Ngày 25-12-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:56 25/12/2019

20. Chỉ có nhẫn nại mới có thể thử thách đức ái của con người, có nhẫn nại lớn thì nhất định sẽ có đức ái lớn. Không có nhẫn nại tất không có đức ái.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:03 25/12/2019
98. NÓI TỐT CHO MÌNH

Nam Đường Nguyên Tôn văn hay thơ tốt.

Một ngày nọ hội các quan đại thần lại làm thơ, học sĩ Chu Củng khi làm thơ thì thiếu tài hoa, cả ngày mà cũng không làm được một bài thơ, chỉ có viết hai câu thơ rất tầm thường, nhưng ông ta lại không sợ mất mặt, lúc giao nộp bài thì mặt dày mày dạn nói:

- “Vật tốt thì không nên nhiều”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 98:

Người có chút sĩ diện thì sẽ không làm trò cười cho thiên hạ, cũng như người còn chút lương tâm thì không làm hại ai, bởi vì sĩ diện là cái bên ngoài người ta có thể thấy được và lương tâm là cái bên trong nên ít người thấy…

Mặt dày mày dạn thì chỉ có những người lòn trên cúi dưới mới có, bởi vì tâm hồn của họ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà không nghĩ đến những chuyện ích nước lợi dân, cũng như không hề nghĩ đến sự hơn thiệt của việc mình làm.

Ai cũng thích người khác nói tốt cho mình, như vậy mới oai, chứ rất ít người thích tự mình nói tốt cho mình, nhưng người vì sĩ diện thì lại thích tự mình nói tốt cho mình nên lời nói tốt ấy không có giá trị trước mặt người đời, và càng không có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là Đấng rất không thích người tự cao tự đại vì sĩ diện mà nói tốt cho mình.

Là người Ki-tô hữu, tôi đã rất nhiều lần nghe lời dạy của Đức Chúa Giê-su: ai nhắc mình lên thì sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống thì sẽ được nhắc lên. Vậy mà đã có rất nhiều lần vì sĩ diện mà tôi tự nói tốt cho mình đến nỗi quên cả mình là người Ki-tô hữu con cái của Thiên Chúa và là môn đệ của Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:51 25/12/2019

21. Nên cẩn thận, không nên vì người khác không đúng mà mất đi sự nhẫn nại của mình, vì như thế thì giống như nhìn thấy người khác ngã trong hố rồi mình cũng nhảy xuống khe núi, phải nói là quá hồ đồ.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:15 25/12/2019
99. THÍCH SÚC VẬT

Lô Đình Nhượng thích thơ, nhưng chẳng qua là cả đời đi thi hai mươi lăm lần mới lấy được cái tiến sĩ, lúc đỗ đạt thì đã già lắm rồi.

Sau khi đỗ đạt, lúc Lỗ Đình Nhượng lục lọi và giở ra xem các cuộn thơ, thì thấy lời của Trương Tuấn ca tụng:

- “Quan Hồ Trung qua đường, chó chạm mở cửa tiệm”.

lời khen của Thành Nột thì lý thú: “Trộm mèo ghé nhà chuột, trói chó liếm cá gỗ”.

Nhưng câu làm cho Vương Kiến rất thích là: “Run rẩy đốt cháy tấm thảm rách, mèo nhảy chạm lật nồi”.


Đọc xong, Lô Đình Nhượng nói với mọi người:

- “Thường ngày tôi kính trong họ, nhưng không ngờ họ lại được việc như cáo, chó, mèo, chuột”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 99:

Con người ta hay nhìn vẻ dáng bên ngoài để khoe khoang, để tâng bốc, để thỏa mãn và để bằng lòng, nhưng chữ “ngờ” to bự chảng trước mặt mà không thấy…

Không ai ngờ được có người khúm núm thưa ông lạy bà với cấp trên nhưng trong lòng thì chửi tổ mẹ ông bà nó; không ai ngờ được có người cùng ăn cùng ở với nhau như anh em ruột thịt lại đi bán anh em bạn hữu của mình; không ai ngờ được có những người gặp nhau thì tay bắt mặt mừng cười cười nói nói nhưng lại tìm cách để hãm hại anh em; và cũng không ai ngờ có những khuôn mặt thiên thần nhưng tâm hồn thì là quỷ, cũng như ngoài thì mặt người nhưng lòng dạ thì lang sói.v.v… và còn rất nhiều cái không ai ngờ đã xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.

Thế gian là thế gian chứ không phải là thiên đàng cho nên tất cả mọi việc xấu xa không ngờ đều có thể xảy ra.

Người có tâm hồn bình an thì đối với họ những việc xấu xa không ngờ xảy ra chỉ là chuyện nhỏ, bởi vì họ đã luôn nhờ Lời Chúa soi sáng mà biết được thế gian chỉ là phù vân, và tình cảm con người chỉ là tạm bợ và dối trá nay yêu mai ghét…

Mọi sự trên đời đều có thể xảy ra, nhưng người Ki-tô hữu nhờ được ơn thông hiểu của Chúa Thánh Thần, nên biết nhìn thấy thánh ý của Thiên Chúa trong cái không ngờ đang xảy đến cho họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi 2019
J.B. Đặng Minh An dịch
06:31 25/12/2019
Lúc 12 giờ trưa ngày lễ Giáng Sinh 25/12/2019, Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô để đọc thông điệp Giáng Sinh gởi dân thành Rôma và toàn thế giới.

Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, chúc mừng Giáng Sinh!

Từ cung lòng của Giáo Hội Mẹ, Con Thiên Chúa nhập thể được tái sinh vào đêm nay. Danh Ngài là Giêsu, nghĩa là: “Thiên Chúa cứu độ”. Chúa Cha, là tình yêu vĩnh cửu và bất tận, đã sai Người đến thế gian không phải để kết án nhưng là để cứu thế gian (x. Ga 3:17). Chúa Cha đã ban Con Ngài cho chúng ta với lòng thương xót vô biên. Chúa Cha đã trao ban Con Ngài cho mỗi người chúng ta mãi mãi. Chúa Con được sinh ra, giống như một ánh sáng nhỏ chập chờn trong cái lạnh lùng và tăm tối của màn đêm.

Hài Nhi đó, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, là Ngôi Lời của Thiên Chúa hóa thành nhục thể. Ngôi Lời, Đấng đã hướng dẫn trái tim của tổ phụ Ápraham và những bước chân của ông hướng về miền đất hứa, và Người tiếp tục lôi kéo về phía mình tất cả những ai tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Ngôi Lời đã dẫn dắt người Do Thái trên hành trình từ nô lệ đến tự do và tiếp tục kêu gọi những người nô lệ trong mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta, hãy bước ra khỏi các nhà tù của họ. Ngài là Ngôi Lời sáng hơn mặt trời, được hóa thành phàm nhân trong người con trai bé nhỏ của con người: Đó là Chúa Giêsu là ánh sáng của thế giới.

Đây là lý do tại sao tiên tri Isaia thốt lên: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” ( Is 9: 1 ) Trong trái tim con người, dầy đặc những bóng tối, nhưng ánh sáng của Chúa Kitô còn mạnh hơn. Có bóng tối trong các mối quan hệ cá nhân, gia đình và xã hội, nhưng ánh sáng của Chúa Kitô mạnh hơn thế nữa. Có bóng tối trong các cuộc xung đột về kinh tế, địa chính trị và sinh thái, nhưng ánh sáng Chúa Kitô vẫn mạnh hơn.

Cầu xin Chúa Kitô mang ánh sáng của Người đến cho nhiều trẻ em đang bị đau khổ vì chiến tranh và xung đột ở Trung Đông và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cầu xin Người mang lại ơn an ủi cho người dân Syria yêu dấu, những người vẫn không thấy dấu chấm hết cho tình trạng thù địch đã xâu xé đất nước họ trong thập kỷ qua. Cầu xin Người khuấy động lương tâm của những người nam nữ có thiện chí. Cầu xin Người truyền cảm hứng cho các chính phủ và cộng đồng quốc tế tìm ra giải pháp để các dân tộc trong khu vực đó có thể chung sống trong hòa bình và an ninh, và chấm dứt những khổ đau của họ. Cầu xin Người nâng đỡ người dân Li Băng và giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại và tái khám phá ơn gọi của mình là trở thành cho tất cả mọi người một thông điệp về tự do và cùng tồn tại hài hòa.

Xin Chúa Giêsu mang ánh sáng đến Thánh địa, nơi Người đã được sinh ra là Cứu Chúa của nhân loại, và nơi có rất nhiều người – dù phải đấu tranh cam go nhưng không nản lòng - vẫn đang mong chờ một thời kỳ hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Cầu xin Người mang lại niềm an ủi cho Iraq trong bối cảnh căng thẳng xã hội hiện tại và cho đất nước Yemen, đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Xin Chúa Hài Đồng Bethlehem mang lại hy vọng cho toàn lục địa Mỹ châu, nơi một số quốc gia đang trải qua những thời kỳ biến động xã hội và chính trị. Xin Ngài khuyến khích người dân Venezuela yêu quý, đã và đang phải chịu những thử thách lâu dài bởi những căng thẳng chính trị và xã hội, và bảo đảm rằng họ nhận được sự trợ giúp cần thiết. Cầu xin Chúa chúc phúc cho những nỗ lực của những người không từ bỏ bất cứ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy công lý và hòa giải, và nhằm vượt qua các cuộc khủng hoảng đa dạng và nhiều hình thức bần cùng hóa xúc phạm đến phẩm giá của mỗi người.

Xin Đấng Cứu chuộc thế giới mang lại ánh sáng cho Ukraine yêu dấu, nơi đang khao khát những giải pháp cụ thể cho một nền hòa bình bền vững.

Xin Chúa Hài Nhi mang lại ánh sáng cho người dân châu Phi, nơi những tình huống chính trị xã hội dai dẳng thường buộc các cá nhân phải di cư, bỏ lại nhà cửa và gia đình. Xin Chúa mang lại hòa bình cho những người đang sống ở miền đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi vẫn đang bị xâu xé bởi những xung đột đang tiếp diễn. Xin Người mang lại niềm an ủi cho tất cả những người phải đau khổ vì bạo lực, thiên tai hay dịch bệnh. Xin Chúa mang lại niềm ủi an cho những người bị bách hại vì niềm tin tôn giáo, đặc biệt là các nhà truyền giáo và các tín hữu đã bị bắt cóc, và an ủi các nạn nhân của các nhóm cực đoan, đặc biệt là ở Burkina Faso, Mali, Nigeria và Niger.

Nguyện xin Con Thiên Chúa từ trời xuống, bảo vệ và nâng đỡ tất cả những ai, do những những bất công đa dạng, buộc phải di cư với hy vọng có được một cuộc sống an toàn. Chính là vì bất công mà họ phải băng qua các sa mạc và biển cả là những nơi trở thành mồ chôn của họ. Chính bất công buộc họ phải gánh chịu các hình thức lạm dụng không thể kể xiết, các hình thức nô lệ đủ loại và các phương thế tra tấn vô nhân đạo trong các trại giam.Chính bất công xua đuổi họ khỏi những nơi mà lẽ ra họ có thể hy vọng về một cuộc sống xứng đáng, để rồi sau đó họ lại thấy mình đứng trước những bức tường thờ ơ.

Xin Đấng Emmanuel mang lại ánh sáng cho tất cả các thành viên đang đau khổ trong gia đình nhân loại của chúng ta. Xin Ngài làm mềm trái tim thường xuyên chai đá và tự cho mình là trung tâm của chúng ta, và biến trái tim chúng ta thành những kênh tình yêu của Người. Xin Chúa mang nụ cười của Người, thông qua những khuôn mặt đáng thương của chúng ta, đến với tất cả trẻ em trên thế giới: đến những người bị bỏ rơi và những ai đang đau khổ vì bạo lực. Qua bàn tay yếu đuối của chúng ta, xin Ngài mặc lấy áo xống cho những người không có gì để mặc, trao bánh cho những người đói khát và chữa lành cho các bệnh nhân. Cầu xin cho thông qua tình bạn của chúng ta, dù thế nào đi chăng nữa, cũng có thể mang Chúa đến gần những người già và những ai cô đơn, những người di cư và những ai bị thiệt thòi. Vào ngày Giáng Sinh vui mừng này, xin Chúa mang sự dịu dàng của Ngài đến với tất cả mọi người và xua tan bóng đêm tăm tối của thế giới này.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Chuyện hay muà Giáng Sinh: Cái ‘ổ gà’ mọc lên cây Giáng Sinh
Trần Mạnh Trác
17:28 25/12/2019
Câu chuyện bắt đầu từ việc ông John Drumond là một người dân ở thị xã McComb cuả tiểu bang Mississippi phản đối sở Công Chánh bằng cách cắm một bộ cây bằng dây sắt trần trụi lên trên một cái ‘thùng bằng cao su hình nón’ mà sở công chánh cuả thành phố thường đặt lên trên các ‘ổ gà’ trên đường để cho xe cộ tránh bị tai nạn.

Cái cành cây trơ trọc ở giữa đường đó gợi thêm tưởng tượng cho những người hàng xóm chung quanh, và họ đã trang trí thêm vào bằng những sợi kim tuyến, những hoa lá và một ngôi sao lớn, tạo thành một cây Giáng Sinh công cộng, mang lại sự lung linh ấm cúng và an hoà cho một thị xã vùng ‘cực sâu cuả Miền Nam Hoa Kỳ’từng có một lịch sử hổn loạn u ám và hung bạo này.

McComb tuy chỉ là một quận lỵ nhỏ cuả Mississippi với 10 ngàn dân (trong toàn quận) nằm ở vùng đầm lầy góc Tây Nam sát nách với Louisiana, nhưng xuốt cả thề kỷ 20 đã xảy ra nhiều vụ bạo động làm rúng động Thế Giới, bắt đầu là vụ đình công đẫm máu cuả công nhân xe lửa năm 1911-1914, có hàng chục người chết và nhiều vụ phá hoại gây ra nhiều chục nạn nhân ở xa như tận mãi bên San Antonio Tx, chính phủ tiểu bang đã phải điều động dân quân (militia) đến để dẹp loạn. Sau đó vào những năm 60, nơi đây lại trở thành xào huyệt cuả những nhóm KKK và ‘Bạch Chủng’ muốn duy trì ‘quyền tối cao’ cuả dân Da Trằng bằng những hành động ngăn chặn và giết chóc khủng bố các cử tri Da Đen. Trớ trêu thay, sau khi bộ luật ‘Quyền Công Dân’ được ban hành vào năm 1964 thì ngày nay McComb đã trở thành nơi sinh sống cuả đa số dân da màu mà người Da Đen chiếm tới 67%.

Trở lại câu chuyện cái ổ gà và cây Giáng Sinh công cộng, thì cảnh trí lạ thường đó đã đập vào mắt các phóng viên Associated Press và Fox News, và do thế đã trở thành một tin lớn!

Ông mục sư Leon Hitchens cuả nhà thờ Webb Chapel Church cuả khu phố nhỏ Liberty gần đấy, sau khi thấy cảnh cây Giáng Sinh Ổ Gà (Pothole Christmas Tree) đã cảm hứng viết ra một bản nhạc với tựa đề “Pothole Christmas Tree” với một điệp khúc là một câu hỏi như sau:

“Nếu một người vô danh mà đã có thể mang cái ổ gà và lôi kéo toàn thể thế giới cùng chung vai sát cánh với nhau, thì bạn làm gì để san sẻ niềm vui Giáng Sinh đây?”

Vị mục sư tâm sự rằng ông đã thực sự xúc động bởi câu chuyện này. Tất cả là vì tinh thần Giáng sinh mà ông Drumond đó đã thay đổi một tình huống xấu xa và làm cho nó tốt đẹp hơn lên.

Ủy ban thành phố đã cho báo chí biết rằng tuy tài khoản cuả thành phố là rất eo hẹp nhưng họ đã vận động mọi nguồn lực để sửa chữa vá đường và một khoản chứng phiếu mới là 3.2 triệu Mỹ kim đã được thông qua.

Tục lệ Giáng Sinh là vào ngày đầu năm thì mọi người bắt đầu hạ cây Giáng Sinh xuống, nhưng nhìn vào tốc độ sửa chữa đường xá ở đây, người ta không biết là vào lúc ấy thì cái ổ gà đó có còn ở đó hay không?
 
Nhà thờ tại thị trấn Kitô giáo lớn nhất của Iraq sẽ được xây dựng lại vào năm 2020
Đặng Tự Do
17:49 25/12/2019
Năm năm sau khi Nhà nước Hồi giáo cướp bóc và đốt cháy Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Al-Tahira vĩ đại ở Bakhdida vẫn còn những vết nám đen bên trong. Tuy nhiên, vào năm 2020, nhà thờ Công Giáo nghi lễ Syria này sẽ được khôi phục khi cộng đồng Kitô giáo lớn nhất của Iraq cố gắng hết sức xây dựng lại và lấy lại những gì đã mất.

“Đây là một nhà thờ rất quan trọng bởi vì nó được xây dựng từ sự đóng góp của người dân, những nông dân quanh vùng.” Cha Georges Jahola, một linh mục chính xứ trong vùng Bakhdida, nói với thông tấn xã Công Giáo CNA.

Bakhdida, còn được gọi là Qaraqosh, nằm cách thành phố Mosul 32km về phía đông nam. Cha Jahola nói rằng các Kitô hữu địa phương hy vọng rằng trong tương lai thị trấn của họ sẽ được gọi là Bakhdida, thay vì Qaraqosh như hiện nay. Bakhdida là tên bằng tiếng Aramaic, ngôn ngữ chính Chúa Giêsu đã nói khi xuống thế làm người. Tên Bakhdida cũng mang tính lịch sử hơn danh xưng Qaraqosh, là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ mà Đế chế Ottoman dùng để gọi vùng này.

Cha Georges Jahola giải thích rằng các nhà thờ trong vùng bình nguyên Nineveh của Iraq đã được xây dựng trong khoảng từ 1932 đến 1948 nhờ sự dâng cúng quảng đại của nông dân Công Giáo từ hoa màu do họ thu hoạch được hàng năm. Đại thánh đường Al-Tahira phục vụ cộng đoàn Kitô hữu ngày càng tăng, cho đến khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm đóng và đốt phá ngôi nhà thờ trong thời gian từ 2014 đến 2016.

Sau khi Bakhdida được giải phóng khỏi tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào năm 2016, các thánh lễ được tiếp tục cử hành trong ngôi nhà thờ bị hư hỏng trong khi các Kitô hữu lần lượt trở về xây dựng lại cộng đồng của họ. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục hoàn toàn nội thất bị cháy đen của nhà thờ. Việc thi công đã được hoàn tấ trong những ngày cuối năm 2019.

Kitô giáo đã có mặt tại vùng đồng bằng Nineveh ở Iraq, tức là khu vực giữa Mosul và vùng tự trị Kurdistan của người Kurd, kể từ thế kỷ thứ nhất.

Cha Jahola cho biết: Việc xây dựng lại 6,936 ngôi nhà bị hư hại trong vùng Bakhdida đã bắt đầu từ tháng 5 năm 2017, và kể từ đó hơn một nửa đã được hoàn thành.


Source:Catholic News Agency
 
Dân biểu Mỹ thanh minh về việc so sánh giữa phiên tòa Philatô xử Chúa Giêsu và tiến trình luận tội tổng thống Trump
Đặng Tự Do
17:55 25/12/2019
Dân biểu Loudermilk của đảng Cộng Hòa, đơn vị Georgia, đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi tại Hoa Kỳ khi tuyên bố hôm thứ Tư 18 tháng 12 rằng Chúa Giêsu Kitô đã được Philatô cho nhiều quyền hơn trong phiên tòa dẫn đến việc Ngài bị đóng đinh so với trường hợp Tổng thống Donald Trump bị đảng Dân Chủ luận tội.

“Trước khi các bạn bỏ phiếu trong ngày lịch sử, hôm nay, một tuần trước lễ Giáng sinh, tôi muốn các bạn ghi nhớ điều này: Khi Chúa Giêsu bị vu cáo là xúi dân làm loạn, Quan Phongxiô Philatô đã cho Chúa Giêsu có cơ hội đối mặt với những người tố cáo của Ngài”. Dân biểu Barry Loudermilk đưa ra nhận xét trên hôm thứ Tư tại diễn đàn Hạ Viện, khi Hạ Viện Hoa Kỳ tranh luận về một đề nghị buộc tội tổng thống Trump.

“Trong suốt phiên toà giả trá ấy, Quan Phongxiô Philatô đã dành cho Chúa Giêsu nhiều quyền hơn, so với đảng Dân chủ đã dành cho vị tổng thống của chúng ta trong tiến trình này,” ông nói thêm trước khi hết thời gian dành cho mình.

Brandon Cockerham, giám đốc truyền thông của Dân biểu Loudermilk, thanh minh với thông tấn xã Catholic News Agency như sau:

“Dân biểu Loudermilk chỉ đơn thuần muốn làm một so sánh về tiến trình này. Ông muốn nói là Quan Phongxiô Philatô để Chúa Giêsu được đối mặt với những kẻ tố cáo của Ngài, còn đảng Dân chủ đã từ chối cho phép tổng thống hay đảng Cộng hòa biết ai là người tố cáo là, đó là chưa kể đến quyền chất vấn các tố cáo này”

Chương thứ 23 của Phúc Âm Thánh Luca kể lại rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã bắt Chúa Giêsu, khi Ngài đang cầu nguyện ở Vườn Gethsemane ở Giêrusalem, và sau đó điệu đến nhà của Quan Phongxiô Philatô, lúc đó là tổng trấn xứ Giuđêa trong Đế quốc La Mã.

Các thượng tế nói với Quan Phongxiô Philatô rằng:

“Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia, là Vua nữa.”

Ông Philatô hỏi Người: “Ông là Vua dân Do thái sao? “ Người trả lời: “Chính ngài nói đó.” Ông Philatô nói với các thượng tế và đám đông: “Ta xét thấy người này không có tội gì.” Nhưng họ cứ khăng khăng nói: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giuđêa, bắt đầu từ Galilê cho đến đây.”

Trong bài phát biểu hôm 18 tháng 12 dân biểu Loudermilk cũng đã chất vấn Phát ngôn viên Hạ Viện Nancy Pelosi, là người đã nói vào tháng trước rằng nếu Trump có bằng chứng mình vô tội, thì “ông nên công khai hóa các bằng chứng ấy.” Theo dân biểu Loudermilk, tổng thống Trump đã nhiều lần bị từ chối quyền hiến định của mình trong suốt quá trình luận tội.

Ông Loudermilk nói:

“Hiến pháp bảo đảm rằng người bị cáo buộc có quyền yêu cầu các nhân chứng ra làm chứng cho họ. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa và tổng thống đã liên tục bị phủ nhận quyền này trong suốt tiến trình”

Hồi đầu năm nay, một người đã cáo buộc tổng thống lạm quyền của mình bằng cách thúc bách tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mở một cuộc điều tra cựu phó chủ tịch Joe Biden và con trai ông là Hunter, nếu không viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ bị giữ lại.

Người “tố cáo” này chưa được xác định, và vì thế, tổng thống Trump không thể chất vấn người ấy. Điều này, theo dân biểu Loudermilk, là vi phạm Tu Chính Án thứ sáu, trong đó tuyên bố rằng mọi người có quyền được xét xử công bằng và được đối diện với người tố cáo.

Quá trình luận tội chính thức bắt đầu ngày 24 tháng 9. Hai cáo buộc được đưa ra là tổng thống Trump “lạm dụng quyền lực” và “cản trở của Quốc hội”

Trong cuộc bỏ phiếu tối thứ Tư, Hạ viện do đảng Dân Chủ kiểm soát đã thông qua việc buộc tội tổng thống. Tuy nhiên, việc thông qua này hầu chắc là không đi tới đâu. Tại Thượng viện, do đảng Cộng Hòa kiểm soát phán quyết gần như chắc chắn sẽ bị đảo ngược.


Source:Catholic News Agency
 
Dẫn nhập vào Văn Kiện Tự Do Tôn Giáo của Ủy Ban Thần học Quốc Tế
Vũ Văn An
22:40 25/12/2019
Như đã loan tin trong bài Cầu nối thần học và huấn quyền (http://www.vietcatholic.net/News/Home/Article/253442), nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, Ủy Ban Thần học Quốc tế đã cho công bố 1 tài liệu quan trọng đó là Tự do Tôn giáo vì Thiện ích của Mọi người.

Văn kiện trên mới chỉ được công bố trên trang mạng chính thức của Tòa Thánh bằng ba thứ tiếng Ý, Tây Ban Nha và Pháp, chưa có bản tiếng Anh. Chúng tôi dựa vào bản tiếng Pháp của Tòa Thánh để chuyển sang Việt ngữ.

Tuy nhiên, trước khi đi vào chính bản văn của văn kiện, chúng tôi mời qúi độc giả đọc bài nhận định của Massimo Faggioli, giáo sư thần học tại Đại học Villanova, tựa là “A Postscript to Dignitatis Humanae” (Viết Tiếp vào Tuyên Ngôn Dignitatis Humanae) (https:www.commonwealmagazine.org).

Đã hơn năm mươi năm kể từ khi Vatican II kết thúc ngày 8 tháng 12 năm 1965, và một số văn kiện công đồng hiện đang cho thấy số tuổi của chúng. Một trong những văn kiện này là tuyên ngôn về tự do tôn giáo, Dignitatis humanae, một văn kiện công đồng vốn chịu khá nhiểu ảnh hưởng của Hoa Kỳ, và trước hết, ảnh hưởng của Cha John Courtney Murray, Dòng Tên.

Ngày 26 tháng Tư vừa qua, Vatican đã cho công bố một điều mới mẻ về chủ đề này, “Tự do Tôn giáo vì thiện ích của mọi người. Một cách tiếp cận thần học đối với các thách đố ngày nay”. Ban hành bởi Ủy ban Thần học Quốc tế (các thành viên được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Giáo lý Đức tin), tài liệu tám mươi bảy đoạn này là kết quả của công việc bắt đầu vào năm 2014 và kết thúc vào năm ngoái. Nó đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn vào ngày 21 tháng 3 để công bố và hiện tại, chỉ có sẵn bằng tiếng Ý (Các đoạn trích dẫn trong bài này là bản dịch của riêng tôi.)

“Tự do tôn giáo vì thiện ích của mọi người” xây dựng trên những tầm nhìn thần học thông sáng của Dignitatis humanae, thí dụ, sự cần thiết phải cập nhật giáo huấn giáo hoàng trước đây (đặc biệt dưới thời Đức Piô IX) vốn thù địch đối với tự do tôn giáo, và tính ưu tiên của giáo lý và gương sáng của Chúa Giêsu như một hướng dẫn cho giáo huấn của Giáo Hội về chủ đề này. Tài liệu mới này đi theo các bước chân của Vatican II khi “bác bỏ mưu toan biến quyền lực chính trị thành công cụ cho chủ nghĩa cải đạo (đoạn 8). Trích dẫn “‘lối giải thích cải cách’ của Đức Bênêđíctô XVI về việc cải cách trong liên tục tính với một Giáo Hội duy nhất”, (đoạn 27), tài liệu mới khai triển chi tiết các giáo huấn của Dignitatis humanae cho các xã hội đã trở nên thế tục hóa hoặc đa dạng hơn kể từ Vatican II.

Tài liệu được ngỏ cùng cả các nhà lãnh đạo của Giáo Hội (các giáo phẩm và các nhà trí thức) lẫn các nhà lãnh đạo thế tục: cả hai phải giúp phát triển loại hiểu biết về tự do tôn giáo nào có khả năng cổ vũ việc chung sống hòa bình giữa các tôn giáo và các bản sắc tôn giáo và sắc tộc khác nhau.

Dù phê phán thời hiện đại tự do, tài liệu không mời gọi người Công Giáo nhìn trở lui thế giới Kitô giáo để tiếc nhớ.

Tài liệu mời gọi các nhà thần học đạt tới một quan niệm về tự do tôn giáo phù hợp với thời đại của chúng ta: “Việc khai triển chi tiết một cách chính xác tư tưởng về tự do tôn giáo trong phạm vi công cộng kêu gọi nền thần học Kitô giáo nghiên cứu sâu sắc tính phức tạp văn hóa của trật tự dân sự ngày nay để ngăn chặn việc thoái hóa hướng tới nền thần trị, về phương diện lý thuyết (đoạn 13). Để bảo vệ tự do tôn giáo cho mọi người, Giáo Hội Công Giáo không chỉ theo đuổi lợi ích định chế của riêng mình hoặc tìm kiếm các lợi thế đặc biệt; thực thế, nó bác bỏ việc được xác định “như chủ thể tư lợi đua tranh để khẳng định các đặc quyền của mình” (các đoạn 52-53). Giáo Hội không phải là một cơ chế vận động hành lang.

Tài liệu kêu gọi các người đọc nó ý thức được tầm ảnh hưởng đối với quyền tự do tôn giáo của các phương tiện truyền thông mới và các phương tiện truyền thông xã hội, thường sử dụng bản sắc tôn giáo để thao túng người ta, chơi trò khích nhóm này loại bỏ nhóm kia (đoạn 55). Cũng có một lời nhắc nhở rằng trong các giáo huấn của chính Chúa Giêsu, chúng ta thấy có sự phân biệt giữa thẩm quyền chính trị dân sự và lãnh đạo tôn giáo. Tài liệu cảnh báo chúng ta tránh việc đơn giản hóa tư tưởng của Thánh Augustinô về nhà nước và chính trị: “Thay vì chê bai nhà nước, bằng ý tưởng cho rằng cam kết tối cao của nhà nước để bảo đảm hòa bình trần thế có liên hệ với vận mệnh của hòa bình được Thiên Chúa hứa ban trong cuộc sống vĩnh cửu, Thánh Augustinô khôi phục lại cho nhà nước tính toàn vẹn trong các chức năng của nó” (đoạn 59).

Các phần dành cho vai trò của nhà nước cung cấp một phê phán đáng kể đối với trật tự tự do, nhắm vào “nỗi ám ảnh về một tính trung lập hoàn toàn đối với các giá trị” (đoạn 45). Ủy ban gọi đây là “một hình thức ‘toàn trị mềm’ làm cho khu vực công cộng dễ bị tổn thương trước sự lan tràn của chủ nghĩa hư vô đạo đức” (đoạn 4). Tài liệu bác bỏ cả nền thần trị lẫn mô hình đa văn hóa bất khả tri tước mất khỏi các tôn giáo chức năng hòa giải hợp pháp của họ trong xã hội dân sự (đoạn 53). Ủy ban nhấn mạnh sự mâu thuẫn nội bộ giữa điều tự cho là tính trung lập của nhà nước và chủ nghĩa thế tục: “nhà nước có xu hướng đảm nhiệm hình thức ‘mô phỏng theo lối thế tục' quan niệm thần trị của tôn giáo, một quan niệm vốn quyết định tính chính thống và sai lạc về tự do nhân danh viễn kiến chính trị - cứu rỗi của xã hội lý tưởng: quyết định một cách tiên thiên bản sắc hoàn toàn thuần lý, hoàn toàn dân sự, hoàn toàn nhân bản của xã hội. Ở đây, chủ nghĩa tuyệt đối và chủ nghĩa tương đối của nền luân lý tự do này sa vào một cuộc xung đột với các hậu quả của việc loại trừ [tôn giáo] một cách không tự do chút nào trong phạm vi công cộng, ngay bên trong tính trung lập tự cho là tự do của nhà nước” (đoạn 63).

Dù nó phê phán thời hiện đại tự do, tài liệu này không mời người Công Giáo nuối tiếc nhìn lại Thế giới Kitô giáo: “Việc cưỡng chế của tôn giáo nhà nước, một thứ tôn giáo từng được đề xuất tại một thời điểm nhất định trong lịch sử châu Âu để ngăn chặn các thái quá của những điều được gọi là 'chiến tranh tôn giáo' dường như đã được thay thế trong sự biến hóa hiện thời của nguyên tắc công dân, một nguyên tắc ngụ hàm tự do lương tâm” (đoạn 70). Thật vậy, tài liệu nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc bảo vệ tự do tôn giáo, mà cả trong việc bảo vệ các công dân khỏi các lạm dụng tự do tôn giáo: “Thẩm quyền chính trị, người duy trì trật tự công cộng, có nhiệm vụ bảo vệ các công dân, nhất là những người yếu nhất, chống lại khuynh hướng bè phái của một số chủ trương tôn giáo (thao túng tâm lý và cảm xúc, bóc lột kinh tế và chính trị...). Trong số các đòi hỏi chính đáng của lý trí, trong các hệ luận chính trị-pháp lý của nó, chúng ta có thể bao gồm, trong những năm gần đây, tính tương hỗ hòa bình của các quyền tôn giáo, bao gồm cả quyền tự do trở lại đạo” (đoạn 70). Đây là một vấn đề mới, một vấn đề mà Vatican II đã không dự ứng: “Không còn là vấn đề áp dụng tự do tôn giáo chỉ liên quan tới tôn giáo của người khác mà thôi, mà còn liên quan tới việc phê phán chính tôn giáo của mình. Tình huống này đặt ra các vấn đề tế nhị phải cân bằng trong việc áp dụng tự do tôn giáo” (đoạn 80).

Khi tìm cách cổ vũ sự cân bằng trên, tài liệu bác bỏ cả chủ nghĩa duy tuyên tín (confessionalism) lẫn thuyết thế quyền (laïcité) kiểu Pháp: “Nhà nước không thể có tính thần trị, hay vô thần, hay 'trung lập'... đúng hơn, nó được kêu gọi thực thi một 'tính thế tục tích cực' [laicità positiva] hướng tới các hình thức xã hội và văn hóa biết bảo đảm mối liên hệ cần thiết và cụ thể của pháp trị (rule of law) với cộng đồng hữu hiệu của những người có quyền có các quyền lợi” (đoạn 86). Các quyền tự do tôn giáo (số nhiều) của các tôn giáo khác nhau phải được giữ ở thế cân bằng với lợi ích chung: “Nhà nước không thể chấp nhận những cách hiểu khác nhau về tự do tôn giáo, biến chúng thành luật pháp, mà không xem xét kỹ tác động của chúng đối với lợi ích chung” ( đoạn 44).

Khi Vatican II kết thúc, chủ nghĩa tự do phương Tây vẫn còn khá thân thiện với Kitô giáo. Ngày nay, không còn trường hợp ấy nữa: chủ nghĩa thế tục đã trở nên hung hăng hơn và ít chịu thỏa hiệp hơn.

“Tự do tôn giáo vì thiện ích của mọi người” là một tài liệu toàn diện nhất được Vatican phê chuẩn về tự do tôn giáo kể từ Vatican II. Trong năm mươi năm qua, các nguyên tắc thần học đã không thay đổi, nhưng bối cảnh thì có. Các mối liên hệ giữa các tôn giáo, giữa chủ nghĩa thế tục và bản sắc tôn giáo, giữa Giáo Hội và nhà nước, giữa các thành viên của mọi nhóm tôn giáo (bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo) và các nhà lãnh đạo phẩm trật của họ, tất cả những điều này đã thay đổi kể từ năm 1965. Trong tài liệu này, chúng ta thấy các nhà thần học Công Giáo đọc lại Tuyên Ngôn Dignitatis humanae dưới ánh sáng các phát triển gần đây: cuộc “phục thù của Thiên Chúa” từ cuối thập niên 1970, điều gọi là luận đề “cuộc đụng độ của các nền văn minh”, xuất hiện trở lại sau ngày 9/11 và các tác động của những đợt di cư hàng loạt trên bản đồ tôn giáo.

Khi Vatican II kết thúc, chủ nghĩa tự do phương Tây vẫn còn khá thân thiện với Kitô giáo. Ngày nay đó không còn là trường hợp nữa: chủ nghĩa thế tục đã trở nên hung hăng hơn và ít thoả hiệp hơn. Trong cùng thời kỳ này, trong Kitô giáo, đã có sự hồi sinh nền thần học và chính trị hậu tự do và hậu thế tục. Ủy ban Thần học Quốc tế cung ứng một phân tích mới mẻ về cuộc tái đàm phán diễn ra giữa Giáo Hội và nhà nước, trong đó điều vốn được gọi là các vấn đề sự sống vẫn đóng một phần quan trọng. Nhưng việc đàm phán lại này không còn có thể xảy ra một cách song phương nữa. Ngay cả tại các nước, trong lịch sử, vốn được coi là Công Giáo, cuộc đàm luận, giờ đây, cũng buộc phải liên quan đến các cộng đồng tôn giáo khác, nhất là Hồi giáo. Nhà nước tuyên tín có thể là một điều của quá khứ ở phương Tây, nhưng ở phần còn lại của thế giới, không phải như thế. Như ở Trung Đông chẳng hạn, nó không như thế, hay ngay ở bờ rìa châu Âu (hãy xem chính phủ Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ).

“Tự do tôn giáo vì thiện ích của mọi người” cung cấp một phê phán Công Giáo đối với các kỳ vọng giữ trung lập của nhà nước tự do, nhưng nó cũng cảnh cáo chống lại phản ứng thần trị đối với các kỳ vọng này. Chủ trương thế quyền hung hăng (aggressive laïcité ) và chủ nghĩa tân toàn vẹn Công Giáo (neo-integralism) không phải là hai lựa chọn duy nhất có sẵn. Tài liệu nêu rõ sự cần thiết phải xem xét lại và sửa đổi các nền tảng luân lý và thần học của nhà nước tân quốc gia đa nguyên hiện đại, nhưng phải trong cố gắng cứu nó khỏi những khuynh hướng tồi tệ nhất của chính nó. Vai trò của nhà nước trong việc bảo đảm ích chung và bảo vệ tự do tôn giáo nay dường như quan trọng hơn bao giờ hết khi các phẩm trật tôn giáo chính thức có ít quyền kiểm soát đối với tôn giáo hơn trước đây. Nhưng cũng giống như bản sắc tôn giáo đang vượt khỏi và vượt quá tầm kiểm soát của Giáo Hội và tôn giáo có tổ chức, quyền lực chính trị ngày nay cũng đang vượt khỏi và vượt quá tầm kiểm soát của các nhà nước quốc gia. Trong lịch sử lâu đời của phương Tây, “thể thánh thiêng” được để nguyên cho Giáo Hội định chế còn quyền lực thì phần lớn được thực thi thông qua nhà nước. Giáo Hội và nhà nước trước đây bị khóa kín trong một loại hôn nhân cưỡng ép, nhưng bây giờ họ hoàn toàn tách biệt và ra xa lạ đối với nhau. Đây là sự thay đổi lớn từ thời Vatican II, và là lý do khiến Dignitatis humanae cần được cập nhật.

Kỳ tới: Chính Văn Kiện "“Tự do Tôn giáo vì thiện ích của mọi người. Một cách tiếp cận thần học đối với các thách đố ngày nay”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mừng Chúa Giáng Sinh 2019 Tại Tổng Giáo Phận Huế
Trương Trí
10:30 25/12/2019
Đại lễ Giáng sinh năm nay, vâng theo ý chỉ của Đức Thánh Cha Phanxico, Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, cũng là Chủ tịch HĐGM Việt Nam đã khuyến khích các Giáo xứ trang trí Máng cỏ thật đẹp ngoài trời để cho không chỉ là người Công Giáo mà cả Lương dân biết được ý nghĩa của Lễ Giáng sinh.

Đêm Giáng sinh tại Giáo xứ Tây Lộc:

Có thể nói đây là lần đầu tiên sau 70 năm hình thành giáo xứ Tây Lộc, nhất là trãi qua một thời gian khá dài hầu như không có sinh hoạt Đoàn thể, khuôn viên nhà thờ hoang vắng. Kể từ khi Đức Tổng Giuse bổ nhiệm linh mục Philipphe Hoàng Linh làm Quản xứ ngày 24 tháng 5 năm 2019, hôm nay là vừa tròn 7 tháng. Ngài đã làm sống lại toàn bộ bên trong lẫn bên ngoài, từ tinh thần đến vật chất. Ngài đã làm cho giáo xứ Tây Lộc bừng sáng lên: tổ chức rất thành công dịp lễ mừng kính Các Thánh Tử đạo Việt Nam, bổn mạng Giáo xứ và cũng là dịp mừng kỷ niệm 70 năm hình thành giáo xứ.

Xem Hình

Tiếp theo là dịp lễ Giáng sinh, ngài đã xúc tiến việc làm Hang đá ngoài trời, trang trí ánh sáng và cờ hoa sáng rực cả khuôn viên sân nhà thờ. Không chỉ giáo dân mà cả lương dân khắp vùng Thuận Hòa và Tây Lộc thuộc Nội thành Huế đều kinh ngạc và tấm tắc thán phục tốc độ phát triễn của giáo xứ và Nhà thờ Tây Lộc. Ngài trang bị đồng phục cho Lễ sinh, hội Mẹ Gia đình, Cha Gia đình, Thiếu nhi, Giới trẻ và Ca đoàn một cách đồng bộ đẹp mắt.

Lần đầu tiên, nhờ sự trợ giúp của các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm về Mục vụ, các em thiếu nhi và thiếu niên được tập dượt tích cực để có được một đêm Diễn nguyện trước Hang đá ngoài trời với sự tham dự của rất đông người dân địa phương quanh vùng, với nhiều tiết mục hấp dẫn. Giới thiệu cho mọi người biết rõ về cội nguồn của ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Khởi sự từ khi Adam và Eva phạm tội đến việc thực lời hứa của Ngài sẽ cho Con một xuống thế làm người chuộc tội muôn dân. Cũng vì vậy mới có biến cố Chúa Giêsu sinh ra giữa đêm đông giá rét một cách bần hàn trong hang lừa máng cỏ.

Thánh lễ Đại triều mừng Chúa Giáng sinh tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam:

Sáng ngày 25 tháng 12, như thường lệ hàng năm, Đức Tổng Giám Mục Giáo phận dâng Thánh lễ Đại triều tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam.

Cùng đồng tế có Đức nguyên Tổng Giám mục F.X. Lê Văn Hồng, linh mục Tổng Đại diện Anton Dương Quỳnh, linh mục Đại diện Giám mục Giuse Nguyễn Văn Chánh và khá đông linh mục trong Giáo phận và Dòng Thánh Tâm Huế.

Cũng trong dịp này, Đức Tổng Giám Mục mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho Đức nguyên Tổng Giám mục Stephano Nguyễn Như Thể kính yêu nhân dịp bổn mạng của Ngài vào ngày mai 26 tháng 12. Ngài chúc mừng toàn thể Cộng đoàn dân Chúa một mùa Giáng sinh an lành hạnh phúc và bình an.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh việc các Thiên thần ca vang khi Chúa Giêsu được sinh ra:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Nhưng thực tế trong lòng mỗi người chúng ta cả toàn thế giới đã có được mấy lúc bình an. Thế giới triền miên xảy ra chiến tranh giữa các nước, hầu như ngày nào cũng có máu đổ. Ngay cả Việt Nam chúng ta từ khi lập quốc đến nay thường xuyên trải qua chiến tranh, chiến tranh với nước khác và chiến tranh cả trong nước.Trong gia đình thì cha con, vợ chồng cũng thường xảy ra tranh cải, đố có sự bình yên thật sự.

Tất cả đều do một nguyên nhân, đó là sự đố kỵ, ghanh ghét và tham lam. Chúa Giêsu xuống thế làm người, Ngài là Vua. Nhưng mọi người đều nhầm lẫn khi ngỡ rằng Ngài đến để đập tan mọi xích xiềng, quân đội của Ngài sẽ thống trị địa cầu. Nhưng không: Ngài đến trong khó khăn bần hàn, chịu chết trên thập giá. Dẫu cho đến khi chết trên thập giá, Ngài vẫn cầu xin Chúa Cha: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Ngài đến để mang lại thông điệp Tình yêu.

Nếu mỗi một người chúng ta đều thấu hiểu được điều đó, biết tha thứ cho nhau, biết đối xử với nhau bằng tình yêu thương nhau thì chắc chắn thế giới này sẽ được bình an hạnh phúc.

Sau Thánh lễ, ông Phero Đặng Văn Hoàng, Chủ tịch HĐGX Chính tòa Phủ Cam thay mặt Cộng đoàn chúc mừng Giáng sinh quý Đức Tổng, Quý Cha và toàn thể Cộng đoàn một mùa Giáng sinh an bình. Các em thiếu nhi Phủ Cam biễu diễn những vũ khúc Mừng Chúa Giáng sinh giúp vui cho mọi người.

Cuối Thánh lễ, Đức Tổng Giuse nhắc lại biến cố long trọng của Giáo phận là dịp mừng kỷ niệm 170 năm thành lập Giáo phận, sẽ có Đại lễ Khai mạc Năm Thánh vào ngày 01 tháng 01 sắp đến. Ngài cảm ơn sự hiện diện và đồng hành của các Hội Dòng từ ngày thành lập Giáo phận đến nay, và hôm nay cũng hiện diện trong thánh lễ này.

Trương Trí
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ Vọng Giáng Sinh 2019
Văn Minh
10:36 25/12/2019
“Trong đêm cực Thánh này, trời đất nối kết lại với nhau, và toàn thể nhân loại vui mừng chào đón Ngôi Hai Con Thiên Chúa xuống thế làm người ở cùng chúng ta, và mang lại cho chúng ta bình an hạnh phúc”.

Đó là lời chia sẻ của Linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ Vĩnh Hòa, trong Thánh lễ Vọng Giáng sinh mừng trọng thể Ngôi Hai Con Thiên Chúa xuống thế làm người và ở giữa chúng ta, diễn ra lúc 20g thứ Ba ngày 24.12.2019, do ngài chủ tế.

Xem Hình

Tham dự Thánh lễ, có đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ ngồi kín trong và ngoài nhà thờ.

Trước Thánh lễ, đại diện Hội đồng Mục vụ giáo xứ, các Hội đoàn, các em Ban Lễ sinh cùng Lm chủ tế rước tượng Chúa Hài Đồng từ trước sân nhà thờ tiến vàongôi thánh đường trong niềm hân hoan chào đón của cộng đoàn.

Sau bài Tin Mừng, Lm Gioakim diễn tả về Mầu Nhiệm Ngôi Hai Con Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng chúng ta: Trong đêm cực thánh này, trời đất nối kết lại với nhau, và toàn thể nhân loại vui mừng chào đón Ngôi Hai Con Thiên Chúa xuống thế làm người ở giữa chúng ta, và mang lại cho chúng ta bình an hạnh phúc. Chúađến chia sẻ thân phận kiếp con người và để cứu chuộc chúng ta, cũng chỉ vì yêu thương mà Ngài đã từ bỏ trời cao xuống thế, Chúa đến để mang ánh sáng xuống thế gian, và xua tan đi bóng đêm đen, xóa tan mọi hận thù, xin cho mỗi người chúng ta, hãy chiêm ngắm nơihang đá Giáng sinh và mang lấy ánh sáng của Ngài, ánh sáng của chân lý, ánh sáng của tình thương. Ước mong mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy đưa ánh sáng đến những nơi tối tăm trong bóng đêm, đến cho những ai còn đang chìm ngập trong say mê cờ bạc, rượu chè, đưa họ đến với ánh sáng của Tin Mừng, của tình thương và cùng nhau bước theo chân lý của Ngài.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Lm Gioakim thay mặt cộng đoàn phụng vụ ngỏ lời cảm ơn quý vị HĐMVGX, các đoàn thể, quý vị ân nhân, các anh chị GLV hunh trưởng, cách riêng, đối với giáo họ Vinh Sơn đã thiết kế trang trí hang đá trong và ngoài thánh đường và cùng nhau tổ chức Thánh lễ đêm nay được diễn ra tốt đẹp bằng một tràng pháo tay giòn giã của cộng đoàn.

Thánh lễ khép lại lúc 21g10, cộng đoàn lãnh nhận ơn bình an của Chúa Hài Đồng ra về trong niềm hân hoan được biểu lộ trên nét mặt mọi người.

Được biết trước đó, lúc 18g, các em thiếu nhi trong giáo xứ Vĩnh Hòa có cuộc diễn nguyện Giáng sinh với chủ đề “Ngôi Lời đã làm người”. Sau buổi diễn nguyện,đội diễn nguyện, các em Ban Lễ sinh cùng Lm Gioakim Lê Hậu Hán rước tượng Chúa Hài Đồng từ trước sân nhà thờ vào ngôi thánh đường hiệp dâng Thánh lễ Vọng Giáng sinh dành cho các em thiếu nhi. Trước khi ra về, các anh chị huynh trưởng GLV trao cho mỗi em thiếu nhi một chiếc mũ ông già Noel.
 
Giáo Xứ Việt Nam Seattle mừng Đại Lễ Giáng Sinh 2019
Nguyễn An Quý
11:08 25/12/2019
Tukwila. Cao nguyên tình xanh hôm nay ngày vọng Chúa Giáng Sinh khá đẹp, trời ngưng hẳn cơn mưa sau những ngày nơi đây mưa triền miên khi bước vào tiết Đông Chí. Niềm vui Giáng Sinh đến với cộng đoàn dân Chúa Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Seattle khá sớm và được bắt đầu vào những ngày cuối tuần của Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng qua đêm Thánh Ca Vọng Giáng Sinh vào tối thứ Bảy ngày 21 tháng . Khung cảnh nhà thờ năm nay đã trở nên một không gian thánh theo chủ đề của cuộc tĩnh tâm Muà Vọng, qua việc mỗi Giáo Đoàn trong Giáo Xứ làm một Máng Cỏ của Giáo Đoàn mình vào một vị trí đã được phân chia theo lời mời gọi của cha chánh xứ. Giáo xứ hiện có 5 Giáo Đoàn gồm Fatima, Mân Côi, Mông Triệu, La Vang và Mẫu Tâm nên đã có 5 Máng Cỏ, một nơi một vẻ đầy thiêng liêng theo từng ý nghĩa khá phong phú của từng Giáo Đoàn.

Chiều 24 tháng 12 là ngày vọng Giáng Sinh. Thánh lễ Vọng Giáng Sinh được cử hành lúc 5 giờ chiều. Ca Đoàn Cung Chiều phụ trách hát lễ với đông đảo giáo dân tham dự thánh lễ.

Xem Hình

Đêm nay dù trời khá lạnh nhưng không có cơn mưa nên cũng dễ chịu. Vào khoảng 6 giờ 30, con đường dẫn vào nhà thờ trở nên nhộn nhịp, xe cộ khá tấp nập , đoàn xe nối đuôi nhau kẻ vào tham dự Thánh Lễ đem và người ra vừa tan lễ 5 giờ, nên xe cộ di chuyển khá chậm chạp. Bước vào khuôn viên nhà thờ, mọi người đều thấy ngay một khu vực rộng lớn chưng bày một máng cỏ khá đẹp.

Sau Thánh lễ Vọng là Buổi Canh Thức Giáng Sinh được cử hành vào lúc 7 giờ 30.

Đúng 7 giờ 30 một đại diện trong ban phụ trách chương trình canh thức lên tiếng : Giờ Canh Thức Đêm Vọng Giáng Sinh bắt đầu, trân trọng kính mời cha chánh xứ khai mạc chương trình. Cha chánh xứ đã tiến về vị trí nơi cung thánh và ngõ lời: "Giáo xứ hân hoan chào đón quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý đồng hương , quý giáo đoàn , hội đoàn, và toàn thể công đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ, trong giờ phút thiêng liêng của đêm mừng Chúa Giáng Sinh, chúng ta cùng nhau dùng những giây phút trong chương trình canh thức Vọng Giáng Sinh để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Giáng Trần và xin Chúa đến với chúng ta trong từng người, từng gia đình và cộng đoàn giáo xứ".

Chương trình canh thức được trình diễn qua những hoạt cảnh sống động kể lại giai đoạn Chúa tạo dựng trời đất và muôn thú cũng như loài người với vườn địa đàng tốt đẹp, hoạt cảnh về câu chuyện Chúa truyền cho ông Nô En đóng tàu để được sống sót sau trận lụt đại hồng thuỷ xen lẫn với những màn phụng vũ do các em ca đoàn Chiên Con, truờng Việt Ngữ Đắc Lộ, các em thiếu nhi Đoàn Chúa Hài Đồng trình diễn khá điêu luyện. Phần cuối là hoạt cảnh về việc Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ và như cảnh Đức Mẹ , Thánh Giuse giữa đêm khuya đi tìm nhà trọ mà chẳng có ai giúp nên cuối cùng hai Ngài đã dừng chân nơi một hang lừa máng cỏ để Đấng Hài Nhi được sinh ra. Cảnh sinh động nhất là hình ảnh Đức Mẹ bế Chúa Giêsu xuất hiện cùng với Thánh Giuse giữa muôn ngàn tiếng ca hát ngân vang do ban diễn nguyện trình diễn khá cảm động. Chương trình canh thức kéo dài hơn 45 phút. Sau phần canh thức là phần Thánh Lễ Đêm. Trên hai ngàn giáo dân hiện diện trong Thánh Lễ Đêm đón mừng Chúa Giáng Sinh. Các ghế ngồi trong nhà thờ đều đầy kín, đông đảo giáo dân ngồi ở các Hội Trường để tham dự Thánh Lễ qua các màn ảnh lớn được trực tiếp truyền hình Thánh Lễ rất sốt sắng.

Thánh Lễ Đêm được long trọng cử hành đồng tế do cha chánh xứ Đào Xuân Thành Chủ Tế, cùng đồng tế có cha Nguyễn Sơn Miên, cha Trần Hữu Lân và cha Phạm Nghiệp. Đúng 8 giờ 30, một ca Viên trong ca đoàn Tổng Hợp đọc lời dẫn lễ : "Đêm nay, chúng ta hợp tiếng với các Thiên Thần đồng thanh ca tụng Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa Trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

Đêm nay, cùng với Đức Mẹ và Thánh Giuse chúng ta hân hoan mừng sinh nhật của Chúa Hài Đồng Giêsu, và cùng với các mục đồng, chúng ta đến chiêm ngắm, thờ lạy Chúa đã sinh ra và ở giữa chúng ta. Ngài là Đấng Emmanuel. Dâng thánh lễ hôm nay, xin sự bình an của Chúa Hài Đồng Giêsu đến với Giáo xứ chúng ta, và ban cho mỗi gia đình, mỗi tâm hồn niềm vui và hạnh phúc vì được Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại con một của Ngài ".

Lời dẫn lễ vừa dứt, ba hồi chiêng trống ngân vang làm tăng thêm vẻ thiêng liêng mang truyền thống hồn việt. Tiếng chiêng trống vừa dứt: Nghi Đoàn và quý linh mục rứớc kiệu Chúa Hài Đồng tiến về máng cỏ theo tiếng hát của Ca Đoàn. Thánh Tượng Chúa Hài Đồng được cha chánh xứ cung thỉnh và đặt vào máng cỏ và Thánh Lễ bắt đầu.

Mở đầu thánh lễ , cha chánh xứ chủ tế Thánh Lễ ngỏ lời chào mừng, ngài nói: Merry Christmas

Chúc Mừng Chúa Giáng Sinh đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa cũng như đồng hương hiện diện trong đêm Mừng Chúa Giáng Sinh. Ngài nói tiếp: ''Giáo xứ hân hoan chào đón quý cha, quý Sơ, quý Thầy, quý Đồng hương và toàn thể quý Ông Bà Anh Chị Em thuộc các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, các Ban Ngành và toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau trong niềm vui của ngày Chúa Giáng Sinh '' ( tiếng vỗ tay kéo dài khá dài khá lâu )

Thánh Lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo phụng vụ Thánh Lễ đêm Giáng Sinh

Tin Mừng hôm nay Thánh Luca giới thiệu giây phút Đấng Hài Nhi được sinh ra trong một hoàn cảnh hết sức bi đát khó xẩy ra cho nggười nơi trần thê`: "Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Ðavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Ðavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.

Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.

Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: "Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ".

Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm".

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ. Trong bài giảng ngài nhấn mạnh về tình yêu của Chúa đối với nhân loại qua mầu nhiệm Ngôi Hai Giáng Trần, ngài nói: Mầu Nhiệm Ngôi Hai Giáng Trần là mầu nhiệm tuyệt vời. Hình Chúa đến trước cửa nhà mình, khi Chúa gỏ cửa, chúng ta có sẵn sàng mở cửa đón Chúa không ? Mừng Chúa Giáng Sinh xin cho chúng ta mỗi người biết sẵn sàng đón nhận Chúa, xin cho nhân loại mở cửa lòng đón nhận Chúa....trong tình yêu bao la của Ngài."

Thánh Lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Cha chủ tế một lần nữa cám ơn tất cả và giới thiệu các han1g đá của các Giáo Đoàn, ngài nói: năm nay giáo xứ có nhiều hang đá , nhất là có hang đá của 5 Giáo Đoàn. Các Giáo Đoàn đã bỏ công sức thiết kế hang đá rất là đẹp, từ Fatima, La Vang , Mông Triệu, Mân Côi, Mẫu Tâm, mỗi hang đá mang đặc thù riêng của mỗi Giáo Đoàn rất là tuyệt vời...xin cám ơn các Giáo Đoàn, ngài cũng ngỏ lời cám ơn tất cả các Ban Ngành , ban làm máng cỏ , ban trang trí, ban diễn nguyện, các Ca Đoàn và toàn thể quý thiện nguyện viên , xin Chúa chúc lành cho tất cả trong niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh.

Anh Lưu Công Tiên đại điện Hội Đồng Mục Vụ cũng ngỏ lời cám ơn và chúc mừng Giáng Sinh đến quý cha, quý sơ, quý thầy, quý chủ tịch và ban đại diện các Giáo Đoàn, Hội Đoàn và toàn thể cộng đoàn dân Chúa một mùa Giáng Sinh an bình. Trước khi dứt lời, anh chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ nói: nhân dịp này, giáo xứ có một chút quà Giáng Sinh, xin mời quý anh chị đại diện trao quà cho cha chánh xứ, quý cha, sơ Mai. Món quà được ân cần trao tận tay các ngài giữa tiếng vỗ tay vang dội trong tâm tình tạ ơn.

Thánh Lễ kết thúc lúc 10 giờ sau phép lành cuối lễ. Đông đảo giáo dân viếng thăm các hang đá và chụp hình lưu niệm.

Nguyễn An Quý
 
Thánh lễ Giáng Sinh dành cho thiếu nhi tại giáo xứ Đức Mẹ La Vang, San Jose
Ánh Tuyết
19:53 25/12/2019
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhìn lại Việt Nam 2019 : Trung Cộng – Nội Thù Bao Vây
Phạm Trần
10:40 25/12/2019
Sau 45 năm độc tài cai trị đất nước, đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đang phải đối mặt với giặc ngọai xâm Trung Cộng trên đất liền và ngoài Biển Đông, trong khi nội thù “phai nhạt lý tưởng, lợi ích nhóm, tự diễn biến-tự chuyển hóa và quốc nạn Tham nhũng” đe dọa sự sống còn của chế độ khi Việt Nam bước qua năm 2020.

Kết luận này không do “các thế lực thù địch”, “diễn biến hòa bình”, hay “những kẻ cơ hội chính trị” đưa ra để nói xấu chế độ mà do tình hình thực tế và từ miệng lưỡi Lãnh đạo Tuyên giáo, Tổng cục Chính trị quân đội, Công an và Bộ Thông tin-Truyền thông.
Trước hết, khi nói về hiểm họa mất nước vào tay Bá quyền Trung Cộng, không người Việt Nam nào quên sự kiện Trung Cộng đem tầu khảo sát dầu khí Hải Dương 8 (HD-8) vào tự do hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu khoảng 370 cây số về hướng Đông Nam, từ ngày 03/07 đến 24/10/2019 mà Việt Nam không dám xua đuổi.
Trong suốt thời gian này, chỉ có một lần họp của khối ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là người duy nhất đã lên án đích danh Trung Cộng vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính và đòi Bắc Kinh rút tầu. Nhưng sau đó, trong diễn văn ngày 28/09 (2019), ông Minh lại tránh lên án Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc.

Mọi người chỉ nghe ông nói:”Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – “Hiến chương của Biển và Đại dương”….Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.”

Lối nói chung chung này đã thể hiện nỗi sợ Bắc Kinh trả đũa của nước nhỏ lệ thuộc Việt Nam, theo chủ trương của Bộ Chính trị, lãnh đạo bởi ông Tồng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng khi “tam đầu chế” gồm ông Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không dám công khai lên án Trung Cộng trong thời gian HD-8 tự do khuấy nhiễu thì thấy tập đòan này đã không giấu được thói nhu nhược hổ thẹn trong cương vị lãnh đạo.

Bên cạnh nỗi nhục thuần phục này, ông Trọng cũng không dám kiện Trung Cộng ra trước tòa án Quốc tế như Phi Luật Tân đã đối phó với Bắc Kinh năm 2016 và thắng kiện, mặc dù nhiều Đảng viên cao cấp và nguyên lãnh đạo và các chuyên gia Quốc tế đã thúc đẩy ông Trọng theo gương Phi Luật Tân. Tòa năm 2016 đã bác yêu sách của Trung Cộng đòi chủ quyền trong phạm vi đường Lưỡi Bò, hay đường 9 Đoạn, chiếm ¾ diện tích của trên 3 triệu cây số vuông Biển Đông.

Nỗi sợ Trung Cộng của đảng CSVN còn thể hiện qua việc nhà nước tiếp tục khủng bố, ngăn chận và bắt bỏ tù những ai dám chống Tầu trong các dịp kỷ niệm đau thương ngày mất Hoàng Sa 19/1 (1974) ; chiến tranh biên giới Việt-Trung 17/2 (1979) và trận Gạc Ma 14/3 (1988). Đảng CSVN còn cấm dân không được tổ chức truy diệu và ghi ơn những chiến sỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến chống Tầu xâm lược này, đặc biệt đối với 74 Quân nhân Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình ở Hoàng Sa.

Hành động chia rẽ, hận thù dân tộc Bắc-Nam của nhà nước Cộng sản đã xác nhận thêm sự giả dối của chế độ ngay cả đối với những người đã chết khi bảo vệ lãnh thổ.

Vì vậy, ngay cả trong sách sử , các Sử gia Cộng sản cũng chỉ dám ghi lại hời hợt cho có những cuộc chiến giữa quân Tầu xâm lược và quân đội Việt Nam , thay vì phải ghi lại đầy đủ để lưu truyền tinh thần giữ nước hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc.

LỆ THUỘC KINH TẾ-MẤT CHỦ QUYỀN ĐẤT

Trên đất liền, nét rõ mất chủ quyền kinh tế và đất đai đã chứng minh trong hai dự án Bauxite Tây nguyên và Formosa Hà Tĩnh. Đảng CSVN đã để cho các Nhà thầu Trung Quốc tự do làm giầu trên lưng lao động của người Việt Nam để thu vét tài nguyên từ quặng Bauxite ở Lâm Đồng, Nhơn Cơ và gang thép ở Hà Tĩnh, nơi Công ty Formosa đã thải chất độc làm chết hải sản và ô nhiễm môi trường ngày 06/04/2016. Cho đến nay, ba năm sau, chưa có bất cứ cuộc khảo sát nào có chứng minh quốc tế là biển miền Trung đã an toàn ở 4 Tỉnh bị ô nhiễm gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huê.
Ngoài ra rất nhiều nhà máy , hãng xưởng do Trung Cộng đầu tư hay cho Việt Nam vay chịu nợ đã được thiết lập ở dọc theo các địa điểm chiến lược bờ biển trọng yếu từ Nam ra Bắc. Tất cả các vị trí này thuộc quyền kiểm soát tuyệt đối ra vào của Trung Cộng, kể cả quyền đưa công nhân Tầu vào làm và cướp việc của người Việt.
Bên cạnh đó là việc CSVN đã cho Công ty InnovGreen của Trung Cộng, một số công ty khác của Hồng Kong và Đài Loan thuê đất trồng cây kỹ nghệ, dài 50 năm ở nhiều vùng biên giới Việt-Lào.

Theo một bài viết trên báo Đất Việt ngày 18/06/2014 thì việc cho thuê đất đã xẩy ra ở các tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương.

Đất Việt cho biết:” Các địa phương đã cho 10 DN nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 300 ngàn ha, trong đó doanh nghiệp từ Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.”

Như vậy, câu hỏi được đặt ra là Việt Nam được lợi gì khi cho người Tầu thuê đất ở các địa điểm chiến lược biên giới, và có ai biết họ đã và đang làm gì trong các khu rừng này ?

Trong lĩnh vực trao đổi thương mại, chỉ riêng 11 tháng năm 2019, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Cộng là 31 tỷ Mỹ kim với đủ mặt hàng và máy móc. Thêm vào đó, tổng số tiền nợ Trung Cộng của Việt Nam được ước tính khoảng 6 tỷ dollars vào năm 2013, trong khi Việt Nam không bao giờ công số các khoản nợ nước ngoài.

Vì nhà nước đã chi nhiều hơn thu trong dài hạn, nhất là khi đến hạn phải trả nợ nước ngoài nên báo cáo của Chính phủ về nợ công đã thừa nhận Việt Nam đang ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ đồng. Trung bình mỗi người dân gánh 32 triệu đồng nợ công. (VNNET, 17/06/2019)

QUAY LƯNG CHỐNG ĐẢNG

Về mặt chính trị, năm 2019 cũng đánh dấu nội bộ đảng cầm quyền đã và đang nát từ thất bại trong công tác “bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng” và “bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Tình trạng suy thoái tư tưởng, chán đảng, nhạt đoàn và ngại học tập Nghị quyết và tự ý làm sai Chỉ thị của đảng đã đền mức báo động. Nghiêm trọng đến độ Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân phải cảnh báo:” Đây là "cuộc đấu tranh một mất một còn, quyết liệt, nóng bỏng, cấp bách và không nhân nhượng." (theo báo Thanh Niên, ngày 23/12/2019)

Lên tiếng tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 tại Hà Nội, Tướng Nghĩa giải thích lý do khẩn trương vì:” Âm mưu thủ đoạn của thế lực thù địch, phản động, ngày càng tinh vi, phức tạp, trực diện và triệt để khai thác công nghệ, bóp méo, làm sai lệch, gán ghép thông tin, gây hoang mang, lo lắng cho dự luận.”
Ông nói:“Mục đích của chúng là làm tan rã, suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, chế độ và lực lượng vũ trang nhân dân.”

Đáng chú ý, lần đầu tiên Thượng Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã tiết lộ các thành phần chống đảng hiện nay gồm :”Ngoài lực lượng hoạt động thù địch của chế độ cũ thì hiện nay đã có lực lượng mới là những cán bộ thoái hóa, biến chất, những người đã bị xử lý kỷ luật, xử lý về pháp luật, thậm chí có những cán bộ cao cấp, có cả những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, rồi thanh niên, sinh viên và tầng lớp khác, do đó, công tác đấu tranh diễn ra trên nhiều lĩnh vực và rất phức tạp.”
Tướng Nghĩa không cho biết “lực lượng” của mỗi phe chống đảng có bao nhiêu người, nhưng ông nhìn nhận “có lợi ích nhóm trên mặt trận tư tưởng”.

Như vậy là rối beng, có nhiều thành phần trong xã hội, trong đảng và quân đội đã hợp lực với nhau chống đảng là hiện tượng chưa hề có từ trước tới nay.
Tướng Nghĩa nói:” Trong công tác tư tưởng, có hay không “lợi ích nhóm”? Tôi cho cho là có. Nhiều đồng chí nói các thông tin này do ai đưa ra? Thực tế nhiều thông do nội bộ chúng ta đưa ra để thế lực thù địch lợi dụng chống phá.”

CÔNG AN -THÔNG TIN VÀO CUỘC

Tiếp lời ông Nghĩa là báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Nguyễn Văn Thành. Báo VNNET (23/12/2019) trích lời ông Thành nói:” Trong lực lượng công an đã có hơn 50 đơn vị địa phương thành lập ban chỉ đạo, bộ phận thường trực của công an trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch phản động.”

Cụ thể, Tướng Nguyễn Văn Thành chi tiết:”Thời gian qua, ngành công an đã xây dựng 20 kế hoạch; đăng tải 1.500 tin bài trên các báo chính thống; 113.000 tin bài viết, video clip; 304 trang web, blog để đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái thù địch, đưa ra 1.260 bình luận để phản bác những thông tin đó.
Công an địa phương đã chủ động nắm tình hình, đấu tranh với 300 trang mạng xã hội (Facebook, blog, kênh Youtube).”

Ngoài ra, vẫn theo ông Thành thì:” Công an đã tập trung ngăn chặn kích động biểu tình với các nhóm hội mạng xã hội trên Facebook có hoạt động phá hoại; tiến hành vô hiệu hoá 50 trang tin điện tử mang tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ hàng trăm link Youtube có nội dung kích động biểu tình, gây rối và vi phạm pháp luật.”

Về phần mình, Thứ trưởng Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) Hoàng Vĩnh Bảo nêu ra những khó khăn trong quản lý thông tin trên báo chí, dù toàn là báo của Đảng.

Ông nói:” Năm tới (2020) là năm tổ chức đại hội Đảng các cấp hướng tới đại hội Đảng khóa 13, nên nếu quản lý không tốt thì rất dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng báo chí gây ra mất đoàn kết nội bộ.”

Theo báo VNNET thì :”Ông lưu ý lãnh đạo các địa phương về tình trạng thông tin bên nọ cung cấp để "chiến đấu" với bên kia dẫn đến những khó khăn trong xử lý của cơ quan quản lý báo chí như Bộ TT&TT.”

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo tiết lộ trước Hội nghị:”Tình trạng đơn thư của địa phương chuyển lên về báo chí rất nhiều. Khi gửi yêu cầu báo cáo thì bên này nói thế này, bên kia nói thế kia, chúng tôi rất khó xử lý”.

TƯ TƯỞNG -BÁO CHÍ DIỄN BIẾN

Nội bộ đảng ở địa phương mà chống nhau như thế, báo chí cũng phe đảng bênh và chống thì Tuyên giáo cũng dao động và suy thoái là chuyện phải có.

Việc này được ông Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhìn nhận đã có những hạn chế.

Theo báo cáo của ông Phuông thì những yếu kém là:” Tính dự báo, phát hiện các vấn đề phức tạp, các xu hướng vận động trong diễn biến tư tưởng chính trị, dư luận xã hội có lúc, có nơi chưa thực sự chủ động, tính nhạy bén chưa cao. Sự phối hợp với các cơ quan liên quan để phát hiện, nắm bắt tình hình tư tưởng chính trị, dư luận xã hội trong các giai tầng xã hội chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu mới ở những vụ việc, sự kiện cụ thể. Ngoài ra, một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác, gương mẫu trong học tập nghị quyết. Việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa kịp thời, chưa quyết liệt.
Đặc biệt, trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, hiện nay vẫn còn có một số bài báo, ấn phẩm tính chính trị, tính tư tưởng không cao, thậm chí gây ảnh hưởng đến công tác đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội, hoặc có biểu hiện “thương mại hóa”, xa rời tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí chưa được chấn chỉnh hiệu quả.”

RỐI REN-ĐỐI PHÓ

Ngoài chuyện bên trong Hội nghị, Tuyển giáo còn kêu gọi các cấp đảng bộ từ địa phương đến Trung ương, nhất là các cơ quan Báo chí, phải tập trung và phối hợp chặt chẽ trong mặt trận đấu tranh bảo vệ Đảng, trước thềm Đại hội đảng XIII, diễn ra vào tháng 01/2021.

Bài viết chung của Thượng tướng, Viện sĩ. TS. Nguyễn Huy Hiệu,
Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tá, PGS. TS KHQS Trần Nam Chuân đã đề xuất những việc phải khẩn trương làm như sau:

1.- Chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của đối tượng để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Công tác nắm tình hình cần tập trung vào những vấn đề cụ thể như: Phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của chúng trên không gian mạng, kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền phá chống phá cách mạng Việt Nam; phát hiện những bất cập, hạn chế của các biện pháp, công tác nghiệp vụ đã và đang được triển khai...”

2.-“Để nắm tình hình có hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan báo chí cách mạng cần sử dụng tổng hợp các lực lượng, phương tiện, biện pháp; thường xuyên rà quét, lên danh sách các trang web, blog, diễn đàn có nội dung phức tạp, các đối tượng viết bài trên những trang mạng này (có thể là tên thật hoặc nickname, bút danh); khai thác thông tin trên các trang web, blog để xác định được đối tượng sở hữu, quản lý bài viết và đề xuất biện pháp kịp thời xử lý.”

3.- “Tập trung lãnh đạo kiện toàn, xây dựng phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng chủ động tạo thế liên hoàn, vững chắc, có bộ phận nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng rãi; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh. Trong tổ chức thực hiện, cần duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan báo chí cần phát huy vai trò nòng cốt đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội.”

4.- Tăng cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách có hiệu quả. Chủ động phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, tính toán sử dụng các giải pháp về công nghệ để ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu độc trên các trang mạng. Đặc biệt, phải chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để xâm nhập, chiếm quyền quản trị, điều hành các trang web, blog, diễn đàn mạng xã hội, sau đó xóa dữ liệu, vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung “độc hại” trong một thời gian nhất định. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động.

Với 4 nhiệm vụ “sống chết gian nan” này, liệu ngành Tuyên giáo, các tổ chức đảng và báo chí có giúp đảng vượt qua để tồn tại hay, sau những bất lực, sẽ bị chôn cùng một lỗ trong vòng tay của Trung Cộng ?


Phạm Trần

(cuối 2019)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Say Noel
Nguyễn Trung Tây Lm.
23:37 25/12/2019
SAY NOEL
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Ta say muôn ánh nến,
Ngời rạng vạn hào quang
Ta say tiếng chuông vàng
Từng trận đổ vang vang.
(Trích thơ của Xuân Ly Băng)
 
VietCatholic TV
Thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi 2019 và ơn Toàn xá của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:29 25/12/2019
Lúc 12 giờ trưa ngày lễ Giáng Sinh 25/12/2019, Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô để đọc thông điệp Giáng Sinh gởi dân thành Rôma và toàn thế giới.

Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, chúc mừng Giáng Sinh!

Từ cung lòng của Giáo Hội Mẹ, Con Thiên Chúa nhập thể được tái sinh vào đêm nay. Danh Ngài là Giêsu, nghĩa là: “Thiên Chúa cứu độ”. Chúa Cha, là tình yêu vĩnh cửu và bất tận, đã sai Người đến thế gian không phải để kết án nhưng là để cứu thế gian (x. Ga 3:17). Chúa Cha đã ban Con Ngài cho chúng ta với lòng thương xót vô biên. Chúa Cha đã trao ban Con Ngài cho mỗi người chúng ta mãi mãi. Chúa Con được sinh ra, giống như một ánh sáng nhỏ chập chờn trong cái lạnh lùng và tăm tối của màn đêm.

Hài Nhi đó, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, là Ngôi Lời của Thiên Chúa hóa thành nhục thể. Ngôi Lời, Đấng đã hướng dẫn trái tim của tổ phụ Ápraham và những bước chân của ông hướng về miền đất hứa, và Người tiếp tục lôi kéo về phía mình tất cả những ai tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Ngôi Lời đã dẫn dắt người Do Thái trên hành trình từ nô lệ đến tự do và tiếp tục kêu gọi những người nô lệ trong mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta, hãy bước ra khỏi các nhà tù của họ. Ngài là Ngôi Lời sáng hơn mặt trời, được hóa thành phàm nhân trong người con trai bé nhỏ của con người: Đó là Chúa Giêsu là ánh sáng của thế giới.

Đây là lý do tại sao tiên tri Isaia thốt lên: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” ( Is 9: 1 ) Trong trái tim con người, dầy đặc những bóng tối, nhưng ánh sáng của Chúa Kitô còn mạnh hơn. Có bóng tối trong các mối quan hệ cá nhân, gia đình và xã hội, nhưng ánh sáng của Chúa Kitô mạnh hơn thế nữa. Có bóng tối trong các cuộc xung đột về kinh tế, địa chính trị và sinh thái, nhưng ánh sáng Chúa Kitô vẫn mạnh hơn.

Cầu xin Chúa Kitô mang ánh sáng của Người đến cho nhiều trẻ em đang bị đau khổ vì chiến tranh và xung đột ở Trung Đông và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cầu xin Người mang lại ơn an ủi cho người dân Syria yêu dấu, những người vẫn không thấy dấu chấm hết cho tình trạng thù địch đã xâu xé đất nước họ trong thập kỷ qua. Cầu xin Người khuấy động lương tâm của những người nam nữ có thiện chí. Cầu xin Người truyền cảm hứng cho các chính phủ và cộng đồng quốc tế tìm ra giải pháp để các dân tộc trong khu vực đó có thể chung sống trong hòa bình và an ninh, và chấm dứt những khổ đau của họ. Cầu xin Người nâng đỡ người dân Li Băng và giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại và tái khám phá ơn gọi của mình là trở thành cho tất cả mọi người một thông điệp về tự do và cùng tồn tại hài hòa.

Xin Chúa Giêsu mang ánh sáng đến Thánh địa, nơi Người đã được sinh ra là Cứu Chúa của nhân loại, và nơi có rất nhiều người – dù phải đấu tranh cam go nhưng không nản lòng - vẫn đang mong chờ một thời kỳ hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Cầu xin Người mang lại niềm an ủi cho Iraq trong bối cảnh căng thẳng xã hội hiện tại và cho đất nước Yemen, đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Xin Chúa Hài Đồng Bethlehem mang lại hy vọng cho toàn lục địa Mỹ châu, nơi một số quốc gia đang trải qua những thời kỳ biến động xã hội và chính trị. Xin Ngài khuyến khích người dân Venezuela yêu quý, đã và đang phải chịu những thử thách lâu dài bởi những căng thẳng chính trị và xã hội, và bảo đảm rằng họ nhận được sự trợ giúp cần thiết. Cầu xin Chúa chúc phúc cho những nỗ lực của những người không từ bỏ bất cứ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy công lý và hòa giải, và nhằm vượt qua các cuộc khủng hoảng đa dạng và nhiều hình thức bần cùng hóa xúc phạm đến phẩm giá của mỗi người.

Xin Đấng Cứu chuộc thế giới mang lại ánh sáng cho Ukraine yêu dấu, nơi đang khao khát những giải pháp cụ thể cho một nền hòa bình bền vững.

Xin Chúa Hài Nhi mang lại ánh sáng cho người dân châu Phi, nơi những tình huống chính trị xã hội dai dẳng thường buộc các cá nhân phải di cư, bỏ lại nhà cửa và gia đình. Xin Chúa mang lại hòa bình cho những người đang sống ở miền đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi vẫn đang bị xâu xé bởi những xung đột đang tiếp diễn. Xin Người mang lại niềm an ủi cho tất cả những người phải đau khổ vì bạo lực, thiên tai hay dịch bệnh. Xin Chúa mang lại niềm ủi an cho những người bị bách hại vì niềm tin tôn giáo, đặc biệt là các nhà truyền giáo và các tín hữu đã bị bắt cóc, và an ủi các nạn nhân của các nhóm cực đoan, đặc biệt là ở Burkina Faso, Mali, Nigeria và Niger.

Nguyện xin Con Thiên Chúa từ trời xuống, bảo vệ và nâng đỡ tất cả những ai, do những những bất công đa dạng, buộc phải di cư với hy vọng có được một cuộc sống an toàn. Chính là vì bất công mà họ phải băng qua các sa mạc và biển cả là những nơi trở thành mồ chôn của họ. Chính bất công buộc họ phải gánh chịu các hình thức lạm dụng không thể kể xiết, các hình thức nô lệ đủ loại và các phương thế tra tấn vô nhân đạo trong các trại giam.Chính bất công xua đuổi họ khỏi những nơi mà lẽ ra họ có thể hy vọng về một cuộc sống xứng đáng, để rồi sau đó họ lại thấy mình đứng trước những bức tường thờ ơ.

Xin Đấng Emmanuel mang lại ánh sáng cho tất cả các thành viên đang đau khổ trong gia đình nhân loại của chúng ta. Xin Ngài làm mềm trái tim thường xuyên chai đá và tự cho mình là trung tâm của chúng ta, và biến trái tim chúng ta thành những kênh tình yêu của Người. Xin Chúa mang nụ cười của Người, thông qua những khuôn mặt đáng thương của chúng ta, đến với tất cả trẻ em trên thế giới: đến những người bị bỏ rơi và những ai đang đau khổ vì bạo lực. Qua bàn tay yếu đuối của chúng ta, xin Ngài mặc lấy áo xống cho những người không có gì để mặc, trao bánh cho những người đói khát và chữa lành cho các bệnh nhân. Cầu xin cho thông qua tình bạn của chúng ta, dù thế nào đi chăng nữa, cũng có thể mang Chúa đến gần những người già và những ai cô đơn, những người di cư và những ai bị thiệt thòi. Vào ngày Giáng Sinh vui mừng này, xin Chúa mang sự dịu dàng của Ngài đến với tất cả mọi người và xua tan bóng đêm tăm tối của thế giới này.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 26/12/2019: Tin tức nổi bật những ngày cuối năm
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:45 25/12/2019
1. Nhà thờ tại thị trấn Kitô giáo lớn nhất của Iraq sẽ được xây dựng lại vào năm 2020

Năm năm sau khi Nhà nước Hồi giáo cướp bóc và đốt cháy Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Al-Tahira vĩ đại ở Bakhdida vẫn còn những vết nám đen bên trong. Tuy nhiên, vào năm 2020, nhà thờ Công Giáo nghi lễ Syria này sẽ được khôi phục khi cộng đồng Kitô giáo lớn nhất của Iraq cố gắng hết sức xây dựng lại và lấy lại những gì đã mất.

“Đây là một nhà thờ rất quan trọng bởi vì nó được xây dựng từ sự đóng góp của người dân, những nông dân quanh vùng.” Cha Georges Jahola, một linh mục chính xứ trong vùng Bakhdida, nói với thông tấn xã Công Giáo CNA.

Bakhdida, còn được gọi là Qaraqosh, nằm cách thành phố Mosul 32km về phía đông nam. Cha Jahola nói rằng các Kitô hữu địa phương hy vọng rằng trong tương lai thị trấn của họ sẽ được gọi là Bakhdida, thay vì Qaraqosh như hiện nay. Bakhdida là tên bằng tiếng Aramaic, ngôn ngữ chính Chúa Giêsu đã nói khi xuống thế làm người. Tên Bakhdida cũng mang tính lịch sử hơn danh xưng Qaraqosh, là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ mà Đế chế Ottoman dùng để gọi vùng này.

Cha Georges Jahola giải thích rằng các nhà thờ trong vùng bình nguyên Nineveh của Iraq đã được xây dựng trong khoảng từ 1932 đến 1948 nhờ sự dâng cúng quảng đại của nông dân Công Giáo từ hoa màu do họ thu hoạch được hàng năm. Đại thánh đường Al-Tahira phục vụ cộng đoàn Kitô hữu ngày càng tăng, cho đến khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm đóng và đốt phá ngôi nhà thờ trong thời gian từ 2014 đến 2016.

Sau khi Bakhdida được giải phóng khỏi tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào năm 2016, các thánh lễ được tiếp tục cử hành trong ngôi nhà thờ bị hư hỏng trong khi các Kitô hữu lần lượt trở về xây dựng lại cộng đồng của họ. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục hoàn toàn nội thất bị cháy đen của nhà thờ. Việc thi công đã được hoàn tấ trong những ngày cuối năm 2019.

Kitô giáo đã có mặt tại vùng đồng bằng Nineveh ở Iraq, tức là khu vực giữa Mosul và vùng tự trị Kurdistan của người Kurd, kể từ thế kỷ thứ nhất.

Cha Jahola cho biết: Việc xây dựng lại 6,936 ngôi nhà bị hư hại trong vùng Bakhdida đã bắt đầu từ tháng 5 năm 2017, và kể từ đó hơn một nửa đã được hoàn thành.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép cây thánh giá tưởng nhớ các nạn nhân chết đuối trên biển Địa Trung Hải

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ những người tị nạn mới đến từ đảo Lesbos của Hy Lạp và làm phép một cây thánh giá ở sân Bel Belereere tại Vatican để tưởng nhớ tới tất cả những người di cư và tị nạn đã phải đối diện với những mạo hiểm đầy gian truân nguy hiểm để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.

Hai chiếc áo phao nói lên những câu chuyện của người vượt biển: Chiếc áo đầu tiên được trao tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô mấy năm trước đây do một nhóm cứu hộ; đó là chiếc áo phao của một cô gái bị chết đuối ở Địa Trung Hải. Chiếc thứ hai, được chuyển đến cho Đức Thánh Cha Phanxicô do một nhóm nhân viên cứu hộ khác một vài ngày trước đây. Đó là chiếc áo phao của một người di cư bị mất tích trên biển vào tháng 7 năm ngoái. Không ai biết người đó là ai hoặc đến từ đâu.

Hôm thứ Năm 26 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với 33 người tị nạn mới đến từ đảo Lesbos của Hy Lạp qua sự giúp đỡ của một tổ chức nhân đạo rằng ngài đã được tặng chiếc áo phao đầu tiên do hai tổ chức giúp người di cư và tị nạn tặng cho Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.

Đức Thánh Cha cam kết Giáo hội luôn nâng đỡ những người di cư, chào đón, bảo vệ và giúp họ hòa nhập vào cuộc sống mới.

Phát biểu trước những người tập trung tại sân Belvedere trong Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng chính sự bất công đã buộc nhiều người di cư rời khỏi quê cha đất tổ của họ, phải hứng chịu nhiều sự đau khổ chật vật trong các trại tỵ nạn. Thật là bất công khi bị từ chối khiến họ phải chết trên biển.

Theo truyền thống Kitô giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng thập giá là biểu tượng của đau khổ và hy sinh, nhưng cũng biểu tượng của ơn cứu rỗi. Đức Thánh Cha vén mở cái phao nhựa được đóng trên một cây thánh giá để gợi nhớ chúng ta phải mở to mắt mình ra, mở tim chúng ta ra và nhắc nhở mọi người trước những cam kết cứu nguy những người tỵ nạn, đây là một nghĩa vụ đạo đức của những người tin cũng như không tin.

Làm thế nào chúng ta có thể làm ngơ trước tiếng kêu thống thiết tuyệt vọng của nhiều anh chị em đang đối diện với bão táp ngoài biển khơi hay đang chết dần chết mòn trong các trại giam ở Libya, bị tra tấn và bắt làm nô lệ! Làm thế nào chúng ta có thể thờ ơ trước những lạm dụng và bạo lực trên những người tỵ nạn vô tội? Hoặc trước nạn buôn bán người vô nhân đạo? Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra những hành vi nhân ái vượt lên trên lề luật của các thầy Tư tế hay Biệt phái Pharisêu trong ngụ ngôn Người Samaria nhân hậu, khiến chúng ta chia sẻ trách nhiệm trước những cái chết của họ. Sự thiếu hiểu biết của chúng ta là một tội!

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp không phải bằng cách ngăn chặn các tàu cứu hộ mà giải quyết được vấn đề mà là những nỗ lực giải quyết người tỵ nạn trong các trại ở Libya, đề ra các giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn nạn đói nghèo! Chúng ta phải tố giác những kẻ buôn bán người và lạm dụng người di cư. Lợi ích kinh tế phải được đặt sang một bên mà tập trung vào con người, vào cuộc sống vì phẩm giá của họ thì rất cao trọng đối với Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận chúng ta phải giúp đỡ và cứu chữa mọi người. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với tha nhân, những người hàng xóm láng riềng của chúng ta vì Chúa sẽ phán xét chúng ta trong ngày cánh chung

Sau diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô cây thập giá được hai người tị nạn mang tới được làm phép và treo trên một bức tường ở sân Belereere tại Vatican để tưởng nhớ tới tất cả những người di cư và tị nạn.

3. Dân biểu Loudermilk thanh minh về việc so sánh giữa tổng thống Trump và Chúa Giêsu Kitô

Dân biểu Loudermilk của đảng Cộng Hòa, đơn vị Georgia, đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi tại Hoa Kỳ khi tuyên bố hôm thứ Tư 18 tháng 12 rằng Chúa Giêsu Kitô đã được Philatô cho nhiều quyền hơn trong phiên tòa dẫn đến việc Ngài bị đóng đinh so với trường hợp Tổng thống Donald Trump bị đảng Dân Chủ luận tội.

“Trước khi các bạn bỏ phiếu trong ngày lịch sử, hôm nay, một tuần trước lễ Giáng sinh, tôi muốn các bạn ghi nhớ điều này: Khi Chúa Giêsu bị vu cáo là xúi dân làm loạn, Quan Phongxiô Philatô đã cho Chúa Giêsu có cơ hội đối mặt với những người tố cáo của Ngài”. Dân biểu Barry Loudermilk đưa ra nhận xét trên hôm thứ Tư tại diễn đàn Hạ Viện, khi Hạ Viện Hoa Kỳ tranh luận về một đề nghị buộc tội tổng thống Trump.

“Trong suốt phiên toà giả trá ấy, Quan Phongxiô Philatô đã dành cho Chúa Giêsu nhiều quyền hơn, so với đảng Dân chủ đã dành cho vị tổng thống của chúng ta trong tiến trình này,” ông nói thêm trước khi hết thời gian dành cho mình.

Brandon Cockerham, giám đốc truyền thông của Dân biểu Loudermilk, thanh minh với thông tấn xã Catholic News Agency như sau:

“Dân biểu Loudermilk chỉ đơn thuần muốn làm một so sánh về tiến trình này. Ông muốn nói là Quan Phongxiô Philatô để Chúa Giêsu được đối mặt với những kẻ tố cáo của Ngài, còn đảng Dân chủ đã từ chối cho phép tổng thống hay đảng Cộng hòa biết ai là người tố cáo là, đó là chưa kể đến quyền chất vấn các tố cáo này”

Chương thứ 23 của Phúc Âm Thánh Luca kể lại rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã bắt Chúa Giêsu, khi Ngài đang cầu nguyện ở Vườn Gethsemane ở Giêrusalem, và sau đó điệu đến nhà của Quan Phongxiô Philatô, lúc đó là tổng trấn xứ Giuđêa trong Đế quốc La Mã.

Các thượng tế nói với Quan Phongxiô Philatô rằng:

“Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia, là Vua nữa.”

Ông Philatô hỏi Người: “Ông là Vua dân Do thái sao? “ Người trả lời: “Chính ngài nói đó.” Ông Philatô nói với các thượng tế và đám đông: “Ta xét thấy người này không có tội gì.” Nhưng họ cứ khăng khăng nói: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giuđêa, bắt đầu từ Galilê cho đến đây.”

Trong bài phát biểu hôm 18 tháng 12 dân biểu Loudermilk cũng đã chất vấn Phát ngôn viên Hạ Viện Nancy Pelosi, là người đã nói vào tháng trước rằng nếu Trump có bằng chứng mình vô tội, thì “ông nên công khai hóa các bằng chứng ấy.” Theo dân biểu Loudermilk, tổng thống Trump đã nhiều lần bị từ chối quyền hiến định của mình trong suốt quá trình luận tội.

Ông Loudermilk nói:

“Hiến pháp bảo đảm rằng người bị cáo buộc có quyền yêu cầu các nhân chứng ra làm chứng cho họ. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa và tổng thống đã liên tục bị phủ nhận quyền này trong suốt tiến trình”

Hồi đầu năm nay, một người đã cáo buộc tổng thống lạm quyền của mình bằng cách thúc bách tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mở một cuộc điều tra cựu phó chủ tịch Joe Biden và con trai ông là Hunter, nếu không viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ bị giữ lại.

Người “tố cáo” này chưa được xác định, và vì thế, tổng thống Trump không thể chất vấn người ấy. Điều này, theo dân biểu Loudermilk, là vi phạm Tu Chính Án thứ sáu, trong đó tuyên bố rằng mọi người có quyền được xét xử công bằng và được đối diện với người tố cáo.

Quá trình luận tội chính thức bắt đầu ngày 24 tháng 9. Hai cáo buộc được đưa ra là tổng thống Trump “lạm dụng quyền lực” và “cản trở của Quốc hội”

Trong cuộc bỏ phiếu tối thứ Tư, Hạ viện do đảng Dân Chủ kiểm soát đã thông qua việc buộc tội tổng thống. Tuy nhiên, việc thông qua này hầu chắc là không đi tới đâu. Tại Thượng viện, do đảng Cộng Hòa kiểm soát phán quyết gần như chắc chắn sẽ bị đảo ngược.

4. 250 nhà báo bị cầm tù trên toàn thế giới, 24 nhà báo bị giết trong năm 2019

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo công bố báo cáo năm 2019 về các nhà báo bị giam giữ trong các nhà tù của nhà nước. Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu danh sách các quốc gia giam cầm các nhà báo chỉ trích chính phủ hoặc tố cáo tham nhũng và các vi phạm nhân quyền.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo là một cơ quan độc lập có trụ sở tại New York. Cơ quan này được thành lập vào năm 1981 để thúc đẩy tự do báo chí và bảo vệ quyền của các chuyên gia thông tin công cộng trên toàn thế giới, cho dù phương tiện của họ là báo in, đài phát thanh, TV hoặc internet.

Theo khảo sát toàn cầu hàng năm, 250 nhà báo đã bị cầm tù trong năm qua. Hầu hết trong số họ bị bắt vì xuất bản các bài báo chỉ trích chính phủ, hoặc các đảng phái chính trị, hoặc vì tiết lộ các vi phạm nhân quyền.

Các quốc gia đứng đầu trong việc bắt bớ các nhà báo là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ với 48 và 47 ký giả bị bắt. Ả Rập Saudi và Ai Cập theo sau, kế đó là Eritrea, Việt Nam, Iran, Nga và Cameroon. Hai mươi trong số những người hiện đang bị giam giữ là phụ nữ. Hơn một nửa số nhà báo bị bắt là các phóng viên trực tuyến. Ba mươi người bị buộc tội phổ biến “tin giả”.

Các luật nghiêm ngặt nhằm kiềm chế tự do báo chí, cũng như chính sách đóng cửa các phương tiện truyền thông của các chính phủ, đã khiến hàng chục nhà báo bị mất việc, và buộc những người khác phải lưu vong. 98% các nhà báo bị bỏ tù trên toàn thế giới là các nhà truyền thông địa phương, tức là những người đưa các tin tức về đất nước họ.

Kể từ khi bắt đầu theo dõi số lượng nhà báo bị bách hại từ năm 1992, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo đã ghi nhận cái chết của 1362 nhà báo. Riêng trong năm qua đã có 24 nhà truyền thông bị giết trong khi làm nhiệm vụ thông tin.

Nhờ các hoạt động giám sát và hỗ trợ pháp lý, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo đã góp phần giải phóng sớm cho 80 nhà báo.

5. Giáo hội Li Băng cùng đứng lên với dân chúng đòi công lý và minh bạch

Tình trạng bất ổn đã làm bộc phát các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Li Băng làm hàng chục người bị thương và nhiều người bị các lực lượng an ninh bắt giữ. Các cuộc biểu tình này đã bắt đầu từ 2 tháng trước, khi nổ ra tai tiếng tham ô của chính phủ, đưa đất nước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Giáo Hội Công Giáo Maronite ở nước này đã có lập trường mạnh mẽ đòi hỏi chính phủ phải minh bạch hóa mọi chi thu kinh tế và chính trị cho dân chúng.

Lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Maronite ở Li Băng, là Đức Thượng Phụ Bechara Boutros-Rai, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị Li Băng phải chịu trách nhiệm về nạn tham nhũng và sự thất bại của chính quyền trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng.

Đức Tổng Giám Mục Paul Sayah, phó giám đốc của ủy ban đối ngoại của Tòa Thượng phụ Antiochia, lưu ý rằng điểm son đáng chú ý là những người biểu tình rất đoàn kết không phân biệt tôn giáo.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám Mục Paul Sayah phát biểu: Tham nhũng đã hoành hành đất nước này trong một thời gian dài. Cùng với vấn nạn đó, thực tế chính phủ đã không hề lắng nghe dân chúng, chẳng nghe sự góp ý của các Thượng phụ hoặc những ai thiện tâm góp ý cho các nhà lãnh đạo chính trị về tình cảnh nhiễu nhương khốn khổ mà người dân đã trải qua trong một thời gian dài.

Ngài lưu ý rằng cảnh nghèo đói ở Li Băng đã gây ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế và dấy lên một làn sóng tị nạn khổng lồ trong cả nước.

Hai triệu người tị nạn trong một đất nước mà dân số chỉ có bốn triệu người! Thật là một tình cảnh thảm khốc! Đức Tổng Giám Mục còn cho biết thêm tỷ lệ thất nghiệp trên 30% và dân chúng bị bần cùng hóa nhanh chóng. Vì vậy, khi chính phủ đòi tăng thuế, thì dân chúng đòi hỏi chính phủ phải công bố mọi chi tiêu của chính phủ một cách minh bạch: từ đó đã bộc phát một phong trào biểu tình trong hai tháng qua.

Ngài cho hay những người biểu tình yêu cầu chính phủ hãy giải thể. Chính phủ đã đệ đơn từ chức khoảng 45 ngày trước đây, nhưng không có chính phủ mới nào được thành lập và tình hình ngày càng tồi tệ hơn.

Giáo hội đã tham gia ngay trong cuộc biểu tình đầu tiên, Đức Cha Sayah cho hay Đức Thượng phụ kêu gọi tất cả các giáo phái Kitô giáo ở Li Băng không phân biệt Công Giáo, Chính thống hay Tin lành hãy xuống đường. Sau khi tuyên bố này được đưa ra, các Giáo hội đã ủng hộ, các vị lãnh đạo cùng xuống đường và kêu gọi một cuộc xuống đường bất bạo động.

Đức Tổng Giám Mục Sayah nhận xét rằng các cuộc biểu tình đã tụ họp đoàn kết mọi người lại với nhau là một yếu tố quan trọng: Lần đầu tiên trong một thời gian dài, một phong trào rộng rãi đã vượt qua biên giới của các tôn giáo, liên kết các lực lượng chính trị lại với nhau, và tụ họp mọi người trên mọi nẻo đường đất nước đòi hỏi sự công bằng và sự minh bạch trong nền kinh tế của đất nước.