Chúng ta hãy đọc kỹ những mô tả của Thánh Luca về tình trạng "đã là", "đang là" và "sẽ là" của Maria:
-Tình trạng đã và đang là của Maria thì rất tầm thường: một thôn nữ sinh sống ở làng Nadarét vô danh rất ít người biết đến, (làng vô danh thì người cũng tiểu tốt); mang một cái tên khá phổ biến là Maria (chứ chẳng công tằng tôn nữ gì cả). Có sách vở ca tụng Mẹ, nên tôn tên Maria có nghĩa là công chúa. Thực ra nhiều người mang tên này lắm. (Nguyên trong Tin Mừng thôi đã có ít là 3 người phụ nữ khác cũng mang tên Maria như thế : Maria Cleopas, Maria Magdala, và Maria em Matta)
Lý lịch của nhân vật thứ nhất trong câu chuyện của Luca chỉ có thế, không như lý lịch của nhân vật thứ hai là Giuse dù sao cũng còn được ghi kèm là "thuộc dòng dõi vua Đavít".·
-Nhưng tình trạng sẽ là của Maria thì khác hẳn: Maria
"sẽ thụ thai sinh hạ một con trai và đặt tên là "Giêsu".
Đứa con đó "sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.
Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người.
Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời,
và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận".
Cô thôn nữ tầm thường Maria sẽ là mẹ của Đấng Cứu Tinh thiên hạ. Chiếc đũa thần chính là quyền năng của Thiên Chúa: "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được".
Mà giây phút chiếc đũa thần vung lên chính là lúc Maria thốt lên lời Fiat.
Trong Kinh Truyền Tin, chúng ta vẫn đọc "Phút ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người".
Trước tiếng Fiat, Maria là Cô Bé Lọ Lem,
sau tiếng Fiat, Maria trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế.
Tiếng Fiat nhiệm mầu giống câu thần chú " Vừng ơi mở ra" trong “Alibaba và 40 tên cướp” vậy !
Nhưng Fiat là gì? Fiat không hẳn là "Xin vâng", vì " xin vâng" hàm ý là “Maria sẽ làm” theo ý Thiên Chúa, phần chủ động vẫn là phía con người.
Mà nếu như để con người làm thì con người có làm được gì đáng kể đâu. Bàn tay yếu ớt của Cô Bé Lọ Lem làm sao nhặt lựa cho hết mấy thúng hạt đậu trắng đen lẫn lộn (giống chuyện Tấm Cám của ta). Cô thôn nữ Maria làng Nadarét làm gì được để cứu độ cả thế giới loài người.
Đúng hơn, Fiat là "Xin Chúa cứ làm nơi tôi", chính Chúa làm chứ không phải Maria làm. Phần của Maria chỉ là để cho Chúa làm, bằng chiếc đũa thần quyền năng của Ngài. Và khi chiếc đũa thần ấy vung lên, Maria cảm nghiệm "Chúa đã làm cho tôi bao điều cao cả" (Đáp ca).
Tuy nhiên, chúng ta đừng tưởng Maria hoàn toàn thụ động, cứ ở yên để Chúa làm, vậy thôi.
Quả thật, phần cộng tác của Mẹ không nhỏ chút nào:
-Maria muốn một tương lai êm ả, nhưng “Chúa làm” cho tương lai ấy hoàn toàn đổi hướng với biết bao xáo trộn.
Thử tưởng tượng một thiếu nữ mang thai trước khi về nhà chồng. Biết bao rắc rối và khổ tâm đối với cha mẹ mình. Biết bao khó xử đối với gia đình, với họ nhà chồng và nhất là với người chồng sắp cưới.
-Và để “Chúa làm,” có nghĩa là mình không làm chủ đời mình nữa nhưng giao trọn dòng đời cho Chúa định hướng, miễn sao mọi sự đi đúng chương trình của Ngài.
Dù sao, Maria vẫn tin rằng Chúa sẽ hướng đời Mẹ đến chỗ tốt đẹp:
"Phận nữ tì hèn mọn, Ngài đoái thương nhìn tới.
Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc" (Đáp ca).
Chúng ta cũng là những cô bé lọ lem. Thiên Chúa có chiếc đũa thần kỳ diệu "không có gì mà Thiên Chúa không làm được". Làm thế nào để Thiên Chúa vung chiếc đũa thần ấy lên cho đời ta được biến đổi? Chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ thưa lên lời Fiat: " Xin Chúa cứ làm nơi con"
Những ai đã đọc Tam Quốc Chí, hẳn phải biết Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang mà ai cũng mến chuộng. Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say quá nên làm rơi một chiếc dép xuống sông. Thấy Trương Lương, ông sai bảo: “Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta”. Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép và kính cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ cầm lấy mà chẳng một lời cám ơn. Loay hoay xỏ mãi không vào, cụ lại đánh rơi chiếc dép lần nữa. Cụ lại quát bảo Trương Lương: “Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta”. Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen: “Thằng bé này dạy được đây”. Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.
Trương Lương gặp được thầy giỏi một phần là nhờ cơ may. Nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường phục vụ của ông. Đọc truyện Trương Lương, chúng ta lại nhớ đến Đức Mẹ.
Đức Mẹ khiêm nhường trong thái độ ứng xử. Trước mặt thiên sứ Gáp-ri-en, Đức Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, dù thiên sứ đã loan báo Maria sẽ là Mẹ Thiên Chúa.
Sau đó, Đức Mẹ đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét. Vừa nghe Đức Mẹ chào, bà Ê-li-sa-bét đã ngợi khen Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Đáp lại, Đức Mẹ chỉ nhận mình là phận hèn bé nhỏ. Nếu có được ơn gì là do Thiên Chúa thương ban.
Thái độ khiêm tốn chấp nhận của Đức Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương. Nước chảy xuống chỗ trũng. Ân huệ Thiên Chúa đổ xuống tâm hồn khiêm cung. Càng khiêm cung càng nhận được nhiều ân phúc. Đức Mẹ có một tâm hồn khiêm cung thẳm sâu, nên Đức Mẹ đã nhận được đầy tràn ân phúc của Thiên Chúa, nhận được chính Ngôi Hai Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ân phúc.
Đũa thần sẽ vảy trên chúng ta để biến ta từ cô bé lọ lem thành công chúa Nước Trời, từ chàng trai sọ dừa thành hoàng tử thiên quốc, khi chúng ta khiêm tốn xin vâng, “xin để Chúa làm” như Maria xưa.
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
Chúng ta đang họp nhau cử hành phụng vụ Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, mùa “Trông Đợi, Dọn Đường” để sẵn sàng bước vào cử hành Mầu Nhiệm Giáng Sinh.
Để nêu bật ý nghĩa đặc biệt nầy, Lời Chúa hôm nay gọi mời chúng ta luôn biết mở lòng đáp trả thánh ý Thiên Chúa và kế hoạch tình yêu của Ngài trong mọi biến cố cuộc sống như thái độ “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố truyền Tin, như tấm lòng hiếu thảo trân trọng của Đa-vít khi muốn xây nhà cho Thiên Chúa.
Ước gì, không phải những lo toan bên ngoài, những trang trí mang tính khoe khoang hình thức, những hang đá máng cỏ lộng lẫy, những ánh điện huy hoàng…đang choán chỗ trong tâm hồn chúng ta, nhưng chính là sự hiện diện của Đấng “Thiên Chúa làm người”, Đấng là Lời Mạc khải tối hậu “mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời của Thiên Chúa” đang đến, đang có mặt, đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống.
Để đi sâu vào các nội dung ý nghĩa trên, chúng ta dừng lại để lắng nghe thêm những gợi ý của sứ điệp Lời Chúa vừa được công bố.
Nếu “Bản Gia phả của Đấng Cứu Thế” trong Tin Mừng Matthêô đã xác định rằng: “… từ Đavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời, và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời”, thì câu chuyện về “hai cột mốc thời gian của lịch sử cứu độ” mà Lời Chúa hôm nay muốn nhấn mạnh chính là “Đavít” và “Chúa Kitô”.
Thật vậy, cả Bài đọc I và Bài Tin Mừng đều nhắm tới “hai nhân vật trọng yếu nầy”.
- Bài đọc I với trích đoạn của sách Samuel quyển hai tường thuật việc thánh vương Đavít muốn “xây nhà cho Thiên Chúa” sau khi đã ổn định giang sơn và yên vị tại Giêrusalem. Tuy nhiên, qua ý định của Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ Nathan, Thiên Chúa không muốn Đavít xây nhà cho mình, nhưng chính Ngài sẽ đích thân “xây nhà”, tức thiết lập và củng cố “Triều Đại của Đavít”: “Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.
Có lẽ đây chính là một lời tiên báo rõ nét nhất, kể từ “tin mừng đầu tiên”: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,15); và cũng là một Giao ước chính thức và cụ thể sau bao lần giao ước lần lượt từ Noe (St 9,26), tới Abraham, Giacop: “Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa…cho đến khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục” (St 49: 10).…
Và sau “28 đời gia phả kể từ Đavít” với ngót nghét hơn 1.000 năm, lời Chúa mạc khải cho ngôn sứ Nathan về “Triều Đại Đavít” đã hiện thực cách diệu kỳ đầy khiêm tốn qua biến cố Truyền Tin tại Nadarét: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Thì ra hai nhân vật “Đavít”, “Maria” và câu chuyện “xây nhà cho Thiên Chúa” chỉ là tấm phông nền (background) mà Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng hôm nay “dựng lên” để “chiếu sáng” một nhân vật chính: Đức Kitô, hay như định nghĩa của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Rôma (BĐ 2), là Tin Mừng của một mầu nhiệm vĩ đại “được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày”.
Với ba tuần Mùa Vọng vừa trôi qua, dân Chúa được gọi mời “dọn đường đón Chúa đến” qua những lời hiệu triệu của ngôn sứ Isaia, qua sứ điệp và con người của Gioan Tẩy Giả, qua thái độ công chính vâng phục của Thánh Giuse…, thì với Chúa Nhật cuối cùng nầy, Lời Chúa thông báo cách rõ ràng và đầy tính gấp rút: Chúa đã đến sát cửa đây rồi. Đây không còn là lúc phải bận tâm những câu chuyện thuộc cái tôi, chuyện mang tính trần tục thuộc loài người (như chuyện xây nhà của Đavít), mà là biết mau mắn mở lòng ra đón nhận Thánh ý của Thiên Chúa như Đức Trinh Nữ Maria: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”.
Vâng, Đức Mẹ Maria cùng với huyền nhiệm Truyền Tin được Phụng vụ chọn như là chân dung đẹp nhất, sự kiện hoàn hảo nhất của Mùa Vọng, để qua đó, dân Chúa làm cuộc chuẩn bị cuối cùng, sắp sẵn, để đón mừng Con Chúa giáng trần. Bởi vì, không thể có Giáng Sinh nếu không có biến cố Truyền Tin. Hài Nhi Giêsu không thể sinh ra mà không đi ngang qua chín tháng trong bụng Mẹ; và giây phút khởi đầu của “chín tháng cưu mang trong dạ” đó chính là phút giây cô Trinh Nữ làng Nadarét đã đáp lại sứ thần Gabriel bằng hai tiếng “Xin vâng”.
Thật vậy, sau lời “Xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria, Ngôi Lời đã trở thành một thai nhi. Con Thiên Chúa mang lấy thân phận và cuộc sống loài người. Và kể từ đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã bắt đầu chọn đi trên nẻo bấp bênh của kiếp phận con người: lớn lên chín tháng trong lòng mẹ như bao vạn triệu con người để rồi cất tiếng khóc oa oa chào đời giữa đêm đông giá rét. Ngài đã không chọn cách kiểu vào đời oai phong lẫm lẫm bước xuống từ trời như một thiên sứ giáng lâm, mà Ngài cần sự sống được chuyển thông từ dòng sữa mẹ, để đi ra cuộc đời bằng xác thân mỏng manh yếu đuối…
Ngài không chọn gác tía lầu son (như dự định xây nhà của Đavít) để xa xôi cách biệt giữa Thiên Chúa Tối Cao với đớn hèn nhân loại, nhưng đã chọn cung lòng của một cô thôn nữ để sẻ chia trọn vẹn phận người như ta ngoại trừ tội lỗi. Cuộc sống của Ngôi Lời quyền năng từ đây sẽ là cuộc hành trình mang theo tất cả buồn vui, âu lo, trăn trở; sẽ đong đầy nước mắt đoạn trường, sẽ dập dìu những đau thương khổ lụy. Cuộc sống của Ngài phản ảnh chính cuộc đời của Mẹ mà sau đó chẳng bao lâu đã được ông già Simêon tiên báo: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu cõi lòng bà” (Lc 2, 35). Và Người “Con Vua Đavít” đó, “Đấng Thánh” đó, Đấng được thiên sứ Gabriel xưng là “Con Thiên Chúa” đó, như Thánh Phaolô xác quyết và rao giảng ngay trong những ngày ngục tù ở Rôma, chính là Tin Mừng, một Tin Mừng “mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày, và nhờ các tiên tri ghi chép theo lệnh của Thiên Chúa hằng hữu, được thông tri cho các Dân Ngoại, để dẫn đưa họ về vâng phục đức tin”.
Chúng ta cũng đừng quên: ở Nadarét trong thời gian cách nhau chỉ 6 tháng nhưng đã có hai cuộc Truyền tin: Truyền tin cho Giacaria và truyền tin cho Đức Mẹ. Giacaria bị câm vì hồ nghi Tin vui của Thiên Chúa. Trong khi đó Đức Maria đã mở miệng xin vâng và sau đó là lời ca khen chúc tụng với bài Magnificat lừng danh và thiên thánh. Đến với Mẹ Maria, quả thật, thiên sứ Gabriel đã tìm đúng địa chỉ, như cách diễn tả qua lời nhạc trong ca khúc của Trầm Hương, “Mẹ thưa xin vâng, xin vâng trọn thánh ý Chúa Cha, Mẹ thưa xin vâng với Tin Mừng của Con Chí Thánh. Mẹ thưa xin vâng với tác động của Chúa Thánh Linh…”, cho nên kể “từ lúc Mẹ nói lời xin vâng, Mẹ trở nên Thánh Mẫu tuyệt vời…kỷ nguyên mới đã đến trong đời…Ngôi Lời Thiên Chúa đến với nhân loại…Huyền diệu quá muôn đời tiếng Xin Vâng” !
Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục “truyền tin” và Ngài vẫn luôn cần những địa chỉ như tấm lòng sắt son kính mến của Đavít, như trái tim thảo hiền thánh thiện khiêm nhu của Đức Mẹ Maria… để chương trình cứu độ của Thiên Chúa, để Lời Thiên Chúa được đón nhận và thực hiện. Mầu Nhiệm Nhập thể-Giáng Sinh đang trở về hôm nay phải được cử hành như một đón nhận đầy tin yêu lời mời gọi của Thiên Chúa, dự định và thánh ý Thiên Chúa trên chính cuộc đời mình.
Trong một thế giới mà nạn tàn phá môi trường đã trở nên báo động và nạn tàn sát sự sống thai nhi đã đến hồi nghiêm trọng cảnh báo, một thế giới mà nạn chiến tranh, hận thù, vô cảm, rẽ chia… lan tràn khắp chốn, “sứ điệp Truyền Tin” hôm nay và “Giáng Sinh” vài ngày nữa quả thật cần thiết biết bao ! Bước theo Ngôi Lời nhập thể, chúng ta yêu cuộc sống, yêu trái đất và con người bằng thái độ XIN V NG của người thôn nữ Nadarét, Đức Maria, người mà chúng ta không ngừng mượn lời của thiên sứ Gabriel thân thưa hằng ngày: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”; và đặc biệt, trong những ngày trước lễ Giáng Sinh nầy, cùng cầu nguyện cho chính mình và nhiều người trong nhân loại “nhận biết Đức Kitô và được sống vĩnh hằng”, như chính lời kinh Tổng Nguyện mà Hội Thánh ngỏ lời với Thiên Chúa hôm nay: “Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh”. Amen.
Trương Đình Hiền
2 Sm 7,1-5.8b-12.14a.16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38
Mẹ Đấng Cứu Độ
Phụng vụ Mùa Vọng được cử thành theo một tiến trình tiệm tiến. Trong tuần I, khuôn mặt trổi vượt là Isaia, vị ngôn sứ loan báo về việc Đấng Mêsia sẽ đến từ xa; trong tuần II và tuần III, đó là Gioan Tẩy Giả, người dọn đường cho Đấng Cứu Thế; trong tuần IV, khuôn mặt trung tâm chính là Đức Maria, người Mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế.
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với những lời rất quen thuộc: “Thiên Chúa sai Sứ Thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét” (Lc 1,26).
Tuy nhiên, như thường lệ, chúng ta cần tập trung vào một điểm, đó là những lời mà Đức Maria nói ở cuối bài Tin Mừng: “Vâng, tôi đây là Nữ Tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói” (Lc 1,38).
Với những lời này, Đức Maria đã thực hiện một hành vi đức tin. Mẹ đã tin và đã đón nhận Thiên Chúa vào trong cuộc đời mình. Mẹ đã phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa với sự xin vâng triệt để.
Bằng sự đáp trả này với Thiên Thần, Mẹ như nói rằng: “Này con đây, con như chiếc bảng trắng, Chúa cứ viết trên đó những gì Ngài muốn.” Hay như ngày hôm nay, chúng ta có thể nói: “Con là tờ giấy trắng, Chúa hãy viết trên con những gì Chúa muốn.”
Người ta có thể nghĩ rằng hành trình đức tin của Đức Maria là một hành trình đức tin dễ dàng. Bởi lẽ, trở thành Mẹ Đấng Mêsia đó không phải là giấc mơ của mỗi Trinh Nữ Do Thái chăng? Nhưng sẽ rất sai lầm khi nghĩ như thế. Đây là một hành vi đức tin khó khăn nhất trong lịch sử.
Bởi vì, ai có thể giải thích thay cho Đức Maria điều sẽ xảy ra nơi mình? Ai có thể tin rằng Đức Maria mang thai là do “quyền năng của Chúa Thánh Thần?” Điều này trước và sau chưa xảy ra. Khi nói về đức tin, triết gia Kierkegaard cho rằng:
“Tin là dám vào bước đi trên một con đường mà tất cả các bảng chỉ đường hướng dẫn: hãy quay lại đằng sau, quay lại đằng sau! Tin là như một người ở trên biển rộng mà ở dưới đó có bảy mươi tầng sâu; tin là hành vi của người dám phó thác hoàn toàn trong vòng tay của Đấng Tuyệt Đối.”
Đó chính là hành vi đức tin của Đức Maria. Mẹ đã trải qua những giây phút cô đơn mà không ai có thể chia sẻ với Mẹ ngoài một mình Thiên Chúa. Mẹ biết rõ điều được viết trong luật Môsê. Một trinh nữ trước ngày đính hôn không còn đồng trinh, sẽ bị điệu ra giữa rãnh nhà cha mình và phải chịu ném đá (x. Đnl 22,20-21). Đức Maria cũng biết đến “nguy cơ của đức tin!” Chấp nhận chương trình của Thiên Chúa có nghĩa là chấp nhận nguy cơ bị hiểu lầm, ném đá và giết chết.
Trong một hoàn cảnh éo le như thế, Đức Maria đã hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Mẹ tin vào quyền năng của Thiên Chúa có thể làm được mọi sự. Mẹ đã thưa “xin vâng,” với cặp mắt đóng lại. Mẹ đã tin rằng “không có gì là không thể đối với Thiên Chúa.”
Quả thực, Đức Maria không bao giờ nói lời “Fiat.” Fiat là một từ La Tinh và Mẹ không nói tiếng La Tinh cũng như tiếng Hy Lạp. Mẹ đã nói từ nào trong giây phút đó, lời nào đã phát ra từ môi miệng của Mẹ? Mẹ nói một từ mà tất cả mọi người có lẽ ai cũng biết, đó là từ “Amen.” Amen là một từ mà người Do Thái diễn tả khi bày tỏ sự ưng thuận với Thiên Chúa. Cũng như ‘Abba’ và ‘Maranatha’; ‘Amen’ là một từ nhà đạo mà các Kitô hữu đã giữ nguyên như thế trong phụng vụ khi cầu nguyện. Từ này có nhiều nghĩa như: “Lạy Chúa, nếu điều đó đẹp lòng Ngài, thì con cũng muốn.” Hoặc đây như là lời “ưng thuận” hoàn toàn mà cô dâu nói với chú rể trong lễ cưới.
Lời xin vâng của Mẹ không phải là sự đáp trả nửa vời, buồn bã, nhưng là một sự đáp trả trong phó thác, sẵn sàng, vui tươi và hạnh phúc. Bởi thế, tác giả Tin Mừng Luca cố ý diễn tả Đức Maria ở trong tình trạng của niềm vui, khát khao và kiên nhẫn chờ đợi điều sắp xảy tới. Đó là một giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Đức Maria. Tình trạng đó đã khiến Đức Maria vui sướng và cất lên lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa.”
Mẹ bày tỏ niềm vui và hạnh phúc bằng việc nhảy lên. Đức tin làm cho Mẹ hạnh phúc. Tin vào Chúa thật là đẹp biết bao! Đó là giây phút mà một thụ tạo đạt được mục đích của mình vì con người được tạo dựng cho sự tự do, niềm vui và hạnh phúc trong Thiên Chúa.
Tuy nhiên, con người ngày hôm nay lại muốn mình không còn lệ thuộc vào Thiên Chúa nữa. Thưa “vâng” với ai đó và với cả chính Thiên Chúa là một điều làm giảm đi sự tự do và tự lập của mình. Nói “không” hình như lại trở thành một từ quan trọng của lề luật trong tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và gia đình. Thay vì nói “có”, người ta nói “không” với bổn phận, trách nhiệm và sứ mạng của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Như thế, cuộc sống này có ý nghĩa gì? Định mệnh của chúng ta là gì nếu không phải là cái chết? Như triết gia Heidegger cho rằng: Hiện hữu đích thực là “sống để chết.”
Trong bối cảnh xã hội hôm nay, đức tin và mẫu gương của Mẹ là bí quyết giúp chúng ta cử hành một mùa Giáng Sinh có ý nghĩa và hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Thánh Augustinô nói rằng:
“Đức Maria đã thụ thai và sinh Đức Kitô nhờ đức tin trước khi Mẹ thụ thai và sinh Người trong lòng và trong thân xác mình.”
Chúng ta không thể bắt chước Đức Maria trong việc thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu cách thể lý; trái lại, chúng ta có thể và phải bắt chước Mẹ trong việc mang thai và sinh hạ Chúa cách thiêng liêng, cách tinh thần nhờ đức tin. Tin là “mang thai,” là làm cho Ngôi Lời nhập thể. Điều này được chính Chúa Giêsu quả quyết khi Người nói rằng: “Ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa là Anh Chị Em và là Mẹ của Tôi” (x. Mc 3,33-35).
Vì thế, chúng ta hãy xem mình có thể mang thai và sinh hạ Chúa Kitô như thế nào. “Cưu mang Chúa Kitô” có nghĩa là quyết định thay đổi đời sống, thái độ, và suy nghĩ của mình theo các giá trị Tin Mừng. Sinh hạ Chúa Kitô là thực hiện những thay đổi cụ thể trong đời sống, thay đổi thói quen xấu của mình. Chẳng hạn, tôi hay nói phạm thượng, bây giờ tôi không còn nói nữa; nếu tôi có những tương quan bất hòa, giờ tôi đi làm hòa; nếu tôi không đón nhận các bí tích, giờ tôi đến nhà thờ; nếu tôi là người thiếu kiên nhẫn trong nhà, tôi cố gắng trở thành người biết cảm thông với người khác hơn…
Trong tối hôm lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu nói: “Thầy khát khao ăn lễ Vượt Qua với anh em.” Giờ đây, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta rằng: “Thầy khát khao mừng lễ Giáng Sinh với anh em.” Trong mùa Giáng Sinh, chúng ta làm hang đá và trang trí đèn điện để mừng Chúa Giáng Sinh. Chúng ta không chỉ dừng lại ở những hình thức bên ngoài, nhưng còn phải trang trí cả trong tâm hồn và bên trong chúng ta nữa.
Những suy niệm trên đưa chúng ta tới một kết luận thực hành là chúng ta cũng hãy luôn học nói lời “xin vâng, amen” với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh sống. Nếu chúng ta muốn nên giống Đức Maria, chúng ta hãy dùng chính những lời của Mẹ mà thưa lên rằng:
“Vâng, tôi đây là Nữ Tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói.”
Trong lần này, chúng ta sẽ mang gì đến cho Chúa Hài Đồng Giáng Sinh? Như thói quen khi Giáng Sinh về chúng ta tặng cho nhau nhiều món quà.
Có một lời cầu nguyện của phụng vụ Chính Thống giáo gợi cho chúng ta những ý tưởng thật tuyệt vời:
“Lạy Chúa Kitô, chúng con sẽ tặng cho Chúa điều gì khi Ngài làm người vì chúng con? Mỗi thụ tạo đều dâng lên Ngài dấu chứng của lòng biết ơn: các Thiên Thần dâng Chúa lời ca tiếng hát, các tầng trời dâng Chúa ngàn ánh sao, Ba Vua dâng Chúa lễ vật, các Mục Đồng đến thờ lạy Chúa, trái đất dâng Chúa hang đá, sa mạc dâng Chúa máng cỏ. Còn chúng con, chúng con dâng cho Chúa Đức Mẹ Đồng Trinh.”
Vâng, chúng ta dâng cho Chúa Đức Maria là món quà quý nhất của toàn thể nhân loại. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
10. Con phải lấy tinh thần để kiểm thảo mình, có nghĩa là: con nên chú ý đến tinh thần, không phải việc của con, cũng không phải hoàn cảnh chung quanh con, nhưng là trong tâm hồn cô quạnh của con.
(Thánh Basil)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Ở Điền Nam có một đốc học thích nói chuyện nhân sinh thế thái và nghệ thuật với các học sinh, nói thao thao không nghỉ, học sinh và các thầy giáo rất ghét nghe ông ta “diễn giảng”.
Đốc học nói xong thì hỏi:
- “Các vị thấy điều tôi nói đó như thế nào?”
Một học sinh trả lời:
- “Thầy là người của trời, những lời thầy nói hôm nay đều là lời của trời ạ”.
Các thầy giáo và học sinh cười ha ha.
(Tuyết Đào Hài Sử)
Suy tư 13:
Dù có tài lợi khẩu nói hay nhưng nói dài dòng văn tự chuyện trên trời dưới đất không ăn nhằm gì thực tế, thì cũng sẽ làm cho người nghe nhàm chán; dù có tài giảng thao thao bất tuyệt nhưng cứ trích dẫn sách này sách nọ, lý này lẽ nọ mà không đi vào thực tế cuộc sống của giáo dân, thì cái thao thao bất tuyệt ấy giống như lời của...cái phèng la nhức óc nhức tai người nghe...
Đức Chúa Giê-su là người của trời, nhưng khi xuống thế làm người thì Ngài dùng những lời lẽ của con người để dạy dỗ nhân loại, chứ không dùng ngôn ngữ của các thiên thần hay ngôn ngữ của con trời để giảng đạo, thì chúng ta cũng nên học theo Ngài đừng dùng ngôn ngữ của triết học để giảng cho giáo dân, cũng đừng dùng ngôn ngữ thần học cao siêu để giảng cho bà con ngày ngày lam lũ kiếm cơm ăn áo mặc.
Giảng dạy những gì mình đã cảm nghiệm được trong cuộc sống qua Lời Chúa trong Phúc Âm, đó là bài giảng hay của cha sở vậy.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
2 Sm 7, 1-5.8b-12.14a.16; Rm 16, 25-27; Lc 1, 26-38.
Xây Dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô-Giáo Hội
Nhà, là gia tài rất quan trọng trong lòng mọi người, nhất là đối với với người Việt Nam. Nhà là nơi chúng ta được sinh ra, nhà là nơi chúng ta được lớn lên và được giáo dục để trở nên người, cũng từ ngôi nhà gia đình chúng ta đón nhận được nhiều tình thương và kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, từ “nhà” mang nhiều ý nghĩa khác nhau: trước hết, đó là cái nhà vật chất, sau nữa đó là cái nhà tinh thần, như là gia đình, trong đó có nhiều người sống tương quan với với nhau. Ý nghĩa thứ ba là ngôi nhà thiêng liêng, chính là Giáo Hội, là nhiệm thể Chúa Kitô (Ep 5, 31). Vậy, đã là con người, nhất là người Công Giáo chúng ta luôn được mời gọi ra sức xây dựng các ngôi nhà này cho vững chắc.
Xây dựng ngôi nhà vật chất.
Người Việt chúng ta thường có câu: “an cư lạc nghiệp,” tức là muốn cho công việc làm ăn được ổn định, muốn cho công thành danh toại, trước hết phải “định cư”, phải có cái nhà để ở. Vì thế, nỗ lực đầu tiên của chúng ta là tìm được nơi ở xứng hợp, xây cất được một ngôi nhà khang trang và sạch đẹp để ở. Nhiều người trẻ từ miền quê ngày hôm nay sẵn sàng bỏ gia đình ở quê lên thành thị thậm chí sang các nước khác lao động, để thay đổi cuộc sống. Mục đích thay đổi cuộc sống được đặt ra đầu tiên, đó là khi kiếm được đồng tiền, để xây nên một ngôi nhà, sau đó mới tính những chuyện mua sắm khác.
Người Việt chúng ta, ngay cả khi đã ra nước ngoài, vẫn thích mua những ngôi nhà rất lớn. Mặc dầu công việc rất vất vả, phải chi tiêu cho nhiều thứ cần thiết khác, nhưng ngôi nhà vẫn là mục ưu tiên hằng đầu của các gia đình người Việt, thậm chí có nhiều gia đình có cả hai tới ba ngôi nhà, mục đích là để di chuyển qua lại khi thời tiết thay đổi. Quả vậy, trong thâm tâm của người Việt, chúng ta không muốn ở nhà thuê hay nhà trọ, vì dẫu sao nhà mình vẫn hơn.
Xây dựng ngôi nhà tinh thần
Ngôi nhà tinh thần chúng ta nhấn mạnh ở bài đây, đó là ngôi nhà gia đình. Trong văn hóa Việt Nam, gia đình là một “ngôi nhà” hết sức quan trọng, là nơi người ta được yêu thương, được giáo dục và chia sẻ buồn-vui-sướng-khổ. Vợ, chồng người Việt chúng ta gọi nhau là “nhà tôi ôi”, “bà nhà tôi” hay “ông nhà tôi”... Khi con cái lớn lên chúng muốn cưới vợ lấy chồng thì chúng ta gọi là “xây dựng gia đình,” con cái đã “thành gia thành thất.”
Tóm lại, gia đình là một ngôi nhà tinh thần đối với mọi người chúng ta, vì trong đó chúng ta có được tất cả. Gia đình là nơi chúng chúng ta tìm về để có được sự bình yên và bao kỷ niệm, như trong bài hát “Cầu cho cha mẹ,” tác giả viết: “ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà.” Quả thật, gia đình là ngôi nhà tinh thần rất quan trọng mỗi chúng ta ai nấy đều có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ ngôi nhà thân yêu ấy.
Xây nhà thiêng liêng
Là người Công Giáo, ngoài ngôi nhà vật chất và nhà tinh thần ra, chúng ta còn một ngôi nhà thứ ba chúng ta cần phải xây dựng, đó là ngôi nhà Giáo Hội, là nhiệm thể Chúa Giêsu Kitô.
Chúng ta cần quay ngược lại lịch sử để tìm hiểu ý nghĩa của ngôi nhà thiêng liêng, nhiệm thể của Chúa Giêsu, bắt đầu từ câu chuyện ông Đavít. Theo ghi chép của Kinh Thánh, khi “vua được yên cửa yên nhà và Đức Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, ông nói với ngôn sứ Nathan rằng: “tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải” (2 Sm 7, 2). Điều này nói lên ước muốn của Đavít là xây một đền thờ để hòm bia Thiên Chúa ngự, ông cho rằng đây là một việc làm rất cần thiết để tỏ lòng tôn kính Đức Chúa.
Ông Nathan nghe vậy thì khuyên ông Đavít cứ thực hiện như điều ông mong muốn. Tuy nhiên, vì ông Đavít đã già yếu, ông không thể thực hiện được mà phải chờ đến thời của con trai của ông là Salomon mới giúp ông thực hiện giấc mơ quý giá này.
Một điều rất thú vị trong câu chuyện này, khi Thiên Chúa đã biết lòng thành của ông Đavít về việc muốn xây dựng cho Thiên Chúa ngôi đền thờ vật chất, thì Thiên Chúa lại muốn xây dựng một ngôi nhà thiêng liêng, ngôi nhà này sẽ tồn tại đến muôn ngàn đời. Người phán thế này: “Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, Ta là ĐỨC CHÚA sẽ lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền” (2 Sm 7, 11-12).
Điều Thiên Chúa hứa ban về một dòng tộc sẽ sản sinh ra một vị quân vương đầy uy quyền. Người con đó là Đức Giêsu, được sinh ra từ cung lòng một “trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1, 26). Nhờ có Đức Maria, mà Đức Giêsu đã xuống thế làm người và ở trong lòng Giáo Hội. Như vậy Giáo Hội là ngôi nhà thiêng liêng, chúng ta là những thành phần của Giáo Hội, chúng ta được ở trong một ngôi nhà thiêng liêng, trong đó có nhiều thành viên, các thành viên này gắn kết mật thiết với nhau và đứng đầu là Chúa Giêsu Kitô.
Hơn nữa, theo lý giải của thánh Phaolô, chúng ta là một thân thể không chỉ vì là thành viên của một cộng đoàn, nhưng vì được chịu cùng một phép rửa và được lãnh nhận một Thần Khí. Trong Giáo Hội, các chi thể chỉ là “một” trong Ðức Kitô. Thánh Phaolô nói: “Anh em là thân thể Ðức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12: 27). Đây là một sự hiệp nhất có tính cách chức năng và sứ vụ, mỗi thành phần có chức năng và nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều cùng chung một mục đích là xây dựng thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô nhờ ân huệ của Thần Khí (xem 1Cor 12,12).
Phản tỉnh:
Chúng ta đang chuẩn bị đón mừng lễ sinh nhật của Chúa Giêsu, Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn thật sốt để được tham dự vào mầu nhiệm “thân thể Ðức Kitô.” Cao điểm của việc tham dự này là tham gia các sinh hoạt và nghi thức thờ phượng của Giáo Hội, nổi bật là các thánh lễ Misa, vì theo lời của thánh Phaolô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10, 16-17). Như thế cả cộng đoàn cùng đón nhận thân thể Chúa, nên Giáo Hội là một với Ngài, là thân thể của Ngài.
Điều này thật nhiệm mầu và rất khó hiểu đối với chúng ta, nhưng âu cũng giống như Đức Mẹ, khi thiên thần truyền tin rằng Mẹ sẽ mang thai sinh hạ Đấng Cứu Thế, thì mẹ đã rất ngỡ ngàng và thưa với sứ thần, “việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1, 34). Nhưng sau khi được sứ thần giải thích việc Đức Maria chịu thai là bởi Chúa Thánh Thần thì Đức Maria, thì Mẹ đặt mọi niềm tin vào kế hoạch của Thiên Chúa, liền thưa, “vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).
Xin cho mọi người chúng ta, luôn biết học hỏi Đức Maria, biết đặt niềm tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, để chúng ta luôn tin rằng Thiên Chúa, Đấng Emmanuel đang hiện diện trong lòng Giáo Hội, và ở giữa chúng ta. Chúng ta cũng luôn ra sức bảo vệ và xây dựng ngôi nhà thiêng liêng ấy bằng đời sống cầu nguyện, sống các nhân đức và thực thi bác ái như Chúa Kitô và Giáo Hội mong muốn.
TIN MỪNG Lc 1:39-45
Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Hồi ấy, bà Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em".
Đó là lời Chúa.
“Chúng tôi đặc biệt khen ngợi Văn phòng Dân quyền của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, gọi tắt là OCR, vì đã thực hiện các bước cụ thể để thực thi các luật cơ bản và lâu đời về quyền dân sự. Các luật, đã được lưỡng đảng thông qua, này thừa nhận rằng việc buộc ai đó phải thực hiện, phải trả tiền hay phải tham gia phá thai trái với niềm tin của họ là một hành vi vi phạm đáng ghê tởm đối với quyền lương tâm. Đáng buồn là trong những năm gần đây việc vi phạm những luật này đã gia tăng, vì vậy chúng tôi vô cùng biết ơn OCR đã thực hiện những hành động mạnh mẽ và công bình này để thực thi luật. Quyền tự do lương tâm không thể biến mất khi có sự thay đổi guồng máy chính quyền, chúng tôi hy vọng rằng các hành động ngày nay nhằm thực thi các luật lương tâm quan trọng của liên bang này sẽ được duy trì cho đến khi những người vi phạm chịu tuân thủ”.
Cô y tá là người Công Giáo và làm việc tại UVMMC, đã nói rõ với bệnh viện rằng: Cô không muốn tham gia vào các thủ tục phá thai vì lý do lương tâm. Đến nay danh tính của cô vẫn chưa được tiết lộ vì lý do an ninh. Theo đơn khiếu nại được gửi vào tháng 5 năm 2018 và một cuộc điều tra sau đó, mong muốn của cô đã không được thực hiện. Sau khi được thông báo rằng cô ấy sẽ điều trị cho một bệnh nhân bị sẩy thai, cô ấy phát hiện ra rằng cô ấy bị bắt buộc tham gia vào một phẫu thuật phá thai theo yêu cầu. Theo một chính sách được đưa ra gần đây, UVMMC có thể trừng phạt những nhân viên từ chối tham gia phá thai khi bệnh viện thiếu nhân sự và sếp của y tá sẽ không cho phép cô ấy bước ra khỏi quy trình. Khi cô bước vào phòng thủ thuật, bác sĩ được báo cáo là đã nói với cô rằng: “Đừng ghét tôi.” [1]
Sau các cuộc điều tra của cảnh sát, và các vụ xét xử ngay tại California, UVMMC cho biết hai tòa án quận cấp liên bang đã ra phán quyết chống lại họ và tiểu bang California. Tuy nhiên, tiểu bang California đang kháng cáo và trong trường hợp như thế hai tòa án này sẽ không theo đuổi các hành động pháp lý bổ sung trong khi các kháng nghị này đang diễn ra.
Tuần này, bệnh viện nói rằng họ đã được tống đạt giấy tờ và họ vẫn cảm thấy mạnh mẽ rằng họ không phân biệt đối xử với y tá.
Trong một diễn biến mới nhất, bác sĩ Stephen Leffler, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế UVMMC đã phản đối tuyên bố của văn phòng Dân quyền của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ. Bất chấp việc vi phạm đáng ghê tởm đối với quyền lương tâm của người nữ y tá Công Giáo, ông ta nói:
“Tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi rất nhạy cảm với niềm tin tôn giáo và đạo đức của nhân viên và chúng tôi tin rằng chúng tôi rất tự tin rằng chúng tôi có chính sách bảo vệ quyền lợi của nhân viên đồng thời chắc chắn cung cấp tất cả các thủ tục hợp pháp và an toàn cho bệnh nhân.”
Bộ Trưởng Tư Pháp California Xavier Becerra, người vừa được Biden chọn làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ gọi đây là nỗ lực cuối cùng của chính quyền Trump nhằm “xâm phạm quyền của phụ nữ”.
Stephen Leffler cho biết bước tiếp theo là việc OCR sẽ đưa họ ra tòa. Nhưng với thời gian ngắn ngủi còn tại chức, chính quyền của Tổng thống Trump sẽ rất khó để thúc đẩy vụ án này cũng như bất kỳ vụ án nào.
Trên tờ First Things, luật sư Kenneth Craycraft, và đồng thời là Giáo sư Thần học Luân lý tại Chủng viện và Trường Thần học Mount St. Mary của Los Angeles cho rằng chính quyền do Biden lãnh đạo sẽ là chính quyền Mỹ giết hại các thai nhi hung hăng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Không chỉ bảo vệ cho cái gọi là “quyền phá thai”, Joe Biden còn cố bắt mọi người “phải đồng tâm nhất trí ủng hộ phá thai, không có bất cứ thỏa hiệp nào, không thảo luận gì cả, không có ngoại lệ gì cả”. [2]
Trong bối cảnh như thế, hầu chắc rằng ngày Biden lên ngôi cũng là ngày bọn Stephen Leffler sẽ ký giấy cho người nữ y tá Công Giáo này nghỉ việc. Xin cầu nguyện cho chị ấy và cám ơn chị về chứng tá đức tin anh hùng. Một số nguồn tin cho biết cô sẽ được nhận vào làm việc tại bất cứ bệnh viện Công Giáo nào thuộc tổng giáo phận Los Angeles.
[1] The Trump Administration Sides With Nurses Who Object to Abortion
[2] Why Biden Picked Xavier Becerra
Source:USCCB
Ông Chris Patten là Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng và là người đứng đầu ủy ban cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc cải tổ và hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc của Tòa thánh. Trong cuộc hội thảo do tờ The Tablet tổ chức hôm 18 tháng 12, ông bày tỏ âu lo rằng những người cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong chính sách đối với Trung Quốc đã sai lầm một cách nghiêm trọng.
Sarah MacDonald của Catholic News Service, cơ quan truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, có bài tường thuật nhan đề: “Last Hong Kong governor: Pope ‘badly advised’ on China bishops’ pact” nghĩa là “Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng cho rằng Đức Giáo Hoàng đã được ‘cố vấn sai lầm’ về hiệp ước giám mục với Trung Quốc”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Tuần báo Công Giáo quốc tế, The Tablet, đã tổ chức một cuộc thảo luận trực tuyến với chủ đề “Trung Quốc và các nền dân chủ tự do - Chúng ta có phải đối mặt với một cuộc Chiến tranh Lạnh mới không?”. Trong cuộc thảo luận này, ông Chris Patten đã kêu gọi Vatican “cho chúng tôi biết những gì có trong thỏa thuận”.
Các chi tiết của thỏa thuận song phương đến nay vẫn còn bí mật. Thỏa thuận này đã được gia hạn vào tháng 10 bất chấp sự chỉ trích của Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền.
“Theo tôi, ý tưởng rằng đây là thời điểm tốt để thực hiện các thỏa thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc thật đáng kinh ngạc,” Patten nói và nhấn mạnh rằng từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thế giới đã phải chứng kiến quyền con người và tự do tôn giáo ở Trung Quốc bị tấn công ở mức kinh hoàng.
Ông Patten, người từng là thống đốc Hương Cảng từ năm 1992 đến năm 1997 và giám sát việc bàn giao thuộc địa của Anh này cho Trung Quốc theo nguyên tắc một quốc gia, hai hệ thống, nói rằng thỏa thuận của Vatican sẽ không vượt qua được “trắc nghiệm Dietrich Bonhoeffer”.
Ông Patten nhấn mạnh rằng Bonhoeffer, một mục sư và nhà thần học người Lutheran, đã nói rằng “im lặng khi đối mặt với cái ác tự nó là cái ác. Ông ấy khẳng định rằng không nói là nói, không hành động là hành động, khi người ta đang thực hiện những điều khủng khiếp”.
“Tôi nghĩ đây là một ví dụ về những lời cố vấn quá sức tồi tệ, là những gì sẽ quay trở lại và làm tổn thương Giáo Hội chúng ta”.
Ông Chris Patten nguyên là một chính trị gia của Đảng Bảo thủ, là người đứng đầu ủy ban cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc cải tổ và hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc của Tòa thánh, cho biết thỏa thuận này nên được xem xét để xem hoàn cảnh của người Công Giáo có được cải thiện hay không kể từ khi được ký kết hơn hai năm trước. Trước các tin tức về làn sóng bách hại ngày càng tăng tại Hoa Lục và cả tại Hương Cảng ông tin rằng “chính xác điều ngược lại đã xảy ra.”
“Tôi là một người rất ngưỡng mộ, hết sức quý mến Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng tôi nghĩ chính sách này, đã được người ta cố vấn cho ngài, là hoàn toàn sai lầm.”
Cho đến nay, người ta chỉ có thể hiểu lờ mờ rằng thỏa thuận tạm thời giữa Vatican và Trung Quốc nêu ra các thủ tục để bảo đảm rằng các giám mục Công Giáo được cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc, mà trên thực tế là Đảng Cộng sản Trung Quốc, bầu chọn và được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn trước khi tấn phong và bổ nhiệm.
Các quan chức Vatican nói rằng việc từ bỏ toàn quyền đối với việc lựa chọn giám mục sẽ không phải là điều mà Vatican hy vọng, nhưng thỏa thuận này là bước đầu tiên khá tốt để bảo đảm tự do và an ninh hơn cho cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc.
Ông Patten cáo buộc Trung Quốc đã hành xử một “cách tàn bạo và bắt nạt” như đã được minh chứng qua việc họ giết lính Ấn Độ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, đánh chìm tàu đánh cá của các nước khác ở Biển Đông, đe dọa Đài Loan và tranh cãi với Úc Đại Lợi và Canada và sử dụng một thứ ngoại giao cưỡng chế.
Ông cảnh báo: “Họ đã đưa ra luật an ninh quốc gia ở Hương Cảng, có hiệu lực đặt Đảng Cộng sản Bắc Kinh vào vị thế nắm quyền ở Hương Cảng và phá hủy mức độ tự chủ của nó”.
Patten nói rằng ông không chấp nhận rằng những hành động này là kết quả của Chiến tranh Lạnh nhưng ông tin rằng đang “có một cuộc tấn công của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào các giá trị tự do của các xã hội Anh, Mỹ”.
Ông nhấn mạnh rằng: “Những gì chúng ta phải làm khi người Trung Quốc cư xử tồi tệ là tất cả chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để chống lại họ và phải cùng nhau làm điều đó”.
Ông cũng chỉ trích sự im lặng của Vatican đối với sự đàn áp của Trung Quốc đối với Phật tử ở Tây Tạng và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và so sánh cách đối xử này với những gì đã xảy ra khi người Do Thái ở Âu châu bị tấn công trong những năm 1930 và 40.
Cựu chính trị gia Patten cũng chỉ trích mạnh mẽ cách đối xử của Vatican đối với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, một nhà phê bình thẳng thắn đối với Trung Quốc. Ông lưu ý rằng trong khi các nhà lãnh đạo Công Giáo vẫn sẵn sáng bắt tay với ngoại trưởng Trung Quốc, thì khi Đức Hồng Y Quân đến Rome, ngài đã không được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến.
“Điều đó thật đáng hổ thẹn,” ông nói.
Source:Catholic News Service
Ông Peter McClellan, đứng đầu Ủy Ban Hoàng gia dang chứng kiến ông Peter Cosgrove ký vào bản báo cáo chung cục về việc lạm dụng trẻ em trong Giáo hội CG Úc. |
Các Giám mục Công Giáo Úc đón nhận bản nhận định cuối cùng về việc định giá việc quản trị của Giáo hội sau các cuộc điều tra 5 năm của Ủy ban Hoàng gia về các bản báo cáo và chương trình bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa các vụ việc lạm dụng tình dục...
(Vatican - Lisa Zengarini)
Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc (ACBC) công bố bản nhận định của Ủy Ban Hoàng gia về phiên bản cuối cùng chính thức mang tựa đề: “Ánh sáng Thập giá phía Nam: Việc Quản trị Đồng trách nhiệm của Giáo Hội Công Giáo Úc Châu”. Đáp án được trình bày chính thức vào ngày 17 tháng 12 do ĐTGM Mark Coleridge, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc Châu công bố.
Tài liệu dày 208 trang là kết quả của việc tái duyệt việc quản trị giáo xứ và giáo phận do Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc (ACBC) trao phó vào năm 2019, sau cuộc điều tra kéo dài 5 năm của Ủy ban Hoàng gia về các phản ứng của ủy ban đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em nêu bật “những thất bại mang tính hệ thống trong việc quản trị Giáo hội ở Úc. Trong Báo cáo cuối cùng của Ủy ban vào năm 2017, các Ủy viên đã khuyến khích Giáo hội “khám phá và phát triển các cách thức mà cơ cấu và sự sắp xếp việc quản trị, sao cho có hiệu năng và phòng ngừa trách nhiệm hơn, minh bạch hơn, có ý nghĩa hơn với sự tham gia của nhiều người hơn, kể cả ở cấp bậc giáo phận và giáo xứ”
86 khuyến nghị
Việc định giá được thực hiện bởi Nhóm Dự án Đánh giá việc Quản trị đặc biệt (GRPT), mà các người hữu trách đã trình bày qua các bản báo cáo dự thảo đầu tiên vào tháng 5 năm 2020 và phiên bản cuối cùng vào tháng 8 năm nay. Các Giám mục đã xem xét và thảo luận về 86 khuyến nghị này trong Đại hội đồng cuối cùng họp vào tháng 11 năm 2020.
Nhắc lại nhận xét của Chủ tịch của Nhóm Dự án Đánh giá việc Quản trị đặc biệt (GRPT), các Giám mục Úc nhấn mạnh rằng các báo cáo “không phải là những gì chung kết về việc điều hành Giáo hội nhưng là một đóng góp đáng kể vào thời điểm này”: “Nó ghi nhận và xây dựng dựa trên những cải tiến đã được thực hiện trên mọi Giáo phận ở Úc hoặc trong tất cả hoặc nhiều giáo phận và giáo xứ riêng rẽ. Nó đề xuất một số cải cách bổ sung. Và nó làm nổi bật một cách hữu ích những khu vực mà việc điều tra và thay đổi thêm vào hầu bảo đảm như là một phần của quá trình tiếp tục đổi mới trong Giáo hội, là một công việc đang được tiến hành”, lời giới thiệu cho bản phúc đáp này dài trên 32 trang.
Các giám mục cũng nhắc lại “nhiều lời thừa nhận trước đây của họ” về “những tội ác khủng khiếp” đối với trẻ em đã gây ra trong Giáo hội, “những thất bại trong việc quản trị Giáo hội đã cho phép các tội ác này xảy ra và lặp lại, mà hậu quả là gây ra những tổn hại cho nhiều nạn nhân”! Những cam kết “đảm bảo điều này sẽ không tái diễn, làm cho Giáo hội trở thành một môi trường an toàn cho trẻ em”.
Dấu hiệu của hy vọng
Đồng thời, các Giám mục cũng hy vọng về “những dấu hiệu của hy vọng”: “Mặc dù có những tủi hổ về những hành vi lạm dụng trong quá khứ của một số giáo sĩ và tu sĩ, nhưng đại đa số các linh mục, tu sĩ nam nữ đã trung thành với ơn gọi dấn thân dâng hiến. “Bất chấp những thất vọng trước các vụ lạm dụng trẻ em trong quá khứ và trước những giải quyết của một số các vị lãnh đạo Giáo hội đã không có phản ứng thích đáng, nhưng các tín hữu vẫn một lòng yêu mến trung thành với Chúa, với Chúa Kitô và Giáo hội, và rộng mở tâm lòng cho những giải đáp tốt đẹp…”
Trong phần trả lời, các Giám mục tập chú các chủ đề và khuyến nghị theo sáu tiêu đề: Bản chất của Giáo hội; Sứ mệnh của Giáo hội; Đồng trách nhiệm; Tham vấn, Tư vấn, Quyết định; Mối quan hệ giữa các thực thể; Sự cải tổ trong quản trị Giáo hội.
Tài liệu chỉ ra rằng nhiều vấn đề nêu trong bản Báo cáo có thể được giải quyết tốt đẹp, thích ứng hơn do các giám mục địa phương hoặc từng giáo tỉnh, ngay cả ở cấp độ quốc gia. Một số vấn đề liên quan đến quốc gia sẽ được xem xét lại trong các cuộc họp toàn thể lần thứ năm vào năm tới để nhìn về tương lai, những vai trò và những liên đới của Giáo Hội Công Giáo ở Úc.
Theo Ký giả Gerard O’Connell của tạp chí America có bẩy sự kiện đáng lưu ý nhất về Đức Phanxicô trong năm 2020.
Ngài vừa mừng sinh nhật thứ 84 vào ngày 17 tháng 12 vừa qua. Ngay sau khi được bầu làm Giáo Hoàng ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngài cho bạn bè thân thiết hay ngài có cảm giác rất rõ ràng rằng triều Giáo Hoàng của ngài sẽ rất vắn. Nay thì cảm giác ấy chứng tỏ đã sai. Các giới chức thân cận của ngài tường trình rằng sức khỏe của ngài rất tốt và ngài tiếp tục hưởng được sự bình an trong tâm hồn, điều mà ngài cảm nhận lần đầu khi vừa được bầu.
Năm vừa qua mang đến những thách thức đặc biệt khi Đức Phanxicô cung cấp sự lãnh đạo tinh thần hoàn cầu qua đại dịch coronavirus. Tuy nhiên, giữa những hạn chế và biến động, Đức Giáo Hoàng vẫn tiếp tục các nỗ lực cải tổ giáo hội và củng cố lòng nhiệt thành truyền giáo của giáo hội. Dưới đây là một thoáng nhìn lại bảy phương thức chỉ đạo Giáo Hội Công Giáo vào năm 2020 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
1.Hy vọng cho một thế giới đau khổ
Một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của triều đại giáo hoàng này chắc chắn là lúc Đức Phanxicô đứng một mình trước Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, vào buổi tối ngày 27 tháng 3 trời mưa mù mịt, lạnh giá, tối đen - ở cao điểm đại dịch ở Ý - nhắc nhở nhân dân thế giới rằng “Không ai được cứu một mình” và bảo đảm với họ rằng Chúa Giêsu đang ở với chúng ta trong con thuyền giữa biển khơi gió bão này.
Qua lời nói và cử chỉ của ngài, Đức Phanxicô đã mang lại niềm an ủi và hy vọng cho vô số người đau khổ khắp thế giới — và không phải chỉ cho những người Công Giáo. Trong ít tháng, ngài đã cử hành thánh lễ hàng ngày trong nhà nguyện của nhà khách Tòa Thánh Santa Marta nơi ngài cư ngụ, được truyền hình trực tiếp bởi hệ thống truyền hình quốc gia Ý.
Hàng triệu tín đồ khắp thế giới đã theo dõi trực tuyến. Ngài chỉ thị cho Vatican gửi mặt nạ bảo vệ cho người dân Vũ Hán, nơi xảy ra cuộc khủng hoảng Covid, đồng thời gửi thiết bị bảo hộ và máy thở đến một số nước nghèo. Đức Giáo Hoàng đã nhờ người phát chẩn của ngài, Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajweski, yêu cầu tất cả các Hồng Y và giám mục ở Vatican đóng góp vào một quỹ để giúp đỡ người nghèo, và ngài đã sắp xếp để Caritas ở Rome tham gia với các cơ quan dân sự của thành phố trong việc thành lập một quỹ để giúp những người thiếu thốn nhất ở đó.
Ngài thành lập một toán đặc nhiệm để giải quyết đại dịch và hậu quả của nó, chủ trương rằng trật tự thế giới sau đại dịch phải giải quyết nhu cầu của người nghèo, những người bị hắt hủi và những người có công việc bấp bênh và bảo đảm cho họ sự an toàn lớn hơn về việc làm, nhà ở, săn sóc sức khỏe và giáo dục.
2. Cải tổ Giáo triều Rôma
Kể từ khi trở thành giáo hoàng, Đức Phanxicô đã làm việc để cải cách Giáo triều Rôma, tìm cách thay đổi văn hóa và thiết kế lại cấu trúc của nó. Ngài chỉ là vị giáo hoàng thứ tư cố gắng cải cách như vậy kể từ khi Đức Sixtô V tổ chức lại cơ quan hành chính của Tòa thánh vào năm 1588.
Dự thảo tông hiến mới của Giáo triều hiện đã gần như hoàn tất. “Predicate Evangelium” (“Rao giảng Tin Mừng”), tựa đề tạm thời của nó, cho thấy chiều kích truyền giáo mà Đức Phanxicô đã ưu tiên cho nỗ lực cải cách này. Đức Phanxicô có kế hoạch công bố tông hiến vào nửa đầu năm 2021 và đi kèm với nó là một loạt các cuộc bổ nhiệm cấp cao nhất, thay thế một số quan chức cấp cao của Vatican lần đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI bổ nhiệm bằng những người do chính ngài lựa chọn. Ngài đã thực hiện những thay đổi đầu tiên như vậy vào ngày 9 tháng 12 năm 2019, qua việc bổ nhiệm Đức Hồng Y người Phi luật tân Luis Antonio Tagle làm bộ trưởng Bộ Truyền giảng Tin mừng cho các Dân tộc.
3. Hai bản văn huấn quyền — và một cuốn sách
Đức Phanxicô đã công bố hai bản văn quan trọng có tính huấn quyền vào năm 2020. Bản đầu tiên, “Querida Amazonia,” là tông huấn được viết sau Thượng hội đồng về toàn vùng Amazon. Được công bố vào tháng 2, nó đã mở cửa cho những cách thức mới, có tính sáng tạo để trở thành một Giáo Hội truyền giáo biết lưu tâm đến người bản địa và môi trường ở bảy quốc gia trong khu vực. Bản văn khuyến khích các vai trò lãnh đạo cho giáo dân và dự kiến một nghi thức Amazon.
Vào ngày 3 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ký thông điệp “Fratelli Tutti” tại mộ của Thánh Phanxicô ở Assisi. Ngài lấy cảm hứng không những của vị thánh mà còn của Đại Giáo Sĩ của Al Azhar - lần đầu tiên một vị giáo hoàng lấy cảm hứng từ một người Hồi giáo để viết một thông điệp. Bản văn tập hợp giáo huấn xã hội Công Giáo vốn nằm ở tâm điểm huấn quyền giáo hoàng của ngài.
Hai tháng sau, ngài công bố cuốn sách mới nhất của ngài, Let Us Dream (Ta Hãy Mơ Ước), được ngài viết với sự cộng tác của nhà báo người Anh Austen Ivereigh. Nó đề cập đến đại dịch coronavirus và phản ứng của chúng ta đối với cuộc khủng hoảng hoàn cầu này có thể giúp nhân loại ra sao để thoát ra "tốt hơn" so với trước đây. Nó cung cấp những hiểu biết sâu sắc về những gì Đức Phanxicô cố gắng thực hiện trong tư cách giáo hoàng, đặc biệt việc ngài cổ vũ việc thực hành đồng nghị, “không chỉ vì lợi ích của giáo hội,” mà còn “như một sự phục vụ cho một nhân loại thường bị bế tắc trong những bất đồng tê liệt”.
Trong đó, ngài nhắc lại rằng trong 19 tháng sống lưu vong ở Cordoba, Argentina, điều mà ngài gọi là một trong ba “trải nghiệm giống như covid” có tính bản thân, ngài đã đọc tác phẩm Lịch sử các Vị Giáo hoàng gồm 37 tập của Ludwig Pastor. Nhìn lại, ngài nói: “Tôi không khỏi thắc mắc tại sao Chúa lại truyền cảm hứng cho tôi đọc các cuốn sách này. Cứ như thể Chúa đang chuẩn bị cho tôi một loại vắc-xin. Một khi bạn biết lịch sử ấy về các vị giáo hoàng, sẽ không có nhiều điều xảy ra ở Vatican và Giáo Hội ngày nay khiến bạn bị sốc. Nó rất hữu ích đối với tôi!”
4. Tai tiếng sinh đôi: Tài chính và Giáo sĩ Lạm dụng
Đại dịch không phải là thách thức quan trọng duy nhất mà Đức Giáo Hoàng phải đối đầu trong năm 2020. Như những năm trước, Đức Phanxicô đã đối đầu với cả những vụ tai tiếng về tài chính ở Vatican lẫn việc lạm dụng trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương của hàng giáo sĩ, điều mà ngài mô tả là ba thứ lạm dụng quyền lực, lương tâm và tình dục.
Tiếp tục nỗ lực ngài đã bắt đầu từ năm 2013 để bảo đảm tính trung thực, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tất cả các khoản tài chánh của Vatican, Đức Phanxicô đã chỉ thị cho các thẩm phán của Vatican điều tra và truy tố mọi hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực này và theo dõi bất cứ nơi nào có bằng chứng, bất kể ở cấp cao bao nhiêu. Năm 2020, điều này đã dẫn tới một cuộc điều tra quốc tế về khoản đầu tư gây tranh cãi của Phủ Quốc Vụ Khanh để mua một bất động sản cao cấp ở số 60 Đại lộ Sloane, London, trị giá hàng triệu đô la, khiến Vatican thiệt hại hàng triệu đô la. Cuộc điều tra này bắt đầu bằng việc ngưng chức năm nhân viên của Vatican và khiến Đức Phanxicô cách chức Hồng Y Angelo Becciu, chánh văn phòng cũ của ngài, khỏi chức vụ bộ trưởng Bộ Phong thánh, và tước các quyền Hồng Y của vị này. Cuộc điều tra gần hoàn tất và các nguồn tin hy vọng các thẩm phán sẽ sớm đưa ra các cáo buộc.
Đức Phanxicô đã thông qua luật mới vào ngày 1 tháng 6 đề cập đến việc ký các hợp đồng ở Vatican. Vào ngày 5 tháng 11, ngài đã tước quyền quản lý và điều hành các quỹ và tài sản bất động sản khỏi Phủ Quốc Vụ Khanh. Cả hai biện pháp đều nhằm ngăn chặn sự lặp lại các vụ tham nhũng và tai tiếng trong những thập niên gần đây. Tháng 12, ngài đã chấp thuận quy chế mới của Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính của Vatican để bảo đảm “tính minh bạch và tăng cường kiểm soát trong lĩnh vực kinh tế-tài chính”.
Kể từ khi được bầu, Đức Phanxicô cũng đã tìm cách chống lại điều có thể gọi là đại dịch bên trong Giáo Hội: việc các linh mục, giám mục và Hồng Y lạm dụng trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương. Nó vẫn là một công việc đang được tiến hành và không phải không có sai sót. Năm 2020, đối đầu với sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ Vatican, gồm cả của các vị Hồng Y, Đức Phanxicô đã ra lệnh cho công bố “Phúc Trình McCarrick”, một cuộc điều tra thấu suốt về sự thăng trầm của cựu Hồng Y Theodore McCarrick. Nó được công bố vào ngày 10 tháng 11, theo yêu cầu của các giám mục Hoa Kỳ.
Trong những tháng gần đây, Đức Phanxicô đã bắt đầu đối đầu với một làn sóng tiết lộ các lạm dụng và che đậy đã có từ lâu cũng như mới đây hơn trong Giáo Hội Công Giáo ở Ba Lan. Ngài đã ra lệnh điều tra, cách chức một số giám mục khỏi giáo phận của họ và xử phạt vị Hồng Y lớn tuổi Henryk Roman Gulbinowicz. Các cáo buộc đã xuất hiện, cho rằng Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, thư ký của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã che đậy sự lạm dụng và vị chủ tịch hội đồng giám mục Ba Lan đã yêu cầu Đức Phanxicô ra lệnh điều tra những cáo buộc này để minh oan cho vị Hồng Y.
5. Thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc
Trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài, với mục đích truyền giảng tin mừng, Đức Phanxicô đã tìm cách thiết lập quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Ngày 22 tháng 9 năm 2018, ngài đã cho phép Tòa Thánh ký một thỏa thuận tạm thời với Bắc Kinh về việc đề cử các giám mục. Ngày 22 tháng 10 vừa qua, ngài đã quyết định gia hạn thỏa thuận đó thêm hai năm, bất chấp sự phản đối nội bộ của các Hồng Y và những người khác trong Giáo Hội, cũng như sự phản đối bên ngoài từ chính quyền Trump. Đức Phanxicô biết mình đang mạo hiểm nhưng hy vọng việc cải thiện liên hệ giữa Vatican và Trung Quốc sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Giáo Hội mà còn khuyến khích các mối liên hệ hòa bình hơn giữa các quốc gia.
6. Trao quyền cho các nữ Giáo dân
Đức Phanxicô tin rằng giáo dân – nhất là phụ nữ - nên có các vai trò ra quyết định trong Giáo Hội vốn không đòi truyền chức linh mục. Ngày 15 tháng 1, ngài đã bổ nhiệm Francesca Di Giovanni, một nữ giáo dân người Ý, vào vị trí quản trị cấp cao tại Phủ Quốc Vụ Khanh: Phó tổng thư ký thứ hai với trách nhiệm chuyên biệt trong bộ phận đa phương. Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ cao cấp như vậy trong Tòa thánh. Tháng 8, ngài đã bổ nhiệm bảy giáo dân có trình độ cao vào hội đồng kinh tế của Vatican, sáu trong số đó là phụ nữ.
7. Lập các tân Hồng Y
Giống như các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô đã cẩn thận lựa chọn những người ngài phong làm Hồng Y, với hy vọng vị mà các ngài chọn làm người kế vị ngài sẽ tiếp nối các diễn trình mà ngài đã khởi sự để bảo đảm Giáo Hội có tính hướng ngoại, truyền giáo và thương xót, không phán xét hay đối đầu — một Giáo Hội gặp gỡ và đối thoại biết quan tâm đến người nghèo và môi trường. Ngài đã lập các tân Hồng Y hầu như mỗi năm, và thêm 13 vị nữa vào ngày 28 tháng 11. Chín vị trong số này dưới 80 tuổi có quyền bỏ phiếu tại mật nghị bầu Giáo Hoàng, bao gồm cả Hồng Y người Mỹ gốc Phi đầu tiên, Wilton Gregory. Ngày đó, 73 trong số 128 Hồng Y cử tri đã nhận được chiếc mũ đỏ từ Đức Phanxicô, trong khi 39 vị nhận từ Đức Bênêđíctô XVI và 16 vị nhận từ Đức Gioan Phaolô II.
Nhìn về phía trước
Đầu năm 2020, Đức Phanxicô đã có kế hoạch đi thăm một số nước trong năm, bắt đầu với Indonesia, Đông Timor, Singapore và Papua New Guinea. Đại dịch coronavirus đã ngăn cản ngài làm việc này. Tuy nhiên, vào cuối năm, Vatican thông báo rằng Đức Giáo Hoàng có kế hoạch thăm Iraq từ ngày 5 tháng 3 đến ngày 8 tháng 3. Các nguồn tin cho Tờ America biết ngài cũng hy vọng sẽ thăm Nam Sudan. Nhưng với những lo ngại về an ninh và sự kiện đại dịch chưa được kiểm soát, nên người ta vẫn còn phải đợi xem liệu ngài có thể thực hiện được hai giấc mơ này vào năm 2021 hay không.
Vào những ngày cuối năm, bất chấp sự chống đối của một thiểu số nhỏ, Đức Phanxicô vẫn nổi tiếng khắp giáo hội hoàn cầu. Thí dụ, một cuộc khảo sát toàn quốc gần đây ở Ý, do Demos & Pi thực hiện cho mhật báo La Repubblica, chứng tỏ 91% những người đi nhà thờ thường xuyên tin tưởng Đức Phanxicô, cũng như 70% những người không thường xuyên đi nhà thờ và 50% những người không đi nhà thờ.
Đó là dấu hiệu cho thấy khi bước sang tuổi 84, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục là nguồn hy vọng và sự khích lệ quan trọng cho vô số người trên thế giới nơi đang thiếu những điều này.
Hưởng ứng ý tưởng của vị cha chung, toàn thể các bổn đạo tại giáo xứ Tụy Hiền đang qui tụ nhau trong Tuần Đại Phúc, dành chiều thứ Tư, ngày Giáo Hội thường kính Thánh Giuse, Chầu Thánh Thể, đọc Tin Mừng, suy niệm về cuộc đời, ơn gọi và sứ mạng của Thánh Giuse được Cha xứ và các sơ dòng MTC Kẻ Sải hướng dẫn.
Xem Hình
Sau những giờ chầu do các Hội Giuse toàn xứ phụ trách là bài thuyết trình của soeur Maria Tạ Thị Sen Dòng Thánh Phaolô Hà Nội về Thánh Giuse. Soeur đã nêu bật lý do Đức Giáo Hoàng mở Năm Thánh Giuse, với những nhân đức của Thánh Giuse để cho người thế noi gương bắt chước học đòi, đặc biết là các người chồng, người cha trong gia đình giáo xứ.
Buổi khai mạc Năm Thánh Giuse kết thúc với lời nguyện cầu và Kinh Khấn Thánh Giuse do Đức Thánh Cha ban truyền. Thánh lễ do Các Cha Dòng Chúa Cứu Thế được cử hành.
Lạy Cha Thánh Giuse, từ trời cao xin trợ giúp chúng con.
Bài và ảnh: Quốc Huy
Có một người phụ nữ, lặng lẽ dành 13 năm cuộc đời để chôn cất những thai nhi xấu số. Bàn tay ấy đã chôn cất hơn 100.000 thai nhi tại nghĩa trang Đồi Cốc và con số ấy vẫn còn tiếp tục tăng lên.
Đoàn SVCG Thanh Hoá chúng tôi gặp mẹ và được cùng mẹ đi thăm viếng, chôn cất thai nhi trong một chiều Chúa Nhật mưa lạnh. Vượt gần 40km tới Đồi Cốc nhưng mọi sự mệt mỏi, rét buốt đều bị tan biến, bởi trước mắt chúng tôi là gần 600 thai nhi xấu số đang được liệm khăn chuẩn bị chôn cất. Lòng người như thắt lại, mỗi phút trôi qua chúng tôi biết rằng lại có thêm một sinh linh tội nghiệp sẽ nằm lại mãi dưới lòng đất.
Mỗi tiểu có từ 5-6 bé cùng được an táng.
Mẹ Nhiệm kể rằng, những thai nhi này mẹ cùng nhóm “Bảo vệ sự sống thai nhi Việt” cứ một tháng thu gom ba lần rồi an táng một lần, con số những thai nhi cứ ngày càng tăng.
Đại diện nhóm “Bảo vệ sự sống thai nhi” chia sẻ với chúng tôi:
“Chúng tôi đi thu gom xác thai nhi ở nhiều nơi, ví dụ như Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương. Còn Hà Nội thì chủ yếu lấy ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long nơi mà công nhân tập trung từ các tỉnh về đấy nhiều. Cứ cuối tuần thì mọi người sẽ tập trung đem về đây. Mỗi lần an táng sẽ rơi vào 600 – 800 thai nhi.”
“Bọn điên” là câu chửi quen thuộc mà thành viên nhóm “Bảo vệ sự sống thai nhi Việt” thường xuyên nghe mỗi lần đi lục lọi thùng rác tại các phòng khám. Nhưng tình yêu đã tiếp cho những con người ấy sự dũng cảm, lòng quảng đại vô bờ để dấn thân:
“Toàn bộ đất nghĩa trang này là của vợ chồng u Nhiệm. Vợ chồng u đã làm việc này mười mấy năm nay rồi. Nhờ biết đến u Nhiệm qua một vài bài báo, chúng tôi từ người tứ xứ khắp nơi tìm về đây để làm việc này cùng u”.
Ảnh: Đôi bàn tay ấm áp của mẹ Nhiệm đã vỗ về biết bao thai nhi xấu số.
Người mẹ của hàng nghìn thai nhi ấy xuất hiện trước mắt chúng tôi thật đẹp, một vẻ đẹp xuất phát từ tâm hồn. Mẹ hiền, chất phát, giản dị, mẹ như bao người mẹ nông thôn tần tảo, chịu thương chịu khó. Dưới bóng chiếc nóng lá che nửa mặt, nụ cười mẹ hiện ra vẫn thật rạng rỡ. Bàn tay đầy dãy những vết chai, những rãnh nẻ, thế nhưng lại là bàn tay ấm áp, dịu dàng nhất vỗ về cho hàng vạn sinh linh bé nhỏ. Cầm bàn tay ấy, lắng nghe những câu chuyện của mẹ, chúng tôi chẳng kìm nén nổi nước mắt. Mẹ kể: “Trong 13 năm mẹ làm, mẹ day dứt nhất là khi mẹ cứu được một bé sống vào năm 2013 nhưng vì không hiểu biết, pháp luật lại có nhiều ngăn trở nên mẹ không được quyền nuôi bé, bé được chuyển vào cô nhi viện. Sau này mẹ có tìm đến hỏi nhưng người ta cho mất rồi. Cứu được bé làm người nhưng lại không biết mặt bé.”
Từ vụ việc của em bé được cứu sống và những thủ tục pháp lý liên quan đến quyền nhận nuôi mà báo chí và cơ quan chức năng vào cuộc. Bài báo đầu tiên xuất hiện và thế là người ta mới biết đến công việc của mẹ. Còn đằng đẵng thời gian trước đó mẹ cứ âm thầm hy sinh. Nhớ về những ngày bắt đầu với công việc này, mẹ nghẹn ngào: “Khởi sự vất vả khó khăn lắm. Từ năm 2006 đi xin người ta rất e dè chẳng cho nhưng cứ cầu nguyện rồi cũng nhận được sự đồng ý của những phòng khám đầu tiên. Lúc bấy giờ mẹ rất vất vả, không có tủ lạnh, không có điều kiện mua tiểu, phải mua xi măng về đúc khuôn để chôn cất các bé. Một mình mẹ gánh các bé từ trong nhà ra nghĩa trang. Sau này khi nhiều đoàn bác ái biết đến thì mẹ cũng được giúp đỡ phần nào.”
Niềm tự hào của người phụ nữ 61 tuổi giờ đây có lẽ chính là hai cô con gái 5 tuổi. Hai đứa con mà mẹ gọi là “hai thiên thần nhỏ” và dành hết tình thương cho chúng. Mẹ ruột của các bé là những cô gái chỉ đôi mươi, vì những nông nổi, bồng bột mà có ý định nạo phá thai. Mẹ Nhiệm thuyết phục, cưu mang cho đến ngày các bé chào đời và giờ đây là tự tay nuôi dưỡng. Mặc dù cuộc sống kinh tế vất vả, khó khăn nhưng khi được hỏi mẹ rằng có bao giờ có ý định cho hai bé đi, mẹ cương quyết: “Mẹ không bao giờ nghĩ đến việc cho. Mẹ còn thương hơn con mẹ đẻ ra. Hoàn cảnh của các bé đã rất đáng thương rồi.”
Chuyến đi lần này, dưới sự giúp đỡ của cha đồng hành Tôma Aquinô Nguyễn Khánh Duy SJ, nhóm SVCG Thanh Hoá tại Hà Nội đã có cái nhìn thực tế về nạn phá thai đang diễn ra tại Việt Nam. Những hình ảnh, những câu chuyện mà mỗi người đã chứng kiến, đã nghe sẽ là lời cảnh tỉnh, nhắc nhở bản thân trước những sa ngã, cám giỗ và trách nhiệm của mình với hậu quả gây ra.
Sau chuyến đi, các bạn SVCG chia sẻ:
“Vấn nạn phá thai là một tội ác đáng lên án. Đó là việc người mẹ tự tay giết hại đứa con mình. Sau chuyến đi lần này tôi cảm thấy bản thân mình nên ý thức và có trách nhiệm cao hơn để đừng vì một phút lầm lỡ mà đánh mất đi một sinh linh bé nhỏ còn chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời.”
“Nạn nạo phá thai ngày nay rất nhiều. Từ số các thai nhi bị bỏ đi đã chứng tỏ việc nạo phát thai quá dễ dàng tại Việt Nam. Xã hội dường như chấp nhận việc này như một lẽ thường và chưa có dấu hiệu dùng lại hay giảm bớt.”
Bất cứ một ai chứng kiến cảnh tượng chiều hôm ấy, chắc chắn sẽ ước giá như. Giá như có một phép màu. Giá như những người mẹ ấy dũng cảm hơn mà bảo vệ và yêu thương gọt máu của mình để không phải có một người mẹ như mẹ Nhiệm. Để rồi khi bỏ đi giọt máu ấy là sự dằn vặt lương tâm đến tận cùng, là sự tuyệt thông với Thiên Chúa. Và dù có được tha thứ đi chăng nữa, dù có vì bất cứ lí do nào đi chăng nữa thì toà án lương tâm vẫn luôn thét gào.
Thực hiện: Anna Thu Hà
Nhóm SVCG Thanh Hóa tại Hà Nội
“Chúng ta phải noi gương Thánh Giuse,làm theo thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình”Đó là chia sẻ của Linh mục Giuse Phạm Bá Lãm chánh xứ Hòa Hưng, Hạt trưởng Phú Thọ trong thánh lễ tạ ơn mừng 49 năm thụ phong linh mục diễn ra vào lúc 5 g sáng thứ sáu ngày 18.12.2020.
Xem Hình
Linh mục chánh xứ Hòa Hưng đã dâng thánh lễ tạ ơn trong ngày mừng kỷ niệm hồng ân thánh chức Linh mục giữa khung cảnh Phụng vụ của những ngày cuối Mùa vọng.Cùng đồng tế với ngài có Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng chánh xứ Tân Định,Linh mục Giuse Vũ Minh Thùy chánh xứ Thánh Linh hạt Thủ Thiêm,Linh mục Phanxicô Xaviê Chu Gia Nghĩa phó xứ Hòa Hưng,quý Linh mục nghĩa tử,quý Linh mục Dòng Máu Châu Báu Chúa Giêsu cùng với sự tham dự của quý sơ và cộng đoàn giáo xứ.
Linh mục chánh xứ chia sẻ về hành trình ơn gọi của mình,thời gian tu học ở chủng viện,những thử thách, “lửa thử vàng gian nan thử đức”. Và ngài kết luận: “Chúng ta hãy phân định đâu là ý Chúa và đâu là việc của Chúa.Nhưng làm theo ý Chúa mới là tốt nhất,chứ không phải làm việc của Chúa.Chúng ta hãy noi gương Thánh Giuse và Đức Maria,luôn để cho Thiên Chúa dẫn đưa mình đi.Đặc biệt là những ngày khởi đầu của năm Thánh Giuse,chúng ta học theo thánh nhân nhận ra đâu là ý muốn tốt lành của Thiên Chúa,vì có nhiều việc để chúng ta làm trong Giáo hội,không làm việc này thì làm việc khác,miễn sao làm theo ý Chúa.
Thánh lễ được tiếp nối với phần Phụng vụ Thánh Thể.
Trước khi kết lễ,ông Chủ tịch HĐMV giáo xứ có những tâm tình chúc mừng linh mục chánh xứ trong ngày hồng ân và tâm tình biết ơn của cá cộng đoàn giáo xứ.
Thánh lễ kết thúc vào khoảng hơn 6 sáng, mọi người cùng chia sẻ trong bữa điểm tâm nhẹ.
Martino Lê Hoàng Vũ
1. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trúng phải virus Tầu độc địa
Tổng thống Macron là người thường xuyên đeo khẩu trang y tế và tuân thủ các quy tắc về khoảng cách an toàn xã hội. Tuy nhiên, ông được tường thuật là đã tổ chức hoặc tham gia nhiều bữa tiệc trong những ngày trước khi có kết quả dương tính vào hôm thứ Năm 17 tháng 12.
Những người thường chỉ trích tổng thống Pháp nói rằng ông đã làm gương mù cho đồng bào khi bỏ qua các lời khuyên không nên tụ họp quá sáu người.
Hôm thứ Sáu 18 tháng 12, các quan chức của Phủ Tổng thống cho biết ông đang bị sốt, ho và mệt mỏi. Họ cho biết sẽ không cung cấp chi tiết về cách điều trị của tổng thống.
Ông đang ở tại dinh thự tổng thống La Lanterne ở thành phố Versailles.
Kết quả xét nghiệm dương tính của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan y tế Pháp một lần nữa chứng kiến sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus và cảnh báo nhiều hơn nữa khi các gia đình Pháp chuẩn bị cùng nhau đón Giáng sinh và Năm mới.
Pháp báo cáo chỉ trong 24 giờ của ngày thứ Năm đã có thêm 18,254 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận và số người chết đã đạt đến con số 60,000 người.
Các trợ lý của tổng thống Macron đã cố gắng liên lạc với tất cả những người mà ông đã gặp gỡ trong những ngày gần đây. Bộ trưởng Y tế Pháp gợi ý rằng tổng thống có thể đã bị nhiễm bệnh tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu ở Brussels vào tuần trước, nhưng thực ra tổng thống Macron cũng đã có nhiều cuộc họp ở Paris.
Tổng thống Macron cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn rằng ông đã thử nghiệm coronavirus “ngay khi có các triệu chứng đầu tiên” vào sáng ngày thứ Năm và sẽ tự cách ly trong bảy ngày, theo khuyến cáo của các cơ quan y tế quốc gia.
Trong thông báo đưa ra hôm thứ Sáu, vị tổng thống 42 tuổi cho biết “sẽ tiếp tục làm việc và quan tâm điều hành các hoạt động của mình từ xa”.
Trong khi đó, Nga đã báo cáo rằng chỉ trong 24 giờ của ngày thứ Năm, quốc gia này đã có thêm 28,552 trường hợp nhiễm coronavirus, trong đó riêng tại thủ đô Mạc Tư Khoa đã có 6,937 trường hợp, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh trên toàn quốc lên đến 2,791,220 trường hợp kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Các nhà chức trách cũng báo cáo có 611 người chết trong 24 giờ qua, đẩy số người chết vì virus Tầu lên đến 49,762 người.
Tại Bỉ, số trường hợp nhiễm coronavirus đang có chiều hướng giảm xuống nhưng trong 24 giờ của ngày thứ Năm 17 tháng 12 cũng đã có 3,636 trường hợp nhiễm coronavirus được ghi nhận, và 100 người chết.
Người Công Giáo ở Bỉ đang tìm cách thực hiện các hành động pháp lý nhằm chống lại một quyết định của chính phủ nước này cấm các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự cho đến hết ngày 15 tháng Giêng năm 2021.
Theo một sắc lệnh của Bộ Y Tế Bỉ được công bố hôm 29 tháng 11, khoảng 6.5 triệu người Công Giáo của đất nước này bị buộc phải tổ chức lễ Giáng sinh tại nhà.
Giáo dân đang lên kế hoạch tổ chức các vụ kiện dân sự để thách thức sắc lệnh này.
Phản ứng lại trước các yêu cầu của anh chị em giáo dân muốn có thánh lễ Giáng Sinh, người đứng đầu văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới tại Âu Châu, có trụ sở tại Brussels, thủ đô của Bỉ đã kêu gọi mọi người ở nhà trong dịp Giáng sinh, và nhấn mạnh rằng so sánh với khả năng mắc phải Covid-19 việc tham dự thánh lễ Giáng Sinh là “không đáng để mạo hiểm”.
Bác sĩ Hans Kluge cho biết:
“Vẫn còn một sự khác biệt giữa những gì bạn được phép làm bởi chính quyền của bạn và những gì bạn nên làm”.
“Chúng ta chỉ còn một vài tháng phải hy sinh và hiện tại chúng ta nên hành xử theo cách mà chúng ta có thể tự hào. Khi chúng ta nhìn lại những khoảng thời gian chưa từng có này, tôi hy vọng tất cả chúng ta đều cảm thấy chúng ta đã hành động với tinh thần nhân bản và chia sẻ để bảo vệ những người đang gặp khó khăn”.
Một bức thư ngỏ gửi cho thủ tướng Bỉ, được viết sau sắc lệnh ngày 29 tháng 11 và được đăng trên trang web “Puor La Messe”, nghĩa là “Dành cho Thánh lễ”, đã được 10,000 người ký vào ngày 7 tháng 12.
Bức thư do hai linh mục và một giáo dân viết, lưu ý rằng một số cơ sở kinh doanh “không thiết yếu”, như viện bảo tàng và bể bơi đã được phép mở cửa trở lại với sắc lệnh mới, trong khi sự thay đổi về việc đình chỉ các thánh lễ không hề được đề cập đến.
“Từ thứ Ba này, chúng ta có thể đi mua sắm Giáng sinh hoặc đi bơi vào sáng Chúa Nhật, nhưng chúng ta vẫn không thể tham dự Thánh lễ! Thậm chí lễ Giáng sinh cũng không được!” bức thư viết.
“Giống như tất cả mọi người Bỉ và với tất cả giáo dân của chúng tôi, chúng tôi đã tham gia kể từ ngày 18 tháng 3 trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Sự cam kết của người Công Giáo đã được thực hiện đầy đủ và trọn vẹn trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này, cũng như mong muốn của chúng tôi là phục vụ lợi ích chung đã được thể hiện,” bức thư viết tiếp. “Các quy trình nghiêm ngặt đã được thực hiện trong từng nhà nguyện, nhà thờ hoặc nhà thờ chính tòa, điều chỉnh theo kích thước của cơ sở, để tôn trọng các hướng dẫn được ban hành như đeo khẩu trang y tế, giãn cách xã hội, bôi thuốc sát trùng. Chúng tôi đã cẩn thận, cảnh giác thực thi từng ly từng tí.”
Source:West Australia
2. Lễ Giáng Sinh chính thức là ngày lễ nghỉ tại Iraq
Chính phủ Iraq đã từng tuyên bố Giáng sinh là ngày lễ “một lần” duy nhất vào năm 2008, nhưng trong những năm sau đó, quy định này không được chính thức gia hạn ở cấp quốc gia, chỉ được áp dụng trong những năm gần đây ở tỉnh Kirkuk.
Sau đó, vào năm 2018, nội các chính phủ đã thông qua một tu chính án về các ngày lễ quốc gia, nâng Giáng sinh lên thành một ngày lễ quốc gia cho tất cả công dân, cả các Kitô hữu lẫn người Hồi giáo. Hai năm sau, một cuộc bỏ phiếu cho tu chính án này đã được thông qua tại quốc hội, và tu chính án này có hiệu lực ngay tức khắc, có nghĩa là Giáng sinh cuối cùng đã là một ngày lễ được công nhận chính thức - bắt đầu từ năm nay và tiếp tục trong tương lai.
Vào ngày 17 tháng 10, Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Babylon của Công Giáo nghi lễ Chanđê, đã nhắc lại tu chính án của nội các cũ và đề nghị Tổng thống Iraq Barham Salih đưa sang Quốc hội thảo luận. Nhân dịp tiếp Đức Thượng phụ tại dinh thự của mình, Tổng thống Salih đã nhấn mạnh vai trò của các cộng đồng Kitô Giáo trong công cuộc tái thiết đất nước, sau những năm bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm đóng Mosul và các vùng rộng lớn ở miền Bắc Iraq.
Sau khi biết tin về việc thông qua tu chính án, Đức Hồng Y Sako, đã đưa ra một thông điệp trong đó ngài cảm ơn Tổng thống Salih; Chủ tịch Quốc hội, Muhammad al Halbousi; và tất cả các nghị sĩ “bỏ phiếu vì lợi ích của những người đồng hương,” cầu xin Chúa chúc lành cho họ và trả công bội hậu cho họ.
Tổng thống Salih cũng nhắc lại cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa các tín hữu Kitô di tản trở về quê hương bản quán của họ, bắt đầu từ thành phố Mosul và Đồng bằng Nineveh, là những nơi mà họ buộc phải bỏ chạy trong những năm thống trị của quân thánh chiến.
Source:Vatican News
1. Giám mục Hà Lan sẽ cử hành Thánh lễ đêm Giáng sinh trong khi anh chị em giáo dân ngồi trong xe hơi
Số ca nhiễm coronavirus ở Hà Lan đã tăng hơn 11,000 trường hợp chỉ trong 24 giờ, đạt kỷ lục cao nhất từ đầu đại dịch coronavirus đến nay.
Mức tăng mạnh diễn ra chỉ một ngày sau khi lệnh cách ly kéo dài 5 tuần được áp dụng trên toàn quốc cho đến ít nhất là ngày 19 tháng Giêng.
Theo các hạn chế mới, tất cả các cửa hàng không thiết yếu cũng như trường học, phòng tập thể dục và viện bảo tàng sẽ bị đóng cửa.
Hơn 10,000 người đã chết vì virus trên khắp đất nước.
Vào tối thứ Hai, chính phủ Hà Lan thông báo rằng các quy định hiện hành về COVID-19 sẽ không được nới lỏng trong kỳ nghỉ lễ. Điều này cũng có nghĩa là chỉ có ba mươi người được phép tham dự Thánh lễ Nửa đêm tại mỗi nhà thờ vào Đêm Giáng sinh.
Do đó, Giáo phận Roermond ở miền nam Hà Lan đã quyết định tổ chức Thánh lễ tại một hí trường vào đêm Giáng sinh để nhiều người có cơ hội tham dự Thánh lễ vào tối hôm đó.
Đức Cha Harrie Smeets Giám mục Roermond sẽ cử hành thánh lễ trên khán đài vào đêm Giáng sinh. Mọi người có thể theo dõi Thánh lễ từ bên trong xe của họ, điều này hoàn toàn an toàn và phù hợp với các quy định COVID-19 của Hà Lan.
Thánh lễ sẽ diễn ra tại một địa điểm hàng năm vẫn diễn ra một trong những lễ hội âm nhạc lớn nhất của Hà Lan, được gọi là Pinkpop. Ở đó có chỗ cho năm trăm chiếc xe hơi.
Trong vòng vài ngày, tất cả các vé đã được phát ra và chỉ có năm trăm chiếc xe được phép vào trong hí trường này.
Giáo phận nói rằng anh chị em phải ngồi trong xe của họ trong toàn bộ Thánh lễ và chỉ những người trong cùng một gia đình mới được phép ngồi chung xe. Và tất nhiên, những người có các triệu chứng của COVID-19 được yêu cầu ở nhà.
Hai màn hình lớn sẽ được dựng bên cạnh sân khấu, để mọi người có thể nhìn rõ thánh lễ. Trong suốt Thánh lễ, đèn và động cơ của xe phải được tắt. Giáo phận đã đưa ra lời nhắc nhở rằng đối với hầu hết các xe hơi, điều này có nghĩa là hệ thống sưởi cũng sẽ phải tắt đi, và do đó mọi người nên ăn mặc phù hợp để giữ ấm.
Source:Crux
2. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị trở thành một George Pell ngồi tù vì một tội danh tưởng tượng nào đó
Trong thánh lễ khai mạc cơ mật viện bàu Giáo Hoàng vào ngày 18 tháng Tư, 2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nhận xét rằng:
Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng. Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này - trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (x Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.
Nhiều người nhận định rằng nhận xét này của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 quả là có tính tiên tri. Chúng ta thấy điều đó được thể hiện rõ trong vụ án Đức Hồng Y George Pell, một nhân vật hàng đầu của Giáo Hội toàn cầu bị cáo gian tội lạm dụng tình dục và phải ngồi tù oan.
Keith Windschuttle, cựu thành viên hội đồng quản trị của Australian Broadcasting Corporation vừa cho ra mắt cuốn “The Persecution of George Pell”, nghĩa là “Cuộc Bách Hại George Pell”, tại Sydney hôm 10 tháng 12.
Trong buổi ra mắt sách ông Windschuttle nhận xét chua chát rằng ngày nay, trong bối cảnh của một chế độ độc tài ý thức hệ, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị trở thành một George Pell ngồi tù vì một tội danh tưởng tượng nào đó.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi toàn văn bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Úc đã bước vào một giai đoạn mới trong đó người ta có thể phải chứng kiến mọi người Úc đều có thể bị đưa vào tù mà không có bất kỳ bằng chứng nào cho những tội ác mà họ chẳng hề phạm phải, tác giả của một cuốn sách mới về vụ xét xử và bỏ tù Đức Hồng Y George Pell cảnh báo.
Keith Windschuttle, cựu thành viên hội đồng quản trị của Australian Broadcasting Corporation, gọi tắt là ABC, cũng là biên tập viên của tạp chí Quadrant, cảnh báo rằng “trong bối cảnh của một chế độ độc tài ý thức hệ đang thịnh hành ngày nay, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành một George Pell”.
“Cứ như là phiên tòa Kafka đã chuyển từ Cộng hòa Tiệp về Melbourne vậy”, Windschuttle nói trong buổi ra mắt cuốn sách của mình, “The Persecution of George Pell”, nghĩa là “Cuộc Bách Hại George Pell”, tại Sydney hôm 10 tháng 12.
Ông cảnh báo rằng: “Bây giờ, bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể bị buộc tội bởi một người lạ chưa hề quen biết về một hành vi đáng lên án nào đó mà chúng ta chẳng hề phạm và sau đó chúng ta thấy trọng lượng của các cấu trúc pháp lý của đất nước, chính phủ và dư luận xã hội chồng chất trên đầu chúng ta.”
Cuốn sách dày 408 trang tổng hợp và tìm hiểu một mô hình siêu thực về những mâu thuẫn và các âm mưu trong vụ án Đức Hồng Y Pell, trong đó một nhân vật hàng đầu của Giáo Hội toàn cầu bị cáo gian tội lạm dụng tình dục và phải ngồi tù oan.
Đức Hồng Y Pell “đã may mắn được cứu vào phút chót bởi hy vọng duy nhất còn lại của ngài, là các thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện Úc. Họ vẫn giữ được đầy đủ tính độc lập và chính trực để nhìn ra sự thật của vụ án”. Các thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện là những người không bị mất công ăn việc làm, cũng đã đạt đến mức tối cao, không cần phải thăng tiến lên chỗ nào nữa nên không cần phải a dua và múa may theo các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, ông cảnh báo, “không có gì bảo đảm rằng các thành viên tương lai của Tối Cao Pháp Viện sẽ hành động đáng tin cậy như những người đã ra phán quyết Đức Hồng Y Pell vô tội”. Bản thân các thẩm phán tương lai có thể bị đầu độc bởi các ý thức hệ cực đoan đang thịnh hành trong xã hội.
Windschuttle đã mô tả quá trình bách hại Đức Hồng Y Pell, bao gồm việc Cảnh sát Victoria đăng quảng cáo trên báo chí để tìm kiếm các cáo buộc chống lại vị Hồng Y, và tiến trình xét xử, kết án và kháng cáo thất bại của Đức Hồng Y. Ông cho đó là một phản ánh cho thấy sự chính trực đang suy tàn trong các cấp thấp hơn của cấu trúc pháp lý ở bang Victoria của Úc.
“Toàn bộ vụ án được dựa trên một sự đảo lộn nền tảng của truyền thống pháp luật, theo đó đã không hề có một giả định nào về sự vô tội – mà chỉ có các giả định có tội”.
“Đức Hồng Y Pell đã phải cung cấp đủ bằng chứng để chứng minh mình vô tội”.
Trong khi đó, quy trình pháp lý rõ ràng là đã bị can thiệp qua hiện tượng “xét xử bằng các phương tiện truyền thông”, với các nhà báo tin rằng ý kiến của họ nằm trên quy trình thích hợp của tư pháp hình sự.
Windschuttle cho biết ngay cả sau khi Tối Cao Pháp Viện đã đồng thanh nhất trí tuyên bố Đức Hồng Y Pell vô tội, các nhà báo đó vẫn tiếp tục hành động như thể quyết định của Tối Cao Pháp Viện chỉ có một tầm quan trọng rất ít hoặc đã được đưa ra vì nhầm lẫn.
Tác giả đặc biệt chỉ trích đài truyền hình được điều hành từ tiền đóng thuế của người dân Úc là đài ABC.
“Những nhà báo ABC này viết như thể họ đã đúng và chính Tối Cao Pháp Viện đã sai - như thể họ là cấp trên của Tối Cao Pháp Viện. Nhưng nếu bạn đọc kỹ phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, bạn sẽ thấy phán quyết ấy rất quyết liệt, bác bỏ toàn bộ vụ án, làm nhục những người đã đưa ra hay chấp thuận các phán quyết của tòa dưới”.
Cựu thành viên hội đồng quản trị ABC đã chỉ trích tình trạng báo chí hiện nay trong nước.
“Tôi kết luận rằng ABC là không thể sửa đổi được, nhưng không một chính phủ nào trong tương lai gần có can đảm khởi xướng một quy trình buộc cơ quan ấy phải có trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực này”.
Ông nói rằng trường hợp của ABC là triệu chứng của một vấn đề rộng lớn hơn nhiều trong cuộc sống của người Úc.
“Các lực lượng ý thức hệ có hại hiện đang thống trị hệ thống giáo dục của chúng ta, đặc biệt là các trường đại học, và chúng cũng đã lây nhiễm các phương tiện truyền thông tin tức, cảnh sát và thậm chí cả lực lượng quốc phòng của chúng ta”.
Ông cảnh báo rằng bất kỳ ai không ủng hộ trào lưu đương đại đều có khả năng không nhận được một quy trình pháp lý công bằng lẽ ra phải có cho tất cả người dân Úc.
Ông nói: “Như trường hợp của Đức Hồng Y Pell bị kết tội vượt quá các nghi ngờ hợp lý, những thế lực này đã đan những sợi dây vào hệ thống pháp luật của chúng ta và đã thay đổi cả bản thân luật pháp và các giả định của nhiều người trong hệ thống pháp luật.”
Source:UCANews
3. Câu chuyện về Chúa giáng sinh được chiếu tại nhà thờ chính tòa Thánh Phaolô ở Minneapolis từ 17 đến 19 tháng 12
Nhà thờ chính tòa Thánh Phaolô ở Minneapolis trở thành nơi diễn ra các buổi biểu diễn âm thanh và ánh sáng về ngày sinh của Chúa Giêsu.
Từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối trong ba ngày đó, công ty Luxmuralis của Anh chiếu những hình ảnh trên mặt tiền hướng đông của nhà thờ chính tòa để kỷ niệm câu chuyện Chúa giáng sinh trong một chương trình có tên Máng Cỏ Giáng Sinh.
Khán giả có thể xem buổi biểu diễn từ xe hơi của mình dọc theo Đại lộ John Ireland ở phía trước nhà thờ chính tòa.
Bộ phim kéo dài 12 phút, sẽ chạy liên tục vào mỗi buổi tối, là lần ra mắt đầu tiên của Luxmuralis tại Mỹ.
Source:Crux