Tuần này có hai nguồn tin cho thấy tình hình Công Giáo Trung Hoa phức tạp hơn người ta tưởng.



Thực vậy, cơ quan thông tấn Taiwan News, ngày 25 tháng 1 vừa qua, đăng lại tin tức cho hay: Đức Hồng Y Hưu Trí của Hồng Kông , Joseph Zen, đã thực hiện ‘một sứ mệnh bí mật’ là qua Rôma trình cho Đức Phanxicô một lá thư của Công Giáo Hầm Trú Trung Hoa.

Quả thế, hãng thông tấn CNA tường trình rằng ngày 23 tháng 1, tại Tòa Thánh, vị Hồng Y hưu trí 86 tuổi của Hồng Kông đã xuất hiện tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, xếp hàng giữa giá lạnh cùng với những người thỉnh cầu khác, tìm cách trực tiếp trao một lá thư vào tay Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Theo tường trình, ngài đến để trao một lá thư của Giáo Hội “hầm trú” Trung Hoa để Đức Giáo Hoàng hiểu rõ hơn tình thế của Giáo Hội này.

Theo các phương tiện truyền thông Ý, Đức Hồng Y Zen cho biết lá thư đã được trao thành công và Đức Giáo Hoàng hứa sẽ đọc nó.
Biến cố trên diễn ra tiếp theo các cuộc thương thảo của Đức Giáo Hoàng với các đại diện của chính phủ Trung Hoa, và việc Tòa Thánh nhượng bộ để chính phủ Trung Hoa bổ nhiệm các giám mục.

Việc trình lá thư lên Đức Giáo Hoàng nói trên khiến người ta đồ đoán rằng Đức Hồng Y Zen và các người Công Giáo khác ở Hồng Kông và Trung Hoa muốn bày tỏ sự đối kháng của họ đối với các nhượng bộ của Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y Zen vốn là người suốt đời cổ vũ dân chủ và tự do tôn giáo. Vì thế, ngài thường là mục tiêu phê phán và canh chừng của chính phủ Cộng Sản Trung Hoa.

Tháng 12 năm 2017, hãng tin CNA tường trình rằng Đức Hồng Y Zen công khai minh xác quan điểm của ngài về cuộc nói chuyện để “thống nhất các giáo hội” ở Trung Hoa, khi nói đến cộng đồng Công Giáo hầm trú, và Giáo Hội Công Giáo được Nhà Nuớc Trung Hoa nhìn nhận.

Ngài than phiền rằng ngài thấy có sự thay đổi lầm lẫn trong chính sách của Tòa Thánh và quả quyết rằng ngài không tin mục tiêu của Đức Phanxicô là theo đuổi một “kế hoạch xấu xa” như thế.

Theo Đức Hồng Y Zen, “thống nhất Giáo Hội” ở Trung Hoa sẽ dẫn đến việc bách hại công khai những người Công Giáo đích thực và làm câm họng Giáo Hội hầm trú.

Trong khi đó, cũng hãng thông tấn CNA/EWTN News, ngày 23 tháng 1, 2018, cho hay hoàn cảnh các giám mục Trung Hoa rất phức tạp. Họ trưng trường hợp một vị giám mục cao niên vốn trung thành với Tòa Thánh nhưng đã bác bỏ thư của Tòa này yêu cầu ngài từ chức để nhường chỗ cho 1 giám mục do Nhà Nước bổ nhiệm.

Hiện nay, các cuộc thương thảo giữa Tòa Thánh với chính phủ Trung Hoa có thể dẫn tới việc Tòa Thánh nhìn nhận 7 giám mục do Nhà Nước bổ nhiệm; bù lại, chính phủ Trung Hoa sẽ nhìn nhận 20 vị giám mục do Tòa Thánh bổ nhiệm, cộng với 40 vị giám mục hầm trú khác đã được chính phủ nhìn nhận rồi.

Chỉ có điều nhiều giám mục, linh mục và cả các giáo dân hầm trú vẫn còn tiếp tục bị bách hại và xách nhiễu.

Trở lại với trường hợp vị giám mục hầm trú bất tuân lệnh Tòa Thánh yêu cầu ngài từ chức để nhường chỗ cho vị giám mục “quốc doanh”. Asia News cho hay việc đó mới xẩy ra hồi tháng 12 năm 2017, lúc Tòa Thánh yêu cầu Đức Cha Peter Zhuang Jianjian, 88 tuổi, của Shantou ở miền nam tỉnh Quảng Đông từ chức để nhường chỗ cho Đức Cha Huang Bingzhang. Vị sau vốn là 1 giám mục được nhà nước bổ nhiệm, là dân biểu Quốc Hội và dĩ nhiên là thành viên của hội Công Giáo Yêu Nước. Nhưng Đức Cha Zhuang đã từ khước trước mặt cả đại diện Nhà Nước lẫn đại diện Tòa Thánh và bằng lòng “vác thánh giá bất tuân”.

Trên thực tế cả các giám mục của Hội Công Giáo Yêu Nước cũng muốn trung thành với Tòa Thánh và đôi khi họ hành động ngược với ý muốn của Hội. Đó là trường hợp Đức Cha Taddeus Ma Daqin, người được cả Tòa Thánh lẫn Nhà Nước Trung Hoa đồng ý bổ nhiệm. Ngày được tấn phong, ngài tuyên bố rời khỏi Hội Yêu Nước! Sau này nghe đâu ngài thay đổi lập trường, nhưng vẫn bị cô lập.

Trong khi ấy, dưới quyền cai trị của Tập Cẩn Bình, với chủ trương “Trung Hoa hóa” mọi tôn giáo, nước này đang đòi các tôn giáo phải hoạt động độc lập theo nghĩa tách rời khỏi cơ chế trung ương như Rôma của Giáo Hội Công Giáo.

Một trường hợp nữa nhằm “thống nhất” Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa đang diễn ra tại giáo phận Mindong ở miền đông tỉnh Phúc Kiến của Trung Hoa. Vị bản quyền của nó, Đức Cha Joseph Guo Xijin, hiện là 1 giám mục hầm trú bị giam giữ 1 tháng trước Tuần Thánh năm 2017.

Dựa vào nguồn tin địa phương, Asia News cho biết phái đoàn Tòa Thánh đã yêu cầu vị giám mục này tình nguyện nhận làm giám mục phó cho Đức Cha Vincent Zhan Silu, 1 trong 7 giám mục của Nhà Nước. Đó cũng là yêu cầu của nhà cầm quyền Trung Hoa đưa ra với Đức Cha lúc ngài bị giam giữ.

Theo giáo luật, các phó giám mục đương nhiên có quyền kế nhiệm vị giám mục của giáo phận. Điều này có nghĩa: rồi ra, Đức Cha Zhan cũng sẽ lãnh đạo giáo phận thôi.

Đức Cha Zhan không xác nhận điều trên với Asia News, cũng không thoả luận chi tiết việc này chỉ nói các cuộc thương thảo giữa Tòa Thánh và Chính Phủ vẫn còn đang tiếp diễn.

Ngoài ra, không ai không nhớ hai vị cựu tổng giám mục Hồng Kông có hai quan điểm khác nhau, nếu không muốn trái ngược nhau, về các cuộc thương thảo giữa Tòa Thánh và Nhà Nước Cộng Sản Trung Hoa.

Tháng 2 năm 2017, trong 1 bài báo đăng trên tờ Sunday Examiner ở Hồng Kông, Đức Hồng Y John Tong Hon, người kế nhiệm Đức Hồng Y Zen, nói rằng các giám mục “quốc doanh” sẵn sàng biểu lộ sự tuân phục Đức Giáo Hoàng. Ngài lên tiếng bày tỏ sự lạc quan của ngài, cho rằng Hội Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước có thể biến đổi thành một cơ chế có tính thiện nguyện nhiều hơn.

Trong khi đó, tháng 5 năm 2017, Đức Hồng Y Zen, vị tiền nhiệm của vị trên, tỏ ý hoài nghi phương thức ngoại giao hiện nay của Tòa Thánh đối với Trung Hoa. Theo ngài, các cố vấn của Đức Giáo Hoàng “đang đua ra những lời cố vấn tệ hại’. Ngài nghi ngờ thiện chí của Chính Phủ Trung Hoa.

“Họ vẫn còn kiểm soát Giáo Hội và họ còn muốn kiểm soát nhiều hơn nữa”.