Ngày 12-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vậy chúng tôi phải làm gì?
Lm. Minh Anh
00:49 12/12/2021

HỌC CÁCH VUI MỪNG
“Vậy chúng tôi phải làm gì?”.

Một ông già rất hạnh phúc được hỏi, điều gì có thể cướp đi niềm vui lớn nhất trong cuộc đời ông. Ông nhanh nhẩu trả lời, “Những điều chưa bao giờ xảy ra! Vì tôi luôn luôn ‘học cách vui mừng!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Vì tôi luôn luôn ‘học cách vui mừng!’”. Thật ý nghĩa, câu trả lời của cụ già tốt lành! Mùa Vọng, mùa của hy vọng, của niềm vui; cũng là mùa ‘học cách vui mừng’, đang khi chúng ta chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh, bằng một kinh nghiệm thực sự về việc đổi mới tâm hồn. Vì thế, ngay giữa Mùa Vọng, Giáo Hội không thể kiềm chế việc ‘mừng sớm’ niềm vui phở lỡ của ngày đại lễ, có thể nói như thế, dù vắn vỏi. Bởi đó, Chúa Nhật hôm nay được gọi là “Chúa Nhật Gaudete”, “Hãy vui lên!”.

Thánh Lễ hôm nay tràn ngập hân hoan, ngay cả ‘màu tím đợi chờ’ của lễ phục cũng được chuyển sang ‘sắc hồng tươi vui’. Từ ca nhập lễ cho đến các bài đọc, tất cả toát lên một niềm hỷ hoan phấn khởi. Ngôn sứ Sôphônia trong bài đọc thứ nhất gióng tiếng, “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn!”; Thánh Vịnh đáp ca cũng phớn phở, “Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của Israel thật cao cả!”; thánh Phaolô trong bài đọc hai cũng không giấu được cảm xúc nức lòng, “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên!”.

Thật ra, niềm vui phải là tâm trạng căn bản của những con cái Chúa! Nó không phải là một cái gì giả tạo hay gượng ép, nhưng là một điều gì đó bộc phát tự nhiên từ bên trong; từ sự chia sẻ với Chúa Kitô về tầm nhìn và cuộc sống của Ngài. Niềm vui lẽ ra là kinh nghiệm bình thường của những người con Chúa; thế nhưng, có khá nhiều người không may, họ không có kinh nghiệm hoặc xác tín đó. Đôi khi người ta có ấn tượng rằng, niềm vui không phải là kinh nghiệm của nhiều Kitô hữu. Cách nào đó, họ tin rằng, tôn giáo là một bổn phận khá khắt khe; rằng, một người sẽ không sống một đời Kitô hữu tốt lành trừ khi họ phải hy sinh điều này, từ bỏ điều kia; nghĩa là họ phải từ bỏ nhiều niềm vui có sẵn cho những người ngoại đạo. Dường như họ nghĩ rằng, trở thành Kitô hữu nghĩa là chỉ sống ‘nửa đời người’, và điều đó như là giá phải trả cho một cuộc đời tốt đẹp!

Không đâu, suy nghĩ như thế là một đáng tiếc lớn lao! Bởi lẽ, toàn bộ mục đích của việc Chúa Giêsu xuống thế là mang đến tự do, niềm vui và bình an cho mọi người, không chỉ ở tương lai nhưng ‘ở đây và lúc này’. Không ai tự do hơn người Kitô hữu; họ đi theo Chúa Kitô không phải để khổ đau, nhưng để sống trong niềm vui. Tôi không phải là một người Công Giáo vì tôi phải như vậy; tôi là một người Công Giáo bởi tôi không thể tưởng tượng tôi sẽ là một người nào khác. Với thánh Phêrô, chúng ta xác tín, “Chúng con sẽ đi với ai? Chỉ Thầy mới có lời ban sự sống đời đời!”.

Thế nhưng, điều này là có thật. Niềm vui của Kitô hữu sẽ không dễ dàng có được nếu chúng ta không biết ‘học cách vui mừng’. Nghĩa là học nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày, đi con đường Ngài đi, tuyệt đối làm vui lòng Chúa Cha trong vâng phục, yêu thương và phục vụ theo những lối hẹp của Tin Mừng, Bát Phúc. Đó là niềm vui được biến đổi, một niềm vui thiên quốc của con cái Chúa.

Anh Chị em,

“Vậy chúng tôi phải làm gì?”. Những người Do Thái trong Tin Mừng hôm nay đã hỏi Gioan như thế. Mùa Vọng, mùa chúng ta ‘học cách vui mừng’ bằng việc tự đặt câu hỏi ấy cho mình. Chúa Thánh Thần sẽ cho mỗi người biết câu trả lời; có thể Ngài cũng nói những lời tương tự như Gioan đã nói, “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy!”; “Đừng đòi gì quá mức ấn định!”; “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai!”. Và chỉ có Chúa Thánh Thần mới có những câu trả lời chính xác, cấp thiết cho linh hồn mỗi người! Bên cạnh đó, với tư cách là Kitô hữu, dù là giáo dân, tu sĩ hay linh mục… chúng ta hãy giúp cho người khác ‘học cách vui mừng’, đưa họ đến với sự hoán cải chân chính, một cuộc hoán cải vốn biến đổi họ trong Chúa Giêsu, và điều này sẽ mang lại niềm vui thực sự trong cuộc sống của họ và cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin dạy con ‘học cách vui mừng’ trong những ngày Mùa Vọng này; vì chỉ có Ngài mới biết con cần phải làm gì để có được một niềm vui đích thực cho linh hồn con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 13/12: Sống khiêm tốn để được cứu độ. Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
03:37 12/12/2021

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Đức Giê-su đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ Còn nếu mình nói: ‘Do người ta’, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ.” Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

Đó là lời Chúa
 
Xin Đừng Cứng Lòng Nữa
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:52 12/12/2021
Xin Đừng Cứng Lòng Nữa

(Thứ Ba sau Chúa Nhật III Mùa Vọng – Mt 21,28-32)

Sau khi kể câu chuyện dụ ngôn về hai người con, Chúa Giêsu đã hỏi thính giả hôm ấy, chủ yếu là Thượng Tế và Kỳ lão rằng ai trong hai người con đã làm đẹp lòng cha mình. Dĩ nhiên họ dễ dàng trả lời đó là người con thứ nhất dù trước đó không nghe lời cha nhưng sau lại hối hận mà đi làm theo ý cha mình. Còn người con thứ hai thì miệng môi nói lời vâng vâng, dạ dạ, nhưng lại không thực hiện ý của cha thì cũng bằng không và thật đáng trách (x.Mt 21,28-31).

Chúa Giêsu kể câu chuyện dụ ngôn này là vì thái độ cố chấp trước chân lý của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, Người đã làm việc thanh tẩy Đền thờ. “Người xua đuổi tất cả những người đang mua bán trong Đền thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô đổ ghế của những người bán chim câu. Rồi Người bảo họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Mt 21,12-13).

Khi các Thượng tế và kỳ lão cật vấn Chúa Giêsu lấy quyền gì mà làm những việc đó, Người đưa ra cho họ một câu hỏi nếu họ trả lời được thì Người sẽ cho họ biết Người lấy quyền gì mà thanh tẩy Đền thờ. Câu hỏi ấy như sau: “Phép rửa của Gioan là bởi Trời hay bởi người ta?” Tin Mừng tường thuật rõ thái độ cứng lòng của số lãnh đạo cao cấp này. Câu trả lời: “Chúng tôi không biết” của họ khởi đi từ sự tính toán cân nhắc thiệt hơn. Một sự cố tình cứng lòng trước chân lý quả thật đáng quy trách nhiệm. Và Chúa Giêsu đã khẳng định rõ điều này: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31). Nhiều chuyên gia Kinh Thánh cho chúng ta biết hạn từ “trước” trong câu khẳng định của Chúa Giêsu có nghĩa là thay thế.

Dù tội lỗi công khai như nhiều người bán thân nuôi miệng hoặc nhiều người thu thuế làm tay sai cho đế quốc, chèn ép dân chúng bằng sưu cao thuế nặng, nhưng họ đã mở lòng ra trước chân lý qua lời rao giảng của Gioan để rồi thay đổi thì họ sẽ vào Nước Thiên Chúa thế chỗ của nhiều người xem ra đức cao, vị trọng mà cứng lòng. “Mọi thứ tội đều có thể được tha ngoại trừ tội phạm đến Thánh Thần” là sự cố tình cứng lòng trước chân lý (x.Mt 12,32). Có đó nhiều hình thức và nguyên nhân của sự cứng lòng trước chân lý, tuy nhiên cần lưu ý một vài hình thức cứng lòng nhiều khi chúng ta dễ bỏ qua như sau:

-Không chân thành nhìn nhận điều đúng, lẽ phải khi chúng khởi đi từ những người thuộc quyền, thấp cổ, bé phận, những người khác chính kiến thậm chí khác “chiến tuyến” của chúng ta. Sợ rằng mình sẽ bị hạ phẩm giá, mất uy thế, chúng ta có thể phớt lờ trước lời chân lý của những hạng người này. Thậm chí rất có thể dùng uy quyền hay đủ cách thế để xuyên tạc như trường hợp nhiều người Pharisêu đã xuyên tạc rằng Chúa Giêsu dựa thế quỷ vương Bêendêbút mà trừ quỷ (x.Mc 3,22-30).

-Thiếu khiêm nhu nhìn nhận điều sai, việc lỗi của bản thân mình. Dù rằng bản thân cũng nhận biết mình thiếu sót, lỗi lầm và cả sai trái nhưng vẫn quanh co lấp liếm. Trong trường hợp này người ta thường dùng vai vị, uy quyền của mình để “cả vú lấp miệng em”, lôi kéo số đông dân chúng vốn “đơn sơ chất phác” về phía mình.

Thỉnh thoảng cũng nên chân thành tự chất vấn rằng những ai sẽ vào Nước Thiên Chúa thế chỗ của tôi? Hôm nay, nếu các người nghe tiếng Người (Lời Chân Lý), đừng cứng lòng nữa!

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:33 12/12/2021

11. Khi tình dục của con phản loạn thì con nên phản kháng, khi chúng nó tiến quân thì con phải chiến đấu với chúng nó, khi chúng nó tập kích con thì con cũng nên phản kích, tiên vàn phải đề phòng cẩn thận không để cho chúng nó chiến thắng.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:38 12/12/2021
36. TRONG BỤNG CÓ MĂNG

Có một vị khách nói với chủ nhà:

- “Tôi nghe nói, nơi chỗ ở không thể không có tre, chỗ ở của ngài sao lại không có tre?”

Chủ nhà nói:

- “Trong bụng tôi có tre, không cần phải trồng”.

Người khách rất lấy làm kỳ quái, hỏi:

- “Trong bụng anh làm sao lại có tre được?”

Chủ nhà đáp:

- “Ngài không nghe nói qua sao? Người xưa có một bài thơ nói: “Thức ăn thanh bần thèm (là) có được, Vị Xuyên ngàn mẫu ở trong bụng”.

Người khách cười lớn nói:

- “Cái người ta nói đó là măng”.

Chủ nhà trả lời:

- “Thì đúng rồi, không có măng thì làm gì có tre !”

(Khán Sơn Các Nhàn bút)

Suy tư 36:

Cây măng có ý nghĩa giáo dục quan trọng hơn là: muốn uốn cong uốn thẳng tùy ý con người mà không sợ gãy như uốn cây tre già.

Trẻ con thì giống như búp măng non, đẹp và dễ thương, tâm hồn đơn sơ, muốn uốn cong uốn thẳng gì cũng dễ, tức là muốn dạy nó nên tốt nên xấu gì cũng dễ.

Có những ông cha bà mẹ cứ chửi nhau trước mặt con nhỏ của mình, thì chẳng khác gì lấy con dao nhọn khắc chữ “học chửi” trong tâm hồn chúng nó; có những người lớn nói chuyện tục tỉu với nhau cách vô tư trước mặt con nít, giống như cầm mực tàu viết vào trong tâm hồn chúng nó mấy chữ “học làm người mất dạy”…

Phải có măng mới có tre, nhưng măng xấu thì cây tre cũng xấu, măng mọc nghiêng thì cây tre cũng nghiêng, măng mọc thẳng thì cây tre sẽ thẳng đứng.

Thiên Chúa sẽ xử phạt nặng nề cho những ai nên cớ vấp phạm cho trẻ nhỏ.

Người lớn, hãy cẩn thận !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đấng Phải Đến
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
20:26 12/12/2021
Đấng Phải Đến

(Thứ Tư sau Chúa Nhật III Mùa Vọng – Lc 7,19-23)

Câu chuyện thánh Gioan Tẩy Giả sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác” (Lc 7,20) đã khiến nhiều người mộ mến thánh nhân thấy “khó chấp nhận” nên tìm cách giải thích theo hướng tích cực, với ý ngay lành. Họ không thể nào nhìn nhận việc một đại ngôn sứ như Gioan vốn đã từng giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian cho dân chúng mà nay lại nghi ngờ (x.Ga 1,29). Vì thế họ cho rằng khi sai hai môn đệ đi hỏi Chúa Giêsu là Gioan có ý qua đó để củng cố đức tin cho các môn đệ. Đây là một lối giải thích xem ra hữu tình theo cái nhìn tu đức, tuy nhiên dường như nó không hữu lý trong bối cảnh mà Tin Mừng tường thuật và nhất là qua câu trả lời của Chúa Giêsu: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7,22-23).

Trước đó, một lần khi vào Hội đường người ta trao cho Chúa Giêsu Sách Thánh và Người đã mở ra gặp ngay đoạn Sách ngôn sứ Isaia: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Sau khi đọc sách thì Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (x.Lc 4,16-22). Chúng ta phải ngạc nhiên vì sao khi trả lời cho các môn đệ Gioan thì Chúa Giêsu lại bỏ qua các chi tiết “giải thoát kẻ bị giam cầm, trả tự do cho người bị áp bức”.

Đây có thể là nguyên nhân khiến Gioan Tẩy Giả cách nào đó bị thử thách đức tin. Can đảm vạch trần sự sa đọa, loạn luân của vua Hêrôđê, thánh nhân đã bị giam cầm cách bất công. Trong ngục tối lâu ngày, lòng ngài hẳn khát mong Đấng Thiên Sai sẽ làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia giải thoát mình khỏi cảnh cùm gông, ngục tù. Thế mà sao Người vẫn chưa ra tay, hay là Người chưa hẳn là Đấng phải đến? Hành trình đức tin luôn có đó nhiều khoảng tăm tối. Phận lữ hành là thế. Ngay cả Con Thiên Chúa làm người phút giây hấp hối trên thập giá cũng đã từng trải qua: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34).

Đường lối của Thiên Chúa nào ai suy thấu. Đến thế gian này, sứ mạng của Đức Kitô là giải thoát nhân loại ra khỏi cùm gông, ngục tù của thần dữ. Tin rằng rồi có lúc thánh Gioan Tẩy Giả sẽ hiểu dù mình thân ở trong ngục nhưng vẫn thực sự tự do vì đã can đảm sống và công bố sự thật. Sự thật đã giải thoát ông (x.Ga 8,32). Chính Hêrôđê mới là người cần được giải thoát khỏi gông cùm nô lệ, vì ông đang là tù nhân của sự trụy lạc và gian ác.

Chúng ta thích Đấng Thiên Sai đến thực hiện công trình cứu độ theo cách thế của mình. Thế nhưng đã là Đấng Thiên Sai thì phải thực thi sứ vụ theo cách của Đấng sai Người. Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần xao xuyến và đổ mồ hôi pha lẫn máu trong vườn dầu để có thể thân thưa với Cha trên trời: “Lạy Cha, nếu có thể thì xin cất khỏi con chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (x. Lc 22,41-44).

Khi nói với các môn đệ mà Gioan sai đến: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” chắc hẳn Chúa Giêsu hiểu rằng sẽ có đó nhiều người vấp ngã vì cách thế cứu độ mà Người chọn theo ý Cha trên trời. Người hiểu vì đó là phận phàm hèn và Người không bao giờ bỏ rơi họ. Chúng ta tin rằng có lẽ chỉ mình Mẹ Maria mới được cái phúc này với thế dáng đứng thẳng dưới chân thập giá (x.Ga 19,25-27). Cả tập thể nhóm Mười Hai đều đã vấp ngã như lời Chúa Giêsu tiên báo trong đêm Tiệc Ly: “Đêm nay, tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy” (Mt 26,31). Tuy nhiên Người đã luôn hiện diện bên họ để yêu thương, che chở và giúp họ chỗi dậy.

Đêm tối đức tin là lẽ thường tình của kiếp nhân sinh. Nhận ra hiện thực này mong sao chúng ta biết đồng cảm với nhau hơn trong mọi trạng huống cuộc đời, nhất là nhưng khi vấp ngã. Chúa Kitô mãi hiện diện và đồng hành với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). “Ơn của Người luôn đủ cho chúng ta” (x.2Cr 12,9). Hãy biết giúp nhau thêm xác tín rằng chúng ta không bao giờ lẽ loi, đơn côi một mình để rồi lại chỗi dậy sau những lần vấp ngã, “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước”(x.Pl 3,13).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Los Angeles, San Diego bày tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ Guadalupe với những đám rước, và Thánh lễ sau nhiều năm bị gián đoạn
Đặng Tự Do
06:08 12/12/2021


Hôm Chúa Nhật vừa qua, Tổng Giáo Phận Los Angeles đã tổ chức cuộc rước hàng năm lần thứ 90 và thánh lễ ngoài trời tôn vinh Đức Mẹ Guadalupe. Cuộc rước kiệu này là truyền thống tôn giáo lâu đời nhất ở Los Angeles, được thành lập bởi những người Công Giáo chạy trốn sự đàn áp của chính phủ Mễ Tây Cơ trong cuộc Chiến tranh Cristero năm 1931.

“Thật vui khi được gặp gỡ anh chị em trong năm nay để kỷ niệm Đức Mẹ Guadalupe,” Đức Tổng Giám Mục Los Angeles José Gomez cho biết trong một thông cáo.

Sự kiện năm nay là một phần của Năm Thánh của tổng giáo phận, “Tiến lên trong việc Truyền giáo”, kỷ niệm 250 năm đức tin Công Giáo đến với khu vực.

“Chúng tôi tập trung ở đây với mong muốn 'luôn hướng về phía trước và đoàn kết trong sứ mệnh và hy vọng', đó là chủ đề của cuộc rước kiệu của chúng tôi năm nay, và như anh chị em biết, đó là một năm lịch sử,” Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.

Năm học sinh của East Los Angeles từ Trường Trung học Bishop Mora Salesian đã khởi đầu cuộc rước bằng một cuộc chạy tiếp sức dài 6 dặm và rước đuốc Guadalupano từ cứ điểm truyền giáo San Gabriel đến Sân vận động Trường Cao đẳng Đông Los Angeles, nơi Thánh lễ được tổ chức.

Cuộc rước bao gồm các nhạc công, vũ công Aztec và nhiều chiếc kiệu đầy màu sắc tôn vinh Đức Mẹ Guadalupe, Đấng đã là biểu tượng của “hy vọng, lòng trắc ẩn, sự hiệp nhất và tình yêu thương” trong suốt một năm khó khăn, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.

“Hình ảnh của Mẹ là biểu tượng của sự thống nhất, hòa bình, lòng trắc ẩn và hy vọng cho mọi người trên khắp thế giới,” Tổng giáo phận Los Angeles cho biết trong một tuyên bố.

Cuộc rước và Thánh lễ kỷ niệm 490 năm Đức Mẹ Guadalupe hiện ra, và đánh dấu đỉnh cao của cuộc hành hương kéo dài nhiều tháng với các hình ảnh của Đức Mẹ Guadalupe và Thánh Juan Diego khắp Los Angeles. Hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe được rước trong cuộc rước kiệu này là bản sao kỹ thuật số chính xác hình ảnh gốc ở Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe của Thành phố Mễ Tây Cơ, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II làm phép.

“Bất cứ khi nào tôi hiện diện trước hình ảnh của Đức Mẹ Guadalupe, tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ được yêu thương,” Đức Tổng Giám Mục José Gomez nói trên Twitter khi chuẩn bị cho sự kiện này. “Khi có sự hiện diện của Đức Mẹ, bạn có thể cảm nhận được sự ấm áp từ đôi mắt dịu dàng của Mẹ đang nhìn xuống bạn. Đó là một cảm giác mạnh mẽ - một cảm giác đẹp đẽ khi được bảo vệ”.

Năm ngoái, một số lượng hạn chế người tham gia chỉ có thể tham gia vào cuộc rước kiệu bằng xe hơi do đại dịch COVID-19.

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã cầu nguyện cho sự kết thúc của đại dịch trong sự kiện năm nay.

“Đặc biệt là trong ngày hôm nay, chúng ta hãy dâng lên lời cầu nguyện cho sự kết thúc của đại dịch,” Do Thái Giáo Gomez nói bằng tiếng Tây Ban Nha trong lễ kỷ niệm song ngữ. “Chúng ta dành những lời cầu nguyện đặc biệt cho phần rỗi đời đời của những người đã qua đời, cũng như những người bị bệnh và những người giúp đỡ họ.”

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Gomez cũng kêu gọi các tín hữu tiếp tục theo Chúa Giêsu.

Ngài nói: “Chúng ta cần ngày càng gia tăng tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu, sự hiểu biết về những gì Thiên Chúa muốn trong cuộc sống của chúng ta, với ước muốn làm theo thánh ý Ngài”.

Giáo phận San Diego cũng đã cử hành Lễ Đức Mẹ Guadalupe bằng một cuộc rước và Thánh lễ vào hôm Chúa Nhật. Giám Mục Phụ Tá Ramón Bejarano đã tham gia vào cuộc rước và cử hành Thánh lễ song ngữ, được tổ chức trong phòng tập thể dục tại Trường Trung học Thánh Augustinô.

Aida Bustos, Giám đốc Văn phòng Truyền thông của Giáo phận San Diego, cho biết: “Chúng tôi ước tính rằng khoảng 1,000 tín hữu sẽ tham gia vào cuộc rước của chúng tôi, nhưng gần 2,000 người đã tham dự Thánh lễ, một trong những con số đông nhất trong những năm gần đây”.

Năm ngoái, Thánh lễ San Diego được tổ chức bên ngoài với số lượng người tham dự hạn chế do đại dịch, và không có đám rước nào diễn ra. Theo một báo cáo, năm nay, lễ kỷ niệm ở San Diego có sự tham gia của 32 tổ chức và giáo xứ Công Giáo trong khu vực, cùng với các ban nhạc và vũ công mariachi.

Sau thánh lễ, giáo phận tổ chức lễ tưởng nhớ cựu Giám Mục Phụ Tá Gilbert Chavez, qua đời vào tháng 3 năm 2020. Đức Cha Chavez là người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ thứ hai được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá tại Hoa Kỳ
Source:Catholic News Agency
 
Doanh nhân bị buộc tội tống tiền Vatican sắp bị dẫn độ
Đặng Tự Do
06:09 12/12/2021


Một doanh nhân bị cáo buộc tống tiền các quan chức Vatican trong quá trình mua một tài sản có giá trị ở London sẽ bị đưa về Ý để đối mặt với cáo buộc hình sự, một thẩm phán Anh đã đưa ra phán quyết trên.

Gianluigi Torzi, 42 tuổi, bị nhà chức trách Ý truy nã về tội lừa đảo và rửa tiền. Doanh nhân này bị cáo buộc đã âm mưu lừa đảo Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh liên quan đến việc mua bất động sản ở London vào năm 2018.

Các luật sư của Torzi đã lập luận rằng anh ta có nguy cơ gặp nguy hiểm gấp đôi nếu trở về Ý và có thể phải đối mặt với phiên tòa về những vấn đề tương tự hai lần. Ông khẳng định các nhà chức trách Ý đã bị lừa bởi những người đồng cấp ở Vatican.

Torzi sẽ vẫn được tại ngoại và các luật sư của anh ta cho biết họ sẽ kháng cáo.

Tổng cộng, Vatican đã chi khoảng 350 triệu euro, tức là khoảng 396 triệu Mỹ Kim, để mua lại khu bất động sản sang trọng và thanh toán các khoản phí, theo một phán quyết vào tháng Ba. Chỉ sáu năm trước đó, tòa nhà ở vùng Chelsea này đã được mua với giá 129 triệu bảng Anh, tức là 151 triệu euro. Như thế, những người bán đã kiếm được từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gần 200 triệu euro. Tòa Thánh đang định bán lại toà nhà này, lỗ ít nhất 100 triệu euro.

Phiên tòa xét xử Vatican về vụ mua tòa nhà ở số 60 Sloane st. hiện đang được tạm hoãn, sau khi thẩm phán cho rằng công tố viên đã bỏ qua một số bước thủ tục. Công tố viên hiện đang tiến hành các cuộc điều tra thêm và cuối cùng dự kiến sẽ bắt đầu lại các cáo buộc.

Ban đầu được phát triển như một phòng trưng bày xe hơi cho công ty Harrods, tòa nhà có diện tích hơn 170,000 feet vuông, tức là 16,000 mét vuông gồm các văn phòng và không gian bán lẻ với mặt tiền bằng đất nung tân cổ điển.
Source:Bloomberg
 
Những người cực đoan đã tấn công trường Công Giáo ở Ấn Độ
Đặng Tự Do
06:09 12/12/2021


Một trường học Công Giáo ở Ấn Độ đã bị một nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu tấn công vào ngày 6 tháng 12 sau khi một kênh YouTube cáo buộc nhà trường đã rửa tội cho học sinh theo đạo Hindu.

Vụ việc diễn ra tại trường Thánh Giuse ở Ganj Basoda thuộc bang Madhya Pradesh.

Kênh YouTube “Aayudh” đã sử dụng một bức ảnh vào ngày 31 tháng 10 về các trẻ em Công Giáo tại nhà thờ giáo xứ được rước lễ lần đầu từ Đức Cha, và cáo buộc rằng đó là lễ rửa tội tại trường học cách đó gần 1.6 km.

“Những kẻ côn đồ đã la hét chống lại người Công Giáo cũng như Ban Giám Hiệu nhà trường và cáo buộc đã tiến hành lễ rửa tội cho học sinh của trường. “Họ ném đá vào cửa kính cao phía trước và phá vỡ cửa sổ và đốt cháy một chiếc xe hơi,” cha Maria Stephen, Giám đốc văn phòng Quan hệ Công chúng của giáo phận Madhya Pradesh, cho biết như trên.

Vị linh mục nhấn mạnh rằng Giáo phận Sagar đã thông báo cho cảnh sát về vấn đề này, họ đưa ra lời bảo đảm rằng các cơ sở Công Giáo sẽ được bảo vệ.

“Tuy nhiên, họ đã không ngăn chặn cuộc tấn công,” Cha Stephen nói.

Thầy Antony Pynumkal, thuộc Dòng Anh em Truyền giáo Malabar và là hiệu trưởng của trường, nói với tờ Crux rằng cáo buộc cải đạo là “giả mạo và vô căn cứ.”

Thầy cho biết nhà trường đã nhận được một tuyên bố vào ngày 30 tháng 11 từ các nhóm Hindu địa phương cáo buộc cải đạo học sinh. Ban Giám Hiệu đã lập tức liên lạc với cảnh sát.

Thầy Pynumkal cho biết đám đông gây ra thiệt hại hơn 20,000 Mỹ Kim.

“Trường của chúng tôi có 1500 học sinh, trong đó chỉ có 4 học sinh Công Giáo, khoảng 20 học sinh theo đạo Hồi, và số còn lại thuộc cộng đồng Hindu đa số”.

Đức Tổng Giám Mục Felix Machado, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ, cho biết ngài rất đau buồn vì vụ tấn công.

“Nó làm trái tim tôi đau đớn. Tôi thậm chí không muốn nhắc đến họ thuộc tôn giáo nào. Nhưng băn khoăn rằng họ có phải là con người không? Với tư cách là những công dân Ấn Độ, chúng ta đang sống ở đâu trong thế kỷ 21?”

“Như tôi đã được tường trình, một đám đông 300 người có trang bị đá và thanh sắt đã xông vào khuôn viên trường học khi các kỳ thi đang diễn ra, khi các học sinh lớp 12 đang thi Toán,” Đức Tổng Giám Mục nói.

“Các học sinh và nhân viên nhà trường có mặt trong vụ việc đã chạy thoát trong gang tấc, bất kỳ ai cũng có thể bị thương trong vụ bạo lực kinh hoàng này. Có luật pháp và trật tự ở đất nước thân yêu này của tôi không? Tôi không tranh luận về tôn giáo ở đây; mỗi cuộc sống đều quý giá”.

Madhya Pradesh có hơn 90% là người theo đạo Hindu, và người Công Giáo chỉ chiếm 0.3% dân số, so với 2.3% trên toàn quốc. Tiểu bang gần đây đã thông qua Dự luật gọi là Tự do Tôn giáo, nhưng thực chất đó là luật “chống cải đạo” nhằm ngăn cản những người theo đạo Hindu gia nhập các tôn giáo khác.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu thường cáo buộc những người Công Giáo sử dụng vũ lực và các chiến thuật lén lút để cải đạo, họ thường xông vào các ngôi làng và tiến hành các nghi lễ “cải đạo lại” trong đó những tín hữu Kitô buộc phải thực hiện các nghi lễ của Ấn Giáo.

Những áp lực này đối với các Kitô Hữu, cũng đè nặng lên những người Hồi giáo và các nhóm thiểu số tôn giáo khác, là một phần trong những gì mà các nhà quan sát mô tả là một chương trình rộng rãi nhằm “Ấn Giáo hóa” Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi. Đó là một nỗ lực nhằm áp đặt các giá trị và bản sắc của Ấn Giáo trong khi loại bỏ các niềm tin đối thủ.

Modi là thành viên của Đảng Bharatiya Janata (BJP), là đảng đã cai trị Ấn Độ từ năm 2014. BJP được liên kết với Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), một nhóm theo chủ nghĩa dân tộc Hindu.

Madhya Pradesh - cũng do BJP cai trị - là một trong số các bang ở Ấn Độ ban hành luật chống cải đạo, bất chấp quyền tự do tôn giáo đã được ghi trong hiến pháp của Ấn Độ.

Theo các quy định của luật mới, việc chuyển đổi tôn giáo có thể dẫn đến án tù từ một năm đến năm năm và tiền phạt tối thiểu khoảng 350 đô la. Nếu người cải đạo là trẻ vị thành niên, thì thời hạn tù và tiền phạt có thể tăng gấp đôi.
Source:Crux
 
Đức Thượng phụ Pizzaballa ca ngợi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Síp
Đặng Tự Do
06:10 12/12/2021


Đức Thượng phụ Pizzaballa, chủ chăn của các tín hữu Công Giáo Latinh ở đảo Cipro, nhận định rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, từ ngày 02 đến 04 tháng Mười Hai vừa qua tại đảo này mang lại an ủi và khích lệ cho toàn thể cộng đoàn Công Giáo tại địa phương.

Đức Pizzaballa cũng là chủ chăn của các tín hữu Công Giáo Latinh ở Thánh địa và Vương quốc Giordani. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican ngài nói: “Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Síp thực là một dấu hiệu khích lệ rất tích cực. Những lời của Đức Thánh Cha chống lại những bức tường và chia cách ở Síp cũng rất can đảm”.

Trong huấn từ tại buổi cầu nguyện đại kết với những người di dân tại thủ đô Nicosia của Síp, ngài tố giác những hàng rào kẽm gai và các trại tị nạn. Đức Thượng phụ nói: “Đây là những vết thương còn mở toang và sẽ còn tiếp tục như thế, và rất tiếc chúng ta không có ảo tưởng gì về vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ thật là điều can đảm khi Đức Giáo Hoàng nói lên điều đó. Sự kiện là những hàng rào kẽm gai ấy là một sự lăng mạ đối với nhân loại và thường người ta không nói như vậy. Mỗi chia cắt hoặc mỗi hàng rào là một dấu hiệu sợ hãi, thiếu viễn tượng, thiếu hy vọng và thiếu cái nhìn về tương lai”.
Source:National Catholic Register
 
Bài giảng đầy kịch tính của ĐTGM Michel Aupetit trong thánh lễ chia tay với tổng giáo phận Paris
J.B. Đặng Minh An dịch
06:13 12/12/2021


Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã chủ sự thánh lễ tiễn biệt giáo phận của mình và tạ ơn trong nhà thờ Thánh Xuân Bích (Sulpice) nghẹt người. Hơn 2,000 người đã chen chân trong ngôi thánh đường, trong khi một số đông khác phải chịu đứng ngoài trong cái lạnh giá và gió lớn vào tối 10 tháng Mười Hai. Bên cạnh anh chị em giáo dân Paris, còn có cả những người đến từ các vùng ngoại ô, thậm chí là từ Nanterre nơi Đức Cha Aupetit từng làm giám mục.

Nhiều linh mục và giám mục từ khắp vùng Ile de France, chứ không chỉ trong phạm vi Paris, và những nơi khác, chẳng hạn như Đức Cha Luc Crepy, giám mục Versailles, Đức Cha Antoine de Romanet, giám mục tổng giáo phận Quân đội Pháp, Đức Cha Jean-Yves Riocreux, cựu giám mục của Pontoise và giám mục hiệu tòa của Basse-Terre, Đức Cha Jacques Benoit-Gonnin, giám mục của Beauvais.

Những tràng pháo tay tự phát vang lên, là một điều không bình thường đối với các cử hành phụng vụ ở Pháp, khi đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ. Những tràng pháo tay này gần như không dứt, cho đến khi Đức Tổng Giám Mục Aupetit xoay người lại, ra dấu bằng cách đặt một ngón tay trên môi xin anh chị em đừng vỗ tay nữa.

Đức Cha Georges Pontier, giám quản tông tòa của Paris trong khi chờ Tòa Thánh bổ nhiệm tân giám mục đã chào đón Đức Cha Aupetit.

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit nguyên là một bác sĩ Y khoa, cho đến năm 39 tuổi ngài mới bước vào cuộc sống tu trì. Vì thế, ngài có một kiến thức uyên bác về đạo đức sinh học.

Những sách bán rất chạy của ngài như “La mort, et après? Un prêtre médecin témoigne et répond aux interrogations”, “L'homme, le sexe et Dieu: Pour une sexualité plus humaine”, “Qu'est ce que l'homme?”, “L'embryon, quels enjeux?” và “Contraception: la réponse de l'Eglise” tạo ra một ảnh hưởng rất lớn trong Giáo Hội Pháp.

Nếu không có cơ hội đọc những tác phẩm của ngài, chỉ cần đọc các bài giảng thánh lễ đã được chúng tôi dịch ra Việt Ngữ, quý vị và anh chị em cũng có thể thấy ngài là một Giám Mục thuộc hàng kiệt xuất trên thế giới.

Ngay bài giảng thánh lễ này cũng là một ví dụ điển hình.

Bài Phúc Âm được đọc theo Phụng Vụ trong ngày Thứ Sáu Tuần thứ 2 Mùa Vọng. Khắp nơi trong thế giới Công Giáo đều đọc bài Phúc Âm ấy. Một cách thật ngẫu nhiên, bài Phúc Âm này thật phù hợp với hoàn cảnh của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 11:16-19)

Khi ấy Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng rằng:

“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói:

“Tụi tôi thổi sáo cho các anh,

mà các anh không nhảy múa;

tụi tôi hát bài đưa đám,

mà các anh không đấm ngực khóc than.”

Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị quỷ ám.” Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”


Mở đầu bài giảng, Đức Tổng Giám Mục nói:

Những lời Chúa Giêsu nói về thói đời hay chê bai thật rõ ràng biết chừng nào! Thánh Gioan Tẩy Giả là một người khổ hạnh, và người ta nói ngài bị quỷ ám. Còn Chúa Giêsu ăn uống bình thường thì họ nói Ngài là một kẻ háu ăn và say xỉn. Giải thích thế nào đây cho thói đời ngang trái này? Chúng ta phải hiểu thế nào về sự càm ràm thường xuyên này của nhân loại chúng ta? Chúa Giêsu không đưa ra câu trả lời cho câu hỏi đó. Người chỉ nói về sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan này là của Thiên Chúa, Đấng chỉ ra cho chúng ta thấy Thánh Gioan Tẩy Giả là người vĩ đại nhất trong số những phàm nhân đã lọt lòng mẹ. Và là Đấng xác định với chúng ta, Chúa Giêsu, là Con yêu dấu của Ngài.

Đúng là chúng ta thường cố gắng làm hài lòng con người bằng cách cố gắng vượt qua những mâu thuẫn với họ. Đặc biệt là khi chúng ta cố giành cho được lá phiếu của họ như chúng ta có thể thấy ngay bây giờ trong cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra. Đó không phải là những gì Chúa Giêsu đã làm. Chúa Giêsu không phải là một chính trị gia cố gắng khéo léo luồn lách giữa các thầy thượng tế, những người Sađốc, và sau đó là những người Pharisêu nghiêm khắc, vụ luật. Nếu Chúa Giêsu là chính trị gia, tình cảnh Ngài chắc sẽ khá hơn. Không! Chúa Giêsu là người tự do, là tình yêu giải phóng anh chị em.

Tình yêu khiến anh chị em tự do, nhưng tình yêu khiến anh chị em chấp nhận rủi ro. Rủi ro khi đi ăn với người tội lỗi: với ông Giakêu, với Matthêu và phường thu thuế của ông ấy. Tại sao lại có rủi ro này? Thưa: Để cứu họ. Nguy cơ khi được rửa chân một cách kính cẩn bởi một người phụ nữ có cuộc sống khét tiếng. Tại sao? Thưa: Để cứu cô ấy. Nguy cơ tiết lộ căn tính thần thánh của mình khi tha thứ cho một người bại liệt đến chỉ để xin được chữa lành. Tại sao? Thưa: Để cứu anh ấy. Rủi ro khi nói chuyện một mình với một người phụ nữ, một người nước ngoài, một phụ nữ Samaritanô. Tại sao? Thưa: Để cứu cô ấy và những đồng bào của cô ấy. Nguy cơ mở ra Thiên đường cho một tên trộm bị đóng đinh ở bên cạnh mình. Tại sao? Thưa: Để cứu anh ấy.

Đó là một xì căng đan! Đúng, đó là một xì căng đan. Tất nhiên rồi, nhưng tình yêu là một rủi ro, một rủi ro thường trực.

Nếu chúng ta vẫn đứng trong vòng những rào cản của các nguyên tắc thận trọng tâm linh, câu hỏi sẽ là liệu chúng ta có thực sự yêu hay không, chúng ta có yêu như Chúa Giêsu yêu không.

Một nhà báo đã viết: “Đức Tổng Giám Mục Paris đã thua vì tình yêu”. Đúng rồi! Đúng như thế! Nhưng cô ấy quên những từ ngữ ở cuối câu rồi! [Cộng đoàn vỗ tay nhiệt liệt, Đức Tổng Giám Mục khoát tay để ngăn chặn tiếng vỗ tay tiếp tục] Câu đầy đủ là thế này: “Đức Tổng Giám Mục Paris đã thua vì tình yêu của Chúa Kitô! “Hôm qua! [Cộng đoàn lại vỗ tay nhiệt liệt, Đức Tổng Giám Mục ra hiệu xin cộng đoàn cho ngài nói tiếp] Hôm qua, tôi đã thua vì tình yêu của Chúa khi tôi vào chủng viện. Hôm nay, tôi đang thua vì tình yêu của Chúa Kitô! Ngày mai tôi sẽ lại thua vì tình yêu của Chúa Kitô. Bởi vì tôi nhớ lời này của Chúa: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. [Cộng đoàn vỗ tay nhiệt liệt, nhiều người ứa nước mắt, Đức Tổng Giám Mục phải ra hiệu để xin cộng đoàn yên lặng]

Tình yêu, tình yêu để cứu rỗi. Chúng ta, tất cả chúng ta, những người đã được thụ phong, đứng ở vị trí của mình để tỏ bày ơn cứu rỗi này do Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ban cho. Và chúng ta phải mạo hiểm yêu thương như Chúa Giêsu ngõ hầu mở ra cho tất cả anh chị em chúng ta ơn cứu rỗi mà Ngài ban tặng. Câu hỏi duy nhất nảy sinh là: chúng ta có tin vào ơn cứu rỗi không? Chúng ta có thực sự tin vào cuộc sống vĩnh cửu không? Chúng ta có tin chắc rằng Chúa sẽ đến, Chúa sẽ mang đến cho chúng ta sự viên mãn, rằng Chúa nhìn xa hơn chúng ta không?

Kitô Hữu, tất cả Kitô Hữu biết rằng họ có một tương lai, rằng cuộc sống của họ không kết thúc trong hư vô. Câu hỏi duy nhất là tôi có đam mê vĩnh cửu không? Những ước mơ của tôi, những chân trời của tôi là gì? Phải chăng là thành công nghề nghiệp, sự nghiệp lên cao như diều gặp gió? Phải chăng là một tình yêu chớm nở? Phải chăng là sức khỏe hoàn hảo? Ồ, tất cả những điều đó, quả thực là những điều tốt đẹp thật đấy, nhưng chỉ cần nhìn vào thế giới, chúng ta nhận ra ngay có mấy người thực sự đạt được những điều đó. Và rồi những người thủ đắc được những điều đó cuối cùng thấy cái gì khi họ phải đối mặt với câu hỏi về cái chết, là điều nhất thiết khiến chúng ta phải đặt vấn đề: được như thế để làm gì? Tất cả những thứ ấy có ích gì?

Nhưng hương vị của sự dang dở này mở ra cho chúng ta một niềm hy vọng: Chúa Kitô đã đi qua con đường của chúng ta. Ngài đã đến Vương quốc của cái chết và chinh phục nó. Những người chỉ chờ đợi Ngài cho thế giới này sẽ thất vọng. Nhưng những ai chờ đợi Ngài cho vĩnh hằng biết rằng Đấng thiên sai được chờ đợi này đã làm cho sự phục sinh của Ngài tỏa sáng, và mở ra một tương lai cho chúng ta, khiến chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng. Với Ngài, một thông lộ đã được mở ra và đó là niềm hy vọng, đó là đặc thù của những người tin. Tuy nhiên, hy vọng này không làm cho chúng ta chạy trốn khỏi thế giới, trái lại là khác. Khác rất xa với việc gạt chúng ta ra khỏi thế giới, nó kích thích chúng ta, nó khuyến khích chúng ta xây dựng ở đây ngay dưới thế này, một thế giới công bằng và huynh đệ. Bởi vì cuộc sống trên trái đất là một “prologue”, một khúc dạo đầu, một khoảng thời gian nhất định để chúng ta học “bảng chữ cái thần thánh”.

Tôi thực sự thích cụm từ “l’alphabet divin” – “bảng chữ cái thần thánh” - này vì nó không phải của tôi: nó là của Đức Cha Favreau người tiền nhiệm của tôi ở giáo phận Nanterre. Ngài nói rằng cuộc sống của chúng ta trên trái đất này là để “học bảng chữ cái thần thánh”. Và bảng chữ cái thần thánh là bảng chữ cái của tình yêu. Vâng, khi nghĩ về từ đẹp đẽ này, từ người tiền nhiệm của tôi ở Nanterre, tôi tự nhủ rằng chúng ta phải học toàn bộ bảng chữ cái này. Đúng thế, hãy bắt đầu bằng chữ A.

Chữ A, tôi sẽ nói đó là sự tự ái. Nhưng điều đó không cần phải nói! Ai trong chúng ta không yêu chính mình? Trừ khi người ấy mắc một chứng bệnh như trầm cảm… ngoài ra, mọi người đều yêu bản thân. Chữ cái đầu tiên, “A”: “Tôi yêu bản thân mình”.

Thứ hai: “B”. À, “B” có thể là tình yêu của cha mẹ chúng ta khi chúng ta được họ yêu thương từ khi mới sinh ra. Một cách tự nhiên, rất tự nhiên, tình yêu này đến với chúng ta.

Chữ “C” là khi chúng ta mở rộng tình yêu của mình đến những người xa hơn, đến anh chị em bạn bè của chúng ta chẳng hạn. Anh chị em thấy rằng trong bảng chữ cái này, tất cả các chữ A, B, C đều có thể đạt được. Nhưng trong một bảng chữ cái, anh chị em còn nhiều chữ lắm: A, B, C, D… Z! Chữ cái “Z” là gì? Hỡi anh chị em, chúng ta cần phải đi xa đến tận chữ “Z” và chữ “Z”, tôi tin rằng, bao gồm việc yêu thương kẻ thù của anh chị em như Chúa Giêsu đã làm.

Đối mặt với mầu nhiệm của sự dữ và hận thù, trước những hiểu lầm, trước sự oán giận vì những bất công, không có cách khắc phục nào khác, không có cách chữa trị nào khác hơn là đi thật xa đến chữ “Z”. Và cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh của Ngài để yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu kẻ thù của Ngài. Nếu không, chúng ta đã không tuân giáo huấn của Ngài.

Và điều khiến chúng ta có thể hiểu được những từ trong bảng chữ cái này là làm chứng cho Tin Mừng. Chính tình yêu của Chúa cho phép chúng ta hiểu mọi thứ, nắm bắt mọi thứ và sống những điều đó.

Anh chị em thấy đấy, thường có một quan niệm sai lầm về cuộc sống thành công là gì hay cuộc sống thất bại là như thế nào. Một cuộc sống thành công là thành quả của việc học bảng chữ cái thần thánh này, vốn chuẩn bị cho chúng ta vào cuộc sống mai hậu, cuộc sống dồi dào, cuộc sống mà cá nhân tôi đã hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa Kitô và cho Giáo Hội của Người. Và tôi đã lấy đó làm phương châm giám mục, mà chúng ta tìm thấy trong Phúc âm của Thánh Gioan, từ miệng Chúa Giêsu: “Ta đến để họ có được sự sống, sự sống dồi dào”, chứ không phải sự sống tù túng, sự sống dồi dào là sự sống dành cho những ai đã học được bảng chữ cái thần thánh đến vần cuối cùng.

Chúng ta đang chờ đợi sự trở lại của Chúa Kitô và chúng ta đang ở trong Mùa Vọng, và sự quang lâm của Chúa Kitô sẽ kết thúc mọi thứ trong tình yêu.

Hai nghìn năm trước, than ôi, một số người đã không nhận ra Đấng Mêsia mà họ mong đợi. Chúng ta, anh chị em và các bạn bè thân yêu, đừng chạy trốn sự hiện diện của Người, đừng bỏ lỡ sự trở lại của Người. Ngài đến giữa lòng thế giới, đến với trái tim dân Chúa, đến với cây thập tự giá đức tin của các tín hữu. Những ai đã được rửa tội thì Nước Trời “đã đến rồi”, cũng thế, những người thánh hiến làm chứng bằng đời sống của họ cho Nước Trời. Và chúng ta, những linh mục, thừa tác viên được truyền chức, phó tế, giám mục, chúng ta ở vị trí của mình khi phục vụ, khi mang lại và ban phát những ân lành của Thiên Chúa.

Vâng, tôi tin điều đó, chính trong sự kín nhiệm của tất cả con tim, Chúa đến trong thế giới và chính ở đó tôi đã khám phá ra Người. Trong tâm hồn của những người yếu đuối, dễ bị tổn thương, nghèo khổ nhất, tôi đã nhận ra sự hiện diện của Chúa. Tôi nhận ra điều đó nơi mỗi người trong anh chị em, những người mở rộng tâm hồn mình để đón nhận sự hiện diện của Chúa, ở đây, ngay bây giờ. Mong chúng ta thực sự trải nghiệm nó và giúp nhau cùng trải nghiệm.
Source:KTO
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 12/12/2021
J.B. Đặng Minh An dịch
15:37 12/12/2021


Chúa Nhật 12/12, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng. Bài Tin Mừng trình bày với chúng ta lời khuyên của Thánh Gioan Tẩy Giả đối với các thành phần khác nhau trong xã hội.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay, Chúa nhật thứ Ba Mùa Vọng, giới thiệu cho chúng ta nhiều nhóm người khác nhau – dân chúng, những người thu thuế và binh lính - là những người cảm động trước lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả, hỏi ngài: “Vậy thì chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10). Chúng tôi nên làm gì? Đây là câu hỏi mà họ đã đặt ra. Hãy suy ngẫm một chút về câu hỏi này.

Nó không xuất phát từ ý thức trách nhiệm. Đúng hơn, từ trái tim được Chúa cảm động. Chính lòng nhiệt thành đối với sự quang lâm của Ngài khiến họ đặt câu hỏi: chúng tôi phải làm gì? Sau đó, Thánh Gioan nói: “Chúa đã đến gần. Chúng ta nên làm gì?” Chúng ta hãy đưa ra một ví dụ: hãy nghĩ về một người thân yêu đang đến thăm chúng ta. Chúng ta vui mừng và thậm chí nóng lòng chờ đợi người đó. Để chào đón người ấy, chúng ta sẽ làm những việc cần làm: dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa tối ngon nhất có thể, có lẽ là một món quà… Tóm lại, có những việc chúng ta sẽ làm. Với Chúa cũng vậy. Niềm vui về sự quang lâm của Ngài khiến chúng ta tự hỏi: chúng ta phải làm gì? Nhưng Thiên Chúa nâng câu hỏi này lên một tầm cao hơn: tôi nên làm gì với cuộc đời mình? Tôi được mời gọi để làm gì? Tôi sẽ trở thành gì?

Khi đưa ra câu hỏi này, Tin Mừng nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng: cuộc sống có một nhiệm vụ cho chúng ta. Cuộc sống không vô nghĩa; nó không được phó mặc cho tình cờ. Không! Đó là một món quà mà Chúa ban cho chúng ta, và Người nói với chúng ta rằng: hãy khám phá con là ai, và làm việc chăm chỉ để biến ước mơ của cuộc đời con thành hiện thực! Anh chị em đừng quên điều này: Mỗi chúng ta đều có một sứ mệnh phải hoàn thành. Vì vậy, chúng ta đừng ngại hỏi Chúa: Lạy Chúa con phải làm gì? Chúng ta hãy hỏi Chúa câu hỏi này nhiều lần. Điều này cũng được kể lại trong Kinh thánh: trong sách Tông Đồ Công Vụ, một số người khi nghe Thánh Phêrô công bố sự sống lại của Chúa Giêsu, “đã xúc động và nói với Phêrô và các môn đệ khác rằng: anh em ơi, chúng tôi phải làm gì?”(2:37). Chúng ta cũng hãy tự hỏi: điều gì sẽ tốt cho tôi nếu tôi thực hiện điều ấy cho chính tôi và cho anh chị em của tôi? Làm thế nào tôi có thể đóng góp vào việc này? Làm thế nào tôi có thể đóng góp cho thiện ích của Giáo Hội, cho lợi ích của xã hội? Mùa Vọng có ý nghĩa như thế này: dừng lại và tự hỏi mình làm thế nào để chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh. Chúng ta rất bận rộn với tất cả các công việc chuẩn bị, với những món quà và những thứ phù du. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta nên làm gì cho Chúa Giêsu và cho những người khác! Chúng ta nên làm gì?

Sau câu hỏi, “chúng tôi phải làm gì?”, Phúc âm liệt kê các câu trả lời khác nhau của Thánh Gioan Tẩy Giả đối với mỗi nhóm. Thánh Gioan khuyên rằng những ai có hai áo nên chia sẻ với những người không có; với những người thu thuế, thánh nhân nói: “Đừng thu thuế quá mức quy định” (Lc 3:13); với những người lính: “Đừng ngược đãi hoặc moi tiền của bất kỳ ai (xem câu 14). Ngài hướng dẫn bằng những chỉ dẫn cụ thể cho mỗi người để đáp ứng với tình hình thực tế trong cuộc sống của họ. Điều này cung cấp cho chúng ta một lời dạy quý giá: đức tin được nhập thể trong cuộc sống cụ thể. Nó không phải là một lý thuyết trừu tượng. Đức tin không phải là một lý thuyết trừu tượng, một lý thuyết tổng quát hóa - không! Đức tin chạm vào cá nhân chúng ta và biến đổi cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về tính cụ thể trong đức tin của chúng ta. Đức tin của tôi là trừu tượng, một cái gì đó mơ hồ hay cụ thể? Nó có dẫn tôi đến việc phục vụ người khác, giúp đỡ người khác không?

Và vì thế, để kết luận, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta nên làm gì cụ thể trong những ngày này khi chúng ta gần đến lễ Giáng sinh? Tôi có thể làm phần việc của mình như thế nào? Hãy chọn một điều gì đó cụ thể, cho dù nhỏ bé, phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc sống, và hãy tiếp tục làm việc đó để chuẩn bị cho Giáng sinh này. Ví dụ: Tôi có thể gọi cho một người đang cô đơn, thăm người già hoặc người bị bệnh, làm điều gì đó để phục vụ một người nghèo, một người đang gặp khó khăn. Cả những điều này nữa: tôi cần cầu xin sự tha thứ, trao ban sự tha thứ, làm rõ một tình huống, trả một món nợ. Có lẽ tôi đã bỏ bê việc cầu nguyện và sau rất nhiều thời gian đã trôi qua, đã đến lúc cầu xin Chúa tha thứ. Anh chị em hãy tìm những việc cụ thể và thực hiện nhé! Cầu xin Đức Mẹ, Đấng cưu mang Chúa trong lòng, giúp chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn bảo đảm với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi cho Ukraine thân yêu, cho tất cả các Giáo Hội và cộng đồng tôn giáo của quốc gia này, và cho tất cả người dân ở đó để những căng thẳng mà nước này đang trải qua có thể được giải quyết thông qua một cuộc đối thoại quốc tế nghiêm túc chứ không phải bằng vũ khí. Một thống kê tôi đọc gần đây khiến tôi rất buồn: năm nay nhiều vũ khí được sản xuất hơn năm ngoái. Vũ khí không phải là con đường đúng đắn. Cầu mong mầu nhiệm Giáng Sinh của Chúa mang lại hòa bình cho Ukraine.

Tôi cũng cầu nguyện cho các nạn nhân của cơn lốc xoáy đã tấn công Kentucky và các khu vực khác của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Và bây giờ, cho phép tôi đổi sang tiếng Tây Ban Nha để tôi có thể nhiệt liệt chào các cộng đồng của toàn bộ lục địa Mỹ Latinh và Phi Luật Tân- có biết bao lá cờ từ các nước Mỹ Latinh - những người đã tụ tập ở đây tại quảng trường Thánh Phêrô để đọc kinh Mân Côi để vinh danh Đức Trinh nữ Guadalupe và để dâng mình cho Mẹ, xin chúc mừng! Tôi chúc mừng các bạn, những người, bằng cách này, đã liên kết mình với những người từ Alaska đến Patagonia đang kỷ niệm Đức Mẹ Guadalupe, Mẹ của Thiên Chúa thật mà chúng ta đang sống, vào ngày 12 tháng 12 hàng năm. Xin Đức Trinh Nữ Guadalupe và Thánh Juan Diego dạy chúng ta cách luôn cùng nhau bước đi từ vùng ngoại vi hướng về trung tâm trong sự hiệp thông với đấng Kế vị các Tông đồ, và các Giám mục, để báo tin vui cho mọi người. Trải nghiệm này phải được lặp đi lặp lại nhiều lần. Theo cách này, Thiên Chúa, Đấng hiệp thông, sẽ thúc đẩy chúng ta tiến tới sự hoán cải và canh tân Giáo Hội và xã hội, là điều mà chúng ta cần rất nhiều ở Mỹ Châu - tình hình ở nhiều nước Mỹ Châu Latinh rất đáng buồn - trên khắp thế giới cũng vậy. Tôi rất vui vì thông qua các hành động đức tin, và chứng tá công khai như những gì anh chị em đang làm hôm nay, chúng ta bắt đầu chuẩn bị cho Năm Thánh Guadalupe vào năm 2031, và Năm Thánh Cứu chuộc vào năm 2033, chúng ta luôn phải tiếp tục mong đợi, phải không? Mọi người hãy cùng nhau hô vang - Viva la Virgen de Guadalupe!

Tôi cũng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến Caritas Quốc tế nhân kỷ niệm 70 năm thành lập. Đó là một cô gái bé nhỏ! Caritas cần phải lớn lên và trở nên mạnh mẽ hơn! Trên khắp thế giới, Caritas là cánh tay yêu thương của Giáo Hội dang rộng ra với những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất, những người mà Chúa Kitô đang hiện diện. Tôi mời anh chị em thực hiện dịch vụ của mình với sự khiêm tốn và sáng tạo để tiếp cận những người bị thiệt thòi nhất và thúc đẩy sự phát triển toàn diện như liều thuốc giải độc cho một nền văn hóa “vứt bỏ” và sự thờ ơ. Đặc biệt, tôi khuyến khích “Chiến dịch Chúng Ta Cùng Nhau” trên phạm vi quốc tế của anh chị em, được thành lập dựa trên sức mạnh của cộng đồng trong việc thúc đẩy việc chăm sóc sáng tạo và người nghèo. Những vết thương gây ra cho ngôi nhà chung của chúng ta cũng có tác động tàn phá đối với những người yếu thế. Nhưng các cộng đồng có thể đóng góp vào việc chuyển đổi sinh thái cần thiết. Vì lý do này, tôi mời anh chị em tham gia vào chiến dịch của Caritas Quốc tế. Và đối với anh chị em, những người bạn thân yêu của Caritas Quốc tế, hãy tiếp tục công việc của mình trong việc sắp xếp hợp lý tổ chức để tiền không đến tay tổ chức mà đến tay người nghèo. Hãy sắp xếp hợp lý tổ chức.

Và tôi chào tất cả anh chị em, những người dân thành phố Rôma và những người hành hương; đặc biệt là các con, những chàng trai và cô gái đã đến với các bức tượng nhỏ của Chúa Giêsu Hài Đồng để được ban phép lành. Cuối cùng, tôi sẽ chúc phúc cho tất cả các hình tượng của Chúa Giêsu Hài Đồng. Tôi cảm ơn Nhà Nguyện Trung Tâm Rôma, và tôi xin anh chị em mang những lời chúc Giáng sinh của tôi đến ông bà và tất cả những người thân yêu của anh chị em.

Tôi chào các tín hữu đến từ Leiria (Bồ Đào Nha) và những người từ giáo xứ Thánh Aloysius Gonzaga ở Rôma. Tôi chào các trẻ em từ Civitavecchia đang chuẩn bị được Rước lễ lần đầu, và các trẻ em từ Ngôi sao Truyền giáo của Đức Mẹ ở Rôma, những người đang chuẩn bị cho Bí tích Thêm sức. Tôi chào các Hướng đạo sinh trưởng thành từ Rimini và từ San Marino-Montefeltro và nhóm công nhân từ trường học ở Sondrio, cũng như những người từ các làng vùng Ardea mà tôi khuyến khích việc dấn thân đối thoại để chăm sóc lãnh thổ của họ. Tôi cũng chào nhóm đến từ Senigallia (Marche).

Và tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Một lần nữa, chúng ta hãy kính chào Đức Mẹ Guadalupe. Viva la Virgen de Guadalupe ! Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tu Đoàn Truyền Tin Hà Nội: Hồng ân vĩnh khấn
Maria Phương
10:27 12/12/2021
Vào lúc 10g00 sáng thứ Bảy ngày 11/12.2021 Tu Đoàn Truyền Tin Truyền Giáo Hà Nội đã tổ chức Thánh lễ tại ngôi thánh đường giáo xứ Nghĩa Ải cho 5 chị em cam kết gia nhập vĩnh viễn vào Tu đoàn. Thánh lễ do Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Hà nội chủ sự. Đồng tế với ngài có Cha Giuse Nguyễn Văn Thoan, quản hạt Mỹ Đức Hòa Bình, quý cha trong và ngoài Tổng Giáo phận.

Xem Hình

Thánh lễ hôm nay diễn ra trong khung cảnh của đại dịch covid nhưng không có nghĩa mất đi bầu khí linh thiêng và dạt dào tình mến. Đối với các Khấn sinh, đây là cơ hội mà Thiên Chúa đã trao tặng để các chị luôn đón nhận trong niềm tin yêu, phó thác, dâng lên Chúa như của lễ hy sinh, là dấu chỉ dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa hầu chu toàn trọn vẹn Thánh ý của Người trong sự hiệp thông với anh chị em.

Chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ, Đức TGM Giuse đã giúp cộng đoàn, đặc biệt là quý Khấn sinh hiểu rõ tận căn về lời mời gọi của Chúa Giêsu. Ngài nói: “Trong cuộc sống, có những khi chúng ta nghe thấy tiếng gọi. Tiếng gọi ấy có thể đến từ con người và tiếng gọi ấy có thể đến từ Thiên Chúa. Tiếng gọi là để kết nối tình yêu và tiếng gọi là để trao một sứ vụ. Tiếng gọi là làm cho một người đang ở xa trở nên gần. Xưa kia, tiên tri Samuen đã đáp lại tiếng Chúa giữa biết bao tiếng gọi khác”. Và hôm nay, các Khấn sinh đã lựa chọn Chúa Giêsu như Samuen đã chọn. Lời cam kết vĩnh khấn mà quý chị chuẩn bị đọc lên trước Chúa cũng như cộng đoàn chính là bằng chứng rõ nhất cho lời mời gọi đó.

Ngay sau bài giảng, nghi thức tuyên khấn trọn đời được bắt đầu. Đứng trước niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời và trước sự chứng kiến của chị Tổng Phụ Trách cùng với Đức Tổng Giám Mục,quý chị đã nghẹn ngào trong lời cam kết trọn đời bước theo sát dấu chân Đức Kitô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, để hiến thân phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại. Nhẫn giao ước được quý chị đón nhận với lòng yêu mến, trân trọng và nguyện trung thành cho đến hơi thở cuối cùng. Kể từ giờ phút này, quý chị đã trở thành thành viên chính thức của Tu Đoàn, với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, chị Tổng Phụ Trách thay lời cho chị em trong Tu Đoàn, cách riêng là quý chị Khấn sinh dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ, quý ân nhân, thân nhân cùng quý khách đã đồng hành, nâng đỡ quý chị và Tu Đoàn trong suốt hành trình dâng hiến. Chị đặc biệt cảm ơn ông bà cố đã sẵn sàng dâng hiến những người con của mình cho Thiên Chúa. Để từ nay, Tu Đoàn có thêm những Tông đồ hăng say với sứ mạng loan báo Tin Mừng mà Giáo Hội đang mong đợi.

Tất cả là hồng ân. Nguyện ước rằng, Thánh lễ tuyên khấn trọn đời hôm nay sẽ là nguồn ơn thánh thiêng giúp các Khấn sinh luôn kiên trung bước đi trên con đường tận hiến để các chị luôn biết chọn Đức Kitô là Đấng Tình Quân của lòng mình, ngõ hầu có thể sống và loan báo Tin Mừng Chúa Kitô, để tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích cho tha nhân.

Maria Phương
 
Ca Đoàn Vô Nhiễm và Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Vinh Sơn Liêm Melbourne mừng bổn mạng.
Trần Văn Minh và hình của Ha Dang
18:43 12/12/2021
Melbourne, Thánh lễ lúc 6 giờ chiều Thứ Bảy 11/12/21 Ca Đoàn Vô Nhiễm thuộc Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm đã dâng thánh lễ tạ ơn mừng bổn mạng lần Thứ 32 nhân kỷ niệm lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm và ngày thành lập ca đoàn.

Nhân ngày kỷ niệm đặc biệt, ca viên thuộc ca đoàn đã mặc đồng phục, nam áo dài xanh và nữ mặc áo dài mầu xanh đậm rất đẹp. Trùng vào tuần Thứ Ba mùa Vọng, cha chủ tế Phêrô Phạm Văn Ái cũng mặc phẩm phục mầu hồng nên cha con đều đặc biệt trong ngày lễ mừng bổn mạng.

Sau lễ là một buổi tiệc mừng để các anh chị em trong ca đoàn có dịp gặp gỡ để vui mừng trong lễ bổn mạng của ca đoàn trong tình yêu thương thân ái.

Sáng Chúa Nhật 12/12/21. Với Thánh lễ đồng tế long trọng tại lễ đài của cộng đoàn. Do hai cha tuyên úy Giuse Phạm Minh Ước và Phêrô Phạm Văn Ái đồng tế. Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Vinh Sơn Liêm đã dâng lễ tạ ơn mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập xứ đoàn.

Xem hình của Ha Dang chụp


Để đánh dấu một kỷ niệm đặc biệt của 40 năm, các nghi thức đặc biệt như quý cha tuyên úy của xứ đoàn đã nhận khăn quàng đặc biệt của Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể mầu trắng trước khi cử hành các nghi thức thăng cấp và trao khăn cấp trưởng cho các trưởng, các cấp của các em thiếu nhi trong xứ đoàn.

Đây là thánh lễ đặc biệt của Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) Vinh Sơn Liêm, sau hai lần bị hoãn do dịch bệnh Covid Wu Han 19. Nên hôm nay, được sự ưu ái của quý cha tuyên úy, Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm hết lòng giúp đỡ và tạo mọi sự thuận lợi để giúp các em tổ chức mừng bổn mạng và lễ hội.

Ngoài các ban ngành đoàn thể, trong cộng đoàn, ngày lễ hội còn có sự hiện diện của Ban Điều Hành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Melbourne. Đại diện Tổng Liên đoàn TNTT Úc Châu, Liên đoàn TNTT Victoria, đại diện các xứ đoàn bạn. Đặc biệt là Ban Truyền Thông của cộng đoàn đã thu hình trực tuyến, và chụp hình cho ngày lễ hội để gửi đi khắp thế giới những hình ảnh sống động về ngày lễ hội. Ban âm thanh ánh sáng cũng đã góp phần rất lớn và được MC Anh Đào góp tiếng truyền thanh cho buổi lễ hội thêm sốt sắng và linh động. Ban phụ huynh và Ca đoàn Belem đã hết mình giúp đỡ các em từ vật chất đến tinh thần, dùng lời ca tiếng hát để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa trong ngày lễ hội đặc biệt này. Vì Ca đoàn Belem và Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể liên kết chặt chẽ với nhau trong cộng đoàn.

Sau lời chúc mừng của ông Cao Minh Đức, chủ tịch Ban Mục Vụ Cộng đoàn, đáp từ cảm ơn của Xứ Đoàn Trưởng An Trần là phần cắt bánh. Chiếc bánh mừng có ba tầng, mỗi tầng là một kỷ niệm đặc biệt, tầng dưới có số 65 để mừng sinh nhật lần thứ 65 của Cha Phêrô Phạm Văn Ái 65 tuổi, tầng thứ hai có số 31 mừng 31 năm linh mục của Cha Giuse Phạm Minh Ước, tầng trên cùng với số 40 là con số kỷ niệm 40 năm, ngày thành lập Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Cộng Đoàn Vinh Sơn Liêm.

Tiếp theo, Cha tuyên úy làm phép của ăn để mọi người cùng thưởng thức những món đặc biệt do đầu bếp của cộng đoàn, các giáo khu, đoàn thể ủng hộ, trong khi trên lễ đài là phần văn nghệ của các huynh trưởng với phần hợp ca của Ca đoàn Belem, của các trưởng rất vui, nhộn gồm ca múa vv.

Kết thúc lễ hội là phần xổ số với các giải thưởng giá trị để gây quỹ sinh hoạt cho xứ đoàn. Như lời cha Tuyên úy Phạm Minh Ước nói: các con là tương lai của cộng đoàn, và cộng đoàn hết lòng ủng hộ cho cac con TNTT của cộng đoàn mỗi ngày một thăng tiến trên con đường theo chân Anh Cả Giêsu.
 
Văn Hóa
Hans Urs von Balthasar: Kitô hữu là ai? Chương bốn: Mất quyền sở hữu và sứ mệnh thế giới
Vũ Văn An
05:17 12/12/2021
IV. Mất quyền sở hữu và Sứ mệnh Thế giới

Kitô hữu nên và không nên Phục vụ Thế giới ra sao?

Sự hiểu biết sâu sắc mà chúng ta có được khi suy gẫm về cốt lõi của việc Kitô hữu là ai hiện đang cho phép chúng ta giải quyết một cách tích cực những gì trước đó bị chỉ trích là xu hướng 4 chiều. Chúng ta thấy điều này đáng nghi ngờ, bao lâu nó không chịu xem xét trung tâm của việc Kitô hữu là ai, với giả định cho rằng nó đã được biết đến nhiều rồi, và thay vào đó, dành rất nhiều sự chú ý cho những điều ở ngoại vi, đôi khi theo cung cách muốn nói rằng người ta thích quên trung tâm hơn và thay thế nó bằng một điều khác thế ở ngoại vi, coi nó như một trung tâm mới.

Nhưng Lời Thiên Chúa chắc chắn lôi cuốn chúng ta và quá rõ ràng trong những gì nó tuyên bố đến nỗi bất cứ lúc nào nó cũng có thể chống lại những hỗn tạp đáng tiếc mà người ta muốn trộn lẫn nó vào. Không thể làm cho Kinh thánh nói rằng Kitô hữu trước hết là tôi tớ của cuộc cách mạng thế gian, sau đó mới là tôi tớ của Chúa Kitô (nghĩa là của sự tái lâm cánh chung của Chúa Kitô vào ngày sau hết). Người ta có thể vắt nước các bản văn bất cứ cách nào họ muốn, nhưng không một giọt biến hóa nào sẽ chảy ra; do đó, giả sử người ta không muốn quy toàn bộ mặc khải cho sự non nớt về văn hóa (1), thì điều còn lại là con người phải kết hợp Kinh thánh như một thời điểm quan trọng trong nền triết lý toàn diện về vũ trụ. Bằng cách đặt tên cho nền triết lý này là thần học (xem ở trên), và chỉ độc giả ngây thơ mới hiểu thần học có nghĩa là thần học Kitô giáo, cái trò ảo thuật đã thành công: thần học kinh thánh bị nhấn chìm như một “khoảnh khắc” vào và dưới nền thần học phổ quát (= thần học tự nhiên), chỉ để sống lại như là tụ điểm (pointe) cánh chung của nền triết lý này và như một điều phải chứng minh [quod erat demonstrandum] của Kitô giáo, điều này nhất thiết phải dưới hình thức Chúa Kitô vũ trụ, vinh quang về mặt thánh thể, nhưng với “thập giá không còn chướng ngại nữa” (Gl 5:11). Giờ đây, tất nhiên, mọi sự trở nên dễ dàng và thân thiện; Kitô hữu trước đây ngoan cố một cách ngu ngốc cuối cùng cũng vui vẻ cộng tác; con người hoan hô và khuyến khích sự tiến bộ của họ, chấp nhận họ một cách trân trọng vào giới những người quan tâm nghiêm túc đến tương lai vũ trụ.



Chính sự phù phiếm trên phải bị nghi ngờ đối với bất cứ ai đã từng suy gẫm về những gì Chúa Kitô nói với các môn đồ phải mong chờ. Và cũng không kém nghi ngờ như thế là thứ tổng hợp nhằm kết hợp Lời tối cao của Thiên Chúa như một khoảnh khắc mau qua trong chính nó. Sự tổng hợp này nhất thiết phải đạt được theo cung cách nó sử dụng tín lý Kitô giáo bao lâu tín lý này có thể được biến đổi thành một “đạo đức học thực chứng” [positive ethics] nhưng lại phớt lờ nó đến mức nó chống lại cách giải thích như vậy (2). Như thế là chính con người đã xét đoán Lời Thiên Chúa và bổ sung, bằng chính nguồn lực của mình, những phần không thể thiếu mà Lời Thiên Chúa không nói đến. Như một thành phẩm tạm thời, thủ tục này thuộc lịch sử đầy biến động của nền ngộ đạo [gnosis] Kitô giáo, một nền ngộ đạo, hết lần này đến lần khác, luôn muốn biến đức tin thành kiến thức, mặc khải thành triết học, việc tìm kiếm chân lý thành một điều đã được tìm thấy, và điều này làm mất uy tín của Kitô giáo hơn bất cứ điều gì khác. Vì chủ nghĩa vô thần ngày nay, đến một mức độ đáng kể, là phản ứng hợp lý chống lại thứ Kitô hữu điều gì cũng biết và biết quá nhiều; cả hai đều cùng nhau quên khuấy mất Thiên Chúa, theo cách hiểu Kitô giáo (3). Nền ngộ đạo Kitô giáo làm hỏng cả triết học lẫn thần học: nó triết lý sạch hết mặc khải kinh thánh bằng cách kết hợp Lời Thiên Chúa đầy phán xét nhưng cũng đầy cứu rỗi vào một hệ thống đơn giản hóa, trong khi nó thần lý sạch hết triết học bằng cách làm tê liệt thách thức cởi mở của lịch sử thế giới và lịch sử nhân loại bằng ngôn ngữ lạc quan quá sớm của nó. Cả hai, phạm vi trần gian và Vương quốc Thiên Chúa, thiên nhiên và ân sủng, chỉ sở hữu phẩm giá riêng khi chúng tuân theo luật lệ của chính chúng và tuân giữ các quyền tự do phù hợp với chính chúng. Sự hội tụ của cả hai phạm vi (về một điểm Omega) sẽ không thể đạt được đối với con người bao lâu Thiên Chúa vẫn giữ quyền tự do của Người đến như một tên trộm trong đêm và nắm giữ quyền lực của Thập giá trong tầm kiểm soát của riêng Người.

Do đó, Kitô hữu cũng bị loại ra khỏi hình thức tổng hợp mà chúng ta gọi là “thuyết toàn diện” [integralism] vốn chỉ là ứng dụng thực tế của nền ngộ đạo được mô tả ở trên, tức, thuyết chủ trương sử dụng (trong khi quên mất Thiên Chúa) các phương tiện quyền lực có tính thế gian chuyên biệt để phát huy Vương quốc Thiên Chúa trên mặt đất. Ý hướng có thể chân thực, nhưng điều không chân thực là giả định ngây thơ về sự đồng nhất giữa Vương quốc Thiên Chúa và ảnh hưởng chính trị-văn hóa của Giáo hội, một điều sau đó trên thực tế được đánh đồng với ảnh hưởng mạnh mẽ của một nhóm “yên hùng Thổ” (Mamelukes) (*) mang danh Kitô giáo, luôn muốn khao khát chinh phục thế giới (4). Nhưng chúng ta đâu còn ở thời Trung cổ nữa, nên những đánh đồng giữa trời và đất ngây thơ như vậy nay đã đi vào lịch sử; mọi hình thức “tam điểm” của Kitô giáo hiện đại về lâu về dài sẽ khiến bản thân chúng bị nghi ngờ và ghét bỏ, bởi cả các Kitô hữu lẫn những người không phải là Kitô hữu. Bất cứ ai làm những việc như vậy đều không suy tư cách đúng đắn cả sự bất lực của Thập giá (mà lẽ ra họ phải công bố) lẫn quyền lực toàn năng của Thiên Chúa (Đấng mà họ tìm cách trợ giúp bằng quyền lực thế gian) hoặc các qui luật của quyền lực trần thế (điều họ áp dụng một cách ngây thơ và không phê phán). Các Kitô hữu chúng ta đang ở trong một vị trí không được bảo vệ nhiều hơn chúng ta muốn. Chúng ta bị hoàn toàn phơi bày, trong tư cách Kitô hữu, trước thế gian và qua Chúa Kitô trong thế gian. Chúng ta hân hoan rèn Giáo Hội thành lá chắn chống lại thế gian và sứ mệnh tạm thời của chúng ta thành lá chắn chống lại những lời nói và yêu cầu của Chúa Kitô. Tuy nhiên, Chúa Giêsu Kitô từ chối thanh gươm thế gian của một Phêrô duy toàn diện, đứng về phía kẻ tấn công và chữa lành tai cho Malchus. Và ngay trong buổi tối hôm đó, thế gian bác bỏ các cách tiếp cận duy hợp tác của chính Phêrô và đặt ngài vào vị trí đúng đắn của ngài: “Chắc chắn anh cũng là một trong số họ, vì giọng nói của anh phản bội anh” (Mt 26:73). Từ cả hai phía, những nỗ lực đầy hoảng sợ nhằm tìm kiếm sự che chở đều bị bác bỏ, và Kitô hữu bị đưa trở lại tình trạng bị phơi bày, nơi họ phải “đứng vững” trong mọi điều hoàn hảo, không có gì ngoài “khiên mộc đức tin” và “mũ chiến là ơn cứu độ” và “cầm gươm của Thần Khí, là lời Thiên Chúa”, và “với mọi tiếng van nài và cầu nguyện” như vũ khí phòng thủ và tấn công của mình. Và, sau khi đã “thắt đai chân lý quanh eo [của mình]” và mình mặc “áo giáp là sự công chính”, chân đi giày là lòng “hăng say loan báo tin mừng bình an”, nói tóm lại, là bộ áo giáp đầy đủ (panoplia) của người Kitô hữu, nhờ đó họ “vững mạnh trong Chúa và trong sức mạnh của Người”, họ được trang bị đầy đủ “chống lại các vương quyền, chống lại các quyền lực, chống lại những kẻ thống trị thế gian trong bóng tối hiện nay” (Ep 6: 10– 18). Hoặc, như Chúa nói với Thánh Phaolô, sau khi ngài bị thiên thần của Satan đánh bại, “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh [thần linh] của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối [nhân bản của anh]” (2 Cr 12: 9).

Tuy nhiên, điều này có nghĩa là Kitô hữu, khi bị phơi bày và chỉ khi bị phơi bày như thế, họ mới được Thiên Chúa bảo đảm từ trời bảo vệ, cả phòng thủ lẫn tấn công. Tuy nhiên, nếu họ trốn chạy và lấy sự bất khả che chở biểu kiến của Người làm chỗ trốn, thì sự bảo vệ này sẽ bỏ rơi họ. Việc bị phơi bày như vậy chắc chắn có nghĩa là, “yếu đuối, bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô” (2Cr 12:10); đây là một phần của việc tính toán, và quả thật, nó không gì khác hơn là một dấu hiệu để người Kitô hữu nhận ra tình huống trong đó họ không có gì phải sợ hãi. Hãy để quả lắc ổn định của Mátthêu 10, về việc sai các môn đệ ra đi, từ từ tác động lên chúng ta:

“Này, ta sai các con ra đi như cừu ở giữa bầy sói; vì vậy hãy khôn ngoan... và vô tội... Hãy coi chừng người đời; vì họ sẽ trao nộp các con... và đánh đòn các con... Đừng lo lắng về việc các con sẽ nói như thế nào hoặc các con sẽ nói gì; vì những gì các con muốn nói sẽ được ban cho các con... Không phải các con nói, nhưng Thần Trí Chúa Cha các con nói qua các con... các con sẽ bị ghét bỏ bởi mọi người vì Thầy... Người đệ tử giống như thầy của mình đã khá lắm rồi... Vì vậy, đừng sợ họ... Những gì các con nghe rỉ tai, hãy công bố trên nóc nhà. Và đừng sợ những kẻ giết được thể xác nhưng không giết được linh hồn... Đừng nghĩ rằng Thầy đến để mang lại hòa bình trên trái đất... Thầy đến để đặt con trai chống lại cha mình, và con gái chống lại mẹ mình.... Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất, ai vì cớ Thầy mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm thấy nó”.

Chỉ trong trận chiến giữa Thiên Chúa và thế gian, hòa bình mới được tìm thấy; chỉ khi Kitô hữu trở thành bất lực thì họ mới được cứu bởi sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa. Hoặc, như chúng ta đã nhận ra trên đây, sự giàu có của Thiên Chúa chỉ dành cho những người nghèo chân chính, thực sự nghèo khó.

Liệu một ngôi nhà giữa đàng như vậy có thể chịu đựng được không? Nó có thực sự đáng sống về lâu về dài hay không? Há nó không dẫn đến một chứng tâm thần phân liệt trong ý thức của chúng ta, vốn tìm cách hợp nhất hai nhân cách khác nhau trong chính nó đó sao? Cuối cùng há nó không góp phần gây bất lợi cho cả vương quốc này và vương quốc kia hay sao? Và há đó không phải là nỗ lực muốn đào thoát vào một trong hai lãnh vực này, một điều duy nhất người ta thường có thể mong đợi ở bất cứ ai bị đặt trong thế bế tắc như vậy hay sao?

Bất chấp mọi điều, một cam kết đơn nhất

Trước khi đưa ra một câu trả lời quyết định, tất nhiên chúng ta không nên quên rằng ngay cả con người tự nhiên, bao lâu họ còn là một tinh thần, cũng vẫn vượt quá thế giới khép kín và có quan điểm “bình thường” giữa thể tương đối và thể tuyệt đối, giữa thế giới và Thiên Chúa, như mọi tôn giáo và triết học của các dân tộc đều đã luôn luôn biết. Nếu nhân loại hiện đại đã quên đi sự thật khá sơ đẳng này, hoặc cố gắng quên đi nó, vì “thực tại trần gian”, thì đây là một bước thụt lùi trong tri thức nhân bản và là bằng chứng cho sự nghèo nàn của thế giới ngày nay. Người ta có thể sử dụng các cụm từ cầu khẩn, bất luận theo nghĩa nhân bản hay theo nghĩa Kitô giáo, chẳng hạn như “Hãy chân thực với trái đất!” Tuy nhiên, một lời kêu gọi như vậy chỉ có thể là của một người luôn có quyền tự do nâng mình lên trên trái đất, để cai trị nó từ trên cao với tư cách là "vua của sáng thế". Hơn nữa, việc khai thác trái đất và thế giới một cách tàn nhẫn trong thời đại kỹ thuật này là một cách rất có vấn đề để chân thực với trái đất. Điều này chỉ được coi như một quan sát sơ bộ.

Nhưng bây giờ đối với Kitô hữu. Nơi họ, sự căng thẳng nói chung giữa tự nhiên và tinh thần được nêu lên rõ ràng hơn nữa. Họ hoàn toàn bị “nhổ rễ” khỏi “thiên nhiên”, đúng hơn, khỏi “thế gian” nói chung; do đó họ được đưa trở lại thế giới nói chung một cách triệt để hơn. Một đàng, chúng ta có câu: “trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới”; đàng khác: "Hãy đi vào khắp nơi trên thế gian" “đi vào” có nghĩa là thực sự bước vào bên trong, chứ không phải chỉ là đến gần với thế giới. Quả lắc bây giờ lắc xa hơn và với một sức mạnh lớn hơn.

Trên đây, chúng ta đã tìm và đã thấy một điểm thống nhất dường như bất khả giữa hành động độc nhất vô nhị của Thiên Chúa làm người và hành động của chính chúng ta muốn bắt chước Người. Điểm này là sự thuận ý đối với Thiên Chúa hiểu như là sự sẵn sàng tuyệt đối có đó, như là sự vâng lời đầy yêu thương. Tương tự như vậy, há chúng ta lại không thể tìm được một điểm tương ứng để từ đó nhiệm vụ của chúng ta, cả như một người trong thế giới lẫn như là một Kitô hữu (trong và với Giáo hội), có thể bắt đầu một cách thống nhất hay sao? Điều này chắc chắn sẽ khả hữu nếu, trong mạc khải của Người, Thiên Chúa coi trọng tạo vật của Người và do đó, trong mọi sự thăng hoa, mọi sự mở rộng, mọi sự bề ngoài có vẻ quá đòi hỏi không đè bẹp nhưng hoàn thiện nó. Cả hai điều chắc chắn phải tìm được sự biện minh của chúng từ cùng một quan điểm về nhận thức đạo đức (nếu không, chúng không thể được biện minh chút nào), và điểm đơn nhất này không thể khác với điểm mà chúng ta đã tìm thấy, đó là sự thuận ý về tính sẵn sàng có đó [availability].

Trước hết, sự thống nhất này thực ra không khó hiểu. Kitô hữu nói lời XinVâng với Thiên Chúa và do đó nhận sứ mệnh của mình đối với loài người. Và người sống trong thế gian nói Xin Vâng với nhiệm vụ thực tế của họ trong thế gian, trong gia đình, nhà nước, xã hội, và theo mức độ họ phục vụ, họ cũng là một thành viên hữu ích. Trong cả hai lĩnh vực này, có một điều kiện tiên quyết đối với sự sẵn sàng có đó này, nghĩa là ở đây, người Kitô hữu, ở kia đồng loại nhân bản, đều đã thực hiện một hành vi đồng nhất hóa tự do, có trách nhiệm với nhiệm vụ của mình. Một hành vi sẵn lòng phục vụ, vốn bao gồm cả việc bác bỏ tính ích kỷ. Đối với Kitô hữu, hành vi này phải triệt để và nhất quán; nếu không, họ sẽ không thực sự là một tín hữu. Đối với người đang phục vụ trong thế giới trần tục, hành vi ấy cũng phải triệt để, trong trường hợp này, họ sẽ hiểu cuộc sống của họ là một trong những sự phục vụ toàn vẹn, và chút ít mà họ thực sự có thể đóng góp cho toàn bộ sẽ là biểu hiện của việc sẵn lòng trọn vẹn này. Tuy nhiên, đối với nhiều người, cam kết này vẫn chỉ phiến diện. Thí dụ, họ chỉ làm việc để kiếm tiền và trong những khoảng thời gian giữa giờ làm việc, họ có một cuộc sống hưởng thụ ích kỷ. Hoặc, trong mối liên hệ với phụ nữ, trong hay ngoài hôn nhân, trước hết họ chỉ tìm kiếm khoái cảm cho riêng mình, dù họ có thừa nhận hay không, dù họ có coi đó là bình thường hay không. Không cần phải có ơn gọi đặc biệt mới hiểu rằng lòng vị tha của tín hữu, như một hữu thể nhân bản đạo đức, không phải là việc đánh mất bản ngã hay xa lánh bản ngã hay thậm chí là trốn tránh bản ngã (một điều dĩ nhiên có đó, và Max Scheler từng vạch mặt và chỉ trích trong “Sympathiegefühlen” [Thiện cảm]) của mình, nhưng đúng hơn cả hai cùng giả định việc chiêm niệm trong im lặng và bí mật, và, ít nhất, trong trường hợp tín hữu, là cầu nguyện. Nhưng nhịp điệu giữa thu thập và phân tán có hướng căn bản của nó trong việc hiến thân - người yêu phải là một chiếc giếng sâu để có thể múc nước từ chính mình.

Và vì nguồn mạch sâu nhất, bất tận nhất, và cũng được múc đến sâu xa nhất, là Chúa Kitô, và vì tín hữu Kitô lấy nguyên mẫu này làm hình mẫu của mình, nên giờ đây không có lý do gì để tương phản sự tận hiến của chúng ta như một Kitô hữu với sự tận hiến của người một thành viên khác của nhân loại. Trong cả hai lĩnh vực, lòng vị tha, sự sẵn sàng cho đi, giả thiết rằng người này có điều gì đó để cho đi, rằng họ đang làm việc chăm chỉ và hiểu biết lĩnh vực trần thế, do đó họ thể hiện mối quan tâm quyết định trong lĩnh vực phục vụ đặc thù của mình để duy trì lòng siêng năng như thế, rằng họ thích thú trong công việc mình làm, bất kể đó là một nghề được kính trọng như nghề nghiên cứu trí thức, hay không hấp dẫn, chẳng hạn như công việc của nhà máy cơ khí, một công việc thậm chí có thể được máy móc đảm nhiệm và thực hiện nhanh chóng hơn. Miễn là và bao lâu còn là một công việc phục vụ, thì điều này đòi hỏi độ chính xác khi thực hiện, một điều chỉ có thể mong đợi nơi một người làm việc tận tâm. Người đầy tớ trong dụ ngôn “trung thành với điều nhỏ mọn” nhưng phần thưởng “được đền đáp hơn nhiều”. Phần lớn người ta chỉ có thể thực hiện việc phục vụ trong đời họ như một bánh răng nhỏ trong cỗ máy khổng lồ chế tạo sẵn, mà việc thay thế những bánh răng hỏng bằng những bánh răng khác cũng chạy ngon lành là một vấn đề dễ dàng. Tuy nhiên, mọi người phục vụ đều là một hữu thể nhân bản độc đáo, và tình yêu trong trái tim họ là điều không thể thay thế. Họ đổ tình yêu bản vị của họ vào cái toàn thể vô danh vĩ đại, và việc tự hiến như vậy, khi được thực hiện với sự hiểu biết có ý thức, gần giống như một cái chết. Một cái chết hy sinh. Người ta không thể chê trách con người đáng thương đã cùng một lúc hy sinh điều gì đó để vui chơi và giải trí hoặc để nuôi dưỡng hy vọng và thậm chí cả sự chắc chắn rằng toàn thế giới đang tiến tới một tương lai có ý nghĩa và gợn sóng nhỏ mà từ lâu họ vốn bị nhận chìm trong làn nước lũ vô danh, cuối cùng đã đến yên nghỉ trong một đại dương vô biên nào đó. Dù sao, con người trần thế đơn giản không thể biết bất cứ điều gì khác, giả sử họ không tham gia vào một kế sách ngây thơ nào đó cho tương lai, và điều nhỏ nhoi này khiến họ giải thích và hiến mạng sống mình như một của lễ hiến sinh.

Liệu họ có thực hiện hành vi tự hiến này trong thực tế hay không phải là điều chúng ta cần phải hỏi ở đây; điều quan trọng là nó có thể được thực hiện bởi người Kitô hữu trong lĩnh vực thế tục và nó đã nằm trong dòng ý nghĩa khách quan của cuộc sống, tuy hữu hạn, nhưng như tinh thần, vượt quá điều hữu hạn. Nói cách khác, người rút tỉa được nhiều nhất từ cuộc sống của mình là người cam kết nó một cách trọn vẹn nhất có thể cho một mục đích hữu hạn xem ra đáng giá đối với họ. Không tận tâm với công việc, là không có cam kết hoàn toàn, và ngược lại. Vì vậy, cuối cùng, sự tận tâm không thể bị từ bỏ để đổi lấy hiệu suất. Trong cam kết này, vai trò tham vọng, ý chí quyền lực, giành chiến thắng, nay không còn có tầm quan trọng quyết định nữa. Có một tham vọng tốt để thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo nhất có thể: một tham vọng, có thể nói, được khách quan hóa trong sự việc, và trước hết, việc phân biệt điều gì thúc đẩy nó từ một ý chí bị điều kiện hóa một cách chủ quan thành một ý chí phục vụ khách quan và thực tiễn để phục vụ không phải là việc của luân lý Kitô giáo, mà là việc của luân lý tự nhiên thậm chí còn trước đó nữa.

Giờ đây, nhiều người sẽ phản đối cho rằng Kitô hữu không có khả năng dấn thân trọn vẹn như thế vào những điều trần thế bởi vì đầu và trái tim của họ để cả ở nơi khác (“kho tàng của bạn ở đâu thì trái tim bạn cũng ở đó”), nghĩa là ở cuộc sống vĩnh cửu sắp tới. Người ta nói rằng cuộc sống trần thế đối với họ không hơn gì một nơi cư trú tạm thời, nơi không đáng để họ nán lại, nhìn xung quanh hay định cư, chứ đừng nói đến việc xây dựng. Đó có lẽ là lý do tại sao các Kitô hữu luôn luôn phân tâm, không bao giờ thực sự chú ý đến nó, khi nói đến việc xây dựng tương lai trần thế. Để đáp lại, trước hết, người ta có thể hỏi, hoàn toàn theo kinh nghiệm, ai là những người đã xây dựng nền văn hóa phương Tây, nếu không phải gần như chỉ là các Kitô hữu? Nếu họ không có ý thức về các giá trị trần thế, thì làm sao họ có thể tạo ra những chiếc bình đầy tính tượng trưng như vậy để mô tả thể siêu việt, vĩnh cửu? Mà ngay cả về nguyên tắc, há người đầy tớ và quản gia trong Tin Mừng đã không được kêu gọi, đừng chôn vùi nén bạc của mình, nhưng phải sinh lời cho nó đó sao? Nói cách khác, phải thu được lợi nhuận tối đa từ nguồn tiền mặt mong manh trong những năm ngắn ngủi trên trần thế của họ hay sao? Há người Kitô hữu không biết, có khi tốt hơn những người khác, cuộc sống duy nhất trên trái đất này có giá trị gì; biết đào bới cánh đồng này, nơi chứa đựng một kho báu vĩnh cửu trong những tầng sâu của nó, những kho báu đáng bán mọi thứ để đầu tư đó sao? Chắc chắn, chúng ta được khuyên rằng: “Đừng tích trữ của cải trên đất, nơi sâu mọt và rỉ sét làm hư hao và kẻ trộm đột nhập và đánh cắp” (Mt 6:19). Nhưng người muốn phục vụ và cho đi không tìm cách thu vén cho riêng mình; kho báu của họ nằm trong nhiệm vụ của họ, và do đó trái tim họ cũng vậy. Giáo huấn Kitô giáo làm sâu sắc thêm khả thể hiến mạng sống mình trong một nhiệm vụ như vậy, và gần như là vô hạn, vì không phải chỉ là hoạt động bên ngoài mà còn là ý hướng bên trong, ý muốn hiến dâng chính mình, trên hết, là sự đau khổ khi người ta không còn thực hiện được bất cứ nhiệm vụ tích cực nào nữa, mới được thu hút vào công việc, vào tính sinh hoa kết trái của nó.

Và điều mà chúng ta gọi là niềm hy vọng Kitô giáo không phải là sự gián đoạn mà là sự đào sâu và tăng cường vô hạn của niềm hy vọng mù mờ đó của cá nhân rằng sự hiện hữu trên trần thế của họ không hoàn toàn là vô nghĩa và vô ích. Cá nhân muốn đóng góp vào việc xây dựng vương quốc nhân bản; người Kitô hữu muốn đóng góp một phần nhỏ vào Nước Thiên Chúa trên trần gian và lãnh vực nhân bản. Họ duy trì niềm hy vọng “không làm thất vọng”, niềm hy vọng rằng ngay cả những gì theo ngôn ngữ trần thế vốn bị coi như vô dụng vẫn có thể không phải là không đáng được ghi vào sách sự sống và sinh hoa trái. Do đó, trong một thời đại mà lúc này đây chỉ tri nhận và theo đuổi sự tiến bộ hầu như chuyên nhất có tính kỹ thuật và cơ khí, họ trở thành người gìn giữ ý niệm sâu sắc hơn về tiến bộ bằng cách không trở thành nạn nhân của ảo tưởng cho rằng sự việc chỉ chuyển động khi thành công có thể được ghi lại bằng con số. Tuy nhiên, họ cũng sẽ cảm thấy được kêu gọi phải đau khổ tính sổ các thất bại và bỏ sót của mình, vì đã không tạo ra sự khác biệt chính ở nơi, họ phải khẩn trương làm như vậy, trong tư cách một Kitô hữu, và vì sự kiện này là những người khác đã tiếp thu các nhiệm vụ của họ thay thế họ, thường trong thế đối lập với họ, và xử lý chúng theo cung cách kỹ thuật, máy móc, duy vật chất.

Kitô hữu mọi thời nên làm gương về việc tự truất hữu (self-expropriation), vì Tin Mừng đã bắt đầu bằng chính hành vi này. Giờ đây, những người khác đã chịu trách nhiệm về hành vi này và đang điều khiển các biến cố theo cung cách chúng xẩy ra cách tất yếu. Kitô hữu nên tham gia vào diễn trình này theo cung cách khi nó đang diễn ra, họ có thể cứu được sự tự do của nó trong chừng mực có thể làm được. Sau đó, có lẽ cũng có thể trở thành hiển nhiên đối với mọi người là chỉ có một hình thức dấn thân thực sự, dấn thân cho anh em của chúng ta, cho thế giới. Đó là sự dấn thân của Thiên Chúa, Đấng đã ban Con của Người vì lợi ích của thế gian; đó là sự dấn thân của Chúa Kitô, Đấng có thể hy sinh mạng sống của mình và (cùng với những người được cứu chuộc) lấy lại nó; đó là sự dấn thân của các Kitô hữu khi nói Xin Vâng với Chúa; sự dấn thân của người mà người anh em của họ đáng giá hơn chính họ.

________________________________________

(*) Một thành viên của chế độ xuất thân từ các nô lệ Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ và Circassian từng cai trị Syria (1260-1516) và Ai Cập (1250-1517) và tiếp tục như một đẳng cấp cai trị quân sự tại Ai Cập Ottoman cho đến khi bị tàn sát bởi phó vương Muhammad Ali vào năm 1811.

Kỳ sau: Chương Bốn Một Giáo hội Hèn mọn
 
Hans Urs von Balthasar: Kitô hữu là ai? Chương bốn, tiếp theo và hết
Vũ Văn An
19:03 12/12/2021

Một Giáo Hội hèn mọn

Giờ đây, phạm vi thực sự của xu hướng hiện đại có thể được chứng thực. Việc Giáo hội hướng ra bên ngoài, vượt ngoài biên giới của mình, bắt tay với các người anh em Kitô giáo, Do Thái giáo và không phải Kitô giáo của mình, có thể là việc tự truất hữu của Thiên Chúa và của Chúa Kitô. Có thể là như thế nếu Kitô hữu chịu tìm kiếm, không phải các thỏa hiệp cho bản thân hoặc các tiến bộ ngoại giao như thỏa hiệp đối với người khác, nhưng, thay vào đó, điều khó khăn nhất, tức việc bị phơi bày không được bảo vệ, có tính vị tha. Đây là nhiệm vụ sẽ hoàn thành mục đích cố hữu của nó, trong khi tất cả các nhiệm vụ khác (chẳng hạn như kỷ luật của Giáo hội phẩm trật) đều tương đối so với nó, sẽ tốt chừng nào khi chúng nâng cao nhiệm vụ chính, sẽ xấu chừng nào khi chúng che khuất nó. Giáo hội vị tha chỉ tìm vinh dự của Chúa mình chứ không tìm kiếm vinh dự cho mình, vì chính Chúa cũng đã tìm, không bao giờ là vinh quang của riêng mình, mà là vinh quang của Chúa Cha. Trong Kinh thánh, Giáo Hội tìm kiếm lời có thể dạy mình biết vâng lời cách hoàn hảo hơn; trong Phụng vụ của mình, Giáo Hội tìm kiếm, không phải là việc tự thỏa mãn của cộng đồng, nhưng là việc thờ lạy Chúa của mình và đầu tư sứ mệnh của mình bằng sức mạnh của Người. Khi đối phó với các Kitô hữu ly khai, Giáo Hội tìm cách chu toàn mệnh lệnh đầy thuyết phục nhất của Thầy chí thánh, hợp nhất như tình yêu. Trong thế giới phàm tục, Giáo Hội nói về mình như được sai đi, trở thành men bột thực hiện công việc của mình bằng cách biến đi.

Ngày nay, trong các phương thức mới mẻ của mình, Giáo Hội không tìm cách biện minh cho bản thân mà, thay vào đó, cảm thấy khiêm nhường sâu xa, chính trong các thái độ này, vì mọi điều sơ đẳng như thế chỉ xảy ra với Giáo Hội một cách không thể giải thích được vào những ngày muộn màng; vì Giáo Hội rất khó nghe thấy những lời thôi thúc và linh hứng không những của Chúa Thánh Thần mà còn của cả thế giới đồng loại nữa, các người Thệ phản, các nhà duy nhân bản, và những người cộng sản. Và hơn bao giờ hết, Giáo Hội cảm thấy mình nhỏ bé trong cuộc đối thoại đầu tiên, lắp bắp với người Do Thái. Giờ đây, Giáo Hội sẽ phải lựa lời ra sao, sau tất cả những gì đã xảy ra hơn hai nghìn năm nay? Giáo Hội rất có thể ấp ủ hy vọng rằng các bất đồng nội bộ giữa các Kitô hữu vẫn có thể được giải quyết êm đẹp bằng lòng khiêm nhường chân chính. Nhưng Giáo Hội phải tiếp cận các anh em Do Thái giáo của mình cách nào? Có lẽ Giáo Hội nên thực hiện một hành vi hết lòng ăn năn, bắt đầu từ việc Giáo Hội không tuân theo nhiều đoạn trong Kinh thánh, vốn dạy rằng chỉ có Thiên Chúa mới có độc quyền phán xét, Giáo hội được tháp vào bộ tộc thánh Israel, và các Kitô hữu phải rất cẩn thận nhớ rằng nếu Thiên Chúa không tha cho cành cao quý, tự nhiên, thì số phận tương tự vẫn có thể dễ dàng giáng xuống cành hoang dã chỉ được tháp vào mà thôi; và cuối cùng, trọn Israel sẽ được an toàn, vì những lời hứa của Thiên Chúa là không thể thu hồi. Mối tương quan Israel và Giáo hội dựa trên chính Kinh thánh; do đó, nó không nằm trong hồng phúc Giáo hội. Bản thân Giáo Hội hiện hữu theo nghĩa mầu nhiệm, biện chứng trong mối tương quan với Israel; sự ra xa lạ nảy sinh từ tâm điểm của lịch sử cứu rỗi, và việc loại bỏ việc này là việc của Quan tòa Phổ quát. Tuy nhiên, đối với Giáo hội, điều đó có nghĩa Giáo hội luôn có tương quan với Israel, cũng như Israel có tương quan với Giáo Hội, một cách chính Giáo Hội cũng không hiểu thấu. Vì vậy, tự mình, Giáo Hội không hề là toàn bộ. Không đơn giản là Vương quốc của Thiên Chúa. Vì vậy, Thánh Tông đồ khuyên Giáo Hội “Đừng có tự cao tự đại, nhưng phải sợ thì hơn” (Rm 11:20).

Không nơi nào khác, Giáo hội được kêu gọi khẩn thiết phải khiêm nhường như ở đây. Chữ sỉ nhục không phải là không thích hợp, và chúng ta không nên cố gắng phớt lờ nó; điều đó sẽ chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Trong tòa giải tội, người ta luôn sẵn sàng đón nhận sự sỉ nhục. Và những tội lỗi công khai như vậy, phạm trước tầm nhìn đầy đủ của lịch sử thế giới, không chỉ đơn giản được xóa khỏi ký ức của lịch sử bằng một lời thú tội công khai. Nên, chúng ta phải từ bỏ chúng. Không phải vì đức hạnh, nhưng vì dù sao chúng cũng sẽ bị loại bỏ. Và đối với cá nhân Kitô hữu, như chúng ta đã trình bày ngay từ đầu, không có cách nào làm mình lánh xa được chúng; vì xét cho cùng, đó chính là Giáo hội của chúng ta. Còn đối với những người Thệ Phản thích ném đá nhưng vẫn tự xưng là Kitô hữu, thì cần nhắc họ ở đây rằng lịch sử Kitô giáo trước cuộc chia rẽ, từng chút một và phần lớn lịch sử của họ cũng như lịch sử của chúng ta, đều là người Công Giáo. Dù sao, Giáo hội không chỉ bắt đầu hiện hữu vào thế kỷ thứ mười sáu.

Một Giáo hội khiêm nhường nên tìm ra con đường dễ dàng hơn để đến với người hèn mọn và bị khinh miệt. Đến với những người bị lãng quên, vì không đáng hoặc ít đáng dành các chi phí không tương xứng để chỉ nhận được những cải tiến ít ỏi của họ. Dấu chỉ sự hiện hữu trên mặt đất của Chúa Giêsu dường như là dấu chỉ sự vô ích thế nào, thì dấu chỉ Giáo hội trên mặt đất cũng vô ích như vậy. Nền văn minh thế tục càng tự tổ chức và theo đuổi các chiến dịch chống cảnh nghèo, bệnh tật, đói khát, ngu dốt, thì Kitô hữu càng phải tham gia nhiều hơn vào các nhiệm vụ này và cổ vũ chúng như những con người giữa những con người. Chính phủ và các hiệp hội chính phủ sẽ luôn có lợi thế ngày càng rõ ràng hơn Giáo hội về các nguồn lực sẵn có từ bên ngoài; do đó, ở đây, một lần nữa, Giáo hội được chỉ cho thấy những khoảng cách luôn hiện diện giữa các nhiệm vụ có tổ chức và hiệu quả tốt. Khi nhận “chỗ thấp nhất” trong số những chỗ cuối cùng, của Tin Mừng (Lc 14:10) và các tông đồ (1Cr 4:9), Giáo Hội đã giành chỗ đã định, dành riêng và thích hợp cho mình. Điều này không có nghĩa là, qua các thành viên của mình và trong tất cả các hoạt động không phải là Kitô giáo, Giáo Hội, bất cứ khi nào có thể, không được tìm cách cổ vũ, ngoài tinh thần nhân đạo, tinh thần cống hiến khiêm tốn, không tính toán của mình, tới tận các nhiệm vụ và chức vụ cao nhất của trách nhiệm trong xã hội loài người. Các chức năng như thế cũng sẽ được quản lý một cách khách quan nhất chính lúc mức độ quên mình cao nhất làm cho tính khách quan đó trở nên khả hữu, ngay cả giữa những cuộc tranh giành quyền lực của các nhóm, phe phái, quốc gia đặc thù, mà người ta hy vọng rằng các chân trời ngày càng có tính hoàn cầu sẽ khuyến khích tính hợp lý trong các lập trường và lập luận của họ.

Nếu trong các lĩnh vực thế tục như vậy, người ta hẳn mong được thấy một sự biến hóa hiển nhiên hướng tới tính phổ quát, thì đối với ý niệm về Giáo hội, không thể có sự biến hóa nào có thể diễn ra. Các ý niệm về Giáo Hội và cốt lõi thực tại của Giáo Hội đã được ban cho Giáo Hội một cách hoàn hảo, ban trước dọc chặng đường và bất cứ lúc nào Giáo Hội cũng có thể nhìn lại nguồn gốc của mình để căn cứ vào đó, đo lường những thất bại đáng trách của mình và nhấn mạnh các phương thức khác mà Giáo Hội đã không cần mẫn đủ trong việc khai triển. Những gì có vẻ như tiến bộ và phát triển, theo nghĩa thế gian, ngay lập tức, phải bị nghi ngờ là đang đi ra ngoài bản chất thực sự của Giáo Hội. Các gia tăng lớn lao về số lượng, các vinh dự, sự giàu có, các vị trí quyền lực văn hóa và chính trị nên đánh thức nơi Giáo Hội một cảm giác bất an và sợ hãi về việc bị Chúa lãng quên. Vị trí của Giáo Hội vẫn là một nghịch lý, vì chỉ với tư cách là một đoàn chiên nhỏ, Giáo Hội mới có thể tạo ra một hiệu quả lớn; chỉ khi như loại men cô đọng, Giáo Hội mới có thể “làm nổi thúng bột”, và điều dễ hiểu là, Giáo Hội, hết lần này đến lần khác, trở thành nạn nhân bị cám dỗ muốn thấy tác dụng to lớn này trong “mọi thứ bột” coi như là tiêu chuẩn chứng minh cho tính chân chính của việc Giáo Hội làm. Nó là một cám dỗ ít nhất tới mức các công việc của Giáo Hội cuối cùng không thể đo lường được. Những yếu tố thiết yếu nhất trong năng lực của Giáo Hội, cầu nguyện, đau khổ, tuân theo đức tin, sẵn lòng phục vụ (có lẽ chưa được sử dụng hết mức), lòng khiêm nhường, luôn lẩn tránh mọi phân tích thống kê. Do đó, các cộng đồng thế tục [instituta secularia] tính toán một cách chính xác khi từ bỏ hình thức hoạt động tông đồ trực tiếp (có thể đo lường được về mặt thống kê) để đơn giản hiện diện trong thế giới phi Kitô giáo (présence au monde). Các cộng đồng khác, những cộng đồng cố gắng, bằng mọi nguồn lực của mình, giành cho được các vị trí quyền lực thế gian và văn hóa để được cho là giúp đỡ Giáo hội, mà thực ra, chỉ gây thiệt hại cho Giáo hội và khiến bản thân và Giáo hội không bị ghét bỏ một cách hẳn vô lý.

Ở đây, nếu chúng ta không ngừng nói về “Giáo hội”, thì mỗi Kitô hữu phải biết rằng điều này là có ý nói về chính họ. Đã qua rồi thời hàng giáo dân có thể đơn giản buông bỏ trách nhiệm của họ cho hàng giáo sĩ. Các giáo sĩ ngày càng trở thành một tổ chức trợ giúp rõ ràng hơn, có nhiệm vụ giáo dục và chống đỡ dân Chúa (laos Theou) theo tinh thần Kitô giáo chân chính. Chính vì điều này mà hàng giáo sĩ đã nhận được những ân sủng đặc biệt tư tế, tín lý và lãnh đạo. Ngày nay không còn giáo dân nào có thể bắt đầu một câu buộc tội bằng những chữ như “Giáo hội phải... ”, mà không đồng thời hỏi xem liệu bản thân mình có đang làm những gì Giáo Hội phải làm hay không. Hơn nữa, trước khi thốt ra những lời tuyên bố như vậy, họ cũng phải và luôn chắc chắn rằng, khi nói như vậy, họ đang nói trong Thánh Thần của Giáo hội như Hiền thê của Chúa Kitô và Hiệp thông các Thánh, chứ không phải trong tinh thần chỉ biết phê phán một chiều, không yêu thương, và do đó hoàn toàn phi giáo hội. Kitô hữu không thể mong đợi chỉ đưa ra các yêu cầu rồi sau đó đứng nhìn Giáo hội bị truất hữu và sỉ nhục mà không trải nghiệm diễn trình chữa lành này trong cuộc sống của chính mình.

Cuối cùng, ở đây, nếu có ai nêu câu hỏi về việc xếp hạng các bậc sống khác nhau, nhằm làm cho bản chất của Giáo hội hoàn toàn rõ ràng đối với mọi người, thì có lẽ chúng ta phải đặt lên hàng đầu là “bậc sống ” của những người trong dân Chúa, những người đã được ban tặng và chọn đức vâng phục của đức tin, đức nghèo khó, và sự “hiếm muộn” [sterility] đầy hoa trái của Đức Mẹ làm lối sống nhất định của họ, tiếp theo là toàn thể dân Chúa, và cuối cùng là các đầy tớ thừa tác của họ (như Servi Servorum [đầy tớ các đầy tớ]). Tuy nhiên, vì trật tự thực tế đúng đắn này thường xuyên có nguy cơ bị giải thích sai trong số những người tội lỗi như một cách sắp xép thứ tự theo vinh dự, nên người ta cũng có thể lật ngược đầu xuống cuối, như thường lệ, và bắt đầu với hàng giáo sĩ và đặt trọn biểu thức thành tựu của nó ở phía cuối, đặc biệt vì bậc sống ở vị trí cuối cùng trong thực tế xứng đáng ở vị trí cuối cùng.

Cầu nguyện, hy vọng và phàm tục

Kitô hữu phải học cách truất hữu ngày một cách sâu sắc hơn. Đối với họ, vốn nợ tự do của mình nơi Chúa Kitô, việc này trở thành lời cầu nguyện. Chừng nào con người vẫn còn là tội nhân, và do đó ích kỷ, lời cầu nguyện của họ chứa đựng một sức nặng như chì của mối bận tâm về bản thân. Họ quan tâm đến sự cứu rỗi của mình, cố gắng làm hài lòng “Thiên Chúa xót thương”. Họ có mọi lý do để cầu xin sự tha thứ cho những thất bại của mình, xin sức mạnh cho những yếu điểm của mình. Ngoài ra, họ chắc chắn cũng sẽ cầu nguyện cho bạn bè, người quen, những người họ đang chăm sóc. Và ở ngoại vi, khi điều đó xảy ra, họ sẽ cầu nguyện cho dân Kitô giáo và thế giới. Nhưng tương ứng với việc họ biết Chúa Giêsu Kitô, lời cầu nguyện của họ cũng nhằm việc truất hữu. Họ cầu nguyện cho sự tha thứ tội lỗi; trong lời cầu nguyện này, có tội lỗi của chính họ, một điều quan trọng và dường như bị lu mờ, vì điều đáng sợ đối với họ lúc này là sự kiện: tội lỗi quả có hiện hữu, bất kể ai đã phạm nó. Họ cầu nguyện cho Nước Trời xuất hiện, cho Danh Thiên Chúa cả sáng, cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện trên trái đất. Cho cơm bánh được Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta và trước hết cho người đói ăn. Cho việc xa lánh cám dỗ và điều ác, trước hết nơi những người gần như bị bóng tối lấn át vô vọng.

Họ càng học cách cầu nguyện tốt hơn, thì trái tim của người cầu nguyện sẽ càng được truất hữu. họ phải thực hiện một khám phá kỳ lạ, mà lúc đầu, họ xa lánh nhưng sau đó thúc đẩy họ gần như không thể chịu đựng nổi, nó liên quan đến điều họ coi như căn phòng riêng tư, yên tĩnh của mình, nơi họ tưởng tượng họ có thể trò chuyện với Thiên Chúa trong cô tịch sâu thẳm nhất. Họ thấy nó chỉ ngăn tường với thế giới, nhưng không hề ngăn tường với thiên đàng. Mọi người trong Giáo Hội Chiến Thắng đều có thể nhìn thấy bên trong. Trong Ngày Chung Cuộc, mọi sự đều xảy ra, cả ở trên trời lẫn ở dưới đất, như thể trong một hội trường công cộng rộng lớn. Những lời cầu nguyện của các thánh, hiển hiện đối với mọi người, được các thiên thần thu thập và bay lên như hương thơm trước ngai vàng của Thiên Chúa. Không có gì riêng tư. Tình yêu càng mật thiết, càng có tính bản vị, thì nó càng được công khai trong Nước Thiên Chúa và mọi người càng có quyền đòi hỏi nó. Không những sàn thiên đàng được làm bằng pha lê trong suốt mà tất cả các bức tường cũng vậy. Trong ngôi nhà nhỏ bé ở Nadarét, mọi người đều có thể vào được trái tim của Đức Trinh Nữ, kể cả những người mang giày bẩn thỉu và quần áo rách rưới, những người không hề có mùi hoa huệ.

Các Kitô hữu vẫn có một cái gì đó để học hỏi ở đây; hầu hết họ tư sản một cách e thẹn khi nói đến lòng đạo đức riêng tư của họ. Họ cần phải xét một cách nghiêm túc xem liệu họ có phần nào lạc hậu trong quá trình biến hóa của ý thức hay không. Sự hiện hữu của họ, trái tim của họ, lời cầu nguyện của họ là một ổ bánh mà mọi người nên được chia sẻ. Tại sao các Kitô hữu lại không được phép dự phần vào mầu nhiệm thánh thể? (5) Nếu họ là chi thể của Chúa Kitô, thì Người đứng đầu có thể sử dụng họ. Họ đứng và phục vụ, và thước đo nằm ở Người đứng đầu mà họ phục vụ. Họ nên được biết và cảm thấy mình được tham gia, sử dụng, tiêu thụ. Và họ nên điều chỉnh chuyển động của trái tim, của lời cầu nguyện của họ, cho phù hợp. Họ nên học cách đọc kinh Lạy Cha chúng con một cách đúng đắn và đúng nghĩa, nghĩa là theo nghĩa của Chúa Kitô, và không thu hẹp nó lại, trái với ý nghĩa đích thực của nó, với mọi lời cầu xin bằng cách đặt mình vào trung tâm. Không có chữ “con” nào trong kinh Lạy Cha của chúng con, mà chỉ có chữ “chúng con”. Trong chữ “chúng con” này, chữ “con” tuy bị gộp vào, nhưng vẫn là được gộp vào.

Ngày xửa ngày xưa, không thể hiểu nổi, trong thần học có quan điểm cho rằng mỗi người chỉ có thể có hy vọng cho chính mình: hy vọng Kitô giáo, tức là "không làm thất vọng". Thay vào đó, chúng ta nên nói điều ngược lại. Mỗi người phải có hy vọng cho mọi người anh em mình, nhưng đối với chính mình, họ chỉ phải từ bỏ một cách khó khăn khoảnh khắc sợ hãi của họ. Tất nhiên, tình yêu hoàn hảo xua đuổi nỗi sợ hãi; nhưng ai dám nói họ có tình yêu hoàn hảo? Nhưng đằng sau người anh em họ gặp gỡ, họ nhìn thấy Con Người, Đấng đã chết vì họ và là Đấng cầu bầu cho họ trước mặt Chúa Cha (1 Ga 2: 1). Họ nhìn thấy Người đằng sau mọi người, đằng sau trọn bộ thế giới. Từ đó, hy vọng của họ được nuôi dưỡng. Không còn xẩy đến cho họ nữa việc họ chỉ hy vọng cho bản thân mình, chẳng hạn, ngay sau khi qua đời, họ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, trong khi những người khác có thể yên lặng chờ đợi đến lượt mình. Niềm hy vọng đích thực của Kitô hữu có tính cánh chung và cộng đoàn. Nó liên quan đến “tiếng rên rỉ” của sáng thế mong muốn chư một toàn thể được dự phần vào ơn cứu chuộc. Trong niềm hy vọng này, sự đối lập giữa thế giới này và thế giới sau này được khắc phục. Theo quan điểm của nhiều Giáo phụ, ngay cả những Đấng được chúc phúc ở trên trời cũng hy vọng ơn cứu chuộc trọn vẹn cuối cùng của thế giới. Và chúng ta thấy điều này trong những lời cầu nguyện của sách Khải Huyền, nơi trời mới đất mới đã được hứa hẹn. Trời mới sẽ đến khi đất đã lên trời. Và sau đó nó sẽ là một trái đất mới, trong đó ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện trên đất cũng như trên trời. Vì vậy, hy vọng của Kitô hữu diễn ra, không phải xa rời lịch sử, nhưng theo dòng lịch sử, đến tận cùng.

Do đó, khẩu hiệu của “thế giới thế tục” và của thế giới hiện đại và phàm tục được biến đổi thành một hạn từ thực sự Kitô giáo. Pro-fane [phàm tục] có nghĩa là bên ngoài thánh địa (fanum). “Pro” có nghĩa là chúng ta chưa ở bên trong nó nhưng chúng ta luôn đứng trước nó và đang tiến về phía nó. Vì vậy, trong mọi cuộc gặp gỡ, nó luôn hiện diện với một người khác: nó diễn ra trước cung thánh, nhưng nó sẽ không hề diễn ra nếu người Kitô hữu không thể nhìn thấu qua những điều phàm tục để thấy điều thánh thiện và, trong viễn cảnh này, cũng không sải bước tiến về phía nó. Trong khi sải bước, sự khác biệt giữa phàm tục và thánh thiêng trở thành rõ rệt. Nhưng luôn luôn chỉ trong lúc sải bước. Những lời khó nghe của những người theo chủ nghĩa siêu việt về tính phàm tục hoàn toàn của thế giới đã ngăn chặn những bước đi của hy vọng, giống như những lời khiến người ta ra say mê của những người theo chủ nghĩa Teilhard [de Chardin], về tính thánh thiêng toàn diện của vũ trụ, cũng đã làm như vậy.

Bước chân nho nhỏ của hy vọng được rọi sáng cho những ai bị truất hữu trong đức vâng lời đức tin. Họ dám bước đi mà không cần hỏi xem liệu họ có đang ở nước ngoài hay ở quê hương mình. Nếu họ cảm thấy mình đang ở trên đất lạ, thì ít nhất họ cũng biết rằng những bước chân của họ đang đưa họ trở về nhà và quê hương của họ sẽ không khác gì mảnh đất xa lạ đã tìm thấy đường về nhà.

Ghi chú

(1) Một nhà thần học thậm chí đã mạnh miệng khẳng định rằng một phần của việc tự lột bỏ (kenosis) của Chúa Kitô là do Người đã trở thành người quá sớm, trong một thời đại chưa trưởng thành về mặt tiến hoá. Thật là một Chúa Kitô thông minh đáng kinh ngạc mà chúng ta có thể mong đợi ngay cả ngày nay, chỉ một vài chu kỳ cao hơn trong vòng xoáy biến hóa của vũ trụ luôn phát triển đi lên! Không lời nào nói hết được!

(2) Xem bài viết của tôi về “Nền linh đạo của Teilhard de Chardin: Nhận xét về ấn bản tiếng Đức của Le Milieu Divin [Lãnh vực Thần linh]”, Wort und Warheit 18 (1963): 339–50.

(3) Xem bài viết của tôi về “Die Gottvergessenheit und die Christen”, Hochland 57 (1964): 1–11.

(4) Xem bài viết của tôi về “Chủ nghĩa toàn diện”, Wort und Warheit 18 (1963): 737–44.

(5) “Vì Chúa Giêsu như một toàn thể hoàn toàn trong sạch, nên trọn thịt của Người là của ăn và trọn máu của Người là của uống. Vì mọi việc làm của Người đều là thánh, và mọi lời nói của Người đều là sự thật. Nên, thịt của Người là thức ăn thật và máu của Người là của uống thật. Ở vị trí thứ hai, Thánh Phêrô và Thánh Phaolô cùng mọi Tông đồ là của ăn tinh khiết; và ở vị trí thứ ba, các môn đệ của họ. Và do đó, mỗi người đều có khả năng, tùy theo mức cam kết hoặc sự trong sạch trong ý định của mình, trở thành thức ăn tinh khiết cho người lân cận. Mỗi người trong chúng ta đều có một loại thức ăn nhất định bên trong mình. Nếu đó là điều tốt lành và họ rút ra từ đó và đem ra những điều tốt lành từ kho tàng tốt lành trong lòng mình, thì họ đã cung hiến cho người lân cận của họ một thức ăn tinh khiết ”: Origen, Bài Giảng lễ Thứ bảy về Sách Lêvi.
 
VietCatholic TV
Ngoạn mục: Những cảnh Giáng Sinh tuyệt đẹp tại Vatican và Âu Châu. Tông thư Dấu Chỉ Tuyệt Vời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:44 12/12/2021


Lúc 5g chiều thứ Sáu 10 tháng 12, lễ nghi thắp sáng cây thông Giáng Sinh và khánh thành cảnh Chúa giáng sinh đã diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô

Năm nay, cây thông Giáng Sinh đến từ Andalo, một ngôi làng nhỏ với khoảng 1,000 cư dân nằm ở Dolomites của Paganella. Cây thông Noel cao 27.4 m ở quảng trường Thánh Phêrô, được trang trí bằng 600 quả bóng gỗ do các thợ thủ công của Andalo tạo ra bằng tay và cảnh Chúa giáng sinh do thợ thủ công của Peru thực hiện nhân kỷ niệm 200 năm thành lập đất nước này.

Cảnh Chúa giáng sinh năm nay được thực hiện bởi cộng đồng người Peru ở Chopcca, một thị trấn nhỏ ở vùng Huancavelica thuộc vùng núi Andean. Một phái đoàn của các cộng đồng Peru đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến để trình bày về các món quà vào sáng thứ Sáu.

Nhân dịp này, xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ Tông thư dưới dạng tự sắc ADMIRABILE SIGNUM của Đức Thánh Cha Phanxicô

Hình ảnh làm say mê của máng cỏ Giáng Sinh, rất thân thương đối với dân Kitô, không bao giờ ngừng khơi dậy sự kinh ngạc và suy tư trong lòng. Việc mô tả sự ra đời của Chúa Giêsu tự nó là một lời công bố đơn sơ và vui mừng về mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa. Cảnh Chúa Giáng Sinh giống như một Tin mừng sống động mọc lên từ các trang của Kinh thánh. Khi chúng ta suy ngẫm về câu chuyện Giáng Sinh, chúng ta được mời tham gia vào một cuộc hành trình tâm linh, kín múc từ sự khiêm nhường của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành phàm nhân để gặp gỡ mọi người nam nữ. Chúng ta nhận ra rằng tình yêu của Ngài dành cho chúng ta quá lớn khi Người trở thành một trong số chúng ta, để đến lượt mình chúng ta nên một với Người.

Với Thư này, tôi muốn khuyến khích không chỉ truyền thống tốt đẹp của các gia đình chuẩn bị cảnh Giáng Sinh vào những ngày trước dịp lễ, mà cả phong tục bày trí cảnh Giáng Sinh ở nơi làm việc, trong trường học, bệnh viện, nhà tù và các quảng trường thị trấn. Trí tưởng tượng tuyệt vời và sự sáng tạo luôn được thể hiện trong việc sử dụng các vật liệu đa dạng nhất để tạo ra những kiệt tác nhỏ của thẩm mỹ. Khi còn nhỏ, chúng ta học hỏi từ cha mẹ và ông bà của mình để tiếp tục truyền thống hân hoan này, trong đó gói gọn rất nhiều lòng đạo đức bình dân. Tôi hy vọng rằng phong tục này sẽ không bao giờ bị mất và bất cứ nơi nào nó rơi vào tình trạng không được dùng đến, nó có thể được tái khám phá lại và hồi sinh.

2. Trên tất cả, nguồn gốc của máng cỏ Giáng Sinh được tìm thấy trong các chi tiết nhất định về việc Chúa Giêsu được sinh hạ tại Bêlem, như được tường trình trong Tin Mừng. Thánh Sử Luca nói đơn giản rằng Đức Maria “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2: 7). Bởi vì Chúa Giêsu đã được đặt trong máng cỏ, cảnh Giáng Sinh được biết đến ở Ý như một presepe, từ chữ praesepium trong tiếng Latinh, có nghĩa là “máng cỏ”.

Đến với thế giới này, Con Thiên Chúa được đặt ở nơi các động vật được cho ăn. Cỏ trở thành chiếc giường đầu tiên của Đấng sẽ tự mạc khải mình là “bánh từ trời xuống” (Ga 6:41). Thánh Augustinô, và các Giáo Phụ khác, đã rất cảm kích trước hình ảnh biểu tượng này: “Được đặt trong máng cỏ, Người đã trở thành của ăn nuôi sống chúng ta” (Bài Giảng 189, 4). Thật vậy, cảnh Giáng Sinh gợi lên một số mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu và đưa các mầu nhiệm ấy gần gũi hơn với cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Nhưng chúng ta hãy quay trở lại nguồn gốc của máng cỏ Giáng Sinh rất quen thuộc với chúng ta. Chúng ta cần tưởng tượng mình đang ở thị trấn nhỏ Greccio của Ý, gần thành Rieti. Thánh Phanxicô đã dừng lại ở đó, rất có thể trên đường trở về từ Rôma, vào ngày 29 tháng 11 năm 1223, sau khi Đức Giáo Hoàng Honorius III đã chuẩn y Luật Dòng của ngài. Trước đó, Thánh Phanxicô đã viếng thăm Thánh địa, cho nên các hang động ở Greccio khiến ngài nhớ về vùng quê Bêlem. Cũng có thể là “Người Nghèo của thành Assisi” đã bị đánh động trước các bức tranh khảm trong đền thờ Đức Bà Cả ở Rôma mô tả sự ra đời của Chúa Giêsu, gần nơi, theo một truyền thống cổ kính, các tấm gỗ của máng cỏ được bảo tồn.

Tài liệu Phan sinh mô tả chi tiết những gì đã diễn ra sau đó ở Greccio. Mười lăm ngày trước lễ Giáng Sinh, Thánh Phanxicô hỏi một người đàn ông địa phương tên là Gioan giúp ngài hiện thực hóa mong muốn của mình là “mang đến trong cuộc sống những ký ức về hài nhi được sinh hạ ở Bêlem, để chứng kiến càng nhiều càng tốt với đôi mắt của chính thân thể riêng mình sự khó chịu của hài nhi sơ sinh, cách Ngài được đặt nằm trong máng cỏ, và cách Ngài được đặt trên một chiếc giường bằng cỏ, với một con bò và một con lừa đứng cạnh”. [1] Lúc đó, người bạn trung thành của Ngài đã đi ngay lập tức để chuẩn bị tất cả những gì thánh nhân yêu cầu. Vào ngày 25 tháng 12, các tu sĩ đã tuốn đến Greccio từ nhiều nơi khác nhau, cùng với những người từ các trang trại trong khu vực, là những người đã mang hoa và đuốc đến để thắp sáng đêm thánh đó. Khi Thánh Phanxicô đến, ngài thấy một máng cỏ đầy cỏ khô, một con bò và một con lừa. Tất cả những người có mặt đã trải nghiệm một niềm vui mới không thể diễn tả được trước sự hiện diện của cảnh Giáng Sinh. Sau đó, vị linh mục đã long trọng cử hành Bí tích Thánh Thể trên máng cỏ, cho thấy mối liên kết giữa việc Nhập thể của Con Thiên Chúa và Bí tích Thánh Thể. Tại Greccio không có các bức tượng; cảnh Giáng Sinh được diễn lại và trải nghiệm bởi tất cả những người có mặt. [2]

Đây là cách mà truyền thống của chúng ta đã bắt đầu: với tất cả mọi người tụ tập trong niềm vui xung quanh máng cỏ, không có khoảng cách nào giữa sự kiện ban đầu và những người chia sẻ trong mầu nhiệm ấy.

Thomas thành Celano, người viết tiểu sử đầu tiên của Thánh Phanxicô, lưu ý rằng cảnh Giáng Sinh đơn sơ và cảm động này được đi kèm với ân sủng là một thị kiến thật kỳ diệu: một trong những người có mặt đã nhìn thấy Hài nhi Giêsu đang nằm trong máng cỏ. Từ cảnh Giáng Sinh trong đêm Giáng Sinh năm 1223, “tất cả mọi người trở về nhà với niềm vui”. [3]

3. Với sự đơn sơ của dấu chỉ này, Thánh Phanxicô đã thực hiện một công cuộc truyền giáo vĩ đại. Giáo lý của ngài đã chạm đến con tim của các Kitô hữu và cho đến hôm nay vẫn tiếp tục đưa ra một phương tiện đơn sơ nhưng chân thực để mô tả vẻ đẹp của đức tin chúng ta. Thật vậy, nơi mà cảnh Giáng Sinh đầu tiên được diễn lại thể hiện và gợi lên những tình cảm này. Greccio đã trở thành nơi ẩn náu cho linh hồn, một ngọn núi bảo vệ được bao trùm trong im lặng.

Tại sao cảnh Giáng Sinh lại khơi dậy sự ngạc nhiên như thế và khiến chúng ta cảm động sâu sắc đến vậy? Đầu tiên, bởi vì nó cho thấy tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa: Đấng tạo dựng vũ trụ đã tự hạ mình để mặc lấy sự yếu đuối của chúng ta. Hồng ân sự sống, trong tất cả mầu nhiệm của nó, trở nên kỳ diệu hơn khi chúng ta nhận ra rằng Con của Đức Maria là nguồn mạch và là sự nâng đỡ cho mọi sự sống. Trong Chúa Giêsu, Chúa Cha đã ban cho chúng ta một người anh em đến để tìm kiếm chúng ta bất cứ khi nào chúng ta bối rối hoặc lạc lối, một người bạn trung thành luôn ở bên chúng ta. Ngài đã ban cho chúng ta Con của Người, Đấng đã tha thứ cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi.

Việc bài trí cảnh Giáng Sinh trong nhà giúp chúng ta làm sống lại lịch sử của những gì diễn ra ở Bêlem. Đương nhiên, các sách Phúc Âm vẫn là nguồn để chúng ta hiểu và suy ngẫm về sự kiện đó. Đồng thời, mô tả của sự kiện ấy nơi máng cỏ giúp chúng ta tưởng tượng ra khung cảnh này. Nó chạm đến trái tim của chúng ta và làm cho chúng ta đi vào lịch sử cứu độ như những người đương thời của một sự kiện đang sống động và rất thật trong một loạt các bối cảnh lịch sử và văn hóa.

Một cách đặc biệt, kể từ thời điểm nguyên thủy bắt đầu với các tu sĩ Phanxicô, cảnh Giáng Sinh đã mời gọi chúng ta “cảm nghiệm” và “động chạm đến” sự nghèo hèn mà Con Thiên Chúa mặc lấy trong mầu nhiệm Nhập Thể. Nó gián tiếp hiệu triệu chúng ta bước theo Ngài trên con đường khiêm hạ, nghèo đói và tự chối bỏ mình dẫn từ máng cỏ Bêlem đến thập giá. Nó kêu mời chúng ta gặp gỡ Ngài và phục vụ Ngài bằng cách tỏ lòng thương xót với những anh chị em của chúng ta đang quẫn bách nhất (x. Mt 25: 31-46).

4. Giờ đây, tôi muốn trình bày các suy tư về các yếu tố khác nhau của cảnh Giáng Sinh để chúng ta cảm nhận ý nghĩa sâu sắc hơn của chúng. Đầu tiên, là bối cảnh của một bầu trời đầy sao được bao bọc trong bóng tối và sự im lặng của màn đêm. Chúng ta trình bày điều này không chỉ vì lòng trung thành với các trình thuật Tin Mừng, mà còn vì giá trị biểu tượng của nó. Chúng ta có thể nghĩ về tất cả những khoảng thời gian trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta trải qua bóng tối của màn đêm. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, nhưng Ngài vẫn có ở đó để trả lời những câu hỏi quan trọng của chúng ta về ý nghĩa của cuộc sống. Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tại sao tôi được sinh ra vào thời điểm này trong lịch sử? Tại sao tôi yêu? Tại sao tôi đau khổ? Tại sao tôi sẽ chết? Chính là để trả lời những câu hỏi đó mà Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân. Sự gần gũi của Ngài mang lại ánh sáng nơi có bóng tối và chỉ đường cho những người sống trong bóng tối của khổ đau (x. Lc 1, 79).

Cũng đáng được nhắc đến là những cảnh quan, là một phần trong cảnh Giáng Sinh. Thường thì chúng bao gồm các tàn tích của những ngôi nhà cổ hoặc các tòa nhà, trong một số trường hợp thay thế hang Bêlem và trở thành một ngôi nhà cho Thánh gia. Những tàn tích này dường như được lấy cảm hứng từ Truyền thuyết Vàng của tu sĩ Dòng Đa Minh Jacobus de Varagine sống ở thế kỷ thứ mười ba, liên quan đến một niềm tin ngoại giáo rằng Đền thờ Hòa bình ở Rôma sẽ sụp đổ khi một Trinh nữ hạ sinh một hài nhi. Trên hết, những tàn tích là dấu hiệu hữu hình của loài người sa ngã, của tất cả mọi thứ chắc chắn sẽ rơi vào cảnh hoang tàn, suy tàn và thất vọng. Bối cảnh này cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là sự mới mẻ giữa một thế giới già cỗi, rằng Ngài đã đến để chữa lành và xây dựng lại, để khôi phục thế giới và cuộc sống của chúng ta trở lại với vẻ huy hoàng ban đầu.

5. Thật đầy cảm xúc khi sắp xếp những ngọn núi, dòng suối, những con cừu và các mục đồng trong cảnh Giáng Sinh! Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta được nhắc nhở rằng, như các tiên tri đã báo trước, tất cả các loài thọ tạo đều vui mừng trước sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai. Các thiên thần và ngôi sao dẫn đường là một dấu hiệu cho thấy chúng ta cũng được kêu gọi lên đường đến hang đá và thờ phượng Chúa.

“Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.” (Lc 2:15). Các mục đồng đã nói với nhau như thế sau lời loan báo của các thiên thần. Một bài học đẹp xuất hiện từ những từ đơn giản này. Không giống như nhiều người khác, bận rộn về nhiều thứ, các mục đồng trở thành người đầu tiên nhìn thấy điều thiết yếu nhất trong tất cả: đó là hồng ân cứu độ. Chính những người khiêm tốn và nghèo khổ là những người chào đón sự kiện Nhập thể. Các mục đồng đáp lại Thiên Chúa, Đấng đến gặp chúng ta qua Hài nhi Giêsu, bằng cách lên đường gặp Người với tình yêu, lòng biết ơn và sự tôn kính. Nhờ Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ này giữa Thiên Chúa và con cái Người đã sinh ra tôn giáo của chúng ta và giải thích cho vẻ đẹp độc đáo của nó, rất rõ ràng một cách tuyệt vời trong cảnh Giáng Sinh.

6. Thông thường chúng ta thêm vào cảnh Giáng Sinh của chúng ta nhiều nhân vật biểu tượng. Đầu tiên, là những người ăn xin và những người khác là những người chú trọng đến sự giàu có của tâm hồn. Họ cũng có mọi quyền để đến gần Chúa Giêsu Hài Đồng; không ai có thể đuổi họ đi hoặc bảo họ tránh xa một chiếc nôi quá tạm bợ đến nỗi người nghèo dường như thấy hoàn toàn quen thuộc như đang ở nhà mình. Thật vậy, người nghèo là một phần đặc quyền của mầu nhiệm này; thường thì họ là những người đầu tiên nhận ra sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng ta.

Sự hiện diện của người nghèo và người thấp hèn trong cảnh Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng Chúa hóa thành phàm nhân cho những ai cảm thấy cần tình yêu của Người nhất, và cho những ai cầu xin Ngài đến gần họ. Chúa Giêsu, “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29), được sinh ra trong cảnh nghèo đói và có một cuộc sống đơn giản để dạy chúng ta nhận ra những gì là cần thiết và hành động cho phù hợp. Cảnh Giáng Sinh dạy rõ ràng rằng chúng ta không thể để mình bị lừa dối bởi sự giàu có và những hứa hẹn hạnh phúc thoáng qua. Chúng ta thấy cung điện vua Hêrôđê ở phía sau, đóng cửa và điếc lác trước những tin tức đầy hân hoan. Khi được sinh ra trong máng cỏ, chính Thiên Chúa đã phát động một cuộc cách mạng thực sự duy nhất có thể mang lại hy vọng và phẩm giá cho những người bị khinh miệt và bị ruồng bỏ: đó là cuộc cách mạng của tình yêu, cuộc cách mạng của sự dịu dàng. Từ máng cỏ, Chúa Giêsu tuyên bố, một cách hiền lành nhưng mạnh mẽ, nhu cầu chia sẻ với người nghèo như là con đường hướng đến một thế giới nhân bản và huynh đệ hơn, trong đó không ai bị loại trừ hay bị gạt ra ngoài lề.

Trẻ em - nhưng cả người lớn cũng thế! - thường thích thêm vào cảnh Giáng Sinh các nhân vật khác không có mối liên hệ rõ ràng với các trình thuật Tin Mừng. Tuy nhiên, cách này cách khác, những bổ sung tưởng tượng thêm này cho thấy rằng trong thế giới mới được khai mạc bởi Chúa Giêsu, có chỗ cho bất cứ điều gì thực sự là nhân bản và cho tất cả các tạo vật của Chúa. Từ người chăn cừu đến người thợ rèn, từ người thợ làm bánh đến nhạc sĩ, từ những người phụ nữ mang bình nước đến những trẻ em chơi đùa: tất cả những điều này nói lên sự thánh thiện hàng ngày, và niềm vui làm những việc bình thường một cách phi thường, được sinh ra mỗi khi Chúa Giêsu chia sẻ cuộc sống thánh thiêng của Người với chúng ta.

7. Dần dần, chúng ta đến hang đá, nơi chúng ta gặp gỡ hình ảnh của Đức Maria và Thánh Giuse. Đức Maria là một người mẹ đang chiêm ngưỡng con mình và cho mọi người khách được thấy hài nhi. Hình dáng của Đức Maria khiến chúng ta suy ngẫm về mầu nhiệm vĩ đại bao quanh người phụ nữ trẻ này khi Chúa gõ cửa trái tim vô nhiễm của Mẹ. Đức Maria đáp lại trong sự vâng phục hoàn toàn sứ điệp của thiên thần yêu cầu Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Những lời này của Mẹ, “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.” (Lc 1:38), chỉ cho tất cả chúng ta thấy làm thế nào để từ bỏ chính mình trong đức tin để tuân theo thánh ý Chúa. Do lời “xin vâng” của Mẹ, Đức Maria đã trở thành mẹ của Con Thiên Chúa, không mất đi, nhưng nhờ Người, thánh hiến sự trinh tiết của mình. Ở Mẹ, chúng ta thấy Mẹ Thiên Chúa không chỉ giữ Con Mẹ cho riêng mình, nhưng mời mọi người tuân theo lời Người và đưa lời Chúa vào thực hành (x. Ga 2: 5).

Ở bên cạnh Đức Maria, Thánh Giuse đứng đó cho thấy sự bảo vệ Hài Nhi và Mẹ Ngài. Thánh Giuse thường được mô tả với cây gậy trong tay, hoặc cầm một chiếc đèn. Thánh Giuse đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Đức Maria. Ngài là người bảo vệ không mệt mỏi gia đình mình. Khi Chúa cảnh báo ngài về mối đe dọa của vua Hêrôđê, ngài đã không ngần ngại lên đường và chạy trốn đến Ai Cập (x. Mt 2: 13-15). Và một khi nguy hiểm đã qua, ngài đưa gia đình trở về Nagiarét, nơi ngài sẽ trở thành thầy dạy đầu tiên của Chúa Giêsu khi còn là một cậu bé và sau đó là một chàng trai trẻ. Thánh Giuse trân trọng trong lòng mình mầu nhiệm lớn lao xung quanh Chúa Giêsu và Đức Maria là người phối ngẫu của ngài; và với tư cách là một người đàn công chính, ngài luôn tin tưởng vào thánh ý Chúa và đem ra thực hành.

8. Trong ngày lễ Giáng Sinh, khi chúng ta đặt bức tượng Chúa Giêsu Hài Đồng vào máng cỏ, khung cảnh Giáng Sinh đột nhiên trở nên sống động. Thiên Chúa xuất hiện như một đứa trẻ, để chúng ta ôm trong vòng tay của mình. Bên dưới sự yếu đuối và mỏng dòn, Ngài che giấu sức mạnh có thể tạo ra và biến đổi tất cả mọi thứ. Điều đó dường như là không thể, nhưng đó là sự thật: trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa là một hài nhi, và qua đó, Người muốn tiết lộ sự vĩ đại trong tình yêu của Người: đó là bằng cách mỉm cười và mở rộng vòng tay với tất cả mọi người.

Sự ra đời của một đứa trẻ đánh thức niềm vui và sự ngạc nhiên; nó đặt ra trước mắt chúng ta mầu nhiệm lớn lao của cuộc sống. Nhìn thấy đôi mắt sáng của một cặp vợ chồng trẻ đang chăm chú nhìn đứa con mới sinh của mình, chúng ta có thể hiểu cảm giác của Đức Maria và Thánh Giuse, khi các ngài nhìn vào Hài nhi Giêsu, và cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của các ngài.

“Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày” (1 Ga 1: 2). Trong những lời này, Thánh Tông đồ Gioan tổng hợp mầu nhiệm Nhập thể. Máng cỏ cho phép chúng ta nhìn và chạm vào sự kiện độc đáo và vô song, đã thay đổi tiến trình lịch sử, đến mức thời gian sau đó sẽ được tính lại là trước hoặc sau khi Chúa giáng sinh.

Đường lối Chúa thật đáng kinh ngạc, vì [theo suy nghĩ của chúng ta] dường như không thể nào lại có chuyện Thiên Chúa từ bỏ vinh quang để trở thành một người như chúng ta. Trước sự ngạc nhiên của chúng ta, chúng ta thấy Chúa hành động chính xác như chúng ta: Ngài ngủ, bú sữa từ mẹ mình, khóc lóc và chơi đùa như mọi đứa trẻ khác! Như mọi khi, Chúa làm chúng ta phải lúng túng. Chúng ta không thể đoán trước được, vì Ngài liên tục thực hiện những gì chúng ta ít mong đợi nhất. Cảnh Giáng Sinh cho thấy Thiên Chúa khi Người bước vào thế giới của chúng ta, nhưng nó cũng khiến chúng ta suy ngẫm về cuộc sống của chúng ta như là một phần cuộc sống của chính Thiên Chúa. Nó mời gọi chúng ta trở thành môn đệ của Ngài nếu chúng ta muốn đạt đến ý nghĩa tối hậu trong cuộc sống.

9. Khi lễ Hiển linh đến gần, chúng ta đặt các bức tượng của ba vị đạo sĩ vào máng cỏ Giáng Sinh. Khi quan sát các ngôi sao, những người thông thái từ phương Đông đã lên đường đến Bêlem, để tìm Chúa Giêsu và dâng cho Ngài những món quà bằng vàng, nhũ hương và mộc dược. Những món quà đắt giá này có một ý nghĩa ngụ ngôn: vàng tôn vinh vương quyền của Chúa Giêsu, nhũ hương là thiên tính của Người, và mộc dược nói lên bản tính nhân loại thiêng liêng của Người sẽ trải nghiệm cái chết và sự chôn cất.

Khi chúng ta suy ngẫm về khía cạnh này của cảnh Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi suy ngẫm về trách nhiệm của mỗi Kitô hữu trong việc truyền bá Tin Mừng. Mỗi người trong chúng ta được mời gọi mang tin mừng đó đến với tất cả mọi người, làm chứng bằng những việc làm thực tế đầy lòng thương xót của chúng ta đối với niềm vui được biết Chúa Giêsu và tình yêu của Người.

Các vị đạo sĩ dạy chúng ta rằng mọi người có thể đến với Chúa Kitô bằng một con đường rất dài. Những người giàu có, các bậc hiền triết từ phương xa, khao khát sự vô hạn, họ bắt đầu cuộc hành trình dài và đầy nguy hiểm sẽ đưa họ đến Bêlem (x. Mt 2: 1-12). Niềm vui lớn đến với họ trước sự hiện diện của Vua Hài Nhi. Họ không bị chi phối bởi môi trường nghèo nàn xung quanh, nhưng ngay lập tức quỳ xuống để tôn thờ Ngài. Quỳ xuống trước Ngài, họ hiểu rằng Thiên Chúa với thượng trí của Ngài đang hướng dẫn tiến trình của các vì sao, cũng hướng dẫn tiến trình của lịch sử, hạ bệ những kẻ quyèn thế và nâng cao những ai khiêm nhường. Khi trở về nhà, chắc chắn họ sẽ nói với những người khác về cuộc gặp gỡ tuyệt vời này với Đấng Thiên Sai, do đó khởi xướng việc truyền bá Tin Mừng giữa các quốc gia.

10. Đứng trước máng cỏ Giáng Sinh, chúng ta nhớ lại thời gian khi còn nhỏ, háo hức chờ đợi để được thiết trí nó. Những ký ức này làm cho tất cả chúng ta ý thức hơn về món quà quý giá nhận được từ những người truyền bá niềm tin cho chúng ta. Đồng thời, chúng nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ của chúng ta là phải chia sẻ kinh nghiệm tương tự này với con cháu chúng ta. Sắp xếp cảnh Giáng Sinh như thế nào không quan trọng: nó có thể giống nhau hoặc có thể thay đổi từ năm này sang năm khác. Điều quan trọng là nó nói lên cuộc sống của chúng ta. Dù ở bất cứ nơi đâu và dù ở bất kỳ hình thức nào, máng cỏ Giáng Sinh nói với chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một trẻ thơ để làm cho chúng ta biết Ngài gần gũi với mọi người nam nữ và trẻ em như thế nào, bất kể tình trạng của họ.

Anh chị em thân mến, máng cỏ Giáng Sinh là một phần của quá trình quý giá nhưng đầy thách đố trong việc truyền lại đức tin. Bắt đầu từ thời thơ ấu, và ở mỗi giai đoạn của cuộc đời chúng ta, máng cỏ dạy chúng ta biết chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, biết trải nghiệm tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, biết cảm nhận và tin rằng Chúa ở cùng chúng ta và chúng ta ở cùng Người, cùng với con cái Người, là anh chị em với nhau, nhờ Hài Nhi là Con Thiên Chúa và Con của Đức Trinh Nữ Maria. Và để nhận ra rằng trong hiểu biết đó, chúng ta tìm thấy hạnh phúc thực sự. Như Thánh Phanxicô, chúng ta có thể mở lòng mình ra với ân sủng đơn sơ này, để từ sự ngạc nhiên của chúng ta, một lời cầu nguyện khiêm nhường có thể được nảy sinh: đó là một lời cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa, Đấng muốn chia sẻ với chúng ta tất cả, và vì thế không bao giờ để chúng ta cô đơn.

Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An

[1] Cf. Thomas of Celano, First Life, 84; Franciscan Sources, 469.

[2] Ibid., 85; Franciscan Sources, 469.

[3] Ibid., 86: Franciscan Sources, 470.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Ngoạn mục: Cuộc rước kiệu tôn kính Đức Mẹ Guadalupe tại California. Trường học ở Ấn bị phá hoại
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:06 12/12/2021


1. Los Angeles, San Diego bày tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ Guadalupe với những đám rước, và Thánh lễ sau nhiều năm bị gián đoạn

Hôm Chúa Nhật vừa qua, Tổng Giáo Phận Los Angeles đã tổ chức cuộc rước hàng năm lần thứ 90 và thánh lễ ngoài trời tôn vinh Đức Mẹ Guadalupe. Cuộc rước kiệu này là truyền thống tôn giáo lâu đời nhất ở Los Angeles, được thành lập bởi những người Công Giáo chạy trốn sự đàn áp của chính phủ Mễ Tây Cơ trong cuộc Chiến tranh Cristero năm 1931.

“Thật vui khi được gặp gỡ anh chị em trong năm nay để kỷ niệm Đức Mẹ Guadalupe,” Đức Tổng Giám Mục Los Angeles José Gomez cho biết trong một thông cáo.

Sự kiện năm nay là một phần của Năm Thánh của tổng giáo phận, “Tiến lên trong việc Truyền giáo”, kỷ niệm 250 năm đức tin Công Giáo đến với khu vực.

“Chúng tôi tập trung ở đây với mong muốn 'luôn hướng về phía trước và đoàn kết trong sứ mệnh và hy vọng', đó là chủ đề của cuộc rước kiệu của chúng tôi năm nay, và như anh chị em biết, đó là một năm lịch sử,” Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.

Năm học sinh của East Los Angeles từ Trường Trung học Bishop Mora Salesian đã khởi đầu cuộc rước bằng một cuộc chạy tiếp sức dài 6 dặm và rước đuốc Guadalupano từ cứ điểm truyền giáo San Gabriel đến Sân vận động Trường Cao đẳng Đông Los Angeles, nơi Thánh lễ được tổ chức.

Cuộc rước bao gồm các nhạc công, vũ công Aztec và nhiều chiếc kiệu đầy màu sắc tôn vinh Đức Mẹ Guadalupe, Đấng đã là biểu tượng của “hy vọng, lòng trắc ẩn, sự hiệp nhất và tình yêu thương” trong suốt một năm khó khăn, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.

“Hình ảnh của Mẹ là biểu tượng của sự thống nhất, hòa bình, lòng trắc ẩn và hy vọng cho mọi người trên khắp thế giới,” Tổng giáo phận Los Angeles cho biết trong một tuyên bố.

Cuộc rước và Thánh lễ kỷ niệm 490 năm Đức Mẹ Guadalupe hiện ra, và đánh dấu đỉnh cao của cuộc hành hương kéo dài nhiều tháng với các hình ảnh của Đức Mẹ Guadalupe và Thánh Juan Diego khắp Los Angeles. Hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe được rước trong cuộc rước kiệu này là bản sao kỹ thuật số chính xác hình ảnh gốc ở Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe của Thành phố Mễ Tây Cơ, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II làm phép.

“Bất cứ khi nào tôi hiện diện trước hình ảnh của Đức Mẹ Guadalupe, tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ được yêu thương,” Đức Tổng Giám Mục José Gomez nói trên Twitter khi chuẩn bị cho sự kiện này. “Khi có sự hiện diện của Đức Mẹ, bạn có thể cảm nhận được sự ấm áp từ đôi mắt dịu dàng của Mẹ đang nhìn xuống bạn. Đó là một cảm giác mạnh mẽ - một cảm giác đẹp đẽ khi được bảo vệ”.

Năm ngoái, một số lượng hạn chế người tham gia chỉ có thể tham gia vào cuộc rước kiệu bằng xe hơi do đại dịch COVID-19.

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã cầu nguyện cho sự kết thúc của đại dịch trong sự kiện năm nay.

“Đặc biệt là trong ngày hôm nay, chúng ta hãy dâng lên lời cầu nguyện cho sự kết thúc của đại dịch,” Do Thái Giáo Gomez nói bằng tiếng Tây Ban Nha trong lễ kỷ niệm song ngữ. “Chúng ta dành những lời cầu nguyện đặc biệt cho phần rỗi đời đời của những người đã qua đời, cũng như những người bị bệnh và những người giúp đỡ họ.”

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Gomez cũng kêu gọi các tín hữu tiếp tục theo Chúa Giêsu.

Ngài nói: “Chúng ta cần ngày càng gia tăng tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu, sự hiểu biết về những gì Thiên Chúa muốn trong cuộc sống của chúng ta, với ước muốn làm theo thánh ý Ngài”.

Giáo phận San Diego cũng đã cử hành Lễ Đức Mẹ Guadalupe bằng một cuộc rước và Thánh lễ vào hôm Chúa Nhật. Giám Mục Phụ Tá Ramón Bejarano đã tham gia vào cuộc rước và cử hành Thánh lễ song ngữ, được tổ chức trong phòng tập thể dục tại Trường Trung học Thánh Augustinô.

Aida Bustos, Giám đốc Văn phòng Truyền thông của Giáo phận San Diego, cho biết: “Chúng tôi ước tính rằng khoảng 1,000 tín hữu sẽ tham gia vào cuộc rước của chúng tôi, nhưng gần 2,000 người đã tham dự Thánh lễ, một trong những con số đông nhất trong những năm gần đây”.

Năm ngoái, Thánh lễ San Diego được tổ chức bên ngoài với số lượng người tham dự hạn chế do đại dịch, và không có đám rước nào diễn ra. Theo một báo cáo, năm nay, lễ kỷ niệm ở San Diego có sự tham gia của 32 tổ chức và giáo xứ Công Giáo trong khu vực, cùng với các ban nhạc và vũ công mariachi.

Sau thánh lễ, giáo phận tổ chức lễ tưởng nhớ cựu Giám Mục Phụ Tá Gilbert Chavez, qua đời vào tháng 3 năm 2020. Đức Cha Chavez là người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ thứ hai được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá tại Hoa Kỳ
Source:Catholic News Agency

2. Doanh nhân bị buộc tội tống tiền Vatican sắp bị dẫn độ

Một doanh nhân bị cáo buộc tống tiền các quan chức Vatican trong quá trình mua một tài sản có giá trị ở London sẽ bị đưa về Ý để đối mặt với cáo buộc hình sự, một thẩm phán Anh đã đưa ra phán quyết trên.

Gianluigi Torzi, 42 tuổi, bị nhà chức trách Ý truy nã về tội lừa đảo và rửa tiền. Doanh nhân này bị cáo buộc đã âm mưu lừa đảo Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh liên quan đến việc mua bất động sản ở London vào năm 2018.

Các luật sư của Torzi đã lập luận rằng anh ta có nguy cơ gặp nguy hiểm gấp đôi nếu trở về Ý và có thể phải đối mặt với phiên tòa về những vấn đề tương tự hai lần. Ông khẳng định các nhà chức trách Ý đã bị lừa bởi những người đồng cấp ở Vatican.

Torzi sẽ vẫn được tại ngoại và các luật sư của anh ta cho biết họ sẽ kháng cáo.

Tổng cộng, Vatican đã chi khoảng 350 triệu euro, tức là khoảng 396 triệu Mỹ Kim, để mua lại khu bất động sản sang trọng và thanh toán các khoản phí, theo một phán quyết vào tháng Ba. Chỉ sáu năm trước đó, tòa nhà ở vùng Chelsea này đã được mua với giá 129 triệu bảng Anh, tức là 151 triệu euro. Như thế, những người bán đã kiếm được từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gần 200 triệu euro. Tòa Thánh đang định bán lại toà nhà này, lỗ ít nhất 100 triệu euro.

Phiên tòa xét xử Vatican về vụ mua tòa nhà ở số 60 Sloane st. hiện đang được tạm hoãn, sau khi thẩm phán cho rằng công tố viên đã bỏ qua một số bước thủ tục. Công tố viên hiện đang tiến hành các cuộc điều tra thêm và cuối cùng dự kiến sẽ bắt đầu lại các cáo buộc.

Ban đầu được phát triển như một phòng trưng bày xe hơi cho công ty Harrods, tòa nhà có diện tích hơn 170,000 feet vuông, tức là 16,000 mét vuông gồm các văn phòng và không gian bán lẻ với mặt tiền bằng đất nung tân cổ điển.
Source:Bloomberg

3. Những người cực đoan đã tấn công trường Công Giáo ở Ấn Độ

Một trường học Công Giáo ở Ấn Độ đã bị một nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu tấn công vào ngày 6 tháng 12 sau khi một kênh YouTube cáo buộc nhà trường đã rửa tội cho học sinh theo đạo Hindu.

Vụ việc diễn ra tại trường Thánh Giuse ở Ganj Basoda thuộc bang Madhya Pradesh.

Kênh YouTube “Aayudh” đã sử dụng một bức ảnh vào ngày 31 tháng 10 về các trẻ em Công Giáo tại nhà thờ giáo xứ được rước lễ lần đầu từ Đức Cha, và cáo buộc rằng đó là lễ rửa tội tại trường học cách đó gần 1.6 km.

“Những kẻ côn đồ đã la hét chống lại người Công Giáo cũng như Ban Giám Hiệu nhà trường và cáo buộc đã tiến hành lễ rửa tội cho học sinh của trường. “Họ ném đá vào cửa kính cao phía trước và phá vỡ cửa sổ và đốt cháy một chiếc xe hơi,” cha Maria Stephen, Giám đốc văn phòng Quan hệ Công chúng của giáo phận Madhya Pradesh, cho biết như trên.

Vị linh mục nhấn mạnh rằng Giáo phận Sagar đã thông báo cho cảnh sát về vấn đề này, họ đưa ra lời bảo đảm rằng các cơ sở Công Giáo sẽ được bảo vệ.

“Tuy nhiên, họ đã không ngăn chặn cuộc tấn công,” Cha Stephen nói.

Thầy Antony Pynumkal, thuộc Dòng Anh em Truyền giáo Malabar và là hiệu trưởng của trường, nói với tờ Crux rằng cáo buộc cải đạo là “giả mạo và vô căn cứ.”

Thầy cho biết nhà trường đã nhận được một tuyên bố vào ngày 30 tháng 11 từ các nhóm Hindu địa phương cáo buộc cải đạo học sinh. Ban Giám Hiệu đã lập tức liên lạc với cảnh sát.

Thầy Pynumkal cho biết đám đông gây ra thiệt hại hơn 20,000 Mỹ Kim.

“Trường của chúng tôi có 1500 học sinh, trong đó chỉ có 4 học sinh Công Giáo, khoảng 20 học sinh theo đạo Hồi, và số còn lại thuộc cộng đồng Hindu đa số”.

Đức Tổng Giám Mục Felix Machado, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ, cho biết ngài rất đau buồn vì vụ tấn công.

“Nó làm trái tim tôi đau đớn. Tôi thậm chí không muốn nhắc đến họ thuộc tôn giáo nào. Nhưng băn khoăn rằng họ có phải là con người không? Với tư cách là những công dân Ấn Độ, chúng ta đang sống ở đâu trong thế kỷ 21?”

“Như tôi đã được tường trình, một đám đông 300 người có trang bị đá và thanh sắt đã xông vào khuôn viên trường học khi các kỳ thi đang diễn ra, khi các học sinh lớp 12 đang thi Toán,” Đức Tổng Giám Mục nói.

“Các học sinh và nhân viên nhà trường có mặt trong vụ việc đã chạy thoát trong gang tấc, bất kỳ ai cũng có thể bị thương trong vụ bạo lực kinh hoàng này. Có luật pháp và trật tự ở đất nước thân yêu này của tôi không? Tôi không tranh luận về tôn giáo ở đây; mỗi cuộc sống đều quý giá”.

Madhya Pradesh có hơn 90% là người theo đạo Hindu, và người Công Giáo chỉ chiếm 0.3% dân số, so với 2.3% trên toàn quốc. Tiểu bang gần đây đã thông qua Dự luật gọi là Tự do Tôn giáo, nhưng thực chất đó là luật “chống cải đạo” nhằm ngăn cản những người theo đạo Hindu gia nhập các tôn giáo khác.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu thường cáo buộc những người Công Giáo sử dụng vũ lực và các chiến thuật lén lút để cải đạo, họ thường xông vào các ngôi làng và tiến hành các nghi lễ “cải đạo lại” trong đó những tín hữu Kitô buộc phải thực hiện các nghi lễ của Ấn Giáo.

Những áp lực này đối với các Kitô Hữu, cũng đè nặng lên những người Hồi giáo và các nhóm thiểu số tôn giáo khác, là một phần trong những gì mà các nhà quan sát mô tả là một chương trình rộng rãi nhằm “Ấn Giáo hóa” Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi. Đó là một nỗ lực nhằm áp đặt các giá trị và bản sắc của Ấn Giáo trong khi loại bỏ các niềm tin đối thủ.

Modi là thành viên của Đảng Bharatiya Janata (BJP), là đảng đã cai trị Ấn Độ từ năm 2014. BJP được liên kết với Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), một nhóm theo chủ nghĩa dân tộc Hindu.

Madhya Pradesh - cũng do BJP cai trị - là một trong số các bang ở Ấn Độ ban hành luật chống cải đạo, bất chấp quyền tự do tôn giáo đã được ghi trong hiến pháp của Ấn Độ.

Theo các quy định của luật mới, việc chuyển đổi tôn giáo có thể dẫn đến án tù từ một năm đến năm năm và tiền phạt tối thiểu khoảng 350 đô la. Nếu người cải đạo là trẻ vị thành niên, thì thời hạn tù và tiền phạt có thể tăng gấp đôi.
Source:Crux

4. Đức Thượng phụ Pizzaballa ca ngợi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Síp

Đức Thượng phụ Pizzaballa, chủ chăn của các tín hữu Công Giáo Latinh ở đảo Cipro, nhận định rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, từ ngày 02 đến 04 tháng Mười Hai vừa qua tại đảo này mang lại an ủi và khích lệ cho toàn thể cộng đoàn Công Giáo tại địa phương.

Đức Pizzaballa cũng là chủ chăn của các tín hữu Công Giáo Latinh ở Thánh địa và Vương quốc Giordani. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican ngài nói: “Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Síp thực là một dấu hiệu khích lệ rất tích cực. Những lời của Đức Thánh Cha chống lại những bức tường và chia cách ở Síp cũng rất can đảm”.

Trong huấn từ tại buổi cầu nguyện đại kết với những người di dân tại thủ đô Nicosia của Síp, ngài tố giác những hàng rào kẽm gai và các trại tị nạn. Đức Thượng phụ nói: “Đây là những vết thương còn mở toang và sẽ còn tiếp tục như thế, và rất tiếc chúng ta không có ảo tưởng gì về vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ thật là điều can đảm khi Đức Giáo Hoàng nói lên điều đó. Sự kiện là những hàng rào kẽm gai ấy là một sự lăng mạ đối với nhân loại và thường người ta không nói như vậy. Mỗi chia cắt hoặc mỗi hàng rào là một dấu hiệu sợ hãi, thiếu viễn tượng, thiếu hy vọng và thiếu cái nhìn về tương lai”.
Source:National Catholic Register
 
Bi ai: Cả một ca đoàn chìm dưới dòng sông. Cuộc triển lãm ngoạn mục 100 hang đá ở Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:32 12/12/2021


1. Giáo phận Kenya thương tiếc những người Công Giáo thiệt mạng sau khi xe buýt lao xuống dòng sông

Đức Cha Joseph Mwongela của Kitui thúc giục giáo phận của ngài tiếp tục cầu nguyện ít nhất 32 nạn nhân, bị thiệt mạng khi một chiếc xe buýt chở một dàn hợp xướng Công Giáo lao xuống sông Enziu.

Ca đoàn từ Giáo xứ Chúa Chiên Lành ở Mwingi đã thuê một chiếc xe buýt của chủng viện giáo phận để chở các thành viên và người thân đến nơi lặp lại lời thề hôn phối của một cặp vợ chồng già. Một gia đình mất 11 người. Ít nhất 30 người đã được giải cứu.

“Thật đáng buồn. Mọi người bị tàn phá, nhưng chúng tôi đang hành trình với họ. Chúng tôi muốn họ có hy vọng. Chuyện buồn này đã xảy ra, nhưng Mùa Vọng là một mùa của hy vọng,” Đức Cha Mwongela nói với Catholic News Service trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Mọi người đã liên kết rất tốt. Họ đã ở rất gần nhau”.

Cha Michael Ngunia của Giáo xứ Chúa Chiên Lành bày tỏ sự bàng hoàng và đau buồn khi có những người đã chết trong khi đi tham dự một sự kiện vui mừng như thế.

“Dàn hợp xướng đã hát và nhảy múa trên bờ sông để sẵn sàng cho lễ cưới. Một lúc sau, nhiều người trong số họ đã chết. Đó là điều rất khó khăn cho cộng đồng”, Đức Cha Mwongela cho biết nhà thờ đã cử các đội hỗ trợ tâm lý xã hội cho các gia đình và lên kế hoạch cho một thánh lễ tưởng niệm các nạn nhân.

“Họ đã hứa sẽ xây một cây cầu trên con sông này, nhưng tôi nghĩ họ cũng nên tập trung vào tất cả những cây cầu khác, ở đây và xa hơn nữa, những nơi không có cầu,” Đức cha nói.

Chiếc xe buýt, với sức chứa 51 người, được cho là quá tải sau khi có thêm nhiều người nhảy lên khi nó bắt đầu băng qua con sông khi nước dâng lên cao khiến tài xế không phân biệt được chỗ nào là sông, chỗ nào là cầu.

Tổng thống Uhuru Kenyatta đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và kêu gọi người dân Kenya tránh băng qua những cây cầu bị ngập trong mùa mưa.


Source:Crux

2. Cuộc triển lãm 126 máng cỏ Giáng Sinh tại Vatican

Lúc 4g chiều ngày 5 tháng 12 vừa qua, cuộc triển lãm 126 máng cỏ Giáng Sinh tại Vatican đã được Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Tân Phúc Âm Hóa, khai mạc.

Do đại dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành nên triển lãm được trưng bày tại hàng cột Bernini ở quảng trường thánh Phêrô. Triển lãm sẽ mở cửa trong 5 tuần, từ Chúa Nhật ngày 5 tháng 12 đến Chúa Nhật ngày 9 tháng Giêng, từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối mỗi ngày, trừ ngày 24 và 31 tháng 12 sẽ đóng cửa sớm vào lúc 5 giờ chiều.

Cuộc triển lãm lấy tên là triển lãm 100 máng cỏ Giáng Sinh nhưng thực tế sẽ gồm 126 hang đá đến từ các nước Âu Châu như Đức, Hung Gia Lợi, Slovenia, Slovakia và Croatia, và nhiều nơi khác trên thế giới như Kazakhstan, Peru, Indonesia, Uruguay, Colombia và Hoa Kỳ.

Nhiều tổ chức cũng tham gia vào sự kiện này. Công ty xe buýt của Roma đã thực hiện một hang đá Giáng sinh trên phần đầu của một xe buýt, trong khi công ty kẹo sôcôla của dòng Trappist thì làm một hang đã Giáng sinh nặng 100 ký, hoàn toàn bằng sôcôla.

30 trường học của miền Lazio của Ý cũng hăng hái tham gia cuộc triển lãm với các hang đá do các trẻ em làm.

Cuộc triển lãm các Máng Cỏ Giáng Sinh tại Vatican là một truyền thống đã có từ 44 năm nay và hiện do Hội Đồng Tòa Thánh Tân Phúc Âm Hóa phụ trách.

Trong thời gian mấy năm trở lại đây, cuộc triển lãm này được chú ý đến nhiều hơn sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Tông thư dưới dạng tự sắc Admirabile Signum nghiã là Dấu Chỉ Tuyệt Vời, trong đó ngài nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của Cảnh Giáng Sinh.

Trong tông thư, Đức Thánh Cha viết:

Với Thư này, tôi muốn khuyến khích không chỉ truyền thống tốt đẹp của các gia đình chuẩn bị cảnh Giáng Sinh vào những ngày trước dịp lễ, mà cả phong tục bày trí cảnh Giáng Sinh ở nơi làm việc, trong trường học, bệnh viện, nhà tù và các quảng trường thị trấn. Trí tưởng tượng tuyệt vời và sự sáng tạo luôn được thể hiện trong việc sử dụng các vật liệu đa dạng nhất để tạo ra những kiệt tác nhỏ của thẩm mỹ. Khi còn nhỏ, chúng ta học hỏi từ cha mẹ và ông bà của mình để tiếp tục truyền thống hân hoan này, trong đó gói gọn rất nhiều lòng đạo đức bình dân. Tôi hy vọng rằng phong tục này sẽ không bao giờ bị mất và bất cứ nơi nào nó rơi vào tình trạng không được dùng đến, nó có thể được tái khám phá lại và hồi sinh.

Anh chị em thân mến, máng cỏ Giáng Sinh là một phần của quá trình quý giá nhưng đầy thách đố trong việc truyền lại đức tin. Bắt đầu từ thời thơ ấu, và ở mỗi giai đoạn của cuộc đời chúng ta, máng cỏ dạy chúng ta biết chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, biết trải nghiệm tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, biết cảm nhận và tin rằng Chúa ở cùng chúng ta và chúng ta ở cùng Người, cùng với con cái Người, là anh chị em với nhau, nhờ Hài Nhi là Con Thiên Chúa và Con của Đức Trinh Nữ Maria. Và để nhận ra rằng trong hiểu biết đó, chúng ta tìm thấy hạnh phúc thực sự. Như Thánh Phanxicô, chúng ta có thể mở lòng mình ra với ân sủng đơn sơ này, để từ sự ngạc nhiên của chúng ta, một lời cầu nguyện khiêm nhường có thể được nảy sinh: đó là một lời cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa, Đấng muốn chia sẻ với chúng ta tất cả, và vì thế không bao giờ để chúng ta cô đơn.

3. Đức Giáo Hoàng loan báo có thể có cuộc gặp mới với giáo chủ Chính thống giáo Nga

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết đã có kế hoạch cho một cuộc gặp thứ hai có thể xảy ra với người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga, sau cuộc gặp gỡ lịch sử năm 2016 của họ tại Cuba. Đó là biến cố đã trở thành một bước ngoặt trong việc hàn gắn mối quan hệ bị cắt đứt bởi cuộc Đại Ly Giáo kéo dài hàng ngàn năm chia rẽ Kitô Giáo.

Đức Phanxicô cho biết ngài dự định sẽ gặp đặc phái viên Giáo Hội Nga vào tuần tới để “đồng ý về một cuộc gặp có thể xảy ra” với Thượng phụ Kirill. Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng Kirill sẽ đi công du trong những tuần tới, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài cũng “sẵn sàng đến Mạc Tư Khoa” ngay cả khi các giao thức ngoại giao chưa được hoàn thành.

“Bởi vì nói chuyện với một người anh em, không có giao thức nào cả,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phóng viên khi từ Hy Lạp trở về Rôma. “Chúng tôi là anh em. Chúng tôi nói mọi chuyện trước mặt nhau như anh em”.

Hai giáo hội chia rẽ trong Đại Ly Giáo năm 1054 và vẫn bị chia cắt vì một loạt vấn đề, bao gồm cả quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng và các cáo buộc của Chính thống giáo Nga cho rằng Giáo Hội Công Giáo đang chiêu dụ tín đồ ở các vùng đất thuộc Liên Sô cũ.

Đức Phanxicô đã đưa ra những bình luận sau cuộc gặp gỡ với hai nhân vật nổi bật trong Chính thống giáo, những người đứng đầu các Giáo hội Chính thống ở Síp và Hy Lạp trong chuyến đi kéo dài 5 ngày đến hai quốc gia đó. Gặp gỡ cuối tuần qua với Đức Tổng Giám Mục Ieronymos, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống giáo Hy Lạp, Đức Phanxicô đã đưa ra lời xin lỗi sâu sắc về tất cả những sai lầm mà người Công Giáo đã gây ra đối với Chính thống giáo, khi lặp lại lời xin lỗi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở Hy Lạp vào năm 2001.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, nói với nhật báo Ý Corriere della Sera vào ngày 7 tháng 10 rằng một cuộc gặp mới giữa Đức Thượng Phụ Kirill và Đức Giáo Hoàng sẽ được công bố ngay trước khi nó diễn ra.

Trong cùng một cuộc phỏng vấn, ngài nói rõ rằng nội dung và kết quả của cuộc gặp là quan trọng, và hiện tại chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Nga “không nằm trong chương trình nghị sự của quan hệ song phương”.

Cuộc gặp gỡ ngày 12 tháng 2 năm 2016 giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill tại Cuba là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính thống Nga, là Giáo Hội lớn nhất trong số các Giáo Hội Chính thống giáo. Hai vị đã gặp nhau tại phòng khánh tiết của sân bay Havana trong khi Đức Phanxicô đang trên đường đến Mễ Tây Cơ.

“Chúng ta là anh em,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngày hôm đó khi ôm lấy Đức Thượng Phụ Kirill.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion, nói với nhật báo Ý, cho biết cuộc họp ở Havana “đã tạo một động lực mới”.
Source:AP

4. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga nói về triển vọng một cuộc gặp gỡ giữa Đức Thượng phụ Kirill và Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, đã bình luận về các báo cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng liên quan đến khả năng có một cuộc gặp gỡ giữa Đức Thượng phụ Kirill và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Toàn văn thông báo của ngài như sau:

Vào ngày 20 tháng 12 tới đây, cuộc gặp của tôi được lên kế hoạch với Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ diễn ra tại Rôma. Tôi dự định thay mặt Đức Thượng phụ Kirill chúc mừng sinh nhật lần thứ 85 của ngài và thảo luận với ngài về nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ song phương giữa hai Giáo hội của chúng ta. Trong số những vấn đề này, có thể có cuộc gặp của Đức Thánh Cha Phanxicô với Đức Thượng phụ Kirill. Cho đến nay, địa điểm cũng như ngày diễn ra cuộc họp vẫn chưa được xác định.

Về chuyến thăm của Thượng phụ Kirill đến Phần Lan, tôi có thể tường thuật như sau. Cách đây vài năm, Đức Thượng phụ đã nhận được lời mời từ người đứng đầu Giáo hội Tin lành-Luther của Phần Lan, Tổng Giám mục Chính thống của Phần Lan và Giám mục Công Giáo của Helsinki. Tuy nhiên, 'nhiều vấn đề đã xảy ra', tình hình giữa các Chính thống giáo đã thay đổi và một đại dịch đã bắt đầu. Hiện công tác chuẩn bị cho chuyến thăm này đã bị dừng lại.

Đối với chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Mạc Tư Khoa, tôi có thể nói rằng vấn đề này chưa được thảo luận trên bình diện song phương.

Tôi hy vọng rằng cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 20 tháng 12 sẽ tạo cơ hội để thảo luận về tất cả các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Source:Moscow Orthodox Patriarch