Ngày 19-12-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vào gia phả con người để cứu con người
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
01:15 19/12/2024
SUY NIỆM LỄ VỌNG GIÁNG SINH
(Mt 1, 1-25)
Vào gia phả con người để cứu con người

Vọng Lễ Chúa giáng sinh, phụng vụ Giáo hội cho chúng ta đọc gia phả nhân loại từ Abraham đến thánh Giuse bạn của Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người sinh ra trong gia phả ấy (x.Mt 1, 16), với câu : “Vậy từ Abraham đến Đa-víd có tất cả mười bốn đời. từ Đa-víd đến cuộc lưu đầy ở Babilon có mười bốn đời; từ cuộc lưu đầy ở Babilon đến Chúa Kitô có mười bốn đời” (Mt 1, 17).

Câu trên không khỏi làm người ta thắc mắc. Chúa Giêsu chẳng có liên hệ gì về mặt huyết thống với dòng dõi vua Đa-víd? Nếu Đa-víd đã sống khoảng 1000 trước khi Chúa Giêsu sinh ra thì Chúa Giêsu là con Đa-víd thế nào được?

Thưa : Đấng Đấng Cứu Thế đã hoàn tất lời tiên tri về dòng dõi của Đa-víd (2 Samuel 7, 12-16). Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đã được hứa, sinh ra bởi dòng dõi vua Đa-víd (x. Rm 1,3; Tm 2,8; Mt 1). Gia phả minh chứng, Chúa Giêsu theo nhân tính, Người là hậu duệ trực tiếp của Đa-víd qua Giuse, người cha hợp pháp của mình.

Câu mở đầu trong gia phả, Chúa Giêsu được xác định là “con vua Đa-víd” (Mt 1,1). Tiếp theo, lần theo dấu vết con cháu của Abraham đến “vua Đa-víd”. Gia phả của Chúa Giêsu chứng tỏ Con Thiên Chúa nhập thể là một người thật trong lịch sử dân Chúa. Qua các thời đại, Thiên Chúa là Đấng trung thành đã thực hiện lời hứa cứu độ.

Gia phả của Đức Giêsu Kitô

Người ta có cố có ông, có cha có mẹ có ông có bà, tức là có một gia phả. Chúa Giêsu dù là Thiên Chúa, nhưng làm người, nên cũng không nằm ngoài qui luật tự nhiên ấy. Gia phả của Đức Giêsu Kitô được Thánh sử Matthêu viết thật là dài, cả thảy 42 đời, không phải một cách hết sức chính xác và đầy đủ theo nghĩa lịch sử, nhưng mang nặng ý nghĩa thần học. Gia phả này nhắc nhớ chúng ta rằng, “Sau sự sa ngã phạm tội của Ađam và Evà, Thiên Chúa đã không muốn bỏ rơi nhân loại một mình, cũng như đã không muốn phó mặc nhân loại cho sự ác. Ngài đã đáp trả lại sự nặng nề của tội lỗi bằng sự phong phú tràn trề của ơn tha thứ. Lòng Thương Xót luôn luôn vượt lên trên mọi mức độ của tội lỗi, và không ai có thể đặt ra những giới hạn cho Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa” (x. Misericodiae Vultus số 3). Thiên Chúa đã đi tìm Ađam và Evà và đồng hành với con người. Thiên Chúa đã gọi Abraham người đầu tiên trong gia phả, thứ đến là các tổ phụ khác. Thiên Chúa đã hòa mình vào lịch sử với chúng ta, một lịch sử đi từ thánh thiện đến tội lỗi, có những thánh nhân vĩ đại nhưng cũng có những tội nhân thấp hèn. Đó là Tình Yêu an ủi của Thiên Chúa, Đấng tha thứ và ban tặng niềm hy vọng cho chúng ta.

Theo thánh Mátthêu, Đức Giêsu xuất thân từ dòng dõi Abraham, và cuộc đời Người gắn kết với dân tộc Israel, một dân được tuyển chọn trong tình thương. Đức Giêsu cũng là Con của vua Đa-víd, nên Người có cơ sở để là Đấng Messia như lời hứa.

Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa là người cuối của gia phả, nhưng lại là nhân vật trung tâm (x. Mt 1,16-17). Toàn bộ lịch sử của dân tộc Israel cũng là lịch sử cứu độ. Dòng lịch sử cứu độ này đã lên đến tột đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa đã đưa lịch sử nhân loại đến chỗ thành toàn.

Quả thật, Con Thiên Chúa hòa mình vào một lịch sử đi từ thánh thiện đến tội lỗi, một gia phả khác thường đối với Do thái giáo. Bởi lẽ, trong gia phả Đức Giêsu có tên một số phụ nữ, đó là chuyện lạ, vì người Do Thái thường chỉ để tên người cha. Trừ Đức Maria ra, còn bốn phụ nữ kia đều có gốc dân ngoại, mỗi bà một hoàn cảnh không ai giống ai chứng tỏ Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử nhân loại. Thiên Chúa muốn dùng những cái bất ngờ để đem các kế hoạch của Ngài đến thành công. Lịch sử nhân loại không phải là một chuỗi dài các biến cố dẫn tới một kết cục định trước. Lịch sử nhân loại bao gồm tội lỗi và hoán cải, thành công và thất bại, anh hùng và những kẻ hèn hạ. Song, sự Quan Phòng của Thiên Chúa cai quản lịch sử này. Sự Quan Phòng của Chúa biến đường cong thành thẳng, đường gồ ghề thành phẳng mịn. Và cuối cùng, Tình yêu của Thiên Chúa sẽ thắng, như nó được mạc khải nơi Đức Giêsu.

Thánh Matthêu có lý khi đưa bốn phụ nữ vào trong gia phả toàn đàn ông. Tất cả các bà là dân ngoại. Ta-ma và Ra-kháp là người Ca-na-an, Rút là một người Mô-áp, và Bát-sê-ba người Hít-tít. Sự có mặt của các bà trong danh sách là điềm báo vai trò của Đấng Mê-si-a, Đấng mở rộng chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho dân ngoại. Đức Giêsu đã là con cháu của các phụ nữ khác thường này, nên cũng mang trong mình chút dòng máu của dân ngoại nếu tính theo gia phả, dẫn đến cuộc sinh hạ của Đức Kitô cũng khác thường. Đức Giêsu cứu rỗi mọi người, người tội lỗi cũng được cứu; cả người tội lỗi cũng được cộng tác vào công cuộc của Chúa. Ơn cứu rỗi là ơn nhưng không Chúa ban, không do công trạng con người.

Sự giáng sinh của Con Một Chúa

Cách làm người của Con Thiên Chúa vừa bình thường lại vừa tuyệt đối khác thường. Bình thường vì Người được sinh ra bởi một người nữ (x. Gl 4, 4). Khác thường vì Người không được sinh ra bởi người nam (cha ruột), nhưng do quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Mt 1, 18. 20). Mátthêu diễn tả một cách tinh tế như sau: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, từ bà Đức Giêsu được sinh ra, cũng gọi là Đức Kitô” (c. 16). Có thể nói, Đức Giêsu có dược “nhập khẩu” vào dòng dõi vua Đavít hay không đều tùy thuộc vào lời đáp trả của thánh nhân. Nên Thánh Mátthêu đã làm nổi bật dung mạo vị cha nuôi của Chúa Giêsu, vừa nhấn mạnh rằng, nhờ qua thánh nhân, Con Trẻ được đưa vào trong dòng dõi vua Ðavít một cách hợp pháp, và như thế thực hiện những Lời Kinh Thánh, trong đó Ðấng Thiên Sai được các tiên tri loan báo như là “Con của Vua Ðavid ”. Như thế, Con Thiên Chúa đã có một người mẹ để trọn vẹn là người. Có cha nuôi là thánh Giuse để được thuộc về dòng Đavít với một gia phả. Có một gia đình cần thiết để sống và lớn lên.

Nhìn vào thánh Giuse, vị hôn phu của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, cha nuôi Đức Giêsu, mẫu gương của người “công chính” (Mt 1,19) với vai trò trổi vượt về nhân đức trổi vượt, được Thiên Chúa tín nhiệm trao ban quyền làm “Người gìn giữ Ðấng cứu thế”, trong gia đoạn đầu của công trình cứu chuộc, khi hoà hợp hoàn toàn với vị hôn thê của mình, tiếp rước Con Thiên Chúa làm người và canh chừng cho sự tăng trưởng nhân bản của Con Thiên Chúa. Vì thế, thật xứng hợp biết bao hướng về ngài, cầu xin ngài trợ giúp chúng ta.

Noi gương ngài, chúng ta mở rộng lòng mình ra, chuẩn bị nội tâm để đón nhận và gìn giữ Chúa Giêsu trong đời sống chúng ta. Uớc chi Chúa có thể gặp thấy trong chúng ta lòng quảng đại sẵn sàng đón Chúa đến, như đã xảy ra như vậy tại Bêlem trong Ðêm Cực Thánh Chúa sinh ra đời. Amen.
 
Lên đường
Lm Thái Nguyên
01:19 19/12/2024

LÊN ĐƯỜNG
Chúa Nhật 4 Mùa Vọng năm C : Lc 1, 39-45
Suy niệm

Được sứ thần cho biết chị họ đã mang thai được sáu tháng trong lúc tuổi già, tức thì Đức Maria thu xếp “vội vã lên đường” đi đến chăm lo. Nhà bà Êlisabét ở “miền núi”, có truyền thống cho rằng, đó là vùng Ain-Karim cách Giêrusalem 8 km về phía tây. Nếu thế, Đức Maria phải đi hơn 120 km mới đến thăm bà chị họ được, vì phải đi từ Nadarét ở Galilê phía bắc, lên Giêrusalem ở phía nam. Con đường quá xa xôi mà lại vòng vo, hoang vu, cách trở núi đồi, đầy nguy hiểm. Một thiếu nữ đi như vậy quả là liều lĩnh. Nhưng Mẹ chẳng nệ hà gian khó, chỉ nghĩ đến người chị họ đang cần giúp đỡ. Lòng nhân ái khiến Mẹ quên cả niềm vui riêng, để hướng đến niềm vui của người khác.

Cuộc hành trình diễn ra vào lúc Xuân sang, lúc mà vùng Đất Thánh trổ hoa muôn sắc, cảnh vật muôn màu, lan tỏa hương thơm và chim chóc tụ về líu lo vang trời. Tất cả thiên nhiên như bừng dậy để đón chào Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa. Mẹ vui mừng và hạnh phúc đi trong ánh quang của ngày mới, ngày của Mùa Xuân Cứu Độ. Tâm hồn Mẹ chìm ngập trong tình yêu Thiên Chúa trên từng bước đi, vì Mẹ đã chứng nghiệm những kỳ công Chúa đã làm, và mầu nhiệm mà Ngài đã thực hiện nơi Mẹ.

Khi tới nhà bà Êlisabét, Đức Maria vừa cất tiếng chào, thì Gioan trong lòng mẹ được tràn đầy Thánh Thần và nhảy mừng đón chào Ðấng Cứu Độ. Thánh Thần cũng đến với bà Êlisabét, khiến bà nhận ra điều kỳ diệu là Maria đã thụ thai Ðấng Cứu Thế. Đức Maria cũng ngạc nhiên khi thấy mầu nhiệm kín ẩn mà Mẹ âm thầm đón nhận, nay lại được Thánh Thần tỏ bày cho bà chị họ. Cuộc gặp gỡ xem ra thật bình thường, nhưng lại rất linh thánh, vì được diễn ra trong bầu khí tràn ngập Thánh Thần, Đấng khơi dậy niềm vui trong tâm hồn mọi người.
Đức Maria đã lưu lại nhà chị họ chừng ba tháng cho tới khi Gioan Tẩy giả chào đời. Tự nhận là “tôi tớ Chúa”, nên Mẹ cũng muốn làm tôi tớ mọi người. Mẹ chẳng nghĩ gì đến phẩm chức cao trọng được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, cũng chẳng tỏ ra sáng giá vì có phúc hơn mọi người nữ; cũng chẳng hãnh diện hay tự hào về những ân ban cao cả mà Chúa đã thực hiện nơi mình. Mẹ chỉ quan tâm và âm thầm sống cho một Tình Yêu - Tình Yêu Phục Vụ. Chính vì vậy, Mẹ mới thật là Mẹ của Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ.

Đức Mẹ tuyệt vời vì có Đức Kitô trong lòng. Có Đức Kitô trong lòng thì tình yêu dâng tràn, trái tim rộng mở, lý trí thông sáng, ý chí kiên cường, hành động cao vượt. Kitô hữu là người mang Đức Kitô trong lòng mình, là người có Chúa ở cùng. Chỉ khi xác tín sâu xa điều này, ta mới dám ra khỏi bản thân, dám rời bỏ vị trí của mình để đến với người khác, mới dám dấn thân phục vụ và sống chết vì lòng tin.

Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt vời để ta biết ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm tính toán và khôn ngoan người đời, để đi đến với anh chị em, nhất là những người cô đơn, bệnh tật, nghèo hèn, đau khổ… Ra khỏi mình để Chúa có thể hành động qua chúng ta. Ngài muốn yêu thương mọi người bằng trái tim của ta. Hãy cảm nhận sự khát khao của Chúa nơi tâm hồn mình, để ta dám sống một tình yêu khiêm nhu phục vụ.

Việc thăm viếng không chỉ là cách biểu lộ tình yêu, mà còn là cơ hội để đem Chúa đến cho người khác, nên không cần ta phải nói nhiều. Đức Maria có nói gì đâu, Mẹ mới mở lời chào thì Thánh Thần đã ngự đến. Mẹ như ánh sáng của Thiên Chúa. Ánh sáng không cần lời nói, tự nó lan tỏa đến mọi nơi. Cũng vậy, sự hiện diện với cả con tim chính là sứ điệp, tự nó lan rộng đến mọi người.

Kitô hữu là người cưu mang Chúa Kitô trong tâm hồn mình để chuyển thông cho anh chị em. Nếu chúng ta biết sống khiêm tốn và yêu thích phục vụ thì Thần Khí Đức Kitô sẽ soi sáng và làm bừng lên sức sống mới nơi những người mà chúng ta gặp gỡ. Ước chi cuộc thăm viếng của Đức Mẹ ngày xưa là sự khởi hứng linh thiêng cho việc thăm viếng của chúng ta ngày nay. Ước chi những bước chân thánh thiện của Đức Mẹ ngày xưa được tiếp nối bằng những bước chân của chúng ta trong thế giới này, để Chúa được nhận biết và yêu mến nhiều hơn.

Đẹp thay những bước chân trên con đường phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Biết rằng trên con đường này nhiều chông gai giăng mắc và gian nan trắc trở, có thể làm chúng ta chùn bước, nhưng hãy tin rằng, sức mạnh của Thánh Thần luôn đủ cho ta mỗi ngày, để ta tiến bước trong niềm vui. Đó chính là tinh thần Mùa Vọng mà Giáo Hội mời gọi ta sống với Đức Mẹ và sống như Đức Mẹ, để loan tỏa ơn cứu độ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã từ cõi trời mà xuống thế,
chẳng tiếc gì ngai vinh hiển vô biên,
tự hủy mình để hoàn toàn tự hiến,
vì tình yêu trút bỏ mọi uy quyền.
Để Ngôi Hai Thiên Chúa được làm người,
Ma-ri-a đón nhận lời thiên sứ,
làm cho thánh ý Chúa được thực thi,
Mẹ cũng đã lên đường đầy gian khó,
để nói lên tình yêu thương phục vụ,
trao ban cho loài người Chúa Giê-su.
Tuy mọi cuộc thăm viếng vẫn bình thường,
nhưng nếu làm với thái độ yêu thương,
như Đức Ma-ri-a rất khiêm nhường,
thì chính Chúa Thánh Thần luôn điều hướng,
đem lại sự sống mới thật phi thường,
cho những ai đem hết lòng tin tưởng.
Mọi gặp gỡ đều cho con trải nghiệm,
hiểu hơn về mầu nhiệm của con tim,
xin cho con ra khỏi con đường mòn,
là lối sống đức tin theo lề thói,
quen co cụm trong khuôn khổ hẹp hòi,
chỉ bằng lòng với những cái nhỏ nhoi.
Xin cho con lên đường phụng sự Chúa,
ra khỏi mình đến gặp gỡ tha nhân,
đừng kể gì đến quyền lợi bản thân,
mà biết sống với tinh thần tự hiến,
luôn lan tỏa niềm vui và thánh thiện,
nên giống Mẹ Trinh Nữ thật vẹn tuyền. Amen.
 
Ngày 20/12: Mầu nhiệm Truyền Tin - Lm. Gioan Baotixita Đặng Nhật Trường, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:56 19/12/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Đó là lời Chúa