Lúc 10g sáng thứ Hai, 9 tháng Chín, thánh lễ an táng Đức Hồng Y Roger Etchegarayđã được cử hành tại nhà thờ chính tòa Đức Bà Bayonne, thuộc giáo phận Basque là giáo phận sinh quán của ngài.

Đức Hồng Y Dominique Mamberti, Chủ tịch Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh, đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong đám tang này được cử hành tại quê hương của Đức Hồng Y Etchegaray. Năm 2017, Đức Hồng Y đã quyết định rời Rôma về sống trong một viện dưỡng lão quê hương ở Cambo-Les-Bains.

Trong đoàn đồng tế chúng tôi thấy có các vị Hồng Y khác như Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản, Đức Hồng Y Jean-Pierre Ricard và Đức Hồng Y Philippe Barbarin, và đông đảo các Giám Mục Pháp.

Tiểu sử Đức Hồng Y Etchegaray

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đầu thánh lễ, Đức Cha Marc Marie Aillet, là Tổng Giám Mục Bayonne đã đọc tiểu sử của Đức Hồng Y Etchegaray .

Đức Hồng Y Roger Etchegaray là một viên chức lâu năm của Vatican và là đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng được phái đến một số nơi chịu nhiều thương tích và đầy thách đố nhất trên thế giới, đã qua đời tại Pháp vào ngày 4 tháng 9, thọ 96 tuổi.

Đức Hồng Y người Pháp đã là người xây dựng các nhịp cầu không mệt mỏi. Bên cạnh đó, ngài cũng đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ đại kết, bao gồm cả với Đức Thượng Phụ Chính Thống Alexy II của Mạc Tư Khoa, và trong các cuộc đối thoại liên tôn. Ngài là một trong những người tổ chức chính của Ngày cầu nguyện đầu tiên vì hòa bình ở Assisi năm 1986, nơi đã đưa 160 nhà lãnh đạo tôn giáo đến với nhau tại thời điểm những căng thẳng của thế giới liên tục gia tăng đến mức đã có những lo ngại chiến tranh hạt nhân.

Nhưng nổi bật hơn cả là những nỗ lực của ngài kéo dài trong hai thập kỷ với tư cách là nhà đàm phán xuất sắc của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài được gửi đến Trung Đông để tìm kiếm hòa bình, gặp gỡ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein với hy vọng tránh chiến tranh năm 2003, đến quốc gia cộng sản Cuba để gặp Fidel Castro, giám sát các tiến trình sau cuộc diệt chủng ở Rwanda và khuyến khích Li Băng xây dựng lại sau 16 năm nội chiến.

Đức Thánh Cha Phanxicô, đang viếng thăm Mozambique ngày 4 tháng 9, đã bày tỏ nỗi buồn sau khi nghe tin tức về cái chết của Đức Hồng Y.

Đức Hồng Y “đã ảnh hưởng sâu sắc đến hành trình” của Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội ở Pháp, Đức Thánh Cha đã viết như trên trong một bức điện chia buồn do Vatican công bố vào ngày 05 tháng Chín.

Đức Giáo Hoàng viết tiếp: “Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp với con người có đức tin sâu sắc này,” là người được coi trọng đáng kể và lắng nghe như một vị cố vấn, “đặc biệt trong những tình huống nhạy cảm đối với đời sống của Giáo Hội trong các phần khác nhau của thế giới.”

Sinh ngày 25 tháng 9 năm 1922, tại Espelette, Pháp, cậu Etchegaray đã theo học tại Rôma trước và sau khi được thụ phong linh mục vào năm 1947. Ngài đã từng phục vụ tại Giáo phận Bayonne, bên Pháp, làm thư ký cho giám mục, giám đốc cơ quan từ thiện giáo phận và là người đứng đầu Công Giáo Tiến hành Pháp.

Ngài tham dự Công đồng Vatican II với tư cách là một chuyên gia trong Hội Đồng Giám Mục Pháp. Trong thời gian diễn ra Công Đồng, ngài đã tổ chức một nhóm các Giám Mục quốc tế không chính thức gồm khoảng 20 Giám Mục – trong đó có cả vị Giáo Hoàng tương lai là Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục - để xem xét sâu hơn về một số vấn đề nhất định và tìm ra các phương pháp phối hợp tốt hơn.

Sau khi Công Đồng kết thúc, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục khuyến khích Đức Hồng Y tổ chức một cách nào đó để các giám mục Âu châu có thể hợp tác với nhau. Nỗ lực của ngài đã xây dựng nên sự khởi đầu của những gì sau này sẽ trở thành Hội đồng Giám mục Âu Châu trong đó ngài là vị chủ tịch tiên khởi trong nhiệm kỳ 1971-1979. Đức Hồng Y Etchegaray đã được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp vào năm 1975 và đảm nhận liên tục hai nhiệm kỳ cho đến năm 1981.

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá Paris vào năm 1969 và, chưa đầy hai năm sau, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Marseille - một thành phố cảng có một trong cộng đồng Hồi giáo lớn nhất ở châu Âu vào thời đó, cùng với các cộng đồng lớn của người Do Thái, Hy Lạp và Armenia.

Ngài nói với tờ Quan Sát Viên Rôma, vào năm 2014, rằng thi hành chức vụ chủ chăn trong một giáo phận đa dạng như vậy đã là “một trường học tốt cho tôi” trong việc mời gọi những người thuộc các tôn giáo khác gặp gỡ chứ không phải là xung đột.

Sau khi tấn phong Hồng Y cho ngài trong công nghị tấn phong đầu tiên của mình với tư cách là Giáo Hoàng vào năm 1979, Đức Gioan Phaolô II đã yêu cầu Đức Hồng Y đến Rôma vào năm 1984 để lãnh đạo Ủy ban Công lý và Hòa bình và Hội đồng Giáo Hoàng “Cor Unum”, là cơ quan điều phối các hoạt động cứu trợ của Vatican. Vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan ngay lập tức cho ngài biết các vấn đề đại kết là ưu tiên hàng đầu và đã phái ngài thực hiện nhiều chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Mạc Tư Khoa, Canterbury và Geneva.

Đức Gioan Phaolô II đã gửi ngài đến Rwanda ngay sau khi kết thúc cuộc diệt chủng năm 1994 khiến 800,000 người thiệt mạng khi những kẻ cực đoan người Hồi giáo sát hại những người Tutsi và Hutus ôn hòa.

Là một nhân chứng mắt thấy tai nghe trước những hậu quả thê thảm của cuộc diệt chủng này, Đức Hồng Y nói rằng các vụ thảm sát này “không chút nghi ngờ nào là một trong những sự kiện bi thảm nhất trong lịch sử hiện đại”. Ngài thường xuyên trở lại đó trong những năm tiếp theo, lưu ý rằng cả một thập kỷ sau đó, hòa giải vẫn còn “một đồi Canvê đầy các vết thương vẫn còn mưng mủ” khi nhìn thấy những người sống sót phải sống chung với “một cộng đồng những tên đao phủ.”

Đức Hồng Y đã cử hành thánh lễ nửa đêm Giáng sinh tại Havana năm 1988 và gặp gỡ Fidel Castro trong nhiều cuộc nói chuyện. Ngài cũng là vị Hồng Y Công Giáo đầu tiên đến thăm nước Trung Quốc cộng sản. Bắt đầu từ năm 1980, ngài không bao giờ viếng thăm quốc gia này trong tư cách là một nhà ngoại giao, nhưng “trong tư cách cá nhân” để nói chuyện với các quan chức Trung Quốc và ghé thăm các chủng viện do Hiệp hội Công Giáo Yêu nước kiểm soát.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phái ngài đến Li Băng năm 1985 và năm 1991, và ngài nói rằng mình bị choáng ngợp bởi sự tàn phá kinh hoàng của cuộc nội chiến tại đó. Ngài chuyển đạt mong muốn của Đức Giáo Hoàng là quốc gia này cần phải là một tấm gương cho thế giới về sự sống chung hòa bình giữa các nền văn hóa và các tôn giáo.

Năm 1989, ngài được Thánh Giáo Hoàng Ba Lan cử sang Việt Nam để tìm cách khai thông những bế tắc tại đây. Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh nhận định rằng “Chuyến đi lịch sử đã thành công.” Cụ thể, vị Tổng Giám Mục Huế, ở Trung phần Việt Nam, cho biết nhà cầm quyền và toàn thể dân Chúa tại Việt Nam yêu mến ngài. “Sứ mạng của ngài đã trở thành chiếc cầu lịch sử đưa Việt Nam đến với thế giới Công Giáo trên lộ trình mỗi lúc một thông thoáng hơn và mở rộng đến ngày hôm nay.”

Trong tư cách là “sứ giả của Đức Thánh Cha,” Đức Hồng Y đã đến Giêrusalem vào năm 2002 để tìm kiếm một dấu chấm hết cho một bế tắc giữa Israel và Palestine tại Nhà thờ Giáng Sinh ở Bethlehem. Ngài đã nhiều lần đến các địa điểm tại Thánh địa để gặp gỡ các nhà lãnh đạo, để đích thân thực hiện mong muốn hòa bình của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở đó.

Đức Hồng Y Etchegaray đã tới Iraq một tháng trước cuộc xâm lược do Hoa Kỳ lãnh đạo vào năm 2003. Ngài gặp gỡ Sadam Hussein trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Đức Hồng Y đã đưa cho nhà lãnh đạo Iraq một lá thư riêng của Đức Gioan Phaolô II, trong mong muốn làm mọi thứ có thể được để giúp ngăn chặn một cuộc chiến. Ngài cho biết trong cuộc gặp gỡ này, ngài có thể nghe thấy âm thanh phát ra khi Hussein bấm vào chuỗi hạt cầu nguyện của ông ta trong cuộc họp.

Ngài được bầu làm chủ tịch ủy ban trung ương giám sát việc tổ chức Đại Năm Thánh 2000 và, và với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Công lý và Hòa bình, ngài chịu trách nhiệm về việc ban hành các tài liệu mang tính bước ngoặt của Vatican về nạn phân biệt chủng tộc, nợ quốc tế và tình trạng vô gia cư trên thế giới.

Năm 2005, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã phê chuẩn việc đề cử Đức Hồng Y làm Phó Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, là một trách vụ mà ngài đã giữ cho đến khi xin được nghỉ vào năm 2017, ở tuổi 94.

Đức Hồng Y bị gãy xương hông sau khi một phụ nữ bị tâm thần lao vào Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, lúc ấy 82 tuổi, khi đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ trong thánh lễ đêm Giáng sinh năm 2009. Đức Giáo Hoàng không hề hấn gì, nhưng Đức Hồng Y đã lãnh đủ và bắt buộc phải thay khớp háng toàn phần.

Bài giảng của Đức Hồng Y Dominique Mamberti

Đức Hồng Y Mamberti bắt đầu bài giảng của mình với những lời này của Đức Hồng Y Etchegaray được viết vào những ngày cuối đời của ngài: “Lạy Chúa, là Thiên Chúa thật và là người thật, Chúa là chìa khóa mà con luôn mang theo trong tay con để hướng dẫn con tại thời điểm cái chết con. Một ngày nào đó, xin mở cho con cánh cửa đôi dẫn đến nước Người, nơi Thiên Chúa và con người sẽ sống cùng nhau, trong sự tươi mát của buổi bình minh Sáng thế”

“Những lời này đem lại ý nghĩa cho cuộc sống nhất định, trong đó Chúa Kitô là chìa khóa,” Đức Hồng Y Mamberti giải thích. Đó là một cuộc đời hướng đến ngày gặp gỡ với Chúa của mình, một ngày mà ngài đã hằng khao khát khôn nguôi.

Đức Hồng Y Chủ tịch Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh nhận xét rằng từ thời thơ ấu ở quê hướng Basque cho đến suốt thời gian phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh với Đức Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Etchegaray luôn cho thấy mình là con người của “Tám Mối Phúc Thật”, đã được đề cập trong bài Tin Mừng vừa được đọc trong thánh lễ.

“Phúc cho ai có lòng khó khăn” - Đức Hồng Y Roger Etchegaray để cho Chúa Kitô chiếm hữu toàn bộ con người của mình, ngài sống nghèo khó thanh bần, ít chú ý đến phúc lợi bản thân, nhưng luôn để cho Chúa thành chìa khóa cho cuộc sống của mình, như chính ngài đã viết. Chính mối quan hệ mật thiết của ngài với Chúa Kitô đã hướng dẫn ngài qua các chức vụ khác nhau và mê hoặc ngài đến mức ngài thực sự trở thành người tôi tớ cho mọi người, cống hiến cả đời cho các sứ mạng khó khăn của Giáo Hội.

“Phúc cho ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vậy” – “Chỉ có đôi mắt đã khóc mới có thể hiểu được những điều nào đó,” Đức Hồng Y Etchegaray đã nói như thế, và ngài đã khóc rất nhiều lần cho những khổ đau của thế giới, cho những tình huống bi thảm, thường không thể tưởng tượng nổi. Chính vì thế ngài luôn muốn chia sẻ những đau khổ của những người đau khổ, hiểu được nỗi thống khổ của họ, và góp phần vào việc cứu trợ của họ.

“Phúc cho ai làm cho người hòa thuận, phúc cho ai chịu khốn nạn vì đạo ngay” Việc tìm kiếm công lý cho người nghèo và người yếu thế là cam kết hàng ngày của Đức Hồng Y với Đức Gioan Phaolô II, đặc biệt là trong tư cách nhà lãnh đạo Ủy ban Công lý và Hòa bình và Hội đồng Giáo Hoàng “Cor Unum” nơi ngài phát hiện ra rất nhiều đau khổ của con người và các quốc gia. Ngài xin các nước giàu tha nợ cho các nước nghèo vì nợ mẹ đẻ nợ con khiến thu nhập của nhiều quốc gia không đủ trạ nợ quốc tế.

“Phúc thay ai xót thương” - Thông qua vô số các cuộc hành trình của mình, Đức Hồng Y đã có mối quan tâm chính này: làm sao lập lại hòa bình và hòa giải giữa các chủng tộc và giữa các dân nước. Chính trong ý nghĩa này ngài thực sự là một con người của tình huynh đệ phổ quát.

Đức Hồng Y Mamberti cũng trích dẫn những lời của cố Hồng Y về tình yêu vô điều kiện dành cho Giáo Hội, và giải thích rằng những lời này có một ý nghĩa đặc biệt tại những thời điểm khó khăn trong đời sống của Giáo Hội. Đức Hồng Y Etchegaray thường hỏi những người thăm viếng ngài “Anh chị có yêu mến Giáo Hội này không?”

Đức Hồng Y Mamberti kết luận bằng cách trích dẫn bài đọc thứ Nhất từ Sách Khôn Ngoan: “Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn.”

Nhà sử học Philippe Levillain, thay mặt Viện hàn lâm khoa học chính trị và đạo đức, đã lên tiếng ca ngợi những đóng góp của Đức Hồng Y cho một thế giới tốt hơn và huynh đệ hơn.

Cuối cùng, Đức Cha Jean-Marc Aveline, người sẽ đảm nhận nhiệm vụ tổng giám mục của Marseille vào ngày Chúa Nhật 15 Tháng Chín, nói về ký ức của ngài với Đức Hồng Y Etchegaray, là giám mục của mình khi ngài còn là một chủng sinh.


Source:Vatican News