng, kim cương…,
Phải mang theo những cuộc tranh cướp tuôn ngập máu đào,
Con đường tơ lụa,
đường của chết chóc, chiến tranh, dịch bệnh….

Nhưng, cũng trên con đường ấy,
Những bước chân đi thi hành sứ mệnh:
“Loan Tin Mừng cho muôn cõi xa xăm”.
Cho những con người còn ngồi trong bóng tối tăm,
Được tìm thấy ánh quang chân trời cứu độ !

Thế giới hôm nay,
Lại tái diễn chuyện “một vành đai, một con đường tơ lụa”,
Lại những tham vọng nối liền Nam Bắc Đông Tây.
Đằng sau những mỹ từ:
Hiệp thương, hỗ trợ, thăng tiến, kinh tài…
Là những “bẫy sập”, những ý đồ gian manh thống trị !

Cũng lại những bước chân,
Của một Hội Thánh phải “Đi ra” vùng “ngoại biên” xa tít,
Bất chấp “một vành đai, một con đường tơ lụa” hiểm nguy.
Bởi con tim và đôi chân,
Đã được lửa Thần Khí đốt nung tao luyện trường kỳ,
Suốt hai ngàn năm,
trên “con đường từ hang Bê Lem đến Núi Sọ”.

Mùa Vọng về,
Nghe tiếng gọi Gioan Tiền Hô “dọn đường đón Chúa”,
Tôi, em, anh,
ta cùng xây “con đường tơ lụa của Tin Mừng”.
Đường yêu thương, đường hoán cải, bao dung…
Để nối lại,
Đất với trời, và người với người trên vạn nẻo đường thế giới.

Sơn Ca Linh (Vọng 2020)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Rừng Thu Soi Bóng
Lê Trị
11:55 11/12/2020
RỪNG THU SOI BÓNG
Ảnh của Lê Trị

Rừng Thu soi bóng hồ Thu
Ca hai cùng vẽ tranh Thu dạt dào
(bt)
 
VietCatholic TV
Xin lưu ý: Đức Thánh Cha sẽ cử hành Lễ Ðức Mẹ Guadalupe vào ngày 12/12 và ban Ơn Toàn Xá
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:44 11/12/2020


Lúc 11 giờ, sáng thứ Bảy, 12 tháng 12, theo giờ Rôma, tức là lúc 5 giờ chiều cùng ngày giờ Việt Nam, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tại Ðền thờ thánh Phêrô, kính Ðức Mẹ Guadalupe, Bổn mạng Mỹ châu Latinh.

Đức Thánh Cha Phanxicô có lòng sùng kính Đức Mẹ nên năm nào ngài cũng cử hành Lễ Ðức Mẹ Guadalupe vào ngày 12 tháng 12. Năm nay là kỷ niệm 125 năm lễ đội triều thiên cho ảnh Ðức Mẹ. Do đó, bất kể các khó khăn do đại dịch coronavirus gây ra, thông cáo vào ngày thứ Năm 10 tháng 12 của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết ngài sẽ cử hành thánh lễ này và ban Ơn Toàn Xá cho mọi tín hữu trên thế giới theo dõi qua truyền hình và các phương tiện truyền thông mới, trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu.

Những điều kiện thông thường để nhận được Ơn Toàn Xá là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến với tội lỗi. Trong hoàn cảnh khó khăn do đại dịch coronavirus gây ra, việc xưng tội, rước lễ có thể được thực hiện sau, ngay khi có thể.

Thánh lễ sẽ được cử hành tại Bàn thờ Ngai tòa bên trong Ðền thờ thánh Phêrô với số người tham dự giới hạn do những hạn chế liên quan đến đại dịch coronavirus. Cũng vì đại dịch quỷ quái này, Ðền thánh Ðức Mẹ Guadalupe ở ngoại ô thủ đô Mễ Tây Cơ đã phải hủy bỏ các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự trong ngày 12 tháng 12, lễ Ðức Mẹ Guadalupe, bổn mạng Mễ Tây Cơ và Mỹ châu Latinh. Hàng năm, ước tính có 12 triệu người đến viếng đền thánh này, đặc biệt là trong dịp này.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh đưa ra hôm thứ Năm cũng cho biết các nghi thức mừng lễ Giáng sinh bắt đầu bằng Thánh lễ Đêm Giáng sinh vào lúc 7g 30 tối ngày 24 tháng 12 tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Tiếp theo là buổi ban phép lành “Urbi et Orbi” vào buổi trưa Ngày Giáng sinh, không phải từ lan can chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô, nhưng là bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Vào ngày Thứ Năm, 31 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Kinh Chiều Tạ ơn vì những ơn lành nhận được trong năm qua vào lúc 5 giờ chiều tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Vào ngày thứ Sáu, 1 tháng Giêng, Lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 10 giờ sáng.

Cuối cùng, vào Lễ Hiển Linh, 6 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Tất cả thời gian được chỉ định đều là giờ địa phương của Rôma.

Nhiều vị độc giả hỏi về Ơn Toàn Xá được nêu trong các sắc lệnh gần đây của Tòa Ân Giải Tối Cao. Do đó, chúng tôi xin trả lời vắn tắt như sau dựa theo các điều 1471 và 1473 sách giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.

Ân xá là việc tha trước mặt Thiên Chúa hình phạt tạm thời phải chịu do các tội gây nên, dù tội đã được tha thứ, qua Bí tích Hòa Giải. Nhờ Bí tích Hòa giải, hối nhân được tha thứ tội lỗi và tái lập tình hiệp thông với Thiên Chúa, cũng như được tha các hình phạt đời đời do tội gây ra. Nhưng những hình phạt tạm, tiếng Anh gọi là temporal punishment, vẫn còn. Hình phạt tạm là gì? Thưa, là thời gian phải trải qua trong luyện ngục. Kitô hữu nào đã được chuẩn bị đầy đủ và đã thực hiện một số điều kiện đã được ấn định, thì được hưởng ơn tha thứ hình phạt tạm nhờ sự trợ giúp của Giáo Hội.

Ân xá gồm có ơn xá từng phần và ơn toàn xá. Ơn xá từng phần, còn được gọi là ơn tiểu xá, tiếng Anh gọi là partial indulgence, tha một phần hình phạt tạm.

Ơn toàn xá, hay còn gọi là ơn đại xá, tiếng Anh gọi là plenary indulgence, tha mọi hình phạt tạm.

Mọi tín hữu đều có thể hưởng ơn xá từng phần hoặc ơn toàn xá cho chính mình, hoặc cho những người đã qua đời. Mỗi ngày một tín hữu chỉ hưởng được tối đa một ơn toàn xá, ngoại trừ trường hợp nguy tử.

Trong các hoàn cảnh thông thường, để nhận được Ơn Toàn Xá, chúng ta cần: Thứ nhất là đi xưng tội vài ngày trước hay sau khi nhận được Ơn Toàn Xá. Thứ hai là phải giục lòng mong ước được nhận Ơn Toàn Xá. Thứ ba là cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha. Thông thường điều này có nghĩa là đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng và một Kinh Sáng Danh. Thứ tư là thực hiện các việc đạo đức được yêu cầu trong sắc lệnh ban Ơn Toàn Xá. Các yêu cầu có thể thay đổi trong các dịp khác nhau. Thứ năm là từ bỏ mọi quyến luyến với tội lỗi, bất kể là tội trọng hay tội nhẹ.


Source:Vatican News

 
Vatican rực sáng với cây thông Noel và cảnh Giáng Sinh. Dấu chỉ hy vọng giữa đêm đen đại dịch
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:21 11/12/2020


Lễ thắp sáng truyền thống cho cây thông Noel và quang cảnh Chúa giáng sinh tại quảng trường Thánh Phêrô đã diễn ra vào tối thứ Sáu 11/12 dưới sự chứng kiến của một số vị đại diện chính thức.

Buổi lễ bắt đầu lúc 5:00 chiều theo giờ Rôma và những người tham dự đã cẩn thận tuân theo tất cả các biện pháp y tế bình thường.

Lễ hội ánh sáng vào tối thứ Sáu đã có sự tham dự của Đức Hồng Y Giuseppe Bertello và Giám mục Fernando Vérgez Alzaga, cũng như các phái đoàn chính thức từ các khu vực đã tặng cây và tượng.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các đại biểu người Slovenia và Ý vào sáng cùng ngày, những “biểu tượng của Lễ Giáng sinh” này, hơn bao giờ hết, là “một dấu hiệu hy vọng cho người dân Rome và cho những người hành hương có cơ hội đến chiêm ngưỡng họ. “

Quang cảnh này mang lại một dấu hiệu của mùa Vọng, trong đó chúng ta hy vọng vào việc Chúa Kitô sẽ đến cho một thế giới đang căng thẳng dưới bóng tối của đại dịch Covid-19.

Cây thông Giáng Sinh cao 30 mét, nặng 7 tấn thuộc họ vân sam Na Uy, tên khoa học là Picea abies, là một loài vân sam có nguồn gốc từ Bắc, Trung và Đông Âu. Nó có các nhánh con thường rủ xuống dưới. Vân sam Na Uy được trồng rộng rãi để lấy gỗ và là loài được sử dụng làm cây thông Noel chính ở một số thành phố trên thế giới. Chữ abies đặc trưng trong tiếng Latinh có nghĩa là “giống như cây thông”.

Đến từ khu vực Kočevje ở miền nam Slovenia, cây Giáng sinh sẽ tạm trú tại quảng trường Thánh Phêrô, cho đến ngày 10 tháng 1 năm 2021

Buổi lễ cũng chiếu ánh sáng - theo nghĩa đen - trên hai tác phẩm nghệ thuật khác trang trí cho Đền Thờ Thánh Phêrô.

Khung cảnh Chúa giáng sinh năm nay, đến từ thành phố Castelli ở vùng Abruzzo của Ý, cũng thu hút sự chú ý với các bức tượng bằng gốm của Thánh Gia, được đúc với kích thước lớn hơn người thật.

Thánh Gia Nazareth đã hình thành tâm điểm của một tác phẩm điêu khắc khác được thắp sáng vào thứ Sáu.

Được gọi là Angels Unawares, tác phẩm điêu khắc bằng đồng mô tả một con thuyền của những người di cư và tị nạn từ các thế kỷ văn hóa và thời gian khác nhau. Tác phẩm này đã được lắp đặt tại quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 29 tháng 9 năm 2019 dưới sự bảo trợ của Ủy ban Di cư và Tị nạn của Vatican.

Một ánh sáng đặc biệt chiếu vào ba thành viên của Thánh gia, để làm nổi bật tình cảnh của những ai phải chạy trốn khỏi các chế độ bạo lực độc tài.

Đó là một “dấu hiệu để làm nổi bật ý nghĩa sâu sắc hơn của Giáng sinh và để nhắc lại rằng Chúa Giêsu, cùng với Đức Maria và Thánh Giuse, cũng là những người di cư, phải chạy trốn để bảo tồm mạng sống của mình,” theo thông cáo báo chí từ Ủy ban Di cư và Tị nạn.

Trước khi xảy ra nghi thức thắp sáng cây thông Noel và cảnh Giáng Sinh, sáng thứ Sáu 11/12, Đức Thánh Cha đã tiếp phái đoàn từ Slovenia, là nước đã tặng cây thông Giáng sinh, và một phái đoàn khác từ giáo phận Teramo-Atri, nơi đã tặng hang đá với các nhân vật bằng gốm sứ

Phái đoàn của Slovenia do Bộ trưởng Ngoại vụ hướng dẫn, có sự tham gia của Đức Hồng Y Rodé, tổng giám mục Maribor, và các Bộ trưởng khác, cùng với Đại sứ cạnh Tòa Thánh. Trong khi đó, phái đoàn của giáo phận Teramo-Atri gồm có Đức Cha Lorenzo Leuzzi và nhiều vị trong chính quyền dân sự.

Trong lời chào hai phái đoàn, Đức Thánh Cha nhận định: “Chưa bao giờ như năm nay, cây thông Giáng sinh và hang đá là một dấu hiệu hy vọng cho người Rôma và cho các khách hành hương sẽ có cơ hội đến và chiêm ngưỡng chúng.”

“Cây thông và hang đá Giáng sinh giúp tạo nên bầu không khí Giáng sinh thuận lợi để sống mầu nhiệm ơn Cứu Độ bằng đức tin”. Đức Thánh Cha giải thích rằng nơi hang đá, mọi sự nói lên “sự nghèo khó” tốt lành, sự nghèo khó của Tin Mừng, và chúng ta bị thu hút bởi sự khiêm nhường hòa bình của các nhân vật: từ Mẹ Maria lắng nghe và ghi nhớ lời Chúa trong lòng, đến thánh Giuse tìm nơi cho Chúa chào đời, và các mục đồng tỉnh thức, và sau khi nghe lời các thiên thần loan báo, họ vội vã tìm Đấng Cứu Thế mới giáng sinh.

“Lễ Giáng sinh nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu là bình an, niềm vui, sức mạnh, và sự an ủi của chúng ta. Nhưng, để đón nhận những ân sủng này, chúng ta cần cảm thấy mình nhỏ bé, nghèo nàn và khiêm nhường như các nhân vật trong hang đá. Cũng trong dịp lễ Giáng sinh này, giữa những đau khổ của đại dịch, Chúa Giêsu, nhỏ bé và bơ vơ, là ‘Dấu chỉ’ mà Thiên Chúa ban tặng cho thế giới. Một dấu chỉ tuyệt vời, như tôi đã viết trong Tông thư về hang đá mà tôi đã ký tại Greccio cách đây một năm. Sẽ rất tốt nếu chúng ta đọc lại nó trong những ngày này”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cảm ơn tất cả những người hiện diện, cũng như những người không hiện diện, cả những người giúp vào việc chuyên chở và dựng cây thông và hang đá ở quảng trường. Ngài cầu chúc họ một lễ Giáng sinh tràn đầy hy vọng và xin họ chuyển lời cầu chúc của ngài đến gia đình và người dân của họ.


Source:Vatican News
 
Cơ hội của TT Trump: Bộ trưởng Tư pháp Texas kiện lên Tối Cao Pháp Viện đòi hủy bỏ kết quả bầu cử
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:13 11/12/2020


1. Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Texas yêu cầu bãi bỏ kết quả bầu cử tại ít nhất 4 tiểu bang

Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Texas, ông Ken Paxton đã đệ đơn lên thẳng Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trước đêm thứ Hai, 7 tháng Mười Hai, để thưa kiện các thủ tục bầu cử tại Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin với lý do vi phạm Hiến pháp.

Đại diện Texas lập luận rằng các tiểu bang này đã vi phạm Điều khoản Cử tri của Hiến pháp vì họ đã thực hiện các thay đổi đối với các quy tắc và thủ tục bỏ phiếu thông qua tòa án hoặc hệ thống hành pháp, nhưng không thông qua các cơ quan lập pháp của tiểu bang. Ngoài ra, Texas lập luận rằng có sự khác biệt trong các quy tắc và thủ tục bỏ phiếu tại các quận khác nhau trong tiểu bang, là một vi phạm trong Điều khoản Bảo vệ Sự Bình đẳng của Hiến pháp. Cuối cùng, Texas cũng lập luận rằng “sự bất thường về cách bỏ phiếu” tại những tiểu bang này là hậu quả của những điều trên.

Trong Đơn kiện của mình, Texas trình bày rằng những thay đổi của bốn tiểu bang trên đối với thủ tục bỏ phiếu trong bối cảnh đại dịch coronavirus nhằm cách cho phép bỏ phiếu bằng thư là bất hợp pháp. Texas đưa ra yêu cầu đáng chú ý với Tối cao Pháp viện là ngăn chặn ngay lập tức việc bốn tiểu bang nói trên sử dụng kết quả bỏ phiếu để bổ nhiệm các đại cử tri tổng thống vào Cử tri Đoàn. Nói cách khác, Texas yêu cầu Tối cao Pháp viện ra lệnh cho những tiểu bang nói trên cho phép các cơ quan lập pháp của họ chỉ định các đại cử tri của mình.

Việc Texas trực tiếp khiếu nại lên Tối cao Pháp viện căn cứ theo Điều III của Hiến pháp, quy định rằng đây là tòa án đưa ra phán quyết đầu tiên đối với những đề tài mà toà có thẩm quyền nguyên thuỷ, chẳng hạn như tranh chấp giữa hai hoặc nhiều tiểu bang.


Source:Breibart

2. Người Công Giáo Bỉ kiện chính phủ ra toà vì lệnh cấm Thánh lễ

Người Công Giáo ở Bỉ đang tìm cách thực hiện các hành động pháp lý nhằm chống lại một quyết định của chính phủ nước này cấm các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự cho đến hết ngày 15 tháng Giêng năm 2021.

Theo một sắc lệnh của Bộ Y Tế Bỉ được công bố hôm 29 tháng 11, khoảng 6.5 triệu người Công Giáo của đất nước này bị buộc phải tổ chức lễ Giáng sinh tại nhà.

Giáo dân đang lên kế hoạch tổ chức các vụ kiện dân sự để thách thức sắc lệnh này.

Phương pháp đang được vận động là yêu cầu các mục tử, các giáo xứ có tư cách pháp nhân và anh chị em giáo dân kiện chính phủ Bỉ về việc cấm tổ chức Thánh lễ. Anh chị em giáo dân Bỉ phàn nàn rằng những lý do được đưa ra trong sắc lệnh cấm đoán này tiêu biểu cho các thành kiến chủ quan, bài tôn giáo và vi phạm hiến pháp bảo vệ quyền tự do thờ phượng.

Các nhà hoạt động Công Giáo đang yêu cầu các giáo xứ riêng lẻ, cùng với cha xứ và một hoặc nhiều giáo dân, nộp đơn kiện, thay vì Hội Đồng Giám Mục nộp một đơn kiện duy nhất. Họ lý luận rằng nhiều đơn kiện thì nhiều khả năng thắng kiện hơn, và khi có các giáo xứ giành được quyền cử hành thánh lễ công cộng, thì các giáo xứ khác cũng sẽ dễ dàng giành chiến thắng hơn theo cùng một lý luận.

Theo các luật sư, các kháng cáo nộp vào trước ngày 7 tháng 12 có thể được quyết định trước Giáng sinh. Mỗi lần kháng cáo như thế sẽ tốn khoảng 1,000 euro, tức là 1,211 Mỹ Kim. Nhiều người Công Giáo cho biết họ chấp nhận đóng góp để giúp trả tiền cho quy trình pháp lý.

Một bức thư ngỏ gửi cho thủ tướng Bỉ, được viết sau sắc lệnh ngày 29 tháng 11 và được đăng trên trang web “Puor La Messe”, nghĩa là “Dành cho Thánh lễ”, đã được 10,000 người ký vào ngày 7 tháng 12.

Bức thư do hai linh mục và một giáo dân viết, lưu ý rằng một số cơ sở kinh doanh “không thiết yếu”, như viện bảo tàng và bể bơi đã được phép mở cửa trở lại với sắc lệnh mới, trong khi sự thay đổi về việc đình chỉ các thánh lễ không hề được đề cập đến.

“Từ thứ Ba này, chúng ta có thể đi mua sắm Giáng sinh hoặc đi bơi vào sáng Chúa Nhật, nhưng chúng ta vẫn không thể tham dự Thánh lễ! Thậm chí lễ Giáng sinh cũng không được!” bức thư viết.

“Giống như tất cả mọi người Bỉ và với tất cả giáo dân của chúng tôi, chúng tôi đã tham gia kể từ ngày 18 tháng 3 trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Sự cam kết của người Công Giáo đã được thực hiện đầy đủ và trọn vẹn trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này, cũng như mong muốn của chúng tôi là phục vụ lợi ích chung đã được thể hiện,” bức thư viết tiếp. “Các quy trình nghiêm ngặt đã được thực hiện trong từng nhà nguyện, nhà thờ hoặc nhà thờ chính tòa, điều chỉnh theo kích thước của cơ sở, để tôn trọng các hướng dẫn được ban hành như đeo khẩu trang y tế, giãn cách xã hội, bôi thuốc sát trùng. Chúng tôi đã cẩn thận, cảnh giác thực thi từng ly từng tí.”

Bỉ, quốc gia có 11.5 triệu dân giáp giới với Pháp, Đức, Luxembourg và Hà Lan, được báo cáo là có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Hơn 591,700 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus và 17,320 người đã chết ở Bỉ tính đến ngày 7 tháng 12, theo Trung tâm Tài nguyên Johns Hopkins về Coronavirus.

Ban đầu, Giáo hội đã đình chỉ các thánh lễ công cộng vào tháng 3 khi đất nước bước vào đợt khóa cửa toàn quốc lần đầu tiên. Các nhà thờ vẫn mở cửa cho những người đến cầu nguyện cá nhân, cũng như cho các lễ rửa tội, đám cưới và tang lễ với số lượng giới hạn nghiêm ngặt.

Việc thờ phượng công khai được tiếp tục vào tháng 6, nhưng bị đình chỉ một lần nữa vào ngày 2 tháng 11 trong bối cảnh khóa cửa toàn quốc lần thứ hai sau khi số ca nhiễm coronavirus tăng đột biến.


Source:Catholic News Agency

3. Hai giả thuyết trái ngược nhau về vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran

Việc giết hại nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran hồi tháng trước đã được thực hiện từ xa với trí tuệ nhân tạo và một khẩu súng máy được trang bị với một “hệ thống vệ tinh thông minh được điều khiển từ xa”, hãng thông tấn Tasnim cho biết như trên, trích dẫn một chỉ huy cao cấp của Iran.

Iran đã quy trách nhiệm cho Israel về vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh, người được các cơ quan tình báo phương Tây coi là chủ mưu của một chương trình bí mật của Iran nhằm phát triển năng lực vũ khí hạt nhân. Tehran từ lâu đã phủ nhận mọi tham vọng như vậy.

Israel không xác nhận cũng không phủ nhận trách nhiệm về vụ giết người này, và một trong các quan chức của họ cho rằng báo cáo của Tasnim về các chiến thuật được sử dụng là một trò nhằm gỡ lại mặt mũi cho Iran.

Trong quá khứ, Israel đã thừa nhận việc theo đuổi các hoạt động thu thập thông tin tình báo, bí mật chống lại chương trình hạt nhân của kẻ thù truyền kiếp của mình.

Cộng hòa Hồi giáo đã đưa ra những chi tiết mâu thuẫn về cái chết của Fakhrizadeh trong một cuộc phục kích vào ban ngày hôm 27 tháng 11 trên xe của anh ta trên đường cao tốc gần Tehran.

Ngay sau khi Fakhrizadeh bị giết, các nhân chứng tại chỗ nói với kênh truyền hình nhà nước rằng một chiếc xe tải đã phát nổ trước khi một nhóm các tay súng bắn xối xả vào xe của Fakhrizadeh và sau đó rút lui êm thắm.

Các chuyên gia và quan chức nói với Reuters vào tuần trước rằng nếu giải thích này là đúng thì việc Fakhrizadeh bị giết đã làm lộ ra những lỗ hổng an ninh cho thấy Cộng hòa Hồi giáo này quá dễ bị tấn công.

Cách giải thích trên về cái chết của Fakhrizadeh hoàn toàn trái ngược với cách giải thích chính thức của chính phủ Iran.

“Không có kẻ khủng bố nào hiện diện trên mặt đất... Liệt sĩ Fakhrizadeh đang lái xe khi một vũ khí, sử dụng một máy ảnh tiên tiến, phóng vào anh ta”, Tasnim, một cơ quan truyền thông bán chính thức của chính phủ Iran, dẫn lời Ali Fadavi, Phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, nói trong một buổi lễ vào hôm Chúa Nhật 6 tháng 12.

“Khẩu súng máy được đặt trên một chiếc xe bán tải và được điều khiển bởi một vệ tinh”.

Fadavi phát biểu như trên sau khi chính quyền Iran cho biết họ đã tìm thấy “manh mối về những kẻ ám sát”, mặc dù họ vẫn chưa công bố bất kỳ một vụ bắt giữ nào.

Tuần trước Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, cho biết vụ giết người được thực hiện bằng “ thiết bị điện tử “ mà không có người trên mặt đất.

“Khoảng 13 phát súng đã được bắn vào liệt sĩ Fakhrizadeh bằng một khẩu súng máy được điều khiển bởi vệ tinh... Trong quá trình hoạt động, trí tuệ nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt đã được sử dụng,” Fadavi nói. “ Vợ anh ấy, ngồi cách anh ấy 25 cm trên cùng xe, không bị thương.”

Yoav Galant, một bộ trưởng an ninh Israel, cho biết ông “không biết” về việc liệu các công nghệ nhắm mục tiêu được điều hành từ xa theo mô tả của Iran có thực sự tồn tại hay không.

Fakhrizadeh, được Israel xác định là nhân vật chính trong công cuộc phát triển vũ khí hạt nhân của Iran. Ông là nhà khoa học hạt nhân Iran thứ năm bị giết trong các cuộc tấn công có chủ đích kể từ năm 2010 ở Iran, và là vụ giết chết một quan chức cấp cao của Iran thứ hai trong năm 2020.

Chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng, Qassem Soleimani, đã bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Iraq vào tháng Giêng. Tehran trả đũa bằng cách bắn tên lửa vào các mục tiêu quân sự của Mỹ ở Iraq.


Source:Reuters

4. Việc vận chuyển vắc xin phải trông cậy vào các hãng hàng không

Các hãng hàng không gần xập tiệm vì COVID-19 đang chuẩn bị cho những vai trò quan trọng trong đợt triển khai vắc-xin hàng loạt, hứa hẹn mở ra một sự thúc đẩy ngay lập tức cho ngành hàng không - và xa hơn nữa là sự phục hồi và tồn tại của chính các hãng máy bay.

Những thách thức lớn đang chờ đợi các hãng hàng không, cũng như các nhà sản xuất dược phẩm, các công ty vận chuyển, chính phủ và các cơ quan quốc tế đang lên kế hoạch triển khai một cuộc vận chuyển hàng không khổng lồ.

Các chuyên gia nói rằng nỗ lực khổng lồ này sẽ giúp các hãng hàng không cắt giảm được các thiệt hại kinh hoàng trong năm nay, đồng thời mang lại các lợi ích bổ sung cho những lĩnh vực rộng lớn hơn, đặc biệt là việc khôi phục các tuyến bay.

Giám đốc vắc xin của Tổ chức Y tế Thế giới Kate O'Brien cho biết việc phát triển vắc xin trong thời gian kỷ lục là một chuyện cam go nhưng so với các phần khác, nó vẫn là một điều dễ dàng, “có thể nói chỉ tương tự như việc dựng trại trên đỉnh Everest”.

Bà nói: “ Việc cung cấp các loại vắc xin này, sự tự tin trong cộng đồng, sự chấp nhận vắc xin và bảo đảm rằng mọi người trên thực tế được tiêm chủng với số liều thích hợp - là những gì mới thật cam go”.

Anh sắp trở thành quốc gia đầu tiên bắt đầu dùng đại trà vắc-xin Pfizer-BioNTech, là loại thuốc cần bảo quản ở mức dưới trừ 70 độ C.


Source:Reuters