Giải thich tại sao Hoa Kỳ cần một Tòa Đại Sứ bên cạnh Tòa Thánh, tân Đại Sứ Callista Gingrich nhận định rằng “Vatican là một siêu cường của quyên lực mềm”. Bài sau đây Đại Sứ viết trong DIPNote , trang blog chính thức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 14 tháng 5 năm 2018, tựa là “The United States and the Holy See: An Enduring Vision for Peace and Freedom.”



Từ ngày tôi đảm nhiệm chức vụ Đại Sứ Hiệp Chúng Quốc cạnh Tòa Thánh ngày 22 tháng 12 năm 2017, tôi thường được người ta yêu cầu giải thích ích lợi của việc duy trì một tòa đại sứ cạnh Vatican. Dù gì, lãnh thổ của Tòa Thánh, chính quyền của Giáo Hội Công Giáo Rôma, chỉ chiếm chưa tới 1 phần tư dặm vuông. Thành thử không biết tại sao cần đến một tòa đại sứ?

Câu trả lời có gốc rễ trong lịch sử. Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tới Ba Lan ngày 5 tháng 6 năm 1979, trong chuyến tông du đầu tiên trở lại quê hương của ngài, ngài tuyên bố rằng “không thể có một Âu Châu công chính nếu không có nền độc lập của Ba Lan ghi trên bản đồ của nó”.

Tổng thống Reagan, cảm hứng bởi thông điệp của Đức Giáo Hoàng rằng Đông Âu không bao lâu nữa sẽ thoát khỏi sự thống trị của Xô Viết, đã yêu cầu được gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Thành Vatican năm 1982, Tổng Thống Reagan đặt câu hỏi: “Thưa Đức Thánh Cha, chuyện ấy bao giờ sẽ có?”. Khi Đức Giáo Hoàng đáp lại “trong lúc chúng ta còn sống”, thì Tổng Thống nắm lấy tay ngài và thưa, “chúng ta hãy cùng nhau làm việc”.



Sau cuộc hội kiến trên, Tổng thống Reagan trở lại Hiệp Chúng Quốc và chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao làm việc chặt chẽ với Vatican. Ông ra lệnh “Tôi muốn một tòa đại sứ toàn quyền”. Hai năm sau, năm 1984, Tòa Đại Sứ Hiệp Chúng Quốc cạnh Tòa Thánh đã được thiết lập.

Sứ mệnh của Tòa Đại Sứ là làm việc tay trong tay với Tòa Thánh để phản công tác phong phá hoại và gây bất ổn của Liên Bang Xô Viết. Chúng ta đã thành công nhờ tài lãnh đạo của Tổng thống Regan và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và sự mềm dẻo của nhân dân Hoa Kỳ. Ngày nay, chúng ta đang đương đầu với các thách đố khác, nhưng cũng lớn lao và nguy hiểm như thế.

Như Đức Hồng Y Theodore McCarrick, Tổng Giám Mục Hưu Trí của Washington, D.C., đã nhận định “Tổng Thống Reagan không những tạo được một liên hệ bản thân mạnh mẽ với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhưng còn là một sự hiệp lực (synergy) quan trọng giữa Hiệp Chúng Quốc và Tòa Thánh”.

Sự hiệp lực trên tồn tại tới tận ngày nay. Sự cần thiết của hiệp lực này không chấm dứt với việc sụp đổ của Bức Tường Bá Linh. Nó vẫn còn chủ yếu đối với các ưu tiên an ninh quốc Gia Hiệp Chúng Quốc, từ việc đáp ứng các cuộc khủng hoảng nhân đạo và bảo vệ nhân quyền tới việc phản công tác phong gây hấn của nhiều nhà nước và ngăn cản cũng như làm trung gian cho các cuộc tranh chấp.

Và lý do thật đơn giản: Vatican là một siêu cường của quyền lực mềm. Tác động của nó, dưới quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, có thực chất và được tôn trọng khắp thế giới. Giáo Hội dấn thân vào mọi châu lục, thăng tiến nhân quyền và tự do tôn giáo, làm trung gian giải quyết xung đột và ngăn chặn bạo lực, kìm hãm việc lan tràn các dịch bệnh như HIV/AIDS và Ebola, và chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố. Tòa Thánh cũng có sự hiện diện ngoại giao lớn thứ nhì sau Hiệp Chúng Quốc, với 183 đối tác ngoại giao.

Vatican, nhờ một mạng lưới vô địch các tiếp xúc địa phương, đang đóng một vai trò tích cực tại nhiều quốc gia nơi nhiều chính phủ gặp khó khăn trong lúc điều hành, từ Cộng Hòa Trung Phi và Nam Sudan tới Syria. Khắp phần lớn Châu Phi, Giáo Hội Công Giáo phục vụ ở tuyến đầu như là định chế duy nhất có thể sống còn trong xã hội. Tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Giáo Hội Công Giáo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong việc nâng đỡ cuộc đối thoại chính trị và cung cấp trợ giúp nhân đạo. Tại Cộng Hòa Trung Phi, Tòa Thánh đã và vẫn còn là lực lượng trung gian chủ chốt, đem các phe chống đối lại với nhau và đạt các kết quả. Cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô năm 2015, chẳng hạn, đã đem người Hồi Giáo và người Kitô Giáo đến với nhau, giúp dọn đường cho một cuộc bầu cử tổng thống hòa bình và dân chủ.

Khả năng độc đáo của Vatican trong việc phát triển lòng tin, làm việc với cộng đồng địa phương, và chuyển giao các thông điệp là vô sánh so với bất cứ nhà nước quốc gia nào.Và Giáo Hội Công Giáo là một trong những định chế lớn nhất thế giới trong lãnh vực cung cấp giáo dục, chăm sóc y tế và trợ giúp nhân đạo. Mạng lưới sâu rộng các nhân viên cứu trợ và cung cấp dịch vụ của nó lui tới được và có uy tín với những khu vực gặp nhiều rắc rối nhất thế giới. Hoa Kỳ được hưởng nhờ từ việc nối vòng tay lớn và ảnh hưởng quyền lực mềm vĩ đại này.

Nói tóm lại, Tòa Đại Sứ Hiệp Chúng Quốc cạnh Tòa Thánh phục vụ như một nhiệm sở nối kết hoàn cầu. Chúng ta làm đòn bẩy cho tác động và mạng lưới hoàn cầu của Vatican, trải dài tới hơn 1.3 tỷ người Công Giáo và cả hàng triệu người không phải là Công Giáo nữa, để cổ vũ các ưu tiên chung ở mọi vùng trên thế giới.

Vatican cũng là một đối tác quan trọng của Hiệp Chúng Quốc trong cuộc chiến đấu chống nạn nô lệ hiện đại, phát huy dân chủ, và bảo vệ nhân quyền, đặc biệt đối với tự do tôn giáo.

Thí dụ, Hiệp Chúng Quốc và Tòa Thánh có cùng một cam kết chiến đấu chống tội ác buôn bán người khắp thế giới. Tổng Thống Trump đã đoan hứa sẽ đem “toàn bộ lực lượng và trọng lượng” của chính phủ Hoa Kỳ vào cuộc chiến đấu này.

Hai chính phủ của chúng ta cũng cam kết bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo ở khắp nơi trên thế giới. Như đã chỉ ra trong “Phúc Trình Tự Do Quốc Tế năm 2016”, quyền căn bản này bị bác bỏ, thì “sự bất ổn, các lạm dụng nhân quyền, và chủ nghĩa quá khích đầy bạo lực sẽ có cơ hội lớn lao để đâm rễ”. Tòa Đại Sứ của chúng ta làm việc mật thiết với Tòa Thánh để bảo đảm tương lai không những của các thiểu số Kitô Giáo mà của mọi thiểu số tôn giáo đang bị bách hại chỉ vì tuyên xưng đức tin của họ.

Ảnh hưởng hoàn cầu rộng lớn của Tòa Thánh biến Tòa Thánh thành một định chế hợp tác chủ chốt để giải quyết hàng loạt các vấn đề to lớn. Cùng làm việc với Vatican, Tòa Đại Sứ Hiệp Chúng Quốc cạnh Tòa Thánh sẽ tiếp tục cổ vũ hòa bình, tự do, và nhân phẩm khắp thế giới.

Links với bài này: https://blogs.state.gov/stories/2018/05/14/en/united-states-and-holy-see-enduring-vision-peace-and-freedom
https://medium.com/statedept/the-united-states-and-the-holy-see-an-enduring-vision-for-peace-and-freedom-456fff534d5e