Ngày 24-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hằng vâng phục
Lm. Thái Nguyên
00:06 24/12/2021


HẰNG VÂNG PHỤC

Lễ Thánh Gia năm C: Lc 2, 41-52

Suy niệm

Nhìn vào gia đình Nadarét, ta thấy có điều gì thật khác thường nhưng cũng rất đỗi bình thường. Đặc biệt vì gia đình này thấm đậm tình yêu thương, đạo hạnh; cũng là trường đào luyện Đức Giêsu, chuẩn bị cho Ngài gánh lấy sứ mạng. Những bài học sâu xa cho Ngài về cầu nguyện, giáo lý, lao động, hy sinh, phục vụ, là từ chính mái trường Nadarét này. Những vị thầy đầu tiên không ai khác là ông Giuse và bà Maria, đã giúp Ngài lớn lên một cách quân bình và trưởng thành về mọi phương diện.

Lạ thay, Con Thiên Chúa đã tập sống làm người ở Nadarét, và Phúc Âm cho ta thấy ngay từ 12 tuổi, Ngài đã bắt đầu ý thức về bổn phận đối với Thiên Chúa và con người:“Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Ngài không chỉ là người con hiếu thảo với mẹ cha, nhưng trên hết và trước hết, Ngài muốn là con thảo của Chúa Cha. Cha trên trời là ưu tiên vượt trên mọi ưu tiên khác. Trên đường rao giảng Tin Mừng sau này, điều quan trọng nhất đối với Ngài cũng chính là Ý Cha. Ngài đặt Ý Cha lên trên tất cả, và giờ phút cuối cùng đưa tay chịu nộp cũng vì “xin vâng ý Cha”. Đúng là Mẹ nào con nấy. Tiếng “Xin vâng” của Đức Maria và của cả Thánh Giuse nữa, được tiếp nối nơi Đức Giêsu.

Cũng như Thánh Gia, đời sống gia đình chúng ta không thiếu những biến động và giông tố, nhưng không vì thế mà cho là xui xẻo hay qui trách nhiệm cho một ai đó, nhưng là biết lắng nghe nhau để giữ được bầu khí yêu thương, êm ấm, hòa hợp. Hạnh phúc trong gia đình không phải là vấn đề hên xui, may rủi, mà là ý thức dựng xây từ trái tim mỗi người. Ai cũng có lý do để hành động, nhất là những hành động lạ thường thì lại càng có lý do sâu xa hơn, như trường hợp của Đức Giêsu trong câu trả lời cho Mẹ mình. Tuy rất ngỡ ngàng và không hiểu được câu trả lời của con mình, nhưng điều quan trọng là Mẹ lắng nghe, ghi nhớ và suy niệm trong lòng. Sứ thần Gabriel, cụ Simêon và bà Anna đã báo trước về Đức Giêsu, nhưng mầu nhiệm vẫn là mầu nhiệm. Dù sao Mẹ cũng đã quen với thái độ cung kính trước mầu nhiệm và sự vâng phục của lòng tin.

Biến cố Đức Giêsu lên 12 tuổi giúp ta lưu ý đến tiến trình thành nhân của con cái trong gia đình. Đó là lứa tuổi bắt đầu khẳng định về chính mình, về các tương quan cũng như hướng tới lý tưởng và sự độc lập bản thân. Chỉ là mới bắt đầu thôi, còn hướng tới như thế nào thì tùy tâm tính và hoàn cảnh của mỗi đứa trẻ. Vấn đề được đặt ra trước tiên là cha mẹ chứ không phải con cái, vì phương cách và đường hướng giáo dục, bầu khí gia đình và thái độ hành xử của cha mẹ hoàn toàn ảnh hưởng đến tính nết và lối ứng xử của con cái, nhất là yếu tố di truyền. Có những biến cố xảy ra lạ lùng trên đời sống đứa trẻ, nhưng không có nghĩa là ngẫu nhiên, mà luôn có một sự tương tác giữa nỗ lực tự nhiên và ân huệ siêu nhiên.

Vì thế, đặt ra vấn đề giáo dục con cái thì trước tiên phải đặt ra vấn đề giáo dục chính cha mẹ. Không thể có thứ quan niệm tắc trách là “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, bởi vì đứa con là kết quả của tình yêu cha mẹ, thành hình từ những tính chất của cha mẹ, và do cách giáo dục của cha mẹ. Hiệu quả giáo dục chính yếu không do lời nói, mà do gương sáng. Cái phản giáo dục ngày nay trong đạo cũng như ngoài đời là những người có trách nhiệm nói một đàng làm một ngã; dạy thế này mà sống thế khác; chủ trương kiểu này mà thực hiện kiểu kia; bên ngoài thì vui cười nhưng bên trong thì mưu mô xảo quyệt; cư xử có vẻ cởi mở, lịch thiệp nhưng chỉ là xã giao, hình thức và giả dối... Những tệ trạng đó làm cho con cái và lớp người trẻ thất vọng, mất tín nhiệm vào thế hệ người lớn, từ đó sinh ra lối sống vô luân, hành vi vô đạo và tính cách vô thần.

Riêng những ai là con cái, chúng ta hãy noi gương Đức Giêsu, mặc dù là Con Thiên Chúa, Ngài vẫn vâng phục cha Giuse và mẹ Maria, nên ngày càng lớn lên trong khôn ngoan và ân sủng. Không ai yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến cha mẹ mình, hoặc có thể nói trái lại, ai không yêu mến cha mẹ mình thì cũng không hề yêu mến Thiên Chúa. Biểu hiện của một người con trưởng thành và đáng khâm phục không phải vì những thành công bên ngoài xã hội, nhưng là sự cung kính và hiếu đễ bên trong gia đình. Người con hiếu thảo mới là con người đạo đức, có giá trị lớn lao cho xã hội loài người, vì họ giống Đức Giêsu, có khả năng góp phần với Thiên Chúa để làm nên một thế giới mới, một nhân loại mới.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!

Con thấy Thánh Gia chẳng hề êm ả,

vẫn đầy những vất vả long đong,

cho dù vẫn có Chúa ở cùng.

Nhưng con lại thấy,

Thánh Gia vượt qua phong ba bão táp,

sống trung thành và chung thủy với nhau,

trung tín với Chúa, trung hậu với người,

sáng lên nét đẹp cao vời thánh thiêng.

Nhìn vào đời sống gia đình hôm nay,

con thấy có đầy những biến động:

truyền thống đạo đức đang mất gốc,

nề nếp gia phong đang bại hoại,

tương quan nhân nghĩa cũng suy đồi,

tình yêu chung thủy đã đổi ngôi,

yêu cuồng sống vội lắm cái tồi,

thai nhi chết oan bao tội lỗi,

bạo lực gia đình lắm nổi trôi,

chỉ vì ích kỷ và ham muốn liên hồi.

Xin cho gia đình con noi gương Thánh Gia,

trong mọi sự biết lo tìm ý Chúa,

yêu thương chăm sóc đỡ nâng nhau,

giữ vững truyền thống gia đình Kitô giáo,

nên chứng từ sống động của Ba Ngôi.

Dẫu cho dòng đời nhiều trôi nổi,

gia đình con vẫn sáng tối cầu kinh,

cùng nhau vui sống đời công chính,

gieo rắc niềm tin với an bình. Amen.
 
Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh 24/12/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:54 24/12/2021


LỄ VỌNG GIÁNG SINH – LỄ BAN ĐÊM

BÀI ĐỌC 1 Is 9:1-6

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.

Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an.

Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa. Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.

Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình.

Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó.

Đó là Lời Chúa.

Đáp ca

Đ.Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta;

Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.

1. Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,

hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh!

2. Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,3kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người.

3.Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ.

4. Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người.

BÀI ĐỌC 2 Tt 2:11-14

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-tô.

Anh thân mến, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.

Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.

Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Lc 2:10-11

Alleluia. Alleluia.

Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta. Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.

Alleluia.

TIN MỪNG Lc 2:1-14

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri.

Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít.

Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ:

“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.”

Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

Đó là Lời Chúa.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Chủ tế: Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta mừng kỷ niệm biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. Ngài đến trao lại cho con người quyền được làm con Chúa, và mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới - ngập tràn ánh sáng của nguồn bình an và ơn cứu rỗi. Trong niềm hân hoan vui sướng vì được Thiên Chúa viếng thăm, chúng ta hãy sốt sắng dâng lời cầu xin:

1. Giáng Sinh là ngày đại lễ của toàn thể nhân loại, không phân biệt sang hèn hay lương giáo. Xin Chúa chúc lành cho Giáo Hội hoàn vũ và tất cả anh em lương dân trên toàn thế giới, luôn sống công chính, biết tôn trọng công lý và hòa bình, cùng nhau góp phần loại bỏ chiến tranh, bạo lực, để mọi người được sống yên vui hiệp nhất. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

2. Thiên Chúa cao sang lại ẩn mình dưới hình hài một trẻ thơ yếu đuối nghèo hèn cần đến sự trợ giúp của tha nhân. Xin cho các Kitô hữu luôn đón nhận Hài Nhi Giêsu qua việc quảng đại giúp đỡ, ủi an những người đau khổ bất hạnh, các trẻ em mồ côi, những người già neo đơn, và những ai đang sống lang thang, đói rách, đặc biệt là trong thời gian đại dịch Covid-19 này, để họ có được một cuộc sống ấm no, an bình và hạnh phúc. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

3. Thiên Chúa đã ban cho nhận loại quà tặng vô giá đó chính là Con Một của Ngài. Xin cho những người thân trong gia đình chúng con, cũng biết trao tặng cho nhau những món quà đơn sơ là sự quan tâm trong từng ánh mắt nụ cười, lời nói và việc làm mang dấu chỉ của tình yêu thương tha thứ, để niềm vui Giáng Sinh được lan rộng khắp nơi. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

4. Giữa đêm đông lạnh giá, những chú lừa con đã dâng lên hơi thở để sưởi ấm Hài Nhi Giêsu. Xin Chúa đánh động mỗi người chúng con qua những biết cố xảy ra hằng ngày, từ đó biết hồi tâm suy gẫm và điều chỉnh cách sống của mình sao cho xứng đáng là những người Kitô hữu đạo đức. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Chủ tế: Lạy Hài Nhi Giêsu, nhìn vào Máng cỏ chúng con cảm nhận được tình yêu vô biên Chúa dành cho nhân loại. Xin cho chúng con luôn noi gương các Mục đồng xưa, biết mở lòng mình ra chia sẻ Tin Mừng cứu độ cho mọi người xung quanh, và sống bác ái yêu thương, để sưởi ấm cho Chúa Hài Nhi trong đêm lạnh giá. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
 
Giáng Sinh Tình Chúa cứu độ
Lm. Nguyễn Xuân Trường
07:37 24/12/2021


GIÁNG SINH TÌNH CHÚA CỨU ĐỘ

Ngày nay, không chỉ những người tin Chúa, mà hầu như cả thế giới mừng lễ Giáng Sinh. Giáng Sinh là dịp người ta vui mừng thăm hỏi tặng quà nhau. Người tặng quà vui, và người nhận quà còn vui hơn. Tất cả những quà tặng ấy bắt nguồn từ quà tặng vĩ đại nhất, đó là Thiên Chúa đã tặng ban Con Một Ngài cho chúng ta, để cứu độ chúng ta như lời ngôn sứ I-sai-a: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.” Chúa cứu độ là cứu khỏi chết đời đời và nối lại tình yêu thương.

1. Cứu khỏi chết đời đời. Khát vọng lớn nhất của con người là được sống, thế nên, niềm vui lớn nhất của con người là được cứu thoát chết. Vì tội lỗi con người lẽ ra phải chết, nhưng Chúa đã giáng sinh để cứu con người khỏi chết đời đời. Đối ngược với dịch bệnh và tội lỗi gây chết chóc, Thiên Chúa ban ơn sủng đem sự sống mới cho nhân loại. Nhờ Chúa, con người lấy lại được phẩm giá cao cả là hình ảnh của Thiên Chúa.

2. Nối lại tình yêu thương. Chúa giáng sinh đã nối kết trời với đất, Thiên Chúa với con người. Nơi hài nhi Giêsu, Thiên Chúa và con người đã kết thành một. Ngày xưa khi nguyên tổ phạm tội thì cửa địa đàng đã đóng lại, liên hệ yêu thương giữa con người với Thiên Chúa bị cắt đứt. Hôm nay Chúa giáng sinh thì cửa Trời mở ra, các thiên thần hát khúc ca nối lại tình yêu thương giữa Thiên Chúa và con người:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người Chúa thương.


Dịch bệnh khiến người ta phải cách ly xa cách, thì Chúa giáng sinh lại nối kết tình yêu thương giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Tội lỗi và dịch bệnh gây chết chóc đau buồn, còn tình thương Thiên Chúa lại đem sự sống và niềm vui cho nhân loại. Chúa giáng sinh đã về ở chung 1 nhà với chúng ta, vui quá là vui. Amen.

------ Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ CHÚA GIÁNG SINH TÌNH CỨU ĐỘ: https://youtu.be/V9FHV-_UN6g?t=283
 
Lễ Giáng Sinh Ngày 25/12/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
15:14 24/12/2021

LỄ GIÁNG SINH - 2021

BÀI ĐỌC 1 Is 52:7-10

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng,

công bố bình an, người loan tin hạnh phúc,

công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng:

“Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.”

Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi

cùng cất tiếng reo hò vang dậy;

họ sẽ được thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Xi-on.

Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế,

hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,

vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

Trước mặt muôn dân,

Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người:

ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Hr 1:1-6

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Ðấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Ðấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật.

Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Ðấng Cao Cả trên trời. Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.

Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”, hoặc là: “Ta sẽ là Cha của Người, và chính Người sẽ là Con Ta.” Còn khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: “Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.”

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Lc 1:38

Alleluia. Alleluia. Ngày thánh đã bừng lên chiếu rọi chúng ta, muôn dân hỡi, đến mà thờ lạy Chúa. Vì hôm nay, ánh huy hoàng rực rỡ toả xuống khắp cõi trần. Alleluia.

TIN MỪNG Ga 1:1-18

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.

Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.

Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,

và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.

Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,

và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,

và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.

Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,

để mọi người nhờ ông mà tin.

Ông không phải là ánh sáng,

nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

Ngôi Lời là ánh sáng thật,

ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.

Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có,

nhưng lại không nhận biết Người.

Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.

Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,

cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,

hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.

Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,

vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,

là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố:

“Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi,

nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”

Từ nguồn sung mãn của Người,

tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.

Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,

còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.

Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;

nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa

và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,

chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

Đó là Lời Chúa.
 
Phía sau hậu trường
Lm. Minh Anh
20:05 24/12/2021

PHÍA SAU HẬU TRƯỜNG
“Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”.

Nhà sản xuất phim Walt Disney đã rất tàn nhẫn khi cắt bỏ bất cứ thứ gì cản trở nhịp độ một câu chuyện. Khi cuốn phim cuộc đời của mỗi người chúng ta được trình chiếu, liệu nó có tuyệt vời không? Rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào vô số những “điều tốt” mà chúng ta cần cắt bỏ để dọn đường cho những điều lớn lao Thiên Chúa muốn. Điều quan trọng là ‘phía sau hậu trường’ của những gì diễn ra, thánh ý Thiên Chúa có được thực hiện không?

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta đi vào ‘phía sau hậu trường’ của câu chuyện Giáng Sinh, để tìm hiểu một điều gì đó sâu sắc hơn, thâm trầm hơn! Bởi lẽ, Phúc Âm của ngày đại lễ thật lạ lùng, đó là lời tựa Tin Mừng thánh Gioan. Nó không đề cập Bêlem, Maria; cũng không nhắc đến mục đồng, hang lừa hay máng cỏ! Vậy tại sao nó được chọn đọc cho ngày đại lễ?

Tất nhiên, câu chuyện Bêlem đã được kể trong Thánh Lễ nửa đêm tối qua; câu chuyện đó vẫn như vậy, nhưng chúng ta cần đi tìm ý nghĩa cốt lõi của nó. Vậy thì đứa trẻ nhỏ bé, bơ vơ, hèn yếu trong máng cỏ kia là ai? Tại sao chúng ta lại làm ồn ào như vậy về sự ra đời của đứa trẻ này? Phải, đứa trẻ ấy chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa”. Hãy nghĩ về những lời đặc biệt này, và lùi lại ‘phía sau hậu trường’ của máng cỏ! Qua Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ chính bản thân Ngài, như cách chúng ta biểu lộ bản thân qua cách chúng ta nói, những gì chúng ta nói; cũng như đôi khi, chúng ta tiết lộ nhiều điều qua những gì chúng ta không nói! Cũng thế, Lời của Thiên Chúa không chỉ truyền đạt mà còn hoạt động; Lời tác thành, Lời sản sinh, Lời tạo dựng.

Để dễ hiểu hơn, chúng ta có thể nghĩ đến ‘lời’ của Michelangelo trên trần nhà nguyện Sistine, ‘lời’ của Shakespeare trong Hamlet, Othello, King Lear, hoặc ‘lời’ của Beethoven trong Bản Giao Hưởng Thứ Năm. Tất cả những điều này không chỉ thể hiện ý tưởng mà còn tác động mạnh mẽ trong việc thay đổi chúng ta! Vì thế, qua Ngôi Lời, mọi vật được hiện hữu và được biến đổi. Và như thế, với Ngôi Lời của Thiên Chúa, chúng ta và toàn thế giới mắc nợ chính sự tồn tại của mình.

Lời đã đến, đã đi vào thế giới một cách trọn vẹn. “Thế giới” có hai nghĩa theo Gioan. Trước hết, nó có nghĩa là thế giới nói chung, hành tinh của chúng ta và tất cả những gì trong đó; nhưng nó cũng đề cập đến phần thế giới trong con người chúng ta, vốn bị lôi cuốn vào tất cả những gì xấu xa, tiêu cực, hạ cấp và mất nhân tính. Lời đã đi vào cả hai thế giới đó; Ngài không sống ngoài rìa, nhưng ở ngay trung tâm của con người; Lời Thiên Chúa bị trách, “lui tới với các tội nhân và thậm chí tệ hơn, ăn uống với họ”. Tất cả những điều này được nói trong câu chuyện Bêlem bằng một ngôn ngữ cụ thể hơn, một ngôn ngữ với nhiều hình tượng! Tác giả thư Do Thái hôm nay xác nhận, “Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con”. Người Con đây chính là Lời của Thiên Chúa, là ‘bản sao hoàn hảo của bản tính của Ngài’.

Anh Chị em,

Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trong máng cỏ, lắng nghe những gì Ngài nói, nhìn những việc Ngài làm qua Tin Mừng… chúng ta đang chiêm ngắm, tiếp xúc và lắng nghe chính Thiên Chúa ‘phía sau hậu trường’ của những gì mắt thấy tai nghe. Vì thế, phía sau máng cỏ là một thông điệp yêu thương: Thiên Chúa đã trở thành một con người như loài người chúng ta, Ngài đã bước vào thế giới của chúng ta để chúc lành cho nó và giải phóng tất cả những ai đang bị nô lệ bởi áp bức, đói khát, vô gia cư, tội lỗi, sợ hãi, giận dữ, phẫn uất, hận thù và cô đơn… Chúng ta được mời gọi cộng tác với Ngài, bằng cách mời Ngài đi vào cuộc sống mình, cuộc sống người khác; hầu tất cả được phá bỏ xiềng xích nô lệ của bản thân, tất cả được Lời cứu độ. Thật ý nghĩa, viễn cảnh Isaia thấy trước qua bài đọc thứ nhất, cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Hài Đồng, ‘phía sau hậu trường’ những gì Chúa cho xảy ra trong cuộc đời con, xin cho con nhìn thấy Chúa đang muốn cứu độ con, ít nữa, khỏi một xiềng xích nào đó!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lời chúc Giáng Sinh từ Đức Thượng phụ Pizzaballa
Đặng Tự Do
04:27 24/12/2021


“Chúng tôi đang chờ đợi bạn!” Trong thông điệp video của mình về lời chúc cho mùa lễ sắp tới, Đức Thượng Phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem, là Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, hy vọng rằng những người hành hương sẽ có thể sớm trở lại các thánh địa.

Đức Thượng Phụ nói:

“Cầu xin Chúa ban bình an cho anh chị em! Từ Giêrusalem và từ Bethlehem, nơi chúng ta sẽ sớm đón lễ Giáng Sinh, tôi muốn gửi tới tất cả anh chị em, tới con cái, gia đình, cộng đồng của anh chị em, lời chúc tốt đẹp nhất của tôi về một Giáng Sinh vui vẻ và một Năm mới Hạnh phúc. Tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ tận hưởng những ngày lễ này, rằng anh chị em sẽ có thể kỷ niệm sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi chúng ta là Chúa Giêsu Kitô. Chúng tôi mong gặp được anh chị em! Chúng tôi biết rằng tại thời điểm này là chưa thể, nhưng chúng tôi cũng biết rằng con đường sẽ sớm mở trở lại và chúng tôi đang chuẩn bị cho anh chị em và mang đến cho anh chị em trải nghiệm tốt nhất có thể về Thánh Địa. Một lần nữa, Giáng Sinh vui vẻ và Năm mới hạnh phúc.”

Cũng để kỷ niệm kỳ nghỉ lễ, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã đến Nazareth và gặp gỡ đại diện của các Giáo Hội Kitô. Ông nói: “Tất cả các cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng là một phần không thể tách rời của Nhà nước Israel, và Nhà nước Israel cam kết bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và thờ phượng cho tất cả mọi người.
Source:CMC Terra Santa
 
Bức thư Giáng Sinh tuyệt đẹp mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã viết cho Chúa Hài Đồng Giêsu khi còn nhỏ
Đặng Tự Do
04:28 24/12/2021


Thật là tuyệt vời!

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI, năm nay 94 tuổi và đã viết một bức thư Giáng Sinh tuyệt đẹp cho Chúa Giêsu khi còn nhỏ. Ngài viết bức thư này vào năm 1934 khi mới 7 tuổi.

Theo trang web Korazym của Ý, bức thư được tìm thấy vào năm 2012 trong quá trình trùng tu ngôi nhà thời thơ ấu của ngài ở Bavaria, nơi đã được chuyển thành bảo tàng dành riêng cho Đức Giáo Hoàng danh dự.

Đây là nội dung bức thư Giáng Sinh của ngài gửi Chúa Giêsu:

“Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, chẳng bao lâu nữa Chúa sẽ xuống thế gian. Chúa sẽ mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ. Chúa cũng sẽ mang lại niềm vui cho con. Con muốn có một sách lễ “Volks-Schott”, một chiếc áo lễ màu xanh lá cây dành cho thánh lễ và xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự vào hồn con. Con hứa sẽ luôn tốt”.

“Lễ Giáng Sinh của Joseph Ratzinger năm 1934.”

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô cho biết trong các mùa của một năm Phụng Vụ, mùa yêu thích của ngài là mùa vọng hay “mùa trước Giáng Sinh.”

Ngài cho biết về không khí đón Giáng Sinh của gia đình mình như sau:

“Mỗi năm cảnh Chúa Giáng Sinh của chúng tôi tăng thêm một vài nhân vật mới, và đó luôn là một cảnh đặc biệt. Thật là một niềm vui khi đi nhặt rêu phong, cây bách xù và cành thông từ các khu rừng với cha tôi.”

Dưới đây là từng món quà được yêu cầu được giải thích:

Cậu thanh niên Ratzinger xin Chúa Hài Đồng cho mình cuốn sách lễ Volks-Schott, điều này giúp cậu yêu thích phụng vụ.

Cậu cũng yêu cầu “một chiếc áo lễ màu xanh lá cây”, vì cậu thích chơi “trò chơi cha xứ” với anh trai của mình.

Chị Maria Ratzinger, là chị gái của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô cho biết vào năm 1991 như sau:

“Khi còn là những cậu bé, hai anh em rất thích thực hiện các cử hành ngày Chúa Nhật”

“Chúng tôi cử hành thánh lễ và chúng tôi có những chiếc áo lễ do người thợ may của mẹ làm riêng cho chúng tôi,” bào huynh của Đức Bênêđíctô, là Đức Ông Georg Ratzinger nói với tờ Inside the Vatican. “Chúng tôi thay phiên nhau, người này làm cha xứ thì người kia làm cậu bé giúp lễ.”

Cuối cùng, chàng trai Đức Bênêđíctô cầu xin Thánh Tâm Chúa Giêsu vì gia đình ngài có lòng sùng kính đặc biệt Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói với hãng tin Bild của Đức rằng Đức Bênêđíctô “rất vui khi lá thư được tìm thấy và mỉm cười với nội dung.”

“Đối với ngài, mùi hương của rêu phong đã thuộc về Giáng Sinh cho đến tận ngày nay”.
Source:Church POP
 
Trong 9 tháng 305 vụ bạo lực chống người Thiên Chúa Giáo ở Ấn Độ.
Nguyễn long Thao
13:10 24/12/2021
Trong 9 tháng 305 vụ bạo lực chống người Thiên Chúa Giáo ở Ấn Độ.

New Delhi, Ấn Độ, 23/12/2021.- Một báo cáo do tổ chức từ thiện Công Giáo:Trợ Giúp Giáo Hội Có Nhu Cầu (Aid to the Church in Need) cho biết, những người Thiên Chúa Giáo ở 21 trong số 28 bang của Ấn Độ phải đối mặt với sự ngược đãi.

Báo cáo trên được Hiệp hội Bảo vệ Quyền Dân Sự và Diễn Đàn Thiên Chúa Giao thống nhất xuất bản ngày 21 tháng 10 năm 2021.

Theo Bản báo cáo, chỉ nội trong 9 tháng vừa qua, người Thiên Chúa Giáo ở Ấn Độ đã là mục tiêu của 305 vụ bạo lực. Nếu tính từng tháng thì tháng 9 có 69 vụ, tháng 8 có 50 vụ.

Ông A.C. Michael, điều phối viên của diễn đàn Thiên Chúa Giáo nói: “Điều này chỉ ra rằng bạo lực có tổ chức chống lại những người Thiên Chúa Giáo ở Ấn Độ đang lan rộng trên toàn quốc”.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, nhưng bị xếp hạng thứ 10 trong danh sách các nước đàn áp Thiên Chúa Giáo.

Theo điều tra dân số năm 2011, 79,8% trong số 1,38 tỷ dân của Ấn Độ theo Ấn Giáo, 14,2% theo Hồi Giáo và 2,3%, tức khoảng 20 triệu ngừời theoThiên Chúa Giáo, bao gồm người Công Giáo theo nghi lễ Latinh và Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) vào năm 2020 đã liệt kê Ấn Độ vào danh sách “quốc gia đặc biệt quan tâm” về tự do tôn giáo.

Vì sao Ấn Độ bị liệt kê vào danh sách các quốc gia cần quan tâm về tự do tôn giáo? Bản báo cáo giải thích:

Lý do là chính phủ Ấn Độ hiện nay do Đảng Bharatiya Janata (BJP) lãnh đạo, đã thúc đẩy các chính sách dân tộc chủ nghĩa của người Hindu, dẫn đến vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng.

Tuy nhiên về mặt ngoại giao, Thủ tướng Narendra Modi đã mời Giáo Hoàng Phanxicô thăm Ấn Độ trong cuộc gặp tại Vatican vào tháng 10 vừa qua. Ông là vị thủ tướng Ấn Độ thứ hai đến thăm Đức Giáo Hoàng tại Vatican. Trước đó Thủ Tướng Atal Bihari Vajpayee gặp Đức Gioan Phaolô II trong chuyến thăm chính thức đến Ý vào năm 2000.

Tưởng cũng nên nói thêm : Ấn Độ và Tòa thánh thiết lập quan hệ ngoại giao sau khi Ấn Độ giành được độc lập từ Anh Quốc vào năm 1948. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Ấn Độ vào năm 1964, khi ngài tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Mumbai (khi đó được gọi là Bombay).

Vị Giáo Hoàng cuối cùng đến Ấn Độ là Đức Gioan Phaolô II, người đã có chuyến công du đến New Delhi vào năm 1999.

Nguyễn Long Thao

 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh 24/12/2021
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
17:34 24/12/2021


Mặc dù Ý không còn lệnh giới nghiêm 10 giờ tối như một phần trong các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành “Thánh lễ Vọng Giáng sinh” tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 7:30 tối, như ngài đã làm vào năm 2020.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục và một số giới hạn các tín hữu do các âu lo vì biến thể Omicron.

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Một ánh sáng đến trong đêm. Một thiên thần xuất hiện, vinh quang Chúa bao trùm các mục đồng và cuối cùng lời loan báo được mong đợi hàng thế kỷ đã đến: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2:11). Tuy nhiên, những gì thiên thần cho biết thêm là điều đáng kinh ngạc. Ngài chỉ cho những người chăn chiên cách tìm kiếm Thiên Chúa là Đấng đã đến với thế gian: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (câu 12). Đây là dấu chỉ: một hài nhi. Tất cả chỉ có thế này: một hài nhi trong sự nghèo nàn thô sơ của một máng cỏ. Không có ánh đèn, hào quang, dàn hợp xướng của các thiên thần. Chỉ là một hài nhi. Không có gì khác, như tiên tri Isaia đã báo trước: “Một hài nhi đã được sinh ra cho chúng ta” (Is 9: 5).

Tin Mừng nhấn mạnh về sự tương phản này. Bài Phúc Âm kể về biến cố Chúa Giêsu Giáng Sinh bắt đầu với Caesar Augustus, là người thực hiện một cuộc điều tra dân số trên toàn đế quốc: Trình thuật cho thấy vị hoàng đế đầu tiên trong sự vĩ đại của ông ta. Nhưng, ngay sau đó, câu chuyện đưa chúng ta đến Bêlem, nơi chẳng có gì là vĩ đại: chỉ là một em bé nghèo bọc tã, nằm trong máng cỏ, với những người chăn cừu xung quanh. Nhưng đó là Chúa, trong sự nhỏ bé. Đây là thông điệp: Thiên Chúa không vươn lên trong sự vĩ đại, nhưng hạ cố xuống thế gian trong sự nhỏ bé. Sự nhỏ bé là cách Ngài đã chọn để tiếp cận chúng ta, chạm vào trái tim chúng ta, cứu chúng ta và đưa chúng ta trở lại những gì là quan trọng.

Thưa anh chị em, khi dừng lại trước máng cỏ, chúng ta hãy chiêm ngắm điều gì là trung tâm, vượt lên trên ánh sáng và những đồ trang trí, những gì đẹp đẽ, để chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng. Trong sự nhỏ bé, Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta. Hãy nhận ra Người: “Hài Nhi, Chúa là Thiên Chúa, Chúa Hài Đồng”. Chúng ta hãy để cho mình bị bao trùm bởi sự kinh ngạc đầy tai tiếng này. Người ôm ấp cả vũ trụ lại cần được ôm trong một vòng tay. Đấng tạo ra mặt trời, phải được sưởi ấm. Đấng là sự dịu dàng lại cần được nâng niu. Tình yêu vô bờ bến giờ đây lại có một trái tim nhỏ bé, biết phát ra những nhịp đập êm ái. Ngôi Lời vĩnh cửu lại là một trẻ sơ sinh, tức là không thể nói được. Bánh của sự sống phải được cho ăn. Đấng tạo ra thế giới lại là người vô gia cư. Hôm nay mọi thứ bị đảo lộn: Chúa đến với thế giới nhỏ bé. Đấng vĩ đại trao ban chính mình trong sự nhỏ bé.

Và chúng ta - chúng ta hãy tự hỏi mình - chúng ta có đón nhận cách thế này của Thiên Chúa không? Đó là thử thách của lễ Giáng Sinh: Thiên Chúa tỏ mình ra, nhưng loài người không hiểu Ngài. Ngài tự biến mình trở nên nhỏ bé trong mắt thế giới và chúng ta tiếp tục tìm kiếm sự vĩ đại theo tinh thần thế gian, thậm chí có lẽ nhân danh Ngài. Chúa hạ thấp mình còn chúng ta lại muốn trở nên vĩ đại. Đấng Tối Cao chỉ ra sự khiêm tốn còn chúng ta thích vẻ bề ngoài. Chúa đi tìm những mục đồng, những người vô danh tiểu tốt giữa chúng ta; chúng ta lại tìm kiếm những người vang danh thiên hạ. Chúa Giêsu được sinh ra để phục vụ và chúng ta dành cả đời để theo đuổi thành công. Chúa không tìm kiếm sức mạnh và quyền thế, Ngài tìm kiếm sự dịu dàng và tấm lòng đơn sơ nhỏ bé.

Đây là điều chúng ta nên cầu xin Chúa Hài Đồng trong lễ Giáng Sinh: chúng ta hãy xin Chúa ban cho ân sủng của sự đơn sơ nhỏ bé. “Lạy Chúa, xin dạy chúng con yêu mến sự nhỏ bé. Xin giúp chúng con hiểu rằng đó là con đường dẫn đến sự vĩ đại thực sự”. Nhưng cụ thể, chào đón sự nhỏ bé có nghĩa là gì? Trước hết, điều đó có nghĩa là tin rằng Thiên Chúa muốn đến với những điều nhỏ bé trong cuộc sống của chúng ta, muốn sống trong những thực tế hàng ngày, những cử chỉ đơn giản mà chúng ta làm ở nhà, trong gia đình, ở trường học và nơi làm việc. Chính trong cuộc sống bình thường của chúng ta, Ngài muốn thực hiện những điều phi thường. Và đó là một thông điệp đầy hy vọng: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta quý trọng và khám phá lại những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Nếu Ngài ở đó với chúng ta, chúng ta còn thiếu điều gì? Vì vậy, chúng ta hãy dẹp sang một bên những tiếc nuối dành cho những sự vĩ đại mà chúng ta không có được. Chúng ta hãy từ bỏ những lời phàn nàn và khuôn mặt dài thoòng, hãy quên đi những lòng tham không đời nào được thoả mãn!

Nhưng còn nhiều hơn thế. Chúa Giêsu không muốn chỉ đến trong những điều nhỏ bé trong cuộc đời chúng ta, mà còn đến trong chính sự nhỏ bé của chúng ta: trong cảm giác yếu đuối, mỏng manh, thiếu thốn, thậm chí là “lầm lạc”. Thưa anh chị em, nếu như ở Bêlem, bóng tối của màn đêm vây quanh anh chị em, nếu anh chị em cảm thấy một sự thờ ơ lạnh lùng xung quanh anh chị em, nếu những vết thương mà anh chị em mang trong lòng kêu lên: “Ngươi chẳng đáng được đếm xỉa tới, ngươi chẳng là chi cả, ngươi sẽ không bao giờ được yêu như ngươi muốn”, đêm nay, nếu anh chị em cảm thấy những điều này, Chúa sẽ trả lời và nói với anh chị em: “Ta yêu con như chính con. Sự nhỏ bé của con không làm Ta sợ, sự yếu đuối của con không làm Ta lo lắng. Ta đã làm cho mình trở nên nhỏ bé vì con. Là Chúa của con, Ta đã trở thành anh em của con. Anh trai yêu dấu, em gái yêu dấu, đừng sợ Ta, nhưng hãy tìm thấy sự vĩ đại của con trong Ta. Ta gần gũi với con và đây là điều duy nhất Ta yêu cầu nơi con: hãy tin tưởng ở Ta và mở rộng trái tim của con với Ta”.

Đón nhận sự nhỏ bé vẫn còn có thêm một ý nghĩa khác nữa: đó là ôm lấy Chúa Giêsu trong những người bé nhỏ của ngày hôm nay. Hãy yêu mến Chúa trong những người rốt cùng. Hãy phục vụ Người trong những người nghèo. Họ giống Chúa Giêsu nhất, Đấng sinh ra đã nghèo. Và chính trong họ, Ngài muốn được tôn vinh. Trong đêm tình yêu này, cầu xin cho chúng ta chỉ có một nỗi sợ hãi duy nhất: đó là làm tổn thương tình yêu của Thiên Chúa, làm tổn thương tình yêu ấy bằng cách khinh thường người nghèo qua sự thờ ơ của chúng ta. Họ là những người yêu dấu của Chúa Giêsu, mà một ngày nào đó sẽ chào đón chúng ta vào nước Thiên Đàng. Một nhà thơ đã viết: “Ai chưa tìm thấy Thiên Đường ở dưới đây sẽ bỏ lỡ nó ở trên cao đó” (E. Dickinson, Poems, P96-17). Chúng ta đừng đánh mất Thiên Đàng, chúng ta hãy chăm sóc Chúa Giêsu ngay bây giờ, vuốt ve Ngài trong những người khốn khó, vì Ngài đã đồng hóa mình với họ.

Một lần nữa chúng ta hãy nhìn vào máng cỏ và chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu khi sinh ra đã được bao bọc bởi những người thấp hèn, bởi những người nghèo khổ. Họ là những người mục đồng. Họ là những người đơn sơ nhất và là những người gần gũi nhất với Chúa. Họ tìm thấy Người vì họ “qua đêm ngoài trời, suốt đêm canh giữ đàn chiên của mình” (Lc 2:8). Họ ở đó để làm việc, bởi vì họ nghèo và cuộc sống của họ không có thời gian biểu, mà phụ thuộc vào đàn chiên của mình. Họ không thể sống theo cách thế và nơi chốn họ muốn, nhưng họ tự điều chỉnh theo nhu cầu của đàn chiên mà họ chăm sóc. Và Chúa Giêsu đã sinh ra ở đó, gần với họ, gần với vùng ngoại vi bị lãng quên. Ngài đã đến nơi mà phẩm giá của con người bị thử thách. Ngài đến để nâng cao những người bị loại trừ và mạc khải chính Người cho họ trước tất cả những ai khác: không phải cho những nhân vật uyên bác hay quan trọng, mà cho những người nghèo đang làm việc. Chúa đến đêm nay để lấp đầy sự vất vả của công việc với phẩm giá. Ngài nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của việc đem lại phẩm giá cho con người qua công việc, nhưng cũng phải trao phẩm giá cho công việc của con người, bởi vì con người là chúa tể chứ không phải là nô lệ cho công việc. Vào ngày của Sự Sống này, chúng ta hãy lặp lại: không có thêm những cái chết tại nơi làm việc! Và chúng ta hãy dấn thân cho điều này.

Khi chúng ta nhìn lần cuối vào máng cỏ, hãy mở rộng tầm mắt ra xa hơn, nơi chúng ta có thể nhìn thấy những nhà thông thái, đang hành hương để thờ phượng Chúa. Chúng ta hãy nhìn và hiểu rằng xung quanh Chúa Giêsu, mọi sự đều hiệp nhất với nhau: không chỉ có những người rốt cùng, những người chăn chiên, mà còn có những nhà uyên bác và những người giàu có, và những người khôn ngoan. Ở Bêlem, người nghèo và người giàu có ở cùng với nhau, những người thờ phượng như những nhà đạo sĩ và những người làm việc như những mục đồng. Mọi thứ kết hợp với nhau khi chính Chúa Giêsu ở trung tâm: chứ không phải ý tưởng của chúng ta về Chúa Giêsu, mà chính là Ngài, Đấng Hằng Sống. Vì vậy, anh chị em thân mến, chúng ta hãy trở lại Bêlem, hãy quay trở lại các nguồn cội: là những điều thiết yếu của đức tin, tình yêu đầu tiên, sự tôn thờ và lòng bác ái. Chúng ta hãy quan sát những nhà thông thái đang hành hương, và như một Giáo hội đồng nghị, một Giáo Hội lữ hành, chúng ta cùng đi đến Bêlem, nơi có Thiên Chúa trong con người và con người trong Thiên Chúa. Nơi đó Chúa ở vị trí đầu tiên và được thờ phượng; nơi những người rốt cùng chiếm được chỗ gần với Chúa nhất; nơi những mục đồng và các nhà đạo sĩ sát cánh cùng nhau trong tình huynh đệ bền chặt hơn bất kỳ các nhãn hiệu và sự phân loại nào. Xin Chúa ban cho chúng ta trở thành một Giáo hội tôn thờ, nghèo nàn, huynh đệ. Đây là điều thiết yếu. Hãy quay trở lại Bêlem.

Thật tốt khi chúng ta đến đó, ngoan ngoãn với Tin Mừng Giáng Sinh, trong đó trình bày cho chúng ta thấy Thánh Gia, các mục đồng và các nhà thông thái: tất cả mọi người đang trên đường đi của họ. Thưa anh chị em, chúng ta hãy lên đường, vì cuộc đời là một cuộc hành hương. Hãy thức dậy, chúng ta hãy thức dậy vì một luồng sáng đã chiếu dọi đêm nay. Đó là một ánh sáng dịu dàng và nhắc nhở chúng ta rằng trong sự bé nhỏ của mình, chúng ta là những đứa trẻ được yêu dấu, những đứa trẻ của ánh sáng (xem 1 Thess 5: 5). Hỡi anh chị em, chúng ta hãy vui mừng cùng nhau, vì không ai có thể dập tắt ánh sáng này, ánh sáng của Chúa Giêsu, đã chiếu sáng trong thế giới từ đêm nay.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Linh mục dòng Đa Minh dạy cho Tổng thống Phi Luật Tân Duterte một bài học nhớ đời
Đặng Tự Do
19:52 24/12/2021


Cha Austriaco là một nhà sinh học phân tử được đào tạo tại Massachusetts Institute of Technology, gọi tắt là MIT. Ngài đang nghiên cứu vắc xin COVID-19 qua đường miệng thay vì chích vào tĩnh mạch như hiện nay.

Cha Austriaco đã mang theo bí quyết của mình khi làm việc với Nhóm nghiên cứu OCTA, nhóm đã nổi tiếng với các cố vấn liên quan đến các chính sách đối phó với COVID-19. Ngài hiện đang làm việc với OCTA về một bản sửa đổi rẻ hơn cho một loại vắc-xin có thể dùng bằng đường uống. Ngoài việc dành thời gian cho việc nghiên cứu vắc xin cho Phi Luật Tân và Mỹ, ngài cũng giữ chức vụ giáo sư tại Đại học Thánh Thomas.

Trong cuộc họp báo hàng tuần của tổng thống Duterte, sau khi Cha Austriaco vừa hoàn thành bài thuyết trình về biến thể Omicron thì ông Duterte lên tiếng.

“Chúng tôi sẽ rất vui, bản thân tôi sẽ rất vui khi được bổ nhiệm linh mục làm Bộ trưởng Y tế, nếu linh mục bằng lòng” Duterte nói với Cha Austriaco với vẻ mặt hết sức nghiêm túc, thậm chí là khẩn khoản.

Vị linh mục đã hoàn toàn bị bất ngờ trước lời đề nghị này. Ngài ngớ người ra trong vài giây với đề xuất này. Tuy nhiên, thay vì chớp lấy cơ hội, vị linh mục đã phá ra cười, khiến Duterte đỏ mặt.

“Không, thưa ngài. Tổng trưởng Duque đang làm rất tốt công việc của mình”.

Cha Austriaco nói vắn tắt như thế và quay lại với phần hỏi đáp dành cho các ký giả.

Tổng thống Duterte là một người thường mô tả hàng giáo sĩ Công Giáo là những người háo danh và say mê quyền lực.

Phi Luật Tân, quốc gia có khoảng 110 triệu người, hiện đã tiêm chủng cho không đến 40 triệu người. Theo ABS-CBN, quốc đảo này đã có hơn 2.8 triệu người nhiễm coronavirus, với hơn 13,000 người vẫn còn đang phải điều trị.

Duterte và Giáo Hội Công Giáo

Duterte có mối quan hệ căng thẳng với Giáo Hội Công Giáo, vốn đã thẳng thắn lên án những vụ giết người ngoài vòng pháp luật diễn ra trong “cuộc chiến chống ma túy” của chế độ.

Theo con số chính thức của chính phủ, hơn 6,000 người tham gia vào việc buôn bán ma túy đã bị giết. Các tổ chức nhân quyền và tin tức và ước tính rằng hơn 12,000 người đã bị giết. Những người bị giết bao gồm cả các con nghiện.
Source:Aleteia
 
Chủ tịch Đại học Công Giáo xin lỗi vì những tranh cãi không cần thiết liên quan đến bức tranh hai lần bị đánh cắp
Đặng Tự Do
19:52 24/12/2021


John Garvey, chủ tịch Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, đã xin lỗi về việc nhà trường trưng bày một bức tranh mà một số người nói rằng mô tả George Floyd là Chúa Giêsu. Ông nói rằng bức tranh bị đánh cắp hai lần đã tạo ra “sự tranh cãi và nhầm lẫn không cần thiết”.

“Một số nhà phê bình cho rằng danh tính của nhân vật nam nói nhẹ nhất là mơ hồ. Nặng nề hơn, nhiều người nhìn thấy hình tượng trong vòng tay của Đức Mẹ là một George Floyd đã được thần thánh hóa. Cách giải thích này đã dẫn đến những cáo buộc rằng tác phẩm là báng bổ, là một điều gì đó xúc phạm đến Thiên Chúa và thánh danh Ngài. Những người bảo vệ tác phẩm nói rằng bức tranh nhằm mục đích kích động suy nghĩ khi nhìn thấy Chúa Kitô lúc đau khổ nhất nơi chúng ta”, Garvey nói như trên trong một email gửi đến trường đại học vào ngày 20 tháng 12.

“Bất kể cách giải thích của bạn như thế nào, nó đã tạo ra tranh cãi và nhầm lẫn không cần thiết, mà tôi rất tiếc”.

Bức tranh của nghệ sĩ Kelly Latimore ở St. Louis, có tựa đề là “Mama.” được vẽ phỏng theo bức tranh Đức Mẹ Sầu Bi đang ôm xác Chúa Giêsu sau khi được đưa từ thánh giá xuống. Tuy nhiên, thay vì vẽ Chúa Giêsu, Kelly Latimore đã vẽ George Floyd ở vị trí của Ngài. Bức tranh, được trưng bày tại trường luật Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, được ghi nhận đã gây ra tranh cãi rất lớn.

Cuối tháng 11, Chủ tịch John Garvey cho biết tác phẩm nghệ thuật - gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội và đang có một kiến nghị đòi gỡ bỏ nó xuống - đã bị đánh cắp. John Garvey là một trong những người kiên quyết ủng hộ bức tranh đã thay thế bức tranh bị đánh cắp bằng một phiên bản nhỏ hơn của cùng một bức tranh trước đó. Ông ta báo cảnh sát yêu cầu điều tra và tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp kỷ luật nặng nề cho sinh viên nào dám ăn cắp bức tranh.

Bất kể những đe doạ của John Garvey, các sinh viên lại đánh cắp bức tranh lần thứ hai. Cảnh sát và chó nghiệp vụ được đưa đến trường để lùng sục cho ra sinh viên nào đã táo tợn đánh cắp bất kể những lời đe dọa của ông ta. Cuối cùng, cũng không tìm ra được kẻ gan cùng mình đó.

Với tựa đề “Mama,” bức tranh của nghệ sĩ Kelly Latimore, được lắp đặt vào tháng Hai bên ngoài nhà nguyện tại Trường Luật Columbus của trường đại học.

Lattimore nói rằng bức tranh được vẽ để “thương tiếc” Floyd, nhưng khi được một người phỏng vấn hỏi rằng liệu nhân vật trong bức tranh pieta là Floyd hay Chúa Giêsu, anh ta trả lời một cách mơ hồ là “Yes”. Tiếng Yes mơ hồ ấy có thể khiến người ta nghĩ rằng anh ta vẽ Chúa Giêsu da đen.

Floyd, 46 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ gây thiệt mạng vào tháng 5 năm 2020, làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Cựu cảnh sát Minneapolis, Derek Chauvin, người đã quỳ trên cổ Floyd hơn 9 phút, sau đó đã bị kết án với ba tội danh giết người cấp độ hai, giết người cấp độ ba và ngộ sát cấp độ hai. Anh ta bị kết án 22.5 năm tù.
Source:Catholic News Agency
 
Cuộc hành hương Guadalupe của Mễ Tây Cơ thu hút một đám đông khổng lồ sau một năm vắng bóng
Đặng Tự Do
19:53 24/12/2021


Một đám đông những người hành hương Công Giáo ước tính khoảng hơn 1.5 triệu người đã tập trung tại đền thánh Đức Mẹ Guadalupe ở Thành phố Mexico vào hôm Chúa Nhật sau khi các lễ hội bị hủy bỏ vào năm ngoái do đại dịch COVID-19.

Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe là đền thờ Công Giáo được viếng thăm nhiều nhất ở Mỹ Châu, được xây dựng bên cạnh một ngọn đồi ở phía bắc thủ đô Mễ Tây Cơ, nơi người Công Giáo tin rằng Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu, đã hiện ra với một người Aztec vào năm 1531, một thập kỷ sau cuộc chinh phục Mễ Tây Cơ của người Tây Ban Nha.

Ngày lễ của Đức Trinh Nữ Guadalupe, được tổ chức hàng năm vào ngày 12 tháng 12, có các cử hành thật ngoạn mục tại đền thánh Đức Mẹ trong khi đám đông người hành hương quỳ gối cầu nguyện.

Hơn 1.5 triệu người hành hương đã đến đền thánh Đức Mẹ vào hôm Chúa Nhật. Thị trưởng thành phố Mexico Claudia Sheinbaum viết trên Twitter, cho biết thêm rằng các quan chức an ninh thành phố đang theo dõi sự kiện này.

“Chúng tôi đến từ Nicaragua,” Anabel Manzanarez, 46 tuổi, đội vương miện và đeo mặt nạ có hình Đức Trinh nữ Guadalupe cho biết. “Đó là giấc mơ của tôi trong 46 năm. Thật là một may mắn lớn khi được ở đây với người dân Mễ Tây Cơ”.

Các nhà lãnh đạo giáo hội và dân sự Mexico năm ngoái đã hủy bỏ cuộc lễ hàng năm trong bối cảnh đại dịch đang gia tăng. Các lễ hội đành phải tổ chức trực tuyến. Thành phố Mexico kể từ đó đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch.


Source:VOA
 
Trung Quốc cấm phổ biến bài giảng, thánh lễ và tin tức tôn giáo trên Internet.
Nguyễn long Thao
22:30 24/12/2021
Theo một thông báo của Cơ quan quản lý các vấn đề tôn giáo của chính quyền Trung Quốc thì các tôn giáo không được dùng internet để phổ biến tin tức, bài giảng và các nghi lễ tôn giáo

Vào ngày 3 tháng 12 năm 2021 Bộ An Ninh Nhà Nước và cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo họ đã phê duyệt "Các biện pháp hành chính đối với các dịch vụ thông tin tôn giáo trên internet". Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực ngày 1 tháng 3 năm 2022.

Cuộc đàn áp mới đối với tự do tôn giáo phản ánh chỉ thị của Chủ Tịch Tập Cận Bình. Trong các phiên họp của hội nghị tôn giáo toàn quốc được tổ chức vào đầu tháng 12 năm nay, chủ tịch kiêm tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố ý định cải thiện sự kiểm soát đối với các tôn giáo. Nói cách khác, để gia tăng sự đàn áp tôn giáo.

Ông Tập nói rõ rằng các tôn giáo phải thích ứng với thực tế Trung Quốc là một nước xã hội chủ nghĩa. Theo ông Tập, quần chúng tín đồ phải đoàn kết xung quanh Đảng Cộng Sản Trung Quốc và chính phủ, đồng thời phải bác bỏ mọi ảnh hưởng của nước ngoài.

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cung cấp thông tin tôn giáo trực tuyến (Internet) phải làm đơn gửi Ban Tôn giáo cấp tỉnh. Các bài giảng, nghi lễ và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo, tu viện, nhà thờ và cá nhân chỉ có thể được phát trực tuyến sau khi đã có giấy phép đặc biệt. Đồng thời không một tổ chức hoặc cá nhân nào có thể gây quỹ "nhân danh tôn giáo" trên internet. Hoạt động tôn giáo trực tuyến cũng bị cấm đối với các tổ chức nước ngoài có mặt tại Trung Quốc.

Theo quy định mới, thông tin tôn giáo trên mạng không được "kích động lật đổ chính quyền, chống lại sự lãnh đạo của Đảng, phá hoại hệ thống xã hội chủ nghĩa, đoàn kết dân tộc và ổn định xã hội". Cũng không được "thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai sắc tộc và sự cuồng tín tôn giáo". Các sáng kiến ​​nhằm vào giới trẻ qua trực tuyến cũng không được "lôi kéo giới trẻ hoặc ép buộc họ tham gia vào các hoạt động tôn giáo".

Mục đích của chế độ là thúc đẩy hơn nữa việc "vô hiệu hóa" tôn giáo, một quá trình được chính thức khởi động vào năm 2015.

Cục Quản lý Nhà nước về Tôn giáo vào tháng 2 năm nay đã công bố tài liệu 'Các biện pháp hành chính đối với cán bộ tôn giáo'. Đây là một tài liệu về quản lý giáo sĩ, tu sĩ, linh mục, giám mục, v.v.

Vào tháng 2 năm 2018, Đảng đã thông qua "Quy định mới về hoạt động tôn giáo", theo đó các nhân viên tôn giáo chỉ có thể thực hiện chức năng mục vụ của mình nếu họ tuân theo các cơ quan "chính thức nhà nước" và phục tùng Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Theo AsiaNews, chính quyền Quảng Tây đã cấm tổ chức lễ Giáng sinh. Lý do vì lễ Giáng Sinh là lễ của phương Tây". Giáng sinh là một mối đe dọa đối với văn hóa Trung Quốc. Ngày Giáng sinh được chế độ coi là một hành động xâm lược chống lại văn hóa Trung Quốc. Các giáo viên và Đảng viên được yêu cầu làm việc để duy trì truyền thống Trung Quốc, trong khi tất cả công dân được yêu cầu báo cáo các trường hợp tổ chức lễ Giáng sinh cho cảnh sát.

Nguyễn Long Thao
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh đêm thánh vô cùng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:39 24/12/2021
C

“Đêm thánh vô cùng - Đêm thanh bình”. là lời bài thánh ca phổ thông có từ hơn hai trăm năm nay do Linh mục Joseph Mohr và nhạc công Franz Xavier Gruber đã sáng tác trong đêm mừng lễ Chúa giáng sinh năm xưa bên nước Áo.

Lời bài thánh ca này được phỏng dịch viết ra rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Lời cùng cung nhạc điệu gợi lên tâm tình cảm giác thi vị thơ mộng tuổi thơ. Nhưng bài thánh ca mừng Chúa giáng sinh này liên quan mật thiết sâu xa với đêm Hài nhi Giêsu giáng sinh làm người, với các mục đồng thức đêm canh giữ đàn xúc vật trên cánh đồng Bethlehem.

Kinh thánh trong bài viết về việc sáng tạo đã thuật lại khung cảnh Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trời đất với chủ đề “ bóng đêm tối”.

Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã tách biệt đẩy bóng tối nguyên thủy bao trùm vạn vật sang một bên bằng Lời của Ngài “ Hãy có ánh sáng”. Và ngay tức thì ánh sáng xuất hiện khiến cho bóng tối bị xóa tan và trở thành ban ngày.

Thiên Chúa Giave cũng hay mạc khải cho con người vào ban đêm. Như đã cho Tổ phụ Giacóp trong giấc mơ được nhìn thấy chiếc thang leo lên trời cao.

Rồi Ngài chỉ cho Tổ phụ Abraham những ngôi sao lấp lánh chiếu sáng trên nền trời ban đêm, và hứa ban cho Ông có dòng dõi đông đúc như các vì sao trên trời.

Chúa Giêsu ngày đầu đời sinh ra trên trần gian làm người vào ban đêm nơi chuồng nuôi thú vật trên cánh đồng Bethlehem. Và ngày cuối cùng đời sống trên trần gian Chúa Giêsu bị bắt, bị xét xử vào ban đêm, và sau cùng chết trên thập gía lúc bóng tối đen bao trùm khắp không gian vạn vật.

Từ hai ngàn năm nay, người tín hữu Chúa Kitô mừng sự phục sinh sống lại của Chúa vào ban đêm, gọi là đêm Chúa phục sinh.

Ban đêm không chỉ là ngôn ngữ trung tâm trong Kinh Thánh, nhưng còn là hình ảnh biểu tượng chỉ về sự đe dọa, bóng tối sự dữ tối tăm, bóng tối rợp che khuất đời sống. Mọi người đều có kinh nghiệm đã trải qua đêm đen bóng tối trong đời sống, như trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc lo sợ phập phồng, trong lúc đau bệnh, trong những đêm mất ngủ thức trắng suốt cà đêm, trong những khi lo lắng về gia đình về con cháu, về tình trạng kinh tế công ăn việc làm…

Và nhân loại chúng ta từ hai năm nay sống trong bóng tối đêm đen đe dọa do làn sóng lây lan truyền nhiễm của bênh đại dịch Covid 19. gây ra. Tình trạng đó làm nhớ liên tưởng tới lời Thánh vịnh 23. như người “ đi trong vùng thung lũng tối tăm”.

Nơi rất nhiều người, có thể tất cả mọi người, vì thế đều có ước mong khát vọng mong có ánh sáng đến soi chiếu cho đời sống. Và hằng có những câu trả lời cho thắc mắc ước vọng đó như nơi từ các Tôn giáo, văn hóa triết học, thần học, nhân sinh quan vũ trụ cùng cả những ý thức hệ, cùng nơi những suy luận của các cá nhân riêng nữa. Tất cả đều ca ngợi hình ảnh ánh sáng.

Đêm Hài nhi Giesu giáng sinh làm người, đêm thánh vô cùng mang lại câu trả lời cho thắc mắc ước vọng của con người.

Trước hết những người mục đồng nghèo hèn sống bên lề đời sống xã hội, sống như khuất trong bóng tối của ánh sáng văn minh xã hội, đã nhận được sứ điệp Chúa giáng sinh do Thiên Thần báo tin đầu tiên báo cho biết: ” Ta báo cho anh em một tin mừng lớn lao”. Tin vui mừng đó đã đẩy lùi bóng tối bao phủ đời sống họ sang một bên “ Ánh sáng vinh quang của Chúa tràn xuống bao phủ họ” ( Lc 2,9).

Hài nhi Giesu sinh ra ở Bethlehem là người mang ánh sáng đến trong trần gian. Thánh Gioan thánh sử đã viết Chúa Giêsu là “ ánh sáng trần gian”( Ga 8,12) có sức xua đuổi bóng tối đem đen tội lỗi bao phủ tâm hồn đời sống con người.

Từ thế kỷ thứ 4. sau Chúa giáng sinh, người tín hữu Chúa Kitô mừng kỷ niệm lễ Chúa giáng sinh vào ngày 25. Tháng Mười Hai. Ngày này theo tập tục tôn giáo của lương dân bên Roma là ngày kính Thần “ Sol invictus – Thần Mặt trời chiến thắng”

Với ý nghĩa nền tảng đó, người tín hữu Chúa Kitô tâm niệm nhấn mạnh” Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng trần gian”. Đó cũng là câu trả lời cho thắc mắc khát vọng của mọi người trông mong có ánh sáng cho đời sống.

Chúa Giêsu Kitô đã nhắn nhủ:” Ai bước theo Thầy, người đó không đi trong bóng tối đêm đen, nhưng có được ánh sáng sự sống.” ( Ga 8,12)

Đêm thánh vô cùng mừng Chúa Giêsu sinh ra thể hiện nhiều hơn sự chiếu sáng về thời tiết thể lý bóng tối ban đêm, cùng nhiều hơn ánh sáng giải ngân hà trên nền trời.

Đêm thánh vô cùng Chúa Giêsu làm người chiếu tỏa ánh bình minh của mặt trời cho tâm hồn đời sống con người có được bình an niềm vui.

Mừng lễ Chúa giáng sinh

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Khiêm hạ trong mầu nhiệm Giáng Sinh. Tương lai của Giáo Hội. Diễn từ của ĐTC trước Giáo triều Rôma
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:24 24/12/2021

Lúc 10 giờ sáng, ngày thứ Năm 23 tháng 12, Đức Giáo Hoàng đã có cuộc tiếp kiến chung với Giáo triều Rôma để chúc mừng Giáng Sinh tại sảnh đường Clementê ở Vatican. Cả Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô XVI đã sử dụng dịp này để có những bài phát biểu quan trọng trong quá khứ.

Trong một năm có hai dịp đặc biệt trong đó người ta có thể biết rõ nhận định và lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề nóng bỏng trên thế giới và trong Giáo Hội. Dịp thứ nhất là cuộc tiếp kiến mà chúng tôi đang tường thuật cùng quý vị và anh chị em. Dịp thứ hai là cuộc tiếp kiến dành cho các đại sứ cạnh Tòa Thánh vào đầu năm mới.

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước Giáo triều Rôma. Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Như thông lệ hàng năm, chúng ta lại có cơ hội gặp nhau vài ngày trước lễ Giáng Sinh. Đó là một cách để thể hiện tình huynh đệ của chúng ta “rõ thành tiếng” thông qua việc trao đổi những lời chúc mừng Giáng Sinh. Tuy nhiên, đây cũng là giây phút suy ngẫm và đánh giá đối với mỗi người chúng ta, để ánh sáng của Ngôi Lời hóa thành nhục thể có thể cho chúng ta thấy rõ hơn chúng ta là ai và sứ mệnh của chúng ta là gì.

Chúng ta đều biết rằng mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm Thiên Chúa đến thế gian bằng con đường khiêm hạ. Ngài đã hoá thành nhục thể, đó là synkatábasis [nghĩa là sự hạ cố xuống cùng nhân loại] quá vĩ đại. Thời đại của chúng ta dường như đã quên đi sự khiêm hạ hoặc đã xếp nó vào một hình thái đạo đức, làm cạn kiệt sức mạnh bùng nổ của nó.

Tuy nhiên, nếu chúng ta phải diễn đạt toàn bộ mầu nhiệm Giáng Sinh bằng một từ ngữ, tôi tin rằng từ “khiêm hạ” là từ ngữ hữu ích nhất. Các sách Phúc âm miêu tả cảnh bần cùng và khắc khổ, không có đủ điều kiện để che chở cho một người phụ nữ sắp sinh. Tuy nhiên, Vua của các vị vua bước vào thế giới không phải bằng cách thu hút sự chú ý, mà bằng cách gây ra một sức hút bí ẩn trong trái tim của những người cảm nhận được sự hiện diện ly kỳ của một điều gì đó hoàn toàn mới, một thứ đang trên đà thay đổi lịch sử. Đó là lý do tại sao tôi thích suy nghĩ và cũng muốn nói rằng sự khiêm hạ là cánh cửa của mầu nhiệm Giáng Sinh, và mời chúng ta bước qua nó. Tôi nghĩ về đoạn Linh Thao [nói rằng] người ta không thể thăng tiến nếu không có sự khiêm hạ, và người ta không thể tiến lên trong sự khiêm nhường mà không bị sỉ nhục. Thánh Y Nhã khuyên chúng ta hãy xin cho được những sự sỉ nhục.

Không dễ để hiểu khiêm hạ là gì. Đó là tác động của một sự thay đổi mà chính Thánh Linh mang lại cho chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn như trường hợp của ông Naaman người xứ Syria (xem 2 V 5). Vào thời của tiên tri Êlisa, ông Naaman này rất nổi tiếng. Ông là một vị tướng dũng cảm của quân đội Syria, người đã nhiều lần thể hiện sự dũng cảm và gan dạ của mình. Tuy nhiên, cùng với danh vọng, quyền lực, lòng quý trọng, danh dự và vinh quang, Naaman buộc phải sống trong một hoàn cảnh bi đát: ông mắc bệnh phong. Bộ giáp của ông ta, đã giúp ông ta trở nên nổi tiếng, trên thực tế che phủ một con người yếu ớt, bị thương và bệnh tật. Chúng ta thường nhận thấy sự mâu thuẫn này trong cuộc sống của mình: đôi khi những tài năng tuyệt vời lại là tấm áo giáp che chở cho sự yếu đuối lớn lao.

Naaman đã hiểu ra một sự thật cơ bản: chúng ta không thể dành cả cuộc đời để trốn sau bộ giáp, trong một vai trò mà chúng ta đóng hay trong sự công nhận của xã hội; cuối cùng, nó làm tổn thương chúng ta. Thời điểm đến trong cuộc đời của mỗi cá nhân khi họ mong muốn gác lại ánh hào quang lấp lánh của thế giới này để tận hưởng một cuộc sống đích thực mà không cần thêm áo giáp hay mặt nạ. Mong muốn này thôi thúc vị tướng dũng cảm Naaman bắt đầu một cuộc hành trình tìm kiếm một người có thể giúp mình, và ông đã làm điều này theo gợi ý của một cô gái nô lệ, một tù nhân chiến tranh Do Thái, là người đã nói với ông về một vị thần có thể mang lại sự chữa lành cho những tình huống vô vọng như của chính ông.

Mang theo vàng bạc, Naaman lên đường và đến gặp tiên tri Elisa, là người đã đặt ra cho ông, như là điều kiện duy nhất để được chữa lành, đó là phải thực hiện cử chỉ đơn giản là cởi bỏ mọi thứ và tắm rửa bảy lần ở sông Giođan. Bất kể thế giá, danh vọng, vàng bạc! Ân sủng cứu rỗi là nhưng không; không thể giản lược thành giá cả hàng hóa thế gian.

Naaman chống lại; đối với ông, yêu cầu của nhà tiên tri dường như quá bình thường, quá đơn giản, quá dễ dàng đạt được. Dường như sức mạnh của sự đơn giản không có chỗ trong trí tưởng tượng của ông. Tuy nhiên, những lời của các tôi tớ của ông đã khiến ông thay đổi ý định: “Giả như vị ngôn sứ bảo tướng công làm một điều gì khó, chẳng lẽ tướng công lại không làm sao? Phương chi ngôn sứ chỉ nói: Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch” (2 V 5:13). Naaman đã nhượng bộ, và với một cử chỉ khiêm nhường “hạ mình”, đã cởi áo giáp, xuống nước sông Giođan “và da thịt ông được phục hồi như da thịt trẻ nhỏ, và ông được sạch” (2 V 5: 14). Đây là một bài học tuyệt vời! Sự khiêm tốn khi bộc lộ nhân tính của mình, phù hợp với lời Chúa, đã giúp Naaman được chữa lành.

Câu chuyện về Naaman nhắc nhở chúng ta rằng Giáng Sinh là thời điểm mà mỗi chúng ta cần can đảm để cởi bỏ áo giáp, loại bỏ những cạm bẫy của các vai trò, những sự công nhận của xã hội và sự lấp lánh lung linh của thế giới này và chấp nhận sự khiêm tốn của Naaman. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách bắt đầu từ một ví dụ mạnh mẽ hơn, thuyết phục hơn và có thẩm quyền hơn: đó là Con Thiên Chúa, Đấng đã không ngại khiêm hạ khi “hạ cố” trong lịch sử, trở thành phàm nhân, trở thành một hài nhi, yếu ớt, được quấn trong tã và được đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2:16). Một khi chúng ta lột bỏ áo choàng, đặc quyền, chức vụ và danh hiệu của mình, tất cả chúng ta đều là những người hủi, tất cả chúng ta đều cần được chữa lành. Giáng Sinh là lời nhắc nhở sống động về nhận thức này và nó giúp chúng ta hiểu sâu hơn về điều đó.

Anh chị em thân mến, nếu chúng ta quên mất nhân tính của mình, chúng ta sẽ sống trong ánh quang lung linh của áo giáp chúng ta. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về sự thật khó chịu và đáng lo ngại này: “Được cả thế gian mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (x. Mc 8:36).

Như tôi đã từng nói trong những dịp khác, đây là cám dỗ nguy hiểm của một tinh thần thế gian, mà không giống như tất cả những cám dỗ khác, rất khó có thể vạch trần, vì nó được che giấu bởi mọi thứ thường làm chúng ta yên tâm: vai trò của chúng ta, phụng vụ, giáo lý, lòng sùng kính. Như tôi đã viết trong Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm - tinh thần thế gian đó “cũng nuôi sống vinh quang phù phiếm của những người hài lòng với quyền lực tối thiểu và thà là đại tướng của một đội quân bị đánh bại hơn là một binh nhì trong một đơn vị tiếp tục chiến đấu. Chúng ta thường mơ thấy những dự án tông đồ rộng lớn, được lên kế hoạch tỉ mỉ, giống như những bại tướng! Nhưng điều này là phủ nhận lịch sử của chúng ta với tư cách là một Giáo Hội, một lịch sử vinh quang chính xác bởi vì nó là lịch sử của sự hy sinh, của những hy vọng và đấu tranh hàng ngày, của cuộc đời dành cho việc phục vụ và trung thành với công việc, dù có thể là mệt mỏi, vì tất cả công việc là “lao công khó nhọc” của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta lãng phí thời gian để nói về “những gì cần phải làm” - trong tiếng Tây Ban Nha, chúng ta gọi đây là tội habriaqueísmo - giống như những bậc thầy tâm linh và chuyên gia mục vụ đưa ra những chỉ dẫn từ trên cao. Chúng ta chìm đắm trong những mộng tưởng vô tận và chúng ta mất liên lạc với cuộc sống thực tế và những khó khăn của người dân chúng ta” (số 96).

Khiêm nhường là khả năng biết cách “cư trú” trong nhân tính của chúng ta, nhân tính này được Chúa yêu quý và chúc phúc, và làm như vậy không phải vì tuyệt vọng nhưng với não trạng thực tiễn, vui vẻ và hy vọng. Khiêm nhường có nghĩa là nhận ra rằng chúng ta không nên xấu hổ về sự yếu đuối của mình. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy nhìn vào sự nghèo khó của mình bằng chính tình yêu thương và sự dịu dàng mà chúng ta nhìn vào một đứa trẻ nhỏ bé, dễ bị tổn thương và thiếu thốn mọi thứ. Thiếu lòng khiêm nhường, chúng ta sẽ tìm kiếm những thứ có thể làm chúng ta yên tâm, và có lẽ sẽ tìm thấy chúng, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ không tìm thấy những gì cứu chúng ta, những gì có thể chữa lành chúng ta. Tìm kiếm những phương dược an thần đó là hoa quả đồi bại nhất của tinh thần thế gian, vì nó cho thấy sự thiếu đức tin, hy vọng và tình yêu thương; nó làm chúng ta mất đi khả năng phân định sự thật của sự vật. Nếu Naaman chỉ tiếp tục tích lũy huy chương để trang trí cho áo giáp của mình, thì cuối cùng anh ta đã bị căn bệnh phong nuốt chửng: cho dù xem ra vẫn còn sống đấy, nhưng lại bị bao bọc và cô lập trong căn bệnh của mình. Thay vào đó, Namaan có can đảm để tìm kiếm thứ có thể cứu anh ta, chứ không phải thứ sẽ mang lại cho anh ta một sự hài lòng phù phiếm.

Tất cả chúng ta đều biết rằng đối lập của khiêm hạ là tự hào. Một câu từ tiên tri Malakhi, từng làm tôi kinh ngạc, có thể giúp chúng ta hiểu sự khác biệt giữa con đường khiêm hạ và con đường kiêu ngạo: “Tất cả những kẻ kiêu ngạo và tất cả những kẻ bất lương sẽ bị đốn phạt; Chúa các đạo binh phán: ngày sẽ đến và chúng sẽ bị đốt cháy không còn cả rễ lẫn nhánh” (4: 1).

Nhà tiên tri sử dụng hình ảnh liên tưởng đến “gốc rạ”, mô tả niềm kiêu hãnh bằng những từ ngữ sống động, vì một khi ngọn lửa bắt đầu, gốc rạ ngay lập tức trở thành tro; nó cháy lên và biến mất. Tiên tri Malakhi cũng nói với chúng ta rằng những ai sống trong niềm kiêu hãnh sẽ thấy mình bị tước đoạt những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống: cả rễ lẫn cành. Rễ đại diện cho mối liên kết quan trọng của chúng ta với quá khứ, từ đó chúng ta rút ra nhựa cây giúp chúng ta sống trong hiện tại. Những nhánh cây tượng trưng cho hiện tại của chúng ta, chưa tàn úa, nhưng sẽ phát triển vào ngày mai và trở thành tương lai. Ở lại trong một hiện tại không còn rễ hoặc cành có nghĩa là sống giờ phút cuối cùng của chúng ta. Đó là cách sống của những người kiêu hãnh, những người được bao bọc trong thế giới nhỏ bé của họ, không có quá khứ cũng chẳng có tương lai, không gốc rễ hay cành lá, và sống với mùi vị cay đắng của nỗi sầu muộn đè nặng lên trái tim họ như là “thứ quý giá nhất trong các loại thuốc của quỷ”. [1] Trái lại, những người khiêm tốn sống cuộc đời của họ thường xuyên được hướng dẫn bởi hai động từ: nhớ về cội nguồn và trao ban sự sống. Bằng cách này, rễ và cành của họ sinh hoa kết trái, giúp họ có thể sống một cuộc sống vui tươi và hiệu quả.

Trong tiếng Ý, từ gốc của động từ nhớ “ricordare” là “mang đến trái tim”. Ký ức sống động của chúng ta về Truyền thống, về cội nguồn của chúng ta, không phải là sự tôn thờ quá khứ mà là một chuyển động nội tâm, nhờ đó chúng ta không ngừng mang vào lòng mình tất cả những gì đi trước chúng ta, đánh dấu lịch sử của chúng ta và đưa chúng ta đến vị trí của ngày hôm nay. Nhớ lại không có nghĩa là nhắc lại, mà là trân trọng, là làm sống lại với lòng biết ơn, để sức mạnh của Chúa Thánh Thần đốt cháy tâm hồn chúng ta, như các môn đệ đầu tiên (x. Lc 24:32).

Tuy nhiên, để sự ghi nhớ của chúng ta không khiến chúng ta trở thành tù nhân của quá khứ, thì chúng ta cần một động từ khác là trao ban sự sống, là “sản sinh”. Những người khiêm tốn - những người nam nữ khiêm tốn - là những người không chỉ quan tâm đến quá khứ mà còn quan tâm đến tương lai, vì họ biết nhìn về phía trước, vươn cao cành cây, trong khi nhớ về quá khứ với lòng biết ơn. Người khiêm tốn trao ban cuộc sống, thu hút người khác và vươn đến phía trước với những điều chưa biết đang chờ đợi. Trái lại, kẻ kiêu hãnh chỉ đơn giản là lặp lại, trở nên cứng nhắc - cứng nhắc là một sự đồi bại, một sự hư hỏng ngày nay - và bao bọc bản thân trong sự lặp lại đó, cảm thấy chắc chắn về những gì họ biết và sợ hãi bất cứ điều gì mới bởi vì họ không thể kiểm soát nó; họ cảm thấy bất ổn... vì họ đã mất trí nhớ.

Người khiêm tốn chấp nhận cho mình bị thử thách. Họ cởi mở với những gì mới mẻ, vì họ cảm thấy an toàn với những gì đã đi trước họ, vững chắc về nguồn gốc và cảm thức thuộc về cộng đồng của họ. Hiện tại của họ dựa trên quá khứ, mở ra cho họ một tương lai đầy hy vọng. Không giống như những người kiêu hãnh, họ biết rằng sự tồn tại của họ không dựa trên thành tích hay “thói quen tốt” của họ. Như vậy, họ có thể tin tưởng, không giống như những kẻ kiêu hãnh.

Tất cả chúng ta đều được mời gọi sống khiêm nhường, bởi vì tất cả chúng ta đều được mời gọi để ghi nhớ và trao ban sự sống. Chúng ta được kêu gọi để tìm ra một mối quan hệ đúng đắn với cội nguồn và các nhánh của chúng ta. Không có hai thứ đó, chúng ta trở nên ốm yếu, và cảm thấy mình bị tiền định ra hư mất.

Chúa Giêsu, Đấng đã đến trong thế gian bằng con đường khiêm hạ, đã mở ra một con đường cho chúng ta; Ngài chỉ ra một con đường và chỉ cho chúng ta một mục tiêu.

Anh chị em thân mến, nếu không có lòng khiêm nhường thì chúng ta không thể gặp được Thiên Chúa và cảm nghiệm được ơn cứu độ; cũng vậy, nếu không có lòng khiêm nhường thì chúng ta cũng không thể gặp được những người lân cận, những anh chị em bên cạnh.

Ngày 17 tháng 10 vừa qua, chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình Thượng Hội Đồng sẽ khiến chúng ta bận rộn trong hai năm tới. Trong trường hợp này cũng thế, chỉ có sự khiêm nhường mới có thể giúp chúng ta gặp gỡ và lắng nghe, đối thoại và phân định, cầu nguyện cùng nhau, như Đức Hồng Y Niên trưởng đã nói. Nếu chúng ta vẫn bị bao bọc trong những xác tín và kinh nghiệm của mình, trong cái vỏ cứng của những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, thì sẽ khó có thể cởi mở với kinh nghiệm về Thánh Linh, đã được Tông đồ Phaolô mô tả như được sinh ra từ niềm xác tín rằng tất cả chúng ta đều là con cái của cùng “một Thiên Chúa là Cha của tất cả, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4: 6).

Từ “tất cả” đó không có chỗ cho sự hiểu lầm! Chủ nghĩa giáo sĩ, như một cám dỗ, một cám dỗ hư hỏng, hàng ngày lan tràn giữa chúng ta, khiến chúng ta cứ nghĩ đến một Thiên Chúa chỉ nói với một số ít người, mà những người khác phải lắng nghe và tuân theo những người ấy. Thượng Hội Đồng muốn trở thành một kinh nghiệm để chúng ta cảm thấy mình là tất cả các thành viên của một dân tộc lớn hơn, Dân tộc thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa, và như thế là các môn đệ, những người lắng nghe và chính nhờ sự lắng nghe này, cũng có thể hiểu được thánh ý của Thiên Chúa, vốn luôn được bày tỏ trong những cách thế không thể đoán trước. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng Thượng Hội Đồng là một sự kiện dành cho Giáo Hội, như một điều gì đó trừu tượng và xa vời với chúng ta. Tính đồng nghị là một “phong cách” mà chúng ta phải hướng đến, đặc biệt là những người trong chúng ta hiện diện ở đây và tất cả những ai phục vụ Giáo Hội hoàn vũ bằng công việc của họ cho Giáo triều Rôma.

Chúng ta đừng quên rằng Giáo triều không chỉ đơn thuần là một công cụ hậu cần và hành chính nhằm đáp ứng các nhu cầu của Giáo Hội hoàn vũ, nhưng là cơ quan đầu tiên được kêu gọi để đưa ra chứng tá. Chính vì lý do này, Giáo triều phát triển uy tín và hiệu quả khi chấp nhận là người đầu tiên đón nhận những thách thức hoán cải đồng nghị mà nó cũng được kêu gọi. Hình thái tổ chức mà chúng ta phải đón nhận không phải là cách tổ chức của một doanh nghiệp, nhưng là một hình thái tự bản chất là truyền giáo.

Vì lý do này, nếu lời Chúa nhắc nhở cả thế giới về giá trị của sự nghèo khó, thì chúng ta, những thành viên của Giáo triều, phải là những người đầu tiên cam kết hoán cải đến một phong cách sống tỉnh thức. Nếu Tin Mừng công bố công lý, chúng ta phải là người đầu tiên cố gắng sống minh bạch, không thiên vị hay bè phái. Nếu Giáo Hội đi theo con đường đồng nghị, chúng ta phải là người đầu tiên được chuyển đổi sang một phong cách làm việc khác, hợp tác và hiệp thông. Tất cả điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách tuân theo con đường khiêm hạ. Nếu không có sự khiêm hạ, chúng ta không thể làm được điều này.

Trong khi khai mạc Thượng Hội Đồng, tôi đã dùng ba từ khóa: tham dự, hiệp thông và truyền giáo. Những điều này phát sinh từ một tấm lòng khiêm hạ: không có lòng khiêm nhường thì không thể có sự tham gia, hiệp thông cũng như sứ mệnh. Những lời nói đó là ba yêu cầu mà tôi muốn chỉ ra như một phong cách khiêm hạ mà chúng ta ở đây trong Giáo triều nên hướng tới. Có ba cách để biến con đường khiêm hạ trở thành một con đường cụ thể để làm theo trong thực tế.

Đầu tiên, là sự tham gia. Điều này cần được thể hiện thông qua phong cách đồng trách nhiệm. Chắc chắn, trong sự đa dạng của các vai trò và chức vụ của chúng ta, trách nhiệm sẽ khác nhau, nhưng điều quan trọng là tất cả mọi người đều cảm thấy dự phần, đồng trách nhiệm trong công việc, không cảm thấy mình bị mất tính cách khi thực hiện một chương trình do người khác nghĩ ra. Tôi luôn có ấn tượng mạnh, và tôi thích điều đó, bất cứ khi nào tôi nhận thấy sự sáng tạo trong Giáo triều. Thường xuyên, điều này xảy ra đặc biệt khi chúng ta nhường chỗ cho nhau và không gian được tìm thấy cho tất cả mọi người, kể cả những người theo thứ bậc, chiếm một vị trí ngoài lề. Tôi cảm ơn anh chị em về những gương sáng này - mà tôi đã thấy và rất thích – đồng thời tôi khuyến khích anh chị em làm việc để chúng ta có khả năng tạo ra các động lực cụ thể trong đó tất cả đều có thể cảm thấy rằng họ có vai trò tích cực trong sứ mệnh mà họ phải thực hiện. Quyền lực trở thành dịch vụ khi nó chia sẻ, dự phần và giúp mọi người phát triển.

Từ thứ hai là hiệp thông. Điều này không liên quan đến đa số hoặc thiểu số; về cơ bản, nó dựa trên mối quan hệ của chúng ta với Chúa Kitô. Chúng ta sẽ không bao giờ có một phong cách truyền giáo trong môi trường tương ứng của chúng ta trừ khi chúng ta đặt Chúa Kitô trở lại vị thế trung tâm, chứ không phải ý kiến của phe phái này hay bè phái khác: Chúa Kitô phải ở trung tâm. Nhiều người trong chúng ta làm việc cùng nhau, nhưng việc kiến tạo nên sự hiệp thông còn đòi hỏi khả năng cầu nguyện cùng nhau, lắng nghe lời Chúa cùng nhau và xây dựng các mối quan hệ vượt ra ngoài công việc cũng như củng cố những mối quan hệ có lợi giữa chúng ta bằng cách giúp đỡ lẫn nhau. Nếu không, chúng ta có nguy cơ chẳng khác gì những người xa lạ làm việc cùng một chỗ, những đối thủ cạnh tranh tìm cách thăng tiến hoặc tệ hơn là tạo dựng các mối quan hệ dựa trên lợi ích cá nhân, quên đi mục tiêu chung đã gắn kết chúng ta lại với nhau. Điều này tạo ra sự chia rẽ, phe phái và kẻ thù, trong khi sự hợp tác đòi hỏi một sự cao thượng trong việc chấp nhận cá tính của nhau và cởi mở để làm việc trong một nhóm, ngay cả với những người không nghĩ như chúng ta. Trong sự hợp tác, mọi người làm việc cùng nhau, không phải vì mục đích ngoại lai nào đó, nhưng vì họ tận tâm hướng thiện cho người khác và do đó, cho toàn thể dân Chúa mà chúng ta được kêu gọi để phục vụ. Chúng ta đừng quên những khuôn mặt cụ thể thật sự của con người. Chúng ta đừng quên cội nguồn của mình và khuôn mặt cụ thể của những người là những người thầy đầu tiên của chúng ta trong đức tin. Như Thánh Phaolô đã nói với Timôthêô: “Hãy nhớ đến mẹ của bạn, hãy nhớ đến bà của bạn”.

Nhìn mọi sự theo quan điểm của sự hiệp thông cũng đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận sự đa dạng của chúng ta như một ân sủng của Chúa Thánh Thần. Bất cứ khi nào chúng ta lùi bước khỏi điều này, và coi sự hiệp thông như một từ đồng nghĩa với sự đồng nhất, chúng ta sẽ làm suy yếu và bóp nghẹt quyền năng ban sự sống của Chúa Thánh Thần ở giữa chúng ta. Một thái độ phục vụ đòi hỏi, và thực sự đòi hỏi, một trái tim nhân hậu và quảng đại, để nhận ra và cảm nghiệm một cách vui mừng sự phong phú đa dạng hiện diện nơi Dân Thiên Chúa. Nếu không có sự khiêm tốn, điều này sẽ không xảy ra. Tôi thấy hữu ích khi đọc lại phần đầu của Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân, số 8 và 12, về dân thánh trung tín của Thiên Chúa. Suy ngẫm về những sự thật này là dưỡng khí cho tâm hồn.

Từ thứ ba là sứ mệnh. Đây là điều giúp chúng ta không bị sa ngã vào chính mình. Những người tự cho mình là “nhìn từ trên cao và từ xa, họ từ chối lời tiên tri của anh chị em mình, họ làm mất uy tín của những người đặt ra những câu hỏi, họ liên tục chỉ ra sai lầm của người khác và họ bị ám ảnh bởi vẻ bề ngoài. Trái tim của họ chỉ mở ra cho chân trời giới hạn của sự non nớt và lợi ích của chính họ, và kết quả là họ không học được từ tội lỗi của mình và cũng không thực sự mở lòng để được tha thứ. Đây là hai dấu hiệu của những người “khép kín”: họ không học hỏi được từ tội lỗi của mình và họ không mở lòng để được tha thứ. Đây là một sự băng hoại to lớn được ngụy trang như một điều thiện. Chúng ta cần tránh điều đó bằng cách làm cho Giáo Hội không ngừng đi ra khỏi chính mình, giữ cho sứ mệnh của mình tập trung vào Chúa Giêsu Kitô, và cam kết của mình đối với người nghèo “(Evangelii Gaudium – Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 97). Chỉ có tấm lòng rộng mở đối với sứ mệnh mới có thể bảo đảm rằng mọi việc chúng ta làm, dù là để canh tân chính mình hay thế giới [ad intra and ad extra – Các thuật ngữ này được dùng đầu tiên bởi Đức Hồng Y Suenens. Ad intra đề cập đến sự đổi mới bên trong chính Giáo Hội trong bối cảnh đức tin, giáo lý và chân lý được Thiên Chúa mặc khải, với mục đích giúp Giáo Hội đáp ứng tốt hơn sứ mệnh của mình trên thế giới. Ad extra đề cập đến mối quan hệ của Giáo Hội với thế giới – chú thích của người dịch], đều được đánh dấu bằng sức mạnh tái tạo của lời kêu gọi của Chúa. Việc truyền giáo luôn bao hàm lòng say mê đối với người nghèo, những người “thiếu thốn”, không chỉ về vật chất, mà còn về tinh thần, tình cảm và đạo đức. Những người đói bánh và những người đói ý nghĩa đều nghèo như nhau. Giáo Hội được triệu tập để tiếp cận với mọi hình thức nghèo đói. Giáo Hội được mời gọi để rao giảng Tin Mừng cho mọi người, vì tất cả chúng ta đều nghèo; tất cả chúng ta, bằng cách này hay cách khác, đều thiếu thốn. Nhưng Giáo Hội cũng tiếp cận với người nghèo vì chúng ta cần họ: chúng ta cần tiếng nói của họ, sự hiện diện của họ, những câu hỏi và lời chỉ trích của họ. Một người có tấm lòng truyền giáo phải cảm thấy thiếu vắng anh chị em của mình, và giống như một người ăn xin, phải đeo bám anh ta hoặc cô ta. Sứ mệnh khiến chúng ta dễ bị tổn thương. Điều này thật đẹp, sứ mệnh khiến chúng ta dễ bị tổn thương. Nó giúp nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là môn đệ và nó khiến chúng ta luôn khám phá lại niềm vui của Tin Mừng.

Tham dự, truyền giáo và hiệp thông là những đặc điểm của một Giáo Hội khiêm tốn, một Giáo Hội chú ý đến tiếng nói của Thánh Linh và không tự cho mình là trung tâm. Như Henri de Lubac đã viết: “Giống như Thầy của mình, Giáo Hội tạo ra trong mắt thế giới hình ảnh một nô lệ; trên trái đất này, Giáo Hội tồn tại ‘dưới hình thức một nô lệ’... Giáo Hội không phải là đỉnh cao của những thiên tài tâm linh siêu phàm hay tập hợp của những siêu nhân, hay bất cứ điều gì như thể Giáo Hội là một học viện của những nhà thông thái; trong thực tế, Giáo Hội lại chính là điều ngược lại. Những kẻ xuyên tạc, những kẻ giả mạo, và những kẻ khốn nạn đầy trong Giáo Hội, cùng với cơ man những kẻ tầm thường… Thật khó, nếu không muốn nói là hoàn toàn không thể, cho ‘con người tự nhiên’ có thể tìm thấy trong một hiện tượng như vậy sự viên mãn trong sự trút bỏ hoàn toàn của Chúa [kenosis] để cứu độ [chúng ta] và những dấu vết đầy cảm hứng của ‘sự khiêm hạ của Thiên Chúa’ – trừ khi những suy nghĩ sâu xa nhất trong lòng người ấy được thay đổi một cách triệt để” (Ánh Huy Hoàng của Giáo Hội, 301).

Tóm lại, ước muốn của tôi đối với anh chị em và đối với chính tôi, là chúng ta có thể để cho mình được phúc âm hóa bằng sự khiêm hạ của lễ Giáng Sinh và sự khiêm nhường của máng cỏ, bằng sự nghèo khó và đơn sơ mà Con Thiên Chúa đã bước vào thế giới. Ngay cả các đạo sĩ, những người chắc chắn có địa vị xã hội cao hơn Đức Maria và thánh Giuse hay các mục đồng ở Bêlem, cũng phải quỳ gối trước Chúa Hài Đồng (x. Mt 2,11). Họ khuỵu xuống. Để làm được như vậy không chỉ là một cử chỉ tôn thờ mà còn là một cử chỉ của sự khiêm hạ. Khi họ sấp mình xuống mặt đất trần trụi, các đạo sĩ đặt mình ngang hàng với Chúa. Sự trút bỏ hoàn toàn của Chúa, sự hạ cố này, synkatábasis này, cũng diễn ra tương tự trong buổi tối cuối cùng trong cuộc đời dương thế của Ngài, khi Ngài “rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13: 4-5). Phản ứng của Thánh Phêrô trước cử chỉ đó là một sự thất vọng, nhưng chính Chúa Giêsu đã chỉ cho các môn đồ cách giải thích đúng: “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 13-15).

Anh chị em thân mến, hãy lưu tâm đến căn bệnh phong cùi của chính chúng ta và tránh xa lối suy nghĩ của thế gian làm mất gốc và cành của chúng ta, chúng ta hãy để cho mình được phúc âm hóa nhờ sự khiêm nhường của Chúa Hài Đồng. Chỉ bằng cách phục vụ và coi công việc của mình là dịch vụ, chúng ta mới có thể thực sự hữu ích cho mọi người. Chúng ta ở đây - chính tôi trước bất kỳ ai khác – phải học cách quỳ gối và tôn thờ Chúa trong sự khiêm hạ của Ngài, chứ không phải như các chúa khác trong cái bẫy trống rỗng của họ. Chúng ta giống như những người chăn cừu, chúng ta giống như những đạo sĩ; chúng ta giống như Chúa Giêsu. Đây là bài học của lễ Giáng Sinh: khiêm nhường là điều kiện tuyệt vời cho đức tin, cho đời sống thiêng liêng và cho sự thánh thiện. Xin Chúa ban điều đó cho chúng ta như một ân sủng, bắt đầu từ dấu chỉ nguyên sơ về sự hiện diện của Thần Khí trong chúng ta: là lòng ước muốn. Và chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng ước ao ước điều đó, ân sủng trở thành những người nam nữ của những ước muốn lớn lao. Đối với những gì chúng ta còn thiếu, ít nhất chúng ta có thể bắt đầu bằng lòng ao ước. Chính lòng ao ước ấy đã là dấu chỉ cho thấy Thánh Thần đang hoạt động trong mỗi chúng ta.

Cầu chúc một Mùa Giáng Sinh vui vẻ cho tất cả! Và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

Như một món quà Giáng Sinh năm nay, tôi muốn để lại cho anh chị em một vài cuốn sách… Những cuốn sách nên đọc, đừng để trên giá sách cho bất cứ ai là người thừa kế nhà cửa của chúng ta! Trước hết, một cuốn sách của một nhà thần học vĩ đại, ít được biết đến vì ngài ấy quá khiêm tốn, đó là Đức Ông Armando Matteo Phụ tá Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin, là người đã xem xét một hiện tượng xã hội và cách thức nó kêu gọi phản ứng mục vụ. Cuốn sách có nhan đề là “Convertire Peter Pan” – “Ơn hoán cải của Phêrô Pan”, bàn về số phận của niềm tin trong xã hội trẻ mãi không già này. Cuốn sách rất là khiêu khích và hữu ích. Cuốn thứ hai là một cuốn sách về các nhân vật phụ hay những nhân vật bị lãng quên trong Kinh thánh, của Cha Luigi Maria Epicoco, có nhan đề “La pietra scartata”, “Phiến đá góc tường bị loại”, với phụ đề “Khi những người bị lãng quên được cứu”. Cuốn sách thật đẹp, dùng để chiêm niệm, để cầu nguyện. Đọc cuốn sách này, tôi nghĩ đến câu chuyện về ông Naaman người Syria mà tôi đã đề cập. Cuốn sách thứ ba là của Đức Tổng Giám Mục Fortunatus Nwachukwu, Sứ thần Tòa thánh, là người mà anh chị em biết rất rõ. Ngài đã viết một bài phản ánh về thói ngồi lê đôi mách, và tôi thích bức tranh mà ngài vẽ theo đó đồn thổi dẫn đến sự “tan rã” của bản sắc. Tôi để lại ba cuốn sách này cho anh chị em, và tôi hy vọng rằng chúng sẽ giúp mọi người tiếp tục tiến về phía trước. Cảm ơn anh chị em vì công việc và sự hợp tác của anh chị em. Cảm ơn anh chị em.

Bây giờ chúng ta hãy cầu xin Mẹ của lòng khiêm nhường dạy chúng ta biết khiêm hạ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.”

Sau đó, Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho các vị hiện diện.

[1] G. Bernanos, Tạp chí d'un curé de campagne, Paris, 1974, 135.


Source:Holy See Press Office
 
Lời Chúc Giáng Sinh từ Bethlehem. Bức thư tuyệt đẹp Đức Bênêđíctô viết cho Chúa Hài Đồng lúc 7 tuổi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:26 24/12/2021


1. Lời chúc Giáng Sinh từ Đức Thượng phụ Pizzaballa

“Chúng tôi đang chờ đợi bạn!” Trong thông điệp video của mình về lời chúc cho mùa lễ sắp tới, Đức Thượng Phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem, là Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, hy vọng rằng những người hành hương sẽ có thể sớm trở lại các thánh địa.

Đức Thượng Phụ nói:

“Cầu xin Chúa ban bình an cho anh chị em! Từ Giêrusalem và từ Bethlehem, nơi chúng ta sẽ sớm đón lễ Giáng Sinh, tôi muốn gửi tới tất cả anh chị em, tới con cái, gia đình, cộng đồng của anh chị em, lời chúc tốt đẹp nhất của tôi về một Giáng Sinh vui vẻ và một Năm mới Hạnh phúc. Tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ tận hưởng những ngày lễ này, rằng anh chị em sẽ có thể kỷ niệm sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi chúng ta là Chúa Giêsu Kitô. Chúng tôi mong gặp được anh chị em! Chúng tôi biết rằng tại thời điểm này là chưa thể, nhưng chúng tôi cũng biết rằng con đường sẽ sớm mở trở lại và chúng tôi đang chuẩn bị cho anh chị em và mang đến cho anh chị em trải nghiệm tốt nhất có thể về Thánh Địa. Một lần nữa, Giáng Sinh vui vẻ và Năm mới hạnh phúc.”

Cũng để kỷ niệm kỳ nghỉ lễ, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã đến Nazareth và gặp gỡ đại diện của các Giáo Hội Kitô. Ông nói: “Tất cả các cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng là một phần không thể tách rời của Nhà nước Israel, và Nhà nước Israel cam kết bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và thờ phượng cho tất cả mọi người.
Source:CMC Terra Santa

2. Bức thư Giáng Sinh tuyệt đẹp mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã viết cho Chúa Hài Đồng Giêsu khi còn nhỏ

Thật là tuyệt vời!

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI, năm nay 94 tuổi và đã viết một bức thư Giáng Sinh tuyệt đẹp cho Chúa Giêsu khi còn nhỏ. Ngài viết bức thư này vào năm 1934 khi mới 7 tuổi.

Theo trang web Korazym của Ý, bức thư được tìm thấy vào năm 2012 trong quá trình trùng tu ngôi nhà thời thơ ấu của ngài ở Bavaria, nơi đã được chuyển thành bảo tàng dành riêng cho Đức Giáo Hoàng danh dự.

Đây là nội dung bức thư Giáng Sinh của ngài gửi Chúa Giêsu:

“Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, chẳng bao lâu nữa Chúa sẽ xuống thế gian. Chúa sẽ mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ. Chúa cũng sẽ mang lại niềm vui cho con. Con muốn có một sách lễ “Volks-Schott”, một chiếc áo lễ màu xanh lá cây dành cho thánh lễ và xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự vào hồn con. Con hứa sẽ luôn tốt”.

“Lễ Giáng Sinh của Joseph Ratzinger năm 1934.”

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô cho biết trong các mùa của một năm Phụng Vụ, mùa yêu thích của ngài là mùa vọng hay “mùa trước Giáng Sinh.”

Ngài cho biết về không khí đón Giáng Sinh của gia đình mình như sau:

“Mỗi năm cảnh Chúa Giáng Sinh của chúng tôi tăng thêm một vài nhân vật mới, và đó luôn là một cảnh đặc biệt. Thật là một niềm vui khi đi nhặt rêu phong, cây bách xù và cành thông từ các khu rừng với cha tôi.”

Dưới đây là từng món quà được yêu cầu được giải thích:

Cậu thanh niên Ratzinger xin Chúa Hài Đồng cho mình cuốn sách lễ Volks-Schott, điều này giúp cậu yêu thích phụng vụ.

Cậu cũng yêu cầu “một chiếc áo lễ màu xanh lá cây”, vì cậu thích chơi “trò chơi cha xứ” với anh trai của mình.

Chị Maria Ratzinger, là chị gái của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô cho biết vào năm 1991 như sau:

“Khi còn là những cậu bé, hai anh em rất thích thực hiện các cử hành ngày Chúa Nhật”

“Chúng tôi cử hành thánh lễ và chúng tôi có những chiếc áo lễ do người thợ may của mẹ làm riêng cho chúng tôi,” bào huynh của Đức Bênêđíctô, là Đức Ông Georg Ratzinger nói với tờ Inside the Vatican. “Chúng tôi thay phiên nhau, người này làm cha xứ thì người kia làm cậu bé giúp lễ.”

Cuối cùng, chàng trai Đức Bênêđíctô cầu xin Thánh Tâm Chúa Giêsu vì gia đình ngài có lòng sùng kính đặc biệt Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói với hãng tin Bild của Đức rằng Đức Bênêđíctô “rất vui khi lá thư được tìm thấy và mỉm cười với nội dung.”

“Đối với ngài, mùi hương của rêu phong đã thuộc về Giáng Sinh cho đến tận ngày nay”.
Source:Church POP

3. Chút Cảm Nghĩ Mùa Noel 2021

Trong phần cuối của chương trình xin giới thiệu với quý vị và anh chị em bài viết “Chút Cảm Nghĩ Mùa Noel 2021” của linh mục Giuse Hoàng Mạnh Hùng.

Những ngày cuối năm, nghe như văng vẳng đâu đây khúc nhạc “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” như vỗ về an ủi lòng người với ước mong được hưởng một cuộc sống an bình, hạnh phúc.

Nhưng buồn thay mùa Noel 2021 này, phận người sao lao đao quá. Đại dịch Covid-19 như cơn lũ đã càn quét thành phố suốt 5 tháng đã làm người dân thành phố lớn nhất nước lâm vào cảnh lao đao dù chính quyền, các tổ chức tôn giáo cùng các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã cố gắng hổ trợ. Nhiều người đã phải nằm xuống vĩnh viễn trong cô đơn mà không kịp lời trăn trối.

Giãn cách xã hội hơn ba tháng khiến người Sài Gòn vốn năng động đã phải ngồi yên không được ra đường. Nhà thờ, chùa chiền, các cơ sở thờ tự phải đóng cửa, các trường học phải chuyển qua dạy và học trực tuyến. Nhiều công ty, xí nghiệp phải cho nhân viên nghỉ việc vì không còn khả năng chi trả lương cho công nhân. Người lao động thất nghiệp, không có thu nhập phải kéo nhau về quê lánh nạn vì không có thu nhập trả tiến nhà, điện, nước …

Tại Việt Nam đã có gần 1,5 triệu ca nhiễm, hơn 28 ngàn người chết, cả triệu người lâm cảnh thiếu thốn. Hàng chục ngàn gia đình mất người thân, hàng ngàn trẻ mồ côi bơ vơ vì cha mẹ đã mất vì Covid-19, người cao tuổi neo đơn không có người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc ….

Rồi lại đến thiên tai lũ lụt, sạt lở đất ở các tỉnh Miền Trung làm ta nhớ đến lời cảnh báo trong Tin Mừng “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.” (Lc 21, 25 – 27).

Mặc dù giờ đây đỉnh dịch đã qua, nhưng những con số tử vong, ca nhiễm … mất mát thiệt hại vẫn còn ám ảnh hàng ngày chưa biết đến ngày nào chấm dứt cùng với những di chứng trầm trọng về tâm lý và tinh thần. Thế nhưng “đói thì đầu gối phải bò” nên người Sài Gòn đành phải sống chung với dịch, lại phải ra đường kiếm sống. Thành phố lại nhộn nhịp, các công ty, cửa hàng, siêu thị, đang dần khôi phục lại hoạt động dù những con coronavirus vẫn còn đang chực chờ, rình rập.

Việc bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng có thể sẽ còn lặp lại nhiều lần. Thời gian kéo dài sẽ làm cho cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn, không những về kinh tế mà còn cả về tinh thần trong đời sống gia đình cũng như xã hội. “Sài gòn đã đứng dậy” được nhưng bước đi vẫn còn loạng choạng và cần phải có thời gian để hồi phục. Không ai có thể biết chừng nào đại dịch mới chấm dứt!

Chúng ta đang sống trong giai đoạn “bình thường mới”, sinh hoạt bình thường nhưng lại phải cảnh giác đề phòng theo hướng dẫn. Ngược lại, đề phòng nhưng vẫn phải sinh hoạt để phát triển cuộc sống. Bình thường rồi lại giãn cách, sau đó lại bình thường … Qua những bất ổn và khó khăn của nhân loại, phải chăng Thiên Chúa đang từng bước thanh lọc và đổi mới thế giới?

Hàng năm chúng ta vẫn đón mừng kỷ niệm Ngôi Hai xuống thế làm người. Ngôi Hai Thiên Chúa đã hạ mình mặc lấy kiếp phàm nhân, để đồng hành san sẻ với những phận người đau khổ, và ban phúc lành cho toàn thể nhân loại. Chúa đến để đem bình an, nhưng bình an chỉ thực sự ở lại khi con người biết sống khiêm nhường quảng đại và thực thi công bằng bác ái.

Ngày xưa, Chúa Giêsu là kẻ không nhà khi xuống trần sinh ra trong hang đá, nơi trú ẩn của đàn gia súc. Máng cỏ đơn sơ khó nghèo nói lên tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Người đã muốn trở nên người nghèo khổ bất hạnh để cảm thông với những người bất hạnh trên trần gian này. Người không chỉ dạy chúng ta sống nghèo mà còn phải cảm thông, chia sẻ với những người lâm vào hoàn cảnh tai ương, kém may mắn.

Xin cho ánh sáng sao mùa Noel 2021 không bị che lấp bởi những niềm vui trần tục. Xin mọi người cùng đáp lại lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng trong THƯ MỤC VỤ GỬI GIA ĐÌNH TỔNG GIÁO PHẬN ngày 4/10/2021 mời gọi mọi thành phần dân Chúa tích cực tham gia “mục vụ chăm sóc các em mồ côi” không phân biệt tôn giáo:

Mỗi em trong mỗi giáo xứ sẽ được trao cho một gia đình hay một hội viên của một đoàn thể Công Giáo, để thường xuyên thăm viếng, chia sẻ và cảm thông, khích lệ và hướng dẫn. Như vậy, nhờ hơi ấm tình thương của người thân, với sự cộng tác của giáo xứ, tâm lý các em được phát triển quân bình để trở thành người tốt cho xã hội. Đây là điều quan trọng cho tương lai của các em cũng như cho sự ổn định của xã hội sau này.

Những món quà dâng Chúa Hài Đồng trong dịp Noel năm nay sẽ mang lại niềm vui và nhất là niềm hy vọng cho những người cao tuổi neo đơn và trẻ mồ côi cha mẹ vượt qua phần nào những khó khăn, mất mát đồng thời giúp cho họ cảm nhận được sự gần gũi sống động của tình yêu Thiên Chúa.

Để rồi mỗi mùa Noel đến, những khu phố, những con đường thành phố lại rực lên màu sắc của đèn sao chớp tắt lung linh lấp lánh. Những hang đá kỉ niệm Chúa giáng sinh huyền ảo với cỏ rơm, bò lừa ấm áp. Tiếng thánh ca nhẹ nhàng, thánh thót hòa chung với tiếng chuông nhà thờ mãi vang lên réo rắt.
Source:VietCatholic
 
Bẽ bàng: Linh mục dạy Duterte bài học nhớ đời: Chớ khi dễ hàng giáo sĩ. Tranh bôi bác lại biến mất
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:50 24/12/2021


1. Linh mục dòng Đa Minh dạy cho Tổng thống Phi Luật Tân Duterte một bài học nhớ đời

Cha Austriaco là một nhà sinh học phân tử được đào tạo tại Massachusetts Institute of Technology, gọi tắt là MIT. Ngài đang nghiên cứu vắc xin COVID-19 qua đường miệng thay vì chích vào tĩnh mạch như hiện nay.

Cha Austriaco đã mang theo bí quyết của mình khi làm việc với Nhóm nghiên cứu OCTA, nhóm đã nổi tiếng với các cố vấn liên quan đến các chính sách đối phó với COVID-19. Ngài hiện đang làm việc với OCTA về một bản sửa đổi rẻ hơn cho một loại vắc-xin có thể dùng bằng đường uống. Ngoài việc dành thời gian cho việc nghiên cứu vắc xin cho Phi Luật Tân và Mỹ, ngài cũng giữ chức vụ giáo sư tại Đại học Thánh Thomas.

Trong cuộc họp báo hàng tuần của tổng thống Duterte, sau khi Cha Austriaco vừa hoàn thành bài thuyết trình về biến thể Omicron thì ông Duterte lên tiếng.

“Chúng tôi sẽ rất vui, bản thân tôi sẽ rất vui khi được bổ nhiệm linh mục làm Bộ trưởng Y tế, nếu linh mục bằng lòng” Duterte nói với Cha Austriaco với vẻ mặt hết sức nghiêm túc, thậm chí là khẩn khoản.

Vị linh mục đã hoàn toàn bị bất ngờ trước lời đề nghị này. Ngài ngớ người ra trong vài giây với đề xuất này. Tuy nhiên, thay vì chớp lấy cơ hội, vị linh mục đã phá ra cười, khiến Duterte đỏ mặt.

“Không, thưa ngài. Tổng trưởng Duque đang làm rất tốt công việc của mình”.

Cha Austriaco nói vắn tắt như thế và quay lại với phần hỏi đáp dành cho các ký giả.

Tổng thống Duterte là một người thường mô tả hàng giáo sĩ Công Giáo là những người háo danh và say mê quyền lực.

Phi Luật Tân, quốc gia có khoảng 110 triệu người, hiện đã tiêm chủng cho không đến 40 triệu người. Theo ABS-CBN, quốc đảo này đã có hơn 2.8 triệu người nhiễm coronavirus, với hơn 13,000 người vẫn còn đang phải điều trị.

Duterte và Giáo Hội Công Giáo

Duterte có mối quan hệ căng thẳng với Giáo Hội Công Giáo, vốn đã thẳng thắn lên án những vụ giết người ngoài vòng pháp luật diễn ra trong “cuộc chiến chống ma túy” của chế độ.

Theo con số chính thức của chính phủ, hơn 6,000 người tham gia vào việc buôn bán ma túy đã bị giết. Các tổ chức nhân quyền và tin tức và ước tính rằng hơn 12,000 người đã bị giết. Những người bị giết bao gồm cả các con nghiện.
Source:Aleteia

2. Chủ tịch Đại học Công Giáo xin lỗi vì ' những tranh cãi không cần thiết' liên quan đến bức tranh hai lần bị đánh cắp

John Garvey, chủ tịch Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, đã xin lỗi về việc nhà trường trưng bày một bức tranh mà một số người nói rằng mô tả George Floyd là Chúa Giêsu. Ông nói rằng bức tranh bị đánh cắp hai lần đã tạo ra “sự tranh cãi và nhầm lẫn không cần thiết”.

“Một số nhà phê bình cho rằng danh tính của nhân vật nam nói nhẹ nhất là mơ hồ. Nặng nề hơn, nhiều người nhìn thấy hình tượng trong vòng tay của Đức Mẹ là một George Floyd đã được thần thánh hóa. Cách giải thích này đã dẫn đến những cáo buộc rằng tác phẩm là báng bổ, là một điều gì đó xúc phạm đến Thiên Chúa và thánh danh Ngài. Những người bảo vệ tác phẩm nói rằng bức tranh nhằm mục đích kích động suy nghĩ khi nhìn thấy Chúa Kitô lúc đau khổ nhất nơi chúng ta”, Garvey nói như trên trong một email gửi đến trường đại học vào ngày 20 tháng 12.

“Bất kể cách giải thích của bạn như thế nào, nó đã tạo ra tranh cãi và nhầm lẫn không cần thiết, mà tôi rất tiếc”.

Bức tranh của nghệ sĩ Kelly Latimore ở St. Louis, có tựa đề là “Mama.” được vẽ phỏng theo bức tranh Đức Mẹ Sầu Bi đang ôm xác Chúa Giêsu sau khi được đưa từ thánh giá xuống. Tuy nhiên, thay vì vẽ Chúa Giêsu, Kelly Latimore đã vẽ George Floyd ở vị trí của Ngài. Bức tranh, được trưng bày tại trường luật Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, được ghi nhận đã gây ra tranh cãi rất lớn.

Cuối tháng 11, Chủ tịch John Garvey cho biết tác phẩm nghệ thuật - gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội và đang có một kiến nghị đòi gỡ bỏ nó xuống - đã bị đánh cắp. John Garvey là một trong những người kiên quyết ủng hộ bức tranh đã thay thế bức tranh bị đánh cắp bằng một phiên bản nhỏ hơn của cùng một bức tranh trước đó. Ông ta báo cảnh sát yêu cầu điều tra và tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp kỷ luật nặng nề cho sinh viên nào dám ăn cắp bức tranh.

Bất kể những đe doạ của John Garvey, các sinh viên lại đánh cắp bức tranh lần thứ hai. Cảnh sát và chó nghiệp vụ được đưa đến trường để lùng sục cho ra sinh viên nào đã táo tợn đánh cắp bất kể những lời đe dọa của ông ta. Cuối cùng, cũng không tìm ra được kẻ gan cùng mình đó.

Với tựa đề “Mama,” bức tranh của nghệ sĩ Kelly Latimore, được lắp đặt vào tháng Hai bên ngoài nhà nguyện tại Trường Luật Columbus của trường đại học.

Lattimore nói rằng bức tranh được vẽ để “thương tiếc” Floyd, nhưng khi được một người phỏng vấn hỏi rằng liệu nhân vật trong bức tranh pieta là Floyd hay Chúa Giêsu, anh ta trả lời một cách mơ hồ là “Yes”. Tiếng Yes mơ hồ ấy có thể khiến người ta nghĩ rằng anh ta vẽ Chúa Giêsu da đen.

Floyd, 46 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ gây thiệt mạng vào tháng 5 năm 2020, làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Cựu cảnh sát Minneapolis, Derek Chauvin, người đã quỳ trên cổ Floyd hơn 9 phút, sau đó đã bị kết án với ba tội danh giết người cấp độ hai, giết người cấp độ ba và ngộ sát cấp độ hai. Anh ta bị kết án 22.5 năm tù.
Source:Catholic News Agency

3. Cuộc hành hương Guadalupe của Mễ Tây Cơ thu hút một đám đông khổng lồ sau một năm vắng bóng

Một đám đông những người hành hương Công Giáo ước tính khoảng hơn 1.5 triệu người đã tập trung tại đền thánh Đức Mẹ Guadalupe ở Thành phố Mexico vào hôm Chúa Nhật sau khi các lễ hội bị hủy bỏ vào năm ngoái do đại dịch COVID-19.

Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe là đền thờ Công Giáo được viếng thăm nhiều nhất ở Mỹ Châu, được xây dựng bên cạnh một ngọn đồi ở phía bắc thủ đô Mễ Tây Cơ, nơi người Công Giáo tin rằng Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu, đã hiện ra với một người Aztec vào năm 1531, một thập kỷ sau cuộc chinh phục Mễ Tây Cơ của người Tây Ban Nha.

Ngày lễ của Đức Trinh Nữ Guadalupe, được tổ chức hàng năm vào ngày 12 tháng 12, có các cử hành thật ngoạn mục tại đền thánh Đức Mẹ trong khi đám đông người hành hương quỳ gối cầu nguyện.

Hơn 1.5 triệu người hành hương đã đến đền thánh Đức Mẹ vào hôm Chúa Nhật. Thị trưởng thành phố Mexico Claudia Sheinbaum viết trên Twitter, cho biết thêm rằng các quan chức an ninh thành phố đang theo dõi sự kiện này.

“Chúng tôi đến từ Nicaragua,” Anabel Manzanarez, 46 tuổi, đội vương miện và đeo mặt nạ có hình Đức Trinh nữ Guadalupe cho biết. “Đó là giấc mơ của tôi trong 46 năm. Thật là một may mắn lớn khi được ở đây với người dân Mễ Tây Cơ”.

Các nhà lãnh đạo giáo hội và dân sự Mexico năm ngoái đã hủy bỏ cuộc lễ hàng năm trong bối cảnh đại dịch đang gia tăng. Các lễ hội đành phải tổ chức trực tuyến. Thành phố Mexico kể từ đó đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch.


Source:VOA
 
Phụng Vụ Huy Hoàng Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh 24/12/2021 tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:26 24/12/2021


Mặc dù Ý không còn lệnh giới nghiêm 10 giờ tối như một phần trong các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành “Thánh lễ Vọng Giáng sinh” tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 7:30 tối, như ngài đã làm vào năm 2020.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục và một số giới hạn các tín hữu do các âu lo vì biến thể Omicron.

Trong khi Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế đang tiến lên bàn thờ, ca đoàn cùng cộng đoàn hát bài “The First Noel - Noel đầu tiên” bằng tiếng Ý là “Nella notte”

Mùa Giáng Sinh đầu tiên, các thiên thần kể lại rằng
Là khi có một nhóm người chăn cừu nghèo trên cánh đồng
Nơi mà họ thường chăn dắt những chú cừu
Vào một đêm mùa đông lạnh giá
Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Họ đã nhìn và thấy một ngôi sao
Rực chói cả bầu trời phương Đông xa kia
Và khi đó mặt đất bừng toả sáng
Thế là liên tục như vậy cả ngày và đêm
Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Nhờ ánh sáng của ngôi sao ấy
Từ đất nước phương xa có ba người đàn ông đã đến
Vì mục đích tìm kiếm một vì vua
Thế là họ dõi theo ngôi sao ấy
Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Ngôi sao kia di chuyển mãi gần đến hướngTây Bắc
đến vùng Bethlehem, nó dừng lại
Dừng và nghỉ hẳn tại nơi
Chính nơi đây, nơi Chúa Giêsu đã ra đời
Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Và ba người đàn ông ấy bước đến
Họ cung kính quỳ xuống
Dâng lên vì vua của mình
Nào là vàng bạc, nhũ hương và mộc dược qúy giá
Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!
Nào thì chúng ta cùng hợp tiếng
Ngợi ca Thiên Chúa
Đã làm cho Trời và Đất giao hoà
Với tất cả tình thương nhân loại
Noel, noel, noel, noel
Vua dân Do Thái đã ra đời!

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một ca trưởng đang hát bài công bố Tin Mừng Giáng Sinh, thường được gọi là Kalenda

Ngày thứ bảy trong tháng âm lịch. Nhiều thời đại đã qua kể từ khi Chúa tạo thành Trời Đất và hình thành nên con người theo hình ảnh của Người; nhiều thế kỷ đã trôi qua sau trận Đại Hồng Thủy, khi Đấng Chí Thánh đặt một cầu vồng trên trời như một dấu hiệu của giao ước và hòa bình;

Bao năm đã trôi qua sau cuộc di cư của Ápraham, là tổ phụ trong đức tin của chúng ta, từ miền Ur của người Chanđê, và hai mươi mốt thế kỷ sau đó là cuộc di cư của dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, dưới sự hướng dẫn của Môise, mười ba thế kỷ sau khi Ða-vít được xức dầu phong vương, một ngàn năm sau đó; trong tuần lễ thứ sáu mươi lăm theo lời tiên tri Ða-ni-ên; vào năm thứ một trăm chín mươi bốn triều Olympiad; sau khi thành Rôma được thành lập năm bảy trăm năm mươi hai, vào năm thứ 40 dưới thời cai trị của Caesar Octavian Augustus, khi toàn thế giới đang sống trong hòa bình: Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian.

Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.

Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Một ánh sáng đến trong đêm. Một thiên thần xuất hiện, vinh quang Chúa bao trùm các mục đồng và cuối cùng lời loan báo được mong đợi hàng thế kỷ đã đến: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2:11). Tuy nhiên, những gì thiên thần cho biết thêm là điều đáng kinh ngạc. Ngài chỉ cho những người chăn chiên cách tìm kiếm Thiên Chúa là Đấng đã đến với thế gian: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (câu 12). Đây là dấu chỉ: một hài nhi. Tất cả chỉ có thế này: một hài nhi trong sự nghèo nàn thô sơ của một máng cỏ. Không có ánh đèn, hào quang, dàn hợp xướng của các thiên thần. Chỉ là một hài nhi. Không có gì khác, như tiên tri Isaia đã báo trước: “Một hài nhi đã được sinh ra cho chúng ta” (Is 9: 5).

Tin Mừng nhấn mạnh về sự tương phản này. Bài Phúc Âm kể về biến cố Chúa Giêsu Giáng Sinh bắt đầu với Caesar Augustus, là người thực hiện một cuộc điều tra dân số trên toàn đế quốc: Trình thuật cho thấy vị hoàng đế đầu tiên trong sự vĩ đại của ông ta. Nhưng, ngay sau đó, câu chuyện đưa chúng ta đến Bêlem, nơi chẳng có gì là vĩ đại: chỉ là một em bé nghèo bọc tã, nằm trong máng cỏ, với những người chăn cừu xung quanh. Nhưng đó là Chúa, trong sự nhỏ bé. Đây là thông điệp: Thiên Chúa không vươn lên trong sự vĩ đại, nhưng hạ cố xuống thế gian trong sự nhỏ bé. Sự nhỏ bé là cách Ngài đã chọn để tiếp cận chúng ta, chạm vào trái tim chúng ta, cứu chúng ta và đưa chúng ta trở lại những gì là quan trọng.

Thưa anh chị em, khi dừng lại trước máng cỏ, chúng ta hãy chiêm ngắm điều gì là trung tâm, vượt lên trên ánh sáng và những đồ trang trí, những gì đẹp đẽ, để chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng. Trong sự nhỏ bé, Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta. Hãy nhận ra Người: “Hài Nhi, Chúa là Thiên Chúa, Chúa Hài Đồng”. Chúng ta hãy để cho mình bị bao trùm bởi sự kinh ngạc đầy tai tiếng này. Người ôm ấp cả vũ trụ lại cần được ôm trong một vòng tay. Đấng tạo ra mặt trời, phải được sưởi ấm. Đấng là sự dịu dàng lại cần được nâng niu. Tình yêu vô bờ bến giờ đây lại có một trái tim nhỏ bé, biết phát ra những nhịp đập êm ái. Ngôi Lời vĩnh cửu lại là một trẻ sơ sinh, tức là không thể nói được. Bánh của sự sống phải được cho ăn. Đấng tạo ra thế giới lại là người vô gia cư. Hôm nay mọi thứ bị đảo lộn: Chúa đến với thế giới nhỏ bé. Đấng vĩ đại trao ban chính mình trong sự nhỏ bé.

Và chúng ta - chúng ta hãy tự hỏi mình - chúng ta có đón nhận cách thế này của Thiên Chúa không? Đó là thử thách của lễ Giáng Sinh: Thiên Chúa tỏ mình ra, nhưng loài người không hiểu Ngài. Ngài tự biến mình trở nên nhỏ bé trong mắt thế giới và chúng ta tiếp tục tìm kiếm sự vĩ đại theo tinh thần thế gian, thậm chí có lẽ nhân danh Ngài. Chúa hạ thấp mình còn chúng ta lại muốn trở nên vĩ đại. Đấng Tối Cao chỉ ra sự khiêm tốn còn chúng ta thích vẻ bề ngoài. Chúa đi tìm những mục đồng, những người vô danh tiểu tốt giữa chúng ta; chúng ta lại tìm kiếm những người vang danh thiên hạ. Chúa Giêsu được sinh ra để phục vụ và chúng ta dành cả đời để theo đuổi thành công. Chúa không tìm kiếm sức mạnh và quyền thế, Ngài tìm kiếm sự dịu dàng và tấm lòng đơn sơ nhỏ bé.

Đây là điều chúng ta nên cầu xin Chúa Hài Đồng trong lễ Giáng Sinh: chúng ta hãy xin Chúa ban cho ân sủng của sự đơn sơ nhỏ bé. “Lạy Chúa, xin dạy chúng con yêu mến sự nhỏ bé. Xin giúp chúng con hiểu rằng đó là con đường dẫn đến sự vĩ đại thực sự”. Nhưng cụ thể, chào đón sự nhỏ bé có nghĩa là gì? Trước hết, điều đó có nghĩa là tin rằng Thiên Chúa muốn đến với những điều nhỏ bé trong cuộc sống của chúng ta, muốn sống trong những thực tế hàng ngày, những cử chỉ đơn giản mà chúng ta làm ở nhà, trong gia đình, ở trường học và nơi làm việc. Chính trong cuộc sống bình thường của chúng ta, Ngài muốn thực hiện những điều phi thường. Và đó là một thông điệp đầy hy vọng: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta quý trọng và khám phá lại những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Nếu Ngài ở đó với chúng ta, chúng ta còn thiếu điều gì? Vì vậy, chúng ta hãy dẹp sang một bên những tiếc nuối dành cho những sự vĩ đại mà chúng ta không có được. Chúng ta hãy từ bỏ những lời phàn nàn và khuôn mặt dài thoòng, hãy quên đi những lòng tham không đời nào được thoả mãn!

Nhưng còn nhiều hơn thế. Chúa Giêsu không muốn chỉ đến trong những điều nhỏ bé trong cuộc đời chúng ta, mà còn đến trong chính sự nhỏ bé của chúng ta: trong cảm giác yếu đuối, mỏng manh, thiếu thốn, thậm chí là “lầm lạc”. Thưa anh chị em, nếu như ở Bêlem, bóng tối của màn đêm vây quanh anh chị em, nếu anh chị em cảm thấy một sự thờ ơ lạnh lùng xung quanh anh chị em, nếu những vết thương mà anh chị em mang trong lòng kêu lên: “Ngươi chẳng đáng được đếm xỉa tới, ngươi chẳng là chi cả, ngươi sẽ không bao giờ được yêu như ngươi muốn”, đêm nay, nếu anh chị em cảm thấy những điều này, Chúa sẽ trả lời và nói với anh chị em: “Ta yêu con như chính con. Sự nhỏ bé của con không làm Ta sợ, sự yếu đuối của con không làm Ta lo lắng. Ta đã làm cho mình trở nên nhỏ bé vì con. Là Chúa của con, Ta đã trở thành anh em của con. Anh trai yêu dấu, em gái yêu dấu, đừng sợ Ta, nhưng hãy tìm thấy sự vĩ đại của con trong Ta. Ta gần gũi với con và đây là điều duy nhất Ta yêu cầu nơi con: hãy tin tưởng ở Ta và mở rộng trái tim của con với Ta”.

Đón nhận sự nhỏ bé vẫn còn có thêm một ý nghĩa khác nữa: đó là ôm lấy Chúa Giêsu trong những người bé nhỏ của ngày hôm nay. Hãy yêu mến Chúa trong những người rốt cùng. Hãy phục vụ Người trong những người nghèo. Họ giống Chúa Giêsu nhất, Đấng sinh ra đã nghèo. Và chính trong họ, Ngài muốn được tôn vinh. Trong đêm tình yêu này, cầu xin cho chúng ta chỉ có một nỗi sợ hãi duy nhất: đó là làm tổn thương tình yêu của Thiên Chúa, làm tổn thương tình yêu ấy bằng cách khinh thường người nghèo qua sự thờ ơ của chúng ta. Họ là những người yêu dấu của Chúa Giêsu, mà một ngày nào đó sẽ chào đón chúng ta vào nước Thiên Đàng. Một nhà thơ đã viết: “Ai chưa tìm thấy Thiên Đường ở dưới đây sẽ bỏ lỡ nó ở trên cao đó” (E. Dickinson, Poems, P96-17). Chúng ta đừng đánh mất Thiên Đàng, chúng ta hãy chăm sóc Chúa Giêsu ngay bây giờ, vuốt ve Ngài trong những người khốn khó, vì Ngài đã đồng hóa mình với họ.

Một lần nữa chúng ta hãy nhìn vào máng cỏ và chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu khi sinh ra đã được bao bọc bởi những người thấp hèn, bởi những người nghèo khổ. Họ là những người mục đồng. Họ là những người đơn sơ nhất và là những người gần gũi nhất với Chúa. Họ tìm thấy Người vì họ “qua đêm ngoài trời, suốt đêm canh giữ đàn chiên của mình” (Lc 2:8). Họ ở đó để làm việc, bởi vì họ nghèo và cuộc sống của họ không có thời gian biểu, mà phụ thuộc vào đàn chiên của mình. Họ không thể sống theo cách thế và nơi chốn họ muốn, nhưng họ tự điều chỉnh theo nhu cầu của đàn chiên mà họ chăm sóc. Và Chúa Giêsu đã sinh ra ở đó, gần với họ, gần với vùng ngoại vi bị lãng quên. Ngài đã đến nơi mà phẩm giá của con người bị thử thách. Ngài đến để nâng cao những người bị loại trừ và mạc khải chính Người cho họ trước tất cả những ai khác: không phải cho những nhân vật uyên bác hay quan trọng, mà cho những người nghèo đang làm việc. Chúa đến đêm nay để lấp đầy sự vất vả của công việc với phẩm giá. Ngài nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của việc đem lại phẩm giá cho con người qua công việc, nhưng cũng phải trao phẩm giá cho công việc của con người, bởi vì con người là chúa tể chứ không phải là nô lệ cho công việc. Vào ngày của Sự Sống này, chúng ta hãy lặp lại: không có thêm những cái chết tại nơi làm việc! Và chúng ta hãy dấn thân cho điều này.

Khi chúng ta nhìn lần cuối vào máng cỏ, hãy mở rộng tầm mắt ra xa hơn, nơi chúng ta có thể nhìn thấy những nhà thông thái, đang hành hương để thờ phượng Chúa. Chúng ta hãy nhìn và hiểu rằng xung quanh Chúa Giêsu, mọi sự đều hiệp nhất với nhau: không chỉ có những người rốt cùng, những người chăn chiên, mà còn có những nhà uyên bác và những người giàu có, và những người khôn ngoan. Ở Bêlem, người nghèo và người giàu có ở cùng với nhau, những người thờ phượng như những nhà đạo sĩ và những người làm việc như những mục đồng. Mọi thứ kết hợp với nhau khi chính Chúa Giêsu ở trung tâm: chứ không phải ý tưởng của chúng ta về Chúa Giêsu, mà chính là Ngài, Đấng Hằng Sống. Vì vậy, anh chị em thân mến, chúng ta hãy trở lại Bêlem, hãy quay trở lại các nguồn cội: là những điều thiết yếu của đức tin, tình yêu đầu tiên, sự tôn thờ và lòng bác ái. Chúng ta hãy quan sát những nhà thông thái đang hành hương, và như một Giáo hội đồng nghị, một Giáo Hội lữ hành, chúng ta cùng đi đến Bêlem, nơi có Thiên Chúa trong con người và con người trong Thiên Chúa. Nơi đó Chúa ở vị trí đầu tiên và được thờ phượng; nơi những người rốt cùng chiếm được chỗ gần với Chúa nhất; nơi những mục đồng và các nhà đạo sĩ sát cánh cùng nhau trong tình huynh đệ bền chặt hơn bất kỳ các nhãn hiệu và sự phân loại nào. Xin Chúa ban cho chúng ta trở thành một Giáo hội tôn thờ, nghèo nàn, huynh đệ. Đây là điều thiết yếu. Hãy quay trở lại Bêlem.

Thật tốt khi chúng ta đến đó, ngoan ngoãn với Tin Mừng Giáng Sinh, trong đó trình bày cho chúng ta thấy Thánh Gia, các mục đồng và các nhà thông thái: tất cả mọi người đang trên đường đi của họ. Thưa anh chị em, chúng ta hãy lên đường, vì cuộc đời là một cuộc hành hương. Hãy thức dậy, chúng ta hãy thức dậy vì một luồng sáng đã chiếu dọi đêm nay. Đó là một ánh sáng dịu dàng và nhắc nhở chúng ta rằng trong sự bé nhỏ của mình, chúng ta là những đứa trẻ được yêu dấu, những đứa trẻ của ánh sáng (xem 1 Thess 5: 5). Hỡi anh chị em, chúng ta hãy vui mừng cùng nhau, vì không ai có thể dập tắt ánh sáng này, ánh sáng của Chúa Giêsu, đã chiếu sáng trong thế giới từ đêm nay.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana