Ross Douthat, giữ mục ý kiến của tờ New York Times từ năm 2009, vốn là một người mới trở lại Đạo Công Giáo nhưng lại có tiếng thuộc phe bảo thủ về cả hai phương diện tín lý và luân lý Công Giáo. Tác phẩm vừa ra đời của ông có tên là “To Change the Church: Pope Francis and the Future of Catholicism” (Thay đổi Giáo Hội: Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tương Lai Đạo Công Giáo”.



Giữa tháng 10 vừa qua, Ông đã phỏng vấn Đức Hồng Y Raymond Burke, một trong bốn vị Hồng Y “Dubia” (hoài nghi) vì đã tỏ ý nghi ngờ một số vấn đề luân lý và tín lý liên quan đến gia đình nhân các Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia đình trong hai năm 2014 và 2015 và sau đó Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng “Niềm Vui Yêu Thương” (Amoris Laetitia). Từ đó đến nay, Đức Hồng Y Burke thường vẫn lên tiếng phê phán một số điều thuộc luân lý và tín lý do Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố. Trong đầu óc nhiều người, phần lớn ngài được coi là không thân thiện với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn lần này, ngài quả quyết với Douthat: ngài không hề là kẻ thù của Đức Giáo Hoàng.

Bảo thủ

Cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề. Nhưng vấn đề đầu tiên được nói đến là khuynh hướng bảo thủ của Đức Hồng Y.

Thực vậy, đến năm 2008, khi Đức Bênêđíctô XVI triệu ngài về Vatican để cầm đầu Tòa Án Tối Cao (Signatura) của Giáo Hội và năm 2010, nâng ngài lên hàng Hồng Y, Đức Hồng Y Burke không những nổi tiếng là người bảo thủ mà còn “duy truyền thống” (traditionalist) nữa, nhất là về giáo luật và phụng vụ thánh.

Về 2 phương diện này, ngài cho hay: “ông nên biết rằng trong Giáo Hội, ngay trước cả Công đồng Vatican II, nhưng nhất là sau đó, có việc mất tôn kính đối với giáo luật, với cảm thức cho rằng bộ giáo luật không còn thích hợp. Còn tôi, tôi xác tín tầm quan trọng của giáo luật – tôi đặc biệt quan tâm trước việc dễ dàng ban cấp án tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Và điều đó phần nào góp phần vào cái tiếng tôi là người lạnh lùng, duy luật, cứng ngắc, như người ta nói.

Về vấn đề phụng vụ, rõ ràng tôi đã lớn lên với điều hiện nay ta gọi là hình thức ngoại thường của Nghi Lễ Rôma, tức Thánh Lễ vốn được cử hành cho tới cuộc cải cách sau Công đồng Vatican II. Và tôi đã đánh giá cao vẻ đẹp của nghi lể này. Vì vậy, khi Thánh Gioan Phaolô II cho phép việc cử hành nó, tôi rất lưu ý. Tôi đã luôn luôn cử hành cả hai hình thức. Người ta bảo tôi chống lại hình thức thông thường của Thánh Lễ. Tôi không chống, tôi chỉ chống lại cách cử hành hình thức thông thường không có tính siêu việt đúng đắn. Nhưng tôi nghĩ ông chính xác khi nói điều này đã lên đặc điểm cho tôi”.

Được hỏi về thời kỳ trước Công Đồng Vatican II, một thời được cho là “ngột ngạt, vụ luật, cứng ngắc”, Đức Hồng Y Burke cho rằng kỷ luật nhằm mục đích kiềm chế các hậu quả của tội nguyên tổ và giúp chúng ta trở thành người tốt. Và quả nó hữu hiệu. “Nhưng năm 1968, sách kỷ luật của chủng viện bị vứt bỏ và sau đó là hỗn loạn. Và chúng ta biết, chẳng hạn, phần lớn việc lạm dụng tình dục các vị thành niên đã diễn ra trong thời kỳ này, thời kỳ người ta cho rằng bất cứ khuynh hướng nào tôi có, chỉ vì nó là khuynh hướng của tôi, đều tốt. Trời đất, điều ấy không đúng”.

Douthat cho rằng nhiều người lạm dụng và những người bao che cho họ được đào tạo trước Vatican II thì sao, phải chăng việc giáo dục hồi ấy bất cập? Đức Hồng Y Burke thừa nhận sự kiện, nhưng lý do không hẳn do kỷ luật mà là do người phạm tội không giữ kỷ luật.

Theo Douthat, bản chất phẩm trật cho phép người ở vị thế thẩm quyền ngưng áp dụng luật, phải chăng nên dân chủ hóa bằng trách nhiệm giải trình, để luật được áp dụng? Đức Hồng Y Burke cho rằng phẩm trật là điều Chúa Kitô thiết lập: chính Người chọn riêng 12 tông đồ và huấn luyện họ, dù họ chẳng “thiên thần” gì. Luôn có cơn cám dỗ bất trung đối với thừa tác mục vụ, cho phép điều thực sự xấu xa khi đụng tới một người bạn. Giới hạn ra đời năm 1917 với Bộ Giáo Luật! “Cho tới các cải cách của Công Đồng Vatican II, có cả một loạt các nghi thức nhằm giáng chức một giáo sĩ phản bội tính thánh thiện của chức vụ”.

Nhân cơ hội này, Đức Hồng Y Burke mô tả một số nghi thức nổi tiếng trong việc giáng chức này: “nếu là một Tổng Giám Mục hay Giám Mục, người ta sẽ mặc phẩm phục đầy đủ cho họ rồi từ từ cởi từng phẩm phục một, vừa cởi vừa có những lời tuyên bố rất nặng nề, và cuối cùng, lột da các bàn tay đã được xức dầu và phong chức bằng dao để nói rằng người này đã hoàn toàn phản bội chức vụ”.

Khi được hỏi có nên áp dụng nghi thức ấy cho một người như cựu Hồng Y Theodore McCarrick không, Đức Hồng Y cho rằng “tôi dám nói đó là cách thích đáng để làm”.

Không hề là kẻ thù của Đức Giáo Hoàng

Về thái độ của ngài đối với triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, Đức Hồng Y cho hay: “Nên bắt đầu với Thượng Hội Đồng Giám Mục về Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Lúc ấy, tôi vẫn còn đứng đầu Toà án Tối cao (Apostolic Signatura). Và tôi lên tiếng mạnh mẽ bênh vực kỷ luật truyền thống của Giáo Hội liên quan tới hôn nhân và ly dị”.

Về việc cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ dù không có án tuyên bố cuộc hôn nhân trước của họ vô hiệu, Đức Hồng Y cho biết “chúng tôi luôn được cho hay đó không phải là điều Thượng Hội Đồng bàn tới, nhưng cuối cùng, nó đã được bàn tới. Và là việc nghĩ lại giáo huấn của Giáo Hội về tính dục con người, với việc nói đến việc tìm thấy các yếu tố tốt lành trong các hành vi làm tình giữa những người cùng một giới tính, tìm thấy các yếu tốt tốt lành trong các cuộc giao hợp bên ngoài hôn nhân”.

Ngài cho hay thêm: “trong một lúc giải lao, Đức Hồng Y Caffarra [Carlo Caffarra, cố Tổng Giám Mục Bologna], vốn là một bạn thân của tôi, đến chỗ tôi và nói, điều gì đang xẩy ra đây? Ngài bảo những người trong chúng tôi đang bảo vệ giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội nay bị gọi là kẻ thù của Đức Giáo Hoàng. Điều này có tính biểu tượng cho những gì đang xầy ra. Cả đời làm linh mục của tôi, tôi luôn bị phê bình là quá lưu ý tới điều Đức Giáo Hoàng nói. Thế mà nay, tôi thấy mình rơi vào tình huống bị gọi là kẻ thù của Đức Giáo Hoàng, điều tôi không hề là”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh thêm: “Tôi không thay đổi. Tôi vẫn giảng dạy cùng những điều xưa nay tôi luôn giảng dạy và chúng không phải là các ý nghĩ của tôi. Nhưng nay bỗng nhiên điều này bị tri nhận là trái ngược với Giám mục Rôma. Và tôi nghĩ ở đây điều được đưa vào là một viễn kiến hết sức chính trị về ngôi vị Giáo Hoàng, theo đó, Giáo Hoàng như một loại quân chủ tuyệt đối, người có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Đó chưa bao giờ là trường hợp trong Giáo Hội. Giáo Hoàng không phải là một nhà cách mạng, được bầu lên để thay đổi giáo huấn của Giáo Hội. Đấy là lối hết sức thế tục người ta đang nhìn Giáo Hội, nhưng không hiểu chút gì về thực tại sâu xa của Giáo Hội”.

Douthat cho rằng đó chỉ là do thế tục nhìn mà thôi. Nhưng Đức Hồng Y Burke cho hay: không phải thế, chính ngài nghe được “ngay bên trong cơ thể Giáo Hội... Tôi nghe nó từ các vị Hồng Y trong Thượng Hội Đồng năm 2014”.

Thực vậy, Đức Hồng Y quả quyết “một vị phát biểu: cuối cùng, chúng ta hiểu ra rằng hôn nhân là một lý tưởng mà không phải ai cũng đạt tới và do đó chúng ta phải thích ứng giáo huấn của Giáo Hội đối với những người không thể sống trọn các lời thề hứa lúc kết hôn của họ. Nhưng hôn nhân đâu phải là một 'lý tưởng'. Hôn nhân là một ơn thánh, và khi cặp vợ chồng trao đổi các lời thề hứa, họ lãnh nhận ơn thánh để sống mối liên kết sinh sản suốt đời một cách trung thành. Dù người yếu đuối nhất, được đào tạo cách nghèo nàn nhất, cũng vẫn nhận được ơn thánh để sống giao ước hôn nhân một cách trung thành”.

Đức Hồng Y cho hay khuyên người ta như thế không dễ. Nhưng nhiều người chống đối ngài, sau đó nhiều năm, cho hay họ đồng ý với ngài. Nên theo ngài, Giáo Hội không nên thỏa hiệp với thế gian.

Đức Phanxicô có coi Đức Hồng Y Burke là kẻ thù không?

Còn việc Đức Giáo Hoàng có coi ngài là kẻ thù hay không, Đức Hồng Y Burke cho hay: “Tôi không nghĩ thế. Ngài chưa bao giờ nói thế với tôi. Tôi không thường xuyên gặp ngài, nhưng khi gặp, ngài không bao giờ quở mắng tôi hay tố cáo tôi có những ý nghĩ hay thái độ thù nghịch đối với ngài”.

Nhưng Đức Hồng Y xác nhận Đức Giáo Hoàng quả có tước hết các chức vụ của ngài: “Tháng 12 năm 2013, ngài loại tôi khỏi bộ Giám Mục. Rồi ngài loại tôi khỏi Tòa án Tối cao, cử tôi làm Giám Hộ Hội Hiệp Sĩ Malta. Rồi năm 2016, ngài lấy cả chức ấy, để lại tước hiệu cho tôi, nhưng không có chức năng gì”. Tóm lại, như Douthat nói, nay ngài là “Hồng Y không có cặp giấy [portfolio]”.

Đức Hồng Y nhận định “Rõ ràng Đức Giáo Hoàng không muốn tôi giữ một chức vụ lãnh đạo, ngài không coi tôi như thứ người ngài muốn trao cho bất cứ việc lèo lái sự việc nào. Nhưng tôi không bao giờ có cảm tưởng là ngài nghĩ tôi là kẻ thù của ngài”.

Nhưng tại sao, ngài luôn chỉ trích “các hành vi chuyên biệt và các xu hướng tổng quát của triều Giáo Hội này”? Đức Hồng Y Burke trả lời: “Tôi cho rằng đó là bổn phận làm Hồng Y của tôi. Tôi cố gắng luôn thông đạt trực tiếp với Đức Giáo Hoàng: tôi không muốn chơi đùa với người ta, giả vờ nghĩ một đàng nhưng thực ra nghĩ một nẻo. Ông thấy tôi không bao giờ chỉ trích đích danh Đức Giáo Hoàng. Nhưng khi thấy điều tôi coi là hướng đi có hại trong Giáo Hội, khi thấy toàn bộ cuộc thảo luận trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình nhằm tra vấn các nền tảng của giáo huấn Giáo Hội về tính dục con người, tôi phải lên tiếng vì đó là nhiệm vụ của tôi”.

Nhận định tổng quát về Đức Phanxicô, Đức Hồng Y Burke không ngần ngại cho rằng “có một sự suy sụp về thẩm quyền giáo huấn của vị giám mục Rôma. Người kế vị Thánh Phêrô thi hành chức vụ chủ yếu của mình về giáo huấn và kỷ luật, nhưng Đức Phanxicô, trong nhiều phương diện, đã từ chối thi hành chức vụ ấy. Chẳng hạn, tình thế ở Đức: Giáo Hội Công Giáo ở Đức đang trên đường trở thành một giáo hội quốc gia với những thực hành không phù hợp với Giáo Hội hoàn vũ”.

Đức Hồng Y Burke nêu thí dụ: họ kêu gọi một nghi thức đặc biệt cho những người đồng tính muốn cưới nhau; cho phép bên không Công Giáo trong một cuộc hôn nhân hỗn hợp (mixed marriage) được rước lễ thường xuyên. Đây là những vấn đề trầm trọng nhưng không ai ngăn cản họ.

Douthat cho rằng Đức Giáo Hoàng có quyền dung túng các thử nghiệm địa phương chứ? Đức Hồng Y Burke không đồng ý như thế. Đức Giáo Hoàng không có chọn lựa nào khác nếu đó là việc mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội. “Giáo huấn luôn là: Giáo Hoàng có trọn quyền cần thiết để bảo vệ đức tin và cổ vũ nó. Nên ngài không thể nói: 'hình thức quyền hành này cho tôi thẩm quyền không bảo vệ đức tin và không cổ vũ nó'”.

Nhưng nếu Đức Phanxicô ra lệnh cho ngài ngưng phổ biến các lời ngài chỉ trích Đức Giáo Hoàng thì sao? Ngài có ngưng không? Đức Hồng Y Burke trả lời là không, “Nếu ngài bảo tôi, Đức Hồng Y nói láo, Đức Hồng Y tấn công chức vụ Giám Mục Rôma, thì tôi sẽ ngưng. Nhưng tôi đâu có tấn công. Tôi đâu có cố gắng nói láo. Và tôi không bao giờ tấn công chức vụ”.

Việc ngài phân biệt giữa chức vụ và người giữ chức vụ đã giúp Đức Hồng Y Burke giảng hòa được các chỉ trích của ngài với niềm tin liên tục của ngài vào thẩm quyền Giáo Hoàng và ơn vô ngộ Giáo Hoàng. Ngài cho rằng Giáo Hoàng có thể dung túng lạc giáo một cách sai lầm hay cổ vũ các sai lầm “trong bối cảnh nói năng thông thường (colloquial), họp báo trên các chuyến bay hay những điều như thế” cho dù Chúa Thánh Thần luôn ngăn cản ngài khỏi giảng dậy lạc giáo một cách chính thức.

Chủ nghĩa trống ngôi

Douthat cho rằng quan điểm ấy đối với thẩm quyển Giáo Hoàng hẹp hơn nhiều người Công Giáo bảo thủ dưới thời Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, dù nó đã có nòi lịch sử hữu lý trong Giáo Hội. Ông muốn biết chủ trương đó có thể chống đỡ được không. Vì một văn kiện như Niềm Vui Yêu Thương rõ ràng là một hành vi chính thức được nhiều nhà quan sát hữu lý cho rằng đã dạy một giáo huấn khác hay đã thay đổi giáo huấn truyền thống. Như thế chẳng hóa ra các người Công Giáo bảo thủ duy trì một thứ tôn giáo bí truyền, thứ tôn giáo chỉ có trong các văn kiện cũ xưa nhưng xem ra chẳng gây ảnh hưởng gì tới đời sống hiện nay của Giáo Hội?

Đức Hồng Y Burke trả lời: “Đó không phải là kinh nghiệm của tôi. Tôi đã du hành khá nhiều, cả những nơi được coi là rất cấp tiến như Đức, Pháp. Và bất cứ tới đâu, tôi cũng thấy khá nhiều cặp vợ chồng trẻ có con cái, các người trẻ độc thân, các linh mục trẻ trân qúi truyền thống của họ, một truyền thống bị coi là cổ lỗ hay cứng ngắc và hóa đá hay bất cứ từ ngữ nào ông muốn dùng. Họ rất sùng mến. Và tôi không thấy các người trẻ ủng hộ thứ nghị trình thỏa hiệp với thế gian này. Những người trẻ hơn, họ cảm nhận sự phá sản của nền văn hóa đương thịnh. Một số lớn họ đau khổ vì việc ly dị trong gia đình họ và họ khốn khổ vì nạn văn hóa khiêu dâm. Nên họ mong muốn một Giáo Hội biết dạy họ một cách rõ ràng con đường dẫn tới ơn cứu rỗi đời đời, con đường dẫn đến một đời sống tốt đẹp và hợp khuôn phép trên trần gian”.

Douthat không phản đối việc có thứ văn hóa Công Giáo ấy, tuy nhiên, theo ông, hiện đang có một thứ hoang tưởng (paranoia) hay tha hóa ngày một gia tăng nơi người Công Giáo bảo thủ, một cơn cám dỗ muốn thiên về chủ nghĩa trống ngôi (sedevacantism) coi vị Giáo Hoàng không phải là Giáo Hoàng. Phải chăng việc chỉ trích Đức Giáo Hoàng có góp phần vào sự kiện này?

Đức Hồng Y Burke cho rằng đó là công trình của các phương tiện truyền thông, họ có nhiều điều tích cực, nhưng cũng góp tiếng cho nhiều chủ trương cực đoan giống như chủ trương vừa nói. Còn ngài, trong các chỉ trích của ngài, ngài luôn tránh việc hoài nghi lòng tôn kính đối với chức vụ Giáo Hoàng.

Ngài có tin Đức Phanxicô là vị Giáo Hoàng hợp pháp không? Đức Hồng Y Burke trả lời ngay: “Có, có chứ. Nhiều người trình bầy với tôi đủ thứ luận điểm hoài nghi việc bầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nhưng tôi, tôi đọc tên ngài mỗi lần tôi dâng Thánh Lễ, tôi gọi ngài là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đó không phải là thứ ngôn từ rỗng tuếch về phía tôi. Tôi tin ngài là Giáo Hoàng. Và tôi cố gắng nói điều đó một cách nhất quán với người ta, vì ông rất đúng, tôi cũng có thứ tri nhận ấy, rằng người ta ngày càng cực đoan hơn trong đáp ứng của họ đối với những gì đang diễn ra trong Giáo Hội”.