Ngày 21-05-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 22/05: Yêu thương và cộng tác - Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
00:42 21/05/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, ông Gio-an nói với Đức Giê-su rằn: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:53 21/05/2024

14. Phàm là người hằng tâm suy niệm, bất luận ma quỷ cám dỗ họ tội gì, thì cuối cùng Thiên Chúa cũng sẽ hướng dẫn họ tới bến cứu độ.

(Thánh Teresa of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Chiêm ngưỡng Ba Ngôi
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
02:56 21/05/2024
CHÚA NHẬT LỄ BA NGÔI NĂM B : MT 28,16-20

16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.


CHIÊM NGƯỠNG BA NGÔI

Cách đây chừng thế kỷ, có một nhà truyền giáo bên Phi châu trở về Âu Tây thăm quê nhà. Trên đường về, tình cờ ông đi ngang qua một cái đồng hồ mặt trời thật xinh đẹp. Lập tức ông tự nhủ : “Ồ ! Cái đồng hồ này quả là lý tưởng đối với đám tín hữu Phi châu của ta, ta có thể dùng nó để giúp họ biết tính giờ tính phút !” Thế là vị truyền giáo mua ngay cái đồng hồ mặt trời ấy, đóng vào thùng đem về Phi châu. Nhìn thấy nó, ông thôn trưởng yêu cầu đặt giữa làng, còn đám dân thì hết sức phấn khích vì chưa bao giờ trong đời, họ thấy được một vật gì xinh đẹp, hay ho và ích lợi như vậy. Nhà truyền giáo rất lấy làm thỏa mãn. Thế nhưng, vì muốn bảo vệ đồng hồ khỏi mưa nắng, dân làng đã cùng nhau xây một mái che phía trên, đang khi đồng hồ phải nhờ ánh sáng mặt trời mới hoạt động !

Đó là thái độ của nhiều Ki-tô hữu đối với Mầu nhiệm trung tâm của đạo được biểu dương cử hành hôm nay. Mỗi năm, đến kỳ này, họ lại cảm thấy khổ sở vì như phải chạm trán với một điều gì khó hiểu, hóc búa, thậm chí là phi lý. Ngay chữ “mầu nhiệm” đã làm cho họ kinh hoảng. Phải chăng đó là một cái gì Thiên Chúa đưa ra để thách thức trí tuệ nhân loại, để hãnh diện cho thấy Người uyên áo siêu việt? Phải chăng đó là một chiêu thức Giáo Hội dùng để tránh giải thích vấn đề, để buộc tín hữu tin cách mù quáng? Thái độ sợ hãi mầu nhiệm này hay xem nó như một món đồ trang sức thêm thắt cho đức tin chính là mái che khiến mầu nhiệm không thể tỏa sáng và có giá trị cho cuộc sống thường nhật của người Ki-tô hữu.

1. Mầu nhiệm, tiếng nói của tình yêu

Trước hết, xin được minh định chữ “mầu nhiệm” (mystère). Đây là một từ tìm thấy trong khoa học, trong triết học và trong tôn giáo. Trong khoa học, tiếng Việt dịch ra là “bí nhiệm” để chỉ những gì bí ẩn, còn chưa khám phá trong thiên nhiên mà luôn luôn kích thích niềm đam mê tìm hiểu của các nhà khoa học. Trong triết học, đặc biệt triết học hiện sinh, tiếng Việt dịch ra là “huyền nhiệm” để chỉ những gì sâu kín trong tâm hồn và cuộc sống mỗi con người mà ta chỉ có thể biết nhờ được đương sự mạc khải (và ta chỉ có việc tin nhận) hay ta chỉ có thể khám phá dần sau những chuỗi ngày cận kề đương sự trong tình yêu. Đây cũng là một cái gì gây say mê thích thú. Cuối cùng, trong tôn giáo, tiếng Việt dịch ra là “mầu nhiệm” để chỉ những gì thuộc về Thiên Chúa (trong bản tính và hành động của Người) mà Người đã mạc khải ra cho chúng ta vì tình yêu, chúng ta lấy đức tin mà đón nhận và cũng chỉ dùng tình yêu mới mong hiểu thấu. Vì mầu nhiệm trước hết không phải điều bí hiểm của Đấng Tuyệt Đối thách thức trí tuệ phàm nhân song là tiếng lòng của Thiên Chúa ngỏ với trái tim chúng ta là con cái Người. Dĩ nhiên nó chẳng dễ hiểu vì thuộc về tâm tư của Thiên Chúa (y như những gì thuộc về tâm tư của một cá nhân). Thành thử khi nghe nói đến mầu nhiệm, thì thay vì hoảng sợ vì như sắp chạm trán với một cái gì đó khiến ta nát óc bể đầu, hãy biết rung động tâm hồn vì sắp nghe Thiên Chúa bộc lộ cõi lòng, bày tỏ tâm sự hay hành động tình yêu của Người cho chúng ta.

Mầu nhiệm mừng kính hôm nay chính là tâm sự tuyệt vời nhất của Thiên Chúa. Nó bộc lộ cho thấy bản chất sâu xa của Người, của một vì Thiên Chúa tưởng là lạnh lùng, xa lạ và khó hiểu nhưng thật ra đã trao phó tất cả bản thân (tâm tư, tình cảm, thái độ, hành động) của mình cho chúng ta để chúng ta cũng xử sự như Người.

2. Mầu nhiệm Ba Ngôi, lời mời gọi yêu mến

Dĩ nhiên, đã từng có những kẻ quả quyết với chúng ta rằng loài người chẳng có thể biết gì về Thiên Chúa. Nếu thế, tiên vàn hãy đưa họ tới trước câu nói cuối cùng của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Đức Giê-su, Thánh Thần, Chúa Cha. Điều chủ yếu của mầu nhiệm đã được ban cho chúng ta, chúng ta có thể tiến tới. Cuối bước đường chiêm ngắm của chúng ta, đó vẫn còn là mầu nhiệm; nhưng bao lâu còn đọc “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, chúng ta vẫn ở trong ánh sáng của mầu nhiệm đó.

Đó là một ánh sáng tình yêu : “Thiên Chúa là tình yêu. Phàm ai yêu mến, thì được sinh ra do bởi Thiên Chúa và người ấy biết Thiên Chúa. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa” (1Ga 4,7.16). Trong tình yêu ! Nếu ngập ngừng, nếu giậm chân trước các lời mời gọi yêu thương, nếu không đi vào tình bác ái huynh đệ, tôi sẽ chẳng đi vào trong Thiên Chúa, sẽ chẳng biết Thiên Chúa. Mối dây liên kết việc yêu mến anh em nhấn mạnh, thế nhưng nó xem ra chẳng được đánh giá đúng bởi mọi người. “Xin nói cho chúng tôi về Thiên Chúa”, vài người bảo. “Hãy quyết định yêu mến Thiên Chúa và anh em mình hơn nữa : tình yêu sẽ dạy bạn về Thiên Chúa ngay”.

Và lúc ấy, các từ mới có thể nói lên một cái gì đó về mầu nhiệm Thiên Chúa, đặc biệt các từ của Tin Mừng. Qua Đức Giê-su, chúng ta khám phá ra rằng có trong Thiên Chúa nhiều luồng tình yêu mạnh mẽ đến nỗi chúng ta đã gọi là các “Ngôi vị” : Cha sinh ra Con, Con diễn tả Cha, cả hai yêu nhau trong Thánh Thần. Hay nói cách khác, ý tưởng mà Thiên Chúa có về mình là một ngôi vị, mang danh hiệu Con, và khiến Thiên Chúa trở thành Cha. Tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con cũng biến thành một ngôi vị, mang danh hiệu Thánh Thần. Ba ngôi vị, vì tình yêu bao giờ cũng đòi hỏi tối thiểu phải có ba. Trong tình yêu vợ chồng đích thực, ta đã thấy điều đó : cha-mẹ-con (hai vợ chồng tìm mọi cách không có con để cùng nhau hưởng lạc thú, chẳng phải là yêu nhau chân thành). Trong tình bạn đích thực, định luật này cũng có mặt : hai người bạn yêu nhau chỉ vì chung một lý tưởng. Lý tưởng đó là đứa con tinh thần của họ (nếu không thì chỉ là đồng tính luyến ái, đồng giới tính dục !). Thiên Chúa là tình yêu trong chính Người, bản chất của Người là tình yêu. Người là một TC nhưng vì là tình yêu nên có ba ngôi, Người là ba ngôi nhưng vì là tình yêu nên chỉ là một TC.

Bởi thế, yêu thương anh em làm cho chúng ta nhập tịch “nước Thiên Chúa”, làm cho chúng ta hít thở không khí của Thiên Chúa, ban cho chúng ta các phong cách của Thiên Chúa, làm cho chúng ta biết Thiên Chúa. Còn sự phi-tình yêu, mọi thái độ từ khước mến thương, làm chúng ta xa Thiên Chúa đến độ những gì nghe nói về Người chẳng còn có thể tác động lên chúng ta nữa.

Thiên Chúa không dựng nên chúng ta để khỏi ở một mình, Người dựng nên chúng ta vì sự sống-tình yêu nơi Người đã bùng vỡ thành tình yêu đủ loại. Người yêu chúng ta bởi vì Người là tình yêu chứ không phải vì chúng ta “đáng yêu”. Chính Người làm ta nên “đáng yêu” bằng cách cho ta các phương tiện để ngày càng trở nên một kẻ mà Người có thể thương mến. Cần phải đọc Ê-dê-ki-en chương 16 (câu chuyện tượng trưng về lịch sử Ít-ra-en) để hiểu rõ điều này. Có cái gì đó khiến chúng ta phải khóc lên vì xấu hổ và vì yêu mến, nhưng nỗi êm dịu được mến yêu đến thế nhận chìm sự xấu hổ và mọi nghi ngờ. Sau khi đọc trang sách này, chúng ta sẽ biết Thiên Chúa là Sự Sống-Tình Yêu đến đâu.

Bằng cách luôn nghĩ tới điều đó, tôi làm bén rễ trong tôi nhiều niềm xác tín giúp tôi sống thực : tôi sẽ hiểu rằng tình yêu là tất cả, giải thích tất cả, là mục đích của tất cả. Được Tình yêu dựng nên, chúng ta chủ yếu được kêu gọi trở nên những hữu-thể-yêu-mến. Tại sao đi xa chân lý rạng ngời này? Người ta có thể thoáng thấy tình yêu Ba ngôi khi nhìn Đức Giê-su. Người kinh ngạc thán phục Cha, thường xuyên bị lôi kéo về Cha và say mê ao ước làm đẹp lòng Cha nhờ Thần Khí : “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8,29).

Đó chẳng phải là cái gì cần sống giữa chúng ta sao? Chúng ta quá rụt cổ vào trong cuộc sống mình, ít hướng ra với những người khác, ít say mê thán phục nhân cách của họ, các cuộc mạo hiểm của họ, chẳng mấy ao ước làm cho họ hài lòng. Rồi tê liệt bởi muôn ngàn nỗi sợ bị ăn lấy hay bởi vô số sự sáng suốt tàn nhẫn : y thế này, thị thế nọ, vậy mà anh còn muốn tôi cho họ là quan trọng sao? Dĩ nhiên, không phải như Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần đối với nhau thể nào thì chúng ta đối với nhau cũng vậy. Nơi chúng ta, sự hiệp nhất bao giờ cũng phải nỗ lực xây dựng và tình yêu luôn bị mối nguy ích kỷ rình chờ. Tuy nhiên sự sống-tình yêu giữa Tam Vị vẫn luôn là mẫu mực tuyệt vời, khuyến khích chúng ta nghĩ rằng nhiều khác biệt lớn lao vẫn có thể được chấp nhận trong một sự duy nhất còn cao quý hơn sự độc dạng đôi lúc cám dỗ chúng ta.

Chính Đức Giê-su nhìn thấy chúng ta như một nhân loại ba ngôi : “Lạy Cha, ước gì họ nên một như chúng ta” (Ga 17,21). Mà Người biết chúng ta rất rõ. Vậy tại sao chúng ta không cùng Người nỗ lực để xây dựng một thế giới hiệp nhất, như khẩu hiệu của phong trào Focolare (Tổ ấm)?

Mời xem thêm: Biết nhờ tin nhân chứng
Kính mời
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:57 21/05/2024
61. CHỈ ĐƯỢC NỬA CHỮ

Có ông quan nọ gia tài được năm trăm lượng vàng, nhưng một chút bản lĩnh cũng không có.

Bà vợ khuyên ông ta nên mua nhiều sách, ông ta hỏi:

- “Đọc sách có lợi gì chứ?”

Vợ trả lời:

- “Một chữ được ngàn vàng”, sao lại nói không có lợi chứ?”

Ông ta rất không vui bèn nói:

- “Một chữ được ngàn vàng, lẽ nào tài sản của tôi chỉ được nửa chữ thôi sao?”

(Tiếu lâm)

Suy tư 61:

Có những cha mẹ làm ăn đầu tắt mặt tối kiếm tiền gởi ngân hàng dành cho con cái sau này, nhưng con cái học hành thế nào thì không hề quan tâm đến; có những gia đình rất giàu có nhưng con cái thì thất học, bởi vì họ không coi trọng việc học của con cái mà chỉ lo làm giàu...

Cha mẹ khôn ngoan thì biết để cho con cái gia tài quý nhất đó là chữ nghĩa, tức là cho con cái học hành đàng hoàng, bởi vì người có chữ nghĩa thì bất cứ ở đâu và thời đại nào cũng được mọi người trọng vọng nể vì.

Chữ nghĩa thì vô cùng mà đời người thì có hạn.

Có một vài linh mục trẻ “đậu” linh mục xong thì vứt sách vở vào tủ khóa lại, một năm mười hai tháng mới mở ra coi lại một hai lần vì tìm không ra ý tưởng để giảng dạy; thời đại ngày càng tiến bộ về mọi mặt, nhưng hình như có một vài linh mục không tiến bộ về cách hành xử với giáo dân cho đúng với tầm vóc của giáo dân thời đại, bởi vì các ngài không chịu mở mắt để nhìn ra bên ngoài, vểnh tai để nghe tiếng nói của giáo dân góp ý, mở rộng cách suy nghĩ để có tư tưởng mới hơn và phù hợp với tinh thần Phúc Âm hơn trong thời đại này khi giảng dạy...

Cả gia tài kếch sù mà chỉ mới bằng nửa chữ, huống hồ là cả một kho tàng chữ nghĩa thì biết lấy gì mà so sánh? Thưa, chỉ có cách là lấy sự ham đọc sách, ham học hỏi làm thú vui thích để mà so sánh mà thôi.

Cái chữ rất cần thiết cho mọi người, nó càng cần thiết hơn cho các linh mục là những người lãnh đạo dân riêng của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nguyên văn văn kiện mới của Bộ Giáo Lý Đức Tin: Các Quy Định Để Tiến Hành Trong Việc Phân Định Về Các Điều Được Cho Là Hiện Tượng Siêu Nhiên
Vũ Văn An
14:33 21/05/2024


Dẫn nhập

1.Chúa Giêsu Kitô là Lời cuối cùng của Thiên Chúa, “Đầu tiên và cuối cùng” (Kh 1:17). Người là sự viên mãn và ứng nghiệm của Mặc khải; mọi điều Thiên Chúa muốn mặc khải đều thực hiện qua Con của Người, Ngôi Lời nhập thể. Vì thế, “nhiệm cục Kitô giáo, vì là giao ước mới và vĩnh viễn, sẽ không bao giờ qua đi; và không có sự mặc khải công khai mới nào được mong đợi trước sự biểu hiện vinh quang của Chúa chúng ta, Chúa Giêsu Kitô.”[7]



2. Trong Lời mặc khải có mọi điều cần thiết cho đời sống Kitô hữu. Thánh Gioan Thánh Giá khẳng định rằng “khi ban cho chúng ta Con của Người, Lời duy nhất của Người (vì Người không có Lời nào khác), [Chúa Cha] đã nói mọi điều với chúng ta cùng một lúc bằng Lời duy nhất này—và Người không còn gì để nói [… ] bởi vì những gì trước đây Người đã nói với các tiên tri theo từng phần, bây giờ Người đã nói tất cả cùng một lúc bằng cách ban cho chúng ta Tất cả, là Con của Người. Những ai bây giờ mong muốn chất vấn Thiên Chúa hoặc nhận được một thị kiến hay mặc khải nào đó không chỉ phạm tội ngu xuẩn mà còn xúc phạm đến Người khi không hoàn toàn tập trung vào Chúa Kitô và sống với lòng khao khát một số điều mới lạ khác.”[8]

3. Vào thời Giáo hội, Chúa Thánh Thần dẫn dắt các tín hữu thuộc mọi thời đại “vào sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13) để “mang lại sự hiểu biết sâu sắc hơn bao giờ hết về mặc khải.”[9] Thực vậy, chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta ngày càng hiểu biết hơn nữa về mầu nhiệm Chúa Kitô, vì “dù có bao nhiêu mầu nhiệm và kỳ công […] được khám phá và hiểu rõ trong cuộc sống trần gian này, thì còn nhiều điều hơn thế nữa vẫn chưa được nói và hiểu. Có nhiều điều để hiểu biết nơi Chúa Ki-tô, vì Người giống như một mỏ dồi dào với nhiều kho báu, đến nỗi dù có đi sâu đến đâu, họ cũng không bao giờ chạm tới đích hoặc đáy, mà đúng hơn là trong mỗi nơi sâu kín, tìm được những mạch máu mới với sự giàu có mới ở khắp mọi nơi.”[10]

4. Trong khi tất cả những gì Thiên Chúa muốn mặc khải Người đã thực hiện qua Con của Người và trong khi các phương tiện nên thánh thông thường được cung cấp cho mọi người đã được rửa tội trong Giáo hội của Chúa Kitô, thì Chúa Thánh Thần có thể ban cho một số người những trải nghiệm rõ ràng về đức tin, mục đích trong đó không phải là “để cải thiện hoặc hoàn thành Mặc khải cuối cùng của Chúa Kitô, mà là giúp sống nó một cách trọn vẹn hơn trong một giai đoạn lịch sử nhất định.”[11]

5. Lời kêu gọi nên thánh liên quan đến tất cả những người đã được rửa tội; nó được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện và tham gia vào đời sống bí tích của Giáo hội, và được thể hiện trong một cuộc sống thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa và người lân cận.[12] Trong Giáo Hội, chúng ta nhận được tình yêu của Thiên Chúa, được thể hiện trọn vẹn nơi Chúa Kitô (x. Ga 3:16) và “đổ vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta” (Rm. 5:5). Những ai để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn một cách ngoan ngoãn sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện và hành động của Ba Ngôi, và một cuộc hiện hữu sống động như thế - như Đức Thánh Cha Phanxicô dạy - sẽ dẫn đến một cuộc sống huyền nhiệm, mặc dù “ngoài bất cứ hiện tượng phi thường nào, vẫn tự cống hiến cho tất cả các tín hữu như một kinh nghiệm yêu thương hàng ngày.”[13]

6. Tuy nhiên, đôi khi xảy ra những hiện tượng dường như vượt quá giới hạn của những trải nghiệm thông thường và tự trình bầy như có nguồn gốc siêu nhiên (chẳng hạn như những cuộc được cho là hiện ra, các thị kiến, lời nói bên trong hoặc bên ngoài, những bài viết hoặc thông điệp, hiện tượng liên quan đến hình ảnh tôn giáo và hiện tượng tâm sinh lý ). Nói chính xác về những biến cố như vậy có thể vượt qua khả năng ngôn ngữ của con người (xem 2Cr 12:2-4). Với sự ra đời của các phương tiện truyền thông hiện đại, những hiện tượng này có thể thu hút sự chú ý của nhiều tín đồ hoặc gây hoang mang cho họ. Vì tin tức về những biến cố này có thể lan truyền rất nhanh, nên các mục tử của Giáo hội có trách nhiệm xử lý những hiện tượng này một cách cẩn thận bằng cách nhận ra những hoa trái của chúng, thanh lọc chúng khỏi những yếu tố tiêu cực hoặc cảnh cáo các tín hữu về những mối nguy hiểm tiềm tàng phát sinh từ chúng (x. 1 Ga. 4:1).

7. Hơn nữa, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại và sự gia tăng các cuộc hành hương, những hiện tượng này đang diễn ra trên phạm vi quốc gia và thậm chí hoàn cầu, có nghĩa là một quyết định được đưa ra ở một Giáo phận cũng sẽ có hậu quả ở những nơi khác.

8. Khi những kinh nghiệm thiêng liêng đi kèm với những hiện tượng thể chất và tâm lý mà lý trí không thể giải thích ngay lập tức, Giáo hội có trách nhiệm tế nhị là nghiên cứu và phân định những biến cố này một cách cẩn thận.

9. Trong Tông huấn Gaudete et Exsultate, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng cách duy nhất để biết liệu điều gì đó có phát xuất từ Chúa Thánh Thần hay không là thông qua sự phân định, điều phải được tìm kiếm và vun trồng trong lời cầu nguyện.[14] Đây là một hồng ân thiêng liêng giúp các mục tử của Giáo hội thực hiện những gì Thánh Phaolô nói: “kiểm tra mọi thứ; điều gì tốt thì hãy giữ lấy” (1Tx 5:21). Để hỗ trợ các Giám mục giáo phận và các Hội đồng Giám mục trong việc phân định các hiện tượng được cho là có nguồn gốc siêu nhiên, Bộ Giáo lý Đức tin ban hành các Qui tắc để tiến hành phân định các hiện tượng được cho là siêu nhiên sau đây.

I. Các hướng dẫn tổng quát

A. Bản chất của phân định

10. Bằng cách tuân theo các Qui tắc dưới đây, Giáo hội sẽ có thể thực hiện nghĩa vụ phân định: (a) liệu các dấu hiệu của một hành động thần linh có thể được xác định chắc chắn trong các hiện tượng được cho là có nguồn gốc siêu nhiên hay không; (b) liệu có bất cứ điều gì mâu thuẫn với đức tin và đạo đức trong các bài viết hoặc thông điệp của những người liên quan đến điều được cho là hiện tượng đang được đề cập hay không; (c) liệu có được phép đánh giá những thành quả thiêng liêng của chúng hay không, liệu chúng có cần được thanh lọc khỏi những yếu tố có vấn đề hay không, hoặc liệu các tín hữu có nên được cảnh cáo về những rủi ro tiềm ẩn hay không; (d) liệu cơ quan có thẩm quyền của giáo hội có nên hiện thực hóa giá trị mục vụ của chúng hay không.

11. Mặc dù các quy định sau đây dự đoán khả thể phân định theo nghĩa được mô tả ở Đoạn 10 (ở trên), cần phải lưu ý rằng, như một quy luật tổng quát, trong các Qui tắc này, không thể đoán trước việc thẩm quyền giáo hội sẽ đưa ra sự thừa nhận tích cực về nguồn gốc thiêng liêng của các hiện tượng được cho là siêu nhiên.

12. Bất cứ khi nào Bộ ban cấp Nihil obstat (xem Đoạn 17 bên dưới), những hiện tượng như vậy không trở thành đối tượng của đức tin, nghĩa là các tín hữu không bị buộc phải ưng nhận đức tin đối với chúng. Đúng hơn, như trong trường hợp các đặc sủng được Giáo hội công nhận, chúng là “những cách để đào sâu sự hiểu biết của một người về Chúa Kitô và hiến thân cho Người một cách quảng đại hơn, đồng thời bám rễ sâu hơn vào mối hiệp thông với toàn thể dân Kitô giáo.” [15] ]

13. Ngay cả khi một Nihil obstat được ban cấp cho tiến trình phong thánh, điều này không hàm nghĩa một tuyên bố về tính chân chính liên quan đến bất cứ hiện tượng siêu nhiên nào hiện diện trong cuộc sống của một người. Điều này hiển nhiên, chẳng hạn, trong sắc lệnh phong thánh cho Thánh Gemma Galgani: “[Đức Piô XI] feliciter elegit ut super herois virtutibus huius innocentis aeque ac poenitentis puellae suam mentem panderet, nullo tamen per praesens decretum (quod quidem numquam fieri solet) prolato iudicio de praeternaturalibus Servae Dei charismatibus.”[16]

14. Đồng thời, cũng phải thừa nhận rằng một số hiện tượng, có thể có nguồn gốc siêu nhiên, đôi khi dường như có liên quan đến những trải nghiệm mơ hồ của con người, những cách diễn đạt không chính xác về mặt thần học, hoặc những lợi ích không hoàn toàn chính đáng.

15. Việc phân định các hiện tượng được cho là siêu nhiên được thực hiện ngay từ đầu bởi Giám mục giáo phận (hoặc bởi một cơ quan giáo quyền khác được đề cập ở Phần II, Điều 4-6) trong cuộc đối thoại với Thánh Bộ. Tuy nhiên, vì không bao giờ thiếu sự quan tâm đặc biệt đến lợi ích chung của toàn thể dân Chúa, nên “Bộ có quyền đánh giá các yếu tố luân lý và giáo lý của trải nghiệm tâm linh đó cũng như việc sử dụng nó” [17] ] Điều quan trọng là không được bỏ qua sự kiện đôi khi việc phân định cũng có thể giải quyết được các vấn đề, chẳng hạn như tội phạm, thao túng, gây tổn hại cho sự hiệp nhất của Giáo hội, lợi ích tài chính quá đáng, và những sai lầm nghiêm trọng về tín lý có thể gây ra tai tiếng và làm suy yếu uy tín của Giáo hội.

B. Các kết luận

16. Việc phân định các hiện tượng được cho là siêu nhiên có thể đạt đến các kết luận thường được diễn đạt bằng một trong các thuật ngữ liệt kê dưới đây.

17. Nihil obstat – Không bày tỏ bất cứ sự chắc chắn nào về tính chân chính siêu nhiên của chính hiện tượng này, nhiều dấu hiệu về hoạt động của Chúa Thánh Thần được thừa nhận “ở giữa” [18] một kinh nghiệm tâm linh nhất định, và không có khía cạnh nào đặc biệt quan trọng hoặc rủi ro nào đã được phát hiện, ít nhất là cho đến nay. Vì lý do này, Giám mục Giáo phận được khuyến khích lượng giá giá trị mục vụ của đề xuất thiêng liêng này, và thậm chí cổ vũ sự loan truyền của nó, bao gồm cả việc có thể thông qua các cuộc hành hương đến một địa điểm thánh thiêng.

18. Prae oculis habeatur – Mặc dù các dấu hiệu tích cực quan trọng được công nhận, một số khía cạnh nhầm lẫn hoặc rủi ro tiềm ẩn cũng được nhận thấy đòi hỏi Giám mục Giáo phận phải tham gia vào việc phân định và đối thoại cẩn thận với những người tiếp nhận một kinh nghiệm tâm linh nhất định. Nếu có những bài viết hoặc tin nhắn thì việc làm rõ tín lý có thể là cần thiết.

19. Curatur – Trong khi nhiều yếu tố quan trọng hoặc khác nhau được ghi nhận, đồng thời, hiện tượng này đã lan truyền rộng rãi và có những hoa trái thiêng liêng có thể kiểm chứng được liên quan đến nó. Trong tình huống này, một lệnh cấm có thể gây khó chịu cho dân Chúa không được khuyến khích. Tuy nhiên, Đức Giám Mục Giáo phận được yêu cầu không khuyến khích hiện tượng này nhưng hãy tìm kiếm những cách phát biểu khác cho lòng sùng kính và có thể định hướng lại các khía cạnh thiêng liêng và mục vụ của nó.

20. Sub mandato – Trong phạm trù này, các vấn đề quan trọng không liên quan đến chính hiện tượng vốn giàu yếu tố tích cực mà liên quan đến một người, một gia đình hoặc một nhóm người đang lạm dụng nó. Chẳng hạn, kinh nghiệm tâm linh có thể bị lợi dụng để thu lợi tài chính đặc biệt và quá mức, thực hiện các hành vi vô đạo đức hoặc thực hiện một hoạt động mục vụ ngoài hoạt động đã có mặt trong lãnh thổ giáo hội mà không chấp nhận chỉ dẫn của Giám mục Giáo phận. Trong tình huống này, việc lãnh đạo mục vụ tại địa điểm cụ thể nơi hiện tượng đang xảy ra được giao cho Giám mục giáo phận (hoặc cho một người khác được Tòa thánh ủy quyền), người này, nếu không thể can thiệp trực tiếp, sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận hợp lý.

21. Prohibetur et obstruatur [bị ngăn cấm và cản trở] – Mặc dù có những yêu cầu chính đáng và một số yếu tố tích cực, nhưng các vấn đề nghiêm trọng và rủi ro liên quan đến hiện tượng này dường như rất nghiêm trọng. Vì vậy, để ngăn chặn sự nhầm lẫn thêm hoặc cả tai tiếng rất có thể làm xói mòn đức tin của người dân bình thường, Bộ yêu cầu Giám mục Giáo phận tuyên bố công khai rằng không được phép tuân theo hiện tượng này. Đồng thời, Đức Giám Mục Giáo phận được yêu cầu cung ứng một việc dạy giáo lý có thể giúp các tín hữu hiểu lý do của quyết định này và định hướng lại những mối quan tâm thiêng liêng chính đáng về phía dân Chúa.

22. Declaratio de non supernaturalitate [Tuyên bố về tính không siêu nhiên] – Trong tình huống này, Bộ ủy quyền cho Giám mục Giáo phận tuyên bố hiện tượng này được coi là không siêu nhiên. Quyết định này phải dựa trên sự thật và bằng chứng cụ thể và đã được chứng minh. Ví dụ: nếu một người được coi là thị nhân thừa nhận đã nói dối hoặc nếu các nhân chứng đáng tin cậy cung cấp các yếu tố bằng chứng cho phép người ta phát hiện ra rằng hiện tượng này là dựa trên sự bịa đặt, một ý định sai lầm hoặc hoang đường.

23. Dưới ánh sáng của những điểm nói trên, đã có việc tái khẳng định rằng, như một quy luật, cả Giám mục Giáo phận, các Hội đồng Giám mục, cũng như Bộ sẽ không tuyên bố những hiện tượng này có nguồn gốc siêu nhiên, ngay cả khi có sự ban cấp Nihil obstat (xem đoạn 11 ở trên). Tuy nhiên, điều vẫn đúng là Đức Thánh Cha có thể cho phép một thủ tục đặc biệt về vấn đề này.

II. Các Thủ tục cần tuân theo

A. Các qui tắc trọng yếu

Điều 1 – Trách nhiệm của Giám mục Giáo phận, trong đối thoại với Hội đồng Giám mục quốc gia liên quan, là xem xét các trường hợp được cho là hiện tượng siêu nhiên xảy ra trong lãnh thổ của mình và đưa ra phán quyết cuối cùng về chúng, bao gồm cả việc có thể cổ vũ việc tôn kính hoặc sùng kính có liên quan. Phán quyết của Giám mục phải được đệ trình lên Bộ để phê chuẩn.

Điều 2 – Sau khi điều tra các biến cố đang được đề cập theo các qui tắc sau đây, trách nhiệm của Giám mục Giáo phận là chuyển các kết quả điều tra, cùng với Votum [ý kiến] của mình, đến Bộ Giáo lý Đức tin và can thiệp theo các chỉ dẫn do Bộ cung cấp. Trách nhiệm của Bộ là đánh giá cách thức tiến hành của Giám mục giáo phận và phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định mà Giám mục đề xuất quy cho trường hợp cụ thể.

Điều 3 § 1 – Giám mục giáo phận không được đưa ra bất cứ tuyên bố công khai nào ủng hộ tính chân chính hoặc tính chất siêu nhiên của những hiện tượng đó và không có bất cứ mối liên hệ bản thân nào với chúng. Tuy nhiên, ngài phải luôn cảnh giác và, nếu cần, can thiệp một cách nhanh chóng và thận trọng, theo các thủ tục được nêu trong các qui tắc sau đây.

§ 2 – Nếu các hình thức tôn sùng xuất hiện liên quan đến biến cố được cho là siêu nhiên, ngay cả khi không có sự tôn kính đích thực và thích đáng, thì Giám mục Giáo phận có nghĩa vụ nghiêm túc khởi xướng một cuộc điều tra giáo luật toàn diện càng sớm càng tốt để bảo vệ Đức tin và ngăn ngừa lạm dụng.

§ 3 – Giám mục giáo phận phải đặc biệt quan tâm, thậm chí sử dụng các phương tiện tùy ý ngài, để ngăn chặn sự lan truyền của các biểu hiện tôn giáo lộn xộn hoặc phổ biến bất cứ tài liệu nào liên quan đến hiện tượng được cho là siêu nhiên (chẳng hạn như việc khóc của các ảnh tượng thánh thiêng; đổ mồ hôi, chảy máu, hoặc sự thay đổi của bánh thánh, v.v.) để tránh tạo ra bầu không khí giật gân (x. Điều 11 § 1).

Điều 4 – Khi hiện tượng bị cáo buộc liên quan đến thẩm quyền của nhiều Giám mục giáo phận, do nơi cư trú của các cá nhân liên quan hoặc sự phổ biến của các hình thức tôn kính hoặc lòng sùng kính phổ biến liên quan đến hiện tượng này, các Giám mục giáo phận đó, tham khảo ý kiến của Bộ Giáo lý của Đức tin, có thể thành lập một Ủy ban liên giáo phận. Ủy ban này, do một trong các Giám mục Giáo phận chủ trì, sẽ tiến hành cuộc điều tra theo các điều khoản sau đây. Vì mục đích này, họ cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan của Hội đồng Giám mục.

Điều 5 – Nếu các biến cố được cho là siêu nhiên liên quan đến thẩm quyền của các Giám mục giáo phận thuộc cùng một giáo tỉnh, thì vị Giám mục - sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng Giám mục và Bộ Giáo lý Đức tin, và theo ủy quyền của Bộ - có thể đảm nhận nhiệm vụ thành lập và chủ trì Ủy ban nêu tại điều 4.

Điều 6 § 1 – Khi các biến cố được cho là siêu nhiên liên quan đến một khu vực giáo hội được đề cập trong điều 433-434 Bộ Giáo Luật, Giám mục chủ tọa sẽ yêu cầu Bộ Giáo lý Đức tin ban cho ủy nhiệm đặc biệt để tiến hành.

§ 2 – Trong trường hợp này, các thủ tục sẽ tuân theo, ex analogia [một cách loại suy] các quy định của điều 5, đồng thời tuân thủ các hướng dẫn nhận được từ Bộ.

B. Các Quy tắc thủ tục

Giai đoạn điều tra

Điều 7 § 1 – Bất cứ khi nào Giám mục giáo phận nhận được một báo cáo, ít nhất có vẻ là sự thật, về các biến cố được cho là có nguồn gốc siêu nhiên liên quan đến Đức tin Công Giáo và xảy ra trong phạm vi thẩm quyền của mình, ngài phải thận trọng tìm thông tin cho mình về các biến cố và hoàn cảnh một cách đích thân hoặc thông qua người đại diện. Ngài cũng nên nhanh chóng thu thập tất cả các yếu tố hữu ích cho một việc đánh giá ban đầu.

§ 2 – Nếu hiện tượng đang được đề cập có thể được quản lý dễ dàng trong phạm vi của những người liên quan trực tiếp và nếu không nhận thấy mối nguy hiểm nào đối với cộng đồng, thì Giám mục Giáo phận, sau khi tham khảo ý kiến của Bộ, sẽ không thực hiện thêm hành động nào, mặc dù vẫn còn nghĩa vụ phải cảnh giác.

§ 3 – Nếu những người liên quan phụ thuộc vào các Giám mục giáo phận khác nhau, thì ý kiến của các Giám mục này phải được lắng nghe. Khi điều được cho là một hiện tượng bắt nguồn từ một nơi và liên quan đến những diễn biến tiếp theo ở những địa điểm khác, hiện tượng đó có thể được đánh giá khác nhau ở những địa điểm khác đó. Trong tình huống như vậy, mỗi Giám mục giáo phận luôn có quyền quyết định những gì ngài cho là thận trọng về mặt mục vụ trong lãnh thổ của mình, sau khi tham khảo ý kiến của Bộ.

§ 4 – Khi điều được coi là hiện tượng liên quan đến nhiều loại đồ vật khác nhau, Giám mục Giáo phận, đích thân hoặc thông qua một người đại diện, có thể ra lệnh cất giữ những đồ vật đó ở một nơi an toàn và bảo đảm, trong khi chờ làm rõ vụ việc. Khi nó liên quan đến một phép lạ Thánh Thể, bánh thánh phải được lưu giữ ở một nơi đáng tin cậy và theo cách thích hợp.

§ 5 – Nếu các yếu tố được thu thập có vẻ đầy đủ, Giám mục Giáo phận sẽ quyết định có bắt đầu một giai đoạn đánh giá hiện tượng này hay không, đề xuất với Bộ trong mục ý kiến [Votum] của mình một phán quyết cuối cùng vì lợi ích lớn hơn của tín lý Giáo hội và để bảo vệ và phát huy phúc lợi tinh thần của các tín hữu.

Điều 8 § 1 – Giám mục Giáo phận[19] sẽ thành lập một Ủy ban Điều tra, trong số các thành viên của Ủy ban phải có ít nhất một nhà thần học, một nhà giáo luật, và một chuyên gia được lựa chọn dựa trên bản chất của hiện tượng.[20] Mục đích của Ủy ban này không chỉ là đạt được một tuyên bố về tính chân thực của các biến cố đang được đề cập mà còn thực hiện một cuộc khảo sát chi tiết về mọi khía cạnh của biến cố, với mục tiêu cung cấp cho Giám mục Giáo phận mọi yếu tố hữu ích cho việc đánh giá.

§ 2 – Các thành viên của Ủy ban Điều tra phải có danh tiếng không thể nghi ngờ, đức tin chắc chắn, học thuyết vững vàng và sự thận trọng đã được chứng minh. Họ sẽ không có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến những người hoặc biến cố đang được phân định.

§ 3 – Giám mục giáo phận sẽ bổ nhiệm một Đại biểu, được chọn trong số các thành viên của Ủy ban hoặc bên ngoài Ủy ban, có trách nhiệm điều phối công việc của Ủy ban, chủ trì và chuẩn bị các phiên họp của Ủy ban.

§ 4 – Giám mục giáo phận hoặc người đại diện của ngài cũng sẽ chỉ định một Công chứng viên tham dự các cuộc họp và ghi biên bản các cuộc khảo sát nhân chứng và bất cứ hành động chính thức nào khác của Ủy ban. Công chứng viên có trách nhiệm bảo đảm bảo để các biên bản được ký hợp lệ và tất cả các hành vi của giai đoạn điều tra đều được thu thập, sắp xếp hợp lý và lưu trữ trong văn khố của Giáo phận. Công chứng viên cũng sẽ lo liệu cho việc triệu tập Ủy ban và chuẩn bị các tài liệu của Ủy ban.

§ 5 – Tất cả các thành viên của Ủy ban phải giữ tính bí mật của chức vụ, tức là phải tuyên thệ.

Điều 9 § 1 – Việc khảo sát nhân chứng phải được tiến hành tương tự như những gì được quy định bởi các qui tắc phổ quát (xem điều 1558-1571 Bộ Giáo Luật; điều 1239-1252 Bộ Giáo Luật Đông Phương). Chúng sẽ dựa trên các câu hỏi do Đại biểu đưa ra sau cuộc thảo luận thích đáng với các thành viên khác của Ủy ban.

§ 2 – Lời khai tuyên thệ của những người liên quan đến các hiện tượng được cho là siêu nhiên phải được đưa ra trước sự chứng kiến của toàn thể Ủy ban, hoặc ít nhất một số thành viên của Ủy ban. Khi các tình tiết của vụ án được dựa trên lời khai của nhân chứng, các nhân chứng phải được thẩm vấn càng sớm càng tốt để có lợi do khoảng thời gian gần gũi với biến cố.

§ 3 – Những vị giải tội của những người cho rằng có liên quan đến các biến cố có nguồn gốc siêu nhiên không được làm chứng về bất cứ vấn đề nào họ đã học được trong bí tích xưng tội.[21]

§ 4 – Vị linh hướng của những người cho rằng có liên quan đến các biến cố có nguồn gốc siêu nhiên không được làm chứng về bất cứ vấn đề nào họ đã học được trong việc linh hướng, trừ khi những người liên quan cho phép lấy lời khai bằng văn bản.

Điều 10 – Nếu tài liệu đang được điều tra bao gồm các bản văn viết hoặc các yếu tố khác (ví dụ: video, âm thanh, ảnh) được tiết lộ qua các phương tiện truyền thông và được viết bởi một người có liên quan đến hiện tượng bị cáo buộc, thì những tài liệu đó phải được các chuyên gia khảo sát cẩn thận (Xem Điều 3 § 3). Công chứng viên phải ghi kết quả cuộc khảo sát vào hồ sơ điều tra.

Điều 11 § 1 – Nếu các biến cố bất thường được đề cập ở điều 7 § 1 liên quan đến các loại đối tượng khác nhau (xem Điều 3 § 3), Ủy ban sẽ tiến hành điều tra kỹ lưỡng các đối tượng đó bằng cách sử dụng các chuyên gia của Ủy ban hoặc các chuyên gia khác được xác định cho vụ việc. Mục đích của cuộc điều tra này là đạt được một đánh giá khoa học, tín lý và giáo luật về các đối tượng để hỗ trợ cho việc đánh giá tiếp theo.

§ 2 – Nếu biến cố bất thường liên quan đến bất cứ phát hiện nào có tính chất hữu cơ cần có phòng thí nghiệm đặc biệt và trong mọi trường hợp là điều tra khoa học-kỹ thuật, Ủy ban sẽ giao việc nghiên cứu những yếu tố đó cho các chuyên gia chân chính trong lĩnh vực điều tra liên quan.

§ 3 – Nếu hiện tượng liên quan đến Mình và Máu Chúa trong các dấu hiệu bí tích bánh và rượu, cần phải đặc biệt chú ý để bất cứ phân tích nào về các hình Thánh Thể không dẫn đến việc thiếu tôn trọng Bí tích Thánh Thể, đảm bảo rằng việc tôn kính thích đáng đối với nó được duy trì.

§ 4 – Nếu các biến cố được cho là bất thường làm phát sinh các vấn đề về trật tự công cộng, Giám mục Giáo phận phải hợp tác với cơ quan dân sự có thẩm quyền.

Điều 12 – Nếu các biến cố được cho là siêu nhiên tiếp tục diễn ra trong quá trình điều tra và tình hình gợi ý các biện pháp thận trọng, Giám mục Giáo phận sẽ không ngần ngại thực thi các hành vi quản trị tốt đó để tránh việc thể hiện lòng sùng kính một cách không kiểm soát hoặc mơ hồ, hoặc bắt đầu việc tôn kính dựa trên các yếu tố vẫn chưa được xác định.

Giai đoạn đánh giá

Điều 13 – Giám mục giáo phận, với sự giúp đỡ của các thành viên Ủy ban do ngài thành lập, sẽ đánh giá kỹ lưỡng tài liệu được thu thập theo các tiêu chuẩn phân định được trích dẫn ở trên (x. I, Đoạn 10-23, ở trên), cũng như các tiêu chuẩn tích cực và tiêu cực sau đây, cũng sẽ được áp dụng một cách lũy tích.

Điều 14 – Trong số các tiêu chuẩn tích cực, các điểm sau đây cần được xem xét:

1°. Độ tin cậy và danh tiếng tốt của những người tự nhận là người tiếp nhận các biến cố siêu nhiên hoặc có liên quan trực tiếp đến chúng, cũng như danh tiếng của các nhân chứng đã được lắng nghe. Đặc biệt, người ta nên xem xét sự cân bằng tinh thần, sự trung thực và ngay thẳng về mặt đạo đức, sự chân thành, khiêm tốn và thói quen ngoan ngoãn đối với quyền bính giáo hội, sẵn sàng hợp tác với nó và cổ vũ tinh thần hiệp thông đích thực của giáo hội;

2°. Tính chính thống về mặt tín lý của hiện tượng này và bất cứ thông điệp nào liên quan đến nó;

3°. Tính chất khó lường của hiện tượng, qua đó cho thấy nó không phải là kết quả của sự chủ động của những người liên quan;

4°. Hoa trái của đời sống Kitô hữu, bao gồm tinh thần cầu nguyện, hoán cải, ơn gọi linh mục và đời sống tu trì, các hành động bác ái, cũng như lòng sùng kính đúng đắn và hoa trái thiêng liêng dồi dào và liên tục. Sự đóng góp của những thành quả này vào việc phát triển sự hiệp thông của Giáo Hội phải được đánh giá.

Điều 15 – Trong số các tiêu chuẩn tiêu cực, cần cân nhắc kỹ:

1°. Khả năng xảy ra sai lầm rõ ràng về biến cố;

2°. Những sai lầm tín lý tiềm ẩn. Người ta phải xem xét khả thể người tự xưng là người tiếp nhận các biến cố có nguồn gốc siêu nhiên có thể đã thêm vào, thậm chí một cách vô thức, những yếu tố thuần túy của con người hoặc một sai lầm nào đó của trật tự tự nhiên vào một mặc khải riêng tư, không phải do ý định xấu mà do nhận thức chủ quan về hiện tượng;

3°. Tinh thần bè phái gây chia rẽ trong Giáo hội;

4°. Việc theo đuổi công khai lợi nhuận, quyền lực, danh tiếng, sự công nhận của xã hội hoặc lợi ích cá nhân khác có liên quan chặt chẽ đến biến cố;

5°. Hành động vô đạo đức nghiêm trọng do chủ thể hoặc những người đi theo chủ thể thực hiện tại hoặc xung quanh thời điểm xảy ra biến cố;

6°. Những thay đổi tâm lý hoặc khuynh hướng tâm thần ở một người có thể đã gây ảnh hưởng đến biến cố được cho là siêu nhiên. Ngoài ra, bất cứ rối loạn tâm thần, cuồng loạn tập thể và các yếu tố khác có liên quan đến bối cảnh bệnh lý cũng cần được xem xét.

Điều 16 – Việc sử dụng các trải nghiệm siêu nhiên có mục đích hoặc các yếu tố huyền nhiệm được công nhận như một phương tiện hoặc một cái cớ để kiểm soát con người hoặc thực hiện các hành vi lạm dụng phải được coi là nghiêm trọng về mặt đạo đức.

Điều 17 – Việc đánh giá kết quả điều tra các hiện tượng được cho là siêu nhiên được đề cập ở Điều 7 § 1 phải được thực hiện một cách cẩn thận và cần mẫn, tôn trọng cả những người liên quan và bất cứ cuộc kiểm tra khoa học-kỹ thuật nào được tiến hành đối với hiện tượng được cho là siêu nhiên.

Giai đoạn kết thúc

Điều 18 – Sau khi hoàn tất cuộc điều tra, xem xét cẩn thận các biến cố và thông tin đã thu thập được, [22] xem xét tác động mà các biến cố được cho là đã xảy ra đối với dân Chúa được giao phó cho ngài, và đặc biệt lưu ý đến sự phong phú về thiêng liêng, do bất cứ việc sùng kính mới nào có thể mang lại, Giám mục giáo phận, với sự giúp đỡ của Đại biểu, nên chuẩn bị một báo cáo về điều được cho là hiện tượng. Xem xét tất cả các biến cố của vụ việc, cả tích cực lẫn tiêu cực, ngài sẽ chuẩn bị một bản ý kiến [Votum] bản thân về vấn đề này, trong đó ngài đề xuất với Bộ một phán quyết cuối cùng thường tuân theo một trong các công thức sau đây:[23]

1°. Nihil obstat [không trở ngại]

2°. Prae oculis habeatur [phải bị canh chừng]

3°. Curatur [phải được quản lý]

4°. Sub mandato [phải chờ lệnh]

5°. Prohibetur et obstruatur [phải bị ngăn cấm và cản trở

6°. Declaratio de non supernaturalitate [Tuyên bố phi siêu nhiên].

Điều 19 – Khi cuộc điều tra kết thúc, tất cả các hành vi liên quan đến vụ án sẽ được chuyển đến Bộ Giáo lý Đức tin để phê duyệt lần cuối.

Điều 20 – Sau đó, Bộ sẽ tiến hành xem xét các hành vi của vụ việc, đánh giá các yếu tố đạo đức và tín lý của kinh nghiệm tâm linh, việc sử dụng nó và ý nguyện của Giám mục Giáo phận. Bộ có thể yêu cầu thêm thông tin từ Giám mục Giáo phận, tìm kiếm ý kiến khác, hoặc, trong những trường hợp hiếm hoi, thậm chí tiến hành một cuộc khảo sát vụ việc mới tách biệt với cuộc khảo sát do Giám mục Giáo phận thực hiện. Sau khi xem xét, Bộ sẽ xác nhận hoặc không xác nhận quyết định do Giám mục giáo phận đề xuất.

Điều 21 § 1 – Khi nhận được phản hồi của Bộ, trừ khi có chỉ dẫn khác, Giám mục Giáo phận, với sự đồng ý của Bộ, sẽ công bố rõ ràng cho dân Chúa phán quyết về các biến cố được đề cập.

§ 2 – Giám mục Giáo phận sẽ thông báo cho Hội đồng Giám mục quốc gia về quyết định đã được Bộ phê chuẩn.

Điều 22 § 1 – Trong trường hợp ban cấp Nihil obstat (x. Điều 18, 1°), Giám mục Giáo phận sẽ hết sức chú ý đến việc đánh giá chính xác những hoa quả do hiện tượng được kiểm tra, đồng thời tiếp tục thực hiện cảnh giác qua nó với sự chú ý thận trọng. Trong trường hợp như vậy, Giám mục giáo phận sẽ chỉ rõ, thông qua một sắc lệnh, bản chất của việc ủy quyền và các giới hạn của bất cứ sự tôn kính nào được phép, xác định rõ việc các tín hữu “tự động được yêu cầu phải tuân thủ nó một cách thận trọng.” [24]

§ 2 – Giám mục giáo phận cũng sẽ quan tâm để bảo đảm việc các tín hữu không coi bất cứ xác định nào như việc chấp thuận bản chất siêu nhiên của chính hiện tượng này.

§ 3 – Trong mọi trường hợp, Bộ có quyền can thiệp một lần nữa tùy theo diễn biến của hiện tượng được đề cập.

Điều 23 § 1 – Nếu quyết định mang tính phòng ngừa (x. Điều 18, 2-4°) hoặc tiêu cực (x. Điều 18, 5-6°) được đưa ra, thì Giám mục Giáo phận phải chính thức thông báo điều đó sau khi nhận được quyết định chấp thuận của Bộ. Trong thông báo, Đức Giám Mục nên sử dụng ngôn ngữ rõ ràng và dễ hiểu. Hơn nữa, để thúc đẩy sự phát triển của một nền linh đạo lành mạnh, ngài nên xem xét tính khả thi của việc công bố lý do của quyết định và nền tảng tín lý của nó trong Đức tin Công Giáo.

§ 2 – Khi thông báo một quyết định tiêu cực, Giám mục giáo phận rất có thể bỏ sót thông tin có thể gây tổn hại bất công cho những người liên quan.

§ 3 – Nếu việc phổ biến các trước tác về thông điệp tiếp tục, các mục tử hợp pháp phải cảnh giác theo điều 823 Bộ Giáo Luật (xem các điều 652 § 2; 654 Bộ Giáo Luật Đông Phương), khiển trách các lạm dụng và bất cứ điều gì gây tổn hại đến đức tin chân chính và luân lý tốt hoặc nguy hiểm cho phúc lợi của các linh hồn. Các biện pháp thông thường có thể được sử dụng cho mục đích này, bao gồm cả các giới luật hình sự (xem điều 1319 Bộ Giáo Luật; điều 1406 Bộ Giáo Luật Đông Phương).

§ 4 – Điều đặc biệt thích hợp là sử dụng các biện pháp nêu ở § 3 (ở trên) khi hành vi cần sửa chữa liên quan đến đồ vật hoặc địa điểm có liên quan đến hiện tượng được cho là siêu nhiên.

Điều 24 – Bất kể quyết định cuối cùng được phê chuẩn như thế nào, Giám mục Giáo phận, đích thân hoặc thông qua Đại diện, phải tiếp tục theo dõi hiện tượng và những người liên quan, thực thi quyền lực thông thường của mình.

Điều 25 – Nếu các hiện tượng được cho là siêu nhiên có thể được xác định một cách chắc chắn là có chủ ý nhằm gây hoang mang và đánh lừa người khác vì những động cơ thầm kín (chẳng hạn như vì lợi nhuận hoặc lợi ích cá nhân khác), thì tùy từng trường hợp cụ thể, Giám mục Giáo phận sẽ áp dụng, các quy định hình sự giáo luật có liên quan hiện hành.

Điều 26 – Bộ Giáo lý Đức tin có thể can thiệp bằng tự sắc vào bất cứ thời điểm và giai đoạn nào của việc phân định liên quan đến các hiện tượng được cho là siêu nhiên.

Điều 27 – Những Qui tắc này thay thế hoàn toàn những Qui tắc trước đó ngày 25 tháng 2 năm 1978.

Đức Thánh Cha Phanxicô, tại buổi tiếp kiến dành cho Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin có chữ ký dưới đây, cùng với Thư ký Bộ phận Giáo lý của cùng Bộ, vào ngày 4 tháng 5 năm 2024, đã phê chuẩn các Qui tắc này, đã được cân nhắc trong Phiên họp thường lệ của Bộ này vào ngày 17 tháng 4 năm 2024, và ngài đã ra lệnh công bố chúng, xác nhận rằng chúng sẽ có hiệu lực vào ngày 19 tháng 5 năm 2024, Lễ Trọng Hiện Xuống.

Ban hành tại Rôma, tại Bộ Giáo lý Đức tin vào ngày 17 tháng 5 năm 2024.

Hồng Y Víctor Manuel Fernández
Bộ trưởng

Đức ông Armando Matteo
Thư ký, Bộ phận tín lý
________________________________________

[1] Thánh Gio-an Thánh Giá, Đêm Đen II, 17, 6, trong cùng tác phẩm đã dẫn, Tuyển tập các tác phẩm của Thánh Gio-an Thánh Giá [The Collected Works of St. John of the Cross], ICS Publications, Washington, D.C. 20173, trang 437-438.

[2] Đã dẫn, Bài ca thiêng liêng B, lời nói đầu, 1, trong tác phẩm đã trích dẫn, tr. 470.

[3] Đã dẫn, Đêm Đen II, 17, 8, trong tác phẩm đã trích dẫn, tr. 438.

[4] Đã dẫn, Ngọn lửa sống của tình yêu B III, 47, trong tác phẩm đã trích dẫn, tr. 692.

[5] Bênêđíctô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Verbum Domini (30/9/2010), số 1. 14: AAS 102 (2010), tr. 696.

[6] K. Rahner, Tầm nhìn và Lời tiên tri, Burns & Oates, London 1963, tr. 73.

[7] Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum (18/11/1965), số 1. 4: AAS 58 (1966), tr. 819.

[8] Thánh Gio-an Thánh Giá, Lên núi Carmel [The Ascent of Mount Carmel], 2, 22, 3-5, trong tác phẩm đã trích dẫn, Tuyển tập các tác phẩm của Thánh Gio-an Thánh Giá, ICS Publications, Washington, D.C. 20173, p. 230. Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 65.

[9] Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum (18/11/1965), số 1. 5: AAS 58 (1966), tr. 819.

[10] Thánh Gioan Thánh Giá, Bài Ca Thiêng Liêng B, 37, 4, trong tác phẩm đã trích dẫn, trang 615-616.

[11] Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, số 67. Xem Bộ Giáo lý Đức tin, Thông điệp Fatima (26 tháng 6 năm 2000), Libreria Editrice Vaticana, Thành phố Vatican 2000.

[12] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium (7/12/1965), số 1. 39-42: AAS 57 (1965), trang 44-49; Đức Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate (19 tháng 3 năm 2018), nn. 10-18, 143: AAS 110 (2018), trang 1114-1116, 1150-1151; Id., Tông thư Totum Amoris Est (28 tháng 12 năm 2022), đó đây: L’Osservatore Romano, 28 tháng 12 năm 2022, trang 8-10.

[13] Đức Phanxicô, Tông huấn C’est la confiance (15 tháng 10 năm 2023), số 35: L’Osservatore Romano, ngày 16 tháng 10 năm 2023, tr. 3.

[14] Xem Đức Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate (19 tháng 3 năm 2018), số 1. 166 và 173: AAS 110 (2018), trang 1157 và 1159-1160.

[15] Đức Gioan Phaolô II, Sứ điệp gửi Đại hội Thế giới của Các Phong trào Giáo hội và Cộng đồng Mới (27 tháng 5 năm 1998), số 4: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XXI 1: 1998, Libreria Editrice Vaticana, Vatican City 2000, p. 1064. Xem Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Verbum Domini (30/9/2010), số 14: AAS 102 (2010), tr. 696.

[16] Sacra Rituum Congregatio, Decretum beatificationis et canonizationis Servae Dei Gemmae Galgani, virginis saecularis: AAS 24 (1932), p. 57. Trong bản dịch tiếng Anh, nó viết: “[Đức Piô XI] vui vẻ quyết định dừng lại ở các nhân đức anh hùng của cô gái thơ ngây cũng như sám hối này, tuy nhiên, không đưa ra phán xét nào, bằng sắc lệnh hiện hành (điều này, tất nhiên, thường không bao giờ được thực hiện) về các đặc sủng siêu nhiên của Tôi Tớ Chúa.”

[17] Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi Giám mục Como về một Người được cho là thị nhân (25 tháng 9 năm 2023).

[18] Cụm từ “ở giữa” không có nghĩa là “nhờ” hay “thông qua”, nhưng cho thấy rằng mặc dù một bối cảnh nào đó không nhất thiết có nguồn gốc siêu nhiên, nhưng Chúa Thánh Thần đang làm những điều tốt lành.

[19] Hoặc một trong những cơ quan có thẩm quyền khác của giáo hội được đề cập trong các Điều 4-6.

[20] Chẳng hạn như bác sĩ y khoa (và tốt nhất là bác sĩ chuyên về lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như tâm thần học hoặc huyết học), nhà sinh vật học, nhà hóa học, v.v.

[21] Xem các điều 983 § 1; 1550 § 2, 2° Bộ Giáo Luật; các điều 733 § 1; 1231 § 1, 2° Bộ Giáo Luật Đông phương; Bộ Phong Thánh, Huấn thị “Sanctorum Mater” về việc tiến hành các cuộc điều tra của Giáo phận hoặc Giáo phận Đông phương về Phong Thánh (17 tháng 5 năm 2007), artt. 101-102: AAS 99 (2007), tr. 494; Tòa Ân Giải, Lưu ý về tầm quan trọng của Diễn đàn Nội bộ và Tính Bất khả xâm phạm của Ấn tín Bí tích (29 tháng 6 năm 2019): AAS 111 (2019), trang 1215-1218.

[22] Tất cả bằng chứng chứng thực cũng phải được đánh giá kỹ lưỡng bằng cách áp dụng cẩn thận tất cả các tiêu chuẩn theo các quy định giáo luật liên quan đến sức mạnh chứng minh của lời chứng (xem một cách loại suy điều 1572 Bộ Giáo Luật; điều 1253 Bộ Giáo Luật Đông phương).

[23] Xem ở trên, I, các đoạn 17-22.

[24] Đức Bênêđíctô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Verbum Domini (30/9/2010), số 1. 14: AAS 102 (2010), tr. 696. Đoạn văn đầy đủ nêu rõ: “Sự chấp thuận của Giáo hội đối với một mặc khải tư về cơ bản có nghĩa là thông điệp của nó không chứa đựng điều gì trái ngược với đức tin và luân lý; việc công khai nó là điều hợp pháp và các tín hữu được phép tuân thủ nó một cách thận trọng. […] Đó là một sự trợ giúp được đưa ra, nhưng việc sử dụng nó không bắt buộc. Trong mọi trường hợp, đó phải là vấn đề nuôi dưỡng đức tin, đức cậy và đức mến, vốn là con đường cứu rỗi lâu dài cho mọi người.”
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với CBS News rằng phụ nữ không thể nhận chức thánh, ngay cả như là phó tế
Vũ Văn An
15:10 21/05/2024

Tạp chí Crux, ngày 21 tháng 5 năm 2024, đưa tin: Trong cuộc trò chuyện với CBS News, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng phụ nữ không thể được phong chức phó tế.

Nhà báo CBS Norah O'Donnell nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. (Tín dụng: Tin tức CBS.)


Được phát sóng vào tối thứ Hai tại Hoa Kỳ, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Người đầu tiên” là phiên bản mở rộng của cuộc phỏng vấn được giới thiệu trên “60 Minutes” vào Chúa nhật.

Nhà báo CBS Norah O’Donnell đã hỏi Đức Giáo Hoàng rằng liệu phụ nữ có bao giờ có “cơ hội làm phó tế và tham gia với tư cách là thành viên giáo sĩ trong Giáo hội không?”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trả lời nhanh chóng: “Không.”

Khi bị ép, ngài giải thích: “Nếu là phó tế với chức thánh thì không. Nhưng tôi có thể nói, phụ nữ luôn có chức năng của nữ phó tế mà không phải là phó tế, phải không? Phụ nữ phục vụ rất tốt với tư cách là phụ nữ, chứ không phải với tư cách là thừa tác viên, với tư cách là thừa tác viên về mặt này, trong các Chức Thánh.”

Điều này trái ngược với tuyên bố hồi tháng 2 của nữ tu và nhà thần học người Tây Ban Nha Linda Pocher, một trong ba phụ nữ phát biểu tại cuộc họp gần đây nhất của Hội đồng Hồng Y của Đức Giáo Hoàng.

“Chức phó tế cũng đã được thảo luận. Chúng tôi biết rằng Đức Giáo Hoàng rất ủng hộ chức phó tế nữ, nhưng ngài vẫn đang cố gắng hiểu cách áp dụng nó vào thực tế”, Pocher nói với Europa Press.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô nói với CBS News rằng phụ nữ “là những người thúc đẩy những thay đổi về phía trước, tất cả các loại thay đổi”.

“Họ dũng cảm hơn đàn ông,” ngài nói tiếp.

“Họ biết cách tốt nhất để bảo vệ sự sống. Phụ nữ là những người bảo vệ tuyệt vời của sự sống. Phụ nữ thật tuyệt vời. Họ rất tuyệt vời. Và tạo không gian trong Giáo hội cho phụ nữ không có nghĩa là trao cho họ một thừa tác vụ, không. Giáo hội là một người mẹ, và những người phụ nữ trong Giáo hội là những người giúp nuôi dưỡng tình mẫu tử đó. Đừng quên rằng những người không bao giờ bỏ rơi Chúa Giêsu chính là phụ nữ. Tất cả những người đàn ông đều bỏ chạy”, Đức Giáo Hoàng nói.

Sau đó, O’Donnell nêu ra sự kiện Đức Phanxicô đã chúc lành và hôn chân các nữ tù nhân, và nhiều người giải thích rằng đó là một thông điệp mà Đức Phanxicô đang cố gắng gửi đi về sự thay đổi vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.

“Đúng là lần này chỉ có phụ nữ vì đó là nhà tù dành cho phụ nữ. Và thông điệp là đàn ông cũng như phụ nữ, tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa”, Đức Giáo Hoàng trả lời.

“Những người nam nữ chúng ta đều là tông đồ và tất cả chúng ta đều có thể lãnh đạo. Chúng ta đừng quên rằng các tông đồ dũng cảm nhất, can đảm nhất chính là các phụ nữ: Mary Magdalene, Mary Salomeì, Mary of Santiago. Họ đã ở lại với Chúa Giêsu cho đến phút cuối cùng,” ngài nói.

Nhà báo CBS sau đó đã hỏi tại sao Đức Giáo Hoàng “quyết định cho phép các linh mục Công Giáo ban phước lành cho các cặp đồng tính”.

Đức Giáo Hoàng nhanh chóng phủ nhận cách giải thích này.

“Không, điều tôi cho phép không phải là chúc phúc cho sự kết hợp. Điều đó không thể được thực hiện bởi vì đó không phải là… đó không phải là bí tích. Tôi không thể. Chúa đã làm như vậy. Nhưng để ban phước cho mỗi người thì có. Phước lành dành cho TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. Dành cho tất cả mọi người”, Đức Giáo Hoàng nói thế.
 
VietCatholic TV
Kyiv đồng loạt tấn công kho dầu, sân bay. Bạn hiền Iran đột tử, Putin kinh hoàng thề tìm ra thủ phạm
VietCatholic Media
03:25 21/05/2024


1. Máy bay không người lái SBU tấn công căn cứ không quân, nhà máy lọc dầu ở Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Hai, 10 Tháng Năm, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, kết hợp với Lực lượng Hệ thống Không người lái mới của nước này đã phát động một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ không quân quân sự Kushchevskaya của Nga và nhà máy lọc dầu Slavyansk trong đêm 19 rạng sáng ngày 20 Tháng Năm.

Theo Đại Úy Andriy Yusov, “hàng chục” máy bay dùng để tấn công Ukraine và các lực lượng vũ trang của nước này bao gồm Su-34, Su-25, Su-27 và MiG-29 đã đóng quân tại phi trường.

Hiện chưa có thông tin về thiệt hại hay thương vong mặc dù nguồn tin cho biết nhà máy lọc dầu Slavyansk đã tạm dừng hoạt động.

Trong những tháng gần đây, lực lượng Ukraine đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga, là điều rất quan trọng để duy trì các nỗ lực chiến tranh cũng như các kho chứa khí tài quân sự của Mạc Tư Khoa.

Đây là lần thứ hai căn cứ không quân và nhà máy lọc dầu đặc biệt này trở thành mục tiêu của máy bay không người lái SBU trong những tuần gần đây - một cuộc tấn công vào ngày 27 tháng 4 được cho là đã tấn công vào “các cơ sở công nghệ quan trọng” và làm hư hỏng một số máy bay.

Vào thời điểm đó, SBU cho biết: “SBU tiếp tục tấn công một cách hiệu quả vào các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng phía sau phòng tuyến của đối phương, làm giảm khả năng tiến hành chiến tranh của Nga”.

Việc thành lập Lực lượng Hệ thống Không người lái mới của Ukraine đã được Tổng thống Volodymyr Zelenskiy công bố vào ngày 6 Tháng Hai.

Lực lượng này đang nỗ lực cải thiện công việc của Ukraine với máy bay không người lái, tạo ra các đơn vị đặc biệt dành riêng cho máy bay không người lái, tăng cường đào tạo, hệ thống hóa việc sử dụng chúng, tăng sản xuất và thúc đẩy đổi mới.

Theo Văn phòng Tổng thống, sư đoàn này sẽ nhằm mục đích “tăng cường khả năng của Lực lượng Vũ trang Ukraine và sử dụng các hệ thống trên không, trên biển và mặt đất không người lái và robot”.

Vào thời điểm đó, Tổng thống Zelenskiy nói: “Năm nay sẽ mang tính quyết định về nhiều mặt - và rõ ràng là trên chiến trường”. “Máy bay không người lái – hệ thống không người lái – đã chứng minh tính hiệu quả của chúng trong các trận chiến trên bộ, trên bầu trời và trên biển.”

“Ukraine đã thực sự thay đổi tình hình an ninh ở Hắc Hải nhờ máy bay không người lái. Đẩy lùi các cuộc tấn công trên mặt đất phần lớn là công việc của máy bay không người lái.

“Sự phá hủy quy mô lớn đối với quân xâm lược (Nga) và thiết bị của họ (cũng là do) máy bay không người lái.”

2. Putin thề với Iran sẽ tìm ra thủ phạm sau vụ tai nạn trực thăng chết người của Ebrahim Raisi

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Makes Vow to Iran After Ebrahim Raisi's Fatal Helicopter Crash”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bạo chúa Vladimir Putin tuyên bố trong cuộc họp khẩn cấp sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” khi có thông tin về vụ tai nạn máy bay trực thăng gây tử vong của Tổng thống Iran, Đại Sứ của Tehran tại Mạc Tư Khoa cho biết.

Truyền thông nhà nước đưa tin Tổng thống Nga đã gặp đại sứ Iran Kazem Jalali vào cuối ngày Chúa Nhật, sau khi có thông tin cho rằng một chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi, 63 tuổi, đã bị rơi do sương mù dày đặc trên vùng núi ở tỉnh Đông Azerbaijan của Iran.

Tất cả những người trên máy bay, bao gồm cả Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, 60 tuổi, đã thiệt mạng.

“Tổng thống Putin lần đầu tiên nói chuyện với tôi và nói rằng ông rất đau buồn trước vụ tai nạn máy bay trực thăng của Tổng thống Iran và Liên Bang Nga sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp đỡ, đặc biệt trong việc tìm ra thủ phạm”, Jalali nói với Thông tấn xã Cộng hòa Hồi giáo, là hãng thông tấn chính thức của Cộng hòa Hồi giáo Iran, trong một báo cáo được công bố đầu giờ thứ Hai.

Nga và Iran đã tăng cường mối quan hệ kể từ khi Putin bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Dù không thù không oán với người Ukraine, Tehran đã góp phần tích cực trong việc giết chết một con số đông đảo binh lính và thường dân Ukraine khi cung cấp cho lực lượng Mạc Tư Khoa các máy bay không người lái Shahed trong suốt cuộc xung đột; và khoảng 400 hỏa tiễn đạn đạo mà phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết rất khó đánh chặn.

Sáng sớm thứ Hai theo giờ địa phương, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố đoạn phim từ một máy bay không người lái mà họ cung cấp, trong đó xác định được tín hiệu nhiệt mà họ “nghi ngờ là mảnh vỡ của máy bay trực thăng”.

Một quan chức cao cấp của Iran nói với Reuters rằng chiếc trực thăng Bell 212 chở tổng thống và bộ trưởng ngoại giao Iran đã bị cháy hoàn toàn trong vụ tai nạn hôm Chúa Nhật.

Quan chức này cho biết: “Tổng thống Raisi, bộ trưởng ngoại giao và tất cả hành khách trên trực thăng đã thiệt mạng trong vụ tai nạn”.

Máy bay cũng chở người lãnh đạo buổi cầu nguyện Thứ Sáu Tabriz Ayatollah Mohammed Ali Ale-Hashem, Toàn quyền Đông Azerbaijan Malek Rahmati cùng một số lượng vệ sĩ và thành viên phi hành đoàn không xác định.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết Điện Cẩm Linh “rất lo lắng và khó chịu”, Jalali cho biết như trên khi đề cập đến cuộc gặp gỡ với Putin. Đại Sứ Jalali dẫn lời ông Putin: “Xin làm ơn chuyển tải thông điệp của tôi tới Lãnh đạo tối cao của Cách mạng Hồi giáo rằng chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết”.

Nga cho biết họ đã chuẩn bị 2 máy bay, 50 nhân sự và thiết bị để hỗ trợ.

Jalali lưu ý rằng cuộc họp còn có sự tham dự của Bộ trưởng quốc phòng mới được bổ nhiệm của Nga, Andrey Belousov; Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Sergei Shoigu; Tham mưu trưởng liên quân các lực lượng vũ trang Valery Gerasimov; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tình trạng khẩn cấp và Cứu trợ Thiên tai Alexander Korenkov; Trợ lý đặc biệt của tổng thống, Igor Levitin, và một quan chức cao cấp của Tổ chức An ninh Liên bang.

Ông Anton Gerashchenko, cựu cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho biết ông tin rằng nhà độc tài Putin đang “kinh hoàng” trước tin tức về vụ tai nạn máy bay trực thăng.

Gerashchenko cho biết trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter: “Raisi mất tích có thể đồng nghĩa với những vấn đề nghiêm trọng trong việc thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước, bao gồm cả vũ khí và thiết bị máy bay không người lái”. “Đã có báo cáo cho rằng thỏa thuận về máy bay không người lái được đích thân Raisi và người của ông ấy thực hiện từ phía Iran và Shoigu từ phía Nga.”

“Putin nổi tiếng với chứng hoang tưởng. Và ông ta chắc chắn nhìn thấy tình hình thông qua nỗi sợ hãi của chính mình. Xu hướng hoang tưởng của ông ấy đã được nhiều người biết đến — ông ấy đã tự cô lập trong nhiều tháng trong thời gian xảy ra đại dịch, ông ấy được bảo vệ tốt hơn hầu hết các chính trị gia khác,” ông nói thêm. “Do đó, nỗi sợ hãi này có thể khiến Putin càng trở nên khép kín hơn và tăng cường tìm kiếm những 'âm mưu' xung quanh mình.”

Igor Girkin - còn được gọi là Igor Strelkov - bị truy nã ở phương Tây vì vụ bắn hạ chuyến bay MH17 ở miền đông Ukraine vào năm 2014, là người thường xuyên đề cập đến chứng hoang tưởng của bạo chúa Vladimir Putin.

Girkin đã đề cập đặc biệt đến nhà độc tài Gaddafi vì người ta đều rõ về phản ứng của Putin trước cái chết của viên đại tá này. Người ta tin rằng Putin bị ám ảnh bởi những cảnh mà nhà độc tài Gaddafi bị hành quyết trước khi bị giày xéo bởi một đám đông.

Tất cả đều được ghi lại trên video, điều này càng làm cho Putin lo lắng, và coi đó là một phát súng cảnh cáo đối với chế độ của chính mình.

Theo The Atlantic, Putin được cho là đã bị “chấn động” khi xem đoạn video hàng quyết Gaddafi. Ông ta đã tức giận lên án cái chết của Gaddafi và trực tiếp đề cập đến đoạn phim đáng lo ngại tại một cuộc họp báo vào năm 2011.

Ông nói: “Gần như toàn bộ gia đình của Gaddafi đã bị giết, xác chết của ông ấy được chiếu trên tất cả các kênh truyền hình toàn cầu, không thể xem mà không ghê tởm.”

“Người đàn ông bê bết máu, vẫn còn sống và anh ta đang bị đám đông cuồng nộ kết liễu mạng sống.”

Nhà báo Nga Mikhail Zygar nói rằng ông Putin đã học được từ cái chết của Gaddafi rằng “sự yếu đuối và thỏa hiệp không phải là một lựa chọn. Lo âu nhất của Putin ngày nay là bị giày xéo bởi một đám đông trong khi đôi mắt vẫn đang mở trừng trừng.”

Điện Cẩm Linh hôm thứ Hai đã công bố một tuyên bố của Putin bày tỏ “lời chia buồn sâu sắc nhất” tới Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ông Raisi đã có “đóng góp cá nhân vô giá vào việc phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các nước chúng ta và đã có những nỗ lực to lớn để đưa hai nước lên cấp độ đối tác chiến lược”, Putin nói.

Putin nói thêm: “Tôi đã có cơ hội gặp Seyed Ebrahim Raisi vài lần và tôi sẽ mãi mãi giữ lại những kỷ niệm đẹp nhất về người đàn ông tuyệt vời này”.

Cái gì tiếp theo?

Truyền thông địa phương đưa tin, ba nhánh chính phủ của Iran đã tổ chức một cuộc họp bất thường vào thứ Hai, với Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber, 68 tuổi, đại diện cho nhánh hành pháp.

Theo hiến pháp của Cộng hòa Hồi giáo, nếu một tổng thống qua đời tại chức, phó tổng thống thứ nhất sẽ đảm nhận chức vụ tổng thống trong thời gian tạm thời là 50 ngày nếu được lãnh đạo tối cao bật đèn xanh. Một cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức sau giai đoạn này.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói lập trường của phương Tây về cuộc chiến Ukraine 'hoàn toàn vô nghĩa'

Hôm Chúa Nhật, 19 Tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết lập trường hiện nay của phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine và sự chậm trễ trong viện trợ quân sự là “hoàn toàn vô nghĩa”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Sky News, Grant Shapps đã được hỏi về những bình luận được đưa ra hồi đầu tuần này bởi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, người nói rằng các đối tác quốc tế của Ukraine “sợ Nga thua trong cuộc chiến “ và muốn Kyiv “thắng theo cách mà Nga đã không thua.”

Người dẫn chương trình Sky News, Trevor Phillips, hỏi liệu phương Tây có đang “tạo ra sự bế tắc trong cuộc chiến với Nga, khiến hàng chục ngàn người đang chết một cách vô ích” hay không.

Đáp lại, Shapps cho biết ông đã đến thăm Kyiv vào tháng 3 và đưa ra “quan điểm rất giống như thế”.

Ông nói: “Đó là khoảnh khắc thức tỉnh đối với phương Tây và bằng cách trì hoãn những gì chúng ta nên làm… chúng ta đang gặp rủi ro khi thực hiện chính xác những gì Tổng thống Zelenskiy lo ngại”, ông nói, đề cập đến sự chậm trễ trong viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine.

“Tôi nghĩ điều này hoàn toàn vô nghĩa đối với phương Tây. Chúng ta phải hiểu rằng chúng ta đang ở trong một cuộc chiến sinh tồn về cách chúng ta điều hành trật tự thế giới và về chính nền dân chủ.”

Shapps nói thêm rằng sự chậm trễ trong viện trợ quân sự của phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ, đang có những tác động rất rõ ràng trên chiến trường và việc Nga tiến vào khu vực Kharkiv của Ukraine trong những ngày gần đây là hậu quả trực tiếp.

Ông nói: “Bây giờ tôi tin tưởng rằng Ukraine sẽ có thể đẩy lùi điều đó nhưng còn một vài tuần khó khăn phía trước”, đồng thời nói thêm rằng tình hình hiện tại xung quanh Kharkiv “không cần thiết phải xảy ra”.

Trong cuộc gặp với các nhà báo vào ngày 16 tháng 5 có sự tham dự của Kyiv Independent, Zelenskiy cho biết các đồng minh của Kyiv “lo sợ” sự thua cuộc của Nga trong cuộc chiến chống Ukraine vì nó sẽ liên quan đến “địa chính trị khó lường”.

“Tôi không nghĩ nó hoạt động theo cách đó. Để Ukraine giành chiến thắng, chúng tôi cần được cung cấp mọi thứ để có thể giành chiến thắng”, ông nói.

Tuyên bố của ông được đưa ra trong bối cảnh cuộc tấn công quy mô lớn của Nga ở tỉnh Kharkiv và các trận chiến ác liệt đang diễn ra ở phía đông.

Theo Zelenskiy, trong một tuần, quân đội Nga đã tiến xa tới 10 km ở phía bắc Kharkiv.

Ngũ Giác Đài ngày 16 Tháng Năm cho biết Washington vẫn không thay đổi lập trường tiêu cực đối với các cuộc tấn công tiềm tàng của Ukraine bằng vũ khí do Mỹ cung cấp trên lãnh thổ Nga ngay cả sau khi Nga phát động cuộc tấn công ở Kharkiv.

Zelenskiy bình luận về tuyên bố này trong cuộc họp, nói rằng “không nên có lệnh cấm vì đây không phải là cuộc tấn công của Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây trên lãnh thổ Nga. Đây là về phòng thủ.”

Trong cuộc phỏng vấn với AFP ngày 17 tháng 5, Tổng thống Zelenskiy nói rằng cuộc tấn công ở Kharkiv có thể là đợt đầu tiên trong một số làn sóng và các lực lượng Nga có thể cố gắng tiến tới thủ phủ khu vực Kharkiv.

4. Kyiv cho biết Ukraine bắn hạ chiến đấu cơ thứ tư của Nga trong hai tuần

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Shoots Down Fourth Russian Fighter Jet in Two Weeks: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ukraine hôm thứ Bảy cho biết họ đã bắn hạ một máy bay phản lực Su-25 của Nga, trở thành chiếc máy bay thứ tư trong vòng hai tuần.

Lữ đoàn cơ giới độc lập số 110, một đơn vị của Lực lượng Lục Quân Ukraine, cho biết như trên về chiến thắng được báo cáo của binh sĩ họ.

Su-25 là máy bay phản lực thời Liên Xô được sử dụng để hỗ trợ trên không và tiêu diệt các mục tiêu cụ thể. Chúng được trang bị súng trên không, bom trên không, hỏa tiễn không đối đất không điều khiển và hỏa tiễn không đối không dẫn đường.

Phát ngôn nhân của Lữ Đoàn nói: “Lực lượng phòng không thuộc Lữ đoàn 110 đang tiếp tục trừng phạt [máy bay Nga] vì vượt biên trái phép.

“Thêm một chiếc Su-25 địch bị bắn hạ! Phần còn lại của nó đang âm ỉ ở tỉnh Donetsk.

“Bầu trời của chúng ta sẽ trở thành địa ngục cho những phi công xâm lược!”

Lữ Đoàn chia sẻ hình ảnh động về một máy bay phản lực của Nga nổ tung thành bốn máy bay phản lực nhỏ hơn với dòng chữ “bị phá hủy” trên mỗi chiếc.

Khu vực Donetsk, nơi chiếc máy bay phản lực mới nhất bị bắn rơi, từ lâu đã là một phần của chiến tuyến trong cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2/2022.

Cùng với Luhansk, Donetsk chiếm khu vực Donbas rộng lớn hơn, khu vực mà Mạc Tư Khoa dường như đang ưu tiên cho các hành động quân sự, trong khi Putin tập trung vào khu vực phía đông có phần lớn người nói tiếng Nga.

Diễn biến này xảy ra khi Ukraine cũng phát động một cuộc tấn công lớn chống lại Nga, được cho là đã tạm dừng các hoạt động tại một nhà máy lọc dầu ở khu vực phía nam Slavyansk.

Việc này được thực hiện với ít nhất 9 ATACMS của Mỹ và ước tính khoảng 60 máy bay không người lái.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã phá hủy ATACMS, “một máy bay không người lái trên lãnh thổ Cộng hòa Crimea, ba máy bay không người lái trên Belgorod, và phá hủy hoặc gây nhiễu 57 máy bay không người lái trên Krasnodar Krai”.

Tháng 5 năm ngoái, Kyiv báo cáo rằng họ đã đánh chặn được hơn 80% hỏa tiễn được phóng vào lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, tỷ lệ đó đã giảm xuống “chưa đến một nửa”, tờ Tờ New York Times cho biết sau khi phân tích hàng trăm tuyên bố của Không quân Ukraine đưa ra trong năm qua.

Họ cho rằng mức giảm này một phần là do Nga “cải thiện chiến thuật” và “bắn các loạt đạn lớn hơn và phức tạp hơn”. Các chỉ huy Ukraine đổ lỗi cho sự suy giảm về đạn dược và vũ khí của họ.

Vào ngày 10 tháng 5, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu Mỹ Kim cho Ukraine, cung cấp nhiều loại vũ khí mà nước này đặc biệt yêu cầu.

Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố: “Như Tổng thống Joe Tổng thống Biden đã nói rõ, Hoa Kỳ và liên minh quốc tế mà chúng tôi đã tập hợp sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine để bảo vệ quyền tự do của nước này”.

5. Bộ trưởng Quốc phòng Anh kêu gọi Đức cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps vừa lên tiếng kêu gọi Berlin và các đồng minh khác gửi hỏa tiễn tầm xa tới Ukraine và cho phép Kyiv tấn công các cơ sở ở Crimea bị Nga tạm chiếm.

Ukraine đã nhận được các hỏa tiễn tầm xa khác, như Storm Shadow từ Anh và SCALP do Pháp sản xuất, đồng thời có tin ngày 25 Tháng Tư rằng Mỹ đã bí mật gửi hơn 100 hỏa tiễn ATACMS tầm xa tới Kyiv.

Theo các nguồn tin Đức và Ukraine giấu tên của Bild, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phản đối việc gửi hỏa tiễn tầm xa tới Ukraine vì ông lo ngại rằng điều này sẽ có nguy cơ khiến Berlin tham gia vào cuộc chiến.

“Điều tôi muốn thấy là tất cả các đối tác của chúng tôi, bao gồm cả Đức, những nước nào có cơ sở để cung cấp những vũ khí tầm xa đó hãy cung cấp cho Ukraine, và cho phép các hỏa tiễn ấy được sử dụng ở Crimea, là một phần của Ukraine”

“Tôi nghĩ đó là những điều cần phải xảy ra trước tiên.”

Taurus là hỏa tiễn hành trình chung do Đức-Thụy Điển sản xuất với tầm bắn hơn 500 km. Hỏa tiễn Storm Shadow và SCALP mà Ukraine hiện có cũng như các mẫu ATACMS mới hơn có thể bay xa tới 300 km.

Chúng cũng được thiết kế để tấn công các mục tiêu chôn sâu dưới đất và bảo vệ cẩn mật.

Những lợi thế này sẽ cho phép Kyiv tấn công các mục tiêu sâu hơn bên trong lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm, bao gồm Cầu Crimea, tuyến đường tiếp tế và vận chuyển quan trọng cho lực lượng Nga.

Nhưng phạm vi gia tăng của chúng cũng sẽ cho phép tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, một kịch bản mà Berlin không ủng hộ.

6. Ngoại trưởng Nga tuyên bố Raisi là 'người bạn thực sự đáng tin cậy' của Nga

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Tổng thống Iran Ebrahim Raisi là một “người bạn thực sự và đáng tin cậy” của Nga, Reuters đưa tin.

Lavrov nói:

Ở Nga, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian được biết đến như những người bạn thực sự, đáng tin cậy của đất nước chúng tôi. Vai trò của họ trong việc tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa Nga và Iran và quan hệ đối tác tin cậy là vô giá. Chúng tôi chân thành gửi lời chia buồn tới gia đình và bạn bè của các nạn nhân cũng như toàn thể người dân Iran thân thiện. Tâm trí và trái tim của chúng tôi luôn ở bên các bạn trong giờ phút đau buồn này.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Putin đã gửi một thông điệp tới Iran trong đó có nội dung:

Xin hãy nhận lời chia buồn sâu sắc nhất của chúng tôi liên quan đến thảm kịch to lớn đã xảy ra với người dân Cộng hòa Hồi giáo Iran - vụ tai nạn máy bay đã cướp đi sinh mạng của tổng thống Ebrahim Raisi, cũng như sinh mạng của một số chính khách nổi tiếng khác của đất nước các bạn.

Trong khi đó, trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh chiều Thứ Hai, 20 Tháng Năm, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ lời chia buồn.

Hamas đã đưa ra một tuyên bố cảm ơn Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian vì sự hỗ trợ của họ trong cuộc chiến chống lại Israel sau cái chết của họ ngày hôm qua. Reuters đưa tin nhóm cho biết:

Các nhà lãnh đạo này đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính đáng của nhân dân chúng tôi chống lại thực thể Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, hỗ trợ quý báu cho cuộc kháng chiến của người Palestine và nỗ lực không mệt mỏi để đoàn kết và hỗ trợ trên mọi diễn đàn và lĩnh vực cho người dân của chúng tôi ở Dải Gaza kiên cường. Họ cũng có những nỗ lực chính trị và ngoại giao đáng kể nhằm ngăn chặn sự xâm lược của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đối với người dân Palestine của chúng tôi.

7. Hội nghị thượng đỉnh Ramstein tiếp theo được tổ chức vào ngày 20 tháng 5

Hội nghị thượng đỉnh theo định dạng Ramstein tiếp theo của Nhóm liên hệ quốc phòng Ukraine đã diễn ra vào ngày 20 tháng 5.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Charles Brown sẽ đại diện cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Đây sẽ là cuộc họp lần thứ 22 của nhóm kể từ khi thành lập vào tháng 4 năm 2022.

Cuộc họp sẽ bao gồm các bộ trưởng quốc phòng và nhà lãnh đạo của gần 50 quốc gia để tiếp tục phối hợp hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Trong cuộc họp trước đó vào ngày 26 Tháng Tư, Austin đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 6 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine.

Trước đó, trong cuộc họp của nhóm vào tháng 3, Đức đã công bố khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 540 triệu Mỹ Kim.

8. Đảng cầm quyền Georgia tuyên bố: Tam điểm và 'phe chiến tranh toàn cầu' âm mưu chống lại Georgia

Một trong những nghị sĩ cao cấp nhất của Georgia đã tăng gấp đôi những cáo buộc theo thuyết âm mưu rằng một liên minh gồm các tổ chức phi chính phủ được phương Tây hậu thuẫn và các thế lực mờ ám khác đang hoạt động nhằm phá hoại đất nước, khi sự phẫn nộ ngày càng gia tăng đối với luật “đặc vụ nước ngoài” mà Liên Hiệp Âu Châu cảnh báo sẽ hủy hoại tham vọng trở thành thành viên của Tbilisi..

Phát biểu với podcast The News Agents, Mariam Lashkhi, một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia và là phó chủ tịch thứ nhất ủy ban quan hệ đối ngoại của quốc hội, đã bảo vệ dự luật được đề xuất là cần thiết để bảo vệ chủ quyền của Georgia.

Bidzina Ivanishvili, chủ tịch đảng Giấc mơ Georgia, người đã tích lũy phần lớn tài sản cá nhân khổng lồ của mình ở Nga, đã tuyên bố rằng một “đảng chiến tranh toàn cầu” chịu trách nhiệm tạo ra xung đột trên khắp thế giới và lôi kéo các quốc gia vào cuộc chiến với Mạc Tư Khoa. Ivanishvili nói tại một cuộc biểu tình vào tháng trước: “Chính lực lượng toàn cầu này lần đầu tiên đã buộc Georgia phải đối đầu với Nga và sau đó khiến Ukraine rơi vào tình trạng nguy hiểm thậm chí còn tồi tệ hơn”.

Được yêu cầu giải thích Ivanishvili đang đề cập đến ai, Lashkhi tình nguyện nói rằng “hội tam điểm” đứng đằng sau các âm mưu trên khắp thế giới. “Chúng tôi nhận thấy họ có ảnh hưởng đến chính trị toàn cầu,” cô nhấn mạnh, nhưng từ chối nêu tên bất kỳ nhóm nào khác được cho là chịu trách nhiệm.

Cô ta nói một cách mơ hồ và co vẻ nhảm nhí rằng “Ngày nay, khi tôi, chính tôi, tham gia vào các mối quan hệ đối ngoại và đôi khi khi tôi có quan hệ đối tác và sau đó họ nói rằng, bạn ổn và bạn đang làm tốt nhưng sau đó sẽ có thêm tiếng nói”.

Khi được hỏi trong chuyến thăm gần đây tới quốc gia Nam Caucasus về suy nghĩ của ông về ý tưởng về một “đảng chiến tranh toàn cầu” - một khái niệm phản ánh tuyên truyền thân Nga - Ngoại trưởng Lithuania Gabrielus Landsbergis đã bật cười. Tuy nhiên, “đó không phải là một trò đùa vì đây là một vấn đề nghiêm trọng và đó là lời kể của Điện Cẩm Linh,” ông nói.

Landsbergis nói thêm: “Bên tham chiến duy nhất là ở Mạc Tư Khoa. “Đây là bên đã tấn công Georgia năm 2008; đây là bên đã tấn công Ukraine vào năm 2014 và hiện đang tiến hành cuộc chiến chống lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Đó là nghĩa vụ của chúng tôi đối với những người coi trọng quyền tự do để chiến đấu với đảng này và giành chiến thắng trong cuộc chiến này”, ông nói.

Hàng chục ngàn người Georgia đã xuống đường trong những tuần gần đây để phản đối đề xuất của Giấc mơ Georgia yêu cầu các tổ chức phi chính phủ, các nhóm vận động và cơ quan truyền thông nhận hơn 20% nguồn tài trợ từ nước ngoài phải ghi danh là “tổ chức phục vụ lợi ích của một thế lực nước ngoài”. Brussels cho biết động thái này “không phù hợp với các giá trị Âu Châu”, cảnh báo rằng nó sẽ cản trở con đường trở thành thành viên chính thức của Georgia chỉ sáu tháng sau khi nước này được cấp tư cách ứng cử viên.

Cảnh sát đã sử dụng hơi cay, khiên chống bạo động và dùi cui để chống lại người biểu tình, đồng thời xông vào bắt giữ những người tổ chức và chính trị gia đối lập. Đồng thời, chính phủ đang thúc đẩy một dự luật nhằm đặt “tuyên truyền LGBT” ra ngoài vòng pháp luật, mà các nhà phê bình cho rằng sẽ cấm mọi thứ từ chiếu phim đến các sự kiện Pride hàng năm. Động thái này sẽ phản ánh các quy tắc được Nga sử dụng để đàn áp các nhóm thiểu số.

Hôm thứ Bảy, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Hợp tác Hoa Kỳ ở Âu Châu, Nghị sĩ đảng Cộng hòa Nam Carolina Joe Wilson, xác nhận ông sẽ đưa ra luật ở Washington nhằm mở ra cơ hội trừng phạt các chính trị gia hàng đầu trong Giấc mơ Georgia.

9. Phản ứng của Israel đối với tai nạn máy bay trực thăng tại Iran

Israel không đưa ra phản ứng chính thức về cái chết của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian, nhưng theo Reuters, phát ngôn nhân Lực Lượng Phòng Vệ Israel, Đề Đốc Daniel Hagari, đã nhấn mạnh với các hãng tin rằng nước này không liên quan.

Cơ quan gián điệp của Israel, Mossad, đã bị đổ lỗi cho một số vụ ám sát và đánh bom bên trong Iran trong những năm gần đây, và lực lượng không quân của nước này đã ném bom các tài sản của Iran ở Li Băng và Syria, nhưng nước này hiếm khi bình luận về hoạt động như vậy.

Phân tích của Israel cho đến nay dường như là sự sụp đổ bất ngờ của hai nhân vật hàng đầu của chế độ khó có thể làm thay đổi đáng kể cuộc chiến tranh lạnh kéo dài với Tehran: các chính sách đối ngoại, quốc phòng và hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo này cuối cùng đều nằm trong tầm ngắm của nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Tuy nhiên, các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ do khoảng trống bất ngờ tạo ra có thể khiến Tehran không chú ý đến cuộc chiến ở Gaza. Các nhóm đồng minh của Iran ở Syria, Iraq và Yemen đều đã tấn công Israel bằng máy bay không người lái hoặc hỏa tiễn của Iran kể từ khi chiến tranh nổ ra vào năm ngoái, và một cuộc chiến tiêu hao với lực lượng dân quân Hezbollah hùng mạnh của Li Băng được Tehran hậu thuẫn đang sôi sục ở biên giới phía bắc của Israel.

Tướng Hagari nhận định: “Đây không phải là tin xấu cũng chẳng phải tin tốt đối với Israel. Tuy nhiên, các sự kiện ở Iran có thể sẽ diễn ra với tốc độ khác với những sự kiện xung quanh chúng tôi hiện nay. Theo kịch bản tích cực, ban đầu, chính phủ Tehran có thể quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề nội bộ và sẽ gây ít áp lực hơn lên Hezbollah để duy trì mặt trận quân sự tích cực chống lại Lực lượng phòng vệ Israel”,

Tháng trước, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái trực tiếp chưa từng có vào Israel, do Raisi ra lệnh, hành động này được cho là để trả đũa cuộc tấn công của Israel vào tòa nhà ngoại giao của Iran ở thủ đô Damascus của Syria.

10. Ba Lan chi 2,3 tỷ euro để củng cố biên giới với Nga, Belarus

Ba Lan có kế hoạch đầu tư 2,3 tỷ euro để tăng cường an ninh dọc biên giới phía đông với Nga và Belarus, Thủ tướng Donald Tusk tuyên bố hôm thứ Bảy.

“Chúng tôi sẽ đầu tư 10 tỷ zlotys (2,3 tỷ euro) vào an ninh biên giới của chúng tôi với Belarus và Nga”, nhà lãnh đạo Ba Lan phát biểu trong một cuộc họp báo. Ông Tusk cho biết đây sẽ là một khoản đầu tư “cho an ninh của chúng ta và trên hết là vào biên giới phía đông an toàn”.

Nhấn mạnh vị trí chiến lược của đất nước ở sườn phía đông của cả NATO và Liên minh Âu Châu, Tusk nhấn mạnh trách nhiệm của Ba Lan đối với an ninh Âu Châu.

Ông nói: “Chúng tôi đã bắt đầu những công việc này để biến biên giới Ba Lan trở thành một nơi an toàn trong thời bình và không thể xuyên thủng đối với đối phương trong thời chiến”.

Biên giới của Ba Lan với Belarus đã trở thành điểm nóng trong vài năm do số lượng người nhập cư tìm cách vượt qua biên giới Ba Lan ngày càng tăng. Vào năm 2021, Warsaw cáo buộc Minsk đã cho hàng ngàn người di cư không có giấy tờ hợp lệ qua biên giới vào Liên Hiệp Âu Châu, những cáo buộc mà Belarus phủ nhận. Cuối tuần trước, Thủ tướng Tusk nhắc lại nghi ngờ của ông rằng chế độ của Thủ tướng Alexander Lukashenko ở Belarus đang “đồng tổ chức hoạt động này” vì Minsk đã thể hiện lập trường ngày càng hung hăng đối với Ba Lan.

Hãng thông tấn Ba Lan đưa tin, ông Tusk ngày 11 Tháng Năm cho biết Ba Lan đang đối mặt với “cuộc chiến tranh lai” trong vấn đề nhập cư bất hợp pháp từ Belarus. Ông nói: “Sẽ không có giới hạn về kinh phí khi nói đến an ninh của Ba Lan.