Phúc Âm: Mt 10,17-22
“Không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha”
Bài trích Phúc âm theo Thánh Matthêô.
Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng:
“Chúng con hãy coi chừng người đời.
Họ sẽ nộp chúng con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn chúng con nơi hội đường.
Vì Ta, chúng con sẽ bị điệu đến trước vua quan, để làm chứng trước mặt họ và các dân.
Nhưng khi người ta nộp chúng con, chúng con chớ lo lắng phải nói sao và nói gì, vì không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha chúng con sẽ nói thay cho.
Anh sẽ nộp em cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái chống đối cha mẹ và làm cha mẹ phải chết.
Vì Ta, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.
Ðó là lời Chúa.
LỄ THÁNH GIA B
Hc 2,3-6,12-14; Cl 3,12-21; Lc 2,22-40
THÁNH GIA- GƯƠNG MẪU CỦA CÁC GIA ĐÌNH TÍN HỮU
I.HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Lc 2, 22-40:
(22) Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, (23) như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là thánh, dành cho Chúa, (24) và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con. (25) Và này đây tại Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo. Ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. (26) Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. (27) Được Thần Khí dun dủi, ông lên Đền Thờ vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu tòan tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, (28) thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: (29) Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này, được an bình ra đi. (30) Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, (31) Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. (32) Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngọai, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài”. (33) Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-on vừa nói về Người. (34) Ông Si-mê-Hon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. (35) Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra”. (36) Lại cũng có một ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-en, thuộc chi tộc A-sê. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, (37) rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. (38) Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem. (39) Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét miền Ga-li-lê. (40) Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
2.Ý CHÍNH:
Tin mừng ghi lại việc Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se nêu gương sáng cho các bậc cha mẹ trong việc tuân giữ Luật Thiên Chúa qua việc các ngài đã dâng Hài Nhi Giê-su cho Thiên Chúa trong Đền thờ. Tại đây Hài Nhi Giê-su đã tỏ mình là Con Thiên Chúa cho ông gìa Si-mê-on và bà ngôn sứ An-na, đồng thời tỏ mình là một phàm nhân khi mang thân phận một trẻ thơ yếu đuối.
3.CHÚ THÍCH:
-C 22-24: +Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê: Luật Mô-sê dạy rằng: đàn bà sinh nở bị nhơ uế nên cần được thanh tẩy trong Đền thờ. Vì Hài Nhi Giê-su là con trai nên Đức Ma-ri-a phải lên Đền thờ làm lễ thanh tẩy vào ngày thứ 40 sau khi sinh theo như Luật dạy. +bà Ma-ri-a và ông Giuse đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là thánh, dành cho Chúa: Vì được Thiên Chúa cứu khỏi bị chết ở nước Ai cập trước biến cố Xuất Hành, nên sau này Luật Mô-sê qui định các con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa và phải được dâng cho Thiên Chúa (x Xh 15, 2 và 12). +và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con: Theo luật Mô-sê (Lv 12,6-8) sản phụ phải dâng lễ vật để làm của lễ toàn thiêu và đền tội thay cho mình. Ở đây Ma-ri-a dâng lễ vật là một đôi chim câu, chứng tỏ ông bà thuộc thành phần nghèo. Việc dâng lễ vật này cho thấy Đức Ma-ri-a có lòng khiêm tốn vâng phục Luật Chúa truyền dạy, dù Mẹ đã được thụ thai và sinh con bởi quyền năng Thánh Thần, nên vẫn bảo tòan được đức trinh khiết.
-C 25-28: +Và này đây tại Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo. Ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông: Si-mê-on là một người công chính và có lòng kính sợ Thiên Chúa thể hiện qua việc luôn tuân giữ Luật Mô-sê. Ông đang chờ đợi niềm an ủi của dân It-ra-en là sắp được đón nhận Đấng Thiên Sai. +Được Thần Khí dun dủi, ông lên Đền Thờ vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu tòan tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người: Si-mê-on được Thánh Thần soi sáng cho biết: ông sẽ được nhìn thấy Đấng Cứu Thế trước khi nhắm mắt. Quả thật, chính Thánh Thần đã thực hiện lời hứa khi thôi thúc ông đi lên Đền thờ đúng vào lúc cha me Hài Nhi Giê-su đưa Người lên Đền thờ để dâng tiến cho Thiên Chúa.
-C 29-32: +Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này, được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngọai, là vinh quang của Ít-ra-en dân Ngài”: Khi bồng ẵm Hài Nhi trên tay, Si-mê-on đã thốt lên bài ca mà ngày nay vẫn được Hội Thánh đọc trong giờ kinh tối mỗi ngày. Bài ca này gồm hai ý chính: Một là Si-mê-on đã được thỏa mãn khi bồng ẵm Đấng Cứu Thế được hứa sẽ đến, nên ông sẵn sàng nhắm mắt trong bình an thư thái. Hai là sứ mệnh của Đấng Cứu Thế dành cho mọi dân tộc chứ không chỉ dành riêng cho dân Do thái. Người sẽ trở thành ánh sáng chiếu soi muôn dân, phá tan mọi tăm tối để giúp mọi người nhận biết chân lý.
-C 33-35: +Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-on vừa nói về Người: Hai ông bà Giu-se và Ma-ri-a kinh ngạc khi nghe ông già Si-mê-on cho biết sứ mệnh cao cả của Hài Nhi Giê-su là sẽ cứu độ muôn dân, là ánh sáng cho muôn dân. Đây là điều Ma-ri-a chưa được sứ thần Gáp-ri-en cho biết khi truyền tin. +Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng: Si-mê-on tiết lộ cho Ma-ri-a về cách thế người đời đối xử với Chúa Ki-tô. Khi xuất hiện, Đức Giê-su sẽ chia thế giới thành hai phe: một phe tin yêu Người, còn phe kia thù ghét Người. Chính sự yêu hay ghét đó sẽ bộc lộ tâm tư của con người, cho thấy họ đứng về phía sự sự công chính chân thật hay ngả theo sự bất lương dối trá. +Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra: Riêng bà Ma-ri-a khi chứng kiến tất cả những sự thù ghét chống đối đó, sẽ bị đau khổ trong tâm hồn giống như bị một lưỡi gươm sắc bén đâm thâu vậy.
-C 36-40: +Lại cũng có một ngôn sứ tên là An-na…: Bà An-na được mệnh danh là ngôn sứ hay tiên tri, vì bà đã làm công việc của một ngôn sứ là tuyên sấm lời Thiên Chúa để kêu gọi người ta ăn năn sám hối và động viên họ phải làm việc thiện theo đường lối của Thiên Chúa. +Bà không rời bỏ Đền thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa: Bà An-na thực là một người đạo đức khi bà chuyên cần phục vụ Đền thờ và năng ăn chay cầu nguyện. +Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem: Bà được Thánh Thần soi sáng nhận biết Đấng Cứu Độ của dân Ít-ra-en. Bà cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa và đã đi loan báo tin mừng về Hài Nhi Cứu Thế cho hết những ai đang trông chờ ơn cứu độ của dân Ít-ra-en biết. +trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét miền Ga-li-lê: Từ đây Na-da-rét trở thành quê hương của Đức Giê-su và luôn gắn liền với tên gọi của Người. Sau này Phi-la-tô đã truyền gắn bản án ghi “Giê-su Na-da-rét Vua dân Do thái” trên cây thập giá.
4.CÂU HỎI:
1) Bài Tin Mừng hôm nay nhằm dạy bài học gì về bản tính của Chúa Giê-su?
2) Luật Mô-sê quy định thế nào về sự nhơ uế của người phụ nữ sau khi sinh?
3) Luật Mô-sê dựa vào đâu để quy định khỏan luật về mọi con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa nên phải dâng cho Thiên Chúa trong Đền thờ?
4) Qua lễ vật dâng cho Thiên Chúa để chuộc lại Hài Nhi Giê-su, chứng tỏ hai ông bà Giuse Ma-ri-a thuộc hạng giàu có hay nghèo khó trong xã hội Do thái đương thời?
5) Ông già Si-mê-on nói tiên tri thế nào về sứ mệnh của Hài Nhi Giê-su và về tương lai của Đức Ma-ri-a Mẹ Người?
6) Do đâu tác giả Tin mừng gán cho bà An-na danh hiệu ngôn sứ hay tiên tri?
7) Tại sao Đức Giê-su được gọi là Giê-su Na-da-rét?
II.SỐNG LỜI CHÚA:
1.LỜI CHÚA:
Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập (Mt 2,14):
2.CÂU CHUYỆN:
1) ĐÂU LÀ BỨC CHÂN DUNG HOÀN HẢO:
Một hôm hoàng đế của một vương quốc hùng mạnh có sở thích sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật của nhân loại đã truyền mở một cuộc thi nghệ thuật kèm theo phần thưởng rất hậu hĩ. Nội dung của cuộc thi là khắc họa chân dung của nhà vua bằng các chất liệu khác nhau. Nghệ nhân từ khắp các nước nghe tin đã lũ lượt kéo đến tranh tài. Các nghệ nhân Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các loại đá hoa cương quí hiếm. Nghệ nhân người Ác-mê-ni thì mang theo một loại đất sét đặc biệt. Các nghệ nhân Ai Cập lại mang đủ loại đồ nghề và các khối đá cẩm thạch. Sau cùng, người ta rất ngạc nhiên khi thấy đoàn nghệ nhân Hy Lạp đến với một gói thuốc đánh bóng.
Mỗi phái đoàn được bố trí làm việc trong một phòng riêng. Khi thời gian thi kết thúc, hoàng đế cùng văn võ bá quan đã đi đến từng gian phòng của nghệ nhân để chấm điểm. Hoàng đế đã hết lời khen ngợi bức họa chân dung của ông được các nghệ nhân Ấn độ vẽ rất giống. Ông càng thán phục hơn khi nhìn thấy các pho tượng của mình được nghệ nhân Ai Cập và Ac-mê-ni điêu khắc.
Sau cùng, nhà vua đến phòng trưng bày của người Hy Lạp đã rất ngạc nhiên khi thấy chỉ có một bức tường bằng đá của căn phòng được đánh bóng đến độ khi nhìn vào bức tường, nhà vua đã nhìn thấy hình ảnh của mình được hiện lên rõ nét. Dĩ nhiên, giải nhất được trao cho đoàn nghệ nhân Hy Lạp, vì theo họ chỉ có nhà vua mới có thể họa được chân dung của chính mình.
Muốn họa lại chân dung của Chúa Ki-tô, mỗi người chúng ta cần phải mài giũa đánh bóng tâm hồn của mình sạch mọi tội lỗi và các thói hư. Một khi tâm hồn chúng ta đã nên trong sáng như gương, chúng ta sẽ có thể phản chiếu hình ảnh của Chúa khi nghe Lời Chúa và đón nhận Thánh Thể Chúa và giới thiệu Chúa cho tha nhân.
2) GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC CHÍNH LÀ THIÊN ĐÀNG TRẦN GIAN:
Cả thiên đàng và hỏa ngục đều dùng bữa với những thức ăn y như nhau, trong khung cảnh giống y hệt nhau, trong đó mỗi người đều phải dùng một đôi đũa dài cả thước để ăn. Thiên đàng và hỏa ngục chỉ khác nhau ở chỗ này: trên thiên đàng, mọi người không ai tự gắp thức ăn cho mình, mà gắp cho người khác ăn, vì thế, ai cũng được ăn no. Còn trong hỏa ngục, mọi người chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết gắp thức ăn cho mình, nhưng vì đũa quá dài, chẳng ai gắp cho mình được gì cả, thế rồi chẳng ai được no, hết giờ ăn mà đói vẫn hoàn đói, từ đó họ trở nên căm thù nhau.
Cũng vậy, trong gia đình, không ai tự tạo hạnh phúc cho mình được mà không cần đến người khác, nên nếu ai cũng chỉ biết lo cho hạnh phúc của mình, thì chẳng ai hạnh phúc cả, và rồi sẽ phát sinh đủ thứ đau khổ. Tuy nhiên trong gia đình, người ta có thể tạo hạnh phúc cho người khác, vì thế, nếu mọi người trong nhà đều biết lo cho nhau, tạo hạnh phúc cho nhau, thì ai nấy đều hạnh phúc.
3) LÒNG ĐẠO ĐỨC BẢO ĐẢM CHO GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC BỀN VỮNG:
Vào năm 1975 Đức Cha Arthur Tonne đã ghi nhận kết quả một cuộc điều tra xã hội tại Mỹ về sự bền vững của hôn nhân gia đình như sau:
Người ta đã lựa chọn một số gia đình và xếp loại theo ba tiêu chuẩn như sau:
- Loại 1: Không dự lễ Chúa nhật + Không cầu nguyện.
- Loại 2: Có dự lễ Chúa nhật + không cầu nguyện.
- Loại 3: Có dự lễ Chúa nhật + có đọc Kinh Thánh và cầu nguyện mỗi ngày.
Sau 3 năm kết quả bền vững của các gia đình nói trên như sau:
* Đối với những đôi vợ chồng loại 1: không dự lễ Chúa Nhật và không cầu nguyện chung thì cứ 4 đôi có 1 đôi ly hôn. Tỷ lệ 1/4. Khá cao!
* Đối với những đôi vợ chồng loại 2: Năng dự lễ Chúa nhật, nhưng không cầu nguyện chung thì cứ 57 đôi thì một đôi ly hôn. Tỷ lệ 1/57.
* Đối với những đôi vợ chồng loại 3: Vừa năng dự lễ Chúa nhật, lại vừa đọc Thánh Kinh và cầu nguyện hằng ngày thì kết quả rất tốt đẹp. Cứ 500 cặp mới có một cặp ly hôn. Tỉ lệ 1/500.
Thật không còn nghi ngờ gì nữa: Đạo đức là yếu tố căn bản của hạnh phúc gia đình. Không có lòng đạo đức thì gia đình có nguy cơ tan vỡ. Không có lòng đạo đức thì gia đình sẽ khó có thể tồn tại. Không có đạo đức thì sớm muộn gia đình cũng sẽ bị lâm vào hoàn cảnh bế tắc không tìm thấy lối ra. Không có đạo đức gia đình sẽ biến thành một địa ngục ở trần gian.
4) PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CON CÁI HỮU HIỆU: LÀM TRƯỚC DẠY SAU:
Một hôm có một phụ nữ dắt theo một bé gái đến gặp MA-HÁT-MA GĂNG-ĐI (Mahatma Gandi) để xin ông một lời khuyên, để con bà bỏ thói hay ăn quà vặt. Găng-đi liền nói: Bà hãy đem nó về nhà và ba tuần sau hãy mang nó trở lại đây cho tôi”. Sau đúng ba tuần, bà ta lại dắt con đến như đã hẹn. Bấy giờ Găng-đi đã khuyên bảo đứa bé đúng như bà mẹ đã yêu cầu, rồi cho hai mẹ con về. Nhưng trước khi ra về, bà mẹ nêu thắc mắc: “Thưa ngài, tôi tưởng là ngài phải làm gì nhiều hơn chứ. Nếu chỉ là việc cho con gái tôi một lời khuyên thì sao ngài lại bắt tôi phải chờ đến ba tuần làm chi?” Bấy giờ Găng-đi mới ôn tồn trả lời: “Thưa bà, lần trước nghe lời bà yêu cầu, tự nhiên tôi cảm thấy xấu hổ, vì chính tôi cũng đang mắc tật xấu hay ăn quà vặt như con gái bà. Vì thế tôi không thể khuyên cháu đừng làm điều mà chính tôi đang mắc phải. Do đó, tôi đã phải hẹn với bà ba tuần sau trở lại, để trong ba tuần lễ đó, tôi cố bỏ tật xấu ấy, rồi mới dám cho cháu bé một lời khuyên như bà đã thấy”.
3.SUY NIỆM:
1) THÁNH GIA- GƯƠNG MẪU CỦA CÁC GIA ĐÌNH TÍN HỮU:
a) Tinh thần trách nhiệm lo cho gia đình và luôn cậy trông Thiên Chúa: Bấy giờ khi Hài Nhi Giê-su bị vua Hê-rô-đê tìm kiếm giết hại, Giu-se được sứ thần mộng báo đã lập tức trỗi dậy ngay lúc đêm tối, đem vợ con chạy trốn sang bên Ai-cập. Sau khi Hê-rô-đê băng hà, Giu-se lại vâng lệnh sứ thần đem Con Trẻ và Mẹ Người về làng Na-da-rét, để tránh vua mới là Ác-khê-lao tiếp tục tìm kiếm giết hại. Qua sự kiện này, ta thấy gia đình chúng ta cũng không tránh khỏi những cơn phong ba bão tố vùi dập. Các bậc gia trưởng hãy noi gương thánh Giu-se để luôn tin cậy và tuân phục thánh ý Thiên Chúa.
b) Vợ chồng cùng nhau cộng tác vượt qua nghịch cảnh: Trong cuộc sống, thánh gia cũng không tránh khỏi có những lúc gặp sóng gió, tưởng như con thuyền gia đình sắp tan vỡ. Chẳng hạn: Giu-se đã từng có lúc suy nghĩ và quyết định rời bỏ Ma-ri-a; Cũng có lúc khốn cùng, khi giu-se đưa Ma-ri-a về quê Be-lem khai sổ nhân danh, Ma-ri-a đã tới lúc sinh con, nhưng hai ông bà không tìm được chỗ nghỉ trong quán trọ, Giu-se phải đưa Ma-ri-a nghỉ tạm trong hang chiên cừu ngoài đồng vắng, và Hài Nhi Giê-su đã được sinh ra trong cảnh bần cùng. Có những lúc hai ông bà Giu-se Ma-ri-a phải chạy đôn chạy đáo lo lắng tìm Hài nhi bị lạc mà mãi ba ngày sau mới tìm thấy trong Đền Thờ. Nhất là có lúc Đức Ma-ri-a như bị dao sắc thâu qua trái tim, khi đứng dưới chân thập giá, chứng kiến người con yêu hấp hối và khi chết rồi còn bị tên lính cầm lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn… Như vậy, Thánh Gia cũng chẳng được ưu đãi hơn so với các gia đình khác, cũng phải trải qua nhiều nghịch cảnh… để nêu gương phấn đấu cho các gia đình tín hữu hôm nay.
2) NHỮNG NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GÂY ĐỔ VỠ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH:
Các gia đình hôm nay cũng có có thể gặp nguy cơ bị đổ vỡ hạnh phúc:
a) Do thái độ ích kỷ, lười biếng và vô trách nhiệm: khi vợ chồng không biết lo cái ăn cái mặc hay chỗ ở cho gia đình, dẫn đến thái độ vợ chồng khinh thường tranh cãi và giận hờn nhau.
b) Do các thói hư như rượu chè, cờ bạc, trai gái hút chích… Khi hai người ứng xử thiếu lịch sự tế nhị với nhau và với người thân, không thống nhất về cách nuôi dạy con cái, không tôn trọng nhau thể hiện qua việc một mình quyết định những việc quan trọng trong gia đình.
c) Do thiếu tình thương yêu giữa hai vợ chồng: Do không hâm nóng khiến tình yêu lâu ngày bị phai lạt, thể hiện qua việc không nói chuyện với nhau, mỗi người đi tìm thú vui với bạn bè ngoài gia đình hoặc chia sẻ tình cảm với người thứ ba… Nữ tu Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã nói về vấn đề này như sau: “Tôi nghĩ rằng không phải ai cũng ý thức về tầm quan trọng của gia đình. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì chắc chắn thế giới này sẽ khác”.
Thậy vậy, thế giới băng hoại vì có nhiều gia đình thiếu tình thương. Giới trẻ sở dĩ rơi vào thói xấu nghiện hút ma túy, phần lớn là do cha mẹ đã thiếu quan tâm dạy dỗ. Ước gì các gia đình chúng ta trở thành những mái ấm đầy tình yêu của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
3) LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIA ĐÌNH LUÔN SỐNG HÒA HỢP HẠNH PHÚC?
a) Mỗi người cần chu toàn trách nhiệm đối với gia đình: Một tờ báo ở Luân-đôn nước Anh đã mở một cuộc điều tra các ông chồng, yêu cầu các ông thành thật trả lời câu hỏi: “Trong gia đình bạn, ai là người thực sự có quyền làm chủ gia đình?” Kết quả cho thấy có 80% câu trả lời: “Vợ tôi làm chủ”, 19% trả lời “Mẹ vợ tôi làm chủ”. Chỉ có 1% trả lời: “Chính tôi làm chủ, vì vợ tôi đã qua đời !” Như vậy, không lạ gì khi thấy sau Hoa Kỳ, Anh quốc có số gia đình ly hôn tỷ lệ cao nhất: Mỗi năm cứ hai đám cưới thì có một đám ly hôn.
b) Hãy chịu đựng nhau và tha thứ cho nhau: Trong một buổi tĩnh tâm dành cho gia trưởng, nhưng cũng có nhiều bà vợ tham dự. Tới phần làm phép thánh giá, cha giảng phòng nói: “Ai có cây thánh giá cần làm phép yêu cầu mang lên gần gian cung thánh để được làm phép”. Bấy giờ một ông lão thay vì mang cây thánh giá thì lại cõng bà vợ bị tê liệt lên. Khi tới phiên, thay vì giơ cây thánh giá lên cho cha rẩy nước thánh thì ông lão lại bồng bà cụ lên trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông nói: “Thưa cha, đây là thánh giá của con. Xin cha làm phép để con được vác thánh giá này đến trọn đời !”.
c) Hãy biết tôn trọng nhau, năng trao đổi bàn bạc để thống nhất trong mọi việc như: Về cách giao tiếp với tha nhân, cách nuôi dạy con cái, sự mua sắm các vật dụng, công việc làm ăn sinh sống… Vì “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” và “Phu phụ hòa, gia đạo thịnh”.
d) Gia đình phải có bàn thờ Chúa: Cần lập một bàn thờ Chúa ở nơi trang trọng như tại phòng khách và duy trì giờ kinh tối gia đình hằng ngày. Trong giờ kinh tối tuy ngắn gọn, nhưng luôn có phần lắng nghe Lời Chúa và lần hạt chung cầu cho gia đình.
Tóm lại: Nếu gia đình có “Thiên Chúa là Tình Yêu” ngự trị, cHồng Yêu vợ, vợ yêu chồng, con cái thảo kính cha mẹ, anh chị em trong nhà biết nghĩ đến nhau và quan tâm đến nhau… thì chắc gia đình sẽ vượt qua được mọi thử thách, sẽ vui sống thuận hòa với nhau và gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.
4.THẢO LUẬN:
1) Nguyên nhân thường gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình là gì và phải làm gì để phòng tránh?
2) Bạn có đồng ý với câu người ta thường nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” hay không? Tại sao?
5.NGUYỆN CẦU
LẠY CHÚA GIÊ-SU, mỗi lần tham dự thánh lễ hôn phối, con thấy đôi tân hôn thật hạnh phúc. Với nét mặt rạng rỡ trong bộ y phục trắng tinh khôi, con thấy cô dâu sánh bước bên chú rể tiến đến trước bàn thờ cử hành hôn lễ như đang bước vào thiên đàng hạnh phúc. Nhưng rồi với năm tháng qua đi, con lại thấy gia đình họ trở thành hỏa ngục trần gian, khi “kẻ thì khóc lóc, người lại nghiến răng”. Xin giúp các đôi vợ chồng trẻ biết cách duy trì được tình yêu thuở ban đầu. Xin cho họ biết “cho đi hơn là nhận lãnh”, biết ân cần phục vụ lẫn nhau, quảng đại tha thứ và chịu đựng nhau… Nhờ đó gia đình tín hữu chúng con sẽ trở thành một thiên đàng tình yêu, là dấu chỉ sau này chúng con sẽ cùng được hưởng hạnh phúc trên Thiên đàng.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
“Khắp nơi trên cõi đất này, đã từng là từng xem thấy, xem thấy ơn cứu độ của Chúa chúng ta”.
Lời đáp ca đại lễ Giáng Sinh nhắc chúng ta rằng, ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho con người cách tỏ tường, khắp nơi nơi trên cõi đất này đã hơn 2,000 năm, để hôm nay, thế giới hân hoan mừng sinh nhật lần thứ 2020 của Con Một Người, “Khắp nơi trên cõi đất này, đã từng là từng xem thấy, xem thấy ơn cứu độ của Chúa chúng ta”.
Thế nhưng, chúng ta tự hỏi, đến với con người, Thiên Chúa đã dùng ngôn ngữ nào? Người không dùng một ngoại ngữ nào khác ngoài ngôn ngữ của chính con người để đối thoại với nó, và tựu trung, Thiên Chúa ấy chỉ muốn nói với con người rằng, ‘I love you’, như tiếng Anh; ‘Je t’aime’, tiếng Pháp; ‘Ti amo’, tiếng Ý; và ‘Ta yêu con!’, tiếng Việt”.
Bài đọc thứ nhất, Isaia nói, “Đẹp thay trên núi trên đồi, bước chân người loan báo Tin Mừng, người công bố lời bình an, người loan tin hạnh phúc, người công bố lời cứu độ”, nghĩa là, đẹp thay người loan báo rằng, “Thiên Chúa yêu thương con người”. Cho đến hôm nay, Thiên Chúa đó vẫn đang nói với con người, không còn qua các tổ phụ, các ngôn sứ, nhưng qua Lời Chúa, qua các bí tích, qua những con người đang được sai đi, để nói với con người cũng một lời yêu thương muôn thuở,‘Ta yêu con!’. “Thiên Chúa yêu thương con người” là nội dung sứ điệp thiên thần báo cho các mục đồng đêm Giáng Sinh đầu tiên, “Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”. Tác giả thư Do Thái hôm nay xác tín, “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Người phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”. Và đây, Thánh Gioan đã nói đến Người Con ấy trong Lời Tựa Tin Mừng mình mỗi năm được đọc một lần vào lễ sáng Giáng Sinh, “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời là Thiên Chúa”.
Anh Chị em,
Một lần nữa, Tin Mừng ngày đại lễ mặc khải cho chúng ta các mầu nhiệm lớn lao của Kitô giáo: mầu nhiệm Thiên Chúa Tình Yêu thể hiện cụ thể qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Lời tựa Tin Mừng Gioan được coi như tinh hoa của Tân Ước, danh xưng “Ngôi Lời” vốn chỉ có trong Phúc Âm Gioan, một thánh sử, được ví von như chim phượng hoàng của sách Khải Huyền, chấp cánh bay vút lên, vượt ba tác giả Phúc Âm nhất lãm. Bằng một cái vỗ thật mạnh, phượng hoàng Gioan cất cánh bay cao, cao thật cao, cao đến nỗi không còn thấy mây trời và mất hút trong đó. Để rồi, với một đôi mắt tinh tường, một lòng mến sắt son, phượng hoàng Gioan có một cái nhìn xuyên suốt không gian để lên tận mút thời gian; ở đó, nhà thần nghiệm kiệt xuất tiên khởi cung chiêm Ngôi Lời vốn đã có từ nguyên thủy nơi cung lòng Cha nay làm người cư ngụ giữa chúng ta, gò bó trong không gian, chật vật với thời gian để có thể thì thầm bên tai mỗi người, ‘Ta yêu con!’.
Có thể nói đây là một mặc khải rộng lượng chưa từng có mà Thánh Thần đã linh hứng cho Gioan để Gioan viết xuống với ngòi bút của vị tông đồ được Thầy yêu cách riêng; một mặc khải không dè giữ về mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm Nhập Thể, những mầu nhiệm cốt lõi của Kitô giáo. Và thật tài tình, tác giả Tin Mừng thứ tư đem so sánh Gioan Tiền Hô, tiếng kêu trong sa mạc với Chúa Giêsu Ngôi Lời, Đấng đến từ trời; một phàm nhân giới hạn đem so với Đấng vô hạn, một cái gì trong thời gian đem sánh với cái vô cùng vượt thời gian. Phải, Gioan chỉ là tiếng, Chúa Giêsu mới thật là Lời. Vị tông đồ viết, “Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan; ông đến để làm chứng về ánh sáng. Ông không phải là ánh sáng nhưng Ngôi Lời mới là ánh sáng thật. Ngôi Lời đến từ Thiên Chúa, có từ nguyên thủy, và Ngôi Lời cũng là Thiên Chúa”. Gioan Tiền Hô chỉ là tiếng, Chúa Giêsu mới thật là Lời. Chỉ là tiếng, nghĩa là một cái gì vô nghĩa và chóng qua; đang khi Lời, một cái gì lấn lướt thời gian, vượt quá không gian để muôn đời còn mãi.
Anh Chị em thân mến,
Với chúng ta, có lẽ hơi khó hiểu; thế nhưng, khi đọc Kinh Cầu Hài Đồng và dừng lại ở câu “Hài Đồng là Lời mà thẳm lặng” và lời nguyện “Xin cho chúng con đặng biết sự khôn khéo Chúa Con nơi Hài Đồng, phép tắc nơi thơ yếu, oai nghi nơi thấp hèn” thì những suy tư này xem ra không còn tối tăm. Bỏ lời đi, tiếng không còn gì và ở đâu chỉ có tiếng, ở đó chẳng có gì để hiểu; cũng như ở đâu không có lời, ở đó chỉ là tiếng vang, những âm thanh trống rỗng, ồn ào. Không có lời, tiếng chỉ vọng vào tai; không có lời, tiếng sẽ vô hồn chứ không cảm hoá hồn. Gioan Tẩy Giả chỉ là tiếng, làm chứng cho Lời; chỉ là đèn, làm chứng cho ánh sáng. Ngôi Lời mới là ánh sáng thật; không có mặt trời, ngôi sao chỉ loé sáng với ánh sáng ảo.
Vậy mà Lời đó đã đến cư ngụ giữa chúng ta, làm người như chúng ta, đau đáu với những buồn vui nhân sinh. Lời đó chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đến ngỏ với chúng ta những lời yêu thương với ngôn ngữ của trái tim, ngôn ngữ của thương xót, rằng, Thiên Chúa là tình yêu; rằng, Người yêu con người đến mê mệt; rằng, Người muốn cứu độ con người bất cứ giá nào. Và đó chính là ý nghĩa tròn đầy gãy gọn nhất của lễ Giáng Sinh.
Ngày xửa ngày xưa, có một chú bé Phi Châu đen thủi đen thui tên là Emmanuel. Chú ta luôn thắc mắc, “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?”. Chú hỏi thầy giáo, thầy giáo gãi đầu; chú hỏi các bậc thức giả, họ ngẩn ngơ. Thế là chú càng thắc mắc, chú rảo khắp vùng dò hỏi các bô lão ở những làng kế cận cũng một câu hỏi, nhưng họ cũng mù tịt. Thế nhưng, Emmanuel vẫn tin, có người biết điều ấy. Vì thế, chú lên đường đến những quốc gia và cả những đại lục khác để tìm hỏi, nhưng đâu đâu chú cũng không nhận được câu trả lời. Cho đến một đêm nọ, kiệt sức, Emmanuel đến một ngôi làng có tên là Bêlem. Chú cố tìm chỗ nghỉ trong hàng quán, nhưng tất cả đều đã đầy người; chú quyết định tìm một chỗ ngoài thành để nương thân. Quá nửa đêm, chú tìm được một hốc núi, nhưng khi bước vào, chú nhận ra đã có một đôi vợ chồng và một hài nhi ở đó. Nhìn thấy chú, bà mẹ trẻ liền nói, “Hân hạnh đón chào Emmanuel, chúng ta đang chờ con”. Chú bé sửng sốt vì làm sao người mẹ trẻ này biết tên chú? Và càng ngạc nhiên hơn khi nghe cô ấy nói, “Đã từ lâu, con tìm kiếm khắp nơi để hỏi xem Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây hành trình của con kể như đến đích, đêm nay chính mắt con sẽ thấy, tai con sẽ nghe, Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Này con, Ngài nói bằng ngôn ngữ tình yêu, “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người”. Trái tim Emmanuel như ngừng đập, chú nghẹn ngào quỳ gối trước hài nhi và bật khóc vì vui mừng. Giờ đây chú đã biết, Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu, tiếng mà mọi người thuộc bất kỳ dân tộc nào, thời đại nào cũng đều có thể hiểu. Sau một vài ngày giúp đỡ thánh gia, Emmanuel chia tay, không phải để về nhà nhưng để đi loan báo cho mọi người ngôn ngữ Thiên Chúa dùng, Người nói bằng thứ tiếng của tình yêu.
Lủi thủi một mình, Emmanuel vừa rảo bước vừa suy nghĩ, “Nếu tôi muốn kể cho mọi người biết Thiên Chúa dùng thứ tiếng nào để nói, thì chính tôi cũng phải thông thạo tiếng Chúa nói, đó là ngôn ngữ tình yêu. Kể từ ngày đó, trên đường về, Emmanuel tỏ ra thân ái với mọi người, giúp đỡ họ hết sức có thể; đó chính là thứ tiếng duy nhất mọi người trên thế gian đều hiểu được. Emmanuel đã nói qua việc làm bằng ngôn ngữ của tình yêu. Có một điều Emmanuel khám phá ra, là khi chúng ta nói với ai đó bằng thứ tiếng của tình yêu, thì họ cũng sẽ nói lại với chúng ta bằng thứ tiếng ấy.
Kính chúc Anh Chị em một Mùa Giáng Sinh và Một Năm Mới tràn đầy tình yêu, hồng ân và niềm vui của Chúa, một Thiên Chúa đã thắp sáng, đã nói lời yêu thương với thế giới, với mỗi người rằng, ‘Ta yêu con!’. Đến lượt chúng ta, đừng sợ phải ra đi loan báo và trở nên lời yêu thương, ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa cho một thế giới giàu nhiều sự, nhưng quá nghèo tình thương.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin dạy con biết dùng ngôn ngữ của tình yêu để nói với mọi người, cả với những người hiềm khích với chúng con, con sẽ nói với họ, ‘I love you!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
Mái Ấm Hạnh Phúc
Tolstoy viết lời mở đầu cuốn sách “Anna Karenina”: Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng gia đình bất hạnh thì lại muôn màu muôn vẻ.
Vậy gia đình hạnh phúc có những điều nào giống nhau? Thực tế cho thấy rằng, một gia đình hạnh phúc là mẹ được ưu ái, cha được tôn trọng và con được tiếp nhận. Mẹ được chiều chuộng, gia đình càng hạnh phúc. Cha được tôn trọng sẽ càng yêu mẹ hơn. Con cái được tiếp nhận, gia đình mới thực sự là mái ấm.Gia đình là thế giới của mẹ, là vương quốc của cha, là khu vườn thần tiên của con trẻ. Đây chính là hình mẫu về một mái ấm hạnh phúc.
Gia đình là tổ ấm yêu thương cho từng thành viên. Trước ngưỡng cửa của đời sống hôn nhân gia đình, ai cũng muốn cho mình có được một cuộc tình êm xuôi, một gia đình hạnh phúc, trên thuận dưới hoà, con cái hiếu thảo, vợ cHồng Yêu thương nhau. Hôn nhân gia đình là một quyết định và là bước ngoặt lớn trong cuộc sống con người, nên người ta đặt vào đó cả niềm hy vọng và sự mong đợi lớn lao.
Đời sống hôn nhân gia đình có một ơn gọi và sứ mạng cao quý trong Giáo hội và xã hội. Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong khung cảnh của một gia đình. Qua cuộc sống của Thánh Gia, “chúng ta hiểu cách sống trong gia đình. Nadarét nhắc chúng ta về ý nghĩa của gia đình, về sự hiệp thông tình yêu, vẻ đẹp đơn sơ và giản dị, tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình; Nadarét làm cho chúng ta thấy gia đình là một trường học ngọt ngào và không thể thay thế, dạy cho ta biết thế nào là chức năng tự nhiên của gia đình đối với trật tự xã hội” (ĐTC Phaolô VI, Diễn từ tại Nadarét)…Muốn có những con người tốt và những Kitô hữu thánh, gia đình phải tốt và thánh thiện; muốn đổi mới đất nước, xã hội và Hội Thánh, phải bắt đầu từ gia đình. “Gia đình là con đường của Hội Thánh” (Thánh Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình, số 2).
Lễ Thánh Gia, Giáo hội mời gọi mỗi gia đình Công Giáo hướng về gia đình Nadarét. Không phải lúc nào cũng màu hồng mà Tin Mừng cho thấy Thánh Gia đã trải qua những lận đận lao đao vất vả giữa bao hiểm nguy khó khăn thử thách trăm bề. Thánh Giuse khéo léo chống chèo vượt qua tất cả và cùng với Mẹ Maria Chúa Giêsu, xây dựng mái ấm hạnh phúc.
Thánh Gia là trường dạy cầu nguyện, dạy giáo lý, dạy lao động, dạy yêu thương đến hiến mình cho người khác, chuẩn bị cho Chúa Giêsu gánh vác sứ vụ Chúa Cha trao phó sau này.Chúa Giêsu đã vâng phục kỷ luật trường này, chấp nhận những vị thầy đầu tiên là cha mẹ và Người đã lớn lên chững chạc, trưởng thành, quân bình thể xác trí tuệ, tâm linh. Chúa đã sống học tập rèn luyện 30 năm để rao giảng 3 năm. Một năm Chúa Giêsu giảng đạo thì 10 năm Người ở với gia đình. Chúa ưu tiên và đề cao tầm quan trọng của gia đình biết bao.
1. Mái ấm gia đình
Có nhà hoạ sĩ kia cứ mãi mơ ước trong đời mình sẽ vẽ được một bức tranh đẹp nhất thế giới. Nhưng anh ta không biết phải vẽ thứ gì để bức tranh sẽ có được hình ảnh, màu sắc, và nội dung sâu đậm đáng trở thành bức tranh tuyệt vời nhất trần gian.
Chàng đã tìm hỏi với một linh mục về điều gì đẹp và ý nghĩa nhất. Vị linh mục trả lời ngay: "Niềm tin. Niềm tin là số một, niềm tin sẽ nâng cao giá trị con người. Niềm tin sẽ chữa lành và biến đổi mọi sự nên tuyệt vời."
Chàng hoạ sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với một cô gái đang bước lên xe hoa về nhà chồng. Cô gái trả lời: "Trên thế gian này không có gì đẹp bằng tình yêu. Tình yêu là hơi thở, là sức sống, là hạnh phúc, là tất cả. Tình yêu biến cay đắng thành ngọt ngào, đưa tiếng cười vào nơi than khóc, đổi nghèo hèn tầm thường thành phú quí cao sang. Tình yêu thật tuyệt vời."
Cuối cùng người hoạ sĩ gặp một anh thương binh vừa trở về từ tiền phương. Anh lính đã trả lời: "Hoà bình là điều đẹp nhất trần gian. Ở đâu có chiến tranh, ở đó có đổ nát, bất hạnh, khổ đau. Ở đâu có hoà bình, ở đó có cái đẹp."
Ba câu nói của ba con người - vị linh mục, cô gái sắp lấy chồng và anh thương binh trẻ - đã làm cho người hoạ sĩ phân vân: không biết phải làm thế nào để trên bức tranh của mình có thể diễn tả cùng một lúc niềm tin, tình yêu, và hoà bình.
Đang suy nghĩ anh về đến nhà lúc nào không hay. Mấy đứa con anh ùa ra đón bố. Anh nhận thấy niềm tin trong ánh mắt của các con. Anh cũng cảm được tình yêu trong chiếc hôn chân thành của người vợ. Niềm tin của con cái và tình yêu của người vợ làm cho tâm hồn anh ta ấm áp và an bình lạ thường. Thế rồi một ý tưởng chợt loé lên trong đầu. Anh vội ngồi xuống khởi công vẽ tranh, và sau khi hoàn thành tác phẩm đẹp nhất thế gian, anh đã đặt tên cho nó: "Mái Ấm Gia Đình".
Mái ấm gia đình chính là hình ảnh xinh đẹp và sống động nhất mà người ta có thể vẽ được về Nước Trời hay Thiên đàng ngay trên thế gian này. Mái ấm gia đình cũng sẽ là lời chứng tá hùng hồn nhất cho sự hiện diện của Đức Giêsu giữa dương gian.
2. Hạnh phúc gia đình
Theo Đức cha Bùi Tuần, có ba yếu tố làm nên hạnh phúc gia đình: Quy tụ gia đình; Lễ giáo gia đình và Tình nghĩa gia đình.
- Quy tụ gia đình
Gia đình là nơi con người được “ở với nhau”. Các môn đệ đầu tiên không tìm đến với Chúa Giêsu như một vị thầy dạy học, nhưng như “Đấng ở với” (Ga 1,38). Chúa đã mời gọi các ông, trước tiên không phải là học một bài học, mà là xem chỗ Người ở và ở lại với Người (Ga 1,39). Cũng vậy các thành viên trong gia đình hiện diện cho nhau với toàn vẹn cái tôi của mình, được chấp nhận và chấp nhận người khác với toàn vẹn cái tôi ấy. Dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, gia đình là nơi chốn bình an cho tâm hồn mình; “Đấng Tạo Hoá đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người nên gia đình trở thành ‘tế bào đầu tiên và sống động của xã hội’ (x.Tông huấn gia đình số 42).
Quy tụ là họp mặt, là gặp nhau, là nói chuyện với nhau, là gần gũi nhau, là chia sẻ với nhau. Quy tụ gia đình làm nên một bầu khí ấm áp thiêng liêng. Có thể nói, mọi quy tụ gia đình, dù thường ngày, dù bất thường, đều mang bầu khí đạo đức, có ánh sáng của đức tin và có hương thơm của đức ái.Quy tụ gia đình như thế sẽ có Chúa hiện diện. Nhờ có Chúa hiện diện, gia đình sẽ biết phân định điều gì là tốt cần làm, điều gì là xấu cần tránh, nhất là trong tình hình hiện nay tốt xấu lẫn lộn một cách quá phức tạp.
- Lễ giáo gia đình
Lễ giáo là nghi lễ và giáo dục gia đình. Gia đình là một cộng đoàn, một đời sống chung của những con người. Họ có những dây liên đới với nhau. Nên cần phải có những hình thức thể hiện những dây liên đới đó. Do vậy, mà phải được giáo dục, để có được lối sống liên đới tốt đẹp, trong trật tự. Liên đới thấp nhất thuộc nhân bản của cộng đoàn là biết diễn tả sự gần gũi nhau và có trách nhiệm đối với nhau.
Biết siêng năng và lương thiện làm hết sức mình, để góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc chung gia đình, đó là nét đẹp căn bản của lễ giáo gia đình.Biết chào kính, chào thăm, chào hỏi, với nhiều bình thức, là một nghi lễ đơn sơ chứng tỏ con người có giáo dục gia đình. Biết cảm ơn, biết xin lỗi cũng là những điều lễ phép thô sơ của con người có giáo dục trong cộng đoàn. Biết kính trên nhường dưới cũng là một biểu hiện lễ phép của nền giáo dục liên đới. Biết sống chân thành và trung thành trong các liên đới gia đình cũng là một giá trị của con người có giáo dục gia đình.
- Tình nghĩa gia đình
Tình nghĩa gia đình cần được vun trồng, cần được chăm sóc, cần được xây dựng với những tình tiết nhỏ. Người tình nghĩa đích thực là người biết xót thương như người Samari đó. Chúng ta chỉ có được một cách đích thực bằng tấm lòng bén nhạy và giàu tình xót thương với những tình tiết nhỏ, do trực giác đạo đức hơn là do lý luận.
3. Tình yêu gia đình
“Hôn nhân gia đình vốn là hình ảnh tiêu biểu của tình yêu. Những áp lực của đời sống xã hội đang làm rúng động tận nền tảng của đời sống gia đình, làm biến dạng ý nghĩa chân thực của tình yêu. Không kể những đổ vỡ trong đời sống gia đình, trên thế giới ngày nay còn xuất hiện và đang lây lan những mẫu gia đình kỳ lạ, gia đình đồng tính, gia đình tạm thời, gia đình ba hoặc bốn vợ/chồng…Kitô giáo không chấp nhận những mẫu gia đình kỳ lạ ấy, không phải chỉ chúng khác lạ, nhưng vì chúng phá vỡ ý nghĩa đích thực của tình yêu”. (x. Gia đình kitô hữu trước những thách đố thời đại, Nội san chia sẻ số 76).
Ngày nay, trong xã hội tiêu thụ, vì bận rộn với công việc kiếm tiền, một số cha mẹ không gần gũi, không dành thời giờ cho con cái. Vì thế, chúng cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu tình thương. Theo mức độ, con cái sẽ lâm bệnh chán nãn, buồn phiền, không thích học nữa, lỳ lợm, xấc láo, ích kỷ, vô cảm, đua đòi thiếu suy nghĩ.Một số phụ huynh chỉ mong con mình học giỏi, thành đạt, kiếm được nhiều tiền. Họ ít quan tâm đến đời sống đạo đức của con, không lo giáo dục đức tin cho con. Có cha mẹ quan niệm, lo cho con được Xưng Tội, Rước Lễ, Thêm Sức là đủ rồi; vì thế có những em sau khi Thêm Sức là bỏ nhà thờ. Sự đa dạng của vi tính và internet quá hấp dẫn lôi kéo con cái chúng ta ra khỏi thực tế và lao vào thế giới ảo, lối sống ảo. Lối sống hiện đại cũng dễ đánh mất bầu khí mái ấm. Mỗi người có một phòng riêng, một thế giới riêng nên mọi người ít quan tâm đến nhau, ít giúp đỡ nhau.
Các bậc phụ huynh xin hãy nhớ, sức mạnh của sự quy tụ các thành viên trong tình nghĩa và với lễ giáo gia phong sẽ làm thành mái ấm gia đình cao quý. Chính đức tin và tình yêu từ mái ấm sẽ làm trổ sinh hoa trái cho đời sống gia đình.
Ở các nước Âu Mỹ, có một câu ngạn ngữ nổi tiếng nhà nhà đều biết: “Happy wife, happy life”, nghĩa là “Vợ vui lòng, cuộc sống vui vẻ”. Câu này nên trở thành kim chỉ nam của mỗi một ông chồng.Một người phụ nữ được chiều chuộng sẽ rất rạng rỡ, ấm áp, mềm mại như ngọc. Một người đàn ông được tôn trọng sẽ có thần thái, phong độ ngời ngời. Chồng càng yêu thương vợ, vợ lại càng tôn trọng chồng. Vợ càng tôn trọng chồng, chồng lại càng yêu thương vợ. Tình cảm hài hoà, cha mẹ tôn trọng ý nguyện của con cái, quan tâm và tán dương con cái, gia đình thật hạnh phúc, chan hòa niềm vui tình yêu.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói : “Niềm vui của tình yêu trong đời sống của các gia đình cũng là niềm vui của Hội Thánh” (Tông huấn Niềm vui tình yêu, số 1).
Theo gương Thánh Gia, mỗi gia đình hãy nỗ lực thực thi lời mời gọi của HĐGMVN : “Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Công Giáo”. Hạnh phúc gia đình khởi đi từ tình yêu, niềm tin và hoà bình. Gia đình sẽ là “vườn ươm” các nhân đức, là “nơi đào tạo” nhân bản và tâm linh cho con cái, để trở thành một Hội Thánh tại gia.
3. Giáo dân nguội lạnh trở lại thì dễ, nhưng người tu sĩ nguội lạnh trở lại thì rất khó.
(Thánh Ambrose)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Ở Hoa Dương có một thư sinh ngông cuồng.
Một đêm nọ, nhân lúc uống rượu cao hứng thì đi thăm một vị ẩn sĩ nọ ở cùng xóm, nhìn thấy chủ nhân đang ở trong sân ánh mặt trăng chiếu sáng như ban ngày, hoa mai nở rộ, không cầm được lòng thơ rào rạt, nên ngâm một bài thơ đời nhà Tống:
- “Trước cửa sổ
hoa mai và trăng giống nhau,
thêm một thi nhân nữa
thì lại không giống”.
Ám chỉ tự cho mình là thi nhân.
Chủ nhân cũng ngâm lên một bài thơ đời Tống để đáp lại:
- “Từ khi ông Hòa Tịnh chết, (1)
thì ý kiến nói rằng
không nên làm thơ hoa mai”. (2)
Ý của chủ nhân rất rõ ràng là cấm ông ta lấy hoa mai làm thơ tồi.
Thư sinh ngông cuồng ấy rất hận chủ nhân chế giễu mình, nên chửi mà bỏ đi.
Ngày thứ hai, chủ nhân đến huyện phủ tố cáo thư sinh ngông cuồng, huyện quan truyền lệnh cho thư sinh viết thi ca, thì phát hiện thơ rất là vụng về, bèn cười và nói với thư sinh:
- “Tạm thời không kết tội mày nhục mạ người khác, nhưng áp giải đi đầm bách hoa trông coi công việc đình làng !”
(Tuyết Đào Hài Sử)
Suy tư 18:
Tính ngông cuồng, học hành kém lại còn chửi bới người ta nữa thì nhất định là người không ra gì, dù là người đọc sách hay là làm vua quan.
Thời nay có những người mới học được vài ba chữ thì đã chê người này người nọ, tự cho mình là người tài giỏi; thời nay cũng có nhiều thanh niên nam nữ đến quán cà-phê internet thì nhiều mà đến trường học thì ít và đến nhà thờ càng ít hơn, nhưng vẫn cứ cho mình là người tiên tiến hơn các bạn cùng lớp vì biết nhiều về những trang web không lành mạnh, lại càng hay phê bình người này người nọ không biết giữ đạo tại tâm nên cứ hay đi lễ nhà thờ !
Thời nay cũng có những người trẻ ngông cuồng đem tiền bạc đốt trong những động lắc, đem tuổi thanh xuân hoang phí trong các cuộc trác táng thâu đêm, không cần nghĩ đến tương lai, không cần nghĩ đến tình thương của cha mẹ và gia đình, không cần nghĩ đến hậu quả của việc làm xấu ấy...
Ngông cuồng thì không có lợi gì cả, chỉ bày tỏ một tâm hồn kiêu ngạo và bất cần đời, nhưng hậu quả thì khó mà lường được cho mình, gia đình và xã hội...
(1) Mai Thánh Du thi nhân đời Tống, vịnh quyền uy của mai.
(2) Ý là phàm thi nhân vịnh hoa mai thì không nói đến mai và tịnh.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tin mừng: Lc 2, 22-40.
“Hài Nhi ngày càng lớn lên, đầy khôn ngoan.”
Bạn thân mến,
Bạn và tôi, mỗi người đều có một gia đình, có ông bà, cha mẹ và anh chị em cùng với mọi người thân thuộc, và không ai là kẻ vô gia đình, không ai là không có cha có mẹ. Đức Chúa Giê-su cũng không trở thành ngoại lệ khi xuống thế làm người, cho nên Ngài cũng có một gia đình như chúng ta, mẹ Ngài là Đức Mẹ Ma-ri-a và cha nuôi của Ngài là thánh cả Giu-se, một gia đình như bao gia đình khác
Nhìn vào gia hang đá Bê-lem bạn và tôi học được gì nơi gia đình Na-da-rét này:
1. Hỡi những người làm cha trong gia đình, hãy học nơi thánh cả Giu-se sự công chính và thầm lặng, bởi chính ngài là người công chính luôn biết vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, và chính sự công chính này mà Thiên Chúa đã chọn ngài làm đấng bảo trợ, chăm sóc gia đình Na-da-rét là Đức Mẹ Ma-ri-a và Đức Chúa Giê-su. Ngài chính là mẫu gương của bạn và tôi là những người làm cha làm chồng trong gia đình, khi mà thế giới hôm nay các gia trưởng chỉ biết kiếm tiền và cung phụng vật chất cho gia đình, mà rất ít dạy dỗ con cái nên người. Noi gương thánh cả Giu-se chính là chúng ta biết rõ thân phận của mình là người thay mặt Chúa, để nuôi nấng dạy dỗ con cái mình theo ý của Thiên Chúa.
2. Hỡi những người làm mẹ, hãy học nơi Đức Mẹ Ma-ri-a lòng khiêm tốn luôn suy niệm Lời Chúa trong cuộc sống của mình, Mẹ không những là người phụ nữ tuyệt vời trong hàng con cháu A-dong, mà còn là người mẹ đầy yêu thương của nhân loại. Chính khi sinh hạ Đấng cứu thế nơi cảnh nghèo hèn khó khăn này, Mẹ vẫn luôn tin tưởng vào ý định quan phòng của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Mẹ chính là mẫu mực tốt lành cho những người làm mẹ làm vợ trong gia đình, khi mà hạnh phúc gia đình càng ngày càng bị chính những người mẹ ích kỷ phá vỡ vì những đua đòi bon chen mà không quan tâm đến việc gia đình. Hãy học nơi Đức Mẹ Ma-ri-a lòng khiêm tốn, yêu thương và phục vụ.
3. Hỡi những người làm con trong gia đình, hãy noi gương của Chúa Giê-su Hài Nhi, Đấng Thiên Chúa làm người. Ngài là mẫu mực tuyệt vời cho những kẻ làm con, nơi Ngài, người ta nhìn thấy một đứa con hiếu thảo biết vâng lời cha mẹ, biết giúp đỡ cha mẹ. Nơi Ngài, người ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa Cha khi Ngài công khai rao giảng tin vui Nước Trời cho nhân loại. Là thân phận Thiên Chúa, nhưng Đức Chúa Giê-su chưa bao giờ tỏ thái độ hống hách với cha mẹ mình, trái lại, Ngài chỉ biết vâng phục hai ngài mà thôi...
Bạn thân mến,
Ngày lễ Thánh Gia Thất hôm nay, Giáo Hội mời gọi bạn và tôi hãy nhìn thật rõ ràng những nhân vật trong hang đá Bê-lem, hãy suy tư thật nhiều mầu nhiệm yêu thương này, bởi vì chính nơi hang đá nghèo hèn này, một gia đình thánh thiện và là mẫu gương của mọi gia đình trên thế giới xuất hiện.
Nhìn vào gia đình Na-da-rét, bạn và tôi hãy cúi mình thờ lạy Con Thiên Chúa làm người, Ngài đến để đem yêu thương và bình an đến cho mọi gia đình trên thế giới, và hãy chiêm ngưỡng tinh thần bình an hạnh phúc của thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a trong cảnh thiếu thốn nghèo hèn này...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
(Lc 2, 41-52)
Tiếp liền sau Lễ Giáng Sinh, Giáo hội cử hành lễ kính Thánh Gia Thất. Vì mừng Chúa Cứu Thế giáng sinh là mừng Gia Đình Thánh, nơi Người sinh sống. Trước mặt Thiên Chúa gia đình thật quan trọng, Thiên Chúa đã tạo lập gia đình ngay từ thủa ban đầu, Con Thiên Chúa cũng chọn gia đình để sinh ra và cư ngụ.
Các bài đọc hôm nay từ Cựu Ước đến Tân Ước thật là đẹp, đẹp về cách hành văn, đẹp về nội dung, nhất là đẹp tuyệt vời về cách sống trong gia đình. Nếu bài đọc I trích sách Đức Huấn Ca dạy con cái phải thảo cha kính mẹ: “Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống“, cùng với những phần phúc cho những người con biết tôn kính mẹ cha là: “Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng“, nhất là được trường thọ: “Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. ” Thì bài đọc II, Thánh Phaolô khuyên những người làm vợ làm chồng: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó“. Ngài cũng khuyên cha mẹ phải tôn trọng, yêu mến con cái: “Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt” (Cl 3, 21). Bài Tin Mừng nêu bật vai trò quan trọng của Thánh Giuse, mẫu gương cho bậc làm cha, làm chủ, làm chồng trong các gia đình.
Thảo kính cha mẹ
Để giữ cho gia đình hạnh phúc, Thiên Chúa đã ban cho Giới răn thứ Bốn trong Mười Điều răn: “Thứ Bốn thảo kính cha mẹ”,
Có nhiều kẻ làm con đã hỏi: Vậy, tước phẩm làm cha làm mẹ là thế nào để con cái phải tôn kính. Quyền bính cha mẹ tự đâu mà có?
Để có một cuộc sống đích thực, nhân loại phải có quyền bính, nếu không xã hội không thể có được, và phải đi tới nguyên tắc căn bản: không có Thiên Chúa, không có quyền bính. Vì thế, kẻ làm con, người làm bề dưới phải vâng lời cha mẹ, tùng phục người trên là vì thấy trong trật tự ổn định là quyền lực, là thế giá của Thiên Chúa. Đứa trẻ thấy quyền lực Thiên Chúa nơi cha mẹ, học trò ở nơi thầy cô, người dân thấy ở nhà cầm quyền. Phải, quyện lực của cha mẹ là do Thiên Chúa mà ra.
Chúa dạy: “Hãy tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi “. Và Thánh Phaolô khuyên: “Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự ” (Cl 3, 20). Giới răn không nói yêu mến nhưng là tôn kính. Người ta yêu anh chị em, yêu tha nhân, song đối với cha mẹ, phải tôn kính. Đó là điều mà phận làm con, kẻ bề dưới ngày nay không muốn biết nữa. Tôn kính có nghĩa là khi cha mẹ nói, dạy điều gì, con cái phải im lặng, lập tức thi hành, dù là ước muốn nhỏ nhất: “Vì đó là đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20). “Hãy tôn kính cha con và mẹ con”; “Đứa con nào mà đánh đập cha mẹ mình thì phải chết” ( Xh 20;21)
Phu phụ tương kính như tân
Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ giống hình ảnh Chúa, và cho hai người kết hợp với nhau nên một bằng mối giây loài người không thể tháo cới, để mỗi người phát triển nảy nở trong hạnh phúc, và sinh con cái nối giòng dõi loài người và Hội Thánh.
Khi nói thế, người chồng có thể đòi người vợ phụng tùng chồng một cách mù quáng không? Không, người này phải phục tùng người kia cho phải đạo, cả hai đều phải phục tùng Đức Kitô như toàn thể Giáo hội.
Người nam có biết khi được làm đầu thì phải làm gì không? Thánh Phaolô kêu gọi: ” Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó” (Cl 3, 20).
Người ta thường nói: chồng là đầu gia đình, vợ là trái tim gia đình. Nói đúng hơn: chồng là cả hai, vừa là đầu, vừa là trái tim. Người ta cũng ví người chồng giữ vai trò như người lái thuyền, phải đưa thuyền đi đúng hướng, là bảo vệ sự an toàn cho mọi người trong thuyền, phục vụ mọi người với tình yêu thương, như yêu thương chính mình, để cùng nhau hướng tới hạnh phúc.
Cha mẹ tôn trọng và yêu mến con cái
Giới răn thứ Bốn này có hai chiều: con cái và cha mẹ, cha mẹ và con cái. Nếu con cái phải tôn kính cha mẹ, thì cha mẹ cũng phải tôn trọng, yêu mến con cái: “Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái“. Cha mẹ quí mến con cái, vì con cái trước hết không thuộc về các cha mẹ mà thuộc về Thiên Chúa. Con cái là kho tàng Thiên Chúa trao cho, một ngày kia Chúa sẽ đòi cha mẹ phải trả lẽ. Vậy, cha mẹ phải yêu quí, tôn trọng sự sống con cái, ngày từ khi còn trong lòng mẹ, chớ làm phương hại đến chúng. Tôn trọng con cái từ lúc còn thơ đến tuổi trưởng thành…
Chăm lo cho con cái về mặt tinh thần cũng như thể xác, nhất là linh hồn, vì trước hết chúng thuộc về Thiên Chúa. Cha mẹ không thể lên thiên đàng một mình, phải có con cái đi theo. Con cái không lên thiên đàng được, cha mẹ cũng không lên được. Chúng ta thấy Mẹ Maria, Thánh Giuse, và Chúa Giêsu, cả Ba Đấng đều lên Đền thờ dự lễ theo luật.
Khi có chuyện chẳng lành trong gia đình, lời thánh Phaolô sau đây như là khuôn vàng thước ngọc về lẽ sống và cách đối nhân xử thế của các thành viên trong gia đình: “Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện“.
Noi gương Mẹ Maria và Cha thánh Giuse, mỗi gia đình kitô giáo hãy đón rước Chúa Giêsu, lắng nghe Người, nói chuyện với Người, gìn giữ Người, che chở Người, lớn lên với Người, và dành cho Chúa một chỗ trong trái tim và ngày sống của chúng ta.
Lạy Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse, xin chở che gìn giữ gia đình nhân loại chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
“Lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông”.
Kính thưa Anh Chị em,
Không! Một trong những lý do mừng kính vị tử đạo tiên khởi ngay sau ngày đại lễ cho thấy ‘lực hấp dẫn’ có sức hút cực mạnh của Chúa Giêsu, Vua Trời; người môn đệ Têphanô đã dâng cho Ngài tất cả, dâng cả chính mạng sống mình mà không giữ lại gì. Thoạt nghe, điều này có vẻ sẽ làm suy giảm niềm vui của tuần Bát Nhật Giáng Sinh; thế nhưng, với con mắt đức tin, ngày lễ hôm nay chỉ tăng thêm sự huy hoàng và long trọng của ngày lễ; Thánh Têphanô là chứng nhân hùng hồn về một niềm tin vĩ đại vào vị Vua mới sinh thơ bé nằm trong máng cỏ hang lừa.
Sự ra đời của Đấng Kitô đòi hỏi triệt để những ai theo Ngài; đòi buộc chúng ta sắp xếp lại cuộc sống mình cho phù hợp và cam kết chọn Ngài trên hết, trước hết; không ai hơn Chúa, không chi bằng Chúa, kể cả hiến dâng mạng sống mình; Ngài là trung tâm của cuộc đời chúng ta. Nghĩa là người môn đệ phải sẵn sàng hy sinh mọi sự cho Chúa Giêsu; trung thành với ý muốn thánh khiết của Ngài; và nhất là học nên giống Thầy mình, lại gần Thầy mình, được hút lấy bởi ‘lực hấp dẫn’ của Thầy, hầu mặc lấy một tâm hồn vị tha, tin tưởng và phó thác như Thầy trong an bình.
Khi sắp trút hơi thở, Thầy nói, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha”; khi sắp bị ném đá đến chết, trò thưa, “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận linh hồn con”. Khi sắp bỏ đất, về trời, Thầy nói, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”; khi sắp về trời, rời đất, trò thưa, “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Như Thầy mình, tâm hồn Têphanô thật rộng lượng, bình an; Têphanô đáng được ra đi thanh thản như Thầy mình đã thanh thản ra đi; một sự thanh thản chỉ có nơi người môn đệ được ‘lực hấp dẫn’ của Thầy thu hút đến nỗi nên giống Thầy. Và như thế, thật ý nghĩa khi Giáo Hội mừng lễ Thánh Têphanô ngay sau ngày hân hoan này.
Một chủ ý khác của Giáo Hội, Chúa Giêsu là ‘lý do của mùa giải’. Đây là sự thật! Chúa Giêsu là lý do và là ‘lực hấp dẫn’ của cuộc sống; lý do để chúng ta hiến dâng cuộc sống mà không dè giữ. Sự ra đời của Ngài không gì khác hơn là cơ hội để mỗi người bước vào một cuộc sống mới; một cuộc sống trật tự mới mẻ, đầy ân sủng và hoàn toàn tự hiến; một cuộc sống được kêu gọi để cống hiến, phó thác trọn vẹn hơn cho Giêsu hài nhi. Đó cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Lạy Chúa, con phó thác tâm hồn trong tay Chúa”.
Một giáo sư người Hà Lan đã nghiên cứu và tính toán chi phí cần thiết để có thể giết chết một binh sĩ của đối phương qua các thời đại trong lịch sử. Ông ước tính, thời trị vì của Julius Caesar, để giết chết một người lính của đối phương, phải tốn ít hơn một đô la; thời Napoléon, chi phí tăng lên đáng kể, hơn 2,000 đô la; cuối đệ nhất thế chiến, con số đã nhân lên nhiều lần để đạt khoảng 17,000 đô la; trong đệ nhị thế chiến, là khoảng 40,000 đô la. Và vào năm 1970, để giết một người lính đối phương, Hoa Kỳ phải tiêu tốn 200,000 đô la.
Anh Chị em,
Vậy để giết chết một môn đệ của Chúa Giêsu thì tốn bao nhiêu? Và nếu giết chết chính Con Thiên Chúa thì giá cả sẽ thế nào? Thật là một nghịch lý, và nếu suy cho cùng, xem ra không tốn gì cả. Nhưng ngược lại, để cứu một linh hồn, Chúa Giêsu đã phải chi phí cả mạng sống Ngài; và cái chết của Ngài cùng lúc, cứu sống cả một nhân loại, cứu đời đời. Thật tuyệt vời! Sẽ không ngạc nhiên, Ngài trở nên ‘lực hấp dẫn’ cuốn hút Têphanô; và đến lượt mình, Têphanô đã cuốn hút một người biệt phái có tên là Phaolô, và chắc hẳn, cuốn hút cả các Kitô hữu thời trứng nước của Giáo Hội.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cuốn hút con như đã cuốn hút Têphanô; nhờ đó con cũng trở nên ‘lực hấp dẫn’ để có thể cuốn hút anh chị em con về cho Chúa, ngay hôm nay”, Amen.
(Tgp. Huế)
Anh chị em thân mến,
Cầu mong bình an của Chúa chúng ta ở cùng anh chị em!
Tôi chắc chắn rằng chúng ta đều muốn mừng lễ Giáng sinh này theo một cách rất khác với cách này. Chúng ta muốn rằng Bethlehem có thể vang dội sứ điệp Giáng Sinh, và không khí nó luôn có vào thời điểm này trong năm được đặc trưng bởi niềm vui và những cử mừng trên các đường phố của thành phố này, đặc biệt là các cử hành dành cho các trẻ em của chúng ta.
Nhưng năm nay, mọi thứ đều không được như thế. Mọi thứ đều bị giản lược đến mức chỉ còn là những điều tối cần thiết, và không có không khí lễ hội thường đặc trưng cho thời kỳ này: không còn những người hành hương, những người đã mang niềm vui của họ đến Bethlehem từ khắp nơi trên thế giới vì sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi, và mang lại nụ cười cho nhiều gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ việc trong vài tháng qua; chúng ta không thể gặp nhau với số lượng lớn trong cộng đồng để cử hành phụng vụ; chúng ta đã không thể gặp gỡ với các nhóm khác nhau để tổ chức các bữa tiệc và các cuộc họp trong giai đoạn này. Nói tóm lại, chúng ta có một lễ Giáng Sinh quá đơn sơ đến mức có lẽ không ai muốn nhớ rằng đã từng có một lễ Giáng Sinh như thế trong đời.
Đại dịch và nỗi sợ hãi do nó gây ra đã trực tiếp hoặc gián tiếp đặt một dấu ấn lớn trong đời sống dân sự và tôn giáo của chúng ta, và dường như đã làm tê liệt chúng ta. Năm 2020 sắp trôi qua này, đã được đặc trưng bởi những nỗi sợ hãi: sức khỏe, kinh tế và thậm chí cả chính trị. Mọi thứ dường như đã bị đảo lộn bởi loại virus nhỏ nhưng mạnh mẽ này, nó đã nhanh chóng xóa sổ các dự án của chúng ta trong một thời gian kỷ lục, và khiến chúng ta mất phương hướng.
Vâng, thật là một thách thức lớn để sống mà không sợ hãi trong thế giới của chúng ta, một thế giới với sự năng động của nó không bao giờ ngừng nuôi dưỡng rất nhiều lo lắng. Đôi mắt của cơ thể nhìn thấy tất cả các lý do để sợ hãi.
Tuy nhiên, con mắt của Thần Khí nhìn thấy những dấu chỉ mà Thiên Chúa gởi đến cho con người: những dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài, sức mạnh tiềm ẩn của Ngài, vương quốc của Ngài, phát sinh trong chúng ta khi chúng ta dành chỗ cho Ngài. Và đâu là những dấu chỉ khiến chúng ta yên tâm rằng Chúa sắp bắt đầu Vương quốc của Ngài? Chúng ta không có những bằng chứng to lớn và đánh động. Chúng ta không có những dấu chỉ tuyệt vời. Sẽ không có gì làm đảo lộn thế giới để chứng minh cho sự kiện này. Vương quốc của Chúa Kitô không liên quan gì đến quyền lực của Caesar Augustus, cũng chẳng có liên hệ gì với những biểu hiện quyền lực hữu hình. Đó không phải là cách Nước Trời đến. Một hài nhi nằm trong máng cỏ là dấu chỉ sự khởi đầu của Vương quốc mới.
Nhưng đó là một dấu chỉ mà chúng ta dễ dàng bị tuột mất; chúng ta có thể đi ngang qua mà không hề nhận ra bởi vì chúng ta bị bao bọc bởi những lo lắng và sợ hãi. Chúng ta đóng chặt tâm trí của mình trong quan điểm trần tục đến nỗi chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa; chúng ta không dành chỗ cho niềm tin vào Ngài: “không có phòng trong nhà trọ” (Lc 2: 7). Sự sợ hãi ngăn cản chúng ta cởi mở với Chúa, và do đó chúng ta trở nên vô sinh thay vì đáp lại lời kêu gọi trở thành người mang Chúa đến cho anh chị em mình.
Những người chăn chiên trong Phúc Âm đã đón nhận lời mời gọi của thiên sứ và lên đường để nhìn và nhận ra Chúa Kitô là Chúa trong dấu chỉ đó, nơi hài nhi được đặt trong máng cỏ.
Chúa Giêsu đến để lật ngược suy nghĩ của chúng ta, để làm ngạc nhiên sự mong đợi của chúng ta, để lay chuyển hiện sinh của chúng ta, đánh thức chúng ta khỏi ảo tưởng rằng mọi thứ chúng ta đều biết, mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta; và cứu chúng ta ra khỏi suy nghĩ cho rằng sự chán nản là câu trả lời hợp lý duy nhất cho thực tế đáng buồn của thế giới chúng ta.
Hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta nhận ra một lần nữa dấu chỉ sự hiện diện của Ngài trong thực tại của chúng ta, khi đối mặt với nghịch cảnh. Chúng ta phải quyết định xem có nên giới hạn bản thân mình bằng một tầm nhìn hạn hẹp vào hiện sinh của chúng ta trong thế giới ngày nay, với logic của quyền lực và sự sợ hãi; hay có thể mở rộng viễn kiến của mình bằng con mắt của Thần Khí để nhận ra sự hiện diện của Nước Trời ở giữa chúng ta. Chúng ta phải quyết định xem nên nhường chỗ cho sự thất vọng và khó khăn của thế giới hay làm cho bản thân có khả năng yêu thương và vui mừng, bất chấp mọi thứ. Ngày hôm nay mắt chúng ta nhìn thấy những gì? thấy sự hiện diện nào? Chúng ta có giống như những người chăn cừu có khả năng vượt ra ngoài vẻ bề ngoài và nhận ra công việc của Thiên Chúa trên thế giới này không?
Ơn gọi của chúng ta là trở thành một dấu chỉ. Những gì mắt chúng ta nhìn thấy là những gì cuộc sống của chúng ta loan báo một cách cụ thể. Nếu chúng ta nhìn bằng con mắt của Thần Khí, chúng ta cũng sẽ có một đời sống phong phú trong Thánh Linh, và do đó có thể sinh hoa kết quả.
Chúng ta quyết định tổ chức lễ Giáng sinh năm nay, bằng mọi giá, đó là vì chúng ta tin rằng Chúa Kitô đã được sinh ra và đang hiện diện. Giờ đây, chúng ta trở thành dấu chỉ của niềm vui lớn, niềm vui Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta - và trở thành nhân chứng của niềm vui này “tại Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa, xứ Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1: 8 ).
Source:Latin Patriarchate Of Jerusalem
Đêm Giáng Sinh 24 tháng 12, Tổng thống Trump và phu nhân đã có một diễn từ đặc biệt trong đó ông và đệ nhất phu nhân Melania Trump dâng lời tạ ơn Chúa vì muôn hồng ân của Ngài và cám ơn tất cả mọi người.
Mở đầu, đệ nhất phu nhân nói:
Các tín hữu Kitô kỷ niệm phép lạ vĩ đại nhất trong lịch sử loài người hơn 2000 năm trước, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến với chúng ta. Một thiên thần đã loan báo sự ra đời của Con Chúa và là Đấng cứu tinh của chúng ta cho những người chăn cừu nghèo hèn. Thiên thần nói: Đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của vua Ðavít. Ngài là Đấng Thiên Sai, Đức Chúa. Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ. Trong ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta cảm ơn Chúa vì đã gửi cho chúng ta Con Một của Ngài để mang lại hòa bình cho tâm hồn chúng ta và niềm vui cho thế giới.
Như các bạn đã biết Giáng Sinh năm nay khác với những năm trước. Chúng ta đang chiến đấu với một đại dịch toàn cầu đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Tuy nhiên, thông qua thử thách lớn này, chúng ta đã được truyền cảm hứng từ lòng tốt và lòng dũng cảm của các công dân trên khắp đất nước này. Các giáo viên đã làm việc chăm chỉ một cách phi thường để giúp con em chúng ta học tập. Các học sinh, sinh viên đã giao các món hàng cho những người hàng xóm cao niên. Các khu phố đã tìm ra những cách mới để giữ kết nối với nhau. Những người ứng cứu đầu tiên dũng cảm, các bác sĩ và y tá đã cống hiến mọi thứ để cứu mạng sống nhiều người. Các nhà khoa học xuất sắc đã phát triển các phương pháp điều trị và vắc xin.
Chúng ta đang cung cấp hàng triệu liều vắc-xin an toàn và hiệu quả để sớm chấm dứt đại dịch khủng khiếp này và cứu sống hàng triệu triệu người. Chúng tôi biết ơn tất cả các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các công nhân trong các nhà máy và những người cung ứng các dịch vụ, những người đã làm việc không mệt mỏi để có thể tạo ra đột phá này. Đó thực sự là một phép lạ Giáng sinh trong thời gian tuyệt vời này trong năm.
Chúng tôi cũng cảm ơn những người Mỹ dũng cảm và vị tha, những người đã giữ cho chúng ta an toàn. Chúng tôi mãi mãi biết ơn những người nam nữ thực thi pháp luật và những anh hùng trong quân đội Hiệp Chúng Quốc.
Trong mùa thánh thiêng này, chúng ta cảm ơn Thiên Chúa vì tình yêu vô hạn của Ngài, và chúng ta cầu nguyện xin cho ánh sáng vinh quang của Ngài sẽ mãi mãi chiếu sáng trên vùng đất tráng lệ này.
Thay mặt cho Melania và toàn thể gia đình Trump, chúng tôi kính chúc các bạn một mùa Giáng Sinh vui vẻ và một năm mới hạnh phúc.
Source:Fox News
Thông thường, trong các năm trước, các buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và Phục Sinh đều có đông đảo các tín hữu và khách hành hương đứng chật quảng trường Thánh Phêrô, từ vài chục ngàn người đến hàng trăm ngàn người chờ đợi Đức Thánh Cha ban phép lành từ ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô.
Năm nay không được như thế. Đại dịch coronavirus đang tấn công mạnh mẽ đến mức khiến Thủ tướng Giuseppe Conte phải áp đặt lại lệnh cách ly nghiêm nhặt như hồi tháng Ba vừa qua. Lệnh cách ly mới có hiệu lực ngay sau lễ Giáng Sinh. Do đó, quảng trường Thánh Phêrô vắng hoe chỉ có lác đác đó đây các hiến binh Vatican và vài người cảnh sát Ý.
Toàn bộ buổi đọc sứ điệp và kinh truyền tin đã diễn ra tại phòng họp Benedizione, nghĩa là Chúc lành, trong dinh Tông Tòa của Vatican, trước sự hiện diện của khoảng 50 người trở lại. Tại phòng họp này, hôm thứ Hai 21 tháng 12 đã diễn ra buổi tiếp kiến chúc mừng Giáng Sinh Đức Thánh Cha dành cho Hồng Y Đoàn và Giáo triều Rôma.
Mở đầu Đức Thánh Cha nói:
Tôi muốn chuyển đến mọi người thông điệp mà Giáo hội loan báo trong ngày lễ này, theo lời của Tiên tri Isaia: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng cho chúng ta” (Is 9: 5).
Một hài nhi được sinh ra: sinh ra luôn là nguồn hy vọng, là mầm sống, là hứa hẹn của tương lai. Và Hài Nhi này, là Chúa Giêsu, đã được “sinh ra cho chúng ta”: một chúng ta không có biên giới, không có những đặc quyền hay những loại trừ. Hài Nhi mà Đức Trinh Nữ Maria sinh ra tại Bethlehem đã được sinh ra cho tất cả mọi người: hài nhi ấy là “Con Một” mà Thiên Chúa đã ban cho toàn thể gia đình nhân loại.
Nhờ Hài Nhi này, tất cả chúng ta có thể hướng về Thiên Chúa và gọi Người là “Cha”, là “Bố”. Chúa Giêsu là Con Một; không ai khác biết Chúa Cha, trừ ra Chúa Con. Nhưng Ngài đã đến thế gian chính xác là để mạc khải thiên nhan của Chúa Cha cho chúng ta. Và như vậy, nhờ Hài Nhi này, tất cả chúng ta có thể gọi nhau là anh em và thực sự là anh em với nhau: bất kể sống ở châu lục nào, bất kể những dị biệt về ngôn ngữ và văn hóa, bất kể những khác biệt về bản sắc giữa chúng ta, tất cả chúng ta đều là anh chị em.
Trong thời điểm lịch sử này, được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng sinh thái và sự mất cân bằng nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, và tình hình còn trầm trọng hơn bởi đại dịch coronavirus, chúng ta cần tình huynh đệ hơn bao giờ hết. Và Thiên Chúa ban tình huynh đệ ấy cho chúng ta bằng cách ban cho chúng ta Con Ngài là Chúa Giêsu: đó không phải là một tình huynh đệ được tạo nên bởi những lời hoa mỹ, những lý tưởng trừu tượng, những tình cảm mơ hồ… Không, không phải như thế. Nhưng đó là một tình huynh đệ dựa trên tình yêu thương thực sự, có khả năng gặp gỡ tha nhân, là những người khác biệt với chúng ta – có khả năng thương cảm trước những đau khổ của họ, để tiếp cận và chăm sóc họ ngay cả khi họ không phải là những người trong gia đình tôi, trong dân tộc tôi, tôn giáo của tôi; người ấy khác tôi nhưng người ấy là anh trai tôi, là em gái tôi. Và điều này cũng đúng trong quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia: tất cả đều là anh em!
Trong ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta cử hành biến cố ánh sáng của Chúa Kitô đến thế gian và Ngài đến cho mọi người: không phải chỉ cho một số người mà thôi. Ngày nay, trong thời kỳ tăm tối và bất định gây ra bởi đại dịch, một số tia sáng hy vọng xuất hiện, chẳng hạn như những khám phá về vắc-xin. Nhưng để những ngọn đèn này chiếu sáng và mang lại hy vọng cho toàn thế giới, chúng phải có sẵn cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể để những quốc gia khép kín ngăn cản chúng ta sống như một gia đình nhân loại thực sự, như chúng ta phải là. Chúng ta cũng không thể để vi-rút của chủ nghĩa cá nhân cực đoan đè bẹp chúng ta, và khiến chúng ta thờ ơ trước những đau khổ của các anh chị em khác. Tôi không thể đặt mình trước người khác, đặt luật thị trường và các bằng sáng chế phát minh lên trên luật tình yêu và sức khỏe của nhân loại. Tôi yêu cầu tất cả mọi người: các nhà lãnh đạo nhà nước, các công ty, các tổ chức quốc tế thúc đẩy hợp tác chứ không phải cạnh tranh, và tìm kiếm một giải pháp cho tất cả: vắc xin cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất ở tất cả các khu vực trên hành tinh này. Ở vị trí ưu tiên, phải là những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất!
Xin Chúa Hài Đồng giúp chúng ta luôn sẵn sàng, rộng lượng và hỗ trợ, đặc biệt là đối với những người yếu đuối nhất, những người bệnh tật và những người thất nghiệp hoặc gặp khó khăn nghiêm trọng do những hậu quả kinh tế gây ra bởi đại dịch, cũng như những phụ nữ, là những người trong những tháng bị cô lập gần đây đã phải hứng chịu bạo lực gia đình.
Đối mặt với một thử thách đang vượt qua mọi biên giới, chúng ta không thể dựng lên những rào cản. Chúng ta phải sát cánh bên nhau. Mỗi người đều là anh em của tôi. Trong mỗi người tôi nhìn thấy thiên nhan của Chúa được phản chiếu, và trong những người đau khổ, tôi thấy Chúa đang cầu xin sự giúp đỡ của tôi. Tôi thấy điều đó ở những người bệnh tật, những người nghèo, những người thất nghiệp, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người di cư và người tị nạn: tất cả là anh chị em!
Vào ngày mà Lời Chúa trở thành một hài nhi, chúng ta hãy hướng ánh mắt của mình đến quá nhiều trẻ em trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Syria, Iraq và Yemen, vẫn phải trả giá đắt trong các cuộc chiến. Khuôn mặt của họ phải làm rung chuyển lương tâm của những người có thiện chí, để nguyên nhân của các cuộc xung đột được giải quyết và chúng ta có can đảm làm việc nhằm kiến tạo một tương lai hòa bình.
Có thể đây là thời điểm thích hợp để xoa dịu căng thẳng khắp Trung Đông và vùng Đông Địa Trung Hải.
Cầu mong Chúa Giêsu Hài Đồng chữa lành vết thương cho những người dân Syria yêu dấu, những người đã kiệt quệ vì chiến tranh và những hậu quả của nó, đến nay là cả một thập kỷ rồi, và tình trạng của họ càng thêm trầm trọng bởi đại dịch. Xin Chúa mang lại niềm an ủi cho người dân Iraq và tất cả những người tham gia vào con đường hòa giải, đặc biệt là người Yazidis, đã bị thương tổn thê thảm trong những năm cuối cùng của cuộc chiến. Xin Chúa mang lại hòa bình cho Libya và mở ra một giai đoạn mới trong các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm chấm dứt mọi hình thức thù địch ở nước này.
Xin Chúa Hài Đồng ban tình huynh đệ cho mảnh đất đã chứng kiến Người sinh ra. Cầu xin cho người Israel và người Palestine khôi phục lòng tin lẫn nhau để tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài thông qua đối thoại trực tiếp, có khả năng vượt qua bạo lực và vượt qua những oán hận đang thống trị vùng đất này, để họ có thể làm chứng cho thế giới về vẻ đẹp của tình huynh đệ.
Cầu mong ngôi sao chiếu sáng đêm Giáng sinh sẽ là người dẫn đường, cổ võ tinh thần cho người dân Li Băng, để với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế họ không mất hy vọng trước những khó khăn đang gặp phải. Cầu xin Hoàng tử Hòa bình giúp các nhà lãnh đạo đất nước gạt bỏ những lợi ích cụ thể sang một bên và dấn thân một cách nghiêm túc, trung thực và minh bạch để Li Băng có thể đi theo con đường cải cách và tiếp tục thực hiện ơn gọi của quốc gia này là trở nên một vùng đất tự do và chung sống hòa bình.
Cầu mong Con của Đấng Tối cao ủng hộ cam kết của cộng đồng quốc tế và các quốc gia liên quan trong việc tiếp tục cuộc ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh, cũng như ở các khu vực phía đông của Ukraine, và thúc đẩy đối thoại như cách thế duy nhất dẫn đến hòa bình và hòa giải.
Xin Chúa Hài Đồng xoa dịu nỗi đau khổ của người dân Burkina Faso, Mali và Niger, nơi bị tấn công bởi một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, mà căn cội là chủ nghĩa cực đoan và xung đột vũ trang, cũng như đại dịch và các thảm họa thiên nhiên khác; xin Chúa ngăn chặn bạo lực ở Ethiopia, nơi nhiều người buộc phải chạy trốn do giao tranh; xin Chúa mang lại ơn an ủi cho cư dân của vùng Cabo Delgado ở phía bắc Mozambique, và những nạn nhân của bạo lực khủng bố quốc tế; xin Chúa khuyến khích các nhà lãnh đạo Nam Sudan, Nigeria và Cameroon tiếp tục hành trình đối thoại và huynh đệ đã thực hiện.
Cầu mong Lời Vĩnh Hằng của Cha là nguồn hy vọng cho lục địa Mỹ Châu, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi coronavirus, đang làm trầm trọng thêm nhiều đau khổ đã đè nặng lên lục địa này, và thường trở nên trầm trọng hơn do hậu quả của tham nhũng và nạn buôn bán ma túy. Xin Chúa giúp vượt qua những căng thẳng xã hội gần đây ở Chí Lợi và chấm dứt sự đau khổ của người dân Venezuela.
Xin Chúa bảo vệ những người dân bị thiên tai ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Phi Luật Tân và Việt Nam, nơi có nhiều cơn bão đã gây ra lũ lụt với hậu quả tàn khốc đối với các gia đình sống ở những vùng đất đó, gây ra các thiệt hại nhân mạng, thiệt hại môi trường và những hậu quả đối với nền kinh tế địa phương.
Và khi nghĩ đến Á Châu, tôi không thể nào quên những người Rohingya: Cầu xin Chúa Giêsu, Đấng đã sinh ra nghèo khó giữa những người nghèo, mang lại hy vọng trong những đau khổ của họ.
Anh chị em thân mến,
“Một hài nhi được sinh ra cho chúng ta” (Is 9:5). Ngài đến để cứu chúng ta! Ngài thông báo rằng đau khổ và cái ác không có tiếng nói sau cùng. Chiều theo bạo lực và bất công có nghĩa là phủ nhận niềm vui và hy vọng của Giáng sinh.
Trong ngày lễ này, tôi nhớ cách riêng đến những người không để cho mình bị choáng ngợp bởi những hoàn cảnh bất lợi, nhưng cố gắng mang lại hy vọng, sự an ủi và giúp đỡ, trong khi giúp đỡ những người đau khổ và đồng hành với những ai cô đơn.
Chúa Giêsu sinh ra trong chuồng gia súc, nhưng được bao bọc trong tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse. Khi hoá thành nhục thể, Con Thiên Chúa đã thánh hiến tình yêu gia đình. Suy nghĩ của tôi lúc này là đến các gia đình: đến những người không thể đoàn tụ hôm nay, cũng như những người bị buộc phải ở nhà. Ước gì Giáng sinh là dịp để mọi người khám phá lại gia đình là cái nôi của sự sống và đức tin; là nơi đón nhận tình yêu thương, đối thoại, tha thứ, liên đới huynh đệ và chia sẻ niềm vui, là nguồn bình an cho toàn thể nhân loại.
Chúc mọi người Giáng Sinh vui vẻ!
Anh chị em thân mến, tôi lặp lại lời chúc Giáng Sinh hạnh phúc đến tất cả anh chị em, được kết nối từ khắp nơi trên thế giới, qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác. Tôi cảm ơn vì sự hiện diện trong tinh thần của anh chị em vào ngày được đánh dấu bằng niềm vui này. Trong những ngày này, bầu khí Giáng Sinh mời gọi mọi người trở nên tốt hơn và huynh đệ hơn, chúng ta đừng quên cầu nguyện cho những gia đình và cộng đoàn đang sống trong nhiều đau khổ. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa Giáng sinh vui vẻ, và xin tạm biệt!
Liên quan đến COVID-19, hãng thông tấn Ý ANSA hôm 23 tháng 12 đưa tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã được kiểm tra Covid-19 vào thứ Hai, ngày 21 tháng 12 và đã nhận được kết quả âm tính.
Đức Thánh Cha đã có cuộc kiểm tra sau khi Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski, 57 tuổi, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng cho kết quả dương tính sau khi ngài cảm thấy một số triệu chứng của coronavirus vào sáng thứ Hai hôm đó. Kiểm tra y tế cho thấy vị Hồng Y có những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm phổi, do đó, ngài được đưa đến bệnh viện Gemelli ở Rome, nơi ngài đang được điều trị.
Các nguồn tin của Vatican nói với thông tấn xã ANSA rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức sinh nhật lần thứ 84 vào ngày 17 tháng 12, và vị Hồng Y người Ba Lan đã được nhìn thấy nói chuyện với ngài trong khoảng một phút hoặc lâu hơn vào hôm thứ Sáu tuần trước, ngày 18 tháng 12, trong nhà nguyện của Điện Tông Tòa, trước khi lắng nghe bài giảng Mùa Vọng cuối cùng do Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng phụ trách. Tuy nhiên, điều may mắn là cả Đức Giáo Hoàng và vị Hồng Y Ba Lan đều đeo khẩu trang y tế khi gặp nhau vào buổi sáng hôm đó, do đó làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng.
Source:Libreria Editrice Vaticana
Đức Thánh Cha đã có cuộc kiểm tra sau khi Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski, 57 tuổi, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng cho kết quả dương tính sau khi ngài cảm thấy một số triệu chứng của coronavirus vào sáng thứ Hai hôm đó. Kiểm tra y tế cho thấy vị Hồng Y có những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm phổi, do đó, ngài được đưa đến bệnh viện Gemelli ở Rome, nơi ngài đang được điều trị.
Các nguồn tin của Vatican nói với thông tấn xã ANSA rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức sinh nhật lần thứ 84 vào ngày 17 tháng 12, và vị Hồng Y người Ba Lan đã được nhìn thấy nói chuyện với ngài trong khoảng một phút hoặc lâu hơn vào hôm thứ Sáu tuần trước, ngày 18 tháng 12, trong nhà nguyện của Điện Tông Tòa, trước khi lắng nghe bài giảng Mùa Vọng cuối cùng do Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng phụ trách. Tuy nhiên, điều may mắn là cả Đức Giáo Hoàng và vị Hồng Y Ba Lan đều đeo khẩu trang y tế khi gặp nhau vào buổi sáng hôm đó, do đó làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng.
Source:America Magazine
Năm nay, việc cử hành lễ Giáng Sinh diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, chịu ảnh hưởng bởi cơn đại dịch Covid-19. Thánh lễ được cử hành bên ngoài hội trường. Tạ ơn Chúa nhà thờ và hội trường rộng đủ để giáo dân tham dự Thánh lễ chung với nhau mà vẫn giữ được cách ly an toàn.
Xem Hình
Hôm nay, chúng ta vui mừng họp nhau để cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh, diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Mừng Con Thiên Chúa ra đời. Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, chúng ta thấy tình yêu Thiên Chúa chứa đựng trong những gì thật bé nhỏ. Nhưng trong sự khiêm nhường bé nhỏ này, Thiên Chúa lại tỏ cho chúng ta thấy quyền năng cao cả và tình yêu vô biên của Người. Nguyện cầu cho tất cả chúng ta được bình an trong tình yêu của Thiên Chúa Giáng Trần. Nhất là, ánh sáng Hài Nhi Giêsu luôn rọi chiếu mỗi tâm hồn chúng ta mọi ngày trong cuộc sống.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương..”
Nguyện Chúc Cha Chánh Xứ, Thầy Phó tế và mọi người mọi nhà trong Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang một Mùa Giáng Sinh An Lành và Thánh Đức.
Magarita Nguyễn Phương Lan.
Chiều tối ngày 24.12.2020 tại Giáo xứ Tân Trang đã cử hành Đêm Vọng Mừng Chúa Giáng sinh với sự đông đảo cộng đoàn ngồi chật kín trong và ngoài nhà thờ.
Vào lúc 19g, chương trình diễn nguyện canh thức Giáng sinh do Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo xứ phụ trách.Nội dung trình bày mầu nhiệm ơn cứu độ, Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại vô bờ, Ngài ban Con Một là Đức Giêsu Giáng sinh trong hình ảnh một trẻ thơ mới sinh ở Bêlem.
Thánh lễ trọng thể được bắt đầu vào lúc 20g do linh mục chánh xứ Giuse Đinh Văn Thọ chủ tế,cùng đồng tế có Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng- Giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Giuse ngài cũng chia sẻ Tin Mừng.Tham dự thánh lễ có nhiều nữ tu,cộng đoàn trong giáo xứ và có cả những anh chị ngoài Công Giáo.
Xem Hình
Trong bài chia sẻ, Linh mục Phaolô dựa theo các bài Thánh Kinh trong suốt những ngày cuối Mùa Vọng và Giáng sinh,đưa ra những ý hướng cầu nguyện cho từng người, từng phần trong đêm Giáng sinh.
Trước hết, mỗi đứa trẻ được chào đời có một hoàn cảnh khác nhau.Chúng ta cũng cầu nguyện cho những vợ chồng hiếm muộn.Như ông bà Giacaria khó khăn trong việc sinh nở, nhưng khi ông bà sinh Gioan thì ngài chính là vị Ngôn sứ dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
Chúng ta cũng cầu nguyện cho các chị đang mang thai đang mang mình mầm sống như hai người mẹ, hai bà bầu Elisabet và Đức Maria gặp nhau trong Tin Mừng.
Qua việc Hêrôđê giết các trẻ em.Chúng ta cầu nguyện cho những bà mẹ mất con, cho những hài nhi được giết hại, cho những thai nhi không được sinh ra,những người mẹ lỡ bỏ con mình,xin cho các chị tìm được tình thương của Thiên Chúa.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho chúng ta khung cảnh Giáng sinh. Đức Giêsu giáng sinh là Tin Mừng cho toàn nhân loại. Chúng ta cầu nguyện cho các trẻ em được sinh r
Xin cho các em được cha mẹ yêu thương và nâng niu đón nhận.
Linh mục Phaolo kết thúc bài giảng: ”Xin cho mọi người được hưởng niềm vui và bình an của lễ Giáng sinh, từ các ông bà,các ông, những bậc cha mẹ, các em thiếu nhi và từng người biết nên giống Chúa Giêsu Kitô trong lời nói và việc làm”
Sau lời nguyện tín hữu,cộng đoàn dâng lên Chúa Hài Nhi Giêsu những phần quà là những phong thư chia sẻ cho người nghèo.
Cuối lễ, Linh mục chánh xứ cám ơn cộng đoàn đã tham dự thánh lễ thật sốt sắng và tất cả những ai đã chuẩn bị tổ chức cho thánh lễ hôm nay, nhất là các em thiếu nhi đến quý nữ tu các anh chị Huynh Trưởng đã tập dợt hoạt cảnh. Xin Chúa ban bình an cho mọi người và nhất là xin cho nhân loại sớm thoát khỏi cơn đại dịch Covid 19.
Thánh lễ kết thúc vào khoảng 21g30.
Martino Lê Hoàng Vũ
Để mở đầu bài viết này, con xin được gửi lời kính chúc Giáng Sinh đến quý Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và mọi người thân yêu. Đặc biệt, con xin gửi lời cầu chúc Giáng Sinh đến Cha Giám đốc Vitecatholic và Ban Biên Tập là những người mà con và đông đảo dân Chúa kính yêu cách đặc biệt vì các ngài đã tiếp tục gửi đi cho thế giới sứ điệp yêu thương: “Gloria in excelsis Deo et in terra pax hominibus bonae voluntatis – Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Mùa Giáng Sinh, lời cầu chúc “an lành, hòa bình, bình an” luôn được trân trọng gửi cho nhau như món quà đặc biệt. Và tại mảnh đất này, lời cầu chúc ấy còn thiết tha hơn bất cứ nơi đâu khác. Một số người quan niệm đơn giản một đất nước hòa bình là đất nước không có chiến tranh, không có bom đạn. Vậy một gia đình hạnh phúc đơn giản là gia đình không đánh nhau sao? Không, một gia đình hạnh phúc đòi hỏi cao hơn nhiều. Cũng thế, Giáo hội dạy “Theo mạc khải Thánh Kinh, hoà bình là một điều gì lớn lao hơn nhiều chứ không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh” (Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, số 489).
Có những chuyện có vẻ nhỏ nhưng gây bất an. Chẳng hạn, năm nào cũng vậy, cứ đến Lễ Giáng Sinh, nhiều người Công Giáo phải viết đơn xin cho con cái nghỉ học với lý do “Mừng Lễ Giáng Sinh”. Có những phụ huynh ngại nên phải ghi khác đi, có khi phải nói dối “con ốm” chẳng hạn. Buồn hơn là cứ phải đi học, chiều về đi Lễ mà chưa chắc gì kịp Lễ. Ngày nghỉ của cả thế giới mà sao chúng ta cứ phải bồn chồn, hồi hộp và lo âu vì không được nghỉ như thế? Đó là chưa kể người lớn phải đi làm, không đi làm thì bị phạt…
Năm nào cũng thế, trước Lễ Giáng Sinh, một số giáo viên Công Giáo nói trong lớp: “Nhà trường không cho nghỉ Lễ Giáng Sinh, nhưng tôi phải nghỉ, sẽ có thầy khác dạy thế. Có khi thầy cô vui vì em học trò nói: em có Đạo, em cũng nghỉ thầy cô ạ. Nhưng cũng có khi buồn vì có em nói: sắp thi rồi nên em sợ, phải đi học. Mùa Lễ bình an mà cứ phải sợ, phải lo.
Năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm dương lịch thấy ngoài đường người ta hối hả hơn, những bóng người vất vưởng nhiều hơn và trẻ em đói lê la ngoài đường nhiều hơn. Ngược lại, các quán nhậu đông hơn, những chiếc xe hơi sang trọng chạy ẩu hơn, mở cửa vất rác hay khạc nhổ xuống đường nhiều hơn. Mùa bình an mà sao vẫn thấy có gì đó chưa ổn lắm. Nhiều người còn nhớ Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng. Lúc sinh thời, ngài giảng: “Vẫn có cái gì đó chưa được đặt đúng chỗ của nó”.
Và năm nào cũng vậy, các ông ở trong ủy ban đàn két quốc doanh uống bia và quà cáp, nói lời ngon ngọt dỗ dành nhau rồi về nhà lại lầm bầm kiểu nửa hối tiếc nửa mắng thầm. Hai bên đều biết đối phương giả dối với mình, nhưng ai cũng gượng cười, chỉ để uống cho cạn ly bia. Có ông linh mục làm cho ủy ban này thật thà nói “mình chẳng tin họ, họ cũng chẳng mấy tin mình”, nhưng cứ qua loa cho được việc, mong cho xin giấy này giấy nọ dễ hơn chút xíu. Mùa bình an, mà thiện tâm sao chưa rõ nét.
Giáo hội dạy rằng “Các tiên tri đã loan báo vào thời cánh chung sẽ có một đoàn hành hương gồm nhiều dân tộc tiến về đền thờ Thiên Chúa và thế là bắt đầu một kỷ nguyên hoà bình cho các dân tộc (x. Is 2,2-5; 66,18-23).” (HTXHCG số 430)
Thế nhưng, để đón nhận và duy trì nền hòa bình ấy, Học Thuyết Xã hội Công Giáo dạy “cần phải chăm lo thích đáng nền hoà bình chung thật sự, một nền hoà bình chỉ có khi mọi người cùng sống với nhau trong trật tự và trong công lý đích thực; sau cùng cần phải có sự bảo vệ thích đáng cho nền luân lý chung” (Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 2109).
Tôn trọng nhau, dành cho nhau niềm vui, trung thực với nhau và biết quan tâm đến nhau bằng một tình yêu chân thành bắt nguồn từ máng cỏ Chúa Giêsu Hài Nhi là những điều kiện cần cho một nền hòa bình thật sự.
Thành ra, lời chúc “Giáng Sinh an lành” phải đi đôi với một trái tim rộng mở. Bằng không thì mùa Giáng Sinh chỉ dành riêng cho một số người thôi, đó là những người “thiện tâm” thật sự.
Gioan Lê Quang Vinh
Hành động này của cô bé Thunberg kéo chú ý giới truyền thông rộng rãi trên toàn thế giới. Và phong trào „ Skolstrejk för Klimatet - Bãi học vì khí hậu „ được các bạn trẻ cùng trang lứa tuổi học sinh trên thế giới hưởng ứng. Và từ đó phong trào biểu tình của các học sinh thế giới có khẩu hiệu“ Friday for future - Ngày thứ sáu cho tương lai „ được các bạn trẻ học sinh nhiều nước trên thế giới thành lập. Vào mỗi ngày thứ sáu họ bãi học kéo nhau ra đường phố căng biểu ngữ biểu tình đòi hỏi bảo vệ gìn giữ tương lai khí hậu trái đất.
Phong trào biểu tình đòi hỏi các nhà chính trị, các nhà khoa học, các kỹ nghệ phải làm sao bảo vệ ngăn cản không cho khí hậu trái đất bị nóng lên. Vì mức độ khí hậu trái đất càng ngày càng nóng lên tới mức báo động, gây hệ lụy tai hại cho sức khoẻ đời sống con người, công trình ngôi nhà thiên nhiên bị phá hủy.
Phong trào biểu tình đòi hỏi bảo vệ khí hậu trái đất do cô bé Thunberg và của các bạn trẻ học sinh dần kéo được sự chú ý của các nhà chính trị trên thế giới. Và đã có những chính khách tên tuổi đã tiếp kiến cô bé Thunberg cùng ủng hộ lắng nghe đòi hỏi của phong trào.
Một cô bé Thunberg đã loan báo đi cho thế giới sứ điệp bảo vệ khí hậu môi trường sinh sống. Nó đánh thức con người phải thay đổi cách sống bảo vệ gìn giữ làm cho đời sống trong vũ trụ được trở nên tốt đẹp. Đó là biến cố thời sự bảo vệ gìn giữ khí hậu trái đất ngày hôm nay cho tương lai.
Nhưng cách đây hơn hai ngàn năm một hài nhi Con Thiên Chúa từ trời cao đã sinh xuống trên trần gian. Hài nhi đó tên là Giesu. Tên của hài nhi này mang ý nghĩa: Đấng cứu độ.
Hài nhi Giêsu không cổ vũ gây ra cuộc biểu tình bãi khóa học nào. Nhưng sinh ra âm thầm trên trần gian trong một khung cảnh nghèo hèn nơi hang động dưới lòng đất của chuồng nuôi súc vật bên vùng Bethlehem thuộc nước Do Thái. ( Phúc âm Thánh Luca 2,1-20)
Khi hài nhi Giêsu sinh ra, Thiên Thần Chúa từ trời cao loan tin cho các mục đồng tin vui mừng Đấng cứu thế, Con Thiên Chúa đã sinh xuống làm người ở giữa trần gian. Đó là sứ điệp tình yêu thương và bình an. Sứ điệp này có ảnh hưởng rất sâu đậm nơi khí hậu trên thế giới, và còn hơn thế nữa nơi tâm hồn trái tim con người.
Sự sinh ra của hài nhi Giêsu nơi hang động chuồng súc vật ở vùng Bethlehem nhỏ bé. Phải, ở một góc vùng nhà quê hầu như không được biết đến. Nhưng lại ẩn chứa một biến cố to lớn, một bí ẩn mầu nhiệm thánh thiêng cao cả: Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người nghèo hèn, và qua đó Ngài trao tặng con người tình yêu thương. Một làn khí hậu mới nồng thắm tình người nhân loại cùng chung sống bắt đầu.
Nơi hang động chuồng súc vật hài nhi Giêsu mở mắt chào đời không là một hoàng tử tương lai, không là một nhà chính trị, không là một ngôi sao sáng cũng không là một nhà điều khiển kinh doanh, không là một nhà cải cách văn hóa xã hội. Nhưng hài nhi Giêsu là một Đấng cứu thế trần gian, cho linh hồn con người khỏi hình phạt tội lỗi. Hài nhi Giêsu sinh xuống làm người là món qùa tặng tình yêu thương của Thiên Chúa, của trời cao cho con người.
Biến cố Chúa Giêsu giáng sinh ảnh hưởng sâu xa cùng làm thay đổi làn khí hậu thế giới. Biến cố đó mang đến cho trần gian làn khí hậu nhân loại và thần thánh. Đó là sứ địêp quan trọng của lễ Chúa giáng sinh. Vì thế có thể nói lên khẩu hiệu lời kêu gọi: „ Chrismas- Jesus for future - Lễ Chúa giáng sinh, Chúa Giêsu cho tương lai.“
Biến cố lịch sử lễ Chúa giáng sinh có ảnh hưởng sâu xa tới khí hậu thế giới: bầu khí hậu con người cùng chung sống với nhau và cho nhau.
Không có khí hậu tình yêu thương, không có khí hậu hòa bình, không có khí hậu tình người với nhau, đời sống giữa con người với nhau trên thế giới trở nên lạnh lùng khô cứng nguy hiểm, thế giới sẽ trở nên nghèo nàn, co mình trở thành ích kỷ.
Mừng lễ Chúa giáng sinh làm người là mừng tình yêu Thiên Chúa, mừng nền hòa bình trời cao ban cho trần gian.
Mừng lễ Chúa giáng sinh 2020
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Dẫn truyện: Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, miền Nam Judea. Vào năm thứ nhất Công Nguyên, Judea dưới quyền bảo hộ của đế quốc La Mã… Thời đó hoàng đế Augustus ban hành lệnh kiểm tra dân số trong toàn cõi Rôma. Theo như sắc lệnh, mọi người phải quay về ghi danh tại nguyên quán…
Một tháng rồi, thôn Cái Mì bình thường hoang vắng bỗng dưng khua vang tiếng bước chân của nhiều người lạ mặt. Dân Cái Chôm thôn bên nhìn vào Cái Mì, ngạc nhiên hỏi,
— Ủa! Họ từ đâu tới vậy?
Người Cái Mì cộ mắt, nhổ nước miếng, chửi thề ròn tan,
— Mẹ kiếp! Ở đâu mà chui ra! Dân Cái Mì đấy…
— Cha nội, giỡn hoài! Nhìn đâu giống dân Cái Mì… Mà mần chi lại kéo tới đây?
Người Cái Nhôm hạ giọng, nói nho nhỏ,
— Tính lập hội kín à?
Người Cái Mì xụ mặt, bỏ đi thẳng một nước,
— Ông nội! Thần khẩu hại xác phàm bây giờ! Mơi thấy xác ở bãi bắn Cái Chôm thì đừng có than!
Đúng như lời than phiền của dân Cái Mì. Khách lạ mặt nguyên gốc Cái Mì! Nhưng nói tiếng Cái Mì tuồng như người lớn nói ngọng hoặc con nít nói đớt. Sáng, đặt chân tới thị trấn. Chiều, hoàng hôn, khách kéo tới mấy quán nhậu. Hết tốp này đến tốp khác. Thôi thì… suốt sáng, thâu đêm...
Ngày nào cũng thế, khách nhắm chặt mắt, ngủ thẳng cẳng tới trưa. Chui ra khỏi giường, khách vốc nước xúc miệng ùng ục cổ họng. Xong xuôi, khách lại bước thẳng tới quán rượu. Rượu xong, khách không về nhà trọ, nhưng dẫn nhau đi ra giếng nước đầu làng. Trên đường đi, khách nhổ xoèn xoẹt nước miếng hôi rình trộn lẫn đờm xanh! Có ông khách say quá, xiêu vẹo, té ngay bên lề đường như cây rỗng ruột đổ gục. Nằm chòi chòi trên mặt đường làng, khách há to miệng nôn thốc nôn tháo. Mùi ói tanh lờm lợm quyến rũ từng đàn ruồi lằng kéo tới bám đen đặc một khoảng đường! Có khách chân dăm đá chân chiêu, vừa đi vừa cất giọng hát. Những bài hát lẳng lơ, lời ca dâm tục. Cái Mì thông thường thiếu nữ rộn ràng cười đùa trên những nẻo đường. Chiều về, phụ nữ trong thôn rủ nhau ra giếng nước đầu làng múc nước về nhà dùng cho bữa cơm tối. Từ khi khách kéo về Cái Mì bởi lệnh kiểm tra dân số toàn cõi Đông Dương, đường làng bỗng dưng vắng hoe. Giếng nước giờ này không còn bóng dáng những người phụ nữ.
Thôn Cái Mì đang thanh bình từ bao lâu nay rồi. Trên có Hương Chủ Ngọc, Hội đồng Hương Chức, và đoàn Thanh Niên Tự Vệ, dưới là dân làng hiền lành như lúa chín vàng ngoài đồng. Người người, ai nấy một lòng. Cả ngàn năm nay rồi, Cái Mì vẫn sống như thế. Như một chuyện bình thường, như một ước lệ. Nhưng bởi những người khách lạ, bầu trời thanh bình Cái Mì chỉ trong thoáng chốc bốc hơi. Bởi những người khách lạ, Cái Mì tự động tách ra hai phe, phe cổ võ và phe chống đối.
Phe cổ võ bao gồm chủ quán rượu, quán ăn, và quán trọ. Gặp khách, chủ nào cũng tự nhiên hớn hở. Chủ nào miệng cũng cười toe toe như gái thoa son dồi phấn hồng mở cửa mời khách lạ bước vô. Mà cũng khó trách! Cái Mì nhỏ bé về dân số và diện tích. Cái Chôm thôn bên còn có đồn Tây đóng. Bên đây, Cái Mì, chẳng có gì! Quán trọ Cái Mì cho khách lỡ độ đường bình thường vắng hoe ngoại trừ ruồi lằng bay lăng quăng đợi chờ cơ hội! Thế đấy, không ai ngờ! Chỉ bởi lệnh kiểm tra dân số, giờ này Cái Mì không còn phòng trống. Hai ba quán trọ trong thôn, quán nào cũng treo cao bảng chữ: “Hết Phòng!” Đặc biệt nhất là những quán rượu bán đế Gò Công. Ngày cũng như đêm, quán nồng nặc mùi người và mùi rượu. Những ông chủ quán rượu, bình thường mặt nhìn tợ như thù cha chưa trả. Giờ thì hớn hớn như gái xuân! Đương nhiên, thì cũng bởi vì những đồng tiền!
Thì người đời đã thường hay nói,
Tiền nở nụ cười.
Tiền tươi con mắt.
Tiền cất vào kho.
Tiền no bao tử!
Mà đây không phải là tiền kẽm tiền xu đâu nhé. Cái thứ tiền đó giờ có cho không, chủ nào cũng bĩu môi, giơ tay ném thẳng xó nhà. Bây giờ người ta chỉ còn nói đến tiền bạc tiền vàng; bởi không hiểu sao, những người khách quay về Cái Mì ai cũng có tiền. Tiền nhiều đếm mỏi cả tay! Có người còn xách theo trong mình nguyên bọc tiền vàng khắc hình đại đế Nã Phá Luân của Phú Lang Sa. Một ngôi nhà xập xệ trong thôn trị giá 100 đồng tiền bạc. Ngôi Chùa Thiên thờ Trời nằm cuối thôn trị giá 1000 đồng tiền vàng. Thế mà khi bước vào quán rượu, khách thản nhiên quẳng ra bàn cả nắm tiền vàng. Tiền vàng rớt xuống đất kêu coong coong nghe vui tai, âm vàng ngân vang rung động lòng người. Nếu ưng ý được lòng khách, bồi bàn còn nhận được nguyên một đồng bạc tiền thưởng! Cứ thế! Làm chi bồi bàn không cất công phục vụ cúc cung. Muốn gì được nấy. Muốn rượu hả! Có rượu! Muốn gái hả! Có ngay!
Phe chống đối bao gồm Hương Chủ Ngọc và Hội đồng Hương Chức của thôn. Thiếu nữ Cái Mì công dung ngôn hạnh. Từ bao lâu nay, thôn Cái Mì chưa bao giờ phải thi hành luật thả bè trôi sông người con gái một phút nhẹ dạ. Sông Tiền trôi ngang qua làng từ bao lâu nay vẫn đỏ mầu. Nhưng đỏ bởi phù sa, chứ không phải máu.
Thế đó, không ai ngờ! Ngay khi bóng dáng từng đoàn người nguyên gốc Cái Mì đổ xuống nườm nượp cổng làng bởi lệnh kiểm tra dân số, những con kên kên phục vụ lính tây thôn bên đã nhấp nhổm ngóng đầu quay về Cái Mì theo dõi tình thế. Ba tuần trước, mặc cho những lời cảnh cáo xa gần, cô gái giang hồ khét tiếng trong vùng thản nhiên gõ cửa căn nhà treo bảng cho thuê trong thôn Cái Mì.
Cô gái vừa dọn vào, một tiếng sau khách lạ cửa trước cửa sau tấp nập.
Trong thôn, không ai nói chi. Nhưng, được đúng hai ngày, nhà thổ vừa mới tưng bừng khai trương bừng bừng phát hỏa!
Nửa đêm về sáng, lửa bốc cháy từ phòng khách, lửa liếm lem lẻm vách gỗ mặt tiền, lửa theo đà gió bừng sáng bốc ngọn bay vút lên cao. Nhờ sự can thiệp của đoàn Thanh Niên Tự Vệ, căn nhà trọ còn đứng vững, mặc dù mặt tiền cháy đen nham nhở. Lửa vừa tàn, mã tà, lính kín kéo tới. Sở Mật thám lập biên bản, đặt nghi vấn có người đốt nhà!
Sau vụ hỏa hoạn, cô gái buôn hương không chịu thua. Cô nhờ người sơn phết qua loa mặt tiền rồi lại tỉnh bơ hành nghề. Thế là lại bình thường! Khách khứa lại tấp nập. Tiếng cười lại vang vang một góc phố từ xế chiều cho tới nửa đêm về sáng. Người ra người vô, nhà thổ rộn ràng, vui!
Được khoảng một tuần.
Vào một buổi sáng tinh mơ! Ông Bõ chăm sóc Chùa Thiên bỗng hét to như bị ma da rượt khi đi ngang qua nhà thổ. Người trong thôn chạy tới chỉ để nhận ra cánh cửa căn nhà thổ mở tung, để lộ nguyên hình hai xác người treo lủng lẳng từ thanh xà ngang: một của cô gái buôn hương, một của người khách.
Bởi hai thây ma, mã tà lính kín lại lục đục kéo tới. Sở Mật Vụ gọi ông Hương Chủ Ngọc, Hội đồng Hương Chức, và cả Bõ già lên thẩm vấn. Từng người rồi từng người. Nhưng cũng như lần trước, nhân viên mật vụ vẫn không kiếm ra thủ phạm. Rốt cuộc, Sở Mật Vụ đóng hồ sơ. Lính kín mã tà kéo lại về bốt tây đóng bên thôn Cái Chôm!
Nhưng! Bắt đầu từ ngày hôm đó, khoảng nửa đêm về sáng căn nhà trọ bỗng dưng chập chờn bóng ma. Tối tối có người thấy hai xác người, một nam một nữ hiện ra treo tòng teng lơ lửng. Có người nửa đêm về sáng nghe rõ tiếng hú lanh lảnh từ căn nhà loang lổ vết cháy. Vào đêm sáng trăng, có người còn thấy 9 hạt máu đỏ từ thanh xà ngang nhỏ xuống nền gạch viết ra chữ Nhân rõ từng nét trong chữ Nho.
Người làng xì xào hỏi nhau,
– Ủa, tại sao lại là số 9? Mà sao 9 hạt máu đỏ hòa lại, viết thành chữ Nhân? Mà tại sao lại là chữ Nhân? Mà tại sao không viết chữ Nhân trong tiếng Nam Bộ?
Nghe lời càm ràm, có người quay ngang kín đáo nhắc nhở,
– Bà thần! Bộ quên rồi à? Ông bà có câu, ‘Giết 9 bò mới đủ lễ.’ Mà nè, cũng đừng có quên, ả này đâu phải người mình! Ả người Quảng Đông mà. Đâu có rành tiếng Việt.
Thằng Tài Mặt Rô mục đồng trong làng, mới mười năm tuổi nhưng phá phách ma chê quỷ hờn. Sểnh ra là ăn cắp. Lơ đãng một chút là mất đồ. Cuối tuần nó tếch sang thôn bên, đứng đường dẫn mối cho kên kên rỉa thịt. Chủ bầy chiên có lần cự nự nó cái tật ăn cắp vặt. Nó nổi máu du côn. Chiều tối, nó gọi bạn bè tới túp lều giữa cánh đồng Cái Mì. Cả đám hùa lại cắt cổ con chiên đực to nhất bầy nướng ăn tại chỗ. Thế đấy! Không biết sao, nửa đêm về sáng, nó dám mò tới căn nhà ma...
Sáng hôm sau, lại một lần nữa, đi ngang qua căn nhà cháy, Bõ già thấy thằng Tài Mặt Rô oặt ẹo nằm trên nền đất hoang ngôi nhà ma. Mặt nó bầm tím, tay chân như không còn xương. Mang nó về nhà, người ta đổ cháo nóng vào miệng, giật tóc mai hú gọi ba hồn chín vía. Sáng hôm sau nó mới hồi tỉnh, nhưng tay chân quặt quẹo mềm oặt như con chàng hiu. Hỏi chi, nó cũng không nói, mặt tái xanh ngoen ngoét. Người trong thôn ồn ào hẳn lên. Họ kháo với nhau, “Chết rồi! Vậy là ứng nghiệm lời nguyền 9 giọt máu viết ra 1 chữ Nhân. Thằng Tài Mặt Rô nạn nhân đầu tiên. Trong làng mình, ai sẽ là người thứ hai đây?”.
oOo
Đêm nay 24 tháng 12. Đã gần mười một giờ đêm, chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa thôi, Cái Mì chuyển mình bước vào nửa đêm.
Trời khuya! Tiếng kẻng từ tháp canh bốt tây bên làng Cái Chôm vang vang báo chuẩn bị sang canh nửa đêm! Tiếng cú khóc than ai oán từ căn nhà thổ bỏ hoang! Tiếng lọc cọc cô đơn trên đường của những vó ngựa! Tiếng la hét cười đùa vang dội từ những quán rượu. Vẫn như mọi đêm khuya, tiếng nhạc, tiếng đàn, tiếng hát, lẫn tiếng thở nồng nặc mùi rượu lại vẫn ồn ào len lỏi qua những khung cửa của những quán rượu giờ này vẫn tấp nập khách đi ra đi vào.
Nhìn bầu trời đen kịt cuối năm, chủ nhân Quán trọ Cây Thốt Nốt hai tay che miệng ngáp dài. Mấy tuần lễ liên tục rồi, chú Tám Tàng phải lắc đầu lia lịa từ chối từng người, bởi mọi phân vuông trong quán trọ đều đã được tận dụng tối đa. Bàn ghế phòng khách của quán trọ được rời đi lấy chỗ cho hơn ba mươi người. Riêng căn phòng chứa đống đồ cũ đã được dọn dẹp cho mười người khách nằm xếp lớp cá mòi.
Thấy quán trọ sơn phết nổi bật ba chữ “Cây Thốt Nốt,” người khách đến từ Nam Vang thắc mắc,
— Lạ lùng hén! Đất này đâu phải đất cây thốt nốt. Sao lại cắc cớ đặt tên quán trọ Cây Thốt Nốt?
Ông khách đến từ xứ Lào đứng sát ngay bên gật đầu góp ý,
— Ừ, đúng đó! Sao không đặt tên Quán trọ Cái Mì?
Người khách Nam Vang trợn mắt,
— Ủa! Sao lại Quán trọ Cái Mì?
Ông khách xứ Lào nói ngay,
— Thì Cái Mì! Bởi đây là làng trồng lúa mì mà. Dân ở đây họ nướng bánh mì tây, bán cho tây thuộc địa. Cho nên làng mới có tên Cái Mì.
Nhìn hai ông khách, chú Tám Tàng chép miệng,
— Cái vụ này…tình thiệt tui cũng hổng có rành.
Hai ông khách cùng dừng ngang câu chuyện, quay nhìn ông chủ quán, giọng điệu gậy mọt,
— Ông chủ nói vụ này là vụ nào?
Chú Tám Tàng nhìn ra cửa quán, cúi thấp đầu, hạ giọng nói nho nhỏ, tuồng như người nói chuyện quốc sự,
— Thì tui… tui muốn nói tới cái tên quán trọ. Ông vừa mới hỏi sao quán lại có tên Cây Thốt Nốt…
Chú Tám Tàng lắc lắc đầu, thở dài,
— Ta nói làng có thời bị dịch tả. Thôi thì… mười người chết bẩy còn ba! Dân Cái Mì hồi đó bỏ đi tha phương cầu thực một mớ. Cho nên bởi cái vụ kiểm kê dân số đó, con cái dân làng lục đục quay về thôn. Ta nói Cái Mì có thời hoang vắng tựa bãi tha ma. Về sau, không hiểu từ đâu lòi ra câu vè, “Thốt nốt mọc giữa tháng Ba, là điềm ấu chúa sinh ra thái bình.” Đám trẻ mục đồng chiều chiều tụm năm tụm bẩy đầu ngõ đua nhau đọc vang vang câu vè. Ông Hương Chủ Ngọc chặn một thằng bé lại hỏi nó ở đâu kiếm ra câu vè. Thằng nhỏ nói tháng trước có ông thầy chùa mặc áo nâu tựa như thầy chùa tu trên núi Sam dạy câu vè. Ổng dặn mấy đứa phải học thuộc lòng, rồi mới cho một vốc kẹo dừa. Ông Hương Chủ hỏi tên tuổi sư thầy. Thằng bé gãi gãi đầu nói không biết.
Chú Tám Tàng lại kín đáo nhìn ra cửa nhà trọ, thì thào nho nhỏ,
— Mà lạ lắm. Tháng Ba năm ngoái cổng làng tự nhiên nứt ra Cây Thốt Nốt. Cây mọc nhanh lắm, chỉ thoáng một cái, cành lá xum xuê che mát cả một góc trời. Cả làng hồi hộp nhìn nhau, chờ đợi giây phút ấu chúa ra đời. Năm ngoái, lúc tía tui về lại với ông bà. Ổng để lại cho tui nguyên cái quán trọ! Tui đặt luôn tên quán Cây Thốt Nốt…
Ông chủ quán trọ tự dưng thở dài,
— Nhưng ta nói… hơn một năm rồi. Có ai thấy ấu chúa đâu! Mà cả tháng nay rồi. Con cháu thôn làng hồi đó bỏ đi. Nay quay về! Tưởng vương tướng gì. Hóa ra cũng chỉ quanh quẩn ngày quán rượu đêm nhà thổ. Thiệt tình!…
Người khách Nam Vang thắc mắc,
— Ủa! Tưởng là từ sau vụ cháy nhà. Rồi thêm hai cái xác ma xà ngang. Làng mình yên rồi chứ...
Chủ quán Cây Thốt Nốt chép miệng,
— Thì đúng là như vậy. Ta nói làng mình yên. Nhưng làng chung quanh đâu có yên. Kên kên không qua. Nhưng xác ma bên đây kéo sang bển để kên kên rỉa thịt!
Ông khách xứ Lào có vẻ hiểu biết,
— Sấm Trạng Trình có viết ấu chúa sẽ sinh ra ở làng Cái Mì đấy. Ông chủ có biết chuyện hay không?
Chủ quán Cây Thầy Dầu gật đầu,
— Có, tui có nghe qua…
Chủ quán kín đáo nhìn ngó chung quanh,
— Ông Hương Chủ Ngọc ổng có kể cho tụi tôi nghe. Ổng còn nói khi ấu chúa sanh ra đời. Sao chổi hiện giữa trời. Què cụt đứng dậy chạy te te khắp ba sào ruộng lúa cho coi...
Chủ quán che miệng nói thì thào, giọng nhỏ rưng rức,
— Mà tui nói cái này. Chỉ mấy người mình biết với nhau thôi đó nghen! Đừng có xì xào lôi thôi, tới tai lính kín mã tà thì khổ cả đám. Nghe nói ấu chúa, ổng sẽ lãnh đạo người mình đuổi đám giặc chạy té tát…
Ông khách xứ Lào như không mặn mà với chuyện thời sự. Ông đổi đề tài,
— Nghe nói có thằng nhỏ mục đồng nửa đêm về sáng chui vào ngôi nhà ma ăn cắp đồ, rồi bị Thanh Niên Tự Vệ đập gãy tay chân. Đúng không ông chủ?
oOo
Trời Cái Mì chuyển mình gần nửa đêm. Xa xa tiếng chó hú nghe như từ ngôi nhà thổ bỏ hoang tiếp tục vang vang từng hồi. Tiếng hú đêm đen vọng lại, cứ tưởng hồn ma trăm ngày khóc than bởi không ai mở cửa mả! Chủ nhà trọ Cây Thốt Nốt giơ tay che miệng ngáp dài. Khuya quá rồi. Nhìn ra khung cửa, chú Tám quyết định vặn chìa khóa hòm tiền, bởi chợt nhớ tới thằng con vừa trở chứng đau nặng. Chú Tám thở dài! Cực thì thôi! Gần một tuần rồi, thằng nhỏ làm mình nóng sốt. Người nó nóng hầm hập như lò nướng bánh mì. Hai hôm trước, thằng nhỏ lên cơn động kinh. Tay chân nó giật cong, miệng méo xếch. Chú Tám Tàng hốt hoảng lôi dầu cù-là loại thượng hảo hạng cạo lưng thằng bé. Mấy phút sau, thằng Cún mắt thôi trợn trắng, hơi thở trở lại điều hòa.
Tối hôm đó, chú Tám Tàng bàn với vợ sẽ mang thằng Cún lên Sài Gòn chữa bệnh. Ở đó, chú biết ông thầy lang học được toa thuốc gia truyền trị bá bệnh của người Cao Miên. Người đi mần ruộng, bị rắn hổ cắn. Xùi bọt mép, mắt trắng trợn. Mang tới thầy, ổng nhét mấy hoàn thuốc vào miệng. Khoảng tiếng sau, bệnh nhân ngồi dậy, mạnh sân sẩn!
Nghĩ tới ngày mai sáng sớm phải lên đường, chú Tám Tàng đứng dậy. Hai tay chú nhè nhẹ đóng kín lại cánh cửa gỗ quán trọ. Nhưng chú thoáng cau mày, bởi nhận ra tiếng con LuLu sủa vang vang ngoài sân. Chú Tám nghĩ tới Ông Chủ Ngọc và đoàn Thanh Niên Tự Vệ. Có thể đang đi tuần ban đêm, thấy quán trọ còn mở cửa, tính ghé ngang. Nhưng tiếng chó sủa trở nên gắt gỏng nhát gừng. Chú Tám Tàng nhíu mày... Nếu là Ông Chủ Ngọc và đoàn Thanh Niên Tự Vệ, con LuLu đã không sủa. Bởi con LuLu thì còn lạ chi Hương Chủ Ngọc. Chú Tám Tàng khựng lại, nghĩ tới câu chuyện ấu chúa mới bàn hồi chiều với hai ông khách. Chú Tám cau mày, thoáng lo ngại. Chú tự trách mình sao hớ miệng, dễ mở bụng, tin người! Chú Tám nghĩ tới mật thám lính kín. Ai biết đâu họ rải người xuống Cái Mì, giả làm người quay về thôn ghi danh hộ khẩu… Tự dưng Chú Tám Tàng ớn lạnh xương sống. Chú nhớ tới đồi Cái Chôm sát sông. Nơi đó nhà nước bảo hộ xây pháp trường bắn bỏ tù chính trị! Bắn xong, xác tù hai chân còn dính xiềng bị quẳng thẳng xuống sông cho đàn cá sấu đói mồi táp! Chú Tám nuốt nước miếng, mắt căng ra nhìn, hồi hộp chờ đợi…
Nhưng thật bất ngờ, tiếng con Lulu sủa chợt ngưng bặt. Đêm khuya đông lạnh nghe rõ tiếng gõ chầm chậm của vó lừa trên con đường đá sỏi. Chú Tám Tàng nhíu mày nhìn lên... Ủa! Sao lại vó lừa? Vùng này có ai cưỡi lừa bao giờ!
Trước mặt Chú Tám Tàng mờ mờ xuất hiện hai bóng người. Người đàn ông chắc khoảng hai mươi tuổi, khuôn mặt khắc khổ, vành râu quai nón rậm rạp bao quanh hàm. Bóng kia nhỏ thó, chắc là phụ nữ, ngồi trên lưng lừa, mặt che kín bằng miếng khăn mầu nâu quấn đầu. Người đàn ông ngón tay thô tháp khô cứng cầm dây cương lừa, tiến lại quầy, cất tiếng nói, giọng Bắc,
— Vâng! Em chào ông chủ quán!
Người chồng nhìn quanh, hai bàn tay xoa xoa vào nhau,
— Không dám dấu chi quan bác! Vợ chồng nhà em từ ngoài Bắc lặn lội đường xa tới đây, cũng bởi lệnh kiểm tra dân số. Nhờ quan bác thương. Quan bác cho hai vợ chồng nhà em một căn phòng… Dạ, em đội ơn quan bác.
Nhìn người đàn ông, chủ quán Cây Thốt Nốt chép miệng, nói ngay,
— Tui biết hai vợ chồng ông anh từ ngoài đó, lặn lội đường xa, giờ đã mệt mỏi lắm rồi. Nhưng thiệt tình là quán trọ không còn phòng trống nữa...
Nói xong câu từ chối, chú Tám nghĩ người đàn ông sẽ bỏ đi. Nhưng không! Anh ta vẫn đứng đó. Lần này, xuống giọng năn nỉ. Tay gãi gãi trán, tay chỉ người vợ vẫn yên lặng trên lưng lừa, người đàn ông năn nỉ,
— Em nói thiệt tình là không phải! Nhưng giờ trời đã quá khuya, nửa đêm về sáng. Xin quan bác thương. Vợ chồng em đội ơn quan bác!
Nghe giọng Bắc lạ tai, hiểu tình cảnh của đôi vợ chồng quê, chú Tám chạnh lòng. Nhưng ông chủ quán trọ vẫn phải đối diện với sự thật. Chú Tám nói,
— Tui nói tình thiệt với ông anh là nhà trọ đã hết chỗ rồi… Thiệt tình là hết, không còn chỗ…
Nghe ông chủ nói quyết liệt như vậy, người đàn ông xứ Bắc chỉ ra ngõ vắng dài sâu hun hút, giọng như muốn bật tung tiếng khóc,
— Chết rồi! Nguyên cả canh giờ rồi! Em gõ không biết bao nhiêu cửa quán trọ. Nhưng chết mất bác ơi! Ai cũng lắc đầu quầy quậy. Chúng em đất khách quê người, mà vợ em lại bụng mang dạ chửa! Giờ em cũng không biết đi đâu nữa. Chết thiệt…
Bây giờ ông chủ quán mới nhìn ra. Ánh sáng từ quán rượu gần bên nhập nhoè chiếu đổ dài bóng hình cô đơn của người thiếu phụ. Chú Tám Tàng nhận ra cái bụng to kềnh càng của thiếu phụ trên lưng lừa. Chủ quán lúng túng, khó chịu; bởi nhận ra tình trạng khó xử! Thà là không biết. Chủ quán chép miệng! Bây giờ bỏ thì thương mà vương thì tội. Chú Tám Tàng nhíu cặp chân mày, nghĩ tới căn phòng chứa đồ với mười mạng đàn ông chen chúc. Nhưng làm sao được, bởi hai người khách là một cặp vợ chồng. Đẩy anh chồng vào cũng được, nhưng còn cô vợ bụng chửa vượt mặt như thế kia thì nhét vào chỗ nào trong cái hộp cá mòi xếp lớp đó?
Nhìn ông chủ quán trọ bất động như tượng muối, người chồng như cá chết cạn cố gắng chòi chòi thân mình đập qua đập lại trên mặt cát khô,
— Hay là quan bác biết ở đâu còn chỗ trống! Xin bác chỉ cho em biết! Em xin phép đi ngay... Vâng, em sẽ đi ngay, không dám làm phiền bác nữa…
Nhìn người đàn ông xứ Bắc hạ mình năn nỉ, chú Tám nhớ lại thời mới lấy vợ. Hai vợ chồng son thời đó sao mà nghèo, nghèo đến nỗi cơm ngày chỉ được hai bữa; mỗi bữa chỉ có chén cơm trắng với vài con mắm khô quẹt. Vợ khi đó bụng mang dạ chửa con so. Chú Tám Tàng vẫn phải cắn răng để vợ ngày ngày còng lưng mót nhặt những cọng lúa mang về nấu cơm. Cũng bởi lao tâm lao lực, thằng Cún hồi đó sinh sớm hai tháng. Nhìn thằng con quặt què đau yếu từ thuả mới chui ra khỏi bụng mẹ, Chú Tám Tàng vẫn ít nhiều ngậm ngùi cay đắng... Ai biểu hồi đó mình nghèo!
Nhìn ngôi sao băng sáng ngời bay vút ngang trên nền trời, chủ quán Cây Thốt Nốt quyết định,
— Thôi! Thì như thế này. Tui biết có túp lều của đám mục đồng nằm giữa cánh đồng. Ban đêm, túp lều bỏ không! Giờ tui đề nghị như thế này. Tui sẽ dẫn hai vợ chồng ông anh tới đó ngủ tạm qua đêm. Đêm nay mà thôi. Ngày mai vợ chồng tui có việc phải lên Sài Gòn. Căn phòng của tui bỏ không. Trưa ngày mai, vợ chồng ông anh quay lại quán, ở tạm chỗ đó mấy hôm...
Trước lời đề nghị của chú Tám, đôi chân mày rậm và vầng trán rộng của người đàn ông dãn mềm từng thớ thịt. Người chồng xứ Bắc tươi nét mặt, nói ngay,
— Vâng, vâng! Thế thì nhất. Quan bác tốt quá. Trời Phật phù hộ vợ chồng quan bác. Giờ quan bác dậy sao, em xin nghe theo làm vậy. Vâng, vâng! Em nhờ quan bác chỉ đường. Vợ chồng em xin phép đi theo ngay!
Ông chủ quán đứng dậy,
— Nếu vậy thì ta lên đường. Trời khuya lắm rồi!
Ông chủ quán nhấc cao ngọn đèn dầu hột vịt bước tới. Ánh lửa hắt hiu soi bóng ba người và chú lừa khẳng khiu đổ dài trên con đường đất dẫn ra đường ruộng lúa mì.
Trời cuối năm, đêm 24. Cái Mì không một ánh trăng. Đêm nay trời lạnh thổi gió rét buốt căm căm. Chú Tám nhìn lên nền trời tối đen. Một vài tiếng chó hoang hú gọi đàn xa xa từ sau rặng núi lay động những đốm sáng đom đóm lập lòe. Một vài cánh dơi xào xạc khua động đêm đen. Tiếng cú nhà thổ tiếp tục vang dội ngân xa. Chú Tám Tàng nhớ tới căn nhà ma. Chú Tám thắc mắc không hiểu thằng Tài Mặt Rô rắn mặt bị ma hớp hồn, hay nó bị ông Hương Chủ Ngọc sai Thanh Niên Tự Vệ đánh què chân như lời đồn thổi. Nhớ tới thằng bé mục đồng rắn mặt, ông chủ quán Cây Dầu lại nhớ tới thằng Cún. Ngày mai, vợ chồng anh cũng sẽ lọc cọc dẫn theo thằng con què quặt ngồi trên lưng ngựa. Đường lên Sài Gòn có nhanh lắm cũng phải mất hai ngày. Nhớ tới Sài Gòn giờ này toàn tây thuộc địa, ông chủ quán lắc đầu. Nhìn lên trời cao, chủ quán trọ Cây Thốt Nốt lẩm bẩm câu đồng dao,
— Thốt nốt mọc giữa tháng Ba. Là điềm ấu chúa sinh ra thái bình.
Chú Tám Tàng chép miệng thở dài, thốt nốt đã mọc giữa tháng Ba hơn năm rồi. Ấu chúa ở đâu mà sao vẫn chưa ai thấy! Chú Tám Tàng thở dài… Tiếng thở dài bay lên cao chầm chậm tan biến vào bầu trời đêm của thôn Cái Mì tối 24.
oOo
Ba ngày rồi, Bõ già đau nặng. Cháo loãng đổ vào miệng không trôi lọt qua hàm răng ngậm chặt cứng, nhưng sui sủi hóa ra bọt bong bóng đóng hai bên mép. Mắt Bõ mở lớn trắng đùng đục, ruồi nhằng đậu đen bám chi chít. Bõ ho sù sụ, mùi hôi thối bay nồng nặc một khoảng không gian căn phòng người bệnh... Ông Chủ Ngọc nói nhỏ với Hội đồng Hương Chức chuẩn bị chuyện hậu sự cho Bõ.
Thế mà sáng nay, trời vừa hừng sáng, Bõ tự nhiên ngồi bật dậy, lưng thẳng như cây thước. Bõ mở mắt nhìn qua khung cửa, bước chầm chậm mấy bước, rồi thật bất ngờ phóng chạy trên con đường làng như bị ma nhập. Tới Chùa Thiên, Bõ dừng lại, hai cánh tay khẳng khiu đẩy tung cửa sắt nặng nề! Chạy sầm sập vào khu chánh điện khói hương nghi ngút giờ kinh sáng, Bõ dừng lại, nhìn Hương Chủ Ngọc, nhìn mọi người. Tay Bõ chỉ ra hướng sân chùa, tay chỉ lên trời, miệng ú ớ phát không ra được một âm.
Dừng ngang lời kinh, dân làng Cái Mì trợn tròn mắt nhìn Bõ già tưởng như nhìn thấy người chết hiện hồn. Ông Chủ Ngọc khoát tay ra hiệu chấm dứt giờ kinh sáng. Dân làng đứng dậy, ùn ùn kéo nhau đi theo Bõ già ra sân. Tới sân gạch đỏ ối, không ai bảo ai, người người đưa mặt ngẩng lên nhìn trời. Chủ Ngọc cũng nhìn theo để rồi ngỡ ngàng nhận ra bầu trời xám xịt mây đen mùa đông đang vặn mình chuyển đổi sang màu đỏ tươi. Trên cao, ngôi sao chổi sáng rực rỡ đang xoay tròn tít đều những vòng quay. Dân làng Cái Mì kinh hãi rú lên! Có người quỳ xuống đấm ngực, có người nước mắt lăn dài trên khuôn mặt, có người sụt sùi câu kinh.
Còn đang ngơ ngác dõi nhìn hiện tượng thiên nhiên lạ kỳ, dân làng giật mình nhìn ra con đường làng. Một lần nữa, tiếng bước chân chạy sầm sập trên con đường. Tưởng ai, hóa ra đó chính là ông khách xứ Lào. Dừng lại tại sân ngôi Chùa Thiên, ông khách tay ôm ngực thở dốc, tay kia chỉ về hướng quán trọ Cây Thốt Nốt,
— Thằng Tài Mặt Rô! Cả thằng Cún nữa… Chạy tới quán Cây Thốt Nốt mà coi! Hai đứa nó đang rượt nhau chạy rần rần ngoài đường kia kìa! Nhanh! Nhanh lên! Chạy tới mà coi…
Người thôn Cái Mì ngơ ngác nhìn nhau. Đoàn Thanh Niên Tự Vệ thì thào nói tối hôm qua, trong khi đi tuần, họ nghe thấy tiếng hát thánh thót từ trời cao vọng xuống vang vang cả một cánh đồng Cái Mì vào đúng lúc nửa đêm...
Người làng Cái Mì của Nam Bộ vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra ngoại trừ đôi vợ chồng quê mùa đến từ làng Na Rét của xứ Bắc.
□ Nguyễn Trung Tây
San Jose, CA, 23/12/2020
Nguyện xin ơn trên đổ xuống khi ta đón mừng Chúa Giáng Sinh
Cho ta được hiểu thấu về ý nghĩa của mùa hồng ân,
Về niềm vui mà ta đang tìm kiếm,
Về sự sống viên mãn và sự bình an mà ta mong mỏi,
Và về Giáng Sinh mà ta hằng đợi chờ.
Xin cho những hình ảnh về Đấng Hài Nhi
Nhắc nhớ ta, rằng Ngài ở giữa muôn tạo vật
Nơi mỗi con người,
Tất cả được nâng lên thành con cái của Chúa,
Với mọi phẩm giá Ngài ban.
Xin cho ánh sáng của Mùa Giáng Sinh
Tỏa lan để hướng lòng chúng ta
Đến với ánh sáng chân thật trong hiệp thông và liên kết
Với hết thảy anh chị em.
Mong cho âm thanh điệu nhạc Mùa Giáng Sinh,
Đưa chúng ta vào một chiều kích sâu thẳm
Tham dự dàn hợp xướng loan báo niềm vui trao ban,
Sự quan tâm và niềm hy vọng.
Mong sao mọi cây cối đồng xanh,
Nhắc ta, rằng mọi loài thọ tạo của Chúa,
Là ngôi nhà duy nhất của chúng ta,
Là tương lai của một gia đình nhân loại.
Ước mong ta dành thời gian cầu nguyện cho bạn bè và người thân
Vì những món quà ta đã nhận.
Ước chi ta biết dành thời gian để cầu nguyện và sống quảng đại
Với anh chị em xung quanh, những ai cần được trợ giúp
Để chúng ta biết nới rộng tương quan với gia đình rộng lớn.
Lời cầu nguyện của Mùa Giáng Sinh năm nay
Lời nguyện của niềm khao khát sự bình an và lòng trắc ẩn
Lời nguyện dành cho toàn thể gia đình nhân loại,
Khi chúng ta kính thờ một Hài Nhi bé nhỏ
Đấng kêu gọi tất cả trở thành con cái của Ngài. Amen.
Nguồn:
Blessings for the Signs of Christmas by Jane Deren, Ph.D
Sưu tầm và chuyển dịch:
Lm Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
Đêm Giáng Sinh 24 tháng 12, Tổng thống Trump và phu nhân đã có một diễn từ đặc biệt trong đó ông và đệ nhất phu nhân Melania Trump dâng lời tạ ơn Chúa vì muôn hồng ân của Ngài và cám ơn tất cả mọi người.
Mở đầu, đệ nhất phu nhân nói:
Các tín hữu Kitô kỷ niệm phép lạ vĩ đại nhất trong lịch sử loài người hơn 2000 năm trước, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến với chúng ta. Một thiên thần đã loan báo sự ra đời của Con Chúa và là Đấng cứu tinh của chúng ta cho những người chăn cừu nghèo hèn. Thiên thần nói: Đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của vua Ðavít. Ngài là Đấng Thiên Sai, Đức Chúa. Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ. Trong ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta cảm ơn Chúa vì đã gửi cho chúng ta Con Một của Ngài để mang lại hòa bình cho tâm hồn chúng ta và niềm vui cho thế giới.
Như các bạn đã biết Giáng Sinh năm nay khác với những năm trước. Chúng ta đang chiến đấu với một đại dịch toàn cầu đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Tuy nhiên, thông qua thử thách lớn này, chúng ta đã được truyền cảm hứng từ lòng tốt và lòng dũng cảm của các công dân trên khắp đất nước này. Các giáo viên đã làm việc chăm chỉ một cách phi thường để giúp con em chúng ta học tập. Các học sinh, sinh viên đã giao các món hàng cho những người hàng xóm cao niên. Các khu phố đã tìm ra những cách mới để giữ kết nối với nhau. Những người ứng cứu đầu tiên dũng cảm, các bác sĩ và y tá đã cống hiến mọi thứ để cứu mạng sống nhiều người. Các nhà khoa học xuất sắc đã phát triển các phương pháp điều trị và vắc xin.
Chúng ta đang cung cấp hàng triệu liều vắc-xin an toàn và hiệu quả để sớm chấm dứt đại dịch khủng khiếp này và cứu sống hàng triệu triệu người. Chúng tôi biết ơn tất cả các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các công nhân trong các nhà máy và những người cung ứng các dịch vụ, những người đã làm việc không mệt mỏi để có thể tạo ra đột phá này. Đó thực sự là một phép lạ Giáng sinh trong thời gian tuyệt vời này trong năm.
Chúng tôi cũng cảm ơn những người Mỹ dũng cảm và vị tha, những người đã giữ cho chúng ta an toàn. Chúng tôi mãi mãi biết ơn những người nam nữ thực thi pháp luật và những anh hùng trong quân đội Hiệp Chúng Quốc.
Trong mùa thánh thiêng này, chúng ta cảm ơn Thiên Chúa vì tình yêu vô hạn của Ngài, và chúng ta cầu nguyện xin cho ánh sáng vinh quang của Ngài sẽ mãi mãi chiếu sáng trên vùng đất tráng lệ này.
Thay mặt cho Melania và toàn thể gia đình Trump, chúng tôi kính chúc các bạn một mùa Giáng Sinh vui vẻ và một năm mới hạnh phúc.
Source:Fox News
Lúc 12g trưa thứ Sáu 25/12, Đức Thánh Cha đã đọc Sứ điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi gởi Rôma và toàn thế giới, và ban phép lành kèm Ơn Toàn Xá.
Thông thường, trong các năm trước, các buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và Phục Sinh đều có đông đảo các tín hữu và khách hành hương đứng chật quảng trường Thánh Phêrô, từ vài chục ngàn người đến hàng trăm ngàn người chờ đợi Đức Thánh Cha ban phép lành từ ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô.
Năm nay không được như thế. Đại dịch coronavirus đang tấn công mạnh mẽ đến mức khiến Thủ tướng Giuseppe Conte phải áp đặt lại lệnh cách ly nghiêm nhặt như hồi tháng Ba vừa qua. Lệnh cách ly mới có hiệu lực ngay sau lễ Giáng Sinh. Do đó, quảng trường Thánh Phêrô vắng hoe chỉ có lác đác đó đây các hiến binh Vatican và vài người cảnh sát Ý.
Toàn bộ buổi đọc sứ điệp và kinh truyền tin đã diễn ra tại phòng họp Benedizione, nghĩa là Chúc lành, trong dinh Tông Tòa của Vatican, trước sự hiện diện của khoảng 50 người trở lại. Tại phòng họp này, hôm thứ Hai 21 tháng 12 đã diễn ra buổi tiếp kiến chúc mừng Giáng Sinh Đức Thánh Cha dành cho Hồng Y Đoàn và Giáo triều Rôma.
Bên cạnh Đức Thánh Cha, chúng tôi nhận thấy có Đức Hồng Y Angelo Comatri là Giám Quản Đền Thờ Thánh Phêrô và Đức Ông Guido Marini, chưởng nghi, phụ trách các nghi lễ Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng.
Mở đầu Đức Thánh Cha nói:
Tôi muốn chuyển đến mọi người thông điệp mà Giáo hội loan báo trong ngày lễ này, theo lời của Tiên tri Isaia: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng cho chúng ta” (Is 9: 5).
Một hài nhi được sinh ra: sinh ra luôn là nguồn hy vọng, là mầm sống, là hứa hẹn của tương lai. Và Hài Nhi này, là Chúa Giêsu, đã được “sinh ra cho chúng ta”: một chúng ta không có biên giới, không có những đặc quyền hay những loại trừ. Hài Nhi mà Đức Trinh Nữ Maria sinh ra tại Bethlehem đã được sinh ra cho tất cả mọi người: hài nhi ấy là “Con Một” mà Thiên Chúa đã ban cho toàn thể gia đình nhân loại.
Nhờ Hài Nhi này, tất cả chúng ta có thể hướng về Thiên Chúa và gọi Người là “Cha”, là “Bố”. Chúa Giêsu là Con Một; không ai khác biết Chúa Cha, trừ ra Chúa Con. Nhưng Ngài đã đến thế gian chính xác là để mạc khải thiên nhan của Chúa Cha cho chúng ta. Và như vậy, nhờ Hài Nhi này, tất cả chúng ta có thể gọi nhau là anh em và thực sự là anh em với nhau: bất kể sống ở châu lục nào, bất kể những dị biệt về ngôn ngữ và văn hóa, bất kể những khác biệt về bản sắc giữa chúng ta, tất cả chúng ta đều là anh chị em.
Trong thời điểm lịch sử này, được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng sinh thái và sự mất cân bằng nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, và tình hình còn trầm trọng hơn bởi đại dịch coronavirus, chúng ta cần tình huynh đệ hơn bao giờ hết. Và Thiên Chúa ban tình huynh đệ ấy cho chúng ta bằng cách ban cho chúng ta Con Ngài là Chúa Giêsu: đó không phải là một tình huynh đệ được tạo nên bởi những lời hoa mỹ, những lý tưởng trừu tượng, những tình cảm mơ hồ… Không, không phải như thế. Nhưng đó là một tình huynh đệ dựa trên tình yêu thương thực sự, có khả năng gặp gỡ tha nhân, là những người khác biệt với chúng ta – có khả năng thương cảm trước những đau khổ của họ, để tiếp cận và chăm sóc họ ngay cả khi họ không phải là những người trong gia đình tôi, trong dân tộc tôi, tôn giáo của tôi; người ấy khác tôi nhưng người ấy là anh trai tôi, là em gái tôi. Và điều này cũng đúng trong quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia: tất cả đều là anh em!
Trong ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta cử hành biến cố ánh sáng của Chúa Kitô đến thế gian và Ngài đến cho mọi người: không phải chỉ cho một số người mà thôi. Ngày nay, trong thời kỳ tăm tối và bất định gây ra bởi đại dịch, một số tia sáng hy vọng xuất hiện, chẳng hạn như những khám phá về vắc-xin. Nhưng để những ngọn đèn này chiếu sáng và mang lại hy vọng cho toàn thế giới, chúng phải có sẵn cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể để những quốc gia khép kín ngăn cản chúng ta sống như một gia đình nhân loại thực sự, như chúng ta phải là. Chúng ta cũng không thể để vi-rút của chủ nghĩa cá nhân cực đoan đè bẹp chúng ta, và khiến chúng ta thờ ơ trước những đau khổ của các anh chị em khác. Tôi không thể đặt mình trước người khác, đặt luật thị trường và các bằng sáng chế phát minh lên trên luật tình yêu và sức khỏe của nhân loại. Tôi yêu cầu tất cả mọi người: các nhà lãnh đạo nhà nước, các công ty, các tổ chức quốc tế thúc đẩy hợp tác chứ không phải cạnh tranh, và tìm kiếm một giải pháp cho tất cả: vắc xin cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất ở tất cả các khu vực trên hành tinh này. Ở vị trí ưu tiên, phải là những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất!
Xin Chúa Hài Đồng giúp chúng ta luôn sẵn sàng, rộng lượng và hỗ trợ, đặc biệt là đối với những người yếu đuối nhất, những người bệnh tật và những người thất nghiệp hoặc gặp khó khăn nghiêm trọng do những hậu quả kinh tế gây ra bởi đại dịch, cũng như những phụ nữ, là những người trong những tháng bị cô lập gần đây đã phải hứng chịu bạo lực gia đình.
Đối mặt với một thử thách đang vượt qua mọi biên giới, chúng ta không thể dựng lên những rào cản. Chúng ta phải sát cánh bên nhau. Mỗi người đều là anh em của tôi. Trong mỗi người tôi nhìn thấy thiên nhan của Chúa được phản chiếu, và trong những người đau khổ, tôi thấy Chúa đang cầu xin sự giúp đỡ của tôi. Tôi thấy điều đó ở những người bệnh tật, những người nghèo, những người thất nghiệp, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người di cư và người tị nạn: tất cả là anh chị em!
Vào ngày mà Lời Chúa trở thành một hài nhi, chúng ta hãy hướng ánh mắt của mình đến quá nhiều trẻ em trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Syria, Iraq và Yemen, vẫn phải trả giá đắt trong các cuộc chiến. Khuôn mặt của họ phải làm rung chuyển lương tâm của những người có thiện chí, để nguyên nhân của các cuộc xung đột được giải quyết và chúng ta có can đảm làm việc nhằm kiến tạo một tương lai hòa bình.
Có thể đây là thời điểm thích hợp để xoa dịu căng thẳng khắp Trung Đông và vùng Đông Địa Trung Hải.
Cầu mong Chúa Giêsu Hài Đồng chữa lành vết thương cho những người dân Syria yêu dấu, những người đã kiệt quệ vì chiến tranh và những hậu quả của nó, đến nay là cả một thập kỷ rồi, và tình trạng của họ càng thêm trầm trọng bởi đại dịch. Xin Chúa mang lại niềm an ủi cho người dân Iraq và tất cả những người tham gia vào con đường hòa giải, đặc biệt là người Yazidis, đã bị thương tổn thê thảm trong những năm cuối cùng của cuộc chiến. Xin Chúa mang lại hòa bình cho Libya và mở ra một giai đoạn mới trong các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm chấm dứt mọi hình thức thù địch ở nước này.
Xin Chúa Hài Đồng ban tình huynh đệ cho mảnh đất đã chứng kiến Người sinh ra. Cầu xin cho người Israel và người Palestine khôi phục lòng tin lẫn nhau để tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài thông qua đối thoại trực tiếp, có khả năng vượt qua bạo lực và vượt qua những oán hận đang thống trị vùng đất này, để họ có thể làm chứng cho thế giới về vẻ đẹp của tình huynh đệ.
Cầu mong ngôi sao chiếu sáng đêm Giáng sinh sẽ là người dẫn đường, cổ võ tinh thần cho người dân Li Băng, để với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế họ không mất hy vọng trước những khó khăn đang gặp phải. Cầu xin Hoàng tử Hòa bình giúp các nhà lãnh đạo đất nước gạt bỏ những lợi ích cụ thể sang một bên và dấn thân một cách nghiêm túc, trung thực và minh bạch để Li Băng có thể đi theo con đường cải cách và tiếp tục thực hiện ơn gọi của quốc gia này là trở nên một vùng đất tự do và chung sống hòa bình.
Cầu mong Con của Đấng Tối cao ủng hộ cam kết của cộng đồng quốc tế và các quốc gia liên quan trong việc tiếp tục cuộc ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh, cũng như ở các khu vực phía đông của Ukraine, và thúc đẩy đối thoại như cách thế duy nhất dẫn đến hòa bình và hòa giải.
Xin Chúa Hài Đồng xoa dịu nỗi đau khổ của người dân Burkina Faso, Mali và Niger, nơi bị tấn công bởi một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, mà căn cội là chủ nghĩa cực đoan và xung đột vũ trang, cũng như đại dịch và các thảm họa thiên nhiên khác; xin Chúa ngăn chặn bạo lực ở Ethiopia, nơi nhiều người buộc phải chạy trốn do giao tranh; xin Chúa mang lại ơn an ủi cho cư dân của vùng Cabo Delgado ở phía bắc Mozambique, và những nạn nhân của bạo lực khủng bố quốc tế; xin Chúa khuyến khích các nhà lãnh đạo Nam Sudan, Nigeria và Cameroon tiếp tục hành trình đối thoại và huynh đệ đã thực hiện.
Cầu mong Lời Vĩnh Hằng của Cha là nguồn hy vọng cho lục địa Mỹ Châu, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi coronavirus, đang làm trầm trọng thêm nhiều đau khổ đã đè nặng lên lục địa này, và thường trở nên trầm trọng hơn do hậu quả của tham nhũng và nạn buôn bán ma túy. Xin Chúa giúp vượt qua những căng thẳng xã hội gần đây ở Chí Lợi và chấm dứt sự đau khổ của người dân Venezuela.
Xin Chúa bảo vệ những người dân bị thiên tai ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Phi Luật Tân và Việt Nam, nơi có nhiều cơn bão đã gây ra lũ lụt với hậu quả tàn khốc đối với các gia đình sống ở những vùng đất đó, gây ra các thiệt hại nhân mạng, thiệt hại môi trường và những hậu quả đối với nền kinh tế địa phương.
Và khi nghĩ đến Á Châu, tôi không thể nào quên những người Rohingya: Cầu xin Chúa Giêsu, Đấng đã sinh ra nghèo khó giữa những người nghèo, mang lại hy vọng trong những đau khổ của họ.
Anh chị em thân mến,
“Một hài nhi được sinh ra cho chúng ta” (Is 9:5). Ngài đến để cứu chúng ta! Ngài thông báo rằng đau khổ và cái ác không có tiếng nói sau cùng. Chiều theo bạo lực và bất công có nghĩa là phủ nhận niềm vui và hy vọng của Giáng sinh.
Trong ngày lễ này, tôi nhớ cách riêng đến những người không để cho mình bị choáng ngợp bởi những hoàn cảnh bất lợi, nhưng cố gắng mang lại hy vọng, sự an ủi và giúp đỡ, trong khi giúp đỡ những người đau khổ và đồng hành với những ai cô đơn.
Chúa Giêsu sinh ra trong chuồng gia súc, nhưng được bao bọc trong tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse. Khi hoá thành nhục thể, Con Thiên Chúa đã thánh hiến tình yêu gia đình. Suy nghĩ của tôi lúc này là đến các gia đình: đến những người không thể đoàn tụ hôm nay, cũng như những người bị buộc phải ở nhà. Ước gì Giáng sinh là dịp để mọi người khám phá lại gia đình là cái nôi của sự sống và đức tin; là nơi đón nhận tình yêu thương, đối thoại, tha thứ, liên đới huynh đệ và chia sẻ niềm vui, là nguồn bình an cho toàn thể nhân loại.
Chúc mọi người Giáng Sinh vui vẻ!
Sau đó, Đức Thánh Cha xướng kinh Truyền Tin
Kế tiếp là nghi thức ban phép lành kèm Ơn Toàn Xá
Mở đầu nghi thức, Đức Hồng Y trưởng đẳng phó tế, tuyên bố chủ ý của Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho những người nói trên, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.
Đức Thánh Cha đã long trọng đọc lời nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, vì lời cầu bầu của Mẹ Maria, của các thánh tông đồ Phêrô, Phaolô và toàn thể các thánh, mà xá giải mọi tội lỗi và hình phạt bởi tội lỗi cho các tín hữu.
Ngài đọc như sau:
Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.
Nhờ lời cầu bầu và công nghiệp của Đức Trinh nữ Maria, của tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.
Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen.
Sau nghi thức ban phép lành, Đức Thánh Cha nói thêm:
Anh chị em thân mến, tôi lặp lại lời chúc Giáng Sinh hạnh phúc đến tất cả anh chị em, được kết nối từ khắp nơi trên thế giới, qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác. Tôi cảm ơn vì sự hiện diện trong tinh thần của anh chị em vào ngày được đánh dấu bằng niềm vui này. Trong những ngày này, bầu khí Giáng Sinh mời gọi mọi người trở nên tốt hơn và huynh đệ hơn, chúng ta đừng quên cầu nguyện cho những gia đình và cộng đoàn đang sống trong nhiều đau khổ. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa Giáng sinh vui vẻ, và xin tạm biệt!
Liên quan đến COVID-19, hãng thông tấn Ý ANSA hôm 23 tháng 12 đưa tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã được kiểm tra Covid-19 vào thứ Hai, ngày 21 tháng 12 và đã nhận được kết quả âm tính.
Đức Thánh Cha đã có cuộc kiểm tra sau khi Đức Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski, 57 tuổi, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng cho kết quả dương tính sau khi ngài cảm thấy một số triệu chứng của coronavirus vào sáng thứ Hai hôm đó. Kiểm tra y tế cho thấy vị Hồng Y có những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm phổi, do đó, ngài được đưa đến bệnh viện Gemelli ở Rome, nơi ngài đang được điều trị.
Các nguồn tin của Vatican nói với thông tấn xã ANSA rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức sinh nhật lần thứ 84 vào ngày 17 tháng 12, và vị Hồng Y người Ba Lan đã được nhìn thấy nói chuyện với ngài trong khoảng một phút hoặc lâu hơn vào hôm thứ Sáu tuần trước, ngày 18 tháng 12, trong nhà nguyện của Điện Tông Tòa, trước khi lắng nghe bài giảng Mùa Vọng cuối cùng do Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng phụ trách. Tuy nhiên, điều may mắn là cả Đức Giáo Hoàng và vị Hồng Y Ba Lan đều đeo khẩu trang y tế khi gặp nhau vào buổi sáng hôm đó, do đó làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng.
Source:Libreria Editrice Vaticana