Ngày 16-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nhiệm mầu của một hiện diện
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
00:56 16/12/2022

NHIỆM MẦU CỦA MỘT HIỆN DIỆN
CHÚA NHẬT THỨ IV MÙA VỌNG NĂM A

Thiên Chúa tình yêu chưa bao giờ buông xuôi lòng trung thành và không ngừng hiện diện giữa dân Người. Đó không chỉ là đề tài xuyên suốt lịch sử cứu độ, quan trọng hơn, đó còn là sự thật làm thành dòng chảy không bao giờ ngơi nghỉ trên mỗi cá nhân con người suốt dọc dài thời gian.

Ngay trong hoàn cảnh bi đát nhất, thương đau nhất của lịch sử, sự thật về tình thương yêu ấy vẫn ngời sáng, sưởi ấm niềm hy vọng của đoàn dân Thiên Chúa, của từng người một.

Không phải chỉ hôm nay, sau khi mọi biến cố trên dòng lịch sử cứu độ đã nắn đúc bao nhiêu kinh nghiệm quý báu cho đức tin, ta mới thốt lên như thế. Nhưng ngay trong chính các biến cố đang xảy ra, dân Chúa đã từng thấm thía bài học đức tin này: Thiên Chúa luôn trung thành yêu thương, không bao giờ ngừng hiện diện giữa dân Ngài chọn.

Nhất là các cuộc lưu đày viễn xứ, càng cho thấy tình yêu ấy quá diệu vợi. Vì quên giao ước, ngụp lặn trong tội, hết miền bắc, rối đến miền nam lưu đày, hết đế quốc Assyri giày vò đến Babylon xâu xé, đã làm toàn dân rã rời, thổn thức, thương đau.

Nhất là sự tàn phá miền nam bởi bàn tay Babylon là cuộc bình địa thảm khốc: Đền thờ và hòm bia giao ước, bảo vật quý giá vô cùng, là hình ảnh của Thiên Chúa ở giữa dân Người, cùng lúc bị phá hủy, mọi lễ nghi tôn giáo bị giết chết, các tư tế bị tê liệt vì không còn tế lễ, các tầng lớp giàu sang, trí thức bị lưu đày. Ở lại chính quốc chỉ là đám dân nghèo khổ, hèn hạ, đói rét. Sêđêkia, vua đương kim, dòng dõi của Đavid, lẽ ra phải huy hoàng muôn thuở, bị hành hạ nhục nhã, bị đâm mù mắt, và biệt xứ. Cuộc lưu đày lần này còn lớn hơn các lần lưu đày của Cựu ước. Dân Thiên Chúa tuyển chọn không còn tổ quốc, tôn giáo cũng cáo chung.

Đây là thử thách quá sức chịu đựng. Đức tin bắt đầu nảy sinh những vấn đề bất lợi. Trong chiến tranh, các quốc gia đều cậy dựa vào thần linh. Vì thế, thắng hay bại đều do thần của mình thắng hay bại.

Bởi đó, hai cuộc lưu đày của cả hai miền dường như phủ nhận mọi lời Chúa hứa. Đau đớn hơn, Thiên Chúa của họ thất bại. Người ở đâu khi để dân tộc bị tước đoạt tất cả, ngay danh dự của những kẻ cùng làm người, điều căn bản nhất của con người cũng không còn? Nhục nhã hơn, khi bị lưu đày không phải thành phần thấp kém, nhưng là những người uy thế, trí thức, giàu sang.

Quyền năng Thiên Chúa ở đâu, sao để dân phải sống một đời lầm than, tủi nhục, nghèo khổ? Có Chúa chăng, sao lại để đền thờ, hòm bia giao ước, tượng trưng sự hiện diện của Chúa, bị phá hủy không thương tiếc?

Ích lợi gì lời hứa về một vị vua thuộc dòng Đavid, bởi trong số họ, trừ một vài người, hầu như tất cả đều bất tài, thất đức, tội lỗi đầy tràn? Thực tế phủ phàn đã làm nhiều người mất đức tin. Tệ hơn, nhiều người quay sang thờ các thần linh của đế quốc.

Nhưng khi tỉnh táo nhìn lại, lưu đày lại mang niềm hy vọng. Trong cảnh lầm than của thân phận đày ải, dân thấm thía lời tiên tri cảnh báo hậu quả của tội, điều mà họ từng cho là đinh tai nhức óc, lại chính là lời yêu thương, vỗ về.

Họ ân hận vì bỏ ngoài tai những gì Thiên Chúa đã dùng để chứng minh tình thương, sự hiện diện của Ngài. Họ ân hận vì đã giết các tiên tri, những người cứu sống họ nếu biết vâng nghe lời các ngài. Bây giờ họ mới quý các sách luật, quý sứ điệp của các tiên tri. Họ thu tập thành sách, để giữa cảnh lưu đày, không đền thờ, không tư tế, họ biết tự mình gìn giữ đức tin bằng cách học tập, nghiên cứu, tập họp quanh nhau giải thích và truyền cho nhau những gì đã hấp thụ từ cha ông. Họ nhận ra một chân lý không nhỏ chút nào: Trong thử thách, Thiên Chúa vẫn hiện diện giáo dục họ.

Chính trong nỗi đau tù đày, khi sống cùng dân ngoại, Israel nhận ra ơn cứu độ phổ quát. Chúa không chỉ là Thiên Chúa của Israel, nhưng còn là của mọi dân. Từ đó ơn cứu độ lóe lên. Ơn cứu độ đã được loan báo từ ngàn xưa, điều mà hôm nay Hội Thánh cho chúng ta suy niệm trong bài đọc I:

"Chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu, này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và tên con trẻ là Emmanuel, Nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Is 7, 14).

Hy vọng về lời hứa cứu độ, một lần nữa lại được công bố, không phải tại quê nhà nhưng từ đám dân bị đày ở Babylon.

Chính trong cảnh tha hương, dân được thanh luyện đức tin. Chỉ những ai, những nơi lòng tin đã được thanh luyện, biết nhận ra lỗi, biết tìm đến Chúa, những con người ở nơi ấy mới xứng đáng đón nhận niềm vui ơn cứu độ.

Lời Chúa qua miệng các tiên tri, nhất là trong những lần ly táng, Chúa an ủi dân, được thực hiện nơi Chúa Kitô.

Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người, một cuộc hiện diện vĩ đại, cuộc hiện diện lớn chưa từng có, độc đáo, hoàn hảo trên hết mọi cuộc hiện diện, đúng với những gì tiếng Emmanuel–Thiên Chúa ở cùng chúng ta, diễn tả. Vì dù là Thiên Chúa, một khi làm người, Chúa Kitô làm người đúng nghĩa, sống giữa mọi người như chính con người là người chứ không khác người.

Dù thực sự đến trong lòng người, đến giữa lòng thế giới trong thân kiếp con người, Thiên Chúa vẫn chỉ một đường lối nhiệm mầu muôn thuở.

Tiếp tục hiện diện, nhưng chính người trong cuộc được mời gọi cộng tác để ơn cứu độ thành toàn, vẫn không thể hiểu hoặc kông thể hiểu hết. Đức Maria, khi được cho biết mình sẽ mang thai Con Thiên Chúa, đã phải thốt lên: "Việc ấy xảy ra cách nào được" (Lc 1, 34).

Cuộc đời làm Mẹ Thiên Chúa, vinh quang đâu chẳng thấy, trước mắt và hết mọi ngày sống, cùng Con mình, Mẹ đã liên tục xin vâng để chấp nhận thập giá.

Cũng thế, hôm nay Tin Mừng theo thánh Matthêu, một lần nữa cho ta thấy hình ảnh hoang mang của thánh Giuse vì không hiểu hết lối đường của Chúa.

Cũng vẫn hai tiếng xin vâng, dù không thốt thành lời, nhưng đã có trong tâm khảm, nhờ đó, thánh Giuse can đảm đón nhận thánh ý Chúa: "Đừng sợ nhận Maria về nhà làm bạn mình: vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu".

Điều mà thánh Giuse chấp nhận hôm nay, chính là điều "Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: Này đây, một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Nhưng thánh Giuse chỉ hiểu như thế, vẫn chưa phải là rốt ráo của vấn đề. Cuộc đời làm cha nuôi của Chúa Giêsu, sẽ còn nhiều thử thách mà thánh Giuse phải đối mặt.

Làm sao có thể hiểu nổi, Thiên Chúa ở với mình, lại chỉ là một con người bị người ta muốn giết chết ngay từ ấu thơ. Giêsu ấy là Thiên Chúa, nhưng vì sao lại chìm khuất giữa làng quê Nagiaret, nghèo khổ, lam lũ. Là Con Thiên Chúa, nhưng dưới mắt người đời, không ai tin được. Ai cũng chỉ nói một sự thật rõ ràng trước mắt: Giêsu ấy là con của mình. Họ vẫn cứ bảo: đó là con của bác thợ mộc Giuse thôi.

Khác gì ngày xưa, Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài, sự hiện diện ấy lạ lùng quá, vượt ngoài trí hiểu của dân. Đến khi Thiên Chúa hóa thân làm một người con trong gia đình, thì sự hiện diện của Ngài càng diệu kỳ, gây ngỡ ngàng và hoang mang quá đỗi cho mọi thành viên trong gia đình. Thánh Giuse, Đức Maria chỉ biết thốt lên tiếng xin vâng để cả một đời chấp nhận mà thôi.

Bạn và tôi, chắc chẳng khác gì dân riêng của Chúa, chẳng khác gì thánh Giuse, Đức Mẹ và vô vàn những vị thánh.

Ta vẫn biết, Chúa đang hiện diện trong cuộc đời hôm nay, trong chính tâm hồn mình. Nhưng sự hiện diện ấy cũng vẫn chỉ là hiện diện nhiệm mầu. Dù Chúa hứa: "Ta sẽ ở cùng các ngươi mọi ngày cho đến tận thế", nhưng xung quanh sao vẫn còn đó quá nhiều sự dữ, đói nghèo, bất công, tham lam… Nhất là sự hiềm khích trong nhân loại không lúc nào dừng, đến mức trở thành nỗi hận thù khó có gì ngăn cản. Sự thù hận giữa những cá nhân, tập thể, của quốc gia, đảng phái với nhau… kéo theo những cuộc chiến tranh, những cuộc giết người hàng loạt không thương tiếc.

Đối với cá nhân từng người cũng không khác hơn. Nhiều lần đi giữa đêm đen của đau khổ, có lúc đau khổ tột cùng, tưởng như không thể thoát, chúng ta chao đảo đến mức nghi ngờ về chính đức tin của mình.

Chỉ có một cách làm cho ta bình an, đó là học lấy hai tiếng xin vâng để có thể can đảm chấp nhận mọi biến cố xảy đến cho mình. Đàng khác, nếu ngày xưa, dân Chúa xem các biến cố là phương thế Thiên Chúa giáo dục mình, hôm nay Ngài cũng hiện diện để giáo dục lòng tin, sự trung thành và tình yêu của ta.

Lễ Giáng sinh, chúng ta kỷ niệm cuộc hiện diện đầy tình yêu của một vì Thiên Chúa cúi sâu xuống trên thận phận con người. Một tình yêu lớn đến nỗi, làm cho Ngài chấp nhận cách thế hiện diện như chúng ta là người, để chia sẻ đến cùng cái giới hạn của kiếp người bất tất của ta.

Đó là tiếng xin vâng quan trọng và cao cả trên mọi tiếng xin vâng, dù là của Đức Mẹ hay của thánh Giuse.

Chính vì xin vâng trọn vẹn như thế, Chúa Giêsu làm nên sự hiện diện lạ lùng, vượt quá sức hiểu biết của loài người.

Vậy chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, nhìn vào hang đá, ta có cả một bài học xin vâng thế giá như thế, lẽ nào ta còn nghi nan, còn nề hà mà không để Chúa dẫn dắt mình?
 
Ngày 17/12: Gia Phả của Đức Giê-su Ki-tô - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
04:13 16/12/2022

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu ông Áp-ra-ham:

Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; Gie-sê sinh Đa-vít.

Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; 14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

Như thế, tính chung lại thì: từ ông Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:22 16/12/2022

23. Con người cần phải yêu mến Thiên Chúa trước, rồi mới có thể yêu người trong Thiên Chúa.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:23 16/12/2022
15. VƯƠNG THÍCH EO LƯNG NHỎ

Sở Linh vương rất thích eo lưng nhỏ, cho nên các quan đại thần trong triều chỉ sợ mình eo to người mập, mất đi sự sủng ái của Sở vương, cho nên thay vì ăn ngày ba bữa thì đổi lại mỗi ngày chỉ ăn một bữa mà thôi.

Mỗi ngày sau khi thức dậy họ đều phải chuẩn bị: đầu tiên là phải nín thở, sau đó thì thắt eo lại thật chặt. Kết quả là ai ai cũng đói meo, tứ chi bại hoại, đầu choáng hoa mắt, phải vịn vào tường mới có thể đứng lên được.

Một năm sau, toàn triều đình văn võ đều trở thành người vô dụng, mặt mày gầy đen, da bọc xương vì đói.

(Mặc tử)

Suy tư 15:

Có lẽ ông vua nước Sở thích mỹ thuật, thích vẽ đẹp thiên nhiên, nên rất thích những eo lưng nhỏ, thon thon, đó là sở thích của mỗi người, không ai buộc người khác thích như mình.

Nhưng vì để được sự sủng ái của nhà vua, mà các quan võ, sức mạnh cử sơn bật đỉnh đã trở thành liễu yếu đào tơ; các quan văn, vung tay múa bút thì chữ lã lướt như phượng múa rồng bay, thế mà hai cánh tay lại cầm không nổi cây bút lông. Họ muốn được vua yêu thích, họ muốn làm cho nhà vua vui lòng, mặc dù nhà vua không nói ra, nhưng họ đoán ý của vua để làm đẹp lòng ông ta.

Thiên Chúa có một sở thích rất dễ thương, đó là Ngài muốn chúng ta yêu mến và thực hành Lời của Ngài (Ga 14, 15-16) trong cuộc sống. Sở thích này của Thiên Chúa không làm cho chúng ta bị đói, không làm cho chúng ta mất sức khoẻ, mà trái lại, làm cho chúng ta mạnh khoẻ và được phúc trường sinh. Chúng ta có dám vì lời của Chúa mà hy sinh những đam mê không chính đáng trong cuộc sống đời thường không?

Trong cuộc sống tôi đã “đoán” được ý Chúa dạy tôi qua hoàn cảnh mà tôi đang sống, để tôi tuân theo thánh ý của Ngài chưa?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sống công chính để chuẩn bị đón Đấng Emmanuel
Lm. Đan Vinh
07:04 16/12/2022

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG A
Is 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24
SỐNG CÔNG CHÍNH ĐỂ CHUẨN BỊ ĐÓN ĐẤNG EMMANUEN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Mt 1,18-24.
(18) Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a Mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. (19) Ông Giu-se chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. (20) Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. (21) Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. (22) Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ : (23) “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (24) Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (25) Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.

2. Ý CHÍNH :
Bài Tin Mừng hôm nay đề cao đức công chính của thánh Giu-se, biểu lộ qua cách ngài xử lý trước việc thụ thai lạ lùng của Đức Ma-ri-a.

3. CHÚ THÍCH :
- C 18-19 : + Bà Ma-ri-a Mẹ Người : Ma-ri-a là tên của Đức Ma-ri-a, là Mẹ sinh ra Đức Giê-su. + Đã thành hôn với ông Giu-se : Theo phong tục Do thái, nghi lễ đính hôn cử hành trước lễ rước dâu cả năm trời. Thường thì hai người không chung sống trước lễ rước dâu. Nhưng nếu có con trong thời gian này thì vẫn được công nhận là con chính thức. Ở đây cho thấy hai ông bà Giu-se Ma-ri-a đã là vợ chồng hợp pháp nhờ lễ đính hôn. + Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần : Việc thụ thai của Đức Ma-ri-a không phải do thánh Giu-se. Trước mặt người đời, Đức Giê-su được nhìn nhận là con bác thợ mộc Giu-se, dù thực sự Giu-se chỉ là cha nuôi (x Lc 3,23). + Giu-se là người công chính : Công chính là sự tuân giữ Lề Luật Chúa cách trọn hảo, và đối xử công minh ngay chính với tha nhân. Sự công chính của Giu-se ở đây không phải là công chính về Lề Luật, vì khi quyết định bỏ Ma-ri-a, Giu-se không làm theo Luật dạy là làm tờ chứng thư ly dị và trao cho vợ (x. Đnl 24,1-4). Do đó sự công chính của Giu-se hệ tại điểm này: Một là Giu-se đã tôn trọng việc Thiên Chúa thực hiện nơi Ma-ri-a. Hai là Giu-se không dám cưới một người đã được Thiên Chúa chọn dành riêng làm việc của Ngài. Ba là Giu-se không dám nhận làm cha một hài nhi Thần Linh khi chưa được chỉ thị từ nơi Thiên Chúa. + Không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo : Giu-se bị lâm vào một hoàn cảnh nan giải : Một đàng không thể nghi ngờ người bạn mà ông biết là rất trong sạch. Đàng khác vì là người công chính, Giu-se không dám dành cho mình người phụ nữ mà Thiên Chúa đã chọn. Ông phải làm thế nào để vừa bảo toàn được danh dự cho Ma-ri-a, vừa giữ được sự công chính? Cuối cùng ông quyết định âm thầm bỏ Ma-ri-a để con trẻ sinh ra vẫn có cha, mà ông cũng giữ được sự công minh chính trực trước mặt Thiên Chúa.
- C 20-21 : + Ông đang toan tính như vậy : Giu-se chưa kịp thi hành ý định thì Thiên Chúa đã sai thiên thần đến trấn an và trao sứ mệnh cho ông. + Này ông Giu-se là con cháu Đa-vít : Giu-se được trao sứ mệnh làm cha để con trẻ Giê-su được thuộc về dòng dõi Đa-vít, hầu ứng nghiệm lời sứ thần : “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít tổ tiên Người” (x. Lc 1,32), và lời tuyên sấm của các ngôn sứ về dòng dõi Đấng Thiên Sai (x. Is 9,6; 2 Sm 12,16). + Đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần : Sứ thần đánh tan sự e ngại của Giu-se bằng cách ra lệnh cho ông mau tổ chức lễ cưới đón Ma-ri-a về làm vợ mình vì việc thụ thai là do quyền năng của Thiên Chúa. + Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su : Đặt tên cho con trẻ là thừa nhận mình là cha của con về pháp luật. Tên Giê-su hay Giô-suê, Giê-su-a có nghĩa là “Gia-vê Đấng cứu độ”. Đây cũng là tên riêng của nhiều người khác trong thời Cựu Ước (x. Xh 24,13; Nkm 7,7). + Vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ : Sứ mệnh của Con trẻ là cứu dân khỏi quyền lực của ma quỷ, tội lỗi và sự chết (x. Tv 130,8), khác với quan niệm cứu thế mang tính trần tục mà dân Do thái đang mong đợi.
- C 22-23 : + Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai : Đây là lời tuyên sấm của I-sai-a (x. Is 7,14) nói lên tính siêu phàm của Đấng Thiên Sai. Người do một bà mẹ đồng trinh sinh ra. + Em-ma-nu-en : nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tên gọi này bao hàm sứ mệnh của Đấng Thiên Sai : Nhờ Đức Giê-su mà Thiên Chúa sẽ hiện diện giữa dân Ngài để cứu độ họ. Tin mừng Mát-thêu cũng kết thúc bằng lời hứa của Đức Giê-su : “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
- C 24-25 : Sau khi được sứ thần báo mộng, Giu-se không còn ngần ngại. Ông lập tức tổ chức lễ cưới đón Ma-ri-a về nhà làm vợ như lệnh sứ thần truyền. + Ông không ăn ở với bà : Sở dĩ ông Giu-se đón Ma-ri-a về nhà làm vợ mà lại không ăn ở với bà như vợ chồng, vì ông tôn trọng lời khấn trọn đời đồng trinh của Ma-ri-a khi “Xin Vâng” để đáp lại lời Chúa mời gọi làm Mẹ của Đấng Cứu Thế (x. Lc 1,31.38). + Cho đến khi bà sinh một con trai và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su : Giu-se đã vâng lời sứ thần để đặt tên cho con trẻ là Giê-su.

4. CÂU HỎI :
Một số người Tin Lành đã dựa vào chữ “cho đến khi” này để khẳng định : Ma-ri-a chỉ đồng trinh trước khi sinh Hài Nhi Giê-su như lời ngôn sứ I-sai-a. rồi sau khi sinh, bà lại sống đời làm vợ của ông Giu-se theo đúng nghĩa vợ chồng, nghĩa là có ăn ở với nhau và đã sinh thêm nhiều con trai con gái khác như Tin Mừng Mát-thêu ghi lại (x. Mt 13,55). Ngoài ra, người Tin Lành còn dựa vào câu trong Tin Mừng Lu-ca : “Ma-ri-a sinh con trai đầu lòng” (x. Lc 2,7).

*GIẢI ĐÁP :
- Chữ “Cho đến khi” trong câu này không có nghĩa là Giu-se đã không ăn ở với Ma-ri-a cho đến khi bà sinh con, rồi sau đó lại ăn ở như vợ chồng sau khi sinh. Thực ra khi viết câu này, tác giả Mát-thêu chỉ muốn nhấn mạnh tới sự kiện Giu-se đã không can thiệp gì vào việc Ma-ri-a sinh con, đúng như lời sấm của I-sai-a về một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai (x. Is 7,14). Mát-thêu không quan tâm việc hai ông bà sau khi Ma-ri-a sinh con có tri giao vợ chồng hay không qua câu : “Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su” (c. 25).
- Về chữ “con trai đầu lòng” (Lc 2,7), Lu-ca chỉ nhắc lại khoản luật trong Xuất hành (x. Xh 13,2.12.15) sắp được áp dụng cho Đức Giê-su (x. Lc 2,23). Con trai đầu lòng ở đây chỉ có nghĩa là “đứa con thứ nhất, đứa con sinh ra đầu tiên” (primo genitus) chứ không ám chỉ là sẽ còn có các người con khác sau này.
- Tin Mừng Mát-thêu cũng trưng dẫn lời của một người nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy” (Mt 12,47). Câu này tượng tự câu nhận định của dân làng Na-da-rét về Đức Giê-su : “Anh em của ông không là các ông Gia-cô-bê, Giô-xép, Si-mon và Giu-đa sao? Và chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mt 13,55-56; Mc 6,3). Thực ra khi thấy Đức Ma-ri-a đi chung với mấy người khác, người ta nghĩ đó là những người bà con, chứ không khẳng định là anh em ruột thịt của Người. – Ngoài ra sách Công Vụ Tông Đồ cũng viết : “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với các anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,14). Anh em đây cũng chỉ là bà con về phía thánh Giu-se.
- Bằng chứng cho thấy Đức Giê-su là con trai duy nhất của Đức Ma-ri-a là trước khi tắt thở trên cây thập tự, Đức Giê-su đã trối Mẹ Người làm mẹ của môn đệ Gio-an và trối Gio-an làm con của Mẹ. Và “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27). Nếu thực sự còn có anh em khác thì Đức Giê-su đã không trối mẹ cho môn đệ và Gio-an cũng không thể rước bà về nhà mà phụng dưỡng thay Thầy Giê-su được.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : Ông Giu-se chồng bà là người công chính (Mt 1,19)... Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy (Mt 1,24).

2. CÂU CHUYỆN :

1) GƯƠNG KHIÊM TỐN VÀ TRUNG THỰC CỦA TỔNG THỐNG NÍCH-SƠN :
Khi vụ OÁT-TƠ GHẾT (Water Gate) xảy ra, thì Tổng Thống NÍCH-SƠN (Nixon) được dân chúng Hoa Kỳ tín nhiệm và đánh giá cao, lại trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Cũng vì muốn thắng cử mà Ních-sơn đã làm ngơ để thuộc cấp nghe lén điện thoại của đảng đối lập. Bây giờ bị họ phát hiện và ghép vào tội nghe lén, một hành động vi phạm pháp luật Hoa Kỳ. Ông mất ăn mất ngủ trong nhiều ngày để tìm lối thoát trong danh dự. Thế rồi một ngày nọ, sau khi làm việc ở văn phòng tại Tòa Bạch Ốc về nhà, Ních-sơn ngồi một mình khá lâu trong phòng riêng. Bỗng ông nhìn thấy cuốn Thánh Kinh đang nằm trên bàn làm việc. Ông liền cầm lấy mở ra và đọc được lời Chúa như sau : “Sự thật sẽ giải thoát các ngươi”. Về sau ông cho biết : Chính lời đó đã nhắc nhở ông phải trung thực trong hành động. Thế là ông đã mau chóng có quyết định dứt khoát. Mấy ngày sau đó, người ta thấy ông xuất hiện trên truyền hình phát sóng đi toàn nước Mỹ để nhận lỗi và xin tha thứ. Ông cũng chính thức xin từ chức Tổng Thống, một chức vụ đầy quyền lực và vinh quang mà nhiều chính khách luôn mơ ước. Đây là một hành động được đánh giá là can đảm có một không hai trong lịch sử Hoa Kỳ. Chính nhờ sự can đảm trung thực và khiêm tốn nhận lỗi đó mà dân chúng Hoa Kỳ đã cảm thông với ông và vẫn kính trọng ông như trước.

2) GƯƠNG KHIÊM TỐN CẦN KIỆM CỦA Đức Giáo Hoàng PHAN-XI-CÔ :
Đức Giáo Hoàng PHAN-XI-CÔ là người châu Mỹ La-tinh đầu tiên và cũng là một tu sĩ dòng Tên đầu tiên được bầu vào vị trí lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo.
Tờ báo New York Times (Mỹ) đã nhận định khi bầu chọn Hồng Y GIOOC-DƠ MA-RI-Ô BEC-GÔ-GLI-Ô, 76 tuối, làm giáo hoàng thứ 266 đã thể hiện quyết tâm mang tính lịch sử của Hội Đồng Hồng Y là : cải tạo Giáo Hội Công Giáo trước nhiều áp lực hiện tại. Đức Giáo Hoàng PHAN-XI-CÔ được kỳ vọng sẽ mang lại sự cởi mở mạnh mẽ hơn cho Giáo Hội Công Giáo.
Ngài được sinh ra trong một gia đình nhập cư gốc Ý tại thủ đô BUENOS AIRES (Argentina), nổi tiếng là một người khiêm nhường, luôn lên tiếng bênh vực người nghèo và có một cuộc sống cần kiệm khiêm tốn.
Vị Tân Giáo hoàng đã bay đến thủ đô RÔ-MA nước Ý để tham dự Mật nghị Hồng Y bằng vé máy bay hạng du lịch rẻ tiền. Sau đó ngài cũng đã kêu gọi người dân ÁC-HEN-TI-NA hãy chia sẻ số tiền vé máy bay cho người nghèo, thay vì phải bay đến Rô-ma để chúc mừng ngài. Tờ New York Times đã dẫn lời linh mục FÊ-ĐÊ-RI-CÔ LOM-BÁC-ĐI, phát ngôn viên của Vatican, cho biết Giáo hoàng PHAN-XI-CÔ đã có một hành động khiêm tốn là đã gọi điện cho vị Giáo hoàng tiền nhiệm BÊ-NÊ-ĐÍCH-TÔ ngay sau khi vừa được Mật Nghị bầu chọn làm Giáo Hoàng.
Một phát ngôn viên khác của Vatican, linh mục THO-MAS RO-SI-CA, cũng thuật lại về cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ trong Ngày Giới Trẻ Thế giới (World Youth Day) ở CA-NA-DA cách đây 10 năm. Khi đó, Đức Giáo Hoàng đang là Tổng giám mục BU-E-NOS AI-RES cho biết : ngài đã bán ngôi biệt thự dành riêng cho Tổng giám mục để ra sống ở một căn hộ giản dị bên ngoài Tòa Tổng giám mục. Ngài cũng tự nấu ăn và thường đi lại bằng xe buýt, thay vì đi xe hơi công vụ.
Khi Đức Giáo Hoàng PHAN-XI-CÔ mới được bầu chọn, Tổng thống Mỹ BA-RACK O-BA-MA là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đã gửi lời chúc mừng ngài. Từ Nhà Trắng, ông đã phát biểu về vị Tân Giáo Hoàng như sau : “Với tư cách là nhà vô địch của người nghèo và những người yếu đuối, Đức Giáo Hoàng đã truyền bá thông điệp của lòng yêu thương và sự cảm thông cho thế giới hôm nay”.

3) EM-MA-NU-EN, THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA :
Một lần kia, Mẹ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA được mời đến thăm nước Ái nhĩ lan. Mẹ đã được mời nói chuyện thân mật với rất đông bạn trẻ tại hội trường thành phố. Trong câu chuyện Mẹ chỉ đơn giản nói về tình yêu của Thiên Chúa nội dung như sau : “Chúa yêu thương các bạn; Ngài luôn đồng hành với các bạn”. Rồi sau đó Mẹ rời thành phố để đi nơi khác.
Rồi vào buổi tối hôm ấy một hồi chuông điện thoại reo vang trong phòng của cha JOHN, vị linh mục chuyên lo cho giới trẻ bị nghiện ngập ma túy. Khi nhấc chiếc điện thoại lên nghe thì đầu giây bên kia là giọng nói quen thuộc của một thanh niên mà trước đây cha đã từng gặp và khuyên anh quay về với Chúa, nhưng anh vẫn cố chấp không nghe. Giờ đây anh nói : “A-lô, con muốn được xưng tội với cha. Con muốn trở về cùng Hội Thánh”. Khi được hỏi lý do anh đã trả lời như sau : “Thưa cha, vì chiều nay con đã được nghe Mẹ Tê-rê-sa khuyên bảo con một lời nói đánh động lòng con rất nhiều. Tuy Mẹ không gặp riêng con, nhưng Mẹ đã nói chung với mọi người trong đó có con, rằng : “Chúa ở với các con”. Nghe thế, vị linh mục càng ngạc nhiên hơn hỏi: “Ủa, đã nhiều lần cha cũng nói với anh như thế, nhưng sao hôm nay anh lại nghe lời Mẹ Tê-rê-sa?” Anh thanh niên chậm rãi giải thích :
- “Thưa cha, vì Mẹ đã nói câu đó phát xuất từ thẳm sâu trong tâm hồn. Mẹ đã nói với con với tất cả con tim yêu thương của mình”.

4. YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ DẤU CHỈ CỦA ĐẤNG EM-MA-NU-EN :
Có một cuốn phim do một đạo diễn sáng tác mang ý nghĩa rất phù hợp với mầu nhiệm Thiên Chúa ở cùng chúng ta như sau :
Một Đức Giáo Hoàng kia không thích lễ nghi rườm rà trong Tòa Thánh Vatican nên đã cải trang ra khỏi điện Va-ti-can và đi lạc đến một ngôi làng hẻo lánh nghèo khó cách xa thành phố, đang bị bệnh dịch hoành hành bị cách ly với bên ngoài. Trong làng gần nhà thờ có một cái giếng ngầm cung cấp nước cho dân làng bằng cái cối xay gió. Nhưng bấy giờ cối xay gió đang bị hư và không ai biết sửa đành phải bỏ không. Cuộc sống của dân làng rất khổ cực khiến giáo dân chỉ lo chữa bệnh nên không ai đến nhà thờ dự lễ Chúa Nhật và nhà thờ bị bỏ hoang. Rồi chính Linh mục chính xứ do thất nghiệp nên đã bỏ nhà thờ đi chăn cừu cho một nhà giàu. Trước hoàn cảnh đó, Đức Giáo Hoàng đã dấn thân khôi phục: kêu gọi dân làng làm vệ sinh môi trường cho khu nhà thờ bằng việc hốt rác, tiếp xúc với những trẻ em bụi đời, và động viên nhiều người cùng nhau sửa lại cối xay gió kéo nước ngầm cho dân làng. Sau một thời gian làm việc vất vả với rất nhiều khó khăn, cuối cùng cối xay gió đã được sửa chữa và bơm nước lại. Cho tới lúc đó dân làng mới biết Ngài chính là Giáo hoàng bị mất tích và đã được đón về Tòa Thánh.
Cuốn phim kết thúc với cảnh Đức Giáo Hoàng chủ tọa một Thánh lễ có rất đông người tham dự, trong đó có dân chúng của cái làng nghèo khổ kia và cả vị Linh mục chính xứ đã quay về nhà thờ để ở với đoàn chiên là giáo dân của mình.
Bài học đạo diễn muốn nói qua cuốn phim là : Nếu Hội thánh chỉ sinh hoạt bằng lễ nghi tại nhà thờ thì sẽ dần xa lìa quần chúng và quần chúng cũng dần lìa bỏ Hội thánh. Nhưng nếu Hội thánh biết dấn thân yêu thương bằng sự phục vụ các nhu cầu thiết thực của họ, thì quần chúng cũng sẽ gắn bó với Hội thánh. Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng sinh làm người, trở thành EM-MA-NU-EN nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta", thì Hội thánh cũng phải « ở cùng các tín hữu » và mỗi tín hữu chúng ta cũng phải biết quan tâm đến các nhu cầu của tha nhân và khiêm tốn dấn thân phục vụ họ.

3. SUY NIỆM :
Chúa Nhật thứ Bốn Mùa Vọng hôm nay trình bày cho chúng ta biết phải chuẩn bị tâm hồn thế nào để đón Chúa đến qua tấm gương vâng phục và sống công chính của thánh Giu-se? Mỗi người chúng ta sẽ phải làm gì để sống chan hòa phục vụ tha nhân, nên giống Đấng Em-ma-nu-en, đã đến ở giữa chúng ta để nêu gương yêu thương và phục vụ chúng ta?

1) GIU-SE, ĐẤNG CÔNG CHÍNH CỦA THIÊN CHÚA :
Công chính theo nghĩa Thánh Kinh là luôn tuân giữ Lề Luật của Chúa và cư xử với tha nhân trong tinh thần công bình và ngay chính :
+ Giu-se luôn cư xử công bình : Ông không hề nghi ngờ Ma-ri-a đã phạm tội ngoại tình, vì hoàn toàn tin tưởng vào sự trong sáng của Ma-ri-a, nên đã “không tố cáo bà”.
+ Giu-se cũng là một người ngay chính : Sự ngay chính biểu lộ qua việc ông không làm lễ rước cô dâu Ma-ri-a về nhà, không dám nhận thai nhi trong lòng Ma-ri-a là con đẻ của mình và ông dự định sẽ âm thầm rút lui khi chưa hiểu biết thánh ý của Thiên Chúa.

2) GIU-SE, ĐẦY TỚ TRUNG TÍN LUÔN XIN VÂNG Ý CHÚA :
+ Tin Mừng Mát-thêu đề cập đến việc sứ thần đến truyền tin cho ông Giu-se trong giấc mộng. Sứ thần đã đánh tan sự bối rối của Giu-se khi nói cho ông biết nguồn gốc thần linh của Thai Nhi trong lòng Ma-ri-a.
+ Sứ thần còn lệnh cho Giu-se làm ba việc để cộng tác vào chương trình cứu độ : Một là “đón Ma-ri-a về nhà” làm vợ để Ma-ri-a khỏi bị tiếng oan. Hai là tôn trọng lời khấn dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa bằng việc “không ăn ở với bà”. Ba là “đặt tên con trẻ là Giê-su” để thừa nhận trẻ Giê-su là con của mình, hầu tránh cho Đức Giê-su khỏi bị người đời khinh dể, như Tin Mừng Lu-ca viết : “Khi Đức Giê-su khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giu-se” (Lc 3,23).
+ Ngoài ra, Giu-se cũng nêu gương tuân giữ Luật Chúa : Dâng con đầu lòng vào Đền thờ sau khi trẻ Giê-su sinh ra được bốn mươi ngày, rồi hai ông bà chuộc lại bằng một cặp chim gáy hay bồ câu con. Rồi mỗi năm, Giu-se đều đưa Đức Ma-ri-a và trẻ Giê-su hành hương về Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua như Luật dạy (x. Lc 2,41-52).
Thánh Giu-se chính là mẫu gương đạo đức Mùa Vọng cho các tín hữu chúng ta. Mỗi người chúng ta hãy học với Thánh Giu-se luôn lắng nghe Lời Chúa và mau mắn thi hành ý Chúa. Nếu chúng ta vâng phục và hoàn toàn tin thác trong tay Chúa quan phòng noi gương thánh Giu-se, chúng ta cũng sẽ được nên công chính giống như ngài.

3) MỖI TÍN HỮU PHẢI TRỞ THÀNH « EM-MA-NU-EN » CHO THA NHÂN :
Thiên Chúa vì yêu thương đã tạo dựng nên vũ trụ vạn vật “vì và cho » loài người. Ngài luôn quan phòng để mọi tạo vật được tồn tại và tiến hóa theo thánh ý Ngài. Ngài còn hiện diện ở với loài người qua Thánh Kinh, để dạy dỗ loài người nhận biết tin thờ và vâng theo thánh ý của Ngài. Nhất là Ngài còn sai Con Một nhập thể làm người, trở thành Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, để ban ơn cứu độ cho loài người chúng ta.
Trong những ngày chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, mỗi người chúng ta cần nhận ra Đức Giê-su là Đấng “Em-ma-nu-en”, đang ở với chúng ta qua tha nhân, nhất là qua những người nghèo khó, đau khổ, tật bệnh và đang bị bỏ rơi… để mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn phục vụ họ như phục vụ chính Chúa Giê-su. Đây là điều kiện để chúng ta đón nhận được ơn cứu độ do Đấng Thiên Sai mang đến cho chúng ta.

4. THẢO LUẬN : Trong những ngày Mùa Vọng này, bạn quyết tâm làm gì để trở thành một người công chính noi gương thánh Giu-se? Bạn sẽ ứng xử thế nào đối với những người nghèo hèn là hiện thân của Đấng EM-MA-NU-EN?

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con biết hy sinh quên mình để lo công việc của Chúa noi gương Thánh Cả Giu-se trong Tin Mừng hôm nay. Xin cho chúng con sẵn sàng làm theo ý Chúa, sống khiêm nhường và luôn tin cậy phó thác vào Chúa Quan Phòng.
Noi gương Mẹ Ma-ri-a khi xưa sau khi thụ thai Hài Nhi Giê-su đã bị người đời nghi kỵ hiểu lầm, nhưng Mẹ vẫn một lòng cậy trông vào Chúa, cho chúng con trong những giờ phút đen tối bị người thân hiểu lầm, bị người chung quanh xa lánh, cũng biết tín thác vào Chúa quan phòng. Chúng con tin chắc rằng Chúa cũng sẽ kíp thời giải oan và sẽ “biến sự dữ ra sự lành” như Mẹ khi xưa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Hiệp thông cùng chung sống
Lm. Nguyễn Xuân Trường
07:08 16/12/2022

HIỆP THÔNG CÙNG CHUNG SỐNG

Hội Thánh đang tha thiết mời gọi dân Chúa sống hiệp thông. Trong nhịp bước Hội Thánh hiệp hành thì Phúc Âm tuần này cho thấy những mẫu gương của hiệp thông: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Ngôi Hai Thiên Chúa đến hiệp thông ở cùng nhân loại, và Chúa muốn nhân loại sống cùng nhau trong tình thương của Chúa.

1. Chúa sống cùng con người. Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu luôn thúc đẩy người ta ở gần nhau, sống cùng nhau. Thế nên, Thiên Chúa từ trời cao đã xuống thế làm người ở cùng nhân loại, Ngài là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Con người thường bảo phải sống hiệp thông với Thiên Chúa, nhưng thực sự, Thiên Chúa đã chủ động đi bước trước để sống hiệp thông cùng con người, hiệp thông gần gũi đến độ Thiên Chúa ở trong lòng dạ một con người là Mẹ Maria. Thiên Chúa giờ đây hiệp thông chung một dòng máu, chung một hơi thở, chung một sự sống cùng con người.

2. Con người sống cùng nhau. Nhờ sống hiệp thông với Chúa thì con người sẽ dễ hiệp thông với nhau vì Chúa là tình yêu, vì Chúa là Cha ôm ấp tất cả chúng ta là anh chị em con một cha, cùng một nhà. Nếu sống theo ý mình, thì Giuse đã định tâm lìa bỏ Maria, nhưng sống theo ý Chúa, thì Giuse đã đón Maria về nhà. Giuse và Maria đã sống hiệp thông cùng nhau trong Chúa. Đây là mẫu gương và nền tảng hiệp thông cho các gia đình và cộng đoàn.

Đại lễ Chúa Giáng Sinh đã gần kề. Chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria và Thánh Giuse vâng nghe Lời Chúa qua việc chăm chỉ nghe, đọc và suy niệm Kinh Thánh, vui mừng đón Chúa ngự vào lòng qua việc siêng năng tham dự bí tích Thánh Thể, sống hiệp thông với nhau bằng những nghĩa cử yêu thương gắn bó như thánh Giuse đón Mẹ Maria về nhà. Như vậy, mừng Chúa giáng sinh là sống hiệp thông bằng cách mở lòng ra đón nhận Chúa và đón nhận nhau. Như thế thì mỗi người, mỗi gia đình sẽ dạt dào tình Chúa, chan chứa tình người, đời tươi hạnh phúc. Amen.
 
Emmanuel – Câu Chuyện Được Viết Tiếp
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:57 16/12/2022
Emmanuel – Câu Chuyện Được Viết Tiếp

(Chúa Nhật 4 MV năm A 2022)

Sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật 4 Mùa Vọng (Chu kỳ Năm A) gần như một “khúc dạo đầu” (Prelude) của “Đại hòa khúc Giáng Sinh” (Symphony) mà toàn thể Dân Kitô giáo sẽ long trọng cử hành vào đêm 24 thứ Bảy cuối tuần và ngày Chúa Nhật 25.12 sắp tới.

Sở dĩ nói thế vì trọng tâm ý nghĩa của các Bài Đọc Lời Chúa Chúa Nhật này tập trung vào mầu nhiệm “Emmanuel” (Thiên Chúa ở cùng chúng ta), mầu nhiệm được chính thiên sứ mặc khải cho Giuse trong giấc mộng (Tin Mừng Matthêu) khi trích lại chính lời tiên báo của ngôn sứ Isaia thời Cựu ước (Bđ 1): “Một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Vâng, Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta chính là trọng tâm của Đại lễ Giáng Sinh, của tín điều Thiên Chúa Nhập Thể trong kho tàng đức tin Kitô giáo, cho dù trong dịp mừng đại lễ nầy, những kẻ vô thần, những kẻ chống đạo Kitô, những kẻ “cơ hội chủ nghĩa chính trị hoặc kinh tế” mặc sức và tha hồ tuyên truyền và quảng cáo một thứ “lễ hội Noel không có Thiên Chúa”, một “lễ hội Noel trần tục chỉ để vui chơi, buôn bán, giải trí…”.

Và để cắt nghĩa “dung mạo của Đấng Emmanuel” đó, và trình bày “ý nghĩa cuối cùng của việc đón mừng Giáng Sinh”, Giáo Hội đã tóm tắt trình bày trong đoạn Kinh Tiền Tụng II của Mùa Vọng được Phụng vụ chọn đọc kể từ hôm 17.12: “Người là Đấng các tiên tri loan báo, Đức Mẹ đồng trinh đã cưu mang với tình yêu khôn tả, thánh Gioan đã loan tin sắp đến và chỉ cho thấy khi Người xuất hiện. Người là Đấng làm cho chúng con hân hoan đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh; để khi Người đến sẽ thấy chúng con đang tỉnh thức và hân hoan ca tụng Người”.

Thế nhưng, câu chuyện Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, thật ra, đã có hay bắt đầu ngay từ thuở “tổ tông loài người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng” bởi cái tội muốn loại trừ Thiên Chúa qua hành vi “nghe ma quỷ xúi dục ăn trái cấm” (St 3, 1-19.23-24). Và cho dù, suốt một lịch sử dài lâu bước đi trong một thế giới với “đất đai đã bị nguyền rủa và trở nên gai góc” (St 3, 17-18), một thế của chiến tranh, hận thù, huynh đệ tương tàn, chia rẽ bất công…(Cain giết Abel, tháp Baben, nô lệ Ai Cập…) vì “vắng bóng Thiên Chúa”, thì Thiên Chúa vẫn thấp thoáng đâu đó như một “Đấng Emmanuel giấu mặt”: “Ta đã thấy nỗi khổ của Dân Ta và Ta muốn giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập” (Xh 3,5).

Và không chỉ “thấy” và “muốn” mà trong bao nhiêu chuyện kể của những trang dài Cựu ước, Thiên Chúa đã ra tay hành động để con người qua dân tộc Israel nhận ra: quả thật Ngài đang có mặt, đang hiện diện, đang đồng hành với thế nhân như một Đấng Emmanuel, mà ký ức về cuộc hành trình về đất hứa chính là một minh họa rõ nét: Thiên Chúa là Đấng Emmanuel khi hóa thành cột lửa, cột mây huy hoàng đi trước, đi sau, hay lựa chọn sự hiện hữu khiêm tốn của “Hòm Bia Giao Ước” để đồng hành suốt ngàn dặm hành trình của Dân Israel cho tới khi đạp chân lên Đất Hứa. Và cụ thể hơn nữa, đã thông báo ngày xuất hiện chính thức của Đấng Emmanuel qua môi miệng ngôn sứ Isaia: “chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Bđ 1).

Và hơn 600 năm sau lời tiên báo đó, “Thiên Chúa Đấng Emmanuel” chính thức vào đời khi nhập thể trong lòng người Trinh Nữ Maria bởi quyền năng Thánh Thần, như tin mừng Matthêô hôm nay thuật lại: “Hỡi Giuse, con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”....”.

Và rồi, Vị “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta” đó, Đấng Emmanuel đó không chỉ “cắm lều ở giữa nhân loại” nội trong một ngày, một tháng, một năm... mà là 33 năm tròn, từ hang Bêlem, đến mái nhà Nadarét, từ dòng sông Giođanô đến núi Tabo, từ hội trường Capharnaum đến bờ giếng Giacóp, từ lòng thuyền chao đảo của Phêrô giữa biển hồ Tibêriat đến đền thờ hoa lệ Giêrusalem và từ đêm đen cô đơn nơi vườn Cây Dầu đến lúc hấp hối trên Đồi Sọ...

Ngài đã “ở giữa loài người” quá sát, quá thấp, quá gần đến độ những người bị xã hội ruồng rẫy xa lánh, kết án như Matthêô, Gia Kêu, những người đàn bà tai tiếng... vẫn cứ đồng bàn thân mật chén thù chén tạc hay có thể “sờ đụng”, tiếp cận mà không một chút hỗ ngươi mặc cảm… Và suốt hai ngàn năm nay, Đức Giêsu-Kitô vẫn mãi mãi là “Emmanuel” qua Thân Mình mầu nhiệm của Ngài là Hội Thánh, và qua những con người, những thân phận bị bỏ rơi, cùng khốn như khi Ngài phán dạy qua dụ ngôn “ngày Tận thế”: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi cho đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40); nhất là qua Nhiệm tích Thánh Thể, khi Ngài hiện diện trong Tấm Bánh và Ly Rượu được chính các bàn tay linh mục hiến thánh: “Nầy là Mình Ta, nầy là Máu Ta…”.

Những ngày cuối cùng của Mùa Vọng tiến sát lễ Giáng Sinh, Phụng vụ như muốn giục giả chúng ta lên đường đi gặp gỡ Đấng Emmanuel mà Phụng vụ sắp sửa một lần nữa làm cho cuộc “Nhập thể-Giáng Sinh” của Ngài lại trở thành hiện thực.

Quả vậy, từ lời “xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria khi đón nhận lời sứ thần Gabrien truyền tin, đến việc Thánh Giuse “đón nhận Maria về nhà mình” phải chăng Phụng vụ muốn nêu lên những mẫu gương đức tin cho nhân loại noi theo để luôn biết mở lòng ra đón nhận chính Đấng Emmanuel vào cuộc sống. Chính nhờ hành vi lịch sử nầy, mà nói theo ngôn ngữ bóng đá, Giuse đã có “cú chuyền banh thật đẹp để Thiên Chúa đưa Con Một Ngài vào lưới nhân gian”, để thế gian từ nay sáng lên hồng ân cứu rỗi, để thế giới là “thung lũng nước mắt”, là “sa mạc hoang vu”, là “miền đầy bóng tối âm u sự chết”… trở thành những con đường đầy hoa và suối nước, trở thành một “thế giới rực lên ánh sáng của hòa bình” (Is 9, 2-7).

Giáng Sinh năm nay lại trở về trong một thế giới đang hoang mang lo lắng trước chiến cuộc ở Đông Âu mà lò lửa Ukraina đang hừng hực mỗi ngày mang theo bao đau thương, nước mắt, đổ vỡ, tàn phá… Sự kiện nầy lại khiến chúng ta không quên: Đã biết bao nhiêu lần lịch sử của nhân loại đã rơi vào thảm kịch kinh hoàng khi cả gan chối từ Thiên Chúa, muốn gạt phét Ngài ra khỏi cuộc đời, khỏi thế giới. Thừa hưởng chủ trương “giết chết thượng đế” của Nietzsche (1844-1900), chủ nghĩa phát-xít Đức đã tiêu diệt bao nhiêu triệu con người trong thế chiến thứ II. Cũng thế, chính chủ nghĩa vô thần, phủ nhận Thượng Đế của Karl Marx-Engel đã xô đẫy bao nhiêu sinh linh vào nỗi oan khiên chết chóc mà “Cách mạng Văn hóa” ở Trung Hoa thời Mao Trạch Đông hay “cánh đồng chết” ở Campuchia thời Pônpốt là những ký ức kinh hoàng chưa phai nhòa trong tâm thức nhân loại…!

Riêng, đối với chúng ta, những người Kitô hữu, những gia đình tin nhận Đức Kitô là Đấng Emmanuel, trong những ngày, cần thể hiện niềm tin đó để mừng đại lễ Giáng Sinh cách cụ thể khi:

- Người vợ sẽ nhìn thấy Đấng Emmanuel trong những vất vả, khổ cực của chồng để sắt son chung thủy, và chồng thấy Đấng Emmanuel trong bao nhiêu hy sinh, tần tảo sớm hôm của vợ để yêu thương chăm sóc, đỡ nâng.

- Con cái nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cha mẹ để hiếu thảo kính yêu, vâng lời lễ độ.

- Bạn bè nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cuộc đời của nhau để mà sống tử tế, phục vụ và chia sẻ...

- Mọi người nhìn thấy Đấng Emmanuel trong mỗi giờ kinh nguyện, trong Thánh lễ mỗi ngày, trong nhà tạm với chiếc đèn hiu hắt, trong tòa giải tội để đợi chờ thứ tha, trong cộng đoàn để hiệp thông…

Và như thế, Lễ Giáng Sinh của chúng ta, của những người Kitô hữu, sẽ không trở thành một lễ hội ăn chơi đua đòi mà là một gặp gỡ đổi đời nên thánh…

Vâng, Emmanuel là “câu chuyện được viết tiếp”, là “Tin Mừng cần được sống, và làm chứng” như cảm nhận và sẻ chia của Thánh Phaolô Tông Đồ: “Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa… quy phục mọi dân tộc về Đức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi.”; hay như niềm xác tín của mẹ thánh Têrêsa Calcutta: “Họ cứ ngước mắt lên đi, họ chẳng còn thấy con đâu, mà thấy Chúa, chính Chúa, Chúa Giê-su của con…”. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Đến để được tháp nhập
Lm. Minh Anh
15:40 16/12/2022

ĐẾN ĐỂ ĐƯỢC THÁP NHẬP
“Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Matthêu ghi lại gia phả của Chúa Giêsu, một trong những bản văn khô khan nhất. Thế nhưng, thật thú vị, ngoài gia phả của Chúa Giêsu, Thánh Kinh còn có gia phả của Ađam! Không tin, bạn hãy đọc Sáng Thế chương 5. Cả hai tạo nên một tương phản vô cùng độc đáo! Gia phả của Ađam là hồ sơ về những cái chết; gia phả của Chúa Giêsu, hồ sơ về những cuộc sinh ra! Một bên, các từ “rồi chết”, “rồi chết”; bên kia, “sinh ra”, “sinh ra” lặp đi lặp lại hàng chục lần. Và dẫu ai rồi cũng chết, nhưng từ “chết” tuyệt đối không có trong gia phả của Chúa Giêsu!

Vậy tên bạn được ghi trong gia phả của Ađam hay trong gia phả của Giêsu? Branon nói, “Không ai dám bảo, tôi không cần được cứu chuộc, vì tất cả phải ‘đến để được tháp nhập’ vào gia đình của Chúa Kitô bằng đức tin; nhờ đó, có một cuộc sống mới bên trong. Ơn cứu độ thay đổi gốc gác của bạn và tôi, từ một cội nguồn chết chóc nay là cội nguồn bất tử; vì nó phát xuất từ tình yêu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tất cả phải ‘đến để được tháp nhập!’”. Đó là thông điệp của Phúc Âm hôm nay, và dẫu đây là một bản văn khó giải thích, thông điệp của nó vẫn thật mạnh mẽ! Nó khẳng định rằng, nhờ Chúa Giêsu, nguồn gốc của chúng ta thay đổi. Từ cung lòng Chúa Cha, Chúa Giêsu xuống thế làm người, mời gọi chúng ta ‘đến để được tháp nhập’ vào Ngài hầu được ‘thông phần thần tính’ Thiên Chúa!

Nhiều người cố gắng truy tìm gia phả dòng họ mình; Chúa Giêsu không cần điều đó! Và nếu có một điều gì có thể gọi là “đá góc” của cuộc đời Ngài, thì đó là việc Ngài nhận thức rằng, Ngài đến từ Chúa Cha, chủ tể muôn loài; xuống trần, mang lấy phận người để cứu con người. Và quan trọng hơn, nhờ Ngài, chúng ta biết mình cũng đến từ Chúa Cha; và mỗi người có cùng một sứ mệnh phải hoàn thành ở đây, trên trái đất này. Và đây là điều mang lại ý nghĩa cho toàn bộ sự tồn tại của mỗi người: ‘đến để được tháp nhập’ vào Chúa Kitô và cùng Ngài, mở rộng Vương Quốc!

Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu tín thành! Ngài hứa cho Abraham là “tổ phụ nhiều dân tộc”. Trong bài đọc Sáng Thế hôm nay, Giacóp nói, “Phủ việt sẽ không cất khỏi Giuđa, cho đến lúc Đấng Thiên Sai ngự đến”; Thánh Vịnh đáp ca cũng xác nhận, “Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị đến muôn đời”. Tất cả cho thấy, Thiên Chúa luôn thành tín với điều Ngài hứa. Lời hứa ban Đấng Thiên Sai hiện thực nơi Chúa Giêsu, con Đavít, con Abraham; Ngài là Đấng mà Phêrô về sau, sẽ tuyên tín, “Ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ!”. Sự cứu độ con người được thực hiện qua Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta ‘đến để được tháp nhập’ vào Ngài; nó phát xuất và kết thúc trong tình yêu đúng như tên gọi “Giêsu” của Ngài, có nghĩa là “Cứu Chúa!”.

Anh Chị em,

Thiên Chúa không để lịch sử loài người kết thúc trong bi thảm, Chúa Giêsu đã đến, giúp con người lấy lại sự vĩ đại của nó; Ngài mời gọi chúng ta đến với Ngài, để Ngài có thể nâng chúng ta lên một tầm cao mới, nên con trai, con gái của Thiên Chúa. Vì thế, trong gia phả của Chúa Giêsu; đúng hơn, trong kế hoạch yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa, đã có tên bạn và tôi! Đức Bênêđictô 16 nói, “Chúng ta không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên và vô nghĩa, nhưng bắt nguồn từ suy tư và ý muốn của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta được mong đợi, được yêu thương bởi Ngài”. Vậy tại sao chúng ta không làm cho đời mình vĩ đại như Thiên Chúa ước mơ? Hãy chiêm ngắm Mẹ Maria và các thánh, những con người thuộc mọi đấng bậc, qua mọi thời, đã làm cho gia phả Chúa Giêsu nên rạng rỡ. Mùa Vọng, mùa nghĩ về nguồn cội và căn tính đời mình; mùa tạ ơn vì đã được ‘đến để được tháp nhập’ vào Chúa Kitô, hầu có thể bước đi với con tim tràn đầy hy vọng và đôi chân vững chải, tín thác vào tình yêu Chúa. Mùa Vọng còn là mùa lên đường mở rộng Vương Quốc!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, cho con mỗi ngày, luôn ‘đến để được tháp nhập’ gắn kết hơn với Chúa; không phải trên danh nghĩa, nhưng trong việc luôn tìm kiếm và làm theo ý muốn của Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
23:02 16/12/2022
Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta

(CN IV Mùa Vọng A)

Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đây thật là niềm mơ ước bất tận của con người nếu có niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là căn nguyên và là cùng đích của mọi vật, mọi loài. Trong cuộc sống, nhất là trong cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, không biết bao lần chúng ta chúc nhau đuợc Thiên Chúa ở cùng: “Chúa ở cùng anh chị em – Và ở cùng cha”. Xin được chia sẻ đôi nét về sự biểu hiện của tình trạng được có Thiên Chúa ở cùng.

1. “Kính chào bà đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28).

Dựa trên lời chào chúc của sứ thần Gabriel với Mẹ Maria ta có thể chắc chắn rằng Mẹ chính là người được Chúa ở cùng. Tình trạng có Chúa ở cùng này được trình bày như là tình trạng “đầy ân sủng”. Một tâm hồn đầy ân sủng Chúa là tâm hồn được “rợp bóng” Thánh Thần, là Tình Yêu bản vị giữa Chúa Cha và Chúa Con, một Tình yêu hoàn toàn “hướng tha”. Chính vì thế người đầy ân sủng là người luôn lấy lợi ích của tha nhân làm mục đích của lẽ sống, của mọi hành vi của mình.

2. “Đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình…người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel (Mt 1,20-23).

Đón nhận nhau là một trong những nghĩa cử yêu thương. Đã yêu thì không chỉ đón nhận những gì dễ yêu, những gì đáng thương hay thích hợp với mình mà còn đón nhận cả những gì khó yêu, những điều mình chẳng muốn. “Thương cả đuờng đi” thì mới là thương yêu thật sự. Đón nhận cả những gì mà lòng mình không mong và nhiều khi còn đang hiểu lầm cách nào đó hoặc chưa hiểu rõ thì mới là tình yêu cách vô cầu, không tính toán.

Dù chỉ được Sứ Thần tỏ bày qua một giấc mơ thế mà Giuse đã mau mắn “tiếp nhận bạn mình”. Động thái tiếp nhận nhau như là bạn hữu đòi hỏi chúng ta từ bỏ mình và tự hủy mình một cách nào đó. Khi đón nhận các môn đệ thành bạn hữu của mình Đức Kitô đã từ bỏ tước vị là Thầy, đã tự hủy thân phận là Chúa của mình (x.Ga 13). Khi đón nhận Maria và Con trẻ trong dạ về nhà, Giuse đã từ bỏ kế hoạch riêng của mình trước đó là: “không muốn tố giác Mẹ và định tâm lìa bỏ Mẹ cách kín đáo”(x.Mt 1,19). Và chắc chắn thánh nhân tự nguyện hy sinh vị thế làm cha ruột của Con Trẻ.

Tin Mừng tường thuật “khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Sứ Thần truyền” (Mt 1,24). Việc thánh Giuse đón nhận Maria về nhà làm bạn cũng chính là việc Ngài đón nhận chương trình của Thiên Chúa trong niềm tin được thể hiện bằng tấm lòng thành và tinh thần trách nhiệm.

3. “Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu” (Mt 1,21).

Theo Thánh kinh, việc đặt tên có ý nghĩa rất quan trọng. Tên là người và tên cũng là sứ mạng. Vì thế người đặt tên là người có trách vụ hướng dẫn và đào tạo. Khi dẫn các con vật đến với Ađam để Ađam đặt tên cho chúng, Thiên Chúa đã trao phó trách nhiệm cai quản, huớng dẫn muôn loài cho con người (x.St 2,19). Thánh Giuse đã dùng gương sáng, lời nói, hành vi của mình để dạy dỗ, hướng dẫn con trẻ thành một Giêsu, Đấng cứu nhân độ thế. Dữ liệu Tin Mừng cho thấy nhân cách và lối hành xử của Chúa Giêsu mang đượm dấu ấn của thánh Giuse. “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng vậy”(x.Ga 5,17). “Lương thực của Ta là làm theo thánh ý Cha Ta trên trời”(x.Ga 4,34). “Ta không làm điều gì mà không nhìn việc Cha Ta làm”(x.Ga 5,19). Thái độ, hành vi, cung cách ứng xử của Đấng Cứu Thế chắc hẳn có sự góp phần không nhỏ của thánh Giuse.

Có Emmanuel, có Thiên Chúa ở cùng chúng ta chính là hạnh phúc đích thật. Hạnh phúc ấy chính là tình trạng khi chúng ta hết lòng vì thiện ích của tha nhân trong sự quên mình. Để có được điều này tiên vàn hãy biết tiếp nhận nhau với toàn vẹn con người của nhau, cả nhưng ưu điểm lẫn những hạn chế của nhau và đồng thời biết nỗ lực dệt xây cho đời những con người luôn nhiệt tâm cứu nhân, độ thế.

Trước tòa án phong thánh cho Cha Gioan Maria Vianey, một cụ già đã đặt tay trên Thánh Kinh và khẳng định rằng: “Con đã nhìn thấy Thiên Chúa nơi một con người”. Mong sao không phải đợi đến những dịp phong thánh mà ngay trong cuộc sống thường nhật người ta, bà con tín hữu lẫn anh em lương dân hay khác đạo có thể thốt lên rằng: “Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

 
CN 4A-Vọng : Ba điều GIUSE cho GIÊSU
Lm Alf Nguyễn Công Minh
23:04 16/12/2022
CN 4A-Vọng : Ba điều GIUSE cho GIÊSU

Tuy dành rất ít đất cho Giuse (*) trong các sách Tin Mừng, nhưng vai trò của thánh Giuse trong chương trình của Thiên-Chúa-làm-người khá quan trọng. Có người mạnh miệng nói, rất quan trọng ! Ta chỉ dùng, quan trọng. Quan trọng vì Giuse cho Giêsu 3 điều : (1) cho Giêsu được sống (2) trong gia đình (3) thuộc hoàng tộc.

1. Cho Giêsu được sống

Nếu không có Giuse, Giêsu không chào đời được. Bởi chẳng cần đợi đến ngày chào đời, khóc một tiếng rồi chết, mà ngay khi còn trong dạ mẹ, Giêsu đã bị ném đá chết cùng với mẹ mình là Maria. Một người nữ chưa về nhà chồng mà có thai với ai đó, Việt Nam ta cạo trọc đầu bôi vôi, nhưng luật Môi-sê là : đem ra ngoài thành ném đá cho đến chết.

Thế kỉ 21 rồi, mà luật Hồi Giáo cũng mạnh tay như vậy, khi tại Nigeria bà kia có thai, cương quyết không khai tác giả, bị toà sơ thẩm kết án tử hình. May sao nhờ sự can thiệp của quốc tế, kể cả của ĐGH, và Tổng Thống sở tại hứa xem xét, nên toà cao hơn đã tha bổng. Tôi có lưu lại mẩu tin cùng với hình của bà ôm đứa nhỏ khóc vì vui, nhưng đêm qua tìm lại mãi không thấy vì bà nấp đâu kỹ quá (trong máy vi tính) !

Còn Maria thì không thể nấp kỹ được, nên chỉ còn lãnh đá ném, nếu Giuse không đem Maria về nhà mình. Thế là Giuse đã cho Giêsu sống.

Tại một sa mạc bên Phi Châu, tu sĩ Caretto, Dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu, nghe biết có cô gái kia khoảng 14 tuổi mà đã được nhắm để gả cho một chàng trai cách trại bố mẹ cô khá xa. Trong thời gian chờ đợi ngày cưới đến, cô gái vẫn tiếp tục đi kín nước và làm việc nội trợ như thường. Bẵng một thời gian khoảng 2 năm sau, tình cờ tu sĩ Caretto gặp bố cô gái. Tu sĩ hỏi xem con gái của ông đã về nhà chồng chưa. Bố cô gái bối rối không muốn trả lời. Chiều đến khi đi kín nước tại lưu vực cách trại vài trăm mét, tu sĩ Caretto đã gạn hỏi người đầy tớ của bố cô gái. Người đầy tớ này cũng không dám lên tiếng trả lời, mà chỉ ra hiệu cho biết: cô gái ấy đã bị bóp cổ chết (Châu Phi không có tục ném đá). Tại sao vậy?

Vì người ta đã khám phá ra cô gái ấy có thai trong thời gian chờ ngày về nhà chồng, nên vì danh dự, người ta đòi buộc cô sự hy sinh vừa nói, cô bị bóp cổ chết. Một cái chết giết luôn hai sinh mạng: cô gái và thai nhi trong bụng. Nhưng nếu có một Giuse nào đó đứng ra, chắc cô và con cô không chết.

Nhiều bộ tộc, và cả một số làng bên Ấn Độ hiện nay, người cha sẽ đích thân giết con gái của mình ngay, nếu cô ta có thai trước ngày cưới. Họ xem đó là vì danh dự, vì lệnh, vì luật ! Còn trường hợp Maria nhờ Chúa quan phòng cho có Giuse, nên Giêsu được sống.

2. Cho Giêsu được sống trong gia đình

Nếu thời đó (thời Maria-Giuse) có sự can thiệp của quốc tế, -một chữ "nếu" chẳng bao giờ xảy ra-, mà Maria không bị ném đá, khi Giuse lìa bỏ Maria cách kín đáo, thì thử hỏi Maria có sống nổi không khi nhà cửa chẳng giàu có gì, khi Nazaret quê hương là một thôn làng chẳng ai biết đến, như Natanael : Nazaret nào có chuyện gì lạ hay !

Bởi thế nếu không có Giuse, thôn nữ Maria sinh ra Giêsu, biết lấy ai làm chỗ dựa. Có thể là còn ông bà ngoại Gioakim Anna, nhưng đây là ta đã có một chữ “nếu” to tướng, nếu Maria không bị ném đá, Giêsu được sinh ra. Và sinh ra không có cha. Ông bà ngoại đâu phải là cha. Đi học các bạn cùng lớp hỏi “bố mầy đâu,” về nhà Giêsu hỏi : “mẹ, ba con đâu,” Maria biết trả lời sao. Bởi thế, trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, Chúa Cha muốn Con của mình giáng sinh trong một gia đình có cha có mẹ, như chính Ba Ngôi là một gia đình.

Trong gia đình nhân loại, người cha là chỗ dựa cho vợ con. Mà quả Giuse là chỗ dựa thật sự, nhất là khi ấu vương Giêsu trốn chạy qua Ai Cập. Chắc gia đình nào chạy loạn, 68 Mậu Thân, 72 đỏ lửa, 75 loạn ly sẽ thấy được nhà nào có người cha là thấy an tâm hơn. Tôi không nói, nhiều nhà người mẹ đóng vai trò thật xuất sắc khi vắng cha, hay khi người cha không đáng là chỗ tựa. Nhưng bình thường lúc có việc, nơi tựa vững chắc vẫn là người cha.

Thế là vai trò của thánh Giuse đối với Giêsu: cho Giêsu được sống (tuy hơi quá, vì Thiên Chúa mới cho sống !), và cho Giêsu được sống trong gia đình. Và cái “cho” thứ ba là :

3. Cho Giêsu được sống trong gia đình hoàng tộc

Cách đây ít lâu, ta thấy có bài báo đăng tin người cuối cùng của dòng tộc của vua Nguyễn, sống ẩn dật tại Cần Thơ, chứ không phải tại Huế hoàng triều. Giuse coi vậy chứ cũng thuộc dòng dõi vua chúa, và là vua nổi tiếng, Đavit chứ không phải Saulê. (Luca thuật biến cố truyền tin đã nói một trinh nữ thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng tộc vua Đavít. Còn sứ thần nói trong giấc mộng với Giuse của sách Tin Mừng Matthêu thì : Này Giuse, con vua Đavit). Lẽ ra Giuse phải ở tại miền Nam có Giêrusalem là kinh đô, nhưng vì lý do nào đó đã lưu lạc lên phía Bắc, vậy mới đính hôn được với thôn nữ Maria, người Nazaret. Khi kiểm tra dân số, Giuse phải đưa vợ mình là Maria về quê Đavit để khai sổ bộ.

Tại sao lại cần có Giuse để Giêsu nhập hộ hoàng gia. Lý do là lời tiên báo của các ngôn sứ loan rằng Đấng Cứu Thế phải xuất thân từ dòng dõi Đavit, chi tộc Giuđa. Maria nếu bà con gần với Zacaria, chắc thuộc chi tộc Lêvi, còn nếu là bà con gần với Elizabet thì chẳng biết thuộc chi tộc gì. Có người nói, Maria cũng thuộc hoàng tộc Đavit, dẫu vậy, vẫn chưa đủ, vì Israel theo chế độ phụ hệ, quan trọng là người cha. Chính anh sẽ đăt tên con trẻ là Giêsu. Bởi thế cần có một người cha nhân loại, thuộc dòng tộc Đavit, để các lời loan báo về Đấng Thiên Sai (Messia) ứng nghiệm. Cái “cho” thứ ba này nặng kí lắm đối với dân kinh sư và luật sĩ, bị điều họ không chịu nhận ra thôi, chứ nếu Giêsu không thuộc dòng dõi vua Đavit, là họ dễ dàng phi bác cái một. Đây là cái cho về mặt pháp lý, về mặt luật (Kinh Thánh là luật).

Vậy Giuse đã cho Giêsu 3 điều :

-được sống

-được sống trong gia đình

-được sống trong gia đình hoàng tộc.

Ngày nay thánh Giuse cũng cho chúng ta, những người em của anh cả Giêsu nhiều điều. Nhưng đó lại là đề tài của một bài giảng khác. Tuy nhiên những lời xướng trong kinh cầu ông thánh Giuse là một gợi ý đáng giá về những cái cho mà thánh Giuse dành cho chúng ta.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

____________

(*) Trong 4 Chúa nhật chu kỳ ba năm A, B, C của Mùa Vọng (tức 12 bài Tin Mừng của Mùa Vọng), Phụng vụ chỉ nhắc tới Giuse có một lần : CN IV năm A, Truyền tin cho Giuse; hai lần cho Đức Mẹ (CN IV : Năm B và C); nhưng 6 lần cho Gioan Tẩy Giả (CN II và III của cả 3 năm A, B, C) !
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng Phanxicô mừng 53 năm linh mục
Đặng Tự Do
17:33 16/12/2022


Ngày 13 tháng 12 là ngày kỷ niệm thụ phong linh mục lần thứ 53 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Chính tại nhà thờ Thánh Giuse ở Buenos Aires, vào năm 1953, chàng trai 17 tuổi Jorge Mario Bergoglio đã khám phá ra ơn gọi của mình và tuyên bố ước muốn dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa và con người.

Cơ quan thông tin của dòng Salêdiêng đưa ra bản tóm tắt ngắn gọn về ơn gọi của Đức Thánh Cha như sau:

Ơn gọi của ngài bắt đầu từ ngày 21 tháng 9 năm 1953, Lễ Thánh Mátthêu. Lời cầu nguyện ngài viết cho ngày đáng nhớ đó vẫn còn in đậm trong ngài: “Tôi tin rằng trong câu chuyện, được nhìn xuyên qua bởi cái nhìn của tình yêu Thiên Chúa, vào ngày mùa xuân, ngày 21 tháng 9, Ngài đến để mời tôi đi theo. Và tôi hy vọng trong sự ngạc nhiên của mỗi ngày, trong đó tình yêu và sức mạnh, sự phản bội và tội lỗi tự biểu hiện, sẽ luôn đồng hành cùng tôi cho đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với khuôn mặt kỳ diệu mà tôi không biết nó như thế nào, là điều luôn trốn thoát tôi, nhưng tôi muốn biết và yêu thương.”

Khẩu hiệu của Đức Thánh Cha Phanxicô được lấy từ Bài giảng của Bậc Đáng kính là linh mục Bede (Hom. 21; CCL 122, 149-151), người trong bài bình luận của mình về trình thuật Tin Mừng về việc kêu gọi Thánh Mátthêu đã viết: Chúa Giêsu thấy người thu thuế, và vì Ngài đã nhìn ông với lòng thương xót, Ngài đã phán với ông: 'Hãy theo ta'.

Sau nhiều năm, vào ngày lễ Thánh Giuse, ngày 19 tháng 3 năm 2013, vị linh mục đó—nay đã có tuổi—sẽ được tấn phong làm Giáo hoàng và là người đứng đầu Giáo hội.

Dưới đây là một số mốc thời gian quan trọng khác trong lịch sử ơn gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Ngày 11 tháng 03 năm1958: Vào Dòng Tên

Ngày 12 tháng 03 năm 1960: Khấn lần đầu

Ngày 13 tháng 12 năm 1969, chỉ 4 ngày trước sinh nhật lần thứ 33: Ngài được thụ phong linh mục

Ngày 22 tháng 04 năm 1973: Ngài khấn trọn.

27 tháng 06 năm 1992, được tấn phong Giám mục.
Source:Aleteia
 
Nhật Ký Trừ Tà số 219: Hình Xăm là Cổng vào của Quỷ
Đặng Tự Do
17:34 16/12/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #219: Tattoo as a Demonic Portal”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 219: Hình Xăm là Cổng vào của Quỷ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi thầy phó tế đổ nước thánh lên hình xăm của cô ấy, cô ấy đã hú lên, “Nó đang đốt cháy tôi!” Thực ra nước rất lạnh. Thầy ấy liên tục đổ nước thánh lên hình xăm trong khi tôi liên tục đọc lời cầu nguyện “Xóa bỏ hình xăm”. * Sau nhiều tháng cầu nguyện giải thoát, bao gồm cả việc trừ tà cho hình xăm này, cuối cùng nó cũng kết thúc. Hình xăm bây giờ lành tính và những con quỷ liên quan đến nó đã biến mất.

Đáng ngạc nhiên, nó chỉ là một hình xăm của một vài bông hồng, nhưng nó đã trở thành một cánh cổng ma quỷ khổng lồ và là tâm điểm chính của lễ trừ tà. Nó được kết nối với quá khứ của cô ấy với tư cách là một vũ nữ thoát y và mang âm hưởng tình dục. Với sự giúp đỡ của cha mẹ, cô đã tìm được con đường rời khỏi câu lạc bộ để tìm một công việc bình thường và vào tòa giải tội.

Tại một thời điểm, một số tay sai của Satan đã tấn công vào cô ấy và cố gắng lôi kéo cô ấy trở lại câu lạc bộ và ép buộc cô ấy hành nghề mại dâm. Một số người trong số họ có hình xăm quỷ trên cơ thể, bao gồm cả quỷ Baphomet và Aka Manah, là một con quỷ ham muốn nhục dục. Rất may, cha mẹ cô một lần nữa đến giải cứu và bảo vệ cô.

Mọi người hỏi tôi nghĩ gì về hình xăm. Tôi nói thẳng với họ là tôi không khuyên họ xăm mình. Với một hình xăm ma quỷ, người đó đã liên kết bản thân với thực thể ma quỷ. Ngay cả khi hình ảnh không mô tả điều gì xấu xa, nhưng nếu nó liên quan đến những hành vi tội lỗi, như với người phụ nữ trẻ này, thì đó có thể là một vấn đề lớn. Hơn nữa, một số tiệm đã được biết là đã có các nghi thức nguyền rủa mực xăm hoặc ghi các biểu tượng ma thuật bên trong các hình ảnh.

Tôi tin rằng một số hình xăm lành tính về mặt tâm linh. Ví dụ, có một phụ nữ đã cho tôi xem một hình xăm quả dâu tây nhỏ trên mắt cá chân của cô ấy. Một số người thậm chí còn mong muốn xăm các biểu tượng tôn giáo lên cơ thể như cây thánh giá hay các ảnh thánh. Tuy nhiên, thay vào đó, tôi khuyên bạn nên đeo một cây thánh giá được làm phép trên dây chuyền hoặc ve áo. Hoặc đeo một chiếc Đức Bà màu nâu hoặc một huy chương phép lạ quanh cổ, như tôi vẫn làm. Mẹ Chúa Giêsu hứa ban “ân sủng lớn lao” cho những ai tin tưởng đeo ảnh của Mẹ. Đúng là như thế.

Tôi hy vọng rằng hình xăm là một mốt mà theo thời gian sẽ trôi qua nhanh chóng.
Source:Catholic Exorcism
 
Tĩnh tâm Mùa Vọng 2022 cùng Giáo triều Rôma - Bài thứ 3: Cửa Đức Mến
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
20:59 16/12/2022


Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 16 tháng 12, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa đã trình bày bài thuyết giảng tĩnh tâm thứ ba và cũng là bài cuối cùng cho Mùa Vọng 2022 trước Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma.

Sáu các bài thuyết giảng về “Cửa Đức Tin” và “Cửa Đức Cậy”, bài cuối cùng này có chủ đề: “Cửa Đức Mến”,

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,

cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,

để Đức Vua vinh hiển ngự vào (Tv 24:7)

Trong ý định của chúng ta là mở các cánh cửa cho Chúa Kitô, Đấng đang ngự đến, chúng ta đã đến được cánh cửa trong cùng của “lâu đài bên trong”, là cánh cửa của nhân đức bác ái thần học, hay gọi tắt là đức mến.

Nhưng mở cánh cửa đức mến cho Chúa Kitô có nghĩa là gì? Phải chăng điều đó có nghĩa là chúng ta chủ động yêu mến Thiên Chúa? Đó là cách các triết gia ngoại giáo trả lời, dựa trên ý tưởng họ có về tình yêu của Chúa. “Aristotle nói Thượng đế tác động đến thế giới chừng nào Ngài được yêu thương”. Thiên Chúa được yêu là điều quan trọng hơn Ngài yêu chúng ta! Quan điểm triết học này đã hoàn toàn bị đảo ngược trong Tân Ước:

Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng là chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến đền tội cho chúng ta… Chúng ta yêu mến vì Người đã yêu thương chúng ta trước (1Ga 4:12.19).

Henri de Lubac đã viết: “Thế giới phải biết rằng sự mặc khải về Tình yêu Thiên Chúa làm đảo lộn mọi thứ mà người ta đã quan niệm về thần thánh”. Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn chưa hoàn thành, và sẽ không bao giờ hoàn thành, việc rút ra tất cả những hậu quả từ cuộc cách mạng truyền giáo về Thiên Chúa là tình yêu. Thánh Irênê dạy chúng ta rằng Chúa Thánh Thần liên tục làm tươi mới kho tàng mạc khải, cùng với chiếc bình chứa đựng kho tàng đó, là truyền thống của Giáo hội. Với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta hãy cố gắng hiểu đâu là hệ quả cần được khám phá và nhất là phải sống nhân đức bác ái thần học.

Có nhiều luận thuyết về bổn phận và mức độ tình yêu dành cho Thiên Chúa, nói cách khác, về “Thiên Chúa để chúng ta yêu” (De diligendo Deo); Tôi không biết luận thuyết nào đề cập đến “Thiên Chúa yêu thương chúng ta”! Bản thân Kinh thánh là một chuyên luận về Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta; nhưng, bất chấp điều này, hầu như luôn luôn, khi chúng ta nói về “tình yêu Thiên Chúa”, Chúa là đối tượng chứ không phải là chủ ngữ của câu.

Đúng là Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi, là “điều răn đầu tiên và lớn nhất”. Đây chắc chắn là điều đầu tiên trong thứ tự của các điều răn; nhưng thứ tự của các điều răn không phải là thứ tự đầu tiên, thứ tự trên hết mọi thứ! Trước trật tự của các điều răn, có trật tự của ân sủng, nghĩa là tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Bản thân các điều răn được thành lập trên ân sủng; bổn phận yêu mến Thiên Chúa dựa trên việc được Thiên Chúa yêu thương: “Chúng ta yêu vì Người đã yêu chúng ta trước”, thánh sử Gioan vừa nhắc nhở chúng ta. Đây là nét mới lạ của đức tin Kitô giáo đối với bất kỳ nền đạo đức nào dựa trên “bổn phận” hoặc “mệnh lệnh tuyệt đối”. Chúng ta đừng bao giờ đánh mất điều này.

Chúng ta đã tin vào tình yêu của Thiên Chúa

Do đó, mở cánh cửa tình yêu cho Chúa Kitô có một ý nghĩa rất cụ thể: đó là đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, và tin tưởng vào tình yêu đó. “Chúng ta đã biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta”, Thánh Gioan viết trong cùng một bối cảnh (1 Ga 4:16). Giáng Sinh là biểu hiện - theo nghĩa đen của sự hiển linh – của lòng tốt và tình yêu Thiên Chúa dành cho thế giới. Thánh Phaolô viết “Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện (epephane), cứu rỗi tất cả mọi người”; và trong thư gởi Timôthêô, ngài nhắc lại một lần nữa: “lòng nhân hậu và tình yêu quảng đại của Thiên Chúa, vị cứu tinh của chúng ta đã xuất hiện” (Tit 2, 11; 3, 4).

Điều quan trọng nhất cần làm trong Lễ Giáng Sinh là đón nhận, đầy ngạc nhiên, hồng ân vô biên của tình yêu Thiên Chúa. Khi bạn nhận được một món quà, thật không tế nhị chút nào khi ngay lập tức đáp lại bằng một tay khác món quà hồi đáp của bạn, có lẽ đã được chuẩn bị trước. Người ta chắc chắn sẽ có ấn tượng bạn muốn trả cho xong, cho hết nợ ngay lập tức. Đầu tiên, cần phải tôn vinh món quà nhận được và người tặng nó, với sự ngạc nhiên và lòng biết ơn. Sau đó - gần như xấu hổ và khiêm tốn - người ta có thể mở món quà của mình, như thể nó chẳng là gì so với những gì mình đã nhận được. Món quà của chúng ta dành cho Chúa, trên thực tế, chẳng khác gì là hư không! “Hành động yêu thương” truyền thống, ít nhất là trong lời nguyện riêng tư và cá nhân, không nên bắt đầu bằng những từ như: “Chúa ơi, con hết lòng yêu mến Chúa”, nhưng phải là “Chúa ơi, con hết lòng tin rằng Chúa quá yêu con”.

Điều chúng ta phải làm trước hết trong lễ Giáng Sinh là tin vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chuyện này xem ra là một điều dễ dàng. Nhưng trái lại, đó là một trong những điều khó khăn nhất trên trần đời. Con người có xu hướng chủ động hơn là thụ động, làm hơn là để ai đó làm thay. Trong vô thức, chúng ta không muốn trở thành con nợ, mà là chủ nợ. Vâng, chúng ta muốn tình yêu của Thiên Chúa, nhưng như một phần thưởng, hơn là một món quà. Tuy nhiên, theo cách này, một sự thay đổi và đảo ngược được thực hiện một cách vô lý: trước hết, trên hết mọi thứ, thay cho món quà là bổn phận, thay cho ân sủng là lề luật, thay cho đức tin là việc làm.

“Chúng ta đã tin vào tình yêu!”: Đây là tiếng kêu mà chúng ta phải dồn hết sức lực để gào lên. Tôi gọi đó là “niềm tin hoài nghi”: đó là niềm tin không thể hiểu tại sao điều này lại có thể là sự thật, mặc dù chúng ta tin vào điều đó. Thiên Chúa – Đấng Vĩnh Cửu, Đấng Hiện Hữu, Đấng Tất Cả – yêu thương tôi và quan tâm đến tôi, trong khi tôi chỉ là một chút hư không lạc loài trong sự bao la của vũ trụ và của lịch sử! Tất cả những gì chúng ta có thể làm là nói cùng với nhà thơ: “Và thật ngọt ngào khi đắm tàu trong một vùng biển như vậy”.

Bạn phải trở thành một đứa trẻ để tin vào tình yêu. Trẻ em tin vào tình yêu, nhưng không dựa trên lý trí, nhưng theo bản năng, theo bản tính tự nhiên. Chúng được sinh ra tràn đầy niềm tin vào tình yêu thương của cha mẹ. Chúng xin cha mẹ những thứ chúng cần, thậm chí có thể bằng cách giậm chân khóc lóc, nhưng giả định không nói ra ở đây là chúng không phải là người đã làm ra hay có được những thứ ấy; nhưng đúng hơn chúng là những đứa trẻ và một ngày nào đó chúng sẽ là người thừa kế mọi thứ. Trên hết, chính vì lý do này mà Chúa Giêsu thường khuyên chúng ta nên trở nên như trẻ nhỏ để vào Nước Trời.

Thật không dễ dàng để trở thành một đứa trẻ một lần nữa. Sự từng trải, những cay đắng, những thất vọng của cuộc đời khiến chúng ta thận trọng, cảnh giác, đôi khi yếm thế. Tất cả chúng ta đều hơi giống Nicôđêmô. Chúng ta nghĩ “Làm thế nào một người có thể được tái sinh khi đã già?” (Ga 3: 4). Làm sao chúng ta có thể tái sinh, có thể phấn khởi, bỡ ngỡ trong ngày lễ Giáng Sinh như trẻ thơ? Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời như thế nào cho Nicôđêmô? Thưa: Ngài phán “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3:5).

Được tái sinh không phải là kết quả của nỗ lực và tham vọng, hay sự phấn chấn của tâm hồn con người; đó là công việc của Chúa Thánh Thần. Ở đây Chúa Giêsu không chỉ nói về phép rửa; ít nhất không chỉ là phép rửa bằng nước. Đó là vấn đề tái sinh và phép rửa “trong Thần Khí”, hay “từ trên cao” (Ga 3:3), có thể được lặp lại nhiều lần trong suốt cuộc đời của một người. Đây là điều mà các tông đồ và môn đệ đã trải nghiệm trong Lễ Hiện Xuống và chúng ta cũng nên ước ao để biết được ở một mức độ nào đó về “Lễ Hiện Xuống mới” mà Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 đã xin Chúa cho toàn thể Giáo Hội khi công bố Công Đồng.

Điều cốt yếu của Lễ Hiện Xuống được hàm chứa trong những lời này ở câu 4 của chương thứ hai sách Tông Đồ Công Vụ “Mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần”. Câu ngắn gọn mà chúng ta đã nghe hàng ngàn lần này có nghĩa là gì? “Tất cả đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần”: được thôi: nhưng Chúa Thánh Thần là gì? Thần học nói đó là tình yêu mà Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con yêu Chúa Cha. Chúng ta nói một cách thoải mái hơn: đó là sự sống, sự ngọt ngào, lửa, niềm hạnh phúc tuôn chảy trong Ba Ngôi, bởi vì tình yêu là tất cả những điều này cùng nhau và ở một mức độ vô hạn.

Vì vậy, nói rằng “mọi người đều tràn đầy Chúa Thánh Thần”, cũng giống như nói rằng tất cả mọi người đều tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa. Họ đã có một kinh nghiệm tuyệt vời về việc được Thiên Chúa yêu thương. Qua cái chết, Đức Kitô đã phá đổ bức tường ngăn cách tội lỗi và giờ đây tình yêu của Thiên Chúa cuối cùng có thể tuôn đổ trên các tông đồ và các môn đệ, nhận chìm họ trong đại dương bình an và hạnh phúc. Khi nói rằng “tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta” (Rm 5:5), Thánh Phaolô chỉ mô tả – dưới hình thức tổng hợp hơn là tường thuật – biến cố Lễ Ngũ Tuần, được hiện thực hóa, cho mỗi người, trong lễ rửa tội.

Tình yêu của Thiên Chúa có một khía cạnh khách quan mà chúng ta gọi là ân sủng thánh hóa, hay đức ái được thấm nhuần, nhưng nó cũng bao hàm một yếu tố chủ quan, một tác động hiện sinh, bởi vì nó ở chính bản chất của tình yêu. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ tình yêu Chúa Thiên Chúa là một cái gì đó thuần túy khách quan, hay bản thể học, mà người có liên quan không nhận thức được. Không phải như thế. Món quà “trái tim mới” không xảy ra dưới sự gây mê hoàn toàn, giống như những ca cấy ghép tim bình thường! Chúng ta thấy điều đó từ sự thay đổi đột ngột xảy ra nơi các Tông đồ. Không còn sợ hãi, ganh đua, e dè; những người đàn ông mới, sẵn sàng vươn tới và hiến mạng sống của các ngài cho Chúa Kitô.

“Đức mến gây dựng”

Cuộc thảo luận về nhân đức đối thần là đức mến chắc chắn không kết thúc ở điểm này. Đó sẽ là một bài phát biểu dở dang, giống như một protosis, tức là một mệnh đề điều kiện, không được tiếp nối bởi một apodosis, hay một mệnh đề hệ quả. Mệnh đề điều kiện là: “Nếu Chúa yêu chúng ta nhiều lắm…”; thì apodosis, hay mệnh đề hệ quả, phải là: “chúng ta cũng phải yêu mến Ngài và yêu thương nhau”. Nhưng chúng ta có quá nhiều cơ hội để nói về việc thi hành bác ái đến nỗi chúng ta có thể bỏ qua một bên “nghĩa vụ” để chỉ đề cập đến vấn đề “quà tặng”. Do đó, tôi sẽ chỉ giới hạn bản thân mình trong một vài nhận xét ngắn gọn về những tác động xã hội và giáo hội của nhân đức bác ái thần học.

Người ta nói đức ái gây dựng: “Kiến thức thì kiêu căng, nhưng đức mến thì gây dựng” (1 Cr 8:1). Trước hết, nó xây dựng tòa nhà của Thiên Chúa là Giáo hội. “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.” (Eph 4:15-16).

Bác ái là điều tạo nên thực tại vô hình của Giáo hội, societas sanctorum, hay sự hiệp thông của các thánh, như cách gọi của Thánh Augustinô. Đó là thực tại của bí tích (res Sacramenti), là ý nghĩa của dấu chỉ Giáo hội hữu hình. Thánh Phaolô nói: “Đức ái vẫn còn” (1Cr 13,13). Nó là cái duy nhất còn sót lại. Một khi Kinh thánh, đức tin, hy vọng, các đoàn sủng, các thừa tác vụ và mọi thứ khác chấm dứt, thì đức ái vẫn còn. Mọi thứ sẽ biến mất, như khi giàn giáo được sử dụng để xây dựng được tháo dỡ và tòa nhà xuất hiện trong tất cả vẻ huy hoàng của nó.

Trong một thời gian nhất định, vào thời cổ đại, toàn bộ thực tại của Giáo hội được chỉ định bằng thuật ngữ bác ái đơn giản, agape. Điều này lập tức gợi nhớ đến câu nói nổi tiếng của Thánh Inhaxiô thành Antiôkia: “Giáo hội Rôma là giáo hội chủ tọa đức bác ái (agape)”. Câu này thường được sử dụng khi đề cập đến chức năng ưu việt của Rôma và Đức Giáo Hoàng. Nhưng nó khẳng định không chỉ thực tế về tính ưu việt trong chữ “chủ tọa”, mà còn cả bản chất của nó, hoặc cách thức thực hiện nó “trong tình bác ái”. Đây là điều Giáo hội Rôma đã làm trong những thời điểm tốt đẹp nhất của mình và chắc chắn có ý định làm ngày nay, khi chọn – như trong hiến chế mới Praedicate Evangelium – đối thoại huynh đệ, tính đồng nghị và phục vụ như một phương pháp cai quản.

Tuy nhiên, bác ái không chỉ xây dựng xã hội thiêng liêng là Giáo hội, mà còn cả xã hội dân sự. Trong tác phẩm Thành phố của Chúa, Thánh Augustinô giải thích rằng có hai thành phố cùng tồn tại trong lịch sử: đó là thành phố của Satan, tượng trưng bởi Babylon, và thành phố của Chúa, tượng trưng bởi Giêrusalem. Điều phân biệt hai thực tại là tình yêu khác nhau mà chúng bị lay động. Động cơ thứ nhất là tình yêu vị kỷ dành cho bản thân bị đẩy đến mức khinh thường Thiên Chúa (amor sui usque ad contemptum Dei), động cơ thứ hai là tình yêu Thiên Chúa bị đẩy đến mức khinh miệt chính mình (amor Dei usque ad contemptum sui).

Sự đối lập, trong trường hợp này, là giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu chính mình. Tuy nhiên, trong một tác phẩm khác, Thánh Augustinô đã sửa chữa một phần sự tương phản này, hoặc ít nhất là cân bằng nó. Sự tương phản thực sự đặc trưng cho hai thành phố không phải là giữa tình yêu Chúa và tình yêu chính mình. Hai tình yêu này, nếu được hiểu một cách chính xác, có thể – và thực sự, phải – tồn tại cùng nhau. Sự tương phản thực sự là giữa nội tại của lòng yêu mến bản thân và tình yêu thiện ích chung hay tình yêu xã hội, mà ngài gọi là amor socialis. Thánh nhân phân biệt lòng yêu mến bản thân với tình yêu duy ngã chỉ nghĩ đến riêng mình, mà ngài gọi là amor privatus. Chính tình yêu riêng mình – tức là tính ích kỷ – đã tạo nên thành phố của Satan, là Babylon, và chính tình yêu xã hội đã tạo nên thành phố của Thiên Chúa, nơi sự hài hòa và hòa bình ngự trị.

Bác ái xã hội được sinh ra trên mảnh đất được Tin Mừng vun tưới, và thật kỳ lạ là trong thời hiện đại, cuộc chinh phục này đã được sử dụng như một lý lẽ để ném vào mặt Kitô giáo. Trong những thế kỷ đầu và trong suốt thời Trung cổ, bố thí là phương tiện tuyệt vời nhất để hành động trong lĩnh vực xã hội và giúp đỡ người nghèo. Đó là một giá trị Kinh thánh và luôn giữ được sự liên quan của nó. Tuy nhiên, nó không còn có thể được đề xuất như một cách thông thường để thực hành tình yêu xã hội, hay tình yêu thiện ích chung, bởi vì nó không bảo vệ phẩm giá của người nghèo và giữ họ trong tình trạng lệ thuộc.

Các chính trị gia và các nhà kinh tế phải khởi xướng các quá trình cấu trúc nhằm giảm bớt khoảng cách tai tiếng giữa một thiểu số người rất giàu và vô số người bị tước quyền thừa kế trên trái đất. Phương tiện thông thường đối với Kitô hữu là tạo ra những điều kiện trong lòng con người để điều này xảy ra. Đối với những người tham gia vào lĩnh vực xã hội, vấn đề là thúc đẩy điều được gọi là “học thuyết xã hội của Giáo hội”. Chẳng hạn, đối với các doanh nhân Kitô giáo, điều đó có nghĩa là tạo ra công ăn việc làm, như Đức Thánh Cha đã nhắc lại trong cuộc gặp gỡ ở Assisi vào tháng 9 năm ngoái, dành cho các nhà kinh tế trẻ, những người được truyền cảm hứng từ giáo huấn xã hội của ngài.

Chỉ có tình yêu mới có thể cứu chúng ta

Trước khi kết thúc, tôi muốn đề cập đến một tác dụng ích lợi khác của nhân đức bác ái đối với xã hội mà chúng ta đang sống. Một tiên đề thần học nổi tiếng nói rằng ân sủng giả định trước bản tính con người, ân sủng không phá hủy bản tính con người, nhưng hoàn thiện nó. Áp dụng cho nhân đức đối thần thứ ba, điều này có nghĩa là bác ái giả thiết khả năng và khuynh hướng tự nhiên của con người là yêu và được yêu. Khả năng này có thể cứu chúng ta ngày nay khỏi một xu hướng đang diễn ra, nếu không được sửa chữa, sẽ dẫn đến một “sự phi nhân hóa” thực sự.

Tôi đã tham gia một cuộc tranh luận công khai ở London cách đây vài năm. Người điều hành đặt ra một loạt câu hỏi cho một số nhà thần học, trong đó có một giáo sư thần học từ Đại học Yale của Mỹ, một giám mục và nhà thần học Anh giáo và tôi. Câu hỏi quan trọng là như sau. Sau khi thay thế khả năng hoạt động của con người bằng robot, kỹ thuật này hiện đang trên đà thay thế khả năng trí tuệ của con người bằng trí tuệ nhân tạo. Như thế, con người còn lại cái gì là của riêng mình và cái gì chỉ dành riêng cho mình? Liệu có còn lý do để xem xét người máy một cách riêng biệt trong vũ trụ? Phải chăng người máy vẫn không thể thiếu, hay không hoàn toàn có hại cho tự nhiên?

Khi đến lượt tôi trả lời, với vốn tiếng Anh kém và hỏng của mình, tôi đã thêm một phản xạ đơn giản. Tôi nói, chúng ta đang làm việc trên một chiếc máy tính biết suy nghĩ: nhưng liệu chúng ta có thể tưởng tượng một chiếc máy tính biết yêu thương, xúc động trước nỗi đau của chúng ta và hân hoan trước niềm vui của chúng ta không? Chúng ta có thể quan niệm về một trí tuệ nhân tạo: nhưng liệu chúng ta có thể quan niệm về một tình yêu nhân tạo không? Có lẽ chính ở đây chúng ta phải đặt để cái cụ thể của con người và thuộc tính bất khả tương nhượng của con người. Đối với một người tin vào Kinh Thánh, có một lý do giải thích sự kiện này: đó là chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, và “Thiên Chúa là tình yêu”! (1 Ga 4, 8).

Bất chấp tất cả những sai lầm và hành vi sai trái của chúng ta, con người chúng ta không – và sẽ không bao giờ – là một điều phiền toái đối với trái đất! Khi kết thúc những suy tư triết học của mình về sự nguy hiểm của công nghệ đối với con người hiện đại, Martin Heidegger, gần như đầu hàng, đã thốt lên: “Chỉ có Chúa mới cứu được chúng ta!” Chúng ta có thể diễn giải rằng: chỉ có tình yêu mới cứu được chúng ta! Tuy nhiên, đó chắc chắn là tình yêu của Chúa chứ không phải tình yêu của chúng ta.

“Một Hài Nhi được sinh ra cho chúng ta”

Bây giờ chúng ta hãy hướng suy nghĩ của mình đến Lễ Giáng Sinh sắp đến với chúng ta. Với sự xuất hiện của Chúa Kitô, dòng sông vĩ đại của lịch sử đã đến chỗ tận cùng và bắt đầu lại ở cấp độ cao hơn. “Cái cũ qua đi, cái mới sinh ra” (2Cr 5,17). “Khoảng trống” lớn ngăn cách Thiên Chúa với con người, Đấng Tạo Hóa với tạo vật đã được lấp đầy. Không phải vô ích mà từ đó trở đi, lịch sử nhân loại được chia thành “trước Chúa Kitô” và “sau Chúa Kitô”.

Có những hình ảnh Giáng Sinh ngây ngô nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc. Trong đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu Hài Đồng, đi chân trần, tuyết phủ quanh chân và cầm chiếc đèn lồng trên tay, vào ban đêm, sau khi gõ cửa, Ngài đang đợi trước một cánh cửa. Những người ngoại đạo tưởng tượng tình yêu như một đứa trẻ mà họ đặt tên là Eros. Đó là một đại diện mang tính biểu tượng, một thần tượng. Chúng ta biết rằng tình yêu đã thực sự trở thành một đứa trẻ; rằng bây giờ tình yêu là một thực tế, một sự kiện, thực sự là một con người. “Tình yêu của Chúa Cha đã hóa thành nhục thể”, vì thế một tác giả ở thế kỷ thứ hai đã diễn giải câu của Phúc Âm Thánh Gioan 1:14. Tình yêu thực sự trở thành một hài nhi: hài nhi Giêsu.

“Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3:21). Chúng ta hãy mở cửa trái tim cho Hài Nhi đang gõ cửa. Tôi nghĩ rằng, điều đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể làm vào Lễ Giáng Sinh không phải là dâng một cái gì đó cho Thiên Chúa, nhưng là đón nhận với sự kinh ngạc ân sủng là Con Ngài mà Thiên Chúa Cha ban cho thế giới.

Truyền thuyết kể rằng trong số những mục đồng đến gặp Chúa Hài Đồng vào đêm Giáng Sinh, có một cậu bé chăn cừu nghèo đến nỗi không có gì để dâng Đức Mẹ, cậu xấu hổ đứng sang một bên. Mọi người tranh nhau tặng Đức Maria món quà của họ. Đức Mẹ không thể đón nhận tất cả, vì phải bồng Chúa Hài Đồng trên tay. Nhìn thấy cậu bé chăn cừu bên cạnh với hai bàn tay trắng, cô liền ẵm Hài Nhi và đặt Hài nhi vào vòng tay cậu bé chăn cừu nghèo. Không có gì trong tay lại đem đến may mắn cho anh ấy. Hãy biến may mắn này thành của chúng ta nữa nhé!

Chúng ta hãy cùng hòa vào sự ngạc nhiên và hân hoan của phụng vụ được lặp lại vào Lễ Giáng Sinh – như một sự kiện đã hoàn thành và những lời của ngôn sứ Isaia (9:5) không còn là một lời tiên tri đơn thuần:

Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,

một người con đã được ban tặng cho ta.

Người gánh vác quyền bính trên vai,

danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh,

người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình

Chúc mừng Giáng Sinh đến Đức Thánh Cha và tất cả anh chị em!

1. Aristotle, Siêu hình học, XII, 7, 1072b

2. Henri de Lubac, Histoire et Esprit, Aubier, Paris 1950, tr. v.v.

3. Giacomo Leopardi, The Infinite (Bản dịch của Henry Reed).

4. Ignace of Antioch, Thư gửi tín hữu Rôma.

5. Augustinô, De civitate Dei, 14,28.

6. Augustinô, De Genesi ad litamam, 11, 15, 20 (PL 32, 582).

7.Cf. Tommaso d'Aquino, S.Th. Chỉ số thông minh. 2. một. 2 ad 1 (gratia [praesupponit] naturam”); Chỉ số thông minh. 1, một. 8, ad 2 (gratia non tollit naturam, sed perficit).

8.Martin Heidegger, Antwort. Martin Heidegger im Gespräch, Gesamtausgabe, tập. 16, Frankfurt 1975.

9. Evangelium Veritatis, 23.
Source:Cantalamessa
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chúa Giêsu Tín Nhiệm Và Ủy Thác Cho Phụ Nữ
Phó tế Phạm Bá Nha
22:53 16/12/2022
Chúa Giêsu Tín Nhiệm Và Ủy Thác Cho Phụ Nữ

Các gương mặt phụ nữ sáng chói

Trong thời gian ba năm qúa ngắn đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Kitô đã gặp nhiều phụ nữ. Không phải tình cờ, nhưng ở nơi mọi người, Chúa đã úy thác cho mỗi người một công việc, thay thế cho những bài giảng của Ngài muốn truyền đạt đến cho dân chúng. Những người nữ mà Chúa gặp là những chứng từ sống, có mặt trong lúc rao giảng, như làm chứng, lặp lại những lời rao giảng của Chúa, mà dân chúng chưa thấu hiểu. Hay có thể nói những gì Chúa làm và nói qua phụ nữ này là những phần cắt nghĩa thêm về bài giảng của Ngài. Họ giữ vai trò cũng quan trọng không kém các người nam mà Chúa gặp hay chọn làm Tông Đồ. Nay, nhờ gương sáng và lời ăn tiếng nói của các (vị là phụ nữ chưa được phong Thánh) Thánh Nữ mà làn gió thế giới xoay chiều đổi hướng. Bài này không đề cập đến Đức Mẹ. Chỉ nói đến một số phụ nữ trong Giáo Hội sau gặp trên đường truyền giáo.

Sau bài giảng trên núi, Tám Mối Phúc Thật (x. Mt 5, 1-12) vạch ra con đường tìm lẽ sống, Chúa Giêsu tiếp tục chỉ dẫn xa lánh những tội phạm khác. Người đương thời, không có quan niệm về tội, hay vin vào luật cũ của Mai Sen cho rằng không có tội gì cả. Luật cũ khác. Do đó Chúa đã chỉ cho dân chúng những trường hợp tội, về : ngoại tình (Mt 5, 27), ly dị (Mt 5, 31), thề gian dối (Mt,5, 33), trả thù (Mt 5, 38), ghét kẻ thù (Mt 5,43), xét đoán (Mt 7, 1), tiền bạc (Mt 6, 19)...

Chúng tôi tạm phân chia, Chúa tín nhiệm, ủy thác theo môi trường thích hợp. Mọi thời đại Thiên chúa đã dùng phụ nữ và trao cho trách nhiệm truyền đạt sứ mệnh Ngài tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng. Trong thời đại chúng ta cũng vậy, qua nhiều thánh nữ trong Giáo Hội, Thiên Chúa cũng đặt để nhiều vị từ thành phần dân Chúa thi hành sứ vụ Chúa trao phó.

1) Củng cố đức tin, Chúa dùng : Thánh Marguerite Marie Alacoque, Thánh Maria Faustina Kowalska. Thánh Marie Goretti. Chân Phước Benigna Cardoso da Silva

2) Nhờ Đức Mẹ can thiệp qua các lần hiện ra với: Thánh Catherine Labouré, Thánh Bernadette Soubirous, Chị Lucia

3) Thánh hóa gia đình nhờ gương của Thánh Ông Bà Louis và Marie Zélie Martin, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Vợ chồng Chân Phước Luigi Beltrame Quattrocchi và Maria Corsini

4) Quan tâm đến truyền giáo, người nghèo: Bà Magarita Occhiena di Capriglio (mẹ Thánh

Don Bosco), Chị Marthe Robin, Chị Chiara Lubich. Thánh Jeanne Jugan, Thánh Teresa Calcutta, Chân Phước Pauline-Marie Jaricot, Chị Magdeleine Jésus, Chị Đáng Kính Edel Mary Quinn, Nữ Tu Emmanelle.

6) Chú trọng tới ơn gọi: Chị Thérèse Neumann, Chị Marthe Robin, Chị Chiara Lubich.

Trong bài xin sắp xếp thứ tự trước sau theo năm sinh.

1 Thánh Clara (Ý, 1194-1253)

Cộng tác với Thánh Phaxicô Assisi đến lập Dòng giúp người nghèo

Nay, Assisi là trung tâm Liên Tôn Hòa Bình thế giới.

Thánh Clara sinh 18. 7. 1194, miền Umbria tại Assisi, Ý. Gia đình Công Giáo giầu có và qúi phái. ‘Clara’ nghĩa là “ánh sáng”, theo gia đình thì khi sinh ra bé luôn mỉm cười, và lúc mang thai, thân mẫu có hành hương, đang cầu nguyện có tiếng vọng : Đừng sợ, vì người con sinh ra là áng sáng, nên mới đặt tên là Clara (Ánh Sáng). Lớn lên, 18 tuổi gia đình nhận gả chồng. Thì, 18.3.1212, lễ Lá, Clara đi tu. Nghe tin Phanxico, 30 tuổi ở Assisi, từ bỏ giàu sang sống cho người nghèo. Clara hay đến nhà thờ nghe Phanxicô giảng, xám hối. Clara quyết định trốn gia đình dâng mình cho Chúa. Với nghi thức đơn giản của ĐC địa phận, Clara được nhận vào tu viện San Paolo Bebedicto, trong đó có em của Phanxico là Ane đang tu. Nghe tin, gia đình và thàn phố xôn xao, kết án cô gái xinh đẹp bỏ thế gian đi tu và tìm cách ngăn cản. Có lần đến tu viện lôi Clara về. Cậu Clara là Monado đến dòng lôi Clara về nhà. Cô bám tay vào chân bàn thờ, tự nhiên thân xác cô ra nặng. Còn chân Monado tê liệt. Dòng bèn đổi Clara đi nơi khác cho yên chuyện.

Nhập dòng Clara tỏ ra xuất sắc khôn ngoan. Nên Phanxico lập ra dòng nữ riêng ở miền San Domiano và cử Clara làm bề trên đầu tiên, có 50 chị với nội qui do Phanxico viết. Dòng chiêm niệm gọi là Dòng Phan Sinh tại thế

Thị kiến máng cỏ và Chúa Hài Nhi. ĐGH Pio XII đã đặt thánh Clara làm Bổn Mạng ngành truyền thông, cǎn cứ vào sự kiện : Khi Clara bệnh nặng, liệt giường. Dịp đêm Noel nǎm nào, chị em trong dòng vào nhà thờ ca hát mừng Chúa Giáng Sinh. Clara trên giường một mình. Clara thưa với Chúa: Lạy Chúa Hài Đồng con ở một mình. Nói xong, bỗng có tiếng đàn du dương bổn trầm, tiếng hát anh chị em Phan Sinh bổng trầm, tại nhà thờ cách đó vài cây số, vọng đến tai Clara. Hơn nữa, Clara còn nhìn thấy hang đá, máng cỏ và Chúa Hài Nhi. Sáng hôm sau, chị em xúm lại kể, đêm qua Giáng Sinh vui chừng nào! Clara trả lời: Tạ ơn Chúa, Chúa đã không để tôi cô đơn. Nhưng Ngài luôn ở với tôi và cho tôi thấy Ngài.

2. Thánh Marguerite Marie Alacoque (Pháp, 1647-1690)

Tin và ẩn náu bên Trái Tim Chúa

Sẽ được nâng đỡ ủi an do Nguồn yêu thương

Thánh Marguerite Marie Alacoque dòng Thăm Viếng (Visitation Sainte Marie) tại Paray le Monial là tông đồ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Từ 1673 đến 1675, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần với thánh Nữ say mê qùi trước Thánh Thể, dạy loan truyền tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Năm 1899, mẹ bề trên Marie du Divin du Cœur dòng Chúa Chiên Lành (Bon Pasteur) tái phát động lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Từ đấy, rấy lên phong trào tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Năm 1975 tới nay ông Pierre Gousart (Paris, 1914-1991) có công làm cộng đoàn Emmanuel họat động tại trung tâm Paray le Monial. Năm 1688, ngôi nhà nguyện đầu tiên được xây dựng. Nay Paray le Monial là trung tâm hành hương thơ mộng, có cantine, sân cỏ, picnic, phòng họp, nhà nguyện.

3. Bà Magarita Occhiena di Capriglio (Ý, 1788-1865)

Gia đình là tiền chủng viện

Những bà mẹ Công Giáo là gương bác ái sống động

Mẹ Thánh Gioan Don Bosco là Magarita Occhiena di Capriglio (1788-1865). Ông bà thành hôn năm ông 28 tuổi bà 24 tuổi. Cha của Gioan là Phanxico Aloysii, dân quê. Ông qua đời 12.5.1817, 34 tuổi. Năm đó, Bosco mới 22 tháng, mẹ kéo Gioan vào buồng khóc, nói : Bố không còn nữa. Trên mộ ông, ghi : Orphanorum pater, cha trẻ mồ côi. Gia đình có ba anh em : Antôn, Giuse và Gioan. Trong nhà còn bà nội, 70 tuổi.

Gia đình sống trong thời đói kém. Dân làng ăn cháo bột bắp hay mì. Người chết đói la liệt ngoài đường, miệng còn ngậm cỏ. Có tiền cũng không mua được thức ăn. Có lần bà mẹ nhờ người hàng xóm đi mua thức ăn. Họ mang tiền về. Cả nhà bàng hoàng lo sợ. Giữa lúc túng bấn ngặt nghèo, bà qua nhà bên cạnh vay mượn chút ít. Nhưng không ai có. Bà nói với các con : Khi bố chết, có dặn : phải có lòng tin. Nghe lời bố cả nhà qùi xuống cầu kinh. Rồi bà xuống bắt con bê, nấu một phần cho con ăn, qua cơn đói.

Ngay trong những ngày đói kém, có người ngỏ ý muốn kết hôn. Bà từ chối : Thiên Chúa cho tôi một người chồng. Nay Chúa cất đi. Anh trao lại cho tôi ba đứa con. Tôi sẽ là người mẹ độc ác, nếu bỏ rơi chúng. Ðang khi chúng cần tôi. Giám hộ chỉ là bạn. Tôi là mẹ, không bao giờ bỏ con. Dù cho tôi vàng bạc. Chính bà để tâm dạy các con đọc kinh chung, lần chuỗi và cầu nguyện. Năm Bosco lên sáu, xưng tội lần đầu mẹ dẫn con đến nhà thờ, tham dự Lễ, bà xưng tội trước, sau đến con. Sau này, Bosco kể lại, nhờ mẹ, mà mình có lòng tôn kính Phép Thánh Thể. Nghèo, lại lận đận học hành, Bosco mất học nhiều năm. Từ nhỏ nuôi mộng thành linh mục. Nhưng sợ mẹ vất vả tốn kém. Bà đã nói với con :đừng băn khoăn. Mẹ nghèo, sống và chết nghèo. Năm 16 tuổi, Bosco nhập tu. Ngày con nhập tu viện Torino, nghèo bà phải bán áo cưới may cho con áo chùng thâm. Ngày con thụ phong linh mục, bà qùi nhận phép lành, bà nói : mẹ sung sướng thấy con thành linh mục. Con thành tâm phụng sự Chúa và các linh hồn.

Có lần thấy mẹ lạnh, ăn mặc lôi thôi, cha mua cho mẹ áo mới. Lâu không thấy mẹ mặc, cha hỏi. Mẹ trả lời đã bán phụ tiền nuôi trẻ. Sau nhiều năm phụ con, cạn tiền, lại già, kiệt sức, vì lũ trẻ tinh nghịch, phá phách bà xin nghỉ. Cha nói với mẹ: vắng mẹ, còn ai giúp con. Bà mẹ mắt mờ, lưng còng, hai mẹ con nhìn nhau, nước mắt lưng tròng, nói : Gioan con, mẹ hiểu và ở lại với con...cho đến chết. Tụi nó là con mẹ. Sau 20 năm phụ con, bà qua đời ai cũng mộ mến và gọi là ‘má’ Magarita. Hiện có tượng má lớn ngay cổng vào làng cũ xưa. Tay mang giỏ hoa. Bà qua đời năm 1865, sau 20 năm phụ con giáo dục, giúp trẻ em. Ai cũng mộ mến gọi bà : Má Margarita. (Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng. ttr.193-197).

4.Thánh Jeanne Jugan (Ile-et-Vilaine, 1792-1879)

Một đặc sủng cho xã hội hôm nay

Linh đạo là sống cho người cao niên bần cùng

Cha là thủy thủ lành nghề mất sớm, năm Jeanne Jugan mới 4 tuổi, sinh 1792. Jugan cùng mẹ vất vả tần tảo nuôi 4 em. Nhà 5 miệng ăn. Nhờ mẹ, 16 tuổi, Jugan biết cầu nguyện và có tinh thần liên quan đến người khác. Jugan đi làm phụ bếp cho gia đình giầu có ở Cancale. Năm 25, Jugan làm phụ y tá (aide infirmière) trong bệnh viện Saint-Servan. Trong thời gian này Jugan nghe tiếng Chúa tận hiến. Mãi tới 47 tuổi Jugan mới làm việc phục vụ theo ý muốn.

-1823, Jugan nhập dòng Ba của tu hội Mẹ Đáng Kính (Mère Admirable) ở Cancale. Dòng có mục đích ‘phụng sự Thiên Chúa và tha nhân’, nhất là người già yếu, bệnh tật.

-1829-1856, Jugan lập tu hội đón tiếp các bà góa, tên ‘Tiểu Muội Nghèo’ (Petites Soeurs des Pauvres). Được chọn làm bề trên

Năm 1879 qua đời 86 tuổi. Được tôn phong Chân Phước (1982) và Hiển Thánh (2009)

Phép lạ, 1989, Bs Edward Gatz, 51 tuổi, Hoa Kỳ, khỏi ung thư ruột vĩnh viễn.

5. Chân Phước Pauline-Marie Jaricot (Lyon, 1799-1862)

Sáng lập Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Bá Đức Tin

Nay, đồng lúa chín là trách nhiệm của mọi người

Chị được phong Chân Phước, tại hội trường triển lãm Chassieu, Lyon, 22.5.2022, là vị sáng lập Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Bá Đức Tin và Phong Trào Kinh Mân Côi, kỷ niệm 120 năm thành lập, 1822 và 150 sinh nhật của Chị Pauline Marie Jaricot. Do ĐHY Luis Antonio Tagle, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc chủ tế và có mặt của 120 giám đốc Hội Giáo Hoàng Truyền Gíao. Chị được Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 tuyên bố là Đáng Kính (1963) và ĐGH Phanxico công nhận phép lạ do sự chuyển cầu của Pauline. Chữa lành bé Mayline Trần, 3 tuổi, năm 2012. Bé bị nghẹn bởi miếng xúc xích khi ăn và rơi vào hôn mê. Năm nay Trần 13 tuổi. Cha (qùi ghế đầu) và bé Trần (bưng thánh tích) có mặt trong ngày phong thánh. ĐGH có gửi Sứ điệp và xin cầu nguyện trong Kinh Truyền tin, ngày phong Thánh và Giảng lễ, ĐHYchủ phong đã ca tụng con người có ‘Trái tim truyền giáo’ và Hội Truyền Giaáo của Chân Phước đã làm cho Giáo Hội.

Pauline sinh ra 22.7.1799, trong gia đình giầu có, quyền lực, với 7 anh em, có nhà máy tơ lụa, ở Lyon. Năm 1816, Cô bỏ đi tu sống khó nghèo, phục vụ bệnh nhân và người nghèo trong 15 năm trong Dòng Đức Trinh Nữ Fourvière, Lyon. Cô có sáng kiến gây qũi ‘Le sou de Pauline’ và năm 1822, lập ‘Hiệp Hội Truyền Bá Đức Tin’. Năm 1825, thời ĐGH Leo Chị lập ra ‘Hiệp Hội Mân Côi Sống. Sau, Hội Truyền Giáo này chuyển trụ sở và hoạt động ở Roma. Nay là Hội kỳ cựu nhất trong Giáo Hội. Một thế kỷ sau, năm 1922, ĐGH Pio XI phong cho Hiệp Hội tước hiệu ‘Giáo Hòang’. Năm 1862, Chị Jaricot qua đời. Năm 1935, di cốt Chị đặt trong nhà thờ Thánh Nizier, Lyon. (Vietcatholic, 9.10. 2022; Vaticannew.va, 23.5.2022)

6. Thánh Ông Bà Louis (Pháp, 1823-1898)

và Marie Zélie Martin (Pháp, 1831-1894)

Nêu gương bà mẹ gương mẫu trong gia đình

Các bà mẹ Công Giáo bắt chước giáo dục và nuôi dưỡng

Thánh Marie Zélie Martin chào đời năm 1831 tại Saint-Denis-sur-Sarthon, miền Orne, trong một gia đình quân nhân, ba là trung sĩ Isidore Guérin và mẹ là bà Louise-Jeanne. Thân mẫu của Zélie là một bà mẹ đạo đức nhưng khắt khe về đời sống luân lý. Khi giải ngũ, ông Guérin cũng đem gia đình về sinh sống tại Alençon. Chật vật trong phạm vi kinh tế, gia đình ông bà luôn là một gia đình Công Giáo gương mẫu, trung thành với việc sống đạo, nhất là việc giữ lễ ngày Chúa Nhật. Nhờ đó, cũng như gia đình ông bà Martin, gia đình ông Guérin đáng gọi là ‘những cây lành trổ sinh hoa quả tốt’ là con cái ngoan hiền, đầy niềm tin... Ước mong duy nhất là có con trai làm linh mục Truyền giáo. Ông bà sinh hạ 9 người con. Hai trai và hai gái đã về Thiên Ðàng sớm. Còn lại 5 gái đều đi tu :

1. Marie Louis, sinh 22.2.1860, đi tu Dòng Kín Lisieux, lấy tên Marie du Sacré Coeur, qua đời 19.1.1940, tại Dòng Kín Lisieux.

2. Marie Pauline, sinh 7.9.1861, đi tu Dòng Kín Lisieux, lấy tên Agnès de Jésus, sau làm bà mẹ nhà dòng này, qua đời 28.7.1951

3. Marie Léonie, sinh 3.6.1883, đi tu Dòng Thăm Viếng, tại Caen, lấy tên Françoise Thérèse qua đời 16.6.1941.

4. Marie Hélene, sinh 13.10.1864, mất 22. 2.1870, mới 6 tuổi

5. Marie Joseph Louis, sinh 20.9.1866, mất 14.2.1867, mới 4 tháng.

6. Marie Joseph Jean Baptiste, sinh 19.12. 1867, mất 24. 8. 1868, mới 8 tháng.

7. Marie Céline, sinh 28.4.1869, đi tu Dòng Kín Lisieux, lấy tên Geneviève de la Sainte Face, qua đời 25.2.1959.

8. Marie Mélanie Thérèse, sinh 16.8.1870, mất 8.10. 1870, mới 3 tháng.

9. Marie Françoise Thérèse, sinh 2.1.1873, đi tu dòng Kín Lisieux (9.4.1888), lấy tên Thérèse de L’Enfant Jésus, qua đời 30.9.1897.

Tất cả 8 người con đều sinh tại Alençon số 15 rue du Pont Neuf, trừ Thérèse sinh tại 36 rue Saint Blaise. Người con nào cũng có tên chữ đầu bằng Marie, kể cả con trai. (Histoire d’une Âme, tr. 296). Bà qua đời ngày 28.8.1877, năm 45 tuổi, sau 5 năm chịu đựng những đau đớn của bệnh ung thư vú. Năm năm trong đau đớn, không thuốc men, bà luôn sống trong kiên tâm và cầu nguyện. Bà là người mẹ đạo đức, chính bà đã dạy các con tuân giữ nghiêm ngặt ‘‘Mười Ðiều Răn của Chúa’’ và ‘‘Sáu Ðiều Răn của Hội Thánh’’ : Giữ chay, kiêng thịt, nghỉ việc xác...đi lễ Chúa nhật và các lễ Trọng (x. GXVN số 249. Janvier 2009. Ttr 3-16)

7. Thánh Bernadette Soubirous (Lộ Đức, 1844-1879)

Chúa trao truyền cho Thánh Trẻ nói với thế giới ‘Thương đến bệnh nhân’

Nay, thế giới chọn ngày 11.2 (Lộ Đức) là ngày cầu cho bệnh nhân.

Ngày 11.2.1858, Đức Mẹ hiện ra với thánh Bernadette, tại Lộ Đức. Cuộc đời thánh nữ gắn liền với việc Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Nhưng Chị nên thánh không phải vì được Đức Mẹ hiện ra mà vì Chị có đời sống đơn sơ, nghèo hèn và luôn chấp nhận bệnh tật và đau khổ. Bernadette Soubirous sinh 1844 tại Lộ Đức (Haute Pyrénées), hai ngày sau được rửa tội và mang tên Marie Bernarde. Thân sinh là ông François Soubirous và thân mẫu là bà Louise Casterot. Năm 14 tuổi, Bernadette được Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle. Từ ngày 11-2-1858 đến 16.7.1858, Đức Mẹ đã hiện ra với Bernadette 18 lần phán bảo Bernadette :

- Con có thể đến đây được 15 ngày nữa không?

-Ta không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng ở đời sau.

- Hãy đền tội, đền tội, đền tội,

- Cầu xin Thiên Chúa cho kẻ có tội trở lại.

- Đi ăn cỏ ở hang, uống nước và tắm suối.

- Nói với Cha sở tổ chức rước kiệu và xây nhà thờ ở đây

- Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội (Que soy era Immaculada counceptiou)

Được biết,1854, ĐGH Pio IX đã công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Sau khi được Đức Mẹ hiện ra, năm 22 tuổi, Bernadette nhập tu Dòng Bác Ái ở Nevers, Pháp. Năm 1867, Chị khấn tạm và 1878, Chị khấn trọn đời, tên dòng là Marie Bernarde, Chị luôn luôn điềm đạm, khiêm nhường và tươi cười với mọi người. Về sau yếu sức quá, Chị được cử lo phòng Thánh. Bí quyết nên thánh của Chị là : ‘‘Yêu thương hết lòng’’. Từ 1878, Chị bị cơn xuyễn nặng, ho ra máu, và có nhọt độc đau dữ dội ở đầu gối. Chị hoàn toàn liệt giường. Năm1879, Chị được Chúa gọi về trong êm ái và bình thản, năm Chị tròn 35 tuổi. Theo thủ tục phong thánh, 1909, thi hài Chị được cải táng và lạ thay người ta thấy thi thể Chị còn nguyên vẹn, đôi môi vẫn mỉm cười và tỏa ra hương thơm phảng phất. Hiện nay thi hài Chị được cất trong hòm kiếng trong nhà nguyện tại nhà Mẹ Dòng Bác Ái ở Nevers. Đức Giáo Hoàng Pio XI đã phong Chân Phước,1925 và phong Thánh cho Chị 1933. Lễ kính Thánh Bernadette là ngày 16.4.

8. Chân phước Mariantonia Samà (Ý,1875- )

Đón nhận đau khổ bệnh tật trong cuộc sống.

Để trở nên “giống như Đức Kitô”.

Chân phước Mariantonia Samà, sinh tại Sant’Andrea Jonio, tỉnh Catanzaro vào năm 1875. Khi còn là một thiếu nữ bà đã bị nhiễm trùng do uống nước trong một đầm lầy. Bà đã được chữa lành nhờ sự chuyển cầu của thánh Bruno thành Cologne. Bà sống nghèo nàn và giản dị. Đối với nhiều người, bà là bậc thầy về cầu nguyện. Đức Hồng Y Semeraro nhắc lại : “Hoàn toàn sống theo thánh ý Chúa, chân phước thích lặp lại: ‘Tất cả vì tình yêu của Thiên Chúa’”. Ngài nhấn mạnh rằng chân phước chịu đau khổ vì tình yêu Chúa đã khiến nhiều người nhận ra sức mạnh quyền năng của lòng bác ái. Chân phước vui tươi đón tiếp bất cứ ai đến nhà mình, trong khi cả làng chăm sóc ngài. Đã có một cuộc trao đổi quà tặng tuyệt vời và đây là bởi vì tình yêu sinh ra tình yêu”. Mariantonia sống mọi việc như một món quà và do đó trở thành một quà tặng cho người khác.

Đức Hồng Y Semeraro kết luận, sự thánh thiện, như Đức Thánh Cha Phanxicô dạy, chính là sự gặp gỡ của sự yếu đuối của con ngườivới sức mạnh của ân sủng”. (CSR_6658_2021)

9. Thánh Maria Goretti (Ý, 1890-1902)

Nêu gương bảo toàn triết trinh

Các bạn trẻ sống đạo như vị Thánh Trẻ

Thánh Maria Goretti sinh 16.10.1890, tại Corina, Ý và qua đời năm 12 tuổi, 6.7.1902, vì bảo vệ tiết trinh. Goretti sống trong gia đình đạo đức. Cha mẹ là Luygi (+ sau khi về Pheri, 1 năm) và Axunta, góa. Túng bấn, thiếu ăn. Goretti thất học lại có em trai. Năm 9 tuổi, Maria Goretti theo cha mẹ về làng Pheri, có nhà thờ Nutturo xa 12 cây số, sinh sống, cho đỡ chật vật. Năm 12 tuổi, Goretti mới xưng tội lần đầu. Không ngờ, ở Pheri lại quen ngay, bên cạnh gặp gia đình ông Xeren, góa, lại có cậu Alexander, 17 tuổi, ngông cuồng. Mồ côi mẹ từ khi mới sinh ra, thiếu văn hóa. Hai gia đình ở chung nhà. Gia đình Ông bà Luygi muốn sớm đem con trở về Corina, tránh cho con khỏi hư hỏng.

Rồi vào chiều thứ Bảy, sau đọc kinh, Goretti đang sửa bình bông, Alexander sang nhà Goretti xin khâu lại khuy áo. Anh thấy Goretti đẹp, không kiềm chế nổi, bèn hôn lên má cô. Cô chống cự xàm xỡ, đẩy anh ra. Bị chống cự, anh hăm dọa, nếu tiết lộ, ai hay chuyện, thì cô sẽ mất mạng.

Chiều hè, trời sắp giông bão, bà Axunta và Alexander thu dọn lúa nhập kho. Goretti lo cơm chiều. Alexander nấn ná qua, trò truyện và xin Goretti sửa áo rách. Anh nghĩ có một mình với một mình, dịp tốt.

Anh với dao nhỏ của Goretti cắm hoa, sẵn trên bàn. Định dọa, nếu Goretti kháng cự. Anh gọi cô qua phòng anh, nhưng cô lưỡng lự, anh mới cầm tay cô kéo qua. Goretti sợ kêu cầu cứu. Anh liền cầm dao kề cổ, dọa, chờ cô ưng thuận. Goretti vẫn mực từ chối chống cự. Tức giận, không kiềm chế nổi hành vi của mình, Alexander đâm liên tiếp 8 nhát dao vào ngực Goretti. Goretti ngã qụi, cố lết ra ngoài cửa, anh đuổi theo, đâm tiếp 4 nhát dao nữa trên người. Thất thần, ném dao, Alexander ngã gục bên Goretti.

Thấy động, ông Xeren đi vào, thì thấy máu lênh láng. Linh mục, bác sỹ và cảnh sát đến. Ngày 8.7.1902, thánh lễ an táng của Goretti được cử hành trọng thể. Goretti được phong Chân Phước (1947) và Hiển Thánh (1950). Riêng Alexander bị kết án 30 năm tù, giảm còn 10. Ra khỏi tù, Alexander xin làm lao công cho Dòng Phanxicô.

10. Thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá (Đức, 1891-1942)

Nêu gương đức tin của tân tòng cho mọi người

Xin sống và tuyên xưng đức tin

Thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá thường gọi Edith Stein là triết gia và theo Đạo Công Giáo (1922), là nữ tu Dòng Carmel Đức (từ 1934). Là người Do Thái, bà chạy qua Hà Lan vì bị truy hại của Quốc Xã. Năm 1942 bị bắt, nhốt vào trại Auschuwitz và bị giết bằng hơi ngạt. Bà được phong Chân Phước (1987) và Hiển Thánh (1998) bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Bà sinh ngày 12. 10. 1891 tại Breslau (Wrosclaw), Đức trong gia đình Do Thái

11. Chân Phước Thérèse Neumann (Đức, 1898-1962)

Chúa ủy thác “Chấp nhận đau khổ và Tôn sùng Thánh Tâm”

Ngày nay Phong Trào Tôn Sùng Thánh Tâm lan rộng khắp nơi

Chị Thérèse Neumann, được in Năm Dấu Thánh và 36 năm không ăn uống, mà chỉ chịu Mình Thánh Chúa. Chị sinh ra trong gia đình nông dân, xong tiểu học, Thérèse nghỉ học làm thuê cho một điền chủ để phụ giúp cha mẹ. Nhiều chàng trai ngắm nghé, nhưng nàng mơ ước làm nữ tu truyền giáo bên Phi châu. Nhưng Thiên Chúa đã xếp đặt khác :

- 13.11.1925, Thérèse đau ruột dạ dày, bác sĩ đề nghị mổ, tưởng chết. Cha sở Naber có mặt và đã đặt thánh tích của Thánh Têrêsa Hài Đồng lên chỗ dau. Cô được khỏi một cách lạ lùng. Trong khi đến nhà thờ tạ ơn, thì Thánh Têrêsa linh ứng cho Thérèse hay : Chúa hài lòng vì con chấp nhận đau khổ. Nhưng con còn đau khổ và từ bỏ nhiều ơn, và luôn sống trong sạch và đơn sơ.

- Đêm thứ năm, 4.3.1926, Chị được thị kiến thấy Chúa Giêsu trong vườn cây dầu. Chúa nhìn Chị, và cạnh sườn Chị có vết thương.

- Thứ sáu, 26.3.1926, Chị thấy Chúa vác Thánh Giá, tỉnh lại mất vết thương trên tay trái.

- Thứ năm tuần Thánh, 1.4.1926, Chị thấy Chúa chịu nạn chết trên núi Sọ. Xuất hiện vết thương trên tay mặt và hai chân.

Ngày 18 và 19.11.1926, Chị thấy Chúa đội mão gai, trên đầu Chị có 3 vết máu, rồi một tuần sau thấy 8 vết máu tiếp tục chảy ướt khăn.

- Giáng Sinh 1926, Chị ngưng hẳn ăn uống. Hàng ngày khi rước lễ, Chị chỉ dùng vài giọt nước cho dễ trôi Mình Thánh.Từ tháng 9.1927, và kéo dài tới khi qua đời, Chị không cần uống gì càä. Mình Thánh là của ăn duy nhất của Chị. Thêm một chứng nhân khác cho chúng ta tin lời Chúa nói là đúng: Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống’’(Ga, 6, 55). Và cho con người biết lo cho phần rỗi hơn là tranh chấp lợi danh. Trong thời gian gần, hy vọng được Giáo Hội tuyên phong Chị lên hàng Chân Phước, để mọi người sác tín rằng thời đại nào có vị tánh của thời đại đó, làm vinh danh Thiên Chúa.

12. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu (Pháp, 1873-1897)

Nên Thánh là sống đơn sơ chu toàn công việc hàng ngày

Nhiều người sống đức tin theo linh đạo của Thánh Têrêxa

Thánh sinh 1873 và qua đời 1897, 24 tuổi. Nhưng nổi tiếng là Thánh lớn nhất thời đại vì có con đường thơ ấu thiêng liêng. Cuộc đời Thánh nhân đã ghi trong ba cuốn ‘Chuyện Một Tâm Hồn’, ‘Thủ Bản Tự Thuật’ và ‘Tác phẩm toàn tập’. Nhanh chóng được tuyên phong Chân Phước (1923), Hiển Thánh (1925), Quan Thày các xứ Truyền Giáo (1927), Quan Thày nước Pháp (1944)

-Thánh lớn nhất thời đại (La plus grand Sainte des temps Modernes) : có tới 47 tấm ảnh, từ 8 tuổi, tập sinh, chụp chung, ôm hoa hồng, do Chị Céline chụp lưu giữ. Nay nhiều nhà thờ có đặt thánh tượng cho giáo dân tôn kính. Hài cốt luôn phiên kiệu trong các giáo phận được chiêm ngắm.

-Con đường thơ ấu thiêng liêng, chấp nhận đau khổ, bệnh tật. Từ 22 tuổi sống âm thầm trong tu viện, là thầy dạy con đường tu đức. Linh đạo nguồn suối ‘thơ ấu’ khơi động, khích lệ biết bao người bắt chước nên thánh (Mẹ Terexa Calcutta, VN có thày Machel Văn), trở về, soi sáng gây cảm hứng cho các nhà thần học…

-Chuyện Một Tâm Hồn, (L’Histoire une l’âme) xb 1898 : mật mí tất cả các cuộc đối thoại, thư từ, trao đổi, bút ký, thử thách… chính xác. Sách được in sau 2 năm Têrêsa qua đời do Chị Pauline thu tập

-Tự Thuật (Manuscrits Autobigraphiques) xb 1956, bản dịch của Mai Đức Vinh (1997) : Bản văn do chính Têrêsa viết

-Tác phẩm toàn tập (Œuvres Complètes de Thérèse) xb 1971-1998 : có chú giải và phê bình

13. Vợ chồng Chân Phước Luigi Beltrame Quattrocchi (Ý,1880-1951)

và Maria Corsini (1884-1965)

Gia đình là nền tảng gắn bó hạnh phúc yêu thương

Sống hòa hợp trọn đời đem lại nguồn an vui

Ngày 21.10.2001, tại quảng trường thánh Phêrô, Roma, Thánh Giáo Hoàng Gian Phao Lô II đã phong Chân Phước cho vợ chồng người Ý, Luigi Beltrame Quattrocchi (qua đời năm 71 tuổi) và Maria Corsini (81 tuổi). Ông là Luật sư bà là văn sỹ. Hai người lập gia đình năm 1905. Tháng 4.1914 bà mang thai cháu Enrichetta, lần thứ 4. Bác sỹ tiên đoán thai chỉ hy vọng sống có 5%, vì tật nguyền nặng và bà mẹ sẽ chết. Hai Ông Bà quyết giữ đến cùng. Cháu được sinh ra mẹ tròn con vuông. Bà Corsini sống thêm 51 năm nữa. Trong 4 người con có 2 linh mục Fillippo, Cesare và 1 bà sơ Stefnia (+1999). Ngày phong thánh có 2 cha (đồng tế) và em út là Enrichetta. Gia đình Luigi không chỉ là gương sáng cho Ý mà còn ảnh hưởng khắp nơi:

-Khi mới quen nhau, 46 và 41 tuổi, qua thư từ, tình cảm biểu lộ lòng khiết tịnh cho mức cao trong đời sống t¬âm linh.

-Chống và giúp quân kháng chiến chống chủ nghĩa phát xít độc tài

- Hàng ngày tham Thánh lễ, lần Chuỗi, cầu nguyện và tham gia bác ái.

- Qũi Gia Đình của HĐGM Ý mang tên Ông Bà

- Lần đầu phong thánh cho giáo dân, để cổ võ ơn gọi “Tông Đồ Giáo Dân”.

(x. GXVN số 249. Janvier 2009. Ttr 17-18 : Hiệp Nhất, số 277, 1. 2014, ttr 87-90)

14. Chị Magdeleine Jésus (Ý, 1898-1989)

Sáng lập Dòng Nữ Tiểu Muội của Thánh Charles de Foucauld

Nay, nhiều người lăn sả phục vụ người nghèo.

Sau cái chết của Cha Thánh Charles de Foucauld (1916), tưởng là những hy sinh cao cả và cuộc đời đạo đức thánh thiện của Ngài sẽ đi vào quên lãng. Nhưng Ngài như hạt giống đã chôn vùi chờ ngày trổ sinh hoa trái. Quả thật, Cha Thánh Charles de Foucauld là người cha của các dòng Tiểu Muội cho Nữ và Tiểu Đệ cho Nam, một dòng họat động và phát triển mạnh trên thế giới. Năm 1933, Ngành Nam do Cha René Voillaume thành lập. Còn ngành Nữ do Chị Magdeleine lập năm 1939. Toàn thế giới có 1.324 Tiểu Muội và 1.286 Tiểu Đệ.

Ngành Nữ, Tiểu Muội, do cô Elisabeth Hutin, người Pháp, sau làm bề trên tổng quyền mãn đời, gọi là Magdeleine de Jésus (1898-1989), thành lập năm 1939. Tinh thần và lịch sử, công trình lập Dòng chị Magdeleine viết : Chúa đã nắm tay tôi và tôi nhắm mắt bước đi theo Ngài...Trong phong cảnh bên ngoài hoàn toàn u tối và tất cả mọi phương tiện nhân sự đều

thiếu thốn hạn hẹp. Nhưng với lòng tin cậy vô bờ bến vào sức toàn năng của Chúa Giêsu. Chính Ngài là Thầy những gì mà sức người không làm nổi.

Chúa đã chọn Chị và trao phó công việc : Ngài đã chuẩn bị tôi từ thời thơ ấu, và đã kêu gọi tôi theo Ngài, chắc chắn ngay khi tôi bước vào tuổi có trí khôn. Ngài đã gieo vào lòng tôi yêu mến Châu Phi, đồng thời cũng thúc đẩy tôi yêu chuộng những người bé nhỏ nhất, nghèo nàn nhấ và bị bỏ rơi nhất. Chị Magdeleine đã lập Huynh Đoàn các Tiểu Muội Chúa Giêsu, ngày 8.9.1939, tại Touggourt, sa mạc Sahara, bên Algérie. Sau hai năm lập dòng, Chị kể lại cảm nghĩ ban đầu : Chúa theo đuổi tôi với câu nói này : ‘‘Ngài đã sai họ đi từng hai người một đến các dân làng mạc’’. Câu nói ấy là kỷ niệm tận mắt của các Tông Đồ. Tôi thấy các Tiểu Muội ở khắp nơi cùng lúc, gieo rắc tình thương như một tia sáng thật nhỏ. Mặc dầu các chị đầy khuyết điểm, hèn kém. Tôi thấy chính mình đang làm lan rộng ngọn lửa Chúa ủy thác. Tôi chẳng có gì đẹp và học hỏi thêm, mà chỉ có ngọn đuốc đang cháy. Tôi phải mang nó đi khắp nơi. Nó sẽ khêu dậy và bóng sáng khi tỏa lan và truyền được sức sống.

Điểm nổi bật nơi con người Magdeleine là chất chứa tình yêu Chúa Kitiô nóng bỏng. Tình yêu này thúc đẩy Chị không ngừng đi đến với những người nghèo khổ nhất, những người bị bỏ rơi khắp nơi. Qua họ, từ tình bạn, trao truyền tình yêu thương dịu hiền của Thiên Chúa (Sđd. tr 5). Nhà chính của Tiểu Muội ở Ý : via di Aque Salvie 2, Tre Fontaine. 00142. Roma. Italia. Các căn nhà bằng gỗ, tự làm. VN có nhà và nhiều nữ tu theo ơn gọi.

15. Chị Marthe Robin (Chateauneuf, Pháp, 1902-1981)

Chúa ủy thác “Hướng dẫn và bảo toàn ơn gọi’’

Ngày nay ơn gọi được hướng dẫn đến nơi đến chốn

Chị Marthe Robin từ nhỏ yếu ớt nên không đủ sức theo học cao, 14 tuổi đã nghỉ học. Gia đình sinh sống ở nông trại Châteauneuf de Galause. Ơn gọi nên thánh của Robin ăn sâu từ nền giáo dục của ông bà thân sinh Joseph Robin và Amélie Célestine Chosson. Từ năm lên 8, Marthe đã say mê Thánh Thể Chúa. Những lần dừng chân quanh nhà thờ, lúc rảnh Marthe đã vào nhà thờ qùi cầu nguyện trước nhà Tạm, không biết mệt mỏi.

Từ 1930 đến ngày qua đời năm 1981, Chị được in Năm Dấu Thánh ở hai tay, hai chân, ngực và quanh đầu. Suốt những năm này, Chị không ăn uống gì, chỉ chịu Mình Thánh Chúa. Thân xác bị tê liệt. Đặc biệt, ngày thứ sáu trong tuần, Chị hoàn toàn sống như Chúa Giêsu trong ngày khổ nạn. Tuy nhiên, Chị vẫn sáng suốt và hướng dẫn ơn gọi nhiều người, hàng giáo sĩ, tu sỹ cũng như giáo dân. Năm 1934, như được linh ứng, Chị đã trao cho Cha linh hướng Georges Finet mở trung tâm Bác Ái, tiếp đón trẻ em và người nghèo.

Trung tâm Bác Ái sống như gia đình dưới sự che chở của Đức Mẹ. Ngoài sống tu đức thánh hóa bản thân, trung tâm mở nhiều buổi tĩnh tâm cho những ai đến, dài ngắn, tùy. Hiện nay có 76 trung tâm Bác Ái trên thế giới, trong đó có VN. Theo bạn bè, gia đình và những người tiếp xúc, thì cho Chị "đã là Thánh từ năm 1925". Chị Marthe đã chọn con đường Chúa soi sáng và hướng dẫn : Sống cho mình Chúa trên Thập Giá, và đem tình thương đến cho những người nghèo khổ. Sau 51 năm cùng thọ nạn vói Chúa Kitô, Chị qua đời 6.2.1981. Phần mộ đơn sơ nằm chung với gia đình ở nghỉa trang Saint Bonnet de Galaure. Khi còn sống, người Pháp đã gọi Chị như ‘‘nữ thánh’’. Hồ sơ phong thánh đã hoàn tất năm 1996.

16. Thánh Maria Faustina Kowalska (Ba Lan,1905-1938)

Chúa ủy thác “rao truyền Lòng Thương Xót Chúa”

Ngày nay khắp nơi, cứ 3g chiều là có giờ chầu Lòng Thương Xót Chúa

Là Tông Đồ thời đại của Lòng Thương Xót Chúa. Thánh Maria Faustina tục danh là Hélene Kowalska, sinh 25.8.1905, tại làng Glogowice, quận Turek, Balan, và qua đời vì lao phổi ngày 05.10.1938, lúc 33 tuổi, tại tu viện Varsovie Dòng Nữ Tu Đức Bà Thương Xót tại Lagienwnibi, gần Crakow, Balan. Dòng có mục đích giúp đỡ tinh thần vật chất cho những thiếu nữ bơ vơ vô thừa nhận. Ngày 30.4.1928, chị khấn tạm. Năm năm sau chị khấn trọn đời. Chị được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II tuyên phong hiển thánh ngày 30.4. 2000.

Xuất thân từ gia đình nghèo, lao động nông nghiệp, Chị Faustina chỉ được học ba năm tiểu học. Ngay từ nhỏ, Chị đã là con ngoan và đạo đức trong gia đình. Năm 15 tuổi, Chị xin đi tu, nhưng cha mẹ từ chối vì cần con giúp đỡ trong nhà. Năm 20 tuổi mới nhập dòng. Lúc đầu là trợ tá, đến tập sinh. Trong tu viện, cá tính đặc biệt của Chị là khiêm nhường và vâng lời đã giúp Chị chu toàn công việc bề trên trao phó như quét nhà, rửa chén, làm vườn hay giữ nhà. Chị làm việc tận tâm và nhiệm nhặt. Cuộc đời Chị đã kết bằng những kinh nguyện, hy sinh thương khó và hãm mình tự nguyện nhận lãnh đau đớn thân xác. Từ 1931, Chị được Chúa in hai tia sáng từ trái tim, hiện ra các lần 1931, 1935, 1937, 1938.

17. Chị Đáng Kính Edel Mary Quinn (Ái Nhĩ Lan, 1907-1944)

Quên mình sống cho người khác bên Đức Mẹ

Là làm trọn nghĩa tông đồ với anh em

Chị Đáng Kính Edel Mary Quinn là hoa thơm tươi mát của Đạo Binh Đức Mẹ. Cuộc đời vắn vỏi 37 năm (1909-1944). Nhưng đem lại kết quả không ai ngờ. Lòng mộ mến Đức Mẹ cực độ khiến cô gia nhập Đạo Binh Đức Mẹ, nhóm trẻ, 1927, ở Dublin và lại gặp anh Frank Duff. Người sáng lập Đạo Binh. Từ đây cô dành trọn thời gian cho việc tông đồ, mặc dù sức khỏe yếu kém, sau khi bị lao phổi. Chị đã hành hương Lộ Đức và rue du Bac, Paris, 1934. Chị mong ước tu trong Dòng chiêm niệm. Từ 1932, Mary sức khỏe mỏng manh yếu dần, sau 18 tháng nằm nhà thương. Gia đình bỡ ngỡ cho là ơn lạ vì Mary khỏi bệnh mau chóng

Năm 1936, theo nhu cầu truyền giáo của Đạo Binh Đức Mẹ, Edel chọn tình nguyện đi miền tây Phi Châu, Keynya, Tanganika. Tại đây Edel khắc phục mọi khó khăn. Mới 5 tháng đầu, Chị đã ra mắt Đạo Binh. Với xe deep cọc kẹch, Chị chạy đó đây, tìm kiếm linh mục cùng chí hướng. Giáo dân mộ mến, việc truyền giáo dễ dàng. Chỗ nào cũng có vết chân của hai nhóm nòng cốt ‘truyền giáo thiện nguyện nam, nữ’. Chị có khiếu ca nhạc vũ múa nên dễ thu hút giới trẻ. Đông người gia nhập Đạo Binh, lần Chuỗi, đọc Thánh Kinh, Chầu Mình Thánh. Gặp thiên tai hầu như quanh năm, nhóm cứu trợ Đạo Binh ra tay tận tụy giúp đỡ. Đường đèo gập ghềnh cheo leo, nhóm Mary hay gặp tai nạn, rớt thung lũng là thường. 1937, Edel mở trại Phục Sinh, nhiều tham dự. Có các bạn trẻ noi gương sáng Edel xin đi tu.

Năm 1941 bệnh phổi tái phát. Ngày 12. 5.1944, kiệt sức, Chị Edel Mary Quinn trút hơi thở. Phần mộ trong nghĩa trang Nairobi.

18. Chị Lucia de Jésus dos Santos (Fatima, 1907-2005)

Sứ điệp Faima: “Cải thiện, lần hạt Mân Côi và tôn sùng Khiết Tâm Đức Mẹ.”

Hưởng ứng Đức Mẹ người ta siêng năng Lần Chuỗi Mân Côi.

Ngày 13.6.1917, tại Fatima, khi hiện ra Đức Mẹ đã nói với Lucia (năm 10 tuổi) và trao sứ mệnh: Phanxicô và Giaxinta sẽ được đưa về trời sớm, còn con sẽ ở lại thế gian lâu hơn. Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến.

Lucia buồn: Con phải ở lại đây một mình sao? Đức Mẹ liền an ủi: Đừng buồn, hỡi con gái Mẹ. Con cảm thấy đớn đau lắm phải không? Đừng nản lòng. Mẹ sẽ không bỏ rơi con đâu. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là nơi con nương náu và là đường của con đến với Thiên Chúa. Chị qua đời năm 98 tuổi (13.2.2005) sau khi chấp nhận mọi đau khổ, và làm tròn sứ mệnh:

- Cả thế giới Công Giáo hiểu được giá trị và tuân giữ: cải thiện đời sống, lần hạt Mân Côi và tôn sùng Khiết Tâm Đức Mẹ.

- Vận động giáo quyền chấp nhận giữ các ngày thứ Bảy đầu tháng, kính riêng Đức Mẹ, từ 13.9.1939.

-Đề nghị và được thi hành Lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, từ 4.5.1944.

- Tha thiết xin ĐTC hiệp cùng các Giám Mục trên thế giới dâng nước Nga cho Trái Tim Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, 25.3.1984.

-Ngày 26.6.2000, Tòa Thánh đã tiết lộ phần thứ ba Bí mật Fatima vào dịp Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II viếng thăm Fatima. Sứ Điệp được Chị Lucia viết 3.1.1944, lưu mật tại Tòa Thánh từ 4.4.1957. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đọc (17.8.1959), Thánh Giáo Hoàng Phaolo VI đọc (27.3.1965). Sau một năm, linh cữu của Chị đã được di chuyển từ tu viện Coimbra về đền thánh Fatima, an táng bên cạnh mộ hai Thánh Phanxicô và Giaxinta.

Nhiều người hy vọng án phong thánh Chân Phước cho Chị sẽ khởi sự mau chóng. Vì hiện thời rất nhiều chứng từ khỏi bệnh và ơn lạ nhờ lời cầu nguyện của Chị đã được thâu thập (RG 20.2.2006). Ngày 19.2.2006, Lm Luis Kondor phó thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Chân Phước Giaxinta và Phanxico tiết lộ : trước khi qua đời, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II cũng bày tỏ sẵn sàng chuẩn chước qui luật 5 năm sau khi qua đời mới được phép mở hồ sơ phong thánh, cho Chị Lucia (CNS 20.2.2006).

Trong sứ điệp ngày lễ an táng Chị tại đan viện Coimbra (19.2.2005), Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II gửi viết : Thiên Chúa đã thưởng Chị về nơi trường sinh thiên đình. Như thế đã đạt đến cùng đích chỉ luôn mong mỏi trong cầu nguyện và trong tĩnh lặng của tu viện... Việc Đức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917 với Chị cùng Phanxico và Giaxinta là khởi điểm của sự việc đặc thù được Chị trung thành cho tới cuối đời mình. Chị đã để lại cho chúng ta một tấm gương trung thành cao cả đối với Chúa cũng là tấm gương hân hoan gắn bó với ý muốn thần linh của Ngài. (Vatican 14.2.2005).

19. Nữ Tu Emmanuelle (Bỉ,1908-2008)

Người mẹ của dân nghèo bới rác và người nghèo ổ chuột

Nhờ Sr mà họ tìm được hạnh phúc và lẽ sống

Nữ tu Emmanuelle sinh tại Bruxelles, Bỉ (mẹ người Bỉ) năm 1908, tên khai sinh là Madeleine. Cinquin. Đi tu (cha người Pháp) nhận tên Emmanuelle, nghỉ hưu ở Paris, đang chuẩn bị mừng 100 tuổi thì qua đời 2008. Tu dòng Notre Dame de Sion, học Sorbonne tại Paris, khấn xong, Sr xin qua Turquie1932, Tunisie 1954, Égype 1963 dạy văn chương và Triết học (1962-1963). Năm 1971, thôi dạy học dấn thân phục vụ trẻ em bụi đời và dân nghèo, trẻ lượm rác. Sống tại bãi rác (1985) vùng Meadi Tora, Le Caire. Về hưu ở Paris, đồng thời lập hội Asmae-Association Soeur Emmanuelle, được công nhận 1999 là ‘unité publique‘, phát triển nhiều nước. Sr được mọi người ủng hộ, hậu thuẫn. Năm 2002, Sr được trao tặng ‘Bắc Đẩu Bội Tinh‘, mở cư xá đón tiếp ‘bà mẹ trẻ‘ tại Bobigny. Từ đấy, Nữ tu Emmanuelle được ‘sai đi sống giữa dân nghèo‘, với ‘tình yêu đem cho‘. Lạy Chúa, này con đây, đứng trước mặt Chúa

Với mọi người nam nữ, đòan tụ như anh em

Lạy Chúa, xin nhìn đến từng người

Với cái nhìn đầy áp tình thương

Lạy Chúa, con xin phó thác cho Chúa

Những người nghèo, mà con phục vụ

Vì đó là ơn gọi của con (sr Emmanuelle)

(x. GXVN, số 251, Mars 2009, ttr.3-19)

20. Thánh Teresa Calcutta (Ấn Độ, 1910-1997)

Chúa ủy thác “mở rộng bàn tay tương thân tương ái”

Dòng Nữ Tu Bác Ái phát triển khắp nơi trên thế giới

Ngày 27.8.1946, trường St. Marie tổ chức mừng sinh nhật thứ 36 của Mẹ Teresa, hiệu trờngtrường. Sinh nhật năm nay không vui tý nào đối với Mẹ. Vì sau 3 thế kỷ, 400 triệu người Ấn Độ, đa số nghèo đói, chán ngấy đường lối cai trị của người Anh. Trong khi đó phong trào đòi tựdo thánh Gandhi bộc phát và có sức thu hút quần chúng khắp nơi. Bên cạnh, nhiều nhóm Hồi Giáo lợi dụng nổi loạn, cướp bóc, thảm sát đốt phá, bạo động khủng khiếp. Dân tình hết sức cực khổ.

Mẹ bàng hoàng kinh hãi như trận cuồng phong trong tâm hồn qua những biến cố mới này. Những năm qua, công việc phẳng lặng của một giáo viên không còn ăn khớp với những gì Mẹ vừa kinh qua trong lòng của tinh thần thừa sai, hằng ấp ủ trong lòng. Mẹ bắt đầu suy tư : Thiên Chúa muốn con làm gì khác đây, điều gì nữa đây nữa đối với những người đang dau khổ trên xứ sở này?

Ngày 12.9.1946, Mẹ đi tĩnh tâm hàng năm ở Darjeeling, một tuần. Trên chuyến xe lửa đêm (10-9) như một bệnh viện, đầy người mang thương tích. Mẹ đau lòng nhìn họ và thầm đọc lại câu trong Thánh Kinh: Mỗi lần con không làm những việc nhỏ cho người hèn mọn, là đã không làm cho chính Ta (Mt 25, 45). Mẹ đã nói: Cái đêm đó tôi mới nhận thức và kinh ngạc trước những đau khổ và tôi hiểu được một cách sâu xa bản chất ơn gọi cûa tôi.

Sau những ngày cấm phòng, Mẹ quyết định xin rời Dòng Lorete, và bắt đầu sứ mạng mới cho những người nghèo khổ trong thành phố. Sau những khó khăn, Mẹ được phép lập dòng Nữ Tu Bác Ái Truyền Giáo (16.8.1948). Những ngày đầu Mẹ đã ăn cơm với muối, như bao nhiêu người chung quanh.

Ngày nay, đâu có người nghèo là có mặt các nữ tu của Mẹ Teresa. Mẹ nói: Các phép lạ đã làm phát triển mọi công việc mà các nữ tu của Mẹ đang thực hiện trên thế giới. Mẹ đã đến Hà Nội và Sài Gòn, 1994, dự lễ tại nhà thờ Thanh Đa, xin lập Dòng, mà không thành.

Tin mới nhất, tháng 5.2005, Chị Tổng Quyền Dòng Bác Ái Nirmala Joshi đã qua tỉnh Qingdao, bên Trung quốc và tiếp nhận một số cơ sở của chính phủ nhờ các chị Dòng săn sóc người già và khuyết tật

21. Chị Chiara Lubich (Ý, 1920-2008)

Chiến tranh gây đổ nát điêu tàn đổ nát tinh thần và vật chất

Phong trào Focolare qui tụ sống hiệp thông bác ái

Chị sinh ra (1920), hoạt động và qua đời tại Ý. Phong trào Focolare (Tổ Ấm) do chị Chiara Lubich thành lập, thực hiện một thế giới hiệp nhất, qua tinh thần sống bác ái. Châm ngôn phát xuất từ câu: ‘‘Xin cho chúng con nên một như con trong Cha và Cha trong Con’’. (Ga 17,21). Phong trào còn có tên: ‘‘Tổ Ấm Mẹ Maria’’ hay ‘‘Công trình Mẹ Maria’’. Chu Focolare từ tiếng Ý là ‘‘Tổ ấm gia đình’’. Hiện có 200.000 hội viên tại 182 nước

Năm 1943, Chị Chiara 23 tuổi, đã dâng hiến đời cho Chúa. Giữa những đổ nát của thế chiến thứ 2. Một nhóm thiếu nữ qui tụ bên chị, dưới hầm trú bom đạn. Những câu đánh động: Các con hãy yêu nhau như Thày yêu các con (Ga 15,12). Ở đâu có hai hay ba người nhân danh Ta họp lại, thì Ta ở giữa họ (Mt 18,20). Thời gian đầu, Chiara có bạn gái rất thân, chiến tranh, đảo lộn. Chiara đang mê triết học, bỏ học, còn cô gái kia có hôn phu đi lính, không về. Trong vùng, có nhiều cô khác, trẻ nhất 15 tuổi, đều thấy mong ước thành mây khói. Họ thường gặp nhau và cùng nhận định ‘‘Mọi sự đều phù hoa giả trá và tất cả đều qua đi’’. Cuối cùng, được soi sáng, các thiếu nữ này đã tìm ra chân lý: Thiên Chúa hằng có đời đời. Họ nghĩ, dù ở dưới hầm trú, họ cũng có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Không có đâu an toàn. Phải tìm tới Chúa, chỗ nào mà chả được. Mỗi khi có báo động nguy biến, họ kéo nhau đi tìm nơi trú ẩn. Mỗi ngày nhóm này chạy vào hầm trú ẩn tới 12 lần. Mỗi lần họ mang theo cuốn Phúc Âm. Có lần họ đọc thấy câu ‘‘Không phải kẻ nào thưa với Ta, lạy Chúa, lạy Chúa, mà được vào Nước Trời, nhưng là ai thực hiện ý của Cha Ta trên trời.

Năm 1949, nhóm nòng cốt, 15 người, cùng với Chị Lubich lên núi Dolomite tĩnh tâm. Tránh tiếp xúc với dân chúng. Họ dùng một mái nhà nghèo hèn, nhỏ ở miền sơn cước. Về tổ chức, chia nhóm riêng nam, nữ, người đã có gia đình, linh mục dòng, nữ tu, các người làm chính trị... sống chung thành cộng đoàn. Hướng dẫn do nhóm linh mục như hạt nhân. Tổ chức dấn thân làm việc trong nhiều lãnh vực, canh tân theo tinh thần Phúc Âm: gia đình, xứ đạo, cộng đoàn. Trong và sau thời chiến tranh, Phong trào đã tích cực cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, phân phát biết bao nhiêu thùng thực phẩm, thuốc men, quần áo. Họ có mặt khắp nơi với khả năng.

22. Chân Phước Benigna Cardoso da Silva (Brazil, 1928-1941)

Mười Ba tuổi bảo vệ trinh tiết

Nêu gương cho người trẻ về đạo hạnh

Chúa nhật 24.10.2022, tại công viên Petro Felicio Vavalecanti, 60.000 tín hữu thành phố Cratô, đông bắc Brazil, tham dự lễ phong Chân Phước cho thiếu nữ mới 13 tuổi tên Benigna Cardia da Silva tử đạo vì bảo vệ trinh tiết.

Cô Benigna Cardoso da Silva sinh 15.10.1928 tại Samta do Carin, bang Ceara. Bé thường đi lễ mỗi ngày, đọc Thánh Kinh và giúp đỡ người túng thiếu hay gìa nua. Ngày 24.10.1941, khi bé đang múc nước tại dòng suối, thị bị thanh niên Raimundo Raid Alves Ribeiro hãm hiếp, rồi dùng dao chém chết, mặc dầu cô ra sức chống cự. ĐHY chủ phong là Leonardo Steiner, Dòng Phanxico, TGM giáo phận Manaus, đại diện ĐTC Phanxicô. Một trong hai em của Tân Chân Phước mang kính thánh tích của Chị. Giảng lễ, ĐHY nói: Trong xã hội có nhiều phụ nữ bị hãm hiếp và trẻ em bị lạm dụng tình dục. Tân Chân Phước là mẫu gương về bảo vệ phẩm giá phụ nữ. Là mẫu gương bất khuất phụ nữ, dùng sức mạnh và giá trị của mình để bảo vệ phẩm giá, vẻ đẹp, sống động và dịu dàng của phụ nữ. Chân Phước thà chết chứ không theo đam mê, không mất phẩm giá mình. ĐHY cầu nguyện để chúng ta góp phần vào sự hoán cải tâm hồn, và chăm sóc trẻ em và gia đình. (vietcatholic. net, 2.11.2022)

23.Chân phước Gaetana Tolomeo (Ý, 1936-1997)

Đau khổ bệnh tật thể xác rèn luyện con người

Xin cho hiểu được ý nghĩa đau khổ

Chiều Chúa Nhật 3.10.2021, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phong thánh Marcello Semeraro đã chủ sự Thánh lễ tại đền thờ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội ở Catanzaro, miền Calabria của Ý, để tuyên phong chân phước cho hai phụ nữ người Ý: Gaetana Tolomeo và Mariantonia Samà (x.số 9 trong bài này). Điểm chung của hai tân chân phước là đón nhận đau khổ bệnh tật trong cuộc sống. Hai vị đều muốn trở nên “giống như Đức Kitô”. Đức Hồng Y Semeraro nhấn mạnh rằng sự thánh thiện của các ngài là lịch sử của quyền năng Thiên Chúa trong sự yếu đuối của con người”.

Gaetana Tolomeo, được biết đến với cái tên Nuccia, sinh tại Catanzaro vào năm 1936. Khi còn nhỏ, bà đã bị chứng tê liệt tiến triển và biến dạng, và được gửi đến nhà một người cô ở Cuneo để chữa trị. Khi trở về nhà, thấy cha mình không chấp nhận tình trạng thể lý của mình, bà đã dâng những hy sinh cầu nguyện cho ông hoán cải. Bà đã tìm được ý nghĩa cho cuộc sống của mình bằng cách cầu nguyện cho tất cả những ai xin bà cầu nguyện. Bà qua đời vào năm 1997.

Trong bài giảng Đức Hồng Y Semeraro nói rằng một phụ nữ vì yêu Chúa Giêsu đã “biến khuyết tật của mình thành việc tông đồ để cứu chuộc con người. Khi lặp đi lặp lại: Tôi cảm ơn Chúa Giêsu đã cho tôi được đóng đinh vì tình yêu, chân phước đã trở thành một tấm gương về lòng biết ơn cho cuộc sống mà ngài đã nhận được”. Đức Hồng Y nhắc lại lời của chân phước Tolomeo: “Tôi là Nuccia, một sinh vật yếu ớt mà trong đó Quyền năng của Chúa hoạt động hàng ngày”. Đức Hồng Y Semeraro lưu ý: “Trên thực tế, cuộc sống trần thế của ngài phong phú không phải qua các sự kiện và công trình hoành tráng, nhưng trong ân sủng và hoàn toàn tuân theo ý Thiên Chúa trong sự giản dị hàng ngày”.

Hai tháng trước khi qua đời, Chân Phước Tolomeo đã gửi cho những người trẻ của Sassari thông điệp này: “Tôi 60 tuổi, tất cả năm tháng đều nằm trên một chiếc giường; thân thể tôi queo quắt, mọi việc phải phụ thuộc vào người khác, nhưng tinh thần tôi vẫn tươi trẻ. Bí mật của tuổi trẻ và niềm vui sống của tôi chính là Chúa Giêsu. Alleluia”.

Hai kết luận cho bài này.

1.Cùng với Đức Phanxicô dâng lời kinh xin ‘sống đức tin’’ cho những ai trong gia đình và thưởng công cho những người ra đi.

Lạy Mẹ,

Xin Mẹ nâng đỡ đức tin chúng con

Xin Mẹ mở rộng tai chúng con để nghe lời Thiên Chúa

và nhận ra tiếng và lời gọi cûa Người

Xin Mẹ làm sống dậy trong chúng con ước muốn

bước chân theo Người, lên đường rời bỏ quê hương

và chấp nhận lời hứa của Người

Xin Mẹ giúp chúng con được tình yêu Người chạm tới

được chạm đến Người bằng đức tin

Xin Mẹ giúp chúng con tín thác trọn vẹn vào Người

và tin vào tình yêu của Người

nhất là trong lúc bị thử thách

dưới bóng thấp khi đức tin của chúng con

được mời gọi trưởng thành hơn

Xin Mẹ gieo vào đức tin chúng con

Niềm vui của Đấng Phục Sinh

Xin Mẹ nhắc nhở chúng con rằng

Người tin không bao giờ đơn độc

Xin Mẹ dạy chúng con biết nhìn mọi sự

bằng con mắt của Chúa Giêsu

để Người là ánh sáng soi đường chúng con đi

Và ánh sáng đức tin này luôn gia tăng nơi chúng con,

cho tới hừng đông của ngày bất tận

là chính Chúa Kitô, Con Mẹ, Chúa chúng con. Amen.

Kinh kết thúc Tông Huấn ‘Ánh Sáng Đức Tin’ (Lumen Fidei)

(Tông Huấn được ĐGH Benedicto viết gần xong

Đức Phanxicô đóng góp và ban hành 29.6. 2013.

2. Đọc lại kết luận của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Thư “Mulieris Dignitatem (“Phẩm Giá Phụ Nữ”, Năm Thánh Mẫu), ban hành, 15.8.1988

“ Nếu chị em nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban”

… Giáo Hội cám ơn vì mỗi và mọi Phụ Nữ. Vì các bà mẹ, các chị em, các bà vợ, vì các phụ nữ được thánh hiến cho Chúa trong đức khiết tịnh. Vì những phụ nữ tận tụy cho lắm người vốn mong chờ tình thương nhưng không của kẻ khác. Vì những phụ nữ đang chăm sóc những người trong gia đình, dầu chỉ nền tảng của cộng đoàn nhân loại. Vì những phụ nữ đang hoạt động nghề nghiệp cùng lúc chịu ghánh nặng của xã hội. Vì những phụ nữ đảm đang và những phụ nữ yếu đuối. Vì mọi phụ nữ.

…Đồng thời, Giáo Hội cầu xin cho ‘những sự tỏ mình của Thần Khí (x. 1Cr 12, 4tt) vốn được luôn tuôn ban hết sức quảng đại vĩnh cửu, có thể được thừa nhận và đánh gía kỹ lưỡng, để những sự tỏ mình ấy có thể trở lại vì thiện ích chung của Giáo Hội và nhân loại. Suy niệm về phụ nữ trong Thánh Kinh, Giáo Hội cầu xin cho mọi phụ nữ khám phá chính mình và ơn gọi cao qúi của mình.

(Bản dịch của Lm Phêrô Phan văn Lợi, VN – Vatican.va. HĐGM VN)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Tông Huấn ‘Ánh Sáng Đức Tin’ (Lumen Fidei)

(Bản dịch Việt ngữ, Vũ Văn An. 2014)

- Mémores de Soeur Lucie. Père Louis Kondor SVD, 2015

- Marthe Robin. 2000

- Thông điệp và Sùng Kính Lòng Thương Xót. Xuân Lộc. 2002

- Đức Mẹ Tháng Hoa. Ns Hiệp Nhất. 5.2015. Tr 21.

- Têrêsa, vị Thánh lớn nhất của thời đại mới. Hương Việt, 1997.

- Les Femmes de l’Evangile. France Quéré. Seuil. Paris.19823
 
Hình ảnh Thánh cả Giuse trong mùa Vọng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
23:00 16/12/2022
Hình ảnh Thánh cả Giuse trong mùa Vọng

Không có hang đá Chúa giáng sinh nào xưa nay mà không có hình tượng Thánh cả Giuse. Dẫu vậy thánh nhân gần như giữ một vài trò mờ phụ ẩn khuất phía đàng sau hậu trường.

Nhưng Thánh nhân không phải là người không có nhiệm vụ ý nghĩa căn bản cho đời sống của gia đình Chúa Giêsu, mà Ông được Thiên Chúa trao cho: Giuse trở thành người chồng bạn đường của Đức Mẹ Maria, và cha nuôi Chúa Giêsu trên trần gian.

Vậy đâu là hình ảnh thánh Giuse trong mùa vọng?

Một vài nơi khắc tạc hình tượng Thánh Giuse đứng với lòng bàn tay chắn để sau tai.

Tư thế này không phải là hình ảnh của người nặng tai. Nhưng là tư thế người muốn lắng tai nghe. Tư thế này nói lên muốn dùng bàn tay che chắn tiếng động ồn ào gần bên, để lắng nghe cho rõ âm thanh từ xa vọng đến, và âm vang tiếng nói nhỏ nhẹ nữa.

Tư thế này diễn tả nếp sống của Giuse trong giấc mơ ngủ đã lắng nghe tiếng Thiên Thần Chúa hiện đến nói cho biết ý định của Thiên Chúa. Và theo đó Giuse đã thực hiện đúng như vậy.

Kinh thánh nói về Giuse là một người làm ăn mẫn cán có đời sống chính trực. Ông sống âm thầm lặng lẽ, nhưng để tai nghe và tầm mắt quan sát nhìn cho tỏ tường. Như thế Giuse là một con người luôn để tâm nghe theo tiếng lương tâm nhủ bảo nói thầm trong tâm hồn lòng mình cùng qua những dấu chỉ trong thiên nhiên.

Rồi hình tượng Thánh Giuse được vẽ khắc trong tư thế một người làm việc lao động chân tay với những dụng cụ của một người thợ mộc: chiếc khoan, búa, đục, cưa, thước đo…

Hình ảnh này diễn tả Giuse là người làm việc chuyên môn và cần cù lo lắng cho đúng chuẩn mực, để kiếm miếng cơm manh áo nuôi sống gia đình cho Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu.

Việc làm ăn sinh nhai xưa nay luôn là điều căn bản cần thiết cho đời sống con người, nhất là người trưởng gia đình. Đôi tay bàn tay, trí óc suy nghĩ sáng tạo là những chi thể cơ quan trọng yếu. Phải, đó là dụng cụ thần thiêng, mà Thiên Chúa tạo dựng ban cho mỗi con người trong đời sống giúp xây dựng nếp sống cho chính mình, cho gia đình cùng xã hội.

Trong mùa Vọng hình ảnh này của Thánh Giuse nhắc nhở nhớ đến những người làm việc lao động lo toan cho gia đình có no đủ cơm ăn áo mặc, nhớ đến những người sống vướng mắc trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn phải chiến đấu vật lộn để kiếm lương thực hằng ngày cho gia đình. Và trong hoàn cảnh khả năng có thể, trong tình liên đới con người với nhau cùng trợ giúp lẫn nhau.

Nơi hình tượmg Thánh Giuse chúng ta bắt gặp ngoài tư thế của người lấy tay che chắn tai để lắng nghe, và những dụng cụ làm việc lao động nơi bàn tay, còn có một cây gậy nơi tay nữa, mà trên thân phần đầu cây gậy có bông hoa nở.

Hình ảnh này phản chiếu lên biểu tượng với ý nghĩa thần thiêng đạo đức sâu xa. Một cây gậy bằng gỗ không có rễ để hút thẩm nước từ dưới lòng đất lên nuôi sống thân cây, lá bông hoa cây. Nhưng cây gậy của Thánh Giuse dù khô cũng nở hoa huệ tươi tốt.

Điều này nhắc nhớ đến hình ảnh mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: từ gốc cây khô héo nẩy lên một chồi non, sinh hoa tươi xanh kết trái.

Cây gậy của Giuse nở sinh bông hoa diễn tả: cuộc đời của Giuse trong nhiệm vụ do Thiên Chúa ấn định là người trưởng gia đình, người cha nuôi của Chúa Giêsu trên trần gian, luôn được Thiên Chúa cùng đồng hành, mà Ông đã nhận được trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những lúc khó khăn phức tạp tế nhị.

Cây gậy nở hoa của Thánh Giuse là hình ảnh chỉ về sự nâng đỡ của Thiên Chúa cho Giuse trong việc làm ăn nuôi sống gia đình. Dù có vất vả khó khăn, nhưng Giuse không phải chiến đấu một mình, trái lại luôn có Thiên Chúa quan phòng lo liệu giúp sức cho.

Như vậy có thể suy hiểu ra rằng cây gậy nở bông hoa của Thánh Giuse là hình ảnh biểu tượng (cây gậy) niềm hy vọng của Trời cao gieo xuống ban cho đời sống.

Mừng sinh nhật Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, nhắc nhớ đến niềm hy vọng tương lai cho đời sống con người trong hoàn cảnh con đường đời sống vật chất cũng như tinh thần hôm nay và ngày mai.

Như Giuse, con người luôn cần phải lắng nghe tiếng Chúa nói trong trái tim tâm hồn, và quan tâm chú ý đến những dấu chỉ trong thiên nhiên nhắn gửi nói về sứ điệp tình yêu cùng niềm hy vọng.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, Chương Mười Hai
Vu Van An
20:06 16/12/2022

Chương XII: Nhìn lại lịch sử



Tôi tin rằng nói một cách bao quát về những thất bại và sai lầm của nhân sự Giáo hội mà không nói rõ mình đang nghĩ gì sẽ không làm tròn bổn phận phải trung thực về trí thức. Mặt khác, việc thảo luận dù nhỏ nhất về chi tiết lịch sử cũng kéo theo những phát triển vô tận, không phù hợp với một cuốn sách như thế này. Vả lại, tôi chẳng cảm thấy thích thú gì khi khai triển một chủ đề chỉ gợi lại quá rõ những vết thương do Ađam cũ để lại trong chúng ta (như lịch sử nói chung vốn làm, lịch sử "với hình ảnh ghê tởm", như Julien Green nói, lịch sử mà cả tôi cũng thấy "cơn ác mộng của nhân loại" {1} đang lữ hành). Do đó, trong chương này và trong hai chương sau, tôi sẽ tự giới hạn vào việc phân tích (tiếc rằng không thể làm cho nó ngắn gọn như tôi mong muốn) một số ít các thí dụ điển hình mà tôi đã gom lại với nhau cách tốt nhất có thể.



I. Các sách nhiễu của thập tự quân và ý niệm thánh chiến

Thập tự chinh và những người thi hành nó

1. Thập tự chinh là một ý niệm, tự nó, vốn trong sáng, nhưng trên thực tế, ngay lập tức bị xâm chiếm và vấy bẩn bởi một ý niệm không trong sáng. Nếu người ta hướng về những người đã rao giảng nó, chẳng hạn như Thánh Bernard, và hướng về những người đảm nhận trách nhiệm chính của việc làm này (Đức Urbanô II, {2} và các vị Giáo hoàng kế vị ngài trong suốt ba thế kỷ), và nếu người ta nghĩ tới cái đà đức tin phi thường đã kích thích việc làm này, thì người ta thấy ý niệm trong sáng trước nhất, cũng như những động cơ tôn giáo cao quý nhất, đi kèm với những quan tâm trần thế rất cao thượng, và những giấc mơ lớn đầy sự khôn ngoan chính trị vừa có tính kích động vừa có tính không tưởng mà con người thường rất cần đến (thống nhất cộng hòa Kitô giáo - nói cách khác, châu Âu của các ông hoàng Kitô giáo và các đối thủ ghê tởm của họ - vì một mục tiêu đại lượng siêu quốc gia): chúng ta đừng quên rằng chế độ của nền văn minh trung cổ là một chế độ thánh thiêng, trong đó chính trị là đồng minh và là dụng cụ của thể thánh thiêng. Theo quan điểm tôi vừa trình bầy, vốn không tưởng, lịch sử của các cuộc Thập tự chinh xuất hiện như một bản anh hùng ca huy hoàng.

Nhưng theo quan điểm thực tại của các sự kiện và xem xét những người thi hành, lịch sử này vừa xuất hiện như một lịch sử anh hùng vừa xuất hiện như một lịch sử vấy bẩn một cách khủng khiếp. Thực thế, những ký ức mà người Franks để lại khi họ ở đó là những ký ức bạo lực và sách nhiễu của họ. Để khởi diễn các vụ sách nhiễu này, đã có cuộc tàn sát các khu định cư của người Do Thái tại các thành phố Đức bởi các băng đảng bình dân vô tổ chức theo chân Pierre l’Ermite, và những vụ cướp phá mà họ đã gây ra ở phương Đông. Các vụ sách nhiễu khác sau đó của các đội quân chính quy cũng đã diễn ra; cướp bóc, hãm hiếp, thảm sát đôi khi còn tồi tệ hơn cả những vụ người Hồi giáo gây ra (chẳng hạn như vụ thảm sát khủng khiếp xảy ra sau cuộc tấn công Giêrusalem năm 1099: máu của những tù nhân bị thảm sát lên đến đầu gối của những con ngựa {3}), - tất cả những điều này là số phận của con người bị bỏ rơi trong chiến tranh. "Những kẻ man rợ da trắng vĩ đại" đã đến đó với bàn tay ưa cướp bóc và tàn bạo, cũng như cướp đoạt những kho báu của một nền văn minh tinh tế. Họ kích động sự kinh hoàng nơi dân số Hồi giáo và khiến họ ghét danh thánh Chúa Kitô; họ xúc phạm những Kitô hữu theo nghi lễ Hy Lạp; và điều còn lại trong tâm trí của nhiều người Ả Rập theo Kitô giáo ngày nay về các cuộc Thập tự chinh, cũng như những người đồng hương Hồi giáo của họ, là ý niệm về một sự xâm phạm đầy tính đế quốc chủ nghĩa do phương Tây tiến hành một cách tàn bạo.

2. Louis Bréhier {4} nhận xét rằng cuộc thập tự chinh của Louis VII và của Conrad III, do Thánh Bernard và Đức Giáo Hoàng Eugène III phát động, "không có kết quả nào khác ngoài việc làm gia tăng sự thù hận giữa người Hy Lạp và người Tây Phương". Thánh Bernard đã kiên quyết phản đối cuộc tàn sát đe doạ tận diệt mọi người Do Thái ở Rhénanie khi người dân đen bị kích động bởi cuộc thập tự chinh đã muốn chứng tỏ họ cũng biết phải phụng sự Thiên Chúa ra sao. Nhưng Thánh Bernard không ở phương Đông để truyền giảng Tin Mừng cho những người mà ngài đã sai đến đó nhân danh Đấng toàn năng. Sau ngài, có chứng từ khó quên của Thánh Phanxicô Assisi tại Damiette, - vũ khí trong cuộc thập tự chinh của ngài là lời nói và tình yêu, và ngài đã thành công tiến vào thành phố và tự dẫn đường tới gặp Sultan của Ai Cập Malik-al Kâmil để nói với ông ta rằng ngài sẵn sàng trải qua thử thách lửa{5}, trước đây từng bị các Kitô hữu từ khước; cuộc trò chuyện thân mật và nhã nhặn này giữa đôi bên diễn ra ba tháng trước khi quân Thập tự chinh chiếm giữ Damiette (ngày 5 tháng 11 năm 1219) và vụ cướp bóc diễn ra sau đó, "quá dữ dội và khủng khiếp" đến nỗi Joergensen {6} thấy trong đó công trình của "những con thú hoang dã".

Thánh Bernard, Thánh Phanxicô... Có lẽ người ta sẽ hỏi: còn nhân sự cấp cao của Giáo hội thì sao? Họ có lên tiếng phản đối chống lại những hành động sách nhiễu mà tôi đã nói tới, và là những hành động làm ô nhục Thập giá không? Trong những cuốn sách mà tôi đã đọc, tôi thấy có nhắc đến sự hối tiếc, của Đức Innocentê III, về việc bị buộc phải đổ máu{7}. Nhưng theo tôi biết, không một lời nào được thốt ra liên quan đến các vụ thảm sát và những hành động quá lạm khác mà Thập tự quân nên tự kết tội mình. Những tâm hồn dũng cảm không hối hận, phải không, vì họ (theo quan niệm thông thường) là dụng cụ của Giáo hội? - Họ hoàn toàn không phải là dụng cụ của Giáo hội, họ là những người được các Giáo hoàng của thời Trung cổ phái đi, những vị mà họ đã phản bội ý định của các ngài. Và chính các vị Giáo hoàng này cũng không hề là tiếng nói của Giáo hội (trong tất cả vụ việc này, chắc chắn không có gì được coi là ex cathedra), các ngài đã hành động như các nguyên nhân chính được khoác cho thẩm quyền cao nhất trong Giáo hội trên trái đất: nhưng đó vẫn là nhân sự của Giáo hội mà chúng ta có ở đây trước mắt. Vẫn cần ngôi vị của Giáo hội phải khóc than vì những điều đó, và đền tội cho rất nhiều kẻ tội lỗi mình đã phái đi.

Thánh chiến

3. Một bỏ sót còn nghiêm trọng hơn liên quan đến ý niệm thánh chiến. Phải đợi Đức Gioan XXIII và giáo huấn chung của Công đồng Vatican II nó mới tự thấy mình tức khắc bị đặt vào sổ cấm, và cuối cùng bị đuổi ra khỏi những tầng đất ngầm tối tăm nơi những bóng ma của quá khứ nằm trong linh hồn. Cho đến lúc đó, tôi không thấy các nhân sự cao cấp của Giáo hội làm bất cứ điều gì để ngăn cản lương tâm Kitô hữu khỏi bị vấy bẩn bởi ý niệm thánh chiến, ý niệm không trong sáng chút nào vốn đầu độc hàng thế kỷ lịch sử, và tự nó đã là một thương tích vấy máu đối với Tin Mừng. Trả lời cho Giacôbê và Gioan, những người xin Người cho phép lửa trên trời giáng xuống thành phố không chịu tiếp nhận Người, Chúa Giêsu đã phán những lời đáng sợ này: "Các ngươi không biết mình thuộc thần khí nào", và nói thêm: "Con Người không đến để hủy diệt cuộc sống của con người, mà để cứu họ"{8}.

Ý niệm trong sáng của thập tự chinh đã bị xâm lược và vấy bẩn ngay từ đầu bởi ý niệm thánh chiến không trong sáng. Để hiểu hiện tượng này đã xuất hiện một cách quá tự nhiên như thế nào, tôi phải nhờ đến một bức thư của Thánh Bernard gửi cho Giám mục Spire{9}, trong đó, ngỏ lời với "các bản chất hiếu chiến", ngài nói với họ: "Tại sao hướng lòng nhiệt thành của các bạn hay đúng hơn sự giận dữ của các bạn chống lại người Do Thái? Họ là những hình ảnh sống động của Cuộc Khổ Nạn của Đấng Cứu Thế. Không được phép bách hại, tàn sát họ, thậm chí trục xuất họ... họ không phải là người cần tấn công, mà là những người ngoại giáo. Những kẻ này mới là những kẻ đã tấn công. {10} Điều thích hợp là những người cầm gươm đáp ứng bạo lực bằng bạo lực". Ở đây chính ý niệm chiến tranh chính nghĩa (một khái niệm có cơ sở đạo đức) bị đặt vào nguy cơ, - và là ý niệm chiến tranh chính nghĩa được tình yêu của Chúa Kitô đội hào quang; đó là ý niệm trong sáng của thập tự chinh khi được tách khỏi bản văn này.

Nhưng trong cùng bức thư này còn có những dòng khác: Thánh Bernard viết, "Hãy chiêm ngưỡng sự thăm thẳm của lòng thương xót của Người. Há không phải là một phát minh tuyệt diệu và xứng đáng với Người khi nhận cho những kẻ giết người, cướp bóc, ngoại tình, gian dâm và rất nhiều tội phạm khác vào phục vụ Người và cung cấp cho họ bằng cách này một dịp cứu rỗi hay sao? Hỡi những kẻ tội lỗi, hãy tin tưởng, Thiên Chúa rất tốt lành". Những dòng nguy hiểm {11}; Thánh Bernard, say sưa với chủ nghĩa duy tâm không tưởng của ngài, đã không thấy rằng câu kết luận mà những kẻ tội lỗi rút ra đơn giản sẽ chỉ là: "Vì vậy, chúng ta hãy giết những kẻ ngoại đạo, đó là phương tiện dễ dàng và chắc chắn để đạt được thiên đàng". Ngài không thấy rằng những gì ngài viết đã mở đường cho ý niệm thánh chiến: chiến tranh để trừng phạt và khuất phục những kẻ ngoại đạo, hoặc để cải đạo họ bằng vũ lực, hoặc để bảo vệ bằng bạo lực một đức tin bị đe dọa bởi những sai lạc mà họ loan truyền và bởi những lập luận của họ trong cuộc tranh cãi, kể cả bởi chính sự hiện hữu của họ. Ngài không thấy rằng chính việc đề cao động cơ tôn giáo, một việc đã truyền cảm hứng cho cuộc thập tự chinh, - để giải phóng các Địa điểm Thánh từ tay của người Hồi giáo, - có nguy cơ, nếu người ta không cảnh giác, xóa bỏ lý do duy nhất (đáp ứng bằng bạo lực những ai đã sử dụng nó trước) mà nhờ đó một cuộc chiến tranh có thể được biện minh về mặt đạo đức.

Thực vậy, việc cân nhắc về mặt đạo đức này ngay lập tức bị lãng quên, và ý niệm thập tự chinh bị nhầm lẫn với ý niệm thánh chiến. Quan tâm tới chiến tranh chính nghĩa không phải là chuyện của các Nam tước. Họ chỉ nghĩ đến việc chinh phục các Địa điểm Thánh để biến chúng thành lệ thuộc quyền lực của các Kitô hữu, và giành được sự cứu rỗi của họ bằng cách chiến thắng những kẻ ngoại đạo và bằng cách đổ máu cho Thiên Chúa. Khi Humbert của người Rôma bào chữa cho cuộc thập tự chinh, chính ý niệm thánh chiến trong sự quá trớn trần trụi của nó được ông đề cao. Quốc gia Hồi giáo là summa culpabilis [kẻ cực kỳ có tội]. Chiến tranh chống lại nó được chỉ huy bởi thẩm quyền thần linh. Các chiến binh của nó là quân đội của Thiên Chúa, và thanh gươm của Giáo Hội {12}...

4. Cuộc thập tự chinh của Thánh Louis là cuộc thập tự chinh cuối cùng được gọi đúng như vậy. Nhưng từ thế kỷ thứ mười một đến thế kỷ thứ mười sáu, cuộc chiến của người Tây Ban Nha chống lại người Hồi Giáo Châu Phi (Moor) là một cuộc thập tự chinh kéo dài. Và còn nhiều cuộc "thập tự chinh" khác, ở Pháp chống lại phái Albigeois, ở Bohême chống lại phái Jan Huss, - người ta có thể mở rộng danh sách này. Tất cả đều chuyên chở ý niệm thánh chiến. Ý niệm này đã đóng một vai trò lên men tâm lý - ở cả hai phía - trong các cuộc chiến tranh tôn giáo ở thế kỷ mười sáu. Vào đầu thế kỷ hiện tại, nó xuất hiện trở lại một cách công khai trong Nội chiến Tây Ban Nha {13}; một giám mục nói lúc đó "phúc thay những khẩu đại bác{14}, nếu trong những tổn hại chúng gây ra, Tin Mừng được đơm bông". Dưới những hình thức nhẹ nhàng hơn, trong suốt nửa chục thế kỷ, nó vẫn tiếp tục đi vào tiềm thức của lịch sử; - chưa nói đến kích thích bí mật mà nó đã thực hiện trong việc lựa chọn một số phương tiện vũ lực và cưỡng chế nhằm đánh bại kẻ thù, kẻ thù không suy nghĩ đúng.

Cuộc thập tự chinh cuối cùng xứng với tên gọi của nó ít bị vấy bẩn nhất. Đó là ý niệm trong sáng về thập tự chinh phản ảnh tinh thần và trái tim của Thánh Louis, và vị vua vĩ đại này (vị vua vĩ đại duy nhất trong lịch sử nước Pháp) đã tiến hành cuộc thập tự chinh của mình bằng bàn tay trong sạch. Tuy nhiên, há ngài không phải chịu một cuộc thanh tẩy cuối cùng hay sao? Ngài chết vì bệnh dịch ở ngoài khơi Tunis (ngày 25 tháng 8 năm 1270).

Bất kể kết quả mà tình cờ chúng có thể mang lại cho phương Tây và cho nền văn hóa của nó có phong phú đến đâu, các cuộc Thập tự chinh, xét về mục tiêu thiết yếu của chúng, là một thất bại hoàn toàn. Có vẻ như Chúa Quan Phòng không muốn xử phạt cuộc thánh chiến và dường như đã tha tội cho các thập tự quân.

"Chúa muốn thế!" những người nhận thập tự và gắn nó vào quần áo của họ đã hô lên như vậy. Mong mọi người cho phép tôi không chấp nhận điều này.

Ý muốn của Thiên Chúa là điều không thể dò thấu được. Những sự kiện duy nhất mà chúng ta biết hoàn toàn do Người muốn là những phép lạ do chính Người thực hiện, và những hành động do Chúa Giêsu và Đức Maria thực hiện. Đối với tôi, trong nền thần học tốt lành, dường như ta phải phân biệt giữa ý muốn thuần túy của Thiên Chúa và, tôi không nói chỉ là việc cho phép nào đó (chỉ liên quan đến điều ác), nhưng điều mà tôi gọi chung là ý muốn cho phép [volonté-permission] của Người, ý muốn "áp ký" [contresigne] hoặc đóng dấu "tốt để diễn ra" điều mà trong đó ý chí tự do của con người và của ma quỷ có góp phần vào. Lúc đó, vì các mục đích thần linh của nó, ý muốn của Thiên Chúa nói có với những gì sắp xảy ra trong lịch sử. Chính vì vậy, Leon Bloy từng nói: "Tất cả những gì xảy ra đều đáng tôn thờ". Nhưng điều xảy ra trên trái đất thường rất khủng khiếp.

Trên Thiên đàng không hề có ý chí cho phép; chỉ có ý muốn thuần túy của Thiên Chúa được thực hiện ở đó. Nói cho ngay, trong lời thỉnh cầu thứ ba của Kinh Lạy Cha (Ý Cha thể hiện "dưới đất cũng như trên Trời," - cũng như ở trên Trời!) Để chúng ta chỉ là các Kitô hữu, Chúa Giêsu đã khiến chúng ta cầu xin điều không thể có. Qua chính lời thỉnh cầu này, chúng ta tự tách mình ra khỏi thế giới, làm chứng rằng, giống như Người, chúng ta không thuộc thế giới này.

Chúa muốn thế! Thiên Chúa đã muốn (ý muốn cho phép) các cuộc Thập tự chinh như một sự kiện của thế giới này, và của thế giới này một cách khủng khiếp, chứ không phải như một điều được ý chí thuần túy của Người ước muốn. Đây là một sự phân biệt mà Humbert của người Rôma đã không làm.
 
VietCatholic TV
Tướng đầu trọc Surovikin bất ngờ thay đổi chiến thuật tác chiến: Số lính Nga tử trận tăng kinh hoàng
VietCatholic Media
04:11 16/12/2022


1. Thảm bại của Nga tại Bakhmut: gần 2000 tử sĩ và 31 xe tăng

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 16 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết ngày thứ Năm 15 tháng 12 được ghi nhận là ngày thứ tư trong một chiến dịch nhằm chiếm thành phố Bakhmut của quân Nga bắt đầu từ hôm thứ Hai 12 tháng 12, theo các lời khai của tù hàng binh địch.

Chiến dịch của quân Nga là một chiến dịch tổng hợp không chỉ có tấn công trên chiến trường mà còn bao gồm cả một chiến dịch thông tin sai lệch. Bắt đầu từ ngày 13 tháng 12, các nguồn tin của Nga tuyên bố rằng các cuộc giao tranh trên đường phố của thành phố Bakhmut thực sự đã bắt đầu ở các khu vực phía đông và đông nam của Bakhmut, đặc biệt là dọc theo đại lộ Pershotravnevyy đến đường Dobroliubova, đồng thời tuyên bố rằng 90% làng Opytne đã bị chiếm trong bối cảnh quân Ukraine vẫn kháng cự rất quyết liệt.

Đúng là có các cuộc giao tranh trong thành phố Bakhmut, nhưng khi quân Wagner lọt được vào đến phía Bắc đường Fyodor Maksimenko sau các trận chiến cam go, họ bị mất liên lạc với các chỉ huy của họ. Những chỉ huy này đã chết trong cuộc tấn công bằng HIMARS của pháo binh Ukraine vào thành phố Kadiivka. Không có tiếp ứng, không liên lạc được, quân Wagner quyết định bỏ chạy.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết quân Ukraine đã đẩy lùi thành công các cuộc tấn công ở phía đông bắc và nam Bakhmut lần lượt từ các hướng Soledar và Kurdiumivka. Làng Opytne, được đích thân phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cao rao như một chiến thắng đã được Lữ Đoàn Dù 71 của quân Ukraine tái chiếm.

Theo ý kiến của Tướng Hromov, thất bại trong chiến dịch chớp nhoáng này của Nga một lần nữa chứng minh thành phố Bakhmut là bất khả chiến bại.

Các lực lượng tấn công của Nga chủ yếu bao gồm lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner, bao gồm cả những người bị kết án tù, và quân tiếp viện từ các tiền tuyến khác ở Ukraine cũng như những tân binh mới bị gọi nhập ngũ mà người Ukraine gọi là mobiks. Nga cũng đã tấn công vào Bakhmut bằng máy bay không người lái do Iran sản xuất sau khi 450 chiếc trong số đó được gửi đến Nga vào giữa tháng 10. Trong chiến dịch đã kéo dài được 4 ngày qua, ngày đầu tiên Nga đã mất đến 24 xe tăng, 8 xe thiết giáp và 620 binh sĩ. Quân Wagner bị thiệt hại nặng nhất, kế đó là Lữ Đoàn Dù 97 của Sư đoàn Dù số 7 tấn công miền núi. Trung Đoàn 1 Khan của cái gọi là quân đội Cộng hòa Nhân Dân Donetsk là lực lượng đầu hàng đông nhất.

Lực lượng phòng thủ Ukraine bao gồm một “tập hợp các đơn vị”, bao gồm Lữ đoàn cơ giới 93 và Lữ đoàn cơ giới 58, sau đó được tăng cường bởi nhiều đơn vị khác - bao gồm cả những lực lượng đặc biệt như Lữ Đoàn Dù số 71 và các đơn vị bảo vệ lãnh thổ - để lấp đầy khoảng trống do hậu quả nặng nề của thương vong.

Giá trị chiến lược tổng thể của Bakhmut đã bị nhiều nhà phân tích coi là đáng ngờ, khi nhận xét rằng các tài nguyên và sinh mạng mà Nga đã chi ra để tấn công thành phố vượt xa tầm quan trọng của nó. Bộ Quốc phòng Anh khẳng định việc chiếm được Bakhmut sẽ chỉ là một chiến thắng mang tính “tượng trưng” đối với Nga chứ không phải là một chiến thắng có tính chất chiến lược. Nhà phân tích quốc phòng Konrad Muzyka và chuyên gia về an ninh Nga Mark Galeotti lập luận rằng cuộc tấn công tốn kém của Nga là vấn đề giữ gìn uy tín và ngụy biện cho các tổn thất kinh hoàng trên tất cả các mặt trận rằng họ cũng có thể chiếm được một thành phố. Đại tá Ukraine đã nghỉ hưu Serhiy Grabskiy cho rằng Tập đoàn Wagner đang tìm kiếm vinh quang khi chiếm được Bakhmut, vì nhà lãnh đạo Yevgeny Prigozhin sẵn sàng gặt hái những phần thưởng chính trị và các khoản tiền đáng kể nếu Wagner thay mặt chính phủ Nga chiếm được thành phố. Bản thân Prighozhin trước đó đã cho rằng Wagner đang cố tình biến Bakhmut thành một “cỗ máy xay thịt” để gây thương vong nặng nề cho các lực lượng Ukraine.

Trong cuộc họp báo Chuẩn tướng Oleksii Hromov cũng cho biết quân đội Nga cũng tiếp tục tấn công vào thành phố Avdiivka.

Ở các hướng còn lại, quân đội Nga đang cố gắng kiềm chế các hành động của Lực lượng Phòng vệ Ukraine, bắn phá các vị trí của lực lượng Ukraine và các đối tượng dân sự nằm dọc theo giới tuyến.

Trong ngày qua, quân xâm lược đã thực hiện hai cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đặc biệt là bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng dân sự đã bị tấn công ở Nikopol và Kherson. 7 thường dân bị giết và 10 người bị thương.

Mối đe dọa tấn công bằng hỏa tiễn và không kích vào các cơ sở hạ tầng quan trọng vẫn tồn tại trên khắp Ukraine.

Trong ngày thứ Năm 15 tháng 12, lực lượng không quân Ukraine đã tiến hành 13 cuộc tấn công, trong đó 11 cuộc tấn công nhắm vào các binh sĩ, kho đạn dược và thiết bị quân sự của đối phương tại Tokmak, Polohy và Berdiansk của vùng Zaporizhzhia; và 2 cuộc tấn công vào các vị trí của hệ thống phòng không tiêu diệt 12 hệ thống pháo và 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Thương vong của quân Nga chưa thể biết được. Tuy nhiên, các nguồn tin tình báo cho biết các cơ sở y tế và nhà xác ở thành phố Melitopol bị tạm chiếm đã quá đông đến mức quân Nga đang vận chuyển xác chết và di tản các quân nhân bị thương đến Crimea.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ qua, ít nhất 590 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 5 xe tăng và 9 xe thiết giáp.

Nga đã mất khoảng 96,590 quân ở Ukraine (+590 quân trong ngày qua).

Tuyên bố có liên quan được đưa ra bởi Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine trên Facebook, một phóng viên của Ukrinform đưa tin.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 15 tháng 12, tổng thiệt hại chiến đấu của địch là 96,590 binh sĩ bị loại khỏi vòng chiến, 2,975 xe tăng, 5,946 xe thiết giáp, 1,943 hệ thống pháo, 406 hỏa tiễn phóng hàng loạt, 211 hệ thống tác chiến phòng không, 281 máy bay, 264 trực thăng, 1,644 máy bay không người lái, 592 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,563 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 172 đơn vị thiết bị đặc biệt

2. Tư lệnh lục quân Ukraine nhận xét rằng Nga đang đổi chiến thuật dưới sự lãnh đạo của Surovikin

Người Nga đang thay đổi chiến thuật chiến tranh dưới sự lãnh đạo của Tướng Surovikin.

Tư Lệnh Lục Quân Ukraine Oleksandr Syrskyi đã cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Economist

“Người Nga đang thay đổi chiến thuật dưới quyền chỉ huy của Tướng Sergei Surovikin,” ông nói.

Theo ông, họ đang tấn công bằng cách sử dụng các nhóm nhỏ hơn, được phối hợp tốt trên bộ. Các nhóm nhỏ đồng loạt tấn công từ nhiều hướng khác nhau gây ra các hiệu ứng hoảng loạn trên chiến trường khiến đối phương khó đối phó. Tuy nhiên, thực tế chiến trường cho thấy điều đó gây tốn kém về sinh mạng của binh lính, và “chưa bao giờ là ưu tiên cao nhất của Nga”.

Syrskyi cũng lưu ý rằng một chỉ huy hiện đại cần phải duy trì kết nối. Mỗi ngày ông nhận được 300 tin nhắn từ binh lính. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần binh sĩ.

“Bạn phải cảm nhận được tinh thần của quân đội,” ông nói.

Quân Nga không có tinh thần chiến đấu và có xu hướng nằm yên tại chỗ, thậm chí là rút lui. Tấn công đồng loạt từ nhiều hướng nghe có vẻ lợi hại nhưng khi bị đánh trả, thực tế chỉ còn vài hướng tấn công tích cực, là những hướng sẽ thu hút hỏa lực mạnh của quân Ukraine.

3. Diễn đàn an ninh Âu Châu: Bakhmut trở thành một biểu tượng khác cho sự bất khả chiến bại của Ukraine

Bakhmut đã trở thành một biểu tượng khác cho sự bất khả chiến bại của Ukraine. Nga đang cố gắng san bằng thành phố, hy sinh hàng ngàn binh sĩ của mình để chiếm được vài km xung quanh thành phố kể từ tháng Tám.

“Mặc dù thực tế là cuộc hành quân đặc biệt được cho là kéo dài ba ngày chống lại nhà nước Ukraine đã biến thành một thất bại chiến lược và làm chế độ Nga bị phá sản, Mạc Tư Khoa vẫn không từ bỏ hy vọng xoay chuyển cục diện cuộc chiến. Các cuộc pháo kích vào các vùng lãnh thổ mới được giải phóng của vùng Kherson vẫn tiếp tục,” Yevhenii Tsymbaliuk, Đại diện thường trực của Ukraine tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna, cho biết trong cuộc họp của Hội đồng Thường trực An Ninh Âu Châu, gọi tắt là OSCE, ở Vienna hôm thứ Năm.

Ông nói thêm rằng các khu vực biên giới như Sumy và Chernihiv đang bị bắn liên tục, trong khi khu vực Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine vẫn là những điểm nóng chính.

“Ngày nay, Bakhmut đã trở thành một biểu tượng khác cho sự bất khả chiến bại của Ukraine, khi Nga cố gắng san bằng thành phố này. Nhưng câu hỏi là - để làm gì? Điện Cẩm Linh đã hy sinh hàng nghìn binh sĩ của mình chỉ để chiếm được vài km xung quanh Bakhmut từ tháng Tám. Chỉ vài km, không có ý nghĩa chiến thuật hay chiến lược cho toàn bộ chiến dịch quân sự”, Tsymbaliuk lưu ý.

Nhà ngoại giao này nhấn mạnh rằng Putin chỉ đơn giản là tiếp tục chiêu mộ những thanh niên cho cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu của mình và đốt cháy tài nguyên cho những canh bạc địa chính trị thất bại của mình.

Bakhmut đang là điểm nóng nhất trên mặt trận. Đây là nơi tập trung nhiều pháo binh nhất và các cuộc tấn công khác của kẻ thù, những nỗ lực lớn nhất để chọc thủng tuyến phòng thủ của quân trú phòng Ukraine.

4. Người Nga mất hy vọng trên chiến trường, bị tàn phá bởi các cuộc tấn công của Ukraine

Những kẻ xâm lược Nga phải chịu đựng rất nhiều trước các cuộc tấn công của Lực lượng Vũ trang Ukraine đến nỗi họ mất hy vọng ngay cả ở mặt trận phía đông, nơi họ đã tập trung lực lượng lớn nhất của mình.

Đó là một nhận định của quân Nga trong cuộc gọi bị chặn mới nhất do Cơ quan An ninh Ukraine công bố.

Trong cuộc gọi, một người lính Nga đang chiến đấu ở quận Kreminna thuộc vùng Luhansk phàn nàn với vợ mình: “Sĩ quan nói: 'chúng ta cần chiếm hầm chứa đó.' Nhưng làm thế nào tụi anh chiếm được vì tụi anh chỉ có ba khẩu súng máy? Và anh ta nói 'Lệnh là phải chiếm lấy nó cho bằng được. Mười bảy tân binh đã bị giết khi đó... Họ vừa mới đứng dậy khỏi chiến hào. Khi tụi anh đang kéo xác của họ trở lại, tụi anh đã bị nã đạn cối tới tấp. May mà anh không chết hay bị thương”

Theo người Nga, sĩ quan, là người đã ra lệnh cho nhóm của anh ta, đã bỏ trốn khỏi khu vực. Người lính không che giấu sự hoảng sợ và thực sự đã nói lời tạm biệt với vợ. Anh ta nói rằng đơn vị của anh ta đã có quá nhiều người chết, nhưng không ai chịu đưa họ ra khỏi tiền tuyến: mệnh lệnh của họ là đứng vững cho đến người cuối cùng.

Kẻ xâm lược nói rằng bộ chỉ huy Nga không quan tâm đến tổn thất nhân lực: “Tụi anh đang vận chuyển các tân binh trở lại tuyến sau trong các bao đựng xác. Hết bao này đến bao khác... Em có tưởng tượng được không? Không phải mỗi lần một thi thể. Trung bình mười bảy thi thể trong một ngày,” anh nói.

Kẻ xâm lược cũng than thở rằng một số cuộc tấn công đánh vào vị trí của anh ta là do “hỏa lực thân thiện”, nghĩa là hỏa lực của chính quân Nga do sai lầm của pháo binh.

5. Ukraine cho biết lính Nga bỏ chạy khỏi trận chiến khi Putin vất vả giành chiến thắng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldiers Run Away From Battle as Putin Military Struggles: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết lính Nga bỏ chạy khỏi trận chiến khi Putin vất vả giành chiến thắng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Ukraine hôm thứ Năm đã chia sẻ một đoạn video mà họ nói cho thấy các binh sĩ Nga đang chạy trốn khỏi lực lượng Ukraine.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đã đăng đoạn clip lên trang Facebook của mình với thông điệp chế nhạo quân Nga xâm lược. Đoạn video cho thấy mọi người chạy qua một khu vực nhiều cây cối trước khi các vụ nổ xảy ra.

Chú thích từ Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết “Quân xâm lược không thể trốn khỏi lính dù Ukraine! Những người Nga sợ hãi vội vã chạy trốn khỏi quân phòng thủ của chúng ta, nhưng nỗ lực đã không thành công...'Đây là đất của chúng ta và kẻ thù không có chỗ đứng ở đây, chúng ta sẽ bắt được tất cả mọi kẻ xâm lược', những người lính chúng ta bảo đảm điều này. Hãy tin vào Lực lượng Vũ trang!”

Đoạn video được đăng ngay sau một tin nhắn Facebook trước đó từ Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết quân đội Nga đã thiệt mạng khoảng 740 binh sĩ trong ngày hôm qua. Ukraine ước tính thêm rằng quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mất tổng cộng khoảng 96.000 binh sĩ kể từ khi nhà lãnh đạo này ra lệnh xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai.

Bất chấp các báo cáo về thương vong nặng nề và tinh thần quân đội xuống thấp, Nga tuyên bố đã đạt được những tiến bộ ở Ukraine trong những ngày gần đây. Quân đội của Putin đã hoạt động tích cực ở thành phố Bakhmut miền đông Ukraine, và các quan chức Nga đã tuyên bố rằng họ đã giành được nhiều thắng lợi ở khu vực Donbas.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov hôm thứ Ba cho biết quân đội Nga đã tấn công thành công bốn sở chỉ huy ở Karkov, cũng như hai đồn ở Donetsk và một ở Zaporizhzhia.

“Ngoài ra, họ còn phá hủy 86 đơn vị pháo binh tại các vị trí bắn, cũng như nhân lực và thiết bị quân sự ở 172 khu vực”, ông Konashenkov cho biết, theo hãng thông tấn Nga Tass.

Hôm thứ Ba, một quan chức Ukraine cũng cảnh báo rằng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công lớn khác vào đầu năm 2023.

“Tôi nghĩ rằng khả năng tiến hành một cuộc tấn công lớn của Nga có thể sẽ được khôi phục vào khoảng cuối tháng Giêng hoặc tháng Hai,” Dmytro Kuleba, Bộ Trưởng Ngoại Giao Ukraine, cho biết trong một cuộc họp báo video trên kênh YouTube chính thức của Bộ.

Ông nói tiếp rằng, “Nhưng đó là những gì họ đang cố gắng làm và những gì chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn.”

Để tránh các cuộc tấn công trong tương lai, Ukraine có thể sớm nhận được một số thiết bị có giá trị. Hãng tin AP đưa tin rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể sẽ chấp thuận gửi các khẩu đội hỏa tiễn Patriot tới nước này sau yêu cầu của Kyiv về việc cung cấp thêm vũ khí để giúp bắn hạ hỏa tiễn của Nga.

Patriots sẽ là hỏa tiễn đất đối không tiên tiến nhất mà Mỹ cung cấp cho Ukraine và sẽ bổ sung vào kho vũ khí của Ukraine vốn đã bao gồm Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS rất mạnh mẽ của Mỹ.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

6. Nghị viện Âu Châu công nhận Holodomor là tội ác diệt chủng đối với người dân Ukraine

Nghị viện Âu Châu đã thông qua với đa số phiếu bầu nghị quyết nhân kỷ niệm 90 năm Holodomor ở Ukraine, công nhận những sự kiện khủng khiếp của những năm 1930 là tội ác diệt chủng đối với người dân Ukraine.

Dự luật công nhận Holodomor là một cuộc diệt chủng ở Ukraine đã được thông qua với 507 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 17 phiếu trắng.

“Xét rằng Nạn đói lớn, hay Holodomor, là một hành động có chủ ý, có kế hoạch và nhất quán được thực hiện bởi chế độ Bolshevik chuyên chế đang cai trị Liên Xô nhằm phá vỡ sự kháng cự của người dân Ukraine và khuất phục họ dưới một nhà nước áp bức… Nghị viện Âu Châu công nhận Holodomor, một nạn đói giả tạo trong hai năm 1932 và 1933 ở Ukraine, là một cuộc diệt chủng chống lại người dân Ukraine, nhằm phá hủy các nền tảng xã hội của quốc gia Ukraine, cũng như các truyền thống, văn hóa và bản sắc dân tộc này,” nghị quyết viết.

Nghị quyết thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Ukraine và tưởng nhớ hàng triệu người đã chết do các hành động có mục đích của chế độ Stalin nhằm gây ra một nạn đói nhân tạo.

Nghị viện Âu Châu kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là Liên bang Nga, cũng như các quốc gia khác nổi lên sau sự sụp đổ của Liên Xô, mở tài liệu lưu trữ của họ về các sự kiện 1932-1933 để tiết lộ toàn bộ sự thật của thảm kịch này. Nghị viện Âu Châu cũng kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu và các nước thứ ba nâng cao nhận thức cộng đồng và ghi nhớ những bài học kinh nghiệm từ cuộc diệt chủng này để tránh bất kỳ thảm họa tương tự nào trong tương lai và kêu gọi đánh giá lịch sử và pháp lý về Holodomor.

Nghị quyết cáo buộc chế độ Nga hiện tại liên kết với thời Xô Viết vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, tìm cách hủy diệt Ukraine như một quốc gia và phá hủy bản sắc và văn hóa của người dân nước này. Nghị quyết cũng lên án thực tế là cuộc chiến đang tiếp tục diễn ra đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, với việc Nga phá hủy và cướp bóc các kho ngũ cốc của Ukraine và tiếp tục gây khó khăn cho việc bảo đảm xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang các nước thiếu thốn nhất trên thế giới.

Trong khi lên án chế độ Nga hiện tại thao túng ký ức lịch sử vì tư lợi của chính mình, Nghị viện kêu gọi Liên bang Nga, với tư cách là người kế thừa chính của Liên Xô, xin lỗi về những tội ác đó.

Nghị quyết được thông qua của Nghị viện Âu Châu sẽ được đệ trình lên Verkhovna Rada, Tổng thống và Chính phủ Ukraine, Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu, Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu, Ủy ban Âu Châu, chính phủ và quốc hội của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu., Tổng thống, Chính phủ và Quốc hội Liên bang Nga, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Tổng thư ký OSCE và Tổng thư ký Hội đồng Âu Châu.
 
Moscow bác bỏ ngừng bắn vào dịp Giáng Sinh. ĐGH kêu gọi quyên góp cho trẻ em Ukraine đang lạnh cóng
VietCatholic Media
05:01 16/12/2022


1. Đức Giáo Hoàng gợi ý mua ít quà Giáng Sinh hơn và quyên góp cho Ukraine

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị mua ít quà hơn vào dịp Giáng Sinh năm nay và quyên góp số tiền thu được cho Ukraine, khi cuộc xâm lược của Nga tiến gần đến mốc mười tháng.

“Chúng ta hãy đón một lễ Giáng Sinh với người Ukraine trong trái tim của chúng ta,” Đức Thánh Cha nói trong buổi tiếp kiến chung tại Vatican sáng thứ Tư.

“Họ đang phải chịu đựng rất nhiều, rất nhiều,” Đức Phanxicô nói thêm, viện dẫn thời tiết lạnh giá, thiếu lương thực và thuốc men.

“Thật tốt khi đón mừng Giáng Sinh. Nhưng chúng ta hãy chi tiêu ít hơn, hãy có một Giáng Sinh khiêm tốn hơn với những món quà khiêm tốn hơn và gửi những gì chúng ta tiết kiệm được cho người dân ở Ukraine.”

2. Điện Cẩm Linh bác bỏ ngừng bắn vào Giáng Sinh và Năm mới

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã được các phóng viên hỏi hôm thứ Tư rằng liệu Nga có đang xem xét một thỏa thuận ngừng bắn cho kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm mới hay không.

Câu hỏi được đặt ra vì vào sáng ngày thứ Tư, vào giờ cao điểm khi người dân đang trên đường đến nơi làm việc, quân Nga đã phóng 13 máy bay không người lái kamikaze Shahed do Iran sản xuất vào thủ đô Kyiv. May mắn là tất cả đều bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ.

Ông Peskov cho biết Mạc Tư Khoa chưa nhận được đề xuất về khả năng ngừng bắn giữa Ukraine và Nga trong thời gian nghỉ lễ, đồng thời nói thêm rằng “chủ đề này không có trong chương trình nghị sự”.

3. Dịch vụ an ninh của Ukraine thực hiện nhiều cuộc đột kích vào các cơ sở của Giáo Hội Chính thống bị nghi ngờ là thân Mạc Tư Khoa

Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, hôm thứ Tư cho biết họ đã tiến hành khám xét các cơ sở thuộc chi nhánh của Giáo Hội Chính Thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC-MP, ở 9 khu vực. Họ đã tìm thấy hộ chiếu Nga, tài liệu tuyên truyền và “giấy thông hành của quân xâm lược Nga”.

Tháng 5 vừa qua, UOC-MP tuyên bố chấm dứt sự phụ thuộc vào Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và tự gọi mình là UOC thay vì UOC-MP. Chữ MP nghĩa là Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Tuy nhiên, trong một email gởi cho hàng giáo sĩ thuộc quyền, một Tổng Giám Mục của Giáo Hội này khẳng định tuyên bố chấm dứt sự phụ thuộc vào Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa chỉ là hình thức. Sáu tháng sau tuyên bố đó, UOC vẫn chưa đưa ra hiến chế mới như đã hứa và thực tế quyền bổ nhiệm các Giám Mục vẫn thuộc Thượng Phụ Kirill.

“Cơ quan An ninh đã hoàn thành các biện pháp phản gián tại các cơ sở của UOC ở các vùng Zakarpattia, Chernivtsi, Rivne, Volyn, Mykolaiv, Sumy, Lviv, Zhytomyr và Kherson,” SBU cho biết.

Họ cho biết họ đã tìm thấy hộ chiếu Nga, dải băng của Thánh George là biểu tượng của đảng thân Nga “Nền tảng đối lập vì sự sống” đã bị cấm. Dải băng này rất phổ biến trong giới ly khai thân Nga. Bên cạnh đó còn có các hướng dẫn truyền bá tuyên truyền của Nga thông qua các tín hữu trên lãnh thổ của các giáo phận.

Ngoài ra, các sĩ quan tình báo còn tìm thấy sách của Ivan Ilyin, người thường được gọi là “nhà triết học của Putin”.

Tại ngôi làng Chornobaivka ở vùng Kherson, SBU cho biết họ đã phát hiện ra vết tích của quân xâm lược Nga trong quá trình kiểm tra khuôn viên nhà thờ.

SBU cho biết những tài liệu của Nga “về việc bảo đảm hợp tác với các ủy ban quân sự của Liên bang Nga” đã được tìm thấy tại giáo phận vùng Lviv.

SBU cũng cho biết trong một tu viện thuộc vùng Rivne ở miền tây Ukraine họ đã tìm thấy một linh mục có hộ chiếu Nga và có địa chỉ liên lạc tại Liên bang Nga.

“Việc linh mục này có thể tham gia vào các hoạt động tình báo và lật đổ vì lợi ích của các cơ quan đặc biệt của Nga hiện đang được điều tra”

SBU đã đẩy mạnh một chiến dịch tấn công chống lại các hoạt động phản gián trong các bộ phận của UOC trong những tuần gần đây.

Trên các mạng xã hội, người Nga cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đang bách hại Giáo Hội Chính Thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Theo tờ Catholic Pillar vấn đề không phải như thế.

Vào năm 2018, một số nhà chức trách Ukraine đã đưa ra nỗ lực yêu cầu các nhà thờ thuộc UOC-MP phải dán các biển báo cho thấy họ “phục tùng” Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, nhưng động thái này đã gây ra nhiều phản đối và cuối cùng nó đã bị hủy bỏ.

Sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2, chính quyền của tổng thống Zelenskiy đã bác bỏ những lời kêu gọi hạn chế các hoạt động tôn giáo của UOC-MP tại quốc gia này. Trong nỗ lực đoàn kết quốc gia, chính quyền không muốn gây chia rẽ vì lý do tôn giáo.

Một vấn đề trầm trọng khác là phương thức hoạt động của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Thế giới Chính Thống Giáo không có Giáo Hoàng, nhưng có 9 vị Thượng Phụ tại các Tòa Thượng Phụ Constantinople, Alexandria, Antioch, Jerusalem, Mạc Tư Khoa, Georgia, Serbia, Rumani, và Bảo Gia Lợi hay Bulgary. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô được xem là vị đứng đầu, danh dự chứ không có quyền tài phán trên các vị khác. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa được thiết lập vào năm 1589 nhưng đến năm 1721 đã bị Peter Đại Đế bãi bỏ. Trong nhiều thế kỷ tòa này không tồn tại trong thế giới Chính Thống Giáo. Ngày 28 tháng 10, 1917, trong bối cảnh của cuộc cách mạng của cộng sản, tòa này được tái lập và được cộng sản dùng như một công cụ của chế độ, như một thứ Chính Thống Giáo Yêu Nước. Nói cách khác yếu tố truyền giảng Tin Mừng thì nhạt nhoà, mầu sắc chính trị thì đậm nét.
 
Đại bản doanh đặc vụ Nga nổ tung, chìm trong ngọn lửa. Trại lính Nga trúng HIMARS. Kyiv bị tấn công
VietCatholic Media
15:48 16/12/2022


1. Vụ nổ lớn được nhìn thấy ở khu vực Luhansk do Nga tạm chiếm

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv vào chiều thứ Sáu 16 tháng 12, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai cho biết sau cuộc tấn công bằng HIMARS của pháo binh Ukraine vào đại bản doanh của quân Wagner, ngày nào thành phố Luhansk cũng bị quân Ukraine pháo kích.

Trong một diễn biến mới nhất, các videos trên mạng xã hội cho thấy một vụ nổ lớn thắp sáng bầu trời ở khu vực Irmino, một thị trấn thuộc vùng Luhansk do Nga xâm lược vào hôm thứ Sáu. Các videos cho thấy ít nhất hai vụ nổ và những quả cầu lửa cao hàng trăm mét trong không trung.

Ông Serhiy Haidai cho biết các mục tiêu bị tấn công là các kho đạn dược của Nga và các địa điểm quân sự quan trọng khác nằm sâu bên trong Luhansk. Theo ông Haidai, việc tấn công các mục tiêu này đã có những hệ quả có thể thấy rõ trong các chiến trường đang diễn ra sôi động trong vùng Donbas.

2. Khách sạn do đặc vụ Nga cư trú tại Skadovsk bị nổ tung.

Skadovsk là một thành phố cảng trên bờ Hắc Hải ở tỉnh Kherson của miền nam Ukraine. Đây là trung tâm hành chính của quận Skadovsk Raion với dân số 17.350 người.

Khoảng cách từ Skadovsk đến thành phố Kherson là 94 km, nghĩa là ngoài tầm bắn của HIMARS, trừ trường hợp quân Ukraine có thể đưa HIMARS vượt sông Dnipro. Hơn thế nữa, Skadovsk có một cảng biển, bỏ chạy ra Hắc Hải cũng nhanh. Chính vì thế, sau khi rút lui khỏi thành phố Kherson, một số lớn quân Nga đang tập trung tại thành phố này.

Khách sạn Salamar thuộc huyện Cảng Zaliznyi của thành phố Skadovsk đã bị cơ quan an ninh Nga, gọi tắt là FSB, chiếm làm đại bản doanh.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 16 tháng 12, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết một quả bom đã phát nổ nhấn chìm tòa nhà trong một biển lửa vào hôm thứ Tư. Thương vong của các binh sĩ mật vụ Nga đang được làm rõ.

3. Nga tấn công cường tập vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở phía đông và nam Ukraine

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko cho biết các cơ sở năng lượng ở phía đông và nam Ukraine đã bị hư hại sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga hôm thứ Sáu.

“Nga đã tung ra một làn sóng pháo kích quy mô lớn khác vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Cuộc pháo kích vẫn đang tiếp tục,” ông nói.

Ông nói thêm rằng sẽ có mất điện khẩn cấp ở một số vùng của đất nước.

Nga đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái nhằm vào Ukraine kể từ tháng 10, gây thiệt hại cho hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng dân sự, gây mất điện trong mùa đông lạnh giá.

Sau cuộc tấn công hôm thứ Sáu, đã xảy ra mất điện trên đường sắt Ukraine sau cuộc tấn công của Nga

Các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine hôm thứ Sáu đã làm mất điện trên một số đoạn đường sắt. Tuy nhiên, các đoàn tàu vẫn tiếp tục chạy dưới đầu máy diesel dự phòng, các quan chức cho biết.

Các phóng viên CNN có mặt ở thủ đô Kyiv cho biết ba quận ở thủ đô Kyiv của Ukraine đã bị hỏa tiễn Nga tấn công. Đó là các quận Holosiivskyi, Dniprovskyi và Desniansky dọc theo rìa phía đông của thủ đô.

Các phóng viên CNN ở Kyiv trước đó báo cáo đã nghe thấy tiếng nổ, cũng như nhìn và nghe thấy hỏa tiễn. Họ cũng nghe thấy hệ thống phòng không hoạt động trong thành phố.

Kyrylo Tymoshenko, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết một số khu vực của Ukraine bị mất điện hôm thứ Sáu sau làn sóng tấn công bằng hỏa tiễn của Nga nhằm vào nhiều thành phố, bao gồm Kyiv, Odesa, Poltava, Zhytomyr, Kharkiv và Sumy.

Ông cho biết đã có các báo cáo từ các thành phố Kharkiv và Poltava của Ukraine về tình trạng bị mất điện sau một loạt các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Putin.

“Thành phố Kharkiv không có điện”, nhưng ông nói thêm rằng một số trung tâm đã mở cửa để người dân có thể sưởi ấm và sạc điện thoại.

Đông Bắc Kharkiv là thành phố đông dân thứ hai của Ukraine trước khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng Hai.

Trong khi đó, một tòa nhà dân cư ở trung tâm thành phố Kryvyi Rih đã bị trúng đạn. Ông nói “có thể có người dưới đống đổ nát.”

4. Tư Lệnh Quân Đội Zaluzhny: Để đến Crimea, chúng ta cần giải phóng Melitopol

Để tiếp cận biên giới Crimea, quân phòng thủ Ukraine cần vượt qua quãng đường 84 km tới Melitopol, nơi sẽ kiểm soát hỏa lực hoàn toàn hành lang trên bộ, và có cơ hội bắn phá eo đất Crimea.

“Để đến được biên giới của Crimea, tính đến hôm nay, chúng tôi còn cần phải vượt qua quãng đường 84 km tới Melitopol. Điều này là quan trọng đối với chúng tôi, bởi vì Melitopol sẽ cung cấp cho chúng tôi toàn quyền kiểm soát hỏa lực đối với hành lang trên bộ, bởi vì từ Melitopol, chúng tôi có thể bắn vào bán đảo Crimea,” Tư Lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhny nói với The Economist trong một cuộc phỏng vấn.

Đại tướng lưu ý rằng cuộc tấn công giải phóng thành phố Melitopol phụ thuộc vào các tài nguyên sẵn có.

“Tôi có thể tính toán, dựa trên nhiệm vụ hiện tại, loại tài nguyên nào cần thiết để xây dựng khả năng chiến đấu,” Zaluzhny giải thích.

Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine đã chia sẻ về vấn đề này với Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh Antony Radakin.

“Chúng ta đang nói về quy mô của Thế chiến thứ nhất… đó là những gì Antony Radakin nói với tôi. Khi tôi nói với anh ấy rằng Quân đội Anh đã bắn một triệu quả đạn trong Thế chiến thứ nhất, tôi được bảo: ‘Chúng ta sẽ mất Âu Châu. Chúng ta sẽ không còn gì để sống sót nếu bạn bắn nhiều đạn như vậy”. Khi họ nói: “Bạn lấy 50,000 quả đạn thôi”, những người đếm tiền ngất xỉu. Vấn đề lớn nhất là họ thực sự không có nó,” Zaluzhny nói.

Ý Zaluzhny muốn nói là các nguồn cung cấp viện trợ cho Ukraine chỉ có thể cung cấp tối đa là 50,000 quả đạn pháo, mà con số đó quân Ukraine vẫn chưa có trong tay.

Theo ông, cuộc tổng phản công mới không thể được tiến hành nếu không có loại tài nguyên này “mặc dù chúng tôi đang làm việc ngay bây giờ.”

5. Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài cho biết Nga không thể “ra lệnh” cho Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ an ninh cho Ukraine

Trong một tuyên bố hôm thứ Tư, Đại sứ quán Nga tại Washington cho biết khả năng Hoa Kỳ chuyển các hệ thống hỏa tiễn Patriot tới Ukraine sẽ là một hành động “khiêu khích” mà chắc chắn sẽ “dẫn đến những hậu quả khó lường”, đe dọa an ninh toàn cầu.

Đáp lại nhận xét này, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, nói:

“Tôi thấy thật mỉa mai và rất đáng lên tiếng khi các quan chức từ một quốc gia đã tấn công dã man nước láng giềng của mình trong một cuộc xâm lược bất hợp pháp và vô cớ thông qua một chiến dịch cố tình tấn công và giết hại thường dân vô tội cũng như phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự, lại chọn sử dụng những từ ngữ chẳng hạn như khiêu khích để mô tả các hệ thống phòng thủ nhằm cứu sống và bảo vệ thường dân,” Ryder nói trong cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài.

Ryder nhắc lại rằng Nga có thể xuống thang xung đột đang diễn ra bất cứ lúc nào nếu họ muốn, nhưng họ đã quyết định “quyết liệt leo thang”.

“Điều quan trọng cần nhớ là Nga là kẻ gây hấn ở đây. Và khi nói đến leo thang, họ có thể giảm leo thang tình hình ngay hôm nay bằng cách rút lực lượng và như thế họ cứu vô số sinh mạng vô tội, nhưng rõ ràng họ đã chọn quyết liệt leo thang,” ông nói thêm.

6. Tổng thống Zelenskiy: Cho phép xung đột bị 'đóng băng' chỉ đơn giản là khuyến khích Putin

Cho phép xung đột bị 'đóng băng' với bất kỳ vùng đất nào của Ukraine trong tay Nga sẽ chỉ khuyến khích Putin. Ngoại giao là khả thi sau khi Nga rút quân về biên giới năm 1991.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra lập trường trên trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Economist.

Theo Zelenskiy, người dân Ukraine sẽ không đồng ý với bất cứ thỏa hiệp nào về lãnh thổ.

“Và đó là lý do tại sao điều rất quan trọng… là đi đến biên giới của chúng tôi từ năm 1991,” Zelenskiy nói.

Theo ông, điều đó bao gồm không chỉ lãnh thổ bị Nga chiếm giữ trong năm nay, mà còn cả Crimea, nơi mà Nga đã chiếm giữ và sáp nhập vào năm 2014, và các khu vực bị xâm lược ở miền đông Ukraine.

Zelenskiy nhấn mạnh rằng giải pháp duy nhất là Putin phải rút lui hoàn toàn, cả từ vùng đất bị chiếm giữ trong năm nay và từ vùng lãnh thổ bị xâm lược từ năm 2014.

Tổng thống Ukraine nói thêm: “Sự khác biệt duy nhất mà tôi nói đến là sự khác biệt giữa chúng ta đẩy lùi họ hay họ tự nguyện rút lui”.

Theo Zelenskiy, nếu Putin bây giờ rút lui về biên giới năm 1991, thì con đường khả thi của các nhà ngoại giao sẽ bắt đầu.

Ngoài ra, Zelenskiy đề cập rằng sự xâm lược lâu dài của Nga đã đầu độc tâm trí người Ukraine. Ông nói, người Ukraine ở các vùng lãnh thổ bị xâm lược giống như những phi hành gia không thể cởi bỏ những chiếc mũ bảo hiểm nặng nề, hạn chế những gì họ có thể nhìn thấy trước những thông tin sai lệch không ngừng.

7. Bộ Quốc phòng Ukraine nhận định Điện Cẩm Linh đang tuyên truyền cố ép Ukraine đàm phán

Tất cả các câu chuyện tuyên truyền mà người Nga đang cố gắng lan truyền trên các phương tiện truyền thông Ukraine gần đây đều nhằm mục đích buộc chính quyền Ukraine phải đàm phán với quân xâm lược Nga.

Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar tuyên bố tại một cuộc họp báo được tổ chức tại Trung tâm Truyền thông Quân đội.

Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, nỗ lực tuyên truyền lớn nhất hiện nay tập trung vào 3 chủ đề chính:

Thứ nhất là cuộc khủng hoảng năng lượng ở Ukraine là không thể tránh khỏi.

Thứ hai là cáo buộc chính quyền bỏ qua các vấn đề trong nước

Thứ ba là thổi phồng sức mạnh quân sự của Nga

Bằng cách cố tình pháo kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự, gây thiệt hại cho người dân, kẻ thù muốn kích động tâm lý phản đối ở Ukraine, điều này sẽ buộc giới lãnh đạo quân sự và chính trị của Ukraine phải chấp nhận các đề xuất “hòa bình” do Nga đưa ra.

“Với mỗi cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, Nga hy vọng sẽ thay đổi cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho mình. Với mỗi cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, Điện Cẩm Linh hy vọng sẽ nhấn chìm chúng ta vào bóng tối hoàn toàn. Với mỗi cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, nhà nước khủng bố hy vọng sẽ phá vỡ người Ukraine, biến quốc gia của chúng ta thành nô lệ của hệ thống giống như người Nga. Tuy nhiên, những nỗ lực này hóa ra là vô ích, hết lần này đến lần khác,” Thứ trưởng nói.

“Người Ukraine chứng minh cho cả thế giới thấy rằng tự do và ý chí là một phần DNA của quốc gia chúng ta. Đó là lý do tại sao Nga thua cuộc chiến này ngay từ ngày nó bắt đầu,” Hanna Maliar nhấn mạnh.

8. Tân binh bị bắt nói: Những người lính Nga bị hành quyết vì thể hiện sự sợ hãi

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldiers Executed for Showing Fear, Captured Recruit Says”, nghĩa là “Tân binh bị bắt nói: Những người lính Nga bị hành quyết vì thể hiện sự sợ hãi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một người lính Nga bị bắt cho biết anh đã chứng kiến cảnh đồng đội của mình bị hành quyết sau khi họ tỏ ra sợ hãi trên chiến trường ở Ukraine.

Sau khi cuộc phỏng vấn của anh ta bắt đầu lan truyền trên các kênh Telegram của Ukraine, hãng tin độc lập Nestka của Nga đã xác định anh ta này là Vladislav Izmailov, một cựu tù nhân 26 tuổi đến từ thành phố Samara ở phía tây nam nước Nga.

Izmailov tuyên bố đã được tuyển dụng bởi đơn vị lính đánh thuê khét tiếng, là Tập đoàn Wagner, vào ngày 27 tháng 9, khi người sáng lập của nó, Yevgeny Prigozhin, đến thăm nhà tù của anh ta.

Anh ta nói rằng anh ta đã được cung cấp một hợp đồng trong sáu tháng để đổi lấy tự do và miễn trừ hình phạt hình sự, và khoảng 300 người từ nhà tù của anh ta đã đồng ý chiến đấu ở Ukraine.

Nestka đưa tin, bà của Izmailov và bạn gái của anh ta đã xác nhận danh tính của anh ta và nói rằng anh ta đã bị bỏ tù nhiều lần.

Trước khi tiết lộ kinh nghiệm của mình ở tiền tuyến, Izmailov cho biết anh muốn trả lời phỏng vấn vì anh “quyết định nói ra toàn bộ sự thật”.

Anh cho biết “mọi thứ hóa ra đã khác” khi anh và các đồng đội đến Ukraine sau khóa huấn luyện kéo dài hai tuần.

“Họ nói tỷ lệ tử vong rất thấp. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ tử vong rất cao. Rất ít người còn sống sót và sẽ rất khó để sống sót qua sáu tháng này”, Izmailov nói.

Khi được hỏi về các báo cáo rằng những người đàn ông Nga sẽ bị hành quyết nếu họ cố gắng bỏ chạy khỏi vị trí của họ ở tiền tuyến, Izmailov cho biết anh đã chứng kiến cái chết của hai binh sĩ trong đơn vị của mình sau khi họ tỏ ra sợ hãi trong trận chiến.

“Trong cuộc tấn công đầu tiên, tôi đi ở nhóm thứ hai. Đội trinh sát đã đi trước tôi. Có hai người ở đó sợ quá. Pháo binh bắn ào ào. Họ đã sợ hãi. Đây là lần đầu tiên họ ra trận. Và sau đó hai người này đã bị 'hành quyết' khi trở về căn cứ,” Izmailov nói.

“Họ tự đào mồ chôn mình, đơn giản là họ bị bắn và chôn xuống đó.”

Theo Idel.Realities, một hãng tin khu vực của Dịch vụ Tatar-Bashkir của RFE/RL, vào tháng 4 năm 2017, Izmailov đã bị kết án một năm tám tháng tù vì tội cướp của một người bạn và ăn cắp một chiếc xe hơi để bán các bộ phận của chiếc xe này.

Tập đoàn Wagner đã tuyển dụng một số lượng lớn tù nhân cho cuộc chiến của Putin ở Ukraine. Theo Olga Romanova, người đứng đầu nhóm bênh vực tù nhân Russia Behind Bars, đơn vị lính đánh thuê đã tuyển dụng tại các nhà tù hình sự ở các vùng xa xôi của Nga.

Thân nhân của các tù nhân đang thụ án ở St. Petersburg nói với hãng truyền thông điều tra những câu chuyện theo đó Tập đoàn Wagner đề nghị trả 200,000 rúp tức là 3,164 Mỹ Kim và ân xá khỏi các án tù nếu các tù nhân chịu phục vụ “tự nguyện” 6 tháng ở vùng Donbas, và tất nhiên là nếu các tù nhân còn sống để trở về.

Yevgeny Nuzhin, một cựu tù nhân người Nga đã được Tập đoàn Wagner tuyển dụng vào tháng 7 và đã trả lời một loạt cuộc phỏng vấn sau khi bị quân đội Ukraine bắt giữ vào tháng 9, đã bị hành quyết vào tháng trước.

Đoạn phim về vụ giết chết anh ta đã được công bố vào tháng 11 bởi Grey Zone, kênh Telegram có liên kết với Wagner. Đoạn clip cho thấy một người đàn ông không rõ danh tính đánh Nuzhin, 55 tuổi, bằng búa tạ.

Nuzhin trong các cuộc phỏng vấn của mình đã chỉ trích các quan chức Nga và nói rằng ông muốn đổi sang phía Ukraine.

Prigozhin, chủ nhân của Wagner, mỉa mai rằng đoạn phim là “tác phẩm đạo diễn xuất sắc có thể xem được trong một lần”, trong khi phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói “đó không phải là việc của chúng tôi.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận.
 
Lòng thành thật cảm động: Đi bộ 6437km đến Bê Lem đón Giáng Sinh. Nhà trừ tà cảnh báo: Đừng xăm mình
VietCatholic Media
17:31 16/12/2022


1. Người phụ nữ đi bộ 6,437km xuyên Âu Châu đã đến Jerusalem

Một phụ nữ 29 tuổi đến từ Tây Ban Nha đi bộ 6,437km xuyên khắp Âu Châu trong chuyến hành hương đến Giêrusalem, đã đến thánh địa hôm 13 tháng 12. Cô sẽ được mời đọc sách thánh trong thánh lễ nửa đêm tại Bethlehem.

Carlota Valenzuela bắt đầu cuộc hành trình vào tháng Giêng tại Cape Finisterre ở miền bắc Tây Ban Nha, một điểm mà người La Mã cổ đại coi là “tận cùng của thế giới”.

Mục tiêu của cô là đến Thánh địa vào dịp Giáng Sinh sau khi đi bộ xuyên 12 quốc gia chỉ với một chiếc ba lô và niềm tin sâu sắc vào Chúa.

Valenzuela nói với EWTN News Nightly từ Rome vào ngày 25 tháng 5: “Đó là một điều gì đó mà tôi cảm thấy rất rõ ràng và rất hiển nhiên rằng Chúa đang kêu gọi tôi thực hiện một cuộc hành hương đi bộ đến Giêrusalem”.

“Trước ngày này, có khoảng thời gian khoảng sáu tháng mà tôi luôn cảm thấy thực tế là Chúa đang kêu gọi tôi vì một điều gì đó lớn lao hơn,” cô nói thêm.

Hiện tại đang ở Rôma, Valenzuela đang ở khoảng nửa chặng đường của cuộc hành hương. Trong chuyến đi của mình, cô đã dừng chân tại nhiều nhà thờ và đền thờ Công Giáo lịch sử, bao gồm Thánh địa Đức Mẹ Lộ Đức và Tu viện Thánh Giuse ở Cotignac, bên Pháp.

Đối với Valenzuela, điểm nổi bật trong chuyến hành hương của cô ấy cho đến nay là “những cuộc gặp gỡ trên đường đi”.

“Cách tôi thực hiện chuyến hành hương này theo đúng nghĩa đen là gõ cửa mọi người để yêu cầu họ tổ chức cho tôi, vì vậy việc tôi ở vào tình thế giúp tôi thấy được những điều tốt đẹp nhất của con người. Tôi đang có một bài học hàng ngày về sự rộng lượng,” cô nói.

Valenzuela nói thêm rằng cô ấy thích nói chuyện với những người cô ấy gặp về đức tin và cùng nhau cầu nguyện.

Cô gái 29 tuổi này cũng đã quay phim và chia sẻ các khía cạnh trong hành trình của mình với lượng khán giả ngày càng tăng trên mạng xã hội thông qua tài khoản Instagram @finisterreajerusalen, hiện đã có hơn 13.000 người theo dõi.

Các bài đăng của cô ấy thường thể hiện vẻ đẹp tự nhiên của những con đường nơi cô ấy đang đi qua với lời lồng tiếng của cô ấy đang đọc kinh hoặc đọc một bài thơ.

Valenzuela mô tả chuyến hành hương của cô cho đến nay là “một quá trình buông bỏ và phó thác”, đầu hàng Chúa trong mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của cô.

“Tôi cảm thấy rằng Ngài chịu trách nhiệm, điều này không phụ thuộc vào tôi, mà là ở Ngài. Tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn như vậy, mặc dù tôi chưa bao giờ ở một mình quá lâu trong đời,” cô nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA.

“Lời cầu nguyện của tôi đã thay đổi rất nhiều và tôi đang học từng chút một để chiêm nghiệm, ngắm nhìn phong cảnh và suy ngẫm về công việc của Thiên Chúa trong những điều tôi thấy, trong tiếng hót của chim, trong cách lá di chuyển theo gió, trong các cảnh quan,” cô nói.

Valenzuela nói rằng cha mẹ cô đã khá lo lắng khi lần đầu tiên cô nói với họ về kế hoạch đi bộ xuyên lục địa một mình.

Cô bỏ lại công việc, bạn bè và gia đình để thực hiện chuyến hành hương. Nhưng ngay cả khi ở nửa chặng đường của cuộc hành trình, cô ấy đã cảm thấy mình không giống như người đã khởi hành từ Tây Ban Nha vào tháng Giêng.

Cô ấy nói: “Tôi mời mọi người can đảm để tìm kiếm bên trong một chút, để tự hỏi: Chúa đã đặt điều gì bên trong tôi?”

“Và trên con đường khám phá đó, khi họ bắt đầu nhìn thấy con đường phải đi, thì họ nên lên đường. Đối với bạn chỉ có một cuộc sống, ngay cả khi điều đó nghe rất sáo rỗng. Bạn chỉ có một cuộc đời và chỉ có một cơ hội để đạt đến sự viên mãn của nó “.

Valenzuela sẽ khởi hành từ Rome trong chặng tiếp theo của hành trình vào đầu tháng 6, vào sinh nhật lần thứ 30 của cô. Các điểm dừng chân tiếp theo của cô bao gồm Slovenia, Croatia, Montenegro và Hy Lạp.

Khi đến Giêrusalem, cô ấy hy vọng sẽ nói với Chúa “những gì con đã nói với Chúa kể từ khi con bắt đầu: rằng con ở đây, để Chúa có thể làm theo thánh ý của Ngài trong tôi.”
Source:Catholic News Agency

2. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mừng 53 năm linh mục

Ngày 13 tháng 12 là ngày kỷ niệm thụ phong linh mục lần thứ 53 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Chính tại nhà thờ Thánh Giuse ở Buenos Aires, vào năm 1953, chàng trai 17 tuổi Jorge Mario Bergoglio đã khám phá ra ơn gọi của mình và tuyên bố ước muốn dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa và con người.

Cơ quan thông tin của dòng Salêdiêng đưa ra bản tóm tắt ngắn gọn về ơn gọi của Đức Thánh Cha như sau:

Ơn gọi của ngài bắt đầu từ ngày 21 tháng 9 năm 1953, Lễ Thánh Mátthêu. Lời cầu nguyện ngài viết cho ngày đáng nhớ đó vẫn còn in đậm trong ngài: “Tôi tin rằng trong câu chuyện, được nhìn xuyên qua bởi cái nhìn của tình yêu Thiên Chúa, vào ngày mùa xuân, ngày 21 tháng 9, Ngài đến để mời tôi đi theo. Và tôi hy vọng trong sự ngạc nhiên của mỗi ngày, trong đó tình yêu và sức mạnh, sự phản bội và tội lỗi tự biểu hiện, sẽ luôn đồng hành cùng tôi cho đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với khuôn mặt kỳ diệu mà tôi không biết nó như thế nào, là điều luôn trốn thoát tôi, nhưng tôi muốn biết và yêu thương.”

Khẩu hiệu của Đức Thánh Cha Phanxicô được lấy từ Bài giảng của Bậc Đáng kính là linh mục Bede (Hom. 21; CCL 122, 149-151), người trong bài bình luận của mình về trình thuật Tin Mừng về việc kêu gọi Thánh Mátthêu đã viết: Chúa Giêsu thấy người thu thuế, và vì Ngài đã nhìn ông với lòng thương xót, Ngài đã phán với ông: 'Hãy theo ta'.

Sau nhiều năm, vào ngày lễ Thánh Giuse, ngày 19 tháng 3 năm 2013, vị linh mục đó—nay đã có tuổi—sẽ được tấn phong làm Giáo hoàng và là người đứng đầu Giáo hội.

Dưới đây là một số mốc thời gian quan trọng khác trong lịch sử ơn gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Ngày 11 tháng 03 năm1958: Vào Dòng Tên

Ngày 12 tháng 03 năm 1960: Khấn lần đầu

Ngày 13 tháng 12 năm 1969, chỉ 4 ngày trước sinh nhật lần thứ 33: Ngài được thụ phong linh mục

Ngày 22 tháng 04 năm 1973: Ngài khấn trọn.

27 tháng 06 năm 1992, được tấn phong Giám mục.
Source:Aleteia

3. Nhật Ký Trừ Tà số 219: Hình Xăm là Cổng vào của Quỷ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #219: Tattoo as a Demonic Portal”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 219: Hình Xăm là Cổng vào của Quỷ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi thầy phó tế đổ nước thánh lên hình xăm của cô ấy, cô ấy đã hú lên, “Nó đang đốt cháy tôi!” Thực ra nước rất lạnh. Thầy ấy liên tục đổ nước thánh lên hình xăm trong khi tôi liên tục đọc lời cầu nguyện “Xóa bỏ hình xăm”. * Sau nhiều tháng cầu nguyện giải thoát, bao gồm cả việc trừ tà cho hình xăm này, cuối cùng nó cũng kết thúc. Hình xăm bây giờ lành tính và những con quỷ liên quan đến nó đã biến mất.

Đáng ngạc nhiên, nó chỉ là một hình xăm của một vài bông hồng, nhưng nó đã trở thành một cánh cổng ma quỷ khổng lồ và là tâm điểm chính của lễ trừ tà. Nó được kết nối với quá khứ của cô ấy với tư cách là một vũ nữ thoát y và mang âm hưởng tình dục. Với sự giúp đỡ của cha mẹ, cô đã tìm được con đường rời khỏi câu lạc bộ để tìm một công việc bình thường và vào tòa giải tội.

Tại một thời điểm, một số tay sai của Satan đã tấn công vào cô ấy và cố gắng lôi kéo cô ấy trở lại câu lạc bộ và ép buộc cô ấy hành nghề mại dâm. Một số người trong số họ có hình xăm quỷ trên cơ thể, bao gồm cả quỷ Baphomet và Aka Manah, là một con quỷ ham muốn nhục dục. Rất may, cha mẹ cô một lần nữa đến giải cứu và bảo vệ cô.

Mọi người hỏi tôi nghĩ gì về hình xăm. Tôi nói thẳng với họ là tôi không khuyên họ xăm mình. Với một hình xăm ma quỷ, người đó đã liên kết bản thân với thực thể ma quỷ. Ngay cả khi hình ảnh không mô tả điều gì xấu xa, nhưng nếu nó liên quan đến những hành vi tội lỗi, như với người phụ nữ trẻ này, thì đó có thể là một vấn đề lớn. Hơn nữa, một số tiệm đã được biết là đã có các nghi thức nguyền rủa mực xăm hoặc ghi các biểu tượng ma thuật bên trong các hình ảnh.

Tôi tin rằng một số hình xăm lành tính về mặt tâm linh. Ví dụ, có một phụ nữ đã cho tôi xem một hình xăm quả dâu tây nhỏ trên mắt cá chân của cô ấy. Một số người thậm chí còn mong muốn xăm các biểu tượng tôn giáo lên cơ thể như cây thánh giá hay các ảnh thánh. Tuy nhiên, thay vào đó, tôi khuyên bạn nên đeo một cây thánh giá được làm phép trên dây chuyền hoặc ve áo. Hoặc đeo một chiếc Đức Bà màu nâu hoặc một huy chương phép lạ quanh cổ, như tôi vẫn làm. Mẹ Chúa Giêsu hứa ban “ân sủng lớn lao” cho những ai tin tưởng đeo ảnh của Mẹ. Đúng là như thế.

Tôi hy vọng rằng hình xăm là một mốt mà theo thời gian sẽ trôi qua nhanh chóng.
Source:Catholic Exorcism