Ngày 20-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Việc Chúa làm ôi vĩ đại!!
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
00:13 20/12/2022
NGÀY 19/12

Tl 13,2-7.24-25a; Lc 1,5-25

VIỆC CHÚA LÀM ÔI VĨ ĐẠI!

Đối với những người theo đuổi lý tưởng độc thân linh mục, một trong những hy sinh lớn nhất đó là không có con cái nối dõi tông đường. Khi còn mới đi tu, tôi nghĩ hy sinh tính dục là hy sinh lớn nhất của đời tu, nhưng càng có tí tuổi, tôi đồng ý quan điểm cho rằng: hy sinh lớn nhất của đời linh mục đó là không có gia đình và con cái riêng!

Ngày xưa, gia đình Việt Nam thường đông con, từ 6 đến10 đứa. Bây giờ, các gia đình có ít con hơn, nhưng theo tự nhiên, đôi bạn lấy nhau, là mong muốn có con. Ta gặp những trường hợp vô sinh, thì mới hiểu họ khát khao thế nào để có được một đứa con. Tuy nhiên, quan niệm về gia đình và con cái ngày nay đã thay đổi đến tận gốc rễ và đáng ngạc nhiên. Ở những nước phát triển, nhiều người trẻ chọn lựa sống chung mà không kết hôn, nhiều gia đình trẻ nếu có kết hôn, nhưng họ lại chọn lựa không sinh con. Đó là một điều trái ngược với tự nhiên và cũng rất xa lạ so với Kinh Thánh.

Đối với Kinh Thánh, con cái là hồng ân Thiên Chúa. Phụ nữ lấy chồng, phải sinh con để nối dõi tông đường. Người phụ nữ sinh nhiều con cái được coi là người có phúc trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Còn người son sẻ là một nỗi ô nhục.

Câu chuyện về gia đình ông Manôác trong bài đọc I và gia đình Dacaria hôm nay là những trường hợp son sẻ như thế. Họ lấy nhau đến già nhưng không có con. Tuy nhiên, nhờ sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa, họ có thai và sinh con trong lúc tuổi già. Họ xác tín:

“Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người đoái thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1,25).

Những câu chuyện này được đọc trong Mùa Vọng để dọn đường cho chúng ta đón nhận biến cố Con Chúa làm người, do quyền năng Thánh Thần và được sinh ra bởi Đức Maria đồng trinh. Lời Chúa muốn gửi tới chúng ta thông điệp: “Không có gì mà Thiên Chúa không thể làm được.” Dacaria và Êlisabét cũng là những mẫu người nổi bật của Mùa Vọng. Chúng ta được mời gọi học hỏi nơi các ngài về lòng tin tưởng sắt son vào quyền năng của Thiên Chúa. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com
 
Suy niệm về biến cố Truyền tin
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
00:19 20/12/2022

NGÀY 20/12
Is 7,10-14; Lc 1,26-38
SUY NIỆM VỀ BIẾN CỐ TRUYỀN TIN

Bài Tin Mừng mà chúng ta suy niệm trong thánh lễ này là Tin Mừng về biến cố Truyền Tin (Lc 1,26-38). Biến cố này gợi lên cho chúng ta nhiều ý nghĩa. Ở đây, chúng ta chỉ dừng lại một điểm: đó là Chúa thực hiện những điều vĩ đại trong âm thầm và qua những người bé mọn.

Thật vậy, biến cố Truyền Tin chứa đựng một điều rất đặc biệt về thời điểm quyết định cho vận mệnh nhân loại, giây phút Thiên Chúa trở thành người, giây phút quan trọng và linh thiêng, nhưng lại xảy ra trong thinh lặng. Cuộc gặp gỡ giữa thiên sứ và Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm diễn ra mà không một ai chứng kiến, không ai biết, không ai nói về nó.

Nếu biến cố này xảy ra trong thời đại chúng ta, có lẽ nó không xuất hiện trên các trang báo, tạp chí hay mạng internet, bởi lẽ, nó là một mầu nhiệm xảy ra trong âm thầm và thinh lặng. Một biến cố vĩ đại xảy ra không có một tiếng động nào! Điều này cho thấy rằng những biến cố thực sự vĩ đại thường xảy ra trong sự thinh lặng và không ai nhìn thấy, nhưng thường mang lại những hoa trái lớn lao hơn những hoạt động phô trương, rùm beng bên ngoài. Sự ồn ào náo nhiệt và những bận rộn làm cho chúng ta không còn khả năng dừng lại, sống yên tĩnh, để lắng nghe tiếng nói của Chúa trong thinh lặng, đó là tiếng nói thầm kín của Người.

Trong ngày đó, Đức Maria đã lắng nghe lời loan báo của Thiên Thần, Mẹ là người hoàn toàn tĩnh lặng và luôn sẵn sàng để lắng nghe Chúa. Không hề có một cản trở nào nơi Mẹ; không hề có một bức tường nào ngăn cách Mẹ khỏi Thiên Chúa.

Như thế, khi cử hành biến cố này, trước hết chúng ta được nhắc nhở rằng chúng ta không thể lắng nghe tiếng Chúa trong cảnh ồn ào huyên náo; chúng ta cũng không thể đón nhận chương trình của Chúa cho đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn nếu chúng ta chỉ dừng lại ở bề mặt của các sự việc, nhưng chúng ta hạ mình xuống ở mức sâu hơn, nơi mà những sức mạnh luân lý và đạo đức đang hoạt động, chứ không phải là sức mạnh của chính trị và kinh tế. Vì thế, Đức Maria mời gọi chúng ta hạ mình xuống để đặt mình trong sự hòa điệu với hành động của Thiên Chúa. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Giáng Sinh, Mùa Tình yêu
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
00:21 20/12/2022

NGÀY 21/12
Dc 2,8-14; Lc 1,39-45
GIÁNG SINH, MÙA TÌNH YÊU

Chúng ta đang rất gần với lễ mừng Con Chúa giáng trần. Có thể gọi Giáng Sinh là lễ tình yêu, lễ Thiên Chúa giao duyên với con người qua Ngôi Lời Nhập Thể. Trong ý nghĩa đó, một cách rất thú vị, Giáo Hội chọn sách Diễm Ca để chúng ta đọc trong ngày phụng vụ ưu tiên này. Vì rất ít cơ hội để suy niệm tác phẩm này, nên chúng ta cần dừng lại để chú giải và tìm hiểu ý nghĩa bài đọc I (Dc 2,8-14).

Tôi còn nhớ, có lần đi dự lễ khấn dòng về, có một thầy nhận xét khi nghe các nữ tu đọc bài đọc từ sách Diễm Ca. Thầy nói: “Lễ khấn lễ khót gì mà cứ đọc chuyện anh anh em em, yêu đương tình tứ trong thánh lễ.” Có lẽ phản ứng đó phản ánh tâm thức của người Việt vốn quen tách biệt và đối lập cái đạo đức với cái phàm tục, coi tình yêu nhục thể là điều cấm kỵ, và bất xứng với những gì là thánh thiêng đạo đức. Điều này làm cho chúng ta nhớ lại số phận long đong của sách Diễm Ca.

Quả thật, cuốn thiên tình sử này có một số phận và đời sống rất long đong ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, nó là tập thơ được tranh luận sôi nổi nhất, có khi bị liệt vào loại sách ‘index’, sách cấm. Nhưng cuối cùng, giá trị và vẻ đẹp của nó lên ngôi và khẳng định vị trị của mình với thời gian như quả quyết của Rápbi Akiba, một bậc thầy Do Thái: “Cả thế giới này không sao sánh được với cái ngày mà khúc Diễm Ca được ban cho Ítraen.”

Diễm Ca cũng là cuốn sách được nhiều giáo phụ ưa thích, được các nhà tu đức như Gioan Thánh Giá làm sách gối đầu giường, một cuốn sách đã đào tạo nên những vị thánh nổi tiếng và đóng góp lớn cho nền linh đạo Kitô giáo.

Chúng ta đi vào ý nghĩa bản văn. Diễm Ca là một thế giới thơ, đầy biểu tượng, với những lời yêu thương bóng bẩy. Theo Giáo Phụ Origene chú giải dựa trên học thuyết 4 ý nghĩa Kinh Thánh, trích đoạn Diễm Ca mà chúng ta vừa nghe diễn tả những ý nghĩa sau đây:

1) Theo nghĩa văn tự, Diễm Ca diễn tả tình yêu nồng nàn, mãnh liệt và rất nhân bản của một đôi trai gái. Xét về phương diện tự nhiên, đó là một cuộc tình đẹp, thơ mộng, được Thiên Chúa chúc phúc, không có gì là xấu xa, tội lỗi.

2) Theo nghĩa phúng dụ của Do Thái giáo, chàng là hình ảnh của Thiên Chúa, hay của Đấng Mêsia. Còn nàng là hình ảnh của dân Ítraen. Tình yêu của chàng và nàng là hình ảnh diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người. Thiên Chúa đã yêu dân riêng như chàng yêu nàng, như chàng đi tìm kiếm nàng và nàng khát khao chờ đợi chàng. Bởi thế, người Do Thái đọc Diễm Ca trong lễ Vượt Qua và tối thứ Sáu hằng tuần trước ngày Sabát.

3) Theo nghĩa tiên trưng, hay nghĩa thiêng liêng Kitô giáo, chàng là hiện thân của Đức Kitô và nàng là đối tượng tình yêu của Người, là Hội Thánh. Đức Kitô là hôn phu và Hội Thánh là hiền thê của Người. Đức Kitô đã yêu thương, thanh tẩy và hiến mình cho Hội Thánh, trở thành kiểu mẫu cho tình yêu vợ chồng như được nói trong Ep 5,24-25. Vì thế, các Giáo Phụ không ngớt lời ca tụng mầu nhiệm Nhập Thể như cuộc hôn lễ của Đức Kitô với Hội Thánh Người.

4) Cuối cùng, theo nghĩa luân lý hay nghĩa ứng dụng liên quan đến tâm hồn chúng ta: Chàng là Đức Kitô luôn yêu quý và thiết tha với mọi tâm hồn tín hữu, đặc biệt các tâm hồn đã tận hiến cho Người. Nàng là tiền ảnh ưu việt của Đức Maria và là lý tưởng tình yêu mà chúng ta được mời gọi dành cho Đức Giêsu.

Khi những tâm hồn tận hiến từ bỏ đời sống gia đình, đôi bạn, để chọn lựa đời sống độc thân dâng hiến, đó là một chọn lựa đi vào giao ước hôn phối thiêng liêng với Đức Giêsu. Họ không dấn thân cho một cái gì, một ý tưởng, hay cho hệ thống luân lý, nhưng cho một Con Người, để suốt đời yêu mến và phụng sự Người trên hết mọi sự. Theo đó, ơn gọi độc thân dâng hiến là cách thế đích thực để diễn tả tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Thánh Têrêxa Hài Đồng đã yêu mến Chúa như nàng yêu chàng và ngài quả quyết: “Ơn gọi của con chính là tình yêu.” Nếu đời tu không đi vào con đường tình yêu này, không sống và diễn tả tình yêu là trung tâm điểm của ơn gọi dâng hiến, thì có nguy cơ chúng ta chỉ là những “công chức tôn giáo” xét về chức năng; còn xét về đời sống, chúng ta dễ trở thành những “trai già, gái già” khô khan và vô cảm trong tương quan liên vị.

Vì thế, trong khi trông chờ Con Chúa giáng sinh, xin Chúa Thánh Thần là tình yêu, đốt lên trong lòng chúng ta ngọn lửa yêu mến Chúa và khát khao tìm kiếm Chúa, như Người đã thực hiện trong lòng Đức Maria hôm nay khiến Mẹ lên đường chia sẻ niềm vui có Chúa với người chị họ mình. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tâm tình của Đức Maria trong Kinh Magnificat
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
00:22 20/12/2022

NGÀY 22/12
1 Sm 1,24-28; Lc 1,46-56
TÂM TÌNH CỦA ĐỨC MARIA TRONG KINH MAGNIFICAT

Hôm nay, chúng ta suy niệm về Đức Maria, nhân vật nổi bật thứ hai của Mùa Vọng, sau Chúa, qua bài ca Magnificat. Trong lời kinh này chúng ta rút ra ba tâm tình chính yếu của Đức Mẹ.

1. Tâm tình ngợi khen

Trước hết, tâm tình ngợi khen: Đức Maria đã ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa vì ân huệ và những điều cao trọng mà Người đã làm cho Mẹ. Ơn vô nhiễm nguyên tội, ơn đồng trinh trọn đời, ơn làm Mẹ Thiên Chúa, và sau này ơn vinh hiển cả hồn cả xác. Tất cả là do lòng thương xót của Chúa, do Đấng Cứu Độ ban, nên Mẹ luôn sống trong tâm tình cảm tạ và ngợi khen Chúa. Đó là tâm tình chính yếu mà phụng vụ Kitô giáo dội lại trong mỗi cử hành. Bởi lẽ mọi ân huệ được ban cho chúng ta phát xuất từ Thiên Chúa. Nên phải luôn ca tụng và ngợi khen Chúa như Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.”

2. Tâm tình hoan hỷ

Tâm tình thứ hai là vui mừng hoan hỷ: “Linh hồn tôi hớn hở trong Chúa.” Với biến cố truyền tin, Đức Maria sống mầu nhiệm nhập thể như thể là một biến cố thần hiện ở mức độ cao nhất và nó làm cho Mẹ trở thành kiểu mẫu về một tâm hồn “nhiệt thành nhờ Thánh Thần” (x. Rm 12,11). Đó là lễ Hiện Xuống của Mẹ. Mẹ được đầy Thánh Thần, tràn ngập niềm vui thánh thiện trong lòng. Chúng ta không thể hiểu được những hành vi và lời nói của Đức Maria trong cuộc viếng thăm bà Êlisabét nếu không ở trong ánh sáng của kinh nghiệm thần bí mà không có gì so sánh được. Đức Maria là người đầu tiên có kinh nghiệm về “niềm hoan lạc trong Thánh Thần” và lời kinh Magnificat là chứng tá tuyệt vời nhất về điều này. Từ khi Mẹ cưu mang Chúa trong lòng, Mẹ ở trong tình trạng tràn đầy niềm vui và hoan lạc trong Thánh Thần. Mặc dầu có Chúa và tin vào Chúa không có nghĩa là Mẹ được miễn trừ mọi nỗi buồn, đau khổ; trái lại, Mẹ bắt đầu bước vào một hành trình bất trắc và phải chịu thử thách quyết liệt, nhưng Mẹ đã vượt qua tất cả, nhờ sự tin tưởng phó thác một cách sâu thẳm vào Chúa. Dù lắm chông gai thử thách, tâm hồn Mẹ vẫn bình an và hoan hỷ trong Chúa. Bởi vì Chúa là bến đỗ mà Mẹ đã cắm neo cuộc đời mình. Mẹ vui mừng vì thấy quyền năng và ơn cứu độ của Chúa được thực hiện trong cuộc đời.

3. Tâm tình khiêm tốn

Tâm tình thứ ba là khiêm tốn: Sự khiêm hạ của Đức Maria sau nhập thể xuất hiện như một trong những phép lạ vĩ đại nhất của ân sủng. Làm sao Đức Maria có thể kham nổi sức nặng của tư tưởng này: “Bà là Mẹ Thiên Chúa! Bà là Đấng Cao Cả nhất trong mọi loài thụ tạo!”
Lucifer không thể giữ được sự căng thẳng này một cách đúng đắn và tính kiêu ngạo đã làm nó chao đảo, nên nó đã gục ngã. Còn Đức Maria không như thế. Mẹ luôn giữ mình khiêm nhường, khiêm hạ, như không có gì xảy ra trong cuộc sống mình. Mẹ luôn xác tín rằng mình chỉ là “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.” Nếu có là gì đều do ân sủng, do lòng thương xót của Chúa, do “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.” Thánh Bênarđô chào Mẹ: “Lạy Mẹ Đồng Trinh, nữ tử của Con Mẹ. Mẹ càng khiêm nhường càng được tán dương hơn bất cứ thụ tạo nào khác.”

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Chúa ThánhThần Linh hồn của Mùa Vọng
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
00:30 20/12/2022
NGÀY 20/12

Is 7,10-14; Lc 1,26-38

CHÚA THÁNH THẦN, LINH HỒN CỦA MÙA VỌNG

Trong thời gian qua, chúng ta đã suy niệm về nhiều nhân vật nổi bật của Mùa Vọng, nhưng có một nhân vật mà chúng ta ít để ý tới, đó là Chúa Thánh Thần. Hôm nay, chúng ta dành thời gian để suy niệm về Người như “linh hồn của Mùa Vọng.”

1. Từ bóng đêm Cựu Ước

Quả thế, Chúa Thánh Thần được ví như “nhà đạo diễn” lão luyện, chuyên nghiệp và hiệu quả đằng sau sân khấu màn kịch cứu độ. Nhưng Người hoạt động quá âm thầm và bí nhiệm, nên con người ít để ý tới. Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy ở đâu có Thần Khí, ở đó có sự sống. Từ thuở hồng hoang, lúc tạo dựng, Thần Khí đã hiện diện (x. St 1,1-2), nhờ đó vũ trụ bắt đầu có sự sống. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa thổi Thần Khí vào lỗ mũi, nhờ đó con người có sự sống (x. St 2,7).

Trong lịch sử dân Chúa, Thần Khí cư ngụ và tác động trên ai, người đó có sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa như Samson, Đavít, Giêrêmia, Isaia… (x. Tl 15,14-19; 1 Sm 16,13). Thần Khí trở thành nguyên lý bên trong, hướng dẫn đời sống của họ (x. Ed 36,25-27). Tiên tri Isaia (sinh 765 TCN) tiên báo từ gốc Giêsê sẽ xuất hiện một Đấng Cứu Thế. Thần Khí Đức Chúa ngự xuống, xức dầu và sai Người đi loan báo Tin Mừng (x. Is 11,1-10). Như thế, Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị dân Chúa đón chờ Đấng Cứu Độ giáng trần.

2. Đến bình minh Tân Ước

Đến thời Tân Ước, sự kiện nổi bật mở màn cho thời đại cứu độ là biến cố Truyền Tin. Biến cố này được thực hiện nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa sai thiên thần Gabrien đến truyền tin cho Đức Maria rằng bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Đức Maria thắc mắc:

“Việc ấy xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34).

Sứ thần đáp:

“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).

Quả thế, để Con Chúa giáng trần, Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị một cung lòng tinh tuyền, thánh thiện và xứng đáng cho Người ngự. Đó là cung lòng Đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Mẹ được gọi là Đấng đầy ơn phúc vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Như thế, ở đâu có Thần Khí Thiên Chúa, ở đó có sự thánh thiện và ân sủng dồi dào.

Đặc biệt, biến cố Ngôi Lời nhập thể là kiệt tác của Chúa Thánh Thần! Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria; Người nhào nặn cách nhiệm lạ nhân tính kết hợp với Ngôi Lời trong dạ Thánh Nữ Đồng Trinh.

Nếu không có Chúa Thánh Thần, ai có thể can thiệp để Con Thiên Chúa nhập thể cách lạ lùng như thế? Sự đồng trinh và việc không biết đến việc vợ chồng là dấu chứng về nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu.

Theo cái nhìn đó, trong lời nguyện của mình, thánh Phanxicô Assisi gọi Đức Maria là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần. ( Cf. O Von Asseldonk, Maria sposa dello Spirito Santo in S. Francesco d’Assisi, in Credo in Spiritum Sanctum, Città del Vaticano 1983, II, 1123-1132.)

Nơi Đức Maria, Thiên Chúa thực hiện giao ước tình yêu và sự kết hợp hôn phối giữa Thiên Chúa với Dân Người mà Đức Maria là hình ảnh Evà mới, Dân mới là Giáo Hội Người.

Nếu Đức Maria được đầy ơn phúc thì Đức Giêsu cũng luôn đầy Thánh Thần. Từ khi sinh hạ đến lúc về trời, Chúa Giêsu luôn sống trong, theo và nhờ Thánh Thần. Bởi nguyên lý sống của Đức Giêsu không gì khác là Thánh Thần (x. Ga 1,33; Lc 10,21-24; Mt 4,1; Mc 1,12; Lc 4,1). Trước khi về trời, Đức Giêsu trao Thánh Thần là quà tặng cánh chung cho Giáo Hội. Từ biến cố Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần trở thành linh hồn và sự sống của Giáo Hội xuyên suốt thời gian.

3. Và mùa vọng cuộc đời

Xét cho cùng, cuộc đời là một Mùa Vọng. Con người tự bản chất khát khao, trông chờ Thiên Chúa như nai rừng mong mỏi nguồn nước trong (x. Tv 42,2). Bởi con người được dựng nên cho Đấng Tuyệt Đối. Hành trình tìm kiếm đó phải được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng gợi mở tới sự vô biên và điều cao cả. Nếu Thánh Thần là linh hồn và nguyên lý sống của các nhân vật Mùa Vọng, thì Người cũng là linh hồn và nguyên lý của đời sống Kitô hữu.

Thánh Tôma Aquinô đã diễn tả ý nghĩa đó trong một từ mới: Chúa Thánh Thần là lex nuova – luật mới của người Kitô hữu, luật đó được viết vào lòng chúng ta. (Cf. Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 106, a. 1c.)

Theo đó, Chúa Thánh Thần như một người thợ kiên nhẫn vô cùng sáng tạo nhào nặn, uốn nắn toàn bộ đời sống con người chúng ta trở nên con người mới theo hình ảnh Đức Kitô. Người làm cho Chúa Giêsu được nhập thể và được sinh ra lần thứ ba trong lòng mỗi người tín hữu, khi Người làm chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người (x. Rm 13,14) và làm cho Chúa Kitô được “nên hình trong cung lòng chúng ta” (Gl 4,19).

Điều kiện để Thánh Thần hoạt động nơi chúng ta chính là sự mở lòng ra với Người, để cho Người hướng dẫn và ngoan ngùy với dự phóng của Người như Đức Maria đã có trong biến cố truyền tin.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và biến đổi lòng trí chúng con trở nên những “môn đệ đích thực của Linh Mục Tối Cao là Chúa Kitô.” Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Gioan Tẩy Giả vị ngôn sứ cao cả
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
01:00 20/12/2022

NGÀY 23/12
Ml 3,1-4.23-24; Lc 1,57-66
GIOAN TẨY GIẢ,VỊ NGÔN SỨ CAO CẢ NHẤT

Trong ngày áp lễ Giáng Sinh, chúng ta suy niệm về sứ vụ ngôn sứ của Gioan Tẩy Giả như là người dọn đường cho Chúa đến qua trình thuật về ngày sinh nhật của ông. Gioan đã làm gì mà được đề cao như là một ngôn sứ vĩ đại nhất?

Trước hết, kế tục con đường các ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả xuất hiện như là tiếng kêu trong hoang địa thức tỉnh lương tâm con người:
“Hãy dọn sẵn đường cho Đức Chúa” (x. Lc 3,4-6).

Gioan kêu gọi dân chúng sám hối và chịu Phép Rửa để được ơn tha tội. Ông không lôi kéo người ta về với mình, nhưng ông hướng họ tới chân lý là Đức Kitô. Ông đã lớn tiếng chống lại những áp bức và bất công xã hội. Ông đề nghị:
“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng phải làm như vậy” (Lc 3,11).

Ông cũng yêu cầu những người thu thuế:
“Các anh không được đòi hỏi gì quá mức đã ấn định” (Lc 3,11).

Và ông còn dám chỉ tay vào vua Hêrôđê mà nói rằng:
“Ngài không được phép lấy bà ấy” (Mt 14,4).

Hơn hết, ông đã chỉ ngón tay mình về phía Đức Giêsu và nói:
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).

Theo đó, Gioan Tẩy Giả đã khai mở một hình thức mới mẻ của ngôn sứ Kitô giáo. Trong khi các ngôn sứ khác loan báo ơn cứu độ trong tương lai, ông cho thấy ơn cứu độ trong hiện tại, lúc này, tại đây nơi Đức Kitô. Tất cả những điều đó làm nên sự vĩ đại của Gioan.

Như thế, chúng ta dễ dàng nhận ra tính chân thực của một ngôn sứ: đó là người thúc đẩy sự thay đổi, lên án những bất công, dám chỉ tay chống lại những lạm dụng trong mọi hình thức của các quyền lực tôn giáo, chính trị, kinh tế, quân sự v.v…

Khi nói về ngôn sứ thật và ngôn sứ giả thời nay, Thomas Merton, một bậc thầy tu đức nổi tiếng ở Mỹ, đưa ra những tiêu chuẩn để phân định:
“Ngôn sứ giả là người rao giảng về mình, kéo người khác đến với mình và chạy theo thị hiếu của đám đông. Ông làm ngôn sứ để được giàu có và nổi tiếng, thích đưa ra câu trả lời hoặc một hướng đi dễ dàng. Còn ngôn sứ thật là người rao giảng chân lý và hướng người khác tới chân lý, ông chấp nhận chịu đau khổ vì ơn gọi ngôn sứ, ông nói cho chúng ta biết chúng ta là ai, và thách thức chúng ta hơn là làm cho chúng ta cảm thấy hài lòng với chính mình.” (Morgan C. Atkinson – Jonathan Montaldo, Soul Searching. The Journey of Thomas Merton, Johngarrattpublishing, p. 91-92.)

Tất cả những điều này muốn nói gì với chúng ta hôm nay? Trước hết, sứ vụ ngôn sứ của Gioan nhắc chúng ta nhớ lại sứ vụ ngôn sứ của mỗi người Kitô hữu mà hôm nay đang có nguy cơ bị lãng quên hoặc bị lệch đường. Chúng ta cần phải giữ cả hai phương diện với nhau của sứ vụ ngôn sứ: một đàng, ngôn sứ là người vì công lý xã hội và đàng khác, ngôn sứ là người loan báo Tin Mừng. Nếu việc loan báo về Chúa Kitô mà không được đồng hành bởi những cố gắng để cải thiện đời sống con người, có lẽ sứ vụ ngôn sứ sẽ không thiết thực và thiếu sự khả tín.

Nhưng nếu chúng ta chỉ thi hành sứ vụ ngôn sứ vì công lý mà không hướng tới việc rao giảng Tin Mừng và không có sự gặp gỡ sống động với Lời Chúa, chúng ta sẽ sớm đối diện với những giới hạn bản thân và kết thúc chỉ như những người chống đối hay “người gây rối trật tự công cộng!”

Từ tấm gương của Gioan Tẩy Giả, chúng ta học biết rằng việc loan báo Tin Mừng và đấu tranh cho công lý cần phải gắn liền và liên kết với nhau. Sống trong xã hội mà gian dối và lừa lọc lên ngôi, thật đáng quý trọng nếu mỗi người chúng ta được Tin Mừng Chúa Giêsu thúc đẩy dám đấu tranh cho sự tôn trọng sự thật, nhân vị và phẩm giá con người; dám lên tiếng chống lại những bất công xã hội. Nhờ đó, nhân quyền được tôn trọng, môi trường sống được an toàn để mỗi người có thể “nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Nhưng chúng ta cũng phải noi gương Gioan Tẩy Giả không làm ngôn sứ như là một người gây rối xã hội mà là như một sứ giả Tin Mừng “để làm cho tâm tư người ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17). Đó là cách thức thi hành sứ vụ ngôn sứ như là một cách thế loan báo Tin Mừng, và dọn đường cho Chúa đến trong cuộc sống hôm nay. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Không ai cao trọng Gioan Tẩy Giả
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
01:05 20/12/2022

NGÀY 23/12
Ml 3,1-4.23-24; Lc 1,57-66
KHÔNG AI CAO TRỌNG HƠN GIOAN TẨY GIẢ

Một trong những nhân vật của Mùa Vọng đó là Gioan Tẩy Giả, ông nổi bật như một tượng đài của Mùa Vọng. Chính Chúa Giêsu cũng ca ngợi vị tiên tri này:
“Tôi nói thật với anh em, trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11).
Tại sao Gioan có sự cao trọng và được Chúa ca ngợi như thế? Đây là câu trả lời cho câu hỏi đó dựa trên ba lý do chính sau đây:

1. Vì một con người đặc biệt

Gioan Tẩy Giả là một con người được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt; lớn lên ông sống một đời sống khiêm tốn, khắc khổ, và hy sinh; tất cả đời sống hoàn toàn trong sa mạc cho Thiên Chúa. Gioan Tẩy Giả và các môn đệ của ông đã can đảm đi ngược với trào lưu của con người thời đó là chạy theo sự dễ dãi, hưởng thụ và thế tục. Con người ông hội tụ những phẩm tính quý báu của một tiên tri.

2. Vì sứ vụ đặc biệt

Gioan Tẩy Giả là một sứ giả, một tiên tri thu hút dân chúng. Ông xuất hiện như là tiếng kêu trong hoang địa “hãy dọn đường cho Chúa đến.” Ông chính là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ông rao giảng và làm chứng cho Đấng Cứu Thế nhưng dân chúng tưởng ông là chính Đấng Cứu Thế. Nhưng ông không rao giảng về mình, không tìm kiếm vinh quang cho mình. Ông rao giảng Đức Kitô và giới thiệu Người cho dân chúng. Ông quả quyết:
“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).
“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27).

Quả thật, Gioan Tẩy Giả vĩ đại bởi vì ông rất khiêm tốn.

3. Vì cái chết đặc biệt

Có nhiều người rao giảng chân lý, nhưng có mấy người dám chết vì chân lý. Gioan Tẩy là một trong số những người đó. Ông dám nói sự thật và chấp nhận phải trả giá bằng cái chết đau đớn. Ông bị chặt đầu ở trong tù. Cái chết của ông là lời chứng hùng hồn nhất của một vị ngôn sứ đích thật đã dám sống chết cho chân lý. Tiêu chuẩn để lượng giá một ngôn sứ thật và ngôn sứ giả hệ tại ở điều này: Ngôn sứ thật là người dám nói sự thật vì lợi ích chung, dù phải chịu đau khổ và phải chết vì sự thật, trong khi ngôn sứ giả chỉ chạy theo thị hiếu người nghe, vì lợi ích bản thân và nhượng bộ trước khó khăn thử thách.

Như thế, Gioan Tẩy Giả là mẫu gương cho mỗi người chúng ta hôm nay. Để trở thành người rao giảng, trước hết chúng ta phải trở thành một người có một đời sống thánh thiện, người sống những gì mình rao giảng, người có nơi mình những đức tính tốt như khiêm tốn, khó nghèo, đơn giản và khổ chế. Chúng ta hãy học nơi Gioan là tránh không rao giảng mình, tìm kiếm mình, nhưng tìm kiếm vì vinh quang Thiên Chúa. Cuối cùng, chúng ta học nơi Gioan bài học can đảm để chấp nhận những hy sinh vì sứ vụ rao giảng chân lý Tin Mừng. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Dacaria người công chính
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
01:08 20/12/2022

NGÀY 24/12
2 Sm 7,1-5.8b-12.16; Lc 1,67-79
DACARIA, NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Hôm nay là ngày cuối cùng của Mùa Vọng, chúng ta suy niệm về nhân vật cuối cùng của mùa này là ông Dacaria.
Trong tiếng Do Thái, Dacaria có nghĩa là “Thiên Chúa nhớ đến.” Ông là cha của Gioan Tẩy Giả, một tư tế theo dòng tộc Aarôn (x. Lc 1,67-79), là chồng của bà Êlisabét, người chị em họ của Đức Maria.

Dacaria và Êlisabét là những người công chính trước mặt Thiên Chúa. Họ luôn trung thành tuân giữ lề luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hai ông bà sống với nhau đến lúc già mà vẫn không có con.

Khi ông đang lo việc tế tự trong đền thờ, một thiên thần hiện ra với ông và báo tin:
“Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan” (Lc 1,13).

Nhưng Dacaria nghi ngờ về lời thiên thần báo tin, nên ông bị câm cho đến ngày con trai ông được sinh ra. Chính ông là người đặt tên cho con trẻ là Gioan theo lời thiên thần truyền. Trong ngày đó, miệng ông được mở ra, ông được Thánh Thần tác động, liền chúc tụng Thiên Chúa và nói tiên tri về Gioan qua bài ca Benedictus là bài Tin Mừng hôm nay.

Trong bài ca này, Dacaria ngợi khen Thiên Chúa đã đoái thương và đã đến viếng thăm dân Người. Thiên Chúa là trung tâm của lịch sử. Chính Người đã đi bước trước trong mọi biến cố lịch sử. Người đã đến gần, viếng thăm và cứu độ dân Người khỏi mọi sự khốn cùng nên Người đã sai Con Một Người đến với dân của Người, nhập thể làm người để cứu dân Người khỏi quyền bính của ma quỷ và tội lỗi.

Dacaria còn nói tiên tri về Gioan:
“Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,76-77).

Đây là sứ vụ dọn đường, sứ vụ tiền hô của Gioan Tẩy Giả cho Đấng Cứu Thế đến.

Sau nữa, Dacaria ca tụng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Đấng trung tín giữ lời hứa với tổ phụ là sai Đấng Cứu Thế đến để cứu giúp chúng ta, soi sáng cho những ai ngồi trong tối tăm và dẫn chúng ta bước vào đường nẻo bình an.

Như thế, tâm tình tạ ơn của Dacaria phải là tâm tình của mỗi người chúng ta trong mỗi ngày sống và trong suốt cuộc đời. Đó là lý do tại sao Giáo Hội chọn đọc lời ca Benedictus này mỗi ngày trong kinh Sáng. Chúng ta hãy luôn tạ ơn Thiên Chúa vì tình thương của Người dành cho chúng ta qua việc sai Con Một xuống làm người để cứu độ chúng ta. Đó là hồng ân lớn lao nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại. Giáng Sinh là cử hành biến cố trọng đại đó. Chúng ta hãy hân hoan để đón mừng ngày Con Chúa chào đời. Amen.

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:10 20/12/2022

26. Khi chúng ta yêu Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa, thì cấp độ yêu Ngài phải vô hạn.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:12 20/12/2022
18. CŨNG LÀ ĐÀO BINH.

Hai bên kẻ thù lâm trận, trống xung trận liên hồi, bắt đầu giao phong đánh loạn.

Không bao lâu, một bên quăng mũ bỏ giáp quay đầu bỏ chạy, có binh sĩ chạy được trăm bước thì dừng lại, có binh sĩ chạy được năm mươi bước thì dừng.

Binh sĩ chạy được năm mươi bước lớn tiếng cười nhạo binh sĩ chạy được một trăm bước:

- “Hê hê! Sợ quái gì mà chạy nhanh hơn cả thỏ !”

( Mạnh tử )

Suy tư 18:

Đánh trận thua “chạy làng” là chuyện thường tình, bởi vì con người ai cũng sợ chết, đã gọi là “chạy làng” thì chạy nhanh hay chạy chậm, chạy gần hay chạy xa, hoặc ngồi máy bay mà “ chạy” qua Mỹ hay “chạy” ở lại quê hương, thì cũng gọi là “chạy làng”, là thua trận, không có gì phải cười nhạo nhau.

Chuyện đáng trách chính là mình thua và bỏ cuộc trong đời sống tâm linh cũng như trong cuộc sống đời thường. Chúng ta đã thua cơn cám dỗ, chúng ta đã chạy làng và bỏ cuộc không còn đứng trên trận điạ của đời sống thiêng liêng. Hôm nay tôi được trang bị vũ khí tối tân bằng Thánh Thể, bằng kinh nguyện, bằng chuỗi mân côi, nhưng tôi vẫn “chạy làng” vì tinh thần tôi yếu đuối và hoang mang. Ngày mai tôi lại được tái trang bị vũ khí và tinh thần là bí tích Giải Tội và rước Thánh Thể mỗi ngày, nhưng rồi cũng có lúc tôi bỏ cuộc, sa ngã và “ chạy làng”.

Người chị em anh em của tôi cũng thế, họ cũng là những con người, cũng có những lúc yếu đuối như tôi, nên cũng có lúc họ vấp ngã và “chạy làng” như tôi, vậy thì hà cớ gì mà tôi cười nhạo họ chứ? Hôm nay họ sa ngã, thì ngày mai có lẽ tôi còn ngã nặng hơn họ; hôm nay họ ngã mười lần, thì biết đâu ngày mai tôi lại ngã trăm lần, gấp họ mười lần thì sao! Câu triết lý bình dân của ông cha ta thật nhẹ nhàng nhưng rất đau: “cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước, hôm sau người cười”, đúng là một câu ca dao có tính giáo dục cao.

Nhìn sự sa ngã của anh em chị em để cầu nguyện cho họ và cũng để răn đe mình, đó chính là người biết lo xa vậy.

Tất cả chúng ta đều là những tội nhân, là những kẻ “đào binh”, hà cớ gì mà cười nhạo người khác chứ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Mừng cho toàn dân
Lm Đan Vinh
01:17 20/12/2022

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH ABC
Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14.
TIN MỪNG CHO TOÀN DÂN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 2,1-14.
(1) Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri-a. (3) Ai nấy phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (4) Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem miền Giu-đê, là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. (5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. (6) Khi hai người đang ở đó thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. (9) Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (10) Nhưng sứ thần bảo họ : “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : (11) “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng : (14) “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

2. Ý CHÍNH:
Bài tin mừng hôm nay nhằm trình bày việc Chúa Giê-su giáng sinh là một tin vui cho nhân loại. Ta có thể chia làm 2 phần chính như sau:
- Phần thứ nhất (1-7): Cuộc kê khai nhân khẩu là nguyên nhân khiến hai ông bà Giu-se Ma-ri-a phải lên đường trở về Giê-ru-sa-lem là quê hương của vua Đa-vít. Tại đây bà Ma-ri-a tới ngày sinh. Bà đã phải sinh con trong cảnh nghèo khó tột cùng vì hai ông bà quá nghèo không tìm được chỗ nơi nhà trọ.
- Phần thứ hai (c. 8-14): Một sứ thần của Chúa đã hiện đến báo tin vui cho các mục đồng ở ngoại ô Bê-lem. Sứ thần cũng cho biết dấu chỉ để họ nhận ra Đấng Thiên Sai là “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Rồi có rất nhiều thiên thần đến hợp lời ngợi khen Thiên Chúa.

3. CHÚ THÍCH :
- C 1 : + Hoàng đế Au-gút-tô : Hoàng đế Rôma cai trị từ năm 29 trước Công nguyên (CN), đến năm 14 sau CN).
- C 2 : + “thành vua Đa-vít” : Khi gán tước hiệu “thành Vua Đa-vít” cho Bêlem (x. Mt 2,6), Tin Mừng dựa vào lời sấm của ngôn sứ Mi-kha về quê hương của Đấng Cứu Thế (x. Mk 5,1).
- C 5 : + “Người đã đính hôn với ông Giu-se là bà Ma-ri-a đang có thai” : Câu này nhắc lại việc sứ thần Gáp-ri-en đến truyền tin cho Trinh Nữ Ma-ri-a (x. Lc 1,27).
- C 7 : + Bà sinh con trai đầu lòng : Sinh “Con đầu lòng” chỉ có nghĩa là sinh “đứa con đầu tiên hay con thứ nhất”, không nhất thiết sẽ phải sinh thêm con kế tiếp. Sở dĩ Luca đề cập đến “con trai đầu lòng” ở đây là muốn nhắc đến điều luật Môsê qui định phải dâng “các con đầu lòng cho Chúa” (x. Xh 13,2), và cách cha mẹ phải làm để chuộc lại con, sắp được hai ông bà Giu-se Ma-ri-a thực hiện cho Hài Nhi Giê-su (x. Lc 2,23). + Không tìm được chỗ trong nhà trọ : Các chủ quán từ chối không cho ở trọ phần vì dáng vẻ quê mùa nghèo khó của hai ông bà Giu-se Ma-ri-a, phần vì họ sợ đón phụ nữ mang bầu vào nhà sẽ mang lại xui xẻo cho việc kinh doanh của họ !
- C 11 : + Đấng Ki-tô Đức Chúa : Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Quyền Chúa Tể và Vương Đế của Người được chính Thiên Chúa trao ban (x. Cv 2,36).
- C 14 : + Bình an dưới thế” : Lời của các sứ thần ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa cho thấy sứ mệnh của Hài Nhi Cứu Thế là làm vinh danh cho Thiên Chúa và thiết lập một nền hòa bình vĩnh cửu (x. Is 9,5-6; Mk 5,4).

4. HỎI ĐÁP :
HỎI : Phải chăng bà Ma-ri-a chỉ đồng trinh trước khi thụ thai Đấng Cứu Thế (x. Is 7,14), rồi sau khi đã sinh “con trai đầu lòng” (x. Lc 2,6) thì sống đời vợ chồng bình thường với ông Giu-se, và từ đó đã sinh thêm nhiều con trai con gái khác (x. Mt 13,55-56)?
ĐÁP : Thực ra không phải như vậy. Vấn đề ở đây là ý nghĩa thực sự của từ “cho đến khi” và “anh em và chị em của Đức Giê-su” như thế nào? :
+ “Cho đến khi” : Câu Mt 1,24-25 nên được diễn giải như sau : Khi tỉnh giấc, ông Giu-se đã thi hành 3 lệnh truyền của sứ thần trong giấc mộng : Một là ông “tổ chức lễ cưới chính thức để rước cô dâu Ma-ri-a” về nhà mình; Hai là ông “không ăn ở với Ma-ri-a như vợ chồng” vì Ma-ri-a đã được thánh hiến dâng mình phục vụ Thiên Chúa như một nữ tu khấn trọn; Ba là “cho đến khi” Ma-ri-a sinh con thì ông “đặt tên cho con trẻ là Giê-su” như lời sứ thần truyền để nhìn nhận trẻ Giê-su là con chính thức của mình về luật pháp (x. Lc 3,23). Tin Mừng không viết : hai ông bà đã không ăn ở cho đến khi Ma-ri-a sinh con thì lại ăn ở với nhau, như có người lầm tưởng !
+“anh em và chị em của Chúa Giê-su” : Trong Tin Mừng Mát-thêu, các từ “anh em ông”, “chị em ông” (x. Mt 13,55-56) hay “mẹ và anh em của Người” (x. Mt 12,46-47) chỉ là các anh chị em bà con mà thôi. Vì Chúa Giê-su là “con trai đầu lòng”, là người con thứ nhất, nên nếu Đức Ma-ri-a có thêm các người con khác thì họ phải được gọi là “các em trai” và “các em gái” thay vì được gọi chung chung là “anh em” và “chị em” như ở đây. Hơn nữa, bằng chứng quan trọng nhất cho thấy Đức Ma-ri-a chỉ có một con trai duy nhất là: Chúa Giê-su đã trối Mẹ Người làm mẹ của môn đệ Gio-an và “Kể từ giờ đó, người môn đệ đã rước bà về nhà mình” (Ga 19,26-27). Chắc Đức Giê-su sẽ không trối Mẹ Ma-ri-a cho môn đệ Gio-an rước về nhà mà phụng dưỡng sau khi Người chết nếu Mẹ Ma-ri-a còn có nhiều người con khác ngoài Người.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

2. CÂU CHUYỆN :

1) CHÚA CỨU THẾ ĐÃ GIÁNG SINH CHO CHÚNG TA :
Ở nước Nga thời trung cổ, có một hoàng tử tên là A-lếch-xích (Alexis) rất yêu quí những người nghèo khổ bệnh tật. Mỗi ngày chàng ta bỏ nhiều thời giờ đến nhà thăm họ và sẵn sàng giúp đỡ những ai cần được trợ giúp. Có điều là hoàng tử thấy dân chúng vẫn dửng dưng thờ ơ khi chàng đến với họ. Rồi hoàng tử để tâm tìm hiểu lý do thì được biết sở dĩ dân chúng không mấy phấn khởi khi gặp gỡ chàng vì chàng không đáp ứng được các nhu cầu thực tế của họ. Từ đó hoàng tử A-lếch-xích âm thầm học hỏi chuẩn bị giúp dân một cách thiết thực hơn.
Sau một thời gian, một hôm dân chúng lại thấy một người ăn mặc đơn sơ đến thăm họ. Anh ta thuê một túp lều trong hẻm sâu làm nơi trú ngụ. Hàng ngày anh đến từng nhà và khám bệnh bốc thuốc miễn phí chữa bệnh cho các người nghèo. Chẳng bao lâu sau, anh ta gây được thiện cảm của mọi người chung quanh. Uy tín của anh ngày một gia tăng khiến nhiều người nghe tiếng tìm đến nhờ anh giúp đỡ giải quyết những khó khăn họ đang gặp phải. Hôm nay anh dàn xếp được một cuộc tranh chấp đất đai giữa hai gia đình. Hôm sau, anh lại làm cho một đôi vợ chồng sắp ly hôn làm hòa với nhau và yêu thương nhau như trước. Anh động viên mọi người tương trợ lẫn nhau và nhờ đó ai cũng mến anh vì anh đã hy sinh giúp đỡ cho họ.
Thật ra ông thầy lang ấy chính là hoàng tử A-lếch-xít. Hoàng tử đã rời bỏ cung điện phú quí, đến sống giữa đám dân nghèo đói dốt nát, và sống hòa mình với họ. Về sau khi biết thầy lang chính là hòang tử A-lếch-xít thì dân chúng lại càng quý trọng hòang tử hơn rất nhiều.
Hoàng tử A-lếch-xít trong câu chuyện trên là hình ảnh của Đức Giê-su Đấng Cứu Thế. Người đã giáng sinh trong cảnh nghèo hèn để chia sẻ cảnh nghèo khó với lòai người chúng ta. Người đã yêu thương chúng ta và tình nguyện xuống trần gian để ban cho chúng ta sự sống đời đời.

2) NGƯỜI VỐN VÔ TỘI NHƯNG ĐÃ TRỞ THÀNH TỘI NHÂN VÌ CHÚNG TA :
Một vị quan lớn gửi thiệp mời các người thân quen đến dự tiệc mừng sinh nhật thất tuần của ông. Tất cả quan khách đến dự buổi liên hoan đều ăn mặc sang trọng và có xe hơi đưa đón. Một vị quan cao tuổi là bạn chí thân của chủ tiệc cũng đến dự. Do già yếu nên khi bước xuống xe, ông bị trượt chân té xuống một vũng nước dơ khiến các gia nhân gần đó cười ồ lên. Trước tình trạng quần áo bị hoen ố nước dơ, vị quan cảm thấy xấu hổ trước trăm con mắt nhạo cười và quyết định lên xe ra về. Các gia nhân hiện diện đã năn hỉ hết cách mà vị quan kia nhất định không vào nhà dự tiệc. Bấy giờ chủ nhà được gia nhân cấp báo liền vội vàng chạy tới. Khi ngang qua vũng nước, ông lại cố tình té ngã vào vũng nước và quần áo ông cũng vấy bẩn không khác vị quan khách kia bao nhiêu. Lần này bọn gia nhân không ai dám cười nữa. Sau đó chủ nhà đã nắm tay vị khách quý kia mời vào phòng dự tiệc, và ông này không còn viện lý do gì để từ chối nữa.
Việc làm của chủ nhà trong câu chuyện trên là một hành động tế nhị và đầy tình người, khiến chúng ta hiểu được phần nào lý do tại sao Đức Giê-su vốn là Con Thiên Chúa mà lại hạ mình xuống làm một người phàm. Người muốn trở nên giống như loài người chúng ta để ban ơn cứu độ cho chúng ta.

3) THĂM HANG ĐÁ :
Vào một dịp lễ Giáng Sinh, người ta thấy có một đoàn người đến viếng thăm Hang đá trong nhà thờ Đức bà Paris. Đây là một ngôi Nhà thờ cổ kính và rất nổi tiếng tọa lạc ngay giữa thủ đô. Hoà trong đoàn người kính viếng hang đá năm ấy, người ta thấy có nhiều người khôn ngoan tài giỏi cũng cùng đi viếng hang đá.
Đầu tiên là một hoạ sĩ chuyên về mầu sắc: Đứng trước máng cỏ của Chúa Giê-su, ông nhìn ngắm và lắc đầu tỏ ý như những màu sắc trang hoàng trong hang đá không mấy hài hòa theo con mắt thẩm mỹ của ông. Một vài phứt sau, ông đi ra chỗ khác. Tiếp đến là một kiến trúc sư chuyên việc xây dựng. Người ta thấy ông cũng nhìn ngắm rồi ông cũng lại lắc đầu bỏ đi, có lẽ cách kết cấu hang đá đã không theo đúng kỹ thuật khoa kiến trúc. Sau đó ông cũng lặng lẽ đi ra.
Tiếp theo đó là nhà điêu khắc chuyên tạc đắp tượng. Tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giu-se trong hang cũng là do những người làm nghề điêu khắc làm. Nhà điêu khắc này đứng ngắm hang đá lâu hơn hai người trước. Hình như ông thấy các bức tượng nơi hang đá có vấn đề. Sao nó không đúng với thực tế mấy : Chúa thì to mà con bò con chiên thì lại quá nhỏ, thiếu sự cân đối hài hòa. Rồi người ta cũng lại thấy ông lắc đầu bỏ ra chỗ khác.
Sau cùng người ta thấy một bà cụ già dắt theo một em bé gái khoảng 5 tuổi. Em bé mặc bộ đầm trắng toát như tuyết. Vai em còn mang thêm một chiếc khăn quàng cũng màu trắng. Hai bà cháu đứng ngắm nhìn hang đá một hồi lâu. Bỗng người ta thấy em bé mon men tìm đường leo lên hang đá, đến tận chỗ người ta đặt tượng Chúa Giê-su Hài đồng.
Em bé ngắm nhìn Chúa Giê-su và xúc động. Em nghĩ : giữa cảnh đêm đông giá lạnh như thế này mà Hài nhi Giê-su lại không có được một chiếc mền để đắp cho ấm... Rồi em cởi chiếc áo len trắng em đang mặc đắp lên máng cỏ che ấm cho Chúa Hài đồng.
Sau đó hai bà cháu cùng nhau ra về, nhưng họ thấy tràn ngập niềm vui trong tâm hồn vì được gặp gỡ Chúa và đã được Chúa yêu thương.
Trong những ngày này, ước chi mỗi chúng ta cũng có được niềm vui hạnh phúc, nhờ biết cảm thông và sẵn sàng chia sẻ cơm áo cụ thể cho những người nghèo đói noi gương em bé trong câu chuyện trên.

3. SUY NIỆM :

1) ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG :
Vào dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta lại được nghe những bài hát du dương thánh thót có khả năng đánh động lòng người, nhất là bài SAI-LÂN NAI, HÔ-LI NAI (Silent Night, Holy Night), lời Việt là “Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng”. Quả thực, đêm Giáng Sinh thật là một Đêm thiêng liêng, vì là giờ phút thiêng liêng, đất trời hòa hợp nhờ việc Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Mùa Vọng là thời gian trông mong Đấng Cứu Thế mau đến. Hôm nay, Thiên Chúa đã đáp lại sự mong mỏi của lòai người bằng việc sai Con Một Ngài xuống thế làm người, đầu thai trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, trở thành một người giống như chúng ta mọi đàng, chỉ trừ không có tội.

Làm sao hiểu được chuyện đó? Làm sao Thiên Chúa lại trở thành một phàm nhân yếu đuối nghèo nàn? Làm sao Đấng Vô Cùng lại có thể trở thành một con người hữu hạn? Làm sao Đấng siêu thời gian lại đi vào trong thời gian và chịu sự chi phối của thời gian? Làm sao Đấng Tạo Hóa hằng sống lại phải trở thành một loài thụ tạo hay chết? Tóm lại : Tại sao Thiên Chúa lại giáng sinh làm người? Chúng ta chỉ có thể trả lời rằng : Tất cả là do TÌNH THƯƠNG.

Vì yêu thương loài người chúng ta và vì muốn cứu độ chúng ta, Con Thiên Chúa đã xuống thế để ở cùng chúng ta, để dạy loài người chúng ta nhận biết Đấng tạo dựng nên mình và mở ra cho loài người một con đường sống, để về trời hưởng hạnh phúc với Chúa Cha. Chúa Giê-su đã thể hiện tình thương của Thiên Chúa bằng việc thiết lập một Nước Trời là Hội Thánh, và đã chịu chết trên cây thập giá để đền tội thay cho loài người, rồi sống lại để trả lại sự sống cho loài người. Tóm lại đêm nay kỷ niệm “Con Thiên Chúa giáng trần làm con loài người, để con loài người được nên Con Thiên Chúa”.

Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của tình thương. Tin mừng trong ngày lễ Giáng Sinh hôm nay công bố sứ điệp : Thiên Chúa yêu thương loài người nên đã sai Con Một xuống thế để công bố cho loài người biết tình thương bao la của Thiên Chúa. Người muốn chúng ta đáp lại tình thương của Ngài bằng việc yêu mến Ngài và yêu thương nhau.

2) NGHÈO KHÓ CHÍNH LÀ DẤU CHỈ CỦA ĐẤNG CỨU THẾ :
Chúa Giáng Sinh là một Tin mừng cho mọi người thiện tâm trên trần gian. Các mục đồng sau khi được thiên thần báo tin đã lập tức lên đường tìm kiếm Hài Nhi và cuối cùng đã gặp được Người. Rồi họ lại đi loan Tin mừng cho kẻ khác. Đấng Cứu Thế đã chọn mang thân phận nghèo hèn đến với nhân loại, để chia sớt nỗi khổ đau với những người nghèo. Dấu chỉ giúp các mục đồng nhận ra Người : “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Trước dấu chỉ nghèo khó này, các chủ quán ở Bê-lem đã xua đuổi hai ông bà Giu-se Ma-ri-a khỏi nhà trọ, đang khi các mục đồng nghèo khó lại vui mừng đón nghe Tin mừng về sự giáng sinh của Người.
Ngày nay Chúa Giê-su vẫn tiếp tục đến với chúng ta qua những dấu chỉ khiêm tốn và nghèo hèn. Người trở thành một tấm bánh với vẻ bề ngoài tầm thường, Người hiện thân trong những kẻ tàn tật què quặt đui mù, Người đến trong những người nghèo khó bị người đời hắt hủi bỏ rơi. Đây là lúc chúng ta phải xác định lập trường, để biết mình thuộc hàng người nào :
- Là chủ quán giàu có khi thiếu lòng từ tâm xua đuổi người nghèo?
- Hay là các mục đồng tuy nghèo khó, nhưng sẵn sàng đón nhận Tin mừng Chúa Giáng Sinh và quyết tâm đi tìm kiếm Chúa để đón nhận niềm vui ơn cứu độ?

4. THẢO LUẬN :
Tặng quà là một hình thức biểu lộ tình thương cụ thể, vậy trong mùa Giáng Sinh này bạn sẽ tặng gì cho những người thân trong gia đình, những bè bạn, những người làm ơn cho bạn suốt trong năm qua, và hết những ai nghèo khổ cô đơn, những bệnh nhân liệt giường không tiền thuốc thang chữa trị… là hiện thân của Chúa Giê-su?

5. LỜI CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU, Hôm nay bắt đầu một mùa Giáng Sinh nữa. Trần gian rực sáng, cờ xí giăng đầy, người người nô nức mừng Chúa giáng sinh trong những bữa tiệc vui vẻ sang trọng, rượu thịt ê hề. Nhưng những người lữ hành năm xưa vẫn còn đang lỡ bước và đang tiếp tục bị xua đuổi ra đầu đường xó chợ trong đêm nay, vì các chủ quán ngày này năm xưa vẫn còn đó : Những ai đi xe hơi và ăn mặc bảnh bao sẽ được chủ quán ân cần đón tiếp vào nhà, còn những người nghèo khó cũng lại bị đuổi ra hầm cầu qua đêm ! Xin cho chúng con biết luôn nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khó, những cụ già neo đơn không ai chăm sóc, những trẻ em mồ côi bụi đời… để chúng con ân cần thăm hỏi và sẵn sàng khiêm nhường phục vụ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó chúng con sẽ trở nên những môn đệ đích thực của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

 
Góp phần chia sẻ niềm vui ơn cứu độ
Lm Đan Vinh
01:30 20/12/2022

LỄ GIÁNG SINH – LỄ RẠNG ĐÔNG ABC
Is 62,11-12; Tt 2,4-7; Lc 2,15-20.


GÓP PHẦN CHIA SẺ NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 2,15-20
(15) Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau : “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. (16) Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17) Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

2. Ý CHÍNH :
Bài Tin Mừng lễ Rạng Đông nối tiếp Tin Mừng lễ Nửa Đêm mừng Giáng Sinh. Nội dung ghi lại thái độ của các mục đồng sau khi được sứ thần hiện đến loan báo tin vui về sự ra đời của Đấng Cứu Thế. Họ đã tích cực đáp trả bằng cách vội vã rủ nhau lên đường đi sang thành Bê-lem, để coi xem sự việc xảy ra mà Chúa mới cho biết. Theo lời sứ thần hướng dẫn, họ đã sớm tìm thấy Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ và hai ông bà Giu-se Ma-ri-a đứng bên. Rồi họ thuật lại mọi sự từ khi được sứ thần loan báo tới việc tìm thấy Hài Nhi, đúng với những điều họ đã nghe biết. Cuối cùng họ vui vẻ về nhà, vừa đi vừa ca tụng tôn vinh Thiên Chúa, đã ban Đấng Cứu Thế cho loài người.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hai Nhi này” (Lc 2,16-17).

2. CÂU CHUYỆN :

1) CHÚA ĐẾN BAN HÒA BÌNH CHO NHÂN LOẠI :
Vào ngày lễ vọng Giáng sinh năm 1914, những quân lính Đức và Anh đối đầu với nhau, tại các hào chứa đầy bùn lầy và chuột cống. Tại các hào của quân Anh, những lá thư và tấm thiệp được gửi đến từ gia đình, và anh em binh lính khá vui vẻ. Đến nửa đêm, một số người trong bọn họ bắt đầu ca hát. Thế rồi đột nhiên, một người lính gác la lên một cách đầy phấn khích : “Anh em hãy lắng nghe đi !”. Họ lắng nghe, và nhận thấy những quân lính Đức cũng đang ca hát. Một lúc sau, hai người lính can đảm, do mỗi phe cử một người, đến gặp nhau tại bãi đất trống. Thêm nhiều quân lính khác đi theo họ. Theo quan điểm quân đội, điều này không có ý nghĩa gì cả. Với tư cách là những người lính, người ta cho rằng họ đến đánh nhau. Đột nhiên ngừng lại và trở nên bạn bè không tạo nên ý nghĩa. Nhưng trong đêm hôm đó, có sức mạnh còn lớn lao hơn cả quân đội tại nơi chiến trường.
Khi ngày lễ Giáng sinh bắt đầu ló rạng, với gương mặt tươi cười, các binh lính đi dạo chung quanh vùng Đất Không Người. Người ta không nhìn thấy một dấu vết nào của sự hận thù. Họ trao đổi với nhau lương thực, đồ kỷ niệm và thuốc lá. Khoảng giữa trưa, khi tình thân thiện đang gia tăng, thì lại có một trận đấu bóng đá giữa hai phe. Nhưng trận đấu này không kéo dài lâu. Tin này đã lan tới tai các vị tướng đôi bên, và họ đã ban bố những mệnh lệnh gay gắt phải chấm dứt ngay mọi chuyện. Các sĩ quan dồn binh lính trở lại vào chiến hào. Tất cả mọi chuyện đều kết thúc. Sau lễ Giáng Sinh, cuộc giao chiến lại bắt đầu trở lại.
Khi Đức Giê-su sinh ra, các thiên sứ hát rằng “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đây là một câu, trong số những lời nói đầy yêu thương nhất ở Tin Mừng. Bạn sẽ làm gì để đem sự bình an cho gia đình và nơi bạn đang sống?

2) “LỄ NO-EN THỜI THƠ ẤU” :
- Trong quyển tự thuật “Đứa Trẻ Duy Nhất”, một nhà văn Ai-len tên là PHĂNG Ô CON-NO (Frank O’ Connor) đã tự thuật câu chuyện về lễ No-en trong đời ông như sau :
Khi còn bé, vào một ngày trước lễ Giáng Sinh, Ô CON-NO được ông già No-en tặng cho một món đồ chơi chạy bằng giây cót. Thế rồi vào chiều ngày lễ hôm ấy, cậu bé Con-no theo mẹ đi đến một tu viện ở gần nhà. Cậu bé mang theo món quà duy nhất mới nhận được để khoe với mấy nữ tu thân thiết với gia đình cậu.
Một nữ tu dẫn cậu đến viếng máng cỏ được dựng trong nhà nguyện của tu viện. Nhìn vào hang đá, cậu bé suy nghĩ khi thấy Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ mà không có món quà nào bên cạnh cả. Cậu nghĩ có lẽ bé Giê-su sẽ rất buồn vì không được ai tặng quà cho. Cậu quay lại hỏi vị nữ tu tại sao Chúa Hài Đồng lại không có món quà nào cả? Bấy giờ nữ tu kia trả lời : “Vì quá nghèo, nên Mẹ Ma-ri-a không có tiền mua quà cho con trẻ mới sinh”. Câu trả lời ấy tuy giải tỏa phần nào thắc mắc của cậu, nhưng cậu vẫn suy nghĩ : “Mẹ của mình cũng nghèo như thế, mà tại sao Mùa Giáng Sinh nào mẹ cũng dành được tiền mua quà tặng cho mình?” Món quà có khi là một hộp bút chì màu, khi khác là một chiếc cặp da… Rồi lòng quảng đại chợt dâng lên trong lòng, cậu bé liền cầm lấy món đồ chơi mang theo, leo rào vào bên trong hang đá rồi đặt món quà kia vào giữa đôi tay đang mở rộng của trẻ Giê-su. Cậu còn hướng dẫn cách lên giây cót, sợ rằng trẻ Giê-su còn quá nhỏ không biết cách sử dụng thành thạo món quà cậu mới trao tặng.
- Câu chuyện trên cho thấy lễ Giáng Sinh là một cơ hội để mỗi người chúng ta bày tỏ sự quan tâm đối với tha nhân. Đây là điều chính Thiên Chúa đã làm gương bằng cách ban Con Một mình cho nhân loại chúng ta. Con Thiên Chúa không đến trong quyền lực và giàu sang phú quí, nhưng trong sự yếu đuối nghèo khó cùng cực. Người đến trong vẻ yếu đuối để giúp chúng ta thêm tự tin vào các tài năng Chúa ban và sử dụng chúng theo Thánh Ý Chúa muốn. Người đến trong sự nghèo khó để an ủi chúng ta và mời gọi chúng ta quảng đại chia sẻ cho những kẻ nghèo đang sống chung quanh chúng ta.

3. SUY NIỆM :

1) CON THIÊN CHÚA ĐÃ LÀM NGƯỜI ĐỂ CON LOÀI NGƯỜI NÊN CON THIÊN CHÚA :
Chúa Giê-su Đấng Cứu Thế đã yêu thương nhân loại chúng ta và đã từ trời cao xuống thế làm một người phàm. Người được sinh ra trong thân phận nghèo khó, sống một cuộc đời lao động vất vả tại Na-da-rét như bao dân làng. Người đã trở thành EM-MA-NU-EN nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Quả thật : “Con Thiên Chúa đã trở nên loài người, để làm cho con loài người trở nên Con Thiên Chúa”.

2) LỊCH SỬ HANG ĐÁ BE-LEM :
- Trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta thường thấy nhiều hang đá tại nhà thờ hay tư gia. Trong hang có Hài Nhi Giê-su đang nằm trong máng cỏ, bên cạnh là Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se quì thờ lạy. Cũng có mấy con bò và lừa đang quì gần bên thở hơi ấm cho Hài Nhi mới sinh.
- Việc dựng các hang đá như trên đã có từ thế kỷ thế 13. Vào năm 1223, thánh Phan-xi-cô khó khăn, lúc đó đang là bề trên một tu viện bên Ý. Ngài cho dọn một hang đá trong vườn cây ở gần Gờ-réc-xi-ô. Bên trong hang đá, ngài đặt tượng Hài Nhi Giê-su nằm trên máng cỏ, bên cạnh là một con bò và một con lừa. Vào đêm khuya hôm lễ Giáng Sinh, thánh Phan-xi-cô cùng các tu sĩ và dân chúng lân cận kéo nhau đến đứng chung quanh hang đá. Bên cạnh hang có đặt một bàn thờ, và thánh lễ đã được cử hành trang nghiêm. Từ đó, việc trưng bày hang đá tại nhà thờ và tư gia càng ngày càng phổ biến trở thành tập tục chung của cả thế giới.

3) GIÁNG SINH LÀ MẦU NHIỆM TÌNH THƯƠNG VÔ CÙNG CỦA TH CHÚA :
Mầu Nhiệm Giáng Sinh là cách Thiên Chúa diễn tả tình thương lớn lao nhất đối với nhân loại. Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế làm người, trở nên giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ không có tội. Người đã yêu thương chúng ta đến cùng, và biểu lộ tình yêu bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, lựa chọn và huấn luyện các tông đồ, lập các Bí Tích và cuối cùng sẵn lòng chịu chết nhục nhã trên cây thập giá để đền tội thay cho chúng ta, và sống lại để ban lại sự sống cho chúng ta. Người đã mở ra con đường lên trời cho chúng ta. Đó là con đường yêu thương, quên mình và phục vụ, là chấp nhận “Qua đau khổ tử nạn để vào vinh quang phục sinh”. Người mời gọi mọi người muốn được ơn cứu độ thì “hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà đi theo Người”. Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ được sống lại với Người, và sau này sẽ cùng được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn trên thiên đàng với Người.
4) CHIA SẺ NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ VỚI THA NHÂN :
Trong mùa Giáng Sinh tại nhiều nước truyền thống Ki-tô giáo, có thói tục tặng quà cho người thân và cho người nghèo. Chúa sinh ra trong cảnh nghèo hèn để mời gọi các tín hữu chúng ta biết nghĩ đến tha nhân, cảm thông và chia sẻ giúp đỡ những người bất hạnh với hết khả năng của chúng ta. Mỗi chúng ta phải trở thành những ông già No-en đầy lòng nhân ái, sẵn sàng trao tặng cho tha nhân một nụ cười thân ái, một lời nói động viên an ủi, một món quà chứa đựng tình người. Mỗi người chúng ta hãy đi thăm những người đau khổ để chia sẻ tình thương của Chúa cho họ, là những món quà vật chất, là lời nói chân thành động viên những ai đang bị bệnh tật, đau khổ… phấn đấu vượt qua những khó khăn gặp phải, cùng hợp tác với nhau để biến đổi gia đình, khu phố, nhà thờ, nơi làm việc của mình trở thành một thiên đàng trần gian yêu thương hòa bình, vui tươi và hạnh phúc, đúng như những lời chúc mừng luôn được ghi trên các cánh thiệp Giáng Sinh và đầu Năm Mới : “Chúc mừng Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới hạnh phúc”.
4. THẢO LUẬN :
Sau khi được sứ thần loan báo tin vui, các mục đồng đã vội vã lên đường đi Bê-lem để tìm Hài Nhi Cứu Thế. Rồi sau đó họ đã thuật lại những gì mắt thấy tai nghe về Hài Nhi này. Trong Mùa Giáng Sinh, mỗi người chúng ta cần làm gì để loan báo Tin Mừng Chúa Giáng Sinh cho các bạn bè và những anh em lương dân chưa nhận biết Chúa
5. LỜI CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con trở thành những ông già No-en đầy lòng nhân ái, luôn sẵn sàng trao tặng cho tha nhân một nụ cười thân ái, một lời nói động viên an ủi, một món quà chứa đựng tình người. Xin cho chúng con biết đến thăm những người bất bạnh để chia sẻ tình thương của Chúa cho họ. Ước gì niềm vui trong ngày lễ Giáng Sinh không dừng lại ở những của cải vật chất bên ngoài, nhưng ở tình người được nhân lên mãi, được nối lại thành vòng tay lớn, hầu cùng nhau chung lo xây dựng một thế giới mới đầy niềm vui, bình an và hạnh phúc.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Hãy thắp lên ngọn lửa yêu thương nơi tha nhân
Lm. Đan Vinh
02:00 20/12/2022
LỄ BAN NGÀY GIÁNG SINH ABC

Is 52,7-10; Dt 1,1-6; Ga 1,1-18

HÃY THẮP LÊN NGỌN LỬA YÊU THƯƠNG NƠI THA NHÂN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 1,1-18

1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. 2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. 3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành. 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. 5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. 6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. 7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. 8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. 9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. 10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. 13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. 15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: "Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi." 16 Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. 17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. 18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

2. CÂU CHUYỆN VÀ SUY NIỆM:

1) TẠI SAO THIÊN CHÚA PHẢI NHẬP THỂ TRỞ THÀNH EM-MA-NU-EN?

- Xưa kia một ông vua đã chọn một ông quan thông thái và thánh thiện tên là The Vizier để luôn đi theo làm bầu bạn và giải đáp các thắc mắc của nhà vua. Một hôm trên đường đi hành hương thánh địa Pa-lét-tin, The Vizier đã bị xúc động mãnh liệt khi được nghe biết câu chuyện của Chúa Giê-su Đấng Cứu Thế: Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương nhân loại tội lỗi, nên đã nhập thể làm người để ban ơn cứu chuộc cho loài người. Sau đó ông ta đã xin theo đạo Công Giáo. Khi trở về triều, nhà vua thắc mắc hỏi quan The Vizier rằng: “Nếu trẫm muốn làm bất cứ điều gì, trẫm sẽ không cần đích thân làm, mà chỉ cần ra lệnh cho quần thần là việc đó sẽ lập tức được thi hành. Vậy tại sao Chúa Giê-su là vua các vua, là Thiên Chúa quyền năng, có thể cứu rỗi nhân loại chỉ bằng một lệnh truyền, nhưng người lại phải nhập thể làm người, trở thành Đấng “Em-ma-nu-en - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” như vậy làm chi?” Bấy giờ quan cố vấn The Vizier xin nhà vua cho thời gian suy nghĩ một ngày trước khi trả lời cho nhà vua. Ngay sau đó, ông ta cho người nhờ một người thợ mộc tài giỏi trong nước làm gấp một con búp bê và cho mặc quần áo giống y như hoàng tử một tuổi con trai của nhà vua. Ông cũng căn dặn hôm sau phải mang búp bê đó đến cho ông.

Sáng hôm sau, khi vua và quan cố vấn đang chèo thuyền dong chơi trong hồ lớn bên trong hoàng cung, vua đã yêu cầu quan cố vấn hãy trả lời cho câu hỏi của vua hôm trước. Bấy giờ quan cố vấn ra hiệu cho người thợ mộc đang có mặt ở bờ hồ, trên tay bế con búp bê giống hệt hoàng tử một tuổi là con trai của nhà vua. Nhà vua trông thấy hoàng tử con trai của mình trên tay người lạ thì tưởng là thích khách. Nhất là khi thấy tên thích khách kia ném hoàng tử xuống hồ nước, nhà vua liền nhảy xuống hồ bơi nhanh đến để kịp thời cứu hoàng tử sắp bị chết chìm, mà không ra lệnh cho quần thần chung quanh. Sau khi quan quân đưa được nhà vua và hình nộm búp bê hoàng tử kia lên thuyền, quan cố vấn liền hỏi: “Tâu đức vua, thần nghĩ là đức vua không cần phải nhẩy xuống hồ nước, mà chỉ cần ra lệnh cho quần thần làm việc ấy không được hay sao? Tại sao chính đức vua lại phải nhẩy xuống hồ để cứu hình nộm hoàng tử vậy?” Nhà Vua suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Trẫm nghĩ có lẽ việc trẫm vừa làm là câu trả lời của khanh muốn nói cho trẫm biết lý do tại sao, để cứu nhân loại khỏi chết, Thiên Chúa toàn năng lại phải đích thân nhập thể làm người, thay vì ra lệnh cho ai khác làm điều đó”.

- Hôm nay chúng ta cử hành biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại: “Chúa Giê-su là Ngôi Lời Nhập Thể đã xuống thế làm người”. Người là Con Một của Chúa Cha, vì yêu thương nhân loại, đã từ trời cao xuống đầu thai thành một người phàm, “nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ không phạm tội” (Dt 4,15). Tin mừng Gio-an đã diễn tả mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể trong lời tựa mở đầu sách Tin Mừng Thứ Tư như sau: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).

2) THẮP LÊN NGỌN LỬA TIN YÊU BẰNG SỰ THĂM VIẾNG VÀ PHỤC VỤ:

Một ngày kia, tại MEO-BƠN (Melbourne) nước Úc, mẹ Tê-rê-sa đến thăm một người đàn ông lớn tuổi nghèo khó và cô độc, đang sống dưới tầng hầm của một chung cư. Căn phòng của ông tối tăm và bề bộn, và ít khi ông bước ra khỏi phòng. Thái độ của ông không mấy phấn khởi khi thấy có người đến thăm. Sau mấy lời chào hỏi, mẹ Tê-rê-sa bắt đầu đi thu dọn và sắp xếp lại căn phòng. Lúc đầu, ông ta tỏ ý không muốn qua câu nói: “Bà cứ để mọi sự như cũ cho tôi. Tôi đã quen với cảnh này rồi”. Mặc dù thế, mẹ vẫn cứ xúc tiến công việc của mình. Mẹ vừa dọn dẹp, vừa nói chuyện với ông ta ngồi trên nệm kê ở góc phòng. Dưới một đống rác cạnh tường, mẹ phát hiện ra một cây đèn dầu phủ đầy bụi bặm, liền lấy ra lau chùi. Nhận thấy cây đèn khá đẹp, mẹ liền nói với ông ta: “Ông có một cây đèn dầu rất đẹp, vậy ông có thường thắp sáng nó lên hay không?” Ông ta đáp: “Tôi có thường thắp sáng cây đèn đó lên hay không ư? Có ai đến thăm tôi đâu !” Mẹ nói: “Thế ông có bằng lòng cho chúng tôi thường xuyên đến thăm ông để ông có dịp thắp sáng cây đèn này lên hay không?” Ông ta trả lời: “Vâng, nếu tôi nghe thấy một giọng nói của người nào, thì tôi sẽ thắp đèn lên”.

Từ ngày đó hai nữ tu dòng của mẹ Tê-rê-xa đã thường xuyên đến thăm viếng ông lão. Mọi sự đã dần dần được cải thiện. Mỗi lần các nữ tu đến thăm, ông ta đều thắp sáng cây đèn lên. Thế rồi một ngày nọ, ông đã nói với các nữ tu: “Thưa các sơ, kể từ bây giờ, tôi đã có thể tự xoay xở mọi việc được rồi. Xin các sơ nói với mẹ bề trên đã đến thăm tôi cách đây ít lâu là: ánh sáng mà bà đã thắp sáng trong tôi từ đó đến nay vẫn tiếp tục cháy sáng trong tôi”.

Chính lòng nhân ái thể hiện qua hành động thăm viếng và thái độ đầy tình người của mẹ Tê-rê-xa và các chị em nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái đã thắp sáng lên ngọn lửa tin yêu trong tâm hồn người đàn ông nghèo khó cô đơn nói trên.

3. LỜI CẦU:

Lạy Chúa. Mầu nhiệm Chúa giáng sinh hôm nay mời gọi mỗi người chúng con biết nghĩ đến những người chung quanh, nhất là những người đau khổ, bệnh tật, nghèo đói, cô độc và những đôi vợ chồng bất hạnh. Xin cho chúng con ý thức Chúa đang hiện thân nơi họ để mời gọi chúng con thăm viếng, động viên an ủi, sẻ chia tinh thần vật chất, để thắp sáng lên ngọn lửa tin yêu vẫn đang còn âm ỉ trong tâm hồn họ. Xin Chúa cũng giúp chúng con biết nhìn thấy Chúa nơi những người thân trong gia đình chúng con như: chồng vợ, cha mẹ, anh chị em trong cùng một mái nhà, để cảm thông, tha thứ và sẵn sàng chia sẻ lời chúc bình an hạnh phúc cho họ. Nhờ đó, Chúa là tình thương sẽ có thể hiện diện nơi bản thân, gia đình, khu xóm và nơi làm việc của chúng con.- AMEN.
 
Ngày 21/12: Sống Tin – Yêu – Liều Như Mẹ Maria – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
02:32 20/12/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét.
Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.
Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Đó là lời Chúa
 
Mẹ Vội Vã Lên Đường
Nguyễn Trung Tây
12:25 20/12/2022
Nguyễn Trung Tây
Mẹ Vội Vã Lên Đường (Luke 1:39-45)


Nhận được Tin Mừng rao truyền từ sứ thần Gabriel, theo như thánh Luca tường thuật, Mẹ vội vã lên đường.

Từ phố nhỏ Nazareth, bắc Galilee, Mẹ đi xuống phía nam Judea vô nhà của bà chị họ Elizabeth. Hành động vội vã của Mẹ tạo ra những câu hỏi.

Tại sao Mẹ lại phải vội vã?

Có phải bởi Mẹ muốn chứng kiến tận mắt bào thai của người một thời cung lòng trống rỗng mầm sống? Nếu đúng như vậy, có phải Mẹ nghi ngờ tính trung thực của lời sứ thần loan báo về hài nhi của người chị họ Elizabeth?

Nhưng nếu đọc hết cả đoạn Tin Mừng và, đặc biệt, phân tích dưới lăng kính truyền giáo, độc giả khám phá ra lý do đã dẫn đến hành động vội vã lên đường của Mẹ. Đó là bởi Mẹ không muốn giữ Tin Mừng cho riêng mình. Mẹ vội vã lên đường để chia sẻ Tin Mừng với bà Elizabeth.

Và thật bất ngờ, ngoài sự dự đoán của độc giả. Tin Mừng Mẹ mang từ Nazareth tới Judea xôn xao òa vỡ tâm hồn cả hai mẹ con bà Elizabeth. Xôn xao òa vỡ đến nỗi hài nhi trong cung lòng bà Elizabeth nhảy vui rộn ràng khi nghe được lời chào của Mẹ Maria. Và chính bản thân của Elizabeth cũng được đầy tràn Chúa Thánh Linh. Dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Linh, bà Elizabeth nhận ra ngay lý do tại sao hài nhi trong bụng bà nhảy mừng. Đó chính là bởi Ngôi Lời – Tin Mừng đang ngự trong cung lòng của Maria. Bà Elizabeth bởi thế cất tiếng ngợi khen cô em với một danh xưng bất ngờ, “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi?” (Luke 1:43).

Nét xôn xao rộn ràng của Tin Mừng không dừng lại ở bản thân người nhận được Tin Mừng. Chính người mang Tin Mừng tới cũng nhận được ơn phúc lành của Tin Mừng. Bởi thế, Mẹ cũng được linh ứng bởi nét xôn xao lòng người của chính Tin Mừng đang ngự trong cung lòng.

Bởi hành động vội vã lên đường của Mẹ, sau thai nhi, bà chị họ, chính Mẹ cũng được đầy tràn Thần Khí. Mẹ cất tiếng ngợi ca Thiên Chúa, “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Luke 1:46-47).

Tất cả cả ba người, thai nhi John the Baptist, chị họ Elizabeth, và Maria đều trở nên òa vỡ xôn xao bởi chính Tin Mừng vừa viếng thăm nhà bà Elizabeth. Cả ba đều trở nên hoa trái đầu mùa của Tin Mừng nhập thể trong cung lòng Trinh nữ Maria.

Đặc biệt, Mẹ Maria không dừng lại những bước chân vội vã lên đường cho niềm vui Tin Mừng, nhưng tiếp tục đi ra đi theo vết chân Tin Mừng.

Mẹ xuất hiện tại tiệc cưới Cana với Tin Mừng.

Mẹ đi lên đồi Calvary với Tin Mừng.

Mẹ sau cùng đi theo Tin Mừng lên thiên đàng cả xác và hồn.

Điểm đặc biệt nhất, Mẹ đi ra, và cả một đời Mẹ chỉ rao giảng Tin Mừng, một Đức Giêsu. Mẹ không bao giờ cất tiếng rao giảng về Mẹ.

Suy Niệm
Nhận được Tin Mừng, Mẹ Maria không giữ Tin Mừng cho riêng mình. Nhưng Mẹ vội vã lên đường chia sẻ Tin Mừng tới người chị một thời son sẻ. Bởi Tin Mừng được Mẹ mang tới, thai nhi Gioan Tẩy Giả trong cung lòng nhảy lên mừng vui.


Lời Nguyện

Xin cho chúng con trung thành với sứ mạng Đức Giêsu đã truyền dạy, "Hãy đi, rao giảng Tin Mừng tới muôn loài thụ tạo" (Mark 16:15).
(Trích Quán Nước Đầu Làng: Niềm Tin Việt Nam - Tập III sẽ xuất bản)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:51 20/12/2022

27. Yêu mến Thiên Chúa, phụng sự Thiên Chúa, tất cả vì yêu Thiên Chúa mà làm.

(Thánh Clara)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:53 20/12/2022
19. MỖI THÁNG TRỘM MỘT CON GÀ

Có một người mỗi ngày trộm của người hàng xóm một con gà, có người can ngăn nói:

- “Đó không phải là hành vi của người quân tử nên làm.”

Anh ta trả lời:

- “Như vậy thì để tôi tạm thời ăn trộm trước một vài con, tháng sau đổi laị mỗi tháng trộm một con, đến năm sau thì không ăn trộm nữa.”

( Mạnh tử )

Suy tư 19:

Cũng giống như một người giáo dân nọ nói: ngày mai vào mùa chay tôi phải đi xưng tội, cho nên hôm nay tôi cứ thoải mái ăn cắp, phạm tội, để ngày mai đi xưng tội.

Cũng giống như ma quỷ cám dỗ người ta: cứ vui chơi trác táng, cứ phạm tội đi, Chúa rất nhân từ không phạt liền đâu mà sợ, tuần sau đi xưng tội cũng không muộn.

Tôi cũng đã nhiều lần có cách suy nghĩ như thế, nên cũng có rất nhiều lần làm cớ vấp ngã cho anh em chị em chung quanh tôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mẹ Chúa của tôi
Lm Minh Anh
17:05 20/12/2022

MẸ CHÚA CỦA TÔI
“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa của tôi đến viếng thăm?”.

Trong tác phẩm của mình, “Growing Strong”, tạm dịch, “Lớn Lên Mạnh Mẽ”, C. Swindoll viết, “Có một số món quà mà bạn có thể trao tặng trong dịp Giáng Sinh vượt quá giá trị tiền tệ! Đó là chữa lành một cuộc hờn dỗi, gạt bỏ một mối nghi ngờ; nói với ai đó, “Tôi yêu bạn”; âm thầm cho đi một thứ gì đó; tha thứ cho ai đó. Nhưng có một món quà vốn không thể so sánh với bất cứ món quà nào khác mà bạn có thể tặng trao, đó là Giêsu, món quà vĩ đại nhất!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Giêsu, món quà vĩ đại nhất!”, đó là quà tặng Maria đã đem đến cho gia đình Zacharia! Và với trình thuật Thăm Viếng hôm nay, Luca bất ngờ tiết lộ một danh hiệu khác của Đức Maria, “Mẹ Chúa của tôi”; danh hiệu này được thốt lên từ miệng Elizabeth, một người ‘được lây’ Thánh Thần khi bà chào người em họ, “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa của tôi đến viếng thăm?”.

Như vậy, “Mẹ Chúa của tôi” sẽ là danh hiệu của một thiếu nữ có tên là Maria. Thánh Kinh cũng đã nhiều lần nói đến “một thiếu nữ” với những cách nói, “thiếu nữ Sion”, “nhi nữ Israel”, “nữ tử Giêrusalem”. Thật trùng hợp, bài đọc Sôphônia hôm nay viết, “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ngợi khen! Hỡi thiếu nữ Israel, hãy reo mừng! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy sung sướng và hết lòng hân hoan!”, vì “Chúa là Vua Israel ở giữa ngươi!”.

Nói rằng, Maria là “Mẹ Chúa của tôi” khác nào nói, Maria là “Mẹ Thiên Chúa”. Danh hiệu Giêsu là “Chúa của tôi” làm nổi bật chiều kích cá nhân mối quan hệ mỗi người chúng ta với Con Thiên Chúa. Nó làm vang vọng cách thức Tôma tuyên xưng Đấng Phục Sinh ở cuối Tin Mừng thứ tư, “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!”. Đó là lời tuyên xưng tuyệt vời sau khoảng thời gian mà vị tông đồ này vô cùng ngờ vực; nhưng với lòng thương xót, Chúa Phục Sinh đã hiện ra củng cố đức tin yếu kém của ông. Ngài là Chúa và là Thiên Chúa của Tôma; nhưng Ngài cũng là “Chúa của tôi và là Thiên Chúa của tôi” với mỗi người chúng ta.

Khi xưng hô với Chúa Giêsu là “Chúa của tôi”, như Mẹ Maria, chúng ta cho phép Ngài làm Chúa đời mình, làm chủ cuộc sống độc nhất và không thể lặp lại của mình. Như Mẹ Maria, Giêsu đã là quà tặng lớn nhất, tuyệt vời nhất cho gia đình Elisabeth, mỗi người chúng ta cũng có thể đem tặng Giêsu cho tha nhân. Và như Elizabeth đã tôn kính Maria là “Mẹ Chúa của tôi” đã đem đến cho bà quà tặng Giêsu, ước gì những người chúng ta gặp gỡ cũng sẽ nhận biết mỗi người chúng ta là “Mẹ Chúa của tôi” khi chúng ta trao tặng và sinh hạ Giêsu trong lòng họ.

Anh Chị em,

“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa của tôi đến viếng thăm?”. Ước gì tất cả những anh chị em chúng ta viếng thăm, hoặc những người thăm viếng chúng ta có thể nhận được nhiều hơn trong lễ Giáng Sinh này! Nhiều hơn ‘một cuộc hờn dỗi được chữa lành, nhiều hơn một mối nghi ngờ được gạt bỏ; một lời thì thầm “Tôi yêu bạn”; một thứ gì đó được âm thầm cho đi; một ai đó được tha thứ’, nghĩa là họ sẽ nhận được “Giêsu, món quà vĩ đại nhất!” khi chúng ta trở nên những “Mẹ Chúa của tôi” cho họ! Maria, đã trở thành nhà truyền giáo đầu tiên mang quà tặng Giêsu, vốn đã thay đổi toàn bộ lịch sử nhân loại; thì cả chúng ta, cũng hãy là một nhà truyền giáo ra đi tặng trao Giêsu để góp phần thay đổi lịch sử thế giới. Tại sao không? Tất cả vật chất trần gian đều trở nên thứ yếu so với quà tặng Giêsu. Nếu không chia sẻ Giêsu, chúng ta không cho những người thân yêu bất cứ điều gì thực sự lâu dài; mang theo quà tặng Giêsu, chúng ta mang theo tất cả!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, kiểu mẫu của con, xin giúp con ngày càng trở nên “Mẹ Chúa của tôi” cho những ai đang cần lòng thương xót Chúa, nhất là trong những ngày này!”, Amen.

( Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhật Ký Trừ Tà số 220: Satan Kẻ Tố Cáo Vĩ Đại
Đặng Tự Do
17:24 20/12/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #220: Satan the Great Accuser”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 220: Satan Kẻ Tố Cáo Vĩ Đại”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trong những nhà trừ quỷ của chúng tôi gần đây đã nói: “Sáng nay tôi thức dậy và đầu óc choáng váng với những ý nghĩ tự buộc tội bản thân rằng mình thật tồi tệ và với ý nghĩ rằng mình không thể được tha thứ. Nó rất thê thảm.” Thật thú vị, khi biết rằng tuần đó anh ấy đã làm việc với một người đau khổ đang phải vật lộn với những ám ảnh của ma quỷ, đặc biệt là sự dày vò tinh thần xuất phát từ lòng căm thù bản thân.

Trong Kinh thánh, Sa tan được gọi là “Kẻ tố cáo vĩ đại” (Khải huyền 12:10). Một trong những chiến thuật phổ biến nhất của Sa tan là không ngừng truy lùng tội lỗi của con người. Mục tiêu của anh ta là phá hủy ý thức về giá trị bản thân của họ và khiến họ tuyệt vọng.

Satan ghét con người. Nó ghen tị với sự ưu ái mà Chúa dành cho họ. Satan từ chối Thiên Chúa vì sự nhập thể khiêm nhường của Ngài trong nhân loại. Khi buộc tội nhân loại về những tội lỗi của họ, Sa tan cố gắng tấn công lại Thiên Chúa một cách vô ích.

Đôi khi trong các cuộc trừ quỷ, chúng ta trực tiếp trải nghiệm “Kẻ Tố Cáo Vĩ Đại.” Ma quỷ có thể gọi ra những thất bại của chúng ta. Chúng chế nhạo chúng ta khi chúng ta phạm sai lầm. Chúng đặc biệt thích chỉ ra những thời điểm mà chúng tỏ ra chiếm thế thượng phong trong trận chiến. Lời bào chữa của tôi là gì? Thưa: Không có. Câu trả lời của tôi là: “Thật vậy, tôi là một kẻ tội lỗi.” Sau đó, tôi nói thêm: “Nhưng ta không phải là vấn đề của ngươi. Chúa Giêsu mới là vấn đề của ngươi. Nhân danh thánh của Ngài, ta đuổi ngươi ra ngoài!”

Khi nhà trừ quỷ của chúng ta thức dậy với hàng loạt ý nghĩ tự buộc tội, hoàn cảnh cho thấy rằng anh ta đang hành động như một “người mang gánh nặng”. Chúng ta tin rằng sự hy sinh của anh ấy là một ân sủng cho người đau khổ và có lẽ cho những người khác cũng đau khổ tương tự.

Nhiều, rất nhiều người phải chịu sự dày vò tinh thần của ma quỷ. Đôi khi chúng chỉ đơn giản là có nguồn gốc tâm lý. Nhưng thường xuyên hơn mà mọi người không nhận ra, là Sa tan đang tấn công trực tiếp vào ý thức về giá trị bản thân và hy vọng của họ. Phản ứng của chúng ta với tư cách là những con người sa ngã rất đơn giản: “Tôi là một kẻ tội lỗi. Nhưng niềm hy vọng của tôi là nơi Chúa Giêsu.”
Source:Catholic Exorcism
 
Vatican huyền chức Linh mục Frank Pavone, một nhà hoạt động phò sự sống nổi tiếng
Đặng Tự Do
17:25 20/12/2022


Cha Frank Pavone, một nhà hoạt động phò sự sống nổi tiếng và là giám đốc quốc gia của tổ chức Linh mục vì Sự sống, đã bị huyền chức khỏi hàng giáo sĩ vì “các nhận xét báng bổ trên mạng xã hội” và “liên tục không tuân theo các hướng dẫn hợp pháp của giám mục giáo phận của ngài.”

Trong một bức thư ngày 13 tháng 12 gửi cho các giám mục Hoa Kỳ mà CNA có được và được xác nhận bởi nhiều nguồn là xác thực, Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã viết rằng Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ đã ban hành quyết định vào ngày 9 tháng 11, và nói thêm rằng “không có khả năng kháng cáo.”

“Cha Pavone đã có nhiều cơ hội để tự bảo vệ mình trong thủ tục tố tụng theo giáo luật, và ngài cũng có nhiều cơ hội để phục tùng thẩm quyền của giám mục giáo phận của mình,” một tuyên bố riêng kèm theo bức thư của Đức Tổng Giám Mục Pierre giải thích. “Người ta xác định rằng Cha Pavone không có lý do chính đáng nào cho hành động của mình.”

Tuy nhiên, Cha Pavone nói với CNA hôm thứ Bảy rằng ngài không được thông báo về phán quyết của Vatican.

Thông tin liên lạc từ Đức Tổng Giám Mục Pierre không nêu rõ các hành động dẫn đến việc Cha Pavone bị huyền chức và cũng không nêu tên vị giám mục mà ngài đã không tuân theo.

Tuyên bố đề cập đến Cha Pavone là “Mr. Pavone” và gọi ngài là “một giáo dân,” nhấn mạnh tính chất kịch tính và tức thì trong hành động của Vatican.

“Vì phong trào Linh mục vì Sự sống không phải là một tổ chức Công Giáo, nên vai trò tiếp tục của ông Pavone trong đó với tư cách là một giáo dân sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào hàng lãnh đạo của tổ chức đó,” tuyên bố viết.

Cha Pavone vẫn tiếp tục cử hành các Thánh lễ, bao gồm một Thánh lễ trực tuyến vào hôm Thứ Bảy. Trang web Linh mục vì Sự sống tuyên bố rằng Cha Pavone “là một linh mục Công Giáo có thế giá tốt, và thi hành sứ vụ của mình trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo.”

Trong một email gửi cho CNA hôm thứ Bảy, Cha Pavone nói rằng ngài không hay biết về hành động của Vatican.

“Làm thế nào mà CNA biết được điều này trước khi tôi biết?” ngài hỏi. Trong một email tiếp theo, ngài nói thêm rằng cuộc điều tra của CNA là “thông tin liên lạc đầu tiên đến với tôi về điều này.”

Không rõ Cha Pavone, 63 tuổi, được nhập tịch ở giáo phận nào. Theo trang web của các Linh mục vì Sự sống, ngài đã được Vatican cho phép vào năm 2019 để thuyên chuyển từ Giáo phận Amarillo, Texas, nơi ngài được nhập tịch vào năm 2005, đến một giáo phận khác không được nêu tên.

Cha Pavone đã tổ chức chương trình “Bảo Vệ Sự Sống” trên EWTN trong nhiều năm cho đến khi Giám mục của Amarillo, Texas, thu hồi giấy phép không cho Pavone xuất hiện trên Mạng. EWTN là tổ chức mẹ của CNA.

Ban đầu có trụ sở tại Staten Island, New York, các Linh mục vì Sự sống hiện có trụ sở chính tại Titusville, Florida, trong Giáo phận Orlando. Giáo phận đó cũng đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNA vào hôm thứ Bảy.

Cha Pavone đã từng là giám đốc quốc gia của tổ chức phò sự sống từ năm 1993.

Trong vai trò đó, ngài có lịch sử xung đột lâu dài với các giám mục, bắt đầu từ hơn 20 năm trước với cố Hồng Y Edward Egan của Tổng giáo phận New York. Đức Hồng Y Egan kế vị cố Hồng Y John J. O'Connor, là người đã tấn phong Pavone vào năm 1988 và khuyến khích công việc phò sự sống của ngài.

Trong email của mình, Cha Pavone đã hướng CNA đến một tài liệu được đăng trên trang web cá nhân của ngài có tiêu đề “Tóm tắt về cách thức Cha Frank và các linh mục phò sinh đã được một số người trong hàng giáo phẩm đối xử.”

“Tất cả chúng tôi đều cho rằng các nhóm ủng hộ phá thai, như Planned Parenthood, sẽ tấn công, quấy rối và cố gắng đe dọa chúng tôi. Và họ đã cố gắng,” ngài viết.

“Nhưng khi sự đối xử như vậy đến từ các giám mục và các cơ quan có thẩm quyền khác của Giáo hội – là điều mà ngày càng xảy ra thường xuyên - thì điều đó đặc biệt đáng trách. Thay vì hỗ trợ và khuyến khích công việc bảo vệ sự sống của Giáo hội, một số người trong số này lại cố gắng cản trở các công việc đó, đồng thời lạm dụng quyền lực của họ để cố gắng đe dọa các linh mục và giáo dân, những người coi việc chấm dứt phá thai là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta.”

Cha Pavone đã có mâu thuẫn với Đức Cha Patrick J. Zurek, Giám Mục giáo phận Amarillo kể từ khi ngài này trở thành giám mục ở đó vào năm 2008. Năm 2011, Đức Cha Zurek đã công khai đình chỉ Cha Pavone, nhưng quyết định đình chỉ này đã bị Vatican bác bỏ. Giáo phận Amarillo đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNA trước khi xuất bản.

Hoạt động chính trị của Pavone đóng một vai trò trong các vấn đề của ngài ở Amarillo.

Là một người thẳng thắn ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump, Cha Pavone đã phục vụ ở các vị trí tiếp cận chính thức trong chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump vào năm 2016, và ban đầu là đồng chủ tịch của liên minh phò sự sống năm 2020 của tổng thống Trump, đồng thời là thành viên ban cố vấn người Công Giáo cho vị tổng thống Đảng Cộng Hòa. Giáo luật cấm giáo sĩ có vai trò tích cực trong các đảng phái chính trị trừ khi họ được phép của giám mục.

Vào tháng 11 năm 2016, Pavone đã quay một video tại trụ sở của các Linh mục vì Sự sống, kêu gọi ủng hộ tổng thống Trump. Đoạn video được dàn dựng với cảnh thi thể của một đứa trẻ bị phá thai được đặt trước Cha Pavone trên một nơi có vẻ như là một bàn thờ.

Đức Cha Zurek cho biết ngay sau khi video được phát hành rằng ngài sẽ mở một cuộc điều tra về vụ việc, gọi hành động này là “đi ngược lại phẩm giá của cuộc sống con người” và “xúc phạm bàn thờ,” và nói thêm rằng “hành động và cách trình bày của Cha Pavone trong video này là không phù hợp với niềm tin của Giáo Hội Công Giáo.”

Trên trang web của mình, Cha Pavone mô tả chi tiết phiên bản của ngài về những gì đã xảy ra trong video. Ngài cũng đã đăng một bản ghi lại những gì ngài nói trên video.

“Phần lớn những lời chỉ trích xoay quanh việc tôi đặt em bé lên “bàn thờ” và một số bắt đầu phàn nàn về kỹ thuật đối với những gì nên hoặc không nên làm với bàn thờ. Nhưng ở mức độ mà họ muốn có được kỹ thuật, tôi cũng vậy, và tôi đã chỉ ra rằng đây là một cái bàn trong văn phòng của chúng tôi, không phải một bàn thờ được thánh hiến trong một nhà nguyện,” ngài viết.

“Chiếc bàn đó, đôi khi được sử dụng cho Thánh lễ, cũng là nơi thực hiện tất cả các video của tôi trong loạt chương trình phát sóng về bầu cử mang tính giáo dục này. Nghĩ lại, lẽ ra tôi nên quay video em bé ở một địa điểm khác để tránh mọi sự nhầm lẫn.”

Cha Pavone đã viết trong tài khoản xã hội của mình rằng hài cốt của đứa bé đã được trao cho ngài để ngài tiến hành chôn cất đàng hoàng, là điều mà ngài nói rằng ngài đã làm sau khi quay video.

Cha Pavone đã từ chức hai vị trí trong chiến dịch tái tranh cử của tổng thống Trump vào năm 2020 theo yêu cầu của điều mà ngài gọi là “cơ quan giáo hội có thẩm quyền”. Nhưng ngài vẫn tiếp tục sử dụng các nền tảng mạng xã hội của mình để bênh vực cho tổng thống Trump và tố cáo Đảng Dân chủ.

Những bài đăng đó đã dẫn đến một cuộc đối đầu khác với Đức Cha Zurek ngay trước cuộc bầu cử năm 2020.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo hạt Long Thành, GP Xuân Lộc, hội diễn thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh
BTT GP Xuân Lộc
08:31 20/12/2022
Giáo hạt Long Thành hội diễn thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh

Đêm 18.12.2022 – Hơn 800 ca viên của các Giáo xứ trong Hạt Long Thành qui tụ về Nhà thờ Thái Lạc để hội diễn thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh với chủ đề: “GIÁNG SINH – TÌNH YÊU HIỆP HÀNH”. Bên cạnh đó, còn có đông đảo bà con giáo dân trong các giáo xứ lân cận đến để xem biểu diễn thánh ca. Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa trong dịp Mừng Chúa Giáng Sinh của bà con giáo dân trong hạt Long Thành.

Xem Hình

Theo lời cha Gioan Bùi Sỹ Phước - Quản hạt Long Thành cho biết: Để tổ chức Đêm Hội Diễn Thánh Ca, từ trước hơn một tháng, Ban Thánh Nhạc các giáo xứ đã họp bàn với cha Cosma Hoàng Văn Dũng - Đặc trách Thánh Nhạc Giáo Hạt và cha Quản hạt để quyết định lên chương trình cho đêm hội diễn. Trong khoảng thời gian một tháng, ca đoàn, nhạc đoàn của các giáo xứ đã tích cực tập dợt để phục vụ tốt cho đêm diễn này.

Trong lời khai mạc, Cha Quản hạt diễn tả ý nghĩa của đêm hội diễn. Ngài nói: “sau một thời gian giãn cách vì dịch bệnh, tạ ơn Chúa về sự bình an Chúa ban cho nhân loại. Đêm nay, Giáo hạt Long Thành lại có cơ hội tổ chức Hội diễn Thánh ca Mừng Chúa Giáng Sinh lần thứ II với chủ đề: “GIÁNG SINH – TÌNH YÊU HIỆP HÀNH”. Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian nên đã ban con một của mình cho thế gian. Con Thiên Chúa đã hủy mình ra không và hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta trong thân phận nô lệ và trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người đã làm người để con người được làm con Thiên Chúa. Cùng hiệp hành với nhau trong Hội Thánh, trong giáo phận, trong giáo hạt, các ca viên, nhạc công đã cùng nhau luyện tập để góp phần riêng của mình cho cái chung là đêm hội diễn thánh ca Giáng Sinh: TÌNH YÊU HIỆP HÀNH để ca khen, chúc tụng, cảm tạ Thiên Chúa Tình Yêu. Giờ đây, xin khai mạc đêm thánh ca..”

Hai MC Nhất Thắng và Bạch Quyên dẫn chương trình đã ngỏ cùng cộng đoàn: “Kính thưa quý cộng đoàn, trong năm Hiệp Hành sống Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ nơi Giáo Xứ - Gia Đình và Hội đoàn, để có tinh thần hăng say, tích cực phục vụ hơn, các giáo xứ đáp lời mời gọi của cha Quản hạt, Cha Đặc trách hòa chung niềm vui với giáo hạt Long Thành sống niềm vui, tin yêu và phó thác chuẩn bị đón mừng Chúa xuống thế làm người. Đêm nay, bỏ lại những ồn ào và lắng đọng tâm hồn để chiêm ngắm, để chúc tụng, để thờ lạy Ngôi Hai Thiên Chúa đã khiêm tốn hạ sinh nơi máng cỏ Belem năm xưa qua những giai điệu, nhạc khúc Giáng Sinh..”

Đêm hội diễn để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho các khánh giả. Cảm nhận sự nỗ lực tập dợt của các ca đoàn, nhạc đoàn. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Xuân Hoa – Bề trên của Tu Hội Nữ Tỳ Chúa Kitô và là ca trưởng của Ca đoàn Gx. Văn Hải chia sẻ: “Đêm diễn thật tuyệt vời. Ban Tổ Chức (BTC) làm việc hết sức chu đáo. Cám ơn Cha Quản hạt và BTC đã tạo điều kiện cho ca đoàn, nhạc đoàn các giáo xứ có cơ hội tôn vinh Chúa. Cảm ơn 110 ca viên của Giáo xứ Văn Hải đã luôn tích cực hiệp hành với giáo xứ, giáo hạt khi đáp lại lời mời gọi của BTC và cha Quản hạt để tập dợt và tham dự đêm hội diễn này”

Tin: BTT GP. Xuân Lộc

Ảnh: MVTT Hạt Long Thành
 
Giáo hạt Ninh Bình, Phát Diệm thi hội diễn Thánh ca Emmanuel
BTT GP Phát Diệm
22:22 20/12/2022
Giáo hạt Ninh Bình, Phát Diệm thi hội diễn Thánh ca Emmanuel



Tối thứ Sáu 17.12, tại giáo xứ Ninh Bình, giáo hạt Ninh Bình đã tổ chức cuộc thi tiếng hát Thánh ca Emmanuel với sự tham dự của 450 ca viên, từ 8 ca đoàn thuộc 8 giáo xứ trong giáo hạt. Tham dự và cổ võ cho sự kiện này có cha Luca Phạm Quang Huy, chính xứ La Vân, quản hạt Ninh Bình; cha Gioan Đỗ Văn Khoa, chính xứ Ninh Bình, trưởng ban tổ chức cùng quý cha trong giáo hạt.

Xem Hình

Về Ban Giám khảo, có cha Giuse Trần Văn Tịnh, trưởng Ban Thánh nhạc giáo phận, cha Phaolô Nguyễn Văn Định, nguyên Trưởng ban Thánh nhạc, cha Giuse Nguyễn Đức Thành, Ban Thánh nhạc và ông Giuse Đỗ Quang Quý, nguyên Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.

Sau hai năm bị ngưng trệ bởi đại dịch Covid-19, cuộc thi hội diễn thánh ca đã diễn ra trong bầu khí vui tươi, háo hức và đầy nhiệt huyết. Các ca đoàn đã cố gắng hết mình để dâng lời ca tiếng hát ca ngợi Thiên Chúa, từng ánh mắt như vừa ngạc nhiên trước mầu nhiệm Emmanuel- ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’, vừa toát lên niềm vui được làm con Chúa qua từng giai điệu du dương thánh thót của những bản thánh ca bất hủ mọi thời. Hơn thế nữa, những bản hợp xướng còn diễn tả vẻ đẹp của tình hiệp nhất trong ca đoàn, trong giáo xứ, giáo hạt và Giáo hội.

Khép lại cuộc thi, Ban giám khảo đã trao giải thưởng cho các ca đoàn: ca đoàn giáo xứ La Vân (giải nhất); ca đoàn xứ Ninh Bình (giải nhì); ca đoàn xứ Tam Điệp (giải ba) và 5 giải triển vọng cho 5 ca đoàn các giáo xứ: An Ngải, Áng Sơn, Hào Phú, Hoàng Mai và Thiện Dưỡng.

Ước mong, các giáo hạt sẽ tiếp nối những cuộc hội diễn, giao lưu thánh ca, để lan toả niềm vui Giáng Sinh bằng ngôn ngữ không biên giới là thánh nhạc.

BTT GP Phát Diệm
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trước Cuộc Truyền Tin, Đức Mẹ Và Thánh Giuse Đã Đính Hôn Hay Thành Hôn?
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
08:18 20/12/2022
Trước Cuộc Truyền Tin, Đức Mẹ Và Thánh Giuse Đã “Đính Hôn” Hay “Thành Hôn”?

Cùng một câu Kinh Thánh, Matthêu 1:18, Cha Nguyễn Thế Thuấn đã dịch là: “Maria, mẹ Ngài đã ‘ĐÍNH HÔN’ với Yuse.”; cuốn “Lời Chúa cho mọi người” của “Nhóm phiên dịch các giờ kinh phụng vụ” dịch là: “Bà Maria, mẹ Người đã ‘THÀNH HÔN’ với ông Giuse.”; còn bản dịch mới nhất, của “Ban Biên Tập Công Giáo Việt Nam” (phần Tân Ước) cũng dịch là: “Maria mẹ Ngài đã ‘ĐÍNH HÔN’ với Giuse.”

Tại sao lại có sự “lấn cấn” này? Bản dịch nào đã chính xác? Và đâu là sự thật?

Xin thưa, cả hai cách đều không hoàn toàn chính xác, dễ đưa đến sự hiểu lầm! Lý do là vì nghi thức ban đầu đi đến hôn nhân giữa hai người trẻ ở nước Do Thái thuở ấy rất khác với nghi thức đính hôn (engagement) của nhân loại ngày nay, nó nối kết đôi trẻ nhiều hơn là đính hôn nhưng vẫn chưa là thành hôn (marriage).

Để hiểu rõ hơn, thiết tưởng người ta cần tìm về cội nguồn của “nghi thức” khiến Đức Mẹ đã là ‘vợ’ của thánh Giuse (Mát-thêu 1:20) nhưng vẫn chưa thực sự là vợ theo nghĩa thời nay. Nghi thức đó tiếng Do-thái gọi là "ERUSIN" (אירוסין), đi trước giai đoạn thứ hai được gọi là "NISSUIN" (נישואי - thành hôn).

Chữ Erusin đã được dịch qua tiếng Anh bằng nhiều chữ: “to betroth”, “to espouse”, “to engage” hay “to be pledged”. Nhiều bản Hi-lạp đã dùng chữ “μνηστευθείσης” (mnēsteutheisēs) có nghĩa “to be betrothed” hay “to be espoused.”

Trên thực tế, nghi thức Erusin khiến đôi trẻ đã được xã hội công nhận là vợ chồng và nếu sau đó duyên không thành, họ vẫn phải đi qua tiến trình ly dị như các đôi đã cưới nhau (Nissuin). Tuy nhiên, Erusin chưa cho phép đôi trẻ về chung sống với nhau như vợ chồng và dĩ nhiên là chưa được “động phòng.” Sau thời gian chuẩn bị, khoảng một năm, để đôi trẻ cùng nhau hình thành gia đình mới cho họ, nghi thức thứ hai (Nissuin) sẽ được cử hành và chàng sẽ chính thức đưa nàng “về dinh” (liḳḳuḥin – home taking) như trong tiệc cưới ở Cana (Gioan 2:1).

Về phương diện pháp luật, vì đã được coi là vợ chồng nên hình phạt cho kẻ ngoại tình (cả nam và nữ) sẽ là tử hình (Nhị Luật 22:20-22) đặc biệt là bằng cách bị mọi người ném đá cho đến chết, như trong Phúc Âm theo thánh Gioan (8:1-11).

Trở lại trường hợp của Đức Mẹ và thánh Giuse, các ngài đã nhận nghi thức Erusin trước khi có cuộc Truyền Tin vì vậy các ngài đã được kể là vợ chồng nhưng chưa “về chung sống với nhau” (Mát-thêu 1:18), nghĩa là chưa có Nissuin, chưa thành hôn.

Đang khi đó, một sự khó khăn rất lớn đã xảy ra: Đức Mẹ “đã có thai do quyền phép của Chúa Thánh Thần”. Kinh Thánh không nói Đức Mẹ có kể chuyện mang thai này với thánh Giuse hay không, nhưng sớm hay muộn, việc này sẽ được “nhìn thấy” sau khi Đức Mẹ từ nhà thánh Elizabeth (Isave) trở về. Lúc đó, Đức Mẹ đã có mang được khoảng 3 tháng.

Về phần thánh Giuse, “vì là người công chính và không muốn tố giác bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo.” (Mát-thêu. 1:19). Như vậy, bằng cách nào đó hay sau đó không lâu, thánh nhân đã biết rồi. Cũng cần nhớ rằng, ở khoảng thời gian này, thánh nhân chưa được thiên thần báo mộng (Mát-thêu. 1:20-25). Vì vậy, đây là cách giải quyết “vấn đề” của thánh Giuse:

Trước tiên, ngài là “người công chính” (just man) được diễn tả trong Thánh Vịnh 1:1-2 và có nghĩa: “Người công chính ví thể chà là (cây dừa) trổ hoa, mọc cao dường thể bách tùng (hay hương bá) Liban” (Thánh Vịnh 92 [91]:13). Một người như vậy, dĩ nhiên là không ưa tội lỗi, tuy nhiên, ngài vẫn không đang tâm tố cáo Đức Mẹ. Nếu ngài tố cáo, Đức Mẹ sẽ bị tử hình bằng cách ném đá cho đến chết như trong sách Nhị Luật (22:20-22).

Thứ hai, lúc đó, ngài vẫn chưa là “thánh” để bất chấp tất cả và cứ “cưới” (nissuin) Đức Mẹ mà không cần biết nguyên nhân của việc thụ thai.

Cuối cùng, ngài đã chọn giải pháp thứ ba: “Âm thầm ly dị” Đức Mẹ. Như vậy, khi bào thai lớn hơn và mọi người đều biết, họ sẽ cho rằng đó là con của Giuse và đó là hậu quả của việc “ăn cơm trước kẻng.” Hai người, thường thì, sẽ bị các tư tế khiển trách và chịu nộp một khoản tiền vạ nào đó (Xuất Hành 22:16). Việc này đối với “người công chính” Giuse đã thật là nặng nề và ô nhục, nhưng thánh nhân vẫn chấp nhận vì không thể nào để cho Đức Mẹ phải chịu tử hình bằng cách bị ném đá cho đến chết. Phản ứng dữ dội đó, người đàn ông nào cũng có thể làm, để thỏa cơn tức giận và vì muốn trả thù người yêu cũ của mình.

Dĩ nhiên, Chúa đã không để cho tôi tớ của Ngài phải chịu đau khổ lâu, Ngài đã sai thiên thần báo mộng và mặc khải cho thánh Giuse biết chương trình của Chúa (Mát-thêu 1:21-24). Như thoát được gánh nặng ngàn cân, dĩ nhiên, thánh nhân đã rất hoan hỉ vâng lời Chúa và “đưa Đức Mẹ về nhà mình.”

Nhưng đến khi phải xuống Bê-lem (Bethlehem) để khai kiểm tra dân số (khoảng 6 tháng sau), dường như các ngài vẫn không (hay chưa) cử hành nghi lễ hôn phối (nissuin). Bằng chứng là Phúc Âm theo thánh Luca (2:5) vẫn dùng chữ “betroth” (erusin) để ám chỉ Đức Mẹ: “To be enrolled with Mary, his BETROTHED, who was with child.” Các bản dịch qua tiếng Việt kể trên vẫn dùng những chữ “đính hôn” và “thành hôn.” (Riêng bản của BBT CGVN lúc này lại dịch là thành hôn. Trg 219).

Như vậy, để tránh gây hiểu lầm, có lẽ các bản dịch Kinh Thánh qua tiếng Việt cần chọn một từ khác cho chữ Erusin, thay vì dịch là “đính hôn” hay “thành hôn”. Người đời sẽ thắc mắc: “Đính hôn” thì chưa thể gọi là vợ, mà “thành hôn” thì tại sao chưa được sống chung và ăn ở với nhau? Trong khi chờ đợi một từ tương xứng, cần giữ nguyên chữ “E-ru-sin” để diễn tả bước đầu đặc biệt của hôn nhân Do Thái, giữa thánh Giuse và Đức Mẹ, vào thuở Chúa Giêsu sắp giáng trần.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp)
 
VietCatholic TV
Wagner trải nghiệm lợi hại của Georgia. Nga tố Mỹ đưa hỏa tiễn lạ cho Ukraine tấn công qua biên giới
VietCatholic Media
03:06 20/12/2022


1. Kyiv bị tấn công bằng máy bay không người lái. 520 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng 7 chiến xa

Vào đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12, Nga đã tấn công Ukraine bằng 34 máy bay không người lái kamikaze Shahed từ một lô hàng 250 máy bay không người lái mới nhận được từ Iran.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói điều này trong một bài phát biểu trực tuyến trước những người tham gia cuộc họp của các nhà lãnh đạo Lực lượng Viễn chinh Chung của Vương quốc Anh, gọi tắt là JEF.

“Ukraine lại bị máy bay không người lái của Iran tấn công đêm qua. Ba mươi bốn Shahed. Tôi nói cả số và tên, và khá cụ thể. Đây là những chiếc Shahed thuộc lô hàng mới mà Nga nhận được từ Iran. 250 chiếc - đó là số lượng Shahed hiện đã được nhà nước khủng bố nhận được,” ông nói.

Zelenskiy cho biết hỏa tiễn của Nga và máy bay không người lái của Iran liên tục được sử dụng cho các cuộc tấn công, chủ yếu nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Theo ông, chỉ một cuộc tấn công lớn gần đây vào Ukraine đã ảnh hưởng đến hơn 20 triệu người Ukraine, khiến các thành phố có dân số hơn một triệu người và hầu hết các vùng của Ukraine không có điện.

“Tổng cộng 22,408,000 người Ukraine đã bị cắt nguồn cung cấp năng lượng vào tối ngày 16 tháng 12. Việc cung cấp nước và sưởi ấm cho hơn mười triệu người đã bị tạm dừng,” ông nói thêm.

Vào đêm thứ Hai 19 tháng 12, Nga lại thực hiện một cuộc tấn công lớn khác bằng máy bay không người lái kamikaze. Không quân Ukraine đã bắn hạ 30 trên tổng số 35 máy bay không người lái do quân Nga phóng ra.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 20 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết quân Nga lui về vị trí phòng thủ ở tất cả các mặt trận và chỉ mở các cuộc tấn công ở 2 thành phố Bakhmut và Avdiivka, nơi thương vong của quân Nga là cao nhất.

Quân đoàn tình nguyện Geogia được ghi nhận đã gây thiệt hại rất nặng cho quân Wagner với lối đánh du kích của họ. Georgia đã bị Nga xâm lược vào tháng 8 năm 2008. Cuộc chiến Nga – Georgia diễn ra ở khu vực chiến lược quan trọng Nam Caucasus được coi là cuộc chiến tranh ở Âu Châu đầu tiên vào thế kỷ 21. Georgia đã không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế như Ukraine. Vì thế, quân đội của họ phát triển mạnh các hình thức chiến tranh du kích để chống lại quân đội Nga hùng mạnh.

Trong ngày thứ hai, quân Wagner mở 25 cuộc tấn công vào quân Georgia và quân Ukraine tại 2 thị trấn Berestove, Yakovlivka. Tất cả đều bị đẩy lui,

Trong bản tin tình báo ngày 19 tháng 12, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết cách thức các đặc vụ Wagner chiến đấu tại thành phố Bakhmut như sau: Từng cá nhân các chiến binh này thường được cấp một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng hiển thị trục tiến công và mục tiêu tấn công được chỉ định cho mỗi cá nhân và được đặt chồng lên hình ảnh vệ tinh thương mại. Các cấp chỉ huy ẩn nấp đâu đó xa xa và ra lệnh cho họ qua các thiết bị này. Chỉ cần tịch thu được thiết bị một chiến binh Wagner, có thể đoán được đường tiến thoái của cả nhóm Wagner.

Chiến thuật của nhóm lính đánh thuê Wagner cho đến nay đã được chứng minh là không có hiệu quả vì không chiếm được một mục tiêu nào, mà còn gây thương vong quá cao. Tuy nhiên, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định nhóm này sẽ không thay đổi chiến thuật của họ vì họ muốn bảo tồn tài sản quý hiếm của Wagner bao gồm các chỉ huy giàu kinh nghiệm và các xe bọc thép, với cái giá phải trả là những tân binh dễ tìm hơn từ những kẻ bị kết án, mà tổ chức đánh giá là có thể tiêu xài thả cửa.

Lực lượng không quân Ukraine đã tiến hành 17 cuộc tấn công vào các vị trí của kẻ thù trong ngày qua, trong đó có 5 cuộc tấn công vào các vị trí của hệ thống hỏa tiễn phòng không.

Trong ngày qua, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và khai hỏa bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt khoảng 10 lần.

Quân đội Nga liên tục nã pháo vào Temyrivka, Chervone, Mali Shcherbaki và Plavni của vùng Zaporizhzhia, và thành phố Kherson bằng đủ loại pháo. Dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự một lần nữa phải hứng chịu hỏa lực của kẻ thù ở Kherson.

Trong khu vực Luhansk, do tổn thất đáng kể về nhân sự, những kẻ xâm lược Nga đang biến các bệnh viện trong các khu vực bị chiếm đóng tạm thời để làm bệnh viện quân sự. Bệnh viện lâm sàng khu vực Luhansk, Bệnh viện đa khoa số 15 thành phố Luhansk và Bệnh viện đường sắt đã bị huy động để phục vụ nhu cầu quân sự của quân đội Nga. Các cơ sở y tế nói trên đang từ chối cung cấp dịch vụ y tế cho dân thường và đề nghị họ đến các cơ sở khác.

Tại Berdiansk, Tokmak và Polohy của khu vực Zaporizhzhia, lực lượng Ukraine đã phá hủy một kho đạn dược của Nga và khoảng 15 đơn vị thiết bị quân sự.

Một số lượng lớn quân xâm lược được nhìn thấy đang di tản từ Kakhovka và Nova Kakhovka đến Nyzhni Sirohozy, nằm trên đường Kherson-Melitopol, giáp biên giới với vùng Zaporizhzhia. Đoàn xe của họ được trực thăng tấn công bảo vệ. Hai chiếc đã bị bắn rơi vào tối thứ Hai. Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết tin tức này mới nhận được nên chưa có trong bảng thống kê.

Ông cũng cho biết thêm trong số các tin tức mới nhận được là các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Ukraine đã tấn công một kho đạn của Nga, hai sở chỉ huy và hai cụm binh lính.

Trong 24 giờ qua, quân Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 520 lính Nga, một xe tăng, 5 xe thiết giáp và 5 hệ thống pháo.

Tính chung, từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 19 tháng 12, quân Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 98,800 binh sĩ Nga, 2,988 xe tăng, 5,969 xe thiết giáp, 1,953 hệ thống pháo, 410 hệ thống phóng hỏa tiễn, 212 hệ thống phòng không, 281 máy bay, 264 trực thăng, 1,657 máy bay không người lái cấp tác chiến và chiến thuật, 653 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,592 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 175 đơn vị thiết bị chuyên dụng.

2. Mạc Tư Khoa cho biết họ đã bắn hạ 4 hỏa tiễn do Mỹ sản xuất ở miền nam nước Nga

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cáo buộc Hoa Kỳ cung cấp hỏa tiễn cho quân Ukraine bắn xuyên biên giới vào khu vực Belgorod của Nga.

Ông cho biết lực lượng của Nga đã bắn hạ 4 hỏa tiễn chống bức xạ do Mỹ sản xuất trên một khu vực ở miền nam nước Nga giáp với Ukraine. Đó là lần đầu tiên một tuyên bố như vậy được Mạc Tư Khoa đưa ra kể từ khi phát động cuộc chiến 9 tháng trước.

Igor Konashenkov cho biết: “ Bốn hỏa tiễn chống radar 'HARM' của Mỹ đã bị bắn hạ trong không phận của khu vực Belgorod.

Theo Không quân Hoa Kỳ, “HARM”, một loại hỏa tiễn không đối đất chống bức xạ tốc độ cao được thiết kế để “tìm kiếm và tiêu diệt” các hệ thống phòng không được trang bị radar.

Theo thống đốc Vyacheslav Gladkov, hôm Chúa Nhật, các cuộc pháo kích đã tấn công khu vực Belgorod, đánh trúng các tòa nhà dân cư và công nghiệp, khiến một người chết và 10 người khác bị thương trong các cuộc tấn công.

“Hôm qua là một ngày vô cùng khó khăn. Đã có pháo kích từ Lực lượng Vũ trang Ukraine,” Gladkov cho biết như trên vào hôm thứ Hai.

Trước đó, vào chiều Chúa Nhật, Vyacheslav Gladkov nói: “Một người đã chết. Được biết, người đàn ông đó đến với chúng tôi từ Tambov và làm việc với tư cách là nhà thầu xây dựng trang trại gia cầm. Tôi bày tỏ lời chia buồn tới gia đình và bạn bè của những người đã khuất.”

“Tám người bị thương, bảy người hiện đang ở bệnh viện, một trong số họ đang được chăm sóc đặc biệt. Tất cả các hỗ trợ y tế cần thiết được cung cấp. Một nạn nhân khác từ chối nhập viện và được gửi đi điều trị ngoại trú”

3. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tin chiến tranh ở Ukraine 'sẽ tiếp diễn' trong năm 2023

Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết ông tin rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine “sẽ tiếp diễn” và không thấy triển vọng cho các cuộc đàm phán hòa bình “nghiêm túc” trong tương lai gần.

Phát biểu với các phóng viên trong hội nghị thường niên cuối năm tại New York, Guterres cho biết ông “sẽ không ngừng theo đuổi hòa bình ở Ukraine phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, và đề cập đến nguyên tắc chính của hiến chương Liên Hiệp Quốc là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Ông cho biết ông “không lạc quan” về khả năng một cuộc đàm phán hòa bình hiệu quả giữa Ukraine và Nga trong tương lai gần, đồng thời cho biết thêm:

Tôi tin rằng cuộc đối đầu quân sự sẽ tiếp tục.

Tuy nhiên, ông cho biết ông “rất hy vọng rằng hòa bình có thể đạt được vào năm 2023, viện dẫn những “hậu quả” đối với người dân Ukraine, xã hội Nga và nền kinh tế toàn cầu nếu không đạt được thỏa thuận. Ông nói thêm:

Tất cả những điều này là lý do để chúng ta làm mọi thứ có thể để đạt được một giải pháp hòa bình trước cuối năm 2023.

Trong thời gian chờ đợi, ông cho biết sẽ tập trung vào việc nâng cao hiệu quả của một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian nhằm nối lại các chuyến hàng phân bón và thực phẩm ở Hắc Hải của Ukraine, tiếp tục cố gắng khởi động lại hoạt động xuất khẩu amoniac của Nga qua Ukraine và tìm cách đẩy nhanh việc trao đổi tù nhân chiến tranh.

4. Trẻ em Ukraine đang xin ông già Noel hệ thống phòng không và vũ khí vào Giáng Sinh này, Zelenskiy nói

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Hai, ngày nước này kỷ niệm Ngày Thánh Nicholas, rằng trẻ em Ukraine đang xin Thánh Nicholas, hay ông già Noel, cho vũ khí, hệ thống phòng không và chiến thắng.

“Hôm nay là Ngày Thánh Nicholas… Những kẻ khủng bố Nga đã tặng một món quà cho trẻ em Ukraine bằng các cuộc tấn công mới,” Zelenskiy nói trong một bài phát biểu trực tuyến trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Lực lượng Viễn chinh Chung, gọi tắt là JEF.

Ông nói: “Những đứa trẻ Ukraine trong những bức thư gửi cho Thánh Nicholas đang yêu cầu phòng không, vũ khí, chiến thắng - một chiến thắng cho các cháu, một chiến thắng cho tất cả người dân Ukraine. Con cái của chúng tôi hãy mọi thứ đang diễn ra”

Ngày Thánh Nicholas, hay Ngày Svyatyy Mykolay, được tổ chức tại Ukraine vào ngày 19 tháng 12, dựa trên lịch Julian cũ, chậm hơn 13 ngày so với lịch Grêgôriô. Ngày lễ của vị thánh thường được cử hành vào ngày 5 hoặc 6 tháng 12 tại các quốc gia Kitô Giáo phương Tây.

Zelenskiy kêu gọi các nhà lãnh đạo từ JEF - bao gồm Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển và Vương quốc Anh - tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng viện trợ quân sự để “đẩy nhanh quá trình hướng tới chiến thắng của Ukraine.”

“Chiến thắng của chúng tôi sẽ là chiến thắng cho mỗi người các bạn, cho Âu Châu, cho người dân của các bạn – một chiến thắng mà tôi chắc chắn rằng cả thế giới đang mong chờ,” ông Zelenskiy nói.

5. Lãnh đạo phe đối lập cho biết khả năng Belarus đưa quân vào Ukraine 'có thể tăng lên trong những tuần tới'

Lãnh đạo phe đối lập lưu vong Belarus, Sviatlana Tsikhanouskaya, đã cảnh báo rằng khả năng Belarus gửi binh lính vào Ukraine “có thể tăng lên trong những tuần tới” khi những lo ngại gia tăng ở Kyiv rằng Mạc Tư Khoa đang thúc đẩy đồng minh thân cận nhất của mình tham gia một cuộc tấn công trên bộ mới chống lại Ukraine.

Nhận xét của Tsikhanouskaya được đưa ra khi Vladimir Putin tới Belarus để hội đàm với Alexander Lukashenko, trong một cuộc gặp gỡ mà tổng thống Belarus cho biết sẽ đề cập đến “tình hình quân sự-chính trị” trong khu vực cũng như hợp tác kinh tế.

Ukraine sẽ theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán. Tuần trước, một số chỉ huy quân sự Ukraine cho biết Nga có thể thử một nỗ lực khác nhằm xâm lược nước này từ phía bắc. Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm Chúa Nhật rằng Ukraine đã sẵn sàng cho “mọi kịch bản phòng thủ có thể xảy ra” chống lại Mạc Tư Khoa và đồng minh của họ.

Tsikhanouskaya cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Kyiv Post rằng Kyiv đã “đúng khi chuẩn bị” cho tình huống Belarus tham gia cuộc tấn công mới của Mạc Tư Khoa vì xác suất “có thể tăng lên trong những tuần tới”.

Cô ấy nói:

Các lực lượng vũ trang Belarus là một phần của xã hội và có cùng quan điểm về chiến tranh – 86% người Belarus phản đối việc tham gia chiến tranh. Điều này đã làm ngừng lệnh gửi quân đội Belarus tới chiến trường Ukraine. Nhưng đó không phải là quan điểm của nhà độc tài và Lukashenko cũng không có gan chống lại Putin – ông ấy hoàn toàn vâng lời Điện Cẩm Linh.

Xác suất của một sự can dự như vậy vẫn còn và có thể tăng lên trong những tuần tới. Tôi nghĩ giới lãnh đạo Ukraine đã đúng khi chuẩn bị cho kịch bản này mặc dù điều đó đôi khi chỉ có nghĩa là một động tác giả nhằm đánh lạc hướng các lực lượng quan trọng khỏi các khu vực chiến tranh đang hoạt động ở phía đông nam.

Lukashenko “coi Ukraine là một mối đe dọa”, cô ấy nói, đồng thời nói thêm rằng “một Ukraine dân chủ, tự do, thuộc Âu Châu là một tấm gương xấu đối với các chế độ độc tài của Lukashenko và Putin, do đó cuộc chiến này là một quyết định hợp lý đối với họ.”

Khi được hỏi mục tiêu tham gia của Nga và Belarus có thể là gì, cô ấy trả lời: “Họ muốn tiêu diệt Ukraine, khát vọng Âu Châu và bản sắc dân tộc của Ukraine, và đặt quốc gia này dưới sự kiểm soát của họ.”

6. Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Lavrov, đã có cuộc hội đàm với Bộ Trưởng Ngoại Giao Belarus, Sergei Aleinik, tại Minsk trước chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Belarus.

Các bộ trưởng ngoại giao đã thảo luận về “các vấn đề thời sự cụ thể, nỗ lực chống lại các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp của phương Tây, cũng như sự tương tác trên các nền tảng quốc tế”, truyền thông nhà nước Belarus dẫn lời Bộ Ngoại giao Belarus cho biết như trên.

Bộ này cho biết hai bên cũng “đã đề cập đến các vấn đề hợp tác kinh tế và thương mại cũng như việc thực hiện các dự án chung”.

Phát ngôn nhân của chính phủ Đức cho biết Đức “lo ngại” về chuyến thăm của ông Vladimir Putin tới Belarus và liệu các cuộc đàm phán giữa nhà lãnh đạo Nga và tổng thống Belarus Alexander Lukashenko có ảnh hưởng đến vai trò của Minsk trong cuộc chiến ở Ukraine hay không.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Đức nói với các phóng viên rằng thủ tướng Đức, Olaf Scholz, đã biết đầy đủ về chuyến thăm của Putin tới Belarus.

Tất nhiên, có những lo ngại về những gì chuyến thăm này có thể kéo theo: liệu vai trò của Belarus trong cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine một lần nữa sẽ thay đổi hay bị sửa đổi.

Bộ Ngoại Giao Đức cho biết có khả năng Belarus sẽ tăng cường viện trợ cho quân đội Nga, nhưng cảnh báo hãy chờ kết quả đàm phán và đừng đưa ra bất kỳ kết luận nào trước.

7. Quan chức Ukraine cảnh báo Nga có đủ hỏa tiễn cho 3 hay 4 cuộc tấn công hàng loạt nữa

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Has Enough Missiles for 3-4 More Mass Strikes, Official Warns”, nghĩa là “Quan chức Ukraine cảnh báo Nga có đủ hỏa tiễn cho 3 hay 4 cuộc tấn công hàng loạt nữa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một quan chức cấp cao của Ukraine tin rằng Nga sắp hết hỏa tiễn để nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov nói với hãng tin Pravda của Ukraine hôm thứ Hai rằng Nga có đủ hỏa tiễn để tấn công hàng loạt vào Ukraine “nhiều nhất là hai hoặc ba, có thể thêm bốn lần nữa là cùng”.

“Nhưng sau đó họ sẽ hoàn toàn không có hỏa tiễn, điều này là không thể chấp nhận được, bởi vì họ có thể gặp những thách thức hoàn toàn khác và họ phải để lại ít nhất một số dự trữ,” Danilov nói.

Khoảng một tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đã tweet một danh sách cung cấp hỏa tiễn có độ chính xác cao của Nga vào ngày 22 tháng 11, cho thấy kho dự trữ hỏa tiễn Iskander, Kalibr, Kh-22/32 và Kh-35 đã giảm đáng kể.

William Courtney, cựu đại sứ Mỹ và là thành viên cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation, nói với Newsweek rằng tốt nhất là Danilov và các quan chức Ukraine khác nên thận trọng khi đưa ra tuyên bố về kho dự trữ hỏa tiễn của Nga.

“Mạc Tư Khoa có dự trữ cho các mục đích khác, bao gồm cả chiến tranh với NATO,” Courtney nói. “Không dễ dàng đánh giá được mức độ sẵn sàng huy động chúng để sử dụng chống lại Ukraine.”

Ông nói thêm vẫn còn những điều không chắc chắn về việc có bao nhiêu hỏa tiễn S-300 mà Nga sẵn sàng tái sử dụng làm hỏa tiễn đất đối đất. Danilov bày tỏ sự hoài nghi về số lượng hỏa tiễn mà Nga đang sử dụng.

“Nếu Mạc Tư Khoa nghĩ rằng phương Tây sẽ cung cấp các máy bay chiến đấu cho Ukraine, chẳng hạn như máy bay chiến đấu Gripens, thì họ có thể ít sẵn sàng tung ra S-300 hơn,” Courtney nói.

Giám đốc điều hành Ukrenergo Volodymyr Kudrytskyi nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ có trụ sở tại Hoa Kỳ rằng Nga đã phóng hơn 1,000 hỏa tiễn hạng nặng và máy bay không người lái kamikaze, hướng vào lưới điện của Ukraine và bao gồm hầu hết các mục tiêu, đường truyền tải và nhà máy điện của Ukrenergo.

Ông cho biết thiệt hại phát sinh từ các cuộc tấn công, bắt đầu từ đầu tháng 10, cần tối thiểu 1.5 tỷ đô la để phục hồi. Nó khiến Ukrenegro, công ty chịu trách nhiệm về lưới điện quốc gia của Ukraine, phải đưa ra “lịch cắt điện liên tục... để duy trì sự cân bằng hoàn hảo giữa sản xuất và tiêu thụ trong hệ thống.”

Kudrytskyi nói: “Điều này làm cho chiến dịch chống lại hệ thống quyền lực này trở thành chiến dịch lớn nhất trong lịch sử loài người. Không ai từng trải qua những gì chúng tôi đang trải qua bây giờ. Vì vậy, tất nhiên, quy mô hủy diệt như vậy kéo theo rất nhiều vấn đề. Và thật không may, hàng triệu người Ukraine hiện đang phải chịu đựng điều này vì hàng triệu người bị cắt nguồn cung cấp điện.”

của Nga là gây mất điện toàn bộ hệ thống, Kudrytskyi nói thêm. Ông đề cập đến “các chiến lược rõ ràng” gây ra sự hủy diệt lớn nhất, phỏng đoán rằng các lực lượng quân sự Nga đang được các chuyên gia năng lượng “tư vấn” về mục tiêu cần xác định và tấn công.

John Erath, giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí, nói với Newsweek rằng những bình luận của Danilov về kho hỏa tiễn của Nga có khả năng mang tính chiến lược.

“Mục tiêu của Danilov là trấn an công chúng Ukraine rằng họ có thể tiếp tục chiến đấu, vì vậy mọi bình luận nên được đọc theo cách đó,” Erath nói. “ý chí phản kháng lại Nga là yếu tố quan trọng cho đến nay”

“Kyiv nhận thức rõ rằng chiến lược của Nga là làm suy yếu ý chí kháng cự thông qua các cuộc tấn công vào dân thường và cơ sở hạ tầng, đồng thời muốn báo hiệu rằng những điều này sẽ không đạt được mục tiêu của họ.”

Hôm thứ Hai, Ukrenegro đã thông báo cắt điện khẩn cấp qua Telegram ở các vùng Sumy, Kharkiv, Poltava, Dnipropetrovsk, Kirovohrad, Zhytomyr, Cherkasy, Chernihiv, Zaporizhzhia, Kyiv, bao gồm cả thủ đô Kyiv.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine và Nga để bình luận.
 
Cuộc giải cứu kỳ diệu: Không buông xuôi nhờ đức tin. Nhà thờ Pháp mở cửa mỗi ngày nhờ người Hồi giáo
VietCatholic Media
05:05 20/12/2022


1. Cuộc giải cứu kỳ diệu: Lênh đênh trên biển 10 ngày, người đàn ông đọc kinh Lạy Cha mỗi sáng

Khi Joe Ditomasso, 76 tuổi và Kevin Hyde, 65 tuổi, lên chiếc thuyền buồm dài 30 foot của họ ở Cape May, New Jersey và hướng đến Florida Keys, hai người bạn đang mong chờ một cuộc phiêu lưu.

Tuy nhiên, những gì bắt đầu như một chuyến đi thuyền vui vẻ bắt đầu vào cuối tuần Lễ tạ ơn bất ngờ trở thành một cơn ác mộng sống.

Đột nhiên bầu trời tối sầm lại, và chiếc thuyền nhỏ của họ bị một cơn bão lớn đánh úp. Gió lớn và những con sóng khổng lồ làm rung chuyển con thuyền, làm gãy cột buồm của nó. Hai người đàn ông và chú chó Minnie đồng hành của họ đã bị lạc trên biển với rất ít thức ăn và nước uống, không nhiên liệu và không có điện để vận hành radio và thiết bị định vị.

Điều gì đã giữ Ditomasso tiếp tục? “Cháu gái của tôi. Và thập giá của Chúa Giêsu.”

Việc họ sống sót và được giải cứu 10 ngày sau đó được gọi là một “phép lạ”. Đối với Ditomasso, đó là câu trả lời cho những lời cầu nguyện mà anh ấy nói mỗi sáng.

Ditomasso nói với ABC7: “Mỗi sáng thức dậy, tôi hôn thánh giá và đọc kinh Lạy Cha.”

'Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất'

Cuộc hành trình trở nên nguy hiểm đối với những người đàn ông khi một cơn bão lớn thổi bay họ khi đang ở ngoài khơi bờ biển Bắc Carolina, ABC7 đưa tin.

“Tôi chưa bao giờ nghe thấy một cơn gió nào tồi tệ như vậy.... Nghe có vẻ như ma quỷ đang ở ngoài đó.”

Lần liên lạc cuối cùng giữa những người đàn ông với gia đình và bạn bè của họ ở nhà là vào ngày 3 tháng 12. Sự im lặng càng kéo dài, các gia đình càng trở nên lo lắng.

“Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất,” con gái của Ditomasso, Nina DiTomasso, 37 tuổi, nói với USA Today.

Vào ngày 11 tháng 12, Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ, Hải quân Hoa Kỳ và các đối tác hàng hải đã bắt tay vào cuộc tìm kiếm những người đàn ông kéo dài trên 21,164 dặm vuông vùng biển từ New Jersey đến Bắc Florida.

Và đó là khi một “phép lạ Giáng Sinh,” đã xảy ra, Nina DiTomasso nói.

Vào ngày 13 tháng 12, những người đàn ông phát hiện ra một chiếc tàu chở dầu dài 600 foot và bắt đầu điên cuồng vẫy tay và vẫy cờ.

Khi họ được phát hiện, chiếc tàu chở dầu đã đưa cả những người đàn ông và Minnie lên tàu đến nơi an toàn.

Nina DiTomasso nói với USA Today: “Tất cả chúng tôi bắt đầu la hét khi nghe tin, khóc và reo hò vì điều đó thật khó tin. Cô ấy nói rằng những người đàn ông đã kiệt sức và hầu như không thể nói được sau khi được kéo lên tàu chở dầu sau trải nghiệm đau thương của họ.”

Theo USA Today, những người đàn ông đã về đến nhà an toàn ở cảng New York vào tối thứ Tư.

“Tất cả những gì tôi cầu xin Chúa là được gặp cháu gái của mình,” Joe Ditomasso nói, ABC7 đưa tin.


Source:Catholic News Agency

2. Bốn chuyến Tông Du quốc tế trong năm 2022

Trong năm nay, Đức Thánh Cha đã thực hiện 4 chuyến tông du.

Mới đây nhất là chuyến tông du Bahrain từ 3 đến 6 tháng 11.

Đức Thánh Cha trở lại Bán đảo Ả Rập với tư cách là “khách hành hương của hòa bình và tình huynh đệ”, để lại những thông điệp ủng hộ đối thoại giữa các tôn giáo, sống những ngày cử hành cùng với cộng đồng Công Giáo địa phương.

Trước đó là chuyến Tông đồ Kazakhstan, từ ngày 13 đến 15 tháng 9

Đức Phanxicô đã tham gia Đại hội VII của các nhà lãnh đạo các tôn giáo thế giới và truyền thống, ký tuyên bố chung bác bỏ bạo lực và trào lưu chính thống tôn giáo. Trong dịp này, một cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được nhiều người chờ đón vì ông Tập cũng có mặt tại Kazakhstan trong dịp này. Tuy nhiên, phiá Trung Quốc đã bác bỏ vì ông Tập không có thời giờ.

Chuyến tông du Canada của Đức Thánh Cha đã diễn ra ngày 24-30 tháng 7

Chuyến tông du đến Canada, dài nhất vào năm 2022, là chuyến viếng thăm lịch sử kéo dài sáu ngày được đánh dấu bằng lời xin lỗi của Đức Thánh Cha Phanxicô, trước các đại diện bản địa, vì những lạm dụng đã phạm trong quá khứ.

Chuyến Tông Du Malta từ 02 đến 03 tháng 4

Sau Lampedusa và Lesbos, Đức Thánh Cha đã hoàn thành một giai đoạn mới của cuộc hành hương ở Malta để gặp gỡ những người di cư và tị nạn băng qua Địa Trung Hải để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.

Đức Phanxicô đã phải hoãn chuyến đi Phi Châu vì vấn đề sức khỏe. Ngài cũng đã hủy bỏ việc cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa và chuyến viếng thăm Florence.

Tại Ý, Đức Thánh Cha đã đi qua Aquila, Matera và Assisi, nơi ngài gặp gỡ những người trẻ của Kinh tế Phanxicô.

Vào ngày 25 tháng 10, Đức Phanxicô trở lại Coliseum ở Rôma để bế mạc cuộc gặp gỡ liên tôn vì hòa bình, do cộng đồng Thánh Egidio tổ chức.

Vào tháng 11, Đức Thánh Cha đã đến thăm Asti, ở miền bắc nước Ý, nơi sinh của cha mẹ ngài, những người đã di cư đến Á Căn Đình sau Thế chiến thứ nhất.

Một điểm nổi bật khác là Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 10, diễn ra tại Rôma từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 6, với sự kết nối với các giáo phận của năm châu lục.

3. Nhà thờ ở Pháp này mở cửa hàng ngày… nhờ một người Hồi giáo

Abdelkader Zennaf, người giữ chìa khóa của Nhà thờ St. Ennemond, cho biết: “Nhà thờ đã mở rộng vòng tay với tôi khi tôi cần.”

Ở thị trấn Saint-Chamond, Abdelkader Zennaf, một người theo đạo Hồi, là một người nổi tiếng ở địa phương. Ông đã nhiều lần được báo chí vinh danh vì sự tham gia tích cực của ông vào đời sống thành phố và bộ sưu tập đồ dùng nhà bếp bằng nhôm gây ấn tượng mạnh bao gồm 4.500 chiếc. Đó là bộ sưu tập lớn thứ hai ở Pháp! Anh ấy giải thích: “Tôi không thu thập các đồ dùng này vì sự lười biếng hay sở thích nhất thời, mà vì nỗi ám ảnh muốn truyền lại truyền thống. Đối với tôi, ký ức là thiêng liêng: bảo tồn di sản dường như là cơ bản.”

Abdelkader Zennaf là một trong những cư dân lâu đời nhất trong khu phố của ông. Chỉ cần tưởng tượng: anh ấy đã sống ở đó 73 năm, trong ngôi nhà mà cha mẹ anh ấy đã cư trú một năm sau khi họ đến từ Algeria vào năm 1948. Nó tình cờ ở ngay trước nhà thờ khu phố.

Anh ấy luôn quen thuộc với giáo xứ, không chỉ vì anh ấy có thể nhìn thấy hình bóng đồ sộ của nhà thờ từ cửa sổ của mình, mà còn bởi vì anh ấy đã tham gia các hoạt động ở đó khi còn nhỏ. Anh nhớ lại: “Cha mẹ tôi đã ghi danh cho tôi tham gia các hoạt động của giới trẻ vào các buổi chiều thứ Năm. Sau các hoạt động do linh mục hướng dẫn như xem phim, trò chơi, đi bộ đường dài…, tất cả chúng tôi đều tham gia các lớp giáo lý, kể cả người Hồi giáo. Tôi nhớ mình đã rất ấn tượng trước những phép lạ của Chúa Giêsu. Tôi thậm chí còn tham gia vào các cuộc rước dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria.”

Sinh ra là người Hồi giáo, Abdelkader chưa bao giờ có ý định thay đổi tôn giáo của mình. Nhưng khi một trong những người thân của anh lâm bệnh nặng, anh đã đến nhà thờ, lúc 12 tuổi, để cầu xin Chúa chữa lành cho cô ấy. Chúa đã nghe lời cầu nguyện của anh. Anh ấy sẽ không bao giờ quên nó.

Năm tháng trôi qua, anh kết hôn và lập gia đình, có 7 người con, anh không còn lui tới nhà thờ quen thuộc nữa. Tuy nhiên, đôi khi anh tình cờ gặp người hàng xóm Pierrot, người đã mở và đóng cửa nhà thờ hàng ngày. Khi Pierrot qua đời vào tháng 5 năm 2004, St. Ennemond bắt đầu đóng cửa vào ban ngày mà Abdelkader không hề hay biết. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông nhìn thấy một bà lão leo lên các bậc thang của ngôi nhà của Thiên Chúa và đẩy cánh cửa nặng nề một cách vô vọng: “Cảnh tượng làm tim tôi thắt lại,” người đàn ông bảy mươi tuổi nói.

“Giáo hội đã mở rộng vòng tay với tôi khi tôi cần, và bây giờ người phụ nữ này thấy cánh cửa đã đóng lại! Tôi nhờ một người bạn Công Giáo trong xóm gợi ý với cha xứ giao cho tôi chùm chìa khóa để tôi tình nguyện đảm nhận vai trò trước đây do Pierrot đảm nhiệm. Ngài đã đồng ý.”

Kể từ đó, ông mở và đóng cửa nhà thờ mỗi ngày trong năm, thậm chí còn tổ chức các chuyến tham quan cho những du khách tò mò. Anh ấy nói: “Khi tôi nhìn thấy một ngọn nến được thắp sáng, tôi rất vui: ai đó đã nghĩ đến Chúa trong giây lát. Tôi không phải là người mộ đạo, nhưng đức tin chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống của tôi.”

Khi một số người đồng đạo của anh ấy ngạc nhiên, anh ấy trả lời rằng anh ấy mắc nợ nhà thờ này và đây là cách anh ấy trả nợ - trước sự hài lòng vô cùng của các linh mục giáo xứ kế tiếp!

Cha Gilbert Thollet, người được bổ nhiệm về đây hai năm trước nói: “Tôi rất vui với những mối liên kết được hình thành giữa các tín hữu thuộc các tín ngưỡng khác nhau.. Abdelkader thậm chí còn muốn phụ trách việc trùng tu một bức tượng bị hư hại do thời tiết xấu! Ở Thánh Địa Giêrusalem, chẳng phải những người Hồi giáo là những người mở và đóng đền thờ Một Thánh đó sao?”


Source:Aleteia
 
Chỉ huy xe tăng Putin quay súng phơ quân Nga. Lukashenko gọi mình và Putin là 2 tên ác nhất thế gian
VietCatholic Media
15:28 20/12/2022


1. Chỉ huy xe tăng Putin cố tình làm nổ tung trạm kiểm soát của NGA ở Ukraine sau tranh cãi giữa các đơn vị

Ký giả Rachael Bunyan của tờ The Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Putin tank commander deliberately blows up RUSSIAN checkpoint in Ukraine following argument between units”, nghĩa là “Chỉ huy xe tăng Putin cố tình làm nổ tung trạm kiểm soát của NGA ở Ukraine sau tranh cãi giữa các đơn vị”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một trong những chỉ huy xe tăng của Vladimir Putin đã cố tình làm nổ tung một trạm kiểm soát của Nga ở Ukraine sau một cuộc tranh cãi giữa các đơn vị. Đó là ví dụ mới nhất về giao tranh nội bộ đã gây khó khăn cho cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin.

Chỉ huy xe tăng trở nên tức giận sau một cuộc tranh cãi trên chiến trường đến mức anh ta đã lái chiếc xe tăng T-90 của mình vào một nhóm lính Nga, bắn vào trạm kiểm soát của họ và cho nổ tung nó.

Fidar Khubaev, một người Nga là chuyên viên điều khiển máy bay không người lái, là người đã từng chứng kiến những vụ tấn công như vậy, đã trốn khỏi nước Nga vào mùa thu, nói với tờ New York Times: “Những điều đó xảy ra thường xuyên ở Ukraine”.

Vụ việc xảy ra ở khu vực Zaporizhzhia, cho thấy các đơn vị Nga bị chia rẽ đã chiến đấu công khai với nhau như thế nào.

Các đơn vị quân đội rạn nứt của Putin hiện hành động giống như đối thủ, với các binh sĩ tranh giành vũ khí và vật tư.

“Không có chỉ huy thống nhất, không có trụ sở duy nhất, không có khái niệm duy nhất và không có kế hoạch hành động và chỉ huy thống nhất”, Tướng Nga Ivashov, người chỉ trích cuộc xâm lược của Nga, nói với tờ New York Times: 'cuộc xâm lược này đã được định sẵn là một thất bại.'

Quân đội Nga hiện đã bị đẩy lùi ở phía bắc, đông bắc và nam của Ukraine - gây ra sự chỉ trích và đấu đá trong hàng ngũ quân đội của Putin.

Sau khi quân đội Nga bị lực lượng Ukraine bao vây và buộc phải rút khỏi thành phố Lyman phía đông Ukraine vào tháng 10, lãnh đạo Chechnya, Ramzan Kadyrov, đã đổ lỗi cho Thiếu tướng Nga Alexander Lapin về cuộc rút lui này.

Kadyrov nói rằng Lapin nên bị tước hết các huy chương và đưa ra tiền tuyến với một khẩu súng để rửa sạch sự xấu hổ của mình bằng máu.

Yevgeny Prigozhin, người sáng lập tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, đã lặp lại quan điểm của Kadyrov, khi nói: 'Hãy đưa tất cả những thứ rác rưởi này đi chân trần với súng máy thẳng ra mặt trận.'

Binh lính Nga cũng công khai chỉ trích các tướng lĩnh 'bất tài' sau những tổn thất nặng nề trên chiến trường.

Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 đã viết một lá thư tuyên bố rằng họ đã mất 300 quân nhân trong cuộc tấn công kéo dài 4 ngày vào thị trấn Pavlivka, miền đông Ukraine nhờ vào kế hoạch thảm khốc của các tướng Rustam Muradov và Zurab Akhmedov.

Thủy quân lục chiến tuyên bố các chỉ huy Nga đang 'che giấu' tình trạng lộn xộn ở khu vực Donetsk và 'hạ thấp con số thiệt hại vì sợ phải chịu trách nhiệm'.

Tướng Budanov, giám đốc tình báo quân đội Ukraine, cho biết sự tức giận của công chúng đã làm tăng thêm cảm giác hỗn loạn trong hàng ngũ Nga - nhưng Putin và các chỉ huy của ông ta đang cố gắng giả vờ rằng mọi thứ đang hoạt động tốt.

“Họ vẫn đang cố duy trì ảo tưởng rằng mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp”, ông nói.

Putin đã thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với các nhà lãnh đạo quân sự của mình trong vài tháng qua khi các lực lượng Ukraine đã giành được hàng nghìn cây số vuông ở phía đông bắc, đông và nam từ sự chiếm đóng của Nga.

Vào ngày 8 tháng 10, ông ta đã bổ nhiệm Tướng Không quân Sergei Surovikin làm chỉ huy chung của các lực lượng Nga đang chiến đấu ở Ukraine, ngay sau khi có thông tin sa thải các chỉ huy của các quân khu phía Đông và phía Tây.

Hôm thứ Ba 20 tháng 12, Putin cho biết tình hình tại 4 vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập hồi tháng 9 là 'cực kỳ khó khăn' trong một lần thừa nhận hiếm hoi rằng cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra không suôn sẻ.

“Tình hình ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, ở các vùng Kherson và Zaporizhzhia là vô cùng khó khăn”, ông Putin nói với các cơ quan an ninh Nga trong ngày lễ thành lập binh chủng của họ.

Ông ra lệnh cho FSB phải bảo đảm 'sự an toàn' của những người sống ở đó.

“Cần phải trấn áp nghiêm ngặt các hành động của các cơ quan tình báo nước ngoài, để nhanh chóng xác định những kẻ phản bội, gián điệp và những kẻ phá hoại”, ông nói thêm.

FSB, là tổ chức kế thừa chính của KGB thời Liên Xô, đã hoạt động ở Nga với tư cách là một bộ máy giám sát và kiểm duyệt mở rộng. Cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa vào Ukraine có sự tham gia của một lượng lớn các đặc vụ của cơ quan an ninh này.

Hồi tháng 9, Putin tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở phía đông và phía nam của Ukraine sau khi các ủy ban của Mạc Tư Khoa tổ chức trưng cầu dân ý ở đó, bị Kyiv và phương Tây lên án là một trò lừa bịp.

Nhưng quân đội Nga đã không kiểm soát được tất cả các khu vực này và tháng trước đã bị buộc phải rời khỏi thủ phủ khu vực của khu vực phía nam Kherson sau một cuộc phản công kéo dài hàng tháng của Ukraine.

Sau những thất bại trên thực địa, Mạc Tư Khoa đã thay đổi chiến lược và đẩy mạnh chiến dịch trên không, nhắm vào các cơ sở dân sự và năng lượng của Ukraine.

2. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở Kyiv Đây là tất cả mọi thứ bạn cần biết.

Ít nhất hai người bị thương và cơ sở hạ tầng quan trọng đã bị hư hại trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào thủ đô Kyiv của Ukraine. Đó là nỗ lực mới nhất của Mạc Tư Khoa nhằm tàn phá nguồn cung cấp điện của Ukraine.

Các lực lượng Nga đã bắn phá khu vực trung tâm Dnipropetrovsk của Ukraine trong đêm thứ Hai bằng máy bay không người lái, hệ thống phóng hỏa tiễn Grad và các loại pháo hạng nặng khác, theo chính quyền địa phương. Nikopol, nằm trên bờ phía tây của sông Dnipro đối diện với Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga nắm giữ, đã bị hơn 60 quả đạn pháo của Nga tấn công.

Lực lượng Không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 30 trong số 35 máy bay không người lái do Nga phóng từ đêm Chúa Nhật đến thứ Hai, nhưng những chiếc tránh được hệ thống phòng không đã làm hỏng hệ thống điện và các mục tiêu dân sự. Các máy bay không người lái tự kích nổ Shahed-136 và Shahed-131 do Iran sản xuất đã được phóng từ “bờ biển phía đông của Biển Azov”.

Phát ngôn nhân của Lực lượng Không quân Ukraine cho biết Ukraine sẽ có khả năng tự vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn của lực lượng Nga nếu được cung cấp máy bay chiến đấu và hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot. Tuần trước, CNN tiết lộ độc quyền rằng Mỹ đang hoàn thiện kế hoạch gửi hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot tới Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Hai cho biết vũ khí và phòng không trong danh sách Giáng Sinh của Ukraine: Trẻ em Ukraine đang xin Thánh Nicholas ban vũ khí, hệ thống phòng không và “chiến thắng cho tất cả người dân Ukraine”.

3. Putin nói “Nga không quan tâm đến việc chiếm” Belarus

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga không có kế hoạch “sáp nhập” Belarus, khi trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo ở Minsk hôm thứ Hai với tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

“Nga không quan tâm đến việc sáp nhập bất cứ ai. Điều đó đơn giản là không nên làm ngày nay,” Putin nói khi trả lời câu hỏi của phóng viên về những tin đồn cho rằng Nga muốn tiếp thu Belarus.

“Những người chỉ trích vô đạo đức từ bên ngoài này hoặc không hiểu họ đang nói gì, hoặc cố tình nói về nó, gây hiểu lầm cho những người không có những hiểu biết về điều đó. Vấn đề không phải là một sự tiếp quản. Vấn đề là sự phối hợp của chính sách kinh tế”, ông Putin nói.

“Mọi thứ khác đều vô nghĩa. Đây là những nỗ lực của những kẻ xấu nhằm làm chậm quá trình hội nhập của chúng ta. Và họ làm điều này chỉ để loại trừ những đối thủ cạnh tranh hiệu quả và nguy hiểm trên thị trường thế giới. Tất cả chỉ có thế”, ông Putin nói.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ned Price nói rằng việc Putin tuyên bố ông không có ý định tiếp thu bất kỳ ai “đã bị coi là đỉnh điểm của sự mỉa mai”.

“Chúng tôi đã nghe những tuyên bố này từ Tổng thống Putin, đồng thời kể từ những ngày đầu tiên của cuộc xung đột này và những tuần trước cuộc xung đột này, chúng tôi đã chứng kiến chế độ Lukashenko về cơ bản nhượng lại chủ quyền, nhường độc lập cho Nga,” Price nói.

4. Nga và Belarus cam kết hợp tác chặt chẽ hơn để vượt qua lệnh trừng phạt của phương Tây

Kết thúc chuyến thăm Minsk, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga và Belarus đang hợp tác chặt chẽ để giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với cả hai nước.

Phát biểu tại một cuộc họp báo với tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, Putin cho biết: “Nga và Belarus đang hợp tác để vượt qua các bước đi bất hợp pháp và các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và Belarus” và “đang làm việc với sự tin tưởng cao độ theo hướng này”.

Putin nói thêm: “Các quốc gia của chúng ta là những đồng minh và đối tác chiến lược thân thiết nhất”.

Ông cho biết đã có kế hoạch phòng thủ chung giữa Nga và Belarus và rằng Nga “sẽ làm mọi thứ vì sự an toàn chung của các nước chúng ta”.

Ông nói: “Những biện pháp như vậy là cần thiết vì tình hình căng thẳng ở các biên giới bên ngoài của quốc gia Liên minh,” ám chỉ rõ ràng về cuộc xung đột ở Ukraine và có thể là mối quan hệ rạn nứt của cả hai nước với Ba Lan.

Ông Putin xác nhận rằng Nga hiện đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên lãnh thổ Belarus và Nga và Belarus cũng đang cùng nhau phát triển vũ khí.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trước đó vào thứ Hai, rằng “Đánh giá cuối cùng về khả năng chiến đấu và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị sẽ được các chỉ huy đưa ra ở giai đoạn phối hợp cuối cùng - sau khi các cuộc tập trận chiến thuật cấp tiểu đoàn được tiến hành.'

Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo, ông Putin nói: “Nga và Belarus sẽ tạo ra một không gian phòng thủ thống nhất”.

Các lực lượng Nga đã đóng quân tại Belarus trong phần lớn thời gian của năm. Vào tháng 10, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết 9,000 binh sĩ Nga đang chuyển đến nước này như một phần của “nhóm khu vực” nhằm bảo vệ biên giới của nước này. Máy bay chiến đấu của Nga đóng quân tại Belarus hoặc thường xuyên ghé thăm một số căn cứ không quân của Belarus. Theo các quan chức Ukraine, một số cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình gần đây vào Ukraine có nguồn gốc từ Belarus.

Putin nói rằng Nga vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở Belarus, với số tiền khoảng 4 tỷ USD.

Về phần mình, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng năm 2022 là một kỷ lục đối với quan hệ Nga-Belarus ở mọi cấp độ và tuyên bố rằng “các lệnh trừng phạt đã gây ra hiệu ứng boomerang, hay quay ngược lại, gây ra đau đớn đối với những người khởi xướng chúng”.

Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Belarus, chủ yếu chống lại các quan chức cấp cao của chính phủ Lukashenko cũng như du lịch hàng không và một số mặt hàng xuất khẩu.

Lukashenko nói: “Bởi vì tập thể phương Tây đã chĩa cái đầu xấu xa vào chúng ta, chúng ta phải phối hợp các nỗ lực của mình.

Lukashenko nói thêm, “Nga có thể làm mà không có chúng tôi, nhưng chúng tôi không thể làm gì nếu không có Nga.”

5. Lực lượng phòng không bắn hạ 18 trong số 23 máy bay không người lái của địch ở Kyiv

23 máy bay không người lái đã được phát hiện ở thủ đô trong cảnh báo trên không sáng thứ Hai 19 tháng 12. Mười tám máy bay không người lái đã bị phá hủy.

“Trong quá trình báo động trên không, 23 máy bay không người lái của kẻ thù đã được phát hiện trên bầu trời thủ đô. Lực lượng phòng thủ của chúng tôi đã phá hủy 18 máy bay không người lái. Không có thương vong. Tuy nhiên, các mảnh vỡ đã làm hỏng con đường ở quận Solomyanskyi, cũng như cửa sổ của một khu chung cư ở quận Shevchenkivskyi. Thật không may, một đối tượng cơ sở hạ tầng quan trọng đã bị tấn công. Các dịch vụ khẩn cấp đang khắc phục hậu quả”, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết như trên.

Như đã đưa tin, vào đêm 19 tháng 12, Lực lượng Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine phối hợp với các đơn vị khác của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã phá hủy 30 máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 và 131 do Iran sản xuất trong số 35 chiếc do Nga phóng đi.

6. Lukashenko tự gọi mình, và Putin là 'Những người có hại và độc hại' nhất trên trái đất

Sau khi Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei bị đột tử, mà nhiều người cho rằng là do người Nga gây ra nhằm cảnh cáo nhà độc tài Alexander Lukashenko và thúc giục ông ta phải đưa quân tham gia cuộc xâm lược Ukraine, đã có nhiều chuyến viếng thăm của quan chức Nga đến Belarus. Cao điểm của các chuyến viếng thăm này là cuộc gặp gỡ hôm thứ Hai tại Minsk, thủ đô của Belarus giữa Putin và Lukashenko. Cuối các cuộc hội đàm này, Lukashenko tuyên bố rằng mình, và Putin là 'Những người có hại và độc hại' nhất trên trái đất. Chi tiết này củng cố tin tưởng của các quan sát viên rằng, một khối trục đã được hình thành, bao gồm Nga và Belarus, và có thể có cả Iran. Nhiều người bi quan cho rằng thế chiến thứ ba là không thể tránh khỏi.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Lukashenko Calls Himself, Putin Most 'Harmful and Toxic People' on Earth”, nghĩa là “Lukashenko tự gọi mình, và Putin là 'Những người có hại và độc hại' nhất trên trái đất.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đưa ra một bình luận vào hôm thứ Hai trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin và đã thu hút thêm một số sự chú ý.

“Bạn biết đấy, hai chúng tôi là những kẻ đồng xâm lược, những kẻ nguy hiểm và độc hại nhất trên hành tinh này,” Lukashenko nói trong khi Putin ngồi bên cạnh. “Chúng ta chỉ có một tranh luận với nhau—ai lớn hơn. Vladimir Vladimirovich Putin nói tôi lớn hơn, tôi bắt đầu nghĩ rằng anh ấy mới đúng là lớn hơn, vì vậy chúng tôi đã quyết định cùng nhau. Giống nhau. Tất cả như nhau.” Tiếp đó, trong một diễn biến gây ngỡ ngàng, Lukashenko tự gọi mình, và Putin là “những người có hại và độc hại” nhất trên trái đất.

Đoạn clip dài 20 giây được cố vấn nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko đăng lên Twitter. Lukashenko và Putin gặp nhau ở Minsk, Belarus, lần đầu tiên sau ba năm. Tất cả các cuộc gặp trước đó đều diễn ra ở Mạc Tư Khoa.

Cuộc gặp hôm thứ Hai diễn ra sau nhiều tuần đồn đoán về vai trò tương lai của Belarus, nếu có, trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nó cũng xảy ra chỉ vài ngày kể từ khi Lukashenko dường như ngụ ý rằng đất nước của ông có thể đã rơi vào thảm trạng hiện nay của Ukraine nếu không nhờ tình bạn của ông với Putin.

Kể từ khi Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Belarus đã nổi lên như một trong những đồng minh chiến lược thân cận nhất của Nga khi Putin phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Lukashenko đã công khai ủng hộ nhà lãnh đạo Nga, thậm chí cho phép quân đội Nga tiến vào Ukraine từ biên giới Belarus-Ukraine, giúp tiếp cận gần hơn với thủ đô Kyiv.

Mặc dù ban đầu được các quan chức Belarus và Nga lên kế hoạch là một cuộc họp để thảo luận về kinh tế và các biện pháp trừng phạt do cuộc xâm lược gây ra, nhưng người ta cho rằng đây là một nỗ lực của Nga nhằm ép buộc Belarus can thiệp quân sự.

Lukashenko nói rằng Belarus và Nga đã xoay sở để đối phó với tất cả các mối đe dọa bất chấp áp lực do đại dịch COVID-19, các lệnh trừng phạt và các cuộc khủng hoảng khác, hãng truyền thông nhà nước Nga TASS đưa tin hôm thứ Hai.

Lukashenko nói: “Việc tăng cường quan hệ Belarus-Nga đã trở thành một phản ứng tự nhiên đối với tình hình đang thay đổi trên thế giới, trong đó sức mạnh của chúng tôi liên tục bị thử thách. Tôi tin rằng, mặc dù có một số điểm khó khăn, chúng tôi vẫn có thể tìm ra những phản ứng hiệu quả đối với các thách thức và các mối đe dọa khác nhau.”

TASS đưa tin rằng phần đầu tiên của cuộc họp hôm thứ Hai bao gồm các phái đoàn từ hai nước. Trong số các quan chức có mặt có Phó Thủ tướng Nga Alexey Overchuk, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, trợ lý Điện Cẩm Linh Yury Ushakov, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov và Giám đốc điều hành Roscosmos Yury Borisov.

Peskov được cho là đã nói trước cuộc gặp Putin-Lukashenko rằng hai người sẽ thảo luận về các vấn đề quân sự, các vấn đề khu vực và quốc tế. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp Ngoại trưởng Belarus Sergey Aleinik để thảo luận về Ukraine và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt.

Cuộc họp kéo theo cuộc trò chuyện về các vấn đề song phương khác, bao gồm cả “sự quan tâm đặc biệt” dành cho việc thực hiện cái gọi là các chương trình của Nhà nước Liên minh nhằm hội nhập kinh tế của cả hai quốc gia.

“Các bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực, bao gồm cả tình hình xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga viết. “Họ tái khẳng định quyết tâm phối hợp các bước trên nền tảng quốc tế và nỗ lực chống lại áp lực trừng phạt chính trị và bất hợp pháp mà Nga và Belarus đang phải đối mặt từ các quốc gia không thân thiện.”

Sau cái bắt tay thân mật giữa Putin và Lukashenko, nhà đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya đã tweet rằng Belarus “không phải để ai muốn bán thì bán”.

“Belarus không phải là để bán buôn. Sự độc lập của chúng ta không phải có thể mua bán,” cô viết. “Nhà độc tài Lukashenko không thể thay mặt người dân của chúng ta thực hiện các thỏa thuận—ông ta chỉ đại diện cho chính mình. Và ông ta sẽ không cứu được làn da của chính mình.”

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, hồi đầu tháng này cho biết trong một báo cáo rằng Belarus “rất khó có khả năng” can dự vào cuộc chiến Nga-Ukraine.

ISW viết: “Belarus thiếu khả năng sản xuất xe chiến đấu bọc thép của riêng mình khiến việc chuyển giao thiết bị này cho lực lượng Nga vừa là hạn chế trong hiện tại vừa có thể là lâu dài đối với năng lực vật chất của Belarus để đưa lực lượng cơ giới tham gia chiến đấu ở Ukraine”..
 
Sáng kiến hòa nhạc liên đới với Ukraine. Linh mục phò sinh nổi tiếng bị huyền chức gây ngỡ ngàng
VietCatholic Media
17:22 20/12/2022


1. Đức Thánh Cha cám ơn và khích lệ sáng kiến hòa nhạc liên đới với Ukraine

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 17 tháng Mười Hai vừa qua, dành cho các nghệ sĩ quốc tế tham dự buổi hòa nhạc Giáng Sinh trợ giúp nhân dân Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ và cám ơn sự đóng góp của họ cho việc xây dựng hòa bình.

Buổi hòa nhạc Giáng Sinh lần thứ 30 sẽ được truyền hình vào ngày 01 tháng Giêng năm tới đây, 2023 và năm này có đề tài là hòa bình. Sáng kiến này được sự bảo trợ của Quỹ Giáo hoàng “Gravissimum Educationis” thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục của Tòa Thánh bảo trợ, và được sự tham gia của các nghệ sĩ và danh ca quốc tế.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Hòa bình là tổng hợp tất cả những điều tốt lành chúng ta có thể mong muốn và vì thế thật là bõ công khi dành những năng lực tốt nhất của chúng ta về vật chất, trí thức và tinh thần cho hòa bình. Chúng ta biết, hòa bình được xây dựng ngày qua ngày, đó là một ước muốn đồng hành và thúc đẩy cuộc sống hằng ngày của chúng ta, Nhưng rất tiếc trong thời điểm lịch sử này, hòa bình cũng là một điều cấp thiết... Tại Ukraine, các tu sĩ Don Bosco, thuộc “các Sứ vụ Don Bosco” đang ở cạnh dân chúng, làm việc để đón tiếp người tị nạn và phân phối lương thực, thuốc men. Với sáng kiến này chúng ta muốn hỗ trợ họ; nhưng tất cả chúng ta, trong bất kỳ vai trò nào, chúng ta được kêu gọi trở thành những người xây dựng hòa bình, cầu nguyện và làm việc cho hòa bình”.

Đức Thánh Cha cũng khích lệ các nghệ sĩ rằng: “Với những bài ca tiếng hát của mình, anh chị em góp phần phố biến sứ điệp tình thương và sự sống, đánh động các tâm hồn và mở rộng vòng đai của tình huynh đệ. Chính vì thế, Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử nhân loại, và cả trong những tình cảnh đau thương và điêu tàn: với lòng thương xót, Chúa kêu gọi tất cả chúng ta, Chúa dùng những tài năng cũng như những giới hạn của chúng ta, và Chúa muốn cứu vớt nhân loại ngày nay!”

2. Nhật Ký Trừ Tà số 220: Satan Kẻ Tố Cáo Vĩ Đại

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #220: Satan the Great Accuser”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 220: Satan Kẻ Tố Cáo Vĩ Đại”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trong những nhà trừ quỷ của chúng tôi gần đây đã nói: “Sáng nay tôi thức dậy và đầu óc choáng váng với những ý nghĩ tự buộc tội bản thân rằng mình thật tồi tệ và với ý nghĩ rằng mình không thể được tha thứ. Nó rất thê thảm.” Thật thú vị, khi biết rằng tuần đó anh ấy đã làm việc với một người đau khổ đang phải vật lộn với những ám ảnh của ma quỷ, đặc biệt là sự dày vò tinh thần xuất phát từ lòng căm thù bản thân.

Trong Kinh thánh, Sa tan được gọi là “Kẻ tố cáo vĩ đại” (Khải huyền 12:10). Một trong những chiến thuật phổ biến nhất của Sa tan là không ngừng truy lùng tội lỗi của con người. Mục tiêu của anh ta là phá hủy ý thức về giá trị bản thân của họ và khiến họ tuyệt vọng.

Satan ghét con người. Nó ghen tị với sự ưu ái mà Chúa dành cho họ. Satan từ chối Thiên Chúa vì sự nhập thể khiêm nhường của Ngài trong nhân loại. Khi buộc tội nhân loại về những tội lỗi của họ, Sa tan cố gắng tấn công lại Thiên Chúa một cách vô ích.

Đôi khi trong các cuộc trừ quỷ, chúng ta trực tiếp trải nghiệm “Kẻ Tố Cáo Vĩ Đại.” Ma quỷ có thể gọi ra những thất bại của chúng ta. Chúng chế nhạo chúng ta khi chúng ta phạm sai lầm. Chúng đặc biệt thích chỉ ra những thời điểm mà chúng tỏ ra chiếm thế thượng phong trong trận chiến. Lời bào chữa của tôi là gì? Thưa: Không có. Câu trả lời của tôi là: “Thật vậy, tôi là một kẻ tội lỗi.” Sau đó, tôi nói thêm: “Nhưng ta không phải là vấn đề của ngươi. Chúa Giêsu mới là vấn đề của ngươi. Nhân danh thánh của Ngài, ta đuổi ngươi ra ngoài!”

Khi nhà trừ quỷ của chúng ta thức dậy với hàng loạt ý nghĩ tự buộc tội, hoàn cảnh cho thấy rằng anh ta đang hành động như một “người mang gánh nặng”. Chúng ta tin rằng sự hy sinh của anh ấy là một ân sủng cho người đau khổ và có lẽ cho những người khác cũng đau khổ tương tự.

Nhiều, rất nhiều người phải chịu sự dày vò tinh thần của ma quỷ. Đôi khi chúng chỉ đơn giản là có nguồn gốc tâm lý. Nhưng thường xuyên hơn mà mọi người không nhận ra, là Sa tan đang tấn công trực tiếp vào ý thức về giá trị bản thân và hy vọng của họ. Phản ứng của chúng ta với tư cách là những con người sa ngã rất đơn giản: “Tôi là một kẻ tội lỗi. Nhưng niềm hy vọng của tôi là nơi Chúa Giêsu.”


Source:Catholic Exorcism

3. Vatican huyền chức Linh mục Frank Pavone, một nhà hoạt động phò sự sống nổi tiếng

Cha Frank Pavone, một nhà hoạt động phò sự sống nổi tiếng và là giám đốc quốc gia của tổ chức Linh mục vì Sự sống, đã bị huyền chức khỏi hàng giáo sĩ vì “các nhận xét báng bổ trên mạng xã hội” và “liên tục không tuân theo các hướng dẫn hợp pháp của giám mục giáo phận của ngài.”

Trong một bức thư ngày 13 tháng 12 gửi cho các giám mục Hoa Kỳ mà CNA có được và được xác nhận bởi nhiều nguồn là xác thực, Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã viết rằng Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ đã ban hành quyết định vào ngày 9 tháng 11, và nói thêm rằng “không có khả năng kháng cáo.”

“Cha Pavone đã có nhiều cơ hội để tự bảo vệ mình trong thủ tục tố tụng theo giáo luật, và ngài cũng có nhiều cơ hội để phục tùng thẩm quyền của giám mục giáo phận của mình,” một tuyên bố riêng kèm theo bức thư của Đức Tổng Giám Mục Pierre giải thích. “Người ta xác định rằng Cha Pavone không có lý do chính đáng nào cho hành động của mình.”

Tuy nhiên, Cha Pavone nói với CNA hôm thứ Bảy rằng ngài không được thông báo về phán quyết của Vatican.

Thông tin liên lạc từ Đức Tổng Giám Mục Pierre không nêu rõ các hành động dẫn đến việc Cha Pavone bị huyền chức và cũng không nêu tên vị giám mục mà ngài đã không tuân theo.

Tuyên bố đề cập đến Cha Pavone là “Mr. Pavone” và gọi ngài là “một giáo dân,” nhấn mạnh tính chất kịch tính và tức thì trong hành động của Vatican.

“Vì phong trào Linh mục vì Sự sống không phải là một tổ chức Công Giáo, nên vai trò tiếp tục của ông Pavone trong đó với tư cách là một giáo dân sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào hàng lãnh đạo của tổ chức đó,” tuyên bố viết.

Cha Pavone vẫn tiếp tục cử hành các Thánh lễ, bao gồm một Thánh lễ trực tuyến vào hôm Thứ Bảy. Trang web Linh mục vì Sự sống tuyên bố rằng Cha Pavone “là một linh mục Công Giáo có thế giá tốt, và thi hành sứ vụ của mình trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo.”

Trong một email gửi cho CNA hôm thứ Bảy, Cha Pavone nói rằng ngài không hay biết về hành động của Vatican.

“Làm thế nào mà CNA biết được điều này trước khi tôi biết?” ngài hỏi. Trong một email tiếp theo, ngài nói thêm rằng cuộc điều tra của CNA là “thông tin liên lạc đầu tiên đến với tôi về điều này.”

Không rõ Cha Pavone, 63 tuổi, được nhập tịch ở giáo phận nào. Theo trang web của các Linh mục vì Sự sống, ngài đã được Vatican cho phép vào năm 2019 để thuyên chuyển từ Giáo phận Amarillo, Texas, nơi ngài được nhập tịch vào năm 2005, đến một giáo phận khác không được nêu tên.

Cha Pavone đã tổ chức chương trình “Bảo Vệ Sự Sống” trên EWTN trong nhiều năm cho đến khi Giám mục của Amarillo, Texas, thu hồi giấy phép không cho Pavone xuất hiện trên Mạng. EWTN là tổ chức mẹ của CNA.

Ban đầu có trụ sở tại Staten Island, New York, các Linh mục vì Sự sống hiện có trụ sở chính tại Titusville, Florida, trong Giáo phận Orlando. Giáo phận đó cũng đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNA vào hôm thứ Bảy.

Cha Pavone đã từng là giám đốc quốc gia của tổ chức phò sự sống từ năm 1993.

Trong vai trò đó, ngài có lịch sử xung đột lâu dài với các giám mục, bắt đầu từ hơn 20 năm trước với cố Hồng Y Edward Egan của Tổng giáo phận New York. Đức Hồng Y Egan kế vị cố Hồng Y John J. O'Connor, là người đã tấn phong Pavone vào năm 1988 và khuyến khích công việc phò sự sống của ngài.

Trong email của mình, Cha Pavone đã hướng CNA đến một tài liệu được đăng trên trang web cá nhân của ngài có tiêu đề “Tóm tắt về cách thức Cha Frank và các linh mục phò sinh đã được một số người trong hàng giáo phẩm đối xử.”

“Tất cả chúng tôi đều cho rằng các nhóm ủng hộ phá thai, như Planned Parenthood, sẽ tấn công, quấy rối và cố gắng đe dọa chúng tôi. Và họ đã cố gắng,” ngài viết.

“Nhưng khi sự đối xử như vậy đến từ các giám mục và các cơ quan có thẩm quyền khác của Giáo hội – là điều mà ngày càng xảy ra thường xuyên - thì điều đó đặc biệt đáng trách. Thay vì hỗ trợ và khuyến khích công việc bảo vệ sự sống của Giáo hội, một số người trong số này lại cố gắng cản trở các công việc đó, đồng thời lạm dụng quyền lực của họ để cố gắng đe dọa các linh mục và giáo dân, những người coi việc chấm dứt phá thai là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta.”

Cha Pavone đã có mâu thuẫn với Đức Cha Patrick J. Zurek, Giám Mục giáo phận Amarillo kể từ khi ngài này trở thành giám mục ở đó vào năm 2008. Năm 2011, Đức Cha Zurek đã công khai đình chỉ Cha Pavone, nhưng quyết định đình chỉ này đã bị Vatican bác bỏ. Giáo phận Amarillo đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNA trước khi xuất bản.

Hoạt động chính trị của Pavone đóng một vai trò trong các vấn đề của ngài ở Amarillo.

Là một người thẳng thắn ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump, Cha Pavone đã phục vụ ở các vị trí tiếp cận chính thức trong chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump vào năm 2016, và ban đầu là đồng chủ tịch của liên minh phò sự sống năm 2020 của tổng thống Trump, đồng thời là thành viên ban cố vấn người Công Giáo cho vị tổng thống Đảng Cộng Hòa. Giáo luật cấm giáo sĩ có vai trò tích cực trong các đảng phái chính trị trừ khi họ được phép của giám mục.

Vào tháng 11 năm 2016, Pavone đã quay một video tại trụ sở của các Linh mục vì Sự sống, kêu gọi ủng hộ tổng thống Trump. Đoạn video được dàn dựng với cảnh thi thể của một đứa trẻ bị phá thai được đặt trước Cha Pavone trên một nơi có vẻ như là một bàn thờ.

Đức Cha Zurek cho biết ngay sau khi video được phát hành rằng ngài sẽ mở một cuộc điều tra về vụ việc, gọi hành động này là “đi ngược lại phẩm giá của cuộc sống con người” và “xúc phạm bàn thờ,” và nói thêm rằng “hành động và cách trình bày của Cha Pavone trong video này là không phù hợp với niềm tin của Giáo Hội Công Giáo.”

Trên trang web của mình, Cha Pavone mô tả chi tiết phiên bản của ngài về những gì đã xảy ra trong video. Ngài cũng đã đăng một bản ghi lại những gì ngài nói trên video.

“Phần lớn những lời chỉ trích xoay quanh việc tôi đặt em bé lên “bàn thờ” và một số bắt đầu phàn nàn về kỹ thuật đối với những gì nên hoặc không nên làm với bàn thờ. Nhưng ở mức độ mà họ muốn có được kỹ thuật, tôi cũng vậy, và tôi đã chỉ ra rằng đây là một cái bàn trong văn phòng của chúng tôi, không phải một bàn thờ được thánh hiến trong một nhà nguyện,” ngài viết.

“Chiếc bàn đó, đôi khi được sử dụng cho Thánh lễ, cũng là nơi thực hiện tất cả các video của tôi trong loạt chương trình phát sóng về bầu cử mang tính giáo dục này. Nghĩ lại, lẽ ra tôi nên quay video em bé ở một địa điểm khác để tránh mọi sự nhầm lẫn.”

Cha Pavone đã viết trong tài khoản xã hội của mình rằng hài cốt của đứa bé đã được trao cho ngài để ngài tiến hành chôn cất đàng hoàng, là điều mà ngài nói rằng ngài đã làm sau khi quay video.

Cha Pavone đã từ chức hai vị trí trong chiến dịch tái tranh cử của tổng thống Trump vào năm 2020 theo yêu cầu của điều mà ngài gọi là “cơ quan giáo hội có thẩm quyền”. Nhưng ngài vẫn tiếp tục sử dụng các nền tảng mạng xã hội của mình để bênh vực cho tổng thống Trump và tố cáo Đảng Dân chủ.

Những bài đăng đó đã dẫn đến một cuộc đối đầu khác với Đức Cha Zurek ngay trước cuộc bầu cử năm 2020.
Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
Đêm Tình yêu
Lm. Thái Nguyên
01:38 20/12/2022