Ngày 10-12-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngôi Lời đã làm người
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:27 10/12/2011
LỄ GIÁNG SINH BAN NGÀY, năm B
Ga 1, 1-5.9-14
Thánh lễ Giáng Sinh ban ngày không còn cảnh đèn hoa giăng mắc, cảnh lung linh của những trái bong bóng đung đưa và muôn vàn bóng điện nhỏ óng ánh chiếu tỏa. Lễ Giáng Sinh ban ngày giới thiệu cho nhân loại, cho con người, cho mỗi người chúng ta về một Hài Nhi, nằm trong máng cỏ. Giêsu bé nhỏ im lặng nhưng Ngài lại là Đấng Cứu Độ. Một Hài Nhi đã giáng sinh cho nhân loại, cho chúng ta…

Thánh Gioan đã viết :” Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người “ ( Ga 1, 9 ) và rồi cũng chính thánh sử Gioan lại viết :” Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời “ ( Ga 3, 16 ). Hài Nhi Giêsu đã được Mẹ Maria đản sinh nơi hang đá máng cỏ năm xưa bởi phép Chúa Thánh Thần, mảnh khảnh, nhỏ bé, khó nghèo, nhưng Ngài là Đấng Cứu Tinh, là Vua Vũ Trụ. Nơi Người như ngôn sứ Isaia nói :” Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi “ ( Is 9, 1 ). Hài Nhi Giêsu là ánh sáng tình yêu, ánh sáng cứu độ đã thắp sáng màn đêm u tối của trần gian bằng chính tình yêu cứu thế. Thế gian dù không đón nhận Ngài, Giêsu Hài Nhi vẫn đến cư ngụ giữa con người. Ngài là ánh sáng chân lý chiếu soi tâm hồn mọi người, để con người một lúc nào đó cũng nhận ra Ngài, yêu mến và phụng thờ Ngài.Thánh Gioan quả quyết :” Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết “ ( Ga 1, 18 ).

Nhìn vào hang đá, đức tin cho chúng ta hay Con Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Đức tin giúp soi sáng cuộc đời và tâm trí chúng ta để chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa đã sai Con của Ngài cư ngụ giữa loài người, giữa gian trần :” Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật “ ( Ga 1, 14 ). Chúa Giêsu là ánh sáng tuyệt hảo mang lại sự sống cho nhân loại :” Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống “ ( Ga 8, 12 ).

Thánh lễ Giáng Sinh hôm nay minh chứng Chúa Giêsu là bánh ban sự sống đời đời. Bởi vì nghĩa của chữ “ Betlehem “ là “ Nhà của bánh “ theo Do Thái. Nhà của bánh là nơi được nuôi dưỡng, an bình. Chúa là bánh hằng sống vì Ngài đến để thí mạng sống làm giá cứu chuộc cho mọi người. Hài Nhi Giêsu được vấn tã và đặt nằm trong máng cỏ, chính là Đấng ban sự sống đời đời. Ngài sẽ lớn lên và theo ý định của Thiên Chúa Cha, Ngài trở nên lương thực nuôi sống muôn dân, nuôi sống mọi người.

Chiêm ngắm Hài Đồng Giêsu, chúng ta nhận ra Đấng uy quyền nhưng lòng Ngài đầy nhân từ và lòng thương xót. Nơi Ngài, ơn cứu độ chan chứa và cũng chính nơi Ngài con người gặp được ơn tha thứ…

Một trẻ thơ chào đời để cứu ta,
Một người con được ban cho nhân loại,
Người mang quyền bính ở trên vai,
Danh hiệu Người là Cố Vấn kỳ tài (Is 9, 6 ).

Hài Nhi Giêsu là Đấng Hòa Bình. Nơi Ngài chúng ta được an bình vì “ bình an dưới thế cho người Chúa thương “. Nơi Hài Nhi Giêsu :” Toàn cõi đất này được xem thấy: Ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta “ ( Tv 97, 3 ).

Lạy Chúa, Chúa đã sáng tạo con người cách kỳ diệu lại còn phục hồi phẩm giá con người cách kỳ diệu hơn nữa; xin ban cho chúng con được chia sẻ chức vị làm Con Chúa với Đức Kitô là Đấng đã chia sẻ kiếp người với chúng con.Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Giáng Sinh ban ngày ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao lại gọi Chúa là Ánh sáng ?
2.Tại sao lại gọi Chúa là Vua Hòa Bình ?
3.Hài Nhi Giêsu là ai ?
4.Tại sao Hài Nhi Giêsu lại là Đấng cứu độ ?
 
Làm chứng cho ánh sáng sự thật
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
10:17 10/12/2011
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng B

Tối hôm qua, Thứ 7 (10.12.2011), các em Thiếu Nhi có xem nguyệt thực không? Hiện tượng nguyệt thực còn được gọi bằng một cái tên dân gian là gì? Là “gấu ăn trăng”. Nguyệt là trăng; thực là ăn. Sự thật thì có phải là mặt trăng bị gấu ăn không? Gấu nào mà ghê thế! Nguyệt thực hôm qua là toàn phần hay bán phần? Toàn phần. Đối với người dân Việt Nam, đây là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21. Em nào chưa xem thì bây giờ xem lại một vài hình ảnh trên màn hình máy chiếu nha (…)

Các em có biết tại sao mặt trăng “bỗng dưng muốn khóc” như vậy không? Tại vì mặt trăng không phải là một thiên thể tự phát sáng như mặt trời. Ánh sáng ta thấy được nơi mặt trăng là do ánh sáng phản chiếu từ đâu? Từ mặt trời, giống như một tấm gương vậy. Bởi đó khi luồng ánh sáng từ mặt trời trực tiếp chiếu tới mặt trăng bị trái đất che khuất (theo khoa học là khi mặt trời, trái đất và mặt trăng thẳng hàng) thì ta thấy mặt trăng bị tối (nguyệt thực). Như vậy một cách nào đó, có thể nói rằng mặt trăng “làm chứng” cho sự hiện hữu của mặt trời. Nói cách khác, mặt trăng “nói” cho ta biết là có ánh sáng mặt trời, ngay cả vào ban đêm, lúc mà ta không trực tiếp thấy được mặt trời.

Khi giới thiệu mình chỉ là người làm chứng cho ánh sáng, Gioan Tẩy Giả muốn nói rằng vai trò của ngài chỉ tựa như mặt trăng. Ngài không phải là ánh sáng, càng không phải là mặt trời. Chúa Giêsu mới là Ánh Sáng, Ánh Sáng Sự Thật - Sự Thật Cứu Độ; Đức Kitô mới là Mặt Trời, Mặt trời Công Chính. Gioan xuất hiện chỉ là để làm chứng cho ánh sáng Giêsu, Ánh Sáng Sự Thật (x. Ga 1,7). Vậy thì làm chứng cho Ánh Sáng Sự Thật theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay là gì?

- Làm chứng cho Ánh Sáng Sự Thật trước hết là nhìn nhận sự thật về chính mình. Gioan nhìn nhận sự thật về chính mình qua 5 câu trả lời cho các Tư Tế và Lêvi ở Giêrusalem. Sự thật về con người của ngài: ngài nhận mình không phải là chủ nhân mà chỉ là tôi tớ, thậm chí chưa đáng là tôi tớ, như lời ngài bộc bạch: “Tôi không đáng cởi dây giày cho Người” (Ga, 1,27). Sự thật về sứ mạng của ngài: không phải là sứ mạng cứu thế, mà chỉ là sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Trong tâm tình khiêm hạ, Gioan không nhận những gì không thuộc về mình: ngài không phải là Êlia, không phải là ngôn sứ, càng không phải là Đấng Kitô. Vậy ngài nhận mình là ai? Ngài nhận mình chỉ là “tiếng kêu trong sa mạc cằn khô sỏi đá” (x. Ga 1,23). Một tiếng kêu trơ trọi, không có dàn khuếch đại âm thanh hỗ trợ.

- Làm chứng cho Ánh Sáng Sự Thật còn là chân nhận sự thật về Đức Kitô. Gioan chứng nhận Đức Giêsu là Mặt Trời Công Chính, là Đấng Cứu Thế mà muôn dân đang trông đợi. Gioan hân hoan giới thiệu cho dân chúng biết về Đấng Cứu Thế ấy, Đấng cao trọng đến nỗi ngài nhận mình không xứng đáng để làm đầy tớ. Ý thức điều đó, Gioan không bao giờ tìm vinh danh cho mình, nhưng luôn qui hướng về vinh danh Thiên Chúa bằng cả cuộc đời mình.

Thật vậy, nếu không có mặt trời thì mặt trăng sẽ trở nên “vô tích sự”. Không có mặt trời, mặt trăng chỉ là khối đất đá bị bao phủ bởi màn đêm dày đặc và băng giá lạnh lùng. Cũng vậy, nếu không có Mặt Trời Giêsu thì “mặt trăng” Gioan cũng sẽ “tối thui” như nguyệt thực.

Mặt Trời Công Chính xuất hiện đem lại ánh sáng và hơi ấm cho vạn vật và con người, trong đó có Gioan. Ánh sáng ấy là ánh sáng Cứu Độ, hơi ấm ấy là hơi ấm tình trời và tình người nối kết. Nhờ cận kề với Mặt Trời Giêsu, “mặt trăng” Gioan trở nên lung linh sáng láng, khiến cho nhiều người muốn được vui hưởng thứ ánh sáng ấy trong một thời gian” (x.Ga 5,35). Được làm chứng cho Đức Giêsu, được tiếp nhận ánh sáng từ Mặt Trời Công Chính, Gioan đã trở nên cao trọng đến độ chính Chúa Giêsu cũng đã không tiếc lời ca ngợi: “Trong số tất cả các nam nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan” (Lc 7, 28).

Gương sống của Gioan mời gọi mỗi người chúng ta, cách riêng các em Thiếu Nhi, hãy năng tiếp nhận ánh sáng Giêsu và đem ánh sáng ấy vào trong chính môi trường mà mình đang sống, đang học tập, hay đang làm việc. Để tất cả mọi người ở đó cũng có được ánh sáng Giêsu hầu nhận biết sự thật về chính mình và sự thật về chính Chúa. Sự thật về chính mình vốn là con người yếu hèn, giới hạn, bất toàn và tội lỗi. Nhờ đó mà họ biết sống khiêm tốn và bao dung. Sự thật về chính Chúa là Đấng Cứu độ duy nhất quyền năng cao cả. Nhờ đó mà họ biết đón nhận Chúa với niềm tin tưởng và cậy trông, ngõ hầu được ơn cứu độ dồi dào.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết làm chứng cho Chúa, làm chứng cho Ánh Sáng Sự Thật, bằng việc nỗ lực sống sự thật về chính mình, sự thật về chính Chúa, đồng thời luôn biết qui hướng mọi vinh quang cho một mình Chúa. Amen.
 
Có người nói Chúa Giêsu Kitô không phải là Đáng Cứu Độ phổ quát và hữu nhất vô nhị?
LM Fx Nguyễn hùng Oánh
10:15 10/12/2011
Lời nói nầy biện minh cho giá trị cứu độ của các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo có giá trị ngang bằng với Đạo Chúa Kitô. Ở nước ta, có người nói : đạo nào cũng giống như đạo nào, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành nên các tôn giáo có giá trị ngang nhau.

Dạy như vậy là trái nghịch với Đức Tin Công giáo vì mạc khải và Giáo lý Công giáo dạy ý muốn cứu độ và phổ quát của Một Thiên Chúa Ba Ngôi phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi, do Ba Ngôi thực hiện là tự hiến mình để cứu độ trong chính mầu nhiệm sáng tạo (ban sự hiện hữu) và Ba Ngôi tự hiến mình để cứu chuộc trong mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Ngài được đặt làm nguyên nhân cứu độ cho toàn thế giới (xem Thông điệp Dominum et Vivificantem số 11,12 và 2), là Đấng trung gian (mesites) hữu nhất vô nhị giữa Thiên Chúa và loài người (1Tm 2,5 ; xem Dt 8,6 ; 9,15 ; 12,24).

Thánh Kinh Cựu Ước của người Hy bá không có từ ngữ tương đương với vị trung gian (mesites trong Hy lạp) để chỉ những vị trọng tài hay môi giới. Trái lại, những tôn giáo cổ xưa theo đa thần đặt những vị trung gian là những thần phụ thuộc giữa các thần linh tối cao và loài người.

Lý do là Cựu Ước bảo vệ tính siêu việt vô cùng của Thiên Chúa nên không đặt vai trò trung gian. Ông Gióp thưa với Thiên Chúa : “Không hề có trung gian (mesitès) giữa con và Thiên Chúa” (Gb 9,33, bản dịch LXX). Thầy cả Hêli nói các con của mình : “Nếu có kẻ mắc tội với Thiên Chúa Giavê thì ai có thể sẽ bàu chữa cho ? (1Sm 2,25). Nhưng cũng để bảo vệ tính siêu việt của Thiên Chúa, Cựu Ước sử dụng cách nói như trung gian : Lời của Giavê (2Sm 7,4), Nhan Giavê (1Sm 13,12) Vinh quang Giavê (Xh 16,10), . Quả thật những từ ngữ nầy thuộc các phẩm tính của Thiên Chúa. Sau thời lưu đày, một ít bản văn Kinh Thánh dùng từ ngữ “thiên thần” làm trung gian. Thay vì Thiên Chúa trực tiếp nói, làm, người ta nói thiên thần, thần sứ của Giavê (Stk 22,11 ; Xh 3,2 ; Tph 2,1 ; Stk 21,17 ; 31,11 ; Xh 14,19) (ở đây, thần sứ của Giavê không chỉ thị một hữu thể nào khác với Giavê).

Và Cựu Ước đã dùng trung gian theo nghĩa rộng trong suốt lịch sử dân Israen :

Abraham : Thiên Chúa kêu gọi ông làm tổ phụ Israen. Nhờ ông mà con cháu ông là Israen được chúc phúc và đất đai Israen được chúc phúc. Cũng nhờ ông mà mọi dân tộc trên mặt đất được chúc phúc (Stk 12,3). Ông đã can thiệp cho vua ngoại giáo Abimêlec (Stk 20,7.17...), và thành Sodoma (Stk 18, 22-32).

Môisen : được Thiên Chúa kêu gọi, giao trọng trách đi giải thoát dân Israen khỏi Ai cập, giúp dân ký Giao ước với Thiên Chúa, công bố lề luật và việc phụng tự. Ông xuất hiện như vị lập pháp, hành pháp và tư pháp để hướng dẫn dân sống theo luật pháp của Thiên Chúa. Ông còn là người bầu cử cho dân trước mặt Chúa (Xh 32, 11-12, 31-34). Tân Ước đã gọi ông là vị trung gian, dĩ nhiên theo nghĩa rộng (xem Galata 3,19) so với Chúa Giêsu Kitô là Đấng trung gian hữu nhất vô nhị (1 Timôtê 2,5).

Sau này, các nhiệm vụ của Môisen đảm nhận được phân chia cho nhiều người khác nhau :

- Chức tư tế do chi tộc Lêvi được Thiên Chúa tuyển chọn để lo việc tế tự và phục vụ Lề luật.

- Thẩm phán (Quan án) do Thần khí làm cho họ chỗi dậy, lãnh đạo chi tộc (Tph 2,16 ; 6,34) bảo vệ dân khỏi dân ngoại hà hiếp.

Tiếp theo các thẩm phán là vua. Vua là Đấng được xức dầu, là Messia của Thiên Chúa, được Thiên Chúa xem như là con (2 Sm 7,14 ; Tv 2,7), và được Thiên Chúa tuyển chọn vì lợi ích giống nòi (1 Sm chương 9,10,16), đôi khi ông cũng hành sự như vị tư tế (2 Sm 6, 17-18). Dân xem vua như “Thiên thần của Thiên Chúa” (2 Sm 14,17). Vì Thiên Chúa của dân Israen cũng là Thiên Chúa của vũ trụ, của mọi dân mọi nước, một số ngôn sứ đã nhận ra được ý định của Thiên Chúa trong một số hoạt động của các vua dân ngoại : Nabuchodonosor (Gr 27,6), Cyrus (Is 41, 2-5 ; 44,28 ; 45, 1-6).

- Ngôn sứ, Thiên Chúa can thiệp trực tiếp vào cuộc sống của người nào đó mà Thiên Chúa tuyển chọn là “ngôn sứ” (Amos 7, 14-15), giao sứ mệnh. Ông phải chuyển lời của Thiên Chúa đến tai dân chúng, vua chúa quan quyền : tội của nhà vua, của dân, hình phạt sẽ giáng xuống nếu không trở lại với Thiên Chúa, những đòi buộc của Thiên Chúa, lời hứa cho những ai trung thành và viễn tượng rất tốt đẹp mà Thiên Chúa khôi phục lại từ đống đổ nát, điêu tàn. Ngôn sứ cũng ý thức vai trò của mình là cầu bàu cho dân trước mặt Chúa (xem I Sm 7, 7-12 ; 12, 19-23 ; Amos 7, 1-6 ; Giêrêmia 15,11; 18,20 ; 42,2... Êzikiel 9,8 : 11,13).

- Tôi tớ Thiên Chúa : đây là một nhân vật “huyền bí” được Thiên Chúa kêu gọi để phán xét thiên hạ (Is 42,1), để quy tụ dân Israen đang tản mát khắp nơi tụ họp lại (Ez 34, 15-16), là ánh sáng muôn dân (Is 42,6 ; 49, 5-6) và là giao ước của dân tộc (Is 42,6 ; 49,8) để thiết lập một dân mới gồm dân Israen và các dân, các nước. Công việc của Ngài như một sứ ngôn (giảng và cầu bàu), nhưng vượt trội mọi ngôn sứ vì Ngài cứu chuộc muôn dân bằng chính “đau khổ của mình” (Is 52,14 ; 53,12). Khi dâng hiến chính mình làm hy lễ xá tội (Is 53,10). Tôi tớ Thiên Chúa đóng vai trò một trung gian tư tế. Trong Daniel 7,13 và 18 Tôi tớ Thiên Chúa được mô tả là “Con Người”, đại diện cho “dân tộc thánh”, bị những thế lực ngoại giáo áp bức, và nhờ Thiên Chúa phán xét, Ngài được Thiên Chúa tôn vinh. Ngài sẽ thống trị chư dân (Dn 7,14 và 27) và bảo trì triều đại của Thiên Chúa trên thế giới.

Trong Tân Ước, Đức Giêsu Kitô thiết lập Giao ước mới (Lc 22,20) thay thế Giao ước cũ (xem Gr 31, 31-33). Ngài hoàn tất mọi lời các ngôn sứ và mới có thể thấy rõ các trung gian trong Cựu Ước đều quy tụ lại nơi Ngài là Vị Trung Gian cứu độ hữu nhất vô nhị.

Tân Ước đã quả quyết hết sức cụ thể và rõ ràng : Đức Giêsu Kitô là vị trung gian hữu nhất vô nhị giữa Thiên Chúa và loài người (1 Tm 2,5 ; Dt 8,6 ; 9,15 ; 12,24) và phổ quát, bao trùm loài người (CvTđ 4,12).

Là trung gian cứu độ hữu nhất vô nhị vì Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa Ngôi Hai vừa là con người nhân loại. Ngài đứng ở giữa Thiên Chúa và loài người, nhưng về phía Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai cùng với Ngôi Cha và Ngôi Thánh Thần, còn về phía loài người, Ngài đứng trong hàng ngũ loài người vì Ngài có bản tính nhân loại, nhưng với chủ thể là Ngôi Hai Thiên Chúa (vì nơi Đức Kitô không có chủ thể nhân loại, chỉ có một chủ thể là Ngôi Hai Thiên Chúa của thiên tính và nhân tính nên thiên tính hay nhân tính làm là Ngôi Hai Thiên Chúa làm.).

Từ đó ta phải hiểu khi Đức Giêsu Kitô cầu bàu cho nhân loại, kéo nhân loại về với Thiên Chúa, dâng bản thân mình làm lễ vật trên thập giá v.v... vai trò trung gian của Ngài là hữu nhất vô nhị : về phía Thiên Chúa, Ngài nhận lời cầu bàu, nhận lễ vật, ban ơn cứu độ v.v..., về phía nhân loại, Ngài dâng lời cầu bàu, dâng lễ vật v.v... Hai phía đều có Ngài đã đành, nhưng giá trị dâng lời cầu bàu, dâng lễ vật v.v... là giá trị công việc của Thiên Chúa, giá trị vô cùng. Vì thế, không có một thụ tạo nào thay thế được Ngài hoặc bổ túc cho Ngài được. Vai trò trung gian của mọi thụ tạo như tổ phụ Abraham, Môisen, các ngôn sứ, Đức Trinh nữ Maria, các thánh đều là vai trò trung gian phụ thuộc vào Đấng Trung gian hữu nhất vô nhị là Chúa Giêsu Kitô.

Những điều nói trên về vai trò trung gian hữu nhất vô nhị của Chúa Giêsu Kitô dựa trên nền tảng “Ngôi Lời làm người” (Verbum caro factum est, Ga 1,14) và thần học diễn tả mầu nhiệm nầy bằng thuật ngữ : mầu nhiệm Ngôi hiệp (union hypostatique). Ngôi Hai Thiên Chúa linh thiêng vô cùng không thể biến thành vật chất, nhưng Ngôi Hai kết hiệp bền chặt lấy xác phàm nhân loại trong cung lòng Đức Trinh nữ Maria và Ngôi Hai là cái tôi, là chủ thể của xác phàm đó. Mọi việc nhân tính Chúa Giêsu Kitô làm là Ngôi Hai làm nên chúng có giá trị : Ngôi Hai làm tức là việc của Thiên Chúa làm. Vai trò trung gian của Chúa Giêsu Kitô, xét ra đây là vai trò trung gian của nhân tính, nhưng chủ thể là Ngôi Hai Thiên Chúa nên có giá trị là công việc của Thiên Chúa. Cũng do mầu nhiệm Ngôi hiệp, Chúa Giêsu Kitô đứng về hai phía : phía Thiên Chúa và phía nhân loại. Đây là trung gian tuyệt hảo vô cùng, đây là trung gian hoàn hảo tuyệt đối và vô cùng là trung gian hữu nhất vô nhị, không cần một thứ trung gian nào bổ túc. Nói rằng trung gian của Chúa Giêsu Kitô còn thiếu nên cần trung gian khác bổ túc, hoặc nói rằng Trung gian của Chúa Giêsu Kitô không phải hữu nhất vô nhị vì có những trung gian khác cũng có giá trị không thua kém gì v.v... tức là phủ nhận Ngôi Hai Thiên Chúa là chủ thể của nhân tính, phủ nhận mầu nhiệm Ngôi hiệp.

Khẳng định như thế để loại trừ mọi thụ tạo đặt mình ngang hàng với Chúa Giêsu Kitô, nhưng không loại trừ các trung gian khác.

Công đồng Vatican II : Nulla enim creatura cum Verbo incarnato ac Redemptore connumerari unquam potest ; sed..., ita etiam unica mediatio Redemptoris non excludit, sed suscitat variam apud creaturas participatam ex unico fonte cooperationem (Lumen gentium, 62) (Không bao giờ có thể đặt thụ tạo nào với Ngôi Lời nhập thể và cứu chuộc, nhưng sự Trung gian duy nhất của Đấng Cứu thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ tạo cộng tác trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất, Lumen gentium số 62).

Đức Gioan Phaolô II lập lại : “Đức Kitô là vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người”. “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người và cũng là người thật tức là Đức Kitô Giêsu, Đấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người. Đó là chứng đã được tuyên ra vào thời đã định, mà tôi đã được làm kẻ rao truyền làm tông đồ, - tôi nói thật chứ không nói láo - tôi được đặt làm tấn sĩ cho dân ngoại, trong đức tin, trong sự thật. (1Tm 2, 5-7 ; xem Dt 4, 14-16). Vì thế, con người chỉ có thể kết hợp với Thiên Chúa nhờ Đức Kitô dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Vai trò Trung gian của Đức Kitô là duy nhất và phổ quát, không làm trở ngại con đường dẫn đến Thiên Chúa, vì là con đường do chính Thiên Chúa vạch ra, và Đức Kitô cũng ý thức đầy đủ về điều đó”. (Thông điệp Redemptoris missio, số 5). Thật vậy, Đức Kitô đã nói : “Thầy là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống. Không ai đến được Chúa Cha mà không nhờ Thầy” (Gioan 14, 6).

Dầu là Trung gian hữu nhất vô nhị và phổ quát, Đức Giêsu không loại trừ trung gian khác, trái lại Ngài làm cho trung gian khác có ý nghĩa. Đức Phaolô Gioan II nói tiếp : “Tuy không loại trừ những thứ loại và cấp bậc trung gian khác, nhưng những trung gian này chỉ có thể có ý nghĩa và giá trị do từ trung gian duy nhất của Đức Kitô, và những trung gian đó không thể được coi là song hành hay bổ túc cho trung gian của Đức Kitô” (Redemptoris missio, số 5).
 
Bài Giảng Lễ Tạ Ơn Ngày Giáp Năm Thụ Phong Linh Mục
Gm Matthêô Nguyễn Văn Khôi
10:23 10/12/2011
BÀI GIẢNG LỄ TẠ ƠN NGÀY GIÁP NĂM THỤ PHONG LINH MỤC

Tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn, ngày 10-12-2011

Ngày 10 tháng 12 năm 2010, cũng vào giờ này, cũng tại nhà thờ Chính tòa này, 8 thầy phó tế là Luy Huỳnh Anh Trung, Giuse Phan Thế Vinh, Gioakim Nguyễn Đức Vinh, Simon Trần Văn Đức, Luy Nguyễn Xuân Vũ, Phêrô Nguyễn Ngọc Thắng, Gioan B. Nguyễn Kim Ngân và Phêrô Bùi Huy Ngọc, đã được sinh ra trong chức linh mục qua bí tích truyền chức thánh. Hôm nay sau đúng một năm thi hành tác vụ linh mục, có thể được coi như ngày thôi nôi, từ các nhiệm sở trong giáo phận, các linh mục này cùng nhau quay trở về nơi mình đã sinh ra để một lần nữa cùng với cộng đoàn hợp ý dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân linh mục đã nhận lãnh.

Một năm với 365 ngày đã trôi qua. Mỗi ngày mỗi linh mục đã dâng ít nhất là một thánh lễ. Nếu mỗi thánh lễ là một hành vi tạ ơn tuyệt vời nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa, thì không ngày nào trong suốt năm qua các linh mục của chúng ta không dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Nhưng hôm nay, với thánh lễ tạ ơn này, tâm tình tạ ơn của các linh mục mừng ngày giáp năm thụ phong quả thật mang lấy một sắc thái đặc biệt hơn hết mọi ngày. Trong bức thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc I, thánh Phaolô đã viết: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Ngài đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu. Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Ngài… Chính Ngài sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô” (1Cr 1,4-5.8). Lời này càng thích hợp hơn nữa khi áp dụng cho các linh mục, và do đó các linh mục càng có lý do để tạ ơn Thiên Chúa hơn những người khác.

Thiết tưởng không có cách nào tuyệt vời hơn để diễn tả tâm tình tạ ơn cho bằng bắt chước Đức Trinh Nữ Maria trong bài ca Magnificat mà chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Tâm hồn Mẹ đầy tràn niềm vui và tâm tình tri ân đối với Thiên Chúa, vì Ngài đã đoái thương chọn một thiếu nữ thấp hèn như Mẹ làm mẹ Đấng Cứu Thế. Tâm tình tri ân của Mẹ phát xuất từ một cảm nghiệm sâu sắc về sự nhỏ bé thấp hèn của mình và địa vị cao sang cùng với muôn vàn hồng ân mà Thiên Chúa đã thương ban cho Mẹ. Càng ý thức mình nhỏ bé, Mẹ càng cảm thấy ơn Chúa thật lớn lao.

Từ một thiếu nữ thấp hèn, ĐứcMaria đã được phong chức làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Cũng vậy, từ những con người phàm hèn yếu đuối và bất xứng, các linh mục đã được nâng lên hàng bạn hữu của Đức Kitô, được tuyển chọn trong muôn một và phong chức để thay mặt Chúa dạy dỗ, cai quản và thánh hóa nhân loại. Tại sao? Chữ “tại sao” này người ngoài khó hiểu đã đành, mà ngay cả bản thân linh mục cũng không bao giờ có thể hiểu nổi.

Ngày nay, trong thế giới đang trên đà tục hóa, nhiều người không tin vào tính thánh thiêng của chức linh mục, họ chỉ xem đó như một nghề như mọi thứ nghề khác, và các linh mục cũng chỉ được coi là những công chức ăn lương, chỉ làm việc theo hợp đồng trong những giờ hành chánh. Nhiều nơi ở Âu Mỹ, người ta chẳng cần biết một linh mục có thánh thiện hay không, vì đó là chuyện đời tư của mỗi người, miễn là linh mục ấy chu toàn một số nhiệm vụ mà họ yêu cầu, như cử hành thánh lễ, ban các phép bí tích.

Thực ra, linh mục không phải là một nghề, nhưng là một thừa tác vụ thánh. Linh mục không làm việc vì tiền, vì đồng lương, nhưng vì đó là một sứ vụ được Thiên Chúa giao phó và linh mục đã tự do và vui lòng đón nhận, không phải theo một hợp đồng nhất thời, nhưng là một sự dấn thân suốt cả cuộc đời. Đó chính là sứ vụ mà Đức Kitô đã nhận được từ nơi Chúa Cha và Ngài trao lại cho các linh mục. Đó là sứ vụ của Đức Kitô là Đầu, không theo nghĩa là kẻ ăn trên ngồi trước, nhưng là người phục vụ, như chính Đức Giêsu đã dạy: “Ai làm đầu phải hầu thiên hạ”. Sự cao cả và niềm vui của các linh mục thừa tác là ở chỗ đó. Vì thế, khác với các quan chức thế trần, các linh mục của Chúa không được đánh giá bằng địa vị, bằng tiền bạc, nhưng bằng sự phục vụ. Ai càng phục vụ cách khiêm tốn và quên mình thì càng có giá trị trước mặt Chúa, kể cả trước mặt người đời, vì người đời vẫn tôn kính những người như thế.

Để bày tỏ tâm tình tri ân đối với Thiên Chúa là Đấng đã đoái thương nhìn đến phận hèn nữ tì của Mẹ và đã làm cho Mẹ những điều cao cả, Đức Maria đã vội vã lên đường phục vụ như một nữ tì khiêm tốn tại nhà bà chị họ Êlisabeth, trong những ngày bà sinh nở. Đức Mẹ đã không kể đến địa vị làm mẹ Thiên Chúa của mình để đòi cho được người ta tôn kính hay phục vụ, nhưng Mẹ đã quên mình để phục vụ giống như Chúa Giêsu, Con Mẹ sau này. Mẹ đã thực hiện trước những gì Chúa Giêsu sau này sẽ dạy các môn đệ của Ngài. Và như thế, bên cạnh tước hiệu cao sang “Mẹ Thiên Chúa”, Mẹ còn có thêm một tước hiệu tuy khiêm tốn nhưng đầy ý nghĩa đối với các linh mục, đó là tước hiệu “người môn đệ tuyệt hảo của Đức Kitô”.

Theo gương người môn đệ tuyệt hảo ấy, các linh mục sau ngày thụ phong, đều mau mắn lên đường phục vụ khắp nơi, để đem Chúa và Tin Mừng đến với mọi người. Theo bài sai của Đức Giám Mục giáo phận, các linh mục hôm nay mừng ngày giáp năm thụ phong cũng đã ra đi với sứ mạng như thế. Nếu lấy nhà thờ Chính tòa này làm điểm xuất phát, thì các linh mục ấy đã ra đi phục vụ tại những địa chỉ trong giáo phận từ xa đến gần như sau: Bàu Gốc, Tuy Hòa, Gia Chiểu, Phù Mỹ, Gò Thị, Tân Dinh, Chủng Viện, Chính tòa.

Trong ngày thụ phong, nhờ ân sủng của bí tích truyền chức thánh, các ngài đã “là” những linh mục, nhưng các ngài còn phải “làm” linh mục mỗi ngày. Chức linh mục thừa tác không bao giờ là một sự thành toàn. Chỉ nơi Đức Kitô, vị Thượng Tế tối cao, mới có ưu phẩm đó. Còn những ai tham dự vào chức linh mục của Ngài, luôn phải đặt mình trong tiến trình trở thành linh mục, nghĩa là ngày nào cũng phải vươn lên, chứ không thể bằng lòng với tình trạng hiện tại. Ngày thụ phong linh mục không phải là một đỉnh cao, nhưng chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình rất dài và không ngưng nghỉ, có thể gọi đó là tiến trình “làm” linh mục. Điều đó được thể hiện qua đời sống thiêng liêng, qua những dấn thân phục vụ trong các lãnh vực mục vụ, truyền giáo. Nếu chữ “làm” phát xuất từ chữ “là” và nhằm thể hiện chữ “là”, thì mọi hoạt động của linh mục, tức những gì linh mục “làm”, từ đây mang dấu ấn của thiên chức linh mục. Các linh mục không “làm” linh mục trong một số công tác mục vụ nào đó, trong những thời khắc và địa điểm nào đó, nhưng là “làm” linh mục cả ngày lẫn đêm, cả khi thức cũng như khi ngủ. Tước hiệu linh mục từ đây đã gắn liền với tên gọi, suốt đời và cho đến mãn đời.

Giờ đây, chúng ta không những hiệp ý với các linh mục dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân thánh chức linh mục đã nhận lãnh vừa tròn một năm, nhưng mỗi người chúng ta cũng hãy tiếp tục giúp đỡ các ngài bằng lời cầu nguyện và những sự nâng đỡ về tinh thần cũng như vật chất, để các ngài đem những hồng ân mà Thiên Chúa đã trao ban trong thánh chức linh mục phân phát cho Dân Chúa như lời thánh thi Giáo Hội vẫn đọc trong lễ kính nhớ các thánh mục tử:

Đây linh mục, những con người thánh hiến
Suốt cuộc đời làm chủ tế trung kiên,
Đem tình thương người mục tử nhân hiền,
Dâng trọn vẹn cho đoàn chiên chẳng tiếc.
Hồng ân Chúa, những hồng ân đặc biệt,
Lãnh nhận rồi, phân phát cả cho dân.


Gm Matthêô Nguyễn Văn Khôi
 
Mỗi ngày phải có một niềm vui
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:27 10/12/2011
Mỗi Ngày Phải Có Một Niềm Vui

(CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG (2011)

Hồi trước năm 1975, miền Nam Việt Nam có lưu hành một bài hát rất được ưa thích của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Linh Phương : Bài hát KỶ VẬT CHO EM,. Bởi chưng, nội dung của bài hát nầy, diễn tả cái thân phận bi đát của người lính chiến, những người “có ngày đi nhưng không mong ngày trở lại” ; và nếu có trở lại, thì có khi chỉ còn là một xác chết hay một thương binh đem lại một nổi buồn da diết cho người ở lại.

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã.. Em ơi!


Thân phận loài người cũng sẽ buồn biết bao nhiêu nếu mọi sự đã trở thành bế tắc sau biến cố “tội lỗi tầy trời của A-dam và E-Va nơi vườn diệu quang vào thuở khai thiên lập địa” ; nhất là nếu Thiên Chúa mãi mãi ra đi và không bao giờ trở lại với nhân loại.

Nhưng đức tin đã dạy chúng ta rằng : Thiên Chúa của chúng ta tin thờ không bao giờ là một Thiên Chúa của sự “giận hờn miên viễn, của thù oán, của kết án bất công hay của lòng chai dạ đá”…mà là : “Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chậm bất bình và rất mực yêu thương, khoan dung và đầy lòng tha thứ…”.

Cũng chính vì để nhắc lại niềm tin vào một Thiên Chúa trung thành và yêu thương đó, mà các sứ ngôn đã thay phiên nhau công bố sứ điệp hoan vui về “Sự Trở về, sự viếng thăm, sự quang lâm, sự hiện diện, sự chúc lành và ban tặng hồng ân của Thiên Chúa”.

“Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao !
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,
Và choàng cho tôi đức chính trực công minh… ” (Bđ 1)


Đó cũng chính là nội dung tin vui mà Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu cho dân Ít-ra-en : “Ở giữa anh em có một Đấng mà anh em không biết” ; là Tin Mừng mà Đức Kitô đã loan báo khi Ngài công khai rao giảng Tin Mừng : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời các ngươi vừa nghe…Thánh thần Chúa ngự trên tôi, để tôi đem tin mừng cho người nghèo khó…” ; là Tin mừng vĩ đại mà các thiên sứ đã báo cho các mục đồng thành Bê-lem : “Tôi báo cho anh em một tin mừng, một tin mừng vĩ đại cho toàn dân là hôm nay, Đấng Cứu thế đã giáng sinh trong thành vua Đa-vít”…

Vâng, Thiên Chúa của chúng ta, Thiên Chúa mà Đức Kitô đến mặc khải rõ ràng cho chúng ta không bao giờ là một “Thiên Chúa trên các tầng mây nghìn trùng xa cách, chỉ biết ngó xuống mặt đất để dò xét và luận phạt. Nhưng là một Thiên Chúa “đang ở giữa chúng ta đây, một Thiên Chúa đang đồng hành giữa cuộc sống chúng ta để cảm thương thân phận, để chia sẻ ngọt bù, để đoái thương kẻ nghèo hèn, để bênh vực người cô thế cô thân như lời ca khen của cô trinh nữ Maria ngày nào trước cửa nhà bà chị họ Ê-li-sa-bét :

“Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới…
Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư
Người giàu có lại đuổi về tay trắng…” (Đáp ca)


Đối diện với một Thiên Chúa như thế, tin vào một Đức Kitô như thế như thế, quả thật, Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta “Hãy Vui Lên” thì thật là chí lý, thật là “phải đạo”.

Nhưng để có được niềm vui như Lời Chúa đề nghị, như Phụng Vụ hôm nay gọi mời, chúng ta phải dấn thân và nỗ lực canh tân cuộc sống. Đó là một cuộc hoán cải nội tâm, một cuộc đổi đời theo lộ trình mới của Thiên Chúa, trên con đường mới của Phúc âm. Chính Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng hôm nay đã trả lời cho đám tư tế và Lê-vi đến chất vấn ông : “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : hãy sửa đường Chúa cho thẳng để Chúa đi”. Và sau đó, Đức Kitô lại tiếp tục rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa mà con đường đến với Nước ấy là “hãy sám hối vì Nước Trời đã đến”, là “Tám Mối Phúc Thật…là Thập giá, là con đường hẹp, là hoán cải trở nên như trẻ thơ…".

Và chúng ta cũng đừng quên rằng "niềm vui" mang tính cứu độ luôn một “Niềm Vui luôn đòi trả giá đắt”, là niềm vui anh hùng, là niềm vui mang “dáng đứng của Máng cỏ Bê-Lem, của đồi Gon-go-ta, của từ bỏ, của hy sinh, của yêu thương, phục vụ. Đó chính là niềm vui của Đức Trinh Nữ Maria khi Mẹ hát lên bài Magnificat “linh hôn tôi nhảy mừng trvong Chúa”, vì Mẹ đã cảm nhận được thế nào vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Đó là niềm vui của cô Maria Bêtania khi cô đập bể bình dầu thơm cam tùng hảo hạng để xức chân Chúa như một dấu chỉ của yêu thương. Đó là niềm vui của Lê-vi khi nhất quyết bỏ bàn thu thuế để dấn thân theo Thầy. Đó là niềm vui của người phụ nữ giang hồ Mai-đệ-lên khi tuôn đổ những giọt nước mắt trên chân Chúa để trở về làm lại cuộc đời. Đó là niềm vui của các Thánh Tông Đồ từ tòa án công nghị của quan chức Do Thái bước ra : “Các ông vui mừng vì được chịu đau khổ để làm chứng cho Đức Kitô”. Đó là cái vui của Mẹ Á Thánh Têrêxa thành Cal-cut-ta, khi được cận kề săn sóc những kẻ yếu đau liệt lào. Đó là niềm vui của Thánh Maximilien Kolbe khi được chết thay cho một người tù sắp bị xử tử, là niềm vui của Á Thánh Anrê Phú Yên trên đường đi đến pháp trường để lấy cái chết làm chứng mình thuộc về Đức Kitô…

Suốt 2000 năm nay, đã có biết bao người đã dấn thân chọn lựa cho mình một niềm vui như thế.

Nếu một người ngoại giáo như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà còn biết tâm niệm rằng :

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười…
Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi
Đường đến anh em đường đến bạn bè…
Và như thế tôi sống vui từng ngày
và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi …
(Trích lời ca trong ca khúc Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui của TCS)


thì chúng ta, những người Kitô hữu, những người được đổ đầy tràn niềm vui của thánh ân, không lẽ mỗi ngày chúng ta không chọn được cho mình một niềm vui ?

LM. Giuse Trương Đình Hiền
 
Tiếng Kêu Lạc Lõng Trong Hoang Địa
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
21:21 10/12/2011
Tiếng Kêu Lạc Lõng Trong Hoang Địa

Ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện vào ngay giây phút đầu tiên ông làm phép Rửa trong nước cho những người Do Thái tại làng Betania bên kia dòng sông Jordan, và dường như ông được nhìn dưới lăng kính của một vị trí cao nhất. Nhưng chính ông là người đã tự tuyên bố để cải chính bắt đầu từ vị trí cao nhất: “Tôi không phải là Đức Kitô” đến vị trí thứ hai“Tôi cũng không phải là Elia”. Thật ra vị trí thứ hai này là vị trí mà sau đó chính Đức Giêsu Kitô đã dành cho Gioan Tẩy giả: “Ông Elia đến và sẽ chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Elia đã đến rồi và họ không nhận ra ông” (Mt 17, 11-12). Đức khiêm nhường đã khiến Gioan Tẩy giả khước từ cả đến vị trí thứ ba vốn được coi trọng trong dân Do Thái là các ngôn sứ. Mặc dầu ông được chính Đức Giêsu Kitô đánh giá: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11) Điểm so sánh này cho thấy tất cả mọi ngôn sứ trong Cựu Ước không thể sánh được với Gioan vì ông là cầu nối giữa Cựu Ước sang Tân Ước. Thực vậy, đức khiêm tốn của ông đã tìm đến những điểm thấp nhất, đó là: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa” (x.Ga 1, 6-8. 19-28). Nếu đỉnh cao là Đức Kitô, rồi đến Elia – vị tiên tri lớn và uy tín trong dân Do Thái – đến các ngôn sứ là những người được trọng vọng. Ông Gioan Tẩy Giả đã không dừng lại ở bất cứ điểm nào và để mình đi vào trong sa mạc như một tiếng kêu.

Tiếng kêu trong sa mạc là tiếng vang xa không bị rào cản nhưng cũng là tiếng kêu của một sự đơn côi lạc lõng, vì tiếng kêu trong hoang địa không có người đáp trả. Với tâm tình này, chúng ta thấy Gioan không để lại cho mình một chút danh dự nào; không giữ lại cho mình một chút ý riêng nào; không đề cao một chút sứ mệnh nào của mình. Tất cả dường như là để chuẩn bị. Chuẩn bị gì? Nỗi thất vọng đã đến với những người lãnh đạo Do Thái khi thấy Gioan Tẩy Giả không nhận một vị trí quan trọng nào mà họ hy vọng. Cuối cùng họ đã thấy Gioan Tẩy Giả tuyên bố: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa”. Niềm thất vọng đó đã đặt Gioan vào tình trạng bị tấn công. Vậy thì ông làm được gì? Ông không phải là Đức Kitô, ông không phải là Elia, ông cũng không phải là ngôn sứ. Ông làm được gì?. Đúng. Gioan Tẩy Giả không làm được gì. Nếu không phải sứ mệnh của ông là dọn đường cho Đấng đến sau. Bởi vì “Có Đấng đến sau tôi nhưng lại quyền năng hơn tôi. Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”(Ga 1,27). Ông muốn khước từ tất cả: Danh dự, ý riêng, kể cả đề cao sứ mệnh, để người ta không nhìn vào ông nhưng là nhìn vào Đấng đến sau ông mà lại có trước ông. “Đấng sẽ Rửa anh em trong Thánh Thần và lửa”(Mt 3,11). Đó chính là Đấng muôn dân mong đợi. Những người Do Thái kia đã nhìn Gioan qua lăng kính của một điểm son tô vẽ bên ngoài. Nào là Gioan từ bé đã có dấu lạ; nào là Gioan vào trong hoang địa sống khắc khổ. Bởi vậy, họ muốn Gioan xưng mình là những vị trí quan trọng nhất, xứng với niềm hy vọng của họ để họ tôn vinh một Đấng Cứu Thế mà ngay từ khi mới sinh ra đã có dấu lạ. Ngược lại, Gioan đã khước từ tất cả để tôn vinh một Đấng mà họ đang cố tình dìm xuống.

Khi ông Gioan Tẩy Giả chỉ vào Đấng đã đến thì họ chỉ nhìn thấy nơi Đấng ấy sinh ra từ Nazareth nghèo nàn là con của bác thợ mộc. Đó chính là điểm phi thường trong cái bình thường theo sứ mệnh của Gioan. Ngài rửa anh em trong Thánh Thần, là những gì mà Gioan muốn đề cao. Phép Rửa của Gioan thì ai cũng quan sát thấy, nhưng “Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em trong Thánh Thần” . Thánh Thần thì không ai nhìn thấy. Bởi vậy hôm nay Gioan muốn cho mọi người thấy những gì mà đức tin cần phải bù lại cho giác quan không nhìn thấy. Ngài rửa trong Thánh Thần và lửa để tẩy sạch thế gian tội lỗi và cho họ một tình yêu bao phủ địa cầu như chính bản chất của Chúa Thánh Thần. Ngài là tình yêu, tình yêu của Ngài bao phủ cả địa cầu và Ngài đổi mới bộ mặt địa cầu. Phép Rửa đó quan trọng biết chừng nào. Người ta chỉ nhìn thấy bề ngoài của ông Gioan Tẩy Giả chứ họ không nhìn thấy sứ mệnh của ông lớn lao bên trong. Sứ mệnh tiên tri. Đúng, ông là tiên tri. Nhưng ông hơn tiên tri, bởi vì ông còn chỉ Đấng Cứu Thế cho mọi người: “Đây! Chiên Thiên Chúa. Đây! Đấng xóa tội trần gian” đó chính là Đấng mà các tiên tri trong thời Cựu Ước chỉ luôn mong ước, chỉ luôn loan báo. Còn Gioan Tẩy Giả chỉ rõ: “Đây! Chiên Thiên Chúa. Đây! Đấng xóa tội trần gian”. Ông còn hơn vị ngôn sứ vì ông là sứ giả của Đức Kitô. Với những sứ mệnh khiêm tốn như vậy mà Gioan chỉ xưng mình là tiếng kêu trong hoang địa. Hãy để chính Đức Giêsu Kitô làm chứng cho sứ mệnh đó của Gioan! Cũng như Gioan hôm nay muốn mình biến đi để mọi người thấy Đấng đến sau cao trọng hơn. Nếu những người Do Thái nhận ra chứng từ như con người Gioan thì cũng đã nhận ra Đức Giêsu Kitô và nếu họ tin Đức Giêsu Kitô thì họ cũng đã thấy được sứ mệnh của Gioan. Tất cả những điều đó đã không nằm trong nhãn giới của họ. Bởi vì ngay từ ban đầu họ đã có những nhãn giới khác.

Hôm nay, mùa Vọng đặt chúng ta vào một góc nhìn trong Đức Kitô, một góc nhìn như Gioan Tẩy Giả. Góc nhìn đó là gì? Là tiếng kêu trong hoang địa cần phải được thanh luyện. Đồi cao, bạt đi. Lũng sâu, lấp đầy. Đường cong queo, uốn ngay thì mọi người mới nhìn thấy ơn cứu độ. Tiếng kêu trong hoang địa vang lên, trải dài qua các thời đại. Tiếng kêu ấy vẫn là tiếng kêu lạc lõng. Nhưng ai nhận ra những sứ mệnh hàm ẩn trong đó mới thấy được đó là tiếng kêu thiết tình từ một vị sứ giả của Đức Kitô. Lúc này đây, chúng ta không cần sứ giả nữa, vì Đức Kitô đã đến trong trần gian. Lời trong sa mạc kia đi vào trong im lặng. Nhưng sứ mệnh của Gioan còn đó, ông vẫn đang là người chỉ Chúa Cứu Thế cho muôn dân. Ông vẫn là chứng nhân tử đạo đầu tiên làm chứng cho sự thật. Gioan Tẩy Giả vẫn xuất hiện ở giữa chúng ta như thời Chúa Giêsu , người ta nói về Elia xuất hiện. Đức Giêsu đã phải giải thích cho các tông đồ, Lúc ấy, các ông mới hiểu. Gioan - Elia tái xuất hiện theo quan niệm của Do Thái là chính Gioan đang sống động. Cũng thế, hôm nay chúng ta cũng sẽ thấy sứ mệnh của Gioan sống động giữa thời đại của chúng ta, trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Để nếu hôm nay chúng ta nhận ra một giá trị của Đấng đến sau nhưng lại có trước; một Đấng quyền năng đến nỗi mà một vị được người Do Thái lầm tưởng là Đức Kitô lại không xứng đáng cởi quai dép cho Ngài. Đấng ấy vẫn nói với chúng ta rằng, chúng ta có phúc, bởi chúng ta được sống trong thời đại mà Ngài đã đến và Ngài còn đang đến.

Giờ đây, nếu sau từng ấy sự kiện mà một lần nữa tiếng của Gioan Tẩy Giả lại lạc lõng vào trong sa mạc như thời Chúa Giêsu thì không biết chúng ta sẽ làm chứng nhân cho ai? và chúng ta sẽ đón nhận Đấng Cứu Thế đến trong trần gian này với nghĩa nào?

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa đã đến trong trần gian
Chúa đã rửa trần gian này bằng Thánh Thần và lửa.
Xin cho chúng con nhận ra giá trị ơn cứu độ
được tiềm ẩn trong tiếng kêu trong sa mạc của Gioan
Xin cho mỗi người chúng con biết nối tiếp sứ mệnh của Gioan,
biết cất tiếng vang lên chứng từ của tình yêu,
giữa một thời đại không mấy lắng nghe,
giữa một thời đại không chịu trở thành chứng nhân
cho những gì mà niềm tin khẳng định.
Xin cho chúng con trở thành Gioan của thời đại mới
để Lời của Chúa, sứ mệnh của Chúa
được vang vọng qua các thế hệ
và đem ơn cứu độ đến cho mỗi người chúng con. Amen.


LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói: Bước theo Phúc Âm là bước theo Chúa Kitô
Bùi Hữu Thư
08:25 10/12/2011
VATICAN (CNS) – Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Bước theo Phúc Âm không phải là tuân theo một học thuyết hay quy tắc về đạo đức, nhưng có nghĩa là thực sự theo chân Chúa Kitô trong đời sống mỗi người.

Đức Thánh Cha nói trong buổi triều kiến chung thường lệ hàng tuần: Qua Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần, “chúng ta có thể tin tưởng quay về với Chúa Cha, tin tưởng rằng, bằng cách vâng theo thánh ý Người, chúng ta sẽ tìm được sự tự do đích thực.”



Trong phần trình bầy của ngài cho khoảng 3.000 người trong Sảnh Đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha Benedict tiếp tục một loạt các bài giảng về kinh nguyện Kitô giáo.

Ngài nói: Sự mạc khải thiêng liêng không theo các luật lệ trần thế, trong đó chỉ có những người có quyền lực mới nắm giữ những chìa khóa của sự hiểu biết. Thiên Chúa sử dụng một đường lối tiếp cận khác, Người lựa chọn “những kẻ bé mọn để chia sẻ kiến thức chân thật về sự thánh thiêng.

Ngài nói: Chỉ có những ai có tâm hồn trong sạch và mở lòng cho thánh ý Chúa mới có thể nhìn thấy được gương mặt của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha nói: Con người phải có một tâm hồn giản dị như con trẻ, không tự hào là họ có thể tự lực sống đời sống mình mà không cần đến sự giúp đỡ của một ai, và còn không cần cả đến Thiên Chúa nữa.

Ngài nói: "Nhưng chúng ta cần Thiên Chúa, chúng ta cần gặp gỡ Người, lắng nghe Người và trò chuyện với Người,” và chỉ có qua Người chúng ta mới có được sự an bình.

Trong Phúc Âm Mát-thêu, Chúa Giêsu mời gọi “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề” hãy đến với Người vì Người sẽ cho họ được nghỉ ngơi bồi dưỡng “vì ách của tôi thì êm ái và gánh của tôi thì nhẹ nhàng."

Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu mời gọi mọi người đến với Người, vì là Con Thiên Chúa, Người nắm giữ “kiến thức chân thực” về Chúa Cha” và có thể đưa họ đến gần Chúa Cha.

Ngài nói: Như thế, bằng cách theo chân Chúa Kitô, người tín hữu bước trên con đường tìm hiểu Thánh Kinh, “đây không phải là một học thuyết phải nghiên cứu hay một đề nghị về đạo đức, nhưng là một đấng phải noi theo.”

Ngài nói: “Chúng ta cũng thế, với ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể quay về với Chúa trong kinh nguyện, và cũng có thể gọi Người là Cha.”
 
Myanmar: Lễ mừng bách chu niên Nhà Thờ Chánh Tòa Đức Bà tập chú về tự do tôn giáo và giáo dục
Nguyễn Trọng Đa
10:13 10/12/2011
Myanmar: Lễ mừng bách chu niên Nhà Thờ Chánh Tòa Đức Bà tập chú về tự do tôn giáo và giáo dục

Yangon – Ngày 8-12, lễ kỷ niệm bách chu niên nhà thờ Đức Bà Maria ở Yangon, Myanmar, nơi thờ phượng Công giáo quan trọng nhất đất nước, đã tạo một cơ hội để nhấn mạnh các nguyên tắc phổ quát của tự do tôn giáo và giáo dục, như là nền tảng của sự phát triển con người.

Buổi lễ đã được tổ chức trước sự hiện diện của Đức Hờng y Renato Raffaele Martino, vị chủ tế thánh lễ và đọc sứ điệp của ĐTC Biển Đức XVI gửi Giáo hội Myanmar, Đức Tổng Giám Mục Charles Bo, Tổng giáo phận Yangon, các Giám mục địa phương và Giám mục nước ngoài, cũng như hàng trăm linh mục đồng tế đến từ khắp nơi trên đất nước.

Nhà thờ chính toà đã được trùng tu trong ba năm qua, khôi phục lại vinh quang ban đầu của nó. Lãnh đạo phe đối lập ủng hộ dân chủ, bà Aung San Suu Kyi, cũng như các đại diện chính phủ đã tham dự buổi lễ kỷ niệm, trong đó có một quan chức của Bộ Tôn giáo vụ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghe hiểu, bài giảng đã được đọc bằng tiếng Anh và Myanmar. Trong thánh lễ, các tiếng địa phương cũng được sử dụng để phản ánh bức tranh ngôn ngữ và đa sắc tộc của đất nước.

Phát biểu với hãng tin AsiaNews, linh mục John Paul Zaw Min Aye, Quản lý của Tổng Giáo Phận Yangon, đã xác nhận niềm vui được cảm nghiệm của các tín hữu trong ngày lễ này, mà cha mô tả "như một bước quan trọng đối với Giáo Hội chúng tôi". Vì lý do này, "chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa về các ân sủng và ân ban mà chúng tôi đã nhận được".

Một linh mục cảm kích bởi sứ điệp của ĐTC đã nói: “Với niềm hạnh phúc lớn lao, chúng tôi chào đón phúc lành của Đức giáo hoàng, cũng như các lời chúc tốt đẹp nhất Ngài dành cho người Công giáo Myanmar, và cho những người thuộc tín ngưỡng khác, chúc cho hạnh phúc của đất nước được thăng tiến”. Cha nói thêm, cộng đồng Công Giáo

Myanmar đã sẵn sàng cho lễ Giáng sinh năm nay để “đón nhận Thánh linh của Chúa Giêsu ở giữa chúng tôi".Bên lề buổi lễ, nhân vật đoạt giải Nobel, bà Aung San Suu Kyi (ảnh), đã gặp Hồng y Martino và Đức Tổng Giám mục Bo. Các nguồn tin địa phương nói với hãng tin AsiaNews rằng nhiều quan chức chính phủ có mặt tại buổi lễ, cũng đã gặp các nhà lãnh đạo Công giáo để tỏ lòng kính trọng của họ. Một quan chức hàng đầu của Bộ Tôn giáo vụ kêu gọi các Kitô hữu "tham gia càng nhiều càng tốt vào sự phát triển của đất nước”, ông nhấn mạnh tầm quan trọng đóng góp của họ.

Nhà thờ chính toà Yangon là nơi thờ phượng chính của người Công giáo ở Myanmar và là một trong các nhà thờ quan trọng nhất ở châu Á. Được xây dựng theo phong cách Gothic, nhà thờ này đã trải qua sự đổi mới lớn trong ba ngày qua. Sự tàn phá của thời gian, trận động đất năm 1930, bom đạn của Chiến tranh thế giới thứ hai và cơn bão Nargis năm 2008 đã buộc phải trùng tu nhà thờ. Công việc đã được hoàn thành, trong đó có việc thay mới 88 cửa sổ kính màu được thực hiện bởi các nghệ sĩ Thái Lan. Một số kính màu mô tả 12 thánh Tông đồ và cuộc đời của Chúa Kitô. Một đèn sáng cũng được đặt sau bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, để tượng được nhìn rõ vào ban đêm.

(AsiaNews 9-12-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Toà Thánh đạt thoả thuận với Mozambique
Phạm Kim An
10:14 10/12/2011
Toà Thánh đạt thoả thuận với Mozambique

VATICAN – Ngày 9-12, Tòa thánh Vatican công bố đã đạt được thỏa thuận với Mozambique, làm rõ các vấn đề như tình trạng pháp lý của Giáo Hội, và hôn nhân theo giáo luật.

Phủ Quốc vụ khanh Toà thánh công bố một thông cáo về việc ký kết ngày 7-12 một thỏa thuận giữa hai quốc gia, vốn diễn ra tại Bộ Ngoại giao và Hợp tác Mozambique.

Thông cáo giải thích: "Đây là thỏa thuận đầu tiên của loại này được ký kết bởi một quốc gia miền Nam châu Phi, củng cố các liên kết hiện có của tình hữu nghị và hợp tác giữa hai bên. Thoả thuận bao gồm một Lời nói đầu và 23 điều khoản, vốn hợp pháp hoá các khía cạnh khác nhau, bao gồm tình trạng pháp lý của Giáo hội Công giáo ở Mozambique, công nhận trình độ học hành và hôn nhân theo giáo luật, và chế độ tài chính. (Zenit.org 9-12-2011)

Phạm Kim An
 
Ngày quốc tế nhân quyền năm 2011
Thu Hồng , CHLB Đức
20:47 10/12/2011
Càng ngày nếp sống văn hóa càng thấm nhập đi sâu vào đời sống con người, hầu như mọi lãnh vực cả trong đạo giáo lẫn đời sống thường nhật. Và vì thế người ta thường chọn một ngày nào đó trong năm để nhắc nhớ mọi người đến lãnh vực nào quan trọng thời sự cho đời sống con người nhất. Vấn đề nhân quyền là một trong những lãnh vực đó. Do đó, do quy ước thỏa thuận với nhau, được Liên hiệp quốc tế công nhận, hằng năm ngày 10. 12. khắp nơi trên thế giới là ngày quốc tế nhân quyền.

Nói đến nhân quyền là nói đến quyền căn bản của con người, như bản tuyên ngôn về quyền con người đã quy định: „ Mỗi người có quyền được luật pháp bảo vệ và có quyền tự do mà không bị phân biệt xếp loại, như theo chủng tộc, mầu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, ý hướng chính trị, nguồn gốc xã hội, của cải làm chủ, sự sinh ra đời hay những hoàn cảnh nào khác.“

Ngày nay sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới càng đóng vai trò quan trọng căn bản về nhân quyền. Mọi người đều có quyền bình đằng, không được dựa theo phái tính mà phân biệt kỳ thị.

Bản tuyên ngôn về quốc tế nhân quyền ra đời năm 1948 trong bản hiến chương được Liên Hiệp quốc quy định công bố cho toàn thế giới và dần dần được các nước công nhận, có tên International Bill of Human Rights.

Ngoài bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền International Bill of Human Rights, trong dòng thời gian còn có thêm những tuyên ngôn khác cũng về nhân quyền chuyên biệt thêm vào:

1.Thỏa ước Geneve về quyền tỵ nạn
2.Thỏa ước liên hiệp quốc về quyền của trẻ con
3.Thỏa ước về bài trừ hình thức phân biệt kỳ thị nữ giới
4.Thỏa ước liên hiệp quốc chống tra tấn hành hạ.
5.Thỏa ước quốc tế bài trừ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc.
6.Thỏa ước quy định bảo vệ và hình phạt nạn diệt chủng giết người.
7.Thỏa ước quốc tế bảo vệ quyền lợi tất cả mọi người lao động phải đi làm lưu động và cả gia đình của họ.
8.Thỏa ước liên hiệp quốc về người tàn tật.

Nguồn gốc về quy định nhân quyền có từ thời xa xưa từ thế kỷ thứ 3. trước công nguyên. Bản viết cổ xưa nhất còn lưu lại những thu thập có tên Codex Ur-Nammu, nói đến sự bình đẳng của mọi công dân.

Giữa thế kỷ thứ 6. trước công nguyên, bản viết trong Kinh thánh, có tên gọi do giới Thầy cả viết (Priesterschrift), hình như bản này được soạn thảo ở Babylon, bản viết này cũng là nền tảng căn bản trong Kinh thánh Ngũ thư của đạo Do Thái và Công giáo. Theo bản viết này con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa (Sách Sáng Thế 1,27).

Năm 1215 ra đời Magna Carta. Theo bản này nhà vua Anh quốc Johann Ohneland công bố quốc gia bảo vệ tài sản tư hữu, luật thuế khoá của mọi công dân.

Năm 1525 ra đời 12 khoản luật ở Memmingen. Đây là bản tuyên bố về nhân quyền ở Âu Châu.

Năm 1542 Bản luât mới ( Leyes Nuevas) theo đề nghị của Bartolomé de las Casas về tự do của người thổ dân Indo và luật ngăn cấm bắt buộc phải làm việc lao động theo thành tích.

Năm 1628 Bản tuyên ngôn Petition of Right ( bên Anh Quốc)
Năm 1679 bản Habeas Corpus Act.
Ngày 23.10.1689 ở Anh Quốc ra đời Englische Bill of Rights
Ngày 12.06.1776 thỏa ước Virginia Bill of Rights ra đời.
Ngày 04.07.1776 Tuyên ngôn độc lập của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ được ký kết quy định rõ về quyền con người, về đời sống, tự do và ước mong có đời sống hạnh phúc.

Ngày 26.08.1789 Déclaration des droits de l´homme et du citoyen được các Đại biểu quốc hội Pháp công bố.

Năm 1791 Declaration des droits de la Femme et de la citoyenne do Olympe de Gouges đề nghị được quốc hội Pháp quốc thỏa thuận công bố thành luật.

Ngày 15.12.1791 ra đời Amerikanische Bill of Rights ở Hoa Kỳ.
Năm 1948 sau những bàn cãi sôi nổi cùng thử nghiệm dò xét, Liên Hiệp quốc đã công bố tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, và chọn ngày 10.12. hằng năm là ngày quốc tế nhân quyền trên toàn thế giới.

Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và những luật pháp tuyên bố về những quyền cho con người từ xưa tới nay theo dòng thời gian luôn là những quy định nhắc nhớ con người phải giữ, và bổ túc cho thêm hoàn chỉnh theo với dòng thời gian cùng từng hoàn cảnh cụ thể trong đời sống xã hội, đời sống kinh tế cũng như chính trị và nhất là đời sống tinh thần tôn giáo.

Những nhắc nhở cùng những quy định trong các tuyên ngôn về nhân quyền không là những chữ viết, không là những khoản luật khô cứng bắt buộc ra hình phạt. Nhưng đó là những tinh hoa đúc kết tinh thần có nguồn gốc trong đời sống con người từ xưa nay. Những tuyên ngôn khoản luật đó mong giúp đời sống con người chung cũng như riêng được phát triển tích cực tốt đẹp mỗi ngày, nhất là trong đời sống chung ở xã hội.

Ngày quốc tế nhân quyền hằng năm 10.12. cũng là ngày trao giải thưởng Nobel Hòa Bình ở thủ đô Oslo, nước Na-Uy.

Giải Nobel Hòa Bình lần đầu tiên năm 1901 được trao cho hai nhân vật: Ông Henry Dunant, người sáng lập Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế và Ông Frédéric Passy, vị sáng lập Cộng Đồng hòa bình Pháp quốc Société d´arbitré entre les Nations. Năm 1905 lần đầu tiên một người phụ nữ đựơc trao giải thưởng Nobel Hòa bình, Bà Bertha von Suttner, một phụ nữ người Áo.

Giải Nobel Hòa Bình năm 2011 được trao cho ba người phụ nữ cùng một lúc, vì họ có công chiến đấu cho tự do dân chủ: Bà Tawakkul Karman người Jemen, Bà Leymah Gbowee, người Liberia và Bà Ellen Johnson-Sirleaf, người nước Liberia. Họ là những nhân vật tranh đấu cho nhân quyền.

Bà Ellen Johnson-Sirleaf, 72 tuổi là nữ Tổng Thống của nước Liberia và Bà Leymah Gbowee 39 tuổi là người tranh đấu nhân quyền cũng ở nước Liberia, còn Bà Tawakkul Karma 32 tuổi là người đứng lên chống lại nhà độc tài Saleh ở Jemen.

Ba người phụ nữ này được tuyên dương, vì đã tranh đấu bằng phương thế bất bạo động cho sự an toàn cùng quyền của người phụ nữ.

Bà Ellen Johnson-Sirleaf là vị nữ Tổng Thống đầu tiên ở lục địa Phi châu từ năm 2006. Trong cương vị Tổng Thống đứng đầu quốc gia, Bà đưa ra chương trình đường lối xây dựng hòa bình, kinh tế và an sinh xã hội, và nhất là bênh vực quyền cho người phụ nữ trong xã hội..

Cùng với nữ Tổng Thống Ellen Johnson-Sirleaf, Bà Leyman Roberta Gbowee điều hợp thành lập cơ quan hòa bình Women in Peacebuilding. Năm 2002 Bà thành lập phong trào Women of Leberia Mass Action for Peace. Với phong trào này bà đã cùng các chị em phụ nữ khác tổ chức các cuộc biểu tình bất bạo động chống lại Tổng thống Charles Taylor của nước Liberia. Sau khi Tổng thống Taylor bị lật đổ năm 2004 và 2005 Gbowee là thành viên của ủy ban Công lý và Hòa giải của nước Liberia.

Bà Tawakkul Karma là người phụ nữ tiên khởi trong thế giới Ả Rập được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình. Người phụ nữ 32 tuổi này là một trong những nhân vật có uy tín hàng đầu của những cuộc biểu tình chống Tổng Thống nước Jemen Ali Abdullah Saleh trong phong trào mùa xuân Ả Rập năm 2011. Tawakkul Karman là chủ tịch của tổ chức Women Journalists without Chains.

Ủy ban trao giải thưởng Nobel Hòa Bình ở Oslo nước Na-uy khi đưa ra quyết định trao giải cho ba người phụ nữ này đã nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ trong đời sống: Chúng ta không có thể đạt tới nền tự do dân chủ và nền hòa bình bền vững trên toàn cầu đựơc, khi các người phụ nữ không có cơ hội bình đẳng như các người đàn ông, khi họ không có ảnh hưởng tới sự phát triển trong đời sống xã hội.

Với sự vinh danh bằng giải thưởng Nobel Hòa Bình cho ba người phụ nữ Johnson-Sirleaf, Gbowee và Karman năm 2011, trong trang sử của giải thưởng Hòa Bình từ ngày thành lập năm 1901 tới nay có tất cả 15 người phụ nữ được trao giải thưởng rất có ý nghĩa quốc tế này.

Giải thưởng Nobel Hòa Bình trao hằng năm cho những người dấn thân xây dựng hòa bình trong xã hội. Giải này được trao cùng với 1,1 triệu Euro.

Trong các nước còn theo chế độ cộng sản như Việt Nam, Trung Hoa, Cuba, tình trạng nhân quyền trong xã hội thường xuyên bị chà đạp. Nhà cầm quyền cộng sản thường ngụy tạo lừa đảo đưa ra lý do an ninh để chà đạp nhân quyền, đối xử tàn bạo không công bằng với người dân không đồng chính kiến với nhà cầm quyền cộng sản.

Trong một chế độ chà đạp quyền con người, như chế độ cộng sản hiện nay ở Việt Nam, Trung Hoa, Cuba, không thể có hòa bình trong xã hội đựơc.
 
Top Stories
US might turn blind eye to religious freedom while Christians suffer more persecution than any ohter faith
Edward Pentin
08:33 10/12/2011
ROME, DEC. 8, 2011 (Zenit)- Christians have become the most persecuted followers of any religion in the world today, according to participants at a recent conference in Moscow. Yet the U.S. government appears to be scaling back its work to safeguard this crucial human right.

The International Conference on the Freedom of Religion and Discrimination against Christians, which took place earlier this month and brought together representatives of Orthodox, Catholic, Protestant, Jewish and Islamic communities and international religious experts, warned that the faith risks vanishing completely in parts of the world as a consequence.

The conference heard that about 100 million Christians worldwide are suffering persecution and thousands die in religious conflicts. Metropolitan Hilarion, who heads the Russian Orthodox Church’s Foreign Relations Department, said the largest number affected live in Africa and the Middle East.

The participants attributed two main reasons to the increase in attacks: the loss of Christian roots and European secularism where secular authorities are increasingly marginalizing religion from public life; and Islamic radicalism, exacerbated by aggressive missionary work by representatives of different non-Christian sects, and distortions of Christian teaching.

Interestingly, it took a Muslim participant to highlight the role that politics also plays in igniting clashes between religions, according to the Web site persecution.org. Mufti Mohammedgali Khuzin, of the Russian Association of Islamic Accord, noted that the two major religious conflicts of today are between Muslims and Jews and between Muslims and Christians. "Instigated by third parties, these conflicts yield a lot of benefit for the secular consumer society, which cashes in fabulously on them," he said.

It was within this context that the head of an influential commission in the United States that monitors violations of religious freedom worldwide addressed parliamentarians in London and Brussels last week.

Leonard Leo, president of the United States Commission on International Religious Freedom (USCIRF), visited the European and British parliaments as a guest of the Rome-based Dignitatis Humanae Institute (Institute for Human Dignity). He warned a group of British peers Nov. 30 that in view of Christians facing increasing persecution and marginalization worldwide, governments must "respond robustly" to safeguard religious liberty.

Addressing the All Party Parliamentary Group on Human Dignity, who included the veteran human rights campaigners Lord Alton of Liverpool and Baroness Cox, Leo recalled Pope Benedict XVI's frequent appeals to uphold this basic right. The Holy Father has said "the right to religious freedom should be viewed as innate to the fundamental dignity of every human person -- it is crucial to the common good of society," Leo recalled.

"It has therefore been a great honor to speak here in the U.K. Parliament and address this important issue at this time," he continued. "The USCIRF is the world's only independent governmental body fully devoted to advancing this fundamental human right, serving as a voice for the voiceless in countries where religious freedom is not respected."

Responding to his speech, Lord Alton who chairs the working group, drew attention to a recent report by the charity Aid to the Church in Need which showed that 75% of religious persecution is against Christians, mostly in the Islamic world. He also noted the growing marginalization of Christians in the West.

"In Britain, Christians face a double threat," he explained. "Firstly, radical secularism that has forced the Catholic Church to curtail some of its valuable services to society, and secondly a growing radical Islam that is leading to the creation of parallel Sharia laws. This so-called Sharia Creep is out to exploit the weaknesses of our value system, increasing the chances of extremist violence."

All of this shows that the USCIRF is "needed more now than perhaps at any other time in its history," Lord Alton said.

At Leo's meeting in the European Parliament on Nov. 29, Nirj Deva MEP, President of the International Committee on Human Dignity, described the USCIRF chief as "one of the most prominent campaigners for the promotion of religious liberty in the world today." The organization, he added, played a "pivotal role in ensuring that the United States rises to the hopes of millions of oppressed people around the world, by keeping the issue of human rights firmly at the core of US foreign policy."

Leo said the challenge of advancing religious freedom across the globe "is insurmountable for any one organisation. Thus, there is an increasing need for ever greater cooperation between peoples towards a better coordinated and targeted action."

The USCIRF is an independent, bipartisan U.S. federal government commission. Its Commissioners are appointed by the U.S. president and the leadership of both political parties in the Senate and the House of Representatives. USCIRF's principal responsibilities are to review the facts and circumstances of violations of religious freedom internationally and to make policy recommendations to the President, the Secretary of State and Congress.

But despite its irreplaceable value, the organization may well be shut down on Dec. 16. Two continuing congressional resolutions had temporarily extended its life which had been threatened by budget cuts. But now a re-authorization bill has had a "hold" placed on it by Senate majority whip, Sen. Richard Durbin (D-Ill.), according to CNS News.

This means it is increasingly unlikely that USCIRF's life will be extended beyond Dec. 16. The Government Services Administration has notified the Commission that it must take steps to prepare for closure of the agency.

News of USCIRF's possible closure comes as the Vatican's "foreign minister," Archbishop Dominique Mamberti, called for an international day against persecution of Christians. He told the Organization for Security and Cooperation in Europe (OSCE) Dec. 7 that there may be 200 million Christians, of different confessions, "who are in difficulty because of legal and cultural structures that lead to their discrimination." For this reason, he proposed the institution of an International Day against persecution and discrimination of Christians as "an important sign that governments are willing to deal with this serious issue."

"In view of Archbishop Mamberti's comments, now is really not the time for a government such as the United States, with its almost unique moral standing of leadership on world stage, to be scaling back its commitment to defending those who are persecuted for their faith," said Benjamin Harnwell, founder of the Institute for Human Dignity.

To ensure the agency continues its highly valued work, readers are encouraged to write to their members of Congress.

(Edward Pentin is Communications Director for the Institute for Human Dignity)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tuần chầu đền tạ tại giáo xứ Đức Lân, Vinh
Antôn Hùng
20:52 10/12/2011
VINH - Mỗi cuộc đời có những chặng dừng chân, mỗi hành trình có lúc phải dừng bước nhìn lại quảng đường đã đi. Tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể của giáo xứ Đức Lân cũng như là một chặng "dừng chân". Điểm "dừng chân" đây không phải là một trạng thái tĩnh mà là một cao điểm trong đời sống đức tin, dừng chân để được bổ sức, để "xuống núi" như khi xưa Chúa Giêsu và ba môn đệ sau biến cố biến hình trên núi Tabor.

Xem hình ảnh



Ví như trong Tin Mừng Đức Giêsu nói: "Anh em hãy lánh ra nơi thanh vắng để mà nghỉ ngơi đôi chút" (Mc 6,31) thì tuần đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể như là dịp tốt nhất để bà con giáo dân giáo xứ Đức Lân, tiếp thêm sức mạnh từ Suối Nguồn Chúa Giêsu Thánh Thể, các tâm hồn được hun nóng bởi những lời giảng huấn của các Linh Mục từ trong và ngoài giáo hạt. Những giờ chầu đền tạ tiếp diễn nhau theo phiên thứ của các giáo họ, từ ngày đầu tuần của Chúa Nhật II Mùa vọng đến Thánh Lễ Bế Mạc chiều Chúa Nhật III Mùa Vọng được diễn ra trang nghiêm, sốt sáng; thay cho toàn giáo phận cầu cùng Chúa Giêsu Thánh Thể thay cho toàn giáo phận, vượt qua những giông tố của thế gian, cầu cho đất nước, dân tộc, thế giới được sống trong cảnh hòa bình, thịnh vượng … Đặc biệt ngay từ những ngày đầu tuần các tín hữu Đức Lân đã đến với tòa cáo giải, gột rửa tâm hồn để xứng đáng tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể.



Mặc dù thời tiết những ngày đầu đông giá rét và mưa nhiều, khó khăn cho việc đi lại. Nhưng sự bền bỉ của những bàn chân ngày ngày quần quật với ruộng đồng nương rẫy thì đối với bà con giáo dân cũng chẳng quản ngại gì. Và đặc biệt với sự khôn ngoan và sức trẻ của Cha Quản xứ Gioan Nguyễn Văn Hoan và hơn 3500 trái tim cùng nhịp đập của bà con giáo xứ Đức Lân, tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể được diễn ra tốt đẹp. Điểm nỗi trội hơn là ngày thứ 7 trong tuần đền tạ có sự hiện diện của đức cha Phaolô Maria, Ngài đã nhắn nhủ "Tuần chầu đền tạ như là một khởi điểm cho một hành trình sống đạo mới. Ước mong rằng đời sống của các tín hữu cũng luôn luôn là một họa ảnh của Chúa Giêsu" Ngài còn khuyên nhủ: "năng chạy đến với Mẹ Maria là người Mẹ tuyệt vời nhất, và qua Mẹ là con đường ngắn nhất đến với Chúa Giêsu Con của Mẹ".



Tuần chầu đền tạ cũng được khép lại qua thánh lễ bế mạc vào chiều Chúa nhật III Mùa Vọng. Trong sự vui buồn lẫn lộn của bà con trước cảnh phải chia tay tiền nhiệm cũng như lòng hoan hỷ đón chờ cha quản xứ mới.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhà cầm quyền Hà Nội là kẻ bị lộ tim đen chứ không phải Giáo xứ Thái Hà.
Nguyễn An Quý
10:50 10/12/2011
Nhà cầm quyền Hà Nội là kẻ bị lộ tim đen chứ không phải Giáo xứ Thái Hà.

Sáng thứ sáu ngày 2 tháng 12 khi các linh mục, tu sĩ và giáo dân giáo xứ Thái Hà DCCT Hà Nội đến UBND thành phố Hà Nội để nộp đơn khiếu nại và yêu cầu nhà nước chấm dứt mọi công tác xây dựng trái phép trên khu đất thuộc Tu Viện DCCT Hà Nội thì sáng hôm sau tức ngày 3 tháng 12, nhà cầm quyền Hà Nội đã chỉ thị cho báo chí mở cuộc tấn công Thái Hà để thanh minh thanh nga với thế giới qua trò bịp bợm trước sau như một của đảng ông Hồ, cho nên tờ Hà Nội Mới đã theo lệnh đảng cho đăng bài viết: “Lộ rõ tim đen” và tờ An Ninh Thủ Đô cũng hổ trợ việc này nên cũng có bài: “Lộ rõ chiêu bài kích động gây rối của các giáo sỹ Thái Hà” Cả hai bài viết đều có nội dung giống nhau, nhưng không ai dám đứng tên tác giả cho nên cả hai được ký dưới bút hiệu tập thể bồi bút gọi là Nhóm PV.

Chuyện tim đen mà nhà nước đã bị lộ bộ mặt đầy gian xảo, đó là chuyện: sau khi UBND thành phố Hà Nội tiếp nhận đơn thì toàn thể các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà liền ra về trong trật tự. Khi đoàn người về gần đến Hồ Gươm thì những ông bạn của nhân dân chắc nhận được chỉ thị của Bộ Công an nên đã bày mưu tính kế để bắt cho bằng được các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà trên đường về. Những tay chỉ đạo đã gài một công an nữ xen vào đoàn người mà hình ảnh từ ông phó công an cho đến nữ công an này đang đi trên đường bàn chuyện đã được cả thế giới nhận diện rồi. Khi đoàn người đang trên đường về trong tư thế rất ư là trật tự, bổng nhiên có tiếng la hét do nữ công an trà trộn vào đoàn người, lập tức một lực lượng hằng trăm công an và thanh niên xông vào tấn công, hành hung, đánh đập và bắt đi khỏang 30 giáo dân đưa lên xe buýt trong đó có cha chánh xứ Thài Hà Giuse Nguyễn Văn Phượng, cha Giuse Lương văn Long, thầy phó tế Vinh Sơn Vũ Văn Bằng cùng 4 đệ tử dự tu khác. Điều mà cả thế giới vô cùng ngạc nhiên là nhà cầm quyền Hà Nội lại bắt các linh mục, tu sĩ và giáo dân này đưa về Trung Tâm Phục Hồi Nhân Phẩm ở Lộc Hà ? Thì ra nhà nước csVN đã liệt kê những vị đi đòi công lý và sự thật vào ngang hàng với hạng gái điếm. Cái đau của đất Việt Nam tôi dưới thời đại quang vinh Hồ Chí Minh là ở chỗ đó.

So sánh hai hinh ở đây để biết trò gian xảo của công an cộng sản
Khi hay tin vụ việc khá nghiêm trọng xẩy ra cho giáo xứ Thái Hà, tôi theo dõi các tin tức trên mạng thì biết có một vị từ hải ngoại đã gọi về Việt Nam và đã làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với thầy Antôn Nguyễn Văn Tặng để xác nhận nguồn tin tức về vụ bắt bớ này. Qua cuộc phỏng vấn, thầy Tặng đã xác nhận có đến 30 giáo dân bị bắt cùng với cha chánh xứ, cha Long, thầy Bằng và 4 sinh viên dự tu, tất cả đều bị đẩy lên xe buýt lúc 9 giờ 5 phút sáng thứ sáu ngày 2 tháng 12. Tôi nghe đoạn băng thu âm của buổi phỏng vấn này thì tá hoả tam tinh trước sự khẳng định của một nhà báo của nhà nước csVN, đó là ông Trần Đình Thảo, người tự xưng là biên tập viên của tờ báo Năng Lượng Mới, ông ta thao thao bất tuyệt một hơi dài như sau: “tất cả các báo chí tại Việt Nam là của nhà nước cả, chúng tôi là người của nhà nước, tất nhiên, ở Việt Nam này không có tờ báo nào là không phải của nhà nước cả, những người làm báo viết báo cùng tất cả các tờ báo đều làm việc dưới sự lãnh đạo của đảng,… Ông biên tập viên này còn khẳng định nhà báo là phải bảo vệ đảng cộng sản Việt Nam.

Nghe qua đoạn phát biểu của ông Trần Đình Thảo là biên tập viên của một tờ báo Năng Lượng Mới nào đó của nhà cầm quyền Hà Nội, thì ra cả một tập đoàn báo chí ở Việt Nam là tập đoàn bút nô chỉ biết phục vụ cho cái đảng của ông Hồ, nên họ đã bẻ cong ngòi bút để lo bảo vệ đảng mà thôi. Đây cũng là “tim đen” mà nhà nước cộng sản đã phơi bày cho thế giới biết qua miệng của những tay sai đang hành nghề báo chí tại Việt Nam, điễn hình là ông biên tập viên Trần Đình Thảo. Qua vụ đưa người bị bắt sáng ngày 2 tháng 12 vào trại Phục Hồi Nhân Phẩm, tôi lại nhận được cái mail từ một người thân gởi đến hộp thư của tôi như sau: “ chắc mấy ngày ni, tuị VC Hà Nội đã bắt quá nhiều nguời dân, đến nổi không còn chỗ nào để giam giữ nữa nên họ phải đưa các linh mục và giáo dân Thái Hà vào trại Phục Hồi Nhân Phẩm”?

Trở lại câu chuyện “lộ rõ tim đen”, đó là ngày 3 tháng 12 tờ báo Hà Nội Mới lập tức tìm cách đánh phá Thái Hà với cái trò rất ư lố bịch qua bài viết: “Lộ rõ tim đen” cũng như tờ An Ninh Thủ Đô cũng với cái lối lên án, vu cáo chuyên nghiệp mà các nhà báo viết theo lệnh đảng cũng với một tựa đề khác: “Lộ rõ chiêu bài kích động gây rối của các giáo sĩ Thái Hà”. Đặc biệt cả hai bài báo đều có nội dung và luận điệu lên án giống nhau như bày ra cái trò nêu dẫn chứng các ý kiến của những giáo dân trung kiên hay thường dân, tất cả đều có lối phê phán lại y hệt nhau với giọng nói rất chuẩn theo ý đảng chẳng hạn như ‘đòi hỏi vô lý’, ‘đòi đất trái pháp luật’, ‘xúi giục giáo dân’, ‘hành vi mất trật tự và thiếu văn hóa’, ‘lợi dụng tự do tín ngưỡng’, ‘phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc’, ‘gây mất ổn định chính trị’, ‘có ý đồ xấu’, ‘đòi đất thuộc sở hữu Nhà nước’, ‘làm mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị’, ‘xấu đi hình ảnh thủ đô an toàn, hòa bình’, ‘cần xử lý nghiêm để răn đe’’. Thật ra cái trò này cũng quá cũ rích như trước đây trong vụ cầu nguyện tại Thái Hà, Toà Khâm Sứ vào năm 2009, nhà cầm quyền Hà Nội cũng bày cái gọi là giáo dân cốt cán đi phê bình góp ý về chuyện cầu nguyện của Thái Hà, Toà Khâm Sứ, ông giáo dân cốt cán này là một cán bộ VC mà người ta đã ghi được hình ảnh khi ông ta gần đến nơi Toà Khâm Sứ thì vừa đi vừa tháo huy chương đang mang đầy người trên ngực của ông để bỏ vào trong túi áo, hầu đóng vai giáo dân cốt cán cho ra vẻ bình thường.

Đọc qua một loạt cụm từ phê phán giáo xứ Thái Hà nêu trên, tôi lại liên tưởng đến hồi còn trong trại tù VC được gọi là trại cải tạo. Mười ông cán bộ cai tù đều giống nhau như một, ông nào cũng có cái lối nói dốc và rất thuộc lòng như nhau. Đó là câu chuyện chống Mỹ cứu nước hồi 12 ngày đêm Khâm Thiên Hà Nội bị Mỹ dội bom vào gần ngày lễ Chúa Giáng Sinh năm 1972. Ông cán bộ cai tù nào cũng kể câu chuyện khá thần kỳ, nghe cười toát mồ hôi hột: “ Hồi Mỹ dội bom ở Hà Nội đấy, mấy ông không quân của ta lái máy bay núp trong mây, chờ máy bay oanh kích của Mỹ bay ngang qua, mấy ông bắn trúng ngay đích, phát nào trúng phát đó làm cho máy bay chúng rớt sạch”. Một chuyện anh hùng khác nữa mà hồi đó trong trại tù tôi cũng thường nghe mấy ổng kể, đó là câu chuyện về người hùng bộ đội cái Nguyễn Thị Út. Mấy ông kể: Nguyễn Thị Út một bộ đội cái của ta chuyên bắn máy bay rất tài tình, có hôm cô ta ngồi chàng hảng trước ổ đại liên phòng không, khi chiếc máy bay địch bay ngang qua, chị ta đã bắn trúng ngay chiếc máy bay rơi ngay chỗ chị ta đang ngồi” Ghê nhỉ, chắc rơi ngay ngả…”

Qua câu chuyện nói dốc không biết ngượng của những tay VC từ lâu, thì trong ngày 4 tháng 12 tức sau một ngày hai tờ báo nói chuyện lộ rõ tim đen nêu trên. Đài truyền hình Hà Nội lại phịa ra chuyện nói dốc độc đáo hơn là bày trò đóng diễn xuất khá hấp dẫn qua đề mục gọi là “Nhận diện” LM Nguyễn Văn Phượng. Đó là câu chuyện một ông dân phòng được trang bị đầy đủ y phục của nhà nước với dùi cui đeo ngang hông, tay cầm điếu thuốc lá hiên ngang tiến vào cung thánh của nhà thờ Thái Hà trong lúc nhà thờ đang có thánh lễ vào chiều Chúa Nhật ngày 20-11-2011. Hình ảnh của anh chàng dân phòng này đã được đưa lên mạng truyền thông và cả thế giới đều thấy hai huynh trưởng Thiếu Nhi kẹp nách hai tay của ông dân phòng này và ông ta ngoan ngoản đi ra khỏi nhà thờ. Thế giới đã lên án vụ xâm nhập nơi thờ phượng của nhà cầm quyền Hà Nội một cách gay gắt. Câu chuyện xẩy ra có lẻ ngoài tầm tay của Bộ Chính Trị đảng csVN, vì chuyện bất ngờ như thế mà nhà thờ lại có được hình ảnh đưa lên phơi bày cho thế giới biết cái trò đê tiện của nhà cầm quyền Hà Nội. Câu chuyện xẩy ra hôm 20 tháng 11 năm 2011 chắc cũng đã làm cho Bộ Chính Trị điên đầu nên đã tìm cách đối phó để phản biện. Không hiểu Bộ Chính Trị của đảng csVN do ai chỉ mánh mà đã tìm ra được một lá bùa khá khôi hài được trình chiếu lên TV Hà Nội để che mắt thiên hạ qua cái gọi là “ nhận diện “ LM Nguyễn Văn Phượng”. Kể ra người đạo diễn cũng khá công phu vì đã tốn nhiều thời gian để luyện tập cho cái ông dân phòng này từ dáng bộ đi nhìn căn nhà ở cái khu phố nào đó, đến cách nói láo không biết ngượng miệng, như ông ta nói ông chỉ vào thăm linh mục Phượng mà bị các linh mục, có linh mục nữ nữa đã hành hung ông ta.(Đố ai biết Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có linh mục nào là phụ nữ không nhỉ?) Ông ta còn vạch áo trên vai và nói ông bị hai thanh niên đánh bầm cả vai, xem đoạn trình chiếu trên TV được ghi lại thì tôi thấy vai ông ta có vết sẹo trắng có lẻ từ hồi đi vô bưng theo ông Hồ bị ông Hồ cào cấu gì đó. Rất tiếc cách diễn xuất của lá bùa này đã phơi bày sự điên rồ của kẻ diễn xuất đầy hớ hên và hết sức lố bịch khi trông cái bộ mặt thiểu nảo của ông dân phòng có cái tên là Mai Quyết Chiến, nghĩa là mai kia mới quyết chiến còn nay thì đã quyết bại rồi trong lối diễn xuất rất điên này.

Mời bấm vào link dưới đây để xem cái nôi của đỉnh cao trí tuện diễn xuất kẻ điên biết vu khống.

http://www.youtube.com/user/MrVinh20?feature=watch#p/u/4/Dut-X2kgYho

Theo dõi tin tức từ trong nước, người viết xin điểm qua câu chuyện về bà Bùi Thị Minh Hằng, qua vụ này thì quả thật nhà cầm quyền Hà Nội cũng đã bị lộ rõ tim đen khó mà chối cải, hay nói đúng hơn nhà cầm quyền Hà Nội đã bị lộ rõ trái tim bất lương qua vụ hành xử đối với bà Bùi Thị Minh Hằng. Nhìn trên mạng lưới toàn cầu, ai mà cầm được nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh đứa con trai của bà Hằng đi tìm mẹ trên khắp phố phường của thành Hồ, rồi lại bị công an bắt nữa, thì ra gọi nhà cầm quyền csVN là những kẻ có trái tim bất lương đâu có sai nhỉ ? Chuyện Bà Bùi Thị Minh Hằng theo người con trai của bà cho biết, ngày 27 tháng 11 năm 2011, khi hay tin một số người quen của Bà Hằng bị công an Phường Bến Nghe bắt, bà Hằng đã đến công an phường Bến Nghé để hỏi lý do tại sao những người giăng biểu ngữ phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo Việt Nam mà lại bị bắt, thế là Bà cũng bị bắt luôn. Mới hôm qua trên mạng toàn cầu người ta lại tìm thấy tờ thông báo gởi từ trại giam Thanh Hà cho con trai của Bà Hằng là Bùi Trung Nhân là Bà Hằng đã bị giam tại trại giam gọi là Cơ Sở Giáo Dục Thanh Hà thuộc tỉnh Vĩnh Phúc do ông Thượng Tá Bùi Khánh Chúc ký ngày 29 tháng 11 năm 2011 và bà Hằng được đảng csVN chiếu cố cho ở tại cơ sở giáo dục này là 24 tháng kể từ ngày 28 tháng 11 năm 2011. Bà Hằng bị tống giam ngon cơ là vì bà đã đụng tim đen của Bộ Chính Trị đảng csVN khi dám đi hỏi lý do bắt những người giăng biểu ngữ phản đối Tàu cộng chiếm biển đảo của Việt Nam. Kế hoạch tống giam những ai phản đối Tàu cộng để tiêu diệt lòng yêu nước của toàn dân đã được Bộ Chính Trị đảng chỉ thị rồi, nên chuyện công an Bến Nghé bắt giam Bà Bùi Thị Minh Hằng thì cũng đúng thôi.

Đây cũng là câu chuyện xác thật về nhà nước csVN đã bị lộ rõ tim đen chăm phần chăm rồi. Tim đen của những tay chop bu trong đảng cộng sản Việt Nam đã bắt tay với Tàu cộng là chuyện từ lâu rồi, cộng với những trái tim bất lương nữa nên chi trong giai đoạn này những ai chống đối Tàu Cộng hay đòi hỏi công lý và sự thật thì đảng cộng sản đều bắt bỏ tù hết.

Nguyễn An Quý
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đón Chúa Giáng Sinh Từ Úc Châu
Diệp Hải Dung
22:00 10/12/2011
ĐÓN CHÚA GIÁNG SINH TỪ ÚC CHÂU
Ảnh của Diệp Hải Dung, (Australia, hình chụp tại nhà thờ Sacred Heart Cabramatta)
Tình Giáng sinh liên đới
Với mọi người khắp nơi
Nhân vị được đổi mới
Nhân quyền tay trao tay.
(Trích thơ của Trầm Thiên Thu)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền