Phán quyết “có tội” được công bố vào ngày 26 tháng 2 năm 2019 đối với Đức Hồng Y George Pell tiêu biểu cho một biến cố đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo trong các giao dịch với nhà nước hiện đại: một vị Hồng Y, tức là một trong số ít thành viên của Giáo Hội có quyền bỏ phiếu bầu giáo hoàng, đã bị kết án lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên bởi một tòa án thế tục.
Đây là một trường hợp rất khác với trường hợp của Theodore McCarrick, người đã được Vatican tuyên bố huyền chức cách đây vài ngày, cụ thể là vào ngày 16 tháng 2. McCarrick, là người đã bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô trục xuất khỏi Hồng Y đoàn vào tháng 7 năm 2018, đã bị kết tội bởi một phiên tòa giáo luật tại Bộ Giáo Lý Đức Tin ở Vatican và không bao giờ phải đối mặt với công lý thế tục.
Việc kết án Đức Hồng Y Pell là một sự kiện tai họa đối với Giáo Hội Công Giáo, không chỉ ở Úc, mà trên toàn cầu, và nó phải được đặt trong bối cảnh của một chiến dịch làm tắt tiếng nói phê phán xã hội của Giáo Hội, và đẩy Giáo Hội vào bầu khí rất riêng tư cá nhân của các ông già bà lão.
Kể từ cuối năm 2017, Giáo Hội đã bước vào một giai đoạn mới trong việc đối phó với hậu quả của việc lạm dụng tình dục bởi hàng giáo sĩ: đó là một tai họa kinh niên chưa thấy hồi kết thúc. Úc đang đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn mới này, bắt đầu với phúc trình tổng kết của Ủy ban Hoàng gia về các Trách nhiệm của các định chế đối với nạn lạm dụng tình dục trẻ em vào tháng 12 năm 2017 và phản ứng của Giáo Hội Công Giáo Úc đối với các khuyến nghị của ủy ban vào tháng 12 năm 2018.
Kế đó là vụ xét xử Tổng Giám mục Philip Wilson của tổng giáo phận Adelaide, người đã bị kết án bởi một tòa án thế tục vào tháng 7 năm 2018, nhưng sau đó chỉ vài tháng sau, tháng 12, 2018 tòa trên đã bác bỏ phán quyết của tòa dưới. Một đứa bé xưng tội với cha phó Philip Wilson rằng cha sở sờ mó nó. Ngài nạt nó truyền đọc mấy câu kinh, thay vì báo cảnh sát. Tội danh như thế tòa trên thấy tòa dưới làm quá tay nên truyền tha bổng cho ngài.
Các trường hợp của cả Tổng Giám mục Wilson và Hồng Y Pell đã đẩy Giáo Hội vào một lãnh địa chưa từng thấy: chúng ta đang chứng kiến cách thức người ta lạm dụng tội lạm dụng để xác định lại mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước.
Khái niệm về sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước đang được thử nghiệm đến cốt lõi của nó bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Nói một cách đơn giản, Nhà thờ và Nhà nước không còn có nghĩa là những gì nó từng có nghĩa. Thế cho nên mới có chuyện Ủy ban Hoàng gia xen mình một cách quá đáng vào kỷ cương của Giáo Hội Công Giáo như buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội và táo tợn hơn khi yêu cầu Giáo Hội phải bãi bỏ luật độc thân linh mục, mặc dù, chính Ủy ban Hoàng gia cũng không tìm thấy mối liên hệ nhân quả giữa luật độc thân linh mục và việc lạm dụng tình dục trẻ em.
Điểm đáng nhấn mạnh ở đây là Giáo Hội Công Giáo hiện đang có xu thế, ngay cả khi không nói rõ ràng, là dựa vào các phán quyết của tòa án thế tục để đưa ra quyết định về việc sa thải các Hồng Y và giám mục của mình. Trường hợp Tổng Giám mục Wilson là một ví dụ điển hình.
Điều này dẫn đến một tình huống vô cùng phức tạp, bởi vì chúng ta đang sống trong một thời đại của “các cơn giận dữ”, của “những thịnh nộ bất ngờ”, trong đó rõ ràng là tòa án cao nhất hiện nay là dư luận - nhưng dư luận ấy hiện không còn được thông tin độc quyền bởi truyền thông chính mạch. Tòa án mới này của dư luận ngày càng bị các mạng xã hội chi phối, là nơi cả Giáo Hội lẫn truyền thông chính mạch có ít ảnh hưởng hơn so với trước đây. Thẳng thắn mà nói, không thể hiểu được làn sóng khủng hoảng lạm dụng tình dục hiện nay mà không xem xét đầy đủ vai trò của truyền thông xã hội trong tâm lý phẫn nộ tập thể. Trong thời đại của “các cơn giận dữ” trên mạng xã hội, luật pháp cũ theo đó "vẫn còn nghi ngờ thì vẫn chưa thể xem là có tội" không còn được áp dụng, bất kể luật bằng văn bản nói gì - đặc biệt là trong trường hợp các giáo sĩ bị cáo buộc lạm dụng tình dục.
Cấp bậc giáo hội của bị cáo càng cao thì càng có nhiều khả năng các yếu tố khác - định kiến của báo chí, bồi thẩm đoàn, thẩm phán, cảnh sát và chính trị gia - sẽ ảnh hưởng đến các phán quyết.
Đức Hồng Y Robert Bellarmin đã viết bốn thế kỷ trước về ảnh hưởng chính đáng của Giáo Hội đối với Nhà nước. Ngài nói rằng Giáo Hội đã thủ đắc một potestas indirecta in temporalibus (quyền lực gián tiếp trong các vấn đề thế tục) qua vai trò ngôn sứ, qua việc mạnh dạn phê phán xã hội, cổ vũ các giá trị truyền thống. Bây giờ tình hình đã được đảo ngược theo một nghĩa nào đó: Nhà nước sở hữu một loại potestas indirecta in ecclesiasticis (quyền lực gián tiếp trong các vấn đề giáo hội).
Khi bỏ tù được một Hồng Y (và báo chí Úc đang hò reo một bản án 50 năm tù dành cho Đức Hồng Y Pell) với những bằng chứng mong manh như thế, theo một nghĩa nào đó, bất cứ một Giám Mục nào, một linh mục nào cũng có thể bị bỏ tù bằng những thủ đoạn tương tự. Một bầu khí im lặng tràn lan trong Giáo Hội tại Úc Châu. Trong bầu khí im lặng bao trùm ấy chúng ta thấy nơi Hồng Y Pell những vu cáo và lăng mạ phải chịu từ các phương tiện truyền thông, những cô đơn phải trải qua ngày nào của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt.
Điều này sẽ có hậu quả địa chấn cho tương lai của Giáo Hội và thế hệ lãnh đạo tiếp theo.