Ngày 27-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:34 27/12/2022

32. Đức ái nếu tồn tại thì có thể hoàn thành việc lớn, nhưng nếu dừng lại thì nó cũng sẽ không tồn tại.

(Thánh Gregorius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:36 27/12/2022
24. TRANG TỬ MƯỢN LƯƠNG THỰC

Trang Châu gia cảnh rất nghèo khổ.

Một hôm, vì trong nhà hết gạo bèn đến Giám Hà Hậu mượn lương thực.

Giám Hà Hậu nói:

- “Hôm qua trên đường đi thì tôi nghe có tiếng la lớn kêu cứu mạng, tôi thấy trong vết bánh xe phía đông có một con bào ngư sắp chết khô, bèn hỏi: “Mày kêu cái gì?” Bào ngư trả lời: “Tôi là thần sống ở Đông Hải, ngài có thể cho tôi một lít nước để cưú mạng tôi được không?”

Tôi liền nói:

- “Được, nhưng đợi ta đi đến phía nam thăm đại vương Ngô Việt, rồi xin đại vương làm cho nước ở Tây Hồ dâng cao lên để đón tiếp ngài, được chứ?”

Bào ngư nổi giận nói:

- “Tôi đã mất nước là người bạn thường xuyên để đến nỗi rơi vào cảnh nguy hiểm như thế này. Tôi chỉ cần một lít nước thì có thể duy trì được sự sống, nhưng ngài lại nói chuyện đâu đâu, chi bằng ngài đi đi rồi trở về sớm hơn một chút và đi vào trong chợ cá khô mà tìm tôi.”

( Trang tử)

Suy tư 24:

Cha Vincent Lebbe (Đấng sáng lập 2 hội dòng Tiệu Đệ thánh Gioan Tẩy Giả và hội dòng Tiểu Muội thánh Tê-rê-xa Hài Đồng) nói: “Yêu người thì không cần điều kiện, giúp người thi không nên hỏi người ta có đạo hay không. Yêu người là yêu người, giúp người là giúp người, vào đạo hay không lại là chuyện khác, không thể đem gộp hai chuyện lại…”

Yêu người để lợi dụng, giúp người có điều kiện là bức tường ngăn cản người ta đến với Thiên Chúa.

Yêu người là vì họ là anh chị em tôi, giúp người vì họ cần giúp đỡ, đó chính là ánh sáng để người ta nhìn thấy Thiên Chúa trong hành vi bác ái của chúng ta vậy.

Khi giúp người thì đừng hỏi tổ tiên gốc gác, có đạo hay không có đạo, có bà con với ai không. v.v...nhưng giúp người vì họ cũng là con cái của Thiên Chúa và là đối tượng mà Đức Chúa Giê-su đã kêu gọi chúng ta hãy yêu thương nhau.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Gioan: Tình là như thế
Lm Nguyễn Xuân Trường
02:37 27/12/2022
GIOAN: TÌNH LÀ NHƯ THẾ
Gioan là môn đệ được Chúa thương yêu và cũng là người đã định nghĩa: Thiên Chúa là Tình Yêu. Yêu kiểu gì? Lời Chúa lễ thánh Gioan cho 3 điều rất đẹp: Gần, Khoe, và Nhường.

1. Gần. Yêu luôn muốn gần. Chúa yêu nên làm người để gần nhân loại, để Gioan được nghe, ngắm, chạm đến Chúa. Nói yêu thì hãy gần Chúa, gần nhau. Vợ chồng nào cứ gần gũi nghe, ngắm, chạm vào nhau thì gia đình hạnh phúc lắm.

2. Khoe. Yêu luôn thích khoe: khoe người yêu, khoe vợ đẹp, khoe con ngoan. Yêu ai hay thứ gì thì luôn thích giới thiệu cho gia đình bè bạn. Thế nên, nếu chúng ta yêu Chúa thì cũng phải như Gioan hân hoan loan báo và làm chứng về Chúa.

3. Nhường. Yêu sẵn sàng nhường. Gioan chạy nhanh hơn nhưng lại nhường cho Phêrô vào mộ Chúa trước. Nhường là mình sẵn lòng chịu thiệt để người khác được hưởng hơn. Thế là cả hai cùng vui hạnh phúc. Người ta tranh giành, mặt đỏ tía tai cãi nhau hay hăng máu đánh nhau vì không có khả năng nhường nhau. Vì thương nên nhường. Nhường vì rộng lượng, nhường mới xứng trượng phu.

Theo Gioan, tình là như thế: Gần, Khoe và Nhường. Mình yêu thương nhau như thế nhé. Amen.
 
Suy Niệm Lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Độ
09:34 27/12/2022
Thế giới đang khao khát Hòa Bình

Suy Niệm Lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa

(Lc 2, 16-21)

Thiên Chúa nhân hậu và khôn ngoan, khi muốn thực hiện công cuộc cứu chuộc thế giới vào thời cuối cùng, Ngài đã sai Con mình tới bằng cách cho Đức Giê-su nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần (x.Lc 1, 26-38). Khi cất lời thưa Xin vâng, Mẹ đã đón nhận Chúa Giêsu vào trong lòng Mẹ. Mẹ Maria chính là Mẹ Chúa Giêsu.

Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu

Chúa Giêsu đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria tại Belem. Người đã không sinh ra “do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra” (Ga 1,13).

Hôm nay, Giáo hội chiêm ngắm thiên chức làm Mẹ Chúa Giêsu của Đức Maria. Thánh Luca giới thiệu cho chúng một “cuộc gặp gỡ” của mục đồng với “Hài Nhi”, cùng với Đức Maria, Mẹ Người và thánh Giuse. Nghe theo lời loan báo của các thiên thần, “họ đã ra đi vội vã đến thành Belem, và thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh năm trong máng cỏ” (Lc 2, 16).

Nếu không có kinh nghiệm về “gặp gỡ” cá nhân với Thiên Chúa, người ta không thể tin được. Chỉ có “gặp gỡ” cộng thêm là “nhìn thấy tận mắt“, rồi “chạm tới“, các mục đồng mới có thể trở nên những sứ giả của Tin Mừng. “Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ” (Lc 2, 20).

Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

Tín điều đầu tiên về Đức Maria mà giáo hội tuyên bố là Tín Điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Không có gì lạ, khi có người đặt câu hỏi: chúng ta có nên gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa không? Vì nếu Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, thì chẳng lẽ Đức Maria, Đấng đã hạ sinh Chúa Giêsu lại không phải là Mẹ Thiên Chúa? […]

Không có nơi nào trong Thánh kinh sử dụng cụm từ “Mẹ Thiên Chúa”. Nhưng Đức Maria được minh định là “mẹ Chúa Giêsu” (x. Mt 2,13.20; Lc 1,31; 2,34; Cv 1,14) và là mẹ của Con Thiên Chúa (x. Lc 1,35; Gl 4,4). Ngay cả trước khi Chúa Giêsu sinh ra, bà Êlisabét công bố rằng Đức Maria là “thân mẫu của Chúa tôi” (Lc 1,43; x. GLHTCG 495). Thật rõ ràng, xuyên suốt cả Tân ước, Đức Maria được nhận biết trong tư cách là mẹ của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và là Đấng cứu rỗi chúng ta.

Truyền thống Kitô giáo sơ thời, đã làm chứng cho niềm tin Kitô giáo rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Theo lời tuyên xưng cổ kính nhất trong Kinh Tin kính các Tông đồ (x. GLHTCG 194), các tín hữu đã tuyên xưng :“Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, Đấng được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria”. Một kinh nguyện cổ xưa có niên đại từ thể kỷ thứ ba “Sub tuum praesidium”, gọi Đức Maria cách dứt khoát là “Mẹ Thiên Chúa”.

Thánh Irênê (+202) đã viết: “Đức Trinh nữ Maria, … khi vâng phục lời của Người, đã lãnh nhận từ sứ thần tin mừng rằng mình sẽ cưu mang Thiên Chúa” (x.Thánh Irênê, Chống lạc giáo, 5, 19,1).

Trong Thánh ca Nhập thể đầy thi vị của thánh Ephrem xứ Syria (+373), đã sáng tác như sau :" Nơi cung lòng Đức Maria, một Trẻ thơ đã nên hình nên dạng... Vì nữ tỳ, công trình Đấng Thượng trí đã trở nên Mẹ Thiên Chúa” (Ibid., 312).

Trong khảo luận về sự Nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa và Chống bè Ariô, thánh Athanasiô (+373) đã viết : “Ngôi Lời, người con được Chúa Cha sinh ra từ trời cao. Đấng vĩnh cửu chính là Đấng được sinh ra trong thời gian dưới trần thế, bởi Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa” (Ibid,340).

Thánh Ignatiô thành Antiokia (+ 110) là người đầu tiên nêu tên Đức Maria sau các sách Tin Mừng và viết: “Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã được Đức Maria cưu mang trong lòng theo nhiệm cục cứu độ” và “Đức Giêsu cũng được sinh ra bởi Đức Maria và bởi Thiên Chúa”.

Thánh Grégoire de Nazianze (330 – 390) khẳng định: “Đức Kitô sinh bởi một Trinh Nữ, người nữ ấy là Mẹ Chúa Kitô”. Vì thế, nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, sinh bởi Đức Maria, thì chúng ta cũng có thể gọi mà không sợ sai lầm rằng: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

Bằng việc tuyên bố rằng Đức Maria là Theotokos của Công đồng Êphêsô, Giáo hội khẳng định rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

Giáo lý Hội thánh Công Giáo (GLHTCG) số 509 tóm tắt giáo huấn ấy như sau: “Đức Maria thực sự là ‘Mẹ Thiên Chúa’ vì là Mẹ của Con Thiên Chúa làm người, người Con hằng hữu ấy cũng chính là Thiên Chúa”.

Ngày cầu cho hòa bình

“Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi… và tám ngày sau được gọi tên là Giêsu” (Lc 2,16-21).

Với đoạn Tin Mừng trên đưa chúng ta về với người mẹ vừa mới sinh con là chính Đức Maria, Nữ Vương Bình An, sinh ra Chúa Giêsu là Thái Tử Hòa Bình. Vì thế, ngày đầu năm, Giáo hội khấn xin Đức Mẹ chuyển cầu cùng Thiên Chúa Cha ban cho thế giới được hòa bình nhân ngày sinh nhật của Con Chúa.

Món quà cao quí nhất là chính Con Thiên Chúa, Đấng là Hoàng Tử Bình An được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta. Hoà bình điều mà thế giới hôm nay đang khao khát.

Khởi đi từ ngày 01 tháng Giêng năm 1968, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã thiết lập Ngày Thế Giờ Hòa Bình với Lễ Trọng Kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 65 năm 2023, có chủ đề: “Không ai có thể được cứu một mình: Cùng nhau chống lại COVID-19, cùng nhau dấn thân trên con đường hòa bình”. Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bao gồm một đoạn nói về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, điều mà ngài mô tả là “một bước thụt lùi đối với toàn thể nhân loại”. Ngài viết : “Vào chính thời điểm mà chúng ta dám hy vọng rằng những giờ phút đen tối nhất của đại dịch COVID-19 đã qua đi, thì một thảm họa khủng khiếp mới lại giáng xuống nhân loại. Chúng ta đã chứng kiến sự tấn công dữ dội của một tai họa khác: một cuộc chiến khác, ở một mức độ nào đó giống như cuộc chiến chống lại COVID-19, nhưng được thúc đẩy bởi những quyết định đáng trách của con người… Rõ ràng, đây không phải là thời kỳ hậu COVID mà chúng ta đã hy vọng hoặc mong đợi”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý: “Mặc dù đã tìm ra vắc-xin cho COVID-19, nhưng các giải pháp phù hợp vẫn chưa được tìm thấy cho cuộc chiến” (x.PHANXICÔ, Sứ điệp Hòa Bình, 2022).

Để cầu chúc cho nhau, chúng ta mượn lời sách Dân Số: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em” (x. Ds 6,26).

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Nữ Vương Bình An, thế giời đang khát khao hòa bình hơn bao giờ hết. Xin lôi kéo bình an xuống cho nhân thế Mẹ ơi! Nữ Vương Bình An, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Niệm Lễ Kính Thánh Gia
Lm. Antôn Nguyễn Độ
09:36 27/12/2022
Gia Đình Là Tổ Ấm Yêu Thương

Suy Niệm Lễ Kính Thánh Gia

(Mt 2, 13-15. 19.23)

Hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành lễ kính Thánh Gia Thất, trong bối cảnh bạo lực, chiến tranh gia tăng, khiến nhiều gia đình ly tán, Mừng Chúa Cứu Thế giáng sinh là mừng Chúa đã đến trần gian, sinh ra trong một gia đình để cứu các gia đình trong nhân loại.

Tác phẩm tuyệt đẹp của Thiên Chúa là gia đình

Quả thật, Gia đình là điều đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa đã dựng nên. Người dựng nên loài người có nam có nữ, và ban cho họ mọi sự. Người ban cho họ quyền toàn thế giới! Họ chan hòa trong tình yêu của Người. Mọi tình yêu Thiên Chúa, mọi vẻ đẹp Thiên Chúa, mọi sự thật Thiên Chúa có trong Chúa, Chúa đều ban hết cho gia đình. Ađam và Evà sống tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa và với nhau, rất hạnh phúc, không phải đau khổ và không phải chết.

Nhưng rồi con người tự tách ra khỏi Đấng đã dựng nên họ. Thế là đánh mất tất cả, tình nghĩa vợ chồng phân tán, hết anh em (huynh đệ tương tàn), hết hòa bình, hết tình yêu, cái đẹp và sự thật. Hậu quả là từ đó cho đến nay gia đình luôn ở trong tình trang bị đe dọa do tội lỗi, phá thai, coi thường người già, bất hiếu, sống chung, ly dị. Gia đình tan vỡ do Tội Nguyên Tổ.

Nguy cơ đe dọa tổ ấm gia đình

Nói về gia đình, là chúng ta nói đến tổ ấm yêu thương, bến đỗ bình an của mỗi người. Vì ở đó ai cũng nhận được sự yêu thương, chăm sóc cả về vật chất và tinh thần. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng và hình thành nhân cách, tái tạo ra con người. Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam dành nhiều hay ý đẹp để nói về vai trò của gia đình, đồng thời khuyên nhủ mọi người chăm lo đến tổ ấm gia đình như: “Thuận vợ, thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”; “Anh em như thể tay chân”; “Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”; “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”...

Thời đại toàn cầu hóa, nhất là khoa học và công nghệ hiện đại phát triển mạnh mẽ tạo ra những cơ hội tốt tiếp thu tri thức mới cho các gia đình trong việc thực hiện các chức năng. Thế nhưng giờ đây, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và hội nhập quốc tế, gia đình đang lại phải đương đầu với không ít nguy cơ mới, tình trạng bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính, mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên của gia đình lỏng lẻo dẫn đến tan vỡ. Trẻ em chưa được coi trọng, bị xâm hại và ngược đãi. Tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật đang ngày càng gia tăng, gây đau xót cho nhiều gia đình và gây bất ổn xã hội. Quan hệ giữa vợ chồng trong nhiều gia đình ngày càng buông thả…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong 10 năm qua, tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn luôn tăng dần qua các năm. Điều dễ nhận thấy ở các gia đình hiện đại trong các đô thị hiện nay là các thành viên trong gia đình ít có dịp được hỏi han, tâm sự với nhau bởi mỗi người ở một phòng, giao tiếp với nhau chủ yếu qua điện thoại và máy tính... Nhiều bi kịch trong gia đình hiện đại là do bố mẹ không có nhiều thời gian dành cho con cái vì thời gian rảnh rỗi, họ đã dành hết cho internet.

Chúa Giê su sinh ra trong gia đình để cứu các gia đình

Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi gia đình. Vì gia đình được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa trong tình yêu. Nếu Thiên Chúa không yêu thương chúng ta thì Ngài không tạo dựng nên chúng ta. Ngài không dựa vào những gì chúng ta làm, hay thành quả chúng ta có được, Ngài chỉ nhờ vào công nghiệp của Con Ngài là Đức Giêsu giáng thế. Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến. Không ai yêu chúng ta bằng Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta hơn cả chúng ta yêu chúng ta. Muốn cứu vớt gia đình nhân loại, Thiên Chúa đã chọn một gia đình để đến cứu vớt! Đẹp biết bao khi nhìn vào hang đá chúng ta thấy Chúa Cứu Thế đến trần gian, đã chọn sinh ra trong một gia đình nhân loại, mà chính Người đã thiết lập.

Đồng lòng xây bến đỗ bình yên

Gia đình được Thiên Chúa tạo dựng thật tuyệt vời, là bến đỗ bình yên nhất, là nơi chia sẻ yêu thương giữa các thành viên, là trường học đầu tiên của con trẻ. Thế nhưng do Tội Nguyên Tổ, cùng với sự yếu đuối của con người, sự phát triển của xã hội, tiện nghi hiện đại nhanh thì các thành viên trong gia đình lại ít thời gian dành cho nhau. Thay vì gia đình là một nơi đầy tình thương yêu, an toàn và hạnh phúc thì giờ đây, đã có không ít người lại sợ về ngôi nhà của mình, bạo lực gia đình lại có chiều hướng gia tăng. Cũng từ đó, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình ngày càng vơi dần đi và ở nhiều người, gia đình không còn là bến đỗ bình yên nữa.

Các bài đọc hôm nay từ Cựu Ước đến Tân Ước thật là đẹp, đẹp về cách hành văn, đẹp về nội dung, nhất là đẹp tuyệt vời về cách sống trong gia đình. Nếu bài đọc I trích sách Đức Huấn Ca dạy con cái phải thảo cha kính mẹ : “Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống”, cùng với những phần phúc cho những người con biết tôn kinh mẹ cha là : “Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng”, nhất là được trường thọ : “Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài.” Thì bài đọc II, Thánh Phaolô khuyên những người làm vợ làm chồng : “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó”. Ngài cũng khuyên cha mẹ phải tôn trọng, yêu mến con cái : “ Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt” (Cl 3, 21). Bài Tin Mừng nêu bật vai trò quan trọng của Thánh Giuse, mẫu gương cho bậc làm cha, làm chủ, làm chồng trong các gia đình.

Chúng ta hãy phó thác gia đình nhân loại nói chung, và gia đình chúng ta nói riêng cho Thánh Gia Thất che chờ phù trì. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Quy Luật Của Tình Yêu
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:37 27/12/2022
Quy Luật Của Tình Yêu

Ngày 25-12: Kính thờ mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người. Thiên Chúa yêu thương đến “ở cùng nhân loại chúng ta”. Đã yêu thì có đó đòi hỏi sự gần gũi, thiết thân. Khi đã đồng thân thì sẽ biết chung phận với nhau.

Ngày 26-12: Kính thờ mầu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc. Khi kính nhớ vị tử đạo tiên khởi: thánh Stêphanô, chúng ta được nhắc nhớ rằng biên giới của tình yêu là một tình yêu không biên giới. Đã yêu là đi đến cùng, không có điểm dừng. Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình của người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu. Tình yêu không chấp nhận tính nửa vời, kế hoạch hai…

Ngày 27-12: Kính thờ mầu nhiệm Chúa Phục Sịnh. Khi cho nghe đoạn Tin mừng tường thuật vị môn đệ Chúa yêu và Phêrô khám phá mầu nhiệm Phục Sinh của thầy chí thánh, Giáo hội nhắn nhủ chúng ta rằng hoa trái xinh tốt của tình yêu là điều dĩ nhiên phải đến và nó thường vượt quá dự kiến của chúng ta. Để nhận ra hiện thực này thì chúng ta cần có đôi mắt của con tim thắm tình. Cái tình của những người yêu nhau được thể hiện không chỉ bằng việc gần gũi (tựa đầu vào ngực Thầy), bằng việc gắn bó khi thuận lợi cũng như lúc gian nan (đứng dưới chân thập giá) mà còn rất nhạy bén và thân thuộc với các hành vi nhỏ nhặt của nhau (chỉ nhìn thấy cách xếp gấp và đặt để tấm khăn liệm và các sợi dây băng cuốn thì người môn đệ Chúa yêu tin nhận Thầy đã phục sinh).

Vỏn vẹn ba ngày liên tiếp Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm các mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh của Đấng Cứu Độ nhân trần và qua đó giúp chúng ta hiểu và xác tín thế nào là tình yêu. Cách nào đó chúng ta có thể nói rằng đức tin của Kitô hữu là chỉ bấy nhiêu thôi, đủ rồi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Những chứng nhân thầm lặng
Lm Minh Anh
16:12 27/12/2022
NHỮNG CHỨNG NHÂN THẦM LẶNG

“Vua Hêrôđê giết tất cả các con trẻ ở Bêlem”.

Trong một bữa tiệc tại toà bạch ốc, cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton hỏi nhỏ một thực khách, một người nhỏ thó, đồng bàn với mình, “Bà nghĩ sao, mãi đến hôm nay, Hoa Kỳ vẫn chưa có một nữ tổng thống?”. Bà ấy đáp, “Có lẽ người phụ nữ ấy đã bị bóp chết ngay khi còn trong lòng mẹ!”. Đúng là câu trả lời của một vị thánh! Người phụ nữ nhỏ thó ấy không ai khác là Mẹ Têrêxa!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa ngày lễ Các Thánh Anh Hài không nói đến các trẻ bị bóp chết ngay khi còn trong lòng mẹ, nhưng nói đến các trẻ bị bóp chết khi vừa lọt lòng mẹ. Sẽ rất ngạc nhiên khi trước cả thánh Têphanô, phó tế tử đạo, các trẻ sơ sinh cùng thời Chúa Giêsu là những chứng nhân tuẫn đạo tiên khởi vì danh Ngài; bằng chứng là Giáo Hội tôn kính và gọi các em là Các Thánh Anh Hài. Thật bất ngờ, dẫu là ‘những chứng nhân thầm lặng’, các trẻ này vẫn nói với chúng ta nhiều điều.

Trước hết, các trẻ này nói rằng, “Kìa, sự độc ác của con người xấu xa đến mức, khi ai đó muốn duy trì quyền lực, họ có thể cướp đi mạng sống của những người khác!”. Rằng, “Sẽ có một nơi mà các chế độ chuyên quyền không thể tồn tại; bởi lẽ, sẽ có một vị Vua trị vì bằng tình yêu. Vương Quốc Ngài không thể bị đánh bại bởi sự ác!”. Các trẻ này là sứ giả của Vương Quốc đó, Vương Quốc Ánh Sáng, Vương Quốc Tình Yêu, Vương Quốc Giêsu! Các em được gọi để đưa ra một chứng tá lặng lẽ, gãy gọn, nhưng đầy sức mạnh về một cuộc chiến mà Vua Giêsu sẽ đích thân nghinh chiến vì tình yêu; đó là ‘những chứng nhân thầm lặng’ đi trước Ngài. Mẹ các em sẽ gặp lại các con, ẵm các em vào lòng mãi mãi ở một ngày nào đó trước vị Vua yêu thương này.

Việc Hêrôđê giết các trẻ thơ vô tội hiệu báo, rồi đây, chính ông và Philatô sẽ giết chết Giêsu vô tội. Và như thế, Hêrôđê trở nên biểu tượng quyền lực bạo tàn của vương quốc bóng tối trong suốt dòng lịch sử, dẫn đến đau khổ và cái chết cho con người, nhất là trẻ em, mãi đến ngày nay. Các Thánh Anh Hài là những ngôn sứ tiên báo bi kịch lịch sử nhân loại cũng như cuộc chiến giữa vị Vua Ánh Sáng và ác thần bóng tối. Kết luận của thánh Gioan tông đồ trong bài đọc hôm nay thật sâu sắc, “Thiên Chúa là sự sáng, nơi Ngài không có sự tối tăm nào!”.

Sau cùng, tiếng khóc của các thơ nhi này còn là một lời cầu mạnh mẽ được Chúa Cha đoái nhận. Tiếng khóc của các em, ‘những chứng nhân thầm lặng’ đã khơi dậy trong Hài Nhi Giêsu ước muốn hiến dâng mạng sống Ngài làm giá chuộc các linh hồn. Thật tuyệt vời! Ngài sẽ trị vì bằng cách hiến trọn đời mình đến nỗi chết trên thập giá như một quà tặng ân sủng cho những trẻ này và cho vô số các linh hồn trẻ cũng như già qua muôn thế hệ đến sau và các thế hệ trước Ngài.

Anh Chị em,

“Vua Hêrôđê giết tất cả các con trẻ ở Bêlem”. Để duy trì quyền lực, người ta có thể giết chết những người khác; để duy trì Vương Quốc Tình Yêu, Vua Giêsu hiến dâng mạng sống Ngài. Hoài niệm những hài nhi vô tội cách đây hơn 2,000 năm, chúng ta nhớ đến các hài nhi vô tội ngày nay, hàng triệu thai nhi trên thế giới phải chết mỗi năm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định, “Chúng ta thường xuyên nghe nói về những bước tiến nhảy vọt kỹ thuật phục vụ con người, nhất là y khoa. Tuy nhiên, từ tâm và lòng nhân ái là những thứ xa xỉ mà hình như ngày càng vắng bóng hơn!”. Là môn đệ Giêsu, bạn và tôi được mời gọi mỗi ngày dâng lời cầu nguyện cho “Nước Cha trị đến”; đồng thời, như một chiến sĩ, chúng ta ra sức bảo vệ quyền lợi trẻ em, bảo vệ quyền sống, quyền học hành và quyền vui đùa của các thiên thần nhỏ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết sợ hãi với bất kỳ bóng tối tội lỗi nào; biết quảng đại cống hiến đời mình cho công cuộc giáo dục. Nhờ đó, con luôn là chứng nhân cho Vương Quốc Ánh Sáng!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Xây dựng Gia đình hòa hợp hạnh phúc
Lm Đan Vinh
02:41 27/12/2022

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA A
Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Mt 2,13-15.19-23

XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HOÀ HỢP HẠNH PHÚC

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Mt 2,13-15.19-23
(13) Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì kìa sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng : “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !”. (14) Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi va mẹ Người trốn sang Ai-cập. (15) Ông ở đó cho đến khi Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.(19) Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, (20) báo mộng cho ông rằng : “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì chưng kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. (21) Ông liền trỗi dậy, đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, (23) và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ : “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”.

2. Ý CHÍNH : XUẤT HÀNH TỪ AI CẬP.
Tin Mừng hôm nay muốn nói lên tư tưởng Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa bảo vệ khỏi bàn tay độc ác của bạo vương Hê-rô-đê. Người là Mô-sê Mới, dẫn đầu dân Ít-ra-en Mới, xuất hành ra khỏi Ai Cập trần gian để về miền Đất Hứa là thiên đàng đời sau.

3. CHÚ THÍCH :
- C 13-14: + Sứ thần Chúa hiện ra : Tin Mừng Mát-thêu ghi lại 4 lần sứ thần Chúa hiện ra với ông Giu-se (Mt 1,20; 2,13; 2,19; 2,22). + Báo mộng cho ông Giu-se : Sứ thần Chúa hiện đến cùng Giu-se trong giấc mộng và thay mặt Thiên Chúa ra lệnh cho Giu-se phải làm theo. + Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập : Lệnh truyền này nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa để bảo vệ Hài Nhi Cứu Thế. Ai Cập là một nước lớn nằm sát bên nước Do thái về phía Nam, và là nơi những người Do thái bị ruồng bắt thường tìm đến lánh nạn (x. 1V 11,40). Đi từ Bê-lem tới Ai Cập mất khoảng 5-6 ngày đường. + Vì Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy : Hài Nhi Giê-su được đem sang Ai Cập để trốn khỏi sự khủng bố của vua Hê-rô-đê độc ác, giống như Mô-sê ngày xưa cũng phải trốn khỏi sự ruồng bắt của Pha-ra-ô nước Ai-cập (x. Xh 2,15). + Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập” : Câu này rút ra từ sách ngôn sứ Hô-sê (x. Hs 11,1), nói về cuộc Xuất hành của Ít-ra-en xưa. Khi đó dân Ít-ra-en đã được Đức Chúa gọi là “con Ta” (x. Xh 4,22).
- C 19-20 : + Thánh gia trốn sang Ai-cập trong thời gian bao lâu : Khoảng từ vài tháng tới 3 năm. Giả sử thánh gia được triệu về ngay sau khi Ác-khê-la-ô lên kế vị (năm 750 tức khoảng năm thứ 4 đến thứ 6 sau Công Nguyên), thì thời gian ở bên Ai-cập của Thánh Gia không thể quá 3 hay 4 năm được. + Công Nguyên là gì : Công Nguyên hay Kỷ Nguyên Chung được tính bắt đầu từ năm Chúa Giáng Sinh. + Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập : Khi vua Hê-rô-đê Cả chết, ông Giu-se lại được sứ thần Chúa hiện đến trong giấc mơ ra lệnh cho ông mau đem Hài Nhi và mẹ Người trở về quê hương, vì mối nguy đã chấm dứt với cái chết của vua Hê-rô-đê. + Vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi : Câu này chính là lời Đức Chúa báo cho Mô-sê về cái chết của Pha-ra-ô Ai-cập (x. Xh 4,19). Đây là bằng chứng cho thấy Mát-thêu muốn ám chỉ Hài Nhi chính là Mô-sê của thời Tân Ước.
- C 23 : + Và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét : Thánh Gia về cư ngụ ở Na-da-rét là ứng nghiệm lời sấm đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng : “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”. Ta có thể hiểu rằng Mát-thêu dùng danh xưng này để ám chỉ việc tự hạ của Đấng Cứu Thế. Nói Đấng Cứu Thế là người Na-da-rét cũng là gián tiếp nói Người bị người đời miệt thị khinh dể do có quê hương hèn kém vậy.

4. CÂU HỎI :
1) Tại sao Giu-se phải đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-Cập?
2) Thánh Gia trốn sang Ai Cập đến khi nào về?
3) Tại sao Giu-se lại đem Hài Nhi đến ở thành Na-da-rét?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập (14).

2. CÂU CHUYỆN :

1) MẸ CHUYỂN NHÀ ĐỂ DẠY CON NÊN NGƯỜI :
Khi Mạnh Tử còn bé, tóc để hình trái đào, mặt mũi khôi ngô, tính ham học hỏi thắc mắc và bắt chước người khác. Mẹ của Mạnh Tử rất thương yêu con, mong cho con học hành giỏi giang, trở thành hiền tài, nên bà luôn tìm phương cách dạy dỗ con tốt nhất.
Bấy giờ, nhà Mạnh Tử ở gần một nghĩa địa. Ngày nào trong nghĩa địa cũng có các đám tang chôn cất người chết. Trong đám tang, Có người thì khóc thương thảm thiết, người khác đào huyệt rồi cùng nhau chôn quan tài xuống huyệt và lấp đất làm thành ngôi mộ. Bọn trẻ con gần đó rủ nhau đi xem đám ma, rồi bắt chước người lớn chơi trò đưa đám. Chúng chia nhau ra: Em đóng vai người chôn cất, em khác thì đội khăn tang theo sau quan tài khóc lóc thảm thiết. Một hôm, mẹ Mạnh Tử đang ngồi dệt vải, nghe thấy tiếng trẻ con gào khóc gần nhà và xen lẫn tiếng người hô hoán khác lạ. Bà liền rời khung cửi ra ngõ xem điều gì xảy ra và bà giật mình khi thấy bọn trẻ đang chới trò đám tang giả. Bà thấy Mạnh Tử nhà bà cũng đang bắt chước người lớn đào huyệt, chôn xác, rồi cũng có lúc giả bộ lăn lộn trên đất giống như người nhà trong các đám tang mà chúng vẫn xem. Bà mẹ lo lắng tự nhủ: "Con ta thơ dại mà lại chơi trò đào, chôn, lăn, khóc như thế này tâm trí ắt sẽ bị ảnh hưởng, còn tâm trí đâu mà học hành nữa". Rồi bà liền quyết định dọn nhà sang ở nơi khác, để thay đổi môi trường sống cho con. Lần này Mạnh Tử ở gần khu chợ sầm uất. Hằng ngày Mạnh Tử bắt chước người lớn ăn nói chua ngoa tục tĩu và chơi trò mua bán gian xảo. Bà mẹ Mạnh Tử một lần nữa lại dời nhà đến ở gần trường học. Tại đây bà thấy con trai học theo các học trò chăm chỉ đến lớp nghe lời thầy giáo dạy dỗ. Bà liền quyết định ở hẳn lại nơi này để Mạnh Tử con bà có điều kiện học hành chăm chỉ. Về sau Mạnh Tử đã thi đỗ và trở thành người tài đức giúp ích cho đời.

2) TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIỜ KINH TỐI GIA ĐÌNH :
Một cha xứ kia đi thăm các gia đình trong xứ để kiểm tra nhân danh. Gặp một đôi vợ chồng không đọc kinh tối gia đình, cha hỏi: “Gia đình ông bà có đọc kinh chung gia đình không?”. Họ trả lời vì không có thời giờ do con cái phải đi học thêm hay phải đi làm theo ca. Gia đình ông ta phải kiếm sống trước đã như câu “Có thực mới vực được đạo !” Bấy giờ cha xứ lại hỏi: “Nếu ông bà biết rõ là nhờ đọc kinh tối hàng ngày mà một đứa con sẽ tránh được một cơn bệnh hiểm nghèo, tránh được một tai nạn; Nhờ đọc kinh tối mà chúng mới có công ăn việc làm đều, chúng mới có đủ sáng suốt để làm được bài thi ở trường; Nhờ đọc kinh mà các linh hồn tiên nhân ông bà cha mẹ và những người thân đã chết sẽ sớm được về thiên đàng… thì ông bà có tổ chức đọc kinh gia đình hàng ngày không?” Họ trả lời rằng: “Có thể chúng con sẽ đọc”. Cha xứ lại hỏi: “Giả như gia đình làm ăn thất bại phải mang nợ tới 100 triệu đồng, khó lòng có thể trả được cả vốn lẫn lãi, mà nếu ngày nào có đọc kinh tối gia đình 15 phút, thì sẽ được chủ nợ trừ bớt số lời 100.000 đồng, thì ông bà có đọc kinh tối chung không?”. Bấy giờ ông kia hỏi lại: “Thưa cha, cha hỏi như vậy để làm gì?” Bấy giờ cha xứ mới ôn tồn trả lời: “Tôi nói như vậy để cho thấy nguyên nhân gia đình ông bà không đọc kinh tối, không phải vì không có thời giờ hay vì bận làm việc, mà lý do chính là vì nghĩ rằng đọc kinh tối gia đình là điều không cần thiết, chỉ cần đi lễ nhà thờ là đủ. Tôi hỏi vậy để cho thấy việc đọc kinh cũng quan trọng không kém gì việc giữ gìn sức khỏe và sự an toàn của các người thân trong gia đình, cũng có giá trị như một số tiền thiêng liêng, giúp bớt phần phạt cho người thân là tiên nhân ông bà đã qua đời, và giá trị của việc đọc kinh cũng có thể tương đương với số tiền cần chi dùng hàng ngày”.

3. SUY NIỆM :

1) NGUYÊN NHÂN GÂY ĐỔ VỠ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH :
- Nhân vật nữ được tuần báo Time chọn làm người của năm 1996 là công chúa Diana của Anh Quốc. Trong phỏng vấn dành cho đài BBC, công chúa đã không ngần ngại bộc bạch hết câu chuyện đổ vỡ của gia đình bà. Sự đổ vỡ của gia đình vương giả này khiến nhiều người phải tiếc xót. Bởi vì, nếu xét theo những tiêu chuẩn thông thường của người đời, thì quả thực cặp vợ chồng này có đủ điều kiện về danh vọng, tiền tài, địa vị… để được hạnh phúc. Thế nhưng tại sao họ lại bị bất hạnh và dẫn đến sự ly hôn? Có lẽ gia đình họ còn thiếu một cái gì đó quan trọng mà sự giàu có danh vọng quyền lực… không thể giúp họ đạt được sự hoà hợp hạnh phúc.
Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thánh Gia thất để khám phá ra bí quyết xây dựng hạnh phúc gia đình. Cũng như bao gia đình khác, Thánh gia cũng đã trải qua nhiều sóng gió, thử thách. Chúng ta hãy nhìn lại cảnh bối rối mà có lẽ ít có đôi vợ chồng trẻ nào phải trải qua : vợ sắp sinh nên Giu-se phải đi tìm một quán trọ qua đêm nhưng không có, cuối cùng phải vào một chuồng súc vật và sinh con ở đó, và rồi phải vội vã đi lánh nạn trong một cuộc hành trình cam go để sống giữa những người xa lạ. Bí quyết đã giúp Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se vượt qua khó khăn thử thách, đó là có Chúa Giê-su bên cạnh. Sự hiện diện của Chúa Giê-su chính là nền tảng của gia đình Na-da-rét.
- Có nhiều nguyên nhân dẫn tới gia đình ly hôn, mà nguyên nhân quan trọng là sự xuống cấp về đạo đức nơi nhiều gia đình. Có lẽ chưa có thời đại nào người ta thấy có nhiều cha mẹ nạo phá thai để giết con, nhiều con cái bất hiếu giết chết cha mẹ như thời đại hôm nay. Có lẽ chưa có thời đại nào người ta thấy có nhiều đứa con bất hiếu bắt cha mẹ già lê lết ở đầu đường, xó chợ ăn xin để kiếm tiền về nộp cho con như thời đại hôm nay. Có lẽ chưa có thời đại nào có nhiều cha mẹ tàn nhẫn đến độ bán con làm gái mại dâm, bắt con đi ăn xin như thời đại hôm nay. Có lẽ chưa có thời đại nào mà các gia đình, những tổ ấm của các trẻ thơ lại biến thành những hang ổ để người lớn mua bán tình dục nhiều như thời đại hôm nay. Có lẽ chưa có thời đại nào đời sống hôn nhân bị coi rẻ, đời sống vợ chồng bị phản bội và đổ vỡ nhiều như thời đại hôm nay. Vợ chồng đánh đập nhau như hai con thú dữ, chửa rủa nhau bằng những ngôn từ tục tĩu. Người ta lấy nhau đó rồi lại bỏ nhau đó. Người ta ăn ở với nhau đó rồi lại đá nhau đó. Người ta thề hứa chung thủy đó, rồi lại bất trung đó …
- Cũng như Thánh gia thất, ngày nay các gia đình Việt Nam cũng đang trải qua bao khó khăn thử thách. Trước tiên là do cái nghèo và rồi từ nghèo khổ sinh ra dốt nát, và dốt nát kéo theo bao hệ lụy khác. Tuy nhiên, nhìn vào gương Thánh gia thất, chúng ta thấy : Sự nghèo khổ không đương nhiên gây bất hạnh và đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Tỷ lệ những gia đình ly hôn tại các nước công nghiệp văn minh là bằng chứng cho thấy giầu có chưa hẳn đã bảo đảm chắc chắn cho hạnh phúc.
- Không những trải qua cảnh nghèo. Thánh gia thất còn phải đương đầu với bạo chúa Hê-rô-đê nữa. Ngày nay, các gia đình cũng phải đương đầu với nhiều thứ bạo chúa, như các phương tiện truyền thông quảng bá lối sống đồi truỵ nhằm lung lạc đầu độc giới trẻ, hoặc những luật pháp áp đặt những luật lệ nhằm phá đổ chính nền tảng thánh thiêng của gia đình, như luật cho phép dễ dàng ly dị, cho phá thai dù ở thời kỳ cuối ngay trước khi sinh…
- Thánh gia thất đã vượt qua được sóng gió nhờ niềm tin vững chắc vào sự hiện diện của Chúa trong gia đình. Đó cũng là bí quyết mà Giáo Hội đề ra cho chúng ta khi mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thánh gia. Hãy lấy sự hiện diện của Chúa Giêsu làm nền tảng vững chắc cho gia đình. Đó là hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, tha thứ cho nhau; Lấy sự cầu nguyện trong giờ kinh gia đình để làm giây liên kết mọi người : một gia đình có thói quen cầu nguyện chung mỗi ngày là một gia đình bền vững. Vì thế ta hãy quyết tâm duy trì thói quen đọc kinh tối gia đình mỗi ngày.

2) THÁNH CẢ GIU-SE - GƯƠNG MẪU CỦA CÁC BẬC GIA TRƯỞNG :
- Mau mắn tuân giữ lời Chúa : Giu-se đã thi hành ba lệnh truyền của Chúa : Một là rước Ma-ri-a đang có thai về nhà làm vợ mình; Hai là tôn trọng lời khấn của Ma-ri-a dâng hiến toàn thân phụng sự Chúa bằng việc không ăn ở với bà. Ba là đặt tên cho trẻ là Giê-su để nhận mình làm cha của Hài Nhi về luật pháp (x. Mt 1,24-25).
- Quyết tâm bảo vệ Hài Nhi : Khi vừa được mộng báo, Giu-se đã lập tức trỗi dậy mang Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập ngay lúc đêm khuya và đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, ông lại vâng lời sứ thần trỗi dậy mang Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Ông cũng khôn ngoan phòng tránh cho Hài Nhi khỏi bị nguy hiểm : Khi về tới Be-lem, nghe tin Ác-khê-lao đã lên kế vị vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê cũng độc ác không kém vua cha nên ông đã đưa vợ con về miền Ga-li-lê tại Na-da-rét.
- Tín thác vào Chúa quan phòng : Tín thác là dấu chỉ của một đức tin chân chính. Thánh Giu-se luôn lắng nghe Lời Chúa và mau mắn vâng theo với sự tín thác hoàn toàn vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa quan phòng.

3) ĐIỀU KIỆN ĐỂ XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH :
- Mỗi người sống đúng vai trò của mình : Một tờ báo ở Luân-đôn nước Anh đã mở một cuộc điều tra các ông chồng, yêu cầu họ thành thật trả lời câu hỏi : “Trong gia đình bạn, ai là người thực sự có quyền làm chủ?” Kết quả cho có 80% câu trả lời : “Vợ tôi làm chủ”, 20% trả lời “Mẹ vợ tôi làm chủ”. Chỉ có một số ít trả lời : “Chính tôi làm chủ, vì vợ tôi đã qua đời !” Như vậy, không lạ gì Anh quốc là nước có tỷ lệ ly hôn cao nhất : Mỗi năm cứ hai đám cưới thì có một đám ly hôn.
- Tránh thái độ gia trưởng độc đoán : Vợ chồng cần trao đổi để nên một lòng một ý trong cách ứng xử với tha nhân, nuôi dạy con cái, mua sắm đồ dùng, và trong công việc làm ăn sinh sống. Vì “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”, và “Phu phụ hòa, gia đạo thịnh”.
- Gia đình phải có Chúa hiện diện : Thực vậy, nếu gia đình thực sự có đức tin, có lòng đạo đức, thì sẽ thương yêu và nhường nhịn lẫn nhau. Chồng thương yêu vợ, vợ yêu thương chồng, con cái thảo kính cha mẹ và anh chị em trong nhà thương yêu nhường nhịn nhau.
- Vợ chồng hãy chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau : Trong đời sống vợ chồng, chắc chắn sẽ có những lúc vui lúc buồn, những khi thành công lúc thất bại, nên vợ chồng phải sẵn sàng vác thánh giá là các bệnh tật và thói hư của nhau. Rồi cần phải vác đến chết để đền tội.
Trong một buổi tĩnh tâm dành cho gia trưởng, nhưng cũng có nhiều bà vợ tham dự. Tới phần làm phép Thánh giá, cha giảng phòng nói : “Ai có cây Thánh giá xin đem lên gần gian cung thánh để được làm phép. Bấy giờ một ông lão thay vì mang cây Thánh giá thì ông lại cõng bà vợ bị tê liệt lên. Tới lúc cha đến trước từng người đang cầm cây thánh giá để rấy nước thánh. Thay vì giơ cây Thánh giá lên cho cha làm phép thì ông lại cố bồng bà cụ lên trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông nói : “Thưa cha, đây là cây thánh giá của con. Xin cha làm phép để con được vác thánh giá này đến cùng !” Qua lời nói của ông cụ, chúng ta hiểu người bạn đời chính là thánh giá sống động mà chúng ta phải mang từ khi lấy nhau cho đến chết. Vợ là thánh giá của chồng và chồng là thánh giá của vợ. Ai cùng Chúa Giê-su trung thành vác thánh giá ấy đến cùng, thì sau này sẽ được sống lại và cùng được hưởng vinh quang Nước Trời với Người.
- Vợ chồng cùng nhau nhìn về một hướng là nuôi dạy con cái nên người : Cần ý thức con cái chính là tài sản quý giá nhất của cha mẹ, là tương lai của cha mẹ sau này, nên vợ chồng phải hy sinh mọi sự như thời giờ, tiền bạc, công việc… để lo cho con cái được sống trong bầu khí hạnh phúc và môi trường sống an toàn. Câu chuyện mẹ thày Mạnh Tử sẵn sàng dời nhà từ nghĩa trang đến gần trường học để tránh cho con khỏi bị lây nhiễm các thói hư và chăm chỉ học tập trở thành người tài đức giúp ích cho đời, là gương mẫu cho các cha mẹ hôm nay.

4) CHA MẸ CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIÁO DỤC CON CÁI?
Các bậc cha mẹ hãy học tập noi gương thánh cả Giu-se và thánh mẫu Ma-ri-a cụ thể như sau :
- Quan tâm chăm sóc dạy dỗ con cái : Cha mẹ không phải chỉ quan tâm đến con bằng việc cho chúng tiền bạc tiêu xài, mà quan trọng hơn là cho con tình thương, sự chăm sóc dạy dỗ ngay từ khi chúng còn nhỏ dại, và cảm thông động viên khi chúng trưởng thành. Nên nhớ rằng : Dù cha mẹ có thành công trong việc làm ăn kinh tế hay được thăng quan tiến chức ngoài xã hội, nhưng nếu để con cái sa đà vào các thói hư như hút sách bài bạc… thì sự thành công kia lại trở thành sự thất bại, gây cho cha mẹ nhiều nỗi ân hận. Vì thế, cha mẹ cần bảo vệ con cái khỏi tác hại của sách báo phim ảnh xấu trên các trang mạng in-ter-net, khỏi các bạn bè xấu… Nếu cần cha mẹ hãy đem con cách ly khỏi nanh vuốt của Hê-rô-đê gian ác của thời nay để con yên tâm học tập và trở thành những người trưởng thành hữu dụng sau này.
- Phải dạy cho con cái hiếu thảo với cha mẹ và biết lễ độ với người trên : Muốn việc giáo dục thành công, thì trước hết chính cha mẹ phải được huấn luyện về các đức tính nhân bản để có điều kiện dạy dỗ con cái. Cần dạy con bằng gương sáng hơn bằng lời nói suông hay bằng roi đòn trừng phạt.
- Gia Đình cần học sống Lời Chúa : Cha mẹ cần tạo thói quen cho mọi thành viên trong gia đình lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong giờ kinh tối gia đình, bằng cách phân công cho con cái mở Kinh Thánh để đọc Lời Chúa, rồi các thành viên sẽ cầu nguyện để quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy.

4. THẢO LUẬN :
1) Nguyên nhân làm cho các gia đình đổ vỡ ly hôn là gì? Khi xảy ra ly hôn thì trong hai vợ chồng ai là người có lỗi hơn?
2) Bạn có đồng ý với câu : “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” không? Tại sao?

5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA, xin ban cho các gia đình tín hữu chúng con biết luôn “trên thuận dưới hòa”, “một lòng một ý”. Xin giúp các đôi vợ chồng trẻ biết cách duy trì được tình yêu ban đầu. Xin cho họ biết “cho nhiều hơn nhận”, biết “ân cần phục vụ” cho nhau, biết “quảng đại tha thứ và nín nhịn các sự yếu đuối lỗi lầm” của nhau. Biết “nói ít làm nhiều”, và “sẵn sàng vác thánh giá” là nhẫn nhịn chịu đựng người bạn đời của mình”... Nhờ đó gia đình chúng con hy vọng sẽ trở thành thiên đàng trần gian, và là dấu chỉ sau này chúng con sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng.- AMEN.
 
28/12: Chúa biến những đắng cay chua xót thành hạnh phúc cho ta – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
03:48 27/12/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrođê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrođê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".

Bấy giờ Hêrođê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.

Đó là lời Chúa
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Phụ Kirill chúc mừng Giáng Sinh Đức Thánh Cha Phanxicô, nhạt như nước ốc
Đặng Tự Do
05:54 27/12/2022


Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Mạc Tư Khoa cho biết Thượng phụ Kirill đã chúc mừng Giáng Sinh đến Đức Thánh Cha Phanxicô bằng một sứ điệp ngắn ngủi mà ban biên tập Il seismografo cho là “nhạt nhẽo”.

“Tôi xin chúc mừng ngài nhân ngày lễ Giáng Sinh của Chúa và Cứu Chúa Giêsu Kitô của chúng ta. Tôi cầu chúc Chúa giúp đỡ ngài trong sứ vụ của ngài cũng như cầu chúc bình an và thịnh vượng cho đoàn chiên đã được trao phó cho ngài”.

+ Kirill, Thượng phụ Mạc Tư Khoa và toàn nước Nga

Trong một thông điệp khác, Kirill cũng gửi lời chào đến những người đứng đầu các Giáo hội khác, là những vị mừng lễ Giáng Sinh theo lịch Grêgôriô.

Đặc biệt, trong số những người nhận các thông điệp từ Thượng Phụ Kirill có nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống Syriac, Thượng phụ Antiôkia Ignatius Ephraim Đệ Nhị, Giáo chủ Công Giáo của Giáo Hội Đông Assyriô Ava Royel Đệ Tam, Thượng phụ Maronite Beshara Boutros al-Rai, Đức Thượng Phụ Công Giáo Malankara Basil Mar Thomas Matthew Đệ Tam.

Đối với các vị này Thượng Phụ Kirill viết dài hơn rất nhiều:

“Tôi chân thành chúc mừng ngài vào ngày lễ tươi sáng của Chúa Giáng Sinh là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi chúng ta. Giờ đây, chúng ta lại được trải nghiệm niềm vui lớn lao về sự ứng nghiệm của những lời tiên tri cổ xưa (Đanien 7:22). Chúa Tể của Vũ Trụ, ngồi trên ngai cao và tôn quý (Is 6:1), đã giáng trần để chuộc loài người khỏi quyền lực của hỏa ngục và giải cứu họ khỏi sự chết (Hos. 13:14). Sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế giới - minh chứng hùng hồn cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa vượt quá sự hiểu biết của nhân loại khi Ngài sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống (1 Ga 4:9). Tôi cầu chúc ngài niềm vui thánh thiện trong sự gần gũi với Đấng Cứu Rỗi và sự giúp đỡ hào phóng của Ngài trong sứ vụ tương lai, cùng với sự bình an và thịnh vượng cho đàn chiên được giao phó cho ngài. Thân ái trong Chúa Kitô.”

Kirill, Thượng phụ Mạc Tư Khoa và toàn nước Nga.

Thượng Phụ Kirill có lẽ vẫn còn rất giận Đức Thánh Cha vì đã gọi ông là “cậu bé giúp lễ” của Putin”. Tuy nhiên, cũng cần phải nói điều này Chính Thống Giáo Nga từ xưa đến nay vẫn có cái nhìn tiêu cực với Giáo Hội Công Giáo. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và nhiều vị lãnh đạo Chính Thống Giáo thường xuyên cầu nguyện chung với các vị Giáo Hoàng Công Giáo và mời các vị Giáo Hoàng tông du đến đất nước của họ. Có bao giờ người ta thấy Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga cầu nguyện chung với Đức Giáo Hoàng không. Và cơ may Đức Giáo Hoàng tông du nước Nga là vô cùng mờ mịt.
Source:Sismografo
 
22 nhân viên mục vụ đã hy sinh trong năm 2022, bắt đầu bằng một linh mục Việt Nam
Đặng Tự Do
17:13 27/12/2022


Theo tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, trong năm 2022 sắp kết thúc 22 nhân viên mục vụ đã bị giết trên thế giới, trong đó có 13 linh mục, 6 giáo dân, 2 nữ tu sĩ và 1 nam tu sĩ. Những sự kiện bi thảm này đã diễn ra ở 10 quốc gia trên 3 châu lục. Phi Châu đứng ở vị trí đầu tiên với số vụ giết người cao nhất và quốc gia có nhiều vụ giết người nhất là Nigeria, nơi mà số vụ bắt cóc các linh mục lên đến 30 vụ kể từ đầu năm.

Tất cả những vị bị giết đều sống trong những hoàn cảnh bình thường của con người và xã hội. Các vị chia sẻ cuộc sống hàng ngày với anh chị em của họ, với những rủi ro và nỗi sợ hãi, bạo lực và khó khăn, thiếu thốn, mang những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chứng nhân cho niềm hy vọng. Các ngài ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ mồ côi và người nghiện ma túy, tham gia vào các dự án phát triển, và mở cửa nhà mình cho bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của các ngài. Và một số vị đã bị giết bởi chính những người mà họ giúp đỡ. Trong nhiều trường hợp các vị thường sinh ra ở cùng một vùng đất nơi họ chết, vì vậy họ không ngây thơ, nhưng bất chấp mọi thứ khuyên bảo, răn đe buộc im lặng, cấm cản không cho tuyên bố đức tin, họ không thể không làm chứng.

Ngày nay, người ta nói nhiều về chủ nghĩa giáo sĩ trị và tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Nhưng hãy cẩn thận: cường điệu hóa những biểu hiện hiếm hoi này có nguy cơ xuyên tạc sự thật. Hầu hết các linh mục sống thánh thiện, thanh bần, dấn thân loan báo Tin Mừng, nâng đỡ người nghèo, chống lại bất công. Đó mới là bức tranh thật của Giáo Hội.

Tại Á Châu, có một nạn nhân là Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, linh mục Dòng Đa Minh đã tử đạo ngày 28 tháng Giêng năm 2022, khi đang giải tội tại Nhà thờ Dak Mot, tỉnh Kontum. Ngài là nhân viên mục vụ đầu tiên bị giết trong năm 2022.

Tại Phi Châu, có 8 nạn nhân.

Ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Cha Richard Masivi Kasereka hy sinh ngày 2 tháng 2 năm 2022. Ngài bị giết bởi những người có vũ trang ở Vusesa, giữa Kirumba và Mighobwe, thuộc Lãnh thổ Lubero, Bắc Kivu, khi đang trên đường trở về giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae của mình.

Tiếp đến là Linh mục giáo xứ Saint-Joseph Mukasa, Cha Godefroid Pembele, ở thành phố Kikwit, qua đời vào Chúa Nhật ngày 7 tháng 8 tại Kinshasa, nơi ngài được chuyển đến sau khi bị bắn vào đêm mùng 6 rạng sáng Chúa Nhật mùng 7 khi bọn cướp có vũ trang tấn công Tu viện Mukasa trong đêm.

Ở Nigeria, Cha Joseph Aketeh Bako hy sinh ngày 11 tháng 5. Giáo phận đã xác nhận vụ sát hại Cha Joseph Aketeh Bako, 48 tuổi, ở Kudenda, người đã bị bắt cóc vào ngày 8 tháng 3. Theo tin từ giáo phận, cha sở đã bị giết vào khoảng thời gian từ 18 đến 19 tháng 4 vừa qua.

Kế đến là Cha Vitus Borogo, 50 tuổi, bị giết vào thứ Bảy ngày 25 tháng 6 bởi một nhóm người có vũ trang ở Kaduna, Nigeria.

Sau đó là Cha Christopher Odia, 41 tuổi, bị giết vào ngày 26 tháng 6, cùng ngày ngài bị bắt cóc. Theo phát ngôn nhân của giáo phận Auchi, vị linh mục đang trên đường đến nhà thờ San Michele thì bị những kẻ bắt cóc có vũ trang bắt giữ và đưa đi.

Vào ngày thứ Ba, 19 tháng 7, tin tức về vụ giết chết linh mục người Nigeria ở Kaduna là Cha John Mark Cheitnum đã được xác nhận. Ngài đã bị bắt cóc vào ngày 15 tháng 7, cùng với Cha Donatus Cleophas, là người đã may mắn trốn thoát được những kẻ bắt cóc.

Tại Tanzania, Cha Michael Mawelera Samson, thuộc Dòng Thừa Sai Phi Châu. Ngài đã biến mất vào ngày 10 tháng Sáu. Sau đó, người ta tìm thấy ngài đã chết dưới lòng sông Meta vào sáng ngày 11 tháng Sáu. Thi thể bị đâm nhiều nhát của ngài được tìm thấy vào khoảng 6h30 sáng ngày 11 tháng 6.

Ở Mozambique, vào đêm 6 rạng ngày 7 tháng 9, cứ điểm truyền giáo Chipene ở Mozambique đã hứng chịu một cuộc tấn công khủng bố của người Hồi giáo. Những tên khủng bố đã lọt vào cứ điểm truyền giáo do tu sĩ Friulian Comboni của giáo phận Concordia-Pordenone điều hành. Sơ Maria De Coppi, một nhà truyền giáo gốc Vittorio Veneto, đã bị giết.

Mỹ Châu có 7 nạn nhân

Ở Honduras, Cha José Enrique Vásquez, 44 tuổi, là linh mục chánh xứ San José de Medina, thuộc giáo phận San Pedro Sula. Vị linh mục đã biến mất vào sáng thứ Tư ngày 2 tháng Ba và thi thể của ngài bị trúng nhiều phát đạn được tìm thấy vào thứ Năm ngày 3 tháng Ba.

Ở Bolivia, Cha Wilberth Daza, bị giết vào thứ Bảy ngày 16 tháng 4 lúc khoảng 11 giờ tối tại giáo xứ St. Francis ở thành phố Santa Cruz.

Ở Mễ Tây Cơ, Cha José Guadalupe Rivas, bị bắt cóc vào ngày 15 tháng 5, được tìm thấy đã chết tại Hacienda Santa Verónica, Mễ Tây Cơ. Thi thể được tìm thấy cùng với thi thể của một người khác. Có những dấu hiệu tra tấn tỏ tường.

Cha Javier Campos Morales, 78 tuổi, bị giết cùng với người đồng hương của mình là Cha Joaquín César Mora Salazar, 80 tuổi. Cả hai vị đều là tu sĩ Dòng Tên. Các linh mục đã bị thảm sát khi họ bảo vệ một người đàn ông đã vào nhà thờ của cộng đồng Cerocahui, để yêu cầu được bảo vệ khỏi sự truy đuổi của bọn cướp có vũ trang. Nạn nhân thứ ba là một giáo dân tên là Pedro Eliodoro.

Ở Haiti, nữ tu Luisa Dell'Orto, là nhà truyền giáo người Ý, nguyên quán Milan, 65 tuổi. Sơ là nạn nhân của một vụ cướp. Bị thương nặng, sơ đã qua đời hôm thứ Sáu ngày 24 tháng Sáu.

Ở Hoa Kỳ, Cha Otis Young biến mất vào ngày 27 tháng 11. Thi thể của ngài được tìm thấy và nhận dạng vào ngày 1 tháng 12. Năm nay 73 tuổi, Cha Otis Young từng là cha sở của Nhà thờ Công Giáo St. Peter ở Covington, Louisiana. Vị linh mục bị bắt cóc và sau đó bị giết cùng với Ruth Prats, một cộng tác viên lớn tuổi của ngài.
 
Lời tri ân Đức Thánh Cha của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.
Đặng Tự Do
17:15 27/12/2022


Hôm 25 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã đưa ra tuyên bố sau:

Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô!

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô!

Hôm nay là Chúa Nhật ngày 25 tháng 12 năm 2022 và tại Ukraine, là tháng thứ 11, ngày thứ 305 của cuộc chiến tranh toàn diện, vĩ đại mà kẻ thù đã mang đến cho vùng đất Ukraine yên bình. Ngày thứ 305 toàn quốc kháng chiến, chống giặc ngoại xâm, một nỗ lực phi thường để bảo vệ Tổ quốc, đồng bào ta, bảo vệ sự sống và phẩm giá con người.

Giao tranh ác liệt lại diễn ra ở mặt trận trong ngày qua. Một “vòng cung lửa” đang bùng cháy ở Donbas, Vùng Luhansk và Vùng Donetsk. Kẻ thù một lần nữa đang cố gắng giết người Ukraine trên lãnh thổ hòa bình của chúng ta. Hôm qua, chúng ta được biết rằng một nhóm sát thủ người Nga lại tiến vào tỉnh Sumy, cố gắng tiêu diệt và sát hại dân thường. Không ngừng pháo kích vào các ngôi làng và thị trấn của chúng ta ở Tỉnh Chernihiv, Tỉnh Sumy và Tỉnh Kharkiv.

Hôm qua, tất cả chúng ta đều bị sốc trước một cuộc tấn công vô nhân đạo khác của người Nga vào Kherson đã phải chịu đựng lâu dài. Địch giáng một đòn mạnh vào trung tâm thành phố này, khoảng 10 người chết và khoảng 60 người bị thương. Ở vùng Kherson, công việc khôi phục, rà phá bom mìn trên lãnh thổ này đang được tiến hành, và thật không may, ba trong số những người rà phá bom mìn anh hùng của chúng ta đã thiệt mạng ngày hôm qua. Họ đang cố dọn sạch các bom mìn của Nga trên lãnh thổ này.

Bất chấp những hoàn cảnh gay go như vậy, hôm nay, vào Chúa Nhật thánh này, từ Ukraine, chúng tôi muốn thông báo cho toàn thế giới một tin vui rằng Ukraine đang đứng vững! Ukraine đang chiến đấu! Ukraine đang cầu nguyện!

Ngày nay, nhiều Kitô hữu trên thế giới, nhiều con cái của Giáo hội chúng ta, những người sống theo lịch Grêgôriô, mừng lễ Giáng Sinh, mừng Chúa Giáng Sinh. Ukraine rất mong chờ Giáng Sinh này! Và rất nhiều người muốn đánh cắp Giáng Sinh này từ chúng ta trong năm nay. Kẻ thù đã đến vùng đất của chúng ta muốn cướp đi mọi thứ của chúng ta: cuộc sống của chúng ta, Tổ quốc của chúng ta và thậm chí cả Giáo hội của chúng ta. Nhưng những kẻ ấy sẽ không thể đánh cắp Giáng Sinh của người Ukraine. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận ngày hôm nay ở Ukraine, liệu có thể ăn mừng trong chiến tranh hay không. Có thể vui mừng trong những hoàn cảnh bi thảm như vậy không? Nhưng hôm nay chúng tôi muốn nói với chính mình và toàn thế giới rằng: Lễ Giáng Sinh là một ngày lễ thánh không phải do con người chuẩn bị, mà do Thiên Chúa. Bất chấp sự yếu đuối, đau buồn và đau đớn của chúng ta, Chúa Kitô đã Giáng Sinh giữa chúng ta. Niềm vui thiên đường đang đến với Ukraine.

Tương tự như vậy, nhiều người muốn đánh cắp Giáng Sinh của người Ukraine, mang đến nhiều xu hướng và nhãn hiệu phương Tây khác nhau. Ngày nay, thật không may, nhiều người không nhận ra điều đó, đã sa vào cám dỗ cử hành Lễ Giáng Sinh mà không có Chúa Kitô. Bắt chước nhiều ảnh hưởng thương mại phương Tây, đôi khi thậm chí ảnh hưởng ý thức hệ. Hôm nay chúng tôi muốn mời tất cả mọi người đến dự lễ kỷ niệm Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ Giáng Sinh ở giữa chúng ta. Chúng tôi muốn nói rằng không có Giáng Sinh nếu không có sự ra đời của Ngôi Hai Thiên Chúa. Nội dung của việc cử hành ngày lễ này là niềm vui vì sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống, nhập thể ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận niềm vui Giáng Sinh này trong hình ảnh của một hài nhi bé nhỏ, một hài nhi thánh, Chúa Kitô mới sinh, Đấng chia sẻ với chúng ta tình yêu vĩnh cửu này với sự dịu dàng từ trời cao.

Hôm nay, tôi muốn chào tất cả các con trai và con gái của Giáo hội chúng ta ở các nơi khác nhau trên thế giới, tất cả các Kitô hữu đang kỷ niệm sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi ở giữa chúng ta hôm nay. Tôi muốn cảm ơn các Kitô hữu trên toàn thế giới vì tình đoàn kết tuyệt vời của họ với Ukraine vào ngày Giáng Sinh này. Vì đã từ bỏ thêm ánh sáng để đoàn kết với những người Ukraine đang phải chịu cảnh thiếu điện. Tôi cảm ơn anh chị em đã hạn chế sức nóng trong nhà thờ và nhà ở của mình, để đoàn kết với những người Ukraine đang phải chịu đựng cái lạnh, là thứ mà kẻ xâm lược Nga đã sử dụng như một vũ khí chống lại người Ukraine.

Nhưng lời cảm ơn đặc biệt hôm nay từ Ukraine xin gửi đến Đức Thánh Cha Phanxicô. Xin kính chào Đức Thánh Cha, vào ngày lễ thánh này, chúng con muốn cảm ơn Ngài đã trở thành trung tâm của tình đoàn kết toàn cầu với nhân dân Ukraine đau khổ từ lâu. Tất cả chúng con đều xúc động trước những giọt nước mắt của Đức Thánh Cha tại quảng trường Piazza di Spagna của Rôma vào Ngày Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, khi Đức Thánh Cha không thể nói được trong khoảng 30 giây, đã vô cùng xúc động và khóc trước nỗi đau của Ukraine. Chúng con cảm ơn Đức Thánh Cha vì Ngài đã đích thân trở thành trung tâm đoàn kết thế giới với chúng con, nơi tổ chức vô số loại viện trợ cho Ukraine, mà ngày nay Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ hướng đến người dân Ukraine đau khổ từ lâu. Trong những ngày này, vào thời điểm Giáng Sinh này, Đức Thánh Cha một lần nữa cử đặc phái viên của mình, Đức Hồng Y Krajewski, người đã mang theo quần áo giữ nhiệt từ những người trượt tuyết Ý, hôm nay đã ra mặt trận, hôm nay đã sưởi ấm cho người Ukraine ở nơi họ cần nó nhất. Một số lượng lớn máy phát điện đã được Đức Thánh Cha mang đến để thắp sáng những ngôi nhà của những người mà quân chiếm đóng Nga muốn chìm trong bóng tối. Chúng con cảm ơn Đức Thánh Cha về tình đoàn kết phổ quát vào dịp lễ Giáng Sinh với Tổ quốc của chúng con. Qua những cử chỉ yêu thương Kitô hữu cụ thể như thế, chúng con cảm thấy Thiên Chúa ở cùng chúng con. Chúng con cảm thấy rằng chúng con không bị lãng quên và bị bỏ rơi trong đau khổ của chúng con. Chúng con cảm thấy rằng Chúa là Thiên Chúa sẽ được sinh ra ngày hôm nay tại Ukraine.

Cầu mong niềm vui Giáng Sinh này sẽ đến với mọi nhà. Tôi xin chào tất cả những ai kỷ niệm ngày lễ trọng đại này theo lịch Grêgôriô hôm nay. Chúng ta vui mừng vào ngày này. Không ai có thể đánh cắp niềm vui này từ chúng ta!

Chúa ơi, xin phù hộ cho Ukraine! Lạy Chúa, xin phù hộ cho các cô gái và chàng trai của chúng con đang ở tiền tuyến! Ôi Chúa Giêsu, hãy đến với họ, sinh ra giữa họ, sưởi ấm họ bằng hơi ấm thiên đàng của Ngài, soi sáng họ bằng ánh sáng Giáng Sinh thiên đàng của Ngài! Lạy Chúa, Đấng Cứu Rỗi mới sinh, Hoàng tử Hòa bình,xin hãy ban phước cho vùng đất Ukraine đau khổ lâu dài của chúng con bằng sự bình an trên trời, và công lý của Ngài!

Cầu mong phước lành của Chúa sẽ đến với anh chị em thông qua ân sủng và tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, luôn luôn, bây giờ và mãi mãi, và qua các thời đại. Amen.

Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô!

 
Đức Cha Kukah nhận xét rằng tổng thống Buhari đã đưa Nigeria đến chỗ tồi tệ hơn nhiều so với thời điểm ông nhậm chức
Đặng Tự Do
17:16 27/12/2022


Đức Cha Matthew Hassan Kukah, Giám mục Giáo phận Công Giáo Sokoto, một lần nữa chỉ trích chế độ của Tổng thống Muhammadu Buhari vì tội gia đình trị và tham nhũng, nói rằng chế độ này đã khiến người dân Nigeria dễ bị tổn thương hơn nhiều so với những thời điểm ông nhậm chức tổng thống.

Trong thông điệp Giáng Sinh hôm Chúa Nhật, Đức Cha Kukah nói rằng chế độ của ông Buhari đã đưa ra những lời hứa cao ngất trời nhưng không thể thực hiện được.

“Thật đáng buồn là bất chấp những lời hứa cao cả của tổng thống, tổng thống đang khiến chúng tôi dễ bị tổn thương hơn nhiều so với khi ông nhậm chức. Nạn tham nhũng mà chúng tôi nghĩ ông sẽ chống lại đã trở thành một con quái vật và đáng buồn thay, chính phủ của ông được đánh dấu bằng chế độ gia đình trị,” ngài nói.

“Chúng tôi biết rằng bây giờ tổng thống khỏe mạnh hơn trước. Chúng tôi có thể thấy điều đó trong mùa xuân trong những bước chân của bạn, hàng ngàn dặm mà bạn đã tiếp tục vượt qua khi bạn đi du lịch nước ngoài. Xin Chúa ban cho bạn thêm nhiều tuổi khỏe mạnh.”

“Tuy nhiên, tôi cũng ước rằng hàng triệu công dân của chúng ta có cơ hội được hưởng một phần sức khỏe của chính tổng thống nhờ sự cải thiện đáng kể về chất lượng chăm sóc sức khỏe ở đất nước chúng ta.”

Đức Cha Kukah đã rất thẳng thắn trong việc chỉ trích gay gắt chế độ Buhari. Đáp lại, nhiều đặc vụ chính phủ và những người về phe với tổng thống đã phỉ báng ngài.

Đã có những nghi ngại rằng Tổng thống Muhammadu Buhari mượn tay bọn khủng bố để Hồi Giáo hóa đất nước bằng cách tận diệt các tín hữu Kitô ở nước này.

Các băng đảng có vũ trang tràn lan khắp Nigeria, đặc biệt là ở miền bắc, nơi chúng cướp hoặc bắt cóc để đòi tiền chuộc, và bạo lực ngày càng gia tăng, nơi lực lượng an ninh quá mỏng thường không ngăn chặn được các cuộc tấn công.

Hôm 10 tháng 11 vừa qua, linh mục Christian Okewu Emmanuel, chưởng ấn của giáo phận Kaduna, cho biết Cha Abraham Kunat, một linh mục quản xứ ở làng Idon Gida, đã bị bắt cóc từ một ngôi nhà mà ngài đang trú ngụ ở một thị trấn khác, trong cùng giáo phận, sau khi rời khỏi giáo xứ của mình do bất an.

Chính phủ Nigeria có mọi thứ cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công đang diễn ra nhằm vào các tín hữu Kitô giáo, nhưng họ đã từ chối giúp đỡ, một linh mục Công Giáo ở quốc gia Tây Phi cho biết.

Tình hình ở Nigeria đã khiến nhiều người tin rằng những gì đang xảy ra là “chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ”, Cha Patrick Alumuku, giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Abuja, nói với ACI Africa như trên.

Ngài nói rằng Giáo hội ở Nigeria không có khả năng bảo vệ người dân, bao gồm cả các linh mục từng là nạn nhân của các vụ bắt cóc và giết người, và chính phủ có vai trò trao quyền cho các nhân viên an ninh trong nước để bảo vệ những thường dân vô tội.

“Giáo hội mong muốn bảo vệ nhân sự của chính mình. Nhưng liệu Giáo hội có đủ năng lực để bảo vệ con người không? Giáo hội có quân đội không? Giáo Hội có cảnh sát không? “ vị linh mục người Nigeria nói thêm, “Chính phủ lẽ ra phải cung cấp cho cảnh sát bất cứ thứ gì cần thiết, đạn dược, hậu cần để có thể giải quyết việc này; nhưng có vẻ như chính phủ không quan tâm đến việc giải quyết những thách thức này “.

Ngài nói tiếp rằng, “Chính phủ tỏ ra bất lực. Trên thực tế, có những người cảm thấy rằng đây là chủ nghĩa khủng bố do chính nhà nước bảo trợ”.

Vị linh mục của Giáo phận Makurdi, người được thụ phong vào năm 1981, cho biết ngài cảm thấy bối rối khi không có hành vi tàn bạo nào đối với các tín hữu Kitô ở Nigeria đã được giải quyết tại tòa án.

“Trong số tất cả những trường hợp các linh mục bị sát hại, thậm chí không có một người nào bị bắt. Trong số tất cả các linh mục đã bị bắt cóc, thậm chí không có một người nào bị bắt. Trong số tất cả các nhà thờ bị cháy hoặc bom phát nổ, không một người nào bị bắt, bị đưa ra tòa, bị xét xử và bị kết tội,” Cha Alumuku nói.
 
Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nhận xét rằng tin tức về Giáng Sinh ở Ukraine vang vọng bên cạnh chiến tranh
Đặng Tự Do
05:52 27/12/2022


Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew trong lời chúc Giáng Sinh gửi tới người dân Ukraine đã nói rằng Lễ Giáng Sinh ở Ukraine giờ đây vang vọng bên cạnh tiếng ồn ào của chiến tranh và tiếng va chạm của vũ khí.

“Thật không may, năm nay sứ điệp tin mừng Giáng Sinh lại vang vọng cùng với âm thanh chiến tranh và tiếng súng trên Tổ quốc của anh chị em, nơi đang trải qua những hậu quả khủng khiếp của một cuộc xâm lược đầy khiêu khích và bất công. Cuộc chiến này, do sự xâm lược của Liên bang Nga gây ra vào tháng 2 năm ngoái, là cuộc khủng hoảng địa chính trị và nhân đạo tồi tệ nhất ở Âu Châu kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, với tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội trên toàn thế giới. Đối với chúng ta, những tín hữu Kitô, tất cả các cuộc chiến đều là sát hại anh em của mình,” Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói.

Đức Thượng phụ Đại kết lưu ý rằng uy tín của các tôn giáo ngày nay tùy thuộc vào thái độ của họ đối với việc bảo vệ tự do và nhân phẩm của con người cũng như sự đóng góp của họ cho hòa bình.

“Giáo hội Mẹ đặc biệt nghĩ đến tất cả anh chị em, những người đang cử hành Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô trong mùa giá rét này, đặc biệt là năm nay ở Ukraine, không có điện, không có máy sưởi, và đang không ngừng cầu nguyện cho hòa bình và công lý được lập tức phục hồi, cho sự hồi sinh của Ukraine”

Ngài nói thêm rằng chỉ có tình đoàn kết với người dân Ukraine mới có thể chiến thắng cái ác và bóng tối. “Chúng tôi hy vọng, khi thời gian cho phép, sẽ được thăm lại Quê hương kiên cường của anh chị em, khi đó sẽ thấy tất cả các Kitô hữu Chính thống giáo ở Ukraine đoàn kết trong một Giáo hội hưng thịnh! Chúng tôi chúc tất cả anh chị em nhiều năm may mắn!”
Source:Kyiv Post
 
Đại sứ Ukraine cạnh Tòa Thánh nói: Chiến tranh với Nga cuối cùng sẽ thuyết phục người Ukraine đón Giáng Sinh cùng với thế giới văn minh
Đặng Tự Do
05:54 27/12/2022


Hoàn cảnh năm nay khuyến khích người Ukraine nhận ra tầm quan trọng của việc tổ chức lễ Giáng Sinh cùng với toàn thế giới văn minh.

Đại sứ Ukraine tại Vatican Andrii Yurash đã đưa ra lập trường trên trong một chương trình truyền hình của Ukraine nhân ngày Lễ Giáng Sinh.

“Tôi chắc chắn rằng không giống như những năm trước khi chỉ có những cuộc thảo luận thuần túy lý thuyết, hoàn cảnh năm nay sẽ dẫn đến quá trình chuyển đổi nhanh hơn nhiều và nhận thức của người Ukraine về tầm quan trọng của việc cử hành Giáng Sinh cùng với thế giới văn minh,” Yurash nói.

Giáo Hội Công Giáo, Tin lành và nhiều Giáo Hội Chính thống ở Đông Âu đã tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 theo lịch Grêgôriô.

Cũng trong xu hướng tách khỏi Nga, hôm 26/12, tượng đài phi công Valery Chkalov, anh hùng không quân Nga, nằm ở lối vào công viên Globes đã bị giật xuống. Các công việc này được thực hiện theo quyết định của Hội đồng thành phố Dnipro số 1055 ngày 6 tháng 12 năm 2022.

Phó thị trưởng Dnipro, Mykhailo Lysenko, cho biết có tổng cộng 6 tượng đài đang bị dỡ bỏ trong thành phố. Một phần của công việc đã được thực hiện.

Ông cũng nói về số phận tương lai của các di tích. “Chúng tôi mang tất cả các di tích đã tháo dỡ đến cơ sở của một trong những doanh nghiệp chung của thành phố để cất giữ thích hợp, và số phận tiếp theo của chúng sẽ do các chuyên gia của Hội đồng thành phố Dnipro quyết định.”

Ukraine đang đẩy mạnh nỗ lực xóa bỏ dấu tích ảnh hưởng của Liên Xô và Nga khỏi các không gian công cộng bằng cách dỡ bỏ các tượng đài và đổi tên hàng trăm con phố để vinh danh các nghệ sĩ, nhà thơ, binh lính, các nhà lãnh đạo độc lập và những người khác – bao gồm cả những anh hùng của cuộc chiến năm nay.

Sau cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa giết chết hoặc làm bị thương vô số dân thường và binh lính, đồng thời phá hủy các tòa nhà và cơ sở hạ tầng, các nhà lãnh đạo Ukraine đã chuyển một chiến dịch từng tập trung vào việc xóa bỏ quá khứ Cộng sản của nước này thành một chiến dịch “phi Nga hóa”.

Hãng thông tấn Associated Press đưa tin:

Những con phố vinh danh nhà lãnh đạo cách mạng Vladimir Lenin hay Cách mạng Bolshevik phần lớn đã biến mất; bây giờ Nga là kẻ thù.

Đó là một phần hình phạt cho những tội ác do Nga gây ra, và một phần khẳng định bản sắc dân tộc bằng cách tôn vinh những người Ukraine nổi tiếng, những người hầu như bị bỏ qua trong thời kỳ Liên Xô.

Nga, thông qua Liên Xô, được nhiều người ở Ukraine coi là đã đóng dấu sự thống trị của họ lên nước láng giềng ở phía tây nam trong nhiều thế hệ, khiến các nghệ sĩ, nhà thơ và anh hùng quân đội của họ rơi vào tình trạng ít người biết đến, so với những người Nga nổi tiếng hơn.

Nếu những người chiến thắng viết nên lịch sử, như một số người nói, thì người Ukraine đang viết lại lịch sử của chính họ – ngay cả khi số phận của họ đang ở thế cân bằng. Bản sắc dân tộc của họ đang có những gì có thể là một sự đột biến chưa từng thấy, theo nhiều cách.
Source:UkrInform
 
Văn Hóa
Họ Đã Tiếp Nhận Ngài Như Thế
Sơn Ca Linh
10:05 27/12/2022
Họ Đã Tiếp Nhận Ngài Như Thế

“Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Ga 1, 11-12)

Xem Hình

Đêm đông Làng Sông,
Đêm tịch mịch như Bê lem của ngày xưa ấy !
Chẳng có những đèn sao,
Hay âm thanh rộn ràng vang dậy…
Những cội sao già, những bãi cỏ non,
Đang thảnh thơi giấc ngủ êm đềm !
Và những chị nữ tu,
Với những gót hồng
Vừa qua vội giữa những hành lang cổ kính !

Và họ đã tiếp nhận Ngài, một Vị Khách Quý,
Cũng bằng chút khó nghèo, thảo kính giản đơn.
Thật vậy,
Có gì đâu, giữa một căn phòng trống trơn,
Một hang đá nhỏ xinh xinh,
Chút rơm, bụi cỏ, mấy dây đèn..
Những hình nhân mục đồng tự tay cắt vẽ…

Họ tiếp nhận Ngài,
Với những tâm tình của ngàn năm thế hệ,
Của Sáng tạo, của vọng chờ… Cựu ước xa xôi.
Của Truyền tin, với giai điệu Magnificat ngọt ngào
của quán trọ Bê Lem,
Của bước chân mục đồng
Cùng vũ khúc thiên thần bằng những lời ca dịu vợi…

Họ đã tiếp nhận Ngài,
Như những cô trinh nữ đang chong đèn ngóng đợi,
Với Thánh Lễ Đêm
Như tiệc cưới ngày nào của Đấng Tình Quân
Giữa nguyện đường cổ kính Làng Sông,
Nơi lưu dấu,
Lớp tro tàn của bao chứng nhân anh hùng tử đạo !

Và họ đã tiếp nhận Ngài,
Với ánh mắt vui, nụ cười hân hoan phấn khởi,
Với tình chị em cùng chung chia vài chiếc bánh đơn.
Với tấm lòng không biết giận biết hờn,
Bởi họ đã chọn theo Ngài, ở đây…
“Một chỗ cuối” để có được bình yên phước hạnh !

Vâng, họ đã tiếp nhận Ngài,
Như các mục đồng của một thời Bê Lem hiu quạnh,
Nhưng sao trong lòng đầy ắp lửa tình yêu !
Không biết thế gian bây giờ, còn có được bao nhiêu?
Những địa chỉ, không gian… để tiếp nhận Ngài như thế !

Sơn Ca Linh (Giáng Sinh Làng Sông 2022)
 
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, Chương Mười Bốn
Vu Van An
22:01 27/12/2022

IV Việc kết án Galilêô

Đôi hàng lịch sử

1. Galilêô sinh năm 1564. Đến năm 1610, ông xuất bản cuốn Sidereus Nuntius và ông bắt đầu quan tâm tới hệ thống Copernic và thuyết mặt trời là trung tâm [héliocentrisme] (một ý tưởng cũ của Pythagore được hồi sinh). Khi đó ông đang cư trú tại Florence, 46 tuổi và là một người nổi tiếng toàn diện. Mọi người đều ngưỡng mộ ông, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Phaolô V. Nhưng một số nhà thần học đã nhanh chóng tấn công ông, nhân danh Kinh Thánh (trong khi quên những nguyên tắc do Thánh Augustinô đặt ra: Chúa Thánh Thần không muốn dạy loài người về việc cấu thành của những sự vật tự nhiên, nhưng là sự vật hữu ích cho phần rỗi, - và theo Thánh Tôma: Kinh thánh nói về thiên nhiên theo những biểu kiến khả giác).



Lẽ tự nhiên, ông lo lắng, rồi phản ứng. Ông viết cho Castelli (ngày 21 tháng 12 năm 1613), "Trong khi Kinh thánh, tự điều chỉnh cho phù hợp với trí hiểu của những con người bình thường, đã nói, trong rất nhiều trường hợp và một cách hữu lý, theo những biểu kiến, và sử dụng các từ ngữ không nhằm nói lên chân lý tuyệt đối, thì thiên nhiên tuân thủ một cách chặt chẽ và bất biến các quy luật đã được ban cho nó.... " Há Baronius đã không có thói quen nói rằng "Thiên Chúa đã không muốn dạy chúng ta tầng trời đi chuyển ra sao, nhưng là chúng ta phải lên Thiên đàng cách nào?" Cha Caccini trả lời rằng lý thuyết của Copernic là "trái ngược với tâm tư chung của tất cả các nhà thần học và của tất cả các Giáo phụ thánh thiện." Bellarmine khuyên Galilêô không nên dấn thân vào các cuộc tranh cãi thần học; tất cả diễn tiến tốt đẹp kể từ lúc Copernic không có ý định chứng minh rằng trái đất quay quanh mặt trời, mà chỉ đưa ra lý thuyết của ông như một giả thuyết toán học đơn thuần{1}. Và Đức Cha Dini thì thầm vào tai ông (lá thư ngày 2 tháng 5 năm 1615): "Người ta có thể viết như một nhà toán học, và dưới hình thức giả thuyết, như người ta nói, Copernic đã làm; người ta có thể viết tự do, miễn là đừng đi vào phòng áo lễ".

Vào tháng Hai năm 1616, theo lệnh của Đức Phaolô V, các nhà thần học của Văn phòng Thánh được tham khảo ý kiến về hai mệnh đề sau: "1) mặt trời là trung tâm của thế giới và do đó, bất động đối với chuyển động cục bộ; 2) trái đất không phải là trung tâm của thế giới, cũng không phải là bất động, mà là chuyển động hoàn toàn trên chính nó bởi một chuyển động hàng ngày". Họ công bố câu trả lời của họ vào ngày 24 tháng 2: "Mệnh đề đầu tiên là vô nghĩa và vô lý trong triết học, và lạc giáo một cách chính thức, vì nó minh nhiên mâu thuẫn với rất nhiều đoạn Kinh thánh, theo đặc tính của các từ ngữ, và theo cách giải thích thông thường và ý nghĩa của các Giáo phụ thánh thiện và của các tiến sĩ thần học." Đối với mệnh đề thứ hai, "nó đáng bị chỉ trích tương tự trong triết học; và, liên quan với sự thật thần học, ít nhất, nó sai lầm trong đức tin".

Hai ngày sau, trước sự chứng kiến của Bellarmine, ủy viên của Văn phòng Thánh thông báo cho Galilêô việc kiểm duyệt chống lại ý kiến cho rằng mặt trời là trung tâm của thế giới và bất động và trái đất chuyển động. Ý kiến này không nên được duy trì hoặc bảo vệ, và Galilêô được cảnh cáo rằng nếu từ chối tuân theo, ông sẽ liều mình bị phán xử và bỏ tù.

Galilêô là một người đồng thời bị chi phối cả bởi đức tin sâu sắc lẫn đức tính khoa học lỗi lạc, - đó chính là bi kịch của ông, trước những con người có uy quyền, nhưng không biết khoa học là gì cũng như mối liên hệ của nó với đức tin. Những dè dặt của ông đối với các biện pháp trừng phạt ghê gớm không hề loại trừ việc ông phải tôn trọng một thẩm quyền mà ngay cả trong vấn đề có thể sai lầm, sự phục tùng lương tâm vẫn phải có. Há ông đã không viết, trong một bức thư ngày 16 tháng 2 năm 1615 cho Giám mục Dini: "Con có thiên hướng mạnh mẽ thà móc mắt để không gây tai tiếng, hơn là chống lại cấp trên và làm tổn thương tâm hồn con bằng cách chủ trương chống lại các ngài điều mà hiện tại dường như hiển nhiên đối với con và con nghĩ con có thể chạm tay của mình vào" đó sao? Chúng ta hãy nói thêm rằng chắc chắn, ông thích việc bị hạn chế về tinh thần (thông thường lúc đó) hơn là chịu tử đạo. Trước sự chứng kiến của Bellarmine và ủy viên của Tòa lạc giáo, ông đã đồng ý với những gì đã được tuyên bố với ông và hứa sẽ tuân theo.

Vào ngày 9 tháng 3 năm 1616, Thánh Bộ Danh mục Sách cấm công bố lệnh kết án chung chống lại lý thuyết Copernic và chống lại các công trình của Copernic. Người ta gọi đây là phiên tòa đầu tiên đối với Galilêô, mặc dù chính xác hơn phải nói là một lời cảnh cáo nghiêm trọng, vì bản thân ông ta không có tên trong sắc lệnh.

2. Nhưng con quỷ khoa học vốn nằm trong ông. Làm thế nào ông có thể không phá vỡ ít nhiều lời hứa của mình? Để trả lời cho một cuốn sách của Cha Horace Grassi tấn công Copernic và ông, ông đã xuất bản năm 1623 cuốn Il Saggiatore [người xét nghiệm], trong đó việc ông bảo vệ thuyết mặt trời là trung tâm đã được che đậy kỹ lưỡng đến mức Đức Hồng Y Barberini, - giờ đây là Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII - người mà ông có những liên hệ tuyệt vời, chấp nhận lời đề tặng; sau đó, vào năm 1632, ông xuất bản cuốn Dialogue sur les deux principaux systèmes du monde [Đối thoại về hai hệ thống chính về thế giớ], trong đó dưới sự khôn khéo dễ nhận, ông dứt khoát ủng hộ lý thuyết của Copernic. Thế là cơn thịnh nộ được xổ lồng, và Đức Urbanô VIII phát cáu dữ dội (ngài nghĩ Galilêô và bạn bè của ông đã lừa ngài). Dù bị bệnh, Galilêô buộc phải đến Rome, nơi ông bị giam giữ, không phải trong một phòng giam của Văn phòng thánh, như trường hợp của tất cả những người bị buộc tội khác, mà là tại nhà của người bạn ông, Đại sứ Niccolini, ở cung điện Florence, sau này tại trụ sở tài chính của Tòa Lạc giáo, nơi họ chăm sóc ông rất tận tình và nơi ông được tiếp đón bạn bè một cách tự do.

Văn phòng Thánh thẩm vấn ông bốn lần, trong đó người ta khiển trách ông đã không trung thành với những lời hứa của ông, và trong đó, trên hết là một cuộc tra hỏi, với sự đe dọa tra tấn, liên quan đến suy nghĩ bản thân của ông (liên quan đến ý định của ông): ông có hay không hết lòng ủng hộ lý thuyết của Copernic, vốn bị các quan tòa lạc giáo lên án? Ông phủ nhận, bảo đảm chỉ muốn làm điều được cho phép, tức chứng minh giá trị của lý thuyết này như một giả thuyết toán học. Các thẩm phán chấp nhận lời phủ nhận của ông, và mối đe dọa tra tấn vẫn nằm trong tình trạng đe dọa mà thôi. (Trên thực tế, Galilêô chưa bao giờ bị tra tấn.)

Vào ngày 22 tháng 6 năm 1633, một người đọc cho ông nghe phán quyết của Văn phòng Thánh (thêm vào phán quyết này, có phần đóng góp của một báo cáo chính thức nhưng giả hiệu, được thêm vào trong hồ sơ, đề cập đến cuộc phỏng vấn ngày 26 tháng 2 năm 1616, với ủy viên của Tòa Lạc giáo, và cho rằng thông báo đơn thuần mà Galilêô nhận được lúc đó là một lệnh triệu chính thức của Văn phòng Thánh). Galilêô bị tuyên bố là "bị nghi ngờ một cách mạnh mẽ là lạc giáo", tức là, "đã chủ trương và tin vào lý thuyết sai lầm và trái với Kinh Thánh rằng mặt trời là trung tâm của thế giới," cũng như "đã chủ trương và tin rằng một lý thuyết đã bị tuyên bố và xác định là trái với Kinh Thánh vẫn có thể được chủ trương và bênh vực như là có thể chứng minh được”. Bản án đã miễn cho ông khỏi những hình phạt do việc này gây ra, với điều kiện là với tấm lòng chân thành "ông thề bỏ, nguyền rủa và ghét bỏ những lỗi lầm và lạc giáo nói trên." Nhưng mặt khác, để sự bất tuân trước đó của ông phải bị trừng phạt, người ta kết án tù ông, vào thời gian tùy Văn phòng Thánh quyết định theo quyết định của mình, và người ta quy định ông phải đọc ba lần một tuần, trong suốt ba năm, bảy thánh vịnh sám hối. Sau đó, Galilêô đọc và ký vào công thức từ bỏ.

Hình phạt của ông đã được giảm nhẹ bởi Đức Giáo Hoàng vào ngày ông bị kết án. Thay vì nhà tù của Văn phòng Thánh, ông phải cư trú trong biệt thự Medici; vài ngày sau, ông được phép đến Sienna, với tư cách là khách của Đức Tổng Giám Mục Piccolimini, và cuối cùng đến nơi giam giữ tại biệt thự Arcetri của riêng ông, gần Florence. Bị mù, ông được Đức Urbanô VIII cho phép cư trú tại Florence, nơi ông qua đời vào ngày 8 tháng 1 năm 1642, ở tuổi 77. Khi còn ở Arcetri, ông đã nhận được lệnh cấm rời khỏi biệt thự của mình (trong đó ông vẫn bị coi là người bị giam) vào ngày ông được tin con gái của mình, một nữ tu trong tu viện lân cận, đang hấp hối.

Các Thánh bộ Rôma

1. Thay lời nói đầu: một vấn đề được tranh cãi. - Trước khi nói đến các Thánh bộ Rôma, và để có thể làm như vậy một cách đủ rõ ràng, tôi, một người không phải là thần học gia, buộc phải có một lập trường về một vấn đề được tranh cãi sôi nổi giữa các nhà thần học, - câu hỏi về điều, theo những thuật ngữ khá đáng tiếc, người ta gọi là "đức tin Giáo hội". Tôi sẽ làm như vậy một cách khiêm tốn, nhưng rõ ràng nhất có thể. Nhận xét sơ bộ: khái niệm này có tính lai tạp [hybride], bởi vì, theo cách nó được sử dụng bởi người này hay người nọ, nó liên hệ hoặc đến những khẳng định vô ngộ (lúc đó chữ "đức tin" là chính xác; chữ "giáo hội" thì không), hoặc đến các khẳng định không vô ngộ tuy nhiên cần phải coi là chắc chắn đến một mức nào đó (lúc đó chữ "đức tin" không chính xác; đây là vấn đề đồng ý cần được đưa ra – theo mức độ khác nhau - đối với các thẩm quyền đáng tin tưởng), hoặc hai loại khẳng định được nhóm lại với nhau.

Chính "đức tin giáo hội" được xem xét theo nghĩa thứ nhất hoặc theo quan điểm thứ nhất (tùy theo nó liên quan đến những khẳng định vô ngộ) mới liên quan đến chúng ta ở đây.

Có những điều cần phải coi là đúng một cách không thể sai lầm, không phải dựa trên lời của Thiên Chúa, hoặc bởi vì Giáo hội đề xuất chúng cho chúng ta như được Thiên Chúa mặc khải, nhưng dựa trên lời của chính Giáo hội, bởi vì chính Giáo hội bảo đảm với chúng ta rằng điều đó đúng một cách không thể sai lầm. Thí dụ: điều mà người ta gọi là "sự kiện tín điều"; khi Đức Innôcentê X lên án năm mệnh đề lấy từ cuốn Augustinus của Jansénius, những người theo chủ nghĩa Jansénius trả lời rằng nếu tách rời như thế, các mệnh đề này quả thực là lạc giáo, nhưng xét trong bối cảnh của Jansénius thì chúng là chính thống; lúc đó, Đức Alexandrô VII tuyên bố và định nghĩa một cách không thể sai lầm rằng năm mệnh đề này đã bị lên án theo đúng nghĩa mà chúng vốn có nơi Jansénius; đó là một "sự kiện tín điều" mà chúng ta tin dựa vào lời của Đức Giáo Hoàng nói như tiếng nói của Giáo hội, và không phải là một phần của dữ kiện được mạc khải chính thức{2}.

Không như Đức Hồng Y Journet, tôi không nghĩ rằng trong trường hợp tương tự như vậy chúng ta phải xử lý với quyền tuyên bố của Giáo hội liên quan đến việc công bố điều phải tin. Quyền này có đối tượng giúp cho chúng ta biết các sự thật do Thiên Chúa mạc khải: và phải hiểu điều này ra sao, nếu không phải là những sự thật được mạc khải một cách chính thức trong chính nội dung tín điều của chúng? Bất chấp sự khéo léo biện chứng của các nhà thần học vĩ đại, tôi vẫn không thấy làm thế nào những nhận định như sự kiện về năm mệnh đề của Jansénius có thể được hiểu như được Thiên Chúa mạc khải, dù là một cách mặc nhiên. Do đó, không phải với quyền tuyên bố, mà với quyền qui điển mà theo quan điểm của tôi, chúng ta phải xử lý trong các trường hợp được đề cập, liên quan đến việc ban hành nội dung cần phải tin.

Nhưng giống như Đức Hồng Y Journet và Cha Marin-Sola, tôi nghĩ rằng liên quan đến việc chúng ta tán thành nội dung này, chính nhờ đức tin đối thần của chúng ta mà chúng ta tin vào sự thật đang được đề cập: Tôi nói nhờ đức tin đối thần của chúng ta khi, trong lúc nó tuân theo một sự thật được mạc khải (mầu nhiệm Una Sancta [duy nhất, thánh thiện]), nó cũng được áp dụng cùng một lúc vào một nội dung khác, không được Thiên Chúa mạc khải, nhưng được trí hiểu nắm bắt một cách trực tiếp hiển nhiên như một nhận thức đặc thù về dữ kiện mạc khải này; nói cách khác, chúng ta tin vào những sự thật đang bàn bởi đức tin đối thần của chúng ta vào Giáo hội như được áp dụng một cách trực tiếp.

Tôi tin vào Giáo hội, dựa vào lời Thiên Chúa. Và cùng một lúc, ipso facto [tức khắc], dựa vào lời của Giáo hội, tôi tin điều Giáo Hội nói với tôi khi chính Giáo Hội (ngôi vị của Giáo hội) nói với tư cách là nguyên nhân chính, với sự không thể sai lầm của Giáo Hội. Tôi tin điều đó từ trước, chỉ cần Giáo Hội nói ra điều đó: bởi vì ở đó tuyệt đối không có bất cứ loại lý luận nào, cũng không có tam đoạn luận nào, cũng không có lý luận hai mệnh đề nào, mà là sự hiển nhiên trực tiếp đối với trí hiểu, một trí hiểu nhìn thấy điểm đang bàn (thí dụ: năm mệnh đề có trong Jansénius với nghĩa lạc giáo của chúng) như một điểm áp dụng đơn thuần tính không thể sai lầm của Giáo hội khi nó tự biểu lộ với tôi qua việc Đức Giáo Hoàng phán ex cathedra. Lúc đó, chính đức tin đối thần của tôi vào Giáo hội, một cách trực tiếp và trực quan, chuyển sang một nội dung khác không phải nội dung chính của nó, và khiến tôi tán thành sự thật đang bàn, sự thật không thể sai lầm mặc dù không được mạc khải. Nội dung - không được mạc khải - mà nó chuyển sang như vậy, kể từ thời điểm tôi biết Giáo hội coi nó là sự thật, ngay lập tức được bao hàm bởi nội dung được mạc khải - Una, sancta, catholica et Apostolica [duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền]- vốn là một trong các các nội dung chính và chuyên biệt trong đức tin đối thần của tôi.

Do đó, không cần phải cầu viện đến một tập tính mới, một đức tính trí thức mới hoặc luân lý siêu nhiên mà cả các Giáo phụ lẫn Thánh Tôma đều không phỏng đoán được sự tồn tại của nó. Tôi nghĩ rằng "đức tin giáo hội" được phát minh ra vào thế kỷ XVI và được rửa tội vào thế kỷ XVII bởi các nhà thần học, những người đã đánh mất cảm thức về tính trực quan của trí hiểu, và đã làm cho các nhà thần học tốt hơn họ nhiều dấn thân vào một vấn đề giả hiệu, liên quan đến một chủ đề mà họ chỉ có thể thấy mình bất đồng, sau khi hoang phí rất nhiều trong các tinh tế của họ. Do đó, tôi đã quyết định làm ngơ khái niệm đức tin giáo hội; và chính không đề cập đến khái niệm này, như người ta vẫn thường làm, mà tôi sẽ cố gắng làm rõ ý tưởng của chúng ta ở đây về vấn đề phải nhất trí với thẩm quyền tôn giáo khi nó phát biểu qua các cơ quan không phải là huấn quyền thông thường hoặc huấn quyền phi thường, nhưng vẫn cần thiết đối với việc cai quản Giáo hội, chẳng hạn như các Thánh bộ Rôma (chỉ được xem xét trong chính chúng, xem thêm ở trang 355). Điểm quan trọng đối với tôi là biết khi nào người ta liên hệ hoặc không liên hệ đến ngôi vị của Giáo hội sử dụng hay không sử dụng như công cụ các thừa tác viên của mình.

2. Điều người ta gọi là quyền qui điển (pouvoir canonique - xem Journet, L'Eglise du Verbe Incarné, I, ấn bản 2, trang 223 và tt) có đối tượng là hỗ trợ sứ mệnh tuyệt đối hàng đầu của Giáo hội, qua nhiều thế kỷ, để bảo đảm việc thực thi nó một cách cụ thể (ban các Bí tích bằng quyền chức thánh, và đề xuất bằng quyền công bố các chân lý đã được Thiên Chúa mạc khải, tín lý đức tin và luân lý) bằng cách ban hành các quyết định cần thiết để duy trì đức tin và điều hành cuộc sống của dân Chúa (một việc cấu thành societas perfecta [xã hội hoàn hảo], nghĩa là, hoàn toàn làm chủ chính mình).

Sau khi trình bầy các chủ trương của tôi, tôi sẽ phân biệt trong quyền qui điển hai khu vực lớn khác nhau:

Một mặt, là khu vực trong đó, dựa vào lời của Giáo hội, - và, nếu các chủ trương của tôi có nền tảng vững chắc, thông qua đức tin đối thần của chúng ta vào Giáo hội như được áp dụng một cách trực tiếp, nhờ một bằng chứng tri nhận được một cách trực quan, - nó quy định cho chúng ta phải tin các khẳng định thuộc trật tự suy lý đúng một cách không thể sai lầm mà không cần được Thiên Chúa mạc khải (bất kể chúng liên quan đến "sự kiện giáo điều", hoặc các cuộc phong thánh, hoặc các sắc lệnh của các thánh bộ Rôma, trong các trường hợp, trong đó, chúng phải được coi như không thể sửa đổi); trong khi đó, trong trật tự thực tế, các quyết định của quyền qui điển tham gia một cách như công cụ vào sự khôn ngoan cao hơn của Giáo hội;

Mặt khác, là khu vực trong đó cũng một quyền qui điển này phụ thuộc vào ánh sáng riêng của những người thực thi nó, đến nỗi, trong các vấn đề tín lý và suy lý, các quyết định của họ, trong khi đòi hỏi nơi chúng ta sự vâng phục tôn giáo, không ngụ ý tính không thể sai lầm, ngược lại trong những vấn đề mang tính kỷ luật hoặc thực tế, trong khi cũng đòi hỏi sự tuân phục tôn giáo, chúng cũng có thể không có sự khôn ngoan cao hơn của Giáo hội.

Trong khu vực đầu tiên, chúng ta đương đầu với ngôi vị của Giáo hội hành động qua tính công cụ của các thừa tác viên. Trong khu vực thứ hai, chúng ta đương đầu với tính nguyên nhân chính của các thừa tác viên{3}.

Các quyết định của các Thánh bộ Rôma thuộc khu vực thứ hai, trừ khi nhờ một số bảo đảm hoặc xác nhận đặc biệt từ Đức Giáo Hoàng, chúng phụ thuộc vào một điều gì đó cao hơn.

3. Các Thánh bộ Rôma và Đức Giáo Hoàng. – Trên thực tế có thể xảy ra việc này: một số quyết định nào đó của các Thánh bộ phải được coi là có sự tham gia của chính Giáo hội và ngôi vị của Giáo hội, - không phải vì Thánh bộ ban hành chúng mà vì Đức Giáo Hoàng, người phê chuẩn chúng, đặc biệt vì công thức ngài sử dụng để phê chuẩn chúng (đây là trường hợp được tôi quan tâm ở đây).

Các Thánh bộ Rôma là các cơ quan do Đức Giáo Hoàng lập ra và được ngài sử dụng để điều hành và giảng dạy. Nhưng Đức Giáo Hoàng có thể phê chuẩn quyết định của một Thánh bộ theo hai cách khác nhau: hoặc đơn giản in forma communi [hình thức thông thường), trong trường hợp này, quyết định này trực tiếp xuất phát từ chính Thánh bộ và được ban hành dưới danh xưng của nó; hoặc theo cách đặc biệt, in forma specifica [hình thức đặc biệt], trong trường hợp này, "Đức Giáo Hoàng minh nhiên tiếp nhận sắc lệnh và ban hành sắc lệnh đó với danh xưng của mình, như sử dụng các công thức sau: 'Bằng thẩm quyền riêng của ta, với sự hiểu biết chắc chắn của ta, trong sự viên mãn quyền lực tông đồ của ta'"{4}.

Thế nhưng, trong trường hợp trong đó một sắc lệnh tín lý do một Thánh bộ Rôma soạn thảo được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn in forma specifica (sử dụng trọn vẹn thẩm quyền tông truyền của ngài; điều này hết sức giống với việc phán ex cathedra), tôi chắc chắn sắc lệnh tín lý này phải được coi là không thể sửa đổi. Và do đó, nhờ sự phê chuẩn như vậy, nó được chuyển sang điều tôi vừa gọi là khu vực thứ nhất của quyền qui điển.

Nhưng trong mọi trường hợp (những trường hợp thường xuyên nhất), trong đó một sắc lệnh tín lý chỉ được phê chuẩn in forma communi và do đó chỉ được ban hành bởi thẩm quyền riêng của chính Thánh bộ, thì sắc lệnh đó thuộc về khu vực thứ hai của quyền qui điển, nói cách khác, được coi là ban hành một cách có thể sai lầm.

Phán quyết của Văn phòng Thánh kết án Galilêô năm 1633 đã được phê chuẩn in forma communi.

Có tính kỷ luật chỉ vì các hình phạt áp đặt lên Galilêô, chứ tự nó, nó hiển nhiên là một sắc lệnh tín lý: nó dựa trên điều đã được các nhà thần học của Văn phòng thánh nói vào năm 1616 (chúng ta hãy nhắc lại điều này: cho rằng mặt trời là trung tâm của thế giới là điều "vô nghĩa và phi lý về mặt triết học, và lạc giáo một cách chính thức"{5}), và tuyên bố Galilêô "bị mạnh mẽ nghi ngờ là lạc giáo", tức đã tin "một lý thuyết sai và trái với Kinh Thánh cho rằng mặt trời là trung tâm của thế giới" và đã tin "rằng một lý thuyết đã bị tuyên bố và xác định là trái với Kinh Thánh vẫn có thể được duy trì và bênh vực như có thể chứng minh được"{6}.

Nhưng sắc lệnh này hoàn toàn không thể tự cho là không thể sai lầm, không một ủy ban hoặc hội đoàn chuyên gia về thần học nào có thể coi điều mình nói dựa vào thẩm quyền của chính mình như là tiếng nói của Giáo hội. "Điều hiển nhiên đối với ngay các ý kiến đương thời là việc lên án lý thuyết này đã được ban hành trong vấn đề có thể sửa đổi và bởi một thẩm quyền có thể sai lầm"[7}.

Việc tuyên thệ từ bỏ của Galilêô

1.Trong bản văn đọc lời thề từ bỏ trong khi quỳ gối, đặt tay trên các sách Tin Mừng, và được Galilêô ký tên trước Văn phòng Thánh, ông nhắc lại trước hết "bị mạnh mẽ nghi ngờ là lạc giáo, tức đã chủ trương và tin rằng mặt trời là trung tâm của thế giới và bất động, và trái đất không phải là trung tâm, và chuyển động", rồi ông nói thêm: "Vì vậy, mong muốn làm cho sự nghi ngờ kịch liệt này từng được cấu thành cách chính đáng chống lại tôi, biến khỏi tâm trí của các Đức Ngài và của mọi Kitô hữu, tôi thề bỏ, tôi lên án và tôi ghê tởm các sai lầm và lạc giáo nói trên... "

Chúng ta nghĩ gì về việc thề từ bỏ này, trong những gì liên quan tới chính Galilêô? Sợ hãi chắc chắn đã đóng một vai trò trong đó, nhưng nếu nghĩ rằng Galilêô ký giả vào văn bản này, thì đây là một lầm lẫn nghiêm trọng. Trên đây, tôi đã nhắc đến lòng chân thành tôn trọng phẩm trật và đức vâng lời tôn giáo của ông ("Tôi có thiên hướng muốn móc mắt để khỏi gây tai tiếng hơn là chống lại các bề trên của tôi" {8}). Việc ông thề bỏ là một hành vi bạo lực đối với lương tâm của ông, bị phân rẽ giữa đức vâng lời tôn giáo và niềm tin khoa học của ông ("điều xem ra hiển nhiên đối với tôi và tôi nghĩ tay tôi đã chạm vào nó" {9}), vì giờ đây, người ta buộc ông lấy điều đầu tiên bác bỏ và hy sinh điều thứ hai, tuy nhiên điều thứ hai này vẫn còn đó. Sự mâu thuẫn trong hành vi sống, đó chính là điều hành khổ tinh thần.

Eppur si muove [nó vẫn chuyển động], câu nói có lẽ đã trở thành huyền thoại, nhưng vẫn có ý nghĩa. Nó vẫn chuyển động. Nhưng tôi thề trên sách Tin Mừng rằng nó không chuyển động.

2. Đối với các thẩm phán của Văn phòng Thánh, tôi không thấy một thuật ngữ nào khác ngoài thuật ngữ lạm dụng quyền hành, và là một thuật ngữ đặc biệt nghiêm trọng, để chỉ điều họ đã làm khi áp đặt sự thề bỏ này lên Galilêô bằng một cưỡng bức tinh thần bạo lực nhất. Vì (nếu đúng, - và điều này chắc chắn đúng, - như Đức Hồng Y Journet viết, tất cả những người đương thời đều cho là hiển nhiên "việc lên án tín lý này đã được ban hành trong một vấn đề có thể thu hồi được, bởi một thẩm quyền có thể sai lầm"), thì những người đương thời này chắc chắn là những người đầu tiên biết rằng họ có thể sai lầm{10}. Chính do xác tín bản thân của họ mà thuyết lấy mặt trời làm trung tâm là một lạc giáo: niềm xác tín này không phải là không thể sai lầm, cả sắc lệnh mà do đó, nó được phát biểu cũng thế. Họ không có quyền bắt buộc Galilêô, như thể ông bị ràng buộc vào đó bởi chân lý đức tin, áp đặt lên tinh thần một cách không thể sai lầm, một bác bỏ nội tâm tuyệt đối thuyết mặt trời là trung tâm và thề trên sách Tin Mừng rằng ông đã "thề bỏ, nguyền rủa và ghê tởm” “lạc giáo” do lý thuyết này tạo ra. Trong bản kết án, họ tuyên bố rằng quan điểm của Copernic đã được định tín là "trái với Kinh thánh." Định tín bởi ai? Bởi Giáo hội, bởi Đức Giáo Hoàng phát biểu ex cathedra? Không hề. Chỉ do họ định tín, những con người có thể sai lầm. Bằng một phán đoán thuộc phạm vi khôn ngoan, họ có thể khiến Galilêô thề không tuyên truyền ý kiến này{11}. Họ không thể bắt ông thề rằng ông coi nó là lạc giáo và trái với Kinh thánh, và ông nguyền rủa và ghê tởm nó trong trái tim ông.

Sự lạm dụng quyền hành như vậy cho chúng ta thấy rằng vào thế kỷ XVII, các nhân sự cao cấp của Giáo hội vẫn tiếp tục tiến bước (theo cách khác, chắc chắn thế, nhưng chỉ theo cách khác thôi) theo con đường được Tòa Lạc giáo thời trung cổ mở ra: ưu tiên sử dụng các phương tiện cưỡng chế thể lý và bạo lực (giờ đây đã trở thành bạo lực tâm lý); và chủ yếu tin tưởng vào các phương tiện này để bảo vệ đức tin.



Những điều này khó bị diệt trừ: một nhân sự tự phán đoán mình được trao cho phẩm giá của chính ngôi vị Giáo hội thì khó có thể sẵn sàng nhìn nhận công khai rằng mình sai lầm. Chỉ đến năm 1822, Văn phòng Thánh mới cho phép in ở Rôma các tác phẩm dạy về việc trái đất chuyển động quanh mặt trời. Nhưng vào năm 1734, chỉ một trăm năm sau vụ kết án, Văn phòng Thánh đã cho phép Đại Công tước Florence chuyển tro cốt của Galilêô đến một ngôi mộ được dựng lên để vinh danh ông ở Vương cung thánh đường Santa-Croce, và trên ngôi mộ ấy có dòng chữ ca ngợi ông như sau "nhà cải cách vĩ đại của thiên văn học," nulli aetatis suae comparandus [không ai thời ông sánh bằng]. Và năm 1744, Đức Bênêđíctô XIV đã cho phép xuất bản một ấn bản Dialogue (Đối thoại) được sửa đổi và sửa chữa (sửa chữa rất ít). "Chủ nghĩa duy luật" không hoàn toàn loại trừ cảm thức tốt.

Sai lầm của Văn phòng Thánh

1. Việc kết án Galilêô là một sai lầm đặc biệt nghiêm trọng nơi các nhân sự cao cấp của Giáo hội (hành động như một nguyên nhân chính): một sai lầm đã làm vấy bẩn ngôi vị của Giáo hội trong một thời gian dài, và gây nguy hiểm cho nhiều linh hồn tin rằng lời kết án này là một hành vi của chính Giáo hội, của Una, sancta, catholica [duy nhất, thánh thiện, Công Giáo].

Tuyên bố rằng nghĩ rằng trái đất xoay quanh mặt trời là điều vô nghĩa và phi lý về mặt triết học {12}, và là lạc giáo một cách chính thức, như các nhà thần học của Văn phòng Thánh đã làm vào năm 1616; và tuyên bố, như họ đã làm vào năm 1633, rằng thuyết coi mặt trời là trung tâm là một lý thuyết sai lầm và trái với Kinh Thánh, một sai lầm và lạc giáo, mà nếu người ta muốn rửa sạch mối nghi ngờ đã tin vào nó, thì cần phải thề bỏ, ghê tởm và nguyền rủa, - là phạm một "sai lạc" ở mức cao nhất, một sai lầm nhanh chóng được nhìn nhận như vậy trong toàn bộ thế giới văn hóa.

Và sở dĩ các thẩm phán của Văn phòng Thánh đã sai lầm nghiêm trọng như thế, thì đó là vì, qua một lỗi lầm nguyên tắc còn nguy hiểm hơn vì với ý nghĩa tổng quát, họ coi khoa học về các hiện tượng trong diễn trình phát triển của nó như thuộc quyền xét xử của thần học và của lối giải thích theo nghĩa đen về Kinh thánh, một điều đã được Thánh Augustinô và Thánh Tôma cảnh cáo trước. Như Đức Hồng Y Journet viết, sai lầm lớn {13} là "đã thiếu lòng can đảm cần thiết để tách ngay tức khắc Kinh thánh ra khỏi cuộc tranh cãi về việc ủng hộ hay chống đối thuyết trái đất là trung tâm".

Cuối cùng, khi nói các sự vật như chúng là trong sự kiện và cụ thể, họ đã sai lầm, không còn ở trong đầu họ và các phán đoán của trí hiểu của họ nữa, mà trong tâm lý sâu xa và những phản xạ vô thức cũng như trong tác phong thực tế của họ, bằng cách tự huyễn hoặc về bản thân và về vị thế của họ (chỉ dưới Giáo hoàng, ở đỉnh của phẩm trật), và bằng cách thực tế coi mình là Giáo hội. Từ đó, sự sự kiêu ngạo và độc đoán nơi những người vốn có lòng khiêm tốn bản thân sâu xa có thể biểu lộ trong chức năng của họ, và sự huy hoàng vinh dự mà họ mong muốn nó được bao quanh. Một sai lầm như trong mơ, nếu tôi được phép nói như thế, và còn dai dẳng hơn, và không chỉ các quan tòa của Galilêô mới sa vào.

Nếu Văn phòng Thánh quá chậm chạp trong việc nhận ra lỗi lầm của họ, và nếu họ làm như vậy một cách lén lút{14}, đó là vì họ tin rằng sắc lệnh kết án của họ (công việc của các nhân sự Giáo hội đóng vai trò nguyên nhân chính) là một hành vi của chính Giáo hội (của ngôi vị Giáo hội).

2. Việc kết án Galilêô diễn ra vào thời điểm nó diễn ra, và việc Văn phòng Thánh lúc đó sa vào một lỗi lầm đáng kể - và thật nhục nhã – như thế, há điều này không có ý nghĩa lịch sử cao, và giá trị của một cảnh cáo độc đáo hay sao?

Để bảo vệ đức tin, đã đến lúc các nhân sự của Giáo hội phải sử dụng một nẻo đường khác ngoài nẻo đường vũ lực do Tòa Lạc giáo trung cổ mở ra. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa bền lâu hơn chúng ta nghĩ nhiều; tuy nhiên nó vẫn có giới hạn. Sai lầm mà Văn phòng Thánh đã mắc phải khi kết án Galilêô đã đánh dấu giới hạn của một sự kiên nhẫn lâu đời.

Nhưng để hiểu được lời cảnh cáo, nhân sự của Giáo hội vẫn mất tròn ba thế kỷ, - cho đến khi chính ngôi vị của Giáo hội làm cho tiếng nói của mình được người ta nghe qua Công đồng Vatican thứ hai.

Còn tiếp
 
VietCatholic TV
Cảm tử Ukraine đột kích bắt sống 10 chỉ huy Nga. Patriot sớm đến Kyiv. Nga trả đũa vụ sân bay Engels
VietCatholic Media
03:45 27/12/2022


1. Thành công lớn: Cảm tử Ukraine đột kích bắt được 10 chỉ huy quân Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai 26 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Đại Tá Oleksandr Motuzianyk, cho biết Tiểu Đoàn 108 Biệt Kích Sơn Cước đã bất ngờ đột kích vào một sở chỉ huy của quân Nga bên ngoài thị trấn Ivanivske vào chiều Giáng Sinh 25 tháng 12. Quân Nga bị bất ngờ, nên sau một cuộc giao tranh ngắn ngủi, lính canh bên ngoài đã bị loại khỏi vòng chiến.

Đại Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết: “Khi lễ Giáng Sinh được tổ chức ở Ukraine và trên toàn thế giới, các binh sĩ xung kích miền núi thuộc Tiểu đoàn Biệt Kích Sơn Cước số 108 đã xông vào các vị trí của quân xâm lược, tiêu diệt nhiều kẻ xâm lược và bắt sống mười người”.

Trong số 10 người bị bắt, một số là chỉ huy của Trung Đoàn cờ đỏ súng trường cơ giới số 752 của Quân đoàn vũ trang liên hợp số 20. Số còn lại là các chỉ huy của quân Wagner. Đây có thể coi là bộ chỉ huy tiền phương của quân Nga trong trận đánh tại thành phố Bakhmut. Bắt được những người này được xem là một thành công rất lớn của Tiểu Đoàn Biệt Kích Sơn Cước vì nó sẽ giúp tiết kiệm nhiều xương máu của quân Ukraine.

Thật vậy, trong bản tin tình báo ngày 19 tháng 12, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết cách thức các đặc vụ Wagner chiến đấu tại thành phố Bakhmut như sau: Từng cá nhân các chiến binh này thường được cấp một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng hiển thị trục tiến công và mục tiêu tấn công được chỉ định cho mỗi cá nhân và được đặt chồng lên hình ảnh vệ tinh thương mại. Các cấp chỉ huy ẩn nấp đâu đó xa xa và ra lệnh cho họ qua các thiết bị này.

Chiến thuật của nhóm lính đánh thuê Wagner cho đến nay đã được chứng minh là không có hiệu quả vì không chiếm được một mục tiêu nào, mà còn gây thương vong quá cao. Tuy nhiên, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định nhóm này sẽ không thay đổi chiến thuật của họ vì họ muốn bảo tồn tài sản quý hiếm của Wagner bao gồm các chỉ huy giàu kinh nghiệm và các xe bọc thép, với cái giá phải trả là những tân binh dễ tìm hơn từ những kẻ bị kết án, mà tổ chức đánh giá là có thể tiêu xài thả cửa.

Tiểu Đoàn 108 Biệt Kích Sơn Cước là một phần của Lữ đoàn 10 Biệt Kích Sơn Cước, là một lữ đoàn tác chiến miền núi của Lực lượng lục quân Ukraine. Lữ đoàn 10 Biệt Kích Sơn Cước có trụ sở tại Kolomyia. Được thành lập vào cuối năm 2015, lữ đoàn đã chiến đấu trong cuộc chiến ở Donbas từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2016, bảo vệ các vị trí xung quanh Marinka. Lữ đoàn 10 một lần nữa được triển khai tới Donbas vào tháng 9 năm 2017 để bảo vệ các vị trí xung quanh Popasna. Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, lữ đoàn đã chiến đấu xung quanh Mariupol vào tháng 2 và vào tháng 12 họ được tăng phái cho chiến trường Bakhmut.

2. Nga mở 23 cuộc tấn công vào ba cộng đồng của vùng Sumy giáp với Nga để trả thù cho cuộc tấn công vào sân bay quân sự Engels

Đại Tá Georgi Gleba, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân xâm lược Nga đã phát động 23 cuộc tấn công bằng pháo và súng cối vào ba cộng đồng biên giới của vùng Sumy trong ngày thứ Hai 26 tháng 12.

“Trong ngày, người Nga đã thực hiện 23 cuộc tấn công vào ba cộng đồng trong khu vực. Một cuộc pháo kích nhắm vào cộng đồng Seredyno-Buda); 16 cuộc pháo kích vào Cộng đồng Esman; và 6 cuộc pháo kích vào cộng đồng Bilopillia.”

Ông xác định rằng may mắn không có thương vong hoặc thiệt hại nào được báo cáo.

Các phương tiện truyền thông Nga loan tin về các vụ tấn công ồ ạt này nói rằng chúng được thực hiện nhằm trả đũa cho vụ tấn công của Ukraine vào sân bay quân sự Engels khiến 3 binh sĩ Nga bị thiệt mạng.

Truyền thông Ukraine và Nga đưa tin rằng các vụ nổ đã được nghe thấy sau nửa đêm Chúa Nhật rạng sáng ngày thứ Hai tại căn cứ không quân Engels, nơi có các máy bay ném bom chiến lược, cách biên giới Ukraine đến 370 dặm hay 600 km.

Hãng thông tấn RBC-Ukraine đưa tin về hai vụ nổ, trong khi hãng tin Baza của Nga dẫn lời người dân đã nghe thấy tiếng còi báo động không kích và một vụ nổ rất lớn.

Đây là lần thứ hai căn cứ này bị tấn công. Lần trước là vào ngày 5 tháng 12. Các nhà phân tích cho biết các cuộc tấn công đã làm tổn hại danh tiếng của Mạc Tư Khoa và đặt ra câu hỏi về khả năng phòng thủ của nước này.

Ukraine chưa bao giờ công khai nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong nước Nga, nhưng cho biết các vụ việc là “quả báo” cho cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm nay.

Trong các bình luận hôm thứ Hai, phát ngôn nhân Lực lượng Không quân Ukraine Yurii Ihnat không nhận trách nhiệm trực tiếp đối với cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, nhưng cho rằng cuộc tấn công là “hậu quả của những gì Nga đang làm”.

“Nếu người Nga nghĩ rằng chiến tranh sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở hậu phương sâu xa của Nga hay bất kỳ nơi nào khác, thì họ đã nhầm to. Do đó, như chúng ta thấy, những điều như vậy đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và chúng ta hãy hy vọng rằng điều này sẽ chỉ có lợi cho Ukraine”, ông Ihnat nói.

3. Quân đội Nga thiệt mạng ở Ukraine tăng lên 102.600

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 27 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Đại Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết quân đội Nga tiếp tục tấn công ở hai hướng Bakhmut và Lyman, đồng thời tổ chức phòng thủ ở các hướng khác.

Ông cho biết: “Quân xâm lược vẫn đang tập trung nỗ lực tiến hành các hoạt động tấn công theo hướng Bakhmut và Lyman, đồng thời đang cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật của họ ở các hướng Kupiansk, Avdiivka và Zaporizhzhia. Ở các hướng Novopavlivka và Kherson, kẻ thù đang tổ chức phòng thủ”

Trong khu vực Luhansk, Lữ Đoàn Dù 71 đột kích vào một khu vực tập trung nhân lực của kẻ thù gần Plovynkyne thuộc quận Starobilsk, giết chết và làm bị thương tới 150 quân xâm lược Nga.

Một đoàn xe của Nga tiến đánh Lyman đã bị pháo binh và không quân Ukraine tấn công ở làng Lypnove, phía bắc thành phố Lyman. Hàng trăm binh lính Nga tử trận và một con số đông đảo ra đầu hàng. 12 xe chuyển quân, 2 xe tăng và 3 xe thiết giáp bị phá hủy. Tù binh bị bắt tại trận cho hay quân Nga chỉ toàn là lực lượng dự bị. Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai bày tỏ ngạc nhiên về cách dụng binh của người Nga. Ngày 6 tháng 12 vừa qua, Lữ Đoàn 3 Cận Vệ Spetsnaz của Nga đã thất bại khi tiến đánh Lyman, bỏ chạy để lại lại hơn 200 xác đồng đội cùng với 2 xe tăng và 4 thiết giáp. Không thể hiểu người Nga hy vọng vào điều gì khi đưa một lực lượng dự bị quay lại một chiến trường mà quân đội chuyên nghiệp đã thất bại.

Trong khu vực Kherson, bộ binh Ukraine đã tấn công một căn cứ quân sự của Nga loại khỏi vòng chiến 50 lính Nga và làm bị thương khoảng 100 người khác. Khoảng năm đơn vị thiết bị quân sự các loại của địch đã bị phá hủy.

Trong ngày qua, quân đội Nga đã thực hiện 19 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Mối đe dọa về các cuộc không kích và tấn công bằng hỏa tiễn của kẻ thù vào lãnh thổ Ukraine vẫn còn rất cao.

Đáp lại, lực lượng Không quân Ukraine đã tấn công một khu vực tập trung quân nhân Nga. Các đơn vị của lực lượng hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã tấn công 4 sở chỉ huy và 6 khu vực tập trung quân xâm lược.

Trong 24 giờ qua, 550 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng 5 xe tăng, 7 xe thiết giáp, 5 hệ thống pháo.

Tính chung, từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 26 tháng 12, 102.600 quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 3.016 xe tăng, 6.017 xe thiết giáp, 1.996 hệ thống pháo, 418 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 212 hệ thống phòng không, 283 máy bay chiến đấu, 267 máy bay trực thăng, 1.707 máy bay không người lái, 653 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4.647 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 178 đơn vị thiết bị đặc biệt.

4. Các hệ thống Patriot sẽ được triển khai ở Ukraine trong vòng sáu tháng - Kuleba

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết các hệ thống phòng không Patriot dự kiến sẽ được triển khai tại Ukraine trong khoảng 6 tháng sau khi mọi công tác chuẩn bị cần thiết được hoàn tất.

Kuleba cũng cho biết ông “hoàn toàn hài lòng” với kết quả chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy vào tuần trước.

Ông tiết lộ rằng thông thường, quá trình đào tạo kéo dài tới một năm, nhưng chính phủ Mỹ đã lên một kế hoạch đặc biệt để đưa tổ hợp hỏa tiễn Patriot sẵn sàng hoạt động tại Ukraine trong vòng chưa đầy 6 tháng.

Trong gói viện trợ quốc phòng mới nhất của Mỹ dành cho Ukraine, trị giá 1,85 tỷ USD, Washington đã cam kết cung cấp cho Ukraine một dàn hệ thống phòng không Patriot vốn được yêu cầu từ lâu để giúp bảo vệ bầu trời Ukraine khỏi các hỏa tiễn của Nga.

Vào ngày 21 tháng 12, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Ông đã đến thăm Hoa Kỳ, nơi ông đã gặp tổng thống Mỹ Joseph Biden và phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội.

5. Đặc công Nga tử trận khi tìm các vượt sông Dnipro gần Kherson

Các nhóm trinh sát và phá hoại của Nga đã thực hiện nhiều nỗ lực bất thành để đến hữu ngạn sông Dnipro gần thành phố Kherson.

Giám đốc Trung tâm Báo chí Thống nhất của Lực lượng Phòng vệ Kherson Yevhenii Yerin cho biết như trên qua truyền hình trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 27 tháng 12.

“Có một số hành động nhất định từ phía quân xâm lược. Các nhóm phá hoại và trinh sát của chúng đang cố gắng đến bờ đối diện. Các đơn vị tình báo của chúng tôi đang theo dõi hành động của họ và thông thường, các cuộc tấn công bằng pháo binh được thực hiện vào các nhóm như vậy. Nếu bị phát hiện, những nhóm như vậy sẽ bị loại bỏ ngay lập tức. Kẻ thù không được phép có chỗ đứng và mở rộng hoạt động theo hướng này”, Yerin nói.

Theo lời của ông, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã sẵn sàng để phá vỡ những nỗ lực của kẻ thù để tiếp cận hữu ngạn sông Dnipro. Quân đội Ukraine hiện đang củng cố các vị trí, cụ thể là tạo hàng rào mìn dọc theo hữu ngạn sông Dnipro, nơi có thể đụng độ với kẻ thù.

6. Lực lượng phòng không Ukraine phá hủy 70 máy bay không người lái trong lô hàng máy bay không người lái thứ hai của Iran gởi cho Nga

Các đơn vị phòng không Ukraine đã phá hủy khoảng 70 máy bay không người lái thuộc lô hàng máy bay không người lái thứ hai mà Nga nhận được từ Iran và đã được sử dụng để tấn công lãnh thổ Ukraine trong hai tuần qua.

Phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân, Đại Tá Yurii Ihnat đã cho biết như trên trong cuộc hội thoại truyền hình tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 27 tháng 12,

“Như các bạn đã biết, Nga đã nhận được lô hàng máy bay không người lái thứ hai. Lô hàng này bao gồm khoảng 400 máy bay không người lái. Quân xâm lược đã sử dụng lô hàng này trong bốn đợt tấn công vào tuần trước và tuần trước nữa. Khoảng 70 máy bay không người lái đã bị phá hủy bởi các đơn vị phòng không,” Ihnat nói.

Theo ông, kẻ thù vẫn có máy bay không người lái, và cần phải chuẩn bị và củng cố trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong tương lai, điều này đặc biệt quan trọng đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Đại Tá Ihnat nói thêm, nếu phía Iran, bất chấp những lời hứa của mình, không ngừng cung cấp máy bay không người lái và các loại vũ khí khác cho Nga, thì cần phải tiếp tục gây sức ép với nước này.

Trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 12 năm 2022 đến ngày 20 tháng 12 năm 2022, các đơn vị phòng không và Lực lượng Vũ trang Ukraine đã bắn hạ 67 máy bay không người lái tự sát Shahed do Iran sản xuất.

7. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine nhận định chưa có hỏa tiễn nào được chuyển tới Nga từ Iran, và Trung Quốc

Iran chưa bao giờ bàn giao một hỏa tiễn nào cho Liên bang Nga. Giám đốc Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, thiếu tướng Kyrylo Budanov, đã cho biết như trên hôm thứ Ba 27 tháng 12.

Ngoài máy bay không người lái tấn công một chiều Shahed-136 và Shahed-131, Iran đã cung cấp cho Nga Mohajer-6, là loại máy bay không người lái cỡ lớn, tương tự về tính năng chiến thuật và kỹ thuật như Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Liên bang Nga đang cố gắng “mua đạn dược từ Iran và muốn người Iran bán hỏa tiễn đạn đạo cho họ. Tuy nhiên, Iran chưa bao giờ bàn giao một hỏa tiễn nào”, Budanov nói.

Về Trung Quốc, người đứng đầu cơ quan tình báo lưu ý rằng bất chấp thỏa ước hợp tác vô giới hạn được Tập Cận Bình và Putin ký ngay trước cuộc xâm lược Ukraine, “Trung Quốc không chuyển giao bất kỳ loại vũ khí nào. Và họ sẽ không làm thế, theo như chúng tôi hiểu.”

Thiếu Tướng Budanov cho biết Nga có đủ hỏa tiễn cho hai hoặc ba cuộc tấn công lớn nữa.

8. Zelenskiy gọi tình hình tiền tuyến ở vùng Donbas là “khó khăn, đau đớn”

Tổng thống Ukraine Zelenskiy cho biết tình hình tại các khu vực tiền tuyến như Bakhmut, Kreminna và các khu vực khác ở miền đông Donbas là “khó khăn, đau đớn”.

“Hoàn cảnh ở đó rất khó khăn, đau đớn. Quân xâm lược đang sử dụng tất cả các nguồn lực chúng có trong tay - và đây là những nguồn lực quan trọng - để đạt được ít nhất một số tiến bộ nào đó,” ông nói như trên trong bài phát biểu hàng đêm gởi quốc dân đồng bào hôm thứ Hai.

Tổng thống Zelenskiy đã cảm ơn những binh sĩ đã làm việc trong đêm Giáng Sinh và ngày Giáng Sinh để khôi phục năng lượng cho các vùng khác nhau của đất nước. Ông nói rằng trong khi vẫn còn một số lần mất điện, tình hình đang được cải thiện.

“Tính đến tối nay, khoảng 9 triệu người bị cắt điện ở các khu vực khác nhau của Ukraine. Nhưng số lượng và thời gian mất điện đang giảm dần. Tôi biết ơn từng người đã bảo đảm kết quả này”.

“Hôm nay, tôi đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt với các quan chức chính phủ về tình hình trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng. Chúng tôi đang chuẩn bị cho năm tới — và không chỉ cho những tháng mùa đông. Có những mối đe dọa phải được loại bỏ. Có những bước cần thực hiện. Và nhà nước chắc chắn sẽ đạt được”

Tổng thống Ukraine nói với mọi người hãy chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiếp theo của Nga khi chiến tranh kéo dài, và nhấn mạnh rằng, “Phòng không đang chuẩn bị, nhà nước đang chuẩn bị và mọi người phải chuẩn bị. Xin hãy chú ý đến còi báo động.”

9. Tượng đài phi công Valery Chkalov, anh hùng không quân Nga đã bị giật xuống

hôm 26/12, tượng đài phi công Valery Chkalov, anh hùng không quân Nga, nằm ở lối vào công viên Globes đã bị giật xuống. Các công việc này được thực hiện theo quyết định của Hội đồng thành phố Dnipro số 1055 ngày 6 tháng 12 năm 2022.

Phó thị trưởng Dnipro, Mykhailo Lysenko, cho biết có tổng cộng 6 tượng đài đang bị dỡ bỏ trong thành phố. Một phần của công việc đã được thực hiện.

Ông cũng nói về số phận tương lai của các di tích. “Chúng tôi mang tất cả các di tích đã tháo dỡ đến cơ sở của một trong những doanh nghiệp chung của thành phố để cất giữ thích hợp, và số phận tiếp theo của chúng sẽ do các chuyên gia của Hội đồng thành phố Dnipro quyết định.”

Ukraine đang đẩy mạnh nỗ lực xóa bỏ dấu tích ảnh hưởng của Liên Xô và Nga khỏi các không gian công cộng bằng cách dỡ bỏ các tượng đài và đổi tên hàng trăm con phố để vinh danh các nghệ sĩ, nhà thơ, binh lính, các nhà lãnh đạo độc lập và những người khác – bao gồm cả những anh hùng của cuộc chiến năm nay.

Sau cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa giết chết hoặc làm bị thương vô số dân thường và binh lính, đồng thời phá hủy các tòa nhà và cơ sở hạ tầng, các nhà lãnh đạo Ukraine đã chuyển một chiến dịch từng tập trung vào việc xóa bỏ quá khứ Cộng sản của nước này thành một chiến dịch “phi Nga hóa”.

Hãng thông tấn Associated Press đưa tin:

Những con phố vinh danh nhà lãnh đạo cách mạng Vladimir Lenin hay Cách mạng Bolshevik phần lớn đã biến mất; bây giờ Nga là kẻ thù.

Đó là một phần hình phạt cho những tội ác do Nga gây ra, và một phần khẳng định bản sắc dân tộc bằng cách tôn vinh những người Ukraine nổi tiếng, những người hầu như bị bỏ qua trong thời kỳ Liên Xô.

Nga, thông qua Liên Xô, được nhiều người ở Ukraine coi là đã đóng dấu sự thống trị của họ lên nước láng giềng ở phía tây nam trong nhiều thế hệ, khiến các nghệ sĩ, nhà thơ và anh hùng quân đội của họ rơi vào tình trạng ít người biết đến, so với những người Nga nổi tiếng hơn.

Nếu những người chiến thắng viết nên lịch sử, như một số người nói, thì người Ukraine đang viết lại lịch sử của chính họ – ngay cả khi số phận của họ đang ở thế cân bằng. Bản sắc dân tộc của họ đang có những gì có thể là một sự đột biến chưa từng thấy, theo nhiều cách.
 
Cậu bé giúp lễ cho Putin còn giận, chúc Giáng Sinh ĐGH nhạt như nước ốc. Giáng Sinh tại Ukraine
VietCatholic Media
05:51 27/12/2022


1. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nhận xét rằng tin tức về Giáng Sinh ở Ukraine vang vọng bên cạnh chiến tranh

Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew trong lời chúc Giáng Sinh gửi tới người dân Ukraine đã nói rằng Lễ Giáng Sinh ở Ukraine giờ đây vang vọng bên cạnh tiếng ồn ào của chiến tranh và tiếng va chạm của vũ khí.

“Thật không may, năm nay sứ điệp tin mừng Giáng Sinh lại vang vọng cùng với âm thanh chiến tranh và tiếng súng trên Tổ quốc của anh chị em, nơi đang trải qua những hậu quả khủng khiếp của một cuộc xâm lược đầy khiêu khích và bất công. Cuộc chiến này, do sự xâm lược của Liên bang Nga gây ra vào tháng 2 năm ngoái, là cuộc khủng hoảng địa chính trị và nhân đạo tồi tệ nhất ở Âu Châu kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, với tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội trên toàn thế giới. Đối với chúng ta, những tín hữu Kitô, tất cả các cuộc chiến đều là sát hại anh em của mình,” Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói.

Đức Thượng phụ Đại kết lưu ý rằng uy tín của các tôn giáo ngày nay tùy thuộc vào thái độ của họ đối với việc bảo vệ tự do và nhân phẩm của con người cũng như sự đóng góp của họ cho hòa bình.

“Giáo hội Mẹ đặc biệt nghĩ đến tất cả anh chị em, những người đang cử hành Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô trong mùa giá rét này, đặc biệt là năm nay ở Ukraine, không có điện, không có máy sưởi, và đang không ngừng cầu nguyện cho hòa bình và công lý được lập tức phục hồi, cho sự hồi sinh của Ukraine”

Ngài nói thêm rằng chỉ có tình đoàn kết với người dân Ukraine mới có thể chiến thắng cái ác và bóng tối. “Chúng tôi hy vọng, khi thời gian cho phép, sẽ được thăm lại Quê hương kiên cường của anh chị em, khi đó sẽ thấy tất cả các Kitô hữu Chính thống giáo ở Ukraine đoàn kết trong một Giáo hội hưng thịnh! Chúng tôi chúc tất cả anh chị em nhiều năm may mắn!”
Source:Kyiv Post

2. Đại sứ Ukraine cạnh Tòa Thánh nói: Chiến tranh với Nga cuối cùng sẽ thuyết phục người Ukraine đón Giáng Sinh cùng với thế giới văn minh

Hoàn cảnh năm nay khuyến khích người Ukraine nhận ra tầm quan trọng của việc tổ chức lễ Giáng Sinh cùng với toàn thế giới văn minh.

Đại sứ Ukraine tại Vatican Andrii Yurash đã đưa ra lập trường trên trong một chương trình truyền hình của Ukraine nhân ngày Lễ Giáng Sinh.

“Tôi chắc chắn rằng không giống như những năm trước khi chỉ có những cuộc thảo luận thuần túy lý thuyết, hoàn cảnh năm nay sẽ dẫn đến quá trình chuyển đổi nhanh hơn nhiều và nhận thức của người Ukraine về tầm quan trọng của việc cử hành Giáng Sinh cùng với thế giới văn minh,” Yurash nói.

Giáo Hội Công Giáo, Tin lành và nhiều Giáo Hội Chính thống ở Đông Âu đã tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 theo lịch Grêgôriô.

Cũng trong xu hướng tách khỏi Nga, hôm 26/12, tượng đài phi công Valery Chkalov, anh hùng không quân Nga, nằm ở lối vào công viên Globes đã bị giật xuống. Các công việc này được thực hiện theo quyết định của Hội đồng thành phố Dnipro số 1055 ngày 6 tháng 12 năm 2022.

Phó thị trưởng Dnipro, Mykhailo Lysenko, cho biết có tổng cộng 6 tượng đài đang bị dỡ bỏ trong thành phố. Một phần của công việc đã được thực hiện.

Ông cũng nói về số phận tương lai của các di tích. “Chúng tôi mang tất cả các di tích đã tháo dỡ đến cơ sở của một trong những doanh nghiệp chung của thành phố để cất giữ thích hợp, và số phận tiếp theo của chúng sẽ do các chuyên gia của Hội đồng thành phố Dnipro quyết định.”

Ukraine đang đẩy mạnh nỗ lực xóa bỏ dấu tích ảnh hưởng của Liên Xô và Nga khỏi các không gian công cộng bằng cách dỡ bỏ các tượng đài và đổi tên hàng trăm con phố để vinh danh các nghệ sĩ, nhà thơ, binh lính, các nhà lãnh đạo độc lập và những người khác – bao gồm cả những anh hùng của cuộc chiến năm nay.

Sau cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa giết chết hoặc làm bị thương vô số dân thường và binh lính, đồng thời phá hủy các tòa nhà và cơ sở hạ tầng, các nhà lãnh đạo Ukraine đã chuyển một chiến dịch từng tập trung vào việc xóa bỏ quá khứ Cộng sản của nước này thành một chiến dịch “phi Nga hóa”.

Hãng thông tấn Associated Press đưa tin:

Những con phố vinh danh nhà lãnh đạo cách mạng Vladimir Lenin hay Cách mạng Bolshevik phần lớn đã biến mất; bây giờ Nga là kẻ thù.

Đó là một phần hình phạt cho những tội ác do Nga gây ra, và một phần khẳng định bản sắc dân tộc bằng cách tôn vinh những người Ukraine nổi tiếng, những người hầu như bị bỏ qua trong thời kỳ Liên Xô.

Nga, thông qua Liên Xô, được nhiều người ở Ukraine coi là đã đóng dấu sự thống trị của họ lên nước láng giềng ở phía tây nam trong nhiều thế hệ, khiến các nghệ sĩ, nhà thơ và anh hùng quân đội của họ rơi vào tình trạng ít người biết đến, so với những người Nga nổi tiếng hơn.

Nếu những người chiến thắng viết nên lịch sử, như một số người nói, thì người Ukraine đang viết lại lịch sử của chính họ – ngay cả khi số phận của họ đang ở thế cân bằng. Bản sắc dân tộc của họ đang có những gì có thể là một sự đột biến chưa từng thấy, theo nhiều cách.
Source:UkrInform

3. Đức Thượng Phụ Kirill chúc mừng Giáng Sinh Đức Thánh Cha Phanxicô, nhạt như nước ốc

Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Mạc Tư Khoa cho biết Thượng phụ Kirill đã chúc mừng Giáng Sinh đến Đức Thánh Cha Phanxicô bằng một sứ điệp ngắn ngủi mà ban biên tập Il seismografo cho là “nhạt nhẽo”.

“Tôi xin chúc mừng ngài nhân ngày lễ Giáng Sinh của Chúa và Cứu Chúa Giêsu Kitô của chúng ta. Tôi cầu chúc Chúa giúp đỡ ngài trong sứ vụ của ngài cũng như cầu chúc bình an và thịnh vượng cho đoàn chiên đã được trao phó cho ngài”.

+ Kirill, Thượng phụ Mạc Tư Khoa và toàn nước Nga

Trong một thông điệp khác, Kirill cũng gửi lời chào đến những người đứng đầu các Giáo hội khác, là những vị mừng lễ Giáng Sinh theo lịch Grêgôriô.

Đặc biệt, trong số những người nhận các thông điệp từ Thượng Phụ Kirill có nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống Syriac, Thượng phụ Antiôkia Ignatius Ephraim Đệ Nhị, Giáo chủ Công Giáo của Giáo Hội Đông Assyriô Ava Royel Đệ Tam, Thượng phụ Maronite Beshara Boutros al-Rai, Đức Thượng Phụ Công Giáo Malankara Basil Mar Thomas Matthew Đệ Tam.

Đối với các vị này Thượng Phụ Kirill viết dài hơn rất nhiều:

“Tôi chân thành chúc mừng ngài vào ngày lễ tươi sáng của Chúa Giáng Sinh là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi chúng ta. Giờ đây, chúng ta lại được trải nghiệm niềm vui lớn lao về sự ứng nghiệm của những lời tiên tri cổ xưa (Đanien 7:22). Chúa Tể của Vũ Trụ, ngồi trên ngai cao và tôn quý (Is 6:1), đã giáng trần để chuộc loài người khỏi quyền lực của hỏa ngục và giải cứu họ khỏi sự chết (Hos. 13:14). Sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế giới - minh chứng hùng hồn cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa vượt quá sự hiểu biết của nhân loại khi Ngài sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống (1 Ga 4:9). Tôi cầu chúc ngài niềm vui thánh thiện trong sự gần gũi với Đấng Cứu Rỗi và sự giúp đỡ hào phóng của Ngài trong sứ vụ tương lai, cùng với sự bình an và thịnh vượng cho đàn chiên được giao phó cho ngài. Thân ái trong Chúa Kitô.”

Kirill, Thượng phụ Mạc Tư Khoa và toàn nước Nga.

Thượng Phụ Kirill có lẽ vẫn còn rất giận Đức Thánh Cha vì đã gọi ông là “cậu bé giúp lễ” của Putin”. Tuy nhiên, cũng cần phải nói điều này Chính Thống Giáo Nga từ xưa đến nay vẫn có cái nhìn tiêu cực với Giáo Hội Công Giáo. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và nhiều vị lãnh đạo Chính Thống Giáo thường xuyên cầu nguyện chung với các vị Giáo Hoàng Công Giáo và mời các vị Giáo Hoàng tông du đến đất nước của họ. Có bao giờ người ta thấy Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga cầu nguyện chung với Đức Giáo Hoàng không. Và cơ may Đức Giáo Hoàng tông du nước Nga là vô cùng mờ mịt.
Source:Sismografo
 
Bi hài: Ukraine vẫn còn xa, Nga đã tự giác tháo chạy. Những dự đoán lạ lùng của Medvedev về năm 2023
VietCatholic Media
15:37 27/12/2022


1. Chưa đánh đã tự động bỏ chạy: Kreminna chưa được giải phóng nhưng bộ chỉ huy Nga đã di tản đến Rubizhne

Bộ chỉ huy lực lượng xâm lược của Nga, dưới áp lực dữ dội của Quân đội Ukraine, đã rút khỏi Kreminna đến Rubizhne, cách chiến tuyến 15 km về phía nam.

Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Ba 27 tháng 12.

“Các báo cáo rằng quân đội của chúng ta đã giải phóng Kreminna hoặc ít nhất là tiến đến vùng ngoại ô của nó là không đúng sự thật, nhưng cuộc chiến đang diễn ra gần thành phố và tôi có thể nói rằng bộ chỉ huy của quân Nga ở Kreminna hiện đã được chuyển đến Rubizhne,” Haidai nói.

Một cách chi tiết hơn, các quan chức Nga đã bỏ chạy cùng với các lực lượng thiện chiến hơn của quân Nga. Số quân Nga đang phòng thủ trong thành phố Kreminna là những người Nga không may, mới bị gọi nhập ngũ.

Trả lời câu hỏi của người điều hành chương trình truyền hình, người Nga có thể tổ chức một cuộc phản công nhằm vào Lyman ở mức độ nào, quan chức này xác nhận rằng họ có những kế hoạch như vậy, nhưng đã bị lực lượng Ukraine phá vỡ.

“Họ đã có những kế hoạch như vậy, nhưng nhờ Bộ Tư lệnh Ukraine đã vạch trần âm mưu của họ và nhìn thấy toàn bộ bản đồ diễn biến quân sự, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã ngăn chặn quân xâm lược thực hiện kế hoạch của họ. Họ đã không thành công trong cuộc phản công. Nhưng họ hiện đang đưa quân dự bị vào”, ông Serhiy Haidai nói.

Người Nga đang chịu tổn thất đáng kể ở khu vực Luhansk. Dân chúng đã nhìn thấy ít nhất 50 lính Nga bị thương nặng đã được đưa đến bệnh viện ở Starobilsk vào sáng hôm thứ Hai 26 tháng 12. Tình hình ở Bilovodsk cũng không khá hơn khi hơn một trăm thương binh gần đây đã được di tản đến đó. Đồng thời, người dân địa phương thực tế không thể được điều trị tại các bệnh viện.

2. Dự đoán điên dại năm 2023 của Medvedev bao gồm Elon Musk làm Tổng thống Hoa Kỳ

Dmitry Anatolyevich Medvedev sinh ngày 14 tháng 9, năm 1965. Ông ta được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008. Ông phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất và được kế nhiệm bởi Putin sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Medvedev sau đó được Putin bổ nhiệm làm thủ tướng. Ông từ chức cùng với phần còn lại của chính phủ vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020 để cho phép Putin thực hiện những thay đổi sâu rộng về hiến pháp; ông được kế nhiệm bởi Mikhail Mishustin vào ngày 16 tháng Giêng năm 2020. Cùng ngày, Putin bổ nhiệm Medvedev vào chức vụ mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia.

Medvedev thường được đánh giá là một người có chừng mực, cân bằng và tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin, là người cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev. Chương trình nghị sự hàng đầu của Medvedev trên cương vị tổng thống là một chương trình hiện đại hóa trên diện rộng, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội Nga, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ và khí đốt. Trong nhiệm kỳ của mình, Medvedev cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù sau đó chính ông ta bị buộc tội tham nhũng hạng gộc.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tại Ukraine, người ta càng ngày càng thấy ông ta có những phát biểu điên cuồng. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Medvedev's Wild 2023 Predictions Include Elon Musk as U.S. President”, nghĩa là “Dự đoán điên dại năm 2023 của Medvedev bao gồm Elon Musk làm Tổng thống Hoa Kỳ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra danh sách “dự đoán tương lai” của riêng mình về những gì có thể xảy ra trong năm mới, bao gồm cả chuyện Elon Musk sẽ làm tổng thống Hoa Kỳ.

Quan chức Nga, hiện đang giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã đăng danh sách 10 dự đoán trên kênh Telegram của mình vào hôm thứ Hai. Ông viết: “Trước thềm một năm mới, mọi người đều thích đưa ra dự đoán”.

Medvedev viết: “Nhiều người đưa ra các dự đoán tương lai, đua nhau đề xuất những điều bất ngờ nhất và thậm chí vô lý nhất. Chúng tôi cũng muốn tham gia chiều hướng đó.”

Danh sách của ông bao gồm các dự báo về giá một thùng dầu, sự tan rã của Liên minh Âu Châu và một cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ.

Theo danh sách của ông, một “cuộc nội chiến” ở Mỹ sẽ dẫn đến “sự tách rời California và Texas thành các quốc gia độc lập” và “sự thành lập liên bang Texas và Mexico”.

Medvedev nói thêm rằng người sáng lập Tesla và Giám đốc điều hành Twitter, Elon Musk, sau đó sẽ có một “chiến thắng tiếp theo” trong cuộc bầu cử tổng thống “tại một số tiểu bang được giao cho đảng Cộng hòa sau cuộc nội chiến”.

Các nước phương Tây khác cũng sẽ chứng kiến một số thay đổi lớn về xã hội và chính trị nếu những tiên đoán của Medvedev trở thành sự thật.

Quan chức Nga dự đoán rằng Vương quốc Anh sẽ quay trở lại Liên Hiệp Âu Châu trước khi khối này sụp đổ. Ông cũng viết về việc thành lập “Đế chế thứ tư” hoặc một đế chế Đức mới được tạo thành từ các quốc gia xung quanh Đức, và Đế chế này cuối cùng sẽ gây chiến với Pháp.

Medvedev kết thúc dự đoán của mình bằng việc suy đoán “việc chuyển giao tất cả các thị trường chứng khoán và hoạt động tài chính lớn từ Mỹ và Âu Châu sang Á Châu,” và nói thêm rằng đồng euro và đồng đô la sẽ bị từ chối vai trò “đồng tiền dự trữ thế giới”, dẫn đến “sự trở lại của đồng tiền tiêu chuẩn là vàng.”

“Chúc mừng năm mới các bạn, những người bạn Anglo-Saxon và những chú lợn vui vẻ gắt gỏng của họ!” ông ta đã ký ở cuối bài của mình.

Medvedev cũng đã đăng những dự đoán của mình lên Twitter, và Musk đã phê một câu là “Thiên anh hùng ca!” ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Dự đoán của Medvedev được đưa ra khi đất nước của ông đang bước vào năm mới với những tổn thất to lớn trong cuộc chiến với Ukraine. Theo các quan chức Ukraine, chỉ riêng trong ngày Giáng Sinh, khoảng 550 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong trận chiến, nâng tổng số người thiệt mạng lên ít nhất 102.600 binh sĩ kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai.

Giới chức Nga cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo với Mỹ khi Tổng thống Joe Biden vẫn kiên quyết viện trợ cho Ukraine trong bối cảnh Nga xâm lược.

Ngay trước dịp cuối tuần lễ Giáng Sinh, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã cảnh báo rằng chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới thủ đô Washington vào tuần trước sẽ dẫn đến “sự trầm trọng thêm” của cuộc xung đột.

Tuy nhiên, các chuyên gia khoa học chính trị trước đây đã nói với Newsweek rằng những lời cảnh báo của Peskov thiếu cơ sở, đồng thời nói thêm rằng các chính trị gia như Medvedev có xu hướng sử dụng những “lời lẽ không đáng tin cậy” tương tự kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

Maria Popova, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học McGill, cho biết: “Medvedev đã định vị mình là một kẻ cực đoan, thậm chí là vô tâm, trong suốt 10 tháng của cuộc chiến. “Ông ấy thường xuyên đưa ra những lời đe dọa kỳ quặc, và mục tiêu là gây bất ổn và khiến phương Tây sợ hãi ngừng hỗ trợ cho Ukraine.”

Newsweek đã liên hệ với các chuyên gia khoa học chính trị để bình luận.

3. Không quân Ukraine nhận định rằng Kyiv vẫn là mục tiêu số 1 của người Nga

Các lực lượng xâm lược của Nga tiếp tục các cuộc tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Ukraine, trong khi mục tiêu số 1 của họ vẫn là Kyiv.

Đại tá Yuriy Ihnat, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Không quân, cho biết như trên hôm thứ Ba 27 tháng 12.

Ông cho biết: “Kẻ thù đang tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là các cơ sở của Kyiv và ngành nhiên liệu và năng lượng của khu vực – đó là nơi quân xâm lược điều hướng hầu hết các hỏa tiễn hành trình của họ”.

Ihnat lưu ý rằng Lực lượng Không quân đang cải thiện khả năng tiêu diệt các mục tiêu của kẻ thù, nhưng vẫn còn thiếu các bệ phóng.

“Thật không may, không phải lúc nào cũng có thể tiêu diệt 100% máy bay không người lái vì chúng được thiết kế giống như hỏa tiễn hành trình để vượt qua hệ thống phòng không. Nhưng, như chúng ta thấy, kết quả là 75, 85, 90 và đôi khi là 100 phần trăm, điều này chứng tỏ những người lính của chúng ta thực hiện nhiệm vụ chuyên nghiệp như thế nào. Trước hết, đây là các đơn vị hỏa tiễn phòng không của Không quân, rồi đến các nhóm hỏa lực cơ động, các nhóm tiêu diệt máy bay không người lái bằng vũ khí nhỏ, bằng hệ thống hỏa tiễn vác trên vai. Hạnh phúc của tất cả người Ukraine phụ thuộc vào những người này.”

Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết hơn 50 trạm biến áp thuộc nhiều loại điện áp khác nhau và hơn 50 đường dây điện cao thế đã bị hư hại do các cuộc tấn công của Nga vào hệ thống điện của Ukraine.

4. Cựu chỉ huy Nga nhận định rằng Điện Cẩm Linh không thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine ngày càng sâu vào đất Nga

Truyền thông Ukraine và Nga đưa tin rằng các vụ nổ đã được nghe thấy sau nửa đêm Chúa Nhật 25 tháng 12 rạng sáng ngày thứ Hai 26 tháng 12 tại căn cứ không quân Engels, nơi có các máy bay ném bom chiến lược, cách biên giới Ukraine đến 370 dặm hay 600 km.

Hãng thông tấn RBC-Ukraine đưa tin về hai vụ nổ, trong khi hãng tin Baza của Nga dẫn lời người dân đã nghe thấy tiếng còi báo động không kích và một vụ nổ rất lớn.

Đây là lần thứ hai căn cứ này bị tấn công. Lần trước là vào ngày 5 tháng 12. Các nhà phân tích cho biết các cuộc tấn công đã làm tổn hại danh tiếng của Mạc Tư Khoa và đặt ra câu hỏi về khả năng phòng thủ của nước này.

Trước diễn biến này, một cựu chỉ huy Nga cho rằng Nga không thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ của mình.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kremlin Can't Stop Ukraine's Mounting Strikes Deep in Russia: Ex-Commander”, nghĩa là “Cựu chỉ huy Nga nhận định rằng Điện Cẩm Linh không thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine ngày càng sâu vào đất Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một cựu chỉ huy Nga, người đóng vai trò then chốt trong việc sáp nhập Crimea năm 2014, cho biết hôm thứ Hai rằng Nga không thể dừng các cuộc tấn công gia tăng của Ukraine bên trong lãnh thổ Nga.

Igor Vsevolodovich Girkin, được biết đến với bí danh Igor Ivanovich Strelkov, đã đăng trên trang Telegram của mình rằng các hệ thống cũ của Liên Xô không được trang bị để đối phó với các phương tiện bay không người lái của đối phương và “việc sử dụng ồ ạt” các Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS. Ông nói thêm rằng sự hỗ trợ quân sự gia tăng từ các nước NATO cũng sẽ dẫn đến các cuộc tấn công “thường xuyên hơn” vào các cơ sở chiến lược của Nga.

Girkin viết: “Khi bắt đầu cuộc chiến hiện tại, lực lượng phòng không của chúng ta đã 'sẵn sàng cho cuộc chiến giành thuộc địa cuối cùng'. Nhưng, giờ đây kẻ thù có khả năng 'rẻ tiền và vui vẻ' tấn công các mục tiêu chiến lược ở sâu bên trong lãnh thổ của chúng ta, sử dụng các phương tiện tấn công kamikaze dùng một lần vào mục tiêu này trong khi lực lượng phòng không của chúng ta hoàn toàn hoặc một phần không thể chống lại chúng.”

Lời cảnh báo của ông được đưa ra sau một báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga rằng một máy bay không người lái của Ukraine nhắm vào căn cứ không quân Engels-2 của Nga, nằm cách lãnh thổ do Ukraine kiểm soát gần nhất hơn 370 dặm hay 600km, đã bị bắn hạ lúc 1:35 sáng thứ Hai, theo giờ địa phương.

“Đây là những hậu quả của những gì Nga đang làm trên đất của chúng tôi,” Yuriy Ignat, phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Ukraine, nói với hãng truyền thông Ukraine Gazeta.ua. Nếu người Nga nghĩ rằng chiến tranh sẽ không ảnh hưởng đến họ ở sâu trong hậu phương, thì họ đã nhầm.”

Girkin, người hôm Chúa Nhật Giáng Sinh đã mô tả chiến lược quân sự của Điện Cẩm Linh chống lại Ukraine là “sự bướng bỉnh ngu ngốc”, đã viết hôm thứ Hai rằng các hành động của Ukraine nói cho cùng không đáng lo lắng cho bằng khả năng của Nga trong việc tăng cường sức mạnh quân sự của chính mình trong bối cảnh có thể xảy ra chiến tranh lâu dài.

“Thật là ngu ngốc khi mong đợi rằng các phòng thiết kế quân sự và các doanh nghiệp của tổ hợp công nghiệp-quân sự của chúng ta trong nháy mắt sẽ có thể phát triển và khởi động việc sản xuất các hệ thống phòng không hoàn toàn mới bảo vệ được một cách đáng tin cậy bầu trời của chúng ta khỏi 'những chuyện vặt vãnh có hại'“

“Giới lãnh đạo quân sự-chính trị của Liên bang Nga cũng không thể hiện khả năng và sự sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù 'trong hang ổ của hắn' bằng một cuộc tấn công vũ trang tổng hợp nghiền nát.”

Các quan chức Ukraine báo cáo rằng Nga đã mất khoảng 550 binh sĩ trong khoảng thời gian từ Ngày Giáng Sinh đến Ngày Mở Quà, bên cạnh 5 xe tăng. Những tổn thất này xảy ra khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn kiên định theo đuổi chiến thắng.

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày Giáng Sinh được phát sóng từ Mạc Tư Khoa, Putin nói với nhà báo Pavel Zarubin rằng 99,9% người Nga “sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho Tổ quốc”. Ông cũng gọi người Nga là “một dân tộc đặc biệt”.

Tại Ukraine vào tối cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo người dân nước này rằng Nga sẽ tiếp tục tấn công trước khi năm dương lịch kết thúc.

“Nga đã mất mọi thứ có thể trong năm nay,” Zelenskiy nói. “Nhưng Putin đang cố gắng bù đắp cho những tổn thất của mình bằng sự xảo quyệt của những kẻ tuyên truyền sau các cuộc tấn công hỏa tiễn vào đất nước chúng ta, vào lĩnh vực năng lượng của chúng ta.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine và Nga để bình luận.

5. SBU vô hiệu hóa hơn 4.500 cuộc tấn công mạng của Nga trong năm nay

Kể từ đầu năm, Cơ quan An ninh Ukraine đã vô hiệu hóa hơn 4.500 cuộc tấn công mạng nhắm vào Ukraine.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã cho biết như trên hôm thứ Ba 27 tháng 12.

“Chúng tôi đã bước vào năm 2022 với tám năm kinh nghiệm trong chiến tranh hỗn hợp sau lưng. Xét cho cùng, cuộc chiến trong lĩnh vực mạng đã diễn ra từ trước. Vào thời điểm xảy ra cuộc xâm lược, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất. Và các cuộc tấn công mạng quy mô lớn mà chúng tôi đã đẩy lùi vào tháng Giêng và tháng Hai đã trở thành 'khoá đào tạo' bổ sung trước cuộc xâm lược.”

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu, các cuộc tấn công đã tăng lên gấp bội. Năm 2020, gần 800 cuộc tấn công mạng đã được ghi nhận, vào năm 2021, con số này tăng lên 1.400 và năm nay, con số này đã tăng hơn 4.500 nghĩa là hơn 3 lần.

“Ngày nay, cường quốc xâm lược thực hiện trung bình hơn 10 cuộc tấn công mạng mỗi ngày. May mắn thay, công chúng Ukraine chưa hề bị ảnh hưởng”

Phát ngôn nhân cũng báo cáo rằng các cơ sở năng lượng, hậu cần, quân sự, cũng như cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước và nguồn thông tin đều nằm trong khu vực bị kẻ thù đặc biệt chú ý.

“Chúng tôi theo dõi rủi ro và các mối đe dọa liên tục theo thời gian thực. Chúng tôi biết tên hầu hết các tin tặc từ các dịch vụ đặc biệt của Nga đang chống lại chúng tôi. Những nỗ lực đang được tiến hành để ghi lại hành động của chúng. Sau khi Ukraine giành chiến thắng, một loạt phiên điều trần riêng biệt của tòa án quân sự quốc tế sẽ chờ đợi họ”.

Theo báo cáo của Ukrinform, Nga đi kèm với các cuộc tấn công hỏa tiễn vào các cơ sở năng lượng của Ukraine bằng các cuộc tấn công mạng mạnh mẽ nhằm gây ra sự việc mất điện lớn hơn.

6. Putin bổ nhiệm cựu Tổng thống Medvedev làm phó chủ tịch ủy ban công nghiệp quân sự

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bổ nhiệm cựu Tổng thống Dmitry Medvedev vào một vị trí mới, đó là Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Công nghiệp-Quân sự, theo sắc lệnh được chính phủ công bố.

Sắc lệnh do Putin ký đã đưa ra những thay đổi đối với Ủy ban Công nghiệp-Quân sự và liệt kê Medvedev, người hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, là phó chủ tịch thứ nhất của ủy ban này.

Ủy ban Công nghiệp Quân sự là một cơ quan thường trực được thành lập để bảo đảm thực hiện chính sách nhà nước trong lĩnh vực liên hợp công nghiệp quân sự và hỗ trợ kỹ thuật quân sự cho quốc phòng, an ninh quốc gia và thực thi pháp luật, theo trang web của chính phủ. Bản thân Putin là chủ tịch của ủy ban.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nước ngoài, FSB, Lực lượng Vệ binh Quốc gia và những người khác cũng có mặt trong ủy ban.

7. Ukraine kêu gọi loại bỏ Nga khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cả Liên Hiệp Quốc

Nga nên bị loại khỏi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và không được là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi hôm thứ Hai.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao than phiền về “sự hiện diện bất hợp pháp của Liên bang Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Quốc nói chung.”

“Ukraine kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc nối lại việc áp dụng Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh sự hiện diện bất hợp pháp của Liên bang Nga tại Liên Hiệp Quốc, tước bỏ tư cách thành viên thường trực của Liên bang Nga trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và loại trừ quốc gia này khỏi Liên Hiệp Quốc nói chung”.

Bộ Ngoại giao cáo buộc “sự vi phạm trắng trợn các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế cũng như các tội ác gây ra trên lãnh thổ Ukraine, đặc biệt là tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, cũng như tội ác diệt chủng”.

Bộ Ngoại Giao nói rằng Nga có thể được kết nạp lại theo khuyến nghị trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc sau khi nước này “đáp ứng các điều kiện để trở thành thành viên của Tổ chức”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy từng kêu gọi trục xuất Nga khỏi Liên Hiệp Quốc trong quá khứ.

Một số thông tin cơ bản: Khi hiến chương Liên Hiệp Quốc được ký kết vào năm 1945, tổ chức này đã thành lập Hội đồng Bảo an với năm thành viên thường trực và sáu thành viên không thường trực. Các thành viên thường trực - Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô và Trung Hoa Dân Quốc - mỗi nước được trao quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào mà họ phản đối.

Ngày nay, Hội đồng Bảo an có 15 thành viên, nhưng 5 thành viên thường trực vẫn được giữ nguyên, trong đó Nga giữ ghế của Liên Xô cũ và Trung Quốc thay thế Trung Hoa Dân Quốc.

8. Bộ Nội vụ Nga ra lệnh truy nã nhà báo điều tra Christo Grozev

Nhà báo điều tra Christo Grozev đã bị đưa vào danh sách truy nã của Nga, theo trang web của Bộ Nội vụ Nga.

Trang web của Bộ Nội vụ cho biết Grozev, người Bulgari, bị truy nã theo một điều khoản của Bộ luật Hình sự, nhưng không nêu rõ đó là điều khoản nào.

Theo nhóm giám sát OVD-Info của Nga, Bộ Nội Vụ Nga đã mở một vụ án hình sự về tội phổ biến “tin giả” về quân đội Nga nhằm chống lại anh Grozev.

Grozev là điều tra viên hàng đầu về Nga trong nhóm điều tra Bellingcat tập trung vào “các mối đe dọa an ninh, hoạt động bí mật ngoài lãnh thổ và vũ khí hóa thông tin”, theo trang web của Bellingcat.

“Tôi không biết vì lý do gì Điện Cẩm Linh lại đưa tôi vào 'danh sách truy nã', vì vậy tôi không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào vào lúc này. Theo một cách nào đó, điều đó không thành vấn đề - trong nhiều năm, họ đã nói rõ rằng họ sợ công việc của chúng tôi và sẽ làm mọi thứ cần thiết để chúng tôi biến mất,” anh nói.

Cùng với nhóm của lãnh đạo phe đối lập Nga Alexey Navalny, các nhà báo của CNN và các nhà báo từ các hãng khác, ông đã điều tra vụ đầu độc Navalny vào năm 2020.

Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine vào tháng 2, Grozev đã sử dụng các công cụ kỹ thuật số nguồn mở để ghi lại các tội ác chiến tranh và các tội ác tàn bạo khác ở Ukraine.
 
GH tưởng nhớ 22 vị hy sinh năm 2022, bắt đầu với Cha Giuse Thanh. GH Ukraine tri ân ĐTC Phanxicô
VietCatholic Media
17:12 27/12/2022


1. 22 nhân viên mục vụ đã hy sinh trong năm 2022, bắt đầu bằng một linh mục Việt Nam

Theo tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, trong năm 2022 sắp kết thúc 22 nhân viên mục vụ đã bị giết trên thế giới, trong đó có 13 linh mục, 6 giáo dân, 2 nữ tu sĩ và 1 nam tu sĩ. Những sự kiện bi thảm này đã diễn ra ở 10 quốc gia trên 3 châu lục. Phi Châu đứng ở vị trí đầu tiên với số vụ giết người cao nhất và quốc gia có nhiều vụ giết người nhất là Nigeria, nơi mà số vụ bắt cóc các linh mục lên đến 30 vụ kể từ đầu năm.

Tất cả những vị bị giết đều sống trong những hoàn cảnh bình thường của con người và xã hội. Các vị chia sẻ cuộc sống hàng ngày với anh chị em của họ, với những rủi ro và nỗi sợ hãi, bạo lực và khó khăn, thiếu thốn, mang những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chứng nhân cho niềm hy vọng. Các ngài ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ mồ côi và người nghiện ma túy, tham gia vào các dự án phát triển, và mở cửa nhà mình cho bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của các ngài. Và một số vị đã bị giết bởi chính những người mà họ giúp đỡ. Trong nhiều trường hợp các vị thường sinh ra ở cùng một vùng đất nơi họ chết, vì vậy họ không ngây thơ, nhưng bất chấp mọi thứ khuyên bảo, răn đe buộc im lặng, cấm cản không cho tuyên bố đức tin, họ không thể không làm chứng.

Ngày nay, người ta nói nhiều về chủ nghĩa giáo sĩ trị và tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Nhưng hãy cẩn thận: cường điệu hóa những biểu hiện hiếm hoi này có nguy cơ xuyên tạc sự thật. Hầu hết các linh mục sống thánh thiện, thanh bần, dấn thân loan báo Tin Mừng, nâng đỡ người nghèo, chống lại bất công. Đó mới là bức tranh thật của Giáo Hội.

Tại Á Châu, có một nạn nhân là Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, linh mục Dòng Đa Minh đã tử đạo ngày 28 tháng Giêng năm 2022, khi đang giải tội tại Nhà thờ Dak Mot, tỉnh Kontum. Ngài là nhân viên mục vụ đầu tiên bị giết trong năm 2022.

Tại Phi Châu, có 8 nạn nhân.

Ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Cha Richard Masivi Kasereka hy sinh ngày 2 tháng 2 năm 2022. Ngài bị giết bởi những người có vũ trang ở Vusesa, giữa Kirumba và Mighobwe, thuộc Lãnh thổ Lubero, Bắc Kivu, khi đang trên đường trở về giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae của mình.

Tiếp đến là Linh mục giáo xứ Saint-Joseph Mukasa, Cha Godefroid Pembele, ở thành phố Kikwit, qua đời vào Chúa Nhật ngày 7 tháng 8 tại Kinshasa, nơi ngài được chuyển đến sau khi bị bắn vào đêm mùng 6 rạng sáng Chúa Nhật mùng 7 khi bọn cướp có vũ trang tấn công Tu viện Mukasa trong đêm.

Ở Nigeria, Cha Joseph Aketeh Bako hy sinh ngày 11 tháng 5. Giáo phận đã xác nhận vụ sát hại Cha Joseph Aketeh Bako, 48 tuổi, ở Kudenda, người đã bị bắt cóc vào ngày 8 tháng 3. Theo tin từ giáo phận, cha sở đã bị giết vào khoảng thời gian từ 18 đến 19 tháng 4 vừa qua.

Kế đến là Cha Vitus Borogo, 50 tuổi, bị giết vào thứ Bảy ngày 25 tháng 6 bởi một nhóm người có vũ trang ở Kaduna, Nigeria.

Sau đó là Cha Christopher Odia, 41 tuổi, bị giết vào ngày 26 tháng 6, cùng ngày ngài bị bắt cóc. Theo phát ngôn nhân của giáo phận Auchi, vị linh mục đang trên đường đến nhà thờ San Michele thì bị những kẻ bắt cóc có vũ trang bắt giữ và đưa đi.

Vào ngày thứ Ba, 19 tháng 7, tin tức về vụ giết chết linh mục người Nigeria ở Kaduna là Cha John Mark Cheitnum đã được xác nhận. Ngài đã bị bắt cóc vào ngày 15 tháng 7, cùng với Cha Donatus Cleophas, là người đã may mắn trốn thoát được những kẻ bắt cóc.

Tại Tanzania, Cha Michael Mawelera Samson, thuộc Dòng Thừa Sai Phi Châu. Ngài đã biến mất vào ngày 10 tháng Sáu. Sau đó, người ta tìm thấy ngài đã chết dưới lòng sông Meta vào sáng ngày 11 tháng Sáu. Thi thể bị đâm nhiều nhát của ngài được tìm thấy vào khoảng 6h30 sáng ngày 11 tháng 6.

Ở Mozambique, vào đêm 6 rạng ngày 7 tháng 9, cứ điểm truyền giáo Chipene ở Mozambique đã hứng chịu một cuộc tấn công khủng bố của người Hồi giáo. Những tên khủng bố đã lọt vào cứ điểm truyền giáo do tu sĩ Friulian Comboni của giáo phận Concordia-Pordenone điều hành. Sơ Maria De Coppi, một nhà truyền giáo gốc Vittorio Veneto, đã bị giết.

Mỹ Châu có 7 nạn nhân

Ở Honduras, Cha José Enrique Vásquez, 44 tuổi, là linh mục chánh xứ San José de Medina, thuộc giáo phận San Pedro Sula. Vị linh mục đã biến mất vào sáng thứ Tư ngày 2 tháng Ba và thi thể của ngài bị trúng nhiều phát đạn được tìm thấy vào thứ Năm ngày 3 tháng Ba.

Ở Bolivia, Cha Wilberth Daza, bị giết vào thứ Bảy ngày 16 tháng 4 lúc khoảng 11 giờ tối tại giáo xứ St. Francis ở thành phố Santa Cruz.

Ở Mễ Tây Cơ, Cha José Guadalupe Rivas, bị bắt cóc vào ngày 15 tháng 5, được tìm thấy đã chết tại Hacienda Santa Verónica, Mễ Tây Cơ. Thi thể được tìm thấy cùng với thi thể của một người khác. Có những dấu hiệu tra tấn tỏ tường.

Cha Javier Campos Morales, 78 tuổi, bị giết cùng với người đồng hương của mình là Cha Joaquín César Mora Salazar, 80 tuổi. Cả hai vị đều là tu sĩ Dòng Tên. Các linh mục đã bị thảm sát khi họ bảo vệ một người đàn ông đã vào nhà thờ của cộng đồng Cerocahui, để yêu cầu được bảo vệ khỏi sự truy đuổi của bọn cướp có vũ trang. Nạn nhân thứ ba là một giáo dân tên là Pedro Eliodoro.

Ở Haiti, nữ tu Luisa Dell'Orto, là nhà truyền giáo người Ý, nguyên quán Milan, 65 tuổi. Sơ là nạn nhân của một vụ cướp. Bị thương nặng, sơ đã qua đời hôm thứ Sáu ngày 24 tháng Sáu.

Ở Hoa Kỳ, Cha Otis Young biến mất vào ngày 27 tháng 11. Thi thể của ngài được tìm thấy và nhận dạng vào ngày 1 tháng 12. Năm nay 73 tuổi, Cha Otis Young từng là cha sở của Nhà thờ Công Giáo St. Peter ở Covington, Louisiana. Vị linh mục bị bắt cóc và sau đó bị giết cùng với Ruth Prats, một cộng tác viên lớn tuổi của ngài.

2. Thông điệp của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nhân lễ Giáng Sinh. Lời tri ân Đức Thánh Cha của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Hôm 25 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã đưa ra tuyên bố sau:

Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô!

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô!

Hôm nay là Chúa Nhật ngày 25 tháng 12 năm 2022 và tại Ukraine, là tháng thứ 11, ngày thứ 305 của cuộc chiến tranh toàn diện, vĩ đại mà kẻ thù đã mang đến cho vùng đất Ukraine yên bình. Ngày thứ 305 toàn quốc kháng chiến, chống giặc ngoại xâm, một nỗ lực phi thường để bảo vệ Tổ quốc, đồng bào ta, bảo vệ sự sống và phẩm giá con người.

Giao tranh ác liệt lại diễn ra ở mặt trận trong ngày qua. Một “vòng cung lửa” đang bùng cháy ở Donbas, Vùng Luhansk và Vùng Donetsk. Kẻ thù một lần nữa đang cố gắng giết người Ukraine trên lãnh thổ hòa bình của chúng ta. Hôm qua, chúng ta được biết rằng một nhóm sát thủ người Nga lại tiến vào tỉnh Sumy, cố gắng tiêu diệt và sát hại dân thường. Không ngừng pháo kích vào các ngôi làng và thị trấn của chúng ta ở Tỉnh Chernihiv, Tỉnh Sumy và Tỉnh Kharkiv.

Hôm qua, tất cả chúng ta đều bị sốc trước một cuộc tấn công vô nhân đạo khác của người Nga vào Kherson đã phải chịu đựng lâu dài. Địch giáng một đòn mạnh vào trung tâm thành phố này, khoảng 10 người chết và khoảng 60 người bị thương. Ở vùng Kherson, công việc khôi phục, rà phá bom mìn trên lãnh thổ này đang được tiến hành, và thật không may, ba trong số những người rà phá bom mìn anh hùng của chúng ta đã thiệt mạng ngày hôm qua. Họ đang cố dọn sạch các bom mìn của Nga trên lãnh thổ này.

Bất chấp những hoàn cảnh gay go như vậy, hôm nay, vào Chúa Nhật thánh này, từ Ukraine, chúng tôi muốn thông báo cho toàn thế giới một tin vui rằng Ukraine đang đứng vững! Ukraine đang chiến đấu! Ukraine đang cầu nguyện!

Ngày nay, nhiều Kitô hữu trên thế giới, nhiều con cái của Giáo hội chúng ta, những người sống theo lịch Grêgôriô, mừng lễ Giáng Sinh, mừng Chúa Giáng Sinh. Ukraine rất mong chờ Giáng Sinh này! Và rất nhiều người muốn đánh cắp Giáng Sinh này từ chúng ta trong năm nay. Kẻ thù đã đến vùng đất của chúng ta muốn cướp đi mọi thứ của chúng ta: cuộc sống của chúng ta, Tổ quốc của chúng ta và thậm chí cả Giáo hội của chúng ta. Nhưng những kẻ ấy sẽ không thể đánh cắp Giáng Sinh của người Ukraine. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận ngày hôm nay ở Ukraine, liệu có thể ăn mừng trong chiến tranh hay không. Có thể vui mừng trong những hoàn cảnh bi thảm như vậy không? Nhưng hôm nay chúng tôi muốn nói với chính mình và toàn thế giới rằng: Lễ Giáng Sinh là một ngày lễ thánh không phải do con người chuẩn bị, mà do Thiên Chúa. Bất chấp sự yếu đuối, đau buồn và đau đớn của chúng ta, Chúa Kitô đã Giáng Sinh giữa chúng ta. Niềm vui thiên đường đang đến với Ukraine.

Tương tự như vậy, nhiều người muốn đánh cắp Giáng Sinh của người Ukraine, mang đến nhiều xu hướng và nhãn hiệu phương Tây khác nhau. Ngày nay, thật không may, nhiều người không nhận ra điều đó, đã sa vào cám dỗ cử hành Lễ Giáng Sinh mà không có Chúa Kitô. Bắt chước nhiều ảnh hưởng thương mại phương Tây, đôi khi thậm chí ảnh hưởng ý thức hệ. Hôm nay chúng tôi muốn mời tất cả mọi người đến dự lễ kỷ niệm Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ Giáng Sinh ở giữa chúng ta. Chúng tôi muốn nói rằng không có Giáng Sinh nếu không có sự ra đời của Ngôi Hai Thiên Chúa. Nội dung của việc cử hành ngày lễ này là niềm vui vì sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống, nhập thể ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận niềm vui Giáng Sinh này trong hình ảnh của một hài nhi bé nhỏ, một hài nhi thánh, Chúa Kitô mới sinh, Đấng chia sẻ với chúng ta tình yêu vĩnh cửu này với sự dịu dàng từ trời cao.

Hôm nay, tôi muốn chào tất cả các con trai và con gái của Giáo hội chúng ta ở các nơi khác nhau trên thế giới, tất cả các Kitô hữu đang kỷ niệm sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi ở giữa chúng ta hôm nay. Tôi muốn cảm ơn các Kitô hữu trên toàn thế giới vì tình đoàn kết tuyệt vời của họ với Ukraine vào ngày Giáng Sinh này. Vì đã từ bỏ thêm ánh sáng để đoàn kết với những người Ukraine đang phải chịu cảnh thiếu điện. Tôi cảm ơn anh chị em đã hạn chế sức nóng trong nhà thờ và nhà ở của mình, để đoàn kết với những người Ukraine đang phải chịu đựng cái lạnh, là thứ mà kẻ xâm lược Nga đã sử dụng như một vũ khí chống lại người Ukraine.

Nhưng lời cảm ơn đặc biệt hôm nay từ Ukraine xin gửi đến Đức Thánh Cha Phanxicô. Xin kính chào Đức Thánh Cha, vào ngày lễ thánh này, chúng con muốn cảm ơn Ngài đã trở thành trung tâm của tình đoàn kết toàn cầu với nhân dân Ukraine đau khổ từ lâu. Tất cả chúng con đều xúc động trước những giọt nước mắt của Đức Thánh Cha tại quảng trường Piazza di Spagna của Rôma vào Ngày Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, khi Đức Thánh Cha không thể nói được trong khoảng 30 giây, đã vô cùng xúc động và khóc trước nỗi đau của Ukraine. Chúng con cảm ơn Đức Thánh Cha vì Ngài đã đích thân trở thành trung tâm đoàn kết thế giới với chúng con, nơi tổ chức vô số loại viện trợ cho Ukraine, mà ngày nay Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ hướng đến người dân Ukraine đau khổ từ lâu. Trong những ngày này, vào thời điểm Giáng Sinh này, Đức Thánh Cha một lần nữa cử đặc phái viên của mình, Đức Hồng Y Krajewski, người đã mang theo quần áo giữ nhiệt từ những người trượt tuyết Ý, hôm nay đã ra mặt trận, hôm nay đã sưởi ấm cho người Ukraine ở nơi họ cần nó nhất. Một số lượng lớn máy phát điện đã được Đức Thánh Cha mang đến để thắp sáng những ngôi nhà của những người mà quân chiếm đóng Nga muốn chìm trong bóng tối. Chúng con cảm ơn Đức Thánh Cha về tình đoàn kết phổ quát vào dịp lễ Giáng Sinh với Tổ quốc của chúng con. Qua những cử chỉ yêu thương Kitô hữu cụ thể như thế, chúng con cảm thấy Thiên Chúa ở cùng chúng con. Chúng con cảm thấy rằng chúng con không bị lãng quên và bị bỏ rơi trong đau khổ của chúng con. Chúng con cảm thấy rằng Chúa là Thiên Chúa sẽ được sinh ra ngày hôm nay tại Ukraine.

Cầu mong niềm vui Giáng Sinh này sẽ đến với mọi nhà. Tôi xin chào tất cả những ai kỷ niệm ngày lễ trọng đại này theo lịch Grêgôriô hôm nay. Chúng ta vui mừng vào ngày này. Không ai có thể đánh cắp niềm vui này từ chúng ta!

Chúa ơi, xin phù hộ cho Ukraine! Lạy Chúa, xin phù hộ cho các cô gái và chàng trai của chúng con đang ở tiền tuyến! Ôi Chúa Giêsu, hãy đến với họ, sinh ra giữa họ, sưởi ấm họ bằng hơi ấm thiên đàng của Ngài, soi sáng họ bằng ánh sáng Giáng Sinh thiên đàng của Ngài! Lạy Chúa, Đấng Cứu Rỗi mới sinh, Hoàng tử Hòa bình,xin hãy ban phước cho vùng đất Ukraine đau khổ lâu dài của chúng con bằng sự bình an trên trời, và công lý của Ngài!

Cầu mong phước lành của Chúa sẽ đến với anh chị em thông qua ân sủng và tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, luôn luôn, bây giờ và mãi mãi, và qua các thời đại. Amen.

Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô!

3. Đức Cha Kukah nhận xét rằng tổng thống Buhari đã đưa Nigeria đến chỗ tồi tệ hơn nhiều so với thời điểm ông nhậm chức

Đức Cha Matthew Hassan Kukah, Giám mục Giáo phận Công Giáo Sokoto, một lần nữa chỉ trích chế độ của Tổng thống Muhammadu Buhari vì tội gia đình trị và tham nhũng, nói rằng chế độ này đã khiến người dân Nigeria dễ bị tổn thương hơn nhiều so với những thời điểm ông nhậm chức tổng thống.

Trong thông điệp Giáng Sinh hôm Chúa Nhật, Đức Cha Kukah nói rằng chế độ của ông Buhari đã đưa ra những lời hứa cao ngất trời nhưng không thể thực hiện được.

“Thật đáng buồn là bất chấp những lời hứa cao cả của tổng thống, tổng thống đang khiến chúng tôi dễ bị tổn thương hơn nhiều so với khi ông nhậm chức. Nạn tham nhũng mà chúng tôi nghĩ ông sẽ chống lại đã trở thành một con quái vật và đáng buồn thay, chính phủ của ông được đánh dấu bằng chế độ gia đình trị,” ngài nói.

“Chúng tôi biết rằng bây giờ tổng thống khỏe mạnh hơn trước. Chúng tôi có thể thấy điều đó trong mùa xuân trong những bước chân của bạn, hàng ngàn dặm mà bạn đã tiếp tục vượt qua khi bạn đi du lịch nước ngoài. Xin Chúa ban cho bạn thêm nhiều tuổi khỏe mạnh.”

“Tuy nhiên, tôi cũng ước rằng hàng triệu công dân của chúng ta có cơ hội được hưởng một phần sức khỏe của chính tổng thống nhờ sự cải thiện đáng kể về chất lượng chăm sóc sức khỏe ở đất nước chúng ta.”

Đức Cha Kukah đã rất thẳng thắn trong việc chỉ trích gay gắt chế độ Buhari. Đáp lại, nhiều đặc vụ chính phủ và những người về phe với tổng thống đã phỉ báng ngài.

Đã có những nghi ngại rằng Tổng thống Muhammadu Buhari mượn tay bọn khủng bố để Hồi Giáo hóa đất nước bằng cách tận diệt các tín hữu Kitô ở nước này.

Các băng đảng có vũ trang tràn lan khắp Nigeria, đặc biệt là ở miền bắc, nơi chúng cướp hoặc bắt cóc để đòi tiền chuộc, và bạo lực ngày càng gia tăng, nơi lực lượng an ninh quá mỏng thường không ngăn chặn được các cuộc tấn công.

Hôm 10 tháng 11 vừa qua, linh mục Christian Okewu Emmanuel, chưởng ấn của giáo phận Kaduna, cho biết Cha Abraham Kunat, một linh mục quản xứ ở làng Idon Gida, đã bị bắt cóc từ một ngôi nhà mà ngài đang trú ngụ ở một thị trấn khác, trong cùng giáo phận, sau khi rời khỏi giáo xứ của mình do bất an.

Chính phủ Nigeria có mọi thứ cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công đang diễn ra nhằm vào các tín hữu Kitô giáo, nhưng họ đã từ chối giúp đỡ, một linh mục Công Giáo ở quốc gia Tây Phi cho biết.

Tình hình ở Nigeria đã khiến nhiều người tin rằng những gì đang xảy ra là “chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ”, Cha Patrick Alumuku, giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Abuja, nói với ACI Africa như trên.

Ngài nói rằng Giáo hội ở Nigeria không có khả năng bảo vệ người dân, bao gồm cả các linh mục từng là nạn nhân của các vụ bắt cóc và giết người, và chính phủ có vai trò trao quyền cho các nhân viên an ninh trong nước để bảo vệ những thường dân vô tội.

“Giáo hội mong muốn bảo vệ nhân sự của chính mình. Nhưng liệu Giáo hội có đủ năng lực để bảo vệ con người không? Giáo hội có quân đội không? Giáo Hội có cảnh sát không? “ vị linh mục người Nigeria nói thêm, “Chính phủ lẽ ra phải cung cấp cho cảnh sát bất cứ thứ gì cần thiết, đạn dược, hậu cần để có thể giải quyết việc này; nhưng có vẻ như chính phủ không quan tâm đến việc giải quyết những thách thức này “.

Ngài nói tiếp rằng, “Chính phủ tỏ ra bất lực. Trên thực tế, có những người cảm thấy rằng đây là chủ nghĩa khủng bố do chính nhà nước bảo trợ”.

Vị linh mục của Giáo phận Makurdi, người được thụ phong vào năm 1981, cho biết ngài cảm thấy bối rối khi không có hành vi tàn bạo nào đối với các tín hữu Kitô ở Nigeria đã được giải quyết tại tòa án.

“Trong số tất cả những trường hợp các linh mục bị sát hại, thậm chí không có một người nào bị bắt. Trong số tất cả các linh mục đã bị bắt cóc, thậm chí không có một người nào bị bắt. Trong số tất cả các nhà thờ bị cháy hoặc bom phát nổ, không một người nào bị bắt, bị đưa ra tòa, bị xét xử và bị kết tội,” Cha Alumuku nói.