Một tháng sau chuyến thăm lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq, một trong những nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu của đất nước này đã vạch ra tầm nhìn của mình cho đất nước trong tương lai, đưa ra đề xuất táo bạo về việc thực thi một sự tách biệt chặt chẽ hơn giữa tôn giáo và nhà nước.

Trong một diễn từ về chuyến thăm lịch sử từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Thượng Phụ Chanđê Louis Raphaël Sako đã gọi chuyến đi của Đức Giáo Hoàng là “một cơ hội lý tưởng mà tất cả người dân Iraq phải tận dụng để trở về với bản thân và lòng yêu nước của họ.”

Ngài nói, điều này liên quan đến việc “lật lại quá khứ và mở ra một trang mới cho hòa giải”, củng cố ý thức về tình huynh đệ dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, đấu tranh cho hòa bình, xây dựng lại các thể chế đang đổ nát của đất nước và cho phép những người phải di tản trở về nhà của họ.

Phát biểu về tầm quan trọng của tình huynh đệ giữa con người với tư cách là nền tảng của một cuộc chung sống hòa bình, Đức Hồng Y Sako nhấn mạnh rằng “Người Iraq, về nguyên tắc và theo hiến pháp, là những công dân có quyền và nghĩa vụ bình đẳng, và quyền công dân không thể giới hạn ở tôn giáo, tín ngưỡng, khu vực, chủng tộc, hoặc con số”.

“Quyền công dân là quyền phổ quát cho tất cả mọi người”, ngài nói thêm, “Chúng ta phải khám phá những chân trời mới cho đồng bào của chúng ta, để mọi người cảm thấy rằng Iraq là nhà của họ”.

Về vấn đề này, Đức Hồng Y Sako gợi ý rằng có lẽ bây giờ là lúc “tách tôn giáo ra khỏi nhà nước và xây dựng một nhà nước dân sự, như những gì phương Tây Kitô Giáo đã làm trong một thời gian dài, và như nhà nước Sudan đang làm trong những ngày này!”

Vào ngày 25 tháng 3, chính phủ Sudan và Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan, một nhóm nổi dậy hùng mạnh từ dãy núi Nuba phía nam đất nước, đã ký một văn bản mở đường cho một thỏa thuận hòa bình cuối cùng bằng cách đảm bảo quyền tự do thờ phượng cho tất cả mọi người, đồng thời đảm bảo sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước trong một quốc gia từ lâu được cai trị bởi luật sharia.

Iraq, mặc dù không phải là một quốc gia Hồi giáo chính thức, nhưng là một quốc gia chủ yếu theo Hồi giáo dòng Shiite, trong nhiều thập kỷ đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa giáo phái, kể cả ở cấp độ quốc gia. Những chia rẽ giáo phái này không được ghi trong hiến pháp Iraq; tuy nhiên, chúng bắt nguồn từ thực tế.

Các tín hữu Kitô trong nước là một thiểu số nhỏ, và họ cũng giống như những dân tộc thiểu số khác, thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, thành kiến và ngược đãi bạo lực, họ thường mô tả tình trạng của họ là một trong những “công dân hạng hai”.

Trong tuyên bố của mình, Đức Hồng Y Sako nhấn mạnh rằng việc tạo ra một nhà nước dân sự hoặc thế tục “không phải là thù địch với tôn giáo, mà là tôn trọng tất cả các tôn giáo, và không bao gồm tôn giáo trong chính trị”.

Đức Hồng Y Sako nhấn mạnh rằng:

“Tôi nghĩ rằng đây là sự bảo đảm cho việc chung sống hòa bình”.

Tập trung vào lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với tình huynh đệ nhân loại, Đức Hồng Y Sako cho biết ý thức về tình anh em giữa sự đa dạng này là “mục tiêu của tất cả các xã hội và tôn giáo, và nó phải là điểm mấu chốt để bác bỏ chủ nghĩa cực đoan và hận thù”.

Ngài nói, việc đề cao một thái độ huynh đệ sẽ cho phép Iraq “xây dựng lòng tin giữa chúng ta để chúng ta có thể cùng nhau tiến lên như anh chị em với lòng khoan dung, tình yêu thương và tôn trọng sự đa dạng, và xây dựng một quốc gia hòa bình hơn, công bằng hơn và đàng hoàng hơn trên thế giới”.

Đức Hồng Y Sako nhớ lại những cử chỉ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện trong chuyến đi của ngài để tiếp cận các cộng đồng tôn giáo khác nhau, bao gồm cuộc gặp ngày 6 tháng 3 với Đại Giáo Trưởng Sayyid Ali al-Husayni al-Sistani, là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trong thế giới Hồi giáo Shiite, và cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các nhà lãnh đạo tôn giáo trên Đồng bằng Ur.

Qua cuộc gặp gỡ các đại diện từ các cộng đồng tôn giáo khác nhau, Đức Giáo Hoàng đã chứng minh rằng “con người là con cái của Chúa, là anh chị em với nhau. Đức tin là sự bảo đảm cho sự đa dạng của họ, cho tự do và quyền của họ”.

“Không có vấn đề gì đối với mọi cá nhân theo tôn giáo và truyền thống của họ, miễn là họ tôn trọng tôn giáo của các anh em khác; không đối xử với người khác như một tên vô đạo, hoặc một tên phản bội, không loại trừ người khác, hoặc loại bỏ người khác”.
Source:Crux