Ngày 25-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Thánh Gia 26/12/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:16 25/12/2021

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA

BÀI ĐỌC 1 1Sm 1:20-22,24-28

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

Ngày qua tháng lại, bà An-na thụ thai, sinh con trai và đặt tên cho nó là Sa-mu-en, vì bà nói: “Tôi đã xin Đức Chúa được nó.” Người chồng là En-ca-na lên với cả gia đình để dâng hy lễ thường niên cho Đức Chúa và để giữ trọn lời khấn hứa của mình. Bà An-na không lên, vì bà nói với chồng: “Đợi cho đến khi đứa trẻ cai sữa đã. Khi đó em sẽ đưa nó đi, nó sẽ ra mắt Đức Chúa và sẽ ở lại đó mãi mãi.”

Sau khi cai sữa cho con, bà đưa nó lên với mình, mang theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu. Bà đưa con vào Nhà Đức Chúa tại Si-lô; đứa trẻ còn nhỏ lắm. Họ sát tế con bò và đưa đứa trẻ đến với ông Ê-li.

Bà nói: “Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề: tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với Đức Chúa. Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người. Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa.” Và ở đó, họ thờ lạy Đức Chúa.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Ga 3:1-2,21-24

Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.

Anh em thân mến, anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.

Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người.

Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta.

Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.

Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG x. Cv 16:14b

Alleluia. Alleluia.

Lạy Chúa, xin mở lòng cho chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa.

Alleluia.

TIN MỪNG Lc 2:41-52

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.

Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.

Đó là Lời Chúa.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Chủ tế: Chủ tế: Anh chị em thân mến! Hôm nay toàn thể Hội Thánh hân hoan mừng lễ Thánh Gia. Trong tinh thần hợp nhất với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, chúng ta đồng thanh chúc tụng và cầu xin.

1. “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái, quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đàn con”. Xin cho những người làm con ý thức sự quan trọng và cần thiểt của đức hiếu thảo là có giá trị và hiệu năng, xóa bỏ tội lỗi và dẫn đến sự sống muôn đời. Chúng con cùng cầu xin Chúa.

2. “Của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi”. Xin cho người tín hữu biết mình có cha mẹ trần thế và Cha trên trời mà thi hành những bổn phận được trao phó. Chúng con cùng cầu xin Chúa.

3. “Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?”. Xin cho gia đình nhân loại biết bảo tồn và cổ võ phẩm giá tự nhiên, cũng như giá trị thiêng liêng của đời sống gia đình, để cuộc sống gia đình là môi trường giúp con người thăng tiến. Chúng con cùng cầu xin Chúa.

4. “Người theo hai ông bà về Nagiareth và Người vâng phục hai ông bà” Xin cho giới trẻ biết noi gương Chúa Giêsu luôn tìm cách phát huy đời sống đạo đức và nhân bản, hằng sẵn sàng vâng phục những lời giáo huấn của cha mẹ. Chúng con cùng cầu xin Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nỗ lực cải thiện bản thân để mỗi người chúng con nên những con ngoan của Giáo Hội và xã hội. Nhờ đó tinh thần vâng phục và yêu thương dược phát huy trong các cộng đoàn dân Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
 
Thay đổi lớn tại Giáo triều Rôma trong những ngày tới. Các Giám Mục Chile rất âu lo sau cuộc bầu cử
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:31 25/12/2021


1. Khủng hoảng ở Nigeria “ngày càng trông giống như một cuộc thánh chiến chống lại các tín hữu Kitô”

Cuộc khủng hoảng ở Nigeria dường như là một cuộc chiến chống lại các tín hữu Kitô ở quốc gia Tây Phi, Giám mục Công Giáo của Giáo phận Makurdi của nước này đưa ra lập trường trên.

Trong một thông điệp được tổ chức tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, công bố hôm thứ Sáu, 17 tháng 12, Đức Cha Wilfred Chikpa Anagbe nói rằng việc phá hủy các nhà thờ, trường học Kitô và giết chết các Linh mục và Mục sư trong nước chứng tỏ rằng các cuộc tấn công đang cố ý nhắm vào những người theo Chúa Kitô.

“Chính phủ và một số người khác sẽ khiến thế giới tin rằng bạo lực ở Nigeria không liên quan gì đến tôn giáo, tuy nhiên, nó ngày càng giống một cuộc thánh chiến chống lại các tín hữu Kitô,” Đức Cha Anagbe nói.

Ngài giải thích rằng thủ phạm của các vụ tấn công “chủ yếu đến từ vùng cực bắc của Nigeria và chủ yếu là những người theo đạo Hồi”.

“Mô hình phá hoại của chúng phản ánh các nhóm khủng bố Hồi giáo khác hoạt động ở các vùng khí hậu khác và một số nhóm Nigeria này đã tuyên bố trung thành với các nhóm Hồi giáo như ISIS hoặc ISWAP”. Đức Cha nhấn mạnh rằng tất cả những kẻ tấn công “đều là những kẻ cực đoan.”

Đức Cha Anagbe cho biết thêm, trong nhiều năm, những kẻ cực đoan đã nhắm mục tiêu vào các trường học và nhà thờ Kitô Giáo “để khiến người dân cảm thấy bất lực, đói và nghèo ngay lập tức, và mù chữ trong tương lai gần.”

“Ở khắp các khu vực khác của Nigeria, những hành động tồi tệ nhắm vào những người theo Kitô Giáo vì đức tin của họ đã trở nên phổ biến. Chúng bao gồm các trường hợp khủng bố các linh mục và nữ tu, bắt cóc đòi tiền chuộc. Một số bị sát hại dã man ngay cả khi đã trả tiền chuộc để được thả”.

Ngài nói thêm rằng việc phá hủy các nhà thờ và cơ sở y tế “chỉ ra thực tế là các vụ khủng bố này là dựa trên niềm tin và nhằm mục đích tiêu diệt các quần thể Kitô Hữu và tiêu diệt đức tin Kitô”.

Để giải quyết các cuộc khủng hoảng, Đức Cha Anagbe nói rằng các Kitô hữu và người Hồi giáo ở quốc gia Tây Phi này cần phải có “một cuộc thảo luận cởi mở về vai trò của đức tin trong xã hội.”

“Vào một ngày như thế này, chúng ta cần nói với nhau một hoặc hai điều; chúng ta cần phải nhìn vào mặt người kia và nói ra những gì chúng ta cảm thấy bên trong. Tôi cảm thấy một số tức giận dữ dội, một số tức giận nóng bỏng bên trong tôi; vâng, chúng ta cần phải phẫn nộ trước những sự kiện đang xảy ra ở đất nước chúng ta, về sự đàn áp tôn giáo, nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ hoàn toàn với sự đạo đức giả vô nghĩa về chính trị của chúng ta”

Ngài lưu ý rằng việc duy trì “trạng thái cân bằng” của một người sau khi chứng kiến những hành động tàn bạo có thể rất khó khăn. Tuy nhiên, Đức Giám Mục nói rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo có nhiệm vụ phải bảo đảm người dân vẫn lạc quan về tương lai của họ.
Source:ACIAfrica

2. Đức Hồng Y Turkson cho biết nhiệm kỳ 5 năm của ngài đã hết và “chờ đợi quyết định mới của Đức Giáo Hoàng”

Hôm 19 tháng 12, Đức Hồng Y Peter Turkson, 73 tuổi, người Ghana là tổng trưởng đầu tiên của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, đã thông báo trên Twitter vào ngày 19 tháng 12, rằng ngài đã đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô vì nhiệm kỳ tổng trưởng của ngài sắp kết thúc.

Vị tổng trưởng khẳng định rằng việc từ chức này là để tuân theo các quy định nội bộ của Giáo triều, trong đó quy định rằng các tổng trưởng hoặc chủ tịch các Ủy ban Giáo Hoàng của Tòa thánh được bổ nhiệm “ad quinquennium” - nghiã là trong nhiệm kỳ 5 năm.

Tuy nhiên, việc bổ nhiệm và từ chức của các vị tổng trưởng trước hết phụ thuộc vào ý kiến của Đức Giáo Hoàng. “Bây giờ chúng ta phải chờ đợi một hành động mới từ Đức Giáo Hoàng,” vị Hồng Y người Ghana kết luận như trên trong thông điệp ngắn gọn của mình.

Hôm 17 tháng 12, tờ Il Media của Ý là phương tiện truyền thông đầu tiên loan báo về khả năng Đức Hồng Y Turkson từ chức. Với dòng tweet này, Đức Hồng Y xác nhận tin này. Tuy nhiên, ngài không đề cập đến bất kỳ khó khăn nào gặp phải trong bộ mà ngài chịu trách nhiệm.

Các nguồn tin của Vatican được Il Media trích dẫn báo cáo các vấn đề liên quan đến quản lý và đề cập đến việc “kiểm toán” do Đức Hồng Y Blase Cupich thực hiện vào mùa hè này như một trong những lý do cho sự ra đi của vị Hồng Y người Ghana.

Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện mà ngài là tổng trưởng tiên khởi chỉ mới được thành lập vào năm 2016. Ngài đã đứng đầu bộ này sau khi giữ chức chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện là sự kết hợp công việc của bốn Hội đồng Giáo hoàng được thành lập sau Công đồng Vatican II: Công lý và Hòa bình, Mục vụ Chăm sóc Người di cư và Người lưu động, Hỗ trợ Mục vụ cho Nhân viên Chăm sóc Y tế, và Cor Unum, nghĩa là Đồng Tâm.

Thông điệp trước đó của Đức Hồng Y Turkson trên Twitter đã đưa ra những lời chúc mừng sinh nhật dành cho Đức Thánh Cha và niềm vui khi được phục vụ cùng với ngài.
Source:Aleteia

3. Các giám mục Chí Lợi cam kết hỗ trợ cho tổng thống đắc cử Boric

Trong một diễn biến không mấy lạc quan, Gabriel Boric, 35 tuổi, một chính trị gia cánh tả, là người đã nổi lên như một nhân vật cầm đầu hàng loạt các cuộc biểu tình của sinh viên, đã được bầu làm tổng thống mới của Chí Lợi vào hôm Chúa Nhật, đánh bại đối thủ Công Giáo Jose Antonio Kast với hơn 10% số phiếu bầu.

Dưới sự hô hào của Gabriel Boric, hàng loạt các cuộc biểu tình đã nổ ra, trong đó nhiều nhà thờ Công Giáo đã bị đốt phá, nhiều tượng Chúa, Đức Mẹ và các thánh bị lôi ra khỏi các nhà thờ, đập tan tành trên các đường phố. Trong nhiều lần và nhiều dịp khác nhau Gabriel Boric tuyên bố rằng Giáo Hội Công Giáo là một một định chế cần phải bị loại bỏ hoàn toàn khỏi Chí Lợi.

Dù rất âu lo trước chiến thắng của Gabriel Boric, các Giám Mục nước này đã tìm cách đấu dịu với y. Các ngài đã nhanh chóng chúc mừng Gabriel Boric như người chiến thắng, người sẽ đảm nhận chức vụ tổng thống vào tháng Ba.

“Đất nước đã bày tỏ sự tín nhiệm đối với bạn và giao cho bạn một sứ mệnh to lớn, được định hướng để chỉ đạo vận mệnh của đất nước chúng ta với tư cách là người có thẩm quyền đầu tiên và là người phục vụ đầu tiên”, thông điệp của các Giám Mục được công bố vào tối Chúa Nhật, chỉ vài phút sau khi có kết quả tuyển cử.

“Chúng tôi cầu xin Chúa ban cho bạn sự khôn ngoan và sức mạnh của Ngài, điều mà bạn chắc chắn sẽ cần.” Tuyên bố được ký bởi Đức Hồng Y Celestino Aos Braco, Tổng giám mục Santiago, thủ đô của đất nước, và là chủ tịch hội đồng giám mục Chí Lợi.

“Sứ mệnh luôn lớn hơn khả năng và năng lực của chúng ta, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng - với sự cộng tác của người dân, công việc của các chủ thể chính trị và xã hội khác nhau luôn nhận được sức mạnh tinh thần đến từ niềm tin sâu sắc nhất của con người.”

“Giáo Hội Công Giáo đang hành hương tại Chí Lợi muốn tiếp tục đóng góp, từ sứ mệnh cụ thể của mình, để xây dựng một nhân loại công bằng và huynh đệ hơn, đặc biệt là nơi những người nghèo và những người đau khổ, để phẩm giá của họ được tôn trọng. Hãy tin tưởng vào sự ủng hộ và cầu nguyện của chúng tôi, và vào sự đóng góp từ hoạt động mục vụ của chúng tôi, mà chúng tôi sẽ luôn phát triển với sự tôn trọng thích đáng đối với trật tự dân chủ của đất nước chúng ta và các cơ quan được bầu cử hợp pháp của nó.”

Kast, 55 tuổi, con trai của những người nhập cư Công Giáo Đức. Cha mẹ ông đã thành lập một doanh nghiệp làm xúc xích rất thành công tại Chí Lợi. Kast là cha của chín người con và luôn luôn là một người ủng hộ thẳng thắn quyền sống của thai nhi, hôn nhân truyền thống, và các quyền của phụ huynh liên quan đến giáo dục của con cái họ.

Ông cũng là một thành viên của phong trào Công Giáo Schoenstatt, được thành lập ở Đức vào năm 1914 và có một sự hiện diện mạnh mẽ ở Chí Lợi.

Kast bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình với tư cách là một nghị sĩ đại diện cho Liên minh Dân chủ trung hữu. Vào năm 2016, ông rời đảng và trở thành một người độc lập cho đến năm 2019, khi ông thành lập đảng của riêng mình, Đảng Cộng hòa Hành động.

Khi Kast tranh cử tổng thống lần đầu tiên vào năm 2017, ông chỉ giành được 6% phiếu bầu, khi tranh cử với khẩu hiệu “Giảm thuế, giảm guồng máy chính phủ, và phò sinh”.
Source:Crux
 
Gia đình tôi học nơi Gia đình Thánh Gia thế nào?
Lm. Phạm Trọng Phương
10:18 25/12/2021
Gia đình tôi học nơi Gia đình Thánh Gia thế nào?

(Suy niệm lễ Thánh Gia Thất)

Một người lương dân đến xin gặp cha sở họ đạo. Họ đạo của ngài không đông lắm, nhưng có điều khác nhiều họ đạo: gia đình có đạo sống xen lẫn với các gia đình lương dân.

Sau vài câu xã giao, anh lương dân hỏi cha sở: Thưa ông, sao thấy mấy gia đình Công Giáo, có gia đình thì đi nhà thờ, có gia đình không đi?

Cha sở trả lời: chắc ông biết việc sống đạo đi nhà thờ là hoàn toàn tự do. Ai đi thì có phúc. Ai không đi thì chẳng được phúc gì.

Anh lương dân trả lời: Anh nói đúng ý tôi quá. Ai sống đạo đi nhà thờ thì có phúc. Như gia đình anh Giang ở gần nhà tôi, Chúa nhật nào cũng đóng cửa gửi nhà cho tôi, đi nhà thờ hết, nên vợ chồng thuận hoà và làm ăn khá lắm, con cái thì ngoan ngoãn và học hành giỏi giang.

Cha sở trả lời: Có, tôi biết gia đình anh chị Giang rất ngoan đạo.

Anh lương dân tiếp: Còn gia đình anh Chóp cũng ở gần nhà tôi. Tôi để ý coi thấy chẳng bao giờ đi nhà thờ, nên nghèo xơ nghèo xác, vợ chồng thì cãi cọ, bất hòa bất thuận, con cái thì bụi đời, phá làng phá xóm. Chính việc đó mà tôi đến xin gặp ông hôm nay đây,...

Anh người lương dân nín lặng một lúc rồi nói tiếp, dường như anh muốn làm cho cha sở chú ý nghe anh hơn: Tôi bị mất đồ nhiều lắm. Hôm nay tôi bắt quả tang con anh Chóp. Xin ông kêu nó đến sửa dạy dùm tôi.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Hôm nay toàn thể Giáo hội mừng lễ Thánh Gia Thất. Tại sao lại gọi là Thánh Gia Thất? Mừng lễ này nhằm giúp chúng ta điều gì? Hay nói đúng hơn chúng ta học được bài học gì qua việc mừng lễ Thánh Gia Thất này?

Nói đến Thánh Gia Thất hay Gia đình Nazaret thì chúng ta biết ngay đến Gia đình Thánh trong đó có Thánh Giuse đóng vai trò là người chồng, người cha; Đức Maria đóng vai trò là người vợ, người mẹ trong gia đình; và Chúa Giê-su đóng vai trò là người con.

Như chúng ta biết, tại sao gọi Gia đình Nazaret gọi là gia đình Thánh? vì nơi gia đình này có Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đức Giê-su Ki-tô, Ngài là Thiên Chúa thật, vì yêu thương loài người, vì muốn cứu độ loài người, nên Ngài đã chấp nhận nhập thể, chấp nhận làm người, mang bản tính con người, giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi để chia vui, sẻ buồn, sướng khổ của kiếp người.

Khi xuống làm người, Ngài cũng được đặt để trong một gia đình, có mẹ là Đức Maria, có Thánh Giuse là cha nuôi. Dù là Thiên Chúa, nhưng khi mang bản tính con người, Ngài đã chấp nhận thân phận làm con trong một gia đình. Ngài đã sống vâng phục cha mẹ thế gian là Đức Maria, Thánh cả Giuse.

Có thể khẳng định rằng Gia đình Nazaret là gia đình mẫu mực cho mọi gia đình, vì đây là gia đình thánh, gia đình có Chúa ở cùng. Quả thật, đây là gia đình kiểu mẫu thực sự mà mọi gia đình, mọi thành viên trong gia đình cần quan sát, học hỏi và bắt chước các nhân đức mà các thành viên trong gia đình Thánh Gia đã sống để gia đình luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và thuận hòa.

Trước hết, với Thánh Giuse: ngài là một người công chính, hiền lành, thánh thiện, luôn luôn sẵn sàng phục vụ vợ con qua công việc thợ mộc của mình. Là người chồng biết tôn trọng vợ của mình. Đặc biệt, thánh Giuse đã sống một đời sống âm thầm lặng lẽ để chỉ biết phục vụ và hy sinh mọi công việc cho gia đình luôn được hạnh phúc. Những đức tính đó không đáng để cho những người chồng, người cha trong gia đình học hỏi và bắt chước hay sao? Có thể nói, chúng ta đang sống trong một xã hội bạo lực gia đình đang hoành hành, đang lên ngôi, vì những người chồng, người cha say sưa rượu chè, cờ bạc; vì những người chồng người cha vô trách nhiệm với vợ với con để chỉ biết tìm thú vui chóng qua, tìm kiếm những gì là lạc thú.

Thứ đến, với Đức Maria, Mẹ đã sống hết mực là một người vợ, người mẹ trong gia đình là luôn luôn biết yêu thương, quý mến, biết nói năng dịu dàng dễ thương, biết lắng nghe Lời Chúa qua việc gần gũi với con của mình trong mọi nẻo đường của Đức Giê-su đã đi. Mẹ đã luôn luôn sống âm thầm, tức là suy đi nghĩ lại trong lòng những gì Chúa làm, Chúa nói để chung chia với cuộc sống trần gian của con mình. Nhờ đời sống khiêm nhường, hiền lành đạo hạnh, Mẹ đã giúp cho Giuse chồng Mẹ và cho Chúa Giê-su con Mẹ sống tốt và tràn ngập niềm vui trong gia đình. Điều đó không đáng cho các bà mẹ, các bà vợ học hỏi và noi gương bắt chước hay sao? Cũng có thể nói, ngày nay các gia đình tan nát và bất hòa, con cái hư hỏng và lao vào các tệ nạn, ngoài lỗi của người cha, người chồng, phần lớn là do người mẹ, người vợ vì ăn nói cộc cằn, thô kệch, chửi bởi, gương mù trong cách ăn nết ở, nhất là khô khan nguội lạnh trong đời sống kinh hạt, lễ lạy. Chính vì thế, gương nhân đức của Mẹ Maria phải làm tấm gương sáng chiếu cho hết thảy những ai làm mẹ, làm vợ trong gia đình.

Thứ ba, với Chúa Giê-su, Ngài là Con Thiên Chúa giáng trần nhưng Ngài đã sống xứng đáng là một người con trong gia đình nhân loại. Nghĩa là Ngài luôn luôn vâng lời, hiếu thảo, ngoan ngoãn với Thánh Giuse và với Mẹ Maria. Ngài đã luôn luôn cầu nguyện và sống phục vụ trong mọi nơi mọi lúc. Là những con trong gia đình, chúng con được mời gọi hãy sống như Chúa Giê-su đã sống là hãy siêng năng học hành, vâng lời cha mẹ, tránh các tệ nạn như rượu chè bê tha, lười biếng, trộm cắp, mất nết, chửi tục nói thề, ham chơi, nghiện ngập Games, lãng lách, đua xe,...khô khan, bỏ lễ, nhác đọc kinh,...

Thiết tưởng, gia đình Nazaret được gọi là gia đình thánh vì luôn có Chúa ở cùng. Cũng vậy, để gia đình luôn tràn ngập tình yêu thương, trên ấm dưới êm, hạnh phúc lan tràn, tiếng cười rồn rã,...thì gia đình cần có Chúa ở cùng. Vì thế, mỗi gia đình, mỗi thành viên trong gia đình cần siêng năng đến gặp gỡ Chúa qua các giờ kinh sáng tối, qua thánh lễ mỗi ngày, nhất là lễ Chúa nhật.

Lạy Thánh Gia, các ngài đã sống tình yêu đích thực trong gia đình, xin cho chúng con cũng biết noi gương các ngài để mỗi thành viên trong gia đình luôn biết yêu thương, nâng đỡ và phục vụ lẫn nhau để chúng con luôn biết giới thiệu một Thiên Chúa Tình Yêu cho tất cả mọi người chung quanh. Amen.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Lễ Thánh Gia : Thử tìm ba gương
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM
10:34 25/12/2021
Lễ Thánh Gia : Thử tìm ba gương

Nếu có ai đặt câu hỏi: gia đình nào xứng đáng là mẫu mực cho mọi gia đình khác noi theo, thì câu trả lời không gì khác hơn là : "gia đình Nadarét".

Nhưng dựa vào bài Tin Mừng Luca hôm nay, ta có vẻ không thấy như vậy. Gia đình thánh này cũng có lúc lục đục. Vậy tìm đâu ra gương? Ta thử...

1) Gương Giêsu

Năm 12 tuổi, trẻ Giêsu vượt bộ hơn trăm cây số, thường đi 4 ngày, từ Nazaret về Gierusalem dự lễ. Lễ xong (lễ cả tuần), ở lại mà chẳng gọi di động hoặc nhắn tin cho cha mẹ biết. Khi cha mẹ quay lại, 3 ngày mới tìm ra. Đáp lại câu trách của mẹ “sao con làm cho cha mẹ như thế, kìa cha và mẹ đau khổ đi tìm con,” thì Giêsu hỏi lại : “cha mẹ tìm con làm chi, cha mẹ không biết con phải ở trong nhà của Cha con sao?”

Chắc chắn là người con, ta không thể đối đáp như Đức Giêsu đáp trả lại mẹ Người như vậy. Mà ta học nơi Giêsu câu Luca mô tả sau đó : “Sau đó, Đức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazaret, và hằng vâng phục các ngài.” Đi xuống, vì Giêrusalem ở trên đồi Sion.

Có người giải thích : lẽ ra Chúa Giêsu bắt đầu hoạt động từ năm 12 tuổi cho đúng với chương trình của Chúa Cha trên trời, nhưng Đức Giêsu lại cũng muốn làm hài lòng cha trần thế, nên người trở về Nazaret thêm 18 năm, vâng phục mẹ cha dưới đất. Đó có thể là gương ta học được nơi Giêsu.

2) Gương Maria

Maria trách Giêsu : sao làm cha mẹ khổ vậy. Sau khi nghe Giêsu đáp lại, đúng hơn, vặn lại… “sao tìm con, con lo việc Cha con mà…” Maria chẳng hiểu gì, nhưng im lặng ghi nhớ, suy nghĩ trong lòng. Đó là gương của Mẹ đấy, cần học hỏi.

Một đôi lúc, giữ thinh lặng là cách duy nhất để giải quyết những cơn giận dữ. Erma Bombeck viết trong cuốn "Tình Mẹ" như thế này: "Tôi cho rằng mỗi một người con đều nhớ một đức tính đặc biệt nào đó về người mẹ của mình. Đức tính đó có thể là một sự khôn ngoan cứu giúp người con khỏi cảnh nguy hiểm, hoặc là một lời nói chỉ đường để giúp người con đạt tới mục đích cách dễ dàng. Riêng tôi, tôi yêu mẹ của tôi, bởi vì trong mọi lúc bà ấy chẳng nói điều gì hết."

Để có thể giữ thinh lặng trong khi bên trong nội tâm của mình sôi sùng sục, đòi hỏi rất nhiều sự tự chủ. Tuy nhiên, cũng có lúc thinh lặng nói lớn hơn là những lời la lên từ miệng lưỡi.

Thinh lặng, suy đi nghĩ lại trong lòng, đó là gương mẹ, mà ta cần bắt chước.

3) Gương Giuse

Nếu vai trò của Mẹ Maria trong gia đình Thánh Gia không phải là một chuyện dễ dàng, thì vai trò của Thánh Giuse cũng chẳng dễ dàng chi.

Một cha giảng phòng đã kết thúc bài giảng của ngài với các ông bố như sau: "Thánh Giuse là mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta."

Sau bài giảng, một ông bố đã tiến lên gặp vị giảng phòng và nói: "Với tất cả lòng tôn kính, thưa cha, trường hợp của Thánh Giuse thì khác hẳn với chúng tôi, những người bố bình thường. Thứ nhất, Giuse là một vị thánh. Thứ hai, vợ của Giuse vô nhiễm tội lỗi. Thứ ba, người Con của Giuse là Con Thiên Chúa… Tôi không phải là thánh, vợ của tôi thì tội lỗi, và con của tôi không phải là Con Thiên Chúa."

Vị giảng phòng trả lời: "Điều ông nói đúng, nhưng tôi xin thành thật hỏi ông thế này. Vợ của ông có phải là có thai trước đám cưới, mà ông không biết tại sao không? Hoặc là con của ông có khi nào bỏ nhà ra đi ba ngày mà ông không biết nó đi đâu không? Cả hai điều này đã xảy ra với Thánh Giuse."

Giuse cũng im lặng, chả nói lời nào, trong trường hợp lạc Giêsu hôm nay, cũng nhường lời cho vợ nói, vợ mắng, còn Giuse im lặng rồi dẫn hai mẹ con về nhà. Gương Giuse nằm ở chỗ đó.

Nhà thờ lúc nào các bà mẹ cũng đông hơn ông bố, nên xin tặng các bà mẹ chuyện này :

Có một câu nói quen thuộc : “Một bà mẹ có thể nuôi được mười đứa con, nhưng mười đứa con không thể nuôi được một bà mẹ”. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng đơn giản là thế, ta thử nghe :

Ngày kia, một con chim mẹ có một con chim non mới ra ràng mà chim mẹ rất mực yêu thương. Thế rồi đến thời kỳ di trú. Biết rằng con chim non còn quá bé nhỏ, không thể bay đi xa được, nên chim mẹ cõng chim non trên lưng.

Và thế là hai mẹ con nhà chim bắt đầu cuộc hành trình bay về phía nam. Ban đầu, chuyến bay tương đối dễ dàng, nhưng thời gian trôi qua, con chim non trở nên nặng hơn, và chim mẹ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, chim mẹ vẫn tiếp tục bay. Ngày kia, trong khi cả hai mẹ con đang nghỉ ngơi, chim mẹ quay sang chim con và nói : “Con của mẹ, con hãy nói thật cho mẹ nghe, khi mẹ già rồi, mẹ sẽ không đủ sức bay xuyên qua đại dương xuôi về phía nam, thế con sẽ cõng mẹ trên lưng và bay chứ?”.

Con chim con đáp “Mẹ ơi, con không thể hứa gì với mẹ về điều đó”.

Chim mẹ hỏi, “Mà tại sao lại không hứa được?”

“Bởi vì có thể chính con cũng bận rộn, vì phải cõng những đứa con của con trên lưng, giống như mẹ đang làm cho con bây giờ vậy”.

Vậy là : có lẽ chăm sóc chính những đứa con của mình lại là cách thức tốt nhất, để đền đáp công ơn cha mẹ đã săn sóc mình.

Nhưng chúng ta là con người chứ chẳng phải chim. Chim con không cõng chim mẹ được, vì nó đã là mẹ và phải cõng con của nó. Chim chỉ làm được từng việc một. Còn con người, với khối óc, bàn tay, có thể chăm sóc cả con lẫn mẹ, hoặc nhờ người chăm sóc.

Nếu trong một gia đình mà người này vì người kia, người kia vì người này, mình chăm sóc người kia, người kia chăm sóc người nọ, mọi người chăm sóc nhau, thì nơi gia đình đấy, chính là thiên đình.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Ngắm Gia đình Chúa Giêsu và nhìn lại gia đình ta
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
13:22 25/12/2021
NGẮM GIA ĐÌNH CHÚA GIÊSU

VÀ NHÌN LẠI GIA ĐÌNH TA

Để làm người, Chúa Giêsu, Đấng là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã chọn cách làm con, sống như mọi người con trong gia đình. Chúa là con trong tay Đức Mẹ, trong tay thánh Giuse. Người đã để cha mẹ của mình săn sóc, bồng ẵm, cho bú mớm, nuôi dưỡng và lớn lên trong tay cha mẹ mình. Chúa làm con “hoàn hảo” đến nỗi, không bao giờ Đức Mẹ và thánh Giuse phải ngậm ngùi, ngỡ ngàng vì bất chợt “thấy Chúa” hơn là “thấy con” nơi trẻ Giêsu của mình.

Chúa đã chọn cho mình một gia đình để làm người như tất cả chúng ta là người. Chúa đã sinh ra từ một gia đình để biến gia đình của Chúa thành kiểu mẫu cho mọi gia đình. Ơn thánh hóa trong gia đình của Chúa ngập tràn, để nói cùng mọi người rằng, gia đình nào biết để cho Chúa ngự trị, Chúa ở cùng, Chúa đồng hành, gia đình ấy cũng sẽ được Chúa chúc lành, được Chúa nâng đỡ và thánh hóa.

Chúa đã sinh ra từ một người mẹ rất thánh và chọn cho mình một người cha thánh thiện để dạy mọi thành viên trong gia đình hãy sống ơn gọi nên thánh, hãy dành tình yêu cho nhau thật chân thành, mọi nơi mọi lúc. Đó cũng là bài học dạy các gia đình: Đời sống thánh thiện được thể hiện qua từng nếp nghĩ, nếp làm, sẽ nâng cao giá trị gia đình, sẽ là nền tảng trong mọi quyết định của gia đình. Đó cũng là bài học về ơn nghĩa vợ chồng, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, sự đùm bọc, quan tâm, lo lắng cho nhau không bao giờ được phép vắng bóng.

Hạnh phúc nơi gia đình của Chúa dạy tất cả các gia đình: hạnh phúc không xuất phát từ tiền của, danh vọng, nhưng xuất phát từ một đời sống cầu nguyện và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Cuộc sống nơi gia đình Chúa, cũng giống như bao nhiêu gia đình trên thế giới: có đầy đủ những ngày mưa, những ngày nắng. Tai ương đã kéo về đe dọa từ khi những con người trong gia đình ấy còn chưa sống bên nhau. Chỉ có thánh ý Chúa là nổi bậc trong mọi quyết định, để giữ vững hạnh phúc mà thôi.

Bình an nơi gia đình của Chúa dạy các gia đình: Bình an không phải là “chăn ấm, nệm êm”, nhưng là bình an nội tâm gắn kết với thánh giá qua mọi chiều kích của cuộc sống. Bởi qua bao nhiêu thăng trầm, Đức Maria vẫn luôn ghi nhận từng biến cố và suy niệm trong lòng.

Thánh Cả Giuse cũng chỉ chống đỡ bằng thái độ trầm tư, thinh lặng và chìm đắm trong nguyện cầu. Chúa Giêsu càng lớn, càng thêm khôn ngoan, càng đầy ơn Thánh Thần để mãi trung thành với Thánh ý dù phải vượt thác băng ghềnh.

Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng nói riêng, nhiều thành viên trong các gia đình nói chung, hết sức sai lầm khi tự biến mình thành những kẻ bị chôn vùi trong cám dỗ của kiếm tiền và vòng xoáy của công việc.

Họ biện minh bằng những bộn bề này tiếp nối lo toan kia. Từ đó, ngôi nhà của họ chẳng khác quán trọ qua đêm. Vợ chồng con cái chỉ trở về nhà để nghỉ ngơi, thậm chí không còn những bữa ăn chung, những buổi sinh hoạt gia đình...

Con cái lớn lên lúc nào không hay nên cả vợ lẫn chồng không thể cùng con chia sẻ những vui buồn trong sinh hoạt hằng ngày; không thể hiểu được con, nhất là không thể hiểu tâm sinh lý của con khi con bước vào tuổi mới lớn, là lứa tuổi có nhiêu biến động hơn hết mọi lứa tuổi...

Mải miết với công việc, mải miết cùng lý do cơm áo gạo tiền..., để rồi kết quả cuối cùng có khi thật ê chề, thật đau đớn: vợ chồng, con cái dần trở nên xa lạ, khó hiểu nhau, khó trao đổi và tâm sự cùng nhau. Từng thành viên trong gia đình, dù ở cạnh nhau, tự dưng trở nên xa vắng. Tương quan trong cùng một gia đình sao cứ lỏng lẻo và ngày càng lao dốc trong sự lỏng lẻo ấy.

Vì thế, chúng ta hãy luôn ghi nhớ, chỉ có gia đình mới là mái ấm hạnh phúc lớn nhất mà ta từng có. Chỉ có hạnh phúc gia đình mới là thứ quí giá nhất, lớn lao nhất của đời người. Chỉ có gia đình mới là chốn bảo vệ, nơi hun đúc nghị lực giúp ta vượt mọi khó khăn, mọi thách thức, mọi thăng trầm, mọi buồn vui của cả kiếp người...

Gia đình, nơi trú ngụ an toàn trong đời, không thể có bất cứ nơi nào bằng.

Gia đình, nơi duy nhất cho ta sự nghỉ ngơi sau bao nhiêu bôn ba, va chạm giữa chợ đời.

Gia đình, nơi của những tiếng cười, những lời ru không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm đời người.

Gia đình, nơi mà những bữa cơm dù thiếu thốn hay đủ đầy, mãi theo từng bước chân của kẻ bắt đầu từ đó ra đi.

Gia đình, nơi từng con người học cách yêu thương, học quan tâm, chăm sóc người khác ngoài bản thân.

Gia đình, mái trường đầu tiên cho ta thành nhân, thành thân để có thể bước ra với đời mang theo cách sống, cách giao tiếp khi phải nhập cuộc vào xã hội.

Gia đình, nơi mà bất cứ lúc nào ta cũngcó thể quay về tìm chốn an nghỉ, tìm sức mạnh tinh thần cho mọi hoàn cảnh, thậm chí cả những hoàn cảnh suy sụp nhất của đời ta.

Hãy cử hành những giờ kinh, giờ cầu nguyện, giờ suy tôn Lời Chúa trong gia đình. Hãy luôn nhắc nhở nhau giữ gìn ơn Chúa bằng sự siêng năng cầu nguyện chung, riêng, cầu nguyện cho chính bản thân và cho nhau. Hãy thúc giục nhau cử hành thánh lễ, nhất là các thánh lễ Chúa nhật. Hãy cùng nhau siêng năng lãnh bí tích, nhất là bí tích hòa giải và Mình Thánh Chúa. Hãy thường xuyên hiến dâng gia đình mình cho Thiên Chúa, Dức Mẹ và thánh Giuse...

Các thành viên trong gia đình cần luôn gắn bó với nhau trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện. Đừng bao giờ đánh mất gia đình bằng bất cứ hành động hay suy nghĩ dại dột nào. Bởi nếu tự đánh mất gia đình, ta đang tự đánh mất nguồn sống, chỗ dựa và sự trưởng thành bền bỉ, hiệu quả và hiện sinh nhất của đời ta.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:58 25/12/2021

23. Con người ta nếu không biết rằng làm nô lệ cho xác thịt là nhục nhã đến mức nào, thì thật là giống loài yêu quái, đánh mất sự thông minh sáng suốt của mình.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:04 25/12/2021
48. ANH TRUNG EM GIAN

Văn Thiên Tường vì Tống triều mà tuẫn tiết, em của ông ta là Văn Khê Khước lại đầu hàng quân Nguyên.

Hồi ấy có người viết bài thơ như sau:

- “Giang Nam nghe nói núi sông đẹp,

anh bị nạn em cũng gian nan;

đáng tiếc hoa mai tim kỳ lạ,

cành nam thì ấm, cành bắc lạnh”.


(Tăng Đính Giải Nhân Di Tân tập)

Suy tư 48:

Ở đời, cái chuyện anh ở phía bên phương nam này còn em thì ở phía bên phương bắc kia thì chẳng có gì là lạ cả, chiến tranh thì phải như thế thôi. Cái chuyện lạ là anh em cùng một cộng đoàn, cùng một nhà, một tổ quốc, mà lại coi nhau như kẻ thù, hoặc như người xa lạ...

Có những người ở trong cộng đoàn nhưng coi anh em, chị em như kẻ xa lạ, cần phải chia bè kết cánh để loại bỏ nhau; có những đứa con cùng cha cùng mẹ trong một nhà, nhưng lại không qua lại trò chuyện với nhau vì giành nhau gia tài của cha mẹ để lại; có những người cùng làng cùng nước nhưng lại coi nhau như kẻ thù vì tranh giành quyền lực, tranh giành quyền lợi làm ăn, tranh dành địa vị...

Vì ý thức hệ mà anh tuẫn tiết cho nhà Tống, và em thì đầu hàng nhà Nguyên.

Dù sống trong thể chế nào, thì người Ki-tô hữu cũng vẫn luôn lấy Lời Chúa làm ánh sáng soi đường cho cuộc đời của mình, họ không tuẫn tiết cho nước Tống cũng không đầu hàng quân Nguyên, nhưng họ luôn là “người Ki-tô hữu sống giữa lòng dân tộc” biết phục vụ Đức Chúa Giê-su nơi những anh em đồng bào của mình.

Đó là người có quả tim tràn đầy yêu thương không nóng không lạnh.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Thánh Gia Thất (năm C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:09 25/12/2021
LỄ THÁNH GIA THẤT

Tin mừng: Lc 2, 41-52

“Cha mẹ Đức Giê-su tìm thấy con đang ngồi giữa các bậc thầy.”


Bạn thân mến,

Mỗi năm đến dịp lễ Thánh Gia Thất là chúng ta lại có cơ hội cùng nhau chiêm ngắm, học hỏi các nhân đức của thánh cả Giu-se, Mẹ Ma-ri-a và hài nhi Giê-su, đây cũng là dịp để chúng ta kiểm thảo lại đời sống gia đình của chúng ta coi có phù hợp với Tin Mừng mà Đức Chúa Giê-su đã dạy hay không?

Chúa dạy chúng ta phải tôn trọng mạng sống của con người:

Đức Mẹ Maria đã vui mừng hân hoan hát lên bài ca tạ ơn Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa...” Mẹ hát khúc ca tạ ơn này khi đến thăm viếng bà chị họ là bà Ê-li-sa-bét sau khi đã cưu mang Đức Chúa Giê-su như lời sứ thần truyền tin, Mẹ vui mừng vì ơn cứu độ đã đến, Mẹ vui mừng vì Thiên Chúa đã đoái hoài đến Mẹ, và quan trọng hơn, Mẹ vui mừng vì hài nhi mà Mẹ cưu mang trong mình chính là Đấng cứu độ mà muôn dân trông đợi, và đã được các tiên tri loan báo từ trước, Ngài chính là căn nguyên của sự sống.

Nhìn vào hang đá chúng ta thấy hài nhi Giê-su nho nhỏ dễ thương, bạn và tôi liền nghĩ ngay đến các em nhỏ trong mọi gia đình của chúng ta và của những gia đình khác, dễ thương đẹp đẽ như các thiên thần, đó chính là một sứ điệp mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta: Hãy trân trọng và bảo vệ các thai nhi đang còn trong bụng mẹ, các thai nhi ấy cũng là con người, cũng có sự sống, sự sống này bởi Thiên Chúa ban cho và chỉ mình Ngài mới có quyền quyết định.

Ngày nay có rất nhiều người mẹ giết chết con mình khi nó còn trong bụng mình, có rất nhiều tổ chức vận động cho việc phá thai, tức là tổ chức việc giết người ngay còn trong bụng mẹ, tất cả những thai nhi ấy đều có quyền sống và có quyền làm người, vậy mà nó lại bị chính cha mẹ của nó giết chết khi còn trong dạ, tất cả cũng chỉ vì những cha mẹ này ích kỉ, muốn có một cuộc sống hưởng thụ khoái cảm nhục dục và sự vô trách nhiệm của xã hội.

Chúa dạy chúng ta phải biết vâng lời cha mẹ:

Vâng lời hơn dâng của lễ, đó là một câu nói bao gồm sự đạo đức của người Ki-tô hữu. Vâng lời này được bắt đầu từ Con Thiên Chúa làm người –Đức Chúa Giê-su Ki-tô- chính Ngài đã vâng lời Chúa Cha xuống thế để cứu chuộc nhân loại, thánh Phao-lô tông đồ đã kinh ngạc và xác tín sâu xa về sự vâng phục của Đức Chúa Giê-su như sau:

“Đức Giêsu Kitô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế...” (Pl 2, 6-7)


Nhìn vào hang đá chúng ta thấy hài nhi Giê-su đang nằm trần trụi trong máng lừa, bạn và tôi liền nghĩ ngay đến sự cùng cực của người bất hạnh, chúng ta thương tâm cho Đức Chúa Giê-su vì Ngài đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn, nhưng cái quan trọng hơn hết mà bạn và tôi phải nghĩ ngay đến, đó là sự vâng phục và khiêm nhường của Ngài:

- Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhưng vì vậng lời mà Ngài trở nên giống chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

- Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhưng vì vâng phục mà Ngài đã sinh ra trong hang lừa máng cỏ.

- Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhưng vì khiêm nhường nên Ngài đã trở nên con cái của loài người...


Ngài dạy chúng ta một bài học sâu xa của sự vâng lời cha mẹ trong gia đình, các bậc là những người thay mặt Thiên Chúa để sinh thành dưỡng nuôi chúng ta, chúng ta vâng lời cha mẹ là vâng lời Thiên Chúa, chúng ta phục vụ chăm sóc cha mẹ là phục vụ chăm sóc Thiên Chúa, ai nói kính mến Thiên Chúa mà không kính mến cha mẹ mình, thì dứt khoát là người bất hiếu với Thiên Chúa, bởi vì cha mẹ là đấng sinh dưỡng chúng ta mà chúng ta không yêu mến thì sao lại nói yêu mến Thiên Chúa được...

Bạn thân mến,

Nhìn vào hang đá bạn và tôi còn học được rất nhiều bài học cho đời sống làm người, cho niềm tin tôn giáo của chính mình, nhưng cái mà xã hội hôm nay cần đến chúng ta, đó là: bảo vệ mạng sống của con người và nhất là bảo vệ mạng sống của các thai nhi, hai là chúng ta phải nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện trong gia đình của mình qua việc con cái biết vâng lời thào hiếu với cha mẹ.

Gợi ý:

1. Có lúc nào anh chị em can đảm cản trở những người có ý định hoặc hành động phá thai?

2. Anh chị em có cầu nguyện cho những người hoặc tổ chức tự do phá thai, để họ nhận ra các thai nhi cũng có quyền sống và cần bảo vệ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giảng của Đức Thượng Phụ Giêrusalem trong Lễ Nửa Đêm tại Hang Bêlem
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
00:39 25/12/2021


Tại thị trấn nơi Chúa Giêsu xuống thế làm người, Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô được tổ chức với các nghi lễ và đám rước đã có từ rất xa xưa. Theo truyền thống, Đức Thượng phụ La tinh của Giêrusalem có chuyến thăm đặc biệt đến Bethlehem và chủ sự một số cử hành đặc biệt tại đây.

Trong các năm trước đại dịch coronavirus, chỉ một số ít người may mắn mới được vào bên trong Nhà thờ Thánh Catêrina để tham dự các cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ lúc nửa đêm. Hàng ngàn người hành hương khác phải tập trung ở bên ngoài Quảng trường Máng Cỏ.

Năm nay thì khác, sau khi biến thể Omicron bùng phát, Israel ra lệnh đóng cửa biên giới với thế giới nên gần như không có du khách nào đến được Bethlehem. Chính vì thế, mọi người được vào bên trong Nhà thờ Thánh Catêrina tham dự thánh lễ nửa đêm.

Mọi người ở Bethlehem cũng như các thị trấn và làng mạc xung quanh đều biết khi nào sáng ngày 24 tháng 12 sẽ đến. Tiếng trống ồn ào của hàng chục nhóm hướng đạo sinh diễu hành báo hiệu một niềm vui đón chờ Giáng Sinh.

Trưa ngày 24 tháng 12, Đức Thượng phụ nghi lễ La-tinh của Giêrusalem, là Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, đi xe từ Giêrusalem thẳng xuống phía Nam để đến Bethlehem. Đoạn đường này chỉ có 9.5km nhưng ngài phải đi mất 25 phút vì phải trải qua nhiều đồn bót của quân Do Thái. Giêrusalem thuộc lãnh thổ Israel nhưng Bethlehem lại thuộc Palestine.

Đức Thượng Phụ đã dừng chân tại Tu viện Chính thống Hy Lạp Mar Elias, nơi ngài gặp tu viện trưởng và thị trưởng Beit Jala. Ngài trao đổi lời chúc Giáng Sinh với hai vị trên trước khi tiếp tục cuộc hành trình.

Vào lúc 1:30 chiều, Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa long trọng tiến vào Bethlehem, đánh dấu sự khởi đầu của mùa Giáng Sinh tại Thánh Địa.

Sau lời chào mừng của cha xứ, Đức Thượng Phụ cử hành Kinh Chiều Một diễn ra lúc 4 giờ chiều tại Nhà thờ Thánh Catêrina.

Sau giờ Kinh chiều Một, các tu sĩ Dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa dẫn đầu một cuộc rước đến Hang Chúa Giáng Sinh và đến Hang Thánh Giuse.

Khi các lễ kỷ niệm tiếp tục diễn ra bên trong, quảng trường Máng Cỏ phía trước Vương cung thánh đường Chúa Giáng Sinh chật kín các tín hữu địa phương. Những năm trước còn có đông đảo những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới.

Vào lúc nửa đêm, Thánh lễ được cử hành tại Nhà thờ Thánh Catêrina. Buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, cũng như đại diện của Chính quyền Palestine và các đại sứ từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong bài giảng, Đức Thượng Phụ nói:


Anh chị em thân yêu nhất,

Thưa Tổng thống,

Thưa Thủ tướng,

Thưa các vị đại biểu và các vị khách quý,

Xin Chúa ban bình an cho các bạn!

Lễ Giáng Sinh năm nay chắc chắn vui hơn năm ngoái. Hôm nay các tín hữu tràn ngập nhà thờ của chúng ta và thành phố đang mừng lễ. So với Giáng Sinh năm ngoái, lượng người tham gia đông hơn rất nhiều và đây là một tín hiệu đáng mừng. Tất nhiên, vẫn còn thiếu một phần quan trọng để niềm vui được trọn vẹn. Chúng ta rất nhớ những người hành hương, những người trong năm thứ hai liên tiếp không thể ở bên chúng ta, do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, với thời gian kéo dài hơn chúng ta có thể tưởng tượng. Chúng ta cầu nguyện cho họ và đồng thời mong mỏi những lời cầu nguyện của họ, để tất cả những điều này có thể sớm kết thúc và thành phố Bêlem có thể một lần nữa đầy ắp những người hành hương, như đặc thù của nó. Chúng ta cũng cầu nguyện rằng niềm vui có thể trở lại với nhiều gia đình sống nhờ vào các cuộc hành hương và những người, vì đại dịch này, đã mất việc làm hơn hai năm nay qua và đang sống trong hoàn cảnh ngày càng khó khăn. Chúng ta hy vọng rằng với các hành động chính trị phối hợp chung, Giáo Hội và các công ty lữ hành, địa phương và quốc tế, chúng ta có thể tìm ra những cách an toàn để tiếp tục hoạt động này, bất chấp đại dịch. Điều này thực sự là cần thiết!

Tôi muốn cảm ơn Chúa và tất cả những người đã tạo điều kiện cho một số thành viên trong cộng đồng Kitô của chúng ta từ Gaza đến được Bêlem và ở với chúng ta ngày hôm nay. Năm nay, việc giành cho họ cơ hội để ăn mừng với chúng ta đã trở nên đơn giản hơn. Đó là một dấu hiệu tích cực dù nhỏ, nhưng quan trọng, mà tôi rất biết ơn.

Bây giờ chúng ta hãy đến với lễ Giáng Sinh và lễ kỷ niệm của mầu nhiệm tuyệt vời này.

Sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô trong hang đá Bêlem đã thay đổi lịch sử nhân loại. Ngày nay, mầu nhiệm Giáng Sinh cũng có sức mạnh thay đổi cuộc sống của chúng ta và mở ra những triển vọng mới ngay cả khi bóng tối dường như quá mạnh. Làm sao để có thể được như thế?

Để trải nghiệm Giáng Sinh, chúng ta cần phải lắng nghe tiếng Chúa nói.

Để gặp gỡ Chúa Giêsu, hôm nay cũng như vậy, chúng ta phải cho phép mình được hướng dẫn bởi tiếng nói của các chứng nhân của Người, của các sứ giả của Người. Trên thực tế, có rất nhiều tiếng nói trong Phúc âm nói về Chúa Giêsu, nhưng không phải tất cả đều dẫn đến Ngài. Chúng ta cần nhận ra tiếng nói đích thực để có thể đạt được niềm vui trong lễ Giáng Sinh.

Đức Maria thành Nazareth đã nghe tiếng sứ thần và lời Người loan báo và đón Chúa Giêsu (Lc 1,26-38). Sau Đức Maria, Thánh Giuse (Mt 1,20-22) cũng đã vâng theo tiếng sứ thần, vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình: chính hai vị là những người giúp cho công cuộc cứu độ được thực hiện. Các Mục đồng (Lc 2: 8) cũng là những chứng nhân đã chào đón lời các thiên thần loan báo “Vinh quang Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới đất cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14); tương tự như vậy các nhà Đạo sĩ, Ông Simeon và Anna và nhiều người khác.

Tuy nhiên, trong trình thuật Tin Mừng, chúng ta cũng gặp những nhân vật như Hêrôđê sợ hãi trước tin Vua mới ra đời (Mt 2: 2-3). Chúng ta nghe nói về những nhà thông thái ở Giêrusalem, những người biết những lời tiên tri về Chúa Giêsu, nhưng không biết làm thế nào để chấp nhận những lời ấy (Mt 2: 4-5). Vì thế mới có thảm kịch những trẻ thơ vô tội bị giết... Tóm lại, chúng ta cũng có những ví dụ trái ngược, những người từ chối tiếng nói của các chứng nhân và chung cuộc là từ chối chấp nhận Chúa Giêsu. Do đó, chúng ta phải có khả năng phân biệt nên nghe tiếng nào, nếu chúng ta thực sự muốn nhận ra “Đấng Cứu Thế, là Đức Kitô, Đức Chúa” (Lc 2:11).

Để tìm thấy Chúa Giêsu, cần phải tin cậy một người biết Ngài và người sẽ giúp chúng ta đến gần Ngài. Lắng nghe một chứng nhân đáng tin cậy cũng cho phép chúng ta nhìn theo một cách mới, mở ra cho chúng ta một cách đọc khác về thực tế. Để có thể lắng nghe, chúng ta cần một trái tim bằng xương bằng thịt, một trái tim ngoan ngoãn, dám để cho mình bị thương bởi tha nhân. Chúng ta cần một trái tim biết yêu thương.

Hôm nay, chúng ta cũng như Đức Maria, Thánh Giuse, những Mục đồng và các nhà Đạo sĩ, đang tụ họp tại hang đá Bêlem để kỷ niệm Lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và là Thầy của chúng ta.

Bây giờ tôi muốn chúng ta tự hỏi mình đâu là tiếng nói đè nặng hoặc giải phóng cuộc sống của chúng ta, đâu là tiếng nói định hướng suy nghĩ và hành động của chúng ta, cả với tư cách cá nhân và xã hội dân sự. Những lời nào đang vang vọng trong trái tim của những người trẻ tuổi của chúng ta, trong gia đình của chúng ta, trong ngôi nhà của chúng ta? Trong thời điểm khẩn cấp về sức khỏe và khủng hoảng chính trị kéo dài như hiện nay, nhiều tiếng nói khác nhau vang lên trong các gia đình: một số làm xói mòn niềm tin, lấy đi hy vọng, dập tắt tình yêu. Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói khác, đáng khích lệ hơn, có khả năng nhìn xa trông rộng và hướng đến tương lai. Hôm nay chúng ta đang nghe những chứng nhân nào? Trong năm vừa qua, trong bối cảnh khủng hoảng cũ và mới đang thách thức chúng ta, chúng ta đã đi theo tiếng nói nào?

Đây không phải là một câu hỏi sáo rỗng. Tại Babylon của những thông báo, tuyên bố và những lời tiên tri hiện đại, đến qua nhiều phương tiện truyền thông, chúng ta cần tìm kiếm và nhận ra tiếng nói dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu và đến với ơn cứu rỗi, mở ra trái tim hy vọng. Trong cuộc sống của chính mình, chúng ta cần những chứng nhân đáng tin cậy, những người giúp chúng ta tìm thấy con đường dẫn đến Bêlem, những người khuyến khích chúng ta nhìn thấy tương lai một cách tự tin, những người biết cách nhìn và cho phép chúng ta nhìn thấy điều tốt đang phát triển chứ không chỉ những điều dữ và những nỗi đau, tuy đang hiện hữu thật đấy, nhưng không thể là tiêu chí duy nhất của chúng ta để đánh giá tình hình hiện tại. Sẽ là thiếu đức tin nếu chúng ta chỉ hạn chế mình trong việc tố cáo những cái ác và không dấn thân gì cả trong việc lên kế hoạch và xây dựng về một tương lai tốt đẹp với niềm hy vọng. Đức tin và đức cậy không thể tách rời nhau: chúng cần thiết cho nhau. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta có nằm trong số những người bị tê liệt vì sợ hãi, hay ngược lại, chúng ta đã dành chỗ cho tiếng nói của Thánh Linh, Đấng luôn mở ra cho chúng ta những chân trời mới. Chúng ta đã trao niềm tin cho những chứng nhân nào? Bởi vì, suy cho cùng, đây là điều chúng ta cần: đó là xây dựng lại niềm tin giữa chúng ta, tin tưởng vào tương lai, của chúng ta và con cái chúng ta, tin tưởng vào khả năng thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, cả trong đời sống dân sự và trong Giáo Hội.

Thực tế, đầu tiên trong số tất cả các chứng tá là Giáo Hội. Trước hết, chúng ta phải tham vấn Giáo Hội, và nhìn vào thực tại của chúng ta qua Giáo Hội, tức là qua đôi mắt của những người gìn giữ và làm chứng cho ân sủng cứu rỗi trên thế giới.

Vậy thì những tiếng nói nào đã vang lên trong giáo phận Tòa Thượng Phụ Latinh Giêrusalem của chúng ta? Điều nào chúng ta muốn làm vang dội trong trái tim của chúng ta? Những tiếng nói ấy có phải là tiếng nói của niềm hy vọng được sinh ra ở Bêlem không? Đó có phải là tiếng nói của một cái nhìn sâu sắc mạnh mẽ đến mức nó có thể nhìn ra ngoài sự dữ hiện tại và khiến chúng ta nhận ra công việc của Thiên Chúa ở giữa chúng ta không?

Tôi nghĩ trước hết là giọng nói vang lên ở Síp, giọng nói của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm của ngài đến vùng này của giáo phận chúng ta. Đảo Síp, một quốc gia cũng bị chia cắt bởi những bức tường, do xung đột chính trị và tôn giáo, được đánh dấu bằng những vết thương kéo dài hàng thập kỷ, tự nó tập hợp những mâu thuẫn làm khuấy động Địa Trung Hải, nơi tập trung các cuộc tranh giành quyền lực và lợi ích to lớn về nguồn năng lượng, nhưng cũng là nơi chúng ta chứng kiến thảm kịch của hàng ngàn người tị nạn, chạy trốn chiến tranh và đau khổ, và những người tìm nơi ẩn náu trên hòn đảo trong khi ở lại mà không có triển vọng cho tương lai của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của sự kiên nhẫn, kiên nhẫn không có nghĩa là trì trệ, nhưng luôn sẵn sàng đối với hành động không thể đoán trước của Chúa Thánh Thần, sử dụng thời gian của chúng ta để đánh giá cao việc lắng nghe và chào đón những người không giống chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói lắng nghe có nghĩa là dành không gian cho người kia; khi làm như vậy, chúng ta chào đón Chúa Giêsu. Đây là một chỉ dẫn quan trọng về phương pháp luận cho toàn thể Giáo Hội Giêrusalem của chúng ta, được khởi xướng trong cuộc hành trình đồng nghị do chính Đức Giáo Hoàng mong muốn, với chủ đề căn bản chính là lắng nghe và hiểu biết đối phương.

Tại Jordan, nơi năm nay đánh dấu 100 năm thành lập Vương quốc Hashemite, không thiếu những tiếng nói lo ngại về tình hình kinh tế khó khăn, trầm trọng thêm do đại dịch và xung đột khu vực đã kéo hàng triệu người tị nạn mới chạy đến Vương quốc này. Chưa hết, Nhà nước này, dù bị đánh dấu bởi rất nhiều khó khăn, vẫn dạy cho các nước thuộc thế giới thứ nhất thế nào là liên đới và chào đón. Hơn thế nữa, trong thời kỳ thống trị bởi chủ nghĩa bè phái chính trị và tôn giáo này, Jordan không ngại tham gia vào các cuộc đối thoại tôn giáo và chính trị, và lập kế hoạch cho tương lai của mình. Vì vậy, cầu mong đó cũng là một Giáng Sinh đầy hy vọng và an ủi cho Giáo Hội Jordan của chúng ta, để Giáo Hội có thể tiếp tục lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh, và không sợ hãi về tương lai, nhưng vẫn cởi mở và chào đón, sống động và đầy tính tôn giáo, các sáng kiến mục vụ và xã hội.

Ở Israel cũng không thiếu những tiếng nói khác nhau. Những tiếng nói đáng lo ngại về sự chia rẽ ngày càng gia tăng trong xã hội, đặc biệt là vào tháng 5 năm ngoái, trong một cuộc xung đột khác với Gaza, đã xảy ra một cách đau đớn. Tôi nói điều này đặc biệt liên quan đến cuộc khủng hoảng lòng tin đặc biệt là giữa người Ả Rập và người Do Thái, cả hai nhóm công dân, cả hai cư dân của cùng một thành phố. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng cách tiếp cận thụ động để cùng tồn tại là chưa đủ, phải thúc đẩy sự chung sống. Nó luôn là kết quả của một mong muốn chân thành và thực tế, được xây dựng một cách cụ thể. Nhiệm vụ của chúng ta, của Giáo Hội, là học hỏi và thúc đẩy sự lắng nghe, giúp nhận ra và cổ vũ những tiếng nói của sự hiệp thông, chào đón và tôn trọng, trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của xã hội. Trong nước không thiếu tiếng nói của mọi người, các phong trào, hiệp hội cam kết thúc đẩy sự chung sống, tôn trọng và chào đón lẫn nhau. Giáng Sinh cũng là dịp để công nhận và đánh giá cao những người biết cách xem đối phương như một món quà từ Thiên Chúa.

Và cuối cùng, chúng ta không thể không nghĩ đến Palestine của chúng ta, đất nước mà chúng ta thấy chính mình ngày nay. Chúng ta có thể nói gì về đất nước này, luôn chờ đợi một tương lai hòa bình dường như không bao giờ đến? Giọng nói đau đớn của dân tộc này thực sự là một tiếng kêu thảm thiết, chói tai. Một dân tộc cần được trải nghiệm công lý, muốn biết tự do, mệt mỏi với việc chờ đợi được phép sống tự do và có phẩm giá trên chính mảnh đất của mình và trong ngôi nhà của chính mình, không muốn chỉ sống bằng những giấy phép mà giờ đây là cần thiết để có thể ra, vào, làm việc hoặc những hoạt động khác. Điều cần thiết không phải là nhượng bộ, mà là quyền, và chấm dứt những năm tháng bị chiếm đóng và bạo lực, với tất cả những hậu quả nặng nề của chúng đối với cuộc sống của mỗi cá nhân và cộng đồng nói chung, cần phải tạo ra những mối quan hệ mới, trong đó không phải là sự ngờ vực mà là sự tin tưởng lẫn nhau.

Hậu quả của tình trạng mệt mỏi này có thể cảm nhận được ở khắp mọi nơi. Do đó, có vẻ như những tiếng nói đang được lắng nghe nhiều nhất là những tiếng oán giận, thành kiến, hiểu lầm, nghi ngờ, sợ hãi và mệt mỏi. Đáng tiếc là những tiếng nói này thường xuất hiện trong những bài diễn thuyết của chúng ta và tìm được không gian trong lòng nhiều người. Nhưng nó không nhất thiết phải theo cách này! Một Kitô Hữu không thể chấp nhận được những tiếng nói như thế!

Tôi phải nói rằng bằng cách gặp gỡ những người trong cộng đồng của chúng ta, tôi đã học được rất nhiều điều. Tôi đã học được thuật ngữ “resilence” - “khả năng phục hồi” bao gồm cụ thể những gì. Đến thăm cộng đồng của chúng ta ở Gaza vài ngày trước, tôi đã biết, trên thực tế, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, những hoàn cảnh thực sự khó khăn, người ta vẫn có thể nhường chỗ cho tình yêu thương, tình đoàn kết và niềm vui. Tôi đã gặp những người biết cách tích cực và xây dựng và những người, mặc dù nhận thức được những khó khăn to lớn mà họ đang sống, nhưng không bao giờ ngừng tin tưởng rằng điều gì đó tốt đẹp có thể được thực hiện cho bản thân và cho người khác, mà không nuôi dưỡng cảm giác thù hận và độc ác. Tôi tin chắc rằng đây là những người đã xây dựng một cách cụ thể Vương quốc của Thiên Chúa ở giữa chúng ta và rằng mỗi ngày, không chỉ ngày nay, họ sống đúng tinh thần của Lễ Giáng Sinh: đó là tạo không gian bên trong mình cho Đấng là Nguồn sống đích thực và trở thành người tràn đầy cuộc sống đó.

Qua Giáo Hội, chúng ta đã đặt câu hỏi về đời sống dân sự của mình. Chúng ta muốn kết thúc bằng cách đề cập đến Giáo Hội, và hỏi Giáo Hội câu hỏi mà chúng ta đã đặt ra khi bắt đầu suy tư này: ngày nay chúng ta nghe tiếng Chúa ở đâu và bằng cách nào? Trong thế giới bị xâu xé và chia cắt của chúng ta, một Hài Nhi được sinh ra từ hai nghìn năm trước có thể thực sự mang lại hòa bình cho ngày hôm nay không? Câu trả lời của Giáo Hội vẫn như mọi khi, nhưng luôn luôn mới: Giáo Hội loan báo cho chúng ta rằng ơn cứu rỗi được mang đến cho chúng ta chính xác qua Hài nhi ngây thơ và không có khả năng tự vệ đó, và rằng vâng, Đấng Toàn năng được biểu lộ chính xác trong hình thức mong manh và yếu ớt đó. Qua các Bí tích, mỗi ngày, Giáo Hội dạy chúng ta rằng nếu không có cái nhìn, ánh mắt biết cách vượt ra ngoài dấu chỉ, vẻ bề ngoài, thời gian và cái chết, chúng ta sẽ không biết cách thực sự đọc được thực tại của thế giới này của chúng ta. Đúng là, cái ác không bao giờ ngừng hoành hành trên cuộc đời của những người yếu đuối và khó tự vệ nhất, nhưng con đường dẫn đến hòa bình đã được đánh dấu, và đó vẫn là con đường của chúng ta ngày nay. Trong Hài Nhi đó, Tình yêu đi vào thế giới, và Tình yêu ấy vẫn còn mãi trong từng khoảnh khắc của lịch sử, đó là một cuộc phiêu lưu bất tận và thực sự có thể thay đổi mọi thứ. Giáo Hội ngày nay vẫn mời gọi chúng ta nhìn nhận mầu nhiệm đang tiếp tục hiển hiện giữa chúng ta: tại Síp, Jordan, Israel, Palestine và khắp thế giới.

Chúng ta đã bắt đầu bằng cách nói rằng để trải nghiệm Giáng Sinh, cần phải lắng nghe tiếng nói của Chúa. Chúng ta kết luận bằng cách nói thêm rằng giọng nói đó đang chờ những người nghe và chờ đợi một phản hồi cá vị.

Giáng Sinh là một lời kêu gọi cá vị cho mỗi chúng ta ở đây ngày hôm nay, cũng như cho bất kỳ tín hữu nào trên thế giới. Đó là lời kêu gọi cho những người trẻ, cho các gia đình, cho người già, cho công nhân, cho người bệnh, cho tù nhân, cho những người cai trị. Nghe tiếng Chúa có nghĩa là nhận ra và chào đón Ngài trong từng phần nhỏ của Vương quốc mà chúng ta gặp trên đường! Ngài kêu gọi mỗi người chúng ta hôm nay một lần nữa chào đón tiếng nói của Ngài như Đức Trinh Nữ Maria đã làm. Mẹ đã nhận được một một lời loan báo và đã phản hồi; phản ứng của Mẹ đã mang lại Sự sống cho thế giới. Như xưa thế nào, thì ngày nay cũng thế, Thiên Chúa không chỉ hoạt động trực tiếp trên thế giới, mà Ngài còn làm như vậy thông qua sự tham gia của chúng ta.

Ở Gaza, tôi đã gặp những người làm đúng như vậy: họ lắng nghe và nói vâng với Chúa. Một số người trong số họ đã thành lập gia đình, những người khác đáp lại ơn gọi tu trì, tất cả họ đều tận tâm phục vụ Chúa và những người khác với niềm vui. Giống như câu trả lời của Mẹ Maria, những phản ứng của họ trước tiếng nói của Chúa là nguồn sống cho rất nhiều người khác.

Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng như Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse, như các Mục đồng và như các Đạo sĩ, có thể đáp lại Chúa Giêsu một cách khiêm tốn, chúng ta có thể tìm thấy nơi Ngài ý nghĩa trong hành động của chúng ta. Vì chúng ta là những chứng nhân rằng khi Chúa Giêsu ở trung tâm cuộc sống của chúng ta, thì trái đất sẽ nhận được Bình an. Wulida al Masih! Alleluia!

† Pierbattista Pizzaballa

Thượng phụ La tinh của Giêrusalem


Sau Thánh lễ, một cuộc rước long trọng của các linh mục, nam nữ tu sĩ và anh chị em tín hữu tiến đến Hang động Chúa Giáng Sinh. Đức Thượng Phụ ẵm trên tay ngài Chúa Hài đồng. Khi đến nơi ngài kính cẩn đặt Chúa Hài đồng vào trong máng cỏ.


Source:Latin Patriarchate of Jerusalem
 
Sứ điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi, gởi dân thành Rôma và Thế giới, ngày 25/12/2021
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
11:23 25/12/2021


Lúc 12g trưa ngày Lễ Giáng Sinh 25/12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Từ bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã đọc sứ điệp Urbi et Orbi, gởi dân thành Rôma và Thế giới.

Mở đầu sứ điệp Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, Chúc Giáng Sinh vui vẻ!

Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã tác tạo ra thế giới và là Đấng mang lại ý nghĩa cho lịch sử và cuộc hành trình của nhân loại, đã hóa thành nhục thể và đến ở giữa chúng ta. Người đến như một lời thì thầm, như tiếng rì rào của một cơn gió nhẹ, để lấp đầy với sự ngạc nhiên tâm hồn của mỗi người nam nữ đang mở lòng ra đón nhận mầu nhiệm này.

Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể để đối thoại với chúng ta. Thiên Chúa không muốn thực hiện một cuộc độc thoại, nhưng một cuộc đối thoại. Vì chính Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần, là đối thoại, là sự hiệp thông vĩnh cửu và vô hạn của tình yêu và sự sống.

Qua mầu nhiệm ngự đến của Chúa Giêsu, qua biến cố Ngôi Lời đã hóa thành xác phàm, bước vào thế giới của chúng ta, Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta con đường gặp gỡ và đối thoại. Thật vậy, chính Ngài đã thể hiện con đường đó nơi chính mình, để chúng ta có thể nhận ra và làm theo, trong sự tin tưởng và hy vọng.

Thưa anh chị em, “thế giới của chúng ta sẽ ra sao nếu không có sự đối thoại kiên nhẫn của nhiều người quảng đại, những người giữ cho gia đình và cộng đồng gắn kết lại với nhau?” (Fratelli Tutti, 198). Trong thời kỳ đại dịch này, chúng ta ngày càng nhận ra điều này rõ nét hơn. Năng lực của chúng ta đối với các mối quan hệ xã hội đã bị thử thách rất nhiều; ngày càng có xu hướng rút lui, tự mình làm tất cả, ngừng nỗ lực trong việc gặp gỡ người khác và làm việc cùng nhau. Ở cấp độ quốc tế cũng vậy, có nguy cơ né tránh đối thoại, cuộc khủng hoảng phức tạp này có nguy cơ dẫn đến việc đi đường tắt thay vì khởi hành trên con đường đối thoại lâu dài hơn. Tuy nhiên, chỉ những con đường đó mới có thể dẫn đến cách giải quyết xung đột và mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả mọi người.

Thật vậy, ngay khi sứ điệp về sự Giáng Sinh của Đấng Cứu Độ, nguồn mạch của hòa bình đích thực, đang vang lên trong lòng chúng ta và trên toàn thế giới, chúng ta vẫn tiếp tục phải chứng kiến vô số các cuộc xung đột, khủng hoảng và bất đồng. Những điều này dường như không bao giờ kết thúc; và chúng ta giờ đây thậm chí hầu như chẳng còn để ý đến chúng. Chúng ta đã quá quen với chúng đến nỗi những bi kịch to lớn giờ đây đang trôi qua trong thầm lặng; chúng ta có nguy cơ không nghe thấy tiếng kêu đau đớn và xót xa của rất nhiều anh chị em chúng ta.

Chúng ta hãy nghĩ đến người dân Syria, những người trong hơn một thập kỷ đã trải qua một cuộc chiến dẫn đến biết bao những nạn nhân và cơ man không kể xiết những người phải di dời. Chúng ta hãy nhìn vào Iraq, quốc gia vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau một cuộc xung đột kéo dài. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của trẻ em vang lên từ Yemen, nơi một thảm kịch to lớn, bị mọi người coi thường, đã âm thầm diễn ra trong nhiều năm, gây ra cái chết mỗi ngày.

Chúng ta cũng hãy nhớ lại, những căng thẳng tiếp diễn giữa người Israel và người Palestine kéo dài mà không có giải pháp, với những hậu quả chính trị và xã hội ngày càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta cũng không thể quên Bêlem, nơi Chúa giáng trần, nơi đang trải qua nhiều khó khăn cũng vì hậu quả kinh tế của đại dịch, ngăn cản những người hành hương đến thăm Thánh Địa và ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân. Chúng ta hãy nghĩ đến Li Băng, đất nước đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có, đi kèm với những điều kiện kinh tế và xã hội hết sức khó khăn.

Vậy mà, giữa đêm đen, hãy nhìn xem! Dấu chỉ của hy vọng! Hôm nay đây, “Tình yêu dịch chuyển mặt trời và các vì sao khác” (Paradiso, XXXIII, 145), như Dante nói, đã hóa thành nhục thể. Ngài đến trong hình dạng con người, Ngài chia sẻ hoàn cảnh của chúng ta và Ngài đã phá vỡ bức tường thờ ơ của chúng ta. Trong cái lạnh của đêm, Ngài dang rộng đôi tay nhỏ bé của mình về phía chúng ta: Ngài đang cần tất cả mọi thứ, nhưng Ngài đến để cho chúng ta tất cả. Chúng ta hãy cầu xin Người sức mạnh để cởi mở đối thoại. Vào ngày lễ này, chúng ta hãy khẩn cầu Ngài khơi dậy trong lòng mọi người niềm khao khát hòa giải và tình huynh đệ. Bây giờ chúng ta hãy hướng về Người trong lời cầu nguyện.

Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu, xin ban hòa bình và hòa giải cho Trung Đông và toàn thế giới. Xin nâng đỡ tất cả những người cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người bị buộc phải rời bỏ quê hương của họ; xin Chúa an ủi người dân Afghanistan, những người trong hơn bốn mươi năm qua đã bị thử thách nặng nề bởi các cuộc xung đột khiến nhiều người phải rời bỏ đất nước.

Lạy Vua của tất cả các dân nước, xin giúp các nhà hữu trách chính trị mang lại hòa bình cho các xã hội bị xáo trộn bởi căng thẳng và xung đột. Xin nâng đỡ người dân Miến Điện, nơi mà sự bất khoan dung và bạo lực thường xuyên nhắm vào cộng đồng Kitô Giáo và những nơi thờ phượng, đang làm u ám khuôn mặt hiền hòa của dân tộc đó.

Xin Chúa hãy là nguồn ánh sáng và hỗ trợ cho tất cả những ai tin tưởng và nỗ lực, bất chấp mọi trở ngại, để tiến tới gặp gỡ và đối thoại. Ở Ukraine, xin Chúa chặn đứng những đợt bùng phát mới của một cuộc xung đột đang kéo dài.

Lạy Hoàng tử của Hòa bình, xin hãy giúp Ethiopia một lần nữa tìm thấy con đường hòa giải và hòa bình thông qua một cuộc gặp gỡ thẳng thắn trong đó đặt nhu cầu của người dân lên trên hết. Xin hãy lắng nghe lời khẩn cầu của những người sống ở vùng Sa mạc Sahara, những người đang trải qua sự bạo tàn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Xin Chúa hãy ghé mắt nhìn đến các dân tộc trong các quốc gia Bắc Phi, bị dày vò bởi sự chia rẽ, thất nghiệp và bất bình đẳng kinh tế. Xin Chúa xoa dịu nỗi đau của nhiều anh chị em chúng con, những người đang phải hứng chịu các cuộc xung đột nội bộ ở Sudan và Nam Sudan.

Thông qua đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các quyền và giá trị văn hóa của mỗi con người, và các giá trị của tình đoàn kết, xin cho hòa giải và chung sống hòa bình có thể thịnh hành trong trái tim các dân tộc Mỹ Châu.

Lạy Chúa, xin hãy an ủi các nạn nhân của bạo lực nhắm vào phụ nữ, đang gia tăng trong thời kỳ đại dịch này. Xin Chúa mang đến hy vọng cho trẻ nhỏ và thanh thiếu niên bị bắt nạt và lạm dụng. Xin thể hiện sự an ủi và ấm áp với người cao tuổi, đặc biệt là những người cảm thấy cô đơn nhất. Xin mang lại sự thanh thản và hiệp nhất cho các gia đình, là những nhà giáo dục đầu tiên của con cái họ và là cơ sở của cấu trúc xã hội.

Lạy Chúa, Đấng-ở-cùng-chúng-con, xin ban sức khỏe cho người ốm yếu và truyền cảm hứng cho tất cả những người nam nữ thiện chí tìm kiếm những cách tốt nhất có thể để vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại và những ảnh hưởng của nó. Xin Chúa mở rộng cánh cửa nhiều tâm hồn để bảo đảm rằng dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết - và đặc biệt là vắc xin - được cung cấp cho những người cần đến chúng nhất. Xin Chúa trả công bội hậu cho những ai đã quảng đại cống hiến hết mình để chăm sóc các thành viên trong gia đình, những người bệnh tật và những người dễ bị tổn thương nhất ở giữa chúng con.

Lạy Hài Nhi Bêlem, xin cho nhiều tù nhân quân sự và dân sự trong chiến tranh và các cuộc xung đột gần đây, và tất cả những ai bị giam giữ vì lý do chính trị, có thể sớm trở về nhà. Xin đừng để chúng con thờ ơ trước tình cảnh thê thảm của những người di cư, tản cư và tị nạn. Đôi mắt của họ cầu xin chúng con đừng nhìn theo hướng khác, đừng tỉnh bơ trước tình nhân loại phổ quát, nhưng thay vào đó hãy biến câu chuyện của họ thành của riêng chúng con và lưu tâm đến hoàn cảnh của họ. [1]

Lạy Ngôi Lời vĩnh cửu trở nên xác phàm, xin khiến chúng con chú ý đến ngôi nhà chung của chúng con, nơi đang chịu đựng sự bất cẩn mà chúng con thường đối xử với nó. Xin truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo chính trị đạt được các thỏa thuận hiệu quả, để các thế hệ tương lai có thể sống trong một môi trường tôn trọng sự sống.

Anh chị em thân mến, giữa muôn vàn nan đề của thời đại chúng ta, niềm hy vọng vẫn chiếm ưu thế, “vì một hài nhi đã được sinh ra cho chúng ta” (Is 9: 6). Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một hài nhi sơ sinh, chỉ có khả năng khóc và cần sự giúp đỡ về mọi thứ. Người muốn học cách nói, giống như mọi đứa trẻ khác, để chúng ta có thể học cách lắng nghe Thiên Chúa, Cha của chúng ta, lắng nghe nhau và đối thoại như anh chị em.

Lạy Chúa Kitô, được sinh ra vì chúng con, xin dạy chúng con đi bên cạnh Chúa trên con đường hòa bình.

Chúc mọi người Giáng Sinh vui vẻ!

[1] Xem Diễn từ tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng”, Mytilene, ngày 5 tháng 12 năm 2021.
Source:Holy See Press Office
 
Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Turkson nguyên tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện
Đặng Tự Do
19:50 25/12/2021


Hôm thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Peter Turkson trong cương vị tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.

Ngài đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Michael Czerny, Dòng Tên, người Canada 75 tuổi làm người đứng đầu tạm thời của bộ trong khi chờ bổ nhiệm “lãnh đạo mới”.

Hôm 23/12, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết các nhà lãnh đạo của tòa thánh phải nộp đơn từ chức cho Đức Giáo Hoàng sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của các ngài. Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện được thành lập vào năm 2016, và Đức Hồng Y Turkson đã làm tổng trưởng từ đó đến nay.

“Trong khi chân thành cảm ơn Đức Hồng Y Peter Appiah Turkson và những người cộng tác của ngài vì sự phục vụ của họ và trong khi chờ đợi sự bổ nhiệm của ban lãnh đạo mới, Đức Thánh Cha đã giao phó việc quản lý thông thường của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện cho Đức Hồng Y Michael Czerny kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2022, với tư cách là tổng trưởng và Sơ Alessandra Smerilli, FMA, là thư ký”.

Đức Hồng Y Turkson từng là tổng giám mục của Cape Coast, Ghana, trước khi ngài được gọi đến Rôma vào năm 2009 để làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

Vị Hồng Y 73 tuổi, người nói được sáu thứ tiếng, đã trở thành chủ tịch đầu tiên của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện vào năm 2016 sau khi hội đồng giáo hoàng của ngài được sáp nhập vào cơ quan mới cùng với ba cơ quan khác.

Tin đồn về việc ngài từ chức xuất hiện vài tháng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ra lệnh kiểm tra bộ này do Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago dẫn đầu, sau đó là những thay đổi về nhân sự.

Đức Hồng Y Turkson nói với các nhà báo hôm thứ Ba rằng Đức Giáo Hoàng sẽ quyết định tương lai của mình sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm.

“Nếu Đức Thánh Cha quyết định để tôi tiếp tục, thì tôi sẽ tiếp tục. Nếu ngài quyết định chỉ định tôi vào công việc khác, tôi cũng sẽ tuân theo.”

“Tất cả chúng tôi đến đây để phục vụ và hỗ trợ Đức Thánh Cha trong sứ vụ của ngài, và chính là như vậy… Chúng tôi chỉ chờ Đức Thánh Cha xem ngài muốn chúng tôi làm gì”.

Đức Hồng Y Czerny, người sinh ra ở Brno, Tiệp Khắc, vào năm 1946, là Thứ trưởng phụ trách Bộ phận Người di cư và Tị nạn của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện kể từ năm 2017. Ngài nhận được chiếc mũ đỏ Hồng Y vào tháng 10 năm 2019.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Smerilli, một nhà kinh tế học người Ý và là thành viên của dòng các nữ tu Salêdiêng Don Bosco, làm thư ký lâm thời của bộ vào tháng Tám.

Sau khi Đức Hồng Y người Guinea Robert Sarah thôi giữ chức Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích vào tháng 2, Đức Hồng Y Turkson là người Phi Châu duy nhất lãnh đạo một bộ của Vatican.

Đây được cho là lần đầu tiên kể từ năm 1977, Vatican không có nhà lãnh đạo Phi Châu nào trong số những người đứng đầu tại giáo triều. Đức Hồng Y Bernardin Gantin, từ Benin, được bổ nhiệm vào năm 1977 để lãnh đạo Ủy ban Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, trở thành người Phi Châu đầu tiên lãnh đạo một cơ quan trung ương của Vatican.
Source:Catholic News Agency
 
Các biện pháp chống Covid mới khi vào các văn phòng Vatican và Giáo triều Rôma
Đặng Tự Do
19:51 25/12/2021


Kể từ Thứ Năm ngày 23 tháng 12, chỉ những người có giấy chứng nhận đã được tiêm phòng hoặc phục hồi sau SARS-Cov-2 mới được phép vào các văn phòng của Giáo triều Rôma.

Một sắc lệnh tổng quát mới, do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký, đưa ra các quy định mới “xét vì tình trạng khẩn cấp y tế hiện tại vẫn tiếp tục tiếp diễn và thậm chí còn tồi tệ hơn và sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp thích hợp để chống lại nó và bảo đảm việc tiến hành an toàn các hoạt động”.

Sắc lệnh mới - theo sau sắc lệnh về các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được công bố vào ngày 16 tháng 12 (số CDLXI) bởi Đức Tổng Giám Mục Fernando Vérgez Alzaga, là Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về quốc gia Thành Vatican, áp dụng cho nhân sự của tất cả các bộ, Hội đồng và các văn phòng của Giáo triều Rôma, cũng như các bộ phận liên quan đến Tòa thánh. Các quy tắc cũng được mở rộng cho các cộng tác viên bên ngoài, nhân viên của các công ty bên ngoài, khách truy cập và người dùng các dịch vụ.

Theo nghị định, nhân viên không có “thẻ xanh” hợp lệ chứng minh tình trạng tiêm chủng hoặc phục hồi sau vi rút, sẽ không thể tiếp cận nơi làm việc và sẽ bị coi là vắng mặt không có lý do, do đó sẽ bị đình chỉ thanh toán cho thời gian vắng mặt. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến an sinh xã hội và các khoản khấu trừ phúc lợi, cũng như giảm trừ gia cảnh. Việc tiếp tục vắng mặt không có lý do sẽ phải gánh chịu những hậu quả được quy định trong Quy định chung của Giáo triều Rôma.

Tất cả những người tiếp xúc với công chúng, kể từ ngày 31 tháng Giêng năm 2022, sẽ có nghĩa vụ cung cấp tài liệu chính thức chứng minh họ đã nhận được đầy đủ vắc-xin chống Covid bao gồm cả liều tăng cường thứ ba.

Ngoài các quyền kiểm soát được giao cho Hiến binh Vatican, sắc lệnh quy định rằng mỗi cơ quan được yêu cầu xác minh sự tuân thủ các yêu cầu, với một loạt các thủ tục để tổ chức các cuộc kiểm tra này và xác định những người chịu trách nhiệm xác minh và tranh chấp các vi phạm nghĩa vụ. Liên quan đến các Bộ liên quan, các phụ tá tổng thư ký chịu trách nhiệm bảo đảm sự tuân thủ.

Bất kỳ đánh giá nào về các yếu tố dẫn đến việc có thể được miễn trừ các nghĩa vụ của sắc lệnh thuộc trách nhiệm của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và tùy thuộc vào ý kiến của Tổng cục Y tế và Vệ sinh.

Sắc lệnh cũng nêu rõ rằng các cơ quan y tế có thẩm quyền của Vatican có thể thấy cần thiết phải đưa ra những hạn chế hơn nữa đối với những người đến từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao.
Source:Vatican News
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Vọng Giáng Sinh tại Trung Tâm Công Giáo Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne.
Trần Văn Minh
00:51 25/12/2021
Melbourne, vào lúc 9 giờ tối Ngày Thứ Sáu 24/12/2021. Tại lễ đài Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, Tổng Giáo Phân Melbourne. Thời tiết buổi chiều đầu Hè rất đẹp, không khí đã nhẹ nhàng hơn buổi trưa, thật lý tưởng cho những sinh hoạt ngoài trời. Mặc dù, những đe dọa của dịch Covid – 19 Tầu còn gây phiền phức cho những cuộc lễ hội dù trong nhà hay ngoài trời. Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm đã có một Lễ Vọng Giáng Sinh rất sốt sắng và long trọng.

Xem hình

Thánh lễ đồng tế do hai Linh mục Dòng Tên: Linh mục Nguyễn Văn Cao SJ và Martin Đinh Trung Hòa SJ đồng tế. Ca đoàn Babylon trong đồng phục đại lễ đã phục vụ thánh lễ qua lời ca, tiếng đàn để trình bày những bản thánh ca Giáng Sinh thật tuyệt vời, giúp cho đại lễ vọng Giáng Sinh thêm long trọng để đón mừng kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh Năm 2021.

Thánh lễ bắt đầu, sau khi cộng đoàn nguyện kinh và kinh cầu cho cơn đại dịch mau qua. Đoàn lễ sinh cùng quý vị thừa tác viên cùng hai cha đồng tế rước tượng Chúa Hài Đồng lên khu hang đá, sau khi tượng an vị, xông hương đoàn đồng tế cùng quý vị thừa tác viên và lễ sinh cùng tiến lên lễ đài.

Trong bài chia sẻ lời Chúa, Linh mục Đinh Trung Hòa đã chia sẻ về mầu nhiệm Ba Ngôi, và mầu nhiệm nhập thể. Để những điều chia sẻ đơn giản và dễ hiểu cho mọi người. Linh mục đã dùng một số anh chị em cùng diễn một hoạt cảnh tâm kịch để thấy Ba Ngôi Thiên Chúa khởi đầu đã tuôn đổ những ơn lành xuống thế gian như dòng thác ân sủng.

Rồi một ngày, ông bà nguyên tổ đã phạm vào lời khuyên của Chúa để phạm tội, đem bất hòa cho thế gian tội lỗi, và hai người bỏ đi khỏi vườn địa đàng. Nhưng tình Chúa vẫn bao la, Ngôi Hai đã đi kiếm tìm họ trở về với Thiên Chúa, nhưng vì tôn trọng và thương yêu con người, Chúa vẫn để họ được tự do với những bước đi lạc lối trên đường tội lỗi.

Và để cứu độ con người, Thiên Chúa đã cho chính Ngôi Hai nhập thể, Thiên Chúa Nhập Thể để sống như con người, biết đói rét, khổ đau, buồn cùng buồn, vui cùng vui, biết đau, biết khóc cùng những con người nghèo khó, chỉ trừ tội lỗi. Cuối cùng, chịu chết để cứu độ chúng ta. Đó là mầu nhiệm Nhập thể và chúng ta cử hành đại lễ kỷ niệm Ngôi Hai Giáng sinh.

Trong lời cảm ơn cuối lễ, Ông Cao Minh Dức, cựu trưởng ban mục vụ, sau khi cảm ơn quý cha, quý tu sỹ nam nữ và cộng đoàn, ông cũng xin thông báo chính thức rời chức vụ, mặc dù quý cha tuyên úy đã có ý lưu nhiệm thêm một thời gian, nhưng vì công việc gia đình, đã không thể đảm nhiệm chức vụ thêm, và ông cũng xin lỗi, nếu trong thời gian làm việc, có điều gì không phải, làm mất lòng một ai, ông xin mọi người vì tình thương mà bỏ qua cho.

Thánh lễ kết thúc với bài ca Giáng Sinh quen thuộc ca đoàn và cả cộng đoàn cùng hát vang: Mừng ngày Chúa sinh ra đời…. và những lời chúc Giáng Sinh vui vẻ, hạnh phúc, chào đón năm mới. Trời về đêm mát hơn và lòng người cũng thơ thới hân hoan vì được hưởng một đêm thánh vô cùng.
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Đêm canh thức mừng Chúa Giáng sinh 2021
Văn Minh
09:40 25/12/2021
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Đêm canh thức mừng Chúa Giáng sinh 2021

“Chúa đến để đem Tin Mừng và tình yêu thương đến cho nhân loại, đặc biệt là cho những người nghèo khổ và bị bỏ rơi bên ngoài xã hội, và mang lại cho chúng ta bình an hạnh phúc”.

Linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán - Chánh xứ Vĩnh Hòa đã chia sẻ như trên - khi ngài chủ sự dâng Thánh lễ Vọng Giáng sinh dành cho các em thiếu nhi và cộng đoàn diễn ra lúc 18g thứ Sáu, ngày 24.12.2021.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, đoàn rước tượng Chúa Hài Đồng từ trước sân nhà thờ vào trong ngôi thánh đường gồm có các em Ban Lễ sinh và Lm chủ tế.

Sau bài Tin Mừng, Lm Gioakim chia sẻ: Trong đêm cực thánh này, Ngôi Hai Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người và ở cùng chúng ta. Chúa đến để đem Tin Mừng và tình yêu thương đến cho nhân loại, đặc biệt là cho những người nghèo khổ và bị bỏ rơi bên ngoài xã hội, và mang lại cho chúng ta bình an hạnh phúc.

Lm Gioakim quảng diễn, hôm nay: Chúa đến chia sẻ thân phận kiếp con người và để cứu chuộc chúng ta, cũng chỉ vì yêu thương mà Ngài đã từ bỏ trời cao xuống thế, Chúa đến để mang ánh sáng xuống thế gian, và xua tan đi bóng đêm đen, xóa tan mọi hận thù, xin cho mỗi người chúng ta hãy chiêm ngắm nơi hang đá Giáng sinh và mang lấy ánh sáng của Ngài, ánh sáng của chân lý, ánh sáng của tình yêu thương.

Thánh lễ tiếp nối với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 19g00.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Lm Chánh xứ Gioakim đã thay mặt cộng đoàn phụng vụ có lời cảm ơn giáo họ Đaminh, các anh chị Huynh trưởng - Giáo lý viên đã cùng nhau đóng góp và thiết kế trang trí hang đá trong và ngoài sân nhà thờ, và cùng nhau tổ chức Thánh lễ đêm nay được diễn ra tốt đẹp bằng một tràng pháo tay giòn giã của các em thiếu nhi và cộng đoàn. Nhân dịp này, Lm Gioakim cũng giới thiệu và cảm ơn những anh em đã tình nguyện đứng ra thành lập đội Covid, anh em đã không quản ngại những khó khăn vất vả len lỏi vào các con hẻm nhỏ để phun thuốc khử khuẩn, và đem đến cho các hộ gia đình khó khăn không phân biệt tôn giáo con cá, bó rau, cùng các vật dụng tiêu dùng cần thiết khác trong đợt đại dịch Covid vừa qua.

Được biết, vào lúc 20g cùng ngày, Lm Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt SCJ, các linh mục thuộc dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ chủ sự dâng Thánh lễ Vọng Giáng sinh dành cho người lớn.

 
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ đêm Giáng Sinh
Vinh Sơn Trần Văn Đẩu
09:50 25/12/2021
Giáo xứ Tân Việt: Thánh lễ đêm Giáng Sinh

“ Trong niềm hân hoan đón mừng Chúa đến để cứu độ nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng hãy mở lòng ra để đón Chúa đến và đồng thời có Chúa ở với chúng ta. Mong ước những bàn chân của chúng ta ra đi đem tình yêu của Đấng Cứu độ đến với những người chung quanh”.

Trên đây là lời nhắn nhủ cửa Linh mục Đa minh Vũ Ngọc Thủ - chánh xứ Tân Việt – với cộng đoàn trong Thánh lễ đêm Giáng Sinh do ngài chủ tế - đồng tế với ngài là Lm Giuse Phạm Duy Minh ( giảng lễ )

Xem Hình

Đến hiệp dâng Thánh lễ quý tu sĩ, quý chức, các đoàn thể và cộng đoàn dân Chúa.

TRước Thánh lễ, lúc 18g30 cộng đoàn cùng tham dự giờ canh thức với chủ đề: “ Chúa Giáng Sinh hy vọng của nhân loại”.

Đúng 21g, đại diện quý chức đón quý Lm đồng tế tiến lên cung thánh bắt dầu Thánh lễ.

Trước khi tiến lên bàn thờ, Lm chủ tế giơ cao tường Chúa Hài Đồng cho cộng đoan cùng chiêm ngắm.

Đầu lễ, Lm chủ tế nói: Trong niềm hân hoan đón mừng Chúa đến để cứu độ nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng hãy mở lòng ra để đón Chúa đến và đồng thời có Chúa ở với chúng ta. Mong ước những bàn chân của chúng ta ra di đem tình yêu của Đấng Cứu Độ đến với những người chung quanh.

Chia sẻ Tin mừng Lm Giuse nói: Chúng ta cùng hướng về Belem, và chúng ta thấy gì? Tôi thấy một tình yêu cao thượng, một sự cho đi không cần lấy lại, Tôi thấy một bi kịch của nhân loại 2000 năm trước, một tình yêu bao la của Thiên Chúa. Nếu chúng ta đặt câu hỏi Giáng Sinh có ý nghĩa gì đối với chúng ta. Câu trả lời chắc chắn là vì yêu thương nhân loại và cứu độ nhân loại khỏi tội lỗi.

Ngài kết luận: Ước mong chúng ta mang theo chút hy vọng, tình yêu sự cho đi như Đức Kitô đã cho chúng ta.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh The633.

Sau phép lành cuối lễ, cộng đoàn cùng hướng vể hang đà cất cao lời hát: Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa…

Mừng Chúa Giáng Sinh, xin cho mỗi người chúng con biết đón nhận món quà của Chúa ban đúng với ý nghĩa và sự trân trọng, để khi Chúa Giáng Sinh vào đời sống chúng con, chúng con cũng trở thành những món quà cho mọi người chung quanh.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Canh Thức Vọng Lễ Giáng Sinh 2021 Tại Giáo Xứ Tụy Hiền TGP. Hà Nội
BTTGx. Tụy Hiền
10:03 25/12/2021
Canh Thức Vọng Lễ Giáng Sinh 2021 Tại Giáo Xứ Tụy Hiền TGP. Hà Nội

Hòa cùng niềm vui đón mừng ngày Con Thiên Chúa nhập thể làm người, đêm 24/12/2021 giáo xứ Tụy Hiền như một điểm hẹn đã quy tụ mọi người không phân biệt lương giáo, cùng đến chung chia niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh.

 
Video có một "tiểu gia đình" Công Giáo người Việt tại Honolulu, Hawaii
Người Việt
16:22 25/12/2021
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh máng cỏ ngày lễ Chúa giáng sinh
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:53 25/12/2021
Hình ảnh máng cỏ ngày lễ Chúa giáng sinh

Thiên Thần Chúa hiện ra nói với các mục đồng: " Anh em đừng sợ, đây ta mang đến cho anh em một tin mừng đặc biệt, cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ". (Lc 2,10-12)

Kinh thánh viết thuật lại lời Thiên Thần loan báo hài nhi Giêsu sinh ra trên trần thế. Căn cứ theo đó, ngày xưa trong đêm hài nhi sinh ra, các người mục đồng lần tìm đến hang chuồng nuôi thú vật của họ, và đã tìm thấy hài nhi Giêsu Giesu mới sinh ra làm người trong đó.

Và theo đó Giáo Hội hằng năm từ hai ngàn năm nay mừng kỷ niệm đại lễ Chúa Giesu giáng sinh vào ngày 25. Tháng Mười Hai.

Trong ngày lễ mừng chiếc máng cỏ cho thú vật ăn trong hang chuồng thú vật đóng vai trò hình ảnh trung tâm của hang đá giáng sinh.

Vì sao hình ảnh này như thế?

Ngày xưa, có thể cả ngày nay vẫn còn, bên vùng Trung Đông những người buôn bán thường di chuyển chở hàng hóa bằng thú vật như Lạc Đà, Lừa… Vì thế dọc đường ban đêm họ thường tìm hang chuồng cho thú vật trú ngụ. Và chiếc máng cỏ trong hang chuồng không thể thiếu để đựng cỏ rơm nước uống cho chúng.

Phúc âm theo Thánh sử Luca viết thuật lại Giuse và Maria đến thành Bethlehem khai tên như lệnh hoàng đế Roma truyền ra. Nhưng hai ông bà không tìm được phòng trọ trong các nhà trọ. Nên hai ông bà đành phải tìm đến hang chuồng thú vật ngoài cánh đồng vùng Bethlehem trú ngụ ngủ cho qua đêm.

Và đêm hôm đó, mẹ Maria hạ sinh hài nhi Giêsu trong chuồng thú vật. Thiếu thốn mọi sự, không giường nôi cho hài nhi sơ sinh, mẹ Maria đã quấn khăn đặt con mình nằm trong máng đựng cỏ rơm cho thú vật ăn.

Giesu, Con Thiên Chúa, từ trời cao xuống trần gian sinh ra làm người trong nôi máng cỏ thú vật ngay giữa những con thú vật.

Vì thế, hình ảnh chiếc máng cỏ không thể thiếu trong hang chuồng ngày mừng kỷ niệm Chúa Giêsu giáng sinh khắp nơi xưa nay.

Hang chuồng thú vật năm xưa ở Bethlehem, nơi Chúa Giêsu sinh ra, trở thành đề tài suy niệm về hình ảnh biểu tượng mang sâu đậm ý nghĩa cho đời sống con người.

Nhà tâm lý Jung đã có suy tư: Chúng ta cũng nên thử “ đi xuống vào hang chuồng con người riêng tư của mình”. Nơi đó chúng ta có thể tìm ra con đường đến với chính mình!

Nhìn vào hang chuồng thâm tâm đời sống riêng, ta thấy có nhiều lộn xộn ngổn ngang không thứ tự. Đó là hình ảnh một hang chuồng, nơi theo thói quen không được cẩn thận thu dọn sắp xếp cho gọn gàng cùng giữ cho sạch sẽ.

Chúng ta nhận ra trong ta thường có một đống hỗn mang về những mớ ý tưởng, mớ hình ảnh, mớ cảm giác, mớ ước muốn, mớ bó tưởng tượng. Những thứ đó nảy sinh thấm nhập nằm trong thâm tâm con người. Chúng không có thứ tự lớp lang, và có khi còn trái ngược nhau nữa, điều tích cực cùng cả điều tiêu cực, tức giận và những ý tưởng xấu xa, hồ nghi, điều tốt vui lành trong sạch cùng cả buồn phiền không lành mạnh trong sáng...

Trong hang chuồng ngày lễ mừng kỷ niệm Chúa giáng sinh theo truyền thống có những hình tượng con bò, con chiên, con cừu, con lừa…

Còn trong hang chuồng thâm tâm lòng con người có những con thú vật không?

Dạ, cũng có hình ảnh những con thú vật ẩn hiện trong ngôi hang chuồng thâm tâm tùy theo ý thích mỗi người.

Như người thì thích hình ảnh con chim Đại Bàng. Vì nó có đôi cánh trải dài rộng bay lên cao vút, với khoảng cách cao xa từ đó có tầm nhìn bao quát rộng hơn!

Người thì thích hình ảnh loài Cá. Vì nó bơi lội nhẹ nhàng trong nước, một biểu hiệu cho cảm giác tinh tế dịu dàng.

Người thì thích hình ảnh con Sóc, con Thỏ với bộ lông dài mượt mà dầy rậm cùng di chuyển nhanh lẹ…Chúng gợi lên cảm giác ấm áp cùng uyển chuyển di động chui luồn qua các ngóc ngách cành cây hay hang động sâu dưới lòng đất.

Người thì thích hình ảnh con Dê rừng với đôi chân khoẻ chạy phóng nhanh trong vùng đồi núi cùng sẵn sàng chiến đấu chống chọi vượt qua những nguy hiểm thử thách.

Người thì thích hình ảnh con Chiên, con Cừu hiền lành trong sạch vô tội.

Người thì thích hình ảnh con Bò, con Lừa vì chúng có sức khoẻ mạnh tốt cùng dẻo dai, tính tình lại ngoan hiền có nhiều kiên trì nhẫn nại chịu đựng…

Mỗi người đều nuôi hình ảnh một hay nhiều con thú vật trong hang chuồng thâm tâm lòng mình theo như ý thích mong muốn. Hình ảnh những thú vật trong hang chuồng thâm tâm ta phản ảnh lại ước muốn như mình mong muốn trở thành.

Trong máng cỏ đựng rơm cỏ cho thú vật trong hang chuồng của chúng ngày xưa ở Bethlehem hài nhi Giesu đã mở mắt chào đời nằm ngủ mơ màng.

Ngày xưa cách đây hai ngàn năm tính theo niên lịch thời gian, biến cố thần thánh Con Thiên Chúa sinh ra trên trần gian. Và Thiên Thần Chúa loan báo với lời“ Hôm nay…”. Và hằng năm ngày lễ mừng kỷ niệm hài nhi Giesu giáng sinh lời Thiên Thần năm xưa loan báo được đọc công bố long trọng : “Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít “.

Chúa Giêsu đã giáng sinh làm người trong máng cỏ hang chuồng thú vật không sạch sẽ, không có thứ tự cùng tối tăm cách đây hai ngàn năm trước ở Bethlehem. Nhưng Ngài vẫn hằng muốn sinh ra trong hang chuồng thâm tâm lòng con người ngày hôm nay. Cho dù hang chuồng thâm tâm lòng con người có những mớ lộn xộn ngổn ngang, có những điều trái ngược nhau, không trong sáng có bóng tối ẩm thấp, cùng có những hình ảnh các con thú vật.

Chúa Giêsu muốn sinh ra trong đó để mang ánh sáng bình an, tình yêu sự tha thứ của Thiên Chúa cho đời sống tâm hồn con người mọi ngày hôm nay.

Và hang chuồng thâm tâm con người luôn cần có hài nhi Giêsu sinh ra cho đời sống con người không phải ngày lịch sử hôm qua, nhưng hôm nay và ngày mai.

Mừng lễ Chúa giáng sinh

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
VietCatholic TV
Cảm động: Thánh Lễ Nửa Đêm Giáng Sinh ở nơi Cực Thánh: Hang Bêlem nơi Chúa xuống thế làm người
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:09 25/12/2021


Tại thị trấn nơi Chúa Giêsu xuống thế làm người, Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô được tổ chức với các nghi lễ và đám rước đã có từ rất xa xưa. Theo truyền thống, Đức Thượng phụ La tinh của Giêrusalem có chuyến thăm đặc biệt đến Bethlehem và chủ sự một số cử hành đặc biệt tại đây.

Trong các năm trước đại dịch coronavirus, chỉ một số ít người may mắn mới được vào bên trong Nhà thờ Thánh Catêrina để tham dự các cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ lúc nửa đêm. Hàng ngàn người hành hương khác phải tập trung ở bên ngoài Quảng trường Máng Cỏ.

Năm nay thì khác, sau khi biến thể Omicron bùng phát, Israel ra lệnh đóng cửa biên giới với thế giới nên gần như không có du khách nào đến được Bethlehem. Chính vì thế, mọi người được vào bên trong Nhà thờ Thánh Catêrina tham dự thánh lễ nửa đêm.

Mọi người ở Bethlehem cũng như các thị trấn và làng mạc xung quanh đều biết khi nào sáng ngày 24 tháng 12 sẽ đến. Tiếng trống ồn ào của hàng chục nhóm hướng đạo sinh diễu hành báo hiệu một niềm vui đón chờ Giáng Sinh.

Trưa ngày 24 tháng 12, Đức Thượng phụ nghi lễ La-tinh của Giêrusalem, là Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, đi xe từ Giêrusalem thẳng xuống phía Nam để đến Bethlehem. Đoạn đường này chỉ có 9.5km nhưng ngài phải đi mất 25 phút vì phải trải qua nhiều đồn bót của quân Do Thái. Giêrusalem thuộc lãnh thổ Israel nhưng Bethlehem lại thuộc Palestine.

Đức Thượng Phụ đã dừng chân tại Tu viện Chính thống Hy Lạp Mar Elias, nơi ngài gặp tu viện trưởng và thị trưởng Beit Jala. Ngài trao đổi lời chúc Giáng Sinh với hai vị trên trước khi tiếp tục cuộc hành trình.

Vào lúc 1:30 chiều, Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa long trọng tiến vào Bethlehem, đánh dấu sự khởi đầu của mùa Giáng Sinh tại Thánh Địa.

Sau lời chào mừng của cha xứ, Đức Thượng Phụ cử hành Kinh Chiều Một diễn ra lúc 4 giờ chiều tại Nhà thờ Thánh Catêrina.

Sau giờ Kinh chiều Một, các tu sĩ Dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa dẫn đầu một cuộc rước đến Hang Chúa Giáng Sinh và đến Hang Thánh Giuse.

Khi các lễ kỷ niệm tiếp tục diễn ra bên trong, quảng trường Máng Cỏ phía trước Vương cung thánh đường Chúa Giáng Sinh chật kín các tín hữu địa phương. Những năm trước còn có đông đảo những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới.

Vào lúc nửa đêm, Thánh lễ được cử hành tại Nhà thờ Thánh Catêrina. Buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, cũng như đại diện của Chính quyền Palestine và các đại sứ từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong bài giảng, Đức Thượng Phụ nói:


Anh chị em thân yêu nhất,

Thưa Tổng thống,

Thưa Thủ tướng,

Thưa các vị đại biểu và các vị khách quý,

Xin Chúa ban bình an cho các bạn!

Lễ Giáng Sinh năm nay chắc chắn vui hơn năm ngoái. Hôm nay các tín hữu tràn ngập nhà thờ của chúng ta và thành phố đang mừng lễ. So với Giáng Sinh năm ngoái, lượng người tham gia đông hơn rất nhiều và đây là một tín hiệu đáng mừng. Tất nhiên, vẫn còn thiếu một phần quan trọng để niềm vui được trọn vẹn. Chúng ta rất nhớ những người hành hương, những người trong năm thứ hai liên tiếp không thể ở bên chúng ta, do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, với thời gian kéo dài hơn chúng ta có thể tưởng tượng. Chúng ta cầu nguyện cho họ và đồng thời mong mỏi những lời cầu nguyện của họ, để tất cả những điều này có thể sớm kết thúc và thành phố Bêlem có thể một lần nữa đầy ắp những người hành hương, như đặc thù của nó. Chúng ta cũng cầu nguyện rằng niềm vui có thể trở lại với nhiều gia đình sống nhờ vào các cuộc hành hương và những người, vì đại dịch này, đã mất việc làm hơn hai năm nay qua và đang sống trong hoàn cảnh ngày càng khó khăn. Chúng ta hy vọng rằng với các hành động chính trị phối hợp chung, Giáo Hội và các công ty lữ hành, địa phương và quốc tế, chúng ta có thể tìm ra những cách an toàn để tiếp tục hoạt động này, bất chấp đại dịch. Điều này thực sự là cần thiết!

Tôi muốn cảm ơn Chúa và tất cả những người đã tạo điều kiện cho một số thành viên trong cộng đồng Kitô của chúng ta từ Gaza đến được Bêlem và ở với chúng ta ngày hôm nay. Năm nay, việc giành cho họ cơ hội để ăn mừng với chúng ta đã trở nên đơn giản hơn. Đó là một dấu hiệu tích cực dù nhỏ, nhưng quan trọng, mà tôi rất biết ơn.

Bây giờ chúng ta hãy đến với lễ Giáng Sinh và lễ kỷ niệm của mầu nhiệm tuyệt vời này.

Sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô trong hang đá Bêlem đã thay đổi lịch sử nhân loại. Ngày nay, mầu nhiệm Giáng Sinh cũng có sức mạnh thay đổi cuộc sống của chúng ta và mở ra những triển vọng mới ngay cả khi bóng tối dường như quá mạnh. Làm sao để có thể được như thế?

Để trải nghiệm Giáng Sinh, chúng ta cần phải lắng nghe tiếng Chúa nói.

Để gặp gỡ Chúa Giêsu, hôm nay cũng như vậy, chúng ta phải cho phép mình được hướng dẫn bởi tiếng nói của các chứng nhân của Người, của các sứ giả của Người. Trên thực tế, có rất nhiều tiếng nói trong Phúc âm nói về Chúa Giêsu, nhưng không phải tất cả đều dẫn đến Ngài. Chúng ta cần nhận ra tiếng nói đích thực để có thể đạt được niềm vui trong lễ Giáng Sinh.

Đức Maria thành Nazareth đã nghe tiếng sứ thần và lời Người loan báo và đón Chúa Giêsu (Lc 1,26-38). Sau Đức Maria, Thánh Giuse (Mt 1,20-22) cũng đã vâng theo tiếng sứ thần, vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình: chính hai vị là những người giúp cho công cuộc cứu độ được thực hiện. Các Mục đồng (Lc 2: 8) cũng là những chứng nhân đã chào đón lời các thiên thần loan báo “Vinh quang Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới đất cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14); tương tự như vậy các nhà Đạo sĩ, Ông Simeon và Anna và nhiều người khác.

Tuy nhiên, trong trình thuật Tin Mừng, chúng ta cũng gặp những nhân vật như Hêrôđê sợ hãi trước tin Vua mới ra đời (Mt 2: 2-3). Chúng ta nghe nói về những nhà thông thái ở Giêrusalem, những người biết những lời tiên tri về Chúa Giêsu, nhưng không biết làm thế nào để chấp nhận những lời ấy (Mt 2: 4-5). Vì thế mới có thảm kịch những trẻ thơ vô tội bị giết... Tóm lại, chúng ta cũng có những ví dụ trái ngược, những người từ chối tiếng nói của các chứng nhân và chung cuộc là từ chối chấp nhận Chúa Giêsu. Do đó, chúng ta phải có khả năng phân biệt nên nghe tiếng nào, nếu chúng ta thực sự muốn nhận ra “Đấng Cứu Thế, là Đức Kitô, Đức Chúa” (Lc 2:11).

Để tìm thấy Chúa Giêsu, cần phải tin cậy một người biết Ngài và người sẽ giúp chúng ta đến gần Ngài. Lắng nghe một chứng nhân đáng tin cậy cũng cho phép chúng ta nhìn theo một cách mới, mở ra cho chúng ta một cách đọc khác về thực tế. Để có thể lắng nghe, chúng ta cần một trái tim bằng xương bằng thịt, một trái tim ngoan ngoãn, dám để cho mình bị thương bởi tha nhân. Chúng ta cần một trái tim biết yêu thương.

Hôm nay, chúng ta cũng như Đức Maria, Thánh Giuse, những Mục đồng và các nhà Đạo sĩ, đang tụ họp tại hang đá Bêlem để kỷ niệm Lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và là Thầy của chúng ta.

Bây giờ tôi muốn chúng ta tự hỏi mình đâu là tiếng nói đè nặng hoặc giải phóng cuộc sống của chúng ta, đâu là tiếng nói định hướng suy nghĩ và hành động của chúng ta, cả với tư cách cá nhân và xã hội dân sự. Những lời nào đang vang vọng trong trái tim của những người trẻ tuổi của chúng ta, trong gia đình của chúng ta, trong ngôi nhà của chúng ta? Trong thời điểm khẩn cấp về sức khỏe và khủng hoảng chính trị kéo dài như hiện nay, nhiều tiếng nói khác nhau vang lên trong các gia đình: một số làm xói mòn niềm tin, lấy đi hy vọng, dập tắt tình yêu. Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói khác, đáng khích lệ hơn, có khả năng nhìn xa trông rộng và hướng đến tương lai. Hôm nay chúng ta đang nghe những chứng nhân nào? Trong năm vừa qua, trong bối cảnh khủng hoảng cũ và mới đang thách thức chúng ta, chúng ta đã đi theo tiếng nói nào?

Đây không phải là một câu hỏi sáo rỗng. Tại Babylon của những thông báo, tuyên bố và những lời tiên tri hiện đại, đến qua nhiều phương tiện truyền thông, chúng ta cần tìm kiếm và nhận ra tiếng nói dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu và đến với ơn cứu rỗi, mở ra trái tim hy vọng. Trong cuộc sống của chính mình, chúng ta cần những chứng nhân đáng tin cậy, những người giúp chúng ta tìm thấy con đường dẫn đến Bêlem, những người khuyến khích chúng ta nhìn thấy tương lai một cách tự tin, những người biết cách nhìn và cho phép chúng ta nhìn thấy điều tốt đang phát triển chứ không chỉ những điều dữ và những nỗi đau, tuy đang hiện hữu thật đấy, nhưng không thể là tiêu chí duy nhất của chúng ta để đánh giá tình hình hiện tại. Sẽ là thiếu đức tin nếu chúng ta chỉ hạn chế mình trong việc tố cáo những cái ác và không dấn thân gì cả trong việc lên kế hoạch và xây dựng về một tương lai tốt đẹp với niềm hy vọng. Đức tin và đức cậy không thể tách rời nhau: chúng cần thiết cho nhau. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta có nằm trong số những người bị tê liệt vì sợ hãi, hay ngược lại, chúng ta đã dành chỗ cho tiếng nói của Thánh Linh, Đấng luôn mở ra cho chúng ta những chân trời mới. Chúng ta đã trao niềm tin cho những chứng nhân nào? Bởi vì, suy cho cùng, đây là điều chúng ta cần: đó là xây dựng lại niềm tin giữa chúng ta, tin tưởng vào tương lai, của chúng ta và con cái chúng ta, tin tưởng vào khả năng thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, cả trong đời sống dân sự và trong Giáo Hội.

Thực tế, đầu tiên trong số tất cả các chứng tá là Giáo Hội. Trước hết, chúng ta phải tham vấn Giáo Hội, và nhìn vào thực tại của chúng ta qua Giáo Hội, tức là qua đôi mắt của những người gìn giữ và làm chứng cho ân sủng cứu rỗi trên thế giới.

Vậy thì những tiếng nói nào đã vang lên trong giáo phận Tòa Thượng Phụ Latinh Giêrusalem của chúng ta? Điều nào chúng ta muốn làm vang dội trong trái tim của chúng ta? Những tiếng nói ấy có phải là tiếng nói của niềm hy vọng được sinh ra ở Bêlem không? Đó có phải là tiếng nói của một cái nhìn sâu sắc mạnh mẽ đến mức nó có thể nhìn ra ngoài sự dữ hiện tại và khiến chúng ta nhận ra công việc của Thiên Chúa ở giữa chúng ta không?

Tôi nghĩ trước hết là giọng nói vang lên ở Síp, giọng nói của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm của ngài đến vùng này của giáo phận chúng ta. Đảo Síp, một quốc gia cũng bị chia cắt bởi những bức tường, do xung đột chính trị và tôn giáo, được đánh dấu bằng những vết thương kéo dài hàng thập kỷ, tự nó tập hợp những mâu thuẫn làm khuấy động Địa Trung Hải, nơi tập trung các cuộc tranh giành quyền lực và lợi ích to lớn về nguồn năng lượng, nhưng cũng là nơi chúng ta chứng kiến thảm kịch của hàng ngàn người tị nạn, chạy trốn chiến tranh và đau khổ, và những người tìm nơi ẩn náu trên hòn đảo trong khi ở lại mà không có triển vọng cho tương lai của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của sự kiên nhẫn, kiên nhẫn không có nghĩa là trì trệ, nhưng luôn sẵn sàng đối với hành động không thể đoán trước của Chúa Thánh Thần, sử dụng thời gian của chúng ta để đánh giá cao việc lắng nghe và chào đón những người không giống chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói lắng nghe có nghĩa là dành không gian cho người kia; khi làm như vậy, chúng ta chào đón Chúa Giêsu. Đây là một chỉ dẫn quan trọng về phương pháp luận cho toàn thể Giáo Hội Giêrusalem của chúng ta, được khởi xướng trong cuộc hành trình đồng nghị do chính Đức Giáo Hoàng mong muốn, với chủ đề căn bản chính là lắng nghe và hiểu biết đối phương.

Tại Jordan, nơi năm nay đánh dấu 100 năm thành lập Vương quốc Hashemite, không thiếu những tiếng nói lo ngại về tình hình kinh tế khó khăn, trầm trọng thêm do đại dịch và xung đột khu vực đã kéo hàng triệu người tị nạn mới chạy đến Vương quốc này. Chưa hết, Nhà nước này, dù bị đánh dấu bởi rất nhiều khó khăn, vẫn dạy cho các nước thuộc thế giới thứ nhất thế nào là liên đới và chào đón. Hơn thế nữa, trong thời kỳ thống trị bởi chủ nghĩa bè phái chính trị và tôn giáo này, Jordan không ngại tham gia vào các cuộc đối thoại tôn giáo và chính trị, và lập kế hoạch cho tương lai của mình. Vì vậy, cầu mong đó cũng là một Giáng Sinh đầy hy vọng và an ủi cho Giáo Hội Jordan của chúng ta, để Giáo Hội có thể tiếp tục lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh, và không sợ hãi về tương lai, nhưng vẫn cởi mở và chào đón, sống động và đầy tính tôn giáo, các sáng kiến mục vụ và xã hội.

Ở Israel cũng không thiếu những tiếng nói khác nhau. Những tiếng nói đáng lo ngại về sự chia rẽ ngày càng gia tăng trong xã hội, đặc biệt là vào tháng 5 năm ngoái, trong một cuộc xung đột khác với Gaza, đã xảy ra một cách đau đớn. Tôi nói điều này đặc biệt liên quan đến cuộc khủng hoảng lòng tin đặc biệt là giữa người Ả Rập và người Do Thái, cả hai nhóm công dân, cả hai cư dân của cùng một thành phố. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng cách tiếp cận thụ động để cùng tồn tại là chưa đủ, phải thúc đẩy sự chung sống. Nó luôn là kết quả của một mong muốn chân thành và thực tế, được xây dựng một cách cụ thể. Nhiệm vụ của chúng ta, của Giáo Hội, là học hỏi và thúc đẩy sự lắng nghe, giúp nhận ra và cổ vũ những tiếng nói của sự hiệp thông, chào đón và tôn trọng, trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của xã hội. Trong nước không thiếu tiếng nói của mọi người, các phong trào, hiệp hội cam kết thúc đẩy sự chung sống, tôn trọng và chào đón lẫn nhau. Giáng Sinh cũng là dịp để công nhận và đánh giá cao những người biết cách xem đối phương như một món quà từ Thiên Chúa.

Và cuối cùng, chúng ta không thể không nghĩ đến Palestine của chúng ta, đất nước mà chúng ta thấy chính mình ngày nay. Chúng ta có thể nói gì về đất nước này, luôn chờ đợi một tương lai hòa bình dường như không bao giờ đến? Giọng nói đau đớn của dân tộc này thực sự là một tiếng kêu thảm thiết, chói tai. Một dân tộc cần được trải nghiệm công lý, muốn biết tự do, mệt mỏi với việc chờ đợi được phép sống tự do và có phẩm giá trên chính mảnh đất của mình và trong ngôi nhà của chính mình, không muốn chỉ sống bằng những giấy phép mà giờ đây là cần thiết để có thể ra, vào, làm việc hoặc những hoạt động khác. Điều cần thiết không phải là nhượng bộ, mà là quyền, và chấm dứt những năm tháng bị chiếm đóng và bạo lực, với tất cả những hậu quả nặng nề của chúng đối với cuộc sống của mỗi cá nhân và cộng đồng nói chung, cần phải tạo ra những mối quan hệ mới, trong đó không phải là sự ngờ vực mà là sự tin tưởng lẫn nhau.

Hậu quả của tình trạng mệt mỏi này có thể cảm nhận được ở khắp mọi nơi. Do đó, có vẻ như những tiếng nói đang được lắng nghe nhiều nhất là những tiếng oán giận, thành kiến, hiểu lầm, nghi ngờ, sợ hãi và mệt mỏi. Đáng tiếc là những tiếng nói này thường xuất hiện trong những bài diễn thuyết của chúng ta và tìm được không gian trong lòng nhiều người. Nhưng nó không nhất thiết phải theo cách này! Một Kitô Hữu không thể chấp nhận được những tiếng nói như thế!

Tôi phải nói rằng bằng cách gặp gỡ những người trong cộng đồng của chúng ta, tôi đã học được rất nhiều điều. Tôi đã học được thuật ngữ “resilence” - “khả năng phục hồi” bao gồm cụ thể những gì. Đến thăm cộng đồng của chúng ta ở Gaza vài ngày trước, tôi đã biết, trên thực tế, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, những hoàn cảnh thực sự khó khăn, người ta vẫn có thể nhường chỗ cho tình yêu thương, tình đoàn kết và niềm vui. Tôi đã gặp những người biết cách tích cực và xây dựng và những người, mặc dù nhận thức được những khó khăn to lớn mà họ đang sống, nhưng không bao giờ ngừng tin tưởng rằng điều gì đó tốt đẹp có thể được thực hiện cho bản thân và cho người khác, mà không nuôi dưỡng cảm giác thù hận và độc ác. Tôi tin chắc rằng đây là những người đã xây dựng một cách cụ thể Vương quốc của Thiên Chúa ở giữa chúng ta và rằng mỗi ngày, không chỉ ngày nay, họ sống đúng tinh thần của Lễ Giáng Sinh: đó là tạo không gian bên trong mình cho Đấng là Nguồn sống đích thực và trở thành người tràn đầy cuộc sống đó.

Qua Giáo Hội, chúng ta đã đặt câu hỏi về đời sống dân sự của mình. Chúng ta muốn kết thúc bằng cách đề cập đến Giáo Hội, và hỏi Giáo Hội câu hỏi mà chúng ta đã đặt ra khi bắt đầu suy tư này: ngày nay chúng ta nghe tiếng Chúa ở đâu và bằng cách nào? Trong thế giới bị xâu xé và chia cắt của chúng ta, một Hài Nhi được sinh ra từ hai nghìn năm trước có thể thực sự mang lại hòa bình cho ngày hôm nay không? Câu trả lời của Giáo Hội vẫn như mọi khi, nhưng luôn luôn mới: Giáo Hội loan báo cho chúng ta rằng ơn cứu rỗi được mang đến cho chúng ta chính xác qua Hài nhi ngây thơ và không có khả năng tự vệ đó, và rằng vâng, Đấng Toàn năng được biểu lộ chính xác trong hình thức mong manh và yếu ớt đó. Qua các Bí tích, mỗi ngày, Giáo Hội dạy chúng ta rằng nếu không có cái nhìn, ánh mắt biết cách vượt ra ngoài dấu chỉ, vẻ bề ngoài, thời gian và cái chết, chúng ta sẽ không biết cách thực sự đọc được thực tại của thế giới này của chúng ta. Đúng là, cái ác không bao giờ ngừng hoành hành trên cuộc đời của những người yếu đuối và khó tự vệ nhất, nhưng con đường dẫn đến hòa bình đã được đánh dấu, và đó vẫn là con đường của chúng ta ngày nay. Trong Hài Nhi đó, Tình yêu đi vào thế giới, và Tình yêu ấy vẫn còn mãi trong từng khoảnh khắc của lịch sử, đó là một cuộc phiêu lưu bất tận và thực sự có thể thay đổi mọi thứ. Giáo Hội ngày nay vẫn mời gọi chúng ta nhìn nhận mầu nhiệm đang tiếp tục hiển hiện giữa chúng ta: tại Síp, Jordan, Israel, Palestine và khắp thế giới.

Chúng ta đã bắt đầu bằng cách nói rằng để trải nghiệm Giáng Sinh, cần phải lắng nghe tiếng nói của Chúa. Chúng ta kết luận bằng cách nói thêm rằng giọng nói đó đang chờ những người nghe và chờ đợi một phản hồi cá vị.

Giáng Sinh là một lời kêu gọi cá vị cho mỗi chúng ta ở đây ngày hôm nay, cũng như cho bất kỳ tín hữu nào trên thế giới. Đó là lời kêu gọi cho những người trẻ, cho các gia đình, cho người già, cho công nhân, cho người bệnh, cho tù nhân, cho những người cai trị. Nghe tiếng Chúa có nghĩa là nhận ra và chào đón Ngài trong từng phần nhỏ của Vương quốc mà chúng ta gặp trên đường! Ngài kêu gọi mỗi người chúng ta hôm nay một lần nữa chào đón tiếng nói của Ngài như Đức Trinh Nữ Maria đã làm. Mẹ đã nhận được một một lời loan báo và đã phản hồi; phản ứng của Mẹ đã mang lại Sự sống cho thế giới. Như xưa thế nào, thì ngày nay cũng thế, Thiên Chúa không chỉ hoạt động trực tiếp trên thế giới, mà Ngài còn làm như vậy thông qua sự tham gia của chúng ta.

Ở Gaza, tôi đã gặp những người làm đúng như vậy: họ lắng nghe và nói vâng với Chúa. Một số người trong số họ đã thành lập gia đình, những người khác đáp lại ơn gọi tu trì, tất cả họ đều tận tâm phục vụ Chúa và những người khác với niềm vui. Giống như câu trả lời của Mẹ Maria, những phản ứng của họ trước tiếng nói của Chúa là nguồn sống cho rất nhiều người khác.

Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng như Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse, như các Mục đồng và như các Đạo sĩ, có thể đáp lại Chúa Giêsu một cách khiêm tốn, chúng ta có thể tìm thấy nơi Ngài ý nghĩa trong hành động của chúng ta. Vì chúng ta là những chứng nhân rằng khi Chúa Giêsu ở trung tâm cuộc sống của chúng ta, thì trái đất sẽ nhận được Bình an. Wulida al Masih! Alleluia!

† Pierbattista Pizzaballa

Thượng phụ La tinh của Giêrusalem


Sau Thánh lễ, một cuộc rước long trọng của các linh mục, nam nữ tu sĩ và anh chị em tín hữu tiến đến Hang động Chúa Giáng Sinh. Đức Thượng Phụ ẵm trên tay ngài Chúa Hài đồng. Khi đến nơi ngài kính cẩn đặt Chúa Hài đồng vào trong máng cỏ.


Source:Latin Patriarchate of Jerusalem
 
Phép Lành và Ơn Toàn Xá Giáng Sinh, Sứ điệp Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và Thế giới 25/12/2021
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:08 25/12/2021


Lúc 12g trưa ngày Lễ Giáng Sinh 25/12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Từ bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã đọc sứ điệp Urbi et Orbi, gởi dân thành Rôma và Thế giới.

Mở đầu sứ điệp Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, Chúc Giáng Sinh vui vẻ!

Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã tác tạo ra thế giới và là Đấng mang lại ý nghĩa cho lịch sử và cuộc hành trình của nhân loại, đã hóa thành nhục thể và đến ở giữa chúng ta. Người đến như một lời thì thầm, như tiếng rì rào của một cơn gió nhẹ, để lấp đầy với sự ngạc nhiên tâm hồn của mỗi người nam nữ đang mở lòng ra đón nhận mầu nhiệm này.

Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể để đối thoại với chúng ta. Thiên Chúa không muốn thực hiện một cuộc độc thoại, nhưng một cuộc đối thoại. Vì chính Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần, là đối thoại, là sự hiệp thông vĩnh cửu và vô hạn của tình yêu và sự sống.

Qua mầu nhiệm ngự đến của Chúa Giêsu, qua biến cố Ngôi Lời đã hóa thành xác phàm, bước vào thế giới của chúng ta, Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta con đường gặp gỡ và đối thoại. Thật vậy, chính Ngài đã thể hiện con đường đó nơi chính mình, để chúng ta có thể nhận ra và làm theo, trong sự tin tưởng và hy vọng.

Thưa anh chị em, “thế giới của chúng ta sẽ ra sao nếu không có sự đối thoại kiên nhẫn của nhiều người quảng đại, những người giữ cho gia đình và cộng đồng gắn kết lại với nhau?” (Fratelli Tutti, 198). Trong thời kỳ đại dịch này, chúng ta ngày càng nhận ra điều này rõ nét hơn. Năng lực của chúng ta đối với các mối quan hệ xã hội đã bị thử thách rất nhiều; ngày càng có xu hướng rút lui, tự mình làm tất cả, ngừng nỗ lực trong việc gặp gỡ người khác và làm việc cùng nhau. Ở cấp độ quốc tế cũng vậy, có nguy cơ né tránh đối thoại, cuộc khủng hoảng phức tạp này có nguy cơ dẫn đến việc đi đường tắt thay vì khởi hành trên con đường đối thoại lâu dài hơn. Tuy nhiên, chỉ những con đường đó mới có thể dẫn đến cách giải quyết xung đột và mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả mọi người.

Thật vậy, ngay khi sứ điệp về sự Giáng Sinh của Đấng Cứu Độ, nguồn mạch của hòa bình đích thực, đang vang lên trong lòng chúng ta và trên toàn thế giới, chúng ta vẫn tiếp tục phải chứng kiến vô số các cuộc xung đột, khủng hoảng và bất đồng. Những điều này dường như không bao giờ kết thúc; và chúng ta giờ đây thậm chí hầu như chẳng còn để ý đến chúng. Chúng ta đã quá quen với chúng đến nỗi những bi kịch to lớn giờ đây đang trôi qua trong thầm lặng; chúng ta có nguy cơ không nghe thấy tiếng kêu đau đớn và xót xa của rất nhiều anh chị em chúng ta.

Chúng ta hãy nghĩ đến người dân Syria, những người trong hơn một thập kỷ đã trải qua một cuộc chiến dẫn đến biết bao những nạn nhân và cơ man không kể xiết những người phải di dời. Chúng ta hãy nhìn vào Iraq, quốc gia vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau một cuộc xung đột kéo dài. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của trẻ em vang lên từ Yemen, nơi một thảm kịch to lớn, bị mọi người coi thường, đã âm thầm diễn ra trong nhiều năm, gây ra cái chết mỗi ngày.

Chúng ta cũng hãy nhớ lại, những căng thẳng tiếp diễn giữa người Israel và người Palestine kéo dài mà không có giải pháp, với những hậu quả chính trị và xã hội ngày càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta cũng không thể quên Bêlem, nơi Chúa giáng trần, nơi đang trải qua nhiều khó khăn cũng vì hậu quả kinh tế của đại dịch, ngăn cản những người hành hương đến thăm Thánh Địa và ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân. Chúng ta hãy nghĩ đến Li Băng, đất nước đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có, đi kèm với những điều kiện kinh tế và xã hội hết sức khó khăn.

Vậy mà, giữa đêm đen, hãy nhìn xem! Dấu chỉ của hy vọng! Hôm nay đây, “Tình yêu dịch chuyển mặt trời và các vì sao khác” (Paradiso, XXXIII, 145), như Dante nói, đã hóa thành nhục thể. Ngài đến trong hình dạng con người, Ngài chia sẻ hoàn cảnh của chúng ta và Ngài đã phá vỡ bức tường thờ ơ của chúng ta. Trong cái lạnh của đêm, Ngài dang rộng đôi tay nhỏ bé của mình về phía chúng ta: Ngài đang cần tất cả mọi thứ, nhưng Ngài đến để cho chúng ta tất cả. Chúng ta hãy cầu xin Người sức mạnh để cởi mở đối thoại. Vào ngày lễ này, chúng ta hãy khẩn cầu Ngài khơi dậy trong lòng mọi người niềm khao khát hòa giải và tình huynh đệ. Bây giờ chúng ta hãy hướng về Người trong lời cầu nguyện.

Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu, xin ban hòa bình và hòa giải cho Trung Đông và toàn thế giới. Xin nâng đỡ tất cả những người cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người bị buộc phải rời bỏ quê hương của họ; xin Chúa an ủi người dân Afghanistan, những người trong hơn bốn mươi năm qua đã bị thử thách nặng nề bởi các cuộc xung đột khiến nhiều người phải rời bỏ đất nước.

Lạy Vua của tất cả các dân nước, xin giúp các nhà hữu trách chính trị mang lại hòa bình cho các xã hội bị xáo trộn bởi căng thẳng và xung đột. Xin nâng đỡ người dân Miến Điện, nơi mà sự bất khoan dung và bạo lực thường xuyên nhắm vào cộng đồng Kitô Giáo và những nơi thờ phượng, đang làm u ám khuôn mặt hiền hòa của dân tộc đó.

Xin Chúa hãy là nguồn ánh sáng và hỗ trợ cho tất cả những ai tin tưởng và nỗ lực, bất chấp mọi trở ngại, để tiến tới gặp gỡ và đối thoại. Ở Ukraine, xin Chúa chặn đứng những đợt bùng phát mới của một cuộc xung đột đang kéo dài.

Lạy Hoàng tử của Hòa bình, xin hãy giúp Ethiopia một lần nữa tìm thấy con đường hòa giải và hòa bình thông qua một cuộc gặp gỡ thẳng thắn trong đó đặt nhu cầu của người dân lên trên hết. Xin hãy lắng nghe lời khẩn cầu của những người sống ở vùng Sa mạc Sahara, những người đang trải qua sự bạo tàn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Xin Chúa hãy ghé mắt nhìn đến các dân tộc trong các quốc gia Bắc Phi, bị dày vò bởi sự chia rẽ, thất nghiệp và bất bình đẳng kinh tế. Xin Chúa xoa dịu nỗi đau của nhiều anh chị em chúng con, những người đang phải hứng chịu các cuộc xung đột nội bộ ở Sudan và Nam Sudan.

Thông qua đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các quyền và giá trị văn hóa của mỗi con người, và các giá trị của tình đoàn kết, xin cho hòa giải và chung sống hòa bình có thể thịnh hành trong trái tim các dân tộc Mỹ Châu.

Lạy Chúa, xin hãy an ủi các nạn nhân của bạo lực nhắm vào phụ nữ, đang gia tăng trong thời kỳ đại dịch này. Xin Chúa mang đến hy vọng cho trẻ nhỏ và thanh thiếu niên bị bắt nạt và lạm dụng. Xin thể hiện sự an ủi và ấm áp với người cao tuổi, đặc biệt là những người cảm thấy cô đơn nhất. Xin mang lại sự thanh thản và hiệp nhất cho các gia đình, là những nhà giáo dục đầu tiên của con cái họ và là cơ sở của cấu trúc xã hội.

Lạy Chúa, Đấng-ở-cùng-chúng-con, xin ban sức khỏe cho người ốm yếu và truyền cảm hứng cho tất cả những người nam nữ thiện chí tìm kiếm những cách tốt nhất có thể để vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại và những ảnh hưởng của nó. Xin Chúa mở rộng cánh cửa nhiều tâm hồn để bảo đảm rằng dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết - và đặc biệt là vắc xin - được cung cấp cho những người cần đến chúng nhất. Xin Chúa trả công bội hậu cho những ai đã quảng đại cống hiến hết mình để chăm sóc các thành viên trong gia đình, những người bệnh tật và những người dễ bị tổn thương nhất ở giữa chúng con.

Lạy Hài Nhi Bêlem, xin cho nhiều tù nhân quân sự và dân sự trong chiến tranh và các cuộc xung đột gần đây, và tất cả những ai bị giam giữ vì lý do chính trị, có thể sớm trở về nhà. Xin đừng để chúng con thờ ơ trước tình cảnh thê thảm của những người di cư, tản cư và tị nạn. Đôi mắt của họ cầu xin chúng con đừng nhìn theo hướng khác, đừng tỉnh bơ trước tình nhân loại phổ quát, nhưng thay vào đó hãy biến câu chuyện của họ thành của riêng chúng con và lưu tâm đến hoàn cảnh của họ. [1]

Lạy Ngôi Lời vĩnh cửu trở nên xác phàm, xin khiến chúng con chú ý đến ngôi nhà chung của chúng con, nơi đang chịu đựng sự bất cẩn mà chúng con thường đối xử với nó. Xin truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo chính trị đạt được các thỏa thuận hiệu quả, để các thế hệ tương lai có thể sống trong một môi trường tôn trọng sự sống.

Anh chị em thân mến, giữa muôn vàn nan đề của thời đại chúng ta, niềm hy vọng vẫn chiếm ưu thế, “vì một hài nhi đã được sinh ra cho chúng ta” (Is 9: 6). Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một hài nhi sơ sinh, chỉ có khả năng khóc và cần sự giúp đỡ về mọi thứ. Người muốn học cách nói, giống như mọi đứa trẻ khác, để chúng ta có thể học cách lắng nghe Thiên Chúa, Cha của chúng ta, lắng nghe nhau và đối thoại như anh chị em.

Lạy Chúa Kitô, được sinh ra vì chúng con, xin dạy chúng con đi bên cạnh Chúa trên con đường hòa bình.

Chúc mọi người Giáng Sinh vui vẻ!

Bây giờ là nghi thức ban phép lành URBI ET ORBI cho Roma và toàn thế giới, kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.

Xin quý vị và anh chị em cùng hiệp ý để đón nhận ơn toàn xá:

Mở đầu nghi thức, Đức Hồng Y trưởng đẳng phó tế, tuyên bố chủ ý của Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho những người nói trên, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Đức Thánh Cha đã long trọng đọc lời nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, vì lời cầu bầu của Mẹ Maria, của các thánh tông đồ Phêrô, Phaolô và toàn thể các thánh, mà xá giải mọi tội lỗi và hình phạt bởi tội lỗi cho các tín hữu.

Ngài đọc như sau:

Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.

Nhờ lời cầu bầu và công nghiệp của Đức Trinh nữ Maria, của tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.

Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha đang giơ tay ban phép lành kèm ơn toàn xá.

[1] Xem Diễn từ tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng”, Mytilene, ngày 5 tháng 12 năm 2021.
Source:Holy See Press Office
 
Hi hữu: Cuốn Kinh Thánh cứu 2 bé sơ sinh trong đường tơ kẽ tóc. Thay đổi trong Giáo triều Rôma
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:47 25/12/2021

1. Hai em bé trốn trong bồn tắm cùng với cuốn Kinh Thánh được tìm thấy còn sống sau cơn lốc xoáy

Bà ngoại của hai đứa bé may mắn này đã nhanh trí bế chúng đặt vào trong bồn tắm khi cơn lốc đang lù lù hướng đến ngôi nhà sắp bị triệt hạ tan tành của chúng.

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, cho biết hai trẻ sơ sinh ở Kentucky đã sống sót sau trận lốc xoáy kinh hoàng nhờ sự nhanh trí của bà ngoại.

Khi cơn lốc hướng đến nhà của bà ở Hạt Hopkins, Clara Lutz, đặt hai đứa cháu của bà vào bồn tắm, trùm chăn và gối cho chúng và chèn thêm vào đó một cuốn Kinh thánh để chèn cho chặt.

Nhờ những hành động của bà, bé Kaden, 15 tháng và bé Dallas, 3 tháng, là hai cháu bé được bà chăm sóc, đã sống sót sau khi cơn bão san bằng ngôi nhà của Bà Lutz.

“Tôi cảm thấy tiếng ầm ầm, tôi cảm thấy ngôi nhà rung chuyển. Điều tiếp theo tôi còn nhận biết là cái bồn tắm đã được nâng lên và nó nằm ngoài tầm tay với của tôi. Tôi không thể giữ lại được, tôi chỉ kịp la lên – Lạy Chúa tôi”, Bà Lutz nói với 14 News.

Bà Lutz nói với đài 14 News rằng khi chiếc bồn tắm bị nâng lên khỏi nền nhà, bà cũng bị một cái gì đó đánh bất tỉnh, rồi sau đó khi tỉnh dậy bà không thể tìm thấy các cháu của mình, bà đã cầu nguyện xin Chúa cho bà tìm được chúng.

“Tôi đã tìm kiếm khắp nơi để xem cái bồn tắm rớt xuống chỗ nào. Tôi không có chút manh mối nào về việc những đứa trẻ này đang ở đâu. Tất cả những gì tôi có thể nói là ‘Chúa ơi, xin hãy mang các cháu của con về với con một cách an toàn. Xin Chúa, con cầu xin Chúa’”.

Khi cơn bão đi qua, lực lượng cứu cấp đã phát hiện ra chiếc bồn tắm bị lộn ngược, bên dưới là những đứa trẻ.

“Tôi lên xe của cảnh sát trưởng đậu ở cuối đường lái xe vào nhà tôi, và không lâu sau đó, họ mở cửa và đưa Kaden, đứa cháu 15 tháng tuổi của tôi ra. Và họ mang cho tôi đứa cháu Dallas, ba tháng tuổi. Họ đã đưa nó đến cho tôi. Nó bị một cục u trên đầu”, Bà Lutz nói với 14 News.

Chính cuốn Kinh Thánh đã cứu những đứa trẻ. Khi cái bồn tắm bị úp ngược xuống, cuốn Kinh Thánh rớt ra, cái bồn tắm cấn lên cuốn sách chừa ra một khoảng trống để hai đứa bé có thể thở được. Nếu không, chúng đã chết vì ngạt thở.

Các cơn lốc xoáy quét qua Kentucky, Arkansas, Missouri, Illinois và Tennessee trong hai ngày 10 và 11 tháng 12 đã khiến 89 người thiệt mạng. Riêng ở Kentucky, 76 người đã thiệt mạng.
Source:Aleteia

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Turkson nguyên tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện

Hôm thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Peter Turkson trong cương vị tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.

Ngài đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Michael Czerny, Dòng Tên, người Canada 75 tuổi làm người đứng đầu tạm thời của bộ trong khi chờ bổ nhiệm “lãnh đạo mới”.

Hôm 23/12, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết các nhà lãnh đạo của tòa thánh phải nộp đơn từ chức cho Đức Giáo Hoàng sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của các ngài. Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện được thành lập vào năm 2016, và Đức Hồng Y Turkson đã làm tổng trưởng từ đó đến nay.

“Trong khi chân thành cảm ơn Đức Hồng Y Peter Appiah Turkson và những người cộng tác của ngài vì sự phục vụ của họ và trong khi chờ đợi sự bổ nhiệm của ban lãnh đạo mới, Đức Thánh Cha đã giao phó việc quản lý thông thường của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện cho Đức Hồng Y Michael Czerny kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2022, với tư cách là tổng trưởng và Sơ Alessandra Smerilli, FMA, là thư ký”.

Đức Hồng Y Turkson từng là tổng giám mục của Cape Coast, Ghana, trước khi ngài được gọi đến Rôma vào năm 2009 để làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

Vị Hồng Y 73 tuổi, người nói được sáu thứ tiếng, đã trở thành chủ tịch đầu tiên của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện vào năm 2016 sau khi hội đồng giáo hoàng của ngài được sáp nhập vào cơ quan mới cùng với ba cơ quan khác.

Tin đồn về việc ngài từ chức xuất hiện vài tháng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ra lệnh kiểm tra bộ này do Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago dẫn đầu, sau đó là những thay đổi về nhân sự.

Đức Hồng Y Turkson nói với các nhà báo hôm thứ Ba rằng Đức Giáo Hoàng sẽ quyết định tương lai của mình sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm.

“Nếu Đức Thánh Cha quyết định để tôi tiếp tục, thì tôi sẽ tiếp tục. Nếu ngài quyết định chỉ định tôi vào công việc khác, tôi cũng sẽ tuân theo.”

“Tất cả chúng tôi đến đây để phục vụ và hỗ trợ Đức Thánh Cha trong sứ vụ của ngài, và chính là như vậy… Chúng tôi chỉ chờ Đức Thánh Cha xem ngài muốn chúng tôi làm gì”.

Đức Hồng Y Czerny, người sinh ra ở Brno, Tiệp Khắc, vào năm 1946, là Thứ trưởng phụ trách Bộ phận Người di cư và Tị nạn của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện kể từ năm 2017. Ngài nhận được chiếc mũ đỏ Hồng Y vào tháng 10 năm 2019.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Smerilli, một nhà kinh tế học người Ý và là thành viên của dòng các nữ tu Salêdiêng Don Bosco, làm thư ký lâm thời của bộ vào tháng Tám.

Sau khi Đức Hồng Y người Guinea Robert Sarah thôi giữ chức Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích vào tháng 2, Đức Hồng Y Turkson là người Phi Châu duy nhất lãnh đạo một bộ của Vatican.

Đây được cho là lần đầu tiên kể từ năm 1977, Vatican không có nhà lãnh đạo Phi Châu nào trong số những người đứng đầu tại giáo triều. Đức Hồng Y Bernardin Gantin, từ Benin, được bổ nhiệm vào năm 1977 để lãnh đạo Ủy ban Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, trở thành người Phi Châu đầu tiên lãnh đạo một cơ quan trung ương của Vatican.
Source:Catholic News Agency

3. Các biện pháp chống Covid mới khi vào các văn phòng Vatican và Giáo triều Rôma

Kể từ Thứ Năm ngày 23 tháng 12, chỉ những người có giấy chứng nhận đã được tiêm phòng hoặc phục hồi sau SARS-Cov-2 mới được phép vào các văn phòng của Giáo triều Rôma.

Một sắc lệnh tổng quát mới, do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký, đưa ra các quy định mới “xét vì tình trạng khẩn cấp y tế hiện tại vẫn tiếp tục tiếp diễn và thậm chí còn tồi tệ hơn và sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp thích hợp để chống lại nó và bảo đảm việc tiến hành an toàn các hoạt động”.

Sắc lệnh mới - theo sau sắc lệnh về các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được công bố vào ngày 16 tháng 12 (số CDLXI) bởi Đức Tổng Giám Mục Fernando Vérgez Alzaga, là Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về quốc gia Thành Vatican, áp dụng cho nhân sự của tất cả các bộ, Hội đồng và các văn phòng của Giáo triều Rôma, cũng như các bộ phận liên quan đến Tòa thánh. Các quy tắc cũng được mở rộng cho các cộng tác viên bên ngoài, nhân viên của các công ty bên ngoài, khách truy cập và người dùng các dịch vụ.

Theo nghị định, nhân viên không có “thẻ xanh” hợp lệ chứng minh tình trạng tiêm chủng hoặc phục hồi sau vi rút, sẽ không thể tiếp cận nơi làm việc và sẽ bị coi là vắng mặt không có lý do, do đó sẽ bị đình chỉ thanh toán cho thời gian vắng mặt. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến an sinh xã hội và các khoản khấu trừ phúc lợi, cũng như giảm trừ gia cảnh. Việc tiếp tục vắng mặt không có lý do sẽ phải gánh chịu những hậu quả được quy định trong Quy định chung của Giáo triều Rôma.

Tất cả những người tiếp xúc với công chúng, kể từ ngày 31 tháng Giêng năm 2022, sẽ có nghĩa vụ cung cấp tài liệu chính thức chứng minh họ đã nhận được đầy đủ vắc-xin chống Covid bao gồm cả liều tăng cường thứ ba.

Ngoài các quyền kiểm soát được giao cho Hiến binh Vatican, sắc lệnh quy định rằng mỗi cơ quan được yêu cầu xác minh sự tuân thủ các yêu cầu, với một loạt các thủ tục để tổ chức các cuộc kiểm tra này và xác định những người chịu trách nhiệm xác minh và tranh chấp các vi phạm nghĩa vụ. Liên quan đến các Bộ liên quan, các phụ tá tổng thư ký chịu trách nhiệm bảo đảm sự tuân thủ.

Bất kỳ đánh giá nào về các yếu tố dẫn đến việc có thể được miễn trừ các nghĩa vụ của sắc lệnh thuộc trách nhiệm của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và tùy thuộc vào ý kiến của Tổng cục Y tế và Vệ sinh.

Sắc lệnh cũng nêu rõ rằng các cơ quan y tế có thẩm quyền của Vatican có thể thấy cần thiết phải đưa ra những hạn chế hơn nữa đối với những người đến từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao.
Source:Vatican News