1. Hết năm, vẫn chưa hết họa. Động đất lớn nhất trong 140 năm, nhà thờ chính tòa Sisak thiệt hại nặng

Một trận động đất kinh hoàng có tâm chấn ở gần Petrinja, một thành phố cách thủ đô Zagreb của Croatia 58km về phía Đông Nam mạnh đến 6.4 độ Richter, đã làm rung chuyển miền trung Croatia vào lúc 12 giờ 19 phút trưa ngày thứ Ba 29 tháng 12, theo giờ địa phương, tức là 6 giờ 19’ chiều thứ Ba theo giờ Việt Nam.

Các dịch vụ khẩn cấp cho biết 7 người chết và nhiều người bị thương. Các videos cho thấy các nỗ lực chạy đua với thời gian đang được thực hiện để cứu những người bị chôn vùi trong các đống đổ nát. Cuộc tìm kiếm kéo dài suốt đêm.

Đức Cha Vlado Košić, Giám Mục giáo phận Sisak cho biết trận động đất này là trận động đất lớn nhất từ năm 1880 cho đến nay. Nó đã làm hư hại nghiêm trọng nhà thờ chính tòa Suy tôn Thánh Giá ở Sisak và hầu hết các nhà thờ trong giáo phận Sisak cùng nhiều nhà nguyện và nhà xứ.

Đức Cha Košić đã đến thăm nhà thờ chính tòa để tìm hiểu về thiệt hại do trận động đất gây ra.

Ngài nói: “Lúc này đây, tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi đã bị một tai nạn rất lớn, nhiều nhà thờ và khu dân cư bị phá bỏ. Chúng tôi chưa biết về các nạn nhân, nhưng chúng tôi nhận được một số thông báo rằng có nhiều người vẫn còn bị kẹt bên dưới những đống đổ nát. Chúng tôi hy vọng rằng họ không bị ảnh hưởng nặng nề và họ vẫn còn sống.”

Sau khi kiểm tra, kết luận sơ bộ của các chuyên gia là thiệt hại do động đất gây ảnh hưởng lớn đến cấu trúc của nhà thờ chính tòa, và cần có các phân tích chi tiết để xác định mức độ nghiêm trọng của chúng. Một trong những hư hỏng nghiêm trọng có thể nhìn thấy nằm ở phần chân của tháp chuông, và việc sửa chữa nó là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ các tín hữu và người qua đường. Trần nhà phía trên cung thánh và phòng thánh đã bị hư hại nặng.

Trận động đất cũng làm nhà xứ bị hư hại nghiêm trọng, các bức tường nứt khắp tòa nhà, một phần trần nhà ở tầng một bị sập.

Sau trận động đất này đã xuất hiện các dư chấn lên đến 5 độ Richter. Đức Cha Košić cho biết nhiều người sợ không dám ở trong nhà và lang thang ngoài đường. Ngài chỉ thị cho các nhà thờ mở rộng cửa đón anh chị em và cung cấp thực phẩm cho họ.

Hãng thông tấn STA của Slovenia cho biết nhà máy điện hạt nhân duy nhất của đất nước ở thành phố Krško, cách tâm chấn 100 km, đã bị đóng cửa để đề phòng.

Nhà máy được xây dựng để chống lại một trận động đất 7.9 độ richter, trận động đất mạnh nhất tấn công Slovenia cho đến nay có cường độ như vậy, được ghi lại tại Idrija vào năm 1511. Một trận động đất mạnh khác làm rung chuyển khu vực Krško xảy ra tại Brezice vào năm 1917, đo được 5.7 độ Richter.

An toàn của nhà máy Krško đã được cải thiện sau thảm họa hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản năm 2011.


Source:Narod.hr


2. Tin rất buồn: Cố gắng của Giáo Hội ngăn chặn hợp pháp hóa phá thai tại quê hương Đức Giáo Hoàng đã thất bại

Lúc 5 giờ sáng thứ Tư 30/12, theo giờ địa phương Buenos Aires, tức là 3 giờ chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam, tất cả các cố gắng của Giáo Hội Công Giáo Á Căn Đình để ngăn chặn việc hợp pháp hóa phá thai tại quê hương của Đức Giáo Hoàng đã thất bại.

Sau một phiên điều trần căng thẳng tại Thượng Viện, Quốc hội Á Căn Đình đã hợp pháp hóa việc phá thai cho đến tuần thứ 14 của thai kỳ.

Các thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật sau một phiên họp kéo dài từ sáng thứ Ba 29/12 cho đến sáng sớm ngày thứ Tư, với 38 người ủng hộ, 29 người phản đối và một người bỏ phiếu trắng.

Trong khi cuộc tranh luận tại Thượng Viện Á Căn Đình đang diễn ra, Đức Thánh Cha tweet rằng:

Con Thiên Chúa sinh ra đã bị ruồng bỏ, để nói với chúng ta rằng mọi người bị ruồng bỏ đều là con Thiên Chúa. Ngài đến với thế giới khi mỗi đứa trẻ bước vào thế giới, yếu đuối và dễ bị tổn thương, để chúng ta có thể học cách chấp nhận những người yếu thế bằng tình yêu thương dịu dàng.

Từ trước đến nay, Á Căn Đình chỉ cho phép phá thai trong trường hợp bị hiếp dâm hoặc khi sức khỏe của người mẹ bị đe dọa.

Hai năm trước, hôm 14/6/2018, Hạ viện Á Căn Đình, đã thông qua dự luật cho phép phá thai với 129 phiếu thuận trên 125 phiếu. Tuy nhiên, dự luật này bị bác tại Thượng Viện.

Tổng thống Alberto Fernández, một người xưng mình là Công Giáo nhưng công khai ủng hộ phá thai. Ông ta thề sẽ đưa dự luật này ra Quốc Hội xem xét và nói Đức Giáo Hoàng chớ có nên buồn ông ta vì chuyện này.

Trong một cuộc tranh luận để hợp pháp hóa việc phá thai được tổ chức vào năm 2018, các giám mục kêu gọi giáo dân đi đầu trong trận chiến, và các tín hữu đã trả lời, với hàng triệu người xuất hiện trên đường phố để biểu tình chống lại việc thay đổi luật lệ của đất nước.

Cách thức đó hiện nay thất bại vì chính quyền cấm các cuộc tụ họp công cộng quá đông.

Các nguồn tin Giáo Hội tại Á Căn Đình nhận định rằng Alberto đã lợi dụng COVID-19 để hợp pháp hóa phá thai.

Giới truyền thông phò phá thai tại Á Căn Đình đã sử dụng cùng một cách thức như đã dùng trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Hầu hết tất cả các phương tiện truyền thông đều nhất loạt đăng tải các ý kiến ủng hộ phá thai. Những hình ảnh các phụ nữ ràn rụa nước mắt, vui mừng vì sắp được phá thai là các hình ảnh chiếm trang nhất các báo lớn tại Á Căn Đình. Bên cạnh đó còn có những câu chuyện rùng rợn nói về các phụ nữ chết thương tâm như thế nào khi phá thai lậu.

Chiêu thức mua chuộc các phương tiện truyền thông đồng loạt đứng về một phía cũng đã từng được áp dụng tại Úc Đại Lợi trong vụ án Đức Hồng Y Pell.

Chiêu thức này tỏ ra rất có hiệu quả. Dự luật đã được Hạ viện thông qua vào đầu tháng này, và nay được thông qua tại Thượng Viện.

Về nguyên tắc, dự luật còn phải được tổng thống Á Căn Đình phê chuẩn và công bố. Nhưng chính y là người chủ xướng ra trò này, cho nên, chắc chắn một ngàn phần trăm nó sẽ trở thành luật.

Các quan sát viên cho rằng việc thông qua luật phá thai ở Á Căn Đình - một trong những quốc gia lớn nhất và có ảnh hưởng nhất ở Mỹ Latinh - sẽ truyền cảm hứng cho các quốc gia khác làm theo.

Phá thai bị cấm hoàn toàn ở El Salvador, Nicaragua và Cộng hòa Dominica và chỉ được phép trong một số trường hợp hạn chế nhất định ở hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh khác.

Trong khu vực rộng lớn hơn, chỉ có Uruguay, Cuba, Guyana và một số vùng của Mễ Tây Cơ hiện cho phép phụ nữ phá thai, với các giới hạn khác nhau về số tuần của thai kỳ được phép phá thai.


Source:BBC


3. Kết luận của FBI về vụ nổ bom kinh hoàng tại thành phố Nashville, Tennessee

Nhà chức trách cho biết, nghi phạm 63 tuổi trong vụ đánh bom làm rung chuyển Nashville vào sáng Giáng sinh đã thiệt mạng trong vụ nổ này. Vụ nổ đã phá hủy căn nhà lưu động của anh ta và làm hư hại hơn 40 cơ sở kinh doanh.

Các chuyên gia pháp y của FBI đã chứng thực các mẫu ADN thu được từ hiện trường hoàn toàn trùng với mẫu ADN của Anthony Warner. Anh ta có có nhà ở Antioch gần đó, và đã bị các đặc vụ liên bang khám xét hôm thứ Bảy.

“Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng một cá nhân tên Anthony Warner là kẻ đánh bom và anh ta đã có mặt khi quả bom nổ và anh ta đã bỏ mạng trong vụ đánh bom,” Donald Cochran, Giám đốc Sở Tư Pháp Nashville, nói với một cuộc họp báo.

Các quan chức cho biết còn quá sớm để thảo luận về động cơ của nghi phạm. Căn nhà di động của người đàn ông này đậu trên một con phố trung tâm của thành phố lớn nhất bang Tennessee, đã phát nổ lúc rạng sáng ngày thứ Sáu.

Chiếc xe đang đậu đã phát nổ ở trung tâm thành phố Nashville vào sáng sớm thứ Sáu chỉ vài phút sau khi một thông báo ghi âm sẵn phát ra từ chiếc xe cảnh báo có bom. Lời cảnh báo bằng giọng nói này được thu âm trước, và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, có đoạn nói như sau: “Khu vực này phải được di tản ngay bây giờ. Nếu bạn có thể nghe thấy thông báo này, hãy dời khỏi đây ngay”.

Ít nhất 14 tòa nhà bị phá hủy và ít nhất 3 người bị thương trong vụ nổ. Cảnh tượng kinh hoàng như vừa xảy ra chiến tranh. Cảnh sát cho biết đã nhìn thấy chiếc xe lúc nó còn nguyên vẹn, và nghe thấy lời cảnh báo này khi họ phản ứng với một cú điện thoại khẩn cấp của cư dân trong vùng. Các nhân viên cảnh sát nhanh chóng gõ cửa từng ngôi nhà gần đó để hối hả đưa mọi người đến nơi an toàn. Khi đội phá bom đang trên đường đến hiện trường thì chiếc xe nổ tung.

Vụ nổ ở trung tâm thủ đô âm nhạc đồng quê của Mỹ đã khiến 3 người bị thương và các cơ sở kinh doanh bị thiệt hại, trong đó có trung tâm chuyển mạng AT&T, làm gián đoạn các dịch vụ điện thoại di động, internet và truyền hình trên khắp trung tâm Tennessee và một phần của 4 tiểu bang khác.


Source:Reuters

4. Lần đầu tiên sau 5 tháng trời, các nhà thờ ở Los Angeles được cử hành thánh lễ trong nhà thờ

Các nhà thờ ở Quận Los Angeles đã được phép mở cửa trở lại cho các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự bên trong nhà thờ lần đầu tiên sau năm tháng.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là lễ Đêm Giáng Sinh tại nhà thờ chính tòa các Thiên Thần của Los Angeles.

Sự thay đổi trong giao thức từ Sở Y tế Công cộng của quận cho phép “các cử hành dựa trên đức tin” cả ngoài trời lẫn trong nhà với điều kiện tuân theo các yêu cầu về khoảng cách xã hội và đeo khẩu trang y tế. Về cơ bản, lệnh mới này chấm dứt lệnh cấm tụ tập tôn giáo trong nhà tàn bạo nhất Hoa Kỳ kể từ tháng 7 năm 2020. Trong khi cho phép số người đến các siêu thị bao nhiêu cũng được, tại một thời điểm, Thống đốc California, Gavin Newsom, chỉ cho một người duy nhất được vào cầu nguyện bên trong nhà thờ, bất kể nhà thờ ấy lớn đến mức nào. Lệnh này của Gavin Newsom được cho là bất hợp lý và được đưa ra với mục đích duy nhất là nhằm sỉ nhục niềm tin tôn giáo.

Quận Los Angeles cho biết họ đang cập nhật các hướng dẫn của mình để “phù hợp với các phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao đối với các địa điểm thờ phượng”.

Lệnh sửa đổi của Los Angeles không giới hạn số người tham dự, mà chỉ yêu cầu rằng số người có mặt bên trong nhà thờ “không vượt quá sức chứa của nhà thờ trong khi duy trì khoảng cách thực tế giữa các gia đình là 6 feet.”

Điều đáng nói là thông báo này được đưa ra khi California đang chứng kiến số trường hợp nhiễm bệnh, số trường hợp nhập viện và tử vong do COVID-19 cao nhất trong tháng 12 kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020.

Trong một lá thư đề ngày 21 tháng 12 gởi cho các linh mục của tổng giáo phận, Đức Tổng Giám Mục José Gomez đã lặp lại khuyến nghị của quận trong khi để cho các linh mục toàn quyền quyết định về việc cử hành Thánh lễ trong nhà hay ngoài trời.

Tổng Giáo phận cũng đã ban hành các hướng dẫn cập nhật về việc cử hành phụng vụ với các giao thức “dành cho các giáo xứ có thể chọn thờ phượng trong nhà trở lại”. Hai quận khác trong Tổng giáo phận Los Angeles, là Santa Barbara và Ventura, vẫn trung thành với các quy định của Gavin Newsom, và tiếp tục không cho phép các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự bên trong các nhà thờ.


Source:Angelus News