Ngày 18-12-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng : Lời xin vâng cứu độ
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
20:26 18/12/2017
Bước vào Chúa Nhật thứ IV Mùa Vọng, trước lễ Thiên Chúa Giáng Sinh, tác giả Tin Mừng Luca đưa chúng ta về với biến cố truyền tin diễn ra nơi khung cảnh miền quê Nagiarét. Khởi đầu câu chuyện vĩ đại đã tồn tại trong lịch sử loài người bằng câu : “Khi ấy ...”. “Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đa-vít, Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1 , 26-27 ). Đây không phải là câu chuyện do con người tạo ra trong trí tưởng tượng, nhưng là câu chuyện được thêu dệt bởi chính Thiên Chúa và sự cộng tác của con người xảy ra trong không gian và thời gian, đã hoàn tất cách đây 2017 năm. Bằng cung kể bình dân, dễ tiếp cận, Luca giới thiệu cho chúng ta một số nhân vật theo thời gian, không gian và chủ đề, dẫn chúng ta đến đỉnh cao của câu chuyện là điểm : “Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai […] Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người […] và triều đại Người sẽ vô tận ” (Lc 1, 31-33). Với lời loan báo trên cho chúng ta biết Noel đã gần kề.

Đức Maria, người thôn nữ khiêm hạ miền Nagiarét nghe những lời trên của Sứ Thần Gabriel đã không khỏi kinh ngạc. Maria còn đồng trinh mà nay Thiên Chúa lại muốn Maria làm mẹ, nên hỏi : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến người nam!” (Lc 1,34). Trong sự đơn sơ, Maria không hoài nghi quyền năng của Thiên Chúa nhưng muốn hiểu ý định của Chúa hơn, hầu sống trọn ý Chúa. Băn khoăn của Maria được Sứ Thần giải thích, việc giữ mình khiết trinh với việc mang thai Đấng Cứu Thế không có gì là mâu thuẫn, lý do : “Không có việc gì mà Chúa không làm được”. Hiểu được ý Chúa, Maria đã mở lòng mình ra, sẵn sàng cộng tác vào công trình của Thiên Chúa và cất tiếng “xin vâng”. Lập tức “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Thiên Chúa trông chờ tiếng “xin vâng” từ nơi Đức Maria để thực hiện công trình của Chúa. Tiếng “xin vâng” bao hàm cả tình mẫu tử lẫn sự đồng trinh. Mẹ vừa muốn vinh quang Thiên Chúa hiện thực nơi mình vừa muốn Người Con sẽ sinh ra hoàn toàn là quà tặng ân sủng.

Câu chuyện bình dân ấy thực tế nhất đối với Thiên Chúa và nhân loại chúng ta. Chân phước Phao lô VI viết năm 1974 rằng : “Đức Maria là câu trả lời mà Thiên Chúa ban trong mầu nhiệm nhập thể làm người; đó cũng là câu hỏi mà con người tự đặt ra về Thiên Chúa và về chính mình”.

Khi thưa “xin vâng”, lời thưa của Mẹ đã thay đổi cả lịch sử nhân loại. Thánh Bernarđô kêu lên : “Ôi lạy Mẹ, Mẹ là đấng cứu chuộc chúng con. Vì khi Mẹ thưa xin vâng, lập tức chúng con được giải thoát. Toàn thể địa cầu trông đợi lời xin vâng của Mẹ. Lời ấy sinh ra Ngôi Lời Hằng Hữu. Thiên Chúa muốn nghe Mẹ tự do trả lời, Mẹ “đầy ân sủng”, khi Mẹ thưa : “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền !” (Lc 1, 38). Từ ấy Mẹ hoàn toàn kết hiệp với công trình của Con Mẹ, hôm nay vai trò Trung Gian của Mẹ khởi đầu. Kể từ đó Mẹ trở nên Mẹ của tất cả những ai hiệp nhất trong Đức Kitô (Gal 3,28). Lời “xin vâng” của Mẹ là lời cứu độ.

Thánh Augustinô viết: “Ngài đã chọn một người mẹ mà Ngài đã tạo dựng, Ngài đã tạo dựng người mẹ mà Ngài đã chọn” (x. Bài giảng 69, 3, 4). Thật là cơ hội để chúng ta nhìn vào Nagiaret hầu cảm nhận được sự hiện diện của một trinh nữ mà muôn đời khen là có phúc (x. Lc 1, 48).

Hôm nay chúng ta không thể quên khuôn mặt đặc biệt của thánh Giuse, vì cả Mẹ Maria và thánh Giuse đều đã sống một cách thật mãnh liệt duy nhất thời gian chờ đợi và chuẩn bị đón Chúa Giêsu giáng sinh với niềm vui thiêng thánh.

Thánh sử Luca trình bày Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria như là vị hôn thê của “một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít” (Lc 1,27). Nhờ và qua thánh nhân, Trẻ Giêsu được đưa vào trong dòng dõi vua Ðavít một cách hợp pháp, và như thế thực hiện những Lời Kinh Thánh, trong đó Ðấng Thiên Sai được các tiên tri loan báo như là “Con của Vua Ðavít”.

Thánh Giuse là mẫu gương của người “công chính” (Mt 1,19); trong sự hoà hợp hoàn toàn với vị hôn thê của mình, thánh Giuse tiếp rước Con Thiên Chúa làm người và canh chừng cho sự tăng trưởng nhân bản của Con Thiên Chúa. Vì thế, trong những ngày trước lễ Giáng Sinh, thật là thích hợp hơn bao giờ hết, để thiết lập một cuộc đối thoại thiêng liêng với Thánh Giuse, với Mẹ Maria, xin các ngài trợ giúp chúng ta sống trọn vẹn mầu nhiệm cao cả Ðức Tin này. Nhờ lời “xin vâng ” của Mẹ lúc Truyền Tin, cánh cửa ơn cứu rỗi đã mở ra cho nhân loại.

Xin Mẹ giúp chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa và mau mắn thưa “xin vâng ” với Chúa như Mẹ để chúng ta được cứu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Cuộc hòa đàm lý tưởng
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:31 18/12/2017
Chúa Nhật 4 Vọng B

Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng quen thuộc: “Sứ Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria”.

Thiên Chúa muốn Con của Ngài xuống thế làm người, để cứu độ nhân loại. Ngài đã muốn người Con ấy là con người giữa nhân loại. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Con của Ngài một người mẹ trần thế. Người mẹ ấy là Đức Maria, người làng Nadarét, vùng Galilê, nước Paléttin.

Cô Maria là người được Thiên Chúa tuyển chọn giữa muôn vàn phụ nữ trên địa cầu. Ngài chọn Cô chẳng phải vì Cô thánh thiện hơn người khác. Ngài chọn Cô từ khi Cô còn trong lòng mẹ. Ngài tuôn đổ trên Cô tràn trề ân sủng: "Hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Cô" (Lc 1,28). Được tràn trề ân sủng là được Thiên Chúa mến thương, được đẹp lòng Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã chuẩn bị rất kỹ cho Cô Maria. Ngài đã tạo dựng Cô như một thụ tạo tuyệt vời, độc nhất vô nhị, chỉ vì Ngài muốn Cô xứng đáng trở nên người mẹ cưu mang chính Con Một của Ngài. Maria là một kiệt tác của Thiên Chúa, dù bề ngoài Cô chỉ là một thôn nữ của một ngôi làng nhỏ bé vô danh.Thiên Chúa không ép buộc Cô Maria làm mẹ của Con Một Ngài, dù Ngài đã chuẩn bị cho Cô một cách đặc biệt để đón nhận trọng trách cao cả đó. Ngài tôn trọng tự do của Cô, tự do mà chính Ngài đã ban cho Cô trong tư cách là người. Ngài không đặt Cô trước một sự đã rồi. Ngài muốn hỏi ý Cô, và chờ Cô ngỏ lời ưng thuận.

Thiên Chúa sai Sứ thần đến nhà Maria. Câu chuyện Lời Chúa hôm nay là Truyền tin, một Tin mừng muôn thuở. Tin mừng này đã được thực hiện qua một cuộc hòa đàm chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Cuộc hòa đàm diễn ra giữa hai nhân vật, đại diện Thiên Chúa và loài người. Đại diện Thiên Chúa là Sứ Thần Gabriel, đại diện loài người là trinh nữ Maria.

Khung cảnh cuộc hòa đàm, không phải trong cung điện vua chúa, lầu các sang trọng. Nơi đó, trong căn nhà thanh bạch nghèo nàn thuộc vùng sâu thôn dã vô danh Nadarét. Khung cảnh thật giản dị, quê mùa, thô sơ, nhưng Thiên Chúa đã chọn làm khởi điểm lịch sử cứu độ vĩ đại.

Maria dù là nữ tỳ nhưng Sứ Thần đến mở đầu cuộc hòa đàm, không phải với thái độ ông chủ truyền lệnh. Ở đây, Sứ Thần hết sức khiêm cung, kính cẩn, lễ phép với lời chào : “Kính mừng Đấng đầy ân phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Thật khác xa lời cậu thanh niên chào cô thanh nữ. Tử tế lắm, cậu chỉ nói : Chào cô, chào em.

Sứ thần rất trân trọng thôn nữ Maria : vừa chúc tụng kính phục con người thánh thiện khả ái, vừa tôn vinh chức vụ cao sang của Bà được Thiên Chúa ở cùng.

Thôn nữ Maria sợ sự tôn vinh bất thường ấy, và tự nhủ lời chào ấy có ý nghĩa gì ? Quả là sự tỉnh thức thận trọng của một thục nữ trinh trong, sáng ngời, đầy khiêm nhu và thùy mị.

Sứ thần đã nhận ra ý từ đó và giải thích thật rõ ràng cặn kẽ, trong suốt : “Thưa Bà Maria, xin đừng sợ, Bà rất đẹp lòng Thiên Chúa, Thiên Chúa ban cho Bà sinh con, đặt tên là Giêsu, Người là Con Đấng tối cao, Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít …”.

Nhưng, đối với Maria, “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” hơn cả ngai vàng vua Đavít, vì Maria đã tận hiến suốt đời đồng trinh cho Thiên Chúa, nên Maria từ tốn đáp lễ : Làm sao có chuyện ấy được, thưa Ngài, vì tôi đã khấn trọn đời đồng trinh.

Sứ thần liền minh giải : “Việc đó rất chí thánh, do Chúa Thánh Thần với quyền phép Đấng Tối Cao, sẽ soi bóng trên Bà, nên Hài nhi khi Bà sinh ra là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa ..”

Nhận ra đó là thánh ý Thiên Chúa, Maria đã sấp mình tôn thờ Thiên Chúa : “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hết lòng vâng theo thánh ý Chúa như lời sứ thần truyền dạy”.

Sứ thần đã thành công trong sứ mạng vô cùng trọng đại. Maria đã hoàn toàn làm đẹp lòng Thiên Chúa, trọn vẹn hiến dâng đồng trinh với chức vụ thiên mẫu lạ lùng.

Đây thật là một cuộc hòa đàm gương mẫu cho muôn đời. Gương mẫu vì cuộc hòa đàm đã diễn ra đúng tinh thần đối thoại và hòa giải.

Đối thoại cần thiết phải có ba tính chất đặc biệt :
- Thứ nhất, hai bên thật khiêm tốn, tôn trọng lẫn nhau.
- Thứ hai, hai bên thưa đáp trình bày ý tứ của mình rất trong sáng, rất đơn sơ và chân thành, mình nghĩ thế nào, lập trường làm sao, cần những điều gì mới đưa đến thành công.
- Thứ ba, hai bên đã nhận ra những ân huệ vì ích chung, thánh thiện mà Thiên Chúa muốn thực hiện.
Đây cũng là một cuộc hòa giải hoàn hảo :
- Vì đã giải quyết được những nỗi khó khăn phức tạp, loài người không thể gỡ mối tơ vò, chỉ có quyền năng Thiên Chúa mới giải quyết được vấn đề : vừa đồng trinh, vừa sinh con, con Bà vừa là người, vừa là Thiên Chúa.
- Vì đã giải quyết được chương trình cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa đã bao lần hòa giải thất bại với bao nhiêu nhân vật từ Ađam Evà cho đến nay. Nay Thiên Chúa mới thực hiện được chương trình thương yêu của Người nơi Đức Trinh nữ Maria.

Thiên Chúa đã giao ước với Ađam Evà, nhưng Nguyễn tổ đã trở mặt theo con rắn satan. Thiên Chúa đã giao ước với Noe, nhưng con cháu đã xây tháp Babel kiêu căng. Thiên Chúa đã giao ước chọn lựa Abraham làm tổ phụ dân Người, nhưng con cái Giacob hằn thù chia rẽ, bán Giuse làm nô lệ cho con buôn Ai cập. Thiên Chúa đã giao ước với Môisen đưa dân về quê cha đất tổ để thờ phượng Thiên Chúa, nhưng dân Israel đã chiều theo lối sống thờ thần Babylon. Giờ đây, Thiên Chúa chỉ còn cách duy nhất là ký kết với Đức Maria, một đầy tớ trung tín và khôn ngoan, luôn luôn làm theo ý chủ mình là Thiên Chúa, một tôi tớ dâng hiến trọn vẹn toàn diện đời mình từ trong bào thai cho Thiên Chúa. Thiên Chúa đã toàn quyền sử dụng Maria theo thánh ý Người. Và Con Thiên Chúa đã xuống cung lòng Maria để ở cùng loài người cho đến tận thế.

Bài Tin Mừng hôm nay thường gọi dưới tựa đề là " Sứ Thần truyền tin cho Đức Mẹ". Nhưng Sứ Thần và Đức Mẹ đều không phải là nhân vật chính. Nhân vật chính là Đức Giêsu. Trang Tin Mừng này giới thiệu căn tính của Đức Giêsu. Đó là nội dung chính của Truyền Tin. Qua lời của Sứ Thần mà chúng ta biết Giêsu là “Con Đấng Tối Cao", là “Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa”.

Đức Maria sẽ nhận được một sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa. Mẹ sẽ đón lấy quyền năng sáng tạo của Thánh Thần "Thánh Thần sẽ ngự trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà.". Vì thế Đấng Mẹ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Nếu việc thụ thai Gioan Tẩy Giả đòi hỏi một phép lạ, thì việc thụ thai Đức Giêsu đòi hỏi một phép lạ lớn hơn nhiều, đó là Ngài được thụ thai bởi một Trinh Nữ. Đức Giêsu không chỉ là Đấng Mêsia mà dân Do thái hằng mong đợi, Ngài còn là Đấng cao cả, thánh thiện hơn nhiều; Ngài là "Con Thiên Chúa" theo nghĩa viên mãn chưa từng có.

Sau tiếng Xin Vâng đầu tiên, Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm người trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Mầu nhiệm nhập thể đã bắt đầu ngay từ giây phút này. Lời thưa "Xin vâng" của Mẹ đã thay đổi cả lịch sử nhân loại. Từ đó Mẹ hoàn toàn kết hiệp với công trình của Con Mẹ. Từ đó vai trò Trung Gian của Mẹ đã khởi đầu. Từ đó, Mẹ trở nên Mẹ của tất cả những ai hiệp nhất trong Đức Kitô (Gal 3,28).

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta một người Mẹ cao cả, thánh thiện, đáng yêu, đáng mến. Mẹ cầu bàu cho chúng ta trước tôn nhan Chúa. Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa.

Xin Chúa cho chúng con được trở nên con ngoan thảo của Mẹ, để Mẹ dễ dàng tỏ cho chúng con thánh ý Chúa và hướng dẫn chúng con biết sống đẹp lòng Chúa hàng ngày.Amen.





 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha khuyên trẻ em nên cầu nguyện trước Hài Nhi Giêsu
Bùi Hữu Thư
09:30 18/12/2017
Một tuần trước Lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý không được bỏ Chúa Giêsu ra ngoài Lễ Giáng Sinh.

Vatican ngày 17 tháng 12, 2017 (Zenit.org)

Để cho các tín hữu và con trẻ chuẩn bị cho ý nghĩa chân thực của Lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên họ trong Kinh Truyền Tin hôm nay:

Hôm nay là ngày truyền thống của Chúa Nhật Trẻ Em (Bambinelli Sunday), khi trẻ em trên toàn nước Ý đem các ảnh tượng Hài Nhi Giêsu tới quảng trường Thánh Phêrô để được ban phép lành.

Trong bài huấn từ tại đây, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ các tín hữu là trong các Chúa Nhật trước đó phụng vụ Lời Chúa nhấn mạnh về ý nghĩa của việc dọn mình tỉnh thức, và đó là điều cụ thể nhất để dọn đường cho Chúa đến.

Tuy nhiên, trong tuần lễ thứ ba của Mùa Vọng, mệnh danh là “Chúa Nhật của niềm vui”, Đức Thánh Cha ghi nhận: “phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta đón nhận một tinh thần trong đó tất cả những điều này xẩy ra, nghĩa là thật sự vui sướng. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến bằng ba thái độ, thường xuyên vui sướng, cầu nguyện liên lỉ và thường xuyên cảm tạ.

Thái độ đầu tiên Thánh Phaolô mời gọi là thường xuyên vui sướng: “Hãy luôn luôn vui sướng (1 Thessalonians 5:16).

“Có nghĩa là luôn luôn ở trong tình trạng hân hoan, ngay cả khi gặp những trái ngang, và khi có lo âu, khó khăn và đau khổ. Chúa Giêsu đến thế gian để đem lại cho con người phẩm giá và sự tự do của những người con cái Chúa, chỉ có Người có thể hiệp thông và ban cho niềm vui.”

Ngài tiếp: thái độ thứ hai, như Thánh Phaolô nói là cầu nguyện liên lỉ.

“Qua việc cầu nguyện, chúng ta có thể bước vào mối tương quan vững chắc với Chúa, là nguồn vui chân chính. Niềm vui Kitô không thể mua được, và không thể bán đi, niềm vui này đến từ đức tin và sự gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, là lý do để chúng ta vui sướng. Và chúng ta càng bám chặt lấy Đức Kitô, chúng ta càng gần gũi Chúa hơn, chúng ta càng tái khám phá sự bình an của nội tâm, ngay giữa những trái ngang gặp phải hàng ngày.”

Thái độ thứ ba là thường xuyên tri ân, nghĩa là biết ơn trong mối tương quan với Chúa. “Thực vậy, Chúa rất quảng đại đối với chúng ta, và chúng ta được mới gọi để luôn luôn tri ân Người vì những ơn lành Người ban cho, Tình Yêu thương xót, sự kiên nhẫn và nhân hậu của Người, do đó cần phải sống trong tâm tình tri ân không ngừng.”

Đức Thánh Cha nói, “Hân hoan, cầu nguỵện và tri ân là ba thái độ giúp chúng ta chuẩn bị để sống Mùa Giáng Sinh trọn vẹn.

“Chúng ta hãy cùng nhau nói: “hân hoan, cầu nguyện và tri ân” [dân chúng trong quảng trường đồng thanh lập lại] “Một lần nữa!” [Họ cũng nhắc lại]. “Trong tuần cuối của Mùa Vọng, chúng ta hãy trao phó cho sự cầu bầu của Mẹ Maria. Mẹ chính là “nguồn vui của chúng ta”, không chỉ vì Mẹ sinh ra Chúa Giêsu, mà vì Mẹ luôn luôn đem chúng ta đến với Người.”

Sau khi đọc kinh trưa, Đức Thánh Cha âu yếm chào mừng các trẻ em đến để được ban phép cho “Hài Nhi Giêsu.”

Đức Thành Cha khuyên các em như sau: “Khi các con cầu nguyện ở nhà, trước máng cỏ cùng với gia đình, hãy trở nên bị thu hút bởi sự dịu hiền của Hài Nhi Giêsu, sinh ra nghèo khó và yếu ướt giữa chúng ta, để ban cho chúng ta tình yêu của Người.”

Đức Thành Cha Phanxicô nói đây mới là “Giáng Sinh chân chính.”

“Nếu chúng ta bỏ Chúa Giêsu đi, thì Lễ Giáng Sinh còn gì? Chỉ là một lễ hội trống rỗng. Xin đừng bỏ Chúa Giêsu ra ngoài Giáng Sinh! Chúa Giêsu là trung tâm của Giáng Sinh, Chúa Giêsu chính là Giáng Sinh! Hiểu không?”

Như thông lệ, Đức Thánh Cha kết thúc bằng lời cầu chúc cho mọi người hiện diện một ngày Chúa Nhật tốt đẹp, một bữa trưa ngon miệng và xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Bùi Hữu Thư
 
Một doanh nhân hiến tặng 20 triệu dollars cho trung tâm hành hương Công Giáo tại Detroit Hoa Kỳ
Nguyễn Long Thao
17:35 18/12/2017
DETROIT (AP) – Một doanh nhân hiến tặng 20 triệu dollars cho một trung tâm hành hương Công Giáo tại Detroit Hoa Kỳ

Chân Phước LM Solanus Casey
Ông Art Van Elslander, nhà sáng lập Art Van Furniture, đã hiến tặng số tiền trên cho Trung tâm Solanus Casey. Trung tâm này được thiết lập để vinh danh cố Linh Mục Solanus Casey đã được Giáo Hội tôn vinh lên bậc Chân Phước vào tháng 11 vừa qua, và đang trong tiến trình xin được phong Thánh. Từ đó trung tâm ngày càng thu hút khách hành hương trên khắp Hoa Kỳ.

Theo cha David Preuss, Giám đốc Trung Tâm Hành Hương thì số tiền 20 triệu dùng để mua đất thành phố và tư gia để xây dựng bãi đậu xe, một nhà nguyện, và cơ sở phục vụ khách hành hương.

Ông Van Elslander cho biết số tiền hiến tặng nhằm vinh danh tình thân hữu giữa thân phụ của ông và cha Casey.

Ông Van Elslander nói: Tôi lớn lên ở Detroit, tôi nhớ cha tôi thường đến gặp cha Casey mỗi khi cha tôi cần đến sự giúp đỡ hay chỉ dẫn của Ngài. Ngày nay Cha Casey vẫn tiếp tục đem niềm hy vọng đến cho nhiều người qua trung tâm cung cấp thức ăn cho người nghèo. Tôi rất hân hạnh được đóng góp vào di sản của Ngài để đem lại lợi ích cho toàn thể cộng đồng.

Cha Casey qua đời năm 1957, được phong chân phước vào tháng 11 vừa qua sau sự kiện một phụ nữ mắc bệnh nan y đã cầu nguyện trước mộ của Ngài vào năm 2012 và đã được khỏi bệnh
 
ĐGH nói rằng Thánh Giuse là gương mẫu của người quên mình.
Giuse Thẩm Nguyễn
20:24 18/12/2017
(Vatican News) Trong bài giảng thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Casa Santa Marta, ĐGH Phancicô nói rằng thánh Giuse “chấp nhận” làm cha nuôi của Chúa Giêsu, “một địa vị làm cha một người không phải con của ngài, nhưng là con của Thiên Chúa”

Trong những nỗi khó khăn, lúng túng, đêm đen, chúng ta học được từ Thánh Giuse, một người đã biết cách “làm sao để đi trong đêm tối, để lắng nghe tiếng Chúa và để tiến bước trong âm thầm.”

Thánh Giuse tin tưởng và vâng lời.

ĐGH đã chia sẻ rằng Thánh Giuse đã cảm giác thế nào khi biết được Maria có thai sau khi từ nhà bà chị Elizabeth về. Chắc là ngài “nghi nghờ”, “buồn sầu” và “đau khổ” lắm với lời xầm xỉ của mọi người, “sự lắm chuyện của hàng xóm”. Thánh nhân” đã không hiểu” nhưng tin chắc rằng Maria là “một người phụ nữ nết na của Thiên Chúa”. Thế là Giuse đã quyết định “bỏ nàng một cách kín đáo” chứ không tố giác nàng. Đó là ý định của thánh nhân cho đến khi “có sự can thiệp của Thiên Chúa” qua một thiên thần trong giấc mơ với lời giải thích rằng con trẻ trong bào thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, và “thánh nhân đã tin và vâng lời”.

Thánh Giuse đã phải đấu tranh với chính mình khi nghe tiếng của Thiên Chúa. “hãy trỗi dậy” là tiếng đã được nghe nhiều lần trong Kinh Thánh từ khi bắt đầu một sứ mạng. Hãy nhận Maria và đón cô ấy về nhà mình. Hãy can đảm chấp nhận hoàn cảnh, sống với hoàn cảnh và tiến về phía trước. Thánh Giuse đã không đến nhà bạn để tìm lời an ủi, ngài cũng không đến chuyên gia tâm lý để xin giải thích về giấc mơ. Không… Thánh nhân đã tin và ngài đã tiến bước. Ngài chấp nhận hoàn cảnh. Nhưng Thánh Giuse đã chấp nhận hoàn cảnh gì? Thánh nhân đã chịu đựng cái gì vậy? Có hai điều: Làm người cha và sự nhiệm mầu.

Chấp nhận làm “cha nuôi”.

Trước hết là Thánh Giuse chấp nhận làm cha theo đúng như gia phả của Chúa Giêsu, trong gia phả ấy “Chúa Giêsu là con của thánh Giuse.”

“Thánh nhân đã nhận làm cha nuôi với trọn ý nghĩa của một người cha chu toàn đầy đủ bổn phận: không những chỉ chăm lo cho Maria và con trẻ, mà còn nuôi nấng, dạy nghề và đưa giúp Con Thiên Chúa trở thành người tốt.” Chấp nhận làm cha một người không phải là con của mình, nhưng là của Thiên Chúa”. Thế thôi, không một lời, chúng ta không tìm thấy lời nào của Thánh Giuse trong Thánh Kinh. Một con người yên lặng, vâng lời trong yên lặng.”

Nắm lấy sự mầu nhiệm để đưa người ta về với Chúa.

Thánh Giuse cũng là người nắm trong tay sự mầu nhiệm. Bài đọc thứ Nhất giải thích mầu nhiệm của việc “đưa người ta trở về với Thiên Chúa, mầu nhiệm của sự tái tạo – điều mà kinh phụng vụ nói với chúng ta là “kỳ diệu hơn” lần thứ nhất.

“Thánh Giuse nắm trong tay mầu nhiệm này và hỗ trợ: với sự yên lặng, với công việc, cho đến cái giây phút mà Thiên Chúa gọi thánh nhân về. Đây là người đã nắm lấy vai trò là cha và sự mầu nhiệm, ngài mang hình bóng của người cha, bóng dáng của Cha Trên Trời, người mà Chúa Giêsu cất tiếng đầu đời gọi là “cha” để nhận biết Cha của Ngài là Thiên Chúa. Ngài đã học từ cuộc đời nhân chứng của thánh Giuse, một người đã chăm sóc cho Ngài, nuôi nấng Ngài, một người đã thực hiện tiến trình làm cha nuôi và mọi điều kỳ diệu, nhưng không dành cho mình thứ gì.”

ĐGH Phanxicô nói rằng đây là vị “thánh cả Giuse”, người mà Thiên Chúa cần đến để thực hiện mầu nhiệm là dẫn con người tới sự Sáng Tạo mới.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Hồng Y Bernard Law và đạo lý nghĩa tử nghĩa tận
Vũ Văn An
21:00 18/12/2017
Theo ký giả Rocco Palmo, Đức Hồng Y Bernard Law, cựu Tổng Giám Mục Boston, Hoa Kỳ, đang trên đường về nhà Cha.

Thực vậy, sau 15 năm từ chức Tổng Giám Mục Boston giữa cơn mưa “phóng xạ” tai tiếng lan toả khắp giáo hội hoàn cầu, Đức Hồng Y Bernard Law đang đương đầu với cơn bệnh hiểm nghèo tại một bệnh viện ở Rôma. Nguồn tin từ đó cho hay ngài đang “sa sút chầm chậm nhưng rất đều đặn” với các phụ tá thân cận bên cạnh giường.

Palmo cho rằng các giới chức của Giáo Hội ở hai bên bờ Đại Tây Dương đang tích cực chuẩn bị việc qua đời của vị giáo phẩm 86 tuổi này. Đây chắc là một ngày dài đầy lo âu vì phản ứng điên cuồng quanh vụ gọi là che đậy các linh mục lạm dụng, một thảm kịch mà do tường trình của báo chí địa phương năm 2002 đã phát khởi cả một cuộc khủng hoảng lớn nhất xưa nay trong Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ.

Nguồn tin trên thêm rằng “bất cứ điều gì cũng có thể xẩy ra bất cứ lúc nào”. Tuy nhiên, theo Palmo, bất cứ khi nào nó xẩy ra, và khi nó xẩy ra chắc chắn sẽ mang đến một “đám xiếc truyền thông” cho thành phố Hoa Kỳ nơi Đức Hồng Y vốn là một người “khổng lồ” gần hai thập niên, kế hoạch xác định từ lâu cho thấy sẽ không có nghi thức tiễn biệt nào tại Boston cả. Thay vào đó, việc tiễn biệt Đức Hồng Y sẽ theo nghi thức quen thuộc dành cho các vị giáo phẩm cao cấp cư trú tại Rôma, một trong các nghi thức này diễn ra một vài giờ sau khi vị này ra đi, và trong nghi thức này, nhất định sẽ có sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng, người, theo truyền thống, sẽ tiến vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, cuối thánh lễ, để cử hành Nghi Thức Tiễn Đưa tại Bàn Thờ Ngai Tòa.

Và vào dịp một vị Hồng Y qua đời, Đức Giáo Hoàng còn có thói quen gửi một điện chia buồn. Bức điện này chắc chắn sẽ phải có lời lẽ hết sức mẫn cảm và vì thế, được nhiều người lưu ý.

Còn nhớ năm 2004, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cử Đức Hồng Y Law làm trưởng Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, một chức vụ “ngồi mát ăn bát vàng” nhưng thực tế đã nâng ngài lên hàng đặc sứ của Đức Giáo Hoàng. Do đó, chắc chắn Đức Hồng Y Law sẽ được chôn cất tại tầng hầm của Vương Cung Thánh Đường xưa nhất dâng kính Mẹ Chúa Trời này, một vương cung thánh đường mà trần nhà được trang trí bằng vàng do Christopher Columbus mang từ “Tân Thế Giới” về.

Cái chết của Đức Hồng Y Law cũng có thể gây bối rối cho vị kế nhiệm ngài: Đức Hồng Y Seán O’Malley OFM Cap., người sẽ phải loan báo tin buồn. Không biết vị Hồng Y này có tham gia các nghi thức ở Rôma được không, nơi mà ngài vừa từ giã sau khi tham dự cuộc họp của nhóm G9, tức 9 vị Hồng Y cố vấn cao cấp nhất của Đức Phanxicô vì nghị trình xít xao dịp Giáng Sinh và đầu năm của ngài.

Dù thế nào, thì vị tu sĩ Dòng Capuchin này cũng phải đưa ra một vài nhận định sau khi tin tức nổ ra. Đây chắc chắn là thử thách lớn đối với vị tu sĩ này kể từ ngày lãnh nhận vai trò lèo lái con thuyền giáo phận Boston gồm gần 2 triệu giáo dân đủ hạng này, nơi mà năm 2003, ngay sau khi nhậm chức, ngài đã phải thanh toán 550 vụ kiện cáo với 85 triệu mỹ kim tiền bồi thường.

Nhân dịp này, Palmo cho biết trong thời gian “biệt xứ”, Đức Hồng Y Law có trở về Hoa Kỳ đôi lần, phần lớn là để âm thầm thăm bạn bè cách xa vùng New England. Lần cuối cùng và công khai là tháng 8 năm 2015, để đồng tế trong thánh lễ an táng người bạn thân và cũng là đồng nghiệp lâu năm tại Giáo Triều Rôma, Đức Hồng Y William Wakefield Baum, tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Mátthêu ở Washington D.C. Công chúng ít ai để ý đến sự hiện diện của ngài nhưng ngài được các vị giáo phẩm hôm đó tiếp đón nồng hậu. Điều này dễ hiểu vì nhiều vị vốn được ngài góp ý tích cực khi được Bộ Giám Mục xét cử.

Bởi thế, theo Palmo, chắc chắn sẽ có nhiều người qua Rôma tiễn biệt một giáo phẩm đã đóng góp rất, rất nhiều cho Boston, cho giáo hội Hoa Kỳ và cho Giáo Hội hoàn vũ. Một vị nhất quyết sẽ đi nói thế này: “Tôi phải nói sao đây? Tôi rất qúy mến con người nhân bản với nhiều sai lầm này”.

Ấy thế mà phát ngôn viên chính thức của Tổng Giáo Phận Boston, Terry Donilon, khi được hỏi cảm tưởng đã không trả lời. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận cho hay đang có vận động đưa ra một tuyên bố “cân bằng” để đánh dấu sự ra đi của Đức Hồng Y Law: nhìn nhận cả các đóng góp hoàn cầu của ngài trong nhiều thập niên, đặc biệt nhất là thành công ngoại giao của ngài trong việc sắp xếp cuộc tông du của Đức Gioan Phaolô II tới Cuba năm 1998 và việc ra đời của Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, lẫn các thiệt hại do việc nội trị của ngài gây ra cho các nạn nhân và gia đình bị lạm dụng.

Âu cũng là điều phải lẽ. Người ta không thể vịn cái cớ chính xác về chính trị để quên cả đức công bằng, nhất là đối với người qua đời, theo đạo lý “nghĩa tử nghĩa tận” của cha ông Việt Nam, những vị mà nhiều con cháu sau này mang ơn sâu nặng của Đức Hồng Y Law.

Thực vậy, khi ngài từ chức năm 2002, VietcatholicNews có một bài rất đầy đủ của Ngọc Loan viết về ngài đăng ngày 16 tháng 12 năm 2002. Nhờ thế, ngoài các đóng góp to lớn cho thế giới, cho Hoa Kỳ, cho Giáo Hội nói chung và các chính nghĩa của Giáo Hội nói riêng, nhất là trong lãnh vực đại kết và liên tôn, biến ngài thành một giáo phẩm Hoa Kỳ vĩ đại mà người ta sợ là chưa ai có thể qua mặt, người đọc còn biết được các giúp đỡ to lớn của ngài đối với người tị nạn Việt Nam, đặc biệt với Dòng Đồng Công, một dòng tu trăm phần trăm của người Việt.

Xin trích một đoạn trong bài của Ngọc Loan “Ngài được gọi làm giám mục của giáo phận Springfield-Cape Giradeaux bang Missouri vào năm 1973. Chính trong thời gian làm giám mục tại đây nên khi có biến cố di tản của người Việt Nam vào năm 1975 mà ngài trở thành nhân vật sáng chói vì những quan tâm của Ngài tới vấn đề di dân và di cư, vì khi đó có hơn 120 ngàn người Việt Nam di tản tới trại tạm cư Ft. Chaffee, thuộc Arkansas cũng nằm trong ranh giới giáo phận của Ngài. Lúc đó một số linh mục Việt Nam du học tình nguyện đến giúp người tị nạn, trong đó có Linh mục Trần Công Nghị làm tuyên úy trưởng, linh mục Mai thanh Lương, linh mục Vũ Hân, linh mục Phạm văn Tuệ. Cuộc rước kiệu long trọng kính Đức Mẹ vào tháng 5, 1975 do linh mục Trần Công Nghị đã mời được Đức Giám Mục Law tới chủ sự. Cũng trong giai đoạn này mà giám mục Law đã quan tâm và bảo trợ tất cả tu sĩ Dòng Đồng Công về giáo phận của ngài và do duyên phận này mà Dòng Đồng Công từ đó được phát triển mạnh mẽ cho tới ngày nay”.

Ở một đoạn khác, Ngọc Loan viết “Ngài đã được nổi tiếng và được lên tin tức hàng đầu trên báo chí vào năm 1975, giữa làn sóng người Việt tỵ nạn đặt chân tới Hoa Kỳ, Ðức Giám Mục Law đã thu xếp để định cử cho tất cả 166 Tu Sĩ và Chủng Sinh Dòng Ðồng Công. Ngài tỏ ra thương mến dân Việt Nam một cách đặc biệt không những tại Hải Ngoại nhưng còn ở quê nhà, vào năm 1991, Ðức Hồng Y Law đã viếng thăm Việt Nam và tại Hà Nội Ngài đã gặp Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận (lúc bấy giờ là Tổng Giám Mục).

"Vào ngày 10/8/2002, Ðức Hồng Y Bernard Law đã đến tham dự và đi kiệu cùng với khoảng 60 000 giáo dân Việt Nam tham dự Ðại Hội Thánh Mẫu Dòng Ðồng Công được tổ chức hàng năm kéo dài trong 4 ngày. Tại đây Ðức Hồng Y đã tìm thấy sự yên hàn và thật thoải mái, dĩ nhiên với sự hiện diện của hàng chục ngàn giáo dân Việt Nam trên toàn quốc đổ về, không một tên Mỹ nào dám bén mảng đến biểu tình quấy phá”.

Chưa hết, năm 2009 nhân Năm Thánh 2010 kỷ niệm 50 năm ngày thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, Đức Hồng Y Bernerd Law đã sang thăm Việt Nam và đã tới Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội để đồng cử hành Thánh Lễ mừng Chúa Kitô Vua, ngày 22 thang 11, với Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt.

Trong phần giảng lễ, Đức Hồng Y Bernard Law nhấn mạnh bằng cách đặt câu hỏi: “chúng ta giống Philatô hay chúng ta giống các vị Tử Đạo, chúng ta có nghe tiếng Chúa Giêsu – Người là Vua Sự Thật, hay chúng ta chạy theo các trào lưu, theo lối số đông trong xã hội hay quyền lực thế gian chóng qua này”.Nghe như ngài muốn hỏi một mình ngài. Và câu trả lời thì ai cũng đã rõ.

Palmo thuật rằng khi từ chức, ngài nói với các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân rằng “các hoàn cảnh đặc biệt của lúc này gợi ý một cuộc ra đi âm thầm. Xin tiếp tục cầu nguyện cho tôi”. Chả lẽ việc ngài vĩnh viễn trở về nhà Cha cũng âm thầm như thế đối với Tổng Giáo Phận Boston và Giáo Hội Hoa Kỳ?
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin Mừng Yêu Thương Giáng Sinh Nơi Miền Trung Du Thanh Hóa
Trương Trí
10:04 18/12/2017
Ngày 16 tháng 12, Đoàn Bác sĩ, Dược sĩ và Y sĩ Thiện nguyện của Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Trí Đức; Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt; Bệnh viện Nội tiết Trung ương; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và nhiều thành viên thuộc Câu Lạc bộ Bác sĩ và những Người bạn với sự vận động của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh đã đến tặng quà và Khám bệnh phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo tại Giáo xứ Phúc Địa thuộc Giáo phận Thanh Hóa trên địa bàn xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một Giáo xứ trên vùng Trung du do linh mục Giuse Phạm Văn Quế làm Quản xứ, cách thành phố Thanh Hóa gần 60 km. Đây cũng là nơi mà Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, Giám quản Giáo phận Thanh Hóa đã chọn để Đoàn Bác sĩ Thiện nguyện đến thăm, tặng quà và khám bệnh phát thuốc cho bà con nghèo. Một xã có đến 95% đồng bào là người Công Giáo, từ những cán bộ lãnh đạo của xã đều là người Công Giáo.

Xem Hình

Tối 16 tháng 12, Đoàn Y Bác sĩ hết sức hùng hậu gồm gần 100 người về đến Nhà xứ Giáo xứ Phúc Địa. Một ngôi Nhà xứ vừa được Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh khánh thành vừa kịp để tổ chức đón Đoàn. Các lãnh đạo chính quyền địa phương gồm cả huyện Thọ Xuân và xã Quảng Phú cũng tập trung tại Nhà xứ để cũng với Cha Quản xứ đón tiếp Đoàn Thiện nguyện trong một tinh thần Đoàn kết và chan hòa tình yêu thương của Con Thiên Chúa Giáng sinh làm người. Đồng thời cũng thể tinh thần bất khuất của người dân Việt nơi vùng đất Lam Sơn, nơi mà Lê Lợi đã khởi binh chống lại giặc ngoại xâm từ hơn 600 năm trước.

Ngay sau khi tiếp Đoàn, tại hang dá Giáng sinh vừa được hoàn thành để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh năm nay. Những tiết mục ca múa chào mừng Đoàn Thiện nguyện do các thanh thiếu niên là những Giáo lý viên và các thành viên Hội Đoàn của Giáo xứ Phúc Địa biểu diễn đã xua đi những mệt nhọc của các Y Bác sĩ trong suốt chặng đường dài về với Giáo xứ Phúc Địa.

Linh mục Quản xứ Giuse Phạm Văn Quế với tư cách là chủ nhà đã thay mặt nói lời chào mừng và cảm ơn Hiệp sĩ Đại Thánh giá G.B. Lê Đức Thịnh cùng tất cả Y Bác sĩ trong Đoàn Thiện nguyện đã đến với bà con giáo dân Giáo xư Phúc Địa.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá G.B. Lê Đức Thịnh cũng đã nói lời chào mừng đến bà con và cảm ơn Đoàn Bác sĩ Thiện nguyện đã không quản ngại xã xôi vất vả để cùng với bà con giáo dân Phúc Địa cùng nhau hòa quyện trong tình yêu Thiên Chúa Giáng sinh.

Trong buổi chào mừng này, Đoàn cũng đã trao tặng 200 phần quà, mỗi phần quà gồm 500 ngàn tiền mặt cho bà con vui Giáng sinh. Đây là những tấm lòng của Hiệp sĩ Đại Thánh giá G.B. Lê Đức Thịnh và bệnh viện Đa khoa Trí Đức tài trợ giúp bà con nghèo. Qua mời gọi của linh mục Quản xứ, đây là một Trung du, đất đai khô cằn, đời sống người dân khó khăn. Mong Hiệp sĩ Đại Thánh giá và Đoàn sẽ tiếp tục quan tâm để tiếp tục đến với bà con trong thời gian gần đây.

Sáng Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng, linh mục Quản xứ mời Hiệp sĩ Đại Thánh giá tham dự Thánh lễ với bà con và giới thiệu với cộng đoàn về vai trò của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh. Ngài cũng chỉ mới biết sơ qua do Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh giới thiệu nhân dịp Đoàn Thiện nguyện đến thăm tặng quà và khám bệnh miễn phí. Đức Tổng đã chọn giáo xứ Phúc Địa để Hiệp sĩ Đại Thánh giá và Đoàn Y Bác sĩ Thiện nguyện đến với cộng đoàn.

Một buổi khám bệnh phát thuốc miễn phí cho bà con, với một đội ngũ Y Bác sĩ hết sức hùng hậu, với những thiết bị máy móc hiện đại được mang theo. Ban đầu dự kiến sẽ khám cho 500 người nhưng cuối cùng lên đến 600 người được khám bệnh và phát thuốc cho đến 13 giờ 30 đoàn mới được ăn cơm trưa tại Nhà xứ Phúc Địa.

Tinh thần mến khách và cũng là rao truyền Tin mừng yêu thương của Chúa đến với tất cả mọi người của linh mục Quản xứ Phúc Địa Giuse Phạm Văn Quế đã tạo một ấn tượng sâu sắc trong mọi người.

Cũng trong buổi sáng Chúa Nhật, Hiệp sĩ Đại Thánh giá và linh mục Quản xứ đã đến thăm và tặng quà cho một số gia đình neo đơn, khó khăn trong Giáo xứ.

Trương Trí
 
Thánh Lễ Tạ Ơn Và Nghi Thức Làm Phép Nhà Hưu Dưỡng Hội Dòng Mtg Xuân Lộc
Mến Thánh Giá Xuân Lộc
10:15 18/12/2017
Trong bầu khí rộn ràng của những ngày chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh, chiều ngày 17 tháng 12 năm 2017 Hội Dòng MTG Xuân Lộc vui mừng được đón tiếp Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, cha chánh xứ, cha phó xứ Giáo xứ Bắc Hải, đến hiệp dâng Thánh lễ Tạ ơn và nghi thức làm phép Nhà Hưu Dưỡng của Hội Dòng.

16h15 chị em trong Hội Dòng đã có mặt tại cổng chính để chào đón Đức Cha và quý cha. 16h30 nghi thức làm phép nhà được bắt đầu tại tiền sảnh của Nhà Hưu Dưỡng. Mở đầu cho buổi nghi thức làm phép nhà, chị Anna Trần Thị Nguyệt Phó Tổng phụ trách dẫn ý ‘‘ Là di tích cuối cùng của Hội dòng thời khai sinh, ngôi nhà này mang một ý nghĩa biểu tượng quan trọng ; không một cơ sở vật chất nào sau này có thể thay thế được. Vì vậy, khi tu sửa ngôi nhà, Hội dòng muốn giữ nguyên hình ảnh ban đầu. Dù là sỏi đá vô trí vô giác, ngôi nhà này sẽ là chứng tích chiều dài lịch sử Hội dòng trải qua.

Xem Hình

Ngôi nhà từ nay sẽ được dành cho quý chị cao niên, với lòng biết ơn sâu xa, vì quý chị đã dâng hiến đời mình, đã tận tình góp công sức xây dựng Hội dòng.

Trở về mái nhà xưa là trở về khởi điểm của hành trình ơn gọi, để thấy rằng mọi sự rồi phải qua đi, chỉ có Chúa là gia nghiệp vững bền.

Về nơi đây, quý chị sống một cách thức mới của đời tận hiến : dành trọn thời gian cho Chúa để tưởng niệm bao hồng ân đã lãnh nhận trong đời, khi vui cũng như khi buồn ; khi thành công cũng như khi thất bại. Chị em trong Hội dòng trông nhờ vào lời cầu nguyện và những hy sinh âm thầm của quý chị để có thể vững bước trên cánh đồng truyền giáo.

Về nơi đây, bằng gương sáng đạo đức và kinh nghiệm khôn ngoan của mình, quý chị là chứng nhân của lòng thương xót và sự trung tín của Thiên Chúa, dẫu biết rằng đời thánh hiến không phải lúc nào cũng nguyên tuyền, thánh thiện.

Về nơi đây, khi mà sức khỏe đã mỏi mòn, quý chị đón nhận trong sự đơn sơ phó thác tình nghĩa chăm sóc của chị em, để thấy rằng đời sống cộng đoàn là một hồng ân, dù không ít lần cuộc sống chung làm con tim tan nát, lệ trào bờ mi.

Chiều hôm nay, với sự hiện diện ưu ái của Đức cha Giuse, quý cha đồng tế, chúng con hân hoan tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Hội dòng có nhiều ơn gọi thừa kế di sản thiêng liêng của Đấng Sáng lập, với nét riêng của Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc. Đồng thời, Chúa luôn ban cho chúng con có điều kiện tinh thần, vật chất để sống ơn gọi của mình.

Kính xin Đức cha, quý cha dâng lễ cầu nguyện và chúc lành cho Hội dòng chúng con, cách riêng cho quý chị cao niên, để cuộc đời của quý chị mãi mãi là lời ca ngợi tri ân :

Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa,

con đã được Ngài thương dạy dỗ.

Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài. (Tv 71,17)’’

Sau lời dẫn của chị Phó TPT, cộng đoàn hát kinh Chúa Thánh Thần bắt đầu buổi nghi thức. Tiếp đến, Đức Cha cùng quý cha cử hành nghi thức làm phép và rảy nước thánh khu Nhà Hưu Dưỡng. Sau khi nghi thức kết thúc, chị em hân hoan tiến bước vào nguyện đường tham dự thánh lễ Tạ ơn Thiên Chúa.

Thánh lễ tạ ơn diễn ra vào ngày Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng, Chúa Nhật của niềm vui. Vì vậy, Đức Cha mời gọi cộng đoàn phụng vụ tham dự thánh lễ hãy vui lên, vui với niềm vui thánh thiện của Giáo Hội, niềm “vui chỉ vì có Chúa”. Đức Cha dạy thêm rằng: “chúng ta vui vì có Chúa, nhưng để có thể cảm nghiệm được niềm vui đó, chúng ta cần phải trải qua hành trình thanh luyện, luyện tập trong đời sống thiêng liêng. Hơn thế nữa, chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Mẹ là Đấng đã hoàn thành sứ mạng và cảm nhận được niềm vui là Chúa, bởi được cứu độ, hạnh phúc chỉ có vậy thôi. Chúng ta cũng xin Đức Mẹ hướng dẫn và đồng hành cùng chúng ta trong Mùa Vọng này, để với sự dẫn dắt của Mẹ, chúng ta chắc chắn sẽ cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa cách sâu đậm hơn trong dịp lễ Giáng sinh năm nay….”. Những tâm tình của Vị Cha chung trong bài giảng lễ, đã tạo thêm niềm tin vào Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa cho mỗi người tham dự thánh lễ tạ ơn chiều nay.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, chị Anna Nguyễn Thị Phượng Tổng Phụ trách, đại diện cho chị em trong Hội Dòng nói lên lòng tri ân Đức Cha và quý cha. Kế đến, Chị TPT xin phép Đức Cha và quý cha cho chị có vài tâm tình với chị em trong Hội Dòng, cách riêng với những chị cố sắp chuyển qua Nhà Hưu Dưỡng mới. Chị cám ơn những đóng góp, những hy sinh vất vả của quý bà, quý chị đã hết lòng vì Hội Dòng. Và giờ đây, sau thời gian dài chuẩn bị, Hội dòng đã trùng tu ngôi nhà tổ thành ngôi Nhà Hưu Dưỡng mãi mãi. Vì vậy, chị trân trọng kính mời quý bà chuyển sang khu nhà mới. Chị gởi gắm quý bà cho khu nhà và mong quý bà làm cho khu nhà trở nên ấm áp, tươi vui hạnh phúc. Chị cũng mong sẽ tiếp tục được hưởng nhờ những ơn phúc từ Thiên Chúa, qua đời sống hy sinh, cầu nguyện âm thầm của quý bà dâng lên Thiên Chúa, như của lễ hiến tế trong Thánh lễ quý bà tham dự mỗi ngày. Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa nhân ngày làm phép Nhà Hưu Dưỡng kết thúc trong niềm vui chan hòa tình chị em, ấm áp tình gia đình giữa những con người không cùng huyết thống, nhưng có chung một chí hướng hiến thân phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

T.T MTGXL
 
Văn Hóa
Chúa Đã Đến
Đinh Văn Tiến Hùng
12:40 18/12/2017
‘Đã vang dội lời của bao ngôn sứ,
Loan tin mừng Con Chúa đến trần gian,
Vị Cứu Tinh giờ đây đã tới gần,
Sẽ giải thoát đưa ta vào cõi phúc’ (*)

Dâng dâng tuyết phủ núi đồi
Lâng lâng khúc nhạc chơi vơi diệu huyền,
Say say giấc ngủ bày chiên,
Mơ mơ mục tử trên miền đồng hoang

Chúa đã đến giữa muôn ngàn tinh tú,
Sao sáng ngời rực chói toả không gian,
Nghe tiếng Ngài bọn ác quỉ kinh hoàng,
Vụt trốn chạy tìm đường về địa ngục.

Chúa đã đến lúc tinh cầu rạn nứt,
Quay cuồng điên và sắp nổ tan tành,
Vì hận thù trong lửa khói chiến tranh,
Ngài giáng thế đem tình yêu hòa giải.

Chúa đã đến giữa chứng nhân khắc khoải,
Hang bò lừa trong khung cảnh đơn sơ,
Ba Đạo sĩ lặng chiêm bái kính thờ,
Hài Nhi đấy chính Con Vua trời đất.

Chúa đã đến với tâm hồn chân thật,
Yêu tha nhân và khao khát hòa bình.
Đêm nhiệm mầu Con Thiên Chúa Giáng sinh,
Ngài chọn kẻ chính tâm làm chứng tá.

Chúa đã đến cho chúng ta tất cả,
Cả cuộc đời mạng sống và tình yêu,
Ngài cho nhiều nhưng đáp lại bao nhiêu,
Ta hãy đến với tâm hồn thống hối.

Ôi Lạy Chúa con biết mình tội lỗi,
Thân yếu hèn một lãng tử đi hoang,
Ngài đến rồi con tỉnh giấc bàng hoàng,
Sao rực sáng trên đầu đang soi lối.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người lòng ngay,
Dậy mau ta báo tin đây,
Ngôi Hai Thiên Chúa đêm nay giáng trần.
ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
(*) Ghi chú : Trích Thánh Thi Phụng Vụ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mùa Vọng
Nguyễn Trung Tây Lm
09:03 18/12/2017
MÙA VỌNG
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Trời cao hãy đổ sương mai!
Mây cao gửi xuống trần gian bạc vàng!
(NTT)