Ngày 11-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 12/12: Lấy Quyền Từ Đâu? – Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB.
Giáo Hội Năm Châu
03:15 11/12/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Đức Giê-su đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ Còn nếu mình nói: ‘Do người ta’, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ.” Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:15 11/12/2022

21. Tất cả đều bao hàm trong lời nói này: Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi, và yêu tha nhân như chính mình vậy.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:18 11/12/2022
13. PHÁP THUẬT KHÔNG LINH

Có một người nói mình nắm vững phép trường sinh bất tử, nhà vua nước Yên nghe được tin ấy, liền phái sứ giả đi đến nơi ông ta để học tập.

Sứ giả học chưa xong thì người ấy chết, vua nước Yên rất giận toan giết sứ giả của ông ta.

Có một vị quan được vua sủng ái khuyên giải, nói:

- “Ai cũng sợ chết và thích sống, cái người đã tự nhận mình nắm vững phép trường sinh bất tử đã chết trước, thì làm sao có thể bảo đảm cho đại vương biết rằng, đại vương không chết chứ?”

Bấy giờ vua nước Yên mới không giết sứ giả đã được phái đi học tập pháp thuật.

(Liệt tử )

Suy tư 13:

Trường sinh bất tử, sống mãi không chết, đó là nguyện vọng lớn nhất của con người, đời sống của con người, ngoài Thiên Chúa ra, thì không ai có thể ấn định cho mình ngày sinh và ngày chết.

Chúng ta hãy nghe sách Khôn Ngoan nói về tuổi thọ của con người:

- Quân vô đạo lên tiếng nói:

“Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi.

Không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết,

chẳng ai biết có kẻ nào thoát khỏi âm ty.

Bởi ngẫu nhiên ta đã ra đời, rồi lại như chưa hề có mặt.

Hơi thở của ta như là làn khói,

Tư tưởng loé từ nhịp đập trái tim.

Khi nó tắt đi, thân xác sẽ trở thành tro bụi,

sinh khí biến tan như làn gió thoảng…”(Kn 2, 1-3)

Người công chính dù có chết non, cũng vẫn được an nghỉ,

vì tuổi thọ đáng kính.

Không phải bởi sống lâu cũng không do số tuổi,

đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc,

sống không tỳ ố đã là sống thọ…”(Kn 4, 7-9)


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thuận theo Thánh Thần
Lm Minh Anh
17:31 11/12/2022
THUẬN THEO THÁNH THẦN
“Chúng tôi không biết!”.

Wilson Tozer nhận định, “Thánh Kinh không công nhận một đức tin nào mà không dẫn đến sự mềm mỏng, cũng như không một sự mềm mỏng nào mà không bắt nguồn từ đức tin! Thánh Thần là tác nhân của chuyển động kép đó. Để được khôn ngoan, bạn hãy ‘thuận theo Thánh Thần!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Để được khôn ngoan, bạn hãy ‘thuận theo Thánh Thần!’”. Lời khuyên của Wilson Tozer được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay! Phù thuỷ ngoại giáo Balaam không thể làm gì khác hơn điều mà Thánh Thần buộc ông làm; các thượng tế và kỳ lão thời Chúa Giêsu thì không như thế. Họ không có được sự mềm mỏng trước Thánh Thần; họ chất vấn Chúa Giêsu, và khi Ngài đặt vấn đề thì họ bảo, “Chúng tôi không biết!”.

Sách Dân Số tường thuật câu chuyện thú vị của Balaam. Sau 40 năm lang thang giữa rừng vắng, Israel tiến vào đất hứa; họ vấp phải sự phản kháng gay gắt của vua Canaan. Vua sai Balaam đi nguyền rủa Israel. Với người Canaan, lời nguyền của các thầy sãi có giá trị như lời của các thần minh. Trên đường, đột nhiên, con lừa của Balaam không chịu đi xa hơn, vì thiên thần Chúa ngăn cản nó. Balaam đánh con vật thậm tệ, nó vẫn không nhúc nhích! Cuối cùng, qua miệng con lừa, Thiên Chúa lên tiếng, mắt Balaam mở ra; ông trở nên mềm mỏng và thay vì chúc dữ, ông chúc lành. Chưa hết, Balaam còn nói đến “Một ngôi sao từ Giacóp mọc lên, một phủ việt từ Israel xuất hiện”. Rõ ràng, dẫu là ngoại giáo, Balaam vẫn là một người ‘thuận theo Thánh Thần!’.

Đang khi đó, những người đạo dòng, các lãnh đạo tôn giáo thời Chúa Giêsu thì không; họ không ‘thuận theo Thánh Thần’. Họ chống lại Gioan Tẩy Giả và cả Đấng Gioan loan báo; họ công khai chất vấn Chúa Giêsu; chẳng hạn hôm nay, sau khi Ngài đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, họ đặt vấn đề, “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”. Ngài điềm tĩnh trả lời bằng một câu hỏi như là điều kiện để nói cho họ nguồn gốc thẩm quyền của Ngài, “Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có, bởi trời hay bởi người ta?”. Ngài biết, nhận định đúng đắn của họ về Gioan buộc họ nhìn nhận Ngài; ủng hộ hay chống lại Gioan, họ cũng sẽ ủng hộ hay chống lại Ngài. Sau khi suy nghĩ, họ trả lời, “Chúng tôi không biết!”.

“Chúng tôi không biết!”. Họ không biết vì họ cố tình lờ đi mọi hiểu biết Thánh Kinh mà họ rất am tường; vì lẽ, trong đó, mọi điều ám chỉ Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Họ không biết vì họ sợ mất quyền lợi khi phải công nhận Ngài. Đang khi với Chúa Giêsu, Ngài không chỉ là Đấng Thiên Sai, Ngài còn là nguồn gốc của sự sống đời đời và sự thật! Ai đến với Ngài, sự thật giải phóng họ; người ấy sẽ tìm được niềm vui, tự do và hạnh phúc. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, nẻo đường Ngài, xin dạy cho con biết!”.

Anh Chị em,

“Chúng tôi không biết!”. Rồi đây, với Philatô, các thượng tế và kỳ lão cũng sẽ ‘rửa tay’ và lặp lại những lời đó; để rồi chính họ sẽ đưa Ngài đến cái chết thập giá. Và cả chúng ta, “Chúng tôi không biết!”, một câu trả lời thường nghe và cũng thường nói. Chúng ta không biết vì không muốn biết, cũng như không bao giờ nhìn nhận rằng, mình biết. Bởi lẽ, một khi biết, chúng ta phải đổi thay. Mùa Vọng, mùa nói với Chúa, “Lạy Chúa, con biết!”, để từ đó, ‘thuận theo Thánh Thần’ hầu được biến đổi. Và như thế, bạn và tôi cũng có thể sống trong niềm vui, tự do và hạnh phúc.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin nung đốt trái tim và tâm trí con, để con luôn mềm mỏng ‘thuận theo Thánh Thần’, hầu con có thể làm điều Chúa muốn; bấy giờ, con sẽ tìm được niềm vui, tự do và hạnh phúc!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Đức Mẹ Guadalupe và Đức Mẹ La Vang
Nguyễn Trung Tây
18:22 11/12/2022
LM Nguyễn Trung Tây
Đức Mẹ Guadalupe và Đức Mẹ La Vang


Không ai có hình ảnh về thân mẫu của Đức Giêsu. Nhưng là một người Do Thái sinh sống tại Palestine của thế kỷ thứ nhất công nguyên, Đức Mẹ cũng mang trên người những nét đặc thù của phụ nữ vùng Trung Đông: tóc đen, da nâu, v.v.

Nhưng thật bất ngờ, năm 1531, Đức Mẹ hiện ra với thánh Juan Diego, một người thổ dân da đỏ Chichimec tại Guadalupe. Đức Mẹ quyết định lưu lại chính hình ảnh của mình trên vạt áo trước của thánh Juan. Đức Mẹ Guadalupe được linh họa trong nét của một người phụ nữ thổ dân da đỏ.

Năm 1798, tại Việt Nam, nhiều tín hữu Công Giáo thuộc vùng Quảng Trị trốn chạy vô rừng bởi những cuộc bách hại dưới thời vua Cảnh Thịnh. Trong một lần, trong khi họ đang tụ họp nhau đọc kinh cầu nguyện, Đức Mẹ La Vang hiện ra. Mẹ an ủi tín hữu Việt Nam, dạy họ lấy một loại lá uống chữa bệnh sơn lam chướng khí. Đức Mẹ La Vang được Giáo hội Việt Nam công nhận từ lâu. Một linh đài Đức Mẹ La Vang được dựng lên ngay tại cây đa nơi Đức Mẹ đã hiện ra với tín hữu Công Giáo thời đó. Gần đây, Giáo hội Việt Nam chuẩn y tượng Đức Mẹ La Vang mặc áo dài Việt Nam, đầu vấn khăn.

Trong tất cả những hình tượng Đức Mẹ xuất hiện trong Giáo Hội Công Giáo, duy nhất chỉ có hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe là được chính Đức Mẹ linh họa để lại cho người tín hữu. Linh ảnh Đức Mẹ Guadalupe nguyên bản hiện nay vẫn còn được treo trên cung thánh của Vương Cung Thánh đường Guadalupe. Hình ảnh Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Mẹ Fatima, được minh họa trong nét của một người phụ nữ Tây phương, thật sự ra đã được mô phỏng lại theo lời kể của những nhân chứng trong cuộc. Riêng Đức Mẹ La Vang đã được bối cảnh hóa trong nét văn hóa Việt Nam.

Dưới lăng kiếng đức tin, hình tượng Đức Mẹ Guadalupe trong nét phụ nữ thổ dân Chichimec khẳng định một điều, Thiên Chúa xác nhận thần học bối cảnh và giá trị của hội nhập văn hóa. Nói một cách khác, nếu Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể đã được bối cảnh trong văn hóa Do Thái, Mẹ Maria cũng được bối cảnh hóa để tín hữu địa phương cảm nhận được nét thân thuộc và gần gũi của Thiên Chúa trong bối cảnh địa phương của chính họ.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha ca ngợi gương anh hùng của Chân phước Isabel Cristina Mrad Campos, một mẫu gương cho người trẻ
Thanh Quảng sdb
17:02 11/12/2022
Đức Thánh Cha ca ngợi gương anh hùng của Chân phước Isabel Cristina Mrad Campos, một mẫu gương cho người trẻ

Trong lời chào mừng sau Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa 11/12/2022, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lễ phong chân phước hôm thứ Bảy cho Isabel Cristina Mrad Campos, người đã bị giết vì đức tin vào năm 1982. Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis, nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Aparecida, đã chủ sự lễ phong Chân phước này tại Barbacena, Brazil.

(Tin Vatican)

Isabel Cristina Mrad chết lúc mới 20 tuổi. Cô chết để "bảo vệ sự tinh khiết của một người nữ" và "phẩm giá con người", Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như vậy khi nhắc tới cô.

ĐTC nói: “Xin cho tấm gương anh dũng của cô truyền cảm hứng đặc biệt cho giới trẻ trong việc sống đức tin và Tin Mừng.”

Phong chân phước ở Brazil

Vào sáng thứ Bảy, Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis đã phong chân phước cho cô trinh nữ trẻ người Brazil và là người tử vì đạo đến từ Bang Minas Gerais. Vào tháng 10 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã châu phê sự tử vì đạo của cô nhưng vì đại dịch nên lễ phong chân phước cho cô đã bị hoãn lại. Cuối cùng lễ Phong Chân Phước đã được diễn ra ở Barbacena, thuộc Tổng giáo phận Mariana, tại Đền thờ Đức Mẹ cỉa Lòng Thương Xót.

Gương hiếu học và cầu nguyện

Sinh ra trong một gia đình trung lưu, ngay từ nhỏ, Isabel đã đến sinh hoạt tại nhà thờ giáo xứ. Cô là thành viên của Nhóm Trẻ Thánh Vincent de Paul, nơi đây cô gặp được một vị linh hướng đã chia sẻ với cô về linh đạo của Phong trào Cursillo và linh đạo của Thánh Vinh Sơn. Cô cũng thường xuyên tham dự các giờ kinh và Thánh lễ tại Tu viện các nữ tu Thăm Viếng, thực hành kinh nguyện gia đình, xưng tội thường xuyên và tham gia các chiến dịch do hội Vinh Sơn tổ chức.

Cô hy vọng mong ước trở thành một bác sĩ nhi khoa, sau khi tham gia một khóa học chuyên ngành, cô đã nhận được chứng chỉ Chuyên môn vào ngày 8 tháng 12 năm 1980. Khi chuyển đến Juiz de Fora (Brazil) để học y khoa, cô đã về sống với anh trai tại một ngôi nhà mà ba mẹ mua. Vào tối ngày 1 tháng 9 năm 1982, khi anh trai cô về và phát hiện ra cô đã bị sát hại với những dấu vết bầm tím trên cơ thể vì bị cưỡng hiếp!.. Cô chết vừa tròn 20 tuổi.

Sau khi phiên tòa xử, Maurílio Almeida Oliveira bị kết án giết người. Theo điều tra, tên này đã đến nhà Isabel và cưỡng hiếp cô. Theo khám nghiệm tử thi, cô đã chống cự lại, để giữ được lòng trinh tiết. Bị cáo bị tuyên án 19 năm tù... Maurílio Almeida Oliveira luôn phủ nhận mình không phải là thủ phạm giết người. Sau vài năm ngồi tù, hắn đã đào thoát và vẫn trốn chạy đâu đó. Một số người tin hắn ta đã chết!...

Giết được thể xác chứ không giết được linh hồn

Liên quan đến sự tử đạo, quá trình phong chân phước và phong thánh đã xác định vì đây là cuộc tấn công không phải vì đam mê nhất thời, mà là một vụ giết người có kế hoạch liên quan đến đức tin. Nhân chứng của người phụ nữ trẻ này đã nói lên sự tử đạo của nạn nhân.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Damasceno Assis nhắc lại lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu (10:28), khi Người nói: “Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn”. Và ngài nhắc lại rằng, Thánh Giáo phụ Tertullian đã nói, máu của các vị tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu mới. Đức Hồng Y cũng kêu gọi chấm dứt mọi bạo lực đối với phụ nữ trên thế giới.
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11 tháng 12.
J.B. Đặng Minh An dịch
17:16 11/12/2022


Chúa Nhật 11 tháng 12, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng cũng gọi là Chúa Nhật Hồng.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Đang ngồi tù, ông Gio an nghe biết những việc Đức Ki tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Đức Giê su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Họ đi rồi, Đức Giê su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.

“Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, Chúa Nhật hồng phúc!

Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng này nói với chúng ta về Gioan Tẩy Giả, khi đang ở trong ngục, ngài sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11:4). Thật vậy, khi nghe nói về các công việc của Chúa Giêsu, Gioan đã nghi ngờ không biết Ngài có thực sự là Đấng Mêsia hay không. Trên thực tế, ngài tưởng tượng về một Đấng Mêsia nghiêm khắc sẽ đến và thi hành công lý bằng quyền năng, bằng cách trừng phạt những kẻ tội lỗi. Giờ đây, ngược lại, Chúa Giêsu có những lời nói và cử chỉ đầy lòng trắc ẩn đối với mọi người; trung tâm hành động của Ngài là lòng thương xót tha thứ, nhờ đó “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, người nghèo được nghe tin mừng” ( câu 6). Tuy nhiên, chúng ta nên xem xét kỹ hơn cuộc khủng hoảng này của Gioan Tẩy Giả, vì nó cũng có thể tiết lộ cho chúng ta biết một điều quan trọng.

Bản văn nhấn mạnh rằng Gioan đang ở trong tù, và điều này, cùng với tình cảnh của một nơi chốn thực tế, khiến chúng ta liên tưởng đến hoàn cảnh nội tâm mà ngài đang trải qua: trong tù là bóng tối, không thể nhìn rõ và nhìn xa hơn. Trên thực tế, vị Tẩy Giả không còn có thể nhận ra Chúa Giêsu là Đấng cứu thế được chờ đợi. Ngài bị nghi ngờ tấn công, và ngài sai các môn đệ đi kiểm tra: “Các con hãy đi xem ông ấy có phải là Đấng Mêsia hay không”. Chúng ta ngạc nhiên rằng điều này lại xảy ra với Gioan, người đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu ở sông Giođan và đã chỉ cho các môn đệ biết Người là Chiên Thiên Chúa (x. Ga 1:29). Nhưng điều này có nghĩa là ngay cả người có niềm tin lớn nhất cũng phải đi qua đường hầm của sự nghi ngờ. Và đây không phải là một điều xấu; trái lại, đôi khi nó cần thiết cho sự tăng trưởng tâm linh: nó giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa luôn vĩ đại hơn những gì chúng ta tưởng tượng về Ngài. Những kỳ công của Thiên Chúa thật đáng ngạc nhiên so với những tính toán của chúng ta; hành động của Ngài luôn khác biệt, vượt quá nhu cầu và mong đợi của chúng ta; và do đó, chúng ta không bao giờ được ngừng tìm kiếm Ngài, hoán cải và hướng về thiên nhan đích thật của Ngài. Một nhà thần học vĩ đại đã từng nói rằng Thiên Chúa “cần được tái khám phá theo từng giai đoạn... đôi khi chúng ta tin rằng chúng ta đang đánh mất Ngài” (H. DE LUBAC, Sur les chemins de Dieu). Đây là điều mà vị Tẩy Giả làm: trong sự nghi ngờ, ngài vẫn tìm kiếm Chúa, chất vấn Chúa, “tranh luận” với Chúa và cuối cùng tái khám phá Chúa. Tóm lại, Thánh Gioan, được Chúa Giêsu xác định là người cao trọng nhất trong số những người được sinh ra bởi những người phụ nữ (x. Mt 11:11), dạy chúng ta, đừng đóng khung Thiên Chúa trong những não trạng của chúng ta. Đây luôn là mối nguy hiểm, sự cám dỗ nguy hiểm là chính chúng ta tạo ra một Thiên Chúa theo thước đo của chúng ta, một Thiên Chúa để chúng ta sử dụng. Nhưng Chúa không phải như thế đâu.

Anh chị em thân mến, đôi khi chúng ta cũng thấy mình ở trong hoàn cảnh của Thánh Gioan Tẩy Giả, trong một ngục thất nội tâm, không thể nhận ra sự mới mẻ của Chúa, Đấng mà có lẽ bị chúng ta giam cầm vì cho rằng chúng ta đã biết mọi điều về Ngài. Anh chị em thân mến, người ta không bao giờ biết hết mọi điều về Thiên Chúa, không bao giờ! Có lẽ chúng ta nghĩ đến một Thiên Chúa quyền năng làm theo ý Ngài muốn, thay vì Thiên Chúa hiền lành khiêm nhường, Thiên Chúa của lòng thương xót và tình yêu, Đấng luôn can thiệp trong khi tôn trọng tự do và lựa chọn của chúng ta. Có lẽ chúng ta thậm chí còn thấy mình nói với Ngài: “Có thật là Ngài, Đấng rất khiêm nhường, là Thiên Chúa đến để cứu chúng tôi không?”. Và điều tương tự cũng có thể xảy ra giữa chúng ta và các anh chị em của mình: chúng ta có những ý tưởng, những thành kiến của mình và chúng ta gắn những nhãn mác cứng nhắc cho người khác, đặc biệt là những người mà chúng ta cảm thấy khác biệt với mình. Vì vậy, Mùa Vọng là thời gian để lật ngược các quan điểm của chúng ta, để chúng ta có thể ngạc nhiên trước lòng thương xót của Thiên Chúa. Đấng đáng kinh ngạc: Thiên Chúa luôn luôn gây ngạc nhiên. Cách đây không lâu, chúng ta đã thấy trong chương trình truyền hình “A Sua Immagine” nghĩa là “Theo hình ảnnh Ngài”, họ nói về điều kỳ diệu. Chúa luôn là Đấng khuấy động điều kỳ diệu trong anh chị em. Mùa Vọng là một thời điểm trong đó, khi chuẩn bị máng cỏ Giáng Sinh cho Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng ta học biết lại Chúa của chúng ta là ai; một thời gian để bỏ lại sau lưng những định kiến và thành kiến nào đó về Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Mùa Vọng là thời gian mà thay vì nghĩ đến những món quà cho bản thân, chúng ta có thể dành những lời nói và cử chỉ an ủi cho những người bị thương tích, như Chúa Giêsu đã làm với người mù, người điếc và người què.

Xin Đức Mẹ nắm lấy tay chúng ta, như một người mẹ, xin Mẹ cầm tay chúng ta trong những ngày chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh này, và giúp chúng ta nhận ra nơi sự nhỏ bé của Hài Nhi sự cao cả của Thiên Chúa đang đến.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, tại Barbacena ở Brazil, Isabel Cristina Mrad Campos đã được tuyên chân phước. Người phụ nữ trẻ này đã bị giết vì lòng căm thù đức tin vào năm 1982 ở tuổi 20. Cô đã bảo vệ phẩm giá phụ nữ và giá trị sự trong trắng của mình. Xin cho gương anh hùng của chị truyền cảm hứng đặc biệt cho giới trẻ quảng đại làm chứng cho đức tin và gắn bó với Tin Mừng. Một tràng pháo tay cho tân Chân Phước!

Tôi buồn bã và lo lắng theo dõi tin tức từ Nam Sudan về các cuộc đụng độ bạo lực trong vài ngày qua. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho hòa bình và hòa giải dân tộc, để các cuộc tấn công chấm dứt và dân thường luôn được tôn trọng.

Hôm nay là Ngày Núi non Thế giới, ngày này mời gọi chúng ta nhận ra tầm quan trọng của nguồn tài nguyên kỳ diệu này đối với sự sống của hành tinh và nhân loại. Chủ đề năm nay – “Phụ nữ dời núi” – đúng là phụ nữ dời núi! – nhắc nhở chúng ta về vai trò của phụ nữ trong việc chăm sóc môi trường và bảo vệ truyền thống của người dân miền núi. Từ những người miền núi, chúng ta học được ý thức cộng đồng và đi bộ cùng nhau.

Tôi chào tất cả anh chị em, tại Rôma, từ nước Ý và từ nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu từ Barcelona, Valencia, Alicante, Beirut, Cairo, và những người từ Mễ Tây Cơ và Ba Lan. Tôi chào cộng đồng Công Giáo Tanzania tại Ý; các nhóm giáo xứ từ Terni, Panzano ở Chianti, Perugia, Nozza di Vestone; Dàn hợp xướng Alpini của Rome; và đại diện của những công dân đang sống ở những vùng ô nhiễm nhất nước Ý, với hy vọng tìm ra một giải pháp công bằng cho những vấn đề nghiêm trọng của họ và những căn bệnh phát sinh từ môi trường ô nhiễm này.

Và tôi muốn gửi lời chào thân ái đến những người bị giam giữ trong nhà tù “Due Palazzi” của Padua: Tôi thân ái chào anh chị em!

Và bây giờ tôi sẽ ban phép lành cho “Bambinelli”, là những bức tượng nhỏ của Chúa Giêsu Hài Đồng mà anh chị em, các em trai và các em gái thân mến, đã mang đến đây và sau đó, khi trở về nhà, sẽ đặt trong máng cỏ Chúa Giáng Sinh. Tôi mời anh chị em cầu nguyện, trước máng cỏ, để Chúa Giáng Sinh sẽ mang lại tia bình an cho trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt là những trẻ buộc phải sống những ngày khủng khiếp và đen tối của chiến tranh, cuộc chiến ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, rất nhiều cuộc sống, và rất nhiều trẻ em. Phép lành cho Bambinelli…

Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật hồng phúc và một cuộc hành trình tốt đẹp hướng về Chúa Giáng Sinh. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Ngoại trưởng Ukraine và Chánh văn phòng tổng thống Ukraine thăm Tòa Thánh
Đặng Tự Do
17:22 11/12/2022


Như chúng tôi đã tường trình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bật khóc khi đề cập đến Ukraine trong lời cầu nguyện cùng Đức Mẹ hôm thứ Năm 8 tháng 12, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đến quảng trường Tây Ban Nha lúc 15:47, Đức Thánh Cha Phanxicô, được thị trưởng Rôma Roberto Gualtieri và Đức Hồng Y Tổng đại diện Angelo De Donatis, chào đón. Ngài đã chống gậy bước đến khu vực tượng đài Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Sau khi làm phép lẵng hoa hồng trắng lớn, lắng nghe các bài kinh cầu Đức Trinh Nữ do ca đoàn của Giáo phận Rôma xướng lên, ngài nhắc nhớ rằng rất nhiều vòng hoa, được nhiều người dân đặt “ bày tỏ tình yêu và lòng tôn kính Đức Mẹ, Đấng luôn dõi theo tất cả chúng con”, và là Đấng “thấy và chào đón cả những bông hoa vô hình, là biết bao lời khẩn cầu, biết bao lời van xin thầm lặng, đôi khi nnức nở, lặng lẽ dành cho Mẹ.

“Sau hai năm con đến để bày tỏ lòng tôn kính Mẹ một mình vào lúc bình minh, hôm nay con trở lại với Mẹ cùng với dân Thánh Chúa và những người của Thành phố này. Và con mang đến với Mẹ lời cảm ơn và lời cầu xin của tất cả con cái của Mẹ, gần xa”.

Rồi giọng của Đức Thánh Cha bắt đầu run lên khi ngài đề cập đến sự đau khổ của người Ukraine. Ngài nói:

“Con muốn mang đến cho Mẹ lời cảm ơn của người dân Ukraine …”

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô không thể tiếp tục trong khoảng 30 giây, và bắt đầu run rẩy.

Người ta thấy Đức Thánh Cha Phanxicô đã khóc. Đám đông, trong đó có thị trưởng Rome, Roberto Gualtieri, đã vỗ tay khi họ nhận ra ngài không thể nói và thấy ngài khóc.

Khi có thể tiếp tục cầu nguyện trở lại, giọng Đức Thánh Cha khàn đi.

Ngài nói tiếp:

Người dân Ukraine tiếp tục cầu xin cho hòa bình mà chúng con đã cầu xin Chúa từ lâu. Con muốn trình bày với Mẹ những lời cầu xin của trẻ em, người già, cha mẹ và những người trẻ tuổi của vùng đất tử đạo đó, nơi đang chịu đựng rất nhiều đau khổ.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Chánh văn phòng tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak đã thăm Tòa Thánh để cám ơn Đức Thánh Cha đã ủng hộ người dân Ukraine. Nói chuyện với các phóng viên báo chí, ông nói:

“Sự thật đáng buồn là chưa đến lúc hòa giải”. Bình luận về những lời của Vladimir Putin rằng “Cuối cùng, một thỏa thuận không thể tránh khỏi để chấm dứt xung đột sẽ phải xảy ra”, Ông Kuleba nói rằng ông tin rằng bản thân Putin chưa muốn thương thảo. “Nếu ông ta muốn hòa bình, đừng gửi hỏa tiễn hàng tuần để phá hủy cơ sở hạ tầng của chúng tôi, đừng tiếp tục cử binh lính đi chiếm các thành phố của chúng tôi, đừng sáp nhập các lãnh thổ thuộc về người khác”. Ông cũng nói với các nhà báo rằng chính phủ Ukraine đánh giá cao về vai trò có thể có trong tương lai của Vatican trong thỏa thuận hòa bình cuối cùng.”

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng: “Tòa thánh hay bất kỳ nhà nước nào đừng nói rằng nếu họ giúp một việc gì đó, họ phải trung lập để không làm người Nga sợ hãi. Chúng tôi không chấp nhận điều này. Hãy nhớ rằng Nga là kẻ xâm lược và Ukraine là nạn nhân. Chúng tôi không thể bị đặt ngang hàng, nếu không sẽ tạo ra thông điệp sai lầm, như thể cả hai đều phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến. Xin cũng đừng khăng khăng khái niệm huynh đệ, chúng tôi không phải là anh em. Như trong trường hợp Cain và Abel. Họ đã vi phạm tất cả luật lệ của Thiên Chúa trong lãnh thổ của chúng tôi”.

Ông cũng lưu ý rằng chỉ vài giờ trước đó, các cuộc không kích của Nga vào Ukraine vẫn tiếp tục: Kyiv tuyên bố đã bắn hạ 10 trong số 15 máy bay không người lái kamikaze được phóng vào Odessa, Kherson và Mykolaiv trong đêm.
Source:quotidiano.net
 
Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria thu hút hàng triệu người đến đền thánh Mexico City
Đặng Tự Do
17:23 11/12/2022


Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe là một trong những địa điểm tôn giáo được yêu thích và viếng thăm nhiều nhất trên thế giới. Với mái hình lều hình tròn có thể nhìn thấy từ cách xa hàng dặm và một lịch sử linh thiêng mà mỗi năm thu hút hàng triệu khách hành hương gần xa đến với nó, địa điểm này nằm trên đỉnh đồi ở Thành phố Mexico.

Đầu tháng 12 là thời điểm bận rộn nhất, khi những người hành hương đổ về trước ngày 12 tháng 12, ngày lễ kính Đức Mẹ Guadalupe. Đối với các tín hữu Công Giáo, ngày này là ngày kỷ niệm một trong nhiều lần hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria được chứng kiến bởi một người đàn ông bản địa Mễ Tây Cơ tên là Juan Diego vào năm 1531.

Đại dịch COVID-19 đã làm giảm số lượng người hành hương vào năm 2020. Năm ngoái, ngay cả khi vẫn còn một số hạn chế, số người tham dự các lễ kỷ niệm vào tháng 12 đã tăng lên ít nhất 3.5 triệu người, theo các quan chức địa phương. Con số lớn hơn được mong đợi trong năm nay.

Đối với nhiều người hành hương, hành trình đến địa điểm này là một biểu hiện của lòng biết ơn đối với những phép lạ mà họ tin rằng Đức Trinh Nữ đã mang đến cho cuộc sống của họ. Xung quanh vương cung thánh đường, một số người thắp nến cầu nguyện trong im lặng. Một số quỳ xuống và khóc. Những người khác ôm tượng Đức Mẹ trên tay khi họ nhận phép lành của một linh mục.

Trong số những người hành hương lần đầu năm nay có Yamilleth Fuente, người đã bước vào vương cung thánh đường với chiếc khăn màu vàng được trang trí bằng hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe.

Fuente, người đã đi du lịch một mình đến Thành phố Mexico từ nhà của cô ở El Salvador, nói rằng cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào năm 2014 và đã hồi phục sau khi cầu nguyện với Đức Trinh Nữ. Khi cô ngỏ ý muốn đi hành hương, chồng và hai con của cô đã khuyến khích cô.

“Tôi đã yêu Đức Trinh Nữ cả đời. Tôi thậm chí đã từng mơ về Đức Mẹ,” Fuente nói. “Con gái tôi tên là Alexandra Guadalupe vì nó cũng là một phép lạ mà Đức Trinh Nữ đã ban cho tôi.”

Cô nói: “Cả cuộc đời tôi tràn ngập những phép lạ từ Chúa và Đức Trinh Nữ Maria. “Bạn có thể viết một cuốn sách về tất cả những gì Đức Mẹ đã làm cho tôi.”
Source:AP
 
Đức Tổng Giám Mục Ukraine cáo buộc Nga tra tấn các linh mục bị giam giữ
Đặng Tự Do
17:24 11/12/2022


Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói rằng hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế từ Berdiansk đã bị đánh đập tàn tệ để buộc nhận tội.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, thuộc Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đang cáo buộc Nga tra tấn hai linh mục bị giam giữ vào cuối tháng 11. Trước đó, ngài đã lên án việc bắt giữ hai linh mục từ thị trấn Berdiansk do Nga xâm lược với tội danh khủng bố.

Aleteia trước đây đã đưa tin về vụ bắt giữ hai linh mục của Nhà thờ Chúa Giáng Sinh của Đức Trinh Nữ Maria: là hai Cha Ivan Levitskyi và Cha Bohdan Helena Cha Sở và Cha Phó nhà thờ. Cả hai cha đã bị bắt và bị buộc tội sở hữu vũ khí và chất nổ. Hơn nữa, các lực lượng Nga tuyên bố họ đã tìm thấy các tài liệu khủng bố liên quan đến hai linh mục.

Ngay sau khi họ bị bắt, Đức Cha Stepan Meniok của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã lên án việc giam giữ là “vô căn cứ và bất hợp pháp”. Vị bản quyền nói rằng cả Cha Levitskyi và Cha Heleta đã thi hành chức vụ hơn ba năm qua tại đây và chỉ công bố “lời bình an”.

Đức Cha Meniok gợi ý rằng những người Nga đã bắt giữ các linh mục dựa trên các bằng chứng ngụy tạo. Ngài lưu ý rằng cả hai linh mục đều đang bị giam giữ khi cuộc khám xét được tiến hành, để lại nhiều cơ hội cho các tài liệu và vũ khí được dàn dựng. Ngài viết:

“Vào thời điểm khám xét nhà thờ, nhà xứ liền kề và cơ sở kỹ thuật của giáo xứ, cả hai linh mục đều đã bị giam giữ, điều đó có nghĩa là các ngài không thể kiểm soát những cơ sở này, cũng như các hành động của Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Nga theo bất kỳ cách nào,”

Bây giờ, cơ quan truyền thông The Tablet báo cáo rằng Đức Tổng Giám Mục Schevchuk đã tuyên bố rằng Cha Levitskyi và Cha Helena đã bị người Nga “tra tấn không thương tiếc” trong nỗ lực buộc tội. Đức Tổng Giám Mục đã so sánh các chiến thuật hiện đại của Nga với những chiến thuật được sử dụng bởi các chế độ cộng sản của Liên Xô:

“Theo các phương pháp đàn áp cổ điển của chủ nghĩa Stalin, họ chỉ đơn giản là buộc các ngài phải thú nhận một tội ác mà họ không phạm phải,” Đức Tổng Giám Mục nói. Ngài nói thêm, “Họ không có tội. Họ là linh mục của Chúa Kitô: Họ chỉ có tội là yêu thương dân của họ – Giáo hội, và dân Chúa.”

Theo The Tablet, các vụ bắt giữ bị nghi ngờ là sự trừng phạt đối với các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà thờ vẫn liên kết với Thượng phụ Mạc Tư Khoa sau cuộc xâm lược của Nga. Chính phủ Ukraine gần đây đã đặt ra các hạn chế đối với các nhà thờ và tu viện liên kết với Nga, đồng thời tiến hành các cuộc đột kích vào tài sản của họ.
Source:Aleteia
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Vụ Formosa: Bài phát biểu của ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh, phát biểu tại Quốc họi Đài Loan ngày 2/12/2022
FB : Linh Mục Nguyễn Văn Hùng
20:22 11/12/2022
Bài phát biểu của ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh, phát biểu tại Quốc họi Đài Loan ngày 2/12/2022 về Công ty Formosa Hà Tĩnh làm ô nhiễm môi trường Việt Nam năm 2016

Tôi xin phép được tự giới thiệu, Tôi là Giám mục Phaolo NGUYỄN THÁI HỢP, Giám mục giáo phận Vinh và Hà Tĩnh từ năm 2010 đến 2021. Tôi vừa nghỉ hưu vì lý do tuổi tác vào năm ngoái.

Tôi hiện diện ở đây với tư cách vừa là chứng nhân lịch sử của vụ thảm hoạ Formosa, vừa là đại diện chính thức cuả gần 8000 nạn nhân của thảm hoạ này. Trong vai trò và vị thế đặc biệt đó, tôi đã nhiều lần phát biểu về thảm hoạ Formosa tại chính mảnh đất Đài Loan thân yêu này, cũng như tại nhiều nơi ở Mỹ và Âu châu. Hôm nay, tôi chỉ xin ngắn gọn đôi điều về điều kiện Công chứng mà Toà án Đài Loan đòi hỏi các nạn nhân.

我是台塑河靜鋼鐵汙染案件歷史的見證人,也是將近8000名受害者的代表。

我在擔任這個具有特別意義的角色和職位之中,曾多次拜訪台灣這片掛念的土地,我在美國和歐洲的許多場合提過河靜汙染。今天,我想簡單說一下台灣法院要求受害人的申請程序。

1- Thú thật với quí vị, chúng tôi rất bất bình và phẫn nộ về các yêu sách khắt khe, đồng thời vừa bất nhất và bất nhân mà Toà án đã đòi hỏi các nạn nhân khi nạp đơn kiện Cty … Formosa tại Hà Tĩnh, Việt Nam.

其實,我們對於法院向台塑公司提起訴訟時,要求受害者提出非常嚴格,同時不一致和不人道的程序感到非常不滿和憤怒。

Trước đây, Toà đòi phải có giấy uỷ quyền cho các luật sư và phải chứng minh việc uỷ quyền đó vừa bằng văn thư, vừa bằng video chứng thực việc uỷ quyền đó. Dưới một chế độ Công an trị như ở VN hiện nay, việc mời hai luật sư từ ĐL sang Việt Nam để gặp gỡ từng nạn nhân, rồi lấy chữ ký và ghi âm, ghi hình từng người một đã là một điều rất khó khăn, gian lao và nguy hiểm.

幾年前,法院要求我們的律師提供授權書,而且必須以書面形式和通過影片證明授權書的真實性。

但是至今越南這樣的警察制度下,邀請兩位台灣律師到越南,並且跟這些受害人一一見面,簽署委任書,這件事情非常困難危險。

Hai luật sư trẻ …. đã can đảm và tận tình hoàn thành công tác khó khăn và nguy hiểm này. Nếu muốn, quý vị và quý bạn có thể phỏng vấn họ để biết thêm những tình tiết như phim trinh thám.

Bất chấp điều kiện nghiệt ngã, chúng tôi đã hoàn thành một bộ hồ sơ đầu tiên và đã nộp lên Toà án. Không hiểu tại sao, Toà lại không chấp nhận bộ hồ sơ uỷ quyền đó mà đòi bộ hồ sơ uỷ quyền khác.

但是,我們的兩位年輕律師,勇敢地、全心全意地完成了這項艱鉅而危險的任務。

如果你願意,大家可以採訪他們,了解更多細節,這就好像是一部偵探電影。

儘管條件嚴峻,我們還是完成了第一版的文件,並將它們提交給了法院。可惜的是,我們不理解為什麼,法院不接受這一份授權文件,甚至還要求受害者必須再度提供另一份授權文件。

Toà đòi: Đơn khiếu kiện của các nạn nhân phải có công chứng của xóm, xã, phường, huyện, tỉnh, Bộ Ngoại giao Việt Nam, rồi sau đó mới có thể nộp cho Phòng Văn hoá của Đài Loan tại Hà Nội để chuyển tới Toà án tại Đài Loan.

法院要求:受害人的申訴文件需要經越南村、公社、坊、區、省、外交部公證,才可以交給駐河內台灣辦事處審核,並且移交給台灣的法院。

2 – Tại sao Toà án đưa ra điều kiện bất nhân và oan nghiệt này cho các nạn nhân Việt Nam? Đây thuần tuý là một yếu tố pháp lý hay còn ẩn chứa ý đồ nào khác? (為什麼法庭要給越南受害者這種不人道和殘忍的條件?這是純粹的法律因素還是另有隱情?)

Như quý vị và quý bạn đã rõ, liền khi thảm hoạ Formosa xảy ra, các nạn nhân của thảm hoạ này đã nạp đơn lên Toà án Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Việt Nam, nơi Công ty Formosa đặt bản doanh, để kiện chính công ty đó. Đơn của các nạn nhân không những không được Toà án Kỳ Anh thụ lý, mà hơn nữa, khi các nạn tiếp tục khiếu kiện đã bị công an đàn áp dã man. Một số nhà báo hay phóng viên bán chuyên nghiệp đưa hình ảnh hay bài viết lên mạng để ủng hộ các nạn nhân đã bị bắt, bị tra tấn. Có những người đã bị bắt và bị kết án tù từ 8 đến 14 hay 20 năm. Có những người phải vội vã bỏ nước ra đi và hiện sống lưu vong.

大家都知道,台塑災難發生初期,受害者立刻就向台塑公司總部所在地,越南河靜的奇英縣法院提出相關告訴,只是受害人的陳情不但沒有被啟英法院受理,受害人在進行申訴的同時,還遭到了警方的殘酷鎮壓。有部分的記者或公民記者在網上發布照片或文章,聲援被抓捕和遭受酷刑的受害者,這些人被抓進監獄判處 8年 至 14 年或 20 年不等的有期徒刑。因為政府的暴力和殘酷,有些人不得不急忙離開,現在正在海外流亡中

Khi quý Toà đòi hỏi: Lá đơn của các nạn nhân ở Việt Nam phải có công chứng của tất cả các cấp từ thôn, xã, huyện …. cho đến bộ Ngoại giao Việt Nam, quý vị có biết rằng họ chính là những người không những đã bị Toà án quê hương của họ không thụ lý hồ sơ, mà hơn nữa còn bị đàn áp dã man? Họ đang sống ở đâu? Dưới chế độ chính trị nào?

當法院要求時:越南受害人的請願書必須經過村、公社、區各級的公證,最後才能交給越南外交部,你知道他們不僅被家鄉法院拒絕,還遭到殘酷迫害嗎? 他們居無地定所,這是一種怎麼樣的政治制度?

Giữa Đài Bắc với Trung Hoa lục địa khoảng cách không gian nào có bao xa? Chắc chắn quý Toà biết rõ những gì đang diễn ra bên ấy. Giả sử có một vụ án tương tự xảy ra với các nạn nhân bên ấy, không hiểu quý Toà có thản nhiên đòi các nạn nhân bên đó cũng phải công chứng hồ sơ như đang đòi hỏi các nạn nhân tại Việt Nam hay chăng?

台北與中國大陸的距離非常靠近, 大家肯定很清楚那邊發生的事情。假設類似的案件發生在那邊的受害人身上,不知道台灣法院會不會像要求越南的受害人一樣,冷酷的要求那邊的受害人對文件進行公證?

3- Sứ vụ của các quan toà phải chăng là trả lại công bằng, công lý và sự thật cho các nạn nhân? Vị quan toà công minh chính trực phải chăng là vị quan toà luôn bênh vực những người cô thân, yếu thế và không thể bị mua chuộc bởi tiền bạc hay chức quyền? Chính vì vậy, không phải vô lý khi có người đã coi việc “bó buộc phải xin công chứng” này như một quỷ kế để bắt buộc các nạn nhân phải đầu hàng vô điều kiện. Thật vậy, trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam hôm nay, việc xin công chứng nói trên là điều không thể thực hiện được, vì nếu thực hiện sẽ dẫn đến tù tội, khổ đau, gia đình tan hoang?

Rất mong quí Toà bình tâm suy nghĩ và tìm giải pháp thay thế cho biện pháp bất khả thi này.

法官的使命是還給受害者正義和真相,公平正義的法官是不是會為那些孤獨、弱小,無法用金錢或權力收買的人來彰顯權益呢?如果,有人將這種“強制公證”當作是一種逼迫受害人無條件投降的手段,我覺得也不無道理。事實上,在越南今天的具體情況下,申請公證手續是不可能的,因為如果做了,會導致入獄、受苦、家破人亡。

我們希望法院能夠好好思考並找到替代方案,並接受受害者的請求。

4- Thay mặt cho gần 8000 nạn nhân, xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ quảng đại của các Thẩm phán, luật sư, phóng viên và tất cả người dân Đài Loan đã tận tâm ủng hộ vụ kiện chống lại thảm hoạ môi trường do Công ty Formosa gây nên tại Hà Tĩnh Việt Nam vào năm 2016.

我代表近8000名受害人,衷心感謝法官、律師、記者和全體台灣人民對2016年台塑公司在越南河靜造成的環境災難案件的關心與支持。

Chúng tôi đặc biệt tri ân sự hỗ trợ tận tình của Linh mục Nguyễn Văn Hùng và Văn phòng Trợ giúp Công nhân, Di dân Việt Nam tại Tân Trúc luôn can đảm đồng hành và tận tình hỗ trợ vụ kiện này.

我們特別感謝阮神父和新竹教區越南移工移民辦公室的熱忱支持。

Chân thành tri ân Hội Công lý cho các Nạn nhân Formosa dòng dã trong suốt mấy năm vừa qua đã ngược xuôi vất vả đấu tranh vì Công lý và quyền lợi cho các nạn nhân của thảm hoạ Formosa. Chúng tôi không thể quên sự hỗ trợ pháp lý rất tích cực của hai Tổ hợp Luật sư tại Đài Loan đã tận tình đồng hành với chúng tôi suốt mấy năm vừa qua.

衷心感謝扶助鄉鄉災民協會,多年來一直努力為台塑河靜污染的受害者爭取正義和權利。

Chúng tôi rất cảm động và rất biết ơn 7 Nghị sĩ thuộc lưỡng Đảng trong Quốc Hội Hoa Kỳ và 3 Dân biểu Đài Loan đã gửi Văn thư ủng hộ các nạn nhân của thảm hoạ Formosa.

非常感動和感謝寄信的美國國會兩黨7位議員。

Chúng tôi cũng rất ước mong nhận được những lá thư ủng hộ đến từ các Nghị Sĩ, các vị Thẩm Phận, quý Giáo sư, Luật sư cũng như tất cả những người đang tranh đấu cho công lý, công bằng, bảo vệ môi trường sinh thái tại Quốc đảo thân yêu và xinh đẹp này.

我們也期待收到參議員、教區、教授、律師以及所有為了正義、公平、環境保護而奮鬥的人們的支持信。這個可愛美麗的島國的生態學校。

Chúng tôi cầu chúc chương trình của Tổng thống Thái Vân Anh về một Đài Loan Hoà bình, Dân Chủ, Tự do, Phát triển, Thân thiện với Môi trường Sinh thái sớm thực hiện. Tôi nghĩ rằng đó không chỉ là vinh dự của quý vị mà còn niềm vui và hãnh diện của tất cả người Đông Nam Á chúng ta.

希望蔡英文總統提出的和平、民主、自由、發展、環保的台灣理想早日實施。我想這不僅是你們的榮耀,也是我們所有東南亞人的喜悅和驕傲。

感謝您一直以來對我們的支持。

衷心感謝各位朋友。

Xin ơn trên luôn phù trợ chúng ta.

Ngồn FB: Linh Mục Nguyễn Văn Hùng

Nguồn: FB Lê Quốc Quân
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ba Vua trong Matt 2:1-12
Nguyễn Trung Tây
17:27 11/12/2022
Nguyễn Trung Tây
Ba Vua trong Matt 2:1-12

Ba Vua là ba khuôn mặt không thể thiếu vắng trong mùa Giáng Sinh. Nhắc đến Giáng Sinh là nhắc đến Ba Vua. Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Chúa Nhật Hiển Linh cũng là Chúa Nhật “của” Ba Vua. Bài Phúc Âm hôm đó chính là bài Tin Mừng Matt 2:1-12. Nhưng người Kitô hữu nói chung rất mù mờ về thân thế của Ba Vua. Nếu đặt câu hỏi, “Ba Vua tên gì?” không ít tín hữu Kitô, đặc biệt là tín hữu Việt Nam, sẽ lúng túng và ngập ngừng trước câu hỏi vừa được nêu.

Bài tham khảo “Ba Vua trong Matt 2:1-12” trình bày về Ba Vua, nghề nghiệp, nhân dáng, và tên gọi của họ. Dựa vào bối cảnh xã hội của Ba Vua, tác giả cũng đề nghị một danh xưng cho Ba Vua trong bản Kinh Thánh tiếng Việt.

I. Ba Vua

Trong bản tiếng “phổ thông Hy Lạp,” theo như thánh sử Mátthêu, khi “Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, xứ Giuđê, trong đời vua Hêrôđê, mágòi (μάγoi) từ phương Đông tìm đến Giêrusalem. Các ông hỏi,

— Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người ở phương Đông, và chúng tôi đến để triều bái Người” (Mátthêu 2:1).

Trong tiếng cổ Hy Lạp mágòi (μάγoi) không có nghĩa là vua. Mágòi là danh từ số nhiều của mágọs (μάγos), một danh từ giống đực. Mágói, theo như Raymond Brown, là một thuật ngữ bao gồm nhiều nghĩa: chiêm tinh gia, giải mộng gia, phù thủy (pháp sư), và thầy tư tế của tôn giáo vùng Trung Đông.

A. Chiêm Tinh Gia

Mágòi là những nhà chiêm tinh gia bởi vì họ có kiến thức về thiên văn học. Căn cứ vào những dữ kiện thâu thập được từ vòng quay quỹ đạo, tốc độ vận hành, và năng lượng ánh sáng của những vị tinh tú, những nhà mágòi có khả năng tiên đoán được những biến cố sẽ xảy đến trên hành tinh trái đất. Và, tương tự như người phương Đông, người Trung Đông tin rằng khi một hài nhi chào đời, trên trời một ngôi sao mới cũng sẽ xuất hiện. Nếu hài nhi là con vua hoặc một đấng minh quân, ngôi sao bản mệnh này sẽ chiếu sáng rực rỡ trên vòm trời. Bởi thế, khi Đức Giêsu hạ sinh tại thành phố Bêlem, ngôi sao bản mệnh của ngài đã xuất hiện trên bầu trời. Từ phương Đông của Palestine, những nhà chiêm tinh gia đã nhìn thấy ngôi sao lạ. Dựa vào khả năng thiên văn học của mình, những nhà chiêm tinh gia phương Đông biết rằng ngôi sao mới xuất hiện chính là ngôi sao bản mệnh của một vị hoàng tử Do Thái. Bởi thế các ông lên đường đi thẳng tới kinh thành Giêrusalem để triều bái Ngài.

Rất tiếc, Đức Giêsu lại không hạ sinh ở kinh đô Giêrusalem, nhưng tại thôn Bêlem. Cho nên các nhà chiêm tinh gia đặt chân tới kinh thành Giêrusalem. Ở đó, họ hỏi thăm tin tức về vị Đông cung Thái Tử,

— Vua người Do Thái mới sinh ra, hiện bây giờ đang ở đâu?

B. Giải Mộng Gia

Ngoài khả năng thiên văn nhìn trời ngắm sao, những nhà mágòi còn có khả năng giải đoán những giấc mơ. Nếu những ông mágòi của thánh sử Mátthêu sống trong ngày hôm nay, người ta có thể dừng chân ghé vào tịnh thất của họ, nhờ những nhà mágòi diễn giải ý nghĩa của giấc mơ cho chúng ta. Bởi thế, theo như sử gia Philô, trước khi hài nhi Môisen chào đời, vua Pharao đã triệu tập những nhà mágòi người Ai Cập vào cung điện. Nhà vua hỏi họ ý nghĩa của một giấc mơ khiến hoàng đế Ai Cập băn khoăn trằn trọc. Lắng tai nghe vua Pharao kể lại chi tiết của cơn mơ, những nhà mágòi tiên đoán rằng một trẻ sơ sinh của người nô lệ Do Thái sẽ chào đời. Hài nhi này có khả năng thách đố vương quyền của hoàng đế Kim Tự Tháp. Bởi sau khi lớn lên, người này sẽ lãnh đạo dân Do Thái đòi lại quyền tự do. Nhận được hung tin, hoàng đế Ai Cập quyết định ra tay hành động. Ông ký một sắc chỉ ra lệnh giết chết tất cả những nam hài nhi sơ sinh của người Do Thái.

C. Phù Thủy

Ngoài tài giải đoán mộng mị, mágòi cũng còn là những nhà phù thủy. Họ có khả năng pháp thuật, đọc thần chú biến gậy gỗ thành rắn độc, biến nước hóa ra máu đỏ. Bởi thế, một lần kia cũng trong cung điện hoàng gia vua Ai Cập, Thiên Chúa ra lệnh cho Aaron, anh của Môisen, làm phép lạ biến cây gậy của Aaron hóa thành một con rắn khổng lồ trườn bò trước mặt vua Pharao và bá quan văn võ Ai Cập. Trước phép thuật của Aaron, vua Pharao cũng triệu hồi những nhà mágòi người Ai Cập tới trước sân rồng. Theo lệnh của vua Pharao, những nhà mágòi Ai Cập cũng quẳng cây gậy của họ xuống đất. Ngay lập tức những cây gậy của những ông mágòi đất Kim Tự Tháp cũng hóa thành những con rắn (Xuất Hành 7:10-12).

Trên con đường dài tiến về vùng Đất Hứa, dân du mục Do Thái đã giáp mặt với một ông phù thủy mágọs lạ nhất trên trần đời. Nhận được tin tức tình báo là đoàn quân du mục Do Thái đang mấp mé ở đường biên giới, vua Balắc của người Môáp mất ngủ. Ông e ngại cho sự tồn vong của vương quốc một khi chạm trán với đoàn dân có Chúa Thiên binh đi cùng. Sau nhiều đêm trằn trọc, cuối cùng ông nghĩ ra một kế sách. Vua Balắc đích thân triệu mời phù thủy mágọs Bálàam từ phương đông tới cung điện hoàng gia. Với hy vọng chận đứng được vó ngựa của dân Do Thái, vua Balắc nhờ ông mágọs Bálàam chúc dữ Môisen và dân riêng của Thiên Chúa. Nhưng, trước khi ông phù thủy có dịp mở miệng chúc dữ kẻ thù, Thần Khí của Thiên Chúa ngự xuống trên ông mágọs Bálàam. Bởi thế, thay vì chúc dữ, Bálàam lại mở miệng chúc lành dân Do Thái, không phải chỉ một lần, mà là tới ba lần (Dân Số 22—24).

Những nhà mágòi phù thủy không chỉ xuất hiện trong dòng lịch sử Cựu Ước. Lần giở những trang sách của Tân Ước, ngoài câu chuyện Ba Vua của thánh sử Mátthêu, độc giả Kinh Thánh cũng sẽ nhận ra hình dạng của hai ông mágòi khác trong Tông Đồ Công Vụ (8: 13). Theo như Tông Đồ Công Vụ 8, sau khi thánh Phêrô và Gioan đặt tay lên trên đầu của những người tân tòng người Samaria, Chúa Thánh Linh từ trời cao ngự xuống những người tân tòng. Thấy chuyện lạ lùng như vậy, ông tân tòng phù thủy mágọs Simon nổi máu tham—và có lẽ cũng bởi tại méo mó nghề nghiệp muốn học thêm pháp thuật. Ông mágọs Simon chìa tiền ra mua chuộc chức thánh với thánh Phêrô. Trước lời yêu cầu sặc mùi tiền của phù thủy Simon, ngư phủ Biển Hồ Phêrô nổi giận chúc dữ ông tân tòng mágọs (Tông Đồ Công Vụ 8:9-27).

Mágọs Êlima người Do Thái trên đảo Sairus trong chương 13 thì không gặp may mắn như ông bạn đồng nghiệp mágọs Simon người Samaria trong chương 8. Biết rằng Quan Thống Đốc đảo Sairus muốn gặp mặt tông đồ Phaolô và Barnabas để lắng Lời của Thiên Chúa, mágọs Êlima tìm đủ mọi cách ngăn cản Quan Thống Đốc. Bởi ông phù thủy e ngại rồi đây địa vị pháp sư và quyền lợi của ông sẽ lung lay một khi Quan Thống Đốc gia nhập Kitô giáo. Biết rõ âm mưu của ông mágọs Êlima và cũng bởi vốn nóng tính như Trương Phi, Phaolô nổi giận. Tông đồ dân ngoại mở miệng chúc dữ ông mágọs Êlima của Quan Thống Đốc. Thế là mágọs Êlima hóa thành người mù (Tông Đồ Công Vụ 13:4-12).

D. Tư Tế

Ngoài pháp thuật, mágòi cũng là những nhà lãnh đạo tôn giáo. Tương tự như những thầy tư tế Lêvi Do Thái, Linh mục Công Giáo, Đạo sĩ Lão giáo, Mágòi là những người đại diện dân chúng để cử hành nghi thức tôn giáo. Thí dụ, lập trai đàn cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ông tư tế Imhotev trong phim “Mummy” và “Mummy Returns” chính là một ông mágọs. Bởi sức mạnh của tình yêu, thầy magọs Imhotev đã làm nhiều pháp thuật với hy vọng hồi sinh lại mạng sống cho người tình Anck Su Namun.

Bởi họ thuộc về đẳng cấp giáo sĩ trong xã hội, mágòi được hưởng rất nhiều đặc quyền đặc lợi chỉ dành riêng cho giới mágòi. Thông thường, mágòi sống trong cung điện hoàng gia kề cận vua chúa hoàng hậu. Thí dụ, ông mágọs Êlima của Quan Thống Đốc đảo Sairus trong Tông Đồ Công Vụ (13:7), hay là bà mágọs trong bộ phim “Nữ Hoàng Ai Cập Cleopatra” do tài tử Elizabeth Taylor thủ vai nữ hoàng được trình chiếu lần đầu vào năm 1963. Bà mágọs này xuất hiện ít nhất hai lần trong bộ phim Cleopatra. Lần thứ nhất, bà báo cho nữ hoàng Ai Cập Cleopatra biết nữ hoàng sẽ hạ sinh một người con trai. Lần thứ hai, bà phù thủy mágọs báo cho nữ hoàng biết tin hoàng đế Cêsar sẽ bị ám sát. Bà magọs này sống trong cung điện của nữ hoàng Ai Cập. Khi nữ hoàng viễn du sang kinh thành Rôma diện kiến hoàng đế Cêsar, bà mágọs đi theo thuyền rồng viễn du vượt Địa Trung Hải tới kinh đô La Mã.

E. Mágòi Trong Tiếng Việt

Bởi sự khác biệt quá lớn giữa hai nền văn hóa, thật sự ra, không dễ để dịch danh ngữ mágòi của văn hóa Trung Đông sang văn hóa Việt Nam. Đương nhiên không thần học gia Việt Nam nào dịch danh từ mágòi của thánh sử Mátthêu là phù thủy hoặc là pháp sư, nhưng Linh mục Nguyễn Thế Thuấn và một số bản văn Phụng Vụ dịch mágòi là những đạo sĩ. Có nơi dịch là những chiêm tinh gia. Nơi khác dịch là những nhà thông thái.

Như đã được trình bày ở trên, thật sự ra:

— Mágòi cũng không chỉ thuần túy là chiêm tinh gia, bởi chiêm tinh gia trong văn hóa Việt Nam không bao hàm ý nghĩa của những thầy tư tế.

— Mágòi cũng không chỉ là những nhà thông thái.

Mà đúng ra mágòi vừa là đạo sĩ, vừa là chiêm tinh gia, vừa là những nhà thông thái, vừa là giải mộng gia, và là những thầy tư tế.

— Mágòi là những nhà đạo sĩ, vì họ có thể làm phép thuật biến cây gậy thành rắn khổng lồ như đã được trình bày trong sách Xuất Hành.

— Mágòi là những chiêm tinh gia và nhà thông thái, bởi kiến thức rộng rãi về thiên văn học, thí dụ, câu chuyện “Ba Vua.”

— Mágòi là những giải mộng gia, bởi họ có khả năng giải thích được những giấc mơ như đã được trình bày và nhắc đến trong cuốn Tiểu sử Môisen của sử gia Philô.

— Mágòi cũng là tư tế, bởi họ đại diện cho vua chúa cử hành những nghi thức phụng vụ tôn giáo.

Như đã nhắc ở trên, Raymond Brown, trong cuốn “The Birth of the Messiah,” khẳng định mágòi là một thuật ngữ bao trùm tất cả những danh xưng vừa được liệt kê. Bởi thế, bản dịch Kinh Thánh của New American Bible, sử dụng từ “magi,” một danh từ Latin số nhiều của danh từ số ít “magus” cho thuật ngữ nguyên thủy μάγoi/mágòi. Cũng xin lưu ý, “magus” tiếng Latin bắt nguồn từ thuật ngữ μάγos/mágọs.

Dựa vào những trình bày và phân tích ở trên về thuật ngữ mágòi, người ta nhận ra mágòi là những người thuộc về một đẳng cấp của một bối cảnh xã hội văn hóa vùng Trung Đông. Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, không có danh từ nào tương đương với danh từ mágòi. Đạo sĩ hay tu sĩ là những danh từ có thể bao gồm một phần nào đó những nét đặc thù của đẳng cấp mágòi. Bởi vậy, mágòi có thể được hiểu là những đạo sĩ hay tu sĩ tôn giáo của vùng Trung Đông thời cổ. Nói cho ngắn gọn, mágòi có thể được dịch là những Tu sĩ Trung Đông hoặc những Đạo sĩ Trung Đông trong bản Kinh Thánh tiếng Việt.

II. Ba Vua, Ba Tên Tuổi, Ba Nhân Dáng

Mágòi không phải là vua. Nhưng rất nhiều người Kitô hữu vẫn quen miệng gọi họ là Ba Vua.

A. Thánh Vịnh 72

Một trong những nguyên nhân chính đã góp phần vào hiện tượng hoàng gia hóa Ba Vua có lẽ đã bắt nguồn từ Thánh vịnh 72:10-11.

Từ Tásis và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống,
Cả những vua Ả Rập, Xơva.
Cũng đều tới thờ lạy, tiến dâng lễ vật.
Mọi quân vương phủ phục trước ngai rồng.


Nếu phân tích và so sánh hai câu chuyện (Mágòi trong Matt 2:1-12 và Thánh Vịnh 72:10-11), độc giả Kinh Thánh sẽ nhận ra hai câu chuyện này có rất nhiều nét tương đồng. Theo như Thánh Vịnh 72:10-11, từ phương xa, vua của các sắc dân sẽ lên đường hành hương về vùng đất thánh để thờ lạy và tiến dâng lễ vật lên Thiên Chúa. Trong trường hợp của những ông mágòi, từ phương Đông, các ngài cũng đã lần tìm đi theo dấu sao. Các ngài sau cùng dừng chân tại kinh thành Giêrusalem dò hỏi tông tích của Tiểu Hoàng Đế Giêsu. Khi kiếm ra được Con Một Thiên Chúa trong hình dạng trẻ thơ, các nhà mágòi Trung Đông đã bái phục thờ lạy Hài nhi Đông Cung Thái Tử. Sau cùng, họ dâng lên Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương, và mộc dược.

B. Bao Nhiêu Mágòi?

Theo như thánh sử Mátthêu, “Khi Đức Giêsu sinh ra tại thôn làng Bêlem, tại Giuđêa, trong thời Vua Hêrôđê, những nhà tu sĩ Trung Đông lần tìm đến kinh thành Giêrusalem” (2:1). Nguyên thủy trong câu văn vừa được trích dẫn, tác giả Mátthêu không nhắc nhở tới con số thành viên của phái đoàn phương Đông. Nhưng, đến ngày hôm nay, con số 3 vẫn là con số phần lớn tín hữu Kitô giáo trên thế giới quen thuộc.

Thánh sử Mátthêu không nhắc nhở đến con số mágòi đã ghé vào kinh thành Giêrusalem năm xưa. Nhưng, trong phần cuối của câu chuyện, theo như ngài, những ông mágòi đã tiến dâng lên vị Tiểu Hoàng Đế ba lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Dựa theo con số ba, tổng số của những lễ vật đã được dâng tiến này, có lẽ Giáo hội thời sơ khai đã làm một con toán cộng đơn giản. Đó là: 1 vàng + 1 nhũ hương + 1 mộc dược = 3 người. Bởi thế, Giáo hội thời tiên khởi kết luận rằng đã có Ba Vua từ phương Đông lên đường tìm kiếm Hài Nhi Thánh.

Nhưng con số 3 thật sự ra không phải là một con số duy nhất xuất hiện trong trong truyền thống Giáng Sinh. Chỉ có 2 vua đã xuất hiện trong những bức tranh tại hầm mộ Sts. Peter và Marcellinus. Nhưng lại có tới những 4 vua đã xuất hiện trong một bức tranh tại hầm mộ St. Domitilla. Và có tới những 12 vua đã được nhắc tới, với đầy đủ tên tuổi theo như truyền thống của Giáo hội Đông Phương.

C. Nhân Dáng Mágòi

Chuyện “Ba Vua” không chỉ tạm dừng tại nơi này. Theo như truyền thống của Giáo hội Tây Phương cũng là một truyền thống phổ thông được nhiều người biết đến, tên của Ba Vua là: Melchior, Gaspar, và Balthasar. Vua Melchior cao niên, râu tóc bạc trắng như cước. Vua Melchior tiến dâng vàng lên Tiểu Hoàng Đế Giêsu. Ngược lại với Vua Melchior, Vua Gaspar là một thanh niên còn trẻ, người to lớn, dáng vạm vỡ. Vua Gaspar đã tiến dâng lên Hài Nhi Thánh lễ vật nhũ hương. Vị vua sau cùng là Balthasar, hoàng đế gốc Phi Châu. Vua Balthasar đã tiến dâng lễ vật mộc dược lên Hài Nhi Thánh.

Ngược lại với truyền thống Tây Phương, theo như Giáo hội Đông Phương, tên của Ba Vua là: Hormizdah, vua của xứ Persia, Yazdegerd, vua xứ Saba, và Perosadh, vua của xứ Sheba. Theo như Giáo hội Ethiopia, tên của Ba Vua là Hor, vua xứ Persia, Basanater, vua xứ Saba, và vua Karsudan của Đông phương.

Sau khi đánh chiếm Palestine vào năm 614, binh sĩ Ba Tư đã phá hủy tất cả các nhà thờ Kitô giáo, ngoại trừ nhà thờ Giáng Sinh tại phố Bêlem. Bởi họ nhận ra bức hình điêu khắc Ba Vua của nhà thờ Giáng Sinh trong y phục của những thầy tư tế Ba Tư. Theo như truyền thống của Giáo hội Rôma, thánh tích Ba Vua đang an nghỉ tại nhà thờ Cologne, Đức. Khi ghé vào kính viếng nhà thờ Cologne, độc giả Kinh Thánh sẽ nhận ra áo quan của Ba Vua đặt ngay phía sau bàn thờ của nhà thờ Coglone.

III. Niềm Tin Dẫn Đường

Ba Vua nổi bật với niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải tới các ngài ngay tại quê nhà Trung Đông. Khi nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa qua ánh sao lạ, các ngài lên đường dõi tìm tông tích vị vua Do Thái mới hạ sinh. Có những lúc các ngài lạc đường, bối rối, và bỡ ngỡ trên con đường hành hương. Nhưng các ngài không hề ngã lòng. Khi lạc đường, họ gõ cửa, tìm kiếm tông tích của vị vua mới sinh. Cuối cùng, đúng như họ đã từng hy vọng, ngôi sao lạ tái xuất hiện trên bầu trời. Ngôi sao chỉ đường dẫn lối các ngài đi thẳng tới ngôi nhà của Thánh gia để diện kiến Hài Nhi Thánh.

Ngày nay trên con đường hành hương về Nước Trời, ai trong chúng ta chẳng có những giây phút bị lạc lối. Vào những giây phút thất vọng và chập chờn với ngọn nến niềm tin, mời người tín hữu dõi mắt tìm kiếm nguồn trợ lực. Ngôi sao lạ đã xuất hiện trên bầu trời soi đường dẫn lối cho những nhà mágòi năm xưa. Tương tự như vậy, nếu chúng ta cầu xin, Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện. Từ trong cõi chết đầy dẫy đêm đen bóng tối, Ngài sẽ gửi ngôi sao lạ tới hướng dẫn chúng ta tới ngôi nhà ở thôn Bêlem. Nơi đó Hài Nhi Thánh đang chờ đợi giây phút để diện kiến những người có một thời đã lạc lối trên con đường hành hương.□

(Trích Nguyễn Trung Tây, 13 Suy Tư Thần Học Kinh Thánh và Truyền Giáo xuất bản năm 2023).
 
Văn Hóa
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, Chương mười một, tiếp
Vu Van An
19:39 11/12/2022

Trật tự Bí tích

1. Trật tự bí tích hoàn toàn thuộc về tính nguyên nhân dụng cụ. Chỉ một mình Thiên Chúa mới là nguyên nhân gây ra hiệu lực của các lời Bí tích, trong tư cách tác nhân chính sử dụng chúng như dụng cụ{16}. Đó là lý do tại sao một Bí tích thực sự có hiệu lực bởi một thừa tác viên xấu về mặt đạo đức cũng như bởi một thừa tác viên tốt về mặt này, và bởi một thừa tác viên đãng trí cũng như bởi một thừa tác viên chú ý; tôi sẽ trở lại điểm vừa rồi trong giây lát.

Tuy nhiên, điều trên chưa nói hết sự việc. Thực vậy, tôi nghĩ rằng khi xem xét việc chỉ một mình Thiên Chúa như tác nhân chính mới làm cho bí tích thành hiệu, ta nên thêm một xem xét khác về thừa tác viên như chủ thể nhân bản được thúc đẩy như một dụng cụ khi họ đọc các lời bí tích: đến nỗi chúng ta phải phân biệt giữa tính dụng cụ, đối với một mình Thiên Chúa, của các lời bí tích và hành động nhân bản tạo ra chúng bao lâu hành động này lấy chúng làm thuật ngữ [terme], và tính dụng cụ, đối với Thiên Chúa và ngôi vị của Giáo hội, của người mà từ họ, các lời kia đã phát xuất, và của hành động mà nhờ đó họ tạo ra chúng bao lâu nó phát xuất từ chủ quan tính của họ.

Trong việc xem xét thứ hai này, tôi xin nói rằng chủ thể con người (và hành động của họ bao lâu nó phát xuất từ họ trong tư cách chủ thể) đồng thời là dụng cụ của Thiên Chúa và là dụng cụ của ngôi vị Giáo hội. Quả thực, cần phải nhận xét rằng nếu ngôi vị của Giáo hội phục vụ như một dụng cụ {17} cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô, thì, theo nghĩa tôi vừa nói, Giáo Hội, theo trật tự riêng của các tạo vật đơn thuần, đồng thời vẫn có thể là tác nhân chính thứ hai, sử dụng như công cụ chi thể này hay chi thể nọ, đặc biệt thừa tác viên này hay thừa tác viên nọ của mình.

Tính nguyên nhân của ngôi vị Giáo hội này hoàn toàn không can thiệp chi vào tính thành hiệu của các lời bí tích (chỉ tùy thuộc vào Thiên Chúa). Nhưng làm thế nào ngôi vị của Giáo hội, trong trật tự tạo vật, lại không phải là tác nhân chính, sử dụng linh mục như dụng cụ (và hành động của ngài bao lâu nó phát xuất từ ngài trong tư cách chủ thể), nếu quả linh mục thực hiện Bí tích hành động in persona totius Ecclesiae, nhân danh ngôi vị của toàn thể Giáo Hội?

Tại sao một Bí tích thực sự thành hiệu bởi một linh mục đãng trí cũng như bởi một linh mục chăm chú? Bởi vì, theo Thánh Tôma {18}, linh mục quả là một dụng cụ được thúc đẩy, và tự chuyển động cách nào đó, nhưng điều cần thiết là trong ngài phải có ý định "làm điều Chúa Kitô và Giáo hội làm". Nhưng giả dụ ý định này không có trong tâm trí của linh mục, hoặc một sự đãng trí làm ngài không chú ý đến nó, thì ý định buộc phải có vẫn có ở đó, quia minister sacramenti agit in persona totius Ecclesiae, bởi vì thừa tác viên của Bí tích hành động nhân danh ngôi vị của toàn thể Giáo hội. Những lối nói như agit in persona totius Ecclesiae hay ex parte totius Ecclesiae {19} chỉ có ý nghĩa có thể chấp nhận được nếu người ta hiểu rằng ngôi vị của Giáo hội lúc đó là tác nhân chính thứ hai {20}. Điều cần thiết là ý định của Giáo hội phải thực sự ở đó, và thực sự hoạt động. Chính ý định của ngôi vị Giáo hội, qua tư cách dụng cụ của linh mục, đã lên mô thức và sinh động hóa hành động của linh mục.

Điều này có nghĩa gì, nếu không phải là khi linh mục thực hành Bí tích, hành động của ngài, bao lâu lấy các lời bí tích làm thuật ngữ, chắc chắn là dụng cụ của một mình Thiên Chúa; nhưng cũng chính hành động này, xét như phát xuất từ quyết định của chủ thể nhân bản, đồng thời là dụng cụ của Thiên Chúa và là dụng cụ của Giáo hội, một ngôi vị, cũng được Thiên Chúa và Chúa Kitô thúc đẩy, đã thúc đẩy chủ thể con người này là linh mục hành động, qua một thúc đẩy có tính dụng cụ, hay nói cách khác Giáo Hội hành động qua tư cách dụng cụ của linh mục? Chính ngôi vị của Giáo hội nói qua vị linh mục, khi vị linh mục, dù đãng trí hoặc xấu xa về mặt đạo đức, thốt ra những lời bí tích.

Tôi biết tôi rất liều lĩnh khi đề xuất như thế một giải thích bổ sung cho luận thuyết cổ điển về các Bí tích. Nhưng vì tôi đã tiến hành viết cuốn sách này, nên điều cần thiết là tôi không bỏ sót gì trong những điều đối với tôi xem ra thiết yếu{21}.

2. Do đó, cần phải nói rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới là tác nhân chính thực hiện bí tích, bằng cách tạo ra tính thành hiệu của các lời bí tích do vị linh mục xướng lên. Nhưng chúng ta không nên do dự nói thêm rằng ngôi vị Giáo Hội, trong trật tự tạo vật, là tác nhân chính (thứ hai) khác cũng dùng như dụng cụ thừa tác viên bí tích trong lúc chủ thể nhân bản này, bất chấp đãng trí hay không chú ý, xướng lên những lời chỉ một mình Thiên Chúa làm cho thành hiệu.

Khi một linh mục hay một giáo dân ban phép rửa cho một người nào, chính ngôi vị của toàn thể Giáo Hội ban phép rửa cho họ qua tư cách dụng cụ của vị linh mục này hay người giáo dân này. Khi một linh mục ban phép tha tội cho một hối nhân, chính ngôi vị của Giáo Hội ban cho họ phép tha tội qua tư cách dụng cụ của vị linh mục này. Cũng một điều này xẩy ra với mọi bí tích khác.

Và khi một linh mục dâng hy tế thánh lễ, chính ngôi vị của Giáo Hội dâng hy tế thánh lễ này qua tư cách dụng cụ của vị linh mục này. Ở đây, tôi tự nhắc nhớ rằng ngôi vị của Giáo Hội là ngôi vị duy nhất và y như nhau trong trạng thái vinh quang và trong trạng thái lữ hành trên trái đất: chính Giáo Hội trên trái đất dâng hy tế thánh lễ; nhưng vì Giáo Hội cùng là một ngôi vị y như thế ở trên trời và dưới thế, nên ta có thể nói rằng nhờ Giáo Hội dưới thế và tư cách dụng cụ của linh mục Giáo Hội này, mà Giáo Hội ở trên trời cũng dâng cùng hy tế này, “được dâng trên bàn thờ Thiên Chúa toàn năng bởi bàn tay thiên thần của Người”, per manus sancti Angeli tui {22}. Vì cũng chính, và trước hết, chính Chúa Kitô dâng hy tế này qua tư cách dụng cụ của vị linh mục và của Giáo Hội.

Trật tự tài phán và huấn quyền

1.Ngược với trật tự bí tích, trật tự tài phán và huấn quyền, qua đó, nhân viên của Giáo Hội quản trị, thi hành sứ mệnh mục vụ của mình đối với dân Thiên Chúa và giảng dậy họ, nói chung đã đóng một vai trò khá lớn vào tư cách nguyên nhân chính của các thừa tác viên của Giáo Hội. Nhưng như tôi đã vừa chỉ ra, tư cách nguyên nhân dụng cụ cũng đóng vai trò của nó ở đây: vì rất thường diễn ra việc các đầy tớ vĩ đại của Giáo Hội, hữu danh hay vô danh, vốn lên tiếng và hành động suốt trong nhiều thời đại như dụng cụ của Chúa Thánh Thần, và của ngôi vị Giáo Hội như tác nhân chính thứ hai. Vậy nên, tôi cũng ghi chú rằng tư cách nguyên nhân dụng cụ (do đó vô ngộ) và tư cách nguyên nhân chính (do đó có thể sai lầm) hoà lẫn với nhau.

Chính đó là điều đã diễn ra, chẳng hạn, với các thánh tiến sĩ, các thánh giảng thuyết, các thánh truyền giáo. Và đối với tôi, xem ra nó đã diễn ra, trước hết, với các giáo phụ; khi đọc các ngài, người ta tự cảm thấy rất nhiều khoảnh khắc được hưng phấn bởi một luồng khí thần linh, phát xuất từ Chúa Thánh Thần và thông qua ngôi vị của Giáo Hội; trong khi trong những khoảnh khắc khác, người ta chỉ gặp các bóng ma của Platông hay của Plotin trong các trước tác này, hay các bóng ma bất tất của các thời đại những người này sống, với những lo toan bút chiến và rủi ro tranh đấu mà chúng mang theo.

2. Nhưng khi nói đến huấn quyền thông thường của Giáo Hội, lúc đó, nếu tư cách nguyên nhân chính duy trì phần của nó trong những điều liên quan tới cách phân phối giáo huấn, hạ thấp từ từ để tới được dân Kitô giáo hic et nunc [ở đây và lúc này], nó hoàn toàn phụ thuộc vào tư cách nguyên nhân dụng cụ với tính vô ngộ của nó, là tư cách duy nhất hoạt động trong việc giảng dạy các chân lý đức tin đã ban bố một cách phổ quát suốt trong nhiều thế kỷ bởi hợp đoàn Giám Mục, nói cách khác, trong “huấn quyền thông thường của toàn thể Giáo Hội rải rác khắp mặt đất {23}”.

Và khi đụng tới huấn quyền ngoại thường, các sắc lệnh công đồng về các vấn đề đức tin và phong hóa và các định tín được các vị Giáo Hoàng đưa ra ex cathedra, thì lúc đó (mặc dù, trong khía cạnh soạn tác, văn phong của các văn kiện công đồng hay Giáo Hoàng không tránh khỏi mang các dấu ấn, khi thì hoa mỹ khi thì hết sức thận trọng, của văn phong giáo hội học thời đó), Đức Giáo Hoàng, lên tiếng ex cathedra hay các Giám Mục được ngài triệu tập trong công đồng, hành động - tôi hiểu một cách chặt chẽ, điều được nhắm tới trong những điều các ngài nói là giáo huấn chính thức cần được ban bố (trong khi các vấn đề bên lề không thuộc tầm nhắm này không phải là chất liệu của đức tin) - các ngài hành động dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần như các tác nhân dụng cụ của ngôi vị Giáo Hội, hiểu theo nghĩa tổng thể (chính ngôi vị này được thúc đẩy bởi Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần), khi ngôi vị này, trong sự hợp nhất có tính yếu tính của nó như Giáo Hội nhìn và Giáo Hội tin, nhưng trước hết như một Giáo Hội nhìn, mở rộng phạm vi vô ngộ của Giáo Hội dưới thế. Như thế, các ngài là tiếng nói của ngôi vị Giáo Hội hiểu theo nghĩa tổng thể nói với con người {24}, và chính tính vô ngộ của Giáo Hội được thông truyền cho các ngài.

Các thông điệp của Đức Giáo Hoàng

1.Một vấn đề đặc biệt, khá khó hiểu nhưng tôi không thể bỏ qua là nói tới các thông điệp của Đức Giáo Hoàng. Đó không phải là các văn kiện vô ngộ; tuy nhiên, chúng có một thẩm quyền đòi trí hiểu của chúng ta phải nhất trí với. Làm thế nào giải thích được việc này? Vì trí hiểu không có khả năng tán thành điều chỉ có tính cách hoàn toàn có tính tôn vinh. Nó chỉ có thể tán thành điều được đề xuất với nó dựa vào thẩm quyền của một lời nói nếu nó biết chắc nhờ thế mà nó nắm được điều đúng trong tay.

Do đó, tôi nghĩ rằng sẽ không đủ nếu nói rằng thông điệp không phải là một văn kiện vô ngộ. Phải nói thêm rằng nó luôn mang lại cho chúng ta tính vô ngộ hay chứa đụng điều đúng một cách vô ngộ. Nói cách khác, tư cách nguyên nhân chính và tư cách nguyên nhân dụng cụ hoà lẫn trong đó. Nếu nó không phải là một văn kiện vô ngộ, thì phần nào đó, người viết nó đã hành động như nguyên nhân chính, liều mình sa vào thế tự đánh lừa mình đến một mức nào đó, dù khôn ngoan đến đâu. Nếu nó đòi tâm trí tôi phải tán thành, thì, cũng phần nào đó, và là phần quan trọng trong yếu tính, chính vì người viết ra nó đã hành động như nguyên nhân dụng cụ của Chúa Thánh Thần và ngôi vị Giáo Hội và do đó không thể tự đánh lừa mình. Tôi dám nói rằng khi Đức Giáo Hoàng soạn thảo một thông điệp, chính ngài trình bầy, giải thích và khai triển, theo cách của ngài, một điều đã được suy gẫm lâu dài về một chủ đề được ánh sáng từ trên cao soi sáng một cách thần linh. Theo nghĩa này, há người ta lại không thể nói rằng một thông điệp tuy không phải là một văn kiện ex cathedra một cách chính thức, nhưng một cách tiềm ẩn quả là một văn kiện ex cathedra hay sao?

Do đó, ước mong sao người ta chăm chú lưu ý tới nội dung chân thực một cách vô ngộ có trong đó: phương thế dùng cho mục đích này chính là việc biện phân những gì thông điệp muốn truyền tải như mục đích tích cực và có ý định thiết yếu là dạy dỗ chúng ta {25}. Tôi không hoài nghi gì về chân lý của điều đó, dù tôi có thể hoài nghi lý lẽ này hay lý lẽ nọ được xem xét, hay mong ước những bổ sung mà việc thiếu chúng làm tôi khó chịu. Và nếu tôi không thể thực hiện việc biện phân đang bàn, luôn vẫn còn với tôi việc nói rằng Đức Giáo Hoàng khôn ngoan hơn tôi đến nỗi điều ngài nói trí hiểu của tôi lãnh nhận như một chất quặng qúy giá mà nó biết là chứa những vỉa vàng hay các chân lý không thể hoài nghi {26}.

2. Có ba cách để tán thành một thông điệp. Cách thứ nhất là cúi lạy nó một cách hoàn toàn tôn kính trong khi vẫn càu nhàu chống lại nó và phán đoán nó như không hợp thời và ít có cơ sở. Để không xúc phạm, tôi thích hãm mình không chọn cách thứ nhất này hơn.

Cách thứ hai là tán thành nó như thể từ đầu đến cuối, nó là một văn kiện vô ngộ. Người đọc một thông điệp như thế là đã cho nhiều hơn điều đòi hỏi nơi họ. Nhưng nếu họ thực hiện nó trong tinh thần đức tin, điều này, đối với họ, có thể là dịp được nhiều ân sủng lớn lao.

Cách thứ ba là cách tôi vừa đề cập, và tôi tin là thông thường. Nó đòi người ta phải làm một cố gắng thuộc trí hiểu (có thể sống đức tin, nếu người ta là một người dốt nát quê mùa, không biết vận dụng trí hiểu hay không?). Nhưng cách thứ ba này không làm cho việc thành công của cố gắng thành điều kiện cho việc tán thành văn kiện Giáo Hoàng.

Sự chính xác cuối cùng về ý niệm nhân sự của Giáo Hội

1.Tôi bắt đầu chương này bằng cách ấn định trong vài giòng điều tôi hiểu thế nào là “nhân sự của Giáo Hội” và ai là những người làm thành phần của nó. Tôi đã kết thúc chương này bằng một vài xem xét liên quan đến những vị mà từ các ngài nhân sự của Giáo Hội nhận được thẩm quyền của mình, suốt trong lịch sử, tuy người ta không thể coi các ngài như thành phần của nhân sự này.

Theo nghĩa tôi hiểu về hạn từ này, phải nói rằng Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục đứng ở đỉnh nhân sự của Giáo Hội, như các tiến sĩ của đức tin và mục tử của đoàn chiên Chúa Kitô: Đức Giáo Hoàng, kế vị Thánh Phêrô; các Giám Mục, kế vị các tông đồ. Do đó, có nên nói Thánh Phêrô và các tông đồ khác cũng là thành phần của nhân sự Giáo Hội hay không? Tôi không dám quả quyết. Nếu Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục làm thành nhân sự cao cấp của Giáo Hội, thì chính vì thẩm quyền của các ngài là thẩm quyền của Thánh Phêrô và các tông đồ khác theo nghĩa thẩm quyền này có thể chuyển giao. Nhưng nơi các tông đồ cũng có một thẩm quyền và một đặc ân tuyệt đối không thể chuyển giao {28}. Các vị là những người được chính Chúa Kitô lựa chọn và thiết lập (có thể là sau Phục sinh, như Thánh Phaolô) hoặc (như Thánh Mátthia và Barnabé) bởi chính hợp đoàn tông đồ, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, để trở thành các nền tảng lịch sử của Giáo Hội Chúa Kitô, các thầy dạy mãi mãi của Giáo Hội và các chuẩn mực đức tin của Giáo Hội, và để, đối với mọi thế kỷ về sau, lời các ngài làm cho dân Thiên Chúa biết chân lý mạc khải đã được Chúa Kitô đem đến sự viên mãn của nó. Ở dưới thế này, các ngài ở nguồn gốc Giáo Hội của Chúa Kitô đã đến, chính qua các ngài, dưới bàn tay toàn năng của Người, Chúa Kitô đã thiết lập Giáo Hội và làm Giáo Hội hiện hữu.

Đồng thời, các ngài được thiết lập trong Giáo Hội như trụ cột mà dây chuyền những người lập thành nhân sự của Giáo Hội bám vào, để diễn tiến mọi thời tiếp nối nhau. Làm thế nào các ngài lại có thể làm cho chính các ngài trở nên thành phần của dây chuyền này được? Là các dụng cụ của Chúa Kitô để làm xuất hiện trong thời gian ngôi vị của Giáo Hội trong hành động hoàn tất, tức Giáo Hội của Chúa Kitô đã đến {29}, làm thế nào các ngài có thể là thành phần của nhân sự vốn giả thiết đã được thành lập và đang theo đuổi sự kéo dài của nó, và giống như nó, trong một số trường hợp nhất định nào đó, vốn là các tác nhân dụng cụ của nó? Các ngài chỉ là dụng cụ của một mình Chúa Kitô mà thôi.

Các ngài đã phục vụ Giáo Hội dưới mặt đất nhiều hơn và tốt hơn bất cứ ai dưới thế này: nhưng trong tư cách các bậc thầy của Giáo hội để suy nghĩ mãi mãi, bạn đồng hành ở dưới thế này, nếu tôi có thể nói như thế, của Chúa Kitô phục sinh, và là dụng cụ của Người trong công trình xây nền cho Giáo Hội Người.

2. Vậy, như tôi đã viết ở đầu chương này, nếu “các đầy tớ có tước vị của Giáo Hội, đặc biệt những người từ cao đến thấp của phẩm trật được trao thẩm quyền trên dân Thiên Chúa” tạo thành nhân sự của Giáo Hội, chính là vì họ xuất hiện sau thời đại lửa (âge de feu) tức thời đại xây nền Giáo Hội. Nơi những con người mà chức năng và thẩm quyền chỉ được trao ban để bảo tồn Giáo Hội trong hiện hữu và sự trường tồn của Giáo Hội trong thời gian, phần nguyên nhân chính, với khả năng có thể sai lầm, nhanh chóng trở nên lớn hơn nhiều so với những đại vĩ nhân về sự thánh thiện bị thúc ép bởi các đặc sủng ‘phải-làm-cho-xuất-hiện-trong-hữu-thể [charismes du fair-surgir-dans-l’être]’. Còn về phần tư cách nguyên nhân dụng cụ, nó không còn đốt cháy mỗi vị bằng ngọn lửa anh hùng như các tông đồ trong công trình xây nền, cho bằng từ nay các ngài là dụng cụ của Chúa Kitô và của Giáo Hội; vì lý do yếu đuối và tầm thường của con người, đôi khi các ngài đánh mất ơn linh hứng của Thiên Chúa: do đó điều cần là, trong một số trường hợp nhất định, các ngài cũng phải là dụng cụ của ngôi vị Giáo Hội đang hoàn tất ở dưới thế này công trình của Thiên Chúa.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục không được chính Chúa Kitô chọn và chỉ định hay do đoàn tông đồ của Người chọn lựa, nhưng được lựa chọn bởi những con người mà đối với họ rất có thể xẩy ra việc, khi chiều theo các thương tích của bản tính ta hay các hoàn cảnh lịch sử, họ tự đánh mất ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, đến mức Thiên Chúa cho phép, bất luận trong trường hợp chính cộng đoàn Kitô giáo chỉ định các thủ lãnh của mình, như đã diễn ra thời sơ khai, hay như thời nay, các Hồng Y bầu Giáo Hoàng, hay Đức Giáo Hoàng cử nhiệm các Giám Mục. Về phần ngôi vị của Giáo Hội, ngôi vị này ban cho các thành viên của nhân sự mình, qua bí tích truyền chức thánh, một thẩm quyền phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng không phải ngôi vị này chỉ định và chọn lựa các ngài, các ngài được chọn và chỉ định bởi các thành viên khác của nhân sự Giáo Hội. Chuyện không thể tránh được và rất thông thường là nhân sự này tự tuyển lựa; đến nỗi, bằng bất cứ danh hiệu nào, kể cả danh hiệu chỉ định {30}, ngôi vị Giáo Hội cũng không can dự vào những điều nhân sự của mình làm hoặc nói nếu không phải trong mức độ họ là tác nhân dụng cụ đối với mình.

Ghi Chú

{1} Xem cuốn sách của tôi De la grâce et de l’humanité de Jésus [Về Ân sủng và Nhân tính của Chúa Giêsu], trang 50-87. Theo cách giải thích mà tôi đã đề xuất ở đó, chính ở phần cao hơn hoặc lãnh vực siêu thức của linh hồn Người mà trên trái đất, ân sủng của Chúa Kitô là vô hạn (ân sủng của Chúa Giêsu như đấng comprehensor [chiêm nhân]). Ở phần dưới của linh hồn Người, hay thế giới ý thức, ân sủng này hữu hạn (ân sủng của Chúa Giêsu như đấng viator [lữ hành]), và nó không ngừng phát triển cho đến khi chết trên Thập giá.

{2} Xem cuốn sách tuyệt đẹp của Cha M. J. Nicolas về mầu nhiệm Đức Maria, Théotokos, Tournai, Desclée, 1965.

{3} Như Công đồng Vatican II đã nhắc lại (Lumen Gentium, số 60), Chúa Kitô là Đấng Trung gian duy nhất, theo nghĩa đầy đủ và chặt chẽ của hạn từ này. Nhưng Thánh Tôma (Sum. Theol., III, 26, 1) nói rằng không có gì ngăn cản việc gọi những người khác ngoài Chúa Kitô là những người trung gian, theo nghĩa đệ nhị đẳng và có tính "thừa tác vụ". Và theo nghĩa này, sự trung gian của Đức Maria "hoàn toàn đứng hàng đầu, hoàn toàn độc đáo. Nếu những tạo vật mà Thiên Chúa, nhờ sự Nhập thể của Người, mang tới gần Người nhất cũng là những người mà Người kết hợp chặt chẽ trong hành động của Người hơn những người khác, thì quả thực chính Mẹ của Người được Chúa Kitô kết hợp với chính Người trước hết và chặt chẽ hơn bất cứ điều gì khác vì công trình 'thần hoá' thế giới của Người, vì việc mở rộng phổ quát các hiệu quả của việc Nhập thể... Tại mỗi thời điểm trong ba thời điểm này: Nhập thể, Cứu chuộc, Sự sống vinh hiển của Chúa Kitô, sự trung gian của Đức Mẹ là sự mở rộng tư cách mẫu thân Thiên Chúa của ngài cho loài người " M. J. Nicolas, Théotokos, Desclée, 1965, tr. 190.

{4} Quadragesimale de evangelio aeterno, sermo X, cap. 3, Opera omnia, Lyon, 1650, t. II, tr. 57. "Nam omnium gratiarum quae humano genero subsunt, sicut quod Deus generalis est dator et Christus generalis mediator, sic per gloriosam Virginem generaliter dispensantur. Nam ipsa est collum Capitis nostri, per quod omnia Spiritualia dona Corpori ejus mystico Communicationantur. Ideo Cant. 7 de ipso dicitur: Collum tuum sicut turri s eburnea [Vì như Thiên Chúa là đấng ban phát chung và Chúa Kitô là đấng trung gian chung của mọi ân sủng ban xuống cho loài người thế nào, thì chúng cũng được ban phát cách chung qua Đức Trinh Nữ vinh hiển như thế. Vì ngài là cổ của Đầu chúng ta, qua đó tất cả các ân phúc thiêng liêng được thông truyền đến Nhiệm thể của Người. Chính vì thế Sách Diễm ca 7 đã nói rằng: Cổ em như tháp ngà]. (Cant. VII, 5; xem V, 4)."

{5} Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh tới vai trò mô hình mẫu của Đức Maria đối với Giáo hội. Xem Lumen Gentium, Ch. 8, các số 63, 64, 65.

{6} Giáo hội của Chúa Kitô sắp đến, kể từ cuộc sám hối của Ađam và Evà, là Giáo hội đang được chuẩn bị. Giáo hội ở đây trên trái đất chỉ được thành hình một cách chính thức - với cấu trúc hữu cơ của nó trong hiện thể [en acte] đã hoàn tất, và với tư cách ngôi vị của nó – như là Giáo hội của Chúa Kitô đã đến, sau những lưỡi lửa của Lễ Ngũ tuần đã xuống trên các Tông đồ và trên Nữ vương của các ngài.

Tôi có khuynh hướng nghĩ rằng Giáo Hội trên Thiên đàng được thành lập một cách chính thức, với thân thể của Giáo hội được hợp nhất dưới Lãnh tụ hằng sống của mình, và với tư cách ngôi vị của Giáo hội, kể từ ngày Thăng thiên, - như thế, ở đây trên trái đất, trong một thời gian (như từ Lễ Ngũ tuần trong điều liên quan đến Giáo hội trên trái đất), Đức Trinh Nữ Maria là dụng cụ mà Thiên Chúa đã sử dụng để ban cho Giáo hội tư cách ngôi vị trên Thiên đàng và dưới đất.

{7} Ngoại trừ tư cách ngôi vị của Đức Trinh Nữ Maria, mà nhờ tư cách dụng cụ của nó, chúng ta vừa thấy, Giáo hội tiếp nhận tư cách ngôi vị của mình, và là nội tại với tư cách ngôi vị này.

{8} Nếu họ đánh mất ân sủng và đức ái, chứ không mất đức tin.

{9} Nếu họ mất đức tin.

{10} Đây là lý do tại sao những câu hỏi mà các nhà thần học thời Trung cổ tự đặt ra liên quan đến một vị Giáo hoàng trở nên lạc giáo, đối với tôi, xem ra hoàn toàn có tính học thuật. Xem xét trường hợp này, với một giả thuyết mà tôi cho là vô cớ, cần phải nói, với Đức Hồng Y Journet và các nhà thần học đang được đề cập, rằng Công đồng sẽ không hề truất phế vị Giáo hoàng lạc giáo này (như thể Công đồng cao hơn Đức Giáo Hoàng), nhưng chỉ để ghi nhận sự kiện lạc giáo giáo, sự kiện chính ngài, do lạc giáo của mình, không còn là một thành viên của Giáo hội, đã tự tước bỏ địa vị tối thượng của mình trong Giáo hội; tóm lại, Công đồng sẽ chỉ phải "ghi nhận một sự kiện đã hoàn tất" (Xem Ch. Journet, "Le Pape et l'Eglise," trên nhật báo La Croix, ngày 3 tháng 10 năm 1969.)

{11} Mỗi vị trong số các vị cho chúng ta thấy một số khía cạnh của khuôn mặt Giáo Hội, không vị nào trong số các vị cho chúng ta thấy khuôn mặt đó một cách trọn vẹn; vì không ai thánh thiện như Giáo Hội. Trong mỗi vị đều xuất hiện sự hoàn hảo của lòng bác ái, - theo phương thức riêng của vị này, - nhưng những giới hạn của cá nhân vị này và những giới hạn của môi trường và thời đại của vị này cũng tự bộc lộ ra.

{12} Xem Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 84: " Theo truyền thống xa xưa của Kitô giáo, Kinh Nhật Tụng được lập ra để thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Vì, thực ra, khi các linh mục chu toàn đúng nghi thức bài ca ngợi khen tuyệt diệu đó, cũng như những người khác được ủy nhiệm làm công việc đó theo sự thiết định của Giáo Hội, hoặc các Kitô hữu hợp cùng linh mục cầu nguyện theo thể thức đã được chuẩn nhận, thì thực là tiếng của chính Hiền Thê nói với Ðấng Phu Quân mình, và hơn thế nữa, còn là lời cầu nguyện của Chúa Kitô và thân thể Người dâng lên Thiên Chúa Cha”.

Đã dẫn số 99: “... Kinh Nhật Tụng là tiếng nói của Giáo Hội, nghĩa là của toàn Nhiệm Thể công khai ngợi khen Thiên Chúa”.

{13} Tôi không quên rằng những người xúi giục ly giáo và những người lạc giáo nổi tiếng, cả họ nữa, trước nhất, đã là các thành viên, và thường là những thành viên rất đáng kể, của nhân sự Giáo hội; nhưng họ đã đoạn tuyệt với Giáo Hội, và do đó nằm ngoài lĩnh vực suy tư hiện tại của tôi.

{14} Xem cuốn sách của chúng tôi Dieu et la permission du mal [Thiên Chúa và sự cho phép cái ác]. - Nếu sáng kiến đầu tiên về hư vô không diễn ra, thì chuyển động thần linh, đầu tiên nhận được như có thể bẻ gẫy, sau đó đã trở thành không thể bẻ gẫy.

{15} Họ hoàn thành nó một cách tự do, vì giả sử ý chí của họ trước đây đã bị biến thái, họ có thể làm cho bản thân ra bất lực, đã chọn điều ác, không thể tiếp nhận sự thúc đẩy thần linh có tính dụng cụ này (vốn khởi đầu được ban cho như không thể bị bẻ gẫy). Họ cũng có thể trộn lẫn vào điều họ được thúc đẩy như dụng cụ phải làm các yếu tố do họ phát minh ra nhưng không thể chính trực.

{16} Xem Sum. theol., III, 64, 1.

{17} Theo nghĩa rộng của hạn từ này, theo nghĩa Thiên Chúa sử dụng ngôi vị ấy để thúc đẩy thừa tác viên của bí tích, như tôi chỉ ra ở đây, và theo nghĩa chính Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa hy tế Thánh lễ thông qua tư cách dụng cụ của Giáo Hội. - Xem ghi chú 21.

{18} Sum. theol., III, 64, 8, c và ad 1, ad 2.

{19} III, 64, 1, ad 2.

{20} Sẽ là điều vô ích nếu nghĩ rằng cách diễn đạt chỉ mang ý nghĩa pháp lý đơn thuần và "hành động nhân danh ngôi vị của Giáo hội" chỉ để hành động như đại diện cho Giáo Hội: vì lúc đó, nếu ý định của Giáo hội không có nơi linh mục, những lời được xướng lên bởi "người đại diện" chỉ thuộc các hiện tượng bề ngoài và hư cấu. Điều cần thiết là ý định của Giáo hội phải thực sự ở đó, ngay cả khi linh mục bị phân tâm và thiếu chú ý. (Nếu đại diện của một quốc gia nói với một quốc gia đang có chiến tranh "đất nước của tôi gửi cho các bạn một nghìn chiếc máy bay để giúp các bạn", và nếu những chiếc máy bay này không thực sự được gửi đi, thì những bảo đảm mà người đại diện này đưa ra chỉ là vẻ bề ngoài và hư cấu).

{21} Để tóm tắt tất cả, tôi xin nói rằng theo trật tự bí tích, có ba ngôi vị cần xem xét:

Thiên Chúa toàn năng, Đấng sử dụng nhân tính của Chúa Kitô, dụng cụ gắn liền với thiên tính của Người, và là Tác nhân chính, tối cao và tuyệt đối đầu tiên;

Ngôi vị thánh thiện và không thiếu sót của Giáo hội, Người Dâng hiến ở đây trên trái đất sự thờ phượng và hy tế, và là Người Thực hiện các Bí tích, người vừa là tác nhân chính thứ hai, vừa là tác nhân dụng cụ của Thiên Chúa, theo nghĩa rộng của chữ này;

Thừa tác viên của Bí tích, là tác nhân dụng cụ theo nghĩa chặt chẽ, Ngôi vị Giáo hội sử dụng tư cách dụng cụ này theo nghĩa họ là chủ thể nhân bản mà nhờ đó Giáo Hội hành động, và tư cách dụng cụ mà Thiên Chúa sử dụng để tạo hiệu lực cho những lời nói người này xướng lên và những cử chỉ mà người ấy thực hiện khi ban các Bí tích và khi dâng Hy lễ.

{22} Lễ Quy của Thánh lễ.

{23} Đức Piô IX, Denz.-Schön., 2879. - x. Charles Journet, L'Église du Verbe Incarné, Cuốn II, tr. 534.

{24} Xem ở trên, Ch. VII, trang 55-56.

{25} Chính vì ý định chủ yếu này, tôi hiểu lời quả quyết của Đức Piô XII khi ngài nói (thông điệp Humani Generis) rằng giáo huấn của các thông điệp thuộc về huấn quyền thông thường.

{26} Xem Charles Journet, L'Église du Verbe Incarné, Cuốn II, tr. 568, chú thích 1. (Ngôn ngữ của tôi rất khác, nhưng những gì tôi dùng để nói, tôi tin là rất phù hợp với ghi chú rất soi sáng này.) – Cũng nên xem Georges M. M. Cottier, Régulation des naissances et développement démographique, Paris, Desclée De Brouwer, 1969, Dẫn nhập, tr. 9.

{27} Tôi có thể đưa ra các thí dụ, những thí dụ tôi có từ các Kitô hữu nhiệt thành mà tôi rất vinh dự được làm bạn.

{28} Xem Ch. IX, trang 84-85 và chú thích 15.

{29} Như chúng ta đã thấy ở Ch. III, nếu đúng là Thiên Chúa ban cho Giáo hội tư cách ngôi vị siêu nhiên bởi lý do Giáo Hội là hình ảnh của Chúa Kitô mà Giáo hội mang trong mình, người ta phải kết luận rằng chỉ với tư cách Giáo hội của Chúa Giêsu đã đến, Giáo hội mới bắt đầu nhận được tư cách ngôi vị này. Trước đó, vào những giai đoạn khác nhau trong đó Giáo hội vẫn còn đang trong giai đoạn phác thảo dần dần thành hình, ân sủng của Chúa Kitô đã đến chắc chắn làm cho một “ngôi vị tinhthần” như vậy khao khát trở thành ngôi vị theo nghĩa đệ nhất đẳng và hữu thể học của hạn từ này. Nhưng chính một khi Chúa Kitô đã đến thì mới xảy ra trường hợp như vậy, và nhờ thế, mầu nhiệm Giáo Hội mới được hoàn tất.

Xem ở trên, chú thích 6 của Chương XI.

Bản tiếng Anh của Đại học Notre Dame còn có ghi chú {30}

{30} Về Đức Giáo Hoàng, nên nói thêm rằng việc lựa chọn ngài, - bất kể thể thức bầu cử ra sao, - ngụ ý chính ngôi vị của Giáo hội phần nào chấp nhận hoặc phê chuẩn, theo nghĩa, với tư cách tác nhân chính sử dụng đoàn cử tri như một nguyên nhân dụng cụ, Giáo Hội không muốn đoàn cử tri này chỉ định bất cứ ai không có khả năng hướng dẫn con thuyền (Thánh Phêrô) và bảo tồn nguyên vẹn việc thông truyền đức tin. Nếu không có sự chấp nhận hoặc phê chuẩn như vậy, một điều vốn làm cho giám mục Roma trở thành nhà lãnh đạo của Giáo hội trên trái đất, các thành viên của toàn bộ phẩm trật được thành lập dưới sự bảo trợ của ngài và hiệp thông với ngài không thể được coi là "nhân sự của Giáo hội."

Hơn nữa, sự lựa chọn đang bàn không liên quan gì đến công trạng riêng của người được chỉ định như vậy (tốt nếu ngài là một vị thánh, tệ trong trường hợp ngược lại). Đây là vấn đề đem tới cho Triều Giáo Hoàng, trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định (và đôi khi không may), một người đủ tư cách để cai quản dân Kitô giáo trong tất cả những gì liên quan đến đức tin và kho tàng sự thật được mặc khải. Có người đã nhận xét rằng “bỏ sang một bên phong tục và chuyện chính trị," việc cai quản của một kẻ buôn thần bán thánh, vênh vang say xỉn và sa đọa như Alexander VI "nói chung vẫn có lợi cho Giáo hội. Vị giáo hoàng này đã chứng tỏ luôn là người biết quan tâm bảo vệ tín lý: ngài đã ban hành một số sắc chỉ liên quan đến các vấn đề tín điều và về sự thờ phượng. Ngài đã cố gắng truyền bá đức tin, đặc biệt ở Tân Thế giới, được khám phá vào đầu triều đại Giáo hoàng của ngài." (J. Paquier, Dictionnaire de théologie catholique, t. 1, trang 726-727).
 
VietCatholic TV
Táo bạo: Nổ lớn đồng loạt 3 thành phố Crimea, doanh trại tân binh Nga bốc cháy. Lính Dù bắt xe tăng
VietCatholic Media
03:17 11/12/2022


1. Nổ lớn đồng loạt ở Crimea, doanh trại tân binh quân dịch bốc cháy

UkrInform, cơ quan thông tấn của Ukraine cho biết các vụ nổ đã làm rung chuyển bán đảo Crimea bị tạm chiếm vào tối thứ Bẩy 10 tháng 12. Cơ quan này nói: “Các cộng tác viên, tức là bọn phản bội cộng tác với quân Nga, và chủ nhân của họ tuyên bố rằng ‘hệ thống phòng không đã hoạt động’”.

Tuy nhiên, các vụ nổ được nghe thấy đồng loạt tại Dzhankoi, Sevastopol và Simferopol.

Sergei Aksyonov, con rối của Điện Cẩm Linh ở Crimea, nói rằng “hệ thống phòng không đã hoạt động” ở Simferopol và yêu cầu mọi người “giữ bình tĩnh”. Lệnh giới nghiêm được ban hành và đã chấm dứt vào sáng Chúa Nhật.

Ngoài Dzhankoi, Sevastopol và Simferopol, các kênh Telegram của Crimea cũng đưa tin về vụ hỏa hoạn tại một căn cứ quân sự của Nga đóng tại khu đô thị Sovietskyi,

Theo các báo cáo, vào khoảng 06 giờ chiều ngày thứ Bẩy, doanh trại, nơi ở của hàng trăm binh sĩ Nga mới bị gọi nhập ngũ đã bốc cháy.

Sergei Aksyonov giải thích rằng vụ hỏa hoạn là do bất cẩn trong việc giải quyết lửa, và hai người đã thiệt mạng.

Tính đến sáng Chúa Nhật doanh trại này vẫn còn cháy và có lẽ sẽ không thể sử dụng được.

UkrInform cho biết: “Chúng tôi được biết rằng doanh trại sáng nay đã bị thiêu rụi tại khu định cư kiểu đô thị bị xâm lược tạm thời của Crimea, Sovietskyi, nơi chmobiki, tức là tân binh quân dịch của Nga, từ vài trăm đến 1,000 người đang cư trú.”

2. Hơn 10 vụ nổ rung chuyển Melitopol

Hơn 10 tiếng nổ vang lên ở khu vực Melitopol, vùng Zaporizhzhia. Thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov đã thông báo điều này trên Telegram.

“Hơn 10 tiếng nổ lớn đã vang lên khắp các quận của thành phố. Quân xâm lược Nga đang ồn ào. Chúng tôi đang chờ đợi tin tốt lành từ Lực lượng Vũ trang,” Ivan Fedorov nói.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 11 tháng 12, Bộ Tổng tham mưu xác nhận rằng khu vực tập trung binh lính Nga bị tấn công nằm trong lãnh thổ bị xâm lược tạm thời của khu vực Zaporizhzhia. Có tới 150 kẻ xâm lược bị thương, 50 người trong số họ đã được đưa đến bệnh viện ở thành phố Melitopol. Thông tin về thiệt hại của địch đang được làm rõ.

3. Lữ Đoàn Dù Ukraine bắt giữ xe Basurmanin BMP-1AM của Nga

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 11 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk, cho biết Lữ Đoàn Dù 95 của Lực lượng vũ trang Ukraine đã tịch thu được một xe chiến đấu bộ binh Basurmanin BMP-1AM của Nga.

Theo lính dù Ukraine, người Nga phải bỏ phương tiện của họ trên chiến trường để cứu được mạng sống của họ. Chiếc xe bị tịch thu còn rất mới và trong tình trạng hoàn hảo.

Hiện tại, lính dù Zhytomyr đang thử nghiệm IFV của quân Nga, và nó sẽ sớm hoạt động để mang lại chiến thắng cho Ukraine.

Basurmanin BMP-1AM là phiên bản nâng cấp của BMP-1. Nó được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2018 và được quân Nga sử dụng trên lãnh thổ Ukraine sau khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu.

“Vẫn chưa biết quân Nga có bao nhiêu xe Basurmanin đang tung vào chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, quân đội Ukraine nói rằng không có nhiều. Do đó, một chiếc như vậy thậm chí còn có giá trị hơn”

4. Hợp tác quân sự giữa Iran, Nga là vấn đề an ninh toàn cầu

Kế hoạch của Iran cung cấp hỏa tiễn đạn đạo cho Nga để đổi lấy công nghệ quân sự là một vấn đề an ninh toàn cầu.

Cố vấn của Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đã cho biết như trên Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 11 tháng 12.

“Trục ma quỷ đã hình thành. Iran có kế hoạch cung cấp hỏa tiễn đạn đạo cho Nga khi biết rằng chúng sẽ được sử dụng cho chiến tranh ở Âu Châu. Nga giúp Iran với các công nghệ quân sự hạt nhân để thổi bay Trung Đông. Đây không còn là vấn đề của Ukraine, mà là vấn đề an ninh toàn cầu. Thế giới chỉ ngồi chờ xem thôi à?” Podolyak viết.

Putin đã tuyên bố trước đó rằng một nửa trong số 300,000 tân binh mới bị gọi nhập ngũ hiện đang ở trong khu vực chiến đấu và cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine có thể trở thành một quá trình lâu dài. Bình luận về tuyên bố này, ông Podolyak nói rằng Putin đã xác nhận rằng Nga đang phạm tội ác chiến tranh có chủ ý và tội ác chống lại loài người ở Ukraine.

Hôm thứ Bẩy, 10 tháng 12, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và trở thành một cuộc chiến giữa Nga và NATO. Ông đã phát biểu như trên sau bài phát biểu hôm thứ Sáu của Putin.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, nhận xét rằng “Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, chúng có thể trở nên tồi tệ một cách khủng khiếp.”

Stoltenberg cũng đã nói với các phóng viên báo chí rằng “không nghi ngờ gì về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện”.

Hôm Chúa Nhật, ông bày tỏ lo ngại về tham vọng của Iran và cảnh báo về nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện không chỉ ở Âu Châu mà còn lây lan sang Trung Đông khi trục Mạc Tư Khoa-Tehran ngày càng tỏ tường.

Ban đầu, Bộ Ngoại giao Iran quyết liệt phủ nhận, bất kể các bằng chứng không thể chối cãi là xác các máy bay không người lái bị bắn hạ. Trong cuộc phản công giành lại các lãnh thổ trong khu vực Kharkiv, quân Ukraine còn tịch thu được tại Kupiansk, các máy bay không người lái Shahed-136 còn nguyên vẹn.

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, tiết lộ rằng ông khá ngạc nhiên vì trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với phía Iran, Bộ Trưởng Ngoại Giao nước này là Hossein Amir-Abdollahian, vẫn tiếp tục khẳng định rằng “Chính trị của chúng tôi là chúng tôi phản đối chiến tranh và sự leo thang chiến tranh ở Ukraine”.

Ngoại trưởng Iran nói “Cáo buộc Iran gửi hỏa tiễn cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine là không có cơ sở. Chúng tôi có hợp tác trong các vấn đề quốc phòng với Nga, nhưng việc gửi vũ khí và máy bay không người lái chống lại Ukraine chắc chắn không phải là chính trị của chúng tôi.”

Sau đó, Ngoại trưởng Iran lại nói rằng Iran có gởi cho Nga một số máy bay không người lái, nhưng đó là trước cuộc xâm lược vào Ukraine.

Các chứng cứ ngày nay cho thấy Iran vẫn đang tiếp tục làm như vậy và có thể gởi cả hỏa tiễn sang Nga.

5. Sân tập của quân Nga ở Urzuf gần Mariupol bị tấn công

Một khu huấn luyện quân sự của quân Nga đã bị tấn công tại ngôi làng Urzuf gần thành phố Mariupol.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết như trên và cho biết thêm do việc di chuyển qua cầu Kerch bị hạn chế, người Nga đã đưa các tân binh và khí tài chiến tranh qua ngã Mariupol.

Trong các ngày qua, các chỉ huy Nga đã có mặt tại Urzuf để tiếp nhận các tân binh và thiết bị quân sự. Vì lý do này, kết nối di động trong làng đã bị ngắt trong vài ngày liên tiếp.

Quân xâm lược Nga cũng đang dời một bệnh viện quân sự từ Polohy của vùng Zaporizhzhia đến thành phố Mariupol sau khi có những lo ngại về một cuộc tấn công sắp xảy ra của quân Ukraine vào vùng Zaporizhzhia. Quân Nga đang biến Mariupol và các khu định cư lân cận thành trung tâm quân sự và hậu cần cho quân đội Nga.

6. Ukraine cho biết họ đã xác định được chỉ huy Nga, người được cho là đã ra lệnh cho quân đội bắn vào dân thường

Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết họ đã xác định được một chỉ huy người Nga đã ra lệnh cho quân đội bắn vào dân thường trong những ngày đầu của cuộc xâm lược.

SBU cáo buộc rằng Trung tá Yevgeniy Zelenov - phó chỉ huy của Quân khu phía Tây - đã ra lệnh cho quân đội bắn vào những chiếc xe dân sự ở lối vào Kharkiv vào ngày 24 tháng 2, ngày đầu tiên của cuộc xâm lược.

SBU tuyên bố trong một tuyên bố rằng vào ngày hôm đó, Zelenov đang chỉ huy một nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn của Nga và “đã tiến hành các hoạt động thù địch tích cực với các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ ở hướng đông.”

“Theo điều tra, nhóm xâm lược của ông ta đã tiếp cận đường vành đai Kharkiv từ phía làng Lyptsi và chặn lối vào trung tâm khu vực”

“Đồng thời, những cư dân địa phương đang đi từ các khu định cư biên giới của khu vực yêu cầu thông xe và chống lại quân xâm lược.”

SBU tuyên bố rằng Zelenov đã ra lệnh cho cấp dưới của mình nổ súng vào những chiếc xe có dân thường.

“Hậu quả của vụ tấn công là một người thiệt mạng, ít nhất hai người bị thương nặng”

CNN đang liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận về các cáo buộc. Nga đã liên tục phủ nhận việc tấn công vào dân thường trong cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

7. Bộ trưởng cơ sở hạ tầng của Ukraine cho biết một số cơ sở hạ tầng quan trọng điện lực đã bị “phá hủy hoàn toàn”

Oleksandr Kubrakov, bộ trưởng cơ sở hạ tầng của nước này, cho biết khoảng 50% cơ sở hạ tầng quan trọng về điện của Ukraine đã bị “hư hỏng nhiều hơn” và một số đã bị “phá hủy hoàn toàn”.

Ông nói thêm rằng Ukraine đang sử dụng “những túi cát lớn” để bảo vệ các mục tiêu.

Trong bản cập nhật hàng ngày về tình hình năng lượng trên cả nước, nhà cung cấp năng lượng nhà nước Ukrenergo khẳng định rằng tình hình “vẫn còn khó khăn nhưng trong tầm kiểm soát”.

Tuy nhiên, công ty đã thừa nhận rằng “tất cả các nhà máy nhiệt điện và thủy điện đều bị hư hỏng một phần” và Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị tạm chiếm không cung cấp điện cho lưới điện.

Công ty lưu ý rằng sẽ có rất ít “cải thiện lớn” về việc khôi phục điện trên toàn quốc vào cuối tuần. Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và pháo kích của Nga đã tiếp tục tác động đến cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

8. Ukraine có vũ khí để tấn công Mạc Tư Khoa, nhưng các nhà lãnh đạo Ukraine có lẽ biết rõ hơn

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukraine says it has identified Russian commander who allegedly ordered troops to shoot at civilians”, nghĩa là “Ukraine có vũ khí để tấn công Mạc Tư Khoa, nhưng các nhà lãnh đạo Ukraine có lẽ biết rõ hơn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Ánh Tuyết

Khi các máy bay không người lái của Ukraine tấn công hai căn cứ máy bay ném bom của lực lượng không quân Nga cách hơn 300 dặm hay 480 km sâu bên trong biên giới Nga, chúng không chỉ gây thiệt hại đáng kể cho ít nhất hai máy bay ném bom.

Họ cũng gửi một thông điệp: Ukraine hiện có phương tiện công nghệ để tấn công Mạc Tư Khoa, cách Ukraine 250 dặm hay 402 km.

“Điều này hoàn toàn không có nghĩa là Ukraine sẽ tấn công Mạc Tư Khoa,” Mick Ryan, một tướng quân đội Úc đã nghỉ hưu, viết trong bản tin của mình. Trên thực tế, có những lý do chính đáng khiến Kyiv không tấn công vào Mạc Tư Khoa.

Nhưng khả năng xảy ra một cuộc tấn công vào thành phố rộng lớn “sẽ gây ra những đêm mất ngủ ở thủ đô,” Ryan viết.

Tấn công Mạc Tư Khoa sẽ thể hiện sự leo thang lớn trong chiến dịch tấn công sâu kéo dài nhiều tháng của Ukraine, cho đến nay tập trung vào các căn cứ không quân, cầu và mục tiêu hậu cần, đa số nằm phía sau phòng tuyến của Nga trên lãnh thổ Ukraine mà người Nga xâm lược, và hầu hết phần còn lại bên trong Nga trong phạm vi 50 dặm hay 80 km hoặc hơn của biên giới.

Nhưng các cuộc tấn công vào thủ đô của Nga sẽ là một cuộc chơi công bằng. Các lực lượng Nga nói cho cùng đã ném bom Kyiv, cũng như các thành phố khác của Ukraine, kể từ khi Nga mở rộng cuộc chiến với Ukraine bắt đầu từ cuối tháng Hai.

Thật vậy, Nga đã trả đũa cho các cuộc tấn công hôm thứ Hai vào các căn cứ máy bay ném bom của Nga tại Dyagilevo và Engels, cách Mạc Tư Khoa lần lượt 100 và 400 dặm về phía đông nam, bằng cách tung ra một cuộc tấn công mạnh mẽ liên quan đến ít nhất 14 máy bay ném bom Tupolev Tu-95 mang theo hỏa tiễn hành trình tầm xa mà theo Điện Cẩm Linh đã tấn công “ trung tâm thông tin liên lạc, năng lượng và các đơn vị quân sự của Ukraine”.

Không thiếu các mục tiêu chiến lược tiềm năng ở Mạc Tư Khoa. Và Ukraine có một số cách để thực hiện các cuộc tấn công. Đơn giản nhất, nhưng nguy hiểm nhất đối với những kẻ tấn công, là sự phá hoại nhắm vào con người, nói đơn giản là ám sát.

Điều đáng chú ý là những biệt kích quân Ukraine hồi tháng 10 đã đi 500 dặm vào lãnh thổ Nga để cho nổ tung một trực thăng tấn công của lực lượng không quân Nga trên mặt đất tại một sân bay quân sự. Theo The New York Times, các biệt kích Ukraine đã có mặt ở Nga để giúp hướng dẫn các cuộc đột kích hôm thứ Hai.

Giải pháp thay thế cho việc phá hoại là một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Các cuộc tấn công hôm thứ Hai ít nhất một phần được thực hiện bởi những chiếc Tupolev Tu-141 của Ukraine – là loại máy bay trinh sát không người lái phản lực đã bay lần cuối cùng cho lực lượng không quân Liên Xô trong những năm 1970 và 1980. Lực lượng không quân Ukraine rõ ràng đã tráo đổi máy ảnh của máy bay không người lái để lấy chất nổ và lập trình hệ thống định vị quán tính của họ để đưa chúng hạ cánh tại Dyagilevo và Engels.

Không rõ lực lượng không quân Ukraine còn lại bao nhiêu chiếc Tu-141 và những chiếc Tu-143 tương tự. Nhưng không có lý do kỹ thuật nào khiến Kyiv không thể nhắm chúng vào Mạc Tư Khoa. Các máy bay không người lái có thể bay xa đến 620 dặm hay 997 km.

Và sẽ không an toàn nếu cho rằng hệ thống phòng không của Nga sẽ dễ dàng bắn hạ máy bay không người lái. Các cuộc tấn công lặp đi lặp lại của Ukraine – bao gồm một cuộc tấn công sâu đáng kinh ngạc vào một kho chứa dầu ở thành phố Belgorod của Nga bởi máy bay trực thăng tấn công của Ukraine vào tháng 4 – đã chứng minh cả sự kém cỏi của hệ thống phòng không Nga và khả năng của các nhà hoạch định Ukraine trong việc tìm cách vượt qua các tuyến phòng thủ này.

Lý do chính mà người Ukraine có thể không tấn công Mạc Tư Khoa là các cuộc tấn công vào các trung tâm dân cư có thể gây nguy hiểm cho dân thường. Trên thực tế, khi nói đến các cuộc tấn công của Nga vào các thành phố của Ukraine, giết hại, làm bị thương, di tản và khiến dân thường khiếp sợ là toàn bộ vấn đề. Tấn công dân thường gây khiếp sợ là chiến lược của Nga, người Ukraine không làm như thế.

Nga khủng bố người dân Ukraine để làm xói mòn sự hỗ trợ của dân chúng nước này cho nỗ lực chiến tranh. Nhưng lịch sử đã hết lần này đến lần khác chứng minh rằng các cuộc tấn công vào thành phố thường làm tăng sức đề kháng của dân thường hơn là làm giảm nó.

Ý tưởng đó đã tồn tại lâu dài ở Ukraine. “Hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy các cuộc tấn công vào xã hội dân sự đã tạo ra sự khác biệt đối với sự ủng hộ của quần chúng,” Lawrence Freedman, giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King's College London, nói với Salon. “Nếu các cuộc tấn công của Nga có thể tạo ra bất cứ điều gì thì đó chính là các cuộc tấn công ấy đã khuyến khích sự hỗ trợ của người dân Ukraine cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.”

Trước khi tấn công Mạc Tư Khoa, các nhà lãnh đạo Ukraine trước tiên sẽ phải chấp nhận cùng một đề xuất sai lầm rằng tấn công thành phố và giết hại dân thường sẽ đẩy nhanh kết thúc chiến tranh. Họ chắc chắn sẽ không làm như thế.
 
Cảnh Chúa Giáng Sinh của Ukraine trong Triển lãm Hang Đá của Vatican. Lễ Đức Mẹ Guadalupe
VietCatholic Media
05:53 11/12/2022


1. Quốc hội Indonesia bỏ phiếu cấm quan hệ luyến ái ngoài hôn nhân

Quốc hội Indonesia đã nhất trí bỏ phiếu hôm thứ Ba cấm quan hệ luyến ái ngoài hôn nhân, cấm xúc phạm tổng thống và các cơ quan nhà nước.

Sau khi có hiệu lực, các lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến du khách nước ngoài cũng như người dân. Chúng là một phần của cuộc đại tu bộ luật hình sự của đất nước đã được thực hiện trong nhiều năm. Bộ luật mới cũng mở rộng luật báng bổ hiện có và giữ nguyên án tù 5 năm đối với những hành vi đi chệch khỏi các nguyên lý trung tâm của sáu tôn giáo được Indonesia công nhận là Hồi giáo, Tin lành, Công Giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo và Nho giáo. Quy tắc vẫn cần sự chấp thuận của tổng thống và chính phủ cho biết nó sẽ không được thực hiện đầy đủ trong vài năm tới.

Bộ luật sửa đổi nói rằng quan hệ luyến ái ngoài hôn nhân có thể bị phạt một năm tù trong trường hợp ngoại tình và sáu tháng tù đối với trường hợp sống chung không kết hôn.

Các vi phạm liên quan đến trường hợp sống chung không kết hôn do cảnh sát quyết định dựa trên các bằng chứng nhưng tội ngoại tình đòi phải có vợ hay chồng, cha mẹ hoặc con cái nộp đơn khởi tố.

Tổng thống Joko Widodo được cho là sẽ ký bộ luật sửa đổi trong bối cảnh quá trình phê duyệt kéo dài tại Quốc hội. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Luật và Nhân quyền Edward Hiariej, luật này có thể sẽ dần dần có hiệu lực trong khoảng thời gian có thể lên tới 3 năm.

“Rất nhiều quy định thực hiện phải được xây dựng, vì vậy không thể xảy ra trong vòng một năm,” ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Hiariej, một số quy định sẽ có hiệu lực ngay tức khắc. Thí dụ, các chủ khách sạn bắt buộc phải yêu cầu các cặp nam nữ xuất trình hôn thú, kể cả đối với người ngoại quốc, là một điều ngành công nghiệp du lịch nước này e ngại sẽ gây ra nhiều khó khăn và sụt giảm doanh thu.

Bộ luật khôi phục lệnh cấm xúc phạm tổng thống hoặc phó tổng thống đương nhiệm, các tổ chức nhà nước và hệ tư tưởng quốc gia. Xúc phạm tổng thống đương nhiệm có thể bị phạt tù tới ba năm.


Source:AP

2. Cảnh Chúa Giáng Sinh của Ukraine trong Triển lãm Hang Đá của Vatican

Triển lãm quốc tế của Vatican 100 Cảnh Chúa Giáng Sinh đã trở lại với phiên bản thứ năm! Sự kiện thường niên này tập hợp các tác phẩm của các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới, khi họ thể hiện sự sáng tạo của mình bằng cách thể hiện cảnh Chúa Giáng Sinh theo nhiều phong cách khác nhau và sử dụng nhiều phương tiện khác nhau.

Triển lãm diễn ra bên dưới hàng cột nổi tiếng của quảng trường Thánh Phêrô. Năm nay, 120 cảnh Chúa Giáng Sinh sẽ được trưng bày, đến từ nhiều quốc gia Âu Châu, chẳng hạn như Ukraine, Hung Gia Lợi, Malta, Slovenia, Slovakia và Croatia, và từ khắp nơi trên thế giới, chẳng hạn như từ Đài Loan, Venezuela và Guatemala. Nhiều quốc gia trong số này được đại diện bởi các đại sứ quán tương ứng của họ tại Tòa thánh, nơi thúc đẩy sự kiện này ở nước họ. Những thách thức và khủng hoảng của thế giới hiện tại rõ ràng đã chạm đến sự nhạy cảm và trí tưởng tượng của các nghệ sĩ năm nay. Trên thực tế, ấn bản năm nay sẽ có những cảnh Chúa Giáng Sinh được tạo ra trong các vùng chiến sự, chẳng hạn như cảnh Chúa Giáng Sinh được tạo ra ở Ukraine bởi Chị Theodosia Polotniuk, từ vùng lãnh thổ Donetsk. Chúa Giáng Sinh được thể hiện dưới tầng hầm của một cấu trúc gợi nhớ đến nhà máy gang thép Azovstal ở Mariupol. Các cảnh Chúa Giáng Sinh cũng bao gồm các hiện vật làm nổi bật tình trạng khẩn cấp về khí hậu và cuộc khủng hoảng di cư ở Địa Trung Hải, chẳng hạn như cảnh được tạo ra bởi Fondazione Romana Villa Maraini Onlus, một ngôi nhà phục hồi cho những người nghiện ma túy trẻ tuổi.

Cũng sẽ có các tác phẩm được thực hiện bởi nhiều hiệp hội Ý, bao gồm ATAC, công ty quản lý hệ thống giao thông công cộng hỗn loạn của Rome, sẽ trưng bày một chiếc giường cũi trong một chiếc xe buýt màu đỏ. Triển lãm sẽ mở cửa trong năm tuần, từ Thứ Năm, ngày 8 tháng 12 năm 2022 đến Chúa Nhật, ngày 8 tháng Giêng năm tời 2023, từ 10 giờ sáng đến 7:30 tối, hàng ngày. Cuộc triển lãm được khai mạc vào Thứ Năm, ngày 8 tháng 12 lúc 4 giờ chiều bởi Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, cùng với các thành viên của Thánh Bộ Truyền giáo. Một đại diện của Đại sứ quán Ukraine tại Tòa thánh sẽ có mặt, và một số thành viên của cộng đồng sẽ thêm vào sự kiện này với những bài hát mừng Giáng Sinh truyền thống của Ukraine.
Source:romasociale.com

3. Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ Đức Mẹ Guadalupe

Lúc 6 giờ chiều, thứ Hai ngày 12 tháng Mười Hai tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô, nhân dịp lễ kính Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng Mỹ châu và Philippines.

Trong thông cáo, Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu Latinh nói rằng 9 năm sau kỷ niệm 500 năm Đức Mẹ Guadalupe hiện ra, các tín hữu ở Mỹ châu được kêu gọi “tái khám phá ý nghĩa sâu xa sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô qua Mẹ Maria tại các quốc gia chúng ta. Mẫu gương đặc biệt của Đức Mẹ về việc loan báo Tin mừng hội nhập vào văn hóa, mời gọi chúng ta nhìn lên Mẹ Maria, Đấng đang kêu gọi toàn thể các dân nước Mỹ châu Latinh hãy tìm ra một con đường để thăng tiến công ích.”

Ủy ban Tòa Thánh nói trên cũng nhận xét rằng: “Đức Mẹ Guadalupe, qua cuộc đối thoại với thánh Juan Diego, mời gọi chúng ta hãy quý chuộng vẻ đẹp và phẩm giá sự hiện diện ngôn sứ của phụ nữ, việc giữ vai chính rất cần thiết của giáo dân, sự ưu tiên dành cho người nghèo, sự đồng hành như một chiều kích năng động của tình hiệp thông, đón nhận một đường hướng triệt để trong lối sống hướng về Chúa Giêsu Kitô”.

Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu Latinh nói thêm rằng: chúng ta được kêu gọi biến gia đình, đất nước và toàn thể đại lục chúng ta thành “ngôi nhà thánh”, trong đó niềm tin nơi Thiên Chúa thật có thể được công bố trong tự do.

Trước khi Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ ngày 12 tháng Mười Hai, lúc 5 giờ 30 phút sẽ có giờ suy niệm kinh Mân côi. Đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ, có Ca đoàn Sistina, ca đoàn Học viện Giáo hoàng Mỹ châu Latinh, và Giáo hoàng Học viện Mêhicô. Tất cả mọi người Mỹ châu Latinh sinh sống tại Ý cũng như các tín hữu hành hương và du khách tới Roma trong ngày đó, đều được mời tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha.
 
Nhóm Wagner khét tiếng của Nga trúng HIMARS, thương vong nặng nề. Ngừng bắn: Rượu nói hay Putin nói?
VietCatholic Media
16:27 11/12/2022


1. Nhóm lính đánh thuê khét tiếng Wagner bị tấn công bằng hỏa tiễn HIMARS, thương vong nặng nề.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 11 tháng 12, thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov cho biết Ukraine đã tấn công một doanh trại của nhóm Wagner ở thành phố Melitopol do Nga xâm lược, vào sáng sớm ngày Chúa Nhật 11 tháng 12 và cho biết có rất nhiều thương vong của Nga. Đây là cuộc tấn công thứ hai trong hai ngày liên tiếp.

Cuộc tấn công thứ nhất diễn ra vào lúc 6 giờ chiều thứ Bẩy. Theo các nhân chứng, 10 tiếng nổ đã được nghe thấy, mặc dù một số trong số đó có thể là từ hệ thống phòng không của Nga. Các quan chức Ukraine tuyên bố nhiều người Nga đã chết và bị thương trong khi Nga thừa nhận một số thương vong.

Địa điểm bị tấn công là một khu phức hợp nghỉ dưỡng và khách sạn bên cạnh một nhà thờ Tin Lành trong thành phố được gọi là Hunter's Halt. Ngôi thánh đường đã bị biến thành doanh trại.

Một video cho thấy các binh sĩ cấp cứu đang bơi tìm trong đống đổ nát với một số thi thể có thể nhìn thấy được. Các nguồn tin tình báo của Ukraine cho biết bệnh viện thành phố Melitopol đã tiếp nhận khoảng 150 lính Nga cho đến trưa ngày Chúa Nhật.

Cuộc tấn công thứ hai được tường trình là nhắm vào một doanh trại của nhóm lính đánh thuê Wagner vào lúc 5h40 phút sáng Chúa Nhật theo giờ địa phương. Thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov cho biết thương vong được ghi nhận là rất cao, nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Hai cuộc tấn công vào Melitopol đều bằng hỏa tiễn Himars - là một phần trong nhiều cuộc tấn công diễn ra từ đêm thứ Bẩy cho đến sáng Chúa Nhật vào các căn cứ của Nga. Các vụ nổ cũng được báo cáo trong đêm ở Crimea do Nga xâm lược, bao gồm cả Sevastopol và Simferopol.

Một video đăng trên mạng xã hội cho thấy nơi được cho là doanh trại của Nga ở thành phố Melitopol phía nam chìm trong ngọn lửa dữ dội với một số người cho rằng địa điểm này đang được sử dụng bởi nhóm lính đánh thuê Wagner.

Trong khi đó, một video khác được cho là từ thành phố Sovietskyi thuộc bán đảo Crimea nơi một doanh trại của các tân binh quân dịch Nga đang chìm trong ngọn lửa.

2. Marốc sẽ là quốc gia Phi Châu đầu tiên cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine - phương tiện truyền thông

Theo yêu cầu của Hoa Kỳ, chính quyền Marốc đã quyết định chuyển phụ tùng thay thế cho xe tăng T-72 cho Ukraine. Như thế, Marốc đã trở thành quốc gia Phi Châu đầu tiên cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kyiv.

Tờ Le Journal de l'Afrique /lơ giơ nô đáp phích/ cho biết như trên sáng thứ Bẩy 10 tháng 12.

Theo báo cáo, các nhà ngoại giao Mỹ đã thuyết phục được Rabat chuyển các phụ tùng thay thế cho xe tăng T-72 tới Kyiv “một cách bí mật nhất”.

Báo cáo cho biết Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Marốc có vài chục xe tăng loại T-72B và T-72BK được mua từ Belarus trong giai đoạn 1999 đến 2001.

3. Azerbaijan gửi máy biến thế, máy phát điện tới Ukraine

Bộ Trưởng Ngoại Giao Ukraine cho biết Azerbaijan đã gửi một loạt hàng viện trợ nhân đạo tới Ukraine, bao gồm 45 máy biến thế và 50 máy phát điện.

“Các xe tải với 45 máy biến áp và lô đầu tiên gồm 50 máy phát điện do Azerenergy OJSC cung cấp đã được gửi hôm nay từ lãnh thổ của trung tâm năng lượng Gobu với sự tham gia của đại sứ Ukraine tại Azerbaijan và đại diện của Azerenergy OJSC”

Một đoàn xe tải thứ hai sẽ được gửi đến trong những ngày tới.

Tổng cộng, Azerbaijan sẽ cung cấp cho Ukraine các thiết bị điện cơ bản trị giá khoảng 1,422 triệu manat tức là 837,000 Mỹ Kim.

Báo cáo cũng nêu rõ rằng tổng số tiền viện trợ nhân đạo mà Azerbaijan cung cấp cho Ukraine là khoảng 30 triệu manat, tức là gần 17.7 triệu USD, trong đó Trường số 12 mang tên Zarifa Aliyeva ở Irpin với khoảng 90 học sinh Ukraine đã được Azerbaijan giúp khôi phục hoàn toàn. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh đang được phục hồi y tế và xã hội-tâm lý ở Azerbaijan.

Putin đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp cầm quyền của mình sau khi cuộc xâm lược Ukraine gây ra cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất với phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962, khiến quân đội của ông quay cuồng vì hàng loạt thất bại trong tháng qua.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga và một số các quốc gia cựu thành viên của Liên Xô đã hình thành nên Cộng đồng các quốc gia độc lập, gọi tắt là CIS, quy tụ Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Moldova.

Moldova đã từ lâu không tham gia các cuộc họp của CIS. Và với quyết định này, Azerbaijan chính thức cung cấp viện trợ cho Ukraine để đối phó với cuộc tấn công của Putin vào hạ tầng cơ sở của quốc gia đau khổ này.

4. Lithuania, Áo thảo luận về việc thành lập tòa án đặc biệt truy tố Putin và các tướng lĩnh Nga

Liên minh Âu Châu phải thể hiện khả năng phục hồi của mình trong việc cung cấp hỗ trợ cho người Ukraine để họ có thể vượt qua mùa đông khó khăn, trước các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết như trên trong cuộc họp báo ở Vienna.

“Bây giờ mùa đông đã bắt đầu sẽ không chỉ cho thấy Ukraine kiên cường như thế nào, và tôi nghĩ họ sẽ thành công bất kể Nga và thiên nhiên có đóng băng họ như thế nào, mà còn cho thấy chúng ta kiên cường như thế nào trong việc cung cấp sự giúp đỡ và hỗ trợ cho Ukraine” Landsbergis nói.

Theo ông, người Ukraine hiện cần rất nhiều thứ chứ không chỉ vũ khí. Ông nói rằng các quốc gia “không thể cung cấp vũ khí trực tiếp” có thể cung cấp cho Ukraine, chẳng hạn như máy biến thế và máy phát điện. “Vâng, Áo trung lập. Nhưng không thể có sự trung lập khi chúng ta nói về một cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo ở Ukraine. Và tất cả chúng tôi đang làm những gì có thể để hỗ trợ Ukraine,” Landsbergis nói.

Ông cũng nói thêm rằng một trong những vấn đề được thảo luận tại cuộc gặp của ông với Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg là sáng kiến của Ukraine thành lập một tòa án đặc biệt về tội xâm lược Ukraine.

“Một trong những vấn đề mà chúng tôi đã thảo luận và Lithuania coi là rất quan trọng là thành lập một tòa án đặc biệt cho hành động xâm lược. Chúng tôi gọi nó là 'mẹ của mọi tội ác'. Điều này có nghĩa là nếu không có lệnh tấn công Ukraine, tất cả các tội ác khác rõ ràng sẽ không được thực hiện. Chúng tôi tin rằng tầm quan trọng to lớn sẽ được gắn liền với việc thành lập một tòa án. Tòa án này sẽ không làm suy yếu những nỗ lực hiện tại của Tòa án Hình sự Quốc tế và các tổ chức khác, mà sẽ chỉ mở rộng những nỗ lực này. Chúng tôi đã trao đổi quan điểm về vấn đề này và cuộc thảo luận sẽ tiếp tục trong tương lai,” Landsbergis nói.

Ông cũng lưu ý rằng Putin, khi quyết định tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, đã không mong đợi phương Tây thể hiện sự thống nhất như vậy trong phản ứng của mình. Ông nói rằng sự thống nhất này phải được duy trì. “Và tôi chắc chắn rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng với sự giúp đỡ của chúng tôi,” Bộ trưởng nói thêm.

5. Boris Johnson đã kêu gọi các nước phương Tây trợ giúp thêm cho Ukraine

Ông Boris Johnson đã kêu gọi các nước phương Tây “khẩn trương xem xét” xem họ có thể làm gì hơn nữa để hỗ trợ Ukraine với hy vọng chấm dứt nhanh chóng cuộc xâm lược của Nga ngay trong năm tới.

Cựu thủ tướng Anh, người được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ca ngợi là đồng minh chủ chốt trong cuộc chiến chống lại Nga, đã sử dụng một bài báo trên tờ Wall Street Journal để lập luận rằng việc kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt là “lợi ích của mọi người, kể cả Nga”.

Ông nói rằng mặc dù cam kết tài chính quan trọng với Ukraine là “đau đớn” trong thời kỳ hạn chế về ngân sách, nhưng “thời gian là tiền bạc, và điều này càng kéo dài thì tất cả chúng ta sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hỗ trợ quân sự”.

Johnson vẫn là người lên tiếng ủng hộ các nỗ lực của Ukraine kể từ khi rời nhiệm sở vào tháng 9. Người kế nhiệm của ông Rishi Sunak, người đã đến thăm Kyiv vào tháng trước, đã cam kết tiếp tục ủng hộ Vương quốc Anh cho Ukraine.

Cựu thủ tướng viết:

Không có thỏa thuận đổi đất lấy hòa bình nào được thực hiện, ngay cả khi ông Putin đưa ra đề nghị đó và ngay cả khi ông ấy đáng tin cậy, nhưng ông ta không phải là con người như vậy. Vì chiến tranh chỉ có thể kết thúc theo một cách, nên câu hỏi đặt ra là chúng ta đi đến kết luận không thể tránh khỏi ấy nhanh đến mức nào.

Tất cả mọi người, bao gồm cả Nga, đều có lợi khi bức màn hạ xuống càng sớm càng tốt trước hành động sai lầm của ông Putin. Không phải năm 2025, không phải năm 2024, mà là năm 2023.

Johnson cảnh báo rằng mùa đông tới có thể còn khó khăn hơn mùa đông này, do nguồn cung cấp khí đốt cho các quốc gia từng phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga đang ở mức thấp.

Putin càng tiếp tục với những cuộc tấn công vô nghĩa của mình, tình trạng xuất huyết kinh tế toàn cầu sẽ càng kéo dài. Chúng ta có thực sự sẽ chờ đợi và để mọi thứ trôi đi cho đến khi Putin lấy lại được một số đòn bẩy của mình không?

Đã đến lúc phải khẩn trương xem phương Tây có thể làm gì hơn nữa để giúp người Ukraine đạt được các mục tiêu quân sự của họ, hoặc ít nhất là đuổi người Nga ra khỏi tất cả các vùng lãnh thổ bị xâm chiếm trong năm nay.

Đó là cơ sở hợp lý duy nhất để có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện về tương lai.

6. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết sự hỗ trợ của Iran dành cho Nga sẽ tăng lên để đổi lấy những trao đổi quân sự 'chưa từng có'

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, sự hỗ trợ của Iran dành cho quân đội Nga có thể sẽ tăng lên trong những tháng tới và Mạc Tư Khoa có thể sẽ cung cấp cho Tehran mức hỗ trợ quân sự “chưa từng có” để đổi lại.

Bản cập nhật tình báo mới nhất của Bộ cho biết Iran đã trở thành một trong những nước ủng hộ quân sự hàng đầu của Nga kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 và Mạc Tư Khoa hiện đang cố gắng mua thêm vũ khí, bao gồm hàng trăm hỏa tiễn đạn đạo.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Iran đã trở thành một trong những quốc gia ủng hộ quân sự hàng đầu của Nga kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Sự hỗ trợ của Iran đối với quân đội Nga có thể sẽ tăng lên trong những tháng tới: Nga đang cố gắng mua thêm vũ khí, bao gồm hàng trăm hỏa tiễn đạn đạo.

Đổi lại, Nga rất có thể sẽ cung cấp cho Iran mức hỗ trợ kỹ thuật và quân sự chưa từng có, là điều đang làm thay đổi mối quan hệ quốc phòng của họ.

Nga rất có thể đã sử dụng một phần lớn kho dự trữ hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn SS-26 Iskander, mang đầu đạn nặng 500kg với tầm bắn 500km. Nếu Nga thành công trong việc đưa một số lượng lớn hỏa tiễn đạn đạo của Iran vào cuộc chiến thì nước này có thể sẽ sử dụng chúng để tiếp tục và mở rộng chiến dịch tấn công cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Ukraine.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Tòa Bạch Ốc đang tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối quan hệ đối tác quân sự đang nở rộ giữa Iran và Nga. Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết hôm thứ Sáu rằng Hoa Kỳ sẽ làm việc để “vạch trần và phá vỡ” việc trao đổi các vũ khí và các bí quyết giữa hai nước.

Tướng John Kirby cho biết: “Đây là một quan hệ đối tác quốc phòng toàn diện có hại cho Ukraine, các nước láng giềng của Iran và khá thẳng thắn, tôi phải nói là có hại đối với cộng đồng quốc tế”.

Kirby cho biết Mỹ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với ba thực thể của Nga liên quan đến việc mua và sử dụng máy bay không người lái của Iran. Hoa Kỳ cũng ủy quyền thêm 275 triệu đô la viện trợ quân sự cho Ukraine vào thứ Sáu.

Ông cho biết hàng trăm máy bay không người lái mà Iran đang cung cấp cho Nga đang được sử dụng để giết hại những người Ukraine vô tội và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự. Ông cho biết Iran đang cung cấp cho Nga ở “mức độ chưa từng có” về hỗ trợ quân sự và kỹ thuật, bao gồm cả khả năng bán hỏa tiễn đạn đạo và một dây chuyền sản xuất chung mới tinh giữa 2 nước.

Đổi lại, Nga đang tìm cách hợp tác với Iran trong việc phát triển vũ khí và các thành phần quân sự tiên tiến, Kirby cho biết, đồng thời có thể cung cấp cho Tehran các máy bay trực thăng và hệ thống phòng không cùng với việc đào tạo phi công ở Nga.

Ông gọi đường ống dẫn dầu Tehran-Mạc Tư Khoa là “quan hệ đối tác quốc phòng toàn diện” mà Mỹ cho rằng sẽ phát triển trong những tháng tới.

Ông cho biết Mỹ đã cảnh báo các quốc gia Trung Đông khác rằng liên minh có thể gây ra mối đe dọa cho khu vực của họ và cho biết Mỹ sẽ “tập hợp các quốc gia có cùng chí hướng” để thảo luận về hợp tác Iran-Nga.

7. Putin gợi ý khả năng dàn xếp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Rượu nói chứ không phải Putin nói

Vladimir Putin đã đề cập đến một giải pháp tiềm năng để chấm dứt cuộc chiến của ông ở Ukraine trong khi vẫn tuyên bố rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch.

“Toàn bộ quá trình thương thảo, vâng, có thể sẽ khó khăn và sẽ mất một thời gian. Nhưng bằng cách này hay cách khác, tất cả những người tham gia vào quá trình này sẽ phải đồng ý với thực tế đang hình thành trên thực địa”, Tổng thống Nga cho biết trong một cuộc họp báo ở Bishkek, Kyrgyzstan.

Nhận xét này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Putin dường như đang chuẩn bị cho người Nga về một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, nói rằng hoạt động quân sự của ông ta có thể là một “quá trình dài hạn”. Ban đầu, các chỉ huy Nga dự kiến cuộc chiến sẽ chỉ kéo dài vài ngày hay cùng lắm là một tuần trước khi Nga chiến thắng, theo kế hoạch được ghi bằng văn bản khi bắt đầu cuộc chiến. Bây giờ đã là tháng thứ 10 và Nga đã buộc phải rút lui trong vài tháng qua.

Bất chấp mọi bằng chứng ngược lại, Putin tuyên bố rằng hoạt động quân sự của ông ta đã, đang và sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. “Mọi thứ đều ổn định. Không có câu hỏi hay vấn đề nào ở đó,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng thông tin đã được cung cấp cho công chúng một cách minh bạch.

Những nhận xét đó được đưa ra một ngày sau khi Putin dường như say sưa với các cuộc tấn công gần đây của Nga vào cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine.

Bàn về các tuyên bố xem ra có vẻ trái chiều nhau, tờ Guardian nhấn mạnh rằng: Uống một thứ có vẻ như là rượu nho trắng, Putin thề sẽ tiếp tục tấn công mạng lưới năng lượng của Ukraine bất chấp sự phản đối kịch liệt về các cuộc tấn công có hệ thống đã khiến hàng triệu người chìm trong bóng tối và giá lạnh khi mùa đông bắt đầu.

Phát biểu sau lễ trao giải cho “Những anh hùng của nước Nga” tại Điện Cẩm Linh hôm thứ Năm, tổng thống đã nói chuyện với một nhóm binh sĩ. Thừa nhận các cuộc tấn công có chủ đích của Nga, Putin đổ lỗi cho Ukraine vì đã khởi xướng xu hướng tấn công cơ sở hạ tầng dân sự, chỉ ra vụ nổ trên cây cầu quan trọng giữa lục địa Nga và bán đảo Crimea bị sáp nhập.

“Vâng, chúng ta làm điều đó,” Putin nói về các cuộc tấn công vào lưới điện Ukraine. “Nhưng ai đã bắt đầu nó? Có rất nhiều ồn ào về các cuộc tấn công của chúng ta vào cơ sở hạ tầng năng lượng của một quốc gia láng giềng. Điều này sẽ không can thiệp vào các nhiệm vụ chiến đấu của chúng tôi.”

Đoạn video do kênh truyền hình nhà nước Zvezda của Nga quay cho thấy ông Putin cầm một ly rượu trong khi nói về số phận của hàng chục triệu người Ukraine.

Ukraine trước đây đã bác bỏ tuyên bố của Mạc Tư Khoa rằng các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của họ là sự trả đũa cho vụ tấn công cầu Kerch.

Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine tuyên bố các đơn vị quân đội Nga đã nhận được chỉ thị từ Điện Cẩm Linh chuẩn bị tấn công hỏa tiễn quy mô lớn một tuần trước vụ tấn công cầu Crimea.

Trong suốt cuộc chiến, ngay từ những ngày đầu, chẳng hạn như trong cuộc tấn công vào thành phố Mariupol, các nhà báo, tổ chức độc lập và quan chức Ukraine cũng đã ghi lại các cuộc tấn công của Nga vào các tòa nhà dân sự và cơ sở hạ tầng.

Putin tiếp tục cáo buộc Kyiv cho nổ đường dây điện từ nhà máy điện hạt nhân Kursk và không cung cấp nước cho Donetsk ở miền đông Ukraine.

“Không cung cấp nước cho một thành phố hơn một triệu dân là một hành động diệt chủng,” Putin nói, đồng thời đổ lỗi cho phương Tây “hoàn toàn im lặng” trước những tuyên bố này và có thành kiến với Nga.

Tổng công tố Ukraine, Andriy Kostin, tháng trước cho biết các cuộc tấn công của Nga vào lưới điện Ukraine là một hành động diệt chủng.

Vào tháng 4, Unicef phát hiện ra rằng ít nhất 35 kỹ sư nước của Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương ở Donetsk và Luhansk kể từ năm 2014, khi các cuộc đụng độ nổ ra giữa lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn và Ukraine. Một số ngôi làng đã không có nước kể từ đó.

Các cuộc pháo kích của Putin vào cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Ukraine đã khiến hàng triệu người không có nước, hệ thống sưởi, khí đốt và ánh sáng khi mùa đông bắt đầu.

“Người Nga đã tăng cường nỗ lực của họ ở Donetsk và Luhansk,” cố vấn tổng thống Ukraine, Oleksiy Arestovych, cho biết trong một video hôm thứ Năm. “Họ hiện đang trong giai đoạn rất tích cực cố gắng tiến hành các hoạt động tấn công. Chúng ta không tiến tới đâu mà đúng hơn là phòng thủ, tiêu diệt bộ binh và thiết bị của kẻ thù ở bất cứ nơi nào chúng cố gắng tiến tới.”

Nhà điều hành năng lượng Ukraine Ukrenergo hôm thứ Năm cho biết họ vẫn đang quay cuồng với đợt tấn công mới nhất trong tuần này và đang ở mức “thâm hụt đáng kể”.

Hôm thứ Sáu, Putin cho biết sau vụ trao đổi kẻ buôn bán vũ khí bị kết án Viktor Bout lấy cầu thủ bóng rổ Hoa Kỳ Brittney Griner rằng có thể có nhiều cuộc trao đổi hơn nữa.

“Có bất kỳ trao đổi nào khác có thể không? Mọi thứ đều có thể,” ông ta nói. Cựu thủy quân lục chiến Paul Whelan, người đã bị bắt ở Nga và bị kết án 16 năm vì tội gián điệp, không được đưa vào giao dịch tuần này.

Ông nói rằng vụ mua bán này do cơ quan an ninh Nga FSB tổ chức và các cơ quan gián điệp của Mỹ và Nga chỉ thảo luận về việc trao đổi tù nhân.

“Mục tiêu của chúng tôi không phải là chuyển từ những cuộc đàm phán này sang bất kỳ cuộc đàm phán nào khác. Nhưng tất nhiên, họ tạo ra một bầu không khí nhất định, đó là sự thật,” Putin nói.

Putin cũng thảo luận về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân trong bài phát biểu hôm thứ Sáu, nói rằng học thuyết hạt nhân của Nga không cho phép tấn công phủ đầu và trong trường hợp chiến tranh tổng lực, các cuộc tấn công chống lại Nga sẽ là “không thể tránh khỏi”.

“Tuy nhiên, kẻ thù sẽ không còn gì,” ông ta nói thêm.
 
Ngoại trưởng Ukraine thăm Vatican, cám ơn ĐTC. Hàng mấy triệu người rước kiệu kính Đức Mẹ Guadalupe
VietCatholic Media
17:21 11/12/2022


1. Ngoại trưởng Ukraine và Chánh văn phòng tổng thống Ukraine thăm Tòa Thánh

Như chúng tôi đã tường trình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bật khóc khi đề cập đến Ukraine trong lời cầu nguyện cùng Đức Mẹ hôm thứ Năm 8 tháng 12, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đến quảng trường Tây Ban Nha lúc 15:47, Đức Thánh Cha Phanxicô, được thị trưởng Rôma Roberto Gualtieri và Đức Hồng Y Tổng đại diện Angelo De Donatis, chào đón. Ngài đã chống gậy bước đến khu vực tượng đài Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Sau khi làm phép lẵng hoa hồng trắng lớn, lắng nghe các bài kinh cầu Đức Trinh Nữ do ca đoàn của Giáo phận Rôma xướng lên, ngài nhắc nhớ rằng rất nhiều vòng hoa, được nhiều người dân đặt “ bày tỏ tình yêu và lòng tôn kính Đức Mẹ, Đấng luôn dõi theo tất cả chúng con”, và là Đấng “thấy và chào đón cả những bông hoa vô hình, là biết bao lời khẩn cầu, biết bao lời van xin thầm lặng, đôi khi nnức nở, lặng lẽ dành cho Mẹ.

“Sau hai năm con đến để bày tỏ lòng tôn kính Mẹ một mình vào lúc bình minh, hôm nay con trở lại với Mẹ cùng với dân Thánh Chúa và những người của Thành phố này. Và con mang đến với Mẹ lời cảm ơn và lời cầu xin của tất cả con cái của Mẹ, gần xa”.

Rồi giọng của Đức Thánh Cha bắt đầu run lên khi ngài đề cập đến sự đau khổ của người Ukraine. Ngài nói:

“Con muốn mang đến cho Mẹ lời cảm ơn của người dân Ukraine …”

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô không thể tiếp tục trong khoảng 30 giây, và bắt đầu run rẩy.

Người ta thấy Đức Thánh Cha Phanxicô đã khóc. Đám đông, trong đó có thị trưởng Rome, Roberto Gualtieri, đã vỗ tay khi họ nhận ra ngài không thể nói và thấy ngài khóc.

Khi có thể tiếp tục cầu nguyện trở lại, giọng Đức Thánh Cha khàn đi.

Ngài nói tiếp:

Người dân Ukraine tiếp tục cầu xin cho hòa bình mà chúng con đã cầu xin Chúa từ lâu. Con muốn trình bày với Mẹ những lời cầu xin của trẻ em, người già, cha mẹ và những người trẻ tuổi của vùng đất tử đạo đó, nơi đang chịu đựng rất nhiều đau khổ.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Chánh văn phòng tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak đã thăm Tòa Thánh để cám ơn Đức Thánh Cha đã ủng hộ người dân Ukraine. Nói chuyện với các phóng viên báo chí, ông nói:

“Sự thật đáng buồn là chưa đến lúc hòa giải”. Bình luận về những lời của Vladimir Putin rằng “Cuối cùng, một thỏa thuận không thể tránh khỏi để chấm dứt xung đột sẽ phải xảy ra”, Ông Kuleba nói rằng ông tin rằng bản thân Putin chưa muốn thương thảo. “Nếu ông ta muốn hòa bình, đừng gửi hỏa tiễn hàng tuần để phá hủy cơ sở hạ tầng của chúng tôi, đừng tiếp tục cử binh lính đi chiếm các thành phố của chúng tôi, đừng sáp nhập các lãnh thổ thuộc về người khác”. Ông cũng nói với các nhà báo rằng chính phủ Ukraine đánh giá cao về vai trò có thể có trong tương lai của Vatican trong thỏa thuận hòa bình cuối cùng.”

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng: “Tòa thánh hay bất kỳ nhà nước nào đừng nói rằng nếu họ giúp một việc gì đó, họ phải trung lập để không làm người Nga sợ hãi. Chúng tôi không chấp nhận điều này. Hãy nhớ rằng Nga là kẻ xâm lược và Ukraine là nạn nhân. Chúng tôi không thể bị đặt ngang hàng, nếu không sẽ tạo ra thông điệp sai lầm, như thể cả hai đều phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến. Xin cũng đừng khăng khăng khái niệm huynh đệ, chúng tôi không phải là anh em. Như trong trường hợp Cain và Abel. Họ đã vi phạm tất cả luật lệ của Thiên Chúa trong lãnh thổ của chúng tôi”.

Ông cũng lưu ý rằng chỉ vài giờ trước đó, các cuộc không kích của Nga vào Ukraine vẫn tiếp tục: Kyiv tuyên bố đã bắn hạ 10 trong số 15 máy bay không người lái kamikaze được phóng vào Odessa, Kherson và Mykolaiv trong đêm.
Source:quotidiano.net

2. Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria thu hút hàng triệu người đến đền thánh Mexico City

Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe là một trong những địa điểm tôn giáo được yêu thích và viếng thăm nhiều nhất trên thế giới. Với mái hình lều hình tròn có thể nhìn thấy từ cách xa hàng dặm và một lịch sử linh thiêng mà mỗi năm thu hút hàng triệu khách hành hương gần xa đến với nó, địa điểm này nằm trên đỉnh đồi ở Thành phố Mexico.

Đầu tháng 12 là thời điểm bận rộn nhất, khi những người hành hương đổ về trước ngày 12 tháng 12, ngày lễ kính Đức Mẹ Guadalupe. Đối với các tín hữu Công Giáo, ngày này là ngày kỷ niệm một trong nhiều lần hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria được chứng kiến bởi một người đàn ông bản địa Mễ Tây Cơ tên là Juan Diego vào năm 1531.

Đại dịch COVID-19 đã làm giảm số lượng người hành hương vào năm 2020. Năm ngoái, ngay cả khi vẫn còn một số hạn chế, số người tham dự các lễ kỷ niệm vào tháng 12 đã tăng lên ít nhất 3.5 triệu người, theo các quan chức địa phương. Con số lớn hơn được mong đợi trong năm nay.

Đối với nhiều người hành hương, hành trình đến địa điểm này là một biểu hiện của lòng biết ơn đối với những phép lạ mà họ tin rằng Đức Trinh Nữ đã mang đến cho cuộc sống của họ. Xung quanh vương cung thánh đường, một số người thắp nến cầu nguyện trong im lặng. Một số quỳ xuống và khóc. Những người khác ôm tượng Đức Mẹ trên tay khi họ nhận phép lành của một linh mục.

Trong số những người hành hương lần đầu năm nay có Yamilleth Fuente, người đã bước vào vương cung thánh đường với chiếc khăn màu vàng được trang trí bằng hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe.

Fuente, người đã đi du lịch một mình đến Thành phố Mexico từ nhà của cô ở El Salvador, nói rằng cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào năm 2014 và đã hồi phục sau khi cầu nguyện với Đức Trinh Nữ. Khi cô ngỏ ý muốn đi hành hương, chồng và hai con của cô đã khuyến khích cô.

“Tôi đã yêu Đức Trinh Nữ cả đời. Tôi thậm chí đã từng mơ về Đức Mẹ,” Fuente nói. “Con gái tôi tên là Alexandra Guadalupe vì nó cũng là một phép lạ mà Đức Trinh Nữ đã ban cho tôi.”

Cô nói: “Cả cuộc đời tôi tràn ngập những phép lạ từ Chúa và Đức Trinh Nữ Maria. “Bạn có thể viết một cuốn sách về tất cả những gì Đức Mẹ đã làm cho tôi.”
Source:AP

3. Đức Tổng Giám Mục Ukraine cáo buộc Nga tra tấn các linh mục bị giam giữ

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói rằng hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế từ Berdiansk đã bị đánh đập tàn tệ để buộc nhận tội.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, thuộc Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đang cáo buộc Nga tra tấn hai linh mục bị giam giữ vào cuối tháng 11. Trước đó, ngài đã lên án việc bắt giữ hai linh mục từ thị trấn Berdiansk do Nga xâm lược với tội danh khủng bố.

Aleteia trước đây đã đưa tin về vụ bắt giữ hai linh mục của Nhà thờ Chúa Giáng Sinh của Đức Trinh Nữ Maria: là hai Cha Ivan Levitskyi và Cha Bohdan Helena Cha Sở và Cha Phó nhà thờ. Cả hai cha đã bị bắt và bị buộc tội sở hữu vũ khí và chất nổ. Hơn nữa, các lực lượng Nga tuyên bố họ đã tìm thấy các tài liệu khủng bố liên quan đến hai linh mục.

Ngay sau khi họ bị bắt, Đức Cha Stepan Meniok của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã lên án việc giam giữ là “vô căn cứ và bất hợp pháp”. Vị bản quyền nói rằng cả Cha Levitskyi và Cha Heleta đã thi hành chức vụ hơn ba năm qua tại đây và chỉ công bố “lời bình an”.

Đức Cha Meniok gợi ý rằng những người Nga đã bắt giữ các linh mục dựa trên các bằng chứng ngụy tạo. Ngài lưu ý rằng cả hai linh mục đều đang bị giam giữ khi cuộc khám xét được tiến hành, để lại nhiều cơ hội cho các tài liệu và vũ khí được dàn dựng. Ngài viết:

“Vào thời điểm khám xét nhà thờ, nhà xứ liền kề và cơ sở kỹ thuật của giáo xứ, cả hai linh mục đều đã bị giam giữ, điều đó có nghĩa là các ngài không thể kiểm soát những cơ sở này, cũng như các hành động của Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Nga theo bất kỳ cách nào,”

Bây giờ, cơ quan truyền thông The Tablet báo cáo rằng Đức Tổng Giám Mục Schevchuk đã tuyên bố rằng Cha Levitskyi và Cha Helena đã bị người Nga “tra tấn không thương tiếc” trong nỗ lực buộc tội. Đức Tổng Giám Mục đã so sánh các chiến thuật hiện đại của Nga với những chiến thuật được sử dụng bởi các chế độ cộng sản của Liên Xô:

“Theo các phương pháp đàn áp cổ điển của chủ nghĩa Stalin, họ chỉ đơn giản là buộc các ngài phải thú nhận một tội ác mà họ không phạm phải,” Đức Tổng Giám Mục nói. Ngài nói thêm, “Họ không có tội. Họ là linh mục của Chúa Kitô: Họ chỉ có tội là yêu thương dân của họ – Giáo hội, và dân Chúa.”

Theo The Tablet, các vụ bắt giữ bị nghi ngờ là sự trừng phạt đối với các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà thờ vẫn liên kết với Thượng phụ Mạc Tư Khoa sau cuộc xâm lược của Nga. Chính phủ Ukraine gần đây đã đặt ra các hạn chế đối với các nhà thờ và tu viện liên kết với Nga, đồng thời tiến hành các cuộc đột kích vào tài sản của họ.
Source:Aleteia