Ngày 26-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 27/12: Người Môn Đệ Chúa Yêu – Mừng kính Thánh Gioan Tông Đồ, Thánh Sử - Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:44 26/12/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Sáng sớm ngày Phục Sinh, bà Ma-ri-a Mác-đa-la chạy đi gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:27 26/12/2022

31. Lấy đức ái đối xử với người, thì Thiên Chúa ở trong lòng của người yêu người.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:28 26/12/2022
23. XÚ PHỤ BẮT CHƯỚC CAU MÀY.

Ngày nọ, Tây Thi bị bệnh, vì đau nên nàng hay cau mày, người trong làng cảm thấy Tây Thi có một phong cách rất đẹp khi cau mày, nên rất thích nàng.

Một xú phụ (phụ nữ xấu) thấy vậy liền học Tây Thi cách cau mày, nhưng khi mọi người vừa nhìn thấy bà cau mày thì liền ùn ùn chạy trốn.

( Trang tử )

Suy tư 23:

Con khỉ dù nó mặc áo quần bằng lụa là gấm vóc, dù nó được trang sức bằng vàng bạc ngọc ngà châu báu, thì nó vẫn là con khỉ, không thể là một cô gái đẹp.

Người khiêm tốn đi đến đâu ai cũng thích, vì họ không biết phê phán ai.

Người kiêu ngạo đi đến đâu thì ai ai cũng phải tránh xa, bởi vì họ bắt chước người khiêm tốn không phê bình ai, nhưng luôn cho mình là người nổi trội vượt trên mọi người...

Con khỉ là con khỉ và người đẹp là người đẹp không thể lẫn lộn nhau được, dù cho con khỉ mặc áo gấm trang sức bằng vàng ngọc thì khỉ vẫn là khỉ; cũng vậy, người kiêu ngạo thì khó mà thấy mình sai, dù cho họ có trang điểm bằng lời nói cử chỉ khiêm nhượng, thỉ họ khó mà nhận ra điều tốt đẹp nơi người khiêm tốn, bởi vì con mắt của người kiêu ngạo bị che mờ bởi những hào quang giả tạo do mình tạo ra.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Môn đệ vô danh
Lm Minh Anh
14:49 26/12/2022

MÔN ĐỆ VÔ DANH
“Ông đã thấy và đã tin!”.

Một tác giả viết, “Niềm tin nhỏ đưa linh hồn bạn lên thiên đàng, niềm tin lớn đưa thiên đàng xuống linh hồn bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hơn cả tác giả vô danh kia, Tin Mừng hôm nay cho thấy một điều gì đó ‘hơn cả thiên đàng’ mà người ‘môn đệ vô danh’ của Tin Mừng thứ tư có được! Thật bất ngờ, hai ngày sau lễ Giáng Sinh, chúng ta được nghe Phúc Âm đại lễ Phục Sinh; bởi lẽ, hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một chứng nhân phục sinh, Gioan tông đồ, thánh sử.

Theo truyền thống, Gioan được đồng nhất với “môn đệ kia” trong Tin Mừng của mình. Môn đệ này thực sự không bao giờ được ‘nêu tên’ trong Tin Mừng thứ tư, ông luôn được gọi đơn giản là “người Chúa Giêsu yêu”; vậy mà, môn đệ này luôn là mẫu mực đáng cho chúng ta ao ước! Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu yêu Gioan hơn những người khác; Ngài đã nói với tất cả các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy yêu mến các con”. Tất cả, trong đó, có bạn và tôi! Dẫu vậy, Phúc Âm vẫn cho biết, ‘môn đệ vô danh’ này đã đáp lại tình yêu cách trọn vẹn hơn các môn đệ còn lại; bằng chứng là, đang khi tất cả bỏ chạy, môn đệ này vẫn ngoan cường đứng dưới chân thập giá với nhóm phụ nữ. Vì thế, ông vẫn là kiểu mẫu cho tất cả môn đệ mọi thời.

Tin Mừng cho biết, chính tình yêu tín trung đã cho phép ông linh cảm một điều gì đó về Thầy nhanh hơn những người khác. Chẳng hạn, cả Phêrô và ông nhìn thấy những dải vải gấp gọn trong ngôi mộ trống; tuy nhiên, chỉ với môn đệ này, “Ông đã thấy và đã tin!”. Môn đệ này nhận ra sự hiện diện của ‘một Ai đó’ ‘đàng sau những gì có thể nhìn thấy’. Cũng thế, chúng ta hãy nhìn mọi sự bằng đôi mắt tín trung vốn cho phép nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh ngay trong những khoảng không đời mình, những khoảng không xám xịt, chẳng có hy vọng, chẳng có sự sống!

“Ông đã thấy và đã tin!”. Ông thấy gì? Thư thứ nhất của Gioan hôm nay trả lời, “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống”. Ôi, ‘đàng sau những gì có thể nhìn thấy’ từ máng cỏ, môn đệ này như sách Khải Huyền cho biết, là “chim phượng hoàng” chấp cánh bay cao lên tận mút cùng thời gian, mút cùng không gian để chiêm ngắm Ngôi Lời; ‘đàng sau những gì có thể nhìn thấy’ từ ngôi mộ trống, môn đệ này mời chúng ta tin nhận Chúa Phục Sinh! Đấng mà từ nguyên thuỷ, đã có; hằng ở với Cha; là Ánh Sáng và là Sự Sống! Đó là Giêsu, Đấng mà môn đệ này đã nghe, đã thấy, đã chạm đến; là Ngôi Lời mặc lấy xác phàm hèn yếu như chúng ta mà đại lễ Giáng Sinh mừng kính, cũng là Đấng Phục Sinh đang sống, đang hoạt động với Thánh Thần của Ngài trong Hội Thánh.

Anh Chị em,

“Ông đã thấy và đã tin!”. Sở dĩ ông tin; vì lẽ suốt cả cuộc đời, môn đệ này đã để những gì ông thấy, ông nghe từ Thầy mình đi vào tâm trí, đi vào con tim; từ đó, ông khám phá dần, Ngài là ai. Vì thế, môn đệ này đã trầm lắng dưới chân thập giá, bình tâm trong cơn khủng hoảng. Cũng thế, đầu mùa Giáng Sinh, khi cho con cái lắng nghe Tin Mừng Phục Sinh, Giáo Hội muốn hỏi bạn và tôi, “Con thấy gì?”. Thấy nhân loại nhẫn tâm đẩy Con Thiên Chúa ra tận đồng vắng; thấy con người ác tâm treo Đấng Cứu Độ lên giá tội nhân! Đổi lại sự vô tâm, Giáo Hội mời chúng ta gẫm suy tình yêu của Gioan đối với Thầy; và còn hơn thế, chiêm ngắm tình yêu khôn lường của Thiên Chúa dành cho chính mình. Đúng thế, chỉ người ‘môn đệ vô danh’ mới biết trầm mình và dám trầm lắng để thấy Chúa đang nhìn, đang yêu; và niềm tin của Gioan đã kéo thiên đàng Giêsu xuống tận linh hồn ông!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì con cũng có một con tim yêu mến, một đức tin kiên cường như Gioan, người ‘môn đệ vô danh’; nhờ đó, thiên đàng cũng kéo xuống tận linh hồn con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mùa Ngôi Lời Dựng Lều
Nguyễn Trung Tây
15:37 26/12/2022
Nguyễn Trung Tây
Mùa Ngôi Lời Dựng Lều


Giáng Sinh định nghĩa trọn vẹn trong một câu thật ngắn, “Và Ngôi Lời đã thành người, và định cư giữa chúng ta” (John 1:14). Định cư hay đúng nhất là dựng lều/σκηνόω/đọc skê-nó-ô, động từ tác giả Tin Mừng Gioan đã sử dụng trong bản văn nguyên thủy. Động từ dựng lều lấy từ hình ảnh dân du mục Do Thái skê-nó-ô/dựng lều trong sa mạc; và Thiên Chúa cũng dựng lều/skê-nó-ô của Ngài ngay giữa những lều du mục. Trong suốt một chặng đường sa mạc 40 năm, Thiên Chúa đi theo, dựng lều, đồng hành và chia sẻ buồn vui với dân du mục. Khi dân khát, Thiên Chúa ban phát nước. Khi họ đói, Ngài ban Manna. Khi họ bị người địa phương lấn át, Ngài ra mặt trận tuyến đầu cùng xông pha khói đạn với dân du mục.

Người ta có thể ĐỊNH CƯ ở một thị trấn, thành phố. Nhưng người ta có thể không có bất cứ một sinh hoạt nào với bất cứ một người nào sống trong cùng một khu chung cư hoặc khu phố. Trong trường hợp này, người ta chỉ thuần túy định cư. Nhưng người DỰNG LỀU không chỉ định cư, nhưng còn đồng hành cùng người dân khu phố hoặc khu chung cư. Khi người hàng xóm không có chén cơm bởi sổ xố bán ế, người định cư có thể sẽ nghĩ, “đèn nhà ai nhà đó rạng.” Nhưng người dựng lều thì không. Người dựng lều dù cũng không khá giả gì, nhưng vẫn sẵn sàng chia cơm sẻ áo với hàng xóm bán số. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Khi người hàng xóm bị rỡ nhà, người dựng lều sẽ không ngồi yên, nhìn, và lặng. Hiểu động từ dựng lều, độc giả Kinh Thánh cũng hiểu tại sao Đức Giêsu dựng lều đã bị dẫn thẳng lên đồi Golgotha.

“Và Ngôi Lời đã thành người, và dựng lều giữa chúng ta” là câu chính xác của John 1:14. Từ thiên đàng, Ngôi Lời từ bỏ thiên tính, và Ngài xuống trần thế làm người. Trần gian dựng lều để sống cuộc đời lữ hành, Đức Giêsu Ngôi Lời cũng thế. Ngài không định cư, nhưng dựng lều, sống như mọi người và đồng hành cùng mọi người. Bởi thế, ngay từ thiên niên kỷ đầu tiên, bài ngợi ca Ngôi Lời Dựng Lều đã xuất hiện,

Đức Giêsu Kitô,
tuy là Thiên Chúa,
nhưng không nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng
với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn
trút bỏ vinh quang,
mặc lấy thân phận nô lệ
trở nên giống phàm nhân,
sống như người trần thế
(Phil 2:6-7).

Lời Nguyện
Lạy Chúa! Xin hướng dẫn chúng con không định cư nhưng dựng lều như Đức Giêsu lấm lem đất bùn đã từng dựng lều giữa nhân gian để cõi đời bớt đi nét lấm lem.
(Trích Suy Niệm Lời Kinh Thật Thà, NXB Đồng Nai, 2022)

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Làm phép khu đất và khởi công xây dựng ĐCV Thánh Giuse Hà Nội tại giáo xứ Hoàng Nguyên
BTT GP Hà Nội
09:21 26/12/2022
Làm phép khu đất và khởi công xây dựng ĐCV Thánh Giuse Hà Nội tại giáo xứ Hoàng Nguyên

“Hôm nay chúng ta trả lại cho Hoàng Nguyên vinh quang và tự hào đã có cách đây 1 thế kỷ, một mảnh đất vô cùng linh thiêng với những truyền thống tốt đẹp. Là nơi các Đấng Bề trên của Giáo phận gửi gắm niềm tin để đào tạo nên những chủng sinh tương lai của Giáo phận.” Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên đã chia sẻ như trên trong ngày lễ khởi công xây dựng Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội phân khoa Triết học và lớp Tu đức tại giáo xứ Hoàng Nguyên. Thánh lễ và nghi thức được diễn ra lúc 9h30 ngày 26/12/2022.

Xem Hình

Theo lịch sử, Hoàng Nguyên được mọi người biết đến với một cái tên gắn liền với Giáo xứ, đó là Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên. Tiểu Chủng viện ban đầu chỉ là nhà tranh vách đất như phần lớn những nhà dân thời đó. Năm 1904, Tiểu Chủng viện bị phóng hỏa. Việc tái thiết những công trình bị cháy được xây dựng lại theo phong cách mới, tường bằng đất nung, cột gỗ và mái ngói. Số lượng học sinh lên tới 200 người. Sau những biến cố lịch sử, Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên còn tiếp tục hoạt động cho tới năm 1949 bị đóng cửa và từ năm 1950, Tiểu Chủng viện được đưa về Hà Nội và Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên chính thức đóng cửa từ đó. Năm 1971, nhà nước đã trưng dụng Tiểu Chủng viện làm trường Trung học Phổ thông Phú Xuyên B và Trường Trung học Cơ sở. Năm 1998, trường học chuyển đến địa điểm mới. Ngày 23/10/2006, nhà nước đã giao lại 14.087m2 cho Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Với thao thức trở về với cội nguồn, ngày 27/9/2021, Đức TGM Giuse đã ký quyết định hợp nhất các cơ sở đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất tại giáo xứ Hoàng Nguyên.

Hiện diện trong lễ khởi công hôm nay có Cha Tổng Đại diện Antôn, Cha Giám đốc và Phó Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, Cha Quản hạt Phú Xuyên, quý Cha giáo đại diện cho Đại Chủng viện, quý Cha trong và ngoài Giáo hạt, quý Thầy Chủng sinh, quý Sơ và anh chị em giáo xứ Hoàng Nguyên. Cách riêng, ngày lễ có sự hiện diện của ông Nguyễn Đức Tuấn cùng với các thành viên của Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội.

Trước khi bước vào nghi thức làm phép, cha Phaolô Phạm Văn Mạnh, chính xứ Hoàng Nguyên đã đọc lược sử về sự hình thành và phát triển của Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên.

Sau lời giới thiệu của Đức TGM Giuse về những dấu ấn thiêng liêng in đậm nét lịch sử tại mảnh đất Hoàng Nguyên, Cha Thư ký Gioan Nguyễn Văn Toàn đã đọc văn bản quyết định bổ nhiệm Ban Kiến thiết của công trình xây dựng Đại Chủng viện phân khoa Triết học và lớp Tu đức tại giáo xứ Hoàng Nguyên. Theo đó, Ban Kiến thiết gồm 4 linh mục:

1. Cha Phaolô Phạm Văn Mạnh – Trưởng ban, Đại diện Pháp lý và chịu trách nhiệm về vật tư

2. Cha Giuse Nguyễn Văn Tuấn – Tổ chức và giám sát thi công hiện trường

3. Cha Tôma Aquinô Nguyễn Xuân Thủy – Đặc trách Tài chính

4. Cha Bruno Phạm Bá Quế – Giám sát thiết kế và chất lượng xây dựng

Nghi thức làm phép được bắt đầu với lời nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần, với ước nguyện xin Ngài thánh hóa và chúc lành cho công trình xây dựng được diễn tiến trong ân sủng và bình an.

Chia sẻ về việc lựa chọn Hoàng Nguyên là nơi tái thiết Đại Chủng viện, Đức TGM Giuse đã nhấn mạnh: “Nơi đây là mảnh đất linh thiêng các Đấng Bề trên đã chọn lựa để làm nơi đào tạo, bởi nơi đây thiên nhiên và con người đều phù hợp với việc đào tạo các linh mục tương lai của TGP”. Cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất, Đức TGM Giuse cũng mời gọi cộng đoàn lưu tâm đến việc xây dựng ngôi nhà đức tin, củng cố ngôi đền thờ thiêng liêng là tâm hồn mỗi người.

Sau lời nguyện xin Chúa thánh hóa, Đức TGM Giuse đã rảy nước thánh và làm phép khu đất.

Kết thúc nghi thức, cộng đoàn cùng tiến về nhà thờ Giáo xứ tham dự Thánh lễ kính Thánh Stephano tử đạo tiên khởi do Đức TGM Giuse chủ sự. Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện đặc biệt cho việc xây dựng Đại Chủng viện Thánh Giuse diễn ra trong an toàn và đạt nhiều thuận lợi.

Được biết, diện tích khu đất xây dựng phân khoa Triết học và lớp Tu đức là 1872m2, với 4 tầng và 1 tum. Tổng diện tích sàn là 7249,68, chiều cao 18,9 và khu nhà phụ trợ 360m2. Công trình đáp ứng chỗ ở và sinh hoạt cho 14 cha giáo, 150 chủng sinh và những người phục vụ.

Chúng ta hợp lời cầu nguyện và chung tay góp sức cho công trình xây dựng cơ sở đào tạo linh mục của Tổng Giáo phận sớm được hoàn thiện trong ân sủng Chúa.

BBT
 
Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Linh Tempe,Tiểu Bang Arizona Mừng Đại Lễ Giáng Sinh năm 2022
Phan Hoàng Phú Quý
18:15 26/12/2022
Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Linh Tempe,Tiểu Bang Arizona Mừng Đại Lễ Giáng Sinh năm 2022

(Tempe-Arizona) Hàng năm đến ngày 25 tháng 12 Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ đều long trọng tổ chức Đại Lễ Giáng Sinh Mừng Chúa Ra Đời, ghi dấu một biến cố lịch sữ rất quan trọng, đó là Thiên Chúa đã yêu thương loài người, và đã ban tặng chính con Ngài cho chúng ta.

Xem Hình

Trong tâm tình của ngày Đại Lễ Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Linh cũng đã tổ chức Thánh Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh một cách trang nghiêm và sốt sáng với một hoạt cảnh linh động, nhiều cãm xúc, ghi lại mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người.

Loài người ơi tới Bêlem kính thờ Ngôi Hai Chúa cao sang

Người sinh xuống cứu muôn dân đang lầm than

Nào Sion hãy ca lên nhịp nhàng tung hô, Chúa vinh quang

Vì yêu thương đã sinh ra trong cảnh âm thầm

Bêlem năm ấy ánh sáng chiếu soi giữa trời mùa Đông

Vang trong tuyết sương bao nhiêu đàn ca dâng lên du dương

Bên trong hang đá khó khăn thấp hèn giữa trời đầy sương

Ngôi Hai giáng sinh làm người chuộc tội vì lòng xót thương.

Trên đây là những lời ca nguyện đã được ca đoàn Thánh Linh và cộng đoàn dân Chúa cùng hát lên để đón chào Đức Ông Phêrô Bùi Đại từ từ tiến về cung thánh.

Trong phần chia sẽ lời Chúa, vị chủ tế đã nhấn mạnh lời của các thiên thần loan báo cho các mục tử biết “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho các ngươi, và gọi đây là tin mừng đặc biệt vì Đấng Cứu Thế này sẽ ban bình an và niềm vui cho người thiện tâm”.

Không có gì trên trần gian này có thể ban cho chúng ta bình an và niềm vui mà Chúa Giêsu muốn ban tặng cho chúng ta trong mùa Giáng Sinh này.

Tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc đẹp, tất cả rồi cũng bị tàn lụi, phôi phai theo năm tháng, nếu chúng ta cứ bám víu, cứ khư khư muốn giữ lấy những thịnh vượng mong manh đó, chúng ta sẽ mãi bị căng thẳng, và luôn sống trong lo âu khốn khổ.

Trái lại bình an mà Chúa Giêsu mang đến là sự bình an vĩnh cữu mà Chúa đã thiết lập và ban tặng cho chúng ta, cho dù đời sống chúng ta gặp nhiều khó khăn, nhiều thử thách, nhiều cám dỗ nhưng có Chúa cùng đồng hành, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua và sẽ đến đích là nơi vĩnh cữu trên Thiên Đàng.

Chúng ta có thể vui mừng và khẳng định rằng Đấng Cứu Thế đang sống và đang khóc bên cạnh chúng ta, và Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta vì Ngài là Đấng Emmanuell, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Ước gì Mùa Giáng Sinh năm nay mỗi người chúng ta mỡ rộng tâm hồn để Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta Niềm Vui và Bình An đích thực. Amen.

Sau thánh lễ là phần chúc mừng Đức Ông Peter Bùi Đại nhân ngày kỷ niệm 19 năm thụ phong linh mục, và phần phát quà Noel cho các em thiếu nhi trong cộng đoàn.

Vinh Danh Thiên Chúa Trên Các Tầng Trời

Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm.

Phan Hoàng Phú Quý
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tác Giả Thánh Sử Gioan
Nguyễn Trung Tây
04:52 26/12/2022
Nguyễn Trung Tây
Tác Giả Thánh Sử Gioan


Tương tự như ba bản Tin Mừng Nhất Lãm, Tin Mừng Gioan nguyên thuỷ được viết trong tiếng phổ thông Hy Lạp (Koine Greek), và cũng không ghi tên tác giả. “Nói một cách khác, không có một bằng chứng hoặc danh mục nào trong văn bản để xác định danh tính tác giả” của Tin Mừng thứ Tư.

Tuy danh tính tác giả không đính kèm trên văn bản, Tin Mừng thứ Tư có ghi những chi tiết liên quan đến nguồn gốc của tác giả. Chi tiết này được ghi nhận trong Gioan 21:24. Câu văn này đã quy định tác giả Tin Mừng thứ Tư là người Môn Đệ Yêu Dấu. Người này đã ngả lưng cạnh Đức Giêsu trong bữa tiệc sau cùng (Ga 13:23), đứng dưới chân cây thánh giá của Đức Giêsu (Ga 19:26), và chạy đến ngôi mộ trống của Đức Giêsu cùng với môn đệ Phêrô (Ga 20:3-4). Tuy tác giả được xác định là người Môn Đệ Yêu Dấu, nhưng danh tính của người môn đệ này vẫn còn là một đề tài tranh luận giữa các nhà chú giải Thánh Kinh. Nhiều ý kiến cho rằng môn đệ Gioan chính là người Môn Đệ Yêu Dấu. Nguồn gốc giả định cho rằng người Môn Đệ Yêu Dấu chính là Tông đồ Gioan khởi nguồn từ Giáo phụ Irênê – Giám mục thành Lyon (130-200 CN). Trong tác phẩm Chống Lại Lạc Giáo 3.1.1 của ngài, thánh Irênê xác định Tông đồ Gioan là tác giả Tin Mừng thứ Tư. Lời chứng của Giám mục Irênê dựa trên kiến thức của ngài thời còn nhỏ, được lãnh hội từ người thầy là thánh Polycáp. Mà thánh Polycáp lại chính là môn đệ của Tông đồ Gioan và nhiều tông đồ khác. Bởi thế, vào cuối thế kỷ thứ hai CN, truyền thống này trở thành kiến thức chung của cộng đồng Kitô hữu thời tiên khởi.

Truyền thống “Tông đồ Gioan” kéo dài nhiều thế kỷ cho đến thế kỷ 19. Khi đó, các nhà chú giải Thánh Kinh bắt đầu đặt nghi vấn về tính chính xác của “nguồn gốc gán đặt Tin Mừng Gioan tới Gioan Tông đồ – con trai ông Dêbêđê.” Nhiều nhà chú giải thậm chí còn hoài nghi, đặt vấn đề nếu Gioan Tông đồ chính là người Môn Đệ Yêu Dấu, người đã tuyên bố quyền tác giả tại chương cuối cùng của Tin Mừng. Một số nhà chú giải lại còn muốn phân biệt người Môn Đệ Yêu Dấu với tác giả Tin Mừng Gioan. Theo như họ, người này không phải là Gioan, con ông Dêbêđê. Francis Moloney biện luận rằng người Môn Đệ Yêu Dấu là một trong hai môn đệ đã rời bỏ sư phụ Gioan Tẩy Giả để đi theo Đức Giêsu như đã tường thuật trong Gioan 1:37. Sandra Schneiders giả định rằng người Môn Đệ Yêu Dấu này là một nhân vật tương tự như người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp trong Gioan 4:4-43.

Hành trình truy tìm danh tính tác giả Tin Mừng thứ Tư trở nên càng thêm thú vị bởi những khai quật gần đây tại thành phố Giêrusalem. Trong quá khứ, các nhà chú giải “nghĩ rằng tác giả Tin Mừng thứ Tư đã sáng tác truyện [chữa lành người bại liệt 38 năm] ở hồ Bếtdatha từ óc tưởng tượng và nét thần học Kitô đặc biệt của riêng mình.” Tuy nhiên, “các nhà khảo cổ đã tìm ra [hồ Bếtdatha] đúng ngay vị trí nơi hồ nước được diễn tả trong Tin Mừng Gioan [5:1-18].” Ngoài hồ Bếtdatha, họ cũng khám phá ra hồ Silôam nơi mà, theo như Gioan 9, Đức Giêsu đã gửi người mù bẩm sinh đến dùng nước hồ để rửa cặp mắt. Cũng nên ghi nhận rằng tác giả Tin Mừng Gioan không chỉ mô tả chi tiết cặn kẽ hai hồ nước Bếtdatha và Silôam, mà còn cả “nơi cư ngụ của thầy Tư tế Tối cao Anna (18:13-18) và dinh thự quan Tổng trấn Philatô (18:28).” Những chi tiết này đã thuyết phục các nhà chú giải Thánh Kinh tin rằng, tác giả Tin Mừng thứ Tư thật sự “biết rất rõ về kinh thành Giêrusalem.” So sánh với ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, tác giả Tin Mừng Gioan “cho [độc giả] thấy một kiến thức sâu sắc và độc đáo” của ngài về thành đô Giêrusalem.

Tuy vậy, mặc cho những nỗ lực tìm kiếm không ngừng nghỉ của các học giả Thánh Kinh, cho đến ngày hôm nay, tác giả sách Tin Mừng thứ Tư vẫn còn là một nhân vật khuyết danh. Nói một cách khác, vẫn chưa có ai xác định được danh tính của tác giả Tin Mừng Gioan.
(Trích Âm Hưởng Truyền Giáo trong Văn Hóa Việt Nam của Tin Mừng Hóa Bánh Mì Ra Nhiều trong Gioan 6, NXB Tôn Giáo, 2021)
 
Văn Hóa
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, Chương Mười Ba
Vu Van An
00:08 26/12/2022

Chương XIII Nhìn lại lịch sử

(Tiếp theo)

III Nghĩ gì về tòa Lạc giáo (Inquisition)?

Tòa lạc giáo thời Trung cổ



1. Ngay từ đầu, chúng ta hãy nhận xét rằng việc thành lập Tòa án Lạc giáo phụ thuộc vào sự kết hợp phức tạp giữa đặc điểm thiêng liêng và trần thế của chế độ thánh thiêng {1} thời Trung cổ Kitô giáo. Trên thực tế, nguồn gốc đầu tiên của nó là quyền lực hoàng gia hơn là ngôi Giáo hoàng. Nó xuất hiện như một hiện tượng của Kitô giáo cũng như một hiện tượng của Giáo hội. Và chỉ đến cuối đường cong nó mới tự tan hòa vào phạm vi các "dịch vụ" thừa tác hoặc các cơ quan thừa tác được đem vào hoạt trường bởi quyền lực thiêng liêng để phục vụ các mục đích riêng và duy nhất của nó.

Nói tóm lại, trong bi kịch Tòa lạc giáo, người ta phải đối mặt với bốn nhân vật: Đức tin của Giáo hội (không chỉ là đức tin của Giáo hội, mà còn là nguyên tắc thân thiết nhất và cao cả nhất của sự thống nhất của kinh thành trần gian); Lạc giáo (không chỉ là lỗi chống lại đức tin, mà còn là nguyên tắc sâu xa của sự tách biệt khỏi kinh thành trần gian); nhân sự của Giáo hội, trên hết là Đức Giáo Hoàng; và các nhân viên của kinh thành trần gian, trên hết là các vị Vua hoặc Hoàng đế, với những quan tâm chính trị, lòng thèm muốn và tham vọng của họ. Và trong bi kịch đang bàn, chính các vị Vua ngay từ đầu đã giữ vai trò hàng đầu; Robert le Pieux là người đầu tiên nổi lửa giàn thiêu chống lại những kẻ lạc giáo ở Pháp.

Từ thế kỷ thứ mười một này, lúc mà ý niệm thánh chiến đã xuất hiện, chính các vị vua của Pháp đã khởi xướng cuộc đấu tranh chống lại người Cathar. Nói cho ngay, họ theo đuổi một mục đích kép: bảo vệ cơ chế chính trị thánh thiêng chống lại tà giáo lấy cảm hứng từ Manikêô đặc biệt nguy hiểm đối với nó; và đồng thời giải quyết vấn đề của họ với các ước vọng độc lập của những người nói phương ngữ phía nam sông Loire [langue d’oc], những người có nền văn hóa cạnh tranh với nền văn hóa của phương Bắc, dù sao họ cũng đã hoàn toàn thành công trong việc tiêu diệt nền văn hóa tinh tế và thanh tao này.

Chúng ta đừng quên rằng trong chế độ thánh thiêng, các nhà lãnh đạo trần thế là chủ nhân trong ngôi nhà riêng của họ đối với các công việc của trái đất, nhưng, bao lâu các công việc này cũng là các công việc của Kitô giáo, thì họ phụ thuộc vào vị lãnh đạo tối cao của lãnh vựv thiêng liêng, và đôi khi, các công cụ của vị này; mặt khác, quyền lực thiêng liêng là người bảo đảm tối cao cho quyền lực trần thế và của kinh thành trần thế do vị này cai trị, đến nỗi quyền lực thiêng liêng có nhiệm vụ bảo vệ cao độ đối với quyền lực trần thế, không ngần ngại "pha mình", tôi có thể nói như thế, vào việc này. Ở đây, ta thấy có những yếu tố của một phép biện chứng nội tại mang nặng những mâu thuẫn, đôi khi âm ỉ, đôi khi gay gắt, giữa hai quyền lực. Trong vụ việc với người Cathar, các vị vua rất Kitô hữu của Pháp đã không bỏ lỡ việc nhắc lại cho quyền lực thiêng liêng nhớ những nhiệm vụ của họ đối với kinh thành như chính họ hiểu, và theo cách cuối cùng hàm ngụ một kiểu tống tiền: một là Giáo hoàng sẽ đảm nhiệm việc đứng đầu một cuộc truy đuổi tà giáo đang tàn phá miền Nam nước Pháp (không phải là không lan rộng ra miền Bắc và thậm chí cả vùng Flanders), hai là chính các giám mục của vương quốc và các thẩm phán hoàng gia sẽ tự đảm nhiệm bảo vệ đức tin Công Giáo bất chấp Đức Giáo Hoàng, và lãnh đạo cuộc thánh chiến chống lại kẻ thù bên trong. Lúc đầu, các vị Giáo hoàng đã cố gắng chống lại, cảm nhận rõ ràng rằng sứ mệnh của Giáo hội là hoán cải các linh hồn hơn là thiêu sống các thân xác. Sau đó, các vị đã nhanh chóng nhượng bộ cuộc tống tiền, và nhanh chóng phán đoán rằng phương pháp mạnh là phương pháp tốt, sự lo lắng lớn lao của các vị lúc đó trở thành người nắm trong tay quyền chỉ đạo chính của doanh nghiệp. Chính vì vậy mà Tòa Lạc giáo thời trung cổ đã ra đời.

2. Đó là một bất hạnh cho Giáo hội. Đồng thời, trong khi phục vụ lợi ích của Vương quyền ở Pháp, nó đã bảo vệ Thế giới Kitô khỏi những mối đe dọa của một lạc giáo cực kỳ quyến rũ và độc hại hơn. Nhưng hoạt vụ này đã được tiến hành với cái giá cao xiết bao (và với biết bao hậu quả cho tương lai)!

Vào thế kỷ mười một và tiền bán thế kỷ mười hai, trong số các thánh và các nhà cầm quyền cấp cao của Giáo hội, không hề thiếu những vị nghĩ rằng cuộc đấu tranh chống lại lạc giáo chỉ có thể được tiến hành, bằng cách rao giảng và bằng các biện pháp trừng phạt thuộc trật tự thiêng liêng. Thánh Bênađô nói: Capiantur non armis, sed argumentis [Hãy tiến hành chúng không phải bằng vũ khí mà bằng các luận điểm] {2}. Và ngay cả sau Công đồng Latêranô thứ hai (1139), Alexandrô III vẫn tuyên bố vào năm 1162: "Tốt hơn là nên tha tội cho những người có tội còn hơn là tấn công cuộc sống của những người vô tội bằng một mức độ nghiêm trọng quá mức... Khoan dung thích hợp với giáo phẩm hơn là nghiêm khắc” {3}.

Tuy nhiên, cũng chính vị Giáo hoàng đó, gặp nhiều khó khăn và khuất phục trước áp lực của Louis VII Trẻ, vào năm sau đó, đã kêu gọi các biện pháp vũ lực bằng cách ra lệnh cho các hoàng tử kết án người Cathar ngồi tù và tịch thu tài sản. Đó là bước đầu tiên.

Khoảng hai mươi năm sau, vào năm 1184, Công đồng Verona, do Đức Giáo Hoàng Luxiô III chủ trì, và được Hoàng đế Frédéric Barberousse tham dự, đã đánh dấu việc khởi đầu thực sự của Tòa lạc giáo, và địa vị của nó đã được xác lập ở Pháp, vào năm 1232-1235, bởi các sắc chỉ của Đức Grêgôriô IX {4}. Đức Alexanđêrô III đã khởi đầu việc sử dụng các hình phạt trần thế. Điều này giờ đây đã trở thành định chế. Và một khi cỗ máy pháp lý đã được thành lập, một số người, có lẽ là rất nhiều, ngoài những kẻ điên rồ như Robert le Bougre hay Conrad de Marbourg, sẽ được chỉ định làm cho nó hoạt động, đều là những con người, trong nội tâm của họ, gắn bó với các giới luật Tin Mừng, những người sẽ phục vụ nó một cách hoàn toàn trong trắng vô tội. Bản thân cỗ máy thì không hề có tính Tin Mừng.

3. Tôi nhận thức rõ ràng rằng liên quan đến chữ Inquisition, là cả một hình ảnh hoàn toàn phổ biến trong đó (đặc biệt là về các dè dặt pháp lý{5} phải tuân giữ trong các phiên tòa nhằm bảo vệ phần nào {6} bị cáo) tính chính xác lịch sử đã bị bỏ qua nhường chỗ cho sự kinh dị, và trong đó lòng nhiệt thành phản giáo sĩ cũ đã thống lĩnh hoàn toàn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản mọi thứ diễn ra như chúng thực sự là.

Lãnh vực thích hợp của Giáo hội là đời sống nội tâm của các linh hồn trong mối liên hệ của họ với Thiên Chúa, trong đó điều quan trọng chủ yếu là họ tự do mở lòng mình cho chân lý và các ân sủng thần linh. Lợi ích chung của Giáo hội hệ ở chính điểm này. Nếu cần có các biện pháp phẫu thuật nhằm cắt đứt khỏi Giáo hội những thành viên có những sai sót đe dọa lợi ích chung này, thì đó là vạ tuyệt thông. Nhưng những phương tiện tự nó phù hợp với Xêda, các phương tiện vật chất và áp chế thể lý, là những phương tiện xa lạ, không được thích nghi, tự chúng không cân xứng với mục đích chính cần được theo đuổi đối với những người lầm lạc vốn là thành viên của Giáo hội: tức là chữa lành họ. Đối với một mục đích như vậy, tự chúng, chúng không có hiệu quả gì, ngoại trừ nhờ sự can thiệp của một ngoại lệ.

Kể từ thời điểm một định chế được nhân viên của Giáo hội tạo ra nhằm chuyển chiếc gậy, ngục tối, việc tra tấn và giàn thiêu vào việc phục vụ lãnh vực thiêng liêng, người ta đã vướng vào một mối bòng bong chết người, trong đó bạo lực gia tăng không ngừng: người ta bắt giữ những kẻ lạc giáo để trừng phạt họ trong thân thể hoặc trong tài sản trần gian của họ; lúc đó, chúng giả mạo nền chính thống; lúc đó người ta tìm lại chúng, dùng mọi phương tiện để lục xét lương tâm người ta và vạch trần tư tưởng của họ; lúc đó sự cố chấp trở thành chai đá trong lòng người ta, cùng với sự căm ghét tất cả những gì mà những người theo đuổi chúng đại diện cho; lúc đó người ta theo đuổi họ và người ta đánh đập họ còn gay gắt hơn nữa; lúc đó, đối với những người thuộc giáo phái của họ, họ trở thành các vị tử đạo, mà tấm gương sẽ hết sức rạng rỡ...

Không thể tiến xa đến mức tận diệt (điều đã xảy ra với người Cathar và người Albigeois), Tòa Lạc giáo đã không thực sự ngăn chặn được bất cứ tà giáo nào; bởi vì tinh thần, ngay cả khi nó lầm lạc nghiêm trọng nhất, luôn mạnh hơn sức mạnh.

4. Tôi đã nói rằng Tòa Lạc giáo là một bất hạnh cho Giáo hội. Tôi không nói rằng nó là sự xấu xa trong ý hướng chính và trong mục đích của nó. Mục đích chính (để bảo vệ đức tin) là điều tốt; và mục đích (để loại bỏ lạc giáo) là điều tốt. Tuy nhiên, khi thành lập Tòa Lạc giáo, một lầm lỗi nào đó, một sai lầm nào đó trong phán đoán thực tế tự nó có tội một cách nghiêm trọng, hẳn đã diễn ra. Ở đây có một điểm quan trọng cần làm sáng tỏ, đó là trong khi cố gắng trung thành với sự thật khách quan, ta không vì thế mà bất công đối với chủ thể con người.

Trong sắc chỉ nổi tiếng Unam Sanctam, Đức Bonifaciô VIII tuyên bố rằng Giáo Hội có "hai thanh gươm." Hai thanh gươm do Giáo hội sở hữu này là gì? Theo cách giải thích tự do mà tôi cho phép mình đề xuất, chúng ta đừng nói rằng đó là thanh gươm thiêng liêng và thanh gươm trần thế; chúng ta hãy nói rằng trong Giáo Hội, thanh gươm đầu tiên là thẩm quyền giảng dạy, thẩm quyền Lời Chúa, lời từng nói: "đây là sự thật do Thiên Chúa mạc khải," từ đó đức tin của tôi tuân theo, và: "Thiên Chúa cấm không ai được làm điều này" do đó, tôi sẽ giữ mình không làm điều đó, hoặc tôi sẽ đi xưng tội nếu tôi làm điều đó?{7} Và chúng ta hãy nói rằng thanh gươm thứ hai là thẩm quyền bắt buộc hoặc cưỡng chế{8}, bất kể nó có sử dụng các biện pháp trừng phạt thiêng liêng thuộc vương quốc của Thiên Chúa hay không (và là những biện pháp có thể hoặc hoàn toàn thiêng liêng – thiêng liêng đối với mục đích tức khắc và thiêng liêng một cách nội tại hoặc tự trong chúng - như vạ tuyệt thông, hoặc thiêng liêng đối với mục đích tức khắc nhưng trong chính chúng và có tính trần thế từ trong nội tại){9}, hoặc thậm chí, như trường hợp của mọi chế độ thánh thiêng, nó còn sử dụng các biện pháp trừng phạt trần thế vốn thuộc riêng cơ chế chính trị trần thế và quyền lực dân sự, quyền lực thiêng liêng lúc đó là người bảo đảm và bảo vệ tối cao những quyền lực này, và có thể yêu cầu chúng phục vụ mình nhân danh các mục đích và giá trị thiêng liêng, mà trong một chế độ như vậy, vốn được tích hợp trong lợi ích chung của kinh thành trần thế.

Bây giờ chúng ta hãy hướng về Tin Mừng, và hãy cầu xin chính lời Chúa hướng dẫn chúng ta.

Chúng ta đọc trong Thánh Luca (22:38): " Các ông nói: ‘Lạy Chúa, đã có hai thanh gươm đây’. Người bảo họ: ‘Đủ rồi!'”

Nhưng đó là thanh gươm thứ hai, thanh gươm trói buộc mà Simon Phêrô rút ra từ trong vỏ, khi Chúa Giêsu bị bắt, ông đã chặt tai phải của tôi tớ thầy thượng phẩm {10}. Và Chúa Giêsu nói gì với ông? "Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm "{11}.

Quyền lực thiêng liêng sở hữu hai thanh gươm. Nhưng khi nó sử dụng thanh gươm thứ hai, - và nhất là khi, như ở thời Trung cổ, nó sử dụng lúc phải nhờ đến vũ lực trần thế, - nó phải xỏ nó trở lại vỏ bọc ngay lập tức. Đó là một thanh gươm chỉ nên thỉnh thoảng mới sử dụng, và càng họa hoằn, và càng ít càng tốt (cắt tai, - đó là điều người ta có thể làm, phải không, trong việc sử dụng một thanh gươm).

Do đó, trong mục đích chính của Tòa án lạc giáo (để bảo vệ đức tin) và trong mục đích của nó (để bài trừ tà giáo) không hề có sai lầm. Nhưng khi rút thanh kiếm ra một cách không thể đặt nó trở lại trong vỏ, đã có một sai lầm, một sai sót, - chắc chắn là do chế độ thánh thiêng và não trạng của thời đại kéo theo hầu như không thể tránh khỏi - nhưng tự nó gây tổn hại cho Thiên Chúa một cách nặng nề khủng khiếp. Sai lầm, sai sót tai hại trong việc phán đoán thực tế của các vị Giáo hoàng thế kỷ thứ mười hai và mười ba {12} là đã thiết lập việc sử dụng vũ lực và các phương tiện vũ lực trong các vấn đề thiêng liêng thành dịch vụ hoặc cơ quan thừa tác thường trực của quyền lực thiêng liêng, nói ngắn gọn là thành định chế, được cấu tạo để tồn tại mãi, và có tầm quan trọng lớn lao, và đã tin tưởng vào những điều này mà quên đi tinh thần nào mới là tinh thần của Giáo Hội và tinh thần nào mới là tinh thần của các tôi tớ của Giáo hội. Và, do đó, họ đã đưa nhân sự của Giáo hội trong nhiều thế kỷ đi vào một con đường không đúng đắn.

Như tôi đã trình bầy ở trên, một định chế như vậy đặt lên hàng đầu một hành động dự phòng, một hành động bằng chính phương thức được nó sử dụng, đã phá hủy các điều kiện bình thường cần thiết để đạt được mục đích chính mà Giáo hội theo đuổi: chữa khỏi lạc giáo, và cả sự trở lại của những người không phải là Kitô hữu. Định chế này không có khả năng thực sự đạt được mục đích của riêng nó, ngoại trừ bằng cách trục xuất hàng loạt (không bao giờ chắc chắn), hoặc bằng cách tận diệt nhờ một cuộc thập tự chinh nào đó (điều này chỉ có thể hiếm hoi). Và trong khi cố gắng trở thành chính đáng (đã có những giáo luật gia ủng hộ điều này), nó phải tự làm cho mình ra khắt khe: do đó thất bại trong một cố gắng tuyệt đối chính yếu, vốn tương ứng với mong đợi của con người và bắt nguồn từ ý muốn của Chúa Kitô đối với các tôi tớ của Người: nghĩa là trong cách thức trong đó nhân sự của Giáo hội hành động, và ngay cả trong cách thức trong đó guồng máy tư pháp và hành chính, mà nó sử dụng, hàng động, luôn luôn xuất hiện tình bác ái thiêng liêng và tình yêu huynh đệ, vốn là chính sự sống của Giáo hội. Trong chính nó, Tòa lạc giáo là một tệ nạn làm vấy bẩn lịch sử nhân loại và là một sự xúc phạm lớn đối với Thiên Chúa.

Đó là điều tôi trả lời câu hỏi: nghĩ gì về Tòa lạc giáo? với việc xem xét sự việc một cách hoàn toàn khách quan, và theo điều chúng thực sự là.

Nhưng bây giờ, khi xem xét sự việc từ phía chủ thể con người, và từ phía các điều kiện cụ thể trong đó con người đang hiện hữu, tôi nghĩ rằng sẽ thật vô lý và có tinh thần biệt phái khi coi các vị Giáo hoàng của thế kỷ 12 và thế kỷ 13 có tội về phương diện luân lý vì đã làm những gì họ đã làm. Tôi xác tín rằng khi làm những gì họ đã làm, lương tâm của họ rất trong sáng. Họ không nhìn thấy sai lầm nặng nề của việc thể chế hóa các phương tiện vũ lực trần thế, và lý do dẫn đến sai lầm này. Thứ nhất, vì, để thấy được điều này như chúng ta thấy ngày nay, kinh nghiệm lịch sử hướng dẫn chúng ta đã không có ở thời Trung Cổ; nói cách khác vì họ là những người thuộc thời đại của họ. Các vị Giáo hoàng thuộc về thời đại của họ, cũng như thuộc về những ý tưởng thường nhận được chung và được họ tin tưởng mà không cần xem xét chúng. Dưới mắt người Trung Cổ, không gì tự nhiên hơn việc sử dụng vũ lực.

Và sau đó vì họ thấy mình rơi vào một tình huống bi thảm: cùng một lúc phải đấu tranh với các vị vua và Hoàng đế đang bao vây nền độc lập của Giáo hội, đấu tranh chống lại những rắc rối nội bộ xảy ra sau này, và đấu tranh chống lại lạc giáo đe dọa Kitô giáo. Họ chỉ thấy rằng ý hướng chính của Tòa lạc giáo là điều tốt, và mục đích của nó là điều tốt. Phần còn lại không đáng kể. Vụ việc đối với họ là ơn cứu rỗi công cộng; và ta biết rằng thực hiện các biện pháp cứu rỗi công cộng luôn luôn đòi hỏi một sự mù quáng nào đó, điều này không nhất thiết làm hoen ố lương tâm của người thực hiện chúng.

5. Tất cả những gì tôi vừa nói về các vị Giáo hoàng của thế kỷ mười hai và mười ba, cả về lỗi lầm hoặc sai lầm trong phán đoán thực tế mà xét một cách khách quan họ đã phạm khi thành lập Tòa Lạc giáo lẫn về sự vô tội mà với nó, khi xem xét chủ thể con người, họ đã phạm sai lầm này, điều rõ ràng là cần phải nói rằng các Công đồng khác nhau trong cùng một thế kỷ cũng đã quy định thể chế này.

Những Công đồng này, ngay cả khi mang tính đại kết như các Công Đồng Latêranô, đã không làm chúng ta nghe thấy ở đấy tiếng nói không thể sai lầm của Giáo hội Trái đất và Thiên đàng, đã không đem lại cho chúng ta một giáo huấn - có giá trị cho mọi thời đại - về vấn đề đức tin hoặc về luân lý, như họ đã làm trong một số nghị định khác của họ. Chính trong vấn đề ngẫu nhiên và đặc thù, về những gì phù hợp với một thời điểm nhất định và trong những hoàn cảnh nhất định, mà họ đã đưa ra các sắc lệnh đang bàn, chẳng hạn, những sắc lệnh liên quan đến tình trạng nô lệ của người Do Thái đối với các Kitô hữu, hoặc một cuộc thập tự chinh phải được thực hiện{13}. Các Nghị phụ của các Công đồng này và các vị Giáo hoàng đã phê chuẩn các quyết định của họ, khi đó đã hành động như những nguyên nhân chính, chứ không phải với như công cụ của ngôi vị Giáo hội; họ có thể sai lầm.

Người ta có nghĩa vụ tuân theo họ vì người ta có nghĩa vụ tuân theo bất cứ thẩm quyền hợp pháp nào, ngay cả khi nó sai lầm (trừ trường hợp lương tâm phản đối một cách bất khả kháng, một số chế tài nào đó mà người ta có thể phải chịu và có lẽ cần phải chịu một cách sẵn lòng). Nhưng liên quan đến các sắc lệnh mà tôi vừa nhắc đến, người ta đã tuân theo không phải chính ngôi vị của Giáo hội; chính những con người – lúc đó làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe, và hành động theo sáng kiến riêng của họ - được Thiên Chúa giao quyền cai quản Giáo hội trên trái đất; nói cách khác, chính với nhân sự - với những nhân sự cao cấp nhất - của Giáo hội, hành động như nguyên nhân chính, mà người ta phải xử lý và chính họ là những người ta tuân theo.

6. Một điểm cuối cùng vẫn cần được thảo luận. Nó liên quan đến cách thức mà các tòa án của Tòa Lạc giáo hành xử trên thực tế. Về mặt này, có hai điều đặc biệt gây tai tiếng cho chúng ta và tự chúng không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ đầu tiên đến thủ tục được các quan Tòa lạc giáo tuân theo khi họ tuyên án tử hình cho kẻ thù của đức tin, nghĩa là, lên giàn hỏa. Trước tiên, họ cần ý thức rằng Giáo hội tự cấm mình đổ máu; kết quả là họ đã trao người có tội cho cánh tay thế tục, vốn không ngăn cấm mình đổ máu và không gửi người tới giàn hỏa. Như vậy, người ta đã chơi trò lừa đảo; kẻ thù của đức tin đã bị thiêu sống; và các nhà thần học đã tự miễn bổn phận kép của họ đối với các Tòa Lạc giáo và các giáo phẩm.

Tiếp theo, tôi nghĩ đến việc thường sử dụng tới tra tấn (giá, cột treo người, đuốc rực lửa; sau này, ở Ý và ở Tây Ban Nha, hình phạt kẹp chân và hình phạt nước) như một phương tiện để lấy được lời thú tội mà dựa vào giá trị của nó, người ta sẽ quyết định phải hành xử ra sao đối với bị cáo hoặc đối với những người mà anh ta tố cáo.

Ở đây một lần nữa, ta nên phân biệt giữa sự việc trong chính chúng hay về phía sự thật khách quan, và sự việc về phía chủ thể con người.

Xem xét sự việc theo bản thân chúng, hoặc theo sự thật khách quan, không cần phải nhấn mạnh tới giá trị đạo đức của hai thủ tục được đề cập: chúng cấu thành những lỗi nghiêm trọng.

Việc sử dụng tra tấn để lấy lời thú tội, - và lời thú tội được coi là hợp lệ, - tự nó là một lỗi nghiêm trọng chống lại công lý.

Việc trao người có tội cho cánh tay thế tục, tự nó đã là một hành vi đạo đức giả{14}. Vì chính các nhà thần học là quan tòa, đã tiến hành cuộc điều tra và tuyên bố bản án về lạc giáo chính thức hoặc yêu thuật. Do đó, họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hình phạt tử hình do bản án đem lại; trong thực tế, cánh tay thế tục chỉ là một công cụ. Hơn nữa, chắc chắn người ta sẽ yêu cầu cánh tay này, trong một công thức đạo hạnh, có thể nói là cầu xin, tha cho kẻ có tội khỏi cái chết. Và nếu thỉnh thoảng xảy ra việc một hoàng tử thực hiện nghiêm túc công thức đạo hạnh này, thì chính ông ta sẽ bị vạ tuyệt thông. Trong chính nó, thủ tục này là một lỗi nghiêm trọng chống lại Giáo hội. Vì sau khi nhắc lại rằng Giáo Hội không nên đổ máu, thì bất chấp mưu mẹo hợp pháp của họ, các thẩm phán của Tòa lạc giáo đã đổ trách nhiệm đổ máu lên chính Giáo Hội, vì Tòa Lạc giáo là một tòa án của Giáo hội{15}, và vì người ta coi hành vi của tòa án này như hành vi “của Giáo Hội” (điều này sai, đến nỗi vết nhơ tung ra chống lại Giáo Hội hoàn toàn không chạm tới khuôn mặt của ngôi vị Giáo hội, của Nàng dâu Chúa Kitô; tuy nhiên họ vẫn cứ tung nó ra). Khi trao nộp kẻ lạc giáo cho cánh tay thế tục, để đưa anh ta đến cái chết, điều họ làm tự nó là một sự phản bội tinh thần của Giáo hội, người không đổ máu, vi phạm bởi những người muốn phục vụ Giáo Hội.

7. Sau điều trên, có cần phải nói rằng nếu xét sự việc về phương diện chủ thể con người, các thẩm phán của Tòa Lạc giáo, khi vi phạm điều tự chúng cấu thành lỗi nặng, trong hai trường hợp tôi vừa trình bầy, có đáng qui tội về mặt luân lý và thực sự phạm tội trước mặt Thiên Chúa không? Chúng ta hãy cẩn thận ở đây để không phạm một sự dại dột. Vì đã có những vị thánh {16} trong số các quan tòa lạc giáo. Và cả những người không phải là thánh, nhưng nếu coi tất cả đều là những kẻ đạo đức giả và những kẻ man rợ, ta sẽ mắc lỗi lầm tương tự như lỗi lầm của chính họ.

Điều quan trọng cần xem xét ở đây là sự ngây thơ hoàn toàn và không thể cưỡng được của con người thời Trung Cổ (một sự ngây thơ mà dấu vết vẫn còn xuất hiện nơi những con người của thế kỷ XVII, khi họ không ngần ngại đưa tất cả những người không phải Công Giáo xuống Hỏa ngục); và cách riêng, là sự ngu dốt hoặc thờ ơ hoàn toàn và không thể cưỡng được, trong đó, - bất kể các quan điểm của họ về các khả năng của linh hồn được phân tích về phương diện triết học đúng đến đâu ở các khía cạnh khác, - họ thấy mình liên hệ đến vũ trụ của những điều chủ quan đúng nghĩa, hoặc của những điều mà trong sự thân mật của chủ thể vượt quá mô tả khách quan của họ và phủ nhận sự mô tả mà người ta tạo ra cho chính mình về chúng theo mô tả duy nhất này. (Chẳng hạn, họ buộc người Do Thái hoặc người Hồi giáo sống trong lãnh thổ Kitô giáo phải thường xuyên nghe các bài giảng về chân lý Kitô giáo, mà không thấy rằng chính điều này đủ làm họ nổi sùng chống lại các chân lý này. Đối với họ, những người Do Thái và Hồi giáo này sống trong lầm lạc: Lời sự thật phải giải thoát họ khỏi lầm lạc này.)

Liên quan đến việc trao kẻ có tội cho cánh tay thế tục, chúng ta cần xem xét cả sự ngây thơ thời trung cổ lẫn quan điểm riêng của chế độ thánh thiêng. Theo quan điểm này (và niềm tin của các bộ luật mọi thời vào tính hợp pháp của hình phạt tử hình), điều phù hợp là trật tự thế tục, cơ quan chính trị trong phạm vi riêng của nó, được đổ máu những kẻ lạc giáo, vốn đe dọa lợi ích chung của nó. Các thẩm phán của Tòa lạc giáo thuộc một lĩnh vực khác, lãnh vực Giáo Hội vốn tự cấm việc đổ máu. Một khi họ đã đưa ra phán quyết của mình và tuyên bố: "Người này hoặc người nọ là một kẻ lạc giáo", họ đã hoàn thành nhiệm vụ của họ trong phạm vi của mình rồi. Phần còn lại không liên quan đến họ (và đây, chính là sự ngây thơ, vì trên thực tế, điều này quan tâm đến họ một cách đặc biệt, vì họ là các thẩm phán); họ nhắm mắt trước việc kết án tử hình, họ làm ngơ nó (trong thực tế, họ không làm ngơ và không thể làm ngơ nó: nhưng họ đã vạch một đường ranh giới trừu tượng, cho một bức tường ngăn cách thực sự giữa việc tuyên bố ai đó là lạc giáo và đưa anh ta vào giàn hỏa). Ý niệm cho rằng thủ tục của họ là đạo đức giả, và điều này làm Giáo hội ra sai trái làm thế nào có thể thâm nhập vào tâm trí họ được?

Liên quan đến việc tra tấn, cũng là một sự ngây thơ tương tự: nếu một người biết sự thật liên quan đến một điều gì đó cố chấp từ chối tiết lộ sự thật này cho các thẩm phán đang thi hành đầy đủ quyền điều tra của họ, đó là bởi vì anh ta có trong mình những trở ngại mạnh mẽ: sợ bị trừng phạt, hoặc ý chí gian tà, gắn bó với giáo phái của mình và sợ làm hại nó, ấy là chưa nói tới quyền lực của ma quỷ luôn ngăn cản anh ta thú nhận sự thật đang được đề cập. Do đó, những người của luật pháp có quyền phá vỡ những trở ngại này! Tra tấn là một phương thuốc đặc biệt mạnh mẽ, nhưng cần thiết, để mở lưỡi của người bị thẩm vấn và lôi sự thật ra khỏi miệng anh ta. Cuối cùng, trong khi làm cho cuộc điều tra diễn tiến, nó đã giải thoát anh ta khỏi chứng tê liệt không thể chữa khỏi bằng cách khác. Làm sao những người chỉ nhìn một phía đeo như thế có thể thấy rằng khi tra tấn người này, họ không những đưa ra một điển hình tàn ác lạnh lùng, mà còn bạo hành đối với một lãnh vực thánh thiêng: tức phẩm giá và nhân cách, vũ trụ nội tâm, tự nó đòi hỏi sự tôn trọng tuyệt đối, của một hữu thể được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, và được làm sinh động ngay cả những sợi nhỏ nhất của cơ thể họ bởi một linh hồn vốn là tinh thần? và thay vì sự thật, họ chỉ làm phun ra từ cửa miệng đầy hoảng sợ vì đau khổ của anh ta những lời thú nhận bất cứ điều gì và bằng lòng bất cứ điều gì miễn là chấm dứt được cơn cực hình?

Nền văn minh hiện đại của chúng ta được khai sáng hơn về tất cả những điều này so với thời Trung cổ, nhưng ở tất cả các xã hội tự do, việc thực hành tra tấn vẫn không được bãi bỏ{17}. Tuy nhiên, trong vấn đề này, bốn loại khác biệt làm nó khác biệt với thời Trung cổ: ngày nay người ta tra tấn với lương tâm xấu và một cách che giấu, nhờ các phương tiện, theo quốc gia, hoặc của cảnh sát Nhà nước hoặc của lực lượng cảnh sát "song song" và của các cơ quan mật vụ; ngày nay người ta có những kỹ thuật hoàn thiện hơn nhiều, và việc tra tấn tinh thần {18} tỏ ra cũng hữu hiệu đáng sợ như tra tấn thể xác; ngày nay người ta biết rằng những lời thú tội lấy được đôi khi cung cấp thông tin chính xác dưới sự đe dọa của điều tồi tệ nhất, nhưng người ta cũng có thể khiến người bị tra tấn nói tất cả những gì người ta muốn, điều này rất có lợi để đánh lừa dư luận hoặc để giáng đòn hạ cấp; ngày nay ai đã thú nhận vì bị tra tấn là một người hạ cấp, trong khi vào thời Trung cổ, anh ta là một người mà người ta áp dụng sức mạnh trong tình trạng thi hành nghĩa vụ, và là người, nếu sau đó anh ta trở lại đức tin chân chính, có thể tham vọng trở thành một quan tòa lạc giáo...

Cuối cùng, có một sự khác biệt thứ năm, và là một trong những điều có giá trị lớn thời nay: ngày nay một giáo phẩm không còn chơi trò chơi này nữa.

Tôi có thành công không (bất chấp những ghê tởm nhuốm màu đa cảm mà tôi xin thú nhận) trong việc cho thấy những người của thời Trung Cổ và các thẩm phán của Tòa Lạc giáo, khi họ thực hành tra tấn{19}, và khi họ giao nộp kẻ lạc giáo, mà máu của người này họ không muốn đổ ra, cho cánh tay thế tục khiến anh ta trở thành tro bụi, có thể làm một cách ngây thơ điều mà tự nó vốn là một lỗi nghiêm trọng, và do đó người ta tự giải thích với chính mình rằng có những vị thánh trong số các quan tòa lạc giáo? Các vị thánh cũng là những người thuộc thời đại của họ, những người không nhìn thấy điều những ý kiến người ta thường nhận được ở thời đại của họ và không ai nghĩ đến việc kiểm tra chúng {20}, đã ngăn cản họ nhìn ra. Thật không dễ chịu khi phải nói ra điều này; tuy nhiên, nó là sự thật.

8. Tòa lạc giáo thời trung cổ kéo dài bốn thế kỷ (thế kỷ thứ mười hai đến thế kỷ thứ mười lăm), không nhiều nếu người ta cho rằng Giáo hội sẽ tồn tại cho đến tận thế, nhưng vẫn là một khoảng thời gian đáng kể. Và sau khi trôi qua một chút thời gian nữa, nó vẫn còn đè nặng lên chúng ta, bởi vì chúng ta là những hữu thể được ban tặng một trí nhớ. Và nó đã được tiếp nối bằng các thời kỳ tòa lạc giáo khác, về điều này tôi sẽ nói sau đây một vài lời... Sự kiện vẫn là mỗi người trong chúng ta, bất kể họ có thể ghê tởm ra sao về cuộc phiêu lưu khủng khiếp của thời trung cổ này, đều cảm thấy đích thân bị dày vò và bối rối một cách khó hiểu bởi ý tưởng cho rằng Thiên Chúa đã cho phép điều này.

Tại sao Thiên Chúa đã cho phép điều này? Đối với một câu hỏi như vậy chắc chắn người ta chỉ có thể trả lời bằng những câu nói lắp bắp khiêm tốn. Do đó, chúng ta hãy lắp bắp thêm một lần nữa, vì chúng ta là những cái đầu biết suy nghĩ.

Xem ra đối với tôi, người ta có thể nói rằng nếu Thiên Chúa cho phép Tòa Lạc giáo, - điều xấu xa này tự nó đã xúc phạm Người một cách nghiêm trọng, và là một trong những vết nhơ của một thế giới Kitô giáo bởi rất nhiều khía cạnh khác thân thiết với trái tim Người, - là bởi vì điều cần thiết là tại một thời điểm nhất định của lịch sử, cảm thức về sự Siêu việt tuyệt đối phải đi vào tâm thức con người, đi vào những lớp sâu thẳm nhất trong da thịt chúng ta – một cản thức khôn nguôi, quá cao và quá thần linh để bất cứ tâm trí được tạo dựng nào cũng có thể tự hình thành cho mình một ý tưởng về nó, về Đức tin siêu nhiên trong tính thống nhất không thể phân chia và trong sự nghiêm khắc không tì vết của nó. Ở đây không phải là vấn đề của những mệnh đề chân thực chỉ được đọc trong một cuốn sách; đây là vấn đề của một sự thật hẳn phải thiêu đốt chúng ta đến tận xương tủy.

Đằng sau những bày trò pháp lý và những cuộc tra tấn của Tòa lạc giáo còn có một mầu nhiệm thần linh vô cùng đáng sợ hơn - và vô cùng thương xót: đó là mầu nhiệm của những đòi hỏi của Đức tin, sẽ cứu, nơi người đã nhận được hồng phúc này, những đòi hỏi toàn diện, vô điều kiện, hoàn toàn không gì lay chuyển được, những điều mà con người bằng bất cứ giá nào cũng phải có được cảm thức, mặc dù Thiên Chúa đã, vì điều này, để cho diễn ra một sai lầm khủng khiếp nơi các nhân viên trong Giáo hội của Người, và một trò chơi tàn nhẫn trong đó điều ác và điều tốt, lỗi lầm và sự vô tội đã xáo trộn các lá bài của các thừa tác viên của Giáo Hội cũng như các đối thủ của họ. Đối với mầu nhiệm này của trật tự thần linh, các nạn nhân của Tòa lạc giáo là những nhân vật tê tái và biểu tượng đẫm máu. Tôi hy vọng rằng Thiên Chúa đã tiếp nhận hết thẩy họ vào nước Thiên đường của Người. Họ đã hy sinh để có thể đóng một lần vĩnh viễn, bằng sắt nung, một kho tàng của cuộc sống vĩnh cửu: cảm thức về sự Siêu việt tuyệt đối của Đức tin thần học, vào các thành viên của Giáo hội trên trái đất, - vào tất cả những người sẽ đến sau thời các tông đồ (họ đã có máu của các vị tử đạo) và thời đầu Trung cổ.

Cho đến tận thế, Giáo hội sẽ lưu giữ và sẽ trân trọng kho báu này. Chúng ta hãy thương xót những kẻ yếu bóng vía ngày nay chỉ những muốn làm nó tan biến theo gió bốn phương.

Thời kỳ trong đó những ngọn lửa của giàn hoả được đốt lên ở khắp mọi nơi nhưng thắp sáng trên bầu trời hình ảnh tối cao của Đức Tin, được thiết lập trên chân lý tuyệt đối và tính tuyệt đối không thể phân chia của Lời Chúa, chắc chắn vĩ đại hơn thời kỳ trong đó, trong sự mù mờ của những hóc tường của họ, các thanh niên đáng thương tự tưởng tượng mình là Kitô hữu chiếu đèn pin của họ khắp Mười Điều Răn và Kinh Tin Kính để thực hiện các lựa chọn của họ, rồi sau đó, vừa bắt mạch vừa tuyên bố: Tôi tin vào Tin mừng nhưng không tin vào Nguyên tội hoặc vào Địa ngục, và tôi rất nghi ngờ về sự sống lại của Chúa Giêsu, tôi tin rằng tôi bị cấm giết người nhưng tôi không hề tin chút nào rằng tôi bị cấm gian dâm v.v.

Liệu một thời kỳ như vậy có kéo dài được không? Nó không có sự ngây thơ của thời Trung cổ, nhưng nó có sự ngu ngốc, điều mà thời Trung cổ không hề có. Và sự ngu ngốc không phải là một bảo đảm tốt để chống lại những tai nạn của lịch sử.

Da mihi intellectum ...[xin ban cho con trí hiểu]
Viam veritatis elegi ...[con đã chọn đường chân lý] {21}
Si non credideretis, non permanebitis [nếu bạn không tin, thì đừng tuân giữ]{22}.

Còn tiếp

 
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, Chương Mười Ba, tiếp
Vu Van An
22:05 26/12/2022

Tòa lạc giáo Tây Ban Nha

1. Người ta nói rất chính xác rằng ở Pháp vào thế kỷ XIV, Philip-le-Bel và Nogaret là tiền thân của Torquemada và của Philip II. Tòa Lạc giáo Tây Ban Nha bắt đầu vào thế kỷ sau đó (để tồn tại trong một thời gian dài! Nó chỉ được chính thức và dứt khoát bãi bỏ vào năm 1820, bởi Cortès de Cadix).

Tương ứng với sự diễn tiến của thế kỷ thứ mười lăm, chế độ thánh thiêng đang bị giải thể đã tìm đường vào Tây Ban Nha để tạo nên một chế độ cạnh tranh vĩnh viễn giữa hai cường quốc nối kết với nhau bởi nhiều lợi ích chung (và bởi đức tin Kitô giáo thánh thiện), vốn đấu tranh không ngừng chống lại nhau để giành quyền tối cao: một quyền lực hoàng gia ngày càng say sưa với chủ nghĩa duy tuyệt đối, và một quyền lực giáo hoàng với những cánh tay thiêng liêng vẫn gây ra nỗi sợ hãi nhưng tận đáy lòng đã bị khinh thường và dễ dàng bị các vị Vua Công Giáo coi là không hữu hiệu. Những ông hoàng này chỉ nghĩ đến việc sở hữu Tòa lạc giáo - và họ gần như đã thành công làm được điều này - để phục vụ cho nền chính trị vương giả của họ và cho thiết kế vĩ đại của họ muốn tạo ra một khối thống nhất quốc gia hoàn hảo được thiết lập trên sự thống nhất hoàn hảo của đức tin tôn giáo.



Nếu con mắt không thể dễ dàng chịu đựng được bức tranh lịch sử của Tòa án Lạc giáo Tây Ban Nha, thì đó không những chỉ vì sự tàn ác của nó, mà còn vì sự pha trộn liên tục giữa chính trị và tôn giáo được nó cung ứng khung cảnh: các tham vọng chính trị, các mưu mô xảo quyệt, và tính hung dữ chính trị hòa quyện vô cùng chặt chẽ với lòng nhiệt thành tôn giáo ảm đạm vốn phục vụ họ như một công cụ. Những thử thách lớn của Tòa án lạc giáo này là những thử thách chính trị được phóng đại thành những thử thách bảo vệ đức tin. Người Do Thái, những người đã sống ở Tây Ban Nha từ lâu trong tình trạng an ninh hoàn toàn, giờ đây bị chế độ quân chủ coi như một mối nguy hiểm quốc gia: năm 1492, sau khi chiếm được Grenada và chiến thắng cuối cùng của họ trước người Hồi giáo, các vua chúa đã ra lệnh trục xuất tổng quát mọi Người Do Thái khỏi Tây Ban Nha, trong vòng bốn tháng: sau thời gian này, họ sẽ bị truy tố bởi Tòa Lạc giáo...

Các vị Giáo hoàng đã "khuyến cáo sự điều độ" (một điều không thiếu thứ hài hước đạo đức: khuyên điều độ cho những người như Torquemada hay Ximenes, và hoàn toàn được khoác những nhân đức tốt lành!). Và họ đã làm tất cả những gì có thể làm để ngăn chặn những hành động thái quá, các hành động hung bạo và phát động bạo lực khắc nghiệt, những thứ làm mất uy tín của Kitô giáo, cũng như để duy trì hoặc chiếm lại trong tay định chế tòa lạc giáo. Họ đã rất ít thành công trong việc này, và những sự can thiệp của họ, dù rất nhiều, nhưng nhìn chung đều kết thúc bằng những thỏa hiệp chỉ giúp duy trì những hình thức bên ngoài. Tòa thánh đã được quyền cử nhiệm Tổng Quan toà Lạc giáo đầu tiên ở Tây Ban Nha (ông ta là Torquemada, được Isabella và Ferdinand yêu cầu); nhưng Đức Sixtô IV đồng thời chấp nhận việc này: tất cả những người kế nhiệm vị Tổng Quan tòa Lạc giáo đầu tiên này sẽ do quyền lực dân sự bổ nhiệm. Cũng chính quyền lực dân sự chỉ định các thành viên của Hội đồng Hoàng gia của Tòa lạc giáo do các vua chúa của Castille và Aragon tạo ra, và chịu trách nhiệm hỗ trợ Tổng Tổng Quan tòa Lạc giáo, - bằng cách khiến ông ta cảm thấy sức mạnh của bàn tay hoàng gia.

Chúng ta quả biết rằng ngôi Giáo hoàng sau đó đã phải đối đầu với vô số nguy cơ khiến sự thận trọng đầy lo lắng của nó trở thành một thử nghiệm gay go. Sự kiện vẫn là nhìn chung sự yếu kém của các vị Giáo hoàng thời đó là điều đáng đau lòng. Vị duy nhất thể hiện nghị lực cần thiết là, vào thế kỷ 16, nhân vụ kiện do Tòa lạc giáo đưa ra chống lại giáo chủ của Tây Ban Nha, Carranza, Đức Piô V đã đe dọa phạt Philip II vạ tuyệt thông và lệnh cấm trên toàn bộ Tây Ban Nha. Nhưng, chẳng bao sau đó, ngài qua đời, trước khi được những vừa kể được áp dụng{23}.

2. Để kết thúc những nhận xét này về Tòa Lạc giáo Tây Ban Nha, xem ra đối với tôi, điều quan trọng cần lưu ý là tất cả mọi người, - tôi không chỉ nói những người bị bách hại, bị tra tấn, bị trục xuất, bị cầm tù, bị thiêu sống; tôi cũng nói chính những kẻ bách hại, các quan tòa lạc giáo cảm thấy mình được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa, và các nhà cầm quyền tối cao xác tín rằng họ đang hoàn thành bổn phận của chức vụ họ và đang thực hiện chức năng của các vị vua, - mọi người trong đó đều là nạn nhân của hai ý niệm ma cà rồng, lúc đó vốn có được cơ hội lịch sử của chúng và tự biểu lộ dưới ánh sáng trọn vẹn.

Đầu tiên là ý tưởng cho rằng sự thống nhất của quốc gia hoặc của kinh thành trần thế, liên quan đến mối liên hệ của mỗi người với Thiên Chúa cũng như sự trung thành của họ với trật tự chính trị, hẳn phải là một sự thống nhất tuyệt đối, tất cả các thành viên của cơ chế chính trị, theo quan điểm này, phải là một người đơn nhất, chủ thể trung thành của nhà vua; và do đó sự thống nhất này trong lĩnh vực trần thế giả định và đòi hỏi sự thống nhất của đức tin tôn giáo.

Do đó, là một người Tây Ban Nha, và như thể theo định nghĩa, nhất thiết phải là một người Công Giáo. Và nhiệm vụ của các vị vua Tây Ban Nha là áp đặt bằng mọi cách đức tin Công Giáo lên thần dân của họ.

Một ý tưởng như vậy tự nó vốn là một ý tưởng sai lầm: vì sự thống nhất của một quốc gia, xét về yếu tính, là sự thống nhất trong đa dạng, và những gì nó đòi hỏi và giả định là lòng tận tụy chung đối với kinh thành trần thế, không hề là cùng một đức tin tôn giáo duy nhất nơi mọi người. Hơn nữa, đối với bất cứ ai hướng về Nguyên nhân đệ nhất, điều xem ra rõ ràng là trong toàn bộ thế giới, giữa mọi người trên trái đất, sự đa dạng trong quan niệm sống và về niềm tin tôn giáo trên thực tế là một điều được Thiên Chúa cho phép (điều mà Người "muốn-cho phép", trong việc Người tôn trọng quyền tự do của con người, trong khi Người sai Giáo hội của Người đi truyền bá khắp nơi việc rao giảng các Sự thật thần linh). Và cho mỗi quốc gia, cũng như cho toàn thể thế giới. Thiên Chúa đã ban trái đất cho mọi người; và mỗi người, không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo, có quyền căn bản được hiện hữu ở bất cứ địa điểm nào trên trái đất, trong tư cách là công dân của bất cứ quốc gia nào do sinh ra ở đó hoặc do nhập tịch (hoặc cũng có thể, nhưng đây là một câu hỏi khác, như những ngoại kiều tôn trọng luật pháp của quốc gia này). Ở mỗi quốc gia trên trái đất, việc phục vụ sự sống con người của mỗi công dân, dù là tôn giáo nào đi nữa, đều là lợi ích chung của quốc gia. Các vị vua của Tây Ban Nha nghĩ ngược lại; họ biết hơn Thiên Chúa điều gì là cần thiết cho Tây Ban Nha...

Và ý tưởng sai lầm mà tôi nói tới đã có hậu quả tất yếu là đức tin Công Giáo, trên thực tế, đã trở thành một phương tiện để đạt được mục đích trần thế (sự thống nhất tuyệt đối của dân tộc). Trên thực tế, điều mà người ta đề xuất cho chính họ là một việc trần thế hóa thể thiêng liêng, một việc, trên thực tế, luôn bỏ qua tính siêu việt của đức tin, cũng như phẩm giá và quyền độc lập tối cao của Giáo hội. Để thực sự là một người Tây Ban Nha thì cần phải thực sự là một người Công Giáo.

Chúng ta hãy nói thêm rằng ngày nay, một hiện tượng tương tự (tương tự nhưng ngược lại) có thể quan sát được nơi chủ nghĩa Mác, vốn là một loại tôn giáo thuần túy mang tính trần thế{24}. Tự thân, nó vốn thuộc về trật tự trần gian và trần thế, không thuộc trật tự thiêng liêng, nó phù hợp với bản chất của nó được sắp đặt theo trần thế. Nhưng đã là một tôn giáo, nó không đòi được truyền bá chỉ trong dân tộc hay một quốc gia; tự thân, nó có xu hướng hướng tới tính phổ quát. Và bất cứ nơi nào nó giành được quyền lực, để thống nhất các bộ óc dưới thế giới quan (Weltanschauung) của nó, nó cần phải sử dụng các phương tiện đã được Tòa án Lạc giáo Tây Ban Nha đổi mới cùng với những cải tiến hiện đại.

3. Ý tưởng ma cà rồng khác - từ lâu đã ngự trị và được coi là không thể tranh luận trong hệ thống các ý kiến thường được tiếp nhận - là ý tưởng cho rằng để phục vụ lãnh vực thiêng liêng, các phương tiện vũ lực trần thế, để hạn chế thể lý, đe dọa và hù họa thường phải được sử dụng và cần thiết ngay trong chúng. Tôi đã nói về điều này. Thanh gươm mà Chúa Giêsu đã truyền cho Phêrô đặt lại vào trong vỏ, - chính là thanh gươm lóe sáng trong tay các quan tòa lạc giáo hoàng gia, và trên thực tế, thanh kiếm này có vai trò đầu tiên trong việc bảo vệ đức tin.

Do đó, Phép Rửa bằng rẩy nước hàng ngàn người Do Thái và người Hồi giáo (Maures), - và đồng thời, đặc tính nghi ngờ và dễ bị nghi ngờ của đức tin được hàng ngàn người đã được rửa tội kiểu này tuyên xưng bằng miệng. Hai mươi đến ba mươi nghìn người Do thái ở Tây Ban Nha đã bị coi là các Kitô hữu giả mạo và bị Tòa Lạc giáo Tây Ban Nha buộc bước lên giàn hỏa. Sự kiện, Tòa lạc giáo này, vì không bằng lòng với việc dùng vũ lực bắt cải đạo, đã ném thanh gươm nặng của họ lên trên tất cả các người Do Thái ("kẻ vi phạm", đây là tên mà người ta đặt cho họ trong tiếng Do Thái) và những người Hồi giáo này là bằng chứng đủ cho thấy, xem xét tự trong nó, và nói một cách khách quan, ý tưởng được đề cập là sai lầm và ác độc.

Những con người của thế kỷ mười lăm (ngoại trừ các vị Giáo Hoàng trong một chừng mực nào đó) hầu như không tiếp cận được bằng chứng này. Các ý kiến thường nhận được đã ảnh hưởng đến mọi người. Người ta có lẽ chỉ ngạc nhiên trước việc số lượng hết sức lớn các nhân sự của Giáo Hội, và trên hết là các quan tòa lạc giáo của Tây Ban Nha, đã khuất phục một cách ngay lành trước ý tưởng ma cà rồng mà chúng ta đang nói, và - một cách ngây thơ nơi đa số (khi chính trị chưa làm hỏng mọi thứ) - đã làm những gì nó trình bày cho họ tự trong chúng là cần thiết, và là những điều, nói một cách khách quan, đều không tốt. Một số người có lẽ đã làm điều đó một cách miễn cưỡng (chẳng hạn như Manrique, bạn của Erasmus), nhưng họ cảm thấy mình có nghĩa vụ phải theo điều đó bởi vì lịch sử đã thêu dệt những điều mà bộ máy đàn áp bằng bạo lực, một khi đã được dựng lên và thiết lập, đòi hỏi phải hoạt động nếu không muốn nhìn thấy những phản ứng tức giận - chống lại chính niềm tin - bùng nổ trong các tâm trí.

Việc sử dụng vũ lực trong các vấn đề tôn giáo một lần nữa lại là một vận may rất rõ vào hậu bán thế kỷ XVI, lần này tại Rôma. Ý tưởng khiến nó được cho là bình thường và cần thiết tự trong nó, và được yêu cầu đầu tiên, luôn có mặt ở đó. Sau này, việc sử dụng sức mạnh vật chất đã nhường chỗ cho việc sử dụng các biện pháp trừng phạt thiêng liêng thuần túy. Nhưng vào thời điểm đang bàn, ý tưởng mà tôi đang nói (và là ý tưởng, trong những hoàn cảnh khác, có lẽ đã bắt đầu suy yếu) được củng cố bởi lệnh lạc đơn giản và tàn bạo do hoàn cảnh lịch sử.

Tòa lạc giáo La Mã

1. Chính vào thời điểm cuộc Cải cách Thệ phản đang đạt được những tiến bộ to lớn, và dưới sự thúc đẩy của Pierre Caraffa, Sứ thần tại Venice (lúc đó là Hồng Y, sau là Giáo hoàng dưới tên hiệu Phaolô IV), năm 1542, Đức Phaolô III đã thành lập một Thánh bộ tối cao phán xét Lạc giáo (tức Văn phòng Thánh) mà chính Đức Giáo Hoàng dành cho mình chức vụ chủ tịch và có quyền tài phán trên toàn thế giới. Đồng thời, trong các vương quốc đa dạng của Ý, các Tòa lạc giáo địa phương đã được hồi sinh. Chẳng bao lâu, dưới thời Đức Phaolô IV, vào năm 1557-1558, theo gương những gì đã được thực hiện ở Tây Ban Nha, Mục lục Sách Cấm cũng đã được thành lập. Tòa Lạc giáo được trao cho việc truy tố trước hết những kẻ lạc giáo, nhưng cả những kẻ phạm thượng, những kẻ kê gian (Sodomites), buôn thần bán thánh, những người sống bằng nghề mại dâm của con gái hoặc chị gái của họ. Vào ngày 11 tháng 1 năm 1566, chính quan tòa lạc giáo lớn Ghislieri được tôn lên ngôi Giáo hoàng, và lấy tên là Piô V. Và dưới sự chỉ đạo của ngài, Tòa lạc giáo đã tăng gấp đôi năng lực.

Các hình phạt đưa ra trước hết là tù giam hoặc chèo thuyền ga-le. Hình phạt tử hình dường như hiếm được áp dụng hơn, và nói chung những người bị kết án tử hình chỉ bị thiêu sau khi bị chặt đầu{25}. Người ta cũng truy tầm và kết án các tác giả của những lời tố cáo vu khống chống lại bị cáo được công nhận là vô tội.

Công đồng Trent (1545-1563) đã chấp thuận các biện pháp được thực hiện bởi Đức Phaolô III và Đức Phaolô IV. Não trạng của thời đại vẫn được coi là hoàn toàn bình thường về việc sử dụng vũ lực, tra tấn, chèo thuyền ga-le (galères), hành quyết để bảo vệ tôn giáo (Những người theo đạo Thệ phản cũng nghĩ như vậy: Calvin, trong Ordonnances năm 1541, đã tổ chức việc truy tầm những kẻ lạc giáo theo đức tin mới, bằng những lời tố cáo, gián điệp, tra tấn và kết án tử. Michel Servet đã bị thiêu sống tại Genève năm 1553). Trên thực tế, vào thế kỷ thứ mười sáu, các giáo sĩ Công Giáo, chưa nói tới nhiều giáo dân, đã bị các ảnh hưởng Thệ phản làm cho ô uế nặng nề; và đối với Đức Piô V cũng như các vị Giáo hoàng của thế kỷ mười hai và mười ba, đó là vấn đề liên quan đến ơn cứu rỗi công cộng, trong đó cần phải tiến hành một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Hơn nữa, ở đây một lần nữa, điều quan trọng là phải tính đến não trạng chung được các vị thánh chia sẻ{26}, và nhất là sự kiện này: được chấp nhận bởi bốn thế kỷ rưỡi hoạt động lịch sử, Tòa Lạc giáo từ lâu vốn đã được thành lập như nguồn lực duy nhất và có chủ quyền của quyền lực thiêng liêng trong thời khủng hoảng. Theo ý kiến của tôi, điều này hoàn toàn không bào chữa cho các phương tiện, được xem xét trong chính chúng, do Tòa này sử dụng, mà điều này hoàn toàn bào chữa cho vị Đại Quan tòa Lạc giáo trở thành Giáo hoàng. Ngài là một vị thánh vĩ đại mà tôi tôn kính (tuy nhiên, ít hơn Thánh Phillipe Néri). Ngài có tình yêu mến như điên như dại đối với Thiên Chúa; và các nghiêm ngặt của ngài, ngay cả khi quá mức (xin xem những dòng cuối cùng của chú thích 6), chỉ phát xuất từ một lòng trung thành hết sức trong sáng để phục vụ các chuẩn mực công lý tối cao của vương quốc không thuộc thế giới này.

2. Các cuộc chiến tranh tôn giáo làm nước Pháp đẫm máu trong hơn ba mươi năm (1562 đến 1598). Cuộc thảm sát ở Nhà thờ Thánh Barthélemy diễn ra vào ngày 24 tháng 8 năm 1572. Sau Sắc lệnh Nantes (1598), tâm trí người ta bình thản trở lại; điều cần là người Công Giáo và người Thệ phản phải chấp nhận sự thật lịch sử là hiện hữu với nhau. Đó vẫn chưa phải là sự khoan dung tôn giáo, và càng chưa phải là việc tìm kiếm một tình bạn huynh đệ thực sự trong ý thức rõ ràng về những khác biệt tín điều vốn được biểu lộ dưới những hình thức ít nhiều tinh ròng sau Công đồng Vaticanô hai, và tự chúng đã là một tiến bộ to lớn. Nhưng ý tưởng đưa kẻ lạc giáo lên giàn hỏa đã mất đi sức lôi cuốn của nó; người ta bằng lòng với ngọn lửa vĩnh cửu mà họ cho là anh ta đáng phải chịu. Louis XIV đã thu hồi Sắc lệnh Nantes vào năm 1685, nhiều người Thệ phản đã tự di cư ra nước ngoài sau đó, nhưng những người ở lại không bị thảm sát, cũng như hàng hóa của họ không bị tịch thu. Thế kỷ ánh sáng đã gần kề, với những khúc nến cuối cùng được lý trí mang theo đó đây trong khi người ta còn tin vào nó (không lâu), và là những khúc nến, trên thực tế, sẽ làm tốt hơn niềm tin vào Tin mừng và vào Ánh sáng đích thực của thế giới để ý thức được các tự do mà con người có quyền trong trật tự tự nhiên, - chúng cũng được thông điệp Tin mừng công bố cùng với quyền tự do tối cao và có tính thần linh.

Đối với Tòa lạc giáo Rôma, mọi điều cũng đã thay đổi. Cuộc chiến bảo vệ đức tin vẫn giữ được tính khẩn trương của nó. Cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa Jansénisme rất khó khăn, và tiếp theo đó là cuộc đấu tranh chống lại vô số những sai sót liên tục sẽ củng cố nhân sự của Giáo hội trong thế phòng thủ của họ, như trong một thành phố bị bao vây. Nhưng ở đây, có hai sự kiện mới đối với tôi dường khiến ta phải lưu ý. Một mặt, không còn sự pha trộn giữa quyền lợi trần thế do quyền lực dân sự theo đuổi và quyền lợi tôn giáo được ngôi vị Giáo hoàng theo đuổi, một điều người ta thấy vào thời Tòa Lạc giáo thời trung cổ và nhất là vào thời Tòa Lạc giáo Tây Ban Nha. Và Tòa Lạc giáo Rôma cũng đã tự giải nhiệm việc xử lý một số tội phạm thuộc thường luật mà nó có quyền tài phán vào thế kỷ XVI. Từ nay, mục đích của nó là hoàn toàn và duy nhất để bảo vệ đức tin.



Mặt khác, cũng mau chóng tới lúc kết thúc cả việc nhờ đến cánh tay thế tục lẫn việc sử dụng các phương tiện ràng buộc thể lý và vũ lực vật chất. Các biện pháp trừng phạt và các biện pháp ràng buộc mà Văn phòng Thánh có quyền sử dụng, do đó, chỉ là các phương tiện và biện pháp trừng phạt thuộc trật tự thiêng liêng của riêng Giáo hội.

Tuy nhiên, điều này có phải có nghĩa là ý tưởng cũ, tức ý tưởng cho rằng việc sử dụng vũ lực trong các vấn đề tôn giáo là bình thường và cần thiết, đã hoàn toàn biến mất? Nó đã mờ dần khỏi hiện trường, nó không còn đóng bất cứ vai trò hữu hình nào trong vũ trụ ý thức. Nhưng tôi nghĩ nó vẫn tiếp tục, trong nhiều thế kỷ, tiến hành ngầm trong vô thức, dưới những hình thức dấu mặt. Tôi đã viết ở trên rằng Tòa Lạc giáo thời trung cổ và sự tự tin của nó vào các phương tiện vũ lực đã khiến nhân sự của Giáo hội đi vào con đường không đúng trong một vài thế kỷ. Ý tôi muốn nói là dưới áp lực vô thức của những dấu tích vẫn còn hoạt động của ý tưởng cũ này, đã xảy ra việc các nhân sự cao cấp của Giáo hội, đặc biệt là Văn phòng Thánh, tin tưởng quá lâu vào các biện pháp trừng phạt hoàn toàn thiêng liêng và vào các phương tiện ràng buộc thuần túy thiêng liêng của riêng Giáo hội, nói cách khác tin vào thanh gươm thứ hai khi nó được sử dụng một cách thông thường (nhưng lúc đó việc sử dụng nó chỉ nên thỉnh thoảng, và càng ít thường xuyên càng tốt, và càng vừa phải càng hay). Sẽ không tốt nếu chỉ dựa vào thanh gươm này. Sẽ không tốt nếu bạn tự đặt mình vào thế hoàn toàn phòng thủ. Sẽ không tốt nếu dựa một cách thường xuyên và thường trực, nhân danh một định chế mà trong cơ cấu luật pháp hoàn toàn giữ vị trí đầu tiên, vào những biện pháp khắc nghiệt bởi vì chúng là biện pháp dễ dàng và nhanh chóng nhất và vào các biện pháp cưỡng chế (là những thứ sẵn sàng trở thành thông lệ, cũng như sẵn sàng bỏ qua những mối quan tâm lành mạnh của trí hiểu): đưa vào Danh mục sách cấm, kết án hoặc đe dọa kết án ảnh hưởng đến các cuốn sách hoặc buộc tác giả phải im lặng, và những biện pháp gây khó chịu mà không khai sáng. Quả không tốt chút nào khi bầu không khí nghi ngờ thường xuyên đè nặng lên con người, - đặc biệt lên những người cống hiến dù đúng dù sai cho các công trình trí thức, và rất nhiều người trong số này là những người có đầu óc ngay thẳng và những người tìm tòi vô tư một cách đáng ngưỡng mộ, hoàn toàn tận hiến trong tinh thần đức tin cho việc phục vụ sự thật, tuy rằng trong số đó cũng có rất nhiều người say sưa với chính mình, và có tư chất phù phiếm dễ làm mất lòng nhất.

Đối với tôi, xem ra một tình huống đặc biệt nguy hiểm hẳn đã phát triển như vậy trong suốt thế kỷ XIX và tiền bán thế kỷ XX. Nếu không có sự tích tụ lớn lao các phẫn uất thầm lặng bị kìm nén từ lâu, người ta sẽ không hiểu được việc biết bao nhà thần học và nhà chú giải, - trong số những người có nhu cầu phải được đưa trở lại con đường sự thật, vì quá tham lam muốn chứng tỏ bản thân của họ đối với thời đại của họ và để chứng minh cho những sai sót của nó, - cũng như biết bao giáo sĩ tội nghiệp không hiểu biết nhiều nhưng say mê theo dõi thời sự ngày nay, đã coi Công đồng Vatican II chỉ là một dịp để giải phóng một loại cơn thịnh nộ bệnh hoạn, chống lại thẩm quyền Rôma.

3. Sự kiện vẫn là Giáo hội có nhiệm vụ bất khả xâm phạm phải bảo vệ đức tin khỏi sai lầm; - và sai lầm đó ngày nay rất nhiều.

Sự kiện cũng vẫn là Giáo Hội đã nhận được từ Thiên Chúa hai thanh gươm, thẩm quyền giảng dạy mà Giáo Hội phải liên tục thực thi, và thẩm quyền ràng buộc, Giáo Hội phải đặt thanh kiếm thứ hai này càng nhanh bao nhiêu càng tốt trở lại vỏ của nó khi Giáo Hội cần phải sử dụng nó; cuối cùng, sự kiện vẫn là một thẩm quyền, nếu không hành động, sẽ có nguy cơ bị lãng quên hoặc bị khinh miệt.

Ngày nay không còn bất cứ Thánh bộ nào của Tòa Lạc giáo hay bất cứ Văn phòng Thánh nào nữa. Cơ quan mang tên này bây giờ là Bộ bảo vệ giáo lý đức tin. Chúng ta phải thương hại các vị giáo phẩm, những người trong thời kỳ hiện tại, đang đảm trách nhiệm vụ sau này, công việc của họ không phải là dễ dàng. Có vẻ như họ cần phải có một nỗ lực lớn của trí tưởng tượng, để tìm ra những cách hành động mới. Việc của Chúa Thánh Thần là trợ giúp họ trong việc này.

Tuy nhiên, có lẽ một giáo dân đơn thuần cũng được phép can thiệp vào những gì không liên quan đến anh ta, bằng cách khiêm tốn nói những gì anh ta nghĩ về vấn đề này.

Một mặt, há chẳng đáng ước ao hay sao việc ở đỉnh cao của cơ quan quản trị Giáo hội không có một, mà là hai Thánh bộ tối cao, thánh bộ đầu tiên (do đó hoàn toàn và đơn giản là tối cao) chịu trách nhiệm về tất cả những gì liên quan đến việc Tin mừng hóa trái đất, giáo huấn đức tin và sự rạng rỡ của chân lý thần linh trên thế giới, cũng như những gì liên quan đến việc nghiên cứu được hỗ trợ và được soi sáng; Thánh bộ thứ hai, giống như Thánh bộ từng thay thế Văn phòng Thánh, được trao cho việc bảo vệ đức tin khỏi sai lầm? Vì trong nguyên tắc, thế chinh phục và tiến bộ vẫn quan trọng hơn thế phòng thủ.

Mặt khác, và trong điều liên quan đến Thánh bộ thứ hai này, há người ta không thể mơ ước rằng nó khai triển hoạt động của nó trên hai bình diện khác nhau, mà bình diện thứ nhất cũng liên quan đến thẩm quyền giảng dạy hay sao? Trong dịp những sai sót được phát động ra khắp thế giới bởi tác giả nổi tiếng này hay tác giả nổi tiếng nọ, có khả năng gây ảnh hưởng thực sự cho nhiều tâm trí, các nhà thần học lỗi lạc lúc đó sẽ được giao phó trách nhiệm đưa ra một cách hoàn toàn khách quan, và với sự quan tâm duy nhất để soi sáng, không để lên án, các sự thật bị tác giả đang bàn bỏ qua. Và những trình bầy tín lý này, chỉ nhắm sự thật, sẽ được phân phối chính thức cho các chủng viện và các trường đại học Công Giáo với sự giám sát của Thánh bộ, trước khi được xuất bản thành sách nếu cần.

Bình diện thứ hai sẽ là bình diện của thẩm quyền ràng buộc, trong những trường hợp cần thiết phải thực thi nó, trong khi mọi biện pháp trừng phạt đã được thực hiện trước các cuộc tiếp xúc và trao đổi đích thân với người có liên quan, để ngay cả khi đó, phương thức tiếp cận vẫn trên hết là tình huynh đệ. Tôi hiểu rõ rằng trong cuộc đối thoại huynh đệ luôn có hai bên tham gia, và về phía một số người đối thoại, trên hết là khi họ bị ám ảnh bởi việc lo lắng tới tiếng tăm công cộng, thì tình bác ái huynh đệ của Thánh bộ Rôma vừa được đổi mới trong tinh thần cũng như trong tên của nó sẽ có nguy cơ gặp những tâm tư hoàn toàn khác nhau. Lúc đó, càng tệ hơn, nếu nó có thanh gươm thứ hai trong tay; và, nó thấy thực sự cần phải sử dụng thanh gươm này, cho dù hiếm khi, cho dù vừa phải đến đâu. Như Karl Rahner {27} nói, "Giáo hội sẽ phản bội Tin mừng, và huấn quyền sẽ phản bội sứ mệnh của mình, nếu trong một số trường hợp nào đó, Giáo hội không có can đảm nói 'Không' một cách nhất quyết đối với một học thuyết xuất hiện trong Giáo hội nhưng lại muốn có quyền tự do của kinh thành ở đó".

Cuộc đổi mới vĩ đại

1. Giáo dân cũng phải bị phàn nàn trong hoàn cảnh hiện tại. Có nhiều người trong số họ hơn người ta nghĩ là những người, bị bối rối sâu xa trong điều thân yêu nhất đối với họ bởi hành vi và rất nhiều lời nói của các giáo sĩ "hợp thời", - và mặt khác, sẵn lòng chấp nhận cải cách phụng vụ, cũng như những cải cách khác, và việc sử dụng tiếng bản ngữ, nhưng chán ngán đối với các bản dịch không xứng đáng mà người ta bắt buộc họ phải nghe trong Thánh lễ, {28} - đã duy trì một cách chán ngán như nhau cả lòng nhiệt thành của chủ nghĩa bảo thủ quá khích (intégrisme), chủ nghĩa dạy họ "mọi điều đã được nói cả rồi" lẫn tính hợm hĩnh thái quá của chủ nghĩa tân hiện đại (néo-modernisme), một chủ ghĩa dạy họ "mọi điều cần phải được làm lại" và không còn muốn bất cứ điều gì là siêu nhiên và linh thiêng. Họ xao xuyến tự hỏi "Giáo hội" đang dẫn dắt họ đi đâu (thực sự không phải là Giáo hội, mà là một nhân sự của Giáo hội lúc này phần nào đang bị đánh thuốc mê).



Những giáo dân này hầu như không tìm thấy niềm an ủi nào trong tính lạc quan được nhiều mục tử của họ chính thức tuyên bố, hoặc trong các "tổ chức" đa dạng mà người ta muốn họ ghi danh gia nhập. Tuy nhiên, họ có Đức Giáo Hoàng, người cầu nguyện, người dạy dỗ, người đau khổ, người lo lắng cho tất cả và cho mọi điều, và là người đã ban cho họ một lời tuyên xưng đức tin nhắc cho họ rõ ràng điều họ phải tin và điều họ có thể lặp lại sau ngài và với với ngài. Và họ có Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng trợ giúp dân Thiên Chúa, và họ có các thiên thần (những thiên thần mà Thánh Ambrôsiô đã nói với chúng ta trong Kinh Sáng Lễ Giáng sinh) {29} và các thánh của Thiên đàng cùng với nữ vương của họ, - Giáo Hội Thiên đàng, vốn là Giáo Hội duy nhất với Giáo Hội của trái đất, và là người chỉ yêu cầu được trợ giúp họ. Và nếu các ngài muốn một cách kiên trì, chắc chắn các ngài sẽ tìm được một linh mục xứng đáng với tên gọi để khuyên bảo họ. Trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đã dẫn dắt một đoàn chiên nhỏ mà Người bảo đừng sợ hãi: nolite timere, pusillus grex [đừng sợ, hỡi đoàn chiên sợ hãi]{30}. Ngày nay, chính những bầy chiên nhỏ sống trong cầu nguyện và trong tình yêu Thập giá nhận được sự nhẹ lòng này. (Có một số người đáng ngưỡng mộ đằng sau Bức màn sắt, những người bị mọi người bỏ rơi và sẵn sàng bị bách hại, họ khiến ta liên tưởng đến Giáo Hội của các hang toại đạo, họ chứng thực trên trái đất những ân sủng của Chúa Thánh Thần).

2. Sự đổi mới vĩ đại mà Công đồng Vaticanô II đã mời gọi dân Kitô giáo, - đối với tôi, dường như theo quan điểm mà chương này trình bầy với chúng ta, chúng ta hiểu rõ hơn tầm rộng dài trong các chiều kích của nó. Công đồng đã tự trình bầy như một diễn trình lâu dài dẫn đến sự định hướng lại hoàn toàn, dẫn đến một cuộc cách mạng liên quan đến lịch sử mười thế kỷ. Nói cho ngay, điều được kêu gọi ở đó chỉ đơn giản là trở về bằng một ý thức minh nhiên với điều mà, trong chính cuộc sống thực tế và kinh nghiệm sống sâu sắc của Giáo hội, luôn giữ vị trí hàng đầu: Há Giáo hội đã không có ơn thánh với những hồng ân nhưng không làm linh hồn, có đức ái làm sự sống đó sao? Nhưng sự sống sâu xa của một con người và ý thức mà họ có về các quy tắc mà họ sử dụng là một chuyện; một điều hoàn toàn khác là sự sống sâu xa của một kinh thành và điều đối với nó giữ vị trí hàng đầu trong các cơ cấu pháp lý và trong các mối quan tâm của những người quản trị nó. Đó là mối quan tâm chính mà kể từ thế kỷ thứ mười một, nhân sự của Giáo hội đã bận tâm trong việc quản trị Giáo Hội, và đó chính là bậc thang giá trị, mà, do đó, nó sử dụng trong thực hành pháp lý, từ nay đã thay đổi.

Việc phòng thủ chống lại lạc giáo, vốn mãi luôn là nhiệm vụ tối cao đối với Giáo hội, đã không còn là mối quan tâm thuần túy và đơn giản tối cao và tuyệt đối hàng đầu nữa. Theo giáo huấn của Công Đồng, đối với nhân sự của Giáo Hội, từ nay, mối quan tâm tuyệt đối hàng đầu là tình yêu của Chúa Kitô (tình yêu của Người đối với chúng ta, và tình yêu của chúng ta đối với Người) phải biểu lộ cho loài người, và sự thật của Chúa Kitô phải thông truyền cho họ.

Nếu xét đến sự mong manh của con người, những ham muốn vẩn đục và những phẫn uất dày vò bản chất của chúng ta, thì không ngạc nhiên gì khi kết quả tức thì của một sự thay đổi có tầm quan trọng lớn lao như vậy nơi những đầu óc suy nghĩ ít lo lắng về sự thật hơn là về thời trang ngày nay, và nơi một số giáo sĩ trẻ không được chuẩn bị kỹ cho sự kiện này, là một sự rối loạn lớn về tín lý và luân lý, và một cuộc đổ xô chạy tới điều tự gọi là Kitô giáo nhưng không biết gì ngoài trái đất. Chúng ta phải tin rằng một hiện tượng như vậy tự nó sẽ chỉ là một điều thoáng qua. Những thế hệ sẽ đến, có lẽ sớm hơn người ta nghĩ, chắc chắn sẽ có những nhu cầu khác, và xứng đáng hơn với ơn gọi của những hữu thể được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa; lúc đó, vấn đề sẽ là việc sẵn sàng cung cấp cho họ những gì họ yêu cầu.

Trong khi chờ đợi, điều vẫn mãi đáng ước mong một cách đặc biệt là khi họ chạm tới những điều chỉ có ý nghĩa nhờ tình yêu của Chúa Kitô, - điều đã khiến Người chết trên Thập giá, - và nhờ sự thật của Chúa Kitô, - sự thật để làm chứng cho sự thật Người đã đến thế gian, - con người, và đặc biệt các vị giáo phẩm, biết chút đỉnh về những gì họ đang nói. Cuộc đổi mới vĩ đại được Công đồng kêu gọi trước hết và trên hết, và theo một cách thức hoàn toàn cần thiết, là một cuộc đổi mới nội tâm, trong đức tin sống động. Không có nó, không có gì để hy vọng. Đó là dấu hiệu khủng khiếp mà Công đồng đã ghi lên tường.

Chính từ linh hồn, nơi Thiên Chúa cư ngụ cách bí mật, nó cần phải bắt đầu, và vì điều này, trước tiên cần phải tin linh hồn. Điều cần thiết là phải khao khát sự viên mãn của đức ái siêu nhiên, và vì điều này, trước nhất phải tin vào trật tự siêu nhiên và vào ân sủng. Điều cần thiết là phải hết lòng tuân giữ sự thật giấu ẩn trong Thiên Chúa siêu việt, và được Chúa Kitô mạc khải cho Giáo hội của Người, và vì điều này, trước tiên cần phải tin vào sự siêu việt của Thiên Chúa và vào Giáo hội của Chúa Kitô. Điều cần thiết trên hết là phải hiến mình cho việc cầu nguyện và cho đời sống cầu nguyện, và vì điều này, trước tiên cần phải tin thực sự vào lời cầu nguyện. Người ta cần phải ôm lấy Thập giá của Chúa Giêsu, và vì điều này, trước tiên cần phải tin thực sự vào sự Nhập thể của Ngôi Lời bất tạo, và vào ơn cứu chuộc nhờ Thập giá.

Ghi chú

{1} Về chế độ thánh thiêng xin xem Charles Journet, L'Église du Verbe Incarné, cuốn 1, trang 280-425 ("Régime de la Chrétienté sacrale"); và cuốn Humanisme Intégral của tôi, trang 143-153.

{2} In Cant., Bài giảng 64.

Thánh Hildegarde viết: "Hãy xua đuổi những kẻ lạc giáo ra khỏi Giáo hội; nhưng đừng giết họ; vì họ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa giống như bạn".

{3} Thư gửi Tổng giám mục của Rheims, Henri, anh trai của Vua Louis VII Trẻ.

Chúng ta cũng nên trích dẫn lá thư được viết vào năm 1043 của Giám mục Liège, Wazon, gửi cho Giám mục của Châlons, Roger, người đã hỏi ý kiến ngài: "Thiên Chúa không muốn cái chết của tội nhân nhưng sự hoán cải của họ. Há Chúa Kitô đã không làm gương cho chúng ta về lòng nhân từ đối với những người lạc giáo, trong khi toàn năng, Người đã chịu đựng sự hà hiếp, sự sỉ nhục, sự tàn ác của người Do Thái và cuối cùng là sự hành hạ trên Thập giá đó sao? Và khi, trong dụ ngôn của Người, Người đã khuyên ta để cỏ dại mọc với lúa tốt cho đến mùa gặt, há Người đã không dạy chúng ta rằng kẻ ác phải sống với người công chính cho đến khi Chúa phán xét, chỉ có một mình Chúa mới phân rẽ họ đó sao?... Những người thế giới ngày nay coi là cỏ dại, có thể, khi mùa gặt tới, được Thiên Chúa thu lượm vào kho chứa của Người cùng với lúa mì... Những người mà chúng ta coi là kẻ thù của Thiên Chúa, có thể được Người đặt trên chúng ta trên Thiên đàng".

Bất kể chúng có thể đúng và cao quý đến đâu, những dòng này, giống những dòng của Alexander III được trích dẫn trong bản văn của tôi, cung cấp cho chúng ta bằng chứng về sự nhân từ của trái tim và sự cao thượng trong tư tưởng của người đã viết chúng, hơn cả nguyên tắc biện phân rõ ràng để giải quyết một vấn đề thực tế. Các vị vua và các cố vấn của họ chỉ thấy nơi chúng một chứng ngôn về sự yếu đuối.

{4} Do đó, những Sắc chỉ này đã khiến cho các quy định được Công đồng Latêranô thứ ba ban hành vào năm 1179 và Công đồng Verona ban hành vào năm 1184, và được Đức Innocentê III lặp lại tại Công đồng Latêranô thứ tư vào năm 1215.

Các chức năng của các quan tòa lạc giáo lần đầu tiên được thực hiện bởi các đặc sứ Dòng Xitô. Đức Grêgôriô IX giao phó các Cha Dòng Đa Minh cho họ. Vị trưởng quan tòa lạc giáo đầu tiên của vương quốc Pháp là Robert le Bougre (bản thân là một người thuộc bè rối Cathare đã hoán cải, - người ta thường gọi là "bulgare" hoặc "bougre" thay cho "cathare"). Ngài đã hành động nhân danh cả Đức Giáo Hoàng lẫn nhà vua.

Để biết tường thuật lịch sử chi tiết về điều mà tôi đã tóm tắt trong đoạn này, xin xem Jean Guiraud, bài báo Inquisition, trong Dictionnaire d'Apologétique, cột 823 đến 853.

Tòa án Lạc giáo truy tố phái Cathares, phái Vaudois (xem Jean Marx, L'Inquisition en Dauphiné), các đệ tử Béguins của Joachim de Flore và của Jean d'Olive; và vào thế kỷ thứ mười lăm, các phù thủy; và ngay cả những người phạm tội nhẹ thuộc thường luật.

{5} Xem Jean Guiraud, sđd., cột 868 và tiếp theo; và Ch. Journet, L'Église du Verbe Incarné, cuốn 1, tr. 378, chú thích 1.

{6} Rất ít: Bị cáo không được đối chất với các nhân chứng đã buộc tội họ, và không biết tên của họ; vào thời điểm người ta cấp cho họ luật sư, những người này chỉ có vai trò tư vấn cho họ trong việc bào chữa hoặc thúc giục họ thú tội, và không bao giờ xuất hiện trước tòa; một hệ thống thông báo vi phạm luật tự nhiên buộc người cha và người mẹ phải tố cáo con cái, người chồng tố cáo vợ, và hỗ tương. Xem E. Vacandard, Dict. de théol., cột 2038-2041.

Sắc chỉ Cum adversus, của Đức Innocentê IV, ngày 31 tháng 10 năm 1243, đã phê chuẩn "hiến pháp Commissi Nobis của Frederick II, trong đó người ta nói rằng con trai của những kẻ lạc giáo sẽ thoát khỏi sự trừng phạt của luật pháp ngay cả khi chống lại họ - tước đoạt hàng hóa, không được giữ các chức vụ công cộng và các danh dự - nếu họ tố cáo lạc giáo bí mật của chính cha mình." Sau đó, một Sắc chỉ của Đức Piô V (Bullarium romanum, Turin, 1862, cuốn VII, tr. 430) cấm "các thầy thuốc không được đi thăm những người bệnh trong vòng ba ngày, không chịu xưng tội hoặc không ở vị thế có thể xuất trình giấy chứng nhận đã xưng tội" Ch. Journet, sđd., cuốn 1, tr. 297, ghi chú 2.

{7} Điều tôi gọi ở đây là thẩm quyền giảng dạy của Giáo hội trước hết bao gồm "quyền tuyên bố" của Giáo Hội, điều này có nghĩa làm cho người ta biết những gì Thiên Chúa mạc khải (và là những điều chúng ta tin dựa vào lời Thiên Chúa), nhưng cũng bao gồm "quyền quy điển” (pouvoir canonique) của Giáo hội, khi nó cho chúng ta biết điều phải được tin dựa vào lời của Giáo hội để bảo đảm việc bảo quản kho mạc khải trong tính toàn vẹn của nó qua các thế kỷ, xem thêm Ch. XIV, trang 203-206.

{8} Thánh Bernard, trong De Consideratione, cũng nói về hai thanh gươm, nhưng ngài hiểu thanh gươm thứ hai là thanh gươm vật chất, thanh gươm nằm "trong tay người lính", và có thể được rút ra theo lệnh của Phêrô, nhưng không bằng tay của ngài, tuo forsitan nutu, etsi non tua manu [bằng sự đồng ý của ngươi chứ không bằng tay ngươi] (IV, cap. 3, a. 7). Thánh Tôma lặp lại cùng quan điểm trong In IV Sent., Dist. 37. Ngược lại, thanh gươm thứ hai, như tôi hiểu, thanh gươm của quyền lực cưỡng chế thuộc quyền sở hữu của Giáo hội, thường do tay Phêrô rút ra (và, trong trường hợp chế độ thánh thiêng, cũng được rút ra theo lệnh của ngài bởi bàn tay hoàng tử).

Do đó, nếu Giáo hội sở hữu thanh gươm của thẩm quyền cưỡng chế, cũng như thanh gươm của thẩm quyền giảng dạy, thì đó là bởi vì Giáo hội là một xã hội hoàn chỉnh và làm chủ chính mình (societas perfecta [xã hội hoàn hảo], theo thuật ngữ của các nhà triết học), và bao gồm những con người phàm trần, không phải thuần thần. Thẩm quyền giáo hội - trong lãnh vực riêng của nó và không cần nhờ đến quyền lực dân sự - do đó, vì mục đích tức khắc của trật tự tâm linh, có thể, áp đặt lên một trong các thành viên của mình, đặc biệt là một trong các thành viên thuộc nhân sự của mình, một hình phạt về bản chất và tự nó mang tính trần thế, chẳng hạn như "tiền phạt, hạn chế quyền tự do, tước bỏ một chức vụ hoặc một quyền lợi, v.v." (Ch. Journet, L'Église du Verbe Incarné, cuốn I, tr. 333, chú thích 1). Trong tòa giải tội, một linh mục có thể quy định cho hối nhân việc nộp tiền phạt.

Đối với từ vựng mà chúng tôi sử dụng: thẩm quyền cưỡng chế bao hàm cả thẩm quyền lập pháp và thẩm quyền tư pháp (xem Charles Journet, sđd., cuốn I, các tr. 184-185), nhưng chính bởi sự ép buộc mà cuối cùng nó đã hoàn thành chính nó và đã thực hiện dứt khoát chức năng thanh gươm. Do đó, chúng ta phải gọi nó bằng kiểu nói “thẩm quyền trói buộc hoặc cưỡng chế".

Một nhận xét cuối cùng có tính tổng quát hơn nhiều: hai "thanh gươm" mà chúng ta đang bàn trong những trang này, cũng như các “quyền” đa dạng được Giáo hội (ngôi vị của Giáo hội) sở hữu, chỉ nền tảng nhờ đó, trong các lĩnh vực đa dạng được xem xét, nhân sự của Giáo hội, nhờ Thiên Chúa, hoặc có thẩm quyền thực thi hoạt động của mình như một nguyên nhân chính, hoặc có vai trò của nguyên nhân dụng cụ khi chính ngôi vị của Giáo hội nói và hành động qua họ.

{9} Xem Bộ Giáo luật, điều 2213 S 1; xem Charles Journet, sđd. trang 260-263.

{10} Ga 18: 10.

{11} Mt 26, 52.

{12} Họ hoàn toàn có quyền sử dụng thanh gươm của thẩm quyền cưỡng bức, vì Giáo hội sở hữu thanh gươm này, và thậm chí sử dụng nó, một điều bình thường trong chế độ thánh thiêng, nhờ đến hành động của hoàng tử và cánh tay của thế tục.

Điều, tự nó và nói một cách khách quan, đã là một sai lầm nghiêm trọng (chắc chắn, về mặt lịch sử gần như không thể tránh khỏi, nhưng tự nó lăng nhục Thiên Chúa), khi tạo ra định chế Tòa Lạc giáo, đã sử dụng thanh gươm đang bàn một cách khác với cách Thiên Chúa đã cho phép, theo cách phản bội tinh thần của Người và vi phạm quy định đầu tiên của Luật Mới do Người đưa ra.

{13} Xem Charles Journet, sđd. tr. 232: "Sau đó, các Công đồng Toledo đã được tổ chức, rất đáng chú ý vì các định nghĩa tín điều của chúng về Chúa Ba Ngôi và việc Nhập Thể, nhưng về chúng, đối với những điều liên quan đến các qui định thực tế, người ta nói rằng chúng 'ít là Công đồng hơn là các nghị viện quốc gia của chế độ quân chủ Tây Ban Nha hầu như chỉ đăng ký các sắc lệnh của các vua chúa của họ.'

{14} Tôi sử dụng từ này một cách miễn cưỡng và có nguy cơ làm tổn thương các nhà thần học được tôi yêu quý. Nhưng magis amica veritas [sự thật quan trọng hơn bạn bè]. Vả lại, đạo đức giả (hay "hư cấu hợp pháp" như E. Vacandard nói) rất lưu ý đến việc tự che giấu bằng lời nói. Người ta không "trao nộp"; họ chỉ phó mặc kẻ có tội cho cánh tay thế tục. Và khi làm điều này, người ta đã thúc đẩy đức ái đi xa đến mức sử dụng một công thức đạo đức mà tôi đã nhắc tới trong bản văn này, kêu gọi cánh tay thế tục tha cho kẻ có tội bị cắt xẻo và chết. Nhưng nếu một hoàng tử từ chối thiêu sống kẻ lạc giáo mà Tòa án lạc giáo đã "phó mặc" như thế, anh ta sẽ bị vạ tuyệt thông và phải chịu tất cả các hình phạt dành cho những kẻ xúi giục lạc giáo. Xem Vacandard, Dict. de théol., cột 2051 và 2065. - Tương tự như vậy, người ta đã sử dụng tra tấn để buộc bị cáo phải thú tội, nhưng những lời thú tội được giả thiết là tự do (sđd., cột 2043).

{15} Tôi nói "Tòa án Giáo Hội" như tôi nói "nhân sự của Giáo hội." Định chế Tòa Lạc giáo liên quan đến nhân sự của Giáo hội. Nó không liên quan gì đến một định chế thiết yếu đối với ngôi vị của Giáo hội, chẳng hạn như định chế các Bí tích, và chúng liên quan đến Chúa Kitô, caput super Ecclesiam [đầu trên Ciáo hội].

{16} Thánh Raymond de Peñafort, Thánh Pierre de Vérone (còn được gọi là Thánh Phêrô Tử đạo), Thánh Piô V...

{17} Xem cuốn sách can đảm của Pierre-Henri Simon, Contre la torture (chống tra tấn), Paris, éd. du Seuil, 1957. "Thực hành tra tấn là một trong những điều đáng hổ thẹn của nhân loại..." Tuy nhiên, "ngoại trừ dân tộc Do Thái, các quốc gia thuộc thế giới Địa Trung Hải, trong những thế kỷ mà nền văn hóa đẹp đẽ nhất của họ phát triển mạnh mẽ, đã biết, chấp nhận, thực hành tra tấn trừng phạt hoặc tra khảo. Cả Platông, Aristốt, Xixêrông lẫn Plini, Sênêca, đều không phản đối nguyên tắc này, nếu họ có dịp phàn nàn về sự tàn ác quá mức trong ứng dụng.. ”(trang 24-27). Năm 866, việc tra tấn đã bị Đức Giáo Hoàng Nicôla I lên án một cách tuyệt đối. P. H. Simon trích dẫn bản văn này công chính một cách đáng khen này, một bản văn đã không ngăn cản thời Trung cổ Kitô giáo, kể từ thời điểm họ khám phá ra Luật Rôma, quay trở lại việc sử dụng tra tấn hợp pháp với một lương tâm tốt đang hoảng sợ.

Cuốn sách của Pierre Henri-Simon là một tiếng kêu phẫn nộ chống lại việc sử dụng tra tấn của các sĩ quan và binh lính của quân đội Pháp trong Chiến tranh Algérie. Chúng ta nên cám ơn tác giả đã làm nhân chứng cho công lý và đã phản đối vì danh dự của nước Pháp.

{18} Xem Arthur London, L'Aveu ( Paris, Gallimard).

{19} Đối với giàn hỏa như một phương tiện giết người, nó ngoạn mục hơn, nhưng không tàn nhẫn và man rợ hơn bao nhiêu so với máy chém hoặc treo cổ. Theo tôi, chỉ trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc chiến tranh phòng thủ thì việc giết một con người không phải là tội giết người, và hình phạt tử hình tự nó là một tội lỗi mà xã hội đã phạm phải. Xem cuốn sách của Albert Naud, Tu ne tueras point, Paris, Éd. de la Table Ronde. Về cuốn sách này, Julian Green viết: "Chúng ta hầu như không biết về những đau khổ của những người bị hành quyết. Điều xem ra chắc chắn là cái đầu tách ra khỏi cơ thể vẫn tiếp tục sống. Trong bao lâu? Người ta không biết. Nó sống và đau khổ một cách đáng sợ, vì tất cả đau khổ đều ở trong não, và chừng nào các trung tâm thần kinh không bị phá hủy, cỗ máy phi thường gây đau khổ vẫn tiếp tục hoạt động. Người ta biết rằng đôi khi treo cổ, do một tai nạn khiếp đảm, là một cuộc chặt đầu. Ghế điện chắc chắn là phương pháp khéo léo nhất và chậm nhất. Giá thắt cổ Tây Ban Nha là kết quả của trí tưởng tượng bạo tàn. Trước đây, người ta đã biến giá thắt cổ thành nhanh hơn hoặc chậm hơn tùy theo mức độ lớn nhỏ của tội ác. Tận nguồn gốc của hình phạt tử hình, có ý niệm chắc chắn lâu đời này là máu của người bị kết án tử hình sẽ làm giảm bớt cơn thịnh nộ của nạn nhân. Điều này vừa bán khai vừa ngu ngốc xiết bao" (Journal, cuốn II, Paris, Plon, 1969, p. 1473).

Tuy nhiên, tôi không ngạc nhiên khi vô số người mà tôi không nghi ngờ gì về sự man rợ và tàn ác, dựa trên đức tin của các ý kiến thông thường nhận được, đã coi tử hình và máy chém như những chuyện thông thường và cần thiết giống như thời Trung cổ, người ta coi giàn hỏa và cả việc tra tấn như những việc thông thường và cần thiết.

{20} Ngoại trừ các nhà thần học để biện minh cho chúng. Khi giải thích (Sum. Theol., II-II, 11, 3) tại sao những kẻ lạc giáo phải bị xử tử, Thánh Tôma đã chỉ ra rằng những người suy lý vĩ đại, khi tuyên bố về những điều cụ thể, có nguy cơ bị lạc lối bởi chế độ văn minh và não trạng của thời đại họ.

Vào thời điểm đó, lạc giáo được coi là tội ác tối cao đến mức hài cốt hoặc xác chết thối rữa của những người mà Tòa lạc giáo kết án là lạc giáo đã bị khai quật, kéo lê trên đường phố qua đám đông, trong khi mõ phố xướng to tên của những người có tội và bị thiêu cháy một cách trang trọng.

{21} "Xin ban cho con sự biện phân, - Con đường sự thật con đã chọn..." (Tv. 119: 34-35).

{22} " Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững" (Is.7:9).

{23} Tiện đây, chúng ta hãy lưu ý rằng chính từ Tòa Lạc giáo Tây Ban Nha, vào thời điểm diễn ra cuộc đấu tranh chống Thệ phản, đã diễn ra việc thiết lập Danh mục sách cấm, ngày nay đã được dẹp bỏ. Theo yêu cầu của Charles Đệ Ngũ, một danh sách từng phần đã được Đại học Louvain lập vào năm 1546. Danh mục chung đầu tiên được Văn phòng Tòa thánh Tây Ban Nha xuất bản vào năm 1559. "Thời đại của Gutenberg," theo kiểu nói của Marshall McLuhan, đã bắt đầu một thế kỷ trước.

{24} Đây là lý do tại sao John Bowker, trong cuốn sách tuyệt vời Problems of Suffering in Religions of the World (Những vấn đề đau khổ trong các tôn giáo của thế giới] (Cambridge, University Press, 1969), dành chỗ cho chủ nghĩa Mác trong số các tôn giáo đa dạng được ông nghiên cứu.

{25} Đó là điều mới mẻ: vào thế kỷ thứ mười lăm, Jean Hus đã bị thiêu sống (1415) bởi việc kết án của Công đồng Constance; Savonarole cũng bị thiêu sống vào năm 1498.

{26} Nơi ngài cũng như nơi các vị Giáo hoàng của thời Trung cổ, không hề có ý nhỏ nhoi hay tính toán nhỏ nhặt nhất nào muốn thích ứng với não trạng chung của một thế giới tuy ý thức được các giá trị thiêng liêng nhưng vẫn nhuốm màu man rợ và đến mức không trong sạch về mặt đạo đức (thế giới, hơn nữa, đang trong diễn trình phát triển có tính lịch sử). Họ không cần phải thích nghi với não trạng chung này; họ vốn đã đắm mình trong nó và tham gia vào nó một cách chân thành (đó là cái cớ): khác với nhiều linh mục ngày nay, họ cũng là nạn nhân của thời đại họ, nhưng theo một cách khác: vì nói chung thiện ý của họ là điều không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng đó là thiện ý của những nhà chiến lược ngây thơ lo lắng để tự thích nghi mình, nhằm tác động trên nó, với não trạng thối rữa của một thế giới đang suy đồi toàn diện và hoàn toàn chán ghét thiêng liêng, để nói ngôn ngữ của nó và suy nghĩ như nó. Diễn trình nội bộ tự hủy hoại của “xã hội tư sản” tệ đến mức có lẽ một ngày nào đó nó sẽ tìm kiếm sự cầu cứu cuối cùng của nó nơi Chủ nghĩa Cộng sản; đến nỗi những người Mácxít thông minh sẽ sai lầm khi vội vàng, họ chỉ cần chờ đợi giờ của họ (lúc đó máy hơi nước lăn đường sẽ chạy qua sự thối rữa. Còn sự sống? Nó sẽ ở dưới lòng đất một thời gian). Liệu một Kitô giáo trung thành với chính mình có thể - như một phép lạ - dựng lại tiến trình lịch sử và khắc phục sự suy đồi đang bàn không? Hy vọng về nó ít nhất cũng là một nhiệm vụ. Một Kitô giáo không trung thành với chính nó chỉ có thể góp phần làm trầm trọng thêm sự suy đồi của một nền văn minh vốn phát sinh từ thời Trung cổ Kitô giáo (như nguồn gốc xa xôi) và từ chủ nghĩa nhân bản của thời Phục hưng (như nguồn gốc gần gũi), sau đó bị suy đồi bởi chủ nghĩa vật chất và tiền bạc, và nay đang đi vào thời đại kỹ trị phi nhân.

{27} Trong cuốn viết chung Au service de la Parole de Dieu, Mélanges offerts à Mgr. Charue, évêque de Namur, - Gembloux, 1969. (Xem Revue Thomiste, Avril-Juin, 1970, tr. 319.)

Điều này có phải muốn nói rằng những cải cách đa dạng về khả thể mà tôi vừa ám chỉ sẽ đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay? Tôi không nghĩ vậy. Theo ý kiến của tôi, người ta sẽ chỉ giải quyết được cuộc khủng hoảng này khi, trong một số ít hay nhiều năm, hoặc trong nhiều thập niện, Đức Giáo Hoàng triệu tập một Công đồng mới, - lần này về tín lý, - một Công Đồng, không cần phải nêu tên hoặc lên án bất cứ ai, sẽ tuyên bố một cách long trọng về sự không tương ứng với đức tin Công Giáo của một loạt (có thể dài) các sai lệch triết học và thần học đáng với tuyên bố này.

{28} Chẳng hạn, tôi nghĩ tới Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng, trong đó Đức Maria là một cô gái trẻ không còn đầy ân sủng nhưng được Thiên Chúa ưu ái, và không bối rối trong lòng nhưng hoàn toàn đảo lộn vì lời của Thiên thần, và không hỏi ngài "Làm thế nào điều này có thể có được vì tôi không biết đến người nam?" nhưng hỏi "Điều này sẽ xảy ra như thế nào vì tôi chưa kết hôn?" và cuối cùng không nói với ngài rằng "Hãy làm điều đó cho tôi theo lời của ngài," nhưng nói "Hãy để nó được thực hiện cho tôi như ngài đã nói". Không được phép thay đổi lời thánh lấy lý do để phiên dịch nó, - với một sự nhạt nhẽo khổ công tìm kiếm vốn phản bội ý nghĩa và giả thiết cho rằng dân Kitô là những người ngu ngốc.

{29} "Vì Thiên Chúa đã tấn phong làm những người chăn bầy chiên của Người không những các Giám mục, mà cả các các Thiên thần nữa" Kinh sáng Lễ Sinh Nhật, bài đọc 8.

{30} Lc 12: 32.
 
VietCatholic TV
MiG 31 của Nga giá 34 triệu USD bốc cháy, nổ tung ở Belarus. Putin đề nghị đàm phán. Tin được không?
VietCatholic Media
03:29 26/12/2022


1. Máy bay chiến đấu MiG 31 của Nga bốc cháy ở Belarus

Hôm Chúa Nhật 25 tháng 12, một máy bay chiến đấu MiG-31K của Nga, có khả năng mang hỏa tiễn siêu thanh Kindzhal, đã bốc cháy trước khi nổ tung tại sân bay Machulishchy, của Belarus. Các máy bay trực thăng của Belarus đã vần vũ trên bầu trời để tìm xem có khả năng chiếc máy bay này bị phá hoại hay chỉ là do trở ngại kỹ thuật.

Nhóm giám sát Belaruskiy Hajun của phe đối lập với tổng thống Alexander Lukashenko cho biết “động cơ của một trong những chiếc máy bay MiG-31K của Không quân Nga đã bốc cháy tại sân bay Machulishchy, trước khi chiếc chiến đấu cơ nổ tung.”

Chiếc máy bay gặp nạn có số hiệu RF-95194. Đó là một trong ba chiếc máy bay MiG-31K của Không quân Nga đã bay tới Machulishchy ngày 13 tháng 12 vừa qua. Đây là đợt luân chuyển thứ hai của loại máy bay này tại Belarus.

Các nguồn tin tình báo cho rằng Nga đang tích cực sử dụng lãnh thổ Belarus để chuẩn bị và tiến hành cuộc xâm lược quân sự chống Ukraine.

Mikoyan MiG-31 là một loại máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm được phát triển cho Không quân Liên Xô. Máy bay được thiết kế bởi phòng thiết kế Mikoyan để thay thế cho MiG-25 “Foxbat” trước đó; MiG-31 dựa trên và chia sẻ các yếu tố thiết kế với MiG-25.

MiG-31 là một trong những máy bay chiến đấu bay nhanh nhất thế giới. Nó tiếp tục được Không quân Nga và Không quân Kazakhstan vận hành sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991. Bộ Quốc phòng Nga dự kiến MiG-31 sẽ tiếp tục phục vụ cho đến năm 2030 hoặc xa hơn.

MiG-31K là biến thể của MiG-31, được sửa đổi để có thể mang hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal.

2. Tư lệnh Lực lượng Liên hợp Serhii Naiev kiểm tra sự sẵn sàng của lực lượng phòng thủ khu vực Kyiv để chống lại một cuộc tấn công của Nga

Tư lệnh Lực lượng Liên hợp các Lực lượng Vũ trang Ukraine, Trung tướng Serhii Naiev đã thị sát khả năng sẵn sàng của Lực lượng Phòng vệ khu vực Kyiv trong việc chống lại các nhóm trinh sát và phá hoại của kẻ thù.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng thứ Hai 26 tháng 12.

Ông cho biết, vào ngày 24 tháng 12 năm 2022, Tư lệnh Lực lượng Liên quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, là Trung tướng Serhii Naiev đã thị sát khả năng sẵn sàng của các đơn vị Ukraine trong việc đẩy lùi cuộc tấn công có thể xảy ra của quân xâm lược theo hướng bắc từ lãnh thổ Belarus.

Ông cho biết, ngay từ đầu cuộc xâm lược hồi cuối tháng 2 vừa qua,quân Nga đã từng cố gắng thực hiện một cuộc tấn công bằng đường không chiến thuật nhằm chiếm giữ một tài sản quan trọng của nhà nước. Phối hợp với Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, các đơn vị Lực lượng Vũ trang đã tiêu diệt các máy bay trực thăng vận tải của đối phương khi chúng còn đang bay trên không; và triệt hạ một đơn vị tiền phương đang cố gắng đánh chiếm một đầu cầu.

Theo Trung Tướng Naiev, một cuộc diễn tập pháo binh đã được thực hiện, bao gồm việc yểm trợ cho lực lượng bộ binh vượt sông. Với mục đích này, lực lượng Ukraine đã sử dụng phương tiện vận chuyển nổi PTS-2 và các tuyến phà để vượt qua chướng ngại vật dưới nước.

“Tuy nhiên, không có giới hạn nào trong việc nâng cao kỹ năng và năng lực thực tế cho nhân sự của chúng ta. Các chỉ huy sẽ tiếp tục đào tạo như vậy để đưa các hành động của cấp dưới trở thành hiệu suất tự động trong tương lai”

3. Ngoại trưởng Kuleba cho biết Ukraine sẽ có tất cả vũ khí cần thiết để giải phóng lãnh thổ khỏi quân địch

Ukraine sẽ có tất cả vũ khí cần thiết để giải phóng lãnh thổ của mình khỏi quân chiếm đóng của Nga – đó chỉ là vấn đề thời gian.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã phát biểu như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 26 tháng 12.

Kuleba nói: “Nếu chúng ta tóm tắt tất cả các cuộc trao đổi qua kênh phụ, không chỉ ở Washington mà còn ở các quốc gia khác, thì kết luận như sau: tất cả vũ khí cần thiết sẽ có mặt ở đây, đó chỉ là vấn đề thời gian”.

Ngoài ra, Kuleba giải thích lý do tại sao không thể cung cấp tất cả vũ khí cùng một lúc.

“Có những lý do tâm lý, hậu cần và chính trị. Chúng tôi cần phải làm việc với tất cả những lý do này, và chúng tôi sẽ làm việc đắc lực. Việc cung cấp vũ khí là một hoạt động kỹ thuật và hậu cần rất phức tạp. Chúng tôi đang giải quyết tất cả các chi tiết này cùng với các đồng nghiệp từ các tổ chức khác. Tôi có cảm giác rằng không có điều cấm kỵ nào đối với việc cung cấp vũ khí”, Kuleba nhấn mạnh.

Theo các nguồn tin từ Hoa Kỳ, Ngũ Giác Đài đang xem xét huấn luyện quân đội Ukraine vận hành hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot tại một căn cứ quân sự ở Hoa Kỳ.

4. Quân Nga tận dụng thời gian hưu chiến tấn công mạnh và chuyển quân

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 26 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, nhận xét rằng quân Nga đã lợi dụng thời gian tạm lắng trong các ngày nghỉ lễ để chuyển quân và mở các cuộc tấn công để giành các vị trí chiến thuật. Chính phủ Ukraine công nhận 2 ngày 25 tháng 12 và 7 tháng Giêng là các ngày quốc lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Trong suốt 8 năm chiến tranh ở Donbas, dù không chính thức hưu chiến, quân Ukraine cũng giảm thiểu các hoạt động quân sự ít nhất là để dưỡng quân trong thời gian này.

Người Nga biết rõ và tận dụng các cơ hội này. Nhân lực và các khí tài chiến tranh của Nga đã được nhìn thấy di chuyển từ Mariupol sang miền Zaporizhzhia để tăng cường phòng thủ thành phố Melitopol.

Trong Đêm Giáng Sinh, quân Nga đã nã pháo vào Kherson giết chết ít nhất 16 người và làm bị thương 64 người. Trong ngày Giáng Sinh, quân xâm lược đã phát động 5 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và không kích. Quân Nga cũng đã thực hiện hơn 90 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Bộ binh Nga cũng mở đến 40 cuộc tấn công ở các hướng Lyman, Bakhmut và Avdiivka. Các lực lượng Nga cũng cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật của họ ở khu vực Kupiansk.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov nhận xét cay đắng rằng ngày 25 tháng 12, ngày lễ Giáng Sinh, được nhiều người mong đợi là một ngày lắng đọng, yên bình, thanh thản. Tuy nhiên, trên thực địa, đó là một trong những ngày rất căng thẳng. Trên 3 mặt trận Lyman, Bakhmut và Avdiivka, 620 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 5 xe tăng, 16 xe thiết giáp, và 3 hệ thống pháo.

Lo sợ một cuộc tấn công lớn của quân Ukraine, quân Nga tiếp tục “tăng cường chế độ và các biện pháp hành chính tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của khu vực Zaporizhzhia”. Tại Vasylivka, họ đưa ra lệnh giới nghiêm từ ngày 28 tháng 12 đến ngày 4 tháng Giêng. Nhân viên dịch vụ khẩn cấp được cấp thẻ đặc biệt, trong khi những cư dân địa phương khác bị cấm rời khỏi nhà và di chuyển xung quanh khu định cư.

Đáp lại, lực lượng hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã tấn công 4 sở chỉ huy của quân đội Nga, 3 khu tập trung binh lính và một hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300. Trong 24 giờ qua, không quân Ukraine đã thực hiện 4 lần xuất kích vào các khu vực quân xâm lược đóng quân.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 25 tháng 12, tổng thiệt hại chiến đấu của quân Nga là 102.050 quân tử trận, cùng với 3.011 xe tăng, 6.010 xe thiết giáp, 1.991 hệ thống pháo, 418 hỏa tiễn phóng hàng loạt thống, 212 hệ thống tác chiến phòng không, 283 máy bay, 267 trực thăng, 1.706 máy bay không người lái, 653 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4.635 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 178 đơn vị thiết bị đặc biệt.

5. Hai bệnh viện bị tấn công trong cuộc tấn công chết người của Nga vào Kherson

Hai bệnh viện đã bị tấn công trong cuộc tấn công chết người của Nga vào thành phố Kherson hôm Chúa Nhật 25 tháng 12. Rất may, không có thương vong nào được báo cáo.

Thống Đốc Kherson là ông Yaroslav Yanushevych đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 26 tháng 12.

“Những kẻ điên cuồng mất nhân tính tiếp tục tấn công các bệnh viện ở vùng Kherson. Đây là những cuộc tấn công khủng bố có chủ ý vào các cơ sở cung cấp y tế cho dân thường. Hôm qua, kẻ thù đã tấn công hai cơ sở y tế ở Kherson,” Yanushevych nói. Các quả đạn của Nga đã đánh trúng Bệnh viện lâm sàng khu vực Kherson.

Ngoài ra, các cuộc pháo kích của kẻ thù đã ảnh hưởng đến cơ sở chăm sóc tâm thần trong khu vực. Văn phòng bác sĩ, hệ thống cung cấp nhiệt và một phần mái nhà đã bị phá hủy.

Xin nhắc lại rằng, vào ngày 24 tháng 12, quân đội Nga đã pháo kích vào trung tâm thành phố Kherson. Tổng cộng có 16 dân thường thiệt mạng và 64 người bị thương.

6. Putin thề sẽ phá hủy hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot của Mỹ ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Vows To Destroy U.S. Patriot Missile Defense Systems in Ukraine”, nghĩa là “Putin thề sẽ phá hủy hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot của Mỹ ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ..

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe dọa phá hủy Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot nếu Mỹ thực hiện đúng cam kết cung cấp những hệ thống này cho Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào ngày Giáng Sinh trên kênh truyền hình Rossiya-1 do nhà nước kiểm soát, ông Putin tuyên bố sẽ phá hủy hệ thống chống hỏa tiễn có thể tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu đang tiến tới.

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Pavel Zarubin, Putin nói rằng ông được bảo đảm rằng Ukraine “chưa có những tổ hợp như vậy” và khẳng định Nga sẽ phá hủy các hệ thống này.

“Tất nhiên, chúng tôi tin như thế, 100 phần trăm,” Putin nói, theo hãng truyền thông nhà nước Nga TASS.

Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot là một phần quan trọng trong gói hỗ trợ hỗ trợ an ninh trị giá 1,85 tỷ USD mà Bộ Quốc phòng đã công bố hôm thứ Tư.

Theo Reuters, Patriot được coi là một trong những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Mỹ.

Hệ thống này sử dụng một radar mạnh và có tầm hoạt động khoảng 93 dặm và có thể đánh chặn các hỏa tiễn đang lao tới.

Các hệ thống Patriot sẽ có thể tấn công vào hỏa tiễn đạn đạo, máy bay và máy bay không người lái mà Nga gửi đến để phá hủy hoặc làm hư hỏng các cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling đã chia sẻ những lo ngại về thời hạn chuyển giao hệ thống hỏa tiễn khi nói chuyện với CNN khi ông cho biết sẽ mất “hàng tháng” đào tạo để sử dụng một cách tối ưu.

Ông nói thêm rằng hệ thống phòng thủ hỏa tiễn không phải là thứ có thể bảo vệ toàn bộ Ukraine.

Hertling cho biết: “Những hệ thống này không di động và di chuyển xung quanh chiến trường. Bạn đặt chúng ở một nơi nào đó để bảo vệ mục tiêu chiến lược nhất của bạn, như một thành phố, như Kyiv, chẳng hạn.

“Ai nghĩ rằng đây sẽ là một hệ thống trải rộng trên đường biên giới dài 500 dặm giữa Ukraine và Nga, thì họ không biết hệ thống này hoạt động như thế nào.”

Hôm thứ Năm, Putin cho biết gói viện trợ cho Ukraine sẽ “kéo dài xung đột” ở Đông Âu và tuyên bố hệ thống hỏa tiễn Patriot “đã quá cũ”.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để xin bình luận.

Nga đã hạ thấp tầm quan trọng của chuyến thăm gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới Washington DC

Nhà lãnh đạo Ukraine nói với Quốc hội Ukraine “sẽ không bao giờ đầu hàng” và nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt giữa Mỹ và đất nước của ông.

Zelenskiy đã cố gắng giành được nhiều vũ khí hơn từ Mỹ khi nước này tiếp tục phản công để giành lại lãnh thổ đã mất vào tay Nga trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

7. Điện Cẩm Linh đề nghị đàm phán về Ukraine. Tướng Mỹ nhận định rằng 'Họ nói dối'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kremlin Offer to Negotiate on Ukraine Dismissed by Ret. General: 'They Lie'“, nghĩa là “Tướng về hưu Mỹ bác bỏ đề nghị đàm phán của Nga: Họ đang nói dối”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Tướng Mỹ về hưu Mark Hertling đã bác bỏ đề nghị đàm phán của Nga về cuộc chiến ở Ukraine, ngay cả sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sẵn sàng thảo luận các giải pháp.

“Vào đêm Giáng Sinh, Putin nói rằng ông ấy 'sẵn sàng đàm phán.' Đã từng 'đàm phán' với quân đội và Bộ Quốc phòng Nga, tôi đã học được bài học: Ngay cả trong những việc nhỏ, các quan chức Nga cũng không đàm phán...họ yêu cầu đàm phán, sau đó họ nói dối, và rồi họ từ bỏ các thỏa thuận,” Hertling cho biết như trên hôm Chúa Nhật.

Reuters đưa tin rằng trong một cuộc phỏng vấn vào ngày Giáng Sinh với kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1, Putin đã đổ lỗi cho Kyiv và các đồng minh của họ vì đã từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán về việc chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra kể từ ngày 24 tháng 2.

“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với mọi bên liên quan về các giải pháp có thể chấp nhận được, nhưng điều đó tùy thuộc vào họ – chúng tôi không phải là những người từ chối đàm phán, mà chính họ”, nhà lãnh đạo Nga nói.

Trước đó trong suốt cuộc chiến, Mạc Tư Khoa cho biết họ sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu ở Ukraine, trong khi quốc gia Đông Âu này vẫn quyết tâm đánh bại các lực lượng Nga và giành lại tất cả các lãnh thổ bao gồm cả Crimea, mà Putin đã sáp nhập vào năm 2014.

Trong khi đó, Giám đốc CIA William Burns đã lặp lại nhận xét của Hertling trong tháng này khi ông nói với PBS News Hour rằng “hầu hết các cuộc xung đột đều kết thúc bằng đàm phán, nhưng điều đó đòi hỏi sự nghiêm túc từ phía người Nga mà trong trường hợp này mà tôi không nghĩ rằng chúng ta đã thấy như vậy”.

“Ít nhất, chúng tôi không đánh giá rằng người Nga đang nghiêm túc vào thời điểm này về một cuộc đàm phán thực sự,” Burns nói.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết vào hôm Chúa Nhật Giáng Sinh rằng Nga không muốn đàm phán.

“Putin cần quay lại thực tế. Thứ nhất, Nga là kẻ duy nhất tấn công Ukraine và đang giết hại công dân. Không có 'quốc gia, động cơ, địa chính trị' nào khác. Thứ hai, Nga không muốn đàm phán, nhưng cố gắng trốn tránh trách nhiệm. Điều này là hiển nhiên, vì vậy chúng tôi đang chuyển sang Tòa án,” Podolyak nói.

Mặc dù chiến tranh có thể chưa kết thúc trước mắt, Nga dường như đã thay đổi các ưu tiên của mình nhiều lần kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu. Đầu tháng này, Điện Cẩm Linh đã quyết định tập trung vào các mục tiêu ban đầu là “phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa” Ukraine thay vì chiếm giữ lãnh thổ. Putin thường gọi chính phủ Ukraine và các lực lượng vũ trang của họ là tân phát xít.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov vào thời điểm đó cho biết Nga không có kế hoạch chiếm thêm lãnh thổ từ đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, thay vào đó sẽ chỉ nỗ lực giải phóng 4 vùng lãnh thổ mà nước này sáp nhập vào tháng 9 là Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia. Các chính phủ nước ngoài, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã nói rằng các vụ thôn tính này là bất hợp pháp.

Tháng trước, Nga đã rút lực lượng khỏi Kherson, nhưng tiếp tục nói rằng lãnh thổ này nằm dưới sự kiểm soát của Liên bang Nga mặc dù họ không có lực lượng nào ở khu vực phía Tây sông Dnipro.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.
 
2023: Nhà ngoại cảm Baba Vanga tiên đoán chiến tranh hạt nhân. Chúa quan phòng, cầu nguyện, đừng sợ
VietCatholic Media
05:23 26/12/2022


1. Vấn đề những tiên đoán của nhà ngoại cảm mù Baba Vanga

Diễn biến cuộc chiến tại Ukraine xem ra ngày càng phức tạp. Ngay sau cuộc gặp gỡ tại Minsk giữa Putin và Lukashenko, các phương tiện truyền thông đã loan truyền rằng chiến tranh thế giới thứ ba là không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh đó, có tin cho rằng nhà ngoại cảm mù Baba Vanga, người từng dự đoán thành công vụ tấn công Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9, 2001, cho rằng trong năm 2023, thế giới sẽ phải chứng kiến một vụ nổ hạt nhân.

Dưới con mắt đức tin chúng ta tin rằng Thiên Chúa mới là chủ tể của lịch sử, nhưng Ngài tôn trọng tự do của con người. Những hành vi dã man như trong cuộc chiến tại Ukraine hiện nay xuất phát từ tội lỗi lạm dụng tự do của con người. Lịch sử sẽ diễn ra như thế nào là do con người có biết hoán cải xa lánh tội lỗi hay tiếp tục dấn sâu vào những lỗi lầm của mình.

Ký giả Ellen Coughlan của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Blind psychic Baba Vanga, who previously predicted 2022 droughts and 9/11, warned we could expect a nuclear explosion and bioweapon tests on humans in 2023”, nghĩa là “Nhà ngoại cảm mù Baba Vanga, người từng dự đoán hạn hán năm 2022 và sự kiện 11/9, cảnh báo chúng ta có thể chứng kiến một vụ nổ hạt nhân và các vụ thử vũ khí sinh học trên người vào năm 2023”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy

Một nhà ngoại cảm mù đã dự đoán chính xác vụ tấn công 11/9 và tuyên bố các thành phố sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước do hạn hán vào năm 2022, tuyên bố rằng chúng ta có thể phải chứng kiến các cuộc thử nghiệm vũ khí sinh học vào năm tới.

Được mệnh danh là Nostradamus của vùng Balkan, Baba Vanga, qua đời cách đây 25 năm vào năm 1996 ở tuổi 84, đã đưa ra 5 lời tiên tri đáng sợ về năm 2023 trước khi qua đời.

Nhà thần bí người Bulgari, người đã đưa ra những dự đoán hàng năm cho đến năm 5079, dự đoán những cơn bão mặt trời thảm khốc, thử nghiệm vũ khí sinh học trên con người, quỹ đạo Trái đất thay đổi, một vụ nổ hạt nhân và chấm dứt sinh nở tự nhiên vào năm 2023.

Vanga tiên đoán rằng một 'nước lớn' sẽ thực hiện các nghiên cứu vũ khí sinh học trên người, dẫn đến cái chết của hàng nghìn người. Tuy nhiên, Công ước Vũ khí Sinh học của Liên Hiệp Quốc cấm thực hiện các loại thí nghiệm này.

Vanga, đã dự đoán chính xác thảm họa Chernobyl, cũng cảnh báo về khả năng xảy ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân vào năm 2023.

Dự đoán kỳ lạ này được đưa ra khi các nhà lãnh đạo thế giới lo lắng về thảm họa hạt nhân ở Ukraine.

Mới tháng trước, các vụ nổ mạnh đã làm rung chuyển khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine.

Vanga cũng dự đoán rằng năm tới Trái đất sẽ trải qua một sự thay đổi trong quỹ đạo của nó bằng cách nào đó - mặc dù các chi tiết về điều đó không được đưa ra.

Mỗi năm, Trái đất di chuyển 584 triệu dặm xung quanh mặt trời tuy nhiên quỹ đạo có thể thay đổi một chút do lực hấp dẫn của các hành tinh khác.

Sự thay đổi một cách triệt để như vậy dù chỉ trong một năm sẽ tàn phá môi trường của chúng ta vì nó sẽ dẫn đến nhiệt độ tăng vọt, mực nước biển dâng cao và mức độ phóng xạ.

Sự xuất hiện của một cơn bão mặt trời với cường độ chưa từng thấy trên hành tinh Trái đất là một lời tiên tri đáng sợ khác.

Bão mặt trời có thể gây mất điện hàng loạt và mất liên lạc viễn thông, gây ra hàng loạt vấn đề.

Bão mặt trời xảy ra khi một vụ nổ năng lượng được giải phóng từ mặt trời, gửi các điện tích, từ trường và bức xạ về phía Trái đất.

Một dự đoán đáng sợ khác là việc sinh con tự nhiên của con người sẽ bị cấm bởi các chính phủ.

Kịch bản kỳ lạ sẽ xảy ra khi các quan chức chính phủ bị cáo buộc thúc đẩy sản xuất toàn bộ sự sống con người trong phòng thí nghiệm và hạn chế sinh nở tự nhiên.

Các nhà lãnh đạo và chuyên gia y tế sẽ có thể quyết định ai được sinh ra trong khi cha mẹ có thể tùy chỉnh các đặc điểm và ngoại hình của con cái họ - như màu tóc và màu mắt.

Trước đó, bà đã cảnh báo rằng các thành phố lớn sẽ phải đối mặt với gió lùa do nhiệt độ tăng vào năm 2022.

Dự đoán dường như có một số trọng lượng nhất định vì đầu năm nay, có thông tin cho rằng cư dân Kent đã được đưa ra cảnh báo về nước 'chỉ sử dụng cho mục đích thiết yếu'.

Tuy nhiên, không chỉ Vương quốc Anh bị thiếu nước, vì vào tháng 7, có thông tin cho rằng các quốc gia như Bồ Đào Nha và Ý đã khuyến cáo người dân cố gắng hạn chế sử dụng nước.

Tuy nhiên, cho đến nay, một số dự đoán khác của bà về năm 2022 vẫn chưa đúng sau khi bà tuyên bố thế giới sẽ chứng kiến những sự kiện kinh hoàng bao gồm sóng thần chết người và một đại dịch khác.

May mắn thay, cho đến nay không có cơn sóng thần lớn nào ập vào các bờ biển, tuy nhiên đại dịch Covid-19 dường như đang có động lực trở lại.

Chúng tôi cũng đã chứng kiến sự bùng phát của bệnh Thủy đậu trên khắp thế giới, tuy nhiên nó đã không gây ra bất kỳ vấn đề thực sự nào cho cộng đồng.

Nhà ngoại cảm tuyên bố bà có một ân sủng hiếm có từ Chúa giúp bà nhìn thấy tương lai sau khi mất thị giác ở tuổi 12.

Bà đã từng dự đoán chính xác về cuộc xâm lược Ukraine của Nga cũng như vụ tấn công ngày 11/9 ở thành phố New York.

Bà ấy thậm chí còn đáng sợ khi tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng Nga sẽ thống trị thế giới và tổng thống Vladimir Putin sẽ trở thành 'Chúa tể của thế giới'.

Bà ấy cũng đưa ra dự đoán về Thế chiến thứ ba và khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc phỏng vấn với nhà văn Valentin Sidorov, bà cho biết 'vinh quang' của Putin sẽ 'không bị ảnh hưởng'.

Bà ấy nói: 'Tất cả sẽ tan chảy, như thể băng, chỉ có một thứ không bị ảnh hưởng – đó là vinh quang của Vladimir, vinh quang của nước Nga.

Người ta cho rằng trong suốt 50 năm sự nghiệp của mình, bà cũng đã dự đoán về đại dịch coronavirus, thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986 và cái chết của Công nương Diana năm 1997.

Nhà ngoại cảm được cho là đã dự đoán sự bùng phát của Covid 'nhiều năm trước' khi bà ấy cảnh báo: 'Vòng hoa sẽ bao trùm tất cả chúng ta.'

Năm 1989, bà được cho là đã nói về vụ tấn công 11/9 vào Trung tâm Thương mại Thế giới: 'Kinh hoàng, kinh hoàng! Anh em Mỹ sẽ ngã xuống sau khi bị tấn công bởi những con chim thép.

'Những con sói sẽ hú trong bụi rậm, và máu vô tội sẽ tuôn ra.'

Baba cũng dự đoán chính xác rằng tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ Barack Obama sẽ là người da đen đầu tiên, mặc dù bà đã nói rằng ông ấy sẽ là tổng thống da đen cuối cùng”.

Bà cũng cho biết tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ sẽ 'đối mặt với một cuộc khủng hoảng' sẽ 'khiến đất nước suy sụp', điều này có thể liên quan đến những thách thức mà ông Trump phải đối mặt trong thời gian tại vị, bao gồm cả vụ xông vào Tòa nhà Quốc hội ở Washington, DC.

Tuy nhiên, bà ấy đã dự đoán sai rằng Âu Châu sẽ 'không còn tồn tại' vào năm 2017, nhà thần bí cho biết lục địa này sẽ bị biến thành một 'vùng đất hoang gần như hoàn toàn không có sự sống của con người'.

Vanga lớn lên trong một trang trại, thuộc Macedonia ngày nay, và bị mù sau khi bị cuốn vào một cơn lốc xoáy khi còn nhỏ, những người tin rằng tai nạn kỳ lạ này đã giúp bà có được thị giác thứ hai.


Source:Daily Mail

2. Đức Tổng Giám Mục Ukraine: 'Nhiều người sẽ hát mừng Giáng Sinh cùng với những người lính của chúng ta'

Trong nhiều tháng, Nhà thờ Phục sinh của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Kyiv là nơi ẩn náu của hơn 200 người. Họ biến tầng hầm thành nơi trú ẩn chống lại các cuộc không kích. Vào những ngày đó, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đi lại trong chiếc áo chống đạn và đội mũ sắt, cố gắng an ủi những người đau khổ.

Hiện tại, Tòa Giám Mục đang xây dựng một nhà bếp để cho phép tối đa 100 người tự nấu ăn cùng một lúc - với hy vọng rằng điều đó sẽ thuyết phục mọi người ở lại.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cho biết nhiều công dân ở Kyiv đã quen với chiến tranh. “Chúng tôi đã học cách nhận ra những tiếng ồn,” người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương nói với một nhóm nhà báo trong chuyến đi gần đây tới Kyiv do các đại sứ quán Ba Lan và Ukraine tại Tòa thánh tổ chức.

Đức Tổng Giám Mục giải thích rằng nhận ra những tiếng ồn có nghĩa là bạn hiểu rằng thường có hai hoặc ba hỏa tiễn được phóng cùng một lúc.

Một vấn đề đang diễn ra là nguồn cung cấp điện: Thủ đô có điện ở 75% lãnh thổ và có thể bị mất điện đột ngột. Ở các thành phố gần biên giới, như Kharkiv, có lệnh giới nghiêm vào ban đêm và tất cả đèn đều bị tắt.

Ở một quốc gia nơi nhiệt độ có thể giảm xuống tới âm 20 độ C, không có điện đồng nghĩa với việc không có hệ thống sưởi trong điều kiện đóng băng, không được sử dụng bếp trong nhiều trường hợp và không được sử dụng các thiết bị nhà bếp khác.

Cuộc sống trở nên rất phức tạp và làn sóng di cư tạm thời thứ ba từ Ukraine đã bắt đầu. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk gọi những người chạy trốn cái lạnh và thiếu khả năng tiếp cận với điện và sưởi ấm là “những người di cư vì nhiệt”.

Không phải tất cả những người chạy trốn cái lạnh đều nghèo khổ. Trên chuyến tàu đưa các nhà báo từ Kyiv trở về Przemysl, có ba phụ nữ trẻ rời nhà để qua mùa đông ở Praha, nơi họ có người đón họ.

Một người phụ nữ khác đến thăm con gái của cô ấy, một sinh viên sống ở Côte d'Azur ở Pháp — cô ấy đang cân nhắc xem có nên ở cùng cô ấy lâu dài hay không — và một phụ nữ trẻ đang đi nghỉ ở Tây Ban Nha.

Đây là những người có phương tiện kinh tế thích rời đi trong một thời gian. Họ không phải là người di cư vĩnh viễn hoặc người tị nạn.

Đồng thời, một số người chọn ở lại. Do đó, sáng kiến của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, hy vọng sẽ mang đến cho mọi người cơ hội nấu một bữa ăn ấm áp và do đó tìm được ít lý do hơn để không rời đi. Dân chúng đã tự tổ chức sửa chữa ngay những gì bị phá hủy, không để nảy sinh ý định cúi đầu trước bất kỳ hành động khiêu khích nào của kẻ thù.

Đối với Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, “hòa bình trên hết có nghĩa là không có chiến tranh, mà đối với chúng tôi có nghĩa là chiến thắng, đánh đuổi kẻ thù. Hòa bình trong trí tưởng tượng của chúng tôi có nghĩa là ngừng các hành động quân sự này. Đừng giết chúng tôi nữa. Đó sẽ là bước đầu tiên hướng tới hòa bình đích thực.”

“Nhưng chúng tôi biết rằng hòa bình là một điều gì đó sâu sắc hơn là không có chiến tranh,” Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói thêm. “Đó không chỉ là chiến thắng trong chiến tranh, mà còn là chiến thắng trong chính tinh thần chiến tranh, chiến tranh vì hòa bình đích thực và lâu dài.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói, vũ khí mạnh nhất vẫn là khả năng phục hồi. Người Ukraine về nhà; họ không chạy trốn mãi mãi. Và, khi họ ở trong khu vực, họ sửa chữa mọi thứ.

Ngài nói với các nhà báo về việc thông điệp video hàng ngày của ngài diễn ra như thế nào, đó là một cách để chứng nhận sự sống sót của ngài giữa chiến tranh, nhưng sau đó lại trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người.

“Sau ba tuần, tôi tự hỏi liệu có đáng để tiếp tục không, sau đó tôi đến Zytomir, nơi cũng tử vì đạo hàng ngày. Vào một ngày thứ bảy, 21 quả hỏa tiễn đã rơi xuống thành phố. Có một bà già nói với tôi: 'Chúng con rất sợ, thật tốt khi Đức Cha nói chuyện với chúng con. Đức Cha nói gì không quan trọng, quan trọng là Đức Cha nói chuyện với chúng con. Điều này khiến tôi nhớ lại một tình huống mà tôi đã trải qua khi còn là bác sĩ, bởi vì tôi đã từng làm việc trong một phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi thấy một người đàn ông sắp chết nói với vợ: Nói với anh đi! Và cô ấy bắt đầu đọc mặc dù anh ấy không thể theo kịp.' Không phải lúc nào chúng ta cũng mang theo những thông điệp siêu trí tuệ và điều quan trọng là phải đồng hành cùng những người này. Chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh, chúng ta có thể thay đổi cách sống của mình theo cách của Kitô hữu.”

Sẽ là một Giáng Sinh khó khăn, nhưng không giống như Lễ Phục sinh năm ngoái. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Chúng tôi có phong tục hát những bài hát mừng Giáng Sinh, đó là một phần trong cách sống của chúng tôi trong lễ Giáng Sinh. Chúng tôi hát khi đến thăm những người hàng xóm và những người đang gặp khó khăn nhất để mang lại và chia sẻ niềm vui cũng như gửi những lời chúc tốt đẹp. Tôi cũng nhớ khi những bài hát mừng Giáng Sinh này là một hình thức phản đối chế độ vô thần: Mọi người hát vì theo cách này họ đã chiến thắng bạo lực, vì những bài hát mừng Giáng Sinh hát về sự kiện Giáng Sinh của Chúa Giêsu Kitô.”

“Tôi biết rằng nhiều người chuẩn bị ra mặt trận và chúng tôi hát những bài hát mừng Giáng Sinh này với những người lính của chúng tôi.”

“Chúng tôi buộc phải chiến đấu để sinh tồn,” Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói, “và đối với chúng tôi, hòa bình có nghĩa là chữa lành vết thương cho người dân của chúng tôi, bởi vì tất cả chúng tôi đều bị thương.”
Source:National Catholic Register

3. Hội đồng Giám mục Haiti kêu gọi tái lập bầu không khí an ninh tại nước này để phục hồi các hoạt động kinh tế và xã hội.

Haiti bị coi là nước nghèo nhất ở tây bán cầu. Từ lâu nước này sống trong tình trạng bất an, các băng đảng cướp bóc lan tràn cùng với nạn bắt cóc người.

Trong sứ điệp Giáng Sinh, công bố hôm 14 tháng Mười Hai vừa qua, các giám mục Haiti viết: “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể... Chúng tôi kêu gọi các nhóm võ trang bất hợp pháp và những người tài trợ họ hãy ngưng các hoạt động giết người một cách điên rồ vì oán ghét, coi rẻ sự sống”.

Các giám mục cũng nói đến niềm hy vọng giữa đêm đen: “Dân tộc bước đi trong tăm tối đã thấy một luồng sáng lớn xuất hiện” (Isaia 9,1). Lời ngôn sứ này gửi đến dân Israel trong cảnh lưu đày, có âm vang trong tình trạng hằng ngày của Haiti. Trong mầu nhiệm Nhập thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn đón nhận thân phận làm người để biến đối nó và làm cho con người giữ vai chính trong lịch sử của mình.

Nhắc đến tình trạng “huynh đệ tương tàn”, các giám mục kêu gọi vượt thắng cuộc chiến này để đầu tư trong hòa bình và yêu thương. Sứ điệp của các giám mục Haiti có đoạn viết: “Đã đến lúc tổ chức lại các cơ chế của chúng ta, nhất là ngành Tư pháp, để chấm dứt nền văn hóa phạm pháp mà không bị trừng trị, gây ra sự kéo dài nạn tham nhũng và bạo lực tại Haiti, hầu tiến tới mục đích bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ trẻ”.

Theo các giám mục Haiti, tái lập bầu không khí an ninh trong nước là một trong những điều kiện thiết yếu để phục hồi các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội, cũng như để tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ và minh bạch. Các giám mục cũng nhận xét rằng tình trạng không thể sống được đã thúc đẩy nhiều người dân Haiti tìm cách di cư, vượt biên, trong những điều kiện bi thảm. Người di cư bị đối xử vô nhân đạo và tình trạng này cũng làm thương tổn những quan hệ thân hữu và tình láng giềng tốt đẹp giữa các nước láng giềng.

Sau cùng, Hội đồng Giám mục Haiti kêu gọi các tín hữu thực hành các giá trị của sự tôn trọng nhau, công lý, hòa hợp, huynh đệ, tình liên đới, và các vị cầu xin Chúa Hài Đồng đồng hành với nhân dân Haiti đang còn bước đi trong những thung lũng tối tăm.
 
Căn cứ không quân lớn nhất Nga nổ long trời. Quân Putin đông gấp 10 vẫn thua lữ đoàn tăng Ukraine
VietCatholic Media
16:12 26/12/2022


1. Nổ lớn tại căn cứ không quân Engels của Nga

Ba quân nhân Nga đã thiệt mạng hôm thứ Hai sau khi một máy bay không người lái Ukraine bị lực lượng phòng không bắn hạ khi nó tiếp cận một sân bay quân sự ở tỉnh Saratov, sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết “Một máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn hạ ở độ cao thấp khi đang tiếp cận sân bay quân sự Engels ở khu vực Saratov. Kết quả là ba quân nhân Nga thuộc ban kỹ thuật có mặt tại sân bay đã bị tử thương vì các mảnh vỡ của máy bay”.

Vụ việc xảy ra ở thành phố cảng Engels, cách Mạc Tư Khoa hơn 800 km về phía đông nam, nằm trên sông Volga. Đây là vụ tấn công thứ hai, trong tháng này, nhằm vào thành phố, nơi có sân bay quân sự Engels 2, là một căn cứ không quân ném bom chiến lược.

Các cơ quan thực thi pháp luật hiện đang điều tra vụ việc tại sân bay, Thống đốc tỉnh Saratov Roman Busargin cho biết như trên hôm thứ Hai.

Ông nói thêm rằng “không có trường hợp khẩn cấp nào ở các khu dân cư của thành phố” và không có cơ sở hạ tầng dân sự nào bị hư hại”. Ông cũng gửi lời chia buồn tới gia đình của các quân nhân, nói rằng chính phủ sẽ hỗ trợ họ.

CNN đã không thể xác minh độc lập các báo cáo của Bộ Quốc Phòng Nga cho rằng 3 binh sĩ Nga bị tử trận vì các mảnh vỡ của chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ trước khi nó đánh trúng mục tiêu.

Truyền thông Ukraine và Nga đưa tin rằng các vụ nổ đã được nghe thấy sau nửa đêm Chúa Nhật rạng sáng ngày thứ Hai tại căn cứ, nơi có các máy bay ném bom chiến lược, cách tiền tuyến của Ukraine hàng trăm km.

Hãng thông tấn RBC-Ukraine đưa tin về hai vụ nổ, trong khi hãng tin Baza của Nga dẫn lời người dân đã nghe thấy tiếng còi báo động không kích và một vụ nổ rất lớn.

Thành ra, cho rằng chiếc máy bay không người lái bay đã bị bắn hạ và 3 quân nhân tử thương vì các mảnh vỡ của chiếc máy bay xem ra khó tin.

Vào ngày 5 tháng 12, chính căn cứ không quân này đã bị tấn công bởi cái mà Nga tuyên bố là một trong hai cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các căn cứ địa phương. Nga sử dụng sân bay này cho các cuộc tấn công hỏa tiễn lớn vào Ukraine. Các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160 của Nga đóng tại đây.

Các nhà phân tích cho biết các cuộc tấn công đã làm tổn hại danh tiếng của Mạc Tư Khoa và đặt ra câu hỏi về khả năng phòng thủ của nước này.

Ukraine chưa bao giờ công khai nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong nước Nga, nhưng cho biết các vụ việc là “quả báo” cho cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm nay.

Trong các bình luận hôm thứ Hai, phát ngôn nhân Lực lượng Không quân Ukraine Yurii Ihnat không nhận trách nhiệm trực tiếp đối với cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, nhưng cho rằng cuộc tấn công là “hậu quả của những gì Nga đang làm”.

“Nếu người Nga nghĩ rằng chiến tranh sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở hậu phương sâu xa của Nga hay bất kỳ nơi nào khác, thì họ đã nhầm to. Do đó, như chúng ta thấy, những điều như vậy đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và chúng ta hãy hy vọng rằng điều này sẽ chỉ có lợi cho Ukraine”, ông Ihnat nói.

Cũng trong ngày thứ Hai, phát ngôn nhân của Lực lượng An ninh và Quốc phòng miền Nam Ukraine đã cảnh báo về một cuộc tấn công trả đũa có thể xảy ra của Nga, khi đề cập đến một vụ việc tương tự hồi đầu tháng này ở cùng khu vực.

Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk cho biết: “Điều này gợi nhớ đến các sự kiện ngày 5/12, vì vậy có thể có một số deja vu, một số sự lặp lại của tình huống này, trong đó người Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn. Vì vậy, chúng ta nên chuẩn bị cho điều này, tính đến nó trong kế hoạch của mình và đừng quên chạy ngay đến nơi trú ẩn.”

Đầu tháng này, đoạn phim CCTV xuất hiện cho thấy một vụ nổ thắp sáng bầu trời ở Engels. Vào thời điểm đó, Thống đốc Busargin cũng trấn an người dân rằng không có cơ sở hạ tầng dân sự nào bị hư hại và “thông tin về các sự việc tại các cơ sở quân sự đang được các cơ quan thực thi pháp luật kiểm tra”.

Ông thừa nhận thông tin về “một tiếng nổ lớn và bùng phát ở Engels vào rạng sáng” đang lan truyền trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông.

Trung tướng Igor Konashenkov trấn an các phóng viên báo chí Nga rằng các binh sĩ của họ đang làm việc “suốt ngày đêm” để phát triển các hệ thống hỏa tiễn phòng không mới nhằm tự vệ trước các cuộc tấn công của Ukraine.

Ông nói lực lượng phòng không đang được huấn luyện sử dụng S-300V - một thiết bị do Liên Xô chế tạo có thể theo dõi tới độ cao 30 km và trong bán kính 200 km.

“Các đơn vị phòng không của Quân khu phía Tây tiếp tục phục vụ tại các vị trí mới với nhiệm vụ chiến đấu suốt ngày đêm,” ông nói.

Quân khu phía Tây là một trong 5 quân khu của Nga và bao gồm các khu vực có chung biên giới với Ukraine, như Belgorod và Bryansk cũng như vùng ngoại ô Kaliningrad.

Hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 ban đầu được phát triển bởi Liên Xô và đang được cả Nga và Ukraine sử dụng.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo hôm thứ Hai 26 tháng 12, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Kể từ tháng 10, các lực lượng Nga chủ yếu tập trung vào việc xây dựng các vị trí phòng thủ dọc theo nhiều khu vực giới tuyến ở Ukraine. Điều này bao gồm việc đặt thêm các cánh đồng chống tăng và mìn sát thương, gần như chắc chắn vượt ra ngoài các nguyên tắc học thuyết của Nga.

Các bãi mìn chỉ trở thành chướng ngại vật hiệu quả cho quân đội được huấn luyện nếu được bao phủ bởi tầm quan sát và hỏa lực. Một thách thức lớn đối với các lực lượng Nga có thể sẽ là thiếu thiết bị giám sát và thiếu các binh sĩ được đào tạo để giám sát hiệu quả các khu vực rộng lớn của các bãi mìn mới.

3. Putin 'đang sống nhờ thuốc ung thư của phương Tây' để có thể tiếp tục tiến hành cuộc chiến ở Ukraine... nhưng các chuyên gia y tế cho rằng nhà lãnh đạo Nga có thể đang nắm quyền vào năm cuối vì 'không có loại thuốc nào có thể thành công mãi mãi'

Ký giả Will Stewart của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Putin 'is being kept alive on Western cancer drugs' so he can continue to wage his war in Ukraine... but medics hint Russian leader may be in his last year in power because 'no medicine can be endlessly successful'“, nghĩa là “Putin 'đang sống nhờ thuốc ung thư của phương Tây' để có thể tiếp tục tiến hành cuộc chiến ở Ukraine... nhưng các chuyên gia y tế cho rằng nhà lãnh đạo Nga có thể đang nắm quyền vào năm cuối vì 'không có loại thuốc nào có thể thành công mãi mãi'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ

Vladimir Putin đang được các bác sĩ nước ngoài giữ mạng sống để tiến hành chiến tranh ở Ukraine bất chấp tất cả các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với ông và chế độ của ông.

Một chuyên gia Nga nói với giới truyền thông Ukraine rằng các bác sĩ đã sử dụng các phương pháp điều trị mới nhất của phương Tây để tấn công vào căn bệnh ung thư của Putin và ngăn chặn sự lây lan của nó nhưng ông ấy có thể đang nắm quyền vào năm cuối cùng.

Nhà sử học và nhà phân tích chính trị người Nga Valery Solovey cho biết: “Tôi có thể nói rằng nếu không có phương dược nước ngoài này thì chắc chắn ông ấy đã không có cuộc sống công khai ở Liên bang Nga. Điều này là hoàn toàn chắc chắn”.

“Ông ta sử dụng các phương pháp điều trị tiên tiến nhất, và những liệu pháp tấn công ung thư mà Nga không thể cung cấp cho ông ta. Tôi sẽ nói rằng việc điều trị đã quá thành công. Họ đã đối xử với ông ta quá tử tế.”

Mặc dù vậy, 'sự kết thúc đã ở trước mắt, ngay cả theo các bác sĩ đang điều trị cho các bệnh nhân bằng phương pháp điều trị này, bởi vì không có loại thuốc nào có thể thành công mãi mãi”.

Kế hoạch của ông ta khi không còn có thể tiếp tục nữa là trao quyền lực cho bộ trưởng nông nghiệp Nga ít được biết đến Dmitry Patrushev, 45 tuổi, con trai của trợ lý an ninh hàng đầu đáng tin cậy và rất có thế lực của ông ta Nikolai Patrushev, 71 tuổi, một cựu lãnh đạo FSB cực kỳ chống phương Tây và là kiến trúc sư chủ chốt của cuộc chiến ở Ukraine.

Một người kế nhiệm khả dĩ khác là Alexei Dyumin, 50 tuổi, cựu vệ sĩ của Putin và cựu thứ trưởng quốc phòng, người mà ông gặp hôm thứ Sáu khi họ đi thăm một nhà máy vũ khí lớn ở vùng Tula, nơi ông ta hiện là thống đốc.

Solovey là cựu giáo sư tại Học viện Quan hệ Quốc tế danh tiếng của Mạc Tư Khoa, một trường đào tạo các điệp viên và nhà ngoại giao, là người từ lâu đã tuyên bố có kiến thức nội bộ về sức khỏe của Putin.

Ông không nói rõ “các bác sĩ không phải người Nga” được cho là đang điều trị cho Putin đến từ đâu nhưng nhà lãnh đạo ốm yếu của Điện Cẩm Linh “tin tưởng” họ, với việc điều trị được giám sát bởi các bác sĩ hàng đầu của Mạc Tư Khoa.

Trước đây đã có những tuyên bố rằng ông ta phụ thuộc vào các loại thuốc cứu sống do các bác sĩ Israel kê đơn và mua ở Israel.

Solovey nói với kênh YouTube Odesa Film Studio của Ukraine rằng “rõ ràng là ông ta có vấn đề về cử động chân mà nhiều khán giả đã nhận thấy.”

Ban đầu, ông ấy bị ung thư ruột kết, căn bệnh này đã lan rộng 'và giờ còn nguy hiểm hơn', và loại thuốc này đã dẫn đến các triệu chứng ban đầu của bệnh Parkinson.

Solovey nói: “Ông ta có vấn đề sức khỏe khá nghiêm trọng. Nghiêm trọng nhất trong số các những căn bệnh này là ung thư. Cho đến nay, ông ta vẫn 'phây phây' là nhờ cách điều trị của các bác sĩ không phải người Nga.”

“Chiến lược và chiến thuật điều trị được xác định bởi các bác sĩ ở ngoài nước Nga.'Họ là các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho ông ta vào tháng 2 năm 2020, ngay sau khi ông ta được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.”

Solovey cũng cho rằng giới tinh hoa an ninh ở Nga tin chắc rằng Dmitry Patrushev sẽ kế vị Putin. Bình luận về tiên đoán của phe đối lập Nga rằng năm 2023 sẽ là năm cuối cùng Putin nắm quyền lãnh đạo nước Nga, Solovey nói: “Vâng, nó sẽ xảy ra như vậy. Hơn nữa, nó có thể xảy ra ngay sau mùa xuân. Nếu ông ta không tự nguyện rời đi, những người khác sẽ hành động. Putin hiện đang có cơ hội cuối cùng của mình, tôi có thể nói như vậy. Nếu ông ta không tận dụng nó, giới tinh hoa sẽ không chỉ quay lưng lại với ông ta mãi mãi... mà họ sẽ chuyển sang hành động.”

4. Lữ đoàn xe tăng số 1 của Ukraine đã chiến đấu với lực lượng Nga gấp 10 lần lực lượng của mình và giành chiến thắng ra sao?

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “How Ukraine’s 1st Tank Brigade Fought A Russian Force Ten Times Its Size—And Won”, nghĩa là “Lữ đoàn xe tăng số 1 của Ukraine đã chiến đấu với lực lượng Nga gấp 10 lần lực lượng của mình và giành chiến thắng ra sao.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Lữ đoàn xe tăng số 1, được cho là đội hình xe tăng tốt nhất của Ukraine, đã sống sót sau cuộc oanh tạc tàn bạo trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine bắt đầu từ sáng sớm ngày 24 tháng 2. Không những thế, Lữ đoàn còn đánh trả trở lại một cách quyết liệt.

Cuộc phòng thủ kéo dài 6 tuần của Lữ đoàn xe tăng 1 tại thành phố Chernihiv, gần biên giới với Belarus chỉ cách 60 dặm về phía bắc Kyiv, đã trở thành huyền thoại khi các nhà phân tích Mykhaylo Zabrodskyi, Jack Watling, Oleksandr Danylyuk và Nick Reynolds tiết lộ những chi tiết mới đáng kinh ngạc trong một nghiên cứu cho Viện Royal United Services ở London.

Các chỉ huy Nga rõ ràng cho rằng Lữ đoàn xe tăng 1 sẽ là mục tiêu dễ dàng vào ngày đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện. Vào rạng sáng ngày 24 tháng 2, hỏa tiễn và pháo binh Nga đã tấn công các đơn vị đồn trú thường trực của hầu hết trong số 20 lữ đoàn đang hoạt động của quân đội Ukraine.

Nhưng các lữ đoàn này, bao gồm cả Lữ đoàn xe tăng 1, đã phân tán. Cuộc oanh tạc của Nga hầu hết đã phá hủy các tòa nhà trống.

2.000 binh sĩ của Lữ đoàn xe tăng 1 và khoảng 100 xe tăng T-64B và T-64BM — là những xe tăng tốt nhất trong kho của Ukraine — đang nằm chờ trên các cánh đồng và khu rừng xung quanh Chernihiv.

Tập đoàn quân vũ trang hỗn hợp số 41 của Nga tiến về phía nam từ các khu vực đóng quân xung quanh biên giới Belarus-Nga, nhanh chóng đến Chernihiv. Trên lý thuyết, Tập đoàn quân số 41 với 20.000 quân và hàng trăm xe tăng T-72 đã vượt trội hoàn toàn so với Lữ đoàn xe tăng số 1.

Nhưng các tác giả Zabrodskyi, Watling, Danylyuk và Reynolds giải thích rằng trên thực tế, Lữ đoàn xe tăng số 1 đã nắm giữ những lợi thế quan trọng.

Các nhà phân tích viết: “Những chiếc T-64 hiện đại hóa được trang bị radio kỹ thuật số, hệ thống định vị và liên lạc nội bộ mới, hệ thống quan sát với camera chụp ảnh nhiệt, hệ thống bảo vệ động được sửa đổi và các tùy chọn cần thiết khác”. “Hệ thống vũ khí T-64BM 'Bulat' cũng bao gồm hệ thống hỏa tiễn xe tăng TAKO-621 do Ukraine sản xuất, cho phép tấn công xe bọc thép, công sự, trực thăng và các mục tiêu khác ở khoảng cách lên tới 5km bằng hỏa tiễn dẫn đường Kombat.”

Nhưng chính bộ phận nạp đạn tự động trong chiếc T-64 chở được 3 người - và tất nhiên là trình độ huấn luyện vượt trội của quân đội Ukraine - đã tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong các cuộc giao tranh ban đầu đầy hỗn loạn xung quanh Chernihiv. “Những ngày giao tranh đầu tiên chứng kiến nhiều cuộc đụng độ trong các khu rừng ở phạm vi từ 100 đến 200m, nơi mà việc di chuyển bị hạn chế đã hạn chế khả năng của quân Nga trong việc tập trung lực lượng của họ trước một tình huống chiến thuật cụ thể,” Zabrodskyi, Watling, Danylyuk và Reynolds viết.

“Việc huấn luyện tổ lái tốt hơn kết hợp với các cuộc giao tranh tầm ngắn nơi vũ khí của họ có tính cạnh tranh và bộ nạp tự động nhanh hơn trên T-64, cho phép các đội xe tăng Ukraine gây được thiệt hại bất ngờ và đáng kể trước các đơn vị Nga”.

Lữ đoàn xe tăng 1 đã đánh bại Tập đoàn quân số 41 trong vài ngày cho đến khi các chỉ huy Nga quyết định bỏ qua Chernihiv. Kyiv là giải thưởng chính của người Nga. Khi các tiểu đoàn Nga đi qua, Lữ đoàn xe tăng 1 “bị bao vây”.

Lữ đoàn vẫn sở hữu nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, xe tăng của mình. Nhưng nó đã gây tổn thương nặng cho bộ binh Nga. Và như người Nga sẽ học - hoặc học lại - trong những tuần và tháng tới, xe tăng mà không có sự hỗ trợ đầy đủ của bộ binh sẽ rất dễ bị bộ binh và hỏa tiễn chống tăng của đối phương tấn công.

Tuy nhiên, có một lữ đoàn Địa Phương Quân ở Chernihiv. Các binh sĩ Địa Phương Quân — là những người tình nguyện địa phương được trang bị vũ khí nhẹ — đã che chắn cho những chiếc T-64 của Lữ đoàn xe tăng 1 khi lữ đoàn áp dụng thế phòng thủ toàn diện cho thành phố.

Trong sáu tuần, lữ đoàn và các quân nhân Địa Phương Quân hỗ trợ của nó đã cầm cự. Điều quan trọng là các tiểu đoàn Nga đi qua Chernihiv không bao giờ cắt đứt hoàn toàn thành phố. Các nhà phân tích của RUSI viết: “Liên lạc với Lữ đoàn xe tăng 1 được duy trì dọc theo một con đường tiếp tế nhỏ chạy về phía bắc trên tả ngạn sông Dnipro, là con sông mà quân Nga đã không thể cắt đứt, mặc dù có sự hiện diện của một lực lượng áp đảo. Điều này cho thấy nhận thức tình huống kém và thiếu tích cực tuần tra của các đơn vị Nga”.

Sau khi vượt qua Chernihiv, quân đội Nga đã cố gắng—và thất bại—trong việc đánh chiếm Kyiv và nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Hai lữ đoàn pháo binh Ukraine, cố thủ trong và xung quanh thành phố thủ đô, đã giáng đòn mạnh vào các tiểu đoàn đang tấn công của Nga trong khi lực lượng đặc biệt Ukraine đột kích vào các đường tiếp tế của quân Nga.

Vào cuối tháng 3, Điện Cẩm Linh đã ra lệnh cho các lực lượng xung quanh Kyiv rút lui cấp tốc. Đó là khi Lữ đoàn xe tăng 1, vẫn đang cầm cự ở Chernihiv, chuyển sang thế tấn công. Vào ngày 31 tháng 3, lữ đoàn đã giải phóng đường cao tốc M01 nối Chernihiv với Kyiv.

Cuộc bao vây đã kết thúc. Người Ukraine đã chiến thắng.

Lữ đoàn xe tăng 1 đã bị thiệt hại trong sáu tuần bảo vệ Chernihiv. Mặc dù quân đội Ukraine chưa bao giờ công bố con số thương vong chính xác, nhưng có thông tin cho rằng lữ đoàn sau trận chiến mùa xuân này đã dành vài tháng để nghỉ ngơi, trang bị lại và tuyển mộ binh lính mới.

Hôm nay, lữ đoàn đã hoạt động trở lại—ở phía đông. Mười tháng trước nó đã chiến đấu trong một chiến dịch phòng thủ huyền thoại. Hôm nay... lữ đoàn đang tấn công.

5. Những kẻ xâm lược không cho người qua trạm kiểm soát ở Vasylivka trong 10 ngày qua

Trong 10 ngày, quân xâm lược Nga không cho phép cư dân của các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời đi qua trạm kiểm soát Vasylivka về phía Zaporizhzhia.

“Đã 10 ngày rồi, những kẻ phát xít đã không cho phép cư dân của các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của các vùng Zaporizhzhia, Kherson, Donetsk và Luhansk đi qua Vasylivka tới Zaporizhzhia,” thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov cho biết như trên.

Ông nói thêm rằng trong 10 tháng, quân xâm lược Nga đã tăng cường khủng bố và khiến việc di tản trở nên khó khăn hơn bằng cách tạo ra cảnh xếp hàng với những hàng dài cả hàng nghìn tại các trạm kiểm soát, đưa ra một hệ thống thẻ thông hành đặc biệt, phải đợi tới một tháng tại văn phòng chỉ huy chiếm đóng. Một tháng trước, người Nga đã cấm những người đàn ông đủ điều kiện nhập ngũ xuất cảnh, và bây giờ họ thậm chí còn không cho trẻ em, phụ nữ và người già ra ngoài.

Trước đó có thông tin cho rằng những người vẫn cố gắng vượt qua được yêu cầu rời khỏi xe hơi và đi bộ 10 đến 15 km đến Zaporizhzhia. Quân xâm lược Nga nói rằng con đường đã bị đóng cửa cho đến ngày 15 tháng Giêng.

6. Cựu chỉ huy Nga chỉ trích 'sự bướng bỉnh ngu ngốc' trong kế hoạch chiến tranh của Điện Cẩm Linh

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ex-Russian Commander Slams 'Stupid Stubbornness' of Kremlin's War Plan”, nghĩa là “Cựu chỉ huy Nga chỉ trích 'sự bướng bỉnh ngu ngốc' trong kế hoạch chiến tranh của Điện Cẩm Linh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một cựu chỉ huy Nga đã đưa ra một lời chỉ trích gay gắt khác về các kế hoạch của Điện Cẩm Linh ở Ukraine, phê bình quân đội vì “sự ngoan cố ngu ngốc”.

Igor Girkin là một người Nga theo chủ nghĩa dân tộc, người trước đây từng là “chỉ huy tối cao” của lực lượng ly khai ở khu vực ly khai Donetsk của Ukraine. Kể từ khi Mạc Tư Khoa bắt đầu xâm lược quốc gia Đông Âu vào cuối tháng 2, Girkin đã nổi bật với tư cách là một “blogger quân sự”, thẳng thắn ủng hộ các mục tiêu của Nga cũng như chỉ trích năng lực quân sự của nước này.

Hôm thứ Bảy, Girkin đã sử dụng tài khoản Telegram của mình để thảo luận về các động thái mới nhất của quân đội Nga ở vùng Donbas và kế hoạch của họ “tấn công vào phía nam Artemovsk - trên tiền tuyến phía tây bắc và phía tây Gorlovka.” Chuyên gia quân sự đưa ra một dự đoán nghiệt ngã cho những nỗ lực này, đoán rằng chúng sẽ chỉ mang lại lợi ích nhỏ và tổn thất lớn cho Nga.

Girkin nói: “Dự đoán của tôi là nỗ lực xuyên thủng hàng phòng thủ lâu đời của kẻ thù này sẽ không thành công hơn tất cả những nỗ lực tương tự khác được thực hiện trong 10 tháng ở mặt trận Donetsk. Kết quả của nó sẽ là những cái nêm nhỏ vào tuyến phòng thủ của kẻ thù, sự phá hủy các khu định cư được giải phóng đến mức hoàn toàn không thể sinh sống ở đó và...tổn thất phần lớn bộ binh được đưa vào trận chiến.”

Girkin tiếp tục, đưa ra một lời châm chọc kín đáo vào các nhà lãnh đạo quân sự Nga, những người vạch ra những kế hoạch kém cỏi nhưng lại không tự mình tham gia vào các trận chiến.

Ông viết: “Tôi thành thật xin lỗi vì các tác giả của một chiến lược tuyệt vời như vậy không trực tiếp tham gia trong cuộc tấn công vào các công sự của Lực lượng Vũ trang Ukraine.”

Girkin kết thúc nhận xét của mình bằng cách so sánh chỉ huy quân sự của Nga với những con cừu non vì “sự bướng bỉnh ngu ngốc” của chúng, đồng thời nói thêm rằng chúng có rất ít điểm chung với các loài linh trưởng, kém xa con người.

“Tôi phải khẳng định một lần nữa rằng chỉ huy quân sự của chúng ta - xét về mức độ ngoan cố ngu ngốc và hoàn toàn không có khả năng sáng tạo - xứng đáng được so sánh với các loại cừu non có rất ít điểm chung với các loài linh trưởng, nói chi đến con người”.

Trong một ghi chú sau đó, Girkin nói thêm rằng anh ta nuôi hy vọng về “sự giải phóng sắp xảy ra” của vùng Dzerzhinsk, nơi mà anh ấy nói là “quê hương nhỏ bé” của vợ mình, nhưng vẫn bác bỏ khả năng này, vì “hy vọng cho điều này là phù du.”

Newsweek đã liên hệ với các chuyên gia chính sách đối ngoại để bình luận.

7. Putin khẳng định 99,9% người Nga sẵn sàng 'hy sinh tất cả' cho chính nghĩa xâm lược

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Insists 99.9 Percent of Russians Ready to 'Sacrifice Everything'“, nghĩa là “Putin khẳng định 99,9% người Nga sẵn sàng 'hy sinh tất cả'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng 99,9% người Nga sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì lợi ích của đất nước trong bối cảnh Mạc Tư Khoa đang tiếp tục xâm lược Ukraine.

Putin đã nói về vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Pavel Zarubin trong chương trình Rossiya-1 Ngày Giáng Sinh được phát sóng từ Mạc Tư Khoa. Theo một báo cáo từ hãng thông tấn nhà nước TASS hôm Chúa Nhật, nhà lãnh đạo Nga nói rằng ông đã yên tâm về cam kết của người dân trong vài tháng qua và “trong toàn bộ lịch sử tồn tại của nước Nga”.

“Đối với hầu hết – 99,9% – công dân của chúng ta, những người sẵn sàng hy sinh tất cả cho Tổ quốc, điều đó không khiến tôi thấy bất thường,” Putin nói. “Nhưng điều đó một lần nữa trấn an tôi rằng Nga là một quốc gia đặc biệt và có những con người đặc biệt.”

Khi được hỏi về những người hành động chống lại mục tiêu của mình, nhà lãnh đạo Nga đã bác bỏ họ, nói rằng họ không phải là “những người yêu nước thực sự”, nhưng khẳng định quyền được “tự do lựa chọn”.

“Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số người không hành động như những người yêu nước thực sự,” Putin nói. “Bởi vì trong bất kỳ xã hội nào cũng luôn có những người nghĩ đến lợi ích của họ, nghĩa là kế hoạch của họ. Thành thật mà nói, tôi không phán xét họ. Mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn.”

Trong khi nhà lãnh đạo Nga không nói rõ những hành vi nào mà ông coi là đi ngược lại kế hoạch của mình, Nga đã phải đối phó với một làn sóng đào ngũ đáng chú ý trong nỗ lực huy động quân đội cho cuộc xâm lược Ukraine. Vào cuối tháng 9, trước những thất bại đáng kể về quân sự, Putin đã tuyên bố đợt huy động một phần đầu tiên của Nga kể từ Thế chiến thứ hai trong nỗ lực củng cố hàng ngũ quân đội của mình.

Đáp lại, hơn 370.000 nam giới Nga đã rời bỏ nhà cửa của họ đến các nước láng giềng trước ngày 4 tháng 10 để tránh bị gọi nhập ngũ. Vào thời điểm đó, chỉ riêng Kazakhstan thôi, người ta đã chứng kiến khoảng 200.000 người vào biên giới của họ vì lý do đó, những người khác cũng hướng đến Phần Lan, Georgia và Mông Cổ. Một cuộc tìm kiếm của Newsweek cũng cho thấy hàng dài chờ qua biên giới Georgia đã tăng 6 dặm chỉ một ngày sau khi Putin đưa ra thông báo huy động.

Chương trình An ninh và Quốc phòng xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu, gọi tắt là CEPA, cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy là một nỗ lực huy động hỗn loạn sâu sắc và không được lòng dân, gần như chắc chắn sẽ thất bại. Trong khi hàng trăm nghìn thanh niên Nga khỏe mạnh đang chạy trốn qua biên giới Nga, có báo cáo về hàng nghìn người đàn ông lớn tuổi với nhiều vấn đề về sức khỏe đang được đưa đến các trung tâm tuyển dụng gần nhất”.

Bất chấp sự phản đối này, Điện Cẩm Linh cho biết vào cuối tháng 10 rằng nỗ lực huy động 300.000 binh sĩ mới đã hoàn thành. Tuy nhiên, nỗ lực tiếp tục bị phá vỡ bởi sự hỗn loạn. Nhiều báo cáo xuất hiện về những người đàn ông được gửi đến tiền tuyến mà không được đào tạo hoặc trang bị rất ít.

Newsweek đã liên hệ với các chuyên gia chính sách đối ngoại để bình luận.
 
Ba lý do CIA không ám sát Putin không liên quan đến luân lý. Án tuyên thánh cho vị thừa sai ở TQ
VietCatholic Media
17:30 26/12/2022


1. Cha Matteo Ricci, thừa sai tại Trung Quốc, được tôn phong là “Đấng Đáng kính”

Hôm 17 tháng Mười Hai vừa qua, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của cha Matteo Ricci, vị thừa sai nổi tiếng bậc nhất ở Trung Quốc cách đây hơn 4 thế kỷ. Từ nay cha được gọi là Đấng Đáng kính, và cần có một phép lạ được nhìn nhận để được phong chân phước.

Cha Matteo Ricci sinh năm 1552 trong một gia đình quí tộc tại Macerata ở miền trung Ý và gia nhập dòng Tên năm 1571 khi được 19 tuổi. Cha học các khoa học, đặc biệt về thiên văn, toán học, địa lý và vũ trụ học.

Năm 1582, bề trên gửi cha đến Macau và từ đây vào miền nam Trung Quốc cùng với cha Michele Ruggieri cùng dòng. Năm 1594, cha lấy tên tiếng Hoa là Lợi Mã Đậu, lần lượt hoạt động tại nhiều nơi trong các lãnh lực khoa học. Năm 1597, cha được bổ nhiệm làm Bề trên miền dòng Tên ở Trung Quốc. Cha qua đời tại Bắc Kinh ngày 11 tháng Năm năm 1610 khi được 58 tuổi. Đức Thánh Cha Phanxicô coi cha Matteo Ricci như một thừa sai lý tưởng, có khả năng hội nhập văn hóa, đối thoại và cởi mở đối với người khác.

Án phong chân phước cho cha gặp nhiều chướng ngại vì bình thường án phong được khởi sự nơi vị Tôi tớ Chúa qua đời. Nhưng cha qua đời tại Bắc Kinh và được an táng tại nghĩa trang của các cha dòng Tên, nay là vườn của Trường Đảng, và do tình trạng ngoại thường của Giáo hội tại Trung Quốc. Vì thế, án này được ủy cho giáo phận Macerata nguyên quán của cha đảm trách.

Án phong được khởi sự năm 1982 nhưng giai đoạn giáo phận này không có kết thúc rõ ràng. Năm 2010, nhân kỷ niệm 400 năm cha Ricci qua đời, Đức Cha Claudio Giuliodori, Giám mục sở tại, mở lại án phong và ba năm sau, toàn bộ hồ sơ được chuyển về bộ phong thánh ở Roma để cứu xét. Nay với sắc lệnh nhìn nhận cha Matteo Ricci đã thực hiện các nhân đức Kitô giáo đến mức độ anh hùng, một bước tiến lớn trong án phong đã được thực hiện.

Cha Matteo Ricci mang Tin mừng đến Trung Quốc qua con đường thân hữu, đối thoại văn hóa và khoa học, thích ứng. Năm 1601 cha đến Bắc Kinh và được đón tiếp tại Cấm Thành nhờ những kiến thức khoa học và văn hóa của cha. Ngày nay, tên cha Ricci được ghi trong các sách giáo khoa tại Trung Quốc ở bậc trung học cấp ba, được nhắc nhớ trong Bảo Tàng Thiên Niên Kỷ, cùng với Marco Polo, những người ngoại quốc duy nhất quan trọng trong lịch sử nước này.

Đối với Công Giáo, cha Matteo Ricci được nhắc nhớ như một vị thừa sai, như thánh Phaolô đã chịu đau khổ và hiến toàn thân cho công cuộc loan báo Tin mừng.

2. Nga tuyên án tù dài hạn 4 Nhân Chứng Giêhôva

Một tòa án Nga đã kết án bốn thành viên của Nhân Chứng Giêhôva với án tù lên đến bảy năm, tổ chức tôn giáo này cho biết hôm thứ Hai.

Những người đàn ông ở thành phố Viễn Đông Birobidzhan bị buộc tội tổ chức và tài trợ cho các hoạt động “cực đoan” bằng cách tổ chức các buổi thờ phượng chung. Họ bị giam giữ như một phần của chiến dịch đặc biệt có mật danh là “Ngày phán xét” bao gồm 150 nhân viên an ninh đột kích vào 22 ngôi nhà vào tháng 5 năm 2018.

Hơn bốn năm sau, tòa án thành phố kết luận những người thờ phượng gồm Sergei Shulyarenko, Valery Kriger, Alam Aliyev và Dmitry Zagulin phạm tội cực đoan.

Thẩm phán Yana Vladimirova đã kết án Shulyarenko, 38 tuổi và Kriger, 55 tuổi, mỗi người 7 năm tù. Aliyev, 59 tuổi, nhận 6 năm rưỡi, trong khi Zagulin, 49 tuổi, nhận 3 năm rưỡi.

Những người đàn ông phủ nhận các cáo buộc chống lại họ trong phiên tòa xét xử.

“Hành động của tôi tương ứng với lời tuyên xưng đức tin Kitô, hoàn toàn ôn hòa và không có dấu hiệu thù hận,” Krieger nói vào ngày 14 tháng 11.

“Nếu chúng tôi ngừng tin vào Chúa, ngừng là Kitô hữu, thì chúng tôi sẽ không bị bức hại.”

Birobidzhan, một thành phố thuộc khu tự trị của người Do Thái, là một trong số ít thành phố coi Nhân Chứng Giê-hô-va là một nhóm “cực đoan” vào năm 2016.

Một năm sau, Tòa án Tối cao Nga tuyên bố nhóm tôn giáo này là “cực đoan”, cấm khoảng 400 chi nhánh của nhóm này trên khắp đất nước.

Jarrod Lopes, phát ngôn viên của Nhân Chứng Giêhôva, cho biết trong một tuyên bố gửi qua email rằng các bản án ở Birobidzhan đã nâng số tín hữu bị cầm tù ở Nga lên hơn 110 người. Ông cho biết tính đến năm 2022, có 38 Nhân Chứng Giêhôva Nga đã bị kết án tù trên toàn quốc.

Ông nói: “Thật không thể tưởng tượng được rằng những người đàn ông Kitô ôn hòa như Alam, Dmitriy, Sergei và Valery lại bị buộc tội hoạt động cực đoan và đưa ra những bản án tù dài hạn khắc nghiệt thường dành cho tội phạm bạo lực.

“Thật không thể tưởng tượng được rằng cuộc bách hại có hệ thống — đôi khi bao gồm cả đánh đập và tra tấn — đã tiếp diễn trong hơn 5 năm.”
Source:The Moscow Times

3. 3 lý do CIA sẽ không ra lệnh ám sát Putin

Trước con số thương vong quá cao của cả hai bên trong cuộc chiến hiện nay, và những đau khổ của người Ukraine và cả người Nga, nhiều người thẳng thừng đề nghị rằng Vladimir Putin nên cách nào đó biến mất trên đời. Thậm chí các nhà đạo đức cũng cho rằng đó là khả thể hợp lý như trong trường hợp cảnh sát bắn hạ một kẻ giết người hàng loạt đang xả súng bắn bừa bãi vào mọi người chung quanh.

Rebekah Koffler, người Nga, nhập tịch Hoa Kỳ và là cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, gọi tắt là DIA, chuyên về Nga. Ông có bài viết trên tờ New York Post nhan đề “3 reasons why the CIA will not order Putin’s assassination,” nghĩa là “3 lý do CIA sẽ không ra lệnh ám sát Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Là một cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo Quốc phòng chuyên về Nga, tôi thường được hỏi tại sao Hoa Kỳ không loại bỏ Vladimir Putin.

Tổng thống Nga rõ ràng là một tên khốn nạn. Cho đến nay, trong cuộc chiến kéo dài 10 tháng man rợ chống lại Ukraine, lực lượng của Putin đã ném bom các bệnh viện phụ sản, tra tấn thường dân và bắt cóc con cái của họ, vận chuyển chúng đến Nga bằng vũ lực. Hỏa tiễn của ông ta đã tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng, khiến người Ukraine không có điện hoặc nước uống giữa nhiệt độ mùa đông lạnh giá.

Cuộc xâm lược bất hợp pháp của ông cũng đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát tăng vọt trên khắp phương Tây. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ theo dõi cuộc xung đột một cách lo lắng, và âu lo rằng nó có thể dẫn đến Thế chiến thứ Ba.

Đối với nhiều người, loại bỏ Putin dường như là một giải pháp dễ dàng. Nhưng trong khi Hoa Kỳ duy trì một học thuyết - mặc dù là một học thuyết bí mật - cho phép, trong những trường hợp ngoại lệ, giết người nước ngoài có chủ đích, thì Washington gần như chắc chắn sẽ không ra lệnh ám sát nhà lãnh đạo quyền lực của Nga. Đây là ba lý do tại sao.

Thứ nhất, Hiến pháp Hoa Kỳ cấm sử dụng vũ lực gây chết người bên ngoài các khu vực xung đột vũ trang trừ khi nó được sử dụng để chống lại một cá nhân có mối đe dọa cụ thể, sắp xảy ra gây tổn hại nghiêm trọng cho Hoa Kỳ và đang tham gia vào các hành động thù địch chống lại Mỹ — và chỉ với tư cách là một phương sách cuối cùng, không còn cách nào khác. Putin không đáp ứng yêu cầu này.

Đúng là Cơ quan Tình báo Trung ương đã tấn công tử hình các nhà lãnh đạo nước ngoài trong quá khứ. Ví dụ, sau vụ tấn công khủng bố 11/9, CIA đã duy trì một chương trình ám sát chống khủng bố tuyệt mật nhằm vào các mục tiêu có giá trị cao như các chỉ huy của al Qaeda. Được ủy quyền bởi cựu Tổng thống George W. Bush, nhiệm vụ bí mật này được thực hiện bởi các công ty nhà thầu bán quân sự tư nhân sử dụng các cựu đặc nhiệm của Lực lượng Đặc biệt.

Từ năm 1945 đến khoảng những năm 1970, CIA đã điều hành các hoạt động bí mật nhắm vào các nhà lãnh đạo nước ngoài được coi là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ. Trong số các mục tiêu có nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro, thủ tướng đầu tiên của Congo, Patrice Lumumba, nhà độc tài Dominica Rafael Trujillo, Tổng thống Sukarno của Indonesia và Tổng thống Ngô Đình Diệm của Nam Việt Nam. Virus gây chết người, xì gà nổ và các chiến thuật kiểu gián điệp ly kỳ khác đều được sử dụng.

Khoảng năm 1954, CIA có 58 cái tên trong danh sách những người bị ám sát “A” của họ, như một phần của chương trình bí mật trị giá 2.7 triệu đô la có tên mã là PBSUCCESS, nhằm lật đổ Tổng thống Guatemala Jacobo Arbentz. Tuy nhiên, sau sắc lệnh hành pháp năm 1976 của Tổng thống Gerald Ford cấm các binh sĩ chính phủ Mỹ thực hiện các vụ ám sát chính trị, cơ quan này phần lớn đã từ bỏ công việc kinh doanh bẩn thỉu này. Một năm trước đó, một báo cáo dài 89 trang có tiêu đề “Tóm tắt sự thật – Điều tra về việc CIA tham gia vào các kế hoạch ám sát các nhà lãnh đạo nước ngoài” đã bị xóa khỏi Lưu trữ Quốc gia.

Thứ hai, ngay cả khi CIA được ủy quyền cho một hoạt động như vậy, nó sẽ cực kỳ khó thực hiện. Putin và các thành viên trong nhóm thân cận của ông được Cơ quan An ninh Liên bang bảo vệ thường xuyên. Bản thân Putin được bảo vệ bởi các vệ sĩ từ Cơ quan An ninh Tổng thống, hay còn gọi là “Người mặc đồ đen”. Lực lượng Vệ binh Quốc gia - hay Rosgvardia - chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của toàn bộ chế độ của Putin.

Rosgvardia, một chi nhánh đặc biệt bao gồm những người lính tinh nhuệ với nhiều thập kỷ phục vụ trong lĩnh vực an ninh và phản gián, đứng đầu là Viktor Zolotov, đồng minh thân cận của Putin và là một cựu đặc vụ KGB. Vào đầu những năm 1990, Zolotov làm vệ sĩ cho Anatoly Sobchak, thị trưởng Saint Petersburg lúc bấy giờ, Tổng thống Boris Yeltsin và tất nhiên, chính Putin, lúc đó là phó thị trưởng của Sobchak. Và không có khả năng là bất cứ ai, bên ngoài vòng tròn bên trong rất nhỏ của ông, có thể đến gần Putin.

Thứ ba, với tư cách là một đặc vụ có hàng chục năm phục vụ trong KGB - một trong những cơ quan tình báo tàn bạo nhất thế giới - Putin rất sẵn sàng chi một cách hào phóng cho các nỗ lực bảo vệ mạng sống của mình, và ông ta có thể đã vạch ra nhiều kế hoạch dự phòng khác nhau để bảo đảm sự sống còn của mình.

Là một phần của bài tập giả định vào tháng 4, tôi và một cộng sự chuyên nghiệp của tôi, một bác sĩ tâm thần quân sự và tình báo, đều được đưa ra câu hỏi - “Nếu lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ áp sát Putin, ông ấy sẽ tự sát hay đầu hàng?

“Không,” cả hai chúng tôi đều trả lời.

Tôi và đồng nghiệp đánh giá rằng Putin sẽ cố gắng chạy trốn, thay vì tự sát hoặc đầu hàng. Bậc thầy gián điệp có thể đã phát triển nhiều kịch bản cho cuộc trốn thoát của mình và nếu kế hoạch A không hiệu quả, anh ta sẽ thực hiện Kế hoạch B, rồi Kế hoạch C.

Dựa trên hồ sơ tâm lý của ông ta, Putin có khả năng sẽ chống trả hơn là bỏ cuộc. Sự quá tự tin và kiêu ngạo khiến ông ta tin rằng mình có thể thông minh hơn bất kỳ ai. Nếu tính mạng của ông ta gặp nguy hiểm, rất có thể ông ta có thể nghĩ ra một giải pháp mà trước đây chưa ai nghĩ đến, ngay tại chỗ.

Là một người gần như chắc chắn đã tự mình ra lệnh thực hiện một số vụ ám sát, để loại bỏ những người chỉ trích và đối thủ chính trị của mình, Putin luôn suy tính trước. Như ông ta đã từng nói: “ Muốn thắng thì trận nào cũng phải đánh đến cùng, coi như đó là trận cuối cùng, quyết định. Bạn cần giả định rằng không có đường rút lui.”
Source:New York Post