Ngày 01-04-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:41 01/04/2025

89. Ngoài mặt đoan chính thì có thể làm thay đổi lòng người khác, bảo tồn đức hạnh bên trong thì giống như mũ và áo giáp bảo vệ thân thể vậy.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:50 01/04/2025
4. TÂM GIỐNG CÁI MÓC

Có người nói với bạn rằng:

- “Người trong thiên hạ, tâm của ai cũng không chính trực như tâm của tôi”.

Người bạn gật gật đầu nói:

- “Tâm của ông vừa chính vừa trực, chỉ có điều là sắc hơn mũi nhọn, giống như cái dùi ấy, cái đầu lúc nào cũng muốn chích người khác”.

Người ấy không vui vẻ nói:

- “Tâm của tôi dù cho như cái dùi thì cũng tốt hơn so với tâm của anh”.

Người bạn không phục bèn nói:

- “Tâm của tôi thì sao chứ?”

Người ấy nói:

- “Tâm của anh vừa giống như cái dùi lại vừa cong như móc câu, ngày nào cũng muốn móc tủy xương của người khác”.

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 4:

Có người tâm không chính nên ngôn hành không trực, họ trở thành đại họa cho người ngay thẳng; có người ngôn hành thì chính mà tâm không trực, nên họ là nguyên nhân của những mưu mô gian ác trong bóng tối.

Con người ta ai cũng –vốn có- một tâm hồn chính trực vì được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh của Ngài, nhưng vì tham sân si mà tâm hồn biến thành cong như cái móc câu để móc lợi lộc cho mình, móc cái nhỏ thành cái lớn để gây mất hòa khí trong tập thể cộng đoàn giáo xứ tu hội, móc cái xấu đã bị người khác bỏ đi xâu lại thành một khối để bêu xấu và lật đổ người khác…

Phê bình tâm của tha nhân như cái dùi chích người khác, còn tâm của mình cong như cái móc câu vừa móc tủy xương của người khác, vừa móc khuyết điểm của tha nhân thì lại không nói đến, thì rõ đúng họ là đại họa cho xã hội và cho cá nhân của mình vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tình yêu Thiên Chúa đối diện với phi tình yêu loài người
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
02:15 01/04/2025
CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM C : GA 8,1-11

1Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu. 2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa 4rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” 6Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.

Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10Người ngẩng lên và nói : “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp : “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa
!”

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA ĐỐI DIỆN VỚI PHI-TÌNH YÊU LOÀI NGƯỜI

Trong những năm 1944-1945, dân thành Rô-ma khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến tên Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Ðức Quốc xã đã từng giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Sau chiến tranh, anh ta bị bắt và bị kết án tử hình. Anh viết thư cho Ðức Giáo hoàng Piô 12 để xưng thú các tội ác mình đã phạm và đặc biệt xin ngài tha thứ cho anh tội đã tấn công vào Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành. Ðức Thánh cha đã sai một linh mục đến nhà tù để gặp anh ta và chuyển tới anh sự tha thứ của ngài, đồng thời trao cho anh ta một tràng hạt Mân Côi. Ðến nhà giam, sau khi làm theo lời căn dặn của Ðức Giáo hoàng, vị linh mục đã nghe người tử tội thốt lên như sau : "Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý ! Tòa án đã kết án con, điều này cũng rất công bình ! Ðức Giáo hoàng đã tha thứ cho con và đã cho con một bài học cao quý ! Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì giờ này có lẽ con không phải ra pháp trường như thế này.” Nói rồi anh bật khóc : "Con không dám động đến tràng hạt của Ðức Giáo hoàng bằng đôi tay vấy máu của con. Xin cha đeo tràng hạt vào cổ cho con." Ít phút sau, Peter Koch ngã gục dưới loạt đạn, miệng anh vẫn còn cầu khẩn Mẹ Maria...

Câu chuyện tha thứ trên đây cảm động quá phải không bạn? Nhưng trang Tin Mừng đang đọc dạy cho ta bài học tha thứ còn cảm động và ý nghĩa gấp bội.

Trước hết, cần nhớ rằng chuyện Đức Giê-su rời núi Ô-liu (Cây dầu) để đến Đền thờ “cứu một người đàn bà ngoại tình”, một nữ tội nhân, là một trong những hạt ngọc của Tin Mừng. Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng trước cuộc Khổ nạn… lúc chúng ta cũng được kêu mời lãnh nhận ơn tha thứ của Người vì những tội mình đã phạm. Hãy coi chừng đừng hạ giá trang tuyệt vời này, bằng cách giản lược nó thành một loại bài học về sự khoan dung đối với các yếu đuối của con người… sự khoan dung mà các Hiền nhân, bậc Khôn ngoan thuộc mọi nền văn minh đều đã tán dương ca tụng. Nếu Đức Giê-su đã đến để chỉ nói lại với chúng ta điều ấy, thì rốt cuộc chúng ta chẳng cần Người.

Nhưng trên thực tế, trang Tin Mừng này là một mạc khải rất sâu xa về bản chất của tội lỗi và bản chất của ơn tha thứ…. từ quan điểm của Thiên Chúa.

1- Ý niệm Ki-tô giáo về tội lỗi.

Tiên vàn, tội lỗi đúng là một thực tại của con người, nhưng nhất là một thực tại của đức tin. Khi các nhà xã hội học nghiên cứu về thái độ của con người, họ khám phá ra rằng :

Trước hết, đó là một sự vi phạm… Xã hội của loài người nam nữ, của các gia đình và của các thành thị đúng nghĩa chỉ có thể hoạt động theo một số điều kiện với một số luật lệ, một số lệnh cấm. Chớ trộm cắp. Chớ nói dối. Chớ ngoại tình. Tôn trọng vợ chồng người ta ! Đừng có hiểu trang Tin Mừng này theo nghĩa ngược lại. Rõ ràng Đức Giê-su kết án tội ngoại tình : “Từ nay chị đừng phạm tội nữa.”

Rồi đến ý niệm lỗi lầm… Nếu trẻ thơ chỉ dừng lại ở chỗ các lệnh cấm -và khổ thay, một số người lớn vẫn là con nít trong chuyện này- thì thanh niên, khi ra khỏi thói coi trọng sơ đẳng cái được phép và cái cấm làm, thường khám phá ra rằng cái người ta đã cấm mình “gây thiệt hại cho chính bản thân mình.” Khi tôi nói láo, trộm cắp, hay ngoại tình, tôi phá hủy trong tôi một cái gì đó của nhân tính mình. Lỗi lầm là như một con sâu gặm nhấm trong một trái cây… một khiếm khuyết trong hữu thể, trong ý chí tôi.

Nhưng ý niệm tội lỗi còn một mức độ thứ ba. Tội lỗi, theo nghĩa chặt, tác động đến mối “quan hệ với Thiên Chúa.” Chúa nhật mới rồi, Đức Giê-su đã nhắc ta nhớ đến tội lỗi như một sự gãy đổ tình yêu với Cha trên trời : người ta cắt đứt liên hệ, người ta bỏ đi thật xa. Hôm nay, Tin Mừng gợi cho ta một mối quan hệ khác : tất cả Thánh Kinh từng so sánh tội lỗi của dân Ít-ra-en như một sự ngoại tình, một sự “phá vỡ Giao ước” giữa Thiên Chúa với tuyển dân yêu quý của Người. Các ngôn sứ cũng từng so sánh nhân loại như một Hôn thê bất trung với Hôn phu của mình. Phá vỡ một giao ước tình yêu ! Làm điều dữ cho một Đấng yêu thương chúng ta không ngừng ! Đấy chính là mạc khải đích thực và sâu xa về cái gọi là tội lỗi.

Như thế, đối với Đức Giê-su, người ta chỉ có “cảm thức về tội lỗi” khi có “cảm thức về Thiên Chúa,” Cuối cùng, chính các vị thánh là sáng suốt nhất vì họ cảm nhận được vết thương tình yêu mà những vi phạm và lầm lỗi gây ra cho Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng chúng ta và thương yêu chúng ta biết chừng nào ! Đấng bị chúng ta tàn phá “khuôn mặt”… trong chúng ta, những kẻ đã được tạo dựng theo “hình ảnh” của Người !

2- Ý niệm Ki-tô giáo về ơn tha thứ.

Điều tuyệt diệu của Thánh Kinh, đó là tội lỗi được mạc khải thật sự cho chúng ta chỉ qua việc nó được tha thứ : “Tôi tin phép tha tội”… Lòng thương xót của Thiên Chúa đi trước các cuộc thống hối của chúng ta. Đấy là khám phá đích thực cần phải thực hiện, trong đức tin. Không chắc người đàn bà ngoại tình đã ăn năn tội khi người ta dẫn thị đến trước Đức Giê-su. Nhưng chắc chắn Đức Giê-su đã thương xót thị và đã cứu thoát thị : “Tôi không lên án chị đâu !”

Vâng, tình thương Thiên Chúa là vô điều kiện : Người vẫn tiếp tục thương yêu những kẻ không yêu thương mình. Thiên Chúa chẳng phải như ông chồng vụ lợi đầy tình âu yếm đối với bà vợ yêu say, nhưng bắt đầu ghét bà khi bà không còn dễ thương, hay bất trung, hay lừa phỉnh mình… dù phải tha thứ cho bà nếu bà trở lui lại. Không, Thiên Chúa -Thánh Kinh bảo chúng ta- tiếp tục yêu quý hôn thê ngoại tình của mình. Người luôn trong tình trạng tha thứ, ngay cả khi cô nàng bướng bỉnh. Thiên Chúa chẳng bao giờ hủy bỏ Giao ước (Hôn ước) của Người.

Thành thử cần điều chỉnh khái niệm thông thường vốn khẳng định cách quá đơn giản rằng : “Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta hối cải.” Chuyện tha tội không tiếp sau việc hối cải nhưng là đi trước, đi đầu. Đứa con hoang đàng được tha thứ hoàn toàn, yêu mến hoàn toàn trước. Con chiên lạc được mục tử thương mến, kiếm tìm ngay cả trong những lần đi lạc. Chị phụ nữ ngoại tình, với tội lỗi dĩ nhiên bị kết án, đã được Đức Giê-su yêu mến cách đặc biệt, vì Người thương xót chị : tội lỗi đã làm hư hỏng và gây tổn hại cho chị.

Tình thương Thiên Chúa là vô điều kiện. Để tha thứ, Thiên Chúa không chờ chúng ta. Người đi trước chúng ta. Nhưng để hòa giải, phải cần cả hai. Hôn phu thần linh sẽ chỉ có thể ôm lấy hôn thê ngoại tình của mình nếu cô nàng trở về với Người cách tự do. Sắp đến lễ Phục sinh, tất cả chúng ta đều được mời lãnh nhận sự tha thứ của Thiên Chúa : đây là một vấn đề tình yêu !

Viết theo Noël Quesson, Les entretiens du dimanche.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tại sao Đại Học Công Giáo Notre Dame không mời Trump, cũng chẳng mời Vance dự lễ Tốt Nghiệp?
J.B. Đặng Minh An dịch
01:52 01/04/2025

Đại Học Công Giáo Notre Dame có truyền thống mời các Tổng thống hay phó Tổng thống đương nhiệm đến phát biểu trong lễ Tốt Nghiệp. Chính quyền của Tổng thống Trump được tiếng là phò sinh, và Phó tổng thống Mỹ James David Vance là người trở lại Công Giáo. Nhưng nhà trường đã không mời Trump, cũng chẳng mời Vance dự lễ Tốt Nghiệp. Nhiều người thắc mắc tại sao.

Trên tờ National Catholic Register ngày 31 tháng Ba, 2025, linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, giải thích lý do trong bài phân tích nhan đề “Notre Dame’s Presidential Commencement ‘Tradition’ More Nuanced Than Some Assume”, nghĩa là “Truyền thống mời Tổng thống phát biểu trong lễ Tốt Nghiệp của Đại Học Công Giáo Notre Dame tinh tế hơn một số người nghĩ”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đại học Notre Dame đưa ra hai cử chỉ vinh danh thu hút sự chú ý rộng rãi trong cộng đồng Công Giáo và nhiều nơi khác. Đó là bằng tiến sĩ danh dự hàng năm và bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp, và Huy chương Laetare, mà Notre Dame mô tả là “giải thưởng danh giá nhất dành cho người Công Giáo Hoa Kỳ”.

Người nhận huy chương năm 2025 đã được công bố vào ngày 30 tháng 3, nhân Chúa Nhật Laetare hay Chúa Nhật Áo Hồng, Chúa Nhật thứ tư của Mùa Chay. Kerry Alys Robinson, chủ tịch của Catholic Charities USA, sẽ nhận huy chương tại lễ tốt nghiệp hàng năm vào tháng 5. Huy chương vinh danh một Robinson như một cá nhân, nhưng cũng thể hiện sự ủng hộ đối với Catholic Charities, tổ chức đã phải cắt giảm các chương trình và sa thải nhân viên do chính quyền Tổng thống Trump cắt giảm ngân sách lớn.

Diễn giả lễ tốt nghiệp năm 2025 đã được công bố vào ngày 18 tháng 3. Đó sẽ là cựu sinh viên Notre Dame Đô đốc Christopher Grady, phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. Ông là quyền chủ tịch hiện tại sau khi Tổng thống Trump gần đây đã sa thải Tướng Charles Quinton Brown. Quyết định vinh danh một cựu sinh viên và sĩ quan quân đội cao cấp nhất đã khéo léo tránh khỏi sự ngượng ngùng khi cả Tổng thống Trump lẫn Phó Tổng thống JD Vance đều không được vinh danh tại lễ tốt nghiệp năm nay.

Một số người đã nhầm tưởng rằng đó là sự phá vỡ truyền thống các tổng thống phát biểu tại lễ tốt nghiệp. Không phải vậy. Kể từ lần đầu tiên tổng thống phát biểu tại lễ tốt nghiệp mùa xuân năm 1960, bảy trong số 12 tổng thống đương nhiệm đã không được mời đến lễ tốt nghiệp của Notre Dame. Chỉ có năm người được mời. Truyền thống không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Các vị Tổng thống tại Notre Dame

Nhiều tổng thống đã được vinh danh tại lễ tốt nghiệp của Notre Dame hơn bất kỳ tổ chức nào khác ngoài các học viện quân sự. Các Tổng thống Franklin Delano Roosevelt, John Fitzgerald Kennedy, Dwight Eisenhower, Gerald Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan, cả hai cha con George Bush và Barack Obama đều đã được trao bằng tiến sĩ danh dự. Tuy nhiên, không phải tất cả đều theo cùng một cách.

John Fitzgerald Kennedy được vinh danh tại lễ tốt nghiệp năm 1950, 10 năm trước khi ông được bầu làm tổng thống. Franklin Delano Roosevelt và Gerald Ford được trao bằng danh dự tại các buổi lễ đặc biệt, không phải lễ tốt nghiệp mùa xuân hàng năm. Eisenhower và Bush cha đến vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của họ, lần lượt là 1960 và 1992, không phải trong những tháng sau lễ nhậm chức đầu tiên của họ.

Tổng thống đầu tiên tham dự lễ tốt nghiệp chính là Dwight Eisenhower vào năm 1960. Cha Ted Hesburgh của Dòng Thánh Giá, hiệu trưởng trường Notre Dame từ năm 1952 đến năm 1987, đã gặp khó khăn trong việc tìm diễn giả cho lễ tốt nghiệp — một số người mà cha đã mời đã không thể đến. Thư ký của ngài đã đề nghị thử mời Tổng thống Eisenhower, mặc dù khá muộn. Trước sự ngạc nhiên của Notre Dame, Tổng thống Eisenhower đã chấp nhận. Vị chỉ huy tối cao của quân đồng minh đã rất vui mừng vào Ngày D đến nỗi ông đã làm gián đoạn buổi họp lớp lần thứ 45 của mình tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ để đến South Bend.

Đáng chú ý hơn nữa là lễ tốt nghiệp đầu tiên có sự tham dự của một tổng thống bao gồm bằng danh dự dành cho Đức Hồng Y Giovanni Battista Montini, vị Giáo Hoàng tương lai Phaolô Đệ Lục. Một tổng thống sắp nghỉ hưu và Đức Giáo Hoàng tương lai đã cùng nhau có mặt tại khuôn viên trường Notre Dame.

Lễ tốt nghiệp với Tổng thống Carter

Chuyến thăm của Tổng thống Eisenhower không phải là sự khởi đầu của bất cứ điều gì. Tổng thống Ford đã được trao bằng danh dự tại một buổi lễ đặc biệt mừng Ngày Thánh Patrick năm 1975. Chính vị tổng thống tiếp theo mới thực sự bắt đầu truyền thống mời Tổng thống đến phát biểu trong lễ tốt nghiệp của trường Notre Dame.

Tổng thống Carter được mời vào tháng 5 năm 1977, ngay sau khi nhậm chức. Ông đã có bài phát biểu quan trọng và có ý nghĩa, nêu rõ chính sách đối ngoại của chính quyền mình. Carter lập luận rằng đã đến lúc nước Mỹ phải vượt qua “nỗi sợ hãi quá mức về chủ nghĩa cộng sản” khi Liên Xô đang suy yếu và tập trung lại các ưu tiên của mình vào việc thúc đẩy nhân quyền.

Việc Tổng thống Carter chọn Notre Dame cho một bài phát biểu quan trọng như vậy là do hai yếu tố. Thứ nhất, sự ngưỡng mộ cá nhân của ông đối với Cha Hesburgh, được cựu thống đốc Georgia đánh giá cao như một nhà đấu tranh vĩ đại cho quyền công dân. Thứ hai, Carter rất sùng đạo muốn khôi phục lại sự nổi bật của các giá trị đạo đức trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Vì vậy, ông đã chọn trường đại học tôn giáo nổi tiếng nhất ở Hoa Kỳ để làm như vậy.

Sự trở lại của Reagan

Những gì Tổng thống Carter bắt đầu Tổng thống Reagan đã nâng cao. Với việc Tổng thống Carter biến Notre Dame thành nơi có bài phát biểu thiết lập chương trình nghị sự cho chính quyền của mình, Tổng thống Reagan cũng được trao cơ hội tương tự — thậm chí còn phù hợp hơn khi cựu diễn viên này đã vào vai George Gipp trong bộ phim bóng bầu dục Notre Dame Knute Rockne All-American.

Sự kịch tính lên đến đỉnh điểm khi Reagan bị ám sát vào tháng 3 năm 1981. Ông vẫn giữ cuộc hẹn của mình tại Notre Dame vào tháng 5, đó là chuyến đi đầu tiên của ông ra khỏi Washington sau vụ ám sát hụt. Tại đó, ông đã có bài phát biểu đầu tiên trong số các bài phát biểu quan trọng của mình với tư cách là tổng thống, tập hợp các lực lượng cần thiết để giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh.

Trong khi bài phát biểu của ông tại Cổng Brandenburg năm 1987 — Hãy phá bỏ bức tường này! — được nhớ đến nhiều nhất, thì tại Nhà thờ Đức Bà Paris năm 1981, Reagan lần đầu tiên tuyên bố rằng chủ nghĩa cộng sản là không thể chấp nhận được như một thế lực vô đạo và sẽ sớm bị xóa khỏi lịch sử:

“Phương Tây sẽ không chỉ kiềm chế chủ nghĩa cộng sản mà thôi, nhưng phương Tây sẽ đè bẹp chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta sẽ coi đó là một chương buồn, kỳ lạ trong lịch sử nhân loại mà những trang cuối cùng thậm chí còn đang được viết.”

Sau Tổng thống Reagan, Tổng thống George HW Bush đã không đến vào năm 1989, năm ông nhậm chức. Ông không thể nào sánh được với Reagan, và Bush cần thoát khỏi cái bóng của Reagan. Ông đã đến khi tái tranh cử vào năm 1992. Trong năm bầu cử đó, Notre Dame đã cố gắng đạt được sự hợp tác lưỡng đảng bằng cách trao tặng Huân chương Laetare cho Thượng nghị sĩ Dân chủ Daniel Patrick Moynihan của New York.

Quyết định vinh danh Moynihan đã gây ra sự chỉ trích đáng kể do hồ sơ bỏ phiếu nhất quán của ông ủng hộ quyền phá thai. Sự chỉ trích đó đã khiến Tổng thống Bill Clinton không được mời đến dự lễ tốt nghiệp trong suốt hai nhiệm kỳ của ông.

Truyền thống Carter-Reagan được khôi phục lại với Tổng thống George W. Bush, hay ông Bush con, người được vinh danh vào tháng 5 năm 2001.

Tranh cãi quanh Obama

Sau khi quyết định mời Tổng thống Bush ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống, Notre Dame cảm thấy bắt buộc phải mời Tổng thống Barack Obama. Cha Hesburgh, mặc dù đã nghỉ hưu, vẫn hiện diện trong khuôn viên trường, một anh hùng của phong trào dân quyền và cựu chủ tịch Ủy ban Dân quyền Hoa Kỳ. Thật không thể tưởng tượng được khi vị tổng thống da đen đầu tiên lại không được mời.

Cuộc tranh cãi sau đó trở nên gay gắt, với hàng chục giám mục Hoa Kỳ lên án quyết định vinh danh Obama của Notre Dame vì chương trình phá thai của ông. Giáo sư Mary Ann Glendon của Harvard, người nhận Huy chương Laetare năm đó, đã từ chối giải thưởng và không xuất hiện tại lễ tốt nghiệp cùng với học trò cũ của bà, là vị tổng thống hiện tại.

Cha John Jenkins, khi đó là hiệu trưởng trường Notre Dame, đã tiến hành lễ tốt nghiệp nhưng hối tiếc về “rạp xiếc chính trị” mà nó gây ra. Ngài không muốn điều đó xảy ra nữa. Và do đó, Obama là vị tổng thống cuối cùng phát biểu tại lễ tốt nghiệp.

Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của Obama năm 2016, Cha Jenkins đã quyết định trao tặng Huân chương Laetare cho hai người Công Giáo ngồi sau Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài phát biểu trước Quốc hội năm 2015, Phó Tổng thống Joe Biden, một đảng viên Dân chủ, và Chủ tịch Hạ viện John Boehner, một đảng viên Cộng hòa. Đây là một nỗ lực khác hướng tới sự hợp tác lưỡng đảng.

Điều đó cũng có nghĩa là khi Tổng thống Biden nhậm chức vào năm 2021, đã có một cách giữ thể diện để tránh lặp lại tranh cãi của Obama. Tổng thống Biden đã được vinh danh rồi tại lễ tốt nghiệp năm 2016, vì vậy việc quay trở lại có thể được coi là không cần thiết.

Để trình bày trước công chúng, Notre Dame đã mời Tổng thống Biden nhưng ông đã từ chối, viện dẫn lý do xung đột lịch trình — điều đó luôn là một cái cớ khả thi cho một tổng thống. Notre Dame thường không nói về những lời mời nào được hoặc không được chấp nhận. Họ đã từ chối làm như vậy trong năm nay. Vì vậy, rõ ràng là lời mời và từ chối của Tổng thống Biden đã được sắp xếp khéo léo trước thời hạn với Tòa Bạch Ốc.

Sự khác biệt của Tổng thống Trump

Bằng danh dự không khó để có được đối với những người nổi tiếng; bản thân Cha Hesburgh đã giữ kỷ lục thế giới, khi nhận được hơn 150 bằng. Những người nổi tiếng sưu tầm chúng như những ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood. Chỉ riêng năm ngoái, Harvard đã trao bằng tiến sĩ danh dự cho Tom Hanks và New York University trao bằng tiến sĩ danh dự cho Taylor Swift.

Mặc dù có thành tích nổi tiếng lâu dài trong nhiều lĩnh vực, Tổng thống Trump vẫn có một kỷ lục thế giới khác liên quan đến bằng tiến sĩ danh dự. Ông đã bị tước nhiều bằng danh dự hơn số bằng ông giữ lại được — một sự khác biệt đáng kinh ngạc.

Tổng thống Trump đã được trao năm bằng tiến sĩ danh dự, từ Đại học Lehigh, vào năm 1988, Đại Học Wagner, năm 2004, Đại học Robert Gordon, năm 2010, và hai bằng từ Đại học Liberty, năm 2012 và 2017. Chính tại Wagner, Tổng thống Trump đã đưa ra cho những sinh viên tốt nghiệp những lời khuyên mà ông thấy hữu ích: “Luôn luôn phải có thỏa thuận tiền hôn nhân”. Thỏa thuận tiền hôn nhân, tiếng Anh gọi là prenup, là hợp đồng bằng văn bản được đôi tân hôn ký kết trước khi kết hôn hoặc chung sống dân sự, cho phép họ lựa chọn và kiểm soát nhiều quyền hợp pháp mà họ có được khi kết hôn, và những gì xảy ra khi cuộc hôn nhân của họ kết thúc do tử vong hoặc ly hôn.

Đại Học Robert Gordon đã tước bằng tiến sĩ danh dự của Tổng thống Trump vào năm 2015, sau khi ông kêu gọi “cấm hoàn toàn và toàn diện người Hồi giáo vào Hoa Kỳ”. Lehigh và Wagner cũng làm theo vào năm 2021 sau vụ tấn công vào Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 6 Tháng Giêng, năm đó trong cuộc tranh cãi về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống.

Liberty, trường đại học do Jerry Falwell sáng lập, là trường duy nhất không hủy bỏ hai bằng danh dự của mình. Bằng thứ hai, được trao vào tháng 5 năm 2017, là một dạng giải thưởng an ủi được trao vào cùng tháng mà Notre Dame không mời Tổng thống Trump.

Notre Dame sẽ không bao giờ trao cho Tổng thống Trump bằng danh dự vì cùng lý do mà các trường đại học danh tiếng khác đã tước bằng tiến sĩ danh dự của ông. Nhiều năm sau, Cha Jenkins nói rằng Tổng thống Trump không đáp ứng được “một chuẩn mực nhất định về mặt đạo đức”.

Giải pháp Phó Tổng thống

Năm 2017, Notre Dame đã mời Phó Tổng thống Mike Pence đến phát biểu tại lễ tốt nghiệp thay vì Tổng thống Trump. Với đức tin Kitô giáo sùng đạo của Pence và ông là cựu thống đốc của Indiana, đây là một lựa chọn thay thế phù hợp. Đây là lần đầu tiên và duy nhất lựa chọn phó tổng thống được sử dụng.

Vậy tại sao không sử dụng nó một lần nữa trong năm nay với Phó Tổng thống JD Vance, người trở lại Công Giáo vào năm 2019?

Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Notre Dame mời Vance trong những năm tới; ông ấy rất muốn giải đáp các câu hỏi về đức tin trong đời sống công cộng và đã đưa ra những lập luận dựa trên đức tin của mình về các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, thời điểm năm nay sẽ khá khó xử, ngay cả khi Robinson của tổ chức bác ái Công Giáo không nhận được Huân chương Laetare.

Vance đã vu cáo các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ kiếm tiền từ việc tái định cư người tị nạn. Vance đã đặt vấn đề về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc hỗ trợ những người nhập cư không có giấy tờ trên chương trình Face the Nation của CBS vào ngày 26 Tháng Giêng.

Vance nói: “Tôi nghĩ rằng Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ thực sự cần phải nhìn vào gương một chút và nhận ra rằng khi họ nhận được hơn 100 triệu đô la để giúp tái định cư những người nhập cư bất hợp pháp, liệu họ có lo lắng về các vấn đề nhân đạo không? Hay họ thực sự lo lắng về lợi nhuận ròng của mình?”

Sau những phát biểu của Phó Tổng thống Vance, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã ban hành một tuyên bố cho biết các ngài đã nhận được tiền từ chính phủ theo luật năm 1980, nhưng nhấn mạnh rằng “số tiền này không đủ để trang trải toàn bộ chi phí cho các chương trình này. Tuy nhiên, đây vẫn là công việc của lòng thương xót và mục vụ của Giáo hội.”

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ hiện đang kiện chính quyền vì từ chối thực hiện hợp đồng theo luật định cho các dịch vụ Giáo Hội đã cung cấp. Sau đó, chính quyền Tổng thống Trump đi xa hơn nữa quyết định chấm dứt quan hệ đối tác kéo dài hàng thập niên với Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ về vấn đề người tị nạn. Tuy nhiên, các Giám Mục nhấn mạnh rằng có hay không có sự trợ giúp của chính quyền, Giáo Hội vẫn không lùi bước và tiếp tục trợ giúp và bênh vực người tị nạn vì đây vẫn là công việc của lòng thương xót và mục vụ của Giáo hội.

Nếu Vance được mời, tốt hơn là nên đợi đến thời điểm ít xung đột hơn.

Cũng tế nhị là thái độ thù địch của Vance đối với Ukraine, về điều mà ông đã nói vào năm 2022, “Tôi thực sự không quan tâm đến những gì xảy ra với Ukraine.” Cùng năm đó, Notre Dame đã nhấn mạnh sự đoàn kết của mình với Ukraine bằng cách mời Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak, giám mục Công Giáo Ukraine hàng đầu tại Hoa Kỳ, làm diễn giả lễ tốt nghiệp. Notre Dame quan tâm đến Ukraine. Còn quá sớm để tiếp đón Vance sau khi phó tổng thống hét vào mặt Tổng thống Volodomyr Tổng thống Zelenskiy tại Phòng Bầu dục.

Truyền thống mời các vị Tổng thống phát biểu tại Notre Dame phức tạp hơn những gì thường được trình bày. Năm nay Notre Dame đã giải quyết tốt. Không có Tổng thống Trump, cũng không có Vance, thay vào đó là người lính hàng đầu và một cựu sinh viên của nhà trường.

Cầu mong sao chúng ta không còn phải chứng kiến một loạt các đối phó với những gì đang tiếp diễn, nhưng lại được thấy như một chung kết hoàng tráng các diễn từ đỉnh cao như của các Tổng thống Carter và Reagan.


Source:National Catholic Register