MỤC XVIII. Các suy nghĩ về cái chết, lấy từ một bức thư do Pascal viết về cái chết của cha ông.

I.Khi chúng ta sầu buồn vì cái chết của một người được chúng ta thương mến hoặc vì một số bất hạnh khác xảy ra với chúng ta, chúng ta không nên tìm an ủi nơi chính mình cũng như nơi con người, hay bất cứ tạo vật nào; nhưng chúng ta phải tìm an ủi trong một mình Thiên Chúa mà thôi.

Và lý do của việc trên là: tất cả mọi tạo vật không phải là nguyên nhân đệ nhất của các tai nạn mà chúng ta gọi là tệ nạn; nhưng ơn quan phòng của Thiên Chúa, vì là nguyên nhân duy nhất và đích thực, là trọng tài và có toàn quyền, nên không còn nghi ngờ gì nữa là phải chạy thẳng đến nguồn, và tìm tới tận nguồn để được an ủi vững chắc.



Nếu chúng ta làm theo giới điều này và nếu chúng ta coi cái chết làm khổ chúng ta, không phải do ngẫu nhiên, cũng không phải như một sự cần thiết tiền định của tự nhiên, cũng không như một đồ chơi của các yếu tố và bộ phận làm nên con người (bởi vì Thiên Chúa đã không để những kẻ được Người tuyển chọn cho ngẫu nhiên muốn làm gì thì làm), nhưng như một hiệu quả tất yếu, không thể tránh khỏi, công chính và thánh thiện, của phán quyết quan phòng của Thiên Chúa, phải được thi hành trong thời kỳ viên mãn của nó; và cuối cùng, tất cả những điều xảy ra luôn luôn hiện hữu và được sắp đặt trước trong Thiên Chúa; tôi cho rằng, nếu, bởi một tác động của ơn thánh, chúng ta nhìn tai nạn này, không phải trong chính nó và bên ngoài Thiên Chúa, nhưng ngoài chính nó và trong ý muốn của Thiên Chúa, trong phán quyết công chính của Người, trong sắp đặt quan phòng của Người, vốn là nguyên nhân đích thực của nó, vì nếu không có ơn quan phòng này, nó sẽ không xẩy đến, chỉ nhờ một mình ơn này mà nó đã xẩy đến, và đã xẩy đến cách đó; chúng ta sẽ thờ lạy trong im lặng khiêm tốn chiều cao không thể hiểu thấu của các mầu nhiệm của Người, chúng ta sẽ tôn kính sự thánh thiện trong các phán quyết của Người, chúng ta sẽ chúc tụng việc tiến hành ơn quan phòng của Người; và, hợp nhất ý chí của chúng ta với ý chí của chính Thiên Chúa, chúng ta, cùng với Người, trong Người, và vì Người, muốn những điều chính Người muốn nơi chúng ta và cho chúng ta từ thuở đời đời.

II. Chỉ có sự an ủi trong sự thật mà thôi. Hiển nhiên là Socrates và Seneca đều không có gì có thể thuyết phục và an ủi chúng ta trong những dịp này. Họ vốn sống trong lỗi lầm từng làm mù quáng mọi người từ khởi nguyên: họ đều coi cái chết là lẽ tự nhiên đối với con người; và mọi ngôn từ được họ dựa trên nguyên tắc sai lầm này đều vô hiệu và không vững đến nỗi chúng chỉ dùng để chứng tỏ, bằng sự vô dụng của chúng, con người nói chung yếu ớt như thế nào, vì sản phẩm cao nhất của những con người tuyệt vời nhất đều thấp hèn và quá trẻ con.

Không như Chúa Giêsu Kitô, không như các sách thánh qui điển: sự thật được biểu lộ ở đó, và sự an ủi được gắn liền với nó một cách cũng không thể sai lầm vì được tách biệt khỏi sai lầm một cách không thể sai lầm. Do đó, chúng ta nên xem xét sự chết trong sự thật mà Chúa Thánh Thần vốn dạy chúng ta.

Chúng ta có lợi thế đáng ngưỡng mộ được biết một cách đích thực và hữu hiệu rằng, sự chết là một hình phạt do tội lỗi, áp đặt lên con người để đền tội ác của họ, cần thiết để con người thanh tẩy tội lỗi của họ; chỉ có hình phạt này mới có thể giải thoát linh hồn khỏi tư dục của tứ chi, mà không có nó, các thánh không sống trên thế giới này.

Chúng ta biết rằng sự sống, và sự sống của các Kitô hữu, là một của lễ hy sinh liên tục mà chỉ có thể được hoàn tất bằng sự chết: chúng ta biết rằng Chúa Giêsu Kitô, khi bước vào thế giới, đã tự coi mình và dâng mình cho Thiên Chúa như của lễ toàn thiêu và của lễ đích thực; sự ra đời của Người, cuộc sống của Người, cái chết của Người, sự phục sinh, sự thăng thiên của Người, việc vĩnh viễn ngồi bên phải Chúa Cha của Người, và việc hiện diện của Người trong Phép Thánh Thể, chỉ là lễ hy sinh duy nhất và độc đáo: chúng ta biết điều gì xẩy đến cho Chúa Giêsu Kitô cũng sẽ xẩy đến cho mọi chi thể của Người.

Vì vậy, chúng ta hãy coi sự sống như một lễ hy sinh; và các biến cố của cuộc sống chỉ tạo ấn tượng trong tâm trí các Kitô hữu theo tỷ lệ họ làm gián đoạn hoặc họ chu toàn lễ hy sinh này. Chúng ta chỉ gọi là xấu điều biến của lễ dâng cho Thiên Chúa trở thành của lễ dâng cho ma quỷ, nhưng chúng ta hãy kêu gọi là tốt điều gì làm cho của lễ dâng cho ma quỷ nơi Ađam trở thành của lễ dâng cho Thiên Chúa; và theo quy tắc này, chúng ta hãy xem xét bản chất của sự chết.

Để làm điều này, chúng ta phải cậy vào con người của Chúa Giêsu Kitô; vì, như Thiên Chúa chỉ xem xét con người qua đấng trung gian là Chúa Giêsu Kitô, thì con người cũng chỉ nên xem xét cả người khác, lẫn chính họ, qua trung gian của Chúa Giêsu Kitô. Nếu chúng ta không qua trung gian này, chúng ta sẽ chỉ tìm thấy trong chúng ta những nỗi khốn cùng thực sự, hoặc những thú vui kinh tởm: nhưng nếu chúng ta xem xét mọi sự trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ tìm được mọi an ủi, mọi thỏa mãn, mọi xây dựng.

Do đó, chúng ta hãy xem xét sự chết trong Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải bất cần Chúa Giêsu Kitô. Không có Chúa Giêsu Kitô, cái chết thật là kinh khủng, đáng ghê tởm, và là nỗi kinh hoàng của thiên nhiên. Nơi Chúa Giêsu Kitô, sự chết khá khác biệt; nó đáng yêu, thánh thiện và là niềm vui của tín hữu. Mọi sự đều ngọt ngào trong Chúa Giêsu Kitô, cho đến khi chết; và đó là lý do tại sao Người đã chịu đau khổ và đã chết để thánh hóa sự chết và đau khổ: và, giống như Thiên Chúa và con người, Người là tất cả những gì cao cả và tất cả những gì thấp hèn; để thánh hóa mọi sự trong Người, ngoại trừ tội lỗi, và để trở thành kiểu mẫu cho mọi thân phận.

Để xem xét cái chết có nghĩa gì, và sự chết trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải xem nó có cương vị nào trong lễ hy sinh liên tục và không gián đoạn của Người, và vì điều này, phải nhận thấy rằng, trong các lễ hy sinh, phần chính là cái chết của vật tế. Sự dâng hiến và sự thánh hóa trước đó là các chuẩn bị; nhưng hoàn tất là sự chết, trong đó, qua việc hủy sự sống, tạo vật dâng lên Thiên Chúa lòng kính trọng nó có thể có, bằng cách tự hủy trước uy danh Người, và bằng cách thờ lạy thánh nhan cao cả của Người, thánh nhan duy nhất hiện hữu bằng yếu tính. Đúng là vẫn có phần khác sau cái chết của vật tế, mà nếu không, cái chết của vật tế sẽ vô ích; đó là việc chấp nhận mà Thiên Chúa thực hiện với của lễ. Đó là điều đã được nói trong Kinh thánh: Et odoratus est Dominus odorem suavitatis (St 8:21): Và Thiên Chúa đã nhận được mùi của lễ hy sinh. Đích thực điều ấy đã tôn vinh việc dâng lễ; nhưng đó là một hành động của Thiên Chúa đối với tạo vật, chứ không phải hành động của tạo vật đối với Thiên Chúa; và nó không ngăn cản hành động cuối cùng của tạo vật là cái chết. Tất cả những điều này đã được hoàn tất trong Chúa Giêsu Kitô. Khi bước vào thế giới, Người đã tự hiến dâng: Obtulit semetipsum per Spiritum (Dt 9:14). Ingrediens mundum, dixit: Hostiam et oblationem noluisti: corpus autem aptasti mihi (Dt 10: 5, 7). Tunc dixi, Ecce venio. In capile libri scriptum est de me, ut facerem voluntatem tuam: Deus meus volui, et legem tuam in medio cordis mei " (Tv 39). (Nghĩa là) Người đã tự hiến dâng bởi Chúa Thánh Thần. Bước vào thế giới Người nói: Lạy Chúa, lễ hy sinh không làm vui lòng Chúa; Nhưng Chúa đã tạo cho con một thân thể. Vì vậy, con thưa: con đây, con đến như đã được viết về con trong sách, để thực hiện, lạy Chúa, thánh ý Chúa: đó cũng là, lạy Thiên Chúa của con, điều con muốn, và luật pháp của Chúa ở giữa trái tim con.

Đó là lễ dâng của Người. Sự thánh hóa của Người theo ngay sau lễ dâng của Người. Lễ hy sinh này kéo dài suốt cuộc đời Người, và được hoàn tất bằng cái chết của Người. Người cần phải trải qua nhiều đau khổ, để bước vào vinh quang của Người (Lc 24:26). Trong những ngày mang xác thịt của Người, sau khi, bằng một tiếng la lớn và khóc lóc, đã dâng hiến những lời cầu nguyện và khẩn cầu của Người lên Đấng có thể cứu Người khỏi cái chết, Người đã được khứng nhận vì lòng khiêm tốn kính trọng Cha Người; và, mặc dù Người là con Thiên Chúa, Người đã học vâng lời bằng mọi điều Người phải chịu (Dt 5: 7, 8). Và Thiên Chúa đã cho Người sống lại, và tôn vinh Người, một điều mà ngày xưa được tượng trưng bằng lửa trời sa xuống của lễ, để thiêu đốt và thiêu hủy thân xác của nó, và làm cho nó sống đời sống vinh quang. Đó là điều Chúa Giêsu Kitô đã nhận được, và điều đó đã được hoàn thành bởi sự phục sinh của Người.

Như thế, sau khi lễ hy sinh này được hoàn hảo bởi cái chết của Chúa Giêsu Kitô, và thậm chí được hoàn tất trong thân xác Người bằng việc phục sinh của Người, trong đó, hình ảnh xác thịt tội lỗi đã được tiêu hủy bởi vinh quang, Chúa Giêsu Kitô đã hoàn thành trọn phần của Người; và không còn gì khác ngoại trừ lễ hy sinh được Thiên Chúa chấp nhận, và, như khói bốc lên, và mang mùi thơm lên ngai Thiên Chúa thế nào, Chúa Giêsu Kitô cũng ở trong tình trạng dâng hiến hoàn hảo dâng lên, được mang tới và tiếp nhận nơi ngai Thiên Chúa như vậy: và đó cũng là điều đã hoàn tất trong biến cố Thăng thiên, trong đó, Người lên cao, vừa bằng sức mạnh của chính Người, vừa bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn bao quanh Người mọi phía. Người được nâng cao như khói của của lễ vật, vốn là hình bóng của Chúa Giêsu Kitô, được đưa lên cao bởi không khí vốn trợ lực nó, vốn là hình bóng của Chúa Thánh Thần: và sách Tông đồ Công vụ nói với chúng ta một cách rõ ràng rằng Người đã được nhận vào thiên đàng, để bào đảm với chúng ta rằng lễ tế thánh thiện được thực hiện trên trái đất này đã được chấp nhận và tiếp nhận được trong lòng Thiên Chúa. Đó là tình trạng của mọi sự trong Chúa cao cả của chúng ta.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét chúng trong chúng ta. Khi chúng ta gia nhập Giáo Hội, vốn là thế giới của các tín hữu, đặc biệt là của những người được chọn, nơi Chúa Giêsu Kitô đã bước vào từ lúc nhập thể, bởi một đặc ân đặc biệt dành cho Con Một Thiên Chúa, chúng ta được hiến dâng và được thánh hóa.

Lễ hy sinh này được tiếp tục bằng cuộc sống, và được hoàn thành lúc chết, trong đó linh hồn, sau khi thực sự từ bỏ mọi thói hư và lòng yêu mến thế gian, mà sự lây nhiễm của nó đã luôn lây nhiễm linh hồn trong suốt cuộc đời này, linh hồn hoàn tất lễ dâng của nó, và được nhận vào lòng Thiên Chúa.

Vì vậy, chúng ta không đau buồn về cái chết của các tín hữu, như những người ngoại đạo vốn không có niềm hy vọng. Chúng ta không mất họ vào thời điểm họ chết. Chúng ta đã mất họ, có thể nói như thế, ngay khi họ gia nhập Giáo Hội qua phép rửa tội. Từ đó họ đã thuộc về Thiên Chúa rồi. Cuộc sống của họ đã được hiến dâng cho Thiên Chúa; hành động của họ chỉ xem xét thế giới vì Thiên Chúa mà thôi. Trong cái chết của họ, họ hoàn toàn xa rời khỏi tội lỗi; và chính lúc đó, họ đã được Thiên Chúa tiếp nhận, và lễ hy sinh của họ đã nhận được sự thành toàn và hiển vinh của nó.

Họ đã làm những gì họ đoan hứa: họ đã hoàn thành công trình mà Thiên Chúa đã trao cho họ làm: họ đã hoàn thành điều duy nhất mà vì nó họ đã được tạo dựng. Thánh ý Thiên Chúa được hoàn thành trong họ, và ý chí của họ được tan hòa trong Thiên Chúa. Do đó, ước chi ý chí của chúng ta không tách biệt điều Thiên Chúa đã kết hợp; và chúng ta hãy bóp nghẹt hoặc điều chỉnh bằng nhận thức chân lý các tình cảm về bản chất hư hỏng và lừa dối, một bản chất chỉ có những hình ảnh sai lệch, và gây rắc rối, bằng các ảo tưởng của nó, cho sự thánh thiện của các tình cảm được sự thật của Tin Mừng đem lại cho chúng ta.

Vì vậy, chúng ta đừng coi cái chết như người ngoại đạo nhưng như Kitô hữu, nghĩa là với niềm hy vọng, như Thánh Phaolô ra lệnh, vì đó là đặc ân đặc biệt của các Kitô hữu.

Chúng ta đừng coi thân xác như đồ hôi thối nhiễm trùng, bởi vì bản nhiên lừa dối trình bầy nó như thế với chúng ta; nhưng phải coi nó như đền thờ bất khả xâm phạm và vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần, như đức tin truyền dạy. Vì chúng ta biết rằng thân xác các thánh là nơi cư ngụ của Chúa Thánh Thần cho đến khi phục sinh, một điều có được là do quyền lực của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong họ để làm việc này.

Đó là tâm tình của các Giáo phụ. Chính vì lý do này mà chúng ta tôn kính hài cốt người chết, và chính dựa vào nguyên tắc đích thực này mà ngày xưa có thói quen ban Mình Thánh vào miệng người chết, vì, như người ta biết, họ là đền thờ của Chúa Thánh Thần, nên người ta tin rằng họ cũng xứng đáng được hợp nhất với bí tích thánh này. Nhưng Giáo hội đã thay đổi phong tục này; không phải vì Giáo Hội tin rằng những thân xác này không phải là thánh, nhưng vì lý do này là Bí tích Thánh Thể là bánh của sự sống và của người sống, không nên ban phát cho người đã chết.

Chúng ta đừng coi các tín hữu chết trong ơn thánh Thiên Chúa như không còn sống nữa, mặc dù thiên nhiên gợi ý như vậy; nhưng như người bắt đầu sống, như sự thật vốn đoan chắc như thế. Chúng ta đừng coi linh hồn của họ như đã bị diệt vong và biến thành hư vô, nhưng như được lên sinh lực và hợp nhất với Đấng Tối cao Hằng sống: và do đó, bằng cách chú ý đến những sự thật này, phải chỉnh sửa cảm giác sai lầm vốn in sâu trong chính chúng ta, và những chuyển động kinh hoàng này vốn là điều rất tự nhiên đối với con người.

III. Thiên Chúa dựng nên con người có hai tình yêu, một dành cho Thiên Chúa, tình yêu kia dành cho chính mình; nhưng với định luật này là tình yêu dành cho Chúa là vô hạn, nghĩa là không có bất cứ cùng đích nào khác ngoài chính Thiên Chúa; và tình yêu dành cho bản thân là có hạn và qui về Thiên Chúa.

Con người trong trạng thái này, không những yêu mình mà không phạm tội, nhưng họ cũng không thể yêu mình mà không phạm tội.

Kể từ lúc tội lỗi xuất hiện, con người đã đánh mất tình yêu đầu trong hai tình yêu này; và tình yêu dành cho bản thân một mình còn lại trong tâm hồn vĩ đại có khả năng yêu thương vô hạn này, lòng yêu mình này mở rộng và tràn vào khoảng trống mà tình yêu Thiên Chúa đã để lại; và vì vậy họ tự yêu một mình mình, và mọi sự vì chính mình, nghĩa là một cách vô hạn.

Đó là nguồn gốc của tự ái. Nó là điều tự nhiên đối với Ađam, và công chính trong sự ngây thơ của ông; nhưng ông đã trở thành vừa tội phạm vừa vô độ, do tội lỗi của ông. Đó là nguồn gốc của tình yêu này, và là nguyên nhân của tính hay thiếu sót và quá độ của ông.

Nó cũng là nguyên nhân của mong muốn thống trị, của lười biếng, và các thói hư khác. Và chúng ta dễ áp dụng chủ đề này vào nỗi kinh hoàng mà chúng ta có về sự chết. Nỗi kinh hoàng này là điều tự nhiên và chính đáng nơi Ađam vô tội, vì đời sống ông rất đẹp lòng Thiên Chúa, nó cũng đẹp lòng người ta: còn cái chết thì rất kinh hãi, vì nó kết thúc một cuộc đời sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.

Từ đó, sau khi con người phạm tội, cuộc sống của họ trở nên bại hoại, thể xác và linh hồn của họ là kẻ thù của nhau, và cả hai là kẻ thù của Thiên Chúa.

Sự thay đổi đó đã lây nhiễm một cuộc sống thánh thiện như vậy, tuy nhiên, tình yêu cuộc sống vẫn còn đó; và nỗi kinh hoàng đối với sự chết, vì vẫn như thế, nên điều gì chính đáng nơi Ađam đều trở thành bất chính nơi chúng ta.

Đó là nguồn gốc của sự kinh hoàng đối với sự chết, và nguyên nhân của sự thiếu sót của họ.

Do đó, chúng ta hãy làm sáng tỏ sự sai lầm của tự nhiên bằng ánh sáng đức tin.

Sự kinh hoàng đối với sự chết là điều tự nhiên; nhưng nó chỉ là thế ở trạng thái vô tội, vì để vào thiên đàng, nó phải kết liễu một cuộc sống trong sạch. Điều chính đáng là ghét bỏ nó, khi nó chỉ có thể diễn ra bằng cách tách biệt một linh hồn thánh thiện khỏi một thân xác thánh thiện: nhưng yêu nó là đúng đắn, khi nó tách biệt một linh hồn thánh thiện khỏi một thân xác ô uế. Chạy trốn nó là điều chính đáng, khi nó phá vỡ sự bình an giữa linh hồn và thân xác; nhưng không chính đáng, khi nó làm dịu sự bất hòa không thể hòa giải.

Cuối cùng, khi nó gây đau khổ cho một thân xác vô tội, khi nó tước của thân xác sự tự do tôn vinh Thiên Chúa, khi nó tách biệt khỏi linh hồn một thân xác phục tùng và hợp tác với các ý muốn của linh hồn, khi nó kết liễu mọi điều tốt lành mà con người có khả năng thực hiện, ghê tởm nó là điều chính đáng: nhưng khi nó kết liễu một cuộc sống không trong sạch, khi nó tước của thân xác sự tự do phạm tội, khi nó giải thoát linh hồn khỏi một kẻ phản nghịch rất mạnh mẽ và mâu thuẫn với mọi động lực cho ơn cứu rỗi của linh hồn, thì duy trì cùng một tâm tư như thế là điều rất không chính đáng.

Vì vậy, chúng ta đừng rời bỏ tình yêu mà thiên nhiên đã đem lại cho chúng ta để sống này, vì chúng ta đã lãnh nhận nó từ Thiên Chúa; nhưng chỉ cho cuộc sống mà vì nó Thiên Chúa đã ban tình yêu kia cho chúng ta, chứ không cho một đối tượng trái ngược. Và bằng cách thuận tình với tình yêu mà Ađam dành cho cuộc sống vô tội của ông, và Chúa Giêsu Kitô dành cho cuộc sống của Người, chúng ta hãy chán ghét một cuộc sống trái ngược với cuộc sống mà Chúa Giêsu Kitô đã yêu mến, và chỉ sợ cái chết mà Chúa Giêsu Kitô sợ hãi, tức cái chết xẩy đến cho một thân xác đẹp lòng Thiên Chúa; nhưng không sợ một cái chết, khi trừng phạt một thân xác tội lỗi, và thanh tẩy một thân xác xấu xa, nên đem lại cho chúng ta các tình cảm hoàn toàn trái ngược, nếu chúng ta có một chút đức tin, đức cậy và đức ái.

Một trong những nguyên tắc lớn lao của Kitô giáo là mọi điều đã xảy ra với Chúa Giêsu Kitô phải xảy ra cả trong linh hồn lẫn thể xác của từng Kitô hữu: như Chúa Giêsu Kitô đã phải chịu đau khổ trong cuộc đời trần thế của Người, đã chết cho cuộc sống phàm trần này, đã sống lại cho một sự sống mới, và lên thiên đàng, nơi Người ngự bên hữu Thiên Chúa, Cha Người; thì thân xác và linh hồn cũng phải chịu đau khổ, chết chóc, sống lại, và lên trời như vậy.

Tất cả những điều ấy được hoàn thành trong linh hồn lúc ở đời này, chứ không phải trong thân xác.

Linh hồn đau khổ và chết cho tội lỗi trong bí tích thống hối và trong bí tích rửa tội; linh hồn được hồi sinh cho cuộc sống mới trong các bí tích này; và cuối cùng linh hồn rời khỏi trái đất và lên trời để sống một cuộc sống thiên giới; điều này khiến thánh Phaolô nói: Nostra conversatio in coelis est [quê hương của chúng ta ở trên trời] (Pl 3:20).

Không có điều nào trong số những điều này xảy ra trong thân xác ở đời này; nhưng cũng những điều này xảy ra sau đó. Vì, lúc chết, thân xác chết cho cuộc sống phàm trần của nó: khi phán xét, nó sẽ sống lại với cuộc sống mới: sau khi phán xét, nó sẽ lên trời, và ở đó mãi mãi. Như thế, cũng những điều này xảy ra với thân xác và linh hồn, nhưng trong các thời gian khác nhau; và các thay đổi trong thân xác chỉ xảy ra khi các thay đổi của linh hồn đã hoàn thành, nghĩa là sau khi chết: đến nỗi sự chết là vương miện phước hạnh của linh hồn, và là sự khởi đầu của phước hạnh thân xác.

Đó là những hành vi đáng ngưỡng mộ của đức khôn ngoan Thiên Chúa đối với phần rỗi của các linh hồn; và Thánh Augustinô dạy chúng ta về chủ đề này rằng Thiên Chúa đã xử lý theo cách đó vì sợ rằng, nếu thân xác của con người chết và sống lại mãi mãi trong phép rửa, người ta sẽ chỉ chịu vâng phục Tin Mừng vì tình yêu cuộc sống; thay vì sự vĩ đại của đức tin bừng nở nhiều hơn khi họ hướng tới sự bất tử nhờ bóng tối của cái chết.

IV. Điều không chính đáng là chúng ta không còn oán giận và không đau đớn trong các phiền não và tai nạn đáng tiếc đến với chúng ta, giống như những thiên thần không có tâm tình tự nhiên: Cũng không chính đáng khi chúng ta không có sự an ủi, giống như những người ngoại giáo không hề có cảm thức nào về ơn thánh: nhưng quả là chính đáng khi chúng ta đau buồn và được an ủi như các Kitô hữu, và sự an ủi của ơn thánh chiếm ưu thế hơn các tâm tình tự nhiên, để ơn thánh có thể không những ở trong chúng ta, nhưng còn chiến thắng trong chúng ta; như thế, khi tôn vinh thánh danh Cha của chúng ta, ý muốn của Người trở thành ý muốn của chúng ta; ơn thánh của Người cai trị và thống trị thiên nhiên, và các phiền não của chúng ta giống như vật phẩm lễ hy sinh mà ơn thánh của Người đã thiêu hủy và hủy diệt cho vinh quang Thiên Chúa; và các lễ hy sinh đặc biệt này tôn vinh báo trước lễ hy sinh phổ quát trong đó, toàn bộ thiên nhiên phải được thiêu hủy bằng quyền năng của Chúa Giêsu Kitô.

Như thế, chúng ta sẽ tận dụng các bất toàn của chính mình, vì chúng sẽ đóng vai trò là vập phẩm của lễ toàn thiêu này: vì mục tiêu của các Kitô hữu chân chính là tận dụng các bất toàn của riêng mình, vì mọi sự đều hợp tác vào điều tốt cho các kẻ được tuyển chọn.

Và nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ phát hiện ra các lợi thế lớn để xây dựng chúng ta, bằng cách xem xét sự vật trong sự thật; vì, chính vì cái chết của thân xác quả chỉ là hình ảnh cái chết của linh hồn, và chúng ta xây dựng trên nguyên tắc này là chúng ta có lý do để hy vọng vào sự cứu rỗi của những người mà chúng ta khóc thương cái chết, nên chắc chắn là nếu chúng ta không thể ngăn chặn diễn trình buồn bã và không hài lòng, chúng ta phải từ đó rút ra lợi ích này: vì cái chết của thân xác là rất đáng sợ đến nỗi nó gây ra cho chúng ta những cơn xúc động như thế, thì cái chết của linh hồn còn gây cho chúng ta nhiều cơn xúc động không thể nào xoa dịu được. Thiên Chúa gửi cái chết đầu tiên cho những người chúng ta thương tiếc; nhưng chúng ta hy vọng Người đổi hướng cái chết thứ hai. Do đó, chúng ta hãy xem xét sự lớn lao của các điều thiện ta làm so với sự lớn lao của các điều ác ta phạm, và nỗi đau quá sức của chúng ta là thước đo cho niềm vui quá sức của chúng ta.

Không có gì có thể kiềm chế niềm vui của chúng ta, ngoại trừ nỗi sợ rằng linh hồn của chúng ta phải mòn mỏi một thời gian trong các hình phạt nhằm mục đích thanh tẩy phần còn lại của tội lỗi ở đời này: và chính để làm dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đối với họ mà chúng ta phải sống một cách thận trọng.

Cầu nguyện và hy sinh là phương thuốc tối cao đối với các hình phạt của họ. Nhưng một trong những việc bác ái vững chắc nhất và hữu ích nhất đối với người chết là làm những việc họ muốn chúng ta làm nếu họ còn ở trên thế gian, và, tự đặt chúng ta vào trạng thái, mà hiện nay, họ muốn chúng hiện diện.

Nhờ thực hành trên, chúng ta làm họ sống lại trong chúng ta một cách nào đó, vì các lời khuyên của họ vẫn sống động và hoạt động trong chúng ta; và như những lãnh tụ dị giáo bị trừng phạt ở đời sau vì những tội lỗi họ đã kéo những người theo họ vào, và nọc độc của chúng vẫn sống trong đó thế nào; thì các người chết cũng được thưởng, quá công lao của họ, vì những người đã bước theo chân họ qua lời khuyên và gương sáng của họ.



V. Con người chắc chắn là quá yếu đuối, không thể phán đoán một cách lành mạnh về trình tự của những điều sắp xảy ra. Do đó, chúng ta hãy hy vọng nơi Thiên Chúa, và đừng mệt mỏi bởi các dự ước thiếu thận trọng và liều lĩnh. Hãy phó thác cho Thiên Chúa trong việc sống cuộc sống của chúng ta, và đừng để cho việc phật lòng chiếm ưu thế trong chúng ta.

Thánh Augustinô dạy chúng ta rằng trong mỗi người đều có một con rắn, một Evà và một Ađam. Con rắn là các giác quan và bản chất của chúng ta; Evà là sự thèm ăn do tự dục, còn Ađam là lý trí.

Thiên nhiên liên tục cám dỗ chúng ta, sự thèm ăn do tự dục thường thèm muốn; nhưng tội lỗi vẫn chưa phạm, nếu lý trí không đồng ý.

Vì vậy, chúng ta hãy để con rắn này và Evà này hành động, nếu chúng ta không thể ngăn chặn chúng; nhưng hãy cầu xin Thiên Chúa để ơn thánh của Người sẽ tăng sức mạnh cho Ađam của chúng ta một cách nào đó để ông chiến thắng; để Chúa Giêsu Kitô chiến thắng trong ông, và Người ngự trị đời đời trong chúng ta.

Kỳ cuối: Mục XIX. Cầu xin Thiên Chúa ban ơn biết sử dụng tốt các bệnh tật.