Ngày 12-12-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:15 12/12/2008
TUỆ KIẾN

N2T


Các đệ tử sôi nổi thảo luận về nguyên nhân đau khổ của nhân loại.

Có một vài người chủ trương đau khổ đến là do tư dục, có vài người chủ trương nó đến từ những ý nghĩ xằng bậy, lại có một số người khác lại cho rằng nó đến là do nhân loại không thể phân biệt sự thực và viễn vông.

Các đệ tử đến trước mặt sư phụ xin ông ta chỉ giáo. Sư phụ nói: “Tất cả mọi đau khổ đều là vì con người không có cách gì tự mình ngồi trong sự yên tĩnh.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Muốn suy nghĩ một vấn đề thì người ta cần sự yên tĩnh, vấn đề càng lớn càng quan trọng thì càng ngồi yên tĩnh lâu ngày hơn, người công giáo gọi đó là tĩnh tâm.

Càng suy nghĩ nhiều thì có thể tránh được những lỗi lầm không đáng phạm trong cuộc sống của mình, đó là tuệ kiến. Tuệ kiến chính là nhìn sự việc cách khôn ngoan.

Người Ki-tô hữu mỗi năm ít nữa là có hai lần để suy tư về cuộc sống của mình đời này và đời sau, đó là tĩnh tâm mùa vọng và mùa chay. Hai mùa này giúp cho người Ki-tô hữu kết hợp mật thiết với mầu nhiệm Giáng Sinh và mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã dùng sự đau khổ của mình để cứu chuộc nhân loại.

Mọi đau khổ của con người và cá nhân sẽ được ơn Chúa soi sáng trong hai đợt tĩnh tâm này, để họ nhận ra được –dưới ánh sáng Lời Chúa- đau khổ chính là phương thế hữu hiệu mà Chúa Giê-su đã dùng để thanh lọc, thánh hóa con người của họ, do đó, không lạ gì sau khi tĩnh tâm xong, thì người Ki-tô hữu đa phần đều trở nên con người mới trong cuộc sống của họ: họ vui vẻ chấp nhận những khổ đau do người này người nọ đem đến, họ thay đổi cách suy tư cho phù hợp với những gì mà Chúa Giê-su đã nói với họ trong kỳ tĩnh tâm...

Tuệ kiến là nhìn mọi sự mọi việc cách khôn ngoan, đó là cách nhìn của người khôn ngoan. Nhưng tuệ kiến của người Ki-tô hữu thì vượt cả trên sự khôn ngoan của người đời, bởi vì họ nhìn ra được Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn tâm hồn họ biết tĩnh tọa giữa xã hội bon chen và xô bồ này.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:16 12/12/2008
N2T


32. Ngoài việc nguyện xin Chúa ban cho tôi được biết mình, còn những việc khác thì không cần biết đến.

(Thánh Bernard)
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
05:52 12/12/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (64)

641. Gương tốt của các bổn đạo đầu tiên trong Giáo Hội sơ khai

Các bổn đạo đầu tiên trong Giáo Hội sơ khai thiếu tất cả mọi yếu tố để thành công: thông thái, giàu sang, chức quyền, lợi khẩu, …. Họ chỉ có một điều: sống đời sống Đức Tin rất gương mẫu. Nhờ đó, họ đã đem được rất nhiều người ngoại giáo trở lại Đạo Chúa.
Gương tốt đánh tan bóng tối, đem lại ánh sáng linh động và vạch rõ con đường ngay chính.
Gương tốt làm cho người ta giữ luật Chúa và xa lánh tội lỗi.
Tertulianô viết về các bổn đạo đầu tiên nầy:
- “Chỉ có sự hiện diện của mình, các bổn đạo đầu tiên cũng đủ làm cho tính xấu phải hổ thẹn.”

642. Cách ăn ở hơn lời nói

Cha sở một giáo xứ kia bên Italia kể lại câu truyện về gương tốt như sau.
Trong giáo xứ tôi, người ta sống rất lả lơi, nhất là giới trẻ. Tôi liền mời một cha dòng Capucin đến giảng tuần đại phúc.
Trước khi tới nghe giảng đêm khai mạc, giới trẻ cười bảo nhau: thế nào cha dòng nầy cũng lên án xinê, khiêu vũ, thể thao, …
Nhưng họ bỡ ngỡ. Điềm đạm và đoan trang, cha dòng giảng về tình yêu, về ơn nghĩa, về các chân lý đức tin, không đả động gì đến những vấn đề như họ tưởng.
Họ bảo nhau: chắc là ngày mai, thế nào cha dòng nầy cũng nói đến….
Mai lại, vẫn không.
Rồi ngày mai nữa, cũng vẫn không. Cho đến khi bế mạc.
Sau khi bế mạc tuần đại phúc, một nhóm thanh niên thanh nữ đến tìm tôi và nói: “Bây giờ, chúng con hiểu thế nào là phải đoan trang, đằm thắm, trong sạch nhờ thấy sự dịu dàng, sự đoan trang của cha dòng đã giảng cấm phòng, và chúng con hiểu thế nào là sự đoan trang làm đẹp lòng Chúa.”

643. “Tôi cầu nguyện cho ông đó!”

Tôi đau nặng, phải vào bệnh viện. Không ai săn sóc tôi cả, ngoài ra một nữ y tá. Chị tỏ ra tốt lành và nhẫn nại hết sức.
Một đêm kia, tôi thấy chị quỳ thinh lặng ở trong phòng. Tôi ngạc nhiên hỏi chị:
- “Chị quỳ làm gì đó?”
- “Tôi quỳ cầu nguyện cho ông.”
Chừng ấy tiếng đủ làm cho linh hồn nguội lạnh của tôi gặp lại được Chúa.
Hôm đó, giữa sự đau khổ, nhờ lời cầu nguyện đầy yêu thương của một người, tôi đã gặp được Chúa.
(Theo lời một người nghịch đạo kể lại với cha Sanson là vị giảng thuyết ở Đến Thờ Đức Bà ở Paris. Cha Sanson kể lại câu truyện nầy để chứng minh gương tốt lôi và lời cầu nguyện lôi kéo người ta trở lại.)

644. Gương tốt làm cho người ta trở lại hơn một vạn bài giảng hay

Ngày kia, đang giảng đạo, thánh Phanxicô Xaviê thấy một bạn của mình bị người ta nhổ nước miếng vào mặt.
Thánh Phanxicô Xaviê làm gì? Ngài rút khăn trong bọc ra, lau sạch mặt của người bạn, rồi tiếp tục giảng đạo, không nói một lời gì phản đối.
Một học giả thấy vậy, liền nói lớn tiếng:
- “Họ giảng Đức Giêsu và họ chịu các điều sỉ nhục như vậy, chắc là họ hơn người, và đạo họ là thật.”
Và người học giả nầy xin trở lại.

645. Noi gương

“Noi gương” là một cá tính của con người.
“Noi gương” không phải là một cái xấu, trừ phi ta bỏ cái hay để bắt chước cái dỡ, như chuyện “Con ếch muốn to bằng con bò” trong ngụ ngôn La Fontaine, hoặc như “Đàn cừu của chàng Panurge” (Les Moutons de Panurge): thấy con đầu đàn nhảy xuống, cả đàn cừu đều nhảy theo.
Điển chép: Diễm Tân Vương ngày xưa có nuôi một con loan ba năm, không hót một tiếng.
Tân Vương liền dùng tấm gương chiếu vào con loan, cốt ý cho nó nhìn vào gương, tưởng là đồng loại đang hót, cũng sẽ bắt chước mà hót theo.
Quả thế, con loan thật đã bắt chước con loan giả, gân cổ lên mà hót, hót mãi cho đến lúc đứt hơi giãy chết mới thôi.
Đời bây giờ: “thuyền đua thì lái cũng đua”, nào có thiếu gì những mẫu người bạ cái gì cũng bắt chước, in hệt con loan trong chuyện: hay, họ chê là dỡ; dỡ, họ bảo là hay. (Thiên Lý Kính)

646. Muốn thành công trong cuộc sống, không nên có nhiều “giả thiết”.

Bạn tôi, sau khi tốt nghiệp đại học, hùn với vài người khác, mở một công ty bán sản phẩm điện tử. Nhưng bởi vì mới bước chân vào chốn thương trường, thiếu kinh nghiệm, nên một năm sau, công ty của họ buộc phải tuyên bố phá sản. Vì thế, bạn tôi (tôi: Lê Văn Bình) nợ một khoản tiền khá lớn, lên đến trăm triệu.
Không còn cách nào khác, anh ta đành phải xin vào một công ty vận tải đường biển, làm nhân viên kiểm tra đường dây.
Nhưng làm việc chưa được hai tháng, chân phải của anh giẫm vào một chiếc đinh trên boong tàu và bị thương rất nặng.
Anh tập tễnh rời khỏi công ty đó, về nhà chữa trị vết thương.
Tôi động viên anh hãy dũng cảm đứng dậy, làm lại từ đầu. Nhưng anh nản chí, nói:
- “Nếu trước đây mình đừng “ngựa non háu đá” như thế, thì sẽ không rơi vào tình cảnh túng quẫn như hôm nay. Nếu mình không làm việc cho công ty vận tải đường biển ấy, thì chân của mình cũng không bị thương nặng như thế nầy.”
Sau đó, trong một lần xem một triển lãm tranh của một hoạ sĩ già tàn tật, tôi và bạn tôi tình cờ gặp người hoạ sĩ già ấy - một cụ già ngồi trên xe lăn.
Sau khi nghe bạn tôi kể về cảnh ngộ “bất hạnh” của mình, người họ sĩ cười lên rất to. Sau đó, ông mới nói:
- “Vừa nảy, từ trong câu truyện anh kể, tôi nghe thấy có ít nhất năm từ “nếu”. “Nếu” khi mới ra trường, anh không vội vàng bước chân vào chốn thương trường, thì anh không phải nợ một khoản tiền nhiều như thế; “nếu” anh không làm việc cho công ty vận tải đường biển ấy, thì chân của anh không bị thương. Nhưng bây giờ, anh có thể thoát ra những giả thiết ấy không?”
Bạn tôi lắc đầu.
Người họa sĩ già nói tiếp:
- “Thực ra, mười năm trước đây, khi mới bị tai nạn giao thông, tôi cũng từng có những ý nghĩ tuyệt vọng. Nhưng sau nầy, sự tự đầy đoạ và chối bỏ bản thân nầy chỉ làm cho tôi lâm vào tình trạng khốn quẫn và bi quan hơn, vì thế, tôi dùng hội họa để giải tỏa những đau khổ trong lòng. Khi đối mặt với bất hạnh trong cuộc sống, nên dùng tinh thần dũng cảm, quyết đoán, để đương đầu với chúng. Hãy luôn nhẩm đọc nhiều lần câu: “Chỉ cần…, thì…” Chỉ cần anh nỗ lực cố gắng, thì chắc chắn anh sẽ có thu hoạch.”
Câu nói của người hoạ sĩ già làm chúng tôi suy ngẫm rất nhiều. Đúng thế, trong cuộc sống, chúng ta nên có tinh thần dũng cảm.
Không lâu sau, bạn tôi làm nhân viên tiêu thụ cho một công ty điện tử chuyên nghiệp.
Bạn tôi hăng say làm việc.
Khi thành tích trong công việc mỗi ngày một nhiều, thì đãi ngộ của công ty dành cho bạn tôi cũng tăng lên. Bây giờ, bạn tôi được cất nhắc lên chức giám đốc nghiệp vụ với mức lương hàng trăm triệu đồng một năm.
Lãng phí tâm trí và sức lực để hối hận về những ngày tháng trong quá khứ là một lỗi lầm chúng ta thường mắc phải trong cuộc sống. Chính suy nghĩ tiêu cực nầy làm cho chúng ta trở nên do dự, thiếu tự tin trong cuộc sống.
Muốn thành công, thì trong cuộc sống, không nên có quá nhiều giả thiết. (Những Bài Học Cuộc Đời)

647. Đứng trước đại cục, phải biết “bỏ lính cứu chúa”.

Trong cờ tướng, có nước cờ “xả cư bảo soái”. Lúc chơi, chỉ cần một bên mất con tướng, coi như thua. Vì thế, trong giờ khắc quan trọng, phía đang lâm nguy sẽ hy sinh lính để bảo đại soái. Sự hy sinh nầy có mục đích, thực ra, đó cũng là một kế sách. Có thoái, mới có tiến. Những người không biết từ bỏ, cuối cùng cũng trắng tay. Vì thế, trước đại cục, vì lợi ích quan trọng, biết từ bỏ lúc thích hợp, là điều rất cần thiết.
Những năm cuối Đông Hán, Hán Hiến Đế bị phản quân giam ở Trường An.
Một hôm, ông đã tìm được cơ hội để bỏ trốn. Nhưng khi bỏ chạy về phía Lạc Dương, phản quân cưỡi ngựa đuổi sát theo. Khó khăn lắm, ông mới có thể thoát khỏi bàn tay của chúng. Nhưng trước mắt, dường như đã không còn đường chạy. Đám người đang bỏ chạy, không biết làm như thế nào.
Lúc đó, lão thần Đổng Thừa đề nghị đem tất cả vàng bạc trên người bỏ hết, ngay cả trang sức của hoàng hậu cũng bỏ lại.
Bọn binh lính truy đuổi, khi thấy trên đường toàn là vàng bạc châu báu, lập tức nhảy xuống ngựa và giành giật lẫn nhau. Lúc nầy, trước mặt họ, toàn là châu báu, thì việc truy đuổi phạm nhân coi như tan thành mây khói.
Bạn coi, giữa sinh mệnh và châu báu, cái gì quý hơn? Đương nhiên là sinh mệnh quan trọng hơn rồi.
“Giữ được rừng xanh, sợ gì không có củi đốt.” “Xả cư bảo soái” của Hán Hiến Đế trong thờ khắc quan trọng, đã giữ lại tính mạng cho bản thân ông ta và bầu đoàn thê tử. Họ dễ dàng bỏ trốn đến Lạc Dương.
Nhiều lúc, phải biết từ bỏ những vật ít quan trọng, mới có thể đổi lấy những thứ quan trọng hơn. (11 Giải Pháp Giải Trừ Nguy Cơ Khủng Hoảng Tinh Thần)

648. Câu lạc bộ những người thích cười

Bạn sẽ cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm hơn khi có thể bật lên tiếng cười trong những tình huống nặng nề, căng thẳng nhất.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng tiếng cười giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm căng thẳng, do khi cười, bộ não giải phóng chất endorphin - một loại hormone có tác dụng giảm đau.
Sau khi áp dụng liệu pháp cười để chữa bệnh cho bệnh nhân, bác sĩ người Ấn là Madan Kataria đã thành lập câu lạc bộ những người thích cười đầu tiên vào năm 1995.
Một bài báo đăng tải trên tạp chí Health cho biết đến năm 2003, chỉ riêng ở Hoa Kỳ, đã có hơn sáu mươi câu lạc bộ những người thích cười. (Hạnh Phúc Ở Trong Ta)

649. Dù có thuận buồm xuôi gió, thì cũng cần phải sẵn sàng đối mặt với khó khăn.

Tương truyền có một thiếu niên, con nhà khá giả, rất thích ăn bánh giò. Miệng lúc nào cũng tóp tép nhai bánh giò. Mỗi lần ăn, chỉ thích ăn nhân bánh, còn vỏ ngoài thì lén bỏ sọt rác.
Song ý thích đó không được bao lâu. Một hôm, nhà cậu bị hoả hoạn rất lớn. Bố mẹ cậu bị chết và tổn thất nặng nề của cải. Cậu thiếu niên phải sống vất vưởng, Không biết đường đi ăn xin, cậu trở nên ngơ ngác dại khờ.
Có người hàng xóm thương tình, mỗi bữa, cho cậu một bát cháo.
Sau nầy, cậu cố gắng học hành, dùi mài kinh sử, nên đã thi đỗ trạng nguyên.
Khi cậu vinh quy về làng, liền đến trả ơn người hàng xóm tốt bụng. Bà hàng xóm nói:
-“Thực ra, tôi chưa cho anh cái gì cả. Tôi chỉ lấy vỏ bánh mà trước đây anh vứt đi, đem phơi khô, bỏ vào mấy chiếc bao tải để làm lương thực lúc cần. Đúng lúc anh cần, tôi lại nấu lên cho anh!” (Những đạo Lý Mà Thanh Thiếu Niên Cần Phải Có)

650. Đừng coi nhau như đối thủ không đội trời chung! Hãy ngồi lại với nhau và lắng nghe nhau để tìm ra giải pháp tốt đẹp cho cả đôi bên.

Giữa những năm 1940, bộ phim điện ảnh The Outlaw (Kẻ Sống Ngoài Vòng Pháp Luật) của Howard Hughes ra đời. Vai nữ chính của bộ phim thuộc về diễn viên Jane Russell….
Lúc đó, Hughes bị ấn tượng trước lối diễn xuất của Jane, đến mức đã ký với cô diễn viên nầy một hợp đồng trị giá một triệu đô-la, kéo dài một năm.
Mười hai tháng sau, Jane thông báo: -“Tôi muốn nhận được khoản tiền theo đúng hợp đồng.” Song Howard cho biết ông không thể thanh toán, nhưng có rất nhiều tài sản khác. Nhưng Jane chỉ muốn được thanh toán bằng tiền mặt….
Họ quyết định giải quyết mâu thuẩn thông qua luật sư của mình.
Mối quan hệ đồng nghiệp khăng khít trước đây, trở thành một cuộc chiến một mất một còn….
Nếu vụ tranh chấp phải đưa ra trước toà, ai sẽ chiến thắng? Có lẽ, các luật sư là những người duy nhất chiến thắng.
Vậy, vụ tranh chấp nầy đã được giải quyết như thế nào?
Trên thực tế, Russell và Hughes đều khôn ngoan…. Họ điều chỉnh hợp đồng ban đầu thành hợp đồng có thời hạn 20 năm với điều khoản thanh toán 50.000 đô-la mỗi năm.
Giá trị hợp đồng trên vẫn không đổi, nhưng phương thức đã khác đi.
Kết quả là Hughes đã giải quyết được vấn đề tài chánh và tiếp tục thu được khoản tiền lớn, còn Russell có thể chia nhỏ khoản thu nhập phải trả thuế của mình qua các năm, nhờ thế, tiền thuế thu nhập của cô cũng giảm xuống. Với khoản thu nhập năm trong 20 năm, cô cũng giải quyết được vấn đề tài chánh sinh hoạt của mình….Nghiệp diễn của cô không thể bảo đảm chắc chắn cho cuộc sống. Hơn nữa, cô không chỉ giữ được thể diện của mình, mà còn là người chiến thắng: hãy nhớ rằng khi đàm phán với một người như Howard Hughes, dù bạn đúng, bạn vẫn không thể chiến thắng.
Xét trên phương diện nhu cầu cá nhân, cả Russell và Hughes đều là những người chiến thắng. (Bạn Có Thể Đàm Phán Bất Cứ Điều Gì)
 
Bổn phận Mùa Vọng của người Kitô hữu
Lm Nguyễn Hữu Thy
08:25 12/12/2008
Chúa Nhật III Mùa Vọng/B

Bổn phận Mùa Vọng của người Kitô hữu


(Ga 1,6-8; 19-28)

Thánh Gioan Tẩy Giả là «dấu chỉ thời gian» hay nói đúng hơn, là lời Thiên Chúa cảnh cáo Dân riêng Người. Thánh nhân kêu gọi tất cả mọi người hãy ăn năn hối cải. Thánh nhân đòi hỏi tất cả mọi người hãy thay đổi tư duy và hãy tin vào Thiên Chúa. Và từng đoàn người tấp nập tuôn đến với ngài, thú nhận tội lỗi mình và xin ngài làm phép rửa cho như dấu chỉ tỏ lòng ăn năn hối cải. Tiếp đến là những sứ giả do các Thầy Cả ở Giê-ru-sa-lem phái đi cũng đã đến gặp thánh nhân. Ðể trả lời cho những câu hỏi họ đưa ra, thánh nhân đã trả lời cách thẳng thắn và rõ ràng: Tôi không phải là Ðấng Messia, tôi chỉ là phát ngôn viên của Người, đến để loan báo về Người. Còn chính Người đang ở giữa các ngươi, nhưng các ngươi không biết nhận ra Người.

Chúng ta cứ thử giả tưởng là trong thánh lễ hôm nay có một sứ giả nào đó đến với chúng ta, chẳng hạn: một phóng viên của đài truyền hình hay của một tờ báo, đến để làm một bài tường trình về đề tài «Những người Kitô hữu nghĩ gì về chính mình? Họ muốn gì? Ðời sống kitô hữu của họ có ích gì?» Nói cách khác, người phóng viên sẽ hỏi chúng ta: Quí vị nói gì về chính mình? Tại sao quí vị chịu Phép Rửa Tội và tại sao qúi vị đi nhà thờ đọc kinh cầu nguyện và xem lễ?

Mỗi người trong chúng ta sẽ trả lời thế nào đây?

Liệu người phóng viên khi về có thể trả lời lại cho «những người đã đề cử anh đi» một cách đại thể là: «Những người tự nhận mình là Kitô hữu, là người Công Giáo, xem ra thật sự là những người do Thiên Chúa sai đến. Họ luôn làm chứng nhân cho Người trong giáo xứ của họ, chứng nhân về ánh sáng mà Ðức Kitô đã mang đến cho họ. Họ làm chứng nhân, hầu qua đó tất cả mọi người tìm gặp được đức tin vào ánh sáng. Họ không phải là ánh sáng. Họ chỉ muốn làm chứng cho ánh sáng mà thôi, tức Đức Kitô!»

Liệu người phóng viên có thể có được sự nhận xét như thế về giáo xứ chúng ta hay không? Liệu qua lòng cảm kích, qua sự gắn bó với nhau, qua tình huynh đệ, qua kinh nguyện của chúng ta, anh ta có cảm nhận được về chúng ta: Ðó là những người mà người ta có thể cảm nhận ngay được rằng họ là những người luôn có Thiên Chúa trong cuộc đời; họ mang trong mình ánh sáng đến từ một thế giới khác; người ta có thể lập tức cảm nhận được rằng Ðấng đang ngự giữa họ là chính ánh sáng, là lòng nhân hậu và là niềm vui cho con người không?

Tuy nhiên, để trả lời cho những câu hỏi đó, hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ sống của chúng ta: Liệu chúng ta có chu toàn được bổn phận mình không. Liệu chúng ta có sống xứng đáng với ơn gọi «Kitô hữu» của mình không. Liệu chúng ta là những hạt lúa đích thực hay chỉ là vỏ trấu.

Có lẽ trong Chúa Nhật III Mùa Vọng hôm nay, ít ra chúng ta cũng có thể lôi cuốn được người phóng viên, để anh ta còn muốn trở lại với chúng ta (ở giáo xứ…) một lần nữa, chẳng hạn vào Lễ Giáng Sinh, vì anh ta đã nghe thấy được rằng trong ngày Ðại Lễ quan trọng và thân thương này, những người Kitô hữu chúng ta sẽ tổ chức «lạc quyên cho người nghèo» mà thiên hạ đã nói đến khắp nơi! Rất có thể anh ta sẽ tường trình lại cho «những người đã cử anh ta đi», là: Tại giáo xứ (T.) những người tự nhận là Kitô hữu, là người Công Giáo, tuy không đông, nhưng họ đã thực sự ý thức được mình là «muối ướp thế gian» nên có trách nhiệm đối với hết mọi người. Những Kitô hữu ở đây thực sự là nhân chứng cho ánh sáng, bởi vì họ dấn thân xây dựng một thế giới công bình và tươi sáng hơn, bởi vì họ, do tình yêu đối với Ðức Kitô mà họ gọi là Con Thiên Chúa, đã coi tất cả mọi người là những người anh chị em của mình?

Vậy, cũng như thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta hãy thẳng thắn và rõ ràng nói cho tất cả mọi người đã đến hỏi chúng ta biết rằng: Không phải chúng ta, nhưng chỉ một mình Người là Ðức Kitô; Không phải chúng ta là sự cứu rỗi và niềm hy vọng cho thế giới, nhưng là Người; không phải anh em ăn năn hối cải và trở về với chúng tôi, nhưng là trở về với Người! Bởi vì, nếu chúng tôi có rửa tội cho ai thì chỉ rửa bằng nước, còn Người thì rửa bằng lửa và bằng Thần Khí; chúng tôi không hề xứng đáng cởi dây giầy cho Người: Chỉ một mình Người là Ðức Chúa.

Nếu thế, người phóng viên sẽ rất có thể trả lời cho «những người đã đề cử anh đi», là: Có lẽ những người Kitô hữu này có điều gì đó muốn nói cùng chúng ta. Họ có một sứ điệp làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Sứ điệp đó là: «Ở giữa anh em có một Ðấng mà anh em không biết.» Qua tất cả những gì nơi những người Kitô hữu này, mà chính mắt tôi đã nhìn thấy, thì theo tôi, chúng ta cần phải thật trân trọng với Ðấng đó. Ít là chúng ta phải dành thời giờ để tìm hiểu về Người, tìm kiếm Người và cùng với Người tái tạo một cuộc sống mới trong công bình, bác ái và an hòa.

Nếu chúng ta thành công trong việc làm cho những người hỏi về đời sống Kitô hữu của chúng ta có thể xác tín được như thế, thì chúng ta thực sự đã chu toàn được bổn phận Mùa Vọng quan trọng của mình, đó là: «Hãy dọn đường cho Ðức Chúa!»
 
Chúa Nhật của Mẹ
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
11:39 12/12/2008
CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG, năm B

Lc 1,26-38

Chúa nhật 4 Mùa Vọng là Chúa nhật cuối cùng dọn mừng đón Chúa giáng sinh. Thực tế mà nói, Chúa nhật này phải gọi là Chúa nhật của Đức Mẹ. Bởi vì, năm nào cũng vậy, Giáo Hội luôn dành riêng Chúa nhật 4 Mùa Vọng để nói đến vai trò hết sức quan trọng của Đức Mẹ. Nếu không có Đức Mẹ, không có lời xin vâng của Mẹ theo ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chắc chắn, lịch sử cứu độ đã bước vào một khúc ngoặt khác. Hôm nay, gần đến lễ Giáng Sinh, Giáo Hội khẩn khoản kêu mời nhân loại, con người hướng về mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa. Mầu nhiệm đã được các ngôn sứ loan báo từ bao ngàn năm và cuối cùng được thực hiện nơi chính cung lòng trinh khiết của Đức trinh nữ Maria, một người nữ tử Sion, một cô thiếu nữ hiền lành, đạo đức và hết mực thánh thiện: ” Trinh nữ Maria đã cưu mang Con Thiên Chúa bởi phép Chúa Thánh Thần “ và Mầu nhiệm cứu độ đã đến trần gian nơi Hài Đồng Giêsu…

MARIA LÀ AI ?:

Ở đây dựa theo Giáo lý Công Giáo chúng ta phác họa vài nét cơ bản về Mẹ Maria để qua đó chúng ta hiểu Mẹ là ai ? Đức Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế, người đã sinh ra Chúa Giêsu. Đức Mẹ Maria thuộc dòng dõi vua Đavít, thân sinh người là ông thánh Gioankim và thân mẫu người là bà thánh Anna. Theo như truyền thống kể lại thì hai ông bà đã già chỉ có Maria là người con duy nhất. Maria sinh ra và lớn lên tại làng Nagiarét, trong xứ Galilêa ở mạn Bắc nước Palestina. Khi Maria đến tuổi thành hôn thì kết hôn với một người tên là Giuse cũng thuộc chi họ vua Đavít, làm nghề thợ mộc ở Nagiarét. Chính trong thời kỳ Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, thì thiên thần Gabriel đã được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho Maria cho cô biết là cô sẽ thụ thai và sinh ra Đấng Cứu Thế. Và tuy đã đính hôn nhưng Maria đã khấn giữ mình đồng trinh, nên thưa lại cùng vị Thiên sứ rằng: “ Việc đó làm sao thực hiện được vì tôi không biết đến người nam ?“. Nhưng Thiên sứ đã giải thích cho Maria biết là cô đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần chứ không theo thói thường nhân loại, nên sinh con mà cô vẫn còn đồng trinh. Lúc ấy Maria mới thưa lại cùng Thiên sứ: ” Này tôi là nữ tỳ Chúa, xin vâng như lời Thiên Thần truyền”.Chính lúc ấy Ngôi Hai đã xuống đầu thai trong lòng trinh nữ Maria.

MẸ MARIA ĐƯỢC ƠN CAO VỜI:

Mẹ Maria hoàn toàn được đắc sủng với Thiên Chúa. Vì được tuyển chọn, Mẹ Maria đã được những ơn huệ cao quí mà bất cứ người nào trên trần gian này cũng không có được. Bởi vì là người được Thiên Chúa cất nhắc làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên ngay khi Mẹ Maria được cưu mang trong cung lòng bà Thánh Anna, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ khỏi mọi tì ố, bợn nhơ của tội lỗi. Đây là mầu nhiệm:”Thiên Chúa ban cho Mẹ ơn vô nhiễm nguyên tội “. Chính vì thế, Thiên Chúa luôn gìn giữ sự thánh thiêng của Mẹ, gìn giữ Mẹ không vương bất cứ một chút bợn nhơ của tội lỗi trong suốt cuộc đời của Mẹ. Trong những tháng cưu mang Chúa Giêsu, Thiên Chúa luôn tuôn đổ hồng ân đặc biệt xuống trên Mẹ để Mẹ nhận ra rằng Chúa Giêsu đang sống trong Mẹ. Mầu nhiệm này thật lạ lùng đến nỗi thánh sử Luca đã nhận xét về Mẹ Maria sau cuộc phục sinh của Chúa Giêsu rằng: ”Mẹ Maria đã ghi nhớ tất cả, và suy đi nghĩ lại trong lòng “ ( Lc 2, 19).

Có thể nói đây là biến cố hết sức kỳ diệu Chúa đã làm cho Mẹ Maria và qua Mẹ Maria, Chúa cũng làm cho nhân loại qua chương trình cứu độ của Ngài. Thiên Chúa đã ban cho Mẹ những đặc ân cao quí nhất, Mẹ đã đem Chúa Giêsu cho nhân loại và nhân loại đã lãnh nhận ơn cứu rỗi nơi Chúa Giêsu. Đó là mầu nhiệm tuyệt vời Thiên Chúa đã trao ban cho Mẹ Maria và trao ban cho con người, cho thế giới, cho loài người.

Sự cưu mang Chúa Giêsu và sinh ra Chúa Giêsu bởi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria là một ân sủng lạ lùng Thiên Chúa đã làm cho nhân loại, cho thế giới, cho từng người chúng ta.

LỜI XIN VÂNG CỦA MẸ LÀ LỜI XIN VÂNG TRỌN CẢ CUỘC ĐỜI:

Mẹ Maria không chỉ nói lời xin vâng một lần với Thiên Chúa, nhưng lời xin vâng của Mẹ là lời xin vâng bao trùm trọn cả kiếp người của Mẹ. Mẹ đã nói lời xin vâng làm theo ý Thiên Chúa ngày truyền tin, nhưng lời xin vâng của Mẹ đã đi theo suốt đời của Mẹ và điều vô cùng ý nghĩa và là của lễ sống động nhất, đó là Mẹ đã chấp nhận đứng dưới chân Thập Giá để dâng Con của Mẹ cho Đức Chúa Cha.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ:

Cuộc đời của người môn đệ Chúa, của tất cả chúng ta sẽ vô cùng ý nghĩa nếu biết sống trọn theo ý Chúa bằng việc giữ Đạo và sống Đạo. Chúng ta sống phải như thánh Phaolô: “ Tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô “ hoặc “ Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết nói lời xin vâng như Mẹ trong suốt cuộc lữ hành trần thế của chúng con. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1.Chúa nhật 4 Mùa Vọng là Chúa nhật gì ?

2.Tại sao Mẹ Maria lại nói lời xin vâng ?

3.Lời xin vâng của Mẹ có liên quan gì tới chúng ta ?

4.Chúng ta phải có tâm tình nào khi đón mừng đại lễ Giáng Sinh ?
 
Phục vụ tha nhân: Chứng nhân của Thiên Chúa
Lm Jude Siciliano OP
13:59 12/12/2008
CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG (B)

Thêm phần Lễ Đức Mẹ Guadalupê

Isaia 61:1-2a, 10-11; Luca 1: 46-54; I Thess. 5: 16-24; Gioan 1: 6-8, 19-28

Anh chị em thân mến

Anh chị em thử tóm tắt những từ nói về Mùa Vọng như thế nào? Hy vọng? Chờ đợi? Mong đợi? Trông đợi? Ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta nghe ngôn sứ Isaia cầu khấn "xin Ngài mau trở lại vì tình thương đối với tôi tớ Ngài... Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống" (Is.63:17,19). Đức Giêsu khuyên các môn đệ "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức" (Mc 13:33). Ngày Chúa Nhật thứ hai chúng ta lại nghe thánh Phêrô khuyên "Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm.." (2Pr. 3:10) và "...chúng ta mong đợi trời mới đất mới..."(2Pr.3:13). Thánh Gioan Tẩy Giả công bố rằng "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến..."(Mc.1:7). Hai tuần đầu Mùa Vọng chắc chúng ta trông mong và chờ đợi Thiên Chúa hành động. Chúa nhật này, nỗi mong chờ đó trong mỗi người càng nhiều hơn, vì chúng ta đã nghe lời mời gọi của Thiên Chúa và đang thực hiện.

Chúa nhật hôm nay chính là "việc đáp lại lời mời gọi". Ngôn sứ Isaia cho chúng ta biết "ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi" (Is.61:1). Đó là phần ngôn sứ lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa. Chúa xức dầu cho ngôn sứ Isaia không phải chỉ để cho ngôn sứ nên thánh thiện hơn, nhưng vì Chúa muốn sai ngôn sứ làm việc cho Ngài là "đi báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn"(Is.61:1). Thiên Chúa có mục đích, Ngài có việc phải làm và biến ngôn sứ Isaia trở nên khí cụ để thực hiện mục đích của Thiên Chúa.

Nơi Bàn Tiệc Thánh hôm nay, chúng ta có thể xin Chúa Thánh Linh, Đấng đã xức dầu cho ngôn sứ Isaia để thi hành nhiệm vụ của Ngài, ban cho chúng ta ơn khôn ngoan, qua đó, nhận biết những gì Thiên Chúa muốn chúng ta phải thực hiện trong lúc này. Ngôn sứ Isaia được sai đi rao giảng cho mọi dân tộc, nhất là những người đang nóng lòng chờ đợi với niềm tin là Thiên Chúa sẽ đến để giúp đỡ họ. Có lẽ nhiệm vụ Thiên Chúa sẽ giao cho chúng ta không bao quát nhiều như vậy. Nhưng, cũng như ngôn sứ Isaia, mọi người chúng ta là Kitô Hữu đã chịu phép Rửa để rao giảng "Tin Mừng" cho những ai đang mong đợi, bằng lời nói và việc làm. Có lẽ chúng ta mừng vì thấy nhiều tôi tớ Chúa đã được những ơn riêng, như chính chúng ta cũng đã được lãnh nhận những ơn đặc biệt của Chúa ban. Mỗi người trong chúng ta có ơn gọi riêng, chúng ta có công việc phải làm, vậy việc đó là gì?

Trong Thánh vịnh Ngợi Khen đáp lờI, Đức Maria mừng khen Đức Chúa, mặc dù Người là phận "nữ tỳ hèn mọn", nhưng Đấng Toàn Năng đã làm cho Người biết bao điều cao cả. Người sẽ sinh Đấng Cứu Thế, ngay cả trước khi điều đó xảy ra, Người đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Người đã cất lời cao rao điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi Người và Ngài cũng sẽ làm cho kẻ đói nghèo là những người đã kêu đến Thiên Chúa. Mỗi khi Thánh Linh Chúa đến với một người nào như Isaia và Đức Maria, người đó không nên giữ Tin mừng trong lòng mà họ phải loan báo cho kẻ khác biết.

Đó là việc mà mọi người trong cộng đoàn chúng ta phải làm. Họ đã nghe lời kêu gọi của Thiên Chúa. Họ đã được "xức dầu.. và đã được sai đem Tin mừng cho người nghèo khó", và họ đã làm việc đó. Họ tiếp giúp những người khổ đau, rao giảng lời Chúa trong các hội đoàn, ngồi kề bên những người hấp hối, an ủi những gia đình đau khổ, mang Mình Thánh Chúa đến những người già yếu và đau ốm, bênh vực những người vô gia cư, làm việc với những cơ quan giúp đỡ người vô gia cư, dạy các học sinh biết gìn giữ môi trường sống v.v..."Đem Tin mừng cho người nghèo" gồm nhiều khía cạnh cũng như cộng đoàn chúng ta vậy. Chúng ta là những thành phần đã chịu phép Rửa tội và đã được xức dầu Chúa Thánh Linh để chúng ta có thể thi hành nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã giao trong thế giới này.

"Hãy nghe đây, hãy nghe đây". Đây là cách khởi sự một phiên tòa ở Mỹ. Một lục sự hô lớn lên để cho mọi người lắng nghe và đứng lên chào vị chánh án. Phúc âm thánh Gioan mở đầu bằng việc giới thiệu thánh Gioan Tẩy Giả như lời báo tin trong phiên tòa vậy. Những người đã được nghe Tin mừng của các Phúc âm trước, đã biết về thánh Gioan Tẩy Giả. Tin Thánh Gioan Tẩy Giả sinh ra đã được báo trong Phúc âm thánh Luca. Cả ba Phúc âm trước đã nói về sự rao giảng và phép rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả. Thật ra Ông đã được quá nhiều người biết nên có người coi thánh Gioan Tẩy giả như một ngôn sứ còn lớn hơn cả Chúa Giêsu. Nên thánh Gioan nói về nhiệm vụ của Gioan Tẩy Giả bằng từ: "không phải là..". Ông "không phải là Đấng Kitô...không phải là tiên tri Elia...không phải là ngôn sứ". Ông chỉ là người được "Thiên Chúa sai đến để làm chứng". Ông đã được xức dầu để làm nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã sai đi: Loan báo tin Chúa Giêsu sẽ đến.

Cuối Phúc âm thánh Gioan, Chúa Giêsu sẽ bị đưa ra tòa xử, sẽ bị buộc tội và bị xử tử hình. Nhưng Phúc âm hôm nay cho chúng ta biết là chính loài người chúng ta sẽ được đưa ra xét xử. Phiên tòa đã bắt đầu và người làm chứng thứ nhất là Thánh Gioan Tẩy Giả. Ông được gọi ra để làm chứng cho Chúa Giêsu là Đấng tự xưng mình là "đường, là sự thật và là sự sống".

Thánh Gioan Tẩy Giả là người thứ nhất làm chứng cho Chúa Giêsu. Sau này sẽ có nhiều người làm chứng khác. Nhưng chính những dấu đặc biệt của Chúa Giêsu mới thật sự làm chứng Ngài là ai. Ngài sẽ cho kẻ đói ăn, Ngài là bánh hằng sống. Ngài sẽ cho kẻ khát uống, Ngài là nước hằng sống. Ngài làm cho Lazaro sống lại, chính Ngài là sự sống. Ngài sẽ mở mắt người mù, Ngài là ánh sáng thật đã đến ở thế gian. Chúa Giêsu đã thật sự đáp lại những câu hỏi về những việc Ngài đã làm. Việc Ngài chữa người què vào ngày sabat là việc chứng tỏ rằng "Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi" (Ga.5:37). Thiên Chúa cũng đã làm chứng cho chúng ta về Chúa Giêsu.

Những ai nghe Phúc âm hôm nay và nghe các chứng nhân sẽ có quyết định: Có phải Chúa Giêsu là Đấng để chúng ta đặt niềm tin vào hay không? Chúng ta theo Ngài, có dám từ bỏ những gì nhằm phục vụ cho những thỏa mãn, thèm khát trong cuộc sống đời thường không? Nếu phiên tòa đã bắt đầu và những chứng nhân đã được gọi ra, chúng ta sẽ quyết định: Có chấp nhận những điều Phúc âm hôm nay nói về Chúa Giêsu không? Nếu chấp nhận, nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta ra sao?

Lẽ cố nhiên, khi chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu bằng cách chấp nhận những chứng nhân trong Phúc âm thánh Gioan, thì chúng ta sẽ trở thành chứng nhân trong hàng ngũ các chứng nhân bắt đầu từ Thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta hành động ra sao...nói những lời gì...chúng ta là ai... Có dấu gì làm chứng là chúng ta đã chấp nhận Chúa Giêsu hay đã từ chối Ngài. Những người khác nhìn vào chúng ta, sẽ có phán quyết về chúng ta. Họ sẽ nói " Đúng là một chứng nhân thật của Chúa Giêsu, vì đời sống của họ đã minh chứng được họ là môn đệ của Chúa Giêsu."

Phúc âm Thánh Gioan dựa vào ý chính là sự làm chứng. Vì vậy, những người đã chấp nhận làm nhân chứng cho Chúa Giêsu phải sống đức tin thật của mình ở trần gian. Kitô giáo không là một tôn giáo của cá nhân, nhưng mọi Kitô Hữu phải sống xứng đáng với bí tích Rửa tội của mình, nhờ đó đã làm chúng ta trở nên "ánh sáng của thế gian". Chúa nhật hôm nay chúng ta đốt ngọn nến thứ ba trong mùa Vọng và được nhắc nhở rằng: Chúng ta đã trở nên như ánh sáng của cây nến cháy mà chúng ta lãnh nhận trong bí tích Rửa tội, và chúng ta đã được xức dầu để loan báo Tin mừng như một nhân chứng ở phiên tòa. "Hãy nghe đây hãy nghe đây".

PHẦN THÊM:

Ngày 12 tháng 12 là ngày lễ Đức Mẹ Guadalupê. Lễ này mừng ngày Đức Mẹ hiện ra cho thánh Juan Diego vào ngày 9 tháng 12 năm 1531. Thánh Juan Diego là người thổ dân đang trên đường đi dự lễ. Đức Me hiện ra dưới dạng một phụ nữ đang mang thai, mặc áo như các phụ nữ địa phương. Đức Mẹ dùng tiếng địa phương nói nhỏ nhẹ với Juan Diego, không như những người Tây Ban Nha lúc đó, họ không tôn trọng người địa phương. Ngay cả hàng giáo phẩm lúc bấy giờ cũng vậy. Đức Mẹ yêu cầu hàng giáo phẩm xây một đền thờ ở ngoài thành phố Mexico, để những thổ dân địa phương như Juan Diego có thể đến đó cầu nguyện với Mẹ sẽ nhận được sự trợ giúp của Con Mẹ. Đức Mẹ Guadalupê là bổn mạng của Mỹ Châu. Đức Mẹ chứng tỏ Thiên Chúa đã giang tay nâng đỡ những người bị áp bức.

Cha Allan Figeroa Deck, dòng Tên đã viết: chúng ta hãy nhìn kỹ, Đức Mẹ không những là một nhân chứng đã được thụ hưởng tình thương của Thiên Chúa, mà còn kêu gọi chúng ta hiệp với tình thương và uy quyền của Thiên Chúa, để đáp lại lời mời gọi các Kitô Hữu phải biết phục vụ tha nhân, hầu giúp giải thoát toàn thể nhân loại. Câu chuyện Đức Mẹ hiện ra cho Juan Diego không chỉ là mẩu chuyện về tình thương của Thiên Chúa đối với người thổ dân, nhưng còn là gợi ý cho chúng ta đáp lại tình thương Thiên Chúa qua tình thương đối với tha nhân. Lễ này đến vào giữa Mùa Vọng thật là đúng lúc để nhắc cho chúng ta biết Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc thương yêu chúng ta, ngay cả lúc chúng ta còn sống trong bóng tối của sự chết.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài
Michel Quoist
14:41 12/12/2008
Xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài

Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con trở nên "người"
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
 
Gioan Tiền Hô, giáo lý viên mẫu mực
Gioan Lê Quang Vinh
14:47 12/12/2008
GIOAN TIỀN HÔ, GIÁO LÝ VIÊN MẪU MỰC

Tin Mừng Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng dường như muốn nhấn mạnh sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, cách riêng trong lãnh vực giảng dạy giáo lý. Khi nói đến việc rao giảng, người ta hay nghĩ đến sứ mệnh của các vị đã lãnh nhận thánh chức, nhưng riêng nói đến việc giảng dạy giáo lý thì không người tín hữu nào, dù là tân tòng, có quyền nói rằng “đấy không phải là lãnh vực của tôi”. Vậy thì, Chúa Giêsu muốn chúng ta rao giảng giáo lý như thế nào?

Khi Chúa Giêsu giới thiệu cho dân chúng về Gioan Tiền Hô, Người dùng Lời Thánh Kinh: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến”. Vai trò ngôn sứ, vai trò người nói về Chúa Giêsu được diễn tả rõ nét qua câu Thánh Kinh súc tích này. Người rao giảng Lời chính là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Trả lời câu hỏi “dạy giáo lý là dạy điều gì?”, ai cũng có thể trả lời: đó chính là dạy… môn giáo lý! Là nói những điều trong sách giáo lý có ghi sẵn. Nhưng không thể chỉ dạy cho người khác một cách đơn giản như thế. Nếu chỉ có thế thì các em học viên giáo lý về mở sách ra học mỗi ngày là cũng đủ rồi. Thật ra, dạy giáo lý trước hết là dạy cho các em về Thiên Chúa và Lời của Ngài, là chính Đức Kytô và được rao giảng bởi Đức Kytô. Thứ hai là đào luyện các đức tính nhân bản, nhất là các nhân đức và giúp các em sống theo Đức Kytô là con đường sống thật cho mọi người. Thứ ba là giúp các em cảm nhận đời sống cộng đoàn, gắn bó với Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Kytô, và là đoàn lữ hành đang tiến về Nước Trời. Nếu nói tóm lại trong một câu, thì dạy giáo lý chính là rao giảng về Đức Kytô. Rao giảng để làm gì? Thưa là để dọn đường cho Chúa đến trong tâm hồn người nghe. Gioan Tiền Hô đã nêu một tấm gương và dạy mấy lời vắn tắt và đầy đủ về sứ mệnh này.

Tấm gương của “giáo lý viên” Gioan Tiền Hô chính là “giảng dạy bằng chứng minh”. Giáo lý không phải là toán học, nhưng giáo lý là một khoa học thánh. Khoa học này không đòi những chứng minh định lý như toán học, nhưng đòi chứng minh bằng thực nghiệm, bằng chính những cảm nghiệm sâu xa và đời sống gắn bó với Đấng mà người ta rao giảng. Khi Gioan Tiền Hô muốn nói về Giêsu, ông không dùng lời của mình, nhưng ông sai các môn đệ của ông đến với Đức Giêsu. Họ nghe chính Đức Giêsu nói, họ chứng kiến chính việc Đức Giêsu làm, và hơn hết, họ được nâng đỡ niềm tin do sức sống mà chính Đấng Cứu Thế thổi vào tâm hồn họ. Thế là họ ra đi. Và họ lại rao giảng. Giáo lý viên phải là như thế, phải nói với các em bằng chính Lời Đức Giêsu, đẩy vào lòng các em chiếc xa giá mà Chúa đã dùng để lướt qua các tầng trời mà ngự xuống. Còn nếu chỉ nói hời hợt kiểu hỏi thưa cho thuộc lòng vài câu chữ thì chưa phải là giảng dạy giáo lý thật sự.

Điều thứ hai mà giáo lý viên học được nơi Gioan Tiền Hô chính là đời sống chứng nhân. “Sống điều con dạy” là một đòi buộc của Tin Mừng. Giáo lý viên có thể bị hiểu lầm, bị nói xấu, nhưng chính tự trong lòng mình, giáo lý viên phải là người muốn chứng minh điều mình rao giảng bằng chính con người và cuộc đời mình, ngay cả nếu cần thì chấp nhận cái chết để làm chứng cho Đức Giêsu. Gioan Tiền Hô chấp nhận chết dưới tay bạo chúa Hêrôđê, để nói lên lời chân lý. Mới đây, tám anh chị em giáo dân Thái Hà chấp nhận phải “vác thánh giá lên đồi Calvê với Đức Giêsu”. Từ ngữ “vác thánh giá lên đồi” thường được hiểu theo nghĩa bóng. Nhưng Chúa Thánh Thần hoạt động tuyệt vời quá, để các vị “chuẩn tử đạo ở Thái hà” đi với Đức Giêsu và Mẹ Maria lên đồi Calvê hiểu theo nghĩa đen của từng câu chữ: Thánh Giá trên ngực, có Mẹ trên ngực, leo lên tầng cao, ở đó họ chịu phán xét. Và không một lời nói về Đức Giêsu, họ vẫn chứng minh hùng hồn cho toàn thể nhân loại hôm nay rằng: Đức Giêsu là Chúa. Tôi nghe các bài giảng của Cha Giám Tỉnh Phạm Trung Thành, Cha Vũ Khởi Phụng, Cha Lê Quang Uy, đọc bài của Cha Nguyễn Văn Khải, nhìn gương mặt rạng rỡ của Cha Phụng và các Cha DCCT Thái hà bên cạnh hình ảnh Mẹ yêu thương, tôi chợt hiểu rằng Gioan Tiền Hô không phải chỉ là một con người, mà còn là một niềm tin, một sứ mệnh, một cộng đoàn và là một lời mời lên đường, nói cho thế giới này rằng “Chúa Giêsu đang đến, cùng với Mẹ Vô Nhiễm của Người”.

Điều thứ ba, Gioan Tiền Hô không những rao giảng Đức Kytô là ai, mà còn dạy cho con người biết cách đón Đấng ấy. Gioan Tiền Hô dùng chính lời Thánh Kinh để bảo con người dẹp hết mọi chướng ngại trên đường đi, lấp hố sâu, bạt núi đồi, uốn chỗ cong, san chỗ gồ ghề. Người lãnh sứ mệnh giảng giáo lý cũng vậy. Trước hết họ cũng phải tự san bằng mọi trở ngại trong chính tâm hồn và cuộc đời của họ, để họ có thể giúp người khác dọn đường cho thích hợp. Dĩ nhiên Thiên Chúa quyền năng có con đường riêng của Ngài, và nếu Ngài đã muốn đi thì cho dù ngàn trùng sông núi hay hố đen của vũ trụ cũng không cản nổi bước chân Ngài. Nhưng vì Ngài tôn trọng con người, những nhân vị và phẩm giá với đầy đủ tự do quyết định cuộc đời mình, Ngài muốn con người tự mở lòng mình ra trước hồng ân của Ngài. Do đó, vai trò của giáo lý viên không cgỉ là mở đường, mà còn phải giúp người khác ý thức tầm quan trọng của việc sử dụng tự do mà Thiên Chúa ban để mưu ích cho cuộc đời mình.

Còn một điều nữa, giáo lý viên trước hết phải học với Đức Giêsu mỗi ngày để có đủ kiến thức, đủ nghị lực và đủ khôn ngoan để rao giảng. Những câu mở đầu của chương 11 Tin Mừng Matthêu nói về việc rao giảng, câu kết của chương 11 không phải vô tình mà lại là lời mời gọi đầy yêu thương của Đức Giêsu dành cho những kẻ chọn lối bước theo chân Người. "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học với Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Ta êm ái, và gánh Ta nhẹ nhàng." (Mt.11,28-30). Chính nhờ mang lấy ách của Đức Kytô và học với Đức Kytô mà những người lãnh sứ mệnh rao giảng Lời Người không còn sợ bất cứ thế lực trần thế nào. Muốn học với Đức Kytô, chúng ta chỉ cần lăn xả vào Người, ôm lấy chân Người, và cùng Mẹ Maria, chúng ta “làm theo những gì Người bảo”.

Những ngày cuối năm, giáo lý viên nhiều giáo xứ, nhiều giáo phận có những hoạt động đặc biệt, như tĩnh tâm, tĩnh huấn, học hỏi thêm về Thánh Kinh và sư phạm giáo lý… Ước chi tất cả anh chị em giáo lý viên chúng ta thấm nhuần tinh thần của Đức Giêsu Kytô, Đấng mà chúng ta nhiệt tâm rao giảng. Chúng ta cùng cầu xin Người, nhờ Mẹ Thánh Người nâng đỡ và Thánh Gioan Tiền Hô làm gương sáng, xin Người chúc lành cho những dự tính của chúng ta, những dự tính làm mọi cách để Người được vinh quang hơn và làm cho các tâm hồn sẵn sàng đón Người.
 
Bài Giáo Lý mới XVI của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Thánh Phaolô và các Bí Tích
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
14:52 12/12/2008
Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong buổi triều yết chung tại Đại Sảnh Phaolô VI ngày Thứ Tư, mùng 10 tháng 12 năm 2008. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về khuôn mặt và giáo huấn của Thánh Phaolô. Ngài nói về giáo huấn của Thánh Phaolô về các Bí Tích.

* * *

Anh chị em thân mến,

Trong bài Giáo Lý thứ tư tuần trước chúng ta thấy rằng theo Thánh Phaolô thì có hai điều. Điều thứ nhất là lịch sử nhân loại của chúng ta ngay từ thủa ban đầu đã bị ô nhiễm do việc lạm dụng tự do gây ra, với ý định thoát ly khỏi Thánh Ý Thiên Chúa. Khi làm như thế, con người không tìm được sự tự do đích thực, nhưng chống lại chân lý và làm sai sự thật, mà hậu quả là thực trạng của nhân loại chúng ta. Đặc biệt là sự ô nhiễm này làm sai lạc các liên hệ căn bản: đối với Thiên Chúa, giữa người nam và người nữ, giữa con người và trái đất. Chúng ta đã nói rằng sự ô nhiễm này của lịch sử chúng ta đang lan rộng trên các cơ cấu của nhân loại, rằng khuyết điểm được di truyền này đang gia tăng, và ngày nay đang nhan nhản khắp nơi. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ nhì là: chúng ta học từ Thánh Phaolô rằng có một khởi đầu mới trong lịch sử, và lịch sử trong Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng vừa là người vừa là Thiên Chúa. Cùng với Chúa Giêsu, Đấng đến từ Thiên Chúa, bắt đầu một lịch sử mới được tạo thành bởi tiếng xin vâng của Người với Thiên Chúa, cho nên lịch sử mới này không dựa trên sự kiêu căng của một thoát ly giả tạo, mà dựa trên tình yêu và chân lý.

Nhưng bây giờ câu hỏi được đặt ra: làm sao chúng ta có thể đi vào khởi đầu mới này, vào lịch sử mới này? Trong lịch sử thứ nhất bị ô nhiễm chúng ta không tránh khỏi việc liên hệ huyết thống như con cháu, tất cả chúng ta đều thuộc về tập thể nhân loại. Nhưng việc hiệp thông với Chúa Giêsu, việc tái sanh vào nhân loại mới, được thực hiện thế nào? Làm sao để được Chúa Giêsu vào cuộc đời tôi, vào con người tôi? Câu trả lời nền tảng của Thánh Phaolô và của toàn thể Tân Ước là: nhờ Chúa Thánh Thần. Nếu lịch sử thứ nhất bắt đầu bằng huyết thống, thì lịch sử thứ nhì bằng Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh. Chúa Thánh Thần ấy trong ngày Lễ Ngũ Tuấn đã tạo ra sự khởi đầu của một nhân loại mới, một cộng đoàn mới, là Hội Thánh, Nhiệm Thể Đức Kitô.

Nhưng chúng ta phải cụ thể hơn nữa: Thần Khí này của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần, làm thế nào để Ngài trở thành Thần Khí của tôi? Câu trả lời là điều ấy có thể xảy ra bằng ba cách có liên hệ mật thiết với nhau. Cách thứ nhất là: Thần Khí của Đức Kitô gõ cửa tâm hồn tôi, chạm đến nội tâm tôi. Nhưng nhân loại mới phài là một thân thể thật sự, vì Chúa Thánh Thần phải quy tụ chúng ta lại và thật sự làm ra một cộng đoàn, như là đặc tính của khởi đầu mới, để thắng vượt những chia rẽ và tập họp những người bị phân tán, Thần Khí của Đức Kitô dùng hai yếu tố kết hợp rõ ràng: Lời Chúa để rao giảng và các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Tẩy và Thánh Thể.

Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô nói: “nếu miệng anh em tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, và lòng anh em tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì anh em sẽ được cứu độ” (Rm 10:9), nghĩa là, anh chị em đi vào lịch sử mới, lịch sử của sự sống chứ không phải sự chết. Thánh Phaolô tiếp: “Nhưng làm sao họ kêu cầu Ðấng họ không tin? Làm sao họ sẽ tin vào Ðấng mà họ chưa được nghe? Và làm sao mà họ sẽ được nghe, nếu không có người rao giảng? Làm sao mà họ rao giảng, trừ khi được sai đi?” (Rm 10:14-15).  Trong một đoạn tiếp theo, Thánh Nhân nói thêm: “Đức Tin có được là nhờ lắng nghe” (Rm 10:17). Đức Tin không phải là sản phẩm của sự suy nghĩ, của suy tư của chúng ta, nhưng là một điều gì mới mẻ mà chúng ta không sáng chế ra được, nhưng chỉ nhận được như một hồng ân, một cái gì mới từ Thiên Chúa. Đức Tin không đến từ việc đọc mà từ việc lắng nghe [Lời Chúa]. Đức Tin không những chì là một cảm nghiệm trong lòng, mà còn là một sự liên hệ với một Người Nào Đó. Giả sử rằng đó là một cuộc gặp gỡ với lời loan báo, thì phải có sự hiện hữu của một người loan báo và tạo ra sự hiệp thông.  

Cuối cùng là lời loan báo: những người loan báo không phải là những người nói cho mình, nhưng là những người được sai đi. Trong một sứ vụ được bắt đầu bằng việc Chúa Cha sai Chúa Giêsu, truyền qua các Tông Đồ - từ tông đồ (apostle) có nghĩa là “được sai đi” – và tiếp tục trong thừa tác vụ, sứ vụ được các Tông Đồ truyền lại. Cơ cấu mới của lịch sử ở trong cấu trúc này của sứ vụ mà trong đó sau cùng chúng ta được nghe chính Thiên Chúa, Lời cá nhân của Ngài, là Chúa Con, Đấng nói với chúng ta, đã xuống với chúng ta. Ngôi Lời đã làm người, là Chúa Giêsu, để thật sự tạo ra một nhân loại mới. Vậy Lời Chúa trở thành Bí Tích trong Bí Tích Thánh Tẩy, là việc tái sinh trong nước và Chúa Thánh Thần, như Thánh Gioan nói. Trong Chương 6 của Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô nói chi tiết về Bí Tích Thánh Tẩy. Nhưng có lẽ nên nhắc lại ở đây: “Anh em không biết rằng, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, nghĩa là chúng ta chịu phép rửa trong cái chết của Người sao? Như thế, chúng ta đã cùng được mai táng với Người bằng phép rửa trong cái chết của Người, để cũng như Ðức Kitô đã sống lại từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha thế nào, thì chúng ta cũng sống một đời sống mới như vậy” (Rm 6:3-4).

Đương nhiên là trong bài Giáo Lý này, Cha không thể giải thích chi tiết về đoạn văn ấy, là việc không dễ dàng. Cha chỉ nhấn mạnh vắn tắt ba điều. Điều thứ nhất là “chúng ta đã chịu phép rửa” là một hành động thụ động. Không ai có thể tự mình rửa tội cho mình, mà cần người khác. Không ai có thể tự mình trở thành Kitô hữu. Việc trở thành một Kitô hữu là một tiến trình thụ động. Chúng ta chỉ có thể trở thành Kitô hữu qua người khác. Và người khác này làm cho chúng ta thành các Kitô hữu, là người ban cho chúng ta món quà Đức Tin, trước hết là một cộng đồng các tín hữu, là Hội Thánh. Chúng ta nhận được từ Hội Thánh Đức Tin, Bí Tích Rửa Tội. Nếu chúng ta không để cho cộng đồng này đào luyện, thì chúng ta không thể trở thành Kitô hữu. Một Kitô hữu tự trị, tự tạo, tự nó là một điều mâu thuẫn. Thứ nhất, người khác này là một cộng đồng tín hữu, la Hội Thánh, nhưng thứ nhì, cộng đồng này không tự mình hoạt động theo những tư tưởng và ý muốn riêng của mình. Cộng đồng này cũng sống trong cùng một tiến trình thụ động: chỉ có một mình Đức Kitô là có thể thiết lập Hội Thánh. Đức Kitô mới thật sự là Đấng ban các Bí Tích. Đây là điểm chính: không có ai tự rửa tội cho mình, không có ai tự làm cho mình thành Kitô hữu. Chúng ta trở thành Kitô hữu.

Điều thứ hai là: Bí Tích Thánh Tẩy còn hơn một sự tắm rửa. Bí Tích này là sự chết và sự sống lại. Chính Thánh Phaolô, khi nói trong Thư gửi tín hữu Galatê, về khúc quanh của cuộc đời ngài được tạo nên bởi cuộc gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, đã diễn tả bằng những từ ngữ sau: tôi chết. Ngay trong giây phút này một đời sống mới thật sự bắt đầu. Trở thành một Kitô hữu còn hơn là một cuộc giải phẫu thẩm mỹ, là điều thêm một cái gì đẹp đẽ vào một đời sống đã ít nhiều hoàn toàn. Nó là một khởi đầu mới, một cuộc tái sanh: chết và sống lại. Dĩ nhiên, trong cuộc phục sinh điều gì tốt lành trong cuộc đời cũ sẽ lại chỗi dậy.

Điều thứ ba là: vật chất là một phần của Bí Tích. Kitô giáo không phải là một thực thể  thuần túy thiêng liêng. Nó bao hàm cả thân thể.  Nó bao hàm cả vũ trụ. Nó trải rộng ra đến đất mới trời mới. Chúng ta hãy trở lại từ ngữ cuối cùng trong đoạn văn của Thánh Phaolô, ngài nói: như thế, chúng ta có thể “bước đi trong một đời sống mới”. Đây là một điều để xét mình cho tất cả chúng ta: đi trong một đời sống mới. Đó là Bí Tích Thánh Tẩy.

Bây giờ chúng ta hãy sang BÍ Tích Thánh Thể. Cha đã trình bày trong những bài Giáo Lý khác sự kính trọng sâu xa mà Thánh Phaolô có khi truyền lại truyền thống truyền khẩu về Bí Tích Thánh Thể mà ngài đã nhận được từ cùng những nhân chứng của đêm cuối cùng. Ngài truyền lại những lời này như một kho tàng quý giá được tín thác cho lòng trung tín của ngài. Như thế, trong những lời này, chúng ta thực sự nghe những lời của Thánh Tông Đồ: “Điều tôi đã nhận được từ Chúa, thì tôi truyền lại cho anh em, rằng Chúa Giêsu, trong đêm mà Người bị nộp, cầm lấy bánh, và sau khi đã dâng lời cảm tạ, Người bẻ ra và nói, ‘Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy, (sẽ bị nộp) vì các con; các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy.’ Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người nâng chén và nói, ‘Chén này là Giao Ước mới trong Máu Thầy. Các con hãy làm việc này, mỗi khi các con uống, để nhớ đến Thầy’” (1 Cor 11:23-25). Điều này là một việc không bao giờ chấm dứt. Ở đây trong bài Giáo Lý, Cha sẽ đưa ra hai giải thích ngắn. Thánh Phaolô truyền lại những lời của Chúa trên chén rượu cách này: chén này là “giao ước mới trong Máu Thầy.” Trong những lời này ám chỉ hai bản văn căn bản của Cựu Ước. Ám chỉ thứ nhất về lời hứa về một giao ước mới trong sách Ngôn Sứ Gêrêmia. Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ và nói: bây giờ, trong giờ này, với Thầy và nhờ cái chết của Thầy giáo ước mới được thực hiện; từ Máu Thầy, lịch sử mới của nhân loại này được bắt đầu. Nhưng đồng thời những lời này cũng ám chỉ giây phút của giao ước Sinai, là lúc ông Môsê nói: “Đây là máu giao ước của Chúa đã lập cùng anh em theo tất cả những lời này của Ngài” (Xh 24:8). Ông nói về máu của xúc vật. Máu xúc vật chỉ có thể là một cách diễn tả lòng ước ao, sự mong đợi một hy lễ thật sự, một sự thờ phượng thật. Với món quà chén rượu, Chúa ban cho chúng ta một hy lễ thật. Hy lễ thật duy nhất là tình yêu của Chúa Con. Với món quà tình yêu này, tình yêu vĩnh cửu, thế gian được đi vào giao ước mới. Cử Hành Thánh Lễ có nghĩa là Đức Kitô tự hiến Mình, ban tình yêu của Người cho chúng ta, để làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người, và cũng để tạo dựng một thế giới mới.

Bình diện quan trọng thứ nhì của giáo lý về Thánh Thể được thấy trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, trong đó Thánh Phaolô viết: “Chén hồng phúc mà chúng ta chúc tụng, không phải là sự dự phần vào Máu Đức Kitô sao? Tấm Bánh mà chúng ta bẻ ra không phải là sự dự phần vào Thân Thể Ðức Kitô sao? Vì chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một tấm Bánh, một thân thể, vì tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh này” (1 Cor 10:16-17). Trong những lời này chúng ta cũng thấy căn tính cá nhân và xã hội của Bí Tích Thánh Thể. Đức Kitô kết hợp cách riêng với mỗi người chúng ta, nhưng chính Đức Kitô cũng kết hợp với những anh chị em ở bên cạnh tôi. Và tấm bánh dành cho tôi nhưng cũng cho người khác. Như thế Đức Kitô hiệp nhất tất cả chúng ta với Ngài và với nhau. Chúng ta đón nhận Đức Kitô khi rước lễ. Nhưng Đức Kitô cũng kết hợp với những người lân cận tôi: cho nên Đức Kitô và những người lân cận không thể tách rời nhau được trong Bí Tích Thánh Thể. Và như thế, tất cả chúng ta chỉ làm thành một tấm bánh duy nhất, một thân thể duy nhất. Một Thánh Thể mà không có sự đoàn kết với tha nhân là một Thánh Thể bị lạm dụng. Và ở đây chúng ta cũng ở tận gốc và đồng thời cũng ở trung tâm của giáo lý về Hội Thánh như là Thân Mình của Đức Kitô, Đức Kitô Phục Sinh.

Chúng ta cũng thấy tất cả sự thật của giáo lý này. Đức Kitô ban cho chúng ta Mình Người trong Bí Tích Thánh Thể, Người ban chính mình trong Thân Thể Người và làm cho chúng ta trở nên Thân Thể Người, kết hợp chúng ta vào Thân Thể Phục Sinh của Người. Nếu người ta ăn bánh thường, thì trong tiến trình tiêu hóa bánh ấy trở thành một phần của thân thể người ấy, biến đổi thành chất bổ dưỡng cho sự sống con người. Nhưng trong việc rước Thánh Thể, thì tiến trình trái ngược lại xảy ra. Đức Kitô là Chúa, đồng hóa chúng ta với Người, đem chúng ta vào Thân Thể vinh quang của Người, và như thế, tất cả chúng ta trở thành Thân Thể của Người.

Người nào chỉ đọc chương 12 của Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô và chương 12 của Thư gửi tín hữu Rôma có thể nghĩ rằng lời đọc trên Thân Thể Đức Kitô như là một thân thể theo đặc sủng, chỉ là một loại dụ ngôn xã hội và thần học. Thực ra trong chính trị Rôma, dụ ngôn thân thể với nhiều phần tử tạo thành một đơn vị, được chính Nhà Nước dùng, để nói rằng quốc gia là một tổ chức mà trong đó mỗi người có một nhiệm vụ, việc có nhiều nhiệm vụ khác nhau tạo thành một thân thể mà mỗi người có một địa vị của mình. Nếu chỉ đọc chương 12 của Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, người ta có thể nghĩ rằng Thánh Phaolô chỉ tự giới hạn chuyển điều này cho Hội Thánh, mà ở đây, cũng chỉ là một môn xã hội học về Hội Thánh. Nhưng khi kể đến chương 10, chúng ta thấy rằng thực chất của Hội Thánh thì còn hơn nữa, sâu xa và thật hơn là một cơ quan Nhà Nước. Bởi vì Đức Kitô ban Thân Thể Người cho chúng ta và thật sự làm cho chúng ta trở nên Thân Thể Người. Chúng ta thật sự kết hợp với Thân Thể Phục Sinh của Đức Kitô, và như thế được kết hợp với nhau. Hội Thánh không chỉ là một tổ chức như Nhà Nước, nhưng là một thân thể. Đây không phải chỉ là một tổ chức nhưng là một cơ thể thật sự.

Cuối cùng, chỉ xin đưa ra vài suy tư ngắn về Bí Tích Hôn Phối. Trong Thư gửi tín hữu Côrinthô người ta chỉ tìm thấy một ít lời ám chì, trong khi đó Thư gửi tín hữu Êphêxô đã khai triển một thần học xâu sắc về hôn nhân. Thánh Phaolô định nghĩa hôn nhân như một “mầu nhiệm cao cả”. Ngài đã nói “về Ðức Kitô và Hội Thánh” (Eph 5:32). Cần phải nhấn mạnh trong đoạn này có sự hỗ tương được xắp đặt theo chiều dọc. Sự phục tùng lẫn nhau phải theo ngôn ngữ tình yêu, mà mẫu gương được tìm thấy trong tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh. Liên hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh trước hết tạo nên bình diện thần học của tình yêu vợ chồng, liên hệ này nâng cao liên hệ tình cảm giữa các vợ chồng. Một hôn nhân chân chính sẽ tốt đẹp nếu trong sự phát triển không ngừng về nhân bản và tình cảm, nó luôn gắn liền với sự hữu hiệu của Lời Chúa và ý nghĩa của Bí Tích Thánh Tẩy: Đức Kitô đã thánh hóa Hội Thánh, bằng cách thanh tẩy Hội Thánh qua việc rửa bằng nước, kèm theo bằng Lời Chúa. Tham dự vào Mình và Máu Chúa làm cho sự liên kết không thể phân ly được nhờ ân sủng này được thêm chặt chẽ và rõ ràng.

Sau hết chúng ta hãy nghe những lời của Thánh Phaolô nói với các tín hữu Philipphê: “Chúa đã gần” (Ph 4:5). Cha nghĩ rằng chúng ta hiểu rằng, qua Lời Chúa và các Bí Tích, trong suốt cả cuộc đời chúng ta lúc nào Chúa cũng ở gần. Chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta luôn được đánh động tận đáy lòng con người mình bởi sự gần gũi của Người, để phát sinh ra một niềm vui - niềm vui chỉ có khi Chúa Giêsu thật sự gần gũi chúng ta.

 
Chứng nhân của ánh sáng
+ TGM. Ngô Quang Kiệt
17:11 12/12/2008
Chúa nhật III Mùa Vọng; CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG

(Ga 1, 6.8.19–28)

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Dothái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?" Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Ðấng Kitô". Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?" Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?" Ông đáp: "Không." Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?" Ông nói:

Tôi là tiếng người hô trong hoang địa:

Hãy sửa đường cho thẳng để Ðức Chúa đi,

Như ngôn sứ I-sai-a đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Ðấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?" Ông Gioan trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người." Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa


II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh. Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó. Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường. Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết. Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí. Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi. Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của Ngài. Nhìn vào cuộc đời Ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường. Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh Ngài. Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả. Ngài tự nhận mình chỉ là một “tiểng kêu trong sa mạc”. Ngài khiêm nhường nói rằng Ngài không xứng đáng xách giày cho Đẫng Cứu Thế. Thật là khiêm nhường tự hạ. Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo Ngài một làn ánh sáng. ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của Ngài càng có sức thuyết phục. ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.

Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời Ngài ẩn dật trong sa mạc. Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe doạ của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của Ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của Ngài là châu chấu và mật ong rừng. Sự khổ hạnh không chỉ loé sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai. Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại. Người khổ hạnh là người đặt niểm hy vọng ở tương lai. Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa. Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Chúa Giêsu Kitô mà Ngài loan báo.

Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực. Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên Ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có. Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình. Trung thực với lòng mình, nên Ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên Ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hêrôđê không đựơc phép lấy chị dâu. Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Chúa Giêsu Kitô.

Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình. Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật. Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết. Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng. Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Chúa Giêsu, nên Ngài nói: ” Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người”(Ga 1, 27). Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Chúa Giêsu. Khi thấy đám đông đã bỏ Ngài để đi theo Chúa Giêsu, Ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên Ngài nói: “ Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” ( Ga 3, 30 ).

Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên. Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã biết tự huỷ mình đi để Chúa được nhận biết. Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa. Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa. Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Baotixita để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến.

Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1 – Thánh Gioan Baotixita luôn ý thức mình là chứng nhân của Chúa. Tôi có luôn ý thức mình là chứng nhân của Chúa không ?

2 – Vì ý thức mình là chứng nhân của Chúa, thánh Gioan Baotixita đã luôn khiêm nhường, quên mình, trung thực. Còn tôi, tôi đã làm gì ?

3 – Trong đời sống, tôi để ý làm chứng cho Chúa nhiều, hay tôi chỉ để ý làm chứng cho bản thân mình ?

4 – Trong tuần này, tôi quyết định làm gì để làm chứng cho Chúa ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2009: ''Chống đói nghèo để xây dựng hòa bình''
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
17:00 12/12/2008
Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2009: "Chống đói nghèo để xây dựng hòa bình"

Vatican (VIS, AsiaNews) - Sáng hôm 11/12/2008, tại Văn phòng Báo chí Toà Thánh Vatican, Đức Hồng Y Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã trình bày Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2009 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Chủ đề của sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 01/01/2009 là "Chống đói nghèo để xây dựng hòa bình".

Đức Hồng y Martino cho hay sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI "quay về và phát triển Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 1993 của Đức Gioan Phaolô II, trong đó giải thích các mối tương quan và các hoàn cảnh tương hỗ lẫn nhau giữa đói nghèo và hòa bình". Lần này Đức Thánh Cha "cho chúng ta thấy hòa bình và cuộc đấu tranh chống đói nghèo giao nhau thế nào: thiết lập nên một trong những những giả định thú vị nhất, đưa ra một trọng tâm văn hoá, xã hội, chính trị phù hợp với các chủ đề phức tạp gắn liền với thành quả của hòa bình trong thời đại chúng ta, một thời đại mang đặc tính của hiện tượng toàn cầu hoá ".

Liên quan đến toàn cầu hóa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến "ý nghĩa phương pháp luận và nội dung để đối mặt với chủ đề chống đói nghèo trong một phương thức rộng lớn và cụ thể" và để "phân tích sâu sắc những khía cạnh này nhằm xác định được những mặt phức tạp của đói nghèo ngày nay"; "Trên hết, Đức Thánh Cha cân nhắc vai trò của khoa học xã hội để đo lường hiện tượng đói nghèo. .. đưa ra định lượng dữ liệu và nếu đói nghèo là một vấn đề đơn thuần vật chất, chúng sẽ đủ đáp ứng cho việc giải thích đặc điểm của chúng. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng đó không phải là trường hợp này: không có các hình thức phi vật chất của đói nghèo mà không phải là hậu quả trực tiếp và tất yếu của sự tước đoạt vật chất".

Đức Hồng y giải thích thêm: "Trong các xã hội giàu có tiến bộ, hiện tượng nghèo về tương quan, đạo đức và tinh thần lan rộng: nhiều người cảm thấy bị loại bỏ và sống với nhiều hình thức bất ổn khác nhau, dù rằng kinh tế của họ phát đạt. Đây là những gì được gọi là ‘đạo đức kém phát triển’".

Đức Hồng y Martino đi đến kết luận: "Sứ điệp của Đức Thánh Cha thiết lập hai phần trong chủ đề chống đói nghèo. .. nó ràng buộc với các khía cạnh đa dạng nhằm thăng tiến hòa bình. Thứ nhất giải quyết những quan hệ đạo đức gắn liền với đói nghèo; thứ đến, chống đói nghèo cần gắn liền với sự cần thiết liên đới toàn cầu hơn nữa ".

Về sứ điệp, nói ngắn gọn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết "thay đổi lối sống, thay đổi những mô hình sản xuất và tiêu thụ, những cơ cấu quyền lực được thiết lập để điều hành các xã hội ngày nay" (số 15). Điều này đòi hỏi chúng ta cần có một tâm hồn để giúp phát triển, chống đói nghèo (vốn dĩ cả phát triển và đói nghèo là nguyên nhân và hậu quả của chiến tranh), và quản trị toàn cầu hóa. Khi bỏ quên những phương sách của chính bản thân nó thì cuối cùng cũng cho thấy rằng nó không thể giải quyết được các vấn đề khó khăn. Vì rằng lĩnh vực tài chính vốn không gắn bó lợi ích trong ngắn hạn cũng là điều hiển nhiên.

Sứ điệp bắt đầu với quan điểm cho rằng "chống đói nghèo đòi hỏi phải xem xét thấu đáo hiện tượng phức tạp của toàn cầu hóa" (số 2) và đi đến lập luận rằng đói nghèo không chỉ đơn thuần là vật chất vì người dân ở các nước giàu cũng đã kinh qua “bị loại bỏ, cũng như nghèo về tương quan, đạo đức và tinh thần”. Vì vậy, nghèo "liên quan đến luân lý" chẳng hạn như những người tham gia vào việc đưa ra tương quan sai lầm giữa đói nghèo và sự gia tăng dân số dẫn đến "những chiến dịch quốc tế [.. . ] nhằm giảm tỷ lệ sinh, đôi khi sử dụng các phương pháp không tôn trọng phẩm giá người nữ, cũng như quyền được lựa chọn có trách nhiệm có bao nhiêu đứa con của các bậc cha mẹ; dao mổ vẫn còn sử dụng, những phương pháp này thường không tôn trọng ngay cả quyền sống" vì "sự tiêu diệt hàng triệu hài nhi chưa sinh ra nhân danh đấu tranh chống đói nghèo, thực sự là tạo nên sự tiêu diệt những người nghèo nhất trong nhân loại" (số 3).

Giải thích thêm về điểm này, sứ điệp đưa ra chứng minh về mối tương quan không căn cứ giữa đói nghèo và dân số bằng sự kiện năm 1981 khoảng 40 phần trăm dân số thế giới sống dưới mức đói nghèo tuyệt đối, ngày nay tỷ lệ này giảm gần một nửa. Còn điều gì nữa, các quốc gia đang nổi lên trên vũ đài thế giới như là những cường quốc kinh tế mới "đã kinh qua sự phát triển nhanh chóng một cách rõ rệt do dân số họ đông". Mặc dù Đức Thánh Cha không đề cập đến Trung Quốc và Ấn Độ trong sứ điệp của mình, nhưng người ta nghĩ ngay đến các nước này. Tương tự, "đặc biệt khó khăn trong việc chống AIDS, một nguyên nhân chính của đói nghèo, trừ khi các vấn đề đạo đức có liên hệ đến sự lây lan loại virút này được bàn đến" (số 4).

Trẻ em nghèo và dễ bị tổn thương phải được xem xét từ viễn tượng là chúng được liên kết với tình trạng gia đình suy yếu. "Khi gia đình bị suy yếu, thì điều chắc chắn không thể tránh khỏi là trẻ em bị ảnh hưởng. Nếu phẩm giá của người phụ nữ và các bà mẹ không được bảo vệ, thì trẻ em là người bị ảnh hưởng nhiều nhất" (số 5).

Chiều kích luân lý của đói nghèo cũng bị ảnh hưởng bởi các "mối quan hệ giữa giải trừ quân bị và phát triển." Điều hiển nhiên là "vũ trang và phí tổn quân sự lớn, liên quan đến tài nguyên vật chất và nhân lực, thực tế đã bị chuyển hướng từ các dự án phát triển cho các dân tộc, đặc biệt là những người nghèo nhất đang cần viện trợ nhất" (số 6). Những cuộc chạy đua vũ trang tạo nên "những vùng kém phát triển và tuyệt vọng, vì thế có thể tạo nên nghịch lý trở thành nguyên nhân bất ổn, căng thẳng và xung đột".

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến một khía cạnh khác của cuộc đấu tranh chống đói nghèo là cuộc khủng hoảng lương thực, vốn "mang đặc điểm không phải do thiếu lương thực, cũng không phải do gặp khó khăn trong việc tiếp cận lương thực mà do các hình thức đầu cơ khác nhau: nói cách khác, do thiếu một cơ cấu các tổ chức chính trị và kinh tế có khả năng chuyên tâm lo cho những nhu cầu và các trường hợp khẩn cấp" (số 7).

Nếu nguyên nhân của đói nghèo là toàn cầu, thì toàn cầu hóa đòi hỏi "một ý thức mạnh mẽ về liên đới toàn cầu giữa các nước giàu và các nước nghèo, cũng như trong các nước đơn lẻ, bao gồm cả những nước giàu có". Điều này có nghĩa là “cần phải có 'bộ luật luân lý chung', bao gồm những quy tắc không chỉ dựa trên sự nhất trí, mà còn phải bén rễ nơi luật tự nhiên được Đấng Sáng Tạo khắc ghi nơi lương tâm của mỗi con người (x. Rm 2,14-15)" (số 8).

Trên thực tế, toàn cầu hóa "chắc chắn loại bỏ những rào cản, nhưng lại vẫn có thể tạo ra những rào cản mới; nó mang các dân tộc đến gần với nhau, nhưng trạng thái gần về không gian và thời gian tự nó không tạo ra sự hiệp thông đích thực và hòa bình chân chính. Các phương tiện hiệu quả để khôi phục những người nghèo bị gạt bỏ trên thế giới thông qua toàn cầu hoá sẽ chỉ được tìm thấy, nếu ở khắp mọi nơi mỗi người cảm thấy bị xúc phạm cá nhân bởi sự bất công trên thế giới cùng những vi phạm nhân quyền đồng thời xảy ra" (số 8).

Thật vậy, những quan điểm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI liên quan đến kinh tế và tài chính đã cập nhật rất nhiều. Tài chính là lĩnh vực mang ý nghĩa đặc biệt bởi do toàn cầu hóa, điện tử hiện đại, và tự do hoá lưu lượng vốn đầu tư. Mặc dù là "cuộc khủng hoảng gần đây đã chứng minh hoạt động tài chính đôi khi có thể hoàn toàn tự co gập lại trong chính nó, thiếu mọi sự xem xét đến lợi ích chung lâu dài ", "hạ thấp những mục tiêu tài chính toàn cầu rất ngắn hạn làm giảm khả năng của chức năng cầu nối giữa hiện tại và tương lai, cũng như kích thích tạo ra những cơ hội mới cho sản xuất và công ăn việc làm trong dài hạn. Theo chiều hướng này, nền tài chính hạn chế nhắm đến ngắn hạn và rất ngắn hạn sẽ trở nên nguy hiểm cho tất cả mọi người, kể cả đối với những người được hưởng lợi khi các thị trường trong thời kỳ tốt đẹp" (số 10).

Sự hiểu biết những nguyên nhân từ quan điểm toàn cầu có nghĩa là "cuộc đấu tranh chống đói nghèo đòi hỏi phải hợp tác cả trên bình diện kinh tế và bình diện pháp lý, cũng như cho phép cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là các nước nghèo hơn xác định và thực hiện các chiến lược phối hợp để đối phó với các vấn đề được thảo luận trên đây, do đó cung cấp một khuôn khổ pháp lý có hiệu quả cho nền kinh tế".

Đồng thời kinh nghiệm cho thấy rằng "các chính sách nhấn mạnh quá nhiều đến trợ giúp sẽ làm nền tảng cho nhiều thất bại trong việc cung cấp viện trợ cho các nước nghèo. Đầu tư vào giáo dục con người, hình thành và phát triển nền văn hóa đặc trưng và toàn diện nơi doanh nghiệp dường như là lối tiếp cận đúng đắn hiện nay trong trung và dài hạn" (số 11).

"Nếu người nghèo được đặt ưu tiên hàng đầu, thì phải có chỗ cho cách tiếp cận đúng đắn về kinh tế đối với những người đang hoạt động trên thị trường quốc tế, có chỗ cho cách tiếp cận đúng đắn về chính trị đối với những người đang hoạt động trong lĩnh vực công, và có chỗ cho cách tiếp cận đúng đắn về sự tham gia để có khả năng lao vào đóng góp cho xã hội dân sự trên bình diện địa phương và quốc tế" (số12).

Chúng ta cần phải vượt thắng những ý tưởng cho rằng những vấn đề phát triển, viện trợ và hợp tác quốc tế có thể được giải quyết "mà không cần bất kỳ sự quan tâm đích thực của nhân tố con người, xem như đơn thuần là các vấn đề kỹ thuật – bị giới hạn bởi việc xây dựng cơ cấu, thiết lập các thỏa thuận thương mại, và phân bổ nguồn tài trợ không nhắm vào ai. Những gì cuộc đấu tranh chống đói nghèo thực sự cần là người nam và người nữ sống trong đường lối huynh đệ sâu sắc, và các cá nhân, các gia đình và các cộng đồng có thể đồng hành với nhau trên những hành trình của sự phát triển con người đích thực" (số 13).

Cuối cùng, trong "thế giới toàn cầu hóa ngày nay, ngày càng cho thấy rõ ràng rằng hòa bình chỉ có thể được kiến tạo nếu tất cả mọi người được đảm bảo khả năng tăng trưởng hợp lý: sớm hay muộn thì những méo mó được sản sinh từ những hệ thống bất công cũng làm cho mọi người phải trả giá. Thật là hết sức dại dột khi xây dựng một căn nhà sang trọng ở giữa sa mạc hay trong đổ nát suy tàn. Toàn cầu hoá tự nó không thể xây dựng hòa bình, và trong nhiều trường hợp, nó thực sự tạo ra tạo ra chia rẽ và xung đột. Ngược lại nó phát sinh một nhu cầu: hướng đến mục tiêu liên đới sâu sắc để tìm kiếm điều tốt đẹp cho mỗi người và mọi người. Trong ý nghĩa này, toàn cầu hoá nên được xem như là một cơ hội tốt để đạt đến điều gì đó quan trọng trong cuộc đấu tranh chống đói nghèo, và đặt ra việc sử dụng các nguồn tài nguyên phục vụ cho công lý và hòa bình mà trước đây hiếm khi được nghĩ tới".
 
Tòa thánh công bố thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2009
Phụng Nghi
17:31 12/12/2008
Vatican (CWNews.com) – Trong thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới hàng năm, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa hòa bình thế giới và sự phát triển kinh tế; ngài lập luận rằng trong nền kinh tế toàn cầu, việc theo đuổi tìm kiếm lợi nhuận một cách thiển cận phải nhường chỗ cho một hệ thống được tình cảm thông liên đới hướng dẫn.

Thông điệp dài 17 trang của Đức giáo hoàng nhan đề “Chống Nghèo đói để Xây dựng Hòa bình” được Tòa thánh Vatican công bố hôm 11 tháng 12 trong một cuộc họp báo tại Roma dưới quyền chủ tọa của Hồng y Renato Martino, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Thông điệp sẽ chính thức được trao cho các thành viên trong ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh vào ngày 1 tháng giêng năm 2009, được Giáo hội chỉ định là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình.

Đức Hồng y Martino phát biểu với báo chí: Theo gương Đức Gioan Phaolô II đặt ra năm 1993, khi đức cố giáo hoàng dành thông điệp hàng năm của ngài để thảo luận về vấn đề nghèo đói, Đức giáo hoàng Bênêđictô “chỉ cho chúng ta biết giữa hòa bình và cuộc chiến chống nghèo đói liên hệ với nhau như thế nào”. Trong thông điệp, Đức thánh cha đưa ra nhận xét là nghèo đói có thể vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của chiến tranh. Ngài viết: “Nghèo đói thường là nhân tố góp phần hoặc là yếu tố thành phẩm trong các cuộc xung đột, kể cả những cuộc xung đột võ trang. Đến lượt mình, những cuộc xung đột này lại gây ra những hoàn cảnh đói nghèo bi thảm hơn.”

Khi phân tích sự bất ổn hiện nay trong các thị trường tài chánh trên thế giới, Đức giáo hoàng viết rằng nền kinh tế toàn cầu “đang trải qua những ảnh hưởng tiêu cực của một hệ thống những thực hiện tài chánh – cả trên bình diện quốc gia lẫn toàn cầu – đặt căn bản trên lối suy nghĩ rất ngắn hạn, chỉ nhằm gia tăng giá trị các hoạt động tài chính và tập trung vào cách điều hành kỹ thuật dưới nhiều hình thức rủi ro”. Ngài lập luận rằng nhiều cơ cấu trong thế giới tài chánh đã “hoàn toàn đặt căn bản trên chính nó, thiếu mục đích tìm kiếm ích lợi chung dài hạn.” Tiến trình đó, theo ngài nói, “trở thành nguy hiểm cho mọi người, kể cả cho những ai được hưởng lợi khi thị trường tiến triển tốt đẹp.”

Để hướng dẫn một nền kinh tế lành mạnh trong thời đại toàn cầu hóa, Đức giáo hoàng nói rằng các nhà lãnh đạo trên thế giới nên chấp nhận sự khôn ngoan để đề cao và bảo vệ lợi ích chung. Một tiến trình như thế, ngài viết, sẽ có thể đòi hỏi mối quan tâm đích thực vào những nhu cầu của người nghèo.

Đức giáo hoàng lập luận rằng các nhu cầu vật chất không phải chỉ là nhân tố duy nhất gây ra nghèo đói – mà quả thực không phải lúc nào cũng là yếu tố quan trọng nhất. Những bất quân bình trong việc phân phối tài nguyên, những chướng ngại ngăn chận các thị trường, và các chính sách của chính quyền bị hướng dẫn sai lạc, đã làm cho khó khăn thêm trầm trọng. Khi các nguồn tài nguyên thích hợp được đưa ra để giải quyết vấn đề, thì những giải pháp chính yếu có thể được thực hiện một cách mau chóng để làm nhẹ bớt gánh nặng những nhu cầu của con người.

Để minh họa cho lập luận của mình, ngài chỉ rõ rằng vấn đề nghèo đói “không phải phần lớn là do thiếu thốn thực phẩm, bằng do khó khăn để có được thực phẩm, và do nhiều hình thức đầu cơ trục lợi khác nhau.” Ngài nói rằng những chính sách không màng tới hoặc đặt người nghèo đói ra ngoài lề, phải được thay đổi, và kêu gọi một nỗ lực toàn cầu để đạt được mục tiêu đó. Ngài viết: “Các phương tiện hữu hiệu để sửa sai cảnh dùng tiến độ toàn cầu hóa để đặt người nghèo đói trên thế giới ra ngoài lề, chỉ có thể tìm thấy được nếu con người khắp nơi tự cá nhân mình cảm thấy tức tối bởi những nạn bất công trên thế giới và bởi những vi phạm nhân quyền kèm theo.”

Đức giáo hoàng minh xác rằng khi viết về vấn đề nghèo đói, ngài không chỉ quan ngại đến sự thiếu thốn về vật chất, nhưng còn về những chỉ dấu khác của sự nghèo khổ. Ngài nhận thấy rằng “trong các xã hội giàu và tiến bộ, có bằng chứng rõ rệt về việc phân lề, cũng như sự nghèo nàn về tinh thần, luân lý đạo đức và tình cảm, thấy được nơi những con người mà cuộc sống nội tâm bị mất hướng, những người trải qua nhiều hình thức chán chường mặc dầu họ có được sự phồn vinh về kinh tế.” Ngài cho rằng sự “siêu phát triển” về kinh tế đã làm gia tăng những hiểm họa “kém phát triển về luân lý”.

Đức giáo hoàng tố cáo thái độ đã đưa một số các nhà lãnh đạo quốc tế đến chỗ đề ra những chính sách hung hãn nhằm giảm thiểu dân số, mang giả tưởng lầm lẫn rằng chính con người là nguyên nhân gây ra cảnh nghèo đói. Kết quả là việc xuất hiện ồ ạt các chính sách đề cao những biện pháp hung hăng nhằm kế hoạch hóa gia đình, kể cả phá thai. “Sự tiêu diệt hàng triệu em bé chưa sinh, nhân danh là để chống nghèo đói, thực ra góp phần vào việc hủy hoại những kẻ khốn khổ nhất trong nhân loại.”

Tương tự như thế, theo Đức giáo hoàng nhận xét, “các dịch bệnh như sốt rét, lao và AIDS” cần có ngay một sự đáp ứng khẩn thiết khắp toàn cầu. Nhưng một số quốc gia nghèo, trong cuộc chiến chống các bệnh tật đó “khi cố gắng đưa ra để giải quyết, lại thấy mình như bị giữ làm con tin, bởi những người đặt điều kiện giúp đỡ về kinh tế bằng việc thực thi những chính sách phản lại sự sống.”

Toàn văn bản dịch Anh ngữ bức thông điệp của Đức giáo hoàng có thể đọc tại:

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/peace/documents/hf_ben-xvi_mes_20081208_xlii-world-day-peace_en.html.

 
Đức Thánh Cha nói: Trong một xã hội công bình chúng ta không nên sợ hãi mình là một tín hữu công giáo trung thành
Bùi Hữu Thư
19:22 12/12/2008

Đức Thánh Cha nói: Trong một xã hội công bình chúng ta không nên sợ hãi mình là một tín hữu công giáo trung thành



Vatican ngày 12, tháng 12, 2008
(CNA).- Sáng nay, khi tiếp kiến Hội Đồng Giám Mục Đài Loan khi họ về trình diện theo chu kỳ 5 năm, Benedict XVI nhấn mạnh: người Công giáo tại quốc gia của họ “là một dấu chỉ sống động rằng trong một xã hội có sự công bằng, không ai phải hãi sợ vì mình là một người Công Giáo trung tín và một công dân tốt.”

Trong bài hiểu thị, ĐTC nhắc lại ngày kỷ niệm 150 năm Truyền Giáo tại Đài Loan, và ghi nhận rằng “đây là dịp biểu lộ sốt sắng hơn sự hiệp nhất của quý Đức Cha với nhau và với Thiên Chúa trong khi quý Đức Cha cổ võ cho mục vụ tông đồ chung của giáo hội.”

Ngài tiếp, "Sự hiệp nhất của trí óc và trái tim này, được biểu lộ bởi ước muốn của quý Đức Cha là cộng tác mật thiết hơn trong việc loan truyền Phúc Âm giữa những người chưa tin và đào tạo thêm cho những ai đã được nhận vào Giáo Hội qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Tôi rất vui mừng ghi nhận là quý Đức Cha mong muốn tiếp tục phối trí nhiều cơ sở khác nhau cho mục đích này, với sự nhấn mạnh vào giáo xứ, là nơi ‘tiền đầu và tốt đẹp nhất cho việc dậy giáo lý.”

Sau đó ĐTC thảo luận về các chương trinh đào tạo linh mục, ngài nói, “các chương trình này phải được phác họa để chú ý đến nhiều lớp tuổi khác nhau, cũng như đến hoàn cảnh đời sống và nhiệm vụ của các giáo sĩ”, ngài cũng yêu cầu cung cấp cho các giáo ý viên “những nguồn dữ liệu cần thiết để họ có thể theo gương Chúa Giêsu khi mạnh dạn nói lên chân lý và giúp cho tất cả mọi người có thể lãnh hội.”

Ngài tiếp, chính qua việc dậy giáo lý hữu hiệu mà các gia đình được xây dựng nên vững mạnh, và từ đó dẫn đưa đến một sự gia tăng về ơn gọi. “Phụ huynh, giáo lý viên, cha xứ, giới lãnh đạo giáo xứ, và tất cả mọi thành phần của Giáo Hội phải hướng dẫn giới trẻ để họ có quyết định dứt khoát đi theo Chúa Kitô, để khi tìm được Người, họ khám phá ra chính mình.”

Sau đó ĐTC Benedict XVI đề cập đến một tông thư gửi cho các giám mục —"Các Ưu Tư về Xã Hội và Việc Phúc Âm Hóa” — đã nhấn mạnh nhu cầu của Giáo Hội là hành động tích cực trong việc cổ võ đời sống gia đình.” Ngài ghi nhận là "ưu tư sâu xa của quý Đức Cha cho sự an vui của gia đình và xã hội đã thúc đẩy quý Đức Cha trợ giúp các cặp hôn nhân duy trì những lời hứa vào ngày cưới không thể tháo gỡ.”

Ngài tiếp, “Xin đừng bao giờ ngưng cổ võ các luật pháp dân sự công chính, và các chính sách bảo vệ sự thánh thiêng của hôn nhân. Xin bảo vệ bí tích này chống mọi sự có thể gây nguy hại, nhất là việc cố tình lấy đi mạng sống ở các giai đoạn yếu đuối nhất.”

ĐTC khuyến khích Giáo Hội Đài Loan trong nỗ lực giúp đỡ những người yếu đuối nhất, đặc biệt là các di dân. “Trong nhiều bức tông thư, quý Đức Cha đã nói đến vai trò thiết yếu của giáo xứ trong việc phục vụ cho người di cư và gia tăng ý thức về các nhu cầu của họ.”

"Sự kết hợp của quý Đức Cha với người kế vị thánh Phêrô đòi hỏi một trách nhiệm mục vụ cho Giáo Hội hoàn vũ. Trong trường hợp của quý Đức Cha, đây có nghĩa là một sự lo lắng mật thiết cho người Công Giáo tại Đại Lục, là những người tôi thường xuyên cầu nguyện cho.”

Ngài kết luận, “qúy Đức Cha và các Kitô hữu trung thành tại Đài Loan là một dấu chỉ sống động rằng, trong một xã hội được điều hành một cách công bằng, không có ai phải sợ hãi vì mình là một ngườiCông Giáo trung thành và một công dân tốt. Tôi cầu xin cho qúy Đức Cha, là thành phần của đại gia đình Công Giáo Trung Hoa, sẽ tiếp tục kết hiệp về tinh thần với các người anh chị em trên Đại Lục."
 
Top Stories
New kid on the block
Viji Sundaram
05:11 12/12/2008
NEW ORLEANS — Mr. Cao goes to Washington: Ánh “Joseph” Cao will carry the distinction of being the first Vietnamese American member of Congress as he represents Louisiana in the House of Representatives.

Joseph Ánh Cao
The day after Ánh ''Joseph'' Cao unseated nine-term incumbent Rep. William Jefferson, becoming the first Vietnamese American elected to Congress, he still looked slightly stunned.

After a night of celebration with his supporters at the Palace Café on Canal Street, Cao went to his local Vietnamese church to pray and give thanks. Later that day, in an exclusive interview with New America Media at his spacious two-story home in eastern New Orleans, the 41-year-old Cao, a Republican, talked about his rise to power and why he believes he won.

Q: You went to Mary Queen of Việt Nam church earlier today. What did you include in your prayers today?

A: I was giving thanks for everything that’s happened. I gave thanks for the win last night. And I gave thanks for giving me a chance to serve the people.

Q: When did you come to the United States?

A: I came to the United States with my mother and siblings in a boat when I was 8. We got refugee status. I didn’t know a word of English.

Q: Where did you grow up?

A: I grew up in Houston, raised by my uncle. I earned degrees in physics at Baylor, then a degree in philosophy at Fordham. I then studied law at Loyola (in New Orleans).

Q: How did you get into politics?

A: Actually, I wanted to become a Catholic priest. I was in a Jesuit seminary for six years in the 1990s. While there, I had this sudden inspiration to bring about social changes, so I quit the seminary, began practicing as an immigration lawyer and began advocating for the Vietnamese community. I believe I made the right choice.

Q: You won against all odds this is a district that is 60 percent Democratic, and the district has been drawn to give African Americans a distinct electoral advantage. How did you pull it off? Did you get a lot of support from the Vietnamese community?

A: Actually, only 2.9 percent of the people in my district are Vietnamese. There are 17,000 Vietnamese in all of New Orleans. Of these, only 4,000 are registered voters. This neighborhood where I live (Venetian Isles) is mostly white and there are some Vietnamese. I think I won because people were definitely ready for a change.

Q: Do you think you could have won if your opponent hadn’t been indicted on federal corruption charges?

A: I don’t think so. People were getting tired of the scandal and cloud hanging over (William Jefferson’s) head.

Q: What was the platform you ran on?

A: I ran on a platform of coastal restoration, levee protection, health care and improving education.

Q: You are the second Asian in Louisiana to be elected to a position of power this year. Do you think Bobby Jindal’s win as governor and Barack Obama’s presidential win opened the door for you as a minority? (Jindal is Indian American.)

A: I don’t know whether Jindal’s win had anything to do with my getting elected. He’s a very popular governor. He endorsed me only a couple of days before the election, even though we were trying to get him to endorse me for a long time.

Q: What are your immediate plans?

A: I am going to take a few days’ rest. Then I’ll put on my running shoes and assemble my team to learn the ins-and-outs of D.C. politics.

Q: Now that you have political clout, what are you going to do for your community?

A: I will continue working on getting a retirement center for the elderly Vietnamese in New Orleans. That aside, we are going to work toward developing an urban farm for the Vietnamese community.

Q: What is the message you would like to give your community here?

A: I would like more young people to get involved in politics and bring changes we want in Việt Nam.

Q: Like what?

A: We’re concerned about human rights violations, issues of democracy and lack of religious freedom.

Q: So the ''Cao Now'' bumper stickers I see on a lot of cars worked?

A: (Laughs) Yes, I guess so.

(Source: By Viji Sundaram, New America Media, Thursday, December 11, 2008)
 
Declaration Of Supporting Committee For Democracy And Religious Freedom In Vietnam
Alain OUELLET, lawyer
15:25 12/12/2008
The Supporting Committee for Democracy and Religious Freedom in Vietnam express its deep concern on the violations of religious freedom and people's rights which have been taking place in Thai Ha parish, Hanoi.

The confiscation of a great part of land belonging to this parish by Vietnamese government has hit the heart of many Canadians. The Catholic priests of Mother House Sainte Anne de Beaupré, Quebec, bought this land in 1928 to build the first home of Redemptorists in Vietnam and the church for Thai Ha parish later.

The accusation of eight parishioners by Hanoi tribunal for the crime of "destructing the property of state and disturbing public order" is an offence to justice and truth. These innocent believers were unlawfully condemned for an imaginary crime, even on probation, in a trial of Dong Da district tribunal, Ha Noi, on December 8, 2008. In reality, they only attended peaceful prayer vigils on the land of their own parish and, at the same time, protected the property of the church. They did not show any act of violence or destruction.

For the above reasons, we call on the Vietnamese government to return justice to eight wrongly condemned parishioners and to give back confiscated lands to their real owners. We also request the government of Canada to do all necessary to persuade the government of Hanoi to respect human rights and religious freedom.

December 9, 2008

Alain OUELLET, lawyer

President

Supporting Committee for Democracy And Religious Freedom in Vietnam

151 Atwater

CP 72126

Montreal, QC H3J 2Z6


Canada
 
Message Of His Holiness Pope Benedict XVI For The Celebration Of The World Day Of Peace
+ Pope Benedict XVI
22:22 12/12/2008
MESSAGE OF HIS HOLINESS

POPE BENEDICT XVI

FOR THE CELEBRATION OF THE

WORLD DAY OF PEACE

1 JANUARY 2009



FIGHTING POVERTY TO BUILD PEACE



1. Once again, as the new year begins, I want to extend good wishes for peace to people everywhere. With this Message I would like to propose a reflection on the theme: Fighting Poverty to Build Peace. Back in 1993, my venerable Predecessor Pope John Paul II, in his Message for the World Day of Peace that year, drew attention to the negative repercussions for peace when entire populations live in poverty. Poverty is often a contributory factor or a compounding element in conflicts, including armed ones. In turn, these conflicts fuel further tragic situations of poverty. “Our world”, he wrote, “shows increasing evidence of another grave threat to peace: many individuals and indeed whole peoples are living today in conditions of extreme poverty. The gap between rich and poor has become more marked, even in the most economically developed nations. This is a problem which the conscience of humanity cannot ignore, since the conditions in which a great number of people are living are an insult to their innate dignity and as a result are a threat to the authentic and harmonious progress of the world community” [1 ].

2. In this context, fighting poverty requires attentive consideration of the complex phenomenon of globalization. This is important from a methodological standpoint, because it suggests drawing upon the fruits of economic and sociological research into the many different aspects of poverty. Yet the reference to globalization should also alert us to the spiritual and moral implications of the question, urging us, in our dealings with the poor, to set out from the clear recognition that we all share in a single divine plan: we are called to form one family in which all – individuals, peoples and nations – model their behaviour according to the principles of fraternity and responsibility.

This perspective requires an understanding of poverty that is wide-ranging and well articulated. If it were a question of material poverty alone, then the social sciences, which enable us to measure phenomena on the basis of mainly quantitative data, would be sufficient to illustrate its principal characteristics. Yet we know that other, non-material forms of poverty exist which are not the direct and automatic consequence of material deprivation. For example, in advanced wealthy societies, there is evidence of marginalization, as well as affective, moral and spiritual poverty, seen in people whose interior lives are disoriented and who experience various forms of malaise despite their economic prosperity. On the one hand, I have in mind what is known as “moral underdevelopment ”[ 2 ], and on the other hand the negative consequences of “superdevelopment ”[ 3 ]. Nor can I forget that, in so-called “poor” societies, economic growth is often hampered by cultural impediments which lead to inefficient use of available resources. It remains true, however, that every form of externally imposed poverty has at its root a lack of respect for the transcendent dignity of the human person. When man is not considered within the total context of his vocation, and when the demands of a true “human ecology” [4 ] are not respected, the cruel forces of poverty are unleashed, as is evident in certain specific areas that I shall now consider briefly one by one.

Poverty and moral implications

3. Poverty is often considered a consequence of demographic change. For this reason, there are international campaigns afoot to reduce birth-rates, sometimes using methods that respect neither the dignity of the woman, nor the right of parents to choose responsibly how many children to have [5 ]; graver still, these methods often fail to respect even the right to life. The extermination of millions of unborn children, in the name of the fight against poverty, actually constitutes the destruction of the poorest of all human beings. And yet it remains the case that in 1981, around 40% of the world's population was below the threshold of absolute poverty, while today that percentage has been reduced by as much as a half, and whole peoples have escaped from poverty despite experiencing substantial demographic growth. This goes to show that resources to solve the problem of poverty do exist, even in the face of an increasing population. Nor must it be forgotten that, since the end of the Second World War, the world's population has grown by four billion, largely because of certain countries that have recently emerged on the international scene as new economic powers, and have experienced rapid development specifically because of the large number of their inhabitants. Moreover, among the most developed nations, those with higher birth-rates enjoy better opportunities for development. In other words, population is proving to be an asset, not a factor that contributes to poverty.

4. Another area of concern has to do with pandemic diseases, such as malaria, tuberculosis and AIDS. Insofar as they affect the wealth-producing sectors of the population, they are a significant factor in the overall deterioration of conditions in the country concerned. Efforts to rein in the consequences of these diseases on the population do not always achieve significant results. It also happens that countries afflicted by some of these pandemics find themselves held hostage, when they try to address them, by those who make economic aid conditional upon the implementation of anti-life policies. It is especially hard to combat AIDS, a major cause of poverty, unless the moral issues connected with the spread of the virus are also addressed. First and foremost, educational campaigns are needed, aimed especially at the young, to promote a sexual ethic that fully corresponds to the dignity of the person; initiatives of this kind have already borne important fruits, causing a reduction in the spread of AIDS. Then, too, the necessary medicines and treatment must be made available to poorer peoples as well. This presupposes a determined effort to promote medical research and innovative forms of treatment, as well as flexible application, when required, of the international rules protecting intellectual property, so as to guarantee necessary basic healthcare to all people.

5. A third area requiring attention in programmes for fighting poverty, which once again highlights its intrinsic moral dimension, is child poverty. When poverty strikes a family, the children prove to be the most vulnerable victims: almost half of those living in absolute poverty today are children. To take the side of children when considering poverty means giving priority to those objectives which concern them most directly, such as caring for mothers, commitment to education, access to vaccines, medical care and drinking water, safeguarding the environment, and above all, commitment to defence of the family and the stability of relations within it. When the family is weakened, it is inevitably children who suffer. If the dignity of women and mothers is not protected, it is the children who are affected most.

6. A fourth area needing particular attention from the moral standpoint is the relationship between disarmament and development. The current level of world military expenditure gives cause for concern. As I have pointed out before, it can happen that “immense military expenditure, involving material and human resources and arms, is in fact diverted from development projects for peoples, especially the poorest who are most in need of aid. This is contrary to what is stated in the Charter of the United Nations, which engages the international community and States in particular ‘to promote the establishment and maintenance of international peace and security with the least diversion for armaments of the world's human and economic resources' (art. 26)” [6 ].

This state of affairs does nothing to promote, and indeed seriously impedes, attainment of the ambitious development targets of the international community. What is more, an excessive increase in military expenditure risks accelerating the arms race, producing pockets of underdevelopment and desperation, so that it can paradoxically become a cause of instability, tension and conflict. As my venerable Predecessor Paul VI wisely observed, “the new name for peace is development ”[ 7 ]. States are therefore invited to reflect seriously on the underlying reasons for conflicts, often provoked by injustice, and to practise courageous self-criticism. If relations can be improved, it should be possible to reduce expenditure on arms. The resources saved could then be earmarked for development projects to assist the poorest and most needy individuals and peoples: efforts expended in this way would be efforts for peace within the human family.

7. A fifth area connected with the fight against material poverty concerns the current food crisis, which places in jeopardy the fulfilment of basic needs. This crisis is characterized not so much by a shortage of food, as by difficulty in gaining access to it and by different forms of speculation: in other words, by a structural lack of political and economic institutions capable of addressing needs and emergencies. Malnutrition can also cause grave mental and physical damage to the population, depriving many people of the energy necessary to escape from poverty unaided. This contributes to the widening gap of inequality, and can provoke violent reactions. All the indicators of relative poverty in recent years point to an increased disparity between rich and poor. No doubt the principal reasons for this are, on the one hand, advances in technology, which mainly benefit the more affluent, and on the other hand, changes in the prices of industrial products, which rise much faster than those of agricultural products and raw materials in the possession of poorer countries. In this way, the majority of the population in the poorest countries suffers a double marginalization, through the adverse effects of lower incomes and higher prices.

Global solidarity and the fight against poverty

8. One of the most important ways of building peace is through a form of globalization directed towards the interests of the whole human family [8 ]. In order to govern globalization, however, there needs to be a strong sense of global solidarity [9 ] between rich and poor countries, as well as within individual countries, including affluent ones. A “common code of ethics ”[ 10 ]

is also needed, consisting of norms based not upon mere consensus, but rooted in the natural law inscribed by the Creator on the conscience of every human being (cf. Rom 2:14-15). Does not every one of us sense deep within his or her conscience a call to make a personal contribution to the common good and to peace in society? Globalization eliminates certain barriers, but is still able to build new ones; it brings peoples together, but spatial and temporal proximity does not of itself create the conditions for true communion and authentic peace. Effective means to redress the marginalization of the world's poor through globalization will only be found if people everywhere feel personally outraged by the injustices in the world and by the concomitant violations of human rights. The Church, which is the “sign and instrument of communion with God and of the unity of the entire human race” [11 ] will continue to offer her contribution so that injustices and misunderstandings may be resolved, leading to a world of greater peace and solidarity.

9. In the field of international commerce and finance, there are processes at work today which permit a positive integration of economies, leading to an overall improvement in conditions, but there are also processes tending in the opposite direction, dividing and marginalizing peoples, and creating dangerous situations that can erupt into wars and conflicts. Since the Second World War, international trade in goods and services has grown extraordinarily fast, with a momentum unprecedented in history. Much of this global trade has involved countries that were industrialized early, with the significant addition of many newly- emerging countries which have now entered onto the world stage. Yet there are other low-income countries which are still seriously marginalized in terms of trade. Their growth has been negatively influenced by the rapid decline, seen in recent decades, in the prices of commodities, which constitute practically the whole of their exports. In these countries, which are mostly in Africa, dependence on the exportation of commodities continues to constitute a potent risk factor. Here I should like to renew an appeal for all countries to be given equal opportunities of access to the world market, without exclusion or marginalization.

10. A similar reflection may be made in the area of finance, which is a key aspect of the phenomenon of globalization, owing to the development of technology and policies of liberalization in the flow of capital between countries. Objectively, the most important function of finance is to sustain the possibility of long- term investment and hence of development. Today this appears extremely fragile: it is experiencing the negative repercussions of a system of financial dealings – both national and global – based upon very short-term thinking, which aims at increasing the value of financial operations and concentrates on the technical management of various forms of risk. The recent crisis demonstrates how financial activity can at times be completely turned in on itself, lacking any long-term consideration of the common good. This lowering of the objectives of global finance to the very short term reduces its capacity to function as a bridge between the present and the future, and as a stimulus to the creation of new opportunities for production and for work in the long term. Finance limited in this way to the short and very short term becomes dangerous for everyone, even for those who benefit when the markets perform well [12 ].

11. All of this would indicate that the fight against poverty requires cooperation both on the economic level and on the legal level, so as to allow the international community, and especially poorer countries, to identify and implement coordinated strategies to deal with the problems discussed above, thereby providing an effective legal framework for the economy. Incentives are needed for establishing efficient participatory institutions, and support is needed in fighting crime and fostering a culture of legality. On the other hand, it cannot be denied that policies which place too much emphasis on assistance underlie many of the failures in providing aid to poor countries. Investing in the formation of people and developing a specific and well-integrated culture of enterprise would seem at present to be the right approach in the medium and long term. If economic activities require a favourable context in order to develop, this must not distract attention from the need to generate revenue. While it has been rightly emphasized that increasing per capita income cannot be the ultimate goal of political and economic activity, it is still an important means of attaining the objective of the fight against hunger and absolute poverty. Hence, the illusion that a policy of mere redistribution of existing wealth can definitively resolve the problem must be set aside. In a modern economy, the value of assets is utterly dependent on the capacity to generate revenue in the present and the future. Wealth creation therefore becomes an inescapable duty, which must be kept in mind if the fight against material poverty is to be effective in the long term.

12. If the poor are to be given priority, then there has to be enough room for an ethical approach to economics on the part of those active in the international market, an ethical approach to politics on the part of those in public office, and an ethical approach to participation capable of harnessing the contributions of civil society at local and international levels. International agencies themselves have come to recognize the value and advantage of economic initiatives taken by civil society or local administrations to promote the emancipation and social inclusion of those sectors of the population that often fall below the threshold of extreme poverty and yet are not easily reached by official aid. The history of twentieth-century economic development teaches us that good development policies depend for their effectiveness on responsible implementation by human agents and on the creation of positive partnerships between markets, civil society and States. Civil society in particular plays a key part in every process of development, since development is essentially a cultural phenomenon, and culture is born and develops in the civil sphere [13 ].

13. As my venerable Predecessor Pope John Paul II had occasion to remark, globalization “is notably ambivalent ”[ 14 ] and therefore needs to be managed with great prudence. This will include giving priority to the needs of the world's poor, and overcoming the scandal of the imbalance between the problems of poverty and the measures which have been adopted in order to address them. The imbalance lies both in the cultural and political order and in the spiritual and moral order. In fact we often consider only the superficial and instrumental causes of poverty without attending to those harboured within the human heart, like greed and narrow vision. The problems of development, aid and international cooperation are sometimes addressed without any real attention to the human element, but as merely technical questions – limited, that is, to establishing structures, setting up trade agreements, and allocating funding impersonally. What the fight against poverty really needs are men and women who live in a profoundly fraternal way and are able to accompany individuals, families and communities on journeys of authentic human development.

Conclusion

14. In the Encyclical Letter Centesimus Annus, John Paul II warned of the need to “abandon a mentality in which the poor – as individuals and as peoples – are considered a burden, as irksome intruders trying to consume what others have produced.” The poor, he wrote, “ask for the right to share in enjoying material goods and to make good use of their capacity for work, thus creating a world that is more just and prosperous for all” [15 ]. In today's globalized world, it is increasingly evident that peace can be built only if everyone is assured the possibility of reasonable growth: sooner or later, the distortions produced by unjust systems have to be paid for by everyone. It is utterly foolish to build a luxury home in the midst of desert or decay. Globalization on its own is incapable of building peace, and in many cases, it actually creates divisions and conflicts. If anything it points to a need: to be oriented towards a goal of profound solidarity that seeks the good of each and all. In this sense, globalization should be seen as a good opportunity to achieve something important in the fight against poverty, and to place at the disposal of justice and peace resources which were scarcely conceivable previously.

15. The Church's social teaching has always been concerned with the poor. At the time of the Encyclical Letter Rerum Novarum, the poor were identified mainly as the workers in the new industrial society; in the social Magisterium of Pius XI, Pius XII, John XXIII, Paul VI and John Paul II, new forms of poverty were gradually explored, as the scope of the social question widened to reach global proportions [16 ]. This expansion of the social question to the worldwide scale has to be considered not just as a quantitative extension, but also as a qualitative growth in the understanding of man and the needs of the human family. For this reason, while attentively following the current phenomena of globalization and their impact on human poverty, the Church points out the new aspects of the social question, not only in their breadth but also in their depth, insofar as they concern man's identity and his relationship with God. These principles of social teaching tend to clarify the links between poverty and globalization and they help to guide action towards the building of peace. Among these principles, it is timely to recall in particular the “preferential love for the poor ”[ 17 ], in the light of the primacy of charity, which is attested throughout Christian tradition, beginning with that of the early Church (cf. Acts 4:32-36; 1 Cor 16:1; 2 Cor 8-9; Gal 2:10).

“Everyone should put his hand to the work which falls to his share, at once and immediately”, wrote Leo XIII in 1891, and he added: “In regard to the Church, her cooperation will never be wanting, be the time or the occasion what it may ”[ 18 ]. It is in the same spirit that the Church to this day carries out her work for the poor, in whom she sees Christ [19 ], and she constantly hears echoing in her heart the command of the Prince of Peace to his Apostles: “Vos date illis manducare – Give them something to eat yourselves” (Lk 9:13). Faithful to this summons from the Lord, the Christian community will never fail, then, to assure the entire human family of her support through gestures of creative solidarity, not only by “giving from one's surplus”, but above all by “a change of life- styles, of models of production and consumption, and of the established structures of power which today govern societies” [20 ]. At the start of the New Year, then, I extend to every disciple of Christ and to every person of good will a warm invitation to expand their hearts to meet the needs of the poor and to take whatever practical steps are possible in order to help them. The truth of the axiom cannot be refuted: “to fight poverty is to build peace.”

From the Vatican, 8 December 2008.

BENEDICTUS PP. XVI


[ 1 ] Message for the 1993 World Day of Peace , 1.
[ 2 ] Paul VI, Encyclical Letter Populorum Progressio, 19.
[ 3 ] John Paul II , Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis, 28.
[ 4 ] John Paul II, Encyclical Letter Centesimus Annus, 38.
[ 5 ] Cf. Paul VI, Encyclical Letter Populorum Progressio, 37; John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis, 25.
[ 6 ] Benedict XVI, Letter to Cardinal Renato Raffaele Martino on the occasion of the International Seminar organized by the Pontifical Council for Justice and Peace on the theme: “Disarmament, Development and Peace. Prospects for Integral Disarmament ”, 10 April 2008: L'Osservatore Romano, English edition, 30 April 2008, p. 2.
[ 7 ] Encyclical Letter Populorum Progressio, 87.
[ 8 ] Cf. John Paul II, Encyclical Letter Centesimus Annus, 58.
[ 9 ] Cf. John Paul II, Address to the Christian Associations of Italian Working People, 27 April 2002, 4: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XXV:1 (2002), p. 637.
[ 10 ] John Paul II, Address to the Plenary Assembly of the Pontifical Academy of Social Sciences, 27 April 2001, 4: L'Osservatore Romano, English Edition, 2 May 2001, p. 7.
[ 11 ] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution Lumen Gentium, 1.
[ 12 ] Cf. Pontifical Council for Justice and Peace, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 368.
[ 13 ] Cf. ibid., 356.
[ 14 ] Address to Leaders of Trade Unions and Workers' Associations, 2 May 2000, 3: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XXIII, 1 (2000), p. 726.
[ 15 ] No. 28.
[ 16 ] Cf. Paul VI, Encyclical Letter Populorum Progressio, 3.
[ 17 ] John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis, 42; cf. Encyclical Letter Centesimus Annus, 57.
[ 18 ] Encyclical Letter Rerum Novarum, 45.
[ 19 ] Cf. John Paul II, Encyclical Letter Centesimus Annus, 58.
[ 20 ] Ibid.

© Copyright 2008 - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Khánh Thành Nhà Thờ Tân Phước GP Bà Rịa.
Lê Kim
13:57 12/12/2008
Ngôi thánh đường mới
Bà Rịa: Sáng ngày 10.12.2008 tại giáo xứ Tân Phước (Phước Tỉnh) thuộc giáo phận Bà Rịa. Đức giám Mục Tô ma Nguyễn Văn Trâm đã đến chủ sự thánh lễ đồng tế cùng một số linh mục trong và ngoài giáo phận nhân dịp cung hiến thánh đường sau hơn một năm rưõi kể từ ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường 31.05.2007 cho đến nay. Ngôi thánh đường trước do cơn bão Durian làm thiệt hại nặng nề vào ngày 05.12.2006 (VietCatholic đã đưa tin tức và hình ảnh ngôi nhà thờ bị sập ngay sau đó ít ngày).

Các ca sĩ Công Giáo
Giáo xứ Tân Phước được thành lập từ 16.08.1955 tọa lạc tại xã Phước Tỉnh, Long Hải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giáo dân khoảng hơn 3.000 phần đông thuộc gốc Bùi Chu và Thái Bình. Hiện nay do linh mục chính xứ Giuse Trịnh Quang Cảnh và linh mục phó xứ Đaminh Trần Thế Huy coi sóc.

Giáo xứ có rất nhiều hội đoàn sinh hoạt như: Thiếu Nhi, Giới Trẻ, Giới Gia Trưởng, Giới Hiền Mẫu, Giới Cao Niên… Rất nhiều công trình tượng đài to lớn được xây dựng như: Tượng Đài Đức Mẹ Ban Ơn, Tượng đài Thánh Cả Giuse, Đài Đức Mẹ Sầu Bi… hằng tuần đều có những giờ cầu nguyện trọng thể có rất nhiều giáo dân trong xứ tham dự do cha chính xứ chủ sự tại những nơi nầy. Sau bao công sức vất vả và nhờ vào lòng quảng đại của rất nhiều người trong đó có những giáo dân gốc Tân Phước đang sống rải rác nhiều nơi tại Úc Đại Lợi cùng nhiều Tiểu bang tại Hoa Kỳ.

Sau thánh lễ cung hiến thánh đường và bàn thờ là phần tiệc mừng và tặng bằng ghi công cho các ân nhân đã góp công, góp của cho giáo xứ có được ngôi thánh đường đẹp đẽ và uy nghi như hiện nay. Một số nghệ sĩ, ca sĩ Công Giáo như Kim Lệ, Tam Ca Áo Trắng, Khánh Duy, Thanh Sử, Đông Nghi từ Sài Gòn cũng ra giúp vui cho buổi lễ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tường trình cuộc ra tòa của giáo dân Thái Hà (phần 1)
LM. Phêrô Nguyễn Văn Khải, DCCT
03:17 12/12/2008
TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội
180/2 Nguyễn Lương Bằng,
Đống Đa, Hà Nội

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2008

TƯỜNG TRÌNH CUỘC RA TOÀ CỦA GIÁO DÂN THÁI HÀ NGÀY 08/12/2008



Kính gửi: - Đức Tổng Giám Mục Hà Nội
- Cha Giám Tỉnh DCCT Việt Nam
- Cha Bề Trên DCCT Hà Nội

Kính thưa Đức Tổng Giám Mục, Cha Bề Trên Giám Tỉnh, Cha Bề Trên DCCT Hà Nội

Ngày 08/12/2008, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bổn mạng của DCCT, chúng con xin mừng lễ Cha Giám Tỉnh và quý cha quý thầy ở các nơi.

Chúng con tin rằng Đức Tổng Giám Mục, quý cha trong Tổng Giáo phận Hà Nội, Cha Bề Trên Cha Bề Trên Giám Tỉnh, Cha Bề Trên DCCT Hà Nội và quý cha DCCT ở khắp nơi đang hướng về Thái Hà, nơi có các giáo dân phải ra hầu toà vì đã can đảm làm chứng cho công lý và sự thật, bảo vệ quyền lợi của Giáo hội.

Vì thế, chúng con xin tường trình cho Đức Tổng Giám Mục, Cha Bề Trên Giám Tỉnh, Cha Bề Trên DCCT Hà Nội, quý cha không được tham dự biết cuộc hầu toà của 8 anh chị em giáo dân và những tình tiết xung quanh cuộc hầu toà này.

MỘT CUỘC XUẤT HÀNH HIÊN NGANG

Thánh lễ sáng 8/12/2008 đông hơn thường lệ. Có nhiều giáo dân đến từ các giáo xứ khác trong ngoài thành phố Hà Nội như Nhờ Thờ Lớn, Hàm Long, Hàng Bột, Làng Tám, Phùng Khoang, Thạch Bích, Nam Dư.

Có những nguời đến từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An và đến từ tối hôm chủ nhật kẻo lỡ mất cơ hội hầu toà cùng các nạn nhân. Xem thế đủ biết khát vọng công lý và sự hiệp thông của các anh chị em giáo dân trong Tổng Giáo phận mạnh mẽ đến mức nào!

Lễ xong nhiều giáo dân ăn sáng tại chỗ và chuẩn bị đồng hành với 8 nạn nhân phải hầu toà. Các giáo dân đeo trước ngực ảnh Nữ Vương Công Lý & Sự Thật, đeo ở lưng hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Riêng 6 nạn nhân hầu toà đang tại ngoại trước ngực còn đeo thánh giá lớn có tượng chuộc tội. Giáo dân mặc rất lịch sự, nhất là các nạn nhân, như cha thấy trong hình.

Lúc này trong ngoài nhà thờ đầy nhân viên an ninh, các ngả đường ra toà án cũng đã đầy cảnh sát và hàng rào sắt, nhất cử nhất động của cộng đoàn đều được các nhân viên an ninh theo dõi và báo cáo qua điện thoại khiến giáo dân cũng nghe thấy.

Chưa biết điều gì sẽ xảy ra trên đường ra toà hôm nay, chưa biết số phận các nạn nhân sẽ thế nào; nhưng khi chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp mà mọi người dành cho nhau và đặc biệt là cho 6 nạn nhân ở sân nhà thờ trước giờ khởi hành, chúng con cảm thấy xúc động, tự tin và rất an ủi.

Chúng con biết rằng ngay cả đến cái chết xảy đến đi nữa thì cũng không ngăn cản được sự hiệp nhất với nhau và ý chí cùng nhau làm chứng cho công lý và sự thật của cộng đoàn tín hữu đang có mặt ở nhà thờ hay ỏ nơi khác đang hướng lòng về cuộc xử án này.

Khoảng 7 giờ cha Bề trên Matthêu Vũ Khởi Phụng cùng cộng đoàn cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ. Sau khi nhận phép lành của cha Bề trên- Chính xứ, đoàn người tiến bước, trong sự giám sát của các cán bộ an ninh mà có người chúng con đã biết danh tính. Đoàn rước theo thứ tự như sau:

Đi đầu là đoàn quý cha quý thầy DCCT:

Cha Tôma Phạm Quân Bằng
Cha Giuse Đinh Văn Cao
Cha Gioakim Nguyễn Chí Công
Cha Giuse Đinh Tiến Đức
Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải
Cha G.B Hồ Quang Lâm
Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong
Cha F.X Nguyễn Kim Phùng
Cha Giuse Nguyễn Văn Phượng
Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh
Cha Phaolô Nguyễn Hữu Thuận
Thầy Giuse Nguyễn Văn Tặng
Cha Giuse Lê Quang Uy

Tiếp theo là 6 nạn nhân hầu toà và thân nhân của 6 nạn nhân:

Ông Anrê Lê Quang Kiện
Bà Maria Lê Thị Hợi
Bà Anna Nguyễn Thị Việt
Ông Giuse Phạm Trí Năng.
Anh Antôn Nguyễn Đắc Hùng
Anh Antôn Thái Thanh Hải

Không nạn nhân nào không có thân nhân đi cùng. Đấy là những người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người con, người cháu và anh chị em ruột thịt. Cháu ông Kiện còn bé tý cũng được bố đưa đi hầu toà cùng ông cả ngày. Có hai người đã qua tuổi thất thập cổ lai hy mà vẫn cố gắng. Người thứ nhất là bà cụ thân sinh ra anh Nguyễn Đắc Hùng: Bà không tự mình đi nổi mà phải có một người họ hàng cõng bà theo con ra toà.

Người thứ hai là ông Minh, người bạn trăm năm của bà Nguyễn Thị Việt: Ông không phải là người Công giáo mà từ mấy hôm nay người ta vẫn thấy ông đồng hành cùng bà từ nhà thờ ra toà án. Mấy hôm trước ông có nói trước ngày bà ra toà ông mở tiệc mời hàng xóm đến ăn mừng bà xã nhà ông ra toà. Bà Việt cho đến giờ này chưa khi nào bà nhận tội với công an điều tra. Bà luôn xác tín việc làm của bà là đúng. Ông Minh rất tự hào về bà. Ông dặn bà rằng: Trước bà nói làm sao, sau bà phải nói làm vậy. Bà đừng có mà nói gì ngược lại nếu không thì ông là người đầu tiên phản đối bà.

Đoàn người tay cầm cành vạn tuế, yên lặng tiến bước. Giá trẻ, lớn, bé, nam, phụ, lão ấu đủ cả. Giới nào cũng đông. Các cụ ông, cụ bà 70-80 tuổi cũng đi, lần mò từng bước một, khi mệt thì ngồi nghỉ lại ven đường. Những người bên đường trông thấy giáo dân cầm cành lá thì bàn tán. Có người bảo rằng toà xét xử 8 giáo dân vào ngày lễ lá của người Công giáo. Có người bảo họ cầm cành lá hoà bình. Có người lại bảo đấy là lá bùa của người Công giáo và có người xin các giáo dân một cành.

Chúng con không biết ở đâu mà kiếm được nhiều lá vạn tuế thế. Sau đấy chúng con mới biết những tấm lòng hảo tâm đã cho chở một xe ô tô khoảng 3000 cành vạn tuế từ Miền Nam ra Hà Nội kính tặng giáo dân Thái Hà. Chúng con xin cảm ơn những người yêu công lý và đã có hành vi hiệp thông rất thiết thực này. Nếu không có những cành lá mầu xanh ấy thì cuộc ra toà của Giáo xứ chúng con hôm nay cũng mất đi ít nhiều ý nghĩa và vẻ đẹp.

Đoàn rước tính sẽ đi ngang qua Linh địa Đức Bà, nơi bị biến thành công viên, cho gần. Tuy nhiên, lúc này các ngả đường gần nhất từ nhà thờ dẫn ra UBND phường Ô Chợ Dừa, nơi xử án, đều đã bị đặt hàng rào sắt và có cảnh sát cơ động án ngữ. Vì thế đoàn rước buộc phải đi một hình chữ U, tức là lối Nguyễn Lương Bằng-Đê La Thành-Hoàng Cầu. Mọi người đi hàng một bên lề đường, rất trật tự, rất đẹp, rất ấn tượng.

Khi vào đến đầu dốc Hoàng Cầu, chúng con thấy hai bên con đường này dày đặc cảnh sát và xe cảnh sát. Cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, dân phòng. Chúng con ước tính sơ bộ có khoảng 500 công an. Bên hè trái, tức là phía toạ lạc UBND phường, dây thừng đã được giăng ra cho đến mép đường, do đó, đoàn rước buộc phải đi xuống lòng đường. Cũng may đường Hoàng Cầu rộng như đại lộ và cảnh sát giao thông đã kịp thời chặn luồng lưu thông của bên đường phía UBND để cho đoàn giáo dân tiến bước thông thoáng.

Dọc bên đường Hoàng Cầu, phía UBND, đầy những xe biển số xanh đậu từng dãy trong bên bên trong bên ngoài lề đường. Điều này cho cho thấy có rất nhiều quan chức đến theo dõi phiên toà.

Cũng dọc bên đường Hoàng Cầu, tại các bãi đậu xe ở bên trong lề đường, có rất nhiều xe cảnh sát cơ động: Xe u oát, xe chở tù nhân, xe chở cảnh sát cơ động, xe chở chó nghiệp vụ, xe cảnh sát giao thông và các loại xe khác. Chúng con thấy thật là đau xót khi chính quyền dùng các phương tiện bạo lực như thế để đối xử hay đe doạ đối xử với dân mình.

( Hết phần 1, còn tiếp)

Tu viện Thái Hà, ngày 09 tháng 12 năm 2008
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
 
Tám ngọn thiên tuế
Bút Trẻ
13:32 12/12/2008
TÁM NGỌN THIÊN TUẾ
Quốc Sử Xanh Thiên Tuế!
Ghi công Tám Hào Kiệt Thái Hà


Tám Ngọn Thiên Tuế kiêu hùng
đồng thanh loan báo Tin Mừng Toàn Dân

Tám Ngọn Thiên Tuế, ơn Trời
Bình An dưới thế cho Người Lòng Ngay

Tám Ngọn Thiên Tuế réo hò
Sự Thật! Công Lý! Tự Do! Nhân Quyền!

Tám Ngọn Thiên Tuế dâng cao
ngàn xưa Thông Điệp Cờ Lau đã về!

Tám Ngọn Thiên Tuế sáng ngời
vươn từ Đất Nước truyền đời chống xâm

Tám Ngọn Thiên Tuế bùng nhanh
Tám Vòng Phúc Thật xiết quanh tà quyền

Tám Ngọn Thiên Tuế an nhiên
Đài Nhân Nghĩa Lý Thu Nghiên Điếu Cầy…

Tám Ngọn Thiên Tuế hải đăng
Lũ thần Đại Khối cuốn phăng bạo quyền.
 
CSVN gặp khó khăn vì nghị quyết 23/2003 của Quốc Hội
Lê Sáng
13:47 12/12/2008
CỘNG SẢN VIỆT NAM LẠI GẶP KHÓ VÌ NGHỊ QUYẾT 23/2003 CỦA QUỐC HỘI

Xin quí bạn đọc xem bài dưới đây của báo Tiền Phong, một trong số 700 tờ báo của đảng và nhà nước CHXHCN Việt Nam. Và đây lại là một điển hình về sự bế tắc trong đường lối chính sách pháp luật của cộng sản Việt Nam.

Bộ xây dựng công khai thừa nhận việc xác định căn nhà 309 Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM của ông giáo Sính là nhà thuộc sở hữu nhà nước là sai: Căn nhà này không thuộc diện diện phải xử lý theo các chính sách quản lý và cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất - không thuộc diện áp dụng Nghị quyết số 23 của Quốc hội

Nhưng UBND TP. HCM thì lại cho rằng: Do UBND thành phố đã có quyết định xác lập quyền SHNN đối với căn nhà 309 Hai Bà Trưng nên căn cứ Nghị quyết 23 thì không có cơ sở xem xét giải quyết khiếu nại đòi lại căn nhà.

Sau một hồi “Vòng vo tam quốc” Tay phó thủ tướng Trương vĩnh trọng lại ra lệnh miệng: Giao Sở Xây dựng TP.HCM chủ trì tìm một căn nhà khác có diện tích phù hợp để bố trí cho gia đình ông Sính thuê và mua theo Nghị định 61/CP của Chính phủ - Nhưng hạ cấp của Y vòi tiền khổ chủ, vòi không được thì tìm cho ông giáo Sính 1 căn nhà “tương đương” có trị giá bằng 1/20 căn nhà mà đảng, chính phủ đã xác định nhầm…

Lại vướng vào nghị quết 23 của quốc hội. Nhưng lần này trên dưới hiểu khác nhau, kẻ bảo không thuộc diện vướng vào nghị quyết 23, người lại nói nghị quyết 23 không cho phép trả cái nhà này… Sau một gần 30 năm suy đi tính lại, chợt nhớ đến vụ Thái Hà + Toà Khâm Sứ cũng nằm trong thảm cảnh này, khiến cho đảng, chính phủ “hú vía”… Trương vĩnh trọng mới thay mặt đảng mà chỉ đạo như trên cho chắc ăn.

Nhưng “cái sảy lại nảy cái ung”: Cán bộ đảng viên thừa cơ tống tiền ông giáo Sính, bị ghi âm lập bằng chứng, rồi lại bị ông hội đồng Khoa đem ra trước hội nghị… Báo chí nô bộc, bồi bút của đảng đem lên mặt báo chẳng biết vô tình hay hữu ý, nhưng rõ ràng là thoi vào mặt đảng, nhà nước, quốc hội về cái nghị quyết quoái gở kia… Đòi sửa sai, đòi hiểu đúng nghĩa, không được áp dụng tràn lan tuỳ tiện cái nghị quyết 23…

Báo chí lập luận thì đúng rồi, nhưng lại không nắm bắt được “tinh thần chỉ đạo” của bộ chính trị: Phải chôn lấp những sai lầm của đảng, kẻo bới ra bây giờ thì lớp lớp người người oan khiên trỗi dậy mà đòi thì đảng đi đâu? về đâu? Vụ Thái Hà + Toà Khâm Sứ nhẵn tiền ra đó mà còn chưa tởn hay sao?

Than ôi ! người tiền sử cách nay hàng triệu năm ăn gì? mặc gì? ở đâu? lao động như thế nào? mà nhân loại còn khai quật lên rồi tìm ra, kết luận một cách biện chứng không ai chối cãi được. Phương chi cái đảng ăn cướp mới có được vài chục năm nay mà định chôn lấp mọi thứ để loè bịp văn minh nhân loại hay sao?

Chính sách, luật pháp là do con người đặt ra để phục vụ con người, con người vẫn thay đổi nó liên tục cho phù hợp… Vậy mà người cộng sản việt nam nhất quyết không sửa, bất kể đúng sai, bất kể đạo lý… Như thế, rõ ràng người cộng sản phải sống nhờ vào các luật lệ vô lý, vô minh, vô luân do họ ban hành ra. Xây nhà nước bằng cướp, giết – Dùng luật pháp giăng cạm bẫy khắp nơi – Bây giờ cộng sản giẫm vào những cạm bấy của chính mình đặt, mà vẫn nhất quyết không sửa. Đúng như ông tổng thống Nga Boris-Ensin một cựu đảng viên cộng sản cay đắng mà kết luận rằng: Chủ nghĩa cộng sản, chính quyền cộng sản không thể cứu vãn được nữa.

Thứ Năm, 11/12/2008, 09:23

Nghi án "băng ghi âm": Thành phố không sẵn sàng sửa sai

TP - Trong vụ khiếu nại liên quan đến cuốn băng ghi âm gây xôn xao dư luận, có nhiều dấu hiệu cho thấy UBND TP Hồ Chí Minh không sẵn sàng sửa sai, khắc phục hậu quả do chính mình gây ra…

Trong khi đó, chính UBND TPHCM đã sai sót, nhầm lẫn khi xác lập quyền sở hữu nhà nước (SHNN) và giải quyết cho người không đủ điều kiện thuê mua căn nhà 309 Hai Bà Trưng (quận 3).

Bàn giao băng ghi âm cán bộ đòi hối lộ
 
Gián Điệp Trung Quốc
Lữ Giang
14:01 12/12/2008
Hôm 20.11.2008 vừa qua, Ủy Ban Thẩm Định Kinh Tế và An Ninh Mỹ - Trung (U.S.-China Economic and Security Review Commission) của Hoa Kỳ đã trình lên Quốc Hội một bản báo cáo nhấn mạnh đến việc Trung Quốc đang thực hiện chương trình tình báo đặc biệt nhắm vào hệ thống tin học của Mỹ.

Ủy Ban nói trên là một ủy ban lưỡng đảng được Quốc Hội thiết lập năm 2000, gồm 12 người, để phân tích về quan hệ kinh tế và an ninh quốc gia giữa hai nước. Phúc trình năm 2008 của Ủy Ban dày 393 trang, trong đó đã đưa ra 45 khuyến cáo cần được thực hiện để chống lại hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Trước khi đưa ra các khuyến cáo này, Ủy Ban đã đến nghiên cứu ở Trung Quốc, Đài Loan, Nam Hàn và Nhật Bản, mở 8 cuộc điều trần và tham khảo với cơ quan Cộng Đồng Tình Báo Hoa Kỳ (United States Intelligence Community, được viết tắt là IC).

Người Việt chống “đặc công cộng sản nằm vùng” thường không biết đến IC và vai trò quan trọng của tổ chức này, nên cái gì cũng đem CIA hay FBI ra hù nhau, do đó cần nói rõ thêm: IC bao gồm nhiều cơ quan (argencies) và tổ chức thuộc hành pháp hoạt động riêng rẽ hay phối hợp, có trách nhiệm lãnh đạo các hoạt động tình báo cần thiết trong các lãnh vực quan hệ đối ngoại và an ninh quốc gia. Người điều khiển IC là “Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia” (Director of National Intelligence, viết tắt là DNI). Đây là cơ quan được thiết lập do Đạo Luật Cải Cách Tình Báo và Ngăn Ngừa Khủng Bố năm 2004 (Intelligence Reform and Terrorism Prevention Act of 2004) do chính Tổng Thống điều khiển và kiểm soát.

Dĩ nhiên, các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ như CIA, FBI, USD, NGA, NRO, NSO. DIA, INR, v.v., đều nằm trong IC.

CHUYỆN GIÁN ĐIỆP CỘNG SẢN!

Gần như ngày nào trên các diễn đàn Internet và website của “người Việt chống cộng” cũng có bài tố cáo người này người kia hay nhóm nọ nhóm kia là đặc công cộng sản nắm vùng. Tiêu chuẩn để phân biệt “địch” và “ta” được rập khuôn theo chế độ ở trong nước: Nói hay làm theo ta là quốc gia, nói hay làm trái lại là cộng sản nằm vùng.

Chúng tôi nhớ lại, vào sáng 29.10.2003, ba nhân viên FBI đã đến nói chuyện với các nhà báo ở Little Saigon, báo động về việc nhà cầm quyền CSVN đã gởi nhiều cán bộ tình báo sang Hoa Kỳ để thâu nhận tin tức. Với những tin tức này, CSVN có thể dùng để tuyển mộ những người làm việc có lợi cho trong nước, dù những người đó vô tình không biết. Tôi nhớ nhà báo Đỗ Sơn có hỏi rằng theo FBI, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ có những nhược điểm nào khiến CSVN dễ xâm nhập, một nhân viên FBI nói rằng một trong những nhược điểm quan trọng nhất là sự chia rẽ.

Sau đó, FBI đã cho phổ biến một thông cáo yêu cầu cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ biết được các hoạt động tình báo của cộng sản nằm vùng tại Hoa Kỳ xin viết thư về số 180 Grant Ave. suite 1100, Oakland, CA 94162, hay gọi điện thoại số (510) 451 – 9782.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, FBI lại phải mở cuộc họp báo và tuyên bố hủy bỏ lời kêu gọi nói trên vì có quá nhiều thư tố cáo nhảm nhí được gởi đến FBI. Thậm chí có người còn tố cáo một ông chủ báo ở San José là điệp viên cộng sản nằm vùng vì trên báo ông ta thường dùng chữ thành phố Hồ Chí Minh thay vì thành phố Sài Gòn!

Hiện tượng trên cho chúng ta thấy nhiều người Việt không hiểu thế nào là gián điệp và gián điệp thường được gởi ra ngoại quốc để làm những công tác nào. Họ chỉ muốn muợn cái thông cáo của FBI để đánh phá hay hù doạ nhau. Những khuyến cáo của Ủy Ban Thẩm Định Kinh Tế và An Ninh Mỹ – Trung và một số vụ gián điệp Trung Quốc mà chúng tôi sẽ kể lại dưới đây sẽ giúp nhiều người hiểu rõ gián điệp cộng sản được gởi ra ngoại quốc để làm các nghiệp vụ gì và hoạt động như thế nào.

NHỮNG KHUYẾN CÁO CHÍNH

Bản báo cáo của Ủy Ban Duyệt Xét Kinh Tế và An Ninh Hoa Kỳ - Trung Quốc cho biết Trung Quốc hiện đang gia tăng các nỗ lực gián điệp điện toán qua các cuộc tấn công nhắm vào cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, các công ty đấu thầu quốc phòng và các công ty khác ở Hoa Kỳ.

Bản báo cáo cho biết Trung Quốc đã tiến xa và làm chủ được các hình thức chiến tranh tin học rất tinh vi mà Hoa Kỳ khó có thể ngăn chặn được, thậm chí khó phát hiện được các vụ xâm nhập.

Báo cáo cho rằng các tin tặc của Trung Quốc đã hành động với sự hỗ trợ của chính quyền Bắc Kinh. Theo ước lượng, có chừng 250 nhóm tin tặc Trung Quốc được nhà nuớc dung duỡng, nếu không nói là khuyến khích, để len lỏi vào hệ thống tin học Hoa Kỳ và gây rối loạn.

Cũng theo bản báo cáo, trong truờng hợp xảy ra tranh chấp, thế mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực tin học có thể làm giảm thế thống trị quân sự trong chiến tranh quy ước hiện nay của Mỹ.

Bản báo cáo cũng lưu ý rằng các chương trình không gian đang được đẩy mạnh của Trung Quốc cũng cho phép Trung Quốc nhắm vào các mục tiêu quân sự Hoa Kỳ một cách hiệu qủa hơn. Trung Quốc coi việc Hoa Kỳ phải trông cậy nhiều vào các vệ tinh trên không và kỹ thuật tin học là “cạnh sườn yếu kém” của Hoa Kỳ.

Bà Larry Wortzel, Chủ Tịch Ủy Ban, nói: Trung Quốc hiện đang đánh cắp nhiều tài liệu bí mật từ các hệ thống máy điện toán Hoa Kỳ. Ủy Ban đề nghị Quốc Hội cung cấp ngân khoản cho các chương trình của chính phủ nhằm theo dõi và bảo vệ các hệ thống máy điện toán.

ĐIỆP VIÊN THỜI NAY

Ngày nay, điệp viên kiểu James Bond trèo tường, cạy cửa sổ, leo vào trộm một xấp hồ sơ, rồi gấp rút nhảy ra, lao vào một chiếc xe hơi đang rồ máy đợi sẵn và phóng đi... rất ít khi xẩy ra. Càng khó tìm thấy điệp viên đánh nhau hàng ngày trên Internet bằng những ngôn từ bẩn thỉu... Điệp viên ngày nay hoạt động khoa học và rất tinh vi. Một thí dụ cụ thể: Một hôm nào đó, bạn mở computer ra, thấy có email của một người lạ gởi đến, bạn mở ra và đọc thấy một vài câu giới thiệu vớ vẩn. Bạn xoá đi, nhưng mọi sự đã quá muộn. Khi bạn mở email ra, trong đó đã gài sẵn một spyware, tức là một sofware dọ thám mạng mà bạn không thấy. Spayware đó đã lấy trộm các hồ sơ trong máy của bạn và gởi ngay hồ sơ đó về cho người gởi.

Đây chỉ là một thí dụ thôi. Các bạn đừng lo, vì đối phương không gởi spyware tới để lấy những bài tố cộng trong máy điện toán của bạn làm gì. Họ thường gởi tới các cơ quan an ninh, các cơ sở kỷ thuật cao... để ăn cắp tài liệu. Hiện nay, máy điện toán của những cơ quan về an ninh và kỷ thuật cao đều có cài đặt Anti-spyware rất tinh vi để chống ăn cắp tài liệu, nhưng thỉnh thoảng đồi phương vẫn có thể vô hiệu hoá các Anti-spyware đó và lấy được tài liệu như thường. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy thỉnh thoảng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ lại la lên tài liệu bị đánh cắp!

Trong thời chiến tranh lạnh, báo chí Tây phương thường nói đến điệp viên KGB, ngày nay họ đang cố gắng phát hiện một loại điệp viên mới, đó là các sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc. Một số sinh viên hay nghiên cứu sinh này được cho tham gia vào một số công trình nghiên cứu của các nước Tây phương. Một số khác, nhờ tài năng xuất chúng, đã được chọn làm nhân viên tập sự trong các hãng lớn của Tây phương. Mục tiêu của các thành phần này là theo dõi tin tức tình báo về công nghệ và thương mại và dùng các phương tiện, kể cả hợp pháp và bất hợp pháp, để thu thập và chuyển về nước nhằm giúp Trung Quốc trở thành một siêu cường mới.

Tờ Sunday Telegraph của Anh vừa đăng tin một điệp viên hàng đầu của người Trung Quốc đã đào ngũ tại Bỉ. Sự tiết lộ của điệp viên này đã phá tan hoạt động của hàng trăm điệp viên Trung Quốc khác đang làm việc trong ngành công nghiệp Châu Âu ở nhiều cấp độ khác nhau. Tờ Le Monde của Pháp cho biết thêm: một nhóm điệp viên Trung Quốc có tên là “Hiệp Hội Sinh Viên và Nghiên Cứu Sinh Trung Quốc tại Leuven” đang hoạt động ở Bĩ đã bị phát hiện. Đài phát thanh Ekot của Thuỵ Điển loan tin cảnh sát tại Thuỵ Điển đã nghi ngờ các khách Trung Quốc được mời sang nghiên cứu đã đánh cắp các kết quả nghiên cứu chưa được công bố và chưa đăng ký sáng chế của một viện nghiên cứu Thuỵ Điển.

Ông Rodger Baker, chuyên gia phân tích cao cấp thuộc tổ chức Stratfor cho hay các sinh viên tốt nghiệp, và một số giáo sư làm việc trong ngành công nghiệp kỹ thuật, có vẻ như là những thủ phạm chính. Theo ông, nếu nhà cầm quyền Trung Quốc tuyển lựa những người của quân đội Trung Quốc để làm gián điệp, Hoa Kỳ sẽ khám phá ra một cách nhanh chóng khi xét đơn xin nhập cảnh Mỹ của những người này. Vì thế, Trung Quốc thường chọn những người dân bình thường rồi huấn luyện cho họ khả năng để họ có thể vào Hoa Kỳ. Một khi đã vào Mỹ, những người này sẽ học hỏi, làm việc trong một công ty nào đó, thu thập kinh nghiệm, rồi trở lại Trung Quốc và mang theo một số kỹ thuật. Nhờ vậy, kỷ nghệ của Trung Quốc có thể tiến nhanh, không phải tốn nhiều công sức nghiên cứu. Nếu một vài người này bị chính quyền Hoa Kỳ phát hiện và bắt giữ, Trung Quốc sẽ nói: “Ồ! Đó là chuyện cá nhân. Chỉ có cá nhân người đó làm bậy chứ không phải quân đội Trung Quốc!”

Việc bắt và truy tố các sinh viên và nghiên cứu sinh đánh cắp tài liệu không phải là chuyện dễ dàng. Một nữ nhân viên Trung Quốc, 22 tuổi, bị bắt tại Pháp sau khi bị hãng sản xuất phụ tùng xe hơi Valeo cáo buộc nhân viên này đã "xâm phạm bất hợp pháp cơ sở dữ liệu". Hãng này đã thuê nữ nhân viên này vào làm thực tập sinh. Tuy nhiên, sau đó, cô ta đã được thả ra vì không có bằng chứng cô ta đã ăn cắp tài liệu và gởi về Trung Quốc.

Một yều tố khác khiến các nước Tây phương phải dè đặt khi đối phó với các gián điệp Trung quốc, đó là quyền lợi kinh tế của họ ở Trung Quốc.

Ông Chen Yonglin, cựu bí thư thứ nhất của Toà Tổng Lãnh Sự Trung Quốc tại Sydney, Australia, mới đây đã đào ngũ, đã tiết lộ rằng chỉ riêng ở Australia, Bắc Kinh đã có tới 1000 điệp viên. Tuy nhiên, sau đó ông Chen cho biết các luật sư của ông ta khuyên ông không nên nói thêm vì sợ ảnh hưởng tới cơ hội xin tỵ nạn chính trị của ông.

Tại Hoa Kỳ, một số điệp viên Trung Quốc bị khám phá đã khai rằng gia đình của họ ở trong nước đã bị áp lực và có thể gặp nguy hiểm nếu như họ không làm được những gì mà những người chỉ đạo họ yêu cầu.

Trong vòng 25 năm qua, Trung Quốc đã gửi khoảng 600.000 sinh viên ra nước ngoại quốc trong chính sách rõ ràng là nhằm phát triển kỹ năng khoa học, công nghệ và kinh doanh.

Các viên chức Hoa Kỳ nói Trung Quốc có khoảng 3000 “công ty bình phong" tại Hoa Kỳ, hầu hết là nhằm thu thập bí mật công nghệ và quốc phòng.

Trong cuốn "War by Other Means" (Chiến tranh bằng những phương tiện khác), một cuốn sách nói về hoạt động tình báo, tác giả John Fialka đã nhận định rằng các cộng đồng Á châu thường có cái nhìn ít tính pháp lý hơn so với một số quốc gia khác. Thế nhưng Trung Quốc khác với nhiều nước khác vì các đơn vị làm kinh tế của nước này vẫn nằm giữa chính phủ và quân đội. Họ tin rằng ảnh hưởng quân sự sẽ sớm diễn ra theo sau sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục cũng như quyền lực chính trị của Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù ở trong chính phủ, trong giới kinh doanh hay trong các viện nghiên cứu..., người ta thường ngần ngại không muốn làm điều gì để Bắc Kinh phật lòng, dẫn đến đe doạ khả năng tiếp cận thị trường to lớn của nước này, chưa kể tới việc Trung Quốc có rất đông sinh viên có tài năng.

Các nhóm hữu khuynh tại Hoa Kỳ và các đảng phái đối lập tại Australia, Canada và những nơi khác, đang cảnh báo các nước Tây phương rằng sẽ đến một ngày người ta phải hối tiếc vì đã để Trung Quốc lợi dụng sử cởi mở và bao dung của mình.

MỘT VÀI VỤ ÁN GIÁN DIỆP

Bây giờ chúng tôi sẽ kể lại một số vụ án để độc giả có thể thấy gián điệp Trung Quốc đã hoạt động như thế nào.

1.- Vụ án “Greg” Chung

Đầu năm 2008, FBI đã trình bày trước công luận hai hồ sơ gián điệp Trung Quốc. Trong tháng 2, FBI đã bắt 4 người, trong đó có hai người gốc Trung Hoa và một người gốc Đài Loan. Họ sống tại Alexandria (Virginia), New Orleans (Louisiana) và thành phố Orange (California).

Vụ quan trọng nhất là vụ Dongfan “Greg” Chung, 72 tuổi, bị tố cáo về tội ăn cắp những dữ kiện bí mật của một công ty quốc phòng.

Chung sinh tại Trung Hoa, có quốc tịch Hoa Kỳ, làm việc cho công ty không gian Rockwell International từ năm 1973 cho đến khi Boeing mua lại Rockwell vào năm 1996. Chung về hưu vào năm 2002. Nhưng một năm sau, ông lại được tuyển làm việc theo hợp đồng với Boeing cho đến tháng 9 năm 2006. Trong nhiều năm làm việc, ông có thẻ đặc biệt để có thể mở xem những hồ sơ bí mật.

Theo hồ sơ của Bộ Tư Pháp, Chung đã sớm hoạt động gián điệp cho Trung Quốc kể từ năm 1979. Bắc Kinh đã giao cho ông ta nhiệm vụ thu thập những dữ kiện về các chương trình hàng không và không gian của Hoa Kỳ, kể cả các chương trình liên quan đến phi thuyền con thoi, những phi cơ quân sự và phi cơ dân sự. Cũng theo hồ sơ của Bộ Tư Pháp, trong một lá thư gởi cho các cán bộ, Chung từng viết rằng ông muốn “đóng góp cho đất mẹ.”

Trong hơn 18 năm, Chung đã về Trung Quốc nhiều lần để thuyết trình về phi thuyền con thoi và những chương trình khác. FBI đã theo dõi Chung khoảng một năm kể từ khi một kỹ sư gốc Trung Hoa khác bị điều tra về tội cung cấp tài liệu cho Bắc Kinh.

Chung đã bị truy tố về 14 tội, trong đó có những tội như gián điệp kinh tế, hoạt động cho một chính phủ ngoại quốc một cách bất hợp pháp, cản trở công lý, khai man với điều tra viên của FBI, v.v.

2.- Vụ án Gregg Bergersen

Trong vụ điều tra thứ nhì, ông Gregg Bergersen, 51 tuổi, là một phân tích gia của Bộ Quốc Phòng, sống tại Alexandria, Virginia, đã bị bắt. Hồ sơ Bộ Tư Pháp cho biết ông ta đã bán tài liệu quốc phòng cho Tai Kuo, 58 tuổi, một nhân viên bán bàn ghế tại New Orleans.

Tai Kuo là người Mỹ gốc Đài Loan, đã có quốc tịch Hoa Kỳ. Sau khi nhận tài liệu từ tay của Bergersen, Tai Kuo giao lại cho Yu Xin Kang, 33 tuổi, một người Trung Hoa giữ vai trò môi giới giữa Kuo và chính quyền Bắc Kinh. Kang cũng bị bắt tại New Orleans.

Tài liệu mà Bergersen giao cho Tai Kuo đã trình bày tất cả những chương trình bán vũ khí hoặc kỹ thuật quân sự của Hoa Kỳ dành cho Đài Loan trong vòng 5 năm sắp tới.

Hồ sơ ghi nhận rằng trong thời gian từ tháng 3 năm 2007 đến tháng 2 năm 2008, Tai Kuo đã nhận thông tin từ một chuyên viên của bộ Quốc Phòng Mỹ có tên là Gregg Bergersen, rồi chuyển các thông tin đó cho một quan chức Trung Quốc. Để đổi lại, chuyên viên Bergersen đã nhận được một số quà tặng, tiền mặt, và các chuyến du lịch. Còn Kuo đã nhận được khoảng 50 ngàn đôla của viên chức Trung Quốc.

3.- Vụ án Lili

Một cô gái Trung Quốc tên là Lili, 24 tuổi, đã bị kết tội gián điệp tại Paris vì thu thập các tin tức dữ kiện của một công ty chế tạo phụ tùng xe hơi lớn của Pháp.

Lili đã bị bắt vào tháng 5 năm 2005 sau khi công ty Valeo trình báo rằng dữ kiện nhạy cảm của công ty đã bị đánh cắp từ một chi nhánh về nghiên cứu và phát triển của công ty.

Lili rất thông minh và có trình độ học vấn cao. Cô nói được các tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và khá về tiếng Ả Rập. Cô đã học xong đại học về toán, vật lý ứng dụng và thủy động lực tại Pháp, và đang thực tập 4 tháng ở công ty Valeo. Sở dĩ người ta nghi ngờ cô vì cô hay đi vòng vòng trong office với cái laptop và có vẻ bỏ thì giờ nhiều quá cho máy computer.

Khi khám xét nhà của Lili, cảnh sát bắt gặp 6 máy computers và hai ổ cương liệu chứa các thông tin nhạy cảm, kể cả chi tiết về những xe cộ do khách hàng công ty Veleo giao cho công ty thực hiện.

Một tòa án ở Versailles đã hạ nhẹ tội của Lili. Cô không bị kết tội “gián điệp kinh tế”, một tội danh khá nặng, mà chỉ bị tội “lợi dụng lòng tin”, vì công tố viện không chứng minh được cô ta đã chuyển những tài liệu nói trên cho một tổ chức ở ngoại quốc.

4.- Vụ án “Mata Hari Trung Quốc”

Bà Katrina Leung là công dân Mỹ gốc Trung Hoa, giàu có và được nhiều người biết đến trong xã hội trung và thượng lưu tại quê hương thứ hai của bà. Tuy nhiên, vào tháng 4/2003, một vụ tai tiếng đã làm chấn động giới tình báo Mỹ và thế giới khi Leung bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.

Katrina Leung đãï bị bắt giữ vào ngày 9.4.2003 và cuộc điều tra sơ khởi đã đưa ra ánh sáng một số tình tiết đủ để các nhà bình luận thời sự mệnh danh Katrina Leung là “Mata Hari Trung Quốc” (Mata Hari: tên nữ điệp viên lừng danh trong Thế chiến I).

Năm 1982, với uy tín của một nhà vận động chính trị sáng giá, từng gây quỹ ủng hộ đảng Cộng Hòa, Katrina Leung đã được FBI tuyển dụng làm điệp viên, với mật danh là “Parlor Maid”. Nhiệm vụ chủ yếu của bà là cung cấp cho FBI những thông tin mật của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.

Người được FBI giao trách nhiệm móc nối và bố trí công tác cho Leung là một viên chức phản gián đặc trách Trung Quốc tên là James J. Smith, lúc đó đã 61 tuổi, làm việc tại FBI từ tháng 10/1970 đến tháng 11/2000.

Việc móc nối bà Katrina Leung hoàn tất vào năm 1982 với mức thù lao là 1,7 triệu USD. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người không diễn ra đúng như FBI đã dự đoán. Với sắc đẹp khả ái, nữ điệp báo Katrina Leung đã sớm trở thành tình nhân của Smith. Sau một thời gian, cơ quan phản gián phát hiện Leung lấy cắp hai tài liệu mật trong cặp da của Smith. Trong hai tài liệu bị đánh cắp, có một tài liệu liên quan đến cuộc điều tra của FBI mang mật danh “Royal Tourist”, và một công văn mật về “truyền thông điện tử”.

FBI bắt giữ bà Leung vào ngày 9.4.2003 và truy tố bà về tội phản bội quyền lợi của nước Mỹ bằng cách cung cấp tài liệu mật cho Trung Quốc. Nếu kết quả điều tra xác nhận sự thật đúng như lời cáo buộc của FBI, bà Leung có thể nhận lãnh một bản án đến 50 năm tù. Ngày 20.6.2003, bị cáo được tại ngoại hầu tra sau khi nộp một khoản tiền thế chân lên đến 3 triệu USD. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng buộc bà không được ra khỏi nhà, ngoại trừ trường hợp đi gặp luật sư hoặc ra hầu tòa. Đồng thời với quy định này, bà phải đeo thường trực một chiếc vòng kiểm soát điện tử, giúp FBI dõi được mọi hình thức di chuyển của bà.

Về phần James J. Smith, mặc dù đã về hưu từ năm 2000, ông cũng bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm, để hồ sơ mật lọt vào tay gián điệp nước ngoài, và có thể nhận lãnh một bản án đến 40 năm tù nếu kết quả điều tra chứng minh ông có tội. Smith cũng được tại ngoại sau khi nộp khoản tiền thế chân 250.000 USD.

Tuy nhiên, ngày 7.1.2005, Tòa án liên bang ở California đã đưa ra quyết định miễn tố cho bà Leung, vì lý do không tìm ra chứng cứ đương sự chuyển về Trung Quốc các tài liệu mật lấy từ cặp da của James J.Smith. Bà Leung được miễn tố thì Smith cũng không có tội, ngoại trừ sự sơ suất trong lúc làm nhiệm vụ.

Có ba giả thuyết được đưa ra để giải thích quyết định nói trên của Tòa án California:

Giả thuyết thứ nhất: Phải chăng chuyện bà Leung chuyển hồ sơ mật ra ngoại quốc là có thật, nhưng FBI - và cao hơn nữa là Bộ Tư pháp và Chính phủ Mỹ - không muốn bị mất mặt vì một sự sơ suất quá sơ đẳng như vậy nên đã né tránh việc kết án đương sự?

Giả thuyết thứ hai: Tài liệu mật mà FBI giao cho James J.Smith để trong cặp chỉ là tài liệu gỉa hay không quan trọng để thử xem bà Katrina Leung có phải là một điệp viên hai mang (double agent) hay không. Trong thực tế, nếu bà Katrina Leung không làm double agent, bà rất khó có những tin mà FBI yêu cầu.

Giả thuyết thứ ba: Phải chăng đã có một cuộc thương lượng ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh?

CON ĐƯỜNG TRƯỚC MẮT

Ngày nay không còn làn răn giữa Trung Cộng và Đài Loan và cũng không còn làn răn giữa Trung Cộng và người Hoa tại Hoa Kỳ. Cả ba đang kết hợp với nhau để khai thác công việc kinh doanh. Lợi dụng tình trạng này, Trung Cộng đã chinh phục một số ngườì Hoa tài giỏi tại Hoa Kỳ đánh cắp tài liệu về kỷ thuật và quốc phòng cho họ.

CSVN chưa xoá được làn răn giữa chính quyền trong nước và người Việt tỵ nạn ở hải ngoại nên có nhiều vướng mắc khi thực hiện những ý định của họ. CSVN cũng chưa có những công nghệ kỷ thuật cao như Trung Quốc và cũng không thể tiến tới cạnh tranh quân sự với Hoa Kỳ, nên trong lúc này, CSVN chưa xây dựng một hệ thống gián điệp kiểu Trung Quốc. Nhưng chắc chắn Hà Nội có kế hoạch tinh vi để làm cho các thành phần chống cộng ở hải ngoại tự phân hoá rồi đi đến tan rã. Những người thông thường không thể nhận ra được kế hoạch này và có khi còn góp phần giúp Hà Nội thực hiện kế hoạch đó nhanh hơn, vì lúc nào họ cũng cứ tưởng mình đang cầm súng chống cộng!

Về gián điệp Trung quốc, ông Rodger Baker nhận định rằng chính phủ Hoa Kỳ dưới quyền của Tổng Thống Bush có vẻ như quyết tâm làm ngơ vấn đề này. Hoa Kỳ chỉ lợi dụng và khai thác chuyện gián điệp Trung Quốc để làm áp lực khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Theo ông Rodger Baker, sở dĩ Hoa Kỳ không nêu vấn đề này ra là vì Hoa Kỳ không muốn quyền lợi của mình bị phương hại.

Ghi chú: Muốn tìm các bài của chúng tôi, xin vào website motgoctroi.com, mục “Mỗi tuần một chuyện.”
 
Còn nhục nào hơn ăn ‘bom Nhật’?
Alfonso Hoàng Gia Bảo
15:13 12/12/2008
Còn nhục nào hơn ăn ‘bom Nhật’?

Có chăng một sự đánh tráo dư luận?

Cùng thời gian diễn ra những căng thẳng tại giáo xứ Thái Hà còn có một sự kiện động trời khác, đó là vụ ‘ăn cắp’ hàng triệu đô-la nguồn vốn ODA (Official Development Assistance) do Nhật Bản tài trợ xây dựng đại lộ Đông Tây tại Saigòn mà ngay từ lúc vụ việc bị phía Nhật phát hiện, nhà cầm quyền VN đã cố tìm mọi cách ém nhẹm nó đi.

Khởi đi từ Nhật Bản hôm 25/8, tức chỉ đúng 10 ngày sau khi vụ bùng nổ tại giáo xứ Thái Hà (15/8) bằng việc báo chí nước này bắt đầu loan tin ‘rùm beng’ bốn viên chức của Công Ty Tư Vấn Quốc Tế Thái Bình Dương (PCI – Pacific Consultant International) đã khai nhận hối lộ 2.6 triệu USD cho Huỳnh Ngọc Sỹ - Giám đốc Dự án, để đổi lấy việc họ được thắng thầu tư vấn.

Đứng trước vụ tham nhũng khổng lồ này, cái gọi là “phá hoại tài sản công” mà chính quyền VN gán tội cho tám giáo dân Thái Hà chỉ đáng là con kiến so với con lạc đà. Thế nhưng cái cách hành xử của chính quyền VN lúc bấy giờ đã hoàn toàn trái ngược.

Để đối phó lại Thái Hà- Tòa Khâm Sứ, chính quyền Hà Nội đã huy động một lực lượng hùng hậu công an, chống bạo động, chó nghiệp vụ, tòa án, dân cai nghiện v.v…. lao vào cuộc. Các quan chức họp ngày họp đêm, họp cả trong ngày Hà Nội bị cơn lũ hoành hành để tìm cách làm sao xử vụ này ‘rốp rẻng’ kỷ lục như khi họ làm hai cái công viên, nhưng lại cấm các báo nhắc đến vụ PCI.

Sau tất cả những chuyện ‘rối rắm’ đã qua đi nay nhìn lại, chúng ta có thể tự hỏi vì sao trong khi chính quyền ra lệnh ‘bịt miệng’ dư luận trong nước về vụ PCI thì họ lại ‘xả cửa’ quá mức cho các báo đài trong nước tấn công giáo hội và bôi nhọ Đức TGM Ngô Quang Kiệt vô tội vạ nhất là tờ Hà Nội Mới?

Liệu có phải cái cách lấy bạo lực ra để đối chọi lại với giáo hội, một kiểu làm chưa từng có tiền lệ như vừa qua, là một sự lựa chọn tỉnh táo có cân nhắc hẳn hoi của chính quyền Hà Nội hay chỉ vì muốn khỏa lấp vụ tham nhũng ODA này cho nó chóng ‘chìm xuồng’ và để dư luận quên đi ngày Hà Nội ký công hàm bán nước 50 năm về trước (14/9/1958), mà nhà cầm quyền phải “nỡ” gây ra một loạt các sự cố đối với giáo hội, lấy đó làm mục tiêu để hướng dư luận khỏi các vụ trọng án trên?

Mặc dù chỉ là giả thuyết nhưng việc chính quyền Hà Nội ngang nhiên phá vỡ tiến trình đối thoại với Tòa thánh để đặt Giáo hội Công giáo VN vào thế đối đầu trực tiếp với chính quyền với một loạt các hành động gây hấn khó hiểu, như việc họ huy động một lực lượng hùng hậu ‘tấn công’ Tòa Khâm Sứ, rồi vụ cắt xén lời nói của Đức TGM Ngô Quang Kiệt để mạ lỵ Ngài kéo dài suốt nhiều ngày, dùng côn đồ tấn công giáo xứ Thái Hà v.v… rõ ràng toàn là những việc chưa có tiền lệ và cũng không ai nghĩ rằng chính quyền Hà Nội lại dám hành động một cách ‘điên khùng’ nông nổi đến như vậy.

Trước những lời cáo buộc nghiêm túc từ phía Nhật, Hà Nội mặc dù cũng đã quá biết ‘thuộc hạ’ mình từ trên xuống dưới đều là lũ ‘ăn bẩn’ như nhau, thay vì biết lịch sự tối thiểu cũng nên “Ừ ừ, dạ dạ” và về nhà xem xét lại người của mình. Hà Nội, lại vẫn với thói ‘trâng tráo’ xem thường dân chúng, chẳng hề biết nhận lỗi mà ngược lại còn đòi ‘dạy dỗ’ lại nước Nhật “các anh hãy ăn nói cẩn thận!”.

Chính quyền mà cư xử hăm he chẳng khác gì dân giang hồ thì quả là hết ý kiến !!!

Là người Việt với nhau ai mà chẳng muốn bênh vực ‘gà nhà’ mỗi khi thấy ruột thịt mình va chạm với người ngoài. Nhưng điều đó đâu có nghĩa cho phép chúng ta ‘nói càn làm bậy’. Vả lại “lời nói nào mất tiền mua” tại sao những kẻ cầm quyền kia lại không biết lắng nghe mà lại ngu xuẩn đến mức dám chỉ trích ngược lại quốc gia đang giúp mình? Chúng ta không phải là người Nhật nghe không lọt tai, cảm thấy tức ‘anh ách’ thì huống chi người Nhật.!!??

Một người bạn là giáo viên dạy Nhật ngữ ở Sàigòn và cũng thường xuyên qua lại giữa Sàigòn-Tokyo, cách nay mấy ngày có nói với tôi rằng, trong số các quốc gia Asean, VN chiếm được cảm tình đối với dân chúng Nhật nhiều nhất. Nhưng sau vụ PCI này rất có thể những hình ảnh tốt đẹp về VN trong suy nghĩ Nhật Bản sẽ không còn.(?)

Mặc dù vậy, trước những phát biểu đầy thách thức và ngu xuẩn từ Việt nam, Nhật Bản vẫn tỏ ra rất lịch sự, họ chẳng cần ăn miếng trả miếng nhưng sự lặng thinh của họ không giống như sự im lặng của dân VN gắn liền với nghĩa sự sợ hãi mà là “được rồi Quí vị hãy cứ đợi đấy, chờ xem ai mới là kẻ phải nói năng cẩn thận!”

Và rồi cái ngày trông đợi ấy đã cũng đến.“Trái bom Nhật” đã nổ và lần này không còn ở Tokyo nữa mà là ngay giữa lòng Hà Nội.

Trước mặt đầy đủ các quan chức quốc tế tại Hội nghị các nhà tài trợ cho VN tổ chức ở Hà Nội khác vào hôm 5/12 vừa qua Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba đã bất ngờ dõng dạc tuyên bố “các khoản viện trợ ODA của Nhật sẽ tạm dừng cho tới khi nào Việt Nam có biện pháp hữu hiệu để tận diệt nạn tham nhũng trong các chương trình công cộng” ông ta đã làm ‘ngơ ngác’ không ít người có mặt hôm ấy và ra về mà không họp báo.

Những lời này đã đưọc nhiều người ví như “quả bom Nhật” và miểng của nó đã làm tổn thương hình ảnh đất nước thân yêu VN chúng ta ra sao, tôi xin miễn bàn thêm vì ai nấy chắc cũng đều cảm thấy quá “thấm” và đủ “đau” nên không dám đào sâu thêm.

Hà Nội đã chiêm nghiệm được điều gì từ ‘quả bom Nhật’ sau Thái Hà?

Có lẽ đến lúc này, một tuần sau hội nghị các nhà tài trợ, giới lãnh đạo Hà Nội vẫn còn chưa hòa hồn vì “tiếng nổ” trong hội nghị. Nhìn vào cách VN hành xử mấy ngày vừa qua sau “vụ nổ” mới thấy họ đang lúng ta lúng túng y hệt như khi họ xử tám giáo dân Thái Hà vừa qua.

“Ông nói gà bà bảo vịt” mới hôm nào Hà Nội dám tuyên bố mạnh miệng đòi hỏi chứng cứ về vụ PCI bỗng nay “xìu” hẳn xuống 'VN có thể dùng chứng cứ từ Nhật'. Suốt 100 ngày kể từ hôm 25/8 cho đến 5/12 VN vẫn rêu rao không có bằng chứng, nhưng bỗng nhiên chỉ trong vòng một tuần cũng chính quyền ấy lại bảo đã điều tra được 90% vụ án!

Hà Nội cử hết quan chức này đến quan chức nọ sang Tokyo như ông Tiến sĩ Khuất Văn Nga, Phó Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao không phải vì chứng cứ như đòi hỏi của tay phó chủ tịch UBND Saigòn mà chắc để… ‘lạy lục’ người ta, nhưng dường như đã quá muộn! Thậm chí còn vuốt đuôi Nhật như lời ông Hoa Hữu Long, Vụ phó Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, nói với BBC hôm 11/12 rằng "kết quả điều tra do cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản xác nhận có thể sử dụng ở Việt Nam".

Thật là hết hiểu nổi cái thể thống chính quyền này nó ra làm sao?! Họ chỉ hành xử theo kiểu “gió chiều nào che chiều nấy” sao cho có lợi nhất với băng đảng của chúng bất kể đến danh dự tổ quốc

Khó hiểu?

Tại sao những con người như ông Triết ông Dũng cũng đã từng được ‘bay lượn’ khắp đó đây, được tận mắt nhìn thấy đất nước người ta, luật pháp xứ người ta nghiêm minh ra sao, nhưng khi ‘đụng chuyện’ lại vẫn cứ nghĩ Nhật Bản cũng giống như Việt Nam?

Một Tokyo sáng sủa, nơi đã từng có những con người sáng suốt như Minh Trị Thiên Hoàng từ hai trăm năm trước đã nhìn ra con đường mở cửa giao thương với phương Tây mới có thể đem lại thịnh vượng cho nước họ, rồi họ lại từ đống hoang tàn sau 1945 quay trở lại chiếm vị trí cường quốc chỉ sau hơn hai thập niên, làm sao ở đó lại có thể còn tồn tại những cái đầu hâm hâm và tăm tối, nói năng chẳng cần đếm xỉa gì tới lẽ giống như ở Hà Nội mình.

- Tại sao một hệ thống lãnh đạo một đất nước trên 80 triệu dân lớn vào hàng thứ 5 ở châu lục mà lại ứng xử quá vụng về kém cỏi trước vụ PCI nhưng lại tỏ ra quá tinh ranh khôn lỏi với dân chúng trong nước và chỉ giỏi đánh phá các tôn giáo?

- Tại sao một người như ông thủ tướng Dũng mà lại phát biểu nực cười “VN kiên quyết xử lý vụ này” nhưng lại còn chua thêm “phát hiện đến đâu xử lý đến đó” rõ ràng chống tham nhũng trong đầu ông ta chỉ là việc làm bất đắc dĩ để chống đỡ lại dư luận chứ không phải vì muốn làm trong sạch bộ máy.

- Tại sao trong lúc còn đang nhờ vả người ta mà tại sao có những kẻ lại dám tỏ ra bất cần và ‘mất dạy’ đến mức đòi dạy lại người mà mình đang chịu ơn?

Hành xử thế chẳng trách sao thiên hạ người ta vẫn cứ bảo cộng sản là đồ “ăn cháo đá bát” đâu có oan chút nào.

Tại sao và tại sao? Còn hằng vài chục câu hỏi không lời giải đáp chung quanh vụ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ và cả vụ PCI. ???

Chắc không đâu, “Trời cao có mắt” đấy!

Cái gì là sự thật vẫn mãi mãi sẽ là sự thật. Bây giờ thì 28 bàn tay của 14 con người hét ra lửa trong nước ở bộ chính trị dù có dang rộng ra hết cỡ cũng chẳng còn che nổi ánh Thái dương từ nước Nhật đang rọi soi đến mọi ngóc ngách tăm tối của vụ này!

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng ngày 5/12 cũng chính là ngày giới cầm quyền Hà Nội dự định lôi tám giáo dân Thái Hà ra xét xử nhưng lại dời đến này 8/12. Việc này đã khiến nhiều người thắc mắc đoán già đoán non nhưng gần đây chúng ta mới được biết đó chỉ là sự né tránh. Hà Nội sợ ‘đụng hàng’ với ngày diễn ra hôi nghị tài trợ, sợ phiên tòa bất nhân sẽ khiến các nhà tài trợ cảm thấy khó chịu, rồi họ ‘buồn tình’ làm khó và cắt bớt tiền tài trợ thì nguy to v.v… vì thế mà họ đã dời phiên xử sang ngày 8/12.

Nhưng ‘tránh vỏ dưa va phải vỏ dừa” trời cao lúc nào cũng có mắt, thấy chuyện mờ ám ông trời quyết chẳng tha. Ông Bà Tổ Tiên đất Hà Thành cũng linh thiêng đâu có chịu đứng khoanh tay nhìn con cháu, dân tình khốn khổ. Họ tính là vậy nhưng ông đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba xem bộ còn ‘cao cơ’ hơn họ, ông ta đã chẳng nói chẳng rằng âm thầm tháo cái ngòi nổ ‘quả bom PCI’ ngay giữa hội nghị khiến nó nổ tung toé cả ra …

Nếu nhìn nhận sự việc một cách thẳng thắn và nghiêm túc, ắt phải hiểu ông đại sứ đã hạ nhục nước chủ nhà chúng ta hôm ấy.

Nỗi nhục này còn lớn gấp trăm lần vụ buôn lậu ‘sừng tê giác’ ở Pretoria - Nam Phi, gấp ngàn lần cái nhục mang hộ chiếu bị khám xét xăm soi vì nó xảy ra ngay tại thủ đô Hà Nội chứ chẳng ở đâu xa.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên chúng ta phải chịu những nỗi nhục do chính quyền cộng sản gây ra, và lỗi không do nước Nhật mà do những kẻ cầm quyền chúng ta đã quá bướng bỉnh, vì thế chúng ta càng cần phải cảm ơn ông đại sứ Nhật Mitsuo Sakaba đã dạy cho họ bài học vừa qua, cái mà nếu bất cứ ai trong chúng ta làm sẽ bị họ chụp ngay cho cái mũ phản động!

Hãy xem những gì mà các nhà tranh đấu trẻ như Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân cùng nhà báo Nguyễn Việt Chiến đang phải chịu ắt chúng ta sẽ càng phải cảm ơn ông đại sứ Nhật thêm hàng ngàn lần!

Những cái nhục như vậy có lẽ các nghệ nhân VN cần phải hình tượng hóa thành các biểu tượng đặt ngay bên cạnh những tượng đài mà đảng cộng sản VN vẫn hằng rêu rao đã “đem lại vinh quang cho đất nước” phải biết ơn họ này nọ… để cho các thế hệ sau biết cái giá của ‘vinh quang’ của chủ nghĩa cộng sản đã đem lại cho đất nước là gì?

Cá nhân tôi tin rằng chính những chuyện nghịch đạo lý mà chính quyền đã gây cho giáo hội vừa qua, có vẻ như cái qui luật ‘trời bất dung gian’ đang được “Đất Trời” đã và đang được thực thi những ngày tháng cuối năm 2008 nay.

Vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà vừa lắng xuống cũng là lúc vụ án PCI bùng nổ mãnh liệt lên đẩy chế độ thế vào chỗ phải chống đỡ mà trước đây họ đã từng gây ra cho các tu sĩ và giáo dân Hà Nội khiến cho ‘gió đã đổi chiều’.

Những kẻ đã từng tưởng rằng ‘tấn công’ đạo công giáo và công khai lăng mạ đức TGM Hà Nội sẽ khỏa lấp được vụ PCI và củng cố chắc chắn thêm ghế độc tài của họ. Nhưng họ có ngờ “chạy trời không khỏi nắng” như người đời vẫn thường bảo.

Càng điên cuồng gay gắt trong sự cuồng ngạo, chính uy tín của đảng lại ngày càng đi xuống thẩm hại thay vì giáo hội như toan tính của họ.

Thay lời kết

Sau việc kết tội oan trái tám giáo dân Thái Hà bất thành nay đến lượt chính quyền VN sắp phải đưa các đồng đội của mình – đảng viên cộng sản Huỳnh Ngọc Sỹ và các đồng chí chưa bị lộ - lên ‘đoạn đầu đài’ và phen này thì họ khó có thể đóng kịch với nhau như những vụ án trước đây.

Cũng vẫn là kẻ cầm trịch kiêm đạo diễn, đảng có toàn quyền điều khiển con rối tòa án cũng như các phán quyết của mọi cấp tòa ấy, nhưng ở phiên xử bầy quan tham Huỳnh Ngọc Sỹ sắp tới đây, họ chỉ còn biết cắn răng nhìn đồng đội bị đau. Bởi nếu xử Huỳnh Ngọc Sỹ không đau thì dân chúng Nhật chắc chắn khó mà để yên cho chính phủ họ nhả tiền ra cho các lớp khác của đảng viên khác đang chờ đến lượt họ được ngồi vào những chiếc ghế tham nhũng!

Thậm chí những bản án treo mà họ đã từng xử tám giáo dân nếu có muốn ban tặng cho nhau cũng chẳng còn được, vì tình thế đã trở nên quá nghiêm trọng.

Sàigòn, 12/12/2008
 
Tuyên cáo của Ủy Ban Yểm trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam
Alain OUELLET, lawyer
15:23 12/12/2008
Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam bầy tỏ sự quan tâm nghiêm trọng về những vi phạm tự do tôn giáo xảy ra tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội.

Việc chính phủ Việt Nam tịch thu một phần lớn khu đất của giáo xứ này đã đánh động trái tim của những người Canada, vì những linh mục Công Giáo Canada thuộc nhà mẹ Sainte Anne de Beaupré ở Québec đã mua khu đất này vào năm 1928 để xây nhà dòng Chúa Cứu Thế đầu tiên ở Việt Nam và nhà thờ cho giáo xứ Thái Hà sau đó.

Hành động kết án 8 giáo dân của tòa án Hà Nội với tội danh "phá hoại tài sản nhà nước và gây rối trật tự công cộng" là một sự xúc phạm công lý và sự thật. Những tín hữu vô tội này đã bị kết án một cách bất hợp pháp, dù là án treo, về một tội tưởng tượng tại phiên xử của tòa án quận Đống Đa, Hà Nội ngày 08-12-2008. Trên thực tế, những người này chỉ tham dự những buổi canh thức cầu nguyện hòa bình trên khu đất của chính giáo xứ của họ, đồng thời bảo vệ tài sản của giáo hội. Họ không có hành động bạo lực hay phá hoại nào.

Vì những lý do nêu trên, chúng tôi đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải trả lại công lý cho những người bị kết án bất công, và hoàn trả những khu đất đã tịch thu cho những sở hữu chủ đích thực của những khu đất đó. Chúng tôi cũng kêu gọi chính phủ Canada thi hành những biện pháp cần thiết để đòi buộc chính phủ Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo.

Ngày 9 tháng 12 năm 2008

Alain OUELLET, luật sư

Chủ Tịch Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam

151 Atwater

CP 72126

Montreal, QC H3J 2Z6


Canada

Déclaration du Comité du Support à la Démocratie et Liberté Religieuse au Vietnam

Le Comité du Support à la Démocratie et Liberté Religieuse au Vietnam est très soucieux des offenses à la liberté religieuse et aux droits du peuple qui se passent à la paroisse Thai Ha, Hanoi.

La confiscation d'une grande partie de terrain appartenant à cette paroisse entrepris par le gouvernement vietnamien a touché au cœur des Canadiens, puisque les prêtres catholiques canadiens de la maison mère Sainte Anne de Beaupré, Québec, ont acheté ce terrain en 1928 pour construire le premier foyer des Rédemptoristes au Vietnam et l'église pour la paroisse Thai Ha après.

L'accusation des huit paroissiens par le tribunal de Hanoi pour le délit de « détruire les biens de l'état et troubler l'ordre publique » est une offense à la justice et à la vérité. Ces croyants innocents ont été illégalement condamnés, même en probation, d'une crime imaginaire dans un procès qui s'est déroulé le 8 Décembre 2008 au tribunal d'arrondissement Dong Da, Hanoi. En réalité, ces gens ont simplement participé aux paisibles vigiles de prière sur le terrain de leur propre paroisse et en même temps ont protégé les biens de l'église. Ils n'ont manifesté aucun geste de violence ou de destruction.

En conséquence des raisons sus mentionnés, nous demandons au gouvernement vietnamien de rendre la justice à ceux qui sont injustement condamnés, et de restituer les terrains confisqués à leurs vrais propriétaires. Nous demandons aussi au gouvernement canadien de faire le nécessaire pour persuader le gouvernement de Hanoi de respecter les droits de l' homme et la liberté religieuse.

Le 9 Décembre 2008-12-11

Alain OUELLET, avocat

Président

Comité du Support à la Démocratie et Liberté Religieuse au Vietnam

151 Atwater

CP 72126

Montréal, QC H3J 2Z6


Canada

Declaration Of Supporting Committee For Democracy And Religious Freedom In Vietnam

The Supporting Committee for Democracy and Religious Freedom in Vietnam express its deep concern on the violations of religious freedom and people's rights which have been taking place in Thai Ha parish, Hanoi.

The confiscation of a great part of land belonging to this parish by Vietnamese government has hit the heart of many Canadians. The Catholic priests of Mother House Sainte Anne de Beaupré, Quebec, bought this land in 1928 to build the first home of Redemptorists in Vietnam and the church for Thai Ha parish later.

The accusation of eight parishioners by Hanoi tribunal for the crime of "destructing the property of state and disturbing public order" is an offence to justice and truth. These innocent believers were unlawfully condemned for an imaginary crime, even on probation, in a trial of Dong Da district tribunal, Ha Noi, on December 8, 2008. In reality, they only attended peaceful prayer vigils on the land of their own parish and, at the same time, protected the property of the church. They did not show any act of violence or destruction.

For the above reasons, we call on the Vietnamese government to return justice to eight wrongly condemned parishioners and to give back confiscated lands to their real owners. We also request the government of Canada to do all necessary to persuade the government of Hanoi to respect human rights and religious freedom.

December 9, 2008

Alain OUELLET, lawyer

President

Supporting Committee for Democracy And Religious Freedom in Vietnam

151 Atwater

CP 72126

Montreal, QC H3J 2Z6


Canada
 
Hầu Tòa
Peter Phạm Bắc Hải
17:07 12/12/2008

Hầu Tòa



8.......12.......2... ngàn Linh 8,

Mẹ Tinh Tuyền dẫn dắt 8 Dân.

Vững bước hiên ngang hầu tòa dữ,

Tay cầm nhành lá Vạn Tuế xanh.

Bảo chứng Tin Mừng cho Công Lý,

Giải bày Rửa Tội sạch An Bình.

Sắc Lá Xanh tươi mầu Hy Vọng,

Chân tình Liên Kết Bắc Nam Trung
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo xứ Trì Chính 100 năm hồng ân bài 2: Trì Chính 100 năm nhìn lại
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
17:23 12/12/2008
Phần I: Trì Chính 100 Năm Nhìn Lại

Đây Trì chính trăm năm lịch sử
Như dòng sông tràn ứ phù sa
Phù sa ơn thánh chan hoà
Tràn trên giáo xứ, nhà nhà thấm sâu.

Lm P. Nguyễn Hồng Phúc



Trì Chính: Quê Hương và Con Người

Một số nhà nghiên cứu về Việt Nam cho rằng các làng Công giáo nằm dọc theo hai bên bờ các con sông lớn như sông Hồng, sông Đáy là những làng đạo sầm uất, sốt sắng. Người ta cũng nói rằng làng nào có dòng sông chảy qua, làng đó có nhiều tài nhiều lộc. Người ta còn thấy rằng người dân sống ở ven sông là những người có tính tình chất phác, mộc mạc, hiền lành như chính dòng sông; là những người ăn to, nói lớn như sóng của biển cả. Phải chăng những dòng sông có nước chảy đêm ngày không bao giờ cạn là yếu tố tự nhiên làm nên những vùng quê trù phú, thanh bình ? Phải chăng những dòng sông tạo nên phần nào tính cách của con người ? Hơn thế nữa những dòng sông, nước không bao giờ cạn, cũng là biểu tượng của ơn Chúa chảy tràn trào không bao giờ nguôi trong tâm hồn con người cũng như cho quê hương xứ sở thân yêu ?
Nằm dọc theo bờ sông Vạc 7 km Trì Chính cũng được thừa hưởng những yếu tố tự nhiên của dòng sông đó.

Sông Vạc nối tiếp bởi sông Luồn và sông Chanh thuộc sông Hoàng Long. Dòng sông Vạc chảy qua thành phố Ninh Bình và còn là ranh giới của hai huyện Yên Khánh với huyện Yên Mô chảy tới thị trấn Kim Sơn dọc qua hai xã Kim Chính và xã Thượng Kiệm rồi nhập vào sông Đáy, từ sông Đáy chảy ra Biển Đông. Phải chăng, chính dòng sông Vạc, với thời gian, đã âm thầm đưa hàng triệu triệu hạt phù sa kiên nhẫn bồi đắp để làm nên mảnh đất Trì Chính hôm nay ? Phải chăng chính dòng sông Vạc này đã cho tôm, cho cá để nuôi người Trì Chính, là tiền đề để xuất hiện làng chài Thủy Cơ? Phải chăng chính dòng sông này đã từng là phương tiện để các nhà ruyền giáo đến giảng Đạo, đem Tin Mừng của Chúa đến cho Trì Chính ?

Thật vậy, người Trì Chính đa số là những người chân chất, sống chủ yếu bằng nghề nông và nghề thủ công. Mảnh đất Kim Sơn mang đượm phù sa của biển đã làm nên những cánh đồng cói, và những cánh đồng cói lại cho người Trì Chính khéo tay hay làm một nghề thủ công chiếu cói nổi tiếng. Nếu bạn có dịp đến thăm các gia đình ở họ Trị Sở, họ Kiến Thái, bạn sẽ thấy các bà, các mẹ, các chị, các cô, miệng hát thánh ca, tay thoăn thoắt đan những chiếc làn cói, những bàn tay mềm mại kiên nhẫn dệt nên những chiếc chiếu hoa mịn màng. Đất và người Trì Chính đã tạo nên một tâm hồn Trì Chính. Đất và người Trì Chính tạo nên một sự an bình hiếm có của một làng quê. Chính từ mảnh đất này hạt giống Tin Mừng của Chúa đã được gieo trồng, trổ bông và kết trái. Chính mảnh đất này đã cưu mang, nuôi dưỡng rất nhiều người con của Trì Chính, trong đó có các đấng các bậc, các nam nữ tu sĩ và giáo dân đã và đang miệt mài trên cánh đồng truyền giáo khắp bốn phương trời. Chính mảnh đất này đã từng trở nên như chiếc nôi nuôi dưỡng và vun trồng ơn gọi linh mục, tu sĩ cho giáo phận Phát Diệm.

Trì Chính Trong Lòng Mẹ Phát Diệm

Trước kia Trì Chính là một trong những họ lẻ của giáo xứ Phát Diệm, một trong những giáo xứ kỳ cựu của giáo phận Tây Đàng Ngoài.

Phát Diệm là xứ đạo đầu tiên cho cả huyện Kim Sơn và một phần của huyện Yên Mô chạy dài từ Hướng Đạo cho tới Hảo Nho, vươn cả tới một số xã trên huyện Yên Mô, cho nên Trì Chính thuở ban đầu là một họ lẻ của giáo xứ Phát Diệm. Theo sử sách để lại, giáo xứ Phát Diệm được hình thành dưới quyền coi sóc của Cha Phêrô Trần Lục, từng có một ngôi nhà thờ bậc nhất lúc đó do Đức Cha Theurel Liêu xức dầu bàn thờ năm 1862. Các vị mục tử đầu tiên coi sóc giáo xứ sử sách ghi lại phải kể đến Cha gìa Khanh, Cha già Thạc, Cha già Chuyện, Cha Nhị, Cha Kỳ…

Vì nhu cầu mục vụ, Đức Cha Alexandre Marcou Thành, Giám mục tiên khởi của Giáo phận Đàng Ngoài Duyên Hải (tên cũ của Giáo phận Phát Diệm), đã tách một phần nhỏ củag giáo xứ Phát Diệm thời đó để thành lập giáo xứ Trì Chính vào đời vua Thành Thái năm thứ 19, tức năm 1908.

Như vậy, đã có một thời Trì Chính được giáo xứ Phát Diệm như một người mẹ thai nghén, sinh ra và cưu mang trong lòng mình. Là con của mẹ Phát Diệm, Trì Chính cũng từng trải nghiệm, chia sẻ cùng mẹ những biến cố vui, buồn, thăng, trầm của thời thế.
Là một trong những giáo xứ kỳ cựu của giáo phận, từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, Trì Chính từng là một vị trí tối quan trọng nơi tọa lạc những cơ sở tu trì, đào tạo, in ấn của Giáo phận:

Trường Thử (Probatorium)

Ngay từ năm 1906, mấy năm sau khi Đức Cha A. Marcou về coi sóc giáo phận, một Trường Thử đã được lập nên ở Phát Diệm với mục đích đào tạo về giáo lý, đức dục, trí dục, thể dục, nhân bản cho các chú có ý hướng đi tu do các giáo họ gửi đến trước khi vào chủng viện. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tức là vào năm 1918, Trường Thử Phát Diệm chuyển vào Ba Làng (Thanh Hóa). Vào năm 1936 Đức Cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng mua một khu đất rộng 7 mẫu ta ở Trì Chính với dự tính của người là chuyển Đại Chủng viện Thượng Kiệm sang khu đất này và nhường cơ sở Đại Chủng Viện cũ cho Trường Thử. Nhưng vì năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, không thể mua sắm đủ vật liệu, nên khu đất đó dùng để xây Trường Thầy Giảng. Đức Cha Anselmo Tadeo Lê Hữu Từ đã dùng nơi đây là Trường Thử từ năm 1946 đến 1954. Nhiều linh mục của giáo phận đã được đào tạo từ Trường Thử Trì Chính này. Sau biến cố 1954, Trường Thử giải tán, Nhà Nước mượn cơ sở này làm hợp tác xã sản xuất chiếu cói Đại Đồng. Đầu tháng 10 năm 2008, Nhà Nước đã trao trả cơ sở này cho giáo phận.

Dòng Kín Carmel

Dòng Kín Carmel nằm trên một khu đất rộng cạnh bờ sông Vạc, được xây dựng vào năm 1939 theo đúng kiểu nhà dòng Kín tại Lisieux bên Pháp. Sự hiện diện của Dòng Kín tại nơi này là chương trình thiêng liêng của Đức Cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng, giám mục tiên khởi người Việt Nam: Năm 1933, khi người về coi sóc giáo phận, người muốn rằng sự có mặt của hai dòng tu trong giáo phận (Dòng Kín và Dòng Châu Sơn), như những chiếc cột thu lôi (paratonnerre) để kéo ơn Chúa xuống cho giáo phận. Lúc ban đầu Dòng Kín do mấy sơ Dòng Kín người Pháp đến phụ trách, nhưng sau vì do ồn ào của thời chinh chiến, xét thấy không thuận lợi cho việc tu trì, nên các sơ đã quay về Pháp. Sau này khu nhà dòng được sử dụng làm Nhà in Lê Bảo Tịnh và trụ sở tờ Nguyệt san Đường Sống. Năm 1971 cơ sở đã bị bom đạn của Mỹ bắn phá bình địa không còn một vết tích nào.

Nhà nghỉ mát Kim Đài

Ngoài ra, trên mảnh đất họ Kim Đài, trước cửa Vịnh Bắc Việt, trước đây còn có nhà nghỉ mát cho giáo sĩ và tu sĩ của Giáo phận do Đức Cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng xây dựng. Một số cụ già còn nhớ lại rằng cứ chiều thứ tư hàng tuần trong năm học, cũng như trong các tháng nghỉ hè, các chú, các thầy học tại Trường Thử mặc quần trắng áo chùng thâm đi bộ ra đây. Theo sau các chú các thày là người Nhà Chung gánh xôi, gánh chuối ra phục vụ các thầy. Ngày hôm đó Cố Bỉ thường giáo huấn một giờ rồi các thầy mới dùng cơm trưa. Thời đó chỉ có Cố Bỉ đi lại bằng xe máy còn các cha thường đi bằng xe tay. Các ngày thứ năm trong tuần thì đến lượt các thày giảng ra đây, nhưng không phải Cố Bỉ huấn dụ mà là một cha người Việt, trong số các cha đó, các cụ già còn nhớ một cha tên là Cha Hải.

Cụ Nguyễn Văn Nhã, giáo họ Kim Đài, còn nhớ những lần Đức Cha Tòng ra nghỉ tại đây, người rất vui vẻ, thích trò chuyện với thiếu nhi. Vì là người to lớn, nên mỗi lần lên xe để về Nhà Chung, người phải nhờ một số thanh niên giúp người mới lên được. Cụ Nhã còn nhớ rằng Đức Cha Phùng cũng từng ra đây nghỉ mát. Mỗi lần người ra, người đều cho quà trẻ em, như bánh đa, dưa hấu, chuối. Đó là những ký ức quý báu về các Đấng bậc cũng như về một cơ sở của giáo phận.
Nhà nghỉ mát trước đây là một ngôi nhà có 2 tầng, 8 mái, rất đẹp, khang trang, tọa lạc ở một vị trí tuyệt vời ngay cửa biển. Vào năm 1956, xã Công Uẩn đến mượn nhà này làm lớp học bình dân học vụ. Lấy cớ là vì sự an toàn của học sinh, ông Thứ là phó chủ tịch xã Công Uẩn đã cho rỡ mất tầng 2, rồi dùng thuyền chở gạch ngói và gỗ lim, sắt thép đi. Họ có bù cho Tòa Giám mục 850 đồng. Khi không sử dụng để dạy học nữa thì Hợp tác xã nông nghiệp Công Uẩn lại dùng nhà này làm nơi nuôi vịt, nuôi lợn. Trước những việc làm vô lý như thế, Tòa Giám mục cũng như giáo dân không dám lên tiếng vì lúc đó là thời kỳ « nước sôi lửa bỏng » ở xã hội miền Bắc – một thời kỳ dài Giáo hội không có chủ quyền gì đối với các cơ sở thờ tự cũng như các tài sản của mình.

Hiện nay, nhà nghỉ mát này chỉ còn lại mấy bức tường trong một khu đất hoang vu.

Trì Chính Thời Kỳ Đau Thương

Cũng như một đời người « năm chìm bảy nổi, chín lênh đênh », giáo xứ Trì Chính cũng có những lúc huy hoàng, những lúc gian nan khốn khó, có lúc thịnh, lúc suy.
Thời kỳ nhiều giông tố nhất của Trì Chính cũng như của giáo phận Phát Diệm, đó là thời kỳ từ 1954 cho đến năm 1986, tức là từ biến cố di cư vào Nam cho đến khi Việt Nam bắt đầu có chính sách đổi mới, mở cửa.

Sau Hiệp định Genève 1954, đất nước Việt Nam bị chia cắt làm hai. Biến cố này làm cho giáo xứ Trì Chính cùng chung số phận với giáo phận bước sang một trang sử mới với những thách thức mới để bắt đầu một thời kỳ đau thương trong lòng Giáo Hội miền Bắc.

Sự kiện di cư vào miền Nam năm 1954 đã gây ra một lỗ hổng về nhân lực, làm gần như tê liệt những hoạt động đào tạo, truyền giáo của giáo phận: 124 trong số 158 linh mục, trong đó có Đức Cha Anselmo Tadêo Lê Hữu Từ và Cha Chính giáo phận Luca Mai Học Lý, hầu hết các nữ tu Mến Thánh Giá và hơn một nửa số giáo dân, khoảng 60 ngàn người, lần lượt di cư vào Nam. Số giáo dân ở lại trong cả giáo phận chỉ còn khoảng 50 nghìn người với 34 linh mục. Lúc đó Cha Phaolô Dương Đức Liêm được chọn làm cha chính giáo phận.

Riêng giáo xứ Trì Chính, vào năm 1954 có 2.100 giáo dân, nhưng gần hai phần ba đi Nam, chỉ còn lại 800 nhân danh, dưới sự coi sóc của Cha già Giuse Trần Văn Lại. Giáo xứ Trì Chính trước năm 1954 sầm uất bao nhiêu, thì sau đó là một giáo xứ hoang tàn, kiệt quệ bấy nhiêu: Trường Thử, Nhà in Lê Bảo Tịnh, Nhà mồ côi… tất cả đều phải đóng cửa.
Sau biến cố 1954 là cuộc cải cách ruộng đất 1956, nông dân vùng dậy đấu tranh chống địa chủ cường hào. Theo chiều hướng đó, một vài giáo dân không vững lập trường, vừa bị mua chuộc, vừa bị ép buộc, bị dụ dỗ đứng lên tố cáo, vu oan cáo vạ cho hàng giáo sĩ những tội ô uế, tội dụ dỗ đi Nam, tội đầu độc bánh thánh, tội lấy tin tức trong tòa giải tội v.v. Trong hoàn cảnh ấy, Cha xứ Trì Chính Giuse Trần Văn Lại đã từng rất căng thẳng, khổ sở vì bị thúc bách nộp tô 24 mẫu ruộng công điền mà nhà xứ cấy ở phía may đường 10. Cha cũng bị một vài giáo dân của mình vu oan cáo vạ như nhiều Cha trong giáo phận, như Cha Matthêu Đặng Đức Hậu, Cha Phaolô-Giuse Tịnh Quang Thiều... Những người tố cáo, vì được hứa hẹn một chút quyền lợi cá nhân, vì bị thúc ép, đã làm cho Cha già Lại, tuy không bị đi tù như Cha Hậu trẻ và Cha Thiều, nhưng nhiều lần bị rêu rao, bị chế nhạo, bị lên án tại các cuộc họp của làng, xã. Lúc đó, giáo dân Trì Chính rất thương ngài, nhưng không ai làm gì được, tất cả đều cam chịu trước một cuộc bách hại công khai. Nhà xứ Trì Chính lúc đó hoang tàn, cỏ mọc um tùm đến tận các bậc thềm vào nhà thờ, trẻ con và trâu bò thả sức phá phách.

Năm 1958, nhà phòng 2 tầng của giáo xứ bị mượn để tổ chức 9 lớp học. Cho đến năm 1965 thì Hợp tác xã (HTX) Công Uẩn lại dùng nhà xứ để làm trụ sở thường trực và làm nhà kho chứa thuốc trừ sâu, chứa thóc và dụng cụ lao động. Năm 1995 nhà phòng này mới được trả lại cho giáo xứ, nhưng giáo xứ phải vay Tòa Giám mục 18.000.000 đồng để bồi thường cho HTX. Lúc nhận lại, nhà phòng đã xuống cấp trầm trọng: mái bị dột, tường bị thủng, cửa ra vào bị phá hết.

Ngoài nhà phòng của giáo xứ, nhà mồ côi cũng như một dãy nhà dài cấp 4 do Cha già Chí cho xây trên mảnh đất người mua (chiều dài khoảng 60m, chiều rộng 15m) với mục đích lấy tiền xây nhà thờ mới, cũng bị dân đến chiếm hết. Bên tượng Chúa Giêsu Vua trước đây là hai dãy nhà trường học của giáo xứ, nơi đã để lại cho nhiều thế hệ con em Trì Chính những kỷ niệm đẹp về một thời học sinh. Đến năm 1967, bom Mỹ bắn phá phía ngoài làm hai dãy nhà trường hư hỏng nặng, xã Công Uẩn đã tự động đến phá rỡ đem gạch ngói, gỗ, sắt thép đi. Giáo dân lúc đó rất xót xa, nhưng không dám phản ứng gì.

Ngoài những cơ sở kể trên, Cô Nhi Viện Trì Chính, do thầy Bảo quản lý, nằm liền cạnh Trường Thử cũng bị bom đánh phá vào năm 1967. Sau đó HTX Công Uẩn lấy làm cửa hàng mua bán, hiện nay chỗ này chính là trường tiểu học Kim Chính.

Những năm tháng chiến tranh là những năm tháng người dân Trì Chính nói riêng, nhân dân miền Bắc nói chung, chịu muôn vàn gian khổ, phải « thắt lưng buộc bụng », tất cả dành cho chiến trường. Về mặt Đạo, tất cả các Nhà Chung, nhà xứ bị kiểm soát khắt khao; những mối liên hệ của giáo dân với các linh mục dù là về việc thiêng liêng, đều bị nghi ngờ, xét nét.

Người Công giáo Trì Chính cũng như giáo dân Phát Diệm thời đó sống Đạo bằng nếp sống bình dân như việc trung thành đọc kinh chung trong các gia đình, chăm chỉ lần hạt Mân Côi, viếng Thánh Thể…Trong hoàn cảnh nhiều năm không hề có những lớp giáo lý, thiếu các linh mục trầm trọng, các bậc cha mẹ trong các gia đình đã tự giáo dục đức tin cho con cái không những bằng những gương sáng của mình trong việc thờ phượng, trong cuộc sống đời thường, mà họ còn dựa vào những điều trong sách bổn, những kinh đọc hàng ngày, coi đó là những cẩm nang, những tiêu chuẩn để dạy dỗ cho con em mình biết cách giữ Đạo.

Việc phân biệt đối xử, việc tuyên truyền bôi nhọ hàng giáo sĩ trong các nhà trường làm nhiều thế hệ người ngoài Công giáo nông cạn có những cái nhìn thiếu thiện cảm về những người Công giáo. Người Công giáo bị cô lập, nên họ chỉ còn biết tin tưởng vào Chúa, vào Giáo Hội, cho dù Giáo Hội đó đang bị bách hại. Dù cho hàng giáo sĩ và tu sĩ bị chống đối, bị bắt bớ tù đầy, người Công giáo luôn mến mộ các Đấng các bậc. Họ ao ước có nhiều linh mục, khao khát thánh lễ, có người đi bộ hàng chục cây số để dự lễ. Mặc dù Đạo bị chống đối, dù thông tin chỉ có một chiều, người Công giáo Trì Chính âm thầm sống chết với Đạo, giữ lập trường như giáo dân thời sơ khai xưa « vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người » (Cv 5,29). Thời đó, nhiều người trẻ khao khát đi tu nhưng họ không có điều kiện để thực hiện ơn gọi tu trì của mình.

Sống trong tình trạng bị cô lập bởi sự khác biệt về ý thức hệ: vô thần – hữu thần, bị phân biệt đối xử một cách minh nhiên trong các nhà trường, cộng với sự khó khăn về kinh tế, nên thanh thiếu niên Trì Chính giai đoạn đó dường như không được đi học, hoặc không muốn đi học vì theo quan niệm của đa số các bậc cha mẹ: thà mù chữ mà còn giữ được Đạo thì hơn đi học mà mất đức tin. Cho nên giai đoạn này rất ít thanh niên Trì Chính thoát ly. Những thanh niên hoạt động xã hội, được xã hội tín nhiệm thường là những người không còn lập trường Giáo Hội. Rất nhiều thanh niên thoát ly ra xã hội phải giấu danh tính Công giáo của mình vì miếng cơm manh áo, vì địa vị xã hội của mình, vì nếu là người Công giáo họ sẽ không bao giờ được thăng quan tiến chức, không được an lành. Một ưu điểm nữa của giới trẻ Trì Chính trước 1975 là họ không biết tới những tệ nạn xã hội. Tuy không được học hành, cuộc sống lao động hết sức vất vả lam lũ, lại luôn phải đối đầu với bom đạn chiến tranh khốc liệt, nhưng giới trẻ sống trong sáng: không biết đến ma túy, cờ bạc, ăn chơi sa đà.

Sau giải phóng miền Nam năm 1975, miền Bắc vẫn nghèo, vẫn đói, tuy có « dễ thở » hơn trước một chút. Thanh niên Trì Chính vẫn ít học hành. Họ tìm cách Nam tiến vì ở đó họ có thể tìm được việc làm, họ được tiếp thu, tiếp cận với những tiến bộ về mọi mặt của xã hội miền Nam. Nhưng, cũng qua nẻo đường miền Nam, giới trẻ miền Bắc từng khổ cực lam lũ, từ xưa đến nay chỉ biết làm ăn, chắt chiu, nay bắt đầu thâm nhập những tệ nạn xã hội như cờ bạc, ăn chơi, lố lăng.

Giai đoạn đau thương đã để lại cho giáo xứ không chỉ là những thương tích do bom đạn tàn phá nơi các công trình lịch sử của giáo phận, giáo xứ, nhưng còn để lại cả những vết thương sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người Trì Chính. Đúng như Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám quản giáo phận, đã nói trong bài giảng Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh: “Chúng ta ngỡ rằng, giáo xứ Trì Chính có nguy cơ bị xóa tên, thời thế lịch sử, bao nhiêu là biến cố đã diễn ra, đã giày xéo quê hương này. Nhưng chúng ta vẫn còn ngồi đây, đứng trước ngôi nhà thờ sừng sững của Trì Chính. Phải chăng đó là những biểu tượng hồng ân Thiên Chúa vẫn tuôn đổ ồ ạt xuống trên giáo xứ của chúng ta. Cho dù lịch sử thế nào, Chúa vẫn luôn luôn là Đấng yêu thương”.

Sức Sống Của Trì Chính

Cả một giai đoạn đau thương của Trì Chính đã qua đi như một cơn lốc lớn của thời thế, như cuốn phăng đi tất cả những thành tựu của Trì Chính gần một thế kỷ mà ông bà tổ tiên, các thế hệ Trì Chính đã dầy công xây dựng. Cơn lốc của thời thế tưởng chừng đã làm tê liệt sức sống mãnh liệt vốn có từ xưa của người Trì Chính, tưởng chừng dập tắt ngọn lửa Kitô trong mỗi con tim nhỏ bé. Thế nhưng, sức sống Kitô vẫn âm ỷ trong từng đường gân, thớ thịt của những người con Trì Chính. Mặc dù bên ngoài người Trì Chính không được tự do hành đạo, truyền đạo, nhưng không ai ngăn cản được con tim yêu mến Chúa và Giáo Hội.

Kể từ năm 1963, khi có chính sách đặc biệt khắt khe đối với tôn giáo, giáo xứ Trì Chính có những giai đoạn nhiều tháng không có thánh lễ. Sau khi Cha già Giuse Trần Văn Lại qua đời, có khi cả vài tháng một lần, mới có các Đấng bên Tòa Giám mục âm thầm sang dâng lễ cho giáo dân. Người Trì Chính không bao giờ quên: Cố trùm Phạm Ngọc Khuê sang đón Đức Cha già Phaolô Bùi Chu Tạo về dâng lễ được một lần; Cha già Giuse Hoàng Đình Kim thỉnh thoảng sang bằng xích lô; Đức Cha phó Giuse Lê Quý Thanh, Cha già Giuse Nguyễn Thiện Khuyến (lúc đó người chưa làm giám mục) và Cha Giuse Trần Bá Vinh phải thay nhau đi đò ngang Trường Lý Đoán Thượng Kiệm. Trong lúc khó khăn, thiếu linh mục trầm trọng như thế, chính Thánh Thể và Lời Chúa là sức sống của Trì Chính.

Trải qua 100 năm với bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, với bao nhiêu khó khăn gian khổ, với chiến tranh tàn phá, nhờ hồng ân Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và thánh Phêrô Quan thầy, giáo dân Trì Chính vẫn luôn giữ vững đức tin, trung thành, vâng phục các Đấng chủ chăn, giữ được lòng đạo đức sốt sắng.

Sức sống của Trì Chính một phần nhờ vào việc giáo dân gắn bó với giáo xứ qua việc sinh hoạt trong các hội đoàn như Ca đoàn, Hội Thánh Thể, Hội Mân Côi, Hội Thánh Giuse, Hội Con Đức Mẹ, Hội Gia trưởng, Hội Quản giáo, Ban Giáo lý, Ban truyền giáo, Giới trẻ.

Cơ Cấu Và Nhân Sự

Khi được thành lập, giáo xứ Trì Chính chỉ có 1.700 giáo hữu, đa số làm nghề nông và một số ở họ Thủy Cơ làm nghề đánh cá. Ban đầu Giáo xứ bao gồm 4 giáo họ: Trị Sở, Vạc Giang (tức họ Thủy Cơ ngày nay), Kim Đài và Kiến Thái, về sau thêm họ Mật Như là họ tân tòng. (họ Mật Như hiện nay đã được sát nhập vào Giáo xứ Phúc Nhạc). Trong số 4 họ đạo trước chỉ có Vạc Giang và Kim Đài là hai họ toàn tòng, còn hai họ Trì Chính và Kiến Thái là hai họ gián tòng. Sau này Giáo họ Kim Đài được chia thành ba giáo họ nhỏ Kim Đài, Xuân Đài và Tân Chính. Ba giáo họ này chỉ có một nhà thờ chung là nhà thờ Kim Đài do Cha Giuse Phạm Ngọc Khuê đứng ra quyên góp, xây dựng lại vào năm 1995.

Trong biến cố 1954, nhiều giáo dân của Trì Chính di cư vào Nam, từ con số 2.100 nhân danh Trì Chính chỉ còn 800 người ở lại dưới sự coi sóc của Cha gi Giuse Trần Văn Lại. Nhưng, nhờ ơn Chúa, cho đến tháng 5 năm 2007, số giáo dân của Trì Chính đã lên đến 1.700 người. Vì lý do mục vụ, đầu năm 2007 Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến đã quyết định tách ba giáo họ nằm trên đất của xã Thượng Kiệm (là Kim Đài, Xuân Đài và Tân Chính) ra khỏi xứ Trì Chính để sát nhập những giáo họ này vào Giáo xứ mới Phát Vinh. Như vậy, đến nay Giáo xứ Trì Chính chỉ còn 3 giáo họ là Trị Sở, Thủy Cơ và Kiến Thái với 1.300 nhân danh.

Các giáo họ của Trì Chính

1. Giáo Họ Trị Sở

Giáo họ Trị Sở là trung tâm mục vụ của giáo xứ, có ngôi nhà thờ được xây dựng vào đời vua Thành Thái năm thứ nhất, tức là vào năm 1890, lúc đó Trì Chính còn là họ lẻ của giáo xứ Phát Diệm.

Ngôi Nhà thờ thực sự nhỏ bé về diện tích, kiến trúc giản dị, khiêm tốn so với kiến trúc độc đáo của quần thể Nhà thờ Phát Diệm. Chiều dài Nhà thờ Trì Chính là 29m và chiều rộng dài 12,5m. Tháp chuông Nhà thờ được xây vào năm 1914 (có ghi năm xây dựng trên mặt tiền của tháp). Phía bên trong nhà thờ, Cung Thánh được lát lại nền bằng gạch men; gác đàn bằng gỗ vẫn được giữ lại. Trước năm 1954, giáo xứ Trì Chính có diện tích là 4 mẫu nhưng đến nay tổng diện tích chỉ còn là gần 2 mẫu.

Nói đến nhà thờ Trì Chính phải nói đến công ơn Cha già Chí, Chính xứ Trì Chính, đã ao ước và lo lắng để xây lại nhà thờ này hầu đáp ứng nhu cầu mục vụ của giáo xứ. Người ta còn nhớ rằng, cha xứ đã từng nuôi một đàn trâu 4 con, có 3 công điền chăm sóc và cầy cấy 24 mẫu ruộng của nhà xứ nằm ở phía may đường 10 để gom góp tiền xây nhà thờ mới. Người đã chắt chiu tiền và đã mua một khoảng đất có chiều dài khoảng 60 mét, chiều ngang khoảng 20 mét nằm sát chân đê từ đài Chúa Giêsu Vua cho tới nhà ông Lê Pháp, tức là tới sát bốt (poste) canh của Pháp. Trên mảnh đất đó người đã cho xây một nhà cấp 4 nhiều phòng để cho dân thuê ở nhằm lấy tiền xây sửa nhà thờ xứ. Người cũng cho mua nhiều đá, cát, xi-măng, gỗ lim tập trung tại khu vực đài Chúa Giêsu Vua. Nhưng vào năm 1949, khi Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm, con đường Kiến Thái trở thành điểm tranh chấp giữa Việt Minh và quân đội Pháp: ban đêm thì Việt Minh phá đường nhằm ngăn chặn giao thông của Pháp, ban ngày thì phía Pháp cho lấp đường để đi. Để lấp đường mà Việt Minh đã phá, phía Pháp đã đến lấy gần hết số cát, đá mà cha xứ đã mua để xây nhà thờ. Giáo dân lúc đó không dám ngăn cản và cũng không nói được tiếng Pháp. Rất may, Cha Hiệp và Cha Văn là những đấng giỏi tiếng Pháp từ Tòa Giám mục sang nói với họ không được lấy của nhà xứ, lúc đó họ mới thôi. Số gỗ còn lại không bị Pháp mang đi, về sau HTX Công Uẩn tự động đến lấy đi đóng hai cái thuyền làm phương tiện chở lúa cho HTX, còn lại cán bộ chia nhau mang về gia đình đóng giường đóng tủ. Sau khi Cha già Chí qua đời, Cha Chiêu về làm Chính xứ, tình hình lúc đó đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, việc thực hiện xây lại mới nhà thờ Trì Chính là không thể.

Họ Trị Sở từng là một vị trí tọa lạc của những cơ sở tu trì, đào tạo quan trọng của giáo phận trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, như Trường Thử (Probatorium), Dòng Kín Carmel, sau này là Nhà in Lê Bảo Tịnh.

Hiện nay giáo họ Trị Sở chỉ có 760 giáo dân đa số làm nông nghiệp và thủ công chiếu cói.

Trong giáo họ hiện nay có 20 em đang học phổ thông trung học, và 6 em đang học tại các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp.

Giáo họ Trị Sở còn tự hào là quê hương của nhiều linh mục và nam nữ tu sĩ đã và đang phục vụ trong giáo phận cũng trên khắp mọi miền của Tổ Quốc.

2. Giáo Họ Kiến Thái

Khi giáo xứ Trì Chính được thành lập, giáo họ Kiến Thái là một giáo họ gián tòng. Giáo họ có ngôi nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội mới được đại tu và tháp chuông mới được xây mới năm 2006. Giáo họ Kiến Thái tuy nhỏ bé, nhưng tự hào là nơi sinh trưởng của Đức Cha Gioan Maria Phan Đình Phùng, vị giám mục đầu tiên xuất thân từ quê hương Phát Diệm.

Ngày nay, với 55 hộ giáo dân với 195 nhân danh, số người Công giáo Kiến Thái chỉ là thiểu số trong khu dân cư. Đa số người dân ở đây làm nghề thủ công chiếu cói, một số người làm nghề mộc và buôn bán nhỏ.

Hiện nay trong giáo họ có 14 em đang học trung học phổ thông và 7 em đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp.

3. Giáo họ Thủy Cơ

Tên ban đầu là giáo họ Vạc Giang, về sau được đổi thành giáo họ Thủy Cơ. Giáo họ Thủy Cơ có ngôi nhà thờ dâng kính thánh Phêrô Tông Đồ, Quan thầy giáo họ, nằm ngay sát chân đê.
Ngay từ khi thành lập và cho đến ngày nay, đây từng là giáo họ toàn tòng, đa số giáo dân làm nghề nông nghiệp, đan lát, một số người vẫn làm nghề đánh cá.
Hiện nay trong giáo họ có 68 gia đình với 230 nhân danh.

Các vị chủ chăn:

Để trở thành một giáo xứ có nề nếp đạo đức như ngày hôm nay, giáo xứ Trì Chính ghi sâu công ơn hàng giáo sĩ đã và đang hi sinh, dấn thân phục vụ Dân Chúa trên mảnh đất Trì Chính này.

Ngay từ những ngày đầu được hình thành, mảnh đất Trì Chính đã in những dấu chân của các nhà truyền giáo ngoại quốc, đặc biệt là các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris như cố Chevemet, cố Soubeyre. Các ngài đã bỏ quê hương xứ sở yêu qúy của mình để đến đồng cam cộng khổ với dân Trì Chính. Các ngài đã quên mình, sẵn sàng chịu lấy những cực khổ tại một xứ sở xa lạ, khí hậu khắc nghiệt, miễn sao Đức Kitô được loan truyền nơi đây.

Một thế kỷ đi qua, đất Trì Chính như thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của rất nhiều Đấng bậc trong giáo phận:

Đức Cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến (Chính xứ từ 1949-1952)
Cha già Quế
Cha già Tiến
Cha già Nhàn
Cha già Đắc
Cha già Thược
Cha già Tang
Cha già Chí
Cha già Chiêu
Cha già Ngạn
Cha già Lại
Cha Văn
Cha Hiệp
Hầu hết các đấng trên đã được Chúa gọi về.

Hiện nay còn nhiều đấng đã từng quản nhiệm giáo xứ Trì Chính vẫn đang phục vụ trong giáo phận:

Cha Antôn Đoàn Minh Hải (1982-1992)
Cha Giuse Phạm Ngọc Khuê (1992-1995)
Cha Phêrô Vũ Đại Đồng (1996-1999)
Cha Gioan B. Đinh Công Dũng (1999-2004)
Cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc, chính xứ đương nhiệm, cùng với các cha phó: Phêrô Vũ Thế Hùng, Cha Gioan Đỗ Văn Đoan, và hiện nay là Cha Phaolô Phạm Công Trình.

Ban Hành Giáo

Giáo xứ được thăng tiến như ngày hôm nay còn nhờ sự tận tụy, hi sinh của Ban Hành Giáo qua các đời các cố chánh trương cựu:
Cố chánh trương Phêrô Ngãi
Cố chánh trương Giuse Đỗ Văn Dư
Cố chánh trương Laurensô Phạm Ngọc Khuê
Cụ nguyên chánh trương Giuse Đỗ Văn Viện
Cụ nguyên chánh trương Giuse Phạm Ngọc Huyến

Mỗi khóa Ban Hành Giáo của Trì Chính đều có những khó khăn riêng, nhưng đặc biệt khóa cố chánh trương Giuse Đỗ Văn Dư cùng với cố thơ Phạm Văn Thỏa, cố tuần Đỗ Văn Dị và các cố chánh trùm Laurensô Phạm Ngọc Khuê, cố chánh trùm Đỗ Văn Tịnh phải đương đầu với nhiều gian nan thử thách nhất. Lúc đó, tuy là những người gánh vác các công việc của giáo xứ, nhưng các vị không có chủ quyền điều hành, quản lý, vì tất cả do chính quyền chi phối, theo dõi, kiểm soát. Việc bầu Ban Hành giáo bị khống chế khắt khe, nên thường là không được bầu một cách công khai, đôi khi là do Bề Trên chỉ định. Ngay cả vào thời Cha Antôn Đoàn Minh Hải quản nhiệm giáo xứ, tức là vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, việc bầu Ban Hành giáo gồm cụ trương Viện, cụ trương Huyến và cụ trương Bằng phải tiến hành tại nhà cơm Tòa Giám mục.

Cụ chánh trương đương nhiệm là cụ Giuse Đỗ Văn Bằng và các cụ phó trương Giuse Đỗ Văn Phấn và Phanxicô X. Đỗ Văn Quận.

Những Người Con Của Mẹ Trì Chính

Giáo xứ Trì Chính tự hào là nơi xuất thân của nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ. Đặc biệt, tuy là giáo họ gián tòng, nhưng giáo họ Kiến Thái vinh dự là quê hương của Đức Cha Gioan Maria Phan Đình Phùng (1891-1944), vị giám mục đầu tiên xuất thân từ quê hương Phát Diệm. Trong số các Đấng bậc xuất thân từ Trì Chính, nhiều vị đã qua đời:

Đức Cha Gioan M. Phan Đình Phùng
Cha Giuse Thịnh
Cha Phêrô Kỳ con cố Luân
Cha Giuse Hiến con cố Sâm
Cha Giuse Phụng con cố Lãm
Cha Phêrô Khoát, con cố Tiếp
Cha Giuse Bình con cố Nhã
Antôn Phán con cố Lý
Cha Giuse Báu
Cha Lâm.

Hiện nay nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ gốc Trì Chính đang phục vụ tại một số giáo phận trong nước, một số vị ở nước ngoài:
Cha Phêrô Trần Văn Hòa, hiện nay đang giảng dạy tại Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội.

Cha Laurensô Phạm Hân Quynh, nguyên Cha Chính giáo phận Hải Phòng, hiện nay coi sóc ba giáo xứ của giáo phận Hải Phòng: Xuân Hòa, Đông Xuyên, Tiên Đôi.
Cha Giuse Thanh, giáo phận Đà Lạt

Các Cha Giuse Quyết, Giuse Hùng, Phêrô Chinh, Giuse Vịnh, Giuse Chiểu hiện đang phục vụ tại giáo phận Sài Gòn.
Thày Polycapô Đỗ Minh Cường, tu sĩ dòng Xitô tại Bà Rịa.

Nữ tu Maria Phan Thị Mai, Bề trên đương nhiệm, Tổng Phụ trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm

Các nữ tu Maria Sao, Maria Thắng, Maria Thêm, Maria Tuất, Maria Hồng, Maria Tươi, Têrêxa Dung, Têrêxa Láng, Maria Lụa hiện đang tu tại Mến Thánh Giá Phát Diệm.

Ngoài ra, còn nhiều chị em gốc Trì Chính đang sống đời thánh hiến tại nhiều dòng tu khác ở miền Nam.

“Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14)
Linh mục Laurensô Phạm Hân Quynh, người con riêng của Chúa !

Gọi Cha như thế, vì Cha có dáng diệu, gương mặt và trí tuệ rất “Do Thái”! Trước khi gia nhập Đạo, tôi có định kiến Cha là người “phản động”, người ta đã quản chế Cha từ năm 1960 đến năm 1989 Cha mới được tự do. Sau 4 năm lấy chồng, lần đầu tiên xưng tội, quỳ dưới Toà Giải Tội tôi bàng hoàng trước lời khuyên nhủ của Cha “Tại sao có con số 1, tại sao hình của con số 1 không được viết như hình con số 2, tại sao 1 cộng 1 lại bằng 2 mà không phải bằng 3 hay 4. Chúng ta đâu giải thích được tận cùng ! Thế mà nó là cơ sở cho mọi công trình toán học hiện đại sau này. Vấn đề của con người đặt ra chúng ta còn chưa chứng minh được huống chi con muốn chứng minh có Chúa rồi mới theo Đạo. Con cứ về, cứ sống tâm tình với Chúa, một ngày nào đó con sẽ hiểu ! Cha đã dùng kiến thức của đứa trẻ bắt đầu đi học để cắt nghĩa cho một giáo viên đã tốt nghiệp đại học !...

Gặp Cha gần đây, lần nào tôi cũng khóc. Tôi đã tìm thấy Chúa, tôi vẫn đang tìm thấy Chúa qua hình ảnh người Cha bị liệt ngồi trên xe lăn dạy giáo lý. Có lẽ Chúa muốn Cha trải nghiệm cùng Chúa hết con đường Thập giá mà Cha dâng hiến đi theo. Tôi đã tìm thấy Chúa qua mấy chục đầu sách Cha viết, tôi tìm thấy Chúa qua những năm tháng Cha hoá mình thành chông gai bảo vệ Giáo hội, tôi tìm thấy Chúa qua các công trình đức tin trên quê hương tôi, cả những việc Cha không muốn nhưng Chúa muốn Cha làm. Con đường của Chúa Cha luôn tin tưởng. Giáo Hội Cha tuyệt đối trung thành. Suốt cuộc đời, thánh giá gánh nặng trên vai, Cha vẫn mỉm cười trong hy vọng, dẫn dắt đoàn con bước đi trong hoàn cảnh mới của xã hội và Giáo hội hôm nay. Cha là thế, là linh mục ai cũng tin, cũng yêu, cũng dấn thân phục vụ. Cha là thế, rất riêng - người con riêng của Chúa.
Thạc sĩ Maria Vũ Thị Chuyên
Giáo xứ Tử Đạo, Hải Phòng
 
Thông Báo
Xem VietCatholic với màn hình độ phân giải thấp
VietCatholic Network
16:32 12/12/2008
Bước 1: Nhấn mouse bên phải, chọn menu Properties
Bước 2: Chỉnh Screen resolution
Bước 3: Chỉnh DPI Settings (nếu cần)
Bước 4: Chỉnh Screen refresh rate (nếu cần)
Việc thiết kế trang Web “nhà đạo” có những yêu cầu mỹ thuật đặc biệt đòi hỏi phải rộng rãi, thanh thoát không thể túm tụm lại như các Web site “thương mại”..Chúng tôi đã thử nhiều lần với độ phân giải thấp 800 x 600 nhưng đều thất bại vì nhìn rất “tối tăm”. Thành ra, các chương trình trên VietCatholic đều được thiết kế với độ phân giải tối thiểu là 1024 x 768. Nói cách khác, nếu máy của quý cha và anh chị em có độ phân giải 800 x 600 thì quý cha và anh chị em có thể không thấy hết các phần trên một trang Web của VietCatholic.

Đầu năm 2004, chúng tôi thống kê thì thấy khoảng 28% độc giả vào xem các trang của VietCatholic dùng máy với độ phân giải thấp (800 x 600). Lý do vì mắt kém, máy yếu, card màn hình không cho phép cài đặt cao hơn...

Thời gian gần đây, chúng tôi làm lại thống kê đó thì thấy con số đã sụt giảm rất nhiều, chỉ còn không quá 5%.

Tuy nhiên, dù chỉ có 1% quý vị độc giả trong trường hợp nói trên, chúng tôi cũng vẫn phải thảo chương đặc biệt cho quý vị ấy.

Khi quý vị độc giả nối vào VietCatholic, chương trình sẽ xem thử độ phân giải trên máy quý vị và nếu độ phân giải quá thấp, chương trình sẽ tự động chuyển sang một chương trình khác đơn giản hơn để quý vị có thể xem được. Nhưng trong trường hợp đó, quý vị chỉ xem được trang News. Tất cả những chương trình khác như Bài Giảng, Lịch Phụng Vụ, Thánh Kinh … quý vị không thể xem được.

Quý cha và anh chị em có thể biết độ phân giải của màn hình đang dùng bằng đóng hết tất cả các chương trình đang vận hành để thấy Desktop. Nhấn nút bên phải của con mouse (right-click) trên desktop, và chọn menu Properties, sau đó nhấn vào tab Settings. Trong hình sau độ phân giải là 1280 x 1024.

Nếu thấy độ phân giải là 800 x 600 quý cha và anh chị em thử cố nâng lên bằng cách kéo mũi tên trong phần Screen Resolution lên 1024 x 768. Nếu máy không chấp nhận thì đành chịu (máy cũ lắm mới bị tình trạng này).

Nếu máy chấp nhận nhưng quý cha và anh chị em cảm thấy chữ nhỏ quá, khó coi thì có thể nhấn vào nút Advanced rồi chỉnh lại DPI Settings như trong hình sau. Làm như thế chữ vẫn lớn để xem được mà độ phân giải lại cao.

Nếu thấy chữ hay hình ảnh trên màn hình khó coi thì xin điều chỉnh Screen Refresh Rate như trong hình sau. Chúng ta cần phải thử nhiều giá trị khác nhau cho đến khi ưng ý.
 
Văn Hóa
Lời Tôi Hát
Nguyễn Vọng Sinh
18:16 12/12/2008

Lời Tôi Hát



Kính tặng Nhạc Sư Phạm Đức Huyến và các Ca Đoàn

“Lậy Chúa Trời xin mở miệng tôi!

cho tôi vang tiếng Ngợi Khen Người”!


  • Người đã cho tôi đến giữa cuộc đời
  • Giữa bầu trời muôn nắng ấm đẹp tươi
  • Giữa thiên nhiên muôn màu muôn sắc
  • Giữa Yêu Thương ấm áp Tình Người.


  • Người đã cho tôi Mái Ấm tuyệt vời
  • Vườn Yêu Thương ươm lớn Trái Tim tôi.
  • Lời ru hát thấm vào Hồn nhỏ bé
  • Mọc Cây Yêu nở Hoa Thương cho đời.


  • Người đã cho tôi Tim Nóng Máu Hồng tươi
  • Bầu nhiệt huyết sục sôi kiếp người.
  • Mong đóng góp cho đời thêm đẹp mãi
  • Cho Yêu Thương lan tỏa khắp nơi nơi.


  • Người đã cho tôi đôi mắt sáng ngời
  • Để nhìn xem Trời Đất nơi nơi,
  • Để thấy rõ tình người…muôn lối…!
  • Để thấy Tay Chúa dẫn dắt cuộc đời.


  • Người đã cho tôi đôi chân đi khắp nơi
  • Đôi tay vạm vỡ ôm cuộc đời.
  • Mong chung xây một Thế Giới Mới
  • Nối vòng tay lớn nối Tình Người.


  • “Người đã cho tôi Tiếng Nói Tuyệt Vời!
  • Âm thanh chơi vơi ru hồn phơi phới”.
  • Lậy Chúa Trời xin mở miệng tôi!
  • Cho tôi Vang Hát Tạ Ơn Người.


  • Lời Tôi Hát xin được dâng cao mãi!
  • Như sóng trào cuồn cuộn lút Trời Cao.
  • Như mây ngàn bay về Trời Cao vút!
  • Như Hương Thơm nghi ngút trước Nhan Ngài.


  • Lời Tôi Hát vang lên giữa ban mai
  • Lúc Vũ Trụ còn miệt mài giấc ngủ.
  • Dậy đi thôi! Hoa đồng cỏ nội!
  • Muôn chim ơi! Mau Vang Hát cùng tôi!


  • Lời Tôi Hát vang lên khi trời tối
  • Gọi Hoàng Hôn về phủ kín trần đời.
  • Cho qua đi ngày lận đận chơi vơi!
  • Hồn say giấc Bình Yên ngơi nghỉ.


  • Lời Tôi Hát mãi vang lên liên lỉ
  • Ca Lên Đi! Ca Khen Ngợi Tạ Ơn.
  • Ca Lên Đi! Những khi vui khi buồn
  • Lời Tôi Hát muôn đời Xin Dâng Chúa.


Vọng-Sinh.

Ca đoàn Chúng Sinh với Ca đoàn Thiên Đình!

Mau Hát Lên Đi! Kính Thờ Chúa Cực Linh.!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tắm Gội Trong Nguồn Ánh Sáng
Lm. Trần Cao Tường
00:01 12/12/2008

Tắm Gội Trong Nguồn Ánh Sáng



Ảnh của Cao Tường

Tình thơm tho như ngấn lệ còn nguyên

Ta ước ao đầu đội mũ triều thiên

Và tắm gội ở trong nguồn ánh sáng.

Ca những điệu ngọc vàng cao sang sảng.

(Trích thơ Hàn Mặc Tử, Ngoài Vũ Trụ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đồng Xanh Xóm Đạo
Sen K.
06:16 12/12/2008

ĐỒNG XANH XÓM ĐẠO



Ảnh của Sen K. – Philippines

Xin cho Con Dân Nước Việt Nam

Được qua khỏi cơn gian nan khốn khó.

Cho Quê Hương mãi có Tự Do

Cho Con Dân cơm no áo ấm

Cho Niềm Tin không còn ai ngăn cấm…

(Trích thơ Vọng Sinh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền