1. Quân phiệt Miến Điện tung ra lực lượng ác ôn nhất để chống lại các cuộc biểu tình

Những người biểu tình ở Miến Điện tiếp tục yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi và chấm dứt chế độ quân sự. Tuy nhiên, bất chấp việc triển khai xe bọc thép và nhiều binh sĩ hơn trên đường phố.

Xe bọc thép đã được triển khai từ hôm Chúa Nhật tại Yangon, thị trấn Myitkyina phía bắc và Sittwe ở phía tây, đây là lần đầu tiên quân đội sử dụng trên quy mô lớn những phương tiện như vậy kể từ cuộc đảo chính.

Nhiều binh sĩ cũng đã được phát hiện trên đường phố để trợ giúp cảnh sát, bao gồm các thành viên của Sư đoàn bộ binh 77, là lực lượng cơ động bị cáo buộc tàn bạo trong các chiến dịch chống lại các cuộc nổi dậy và biểu tình của người dân tộc thiểu số trước đây.

Trong bối cảnh Ðức Tổng giám mục Ivan Jurkovic, đại diện Tòa Thánh tại các Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, kêu gọi hòa bình và công bằng xã hội cho Myanmar.

Lên tiếng hôm 12 tháng 2 năm 2021, tại khóa họp đặc biệt thứ 29 của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Ðức Tổng giám mục Jurkovic nói đến tình trạng nhân quyền tại nước này đang ở trong tình trạng khủng hoảng, từ sau cuộc đảo chánh của quân đội hôm 1 tháng 2 năm 2021. Ngài nói: “Ngay từ cuộc tông du tại Miến Điện hồi năm 2017, Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã mang Miến Điện trong con tim với lòng quí mến sâu đậm và trong những ngày này, Ðức Thánh Cha đã nói: ‘Tòa Thánh đang quan tâm và rất lo âu theo dõi diễn biến tình hình tại Miến Điện’”.

Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi các phe liên hệ “loại bỏ tất cả những gì cản trở tiến trình không thể thiếu được, là đối thoại và tôn trọng nhân phẩm của nhau. Tòa Thánh kêu gọi có một giải pháp ôn hòa và mau lẹ cho những căng thẳng hiện nay, và tin tưởng rằng một cuộc đối thoại mới có thể mang lại hòa bình mà mọi người rất mong ước”.


Source:Reuters

2. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bắc Âu phê bình “Tiến trình Công Nghị” tại Ðức

Ðức Cha Czeslaw Kozon, giám mục giáo phận Copenhagen Ðan Mạch, Chủ tịch Hội đồng Giám mục năm nước Bắc Âu, phê bình “Tiến trình Công Nghị” của Giáo Hội Công Giáo tại Ðức vì chủ trương cải tổ các cơ cấu của Giáo hội như phương thế để chống lại nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Ðức Cha Kozon năm nay 70 tuổi, đã được mời làm quan sát viên nước ngoài, dự khóa họp trực tuyến trong hai ngày 4 và 5 tháng 2 năm 2021, của gần 230 tham dự viên “Tiến trình Công Nghị” của Công Giáo Ðức. Công nghị này chủ trương cải tổ Giáo hội trong bốn lãnh vực là thực thi quyền bính, thăng tiến vai trò phụ nữ trong Giáo hội, thay đổi luân lý tính dục và đời sống độc thân của linh mục.

Tuyên bố hôm 10 tháng 2 năm 2021 với Ðài phát thanh Domradio của giáo phận Köln, Ðức Cha Kozon nói: “tốt hơn nên tách biệt vấn đề lạm dụng ra khỏi việc cải tổ cơ cấu của Giáo hội, và chỉ quy trọng tâm vào việc phòng ngừa lạm dụng, tuy rằng có những liên hệ giữa việc lạm dụng với đời sống linh mục và phần nào với cơ cấu của Giáo hội. Ngoài ra theo ý tôi, không nên tiến hành một cách quá cực đoan như vậy.”

Ðức Cha Kozon cho biết ngài cũng đồng ý với Ðức Thánh Cha Phanxicô, theo đó chúng ta không thể đạt tới mục đích bằng cách thay đổi trước tiên các cơ cấu. Ðức Cha phê bình Công nghị Ðức muốn thay đổi cả nền tảng của Giáo hội để đạt tới mục đích ngăn ngừa lạm dụng. Tốt hơn nên đi từ giáo huấn và truyền thống của Giáo hội.

Trong tài liệu căn bản của “Tiến trình Công Nghị” ở Ðức có một số mục tiêu và biện pháp được đề ra: ví dụ dân chủ hóa Giáo hội, cho giáo dân tham gia vào việc bầu giám mục giáo phận, và có một ủy ban giáo dân được thành lập để kiểm soát và có quyền phủ quyết các lệnh của giám mục, tiếp đến là tiến đến việc truyền chức cho phụ nữ và đưa phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo Giáo hội, biến việc độc thân linh mục thành điều tùy ý, mở rộng luân lý tính dục của Giáo hội kể cả đồng tính luyến ái.


Source:Dom Radio

3. Phiên khoáng đại Mùa Xuân của Hội đồng Giám mục Ðức

Hội đồng Giám mục Ðức sẽ nhóm khóa họp mùa xuân, từ ngày 23 đến 25 tháng 2 năm 2021, dưới dạng trực tuyến vì đại dịch. Tham dự khóa họp dưới quyền chủ tọa của Ðức Cha Chủ tịch Georg Batzing, Giám mục giáo phận Limburg, có 68 giám mục thuộc 27 giáo phận toàn quốc. Trong phiên khai mạc, cũng có sự tham dự của Ðức Tổng giám mục Nicola Eterovic, người Croát, Sứ thần Tòa Thánh tại Ðức. Ngoài ra, có Ðức Cha Ricardo Ernesto Centella Guzmán, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bolivia, tham dự với tư cách là khách mời.

Một trong những đề tài trong khóa họp là “Rời bỏ hay ở lại giữa lòng Giáo hội”. Các giám mục sẽ dành một ngày trọn để học hỏi về những thống kê Giáo hội đã được phân tích trong Ðại hội mùa thu hồi tháng Chín năm 2020, trong đó có tình trạng nhiều người xin ra khỏi Giáo hội.

Ngoài ra, các giám mục cũng bàn về tình trạng hiện nay của “Tiến Trình Công Nghị”, thảo luận về vấn đề trợ tử mà quốc hội Ðức đang xúc tiến việc ban hành luật, theo yêu cầu của tòa bảo hiến tại nước này. Hội đồng Giám mục Ðức bàn đến Tài liệu do nhóm làm việc chung giữa Công Giáo và Tin lành Ðức soạn thảo, với tựa đề: “Cùng nhau tại bàn tiệc của Chúa”. Tài liệu này cổ võ việc rước lễ chung giữa Công Giáo và Tin lành, và Bộ Giáo Lý Đức Tin đã bác bỏ.

Sau cùng, các giám mục Ðức cũng thảo luận về vấn đề “làm sáng tỏ và đối mặt với quá khứ”, nghĩa là những hậu quả của nghiên cứu về “những vụ giáo sĩ và nam tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên” trong quá khứ.
Source:Religion News Service

4. Phép lạ Đức Mẹ Lộ Đức dẫn đến chức tư tế

Cha Christy David Pathiala được chữa lành kỳ diệu tại Lộ Đức, được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ôm và được gặp Mẹ Teresa, tất cả đều bắt đầu từ một kỳ nghỉ hè vào năm 1989 khi ngài mới 7 tuổi và anh trai 10 tuổi. Ngài hiện là một linh mục gốc Ấn Độ đang tạm thời phục vụ tại Bismarck, Bắc Dakota, Hoa Kỳ.

Gia đình ngài đã hành hương đến thị trấn Lộ Đức, đến các bồn tắm được trang bị các vòi nước lấy từ dòng suối để được ngâm mình vào dòng suối kỳ diệu. Cậu Christy nhìn thấy một tiệm kem và níu chiếc áo sari của mẹ. “Con có thể ăn kem không?” cậu hỏi. Đó là một yêu cầu ngớ ngẩn. Kem có thể đưa cậu bé đến bệnh viện.

Khi còn rất nhỏ, Christy đã lên cơn động kinh đột ngột và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, bất tỉnh và không phản ứng trong 12 giờ. Ít ai dám hy vọng cậu sẽ sống sót và nếu có sống được đi chăng nữa, cậu sẽ bị bất thường hoặc bị liệt. Cha mẹ cậu đã cầu nguyện nhiệt thành và đột nhiên thuốc bắt đầu có tác dụng. Nhưng sau khi hồi phục, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột - thậm chí chỉ cần đứng trước một chiếc quạt điện - sẽ khiến cậu phải quay lại bệnh viện với tình trạng sốt cao cần được chườm trong nước đá để hạ nhiệt. Ăn kem không phải là một lựa chọn cho cậu.

Nhưng ở Lộ Đức, mẹ Christy nói với cậu: “Nếu con có đức tin vào Đức Mẹ, con có thể ăn kem”.

“Tôi thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng tôi nghĩ: Thế nào tôi cũng được ăn kem!” Khi họ đến phòng tắm, ngay phía trước cậu là một phụ nữ với đứa con trai bị tàn tật nặng đang ngồi trên xe lăn. Sau khi Christy lên khỏi mặt nước và bước ra ngoài, người phụ nữ có cậu con trai tàn tật bước đến chỗ cậu. Cô ấy đưa cho tôi năm franc và nói, “Con đi ăn kem đi.” Cô ấy cũng đưa cho anh trai tôi một đồng năm franc.

Cha Christy cho biết cho đến nay ngài vẫn luôn tự hỏi liệu người phụ nữ đó có phải là Đức Mẹ và con trai của bà có phải là Chúa Giêsu hay không.

Mẹ Christy nói bà tin tưởng vào Đức Mẹ nên bảo con rằng: “Ngay cả dù con chết, mẹ vẫn mua kem cho con.” Bà đã giữ lại hai đồng tiền đó và đựng chúng trong một chiếc túi đặc biệt cho đến ngày nay. Từ ngày đó, Christy đã không bị ốm vì lạnh lần nào nữa.

Chính trong chuyến đi năm 1989 đó, Christy đã phát triển một mối quan hệ thân thiết với Đức Mẹ và cảm nhận được tia sáng đầu tiên rằng có lẽ Chúa đang kêu gọi ngài tiến đến chức linh mục. Năm 2010, ngài được thụ phong tại Ấn Độ, nơi chỉ có 1.55% dân số theo Công Giáo - mặc dù tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ, 19% dân số theo Kitô Giáo và 55% trong số đó theo Công Giáo.
Source:National Catholic Register