16. Phục tùng là tìm được con đường bình an.
(Thánh Dolerthe)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Đại tướng của đông Tấn là Hoàn Ôn, ngày nọ làm tiệc để tiễn đưa bạn, làm việc ở Kinh châu là La hữu đến rất sớm, đến khi tiệc kết thúc bèn lập tức cáo từ.
Hoàn Ôn hỏi:
- “Ngài mỗi khi đến đây thì thường nói một vài câu chuyện, tại sao hôm nay một lời cũng không nói mà lại về trước?”
La Hữu trả lời:
- “Từ trước đến nay tôi chưa hề ăn qua thịt dê trắng hấp cho nên đến rất sớm, bây giờ ăn đã no rất là nhiều món, giờ thì cũng nên về”.
(Cổ kim tiếu sử)
Suy tư 27:
Có người vì thích ăn thịt cầy nên lặn lội xuống ngã ba Ông Tạ để mua dù trời mưa trời bão, có người thích ăn mì gói dù cho có nhiều người khuyên bảo là ăn nhiều không tốt, lại có người thích hưởng hương vị quê hương nên hể có ai về quê thăm nhà là yêu cầu người nhà gởi qua cho họ mắm ruốc, thịt cầy, gia vị dù hải quan có kiểm soát bằng máy điện tử cũng coi như pha...
Con người ta hể thích thì bất cần đến nguy hiểm, không sợ hãi hay tính mạng, miễn có ăn có dùng cái mình thích là được.
Có một vài cha sở thích xây một tượng đài Đức Mẹ theo ý mình để nhớ đời, dù tốn kém bao nhiêu cũng không lo không ngại, nhưng trong giáo xứ có nhiều gia đình đói ăn mà ngài không biết đến để “xây” tượng đài Đức Mẹ trong tâm hồn đang lung lạc đức tin vì đói khổ của họ; cũng có một vài Ki-tô hữu thích làm việc thiện, nhưng việc thiện ấy phải để cho mọi người biết mới nở mặt nở mày, cho nên họ đem tiền của đi cúng cho những nhà thờ lộng lẫy to cao có nhiều giáo dân đi lể, còn nhà thờ nhỏ bé nghèo nàn của giáo xứ mình thì ngay đến mấy cành hoa cắm trong ngày lễ chúa nhật họ cũng không bố thí...
Thời xưa vì thích ăn miếng “thịt dê trắng hấp” mà La Hữu phải đến thật sớm, thời nay có những Ki-tô hữu cũng thích nhậu thịt chó mà đến bàn nhậu sớm, nhưng hể đến nhà thờ dâng thánh lễ thì phải đợi vợ con thúc giục kêu réo mới đi, mà nếu có đi thì đợi linh mục giảng xong mới vào nhà thờ, họ coi Mình Thánh Chúa còn thua miếng ‘thịt dê trắng hấp”, và càng thua miếng thịt chó nhậu với rượu đế.
Thiên Chúa sẽ rất buồn vì chúng ta “sốt sắng” với bàn nhậu nay còn mai mất, nhưng lại thờ ơ với bàn tiệc thánh đem lại sự sống đời đời cho chúng ta, đó chính là Mình và Máu thánh của Đức Chúa Giê-su.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
TÂM SỰ NGƯỜI CÔNG CHÍNH
(Mt 1,18-24)
(đọc trong lễ Thánh Giuse ngày 19-03, vào ngày 18-12 mỗi năm
và vào Chúa nhật IV Mùa Vọng năm A)
Văn bản Thánh Kinh
Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, Mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời Chúa đã phán xưa qua miệng ngôn sứ : “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.
Giải thích + Suy niệm
Nếu ai đã từng xem cuốn phim “Đức Giê-su thành Na-da-rét” của đạo diễn Franco Zeffirelli (sản xuất năm 1977) chắc còn nhớ phân cảnh Thánh Giu-se nằm mơ thấy Đức Ma-ri-a bị ném đá chết vì tội ngoại tình. Nếu không thì cũng đã có lần được xem một vở kịch diễn lại bài Tin Mừng hôm nay, trong đó có cảnh Thánh Giu-se khắc khoải, lo âu, dằn vặt, thậm chí xấu hổ, trước sự kiện Đức Ma-ri-a mang thai mà ông chẳng biết nguyên do. Đó là những tình tiết lâm ly, bi đát, đầy kịch tính, làm khán thính giả bồi hồi xúc động, nhưng có nằm trong nhãn giới của tác giả Tin Mừng chăng? Ngoài ra, ý tưởng “tố giác” (ám chỉ Giu-se nghi ngờ -mà nghi bậy- Ma-ri-a ngoại tình, hoang thai) nằm bên cạnh ý tưởng “công chính” (một danh hiệu vinh quang, hiếm người được Kinh Thánh trao tặng) đã khiến nhiều học giả phải lý luận vòng vo đủ cách, trưng dẫn bản văn đủ kiểu để hòa hợp hai ý tưởng này. Tất cả những cái đó, theo các nhà chú giải hiện đại, là do cách dịch chưa đúng về một vài từ ngữ trong văn bản.
1. Khúc mắc tâm tư.
Mở đầu bản văn bằng câu “Đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô” và bằng chi tiết “Trước khi hai ông bà về chung sống, Ma-ri-a đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, Mát-thêu đã muốn chứng minh cho độc giả Do-thái của mình thấy làm sao Đấng Cứu Thế sinh ra thiếu cha trần gian mà vẫn thuộc về dòng dõi Do-thái và con cháu Đa-vít được (trong lúc Lc 1,26-38 thì chỉ trình bày mầu nhiệm cưu mang đồng trinh cho độc giả lương dân hiểu). Việc lạ lùng này, chắc hẳn Đức Ma-ri-a đã tỏ lộ cho người bạn đời yêu quý (bà chị họ Ê-li-sa-bét mà còn được biết nữa là, vì thiên thần đâu có cấm Ma-ri-a tiết lộ : x. Lc 1,39-45). Với hai lý do : cho ông chia sẻ niềm vui và vinh dự của bà là được chọn làm mẹ Con Đấng Tối Cao, hai là để Giu-se khỏi suy nghĩ lung tung dông dài, nhất là rồi đây Ma-ri-a sẽ vắng nhà nhiều tháng. Ngoài ra, việc Mát-thêu khẳng định sự kiện lạ lùng ấy ngay từ đầu bài Tin Mừng hàm ý Giu-se đã biết rõ công chuyện. Thế nhưng việc tỏ lộ này đặt ông vào một hoàn cảnh khó xử.
Theo nhiều nhà chú giải Công Giáo hiện đại, khi kết hôn với nhau, hai ông bà chắc dự tính sẽ có con với nhau một cách bình thường (Cựu Ước luôn cho hôn nhân là tốt đẹp và con cái là hồng ân cao cả, còn vô sinh vô hậu là tủi nhục lớn lao), đồng thời cầu mong con họ sẽ được Thiên Chúa chọn làm Đấng Thiên Sai (Mê-si-a) như bao mộng ước của mọi gia đình và mọi thiếu nữ Do-thái thời đó. Thế nhưng, đang lúc chưa chung sống như vợ chồng, Ma-ri-a đã được sứ thần báo tin cho biết Thiên Chúa đã chọn bà làm mẹ Đấng Thiên Sai, nhưng bà sẽ sinh con một cách nhiệm lạ -do quyền năng Chúa Thánh Thần- vì thai nhi đó chính là Con Thiên Chúa ! Đây là điều mà Cựu Ước cũng như hai ông bà không thể ngờ nổi.
Đứng trước mầu nhiệm cao cả này, Giu-se đâm băn khoăn. Từ nay, Thiên Chúa đã can thiệp vào mối dây liên hệ của đôi bạn, đã sử dụng Ma-ri-a như phương tiện để thực hiện kế hoạch lớn lao của Người. Từ nay Ma-ri-a đã trở thành một vật thánh, thuộc quyền sở hữu của Đấng Tối Cao. Giu-se tự nghĩ mình không có quyền động đến nàng nữa. Và dù không động đến nhưng nếu tiếp tục chung sống trong một nhà, tới lúc con nàng sinh ra, chắc thiên hạ sẽ nói là con của đôi bạn. Để cho ai nấy lầm tưởng như thế là một sự bất công với Thiên Chúa, vì Hài nhi là con của Người mà. Công bố chuyện này cho thiên hạ ư? Ai mà tin nổi ! Có dấu chứng nào? Vả lại Thiên Chúa đâu đã tỏ ý định hãy loan truyền điều ấy cho bá tánh ! Thế là Giu-se dự tính ra đi, ra đi âm thầm, để mặc Thiên Chúa đích thân giải quyết mọi chuyện. Ông xử sự như bao người công chính trong Cựu Ước là run khiếp trước sự hiện diện của Đức Chúa và không dám đoạt lấy một thành quả bởi tay Người. Vả lại, hiểu cách tự nhiên tức thời, công chính, công bình -hay just, juste trong tiếng Anh tiếng Pháp- có nghĩa là của ai thì trả cho người ấy, không vi phạm quyền lợi và sở hữu của tha nhân. Chính cách dịch mới : “Giu-se là người công chính và không muốn tiết lộ chuyện bà” hoàn toàn hỗ trợ cho lối giải thích vừa nói trên đây. Từ Hy-lạp dùng ở đây là “deigmatisai”, tương đương với từ “paradeigmatisai”. Nhưng trong lúc “paradeigmatisai” có nghĩa là “tố giác, bêu nhục” thì “deigmatisai” lại chỉ có nghĩa là “tiết lộ, bày tỏ”, theo Giáo phụ Origène, Giám mục Eusèbe de Césarée và Linh mục Paul Joüon, SJ, thành viên Viện Kinh thánh Giáo hoàng, tác giả cuốn “L’Évangile de Notre-Seigneur Jésus-Christ, traduction et commentaire du texte grec tenant compte du substrat sémitique” (Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô, dịch và chú giải bản văn Hy-lạp, có lưu ý tới ảnh hưởng của tiếng Xê-mít).
Lối giải thích cho rằng Giu-se công chính chiếu luật (vâng lời Lề luật) là không ổn, vì chả có luật nào buộc phải ly dị hôn thê mới bị coi như là ngoại tình cả (x. Đnl 22,13-21.23-27 chỉ liên hệ tới hôn nhân hoàn hợp, như Đnl 24,1 làm chứng). Đàng khác, nếu âm thầm ly dị Ma-ri-a, thì Giu-se lại càng bất tuân Lề luật, vì chứng thư ly dị chỉ có giá trị pháp lý khi mang tính cách chính thức công khai (Đệ Nhị Luật có nói đến việc ly dị tổ chức ở cửa thành). Thành ra đây là sự công chính tôn giáo, sự công chính đòi hỏi Giu-se tôn trọng công trình Thiên Chúa nơi Ma-ri-a và cấm ông không được đoạt lấy công lao của một hành động thần linh.
2. Gỡ mối tơ vò.
“Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông”. Thiên Chúa cuối cùng đã can thiệp : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng sợ [Hy ngữ: phobethes] đón Ma-ri-a vợ ông về”. Đến đây, các nhà chú giải hiện nay đề nghị cách dịch khác cho từ Hy-lạp gar mà xưa nay vẫn chỉ dịch là “vì” (“Vì người con bà cưu mang…”) và cho từ Hy-lạp dé mà xưa nay vẫn chỉ dịch là “và” (“và ông phải đặt tên…”). Từ “gar” còn có nghĩa : “vì vẫn biết, quả thật, hẳn nhiên, phải rồi”, và thường gặp trong Tân Ước (x. Mt 18,7; 1Cr 9,19; 1Tx 2,20…); từ “dé” cũng còn có nghĩa “nhưng” : “Vì vẫn biết/hẳn nhiên người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, nhưng ông phải đặt tên con trẻ”. Từ “vẫn biết/hẳn nhiên” nói lên một sự thật mà Giu-se đã rõ (nên đây không có chuyện thiên thần mặc khải mầu nhiệm cưu mang đồng trinh cho ông lúc này). Ma-ri-a sẽ sinh con, “nhưng” Giu-se sẽ đặt tên cho con trẻ. Đặt tên (quyền của người cha theo pháp luật Do-thái) là thừa nhận kẻ được đặt tên như con của mình. Rồi con đẻ hay con nuôi đều có giá trị như nhau trước Do-thái pháp luật, nghĩa là con nuôi cũng hoàn toàn thuộc về dòng dõi cha nuôi với mọi quyền lợi và nghĩa vụ y như con đẻ. Cách giải quyết của Thiên Chúa thật tài tình : lợi dụng một điều khoản trong luật pháp Do-thái (con nuôi # con đẻ, mà chắc Người đã từ lâu xui khiến cho có), Thiên Chúa hoàn tất lời Thánh Kinh : Đấng Thiên Sai sẽ thuộc dòng dõi Đa-vít dù là con của một trinh nữ, với Thiên Chúa là Cha.
Còn một lý do thực tế: cần phải tạm thời che giấu mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể (khó chấp nhận khi chưa có ngôn hành khẳng định của chính Đức Giê-su) bằng cách để thiên hạ lầm tưởng Giu-se là cha đẻ của Người. Sự hiện diện của Thánh Giu-se trong ngôi nhà Na-da-rét còn cần thiết để bảo vệ thanh danh Đức Trinh Nữ cũng như để chăm sóc nuôi dưỡng Ấu Chúa và Mẹ Người.
Đến đây, ta có thể hiểu rõ thêm nữa về sự công chính của Thánh Giu-se : đó là sự thức tỉnh nội tâm đối với Thiên Chúa, một sự thức tỉnh vốn giúp ngài có khả năng đón nhận và hiểu rõ sứ điệp, dẫn ngài tức khắc tới chỗ vâng phục. Dẫu cho đến nay ngài đã bối rối trước các chọn lựa khác nhau của mình, giờ đây ngài biết đâu là đường lối hành động đúng đắn. Là một người công chính, ngài vâng theo các mệnh lệnh Thiên Chúa truyền dạy.
3. Hiểu ra mầu nhiệm.
“Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ: ‘Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’. Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà”. Vậy là bên cạnh Đức Ma-ri-a, bà Ê-li-sa-bét, Thánh Giu-se nay cũng hiểu : vừa là con Thiên Chúa, vừa là con loài người, Đức Giê-su đúng là Em-ma-nu-en thật (x. Is 7,14). Ngay cả cho dù không thực sự mang cái tên độc đáo này, Người vẫn là Em-ma-nu-en, như toàn bộ Tin Mừng sẽ cố gắng minh chứng, là Thiên-Chúa-ở-cùng-nhân-loại trong chính bản thân Người. Hai bản tính trong một ngôi vị này khiến Người có thể đền tội xứng đáng, đầy đủ cho chúng ta và nhất là có thể thần hóa chúng ta, làm chúng ta nên con Thiên Chúa, thông phần bản tính Người : “Con Thiên Chúa đã làm người để biến chúng ta thành Thiên Chúa” (thánh Athanasiô), “Thiên Chúa đã làm người, để biến chúng ta thành thần linh” (thánh Irênê). (Tương tự chúng ta vì là vật chất và tinh thần nên có thể tinh thần hóa vật chất vậy).
Lm Phê-rô Phan Văn Lợi, Tgp Huế.
Tham khảo: Nil Guillemette SJ, Notes exégétiques pour servir à l’étude des péricopes liturgiques selon Saint Matthieu. Tài liệu ronéo. Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt xuất bản trước năm 1975.
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM B
ĐỂ CHÚA ĐẾN...
Thánh Gioan Tẩy Giả cho biết rõ sứ vụ của bản thân là dọn đường cho Chúa Cứu Thế: "Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Chúa đi" (Ga 1, 23).
Ngài thi hành sứ vụ dọn đường bằng cách giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người: "Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Ngài sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài" (Ga 1, 27).
Sau đó thánh nhân còn trực tiếp chỉ thẳng vào Chúa Giêsu để giới thiệu trực tiếp: "Ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói: Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Chính Ngài là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi" (Ga 1, 29-30).
Từ những chứng minh thực tế về những nguy hiểm liên tục xảy đến, gây nên nhiều cái chết về đời sống vật chất và tinh thần, đòi chúng ta càng phải tỉnh thức hơn bao giờ hết. Đó chính là sự khôn ngoan của ta. Đó chính là sứ điệp khẩn cấp trong mùa Vọng buộc ta phải nắm lấy.
Thánh Gioan giới thiệu Chúa cho mọi người. Từng người chúng ta cũng phải làm việc này của thánh Gioan. Chúng ta cũng phải nói cho mọi người về Chúa. Chúng ta cũng phải mời gọi mọi người dọn đường cho Chúa.
Giới thiệu Chúa cho anh chị em trong tất cả các môi trường sống, qua mọi tương quan của đời sống là bổn phận của mọi Kitô hữu. Anh chị em tin hay không, đón nhận Chúa hay không, đón nhận đến mức nào là quyền của họ. Nhưng bổn phận của chúng ta là phải giới thiệu Chúa, phải nói về Chúa, phải làm chứng cho Chúa, phải sống chứng tá cho tình yêu của Chúa.
Nhưng từng người Kitô hữu phải nhớ, để lời giới thiệu có sức thuyết phục, cần chính đời sống chứng tá của chính họ. Nếu rao giảng về Chúa, về tình yêu cứu độ của Chúa mà không tỏa lan được ít nhất một đời sống chứng tá tương ứng, chắc chắn không thể nào có thể lôi kéo người khác tin và theo Chúa.
Vì sao sau khi thánh Gioan giới thiệu Chúa, người ta có nghe và đi theo Chúa? Không phải vì thánh Gioan xuất hiện trước Chúa, cũng không phải vì mọi người đã biết thánh Gioan, nhưng chính đời sống chứng tá của thánh Gioan mà mọi người tin và bước theo Chúa như lời thánh Gioan giới thiệu.
Qua những câu hỏi của đám đông: "Ông có phải là Đấng Kitô? Có phải là Elia? Có phải là vị tiên tri?", cho thấy họ đánh giá rất cao thánh Gioan. Họ nhìn thánh Gioan như hình ảnh Đấng Cứu Thế, thủ lãnh Môsê hoặc tiên tri Elia. Nhưng thánh Gioan chỉ khiêm tốn nhận mình là tiếng hô trong hoang địa, là kẻ dọn đường, hơn thế nữa, còn không đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu.
Có thể nói, thánh Gioan đã không quy về mình, không tìm vinh quang cho mình, không khẳng định mình. Thánh nhân khéo léo từ chối mọi vinh quang, danh dự trần thế mà người ta lầm tưởng hay gán cho, để chỉ hướng về Chúa Giêsu và cầu xin mọi người hướng theo và bướic theo Chúa Giêsu.
Một chứng tá khiêm nhường như thánh Gioan, cuối cùng đã thành công, đã có thể dẫn mọi người về cùng Chúa.
Cũng vậy, để có thể giới thiệu Chúa cho anh chị em nhằm giúp anh chị em dọn tâm hồn họ, cũng là cách chúng ta dọn con đường tâm hồn chính mình cho Chúa đến với mình trước, ta cần thực hiện những việc làm cấp bách sau đây:
– Thành tâm nhìn nhận mình thật mong manh, yếu đuối, cuộc sống này chỉ tạm bợ, đầy giới hạn. Từ đó khiêm tốn hơn, sống có nhân, có nghĩa hơn.
– Luôn tạ ơn Chúa vì Chúa luôn tìm mọi cách, mọi biến cố, mọi hoàn cảnh, mọi anh em xung quanh… để thức tỉnh và đưa ta về sống gắn bó với Chúa.
– Tin vào tình yêu của Chúa, thực tâm nhìn nhận tội lỗi của mình, xin Chúa tha thứ. Đồng thời đừng để lương tâm rơi vào sự chai cứng, tàn nhẫn, gây đau khổ cho anh chị em xung quanh.
– Một ý thức cần phải có luôn luôn, đó là ý thức ta có thể chết bất cứ lúc nào. Những nguy hiểm giết hại ta có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Ý thức như thế, không phải để hoang mang, nhưng giúp ta bình tỉnh đón nhận thánh ý Chúa, đón nhận những hoàn cảnh lắm khi bất trắc, mà Chúa muốn ta phải đương đầu.
– Biết rằng, mọi nguy hiểm có thể đổ ập trên mình, ta sẽ bền vững trong cầu nguyện để được ở với Chúa, để có Chúa đồng hành trong cuộc đời với ta.
– Không quên bổn phận san sẻ những mất mát, những khổ đau của anh chị em, và tận lực tận tình giúp đỡ họ, khi họ bị những hiểm nguy đe dọa, hay đã xảy đến gây đau thương mất mát.
Một vài gợi ý nhỏ nhặt bên trên giúp chúng ta sống mùa Vọng, vừa dọn tâm hồn chính mình, vừa giúp anh chị em xung quanh dọn chính cõi lòng của họ cho Chúa đến.
Ước gì hình ảnh và lời giới thiệu Chúa Cứu Thế của thánh Gioan Tẩy Giả trở thành lời nhắc nhở trách nhiệm dọn đường cho Chúa đến trong chính cõi lòng mỗi Kitô hữu. Qua đó cũng trở thành phương thế hiệu quả góp phần vào sứ vụ của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa cho mọi người.
LỚN LÊN TRONG SỰ NHẬN BIẾT
“Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông!”.
“Một trong những lý do tại sao những người trưởng thành ngừng phát triển và không muốn học hỏi, là họ ngày càng ít sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thất bại hơn. Họ không còn muốn ‘lớn lên trong sự nhận biết’; vì thế, họ chóng già!” - John Gardner.
Kính thưa Anh Chị em,
Không chỉ “chóng già”, không ‘lớn lên trong sự nhận biết’ có thể khiến con người mất ơn cứu độ! Lời Chúa hôm nay nói đến Êlia, vị ngôn sứ vĩ đại, được Chúa Giêsu đồng hoá với Gioan Tiền Hô. Người Do Thái đương thời đã không nhận ra ông, Chúa Giêsu buộc lòng nói lên sự thật này, “Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông!”.
Bài đọc Huấn Ca nói đến uy tín lẫm liệt của Êlia. Người Do Thái tin rằng, theo sách Malachia, Êlia sẽ tái thế, chấn hưng mọi sự để dọn đường cho Đấng Messia. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi các môn đệ thắc mắc với Chúa Giêsu, “Êlia phải đến trước!”. Ngài trả lời, “Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông!”. Ngài cho biết, Gioan là hiện thân của Êlia; Ngài mời họ ‘lớn lên trong sự nhận biết’ vô cùng quan trọng này.
‘Lớn lên trong sự nhận biết’ là một kiểu thức nhận biết sâu sắc bằng trái tim những gì mà với mắt thường, con người không thể nhận thức. Với ý nghĩa này, Chúa Giêsu muốn nói với người đương thời rằng, họ đã không nhận ra Gioan theo cách thức này. Gioan chính là Êlia, người mà các nhà tiên tri đã loan báo, sẽ đến để chuẩn bị cho sự xuất hiện của chính Ngài, Đấng Cứu Độ Thế Giới. Nếu họ nhận ra Gioan là Êlia, hẳn họ đã không “đối xử với ông như ý họ muốn”; Gioan đã bị trảm quyết!
Không nhận ra Gioan, người đương thời cũng sẽ không nhận ra Đấng Gioan dọn đường. Chúa Giêsu báo trước số phận của Ngài rồi đây cũng sẽ chẳng hơn gì Gioan, “Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ”. Họ cũng sẽ đối xử với Ngài như họ muốn; Gioan bị chặt đầu, Ngài bị đóng đinh! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ!”. ‘Lớn lên trong sự nhận biết’ mang ý nghĩa được phục hồi, biết thống hối, được chữa lành và mở mắt đức tin; một sự phục hồi chuẩn bị cho việc hưởng nhận ơn cứu độ. Mùa Vọng, còn là mùa ăn năn để hưởng nhận ơn tha thứ hầu hiểu được quà tặng Giêsu, Quà Tặng Cứu Độ!
Anh Chị em,
“Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông!”. Chúng ta có thể tiếp tục không nhận ra Chúa Giêsu. Ngài đang hiện diện với chúng ta trong Lời, các Bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể. Ngài hiện diện với chúng ta trong những anh chị em chung quanh; trong những con người yếu đuối và dễ bị tổn thương. Ngài hiện diện với chúng ta từ sâu thẳm trong trái tim mỗi người qua tiếng lương tâm. Dẫu Ngài hiện diện theo nhiều cách, dưới nhiều hình thức, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa nhận ra Ngài. Chưa nhận ra Ngài, chúng ta sẽ đối xử với Ngài ‘theo ý chúng ta muốn!’. Mùa Vọng, mùa xin ơn chữa lành đôi mắt đức tin để ‘lớn lên trong sự nhận biết’ Giêsu, Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để ban ơn cứu độ!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, không chỉ để khỏi “chóng già”, cho con ‘lớn lên trong sự nhận biết’ Chúa để ‘chóng nên thánh!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
VUI NHẬN RA CHÚA CỨU ĐỘ
Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng được gọi là “Chúa Nhật Vui Mừng”. Ai cũng thích vui. Điều quan trọng là: Vui vì điều gì? Lời Chúa tuần này cho thấy vui vì được Chúa cứu độ và vui khi nhận ra Chúa.
1. Vui vì được Chúa cứu độ. Ngôn sứ Isaia đã vui mừng hớn hở reo lên: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa. Nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao. Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ.” Mẹ Maria cũng vui mừng hớn hở reo lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” Con người có nhiều niềm vui, nhưng dám chắc niềm vui lớn nhất là được cứu thoát chết. Vì tội lỗi con người đáng phải chết, nhưng Chúa đã xuống thế để cứu độ, cứu con người khỏi chết đời đời. Con người được Chúa cứu sống.
2. Vui khi nhận ra Chúa. Khi người ta đến hỏi thánh Gioan là ai, thì Ngài đã tuyên bố Ngài không phải là Đấng Kitô. Và Ngài bảo họ Đấng Kitô “đang ở giữa các ông mà các ông không biết.” Kinh nghiệm cho thấy, dù người nhà mình hay một nhân vật quan trọng đang ở ngay trước mặt, khi chưa biết họ, ta chỉ thấy bình thường, nhưng khi ta nhận ra họ là người nhà mình, là nhân vật quan trọng thì ta mới ồ lên một niềm vui òa vỡ. Cũng vậy, Chúa đã xuống thế làm người ở giữa nhân loại, nhưng bao lâu người ta chưa nhận ra Chúa, chưa tin yêu Chúa, thì bấy lâu người ta vẫn chưa có niềm vui.
Phúc Âm cho biết: “Gioan đến làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” Ánh sáng đem niềm vui. Trong đời sống hàng ngày, người ta vui mừng khi ánh sáng bình minh xóa tan màn đêm. Người ta vui mừng khi ánh sáng điện bừng lên giữa đêm tối. Đời sống tâm linh cũng thế, chắc chắn người ta sẽ hớn hở vui mừng khi có ánh sáng đức tin soi chiếu, để tin nhận Chúa là Đấng cứu độ trần gian, và Ngài vẫn đang ở giữa nhân loại ngày hôm nay. Amen.
Tin Mừng: Ga 1, 6-8; 19-28
“Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”.
Anh chị em thân mến,
Sự thật vẫn luôn là sự thật, dù cho chúng ta chối bỏ nó, tẩy chay nó, thì nó vẫn là sự thật. Thánh Gioan Tiền Hô đến để làm chứng cho sự thật, sự thật mà thánh Gioan Tiền Hô làm chứng, không phải là một sự thật như nhiều người hiểu là sự thật của việc phải hay việc trái. Chứng của thánh Gioan Tiền Hô là sự thật, khi ông nói: "Tôi không phải là Đấng mà anh chị em trông đợi, tôi không phải là Đấng mà các tiên tri đã loan báo là sẽ đến, nhưng là người khác, người này đến sau tôi, nhưng có trước tôi, tôi, ngay cả cởi dây giày cho Ngài cũng không xứng". Đó là sự thật, sự thật đã được loan báo từ ngàn xưa, sự thật một trăm phần trăm, Đấng ấy là Mê-si-a, là Đấng Cứu Thế, là Thiên Chúa làm người, Ngài chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.
Làm chứng, đó là trách nhiệm của người chứng kiến từ đầu đến cuối một sự việc; làm chứng là nói sự thật mình đã thấy, đã tin và đã sống. Trách nhiệm của thánh Gioan Tiền hô là làm chứng cho Đức Chúa Giê-su, trách nhiệm của ông đã hoàn tất khi Đức Chúa Giê-su xuất hiện công khai, và ông đi vào bóng tối của ngục tù, và cuối cùng chết cho sự thật.
Làm chứng, đó cũng là trách nhiệm của chúng ta –người Ki-tô hữu- hay nói cách khác, trách nhiệm của thánh Gioan Tiền hô ngày hôm nay được trao lại cho chúng ta, những người đã tin và đã sống cho niềm tin của mình vào Đức Chúa Ki-tô, chúng ta làm chứng rằng: có một Thiên Chúa, vì yêu thương nhân loại mà giáng sinh làm con người như chúng ta, đang ở giữa chúng ta, đã sống đã chết và đã sống lại hiển vinh, tất cả vì yêu thương chúng ta, đó là sự thật mà chúng ta đã, đang rao giảng và làm chứng giữa một xã hội vật chất và hoài nghi này.
Lời chứng này không những chúng ta vui mừng loan báo cho mọi người biết, chia sẻ cho mọi người biết bằng miệng lưỡi của mình, nhưng tuyệt vời hơn và hiệu quả hơn đó là làm chứng bằng chính cuộc sống của chúng ta là hy sinh, khiêm tốn và phục vụ trong yêu thương của Đức Chúa Giê-su.
Không một lời chứng nào mạnh mẽ và hữu hiệu cho bằng lấy chính đời sống của mình để làm chứng. Thánh Gioan Tiền Hô đã rơi đầu vì làm chứng cho sự thật; các thánh tông đồ đã tan xương nát thịt vì làm chứng cho niềm tin của mình, các thánh tử đạo cũng như thế, thà chết chứ không phản bội sự thật để làm chứng cho niềm tin của mình vào Đức Chúa Ki-tô, Đấng mà ông Gioan Tiền Hô đã không mắc cỡ khi ông tự hạ mình xuống trước công chúng và tuyên bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.”
Ngày hôm nay, lời chứng cần phải được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa, bởi vì nhân loại đang sống trong “văn hóa sự chết” của sự hưởng thụ, họ không biết và không nhìn thấy một sự thật sẽ đến, đó là Đấng Mê-si-a sẽ đến lại lần thứ hai trong vinh quang. Người Ki-tô hữu hiểu điều đó hơn ai hết, cho nên chính chúng ta cần phải lấy chính đời sống của mình để làm chứng cho mọi người biết rằng: Đấng sẽ đến và đang đến không ai xa lạ chính là Đức Chúa Giê-su trong hang lừa máng cỏ năm xưa ở Bê-lem, và cũng là Đấng đã chết trên đồi Can-vê thảm sầu năm nọ.
Nhưng hôm nay, Ngài không đến trong hang lừa máng cỏ ở Bê-lem và Ngài cũng không còn chết ở đồi Can-vê nữa, nhưng Ngài đang đến nơi em bé không nhà cửa, Ngài đang đến nơi người già neo đơn tay chân run rẩy đang chờ chúng ta giúp đỡ, Ngài đang chết dần chết mòn trong những trại tập trung, trong những nơi u tối của xã hội, Ngài đang chết dần mòn trong những trại cai ma tuý cô đơn không đủ phương tiện chăm sóc...
Làm chứng là mạnh dạn nói lên sự thật mà không mắc cỡ rằng: tôi vẫn còn những khuyết điểm cần phải sửa chữa, tôi cần phải học hỏi nơi anh chị em nhiều điều, tôi cần phải trở nên người tốt hơn, đó chính là làm chứng cho niềm tin của mình vậy.
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật III mùa vọng là Chúa Nhật của hy vọng, hy vọng vào Đấng sẽ đến sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng ta, nhưng muốn được như vậy, chúng ta cần phải đem hy vọng của niềm tin của chúng ta cho người anh em chúng ta trước, hy vọng và ước mơ của họ rất đơn sơ, chúng ta rất dễ đáp ứng: họ hy vọng đêm nay có chén cơm ăn cho khỏi đói, họ hy vọng ngày mai có một cái áo mới cho con cái họ mừng lễ Giáng Sinh, họ hy vọng ai đó cho họ một nụ cười thông cảm sau những giây phút lỡ lầm.v.v... đó cũng là hy vọng của chính thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a ngày xưa khi hai ngài đi tìm nhà trọ để sinh hạ Đấng Cứu Thế là Đức Chúa Giê-su, nhưng không có một ai giúp đỡ để cho các ngài trú tạm qua đêm trong nhà mình...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
BÀI ĐỌC 1 Is 61, 1-2a. 10-11
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi,
vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn,
băng bó những tấm lòng tan nát,
công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,
ngày phóng thích cho những tù nhân,
công bố một năm hồng ân của Đức Chúa,
một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta.
Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,
choàng cho tôi đức chính trực công minh,
như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.
Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm,
Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính,
làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.
Đó là lời Chúa.
BÀI ĐỌC 2 1 Tx 5, 16-24
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
Thưa anh em, anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su.Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri.Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.
Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành : Người sẽ thực hiện điều đó.
Đó là lời Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG Is 61, 1 (x. Lc 4, 18)
Alleluia. Alleluia.
Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Alleluia.
TIN MỪNG Ga 1, 6-8. 19-28
Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.
Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?” Ông nói: “Không phải.” - “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?” Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
Đó là lời Chúa.
Theo tin Tòa Thánh, ngày 13 tháng 12 vừa qua, để trả lời thắc mắc mà từ ngữ ngày nay khoác cho danh hiệu "dubium" của Đức Cha Ramón Alfredo de la Cruz Baldera của giáo phận San Francisco de Macorís (Cộng hòa Dominica) bày tỏ mối quan tâm: một số bà mẹ đơn thân không dám rước lễ do thái độ quá nghiêm khắc của hàng giáo sĩ và một số lãnh đạo cộng đồng, Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, tân Bộ trưởng Bột Giáo Lý Đức Tin, với sự chuẩn y của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã gửi bức thư trả lời như sau:
Thư gửi Đức Cha Ramón Alfredo de la Cruz Baldera,
Giám mục Giáo phận San Francisco de Macorís (Cộng hòa Dominica)
Về việc rước lễ cho các bà mẹ đơn thân
Prot. 803/2023, 13 tháng 12 năm 2023
Thưa Đức Cha,
Vào ngày 24 tháng 10 năm 2023, Bộ này đã nhận được email của Đức Cha bày tỏ mối quan ngại về những bà mẹ đơn thân “kiêng rước lễ vì sợ sự nghiêm khắc của các giáo sĩ và lãnh đạo cộng đồng”. Một số lá thư của giáo dân Đức Thánh Cha nhận được cũng quay trở lại cùng chủ đề. Cần lưu ý rằng ở một số quốc gia, cả linh mục và một số giáo dân đã ngăn cản những bà mẹ đã có con ngoài hôn nhân được lãnh nhận các bí tích và thậm chí rửa tội cho con mình.
Gần đây Đức Thánh Cha đã nhắc lại rằng “Bí tích Thánh Thể là sự đáp trả của Thiên Chúa đối với cơn đói sâu thẳm nhất của tâm hồn con người, cơn đói khát sự sống đích thực, vì trong Bí tích Thánh Thể, chính Chúa Kitô thực sự ở giữa chúng ta, để nuôi dưỡng, an ủi và nâng đỡ chúng ta trên hành trình của chúng ta” [1]. Những phụ nữ, trong hoàn cảnh này, đã chọn sự sống và sống một cuộc sống rất phức tạp vì sự lựa chọn này, cần được khuyến khích tiếp cận với quyền năng chữa lành và an ủi của các bí tích.
Vấn đề của những bà mẹ đơn thân và những khó khăn mà họ và con cái họ gặp phải khi lãnh nhận các bí tích đã được Đức Thánh Cha đề cập khi ngài còn là Hồng Y Tổng Giám mục Buenos Aires: “Có những linh mục không rửa tội cho con cái của những bà mẹ đơn thân vì [ những đứa trẻ] không được thụ thai trong sự thánh thiêng của hôn nhân. Họ là những kẻ đạo đức giả thời nay. Họ đã giáo sĩ hóa Giáo hội. Họ khiến dân Chúa xa rời sự cứu rỗi. Và cô gái tội nghiệp đó lẽ ra có thể gửi lại đứa con của mình cho người gửi nhưng đã can đảm đưa nó vào thế giới, lại hành hương từ giáo xứ này sang giáo xứ khác để xin rửa tội cho cháu”[2]. Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận sự can đảm của những người phụ nữ này khi tiếp tục mang thai: “Tôi biết rằng làm một bà mẹ đơn thân không hề dễ dàng. Tôi biết rằng đôi khi mọi người có thể coi thường chị. Nhưng tôi muốn nói với chị điều này: chị là một người phụ nữ dũng cảm vì chị đã có thể sinh ra hai cô con gái này. Chị có thể đã giết chúng trong bụng mình, nhưng chị vẫn tôn trọng sự sống: chị tôn trọng sự sống mà chị có trong mình, và Chúa sẽ thưởng cho chị vì điều đó, và Người sẽ thưởng cho chị. Chị đừng xấu hổ; hãy ngẩng cao đầu bước đi: ‘Tôi không giết con gái mình; Tôi đã đưa cháu vào thế giới'. Tôi chúc mừng chị; Tôi xin chúc mừng chị và xin Chúa ban phước lành cho chị”[3].
Theo nghĩa này, công việc mục vụ nên được thực hiện trong Giáo hội địa phương để làm cho mọi người hiểu rằng việc làm mẹ đơn thân không ngăn cản người đó đến với Bí tích Thánh Thể. Đối với tất cả các Kitô hữu khác, bí tích xưng tội cho phép một người được rước lễ. Hơn nữa, cộng đồng giáo hội nên đánh giá cao sự thật này: những bà mẹ đơn thân đã đón nhận và bảo vệ món quà sự sống mà họ mang trong bụng và đấu tranh hàng ngày để nuôi dạy con cái của họ [4].
Thật vậy, có những “hoàn cảnh khó khăn” cần được phân định và đồng hành về mặt mục vụ. Có thể xảy ra trường hợp một trong những bà mẹ này, vì hoàn cảnh mong manh của mình, đôi khi phải bán thân để nuôi gia đình. Cộng đồng Kitô giáo được kêu gọi làm mọi điều có thể để giúp cô tránh được nguy cơ rất nghiêm trọng này thay vì phán xét cô một cách gay gắt. Vì lý do này, “các mục tử của Giáo hội, khi đề xuất cho các tín hữu lý tưởng trọn vẹn của Tin Mừng và giáo huấn của Giáo hội, cũng phải giúp họ đối xử với những người yếu đuối bằng lòng trắc ẩn, tránh những lời gay gắt hoặc những phán xét quá khắc nghiệt hoặc vội vàng” [5].
Thông thường, khi bình luận về tình tiết Kinh Thánh về người đàn bà ngoại tình (Ga 8:1-11), cụm từ cuối cùng được nhấn mạnh: “đừng phạm tội nữa”. Chắc chắn, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta thay đổi cuộc sống, trung thành hơn với ý muốn của Thiên Chúa và sống với phẩm giá cao cả hơn. Tuy nhiên, cụm từ này không phải là sứ điệp trung tâm của phần Tin Mừng này, mà chỉ là lời mời gọi nhìn nhận rằng không ai có thể ném viên đá đầu tiên. Vì lý do này, Đức Thánh Cha Phanxicô, khi đề cập đến những người mẹ phải nuôi con một mình, nhắc nhở chúng ta rằng “trong những hoàn cảnh khó khăn cần thiết như vậy, Giáo hội phải đặc biệt quan tâm đến việc mang lại sự hiểu biết, an ủi và chấp nhận, thay vì áp đặt ngay lập tức một loạt các những quy tắc chỉ khiến con người cảm thấy bị phán xét và bỏ rơi bởi chính Người Mẹ được mời gọi tỏ cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa”[6].
Cuối cùng, cần phải nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha trong thông điệp gửi Thượng Hội đồng. Ngài nhấn mạnh đến khuôn mặt nữ tính và mẫu tử của Giáo hội, đồng thời tố cáo “thái độ nam nhi và độc tài” của những thừa tác viên “đi quá xa trong việc phục vụ của mình và ngược đãi dân Chúa” [7]. Đức Cha có trách nhiệm đảm bảo rằng loại hành vi này không xảy ra trong Giáo hội địa phương của Đức Cha.
Khi truyền đạt những điều trên, tôi nhân cơ hội này chúc Đức Cha một Giáng sinh vui vẻ và tái khẳng định tình cảm huynh đệ của tôi.
Trong Chúa Kitô,
Hồng Y Víctor Manuel. Fernández
Bộ trưởng
Tại buổi yết kiến ngày 13/12/2023
Franciscus
________________________________________
[1] Đức Phanxicô, Lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô với Ban tổ chức Đại hội Thánh Thể Quốc gia Hoa Kỳ (19 tháng 6 năm 2023).
[2]Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, Bài giảng Thánh lễ Bế mạc Cuộc họp năm 2012 của Vùng Mục vụ Đô thị Buenos Aires (2 tháng 9 năm 2012).
[3] Đức Phanxicô, Qua Hội nghị Truyền hình Vệ tinh với Đức Thánh Cha Phanxicô do Mạng lưới ABC Hoa Kỳ chủ trì với ba nhóm từ các thành phố khác nhau của Hoa Kỳ (ngày 4 tháng 9 năm 2015); L'Osservatore Romano, ấn bản hàng tuần bằng tiếng Anh, số 37 (11 tháng 9 năm 2015).
[4] Xem Đức Gioan Phaolô II, Thư gửi Phụ nữ (29/6/1995), Số 5: “Phải bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc biết bao đối với những người phụ nữ, với tình yêu anh hùng dành cho đứa con mà họ đã thụ thai, đã mang thai do bị cưỡng hiếp một cách bất công. Ở đây chúng ta đang nghĩ đến những hành động tàn bạo không chỉ xảy ra trong các tình huống chiến tranh, vẫn còn quá phổ biến trên thế giới, mà còn trong những xã hội được may mắn thịnh vượng và hòa bình nhưng lại thường bị tha hóa bởi nền văn hóa buông thả theo chủ nghĩa khoái lạc vốn làm trầm trọng thêm xu hướng hành vi hung hăng của nam giới. Trong những trường hợp này, việc lựa chọn phá thai luôn là một tội nặng. Nhưng trước khi đổ lỗi cho phụ nữ, đó là một tội ác mà tội lỗi cần phải đổ lỗi cho nam giới và sự đồng lõa của môi trường xã hội nói chung”.
[5] Đức Phanxicô, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia (19 tháng 3 năm 2016), n. 308.
[6] Như trên, n. 49.
[7] Đức Phanxicô, Can thiệp của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Phiên họp chung lần thứ 18 của Đại hội thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục (25 tháng 10 năm 2023).
(UCA News)
Ngày15 tháng 12 năm 2023 trong chuyến viếng thăm, chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng Giám Mục Huế, Ông Võ Văn Thưởng, Thủ tướng nước Việt Nam đã cho hay, Chính phủ đã mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Việt Nam.
Ủy ban tôn giáo Chính phủ cũng đưa tin Thủ tướng nước đã ký văn thư mời “Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm, để chứng kiến tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống tôn giáo trong nước”.
Thủ tướng Võ Văn Thưởng đã gặp Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh Huế, Đức Tổng Giám Mục Phó Giuse Đặng Đức Ngân và Đức nguyên Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng tại Tòa Tổng Giám mục Huế Việt Nam.
Cùng đi với thủ tướng có Thứ trưởng Bộ Nội vụ ông Vũ Chiến Thắng và Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ ông Nguyễn Tiến Trọng. Theo Thủ tướng cho biết, ông chia sẻ ước mong của 7 triệu người Công Giáo trong nước ao ước được đón Đức Thánh Cha tới thăm Việt Nam.
Ông cho biết ông rất ấn tượng với cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, Pietro Parolin trong chuyến thăm Vatican vào tháng Bảy vừa qua.
Thủ tướng nhắc lại rằng Đức Thánh Cha đã thể hiện sự ưu ái đặc biệt đối với con dân Việt Nam.
Thủ tướng và Đức Hồng Y Parolin đã ký một thỏa ước mang một bước ngoặt lớn cho phép đại diện của ĐTC được cư trú tại Việt Nam và mở văn phòng đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975.
Ông Võ Văn Thưởng, người kế nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 3, cho biết chính phủ của ông tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Việt Nam là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa, theo chế độ độc đảng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Chính phủ theo chủ thuyết Cộng sản cùng với hệ tư tưởng của người sáng lập Hồ Chí Minh.
Mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Việt Nam và Vatican vẫn chưa được thiết lập, nhưng kể từ năm 2011, một đại diện Giáo hoàng không thường trú, có trụ sở tại Singapore, đã thường xuyên thực hiện các chuyến thăm mục vụ ở Việt Nam.
Trong một lá thư mục vụ, Đức Hồng Y Fernández nêu rõ rằng những người nữ đơn thân cần “được nâng đỡ và siêng năng lãnh nhận các bí tích”.
“Là một người mẹ đơn thân, bà không bị ngăn trở để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.” Đây là lời minh xác của Bộ Giáo lý Đức tin công bố ngày 14 tháng 12 năm 2023.
Tài liệu đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn vào ngày 13 tháng 12 và được đăng trên trang mạng của Bộ, như đã được làm dưới thời Đức tân Hồng Y Víctor Manuel Fernández. Trong đó, ĐHY bênh vực những người phụ nữ “đã chọn cuộc sống” và họ phải được yêu thương bao bọc bởi lòng trắc ẩn.
“Hãy nói không” với chủ nghĩa hà khắc khiến con người xa rời ơn cứu rỗi
ĐHY chủ tịch trả lời email của Đức Giám Mục Ramón Alfredo de la Cruz Baldera, của San Francisco de Macorís ở Cộng hòa Dominica. Trong đó, Đức Giám Mục bày tỏ mối quan ngại về “những bà mẹ đơn thân - không rước lễ vì sợ các giáo sĩ và lãnh đạo cộng đồng cấm đoán!”
Theo ĐHY chủ tịch cho hay Đức Thánh Cha cũng nhận được những lá thư khác cho hay “ở một số quốc gia, cả linh mục và một số giáo dân đều ngăn cấm những bà mẹ đã có con ngoài hôn nhân không được lãnh nhận các bí tích và thậm chí không được rửa tội cho con của họ”.
Ngược lại, đối với Vatican, “Những phụ nữ này, trong hoàn cảnh như vậy, đã chọn cuộc sống và sống một cuộc sống rất phức tạp vì sự lựa chọn này, thì nên được an ủi và lãnh nhận sức mạnh chữa lành và an ủi từ các bí tích”.
Đức Hồng Y Fernández nhắc nhở chúng ta rằng quan điểm này không mới.
Đó là giáo huấn của Giáo hội, và xưa với tư cách là tổng giám mục của Giáo phận Buenos Aires, Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô đã khiển trách “những kẻ đạo đức giả ngày nay” vì đã không cho phép những phụ nữ này được rước lễ. Ngài tố cáo: “Chính họ đã làm cho dân Chúa xa rời ơn cứu rỗi”.
Đức Hồng Y Bergoglio cũng nhấn mạnh đến lòng can đảm của những phụ nữ này, những người đã can đảm giữ thai lại, dù phải sinh con trong một hoàn cảnh đầy trớ trêu!
Theo chiều hướng này, thông báo của Tòa thánh mời gọi các cộng đồng Công Giáo “đánh giá cao hoàn cảnh của những bà mẹ đơn thân đã chào đón và bảo vệ món quà sự sống mà họ cưu mang; họ là những người đang đấu tranh hàng ngày để nuôi dạy con cái của họ”.
Hỗ trợ thay vì phán xét
Trong tài liệu này – giống như những tài liệu trước, cùng dùng một giọng điệu rất mục vụ – Đức Hồng Y người Argentina khẳng định rằng “trọng tâm của thông điệp” trong dụ ngôn người đàn bà ngoại tình không phải là lệnh truyền “đừng phạm tội nữa”, mà là “lời mời gọi nhìn nhận rằng không ai có quyền ném viên đá đầu tiên cả!”
Vì vậy, nếu một số bà mẹ đơn thân “do hoàn cảnh trớ trêu của họ, đôi khi phải bán thân để nuôi gia đình”, Đức Hồng Y Fernández kêu gọi chúng ta “hãy giúp họ tránh xa nguy cơ rất nghiêm trọng này, thay vì phán xét họ một cách gay gắt”.
Vào ngày 10 tháng 11, một “Ủy ban Thượng hội đồng” được thành lập bởi “Tiến Trình Công Nghị” mới hoàn thành của Đức đã họp lần đầu tiên. Nhiệm vụ của ủy ban là chuẩn bị nền tảng cho một “Hội đồng Thượng hội đồng” gồm giáo dân, giáo sĩ và giám mục để điều hành Giáo Hội Công Giáo ở Đức từ năm 2026 trở đi. Ý tưởng về một “Hội đồng Thượng hội đồng” như vậy đã bị Tòa thánh bác bỏ. Và trong một lá thư gần đây gửi cho bốn nữ giáo dân người Đức đã từ chức khỏi “Tiến Trình Công Nghị” để phản đối những sai lệch, lạc xa các chân lý và thực hành Công Giáo truyền thống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại rằng “Hội đồng Thượng hội đồng” không thể hòa giải “với cơ cấu bí tích của Giáo Hội Công Giáo. “
Đức Thánh Cha cũng nói điều này về tình trạng hiện tại của các vấn đề Công Giáo ở Đức:
Trong Thư gửi dân Chúa ở Đức, tôi đã nhắc nhở rằng thay vì tìm kiếm “sự giải thoát” trong các ủy ban mới mẻ không ngừng và thảo luận các chủ đề tương tự với sự tự quy chiếu nhất định vào chính mình, tôi muốn nhắc lại sự cần thiết của việc cầu nguyện, sám hối và tôn thờ, đồng thời mời gọi mọi người hãy mở lòng và đi ra ngoài để gặp gỡ “anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người bị bỏ rơi trên bậc thềm nhà thờ, trên đường phố, trong nhà tù và bệnh viện, quảng trường và thành phố”. Tôi tin chắc rằng đây là nơi Chúa sẽ chỉ đường cho chúng ta.
Về điều đó, có lẽ có thể quan sát được một số điều.
Chẳng phải “việc tìm kiếm 'sự giải thoát' trong các ủy ban luôn mới và thảo luận về các chủ đề tương tự với sự tự quy chiếu nhất định vào chính mình” không mô tả chính xác những gì Thượng hội đồng 2023 đã làm trong bốn tuần dài đau đớn cách đây hai tháng—và những gì mà các ủy ban chuẩn bị ở cấp địa phương, quốc gia và lục địa “các giai đoạn” của Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị đã được thực hiện với chi phí lớn về thời gian và tiền bạc trong hai năm qua đó sao?
Tại sao “sự giải thoát” lại được đặt trong dấu ngoặc kép trong bức thư của Đức Thánh Cha? Có phải vì ngài đang đề cập đến việc “cứu” tổ chức của Giáo hội Đức, vốn đang làm xuất huyết các giáo dân (và do đó mất doanh thu, vì ít giáo dân Công Giáo tự nhận mình là người Công Giáo có nghĩa là tổ chức này nhận được ít khoản cắt giảm thuế của Giáo hội Đức hơn)? Với bối cảnh ở Đức, điều đó gợi ý tại sao từ “sự giải thoát” lại được đặt trong dấu ngoặc kép. Nhưng cũng có thể lưu ý rằng chủ đề ơn cứu rỗi theo ý nghĩa thần học và Kinh Thánh đầy đủ của nó—và hệ quả tất yếu là ý niệm về Chúa Giêsu là vị cứu tinh độc nhất và duy nhất của nhân loại—đã không được khám phá sâu sắc trong Thượng hội đồng 2023, hoặc trong thời gian xảy ra “Tiến Trình Công Nghị” của Đức.
Điều này dẫn đến điểm thứ ba: Đức Thánh Cha gợi ý rằng Giáo Hội Công Giáo Đức có tính thể chế sẽ tự cứu mình bằng cách mở rộng cửa đón nhận người nghèo, người di tản và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Tuy nhiên, Giáo hội Đức đã làm điều đó bằng cách duy trì (với sự trợ giúp của thuế Giáo hội) một mạng lưới đáng kể các cơ quan và chương trình dịch vụ xã hội. Nếu việc gặp gỡ những người bị gạt ra ngoài lề xã hội là câu trả lời cho tình trạng chán nản tôn giáo và tình trạng thiếu máu truyền giáo của Công Giáo Đức đương đại, thì Giáo hội Đức đã trở thành một động cơ mạnh mẽ cho Tân Phúc âm hóa từ nhiều thập kỷ trước.
Nhưng nó đã không, và vẫn không phải vậy. Nó ít hoặc không liên quan gì đến việc gặp gỡ những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Mọi thứ đều liên quan đến việc mất niềm tin vào Chúa Giêsu là Chúa, và vào Giáo hội là thân thể bí tích của Người trên thế giới, khiến các giáo hội địa phương trở thành các tổ chức phi chính phủ làm việc từ thiện. Mượn thư của Đức Thánh Cha, gặp gỡ Chúa Giêsu trong Lời Chúa và Bí tích là “điều sẽ chỉ đường cho chúng ta”.
Điều thú vị là, tại Thượng hội đồng 2023, các vấn đề “nóng bỏng” được yêu thích trong Tiến trình Công Nghị Đức, về cơ bản, không phải do người Đức mà là do những người khác thúc ép. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing, đã uống gemütlichkeit xuyên suốt buổi lễ với nụ cười thường trực trên khuôn mặt. Có lẽ việc cố tình giữ im lặng này phản ánh sự thừa nhận của ban lãnh đạo các giám mục Đức rằng việc kích động mọi thứ ở Rôma là điều không nên làm, do tình hình khó khăn của họ ở quê nhà. Nhưng nhờ những người khác, điều đó là có thể.
Như đã đề xuất trong không gian này trước đây, một số người phụ trách “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” có thể đã coi “Tiến Trình Công Nghị” của Đức như một công cụ hữu ích trong việc dọn đường cho việc tái cấu hình đầy kịch tính sự tự hiểu biết và quản trị của Công Giáo. Những người có tư tưởng đó có thể đã không muốn người Đức tiến xa đến mức bỏ xa toàn bộ trò chơi trước khi Thượng hội đồng 2024 họp vào tháng 10 tới; vì vậy con ngựa rình rập của Đức được khuyên nên chạy nước kiệu, không phi nước đại.
Điều này có thể gợi ý rằng Công Giáo Đức không được một số giới Rôma coi là “bên bờ vực” mà thực ra là “ở thế tiên phong”.
Hình ảnh Thánh Gioan Tẩy giả, người sống lòng khiêm nhượng
Một người tín hữu ( NTH) có thói quen đạo đức đến thánh đường viếng thăm cầu nguyện không chỉ nơi bàn thờ nhà Chầu Mình Thánh Chúa hay bàn tòa kính Đức Mẹ Maria, nhưng còn tìm đến bàn tòa kính Thánh Gioan tiền hô. Trong cầu nguyện NTH bày tỏ tâm tình mình với vị Thánh qua cuộc nói chuyện tâm linh.
1. NTH: Con xin chào Thánh nhân. Con là người tín hữu hôm trước đã có lần đến đây và tò mò nói chuyện với Thánh nhân. Về nhà suy nghĩ nhớ lại những gì Thánh nhân đã nói với con. Con rất đỗi vui mừng. Con cám ơn Thánh nhân. Hôm nay con lại đến muốn nói chuyện cùng Thánh nhân nữa. Vậy Thánh nhân có cho phép con không?
Thánh Gioan: Ta chào Bạn. Sao lại không? Ta vui mừng được nói chuyện với Bạn. Có Bạn đến nói chuyện, ta không cảm thấy lẻ loi một mình đứng trên đế đài này với hoa nến héo tàn ngày này qua ngày khác, năm tháng này qua năm tháng khác... Như vậy còn gì vui hơn nữa.
Có một điều ta muốn nói với Bạn. Đúng hơn ta khen Bạn. Bạn không xin xỏ gì với ta như những người khác hay than thở kêu xin. Lẽ dĩ nhiên ta cũng lắng nghe họ than thở kêu xin, và sẵn sàng cầu bầu xin Thiên Chúa ban ân phúc lành cho họ. Nhưng ta vẫn thích người như Bạn có tâm tâm hồn tìm hiểu đức tin không chỉ cho trái tim tâm hồn mà còn cho cả trí óc hiểu biết nữa. Bạn là người có nếp sống quân bình. Tin kính nhưng cũng có nhu cầu hiểu biết của lý trí về điều mình tin. Xin Bạn cứ tự nhiên.
2. NTH: Thưa Thánh nhân. Không dám đâu, xin cám ơn Thánh nhân. Con chỉ là người tò mò thôi đấy mà.
Hôm trước Thánh nhân đã cắt nghĩa cho con về nhiệm vụ tiền hô của Thánh nhân. Nhưng cũng qua đó Thánh nhân nói đến công việc làm phép Rửa cho dân chúng bên bờ sông Jordan. Có phải vì thế mà người ta cũng còn gọi Thánh nhân với danh xưng Tẩy gỉa nữa không?
Thánh Gioan: Bạn đúng là người tò mò. Nhưng sự tò mò của Bạn là điều tốt giúp tâm trí rộng mở hiểu biết thêm. Ta không biết có đúng như thế không. Nhưng ta nghĩ, người ta đặt thêm danh hiệu như thế, có thể họ căn cứ theo sự kiện ta đã làm phép rửa cho dân chúng và cho cả Chúa Giêsu nữa, mà đặt thêm danh hiệu tẩy giả này cho ta. Và biết đâu cũng để phân biệt với những vị Gioan khác. Nhưng điều đó không quan trọng.
Quan trọng ở chỗ, phép rửa ta làm là dấu hiệu nói lên lòng ăn năn thống hối từ bỏ con đường sự dữ tội lỗi trở về con đường ngay chính tốt lành, dọn con đường tâm hồn đón tiếp Đấng là ánh sáng cứu độ đến trong trần gian, của người lãnh nhận phép rửa.
3. NTH: Thưa Thánh nhân ngoài hai danh hiệu Tiền hô và Tẩy gỉa, còn có thêm danh hiệu nào đặt cho Thánh nhân nữa không?
Thánh Gioan: Bạn đúng là người tò mò chính hiệu. Không có danh hiệu nào nữa đặt thêm cho ta đâu. Như vậy đủ rồi, và đã nói lên hết nhiệm vụ chính yếu của ta nữa.
Có điều khi người ta nghe tin ta rao giảng phép rửa ăn ăn thống hối, người ta đến hỏi ta: Ông là ai?. Ta không chút do dự nói ngay: Các ngươi an tâm và đừng lẫn lộn: Ta rao giảng, nhưng ta không phải là Đấng Kito cứu thế, cũng chẳng phải là vị Ngôn sứ nào đâu.
Họ vặn hỏi mãi, ta nói ngay “ Ta là tiếng hô trong sa mạc hãy dọn đường cho thẳng để Thiên Chúa đến. Họ vẫn chưa chịu bằng lòng với câu trả lời của ta. Họ vặn hỏi thêm: Thế tại sao Ông làm phép rửa?
Ta cũng không ngần ngại nói ngay: Các Ông nên biết cho điều này. Ta rao giảng làm phép rửa trong nước. Nhưng có Đấng quyền thế hơn ta. Người đang ở giữa các ông mà các ông không nhận ra Người. Còn ta, ta đâu có xứng đáng hầu hạ cởi quai dép cho Người.
4. NTH: Như thế Thánh nhân còn có thêm danh hiệu là tiếng hô trong sa mạc nữa. Tiếng hô của Thánh nhân là lời loan báo, tiếng kêu gọi con người trở về với con đường đời sống ngay chính. Nhưng tiếng hô đó của ngài còn loan báo gì khác hơn nữa không?
Thánh Gioan: Phải, tiếng hô là lời rao giảng loan báo của ta không chỉ dừng lại nơi đó. Nhưng quy tới một đích điểm, đúng hơn tới một con người. Con người đó là Thiên Chúa xuống trần gian làm người giữa xã hội con người.
5. NTH: Vị Thiên Chúa làm người đó là ai vậy?
Thánh Gioan: Vị Thiên Chúa làm người đó chính là Con Thiên Chúa tên là Giêsu Kitô.
Vị đó là Ánh sáng của Tiên Chúa từ trời cao xuống hiện thân làm người. Ánh sáng của Ngài không là ánh sáng đèn điện chiếu tỏa tia sáng cực mạnh nóng bỏng làm chói mắt. Không, không phải như thế. Ánh sáng chiếu tỏa từ nơi Ngài là ánh sáng đức tin vào Thiên Chúa, ánh sáng tình yêu mến của Trời cao, ánh sáng niềm hy vọng cho con người, ánh sáng ơn tha thứ làm hòa giữa Trời và đất, giữa Thiên Chúa với con người.
6. NTH: Làm sao Thánh nhân có thể qủa quyết thuyết phục người nghe như thế được?
Thánh Gioan: Nhiệm vụ của ta là rao giảng làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng đến trong trần gian.
Mốc điểm thời tiết là hình ảnh tốt, giúp cắt nghĩa hiểu về ánh sáng của Chúa Giêsu. Bạn biết không, theo dòng tộc gia đình, ta là anh em họ hàng với Chúa Giêsu sinh ra làm người. Ta sinh ra đời trước Chúa Giêsu vào ngày 24.06. Còn Chúa Giesu sinh ra vào ngày 25.12. Đây là theo cách tính của niên lịch phụng vụ Kitô giáo.
Theo luật tuần hoàn trong vũ trụ thiên nhiên, vào cuối tháng Sáu thời tiết bắt đầu vào mùa Hè, mặt trời chiếu sáng ngày dài hơn ban đêm. Và cũng từ thời cao điểm đó, mỗi ngày thời tiết xuay chuyển mặt trời ngày ngắn lại, ban đêm tối trời dần dài hơn thêm ra. Và cao điểm ngày ngắn ít ánh sáng mặt trời chiếu, ban đêm dài nhất trong năm là những ngày cuối tháng Mười Hai.
Giáo Hội mừng ngày ta sinh ra vào ngày 24.06. ngày cao điểm trời sáng, Và sau ngày đó từ từ ngày ngắn lại, đêm tối dài thêm ra.
Lễ mừng Chúa Giêsu sinh ra làm người vào đêm tối trời nhất trong năm ngày 25.12. Và từ sau ngày này ánh sáng ban ngay từ từ dài thêm ra, đêm tối trời ngắn lại.
Chúa Giêsu sinh ra làm người vào thời gian đêm tối trời. Sự sinh ra của Ngài vào thời điểm đó nói lên: Ngài đem ánh sáng từ trời cao soi chiếu vào đêm tối trần gian. Đêm tối trần gian trong không gian thời gian thời tiết hình thể địa lý, và đêm tối trong tâm hồn con người vì sự dữ tội lỗi che khuất làm ra cho tối tăm.
Ngài đến trần gian mang ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Sau này khi ra rao giảng, chính Ngài đã nói Ngài là ánh sáng cho trần gian.
Rồi cũng vào ngày 25.12. thời thượng cổ xa xưa dân tộc Roma dành kính thờ Thần Mặt Trời. Và từ khi đạo Kitô được hoàng đế Roma Vua Constantino năm 313 công nhận cho tự do sống đức tin công khai, Giáo Hội Công Giáo đã rửa tội ngày 25.tháng 12. hằng năm thành ngày mừng sinh nhật Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng Mặt Trời công chính đã xuống trần gian.
Nên ngày lễ kỷ niệm Chúa giáng sinh ngày 25.12. nói lên ý nghĩa căn bản của Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng, đi vào soi chiếu ánh sáng trong đêm tối trần gian. Ánh sáng ơn cứu độ của Chúa xóa tan bóng tối, đem lại sự an bình cho con người.
7. NTH: Thưa Thánh nhân, Kinh Thánh đề cập đến Thánh nhân với ánh sáng như thế nào?
Thánh Gioan : Ta rao giảng kêu gọi con người dọn con đường tâm hồn cho Chúa đến. Nhưng Vị Thánh tên là Gioan, người Tông đồ trực tiếp của Chúa Giêsu, và sau này đã phụng dưỡng nuôi Đức Mẹ Maria sau khi Chúa Giêsu về trời, đã viết Phúc âm Chúa Giêsu. Trong đó Ông nói đến ta ngay trong phần đầu của sách Phúc âm: „Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng cho ánh sáng.“ Ga 1,6-8.
8. NTH: Thưa Thánh nhân, Thánh nhân có biết mình sinh ra vào thời nào không?
Thánh Gioan: Thời của ta lúc sinh ra không có giấy khai sinh như bây giờ. Nên ta không biết mình sinh ra thời nào.
Sau này trong đời sống, theo khoa học người ta làm ra lịch năm tháng ngày giờ cho phân biệt rõ ràng như đang dùng ngày hôm nay. Theo cách tính niên lịch, người ta lấy năm Chúa Giêsu giáng sinh là năm thứ nhất sau Chúa giáng sinh, khoa học gọi là năm thứ nhất sau Công nguyên. Như thế biến cố Chúa Giêsu sinh ra làm người là mốc điểm giữa hai thời đại trước và sau Công nguyên. Ta sinh ra đời trước Chúa Giêsu nửa năm. Vậy ta chào đời vào nửa năm cuối cùng thời trước Chúa Giêsu. Nên người ta còn nói ta là vị Ngôn sứ cuối cùng thời cựu ước, thời trước công nguyên, chuyển tiếp sang thời Tân ước với Chúa Giêsu Kitô, thời sau công nguyên.
Người ta không biết rõ năm nào Chúa Giêsu sinh ra. Có thuyết cho rằng, vì sau này mới làm lịch, nên tính sai năm Chúa sinh ra đời, và có lẽ Chúa Giêsu sinh ra vài năm trước đó rồi, năm 07. trước Công nguyên! ( Joseph Ratzinger, Benedikt XVI., JESUS von Nazareth, Prolog die Kindheitsgeschichten, Herder Freibug i. Breisgau 2012, tr. 106 -110)
Thánh sử Luca viết trong Phúc âm Chúa Giêsu có nói đến thời điểm lịch sử chính trị và tôn giáo lúc ta đi ra rao giảng làm phép rửa ăn năn thống hối dọn đường cho Chúa:
„ Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberio, thời quan Pontius Pilatus làm tổng trấn miền Judea, Herode làm tiểu vương miền Galileo, người em là Philiphe làm tiểu vương miền Iture và Khana va Caipha làm Thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là Ông Gioan trong hoang địa. Ông đi khắp vùng ven sông Jordan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.“ (Lc 3, 1-3).
9. NTH: Con xin chào tạm biệt và cám ơn Thánh nhân qua nói chuyện đã chỉ dẫn cho con hiểu rõ về vai trò của Thánh nhân trong công việc xây đắp gìn giữ đức tin vào Chúa. Qua đó con dần hiểu rõ ra hơn, tại sao Hội Thánh hằng năm vào mùa Vọng lấy hình ảnh cùng đời sống của Thánh nhân ra làm trung tâm cho giáo lý chuẩn bị tâm hồn mừng lễ ánh sáng Chúa Giesu Kitô giáng sinh làm người…
Thánh nhân cùng với Đức Mẹ Maria là hai nhân vật chính yếu trong mùa Vọng. Cả hai trông mong chờ đợi Chúa đến, và giúp mọi người hướng tâm hồn trông chờ Chúa đến. Và chúng con nhìn học được nơi Thánh nhân cung cách nếp sống lòng khiêm nhượng: nhận mình chỉ là công cụ Thiên Chúa dùng để mở đường giới thiệu cho Thiên Chúa đến.
Thánh Gioan: Ta cũng cám ơn Bạn đã đến thăm viếng ta và trò truyện với ta. Điều này thật đáng qúi lắm.
Ta cầu chúc Bạn khoẻ mạnh, lòng tràn đầy niềm vui cùng sự hăng say nhiệt thành nếp sống tinh thần cho trái tim cùng trí khôn suy biết nữa. Chúc bằng an thành công. Gioan, người bạn của các Bạn!
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 16 Tháng Mười Hai, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết trong đêm 15 rạng sáng 16 Tháng Mười Hai, các nhóm hỏa lực cơ động của Lực lượng Không quân và Phòng vệ Ukraine đã bắn hạ toàn bộ 14 máy bay không người lái của đối phương trên các khu vực Mykolaiv, Kherson, Khmelnytskyi và Poltava.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết 110 cuộc đụng độ đã diễn ra trên chiến trường Ukraine trong 24 giờ qua. Tổng cộng, quân xâm lược đã tiến hành 4 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, 50 cuộc không kích và 56 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của lực lượng Ukraine và khu vực đông dân cư.
Một cảnh báo không kích đã được công bố trên khắp Ukraine khi quân xâm lược Nga phóng máy bay không người lái kamikaze từ phía nam.
Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu diệt khoảng 343.890 quân xâm lược Nga ở Ukraine từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 15 tháng 12 năm 2023, trong đó chỉ tính riêng ngày hôm qua đã có 1.090 quân xâm lược.
Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ qua các cuộc giao tranh diễn ra dữ dội nhất quanh khu vực Marinka, khi quân xâm lược cố tìm một chiến thắng sau khi đã thất bại ở thị trấn Avdiivka. Ý đồ của quân xâm lược là khống chế các xa lộ T0510 và N15 để cuối cùng có thể tiến xa hơn về phía tây tới thị trấn Kurakhove.
Riêng trong khu vực này, trong ngày qua hơn 600 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 14 xe tăng, 38 xe thiết giáp, 11 hệ thống pháo, và 24 xe chuyển quân và nhiên liệu.
2. Điện Cẩm Linh phản đối hiệp ước quốc phòng giữa Phần Lan và Hoa Kỳ
Điện Cẩm Linh hôm thứ Sáu cho biết một hiệp ước quốc phòng theo kế hoạch giữa Phần Lan và Mỹ sẽ dẫn đến căng thẳng giữa Helsinki và Mạc Tư Khoa.
Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov phát biểu trong một cuộc họp báo rằng Nga sẽ coi sự hiện diện của cơ sở hạ tầng của NATO gần biên giới nước này là một mối đe dọa.
“Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến căng thẳng. Chúng tôi phải nói như thế”, Peskov nói.
“Chúng tôi có mối quan hệ tuyệt vời với Phần Lan. Không ai đe dọa ai, không có vấn đề hay phàn nàn gì với nhau. Không ai xâm phạm lợi ích của ai, tôn trọng lẫn nhau.
“Nhưng bây giờ, khi Phần Lan là thành viên NATO và cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đã xâm nhập vào lãnh thổ Phần Lan, điều này sẽ gây ra mối đe dọa rõ ràng cho chúng tôi.”
Phần Lan trở thành thành viên mới nhất của NATO trong năm nay và sẽ ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ vào thứ Hai tới đây.
Phản ứng của Điện Cẩm Linh là nhằm đáp lại một tuyên bố hôm Thứ Năm của Ngoại trưởng Phần Lan, Elina Valtonen. Cô cho biết chính phủ Phần Lan sẽ ký một thỏa thuận quốc phòng với Mỹ để cấp cho quân đội Mỹ quyền tiếp cận rộng rãi khắp quốc gia Bắc Âu này tới cả khu vực lân cận biên giới dài với Nga.
Nước láng giềng Bắc Âu của Nga Phần Lan đã trở thành thành viên mới nhất của liên minh quân sự NATO vào đầu năm nay để đáp trả việc Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022.
Valtonen giải thích: “Chúng tôi ký hiệp ước này để trên thực tế sẽ không cần phải thống nhất mọi thứ riêng biệt, như vậy việc tổ chức các hoạt động trong thời bình trở nên dễ dàng hơn, nhưng trên hết, nó có thể rất quan trọng trong một cuộc khủng hoảng”.
Các quan chức cho biết, thỏa thuận với Mỹ nhằm mục đích cho phép nhanh chóng tiếp cận quân sự và viện trợ cho Phần Lan trong trường hợp xảy ra xung đột.
Thỏa thuận liệt kê 15 cơ sở và khu vực ở Phần Lan mà quân đội Hoa Kỳ sẽ có quyền tiếp cận không bị cản trở và là nơi họ cũng có thể lưu trữ các thiết bị quân sự và đạn dược.
Thỏa thuận cho thấy, các khu vực này sẽ bao gồm 4 căn cứ không quân, một cảng quân sự và tuyến hỏa xa dẫn tới miền bắc Phần Lan, nơi quân đội Mỹ sẽ có một khu kho chứa đồ dọc theo tuyến hỏa xa dẫn đến biên giới Nga.
3. Điện Cẩm Linh nói rằng quyết định của Liên Hiệp Âu Châu về việc mở các cuộc đàm phán thành viên với Ukraine và Moldova là một sai lầm tai hại
Điện Cẩm Linh đã phản ứng gay gắt trước quyết định của Liên Hiệp Âu Châu về việc mở các cuộc đàm phán thành viên với Ukraine và Moldova, và coi đây là một quyết định chính trị hóa có thể gây bất ổn trong khu vực.
Tuy nhiên, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov trấn an người dân Nga rằng:
“Các cuộc đàm phán để gia nhập Liên Hiệp Âu Châu có thể kéo dài nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ. Liên Hiệp Âu Châu luôn có những tiêu chí nghiêm ngặt để gia nhập và rõ ràng là hiện tại cả Ukraine và Moldova đều không đáp ứng được những tiêu chí này”.
“Rõ ràng đây là một quyết định hoàn toàn bị chính trị hóa, mong muốn của Liên Hiệp Âu Châu là thể hiện sự ủng hộ đối với các nước này. Nhưng những thành viên mới như vậy có thể gây bất ổn cho Liên Hiệp Âu Châu và khu vực; và vì chúng tôi sống trên cùng lục địa với Liên Hiệp Âu Châu nên tất nhiên chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ điều này”.
Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, nhận xét rằng đúng là tiến trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu có thể kéo dài trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, nhanh hay chậm là tùy thuộc vào chính quyền của ứng viên có sẵn lòng thực hiện các cải cách do Liên Hiệp Âu Châu đề nghị hay không. Nhiều chính phủ không sẵn lòng thực hiện các cải cách này vì lo lắng cho sự tồn vong của đảng phái hay chính quyền mình. Đó không phải là trường hợp của Ukraine.
Tổng thống Moldova Maia Sandu, khi hoan nghênh quyết định của Liên Hiệp Âu Châu, cho biết đất nước của cô “cam kết làm việc chăm chỉ cần thiết để trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu sớm hết sức có thể”.
Dư luận Nga tỏ ra bối rối trước quyết định của Liên Hiệp Âu Châu chào đón Ukraine và Moldova. Dmitry Polyanskiy, phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, năm ngoái đã lập luận rằng không có “sự khác biệt lớn” giữa việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và gia nhập NATO, là điều mà một số người cho rằng có thể châm ngòi cho sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh thế giới mới.
4. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định rằng Viktor Orbán sẽ phải đồng ý với khoản viện trợ dành cho Ukraine
Trong cuộc họp báo tại Brussels, theo sau quyết định của Viktor Orbán ngăn chặn viện trợ dành cho Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định rằng Viktor Orbán sẽ phải đồng ý với khoản viện trợ dành cho Ukraine vào Tháng Giêng.
Ông cho biết quyết định phủ quyết ngân sách Âu Châu của Orbán, trong đó viện trợ dành cho Ukraine là một phần, là một hành động tự làm hại bản thân của Orbán, vì điều đó có nghĩa là ông cũng đang chặn tiền vào đất nước mình.
“Tôi mong đợi từ Viktor Orbán trong những tháng tới rằng người Hung Gia Lợi sẽ cư xử giống như người Âu Châu và họ không lấy tiến bộ chính trị làm con tin”.
Macron nói: “Chúng tôi muốn tin rằng, ngoài điệu bộ bề ngoài, ông ấy sẽ thể hiện mình có trách nhiệm ở mức độ mà ông ấy được tôn trọng”. Cả ông và thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo đều nói rằng quyết định của nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi được “tôn trọng” như một phần của tiến trình dân chủ.
Scholz tiết lộ rằng ông đã nói với Orbán trong hội nghị thượng đỉnh rằng ông có thể chỉ trích báo cáo của Ủy ban Âu Châu về việc mở rộng nhưng ông không thể liên kết những thứ không liên quan và ngăn chặn quyết định mở rộng vì những khiếu nại liên quan đến việc ủy ban giữ lại tiền cho Hung Gia Lợi.
Liên quan đến quyết định chào đón Ukraine và Moldova, Tổng thống Macron nói:
“Orbán có thể phủ quyết. Nhưng, ông ấy đã không làm điều đó. Vì vậy, ông ấy đã để Âu Châu gửi một tín hiệu chính trị tích cực đến Ukraine, mà theo tôi, về mặt này, là một yếu tố quan trọng. Và ông ấy đã không nhất quyết sử dụng quyền phủ quyết.”
Từ Budapest, các đảng phái đối lập cho biết thế giới không nên đồng hóa Hung Gia Lợi với Viktor Orbán, người có quan hệ cá nhân với Putin. Họ cũng kêu gọi người dân nước này rằng đã đến lúc phải thay đổi chế độ vì rõ ràng là các quan điểm cực đoan và lập trường thân Nga của Orbán đang gây ra những bất lợi cho đất nước và uy tín của Hung Gia Lợi trên trưi72ng quốc tế.
5. Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel tin chắc số tiền viện trợ cho Ukraine sẽ được thông qua
Khi được hỏi về kế hoạch của khối để thuyết phục Hung Gia Lợi đồng ý cấp thêm tài chính cho Ukraine, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel đã nói đùa: “Đó là một câu hỏi rất hay!”
Ông nói thêm: “Chúng tôi quyết tâm sử dụng tất cả các lập luận có thể và chúng tôi sẽ tham gia – với sự tôn trọng… và chúng tôi biết rằng việc đưa ra một quyết định thống nhất luôn là một thách thức, nhưng đây là một quyết định quan trọng mà chúng tôi cần đưa ra.”
“Và tôi nghĩ cuộc tranh luận mà chúng ta có ngày hôm qua cũng là một cơ hội để hiểu rõ hơn về một số công cụ, một số lập luận mà chúng ta sẽ sử dụng trong những ngày tới, trong những tuần tới để chuẩn bị cho cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Âu Châu.”
Theo các quan sát viên, nếu Viktor Orbán không thể chặn đứng việc Liên Hiệp Âu Châu mở các cuộc đàm phán gia nhập của Ukraine và Moldova, ông ta càng không thể chặn viện trợ dành cho Ukraine. Thật vậy, khi chặn đứng viện trợ dành cho Ukraine, ông ta cũng sẽ chặn khoản tiền dành cho chính Hung Gia Lợi.
Đó là tựa đề của một bài báo trên tờ Politico có trụ sở ở Washington DC. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Bích Ngọc.
Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh nói rằng Vladimir Putin muốn một nhà lãnh đạo Mỹ hiểu được “tầm quan trọng của đối thoại”.
Putin muốn một tổng thống Mỹ “có tính xây dựng hơn” đối với Nga và hiểu được “tầm quan trọng của cuộc đối thoại” giữa hai nước, Điện Cẩm Linh cho biết hôm thứ Sáu.
Khi được hỏi liệu ông Putin có thể làm việc với ứng cử viên đang dẫn đầu Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Mỹ là cựu Tổng thống Donald Trump hay không, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên báo chí rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ sẵn sàng làm việc với “bất kỳ ai hiểu điều này là kể từ bây giờ, bạn phải cẩn thận hơn với Nga và bạn phải tính đến những lo ngại của Nga”.
Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, mối quan hệ giữa phương Tây và Mạc Tư Khoa đã xấu đi, với việc Washington và các đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt trên nhiều phương diện đối với các cá nhân và thực thể có liên hệ với chế độ Mạc Tư Khoa.
Mạc Tư Khoa từ lâu đã cáo buộc phương Tây châm ngòi và duy trì chiến tranh. Putin thường xuyên nói: “Ukraine đã trở thành con tin của chế độ Kyiv và các ông chủ phương Tây, những kẻ đã xâm lược đất nước này một cách hiệu quả”.
Bất kể thức tế là Putin đã phát động cuộc xâm lược Ukraine, Peskov đã lặp lại cáo buộc của Mạc Tư Khoa rằng Mỹ gây ra cuộc chiến ở Ukraine. Ông nói: “Đó là một cuộc chiến tranh hỗn hợp mà Hoa Kỳ đang dàn dựng để chống lại đất nước chúng ta”.
2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh
Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến các cuộc giao tranh tại thị trấn Marinka.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Bích Ngọc.
Giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra nhằm giành quyền kiểm soát thị trấn Marinka bị phá hủy và các khu vực xung quanh ở phía đông nam Ukraine. Nga có thể sẽ tiếp tục giảm bớt các phần lãnh thổ nhỏ do Ukraine kiểm soát còn lại trong ranh giới thị trấn.
Một trong những mục tiêu hoạt động của Nga trong khu vực có thể là bảo đảm an toàn cho các xa lộ T0510 và N15 để cuối cùng tiến xa hơn về phía tây tới thị trấn Kurakhove.
Bất chấp những tiến bộ ngày càng tăng, một bước đột phá lớn, có ý nghĩa về mặt chiến thuật của Nga trong lĩnh vực này vẫn rất khó xảy ra.
3. Liên Hiệp Âu Châu chặn lại các nguồn tài trợ cho Hung Gia Lợi
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, cho biết nguồn tài trợ dành cho Hung Gia Lợi tiếp tục bị chặn lại, và nhấn mạnh rằng “Thời điểm những cải cách cần thiết được thực hiện ở Hung Gia Lợi thì sẽ có giải ngân.”
Nhận xét của von der Leyen liên quan đến đề nghị của Ủy ban Âu Châu hôm thứ Tư nhằm giải tỏa 10,2 tỷ euro trong quỹ gắn kết Liên Hiệp Âu Châu bị đóng băng dành cho Hung Gia Lợi, một ngày trước khi các nhà lãnh đạo Âu Châu chuẩn bị thảo luận về viện trợ mới cho Ukraine và việc mở các cuộc đàm phán gia nhập cho Kyiv, là điều mà Thủ tướng Viktor Orbán đã kịch liệt phản đối.
Ủy ban cho biết trong một thông cáo báo chí: “Sau khi đánh giá kỹ lưỡng và có một số trao đổi với chính phủ Hung Gia Lợi, Ủy ban cho rằng Hung Gia Lợi đã thực hiện các biện pháp mà họ cam kết thực hiện”, cho phép cơ quan điều hành Liên Hiệp Âu Châu giải phóng tiền.
Các quỹ gắn kết của Liên Hiệp Âu Châu, nhằm giúp các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu nghèo hơn đầu tư vào nền kinh tế của họ. Phần lớn các quỹ này được thanh toán dưới dạng hỗ trợ cho số tiền mà chính phủ các quốc gia đã chi cho các chương trình trong nước.
Vào tháng 12 năm 2022, Ủy ban đã quyết định phong tỏa khoảng 22 tỷ euro và đã đặt ra các điều kiện mà Budapest phải đáp ứng để tiếp cận được nguồn tiền mặt.
Những biện pháp này bao gồm việc thực hiện một loạt các biện pháp nhằm tăng cường tính độc lập của ngành tư pháp.
Kể từ đó, chính quyền Hung Gia Lợi đã thực hiện một số thay đổi pháp lý nhằm tăng cường vai trò và quyền hạn của Hội đồng Tư pháp Quốc gia – là cơ quan giám sát việc điều hành các tòa án Hung Gia Lợi - và tính độc lập của Tòa án Tối cao.
Những thay đổi này đủ để giải phóng một số, chứ không phải tất cả các quỹ bị đóng băng, vì Hung Gia Lợi vẫn cần thực hiện một loạt cải cách khác liên quan đến bảo vệ nhân quyền và tự do học thuật. Song song đó, họ cũng đang chờ đợi để tiếp cận được 10,4 tỷ euro tiền tài trợ và các khoản vay giá rẻ từ Liên Hiệp Âu Châu, do đó họ sẽ phải thực hiện một loạt các biện pháp chống tham nhũng.
Các nhà lãnh đạo của bốn nhóm chính trị lớn nhất ở Âu Châu – Đảng Nhân dân Âu Châu, Đảng Xã hội và Dân chủ, Đổi mới Âu Châu và Đảng Xanh – đã cảnh báo không nên giải ngân quỹ này trước sự tống tiền của Hung Gia Lợi.
Theo quan điểm của họ, các nhà lãnh đạo cho biết các điều kiện đặt ra cho Hung Gia Lợi “chưa được đáp ứng”.
Petri Sarvamaa, một thành viên của Nghị Viện Âu Châu của Phần Lan thuộc nhóm EPP, cho biết quyết định giải tỏa quỹ là “thảm họa”.
Sarvamaa, phát ngôn nhân của EPP về chương trình nghị sự ngân sách, cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản cho POLITICO: “Bây giờ chúng ta đã đưa ra cho Orbán một tín hiệu rõ ràng: khi bạn chơi đủ cứng rắn, bạn sẽ trở thành người chiến thắng”.
Đề cập đến vấn đề gói 50 tỷ euro được đề xuất cho Ukraine mà Hung Gia Lợi hiện đang chặn, von der Leyen nói:
Tất nhiên, chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để đạt được một kết quả có sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên.
Nhưng tôi nghĩ bây giờ cũng cần phải nghiên cứu các giải pháp thay thế tiềm năng, có giải pháp thực thi trong trường hợp không thể đạt được thỏa thuận của cả 27 thành viên.
Theo các quan sát viên, nếu Viktor Orbán không thể chặn đứng việc Liên Hiệp Âu Châu mở các cuộc đàm phán gia nhập của Ukraine và Moldova, ông ta càng không thể chặn viện trợ dành cho Ukraine. Thật vậy, khi chặn đứng viện trợ dành cho Ukraine, ông ta cũng sẽ chặn khoản tiền dành cho chính Hung Gia Lợi.
4. Ủy ban Âu Châu bảo đảm đưa ra được một 'giải pháp hoạt động' về ngân sách sau khi Orbán chặn viện trợ Ukraine, von der Leyen nói
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, cho biết trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo rằng “các quyết định của ngày hôm qua cho thấy Liên minh Âu Châu đang thực hiện đúng lời hứa của mình”.
Trong một thế giới bị rung chuyển bởi nhiều cuộc khủng hoảng, chúng tôi cần một khoản đầu tư vào sự ổn định, đó là khoản đầu tư vào an ninh của lục địa chúng ta, nhưng tất nhiên đó cũng là khoản đầu tư vào sự thịnh vượng cho lục địa của chúng ta và đó là khoản đầu tư lớn vào các nền dân chủ đứng vững và đoàn kết.
Phát biểu về đề xuất sửa đổi ngân sách Liên Hiệp Âu Châu, von der Leyen lưu ý rằng ngân sách dài hạn hiện tại, kéo dài từ năm 2021 đến năm 2027, được thiết kế trước các cuộc khủng hoảng hiện nay mà Âu Châu đang phải đối mặt.
Cô cho biết ưu tiên hàng đầu là Ukraine, tiếp theo là vấn đề di cư, tăng cường khả năng cạnh tranh và giải quyết thiên tai, khủng hoảng nhân đạo.
Cô lưu ý rằng 26 quốc gia đã đồng ý về đề xuất trên bàn đàm phán. “Đây là một kết quả tốt,” cô nói và nói thêm rằng cần phải có những lựa chọn khó khăn.
Đề cập đến việc Hung Gia Lợi thiếu sự hỗ trợ cho ngân sách, von der Leyen cho biết Ủy ban sẽ sử dụng thời gian cho đến hội nghị thượng đỉnh tiếp theo “để bảo đảm rằng bất cứ điều gì xảy ra tại phiên khoáng đại Hội đồng Âu Châu tiếp theo, chúng tôi sẽ có một giải pháp hoạt động.”
5. Ukraine tự tin sẽ bảo đảm được 50 tỷ euro viện trợ của Liên Hiệp Âu Châu bất chấp quyền phủ quyết của Orbán
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Ukraine, Oleg Nikolenko, đã bày tỏ sự tin tưởng rằng Ukraine sẽ nhận được gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro từ Liên Hiệp Âu Châu, bất chấp việc Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán phủ quyết khoản tài trợ này tại một hội nghị thượng đỉnh quan trọng ở Brussels.
Ông Nikolenko đã phê bình chiến thuật ngăn chặn của Orbán, và cho biết Ukraine dự kiến “tất cả các thủ tục pháp lý cần thiết” sẽ được hoàn thành tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu vào Tháng Giêng, và viện trợ sẽ được chuyển “càng sớm càng tốt”.
“Đây là một tín hiệu rõ ràng rằng sự hỗ trợ tài chính cho Ukraine từ Liên Hiệp Âu Châu sẽ tiếp tục”. Ông nhấn mạnh rằng nguồn tài trợ này sẽ được sử dụng để “hiện đại hóa” nhà nước và tăng tốc độ hội nhập vào khối Liên Hiệp Âu Châu.
Quyền phủ quyết của Hung Gia Lợi đã gây ra một tuần lễ đầy thử thách đối với tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, khi ông tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Á Căn Đình và chạy tới Washington để gặp Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo Đảng Cộng hòa của Hoa Kỳ.
Sau cuộc đàm phán tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Biden tuyên bố cấp 200 triệu Mỹ Kim mới để hỗ trợ an ninh cho Kyiv.
Zelenskiy nhận được tin tốt hơn ở Oslo, nơi ông gặp các nhà lãnh đạo khu vực Bắc Âu. Đan Mạch đã cam kết hỗ trợ quân sự trị giá 1 tỷ euro, trong khi Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland cũng hứa hẹn các gói hỗ trợ song phương của riêng họ.
Tổng thống Zelenskiy đã có thể ăn mừng vào hôm thứ Năm khi Liên Hiệp Âu Châu mở các cuộc đàm phán gia nhập với Kyiv. Thỏa thuận bất ngờ này được đưa ra sau khi Orbán rời khỏi phòng theo đề nghị của Thủ tướng Đức. Khi ông vắng mặt, 26 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu khác đã bỏ phiếu để bắt đầu các cuộc đàm phán.
Zelenskiy ca ngợi quyết định này là một “chiến thắng” cho những công dân Ukraine bình thường – “trai, gái, đàn ông và phụ nữ” – chiến đấu chống lại Nga, hai năm sau cuộc xâm lược tổng lực của Vladimir Putin. Ông cho rằng việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu - từng được coi là một triển vọng không thể thực hiện được - đã tiến một bước gần hơn.
“Đây là một công việc to lớn – tích hợp nhà nước, tất cả các thể chế, tất cả các chuẩn mực vào Liên minh Âu Châu. Nhưng chúng tôi sẽ làm điều đó. Ukraine đã nhiều lần chứng tỏ khả năng của chúng tôi”, ông nói, phát biểu từ thành phố Lviv phía tây Ukraine. Ông ca ngợi “lòng dũng cảm anh hùng” của người dân nước mình.
Sự thể hiện sự hỗ trợ từ Liên Hiệp Âu Châu đã được hoan nghênh rộng rãi ở Ukraine. Trợ lý tổng thống Mikhailo Podolyak cho biết quyết định này “vô hiệu hóa sự đánh cược của Nga” rằng Âu Châu cuối cùng sẽ từ bỏ Kyiv. Ông nói, nó chứng tỏ rằng Liên Hiệp Âu Châu sẵn sàng “bảo vệ các giá trị và nguyên tắc của mình”.
Illia Ponomarenko, một nhà bình luận có ảnh hưởng với 1,2 triệu người theo dõi trên X, cho biết viện trợ sẽ giúp đất nước của ông “thắng thế trong thời kỳ đen tối”.
Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “EU vows Ukraine will get its money — with or without Orbán’s support”, nghĩa là “Liên Hiệp Âu Châu thề Ukraine sẽ nhận được tiền - dù có hoặc không có sự hỗ trợ của Orbán”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu đang hứa hẹn Ukraine vẫn sẽ nhận được gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro để giúp thúc đẩy nền kinh tế đang bị chiến tranh tàn phá trước sự xâm lược của Nga – dù có hoặc không có sự hậu thuẫn của Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán.
Orbán, người có quan hệ thân mật với Putin, đã chặn việc phê duyệt các quỹ cứu trợ cho Kyiv tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày và, mặc dù về mặt kỹ thuật, biện pháp này cần có sự đồng ý của tất cả 27 chính phủ trong khối, các nhà lãnh đạo báo hiệu rằng họ có thể sẵn sàng thực hiện bước đi triệt để là hy sinh sự thống nhất của Liên Hiệp Âu Châu và phớt lờ Orbán nếu điều đó là cần thiết.
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar nói với các phóng viên sau Hội đồng Âu Châu tại thủ đô của Bỉ: “26 quốc gia thành viên có thể cung cấp tiền trên cơ sở song phương”. “Một chút thời gian và không gian trong dịp Giáng Sinh có thể hữu ích.”
Gần hai năm sau khi Nga xâm chiếm Ukraine, một quốc gia giáp với bốn nước Liên Hiệp Âu Châu, các nhà lãnh đạo đang đấu tranh để tránh cuộc chiến về nguồn vốn tạo ra sự chia rẽ lớn và sa lầy vào cuộc tranh cãi hàng ngày của các vấn đề khác ở Brussels.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông “khá tự tin” rằng các nhà lãnh đạo có thể tìm ra sự thỏa hiệp mà họ cần và giải quyết vấn đề này vào đầu năm tới.
Khi được POLITICO hỏi liệu sự chậm trễ có phải là một chiến thắng của Putin, với mục đích chia rẽ sự thống nhất của phương Tây hay không, Rutte nói: “Không, bởi vì ông ấy biết rằng chúng tôi sẽ tìm ra cách nào đó để giải quyết vấn đề tài chính”.
Nhưng Mạc Tư Khoa đã tóm ngay tình trạng bế tắc này, khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tìm cách lợi dụng sự bất ổn ở Liên Hiệp Âu Châu và Washington.
Ông nói: “Về việc nói rằng đã đến lúc cắt viện trợ cho Ukraine, chúng tôi đã nghe thấy điều đó”. “Và đó không chỉ là lời nói suông, vì cả Âu Châu và Mỹ đều đang gặp khó khăn thực sự trong việc tìm thêm tiền để tiếp tục hỗ trợ chế độ của Zelenskiy, chế độ Ukraine rõ ràng đã không đáp ứng được kỳ vọng của họ.”
Tại hội nghị thượng đỉnh vào đầu giờ sáng thứ Sáu, Orbán nhắc lại sự phản đối của mình đối với gói viện trợ của Ukraine trừ khi Ủy ban Âu Châu giải tỏa các khoản tài trợ của Liên Hiệp Âu Châu dành cho Budapest, vốn đã bị đóng băng do vi phạm pháp luật của Hung Gia Lợi.
Balázs Orbán, giám đốc chính trị của thủ tướng Hung Gia Lợi, nói với các phóng viên rằng hai vấn đề “có liên quan trực tiếp”.
Đầu tuần này, Ủy ban đã giải phóng 10,2 tỷ euro trong quỹ gắn kết dành cho Hung Gia Lợi, và mặc dù số tiền đó không đủ để nhận được sự ủng hộ của Orbán đối với gói viện trợ Ukraine, nhưng nó đã mở đường cho Liên Hiệp Âu Châu đưa ra quyết định phức tạp hơn về việc mở cửa đàm phán gia nhập với Ukraine - một quá trình lâu dài có thể đưa nước này một ngày nào đó trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu.
Bộ Ngoại giao Ukraine hôm thứ Sáu đưa ra một tuyên bố ca ngợi việc mở các cuộc đàm phán thành viên và nói thêm rằng chính phủ rất lạc quan trước những bình luận từ các quan chức về gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro.
Tuyên bố viết: “Đây là một tín hiệu rõ ràng rằng sự hỗ trợ tài chính cho Ukraine từ Liên minh Âu Châu sẽ tiếp tục”.
Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen cho biết sau hội nghị thượng đỉnh rằng các quan chức sẽ sử dụng những tuần tới để chuẩn bị một giải pháp thay thế nếu Hung Gia Lợi không chịu lùi bước.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ sự lạc quan rằng một thỏa thuận về ngân sách Liên Hiệp Âu Châu hiện đại hóa và viện trợ tài chính cho Ukraine có thể được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu vào tháng tới. Ông cũng cho biết Liên Hiệp Âu Châu có “những cách khác để giúp Ukraine” nếu Hung Gia Lợi tiếp tục phản đối.
Scholz nói: “Tôi thực sự khá tự tin rằng chúng tôi sẽ thực sự đạt được thỏa thuận vào Tháng Giêng”. “Tôi không muốn bất cứ ai bị ảo tưởng. Sẽ có quyết định cung cấp số tiền cần thiết cho Ukraine.”
Trái ngược với những mong đợi trước thềm hội nghị thượng đỉnh, vấn đề đó đã được thống nhất tương đối nhanh chóng.
Trong những ngày gần đây, một số chính phủ, chủ yếu từ Bắc Âu, đã đe dọa chặn việc nạp tiền. Họ phản đối việc chuyển tiền mới cho Brussels để làm bất cứ điều gì ngoài việc hỗ trợ thêm cho Ukraine vào thời điểm nền kinh tế của họ đang gặp khó khăn.
2. Cuộc họp báo của Putin và những người phụ nữ Putin không muốn nhắc đến
Ký giả EVA HARTOG của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “The women Putin doesn’t want to talk about”, nghĩa là “Những người phụ nữ Putin không muốn nhắc đến”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Vladimir Putin tỏ ra tự tin khi xuất hiện trong buổi tiếp kiến đầu tiên với công chúng và báo chí kể từ khi phát động cuộc chiến chống Ukraine hôm thứ Năm.
Điều đó hầu như không có gì đáng ngạc nhiên vì sự kiện này từ lâu đã là một công cụ để Điện Cẩm Linh truyền đạt chương trình nghị sự của riêng mình thông qua các câu hỏi đã được xem xét cẩn thận.
Đáng chú ý hơn là những chủ đề không được phát sóng.
Năm nay, một trong những thiếu sót rõ ràng nhất - ngoài việc đối phương không đội trời chung của Tổng thống Nga Alexei Navalny mất tích - là phong trào phản kháng của phụ nữ.
Thông điệp của những người phụ nữ, được phát tán trực tuyến dưới nhiều bản tuyên ngôn, video và trong các cuộc biểu tình nhỏ, rất rõ ràng: Họ muốn những người thân yêu của mình giải ngũ và thay thế bằng những tân binh.
Nó gần giống với một biểu hiện bất đồng chính kiến tập thể nhất có thể thấy ở nước Nga ngày nay, nơi những người chỉ trích Điện Cẩm Linh hoặc bị bỏ tù, bị buộc phải hoạt động ngầm hoặc phải sống lưu vong.
Điều quan trọng là các thành viên của nhóm này hầu hết thuộc về phe được gọi là yêu nước của Nga và không phản đối cuộc chiến nhưng chỉ giới hạn trong việc chỉ trích cách quản lý nó, giống như ông trùm lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin đã làm trước khi bị thổi bay khỏi bầu trời.
Sau khi tuyên bố vào tuần trước rằng ông sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ tổng thống thứ năm trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 3, những người phụ nữ này đã gây ra rắc rối mà Putin có thể không gặp phải.
Kể từ khi Putin tuyên bố “chiến dịch huy động một phần” vào tháng 9 năm 2022, việc tuyển dụng dân thường để tham gia cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã trở thành cột thu lôi gây căng thẳng.
Khi hàng chục ngàn người được huy động một cách hỗn loạn, một loạt chỉ trích đã khiến quân đội Nga không được chuẩn bị, khiến họ phải tàn sát ở tiền tuyến. Trong số những người chỉ trích mạnh mẽ nhất có vợ và mẹ của những người bị đưa đi chiến đấu.
Trong một nỗ lực rõ ràng nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, vào tháng 11, Putin đã mời một nhóm các bà mẹ, một số người đã mất con trai trong chiến tranh, uống trà trong một sự kiện được truyền hình trực tiếp. Các nhà hoạt động tố cáo cuộc họp là giả mạo. Putin nói với một người mẹ rằng con trai bà có mục đích và “không chết một cách vô ích”, như những người khác đang chết vì nghiện rượu.
Trong những tháng tiếp theo, sự phẫn nộ của công chúng trở nên ít rõ ràng hơn khi chiến dịch huy động chậm lại.
Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, việc huy động vẫn tiếp tục chiếm giữ tâm trí của nhiều người Nga, với việc Điện Cẩm Linh nhận được 24.000 đơn khiếu nại về chủ đề này trong năm nay, theo cơ quan điều tra “Những câu chuyện quan trọng” bằng tiếng Nga.
Khi chiến dịch huy động đạt mốc một năm và những người được đưa đi chiến đấu vẫn chưa trở về nhà, mối lo ngại của các gia đình lại bùng lên dưới hình thức một phong trào mới. Hôm thứ Năm, người ta dự kiến rằng tổng thống Nga sẽ sử dụng phần hỏi đáp như một cơ hội để mang đến cho chiến dịch tranh cử những người phụ nữ của riêng mình, đặc biệt là sau khi nhóm này chia sẻ ảnh chụp màn hình trực tuyến về các câu hỏi mà họ đã gửi trước khi ông xuất hiện trên truyền hình.
Trong bình luận với POLITICO, Abbas Gallyamov, người từng viết diễn văn cho Putin, hiện là nhà phân tích chính trị độc lập, nói rằng cơ hội để Putin giải quyết các câu hỏi của họ là một “món quà tiềm năng dành cho Điện Cẩm Linh”.
“Putin có thể đứng về phía phụ nữ và thậm chí sử dụng nó để phát động một chiến dịch tuyên truyền trước bầu cử với những người đàn ông hạnh phúc trở về nhà với những người vợ hạnh phúc của họ; giải thưởng trên ngực, túi đầy tiền”, Gallyamov nói.
Nhưng anh ta đã không làm thế.
Cùng lắm, Putin chỉ giải quyết những lời phàn nàn của phụ nữ một cách gián tiếp khi được hỏi về khả năng thực hiện chiến dịch huy động thứ hai.
Câu trả lời của Putin là “cho đến hôm nay” thì không cần thiết.
Ông cho biết 244.000 quân nhân bị gọi nhập ngũ hiện đang ở tiền tuyến đang “chiến đấu tuyệt vời” và với 1.500 tình nguyện viên mới ghi danh mỗi ngày, không thiếu tân binh và lực lượng vũ trang Nga sẽ có khoảng nửa triệu người vào cuối năm nay..
Tự hào về khả năng phục hồi kinh tế và quân sự của Nga, ông cũng cho biết sẽ không có hòa bình với Ukraine cho đến khi Nga đạt được các mục tiêu “phi quân sự hóa” và “phi Quốc Xã hóa”.
Tuy nhiên, như vào tháng 2 năm 2022, khi ông lần đầu tiên đề cập đến những từ đó trong một bài phát biểu biện minh cho cuộc xâm lược toàn diện, người Nga hầu như không hiểu những mục tiêu đó thực sự đòi hỏi điều gì.
Trong khi đó, chủ đề luân chuyển quân, cho phép những người được điều động năm ngoái về nước, hoàn toàn bị bỏ qua.
Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty tư vấn chính trị R.Politik, cho biết: “Quan điểm của Cẩm Linh đối với vấn đề này là: nó không tồn tại”.
'Phỉ Nhổ vào tâm hồn' phụ nữ
Việc thiếu phản hồi đã vấp phải sự giận dữ của phụ nữ.
Maria Andreyeva, một thành viên tích cực của nhóm Telegram có tên “Put Domoi” – tiếng Nga có nghĩa là “Đường về nhà” – cho biết trong một video: “Thời điểm mang tính bước ngoặt mà chúng tôi chờ đợi, để tổng thống nói điều gì đó, đã trôi qua”. “Rõ ràng là chúng tôi đang bị cố tình bịt miệng. Đó là sự phá hoại từ phía trên.”
Một người phụ nữ khác mô tả sự im lặng của Putin như “nhổ nước bọt vào tâm hồn hàng trăm, hàng ngàn” phụ nữ.
“Cứ như thể chúng tôi không tồn tại vậy,” một người thứ ba nói trong video tải lên YouTube. “Ông có thể tiếp tục chế nhạo chúng tôi và gia đình chúng tôi bao lâu nữa?”
Gallyamov cho biết Điện Cẩm Linh vẫn có thể cố gắng thu hút phụ nữ đến gần cuộc bầu cử tháng 3 để đạt hiệu quả tuyên truyền tối đa.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng việc chờ đợi lâu hơn sẽ là một chiến lược mạo hiểm, lưu ý rằng ngôn ngữ của phụ nữ ngày càng bị chính trị hóa và sự phản kháng của họ đang làm hoen ố vẻ ngoài đồng thuận xung quanh cuộc chiến.
Giống như các nhà phân tích độc lập khác, Gallyamov cho biết câu trả lời của Putin về việc liệu có thực hiện chiến dịch huy động thứ hai hay không đã mở rộng cánh cửa cho một sự thay đổi hướng đi sau cuộc bầu cử. “Về cơ bản, ông ta nói rằng điều đó phụ thuộc vào thời điểm. Hiện tại không cần. Nhưng ngày mai có thể cần.”
Hiện tại, Putin dường như đang đánh cược rằng những lời phàn nàn của phụ nữ sẽ không lan sang một phong trào phản kháng lớn hơn.
Một số thành viên của nhóm cho biết đã bị cảnh sát đến thăm tại nhà và bị đe dọa truy tố bằng pháp luật. Nhưng việc quá khắt khe với phụ nữ - vốn là trụ cột trong cử tri của Putin - sẽ là một điều tồi tệ, ngay cả đối với Điện Cẩm Linh.
1. Chiến thắng ngoạn mục: Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu chấp thuận mở đàm phán gia nhập cho Ukraine, bỏ qua Orbán
Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “EU leaders approve Ukraine accession talks, bypassing Orbán”, nghĩa là “Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu chấp thuận mở đàm phán gia nhập cho Ukraine, bỏ qua Orbán”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel nói: Quyết định này là “tín hiệu rõ ràng về hy vọng cho người dân Ukraine và cho lục địa của chúng ta”.
Các nhà lãnh đạo Âu Châu đã chấp thuận việc mở các cuộc đàm phán gia nhập cho Ukraine, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel tuyên bố hôm thứ Năm sau một ngày họp hết sức căng thẳng.
Thông báo này được đưa ra vào thời điểm quan trọng đối với Ukraine khi cuộc phản công chống lại cuộc xâm lược của Nga bị đình trệ trong những tuần gần đây và 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ từ Mỹ đang bị kẹt tại Quốc hội.
Trong khi các cuộc đàm phán gia nhập có thể sẽ tiếp tục trong nhiều năm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết tin tức này là “một chiến thắng của Ukraine… một chiến thắng thúc đẩy, truyền cảm hứng và củng cố”. Đây là một thời khắc lịch sử đối với Ukraine, đất nước đã thể hiện rõ nguyện vọng gia nhập Liên Hiệp Âu Châu trong nhiều năm.
Sau vài giờ thảo luận khó khăn về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova, vì Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán quyết liệt cản trở với quyền phủ quyết của mình, chính Thủ tướng Đức Olaf Scholz là người đã đưa ra giải pháp.
Hai quan chức tóm tắt về cuộc đàm phán cho biết Scholz đã nói với Orbán trước mặt các nhà lãnh đạo khác rằng nếu ông thực sự không sẵn lòng đồng ý, ông có thể rời khỏi phòng để các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu có thể đưa ra quyết định đồng thanh về việc mở rộng khi ông vắng mặt.
Theo một quan chức quốc gia và một nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu, Orbán đã rời khỏi phòng họp sau những lời của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người tỏ ra rất cương quyết và nóng giận.
Điều này cho phép Hội đồng Âu Châu đưa ra quyết định đồng thanh, mà một quan chức Liên Hiệp Âu Châu cho biết là hoàn toàn hợp pháp theo luật Liên Hiệp Âu Châu.
“Nếu ai đó vắng mặt, họ vắng mặt. Về mặt pháp lý, nó hoàn toàn hợp lệ”, quan chức này nói thêm.
Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán, người đã kịch liệt phản đối việc mở các cuộc đàm phán gia nhập cho Ukraine, đã chỉ trích thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo Âu Châu đạt được mà không có ông ta.
“Hung Gia Lợi không muốn tham gia vào quyết định tồi tệ này!” Orbán nói trong một tuyên bố đăng trên Facebook.
Đáp lại, những lời chỉ trích của Viktor Orbán, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã nói với các phóng viên báo chí:
Nếu bạn là một phần của quyết định - nghĩa là bạn không phủ quyết một quyết định nào đó – nếu không bạn nên im lặng”.
“Điều quan trọng duy nhất là bạn sử dụng quyền phủ quyết của mình hay bạn không sử dụng quyền phủ quyết của mình,”
Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu vẫn sẽ gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh để tranh luận về gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh dự kiến kết thúc vào thứ Sáu nhưng có thể kéo dài hơn nếu các nhà lãnh đạo không thể đi đến thỏa thuận vào thời điểm đó.
Các nhà lãnh đạo Âu Châu đã nhanh chóng ăn mừng thông báo này.
Michel ca ngợi quyết định này là “một tín hiệu hy vọng rõ ràng cho người dân Ukraine và cho lục địa của chúng ta” trong một tuyên bố trên X, trước đây là Twitter.
“Ngày lịch sử! Bất chấp mọi khó khăn, chúng tôi đã đạt được quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập với #Ukraine và #Moldova,” Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết.
Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cũng cho rằng quyết định này mang tính “lịch sử” và là “thông điệp quan trọng mang lại niềm hy vọng cho các quốc gia này và công dân của họ”.
Các nhà lãnh đạo cũng thông qua việc mở các cuộc đàm phán gia nhập Moldova.
Tổng thống Moldova Maia Sandu hoan nghênh thỏa thuận này và cho biết đất nước của cô “cam kết làm việc chăm chỉ cần thiết để trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu”.
Tại Kyiv và các thành phố của Ukraine, dân chúng nhấn còi xe hơi và vẫy cờ Ukraine để ăn mừng chiến thắng; trong khi phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến nguy hiểm này.” Trước khi quyết định xâm lược Ukraine, Vladimir Putin thường xuyên tuyên bố rằng Ukraine không được gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và NATO.
Oleksiy Danilov, Thư Ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, thở phào nhẹ nhõm nói: “Nếu Viktor Orbán thành công, cuộc đàm phán gia nhập của Ukraine thất bại, tôi không thể tưởng tượng ra được, và cũng không muốn tưởng tượng những hậu quả tàn phá của điều đó đối với người dân Ukraine. Quyết định được nhiều người chờ đợi đã đến sớm một cách đáng ngạc nhiên, vì Orbán đã quyết liệt đe dọa sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn việc mở các cuộc đàm phán gia nhập trong những ngày trước hội nghị thượng đỉnh.”
Tưởng cũng nên nhắc lại là, quyết định của Hội đồng Âu Châu tuân theo khuyến nghị của Ủy ban Âu Châu, nơi đã khuyên nên mở các cuộc đàm phán gia nhập vào tháng 11.
Ukraine nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 2 năm 2022 - chỉ vài ngày sau khi Nga tiến hành xâm lược toàn diện đất nước này - và được cấp tư cách ứng cử viên vào tháng 6.
Giờ đây, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu đã chấp thuận mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine, đây là thông tin chi tiết về những gì sẽ diễn ra tiếp theo.
Trước hết, chúng ta nên hiểu rằng Kyiv vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Tổng cộng, sau khi một quốc gia được cấp tư cách ứng cử viên, quá trình gia nhập bao gồm bốn bước, tất cả đều cần có sự chấp thuận đồng thanh của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu. Quyết định đầu tiên, quyết định mở cuộc đàm phán, đã được đưa ra vào tối nay.
Tiếp theo, các nhà lãnh đạo sẽ phải quyết định khuôn khổ đàm phán cho các cuộc đàm phán để Ukraine chuẩn bị thực thi luật pháp và tiêu chuẩn của Liên Hiệp Âu Châu. Khung này dựa trên đề xuất của Ủy ban Âu Châu và phải được các nước thành viên chấp thuận. Sau khi đàm phán kết thúc, Ủy ban đưa ra ý kiến về việc Ukraine có sẵn sàng gia nhập Liên Hiệp Âu Châu hay không, sau đó phải được tất cả các nước thành viên cũng như Nghị viện Âu Châu đồng thanh thông qua.
Sau đó, cuối cùng, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên cũng như Ukraine sẽ triệu tập một hội nghị liên chính phủ, trong đó tất cả họ sẽ ký một hiệp ước gia nhập. Hiệp ước gia nhập sau đó phải được tất cả các nước thành viên phê chuẩn, việc này thường được thực hiện bởi nghị viện quốc gia hoặc thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.
2. Phần Lan mở cửa biên giới vài giờ sau đóng lại ngay lập tức
Phần Lan sẽ một lần nữa đóng cửa toàn bộ biên giới với Nga để ngăn chặn dòng người xin tị nạn, Bộ trưởng Nội vụ nước này, Mari Rantanen, cho biết hôm thứ Năm, chỉ vài giờ sau khi quốc gia Bắc Âu này kết thúc hai tuần đóng cửa tất cả các tuyến đường giữa hai nước.
Helsinki cho biết sự gia tăng gần đây về số người xin tị nạn đến qua Nga là một động thái được Mạc Tư Khoa dàn dựng nhằm trả đũa quyết định của quốc gia Bắc Âu này nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ, một cáo buộc mà Điện Cẩm Linh phủ nhận.
Lực lượng biên phòng Phần Lan cho biết, lượng người đến đã dừng lại khi Phần Lan đóng cửa biên giới vào cuối tháng 11 nhưng lại tiếp tục vào thứ Năm khi hai trong số tám cửa khẩu được mở, với khoảng 36 người đang xin tị nạn.
Rantanen nói với quốc hội: “Bây giờ hiện tượng này đã bắt đầu lại và chúng tôi sẽ đóng cửa toàn bộ biên giới vô thời hạn”.
3. Putin tuyên bố chỉ chấm dứt chiến tranh khi Ukraine giải giáp, đầu hàng vô điều kiện
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Shares Demands for Ending War”, nghĩa là “Putin chia sẻ yêu cầu chấm dứt chiến tranh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Putin nói rằng Mạc Tư Khoa sẽ không kết thúc cuộc chiến chống lại Kyiv cho đến khi đất nước của ông đạt được “phi Quốc Xã hóa”, “phi quân sự hóa” và trung lập ở Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp báo cuối năm thường niên ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Năm, lãnh đạo Điện Cẩm Linh nói rằng Nga sẽ không nhượng bộ trước các yêu cầu của mình và thề sẽ chỉ chấm dứt cuộc tấn công ở Ukraine nếu đạt được mục tiêu hoặc nếu Kyiv chấp nhận một thỏa thuận nhằm đạt đến 3 mục tiêu vừa nêu.
“Hòa bình sẽ đến khi chúng ta đạt được những mục tiêu mà các bạn đã đề cập”, ông Putin nói trong khi trả lời các câu hỏi từ truyền thông và công chúng Nga. “Và quay trở lại với các mục tiêu, chúng vẫn không thay đổi. Tôi sẽ nhắc bạn rằng điều đó có nghĩa là phi Quốc Xã hóa, phi quân sự hóa Ukraine và tình trạng trung lập của nước này.” Theo lối nói của Nga phi quân sự hóa Ukraine nghĩa là Ukraine phải giải giáp quân đội hiện nay và không được quyền có quân đội riêng về sau này.
Sự kiện hôm thứ Năm là lần đầu tiên Putin đưa ra bình luận trước công chúng kể từ khi phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Sự kiện này cũng diễn ra chưa đầy một tuần sau khi ông tuyên bố chiến dịch tái tranh cử, trước khi cử tri Nga tham gia cuộc bầu cử vào tháng Ba.
Theo báo cáo của Reuters, Putin nói thêm trong hội nghị rằng nếu Ukraine không muốn đạt được thỏa thuận đáp ứng các yêu cầu của ông, chẳng hạn như phi quân sự hóa Ukraine, “Chà, thì chúng tôi buộc phải thực hiện các biện pháp khác, bao gồm cả các biện pháp quân sự”.
Putin nói: “Hoặc chúng ta đạt được một thỏa thuận, đồng ý về một số giới hạn nhất định hoặc chúng ta giải quyết vấn đề này bằng vũ lực”. “Đây là điều chúng tôi sẽ cố gắng đạt được.”
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng các cuộc đàm phán với Mạc Tư Khoa không thể được thảo luận cho đến khi toàn bộ lãnh thổ bị Nga tạm chiếm được trả lại cho Kyiv kiểm soát. Các nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhiều lần phủ nhận cáo buộc của ông Putin rằng đất nước này được điều hành bởi chế độ Đức Quốc xã.
Theo các quan chức Kyiv quen thuộc với các cuộc đàm phán, ngay sau khi phát động cuộc xâm lược, Nga đã đề nghị chấm dứt giao tranh ở Ukraine nếu Kyiv đồng ý từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO. Putin trước đây đã đổ lỗi cho sự hỗ trợ của phương Tây dành cho quân đội Ukraine đã làm leo thang cuộc chiến kéo dài gần 22 tháng, và hôm thứ Năm đổ lỗi cho ảnh hưởng của phương Tây đối với chính phủ Kyiv đã buộc Nga phải tham chiến.
Theo Reuters, ông nói: “Mong muốn không thể kiềm chế được tiến về phía biên giới của chúng tôi, đưa Ukraine vào NATO, tất cả những điều này đã dẫn đến thảm kịch này”. Putin cũng gây áp lực buộc Mỹ phải tìm kiếm một kết thúc hòa bình cho cuộc chiến thay vì dựa vào “các lệnh trừng phạt và can thiệp quân sự”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc lại trong chuyến thăm của Zelenskiy tới Washington, DC trong tuần này rằng ông “sẽ không rời bỏ Ukraine và người dân Mỹ cũng vậy”.
Mỗi năm vào trung tuần Tháng Mười Hai, Vladimir Putin tổ chức một cuộc họp báo trong đó, ông ta sẽ trả lời các thắc mắc được gọi vào, hay từ những người tham dự. Phe đối lập cho rằng những người được phép đặt ra câu hỏi là những người đã được chọn lọc. Nói cách khác, đó chỉ là một trò đóng kịch của Putin.
Năm ngoái, trong bối cảnh Nga đang phải hứng chịu các thất bại quân sự nặng nề, cuộc họp báo đã không diễn ra. Năm nay, nó đã diễn ra vào ngày hôm qua, thứ Năm 14 Tháng Mười Hai, tại phòng triển lãm Gostiny Dvor ở trung tâm Mạc Tư Khoa.
Putin tỏ ra rất phấn khởi trước các tin tức liên quan đến viện trợ bị chặn lại tại Hoa Kỳ và có thể cả tại Liên Hiệp Âu Châu trước sự chống đối quyết liệt của Thủ tướng Hung Gia Lợi. Lần đầu tiên, người ta thấy ông ta lặp lại những đòi hỏi như “phi Quốc Xã hóa, phi quân sự hóa Ukraine.” Putin phấn khởi và tự tin quá mức đến nỗi đã cho công chúng gởi các tin nhắn trực tiếp lên màn hình.
Vì thế, mới có một tin nhắn làm Putin và mọi người trong phòng họp tái mặt. Tờ Daily Mail cho biết nội dung tin nhắn là “Putin, ông cút đi cho chúng tôi nhờ.”
4. Đan Mạch viện trợ hàng tỷ Mỹ Kim cho Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Ally to Give Ukraine Billion-Dollar Booster”, nghĩa là “Đồng minh NATO viện trợ hàng tỷ Mỹ Kim cho Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.
Đan Mạch, thành viên NATO, đã trao cho Ukraine khoản viện trợ hàng tỷ đô la một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đến thăm Washington, DC, trong một nỗ lực không có kết quả nhằm bảo đảm viện trợ bổ sung của Mỹ.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm thứ Tư tuyên bố rằng chính phủ của bà sẽ cam kết 7,5 tỷ kroner Đan Mạch, tương đương khoảng 1,1 tỷ Mỹ Kim Mỹ, để giúp Ukraine trong cuộc chiến tiếp tục xâm lược lực lượng Nga.
Gói viện trợ của Đan Mạch bao gồm xe tăng, máy bay không người lái, đạn dược và các thiết bị, khí tài quân sự khác. Thông báo này được đưa ra khi Frederkisen và các nhà lãnh đạo Bắc Âu khác gặp Zelenskiy ở Oslo, Na Uy, nhân Hội nghị thượng đỉnh Ukraine-Bắc Âu thường niên lần thứ hai.
Theo The Kyiv Independent, Frederiksen nói trong cuộc họp báo chung tại hội nghị thượng đỉnh: “Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng của cuộc chiến và chúng ta phải bảo đảm rằng Ukraine có những gì cần thiết để tiếp tục cuộc chiến”. Đó là lý do tại sao chúng tôi hợp tác với các đối tác và đồng minh vì an ninh lâu dài cho Ukraine”.
Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine khoảng 3 tỷ Mỹ Kim viện trợ quân sự kể từ khi Nga tiến hành xâm lược vào ngày 22 tháng 2 năm 2022. Chính phủ Đan Mạch trước đó đã công bố gói viện trợ trị giá 520 triệu Mỹ Kim vào cuối tháng 10.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cũng tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh rằng đất nước của ông đang giúp đỡ Kyiv bằng cách “tăng hỗ trợ tài chính và nhân đạo thêm khoảng 800 triệu Mỹ Kim trong năm nay” Như thế trong năm 2023, Na Uy đã viện trợ cho Kyiv 1,8 tỷ Mỹ Kim. Khoản viện trợ này là một phần của gói viện trợ trị giá 6,8 tỷ Mỹ Kim kéo dài 5 năm đã được phê duyệt vào tháng 2.
Mặc dù viện trợ từ các quốc gia Bắc Âu là đáng kể nhưng vẫn còn khiêm tốn so với khoản viện trợ mới trị giá 60 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine đã được đề xuất như một phần trong dự luật tài trợ trị giá 110 tỷ Mỹ Kim mà Tổng thống Joe Biden yêu cầu.
Hôm thứ Ba, Zelenskiy đã tới Mỹ và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của cả hai đảng lớn trong nỗ lực tăng cường hỗ trợ cho viện trợ. Bộ Ngoại giao đã thông báo phát hành gói viện trợ trị giá 200 triệu Mỹ Kim nhỏ hơn nhiều sử dụng số tiền đã được phê duyệt trước đó vào thứ Ba, đồng thời lưu ý rằng đây “sẽ là một trong những gói hỗ trợ an ninh cuối cùng mà chúng tôi có thể cung cấp cho Ukraine” nếu Quốc hội không phê duyệt nguồn tài trợ mới..
Tổng thống Biden cũng báo hiệu rằng có thể có giới hạn đối với viện trợ của Mỹ, khi nói trong cuộc họp báo chung với Zelenskiy rằng chính phủ sẽ “tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí và thiết bị quan trọng miễn là chúng tôi có thể “ nhưng khả năng của chúng tôi để giúp đỡ Ukraine sắp kết thúc nhanh chóng do sự bế tắc tại Quốc hội”.
Mỹ hiện là nước đóng góp viện trợ quân sự lớn nhất thế giới cho Ukraine, cam kết hỗ trợ khoảng 47 tỷ Mỹ Kim cho Kyiv kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
5. Phần Lan cấp quyền cho quân đội Mỹ tiến đến biên giới với Nga
Chính phủ Phần Lan cho biết Phần Lan sẽ ký một thỏa thuận quốc phòng với Mỹ để cấp cho quân đội Mỹ quyền tiếp cận rộng rãi khắp quốc gia Bắc Âu này tới cả khu vực lân cận biên giới dài với Nga.
Nước láng giềng Bắc Âu của Nga Phần Lan đã trở thành thành viên mới nhất của liên minh quân sự NATO vào đầu năm nay để đáp trả việc Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022.
Ngoại trưởng Phần Lan, Elina Valtonen, cho biết trong bình luận do Reuters đưa tin: “Chúng tôi ký hiệp ước này để trên thực tế sẽ không cần phải thống nhất mọi thứ riêng biệt, như vậy việc tổ chức các hoạt động trong thời bình trở nên dễ dàng hơn, nhưng trên hết, nó có thể rất quan trọng trong một cuộc khủng hoảng”.
Các quan chức cho biết, thỏa thuận với Mỹ nhằm mục đích cho phép nhanh chóng tiếp cận quân sự và viện trợ cho Phần Lan trong trường hợp xảy ra xung đột.
Nó liệt kê 15 cơ sở và khu vực ở Phần Lan mà quân đội Hoa Kỳ sẽ có quyền tiếp cận không bị cản trở và là nơi họ cũng có thể lưu trữ các thiết bị quân sự và đạn dược.
Thỏa thuận cho thấy, các khu vực này sẽ bao gồm 4 căn cứ không quân, một cảng quân sự và tuyến hỏa xa dẫn tới miền bắc Phần Lan, nơi quân đội Mỹ sẽ có một khu kho chứa đồ dọc theo tuyến hỏa xa dẫn đến biên giới Nga.
6. Máy bay phản lực F-35 đang thúc đẩy trường hợp xin F-16 của Ukraine như thế nào
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “How F-35 Jets Are Pushing Ukraine's Case for F-16s”, nghĩa là “Máy bay phản lực F-35 đang thúc đẩy trường hợp xin F-16 của Ukraine như thế nào.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Các lực lượng không quân toàn cầu đang chuyển đổi sang máy bay phản lực thế hệ thứ năm F-35 của Lockheed Martin được đánh giá cao. Họ đang muốn cho đi những chiếc F-16 cho các quốc gia như Ukraine, cựu giám đốc chương trình F-35 của gã khổng lồ quốc phòng nói với Newsweek.
Tom Burbage, cựu tổng giám đốc F-35 của Lockheed Martin, nói với Newsweek rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2 năm 2022 đã khiến nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng F-35 trong môi trường an ninh thay đổi nhanh chóng.
Burbage, đồng tác giả của cuốn “F-35: Câu chuyện bên trong của chiếc máy bay nhanh như chớp”, cho biết thêm một số quốc gia trong số này đã “ngấp nghé” về việc mua F-35 trước đầu năm 2022. Nhưng với việc Phần Lan đã nhảy vào chương trình F-35, cùng với các quốc gia khác giáp Bắc Cực như Canada và Na Uy, một nhóm “liên minh tự nhiên” khác đang hợp nhất ở Thái Bình Dương, ông nói.
Chưa đầy một tháng sau khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện ở Ukraine, Berlin tuyên bố sẽ chi 10 tỷ euro hay 11,2 tỷ USD để mua 35 chiếc F-35. Phần Lan đang trong quá trình thay thế FA-18 Hornet bằng 64 máy bay phản lực F-35A và Thụy Sĩ đã đồng ý vào tháng 9 năm 2022 để mua 36 chiếc F-35A, sẽ được giao trước năm 2030.
Vào cuối tháng 6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt việc bán F-35 cho Cộng hòa Tiệp sau khi Praha cho biết họ hy vọng sẽ thay thế các máy bay phản lực Gripen của Thụy Điển bằng chiến đấu cơ của Hoa Kỳ. Ba Lan, Hàn Quốc, Israel, Singapore, Nhật Bản và Australia nằm trong số 17 quốc gia cam kết mua F-35, với hai quốc gia khác đang trong kế hoạch.
Với việc quân đội các cường quốc trên toàn cầu đang hướng tới F-35, “điều đó giải phóng F-16” cho các lực lượng không quân như Ukraine, ông nói.
Thống chế Không quân đã nghỉ hưu Greg Bagwell, cựu chỉ huy cấp cao của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, nói với Newsweek rằng F-16 “đang dần trở nên 'dư thừa' vì các đơn đặt hàng F-35.
Mặc dù sẽ mất nhiều năm để đưa F-35 vào từng giai đoạn đối với các quốc gia hiện đang lựa chọn chiến đấu cơ thế hệ thứ năm của Mỹ, nhưng “có vẻ như một điều tự nhiên là bất kỳ quốc gia nào liên minh với lực lượng của Mỹ và NATO cuối cùng sẽ phát triển thành F-35,” Burbage tiếp tục.
Ukraine đã cầu xin các nhà tài trợ phương Tây mua chiến đấu cơ tiên tiến, mặc dù F-35 chưa bao giờ được đưa lên bàn đàm phán. Trong nhiều tháng, các quyết định đã bị đình trệ về việc có nên trang bị cho Ukraine phiên bản F-16 Fighting Falcon của Lockheed, một chiến đấu cơ thế hệ thứ tư cũ hơn nhưng vẫn hiệu quả cao hay không.
Các máy bay phản lực này sẽ mang lại một bước tiến đáng kể về năng lực không quân cho Ukraine, quốc gia hiện đang sử dụng các máy bay cũ kỹ từ thời Liên Xô. Các chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi sang sử dụng máy bay phản lực phương Tây cũng sẽ mang lại một phong cách chiến đấu mới cho quân đội Ukraine, với việc thay đổi nền tảng sẽ mang lại học thuyết quân sự phương Tây cho lực lượng không quân Liên Xô cũ kỹ của Kyiv.
Hà Lan, Đan Mạch là những quốc gia đã đồng ý cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine, và một số quốc gia NATO đã cam kết đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay F-16. Ngày càng được coi là điều không thể tránh khỏi, các quan chức và nhà phân tích phương Tây dù sao cũng nhắc lại rằng việc cung cấp F-16 sẽ đánh dấu một cam kết lâu dài đối với lực lượng không quân Ukraine và một số phức tạp sẽ xảy ra khi gửi các hệ thống hoàn toàn mới cho quân đội Kyiv.
Máy bay phản lực tàng hình F-35 là công nghệ thế hệ thứ năm mới nhất, được Lockheed ca ngợi là “chiến đấu cơ đa chức năng tiên tiến nhất thế giới”, với gần 1.000 chiếc đã được giao cho các lực lượng không quân trên khắp thế giới.
Sau những trục trặc, báo chí nói xấu và các rắc rối khác cản trở chương trình phát triển của mình, Lockheed Martin cho biết vào đầu tuần này rằng họ sẽ phải thu hẹp quy mô giao F-35 cho khách hàng vì các vấn đề với nhu liệu cài đặt sẵn.
Lockheed Martin sẽ có thể giao từ 100 đến 120 chiếc F-35 trước cuối năm nay, thay vì con số ước tính là 153, theo Giám đốc điều hành James Taiclet trong các bình luận được DefenseOne đưa tin hôm thứ Ba. Không rõ điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện các đơn đặt hàng F-35.
Nếu Ukraine có được những chiếc F-16, điều này “sẽ thúc đẩy hơn nữa tư cách thành viên tiềm năng của họ trong NATO,” ông Burbage của Lockheed Martin cho biết.
Vào một thời điểm nào đó trong tương lai, Ukraine thậm chí có thể trở thành khách hàng của F-35, chỉ huy lực lượng không quân Vương Quốc Anh đã nghỉ hưu Bagwell gợi ý, mặc dù “chưa phải lúc này”.
“Khi NATO tiếp tục chuyển tiêu chuẩn sức mạnh không quân chiến đấu từ F-16 sang F-35, nó sẽ có ý nghĩa chiến lược đối với việc nhận được F-16 trong tương lai của Ukraine,” Burbage nói thêm.
7. Nga đã xử rồi xử lại thêm lần nữa để dằn mặt công chúng
Một tòa án ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Năm đã ra lệnh xét xử lại vụ án của một nhà vận động nhân quyền kỳ cựu người Nga. Ông với cáo buộc làm mất uy tín của lực lượng vũ trang nước này.
Oleg Orlov, 70 tuổi, đã hơn hai thập kỷ là một trong những người lãnh đạo Đài tưởng niệm, tổ chức đã giành được một phần giải Nobel hòa bình vào năm 2022, một năm sau khi bị cấm và giải thể ở Nga.
Một tòa án quận vào tháng 10 đã phạt Orlov 150.000 rúp hay 1.687 Mỹ Kim – một mức án tương đối nhẹ đối với một người chỉ trích cuộc chiến Ukraine, do tuổi tác và sức khỏe của ông – sau khi ông này viết một bài báo nói rằng nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã rơi vào chủ nghĩa phát xít.
Orlov đã kháng cáo bản án đó. Để dằn mặt ông, các công tố viên sau đó đề nghị mức án 3 năm tù, cáo buộc ông “căm thù chính trị đối với Nga”, là điều mà ông phủ nhận.
Trong phiên điều trần hôm thứ Năm, Orlov khẳng định ông là một người yêu nước thực sự và lặp lại những lời chỉ trích về cuộc chiến Ukraine cũng như sự xói mòn nhân quyền ở Nga, theo kênh Telegram của Memorial.
Việc tái thẩm được yêu cầu dựa trên tính kỹ thuật pháp lý sau khi các công tố viên thay đổi quan điểm của họ. Kể từ khi gửi xe tăng đến Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Nga đã tăng cường trấn áp lâu dài đối với mọi hình thức bất đồng chính kiến và coi việc làm mất uy tín của lực lượng vũ trang hoặc đi chệch khỏi các luận điệu của chính phủ về cái mà họ gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” là hành vi phạm tội.
8. Kyiv gây sức ép buộc Liên Hiệp Âu Châu mở các cuộc đàm phán gia nhập tại hội nghị thượng đỉnh Brussels
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo bài viết của biên tập viên về ngoại giao Patrick Wintour, đăng trên tờ The Guardian.
Chánh văn phòng của Volodymyr Zelenskiy cảnh báo 'câu đố Âu Châu' không thể giải quyết được nếu không có Ukraine
Kyiv đã gia tăng áp lực lên Liên Hiệp Âu Châu để mở các cuộc đàm phán gia nhập tại một hội nghị thượng đỉnh quan trọng trong tuần này. Cố vấn cao cấp nhất của Volodymyr Zelenskiy cảnh báo rằng nếu không có đất nước của ông thì “'câu đố Âu Châu' không thể giải quyết được”.
Sau khuyến nghị của Ủy ban Âu Châu vào tháng trước rằng các cuộc đàm phán về tư cách thành viên chính thức bắt đầu, 27 nhà lãnh đạo chính phủ của Liên Hiệp Âu Châu sẽ thảo luận về đề xuất này tại một cuộc họp ở Brussels vào thứ Năm và thứ Sáu.
Nhưng ngày càng có nhiều lo ngại ở Kyiv rằng việc Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán liên tục đe dọa phủ quyết tư cách thành viên của Ukraine có thể khiến quyết định này bị trì hoãn.
Giờ đây, trong một lời kêu gọi mới gửi đến các nhà lãnh đạo các nước thành viên, Chánh văn phòng của Zelenskiy, Andriy Yermak, đã kêu gọi các nước Liên Hiệp Âu Châu thừa nhận rằng Ukraine có “nhiều điều để cống hiến” cho khối.
Yermak nói: “Về mặt giá trị và ý thức hệ, Ukraine là một phần không thể tranh cãi của Âu Châu - đó chính xác là lý do tại sao Nga tấn công chúng tôi. Chúng tôi muốn trở thành một phần của Liên Hiệp Âu Châu và tư cách thành viên là một trong những ưu tiên chính trong chính sách nhà nước của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng chỉ có thiện chí thôi thì chưa đủ.”
“Ukraine đã chứng tỏ khả năng chuyển đổi nhanh chóng… Chúng tôi hướng tới một cuộc đối thoại mang tính xây dựng cao về việc gia nhập và tin tưởng vào đường lối tương tự từ các nước đối tác của chúng tôi. Không có Ukraine, câu đố về 'Âu Châu' không thể thống nhất được”.
Sau khi bị chỉ trích vì quá thúc ép khi đưa ra yêu cầu gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh liên minh vào mùa hè này ở Vilnius, Ukraine đang cố gắng đưa ra yêu cầu gia nhập Liên Hiệp Âu Châu một cách điềm đạm hơn, tôn trọng nhưng với cảm giác cấp bách.
Về mặt riêng tư, một số quan chức Ukraine đang trở nên tuyệt vọng và lo ngại việc bị từ chối hoặc trì hoãn sẽ là một đòn giáng nặng nề vào tinh thần của cả Ukraine khi nước này đang phải vật lộn để chống lại một cuộc tấn công ngày càng gia tăng của Nga.
Một quan chức cho biết: “Trường hợp của Ukraine nổi bật: đó là vấn đề an ninh và ổn định của toàn bộ Âu Châu. Không có vấn đề song phương nào có thể so sánh được với quan điểm của một cộng đồng các nền dân chủ chứng kiến một quốc gia độc lập có chủ quyền biến mất trong thế kỷ 21”.
Họ nói thêm: “Việc từ chối Ukraine sẽ gây ra hoài nghi như thỏa thuận Munich năm 1938. Việc giữ Ukraine bên ngoài Liên Hiệp Âu Châu có nghĩa là phải đầu hàng nước này vào tay Nga giống như cách Tiệp Khắc bị chia cắt và giao nộp cho Đức Quốc xã. Và nó sẽ không ngăn được cuộc khủng hoảng. Trong lịch sử, bất kỳ nỗ lực nào nhằm chia rẽ Âu Châu đều dẫn đến khủng hoảng và chiến tranh.”
Tuy nhiên, Yermak muốn đưa ra một lưu ý thận trọng và thực dụng hơn.
Ông nói: “Việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu sẽ tăng cường an ninh, khả năng phòng thủ và khả năng phục hồi kinh tế của chúng tôi”.
“Sau khi đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết để bắt đầu đàm phán gia nhập Liên minh Âu Châu, Ukraine đã thể hiện sự cống hiến của mình cho những cải cách và con đường phát triển của Âu Châu. Việc gia nhập Liên Hiệp Âu Châu sẽ cho phép chúng tôi tiến bộ nhanh hơn trên con đường này.
“Tuy nhiên, Ukraine cũng có nhiều điều để cống hiến cho Âu Châu. Chúng tôi đang xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng hiện đại, đã thiết lập một lĩnh vực công nghệ thông tin hùng mạnh và các giải pháp của chúng tôi về kỹ thuật số và quản lý chính phủ có thể mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu và khu vực tư nhân.”
Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại khi đang ở Á Căn Đình dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Javier Milei vào Chúa Nhật, Zelenskiy đã nêu vấn đề này với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cảnh báo ông về tác động đến tinh thần của người Ukraine nếu bị từ chối.
Tại lễ nhậm chức Milei, Zelenskiy đối đầu trực tiếp với Orbán trong một cuộc trao đổi ngắn gọn nhưng có vẻ căng thẳng.
Macron hồi đầu năm nay đã bất ngờ trở thành nhà vô địch trong việc mở rộng Liên Hiệp Âu Châu, nhưng Ukraine lo ngại Macron cảm thấy Orbán là không thể lay chuyển. Macron đã gặp Orbán ở Paris vào tuần trước để đánh giá các yêu cầu của Hung Gia Lợi và được coi là rất quan trọng trong việc cố gắng thuyết phục Budapest thể hiện sự linh hoạt.
Nhưng những nỗ lực ngoại giao của Macron dường như đã bị từ chối khi Orbán ngày hôm sau gọi Ukraine là “một trò đùa” và “một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới” trong một cuộc phỏng vấn.
Trong những giờ hoặc vài ngày tới, Ủy ban Âu Châu dự kiến sẽ thông báo sẽ giải ngân 10 tỷ euro là số tiền trợ cấp cho Hung Gia Lợi đang bị giữ lại, với lập luận rằng Budapest đã đáp ứng các yêu cầu của Brussels trong việc tuân thủ pháp quyền liên quan đến tính độc lập của cơ quan tư pháp của nước này. Nhưng ít ai ngờ điều đó đủ để thuyết phục Orbán.
Hôm thứ Ba, Balázs Orbán, giám đốc chính trị của thủ tướng Hung Gia Lợi, ám chỉ rằng Budapest sẽ sẵn sàng dỡ bỏ sự phản đối của mình đối với một đề xuất khác sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh, đó là gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro cho Kyiv, nếu Brussels chi cho Hung Gia Lợi 30 tỷ euro từ quỹ bị đóng băng.
Nhưng việc gia nhập Ukraine vẫn là một “ranh giới đỏ” đối với Hung Gia Lợi, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, đồng thời nhấn mạnh rằng việc “gửi tín hiệu tiêu cực” tới Kyiv là “ngược lại” với những gì Hung Gia Lợi mong muốn.
9. Rumani triệu tập đại sứ Nga sau khi nước này phát hiện ra một miệng hố máy bay không người lái gần biên giới với Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng, một miệng núi lửa đã được tìm thấy ở một khu vực không có người ở gần thị trấn Grindu thuộc hạt Tulcea, đối diện với cảng Reni ở miền nam Ukraine qua sông Danube.
Trong một tuyên bố do AFP đưa tin, Bộ Ngoại giao Rumani cho biết, để đối phó với “hành vi vi phạm không phận Rumani, trái với luật pháp quốc tế”, nhà lãnh đạo cơ quan đại diện ngoại giao của Nga đã bị triệu tập.
Bộ này cho biết họ lên án mạnh mẽ “các cuộc tấn công liên tục” của Mạc Tư Khoa; và nhấn mạnh rằng các cuộc tham vấn với “các đồng minh NATO về những diễn biến ở biên giới Rumani-Ukraine, bao gồm cả vụ việc ngày hôm nay” đang được tiến hành.
Quân đội Rumani cũng phát hiện máy bay không người lái trên hệ thống giám sát radar của họ và “cho thấy có thể có hành vi xâm nhập trái phép vào không phận quốc gia, với tín hiệu được phát hiện ở độ cao thấp trên đường tới Grindu”, họ cho biết thêm.
Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 9 tháng 10, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa đã trình bày bài thuyết giảng tĩnh tâm thứ hai cho Mùa Vọng 2022 trước Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma.
Trong bài thuyết giảng có chủ đề: “Cửa Đức Cậy – Niềm hy vọng đời đời”, Đức Hồng Y đã nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm hy vọng Kitô giáo, và khuyến khích Giáo hội mang đến cho thế giới món quà hy vọng này có chân trời là sự sống vĩnh cửu, và có người bảo lãnh, là Chúa Giêsu Kitô và sự phục sinh của Ngài.
Ngài lưu ý rằng Đền Thờ Giêrusalem có một cánh cửa được gọi là “Cửa Đẹp” (Cv 3:2) và đền thờ của Thiên Chúa, là trái tim của chúng ta, cũng có một “cửa đẹp” là cánh cửa của hy vọng – cánh cửa của chúng ta mở ra chào đón Chúa Kitô đến.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào (Tv 24:7)
Chúng ta đã lấy câu thánh vịnh này làm kim chỉ nam cho các bài suy niệm Mùa Vọng, nghĩa là như những cánh cửa mở ra các nhân đức đối thần: tin, cậy, mến. Đền thờ Giêrusalem – chúng ta đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ – có một cánh cửa gọi là “Cửa Đẹp” (Cv 3:2). Đền thờ của Thiên Chúa là trái tim của chúng ta cũng có một “cửa đẹp”, và đó là cánh cửa của niềm hy vọng. Đây là cánh cửa mà hôm nay chúng ta muốn cố gắng mở ra để đón Chúa Kitô, Đấng đang ngự đến.
Chờ đợi niềm hy vọng hồng phúc
Đâu là đối tượng thích hợp của “niềm hy vọng hồng phúc”, mà chúng ta tuyên bố là “đang trông đợi” trong mỗi Thánh Lễ? Để nhận ra sự mới lạ tuyệt đối do Chúa Kitô mang lại trong lĩnh vực này, chúng ta cần đặt sự mặc khải của Phúc âm trên nền tảng của niềm tin cổ xưa về đời sau.
Về điểm này, ngay cả Cựu Ước cũng không có câu trả lời. Ai cũng biết rằng chỉ ở phần cuối của Cựu Ước, ta mới có thể tìm thấy một số tuyên bố rõ ràng về cuộc sống sau khi chết. Trước đó, niềm tin của Israel không khác với niềm tin của các dân tộc láng giềng bao nhiêu, đặc biệt là niềm tin của người Lưỡng Hà (Mesopotamia). Cái chết kết thúc cuộc sống mãi mãi; tất cả chúng ta, dù tốt hay xấu, đều kết thúc trong một loại “ngôi mộ chung” ảm đạm mà ở những nơi khác người ta gọi là Arallu và trong Kinh thánh là Sheol. Không có gì khác biệt là niềm tin thống trị trong thế giới Hy Lạp-Rôma trong thời Tân Ước. Người ta gọi nơi bóng tối buồn bã đó là Inferi, hay Hades, nghĩa là a tì địa phủ.
Điều tuyệt vời phân biệt Israel với tất cả các dân tộc khác là, bất chấp mọi thứ, họ vẫn tiếp tục tin vào lòng nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa. Người Babylon cho rằng cái chết là do sự ghen tị của các thần minh chỉ muốn dành sự bất tử cho riêng mình, dân Israel không nghĩ như thế nhưng quy cái chết là là tội lỗi của con người (St 3), hoặc đơn giản là do bản chất có sinh có tử của con người. Đúng là đôi khi, con người Kinh Thánh đã không giữ im lặng trước một số phận dường như không phân biệt giữa người công chính và kẻ tội lỗi. Tuy nhiên, dân Israel chưa bao giờ nổi loạn. Trong một số lời cầu nguyện theo Kinh thánh, dường như dân Israel đã đi xa đến mức ước muốn và thoáng thấy khả năng có một mối quan hệ với Thiên Chúa sau cái chết: một hữu thể “được lôi ra khỏi địa ngục” (Tv 49:16), “được ở bên Thiên Chúa luôn mãi” (Tv 73, 23 ) và “thỏa lòng hân hoan trước mặt Người” (Tv 16, 11).
Vào cuối Cựu Ước, khi kỳ vọng này, đã chín muồi trong lòng đất của linh hồn Kinh thánh, cuối cùng được đưa ra ánh sáng, thì nó không diễn đạt mình, theo cách của các triết gia Hy Lạp, như là sự sống còn của một linh hồn bất tử, mà, khi thoát khỏi thể xác, thì quay trở về với thế giới siêu phàm của mình. Phù hợp với quan niệm Kinh Thánh về con người, như một thể thống nhất không thể tách rời giữa linh hồn và thể xác, sự sống còn bao gồm trong sự sống lại của cả thân xác và linh hồn từ trong cõi chết (Dn 12: 2-3; 2 Mac 7: 9).
Chúa Giêsu đột nhiên đưa xác tín này đến mức tỏ tường nhất và – điều quan trọng nhất là – Ngài đưa ra bằng chứng không thể chối cãi bằng cách sống lại từ trong cõi chết. Sau Ngài, đối với một tín hữu, cái chết không còn là một cuộc hạ cánh, mà là một cuộc cất cánh!
Món quà đẹp nhất và di sản quý giá nhất mà Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị của Anh Quốc để lại cho quốc gia và thế giới sau 70 năm trị vì, là niềm hy vọng Kitô giáo của bà vào sự sống lại của người chết. Trong nghi thức tang lễ, được theo dõi trực tiếp bởi hầu hết những người có quyền lực trên trái đất và qua truyền hình, bởi hàng trăm triệu người, trong bài đọc đầu tiên, những lời sau đây của Thánh Phaolô đã được công bố, theo ý muốn rõ ràng của bà:
Tử thần đã bị chôn vùi.
Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi?
Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?
Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.
Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. (1Cr 15: 54-57).
Và trong bài Tin Mừng, vẫn theo di nguyện của bà, những lời sau của Chúa Giêsu đã được cất lên:
Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở.. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó (Ga 14:2-3).
Đức Cậy, một nhân đức tích cực
Chính vì chúng ta vẫn còn đắm chìm trong thời gian và không gian, nên chúng ta thiếu những phạm trù cần thiết để trình bày cho chính chúng ta về những gì bao gồm trong “cuộc sống vĩnh cửu” với Thiên Chúa. Nó giống như cố gắng giải thích ánh sáng là gì cho một người mù bẩm sinh. Thánh Phaolô chỉ nói đơn giản:
Gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang.
Gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ
Gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí. (1 Cr 15,43-44).
Một số nhà thần bí, ngay trong cuộc sống đời này, đã được ban cho cảm nghiệm vài giọt trong đại dương hân hoan vô tận mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho dân Người, nhưng tất cả đều nhất trí khẳng định rằng không lời nào có thể diễn đạt được điều đó bằng lời nói của con người. Người đầu tiên trong số họ là Tông đồ Phaolô. Thánh nhân tâm sự với các tín hữu thành Côrintô rằng, mười bốn năm trước, ngài đã được đưa đến “thiên đường thứ ba”, trên trời cao, và đã nghe “những lời không thể diễn tả được mà không ai được phép nói lại”. (2 Cr 12: 2-4). Ký ức mà trải nghiệm đó để lại trong ngài có thể cảm nhận được trong những gì ngài viết vào một dịp khác:
Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. (1 Cr 2:9).
Nhưng hãy bỏ qua những gì sẽ xảy ra ở thế giới bên kia (là điều mà chúng ta có thể nói rất ít) mà thay vào đó hãy đến với cuộc sống hiện tại của chúng ta. Suy tư về niềm hy vọng Kitô giáo có nghĩa là suy tư về ý nghĩa tối hậu của sự hiện hữu của chúng ta. Về vấn đề này, có một điểm chung cho tất cả mọi người: đó là niềm khao khát được sống “tốt”, được “hạnh phúc”. Tuy nhiên, ngay khi bạn cố gắng hiểu từ “tốt” nghĩa là gì, thì lập tức nảy sinh hai hạng người: hạng người thứ nhất là những người chỉ nghĩ đến lợi ích vật chất và cá nhân; và hạng người thứ hai là những người cũng nghĩ đến lợi ích đạo đức của tất cả mọi người, đến điều được gọi là “thiện ích chung”.
Đối với hạng người thứ nhất, thế giới đã không thay đổi bao nhiêu kể từ thời tiên tri Isaia và thời của Thánh Phaolô. Cả hai đều đưa ra câu nói đã từng thịnh hành vào thời của các ngài: “Chúng ta hãy ăn uống vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (Is 22, 13; 1 Cr 15, 32). Thú vị hơn là hãy cố gắng hiểu những người đề xuất – ít nhất như một lý tưởng – để “sống tốt” không chỉ về vật chất và cá nhân, mà còn về mặt đạo đức và cùng với những người khác. Có những trang web trên internet phỏng vấn những người cao tuổi về việc họ đánh giá cuộc sống mà họ đã sống khi đến thời xế bóng như thế nào. Nói chung, họ là những người đàn ông và phụ nữ đã sống một cuộc sống giàu có và đàng hoàng, phục vụ gia đình, văn hóa và xã hội, nhưng không có bất kỳ liên quan nào đến tôn giáo. Thật thảm hại khi thấy họ cố gắng khiến mọi người tin rằng một người hạnh phúc khi được sống như vậy. Nỗi buồn vì đã sống – và chẳng bao lâu nữa không còn sống nữa! – bị che giấu bởi lời nói của họ, đã hét lên từ đôi mắt của họ.
Thánh Augustinô đã diễn tả cốt lõi của vấn đề: “Sống tốt có ích gì, nếu không được sống luôn mãi?”. Trước ngài, Chúa Giêsu đã nói: “Người nào được cả thiên hạ mà mất mạng sống, thì có ích gì?”. (Lc 9:25). Đây là lời đáp thích đáng cho niềm hy vọng thần học – và nó khác biết bao. Lời đáp này bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta để sống chứ không phải để chết; rằng Chúa Giêsu đến để bày tỏ sự sống đời đời cho chúng ta và để bảo đảm với chúng ta qua sự sống lại của Ngài.
Cần phải nhấn mạnh một điều để không rơi vào một sự hiểu lầm nguy hiểm. Sống không “luôn luôn” đối lập với sống “tốt”. Hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu là điều làm cho cuộc sống hiện tại trở nên tươi đẹp, hoặc ít nhất là có thể chấp nhận được. Mọi người trong cuộc đời này đều có phần của mình trên thập tự giá, kể cả các tín hữu lẫn những người không tin. Nhưng đau khổ mà không biết vì mục đích gì là một chuyện, còn đau khổ vì biết rằng “những đau khổ hiện tại chẳng sánh được với vinh quang mai sau sẽ tỏ ra nơi chúng ta” (Rm 8:18) lại là một chuyện khác.
Niềm hy vọng thần học có một vai trò quan trọng liên quan đến việc phúc âm hóa. Một trong những yếu tố quyết định sự lan truyền nhanh chóng của đức tin, trong những ngày đầu của Kitô giáo, là lời loan báo về một cuộc sống mai hậu sau khi chết vô cùng viên mãn và hân hoan hơn cuộc sống trần gian.
Hoàng đế Hadrian đã xây dựng những biệt thự ngoạn mục cho mình ở nhiều nơi trên thế giới và đã chuẩn bị khu vực ngày nay là Castel Sant'Angelo hay Lâu đài Thiên Thần, cách đây không xa, để làm lăng mộ của ông. Gần chết, ông đã viết một loại văn bia cho ngôi mộ của mình. Nói với linh hồn của mình, ông ấy khuyên nó hãy nhìn lại lần cuối những vẻ đẹp và thú vui của thế giới này, bởi vì - ông ấy nói - bạn sắp đi xuống “những nơi không màu, gian khổ và trần trụi”. Hades – A tì địa phủ! Trong một bầu không khí như thế, người ta có thể tưởng tượng cú sốc tinh thần chắc hẳn đã gây ra bởi lời hứa về một cuộc sống viên mãn và tươi sáng hơn nhiều so với cuộc sống bị bỏ lại bởi cái chết. Điều này giải thích tại sao ý tưởng và biểu tượng về cuộc sống vĩnh cửu lại xuất hiện thường xuyên trong các lễ chôn cất của các tín hữu Kitô trong hầm mộ.
Trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, hoạt động bề ngoài của Giáo Hội, nghĩa là truyền bá Tin Mừng, được trình bày như là “việc mang lại lý do cho niềm hy vọng”: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng.” (1Pr 3:15-16). Đọc những gì đã xảy ra sau lễ Phục sinh, người ta có cảm tưởng rõ ràng rằng Giáo hội được sinh ra từ sự trào dâng “một niềm hy vọng sống động” (1Pr 1:3) và với niềm hy vọng này, các Tông đồ lên đường chinh phục thế giới. Ngay cả ngày nay chúng ta cần tái sinh niềm hy vọng nếu chúng ta muốn thực hiện một cuộc tân phúc âm hóa. Không có gì được thực hiện mà không có hy vọng. Con người đi đến những nơi có không khí hy vọng và trốn chạy khỏi những nơi họ không cảm thấy sự hiện diện của nó. Hy vọng là điều mang lại cho những người trẻ can đảm để lập gia đình hoặc theo ơn gọi tu trì và linh mục, là điều giúp họ tránh xa ma túy và những thứ tương tự khác đầu hàng trước sự tuyệt vọng.
Thư gửi tín hữu Do Thái so sánh niềm hy vọng với một cái mỏ neo: “Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn” (Dt 6: 18-19). Chắc chắn và vững chắc vì được ném vào cõi vĩnh hằng. Nhưng chúng ta có một hình ảnh khác của hy vọng, theo một nghĩa nào đó ngược lại: đó là cánh buồm. Nếu mỏ neo là thứ mang lại cho con thuyền sự an toàn và giữ cho con thuyền vững vàng giữa sóng biển dập dềnh thì cánh buồm là thứ đưa con thuyền ra đi và tiến trên biển cả. Hy vọng với con thuyền Giáo Hội liên quan đến cả hai hình ảnh này.
So với quá khứ, ngày nay chúng ta ở trong một hoàn cảnh tốt hơn về mặt hy vọng. Chúng ta không còn phải mất thì giờ bảo vệ niềm hy vọng Kitô giáo khỏi các cuộc tấn công từ bên ngoài; do đó, chúng ta có thể làm điều hữu ích và hiệu quả nhất, đó là công bố niềm hy vọng của chúng ta, cống hiến nó và chiếu tỏa nó trên thế giới. Không đưa ra nhiều lời hộ giáo cho bằng các diễn từ về niềm hy vọng.
Chúng ta hãy xem điều gì đã xảy ra liên quan đến niềm hy vọng của Kitô hữu trong hơn một thế kỷ nay. Lúc đầu, có cuộc tấn công trực diện vào niềm hy vọng Kitô bởi những người như Feuerbach, Marx, Nietzsche. Trong nhiều trường hợp, niềm hy vọng của Kitô giáo là mục tiêu trực tiếp cho sự chỉ trích của họ. Cuộc sống vĩnh cửu, mai hậu, thiên đường: tất cả những điều này được coi là sự phóng chiếu hão huyền của những mong muốn và nhu cầu không được thỏa mãn của con người trên thế giới này, như một sự “lãng phí những kho báu trên trời dành cho trái đất”. Các tín hữu đã phải cố gắng bảo vệ nội dung của niềm hy vọng Kitô, thường với sự khó chịu không che giấu được. Niềm hy vọng Kitô giáo là “thiểu số”. Cuộc sống vĩnh cửu hiếm khi được nói đến và rao giảng.
Tuy nhiên, sau khi phá hủy niềm hy vọng Kitô giáo, nền văn hóa Mác-xít đã không chậm trễ nhận ra rằng con người không thể sống nổi nếu không có hy vọng. Và họ đã phát minh ra “Nguyên tắc Hy vọng”. Với nó, nền văn hóa Mác-xít không tuyên bố đã phá hủy niềm hy vọng của Kitô giáo, mà tệ hơn, nó cho rằng đã vượt ra ngoài niềm hy vọng Kitô và trở thành người thừa kế hợp pháp của niềm hy vọng ấy. Đối với tác giả của “Nguyên tắc hy vọng” (xin lưu ý các bạn nguyên tắc chứ không phải nhân đức) thì chắc chắn rằng hy vọng rất quan trọng đối với con người. Nó có thật và có một lối thoát là “sự xuất hiện của con người ẩn giấu”, tức là những khả năng vẫn còn tiềm ẩn của con người. Biểu hiện của Con Người, là Chúa Kitô, được thay thế bằng biểu hiện của con người ẩn giấu, parousia hay sự quang lâm lần thứ hai của Chúa Kitô được thay thế bằng utopia, một xã hội hoàn chỉnh không tưởng.
Tôi nhớ, trong vài thập kỷ, đã có rất nhiều cuộc nói chuyện về chủ đề này trong các trường đại học và đối với nhiều nhà tư tưởng Kitô giáo, điều xem ra rất đáng khích lệ là có những người nào đó ở phía bên kia đã chấp nhận coi trọng hy vọng và thiết lập một cuộc đối thoại về điều đó. Đặc biệt là vì sự đảo ngược quá tinh tế và ngôn ngữ thường giống nhau. Quê hương trên trời trở thành “quê hương của bản sắc”; không phải là nơi mà cuối cùng con người nhìn thấy Chúa, mặt đối mặt, mà là nơi anh ta nhìn thấy con người thực, nơi có sự đồng nhất hoàn hảo giữa những gì con người có thể trở thành và những gì con người đạt được. Cái gọi là “thần học về hy vọng” đã ra đời để đáp lại thách thức này, nhưng thật không may, đôi khi lại chấp nhận đường lối của cộng sản. Điều ít được nhận thấy nhất trong tất cả các bài viết này chính là điều mà Thánh Phêrô gọi là “niềm hy vọng sống động” (1 Pt 1:3), sự hào hứng của niềm hy vọng, nghĩa là cuộc sống chứ không phải ý thức hệ.
Bây giờ, tôi đã nói, tình hình đã thay đổi một phần. Nhiệm vụ mà chúng ta có trước mắt, liên quan đến niềm hy vọng, không còn là bảo vệ nó và biện minh cho nó về mặt triết học và thần học, mà là loan báo nó, bày tỏ nó và trao nó cho một thế giới đã đánh mất niềm hy vọng và đang ngày càng chìm sâu vào chủ nghĩa bi quan và chủ nghĩa hư vô, vào “hố đen” thực sự của vũ trụ.
Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes)
Một cách làm cho niềm hy vọng trở nên sống động và lan tỏa là cách được Thánh Phaolô trình bày khi ngài nói rằng “đức ái hy vọng tất cả” (1Cr 13:7). Điều này không chỉ đúng với cá nhân, mà còn đúng với toàn thể Giáo hội. Giáo Hội hy vọng mọi sự, tin tưởng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Giáo Hội không thể tự giới hạn trong việc tố cáo những khả năng của cái ác đang tồn tại trong thế giới và trong xã hội. Chắc chắn chúng ta không được bỏ qua nỗi sợ bị trừng phạt và địa ngục; và chúng ta cũng không được ngừng cảnh báo mọi người về khả năng gây hại mà một hành động hoặc một tình huống có thể gây ra, chẳng hạn như những vết thương gây ra cho môi trường. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng chúng ta đạt được nhiều hơn một cách tích cực, khi nhấn mạnh vào những khả năng tốt đẹp; theo thuật ngữ Phúc Âm, bằng cách rao giảng lòng thương xót. Có lẽ thế giới hiện đại chưa bao giờ tỏ ra thiện cảm với Giáo hội và quan tâm đến sứ điệp của Giáo hội như trong những năm của Công đồng Vatican. Và lý do chính là Công đồng đã trao ban hy vọng.
Một số người sẽ nói rằng nhưng làm theo cách này há chẳng phải chúng ta tự đưa mình đến chỗ thất vọng và tỏ ra ngây thơ hay sao? Đây là cám dỗ lớn lao chống lại niềm hy vọng, do sự thận trọng của con người gợi ra, hoặc do sợ bị chứng minh là sai bởi các sự kiện và đó là điều đang xảy ra một phần đối với Công đồng. Dám nói về “niềm vui và hy vọng” (gaudium et spes) được xem là một sự ngây thơ mà chúng ta thậm chí phải hơi xấu hổ về điều đó. Đây là điều mà nhiều người đã nghĩ về Đức Gioan 23 khi ngài công bố Công đồng.
Chúng ta phải khởi động lại phong trào hy vọng do Công đồng khởi xướng. Sự sống đời đời là một chiều kích rất lớn; nó cho phép chúng ta hy vọng vào tất cả mọi người, không bỏ rơi bất cứ ai trong vô vọng. Tông đồ Phaolô đã ra lệnh cho các Kitô hữu ở Rôma phải tràn đầy hy vọng. Ngài viết: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15:13).
Giáo hội không thể trao tặng cho thế giới một món quà nào tốt hơn là mang lại cho nó niềm hy vọng; không phải là những hy vọng thế tục, phù du, kinh tế hay chính trị, mà Giáo hội không có năng lực cụ thể, nhưng là niềm hy vọng thuần khiết và đơn sơ, niềm hy vọng mà dù không biết đi chăng nữa, vẫn có vĩnh cửu là chân trời và có người bảo đảm cho niềm hy vọng ấy là Chúa Giêsu Kitô và sự phục sinh của Người. Sau đó, chính niềm hy vọng thần học này sẽ hỗ trợ tất cả những hy vọng chính đáng khác của con người. Bất cứ ai đã từng gặp bác sĩ thăm một người bệnh nặng đều biết rằng cách hỗ trợ lớn nhất mà bác sĩ có thể cung cấp, tốt nhất hơn tất cả các loại thuốc, là nói với anh ta: “Bác sĩ tin tưởng tràn trề; bác sĩ có những hy vọng tốt cho anh!”.
Hy vọng, được hiểu theo cách này, biến đổi mọi thứ mà nó tiếp xúc. Hiệu quả của nó được mô tả rất hay trong đoạn văn này từ tiên tri Isaia:
Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn,
trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.
Nhưng những người cậy trông Thiên Chúa
thì được thêm sức mạnh.
Như thể chim bằng, họ tung cánh.
Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,
và đi mãi mà chẳng chùn chân. (Is 40:30-31)
Thiên Chúa không hứa loại bỏ những lý do khiến chúng ta mệt mỏi và kiệt sức, nhưng Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng. Hoàn cảnh tự nó vẫn như cũ, nhưng niềm hy vọng mang lại sức mạnh để vượt lên trên nó. Trong Sách Khải Huyền chúng ta đọc thấy rằng
Khi con Mãng Xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai. Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay vào sa mạc, vào nơi dành cho bà (Kh 12:13-14).
Hình ảnh đôi cánh của đại bàng rõ ràng được lấy cảm hứng từ bản văn của ngôn sứ Isaia. Do đó, người ta nói rằng toàn thể Giáo hội đã được ban cho những đôi cánh hy vọng to lớn, để nhờ đó, Giáo hội luôn luôn có thể thoát khỏi những tấn công của sự dữ, vượt qua những khó khăn một cách hăng hái.
“Hãy đứng dậy và bước đi!”
Cánh cửa của ngôi đền được gọi là “Cổng Đẹp” được biết đến với phép lạ xảy ra gần đó. Một người què nằm trước cổng để xin bố thí. Một ngày nọ, Thánh Phêrô và Thánh Gioan đi ngang qua và chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra. Người què, được chữa lành, nhảy dựng lên và cuối cùng, sau nhiều năm nằm đó bị bỏ rơi, anh ta cũng đi qua cửa đó và vào đền thờ “nhảy múa và ngợi khen Thiên Chúa” (Cv 3:1-9).
Điều gì đó tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta đối với niềm hy vọng. Về mặt thiêng liêng, chúng ta cũng thường thấy mình ở vị trí của một người què quặt trước ngưỡng cửa đền thờ: bất động, thờ ơ, như thể bị tê liệt trước những khó khăn. Nhưng ở đây, niềm hy vọng thiêng liêng lướt qua chúng ta, được Lời Chúa mang đến, và cũng nói với chúng ta, giống như Thánh Phêrô nói với người què: “Hãy đứng dậy và bước đi!” Và chúng ta đứng dậy và cuối cùng bước vào trung tâm của Giáo hội, sẵn sàng đảm nhận, một lần nữa và vui vẻ, các nhiệm vụ và trách nhiệm. Chúng là những phép lạ hằng ngày phát sinh từ đức cậy. Đức cậy thực sự là một người làm phép lạ tuyệt vời; đức cậy đã giúp hàng ngàn người tàn tật đứng dậy hàng ngàn lần.
Ngoài việc rao giảng Tin Mừng, đức cậy giúp chúng ta trên hành trình nên thánh cá nhân. Đối với những người thực hành đức cậy, nó trở thành nguyên tắc của sự tiến bộ tâm linh. Đức cậy cho phép bạn luôn khám phá ra “những khả năng tốt đẹp” mới, luôn là điều có thể làm được. Đức cậy không để chúng ta an nhàn trong sự thờ ơ và lạnh nhạt. Khi bạn muốn nói với chính mình: “Không còn gì để làm nữa”, đức cậy sẽ đến và nói với bạn: “Hãy cầu nguyện!”. Bạn trả lời: “Nhưng tôi đã cầu nguyện rồi!” và đức cậy nói: “Hãy cầu nguyện một lần nữa!”. Và ngay cả khi hoàn cảnh trở nên cực kỳ khó khăn và dường như không thể làm gì hơn nữa, thì đức cậy vẫn chỉ cho bạn một nhiệm vụ: hãy kiên trì cho đến cùng và đừng mất kiên nhẫn, hãy kết hợp bản thân với Chúa Kitô trên thập giá. Như chúng ta đã nghe, vị Tông đồ khuyến khích “hãy tràn đầy hy vọng”, nhưng ngài ngay lập tức thêm vào cách thức điều này có thể thực hiện được: “nhờ Chúa Thánh Thần”. Không phải bởi những nỗ lực của chúng ta.
Giáng Sinh có thể là dịp cho một bước nhảy vọt của hy vọng. Nhà thơ vĩ đại đương thời với chúng ta về các nhân đức thần học, Charles Péguy, đã viết rằng Đức tin, Đức cậy và Đức ái là ba chị em, hai người lớn và một bé gái. Họ nắm tay nhau đi xuống phố: hai cô lớn Đức tin và Đức ái ở hai bên và cô bé Đức cậy ở giữa. Mọi người khi nhìn thấy họ đều nghĩ rằng chính hai cô lớn đang kéo cô bé ở giữa. Họ sai! Chính cô ấy là người kéo theo mọi thứ. Bởi vì nếu hy vọng không thành, mọi thứ sẽ dừng lại.
Muốn đặt một cái tên đàng hoàng cho cô gái bé nhỏ này, chúng ta chỉ có thể gọi cô là Maria, một người dưới thế này – Dante Alighieri, một nhà thơ vĩ đại về các nhân đức thần học khác đã nói – “đối với loài người trần thế nguồn hy vọng là nguồn sống”.
1.Augustine, On the Gospel of John, 45, 2 (Quid prodest bene vivere si non datur semper vivere?).
2.Cit. in Marguerite Yourcenar, Memoirs of Hadrian.
3.Ernst Bloch, Das Prinzip Hoffnung, 3 vol. Berlin 1954–1959.
4.Ch. Péguy, Le porche de la deuxième vertu.
5.Paradise, XXXIII.
Source:cantalamessa.org
1. Putin đã mất gần 90% quân đội mà ông ta có trước cuộc xâm lược Ukraine
Ký giả James Callery của tờ The Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Putin has lost nearly 90 per cent of his pre-invasion army with 315,000 personnel either killed or injured since war began, according to US intelligence”, nghĩa là “Theo tình báo Mỹ, Putin đã mất gần 90% quân đội trước cuộc tấn công với 315.000 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi chiến tranh bắt đầu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Một nguồn tin tình báo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ vừa cho biết tổn thất của Mạc Tư Khoa đã khiến quá trình hiện đại hóa quân sự của Nga bị chậm lại 18 năm. Theo tình báo Mỹ, Putin đã mất gần 90% quân số mà nước này có trước cuộc tấn công, với 315.000 quân nhân thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Tổn thất về nhân sự và các khí tài chiến tranh, đặc biệt là xe tăng và xe thiết giáp trước quân đội Ukraine đã khiến quá trình hiện đại hóa quân đội của Nga bị chậm lại 18 năm.
Báo cáo trước quốc hội Hoa Kỳ khẳng định Nga cũng đã mất gần 2/3 lực lượng xe tăng, tương đương 2.200 trong số 3.500 chiếc trước cuộc tấn công.
Mặc dù mọi người đều biết rằng lực lượng của Putin đã chịu tổn thất nặng nề ở Ukraine, đánh giá này đã làm sáng tỏ mức độ cụ thể của những thất bại đó.
Các quan chức Nga cho biết những ước tính của phương Tây về số người Nga thiệt mạng trong cuộc chiến đã bị phóng đại quá mức và hầu như luôn đánh giá thấp những tổn thất của Ukraine, mà các quan chức Nga cho rằng là rất lớn.
Báo cáo tình báo Mỹ mới được giải mật đánh giá rằng Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022 với 360.000 quân.
Cho đến nay, 315.000 binh sĩ Nga, tương đương khoảng 87% tổng số quân mà nước này bắt đầu cuộc chiến, đã thiệt mạng hoặc bị thương.
Những tổn thất nghiêm trọng đó là lý do khiến Nga phải nới lỏng các tiêu chuẩn tuyển dụng để có nhân sự triển khai ở Ukraine.
'Quy mô tổn thất đã buộc Nga phải thực hiện các biện pháp phi thường để duy trì khả năng chiến đấu. Nguồn tin cho biết, Nga tuyên bố huy động một phần 300.000 nhân sự vào cuối năm 2022 và nới lỏng các tiêu chuẩn cho phép tuyển dụng tù nhân và thường dân lớn tuổi.
Liên quan đến các chiến xa, quân đội Nga bắt đầu cuộc chiến với 3.100 xe tăng, mất 2.200 chiếc và phải 'bổ sung' lực lượng đó bằng xe tăng T62 được sản xuất từ những năm 1970, và chỉ còn lại 1.300 xe tăng trên chiến trường.
Kyiv coi những tổn thất của mình là bí mật quốc gia và các quan chức cho rằng việc tiết lộ con số này có thể gây tổn hại cho nỗ lực chiến tranh của họ. Một báo cáo của New York Times vào tháng 8 dẫn lời các quan chức Mỹ ước tính số người Ukraine thiệt mạng ở mức gần 70.000.
Các binh sĩ Ukraine tham gia cuộc phản công cho biết một số đơn vị đã mất phần lớn lực lượng chiến đấu do tính chất tàn bạo của cuộc xung đột, khi họ cố gắng xâm nhập vào các vị trí kiên cố của Nga và loại bỏ những đơn vị Nga đã cố thủ ở đó trong nhiều tháng.
Nga có dân số gấp ba lần rưỡi dân số Ukraine và hàng chục nghìn tù nhân đã được thả để họ có thể sử dụng trong cuộc xung đột.
Quân đội của nước này cũng đã được tăng cường nhờ khoảng 300.000 người được huy động tham gia cuộc chiến ở Ukraine kể từ tháng 9 năm ngoái.
Viết trên tạp chí Tyzhden của Ukraine, nhà sử học Yaroslav Tynchenko và tình nguyện viên Herman Shapovalenko tháng trước cho biết dự án Sách Ký ức của Shapovalenko đã xác nhận 24.500 người Ukraine tử vong trong chiến đấu và phi chiến đấu bằng cách sử dụng các nguồn mở.
Họ cho rằng con số thực tế có thể còn cao hơn.
Zelenskiy hôm thứ Tư kêu gọi các đồng minh ở Âu Châu và Mỹ tiếp tục ủng hộ Kyiv, trong khi các tranh chấp ở Brussels và Washington khiến các gói viện trợ mới bị trì hoãn.
Ông phát biểu trước cuộc họp với các nhà lãnh đạo Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển, trong đó ông sẽ tìm kiếm hỗ trợ tài chính để sản xuất thêm vũ khí.
“Bạn không thể giành chiến thắng nếu không có sự giúp đỡ”, Zelenskiy nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store.
'Nhưng bạn không thể thua, bởi vì tất cả bạn có là đất nước của bạn.'
Hôm thứ Tư, một loạt hỏa tiễn của Nga nhắm vào Kyiv, làm ít nhất 53 người bị thương, các quan chức cho biết.
Những tiếng nổ lớn làm rung chuyển Kyiv lúc 3 giờ sáng khi hệ thống phòng không của thành phố được kích hoạt lần thứ hai trong tuần này.
Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng 10 hỏa tiễn đạn đạo về phía thủ đô và tất cả đều bị phòng không đánh chặn, nhưng mảnh vỡ của chúng đã rơi trúng các ngôi nhà và một bệnh viện nhi đồng.
Cuộc tấn công nhấn mạnh mối đe dọa tiếp tục đối với Ukraine từ kho hỏa tiễn của Điện Cẩm Linh trong cuộc chiến kéo dài 21 tháng.
Theo đánh giá gần đây của Bộ Quốc phòng Vương Quốc Anh, Nga đã dự trữ hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không từ phi đội máy bay ném bom hạng nặng của mình.
2. Vladimir Putin tiết lộ số lính Nga đang chiến đấu ở Ukraine
Vladimir Putin hôm thứ Năm cho biết tổng cộng 617.000 binh sĩ Nga hiện đang chiến đấu ở Ukraine. Theo ông, khoảng 244.000 người trong số họ là những người lính được triệu tập để chiến đấu bên cạnh quân đội chuyên nghiệp của Nga.
Chi tiết hiếm hoi về hoạt động quân sự của Mạc Tư Khoa ở Ukraine được đưa ra trong cuộc họp báo cuối năm của Putin hôm thứ Năm 14 Tháng Mười Hai.
Putin đặc biệt nhấn mạnh rằng Điện Cẩm Linh không cần đợt huy động quân dự bị thứ hai.
Ông cho biết mỗi ngày có 1.500 người được tuyển mộ vào quân đội trên khắp đất nước. Tính đến tối thứ Tư, ông cho biết tổng cộng 486.000 binh sĩ đã ký hợp đồng với quân đội Nga.
3. Vương quốc Anh cho biết lực lượng Dù ưu tú của Nga chịu 'tổn thất đặc biệt nghiêm trọng '
Đó là tựa đề của một bài báo trên tờ Newsweek. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Sư Đoàn Dù của Nga ở Kherson “đã chịu tổn thất đặc biệt nghiêm trọng” trong cuộc giao tranh với quân đội Ukraine vào đầu tháng 12.
Trong bản cập nhật hôm thứ Năm về cuộc chiến ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh đã viết rằng Sư đoàn Dù cận vệ 104 của Lực lượng Dù Nga mới được thành lập gần đây “đã không đạt được mục tiêu của mình” ở Kherson trong hoạt động chiến trường đầu tiên của sư đoàn.
Trận thua của lính dù Nga, những người thường được coi là những chiến binh tinh nhuệ nhất của Nga, đã xảy ra gần thị trấn nhỏ Krynky trên bờ đông sông Dnipro.
Krynky và khu vực xung quanh là nơi giao tranh dữ dội trong những tuần gần đây, và tháng trước Kyiv tuyên bố rằng lực lượng của họ đã thiết lập một tiền đồn trên bờ biển mà các nhà quan sát chiến tranh gọi là một chiến thắng chiến lược quan trọng trước lực lượng của Putin.
Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh viết rằng hoạt động tốn kém liên quan đến Sư Đoàn Dù cận vệ 104 “diễn ra sau khi sư đoàn này gia nhập Nhóm Lực lượng Dnipro của Nga và tham gia trong nỗ lực đánh bật đầu cầu Ukraine gần làng Krynky trên bờ đông sông Dnipro.”
Bản cập nhật tình báo của Anh cho rằng sự thiếu thành công của sư đoàn là do sư đoàn này “được hỗ trợ kém bởi không quân và pháo binh, trong khi nhiều binh sĩ rất có thể còn thiếu kinh nghiệm”.
4. Putin nói về quan hệ với Âu Châu và Mỹ
Putin cho biết ông sẵn sàng sửa chữa quan hệ với Âu Châu và Mỹ nhưng cũng nói rằng Nga không làm gì sai trong việc xâm lược Ukraine và đổ lỗi cho phương Tây đã “làm hỏng mối quan hệ” với Nga.
“Chúng tôi không hủy hoại mối quan hệ với phương Tây,” ông nói, bắt đầu một bài giảng dài về quan điểm của Điện Cẩm Linh về lịch sử Ukraine. “Họ đã hủy hoại mối quan hệ với chúng tôi và họ luôn cố gắng đẩy chúng tôi xuống vị trí thứ hai hoặc thứ ba mà phớt lờ lợi ích của chúng tôi”.
Có lúc, ông kể lại lịch sử của cuộc cách mạng Ukraine năm 2014, “họ khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào trong hành động của mình”.
Putin không đưa ra nhiều tin tức ngày hôm nay nhưng nhà lãnh đạo Nga đã có đường lối hung hăng, nói nhiều về cuộc chiến và không làm gì nhiều để chứng tỏ rằng ông đang rút lui khỏi các mục tiêu theo chủ nghĩa tối đa của Nga.
Ông cũng dành lời khen ngợi cho nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi, Victor Orbán, và thủ tướng dân túy của Slovakia, Robert Fico. Đặc biệt, Orban đã từ chối viện trợ của Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine khi ông thúc đẩy Brussels giải phóng cho Hung Gia Lợi hàng tỷ euro viện trợ bị giữ lại do lo ngại về quy định pháp luật.
“Họ không phải là những chính trị gia thân Nga,” ông nói về Orbán và Fico. “Họ là những người theo chủ nghĩa dân tộc.”
Chỉ trích hành vi “đế quốc” của Mỹ, ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng sắp xếp quan hệ với họ… Chúng tôi cho rằng Mỹ là một quốc gia quan trọng, cần thiết trên thế giới. Nhưng nền chính trị đế quốc của họ đã cản trở họ.”
5. Kyiv cho biết Nga mất 1.300 quân, 12 hệ thống pháo binh trong một ngày
Theo tờ Newsweek, Kyiv cho biết lực lượng Nga ở Ukraine đã mất hơn 1.300 binh sĩ và hàng chục hệ thống pháo binh trong 24 giờ qua khi cái giá về nhân mạng trong cuộc chiến mệt mỏi ngày càng gia tăng.
Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, Mạc Tư Khoa đã mất tổng cộng 342.800 quân kể từ khi tiến hành cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Việc Kyiv phá hủy 12 hệ thống pháo binh của Nga trong ngày qua nâng tổng số thiệt hại được báo cáo của Mạc Tư Khoa lên tới 8.088 hệ thống.
Những con số của Ukraine là dấu hiệu mới nhất về tổn thất nhân mạng đáng kinh ngạc trong cuộc chiến tranh tiêu hao. Thật khó để biết chính xác có bao nhiêu binh sĩ tinh nhuệ, lính dù, đội xe tăng, tù nhân nghĩa vụ và lính đánh thuê của Mạc Tư Khoa đã thiệt mạng hoặc bị thương, nhưng các nhà phân tích phương Tây tin rằng Nga đã phải chịu hàng trăm nghìn thương vong trong gần hai năm chiến tranh. chiến tranh.
Hôm thứ Ba, Reuters đưa tin gần 90% quân nhân trước chiến tranh của Nga hiện đã chết hoặc bị thương, trích dẫn một nguồn tin quen thuộc với một tài liệu tình báo được giải mật của Mỹ. Con số này lên tới khoảng 315.000 quân Nga thiệt mạng hoặc bị thương trong nhiều tháng chiến tranh với thương vong nặng nề.
Vào giữa tháng 11, Bộ trưởng lực lượng vũ trang Anh, James Heappey, nói với các nhà lập pháp Anh rằng Luân Đôn tin rằng khoảng 302.000 quân nhân Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực.
Nga hiện nay thường xuyên mất hơn 1.000 binh sĩ trong một ngày, theo thống kê của Kyiv. Điều này trùng hợp với thời điểm Nga bắt đầu nỗ lực phối hợp nhằm vào thị trấn công nghiệp tiền tuyến kiên cố Avdiivka mà Mạc Tư Khoa đã triển khai vào ngày 10 tháng 10.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào tháng trước rằng những tuần từ ngày 10 tháng 10 đến cuối tháng 11 “có thể đã chứng kiến tỷ lệ thương vong của Nga trong cuộc chiến ở mức cao nhất cho đến nay”.
Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson nói với CNN trong tuần này rằng kể từ khi Mạc Tư Khoa bắt đầu cuộc tấn công nhằm bao vây Avdiivka, nước này đã phải hứng chịu hơn 13.000 thương vong quanh thị trấn.
Giống như Nga, Ukraine không công bố số liệu thiệt hại của mình, nhưng Kyiv cũng có những thương vong đáng kinh ngạc. Newsweek trước đây đã nói rằng tổn thất của Ukraine có thể thấp hơn tổn thất của Nga, nhưng bất kỳ con số thương vong nào cũng sẽ gây tổn hại cho quân đội Ukraine nhiều hơn cho Nga vì Nga có lực lượng lớn hơn nhiều.
6. Thủ tướng Estonia mô tả cuộc họp căng thẳng tại Liên Hiệp Âu Châu
Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, hôm thứ Năm cho biết Liên Hiệp Âu Châu đã đạt được thỏa thuận về việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.
Cô cho biết Thủ tướng Hung Gia Lợi, Victor Orbán, đã nói với cô rằng ông ta không đồng ý việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.
“Tôi đã nói chuyện với Viktor Orbán, và tìm cách thuyết phục ông ta. Nhưng, ông ấy nói rằng hiện tại ông ấy không thấy có một lý do nào để đồng ý.”
Orbán nói với các phóng viên báo chí rằng: “Xem xét các con số, phân tích kinh tế và xem xét nghiêm chỉnh rằng các cuộc đàm phán với Ukraine sẽ nhằm mục đích cấp tư cách thành viên - chúng ta không được sử dụng nó như một động thái chính trị - vì tư cách thành viên không nhằm mục đích đó… vì thế, chúng tôi phải nói rằng suy nghĩ như thế là vô lý, lố bịch và không nghiêm chỉnh.”
Tuy nhiên, Thủ tướng Estonia cho biết Ukraine đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để mở các cuộc đàm phán gia nhập vốn sẽ mất vài năm.
Cô cho biết cuộc họp đã diễn ra hết sức căng thẳng. Sau vài giờ thảo luận khó khăn về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova, trước thái độ khăng khăng một cách vô lý của Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán, là người quyết liệt cản trở với quyền phủ quyết của mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu “mất kiên nhẫn”.
Kallas cho biết Scholz đã nói với Orbán trước mặt các nhà lãnh đạo khác rằng nếu ông thực sự không sẵn lòng đồng ý, ông có thể rời khỏi phòng để các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu có thể đưa ra quyết định đồng thanh về việc mở rộng khi ông vắng mặt.
Orbán hậm hực bước ra, mặc dù ông ta có thể cứ ngồi đó và tiếp tục phủ quyết.
Kallas nhận xét rằng việc bỏ ra ngoài của Orbán có thể coi là bỏ phiếu trắng. Những người còn lại đã đồng thanh đồng ý việc mở cuộc đàm phán cho Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.
Cô nói cô cảm thấy bất ngờ vì mọi chuyện trở nên dễ dàng như thế.
7. Zelenskiy ca ngợi chiến thắng cho Ukraine ở Liên Hiệp Âu Châu trong khi đồng minh của Putin mất cả chì lẫn chài
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky Hails 'Victory for Ukraine' in Europe as Putin Ally Stands Down”, nghĩa là “Zelenskiy ca ngợi chiến thắng cho Ukraine ở Âu Châu khi đồng minh của Putin nhượng bộ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố “chiến thắng cho Ukraine” sau khi Liên Hiệp Âu Châu quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Hội đồng Âu Châu đã bỏ phiếu ủng hộ việc tiến hành các cuộc đàm phán để Ukraine và nước láng giềng Moldova trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu vào thứ Năm, giáng một đòn mạnh vào Putin, vốn phản đối mạnh mẽ động thái này.
Cuộc bỏ phiếu được thực hiện tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu ở Brussels đã gây bất ngờ. Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban, người được nhiều người mô tả là đồng minh của Putin, trước đó đã đe dọa phủ quyết các cuộc đàm phán.
Sau vài giờ thảo luận khó khăn về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova, vì Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán quyết liệt cản trở với quyền phủ quyết của mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz là người đã đưa ra giải pháp.
Hai quan chức tóm tắt về cuộc đàm phán cho biết Scholz đã nói với Orbán trước mặt các nhà lãnh đạo khác rằng nếu ông thực sự không sẵn lòng đồng ý, ông có thể rời khỏi phòng để các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu có thể đưa ra quyết định đồng thanh về việc mở rộng khi ông vắng mặt.
Theo một quan chức quốc gia và một nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu, Orbán đã rời khỏi phòng họp sau những lời của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người tỏ ra rất cương quyết và nóng giận.
Ngay sau khi Orbán bước ra, tất cả các thành viên khác bỏ phiếu ủng hộ biện pháp này.
Nhiều người thắc mắc không biết như thế có hợp lệ không. Nhưng một chuyên gia cho biết “Nếu ai đó vắng mặt, thì là họ vắng mặt. Về mặt pháp lý, nó hoàn toàn hợp lệ”, quan chức này nói thêm, và nhận xét rằng việc bỏ ra ngoài của Orbán có thể coi là bỏ phiếu trắng, khác xa với việc phủ quyết.
Trước diễn biến bất ngờ, này Tổng thống Zelenskiy nói: “Đây là một chiến thắng cho Ukraine. Một chiến thắng cho toàn bộ Âu Châu. Một chiến thắng tạo động lực, truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh.”
Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel đã công bố quyết định này và gọi đây là “tín hiệu hy vọng rõ ràng cho người dân Ukraine và cho lục địa của chúng ta”.
Orban, người có mối quan hệ thân thiết với Mạc Tư Khoa, nói rằng quyết định không phủ quyết cuộc bỏ phiếu không có nghĩa là quan điểm của ông đối với tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine đã thay đổi.
Theo hãng tin AP, ông nói: “Quan điểm của Hung Gia Lợi rất rõ ràng: Ukraine chưa sẵn sàng để chúng tôi bắt đầu đàm phán về tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu của nước này”. “Đó là một quyết định hoàn toàn phi logic, phi lý và không đúng đắn.”
Mặc dù quyết định bỏ phiếu trắng của Orban là một đòn giáng mạnh vào Putin cũng như hy vọng của ông trong việc giữ Ukraine và Modolva rời khỏi Liên Hiệp Âu Châu, nhưng chắc chắn rằng Orbán sẽ còn gây thêm khó khăn.
Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels cũng nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng căng thẳng của Nga với đồng minh mạnh mẽ một thời là Armenia, khi Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Ararat Mirzoyan nói rằng chính phủ của ông “nồng nhiệt hoan nghênh” đề xuất mở “các cuộc đàm phán gia nhập với Moldova và Ukraine”.
Dmitry Polyanskiy, phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, năm ngoái đã lập luận rằng không có “sự khác biệt lớn” giữa việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và gia nhập NATO, điều mà một số người cho rằng có thể châm ngòi cho sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Ukraine nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vài ngày sau khi Nga xâm chiếm lãnh thổ nước này vào ngày 24/2/2022. Nước này được cấp tư cách ứng cử viên vào tháng 6/2022.
Năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng khả năng Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu có thể mất “vài thập kỷ”, trong đó các quốc gia bao gồm Montenegro và Serbia đã không đạt được tư cách thành viên mặc dù đã trở thành ứng cử viên từ nhiều năm trước.
8. Kyiv tố cáo Nga tấn công miền nam Ukraine bằng 42 máy bay không người lái chỉ trong đêm
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 15 Tháng Mười Hai,Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ hàng chục máy bay không người lái do Iran thiết kế do lực lượng Nga phóng nhằm vào thành phố phía nam Odesa, trong cuộc tấn công qua đêm mới nhất của Mạc Tư Khoa khiến 11 người bị thương.
“Tổng cộng, quân xâm lược đã phóng 42 máy bay không người lái tấn công chúng ta”, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết và nhấn mạnh rằng 41 máy bay không người lái Shahed đã bị bắn hạ. Chúng được triển khai từ lãnh thổ do Nga kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea do Mạc Tư Khoa sáp nhập vào năm 2014.
Các mảnh vỡ rơi xuống đã làm hư hỏng một ký túc xá ở Odesa, AFP đưa tin.
Phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết 11 người trong đó có 3 trẻ em bị thương. Cô nói thêm: “Quỷ Nga bắt đầu buổi tối thứ hai liên tiếp bằng cuộc tấn công vào Odesa.”
Sáng thứ Sáu 15 Tháng Mười Hai, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết hệ thống phòng không của họ đã bắn hạ 9 máy bay không người lái của Ukraine đang tiến về thủ đô, vài giờ trước cuộc họp báo rất được mong đợi của Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi phát động cuộc tấn công Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
“Các đơn vị phòng không đang làm nhiệm vụ đã phá hủy và đánh chặn 9 máy bay không người lái của Ukraine trên lãnh thổ khu vực Kaluga và Mạc Tư Khoa”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố, đồng thời đổ lỗi cho Kyiv về vụ tấn công.