MỤC XVI. Các suy nghĩ về phép lạ.
I.Sự thật của tín lý phải được phán đoán bằng phép lạ, vốn được thực hiện để hỗ trợ tín lý. Thực tại của phép lạ phải được phán đoán bằng tín lý. Tín lý phân biệt phép lạ, và phép lạ phân biệt tín lý. Cả hai mệnh đề này đều đúng; nhưng không mâu thuẫn nhau.
II. Có những phép lạ là bằng chứng chắc chắn của sự thật; và có một số không phải là bằng chứng chắc chắn của sự thật. Bây giờ chúng ta phải có định mức để phân biệt chúng; nếu không chúng sẽ vô dụng. Nhưng, chúng không vô dụng, và ngược lại chúng còn nằm ở nền tảng niềm tin của chúng ta. Do đó, quy tắc mà người ta ra cho chúng ta phải sao đó để nó không phá hủy bằng chứng mà các phép lạ đích thực vốn đem lại cho sự thật, vì đó là cứu cánh chính của phép lạ.
Nếu các phép lạ không bao giờ giả thiết nâng đỡ sự giả mạo, thì hẳn chúng ta cảm thấy hoàn toàn chắc chắn. Nếu không có quy tắc nào để phân biệt các phép lạ đích thực, chúng sẽ vô dụng, và không cung cấp lý lẽ gì cho niềm tin.
Môsê đã đưa ra một định mức về phép lạ giả mạo, đó là, khi chúng dẫn đến việc thờ ngẫu thần (Đnl 13: 1, 2, 3); và Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta một định mức nữa: Người từng phán rằng, không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy (Mc, 9:38). Do đó, có thể suy diễn rằng bất cứ ai công khai tuyên bố chống lại Chúa Giêsu Kitô thì không thể làm phép lạ nhân danh Người. Vì vậy, nếu họ làm phép lạ, thì đó không phải là nhân danh Chúa Giêsu Kitô, và họ không đáng được lắng nghe. Trong Cựu Ước, khi họ làm bạn quay lưng lại với Thiên Chúa; trong Tân Ước, khi họ làm bạn quay lưng lại với Chúa Giêsu Kitô. Đấy là những dịp loại trừ khỏi đức tin các phép lạ đặc thù. Không nên thêm vào đó các loại trừ khác.
Do đó, trước tiên, nếu người ta chứng kiến một phép lạ, họ phải một là nhìn nhận bằng chứng của nó, hai là xét xem nó có bằng chứng giả mạo hay không; nghĩa là, phải xét xem liệu kẻ làm phép lạ ấy có phủ nhận Thiên Chúa, hay Chúa Giêsu Kitô và Giáo hội hay không.
III. Bất cứ tôn giáo nào cũng sai lầm, trong đức tin của họ, khi không tôn thờ một Thiên Chúa như nguyên lý đệ nhất của vạn vật, và khi, trong luân lý của họ, không yêu mến Thiên Chúa như cùng đích của vạn vật. Trong thời đại hiện nay của thế giới, bất cứ tôn giáo nào không nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô đều nhất định là giả mạo, và các phép lạ không thể giúp họ được điều gì về phương diện này.
Người Do Thái có một tín lý về Thiên Chúa như chúng ta có một tín lý về Chúa Giêsu Kitô, và được xác nhận bằng các phép lạ với lệnh cấm tin các người làm phép lạ nào dạy họ một tín lý trái ngược; và hơn nữa, họ được truyền phải chạy tới các thượng tế, và tuân theo quyết định của các vị này. Và vì vậy, tất cả các lý do mà chúng ta có trong việc từ khước tin những người làm phép lạ, có vẻ như người Do Thái dùng chúng để chống lại Chúa Giêsu Kitô và các tông đồ.
Tuy nhiên, chúng ta biết chắc chắn rằng họ rất có lỗi khi từ khước tin các ngài vì các phép lạ của các ngài, vì Chúa Giêsu Kitô nói rằng họ sẽ không có tội nếu họ đã không nhìn thấy những phép lạ của Người: Si opera non fecissem in eis quæ nemo alius fecit, peccatum non haberent [Giả như Thầy không làm giữa họ những việc không một ai khác đã làm, họ đã không có tội] (Ga 15:24). Do đó, trong phán đoán của Người, các phép lạ của Người là bằng chứng chắc chắn về các chân lý Người giảng dạy, và người Do Thái, do đó, có nghĩa vụ phải tin Người. Và, thật vậy, tính tội lỗi trong việc thiếu lòng tin của họ chủ yếu hệ ở chỗ bác bỏ bằng chứng phát sinh từ các phép lạ. Vì các bằng chứng mà người ta có thể rút ra từ các trước tác Cựu Ước không thể dựa vào để chứng minh trong thời Chúa Giêsu Kitô. Thí dụ, người ta thấy ở đó Môsê tiên báo rằng Chúa sẽ cho xuất hiện một vị tiên tri giống như ông; nhưng điều đó không đủ bằng chứng cho thấy Chúa Giêsu Kitô là vị tiên tri đó; và đó là điều cần xác định. Những tuyên bố như thế chỉ cho thấy rằng Người rất có thể là Đấng Mêxia; và bằng chứng thêm của các phép lạ hẳn phải khiến người ta tin rằng Người thực sự là Đấng ấy.
IV. Chỉ những lời tiên tri mà thôi không thể chứng minh Chúa Giêsu Kitô là Đấng Mêxia lúc Người còn sống trên trần gian. Và vì vậy, người ta sẽ không có tội vì đã không tin vào Người trước khi Người qua đời, nếu các phép lạ không có tính chất quyết định. Như thế, phép lạ là đủ để buộc người ta phải tin, khi tín lý không trái ngược.
Chúa Giêsu Kitô đã chứng tỏ Người là Đấng Mêxia, bằng cách xác minh cả tín lý lẫn sứ mệnh của Người bằng các phép lạ hơn là Kinh thánh và các lời tiên tri.
Chính nhờ các phép lạ mà Nicôđêmô nhận ra rằng tín lý của Người phát xuất từ Thiên Chúa: Scimus quia a Deo venisti, magister; nemo enim potest hæc signa facere quæ tu facis, nisi fuerit Deus cum eo [Thưa Thầy, chúng tôi biết : Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy] (Ga 3:2.) Ông không phán đoán các phép lạ bằng tín lý, nhưng phán đoán tín lý bằng các phép lạ. Ngay cả khi tín lý có vẻ đáng nghi, như trường hợp của Nicôđêmô đối với Chúa Giêsu Kitô, do sự chống đối trong các giới điều của Người chống lại truyền thống của người Pharisiêu; nếu có những phép lạ rõ ràng và hiển nhiên để hỗ trợ tín lý, thì bằng chứng của phép lạ phải vượt thắng bất cứ khó khăn nào có thể có trong tín lý: một điều vốn dựa trên nguyên tắc bất di bất dịch này là Thiên Chúa không thể dẫn con người tới sai lạc được.
Có một bổn phận hỗ tương giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa nói trong Isaia, hãy buộc tội Ta (Is. 1:18) (1) Và ở một nơi khác: Có gì đáng lẽ tôi đã phải làm cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? (Ibid. 5:4) (2)
Với Thiên Chúa, con người có bổn phận tiếp nhận tôn giáo được Người gửi đến cho họ. Với loài người, Thiên Chúa có bổn phận không dẫn họ tới sai lầm. Nhưng, họ sẽ bị dẫn đến sai lầm, nếu những kẻ làm phép lạ công bố một tín lý sai lầm nhưng không có vẻ sai lầm một cách tỏ tường dưới ánh sáng lương tri, và nếu một người làm phép lạ lớn hơn đã không cảnh báo đừng tin chúng. Như thế, trong trường hợp có sự chia rẽ trong Giáo hội, và giả sử phái Ariô, chẳng hạn, nghĩa là những người, như người Công Giáo, quả quyết Kinh thánh đứng về phía họ, đã làm các phép lạ, chứ người Công Giáo không làm phép lạ nào, thì con người có thể bị dẫn vào sai lầm. Vì, một người công bố các bí nhiệm của Thiên Chúa cho chúng ta, không đáng được tin nhờ thế giá riêng của họ; nên một ai đó, muốn chứng tỏ họ được chỉ giáo bằng sự hiệp thông với Thiên Chúa, đã làm cho người chết sống lại, tiên đoán tương lai, rời núi rời non, chữa lành bệnh tật; thì người ta sẽ nghịch đạo nếu không tin họ, trừ khi họ bị bác bỏ bởi một người khác làm các phép lạ vĩ đại hơn.
Nhưng há đã không có lời chép rằng Thiên Chúa cám dỗ chúng ta sao? Và vì vậy, há Người không thể cám dỗ chúng ta bằng những phép lạ dường như dẫn đến sự sai lầm sao?
Có sự khác biệt lớn lao giữa cám dỗ và lừa phỉnh. Thiên Chúa cám dỗ, nhưng Người không lừa phỉnh. Cám dỗ là cung cấp các cơ hội không áp đặt sự tất yếu phải làm điều sai. Phỉnh lừa là đặt con người vào thế tất yếu phải kết luận và tuân theo sự sai lầm. Đây là điều mà Thiên Chúa không thể làm, và tuy nhiên, có lẽ Người chỉ có thể làm, nếu như trong một vấn đề hoài nghi, Người cho phép các phép lạ được thực hiện ở phía sai lầm.
Như thế, ta có thể suy diễn rằng không thể có chuyện một người che giấu học thuyết xấu xa của mình, và chỉ làm ra vẻ có một học thuyết tốt, và tự tuyên bố là mình phù hợp với Thiên Chúa và với Giáo hội, làm được các phép lạ để du nhập một học thuyết sai lầm và tinh tế: điều đó không thể có được. Và càng ít có việc Thiên Chúa, Đấng biết rõ lòng người, lại làm phép lạ ủng hộ một người thuộc loại này.
V. Có khác biệt lớn lao giữa việc không theo Chúa Giêsu Kitô và nói ra điều đó; và không theo Chúa Giêsu Kitô, nhưng giả vờ theo Người. Những người đầu có lẽ có thể làm các phép lạ, chứ không phải những người sau; vì điều rõ ràng là những người sau chống lại sự thật, chứ không phải những người đầu; và vì vậy việc thiếu thế giá trong các phép lạ của họ được tri nhận ngay lập tức.
Do đó, các phép lạ phân biệt các điều đáng ngờ: giữa các dân tộc Do Thái và ngoại giáo, người Do Thái và Kitô hữu; Công Giáo, dị giáo; những người bị vu khống, những người vu khống; giữa ba cây thánh giá (3).
Đó là điều người ta thấy trong mọi trận chiến của sự thật chống lại sai lầm, của Abel chống lại Cain, của Môsê chống lại các pháp sư của Pharaô, của Êlia chống lại các tiên tri giả, của Chúa Giêsu Kitô chống lại người Pharisiêu, của Thánh Phaolô chống lại Bagiêsu, của các tông đồ chống lại những kẻ trừ quỷ, của các Kitô hữu chống lại những kẻ ngoại đạo, của những người Công Giáo chống lại những kẻ dị giáo; và điều này cũng sẽ được thấy trong cuộc chiến của Êlia và Kha-nốc chống lại Phản Kitô. Sự thật luôn chiếm ưu thế bằng các phép lạ.
Cuối cùng, chưa bao giờ trong cuộc tranh cãi về Thiên Chúa chân thật, hay chân lý tôn giáo, có phép lạ ở phía sai lầm, mà lại không có phép lạ vĩ đại hơn ở phía chân lý.
Theo quy tắc này, rõ ràng là người Do Thái buộc phải tin Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô bị họ nghi ngờ: nhưng các phép lạ của Người vô cùng rõ ràng hơn các nghi ngờ chống lại Người. Vì vậy, phải tin vào Người.
Vào thời Chúa Giêsu Kitô, một số người tin vào Người, nhiều người khác không tin vào Người, do các lời tiên tri nói rằng Đấng Mêxia phải sinh ra ở Bêlem, trong khi họ cho rằng Chúa Giêsu Kitô sinh ra ở Nadarét. Nhưng đáng lẽ họ phải xem xét cẩn trọng hơn liệu Người có thực sự sinh ra ở Bêlem không; vì các phép lạ của Người có sức thuyết phục đến nỗi những điều bị coi là mâu thuẫn giữa tín lý của Người với Kinh thánh, và sự tối tăm về gốc gác của Người không bào chữa cho họ mà còn làm họ ra mù quáng.
Chúa Giêsu Kitô đã chữa lành người mù bẩm sinh, và làm nhiều phép lạ trong ngày Sabát. Điều này làm mù quáng những người Pharisiêu, những người vốn cho rằng các phép lạ phải được đánh giá bằng tín lý.
Nhưng, theo cùng một quy tắc người ta phải tin Chúa Giêsu Kitô, người ta không nên tin Phản Kitô.
Chúa Giêsu Kitô không nói chống lại Thiên Chúa, cũng không chống lại Môsê. Phản Kitô và các tiên tri giả, được cả hai Cựu và Tân Ước tiên báo, công khai nói chống lại Thiên Chúa và chống lại Chúa Giêsu Kitô. Một kẻ thù che đậy, Thiên Chúa sẽ không cho phép họ làm phép lạ một cách công khai.
Môsê đã tiên đoán về Chúa Giêsu Kitô, và ra lệnh đi theo Người. Chúa Giêsu Kitô đã tiên báo Phản Kitô, và cấm đi theo hắn.
Các phép lạ của Chúa Giêsu Kitô không được Phản Kitô tiên báo; nhưng các phép lạ của Phản Kitô đã được Chúa Giêsu Kitô tiên báo. Nếu Chúa Giêsu Kitô không phải là Đấng Mêxia, thì hẳn người ta đã bị phỉnh lừa; nhưng họ không thể bị phỉnh lừa bởi các phép lạ của Phản Kitô. Và vì thế các phép lạ của Phản Kitô không làm giảm thế giá các phép lạ của Chúa Giêsu Kitô. Tóm lại, khi Chúa Giêsu Kitô tiên đoán các phép lạ của Phản Kitô, Người có nghĩ đến việc hủy hoại đức tin vào các phép lạ của chính Người không?
Không có lý do gì để tin Phản Kitô, mà lại không phải là lý do để tin Chúa Giêsu Kitô; nhưng có những lý do để tin Chúa Kitô mà không phải là lý do để tin Phản Kitô.
VI. Các phép lạ đã được dùng đặt nền tảng cho Giáo Hội Kitô và sẽ được dùng để duy trì Giáo hội cho đến ngày của Phản Kitô và cho đến ngày tận thế. Đó là lý do tại sao, để bảo tồn bằng chứng này cho Giáo hội của Người, Thiên Chúa hoặc đã vạch trần các phép lạ giả mạo, hoặc Người đã tiên báo chúng; và trong cả hai cách, Người đã nâng Người lên trên điều siêu nhiên đối với chúng ta, và nâng chính chúng ta lên đó. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra trong tương lai: hoặc Thiên Chúa sẽ không cho phép các phép lạ giả mạo, hoặc Người cung cấp các phép lạ lớn hơn; vì các phép lạ có sức mạnh đến nỗi Thiên Chúa nên cảnh cáo chúng ta đừng nghĩ đến chúng khi chúng chống lại Người, bất luận chứng cớ sự hiện hữu của Người rõ ràng đến đâu; hoặc chúng ta nên sa vào bối rối hoàn toàn.
Do đó, khác xa là các đoạn trong chương 13 của Đệ nhị luật, trong đó nói rằng chúng ta không được tin hoặc nghe những người làm phép lạ nhưng quay lưng lại với việc phụng sự Thiên Chúa; và đoạn của Thánh Máccô: Sẽ xuất hiện các Kitô giả và tiên tri giả, những người sẽ làm những điều kỳ diệu và kinh ngạc, đến độ, nếu có thể, dụ dỗ được cả những người được tuyển chọn (Mc 13: 22), các đoạn này và một số đoạn khác giống như thế không hề có xu hướng làm giảm thế giá các phép lạ đến nỗi không điều gì cho ta cảm tưởng mạnh mẽ hơn về tầm quan trọng của chúng.
VII. Điều khiến chúng ta không tin vào các phép lạ đích thực chính là việc thiếu lòng bác ái. Chúa Giêsu Kitô đã nói với người Do Thái, các ông không tin, bởi vì các ông không phải là chiên của tôi (Ga 10:26.) Điều khiến người ta tin các điều sai lầm cũng là việc thiếu lòng bác ái: Eo quod charitatem veritatis non receperunt ut salvi fierent, ideo mittet illis Deus operationem erroris, ut credant mendatio [vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ. Vì thế Thiên Chúa gửi đến một sức mạnh mê hoặc làm cho chúng tin theo sự dối trá) (2Tx 2:10-11)
Khi tôi xét xem từ đâu có việc người ta tin đến thế các kẻ mạo danh nói rằng chúng có các phương thuốc chữa trị, đến mức họ thường đặt mạng sống của họ trong tay chúng, đối với tôi, dường như nguyên nhân thực sự là có những phương thuốc đích thực; vì nếu không phải thế, thì không thể có việc có quá nhiều phương thuốc giả mạo như thế được người ta tin như thế. Nếu chưa từng có các phương thuốc chữa trị bệnh tật, và nếu mọi bệnh tật đều không thể chữa trị, thì không thể nào con người có thể tưởng tượng được rằng họ có thể làm điều ngược lại; và còn hơn thế nữa, không thể có việc rất nhiều người khác đã dành niềm tin cho những kẻ tự cho mình có các phương thuốc. Cũng như nếu một người khoác lác có thể ngăn chặn cái chết, thì sẽ không có ai tin điều đó, bởi vì không có điển hình nào về điều đó cả. Nhưng vì đã có nhiều phương thuốc được phát hiện là đích thực bởi sự hiểu biết của những con người vĩ đại nhất, nên người ta có thể tin người này có thể làm được điều đó; và như thế, người ta không thể bác bỏ sự việc cách tổng quát, vì có những hiệu quả đặc thù đích thực, nên người ta, những người không thể biện phân được hiệu quả đặc thù nào trong số này là đích thực, đã tin tất cả. Cũng vậy, điều khiến người ta tin rất nhiều hiệu quả giả mạo của mặt trăng, là vì có những hiệu quả đích thực ở đó, giống như thủy triều chẳng hạn.
Và đối với tôi, điều dường như cũng hiển nhiên như thế là sẽ không bao giờ có quá nhiều phép lạ giả, mạc khải giả, phù phép, v.v., nếu không thực sự có một số điều đích thực; vì không thể có quá nhiều phép lạ giả, nếu không có phép lạ nào thật cả, cũng không có quá nhiều mạc khải giả, nếu không có mạc khải nào thật cả, cũng không có quá nhiều tôn giáo giả, nếu không có một tôn giáo nào thật. Vì nếu không bao giờ có tất cả những điều này, thì gần như không thể nào con người có thể tưởng tượng ra được, và càng không thể khiến nhiều người khác tin vào điều đó. Nhưng vì đã có những điều rất vĩ đại có thật, và chúng đã được những người vĩ đại tin tưởng, ấn tượng này là nguyên nhân khiến gần như mọi người đều có khả năng tin cả những điều giả mạo. Và do đó, thay vì kết luận rằng không có phép lạ thật, vì có quá nhiều phép lạ giả, thì đúng hơn, phải nói rằng có những phép lạ đích thực, vì có quá nhiều phép lạ giả; và có những phép lạ gỉa chỉ vì có những phép lạ đích thực; và theo cùng một cách, có các tôn giáo giả vì có một tôn giáo đích thực. — Phản bác điều này: những kẻ man rợ cũng có một tôn giáo. Nhưng điều này là bởi vì họ đã nghe nói về tôn giáo đích thực, như đã xuất hiện rõ trên thánh giá của Thánh Anrê, trận đại hồng thủy, phép cắt bì, v.v. — Điều này phát sinh từ sự kiện tâm trí con người, từng rành rẽ với các điển hình đích thực của tác nhân siêu nhiên, nên dễ dàng sa vào lầm lẫn thừa nhận hàng loạt các điển hình khác dù không có bằng chứng.
VIII. Người ta nói, Hãy tin vào Giáo hội; nhưng họ không nói: Hãy tin vào các phép lạ; bởi vì tâm trí tự nhiên có thiên hướng đối với phép lạ, chứ không phải Giáo Hội. Một điều cần được ghi khắc, chứ không phải điều kia.
Có rất ít người được Thiên Chúa tỏ mình ra bằng các biến cố phi thường này, mà người ta nên tận dụng những dịp này, vì Người chỉ tỏ bí mật của thiên nhiên là thứ vốn che phủ Người để kích thích đức tin của chúng ta mà phụng sự Người với tất cả nhiệt tình hơn khi chúng ta biết Người cách chắc chắn hơn.
Nếu Thiên Chúa liên tục tự tỏ mình ra với loài người, thì việc tin Người sẽ chẳng đáng khen gì; và, nếu Người không bao giờ tỏ mình ra, thì sẽ có rất ít niềm tin. Nhưng Người thường ẩn mình, và hiếm khi tỏ mình ra với những kẻ muốn dấn thân phụng sự Người. Sự bí nhiệm kỳ lạ này, trong đó Thiên Chúa ẩn mình, con mắt loài người không thể thông suốt, là một bài học lớn lao khiến chúng ta phải vào nơi cô tịch, xa tầm nhìn của mọi người. Người vẫn ẩn mình dưới bức màn thiên nhiên che phủ Người khỏi chúng ta, cho đến lúc Nhập thể; và khi phải xuất hiện, Người càng giấu mình hơn nữa bằng cách che đậy bản thân bằng nhân tính. Người dễ nhận biết hơn nhiều khi Người vô hình hơn là khi Người hữu hình. Và cuối cùng, khi muốn thực hiện lời hứa với các tông đồ là ở lại với loài người cho đến lúc Người đến lần chót, Người đã chọn ở lại đó trong một bí mật lạ lùng và khó hiểu nhất, đó là dưới các hình Thánh Thể. Đây là bí tích, mà trong sách Khải huyền, Thánh Gioan gọi là một manna dấu ẩn (Kh 2:17); và tôi tin rằng tiên tri Isaia đã nhìn thấy Người trong tình trạng này, khi ngài nói theo tinh thần tiên tri: Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn mình (Is 45:15). Đây là giấu ẩn vĩ đại nhất có thể có của Người. Bức màn thiên nhiên che phủ Thiên Chúa đã bị nhiều kẻ ngoại đạo chọc thủng, những kẻ, như Thánh Phaolô từng nói (Rm 1:20), đã nhận ra một Thiên Chúa vô hình nhờ thiên nhiên hữu hình. Nhiều Kitô hữu dị giáo đã nhận biết Người nhờ nhân tính của Người, và thờ phượng Chúa Giêsu Kitô, vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Nhưng, đối với chúng ta, chúng ta phải tự coi mình là người hạnh phúc được Thiên Chúa soi sáng để chúng ta tiến đến chỗ nhận biết Người dưới các hình bánh và rượu. Người ta có thể thêm vào những xem xét này mầu nhiệm Thần Trí Thiên Chúa ẩn mình cả trong Kinh thánh. Vì có hai nghĩa hoàn hảo, nghĩa đen và nghĩa huyền nhiệm; và người Do Thái, chỉ dừng lại ở nghĩa đầu, không nghĩ rằng có một nghĩa khác, và không nghĩ đến việc tìm kiếm nó: cũng như những kẻ vô đạo, nhìn thấy những tác động tự nhiên, gán chúng cho thiên nhiên, mà không nghĩ rằng có một tác giả khác: và như người Do Thái, khi nhìn thấy một con người hoàn hảo trong Chúa Giêsu Kitô, đã không nghĩ đến việc tìm kiếm một bản tính khác của Người.
Tiên tri Isaia còn nói rằng chúng ta không nghĩ rằng đó là chính Người (Is. 53:3); và cuối cùng cũng vậy, những kẻ dị giáo, khi thấy vẻ bề ngoài hoàn hảo của bánh trong Phép Thánh Thể, không nghĩ đến việc tìm ở đó một bản thể khác. Tất cả những điều này đều che đậy một mầu nhiệm nào đó; vạn vật đều là bức màn che phủ Thiên Chúa. Các Kitô hữu phải nhận ra Người trong mọi sự. Các phiền não nhất thời bao phủ các ơn phúc vĩnh cửu mà chúng dẫn đến. Những niềm vui nhất thời bao phủ các sự ác đời đời mà chúng gây ra. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa làm cho chúng ta nhận ra và phụng sự Người trong mọi sự; và chúng ta hãy cảm tạ Người vô vàn vì đã tự giấu ẩn trong mọi sự vật đối với rất nhiều người khác, nhưng đối với chúng ta, Người đã tỏ mình ra trong mọi sự và bằng rất nhiều cách.
IX. Các nữ tử của Port-Royal, ngạc nhiên trước điều người ta nói rằng họ đang trên đường trầm luân; các vị giải tội của họ dẫn họ tới Genève; các vị này gợi hứng cho họ rằng Chúa Giêsu Kitô không ở trong Bí tích Thánh Thể, cũng không ở bên hữu Chúa Cha: biết rằng tất cả những điều này đều sai trái, vẫn đã dâng mình cho Thiên Chúa trong tình trạng này, và cùng Vị Tiên Tri nói với Người rằng : Vide si via iniquitatis in me est [Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác] (Tv 139:24). Đâu là các hậu quả? Nơi người ta bảo là đền thờ ma quỷ, Thiên Chúa đã lập đền thờ của Người ở đó. Người ta nói phải lấy những đứa trẻ ra khỏi đó; người ta bảo đó là vườn ươm của địa ngục: Thiên Chúa biến nó thành cung thánh các ân sủng của Người. Cuối cùng, người ta đe dọa họ sẽ nhận đủ mọi thịnh nộ và mọi báo thù của trời; và Thiên Chúa ban cho họ tràn trề các ân huệ của Người. Cần phải mất cảm thức mới kết luận rằng họ đang trên đường trầm luân.
Tuy nhiên, các tu sĩ Dòng Tên đã không để họ rút ra kết luận ấy; vì các tu sĩ này kết luận từ mọi điều rằng kẻ thù của họ là dị giáo. Nếu họ trách các tu sĩ này về những điều quá trớn của họ, các tu sĩ này bảo rằng họ nói như những kẻ dị giáo. Nếu họ nói rằng ơn thánh của Chúa Giêsu phân biệt chúng ta, và rằng ơn cứu rỗi của chúng ta lệ thuộc Thiên Chúa, thì đó là ngôn ngữ của những kẻ dị giáo. Nếu họ nói rằng phải phục tùng Đức Giáo Hoàng; các tu sĩ này bảo, đó là lối những kẻ dị giáo dấu mặt và ngụy trang. Nếu họ nói bạn không nên giết người vì một quả táo; các tu sĩ dòng Tên bảo họ đấu tranh chống luân lý Công Giáo. Cuối cùng, nếu các phép lạ được thực hiện nơi họ, thì đó không phải là dấu chỉ sự thánh thiện; trái lại, việc đó đáng nghi ngờ là dị giáo.
Đó là sự quá trớn kỳ lạ mà niềm đam mê của các tu sĩ Dòng Tên đã mang họ tới; và không còn điều gì hơn điều đó để phá hủy các nền tảng chính yếu của Kitô giáo. Vì ba dấu hiệu của tôn giáo chân chính là, tính vĩnh viễn, cuộc sống tốt lành và phép lạ. Họ đã phá hủy tính vĩnh viễn bằng điều cái nhiên, một điều du nhập các ý kiến mới của họ thay cho những sự thật cổ xưa; họ đã phá hủy cuộc sống tốt lành bằng thứ luân lý đồi bại của họ: và bây giờ họ muốn phá hủy các phép lạ, bằng cách phá hủy sự thật của chúng, hoặc hậu quả của chúng.
Những kẻ thù nghịch của Giáo hội phủ nhận các phép lạ của Giáo Hội, hoặc phủ nhận hậu quả của chúng: các tu sĩ Dòng Tên cũng làm như vậy. Vì vậy, để làm suy yếu kẻ thù của họ, họ đã tước vũ khí của Giáo hội, và tham gia với mọi kẻ thù của Giáo hội, bằng cách mượn của họ mọi lý lẽ để chống lại các phép lạ. Vì Giáo Hội có ba loại kẻ thù: người Do Thái, những kẻ không hề thuộc về thân thể của Giáo Hội; những kẻ dị giáo, những người đã rút lui khỏi Giáo Hội; và các Kitô hữu xấu xa, những người xé nát Giáo Hội từ bên trong.
Ba loại thù địch khác nhau này thường chống lại Giáo Hội theo những cách khác nhau. Nhưng ở đây họ đang chiến đấu chống Giáo Hội cùng một cách. Vì tất cả đều không có phép lạ, và Giáo hội luôn có phép lạ chống lại họ, nên họ đều có chung sở thích xa tránh chúng, và đều phục vụ sự lẩn tránh này: nghĩa là, không được phán đoán tín lý bằng phép lạ, nhưng phán đoán phép lạ bằng tín lý. Có hai phe trong số những người nghe Chúa Giêsu Kitô: một số người theo học thuyết của Người bằng các phép lạ của Người; những người khác nói: Người nhân danh Beelzebub trừ quỷ. Vào thời Calvin, có hai phe phái: phe phái của Giáo Hội, và phe phái phủ nhận thánh lễ (sacramentaires), những người chống đối Giáo Hội. Bây giờ có các tu sĩ Dòng Tên, và những người họ gọi là Jansenistes, những người thách thức. Nhưng vì các phép lạ đứng về phía Jansenistes, nên các tu sĩ Dòng Tên đã nhờ đến chiến thuật lẩn tránh chung này của người Do Thái và dị giáo, đó là phải phán đoán phép lạ bằng tín lý.
Nhưng thế giới này không phải là xứ sở của sự thật: sự thật vốn không được con người biết đến. Thiên Chúa đã che phủ sự thật ấy bằng một tấm màn để những người không nghe tiếng nói của nó có thể hiểu lầm nó. Cánh cửa mở ra cho những kẻ phạm thượng, những kẻ đang tấn công cả các nguyên lý đạo đức chắc chắn nhất. Nếu người ta công bố các sự thật của Tin Mừng, họ công bố những điều ngược lại, và họ che khuất các vấn đề: đến nỗi mọi người không thể biện phân được. Người ta cũng hỏi: Bạn có gì để làm bạn được tin hơn những người khác? Bạn đang làm dấu lạ gì? Bạn chỉ có lời nói, và chúng tôi cũng thế. Nếu bạn không có phép lạ, người ta nói rằng tín lý phải được nâng đỡ bằng các phép lạ: đây là một sự thật bị lạm dụng để phạm thượng tín lý. Và nếu bạn có phép lạ, họ nói phép lạ không đủ nếu không có tín lý; và như thế một sự thật đã bị hủ hóa để làm mất giá trị của của phép lạ; còn nếu bạn không có phép lạ, họ bảo tín lý phải được thiết lập bằng phép lạ; và như thế, một sự thật khác bị hủ hóa để làm mất giá trị của tín lý.
Thưa các cha, các cha thoải mái biết bao khi biết các quy tắc tổng quát, nghĩ rằng nhờ đó vứt bỏ được rắc rối, và làm cho mọi thứ trở nên vô ích! Thưa các cha, người ta sẽ ngăn cản các cha điều đó: sự thật chỉ có một và rất vững chắc.
X. Nếu ma quỷ ủng hộ học thuyết hủy diệt nó, nó sẽ bị chia rẽ, omne regnum divisum [mọi vương quốc chia rẽ], v.v. Vì Chúa Giêsu Kitô đã hành động chống lại ma quỷ, và phá hủy đế chế của nó trên các tâm hồn, mà việc trừ qủy vốn là hình bóng, để thiết lập vương quốc Thiên Chúa. Và vì vậy Người nói thêm: In digito Dei, v.v., regnum Dei ad vos, v.v. [nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông] (Lc 11: 17, 20).
Không thể có chuyện vào thời Môsê, người ta lại dành niềm tin của họ cho Phản Kitô, kẻ mà họ không hề biết đến. Nhưng trong thời Phản Kitô thì rất dễ tin vào Chúa Giêsu Kitô, vị đã được biết đến.
Khi các kẻ ly giáo thực hiện các phép lạ, họ sẽ không thể phỉnh lừa. Và vì vậy không chắc gì họ được phép làm. Ly giáo là điều hiển hiện; phép lạ cũng hiển hiện. Nhưng ly giáo là dấu chỉ sai lầm hơn phép lạ là dấu chỉ sự thật. Vì vậy, phép lạ của người ly giáo không thể dẫn đến sai lầm. Nhưng, khi không có ly giáo, sai lầm không hiển hiện như phép lạ. Đến nỗi, phép lạ nơi những người ly giáo không quá đáng sợ; vì ly giáo, một điều vốn hiển hiện hơn phép lạ, rõ ràng cho thấy sự sai lầm của họ. Nhưng khi không có ly giáo, và sai lầm còn đang được tranh luận, thì phép lạ là tiêu chuẩn của sự thật.
Điều trên cũng như thế với các người dị giáo. Phép lạ sẽ vô ích đối với họ; vì Giáo Hội, có thẩm quyền nhờ các phép lạ, những điều vốn quan tâm đến niềm tin, nói với chúng ta rằng họ không có đức tin đích thực. Chắc chắn là họ không có đức tin, vì các phép lạ đầu tiên của Giáo hội đã loại bỏ đức tin của họ, khi họ có thể có nó. Như thế, sẽ có những phép lạ chống lại những phép lạ, nhưng các phép lạ trước nhất và vĩ đại nhất là của Giáo hội; do đó, luôn có các lý lẽ để tin Giáo Hội chống lại các phép lạ của họ.
Vì thế, chúng ta hãy xem điều chúng ta phải kết luận về các phép lạ của Port-Royal. Người Pharisiêu nói: No est hic homo a Deo, qui sabbatum non custodit [Người này không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát] (Ga 9:16). Những người khác nói: Quomodo potest homo peccator hæc signa facere? [Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?] Điều nào rõ ràng hơn?
Trong cuộc tranh cãi hiện nay, một số người nói: nhà này không phải của Thiên Chúa; vì các thành viên của nó không tin rằng năm mệnh đề có trong Jansenius. Những người khác: nhà này là của Thiên Chúa; vì các phép lạ vĩ đại được thực hiện ở đó. Điều nào rõ ràng nhất?
Như thế, cùng một lý lẽ khiến người Do Thái có tội vì không tin vào Chúa Giêsu Kitô cũng làm các tu sĩ Dòng Tên có tội vì đã tiếp tục bách hại Nhà Port-Royal.
Đã có lời khuyên người Do Thái, cũng như các Kitô hữu rằng không phải lúc nào cũng nên tin mọi tiên tri. Nhưng, những người Pharisêu và kinh sư rất hay nhấn mạnh đến các phép lạ của Chúa Giêsu Kitô, và cố gắng chứng tỏ rằng chúng là giả mạo, hoặc do ma quỷ tạo ra: vì nếu họ nhìn nhận rằng chúng phát xuất từ Thiên Chúa, thì hẳn họ phải tin vào sứ mệnh của Người.
Ngày nay chúng ta không cần phải thực hiện một phân biệt như thế; tuy nhiên, nó là một phân biệt rất dễ làm. Những ai không phủ nhận cả Thiên Chúa lẫn Chúa Giêsu Kitô không làm các phép lạ mà chỉ làm những gì chắc chắn. Nhưng chúng ta không cần phải thực hiện việc phân biệt này. Đây là một thánh tích thánh thiêng. Đây là một chiếc gai trên mão gai của Đấng Cứu Rỗi thế giới, mà nơi Người, hoàng tử của thế giới này không có quyền lực chi, Người đã làm các phép lạ bằng chính sức mạnh của máu đã đổ ra cho chúng ta này. Chính Thiên Chúa đã chọn nhà này để phô trương sức mạnh của Người.
Không phải những con người thực hiện các phép lạ này bằng một tính năng không rõ ràng và đáng nghi ngờ, mà chúng ta phải biện phân khó khăn. Mà là chính Thiên Chúa; đó là khí cụ của cuộc khổ nạn của Con độc nhất của Người, Đấng, ở nhiều nơi, đã chọn khí cụ này, và làm nhiều người từ mọi phía đến để nhận ở đó những ủi an lạ lùng trong cảnh mòn mỏi của họ.
Do đó, sự cứng lòng của các tu sĩ Dòng Tên trổi vượt hơn sự cứng lòng của người Do Thái, vì họ từ chối tin Chúa Giêsu Kitô vô tội chỉ vì họ nghi ngờ liệu phép lạ của Người có phát xuất từ Thiên Chúa hay không. Nhưng các tu sĩ Dòng Tên, dù không thể nghi ngờ các phép lạ của Port-Royal phát xuất từ Thiên Chúa, vẫn không ngừng hoài nghi sự vô tội của nhà này.
Nhưng, họ nói, các phép lạ không cần thiết nữa, vì chúng ta đã có chúng rồi; và do đó chúng không còn là bằng chứng của chân lý tín lý nữa. Rất đúng: nhưng khi người ta không còn nghe truyền thống nữa; và người ta bị phỉnh lừa và do đó, nguồn gốc đích thực của sự thật, tức truyền thống, bị đóng cửa; khi Đức Giáo Hoàng, người duy trì nó, bị loại bỏ, thì sự thật không còn tự do để xuất hiện nữa: tóm lại, lúc đó, con người không nói về sự thật nữa, nên sự thật phải tự nói với con người. Đó là điều đã xảy ra thời Ariô.
Những ai theo Chúa Giêsu Kitô vì các phép lạ của Người thì tôn vinh quyền năng của Người trong tất cả các phép lạ mà Người tạo ra; nhưng những ai tuyên bố theo Người vì các phép lạ của Người, mà thật ra chỉ theo Người vì Người an ủi họ và làm hài lòng họ với của cải của thế gian, họ hạ giá các phép lạ của Người, khi chúng trái với sự thuận lợi của họ.
Đó là điều các tu sĩ Dòng Tên làm. Họ đề cao các phép lạ: họ bác bỏ những người thuyết phục về chúng. Các thẩm phán bất chính ơi, đừng tạo luật thuận tiện cho qúi vị; hãy phán xét bằng những luật do chính qúi vị thiết lập: Vos qui conditis leges iniquas.
Cách trong đó Giáo hội đã tồn tại luôn là sự thật có trong đó không bị thách thức; hoặc nếu bị tranh cãi, thì đã có Giáo hoàng, và nếu không, đã có Giáo hội.
Phép lạ là một hiệu quả vượt quá lực tự nhiên của phương tiện được sử dụng, và hiệu quả nào không lạ lùng đều là một hiệu quả không vượt quá lực tự nhiên của ma qủy. Vì vậy, những người chữa bệnh bằng cách cầu khẩn ma quỷ không thực hiện một phép lạ; vì nó không vượt quá sức mạnh tự nhiên của ma quỷ.
Phép lạ chứng minh quyền năng Thiên Chúa trên trái tim con người bằng cách chứng tỏ Người có thể thực hiện quyền lực nào trên thân xác họ.
Điều quan trọng đối với các vị vua chúa và hoàng tử là có lòng đạo hạnh; và vì thế, họ đã xưng tội với qúi vị, thưa các tu sĩ Dòng Tên.
Những người theo đạo Jansenius giống như những kẻ dị giáo trong việc cải cách phong hóa; nhưng qúi vị giống các dị giáo trong điều ác.
___________________________________________________________________________________
Ghi chú
(1) Bản Phổ Thông chép là “Arguite me” (Hãy tranh luận với Ta)!
(2) Bản Phổ Thông chép: “quod debui” (Điều gì Ta mắc nợ)
(3) Pascal có ý nói đến 3 cây thánh giá trong câu truyện Thánh Nữ Helena, mẹ hoàng đế Constantinô, dùng để thử xem thánh giá nào là thánh giá của Chúa Giêsu.
Kỳ sau: Mục XVII. Những suy nghĩ khác nhau về tôn giáo