(Giêrusalem 09/04/2004). Từ lâu nay Thánh Địa là nỗi xót xa trong lòng người Kitô Giáo. Chiến tranh và bạo lực vẫn tiếp tục hoành hành ngay chính tại nơi Hoàng Tử của An Bình đã xuống thế làm người, nơi đã cất lên thông điệp yêu thương của Đấng yêu thương con người đến độ thí mạng sống mình trên cây Thánh Giá để làm một dấu chỉ cụ thể về tình yêu. Người ta nhắc đến Thánh Địa như một dấu chỉ phản chứng, một cái gai trong lòng người Kitô hữu.

Tuy nhiên, từ nơi mà hận thù, khủng bố, đàn áp, bắn giết đang ngự trị, một tiếng nói đi ngược lại với trào lưu của cả hai phe lâm chiến, một tiếng nói anh hùng của yêu thương vẫn không ngừng nghỉ cất lên để thức tỉnh lương tâm nhân loại trong lòng những người đang say máu bắn giết.

Trong thông điệp Phục Sinh, Đức Thượng Phụ Michel Sabbah, thượng phụ Công Giáo nghi lễ Latinh người Palestine đầu tiên từ khi chức vụ này được thiết lập vào năm 1099, đã đưa ra nhận định về những gì đang diễn ra tại nơi thánh thiêng này. Ngài nói:

"Chúng ta nhìn với nỗi buồn sâu xa về tình cảnh của chết chóc chứ không phải sự sống, một tình cảnh nơi người ta không còn biết phải làm gì khi tìm kiếm sự sống trong màn đêm của chết chóc, đàn áp và đổ máu."

Ngài ghi nhận tình cảnh đau buồn của "các thị trấn và làng mạc bị tấn kích, chiếm đóng và tái chiếm; nhiều người bị giết trong khi nhiều người khác bị bắt làm tù binh. Trong khi đó bao vây và đàn áp tại các thị trấn và làng mạc khác vẫn tiếp diễn ngày qua ngày".

Ngài không ngần ngại tố cáo tư duy rồ dại của cả hai phe lâm chiến:

"Chúng ta sống trong những ngày mà lý trí bị thui chột; chúng ta bị bỏ rơi trong 'sự điên cuồng nhân loại', sự rồ dại khi chỉ thấy các giải pháp trong tắm máu và trong sự chà đạp con người."

Ngài chỉ cho thấy lối ra trong tình hình bế tắc hiện nay, khi mà thế giới hầu như buông xuôi để mặc cho hai bên tha hồ chém giết:

"Lối ra là gì? Những nhà lãnh đạo cần phải quay về với lý trí và xem mọi người là bình đẳng, cho dù họ là Palestine hay Do Thái. Sao cho khi bạo lực ngưng ở một bên thì bên kia cũng phải ngưng đi. Các nhà lãnh đạo cần tính đến những hậu quả trong chính sách của họ trong ba năm qua vì giết chóc và tàn phá không mang lại bao nhiêu an ninh nào cả. Trong khi hàng ngàn người đã bị giết, con người vẫn tiếp tục kêu đòi cho sự tự do của họ. Trong khuôn khổ của bạo lực, càng nhiều người bị giết, càng nhiều kêu đòi cho tự do. Con đường thoát ra là hãy lắng nghe tiếng nói của những kẻ bị áp bức và trả lại cho họ điều mà họ kêu đòi là tự do. Đó đơn giản là bài học cần phải học từ các biến cố trong quá khứ."

Trong khi cả hai bên đều xúi giục dân chúng chém giết nhau, Đức Thượng Phụ khuyên anh chị em giáo dân trong vùng:

"Với anh chị em tín hữu đang sống trong vây hãm và thấy mình đàng sau những bức tường, chúng tôi nói với anh chị em điều này: khi anh chị em chống lại sự áp bức đi kèm với những biến cố này bằng những lời cầu nguyện và sự kiên nhẫn, hãy canh tân niềm hy vọng của anh chị em qua niềm vui và quyền năng của Đấng Phục Sinh, đừng có chiều theo luận lý của thù hận nhưng hãy để tinh thần anh chị em được tự do để tình yêu luôn hiện diện nơi anh chị em và trở nên nguồn mạch ơn cứu độ cho anh chị em và cho mọi người nơi Thánh Địa này. Với anh chị em tín hữu đang sống trong những vùng không bị vây hãm, chúng tôi nói với anh chị em điều này: hãy đồng hành trong kinh nguyện với anh chị em mọi cư dân trong vùng đất xung đột đẫm máu này. Cầu xin Thiên Chúa tỏ lòng thương xót trên chúng ta và ban cho miền đất này và hai dân tộc cùng sống trên đó an ninh, hòa bình và một cuộc sống mới: Tiên tri Êdêkien đã nói: 'Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt' (Ed 11:19). ".

Quan điểm của Đức Thượng Phụ là quan điểm chính thống mà Giáo Hội Công Giáo luôn theo đuổi trong những cuộc xung đột trên thế giới hiện nay. Như Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã vạch ra: những điều kiện cần thiết của hòa bình là chân lý, công lý, tình yêu và tự do (x. ibid., I: I. c., pp. 265-266; La Documentation catholique, I. c., col. 519). Chân Lý làm nền tảng cho hòa bình nếu tất cả mọi người ý thức cách lương thiện rằng, ngoài những quyền lợi của mình, mình cũng có những bổn phận đối với kẻ khác. Công Lý sẽ xây dựng hoà bình nếu mỗi người tôn trọng cách cụ thể những quyền lợi kẻ khác và ra sức thực hiện trọn vẹn những bổn phận mình đối với kẻ khác. Tình Yêu sẽ là chất men hòa bình nếu những con người xem những nhu cầu kẻ khác như những nhu cầu mình và chia sẻ với kẻ khác những gì mình có, bắt đầu từ những giá trị tinh thần. Sau hết, sự tự do sẽ nuôi dưỡng hoà bình và làm cho hòa bình sinh hoa quả nếu, trong việc chọn những phương tiện để tới đó, các cá nhân theo lý trí và can đảm gánh lấy trách nhiệm những hành vi của mình.

Trong khói lửa chiến tranh, khi sự ác đang thắng thế, một lần nữa Giáo Hội Công Giáo vẫn mạnh mẽ và can đảm hô lên tiếng nói yêu thương xuất phát từ sứ điệp của Đấng trong khi đang bị treo trên cây Thánh Giá vẫn không ngừng xin Chúa Cha tha cho kẻ làm khốn mình.