7:30, thứ Bảy, 24/4/2021, Học viện thánh Anphongsô - Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo chuyên đề: "Sứ vụ và công cuộc Phúc Âm hoá của Hội Thánh." Các tham dự viên của hội thảo là quý Cha, quý Thầy trong cộng đoàn Học viện Dòng Chúa Cứu Thế, quý Cha giáo, quý Thầy sinh viên đang theo học tại Học Viện, quý tu sĩ thuộc nhiều Hội dòng và Học viện khác nhau, quý Thầy Dự tập, các bạn Giới trẻ Thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế. Buổi hội thảo nhằm mục đích tìm hiểu và khơi lên tinh thần phúc âm hoá của mỗi Kitô hữu, cách riêng, nơi các tu sĩ trẻ. Thuyết trình viên của buổi hội thảo là Cha Giuse Đỗ Quang Khang, Giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn và Cha Giuse Trần Sĩ Tín, vị thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế đã gắn bó hơn 52 năm với anh chị em Jrai.

1. ĐIỀU CỐT LÕI CỦA SỨ VỤ DƯỚI GÓC NHÌN CỦA TIN MỪNG

Diễn giả đầu tiên, Cha Giuse Đỗ Quang Khang, đưa cử toạ quay trở lại với nền tảng đức tin của Hội Thánh.

Từ câu Tin Mừng Gioan: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), Cha Giuse đặt câu hỏi: "Có hai hay một sứ vụ?” Sau khi phân tích bản văn gốc, Cha Giuse nhận xét: chỉ có một sứ vụ duy nhất được Chúa Cha uỷ thác cho Đức Giêsu, là “làm cho một người nào đó trở thành con của Cha trên Trời.”



Tuy nhiên, sứ vụ này mang một đặc tính kép. Chúa Cha uỷ thác cho Đức Giêsu "làm cho một người thành con của Cha," và sau đó, Đức Giêsu chuyển trao sứ vụ cho người con đó để họ tiếp tục "làm cho một người nữa thành con của Cha trên trời." Tuy nhiên, sứ vụ này cũng đòi hỏi chính người nhận sứ vụ phải có một "kinh nghiệm làm con Cha" trước khi rao giảng.

Sau đó, Cha phân tích tiếp câu Tin Mừng Mátthêu: "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28,19-20). Nếu sứ vụ, theo Tin Mừng Gioan là "quy Chúa Cha" thì sứ vụ theo thần học Tin Mừng Mátthêu là "quy Kitô": "làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy Giêsu." Ngài nhận xét: chúng ta sẽ không thể "làm cho một người thành môn đệ của Thầy Giêsu" nếu chúng ta không thực sự là môn đệ Thầy Giêsu.

Trong phần kết luận, Cha Giuse gợi cho các tham dự viên ý tưởng: Chúa truyền "hãy làm" nhưng "làm cách nào" thì Chúa không nói, Chúa để mở cho sự tự do và sáng kiến của chúng ta.

2. ƠN THỪA SAI

Bước lên trong tinh thần minh mẫn ở độ tuổi đã cao, “Tôi không dám nói là đứng trên đây để thuyết giảng, nhưng tôi đứng ở đây để 'làm chứng' về những ơn Chúa ban cho tôi trong cuộc đời thừa sai" Cha Giuse Trần Sĩ Tín ngỏ lời với mọi người như thế.

Sau đó, dựa vào Công vụ Tông đồ 2,36: "Đức Giêsu mà chính anh em đã đóng đinh vào thập giá, Thiên Chúa đã đặt người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô," Cha Sĩ Tín chia sẻ về con đường Lectio Divina và Kerygma trong hơn 50 năm sứ vụ Jrai của ngài.

“Công cuộc Phúc Âm hoá được thực hiện nhờ việc cầu nguyện với Lời Chúa, tức Lectio Divina, chứ không hẳn chỉ bằng những bài thuyết giáo”, vị thừa sai chia sẻ. “Việc cầu nguyện của người Jrai thường theo tiến trình: lắng nghe Lời Chúa – cầu nguyện với Lời Chúa – làm chứng về những ơn Chúa ban. Cha Sĩ Tín cho rằng việc làm chứng rất quan trọng vì chúng củng cố đức tin cho cả người làm chứng lẫn người nghe. Ngang qua Lectio Divina, anh chị em Jrai nhận ra và mạnh dạn tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đức Chúa. Đó chính là cốt lõi đức tin của Hội Thánh: Đức Giêsu Kitô đã chết, sống lại và lên trời, được Thiên Chúa đặt làm Đức Chúa và Đấng Kitô.

Sau phần thảo luận giữa thính giả và diễn giả, buổi hội thảo kết thúc, mọi người ra về trong ân sủng và bình an của Đức Kitô Phục Sinh.