Ngày 08-05-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 09/05: Ít lâu là bao lâu – Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, CP
Giáo Hội Năm Châu
01:54 08/05/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an,

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”

Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’?” Vậy các ông nói: “’Ít lâu nữa’ nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!” Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:02 08/05/2024

3. Hành vi là hướng cuối cùng của suy niệm, suy niệm về giới luật của Thiên Chúa thì nên theo giới luật của Thiên Chúa mà thực hành, như thế việc làm của suy niệm mới là hoàn thành.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:05 08/05/2024
50. KHÔNG NHƯ THỢ MAY

Một năm trời hạn hán, thái thú ra lệnh cho pháp sư tế trời cầu mưa.

Pháp sư tế đã mấy ngày mà vẫn không có mưa, thái thú rất tức giận nên trừng phạt pháp sư.

Pháp sư bẩm báo:

- “Tiểu bần đạo bản lãnh thì vẫn như thường, nhưng không bằng tên thợ may nọ, nói mới giỏi.”

Thái thú hỏi:

- “Mày nói vậy là có ý gì?”

Pháp quan trả lời:

- “Nó muốn một mét thì là một mét.”

(Tiếu lâm)



Suy tư 50:

Chuyện của thầy pháp thầy cúng và ông thợ may thì không giống nhau, thầy pháp cúng tế cầu mưa thì là may rủi nhưng thợ may thì chắc ăn khi đo may áo quần cho người ta; pháp quan cầu mưa thì chỉ có một vài câu niệm chú cho nên không linh thiêng, nhưng thợ may thì càng may càng tinh vi và càng điêu luyện tay nghề...

Có những người Ki-tô hữu khi cầu nguyện thì cứ cầu nguyện theo thói quen, hể mở miệng cầu nguyện là xin ơn này đến ơn khác và chỉ xin cho mình, nên không tìm thấy được cốt lõi của sự cầu nguyện, họ đã làm giảm giá trị của lời cầu nguyện mà không biết.

Cầu nguyện theo thói quen thì giống như thầy pháp đọc chú niệm bùa lãi nhãi, nhưng nếu biết phóng xa lời cầu nguyện, nghĩa là biết nhớ đến tha nhân trong khi cầu nguyện, thì lời cầu nguyện của mình sẽ thêm phong phú và có ý nghĩa hơn và sẽ không sợ lời nguyện bay vào hư không, bởi vì Thiên Chúa là Đấng thương xót và thích nghe lời cầu nguyện của những người luôn nhớ đến tha nhân trong khi cầu nguyện, mà quên cầu nguyện cho chính bản thân mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Sống mầu nhiệm Chúa lên trời
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
05:03 08/05/2024
SỐNG MẦU NHIỆM CHÚA LÊN TRỜI
(Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên )

Mùa Phục Sinh theo niên lịch Phụng vụ sắp kết thúc. Hội Thánh dẫn đoàn con đến với mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên. Dĩ nhiên là Kitô hữu trưởng thành, hẳn chúng ta không còn ngây ngô nhìn lên khoảng không gian trên trời để tìm xem nơi Chúa đã về. Chúa về trời nghĩa là Chúa lấy lại vinh quang của một Thiên Chúa có từ đời đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Điều này được Thánh Kinh trình bày khi nói Chúa Kitô về trời ngự bên hữu Chúa Cha (x.Eph.1,20-21). Và chúng ta có thể nói rằng mầu nhiệm Chúa về trời như là một trong những điểm tới của nhiệm cục cứu độ.

1. Mầu nhiệm Chúa về trời khẳng định “thần tính” của Đấng vào đời: Không ai có thể lên trời nếu người đó không từ trời mà xuống (x.Ga 3,13). Đấng từ trên cao xuống là Đấng vượt trên muôn vật muôn loài. Khi tuyên xưng Đức Kitô về trời chúng ta không chỉ tuyên xưng một biến cố mà là tin nhận một quá trình. Đó là “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phil 2,6-11).

2. Mầu nhiệm Chúa về trời là nền tảng cho niềm hy vọng của con người: Chúa Kitô bỏ vinh quang danh dự của mình khi vào đời để rồi sau đó lấy lại thì có liên quan gì đến loài người chúng ta cũng như mọi loài thụ tạo? Xin thưa rằng có. Khi về trời, ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang bất diệt thì trong Chúa Kitô đã có tất cả những gì là thuộc nhân tính, thuộc thế trần. Bởi vì những gì thuộc thế trần, thuộc nhân tính đã được Đức Kitô tiếp nhận khi vào trần gian. Chính vì thế, từ đây mọi sự mọi loài, đặc biệt loài người chúng ta có thể đi vào cõi vinh quang vĩnh hằng chính là nhờ, với và trong Đức Kitô. Cái hữu hạn từ đây có thể trở nên thường tồn. Sự chóng qua từ đây có thể trở nên bất diệt. Và điều này đáp ứng nỗi khát mong muôn thưở của con người đó là được sống mãi. Niềm hy vọng của con người về sự trường sinh đã được mở ra với mầu nhiệm Chúa Kitô lên trời. Đức Giáo Hoàng Lêô Cả khẳng định rằng khi mừng mầu nhiệm Chúa lên trời là “chúng ta đang tưởng niệm và long trọng cử hành ngày bản tính yếu hèn của chúng ta nơi Đức Kitô được đưa lên cao hơn các đạo binh trên trời, hơn tất cả các phẩm thiên thần, hơn tất cả các quyền thần, để cùng hiển trị với Chúa Cha” (Bài đọc 2 giờ Kinh Sách Thứ Năm tuần VI mùa Phục Sinh).

3. Mầu nhiệm Chúa về trời mời gọi, đúng hơn là thúc bách ta rao truyền tin vui: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,17-20).” Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Tin nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, đồng thời tin nhận Người đã đưa các thực tại trần thế vào vinh quang Thiên Chúa với mầu nhiệm Thăng Thiên thì không chỉ củng cố niềm hy vọng của chúng ta mà còn thúc bách ta rao giảng Tin Mừng. Nội hàm chủ yếu của Tin Mừng chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân trần mãi đồng hành với nhân loại mọi nơi, mọi thời. Thiên Chúa đã cắm lều giữa trần gian là ở mãi với nhân loại. Người mãi đồng hành với chúng ta, đặc biệt bằng Thánh Thần Người ban tặng, bằng Lời của Người đã trao ban, bằng các Bí tích, bằng Hội Thánh Người đã thiết lập…

4. Mầu nhiệm Chúa về trời đòi hỏi chúng ta làm cho cuộc đời hữu hạn này trở nên thường tồn. “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?…” (Cvtđ 1,11). Ái mộ những sự trên trời không có nghĩa là ái mộ những sự gì đó trên cao xanh mà là ái mộ những sự vĩnh hằng, những sự không thể bị kẻ trộm lấy mất hay mối mọt làm hư hoại (x. Mt 6,20). Lòng ái mộ này thúc bách ta không ngừng tìm cách vĩnh cửu hóa các thực tại chóng qua. Mọi sự, dù là bình thường hay tầm thường đều có thể trở thành phi thường trong tình yêu của Đấng Cứu Độ dành cho nhân trần. Tình yêu ấy có thể hiện rõ qua Lời Chúa, qua các Bí tích, qua Hội Thánh. Nhưng tình yêu ấy cũng có thể bàng bạc khắp mọi nơi bằng quyền năng của Thánh Thần, Đấng luôn luôn tự do như “gió muốn thổi đâu thì thổi” (x.Ga 3,8). Cùng với Thánh Thần, Hội Thánh không ngừng làm cho Nước Trời trị đến mọi lúc, mọi nơi, trong mọi thực tại của kiếp người: kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, giải trí, truyền thông…

Chính nhờ, với và trong tình yêu của Đức Kitô thì các thực tại trần gian trở thành vĩnh cửu. Đây là tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, một tình yêu hướng tha. Và Chúa Kitô đã cụ thể hóa tình yêu ấy bằng sự hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại (x.Ga 15,13). Ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa (x.1Ga 4,7-21). Ai ở trong Thiên Chúa là ở trong Nước Trời. Tuy nhiên, tình yêu ở đây phải là tình yêu một cách nào đó như Chúa Kitô yêu thương chúng ta (x.Ga 13,34-35). Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã thực thi điều này. Dù ở trong đan viện, kín cổng cao tường, chị đã làm cho những việc bé nhỏ, bình thường, và cả tầm thường như quét nhà, giặt giũ…trở nên phi thường bất diệt bằng chính con tim tràn đầy tình mến của chị. Nước trời không ở đâu xa. Nước trời đang ở giữa chúng ta. Chính vì thế, ta có thể nói rằng đừng tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời ở một cõi nào đó trên cao, nhiều khi khiến chúng ta đâm ra ảo tưởng, xa rời thực tế, bỏ bê bổn phận, nhưng hãy làm cho hạnh phúc thành hiện thực ngay ở đây, lúc này, tức là làm cho “Nước Cha trị đến” vậy.

Ban Mê Thuột
 
Vinh quang và Sứ mạng
Lm. Thái Nguyên
05:07 08/05/2024

VINH QUANG VÀ SỨ MẠNG
Chúa Nhật 7 Phục Sinh B. Lễ Chúa thăng thiên : Mc 16,15-20
Suy niệm

Chúng ta mừng Đức Giêsu lên trời, nghĩa là Ngài được Chúa Cha tôn vinh vì đã hoàn thành sứ mạng Cha trao phó, là hoàn tất công trình cứu độ nhân loại qua cái chết và sự Phục Sinh. Thánh Máccô chỉ ghi vắn tắt là: “Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Thế nhưng Ngài vẫn ở với chúng ta cho đến ngày tận thế (Mt 28, 20)

Chúa lên trời không có nghĩa là Ngài xa cách chúng ta, mà trái lại, Chúa càng ở gần chúng ta hơn. Khi xưa Ngài hiện diện hữu hình nên hạn chế mình vào một vài nơi chốn, chỉ ở gần bên với một số người. Nay Ngài hiện diện vô hình nên Ngài có thể ở với mọi người trong mọi nơi qua mọi lúc, và ở riêng với mỗi người chúng ta trong mọi hoàn cảnh của đời thường. Với đức tin và lòng yêu mến Chúa, ta cảm nhận được điều này từ chính tâm hồn mình, đặc biệt khi chìm sâu trong cầu nguyện.

Thánh Augustinô đã nhận ra và diễn đạt sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong lòng như sau: “Deus intimior intimo meo!” (Thiên Chúa sâu thẳm hơn chính sự sâu thẳm của lòng tôi). Thiên Chúa của Đức Kitô hiện diện ở khắp mọi nơi: “Trời đất đầy vinh quang Thiên Chúa”, nhưng đó cũng là một Thiên Chúa nội tại trong tâm hồn của con người, không phải như các vị “thần linh” theo quan niệm ngoại giáo, chỉ trú ngụ ở bên ngoài, nơi này hoặc nơi kia trong thiên nhiên.

Bài Tin Mừng liên kết hai sự kiện song song: Chúa Giêsu lên trời và lệnh truyền loan báo Tin Mừng. Vì ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên trần gian mang tính phổ quát, dành tất cả mọi người. Do đó, Ngài đã trao cho các tông đồ sứ mạng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.

Tại sao lại loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo? Cây cối có thể nghe Tin Mừng được chăng? Khi người ta nghe theo Tin Mừng của Chúa Kitô, phải chăng tất cả vũ trụ sẽ được biến đổi? Điều này được thánh Phaolô giải thích trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người… với niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang“ (Rm 8,19-21).
Khi chúng ta sử dụng các thụ tạo một cách sai trái, không phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, là chúng ta làm điều dữ. Khi sứ điệp Tin Mừng thay đổi con tim chúng ta, muôn loài thụ tạo cũng sẽ được hưởng nhờ. Chúng không còn bị sử dụng cho điều xấu nữa, mà được sử dụng đúng mục tiêu của chúng như chúng đã được tạo thành: nghĩa là một phương tiện để yêu thương và đem lại hạnh phúc. Sứ mạng của các môn đệ là làm việc để cho có một nhân loại mới và một thế giới mới chào đời. Đức tin chính là lời đáp trả lời rao giảng và được liên kết với phép rửa tội (Cv 2,41; 8,12…). Còn về các dấu lạ trong Hội Thánh lúc ấy, không chỉ do các tông đồ thực hiện, mà nhiều lần Chúa Thánh Thần còn hành động nơi các thính giả đón nhận Tin Mừng (x.Cv 10, 44-46).

Các dấu lạ hôm nay cũng không hẳn xảy ra cùng một cách thức như thời các tông đồ, nhưng chủ yếu là để khơi động lòng tin cho những ai muốn đón nhận Tin Mừng. Biết bao dấu chỉ lạ lùng của các Kitô hữu qua mọi thời đại mà Giáo hội không ngừng tuyên thánh. Những dấu chỉ đó là những tấm gương rạng ngời xả thân vì tình yêu tha nhân, để xây dựng công lý, hòa bình, đem lại niềm tin, an vui và hy vọng cho nhân thế. Tin Mừng được loan báo đến đâu là sự sống mới của Đức Kitô lan rộng tới đó, để đem lại ơn cứu độ cho con người.

Chúng ta được chọn gọi làm Kitô hữu cũng vì sứ mạng loan báo Tin Mừng. Đọc kinh cầu nguyện hay tham dự thánh lễ cũng là để kín múc sức mạnh thiêng liêng để thi hành sứ mạng đó. Sứ mạng được thi hành dưới nhiều cách thức tùy lòng yêu mến và khả năng của mỗi người. Đặc biệt đối với giới trẻ, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từng kêu gọi như sau: “Các con hãy làm nhân chứng cho đức tin của chúng con qua thế giới kỹ thuật số. Hãy dùng những kỹ thuật mới đó để truyền bá Thánh Kinh, hầu cho Tin Mừng về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa vang dội bằng những phương thức mới khắp trong thế giới...”.

Ước gì mỗi người chúng ta hăng say với nhiệm vụ loan báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã truyền ban, để rồi ngày cuối cùng, chúng ta cũng hoàn thành sứ mạng với niềm hân hoan khôn tả, vì được dự phần vinh quang mà Chúa đã hứa cho những ai trở nên nhân chứng cho Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mỗi người chúng con sinh ra đời,
đều được Chúa gọi mời vào sứ vụ,
là được nên nhân chứng Đức Ki-tô
đem đến cho con người ơn cứu độ,
đó chính là ân phúc quá lớn lao,
cho đời con trở thành lời loan báo.
Nhưng nhiều khi con vô tình sao lãng,
làm phí phạm mất mát những ân ban,
khi nhìn lại con mới chợt bàng hoàng,
vì thấy Chúa vẫn còn đang mong đợi.
Có những khi con sống như người đời,
ham địa vị và tranh quyền đoạt lợi,
cũng hơn thua cũng mưu mô tính toán,
làm tông đồ mà khoe khoang tự mãn.
Có khi con sống đạo rất mơ màng,
chỉ cần được lên thiên đàng là đủ,
chẳng cần chi nhiệt tình với sứ vụ,
con cứ lo phòng thủ với biện minh,
để mình sống an nhàn khỏi hy sinh,
mà vẫn thấy đời mình là chân chính.
Con muốn bắt đầu lại từ hôm nay,
vượt qua một lối sống không hay,
đáp trả tình yêu Chúa quá cao dầy,
vẫn đong đầy từng ngày sống của con,
con không biết phải sống sao cho trọn,
nhưng lòng con chỉ chọn Chúa mà thôi.
Xin cho con sống sứ vụ hết mình,
như lệnh truyền khi Chúa đã phục sinh,
là đem đến Tin Mừng cho thiên hạ,
để mỗi ngày nhân loại thêm biết Cha,
cho đời con là một khúc tình ca,
góp phần cho thế giới được an hòa. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thói hư và nhân đức. 18. Đức cậy
Vũ Văn An
13:53 08/05/2024

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Thính đường Phaolô VI, Thứ tư, 8 tháng 5 năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý mới về các thói hư và nhân đức. Hôm nay, ngài trình bầy phần nói về đức cậy.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp
:



Anh chị em thân mến!

Trong bài giáo lý vừa qua, chúng ta bắt đầu suy gẫm về các nhân đức đối thần. Có ba điều đó: đức tin, đức cậy và đức mến. Lần trước chúng ta đã suy gẫm về đức tin. Bây giờ đến lượt đức cậy. “Đức cậy là nhân đức đối thần qua đó chúng ta mong muốn Nước Trời và sự sống đời đời làm hạnh phúc của mình, đặt niềm tin vào những lời hứa của Chúa Kitô và không cậy vào sức riêng của mình, nhưng vào sự trợ giúp của ân sủng Chúa Thánh Thần” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1817). Những lời này xác nhận với chúng ta rằng đức cậy là câu trả lời được cung ứng cho tâm hồn chúng ta, khi câu hỏi tuyệt đối nảy sinh trong chúng ta: “Tôi sẽ ra sao? Mục đích của cuộc hành trình là gì? Vận mệnh của thế giới là gì?”.

Tất cả chúng ta đều nhận ra rằng câu trả lời tiêu cực cho những câu hỏi này sẽ tạo ra nỗi buồn. Nếu cuộc hành trình của cuộc đời không có ý nghĩa, nếu không có gì ở đầu và cuối, thì chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta phải bước đi: từ đó sinh ra sự tuyệt vọng của con người, cảm giác về sự vô nghĩa của mọi sự. Và nhiều người có thể nổi loạn: “Tôi đã cố gắng để trở thành người đạo đức, khôn ngoan, công bằng, mạnh mẽ, tiết độ. Tôi cũng từng là một người đàn ông hay đàn bà có đức tin… Cuộc chiến của tôi có ích gì nếu mọi chuyện kết thúc ở đây?”. Nếu mất đức cậy, mọi nhân đức khác có nguy cơ sụp đổ và trở thành tro bụi. Nếu không có ngày mai đáng tin cậy, không có chân trời tươi sáng, người ta sẽ chỉ phải kết luận rằng nhân đức là một nỗ lực vô ích. “Chỉ khi tương lai chắc chắn là một thực tại tích cực thì người ta mới có thể sống hiện tại” Đức Bênêđictô XVI nói như thế (Thông điệp Spe salvi, 2).

Người Kitô hữu có đức cậy không phải nhờ công đức riêng của họ. Nếu họ tin vào tương lai thì đó là vì Chúa Ki-tô đã chết và sống lại và ban Thánh Thần của Người cho chúng ta. “Sự cứu chuộc được ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được ban cho niềm hy vọng, niềm hy vọng đáng tin cậy, nhờ đó chúng ta có thể đối đầu với hiện tại của mình” (ibid., 1). Theo nghĩa này, một lần nữa, chúng ta nói rằng đức cậy là một nhân đức đối thần: nó không xuất phát từ chúng ta, nó không phải là một sự ngoan cố mà chúng ta muốn thuyết phục mình, nhưng nó là một món quà trực tiếp đến từ Thiên Chúa.

Đối với nhiều Kitô hữu nghi ngờ, những người chưa được tái sinh hoàn toàn để hy vọng, Thánh Phaolô đặt trước mặt họ luận lý học mới của kinh nghiệm Kitô giáo, và ngài nói: “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì đức tin của anh em là vô ích và anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Sau đó, những người đã ngủ trong Chúa Kitô cũng đã chết. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Chúa Kitô ở đời này thì chúng ta là những kẻ đáng thương nhất trong mọi người” (1 Cr 15:17-19). Như thể ngài đã nói: nếu anh chị em tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô, thì anh chị em biết chắc chắn rằng không có thất bại và không có cái chết nào là mãi mãi. Nhưng nếu anh chị em không tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô, thì mọi thứ sẽ trở nên trống rỗng, kể cả lời rao giảng của các Tông đồ.

Đức cậy là một nhân đức mà chúng ta thường vi phạm: trong nỗi hoài niệm tồi tệ, trong nỗi u sầu, khi chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc của quá khứ đã bị chôn vùi mãi mãi. Chúng ta phạm tội chống lại đức cậy khi chúng ta chán nản về tội lỗi của mình mà quên rằng Thiên Chúa là Đấng nhân từ và cao cả hơn tấm lòng chúng ta. Và thưa anh chị em, chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa tha thứ mọi sự, Thiên Chúa luôn tha thứ. Chúng ta là những người mệt mỏi trong việc cầu xin sự tha thứ. Nhưng chúng ta đừng quên sự thật này: Thiên Chúa tha thứ mọi sự, Thiên Chúa luôn tha thứ. Chúng ta phạm tội chống lại đức cậy khi chúng ta chán nản về tội lỗi của mình; chúng ta phạm tội chống lại đức cậy khi mùa thu trong chúng ta làm mất đi mùa xuân; khi tình yêu Thiên Chúa không còn là ngọn lửa vĩnh cửu và chúng ta không đủ can đảm để đưa ra những quyết định dấn thân suốt đời.

Thế giới ngày nay đang rất cần nhân đức Kitô giáo này! Thế giới cần đức cậy, cũng như nó cần sự kiên nhẫn, một nhân đức bước đi trong mối liên hệ chặt chẽ với đức cậy. Những người kiên nhẫn là những người dệt nên điều tốt lành. Họ khăng khăng mong muốn hòa bình, và ngay cả khi một số người trong số họ vội vàng và muốn mọi sự, thì ngay lập tức, sự kiên nhẫn có khả năng chờ đợi. Ngay cả khi xung quanh chúng ta có nhiều người không chịu nổi sự vỡ mộng, những người được truyền cảm hứng từ đức cậy và kiên nhẫn vẫn có thể vượt qua được những đêm đen tối nhất. Đức cậy và kiên nhẫn đi cùng với nhau.

Đức cậy là nhân đức của những người có tâm hồn trẻ trung; và ở đây tuổi không đáng kể. Bởi vì cũng có những người già với đôi mắt sáng ngời, không ngừng phấn đấu hướng tới tương lai. Hãy nghĩ đến hai vị cao niên trong Tin Mừng, Simeon và Anna: họ không bao giờ mệt mỏi chờ đợi và họ đã nhìn thấy chặng đường cuối cùng của cuộc hành trình trần thế của họ được chúc phúc nhờ cuộc gặp gỡ với Đấng Mê-xi-a, Đấng mà họ đã nhận ra nơi Chúa Giêsu, được cha mẹ Người đưa vào Đền Thờ. Thật là ân sủng nếu tất cả chúng ta đều được như vậy! Nếu sau một cuộc hành hương dài, đặt túi yên ngựa và gậy xuống, lòng chúng ta tràn ngập một niềm vui chưa từng có, và chúng ta cũng có thể kêu lên: “Lạy Chúa, bây giờ xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình yên/ theo lời Chúa; / vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ của Chúa / mà Chúa đã chuẩn bị trước mặt muôn dân, / là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, / và là vinh quang của dân Israel của Chúa" (Lc 2:29-32).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiến lên và cầu xin ơn có đức cậy, đức cậy với lòng kiên nhẫn. Hãy luôn hướng tới cuộc gặp gỡ dứt khoát đó; hãy luôn nhìn để thấy rằng Chúa luôn ở gần chúng ta, rằng cái chết sẽ không bao giờ chiến thắng. Chúng ta hãy tiến lên và cầu xin Chúa ban cho chúng ta nhân đức hy vọng cao cả này, kèm theo sự kiên nhẫn. Cảm ơn anh chị em.
 
Một sự chuyển đổi mô hình từ Veritatis Splendor sang Amoris Laetitia? 2
Vũ Văn An
14:56 08/05/2024

II. Pars Construens: Một cách tiếp cận tích cực

3. Mô hình nào thỏa đáng để thỏa mãn các thách thức?

Chúng ta phải chấp nhận thách thức mục vụ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta thực hiện trong Amoris Laetitia. Nghĩa là, chúng ta cần phải tính đến “tính hiện thực” của đời sống luân lý, chú ý đến sự yếu đuối của con người, đồng thời phân biệt sự mong manh với tội lỗi. Chúng ta phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ mục vụ để có một đề xuất phù hợp với những người đang ở trong tình trạng tội lỗi hoặc yếu đuối.

Do đó, ý tưởng xây dựng một mô hình mới có thể chấp nhận được, nhưng, theo lời của Thánh John Henry Newman, mô hình mới này phải bảo toàn đầy đủ tính liên tục của tín lý, cả trong việc “bảo tồn loại hình” (ghi chú đầu tiên) và trong “sự liên tục của các nguyên tắc” (lưu ý thứ hai), chứng tỏ mình có khả năng đón nhận sự phong phú của Truyền thống.

Đối với một nhiệm vụ như vậy, cần phải vượt qua thuyết nhị nguyên vốn lên đặc điểm cho các đề xuất mà chúng ta vừa xem xét. Trong số các mô hình được xem xét cho đến nay, một số mô hình cấp tiến hơn những mô hình khác, nhưng tất cả đều có chung quan điểm cơ bản, về cơ bản là quan điểm về “nền luân lý hiện đại” bị Alasdair MacIntyre tố cáo là không thỏa đáng trong After Virtue [20]: đó là một quan điểm nằm ngoài năng động tính của hành động, theo quan điểm của một người quan sát bên ngoài, chẳng hạn như thẩm phán hoặc vị giải tội, những người phán xét hành động. Cách tiếp cận luân lý này chắc chắn sẽ không dẫn đến kết quả gì, bởi vì nó vấp phải sự đối lập biện chứng giữa điều khách quan và điều chủ quan. Đây là quan điểm của khoa giải nghi với cách tiếp cận tối giản (minimalist) và mang tính pháp lý của nó. Sự phê phán của các nhà luân lý cấp tiến không làm gì để cải cách nền đạo đức hiện đại và xóa bỏ giới hạn của nó về luật chống đối khách quan đối với lương tâm chủ quan. Đúng hơn, sự phê phán của họ tái tạo hạn chế này bằng cách đảo ngược các điều khoản của nó một cách biện chứng, đẩy lương tâm chủ quan chống lại quy luật khách quan.

Các tác giả như Servais Pinckaers[21] hay Carlo Caffarra[22] mời gọi chúng ta vượt qua thuyết nhị nguyên này, vốn coi luật pháp là gánh nặng bên ngoài và tự do là khoảng trống, là sự thờ ơ. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của họ.

Servais Pinckaers:

Thật quá dễ dàng khi nói rằng ngày nay thời đại của sách giáo khoa đã qua và chúng ta có quan điểm ngược lại, tuyên bố một cách có hệ thống ủng hộ tự do và lương tâm, trái ngược với luật pháp và thẩm quyền. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của các phạm trù cụ thể của thần học luân lý mà chúng ta muốn phê phán, đặc biệt là sự đối lập giữa lề luật và tự do. Chúng ta chỉ góp phần phá hủy thần học luân lý và làm xáo trộn những nền tảng đảm bảo cho sự vững chắc và ổn định của nó.[23]

Carlo Caffarra:

Trong cốt lõi, các mệnh đề mang tính chuẩn mực luân lý và luật pháp là về sự thật của điều tốt, điều này tìm được biểu thức khách quan trong chúng. Những người không theo quan điểm này sẽ rơi vào lối giải nghi của người Pha-ri-siêu, không có lối thoát: họ đi vào một ngõ cụt, cuối cùng họ buộc phải lựa chọn giữa chuẩn mực luân lý và con người. Nếu bạn cứu điều này thì không cứu được điều kia. Vì vậy, câu hỏi của vị mục tử là: làm thế nào tôi có thể hướng dẫn các cặp vợ chồng sống tình yêu vợ chồng của họ một cách chân thật? Vấn đề không phải là liệu vợ chồng có ở trong tình huống miễn trừ họ khỏi tuân theo một quy tắc hay không; vấn đề đúng hơn là về lợi ích của mối quan hệ vợ chồng.[24]

Ngược lại, trong những cách đã thảo luận trước đây để đóng khung cách tiếp cận luân lý của người ta, lề luật được coi là một gánh nặng bên ngoài cản trở tự do, trong khi tự do được hiểu là một khoảng trống không có định hướng (“tự do của sự thờ ơ,” như Pinckaers nói).

Sự thay đổi mô hình thực sự xảy ra khi mọi điều được nhìn từ góc độ của người hành động. Cần phải áp dụng quan điểm của Veritatis Splendor số 78, tức là quan điểm của người diễn xuất. Chỉ bằng cách này, người ta mới có thể vượt qua cả chủ nghĩa duy lý lẫn chủ nghĩa duy chí [voluntarism], tức là cả tính hợp lý nằm ngoài năng động tính của hành động lẫn lề luật được hiểu là sản phẩm của ý muốn hoàn toàn làm điều mình thích bất chấp ý kiến người khác [wilfulness]. Chủ nghĩa duy lý hiểu đối tượng luân lý như nằm ngoài tính chủ ý của chủ thể, trong khi chủ nghĩa duy chí hiểu chủ thể là sự sáng tạo tự lập.

Mặt khác, quan điểm ngôi thứ nhất là thế này: mọi hành vi tự do đều mang trong mình ký ức về một tình yêu có trước nó và bắt nguồn từ Thiên Chúa. Quan điểm này cho phép chúng ta vượt qua tính nhị nguyên giữa khách quan và chủ quan. Quan điểm chủ thể hành động hiểu tự do không phải là trống rỗng hay thờ ơ, mà là tự do riêng của một thụ tạo, một thụ tạo được đi trước bởi tình yêu và được tình yêu đó hướng tới sự tốt lành.

Trong phần tiếp theo, tôi sẽ đề xuất ba công thức cho phép chúng ta đi theo hướng này:

a) Sự thật của tình yêu
b) Sự đào tạo chủ thể
c) Ngôi nhà cho chủ thể

a) Sự thật của tình yêu

Sự thật của tình yêu là một phạm trù quan trọng của luân lý. Nó được lấy cảm hứng từ Karol Wojtyła, người minh họa khái niệm này trong Love and Responsibility [Tình yêu và Trách nhiệm].[25] Nó nhằm mục đích vượt qua tính chủ quan của một “tình yêu không có sự thật”, nghĩa là một tình yêu bị giản lược thành tính xác thực của cảm giác, sự thật chủ quan của cảm xúc. Đồng thời, Wojtyła tìm cách vượt qua chủ nghĩa khách quan của một “sự thật không có tình yêu”, tức là một chủ nghĩa trí thức áp đặt các quy tắc tự do từ bên ngoài. Wojtyła không nói về chủ nghĩa khách quan cũng như chủ nghĩa tương đối, nhưng về tính hợp lý của tình yêu, vốn mang trong mình những tiêu chuẩn về sự thật của nó. Có một lý tính của tình yêu vượt xa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa khách quan mà không rơi vào chủ nghĩa duy chí và chủ nghĩa tương đối.

Quan điểm chủ thể diễn xuất là quan điểm tình yêu, vốn là cội nguồn của mọi hành động. Bất cứ ai hành động luôn hành động trong chừng mực mình bị một tình yêu nào đó đánh động, như Thánh Tôma nói.[26] Và trong mọi tình yêu, sự quy chiếu cần thiết là sự thiện đích thực. Tình yêu muốn điều tốt cho người khác: đây là định nghĩa mà Thánh Tôma đề xuất: “In hoc praecipue consit it amor, quod amans amato bonum velit—Tình yêu đặc biệt bao gồm việc người yêu muốn điều tốt cho người được yêu.” [27] Tình yêu như một niềm đam mê phát sinh từ sự kết hợp tình cảm, trong đó người được yêu đi vào đời sống nội tâm của người yêu thông qua tình cảm (sicut amatum in amante, [như người được yêu ở trong người yêu]) và thúc đẩy người yêu tìm kiếm sự hiệp thông thực sự. Với tư cách là một hành động, tình yêu bao hàm việc tìm kiếm sự hiệp thông với người khác, điều này chỉ có thể đạt được nếu lợi ích cụ thể được tìm kiếm trong hành động thực sự là một điều tốt thực sự.

Sự thật của điều tốt là điều kiện cho sự thật của tình yêu. Thật vậy, tình yêu bao hàm những điều kiện khách quan: nó mong muốn điều tốt cho người khác khi biết rằng sự hiệp thông đích thực chỉ được thực hiện trong việc chu toàn điều tốt, trong việc vượt quá các ước muốn ngày càng cao và những xung lực tức thời, và trong việc bắt ý chí phục tùng sự thật: đây là tự do đích thực, bởi vì judicium rationis, radix libertatis—sự phán đoán của lý trí là gốc rễ của tự do. Tự do tuân phục sự thật về sự thiện, vốn đi trước và hướng dẫn tự do, là điều kiện cần thiết của tình yêu.

Ở đây việc đề cập đến khái niệm tự nhiên có bối cảnh của nó và tầm quan trọng của diễn ngôn về luật tự nhiên trở nên rõ ràng. Luật tự nhiên được hiểu là trật tự tình yêu (ordo amoris) mà Đấng Tạo Dựng đã thiết lập và tiếp tục thiết lập trong hành động của con người để đạt đến mục đích (ordo creationis). Đó là một trật tự của lý trí, trật tự mà lý trí thiết lập trong các hành động của con người nhằm hướng chúng đến mục đích (ordo rationis).

Từ quan điểm thần học, Chúa Kitô là nền tảng của trật tự này và sự hoàn thành của nó (x. Cl 1:16 “trong Người… vì Người…”). Chính Chúa Kitô, với luật mới của tình yêu, đưa ra cách giải thích dứt khoát về luật tự nhiên, vốn được giải thích lần đầu tiên trong luật Mười Điều Răn.

Trong Adversus Haereses, Thánh I-rê-nê nói rằng con người đã có một luật được viết trên tấm lòng của họ (luật tự nhiên), nhưng họ không thể đọc được vì tội lỗi đã che mờ nó.[28] Luật này giờ đây họ có thể đọc được như được viết bởi ngón tay của Chúa trên những tấm đá mà Mô-sê đã mang đến cho dân Israel khi ông từ Núi Sinai xuống (thiên luật cũ).

Giờ đây, bằng ngón tay của mình, Chúa Giêsu viết luật trên mảnh đất mềm mại của trái tim: một luật không xóa bỏ bất cứ điều gì nhưng làm cho những yêu cầu của các điều răn được thực hiện, nội tâm hóa và triệt để hóa chúng, nhưng cũng làm cho việc tuân giữ chúng có thể thực hiện được nhờ hồng ơn ân sủng. Ân sủng cho phép chúng ta chia sẻ các nhân đức của Chúa Kitô, bắt đầu bằng đức ái, một hình thức tình bạn với Thiên Chúa, là “mẹ và hình thức của mọi nhân đức”. Như vậy, luật được nên trọn nơi các nhân đức: luật mới của Chúa Kitô không có hình thức áp đặt những điều răn mới bên ngoài, mà là hình thức yêu thương bên trong, hoàn thành các điều răn bằng sự thúc đẩy tự do bên trong. Đây là quyền tự do mới của luật Chúa Kitô: đó không phải là quyền tự do thoát khỏi các điều răn, mà là tự do của những ai, vì yêu thương, có thể tuân giữ các điều răn như bản chất sâu xa nhất của họ, tức là, như những biểu thức của sự thật về điều tốt đẹp làm nên sự thật của tình yêu. Vì vậy, chúng ta hiểu rằng mục tiêu của lề luật là Chúa Ki-tô (Rm 10:4), sự thực hiện trọn vẹn lề luật là tình yêu thương (Rm 13:10), và hình thức trọn vẹn của đạo đức Ki-tô giáo là tập trung vào tình yêu thương và các nhân đức. [29]

Sự thật của tình yêu là nơi chốn của các nhân đức, vốn tạo ra sự kết hợp nội tại giữa chủ thể và đối tượng trong một năng động tính phát sinh từ tình yêu. “Virtus depends aliqualiter ab amore [Nhân đức tùy thuộc cách nào đó vào tình yêu.” [30] Trật tự của tình yêu được phản ảnh trong chủ thể như là trật tự của các nhân đức, xuất phát từ tình yêu và được tạo ra bởi lòng bác ái, một tình yêu gắn kết nội tại giữa chủ thể và sự vật.

Và ở đây cũng có chức năng đặc biệt của nhân đức khôn ngoan, là nhân đức soi sáng, hướng dẫn và hoàn thành những lựa chọn của lý trí thực tiễn. Sự khôn ngoan hoạt động dưới ánh sáng của tình yêu. Tình yêu phân định và có ích cho tình yêu, như Thánh Augustinô nói.[31] Trong ánh sáng tình yêu, sự khôn ngoan nắm bắt được điều thiện cụ thể phải thực hiện trong hoàn cảnh cụ thể, nhưng nó không bao giờ có thể đi ngược lại điều thiện. Đó không phải là khả năng tìm ra những ngoại lệ đối với chuẩn mực. Trật tự của tình yêu là trật tự của đức hạnh. Đức hạnh là sự hòa hợp của chủ thể với điều thiện đích thực chứ không chỉ là tính xác thực chủ quan hay sự tự gắn kết.

Việc qui chiếu vào Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng là điều cần thiết để bảo đảm sự thật của tình yêu. Hành động luân lý luôn là sự hợp lực (synergy) giữa hành động của con người với hành động của Đấng Tạo Dựng và Đấng Cứu Chuộc; cuối cùng nó bắt nguồn từ bình diện thần học và Kitô học.

Hành động luân lý của người Kitô hữu là một hợp lực luôn bắt đầu từ sự thúc đẩy ban đầu của Đấng Tạo Dựng và là sự ưng thuận với ân sủng phát xuất từ bên trong. Đối với người Kitô hữu, hành động luân lý có hình thức thuận ý, xin vâng của Đức Maria, trong đó tự do gắn liền với sự thúc đẩy của ân sủng.

Đặc tính bên ngoài của luật được tri nhận sau cuộc sa ngã ở trạng thái hậu sa ngã. Luật pháp cũng là một gánh nặng vì tôi cũng là một tội nhân: được cứu chuộc nhưng vẫn mang dấu vết và hậu quả của dục vọng, trên con đường chữa lành gian khổ. Luật pháp cũng là một lời “không”; nó cũng có khía cạnh bên ngoài cần phải dần trưởng thành theo hướng nội tâm hóa nhân đức. Luật pháp cũng có một khía cạnh ánh sáng: các nhân đức là “arma lucis—vũ khí của ánh sáng” soi sáng lý trí (tính đồng tự nhiên [connaturality] luân lý) và cho thấy sự tương ứng giữa hành động của chúng ta với điều tốt đích thực, vốn là điều mà chính ham muốn tìm kiếm. Khi các nhân đức được hình thành, sức nặng của đặc tính bên ngoài của lề luật giảm đi và quyền tự do làm điều tốt tăng lên. Vì vậy, cần thiết không được coi thường luật huấn dụ và luật ngăn cấm. Bằng cách này, chủ thể sẽ trưởng thành hơn. Trong cuốn To Look on Christ [Nhìn lên Chúa Kitô], Joseph Ratzinger viết,

Chỉ khi việc nối kết sự thật và tình yêu được nhìn một cách đúng đắn thì thập giá mới trở nên dễ hiểu trong chiều sâu thần học thực sự của nó. Sự tha thứ liên quan đến sự thật, và vì lý do đó nó đòi hỏi Thập Giá của Chúa Con và đòi hỏi sự hoán cải của chúng ta. Sự tha thứ thực sự là sự phục hồi sự thật, sự đổi mới hiện hữu và chiến thắng sự dối trá ẩn giấu trong mọi tội lỗi: về bản chất, tội lỗi luôn là sự xa rời sự thật về hữu thể của mình và do đó rời xa sự thật của Đấng Tạo Dựng, là Thiên Chúa. [32]

Nói đến sự thật của tình yêu là nói rằng Thập Giá là chủ nghĩa hiện thực của Thiên Chúa.

b) Sự đào tạo chủ thể

Viễn cảnh mục vụ rất quan trọng: đây là lời mời cụ thể mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi đến chúng ta trong Amoris Laetitia. Việc lặp lại luật luân lý và các chuẩn mực luân lý mà thôi thì chưa đủ. Đây cũng không phải là vấn đề nới lỏng luật pháp bằng cách giải thích các trường hợp ngoại lệ (Blaise Pascal đã nói: “ecce patres qui tollunt peccata mundi— kìa, những người cha xóa tội trần gian”). Chúng ta không nói về việc thay thế con người trong khả năng phân định của họ. Đây cũng không phải là vấn đề hợp pháp hóa mọi lựa chọn: lòng thương xót bào chữa tội lỗi và không chữa lành tội nhân không phải là lòng thương xót đích thực.

Điều cần thiết là việc đào tạo chủ thể có tính đến tính độc đáo của lý tính thực tiễn. Đó không chỉ là vấn đề giảng dạy mà còn là việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo nhân đức. Tự do và sự thật đi đôi với nhau, trong sự tương ứng một đối một: không có sự thật thì người ta không có tự do; và không có tự do thì người ta không thể tiếp cận được sự thật.

Chủ thể Kitô giáo được sinh ra như thế nào? Chủ thể Kitô giáo được sinh ra, hay đúng hơn được tái sinh, như thế nào? Được sinh lại: đây là câu hỏi của Ni-cô-đê-mô. “Làm sao người ta có thể sinh ra sau khi đã già?” (Ga 3:4). Đây không chỉ là vấn đề đào tạo lương tâm (trong chiều kích nhận thức), như nền luân lý kinh viện cận đại hoặc tân kinh viện đã hiểu, vốn hiểu việc đào tạo là khả năng đưa ra những phán đoán hợp lý đúng đắn. Đúng hơn, việc đào luyện luân lý là phát triển các nhân đức, đặc biệt là đức khôn ngoan, như một nhân đức hoàn thiện lý trí thực tiễn, không chỉ nhằm vào khả năng phán đoán mà còn và trên hết vào khả năng lựa chọn và hành động.

Khôn ngoan là nhân đức soi sáng và cổ vũ việc lựa chọn và thực hiện các hành động. Nó bắt nguồn từ những khuynh hướng tình cảm đạo đức được sắp xếp hợp lý theo lý trí. Thật vậy, không có các nhân đức luân lý thì không thể có khôn ngoan; không có chúng sẽ chỉ có sự xảo quyệt. Ngược lại, không có đức khôn ngoan thì không thể có nhân đức luân lý đích thực; không có nó sẽ chỉ có những thói quen máy móc. Nhân đức là một habitus electivus [thói quen có lựa chọn]: một khuynh hướng lựa chọn điều tốt thích đáng, dẫn đến không phải đối tượng được lựa chọn (id quod eligitur) mà là cách thức tuyệt vời để lựa chọn nó (id cuis gratia eligitur). Đó là một nhân đức chứ không phải một thói quen: nó làm cho người ta tự do hơn chứ không kém tự do hơn. Nó hướng tới sự lựa chọn và không loại bỏ nhu cầu lựa chọn.

Câu trả lời cho vấn đề mục vụ được Amoris Laetitia đặt ra không phải là sự thích ứng của luật với những khả năng được cho là của chủ thể, mà là sự tái tạo chủ thể. Việc tái tạo chủ thể đạo đức liên quan đến các giai đoạn của cuộc sống, hành động, văn hóa. Nó có tính chất kịch tính. Trong cuốn sách La coscienza Morale [ lương tâm luân lý], Giuseppe Angelini thảo luận về lương tâm. [33] Tác phẩm có một số hạn chế rất nghiêm trọng: không đề cập đến luật tự nhiên như một ký ức về điều tốt đẹp bắt nguồn từ việc tạo dựng. Nhưng có điều gì đó cần phải học từ những điều ngài nói, đặc biệt về lương tâm như một “lời nói” và về các thời đại của đời sống con người. Tôi muốn trình bày những yếu tố này theo cách tôi đã hiểu và diễn giải chúng.

i) Lương tâm như lời nói

Người ta phải chuyển từ lương tâm như một tiếng nói sang lương tâm như một lời nói. Một giọng nói là một tiếng ồn ở hậu trường, một tiếng vo vo không rõ ràng gây bực mình và khó chịu, làm phiền mà không chỉ dẫn, làm khó chịu mà không nói điều gì cụ thể. Mặt khác, lương tâm với tư cách là một lời, nói với tôi điều gì đó, và với tư cách là một lời, nó có tính chất kịch tính. Angelini chỉ trích ý tưởng của Augustinô coi lương tâm như nội tâm tính, trong đó Thiên Chúa làm chứng chính Người cho cá nhân, bởi vì, theo Angelini, nó đã dẫn đến một quan niệm thuần túy thân mật và riêng tư, làm lương tâm xa lánh hành động. Đối với tác giả của chúng ta, quan niệm kiểu Augustinô này sau này đã lên đến tuyệt đỉnh trong quan niệm hiện đại về lương tâm tự chủ.

Đối với ngài, điều cần được thừa nhận thay vào đó là có một khía cạnh kịch tính của hành động trong đó lương tâm như một tiếng nói mơ hồ được biến thành lương tâm như một lời nói. Chính trong rủi ro thực tế đó mà lương tâm đang được giáo dục. Tôi nhận ra rằng ai làm theo sự thật đều đi vào ánh sáng. Hành động dạy dỗ ta.

Vấn đề với Angelini - cũng như với Blondel, người có ảnh hưởng rõ ràng đối với Angelini ở đây - là ngài không thừa nhận điều gì có trước ham muốn, ngài không thừa nhận rằng “amor praecedit desiderium - tình yêu có trước ham muốn”. Khi tôi hành động, có một điều gì đó đi trước lương tâm tôi, một điều gì đó đến với tôi như một món quà: đây là lời chỉ dẫn cơ bản được lương tâm tôi tiếp nhận và làm cho nó lên tiếng: ánh sáng của các nguyên tắc luật tự nhiên.

ii) Những “tuổi” của đời người

Angelini tiếp tục phân tích độc đáo của Romano Guardini về “các tuổi” của đời sống con người [34] nhưng áp dụng nó vào vấn đề lương tâm. Tuổi thơ, tuổi thiếu niên, tuổi trẻ, tuổi trưởng thành, tuổi già—mỗi giai đoạn của cuộc đời đều có những đặc điểm riêng. Quá trình chuyển đổi từ độ tuổi này sang độ tuổi khác luôn đầy kịch tính.

Việc dựng lại của Angelini nhấn mạnh cấu trúc kịch tính của bản sắc luân lý. Người ta đạt được bản sắc của mình thông qua hành động tự do, thông qua những lựa chọn được thực hiện trong lịch sử và trong bối cảnh các mối quan hệ. “Kịch tính” xuất phát từ chữ drama của Hy Lạp, có nghĩa là “hành động”: nghĩa là hành động là hình thức mà chủ thể tìm kiếm và khám phá chính mình. Và “việc chịu đựng” [undergoing] đi trước “hành động”: mọi hành động đều xuất phát từ niềm đam mê.

Do đó, Angelini xem xét các “tuổi” của cuộc sống, liên hệ chúng với sự ra đời và trưởng thành của lương tâm, nhưng ngài cũng liên kết các “tuổi” này với các giai đoạn của lịch sử cứu độ trong Kinh thánh.

Thời thơ ấu mọi sự đều được ban cho chúng ta: chúng ta chỉ cần mở miệng và có người lấp đầy. Ở đây lương tâm có khía cạnh hiện diện của cha mẹ - luật lệ không ở bên ngoài: nó là mối quan hệ với một con người. Trước khi là một phán xét, lương tâm của đứa trẻ là mối quan hệ: “Điều gì đẹp lòng Bố Mẹ?” Ký ức về những phúc lợi nhận được buộc chúng ta phải vâng lời. Đối với dân tộc Israel trong sa mạc, đối với tất cả chúng ta cũng vậy: luật lệ không phải là một quy tắc tùy tiện, nhưng là một huấn thị mời gọi chúng ta bắt chước Thiên Chúa: luật đã được ghi khắc từ nguồn gốc của cuộc hành trình và được thi hành bởi một lời hứa.

Tuổi thanh xuân có nghĩa là được sinh ra lần nữa, làm chủ bản thân, đưa ra quyết định và không chùn bước trước những lựa chọn. Ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội không có những người cha. Con người sống trong một tuổi thanh xuân kéo dài và vô tận. Điều còn thiếu ngày nay là tuổi trưởng thành, hình dáng của người trưởng thành.

Bản sắc nguyên thủy của chủ thể đạo đức là hiếu thảo. Lúc đầu, ý thức là không lời: nó có hình thức của một tình cảm, một cách cảm nhận. Mối quan hệ gia đình là nơi đào tạo. Quan hệ gia đình là bối cảnh trong đó người ta chuyển từ lứa tuổi này sang lứa tuổi khác. Sinh ra như một chủ thể là chuyển từ chế độ yêu thương sang chế độ Lời Chúa, nghĩa là sang chế độ lời hứa và lề luật.

“Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thật sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh.” (Xh 19:4-6).

Đây là sự chuyển đổi từ chế độ phúc lợi miễn phí sang chế độ lề luật, đường đi, lựa chọn.

c) Ngôi nhà cho chủ thể

Để đào tạo chủ thể luân lý, điều quan trọng là phải tập trung vào mối liên hệ giữa nguồn gốc của chủ thể và nền văn hóa xung quanh nơi họ sinh ra, lớn lên và hành động. Lương tâm ngày nay phụ thuộc rất nhiều vào các hình thức chung của đời sống xã hội.

Các hình thức của đời sống chung cần có một đặc tính chung. Đó là lý do tại sao cần có lề luật. Alasdair MacIntyre, và cùng với ông là những “người theo chủ nghĩa cộng sản” hiện tại như Stanley Hauerwas và Vigen Guroian, nhấn mạnh vào điểm này. Đây là những nền tảng thích hợp cho việc thực hành nhân đức. Thực hành là những hình thức chung về phương diện xã hội của tác phong trong một cộng đồng và một nền văn hóa. Chính nhờ thực hành mà niềm tin và đức tính luân lý được hình thành.

Chủ thể luân lý cần một mái nhà. Để sản sinh ra chủ thể luân lý, người ta phải sống trong một cộng đồng: điều này diễn ra trong các gia đình, nhưng cũng diễn ra trong Giáo hội, là “gia đình của các gia đình”. Giáo hội là nơi của các mối quan hệ và hình thành một “tinh thần văn hóa” (ethos). “Tinh thần văn hóa” là một tập hợp hữu cơ các giá trị được chia sẻ và tồn tại đi trước “đạo đức” vốn là sự suy tư có hệ thống và phê phán về tinh thần này. Nhiệm vụ của đạo đức là xem xét một cách có phê phán các thói quen của một cộng đồng, vạch trần những mâu thuẫn của chúng, chỉ ra những khuyết điểm của chúng và đưa chúng đến một sự cởi mở phổ quát.

Các bí tích đồng hành với mọi lứa tuổi của cuộc sống. Đó là những cử chỉ mà Thần Khí chạm vào xác thịt con người trong các mối quan hệ vào những thời điểm quyết định của cuộc sống (sinh ra, lớn lên, lựa chọn trạng thái sống, bệnh tật). Ngược lại, các bí tích truyền cảm hứng và tạo ra những phong tục cộng đồng, dù là lễ hội hay thông thường, khác nhau tùy theo nền văn hóa.

Con đường từ thờ phượng đến văn hóa, từ các bí tích đến đời sống hàng ngày, qua đó đức tin thấm nhập vào phong tục của một cộng đồng, có tính chất quyết định. Để đào tạo chủ thể Kitô giáo, điều cần thiết là phải có gia đình, cộng đoàn và những cộng đoàn này có khả năng tạo ra văn hóa. Kitô giáo không được thích nghi với xã hội, mà phải hành động như men biến đổi xã hội từ bên trong, từ đó tạo ra một xã hội mới.

Kerygma – sự nhiệt tình đối với tính mới mẻ của lời rao giảng đầu tiên – là chưa đủ; chúng ta cũng phải quan tâm đến văn hóa và didaché,[35] tức là dạy giáo lý và hàm ý sự gặp gỡ của việc loan báo Tin Mừng với văn hóa và lối sống. Trong Evangelii Nuntiandi (1976), Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã chỉ ra rằng để hoàn thành nhiệm vụ truyền giáo, đức tin cần phải sinh hoa trái về mặt văn hóa.[36] Những thực hành đạo đức được thực hiện trong một nền văn hóa. Sự thật của tình yêu tỏa sáng ở nơi sự thật đó ngự trị.

Tôi muốn đề cập đến hai ví dụ và hai tác phẩm quan trọng để minh họa cho sự phong phú về mặt văn hóa của Kitô giáo. Bài đầu tiên là của nhà giáo phụ học vĩ đại người Pháp, Gustave Bardy, La conversion au christianisme durant les premiers siècles [Việc trở lại Kitô giáo trong các thế kỷ thứ nhất],[37] cho thấy tác động xã hội của việc trở lại Kitô giáo trong thế giới ngoại giáo.

Cuốn thứ hai gần đây hơn, được viết bởi nhà sử học người Anh David D’Avray của Đại học Oxford. Nó được dành cho việc nghiên cứu tính bất khả phân ly của hôn nhân đã được áp dụng như thế nào trong thế giới cuối thời cổ đại và trung cổ.[38] Tín lý Kitô giáo phát triển trong sự tiếp xúc với xã hội, thể hiện tính phong phú lâu dài mà không từ bỏ bất cứ điều gì đã được mặc khải, bộc lộ những khía cạnh mới mẻ và bất ngờ trong cuộc gặp gỡ với thế giới. Bằng cách này, tín lý Kitô giáo trở thành nền tảng của một lịch sử mới, như được chứng minh bằng sự kiện đặc biệt về việc đưa tính bất khả phân ly của hôn nhân vào các tập tục và luật lệ chung của xã hội hậu cổ đại, trong đó việc ly dị trước đây đã được thực hành rộng rãi.

Kết luận

Những gì chúng tôi đề xuất ở đây dưới công thức “sự tái sinh của chủ thể Kitô hữu” có thể được gọi là một sự thay đổi mô hình, cụ thể là đối với các mô hình phân định từng trường hợp cụ thể, quyền tự chủ đạo đức của lương tâm và đạo đức học duy lý với việc ứng dụng chuẩn mực có tính diễn dịch của nó.

Mô hình mới này đáng được khuyến khích vì nó không phá vỡ truyền thống thần học luân lý, vì nó không bãi bỏ tín lý Huấn quyền được dạy trong Veritatis Splendor, và vì nó không bác bỏ mối quan tâm mục vụ của Amoris Laetitia. Nó giải thích điều sau trong sự tiếp nối với thông điệp của Đức Gioan Phaolô II, và đặc biệt với mối quan tâm được bày tỏ trong số 78, tức là đặt mình vào quan điểm của người hành động.

Điều gì giải phóng chúng ta khỏi ý thức hệ? Khả năng yêu thương, theo nghĩa là có thể thiết lập mối quan hệ với người khác. Điều này liên quan đến việc truy ngược lại lề luật vì lợi ích của người khác. Con đường được đề xuất là con đường nắm bắt được sự thật dưới ánh sáng tình yêu và do đó trong tầm nhìn vĩ đại về chủ nghĩa nhân vị Kitô giáo: tầm nhìn về chủ nghĩa nhân vị đặt nền tảng trên hữu thể học về sự thiện, bắt nguồn từ hành động của Đấng Tạo Dựng và sự hoàn thành của nó trong sự cứu chuộc do Chúa Kitô thực hiện.
___________________________________________________________________________
* Văn bản của hội nghị này đã được xuất bản bằng tiếng Ý trên tờ Veritas Amoris Review vào ngày 3 tháng 9 năm 2021 với tựa đề “Cambiamento di paradigma da Veritatis splendor ad Amoris Laetitia?” Tạp chí Veritas Amoris Review chân thành ghi nhận sự hỗ trợ quý báu của Very Rev. Daniel J. Barnett, Viện trưởng Chủng viện Bishop White, Spokane, WA, trong việc chuẩn bị bản dịch văn bản.

(**) Livio Melina là nhà thần học luân lý và đồng sáng lập Dự án Veritas Amoris. Từ năm 1996-2019, ngài là giáo sư thường trú về thần học luân lý tại Viện Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở Rome, giữ chức Chủ tịch viện này từ năm 2006-2016. Tại Viện, ngài đã thành lập và chỉ đạo Khu vực Nghiên cứu Quốc tế về Thần học Luân lý. Ngài là thành viên bình thường của Học viện Thần học Giáo hoàng và là Giám đốc Khoa học của tạp chí học thuật Anthropotes. Ngài đã từng là giáo sư thỉnh giảng ở Washington DC và Melbourne, đồng thời giảng dạy và tiếp tục giảng dạy tại nhiều trường đại học quốc tế khác nhau.

[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Amoris Laetitia, ngày 19 tháng 3 năm 2016.

[2] Thánh Gioan Phaolô II, Veritatis Splendor, 6 tháng 8, 1993.

[3] Walter Kasper, “Amoris laetitia: Bruch oder Aufbruch. Eine Nachlese”, trong Stimmen der Zeit 11 (2016), 723-732: “Ein Paradigmenwechsel ändert nicht die bisherige Lehre.” Đi theo hướng tương tự là sự can thiệp rõ ràng hơn của E. Schockenhoff, “Traditionsbruch oder notwendige Weiterbildung? Zwei Lesearten des Nachsynodalen Schreibens Amoris laetitia” trong Stimmen der Zeit 3 (2017), 147-158.

[4] Eberhard Schockenhoff, “Traditionsbruch oder notwendige Weiterbildung? Zwei Lesearten des Nachsynodalen Schreibens Amoris laetitia” trong Stimmen der Zeit 3 (2017), 147-158.

[5] Xem. Thomas Kuhn, Cấu trúc của cuộc cách mạng khoa học, Nhà xuất bản Đại học Chicago, Chicago 1970. Xem cụ thể Postscriptum 1969.

[6] Về vấn đề này, hãy xem lời chỉ trích của Stefano Fontana, "Esortazione o rivoluzione Tutti i problemi di Amoris laetitia", Fede e culture, Verona 2019.

[7] Xem. John Henry Newman, Tiểu luận về sự phát triển tín lý Kitô giáo, Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, Notre Dame 1989.

[8] Xem. David D'Avray, Hôn nhân thời Trung cổ: Chủ nghĩa tượng trưng và Xã hội, Nhà xuất bản Đại học Oxford, Oxford 2005, 206-207.

[9] Đây là những tuyên bố của Bề trên Tổng quyền của Dòng Chúa Giêsu, Fr. Arturo Sosa Abascal, cuộc phỏng vấn với Giuseppe Rusconi, được tác giả đưa vào phiên bản sửa đổi trong Il giornale di Lugano (18 tháng 2 năm 2017), và bởi Linh mục Dòng Tên người Mỹ. Thomas Reese, “Điều Thiên Chúa Đã Kết Hợp Cùng Nhau,” trong National Catholic Reporter, ngày 6 tháng 4 năm 2017.

[10] Jean-Miguel Garrigues – Alain Thomasset, Une morale souple mais non sans boussole, Cerf, Paris 2017.

[11] Thánh Gioan Phaolô II, Veritatis Splendor, số 81.

[12] X. Carlo Caffarra, Phỏng vấn trên Il Foglio ngày 15 tháng 3 năm 2014.

[13] Marc Ouellet, “Đồng hành, phân định, hòa nhập điểm yếu,” L’Osservatore Romano, ngày 21 tháng 11 năm 2017.

[14] X. chẳng hạn, Bernhard Häring, “Zentrale Anliegen der Moraltheologie und Moralverkündigung” trong: Diakonia 11 (1980) 5-17.

[15] Thánh Gioan Phaolô II, Veritatis Splendor, n. 56.

[16] David L. Schindler, “Lương tâm và mối liên hệ giữa chân lý và thực hành mục vụ: Thần học luân lý và vấn đề của tính hiện đại”, trong Communio 46 (2019), 333-385.

[17] Philippe Bordeyne, Divorcés remariés: ce qui change avec François , Y. Briend – Salvator, Paris 2017; bằng tiếng Ý: Portare la legge a compimento. Amoris Laetitia sulle situazioni matrimoniali fragili, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 2018.

[18] Thánh Augustinô, Bài giảng, XLVI, 13.

[19] Đức Phanxicô, Amoris Laetitia, số 303.

[20] Alasdair MacIntyre, Sau Đức hạnh. Một nghiên cứu về lý thuyết đạo đức, Nhà xuất bản Đại học Notre Dame, Notre Dame 1981. Về vấn đề này, xem thêm: Giuseppe Abbà, Felicità, vita buona e virtù. Saggio di filosofia morale, LAS, Roma 1989, 97-104.

[21] Servais Pinckaers, Nguồn gốc của Đạo đức Kitô giáo, Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, Washington DC 1995.

[22] Carlo Caffarra, Sống trong Chúa Kitô: Những nguyên tắc cơ bản của việc giảng dạy luân lý Công Giáo, Nhà xuất bản Ignatius, San Francisco 1987.

[23] Servais Pinckaers, Nguồn gốc của đạo đức Kitô giáo, 179.

[24] X. Carlo Caffarra, Phỏng vấn trên Il Foglio ngày 15 tháng 3 năm 2014.

[25] Karol Wojtyła, Tình yêu và Trách nhiệm, Sách và Truyền thông Pauline, Boston 2013, 84-86, 96-100.

[26] Thánh Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học, I-II, q. 26, A. 2.

[27] Thánh Tôma Aquinô, Summa contra Gentiles, III, 90, 5.

[28] Thánh I-rê-nê thành Lyon, Adversus haereses, III, 27, 2-3.

[29] Xem phần tổng hợp do Veritatis Splendor cung cấp, số 24.

[30] Tổng luận Thần học, I-II, q. 56, A. 3, quảng cáo 1.

[31] Thánh Augustinô, De Moribus Ecclesiae Catholicae, I, XV, 25.

[32] Joseph Ratzinger, Nhìn lên Chúa Kitô: Thực hành Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến, Crossroad, New York 1991, 88.

[33] Giuseppe Angelini, La coscienza morale. Dalla voce alla parola, Glossa, Milano 2019.

[34] X. Roman Guardini, Lebensalter. Ihre ethische und pädagogische Bedeutung, Werkbundverlag, Würzburg 1953.

[35] X. James McDonald, Kerygma và Didaché. Cách trình bày và cấu trúc của Thông điệp Kitô giáo sớm nhất, Nhà xuất bản Đại học Cambridge, Cambridge 1980.

[36] Thánh Phaolô VI, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Evangelii Nuntiandi, 8 tháng 12, 1975.

[37] Gustave Bardy, La conversion au christianisme durant les premiers siècles, Aubier, Paris 1949.

[38] David D'Avray, Hôn nhân thời Trung cổ: Chủ nghĩa tượng trưng và Xã hội, Nhà xuất bản Đại học Oxford, Oxford 2005, 206-207.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thiếu Nhi Thánh Thể Dâng Hoa chiều thứ Bảy 4/5/2024
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
04:49 08/05/2024
Thiếu Nhi Thánh Thể Dâng Hoa chiều thứ Bảy 4/5/2024

Miền Tây Canada nói chung, tại thành phố Calgary Alberta nói riêng, hàng năm bắt đầu tháng Năm thời tiết thật đẹp, êm dịu đầy ánh nắng tạo thêm sự ấm áp.Các gia đình thường vây quanh với những bếp than hồng ngoài trời để trò chuyện, nướng thịt bò hưởng ngoạn sau thời gian lạnh của Mùa Đông. Về mặt tôn giáo, đây là cơ hội đầu tiên cho việc mở hội dâng kinh Đức Mẹ những tràng chuỗi Mân côi, Dâng Hoa và kiệu ngoài trời thì không đâu bằng. Vào chiều thứ Bảy 4/5/24 Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Thánh Vinh Sơn Liêm đã có buổi Vãn Nến Kính Chúa Ba Ngôi, Dâng Hoa Kính Đức Mẹ với 70 bạn trẻ. Xin cho niềm tin của Giới trẻ dâng cao. Việc gần gũi với Thánh đường giúp các Em có đời sống đạo đức và phát triển về con người tốt đẹp. Vào lúc 10:30 am Chúa nhật 5/5/2024. Giáo xứ đã cùng cung nghinh Đức Trinh Nữ Maria với Cỗ Tượng Đức Mẹ Fatima do Cha Cố Cựu Chánh Xứ Giuse Nguyễn Công Lý O.P, một giáo sư kinh thánh và là người đã từng đưa tượng Đức Mẹ Fatima về thánh Du tại Việt Nam trước năm 1975. Ngài cũng là người thỉnh Tượng Đức Mẹ Fatima từ Trung Tâm Fatima Bồ Đào Nha nay đã là năm thứ 39, Đức Mẹ luôn hiện diện với con dân xứ Vinh Sơn Liêm. Vì vậy mà hàng năm vào đầu tháng 5 việc cung nghinh Tượng Mẹ luôn là truyền thống tốt đẹp và trung thành của con dân Giáo xứ, nhờ đó mà giáo xứ luôn phát triển từ nhà thờ Cũ đến ngôi nhà thờ mới từ không có chỗ đậu xe của nhà thờ Cũ đến có một Parking rộng rãi cho các tổ chức của giáo xứ tại dây. Xin Mẹ luôn đồng hành, gìn giữ chúng con và chúng con cũng luôn hức với Kinh Mân Côi, Tôn sùng Đức Mẹ và trở về cùng Chúa theo lời Mẹ nhắn nhủ.

Hình ảnh Kiệu Hoa Đức Mẹ:

Hình ảnh TNTT:

Lm JB Nguyễn Đức Vượng
 
VietCatholic TV
Kyiv đập tan âm mưu ám sát Zelenskiy. Hai Đại Tá Ukraine bị bắt. Nga coi F-16 là mối đe dọa hạt nhân
VietCatholic Media
02:18 08/05/2024


1. Âm mưu ám sát Zelenskiy bị phá vỡ. Hai Đại Tá của lực lượng phòng vệ Phủ Tổng thống Ukraine bị bắt giữ. Món quà dành cho lễ nhậm chức của Putin đã thất bại vào giờ chót.

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky Assassination Plot Foiled”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Ba, 7 Tháng Năm, cơ quan an ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết Kyiv đã phá vỡ một âm mưu của Nga nhằm ám sát Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

SBU cho biết họ đã phát hiện một mạng lưới đặc vụ từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đang “chuẩn bị ám sát tổng thống Ukraine” và các quan chức cao cấp khác của Ukraine.

“Các gián điệp đã bị bắt giữ và các nhà điều tra của SBU đã phá vỡ kế hoạch của FSB nhằm loại bỏ tổng thống Ukraine và các đại diện khác của giới lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu của nhà nước”, Thiếu Tướng Vasyl Malyuk cho biết như trên.

Vụ ám sát lần này được kể là nỗ lực ám sát nghiêm trọng nhất cho đến nay. Ít nhất 2 Đại Tá của lực lượng phòng vệ Phủ Tổng thống Ukraine đã bị bắt giữ.

Ông cho biết phương sách Putin luôn luôn nghĩ đến đầu tiên là ám sát, dù đối phương là người Nga hay không phải người Nga. Trong bối cảnh đó, Zelenskiy đã trở thành mục tiêu vô số lần kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào nước này vào tháng 2 năm 2022. Nhà lãnh đạo Ukraine trước đó nói rằng ông không nhớ số lần Mạc Tư Khoa đã cố gắng ám sát ông kể từ sau chiến tranh bắt đầu.

Ngay sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine, vào tháng 5 năm 2022, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak tuyên bố rằng Zelenskiy đã sống sót sau hơn chục nỗ lực nhằm lấy mạng ông.

Nga phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng họ âm mưu loại bỏ Zelenskiy.

Cơ quan an ninh Kyiv cho biết FSB đã chủ mưu kế hoạch ám sát Zelenskiy cũng như Trung Tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, và nhà lãnh đạo SBU, Thiếu Tướng Vasyl Malyuk, “và các quan chức cao cấp khác”..

Thiếu Tướng Vasyl Malyuk cho biết: “Họ định thanh lý nhà lãnh đạo HUR, Trung Tướng Kyrylo Budanov, ngay trước lễ Phục sinh.”

Hai đại tá của lực lượng phòng vệ Phủ Tổng Thống, là cơ quan giám sát an ninh của Zelenskiy, đã bị bắt giữ.

SBU cho biết: “Một trong những nhiệm vụ của mạng lưới tình báo FSB là tìm kiếm những cá nhân trong quân đội thân cận với lực lượng an ninh của tổng thống, những người có thể bắt nhà lãnh đạo nhà nước làm con tin và sau đó giết ông”.

Kyiv cho biết vụ ám sát có thể liên quan đến việc sử dụng hỏa tiễn và máy bay không người lái.

“Kế hoạch của đối phương như sau: đầu tiên, đặc vụ được tuyển dụng phải quan sát chuyển động của các quan chức và chuyển thông tin cho đối phương,” và sau đó “lên kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào tọa độ ngôi nhà nơi có các quan chức mà người Nga dự định ám sát.”

“Sau đó, họ sẽ tấn công những người còn ở lại khu vực bị ảnh hưởng bằng máy bay không người lái. Người Nga cũng đã lên kế hoạch tấn công bằng một hỏa tiễn khác, bao gồm cả việc phá hủy dấu vết sử dụng máy bay không người lái. Những kẻ phản bội sẽ phải thanh toán những người sống sót.”

Trong âm mưu ám sát của Nga, hai Đại Tá phản bội chịu trách nhiệm bắt giữ Tổng thống, nếu ông sống sót sau các vụ không kích và giết ông.

Tổng thống Zelenskiy thường xuyên viếng thăm các tiền đồn. Âm mưu ám sát của Nga được cho là sẽ diễn ra trong một dịp như thế. Lần cuối cùng, Tổng thống Zelenskiy thăm một tiền đồn là vào ngày 19 Tháng Tư, khi ông đến thăm thị trấn Chasiv Yar. Ông đã tạm dừng các chuyến viếng thăm kể từ đó theo lời khuyên của các cơ quan phản gián Ukraine.

Tướng Malyuk cho biết ông đích thân giám sát hoạt động vạch trần âm mưu ám sát và thề sẽ trừng phạt “mọi kẻ phản bội”.

“Chỉ một nhóm nhỏ được biết về hoạt động đặc biệt của chúng tôi và cá nhân tôi đã kiểm soát hoạt động phản gián này. Cuộc tấn công vốn được cho là món quà nhậm chức dành cho Putin, thực tế lại là một thất bại của cơ quan tình báo Nga”, ông nói.

“Nhưng chúng ta không được quên—đối phương rất mạnh và giàu kinh nghiệm, không thể coi thường hắn. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc một cách chủ động để mọi kẻ phản bội đều nhận được công lý mà họ xứng đáng nhận được”, Tướng Malyuk nói thêm.

Các bị cáo đã bị giam giữ vì nghi ngờ phạm tội phản quốc theo thiết quân luật và chuẩn bị cho một cuộc tấn công khủng bố. SBU cho biết họ phải đối mặt với án tù chung thân.

2. Âm mưu ám sát Tổng thống Zelenskiy và Trung Tướng Kyrylo Budanov ngay trước lễ Phục sinh Chính Thống Giáo bị bại lộ

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine war latest: 2 Ukrainian colonels detained in Russia's plot to assassinate Zelenskiy, SBU says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Cơ quan An ninh Ukraine ngày 7 Tháng Năm tuyên bố đã phát hiện mạng lưới đặc vụ của cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, chuẩn bị ám sát Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và các quan chức cao cấp khác ở Ukraine.

Hai đại tá của lực lượng Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, gọi tắt là UDO, bị cáo buộc tiết lộ thông tin mật cho Nga đã bị bắt giữ.

Vào cuối tháng 11, Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Sun rằng ông đã sống sót sau ít nhất 5 vụ ám sát kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện ở Nga.

Theo SBU, mạng lưới FSB đã giành nhiều thời gian để tìm ra 2 viên Đại Tá trong UDO thân cận với lực lượng an ninh của Zelenskiy, “những kẻ có thể bắt nhà lãnh đạo nhà nước làm con tin và sau đó giết ông”.

Theo SBU, cuộc tấn công theo kế hoạch được giám sát bởi Maxim Mishustin, Dmitry Perlin và Alexey Kornev, là những nhà lãnh đạo của cục 5 trong FSB.

Thiếu Tướng Vasyl Maliuk, Giám đốc SBU, cho biết: “Vụ tấn công khủng bố, được cho là một món quà dành cho Putin nhân lễ nhậm chức của ông ta, hóa ra là một thất bại của Cơ quan Mật vụ Nga”.

Các mục tiêu khác của Nga được cho là bao gồm chính Tướng Maliuk, và Trung Tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR.

Theo SBU, vụ ám sát Budanov được cho là đã lên kế hoạch thực hiện trước Lễ Phục sinh của Chính thống giáo, được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 vừa qua. Một đặc vụ Nga được cho là sẽ theo dõi hành tung của Budanov và chuyển thông tin cho Nga. Một trong hai viên đại tá của UDO được cho là đã cung cấp cho đặc vụ FSB máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, đầu đạn cho bệ phóng di động và mìn sát thương.

Kế hoạch được cho là tấn công một ngôi nhà nơi nhà lãnh đạo HUR được cho là đang ở bằng một hỏa tiễn, sau đó tấn công những người còn lại tại địa điểm bằng máy bay không người lái. SBU cho biết sau đó sẽ có một cuộc tấn công hỏa tiễn khác để loại bỏ bằng chứng về một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Vào đầu tháng Tư, SBU báo cáo rằng một hoạt động chung của các cơ quan thực thi pháp luật Ukraine và Ba Lan đã dẫn đến việc bắt giữ một công dân Ba Lan, người được cho là đã đề nghị với Nga để ám sát Zelenskiy.

Tổng thống Zelenskiy đã từng bị ám sát nhiều lần. Tuy nhiên, lần này được kể là nghiêm trọng nhất vì nó liên quan đến các sĩ quan cao cấp có nhiệm vụ bảo vệ cho ông.

3. Nga cảnh báo F-16 của Ukraine sẽ bị coi là mối đe dọa hạt nhân

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Warns Ukraine's F-16s Will Be Treated as Nuclear Threats”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Chính phủ Nga đang cảnh báo Ukraine rằng phi đội chiến đấu cơ F-16 mới của Kyiv sẽ bị coi là mối đe dọa “có khả năng hạt nhân”.

Quân đội Ukraine tuần trước cho biết họ sẽ bắt đầu vận hành các máy bay phản lực do Mỹ sản xuất vào ngày 5 Tháng Năm. Phát ngôn nhân của Lực lượng Không quân Ukraine Ilya Yevlash cho biết các máy bay sẽ sẵn sàng chiến đấu sau Lễ Phục sinh của Chính thống giáo, vào hôm Chúa Nhật 5 Tháng Năm.

Những chiếc F-16 do các đồng minh phương Tây bao gồm Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ cung cấp sẽ là một sự nâng cấp rất cần thiết cho phi đội máy bay già cỗi của Ukraine, phần lớn do Liên Xô sản xuất, đã bị hư hỏng và cạn kiệt sau hơn hai năm chiến đấu.

Mặc dù F-16 có thể chứa một số vũ khí hạt nhân với cấu hình phù hợp, Ukraine không có kho vũ khí hạt nhân và không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ đồng minh nào sở hữu vũ khí hạt nhân có ý định chia sẻ chúng với Kyiv.

Dù vậy, Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo Ukraine trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng nước này “không thể bỏ qua” khả năng các máy bay này có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Nga cũng tuyên bố rằng sự xuất hiện của F-16 là một “sự khiêu khích có chủ đích” của “Mỹ và NATO”, mặc dù cả hai đều chưa cung cấp máy bay cho Ukraine.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Chúng tôi không thể bỏ qua thực tế rằng những chiếc máy bay này là nền tảng có mục đích kép, có thể được sử dụng cho cả nhiệm vụ hạt nhân và phi hạt nhân”.

“Bất kể sửa đổi nào của máy bay được cung cấp cho Ukraine, chúng tôi sẽ coi chúng là có khả năng hạt nhân và chúng tôi sẽ coi bước đi này của Hoa Kỳ và NATO là một sự khiêu khích có mục đích”.

Tuyên bố của Bộ tiếp tục cảnh báo rằng “chế độ ở Kyiv và các nhà tài trợ phương Tây nên nhận ra rằng những bước đi liều lĩnh của họ đang đưa tình hình đến gần hơn đến mức nó sẽ đạt đến ‘khối lượng tới hạn’ và bùng nổ.”

Chính phủ Nga lập luận rằng việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị quân đội NATO can thiệp vào cuộc chiến Nga-Ukraine có nghĩa là phương Tây đang “cố tình biến cuộc khủng hoảng Ukraine thành một cuộc đụng độ quân sự công khai giữa các nước NATO và Nga”, theo hãng thông tấn Sputnik.

Gần như tất cả các đồng minh NATO khác, bao gồm cả Mỹ, đã bác bỏ ý tưởng gửi quân tới Ukraine để có thể tham chiến. Tổng thống Joe Biden cho biết trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hồi tháng 3 rằng “không có lính Mỹ nào tham chiến ở Ukraine và tôi quyết tâm giữ nguyên điều đó”.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga cảnh báo F-16 sẽ bị coi là mối đe dọa hạt nhân một khi loại chiến đấu cơ này hoạt động ở Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov liên tục đưa ra nhận xét tương tự sau khi có thông báo rằng Kyiv sẽ nhận được các máy bay phản lực này vào năm ngoái.

“Bất kỳ máy bay nào cũng thực sự có khả năng mang vũ khí hạt nhân, không nhất thiết là F-16”, cựu sinh viên Trường Vũ khí Không quân Hoa Kỳ và cựu phi công F-16 Christopher Stewart cho biết trong bình luận năm ngoái với The Kyiv Post, nơi Stewart cũng làm biên tập viên. “Khinh khí cầu và nhiều thứ khác đều có khả năng mang vũ khí hạt nhân.”

4. Phải chăng Chechnya đang chuẩn bị cho ngày Kadyrov qua đời - và điều gì có thể xảy ra tiếp theo?

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Is Chechnya preparing for Kadyrov's demise — and what could come next?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Báo cáo mới một lần nữa đưa vấn đề sức khỏe của lãnh chúa Chechen lên hàng đầu. Nhưng có những dấu hiệu khác, tinh vi hơn, cho thấy nền cộng hòa có thể đang chuẩn bị cho một sự thay đổi chế độ.

Lãnh chúa Chechnya Ramzan Kadyrov đã quen với việc suy đoán về cái chết sắp xảy ra của mình. Các chuyên gia đã thảo luận về tình trạng sức khỏe không tốt của người đàn ông 47 tuổi kể từ tháng 9 khi nhà lãnh đạo Chechnya biến mất khỏi tầm mắt công chúng, và những tin đồn bắt đầu lan truyền rằng tình trạng sức khoẻ của ông ngày càng nghiêm trọng.

Trong nhiều tháng kể từ khi ngoại hình của Kadyrov thay đổi, mặt ông có vẻ sưng tấy và đôi khi nói ngọng. Hãng tin Nga Novaya Gazeta Europe đưa tin Kadyrov đang bị viêm tụy hoại tử.

Novaya Gazeta Europe viết rằng vị lãnh chúa này đã được chẩn đoán mắc phải tình trạng bệnh xảy ra khi tuyến tụy của một người bắt đầu chết vào năm 2019. Đến năm 2022, Kadyrov phải vật lộn với cả bệnh suy thận và tình trạng tích tụ dịch trong phổi.

Cơ quan truyền thông này cũng báo cáo rằng Điện Cẩm Linh đang tìm kiếm người kế nhiệm.

Các quan chức Chechnya đã nhanh chóng xua tan tin đồn. Một đoạn clip hậu trường về nội các chiến tranh của Kadyrov xuất hiện trên mạng xã hội vài giờ sau khi bản tin của Novaya Gazeta Europe được phát trực tiếp, dường như để cho thấy một nhà lãnh đạo sôi nổi đang tập hợp các tướng lĩnh của mình.

Vở kịch nhanh chóng phản tác dụng.

Đoạn clip họp nội các cho thấy Kadyrov hầu như không cử động và lẩm bẩm một giọng đều đều lan man. Đoạn clip thứ hai, lần này quay cảnh Kadyrov tại một phòng tập thể dục, đã gây chú ý quốc tế nhưng dường như không thuyết phục được nhiều về sức khỏe của nhà lãnh đạo Chechnya.

Hầu hết đều không nghi ngờ gì về việc Ramzan Kadyrov không khỏe. Nhưng điều này không tự động có nghĩa là lãnh chúa sẽ chết trong một tương lai gần.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy động lực quyền lực đang thay đổi bên trong Cộng hòa Chechnya: người ta tính toán đặt nền móng cho mọi chuyện khi Ramzan qua đời hay bắt đầu ngay bây giờ để cho phép anh ta đảm nhận vai trò ít tích cực hơn trong công việc quản lý hàng ngày.

Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất trong bối cảnh chính trị Chechnya là vai trò ngày càng tăng của các con trai cả của Kadyrov: Akhmat 18 tuổi và Adam Kadyrov 16 tuổi.

Vào tháng 2 năm 2024, Akhmat nhận được chức vụ cấp bộ trưởng đầu tiên với tư cách là bộ trưởng thanh niên và thể thao của Chechnya, một công việc được giao cho anh ta sau chưa đầy hai năm lãnh đạo phong trào thanh niên do nhà nước hậu thuẫn trong khu vực. Akhmat cũng đã gặp Putin trong một cuộc gặp riêng rất bất thường khi anh ta mới 17 tuổi. Các phương tiện truyền thông Nga đưa tin rằng chàng thiếu niên đã kết hôn ngay sau đó - một động thái có thể giúp gia đình Kadyrov củng cố liên minh.

Trong khi đó, Adam được bổ nhiệm làm vệ sĩ cho cha mình vào tháng 11 năm 2023 và được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng một trung tâm huấn luyện cho lực lượng đặc biệt Chechen vào cuối tháng 4. Trung tâm huấn luyện này được đặt tên là Vladimir Putin.

Trước đây, cậu thiếu niên này nổi tiếng với việc bị camera ghi hình khi đánh một tù nhân không có vũ khí bị buộc tội đốt Kinh Qur'an.

Ở một mức độ nhất định, đây là một sự chuyển đổi được mong đợi. Ramzan Kadyrov kế thừa một cách hiệu quả vai trò nhà lãnh đạo Chechnya từ chính cha mình; không có gì ngạc nhiên khi anh ta bắt đầu chuẩn bị chu đáo cho các con của mình để chúng có thể có được vị trí tương tự khi trưởng thành. Tuy nhiên, tốc độ diễn ra của những thay đổi này là đáng chú ý.

5. Lễ nhậm chức của Putin sẽ khởi động cuộc cải tổ Điện Cẩm Linh

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin’s inauguration set to kickstart Kremlin reshuffle”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Lễ nhậm chức của Vladimir Putin vào thứ Ba sẽ trông giống như một ngày nhàm chán mà ai cũng biết điều gì sẽ xảy ra, khi người đàn ông mạnh mẽ 71 tuổi bước xuống thảm đỏ của Cung điện Cẩm Linh để nhận hoa và những tràng pháo tay cho lần đăng quang tổng thống thứ năm. Nhưng những gì xảy ra tiếp theo ít chắc chắn hơn nhiều.

Truyền thống và luật pháp Nga quy định rằng lễ tuyên thệ của một tổng thống mới sẽ gây ra một cuộc cải tổ chính phủ, điều này có thể làm sáng tỏ tâm trạng hiếm khi có thể đoán được của Putin trước một nhiệm kỳ sáu năm nữa.

Với cuộc chiến của Nga với Ukraine đã bước sang năm thứ ba, Putin không có dấu hiệu muốn đi chệch khỏi con đường hủy diệt Kyiv, đàn áp trong nước và đối kháng với phương Tây hiện nay.

Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty phân tích chính trị Russia Politik, cho biết: “Mục tiêu tối quan trọng của Putin là sản xuất nhiều vũ khí hơn, giữ cho nền kinh tế ổn định, bảo vệ nó khỏi các biện pháp trừng phạt và lạm phát”.

“Chúng ta không nên mong đợi một sự xem xét lại chính sách đó.”

Nhưng mức độ mà Putin cải tổ đội ngũ những người được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình nghị sự đó sẽ cho thấy một cái nhìn sâu sắc về việc ông sẵn sàng từ bỏ những thói quen cũ như thế nào để bảo đảm tương lai chế độ của mình.

Theo Nikolai Petrov, một nhà tư vấn tại Chatham House, theo truyền thống, Putin đã sử dụng hai mô hình quản trị.

Một mặt, ông dựa vào đội ngũ bảo vệ cũ gồm những người bạn và người quen đáng tin cậy, chẳng hạn như Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov, những người đã giữ chức vụ của họ trong hai thập niên.

Mặt khác, ông đã dựa vào các nhà chuyên môn trung thành như Thủ tướng Mikhail Mishustin và Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina để giữ cho nền kinh tế đất nước phát triển.

Nhưng cách làm đó dường như ngày càng không thể đứng vững được, khi một số tay sai thân tín nhất của Putin đã ngấp nghé hoặc đã ở tuổi bảy mươi.

Trong số đó có ông Lavrov, 74 tuổi và Shoigu, 68 tuổi, cũng như những nhân vật diều hâu về an ninh hàng đầu của đất nước Alexander Bortnikov, 72 tuổi, Sergei Naryshkin, 69 tuổi và Alexander Bastrykin, 70 tuổi.

Petrov nói: “Đã đến lúc thế hệ của Putin phải rời sân khấu, nhưng những người thay thế họ vẫn chưa sẵn sàng. “Hệ thống đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng và chúng ta sẽ xem nó có thể giải quyết nó ở mức độ nào hoặc liệu nócó gây ra đình trệ theo thời gian hay không.”

Nhà phân tích chính trị Abbas Gallyamov đồng tình: “Nếu Putin muốn duy trì hệ thống của mình, ông ấy cần phải thay đổi nó”.

Ông chỉ ra vụ bắt giữ gây sốc gần đây Thứ trưởng Quốc phòng Timur Ivanov vì tội nhận hối lộ, được nhiều người coi là một cuộc tấn công vào Shoigu, như một tín hiệu có thể Putin đang chuẩn bị “làm rung chuyển nền tảng của hệ thống”.

Đó sẽ là một bước khởi đầu lớn so với cách làm cũ - điều đã cho phép Shoigu giữ chức vụ chỉ huy quốc phòng hàng đầu bất chấp tiến triển chậm chạp ở Ukraine và âm mưu nổi loạn đầy tai tiếng của thủ lĩnh lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin.

Trong những năm qua, Điện Cẩm Linh thường chọn những ứng cử viên được coi là dễ kiểm soát; hơn là nhất thiết phải đủ tiêu chuẩn cho công việc của họ, thu hút những tân binh trong số các cựu vệ sĩ của Putin hoặc những người họ hàng trẻ tuổi của những người trong vòng thân cận của Putin.

Trong bối cảnh đó, Dmitry Patrushev, bộ trưởng nông nghiệp đương nhiệm và là con trai của Thư ký Hội đồng Bảo an Nikolai Patrushev, 72 tuổi, đã được coi là người có thể được thăng chức trong cuộc cải tổ sắp tới của Putin.

Điều đó có nghĩa là một chiến thắng dành cho khối thực thi pháp luật diều hâu của Nga, Gallyamov nói.

Nhưng Petrov của Chatham House nói thêm rằng việc bổ nhiệm như vậy cũng là một cách để Putin “kiểm soát” cha mẹ họ.

Nhà phân tích chính trị Stanovaya cho biết những điều bất ngờ cũng có thể xảy ra khi những “diều hâu trẻ” chưa được biết đến có nền tảng quân sự ở Ukraine được bổ nhiệm vào các vị trí chính trị.

Bà nói: “Putin đã tuyên bố công khai rằng ông coi họ là tầng lớp thượng lưu thực sự, những người sẽ phải thay thế tầng lớp thượng lưu hiện tại theo thời gian.

Bà dự đoán, bất kỳ thay đổi nào Putin sẽ thực hiện có thể sẽ bị hạn chế và nhanh chóng, nhằm “bảo đảm rằng các quan chức cao cấp sẽ tiếp tục làm việc liền mạch, không bị gián đoạn”.

Cuộc bầu cử tháng 3 - chứng kiến Putin giành được kỷ lục 87% sự ủng hộ của người Nga - đã bị nhiều người lên án là bất hợp pháp ở phương Tây, với việc Nghị viện Âu Châu vào tháng 4 đã thông qua một nghị quyết tố cáo cuộc bỏ phiếu là “giả tạo”.

Một số quốc gia đã công khai tuyên bố sẽ không cử phái viên đến dự lễ nhậm chức của ông Putin, bao gồm Đức, các nước vùng Baltic, Cộng hòa Tiệp và Armenia.

Tuy nhiên, đáng chú ý là Reuters hôm thứ Hai đưa tin rằng Pháp sẽ cử đại sứ của mình tới, theo một nguồn tin ngoại giao Pháp.

6. Ukraine muốn sử dụng tiền của Liên Hiệp Âu Châu để phát triển tổ hợp công nghiệp quân sự

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine wants to use EU money to grow its military-industrial complex”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các nước Liên Hiệp Âu Châu nên sử dụng tiền từ khối để đặt hàng vũ khí với các công ty Ukraine, sau đó có thể được sử dụng để cung cấp cho Kyiv, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Oleksandr Kamyshin nói với POLITICO.

Kamishin đã phát biểu trong Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu-Ukraine hôm thứ Hai tại Brussels, được thiết kế để tăng cường hỗ trợ cho ngành công nghiệp vũ khí của Ukraine.

Ông lập luận rằng việc mua vũ khí và đạn dược cho Ukraine từ các công ty Ukraine là “cách tốt nhất, nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giúp chúng tôi ở tuyến đầu”.

Ý tưởng tương tự cũng được nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell đưa ra.

Borrell nói trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn: “Chúng ta phải sáng tạo hơn và khám phá những cách thức mới để cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine”. “Mua thiết bị từ các công ty Ukraine hoặc từ các liên doanh của Âu Châu và Ukraine được thành lập ở Ukraine là một lựa chọn mà chúng tôi sẽ xem xét.”

Ukraine trong lịch sử có ngành công nghiệp vũ khí định hướng xuất khẩu lớn, và dưới áp lực của cuộc chiến tranh sinh tồn chống lại Nga hiện đang tự sản xuất hàng loạt vũ khí các loại. Việc sản xuất vũ khí trong nước cũng giải phóng Kyiv khỏi áp lực chính trị và sự chậm trễ liên quan đến việc phụ thuộc vào các đồng minh của mình về mọi thứ, từ đạn pháo đến vũ khí tiên tiến như hỏa tiễn và máy bay không người lái.

Tuy nhiên, chính phủ đang thiếu tiền mặt, không có đủ tiền để ký hợp đồng mua sắm với các công ty vũ khí của chính mình.

Thực tế đó đã dẫn đến một ý tưởng - yêu cầu các đồng minh của Ukraine mua vũ khí từ các công ty Ukraine và sau đó tặng chúng cho Kyiv, qua đó vừa trang bị vũ khí cho Ukraine vừa phát triển tổ hợp công nghiệp quân sự độc lập của nước này.

Kamyshin phát biểu tại diễn đàn rằng “khoảng cách giữa năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi và số tiền dành cho việc mua sắm vũ khí lên tới 10 tỷ Mỹ Kim trong năm nay”.

Kamyshin cho biết ngành công nghiệp vũ khí của nước ông có thể sản xuất số vũ khí trị giá khoảng 20 tỷ Mỹ Kim. Chính phủ Ukraine có kế hoạch phát hành các hợp đồng trị giá 6 tỷ Mỹ Kim, trong khi 4 tỷ Mỹ Kim khác sẽ đến từ các đối tác địa phương; Các đồng minh của Ukraine có thể cung cấp 10 tỷ Mỹ Kim còn thiếu.

Đan Mạch đang dẫn đầu khi tuyên bố vào tháng trước rằng họ sẽ phân bổ 200 triệu krone (27 triệu euro) để mua bộ dụng cụ từ các doanh nghiệp Ukraine. Canada cũng hứa sẽ tài trợ 3 triệu đô la Canada hay 1,1 triệu euro cho Ukraine để ngành công nghiệp quốc phòng trong nước Ukraine sản xuất máy bay không người lái.

Bây giờ ý tưởng là mở rộng những nỗ lực đó bằng cách khai thác thêm tiền viện trợ để Ukraine ký hợp đồng mua sắm.

“Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tìm kiếm nguồn tài trợ bổ sung cho lực lượng quốc phòng ở Ukraine. Nhiệm vụ của tôi là huy động nguồn tài chính này để sản xuất ở Ukraine vì chúng tôi đã có đủ năng lực”, Kamyshin nói. “Chúng tôi muốn có thêm năng lực; và chúng tôi muốn chúng được tài trợ bằng chi phí của các quỹ Âu Châu.”

Kamyshin cho biết ông đã thảo luận với Borrell về ý tưởng sử dụng Quỹ Hòa bình Âu Châu của Liên Hiệp Âu Châu, một quỹ ngoài ngân sách hoàn trả một phần cho các quốc gia số vũ khí mà họ gửi đến Ukraine. Liên Hiệp Âu Châu gần đây đã đồng ý cung cấp cho Quỹ hỗ trợ Ukraine của Tổ chức Hòa bình 5 tỷ euro trong năm nay và dự kiến sẽ bơm thêm tiền mặt hàng năm cho đến năm 2027.

Kamyshin cho biết bên lề hội nghị với sự tham dự của khoảng 40 công ty từ Ukraine và khoảng 100 công ty từ Liên Hiệp Âu Châu: “Đó là ngắn hạn, đó là một giải pháp nhanh chóng và có thể thực sự là một giải pháp tốt”.

Lựa chọn thứ hai là sử dụng lợi nhuận bất ngờ từ hàng tỷ tài sản Nga bị phong tỏa ở Liên Hiệp Âu Châu. Kamyshin ước tính điều đó có thể tạo ra tới 3 tỷ euro mỗi năm, “và điều đó cũng có thể hiệu quả. “

Lựa chọn thứ ba, dài hạn hơn có thể là sử dụng Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng Âu Châu, vốn cung cấp 1,5 tỷ euro từ ngân sách Liên Hiệp Âu Châu trong giai đoạn 2025-2027, để tăng cường tính sẵn có và cung cấp các sản phẩm quốc phòng cũng như tăng cường hợp tác với Ukraine.

Kamyshin cho biết, các công ty Âu Châu sau đó sẽ có động cơ hợp tác với các đối tác Ukraine và thử nghiệm vũ khí của họ “ở loại tốt nhất trên chiến trường”.

7. Yermak: Ukraine đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận an ninh với Mỹ vào tháng 5

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Yermak: Ukraine aims to finalize security agreement with US in May”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Văn phòng Tổng thống đưa tin, một phái đoàn Ukraine do Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak dẫn đầu đã tổ chức vòng đàm phán thứ tư với Mỹ về thỏa thuận an ninh song phương trong tương lai vào ngày 6 Tháng Năm.

Cho đến nay, hơn 30 quốc gia đã tham gia Tuyên bố chung về hỗ trợ Ukraine của Nhóm G7. Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Ý, Canada, Hà Lan, Phần Lan và Latvia đã ký các thỏa thuận song phương với Kyiv.

Ukraine đang chuẩn bị các thỏa thuận an ninh song phương với 7 quốc gia nữa, trong đó có Mỹ, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết.

Yermak cho biết, trong các cuộc đàm phán mới nhất, Kyiv và Washington đã thảo luận về những điều khoản “cơ bản nhất”, cách diễn đạt một số vấn đề và đạt được “tiến bộ rõ ràng” trong việc đồng thanh về nội dung của tài liệu.

Yermak nói: “Chúng ta cần đẩy nhanh quá trình hoàn tất thỏa thuận an ninh song phương trong tháng này”.

Các thành viên G7 đã trình bày kế hoạch của họ về các cam kết an ninh lâu dài cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào đầu tháng 7 năm ngoái.

Theo kế hoạch này, từng quốc gia sẽ cung cấp hỗ trợ song phương để giúp Kyiv đẩy lùi cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga và ngăn chặn bất kỳ hành động xâm lược nào trong tương lai.

Các bảo đảm an ninh sẽ đòi hỏi những nghĩa vụ rõ ràng và lâu dài, đồng thời củng cố khả năng của Ukraine để chống lại sự xâm lược của Nga. Các bảo đảm cũng sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt, hỗ trợ tài chính và tái thiết sau chiến tranh.

8. Lính Mỹ tới Nga, bị bắt vì nghi trộm cắp

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US soldier travels to Russia, arrested on suspicion of theft”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một binh sĩ Mỹ tự ý tới Nga đã bị bắt vì tình nghi trộm cắp và đang bị tạm giam trước khi xét xử, các quan chức ở Washington cho biết hôm 6 Tháng Năm.

Viên Trung sĩ vừa bị Nga bắt đã đóng quân ở Nam Hàn. CNN dẫn lời phát ngôn nhân quân đội Mỹ Cynthia Smith cho biết ông này đã bị giam giữ tại Vladivostok vào ngày 2 Tháng Năm vì “các cáo buộc có hành vi sai trái hình sự”.

Nga hiện đang giam giữ một số công dân Mỹ với các cáo buộc được cho là bịa đặt.

Smith cho biết: “Liên bang Nga đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc giam giữ tội phạm theo Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự”.

“Quân đội đã thông báo cho gia đình anh ta và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang cung cấp hỗ trợ lãnh sự phù hợp cho người lính ở Nga. Do tính nhạy cảm của vấn đề này, chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết vào lúc này.”

Trong số những công dân Mỹ cao cấp nhất đang bị Nga bắt giữ có phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal, người đã bị bỏ tù chờ cáo buộc ở Nga gần một năm.

Gershkovich bị bắt tại Yekaterinburg vào cuối tháng 3 năm 2023 khi đang thực hiện một câu chuyện về phương pháp tuyển dụng của nhóm lính đánh thuê Wagner, cũng như quan điểm của công dân Nga về cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Nga cáo buộc ông hoạt động gián điệp, là điều mà cả chính phủ Mỹ và Wall Street Journal đều cực lực phủ nhận.

Hoạt động gián điệp ở Nga có mức án tù tối đa lên tới 20 năm.

9. Tass đưa tin: Belarus tổ chức tập trận hạt nhân chiến thuật cùng với Nga

Theo hãng thông tấn nhà nước TASS, nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko cho biết Belarus sẽ tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật cùng với Nga.

Belarus muốn bắt đầu kiểm tra mức độ sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của quân đội, đồng thời với cuộc tập trận do Nga tiến hành. Lukashenko nói.

Nga hôm thứ Hai cho biết họ sẽ thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật như một phần của cuộc tập trận sau những gì Mạc Tư Khoa cho là mối đe dọa từ Pháp, Anh và Mỹ.

Lukashenko hồi tháng 4 cho biết “vài chục” vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga đã được triển khai tại Belarus theo một thỏa thuận được ông và Tổng thống Vladimir Putin công bố vào năm ngoái.

10. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk kêu gọi gia tăng khả năng phòng thủ của Liên Hiệp Âu Châu

Reuters đưa tin Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói rằng để Âu Châu tránh được xung đột và được an toàn, Liên Hiệp Âu Châu phải tăng cường khả năng phòng thủ, đồng thời ông lặp lại lời kêu gọi xây dựng một hệ thống phòng không chung của Âu Châu.

Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Ba Lan đang tăng cường khả năng phòng thủ, phân bổ hơn 4% Tổng sản phẩm quốc nội.

Phát biểu tại Đại hội Kinh tế Âu Châu, cuộc họp của các chính trị gia và doanh nhân ở Katowice, ông Tusk cho biết các nước Liên Hiệp Âu Châu nên có hành động chung để tăng chi tiêu quốc phòng ít nhất 100 tỷ euro hay 107 tỷ Mỹ Kim.

Ông nói: “Âu Châu phải chuẩn bị trong khoảng hơn chục tháng tới và trong suốt 5 năm tới cho một tình huống mà không cường quốc nào trên thế giới dám ra tay chống lại nó”.

“Số tiền lớn sẽ đưa cuộc chiến ra khỏi biên giới Âu Châu trong một thời gian dài, có lẽ là vĩnh viễn.”

Hệ thống phòng không chung “phải trở thành một dự án của Âu Châu và sẽ là một nỗ lực tài chính để xây dựng một mái vòm trên khắp Âu Châu”. “Chúng ta có nhiều sáng kiến và cuộc họp hơn là những hành động thực sự để bảo vệ bầu trời Âu Châu.”

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, người tham dự đại hội, cũng cho biết Âu Châu phải chi nhiều hơn cho quốc phòng, đồng thời tuyên bố rằng nếu bà tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa, bà sẽ đề xuất các dự án quốc phòng mới.

Bà đã thúc đẩy một đề xuất đã được công bố trước đó về việc thành lập một ủy viên quốc phòng toàn thời gian của Liên Hiệp Âu Châu, người sẽ giúp hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Âu Châu.
 
Nga thương tiếc phi hành đoàn 2 chiếc SU-34 vừa nổ tung. Tuyên bố của Zelenskiy sau âm mưu ám sát
VietCatholic Media
15:01 08/05/2024


1. Nga thông báo mất hai chiến đấu cơ chỉ sau 72 giờ

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Rues Loss of Two Combat Planes in Just 72 Hours”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo báo cáo, lực lượng Mạc Tư Khoa đang chiến đấu ở Ukraine đã mất hai chiến đấu cơ chỉ trong vòng 72 giờ.

Kênh Telegram Fighterbomber, có liên kết với Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, đã đưa tin về vụ mất tích một máy bay Su-34 của Nga và cái chết của các thành viên phi hành đoàn vào cuối ngày thứ Hai. “Zhenia và Volodia. Phi hành đoàn giàu kinh nghiệm, được huấn luyện, chiến đấu. Họ chết trong trận chiến, chết như những chiến đấu cơ”, kênh này viết.

Lực lượng không quân Nga đã chịu tổn thất nặng nề trong suốt cuộc chiến ở Ukraine. Bộ Quốc phòng Ukraine hồi tháng 2 cho biết quân đội nước này đã bắn hạ 6 chiến đấu cơ của Nga chỉ trong vòng 3 ngày.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu qua video hàng đêm trước cả nước hôm thứ Bảy rằng Lữ đoàn cơ giới độc lập số 110 của Ukraine đã bắn hạ “một chiếc Su-25 khác của Nga” ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine vào đầu ngày hôm đó.

“Làm tốt lắm các bạn!” Zelenskiy nói thêm mà không giải thích thêm.

Vào tháng 4, nhà lãnh đạo Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ, Tướng Christopher Cavoli, nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng Mạc Tư Khoa đã mất khoảng 10% phi đội máy bay của mình trong cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Trang web phân tích tình báo quốc phòng nguồn mở Oryx của Hà Lan đã xác nhận trực quan rằng 100 máy bay Nga đã bị phá hủy và 9 chiếc bị hư hại kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện ở Ukraine.

Oryx cũng xác nhận trực quan rằng 83 máy bay Ukraine đã bị phá hủy kể từ đầu cuộc chiến, trong đó có 2 chiếc bị hư hại và 1 chiếc bị bắt.

Quân đội Kyiv cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Ba rằng Mạc Tư Khoa đã mất 349 máy bay kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine đăng số liệu về tổn thất quân đội và trang thiết bị của Nga như một phần cập nhật hàng ngày về cuộc chiến. Họ cũng cho biết Nga đã mất 1.160 quân chỉ trong vòg một ngày - nâng tổng số lên 476.406.

Vào tháng Giêng, Bộ Quốc phòng Anh cho biết thành công của Ukraine trong việc bắn hạ máy bay Nga trong cuộc chiến cho thấy Nga không có khả năng đạt được ưu thế trên không trong cuộc xung đột.

2. Putin là 'Đức Quốc xã', Zelenskiy nói khi Nga tăng cường tấn công vào lưới điện trước Ngày Chiến thắng

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin’s a ‘Nazi,’ Zelenskiy says as Russia intensifies attacks on energy grid ahead of Victory Day”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vào sáng sớm thứ Tư, khi Điện Cẩm Linh chuẩn bị kỷ niệm ngày lễ Ngày Chiến thắng 9 tháng 5, theo truyền thống đánh dấu chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã, nhưng gần đây đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến ở Ukraine.

Lực lượng Không quân Ukraine cho biết đã bắn hạ 39 trong số 55 hỏa tiễn bắn vào một số khu vực của nước này và 20 trong số 21 máy bay không người lái Shahed do lực lượng của Putin phóng đi.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư: “Nhân dịp tưởng nhớ chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến thứ hai, Đức Quốc xã Putin đã phát động một cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn vào Ukraine”. “Cả thế giới phải hiểu ai là ai. Thế giới không được tạo cơ hội cho chủ nghĩa Quốc xã mới.”

Trong nhiều thập niên, cuộc duyệt binh hàng năm vào ngày 9 tháng 5 ở Mạc Tư Khoa không hẳn là một lễ tưởng niệm chiến thắng trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai mà là một màn trình diễn sức mạnh và quyền lực được dàn dựng cẩn thận. Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022, Điện Cẩm Linh đã tăng cường các cuộc tấn công vào Ukraine trước Ngày Chiến thắng để hỗ trợ các nỗ lực tuyên truyền của nước này - tìm cách mang lại cho Putin điều gì đó để tự hào trong bài phát biểu hàng năm của ông trên Quảng trường Đỏ.

Năm nay, lực lượng Nga được lệnh đánh chiếm thành phố chiến lược Chasiv Yar của Ukraine ở khu vực Donetsk trước ngày 9 Tháng Năm. Trong khi vẫn chưa thành công trong nhiệm vụ đó, người Nga đã lợi dụng tình trạng Ukraine thiếu vũ khí và cạn kiệt quân số để nhanh chóng giành được quyền kiểm soát lãnh thổ, nắm quyền kiểm soát một số thị trấn nhỏ ở khu vực Donetsk.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết các cuộc tấn công hôm thứ Tư chủ yếu nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự, nhắm vào các cơ sở sản xuất điện và truyền tải điện ở các vùng Poltava, Kirovohrad, Zaporizhzhia, Lviv, Ivano-Frankivsk và Vinnytsia.

Galushchenko nói: “Đối phương muốn tước đi khả năng sản xuất và truyền tải điện đầy đủ của chúng ta”, đồng thời kêu gọi người Ukraine hạn chế sử dụng năng lượng, đặc biệt là trong thời gian cao điểm buổi sáng và buổi tối. “Đây là sự đóng góp của mỗi chúng ta vào chiến thắng. Ánh sáng sẽ chiếm ưu thế”, Bộ trưởng nói thêm.

Công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine DTEK báo cáo các cuộc tấn công đã làm hư hỏng nghiêm trọng thiết bị tại ba nhà máy điện của họ chỉ trong một đêm. Công ty cho biết trong một tuyên bố: “Đây đã là vụ pháo kích lớn thứ năm vào các cơ sở năng lượng của công ty trong một tháng rưỡi qua”.

3. Ukraine phải đối mặt với trận chiến 'quan trọng' tại Chasiv Yar

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Faces 'Crucial' Battle for Chasiv Yar”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cuộc giao tranh đang diễn ra xung quanh thành phố Chasiv Yar phía đông Ukraine có thể là một trong những trận chiến then chốt nhất của cuộc chiến, khi các lực lượng của Mạc Tư Khoa nỗ lực giành được những thắng lợi mới trước khi các đơn vị Ukraine có thể nhận được một lượng viện trợ quân sự mới của Mỹ. Gói hàng bị trì hoãn nhiều tháng do những tranh chấp đảng phái ở Washington DC

Theo bản cập nhật chiến trường mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, các lực lượng Nga đã tiếp tục các hoạt động tấn công nhằm vào Chasiv Yar trong những ngày gần đây. Tổ chức nghiên cứu này đã viết vào tháng 3 rằng việc chiếm giữ nó “sẽ mang lại cho các lực lượng Nga những lợi ích hoạt động hạn chế nhưng không đáng kể nếu họ có thể đạt được điều đó”. Bản đồ chiến trường mới nhất cho thấy Nga đang tiến quân về phía tây và phía bắc Bakhmut.

Chasiv Yar nằm cách Bakhmut sáu dặm về phía tây, thành phố bị phá hủy bởi lực lượng Nga, chiếm được vào tháng 5 năm 2023 sau một cuộc tranh giành tiêu hao đẫm máu và kéo dài nhiều tháng. Khu vực phía đông Donetsk này đã trở thành điểm nóng giao tranh kể từ năm 2014, khi Mạc Tư Khoa chiếm Crimea và kích động cuộc nổi dậy ly khai ở Ukraine.

Thành phố này là một trung tâm quan trọng của Kyiv kể từ năm 2014 và là nơi đặt một bệnh viện quân sự quan trọng và sau đó là trụ sở của Chiến dịch Lực lượng chung chống lại Nga và các lực lượng ủy nhiệm địa phương của nước này.

Bị gần như toàn bộ cư dân trước chiến tranh bỏ rơi, Chasiv Yar là một điểm tập kết quan trọng của lực lượng Ukraine trong cuộc chiến bảo vệ Bakhmut trong bối cảnh cuộc xâm lược toàn diện của Nga từ tháng 2 năm 2022.

Thành phố nằm trên một ngọn đồi với tầm nhìn hướng ra khu vực xung quanh. Việc chiếm được nó sẽ tạo cơ hội cho lực lượng Nga đẩy lùi quân Ukraine khỏi một mỏm lồi lớn ở phía nam, đồng thời đẩy các đơn vị của Kyiv ra xa hơn khỏi các tuyến tiếp tế và liên lạc của Nga trong khu vực Bakhmut rộng lớn hơn.

Thành phố đóng vai trò là cửa ngõ vào các thành phố Kramatorsk và Slovyansk, cả hai đều là mục tiêu chiến lược của lực lượng Mạc Tư Khoa trong nỗ lực chiếm toàn bộ khu vực Donetsk mà Điện Cẩm Linh hiện tuyên bố chủ quyền.

ISW viết: “Việc Nga chiếm giữ Chasiv Yar sẽ có ý nghĩa về mặt chiến thuật hơn so với việc Nga chiếm giữ Avdiivka”, mặc dù nói thêm rằng họ “không dự đoán rằng các lực lượng Nga sẽ nhanh chóng chiếm được Chasiv Yar nếu họ có thể chiếm được nó”.

Dù bằng cách nào, cuộc chiến giành thành phố có thể mang tính quyết định. Nhà phân tích thân Ukraine Radu Hossu đã viết trên X, trước đây gọi là Twitter, rằng chiến thắng của Nga ở Chasiv Yar có thể chứng kiến Mạc Tư Khoa khai thác “người dân phương Tây mệt mỏi vì chiến tranh và căng thẳng chính trị nội bộ của mỗi quốc gia Âu Châu” để tạo áp lực quốc tế cho một “ hòa bình bất công, không công bằng về mặt đạo đức.”

Hossu nói thêm: “Trận chiến giành Chasiv Yar là một phần thiết yếu, gần như quan trọng trong hiệu ứng domino tiềm năng mà chắc chắn không ai trong chúng ta mong muốn”.

Các lực lượng Nga đã nhiều lần giành được các lãnh thổ mới, mặc dù bị tàn phá trong hơn hai năm chiến tranh với số thương vong được các quan chức Mỹ báo cáo lên tới 315.000 người thiệt mạng. Người ta tin rằng Mạc Tư Khoa hiện đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào mùa hè, có lẽ có ý định giáng một đòn đủ mạnh để làm lung lay các cuộc đàm phán hòa bình mới với Kyiv.

Pavel Luzin, một nhà phân tích quân sự Nga và là học giả thỉnh giảng tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, trước đây đã nói với Newsweek rằng “rất khó để nói” liệu quân đội Nga có thể mở rộng nỗ lực hiện tại của họ để có một đợt tấn công lớn hơn vào mùa hè hay không. Luzin nói: “Không có quá nhiều nguồn lực cho một cuộc tấn công lớn hơn.

“Những gì chúng tôi thấy là Nga đang cố gắng bao vây một nhóm quân đáng kể của Ukraine ở Avdiivka, giống hệt như ở Ilovaisk vào tháng 8 năm 2014 và ở Debaltsevo vào tháng 2 năm 2015, nhưng không thể làm được điều này. Có lẽ, Nga sẽ thực hiện một nỗ lực khác theo cách tương tự, bởi vì họ cần vị thế mạnh hơn để có thể đột phá trong cuộc chiến”.

4. Nhà cầm quyền do Nga ủy quyền tuyên bố Ukraine tấn công hỏa tiễn vào kho dầu ở Luhansk bị tạm chiếm

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian proxy claims missile strike on oil depot in occupied Luhansk”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Một kho dầu ở Luhansk bị tạm chiếm đã bị hỏa tiễn ATACMS tấn công, gây ra một trận hỏa hoạn kinh hoàng tại cơ sở này, nhà lãnh đạo khu vực bị tạm chiếm do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm, Leonid Pasechnik, tuyên bố vào ngày 8 tháng 5. Ít nhất 5 nhân viên được cho là bị thương và phải vào bệnh viện.

Pasechnik thông báo trên Telegram rằng vào khoảng 23h35 Thứ Ba, 7 Tháng Năm, theo giờ địa phương rằng kho hàng đã bị tấn công và các đội ứng phó khẩn cấp đang làm việc để khống chế đám cháy.

Pasechnik sau đó đưa tin rằng 5 nhân viên của kho dầu bị thương và phải vào bệnh viện, đường dây điện bị hư hỏng, những ngôi nhà ở khu vực gần đó bị mất điện một phần và đường ống dẫn khí cao áp bốc cháy.

“ Một cuộc tấn công trong đêm vào kho dầu ở Luhansk được cho là do hỏa tiễn ATACMS kiểu phương Tây thực hiện”.

Các quan chức Ukraine không bình luận về những tuyên bố này, vốn không thể được xác minh độc lập.

Đã có nhiều báo cáo kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện về các cuộc tấn công bên trong Nga và các vùng lãnh thổ Ukraine bị Mạc Tư Khoa xâm lược.

Vào tháng 10 năm 2023, Ukraine được cho là đã tấn công các phi trường quân sự ở Luhansk và Berdiansk bị tạm chiếm, tỉnh Zaporizhzhia, bằng hỏa tiễn ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp, phá hủy 9 máy bay trực thăng, và 22 chiếc máy bay trực thăng ở căn cứ không quân Bryansk.

Trong số các mục tiêu khác của Nga trên vùng lãnh thổ bị tạm chiếm ở tỉnh Luhansk còn có các kho chứa dầu và hệ thống hỏa tiễn S-400. Một số mục tiêu được cho là đã bị tấn công bởi hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp, có khả năng vươn sâu vào các vùng lãnh thổ do Nga chiếm giữ.

5. Giới tinh hoa Nga tranh giành quyền lực trong nội các 'cuối cùng' của Putin

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Elites Scramble for Power in Putin's 'Last' Cabinet”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các quan chức Điện Cẩm Linh được cho là đang lo lắng trước kế hoạch cải tổ chính phủ diễn ra sau lễ nhậm chức của Vladimir Putin vào hôm thứ Ba.

Putin đã tuyên thệ nhậm chức để bắt đầu nhiệm kỳ thứ năm của mình trong một buổi lễ nhậm chức xa hoa ở Mạc Tư Khoa, củng cố vị thế là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở Điện Cẩm Linh kể từ Josef Stalin. Nhiệm kỳ của ông sẽ hết hạn vào năm 2030 và theo những thay đổi hiến pháp được thực hiện trước chiến tranh ở Ukraine, ông có thể tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2036.

Kênh truyền hình nhà nước Russia-1 cho biết lễ nhậm chức của ông được phát sóng vào trưa thứ Ba theo giờ Mạc Tư Khoa.

Trước buổi lễ, hôm Thứ Hai, 7 Tháng Năm, đã giải tán nội các, và các quan chức Điện Cẩm Linh bắt đầu thảo luận với nhau xem ai có thể bị ảnh hưởng bởi kế hoạch cải tổ chính phủ của Putin, hãng tin độc lập Meduza của Nga đưa tin, dẫn các nguồn tin thân cận với chính quyền tổng thống Nga.

Valentina Matvienko, một chính trị gia Nga và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti hôm 24 Tháng Tư rằng có thể sẽ có những thay đổi nhân sự trong chính phủ, nhưng “xương sống” của Nội các sẽ vẫn giữ nguyên.

“Tâm trạng của nhiều người không chỉ lo lắng mà còn căng thẳng. Một số đang hy vọng được thăng chức, những người khác lo lắng về việc bị chuyển đến một vị trí có địa vị thấp hơn. Nói chung, nhiều người đang cảm thấy bất an,” một nguồn tin nói với Meduza.

Cơ quan truyền thông này cho biết các nguồn tin của họ cho biết một số quan chức đang cạnh tranh để bảo đảm các vị trí tốt hơn trong Điện Cẩm Linh.

“ Những ứng viên như vậy muốn tiến gần đến ngai vàng nhất có thể, vì họ tin rằng nhiệm kỳ tổng thống này có thể là nhiệm kỳ cuối cùng đối với ông Putin 71 tuổi”.

“Theo ý kiến của họ, những thay đổi trong hệ thống phân cấp là không thể tránh khỏi. Và điều này có nghĩa là bạn cần phải đến gần hơn với nơi đưa ra quyết định”, một nguồn tin cho biết.

Truyền thông Nga đã mời chào một số quan chức như những ứng cử viên tiềm năng để được thăng chức trong cuộc cải tổ sắp tới của Putin. RTVI đã đăng một câu chuyện vào ngày 2 tháng 5, trong đó đặt câu hỏi: “Liệu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov có còn ở lại chính phủ sau lễ nhậm chức không?”

Cựu người viết diễn văn cho Điện Cẩm Linh, Abbas Gallyamov, cho rằng cơ hội giữ chức vụ của Shoigu đã giảm đi sau vụ bắt giữ cấp phó Timur Ivanov vào tháng trước.

Cân nhắc về cuộc cải tổ Điện Cẩm Linh, Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho biết trên X,, rằng các phóng viên quân sự Nga đang suy đoán rằng Shoigu có thể được thay thế trong vai trò bộ trưởng quốc phòng bởi Aleksey Dyumin, cựu nhân viên an ninh của Điện Cẩm Linh..

Sinh ra ở Kursk, miền Tây nước Nga, Dyumin là cựu đặc vụ của Cơ quan Vệ binh Liên bang, gọi tắt là FSO, bảo đảm an ninh cho tổng thống và các quan chức nhà nước khác. Ông được Putin bổ nhiệm làm thống đốc vùng Tula vào tháng 2 năm 2016. Trước đây ông từng giữ chức Thứ trưởng cho Shoigu trong Bộ Quốc phòng Nga và một số nhà phân tích - phương Tây và Nga - trước đây đã nói rằng họ tin rằng ông đã quyết tâm quay trở lại bộ phận này với tư cách là nhà lãnh đạo.

Dyumin phục vụ trong đội cận vệ của Putin khi ông làm tổng thống từ năm 2000 đến năm 2008 cũng như khi Putin đứng đầu chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012.

RTVI dẫn hai nguồn tin trong quốc hội Nga cho biết, tương lai ngoại trưởng của ông Lavrov cũng đang được thảo luận.

“Lãnh đạo hai phe trong Duma Quốc gia tin rằng có thể ông Lavrov sẽ làm việc ở Bộ Ngoại giao thêm một năm hoặc một năm rưỡi nữa và rời chức vụ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vì cho đến thời điểm này đã có một sự thay đổi. nhà lãnh đạo bộ phận chính sách đối ngoại được coi là không được mong muốn vì lý do chính trị và cơ hội”, cơ quan truyền thông đưa tin.

6. Cơ quan phản gián Ba Lan tìm thấy các thiết bị nghe lén trong phòng họp của hội đồng bộ trưởng

Phát ngôn nhân của Bộ Nội Vụ Ba Lan cho biết, cơ quan phản gián của Ba Lan đã tìm thấy và tháo dỡ các thiết bị nghe lén trong một căn phòng nơi hội đồng bộ trưởng dự kiến họp vào thứ Ba.

Ba Lan, trung tâm cung cấp quân sự của phương Tây cho Ukraine khi Kyiv chống lại cuộc xâm lược của Nga, đang đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ trước bất kỳ dấu hiệu nào của hoạt động gián điệp.

Ông cho biết “Cơ quan Bảo vệ Nhà nước, hợp tác với Cơ quan An ninh Nội bộ, đã phát hiện và tháo dỡ các thiết bị có thể được sử dụng để nghe lén trong phòng nơi diễn ra cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng hôm nay, Thứ Ba 7 Tháng Năm, ở Katowice”

Ông nói thêm: “Các cơ quan đang tiến hành các hoạt động tiếp theo về vấn đề này”.

Hôm thứ Hai, chính phủ cho biết họ đang xác minh xem liệu một thẩm phán Ba Lan, người có quyền truy cập vào thông tin bí mật và xin tị nạn chính trị ở Belarus, có phải đang làm gián điệp hay không.

7. Kyiv cho biết hỏa tiễn Nga từ Bắc Hàn đang phát nổ giữa không trung

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Missiles From North Korea Are Exploding midair: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Văn phòng Tổng công tố Ukraine, khoảng một nửa số hỏa tiễn Bắc Hàn do Nga phóng vào Ukraine đã phát nổ trên không trung do trục trặc.

Văn phòng công tố viên đã cung cấp ước tính đó cho Reuters trong một câu chuyện được công bố hôm thứ Ba, trích dẫn các mảnh vỡ đã được kiểm tra từ thứ mà họ nói là hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn do Nga bắn từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 2 năm nay.

Hoa Kỳ, Nam Hàn và các nước khác đã cáo buộc Bình Nhưỡng cung cấp cho Nga hỏa tiễn, đạn pháo và các loại vũ khí khác để hỗ trợ lực lượng Mạc Tư Khoa trong cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra. Cả Nga và Bắc Hàn đều phủ nhận việc chuyển vũ khí như vậy đã diễn ra.

Theo Reuters, “Hỏa tiễn của Bắc Hàn chiếm một phần rất nhỏ trong các cuộc tấn công của Nga trong cuộc chiến với Ukraine” và Kyiv cho biết tỷ lệ thất bại của những hỏa tiễn đó là rất cao.

“Khoảng một nửa số hỏa tiễn của Bắc Hàn mất quỹ đạo đã được lập trình và phát nổ trên không; trong những trường hợp như vậy, mảnh vỡ không được tìm thấy”, văn phòng công tố viên hàng đầu của Ukraine, Andriy Kostin, nói với Reuters trong một tuyên bố.

Vào tháng 9 năm 2023, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân đã gặp Putin trong hội nghị thượng đỉnh ở vùng Viễn Đông của Nga. Mỹ cho biết Bắc Hàn bắt đầu gửi hỏa tiễn và pháo tới Nga sau cuộc gặp.

Vương quốc Anh vào Tháng Giêng đã gửi các hình ảnh vệ tinh cho các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho thấy các chuyến hàng chở hàng của Bắc Hàn tới Nga. Trích dẫn bằng chứng này, Anh kêu gọi điều tra các thương vụ vũ khí có thể vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế.

Văn phòng của Kostin nói với Reuters rằng các nhà điều tra đã kiểm tra các mảnh vỡ từ 21 thùng hỏa tiễn đạn đạo mà họ cho là do Bắc Hàn sản xuất. Ba trong số đó được tường trình đã nổ ở thủ đô Kyiv, trong khi những vụ khác nhắm vào các khu vực Donetsk, Kharkiv, Kirovohrad và Poltava.

Văn phòng lưu ý rằng 50 hỏa tiễn được cho là do Bắc Hàn chế tạo đã được bắn từ các khu vực Belgorod, Kursk và Voronezh của Nga.

Reuters cho biết tuyên bố từ Văn phòng Tổng công tố Ukraine không cho biết liệu có bất kỳ hỏa tiễn nào mà họ kiểm tra có bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ hay không. Hãng tin này cũng cho biết “hỏa tiễn đạn đạo thường khó bị đánh chặn vì quỹ đạo và tốc độ của chúng”.

“ Theo văn phòng của Kostin, chính quyền Ukraine vẫn đang điều tra xem liệu Bình Nhưỡng có cử người hướng dẫn để giám sát các vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo hay không”.

8. Nga và Ukraine cáo buộc nhau sử dụng vũ khí hóa học trên chiến trường

Nga và Ukraine đã cáo buộc nhau tại cơ quan giám sát vũ khí hóa học toàn cầu ở The Hague /đờ Hê/ hay La Hay về việc sử dụng chất độc bị cấm trên chiến trường, tổ chức này cho biết hôm thứ Ba.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học, gọi tắt là OPCW, cho biết các cáo buộc của Nga “không đủ cơ sở”, và nói thêm rằng “tình hình vẫn không ổn định và cực kỳ lo ngại về khả năng tái xuất hiện việc sử dụng hóa chất độc hại làm vũ khí”.

Tuần trước, Mỹ cho biết Nga đã vi phạm lệnh cấm vũ khí hóa học quốc tế do OPCW giám sát khi triển khai chất gây nghẹt thở chloropicrin chống lại quân đội Ukraine và sử dụng chất kiểm soát bạo loạn “như một phương pháp chiến tranh” ở Ukraine.

Nga phủ nhận các cáo buộc.

OPCW cho biết họ đã theo dõi tình hình từ tháng 2/2022, khi Mạc Tư Khoa tấn công Ukraine.

Theo Công ước về Vũ khí Hóa học, bất kỳ hóa chất độc hại nào được sử dụng với mục đích gây tổn hại hoặc gây tử vong đều được coi là vũ khí hóa học.

“Việc sử dụng các chất kiểm soát bạo loạn trong chiến tranh trên chiến trường là trái với Công ước. Nếu được sử dụng như một phương pháp chiến tranh, những chất này được coi là vũ khí hóa học và do đó bị cấm theo Công ước”, OPCW cho biết.

9. Máy bay Nga bị chặn gần quốc gia NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Plane Intercepted Near NATO Country”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một máy bay của Liên bang Nga đã bị Lực lượng vũ trang Ba Lan chặn hôm thứ Hai. Bộ chỉ huy tác chiến RSZ của Ba Lan cho biết hôm Thứ Ba, 7 Tháng Năm.

“Vào ngày 6 tháng 5 năm 2024, một cặp MiG-29 từ Căn cứ Không quân Chiến thuật số 22 ở Malbork đã chặn và xác định trực quan một máy bay của Liên bang Nga. Các chiến đấu cơ đã chặn một máy bay IL-20 /Ilyushin 20/ cất cánh từ một phi trường ở Królewiec và tiếp tục chuyến bay trong không gian quốc tế trên Biển Baltic, thực hiện nhiệm vụ trinh sát mà không vi phạm không phận Ba Lan.”

Bộ Tư lệnh Tác chiến cũng cho biết vụ đánh chặn hôm thứ Hai đánh dấu lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần, cùng một máy bay Nga bị lực lượng vũ trang Ba Lan chặn lại.

“Chiếc máy bay tương tự cũng bị cặp chiến đấu cơ F-16 từ Căn cứ Không quân Chiến thuật số 31 ở Krzesiny chặn lại vào ngày 3 tháng 5 năm 2024.”

“Bảo vệ không phận Ba Lan là nền tảng an ninh của đất nước chúng ta. Nhờ hoạt động hiệu quả của nhân viên mặt đất và phi hành đoàn máy bay, chúng tôi có thể chắc chắn rằng chúng ta được bảo vệ trước các mối đe dọa trên không”

Ilyushin IL-20M có từ thời Chiến tranh Lạnh và được sử dụng cho hoạt động tình báo điện tử và truyền thông. Nó được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, quan sát lần đầu tiên vào năm 1978 và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1968. IL-20M được trang bị thiết bị tình báo điện tử.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tuần trước, các chiến đấu cơ của Nhật Bản đã hai lần xuất kích chống lại máy bay quân sự Nga đang tiến hành các hoạt động trinh sát bị nghi ngờ. Một trong những chiếc máy bay đó được cho là máy bay thu thập thông tin tình báo Il-20M của Không quân Nga.

Việc ngăn chặn của Ba Lan cũng diễn ra ngay sau đoạn phim do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy một chiến đấu cơ của Mỹ theo dõi máy bay quân sự Nga bay trên Biển Bering, gần không phận Alaska, vào ngày 2 tháng 5.

Bộ Quốc Phòng Nga cho biết máy bay của họ - hai chiếc máy bay ném bom mang hỏa tiễn chiến lược Tu-95 - đang thực hiện chuyến bay theo lịch trình gần bờ biển phía Tây của Alaska. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết trong các phần của chuyến bay, hai máy bay ném bom, được hộ tống bởi các máy bay phản lực Su-30 của Nga, đã được các chiến đấu cơ của các nước khác hộ tống.

Đoạn clip cho thấy rõ một chiến đấu cơ F-16 của Mỹ - cùng loại được cung cấp cho Ukraine để giúp nước này trong cuộc chiến chống lại lực lượng xâm lược của Nga - bay gần máy bay Nga. Tại một thời điểm trong video, máy bay Su-30 của Nga và F-16 của Mỹ được nhìn thấy ở gần nhau.

Trong một tuyên bố, Bộ Tư lệnh phòng không vũ trụ Bắc Mỹ, gọi tắt là NORAD, cho biết 4 máy bay quân sự của Nga đã “được phát hiện và theo dõi” trong vùng nhận dạng phòng không Alaska vào ngày 2 Tháng Năm.

“Máy bay Nga vẫn ở trong không phận quốc tế và không đi vào không phận có chủ quyền của Mỹ hoặc Canada. Hoạt động này của Nga tại vùng nhận dạng phòng không Alaska diễn ra thường xuyên và không được coi là mối đe dọa”, NORAD cho biết.

10. Liên Hiệp Âu Châu có kế hoạch trừng phạt nhà tài phiệt truyền thông Ukraine bị Kyiv buộc tội phản quốc

Liên Hiệp Âu Châu có kế hoạch trừng phạt một nhà tài phiệt truyền thông bị cáo buộc tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng xấu ở Âu Châu và cấm thêm bốn cơ quan truyền thông Nga không được phát thanh, phát hình và internet trong những biện pháp mới nhất chống lại Nga.

Khối đang tìm cách trừng phạt Viktor Medvedchuk, một cựu chính trị gia và doanh nhân Ukraine bị Kyiv buộc tội phản quốc, người được thả về Nga trong một cuộc trao đổi tù nhân vào năm 2022.

Theo danh sách dự thảo của Liên Hiệp Âu Châu, Medvedchuk đã “tiếp tục tài trợ và thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng nhắm vào các đảng chính trị và cá nhân chính trị gia ở Âu Châu”.

Ông ta được cho là đã tài trợ cho Đài Tiếng nói Âu Châu, một cơ quan truyền thông của Nga bị cáo buộc “thao túng phương tiện truyền thông và bóp méo sự thật” một cách có hệ thống. Tiếng nói Âu Châu sẽ bị cấm ở Liên Hiệp Âu Châu, cùng với hãng thông tấn nhà nước Nga Ria Novosti, các tờ báo Rossiyskaya Gazeta và Izvestiya.

Đài Tiếng nói Âu Châu và Medvedchuk đã bị Cộng hòa Tiệp trừng phạt vào tháng 3 vì cáo buộc có hoạt động gây ảnh hưởng thân Nga nhằm gây bất ổn cho cuộc bầu cử Âu Châu vào tháng 6.

Theo đề xuất mới nhất, các đảng chính trị, tổ chức, tổ chức phi chính phủ và tổ chức tư vấn của Liên Hiệp Âu Châu sẽ bị cấm nhận tiền từ nhà nước Nga hoặc các tổ chức được ủy quyền của nước này.

Dự thảo lệnh trừng phạt mới nhất - lần thứ 14 kể từ cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022 - cũng đề xuất các hạn chế đối với hàng hóa và dịch vụ liên quan đến ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga. Ủy ban Âu Châu muốn áp đặt các hạn chế đối với việc trung chuyển LNG ở Liên Hiệp Âu Châu để ngăn chặn Nga xuất khẩu khí đốt sang các nước ngoài Liên Hiệp Âu Châu thông qua các cảng của Liên Hiệp Âu Châu.

Liên Hiệp Âu Châu cũng muốn cấm đầu tư, hàng hóa và dịch vụ mới để xây dựng các kho cảng LNG ở Bắc Cực thuộc Nga. Tuy nhiên, các đề xuất này không dừng lại ở việc cấm LNG của Nga, vốn không giống như hầu hết khí đốt qua đường ống vẫn tiếp tục được nhập khẩu vào Liên Hiệp Âu Châu.

Các kế hoạch này phải được tất cả 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu đồng thanh thông qua trước khi có hiệu lực.

11. Pháp cáo buộc Nga thao túng thông tin và đe dọa

Hôm Thứ Ba, 7 Tháng Năm, Ngoại trưởng Pháp, Stéphane Séjourné, cho biết đại sứ nước này tại Nga đã bị triệu tập vào ngày 6 tháng 5. Ông cáo buộc cơ quan ngoại giao của Mạc Tư Khoa thao túng thông tin và đe dọa.

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Hai cho biết họ đã triệu tập đại sứ Pháp tại Mạc Tư Khoa nhưng không đưa ra lý do.

Ngoại trưởng Pháp cho biết: “Pháp lưu ý rằng các kênh ngoại giao một lần nữa đang bị lạm dụng để thao túng thông tin và đe dọa”, đồng thời cho biết thêm “Bộ Ngoại Giao Nga một lần nữa đã đảo ngược trách nhiệm” và “đang theo đuổi các hoạt động gây hấn nhằm gây bất ổn cho các nước Âu Châu”., đặc biệt là thông qua các cuộc tấn công mạng và các hành động kết hợp”.
 
Lạ lùng: Linh mục vũ trang hùng hậu bị bắt khi cố gắng vào Vatican. Thư ĐGH gửi các linh mục giáo xứ
VietCatholic Media
15:37 08/05/2024


1. Linh mục có vũ trang bị bắt khi cố gắng vào Vatican dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha Phanxicô

Một linh mục được trang bị nhiều vũ khí và mặc áo chùng thâm đã cố gắng vào Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican để tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha Phanxicô vào Chúa Nhật, ngày 5 tháng Năm.

Theo hãng thông tấn Ý ANSA, vị linh mục đến từ Cộng hòa Tiệp đã cố gắng đi qua máy dò kim loại mang theo một khẩu súng hơi, hai con dao, một chiếc máy cắt và một chiếc tuốc nơ vít.

Sau khi bị bắt, vị linh mục này đã bị trình báo chính quyền về tội tàng trữ vũ khí trái phép. Khi bị thẩm vấn, vị linh mục cho biết ngài mang theo vũ khí để tự vệ.

Theo tờ báo La Repubblica của Ý, vị linh mục này là Cha Milan Palkovic, 59 tuổi.

Theo Europa Press, vũ khí nằm trong một chiếc túi của một người đàn ông khác, một người Tiệp 60 tuổi đi cùng vị linh mục và người này cũng bị giam giữ.

Cả hai vị này đều không có tiền án tiền sự và cả hai đều đến Rôma trong chuyến hành hương từ Cộng hòa Tiệp.

Các phương tiện truyền thông Ý đã đề cập đến giả thuyết cho rằng đó là một linh mục giả; và nhắc đến mưu toan ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hôm 13 Tháng Giêng, 1995, 5 tên khủng bố Hồi Giáo ăn mặc như các linh mục đã bị phát hiện dấu các khẩu tiểu liên và áo vest chứa đầy bom trong lớp áo chùng thâm.

Tuy nhiên, vị linh mục bị bắt lần này là một linh mục thật sự.

2. Đức Thánh Cha gặp gỡ một trăm linh mục thuộc trung tâm Rôma

Chiều thứ Sáu, ngày 03 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đền thờ Thánh Giá Giêrusalem ở Rôma để gặp gỡ một trăm linh mục, gồm các cha sở, cha phó, quản đốc thánh đường và tuyên úy các nhà thương ở khu vực trung tâm Rôma. Trong cuộc trao đổi dài hai giờ đồng hồ, từ lúc 4 giờ chiều, các vị đặc biệt nói về việc giúp đỡ người cao tuổi, trẻ em và người nghèo.

Khu vực trung tâm Giáo phận Rôma gồm năm giáo hạt, với tổng cộng 38 giáo xứ. Hiện diện trong cuộc gặp gỡ, có Đức Cha Baldo Reina, Phó Giám quản Giáo phận Rôma, và Đức ông Francesco Pesce, cha sở giáo xứ Đức Mẹ Monti, được bổ nhiệm làm điều hợp viên khu vực trung tâm Rôma, và Đức Giám Mục Phụ Tá, Daniele Libanori, Dòng Tên, trước đây đặc trách khu vực này, nay được bổ nhiệm làm phụ tá Đức Thánh Cha về đời sống thánh hiến.

Trong cuộc gặp gỡ, các vị cũng bàn tới Năm Thánh 2025 tới đây, vấn đề tiếp đón các tín hữu hành hương đến từ các nơi trên thế giới, và tập trung vào khu trung tâm lịch sử của thành này.

Đức Cha Reina cho biết Đức Thánh Cha đã đưa ra những lời khuyên thực hành cho các linh mục về việc mục vụ và tiềm năng của các nhà thờ ở trung tâm.

Cuối buổi gỡ, Đức Thánh Cha chào từng linh mục hiện diện. Trước khi giã từ thánh đường để trở về Vatican, ngài còn chào thăm các tín hữu tụ tập bên ngoài.

Cuộc gặp gỡ trên đây nối tiếp một loạt bốn cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha đã thực hiện trong thời gian gần đây với các linh mục trong giáo phận.

3. Thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi các linh mục giáo xứ

Hôm thứ hai ngày 29 tháng 4 năm 2024, tại Vatican đã diễn ra cuộc Họp mặt Thế giới của các Linh mục Giáo xứ cho Thượng Hội đồng về tính Đồng nghị để thảo luận về việc “làm thế nào để trở thành một Giáo hội địa phương đồng nghị trong việc truyền giáo”. Ngày 2 tháng 5, cuộc gặp gỡ đã kết thúc.

Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một lá thư cho các linh mục giáo xứ nói chung. Sau đây là nguyên văn lá thư của ngài

Anh em Linh mục thân mến,

Cuộc gặp gỡ quốc tế “Các linh mục giáo xứ cho Thượng hội đồng”, và cuộc đối thoại với tất cả anh em đã tham gia, mang đến cho tôi cơ hội cầu nguyện cho các linh mục giáo xứ trên toàn thế giới. Với tất cả anh em, tôi nói những lời này với lòng yêu mến sâu sắc.

Điều đó hiển nhiên đến mức nghe gần như tầm thường, nhưng điều đó không làm cho nó bớt chân thực hơn: Giáo hội không thể tiếp tục tồn tại nếu không có sự cống hiến và công việc mục vụ của anh em. Vì vậy, trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn và đánh giá cao công việc quảng đại mà anh em làm mỗi ngày, gieo hạt giống Tin Mừng trên mọi loại đất (x. Mc 4:1-25).

Như anh em đã trải nghiệm trong những ngày chia sẻ này, các giáo xứ nơi anh em thi hành thừa tác vụ của mình rất khác nhau, từ những giáo xứ ở ngoại ô các thành phố lớn – như cá nhân tôi biết ở Buenos Aires – cho đến những giáo xứ ở những khu vực dân cư thưa thớt có diện tích bằng tỉnh rộng lớn. Chúng bao gồm từ những trung tâm thị trấn ở nhiều nước Âu Châu, nơi các tòa vương cung thánh đường cổ kính đang suy tàn đi và các cộng đồng đang già đi, cho đến những nơi tổ chức các buổi cử hành dưới những tán cây lớn và tiếng hót của chim hòa lẫn với giọng nói của trẻ nhỏ.

Các linh mục giáo xứ nhận thức rõ điều này, vì họ biết rõ từ bên trong đời sống của dân Chúa những niềm vui và khó khăn, những nguồn lực và nhu cầu của họ. Vì lý do này, một Giáo hội đồng nghị cần có các linh mục quản xứ. Không có các linh mục, chúng ta sẽ không bao giờ có thể học cách cùng nhau bước đi và bắt đầu con đường đồng nghị, “con đường mà Thiên Chúa mong đợi ở Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”. [1]

Chúng ta sẽ không bao giờ trở thành một Giáo hội đồng nghị và truyền giáo trừ khi các cộng đồng giáo xứ được phân biệt bằng việc hợp tác của tất cả những người đã được rửa tội vào sứ mệnh loan báo Tin Mừng duy nhất. Nếu các giáo xứ không có tính đồng nghị và truyền giáo thì Giáo hội cũng vậy. Báo cáo tổng hợp của Phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ XVI rất rõ ràng về vấn đề này. Các giáo xứ, bắt đầu từ cơ cấu và tổ chức đời sống giáo xứ, được kêu gọi coi mình “trước hết là phục vụ sứ mạng mà các tín hữu thực hiện trong xã hội, trong đời sống gia đình và nơi làm việc, mà không chỉ tập trung vào các hoạt động của riêng mình và nhu cầu tổ chức của họ” (8.1). Các cộng đồng giáo xứ ngày càng cần phải trở thành những nơi mà từ đó những người đã được rửa tội khởi hành làm môn đệ truyền giáo và trở về, tràn đầy niềm vui, để chia sẻ những kỳ công Chúa thực hiện qua chứng tá của họ (x. Lc 10:17).

Với tư cách là các mục tử, chúng ta được mời gọi đồng hành trong quá trình này với các cộng đồng mà chúng ta phục vụ, đồng thời cam kết cầu nguyện, phân định và nhiệt tình tông đồ để bảo đảm rằng thừa tác vụ của chúng ta phù hợp với nhu cầu của một Giáo hội đồng nghị và truyền giáo. Thử thách này được đặt ra trước Đức Giáo Hoàng, các giám mục và Giáo triều Rôma, và nó cũng được đặt ra trước anh em, trong tư cách linh mục giáo xứ.

Chúa đã kêu gọi chúng ta và thánh hiến chúng ta hôm nay yêu cầu chúng ta lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần Người và tiến bước theo hướng Người chỉ ra cho chúng ta. Chúng ta có thể chắc chắn một điều: Người sẽ không bao giờ lìa chúng ta mà không có ân sủng của Người. Trên đường đi, chúng ta sẽ khám phá cách giải phóng thừa tác vụ của mình khỏi những điều làm chúng ta mệt mỏi và tái khám phá cốt lõi đích thực nhất của nó, đó là việc loan báo Lời Chúa và quy tụ cộng đồng để bẻ bánh.

Vì vậy, tôi khuyến khích anh em chấp nhận lời mời gọi này của Chúa để trở thành các linh mục giáo xứ, những người xây dựng một Giáo hội đồng nghị và truyền giáo, đồng thời nhiệt tình cống hiến hết mình để đạt được mục tiêu này. Để đạt mục đích này, tôi muốn đưa ra ba gợi ý có thể giúp truyền cảm hứng cho lối sống và hoạt động của anh em trong tư cách mục tử.

1. Trước tiên, tôi xin anh em sống đặc sủng thừa tác vụ cụ thể của mình để phục vụ ngày càng nhiều hơn những hồng ân đa dạng mà Chúa Thánh Thần gieo trồng trong dân Chúa. Điều cấp bách là “bằng đức tin, hãy khám phá những đoàn sủng phong phú và đa dạng của giáo dân, dù ở dạng khiêm tốn hay cao quý hơn” (Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Thừa tác vụ và Đời sống Linh mục Presbyterorum Ordinis, 9), vốn không thể thiếu cho việc truyền giáo ở bất cứ hoàn cảnh và bối cảnh nào của con người. Tôi tin chắc rằng bằng cách này anh em sẽ làm sáng tỏ nhiều kho tàng ẩn giấu và cảm thấy bớt cô đơn hơn trong nhiệm vụ truyền giáo đầy khó khăn. Anh em sẽ trải nghiệm niềm vui được làm những người cha đích thực, những người không thống trị người khác mà mang lại cho họ, cả nam lẫn nữ, những khả thể to lớn và quý giá.

2. Với tất cả tấm lòng, tôi đề nghị anh em học cách thực hành nghệ thuật phân định cộng đồng, sử dụng phương pháp “đối thoại trong Chúa Thánh Thần” cho mục đích này, phương pháp đã tỏ ra rất hữu ích trong hành trình đồng nghị và trong tiến trình của Phiên họp thượng hội đồng. Tôi tin chắc rằng từ đó anh em sẽ gặt hái được nhiều hoa trái tốt lành, không chỉ trong các cơ cấu hiệp thông như hội đồng giáo xứ, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Như Báo cáo Tổng hợp đã chỉ rõ, phân định là yếu tố then chốt trong hoạt động mục vụ của một Giáo hội đồng nghị: “Điều quan trọng là việc thực hành phân định cũng phải được thực hiện trong các bối cảnh mục vụ, theo cách thích nghi với các bối cảnh khác nhau, để soi sáng tính cụ thể của đời sống Giáo hội. Điều này sẽ giúp nhận ra tốt hơn các đặc sủng hiện diện trong cộng đồng, phân phối một cách khôn ngoan các trách nhiệm và mục vụ khác nhau, đồng thời lập kế hoạch dưới ánh sáng của Thánh Thần các dự án mục vụ vượt ra ngoài việc lập kế hoạch hoạt động đơn thuần” (2.1).

3. Cuối cùng, tôi muốn thúc giục anh em đặt mọi việc anh em làm trên tinh thần chia sẻ và tình huynh đệ giữa anh em và với các giám mục của anh em. Đây là điều nổi lên một cách mạnh mẽ từ Hội nghị quốc tế về việc đào tạo thường trực các linh mục, với chủ đề “Hãy thổi bùng lên hồng ân của Thiên Chúa mà bạn sở hữu” (2 Tm 1:6), diễn ra vào tháng 2 năm ngoái tại Rôma, với hơn 800 giám mục, linh mục, giáo dân và tu sĩ nam nữ, tham gia vào lĩnh vực này và đại diện cho khoảng 18 quốc gia. Chúng ta không thể là những người cha đích thực nếu chúng ta trước hết không phải là những người con và những người anh em. Và chúng ta không thể thúc đẩy sự hiệp thông và tham gia vào các cộng đồng được giao phó cho chúng ta chăm sóc, trừ khi, trước hết, chúng ta sống những thực tế đó với nhau. Tôi hoàn toàn ý thức rằng, giữa lời đòi hỏi liên tục của các trách nhiệm mục vụ của chúng ta, sự cam kết này có thể có vẻ nặng nề, thậm chí lãng phí thời gian, nhưng điều ngược lại mới đúng: thực sự, chỉ bằng cách này chúng ta mới đáng tin cậy và hoạt động của chúng ta không kết thúc ở chỗ phân tán những gì người khác đã thu thập được.

Không những chỉ Giáo hội đồng nghị và truyền giáo mới cần các linh mục giáo xứ, mà cả tiến trình đang diễn ra của Thượng hội đồng 2021-2024, “Vì một Giáo hội đồng nghị: Hiệp thông, Tham gia, Truyền giáo”, khi chúng ta mong chờ Phiên họp thứ hai của Đại hội thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Để chuẩn bị cho điều đó, chúng tôi cần nghe giọng nói của anh em.

Vì lý do này, tôi mời gọi những người đã tham gia Cuộc gặp gỡ quốc tế “Các linh mục giáo xứ cho Thượng hội đồng” hãy trở thành những nhà truyền giáo của tính đồng nghị, giữa anh em và, khi anh em trở về nhà, cùng với các linh mục giáo xứ của anh em. Tôi xin anh em khuyến khích sự suy tư, với một tư duy đồng nghị và truyền giáo, về việc đổi mới thừa tác vụ của các linh mục quản xứ, và tạo điều kiện cho Tổng Thư ký Thượng Hội đồng thu thập những đóng góp đặc biệt của anh em để chuẩn bị Tài liệu Làm việc. Mục đích của Cuộc gặp gỡ Quốc tế lần này là để lắng nghe các linh mục giáo xứ, nhưng điều đó không thể kết thúc ngày hôm nay: chúng tôi cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của anh em.

Anh em thân mến, tôi ở bên cạnh anh em trong tiến trình này, trong đó chính tôi cũng tham gia. Tôi chúc lành cho tất cả anh em từ trái tim, và ngược lại, tôi cần cảm nhận được sự gần gũi và sự hỗ trợ từ những lời cầu nguyện của anh em. Chúng ta hãy phó thác mình cho Đức Trinh Nữ Maria Hodgetria, Đức Mẹ Dẫn Đường. Ngài chỉ đường cho chúng ta; Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Rôma, Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateranô, ngày 2 tháng 5 năm 2024

Phanxicô

[1] Diễn văn kỷ niệm 5 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015.

4. Sứ điệp Phục sinh của Đức Thượng phụ Đại Kết Bácthôlômêô

“Sự ác không có tiếng nói cuối cùng và niềm tin nơi sự Phục sinh chính là động lực thúc đẩy chúng ta chiến đấu chống lại sự hiện diện của điều ác, với những hậu quả của nó trong thế giới”.

Trên đây là nội dung Sứ điệp Phục sinh của Đức Thượng phụ Đại Kết Bácthôlômêô, Giáo chủ Chính thống Constantinople, và cũng là vị đứng đầu các Giáo hội Chính thống.

Sứ điệp của Đức Thượng phụ cũng được phổ biến trên báo Quan sát viên Rôma của Tòa Thánh, số ra ngày 03 tháng Năm vừa qua, áp lễ Phục sinh theo lịch Giulianô, được các Giáo hội Chính thống áp dụng. Ngài cũng khẳng định rằng sự tham gia vào mầu nhiệm Phục sinh, sự thánh hóa trong các bí tích, việc cảm nghiệm về Phục sinh, “mở ra cho chúng ta những cánh cửa thiên đàng”. Những điều này không được sống “như hoài niệm về một biến cố quá khứ, nhưng như tinh hoa của đời sống Giáo hội, như sự hiện diện của Chúa Kitô giữa chúng ta”. Vì thế, sự sống lại của Chúa Kitô báo trước sự hoàn hảo của tất cả mọi người cũng như sự viên mãn chương trình của Chúa trong Nước Trời”.

Đức Thượng phụ Đại Kết Bácthôlômêô cũng khẳng định rằng: “Đặc tính trung tâm của cuộc sống Chính thống giáo, chính là động lực phục sinh: niềm tin này không bao giờ quên rằng con đường tiến về sự sống lại đi qua khổ giá. Linh đạo Chính thống giáo không theo ảo tưởng về một sự phục sinh không có thánh giá, và cũng không chấp nhận sự bi quan về thập giá không có sự sống lại”. Vì thế, trong kinh nghiệm Chính thống giáo, “sự ác không có tiếng nói cuối cùng trong lịch sử” và niềm tin nơi sự sống lại chính là động lực để chiến đấu chống lại sự hiện diện của điều ác và những hậu quả của nó trên thế giới, tác động như một sức mạnh biến đổi”.