Chương IV: Sinh động hóa và việc tổ chức chăm sóc mục vụ

198. Để đồng hành với người trẻ trong việc biện phân ơn gọi của họ, không những cần có những người có năng quyền, mà còn cần có các cơ cấu sinh động hóa thoả đáng nữa, những cơ cấu không những hữu hiệu và có hiệu năng mà còn phải hấp dẫn và có tính tỏa sáng do phong cách sống có tương quan và động lực tính huynh đệ của họ nữa. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cảm thấy sự cần thiết phải có một "sự hồi tâm định chế". Dù luôn tôn trọng và tích hợp các khác biệt hợp pháp của mình, chúng ta nhìn nhận hiệp thông như là cách ưa thích để truyền giáo, mà không có nó, ta không thể vừa giáo dục vừa truyền giáo được. Do đó, việc xác minh không những việc chúng ta đang làm “những gì” cho người trẻ, mà cả việc chúng ta đang làm điều đó “thế nào” nữa, ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Tính chủ động của người trẻ

199. Một thanh niên đã nói thay cho nhiều người khác khi anh trả lời như sau cho Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng : «Chúng tôi muốn được can dự, được đánh giá, cảm thấy cùng có trách nhiệm đối với những gì đang được thực hiện». Là những người đã chịu phép rửa, những người trẻ tuổi cũng được kêu gọi làm “các môn đệ truyền giáo”, và nhiều bước tiến lớn đã được thực hiện theo hướng này (xem EG 106). Theo sau văn kiện Apostolicam Actuositatem của Công đồng, Thánh Gioan Phaolô II nói rằng người trẻ «không nên chỉ được coi như đối tượng của quan tâm mục vụ đối với Giáo hội: sự thực, người trẻ đang và nên được khuyến khích để họ tích cực hoạt động nhân danh Giáo Hội như những nhân vật lãnh đạo trong việc truyền giáo và những người tham gia việc canh tân xã hội » (CL 46). Đối với nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, đây là điểm chủ yếu của việc chăm sóc mục vụ tuổi trẻ: chuyển dịch một cách can đảm từ việc chăm sóc mục vụ “cho người trẻ” qua việc chăm sóc mục vụ “với người trẻ”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thường thúc giục giới trẻ trở thành nhân vật chủ đạo trong việc truyền giáo: «Các bạn trẻ thân mến, các bạn là những nhà truyền giáo đầu tiên giữa những người đương thời của các bạn!» (Thông điệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 28 năm 2013, ngày 18 tháng 10 năm 2012), vì «cách tốt nhất để phúc âm hóa một người trẻ là tiếp xúc được với anh ta / cô ta qua một người trẻ khác » (CHTT). Các lĩnh vực ưu tiên cho tính chủ động của người trẻ sẽ phải được nhận diện. Một vài HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC phê phán tình trạng “giáo sĩ trị”, coi nó như một vấn đề không thể nào vượt qua vào lúc này: một Hội Đồng quả quyết rằng “nhiều người trẻ của chúng tôi tin rằng Giáo hội chỉ bao gồm các thừa tác viên thụ phong và các người thánh hiến đại diện cho Giáo hội». Xóa bỏ viễn kiến này vẫn còn là một mục tiêu mà nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC hy vọng đạt được, nhờ lập trường rõ ràng được Thượng hội đồng chấp nhận về điểm này.

Giáo hội trong các cộng đồng địa phương

200. Toàn bộ dân Chúa là tác nhân của việc truyền giáo trong Kitô Giáo (xem EG 120) và công việc này diễn tiến với các trách nhiệm khác nhau và ở nhiều bình diện sinh động hóa khác nhau.

Vị kế nhiệm Thánh Phêrô liên tục cho thấy sở thích của ngài đối với người trẻ, vốn là một điều được người trẻ thừa nhận và đánh giá cao. Việc ngài là tâm điểm sự hợp nhất hữu hình của Giáo Hội, và tác động truyền thông hoàn vũ của ngài, đặt ngài vào một vị trí lãnh đạo biết nhìn nhận và khuyến khích sự đóng góp của mọi đặc sủng và định chế đang phục vụ các thế hệ trẻ.

Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cung cấp một dịch vụ trung tâm dành riêng cho việc chăm sóc mục vụ giới trẻ, nhưng tác nhân được ưa thích vẫn là Giáo Hội đặc thù, dưới sự chủ tọa của vị Giám mục và được vị này sinh động hoá cùng với các người cộng tác của ngài, nhờ thế, cổ vũ sự hiệp lực (synergy) và nâng cao các kinh nghiệm hiệp thông tích cực giữa tất cả những ai đang làm việc cho lợi ích của người trẻ. Trong khi nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nói rằng các dịch vụ có phẩm chất cao đang được cung cấp trong lĩnh vực mục vụ này, thì ở một số nơi trên thế giới, vẫn còn nhiều tính ngẫu hứng và ít có tổ chức.

Nhìn từ quan điểm của cộng đồng địa phương, giáo xứ - tức Giáo hội ở giữa các mái ấm - là nơi thông thường của việc chăm sóc mục vụ và giá trị của nó đã được thời đại chúng ta nhắc lại rõ ràng (xem EG 28). Một người trẻ trả lời Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng như sau «bất cứ nơi nào các linh mục thoát khỏi các bổn phận tài chính và tổ chức, các ngài mới có thể tập trung vào công việc mục vụ và bí tích gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người ta». Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhắc đến sức sống của giáo xứ, nhưng các Hội Đồng khác tin rằng dường như các giáo xứ không phải là chỗ thỏa đáng cho người trẻ, những người trông mong các kinh nghiệm khác của Giáo hội phù hợp hơn với tính di động, nơi sống và việc tìm kiếm tâm linh của họ hơn.

Sự đóng góp của đời sống thánh hiến

201. Một số lớn HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC bày tỏ lòng biết ơn chân thành của họ đối với nhiều người thánh hiến rất tận tụy trong khu vực địa phương của họ, những người biết cách “giáo dục bằng việc truyền giáo và truyền giáo bằng việc giáo dục” dưới nhiều hình thức và phong cách khác nhau. Ngày nay, các người thánh hiến đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức: ở một số nước, đặc biệt là ở miền Nam, có một sự mở rộng và sức sống tốt đẹp cho tương lai; tại các khu vực bị thế tục hóa nhiều hơn, có một sự sụt giảm đáng kể về số lượng và cả cuộc khủng hoảng căn tính nữa, gây ra bởi sự kiện xã hội đương thời dường như không còn cần những người thánh hiến nữa. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cho rằng đời sống thánh hiến là một nơi chuyên biệt mà “thiên tài nữ giới” có thể được phát biểu. Đôi khi, người ta thiếu khả năng nhận ra, khuyến khích và dành không gian cho tính sáng tạo độc đáo hết sức cần thiết này, và hạn chế việc sử dụng các đặc sủng khác nhau làm phương thế: điều này hàm ngụ phải một "cuộc hồi tâm văn hóa" mạnh dạn và cần thiết về phía Giáo Hội.

202. Tin rằng người trẻ là một nguồn lực thực sự cho việc “tái trẻ trung hóa” các động lực của giáo hội, Liên Hiệp Bề Trên Cả thắc mắc: “Chúng ta có thực sự nhạy cảm với giới trẻ không? Chúng ta có hiểu nhu cầu và mong đợi của họ không? Liệu chúng ta có thể hiểu nhu cầu của họ muốn có các kinh nghiệm có ý nghĩa không? Chúng ta có khả năng trám khoảng trống phân cách chúng ta với thế giới của họ không? ». Bất cứ nơi nào việc lắng nghe, lòng hiếu khách và chứng từ được cung cấp cho người trẻ một cách sáng tạo và năng động, các nối kết hữu hiệu và tình bằng hữu đều phát triển. Liên Hiệp Bề Trên Cả muốn thấy một “Quan sát viên thường trực” về người trẻ được thiết lập ở bình diện Giáo hội hoàn cầu.

Các hiệp hội và phong trào

203. Nhiều người trẻ sống và tái khám phá đức tin của họ nhờ làm thành viên quyết tâm và tích cực của họ trong các phong trào và hiệp hội, vì chúng cung cấp cho họ một sinh hoạt huynh đệ mãnh liệt, những hành trình tâm linh thâm hậu, các kinh nghiệm phục vụ, không gian thỏa đáng dành cho đồng hành và những người có năng quyền cho việc biện phân. Đây là lý do tại sao sự hiện diện của họ thường được đánh giá cao. Khi Giáo hội gặp thời khó khăn trong việc duy trì sự hiện diện hữu hình và có ý nghĩa, các phong trào bảo tồn tính năng động sinh tử và đóng một vai trò quan trọng; họ cũng là một sự hiện diện tích cực ở những nơi khác nữa: phong thái cộng đồng và tinh thần cầu nguyện của họ, sự nâng cao Lời Chúa và việc phục vụ những người nghèo nhất, tư cách thành viên vui tươi của họ và việc đánh giá lại các lĩnh vực thân xác và cảm xúc, sự can dự tích cực của họ và sự thúc đẩy hướng tới tính chủ động chính là một số yếu tố chắc chắn có giá trị trong việc giải thích sự thành công lớn của chúng nơi giới trẻ. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, dù nhìn nhận tính sinh hoa trái của tình huống này, vẫn yêu cầu Thượng hội đồng đưa ra một số suy nghĩ về nó và đưa ra sự hướng dẫn cụ thể để vượt qua cơn cám dỗ của một số phong trào và hiệp hội muốn trở thành những định chế tự lấy mình làm tâm điểm qui chiếu, vì cần «phải đảm bảo để các hiệp hội này tích cực tham gia vào các nỗ lực mục vụ tổng thể của Giáo Hội » (EG 105). Theo các đường hướng này, điều thích đáng là nâng cao các tiêu chuẩn do Iuvenescit ecclesia 18 cung cấp.

Kết mạng và hợp tác dân sự, xã hội và tôn giáo

204. Giáo hội được kêu gọi để tham gia dứt khoát với mọi người có trách nhiệm giáo dục giới trẻ trong lĩnh vực dân sự và xã hội. Mối quan tâm hiện tại về "tình trạng khẩn trương giáo dục" được chia sẻ bởi cả Giáo hội lẫn xã hội dân sự và đòi hỏi các cố gắng chung để khôi phục một liên minh trong thế giới người lớn. “Kết mạng” (networking) là một trong những hoạt động chủ chốt cần được khai triển trong thiên niên kỷ thứ ba. Trong một thế giới trong đó, Giáo hội ngày càng nhận ra rằng mình không phải là tác nhân duy nhất trong xã hội và mình là một "thiểu số với một đóng góp cần làm", nghệ thuật hợp tác là điều phải học hỏi, cũng như khả năng phát triển các mối liên hệ vì mục đích chung. Không suy nghĩ gì đến việc tham gia đối thoại với các thực thể xã hội và dân sự khác nhau này là để mất bản sắc của chúng ta, một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC lý luận rằng khả năng tham gia lực lượng và lập kế hoạch mở ra các đường lối canh tân với người khác sẽ giúp Giáo Hội có được một động lực tính "đi ra ngoài" thực sự.

205. Không chỉ ở bình diện dân sự và xã hội, mà còn ở trong cả lĩnh vực đại kết và liên tôn, một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC chứng tỏ rằng theo đuổi các mục tiêu chung trong nhiều lĩnh vực khác nhau - ví dụ như nhân quyền, bảo vệ môi sinh, chống lại bất cứ loại bạo lực và lạm dụng nào nhắm vào trẻ em, tôn trọng tự do tôn giáo – sẽ giúp nhiều người khác nhau mở lòng ra, làm quen với nhau, đánh giá lẫn nhau và làm việc với nhau.

Đặt kế hoạch mục vụ

206. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC phàn nàn về sự vô tổ chức, ngẫu hứng và cứ lặp đi lặp lại hoài. Trong cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG, những người tham gia nói rằng “đôi khi, trong Giáo Hội, thật khó vượt qua được lối lý luận ‘nó luôn luôn được làm theo cách này’” (GMTHĐ 1). Đôi khi việc không chuẩn bị của một số mục tử được nhấn mạnh, những vị này không cảm thấy theo kịp các thách thức phức tạp của thời đại chúng ta và do đó liều mình rút vào các quan điểm lỗi thời về giáo hội, phụng vụ và văn hóa. Một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nói rằng “đôi khi tâm thức đặt kế hoạch cho các đường lối không có ở đó» và, đối với nhiều Hội Đồng khác, điều hữu ích có lẽ là tìm cách đồng hành với các Giáo phận trong lĩnh vực này vì ngày nay, như một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC lý luận, «nhu cầu phối hợp, đối thoại, lập kế hoạch và nghiên cứu nhiều hơn đang xuất hiện, liên quan đến việc chăm sóc mục vụ ơn gọi của người trẻ». Các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC khác nhắc đến một loại xung đột giữa các dự án hoạt động và sự biện phân tâm linh. Thật vậy, một dự án mục vụ tốt nên là hoa trái chín mùi của một hành trình biện phân thực sự trong Chúa Thánh Thần, điều này khiến mọi người phải đi sâu hơn. Mỗi thành viên của cộng đồng đều được kêu gọi lớn lên trong khả năng lắng nghe của mình và trong nghệ thuật tham gia lực lượng nhằm lên kế hoạch cho việc trở thành một diễn trình biến đổi cho mọi thành viên.

Mối liên hệ giữa các biến cố ngoại thường và cuộc sống hàng ngày

207. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã chia sẻ các suy nghĩ của họ về mối liên hệ giữa một số “biến cố lớn” trong việc chăm sóc mục vụ giới trẻ - Ngày Giới Trẻ Thế Giới trước nhất và quan trọng nhất, nhưng cả các cuộc tụ tập tuổi trẻ quốc tế, lục địa và quốc gia nữa - và đời sống đức tin bình thường của người trẻ và cộng đồng Kitô hữu. Ngày Giới Trẻ Thế Giới được đánh giá rất cao vì, như một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC phát biểu, «nó cung cấp nhiều cơ hội tuyệt vời cho các cuộc hành hương, trao đổi văn hóa và nối kết tình bạn trong bối cảnh địa phương và quốc tế». Tuy nhiên, một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đang kêu gọi đánh giá lại và phát động lại Ngày Giới Trẻ Thế Giới: một số cho rằng nó là một trải nghiệm quá phò ưu tú (elitist), những người khác muốn nó tương tác, khai phóng và dựa trên đối thoại nhiều hơn.

208. Trong thời gian cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG, người trẻ tự hỏi làm thế nào để "thu hẹp khoảng phân cách giữa các biến cố lớn hơn trong Giáo hội và giáo xứ" (GMTHĐ 14). Mặc dù các biến cố lớn đóng một vai trò đáng chú ý đối với nhiều bạn trẻ, nhưng thường khó có thể tích nhập sự hứng khởi do việc tham gia các sáng kiến như vậy đem lại vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Các biến cố lớn có nguy cơ trở thành dịp để thoát khỏi cuộc sống đức tin bình thường của chúng ta. Về điểm này, một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cho rằng “các biến cố quốc tế có thể trở thành một phần của sự chăm sóc mục vụ giới trẻ bình thường, chứ không chỉ là những biến cố độc đáo, nếu mối liên hệ giữa các biến cố đó trở nên rõ ràng hơn và các chủ đề dùng làm nền tảng được diễn dịch thành những suy tư và thực hành trong cuộc sống hàng ngày của bản thân và cộng đồng của chúng ta». Một số cảnh cáo về ảo tưởng qua đó các biến cố ngoại thường có thể cung cấp một giải pháp cho hành trình đức tin và đời sống Kitô hữu của giới trẻ: trong khía cạnh này, xem ra cần phải chú trọng tới các diễn trình nhân đức, các nẻo đường giáo dục và hành trình đức tin. Vì, như một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC phát biểu, «cách tốt nhất để công bố Tin Mừng trong thời ta và thời đại ta là trải nghiệm nó hàng ngày một cách đơn giản và khôn ngoan», nhờ thế chứng tỏ nó là muối, là ánh sáng và men bột mỗi ngày.

Hướng đến một việc chăm sóc mục vụ toàn diện

209. Một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, cùng với nhiều Hội Đồng khác, đã đưa ra tuyên bố sau đây về mối liên hệ giữa tuổi trẻ và việc chăm sóc mục vụ và ơn gọi: «Mặc dù đã có những kinh nghiệm quan trọng trong lĩnh vực này, ta vẫn rất cần phải dành một cơ cấu chuyên biệt cho việc chăm sóc mục vụ giới trẻ và ơn gọi. Hơn nữa, chúng ta cần phải làm việc cùng với ngành chăm sóc mục vụ gia đình, giáo dục, văn hóa và xã hội để xây dựng một kế hoạch sống được bản vị hóa cho mọi người đã lãnh nhận phép rửa». Việc tìm kiếm thực sự một sự phối hợp, hợp lực và hội nhập lớn hơn giữa các lĩnh vực chăm sóc mục vụ khác nhau, biết chia sẻ mục tiêu giúp đỡ người trẻ đạt được «tầm vóc Chúa Kitô trong sự viên mãn của Người» (Eph 4:13), đang xuất hiện khắp nơi. Đối diện với sự gia tăng nhanh chóng “các văn phòng” dẫn đến việc phân mảnh các dự án và việc đem chúng ra thi hành, và đối diện cả với các khó khăn trong việc làm sáng tỏ các năng quyền khác nhau và khó khăn quản lý các bình diện liên hệ khác nhau, ý niệm “mục vụ toàn diện”, dựa vào tính trung tâm của những người nhận, đối với một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC có vẻ là một xu hướng cần được củng cố và khai triển.

210. Đối với nhiều người, điểm chủ chốt để đạt được sự hợp nhất toàn diện này là chân trời ơn gọi của đời người, vì «chiều kích ơn gọi của việc chăm sóc mục vụ giới trẻ không phải là một điều chỉ nên được đề xuất vào cuối toàn bộ diễn trình hoặc cho một nhóm đặc biệt nhạy cảm với một ơn gọi chuyên biệt, nhưng nó phải được đề xuất liên tục suốt trong toàn bộ diễn trình phúc âm hóa và giáo dục đức tin thiếu niên và người trẻ » (Đức Phanxicô, Thông điệp cho những người tham dự Đại hội Quốc tế «Mục vụ ơn gọi và đời sống thánh hiến: Các chân trời và niềm hy vọng», ngày 25 tháng 11 năm 2017).

Các chủng viện và nhà đào tạo

211. Các ứng viên trẻ của thừa tác vụ thụ phong và đời sống thánh hiến sống theo cách giống hệt như những người trẻ khác: họ có cùng các tài nguyên và yếu đuối mỏng dòn như những người đồng trang lứa với họ, tùy theo lục địa và quốc gia họ sống. Vì vậy, cần phải cung cấp các chỉ dẫn thích đáng cho các tình huống địa phương khác nhau. Nói chung, về việc biện phân ơn gọi, một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhận diện hai vấn đề chính sau đây: lòng tự yêu mình thái quá (narcissism), theo đó các cá nhân chỉ lo lắng về các nhu cầu của họ, và khuynh hướng xem ơn gọi chỉ là việc tự làm mình thoả mãn. Cả hai vấn đề đều có chung một gốc rễ, đó là việc tự lấy mình làm trung tâm, có tiềm năng trở thành bệnh hoạn. Hai nguy hiểm cũng ảnh hưởng đến con đường đào tạo là chủ nghĩa duy cá nhân, tức là tập trung vào cá nhân tự trị, và loại bỏ việc nhìn nhận, lòng biết ơn và hợp tác với hành động của Thiên Chúa; và việc chỉ biết hướng vào bên trong (inwardness), tức rào kín con người trong một thế giới ảo và nội tâm tính giả tạo, nơi loại bỏ hết nhu cầu cần phải xử lý với những người khác và cộng đồng (xem DP và GE 35-62). Chúng ta cần phải thiết kế những con đường đào tạo có khả năng làm cho người trẻ đang được đào tạo có tinh thần đại lượng, khiến họ ngày càng nhận thức được rằng họ phải phục vụ dân Thiên Chúa. Điều cần thiết là phải bảo đảm một đội ngũ đào tạo có phẩm chất, có khả năng tương tác với các nhu cầu thực tế của người trẻ ngày nay và với việc họ khát khao linh đạo và tính triệt để. Việc tổ chức thì giờ, các không gian và các hoạt động trong các nhà đào tạo nên làm cho kinh nghiệm thực sự về một cuộc sống cộng đồng và huynh đệ trở thành khả hữu.

KẾT LUẬN

Ơn gọi phổ quát nên thánh

212. Đặc điểm súc tích và thống nhất hóa của đời sống Kitô hữu là sự thánh thiện, vì «Chúa Giêsu, Vị Thầy Thần Linh và là Mô hình của mọi sự hoàn hảo, đã giảng dạy sự thánh thiện của đời sống cho mỗi một và mọi môn đệ thuộc mọi thân phận của Người. Chính Người là tác giả và người hoàn tất sự thánh thiện của đời sống này » (LG 40). Sự thánh thiện bao trùm mọi chiều kích khác của đời sống tín hữu và của sự hiệp thông giáo hội xét theo quan điểm định phẩm và hoàn cầu, được đem đến viên mãn tùy theo các khả năng và khả thể của mỗi người. Vì lý do này, Thánh Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh sự thánh thiện ở đầu thiên niên kỷ thứ ba như là “tiêu chuẩn cao của lối sống Kitô Giáo thông thường” (NMI 31). Các đoạn nhắc đến chủ đề này trong Gaudete et exsultate cung cấp một cái nhìn sâu sắc về sự thánh thiện trong thế giới đương thời của chúng ta, và nhắc nhở tất cả chúng ta nhớ đến thánh ý của Chúa Giêsu, Đấng «muốn chúng ta nên thánh chứ không bằng lòng với một cuộc sống nhạt nhẽo và tầm thường» (GE 1). Tất nhiên, tất cả mọi thứ diễn ra trong việc thực hành cuộc sống hàng ngày của chúng ta: «Chứng tá mạnh mẽ của các thánh được tỏ bầy trong đời sống của các ngài, được lên khuôn bởi các Mối Phúc và tiêu chuẩn phán xét chung. Lời lẽ của Chúa Giêsu rất ít và thẳng thắn, nhưng thực tiễn và có giá trị đối với mọi người, vì Kitô giáo, trước hết, nhằm để mang ra thực hành » (GE 109).

Tuổi trẻ, một thời để nên thánh

213. Chúng ta tin rằng «sự thánh thiện là gương mặt hấp dẫn nhất của Giáo Hội» (GE 9) và trước khi có thể đề xuất nó cho người trẻ, chúng ta được kêu gọi trải nghiệm nó như các nhân chứng, nhờ thế trở thành một cộng đồng “dễ thương”. Cuốn Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta thấy trong nhiều dịp khác nhau (xem GE 93). Đồng hành với người trẻ trên đường thánh thiện chỉ trở nên có liên quan khi chúng ta nhất quán trước nhất. Thánh Ambrôsiô từng nói rằng «mọi thời đại đều trưởng thành cho Chúa Kitô » (De Virginitate, 40); điều này cũng đúng đối với giới trẻ! Trong sự thánh thiện của nhiều người trẻ, Giáo Hội nhận ra ơn thánh của Thiên Chúa luôn đi trước các câu chuyện của mỗi cá nhân và đồng hành với họ, cũng như giá trị giáo dục của các Bí Tích Thánh Thể và Hòa Giải, tính sinh hoa trái của các nẻo đường đức tin và tình yêu chung, và năng lực tiên tri của những “nhà quán quân” này, những người thường đóng ấn việc mình làm môn đệ của Chúa Kitô và là các người truyền giảng Tin Mừng bằng máu của họ. Nếu, như nhiều người trẻ đã nói trong cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, đúng là ta đang rất cần thứ ngôn ngữ của một chứng từ chân thật, thì đời sống của các vị thánh trẻ quả là ngôn ngữ chân thật của Giáo Hội, và lời mời gọi sống cuộc sống thánh thiện là lời mời gọi cần thiết nhất cho giới trẻ ngày nay. Một động lực tâm linh đích thực và một phương pháp sư phạm thánh thiện hữu hiệu không làm thất vọng các tham vọng sâu xa nhất của giới trẻ: tức việc họ cần sống, cần tình yêu, phát triển, niềm vui, tự do, tương lai và cả lòng thương xót và hòa giải nữa. Đối với nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, trình bầy thánh thiện như một chân trời ý nghĩa mà mọi người trẻ có thể tiếp cận và có thể đạt được trong cuộc sống bình thường của chúng ta vẫn là một thách thức lớn lao.

Các vị thánh trẻ và tuổi trẻ của các vị thánh

214. Chúa Giêsu mời gọi mọi môn đệ hiến trọn cuộc sống của họ, mà không mong đợi bất cứ lợi thế hoặc lợi ích nhân bản nào. Các thánh hoan nghênh lời yêu cầu đầy đòi hỏi này và bắt đầu bước theo Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh một cách hiền lành và khiêm nhường. Giáo Hội chăm chăm nhìn vào bầu trời thánh thiện và thấy cả một chòm sao ngày càng lớn và sáng láng gồm những người đàn ông và đàn bà trẻ tuổi, các vị thánh và á thánh thiếu niên và thanh niên, những vị, ngay từ thời các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, đã tồn tại cho đến thời đại của chúng ta. Khi khẩn cầu các vị như các thánh bổn mạng, Giáo Hội chỉ định các ngài như những đấng để người trẻ tham chiếu trong đời sống của họ. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC yêu cầu làm nổi bật giá trị của sự thánh thiện nơi tuổi trẻ vì các mục đích giáo dục, và chính giới trẻ cũng thừa nhận rằng họ "dễ tiếp thu ‘nền văn chương đời sống’ hơn một giảng khóa thần học trừu tượng» (GMTHĐ Phần II, Giới thiệu). Vì người trẻ cho rằng «các câu chuyện của các thánh vẫn còn liên quan đến chúng tôi» (GMTHĐ 15), nên điều quan trọng là trình bày các ngài một cách phù hợp với tuổi tác và tình thế của họ.

Chỗ đặc biệt phải dành cho Mẹ của Chúa chúng ta, người đã sống như môn đệ đầu tiên của Con yêu quý của mình và là một mẫu mực thánh thiện cho mọi tín hữu. Trong khả năng tích lũy và suy ngẫm Ngôi Lời trong lòng ngài (xem Lc 2: 19-51), Mẹ Maria là một người mẹ và là một bà giáo dạy biện phân cho toàn thể Giáo Hội.

Điều đáng nhắc ở đây là, cùng với “các thánh trẻ”, chúng ta cũng cần trình bày tuổi trẻ của các thánh cho giới trẻ. Thực vậy, mọi vị thánh đều sống qua tuổi trẻ của họ và sẽ rất có ích khi cho những người trẻ tuổi ngày nay biết các thánh đã sống thời gian đó như thế nào trong đời các ngài. Nhờ cách này, nhiều tình huống khó khăn và khắc nghiệt mà người trẻ phải trải qua có thể được giải thích, trong đó, Thiên Chúa luôn hiện diện và dù sao vẫn hoạt động cách mầu nhiệm. Việc chứng tỏ rằng ơn thánh của Người luôn hành động qua những nẻo đường thánh thiện quanh co được xây dựng một cách kiên nhẫn và phát triển đúng thời đúng lúc, bằng nhiều cách bất ngờ, có thể giúp mọi người trẻ, không trừ ai, biết trân quý niềm hy vọng nên thánh luôn có thể đạt được.

KINH CẦU CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG

Lạy Chúa Giêsu,

Trong hành trình hướng tới Thượng Hội đồng,
Giáo Hội Chúa hướng chú ý vào mọi người trẻ trên thế giới.

Chúng con cầu xin để họ mạnh dạn lãnh trách nhiệm đối với đời sống họ,
biết nhắm những điều đẹp đẽ nhất và sâu sắc nhất của đời sống
và luôn giữ cho trái tim của họ không bị vướng bận rối rắm.

Được đồng hành bởi các hướng dẫn viên khôn ngoan và quảng đại,
Xin Chúa giúp họ đáp trả ơn gọi Chúa đã ngỏ cùng mỗi người trong họ,
để nhận ra một kế hoạch sống riêng và đạt được hạnh phúc.

Xin Chúa giữ cho trái tim họ mở ra để mơ các giấc mơ tuyệt vời
và khiến họ quan tâm đến lợi ích của người khác.

Giống Môn Đệ Yêu Dấu, xin cho họ đứng dưới chân Thập giá,
để tiếp nhận Mẹ của Chúa như một hồng phúc của Chúa.

Xin cho họ trở thành nhân chứng sự Phục Sinh của Chúa
và biết rằng Chúa luôn ở bên cạnh họ
khi họ hân hoan công bố Chúa là Chúa.

Amen.