Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia 2015

TÌNH YÊU LÀ SỨ MỆNH CỦA CHÚNG TA
ĐỂ GIA ĐÌNH SỐNG DỒI DÀO


BÀI BỐN: HAI NÊN MỘT

Chúng ta đâu phải sinh ra để sống cô đơn. Chúng ta cần có nhau và bổ túc cho nhau. Tình bằng hữu và cộng đồng thỏa mãn niềm khát mong ấy bằng những mối dây liên kết cùng chung lợi ích và tình yêu. Hôn nhân là một thứ tình bằng hữu thân mật duy nhất thúc đẩy một người nam và một người nữ yêu nhau theo cách thức của "giao ước Thiên Chúa". Hôn nhân là một Bí tích. Tình yêu vợ chồng phong nhiêu và được trao tặng cho nhau một cách trọn vẹn. Tình yêu này diễn tả sự thủy chung của Chúa Giêsu đối với Hội Thánh.

Nhân đức, tình yêu và lòng nhân hậu giúp chúng ta hoàn thành số phận của mình

54. Đoạn Lời Chúa 1 Corintô 13,4-7 thường được các Kitô hữu chọn cho lễ cưới. " Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả".

55. Bản văn thật đẹp. Được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, yêu thương như thế thích hợp với bản tính nhân lọai đích thật của chúng ta. Nhưng yêu thương như thế không bao giờ dễ dàng. Cần phải khiêm nhường và kiên nhẫn. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói gần đây: "Đức tin không phải là nơi trú ẩn cho kẻ nhát đảm"[1]. Tình yêu vợ chồng phải được xây dựng trên những gì bền vững hơn là sự lãng mạn. Sự lãng mạn thật kỳ diệu đấy - nhưng chỉ lãng mạn mà thôi, tình yêu không thể tồn tại trước những lo âu và thách đố vốn không hề thiếu vắng nơi bất cứ cặp vợ chồng nào. Để trở nên chính mình (nghĩa là yêu thương như chúng ta được dựng nên để yêu thương) phải cần đến một số nhân đức. Chúng ta phải sống các nhân đức ấy, và vun trồng chúng để hoàn thành số phận làm người.

56. "Thần học về Thân Xác" của Thánh Gioan Phaolô II nói đến một thứ "tự do nội tâm" và " việc làm chủ bản thân", vốn là những điều các đôi vợ chồng cần có để thật sự hiến thân cho nhau như một quà tặng[2]. Một con người quá thiết tha với những mong đợi lãng mạn, mà thiếu men tự do nội tâm và khả năng tự hiến, sẽ thiếu sự uyển chuyển. Để sống tính bí tích của hôn nhân và dõi theo đường lối của giao ước, các người chồng và người vợ cần có khả năng vượt trên mọi hờn giận, gạt sang một bên những quyền lợi để quảng đại bước tới. Không có tự do và sức mạnh nội tâm, nhiều vấn đề nghiêm trọng sẽ kéo nhau nổi lên, bởi vì cuộc sống rất thường đặt các đôi vợ chồng vào những hoàn cảnh chẳng lãng mạn chút nào.

57. Không một cuộc hôn nhân nào thuần túy đặt nền trên thứ hóa học tình dục có thể bền vững được. Những người bạn tình truy hoan chú tâm nhiều nhất vào việc chiếm đoạt lẫn nhau, thiếu sự tinh tế nội tâm biết lùi bước dành chỗ cho sự tự phản tỉnh, cho sự hòa giải và triển nở. Lời hôn thệ sẽ trung thành yêu thương nhau giống như Chúa giúp tạo nên và bảo vệ không gian sinh tử này. Sự cam kết mang tính bí tích quyết tâm thực hiện công trình yêu thương, ngay cả khi yêu thương thật khó khăn, là một yếu tố cốt lõi trong giao ước của Thiên Chúa.

Tình yêu chân thật thì dấn thân

58. Không một phàm nhân nào có thể thỏa mãn mọi khát vọng của chúng ta. Sự hợp nhất vợ chồng thật sự đặt nền trên giao ước của Thiên Chúa, một giao ước đón nhận ước muốn hưởng lạc, nhưng một cách cơ bản hơn nữa, còn gắn kết người nam và người nữ lại với nhau lúc bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Hôn nhân kitô giáo không phải là một màn diễn tập lãng mạn, hay một sự sắp xếp có điều kiện theo kiểu "cho đến khi nào có một quyết định mới"[3]. Một cuộc hôn nhân được gọi là thử nghiệm như thế, một toan tính sống mật thiết nhưng lại có giả thiết tiền đề, để trắc nghiệm mối quan hệ và tiếp tục bao lâu còn chảy dòng lãng mạn, là một sự mâu thuẫn ngay trong ngôn từ[4]. Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây nhắc tới điều này trong một cuộc nói chuyện trước công chúng:

Các con có biết hôn nhân là suốt đời không? “Dạ, chúng con yêu nhau nhiều lắm, nhưng... chúng con sẽ ở với nhau bao lâu còn tình yêu. Khi tình yêu hết, thì đường ai nấy đi”. Như thế là ích kỷ: khi tôi cảm thấy như thế, tôi sẽ kết thúc cuộc hôn nhân và quên mất “thân mình duy nhất” vốn không thể tách lìa. Kết hôn là một điều mạo hiểm. Thật là mạo hiểm! Chính sự ích kỷ này đe dọa hôn nhân, bởi vì mỗi người chúng ta có thể mang hai nhân cách: một nhân cách thì nói: "Tôi tự do. Tôi muốn điều này", còn nhân cách kia lại nói "Tôi, chính tôi, cho tôi, với tôi, vì tôi ...". Lòng ích kỷ luôn luôn quay trở lại và không biết làm sao mở lòng ra cho người khác[5].

Trong thế giới hậu hiện đại này, trong đó sự tin tưởng rất hiếm hoi, hình như hôn nhân khiến người ta sợ hãi. Chúng ta lo sợ mình có thể bị cột vào một ai đó cách sai lầm. Trong một thế giới toàn cầu hóa, trong đó nỗi lo lắng về kinh tế thường có cơ sở, chúng ta cũng có thể lo lắng rằng mọi thứ thách đố và vấn nạn của cuộc sống, liên quan tới an toàn tài chánh hay kinh tế, phải được giải quyết cho an tâm trước khi chúng ta có thể yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương.

59. Để đáp ứng lại hàng loạt lo âu và sợ hãi có thể xảy ra, Hội Thánh trao hiến cho chúng ta Chúa Giêsu, các Bí tích, và sự nâng đỡ của các thành viên trong Hội Thánh hằng sống thân tình với nhau, tin tưởng rằng đối diện với tất cả mọi thách đố ấy, cách sống yêu thương theo Kitô giáo là điều khả thi và sẽ bộc lộ con người đích thật của chúng ta. Hội Thánh hứa với con cái nam nữ của mình rằng hôn nhân là một Bí tích, rằng mối liên kết và việc thực hành hôn nhân Công Giáo làm cho ân sủng trợ giúp hiện diện, thực sự và hiệu quả. Đối lại với những lo âu và sợ hãi của chúng ta, Hội Thánh nhấn mạnh rằng thề hứa yêu thương theo giao ước không phải là một điều giả định dành cho các vị thánh huyền thoại, là những bậc hoàn hảo, nhưng là một sự dấn thân thực sự và khả thi dành cho những con người còn tội lỗi đang sống trên đời này. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác nhận : “Bí tích Hôn phối ... diễn ra nơi thân phận đơn sơ và cũng mong manh của con người. Chúng ta biết rõ rất nhiều thử thách và khó khăn có thể xảy ra trong đời sống vợ chồng... Điều quan trọng là phải duy trì mối liên kết với Thiên Chúa cho sống động, là nền tảng của mối liên kết hôn nhân"[6].

60. Không được thoái thác lần lữa sống Yêu thương theo cung cách ấy mà nói rằng mình sẽ thử một khi đã giải quyết ổn thỏa một số vấn đề thực tế cho xong đã; thực ra, những vấn đề thực tế của đời sống chỉ được tiếp cận cách thỏa đáng một khi chúng ta yêu thương theo cách này. Yêu thương như thế không phải là một lý tưởng hướng tới một chân trời không ngừng lùi xa luôn mãi; đúng hơn, yêu thương như thế là điều chúng ta chọn lựa thực hành trong đời sống mỗi ngày, bắt đầu ở đây và lúc này giữa những áp lực hằng ngày. Như Đức Thánh Cha Phanxicô giảng dạy vào một dịp khác:

Hôn nhân là công trình của từng ngày; tôi có thể nói đó là một công việc thủ công, công việc của người thợ kim hoàn, bởi vì người chồng có phận sự làm cho vợ mình ngày càng trở thành phụ nữ hơn, còn người vợ thì làm cho chồng càng ngày trở nên nam nhân hơn. Và họ cũng phải lớn lên về mặt nhân bản nữa, trong tư cách là nam là nữ. Và việc này được thực hiện giữa hai chúng con với nhau. Người ta gọi đó là cùng nhau lớn lên. Điều đó không xảy đến từ trên không ! Chúa chúc lành cho điều đó, nhưng việc đó đến từ bàn tay các con, từ thái độ các con, từ cung cách sống của các con, từ cung cách các con yêu thương nhau. Hãy làm cho nhau lớn lên. Người này hãy luôn luôn hành động thế nào để cho người kia được lớn lên"[7].

Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận rằng nhiều người có thể sợ hãi trước một thách đố như vậy, rằng người ta có thể tránh kết hôn do hoài nghi hay sợ hãi:

Ngày nay nhiều người sợ phải lấy những quyết định dứt khoát ảnh hưởng trên họ suốt đời, bởi vì quyết định như thế hình như là không thể nào làm được... và não trạng này đã khiến nhiều người đang chuẩn bị kết hôn cho rằng: "Chúng ta sẽ ở với nhau bao lâu còn tình yêu”. Nhưng chúng ta hiểu thế nào là "tình yêu"? Phải chăng đó chỉ là một cảm xúc, một trạng thái tâm sinh lý? Chắc hẳn, nếu chỉ là như thế, thì tình yêu không thể cung cấp nền móng để xây dựng một cái gì bền vững được. Nhưng trái lại, nếu tình yêu là một tương quan, thì khi ấy nó lại là một thực tại cứ mãi lớn lên, và chúng ta cũng có thể nói, bằng cách dùng thí dụ, tình yêu được xây dựng cũng giống như khi ta xây một ngôi nhà. Mà xây nhà thì người ta làm chung với nhau chứ không làm một mình!... Chắc hẳn anh chị em không muốn xây trên nền cát của cảm xúc luôn thay đổi, nhưng trên đá tảng tình yêu chân thực, là thứ tình yêu đến từ Thiên Chúa .... Chúng ta không được để mình bị cuốn hút bởi “nền văn hóa vứt bỏ”. Nỗi sợ "cái mãi mãi" này sẽ được chữa lành bởi việc phó thác bản thân cho Chúa Giêsu hằng ngày trong một đời sống từ nay sẽ trở thành một con đường thiêng liêng cùng nhau lớn lên mọi ngày, từng bước một[8].

Những cuộc hôn nhân tốt đẹp được xây dựng trên nhân đức, nhất là lòng nhân hậu và đức khiết tịnh

61. Ai muốn xây dựng cuộc hôn nhân trên đá tảng sẽ phải trau giồi một số nhân đức. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo hứa rằng trong Bí tích Hôn phối, Chúa Kitô ở lại với cặp vợ chồng, giúp họ vác thập giá của mình, biết “trỗi dậy sau khi vấp ngã”, biết tha thứ và vác đỡ gánh nặng cho nhau[9]. Đức Thánh Cha Phanxicô vắn tắt nhắc tới điều ấy khi nói rằng chung sống với nhau là cả một "nghệ thuật ... vốn có thể tóm gọn trong vài chữ: xin vui lòng, cám ơn, và xin lỗi".[10]. Học nói các lời này có lẽ khó. Nhưng hôn nhân có thể trở nên rất đau đớn, rất ngắn ngủi khi những từ đơn sơ này thiếu vắng.

62. Tất cả các nhân đức chủ yếu (khôn ngoan, tiết độ, công chính, dũng cảm) và các nhân đức đối thần (đức tin, đức cậy, đức mến) đều cần thiết và thích đáng để làm hôn nhân được triển nở. Cách riêng đức khiết tịnh là hạt giống làm tăng trưởng những cuộc hôn nhân vững mạnh. Để huấn luyện trái tim chúng ta cho cuộc sống hôn nhân, chúng ta cần thực hành trong sự tự do nội tâm, cách nhìn tính dục của chúng ta trong bối cảnh của sự hiệp thông và thánh thiện của mỗi người đối với nhau. Đức khiết tịnh hình thành những thói quen tốt về sự từ bỏ mình và tự chủ, vốn là tiền đề cho việc đối xử với tha nhân với lòng nhân nhậu. Những hoang tưởng trong đời sống hôn nhân, thiếu vắng một trái tim khiết tịnh, sẽ là bước đầu thảm thương cho một hành trình dài của lòng nhân hậu.

63. Sự hợp nhất thực sự của đôi vợ chồng cũng dựa vào lòng nhân hậu, là một phẩm chất chúng ta học được nơi Chúa Giêsu và thấy được ngang qua giao ước của Thiên Chúa. Trong Phụng vụ, chúng ta cầu nguyện "Xin Chúa thương xót chúng con". Chúa Giêsu đã thương xót chúng ta để chúng ta có thể biết xót thương.

64. Lòng thương xót tăng trưởng khi chúng ta yêu thương như Đức Kitô đã tỏ cho chúng ta biết. "Ân sủng dành cho hôn nhân kitô giáo là hoa trái của thập giá Đức Kitô, là suối nguồn của tất cả đời sống kitô hữu"[11]. Người Công Giáo tin rằng "chính Đức Kitô hành động" trong mỗi Bí tích, và Chúa Thánh Thần là một ngọn lửa trong các Bí tích hễ chạm đến bất cứ điều gì cũng biến đổi thành sự sống thần linh[12]. Trong Bí tích Hôn phối, giao ước của Thiên Chúa được trở nên hữu hình, ân sủng của giao ước được thông chia[13]. Trong Bí tích Hôn phối, giao ước của Thiên Chúa đi vào mái ấm chúng ta và trở thành nền móng cho gia đình chúng ta.

65. Hôn nhân kitô giáo là sự tự nguyện tùng phục lẫn nhau. Và dĩ nhiên cũng có những cách thức khác, những mô hình hôn nhân khác được cung ứng trong xã hội cách rộng rãi. Nhưng đi tới mức xem "hôn nhân" như một phần thưởng người ta tự trao cho mình và một bạn tình chỉ sau một chuỗi tháng ngày sống thử trong hưởng lạc, hay tới mức xem "hôn nhân" chỉ là một thứ hợp đồng, một sự chia chác quyền lợi giữa những cá nhân muốn bảo vệ sự độc lập riêng của mình, thì khi đó người ta đang gieo vãi những mầm thất vọng và xung đột. Lạc thú sẽ có lúc thăng lúc trầm, và một cái khung tranh chấp quyền lợi không phải là mảnh đất tốt cho lòng nhân hậu.

66. Trải qua bao thế kỷ, con người đã kết hôn vì vô vàn lý do, một số lý do làm thăng hoa hôn nhân, một số khác chỉ có tính cách thực tiễn. Trong hôn nhân bí tích, Hội Thánh trao tặng cho chúng ta một chỗ nương tựa, ân sủng và một bài học hằng ngày về bản chất tình yêu của Thiên Chúa. Những lời hôn thệ của Hội Thánh thường xuyên nhắc nhở người chồng người vợ hướng tới bản chất tốt hơn của mình, và nối kết hôn nhân với các Bí tích khác nữa, nhất là với Bí tích Hòa giải và Thánh thể. Nhiệm cục bí tích này đặt sự hòa giải và trung thành làm nền tảng cho đời sống vợ chồng, và làm như vậy là nuôi dưỡng và bảo vệ sự hiệp thông đích thực giữa hai phái. Đối với những người sống ở thời hậu hiện đại, không biết chắc mình có thể tin cậy được ai và điều gì, một sự phiêu lưu như thế có vẻ mạo hiểm. Nhưng Hội Thánh, vón là một người mẹ biết rõ lòng con người hơn chúng ta biết chính mình, cũng biết Chúa Giêsu là ai, biết Người là Đức Chúa, là Đấng đáng tin cậy - và đường lối yêu thương của Người, xét cho cùng, là đường lối duy nhất.

67. Chúa Giêsu tạo lập cho chúng ta một khả năng mới, một lối nhìn về hôn nhân dựa trên giao ước giữa Ngài với Hội Thánh, một hôn nhân dựa trên sự bền vững vĩnh cửu, đức khiết tịnh và lòng nhân hậu. Chúng ta có thể thấy cuộc hôn nhân mang tính bí tích này hòa nhập như thế nào vào toàn bộ đời sống kitô hữu, để vun trồng các nhân đức của tình yêu, tự do nội tâm, sự trung thành, lòng nhân hậu, và sự tha thứ là một công trình của cả một đời, xây dựng trên những tập quán cầu nguyện, tham dự các Bí tích, và sự hiểu biết câu chuyện giao ước của Thiên Chúa. Đức Chúa biết không một cuộc hôn phối nào biểu lộ được hết mọi nhân đức trong mọi lúc, nhưng do lòng nhân hậu, Ngài ban cho chúng ta Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể để chúng ta được lớn lên trong khả năng yêu thương giống như Chúa Giêsu đã yêu thương. Định hướng đời mình theo con đường này đòi hỏi phải hy sinh, nhưng cuối cùng, cuộc sống ấy thật đẹp. Chúa Giêsu là đường sự thật và niềm vui.

Câu hỏi thảo luận

a. Linh đạo hôn nhân Công Giáo là gì? Các gia đình có thể làm gì để cử hành và bảo vệ hôn nhân kitô giáo?
b. Nếu hôn nhân là một Bí tích, thì thời gian quen biết yêu đương bao hàm ý nghĩa gì? Chúng ta tìm kiếm những phẩm chất nào nơi người có thể là bạn đời tương lai?
c. Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể liên quan với Bí tích Hôn phối như thế nào ?
d. Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta nguyện "xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con". Anh chị nhận thấy điều này dễ hay khó thực hiện? Việc tha thứ hỗ trợ các mối tương quan như thế nào?


[1] LF, 53.

[2] Cf. Thần học về Thân xác, 16.01.1980.
[3] GLHTCG, 1646.
[4] GLHTCG,2391.
[5] ĐGH Phanxicô, Diễn văn “Gặp gỡ giới trẻ tại Umbria”, Assisi, 04.10.2013.
[6] ĐGH Phanxicô, Tiếp kiến chung “Hôn nhân, tâm điểm của kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho loài người”, 02.04.2014.
[7] ĐGH Phanxicô, Diễn văn “Đối thoại với các cặp đính hôn”, Vatican, 14.02.2014.
[8] Ibid.
[9] GLHTCG,1642.
[10] ĐGH Phanxicô, Diễn văn “Đối thoại với các cặp đính hôn”, Vatican, 14.02.2014.
[11] GLHTCG,1615.
[12] GLHTCG,1127.
[13] GLHTCG,1617.