Ngày 24-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Vọng Giáng Sinh 24/12 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:16 24/12/2022

BÀI ĐỌC 1 Is 9:1-6

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.

Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an.

Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa. Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.

Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình.

Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Tt 2:11-14

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-tô.

Anh thân mến, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.

Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.

Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Lc 2:10-11

Alleluia. Alleluia.

Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta. Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.

Alleluia.

TIN MỪNG Lc 2:1-14

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri.

Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít.

Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ:

“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.”

Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

Đó là Lời Chúa.
 
Hôm Nay, Một Đấng Cứu Độ Đã Sinh Ra Cho Anh Em
Lm. Nguyễn Kim Long
11:52 24/12/2022
“Hôm Nay, Một Đấng Cứu Độ Đã Sinh Ra Cho Anh Em

Trong Thành Vua Đa-Vít, Người Là Đấng Ki-Tô, Là Đức Chúa” (Lu-Ca 2,11)

Thưa anh chị em,

- Đêm nay, toàn thể nhân loại nói chung và gần 2 tỉ người Ki-tô giáo nói riêng (gồm người Công Giáo, anh chị em Tin Lành, Anh giáo, Chính Thống giáo….) hân hoan mừng Lễ Chúa Giáng sinh, kỷ niệm lại biến cố cách đây hơn 2000 năm Con Thiên Chúa sinh ra làm người trong một gia đình nhân loại.

- Đêm nay được gọi với những tên khác nhau: Đêm Huyền diệu, Đêm Ánh sáng, Đêm Bình an Đêm của Niềm vui, … vì Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Ngài đi váo giòng lịch sử nhân loại, nên một người giữa mọi người, chia sẻ buồn vui, thành công, thất bại và đau khổ của mỗi người chúng ta. Ngài trở thành món quà tặng tuyệt vời mà Thiên Chúa trao ban cho anh chị em...

- Trở lại với giòng lịch sử cứu độ, từ thời xa xưa trong Cựu Ươc, tiên tri Isaia đã tiên báo về biến cố này khi nhắc lại lời hứa của Thiên Chúa sẽ giải thoát Dân Ngài khỏi sự khổ đau của tội lỗi và kiếp lưu đày: “ Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng… Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu độ ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,1.5). Những lời tiên báo này được ứng nghiệm khi Con Thiên Chúa sinh ra tại Bêlem, không phải trong cung điện cao sang, êm ấm, nhưng là nơi chuồng bò hôi thối và thiếu thốn. Đó là tin mừng cho toàn thể nhân loại được thiên thần loan tin cho các mục đồng trong bài Tin Mừng anh chị em vừa nghe: “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em, trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô là Đức Chúa” (Lc 2,11).

Thưa anh chị em,

- Biến cố Chúa Giê-su sinh hạ vào trần gian nói lên tình thương của Thiên Chúa dành cho con người. Theo Kinh thánh, sau khi ông bà tổ tiên Adong và Eva phạm tội không vâng lời Thiên Chúa ăn trái cấm và bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người cho dù họ phạm tội, quay mặt lại với Đấng tạo dựng nên mình. Thiên Chúa, như người cha đầy lòng yêu thương, vẫn tìm mọi cách qua các tiên trị và nhất là qua Người Con là Chúa Giê-su, nhắc nhở, răn đe, tha thứ và dẫn đưa con người hồi tâm, trở về trong địa vị làm con Thiên Chúa. Thánh Gioan cảm nghiệm về tình thương cao cả này khi nói: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

- Hài nhi Giê-su nhỏ bé nằm trong máng cỏ dơn sơ là Thiên Chúa được trao ban cho thế trần. Ngài là quà tặng tuyệt vời, không định giá theo tiêu chuẩn vật chất mau qua, dựa trên tiền bạc hoặc chất liệu; nhưng là vĩnh cửu, siêu nhiên, đem lại sự sống và âm áp tình người.

à Thánh Phanxicô Assissi quỳ bên hang đá, chiêm ngắm Chúa Giê-su bé nhỏ và. tự chất vấn: tại sao Thiên Chúa quyền năng lại trở nên một em bé thấp hèn? Tại sao Thiên Chúa cao sang lại sinh ra trong hang lừa nghèo khó? Từ đó, ngài cảm thấy tâm hồn tràn ngập lòng yêu mến và không thể kiềm chế cảm xúc, ngài chạy ra các đường phố Assisi và kêu lên: “Anh chị em hãy yêu mến Chúa Hài Đồng, hãy yêu mến Chúa Hài Đồng.”

Thưa anh chị em,

- Họp nhau mừng trọng thể Lễ Đêm Giáng sinh., anh chị em được mời gọi quỳ bên hang để thờ lạy Chúa Hài Nhi, chiêm ngắm Con Thiên Chúa làm người trong cảnh cơ hàn, nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người và hiễu được ý nghĩa của việc Hài nhi Giê-su là quà tặng cho nhân loại.

- Anh chị em cầu nguyện cho sự bình an trên thế giới, khởi đi từ đêm nay, Đêm Huyền diệu, Đêm Bình ani, …. Thế giới vẫn đang đối diện vói những bất ổn vì chiến tranh do tham vọng thống trị của con người, sự khủng hoảng kinh tế do ảnh hường của dịch cúm Covid-19, làn sóng di dân từ các nước nghèo và nạn đói ngày càng lan rộng. Theo ý ĐGH Phan-xi-co, anh chj em cầu nguyện cho đất nước và người dân nước Ukraine, và cuộc chiên tại đây sơm chấm dút.

- Và khi đón nhận món quà giáng sinh là Chúa Hài Đồng, anh chị em hãy mang Chúa về trong gia đình và chia sẻ niềm vui đó với mọi người xung quanh bằng sự yêu thương, tha thứ, cử chỉ bác ái, thái độ trân trọng qua ánh mắt nhìn thân thiện, nụ cười trìu mến và những lời nói nhẹ nhàng. Anh chị em hảy trở nênh món quà cho nhau. Nếu những món quà vật chất không chỉ được gói cho đẹp, nhưng còn chất chứa nội dung bên trong có ý nghĩa và giá trị; thì anh chị em càng cần phải là những món quà của lòng chân thành, quan tâm, chia sẻ và nâng đỡ nhau trong gia đình, cộng đoàn và xã hội.

+ Kính chúc Anh chị em được đầy niềm vui, ân sủng và phúc lành của Thiên Chúa trong mùa Giáng Sinh và Năm Mới này. Nguyện xin Chúa Giêsu Hài Đồng chúa chúc lành cho tất cả chúng ta. Amen!
 
Điều Kỳ Diệu Ngỏ Lời Yêu Đêm Tối
Lm. Alp. Nguyễn Công Minh, OFM
11:54 24/12/2022
Điều Kỳ Diệu Ngỏ Lời Yêu Đêm Tối

Giờ này là thánh lễ đêm. Lễ Đêm Noel, chứ không phải lễ sáng hay trưa hay chiều Giáng Sinh.

Có một bài thơ dài của thi sĩ người Anh tên là Godfroy được Lm Samuel Trương Đình-Hoè chuyển ý qua tiếng Việt, gồm nhiều phiên khúc, với một điệp khúc lập đi lập lại. Điệp khúc đó như sau:

Vì tình yêu mầu nhiệm

đang hẹn gặp linh hồn

thì mọi việc yêu thương

Chúa làm trong đêm tối

Chữ, từ chìa khoá trong bài thơ là chữ đêm tối. Có những điều kỳ diệu, Chúa định liệu thế nào, để đều được diễn ra, trong màn đêm tăm tối. Thiên Chúa đã an bài để những điều kỳ diệu ấy diễn ra trong đêm tối, chứ không phải giữa ban ngày ban mặt. Chính trong màn đêm, điều kỳ diệu đến. Làm như “điều kỳ diệu ngỏ lời yêu đêm tối !”

Ta hãy tìm chứng cứ về điều này trong (1) cuộc đời của Thiên Chúa đấng Emmanuel, và ta sẽ tìm chứng cứ (2) trong cuộc sống của loài người.

1. Chứng cứ trong cuộc đời của Con Thiên Chúa

-Rõ rệt nhất chính là hôm nay – đúng hơn, đêm nay, đêm kỷ niệm về một Đêm thánh vô cùng cách đây hơn 2000 năm. Con Thiên Chúa không giáng thế giữa ban ngày, nhưng trong màn đêm tăm tối và giá lạnh của mùa đông. Điều kỳ diệu cực kỳ biểu lộ lòng yêu thương giữa Thiên Chúa và con người được khởi sự như thế đó : giữa tăm tối.

Vì tình yêu mầu nhiệm đang hẹn gặp linh hồn

thì mọi việc yêu thương Chúa làm trong đêm tối

-Đến cuối đời của đấng Emmanuel, ta lại thấy những điều cực kỳ kỳ diệu cũng diễn ra trong đêm tối : lập phép Thánh thể, lập chức Linh mục, đều xoay một bữa ăn mà ngoài kia bóng tối đang bao trùm : trong đêm bị nộp, Người cầm bánh. Cùng thể thức ấy sau bữa ăn tối…

Vì tình yêu mầu nhiệm đang hẹn gặp linh hồn

thì mọi việc yêu thương Chúa làm trong đêm tối

-Đến ngày hôm sau, khi treo trên thập giá lúc chính ngọ (giờ 6), chết vào giờ 9 (3 giờ chiều), nhưng Thiên Chúa cũng muốn … điều kỳ diệu đó diễn ra trong bóng đêm.

Phúc Âm theo thánh Matcô 15, 33 : Vào giữa trưa, cả mặt đất tối tăm tới 3 giờ chiều.

Lc 23,44 : Bấy giờ đã gần trưa, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất cho tới 3 giờ chiều.

Vì tình yêu mầu nhiệm đang hẹn gặp linh hồn

thì mọi việc yêu thương Chúa làm trong đêm tối

-Và có lẽ lúc Con Chúa sống lại, là điều kỳ diệu tuyệt đỉnh, Thiên Chúa cũng đã thực hiện trong đêm tối, vì sáng tinh sương ngày Chúa nhật, lúc Maria Magdala viếng mộ thì Chúa đã sống lại rồi. Ta cử hành đêm Vọng Phục Sinh theo luật phụng vụ là phải sắp xếp thế nào để diễn ra sau khi mặt trời đã lặn. Cử hành trong đêm thì đốt lửa, lấy lửa, đốt nến, rước nến Phục Sinh mới có ý nghĩa chứ. Trong đêm vọng Phục Sinh đó ta cử hành việc Chúa sống lại.

Vì tình yêu mầu nhiệm đang hẹn gặp linh hồn

thì mọi việc yêu thương Chúa làm trong đêm tối

-Hai môn đệ đi Emmau chỉ nhận ra Chúa phục sinh khi dừng lại quán trong bữa cơm tối. Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã chiều và ngày đã hết. Họ phải nài ép, người lữ khách cùng đồng hành mới chịu vào. Và cho tới khi kêu được món ăn, chắc trời đã tối. Lúc cầm bánh đọc lời tạ ơn, hai môn đồ mới nhận ra Thầy. Có những điều kỳ diệu, Chúa định liệu an bài, để nhất nhất diễn ra, trong màn đêm tăm tối.

-Đến khi sai Chúa Thánh Thần xuống, Thiên Chúa cũng định liệu để diễn ra trong phòng kín, có bóng tối để Chúa Thánh Thần như gió và nhất là lưỡi lửa mới có thể trở nên một biểu tượng cần thiết. Chẳng ai đốt lửa giữa ban ngày. Trong đêm tối điều kỳ diệu mới xảy ra

Vì tình yêu mầu nhiệm đang hẹn gặp linh hồn

thì mọi việc yêu thương Chúa làm trong đêm tối

Trên đây là chứng cứ trong cuộc đời Con Thiên Chúa làm người, từ lúc sinh ra, chết đi, sống lại, phái Thánh-Thần đến … nhất nhất xảy ra trong đêm tối.

2. Chứng cớ trong cuộc sống nhân loại

-Đêm tối thời gian. Hai giờ phút linh thiêng nhất của đời người trên trần gian là có mặt và khuất mặt. Sinh ra và tạ thế: thường diễn ra trong đêm. Đa số (chứ không phải tất cả, nhưng đa số khá áp đảo) các câu trả lời cho câu hỏi : Sinh bé lúc nào? thường là- Tối hôm qua… nửa đêm về sáng… Cụ chết lúc nào? thường là lúc 0 giờ, vào nửa đêm, khi gà gáy. Tôi không lạm bàn về điều sắp nói đây, nhưng hầu hết các tác động ân ái của vợ chồng nhằm diễn tả tình yêu thương thường diễn ra trong đêm tối.

Vì tình yêu mầu nhiệm đang hẹn gặp linh hồn

thì mọi việc yêu thương Chúa làm trong đêm tối

Đó là những kỳ diệu diễn ra trong đêm tối của thời gian, tức là trong ngày giờ có sáng có trưa có chiều có tối, thì, giờ buổi tối mở lối cho điều kỳ diệu vào… Nhưng ngoài đêm tối của thời gian, còn có một thứ đêm tối khác nơi con người, đó là đêm tối của cuộc đời.

-Đêm tối cuộc đời : tức là trời vẫn sáng mà người lại tối. Saulê ngã ngựa giữa ban ngày trên đường đi Đamas, và không trông thấy gì giữa thanh thiên bạch nhật. Trong cái mù tối đó, Saulê và sau này là Phaolô đã nhận ra điều kỳ diệu: ông Giêsu mà mình bách hại chính là Chúa cả.

Phanxicô trong đêm tối của tù và bệnh. Tù vì làng Assisi giao chiến với làng Perusia bên cạnh. Assisi thua. Phanxicô bị bắt làm tù binh. Sau đó là bịnh nặng. Giữa tuổi thanh xuân đang sung sức dồi dào, mộng công danh trào dâng phơi phới, mà bị tù, bị bệnh, chẳng khác nào đang bị kìm hãm trong đêm tối mịt mùng. Nhưng chính trong đêm tối đó, mà điều kỳ diệu đã diễn ra. Phanxicô quyết quay về với Chúa là Cha. “Từ trước tới giờ tôi vẫn gọi ông Bernadone là cha tôi, nhưng từ nay tôi có thể gọi ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’ ”

Thánh Bonaventura, trong cuốn Hành Trình của linh hồn đến cùng Thiên Chúa, chỉ đường cho con người biết đâu là ý định khôn ngoan của Chúa, có viết như thế này: “Muốn biết những điều đó, hãy hỏi ơn Chúa chứ đường hỏi trí thức; hãy hỏi lòng mến chứ đường hỏi trí năng; hãy hỏi cầu nguyện chứ đừng hỏi đọc sách; hỏi bạn trăm năm chứ đừng hỏi tôn sư; hỏi tối tăm chứ đừng hỏi minh bạch…”

Nhưng có lẽ không ai nói hay hơn Gioan Thánh giá, người canh tân lại dòng nam Carmel, gặp nhiều chống đối hiểu lầm tưởng chừng không thể thoát được. Gioan đi trong đêm tối đến độ nghi ngờ cả chính Chúa, nguồn suối yêu thương. Trong ngục tối ở Tôlêđô, thánh Gioan thánh giá, viết:

“Nguồn suối vĩnh cửu được che giấu kỹ lưỡng ấy tôi đã tìm thấy, nhưng tìm thấy trong đêm tối.

“Trong mù mịt của chốn lưu đày này, tôi đã bằng đức tin nhận ra được nguồn suối tươi mát, và nhận ra được trong đêm tối.

“Tôi không biết được cội rễ nguồn mạch ấy, tuy nhiên tôi biết rằng mọi cội rễ đều phát xuất từ đó. Điều biết đó cũng là biết trong đêm tối.

“Tôi biết rõ không còn gì có thể kỳ diệu mỹ miều đến thế. Tôi biết rằng cả trời và đất đều kín múc nơi nguồn mạch ấy. Nhưng biết được như vây cũng là biết nhờ đêm tối.”

Cuộc đời nhiều vị thánh, nhất là những vị thánh có đời sống thần bí, thường bước đi trong đêm tối để từ đó nhận ra điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã định liệu thế nào đó để tất cả diễn ra trong màn đêm tăm tối. Tối của thời giờ và tối của cuộc sống.

Chắc mỗi người trong chúng ta, nhất là những người lớn tuổi, những người đã từng trải cuộc đời, thế nào cũng nghiệm thấy đã có những lúc mình đi trong đêm tối : đêm tối đau khổ, đêm tối hiểu lầm, đêm tối đói khát, đêm tối tuyệt vọng; những đổ vỡ gia đình, những lúc mất công ăn việc làm, những khi tình duyên trắc trở. Và nếu cố tìm thì có lẽ cũng đã thấy Chúa thực hiện những điều nếu chưa kỳ diệu lắm thì cũng lạ lùng trong đêm tối.

Phải có đêm tối mới thấy được các vì sao. Cho phép chơi chữ trong câu vừa rồi. Phải có đêm tối mới thấy vì sao, vì sao trên trời, và vì sao trong cuộc đời (vì sao = tại sao) : vì sao tôi chịu được đau khổ, vì sao tôi tin Chúa dù Chúa thử thách tôi, vì sao và vì sao.

Vì tình yêu mầu nhiệm đang hẹn gặp linh hồn

thì mọi việc yêu thương Chúa làm trong đêm tối

Kính thưa ÔBACE

Đêm nào cũng hướng về ngày. Khổ đau nào cũng ước mong giải thoát. Đêm nay, đêm Noel là chúng ta hướng về Mặt Trời công chính sẽ xuất hiện như lời Isaia : Dân đi trong tăm tối đã thấy ánh sáng huy hoàng. Trong các đêm tối của đời người, không đêm tối nào tối rõ tối cho bằng đêm tối của tội lỗi. Tuổi càng cao đêm càng tối. Nhưng cũng đừng quên điều kỳ diệu trong đêm tối tội lỗi đó, chính là Thiên Chúa nhân từ giàu lòng yêu thương và tha thứ.

Cầu chúc anh chị em được ánh sáng kỳ diệu trong đêm tối Noel kỳ diệu này.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Đàng sau những gì có thể nhìn thấy
Lm. Minh Anh
16:46 24/12/2022

ĐÀNG SAU NHỮNG GÌ CÓ THỂ NHÌN THẤY
“Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Ngài đã cư ngụ giữa chúng ta!”.

Đạo diễn Walt Disney sẽ không nương tay để cắt bỏ bất cứ thứ gì cản trở tiến độ của một chuyện phim! Vậy khi cuốn phim cuộc đời của bạn được trình chiếu, liệu nó có tuyệt vời không? Rất nhiều ‘điều tốt’ bạn cần cắt bỏ để dọn đường cho những ‘điều tốt hơn’ mà Thiên Chúa muốn. Điều quan trọng là ‘đàng sau những gì có thể nhìn thấy’, thánh ý Ngài có vẹn toàn không?

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa sáng ngày đại lễ Giáng Sinh mời gọi chúng ta lần theo chiều kích sâu thẳm ‘đàng sau những gì có thể nhìn thấy’ qua câu chuyện Bêlem; từ đó, thúc giục chúng ta cung chiêm một điều gì đó sâu sắc hơn, trầm lắng hơn! Bởi lẽ, Tin Mừng hôm nay thật lạ lùng, nó không nói đến thiên thần, mục đồng, bò lừa; hoặc ngay cả Maria, Giuse cũng không! Vậy tại sao nó được chọn đọc?

Tất nhiên, câu chuyện Bêlem đã được kể tối hôm qua và cốt truyện vẫn như vậy; nhưng chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa cốt lõi của nó. Vậy đứa trẻ nhỏ bé, bơ vơ, hèn yếu trong máng cỏ kia là ai? Tại sao thế giới lại làm ầm lên đến thế về sự ra đời của nó? Phải, đứa trẻ ấy chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa”. Hãy gẫm suy những lời đặc biệt này và lùi lại ‘đàng sau những gì có thể nhìn thấy’ từ máng cỏ! Qua Ngôi Lời, Thiên Chúa mặc khải chính Ngài; qua Ngôi Lời, Thiên Chúa không chỉ truyền đạt mà còn hoạt động. Vì thế, Chúa Giêsu là Lời tác thành, Lời biến đổi, và là Lời cứu độ!
Để dễ hiểu, bạn có thể nghĩ đến ‘lời’ của Michelangelo trên trần nhà nguyện Sistine; ‘lời’ của Shakespeare trong Hamlet, Othello, King Lear; hoặc ‘lời’ của Beethoven trong Bản Giao Hưởng số 5! Tất cả những ‘lời’ này không chỉ thể hiện ý tưởng của tác giả mà còn tác động mạnh mẽ trong việc thay đổi chúng ta. Vì thế, qua Ngôi Lời, mọi vật được hiện hữu và biến đổi. Như vậy, với Ngôi Lời, chúng ta và toàn thế giới mắc nợ chính sự tồn tại và được biến đổi của mình.

Lời đã đến, đã đi vào thế giới một cách trọn vẹn. Theo Gioan, “thế giới” có hai nghĩa! Trước hết, nó có nghĩa là hành tinh của chúng ta và tất cả những gì trong đó; nhưng nó còn là ‘thế giới’ bên trong mỗi người, vốn bị lôi cuốn vào tất cả những gì xấu xa, tiêu cực, hạ cấp và mất nhân tính. Lời đã đi vào cả hai thế giới đó! Ngài không sống ngoài rìa, nhưng ở ngay giữa con người; Lời bị đàm tiếu là “lui tới với các tội nhân và tệ hơn, ăn uống với họ”. Tất cả những điều này được nói trong câu chuyện Bêlem bằng một ngôn ngữ cụ thể hơn với nhiều hình tượng! Tác giả thư Do Thái hôm nay xác nhận, “Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con”. Người Con đây chính là Ngôi Lời, là Giêsu, bản sao hoàn hảo của bản tính Ngài.

Anh Chị em,

“Ngài đã cư ngụ giữa chúng ta!”. Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, nghe những gì Ngài nói, nhìn những việc Ngài làm… chúng ta đang chiêm ngắm, sờ đụng và lắng nghe chính Thiên Chúa. Vì thế, đàng sau máng cỏ là một thông điệp yêu thương: Thiên Chúa làm người vì yêu thương con người; Ngài đã bước vào thế giới loài người, ôm lấy nó, giải thoát nó khỏi những nô lệ của áp bức, đói khát, vô gia cư, tội lỗi, sợ hãi, giận dữ, phẫn uất, hận thù và cô đơn… Và quan trọng hơn, bạn và tôi được mời gọi cộng tác với Ngài, bằng cách mời Ngài đi vào cuộc sống mình và cuộc sống người khác; hầu cắt bỏ những gì ‘tưởng là tốt’ để ‘dọn đường cho những gì tốt hơn’. Bạn và tôi còn được mời gọi yêu thương như Ngài, cứu độ như Ngài, Đấng muốn cứu độ vĩnh viễn bất cứ ai! Thật ý nghĩa, tầm nhìn của Isaia qua bài đọc thứ nhất, cũng là viễn cảnh mà tác giả Thánh Vịnh đáp ca nhìn thấy trước, “Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, ‘đàng sau những gì có thể nhìn thấy’ trong cuộc đời con, cho con ý thức rằng, Chúa luôn yêu thương con, hiến mình vì con, để cứu độ con; cứu vĩnh viễn!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thánh lễ Giáng Sinh 25/12 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
19:48 24/12/2022


BÀI ĐỌC 1 Is 52:7-10

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng,

công bố bình an, người loan tin hạnh phúc,

công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng:

“Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.”

Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi

cùng cất tiếng reo hò vang dậy;

họ sẽ được thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Xi-on.

Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế,

hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,

vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

Trước mặt muôn dân,

Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người:

ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Hr 1:1-6

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Ðấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Ðấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật.

Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Ðấng Cao Cả trên trời. Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.

Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”, hoặc là: “Ta sẽ là Cha của Người, và chính Người sẽ là Con Ta.” Còn khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: “Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.”

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Lc 1:38

Alleluia. Alleluia. Ngày thánh đã bừng lên chiếu rọi chúng ta, muôn dân hỡi, đến mà thờ lạy Chúa. Vì hôm nay, ánh huy hoàng rực rỡ toả xuống khắp cõi trần. Alleluia.

TIN MỪNG Ga 1:1-18

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.

Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.

Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,

và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.

Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,

và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,

và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.

Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,

để mọi người nhờ ông mà tin.

Ông không phải là ánh sáng,

nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

Ngôi Lời là ánh sáng thật,

ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.

Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có,

nhưng lại không nhận biết Người.

Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.

Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,

cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,

hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.

Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,

vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,

là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố:

“Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi,

nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”

Từ nguồn sung mãn của Người,

tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.

Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,

còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.

Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;

nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa

và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,

chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

Đó là Lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lịch sử Lễ Giáng Sinh 4
Vu Van An
00:26 24/12/2022
Một trong các phong tục của ngày Saturnalia là treo những mặt nạ của Bacchus, thần rượu nho, lên những cây trường xuân. Bacchus thường được trình bầy như một ông già béo phị, nhưng các tác phẩm cổ điển mô tả ông như một người đẹp trai và trẻ trung, dịu dàng một cách bất ngờ, giống như một trong các thứ rượu nho của ông. Đúng là con chim của ông là con ác là (magpie), vì trong ngành uống rượu, người ta ăn nói rất mạnh bạo và tự do, nhưng làm thế nào người ta có thể giúp làm ta yêu thương được cái thứ anh hào dạy người ta cách dùng rượu, cấy cày mặt đất và chế tạo mật ong? Chúa Giêsu cũng từng biết cách dùng rượu, và rượu Người chế tạo từ nước ở Cana không phải chỉ là rượu, mà là rượu hảo hạng.

Vào Lễ Giáng Sinh, nếu thời tiết lạnh và rét căm căm, chúng ta có thể đãi rượu nho hâm nóng và pha chế, hâm lên và pha đường và gia vị, hay rượu pân (punch) nóng, một mô phỏng hiện nay của chiếc bát chè chén xưa vào dịp Lễ Giáng Sinh. Những cái bát chè chén xưa, thường bằng bạc hay hợp kim thiếc, rất lớn, một chiếc ở Oxford chứa tới 10 gallons, nhưng tiếng Anglo-Saxon gọi tục chè chén này là wes-hâl, có nghĩa là “trọn gói” hay “trăm phần trăm” như lối nói Việt Nam, uống một hơi!

Người ta cho hay các lễ lạc ngoại giáo xưa thường vui nhộn và vô tội. Có đúng thế không? Ở Scandinavia và Bắc Đức, khi những đợt tuyết đầu tiên xuất hiện và trâu bò không còn ra ngoài gậm cỏ nữa, đoàn vật này ngày càng nhỏ dần với “những vụ sát sinh vĩ đại”, đến nỗi trở thành mùa ăn uống, hàng tuần lễ, cho tới khi đàn ông và đàn bà đều trở thành gần như bất tỉnh. Dù các chợ của chúng ta vào dịp Giáng Sinh, thường trưng xác vật được trang trí bằng lá trường xuân và nơ hoa hồng, nhắc nhở chúng ta về việc trên, nhưng tiệc tùng của chúng ta không giống như tiệc tùng của người La Mã khi thuốc gây nôn (emetic), có lẽ bằng thảo mộc và dầu, đã được sử dụng giữa các món ăn; rồi sau đó, người ta phải chạy vội vào phòng mửa (vomitorium), mửa cho hết ra, trước khi trở lại bàn “nhồi nhét” tiếp. Ngày nay, khó có người muốn ăn quá đáng, kể cả trong ngày lễ lạc, nhưng vẫn không khác ở chỗ vào ngày Lễ Giáng Sinh, mối quan tâm đầu tiên của các bà chủ nhà là chất đầy bàn với những món ăn.

Chúa Giêsu rất hiểu về thực phẩm, cho người khác. Người đã làm phép lạ 5 chiếc bánh và 2 con cá, và từng nấu bữa ăn sáng bên hồ cho các môn đệ ngư phủ của Người sau một đêm lao nhọc của họ; nhưng chính Người thì thường ăn chay, và như chúng ta biết, căn cứ vào lời Người trách cứ Martha, Người không thích sự ồn ào om xòm.

Luca viết về Martha tội nghiệp, băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá, giống các bà nội trợ vào dịp Lễ Giáng Sinh. Liệu bà có trở lại bếp và nói, “mọi sự đều tốt đẹp, nhưng Người đang ở đây, Đấng mà tôi yêu mến, đang đói và mệt mỏi... Vả lại Người là thượng khách của chúng tôi” hay không? Những lời nói này ẩn hiện đôi chút niềm tự hào nội trợ của bà. Vả lại, Lễ Giáng Sinh cũng là lúc gia đình trở về mái ấm, thân nhân gặp nhau và với Martha, dường như mọi người đều có khẩu vị khác nhau và, ngày nay, nhiều cách ăn uống kiêng khem khác nhau. Tất cả đều cần phải ghi nhớ.

Ngoài ra, những điều tốt, gói và thùng quà, thường phải từ nhà gửi đi xa; thời hoàng kim của Anh, điền chủ biếu đùi bò cho mỗi hộ trong làng, và ngay trong các gia đình nghèo, bà nội trợ cũng đặt một ổ bánh trên đồ nướng đang nướng; ổ bánh sẽ hút nước cốt đầy chất dinh dưỡng và sau đó có thể biếu tặng những gia đình còn nghèo hơn họ.

Bất chấp hàng trăm công thức nấu nướng trên các tạp chí và sách nấu ăn ngày nay, phần lớn chúng ta không muốn dành cho Lễ Giáng Sinh một điều gì khác, mà chỉ là những món truyền thống của đất nước chúng ta thuộc về. Mỹ cho Anh gà tây, thực ra nguyên khởi từ Mễ Tây Cơ, nhưng gia cầm Giáng Sinh phải là ngỗng, thậm chí thiên nga; và ở gần khắp châu Âu, thịt Giáng sinh vẫn là thịt heo, mà phần nào của nó cũng được sử dụng.



Phần lớn các gia hộ đều có đùi heo muối và sấy khô (ham): Ở Nga, họ dọn món truyền thống là chân giò heo, trong khi, ở Anh, đầu heo đực được sử dụng như một phần không thể thiếu của ngày lễ. Mõm của nó được giữ cho mở rộng bằng một trái táo, chiếc đầu trang trí được mang vào trên một chiếc đĩa bạc và đôi khi còn kèm tiếng kèn rộn rã trong khi một bài hát mừng được hát lên:

Đầu heo đực được tôi mang đến

Được trang trí với cây nguyệt quế và cây hương thảo

Và tôi cầu xin cho qúy vị, chủ nhân của tôi, được vui tươi
.

Sở dĩ có nghi thức này, vì, trong Thánh vịnh 80, Satan là heo rừng, và đầu của nó, được mang vào, chứng tỏ nó đã bị đánh bại bởi Con Trẻ mới sinh.

Mọi người trong gia hộ nên khuấy bánh pútđinh và làm một lời ước. Một số “lời đáp ứng” có ngay trong bánh pútđinh: những đồ trang sức tí hon bằng bạc, một đồng tiền cho người giầu, cái đê để khâu vá cho những ai muốn làm gái già, một khuy áo cho anh chàng độc thân, một nhẫn cưới.

Ngoài bánh pútđinh ra, nên có bánh ngọt Giáng Sinh, khác nhau tùy từng nước. Người Pháp nấu “những chiếc bánh ngọt ba vua” không lồ vào ngày Lễ Hiển Linh và, cho Lễ Giáng Sinh, chiếc bánh nhỏ hơn gọi là naulets, giống hình Con Trẻ Thánh và thường tặng làm quà; phong tục cũ của người Ba lan là gửi những chiếc bánh xốp thánh thể có đóng những khuôn hình khác nhau như để thay thế thiệp Giáng Sinh. Nghe có vẻ như bất kính, nhưng thực ra bánh ấy không được truyền phép mà chỉ được linh mục làm phép.

Ở Đức hồi xưa, các nông dân tin rằng có ma lực trong các ổ bánh nướng vào dịp Giáng Sinh nếu bột làm bánh được nhào với sương đêm Gáng Sinh; sương này thánh thiêng, được nhắc đến trong các điệp xướng hát vào Kinh chiều Mùa Vọng: Rorate Coeli, desuper (Trời cao, hãy đổ sương xuống), sương đây chính là Chúa Kitô.

Dù ngày nay, những chiếc bánh nướng mỏng được làm với trái cây hương vị, phần lớn là nho khô, chúng thường được nhét thịt gà thái mỏng, lưỡi trâu bò. Nhưng bất kể bánh nướng được làm với trái cây hay thịt, mỗi người nên ăn ít nhất 12 cái và dịp Giáng Sinh để có được 12 tháng may mắn trong cả năm mới.

Mỗi tên của thực phẩm, cũ hay mới, đều có tính lễ hội: cháo bột mì, món thạch sữa, kem mầu nhung, thạch nam việt quất, trái cây phalê, bánh nước khoai ngọt, kẹo hình gậy. Và dường như xuất phát từ khắp nơi trên thế giới: mận Carlsbad, vả Smyrna, gừng trong các lọ đựng đầy mời mọc của Trung Hoa, quýt, hạnh đào và nho khô. Ở Ý và Tây Ban Nha, người ta ăn kẹo nougat để cả năm được ngọt ngào.



Với những chiếc bàn ăn đầy ứ như thế, xem ra chẳng còn chỗ nào cho bất cứ điều gì khác, nhưng một đam mê mới đã trở về với Lễ Giáng Sinh từ lễ Kalends: trang trí. Có chắc gì là việc trang trí nhà chúng ta không phải là của ngoại giáo? Nó quả đúng như thế, đã có từ thời cổ xưa, một phong tục đã mang lại ý nghĩa kép rất thích đáng cho Lễ Giáng Sinh: vòng hoa nhựa ruồi (holly) và những băng giấy màu đỏ ở cổng trước mỗi ngôi làng và thị trấn nhỏ đều có tính lễ hội; nhưng cây nhựa ruồi, cây thường xuân (ivy) và cây tầm gửi thẩy đều thánh thiêng vì chúng ra trái vào mùa đông.

Cây tầm gửi là “cành vàng” được cắt vào ngày đông chí bởi viên chức có tên là “archdruid” bằng một con giao cán dài bằng vàng. Người ta cho rằng nó có thể chữa mọi chứng bệnh, và mạnh về tình bạn đến nỗi nếu kẻ thù gặp nó trong rừng, họ sẽ bỏ khí giới cho tới tận ngày hôm sau, đó là lý do, nó được treo ở cửa hay hành lang nơi người ta qua lại, để họ có thể hôn trong yêu thương và tình bạn.

Những cây Giáng Sinh đầu tiên của chúng ta là những cây trổ bông nhỏ: những cây mận gai, cây táo gai, cây hạnh đào, trồng trong những chiếc chậu hay ngâm trong nước và mang vào trong nhà, hy vọng rằng chúng nẩy mầm hay đơm hoa vào ngày Giáng Sinh và như thế đem lại một năm mới nhiều thành quả. Điều này do truyền thuyết cho rằng khi Chúa Kitô sinh ra, các con sông chẩy sữa chứ không phải nước, và các cây trổ hoa nở rộ giữa thời tiết đóng băng và đầy tuyết.

Những cây nở hoa này bị buộc đem vào hơi ấm của căn nhà trở nên mảnh khảnh, và khi chúng không chịu nở bông, như thường chúng vẫn như thế, gia hộ đầy những điềm gở đen tối. Bắc Âu vì thế chọn cây trường xuân, và chẳng bao lâu các nước khác theo chân. Ở Đức, lãnh thổ của rừng, Weihnatchsbaum [cây giáng sinh] có nhiều chuyện lạ và thơ mộng hơn ở các nước khác vì nó nối loài người với thiên nhiên và việc biến đổi trường cửu các mùa trong năm: cây trường xuân tượng trưng cho sự bất tử. Ở một số nơi của Đức, các ngôi mộ cũng được quấn cây nhựa ruồi vả cây thường xuân, và một cây nhỏ có đèn ở giữa chúng.

Truyện nhân gian kể rằng chồng nữ hoàng Victoria đã đem cây Giáng Sinh, với nhiều phong tục Đức, qua Anh, nhưng nó vốn nổi tiếng ở Anh và ở Pháp đầu thế kỷ 18. Nay, những dấu hiệu Giáng Sinh đẹp nhất, dựng ở hầu hết mọi cửa sổ, là những cây nhỏ rực rỡ với đèn, trái cầu, kim tuyến và vàng dát.

Tặng quà đã thành một sắc chỉ, giống sắc chỉ của hoàng đế La Mã Caligula khi, vào ngày Tết, ông loan báo ông sẽ đứng ở cổng để nhận quà tặng và tiền bạc; nếu món tiền không đủ, người tặng sẽ bị bêu xấu công khai. Chúng ta cũng thế, vẫn giữ nguyên hủ tục này: những bằng hữu và thân nhân của chúng ta giầu có và quan trọng hơn, nhưng họ càng ít cần quà cáp, chúng ta lại càng nghĩ ngợi và tiêu nhiều tiền hơn về quà cáp. Cũng lại là ngày Kalends một lần nữa, “Thúc bách tiêu pha” quả “chiếm hữu mọi người”, nhưng nay, nó không phải chỉ là một thúc bách.



Chúng ta còn gửi thiệp nữa. Những chiếc thiệp này lúc đầu là những chiếc thiệp làm tay và, ngay lúc các tấm thiệp thương mãi xuất hiện, chúng ta vẫn thường tự tay tô mầu chúng: hoa lá ở những ren giấy bên lề, những cảnh óng ánh với tuyết mầu bạc, rất thường khi có những con chim cổ đỏ vì “chim cổ đỏ (robin) và chim hồng tước (wren) vốn là gà trống và gà mái của Thiên Chúa”; hay còn có những vần thơ làm phương châm, trang trí cầu kỳ. Rồi thiệp một xu được du nhập và trận tuyết lở bắt đầu. Tấm thiệp một xu! Nay, ngay cả tem bưu điện cũng là những hình ảnh Giáng Sinh, cũng mắc như chính tấm thiệp gửi đi, nhưng mỗi năm mỗi cảm thấy phải gửi nhiều hơn: một số người trong chúng ta thậm chí giữ một mục trong sổ chi tiêu “cho và nhận”.

Đó có phải là lúc để xác định ngày giờ cho thấy Lễ Giáng Sinh đã bắt đầu đánh mất tinh thần của nó? Lễ Phục Sinh gần như luôn làm chúng ta ngạc nhiên, và Chúa Giêsu dường như cố ý muốn lẩn tránh, các môn đệ của Người gần như luôn phải đi tìm Người đến nỗi dường như là một chuyện nghịch lý khi Đấng vốn không để lại vết tích thể lý nào, dường như chỉ còn sở hữu chiếc áo khoác “không đường nối” mà Mẹ của Người từng dệt và bị binh lính bốc thăm, và có lẽ đôi dép, nếu ngày sinh của Người biến thành một hội chợ trong năm. Cha già Giáng Sinh, hậu duệ vô tội của một vị thần và một vị thánh, đã trở thành như một trong những hình bong bóng thổi phồng, choán hết chân trời và che phủ hết ngôi sao. Nhiều trẻ em nghĩ ông là Thiên Chúa.

Có lúc quả ông là Thiên Chúa, chúa Odin Miền Bắc, đánh chiếc xe do nai kéo qua đêm tối giữa mùa đông phương bắc đem đến tặng phẩm mùa xuân, bắp mới và hoa trái, dường như không còn tặng phẩm nào khác. Rồi ông trở thành Santa Claus [Ông già Noel], người thực sự là Thánh Nicholas, một vị Giám Mục thế kỷ thứ tư, quan thầy các cậu trai, người ta tin rằng ngài hồi sinh bốn cậu dù một chủ quán xấu xa đã ướp muối cả bốn! Thánh Nicholas được yêu mến đến độ ở Nga người ta quen nói, “dù Thiên Chúa có chết, chúng ta vẫn còn Thánh Nicholas”. Vào đêm ngày 6 tháng 12, ngài mượn cỗ xe do nai kéo của Odin và viếng thăm mỗi nhà có trẻ em, chịu để giầy của chúng trong lò sưởi khi đi ngủ; đến sáng sớm, nếu chúng ngoan, đôi giầy sẽ đầy kẹo; giầy của trẻ hư vẫn trống rỗng.



Đôi giầy trở thành đôi vớ và nay, người ta hân hoan nghĩ, trẻ con đều như nhau dù tốt hay xấu; vì không điều gì sánh được với niềm phấn khích tràn lan, ngay trước khi những tia sáng đầu tiên xuất hiện, đã thấy cái thứ lòng thòng có nhiều nốt phồng kia, lép kẹp vào đêm trước, nay bỗng đầy ứ ở lò sưởi.

Không phải việc tặng quà đã gần như xua đuổi Chúa Kitô khỏi Lễ Giáng Sinh; dù sao, Người vốn không ngừng dạy chúng ta rằng cho là có phúc. Đúng hơn, há không phải là việc dập tắt bình minh của Người, đánh mất sự ngây thơ vô tội trong tham lam và cướp giật đó sao?

Không trẻ em nào từng viết cho Thánh Nicholas để ra lệnh cho ngài, nhưng dù ít lá thư gửi Ông già Noel đi vào ống khói ngày nay theo kiểu ma thuật ngày xưa, hàng ngàn được gửi qua đường bưu điện:

... Cháu muốn nghe truyện Chúa Kitô và sáu con ngựa.

... một cái đu cho mỗi đứa (cho Natasha và cháu) để chúng cháu khỏi đánh nhau vì cứ phải nói của tao, của tao, của tao tối ngày
.

và, theo lối kinh doanh hơn, từ một bé trai:

Cha già Noel ơi, xin cha gửi cho con hai chiếc xe hơi và xin cho con cả một con đường nữa, xin làm ơn.

Một câu truyện “thêu dệt” kể rằng cậu bé Giêsu 5 tuổi chơi trò làm bánh nướng bằng đất, tạo nên những con chim sẽ bằng đất sét và nước, và, vì là ngày Sabát, Thánh Giuse ra la mắng Người. Chúa Giêsu không trả lời. Người vỗ tay và con chim sẽ bay đi. Thánh Giuse chắc hẳn phải lúng túng lắm, nhưng Chúa Giêsu thì không, vì mọi trẻ em, theo một nghĩa nào đó, có thể làm như thế: tưởng tượng. Nhưng ngày nay, người ta tưởng tượng đến thế nào?

Đồ chơi máy chém được chế tạo, những bộ tra tấn tí hon được làm ra, và đồ chơi súng ống mà chính cảnh sát, dù đến gần, cũng không thể phân biệt với đồ thật. Và ở đây, người ta cảm thấy chắc chắn Chúa Kitô sẽ làm lại điều Người đã làm một cách giận dữ, sự giận dữ của Thiên Chúa, tại Đền Thờ, đuổi những kẻ buôn tiền ra khỏi. Người gọi bọn họ là kẻ cướp.

Hết lần này đến lần khác, các người có suy nghĩ tìm cách đem Chúa Kitô trở lại Ngày Giáng Sinh. Một trong số họ là Thánh Phanxicô thành Assisi. Không như các Giám Mục và Cromwell, ngài không dùng bài giảng hay ngăn cấm, nhưng một điều cũng đơn giản như sự đơn sơ của ngài, Máng cỏ Giáng sinh.



Máng cỏ, được biết dưới tên praesaepe, vốn có trong các nhà thờ hàng thế kỷ trước ngài rồi, bắt đầu với sự tôn kính tại hang đá ở Bêlem vốn không phải là hang đá thật. Vào thế kỷ thứ hai CN, Hadrian, hoàng đế La Mã nổi tiếng, đã cố tình phạm thánh các thánh điểm của Kitô giáo; ông cho xây một đền thờ kính Adonis trên hang, trồng một lùm cây tại địa điểm, nhưng Constantinô đã phá hủy chúng và cho xây ngôi Vương cung Thánh đường Giáng Sinh vào năm 326 CN trên hang hiện nay, được cả sử gia Origen và Thánh Giustinô Tử Đạo thề là đúng địa điểm.

Praesaepe đầu tiên được thực hiện 7 trăm năm sau ở Rome, tại Nhà Thờ Đức Bà Cả; ý niệm này nhanh chóng truyền bá tới các nhà thờ khác, nhưng tất cả hào nhoáng với vàng và bạc, đá qúy và chạm trổ, rất khác xa với chiếc hang nhỏ xíu ở Bêlem đến nỗi Thánh Phanxicô, người nghèo nhất trong hàng các thánh, quyết định tạo ra các hang đá của dân thường tại làng Greccio, Ý.

Thánh Phanxicô nói, “tôi vui lòng làm một điều tưởng niệm Con Trẻ từng sinh ra ở Bêlem và một cách nào đó được nhìn thấy bằng mắt thịt các khổ cực thời thơ ấu của Người”.

Khổ cực chứ không vinh quang. Trong cánh rừng gần nhà thờ Greccio, một máng cỏ đã được chế tạo có cỏ khô, một con bò và một con lừa được dẫn vào.

Một vị vọng thấy nó, viết, “đây là sự đơn giản được tôn kính. Đức khó nghèo được vinh danh, đức khiêm tốn được khuyến khích và từ Greccio như thể một Bêlem mới được tạo ra. Đêm đen được thắp sáng như ban ngày và là một điều thú vị”.

Những “Bêlem” nhỏ bé khiêm nhường này, từ đó, đã được dựng tại các gia đình cũng như các nhà thờ, không phải bằng vàng và bạc, mà bằng gỗ và rơm, với những hình tượng bằng đất sét dùng hết năm này qua năm nọ. Ngôi sao có thể bằng kim tuyến, con bò con lừa có thể mất một chân, người chăn chiên có thể nghiêng để đổ, nhưng trọn câu truyện giáng sinh có ở đó và, trước khi trẻ em đi ngủ, chúng đốt nến máng cỏ và hát những bài ca mừng. Dĩ nhiên, máng cỏ xem ra trống rỗng; nhưng không, nó đang chờ đợi.

Có một truyện kể về Martin Luther, giáo sĩ nổi loạn, người có lẽ không đồng ý những cách trang trí Lễ Giáng Sinh, nhưng, vào đêm vọng Giáng Sinh, ông ra ngoài đi dạo, nhìn lên bầu trời trong sáng, gió lộng, được thắp sáng bởi hàng ngàn vì sao, và bỗng nhiên ông được thúc đẩy phải hạ một cây thông nhỏ và dựng nó ở phòng khách cho mấy đứa con của ông; cây này không có những đồ trang trí hay kim tuyến hoặc quà cáp, nhưng ông thắp sáng nó bằng “man vàn ngọn nến như hình ảnh sao trời từ đó Chúa Kitô sẽ xuất hiện”.

Nay, nến không hẳn bằng sáp ong nguyên chất, ngoại trừ các cây nến trong nhà thờ, vì không còn đủ ong, nhưng ngọn lửa sống động của chúng vẫn mang ý nghĩa hy vọng. Trong một số nhà thờ Kitô giáo, trong lễ thanh tẩy Đức Maria vào ngày cuối cùng của mùa Giáng Sinh, có buổi phụng vụ Lễ Nến. Khi người thờ phượng đi vào, mỗi người được trao cho một cây nến chưa đốt. Rồi, lúc kết lễ, vị linh mục đốt một cây nến từ bàn thờ. Các người giúp lễ đốt các cây nến của họ từ cây nến của ngài rồi đem tới cộng đoàn, mỗi người đốt lên cây nến của người đàn ông hay đàn bà và trẻ em gần nhất. Người này, đến lượt họ, đốt cây nến của người ngồi bên cạnh cho tới khi hết cây nến này đến cây nến nọ, hết ngọn bấc này đến ngọn bấc nọ, toàn bộ nhà thờ tràn đầy ánh sáng. Có lẽ, vẫn còn trong Lễ Giáng Sinh, sự tỏa sáng êm đềm đó ra khỏi cửa đi tới tận những nơi xa xăm, đi qua mỗi người chúng ta tới người khác, không như những cây nến, dĩ nhiên, nhưng là những cây nến, giống như các thiên thần, có những cải rang hết sức lạ lùng.

Đối với Luther, cây giáng sinh ấy hẳn xem ra bất tử, và chắc chắn, nếu bây giờ ông đã lên tới cái bầu trời đêm đông ấy, và nhìn xuống, hẳn đối với ông, chính các vì sao cũng dường như đang hạ cánh xuống mặt đất.

Ánh sáng từ một qalgi trải khắp miền tuyết Eskimo.

Qalgi là một nhà tuyết khổng lồ xây cho trò chơi và nhẩy múa Giáng Sinh thay cho lễ lạc giữa mùa đông xưa của người Eskimo, vốn cử hành ở lúc thay đổi đêm trường. Nó vẫn là một ngày lễ, với hàng vạc món hầm thịt caribou, món tủy từ xương đùi caribou, và cơm; và kết thúc với điệu vũ trống Eskimo.

Trong mùa hè nắng ấm ở Úc, đêm Giáng Sinh, các cây nến được đốt sáng để trang trí, được làm từ một thứ hoa lạ, hoa Chuông Giáng Sinh, vốn mang một chùm chuông nặng, đỏ tươi viền vàng; nếu rung chúng, các nhị của chúng kêu rung rinh và lách cách. Người Da Đỏ đốt cây đèn deeva, một cái bấc chập chờn trên một cái đĩa đất hình lá, và trong Lễ Giáng Sinh, họ quấn tay đèn bằng kim tuyến. Các thành phố lấp lánh ở mọi quốc gia; những thị trấn nhỏ xa xôi có hàng dẫy dây “đèn thần tiên”, loè loẹt, chúng chỉ là “thần tiên” nhưng chúng chiếu sáng.

Như thể khuôn mẫu huyền nhiệm đã đổi chiều: từ những thời đã mất, những nền văn minh bị quên lãng, những nơi chốn bị chôn vùi, buổi bình minh sinh hạ này lại trở về với Bêlem. Ngày nay, bất chấp, vì ngu dốt hay vì ngây thơ, hoặc cả hai, chúng ta đang làm gì hay đã làm gì cho Lễ Giáng Sinh, nó vẫn đã truyền bá từ từ, mạnh như xáp ong, như Tin Mừng Luca nói về Con Trẻ Kitô, và chúng ta có thể chắc chắn rằng, máng cỏ dủ nhỏ hay khiêm tốn, dù lớn lao và trang trí kim cương hột soàn bao nhiêu, vào buổi sáng ngày Giáng Sinh, máng cỏ vẫn đầy. “Ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1:9).
 
Liệu cầu thủ Messi có giữ lời hứa với Đức Mẹ sau khi đoạt được vô địch World Cup hay không?
Đặng Tự Do
05:06 24/12/2022


Sau chiến thắng của Á Căn Đình tại World Cup 2022 ở Qatar, một lời hứa của siêu sao bóng đá Lionel Messi với Đức Trinh Nữ Maria đã xuất hiện trở lại. Anh ấy sẽ hoàn thành lời hứa này hay không?

Lionel Messi, 35 tuổi, đã tham dự World Cup lần thứ năm trong màu áo của Á Căn Đình và đội tuyển này đã trở thành nhà vô địch thế giới sau khi đánh bại Pháp vào Chúa Nhật.

Được coi là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, Messi đã giành được 40 danh hiệu, 34 danh hiệu với Futbol Club Barcelona ở Tây Ban Nha, hai danh hiệu với Paris Saint Germain ở Pháp và bốn danh hiệu với Đội tuyển quốc gia Á Căn Đình. Trước trận chung kết hôm Chúa Nhật, anh thường nói rằng trong sự nghiệp của mình, “điều còn thiếu” là trở thành là thành viên của đội tuyển quốc gia đoạt được vô địch World Cup.

Vào năm 2014, đội mà anh ấy là đội trưởng đã lọt vào trận chung kết World Cup ở Brazil, nhưng lại thua đội tuyểm Đức. Tại Nga năm 2018, Á Căn Đình bị loại ngay ở vòng 16 đội.

Chính tại World Cup đó, anh ấy đã có một lời hứa đặc biệt với Đức Mẹ.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Mạc Tư Khoa với nhà báo người Á Căn Đình Martín Arévalo, Messi tuyên bố sẽ đi bộ “đến Luján hoặc San Nicolás”, nếu đội tuyển Á Căn Đình giành được vô địch World Cup. Luján và San Nicolás là hai trong số những ngôi đền quan trọng nhất ở Á Căn Đình.

Lujan, Argentina, là nơi có Đền thờ Quốc gia Đức Mẹ Lujan, vị thánh bảo trợ của đất nước, hàng năm thu hút hàng triệu khách hành hương.

San Nicolás — một thành phố gần Rosario, nơi sinh của Messi — có Đền thờ Đức Mẹ Mân Côi San Nicolás, nơi có lịch sử về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ bắt đầu vào năm 1983 với các thông điệp từ Đức Trinh Nữ Maria cho Gladys Quiroga de Motta.

Các cuộc hiện ra đã được Giáo Hội Công Giáo chấp thuận vào ngày 22 tháng 5 năm 2016, thông qua một sắc lệnh được ký bởi giám mục lúc bấy giờ của San Nicolás, là Đức Cha Héctor Cardelli.

Trong cuộc phỏng vấn ở Mạc Tư Khoa năm 2018, Messi hứa rằng anh sẽ đi bộ từ nhà ở thị trấn Arroyo Seco đến Vương cung thánh đường San Nicolás, quãng đường khoảng 24 dặm, và bắt tay nhà báo như một dấu hiệu của sự cam kết.

Trong sự nghiệp của mình, Messi đã thể hiện lòng mộ đạo và là một tín hữu. Sau khi vô địch World Cup, những phát biểu của anh trước báo giới không bỏ qua vai trò mà anh gán cho Chúa trong chiến thắng: “Tôi biết rằng Chúa sẽ ban cho tôi món quà này, tôi linh cảm rằng điều đó sẽ xảy ra,” anh ấy nói với kênh truyền hình TyC Sports.
Source:National Catholic Register
 
Đức Thánh Cha cử Hồng Y đến Ukraine mang áo ấm và máy phát điện
Đặng Tự Do
05:07 24/12/2022


Chuyến đi thứ năm của vị Hồng Y diễn ra sau lời kêu gọi trên toàn thế giới về quần áo và quyên góp để giúp đỡ những người đang phải vật lộn với cái lạnh mùa đông.

Với lễ Giáng Sinh đang cận kề và nhiệt độ giảm mạnh tại đất nước Ukraine bị chiến tranh tàn phá, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử một đặc phái viên của ngài trở lại Ukraine lần thứ năm, lần này mang theo máy phát điện và quần áo giữ nhiệt. iMedia báo cáo rằng Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski đã lên đường công du hôm 17 tháng 12 năm 2022.

Trước khi thông báo về chuyến đi của Đức Hồng Y, Tòa Thánh đã đưa ra lời kêu gọi cung cấp áo thun giữ nhiệt để giúp đỡ người dân Ukraine đang phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Việc quyên góp trực tuyến,vẫn đang hoạt động, tính đến tuần trước, đã đạt hơn 75,000 euro (gần 80,000 đô la Mỹ).

Đức Hồng Y Krajewski “có ý định mang đến cho người dân Ukraine thành quả của sự đoàn kết đã thu thập được trong những tuần gần đây,” tuyên bố được đưa ra vào ngày sinh nhật lần thứ 86 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tuyên bố cho biết quần áo và máy phát điện sẽ được vận chuyển đến Lviv và sau đó được phân phối đến những khu vực “chịu đựng đau khổ và lạnh giá nhất”.

Bộ Bác Ái Tòa Thánh đã tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Trong chuyến thăm cuối cùng của mình vào tháng 9, Đức Hồng Y Krajewski, 59 tuổi, đã đến thăm các vùng Odessa, Žytomyr, Kharkiv và những nơi khác ở miền đông Ukraine, bảo đảm với người dân Ukraine “rằng họ không đơn độc trong tình huống chỉ mang đến sự hủy diệt và chết chóc này”.

Đức Hồng Y đã bị bắn trong chuyến công du gần mặt trận, khi ngài bày tỏ sự kính trọng đối với hài cốt của 500 người được chôn cất trong các mồ chôn tập thể ở Izium.

Khi người dân Ukraine gặp phải tình trạng thiếu điện, khí đốt và thực phẩm trong khi mùa đông bắt đầu, những đóng góp mà Đức Hồng Y mang đến hy vọng sẽ mang lại một mức độ an ủi và viện trợ nhỏ khi người dân ở đó đón Giáng Sinh trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Source:Aleteia
 
Rabbi kêu gọi các Kitô hữu, và người Do Thái chú ý đến liên minh mới của Israel
Đặng Tự Do
05:08 24/12/2022


Cuối tuần qua, tờ New York Times đã tham gia vào một dàn đồng ca ngày càng nhiều tiếng nói bày tỏ lo ngại về liên minh mới của Israel do Thủ tướng sắp tới Benjamin Netanyahu thành lập. Tờ báo nói rằng chính phủ cánh hữu đặt ra mối đe dọa đối với nền dân chủ và cuối cùng là bản sắc của Israel với tư cách là một quốc gia Do Thái.

Trong bài xã luận, xuất bản hôm thứ Bảy, tờ Times lập luận rằng liên minh của ông Netanyahu, được coi là chính phủ cực hữu nhất trong lịch sử của Israel, đặt ra “mối đe dọa đáng kể đối với tương lai của Israel – về phương hướng, an ninh và thậm chí cả ý tưởng về một quê hương Do Thái.”

Chính phủ sắp tới “có thể khiến giải pháp hai nhà nước không thể xuất hiện về mặt quân sự và chính trị” trong cuộc xung đột lâu dài giữa Israel và Palestine, đồng thời đề xuất thay đổi hiện trạng của các thánh địa như Núi Đền có nguy cơ “kích động một vòng xoáy mới” bạo lực giữa Ả Rập và Israel”

Mối quan tâm cụ thể đã được nêu lên đối với chính trị gia Israel cực hữu Itamar Ben Gvir, người sắp nhận được quyền lực đáng kể trong chính phủ Netanyahu và là người trước đây đã lãnh đạo các cuộc biểu tình bạo lực chống lại các Kitô hữu và bảo vệ một người đàn ông bị kết tội phóng hỏa một nhà thờ Công Giáo gần Biển hồ Galilee.

Phát biểu với Crux, Giáo sĩ David Rosen, cựu Giáo sĩ trưởng Do Thái Giáo ở Ireland và hiện là Giám đốc Quốc tế về các vấn đề liên tôn của Ủy ban Do Thái Hoa Kỳ, cho biết “tình hình là một mối quan tâm lớn” đối với các Kitô hữu cũng như người Do Thái.


Source:Crux
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Vọng Giáng Sinh 24/12/2022
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
15:21 24/12/2022

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ Đại Trào Mừng Chúa Giáng Sinh lúc 7:30 tối 24 tháng 12 bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Thánh lễ Giáng Sinh, có khoảng 7,000 người tham dự theo Vatican, bắt đầu bằng việc công bố Tin Mừng Giáng Sinh Truyền thống Kalenda. Một bức tượng Chúa Giêsu Hài Đồng, được trưng bày trước bàn thờ, sau đó được mở ra khi tiếng chuông của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vang lên.

Dàn hợp xướng đã hát những bài hát mừng Giáng Sinh truyền thống Silent Night, The First Noel, và Adeste Fidelis, cùng những bài khác.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:



Đêm nay có còn gì để nói với cuộc sống của chúng ta nữa không? Hai ngàn năm sau khi Chúa Giêsu Giáng Sinh, sau bao nhiêu lễ Giáng Sinh trải qua giữa những đồ trang trí và quà tặng, chủ nghĩa tiêu dùng đã gói kỹ dường nào mầu nhiệm mà chúng ta cử hành, dẫn đến một mối nguy hiểm. Chúng ta biết nhiều điều về Lễ Giáng Sinh, nhưng chúng ta quên ý nghĩa đích thực của ngày lễ này. Như thế, làm thế nào để chúng ta có thể tái khám phá ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh? Trước hết, chúng ta sẽ đi tìm Chúa Hài Đồng ở đâu? Phúc âm tường thuật biến cố Chúa Giáng Sinh dường như đã được viết chính xác cho mục đích này: đó là nắm lấy tay chúng ta và dẫn chúng ta đến nơi Thiên Chúa muốn chúng ta đi.

Mọi sự bắt đầu với một tình huống không khác gì tình huống của chúng ta ngày nay: mọi người đang hối hả chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng, cuộc điều tra dân số lớn, đòi hỏi phải chuẩn bị rất nhiều. Theo nghĩa đó, bầu không khí rất giống lễ Giáng Sinh hiện đại của chúng ta. Tuy nhiên, Tin Mừng không sa đà vào bối cảnh trần tục đó; nhưng nhanh chóng chuyển cái nhìn của chúng ta sang một điều khác quan trọng hơn. Đó là một chi tiết nhỏ và dường như không đáng kể mà Tin Mừng nhắc đến ba lần, luôn liên quan đến các nhân vật trung tâm trong câu chuyện. Đầu tiên, Mẹ Maria đặt Chúa Giêsu “trong máng cỏ” (Lc 2:7); rồi các thiên thần kể cho các mục đồng nghe về “một hài nhi bọc trong tã, nằm trong máng cỏ” (c. 12); và cuối cùng là các mục đồng, những người tìm thấy “Hài Nhi nằm trong máng cỏ” (c. 16). Để khám phá lại ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, chúng ta cần nhìn vào máng cỏ. Tuy nhiên, tại sao máng cỏ lại quan trọng như vậy? Bởi vì đó là dấu chỉ cho thấy Chúa Kitô đến thế gian này, chứ không phải ngẫu nhiên tình cờ. Đó là cách Ngài thông báo sự giáng trần của mình. Đó là cách Thiên Chúa sinh ra trong lịch sử, để chính lịch sử được tái sinh. Sau đó máng cỏ nói gì với chúng ta? Thưa: Ít nhất là ba điều: gần gũi, nghèo khó và cụ thể.

Sự gần gũi. Máng cỏ đóng vai trò như máng ăn, giúp thức ăn được tiêu thụ nhanh hơn. Bằng cách này, nó có thể tượng trưng cho một khía cạnh của con người chúng ta: đó là lòng tham tiêu dùng của chúng ta. Trong khi thú vật kiếm ăn trong chuồng của chúng, những người nam nữ trong thế giới của chúng ta, trong cơn thèm khát của cải và quyền lực, thậm chí ăn thịt cả những người hàng xóm, anh chị em của họ. Chúng ta đã thấy biết bao nhiêu cuộc chiến!

Và biết bao nhiêu nơi, ngay cả ngày nay, nhân phẩm và tự do của con người bị khinh miệt! Như mọi khi, nạn nhân chính của lòng tham con người này là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương. Giáng Sinh này cũng vậy, như trường hợp của Chúa Giêsu, một thế giới khao khát tiền bạc, quyền lực và lạc thú không dành chỗ cho những trẻ nhỏ, cho biết bao trẻ em chưa chào đời, nghèo khổ và bị lãng quên. Trên hết, tôi nghĩ đến những trẻ em bị tàn phá bởi chiến tranh, nghèo đói và bất công. Tuy nhiên, đó chính là những nơi mà Chúa Giêsu đến, một hài nhi nằm trong máng cỏ của sự chối bỏ và khước từ. Nơi Người, Hài Nhi Bêlem, mọi trẻ thơ đều hiện diện. Và chính chúng ta được mời nhìn cuộc sống, chính trị và lịch sử qua con mắt của trẻ thơ. Trong máng cỏ của sự từ chối và khó chịu, Thiên Chúa hiện diện. Ngài đến đó bởi vì ở đó chúng ta nhìn thấy vấn đề của nhân loại chúng ta: sự thờ ơ được tạo ra bởi sự vội vàng tham lam để sở hữu và tiêu thụ. Ở đó, trong máng cỏ đó, Chúa Kitô đã sinh ra, và ở đó chúng ta khám phá ra sự gần gũi của Người với chúng ta. Ngài đến đó, đến một máng cỏ, để trở thành thức ăn của chúng ta. Thiên Chúa không phải là người cha nuốt chửng con cái mình, mà là Cha, nơi Chúa Giêsu, làm cho chúng ta nên con cái của Người và nuôi dưỡng chúng ta bằng tình yêu dịu dàng của Người. Ngài đến để đánh động trái tim chúng ta và nói với chúng ta rằng chỉ có tình yêu mới là sức mạnh thay đổi dòng lịch sử. Ngài không xa cách và oai phong lẫm liệt, nhưng đến gần chúng ta trong sự khiêm nhường; bỏ ngai vàng trên trời, Người hạ mình nằm trong máng cỏ.

Anh chị em thân mến, tối nay Thiên Chúa đang đến gần anh chị em, vì anh chị em quan trọng đối với Ngài. Từ máng cỏ, như lương thực cho cuộc sống của anh chị em, Ngài nói với anh chị em: “Nếu anh em cảm thấy bị các sự kiện làm cho kiệt sức, nếu anh em bị cảm giác tội lỗi và kém cỏi nuốt chửng, nếu anh em khao khát công lý, thì Thầy, Thiên Chúa của anh em, ở cùng anh em. Thầy biết những gì anh em đang trải qua, vì chính Thầy đã trải qua những điều như thế trong máng cỏ đó. Thầy biết nhược điểm của anh em, thất bại của anh em và lịch sử của anh em. Thầy được sinh ra để nói với anh chị em rằng Thầy đang, và sẽ luôn ở bên cạnh anh em”. Máng cỏ Giáng Sinh, sứ điệp đầu tiên của Hài Nhi Chí Thánh, nói với chúng ta rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Người yêu thương chúng ta và Người tìm kiếm chúng ta. Vì vậy, anh chị em hãy ghi khắc trong trái tim! Đừng để bản thân bị khuất phục bởi sự sợ hãi, cam chịu hay nản lòng. Chúa sinh ra trong máng cỏ để anh chị em có thể tái sinh ở chính nơi mà anh chị em nghĩ mình đã chạm đáy. Không có sự dữ nào, không có tội lỗi nào làm Chúa Giêsu không muốn cứu anh chị em. Và Chúa luôn có thể. Lễ Giáng Sinh có nghĩa là Thiên Chúa ở gần chúng ta: hãy để niềm tin được tái sinh!

Máng cỏ Bêlem nói với chúng ta không chỉ về sự gần gũi, mà còn về sự nghèo khó. Xung quanh máng cỏ có rất ít: chỉ có cỏ khô và rơm, một vài con vật, ít thứ khác. Mọi người ấm áp trong quán trọ, nhưng không phải ở đây trong sự lạnh lẽo của chuồng gia súc. Tuy nhiên, đó là nơi Chúa Giêsu được sinh ra. Máng cỏ nhắc nhở chúng ta rằng xung quanh Ngài không có gì khác ngoài tình yêu: Mẹ Maria, Thánh Giuse và các mục đồng; tất cả những người nghèo, hiệp nhất bởi tình cảm và sự ngạc nhiên, không phải bởi sự giàu có và những kỳ vọng lớn. Do đó, sự nghèo khó của máng cỏ chỉ cho chúng ta nơi tìm thấy sự giàu có thực sự trong cuộc sống: không phải ở tiền bạc và quyền lực, mà là ở các mối quan hệ và con người.

Và người đầu tiên, của cải lớn nhất, là chính Chúa Giêsu. Nhưng liệu chúng ta có muốn đứng về phía Ngài không? Chúng ta có đến gần Ngài không? Chúng ta có yêu sự nghèo khó của Ngài không? Hay chúng ta thích tiếp tục thoải mái thu mình trong những mối quan tâm và lợi ích của riêng mình? Trên hết, chúng ta có đến thăm Người ở nơi chúng ta có thể tìm thấy Người không, cụ thể là trong máng cỏ nghèo nàn của thế giới chúng ta? Vì đó là nơi Ngài hiện diện. Chúng ta được kêu gọi trở thành một Giáo hội tôn thờ một Chúa Giêsu nghèo khó và phục vụ Người nơi những người khó nghèo. Như một vị giám mục thánh thiện đã từng nói: “Giáo hội hỗ trợ và chúc lành cho những nỗ lực thay đổi các cơ cấu bất công, và chỉ đặt ra một điều kiện: đó là sự thay đổi xã hội, kinh tế và chính trị đó phải thực sự mang lại lợi ích cho người nghèo” (OA ROMERO, Sứ điệp mục vụ cho năm mới, ngày 1 tháng Giêng năm 1980). Chắc chắn, không dễ gì rời bỏ sự ấm áp dễ chịu của thế gian để ôm lấy vẻ đẹp khắc nghiệt của hang đá Bêlem, nhưng chúng ta hãy nhớ rằng Giáng Sinh chân thực không thể thiếu người nghèo. Không có người nghèo, chúng ta vẫn có thể mừng lễ Giáng Sinh, nhưng không thể đón mừng Chúa Giêsu Giáng Sinh. Anh chị em thân mến, trong Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa là người nghèo: hãy để lòng bác ái được tái sinh!

Bây giờ chúng ta đi đến điểm cuối cùng: máng cỏ nói với chúng ta về tính cụ thể. Thật vậy, một hài nhi nằm trong máng cỏ cho chúng ta thấy một khung cảnh gây chấn động, thậm chí là bẽ bàng. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã thực sự trở nên xác phàm. Kết quả là tất cả những lý thuyết, những suy nghĩ tốt đẹp và những tình cảm ngoan đạo của chúng ta không còn đủ nữa. Chúa Giêsu sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo; Ngài không nói nhiều về nghèo đói mà sống với nghèo đói, cho đến cùng, vì lợi ích của chúng ta. Từ máng cỏ cho đến thánh giá, tình yêu của Người dành cho chúng ta luôn rõ ràng và cụ thể. Từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, người con trai của bác thợ mộc đã ôm lấy sự thô ráp của gỗ, sự khắc nghiệt trong sự tồn tại của chúng ta. Ngài không chỉ yêu chúng ta bằng lời nói; Ngài yêu chúng ta với sự nghiêm túc tột cùng!

Như thế, Chúa Giêsu không hài lòng với vẻ bề ngoài. Đấng đã mặc lấy xác phàm của chúng ta không chỉ muốn có ý tốt mà hôi. Đấng được sinh ra trong máng cỏ, đòi hỏi một đức tin cụ thể, được tạo thành từ sự tôn thờ và bác ái, chứ không phải những lời nói suông và hời hợt. Đấng nằm trần truồng trong máng cỏ và bị treo trần trụi trên thập giá, yêu cầu chúng ta sự thật, Ngài yêu cầu chúng ta đi đến thực tại trần trụi của mọi sự, và đặt dưới chân máng cỏ tất cả những lời ngụy biện, những biện minh và thói giả hình của chúng ta. Được Mẹ Maria dịu dàng quấn trong tấm tã, Người muốn chúng ta mặc lấy tình yêu. Thiên Chúa không muốn vẻ bề ngoài mà muốn sự cụ thể. Cầu mong chúng ta đừng để Giáng Sinh này trôi qua mà không làm được điều gì tốt đẹp. Vì đó là lễ kỷ niệm, là sinh nhật của Ngài, chúng ta hãy tặng Chúa Giêsu những món quà mà Ngài thấy hài lòng! Vào Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa rất cụ thể: nhân danh Người, chúng ta hãy giúp nhen nhóm và tái sinh hy vọng nơi những người cảm thấy tuyệt vọng!

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thấy Chúa đang nằm trong máng cỏ. Chúng con thấy Chúa gần gũi, luôn ở bên cạnh chúng con: tạ ơn Chúa! Chúng con thấy Chúa trong thân phận nghèo khó, để dạy chúng con rằng của cải đích thực không nằm ở vật chất mà ở con người, và nhất là ở người nghèo: xin tha thứ cho chúng con nếu chúng con đã không nhận ra và phục vụ Chúa nơi những anh chị em đó. Chúng con thấy Chúa cụ thể, bởi vì tình yêu Chúa dành cho chúng con có thể chạm đến được. Xin giúp chúng con dâng hiến xác thịt và sự sống cho đức tin của chúng con. Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Bài Giảng của Đức Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Latinh tại Giêrusalem trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại Bethlehem
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
16:15 24/12/2022


Tối ngày 24 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa của Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, đã chủ sự thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại nơi cực thánh là hang Bêlem, nơi Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

Đồng tế với Đức Thượng phụ có ba Giám Mục Phụ Tá và các cha dòng Phanxicô quản thủ Thánh Mộ và nhiều linh mục thuộc giáo phận địa phương. Hiện diện trong buổi lễ, cũng có Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine, Đại diện của Quốc vương Jordan, Abdallah II, và nhiều quan chức khác.

Trong bài giảng, Đức Thượng Phụ nói:

Anh chị em thân mến,

Kính thưa Ngài Tổng thống Mahmoud Abbas và các vị đại diện của Nhà nước Palestine,

Thưa Đại diện của Quốc vương Abdallah II của Jordan,

Thưa Quý vị, các Tổng Lãnh sự và các thành viên của ngoại giao đoàn,

Xin Chúa ban bình an cho quý vị và anh chị em!

“Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng.” (Is. 9: 1-2).

Một lần nữa chúng ta lại gặp nhau tại Bêlem, nơi Cực Thánh này, để cảm tạ, ngợi khen và mừng biến cố mầu nhiệm Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Một lần nữa, cùng với ngôn sứ Isaia, chúng ta loan báo cho toàn thế giới rằng một ánh sáng chói lọi đã hiện ra trước mắt chúng ta và lòng chúng ta tràn ngập niềm hân hoan, “vì Thiên Chúa đã xuất hiện, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tit 2: 11) là Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng ta.

Hôm nay, như mọi năm, chúng ta được mời cúi đầu trước mầu nhiệm cao cả này, cũng là một lời loan báo về ơn cứu độ và lòng thương xót. Trên thực tế, Giáng Sinh không chỉ là thời điểm, có lẽ hơi trẻ con, của niềm vui, của những lễ kỷ niệm và ánh sáng, hoặc thời điểm của những đứa trẻ hạnh phúc và những món quà được chia sẻ với những người gặp khó khăn. Đầu tiên và quan trọng nhất, đó là lễ kỷ niệm sự mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử; đó là biểu hiện của ý định Thiên Chúa đối với nhân loại, đạt đến đỉnh điểm trong Lễ Giáng Sinh. Lễ Giáng Sinh là cái nhìn và sự phán xét của Thiên Chúa đối với thế giới. Và đó là sự phán xét cứu rỗi và thương xót, cảm thương chứ không kết án.

“Những người đi trong bóng tối…” (Is 9:1). Cuộc sống của thế giới được đánh dấu bởi tội lỗi. Như chúng ta biết, hồi đó thế giới bị xâu xé, chia rẽ và bạo lực – không thua gì ngày nay. Tuy nhiên, với Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô, một cái gì đó bắt đầu thay đổi. Thật vậy, sự chào đời của Hài Nhi Bêlem, cũng đánh dấu sự ra đời của một cơ hội mới cho các mối quan hệ giữa con người với nhau. Đúng là không có thay đổi đột ngột nào trong cuộc sống của thế giới bạo lực đó. Tuy nhiên, ý định của Thiên Chúa, ước muốn đầy lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, mà trong Lễ Giáng Sinh, đã trở nên xác phàm và được thể hiện rõ ràng trong một Hài nhi, bắt đầu, từng chút một, mở rộng từ nơi đó ra toàn thế giới. Biến cố đó mang lại một lối sống mới, dựa trên phẩm giá của mọi người nam nữ, trên một công lý không bao giờ tách rời lòng thương xót, trên ước muốn tất cả mọi người đều được cứu độ. Kể từ đó, ý định thiêng liêng đó tiếp tục tỏa sáng, mang lại ánh sáng cho những người sống trong vùng đất bóng tối.

Tuy nhiên, sự phán xét và cái nhìn thương xót và cứu độ đó cũng đang chờ đợi một sự đáp trả: đó là một lời mời gọi gửi đến mọi người nam nữ bước vào lối sống mới, dựa trên chính ước muốn của Thiên Chúa. Đó là một lời kêu gọi mạnh mẽ và trang trọng hãy sống trong ánh sáng mới. “Ở nơi Người có sự sống, và sự sống đó là ánh sáng muôn loài” (Ga 1:4-5). Như vậy, mừng Lễ Giáng Sinh cũng liên quan đến một quyết định. Thật vậy, người ta có thể chọn không đáp lại lời mời gọi đó: “Người đã đến xứ sở của Người, mà dân tộc Người không đón nhận Người” (Ga 1:11).

Từ đó cho đến nay, cái nhìn và sự phán xét của Thiên Chúa được hiện diện trên thế giới qua Giáo hội. Vì Kitô giáo trước hết là lối sống của những ai đã quyết định đón nhận lời mời trở nên những chứng nhân khả tín về chương trình cứu độ mà Thiên Chúa dành cho mọi người. Trở thành Kitô Hữu có nghĩa là cụ thể hóa ước muốn thiêng liêng về lòng thương xót, một ước muốn mà Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô đã làm cho có thể và hữu hình. Cộng đồng Kitô hữu được mời gọi để làm cho Trái tim từ bi của Thiên Chúa sống động và hiện diện trong thế giới này của chúng ta, và nhìn nhân loại bằng đôi mắt được chiếu sáng bởi ánh sáng rạng ngời của Ngài. Người ta có được cái nhìn chân thực hơn về các sự kiện thế giới nếu người ta cũng nhìn bằng trái tim chứ không chỉ bằng mắt.

Và chúng ta thấy gì hôm nay, ở đây trong thế giới này của chúng ta? Giáo Hội Giêrusalem của chúng ta đang dự tính điều gì? Ánh sáng của Thiên Chúa mang đến điều gì cho tâm trí và trái tim của chúng ta, tại Thánh Địa này?

Bằng mắt thường, chúng ta thấy bạo lực dường như đã trở thành ngôn ngữ chính, cách giao tiếp chính của chúng ta. Bạo lực ngày càng gia tăng, trước hết là trong ngôn ngữ chính trị. Chúng tôi đã bày tỏ mối quan ngại của mình về xu hướng chính trị đang được thực hiện ở Israel, nơi có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng vốn đã mong manh giữa các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc khác nhau tạo nên xã hội của chúng ta. Chính trị có nhiệm vụ phục vụ đất nước và cư dân của nó, làm việc để đạt được sự hài hòa giữa các cộng đồng xã hội và tôn giáo khác nhau của đất nước, biến công việc này thành những hành động cụ thể và tích cực, chứ không kích động chia rẽ hoặc tệ hơn cỗ vũ cho hận thù và phân biệt đối xử.

Năm nay chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng bạo lực khủng khiếp trên đường phố Palestine, với số người chết đẩy chúng ta lùi lại hàng thập kỷ. Đó là một dấu hiệu của sự gia tăng đáng lo ngại trong căng thẳng chính trị và sự bất an ngày càng tăng, đặc biệt là trong giới trẻ của chúng ta, khiến cho việc giải quyết cuộc xung đột đang diễn ra ngày càng xa vời. Thật không may, vấn đề Palestine dường như không còn là tâm điểm chú ý của thế giới nữa. Đây cũng là một hình thức bạo lực làm tổn thương lương tâm của hàng triệu người Palestine, những người ngày càng bị bỏ rơi và những người, trong quá nhiều thế hệ, đã chờ đợi câu trả lời cho mong muốn chính đáng của họ về nhân phẩm và tự do.

Thật không may, bạo lực không chỉ có trong chính trị. Chúng ta thấy nó trong các mối quan hệ xã hội, trên các phương tiện truyền thông, trong các trò chơi, trong trường học, trong gia đình và đôi khi ngay cả trong chính cộng đồng của chúng ta. Tất cả bắt nguồn từ sự thiếu tin tưởng sâu sắc đánh dấu thời đại của chúng ta. Chúng ta không tin rằng có thể thay đổi; chúng ta không còn tin tưởng nhau nữa. Và vì vậy bạo lực trở thành cách duy nhất để nói chuyện với nhau. Thiếu lòng tin là gốc rễ của mọi cuộc xung đột ở Thánh Địa, hay ở Ukraine và ở rất nhiều nơi khác trên thế giới.

Vì vậy, trong những bối cảnh bị giằng xé và tổn thương như vậy, ơn gọi đầu tiên và quan trọng nhất của Giáo hội chúng ta là giúp mọi người nhìn thế giới bằng cả trái tim, và nhớ rằng cuộc sống chỉ có ý nghĩa nếu nó mở ra cho tình yêu. Mừng Chúa Giáng Sinh đối với chúng ta, là cộng đoàn các tín hữu trong Chúa Kitô, có nghĩa là tạo ra, cổ vũ và là dịp của lòng thương xót, lòng trắc ẩn, sự tha thứ. Nó có nghĩa là mang vào cuộc sống thực tại bị tổn thương sâu sắc của chúng ta khát khao tràn đầy lòng trắc ẩn mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho chúng ta qua sự giáng thế làm người của Chúa Giêsu. Nó có nghĩa là có can đảm để thực hiện những cử chỉ xây dựng lòng tin này. Thật vậy, niềm tin vào Thiên Chúa phải duy trì niềm tin của chúng ta vào nhân loại, tạo nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta và chuyển thành những cử chỉ yêu thương tự do và chân thành.

Hòa bình, điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn, không đến từ chính nó. Nó chờ đợi những người nam nữ biết biến đường lối của Thiên Chúa thành những hành động cụ thể và hữu hình, trong những việc lớn nhỏ mỗi ngày. Con Thiên Chúa đã không ngại nhập thể vào cuộc sống của thế gian, và bằng những cử chỉ yêu thương nhưng không, đánh thức khát vọng hướng thiện đang ngự trị trong tâm hồn mỗi người, vốn chỉ chờ đợi để được giải thoát khỏi những ràng buộc của ích kỷ. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế được sinh ra ở Bêlem, đã nói: Phúc cho những người kiến tạo hòa bình; Chính Ngài đã hy sinh mạng sống của Ngài trên thập tự giá, và với tình yêu của Ngài đã chiến thắng sự chết, dạy chúng ta rằng tình yêu mạnh hơn sự chết.

Nó không phải là không thể. Chứng từ của rất nhiều người nam nữ ở đây, tại Thánh Địa của chúng ta và ở rất nhiều nơi khác trên thế giới, cho chúng ta biết rằng lối sống đó, cách cử hành Lễ Giáng Sinh đó, vẫn có thể thực hiện được cho đến ngày nay, bất chấp mọi thứ.

Ước mong của tôi là Chúa Giêsu Hài Đồng một lần nữa cũng sẽ đánh thức trong chúng ta ước muốn điều tốt lành cho mỗi người, củng cố niềm tin của chúng ta vào tất cả mọi người, và nâng đỡ hành động của chúng ta vì hòa bình, lòng thương xót và công lý ở Thánh Địa và trên toàn thế giới.

Chúc Giáng Sinh vui vẻ!

Bêlem, ngày 24 tháng 12 năm 2022

†Pierbattista Pizzaballa
Source:Latin Patriarchate of Jerusalem
 
Một linh mục Công Giáo bị Nga bắt, bị trục xuất vì lý do Giáo Hội Công Giáo bị cấm hoạt động trong các vùng do Nga chiếm được
Đặng Tự Do
17:01 24/12/2022


Cha Oleksandr Bogomaz, một linh mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, ở Melitopol, điều đó với SIR, cơ quan truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Italia rằng ngài đã bị bắt bằng vũ lực, thẩm vấn trong ba giờ và bị đe dọa. Rồi sau khi đọc xong “bản án” kết tội hài hước, ngài bị đuổi ra khỏi thành phố: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái chết nhưng tôi rất sợ. Có một người đàn ông đã mắng mỏ tôi rất nhiều, anh ta mắng tôi và nói đủ thứ điều ghê tởm, thậm chí anh ta còn dọa bắn tôi. Tôi không có hận thù hay cảm xúc tiêu cực đối với họ. Tôi thậm chí không muốn nghĩ về điều đó. Tôi không muốn nuôi dưỡng cái ác trong lòng mình”

“Tôi không bị bạo lực thể xác, tôi không bị rụng một sợi tóc nào trên đầu. Nhưng đó là một phép lạ vĩ đại mà tôi không giải thích được lý do”. Thành phố Melitopol được gọi là “cửa ngõ vào Crimea” do vị trí của nó nằm ở ngã tư của hai đường cao tốc chính và một tuyến đường sắt quan trọng nối Nga với bán đảo và các vùng lãnh thổ khác mà Nga xâm lược ở miền nam Ukraine.

Melitopol là một lãnh thổ chiến lược mà các lực lượng Ukraine đang cố gắng giành lại cùng với toàn bộ khu vực Zaporizhzhia, và cả vùng Kherson gần đó.

Cha Oleksandr Bogomaz nói: “Tôi đã thi hành sứ vụ của mình tại thành phố Melitopol từ năm 2016. Trong ba năm, tôi đã giúp chăm sóc mục vụ tại giáo xứ Chúa Giáng Sinh của Mẹ Thiên Chúa Chí Thánh, và sau đó trong ba năm rưỡi, tôi là cha sở giáo xứ.”

“Tôi bị bắt vào ngày 1 tháng 12. Đây là lần thứ bảy đại diện của các dịch vụ đặc biệt của Nga đến khám xét nhà tôi. Tôi hỏi họ là ai, nhưng họ không tự giới thiệu. Có cuộc lục soát trong nhà, mọi thứ đảo lộn. Họ cũng lấy đi xe buýt của chúng tôi.”

Phóng viên của SIR hỏi ngài: “Thưa cha, cha có bị bắt không?”.

“Tôi không bị giam giữ, tôi chỉ được các đặc vụ Nga này bảo rằng ở vùng Zaporizhzhia do Liên bang Nga kiểm soát, Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và Giáo Hội Công Giáo Rôma, hiện đã bị cấm. Tôi bị cưỡng bức đưa đến trạm kiểm soát áp chót, gần Vasylivka, rồi đi bộ băng qua ranh giới. Quân đội và cảnh sát Ukraine, theo yêu cầu của tôi, đã đưa tôi đến Zaporizhzhia.”

“Thưa cha, vì những lý do gì mà cha bị đuổi khỏi Melitopol?”

“Bản án đã được đọc cho tôi tại trạm kiểm soát áp chót, do quân đội Nga kiểm soát, gần Vasylivka. Có một lá cờ của Liên bang Nga. Tôi được yêu cầu ngồi cạnh lá cờ này và quyết định đã được đọc cho tôi nghe.”

Tên chính thức của quá trình này là 'vydvoreniie' trong tiếng Nga có nghĩa là 'dứt phép thông công', 'vì kích động thù hận chủng tộc, kích động thù hận liên tôn, cản trở các hoạt động dịch vụ xã hội và là người nguy hiểm cho xã hội'. Đây ít nhiều là cách các cáo buộc chống lại tôi được hình thành và vì lý do đó mà tôi bị 'trục xuất'.

Tôi cũng được cho biết rằng quyết định không phải do những người cụ thể đã đưa tôi đi, mà do ban quản lý cấp cao hơn, tức là các cơ quan có thẩm quyền cao hơn.

“Thưa cha, cha có sợ chết không?”

“Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này. Tôi đã hoảng sợ. Có một người đàn ông ở Vasylivka, tôi nghĩ anh ta đến từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga, anh ta mắng tôi rất nhiều, mắng tôi, nói đủ thứ điều ghê tởm, dọa bắn tôi. Nhưng tôi nhận ra chúng chỉ là những lời đe dọa. Họ gây rất nhiều áp lực tâm lý cho tôi. Tôi đã bị thẩm vấn trong ba giờ. Họ hỏi tôi có phải là thành viên của 'Hiệp sĩ Columbus' không. Nhiều thứ… bây giờ tôi không nhớ hết được. Nhưng tôi biết điều gì đã cho tôi sức mạnh trong suốt 9 tháng xâm lược. Bí tích Thánh Thể, cử hành phụng vụ hàng ngày, đọc Sách Thánh hàng ngày, suy niệm và cầu nguyện, ít nhất ba lần một ngày, lần hạt Mân Côi. Đây là những gì đã cứu tôi.

“Thưa cha, cha có cảm thấy căm ghét những người đã bắt cha không?”

“Khi tôi bị bắt đi, tôi đã cầu nguyện cho bốn người lính Nga đã đưa tôi đi. Tương tự như vậy, khi tôi đi về phía Zaporizhzhya, tôi đã cầu nguyện cho những người đó, xin Chúa cho họ được ơn hoán cải.”

“Tôi không có hận thù hay cảm xúc tiêu cực đối với họ. Tôi thậm chí không muốn nghĩ về nó. Tôi không muốn nuôi ác trong lòng.”

“Thưa cha, tại sao, bất chấp cuộc xâm lược của Nga đang diễn ra, cha lại quyết định ở lại thành phố đó?”

“Cũng trong các cuộc thẩm vấn, tôi được người Nga hỏi tại sao tôi quyết định ở lại. Tôi ở lại vì có rất nhiều người của chúng tôi ở đó, con cái của chúng tôi, những người trẻ tuổi, có những gia đình và những người chúng tôi chăm sóc, những người chúng tôi giúp đỡ. Có những người hiện đang sống dưới sự xâm lược và đang gặp rất nhiều khó khăn. Và Giáo hội, với việc cử hành Phụng vụ, với Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải tội, là điều ban sức mạnh và gắn kết mọi người lại với nhau. Tôi được kể rằng khi mọi người nghe tin tôi bị bắt đi, họ đã khóc rất nhiều. Họ cũng làm như vậy với Cha Petro Krenytskyi. Thật là một mất mát lớn nếu không có Phụng Vụ Thánh.”

“Thưa cha, hai linh mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương từ Berdyansk, trong khu vực Donetsk, là Cha Ivan Levitskyi và Cha Bohdan Heleta, đã bị bắt. Cha nghĩ tình trạng các ngài bây giờ ra sao?”

“Tôi không biết tình trạng các ngài hiện nay ra sao, nhưng theo những gì tôi đã kinh qua, tôi cảm thấy không lạc quan. Tại sao Thiên Chúa cứu tôi. Tôi biết tôi không xứng đáng, tôi không xứng đáng với điều này. Tôi tin rằng tất cả những điều này yêu cầu tôi sử dụng thời gian này một cách hiệu quả mà Chúa là Thiên Chúa đã ban cho tôi. Đối với các Cha Ivan và Bohdan, tôi cầu nguyện cho các ngài”.

“Thưa cha, điều gì đã thay đổi trong cuộc sống của cha sau những gì cha đã trải qua?”

“Tôi vẫn còn trong trạng thái sợ hãi, mặc dù đã 13 ngày trôi qua. Tôi đang bị căng thẳng. Tôi vẫn chưa thể bình tâm, chưa tìm được chỗ đứng cho mình. Tôi thường nghĩ về điều đó. Suy nghĩ đến với tâm trí. Tôi có một giáo xứ, tôi có người dân, cộng đồng. Bây giờ tôi bị đày ải, tôi không có nơi nào để gối đầu. Tôi đã và đang đến thăm các gia đình tị nạn ở các thành phố của Ukraine. Họ là những cuộc gặp gỡ sâu sắc. Tôi không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Tôi biết rằng bây giờ cần phải hỗ trợ những gia đình đã rời Melitopol. Chúng tôi mơ ước có thể quay lại với nhau.”

“Thưa Cha Oleksandr, theo cha hòa bình là gì sau những gì cha đã trải qua?”

“Hòa bình là gì? Bình an là khi có Chúa trong lòng. Và nếu tôi yêu Chúa, tôi không thể làm điều ác. Rồi sẽ có hòa bình.”

“Bình an cũng là có thể bước ra khỏi vùng an toàn của mình để gặp một người đang cần. Giống như người Samaritanô tốt bụng đã làm, hãy chìa tay ra, cho người đó sự tự do và yêu thương họ bất kể quyết định của họ là gì. Và chờ đợi người kia cũng làm như vậy, gặp bạn và yêu bạn như chính con người bạn. Đây là hòa bình”.
Source:SIR
 
Chương trình 60 Minutes trình bày những phép lạ không thể giải thích về mặt y học xảy ra tại Lộ Đức
Đặng Tự Do
17:03 24/12/2022


Bill Whitaker phỏng vấn Sơ Bernadette Moriau, người nhớ lại cảm giác của mình khi trải qua điều được công nhận là một phép lạ thực sự.

Tập gần đây của 60 Minutes đã trình bày câu chuyện của phóng viên Bill Whitaker, là người đã đến thăm Thánh địa Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp. Đoạn phim cung cấp những góc nhìn đầy cảm hứng về địa điểm hành hương nổi tiếng, cũng như các cuộc phỏng vấn với những tín hữu hành hương đang tìm cách được chữa lành và thậm chí một nữ tu đã hồi phục đột ngột sau khi viếng thăm Lộ Đức.

Mặc dù thị trấn Lộ Đức có quy mô nhỏ, nhưng nó thu hút hơn ba triệu du khách và người hành hương muốn viếng thăm đền thờ mỗi năm. Người ta lũ lượt kéo đến địa điểm này kể từ năm 1858, khi Thánh Bernadette chứng kiến và tiếp xúc với Đức Mẹ trong một loạt các lần hiện ra.

Người nữ tu nhận được phép lạ của Đức Mẹ Lộ Đức, sơ Bernadette Moriau, đã là nhân vật chính trên trang nhất của nhiều tờ báo tại Pháp và trên thế giới. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí sơ Bernadette Moriau luôn khẳng định rằng sơ không phải là một “siêu sao” như nhiều người nói nhưng chỉ là một “nữ tu bé nhỏ” vui mừng vì có thể đi lại một cách tự do trở lại.

Đức Cha Jacques Benoit-Gonin, là Giám mục Giáo phận Beauvais, đã nhấn mạnh đến các yếu tố “bất ngờ, tức khắc và hoàn toàn” trong sự kiện lành bệnh của sơ Bernadette Moriau. Phép lạ xảy đến với sơ Bernadette Moriau có những yếu tố giống như những phép lạ chính Chúa Giêsu đã thực hiện khi Ngài đến trong thế gian. Ngài bảo người mù sáng mắt, lập tức người ấy thoát cảnh đui mù. Ngài bảo người què đứng dậy đi, tức khắc người ấy đi được.

Bác sĩ Alessandro de Franciscis của Ủy ban Y khoa nói ông đã chủ trì các cuộc điều tra về việc lành bệnh ngoại thường của sơ và “hoàn toàn thuyết phục” rằng không có lời giải thích y khoa nào về sự kiện này.

Sơ Moriau nói với các phóng viên rằng sau khi trở về nhà dòng của mình ở gần thành phố Beauvais sau chuyến hành hương Lộ Đức và đang khi cầu nguyện trong nhà nguyện “Tôi cảm thấy một luồng sinh lực mạnh mẽ chạy khắp cơ thể mình, một sự thư giãn, ấm áp... Tôi về phòng của mình, và ở đó có một giọng nói với tôi “tháo nẹp con ra đi”, “Thật kinh ngạc, tôi có thể đi đứng như thường”. Sơ Moriau cho biết thêm ngay lập tức sơ quăng hết tất cả cả dụng cụ trợ giúp, từ cái nẹp sắt, đến cái xe lăn và cả những ống morphine - và đi bộ 5km một vài ngày sau đó.

Sơ nói trong chương trình 60 Minutes “Tôi đến đây để làm chứng cho quyền năng của Đức Mẹ, chứ tôi không đến đây để làm cho các bạn tin tôi.”

Đây là sự kiện 70 được chính thức công nhận là một hành động can thiệp của Thiên Chúa tại Lộ Đức, một địa điểm hành hương ở miền Nam nước Pháp.
Source:Aleteia
 
Ukraine nỗ lực xóa bỏ tàn tích của Liên Xô và Nga khỏi các không gian công cộng
Đặng Tự Do
17:04 24/12/2022


Ukraine đang đẩy mạnh nỗ lực xóa bỏ dấu tích ảnh hưởng của Liên Xô và Nga khỏi các không gian công cộng bằng cách dỡ bỏ các tượng đài và đổi tên hàng trăm con phố để vinh danh các nghệ sĩ, nhà thơ, binh lính, các nhà lãnh đạo độc lập và những người khác – bao gồm cả những anh hùng của cuộc chiến năm nay.

Sau cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa giết chết hoặc làm bị thương vô số dân thường và binh lính, đồng thời phá hủy các tòa nhà và cơ sở hạ tầng, các nhà lãnh đạo Ukraine đã chuyển một chiến dịch từng tập trung vào việc xóa bỏ quá khứ Cộng sản của nước này thành một chiến dịch “phi Nga hóa”.

Hãng thông tấn Associated Press đưa tin:

Những con phố vinh danh nhà lãnh đạo cách mạng Vladimir Lenin hay Cách mạng Bolshevik phần lớn đã biến mất; bây giờ Nga là kẻ thù.

Đó là một phần hình phạt cho những tội ác do Nga gây ra, và một phần khẳng định bản sắc dân tộc bằng cách tôn vinh những người Ukraine nổi tiếng, những người hầu như bị bỏ qua trong thời kỳ Liên Xô.

Nga, thông qua Liên Xô, được nhiều người ở Ukraine coi là đã đóng dấu sự thống trị của họ lên nước láng giềng ở phía tây nam trong nhiều thế hệ, khiến các nghệ sĩ, nhà thơ và anh hùng quân đội của họ rơi vào tình trạng ít người biết đến, so với những người Nga nổi tiếng hơn.

Nếu những người chiến thắng viết nên lịch sử, như một số người nói, thì người Ukraine đang viết lại lịch sử của chính họ – ngay cả khi số phận của họ đang ở thế cân bằng. Bản sắc dân tộc của họ đang có những gì có thể là một sự đột biến chưa từng thấy, theo nhiều cách.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã mặc một chiếc áo phông đen có dòng chữ: “Tôi là người Ukraine.”
 
Lời chúc mừng Giáng Sinh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
17:19 24/12/2022


Gửi mọi người!

Những ngày này, hàng triệu người ở Ukraine và hàng tỉ người trên thế giới đón Giáng Sinh. Con Thiên Chúa xuống thế làm người đã đem đến cho nhân loại niềm hy vọng được cứu rỗi, niềm tin vào sự chiến thắng của lòng nhân hậu và sự thiện.

Thật không may, tất cả các ngày lễ đều có dư vị cay đắng đối với chúng ta trong năm nay. Chúng ta phải cảm nhận tinh thần Giáng Sinh truyền thống một cách khác biệt. Bữa tối trên bàn ăn gia đình không thể ngon và ấm áp như xưa. Có thể có những chiếc ghế trống xung quanh bàn ăn. Và những ngôi nhà và đường phố của chúng ta không thể sáng sủa như trước. Và chuông Giáng Sinh có thể không vang lên thánh thót và đầy cảm hứng. Thay vào đó là những tiếng còi báo động không kích, hoặc thậm chí tồi tệ hơn nữa là tiếng súng và tiếng nổ. Và tất cả những điều này cùng nhau có thể gây ra một mối đe dọa lớn hơn. Đó là một sự thất vọng gây ra bởi cường quyền và sức mạnh trên lòng tốt và công lý trên thế giới. Mất hy vọng. Mất tình yêu. Đánh mất chính mình...

Nhưng đây chẳng lẽ không phải là điều mà cái ác và bóng tối, những thứ đã cầm vũ khí chống lại chúng ta, mong muốn trong thâm tâm của họ sao?

Chúng ta đã chống lại họ hơn ba trăm ngày và tám năm. Và chúng ta sẽ cho phép họ đạt được những gì họ mong muốn sao?

Trong trận chiến này, chúng ta có một vũ khí mạnh mẽ và hiệu quả khác. Cây búa và thanh kiếm của tinh thần và ý thức của chúng ta. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Lòng can đảm và dũng cảm. Những đức tính khiến chúng ta làm điều thiện và chiến thắng điều ác.

Tác động chính của lòng dũng cảm là sự bền bỉ hoàn thành công việc của mình đến cùng, bất chấp mọi thứ. Sự thật soi sáng con đường của chúng ta. Chúng ta biết sự thật. Chúng ta bảo vệ chân lý. Sự thật của chúng ta là một cuộc đấu tranh cho tự do. Tự do có giá cao. Nhưng chế độ nô lệ thậm chí còn có giá cao hơn.

Con đường của chúng ta được soi sáng bởi niềm tin và sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn và niềm tin. Đây là những lực lượng sinh đôi. Như người ta đã nói, “người cai trị và kiểm soát tinh thần của chính mình, tốt hơn kẻ chiếm được một thành phố.” Chịu đựng không có nghĩa là chấp nhận hoàn cảnh. Nhẫn nhục là quan sát để bảo đảm rằng chúng ta không để bất kỳ nghi ngờ hay sợ hãi nào xâm nhập vào tâm trí mình. Đó là niềm tin vào sức mạnh của chính mình.

Cái ác không có vũ khí nào mạnh hơn áo giáp do Chúa ban cho chúng ta. Cái ác đập vào bộ giáp này như một bức tường đá. Chúng ta đã thấy điều này hơn một lần. Chúng ta chịu đựng khi bắt đầu chiến tranh. Chúng ta đã chịu đựng các cuộc tấn công, đe dọa, tống tiền hạt nhân, khủng bố, tấn công hỏa tiễn. Hãy chịu đựng mùa đông này vì chúng ta biết chúng ta đang chiến đấu vì điều gì.

Chúng ta đi qua những chông gai để đến những vì sao, biết rõ điều gì đang chờ đợi chúng ta ở cuối con đường. Thiên Chúa là Quan Án công minh ân thưởng người lành và trừng phạt kẻ ác. Chúng ta ở bên nào là điều hiển nhiên. Ai là ai trong trận chiến này là rõ ràng. Có ít nhất bảy bằng chứng về điều này – chúng được biết đến – “Mắt kiêu ngạo, Lưỡi dối trá, Tay làm đổ máu người vô tội, Lòng toan những điều ác, Chân vội vàng làm điều gian ác, Kẻ làm chứng dối nói ra những điều dối trá, Và kẻ gieo sự bất hòa giữa anh em.” Chúng ta phản đối tất cả điều này. Là một gương mẫu cho người khác. Tín hữu, nghĩa là những người thực sự tin, phải là ánh sáng cho phần còn lại của thế gian. Trong hơn ba trăm ngày, người Ukraine đã phấn đấu vì điều này, chứng minh điều đó, làm gương cho những người khác. Chúng ta có thể chưa phải là công chính, là thánh thiện, nhưng chúng ta chắc chắn đang chiến đấu vì sự thiện và chiến đấu vì ánh sáng, với niềm tin vào lời tiên tri trong Kinh thánh:

“Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi vì một hài nhi đã được sinh ra cho chúng ta!”

Chúng tôi tin rằng nước mắt sẽ được thay thế bằng niềm vui, hy vọng sẽ đến sau tuyệt vọng và cái chết sẽ bị cuộc sống đánh bại.

Người dân Ukraine thân mến!

Hôm nay và tất cả các ngày lễ mùa Đông trong tương lai, chúng ta phải đối diện với những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người sẽ nhìn thấy ánh sao đầu tiên trên bầu trời Bakhmut, Rubizhne và Kreminna hôm nay, dọc hàng ngàn cây số tiền tuyến. Nhiều người đang rong ruổi trên đường từ biên giới Ukraine-Ba Lan đến vùng Kherson hoặc Zaporizhzhia. Nhiều người sẽ nhìn thấy ánh sao qua những lỗ đạn của chính ngôi nhà của mình. Nhiều người sẽ ăn mừng ngày lễ ở nhà của người khác, của những người xa lạ – nhà của những người Ukraine đã cho người Ukraine trú ẩn. Ở Zakarpattia, Bukovyna, vùng Lviv, vùng Ivano-Frankivsk và nhiều vùng khác. Nhiều người sẽ nghe ca khúc Giáng Sinh Shchedryk bằng ngôn ngữ khác - ở Warsaw, Berlin, London, New York, Toronto và nhiều thành phố và quốc gia khác. Và Nhiều người sẽ gặp Giáng Sinh này trong tình trạng bị giam cầm, nhưng hãy nhớ rằng chúng tôi cũng đang đến vì người dân của mình, chúng tôi sẽ trả lại tự do cho tất cả những người nam nữ Ukraine.

Dù chúng ta ở đâu, chúng ta sẽ ở bên nhau ngày hôm nay. Và cùng nhau chúng ta sẽ nhìn lên bầu trời buổi tối. Và chúng ta sẽ cùng nhau nhớ về buổi sáng ngày 24 tháng 2. Hãy nhớ chúng ta đã trải qua bao nhiêu điều. Hãy nhớ Azovstal, Irpin, Bucha, Kramatorsk, Đảo rắn, Chornobayivka, Izium, Kherson. Chúng ta hãy thực hiện một điều ước. Một người vì mọi người. Và chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui. Một người vì mọi người. Và chúng ta sẽ hiểu sự thật. Một người vì mọi người. Không có máy bay không người lái kamikaze nào có khả năng dập tắt Bình minh Giáng Sinh. Chúng ta sẽ thấy ánh sáng của lễ Giáng Sinh ngay cả dưới lòng đất trong hầm tránh bom. Chúng ta sẽ lấp đầy trái tim của chúng ta với sự ấm áp và ánh sáng. Không hỏa tiễn Kinzhal nào có thể dập tắt niềm tin của chúng ta. Chúng sẽ gục ngã trước tinh thần thép của chúng ta. Và cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ tiếp tục mà không dừng lại. Nó không bị đe dọa bởi mất điện theo kế hoạch hoặc khẩn cấp. Và chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy thiếu dũng khí và bất khuất.

Chúng ta đã trải qua nhiều tin tức cay đắng và sẽ xứng đáng nhận được tin vui. Chúng ta sẽ hát những bài hát mừng Giáng Sinh – vui hơn bao giờ hết – to hơn cả tiếng máy phát điện. Chúng ta sẽ nghe thấy giọng nói và lời chào của người thân – trong trái tim của chúng ta – ngay cả khi dịch vụ liên lạc và Internet bị ngừng hoạt động. Và ngay cả trong bóng tối hoàn toàn – chúng ta sẽ tìm thấy nhau – để ôm nhau thật chặt. Và nếu không có hơi ấm, chúng ta sẽ ôm nhau thật chặt để sưởi ấm cho nhau.

Chúng ta sẽ ăn mừng ngày lễ của chúng ta! Như mọi khi. Chúng ta sẽ mỉm cười và hạnh phúc. Như mọi khi. Sự khác biệt chỉ có một: đó là chúng ta sẽ không chờ đợi kỳ tích. Chúng ta phải tự tạo ra kỳ tích.

Chúa Kitô đã xuống thế làm người! Hãy ngợi khen Ngài!
Source:Офіс Президента України - Phủ Tổng Thống Ukraine
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đêm thánh ca Mùa Hồng Ân tại giáo xứ Kitô Vua San Jose
Thái Phạm
05:56 24/12/2022
 
Các Trường Mầm Non Tham Quan Nhà Chung Thái Bình Dịp Giáng Sinh 2022
Gp Thái Bình
06:05 24/12/2022
Các Trường Mầm Non Tham Quan Nhà Chung Thái Bình Dịp Giáng Sinh 2022

Đã thành thông lệ, cứ vào mỗi dịp Giáng sinh, Nhà chung Giáo phận Thái Bình lại đón chào các em thiếu nhi thuộc các trường mầm non quanh khu vực thành phố Thái Bình đến vui chơi, tham quan. Được biết, trong những ngày 18–24.12.2022, Nhà chung đã đón tiếp hơn 4000 em thuộc 20 trường.

Xem Hình

Ban Giám hiệu các trường đã đăng ký trước với Nhà chung để các em nhỏ được đón tiếp, được hướng dẫn tham quan, được vui chơi giải trí tại khuôn viên Nhà chung Giáo phận và Nhà thờ Chính tòa trong bầu khí tưng bừng, lộng lẫy của mùa Giáng sinh.

Đây cũng là một hoạt động ngoại khoá nằm trong chương trình giáo dục của các trường mầm non. Đến với Nhà Chung, các bé được quý cha, quý thầy đồng hành và hướng dẫn. Bên cạnh việc được dẫn đi tham quan, các bé còn được hòa mình vào các hoạt động vui chơi múa hát. Có lẽ, đối với nhiều em, đây là lần đầu tiên được trực tiếp nói cho biết về ý nghĩa của lễ Giáng sinh, về Chúa Giê-su Hài Đồng một cách đơn sơ dí dỏm như thế. Các thầy cô giáo và các em cũng có những tiết mục văn nghệ rất đặc sắc, được chuẩn bị công phu để trình diễn, góp vui mừng lễ Chúa giáng trần.

Hoạt động ngoại khoá của các trường mầm non khép lại khi các bé được nhận những phần quà từ các “ông già Noel” cùng với tình thân ái và lời chúc an lành trong mùa Giáng sinh.
 
Phóng Sự Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền Đông Philadelphia PA
Vọng Sinh
11:40 24/12/2022
Phóng Sự Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền Đông Philadelphia PA

Càng tới gần ngày Lễ Chúa Giáng Sinh, lòng người như càng nôn nao một niềm vui rạo rực; cảnh vật trần gian như đang vươn mình tưng bừng trong hân hoan đón mừng Con Chúa Giáng trần.

Hòa chung trong niềm vui đó, các Ca đoàn Miền Đông Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam vừa có Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh tại Philadelphia, PA. Miền Đông thuộc Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa-Kỳ gồm 6 tiểu bang: DC, DE, MD, PA, VA, WV trong những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc trong lãnh vực Thánh Ca. Hành Hương Miền hàng năm tại Núi Đức mẹ Lộ-Đức Emmitsburg MD đã quy tụ nhiều anh chị em các ca đoàn từ khắp nơi về hát kính Mẹ. Đặc biệt từ Giáng Sinh 2018, do sáng kiến và sự cổ vũ của Cha Chủ Tịch Miền Phêrô Trịnh Minh Quân, Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền đầu tiên đã được tổ chức tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington VA, quy tụ các ca đoàn từ Arlington, Chantilly, Richmond VA; Washington DC; Silver Spring, Baltimore MD; Philadelphia PA. Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng hàng năm đã đươc chọn làm ngày Hội cho các ca đoàn họp nhau hát ca tụng Chúa, hát mừng Con Chúa Giáng Sinh. Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền lần II 2019 cũng đã được tổ chức tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington VA, với sự góp mặt của rất nhiều ca đoàn trong Miền.



Sau 2 năm giám đoạn vì đại dịch, Chúa Nhật mồng 4 tháng 12 vừa qua, 400 Anh Chị Em thuộc 16 Ca đoàn Miền Đông đã tề tựu về Giáo Xứ Saint Helena, Philadelphia PA, trong Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh Miền Đông lần III 2022.

Giáo xứ Saint Helena đã có hơn 100 năm, 20 năm do do Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí là Cha sở, là một Giáo Xứ Mỹ có trên 1100 gia đình, gồm người nói tiếng Tây Ban Nha khoảng 200 gia đình, Cộng Đoàn Việt Nam trên 300 gia đình với nhiều sinh hoạt nổi bật. Trong Đại Hội Gia Đình Thế Giới năm 2015 tại Philadelphia, lúc đó Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí là Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Cộng Đoàn Việt Nam tại đây đã đón tiếp trên 100 Các Đức Giám Mục, Linh Mục, Tu sỹ, giáo dân từ Việt Nam về nhà mình suốt tuần Lễ Đại Hội. Anh Chị Em Ca đoàn cũng được vinh dự đóng góp một bài hát tiếng Việt trong Thánh Lễ Đại Trào với Đức Thánh Cha Phanxicô lúc đó mới lên ngôi Giáo Hoàng được 2 năm.

Đại Hội Thánh Ca Giáng Sinh năm nay đặc biệt có sự góp mặt của 3 vị khách mời đặc biệt là Ca sỹ Tấn Đạt từ California, Sơ Ái Liên từ Việt Nam đang du học tại Hoa-Kỳ chuyên ngành Âm Nhạc, và Linh Mục Nhạc Sỹ Nguyễn Hùng Cưòng từ New York City, đã làm cho chương trình thêm phong phú và sinh động thêm lên rất nhiều. Trong lời chào mừng mở đầu, Đức Ông Trí đã nhấn mạnh sự hy sinh cống hiến liên lỷ của Anh Chị Em ca viên hàng tuần, thời gian tập hát, ca trưởng dành bao nhiêu công sức soạn bài hát…

Hướng về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 2023, Đại Hội Thánh Ca đã lấy chủ đề: Giêsu - Đường Hiệp Hành, để cùng hướng về một Giáo Hội Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ.

Chương trình kết thúc với một bầu khí rất tưng bừng hùng tráng: 400 Anh Chị Em Ca viên trên Cung Thánh hát vang bài ca Thắp Sáng Trong Con Tình Yêu Chúa, để con mang Tin Mừng Chúa Giáng Sinh đến cho muôn người, và lời ca Hát Khen Mừng Chúa Giáng Sinh Ra Đời.



Cha Chủ Tịch Miền Phêrô Trịnh Minh Quân đã kết thúc với lời tri ân Cha Sở, Ban Thường Vụ, Các Hội Đoàn Giáo Xứ Saint Helena, đã đón tíếp, sắp xếp, tổ chức ngày Đại Hội thật chu đáo; và tuyên bố Đại Hội Thánh Ca Miền Đông 2023 vào Ngày 10/12/2023 tại Gx Lòng Chúa Thương Xót, Philadelphia PA.

Ngay sau đó là bữa cơm thân mật tại Hội trường Giáo Xứ trong tình thân thương mến.

Mọi người ra về mang theo niềm vui rộn ràng như đang còn ở trong những giây phút đầu tiên của chương trình!

Vọng Sinh, VA

Mùa Giáng Sinh 2022
 
Đại Lễ Giáng Sinh Tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm 2022
Trần Văn Minh
18:10 24/12/2022
Melbourne, từ lúc 8 giờ tối Thứ Bảy 24/12/2022. Hợp cùng Giáo Hội Hoàn Vũ, Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, thuộc Tổng Giáo phận Melbourne đã cử hành đại lễ Giáng Sinh 2022 thật trọng thể tại lễ đài của trung tâm.

Xem hình

Trong một ngày trời đẹp dù đang mùa Hè Nam Bán Cầu, không khí và thời tiết rất lý tưởng cho các sinh hoạt ngoài trời. Một hang đá và một cây thông Noel đã được chuẩn bị sẵn sàng chờ đón Chúa Hài Đồng. Mọi người từ khắp nơi đã tề tựu đông đủ để cùng nhau dâng lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2022 trong niềm hân hoan mừng Đấng Cứu Thế nhập thể. Những tà áo dài đủ mầu sắc, và với đủ mọi thành phần dân Chúa từ quý cụ ông, cụ bà đi phải chống gậy, đi phải bám vào xe. Cho đến nam thanh, nữ tú, và các cháu thiếu nhi, với nét mặt tươi vui cùng về dâng lễ mừng Chúa Sinh ra đời, vì Ngài là đấng cứu tinh của nhân loại. Ai cũng đến sớm để chào hỏi nhau và cũng để chờ được ôn lại kinh thánh qua buổi diễn nguyện với chủ đề Giáng Sinh Tình Yêu 2022. Và một số cũng đến hang đá và cây thông rực sáng ánh đèn để chụp hình trước giờ lễ.

Đại lễ có hai phần chính: phần diễn nguyện Giáng Sinh tình yêu và phần Đại Lễ Giáng Sinh. Phần diễn nguyện do các đoàn thể trong cộng đoàn, từ các em thiếu nhi, các thiếu niên giới trẻ và các ca đoàn, qua nhưng trang phục cổ Ai Cập và Do Thái của thời rất xa xưa. Do hai em: Trung thiếu niên và Madison TNTT làm MC hướng dẫn chương trình với những cố gắng đọc rõ được tiếng Việt trong phần việc phụ trách. Phần diễn nguyện trình diễn thật xuất sắc diễn lại hoạt cảnh từ thời cựu ước. Bắt đầu là cảnh diễn tả trong Sách Sáng Thế. Cảnh lưu đầy để đến thời Mô sê cứu dân Ngài thoát vòng nô lệ, đưa qua sa mạc và Ông Mô Sê lên núi nhận 10 điều răn của Chúa. Cảnh Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ, cảnh Chúa Cứu Thế Giáng Trần. Kết thúc là các cháu thiếu nhi, thiếu niên trong bài ca Giáng Sinh trong niềm hân hoan. Phần soạn các hoạt cảnh do, cô Thanh Huyền chỉ đạo, Jane Mai biên kịch, và được đạo diễn tập thể và phần phối âm làm nhạc nền do nhạc sỹ Quốc của cộng đoàn biên soạn, và trang phục cổ, đã làm cho đêm diễn nguyện rất thành công, giúp mọi người có dịp ôn lại kinh thánh.

Các diễn viên diễn rất hay, lại được sự phụ giúp của phần kỹ thuật âm thanh Anh Thành Khổng và gia đình,, ánh sáng nổi tiếng với phun khói và tuyết rơi do anh Chương Trần cùng các kỹ thuật viên anh Hạnh, anh Thiên, anh Thân phụ trách đã giúp cho buổi diễn nguyện sống động và thành công rất tốt đẹp.

Đúng 9 giờ tối, Đại lễ Giáng Sinh do Linh mục Giuse Phạm Minh Ước SJ, tuyên úy Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm chủ tế, cùng với Linh mục Phạm Văn Ái SJ tuyên úy đồng tế. Sau khi đoàn đồng tế rước tượng Chúa Hài Đồng đặt nằm trong hang đá. Ca đoàn Vô Nhiễm trong đồng phục áo dài mầu đỏ rất đẹp đã xuất sắc trong các bản thánh ca của đêm Giáng Sinh cực Thánh.

Cuối lễ, Ông Nguyễn Quốc Dũng, trưởng Ban mục vụ của cộng đoàn lên chúc mừng Giáng Sinh đến quý cha, quý tu sỹ nam, nữ, và toàn thể cộng đoàn. Trong cương vị trưởng ban mục vụ, ông cũng cám ơn đến tất cả các đoàn thể đóng góp cho phần diễn nguyện bằng cách hy sinh thời giờ để tập luyện. Quý vị trong các đoàn thể và cá nhân đã giúp trang trí lễ đài, cây thông, hang đá cùng với cha tuyên úy để không khí ngày đại lễ thêm long trọng và xinh tươi đón mừng Chúa Giáng Sinh giúp tăng thêm niềm vui cho cả cộng đoàn, để mọi người cùng đón nhận hồng ân cứu độ trong đêm linh thánh.

Đáp từ, Cha Phạm Minh Ước tuyên úy nói, cũng xin được cố tình nhắc lại lời cảm ơn của ông trưởng ban Mục Vụ Cộng Đoàn để chân thành cảm ơn đến Ban Mục vụ Cộng đoàn, các hội đoàn, đoàn thể kể cả các cháu thiếu nhi đã chung tay để cùng nhau tổ chức ngày lễ Giáng Sinh năm nay được mọi sự tốt đẹp, chúng ta cùng tạ ơn Chúa.


Kết thúc đại lễ là phần phát quà của hai Ông già Noel là hai cha tuyên úy, mọi người trước khi chia tay đã chụp hình lưu niệm và hân hoan chúc mừng Giáng Sinh an bình cho nhau. Trời về khuya, gió mát khiến lòng người cũng vui hơn. Lời chúc mừng Giáng Sinh vui vẻ và những cái bắt tay mừng nhau. Ai cũng tươi cười rạng rỡ từ các em bé cho đến các cụ già trong niềm vui Mừng Chúa Giáng Sinh 2022.

 
Giáo Xứ Bắc Hải Hố Nai Mừng Lễ Giáng Sinh
Khổng Hữu Nguồn
18:24 24/12/2022
Giáo Xứ Bắc Hải Hố Nai Mừng Lễ Giáng Sinh

Hòa cùng niềm vui hân hoan của toàn thể Giáo Hội trong đêm mừng Chúa Giáng Sinh 24/12/2022, mọi thành phần dân Chúa Giáo xứ Bắc Hải, Hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc đã quy tụ về khuôn viên thánh đường để chia sẻ niềm vui, cùng nhau canh thức trong Đêm Thánh Vô Cùng và sốt sắng tham dự Lễ Thánh.

Xem Hình

Cùng dâng lễ với cha Đaminh Bùi Văn Án chánh xứ, có cha Phó Vicente Nguyễn Minh Tiến và cha Phụ tá Giuse Nguyễn Văn Tịch.

Tham dự lễ có qúy Dì hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc, qúy Cộng đoàn Phụng vụ.

Trước lễ là giờ canh thức, cộng đoàn được các em thiếu nhi diễn tả lại lịch sử Cứu Độ. Khởi đi từ biến cố Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật và con người, sự sa ngã, niềm trông đợi của Dân Thánh. Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả. Truyền tin cho Đức Maria, và cao điểm là mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngôi Lời Nhập Thể.

Qua giây phút canh thức, giúp cộng đoàn ý thức về sự quan phòng và chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa trong suốt hành trình lịch sử dân Chúa.

Mở đầu thánh lễ, cha xứ Đaminh dâng lời chào mừng qúy cha, qúy tu sĩ và cộng đoàn. Ngài mời gọi mọi người hướng về Chúa Hài Đồng Giêsu trong đêm cực thánh, xin ơn bình an của Chúa cho thế giới, cho Giáo Hội, cho quê hương đất nước, cho xứ đạo, cho các gia đình và đặc biệt cho mỗi người chúng ta.

Tuy thánh lễ đông người và ở ngoài trời, màn đêm sương xuống mát dịu. Mọi người giữ nghiêm trang trật tự, lắng đọng tâm hồn, tham dự lễ thánh cách sốt sắng. Hơn nữa, ca đoàn giáo xứ hát rất hay, những bài thánh ca phụng vụ giáng sinh nghe du dương thánh thoát.

Với chất giọng trìu mến dễ thương của cha phụ tá Giuse, khiến từng lời, từng lời giảng của Ngài về mầu nhiệm Giáng Sinh, Ngôi Lời Nhập Thể, về đời sống đạo… giúp cộng đoàn dễ dàng đón nhận Lời Chúa cũng như thực thi Lời Chúa dạy.

Trước khi nhận phép lành kết lễ, cha xứ Đaminh vui mừng công bố thư chúc mừng giáng sinh của hai Đức Cha Giáo Phận, của Chính quyền các cấp: Tỉnh, Thành Phố, Phường và trường học.

Trong dịp này cha xứ cầu chúc mọi người được sống trong bình an của Chúa, đồng thời mời gọi mọi người cũng hãy chia sẻ những bình an ấy đến với anh chị em sống chung quanh và nhất là trong gia đình, trong họ đạo, xứ đạo.

Và cha xứ cũng không quên nói lời cảm ơn đến cộng đoàn với một sự hiện diện hết sức đông đảo, mà trong đó có cả những anh chị em ở hải ngoại cũng về quê nhà mừng lễ và ăn tết. Cha xứ cảm ơn đến hai cha cùng đồng tế, đến qúy dì, ca đoàn xứ, qúy chức ban hành giáo, qúy vị trong nhóm thiện chí, qúy ông anh em gia trưởng, qúy ban điều hành các giáo họ, qúy giới, qúy đoàn thể, qúy ân nhân đã góp công sức trí tuệ làm cho mùa lễ giáng sinh được long trọng, đem lại nhiều bổ ích tinh thần đạo đức cho mọi người.

Sau khi lãnh nhận phép lành với ơn toàn xá, cộng đoàn cùng qúy cha hướng về hang đá Belem đồng thanh hát vang bài ca đêm đông “Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bê lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng, nghe trên không trung, tiếng hát thiên thần vang lừng, đàn hát réo rắt tiếng hát, xướng ca dư âm vang xa đây Chúa thiên tòa giáng sinh vì ta. Người hỡi hãy kịp bước tới, đến xem nơi hang Bê lem Thiên Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn…”

Trời đất Hố Nai mùa Noel như mở hội! đèn sao lung linh ánh điện, những sắc mầu giáng sinh đẹp mắt, trang hoàng khắp nơi, tiếng chuông giáo đường ngân vang, tiếng hát thánh ca giáng sinh rộn ràng rót vào lòng người “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2,14).

Giáng sinh vui tươi thánh thiện! Xin kính chúc mọi người mùa Giáng Sinh AN LÀNH và NĂM MỚI 2023 tràn đầy PHÚC LỘC.

Giuse Khổng Hữu Nguồn

Cựu Truyền Thông Giáo Xứ Bắc Hải
 
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và hơi ấm Giáng Sinh cho những người nghèo
Thanh Phương /RFI
21:46 24/12/2022
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và hơi ấm Giáng Sinh cho những người nghèo

Người dân Sài Gòn đón Lễ Giáng Sinh năm nay trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất trong một số ngành bị đình trệ, hàng chục ngàn công nhân mất việc, cuộc sống của người lao động nghèo ở thành phố đông dân nhất Việt Nam càng thêm khốn đốn.

Theo lời linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng, chánh xứ nhà thờ Vườn Xoài ở đường Lê Văn Sỹ, Sài Gòn, thời điểm này càng là lúc để Giáo Hội Công Giáo đồng hành với những người không may mắn, cụ thể là qua những bữa ăn trưa miễn phí mà nhà thờ Vườn Xoài chuẩn bị cho họ mỗi ngày:

" Khoảng gần 100.000 công nhân đã mất việc, và điều này ảnh hưởng không chỉ đến các tỉnh mà cả thành phố nữa. Thứ hai là về cơ bản đời sống của người dân thành phố cũng chật vật trong thời buổi kinh tế đang suy thoái, nhiều người không có đủ cơm ăn, áo mặc. Chính vì vậy mà Giáo hội không đứng bên lề, mà luôn đồng hành với họ, nghĩ ra một cách nào đó để giúp họ phần nào. Những bữa ăn là điều họ quan tâm.

Trước đây, khi mình còn làm ở giáo xứ cũ thì tệ nạn xã hội nhiều, bởi vì họ đói thì họ đi kiếm thôi. Nhưng mà từ khi mình mở quán ăn, họ bớt đi tệ nạn nhiều. Đó là điều mình thấy được lúc trước ở giáo xứ cũ. Bây giờ về giáo xứ mới này thì lượng người đông hơn, nhu cầu nhiều hơn, tại vì khu vực từ ga xe lửa Sài Gòn, chạy dọc theo đường Lê Văn Sỹ, đến Lăng Cha Cả, người giàu cũng có, nhưng đa số là những người nghèo, đi làm thuê cho những người chung quanh đó, khá giả hơn. Cho nên cuộc sống của họ rất chật vật, khó khăn.

Chính vì vậy chúng tôi cố giúp đỡ họ bằng cách mở một quán cơm, ít ra là họ được một bữa trưa, như có người nói rằng: " Con chỉ ăn một bữa trưa này thôi, vì sáng nay con không ăn, chiều cũng không ăn". Quả thực có những hoàn cảnh rất là tội! Đó là động lực để mình giúp người nghèo nhiều hơn".

"Quán cơm 2000" do cha Hùng lập ra, “khai trương” đầu tháng 10, đã hoạt động liên tục từ đó cho đến nay. Đây vẫn là công việc mà cha Hùng đã làm từ 8 năm qua khi còn là chánh xứ Martino Thị Nghè, trước khi được bổ nhiệm chánh xứ Nhà thờ Vườn Xoài cách đây hơn 3 tháng. Kể cả khi dịch Covid-19 hoành hành dữ dội ở Việt Nam, thành phố Sài Gòn phải sống “giãn cách”, những bữa ăn vẫn đến với người nghèo dưới hình thức “Điểm phát cơm miễn phí hỗ trợ mùa dịch Covid mỗi ngày”.

Nhu cầu về những bữa ăn miễn phí này càng lớn cùng với những khó khăn kinh tế hiện nay, ngay cả tại những khu vực được xem là giàu ở Sài Gòn, theo lời cha Vũ Minh Hùng.

Khi chúng tôi đến thăm nhà thờ Vườn Xoài hôm 13/12, từ sáng sớm, các giáo dân tình nguyện đã tất bật chuẩn bị cho bữa ăn trưa hôm đó, người thì rửa rau, người thì xào nấu, người thì xếp bàn ghế, để khoảng 10 giờ rưỡi sẽ đón tiếp cả trăm người sẽ kéo đến để được ăn bữa duy nhất trong ngày với đầy đủ rau thịt tươi sống, đầy đủ chất bổ.

Cha Hùng đặt tên là "Quán cơm 2000" để những người đến đây không cảm thấy như được ăn bố thí, mà mỗi người chỉ bỏ một món tiền rất nhỏ là 2.000 đồng để nhận một khay thức ăn, thay vì phải bỏ ra ít nhất 20.000 hay 30.000 đồng mới được một bữa cơm bình dân với chất lượng thua xa.

Quán cơm 2000 phục vụ “thực khách” từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Nhà thờ Vườn Xoài huy động những nguồn nhân lực, tài lực nào để có thể bảo đảm mỗi ngày đều có những bữa tươi ngon như thế, cha Vũ Minh Hùng cho biết:

" Về nhân lực thì các giáo dân khi được kêu gọi, mọi người đều chung tay. Điều đó có thể được thấy rõ, vì mỗi ngày có đến mấy chục người đến phục vụ, buổi sáng làm rau, rồi xế trưa một nhóm khác đến rửa khay, rửa chén, rồi một số khoảng mười mấy, hai chục người phục vụ cho khách. Nhưng mình tạo cho họ sự tự giác, đó là mỗi người đến lấy phần ăn, ăn xong rồi đưa đến cho người ta rửa.

Còn về tài chính, thực lực trong giáo xứ thì nhiều, rồi cũng có người này người kia cho vài trăm ngàn, một triệu, hai triệu... để phụ vào, nhưng nguồn lực của giáo xứ là chính. Các nhà hảo tâm lâu lâu cũng có. Chúng tôi đã duy trì việc này từ 8 năm nay rồi."

Dĩ nhiên là Lễ Giáng sinh và tiếp đến là ngày Tết càng là dịp để Giáo hội chia sẽ niềm vui với những người nghèo, để họ được thêm hơi ấm của tình thương, với những bữa ăn đặc biệt hơn, với những phần quà Noel, theo lời cha Vũ Minh Hùng.

Hoạt động trên phạm vi toàn quốc, “Nhóm Liên kết Tông đồ Bác ái Xã hội”, quy tụ phần lớn là các cựu sinh viên công tác xã hội và xã hội học, cũng có những hoạt động hướng về người nghèo trong dịp Lễ Giáng sinh và ngày Tết sắp đến, theo lời sơ Maria Trần Thị Thu Thủy, nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, và là một thành viên của nhóm:

" Dù là cho người cao tuổi, hay cho trẻ đồng bào ( dân tộc thiểu số ), trẻ hoàn cảnh khó khăn, hay người khuyết tật, ngày Giáng sinh hay ngày Tết đều là những ngày đa ý nghĩa, để cho người nghèo được cảm nhận một cái Tết. Những ngày thường thì họ đã ăn thiếu thốn rồi và họ cũng không cảm nhận được một bữa no là ngon như thế nào. Cho nên thường thì các nhóm hoạt động như chúng em quan tâm cho một món quà, hay một cái gì đó đặc biệt hơn, một bữa cơm đặc biệt hơn, cho họ cảm nhận được ngày vui, ý nghĩa của ngày lễ.

Ở thành phố thì Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán cũng có hai mái ấm, liên kết với Caritas Việt Nam hay Caritas Sài Gòn để họ hỗ trợ để các em vui mùa Giáng sinh với các bạn bè thành phố."

Theo lời cha Vũ Minh Hùng, nói chung, giúp những người nghèo bằng những bữa ăn tình thương tại nhà thờ Vườn Xoài chỉ là một trong vô số những hoạt động xã hội, từ thiện của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói chung và Giáo phận Sài Gòn nói riêng hướng về những gia đình gặp khó khăn. Có nơi tổ chức chăm lo cho những người nghèo, có nơi thì hướng nghiệp, hoặc trợ cấp vốn, hoặc lập các các quỹ, các học bổng, …

Tại một chòi bếp của người thiểu số tại Suối Máu, Hàm Tân, Phan Thiết: Các trẻ em con của người cùi được một sơ dạy học và cho uống sữa.

Tại một chòi bếp của người thiểu số tại Suối Máu, Hàm Tân, Phan Thiết: Các trẻ em con của người cùi được một sơ dạy học và cho uống sữa. © Nhóm Liên kết Tông đồ Bác ái

Riêng nhóm “Nhóm Liên kết Tông đồ Bác ái Xã hội” của sơ Thủy cũng có nhiều chương trình học bổng cho các trẻ em nghèo, nhất là trẻ em người dân tộc thiểu số. Nhưng không chỉ cấp học bổng, họ còn cố gắng giúp cho trẻ được học hành đến nơi đến chốn:

" Mình được dạy là giúp con người thì giúp cần câu hơn là giúp con cá, và giúp phải có phương pháp khoa học, nhất là trong xã hội ngày nay, giúp đỡ cho người nghèo thì phức tạp và khó khăn hơn ngày xưa. Không chỉ cho học bổng là xong, mà phải đồng hành, giúp đỡ, tập huấn, hướng dẫn cho cha mẹ nâng cao nhận thức, để trẻ thức được việc học là quan trọng đối với tương lai của trẻ. Và đi tới hướng nghiệp.

Cộng đồng có nhiều gia đình nghèo dẫn đến giáo dục nghèo. Chẳng hạn như ở vùng miền núi ở Tây Bắc, ở Điện Biên, bây giờ mình có cho họ học bổng, thì việc học của con họ cũng chỉ đến lớp một, lớp hai và nhiều khi con họ mất căn bản thì họ thôi. Nhưng việc nâng cao nhân thức cho họ thì rất là cực. Bước đầu mình phải phân chia nhóm, tổ chức cho họ sinh hoạt và nhiều khi cho họ tham khảo những chương trình học bổng đã làm trước và đã có hiệu quả.

Bây giờ người ta hay dùng từ "phát triển tự dân", một phương pháp đến từ châu Âu và đã được áp dụng ở châu Phi, hiện tại cũng được ứng dụng ở Việt Nam như Caritas Phan Thiết hay Caritas Đà Lạt. Gọi là tác động đa chiều tức là mình không chỉ quan tâm đến học bổng, mà còn quan tâm đến bối cảnh của họ, để mình phân tích, rồi tùy đặc điểm của vùng đó mà người phục vụ lên một kế hoạch nâng cao nhận thức từng bước một cho người dân."

Tuy nhiên hiện giờ, theo lời sơ Thủy ngân sách cho những học bổng đó chủ yếu trích từ thu nhập của các nhà dòng, hoặc từ tiền bán lịch, bán đồ thủ công mỹ nghệ vào dịp Tết, chứ không thật sự dồi dào để đáp ứng các nhu cầu rất lớn về học tập của trẻ em nghèo ở Việt Nam, nhất là vùng xa, vùng sâu.
 
VietCatholic TV
Bộ Tư Lệnh quân Chechnya trúng HIMARS. Bakhmut: 8 Lữ Đoàn Ukraine chống lại 40,000 tù hình sự Nga
VietCatholic Media
03:28 24/12/2022


1. Bộ Tư Lệnh quân Chechnya trúng HIMARS. Nga tung 50.000 quân tấn công thành phố Bakhmut

Bên ngoài Tokmak ở vùng Zaporizhia, Bộ Tư Lệnh của lực lượng xâm lược Nga đã bị tấn công bởi hỏa tiễn dẫn đường chính xác của Ukraine. Một nhóm quân Chechnya được tường trình đang có mặt tại địa điểm bị tấn công vào lúc đó.

Đại Tá Georgi Gleba đã cho biết như trên trong báo cáo của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine sáng thứ Bẩy 24 tháng 12.

“Chuyện xảy ra ngày hôm qua trong khoảng thời gian từ 22h50 đến 23h40. Các nguồn tin địa phương báo cáo rằng nhiều người Chechnya đã tử thương trong giấc ngủ của họ, cùng với trụ sở của Bộ Tư Lệnh lực lượng xâm lược. Thông tin đang được xác minh”.

Người Chechnya tham gia cuộc chiến tại Ukraine đứng về cả hai phe. Nhà lãnh đạo Chechnya hiện nay là Ramzan Kadyrov. Cha của ông ta được cho là bị Putin ra lệnh giết. Tuy nhiên, trong cuộc chiến Chechnya ông ta lại đứng về phía Putin, đàn áp đồng bào mình, để được hưởng những lợi lộc của Nga. Phe kháng chiến người Chechnya tham gia cùng với quân Ukraine chiến đấu chống lại Nga. Quân Chechnya của Ramzan Kadyrov chiến đấu bên cạnh quân Nga chống lại quân Ukraine, được gọi là quân Kadyrovite theo tên của Kadyrov.

Ở hướng Luhansk, quân đội Nga đang liên tục chịu áp lực từ Lực lượng Phòng vệ Ukraine.

Theo Đại Tá Georgi Gleba, hướng Luhansk là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề thứ ba về mức độ nghiêm trọng và cường độ giao tranh, sau Bakhmut và Avdiivka. Trước các tổn thất nhân mạng quá cao, quân Kadyrovite đã nhiều lần từ chối chiến đấu. Ramzan Kadyrov cũng không ép họ ra trận vì trong một lúc bốc đồng ông ta đã đưa đứa con trai mới 14 tuổi của mình tham gia trong cuộc chiến ở Donbas. Chính vì thế, quân Kadyrovite thường chỉ thực hiện chức năng hiến binh, không lao vào các đơn vị tiền tuyến, vì vậy Nga đang chuyển các đơn vị mới đến khu vực Luhansk, được bổ sung từ những người mới bị gọi nhập ngũ.

“Tuy nhiên, chúng tôi ngăn chặn mọi nỗ lực phản công của họ bằng những đòn phản công gay gắt. Thông thường, đó là các cuộc tấn công bằng pháo binh từ các hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và nếu cần, chúng tôi tung ra các cuộc phản công bằng bộ binh. Lực lượng hỏa tiễn và pháo binh của chúng ta giao chiến với họ hàng ngày, cố gắng liên tục phá hủy các kho đạn dã chiến của họ. Hai trong số những kho đạn của quân xâm lược đã bị trúng đạn ngày hôm qua. Chúng ta tiêu diệt các sở chỉ huy và các cụm tập trung quân địch. Đó là lý do tại sao kẻ thù liên tục chịu áp lực của chúng tôi”

Theo Đại Tá Georgi Gleba, Bakhmut vẫn là phần nóng nhất của mặt trận. Chỉ trong ngày hôm qua, 266 cuộc tấn công của quân xâm lược bằng tất cả các loại pháo, hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và xe tăng đã được ghi nhận theo hướng Bakhmut, và hơn 15 cuộc đụng độ đã diễn ra. Ít nhất 300 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến.

Ông cho biết theo Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, Nga đã tung vào chiến trường này khoảng 50,000 quân, trong đó có 40,000 quân Wagner mà chủ yếu là các tù hình sự được Wagner tuyển dụng từ các trại giam. Họ bị buộc phải chiến đấu trong 6 tháng trên chiến trường Ukraine. Sau thời gian đó, nếu sống sót họ được tha miễn tất cả các bản án, bất kể bản án đó nặng nề đến mức nào.

“Thông thường, các chỉ huy Wagner chỉ thản nhiên ném mọi người vào máy nghiền chiến tranh, mất nhân lực và thiết bị chiến đấu, trong khi tăng được cùng lắm vài mét. Chúng tôi có hệ thống phòng thủ di động, mà chúng tôi gọi là phòng thủ thông minh, nhằm gây sát thương tối đa, đồng thời giảm thiểu tổn thất của bản thân và ngăn chặn các cuộc đột phá có hệ thống của kẻ thù,” ông nói.

Đại Tá Georgi Gleba rằng mặt trận linh hoạt theo hướng Bakhmut. “Điều này có nghĩa là khi động lực của cuộc giao tranh diễn ra như vậy, đôi khi sẽ khôn ngoan hơn nếu một số đơn vị rút lui, tập hợp lại, để sau này có cơ hội tiến hành các hoạt động phản công – chứ không giống như người Nga vẫn làm là điên cuồng lao đầu húc tới”

Như đã báo cáo, thiệt hại chiến đấu của địch quân từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 23 tháng 12 đã tăng lên 100.950 người, bao gồm 550 người chỉ trong ngày hôm qua.

2. Bakhmut 'đẫm máu' khi 8 lữ đoàn tốt nhất của Ukraine chiến đấu với 40,000 cựu tù nhân Nga

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Bakhmut Is ‘Soaked In Blood’ As Eight Of Ukraine’s Best Brigades Battle 40,000 Former Russian Prisoners”, nghĩa là “ Bakhmut 'đẫm máu' khi 8 lữ đoàn tốt nhất của Ukraine chiến đấu với 40.000 cựu tù nhân Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Công ty lính đánh thuê của Nga The Wagner Group kể từ mùa hè này đã cố gắng, và cho đến nay vẫn thất bại, trong việc chiếm thị trấn Bakhmut ở vùng Donbas phía đông Ukraine.

Đối với Wagner, Bakhmut là một biểu tượng. Khi chiếm giữ những tàn tích của thị trấn không còn sự sống, nằm cách 10 dặm về phía tây nam Severodonetsk do Nga xâm lược—là một trong những thành phố lớn hơn của Donbas—Wagner rõ ràng muốn thiết lập chính nó như một lực lượng thay thế cho quân đội chính quy của Nga.

Nhưng ít nhất tám lữ đoàn nặng nhất của quân đội Ukraine tiếp tục làm gián đoạn kế hoạch của Wagner—và biến trận chiến giành Bakhmut thành một tuyên bố về điểm yếu của Wagner hơn là sức mạnh của nó.

“Quân đội Nga và lính đánh thuê đã tấn công Bakhmut không ngừng kể từ tháng 5,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Tư. “Họ đã tấn công thành phố này cả ngày lẫn đêm, nhưng Bakhmut vẫn đứng vững.”

Các lữ đoàn Ukraine trong và xung quanh Bakhmut—Lữ đoàn bộ binh 60 và Lữ Đoàn Dù số 71, Lữ đoàn cơ giới 24, 57 và 58, Lữ đoàn xe tăng 4, Lữ đoàn cơ động 46, Lữ đoàn sơn cước 128 và các lữ đoàn khác—đại diện cho lực lượng quân sự tích cực nhất của Kyiv, mà trong 10 tháng chiến đấu gian khổ đã tích lũy được nhiều vũ khí mới và nặng hơn đồng thời chuyển kinh nghiệm chiến trường sâu rộng thành chiến thuật tốt hơn và khả năng lãnh đạo các đơn vị nhỏ.

Mỗi lữ đoàn quân Ukraine có thể có 3,000 quân và hàng trăm xe bọc thép trở lên cộng với pháo binh và máy bay không người lái.

Trận chiến giành Bakhmut đang diễn ra. Wagner đã tấn công - một lần nữa - vào tuần trước. Người Ukraine đã phản công — một lần nữa — trong tuần này. Đến thứ Tư, tiền tuyến đã đủ ổn định để Zelenskiy ghé vào Bakhmut để thăm nhanh đơn vị đồn trú địa phương. Một ngày sau, Zelenskiy đang trên đường tới Washington, DC để phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ.

“Năm ngoái, 70,000 người sống ở Bakhmut, tại thành phố này, và giờ chỉ còn rất ít thường dân ở lại,” Zelenskiy nói với các nhà lập pháp từ Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ.

“Từng tấc đất đó đều thấm máu; tiếng súng nổ vang lên mỗi giờ,” Zelenskiy nói thêm. “Các chiến hào ở Donbas đổi chủ nhiều lần trong ngày trong các cuộc giao tranh khốc liệt, thậm chí là đánh xáp lá cà. Nhưng Donbas của Ukraine vẫn đứng vững”.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Wagner sắp bỏ cuộc. Nhưng những tổn thất nặng nề - không chỉ ở bộ binh mà còn ở các phi công tấn công của công ty lính đánh thuê - đã làm giảm cơ hội của Wagner.

Sau khi sử dụng hết đội ngũ chiến binh lành nghề ban đầu trong vài nỗ lực đầu tiên để chiếm Bakhmut, công ty này vào mùa thu này đã bắt đầu tuyển mộ hàng nghìn tù nhân từ các nhà tù của Nga—và đẩy họ về phía Bakhmut mà không được đào tạo hoặc trang bị đầy đủ. Theo phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby, Wagner có thể có tới 50,000 chiến binh ở Ukraine, 40,000 trong số đó là cựu tù nhân.

Trớ trêu thay, Wagner càng đến gần trung tâm thành phố Bakhmut, tình trạng khó khăn của nó càng trở nên nghiêm trọng hơn. “Giao tranh dữ dội đã xảy ra ở khu vực Bakhmut kể từ tháng 6 năm 2022, nhưng tiền tuyến chủ yếu ở vùng đất trống xung quanh các hướng tiếp cận phía đông của thị trấn,” Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh giải thích.

Bộ Quốc Phòng Anh cho biết thêm: “Cuộc chiến ít xảy ra giao tranh quy mô lớn, hay kéo dài ở các khu vực dân cư đông đúc kể từ khi quân Nga tiến vào Lysychansk và Severodonetsk vào tháng 7/2022”.

Chiến đấu trong đô thị đòi hỏi “bộ binh được đào tạo bài bản với khả năng lãnh đạo cấp cơ sở xuất sắc”, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết. Các lữ đoàn của Ukraine có bộ binh được đào tạo bài bản, một phần nhờ vào các huấn luyện viên của NATO. Họ cũng có những thủ lĩnh cấp dưới giỏi, do văn hóa quân đội phân bổ trách nhiệm cho các sĩ quan và trung sĩ trẻ hơn là chỉ giao nó cho các đại tá và tướng già, như phong tục của Nga.

Khi trận chiến Bakhmut bước sang tháng thứ tám và ngày càng trở nên phức tạp, người Ukraine có thể có lợi thế. Bộ Quốc phòng Anh kết luận: “Kiểu chiến đấu này không có lợi cho các chiến binh Wagner được huấn luyện kém”.

3. Nhóm trinh sát và phá hoại của kẻ thù không thể vượt qua biên giới Ukraine ở vùng Sumy

Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ của Ukraine đã loại bỏ một nhóm phá hoại và trinh sát của Nga đang cố gắng vượt qua biên giới Ukraine ở khu vực Sumy.

Đại Tá Georgi Gleba đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo cáo Kyiv sáng thứ Bẩy 24 tháng 12.

Nhóm trinh sát và phá hoại của Nga đã vượt qua biên giới bang Ukraine vào sáng 22 tháng 12. Vụ việc diễn ra tại cộng đồng Krasnopillia thuộc vùng Sumy, gần làng Vysoke.

“Các lực lượng bảo vệ lãnh thổ của chúng ta đã giao chiến với nhóm phá hoại và trinh sát của Nga. Sau một trận chiến ngắn, quân xâm lược bị giết ít nhất hai người. Không có tổn thất nào về phía chúng ta”

Xin nhắc lại rằng, vào ngày 22 tháng 12, quân đội Nga đã 54 lần tấn công vào khu vực biên giới của vùng Sumy.

4. Ba tàu sân bay mang hỏa tiễn của Nga với tổng cộng 20 hỏa tiễn hành trình loại Kalibr hiện đã sẵn sàng chiến đấu ở Hắc Hải.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 24 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk cho biết:

“Quân xâm lược đã tăng số lượng tàu sân bay hỏa tiễn ở Hắc Hải lên ba chiếc. Tổng cộng, 20 hỏa tiễn loại Kalibr hiện đã sẵn sàng chiến đấu”

Xin nhắc lại rằng, tính đến 10 giờ sáng ngày 22 tháng 12 năm 2022, 9 tàu chiến Nga vẫn đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở Hắc Hải, trong đó có một tàu sân bay được trang bị 4 hỏa tiễn hành trình loại Kalibr.

Cũng trong cuộc họp báo này, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Đại Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết quân đội Nga đã tăng số lượng binh sĩ và khối lượng thiết bị quân sự và đạn dược, được chuyển đến các khu vực chiến sự bằng đường sắt.

Ông cho biết quân Nga đang cố gắng tiến hành các hoạt động tấn công theo hướng Lyman, Bakhmut và Avdiivka, đồng thời tổ chức phòng thủ theo hướng Novopavlivka, Zaporizhzhia và Kherson.

Trong ngày qua, quân đội Nga đã thực hiện 1 cuộc tấn công hỏa tiễn, 4 cuộc không kích và 16 lần khai hỏa bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Mối đe dọa tấn công bằng hỏa tiễn và không kích vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine vẫn còn.

Ở hướng Bakhmut, quân đội Nga đã nổ súng gần 22 khu định cư, bao gồm Bilohorivka, Yakovlivka, Bakhmut, Klishchiivka, Bila Hora, Kurdiumivka, Druzhba, Zalizne và Vesele của vùng Donetsk. Ngoài ra, kẻ thù đã tiến hành các cuộc không kích gần Spirne và Bilohorivka.

Ở hướng Avdiivka, quân đội Nga nã pháo vào Vodiane, Pervomaiske, Nevelske và Marinka của vùng Donetsk.

Ở hướng Novopavlivka, quân xâm lược Nga đã sử dụng xe tăng và pháo binh nổ súng vào Paraskoviivka, Vuhledar, Zolota Nyva và Velyka Novosilka của vùng Donetsk.

Ở các hướng Zaporizhzhia và Kherson, quân xâm lược Nga tiếp tục gây kinh hoàng cho thường dân sống dọc hữu ngạn sông Dnipro. Kẻ thù đã sử dụng đại bác và pháo phản lực để tấn công hơn 40 khu định cư, bao gồm Zaliznychne, Charivne, Orikhiv, Mahdalynivka và Kamianske của vùng Zaporizhzhia, và Kherson, Respublikanets, Dniprovske, Yantarne, Bilozerka và Stanislav của vùng Kherson. Quân đội Nga cũng tiến hành một cuộc không kích gần Kamianske.

Theo Bộ Tổng tham mưu, để thắt chặt các biện pháp hành chính và cảnh sát trong các khu vực tạm chiếm của vùng Zaporizhzhia, khoảng 500 quân nhân của lực lượng quân cảnh Nga đã đến Berdiansk.

Trong ngày qua, lực lượng không quân Ukraine đã tiến hành 7 cuộc tấn công vào các cụm nhân sự, kho đạn và thiết bị quân sự của đối phương. Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Ukraine đã đánh trúng 2 sở chỉ huy của Nga, 2 kho đạn dược và 11 cụm nhân sự. Tổn thất cuối cùng của kẻ thù vẫn chưa được kiểm tra.

5. Tổng thống Zelenskiy nói chúng tôi thấy những triển vọng ở phía trước và ý định của Nga, và chúng tôi sẽ đáp trả

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi đã về đến Kyiv, Tổng thống Zelenskiy nói:

Đồng bào Ukraine thân mến, tôi chúc các bạn sức khỏe!

Tôi đã tổ chức một cuộc họp với Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine ngày hôm nay. Các cuộc họp như thế luôn luôn quan trọng, nhưng hôm nay có thêm tin tức cho quân đội sau chuyến thăm Hoa Kỳ.

Chúng tôi đang chuẩn bị cho những tháng tới và năm tới nói chung. Nhiệm vụ của chúng tôi không thay đổi. Đó là giải phóng đất đai của chúng ta. An toàn cho người dân của chúng ta. Khôi phục đất nước của chúng ta sau cuộc tấn công của Nga. Đây là những yếu tố của chiến thắng Ukraine, mà chúng ta đang từng bước tiến tới.

Hôm nay chúng tôi đã nghe báo cáo của các chỉ huy tại cuộc họp Tham mưu. Chúng tôi thấy những triển vọng ở phía trước. Chúng tôi đang chuẩn bị cho các biến thể hành động đa dạbg của nhà nước khủng bố, chúng tôi thấy ý định của nó. Và chúng tôi sẽ đáp ứng.

Tình hình trong lĩnh vực năng lượng đã được thảo luận riêng.

Hôm nay tôi đã tổ chức một cuộc họp thường niên quan trọng với các đại sứ Ukraine – toàn bộ ngoại giao đoàn của đất nước chúng ta đã nhận nhiệm vụ cho năm tới.

Chúng tôi đang chuẩn bị đẩy mạnh ngoại giao Ukraine theo nhiều hướng.

Đầu tiên là những quốc gia mà ảnh hưởng của chúng ta vẫn còn ít hơn mức chúng tôi cần đến, xét từ quan điểm an ninh quốc gia của Ukraine và lợi ích của người dân chúng ta. Trước hết, đây là các quốc gia Phi Châu và các khu vực khác của Nam bán cầu - Mỹ Châu Latinh, các quốc gia Á Châu và khu vực Thái Bình Dương.

Đây là tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời cũng là cơ hội ngoại giao quan trọng. Ví dụ, trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về các nghị quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta và luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ củng cố vị thế của Ukraine.

Khía cạnh thứ hai của ngoại giao Ukraine là tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống của chúng ta để năm tới thực sự mang tính quyết định trong cuộc chiến này và Ukraine sẽ đạt được tất cả các mục tiêu của mình.

Chúng tôi đang chuẩn bị nâng cấp cơ quan ngoại giao, chúng tôi sẽ củng cố các đại sứ quán Ukraine.

Ngoài ra còn có một phần riêng tư trong cuộc gặp của chúng tôi với các nhà ngoại giao hôm nay – tôi tập trung vào một số điểm quan trọng, nhạy cảm trong giao tiếp với các đại sứ.

Hôm nay tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Tôi rất biết ơn về gói hỗ trợ mới – 2,5 tỷ EUR rất quan trọng, kịp thời cho Ukraine. Tất nhiên, các hành động chung của chúng tôi với Hà Lan vào năm tới cũng đã được thảo luận. Chúng tôi đang phối hợp các bước nhiều nhất có thể và tôi tin rằng sẽ có một kết quả rõ ràng, đặc biệt là trong vấn đề đưa ra công lý tất cả những kẻ có tội trong cuộc xâm lược này đối với Ukraine.

Và một điều nữa.

Tôi rất vinh dự được chúc mừng những người cùng với các đồng nghiệp của họ đang khôi phục hệ thống của chúng ta sau các cuộc tấn công của Nga. Tôi tin rằng tất cả chúng ta nên cảm ơn thường xuyên hơn những người làm việc để bảo vệ hạnh phúc và cuộc sống bình thường của chúng ta. Không chính trị chút nào. Có lẽ không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy hầu hết. Nhưng nhờ có nhiều người trong số này, Ukraine đang sống.

Đặc biệt, bất kỳ ai và tất cả mọi người sửa chữa lưới điện và các cơ sở sản xuất bị hư hại do tấn công, trước khi cảnh báo trên không kết thúc, để cung cấp năng lượng cho mọi người nhanh hơn, đều là những anh hùng thực sự. Tất cả những người đi đến các khu vực không bị xâm lược và tiền tuyến để trả lại mọi thứ cho cuộc sống bình thường của mọi người là những anh hùng thực sự. Tất cả những người ổn định hệ thống điện của chúng ta hàng ngày và hàng đêm, bảo đảm cung cấp điện, vận hành các nhà máy và các cơ sở năng lượng khác – tất cả họ, cùng với những người khác chiến đấu và làm việc cho Ukraine, bảo đảm tương lai của Ukraine. Cảm ơn vì điều đó!

Tôi đã ký các sắc lệnh về việc ban thưởng cho quân đội của chúng ta. 215 binh sĩ của Lực lượng vũ trang Ukraine đã được trao giải thưởng nhà nước.

Vinh quang cho tất cả những người bảo vệ nhà nước của chúng tôi!

Cảm ơn tất cả các đối tác của chúng ta đã giúp đỡ chúng ta và cùng với chúng ta bảo đảm chiến thắng trước chế độ chuyên chế!

Và xin hãy nhớ ai đang chống lại chúng ta. Với kỳ nghỉ lễ đang đến gần, những kẻ khủng bố ở Nga có thể hoạt động trở lại. Họ coi thường các giá trị Kitô giáo và bất kỳ giá trị nào nói chung. Vì vậy, hãy chú ý đến các tín hiệu không kích, giúp đỡ lẫn nhau và luôn chăm sóc lẫn nhau.

Và hơn thế nữa. Công dân Nga phải hiểu rõ rằng khủng bố không bao giờ không bị trừng phạt.

Niềm tự hào cho Ukraine!

6. Mỹ tin rằng công ty đánh thuê Wagner Group của Nga đang mở rộng ảnh hưởng và nhận vũ khí của Triều Tiên

Tình báo mới được giải mật của Hoa Kỳ cho thấy nhóm lính đánh thuê Nga Wagner đã có ảnh hưởng mở rộng và đang tuyển mộ những người bị kết án - bao gồm một số người có tình trạng y tế nghiêm trọng - từ các nhà tù để bổ sung cho quân đội của Mạc Tư Khoa.

Nhóm này gần đây đã nhận vũ khí từ Triều Tiên, một quan chức hàng đầu của Mỹ cho biết, và nhận định rằng đó là một dấu hiệu cho thấy vai trò ngày càng tăng của nhóm này trong cuộc chiến ở Ukraine.

Và Mỹ tin rằng Wagner có thể bị mắc kẹt trong cuộc chiến quyền lực với chính quân đội Nga khi họ tranh giành ảnh hưởng với Điện Cẩm Linh.

John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết: “Trong một số trường hợp nhất định, các quan chức quân sự Nga thực sự phụ thuộc vào lệnh của Wagner. Đối với chúng tôi, rõ ràng là Wagner đang nổi lên như một trung tâm quyền lực đối địch với quân đội Nga và các bộ khác của Nga.”

Những tiết lộ về Tập đoàn Wagner được đưa ra một ngày sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskiy tới Washington, nơi ông cảm ơn Hoa Kỳ vì sự hỗ trợ quân sự và nói rằng cần nhiều hơn nữa để chống lại những bước tiến của Nga.

Một số thông tin cơ bản: Wagner đã nổi lên như một nhân vật chủ chốt trong cuộc xung đột kéo dài 10 tháng. Nhóm này thường được mô tả là đội quân ngoài sổ sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nó đã mở rộng dấu ấn của mình trên toàn cầu kể từ khi được thành lập vào năm 2014 và đã bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Phi Châu, Syria và Ukraine.

Kirby cho biết Hoa Kỳ ước tính Wager hiện có khoảng 50,000 binh sĩ được triển khai bên trong Ukraine, trong đó 4,000 người có thể là những tù nhân được tuyển dụng từ các nhà tù của Nga. Ông cho biết nhóm đã chi 100 triệu đô la mỗi tháng để tài trợ cho các hoạt động của mình tại Ukraine.

Người sáng lập nhóm, Yevgeny Prigozhin, thậm chí đã đích thân đến các nhà tù ở Nga để tuyển mộ những người bị kết án ra tiền tuyến và chiến đấu. Kirby cho biết một số người trong số họ mắc “các bệnh nghiêm trọng”.

“Có vẻ như ông Prigozhin sẵn sàng ném xác Nga vào máy xay thịt, ở Bakhmut. Trên thực tế, hàng ngàn chiến binh Wagner đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh chỉ trong vài tuần gần đây và chúng tôi tin rằng 90% trong số hàng ngàn chiến binh đó thực tế là những người bị kết án,” Kirby nói.

Prigozhin, người đôi khi được gọi là “đầu bếp của Putin,” đã có quan hệ thân thiết với tổng thống Nga. Nhưng Kirby gợi ý rằng Prigozhin đang làm việc để củng cố những mối quan hệ đó thông qua việc tuyển dụng lính đánh thuê của mình.

Ông nói: “Tất cả là về việc Prigozhin xem ra đắc lực như thế nào đối với ông Putin và ông ta được đánh giá cao như thế nào ở Điện Cẩm Linh. Trên thực tế, chúng tôi có thể đi xa hơn khi nói rằng ảnh hưởng của Prigozhin đang được mở rộng.”

Kirby cho biết, tháng trước, Wagner đã nhận được lô hàng hỏa tiễn từ Triều Tiên, một dấu hiệu cho thấy Nga và các đối tác quân sự của họ tiếp tục tìm cách lách các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây.”

Wagner, không phải chính phủ Nga, đã trả tiền cho thiết bị. Mỹ không tin rằng nó sẽ thay đổi đáng kể cục diện chiến trường ở Ukraine - nhưng gợi ý rằng Triều Tiên có thể đang lên kế hoạch cung cấp thêm vật liệu.
 
Lời hứa với Đức Mẹ của cầu thủ Messi. ĐTC cử ĐHY Krajewski đến Ukraine mang áo ấm và máy phát điện
VietCatholic Media
05:05 24/12/2022


1. Liệu cầu thủ Messi có giữ lời hứa với Đức Mẹ sau khi đoạt được vô địch World Cup hay không?

Sau chiến thắng của Á Căn Đình tại World Cup 2022 ở Qatar, một lời hứa của siêu sao bóng đá Lionel Messi với Đức Trinh Nữ Maria đã xuất hiện trở lại. Anh ấy sẽ hoàn thành lời hứa này hay không?

Lionel Messi, 35 tuổi, đã tham dự World Cup lần thứ năm trong màu áo của Á Căn Đình và đội tuyển này đã trở thành nhà vô địch thế giới sau khi đánh bại Pháp vào Chúa Nhật.

Được coi là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, Messi đã giành được 40 danh hiệu, 34 danh hiệu với Futbol Club Barcelona ở Tây Ban Nha, hai danh hiệu với Paris Saint Germain ở Pháp và bốn danh hiệu với Đội tuyển quốc gia Á Căn Đình. Trước trận chung kết hôm Chúa Nhật, anh thường nói rằng trong sự nghiệp của mình, “điều còn thiếu” là trở thành là thành viên của đội tuyển quốc gia đoạt được vô địch World Cup.

Vào năm 2014, đội mà anh ấy là đội trưởng đã lọt vào trận chung kết World Cup ở Brazil, nhưng lại thua đội tuyểm Đức. Tại Nga năm 2018, Á Căn Đình bị loại ngay ở vòng 16 đội.

Chính tại World Cup đó, anh ấy đã có một lời hứa đặc biệt với Đức Mẹ.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Mạc Tư Khoa với nhà báo người Á Căn Đình Martín Arévalo, Messi tuyên bố sẽ đi bộ “đến Luján hoặc San Nicolás”, nếu đội tuyển Á Căn Đình giành được vô địch World Cup. Luján và San Nicolás là hai trong số những ngôi đền quan trọng nhất ở Á Căn Đình.

Lujan, Argentina, là nơi có Đền thờ Quốc gia Đức Mẹ Lujan, vị thánh bảo trợ của đất nước, hàng năm thu hút hàng triệu khách hành hương.

San Nicolás — một thành phố gần Rosario, nơi sinh của Messi — có Đền thờ Đức Mẹ Mân Côi San Nicolás, nơi có lịch sử về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ bắt đầu vào năm 1983 với các thông điệp từ Đức Trinh Nữ Maria cho Gladys Quiroga de Motta.

Các cuộc hiện ra đã được Giáo Hội Công Giáo chấp thuận vào ngày 22 tháng 5 năm 2016, thông qua một sắc lệnh được ký bởi giám mục lúc bấy giờ của San Nicolás, là Đức Cha Héctor Cardelli.

Trong cuộc phỏng vấn ở Mạc Tư Khoa năm 2018, Messi hứa rằng anh sẽ đi bộ từ nhà ở thị trấn Arroyo Seco đến Vương cung thánh đường San Nicolás, quãng đường khoảng 24 dặm, và bắt tay nhà báo như một dấu hiệu của sự cam kết.

Trong sự nghiệp của mình, Messi đã thể hiện lòng mộ đạo và là một tín hữu. Sau khi vô địch World Cup, những phát biểu của anh trước báo giới không bỏ qua vai trò mà anh gán cho Chúa trong chiến thắng: “Tôi biết rằng Chúa sẽ ban cho tôi món quà này, tôi linh cảm rằng điều đó sẽ xảy ra,” anh ấy nói với kênh truyền hình TyC Sports.
Source:National Catholic Register

2. Đức Thánh Cha cử Hồng Y đến Ukraine mang áo ấm và máy phát điện

Chuyến đi thứ năm của vị Hồng Y diễn ra sau lời kêu gọi trên toàn thế giới về quần áo và quyên góp để giúp đỡ những người đang phải vật lộn với cái lạnh mùa đông.

Với lễ Giáng Sinh đang cận kề và nhiệt độ giảm mạnh tại đất nước Ukraine bị chiến tranh tàn phá, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử một đặc phái viên của ngài trở lại Ukraine lần thứ năm, lần này mang theo máy phát điện và quần áo giữ nhiệt. iMedia báo cáo rằng Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski đã lên đường công du hôm 17 tháng 12 năm 2022.

Trước khi thông báo về chuyến đi của Đức Hồng Y, Tòa Thánh đã đưa ra lời kêu gọi cung cấp áo thun giữ nhiệt để giúp đỡ người dân Ukraine đang phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Việc quyên góp trực tuyến,vẫn đang hoạt động, tính đến tuần trước, đã đạt hơn 75,000 euro (gần 80,000 đô la Mỹ).

Đức Hồng Y Krajewski “có ý định mang đến cho người dân Ukraine thành quả của sự đoàn kết đã thu thập được trong những tuần gần đây,” tuyên bố được đưa ra vào ngày sinh nhật lần thứ 86 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tuyên bố cho biết quần áo và máy phát điện sẽ được vận chuyển đến Lviv và sau đó được phân phối đến những khu vực “chịu đựng đau khổ và lạnh giá nhất”.

Bộ Bác Ái Tòa Thánh đã tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Trong chuyến thăm cuối cùng của mình vào tháng 9, Đức Hồng Y Krajewski, 59 tuổi, đã đến thăm các vùng Odessa, Žytomyr, Kharkiv và những nơi khác ở miền đông Ukraine, bảo đảm với người dân Ukraine “rằng họ không đơn độc trong tình huống chỉ mang đến sự hủy diệt và chết chóc này”.

Đức Hồng Y đã bị bắn trong chuyến công du gần mặt trận, khi ngài bày tỏ sự kính trọng đối với hài cốt của 500 người được chôn cất trong các mồ chôn tập thể ở Izium.

Khi người dân Ukraine gặp phải tình trạng thiếu điện, khí đốt và thực phẩm trong khi mùa đông bắt đầu, những đóng góp mà Đức Hồng Y mang đến hy vọng sẽ mang lại một mức độ an ủi và viện trợ nhỏ khi người dân ở đó đón Giáng Sinh trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Source:Aleteia

3. Rabbi kêu gọi các Kitô hữu, và người Do Thái chú ý đến liên minh mới của Israel

Cuối tuần qua, tờ New York Times đã tham gia vào một dàn đồng ca ngày càng nhiều tiếng nói bày tỏ lo ngại về liên minh mới của Israel do Thủ tướng sắp tới Benjamin Netanyahu thành lập. Tờ báo nói rằng chính phủ cánh hữu đặt ra mối đe dọa đối với nền dân chủ và cuối cùng là bản sắc của Israel với tư cách là một quốc gia Do Thái.

Trong bài xã luận, xuất bản hôm thứ Bảy, tờ Times lập luận rằng liên minh của ông Netanyahu, được coi là chính phủ cực hữu nhất trong lịch sử của Israel, đặt ra “mối đe dọa đáng kể đối với tương lai của Israel – về phương hướng, an ninh và thậm chí cả ý tưởng về một quê hương Do Thái.”

Chính phủ sắp tới “có thể khiến giải pháp hai nhà nước không thể xuất hiện về mặt quân sự và chính trị” trong cuộc xung đột lâu dài giữa Israel và Palestine, đồng thời đề xuất thay đổi hiện trạng của các thánh địa như Núi Đền có nguy cơ “kích động một vòng xoáy mới” bạo lực giữa Ả Rập và Israel”

Mối quan tâm cụ thể đã được nêu lên đối với chính trị gia Israel cực hữu Itamar Ben Gvir, người sắp nhận được quyền lực đáng kể trong chính phủ Netanyahu và là người trước đây đã lãnh đạo các cuộc biểu tình bạo lực chống lại các Kitô hữu và bảo vệ một người đàn ông bị kết tội phóng hỏa một nhà thờ Công Giáo gần Biển hồ Galilee.

Phát biểu với Crux, Giáo sĩ David Rosen, cựu Giáo sĩ trưởng Do Thái Giáo ở Ireland và hiện là Giám đốc Quốc tế về các vấn đề liên tôn của Ủy ban Do Thái Hoa Kỳ, cho biết “tình hình là một mối quan tâm lớn” đối với các Kitô hữu cũng như người Do Thái.


Source:Crux
 
Sợ quê, Putin tung 50 tăng T90 cứu Svatove, nổ tung hàng loạt. Kịch bản sắp tới của Moscow đầu 2023
VietCatholic Media
15:33 24/12/2022


1. Lợi dụng ngày lễ quân đội Nga nổ súng tấn công đồng loạt 25 khu định cư ở Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều vọng lễ Giáng Sinh 24 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong ngày 24 tháng 12, quân đội Nga nổ súng tấn công đồng loạt 25 khu định cư ở Bakhmut.

Đó là cách hành động điển hình của quân Nga. Trong cuộc chiến tại Syria, quân Nga tấn công kinh hoàng nhất vào hai ngày lễ lớn của Hồi Giáo là ngày Eid Al-Fitr, cử hành vào cuối tháng chay Ramadan, và ngày Eid Al-Adha, tức là ngày thứ 10 trong tháng cuối cùng theo lịch Hồi Giáo. Trong các ngày lễ này, binh sĩ đối phương nhớ về quê nhà, mong mỏi được gặp người thân, hay lo lắng người thân mừng lễ ra sao, tinh thần xuống thấp. Đó là dịp thuận lợi để ra tay. Năm nay, hầu hết người Ukraine mừng lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 nên trong những ngày này quân Nga đã mở các cuộc tấn công rất tàn bạo.

Trong diễn từ đầu tiên trước quốc dân đồng bào sau khi trở về từ Hoa Kỳ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh giác rằng: “Xin hãy nhớ ai đang chống lại chúng ta. Với kỳ nghỉ lễ đang đến gần, những kẻ khủng bố ở Nga có thể hoạt động trở lại. Họ coi thường các giá trị Kitô giáo và bất kỳ giá trị nào nói chung. Vì vậy, hãy chú ý đến các tín hiệu không kích, giúp đỡ lẫn nhau và luôn chăm sóc lẫn nhau.”

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết quân đội Nga đã sử dụng xe tăng, súng cối, đại bác và pháo phản lực để nổ súng vào 25 khu định cư ở hướng Bakhmut trong ngày qua. Quân Nga chưa tấn công bằng bộ binh. Tuy nhiên, việc tung ra một cuộc tấn công cường tập bằng pháo binh và không quân như thế thường tiên báo cho những trận đánh lớn.

Trong khu vực thành phố Avdiivka, quân xâm lược tấn công vào Kamianka nhưng bị đẩy lùi.

Ở các hướng Zaporizhzhia và Kherson, quân đội Nga đã sử dụng đại bác và pháo phản lực để nổ súng vào hơn 50 khu định cư, bao gồm Vremivka, Malynivka, Dorozhnianka, Mala Tokmachka của vùng Zaporizhzhia, và Havrylivka, Novodmytrivka, Burhunka, Inzhenerne, Chornobaivka, và Kherson của vùng Kherson.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, do tổn thất nhân sự đáng kể, quân đội xâm lược của Nga tiếp tục chuyển các bệnh viện của khu vực Luhansk thành bệnh viện quân đội. Tất cả các cơ sở y tế địa phương ở Bilovodsk và Markivka đều bị huy động.

Vào ngày 19 tháng 12 năm 2022, khoảng 100 binh sĩ Nga bị thương đã được chuyển đến Khoa Phẫu thuật của bệnh viện quận Starobilsk, nơi đã được chuyển thành bệnh viện quân đội Nga.

2. Zelenskiy giải thích về chuyến thăm nước ngoài hiếm hoi tới Mỹ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã có một bài phát biểu vào hôm thứ Sáu tại Hội nghị các Đại sứ Ukraine ở Kyiv.

Xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên kể từ khi trở về từ Mỹ qua ngả Ba Lan, Zelenskiy nhấn mạnh rằng chuyến thăm Mỹ của ông là rất hiếm. Nói, “chuyến thăm này là một cột mốc rất quan trọng, như một đòn bẩy. Tôi không có cơ hội đi thăm nước ngoài — đơn giản là tôi không có thời gian.”

Tổng thống Ukraine thúc giục các Đại Sứ rằng nếu họ sẵn sàng “đi đầu” trong việc thực hiện công thức hòa bình Ukraine, thì họ có thể gặp gỡ trực tiếp với ông.

Trong phần bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Ukraine cũng nói về “gói tài chính mạnh mẽ” mà Mỹ đang chuẩn bị cho Ukraine và đưa ra con số 45 tỷ USD.

Trong cuộc gặp gỡ với tổng thống Mỹ Joe Biden “năm tới rất quan trọng đối với chúng tôi”, và trong bài diễn văn trước Quốc Hội Hoa Kỳ, ông nói: “năm tới sẽ là một bước ngoặt”. Kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất là quân Nga và có thể có cả quân Belarus sẽ tấn công vào thủ đô Kyiv một lần nữa. Thắng hay không, có chiếm được Kyiv hay không, không thành vấn đề. Nó sẽ có tác dụng thu hút một số lớn quân Ukraine về chiến trường này nhằm tạo điều kiện cho quân Nga chiếm toàn bộ vùng Donbas. Putin trông đợi phương Tây mệt mỏi trước những khó khăn về kinh tế sẽ ép Kyiv phải chấp nhận một giải pháp nhượng bộ đất đai; bãi bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga; và không truy cứu Putin tội phát động chiến tranh và các tội ác trong chiến tranh.

Đó là bối cảnh cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Zelenskiy và các Đại Sứ Ukraine ở các quốc gia trên thế giới.

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh. Trong bản tin tình báo mới nhất vào chiều 24 tháng 12, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau.

Nga đã tăng cường lực lượng ở Ukraine với hàng chục nghìn quân dự bị kể từ tháng 10. Mặc dù tình trạng thiếu hụt nhân sự trước mắt đã giảm bớt, nhưng tình trạng thiếu đạn dược rất có thể vẫn là yếu tố hạn chế chính đối với các hoạt động tấn công của Nga.

Nga có thể đã hạn chế các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine trong giới hạn khoảng một lần một tuần do số lượng hạn chế các hỏa tiễn hành trình. Tương tự, Nga khó có thể tăng kho dự trữ đạn pháo đủ để thực hiện các chiến dịch tấn công quy mô lớn.

Một lỗ hổng trong thiết kế hoạt động hiện tại của Nga là dù chỉ cần duy trì các hoạt động phòng thủ dọc theo chiến tuyến dài của mình thôi cũng đòi hỏi chi phí đáng kể cho đạn pháo và hỏa tiễn hàng ngày.

4. Quân đội Nga đang tập trung những chiếc xe tăng tốt nhất của mình tại một khu vực ở miền Đông Ukraine, nhưng chúng có thể nhanh chóng tan như xác pháo

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The Russian Army Is Crowding Its Best Tanks In One Sector Of Eastern Ukraine”, nghĩa là “Quân đội Nga đang tập trung những chiếc xe tăng tốt nhất của mình tại một khu vực ở miền Đông Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ

Công ty vũ khí Nga Uralvagonzavod đã sản xuất khoảng 600 xe tăng T-90 cho quân đội Nga.

T-90 nặng 45 tấn, chở được 3 người với súng 125 ly và có lớp giáp thép tổng hợp là xe tăng tốt nhất của Nga. Hiện nay không ít hơn 50 chiếc trong số đó đang được dồn vào một khu vực nhỏ của mặt trận Ukraine xung quanh Svatove ở vùng Donbas phía đông Ukraine.

Các tài khoản mạng xã hội vào thứ Ba và thứ Tư đã nêu bật các đơn vị T-90 ở Svatove cũng như quá trình huấn luyện trước khi triển khai của họ ở Quân khu Trung tâm của Nga.

Việc quân đội Nga tập trung các xe tăng hiện đại nhất của họ ở Svatove nói lên các ưu tiên của Điện Cẩm Linh khi cuộc chiến rộng lớn hơn của Nga với Ukraine đang bước vào tháng thứ 10.

Svatove, một thị trấn có dân số trước chiến tranh là 16.000 người, tiếp giáp với đường cao tốc P66 chạy xuyên qua rừng và cánh đồng đến Severodonetsk, một trong những thành phố lớn hơn ở Donbas.

Người Ukraine đã giữ Severodonetsk cho đến khi một lực lượng ly khai Nga kết hợp chiếm được thành phố vào tháng Bảy. Giải phóng Severodonetsk là ưu tiên hàng đầu ở Kyiv. Giữ Severodonetsk là ưu tiên hàng đầu của Mạc Tư Khoa.

Tiếp cận thành phố từ phía bắc - nơi có nhiều lữ đoàn Ukraine thiện chiến - có nghĩa là đi qua Svatove. Không phải vô cớ mà bộ chỉ huy miền đông Ukraine đã giao cho Lữ đoàn cơ giới số 92 tinh nhuệ tham gia nỗ lực này.

Lữ đoàn cơ giới 92 là đơn vị tình nguyện với xe tăng T-64 và xe chiến đấu BTR được bảo dưỡng tốt. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến hiện tại vào tháng 2, lữ đoàn đã chiến đấu và giành nhiều chiến thắng, một loạt trận chiến trong và xung quanh Tỉnh Kharkiv ngay phía bắc Svatove. Bây giờ Severodonetsk đang trong tầm ngắm của lữ đoàn này.

Nhiệm vụ của tất cả những chiếc T-90 đó, cùng với một số ít xe hỗ trợ xe tăng BMP-T mới nhất, là ngăn chặn Lữ đoàn cơ giới số 92.

Việc quân đội Nga tung đồng thời hai tiểu đoàn T-90 là một chuyện rất hiếm hoi. Trước cuộc chiến hiện tại, người Nga trên giấy tờ có hơn 600 chiếc T-90. Nhưng 200 chiếc đang được cất giữ - và ở nước Nga lạnh giá, ẩm ướt, những chiếc xe tăng hiện đại với hệ thống quang học và thiết bị điện tử mỏng manh của chúng có xu hướng xuống cấp nhanh chóng khi không được sử dụng thường xuyên.

Đó là lý do tại sao quân đội Nga ngày càng phụ thuộc vào những chiếc T-62 cổ điển của thập niên 1970 cũng được cất giữ trước chiến tranh, nhưng không có hệ thống quang học và điện tử công nghệ cao, do đó không xuống cấp nhanh như những chiếc T-90 của thập niên 1990.

Vì vậy, trên thực tế, quân đội Nga chỉ có 400 chiếc T-90 trước tháng Hai vừa qua. Và sau tháng 2, nó đã mất ít nhất 36 xe tăng loại này trong các trận chiến với lực lượng Ukraine. Điều đó đưa tổng số T-90 tồn kho xuống còn khoảng 360 chiếc, trong đó ít nhất 50 chiếc hiện đang ở xung quanh Svatove.

Các xe tăng này có thể nhanh chóng tan như xác pháo. Xe tăng rất dễ bị tổn thương trước các nhóm bộ binh nhỏ trang bị hỏa tiễn chống tăng dẫn đường chính xác.

Cách phòng thủ tốt nhất của xe tăng trước bộ binh địch là... phải có một lực lượng bộ binh thiện chiến. Nhưng quân đội Nga không bao giờ có đủ bộ binh được huấn luyện để bảo vệ xe tăng của mình. Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn khi Putin đã mất 100.000 binh sĩ tinh nhuệ nhất của mình bị giết hoặc bị thương ở Ukraine.

Thay vào đó, Điện Cẩm Linh đã chiêu mộ — hoặc dụ dỗ phục vụ bằng những khoản tiền thưởng khổng lồ — hàng trăm nghìn người đàn ông bất hạnh và phần lớn là không phù hợp, nhiều người trong số họ ở độ tuổi trung niên. Hầu như không được đào tạo, trang bị tối thiểu và được lãnh đạo kém. Họ chết nhanh chóng và dễ dàng trong các trận chiến với quân đội Ukraine thiện chiến.

Thật vậy, khu vực Svatove đã chứng kiến một số sự lãng phí nhân lực nghiêm trọng nhất của Nga. Trung đoàn súng trường cơ giới 362 đã mất 2.500 người tử trận - một nửa nhân lực - tại và xung quanh Svatove chỉ trong vòng 12 ngày vào giữa tháng 11.

Đúng là Lữ đoàn cơ giới số 92 của Ukraine khi tiến về phía Severodonetsk có thể đụng độ rất nhiều xe tăng hiện đại của Nga. Nhưng Lữ đoàn có thể không gặp nhiều bộ binh Nga được huấn luyện tốt, trang bị tốt và được chỉ huy tốt. Và việc thiếu bộ binh có thể tạo nên sự khác biệt.

5. Binh sĩ Ukraine có thể huấn luyện vận hành hệ thống Patriot trên đất Mỹ

Ngũ Giác Đài đang xem xét đào tạo lực lượng vũ trang Ukraine vận hành hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot tại một căn cứ quân sự ở Mỹ.

Tờ Politico cho biết như trên, dẫn lời hai quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ.

Kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2, các lực lượng vũ trang Ukraine đã được huấn luyện về một loạt các hệ thống vũ khí của NATO khác nhau, bao gồm cả HIMARS, ở Đông Âu, Đức và Vương quốc Anh. Nhưng cho đến thời điểm này, chưa có khóa đào tạo nào được tổ chức tại Mỹ

Cần lưu ý rằng, mặc dù chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra, nhưng thông tin Bộ Quốc phòng đang xem xét tiến hành huấn luyện trên đất Mỹ xuất hiện một ngày sau khi chính quyền Joe Biden xác nhận thông tin trên các phương tiện truyền thông rằng một khẩu đội Patriot - một hệ thống phòng không tinh vi được thiết kế để bắn bắn hạ hỏa tiễn và máy bay đang bay tới — sẽ được cung cấp cho Ukraine để giúp phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga.

Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đang xem xét liệu có nên tổ chức toàn bộ hoặc một phần khóa đào tạo ở Hoa Kỳ hay không hay tổ chức ở một quốc gia thứ ba, chẳng hạn như căn cứ của Hoa Kỳ ở Âu Châu.

Như đã đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo các hệ thống Patriot đã được đưa vào gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,85 tỷ USD cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết, quân đội Ukraine sẽ nhanh chóng làm chủ được Patriot.

6. Lithuania tặng 50 máy phát điện cho Khmelnytskyi

Thành phố Siauliai của Lithuania đã chuyển 50 máy phát điện đến Khmelnytskyi.

Thị trưởng Khmelnytskyi Oleksandr Symchyshyn cho biết

“Hôm nay chúng tôi đã nhận được một lô hàng có giá trị từ thành phố Siauliai của người Lithuania thân thiện, cụ thể là 50 máy phát điện với nhiều công suất khác nhau. Một số sẽ được bàn giao cho quân đội, và một số khác sẽ được dùng ở những điểm nóng,” Symchyshyn nói.

Ngoài ra, quần áo giữ nhiệt mùa đông quân đội đã được chuyển đến từ Lithuania.

7. Estonia thông qua gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine

Chính phủ Estonia đã quyết định gửi một gói viện trợ quân sự khác tới Ukraine để bảo vệ chống lại sự xâm lược của Nga.

“Ukraine đang rất cần sự giúp đỡ và hỗ trợ của chúng tôi trong việc chống lại sự xâm lược của Nga. Gói viện trợ lần này của chúng tôi phù hợp với yêu cầu nhận được từ Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết.

Estonia hỗ trợ Ukraine các thiết bị cá nhân như áo giáp, tấm bảo vệ đạn cho áo giáp, đồng phục, bao gồm cả áo khoác ngoài, quần áo và phụ kiện khác. Ngoài ra, máy bay không người lái, bộ dụng cụ làm sạch vũ khí, máy thở và những thứ khác sẽ được gửi đến Ukraine như một sự hỗ trợ bổ sung.

Trước đây, Estonia đã tặng hỏa tiễn phòng không vác vai Javelin, súng phóng lựu, mìn chống tăng, súng phóng lựu chống tăng, súng cối, phương tiện, thiết bị liên lạc, thuốc men, thiết bị bảo hộ cá nhân và lương khô cho Ukraine.

Hợp tác với Đức, Estonia đã tặng hai bệnh viện dã chiến và thuốc men trị giá khoảng 15 triệu EUR cho Ukraine. Estonia sẽ tặng một bệnh viện dã chiến thứ ba cho Ukraine với sự hợp tác của Hà Lan và Na Uy, là những quốc gia đã hỗ trợ dự án 7,8 triệu EUR.

8. Putin mắc kẹt trong một kịch bản ác mộng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Stuck in a Nightmare Scenario”, nghĩa là “Putin mắc kẹt trong một kịch bản ác mộng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện không ở trong tình thế có thể đạt được những mục tiêu hàng đầu trong cuộc chiến ở Ukraine, nhưng ông cũng không thể rút lui khỏi cuộc xung đột vì “sự sống còn của cá nhân ông ta” đang bị đe dọa, Tướng quân đội Mỹ bốn sao đã nghỉ hưu Barry McCaffrey cho biết trong tuần này.

Nhiều người nghĩ rằng quân đội Nga sẽ giành chiến thắng nhanh chóng khi ông Putin phát động cuộc xâm lược quốc gia Đông Âu này vào ngày 24 tháng 2 sau nhiều tháng tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine. Tuy nhiên, hơn 300 ngày sau đó, và với tổn thất ước tính hơn 100.000 binh sĩ Nga tử trận, Nga đã đánh mất hình ảnh là cường quốc quân sự vượt trội.

Trong một lần xuất hiện trên MSNBC hôm thứ Tư, Tướng McCaffrey cho biết nhà lãnh đạo Nga “về cơ bản đã không đạt được các mục tiêu chiến lược” ở Ukraine. Tướng McCaffrey cho rằng Putin dường như không có khả năng giành được các mục tiêu chiến lược như chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine và chiếm toàn bộ bờ Hắc Hải, bao gồm cả thành phố cảng Odessa.

Yuri Zhukov, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Michigan, đưa ra đánh giá hơi tương tự, nhưng nhấn mạnh rằng thất bại hiện tại của Putin là không đạt được các mục tiêu chính có thể thay đổi trong tương lai.

Nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công khác để chiếm Kyiv vào mùa xuân năm 2023 – như đã cố làm khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2, và đã không thành công – thì lần này nó cũng sẽ không thành công, Zhukov nói với Newsweek hôm thứ Năm. Nhưng điều này sẽ có ích là buộc Ukraine phải chuyển hướng nguồn lực từ các mặt trận khác để bảo vệ Kyiv, tạo cơ hội cho Nga có khả năng đạt được những bước tiến ở phía nam và phía đông.

Zhukov nói rằng một tình huống tương tự đã xảy ra khi Nga tiến hành các đợt tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, buộc quốc gia bị chiến tranh tàn phá này phải quyết định giữa hỗ trợ nỗ lực quân sự hoặc bảo vệ các trung tâm dân sự.

“Putin đang chơi trò chơi lâu dài,” Zhukov nói. “Không thể tung ra cú đấm hạ gục quyết định trong giai đoạn mở đầu cuộc chiến, ông ta đang đánh cược rằng một cuộc xung đột kéo dài sẽ có lợi cho Nga. Đây không phải là một giả định vô lý, vì một cuộc chiến tranh kéo dài sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ quân sự liên tục và leo thang của phương Tây, và sự hỗ trợ chính trị cho nỗ lực đó có thể giảm dần ở Âu Châu và Mỹ”

“Nếu Ukraine không thể thay thế những thiệt hại của mình bằng các thiết bị và nguồn lực mới từ phương Tây, thì sự tiêu hao đều đặn từ các cuộc tấn công của Nga cuối cùng sẽ gây ra hậu quả, khiến Ukraine rất khó giữ vững vị trí, càng không thể giải phóng các vùng lãnh thổ đã bị Nga xâm lược.” Zhukov nói. “Đó là cách Putin chiến thắng. Hắn ta không cần phải rút lui, cũng không cần phải chiếm Kyiv. Anh ta chỉ cần kéo dài mọi thứ và chờ sự ủng hộ chính trị của phương Tây sụp đổ”.

Tuy nhiên, khả năng kéo dài mọi thứ của Putin có thể gặp những hạn chế nếu như Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu tiếp tục giáng các đòn trừng phạt vào kinh tế Nga và các nhà tài phiệt. Chính vì thế, trong bài phát biểu của Tổng thống Zelenskiy tại Quốc Hội Hoa Kỳ, ông nói:

“Các bạn có thể tăng cường các biện pháp trừng phạt để khiến Nga cảm thấy sự xâm lược của họ thực sự tàn khốc như thế nào. Các bạn thực sự có khả năng giúp chúng tôi đưa ra công lý tất cả những người đã bắt đầu cuộc chiến tranh tội phạm vô cớ này. Hãy làm điều đó. Hãy bắt kẻ khủng bố - hãy bắt nhà nước khủng bố phải chịu trách nhiệm về hành vi khủng bố và xâm lược của mình và bồi thường mọi tổn thất do cuộc chiến này gây ra. Hãy để thế giới thấy rằng Hoa Kỳ đang ở đây.”

Hạ viện đã thông qua dự luật chi tiêu 1,7 nghìn tỷ đô la vào thứ Sáu, bao gồm 45 tỷ đô la bổ sung cho Ukraine. Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để bình luận.
 
Quân Nga cấm GH Công Giáo trong các vùng tạm chiếm. Uất hận, dân Ukraine kéo nhau giật hết tượng Nga
VietCatholic Media
16:59 24/12/2022


1. Một linh mục Công Giáo bị Nga bắt, bị trục xuất vì lý do Giáo Hội Công Giáo bị cấm hoạt động trong các vùng do Nga chiếm được

Cha Oleksandr Bogomaz, một linh mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, ở Melitopol, điều đó với SIR, cơ quan truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Italia rằng ngài đã bị bắt bằng vũ lực, thẩm vấn trong ba giờ và bị đe dọa. Rồi sau khi đọc xong “bản án” kết tội hài hước, ngài bị đuổi ra khỏi thành phố: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái chết nhưng tôi rất sợ. Có một người đàn ông đã mắng mỏ tôi rất nhiều, anh ta mắng tôi và nói đủ thứ điều ghê tởm, thậm chí anh ta còn dọa bắn tôi. Tôi không có hận thù hay cảm xúc tiêu cực đối với họ. Tôi thậm chí không muốn nghĩ về điều đó. Tôi không muốn nuôi dưỡng cái ác trong lòng mình”

“Tôi không bị bạo lực thể xác, tôi không bị rụng một sợi tóc nào trên đầu. Nhưng đó là một phép lạ vĩ đại mà tôi không giải thích được lý do”. Thành phố Melitopol được gọi là “cửa ngõ vào Crimea” do vị trí của nó nằm ở ngã tư của hai đường cao tốc chính và một tuyến đường sắt quan trọng nối Nga với bán đảo và các vùng lãnh thổ khác mà Nga xâm lược ở miền nam Ukraine.

Melitopol là một lãnh thổ chiến lược mà các lực lượng Ukraine đang cố gắng giành lại cùng với toàn bộ khu vực Zaporizhzhia, và cả vùng Kherson gần đó.

Cha Oleksandr Bogomaz nói: “Tôi đã thi hành sứ vụ của mình tại thành phố Melitopol từ năm 2016. Trong ba năm, tôi đã giúp chăm sóc mục vụ tại giáo xứ Chúa Giáng Sinh của Mẹ Thiên Chúa Chí Thánh, và sau đó trong ba năm rưỡi, tôi là cha sở giáo xứ.”

“Tôi bị bắt vào ngày 1 tháng 12. Đây là lần thứ bảy đại diện của các dịch vụ đặc biệt của Nga đến khám xét nhà tôi. Tôi hỏi họ là ai, nhưng họ không tự giới thiệu. Có cuộc lục soát trong nhà, mọi thứ đảo lộn. Họ cũng lấy đi xe buýt của chúng tôi.”

Phóng viên của SIR hỏi ngài: “Thưa cha, cha có bị bắt không?”.

“Tôi không bị giam giữ, tôi chỉ được các đặc vụ Nga này bảo rằng ở vùng Zaporizhzhia do Liên bang Nga kiểm soát, Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và Giáo Hội Công Giáo Rôma, hiện đã bị cấm. Tôi bị cưỡng bức đưa đến trạm kiểm soát áp chót, gần Vasylivka, rồi đi bộ băng qua ranh giới. Quân đội và cảnh sát Ukraine, theo yêu cầu của tôi, đã đưa tôi đến Zaporizhzhia.”

“Thưa cha, vì những lý do gì mà cha bị đuổi khỏi Melitopol?”

“Bản án đã được đọc cho tôi tại trạm kiểm soát áp chót, do quân đội Nga kiểm soát, gần Vasylivka. Có một lá cờ của Liên bang Nga. Tôi được yêu cầu ngồi cạnh lá cờ này và quyết định đã được đọc cho tôi nghe.”

Tên chính thức của quá trình này là 'vydvoreniie' trong tiếng Nga có nghĩa là 'dứt phép thông công', 'vì kích động thù hận chủng tộc, kích động thù hận liên tôn, cản trở các hoạt động dịch vụ xã hội và là người nguy hiểm cho xã hội'. Đây ít nhiều là cách các cáo buộc chống lại tôi được hình thành và vì lý do đó mà tôi bị 'trục xuất'.

Tôi cũng được cho biết rằng quyết định không phải do những người cụ thể đã đưa tôi đi, mà do ban quản lý cấp cao hơn, tức là các cơ quan có thẩm quyền cao hơn.

“Thưa cha, cha có sợ chết không?”

“Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này. Tôi đã hoảng sợ. Có một người đàn ông ở Vasylivka, tôi nghĩ anh ta đến từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga, anh ta mắng tôi rất nhiều, mắng tôi, nói đủ thứ điều ghê tởm, dọa bắn tôi. Nhưng tôi nhận ra chúng chỉ là những lời đe dọa. Họ gây rất nhiều áp lực tâm lý cho tôi. Tôi đã bị thẩm vấn trong ba giờ. Họ hỏi tôi có phải là thành viên của 'Hiệp sĩ Columbus' không. Nhiều thứ… bây giờ tôi không nhớ hết được. Nhưng tôi biết điều gì đã cho tôi sức mạnh trong suốt 9 tháng xâm lược. Bí tích Thánh Thể, cử hành phụng vụ hàng ngày, đọc Sách Thánh hàng ngày, suy niệm và cầu nguyện, ít nhất ba lần một ngày, lần hạt Mân Côi. Đây là những gì đã cứu tôi.

“Thưa cha, cha có cảm thấy căm ghét những người đã bắt cha không?”

“Khi tôi bị bắt đi, tôi đã cầu nguyện cho bốn người lính Nga đã đưa tôi đi. Tương tự như vậy, khi tôi đi về phía Zaporizhzhya, tôi đã cầu nguyện cho những người đó, xin Chúa cho họ được ơn hoán cải.”

“Tôi không có hận thù hay cảm xúc tiêu cực đối với họ. Tôi thậm chí không muốn nghĩ về nó. Tôi không muốn nuôi ác trong lòng.”

“Thưa cha, tại sao, bất chấp cuộc xâm lược của Nga đang diễn ra, cha lại quyết định ở lại thành phố đó?”

“Cũng trong các cuộc thẩm vấn, tôi được người Nga hỏi tại sao tôi quyết định ở lại. Tôi ở lại vì có rất nhiều người của chúng tôi ở đó, con cái của chúng tôi, những người trẻ tuổi, có những gia đình và những người chúng tôi chăm sóc, những người chúng tôi giúp đỡ. Có những người hiện đang sống dưới sự xâm lược và đang gặp rất nhiều khó khăn. Và Giáo hội, với việc cử hành Phụng vụ, với Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải tội, là điều ban sức mạnh và gắn kết mọi người lại với nhau. Tôi được kể rằng khi mọi người nghe tin tôi bị bắt đi, họ đã khóc rất nhiều. Họ cũng làm như vậy với Cha Petro Krenytskyi. Thật là một mất mát lớn nếu không có Phụng Vụ Thánh.”

“Thưa cha, hai linh mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương từ Berdyansk, trong khu vực Donetsk, là Cha Ivan Levitskyi và Cha Bohdan Heleta, đã bị bắt. Cha nghĩ tình trạng các ngài bây giờ ra sao?”

“Tôi không biết tình trạng các ngài hiện nay ra sao, nhưng theo những gì tôi đã kinh qua, tôi cảm thấy không lạc quan. Tại sao Thiên Chúa cứu tôi. Tôi biết tôi không xứng đáng, tôi không xứng đáng với điều này. Tôi tin rằng tất cả những điều này yêu cầu tôi sử dụng thời gian này một cách hiệu quả mà Chúa là Thiên Chúa đã ban cho tôi. Đối với các Cha Ivan và Bohdan, tôi cầu nguyện cho các ngài”.

“Thưa cha, điều gì đã thay đổi trong cuộc sống của cha sau những gì cha đã trải qua?”

“Tôi vẫn còn trong trạng thái sợ hãi, mặc dù đã 13 ngày trôi qua. Tôi đang bị căng thẳng. Tôi vẫn chưa thể bình tâm, chưa tìm được chỗ đứng cho mình. Tôi thường nghĩ về điều đó. Suy nghĩ đến với tâm trí. Tôi có một giáo xứ, tôi có người dân, cộng đồng. Bây giờ tôi bị đày ải, tôi không có nơi nào để gối đầu. Tôi đã và đang đến thăm các gia đình tị nạn ở các thành phố của Ukraine. Họ là những cuộc gặp gỡ sâu sắc. Tôi không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Tôi biết rằng bây giờ cần phải hỗ trợ những gia đình đã rời Melitopol. Chúng tôi mơ ước có thể quay lại với nhau.”

“Thưa Cha Oleksandr, theo cha hòa bình là gì sau những gì cha đã trải qua?”

“Hòa bình là gì? Bình an là khi có Chúa trong lòng. Và nếu tôi yêu Chúa, tôi không thể làm điều ác. Rồi sẽ có hòa bình.”

“Bình an cũng là có thể bước ra khỏi vùng an toàn của mình để gặp một người đang cần. Giống như người Samaritanô tốt bụng đã làm, hãy chìa tay ra, cho người đó sự tự do và yêu thương họ bất kể quyết định của họ là gì. Và chờ đợi người kia cũng làm như vậy, gặp bạn và yêu bạn như chính con người bạn. Đây là hòa bình”.


Source:SIR

2. Chương trình '60 Minutes' trình bày những phép lạ không thể giải thích về mặt y học xảy ra tại Lộ Đức

Bill Whitaker phỏng vấn Sơ Bernadette Moriau, người nhớ lại cảm giác của mình khi trải qua điều được công nhận là một phép lạ thực sự.

Tập gần đây của 60 Minutes đã trình bày câu chuyện của phóng viên Bill Whitaker, là người đã đến thăm Thánh địa Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp. Đoạn phim cung cấp những góc nhìn đầy cảm hứng về địa điểm hành hương nổi tiếng, cũng như các cuộc phỏng vấn với những tín hữu hành hương đang tìm cách được chữa lành và thậm chí một nữ tu đã hồi phục đột ngột sau khi viếng thăm Lộ Đức.

Mặc dù thị trấn Lộ Đức có quy mô nhỏ, nhưng nó thu hút hơn ba triệu du khách và người hành hương muốn viếng thăm đền thờ mỗi năm. Người ta lũ lượt kéo đến địa điểm này kể từ năm 1858, khi Thánh Bernadette chứng kiến và tiếp xúc với Đức Mẹ trong một loạt các lần hiện ra.

Người nữ tu nhận được phép lạ của Đức Mẹ Lộ Đức, sơ Bernadette Moriau, đã là nhân vật chính trên trang nhất của nhiều tờ báo tại Pháp và trên thế giới. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí sơ Bernadette Moriau luôn khẳng định rằng sơ không phải là một “siêu sao” như nhiều người nói nhưng chỉ là một “nữ tu bé nhỏ” vui mừng vì có thể đi lại một cách tự do trở lại.

Đức Cha Jacques Benoit-Gonin, là Giám mục Giáo phận Beauvais, đã nhấn mạnh đến các yếu tố “bất ngờ, tức khắc và hoàn toàn” trong sự kiện lành bệnh của sơ Bernadette Moriau. Phép lạ xảy đến với sơ Bernadette Moriau có những yếu tố giống như những phép lạ chính Chúa Giêsu đã thực hiện khi Ngài đến trong thế gian. Ngài bảo người mù sáng mắt, lập tức người ấy thoát cảnh đui mù. Ngài bảo người què đứng dậy đi, tức khắc người ấy đi được.

Bác sĩ Alessandro de Franciscis của Ủy ban Y khoa nói ông đã chủ trì các cuộc điều tra về việc lành bệnh ngoại thường của sơ và “hoàn toàn thuyết phục” rằng không có lời giải thích y khoa nào về sự kiện này.

Sơ Moriau nói với các phóng viên rằng sau khi trở về nhà dòng của mình ở gần thành phố Beauvais sau chuyến hành hương Lộ Đức và đang khi cầu nguyện trong nhà nguyện “Tôi cảm thấy một luồng sinh lực mạnh mẽ chạy khắp cơ thể mình, một sự thư giãn, ấm áp... Tôi về phòng của mình, và ở đó có một giọng nói với tôi “tháo nẹp con ra đi”, “Thật kinh ngạc, tôi có thể đi đứng như thường”. Sơ Moriau cho biết thêm ngay lập tức sơ quăng hết tất cả cả dụng cụ trợ giúp, từ cái nẹp sắt, đến cái xe lăn và cả những ống morphine - và đi bộ 5km một vài ngày sau đó.

Sơ nói trong chương trình 60 Minutes “Tôi đến đây để làm chứng cho quyền năng của Đức Mẹ, chứ tôi không đến đây để làm cho các bạn tin tôi.”

Đây là sự kiện 70 được chính thức công nhận là một hành động can thiệp của Thiên Chúa tại Lộ Đức, một địa điểm hành hương ở miền Nam nước Pháp.
Source:Aleteia

3. Ukraine nỗ lực xóa bỏ tàn tích của Liên Xô và Nga khỏi các không gian công cộng

Ukraine đang đẩy mạnh nỗ lực xóa bỏ dấu tích ảnh hưởng của Liên Xô và Nga khỏi các không gian công cộng bằng cách dỡ bỏ các tượng đài và đổi tên hàng trăm con phố để vinh danh các nghệ sĩ, nhà thơ, binh lính, các nhà lãnh đạo độc lập và những người khác – bao gồm cả những anh hùng của cuộc chiến năm nay.

Sau cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa giết chết hoặc làm bị thương vô số dân thường và binh lính, đồng thời phá hủy các tòa nhà và cơ sở hạ tầng, các nhà lãnh đạo Ukraine đã chuyển một chiến dịch từng tập trung vào việc xóa bỏ quá khứ Cộng sản của nước này thành một chiến dịch “phi Nga hóa”.

Hãng thông tấn Associated Press đưa tin:

Những con phố vinh danh nhà lãnh đạo cách mạng Vladimir Lenin hay Cách mạng Bolshevik phần lớn đã biến mất; bây giờ Nga là kẻ thù.

Đó là một phần hình phạt cho những tội ác do Nga gây ra, và một phần khẳng định bản sắc dân tộc bằng cách tôn vinh những người Ukraine nổi tiếng, những người hầu như bị bỏ qua trong thời kỳ Liên Xô.

Nga, thông qua Liên Xô, được nhiều người ở Ukraine coi là đã đóng dấu sự thống trị của họ lên nước láng giềng ở phía tây nam trong nhiều thế hệ, khiến các nghệ sĩ, nhà thơ và anh hùng quân đội của họ rơi vào tình trạng ít người biết đến, so với những người Nga nổi tiếng hơn.

Nếu những người chiến thắng viết nên lịch sử, như một số người nói, thì người Ukraine đang viết lại lịch sử của chính họ – ngay cả khi số phận của họ đang ở thế cân bằng. Bản sắc dân tộc của họ đang có những gì có thể là một sự đột biến chưa từng thấy, theo nhiều cách.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã mặc một chiếc áo phông đen có dòng chữ: “Tôi là người Ukraine.”
 
Phụng Vụ huy hoàng Lễ Vọng Giáng Sinh 2022 tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Vatican
VietCatholic Media
20:00 24/12/2022


Mặc dù Ý không còn lệnh giới nghiêm 10 giờ tối như một phần trong các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành “Thánh lễ Vọng Giáng Sinh” tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 7:30 tối, như ngài đã làm từ năm 2020.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục và khoảng 7,000 tín hữu.

Trong khi Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế đang tiến lên bàn thờ, ca đoàn cùng cộng đoàn hát bài “The First Noel - Noel đầu tiên” bằng tiếng Ý là “Nella notte”

Mùa Giáng Sinh đầu tiên, các thiên thần kể lại rằng

Là khi có một nhóm người chăn cừu nghèo trên cánh đồng

Nơi mà họ thường chăn dắt những chú cừu

Vào một đêm mùa đông lạnh giá

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Họ đã nhìn và thấy một ngôi sao

Rực chói cả bầu trời phương Đông xa kia

Và khi đó mặt đất bừng toả sáng

Thế là liên tục như vậy cả ngày và đêm

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Nhờ ánh sáng của ngôi sao ấy

Từ đất nước phương xa có ba người đàn ông đã đến

Vì mục đích tìm kiếm một vì vua

Thế là họ dõi theo ngôi sao ấy

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Ngôi sao kia di chuyển mãi gần đến hướngTây Bắc

đến vùng Bethlehem, nó dừng lại

Dừng và nghỉ hẳn tại nơi

Chính nơi đây, nơi Chúa Giêsu đã ra đời

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Và ba người đàn ông ấy bước đến

Họ cung kính quỳ xuống

Dâng lên vì vua của mình

Nào là vàng bạc, nhũ hương và mộc dược qúy giá

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Nào thì chúng ta cùng hợp tiếng

Ngợi ca Thiên Chúa

Đã làm cho Trời và Đất giao hoà

Với tất cả tình thương nhân loại

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một ca trưởng đang hát bài công bố Tin Mừng Giáng Sinh, thường được gọi là Kalenda

Ngày thứ bảy trong tháng âm lịch. Nhiều thời đại đã qua kể từ khi Chúa tạo thành Trời Đất và hình thành nên con người theo hình ảnh của Người; nhiều thế kỷ đã trôi qua sau trận Đại Hồng Thủy, khi Đấng Chí Thánh đặt một cầu vồng trên trời như một dấu hiệu của giao ước và hòa bình;

Bao năm đã trôi qua sau cuộc di cư của Ápraham, là tổ phụ trong đức tin của chúng ta, từ miền Ur của người Chanđê, và hai mươi mốt thế kỷ sau đó là cuộc di cư của dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, dưới sự hướng dẫn của Môise, mười ba thế kỷ sau khi Ða-vít được xức dầu phong vương, một ngàn năm sau đó; trong tuần lễ thứ sáu mươi lăm theo lời tiên tri Ða-ni-ên; vào năm thứ một trăm chín mươi bốn triều Olympiad; sau khi thành Rôma được thành lập năm bảy trăm năm mươi hai, vào năm thứ 40 dưới thời cai trị của Caesar Octavian Augustus, khi toàn thế giới đang sống trong hòa bình: Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian.

Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.

Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Đêm nay có còn gì để nói với cuộc sống của chúng ta nữa không? Hai ngàn năm sau khi Chúa Giêsu Giáng Sinh, sau bao nhiêu lễ Giáng Sinh trải qua giữa những đồ trang trí và quà tặng, chủ nghĩa tiêu dùng đã gói kỹ dường nào mầu nhiệm mà chúng ta cử hành, dẫn đến một mối nguy hiểm. Chúng ta biết nhiều điều về Lễ Giáng Sinh, nhưng chúng ta quên ý nghĩa đích thực của ngày lễ này. Như thế, làm thế nào để chúng ta có thể tái khám phá ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh? Trước hết, chúng ta sẽ đi tìm Chúa Hài Đồng ở đâu? Phúc âm tường thuật biến cố Chúa Giáng Sinh dường như đã được viết chính xác cho mục đích này: đó là nắm lấy tay chúng ta và dẫn chúng ta đến nơi Thiên Chúa muốn chúng ta đi.

Mọi sự bắt đầu với một tình huống không khác gì tình huống của chúng ta ngày nay: mọi người đang hối hả chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng, cuộc điều tra dân số lớn, đòi hỏi phải chuẩn bị rất nhiều. Theo nghĩa đó, bầu không khí rất giống lễ Giáng Sinh hiện đại của chúng ta. Tuy nhiên, Tin Mừng không sa đà vào bối cảnh trần tục đó; nhưng nhanh chóng chuyển cái nhìn của chúng ta sang một điều khác quan trọng hơn. Đó là một chi tiết nhỏ và dường như không đáng kể mà Tin Mừng nhắc đến ba lần, luôn liên quan đến các nhân vật trung tâm trong câu chuyện. Đầu tiên, Mẹ Maria đặt Chúa Giêsu “trong máng cỏ” (Lc 2:7); rồi các thiên thần kể cho các mục đồng nghe về “một hài nhi bọc trong tã, nằm trong máng cỏ” (c. 12); và cuối cùng là các mục đồng, những người tìm thấy “Hài Nhi nằm trong máng cỏ” (c. 16). Để khám phá lại ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, chúng ta cần nhìn vào máng cỏ. Tuy nhiên, tại sao máng cỏ lại quan trọng như vậy? Bởi vì đó là dấu chỉ cho thấy Chúa Kitô đến thế gian này, chứ không phải ngẫu nhiên tình cờ. Đó là cách Ngài thông báo sự giáng trần của mình. Đó là cách Thiên Chúa sinh ra trong lịch sử, để chính lịch sử được tái sinh. Sau đó máng cỏ nói gì với chúng ta? Thưa: Ít nhất là ba điều: gần gũi, nghèo khó và cụ thể.

Sự gần gũi. Máng cỏ đóng vai trò như máng ăn, giúp thức ăn được tiêu thụ nhanh hơn. Bằng cách này, nó có thể tượng trưng cho một khía cạnh của con người chúng ta: đó là lòng tham tiêu dùng của chúng ta. Trong khi thú vật kiếm ăn trong chuồng của chúng, những người nam nữ trong thế giới của chúng ta, trong cơn thèm khát của cải và quyền lực, thậm chí ăn thịt cả những người hàng xóm, anh chị em của họ. Chúng ta đã thấy biết bao nhiêu cuộc chiến!

Và biết bao nhiêu nơi, ngay cả ngày nay, nhân phẩm và tự do của con người bị khinh miệt! Như mọi khi, nạn nhân chính của lòng tham con người này là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương. Giáng Sinh này cũng vậy, như trường hợp của Chúa Giêsu, một thế giới khao khát tiền bạc, quyền lực và lạc thú không dành chỗ cho những trẻ nhỏ, cho biết bao trẻ em chưa chào đời, nghèo khổ và bị lãng quên. Trên hết, tôi nghĩ đến những trẻ em bị tàn phá bởi chiến tranh, nghèo đói và bất công. Tuy nhiên, đó chính là những nơi mà Chúa Giêsu đến, một hài nhi nằm trong máng cỏ của sự chối bỏ và khước từ. Nơi Người, Hài Nhi Bêlem, mọi trẻ thơ đều hiện diện. Và chính chúng ta được mời nhìn cuộc sống, chính trị và lịch sử qua con mắt của trẻ thơ. Trong máng cỏ của sự từ chối và khó chịu, Thiên Chúa hiện diện. Ngài đến đó bởi vì ở đó chúng ta nhìn thấy vấn đề của nhân loại chúng ta: sự thờ ơ được tạo ra bởi sự vội vàng tham lam để sở hữu và tiêu thụ. Ở đó, trong máng cỏ đó, Chúa Kitô đã sinh ra, và ở đó chúng ta khám phá ra sự gần gũi của Người với chúng ta. Ngài đến đó, đến một máng cỏ, để trở thành thức ăn của chúng ta. Thiên Chúa không phải là người cha nuốt chửng con cái mình, mà là Cha, nơi Chúa Giêsu, làm cho chúng ta nên con cái của Người và nuôi dưỡng chúng ta bằng tình yêu dịu dàng của Người. Ngài đến để đánh động trái tim chúng ta và nói với chúng ta rằng chỉ có tình yêu mới là sức mạnh thay đổi dòng lịch sử. Ngài không xa cách và oai phong lẫm liệt, nhưng đến gần chúng ta trong sự khiêm nhường; bỏ ngai vàng trên trời, Người hạ mình nằm trong máng cỏ.

Anh chị em thân mến, tối nay Thiên Chúa đang đến gần anh chị em, vì anh chị em quan trọng đối với Ngài. Từ máng cỏ, như lương thực cho cuộc sống của anh chị em, Ngài nói với anh chị em: “Nếu anh em cảm thấy bị các sự kiện làm cho kiệt sức, nếu anh em bị cảm giác tội lỗi và kém cỏi nuốt chửng, nếu anh em khao khát công lý, thì Thầy, Thiên Chúa của anh em, ở cùng anh em. Thầy biết những gì anh em đang trải qua, vì chính Thầy đã trải qua những điều như thế trong máng cỏ đó. Thầy biết nhược điểm của anh em, thất bại của anh em và lịch sử của anh em. Thầy được sinh ra để nói với anh chị em rằng Thầy đang, và sẽ luôn ở bên cạnh anh em”. Máng cỏ Giáng Sinh, sứ điệp đầu tiên của Hài Nhi Chí Thánh, nói với chúng ta rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Người yêu thương chúng ta và Người tìm kiếm chúng ta. Vì vậy, anh chị em hãy ghi khắc trong trái tim! Đừng để bản thân bị khuất phục bởi sự sợ hãi, cam chịu hay nản lòng. Chúa sinh ra trong máng cỏ để anh chị em có thể tái sinh ở chính nơi mà anh chị em nghĩ mình đã chạm đáy. Không có sự dữ nào, không có tội lỗi nào làm Chúa Giêsu không muốn cứu anh chị em. Và Chúa luôn có thể. Lễ Giáng Sinh có nghĩa là Thiên Chúa ở gần chúng ta: hãy để niềm tin được tái sinh!

Máng cỏ Bêlem nói với chúng ta không chỉ về sự gần gũi, mà còn về sự nghèo khó. Xung quanh máng cỏ có rất ít: chỉ có cỏ khô và rơm, một vài con vật, ít thứ khác. Mọi người ấm áp trong quán trọ, nhưng không phải ở đây trong sự lạnh lẽo của chuồng gia súc. Tuy nhiên, đó là nơi Chúa Giêsu được sinh ra. Máng cỏ nhắc nhở chúng ta rằng xung quanh Ngài không có gì khác ngoài tình yêu: Mẹ Maria, Thánh Giuse và các mục đồng; tất cả những người nghèo, hiệp nhất bởi tình cảm và sự ngạc nhiên, không phải bởi sự giàu có và những kỳ vọng lớn. Do đó, sự nghèo khó của máng cỏ chỉ cho chúng ta nơi tìm thấy sự giàu có thực sự trong cuộc sống: không phải ở tiền bạc và quyền lực, mà là ở các mối quan hệ và con người.

Và người đầu tiên, của cải lớn nhất, là chính Chúa Giêsu. Nhưng liệu chúng ta có muốn đứng về phía Ngài không? Chúng ta có đến gần Ngài không? Chúng ta có yêu sự nghèo khó của Ngài không? Hay chúng ta thích tiếp tục thoải mái thu mình trong những mối quan tâm và lợi ích của riêng mình? Trên hết, chúng ta có đến thăm Người ở nơi chúng ta có thể tìm thấy Người không, cụ thể là trong máng cỏ nghèo nàn của thế giới chúng ta? Vì đó là nơi Ngài hiện diện. Chúng ta được kêu gọi trở thành một Giáo hội tôn thờ một Chúa Giêsu nghèo khó và phục vụ Người nơi những người khó nghèo. Như một vị giám mục thánh thiện đã từng nói: “Giáo hội hỗ trợ và chúc lành cho những nỗ lực thay đổi các cơ cấu bất công, và chỉ đặt ra một điều kiện: đó là sự thay đổi xã hội, kinh tế và chính trị đó phải thực sự mang lại lợi ích cho người nghèo” (OA ROMERO, Sứ điệp mục vụ cho năm mới, ngày 1 tháng Giêng năm 1980). Chắc chắn, không dễ gì rời bỏ sự ấm áp dễ chịu của thế gian để ôm lấy vẻ đẹp khắc nghiệt của hang đá Bêlem, nhưng chúng ta hãy nhớ rằng Giáng Sinh chân thực không thể thiếu người nghèo. Không có người nghèo, chúng ta vẫn có thể mừng lễ Giáng Sinh, nhưng không thể đón mừng Chúa Giêsu Giáng Sinh. Anh chị em thân mến, trong Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa là người nghèo: hãy để lòng bác ái được tái sinh!

Bây giờ chúng ta đi đến điểm cuối cùng: máng cỏ nói với chúng ta về tính cụ thể. Thật vậy, một hài nhi nằm trong máng cỏ cho chúng ta thấy một khung cảnh gây chấn động, thậm chí là bẽ bàng. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã thực sự trở nên xác phàm. Kết quả là tất cả những lý thuyết, những suy nghĩ tốt đẹp và những tình cảm ngoan đạo của chúng ta không còn đủ nữa. Chúa Giêsu sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo; Ngài không nói nhiều về nghèo đói mà sống với nghèo đói, cho đến cùng, vì lợi ích của chúng ta. Từ máng cỏ cho đến thánh giá, tình yêu của Người dành cho chúng ta luôn rõ ràng và cụ thể. Từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, người con trai của bác thợ mộc đã ôm lấy sự thô ráp của gỗ, sự khắc nghiệt trong sự tồn tại của chúng ta. Ngài không chỉ yêu chúng ta bằng lời nói; Ngài yêu chúng ta với sự nghiêm túc tột cùng!

Như thế, Chúa Giêsu không hài lòng với vẻ bề ngoài. Đấng đã mặc lấy xác phàm của chúng ta không chỉ muốn có ý tốt mà hôi. Đấng được sinh ra trong máng cỏ, đòi hỏi một đức tin cụ thể, được tạo thành từ sự tôn thờ và bác ái, chứ không phải những lời nói suông và hời hợt. Đấng nằm trần truồng trong máng cỏ và bị treo trần trụi trên thập giá, yêu cầu chúng ta sự thật, Ngài yêu cầu chúng ta đi đến thực tại trần trụi của mọi sự, và đặt dưới chân máng cỏ tất cả những lời ngụy biện, những biện minh và thói giả hình của chúng ta. Được Mẹ Maria dịu dàng quấn trong tấm tã, Người muốn chúng ta mặc lấy tình yêu. Thiên Chúa không muốn vẻ bề ngoài mà muốn sự cụ thể. Cầu mong chúng ta đừng để Giáng Sinh này trôi qua mà không làm được điều gì tốt đẹp. Vì đó là lễ kỷ niệm, là sinh nhật của Ngài, chúng ta hãy tặng Chúa Giêsu những món quà mà Ngài thấy hài lòng! Vào Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa rất cụ thể: nhân danh Người, chúng ta hãy giúp nhen nhóm và tái sinh hy vọng nơi những người cảm thấy tuyệt vọng!

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thấy Chúa đang nằm trong máng cỏ. Chúng con thấy Chúa gần gũi, luôn ở bên cạnh chúng con: tạ ơn Chúa! Chúng con thấy Chúa trong thân phận nghèo khó, để dạy chúng con rằng của cải đích thực không nằm ở vật chất mà ở con người, và nhất là ở người nghèo: xin tha thứ cho chúng con nếu chúng con đã không nhận ra và phục vụ Chúa nơi những anh chị em đó. Chúng con thấy Chúa cụ thể, bởi vì tình yêu Chúa dành cho chúng con có thể chạm đến được. Xin giúp chúng con dâng hiến xác thịt và sự sống cho đức tin của chúng con. Amen.